Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Chihiro
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Truyện Ngắn] Venise Và Những Cuộc Tình Gondola | Dương Thụy

[Lấy địa chỉ]
11#
Đăng lúc 26-9-2012 18:50:31 | Chỉ xem của tác giả
Mont Saint Michel: Nơi giấc mơ đã biến thành hiện thực

Trong nhà tôi có một tấm poster hình một hòn đảo nhỏ nổi lên ngoài khơi. Trên đảo, nhà cửa mọc vòng quanh và trên đỉnh là ngọn tháp nhà thờ vút cao tuyệt đẹp. Tấm poster treo đã úa trên một cánh tủ, từ thời nào chẳng rõ. Mỗi khi có dịp ngắm gần, tôi lại nôn nao tự hỏi “Biết đến bao giờ mình mới có dịp đến đây?”
Mont Saint Michel là đâu?
Trong lần xuất ngoại đầu tiên, tôi đến Pháp và được đưa đến học ở trung tâm ngoại ngữ CIEL. Và ngay weekend đầu tiên, trường tổ chức cho sinh viên đi chơi ở “Mont Saint Michel”. Tôi không biết địa danh này có gì hấp dẫn, nhưng cứ đăng ký vì tôi được đi miễn phí. Buổi sáng hôm đó trời mưa lất phất, lạnh tê tái dù đang hè.
Tôi ngồi gần một chàng Tây Ban Nha cực kỳ “bảnh”. Sau vài câu chào hỏi làm quen, Maurico vui vẻ cho tôi… dựa vào vai đánh một giấc. Hai đứa hồn nhiên chụm vào nhau ngủ gà gật mãi cho đến khi nghe dân tình xôn xao: “Đến rồi! Đến rồi! Đẹp quá!”. Tôi choàng tỉnh nhìn thẳng ra kính xe trước mắt, hòn đảo nhỏ có ngọn tháp nhà thờ vút cao hiện ra như một giấc mơ. Mont Saint Michel đây sao? Đó chính là tấm poster cũ kỹ treo trong nhà khiến tôi luôn ao ước được một lần đặt chân đến. Quá phấn khích như tình cờ gặp một người thân giữa chốn xa lạ, tôi chỉ còn biết rên lên “Trời ơi!” rồi ngã phịch xuống ghế. Maurico bật cười, nhìn tôi ra vẻ thấu hiểu nhưng tôi chắc không ai có thể chia sẻ với mình niềm hân hoan này.
Thủy triều với tốc độ phi mã
Xe tiến đến Mont Saint Michel bằng một con đường xây trên cát. Thủy triều đang xuống làm lộ rõ hòn đảo nhỏ nằm trơ trụi trên cát xám mênh mông. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết hòn đảo nằm trên vùng cát không chắc chắn, xung quanh có những bãi cát lún khá nguy hiểm. Sơ suất có thể bị nuốt chửng xuống cát như chơi. Và khi thủy triều lên với vận tốc phi mã, nước biển bao phủ hoàn toàn con đường xe đang chạy, làm Mont Saint Michel cô lập với thế giới trong phút chốc. Đã có nhiều trường hợp khách du lịch không quan tâm đến giờ báo động, bị tử nạn vì trực thăng cứu trợ đến không kịp. Chúng tôi hãi hùng “Ghê quá!” nhưng đã được trấn an con số khách phải về với Chúa khi đến đây là cực hiếm. Tuy vậy, Mont Saint Michel được xem là độc nhất vô nhị trên thế giới với địa hình nguy hiểm này. Hằng năm, vào một thời điểm nào đó thuận lợi, người ta còn tổ chức cho người thi chạy đua với thủy triều. Và chưa bao giờ con người chiến thắng được tốc độ nhanh như ngựa phi nước đại của thủy triều nơi đây.
Xưa và nay
Mont Saint Michel trong tiếng Pháp có nghĩa là núi thánh Michel. Thế nhưng đến đây người ta không thấy núi mà là đảo. Và đã từ 1300 năm nay, hòn đảo này được biết đến với tên gọi Mont Saint Michel. Theo thống kê của bộ Du lịch Pháp, sau tháp Eiffel và cung điện Versaille, Mont Saint Michel là điểm đến thu hút khách du lịch nước ngoài nhất. Nhưng cá nhân tôi lại đánh giá ngược lại, Mont Saint Michel phải chiếm vị trí số một, kế đến là điện Versaille và sau cùng mới là tháp Eiffel.
Tồn tại suốt 13 thế kỷ, hòn đảo độc đáo này vốn chỉ là một nhà thờ hiu quạnh. Năm 708, đức cha Aubert cho xây một nhà thờ nhỏ trên hòn đảo trơ trọi giữa biển. Quá trình xây dựng được kéo dài cả năm trời và liền ngay sau đó, với truyền thuyết thánh Michel hiện về báo mộng, nhà thờ có số lượng khách hành hương ngày càng đông đúc. Để phục vụ lượng khách này, xung quanh nhà thờ được xây thêm những căn nhà nhỏ dùng làm quán trọ, tiệm ăn, quán nước. Dần dần, một thị trấn nhỏ hình thành, nằm bao bọc nhà thờ và hòn đảo, được mọi người gọi là Mont Saint Michel. Ngày xưa có thể khách đến đây với mục đích hành hương, cầu nguyện, tìm những khoảnh khắc yên tĩnh để có một cuộc sống tâm linh phong phú. Nhưng ngày nay, tôi e rằng chẳng còn ai đến đây với cùng một mục đích. Bởi đơn giản, Mont Saint Michel không còn là chốn bình an, tịch mịch để nuôi dưỡng đức tin. Từng dòng người lũ lượt kéo đến rầm rập khắp mười hai tháng trong năm, chẳng khi nào ngơi nghỉ. Và trong thời Cách mạng Pháp, Mont Saint Michel đã biến thành nhà tù khổng lồ. Cảnh chém giết và tiếng than oán đã tồn tại trong căn nhà của Chúa. Hòn đảo nhỏ được xây một bức tường thành bao quanh, có cả hai khẩu thần công án ngự. Dọc đường leo lên nhà thờ trên đỉnh núi là những khách sạn nhỏ, những nhà hàng, tiệm bán quà lưu niệm, cờ phướn, áo T-shirt. Mont Saint Michel không thoát khỏi cảnh bị du lịch xâm chiếm. An ủi một điều, nơi đây được quy hoạch chuyên nghiệp nên không đến mức xô bồ. Trên hòn đảo tí hon có đầy đủ viện bảo tàng, bưu điện, trạm xá… Mọi thứ xem ra rất tiện nghi và thoải mái. Trong cảnh này, hỏi mấy ai còn tâm trí để cầu nguyện, thế mà các tu sĩ dòng ẩn tu Bénédictin vẫn trú ngụ tại đây làm nhiệm vụ phụng sự Chúa suốt hơn mười thế kỷ qua.
Trứng chiên và thịt cừu ướp sẵn muối
Vì không phải tu sĩ, tôi tận hưởng không khí hội hè của Mont Saint Michel một cách vui vẻ. Tháng tám là lúc cao điểm đón khách du lịch, ước lượng có đến 20.000 khách mỗi ngày. Tôi đứng trên sân thượng của nhà thờ nhìn xuống bãi cát mênh mông bên dưới, tưởng tượng một cách khó khăn cảnh thủy triều lên vùn vụt rồi cô lập Mont Saint Michel giữa biển sâu. Hiện tại biển rút ra xa ngút mắt, không thấy được dù chỉ một màu xanh thân thuộc. Maurico và vài người bạn trải khăn ra mời tôi cùng ngồi xuống ăn trưa. Chúng tôi đem theo bánh mì, táo, nước ép, kẹo chocolat. Vừa ăn vừa trò chuyện và hát vài bài dân ca của mỗi nước. Tôi thầm cám ơn Chúa đã gởi tôi đến đây dù tôi chưa một lần cầu nguyện. Hẳn người thấu hiểu giấc mơ được một lần đặt chân đến Mont Saint Michel của tôi trong suốt thời thơ ấu mỗi khi ngắm bức poster cũ kỹ. Và vào lúc bất ngờ nhất, tôi lại được đến đây. Cuộc sống thật kỳ diệu!
Buổi chiều, lúc trở xuống phía chân đảo chuẩn bị ra xe về, chúng tôi đi ngang những nhà hàng đặc sản. Anh hướng dẫn chỉ quán ăn “La mère Poulard” (Mẹ Poulard) nói trong này có món trứng chiên “Omelette à la mère Poulard” ( trứng chiên theo kiểu mẹ Poulard) rất đặc biệt. Quán tồn tại đã hơn một thế kỷ nay và vẫn trung thành với món trứng chiên trong chảo gang độc đáo khiến khách du lịch luôn phải ghé vào. Tôi không thích tốn tiền chỉ để ăn một món trứng chiên nên chắc lưỡi bỏ qua. Anh hướng dẫn lại tiếp tục marketing cho một đặc sản của Mont Saint Michel, đó là thịt cừu ướp sẵn muối (mouton de pré-salé). Những con cừu được nuôi dưới chân đảo, ăn cỏ ngập mặn bởi nước biển, thịt chúng xem như được ướp sẵn muối, săn chắc và đậm đà. Món này chỉ có ở Mont Saint Michel, ai đến đây cũng nên nếm thử cho biết. Tôi lại chắc lưỡi “Không thích thịt cừu” dù cũng muốn nếm lắm. Thôi thì dịp khác, khi được quay về lại Mont Saint Michel, tôi sẽ ăn luôn cả hai món trứng chiên và cừu ướp muối.
Xe dần chạy xe, hòn đảo Mont Saint Michel lùi khuất sau đường chân trời. Tôi sẽ đính vào tấm poster cũ kỹ ở nhà bức ảnh mình chụp nơi đây. Một minh chứng tuyệt vời: Mont Saint Michel, nơi giấc mơ đã biến thành hiện thực.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
Đăng lúc 26-9-2012 18:54:13 | Chỉ xem của tác giả
Thành phố Ý ở Pháp: Nimes

Nimes là thành phố nằm ở miền Nam nước Pháp nhưng nếu bạn bị bịt mắt đưa đến nơi, bạn sẽ nghĩ mình đang ở Ý. Vì thế, nếu một ngày nào đó bạn đến châu Âu mà không kịp thời giờ để đi nhiều nước, hãy nghe lời khuyên của tôi: đến Nimes và sẽ không hối hận!
Vết tích La Mã ở khắp nơi
Nimes là nơi người La Mã để lại nhiều vết tích với khá nhiều công trình xây dựng. Thành phố trông vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa nhỏ nhắn vừa rộng rãi. Đường phố được phủ cây xanh rợp mát, các khu đi bộ rất yên bình, người dân cũng mang phong cách Ý. Có nghĩa là thích hội hè, thích thong dong và khá thân thiện.
Trong số những vết tích sót lại, đặc biệt nhất là đấu trường có hình tròn không khác gì với đấu trường La Mã Colosseum tại Rome. Đấu trường này có diện tích chỉ bằng một phần ba ở Rome nhưng cũng đủ thu hút khách du lịch khắp nơi tìm về. Ngày nay, ngoài việc bán vé cho khách vào xem một di sản văn hóa, đấu trường ở Nimes còn được dùng làm sân khấu ngoài trời. Các ca sĩ tổ chức liveshow thường chọn địa điểm này vì vị trí trung tâm nằm lọt ở giữa. Có điều, chắc các ca sĩ phải lưu ý trang trí mái tóc thật đẹp, vì khán giả sẽ nhìn thấy đỉnh đầu người biểu diễn.
Ngoài đấu trường, “Căn nhà vuông” (La maison carrée) cũng là một vết tích La Mã độc đáo. Đây là một ngôi đền của người La Mã cổ đại, đền hình chữ nhật (không hiểu sao lại gọi là “căn nhà vuông”?) với nhiều cột tròn, mang khuynh hướng Hy Lạp. Ngôi đền này cho đến nay vẫn được xem là ngôi đền cổ đại duy nhất còn nguyên vẹn trên thế giới. Đối diện với “Căn nhà vuông” là “Hình vuông nghệ thuật” (le carrée d’ art). Đây là quần thể thư viện gồm thư viện sách với hàng nghìn loại sách cổ, thư viện âm thanh, thư viện phim ảnh, bảo tàng nghệ thuật đương đại. Và lẽ dĩ nhiên, ở Nimes bạn sẽ gặp rất nhiều giới đam mê nghệ thuật, gồm các giáo sư, các chuyên gia và cả sinh viên. Trông ai cũng rất “art”.
Ngoài ra, ở Nimes tôi đặc biệt thích “công viên bồn nước” (Les jardins de la fontaine). Không hiểu sao chỉ có một công viên mà trong tiếng Pháp lại gọi là “les jardins” (số nhiều). Tôi đoán mò rằng vì công viên rộng quá, có thể trong quá khứ gồm nhiều công viên nhỏ gộp lại chăng. Công viên này rợp một màu xanh yên bình, mang dáng dấp vừa Ý vừa Pháp, vừa cổ kính vừa hiện đại, rất xinh đẹp và lãng mạn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
Đăng lúc 26-9-2012 18:56:32 | Chỉ xem của tác giả
Cầu sông Gard

Nhắc đến Nimes người ta nhớ ngay đến cầu sông Gard mà ngày nay mọi người gọi tắt là cầu Gard (Le pont du Gard). Dù chiếc cầu này không nằm trong thành phố nhưng ta có thể thấy một hồ nước rộng với đường kính khoảng sáu mét, thuộc hệ thống dẫn nước của cầu Gard. Vậy để biết cầu Gard nằm ở đâu, chúng ta chỉ việc đi ngược ra ngoại ô thành phố. Chiếc cầu trứ danh này nằm ở hướng Đông-Bắc.
 
Từ xa, cầu Gard hiện lên rất ấn tượng với 49 mét chiều cao và 274 mét chiều dài. Có rất nhiều khách du lịch đến thăm cầu Gard vì đây là một di sản văn hóa còn tồn tại nguyên vẹn. Dù cầu này được xây dựng với mục đích cụ thể là dẫn nước tưới tiêu, vẻ đẹp đơn giản của cầu thật dễ chịu với những mái vòm đều tăm tắp nằm trên ba tầng khác nhau. Tầng thứ nhất là trụ cầu có sáu mái vòm, tầng thứ hai có mười một mái vòm. Tầng thứ ba có tất cả ba mươi lăm mái vòm nhỏ. Những mái vòm này được xây với công dụng che cho các máng nước được sạch sẽ, tránh bụi và tránh bị ánh mặt trời làm bốc hơi. Những khối đá dùng để xây cầu thật vĩ đại và hoàn toàn không giống trét vôi, trông chúng xù xì, thô nhám nhưng thật gần gũi và thân thiện. Cầu được bắc qua sông Gard nhưng mục đích không phải để đi qua sông vì thực chất, chỉ có một đoạn cong của sông là nằm lọt giữa một “mái vòm” của cầu. Để đi từ bờ này sang bờ kia, đôi khi chỉ cần lấy đà từ xa rồi nhảy qua cũng được. Cầu Gard cho đến ngày nay vẫn để lại cho hậu thế những tò mò thú vị. Tò mò để rồi phải khâm phục là người xưa đã có những phép tính toán và quy trình xây dựng quá khoa học. Mãi từ thế kỷ thứ mười chín trước Công nguyên mà cầu Gard đã được xây để phục vụ cho 50.000 người với trung bình 409 lít nước/ngày/người.
 
Một điều bản thân tôi thấy thú vị là cầu Gard không bắc sang sông theo một góc 90 độ như những chiếc cầu khác mà lại nằm chếch sang một bên. Nước dưới sông chảy theo lối uốn cong, không chảy thẳng. Vào mùa hè, khách du lịch tràn xuống các mé sông hai bên trải khăn ra ngồi hóng mát. Cảnh tượng thanh bình, vô cùng khoan khoái.
 
Chiếc cầu ngày nay phục vụ cho nền du lịch chứ không còn làm nhiệm vụ dẫn nước nhưng tôi vẫn nhìn thấy những ánh mắt trìu mắt dành cho nó. Cầu quá đẹp, một cách giản dị mà gần gũi. Tôi đi chầm chậm dọc theo suốt chiều dài của cầu hai lượt rồi lên xe quay về. Sau này về Việt Nam và đọc một cuốn sách về 100 di tích thế giới, tôi mới biết cầu Gard nằm trong danh sách này. Chiếc cầu mộc mạc mà ấn tượng sẽ không bao giờ phai trong tim tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
Đăng lúc 26-9-2012 18:58:50 | Chỉ xem của tác giả
Locronan: xứ cổ của công chúa Da Lừa

Tôi đến Locronan vào một sáng mùa hè cùng Sophie, một giáo viên tiểu học người thành phố Brest. Sophie cho biết Locronan là một trong những thị trấn đẹp nhất nước Pháp nói chung và nhất Bretagne nói riêng. Hàng năm, nơi đây đón một lượng khách du lịch nội địa lẫn quốc tế khổng lồ. Sophie đã từng thăm Việt Nam nên cô cho tôi một so sánh “Locronan giống Hội An vậy đó!”.
 
Công chúa Da Lừa
 
Sau khi đỗ xe, Sophie cùng tôi đi bộ vào thị trấn. Gió mùa hè của vùng Bretagne vẫn lành lạnh, nắng nhạt màu vàng chanh và những đóa hoa cẩm tú cầu lộng lẫy làm tôi choáng ngợp. Và kìa, Locronan hiện ra dần dần theo mỗi bước chân tôi gõ nhịp lên những viên đá lót đường trơn bóng. Những viên đá này đã tồn tại từ thế kỷ thứ mười sáu, sau mấy trăm năm được biết bao đôi chân bước qua, bao cuộc đời in dấu lên đó, đá trở nên lún ngày càng sâu và bóng loáng thật độc đáo. Những căn nhà theo lối kiến trúc Phục Hưng bằng đá granit xám, mái ngói đen tuyền phủ rêu phong, dây leo xanh rờn bám chặt vào tường và trên bậu cửa sổ mọc đầy hoa. Nhà chỉ cao từ một đến hai tầng, hoàn toàn bằng đá granit, cửa bằng gỗ dày cũ kỹ. Thị trấn trông cổ xưa như ta chưa hề sống vào thời đại văn minh, như ta đang ở nước Pháp cùng với người đẹp Angelique, lãng tử D ‘Artagnan, hoặc thậm chí trong câu chuyện cổ tích Công chúa Da Lừa.
 
Ở quảng trường nhà thờ, khu trung tâm Locronan với chiếc giếng cổ bằng đá càng làm người ta thấy mình quả đang trở về với quá khứ của nước Pháp thế kỷ thứ mười sáu. Nơi đây xưa kia là nguồn cung cấp nước cho cả thị trấn, ngày ngày những thiếu nữ vùng Bretagne đeo tạp dề viền đan-ten, đội mũ rộng vành, chân mang guốc gỗ lót rơm, đeo đôi thùng nước đến đây tắm giặt. Những chiếc xe ngựa chở du khách dạo một vòng quanh ngôi làng bé nhỏ, tiếng vó ngựa chầm chậm như nhắc mọi người nhớ đến một thời yên tĩnh nhưng cũng không kém phần khó khăn như trong các phim vua chúa và những “người nông dân nổi dậy”. Locronan nhiều phen cũng là một phim trường với đầy đủ tòa thị chính, nhà thờ, tiệm bánh mì, tiệm rượu, tiệm tạp hóa vẫn in dấu rêu phong. Các bảng hiệu vẫn được treo theo lối cổ, đung đưa trong gió, khiêm tốn chẳng một hình ảnh quảng cáo nào. Các bộ phim vào thời xưa như Angelique, Hoàng hậu Margot, Ba người ngự lâm pháo thủ… đều được quay lại đây.
 
Bánh crêpe và rượu trái cây cidre
 
Trong cuộc sống văn minh ngày nay, Locronan ý thức được vai trò bảo tồn kiến trúc cổ nên người dân không bao giờ cho phép bản thân được phá hủy nét cổ xưa. Tại Tòa Thị Chính, bảng tên “Mairie” vẫn nhuốm màu thời gian với các chậu hoa màu hồng phấn êm đềm bao quanh ngôi nhà xám. Tiệm bánh mì, nhà hàng, quán cà phê và các shop quà lưu niệm cũng thế, mọi thứ đều in dấu rêu xanh và các vết mốc trắng trên nền đá granit đen. Đến Locronan, chẳng du khách nào muốn từ chối bước vào tiệm “Crêperie”. Đó là tiệm ăn chuyên bán bánh crêpe, đặc sản vùng Bretagne. Cô phục vụ đưa tôi tấm thực đơn chỉ vỏn vẹn vài ba loại crêpe. Muốn ăn mặn thì kẹp với jambon, thịt nguội xông khói, trứng, xúc xích. Muốn ăn ngọt thì dùng với mứt trái cây (confiture) và chocolat. Thế thôi! Vậy mà người Bretagne vô cùng tự hào với đặc sản này của mình. Ngoài ra nơi đây không phục vụ các thức uống hiện đại như nước ngọt có gaz và các loại rượu bia công nghiệp. Bạn chỉ có thể gọi nước trái cây lên men, rượu loại tự nấu đựng trong bình bằng đất nung và… nước lọc. Bởi đơn giản thật “vô duyên” khi thấy một lon Coca trong khung cảnh hoàn toàn cổ xưa này.
Đã đến Locronan ăn bánh crêpe, du khách cũng sẽ gọi rượu trái cây lên men gọi là “cidre”. Cidre làm từ nho, táo, lê… Tuy là rượu trái cây nhưng không cẩn thận vẫn say túy lúy. Bánh crêpe gần giống như bánh xèo của mình, chỉ có bột mì đen tráng ra trên chảo rộng, bỏ thịt nguội, bơ, phó mát hoặc mứt vào, xếp lại, cho ra đĩa và ăn. Khách có thể đứng xem đầu bếp tráng bánh, khói bốc lên nghi ngút thơm lừng và… nuốt nước bọt. Công bằng mà nói, ăn crêpe mau ngán vì chẳng có rau sống kèm theo như bánh xèo, chẳng có nước chấm cũng không có tí ớt cay cay. Nhưng nếu vừa ăn bánh vừa “chiêu” mấy ngụm rượu trái cây thơm nồng nàn, nhìn qua cửa sổ ngắm Locronan cổ kính, không say trong lòng mới là lạ.
 
Sophie hỏi tôi có ngon không mà chưa kịp trả lời thì chính cô đã đưa ngón tay ra dấu “number one”, vẻ mặt dương dương tự đắc lắm. Không đến mức “number one” nhưng chẳng muốn làm mích lòng người Bretagne, tôi giơ hai ngón tay ra dấu “victory” chiến thắng lên. Sophie cười hí hửng. Cô không biết tôi muốn nói “number two”. Tôi hứa “Lần sau nếu lại qua Việt Nam, tôi sẽ làm bánh xèo, một loại bánh crêpe Việt đãi cô!”. Khi đó nếu Sophie chê bánh xèo Việt Nam cũng chỉ “number two” thì đáng đời tôi.
 
Tiếng Celtique và đăng-ten (dentelle)
 
Tại quảng trường lớn ở Locrotan, ngoài vài cửa hàng bán quà lưu niệm, các tiệm “crêperie” bánh bánh crêpe, tiệm “cidrerie” bán rượu trái cây ra, thư viện tiếng Celtique với dòng chữ “Librairie Celtique” tưởng chẳng có gì thu hút lại được nhiều người bước vào. Celtique là thứ tiếng dân tộc, ngôn ngữ cổ của người Bretagne cho đến nay vẫn có một số người già sử dụng. Thậm chí, dù bị cho là “tứ ngữ”, người ta vẫn duy trì Celtique với một vẻ tự hào kỳ lạ.
 
Tại Locronan nói riêng và vùng Bretagne nói chung, các câu lạc bộ người nói tiếng Celtique vẫn hoạt động và các sự kiện ngôn ngữ của những câu lạc bộ này rất rình rang. Thư viện tiếng Celtique tại Locronan ngày nay tuy mang dáng vẻ du lịch nhiều hơn, nhưng các cuốn sách cổ, các loại sách học vỡ lòng, các tấm bưu thiếp in thứ ngôn ngữ này vẫn được trưng bày rất đẹp mắt như muốn nước Pháp hiện đại hãy luôn trân trọng nó.
Nằm kế bên các cuốn sách cổ với ngôn ngữ Celtique là những sản phẩm thủ công cổ truyền của vùng Bretagne. Những chiếc dù trắng bằng đăng-ten, khăn trải bàn thêu, rèm cửa sổ, gối, áo… tất cả đều được làm bằng tay, công phu, trắng tinh khiết và mềm mại như thứ vải ren của những công nương, tiểu thư sống đời nhung lụa. Ngày nay, với cuộc sống hiện đại và các sản phẩm công nghiệp tiện lợi, thứ đăng-ten Bretagne bày bán tại Locronan quả là một món quà đắt giá cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
 
Đóa tú cầu Bretagne
 
… Tiếng chuông nhà thờ Saint Ronan đổ từng hồi chuông ngân nga. Chúng tôi tiếp tục tham quan thị trấn bé nhỏ. Thấy tôi nhào vô… nghĩa trang chụp tới tấp, Sophie bật cười nắc nẻ. Chưa bao giở trong đời tôi thấy nghĩa trang nào tuyệt đẹp như nơi đây. Các ngôi mộ đều bằng đá xưa cổ, hoa mọc dày đặc, sắc sảo, các ngọn thánh giá được chạm trổ công phu kiểu dáng đa dạng. Được chết tại nơi đây mới sung sướng làm sao. Những bồn hoa cẩm tú cầu đủ màu như những chiếc bánh kem phồng lên đồ sộ trong khung cảnh cổ kính này càng làm Locronan mang một dáng vẻ đặc biệt: cổ nhưng không cũ, yên tĩnh nhưng vẫn sống động, đẹp dịu dàng, đơn giản mà vẫn kiêu sa.
 
Rời Locronan sau một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, Sophie hài lòng vì đã hướng dẫn cho tôi đến thăm một nơi tuyệt vời. Vẻ mộc mạc nhưng kiêu hãnh của cô thật đặc trưng cho tính cách người Bretagne. Như đóa cẩm tú cầu đang rung rinh trong gió kia, đẹp, đẹp và đẹp.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
Đăng lúc 26-9-2012 19:00:29 | Chỉ xem của tác giả
Rennes: thành phố của những quảng trường

Năm 2000 tôi đến Rennes tu nghiệp trong tòa soạn Ouest France, tờ nhật báo có số phát hành cao nhất nước Pháp (800.000 bản). Tôi trọ trong cư xá dành cho giới trẻ đi làm gần trung tâm thành phố (Foyer des Jeunes Travailleurs). Cư xá cho người trẻ, tức là nơi có những tiện nghi tối thiểu nhất: phòng rộng chưa tới ba mét vuông, đủ để một chiếc giường đơn, một cái bàn và một phòng tắm. Nhà bếp, phòng ăn, phòng xem ti-vi, phòng khách, tất cả đều dùng chung. Khái niệm trẻ ở những nước châu Âu có nghĩa là năng động, tự do, khỏe mạnh và… nghèo. Tôi rõ ràng vẫn còn trẻ nhưng hình như chỉ giống được thanh niên người ta ở khoản nghèo nên đành ở trong cư xá này.
 
Trong suốt ba tháng trời ở Rennes, tôi rất ghét ở nhà, cảm thấy mình như đang ở tù và căn phòng tí hon đó làm tôi ngộp thở. Trong cái rủi có cái may, tôi rong chơi nát các con đường, tôi window-shopping khắp các cửa hàng lớn nhỏ, tôi bắt xe bus đến những vùng làng mạc và các cánh rừng ngoại ô. Và không biết từ lúc nào, ác cảm ban đầu ở một thành phố xa lạ đã nhường cho những tình cảm thân thương. Những cơn gió thu làm trút bao lá vàng, những hạt mưa làm mờ cả phố xá, những quảng trường nhỏ xinh, những căn nhà cổ bằng gỗ nâu trầm mặc, những ngọn giáo đường, tiếng chuông ngân vang…
 
Sông La Vilaine
 
Rennes là thủ phủ của vùng Bretagne, là một trong mười thành phố phát triển và đông dân nhất nước Pháp. Thế nhưng đến Rennes, tôi không có cảm giác chộn rộn, đông đúc, náo nhiệt. Thành phố giữ lại cho mình vẻ tự chủ, năng động nhưng chừng mực, bận rộn mà thong thả, sầm uất mà bình yên. Để tiết kiệm tiền đi xe bus, sáng sáng tôi cầm dù, thong dong rảo bước một đoạn đường dài ba mươi phút trong tiết trời thu Bretagne. Có ngày mưa, có ngày trời xám xịt và có ngày hiếm hoi với những dải nắng vàng. Tôi băng qua một chiếc cầu, những con đường huyết mạch, để tiến vào trung tâm. Thành phố vào các giờ cao điểm cũng kẹt xe ít nhiều nhưng vẻ bình lặng của Rennes vẫn là điều đáng mơ ước so với những thành phố lớn khác ở Pháp.
 
Tòa soạn báo Ouest France là một ngôi nhà cổ, nằm trên đường Pré Botté, ngay giữa trung tâm Rennes. Tòa soạn cũng là một trong những địa điểm tham quan du lịch vì báo Ouest France là niềm tự hào của thành phố vốn rất mê báo chí. Con sông La Vilaine chảy vắt qua thành phố thật êm đềm, những dãy nhà hai bên bờ kè đều tăm tắp, những bồn hoa được chăm chút cẩn thận trang hoàng cho con sông thêm duyên dáng. Sông chia thành phố ra hai bên bờ nam với những hoạt động nghệ thuật. Song song với bờ kè của sông Vilaine là những dãy phố được cắt ngang bởi những quảng trường và những tòa nhà cổ. Từ ngay những ngày đầu ở Rennes, tôi đã không kh nào đi lạc dù thành phố khá rộng. Các con phố cứ đan xen nhau như hình bàn cờ, đi đâu rồi cũng qui về những quảng trường, và sau đó là bờ sông La Vilaine.
 
Những quảng trường độc đáo.
 
Các quảng trường ở Rennes rộng vừa phải, khá nhiều cho một thành phố, cứ vài dãy nhà là lại gặp một quảng trường chào đón nồng nhiệt. Tuyệt vời nhất là quảng trường Tòa Thị Chính, và dĩ nhiên Tòa Thị Chính nầm ngay đấy là tâm điểm của phong cách kiến trúc cổ. Tòa nhà hành chính này được xây từ năm 1720 bằng đá granit với tháp đồng hồ nằm ngạo nghễ bên trên. Đối diện với tòa thị chính là Nhà hát thành phố, cũng có lối kiến trúc cổ Gothic. Xung quanh quảng trường là vài quầy hàng rong duyên dáng trong các xe đẩy nhỏ xinh bán trái maron nướng, hạt dẻ luộc, kem đủ màu, bong bóng bay lơ lửng… Những chiếc ghế đá đặt trật tự ven đó là nơi cho mọi người hẹn hò. Tôi cũng hẹn vài người bạn mới quen tại đây vào những sáng chủ nhật để cùng nhau đi bát phố. Ngước lên nhìn đồng hồ xem giờ rồi thong thả mua vài hạt dẻ thơm thơm cùng ăn.
 
Quảng trường Cộng Hòa với tòa nhà thương mại được xây từ thế kỷ mười chín cũng ấn tượng không kém, trải rộng, hoành tráng và sang trọng. Quảng trường Hoche cách đấy không xa là nơi dành cho giới sinh viên bởi trường Đại học Rennes, trung tâm hội nghị, văn phòng du lịch và nhà ăn sinh viên nằm kề sát. Cùng với một cô bé sinh viên báo chí thực tập trong tòa soạn, mỗi trưa chúng tôi đi bộ đến đây, ăn suất cơm sinh viên được nhà nước trợ giá, quá rẻ mà lại no nê, đủ chất và sạch sẽ. Chẳng ai hỏi thẻ sinh viên hay bất kỳ giấy tờ gì, nhất là trông mặt tôi còn non hơn cả sinh viên năm nhất. Rennes cũng được xem là thành phố đại học với các trường công uy tín và tổng cộng khoảng sáu chục ngàn sinh viên.
 
Mỗi chiều sau giờ làm việc, tôi thích lang thang đến quảng trường Des Lices, nơi có khu chợ thức ăn tươi, hoa quả, cá sống… Chợ có mái che này cũng là một khu vực cổ, được xây từ năm 1871, rộng rãi, quy củ và vệ sinh. Cũng tại quảng trường này, mỗi sáng thứ bảy người ta còn họp chợ ngoài trời, bán đủ thứ hàng đa dạng, từ quần áo, thức ăn, rau củ, đến các thức ăn nóng trong những xe kéo. Chợ có quy mô lớn nhất thành phố Rennes và các tỉnh lân cận nên mỗi sáng thứ bảy cảnh mua bán diễn ra rất tấp nập và nhộn nhịp.
 
Gần đấy, quảng trường Champ du Jacquet tuy nhỏ nhưng lại là một trong những nơi độc đáo của thành phố với những ngôi nhà cổ bằng gỗ nâu, mặt tiền nhà được trang trí bằng những thanh gỗ kẻ sọc dọc ngang lạ mắt, cao tối đa ba tầng, có mái bằng đá ardoise đen. Những căn nhà gỗ là vết tích còn sót lại của một thành phố vốn được rừng bao quanh. Kiến trúc cổ của những căn nhà từ thế kỷ thứ mười bảy này đã bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi và phá hủy hơn chín trăm căn nhà vào ngày 23-12-1720. Vì thế, những ngôi nhà cổ còn sót lại này đều là di tích lịch sử và văn hóa, ngày nay được dùng làm nhà hàng sang trọng. Sát bên, quảng trường Raillier du Baty cũng còn vài căn nhà gỗ sọc, các quán nước nằm tràn ra ngoài trời, nhạc trẻ rộn ràng trong quán vang ra náo nức.
 
Những con phố nhỏ xinh và các viện bảo tàng
 
Cùng với những quảng trường, các con phố nhỏ xinh lót đá dành cho người đi bộ là nơi tôi ngày ngày dạo bước trong tiết trời thu lành lạnh. Tôi thích nhất phố SaintMichel còn được người dân ở Rennes gọi là “Phố khát” (Rue de la soif). Phố dành để giải quyết nhu cầu được uống của người đang khát với dày đặc các quán nước trái cây, quán bia, quán cà phê, quán kem… Những ngày trời ấm với chút nắng vàng, các dãy ghế được bày tràn ra vỉa hè và con phố trở thành địa điểm hẹn hò. Mọi người nói cười xôm tụ, uống tràn bọt những ly bia và tươi tắn cùng ngắm khách bộ hành qua lại. Những cô cậu sinh viên sau giờ học cùng tấp vào, tạo cho con phố vẻ trẻ trung thật đáng yêu.
 
Phố Nationale lại là nơi tôi có thể shopping với những cửa tiệm bán đĩa nhạc, sách vở và quần áo thời trang. Tiệm nào cũng được tôi đến viếng nhiều lần và vì thế, hàng hạ giá bị tôi lùng sục không thoát nổi. Tất cả những hiệu nổi tiếng của Pháp và châu Âu đều có mặt tại Rennes nên tôi tha hồ chọn lựa. Chọn chán rồi không mua cũng chẳng sao hoặc mua rồi đem trả cũng vẫn được. Phố Saint Georges và Gambetta thì cho tôi khung cảnh thiên nhiên tươi vui với hồ bơi Saint Georges, dinh Saint Georges trải rộng vương giả và vườn hoa lộng lẫy bên ngoài.
 
Ở bờ nam con sông Vilaine là các bảo tàng nghệ thuật thuộc hàng quốc gia mở cửa chào đón khách quanh năm. Nào là bảo tàng nghệ thuật tranh tượng, bảo tàng vùng Bretagne, bảo tàng truyền hình, bảo tàng trình diễn… Các bảo tàng đón khách miễn phí và là nơi tổ chức những sự kiện văn hóa cho thành phố như lễ hội âm nhạc, lễ hội “Thành phố đêm”, lễ hội du lịch… Trong mấy tháng lưu lại Rennes, tôi may mắn dự các lễ hội này, mọi người từ già đến trẻ đều cùng tham gia hào hứng và vui chơi trong trật tự. Các quán giải khát mở cửa thâu đêm, các ban nhạc cống hiến trọn vẹn cho khán giả tại khắp các quảng trường trong thành phố.
 
Công viên Thabor và rừng ven thành phố
 
Nhắc đến Rennes, người ta không thể bỏ quên một địa điểm thân thương và trong lành. Đó là công viên Thabor rộng lớn với các loại cây cổ thụ, cây cảnh và hoa phong phú nhiều chủng loại. Những ngày nắng ấm công viên tràn ngập các em bé tung tăng nô đùa, những gia đình trải đồ cùng ăn picnic, các ông bà già chống gậy dạo vòng quanh. Muốn đi xa hơn thì rừng Rennes bao quanh thành phố là nơi người ta có thể dạo chơi vào những ngày cuối tuần. Rừng tuy nhỏ và nằm gần thành phố đông dân cư nhưng do ý thức bảo tồn thiên nhiên cao, rừng vẫn có các con thú trú ngụ. Thảng hoặc những chiếc xe bus chạy ngang qua những con đường mòn cắt ngang rừng, người ta vui mừng thấy những chú sóc chuyền mình trên cao, những con nai ngơ ngác ngước mắt nhìn ra và cả một gia đình nhím nối đuôi nhau đi.
 
Thành phố Rennes hiện đại mà cổ kính, công nghiệp mà hòa mình với thiên nhiên, phát triển mà vẫn tôn trọng những giá trị truyền thống. Truyện ngắn Một mùa thu ở Rennes (trong tập Bồ câu chung mái vòm) được tôi viết trong một đêm nhớ Rennes cùng những cơn mưa mờ phố. Sau đợt tu nghiệp đó, khi đi du học ở Bỉ, tôi đã kiên trì ngồi xe lửa cả ngày trời để quay lại Rennes nhiều lần thăm bạn bè. Thành phố luôn giữ lại những gì tốt đẹp nhất và vẫn không ngừng tiến lên phía trước.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

16#
Đăng lúc 26-9-2012 19:03:23 | Chỉ xem của tác giả
Saint Rémy de Provence dưới ánh mặt trời

Tôi đến ngôi làng Saint Rémy vào một buổi sáng mùa hè đẹp trời. Nắng chiếu vàng óng ả xuyên qua những kẽ lá. Xe chạy ngang qua một cánh đồng hoa hướng dương đẹp rực rỡ, những con ve sầu râm ran ca, gió dịu mát làm tung bay những sợi tóc.
 
Trong khung cảnh thần tiên hạ giới đó, cảm hứng cho truyện ngắn Diên vĩ Provence (trong tập Bồ câu chung mái vòm) đã hình thành. Saint Rémy được bầu chọn là một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp, nằm ở vùng Provence ấm áp đầy ánh mặt trời. Ngôi làng đặc trưng của Provence nói riêng và của miền Nam nước Pháp nói chung, được khách du lịch tìm đến bởi nhiều lý do.
 
Van Gogh và hoa diên vĩ
 
Với riêng tôi, lý do đầu tiên do tôi muốn tận mắt xem cảnh vật trong tranh của Van Gogh ngoài đời thật. Này là bức hoa hướng dương, này là các bức tranh với toàn màu vàng làm chủ đạo vẽ các nông dân đang vụ mùa, này là các bức phong cảnh với những cánh đồng lúa mì trĩu hật, này là những ngõ nhỏ, những chiếc cửa sổ xanh, những viên đá lát đường xám của ngôi làng Saint Rémy. Và quả thật, tôi đã không thất vọng nếu không muốn nói là cảnh thật còn đẹp hơn gấp mấy lần.
 
Nắng mặt trời là một “đặc sản” làm nên màu vàng óng ả của ngôi làng nhỏ, nắng chiếu vào những cánh cửa màu xanh da trời, vào dàn dây leo xanh rợp bám dày những bức tường đá cổ, vào những chậu hoa rực rỡ luôn có lũ bướm lượn lờ bên trên. Vì ngôi làng luôn có nắng mặt trời dù vào mùa đông, vẻ cổ kính không hiện lên qua những nét rêu phong. Chính những ngôi nhà nhỏ bằng đá vôi vàng, những cửa sổ xanh xanh, những ngõ nhỏ uốn lượn, những bồn phun nước gắn vào tường là linh hồn của ngôi làng Saint Rémy. Vẻ thanh bình, ấm áp, đẹp rộn ràng của làng đã giữ chân người họa sĩ tài hoa Van Gogh ở lại. Ông đắm mình trong ánh nắng vùng Provence, chìm vào những cánh đồng hoa hướng dương, những bông lúa mì thơm lựng, trong tiếng ca hát của ve sầu. Và trên hết, ông được dân làng, những người nông dân mộc mạc, nhiệt tình, hào phóng và tốt bụng chở che.
 
Trong suốt thời gian lưu lại Saint Rémy (từ 8-5-1889 đến 16-5-1890), Van Gogh đã vẽ hơn 150 bức tranh nhiều thể loại. Những người nông dân là đối tượng được họa sĩ quan tâm nhiều nhất. Những con người hồn hậu của miền Nam nước Pháp trong tranh ông hiện ra thật gần gũi, họ hăng say lao động trên cánh đồng, họ rạp mình gặt lúa mì, họ cày bừa cùng những chú ngựa, họ nghỉ ngơi bên đống rơm vàng… Phong cảnh làng Saint Rémy với những bức tường phủ đầy dây leo, những ngõ nhỏ thanh vắng, những bậu cửa sổ xanh, những bông hoa hướng dương, những chú ve sầu… tất cả đều toát lên vẻ thanh bình, giản dị mà vô cùng quyến rũ. Đây là thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của họa sĩ dù rằng ông đang chịu đựng căn bệnh trầm cảm và phải trú trong bệnh viện để sáng tác. Sau khi rời Saint Rémy, chỉ hai tháng sau là Van Gogh qua đời. Hiện nay làng vẫn còn giữ vài bức nổi tiếng trong loạt tranh này của ông và luôn xem ông là đứa con của Saint Rémy de Provence.
 
Những khu chợ rực rỡ
 
Lý do thứ hai Saint Rémy hút khách là những khu chợ thật đặc trưng vùng Provence. Chợ được họp đông nhất vào thứ tư hàng tuần, chiếm một diện tích khá rộng trong quảng trường của làng, trong các ngõ hẹp, trong những góc khuất. Nhắc đến chợ, người Việt Nam thường có cảm giác bẩn và sặc mùi. Nhưng chợ ở Saint Rémy không những sạch sẽ, đầy màu sắc mà còn thơm tho nữa.
 
Hàng hóa phần lớn là các sản vật của vùng. Tôi thích nhất là chợ bán vải. Thứ vải vùng Provence với những họa tiết xinh xắn như trái ô-liu, hoa hướng dương, ve sầu, mướp đỏ… Màu vải thật đa dạng nhưng luôn là sắc nóng như vàng tươi (màu hoa hướng dương), xanh nõn (màu ô-liu), đỏ hồng (màu mướp đỏ), tím hoa cà (màu hoa oải hương)… Vải được dệt giống như cotton nhưng cứng hơn và bền hơn rất nhiều. Người ta mua thứ vải này về làm khăn trải bàn, khăn ăn, màn cửa và đặc biệt là để may váy xòe. Váy thường có ba tầng, mỗi tầng là một mô-tip khác nhau nhưng đều rất hài hòa. Chiếc váy xòe sặc sỡ màu nắng của Provence cũng đặc biệt như chiếc váy kẻ sọc xếp pli của Scotland. Tôi mua cho mình hai chiếc và về sau này dù ở Việt Nam hay đi nước ngoài, mỗi lần tôi diện vào đều có người nhận ra: “À, Provence!”.
 
Ngoài chợ vải, tôi còn mê chợ hương liệu với các loại nước hoa và xà bông thiên nhiên. Loại hương được khách du lịch chọn lựa nhiều nhất là oải hương (lavande). Gốc của từ “lavande” là động từ “laver”, tức là giặt rửa. Hoa oải hương được dân Provence dùng làm nước xả vải cho quần áo, chăn mền, màn cửa sau khi giặt. Vì thế, trong nhà thường có được mùi hương thiên nhiên. Xuất thân “bình dân”, giúp việc cho các bà nội trợ là thế, nhưng ngày nay hoa oải hương được dùng làm hương liệu sản xuất nước hoa, các loại dầu ướp trong tủ, các loại hương trong các sản phẩm gia dụng. Cũng cần nói thêm hoa oải hương tuy được yêu thích, nhưng đây không phải là một mùi hương sang trọng, kiểu giống như lại của Việt Nam mà thôi. Hoa oải hương cũng không có kiểu dáng đặc biệt, chỉ như những nhánh lúa trĩu hạt màu tím hoa cà, mọc dày cả cánh đồng vùng Provence. Trong khu chợ ở Saint Rémy, hoa oải hương được tuốt ra bán thành từng vốc. Hoặc hoa được bỏ vào trong túi bằng loại vải Provence, cột nơ lại, dành cho khách du lịch mua về ướp trong tủ quần áo. Các túi vải nho nhỏ bằng bàn tay chứa hoa oải hương là một món quà không thể thiếu khi mọi người tìm đến chợ. Mùi hương có thể lưu lại khá lâu, chừng vài ba tháng và có khả năng thu hút côn trùng, nên dân Provence khuyên khách du lịch chỉ nên bỏ túi hoa vào trong tủ đóng kín và đừng nên bày ra ở những chỗ trước gió như bậu cửa sổ, lan can, hành lang.
 
Chợ rau củ cũng là một nơi thu hút khách du lịch đến chụp hình vì nơi đây rất rực rỡ. Ngoài ra, dân địa phương cũng đến rất đông do rau củ khá tươi và trông vô cùng đẹp mắt. Rau củ chợ Saint Rémy không chỉ dùng để ăn mà còn để trang trí. Này là những trái ớt chuông màu vàng rực, đỏ thắm, xanh mượt. Này là những quả cà chua đỏ hồng, căng tròn, bóng bẩy. Này là những quả cà tím dài duyên dáng, mập mạp, láng mướt. Này là những trái dưa leo xanh sẫm, chắc nịch, cuống cong lên khiêu khích… Đặc biệt, gian hàng các loại trái mướp Provence luôn là tâm điểm của khu chợ. Mướp Provence có kiểu dáng rất ngộ nghĩnh dùng làm trang trí rất ấn tượng. Có trái mập mạp và cổ uốn cong lên trông chẳng khác gì một con thiên nga màu vàng rực, đỏ thắm hoặc trắng hồng. Có trái tròn dẹp và phồng cao như trái bí rợ nhưng “phốp pháp” hơn. Có trái hình bầu dục, có trái hình ống, có trái hình trái tim. Mướp Provence khi ăn có mùi vị thơm ngon, giông giống bí rợ lẫn với mướp hoặc với cà tím. Người ta thường hay nấu súp, xay nát ra, chẳng cần phải nêm gì ngoài tí muối. Dù súp được nấu chay, không thịt, cũng chẳng có bột ngọt, nhưng vị ngọt thiên nhiên của mướp thật tinh khiết, thơm tho và hấp dẫn. Tuy nhiên không phải loại mướp nào cũng để ăn vì nhiều khi người Provence chỉ mua về để trang trí. Họ chất các loại mướp hình dạng và màu sắc khác nhau vào một rổ mây, đặt lên bàn khách hoặc trong phòng bếp. Bức tranh phồn thịnh và thanh bình đã hiện ra vô cùng thyết phục.
 
Cuối cùng là chợ hoa và các món hàng lưu niệm. Nếu như hoa oải hương chỉ được bày bán trong khu chợ hương liệu, hoa hướng dương là tâm điểm cho sự hãnh diện của người Provence. Hoa hướng dương được trồng cả cánh đồng để lấy hạt, ép dầu và cả xuất khẩu hoa sang các nước Bắc Âu giá lạnh. Hướng dương ở đây vàng rực rỡ, to tròn và tươi thắm. Trong truyền thuyết Hy Lạp - La Mã cổ đại, nữ thần Clytie say mê thần mặt trời Apollon nhưng không được ông để mắt tới. Vì nữ thần cứ mãi đứng ngước nhìn mặt trời (tức Apollon) quá lâu, chân bà biến thành rễ quấn chặt vào lòng đất và khuôn mặt kiều diễm của bà trở thành một bông hoa. Tích hoa hướng dương vì thế được các thiếu nữ si tình rất thích và thương mua đem về trang trí. Một bình hoa hướng dương vàng rực rỡ luôn làm cho nhà cửa trở nên sinh động ấm áp và đầy ánh sáng.
 
Một “đặc sản” khác của Saint Rémy de Provence là ve sầu. Mùa hè ve ca hát nỉ non thâu đêm suốt sáng không bao giờ dừng. Các đoàn làm phim đến đây quay phải thu âm trong phòng vì thu tiếng trực tiếp luôn vướng giọng ca của ve. Chợ Saint Rémy bán những con ve sầu bằng sứ màu vàng, to gấp… mấy ngàn lần con ve thật, dùng để treo trên tường, trang trí trong vườn hoặc làm chậu hoa dây leo. Ve còn được thể hiện qua các loại trang sức, mặt dây chuyền, nút cài áo… tha hồ cho khách chọn.
 
Vùng Provence nói chung và làng Saint Rémy nói riêng còn là một trong những lãnh thổ lưu dấu La Mã khá nhiều. Trước ngõ vào làng còn có Khải Hoàn Môn và Cột Chiến Thắng sừng sững qua mấy ngàn năm lịch sử. Kiến trúc của những ngôi giáo đường, các ngôi nhà nhỏ, các bồn phun nước vẫn mang đậm phong cách thời Trung Cổ và Phục Hưng. Bảo tàng lịch sử vùng Provence cũng là nơi đến nếu du khách muốn khám phá hết vẻ kỳ thú của xứ sở tràn ngập ánh mặt trời. Ngoài ra, các galerie nghệ thuật với các loại tranh phong cảnh, tượng các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, đồ gốm nung… rất đáng cho mọi người thưởng thức. Tôi muốn mua một bức tranh chép từ Hoa diên vĩ của Van Gogh nhưng ngại cồng kềnh nên cuối cùng chỉ mua… một bưu thiếp in tác phẩm này. Đóa hướng dương vàng màu nắng luôn làm tôi háo hức mong được dịp quay lại Saint Rémy de Provence, với những cửa sổ xanh, với mùi hoa oải hương, với tiếng hát của ve sầu “Thương - quá - thương! Thương - quá - thương! Thương - quá - thương…”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

17#
Đăng lúc 26-9-2012 20:27:24 | Chỉ xem của tác giả
Đến Provence nhớ Alphonse Daudet

Hồi còn là sinh viên văn chương Pháp, tôi thích Alphonse Daudet và Saint Exupéry. Hai tác giả này có lối hành văn dễ đọc (dành cho người nước ngoài học tiếng Pháp), kết cấu truyện giản dị và có những triết lý sống nhẹ nhàng. Đặc biệt đọc Alphonse Daudet, tôi như thấy cuộc sống hiền hòa của nông thôn Pháp trước mắt mình, những chàng mục đồng, cối xay gió, bầy cừu mũm mĩm, chú dê con ham chơi… (tập truyện ngắn Lettres de mon moulin). Và một nhân vật khác là thợ săn sư tử Tartarin xứ Tarascon (truyện dài Tartarin de Tarascon).
 
Alphonse Daudet và người Provence
 
Khi đến Pháp lần đầu, được đặt chân ở vùng Provence, tôi nhất quyết phải tìm đến những địa danh trong truyện của Alphonse Daudet. Nhà văn sinh ở thành phố Nimes vào năm 1840, sau khi lên Paris làm việc rồi có dịp về Provence, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm lấy bối cảnh vùng miền Nam nước Pháp tươi đẹp này. Có thể nói Provence nhờ Alphonse Daudet mà nổi danh, nhưng cũng nên nói ngược lại, chính nhờ vùng Provence tràn ánh mặt trời và con người hồn hậu của miền đất này đã làm tài năng Alphonse Daudet thăng hoa.
 
Trong suốt mùa hè năm 1866, các truyện ngắn của ông được đăng nhiều kỳ liên tiếp trên báo L ‘Evènement, tính cách ngộ nghĩnh của người Provence thế là được độc giả khám phá dưới ngòi bút hài hước của Daudet. Họ thật đáng yêu dù bị châm biếm là “ngây thơ cụ”, khôn vặt, thích huênh hoang, khoái “nổ” và có chất giọng “quái dị như ngậm mặt trời trong họng”. Dạo đọc các tác phẩm của Daudet, tôi luôn tò mò muốn gặp một người Provence xem có khôi hài đến thế không. Sau này tôi quen khá nhiều người Provence và thăm thú cũng khá nhiều nơi vùng Provence. Quả Daudet tả không sai, họ rất hồn hậu dù hay khoe khoang, đặc biệt chất giọng “ngậm mặt trời” rất khó nghe nhưng cực kỳ vui tai. Ai mới học tiếng Pháp chắc nghe “điếc con ráy”.
Người Provence có tính hào sảng giống người Nam bộ của ta, họ hiếu khách và rộng rãi, sống vui vẻ để tận hưởng những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời. Ít khi tôi nghe họ càm ràm chuyện cơm áo gạo tiền hay ca cẩm về những vấn đề chính trị-xã hội. Họ không thích người Paris vốn lúc nào mặt cũng cau có, đụng một chút là đình công và biểu tình. Chơi với người Provence, bạn sẽ luôn thoải mái; và sống trong nhà người Provence bạn cứ tưởng là trong nhà mình. Không có bất kỳ sự khách sáo hay kiểu cách nào.
 
Thư từ cối xay gió
 
Nơi đầu tiên tôi muốn thăm khi đến Provence là chiếc cối xay gió Fontvielle. Sáng hôm đó trời rất đẹp, ve sầu kêu vang tai, chị France lái xe đưa tôi đến thăm cối xay gió, nay đã là bảo tàng của nhà văn Daudet. Nghe thì “xôm tụ” nhưng đến nơi mới thấy cối xay gió bé tẹo, đúng là chỉ dùng xay bột trong thế kỷ thứ 19. Cối xay tuy vậy được trùng tu cẩn thận, khách có thể leo lên chót vót trên cao, chạm vào hệ thống cối xay, cánh quạt, máng nước, bánh xe…
 
Khách du lịch khắp nơi vì yêu Daudet và tập truyện Thư từ cối xay gió nên tìm đến với cối xay gió Fontvielle khá nhiều. Họ còn muốn thấy tận mắt con dê của ông Seguin (một nhân vật trong tác phẩm của Daudet) và có khi phòng Du Lịch Provence cho cột một con dê xinh xinh quanh quẩn bên cối xay gió cho khách tha hồ trầm trồ. Họ như cảm nhận được các nhân vật dễ thương của Daudet vẫn còn đây, xuyên bao thế kỷ, vượt mọi cách trở giữa hiện thực và trí tưởng tượng. Tôi thấm thía, văn học từ đời sống mà thành, nhưng cũng chính văn học đã trở lại với cuộc đời thông qua ngòi bút hồn nhiên của một nhà văn tài năng.
 
Rời cối xay gió, chị France tiếp tục lái xe đưa tôi đến Tarascon, nơi có tòa lâu đài trứ danh của chàng thợ săn Tartarin luôn hăm hở tìm được sư tử oai hùng.
 
Chàng thợ săn Tartarin xứ Tartascon
 
Tôi đọc Chàng thợ săn Tartarin xứ Tarascon bằng tiếng Việt do ba tôi mua tặng năm tám tuổi. Khi đó tôi chưa thấy hết cái khôi hài và châm biếm mà Daudet gởi gắm. Nhưng sau này, khi đã là sinh viên và đọc tác phẩm bằng nguyên tác tiếng Pháp, nhân vật Tartarin hiện ra quá buồn cười và cái vùng Tarascon cũng sở hữu nhiều nhân vật ngộ nghĩnh quá.
 
Thành phố Tarascon ngày nay vẫn còn lưu giữ những giá trị văn học, truyền thuyết và cổ tích của mình. Trong những thế kỷ đầu, nơi đây là cái nôi của văn học và kịch nghệ. Thành phố Tarascon có một nhân vật truyền thuyết, gọi là con Tarasque, một quái vật dữ dằn sống dưới sông Rhône. Nhưng nữ thánh Marthe đã dùng tài trí và sự dũng cảm của mình để cảm hóa một cách tài tình con Tarasque này. Ngày nay, khách đến Tarascon vẫn còn thấy đền thờ nữ thánh Marthe nằm gần lâu đài của lãnh chúa René, và cả tượng của con quái vật Tarasque trong như một “con rùa biến thái”, rất ngộ nghĩnh.
 
Thành phố Tarascon nhờ nhà văn Alphonse Daudet, còn có thêm một nhân vật tưởng tượng khác, đó là chàng Tartarin. Lâu đài Tarascon nằm bên dòng sông Rhône là một dạng lâu đài - pháo đài (château fort). Lâu đài to “vật vã”, trông “khủng bố” và không được nên thơ tí nào. Dạng lâu đài - pháo đài này khi xưa được xây với mục đích chống lại quân thù nên rất kiên cố, có hào nước bao quanh, có cầu gỗ rút lên khi cần cô lập với quân địch và có nhiều bệ đặt súng ống. Mặc dù sặc mùi chiến trận, lâu đài Tarascon là một trong những nơi được bảo trì tốt nhất và được xem là khá đẹp do nằm ở ngay bên dòng Rhône xanh ngát. Lâu đài ngày nay được dùng làm bảo tàng trưng bày về nhân vật Tartarin với bức tượng sáp của ông, bộ lông con sư tử và những vũ khí săn bắn cổ xưa, mô phỏng theo truyện của Alphonse Daudet. Khách du lịch đến thăm quan lâu đài Tartascon khá đông, coi như vừa được khám phá thế nào là một lâu đài - pháo đài, thế nào là Tartarin khoái “nổ văng miếng”. Tôi leo lên tầng cao nhất của lâu đài, đứng ngay chỗ ngày xưa các chiến binh đặt vũ khí chĩa ra ngoài thành. Mặc dù vậy, tôi không có cảm giác chiến trận bởi trước mắt tôi là dòng sông Rhône xanh ngát đầy bình yên.
Đến Provence nhớ Alphonse Daudet, tôi còn nhớ thêm nhà văn Marcel Pagnol với các tác phẩm lâu đài của mẹ tôi và vinh quang của cha tôi, cũng lấy bối cảnh vùng miền nam nước Pháp ngập ánh mặt trời này. Người Pháp yêu văn chương và trân trọng các tác giả. Và vì thế, kho tàng văn học thế giới có một phần đóng góp thật đồ sộ của văn học Pháp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

18#
Đăng lúc 26-9-2012 20:29:14 | Chỉ xem của tác giả
Gordes: ngôi làng ấm áp

Tôi đến Gordes, một trong những ngôi làng độc đáo nhất nước Pháp vào một ngày hè nắng vàng rực rỡ. Marie-Christine và cô con gái nuôi gốc Việt Nam khi đó mới bốn tuổi đã dành cho tôi nhiều ưu ái khi chở tôi đến đây. Gordes quá tuyệt, từ xa ngôi làng nép mình thu lại thật gọn trên một ngọn đồi. Những ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng đá, nằm theo một trật tự xoắn ốc, phía trên đỉnh đồi là lâu đài cổ, nay trở thành tòa thị chính.
 
Mềm mại những ngôi nhà đá
 
Đến gần hơn, Gordes hiện ra như một giấc mơ. Những ngôi nhà đá với các huyền thoại ngàn năm tuổi, những con hẻm nhỏ hẹp, những vách đá cheo leo, những giàn hoa rực màu nắng bám chặt những bức tường… Những ngôi nhà ở Gordes không chỉ xây bằng đá, mà chúng còn được sinh ra từ đá do bàn tay công phu của con người đẽo gọt nên.
 
Vào làng, không một chiếc xe hơi nào được tiếp nhận. Mọi người di chuyển bằng những bậc thang, những dốc đá, những hẻm hẹp. Tất cả những cánh cửa đều làm bằng gỗ, hoặc có màu tự nhiên thâm trầm, hoặc được dân làng sơn màu xanh, màu đặc trưng của miền Nam nước Pháp. Xen giữa những ngôi nhà cao bằng đá là cây cối xanh um và những bông hoa rực rỡ sắc màu vì luôn được mặt trời yêu thương sưởi ấm quanh năm.
 
Tôi đi bộ thong thả để ngắm nhìn thật gần từng viên đá của những dãy nhà, bước chậm từng bậc thang bón loáng màu thời gian, nghe trong gió tiếng những chú ong vo ve và hít căng lồng ngực hương mùa hè thơm lành. Cuộc sống ở Gordes theo tôi hình dung chỉ toàn những phút giây bình lặng. Hoặc người ta có thể toan tính ở ngoài nhưng một khi bước chân về làng, chỉ cần vài phút đi bộ về tổ ấm, cuộc sống thật tươi đẹp biết bao. Thật khó tưởng tưởng ai đó sở hữu ngôi nhà tạc từ vách đá cheo leo này lại có một cuộc đời giông bão. Hãy đứng nhìn xuống thung lũng xanh rì phía dưới, bắc ghế ngồi giữa những dây leo  đầy hoa, nghe tiếng ong bướm trò chuyện râm ran và để làn da trần được mơn trớn dưới ánh nắng ấm áp. Thiên nhiên và con người như hòa quyện vào nhau, đá và hoa, nắng và gió. Thật lạ, tại ngôi làng bằng đá, tôi thấy lòng mềm mại. Cảm giác lâng lâng khó tả nên lời.
 
Những căn chòi đá xếp
 
Dù hơi mệt vì leo cao, tôi cũng chẳng hề phàn nàn khi lên đến đỉnh làng Gordes, nơi tòa thị chính là một lâu đài đá nằm chênh vênh cùng thời gian. Lên đến vị trí này, đã thấy khá nhiều shop bán hàng lưu niệm và quán giải khát. Nhưng thật tuyệt, mọi thứ đều được quy hoạch sao cho cuộc sống hiện đại và công nghiệp du lịch không làm ảnh hưởng đến hồn đá nơi đây. Khách thập phương cũng thật biết điều, chẳng ai ăn to nói lớn, vứt rác lung tung hay có những hành động phi văn hóa.
 
Marie Christine đề nghị mua kem cho tôi ăn, nhìn vào bảng giá, tôi chỉ món nào rẻ nhất làm cô bật cười. Cô bé Titi bốn tuổi cũng thật ngoan, nó nhí nhảnh ngồi trên đùi tôi mút kem dâu. Chúng tôi thong thả ăn kem lạnh, nhìn xuống thung lũng xanh ngắt bên dưới ước gì có đôi cánh chao liệng như chim. Nhưng không nên quá lười biếng, ăn kem xong chúng tôi lại tiếp tục đi xuống đồi bằng con đường khác. Cũng xuyên qua làng, cũng len lỏi vào những con hẻm nhỏ, cũng có bướm và hoa. Nhưng cảnh vật có sự đổi khác, không hề rập khuôn và nhàm chán.
 
Dưới chân đồi, vẫn thuộc địa phận làng Gordes, là một ngôi làng nhỏ khác có tên Bories. Nơi đây có những căn chòi hoàn toàn bằng đá. Trông ngộ nghĩnh như những ngôi nhà mái tròn, thấp bé của người Esquimo. Nhưng thay vì được xếp lại bằng những tảng băng, những căn chòi này được xếp bằng đá, thuần túy không có chút vật liệu công nghiệp nào. Những viên đá được chọn lựa theo những kích thước thích hợp tùy vào độ cao của căn chòi, hoặc được mài giũa sao cho chúng nằm khít bên nhau, gắn kết và tồn tại qua mấy chục thế kỷ. Những căn chòi đá này ngày nay không ai ngụ vì thật không thoải mái trong một nơi nhỏ bé, nhưng số lượng du khách ghé đến chiêm ngưỡng hàng ngày rất đông đúc.
 
Yêu thương và trân trọng
Tổ tiên đã dày công tọa nên một ngôi làng xinh đẹp hàng ngàn năm tuổi tuyệt vời, người dân Gordes càng biết trân trọng và tận hưởng gia tài vô giá để lại cho mình. Họ đặc biệt yêu nơi chốn của mình và ra sức giữ gìn ngôi làng tổ tiên theo một cách riêng, sao cho hàng năm lượng khách du lịch tăng lên mà vẫn giữ được nét thiên nhiên của làng. Họ làm được điều đó nhờ biết hướng dẫn cho khách cùng trân trọng di sản: các tấm bảng chỉ đường ghi rõ ràng, những dòng chữ dặn dò hãy giữ yên tĩnh, các nhà vệ sinh công cộng luôn sạch sẽ, các thùng rác đặt tế nhị dọc lối đi… Ngoài ra, dân làng còn đi rảo khắp nơi nhằm giúp đỡ khách và tiện thể dò xem có ai gây tác hại gì đến Gordes.
 
Nhờ cách làm du lịch bài bản và lịch sự, khách đến với ngôi làng đặc trưng vùng Provence của miền Nam nước Pháp hầu hết đều có thái độ tôn trọng. Họ là những nhóm gia đình, đoàn thể, học sinh từ các nước châu Âu lân cận hay nước Mỹ xa xôi. Hoặc cũng có khi là một đôi vợ chồng mới cưới trên chiếc xe rong ruổi hưởng tuần trăng mật. Và họ cũng có thể chỉ là một cô gái Việt Nam như tôi, một sáng mùa hè đi thưởng ngoạn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

19#
Đăng lúc 26-9-2012 20:30:30 | Chỉ xem của tác giả
Trên cầu Avignon

Hồi nhỏ học tiếng Pháp, tôi được dạy bài dân ca Trên cầu Avignon (Sur le pont d ‘Avignon) với tiết tấu rất vui nhộn. Bài hát tả cảnh người dân cùng khiêu vũ trên cầu rất thân thiện và chan hòa. Sau này có dịp đi Pháp, tôi quyết chí đến Avignon để tự mình nhảy nhót trên chiếc cầu này. Đến nơi, tôi bất ngờ nhận ra, chiếc cầu chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể thành phố Avignon thật xinh đẹp.
 
Tường thành bao quanh
 
Thành phố Avignon nằm ở miền nam nước Pháp, nắng quanh năm dù vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp và có cả tuyết rơi. Nơi đây đặc biệt nổi tiếng với cơn gió mistral nhưng dù đã đến Avignon ba lần, chưa lần nào tôi chứng kiến sự “lộng hành” của gió như nhiều người trải qua. Bao quanh thành phố là một bức tường thành tuyệt đẹp, cao chừng hai mươi mét, được chạm trổ bên trên thật công phu. Bức tường thành như muốn chứng tỏ chút uy quyền Avignon là nơi các giáo hoàng trú ngụ. Gia đình Alain - Pascale người quen của tôi ở ngay tại trung tâm thành phố. Alain vốn sinh ra và lớn lên tại Avignon. Alain rất tự hào dắt tôi đi tham quan thành phố nhiều công trình hoành tráng và xinh đẹp của mình. Ngôi nhà của ông nằm sát bên một góc tường thành đã được xây từ ngàn năm nay. Lối đi trên tường thành được lót đá cổ xưa, đi dạo thong dong trên đó thật thú vị. Vào ngày hè đẹp trời, khách du lịch mua tour để leo lên chiếc xe lửa mui trần thiết kế nhỏ xinh rong ruổi khắp tường thành.
 
Cung điện các giáo hoàng (Palais des Papes)
 
Cung điện các giáo hoàng là linh hồn của Avignon. Tòa lâu đài lộng lẫy kéo dài thành một quần thể rộng lớn, là nơi các giáo hoàn nói riêng và giới tăng lữ nói chung trú ngụ và phụng sự Chúa. Đặc biệt, vào đầu thế kỷ thứ 14, khi có xung đột tôn giáo giữa Ý và Pháp, vua Philippe Le Bel của Pháp đã làm áp lực, “bắt cóc” nguyên cả giáo hội từ Ý phải về Avignon và mãi đến 70 năm sau mới được dời về lại Ý. Do đó, ngoài Vatican, Avignon là nơi duy nhất trên thế giới chứng kiến bảy đời giáo hoàng sống, làm việc và “về với Chúa”. Vốn dĩ giới tăng lữ rất được xem trọng nên các giáo hoàng đã cho xây cung điện tại Avignon thật hoành tráng. Nhờ vậy, dân Avignon càng tự hào hơn về thành phố của mình, bởi nơi đây có đến hai di sản văn hóa thế giới, gồm cung điện các giáo hoàng và cầu Avignon.
 
Cầu Avignon
 
“Trên cầu Avignon, chúng ta khiêu vũ. Trên cầu Avignon, chúng ta cùng nhảy theo vòng tròn. Những quí ông nhảy như thế này, Những quí bà nhảy như thế này…”. Đó là lời bài dân ca vui nhộn những ai học tiếng Pháp đều phải biết. Và nhờ bài dân ca này, cây cầu Avignon trở thành một đại sứ quảng bá cho quê hương mình.
 
Hổi nhỏ, tôi cứ thắc mắc “nhảy như thế này” là nhảy như thế nào? Không một cô giáo nào giải thích được, cuối cùng, có ai đó nói bừa: “Ở Avignon người ta nhảy theo một kiểu riêng, khi nào lớn có dịp đến Avignon con sẽ thấy!”. Thế rồi giờ đây, đứng trên cây cầu Avignon, tôi cứ ngỡ mình đang là một cô bé mười tuổi. Nhưng nhảy nhót trên cầu đã là chuyện của những thế kỷ trước. Alain bật cười khi thấy tôi ngơ ngẩn đứng trên cầu nhìn xuống sông sâu.
 
Chiếc cầu trứ danh được xây dựng từ thế kỷ thứ 15 với 22 nhịp nay đã không còn. Trải qua những trận lũ lụt, sông Rhône đã cuốn phăng một đoạn cầu dài để rồi giờ đây, cầu Avignon chỉ còn vỏn vẹn bốn nhịp ít ỏi. Tuy vậy, bề ngang của cầu vẫn còn rất dày và một đoạn cầu ngắn ngủi đó cũng khiến UNESCO chọn làm di sản văn hóa thế giới. Ngày nay, tuy cầu không còn làm nhiệm vụ bắc ngang sông nhưng một đoạn cầu vẫn còn rất bề thế, khách du lịch tha hồ đứng trên đó chụp hình thoải mái. Cầu Avignon xuất hiện rất nhiều trên những tấm bưu thiếp và cũng nhờ mua bưu thiếp, tôi phát hiện rằng cầu có tên thật là Saint Benezet.
 
Thành phố nghệ thuật
 
Những ai làm trong lĩnh vực kịch nghệ hẳn luôn mong được đến Avignon vào dịp festival sân khấu quốc tế hằng năm tổ chức vào cuối hè. Khắp nơi không khí kịch nghệ tưng bừng với các tấm bích chương, cớ phướn, những buổi kịch diễn ngoài trời và trong các sân khấu. Các loại hình kịch trên thế giới đều được quy tụ và năm nào Việt Nam mình cũng được mời tham dự. Alain khoe với tôi ông từng xem “tuồng”, “chèo”, “múa rối nước”, “múa cung đình” tại Avignon. Ông tự hào nói rằng có thể tại Việt Nam tôi không còn dịp xem những loại hình sân khấu này, nhưng ông lại được mục sở thị tại Avignon. “Đây là thành phố nghệ thuậ mà!”, Alain gật gù khoái chí, “cả thế giới đều đến Avignon và đắm mình vào nghệ thuật kỳ ảo”.
 
Dù đã đến Avignon những ba lần, tôi biết rằng mình sẽ không ngần ngại lại ghé qua nếu có dịp. Thành phố quá xinh đẹp, cổ kính nhưng luôn có hơi thở đương đại. Và nhất là, ở đó tôi có gia đình thân thiện của Alain-Pascale luôn mở rộng cửa đón chào.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

20#
Đăng lúc 26-9-2012 20:32:20 | Chỉ xem của tác giả
THỤY SĨ
Bà đầm hái nho ở Vevey

Lúc nhỏ, mỗi khi mặc áo đầm trông ngộ nghĩnh một chút tôi đều được người lớn khen “Giống bà đầm hái nho quá!”. Từ đó hình thành trong tôi, hễ làm người hái nho tức là phải mặc những chiếc váy đầm rộng xòe, trông đài các và sang trọng chẳng khác gì các cô công chúa xinh đẹp. Thế rồi “số phận run rủi”, tôi được thỏa ước nguyện làm “bà đầm hái nho” khi sang Thụy Sĩ, đến vùng Vevey với những ruộng nho bất tận nằm bên bờ hồ Lesman thanh bình.
 
Hái nho một triệu đồng một ngày
 
Dù được cảnh báo hái nho là một công việc rất vất vả, chẳng hợp tí nào với vóc người mảnh mai nhỏ nhắn, tôi vẫn hăm hở chấp nhận, chẳng phải vì muốn hiện thực ước mơ thời thơ ấu làm “bà đầm hái nho”, mà vì thu nhập cho một ngày hái nho lên đến… một triệu đồng Việt Nam. Số tiền đó nếu sống tại Thụy Sĩ sẽ chẳng đáng là bao, nhưng về Việt Nam, một triệu đồng đã là lương cả tháng trời của biết bao nhiêu phận người.
 
Chưa kịp thăm thú Vevey, tôi bắt tay vào việc vì mùa thu hoạch nho kịp đến. Một buổi sáng mùa thu trời hãy còn tối mịt, tôi đến nhà máy rượu làm trên đồi cao, chuẩn bị vào nghề hái nho hấp dẫn. Cùng những bạn trẻ không có việc lâu dài, dân nhập cư Đông Âu và vài thành phần làm việc thời vụ, chúng tôi được đưa lên xe tải nhỏ chở ra ruộng nho xanh rì. Mặt trời bắt đầu nhô trên những rặng núi xa xa bên kia hồ Léman mù sương. Lũ chúng tôi im lặng nhận dụng cụ gồm xô nhựa và kềm bấm. “A lê hấp! Tấn công những luống nho thôi!”. Tôi phải quì gối xuống vì nho mọc sát đất, kềm bấm xoành xoạch vài nhát đã phồng tay, những chùm nho chín mọng vừa đầy xô đã có người đến thay xô mới. Tôi “lết” bằng hai gối dài dài từ đỉnh đồi theo luống nho xuống chân đồi và cứ thế mà hưởng thụ “thú đau thương” rằng lao động là vinh quang. Đố có cô nhân công nào dám diện váy đầm phùng xòe mà lượn lờ hái những chùm nho căng tròn ngon mắt. Trời mùa thu rét ngọt làm teo đều các “cơ quan đoàn thể”, ruộng nho bốc mùi phân hóa chất  váng vất cả người, chưa chi mà tôi đã mệt tưởng đứt hơi chết giấc đến nơi. Xung quanh dân tình vẫn đều tay bấm, đều chân bò, đều miệng thở phì phò, làm sao tôi dám ngưng?
 
Đáng đồng tiền bát gạo
 
Giờ giải lao tôi ngồi bẹp uống ly trà đường. Từ ngọn đồi mướt rượt phủ đầy những cây nho nhìn ra mặt hồ Léman xanh rờn tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng tráng được những áng mây lững lờ ôm ấp, tôi thấy cuộc đời thật mâu thuẫn biết bao. Cảnh vật nên thơ mà lòng người… đang nản. Chẳng lẽ mới đi làm có một ngày mà đã chuồn thì còn gì danh dự người Việt Nam! Ngày hôm sau, dù cơ thể đau nhức đến từng tế bào nhỏ nhất, tôi vẫn lết đến ruộng nho, lại “bán mặt cho nho bán lưng cho mưa phùn” đến tận bảy giờ tối.
 
Bốn ngày hái nho dài đằng đẵng cuối cùng cũng chấm dứt với một phong bì tiền công nghe loạt xoạt. Tôi cầm những đồng tiền lao động nơi xứ người, khóc thì… hơi sến mà cười cũng chẳng thể tươi. Những ai từng làm việc tay chân hẳn lắc đầu cho tôi là tiểu thư đài các, mới làm có tí xíu, sánh gì với những nông dân chân lấm tay bùn của Việt Nam. Đã đành, nhưng ăn tiền của dân Thụy Sĩ chẳng dễ dàng gì, chả trách có thành ngữ người châu Âu trêu: “Không tiền đừng hòng thấy mặt trời Thụy Sĩ”. Bản thân họ lao động cật lực để thấy đồng tiền là quí giá, làm sao họ chịu trả công cho kẻ làm thuê nước ngoài nếu không xứng đáng?
 
Nơi yên nghỉ của vợ chồng vua hề Charlot
 
Cuối cùng rồi thì tôi cũng diện vào người chiếc váy đầm rộng xòe có hoa văn miền núi cao của Thụy Sĩ để đi thăm Vevey sau những ngày làm “bà mặc quần hái nho”. Vevey ngoài những ruộng nho xanh ngút mắt, hồ Léman lãng mạn, những rặng núi hùng vĩ, những bông hoa đủ màu…, còn có một điều làm dân địa phương rất hãnh diện. Đó là công viên nhỏ xinh cũng là nhà tưởng niệm vua hề Charlot. Hai vợ chồng Charlie Chaplin đã chọn sống những ngày cuối cùng tại vùng đất nên thơ này. Hiện mộ của hai người vẫn nằm ở đây, thu hút khá nhiều khách du lịch. Bức tượng người đàn ông lang thang được dựng nhìn thẳng ra mặt hồ Léman. Cái vóc dáng nhỏ bé, đơn độc của Charlot từng làm bao con tim khóc cười giờ cũng đang làm tôi bồi hồi khó tả. Lòng bàn tay với những vết phồng rộp vẫn chưa lành, những cử động dù nhẹ nhàng nhất vẫn làm tôi đau đớn sau những ngày hái nho vừa qua. Đi ngang qua tổng hành dinh của tập đoàn thực phẩm Nestlé ở Vevey tôi càng thêm thấm thía, những nhân viên của tập đoàn nổi tiếng thế giới này đang tan sở. Những chiếc xe hơi bóng lộn, áo khoác đen sang trọng, cặp da cá sấu vung vẩy. Khoảng cách giữa những nhân công hái nho và những người làm trong tập đoàn này thật xa. Điều mà một người cũng chuyên làm việc trí óc như tôi trong những văn phòng sạch sẽ sẽ chẳng bao giờ thấu hiếu và cảm thông, nếu không có những ngày ngắn ngủi bò lê trong ruộng nho trên đồi cao. Với tôi, Vevey của những ngày mùa thu mù sương dù đẹp vô ngần cũng sẽ mờ dần, nhưng những khoảnh khắc làm người hái nho nơi mảnh đất này thật khó có thể nhạt phai.
 
Berne: Thủ đô cổ tích
 
Nói đến Thụy Sĩ, rất nhiều người lầm tưởng thủ đô là Genève. Bản thân tôi cũng từng “quê độ” khi biết một thành phố khác ít được nhắc đến mới chính là thủ đô của đất nước xinh đẹp. Ngạn ngữ châu Âu có câu “Berne là Berne, như Chúa chính là người.” Bạn sẽ không thể nào hiểu được nếu chưa từng đặt chân đến đây. Đó chính là sự độc đáo của riêng thành phố này, không sao chép bất kỳ đâu và cũng không nơi nào có thể bắt chước được. Nghe nói chàng lãng tử đa tình Casanova đã lượn lờ trên những con phố nhỏ, công chúa Anna Feodorovna của Sa Hoàng tự mình thiết kế một vườn hoa, và cả Lenin cũng đắm chìm trong khung cảnh bình yêu của Berne để viết nên những trang sách triết học.
 
Xứ cổ tích
 
Đến với Berne, tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào xứ cổ tích. Dường như thời gian không đụng chạm đến nơi đây, hay người dân không cho phép nó được quyền phá hỏng nét thi vị. Tôi đi trên con đường Marktgasse với hai hành lang có mái vòm tuyệt đẹp chạy song song hai bên được dùng làm khu thương mại. Đó là thiên đường shopping độc đáo thu hút biết bao khách thập phương. Tháp đồng hồ được xây dựng từ thế kỷ thứ mười sáu với chiếc đồng hồ thiên văn kỳ thú nổi bật ngay giữa con đường Marktgasse được chạm khắc bằng đá vô cùng tinh xảo. Bồn phun nước Zahringer bằng gỗ nằm cách đó không xa, điểm tô thêm cho con đường vẻ thơ mộng của những câu chuyện huyền thoại. Trước mỗi cửa hàng có những chiếc hầm trữ rượu có nắp bằng gỗ và những chiếc vòng sắt dùng để kéo nắp hầm lên. Những căn hầm độc đáo vì quá cổ xưa này cũng được dùng làm các shop bán những món hàng vô cùng sang trọng và đắt giá, chắc chỉ có dân Nhật mới dám đụng vào. Nhìn những viên đá lót đường gồ ghề, những cánh cửa gỗ nặng trĩu, tôi hình dung ra Berne của thời quá khứ.
 
Nhà tắm lộ thiên trên sông Aare
 
Thành phố nhỏ được xây dựng trên mỏm đá cao nằm ở thượng nguồn sông Aare vào năm 1191. Nơi đây được các thương gia nước ngoài chọn làm điểm giao dịch và họ phải chịu nộp thuế thu nhập cho chính quyền thành phố. Người dân Berne lạ lùng thay lại không mặn mà với chuyện mua bán, họ thích những công việc hành chính hoặc liên quan đến chính trị hơn. Nhưng trên hết, họ là người được trời phú cho óc tổ chức thành phố. Vì thế, Berne mới trở nên độc nhất vô nhị. Năm 1405, Berne bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi hầu như toàn thành phố, người dân lại phải xây dựng lại và thiết kế đó tồn tại cho đến ngày nay. Những dãy cột khổng lồ bằng đá sa thạch được dựng lên và những mái vòm phủ lên đó làm thành một hành lang dài gần bốn dặm.
 
Nhưng linh hồn của Berne thuộc về dòng sông Aare thơ mộng nằm vất qua. Giới trẻ hay cho rằng thành phố này thuộc về quá khứ bởi tất cả đều trông thật cổ xưa. Tuy nhiên họ mê Berne ở chỗ được tha hồ bơi lội tung tăng trong dòng Arae xinh đẹp. Dòng sông là nhà tắm công cộng thiên nhiên đầu tiên của châu Âu. Sông Aare được ví như một viên ngọc lóng lánh bởi những tia nước luôn ánh lên vẻ rạng rỡ trong vắt như pha lê. Nếu bạn đắm mình trong dòng Aare rồi ngước mặt nhìn ngược lên thành phố, lăng kính đó mới tuyệt làm sao. Tôi nghe một người Thụy Sĩ nói thế, rất muốn thử nhưng đang là mùa thu với những cơn gió rợn người, vả lại cũng chẳng thấy… một anh Chử Đồng Tử nào.
 
Chú gấu biểu tượng thành phố
 
Biểu tượng của Berne là chú gấu oai hùng nên ngay trung tâm thành phố, có một cái hố sâu những chú gấu mũm mĩm luôn níu chân các du khách tí hon. Mấy đứa bé đu chặt lan can nhìn xuống í ới gọi “Gấu! Gấu!”, còn ba mẹ chúng chỉ muốn tranh thủ thời gian đi shopping. Trong một shop quà lưu niệm, tôi ú ớ nói tiếng Pháp với người bán hàng chỉ chịu nghe tiếng Đức. Ở Berne, người ta nói tiếng Đức với một âm sắc du dương, khác hẳn thứ tiếng Đức nổi tiếng nghe như ... đang tranh luận dữ dội. Tôi bấm bụng mua một cái ví có hình chú gấu để kỷ niệm cho một lần đến Berne, thủ đô cổ tích của một đất nước đẹp xinh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách