Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết - Xuất Bản] Vòng Tay Học Trò | Nguyễn Thị Hoàng

[Lấy địa chỉ]
11#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 18:02:35 | Chỉ xem của tác giả
Khi những cánh tay rút lui, những tiếng lao xao ngừng lại, nhìn quyển sổ quí của mình, Trâm thấy chỉ còn trơ lại cái bìa cứng dính mấy tờ xơ xác. Nàng mỉm cười tự bằng lòng một cách vô lý. Trâm nhìn xuống những cánh bướm trắng lớn ở xa về đậu lại và sắp sửa nhẹ nhàng vẫy cánh bay đi. Nhưng trong nét mặt ngẩn ngơ, cụt hứng của đám học trò, tương phản với vẻ hăng hái xôn xao vừa rồi. Trâm biết những tờ giấy trắng sẽ lại hoàn trắng hay viết nhì nhằng xé nát, vứt bỏ đi.

Nhưng nàng không cần, không cần điều đó. Trâm chỉ lâng lâng vui sướng trong nguồn cảm xúc êm đềm và rộng lớn như khi đứng trên một ngọn đồi cao rứt từng cánh hoa hồng thơm gieo vào lòng gió. Mình cho đi. Ba tiếng ấy mơ hồ vang dội trong tâm tư Trâm như một điệp khúc thanh thoát.

Một đứ học trò lén nhìn lên cuốn sổ tả tơi trên bàn Trâm, tiếc rẻ:

- Thưa cô, phí quá! Có người không viết cũng lên xin giấy.

Trâm dịu dàng đáp lại:

- Không. Cho không bao giờ phí. Chỉ có nhận nhưng không biết cách dùng mới phí mà thôi.

Bỗng nhiên, cả lớp im phắc hẳn đi. Rồi yên lặng vỡ ra theo một tràng vỗ tay huyên náo. Trâm ngạc nhiên:

- Cái gì vậy?

- Thưa cô, cô nói lại lần nữa.

- Nói lại gì?

- Lời cô vừa nói.

Trâm chưa hết ngẩn ngơ, một đứa đã đọc lại rõ ràng từng tiếng một, câu nàng vừa nói. Mấy cái đầu cúi xuống, mấy bàn tay hí hoáy viết lên một mép giấy. Nàng hiểu nguyên nhân loạt vỗ tay và ngẫm nghĩ lại nghĩa đôi mà nàng không để ý khi nói ra lời. Trâm chợt vừa vui, vừa ngại như một lầm sau khi giảng bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan cho một lớp nhỏ. Khi giọng nàng trầm xuống chấm dứt bài giảng, chúng nó im phắc, ngẩn ngơ một lúc và loạt vỗ tay đột ngột vang lên, như chiều nay. Rồi chúng nó yêu cầu cô giáo giảng lại cho nghe lần nữa. Chúng nó nhao nhao và không khí lớp học bổng xao xuyến như cảnh phòng trà với những tiếng hô “bis, bis” sau một đơn ca tuyệt diệu. Chúng nó tưởng mình soạn bài giảng kỹ, học thuộc lòng rồi đến đây chỉ mở máy. Chẳng đứa nào biết và tin rằng những bài giảng chúng mê thích nhất là những bài nàng nói “tùy hứng” không bao giờ soạn trước.

Những ý tưởng ấy, mối xúc động và thông cảm sâu xa với tác giả, với bài thơ hằn đọng từ bao giờ trong tiềm thức. Mỗi lượt giảng bài hứng khởi được khơi nguồn nhờ những khuôn mặt đợi chờ nghe ngóng, từng cặp mắt đen láy thông minh vô tội, từng dáng ngồi ngay ngắn chăm chú say mê. Nàng nhìn chúng nó, và chìm đắm vào thế giới xa vời, mênh mông của khung cảnh, thời gian, không gian trong bài thơ. Đến khi yên lặng khỏa lấp gian phòng, khi tiếng vỗ tay vỡ ra như một dòng suối mát, nàng cảm thấy nhẹ nhàng vui sướng như đã truyền đi, với ngàn sau cách biệt ngàn trùng.

Chiều nay, chúng nó lại vỗ tay vì một câu nói tự nhiên không hề nghĩ ngợi. Một lúc lâu, có tiếng ở cuối lớp:

- Nhưng thưa cô, không cảm hứng, viết sao được?

Trâm nhìn những khuôn mặt trông lên:

- Vỗ tay là dấu hiệu cảm thông và phấn khởi. Cảm hứng cũng có thể bắt nguồn từ niềm cảm thông và phấn khởi đó.

Một tiếng la thật vô lễ bật lên:

- Hay quá ta!

Trâm nghĩ đến hình phạt và ý nghĩ khô khan đầu tiên trở lại, hôm nay mình đi coi cấm túc. Nàng ra dấu cho cả lớp bắt đầu công việc. Dần dần sự yên lặng trở lại, kéo dài, trĩu xuống, những mái tóc cúi nghiêng nghiêng trên mặt bàn, những vầng trán ưu tư nhăn nhíu, những cặp môi xoắn lên đầu cán bút, những ngón tay gõ nhẹ xuống mặt bàn, những tiếng xôn xao mơ hồ của từng trang giấy trắng lật qua lật lại.

Chúng nó tìm cảm hứng đó. Trâm giấu nụ cười trong bàn tay vừa đưa lên che môi. Bây giờ, bọn học trò chăm chú vào công việc, không nhìn lên nàng nữa. Trâm tự do, dễ chịu, tha hồ nhìn xuống, quan sát từng đứa để “trả thù” bị nhìn lúc mới vào. Vài đôi mắt nhìn ra cửa sổ. Trâm nghĩ, thế nào cũng có thông reo gió thổi. Có đôi mắt nhìn sững vào khoảng không hay trên vách tường trống trải. Có cặp mắt sáng rỡ nhìn lên như vừa bắt gặp một ý tưởng, một hình ảnh thần tiên nào đó đang chiếu vào khoảng tâm hồn u tối. Có cặp mắt đăm đăm nhìn xuống tờ giấy trắng như chờ mong những hàng chữ bỗng nhiên hiện hình theo phép lạ.

Cuối cùng, Trâm nhìn xuống chỗ Minh ngồi. Cậu bé đang lơ đãng chống tay vào má nhìn lên phía nàng. Cây bút xoay tròn tinh nghịch trên mấy ngón tay trắng nhỏ. Nàng mỉm cười thật nhẹ như thầm nhắc, sao em không viết gì đi. Minh mỉm cười yên lặng. Nụ cười nửa đầm ấm bắt gặp vẻ quen thân trong xa lạ, nửa ngại ngùng bối rối muốn lẩn trốn, che dấu chính mình và những ý nghĩ mình trước đôi mắt dò xét và phán đoán của kẻ khác. Rồi đôi mắt Minh cúi xuống. Ngòi bút loay hoay trong tay, bây giờ bị cắn nhẹ giữa hai hàm răng đều và nhỏ.

Minh vò một mẫu giấy nhỏ vứt xuống đất, giở trang giấy khác, nhưng không viết gì được. Trâm biết Minh muốn đứng lên, chạy bay ra khỏi phòng, chạy thật xa cái nhìn xoi mói của nàng. Nhưng Trâm cứ nhìn như kẻ đi săn nhìn con thú lúng túng tìm cách thoát thân khỏi cái bẫy của mình. Nàng cười thầm, chú mày ngán bị bắt gặp trong phòng cấm túc phải không? Xui xẻo quá, bị bắt phạm tội ngay lúc ta đang điều tra lý lịch chú mày để còn liệu xem.

Thật ra điều đó chẳng có gì xui xẻo cho Minh, nhưng trường hợp chỉ ngộ nghĩnh buồn cười cho nó. Trâm nhớ đến vẻ lễ độ giả vờ và lối ăn mặc làm ra trẻ con ngoan ngoãn của Minh hôm đi với Thức đến xin nàng cho ở trọ trong nhà. Hôm đó thật tình Trâm chú ý đến lời giới thiệu của Thức và tin ở những điều Thức nói về Minh. Nàng không chú ý gì đến đương sự, ngồi khép nép nhỏ nhắn và yên lặng trên chiếc ghế cách xa bàn nàng ngồi. Đến nỗi, mãi chiều hôm đó, nhớ lại cậu bé xin ở trọ nhà mình để liệu bề quyết định, Trâm không còn nhớ hình dáng và vẻ mặt của Minh ra sao nữa. Nó có vẻ còn trẻ con, ngu ngơ, bằng thằng cháu con chị mình, cũng chẳng sao.

Trâm định nếu nó trở lại với người bà con đến gởi gắm, sẽ nhận lời. Nàng cho việc đó không quan trọng và cũng chẳng có gì có thể thay đổi nếp sống đều đặn buồn tẻ cô độc trong tòa lầu mênh mông của mình. Cho nên nàng không hỏi tuổi tên của “ông khách trọ” tương lai nữa. Thêm một người cho nhà đỡ vắng, như Ro-bin-sơn thêm Mọi Thứ Sáu trên hoang đảo, vậy thôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 18:03:59 | Chỉ xem của tác giả
Nghĩ thế nhưng thật ra trong thâm tâm nàng mong mỏi một cái gì khác mà nàng chưa khám phá ra. Nàng chỉ cảm thấy thờ ơ, chán nản khi nhận ra người khách trọ tương lai chỉ là một thằng học trò nhỏ tầm thường và có vẻ… không biết gì cả. Trong hoàn cảnh Trâm, gặp người khách trọ không biết gì cả là một điều may mắn và hợp lý. Nó biết gì, mình cũng biết gì, thế nào cũng mang họa… Biết thế, nhưng Trâm lại chán, lại buồn, nghĩ đến cuộc đời đều đặn kéo dài không biết đến bao giờ và mong mỏi một cái gì, một cuộc cách mạng tâm hồn nào để đổi thay và xáo trộn tất cả.

Nhưng rồi Trâm nghĩ đến gia đình, đến sự ràng buộc của sự sống và nghĩ cách khác: ở nhà biết mình cho một đứa học trò nhỏ cùng ở, hẳn yên tâm. Còn hơn là cho người khác hay một gia đình đông đúc thuê bớt tầng dưới. Để mình ra cho nó mấy điều kiện, làm khó dễ đôi chút rồi nhận lời. Chẳng lẽ lại ừ ngay… Nàng nói với Minh chiều hôm đó:

- Tôi tin Thức, mà em là bạn của Thức, tôi có thể nhận lời. Nhưng chuyện gì cũng phải có người lớn đã. Em từ đâu đến, xin ở nhà tôi, nhưng nếu gia đình em không bằng lòng thì sau này lôi thôi cho tôi và cho em nữa. Vậy em phải đưa một người bà con nào đến đây nói với tôi một tiếng. Vả lại, tuy em là học trò trong trường tôi dạy, nhưng còn xa lạ nhau, để tôi xem lại đã.

Trâm rào đón không phải để điều tra lý lịch gì nó, nhưng để nghĩ lại, chờ xem mình có thay đổi ý kiến gì không. Việc cho Minh ở trọ hay một người nào khác, không quan trọng. Điều nàng đắn đo là có nên kéo dài lối sống Rô-bin-sơn trên hoang đảo, hoàn toàn một mình trong tòa lầu vắng như trong mấy tháng nay không, hay phải thêm người như gia đình nàng dặn dò.

Nhưng Minh thì có lẽ tưởng nàng chưa nhận lời vì còn điều tra, vì chờ lời cam kết của người nhà nó. Vì thế, chiều hôm sau, lúc nàng ngồi một mình ở văn phòng giáo sư, Minh tìm vào. Quần tergal đen, giày đen, áo len màu rêu thẫm, vài cuốn sách cầm tay, trông Minh có vẻ lớn và “biết gì” hơn lần trước nhiều. Trâm ngồi tréo chân trên ghế xa lông gật đầu đáp lại cái chào lễ phép của cậu học trò. Minh ngập ngừng:

- Thưa cô, xin cô trả lời cho em biết về quyết định của cô.

Trâm ngồi thẳng, hai bàn tay đặt ngay ngắn trên vạt áo gấm màu xanh da trời, nghiêm trang và thờ ơ trả lời Minh:

- Tôi đã nói, cần phải có người nhà em đến nói với tôi một tiếng.

- Chiều mai em sẽ đưa bác em lại hầu chuyện cô.

Rồi Minh lại lễ phép chào Trâm và quay ra. Nhưng Minh vừa quay lưng, Trâm gọi lại:

- Này em…

- Thưa cô… gì ạ.

- Em chưa cho tôi biết tên.

- Dạ, Minh. Nguyễn Duy Minh.

- Lớp nào nhỉ?

- Đệ Nhất A ạ.

- Thôi được, em ra chơi.

Trâm chép tên và lớp của Minh vào góc vở soạn bài, định hỏi Hiệp, một giáo sư trong trường về gia thế Minh, vì theo Minh thì Hiệp biết rõ về nó. Nguyễn Duy Minh. Nó ngồi đó. Nó mỉm cười. Nó quên giờ cấm túc. Nó nhìn lên cô giáo và chưa gì cả đã có vẻ chấp nhận “cô là người thân, người nhà của em rồi”.

Gần suốt hai giờ, Minh ngồi lơ đãng thản nhiên giữa đám học trò chăm chú, cặm cụi tìm tòi, suy nghĩ viết. Trâm nhìn xuống tờ giấy trắng trước mặt Minh, lắc đầu nhè nhẹ và mỉm cười. Một vài tác giả đã lục tục đem văn phẩm lên góp. Những “tướng” còn lại hình như cũng sốt ruột, viết bừa thêm vài dòng nữa rồi cũng mang giấy lên qui hàng. Rồi bàn này, bàn nọ, lũ học trò đứa ngồi đứa đứng, lộn xộn như lúc làm xong một bài hạch tấn ích. Chỉ khác là không đứa nào quờ tay xuống học bàn tìm vội quyển vở giở ra dò xem bài làm có trúng tủ không.

Một vài đứa góp bài xong, xin về trước. Nhưng cũng có đứa ngồi phỗng ra như tượng đá. Có đứa còn xin cô cho thêm một giờ cấm túc nữa để được ở lại chơi. Có đứa “thưa cô lần sau cô đến coi cấm túc nữa”. Nhiệm kỳ canh tù sắp mãn, Trâm có thể cười được rồi. Nàng đứng lên, ra dấu cho tụi nó ngồi yên chờ đúng năm giờ mới về. Rồi nàng cúi xuống đống bản thảo dày cộm trên bàn. Một kết quả không ngờ: thơ, truyện vui, truyện ngắn… Nhiều nhất là thơ và thơ đủ loại cả kim lẫn cổ, về hình thức cũng như nội dung.

Từ loại thơ mới “tự do” có đủ hình ảnh công viên ghế đá, dã thú, thảo mộc cho đến cổ lỗ sĩ kiểu mây Tần, song thu, kinh khuyết, thiếp chàng… Trâm mỉm cười tiếp đón tất cả. Trong lúc Trâm xếp loại những tác phẩm đó và gấp vào một tấm classeur thì đám giặc dưới kia nhấp nha nhấp nhỏm ngồi không yên. Chúng nó muốn biết vận mạng của những bài sáng tác đó ra sao. Trâm nhìn xuống chúng nó, ban một câu:

- Thật đáng tiếc…

Những nét mặt nhăn nhó đợi chờ lời chê bai tiếp theo. Nhưng Trâm chỉ định lừa chúng nó, cố làm cho chúng “đau khổ” trước rồi “sung sướng” sau như khi phát bài, bao giờ nàng cũng sắp thứ tự và đọc từng đứa một từ điểm nhỏ đến điểm lớn. Ngừng một phút cho chúng thắc mắc chờ đợi, Trâm tiếp:

- Thật đáng tiếc là không phải bài làm để cho điểm. Nếu cho điểm thì có lẽ các ngài được trên hai mươi cả.

Chúng la lên một loạt và Trâm nghĩ đến tiếng reo hò tở mở của bọn giặc trên sân khấu cải lương khi sắp bao vây một thành trì bằng giấy nào. Rồi mặc cho chúng xôn xao bàn tán, Trâm cúi xuống tờ giấy của Minh mà nàng đã để riêng lúc nãy. Trên góc giấy, chỉ vỏn vẹn có một câu, một câu nói của nàng: Cho không bao giờ phí. Chỉ có nhận mà không biết dùng mới phí mà thôi. Nó còn tinh nghịch mở một ngoặc đơn với hai chữ “danh ngôn” phía dưới câu đó. Trâm ném một cái nhìn khiển trách về phía Minh. Nó cười và cúi đầu nhận chịu.

Trâm nhìn đồng hồ tay: năm giờ đúng. Lệnh cuối cùng ban xuống ba quân:

- Hết giờ, các cậu về.

Cả lớp náo loạn như vỡ chợ. Chúng xô đẩy nhau ngã dúi, ra phía cửa. Có đứa trèo hẳn lên bàn, tuôn ra ngoài bằng cửa sổ. Trâm cười thầm: “vậy mà chúng làm như khoái cấm túc muốn kéo dài giờ tù này ra mãi”. Chờ cho đứa học trò loắt choắt cuối cùng ra khỏi lớp, Trâm thong thả xếp giấy tờ trên bàn rồi ra cửa. Nàng cố tìm cách ra thật chậm cho lũ học trò giải tán hết trước khi nàng ra sân.

Nhưng vừa đi hết dãy hành lang vắng xuống khỏi thang lầu, lũ lâu la đứng phục kích sẵn từ bao giờ, vây kín nàng vào giữa. Không còn lối đi, Trâm đành đứng lại chịu trận. Nàng làm ra vẻ thản nhiên cứng cỏi nhìn vào mặt từng đứa. Thằng cao nhất cất giọng vịt đực ồm ồm:

- Thưa cô… giờ cấm túc của cô… vui quá.

Trâm cười:

- Người coi cấm túc làm cho giờ cấm túc trở nên vui vẻ tức là làm mất ý nghĩa của sự trừng phạt và khuyến khích học trò phạm pháp!

Cả lũ cười. Một đứa nhe răng:

- Thưa cô từ trước đến giờ tụi em chưa gặp giờ cấm túc nào vui như thế!

Trâm quật một đòn:

- Vậy các ngài đây đều là dân cấm túc kinh niên sao?

Bọn học trò cười. Thừa dịp hai đứa có bạn gọi vừa bỏ đi, Trâm vội vàng lách mình ra ngã đó. Vòng vây tản ra, không còn là vòng tròn mà cái đuôi. Chúng nó đi theo sau Trâm lúc nàng về văn phòng cất sổ sách. Tiếng la của chúng nó vọng lên từ dưới chân đồi:

- Tuần sau cô xem cấm túc nữa, tụi em sẽ nghĩ học không xin phép.

- Phá trật tự trong lớp.

- … Đánh lộn.

- … Bao giờ xem cấm túc cho tụi em biết trước.

Thế từ văn phòng lù lù đi ra bắt gặp Trâm đứng nhìn xuống con đường vòng quanh hồ mỉm cười một mình. Y hỏi:

- Hai giờ với tụi nó, chị mệt lắm?

- Không. Vui và phân vân về vai trò của mình. Lẽ ra, tôi không nên làm cô giáo.

Trâm định tiếp nhất là cô giáo trường con trai. Nhưng nghĩ ra mình không thân thiết với tên đồng nghiệp này nên lại thôi.

- Bọn tôi cũng nghĩ thế về chị. Chị trẻ quá và lại hợp tụi nó.

- Anh ám chỉ cái gì?

- Không. Tôi nói thật. Chị trẻ, tụi học trò lại lớn. Ý nghĩ và lối sống của chị gần như tụi nó cho nên tụi nó thích. Chị gây ảnh hưởng trong trường này nhiều lắm đấy nhé!

- Tốt hay xấu?

- Không nên kết luận như thế. Tôi xin nhận xét và miễn phê bình. Cả bọn chúng tôi đều đồng ý công nhận là trước khi chị đến, bọn học trò chơi thân với chúng tôi lắm. Nhưng từ ngày có chị…

Trâm nhớ có một lần Hiệp cũng nói với nàng:

- Từ ngày có chị, lũ học trò trường này không thèm chơi với chúng tôi nữa. Chúng nó vây theo chị rồi đó.

Lần đó Trâm tưởng Hiệp nói đùa để tán khéo nàng. Bây giờ nàng thấy đúng và bắt đầu sợ. Sợ chúng nó. Sợ mình. Sợ những cuộc tiếp xúc rắc rối này, giữa cô giáo trẻ và lũ học trò con trai lớn. Vả lại học trò trường này nổi tiếng là tinh quái nhất. Đến như Thư, nghiêm, khô khan, lại đại học sư… cụ ra mà cũng chẳng đứa nào coi ra gì. Mỗi lần điểm danh, bọn đầu trâu mặt ngựa đứng lên trân trân. Thư gọi, Nguyễn văn A! chúng trả lời phắt, một vợ hai con. Đến: Lê văn B, hắn đáp, góa vợ. Trâm không phụ trách những lớp như Thư, nhưng ở lớp nhỏ vẫn có những nỗi khổ tâm khác.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 18:05:49 | Chỉ xem của tác giả
Không phải Trâm chỉ tiếp xúc với học trò nhỏ mình dạy mà còn với bọn đệ Nhất đệ Nhị, những đứa này không biết ở lớp nào, cứ kiếm chuyện văn nghệ, bích báo, ca nhạc, dạ hội tất niên, cấm trại để đến thưa thốt tán dóc Trâm. Ban đầu ngoài sân, sau lần vô bếp. Mà nàng lại có chân có cẳng trong ban giáo sư chỉ đạo về báo chí và văn nghệ nhà trường. Phải làm sao? Chẳng lẽ thối lui? Mới vào nghề mấy tháng nàng không muốn mất “nhuệ khí”. Nàng vốn thích phiêu lưu tình cảm. Trong địa hạt nghề nghiệp sao lại không có thể làm một chuyến phiêu lưu?

- Mời chị vào văn phòng xơi nước.

Trâm bỡ ngỡ quay nhìn lại Thế. Thấy hắn đăm đăm nhìn mình, nàng lạnh nhạt:

- Cám ơn anh, tôi phải về, chiều rồi.

Thật ra Trâm muốn hắt vào mặt hắn:

- Vợ con một bầy còn léng phéng, huống gì mấy đứa con trai mới lớn.

Thế lúng túng quay vào. Còn lại một mình, Trâm chậm rãi đi về phía sau trường, xuống đồi. Bóng chiều lãng đãng cuối chân mây. Rừng thông mơ hồ khơi gió. Một cơn lạnh mơ hồ thoáng lên da thịt. Trâm khoác chiếc áo lông lên vai, lắng nghe nỗi đìu hiu len lỏi vào tâm hồn và niềm bâng khuâng quen thuộc với cuộc đời cô đơn buồn và đẹp của mình mỗi chiều ở trường về.

Dưới chân đồi, những làn khói lam thổi cơm chiều từ ngôi nhà trắng của Trâm thoang thoảng bay lên, lẫn trong màu xám đục của trời chiều. Phút đó, những tiếng học trò đã lắng; bao vẻ xôn xao nghịch ngợm đã chìm. Niềm vui lâng lâng trong tâm hồn Trâm qua những lúc giảng bài cũng biến mất. Tất cả như một làn sóng dạt vào bờ một thoáng rồi trở về với biển khơi mênh mông.

Trong những chiều hiu quạnh như chiều nay, chỉ còn có mình Trâm đối diện với chính mình, với niềm cô đơn xót xa giữa tòa nhà hai tầng vắng lạnh. Như chiều hôm qua, chiều hôm kia, bao nhiêu buổi hoàng hôn yên lặng đi qua, Trâm lại thấy cần một cái gì phá tan thế giới im lìm này. Mệt tiếng cười gieo trong yên lặng. Một tia mặt trời thắp sáng hoàng hôn. Một niềm vui nhỏ bé cho quãng đời buồn tẻ hiện tại. Cũng như nàng cần đốt lửa đêm đêm trong lò sưởi dù mỗi sáng mai thức dậy phải nhìn thấy tro tàn.

Một khuôn mặt trẻ con hồn nhiên đến vô tội thấp thoáng hiện ra giữa vùng tranh tối tranh sáng của tiềm thức. Mái tóc mềm dịu. Hai con mắt đen nhỏ. Hàng răng trắng đều, nụ cười trẻ con. Về Minh, Trâm chỉ nhớ có thế. Trâm kiểm điểm lại hình dáng và cử chỉ nó trong ba lần gặp. Lần thứ nhất ngơ ngác, rụt rè ở nhà nàng. Lần thứ hai có vẻ lớn và “ra gì” hơn ở văn phòng. Lần thứ ba, chiều nay trong giờ cấm túc. Khuôn mặt nó ngước lên phía nàng như một nhắc nhỡ, thúc giục, thế nào cô có nhận lời em không?

Trâm bước xuống bậc thềm đá trước nhà. Nỗi phân vân có nên cho nó ở trọ nhà mình không đã biến thành một quyết định. Con bé ở đón chủ ở cửa:

- Cô về muộn quá, thức ăn nguội rồi.

Trâm dễ tính:

- Cũng được, ăn xong, mày sửa soạn căn phòng gần thang lầu tầng dưới cho cô, quét dọn và lau kỹ cửa kính.

- Để làm gì vậy cô?

Trâm cong một ngón tay cốc vào đầu con bé.

- Để làm gì sẽ ra sao ai biết được. Buồm sẽ xuôi về đâu còn tùy theo cơn gió.

   
* * *


Vào đến cửa phòng khách, nghe tiếng lục đục trong nhà, Trâm biết là người ở trọ đã dọn đến. Nàng nhìn đồng hồ tay nghĩ thầm, nó đến đúng giờ đấy chứ. Ban đầu mình bảo gì nó cũng nghe, nhưng sau này…Trâm bỏ dở ý nghĩ sau cùng rồi lên tiếng gọi chị người làm mới:

- Chị Ba!

Người tớ gái từ bếp nhanh nhẹn đi ra.

- Thưa cô em làm cơm xong rồi nhưng còn chờ hỏi cô xem dọn dưới này hay trên lầu.

À, ra con này cũng băn khoăn điểm đó như mình, có thêm người, thêm vấn đề. Trâm ngẫm nghĩ một thoáng:

- Ăn trên lầu như mọi ngày. Nhớ thay nước bình hoa trên lò sưởi và dọn dẹp phòng khách lại. Ghế bàn xô lệch bừa bãi thế này.

- Thưa cô, anh gì dọn đến đem đồ đạc ngang qua phòng này như thế đó.

- Thì chị phải thu dọn lại chứ! Bắt người ta làm à…

Trâm chợt dừng lại vì vô tình giọng mình có vẻ bênh người khách để phàn nàn người làm. Nhưng chị Ba đã luýnh quýnh kéo mấy cái ghế ngay ngắn lại quanh bàn và bưng hoa ra phía nhà bếp. Trâm nhìn thoáng qua bóng mình lờ mờ trong cửa kính rồi nhấc tà áo trước lên một tí, đi về phía thang lầu. Ngang qua cửa phòng Minh, Trâm hơi mỉm cười và gật đầu nhẹ đáp lại lời chào của “ông khách trọ” rồi dửng dưng khoan thai từng bước một lên thang lầu gỗ đen bóng. Không nhìn lại, nàng cũng biết ở cửa phòng dưới, Minh đang đứng ngẩn ra nhìn theo ngạc nhiên về thái độ lạnh lùng của bà chủ.

Có lẽ Minh chờ nàng về để hỏi han cách sắp đặt trong phòng, hoặc chỉ để nói với nàng đã dọn tới. Nhưng nàng chỉ đi lướt qua không cần chú ý đến “biến cố” đó, như Minh là một chiếc lá vừa theo cơn gió rơi vào phòng, việc dọn nhà của Minh chỉ là sự xê dịch của một chiếc ghế. Mình phải tỉnh bơ đi, làm ra vẻ cóc cần và kẻ cả ít lâu cho nó biết nể, biết sợ, biết bà chủ không vui tính dễ dãi như nó tưởng, và tuy ở cùng nhà, nhưng muốn “yết kiến” bà chủ cũng phải chờ chực, phải lựa dịp, không phải lúc nào cũng nói bô bô, cũng kêu cũng gọi, cũng hỏi han bất cứ việc gì được đâu. Như học trò trong lóp, muốn xin nói phải đưa tay lên nghểnh cổ về phía cô giáo và chờ đấy… Lúc đầu dễ với nó thì nó leo lên đầu lên cổ mình ngay.

Trâm mở cửa phòng, bước vào và khóa ngay lại. Tự nhiên Trâm thấy tiếng gót giày mình gõ trên sàn nhà gỗ ròn rã hơn mọi khi, cả đến tiếng khóa cửa lách cách cũng vang rền như muốn làm kinh động bầu không khí yên tĩnh trong nhà. Những âm thanh vô nghĩa, nhỏ nhặt đó bắt đầu từ hôm nay trở nên những dấu hiệu, những cách thế của nàng đối với người khác lắng ghe để đợi chờ hay dò xét. Và cũng từ nay ở mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của nàng đều có sự tính toán cân nhắc, đắn đo, như một diễn viên sân khấu phải chú ý từng chi tiết về vai trò của mình trước khi trình diễn.

Để làm gì, mình là chủ, ai bắt buộc đâu. Nhưng Trâm tự biết mình phải che giấu, đến lúc nào hay lúc đó, bản tính, sở thích, con người thật sự của mình với người xung quanh trong buổi đầu về qui hàng cuộc đời khuôn khổ và sáu hủ này. Trước mình chỉ đóng kịch ở trường. Về nhà, ở thế giới riêng biệt là của mình, hồ ly tinh lại hiện nguyên hình con cáo. Bây giờ phải mang lớp vỏ nặng nề giả tạo này cả ở trường, cả ở nhà… Thế là hết đường thoát…

Trâm mở tủ, chọn bộ pyjama hàng boussac dày màu hồng nhạt có những đường kẻ trắng nhỏ, thay quần áo. Bộ mới thay ban sáng còn sạch và trắng, Trâm ném vào chỗ áo quần bẩn chờ giặt. Mặc bộ áo quần cắt ngắn và chật kiểu mới đó, xõa tóc ra nữa, mình còn gì là tác phong chủ nhà. Trâm mỉm cười nhạo bóng mình trong gương lớn rồi ra đứng ở cửa sổ nhìn sang rặng đồi bên kia. Hoàng hôn đã lấp đầy những ruộng dâu, những vườn hoa trong thung lũng. Ánh sáng lờ mờ còn đọng mơ hồ như một lớp hơi màu xám nhạt ở sườn đồi, sắp sửa bay lên vòm trời loãng nhạt, tản mác giữa các vì sao. Hơi lạnh tẩm mùi lá hoa dìu dịu xông lên thoang thoảng theo làn gió.

Trâm rùng mình khoan khoái và cảm giác ngủ quên từ bao giờ bỗng nhiên rờn rợn thức giấc trên chân tóc, làn da. Nàng nhoài hai tay ra cửa sổ, ôm lấy khoảng trống không, rồi cong tay lại, ấp bàn tay lên cổ. Lòng lâng lâng vui sướng. Trâm tính chúm môi huýt sáo. Nhưng nhớ ra, nàng dừng lại, lắc đầu, khép cửa sổ. Với lấy cái áo khoác choàng qua người, Trâm mở cửa, thong thả xuống lầu. Nàng bắt gặp Minh đang nhìn lên trong dáng chờ đợi. Thấy bà chủ xuống, ông khách trọ đứng nép sang một bên nhường lối cho nàng vào phòng.

- Xong cả chưa?

Minh sửa lại tấm lịch mới treo chon gay ngắn:

- Dạ xong nhưng em chờ cô cho ý kiến nên sắp đặt như thế nào.

- Phòng này từ nay không thuộc về tôi nữa. Của em, em dọn dẹp thế nào thì dọn chứ.

- Em sợ… cô không vừa ý.

Trâm nghĩ, Thằng quái này, nó phải dò xem mình có ý hay không mới vừa chứ.

- Đã bảo phòng của em, tùy ý em.

Nhưng rồi Trâm cũng đi quanh phòng, đặt cái này, sắp cái kia.

- Bàn học kê gần bên cửa sổ. Còn cái giường phải quay ngang lại, để xoay đầu về phía cửa, nằm chói mắt lắm.

Minh nhanh nhẹn làm theo lời chủ nhà ngay. Một thoáng, căn phòng bớt bề bộn và có vẻ rộng rãi hơn với cách sắp đặt mới. Trâm nhìn lên cửa sổ:

- Chỉ có cửa gương. Phải treo màn ngăn bớt ánh sáng.

- Thưa cô, treo màn màu gì?

- Màu gì em thích. Nhưng trời mưa xuống thì phải tản cư lên lầu, phòng này ướt sũng hết đấy.

Bỗng Trâm thoáng thấy gói Bastos xanh để ở trên bàn học.

- Em hút thuốc?

Thấy Trâm nhìn mình chăm chăm, nghiêm nghị chờ đợi câu trả lời, Minh luống cuống tìm câu nói gỡ:

- Thưa cô, để… mời khách đấy mà.

- Em hứa với tôi là… không tiếp khách.

Minh đứng im. Hai bàn tay lúng túng đưa lên định làm một cữ chỉ phản đối, nhưng lại buông thõng xuống. Tìm mãi không ra một câu nói dối thứ hai, anh chàng đỏ mặt rồi mỉm cười mong xoa dịu tình hình.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 18:07:13 | Chỉ xem của tác giả
Đến đó Trâm mới để ý đến chiếc hộp sắc tròn nho nhỏ bên ngoài dán hình Claudia Cardinal mặc bikini ngồi duỗi chân trên bãi cát, mái tóc rũ rượi dạt về đàng sau theo chiều gió. Nàng cầm chiếc hộp mỉm cười ngắm nghía. Mùi thuốc nồng xông lên. À cái gạt tàn của cậu ấm đây. Minh đứng quay lưng về phía chiếc tủ thấp ở đầu giường, cố che cho Trâm khỏi nhìn về phía đó. Nhưng Trâm đã thấy những hình tài tử cắt trong các tạp chí điện ảnh bày la liệt trên sách vở, giữa những quyển vở dày, bừa bãi rơi trên nệm gối, Trâm đang tìm một một câu gì khiển trách và cảnh cáo thì Minh đã đón đường:

- Thưa cô phòng trống quá, em xin thằng bạn mấy tấm hình về dán.

Rồi Minh mở cuốn lịch mới đưa trước mắt Trâm.

- Em treo lịch này lên vách đầu giường được không cô?

À, tên này vừa gian vừa ngoan. Quân xỏ lá chứ không ngờ nghệch như mình tưởng hôm đầu rồi. Mình xét lầm người… Trâm nghĩ, chỉ còn cách tìm những phương pháp thích hợp để trị dần dần con ngựa rừng mới lớn đó. Hút thuốc nặng. Chơi hình tài tử. Đàn địch. Bạn bè. Áo quần từng loạt như thế kia. Đúng là điệu con nhà giàu ham chơi biếng học rồi.

Mà áo quần Minh nhiều thật. Hàng chục cái quần màu sẫm gần giống nhau, đều loại đắt tiền. Năm sáu cái áo len kiểu và màu khác nhau vất ngổn ngang trên mặt rương. Hai ba bộ complet, cravate treo xốc xếch lên cái máng áo vừa mắc vội trong góc phòng. Một cây nhót nữa đây. Trâm quay lại nhìn Minh. Trong làn ánh sáng lờ mờ của gian phòng chưa lên đèn, thân hình nhỏ bé, cái đầu cúi nghiêng của người con trai in lên nền tường màu hồng nhạt những nét vẽ linh động nhịp nhàng. Bỗng nhiên, Trâm khám phá ra, qua hình dáng đó, một cuộc sống vừa bắt đầu ngút cháy, cuồng sôi, huyên náo mà lầm lì, thơ dại mà phức tạp, cuộc sống của thanh niên thời đại.

Mấy hôm trước, Minh dưới mắt Trâm hoàn toàn xa lạ, hoàng toàn cách biệt. Như điệu nhạc từ bản đàn chưa một lần nghe thấy. Minh thuộc về loại nào trong cái đám con trai nôn nao xô bồ sống, yêu, đam mê, chán bỏ. Tâm trí nàng dạo một vòng về vỉa hè Sàigòn. Tiếng nhạc bập bùng vẳng ra từ những tiệm cà-phê, đuổi theo nhau quấn quit những bước chân đi không bao giờ tìm thấy đích. Trong vùng ánh sáng nhờ nhờ của đèn xanh đèn đỏ về khuya, từng khuôn mặt non choẹt, ngu ngơ, từng cánh tay duỗi dài trên quầy hàng, từng ngón tay bán chặt lấy ly 33 ướt lạnh. Những bàn chân gõ nhịp xuống nền gạch. Những cái nguẩy đầu. Những cái búng tay. Những cái lắc mình đu đưa theo tiếng nhạc.

Vô số những hình ảnh đó chập chờn chao lượn như những bóng ma hiện lên từ một vực tối hun hút sâu. Ngày này qua ngày khác. Đêm này qua đêm khác. Lũ con trai ngồi đó, im lìm chờ đợi. Im lìm nhìn nhau. Không biết để làm gì. Để đi đến đâu. Khoảng trống không giữa cuộc đời và tâm hồn mở rộng theo vòng năm tháng. Sách vở là những khối đá nặng nề. Lớp học là nhà giam. Lời giảng bài là một thứ kinh cầu cổ lỗ. Nét mặt thầy giáo đăm chiêu vô nghĩa. Những mùa thi rộn ràng mà chán ngán. Đậu hay hỏng cũng thế, đều buồn nản, vô vị như nhau. Không có gì thay đổi giữa những khoảng cách thời gian, đánh dấu bằng bãi trường, khai giảng. Phần nhất, phần nhì rồi đại học. Những phân khoa. Xong rồi cũng ở lại đó, lì ra đó, như con ngựa sau những vòng đua cũng phải trở về chuồng.

Những phương trời nắng gió thật xa vời, chỉ mở ra trong tâm tưởng không bao giờ nguôi khát vọng. Những chuyến đi xa thành hư ảo. Cảm giác tù đày nặng nề bưng bít thêm. Người trẻ tuổi lớn lên. Già cỗi. Chán chường. Nên cảm thấy luôn luôn thừa một cái gì. Luôn luôn thiếu một cái gì, để hoài hoài ray rứt, băn khoăn. Những dấu hỏi muôn đời không giải đáp. Họ ra ngồi đó, nhìn hình ảnh mình trong vẻ rã rời của kẻ khác. Và những bước chân đi qua. Những bước chân trở lại. Thật xôn xao mà hờ hững vô cùng.

Họ rủ nhau vào đêm. Uống thật nhiều. Hút liên tiếp. Mà không bao giờ say. Như gặp rất nhiều, được rất nhiều mà chẳng bao giờ yêu, yêu thành thật để thấy đời có nghĩa lý, có mục đích mà tiến tới. Mình đã ở đó, một thời gian, hay suốt cả thời mới lớn. Trâm không cần biết. Nhưng Trâm bâng khuâng tìm thấy, qua vết tóc rủ che vầng trán, qua con mắt thoáng tươi vui, thoáng mệt mỏi chán chường, qua cánh tay đang hăng hái đưa lên để vội vàng chùng buông xuôi xuống qua những mớ áo quần bừa bãi, những đôi giày còn chưa cũ đã bẩn thỉu mốc meo, qua chồng sách vở xô lệch không bao giờ ngăn nắp đó, hình ảnh của một nửa cuộc đời sớm mỏi mệt, sớm chán chường. Vì đã sớm phiêu lưu, sớm hiểu biết, sớm bỏ liều sự sống.

“Nó cũng đã như mình ư? Nhưng mình đã già rồi, nó còn trẻ quá, trẻ quá! " Ý nghĩ ấy gần bật lên thành tiếng nói. Nhưng Trâm nén lại được và yên lặng nhìn Minh loay hoay treo tấm lịch mới lên tường.

- Gần hết năm, em treo lịch của năm này làm gì!

Lần đầu tiên, Trâm nghe Minh phát biểu một ý kiến hay:

- Với em, năm bắt đầu từ hôm nay.

- Minh.

- Dạ.

- Em nhớ những điều kiện tôi ra rồi chứ?

- Dạ nhớ.

- Gắng làm theo. Em từ xa lạ đến. Nhưng đã ở trong nhà tôi, tôi có trách nhiệm về em. Tôi phải săn sóc để ý đến em. Nói thế để nếu tôi có dặn dò, có nói năng điều gì, không phải có ý tò mò khám phá gì về em.

- Thưa cô…

- Có em trong nhà, tôi cũng yên tâm hơn. Nhưng cũng lo lắng hơn. Em lo liệu đó mà ăn ở…

Bỗng Trâm dừng lại. Nàng cố nói để giảm bớt khoảng cách, để đưa người con trai từ xa lạ về gần thế giới mình. Nhưng giọng nàng có vẻ giảng giải, răn dạy thế nào. Không nên quan trọng hóa vấn đề, cứ sống tự nhiên, đến đâu hay đến đó, biết trước thế nào. Mình dặn mình được chưa mà dặn nó, thật vớ vẩn…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 18:11:59 | Chỉ xem của tác giả
Trâm nhìn lên khung cửa phòng trống trải:

- Có lẽ phải mắc màn ở đây. Khách khương của tôi lên lầu, ngang cửa phòng em.

- Em có cái màn lớn màu đỏ thẫm.

- Đỏ thẫm. Hợp với màu tường hồng và cửa xám. Đưa tôi treo hộ cho.

Minh bắc ghế, đóng đinh trên cao. Trâm tìm ruban trắng buộc cái màn xéo về một bên. Những nếp vải mềm nũng nịu buông chùng xuống nền nhà.

- Đẹp quá! Không khéo phòng này đẹp nhất nhà.

Minh ngập ngừng:

- Dạ, cô cho em căn phòng đẹp thế này, nhưng em ở không thì…

- Sao?

- Xin cô cho em gửi cả tiền phòng thêm vào tiền cơm…

- Khỏi. Tôi đã tính rồi. Em ở phòng này ngay thang lầu để… giữ nhà cho tôi luôn, có quân gian lên lầu thì đã có em chặn lại.

- Vậy em làm gác dan của cô.

Trâm cười:

- Và tiền phòng trừ vào tiền trả cho gác dan là huề. Tôi sẽ giao cho em cái chùy, nếu gác dan không thành kẻ cướp.

Chị Ba nãy giờ đứng thập thò ngoài cửa không dám vào. Thấy cô chủ và người trọ bỗng nhiên cười vui vẻ, chị ta mới chen vào:

- Mời cô xơi cơm.

- Thằng Tuân về chưa?

- Dạ rồi. Đang học bài trên lầu.

Trâm bảo Minh:

- Ăn cơm xong sẽ tiếp tục dọn phòng.

- Thưa cô, em ăn rồi.

- Đến bữa, phải ăn. Đừng lôi thôi. Không vâng lời tôi, khó ở đấy.

Minh ngập ngừng theo Trâm lên thang lầu. Bàn ăn phủ khăn trắng. Bình oellet đỏ thẳm nổi bật giữa những chén dĩa thủy tinh lấp lánh ánh đèn. Từng hạt cơm trắng nõn nà bốc hơi thơm. Những hạt đậu ngà trong màu nước sauce cà chua đỏ thắm. Những lát khoai chiên vàng ruộm cạnh những lá xà-lách xanh rờn. Trâm nhìn một lượt, ba đôi đũa đặt ngay ngắn cạnh mấy cái chén sứ màu hồng nhạt, cảm thấy sự đổi thay trong nhà từ hôm nay có vẻ quan trọng, lớn lao chứ không vô nghĩa, tầm thường như đã tưởng hôm nhận lời cho Minh ở trọ.

Nàng lên tiếng gọi thằng Tuân, và bỡ ngỡ nhận ra tiếng mình cũng không giống những hôm trước nữa. Cả dáng điệu thằng Tuân cũng trở nên dè đặt, vụng về, mất hẳn tự nhiên của những bữa cơm chỉ có hai cô cháu. Trâm ngồi vào ghế. Minh và Tuân nhìn nhau, mỉm cười rồi ngồi xuống.

- Ăn đi nào, không phải khách, khỏi mời mọc.

Minh cầm lấy đôi đũa, cúi mặt nói thật nhanh:

- Mời cô.

Thằng Tuân mọi hôm ngồi vào bàn là xúc, xới, gắp, nhai. Thế mà bây giờ bưng chén lên, nhìn quanh, rồi cũng lúng túng nói:

- Mời cô.

Trâm muốn bật lên cười vẻ ngượng nghịu của hai đứa học trò. Và vẻ đóng kịch nghiêm của mình nữa. Trâm vờ đánh rơi chiếc khăn ăn, cúi xuống nhặt, giấu nụ cười dưới chéo khăn bàn. Lúc nàng ngẩng lên thì chén cơm của Minh đã vơi được vài hột. Nàng nhìn lại chén cơm còn nguyên của mình, chỉ muốn buông đũa đứng lên. Không phải Minh, không phải Tuân lúng túng. Mà chính nàng, bà chủ nhỏ tuổi.

Những hôm trước, ngồi vào bàn, Trâm vừa ăn vừa lơ đãng nhìn xuống ruộng dâu ngoài cửa sổ hoặc chăm chú đọc một bài báo, một đoạn sách đang xem dở. Lưng tựa vào vách, một chân gác lên chiếc ghế bên cạnh, chân kia mắc vào thanh gỗ ngang dưới gầm bàn, Trâm ngồi thoải mái, tự nhiên suốt bữa ăn và không chú ý đến xung quanh, cũng không bị ai chú ý. Bây giờ, trong vai trò mới, Trâm phải thay đổi, phải khéo léo diễn xuất để được cảm tình, sự kính mến của một khán giả tầm thường. Tự ý nghĩ đó, Trâm cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Càng muốn kể một chuyện gì, muốn nói một câu khôi hài cho bầu không khí giữa ba người bớt trang nghiêm căng thẳng. Nhưng mãi Trâm vẫn ngồi yên lặng dè đặt, cẩn thận gắp thức ăn đưa lên miệng, như đang biểu diễn một pha “gái nhà lành” trước ống kính của một đạo diễn khó tính. Cuối cùng nàng hỏi bâng quơ một câu:

- Tuân, chiều nay cô đi vắng, có ai đến không?

- Dạ có, cô không hỏi cháu lại quên đi.

- Ai vậy?

- Ông Lưu đến khoảng ba giờ, chỉ đứng ngoài hỏi, cháu bảo cô không có nhà, ông ây đi ngay.

- Ai nữa không?

- Dạ, ông Ngữ. Nói cô đi vắng mà ông ấy không chịu tin, cứ muốn đi tuốt vào nhà.

Trâm cau mặt:

- Ai chứ ông ấy thì cứ bảo cô đi vắng, ngay lúc cô có nhà cũng thế.

Rồi Trâm nhìn Minh một cái rất nhanh. Người khách trọ đã đặt đũa gọn gàng trên chén, sắp sửa đứng lên. Trâm hỏi tiếp:

- Thế… ông Lưu có dặn gì không?

- Dạ không. Nhưng ông ấy có hỏi đồ đạc gì nhiều thế. Cháu bảo có anh học trò mới đến ở. Ông ta cười lắc đầu rồi bỏ đi.

Minh đứng lên. Trâm buông đũa lấy dao cắt đĩa bánh flanc, tới trước mặt Minh:

- Ăn tráng miệng đã chứ.

- Xin phép cô, em no rồi.

Tuân nói, không để ý đến Minh:

- À, ông ta còn nói dạo này sao cô hay đi vắng thế, lần nào đến cũng không gặp.

Trâm ngạc nhiên thấy Minh thoáng cau mày, mặt lạnh hẳn đi. Rồi cúi đầu, đi vội ra khỏi phòng, xuống thang lầu. Trâm bẻ vụn cái tăm trong tay, ném xuống sàn nhà. Thái độ của Minh làm nàng chợt băn khoăn. Tại sao Minh có vẻ khác thường khi Tuân nhắc đến Lưu? Vì nó oán Lưu cho cấm túc lần trước. Vô lý. Đâu có trẻ con đến thế được. Tự nhiên Trâm mỉm cười. Nàng cảm thấy sắp lạc vào một thế giới nhỏ, xa lạ, mới mẻ để tìm tòi, khám phá nhiều điều bí ẩn. Cái thế giới nhiều màu sắc, nhiều khía cạnh của người con trai mới lớn ở Minh. Nhưng Trâm chợt vẩn vơ lo lắng, Minh nó không trẻ con như mình lầm tưởng lúc đầu. Rắc rối thật…

Bên ngoài, bóng tối buông mau xuống vùng lũng thấp lạnh lẻo. Trâm gọi chị Ba dọn bàn rồi châm một điếu thuốc, trở về phòng riêng. Nàng đứng lại ở khung cửa nhìn chiếc giường nhỏ phủ drap trắng. Cái gối chơ vơ. Đỉnh mùng hẹp và thấp xuống như một nắp quan tài màu trắng. Bỗng Trâm đưa ngón tay lên miệng, lặng đi một giây. Vô tình, Trâm đã chỉ cho Minh kê cái giường trong phòng nó song song và ở ngay dưới giường mình.

Vô tình, Trâm nhận ra điều đó, sự song song của hai chiếc giường qua một khoảng không gian đồng lõa, như hai mặt phẳng số kiếp cùng ở trên một bình diện cuộc đời. Và trong đáy im lìm tiềm thức bỗng mơ hồ vẳng lên một âm thanh bỡ ngỡ. Một tiếng gọi. Một lời nhắc nhỡ: Trâm là đàn bà, và người mới đến dù sao vẫn là đàn ông. Hai cực Bắc và Nam của hai thanh nam châm tiến dần vào một môi trường nguy hiểm là tòa lầu hoang vắng, là tâm hồn sa mạc, là trái tim tha ma của người đàn bà đã từ lâu đơn chiếc.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

16#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 20:42:38 | Chỉ xem của tác giả
Chương 3


Khi Ngữ ra khỏi rạp chiếu bóng Hòa Bình, trời bắt đầu tối. Thành phố lên đèn sớm không xóa bớt sương mù. Những chuỗi dài ánh sáng vòng quanh các nhà hàng lớn, qua những dãy nhà nhấp nhô bên kia đồi, lan tỏa đến những bờ cỏ lấp lánh bên hồ như hàng trăm nghìn mảnh vỡ thủy tinh. Gió lạnh buốt. Hơi sương ẩm ướt và phảng phất mùi cỏ hoa lùa vào nhọn lịm người. Anh choáng váng đi trong vùng tranh tối tranh sáng của những hè phố vắng. Đột nhiên Ngữ dừng lại. Anh cảm tưởng mình vừa quên, vừa mất một cái gì ở đằng sau. Cho bàn tay lạnh ngắt vào túi quần rỗng anh lại cúi đầu đi xuống.

Hàng cây bên đường tỏa bóng tối xuống lối đi thoai thoải dốc về phía Hồ Đàlạt. Những cặp tình nhân, vợ chồng khăn áo ấm áp, tay trong tay, thong thả và lặng lẽ đi ngược về phía Ngữ. Anh nhìn quanh và không tìm thấy một ai lẻ loi như mình. Ý tưởng cô đơn lại vùng lên quằn quại. Bao nhiêu năm anh từ bỏ, chạy trốn, xua đuổi hết để được kéo dài cuộc sống độc thân. Anh từng đến với tình yêu như một cuộc giải khuây ngắn ngủi, sợ hôn nhân như một nhà tù eo hẹp trói buộc cuộc đời mình. Thế mà bây giờ, bỗng nhiên niềm cô độc đè nặng xuống tâm tư, Ngữ cảm thấy cuộc đời trở nên trống rỗng hoang vắng lạ thường. Anh không thể chịu được. Nhưng anh cũng không thể làm gì hơn.

Hay mình về Sàigòn, cưới Vân và đưa nàng lên đây với mình là xong… Băng khoăng mãi, Ngữ chợt nghĩ đến lối giải quyết giản dị đó. Không, anh sẽ hết cô đơn, nhưng niềm cô độc mênh mông sẽ còn lại, khắc khoải và thê thảm hơn hiện tại. Thà một mình còn hơn chung sống với người mình không yêu thương, trong khi tâm hồn đã mang lỡ một hình ảnh xa vời khác. Trâm. Ngữ gọi thầm tên người mình yêu và rưng rưng hờn tủi. Anh chợt buồn tiếc ngẩn ngơ như người chỉ sai một con số chót ở tấm vé nên đành mất lô độc đắc.

Thế mà anh đã nhẩm tính, đã phác họa ra một chương trình tuyệt diệu cho tương lai trong đó có bóng dáng Trâm. Anh đã tưởng tượng ra cảnh một gia đình thật đầm ấm, thật lý tưởng cho Trâm, cho anh, cho những đứa con kháu khỉnh sau này. Nhưng cái bóng hạnh phúc mới thoáng hiện lên đã vội vàng xa khuất. Như một giễu cợt, một trêu đùa. Anh nghĩ Trâm cũng chỉ xem anh là trò vui giây phút. Hay chỉ là một cuộc thí nghiệm đối với nàng. Chỉ là một cái dấu cộng tầm thường vô nghĩa trong những bài toán tình cảm của Trâm. Con người như vậy ai ngờ tàn nhẫn!

Nhiều khi Ngữ thầm oán trách Trâm. Nhưng anh hối hận vì thấy mình vô lý. Anh chỉ tiếc tình mình chân thành không được chấp nhận mà thôi. Mà anh cũng không hiểu được những diễn biến tâm trạng của Trâm nữa. Đầu tiên, nàng thật tử tế. Thật dịu dàng. Thật nhu mì thuần hậu. Và yếu đuối bé thơ như cần đến anh, như cầu xin một che chở, như chờ đợi một vòng tay ôm trọn đời nàng. Cho nên Ngữ đến với nàng. Ý niệm gia đình cũng nhóm lên cùng với những bước tình yêu.

Muôn đời Ngữ không bao giờ quên một buổi chiều anh đến thăm nàng và ngỏ ý xin cưới nàng làm vợ. Giọng anh, giọng nàng trong mẩu đối thoại ngắn ngủi và êm đềm đó còn như văng vẳng đâu đây. Với dáng Trâm thật dịu hiền bé bỏng thu hình trong chiếc ghế rộng, hai tay choàng chéo bờ vai, đôi mắt hươu nai qua làn tóc rủ rèm đêm che hờ nửa mặt.

- Trâm à, đã từ lâu, tôi muốn nói với Trâm…

- Thôi, tôi biết rồi và anh đừng nên nói. Không thể đâu! Anh biết qua lời đàm tiếu của thiên hạ về dĩ vãng của tôi rồi chứ? Anh không thể sung sướng với một người vợ tai tiếng đâu.

- Tôi đã nghĩ đến điều đau đớn đó. Nhưng yêu thương sẽ xóa lấp tất cả chuyện ấy. Mình nên nhận định một cách rộng rải, và giúp nhau bắt đầu lại cuộc đời.

Những ngón tay nhỏ và mềm của Trâm bám nhẹ vào rèm tóc buông, giọng nàng thoang thoảng như hơi gió mặn nồng từ biển cả thổi về:

- Không được đâu anh. Một ngày anh thôi yêu thương, những tì vết của tôi lại hiện hình ám ảnh. Mình coi nhau như bạn, được rồi.

- Hay là Trâm chê tôi không bằng những tỉ phú, những phi công, những giáo sư đại học của Trâm?

Môi Trâm mím lại và mắt Trâm rực lên như ánh lửa cuối cùng:

- Đừng nói thế. Đừng nhắc lại. Anh không hiểu tôi đâu, đừng phán đoán. Tôi đã nói, tôi không cần gì cả. Đia. vị. Tiền bạc. Bề ngoài. Không. Tôi chỉ cần một thứ, một thứ tìm mãi không hề có, hoặc có mà không thể giữ mãi được với mình: tình thương.

- Trâm. Nếu chỉ có thế, sao Trâm từ chối tôi. Trâm biết, Trâm thấy tôi yêu Trâm chừng nào mà…

Trâm úp một bàn tay lên mặt:

- Yêu, ai cũng nói thế cả. Anh cũng như những người trước. Những kẻ sau anh. Như nhau hết. Anh thành thật. Nhưng tôi không tin. Tôi không còn tin ai, tin cái gì nữa. Vì vậy mà, dù không muốn, tôi vẫn sống một mình như thế này, bao nhiêu năm rồi, từ khi…

Trâm muốn chìm vào quá khứ để đau buồn, hối tiếc, nhưng Ngữ say mê hiện tại, say mê cái tương lai sắp sửa ngời lên như nụ cười, ánh mắt Trâm những buổi sáng mai gặp anh trên đường:

- Trâm. Trâm có sợ nghèo không?

Trâm nhìn anh không nói. Ngữ tiếp:

- Tôi còn gánh nặng gia đình nữa. Mẹ tôi và hai đứa em trai còn đi học, tôi phải lo… Trâm bằng lòng san sẻ cuộc đời đó với tôi không?

Trâm trả lời bằng câu hỏi khi Ngữ ra về:

- Anh có đến đây nữa không?

Như lời chấp thuận. Thế mà… thế mà, tại sao như vậy được, khi Ngữ đến, lần sau nữa, cửa đóng im lìm, rồi con bé ở của nàng ra bảo Cô đi vắng. Nhưng nhìn lên cửa sổ lầu cao, anh thấy nàng đứng đó nhìn ra rừng thông, thản nhiên hút thuốc, thản nhiên nhìn anh đau đớn đi qua. Vẻ dửng dưng của Trâm như một thách đố, xua đuổi anh.

Nhưng Ngữ vẫn tới. Con người thay đổi luôn luôn như Trâm, nay chấp thuận, mai khước từ, thì cũng biết đâu có lúc nàng lại đợi chờ và tiếp đón anh. Cho nên Ngữ đến hai ba lần nữa. Rồi hàng chục lần. Khi chiều xuống, khi đêm khuya, khi một hai giờ sáng, trời lạnh như tuyết phủ bốn bề, bóng tối tràn lan như đáy vực sâu, anh đi lang thang trên con đường rừng qua nhà nàng tựa một oan hồn lủi thủi. Anh si mê. Anh điên dại mất rồi.

Con bé ở, lũ trẻ con, bọn học trò cũng biết hết. Trông thấy anh qua đó, chúng nó chỉ chỏ, nói cười. Sự khinh bỉ, đùa cợt như hắt tạt vào mặt anh. Ngữ thấy mình kỳ quái như một sinh vật từ hành tinh nào rơi xuống cuộc đời này để chịu cực hình. Anh dừng lại. Cố quên đi. Nhưng mỗi khi trông thấy Trâm hiện ra trên dốc cao ở con đường đến nhà người bà con cạnh nhà anh, mỗi khi cái bóng dáng nhẹ nhàng, nhỏ nhắn và tươi thắm đó vờn qua khung cửa sổ phòng anh như một làn mây hờ hững, anh lại bàng hoàng xúc động. Rồi không kìm giữ nỗi. Lại đeo đuổi. Lại van nài. Để bị hất hủi, chối từ, khinh thị.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

17#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 20:45:01 | Chỉ xem của tác giả
Một chiếc xe nhà binh ầm ầm chạy từ ngã ba bờ hồ tới. Ánh đèn lóe sáng một vùng đêm âm u. Tiếng la của một người lính trẻ vọng xuống:

- Ê, đi vào lề đường nghe bồ.

Ngữ nhìn lên. Chiếc xe đã chạy qua. Làn ánh sáng mất hút ở cuối đường, anh chợt mỉm cười buồn và mơ hồ thấy lại chiếc mũ đồng của người lính. Ngữ chợt nhớ lời thư của một người bạn mới vào quân ngũ gửi thư về, không có lý tưởng vì mục đích để tranh đấu, Ngữ à. Nhưng mình đến con đường này như chọn một giải pháp cuối cùng. Đời quân ngũ kỷ luật, thì giờ eo hẹp. Những cuộc tập trận bất ngờ, những chuyến hành quân thật xa. Mình đã quên đi những thắc mắc riêng tư, những dấu hỏi về thân phận người đời, những khoắc khoải cô đơn. Mình hoạt động nhiều để cảm thấy đang sống, dù rằng thật đáng buồn là không biết sống để làm gì, để đi tới đâu như thế này. Ngữ vẫn vò đầu với những Heiđeger, Nietzche, Kierkegaard. Hay cậu vào lính như mình cho xong đi…

Những ánh đèn ở trạm xăng và bến xe lóe sáng ngã tư đường. Ngữ đi mau về phía hồ, ngồi xuống một gốc thông viền xi-măng làm ghế đá. Hồ vào đêm. Những dẫy néon bên bờ soi mình xuống mặt nước đen sóng sánh. Ngữ nghĩ đến những vành lược đính kim cương trên một mái tóc đêm chập chờn rung động của người con gái trong thần thoại cổ tích đã mất đi theo tuổi ấu thời. Bên kia hồ, hàng thông đứng im lìm như những khối bóng lạnh lùng và bí mật của lũ đàn bà yêu ma xõa tóc chờ đợi người tình không bao giờ đến.

Thỉnh thoảng một ánh đèn xe quét lên mặt đường vòng bên kia những giải vàng rực rỡ rồi im lịm tắt dần như ảo ảnh. Dưới chân Ngữ, cỏ đêm ngủ vùi trong tiếng ru não nùng, mơ hồ của dế dun. Anh kéo cao cổ áo, tựa vào gốc thông và chợt thèm một điếu thuốc, hay một ly rượu vừa nồng vừa đắng. Mình không hút, không uống, không chơi từ ngày đi làm việc. Hiền lành như chuẩn bị để lấy vợ. Hai chữ cuối trong tuyệt vọng của mình và lâng lâng đau khổ.

Tự nhiên anh muốn bỏ đi, bỏ miền đồi phố sương mù lạnh lẽo này trở về Sàigòn, bê tha, phá phách, sống để quên, sống như thời mới lớn, mới yêu người con gái đầu tiên trong đời. Lương tháng bảy tám nghìn, tiêu cho hết, để làm quái gì. Ngữ sắp đứng lên thì một bàn tay từ phía sau ấn vai anh xuống.

- Tưởng cậu đi ciné chứ.

Ngữ quay lại. Trong vùng tối lờ mờ của bóng cây, anh nhận ra Biên, người bạn cùng ở nhà trọ.

- Cũng vừa ở Hòa Bình ra.

- Phim hay?

- Xem nhưng không thấy gì cả.

Biên hiểu. Như Biên hiểu vì sao dao này bạn hay ngồi im lặng hàng giờ không làm gì, không nói, không đọc sách hoặc đang đêm, mở cửa ra đi, để mấy giờ sau trở về, áo quần ướt đẫm nước mưa và mắt đỏ hoe như vừa mới khóc. Với người khác, Biên có thể khuyên giải hoặc an ủi được. Nhưng Ngữ, anh không thể cản trở những bước phiêu lưu đau đớn đó. Ngữ vừa yếu đuối, dễ cảm xúc, lại vừa cuồng nhiệt đam mê. Lẽ ra, típ người như Ngữ phải sinh ra từ mấy thế kỷ trước: lãng mạn, đa tình, bi lụy. Và chân thành yêu thương, chỉ có thể có một mà không hai, chỉ ràng buộc mà không thể thay thế một bóng dáng đàn bà khác trong tâm trí. Con người như vậy lại yêu Trâm.

Người đàn bà đó, hiền dịu, bé thơ, nhưng những đớn đau, tủi hờn quá khứ đã biến tâm hồn nàng thành cái bầu thuốc độc của một mụ phù thủy. Người ngự trị được tâm hồn đó, không thể là Ngữ. Phải từng trải, rắn rỏi, cao thượng, sâu sắc, phức tạp vô cùng mới hiểu và chiếm được bầu độc dược phù thủy đó, cho nên nghe bạn hí hửng nói Trâm nhận lời lấy Ngữ, Biên không tin. Điều đó không thể xảy ra. Mà quả đúng như thế. Ngữ thất vọng, vì đã quá nhiều hy vọng. Bây giờ người thất vọng ngồi đó, tự đọa đày vào tiếc nhớ, hằn học, hờn yêu. Biên thấy bạn ngây thơ và mơ mộng quá chừng.

- Đi cậu.

- Đi đâu.

Biên chỉ con đường đầy bóng tối quanh bờ hồ:

- Một vòng rồi về ngủ.

Nhưng khi Ngữ ngồi lên yên sau của chiếc vespa cho bạn chở đi, tự nhiên Ngữ nói:

- Đến Trâm đi.

- Biết Trâm có nhà không?

Thật ra thì Biên nghĩ, biết Trâm có tiếp mình không?

- Có Biên đi cùng, thế nào cũng hên chứ.

Biên phóng xe về con đường đến viện Đại Học rồi rẽ vào một lối nhỏ quanh rặng đồi thấp.

- Lối này xa và tối quá.

Ngữ cười sau lưng bạn:

- Cậu sợ, còn mình quen bóng tối con đường này rồi.

Một tiếng còi xe hơi ngắn và khô phía sau, rồi chiếc Peugeot trắng lướt qua. Biên quay lại:

- Cậu biết hắn?

- Lưu, giáo sư. Nghe nói thân với Trâm lắm.

Biên cũng nghe nhiều người đồn đãi điều đó, định giấu bạn, không ngờ Ngữ đã biết trước. Tự nhiên anh so sánh Ngữ với Lưu, Ngữ thì hiền lành, chân thật, mềm yếu. Lưu thì trái lại. Lúc nào hắn cũng có vẻ ngang tàng gần như phách lối, kiêu ngạo, lại ranh mãnh, rắn rỏi. Có lẽ Trâm từ chối Ngữ chỉ vì Lưu. Trước kia, Trâm tử tế với Ngữ vì khi đó chưa quen biết Lưu. Giờ người thứ hai hiện đến lẽ tất nhiên Trâm so sánh và chọn lựa. Lưu đã thắng. Bài toán giản dị vô cùng. Nhưng Ngữ hình như không biết, hoặc không muốn hiểu rõ điều đó.

- Dạo này Trâm ít về thăm ông bà Thân nhỉ.

- Có lẽ Trâm nhiều việc.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

18#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 20:46:54 | Chỉ xem của tác giả
Nói thế, nhưng Ngữ cũng biết Trâm không về thăm nhà người bà con cạnh nhà anh là vì Trâm muốn tránh không cho anh gặp mặt. Trước kia, chủ nhật nào nàng cũng về. Lũ trẻ con bên ấy tíu tít chạy ra reo mừng đón người chị họ. Tiếng reo của chúng cũng là tiếng reo trong lòng Ngữ. Nàng cúi xuống dịu dàng xoa đầu, vuốt má chúng rồi chia quà cho từng đứa. Mỗi lần nhìn sang bắt gặp anh ngồi sau khung cửa, nàng ân cần hỏi vọng sang: "Chủ nhật anh Ngữ không đi chơi?", Ngữ nói: "Đi một mình buồn lắm". Trâm đùa: "Gọi cô Vân về đi với". Là vì có lần Ngữ nói với Trâm về vị hôn thê không bao giờ anh muốn cưới đó.

Những ngày vui ấy không còn nữa. Bây giờ thấy anh, nhiều khi nàng ngoảnh mặt làm lơ, không chào hỏi, như anh đã có trọng tội đối với nàng. Ngữ chỉ biết ngồi ở khung cửa đó nhìn sang nhà bên và nhớ đến hồi mới quen Trâm. Lúc đầu thoáng thấy Trâm, anh tưởng nàng từ xa về chơi ít bữa rồi đi. Nhưng hết mùa hè, nàng còn ở lại. Một buổi sáng, anh thấy nàng đi trước, lũ học trò nhỏ theo sau, trên con đường dốc về trường. Dò la, nhà bên kia cho biết Trâm dạy học.

Anh qua lại, làm quen. Nàng tự nhiên, trong câu chuyện và cử chỉ, xem anh như một người thân trong nhà. Được một tháng, nàng bỗng dọn đi. Cái sân vuông có bể nước rộng, những giò lan mắc trên bức tường thấp, hàng dây thép phơi khăn mặt, mấy chiếc thau nhôm bóng loáng. Tất cả những thứ đó bỗng trở nên những di tích thần thánh đối với Ngữ từ ngày Trâm đi.

Mỗi buổi sáng, anh nhìn sang đều thấy Trâm ra rửa mặt. Thân hình nhỏ nhắn và tươi mát của nàng vươn lên, nghiêng nghiêng bên thành bể nước. Nét mặt không phấn son trang điểm của người con gái sau giấc ngủ bình yên gây trong lòng Ngữ những cảm tình cao quí trong sạch. Nhưng khi nàng không còn đó nữa, vuông sân với những thước khối không khí giá buốt ban mai, với những búp phong lan chớm nở đón xuân về, với tiếng nước chảy róc rách từ vòi cao su xuống lòng bể sâu, tất cả biến thành một vũ trụ hoang vắng buồn tẻ thế nào. Ngữ cảm thấy trống trải thiếu thốn một thứ gì.

Khoảng trống đó rộng dần dần mãi ra, trải dài như sa mạc hoang vu. Và trên cõi hoang vu đó, những tiếng vọng mơ hồ thầm kín vẳng lên như tiếng kèn nhớ quê của một kẻ bị lưu đày: Anh nhớ, vì anh yêu. Cho nên lòng anh như mở hội mỗi lần bà thím của Trâm bên kia nhờ anh đến nhắn hỏi hay đem dùm cho Trâm một cái gì. Anh có lý do chính đáng để đi thăm Trâm.

Một tình yêu chân thật và tốt đẹp phải đưa tới hôn nhân. Anh ngỏ ý với Trâm. Nàng gần chấp thuận. Rồi nàng khước từ. Rất tàn nhẫn. Rất kiêu ngạo nữa. Nhưng anh không thể quên, không thể gỡ mình ra khỏi những mắc lưới vừa êm ái vừa đau đớn của cuộc tình đơn phương đó.

Ngữ hồi hộp nhìn lên những đốm đèn nhấp nhánh trên ngọn đồi trước mặt. Anh đập nhẹ vào lưng Biên:

- Hay thôi trở lại đi.

- Sao vậy?

- Chắc Trâm ngủ rồi.

- Còn sớm mà cậu.

- Vả lại, hình như lúc này có mấy đứa học trò ở trong nhà Trâm. Hôm trước nghe bà Thân bảo thế.

- Mặc bọn nó chứ. Sao có chúng nó thì không đến.

Con đường ven rừng dứt nẻo ở một vùng nhà cửa lưa thưa bên thung lũng. Tòa nhà trắng của Trâm lờ mờ yên lặng trong ánh trăng non bàng bạc đầu mùa. Ánh đèn le lói hắt qua khe cửa, chiếu lên mặt đường một tia sáng lờ mờ vàng vọt. Hai người dừng xe cách xa cửa ngõ và đi bộ xuống bậc thềm đá.

Nghe tiếng xe dừng, Trâm chưa kịp chạy ra xem ai thì Ngữ và Biên đã đứng sừng sững ở khung cửa phòng khách. Nếu không có tiếng Trâm gọi chị Ba trong phòng thì Tuân đã nói dối với họ cô đi rồi như lời Trâm dặn, nhớ nói cô không có nhà khi nào ông Ngữ đến.

Lúc đó, Trâm đang ở phòng Minh. Ánh đèn màu hồng nhạt từ trên bàn học Minh hắt lên tường dáng Trâm ngồi nghiêng trên chiếc ghế nhỏ. Trên giường, Minh nằm thiêm thiếp, cả thân hình lấp dưới những lớp chăn dày, chỉ còn cánh tay trái vươn ra ngoài, buông thõng xuống đất. Đầu lún xuống làn gối êm, mái tóc đen mềm rối bời bồng bềnh viền quanh khuôn mặt trắng xanh nhợt nhạt. Đôi mắt Minh nhắm nghiền, nhưng làn mi còn nhẹ nhàng rung động như người thoắt về gần, thoắt lùi xa trong trạng thái chập chờn mê tỉnh. Khoảng mền trên ngực Minh phập phồng lên xuống theo hơi thở mệt nhọc. Thỉnh thoảng đầu Minh nhỏm lên, như cố thoát ra khỏi một sức đè nén nặng nề nào, nhưng mệt và yếu, nửa thân hình trên của nó lả xuống. Trâm lo lắng nhìn cánh tay của người con trai mềm nhũn buông thõng xuống như không còn sự sống nữa.

Chị Ba ngồi thụp xuống đất, lọ dầu trong tay, hết nhìn cô chủ lại nghểnh cổ trông chừng người ốm. Rồi chị bật lên:

- Hay cô để em cạo anh ấy.

- Không. Có bị trúng gió đâu. Chị đi pha giùm ly sữa. Đưa lọ dầu đây tôi.

Chị Ba đi ra, Trâm trút dầu vào lòng bàn tay, gỡ nhẹ mền chặn trên ngực Minh và cúi xuống. Nàng mở hạt nút ở cổ áo chemise của Minh và luồn bàn tay tẩm dầu vào trong đó. Minh chợt mở mắt. Hai con ngươi sáng dịu ánh lên một thoáng rồi làn mi cong đen từ từ khép lại. Minh mấp máy môi muốn nói điều gì, nhưng rồi nó xoay người, quay mặt vào vách, dúi đầu vào mặt gối.

Trâm lần nhẹ bàn tay trên làn da ngực nóng rực của người con trai. Rồi Trâm nhìn thấy mơ hồ và kỳ lạ, từng ngón tay mình chập chạp rời khỏi khuôn ngực áo trắng nõn đó. Rồi cũng bàn tay nàng mà trong phút đó Trâm tưởng như của một người thứ hai cài kín hột nút áo Minh và kéo chăn đắp lại như cũ.

Trâm cúi xuống gọi nhỏ:

- Minh, em khoẻ chưa?

Không tiếng trả lời. Bàn tay của Trâm lại đặt lên vầng trán người con trai. Cả khuôn mặt Minh lạnh ngắt như bao nhiêu mạch máu dưới làn da đều đọng cứng và tê cóng lại. Trâm chấm dầu vào ngón tay và xoa nhẹ hai bên thái dương Minh. Đúng lúc Biên với Ngữ đi vào.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

19#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 20:48:17 | Chỉ xem của tác giả
Ngữ đứng lặng người một lúc trước cảnh tượng êm đềm đột ngột đó. Lâu lắm, anh mới lắp bắp:

- Sao thế chị Trâm?

Trâm gật đầu đáp lại cái chào của Biên nhưng không quay lại nhìn Ngữ, cười gượng:

- Nó… bị trúng gió lúc đi học về. Trời đổi mùa, gió máy thật độc địa.

Rồi nàng liếc nhanh về phía gậm bàn học của Minh, yên tâm: cái vỏ chai rượu với cái cốc khuất vào bóng tối, đứng phía cửa nhìn vào không trông thấy được. Nàng nói dối không phải e ngại gì, nhưng không muốn cho người ngoài biết rõ những chuyện xảy ra trong nhà mình. Với lại Ngữ sẽ đặt dấu hỏi nếu biết Minh vừa uống hết nửa chai rượu và lúc này chưa dứt cơn say. Nhưng mùi rượu nồng nồng còn phảng phất trong không khí. Trâm lại tìm câu nói dối:

- Gớm, cái ông lão khùng nhà bên cạnh cứ uống rượu ti tì rồi vác xác qua đây nói huyên thuyên, làm nồng cả hơi rượu.

Thấy Ngữ tò mò ngắm quanh gian phòng, Trâm bực tức đặt mạnh chai dầu xuống bàn ngủ đầu giường và đứng lên:

- Mời các anh lên phòng khách, ở đây chật chội quá…

Ngữ thì tưởng Trâm ân cần mời mọc, thản nhiên đưa Biên lên lầu. Trâm gọi chị Ba lấy nước, bảo Tuân ngồi canh chừng Minh, rồi bất đắc dĩ lên theo hai người khách.

Ngữ ngồi xuống ghế và với tay xé tờ lịch treo trên vách gần đó. Trâm khó chịu ngoảnh mặt đi, Hắn làm như là người thân thiết trong nhà mình. Muốn làm le với Biên chắc. Mình phải tỏ cho Biên biết là Ngữ đối với mình không ra nghĩa lý cóc khô gì hết! Cho nên bỏ cả phép xã giao, Trâm mặc Ngữ ngồi ngơ ngẩn nhìn quanh phòng, tò mò ngắm nghía những bức tranh treo trên tường, quay sang hỏi han chuyện trò với Biên. Nàng không thích Biên, hoặc không nghĩ rằng có thích được người như Biên không, nhưng dù sao Biên vẫn đứng đắn, lễ độ và biết phận hơn Ngữ. Lâu lắm Trâm mới hỏi Ngữ một câu:

- Lâu nay anh vẫn vừa đi làm vừa học thêm Triết?

Được dịp, Ngữ trút một hơi:

- Tôi thì làm chẳng ra làm, học chẳng ra học nữa. Cứ đi lang bang cho hết tháng ngày. Hôm nọ dạo quanh bờ hồ bị một mẻ vừa rắc rối vừa ly kỳ đó. Một cô học trò từ Sàigòn về Đàlạt, tự tử. Tôi đi ngang vừa lúc cô ta nhảy xuống, gần chỗ mấy chiết ho-bo đậu. Lúc đó khuya, lạnh ngắt mà phải nhảy tòm xuống nước kéo cô ta lên. Rồi phải đi gọi cảnh sát. Phải theo cô ta vào nhà thương, phải đến trình ở bót…

Trâm ngắt ngang:

- Cô ta sống nổi không, hay chết?

- Sống mới mệt chứ, Và cô ta đi tìm tôi tạ ơn.

Rồi Ngữ kể tỉ mỉ những chi tiết về cuộc cải tử hoàn sanh cho người con gái lạ. Lúc bế cô ta lên xe. Lúc ngồi canh chờ cô ta tỉnh dậy. Lúc cô ta đi tìm gặp anh và hai người khai lý lịch cho nhau. Ngữ tưởng những điều đó làm Trâm chú ý và ganh tức, tưởng Trâm sẽ tiếc và níu anh lại với mình. Ngữ quên bẵng đi một sự thật giản dị và gần gũi nhất: Không yêu, người ta không bao giờ thèm ghen. Và trường hợp anh, càng tìm cách chắp nối, ràng buộc, càng làm cho Trâm cảm thấy xa cách muốn đẩy bật anh ra khỏi thế giới của mình.

Chị Ba bưng trà lên, Trâm hỏi:

- Minh nó uống sửa chưa?

- Thưa cô, anh ấy không dậy uống. Nói mê nói sảng gì đâu ấy.

Trâm đứng lên:

- Xin phép các anh, tôi xuống nhà một lát.

Ngữ tính ngồi yên chờ Trâm lên, nhưng Biên đã ra dấu cho Ngữ và cả hai theo Trâm xuống lầu rồi kiếu từ luôn. Khách vừa ra khỏi cửa, Trâm gọi Tuân:

- Sao cháu để họ vào?

- Cháu định nói cô đi vắng, nhưng họ nghe tiếng cô rồi mà.

Trâm lẩm bẩm:

- Người đâu mà lì thật.

Nàng khóa cửa trước rồi vội vàng vào phòng Minh, ngồi xuống chiếc ghế đầu giường:

- Tuân lấy vở xuống ngồi đó học bài. Chị Ba lấy cho tôi chén xúp đậu đây. Phiền quá, nó chẳng ăn uống gì thế này.

Trong gian phòng yên tĩnh về khuya, chỉ còn tiếng thở mệt nhọc không đều của Minh, và tiếng gió quật nhẹ nhàng trên những cánh cửa kính đóng kín. Trâm ngồi yên lặng ngắm Minh, băn khoăn về những chuyện xảy ra chiều nay.

Buổi họp văn nghệ ở trường kéo dài đến bảy giờ tối. Khi Trâm về đến con đường nhà, trời đã tối mịt. Không thấy Minh và Tuân ra đón như thường lệ mỗi lần đi dạy về muộn, Trâm đi nhanh như chạy xuống con đường dốc thoai thoải. Thằng Tuân đứng chờ nàng trước cửa nhà.

- Cô mau lên. Anh Minh bị…

- Chuyện gì vậy?

- Anh ấy uống rượu đang say trong nhà.

Trâm nhảy xuống những bậc thềm đá và tuôn vào như gió. Nàng ném mấy quyển sách và cái ví tay lên lò sưởi rồi thoăn thoắt vào phòng Minh. Phòng chưa bật đèn, ánh sáng ở thang lầu hiu hắt rọi vào, lờ mờ soi một cảnh tượng bừa bãi. Trâm đứng sững lại. Rồi tiến tới vài bước cạnh bàn Minh đang ngồi. Yên lặng một lúc, rồi tiếng Trâm hắt lên xa lạ mơ hồ.

Trâm hỏi mãi, Minh chỉ lắc đầu không nói. Nó gục đầu xuống cánh tay duỗi trên mặt bàn. Tay kia còn cầm chai rượu. Bên cạnh nó, sách vở bừa bãi lẫn với những mẫu tàn thuốc, những cây viết, những mẫu giấy xé vụn và một cái cốc còn nồng nặc mùi rượu. Lúc đầu, Trâm còn cố giữ vẻ nghiêm trang kẻ cả để hỏi tội Minh. Nhưng thấy vô hiệu, nàng đổi thái độ. Mà Trâm cũng thấy lòng mềm lại, không muốn đóng kịch với Minh, với chính mình nữa.

Trâm đặt nhẹ bàn tay lạnh giá lên mái tóc rối bù của Minh. Nó ngửng lên nhìn nàng. Trong bóng tối lờ mờ, hai con mắt chợt ngời lên một tia sáng rồi vội vàng lịm tắt. Đôi môi dày và gọn như một nụ hôn, ướt át, nồng nàn hé ra, mấp máy. Giọng Trâm khác đi:

- Tại sao em như thế Minh?

Bàn tay bé nhỏ của Trâm ngập ngừng đưa xuống bờ vai Minh. Hơi nóng từ da thịt người con trai như bốc lên qua tấm áo len dầỵ. Trâm cảm thấy thân hình, cảm giác, đầu óc nó đang cháy lên, đang sôi bỏng, sắp sửa nổ tung lên thiêu hủy chính nó. Trâm nghĩ mãi, không hiểu vì sao nó đã uống gần nữa chai rượu. Vì sao nó muốn say, nó tự hành hạ như vậy ngay trong nhà này, nhà của một cô giáo.

Có thể Minh buồn vì một chuyện riêng không liên hệ đến nàng. Nhưng vô lý. Tại sao mắt Minh nhìn Trâm kỳ lạ thế? Trông vẻ đau xót, Trâm hiểu cái nhìn đó. Vì đã bao nhiêu đôi mắt con trai, đàn ông nhìn nàng như thế. Nhưng Minh chưa là đàn ông, cũng không còn là một đứa con trai. Dưới mắt Trâm, trong ý nghĩ Trâm, nó chỉ là một đứa bé khác thường, nghịch ngợm mà lãng mạn. Trâm vẫn nhìn và tưởng như thế từ khi nó đến xin ở trọ.

Nhưng chiều nay, trước mắt Trâm, nó biến đổi vô cùng nhanh chóng. Chỉ vì một chai rượu. Và một cơn điên nào đó dày vò tâm trí. Nó ngồi rũ rượi, chán chường và cô độc như những gã ăn chơi sau cuộc vui, muốn phá đập cho tan tành cái trống rỗng rã rời trong cuộc đời và thể xác. Nó ngồi đó. Bóng tối u uất vây quanh. Và nó làm kẻ bệnh hoạn bị bỏ rơi không ai săn sóc thăm viếng nữa. Cơn đau khổ nào đó hành hạ cũng là cơn đau khổ đầu tiên trong đời Trâm, khi nàng bằng tuổi nó bây giờ. Ý nghĩ đó làm lòng trắc ẩn của người đàn bà trở mình thức giấc. Và lòng trắc ẩn bật lên, tiếng trách qua câu hỏi, kiên nhẫn dịu dàng:

- Tại sao em làm như vậy, Minh?

Minh ngẩng lên, nhìn Trâm lâu hơn và vai nó dưới bàn tay nàng đột nhiên rung động.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

20#
 Tác giả| Đăng lúc 9-2-2012 21:23:58 | Chỉ xem của tác giả
Trâm gọi chị Ba lấy diêm và đốt một cây nến hồng đặt lên bàn trước mặt Minh. Chai rượi đã cạn khô không một giọt, nhưng bàn tay Minh vẫn bám chặt lấy như muốn uống nữa. Uống thật nhiều và sợ có ai giành giựt phần còn lại. Cốc rượu còn một nửa. Trâm cầm cái cốc định hắt xuống nền nhà nhưng Minh thoắt một cái như mèo vồ chuột chụp cái cốc trong tay Trâm và đưa lên môi nốc cạn. Rồi cả cánh tay nó để rơi xuống bàn.

Cái cốc bung ra, rơi xuống, tiếng thủy tinh vỡ vang lên ròn rã. Và nó tỉnh lại. Nó đứng lên, buông chai rượu, một tay đặt lên má, một tay quờ quạng lên bức tường trống sau lưng. Hai con mắt nó đỏ hoe nhìn Trâm vừa van lơn, vừa hoảng hốt. Da mặt tái xanh. Đôi môi run rẩy. Mái tóc rũ xuống vầng trán bê bết mồ hôi. Trâm dìu Minh lại giường, ấn nó nằm xuống. Nhưng Minh bật dậy ngay, lắp bắp:

- Cô tưởng em say à? Không đâu!

- Em mệt. Phải nằm xuống.

Nó lắc đầu:

- Cô đi ăn cơm chứ. Mặc em.

- Tôi lấy xúp cho em nhé!

- Không, em đi ăn cơm. Ăn cơm với cô.

- Thì lên lầu ăn.

Minh ngoan ngoãn theo Trâm lên thang lầu. Nhưng đến phòng ăn, mệt quá, nó ngồi phịch xuống ghế và Trâm chưa kịp làm gì, Minh đã ngã vật xuống sàn nhà, nằm dài, mềm nhũn. Trâm lấy gối kê xuống đầu Minh rồi đắp khăn nhúng nước lạnh lên vầng trán nóng hâm hấp. Một lúc Minh tỉnh dậy đứng lên, lừ đừ, lảo đảo. Rồi như điên, nó chạy lao xuống thang lầu, vào phòng nhào vào đống chăn bừa bãi.

Bây giờ, nó nằm đó và Trâm chờ Minh tỉnh dậy. Bỗng nó ú ớ gọi. Trâm cúi xuống. Minh hé mắt nhìn lên:

- Sao sáng thế này cô?

- Đèn ấy mà.

- Không phải, cái gì thật sáng xung quanh người cô kìa.

Trâm ngơ ngác:

- Có gì đâu, em nhảm rồi.

Minh ngồi dậy, lắc đầu cho những ám ảnh rụng xuống:

- Đó, sáng quá. Nhưng em không thấy gì cả. Em sợ. Cô còn đây không? Phải cô đây không, cô?

Thằng Tuân, chị Ba đứng sau lưng Trâm lo lắng nhìn nhau. Trâm thấy mình như bà Phước trong một dưỡng trí viện đang dỗ người điên tỉnh lại:

- Ừ, tôi đây. Em muốn gì nào?

- Em muốn nhiều lắm. Mà không thể được. Không được. Sao cô xa thế? Sao cô lớn như thế?

- Minh.

- Cô đừng đi, đừng bỏ đi nghe cô.

- Không. Tôi ở đây. Với em.

- Cô có đuổi em đi không?

- Không. Em ở đây. Với tôi.

- Em khát nước. Cô cho em uống.

Chị Ba bưng ly nước trà lại và Trâm kề vào môi người con trai. Bỗng nhiên Trâm thấy sợ. Hai con mắt Minh, qua ly nước óng ánh vàng, nhìn Trâm đăm đăm.

- Bây giờ em nằm yên. Chị Ba dọn dẹp trên bàn. Tuân học bài đi.

Minh nằm xuống. Trâm kéo chăn đắp kín người Minh. Nó nằm yên lặng nhìn lên và thì thầm:

- Cô.

- Gì, em?

- Cái gì sáng thế cô?

- Có gì đâu em.

- Có, cái gì thật sáng xung quanh cô, như hào quang.

Trâm cúi xuống và tưởng như chưa bao giờ nàng cười dịu dàng đến thế:

- Em nói nhảm rồi.

- Thật mà. Sáng như hôm em thấy cô lần đầu tiên trên trường.

- Em thấy ở đâu nào?

- Ở gốc cây thông, lúc chào cờ. Cô đứng một mình, bao giờ cũng một mình, cũng chỗ đó. Áo kim tuyến lóng lánh mặt trời. Ai cũng nhìn cô…

- Nhưng bây giờ không có ai nhìn tôi nữa đâu. Còn mình em thấy tôi thôi mà.

- Ngày mai cô đến trường, tụi nó lại nhìn cô… Cả “thằng Lưu” nữa.

Trâm sửng sốt nghe tiếng “thằng” hằn học ở miệng Minh thốt ra. Nàng lờ mờ hiểu. Và sợ. Nhưng Minh nói rất thản nhiên:

- Em làm phiền cô quá. Cô có mệt lắm không? Cô lên phòng nghỉ đi.

- Tôi không mệt, chỉ lo. Mong từ nay em không uống rượu trong nhà tôi như thế nữa. Và có gì cho tôi biết, nếu có thể tôi giúp được em.

Minh cười hóm hỉnh và bí mật:

- Chuyện này… cô không giúp em được đâu. Không bao giờ. Mà nếu biết, chắc cô đuổi em đi ngay. Em…

Minh bỏ dở câu nói và đột ngột xoay người vào trong, vùi mặt xuống gối. Tiếng người con trai ấp úng vọng lên:

- Cô cho em điếu thuốc được không?

Trâm gọi thằng Tuân lấy gói Salem và đưa cho Minh một điếu.

- Hút thuốc thì được. Nhưng uống rượu… dễ sợ lắm.

Khuôn mặt Minh qua làn khói thuốc trở nên buồn rầu và thơ dại:

- Buồn thì uống…

- Em sai rồi. Uống thì say, tỉnh ra nỗi buồn vẫn còn đó. Còn uống mà không say lại buồn hơn, không chịu được, như rượu đốt cháy nỗi buồn của mình, tôi nhiều khi cũng vậy.

- Cô uống rượu?

- Bây giờ thì hết. Không bao giờ say nữa. Em cũng đừng uống, nghe Minh!

- Còn tùy ở cô.

- Sao lại tùy tôi?

Minh mỉm cười, và lần đầu tiên từ khi nó đến nhà này, Trâm khám phá ra nó có một cái gì trong tận cùng tâm hồn, đồng điệu với nàng. Một cái gì khoắc khoải âm thầm, vò xé ray rứt. Như một nỗi khát khao, một niềm mong đợi. Một cảm tưởng trống trải thiếu hụt nào đó trong cuộc đời, trong trái tim không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa già nua cằn cỗi. Cái gì đó là nụ cười buồn buồn khơi nguồn cho dòng nước mắt, là giọt nước mắt rưng rưng đón tiếp một niềm vui xao xuyến không ngờ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách