Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: MinhHạ
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại] Cuộc Săn Cừu Hoang | Haruki Murakami (Hết)

[Lấy địa chỉ]
11#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:19:45 | Chỉ xem của tác giả
Chương 8: Giờ Là Người Đàn Ông Lạ Mặt


Người đàn ông ấy tới lúc mười một giờ sáng nay. Nào, có hai loại mười-một-giờ-sáng đối với một công ty quy mô nhỏ như công ty chúng tôi. Nghĩa là, hoặc vô cùng bận rộn hoặc vô cùng rảnh rỗi. Không có chuyện vừa nọ vừa kia. Vậy là vào lúc mười một giờ sáng, chúng tôi hoặc đang bận quýnh lên không để ý đến thứ gì hoặc là đang mơ mộng linh tinh không để ý đến thứ gì. Những việc lỡ cỡ, nếu có một thứ gọi như vậy, chúng tôi để đến chiều mới giải quyết.

Đang mười một giờ sáng thuộc loại thứ hai thì người đàn ông ấy tới. Thêm nữa lại là một cái mười một giờ rảnh rỗi một cách lạ thường. Nửa đầu tháng Chín bận như điên, rồi sau đó công việc chậm thê thảm. Ba người trong công ty đi nghỉ một kỳ nghỉ hè đã bị hoãn lại một tháng, nhưng ngay cả khi ấy đám nhân viên còn lại vẫn được giao nhiệm vụ gọt bút chì và những việc thú vị khác. Bản thân tay đối tác của tôi ra ngân hàng rút tiền, trong khi ai đó chạy qua phòng trưng bày thiết bị nghe nhìn gần đó để nghe những đĩa nhạc mới ra. Cô thư ký ở lại trực điện thoại trong lúc giở mấy trang “Mẫu tóc cho mùa thu” của một tạp chí dành riêng cho phụ nữ.

Người đàn ông mở cửa văn phòng không một tiếng động, và cũng đóng không một tiếng động. Không phải là ông ta cố gắng một cách có ý thức phải đi lại gượng nhẹ. Nó như là bản năng thứ hai của ông ta vậy. Đến độ cô thư ký không hề nhận biết sự hiện diện của ông ta. Người đàn ông đi đến bàn cô thư ký và chăm chú cúi nhìn cô trước khi cô chú ý đến ông.

“Tôi có một việc muốn bàn với sếp của cô,” ông ta lên tiếng. Ông ta nói như thể người ta lướt bàn tay đeo găng trắng trên mặt bàn.

Điều gì xảy ra mang ông ta lại đây? Cô ngước nhìn người đàn ông. Đôi mắt ông ta quá soi mói để là một khách hàng, trang phục ông ta quá tinh tế để là một thanh tra thuế, diện mạo ông ta quá tri thức để là một viên cảnh sát. Tuy vậy cô không thể nghĩ ra ông ta làm nghề gì. Người đàn ông này, một mẩu hung tin tao nhã giờ đang đe dọa cô, không biết từ đâu hiện ra.

“Tôi e là lúc này ông ấy đi ra ngoài,” cô nói, đóng sập cuốn tạp chí lại. “Ông ấy nói sẽ quay trở lại trong vòng ba mươi phút nữa.”

“Tôi sẽ đợi,” người đàn ông tuyên bố không chút do dự. Có vẻ như một kết luận đã được định trước.

Cô tự hỏi có nên hỏi tên ông ta. Cô quyết định không hỏi mà chỉ đưa ông ta ra chỗ tiếp tân. Người đàn ông chọn một chỗ ngồi trên chiếc xô pha màu xanh da trời, bắt tréo chân, ngó trân trân chiếc đồng hồ điện tử treo tường thẳng trước mặt mình, ngồi im. Ông ta không hề nhúc nhích lấy một ly. Khi cô mang cho ông ta một ly trà lúa mạch một lát sau đó, ông ta vẫn ở tư thế cũ.

“Ngay tại chỗ cậu đang ngồi đấy,” tay đối tác của tôi nói. “Ông ta ngồi đó nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ ở cùng một tư thế trong suốt ba mươi phút.”

Tôi nhìn chiếc xô pha mình đang ngồi, rồi lại nhìn chiếc đồng hồ, rồi nhìn lại tay đối tác của tôi.

Mặc dù thời tiết cuối tháng tách dòng bên ngoài nóng bất thường, người đàn ông ăn mặc khá trang trọng. Một cách hoàn hảo. Cổ tay áo sơ mi trắng của ông ta thò ra chính xác là một centimet rưỡi từ tay áo của bộ com lê màu xám may rất khéo. Chiếc cà vạt sọc tông nhạt, thêm phần nổi bật với một chút bất đối xứng, được thắt vô cùng cẩn thận. Đôi giày đen được đánh sáng bóng.

Khoảng ba mươi lăm tới bốn mươi tuổi, cao độ một mét bảy mươi lăm, không có chút mỡ thừa nào, bàn tay mảnh dẻ không lộ chút nếp nhăn. Những ngón tay thon dài của ông ta gợi nhớ đến một đoàn xiếc thú vẫn giữ những ký ức sâu đậm từ thời sơ khai bất chấp bao nhiêu năm tháng luyện tập và kiềm chế. Móng tay của ông ta được chăm chút tỉ mỉ, một hình cung sạch sẽ, hoàn hảo cuối mỗi ngón tay. Đôi bàn tay đẹp thật sự, nhưng không hiểu tại sao lại tạo cảm giác không yên bình. Chúng chứng tỏ mức độ chuyên môn hóa cao độ trong một lĩnh vực hiếm hoi nào đó – nhưng lĩnh vực đó là gì thì không ai thật sự biết.

Khuôn mặt ông ta thậm chí còn khó đoán định hơn. Đó là khuôn mặt thành thật nhưng vô cảm, một phiến đá trống trơn. Mắt mũi ông ta sắc cạnh, nghĩ lại thì trông chúng như thể được rạch bằng dao rọc giấy, môi ông ta nhợt nhạt và mỏng dính. Ông ta hơi rám nắng, mặc dù rõ ràng không phải vì vui thú nơi bãi biển và sân quần vợt. Nước da rám nắng đó chỉ có thể là kết quả của một vầng mặt trời lạ kỳ nào đó chiếu sáng ở một bầu trời lạ kỳ nào đó.
Ba mươi phút trôi qua rất chậm chạp. Một cách lạnh lẽo, đặc quánh, cứng ngắc. Vào lúc tay đối tác của tôi trở lại từ ngân hàng, bầu không khí trong phòng đã trở nên nặng nề rõ rệt. Người ta thậm chí có thể nói là mọi thứ trong phòng gần như bị đóng đinh xuống sàn nhà.

“Tất nhiên, chỉ là có vẻ vậy thôi,” tay đối tác của tôi nói.

“Tất nhiên,” tôi nói.

Cô thư ký bị bỏ lại một mình kiệt sức vì bồn chồn. Đầy hoang mang, tay đối tác của tôi đến chỗ tiếp tân và tự giới thiệu là người quản lý. Chỉ khi ấy người đàn ông mới động đậy, ngay lúc đó ông ta lôi trong túi ra một điếu thuốc mảnh dẻ, châm thuốc, và với một vẻ mặt đau đớn thổi ra một hơi khói ngắn. Bầu không khí loãng ra tí chút.

“Chúng ta không có nhiều thời gian, vậy nên hãy nói chuyện này ngắn gọn thôi,” người đàn ông nói rất khẽ. Ông ta lôi trong ví ra một tấm danh thiếp cạnh sắc như dao cạo đặt trên bàn. Tấm danh thiếp được ép kín, trắng một cách không tự nhiên, được in dạng chữ nhỏ xíu, đen đậm. Không chức danh hay chi nhánh, không địa chỉ, không số điện thoại. Chỉ có tên. Chỉ nhìn thôi cũng đủ để làm đau mắt người ta. Tay đối tác của tôi lật tấm danh thiếp, thấy mặt sau hoàn toàn trống, liếc mặt trước lần nữa, rồi nhìn lại người đàn ông.

“Tôi tin là cậu biết tên của người đó?” người đàn ông nói.

“Tôi biết.”

Người đàn ông nhô cằm ra khoảng vài milimet và gật đầu ngắn gọn. Tuy vậy hướng nhìn của ông ta không hề dịch chuyển chút nào. “Xin hãy đốt nó đi.”

“Đốt nó đi ư?” Tay đối tác của tôi chết lặng, nhìn chằm chằm vào người đàn ông.

“Cái tấm danh thiếp ấy. Đốt nó đi. Ngay lập tức,” người đàn ông nói sắc lạnh.

Tay đối tác của tôi vội vàng cầm chiếc bật lửa trên mặt bàn mà châm lửa đốt một góc danh thiếp. Hắn cầm cạnh của nó cho tới khi một nửa đã cháy hết, rồi đặt nó vào trong chiếc gạt tàn pha lê lớn. Cả hai người nhìn tấm danh thiếp cháy. Đến lúc tấm danh thiếp đã cháy thành tro trắng, căn phòng bao bọc trong yên lặng nặng nề như thể vừa có một vụ thảm sát.

“Tôi đến đây mang đầy đủ thẩm quyền của người đó,” người đàn ông nói, phá vỡ sự yên lặng kéo dài. “Có nghĩa là mọi thứ tôi phát biểu từ nay trở đi đại diện cho toàn bộ ý muốn và mong ước của người đó.”

“Mong ước…,” tay đối tác của tôi nói to.

“‘Mong ước’, một từ tao nhã để diễn đạt một vị trí cơ bản với một mục tiêu được xác định,” người đàn ông nói, “Dĩ nhiên, có những phương cách khác để diễn đạt cùng một điều. Cậu hiểu chứ?”

Tay đối tác của tôi nhanh chóng diễn dịch trong đầu, “Tôi hiểu.”

“Tuy vậy, đây không phải là một vấn đề mang tính nhận thức hay một vụ thông đồng chính trị; đây hoàn toàn là một lời đề nghị kinh doanh,” Kinh doanh, người đàn ông phát âm, cho thấy ông ta là một người Nhật sinh ra tại hải ngoại; hầu hết người Nhật sinh ra tại Nhật đều nói kinh doanh.

“Cậu là một nhà kin doanh, và tôi là một nhà kin doanh,” ông ta nói tiếp. “Trên thực tế chúng ta chẳng có việc gì để bàn ngoài chuyện kin doanh. Hãy để những cuộc thảo luận liên quan tới những gì không thực tế cho người khác. Chúng ta thống nhất thế chứ?”

“Tất nhiên rồi,” tay đối tác của tôi nói.

“Vai trò của chúng ta là lấy những yếu tố không thực đang tồn tại mà nhào nặn thành một hình thức tinh vi hơn để chúng có chỗ trong tổng thể hiện thực. Hành động của con người hướng đến những điều không thực. Tại sao lại như vậy?” người đàn ông dùng một câu hỏi tu từ. Ông ta sờ chiếc nhẫn đá xanh trên ngón giữa bàn tay trái của mình. “Bởi vì làm thế có vẻ đơn giản hơn. Thêm vào đó, có những hoàn cảnh trong đó những gì không thực lại có thể tạo ra ấn tượng lấn át hiện thực. Tuy nhiên, kin doanh không hề có chỗ trong thế giới không thực. Nói cách khác,” người đàn ông nói, tiếp tục sờ nhẫn, “chúng ta là một loài mà chỉ riêng việc tồn tại đã đồng nghĩa với việc biến chuyển những khó khăn. Vì vậy, từ giờ trở đi nếu bất kỳ điều gì tôi nói đòi hỏi những công việc hay quyết định khó khăn từ phía cậu, tôi xin cậu hãy chịu khó chấp nhận. Đó là bản chất của vạn vật.”

Giờ thì tay đối tác của tôi hoàn toàn không hiểu gì, dù vậy hắn vẫn gật đầu.

“Vậy thì tốt lắm, tôi sẽ trình bày mong ước của bên liên quan. Thứ nhất, chúng tôi mong muốn rằng cậu ngừng xuất bản bản tin quan hệ công chúng cậu thực hiện cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ ‘P’.”

“Nhưng mà…”

“Thứ hai,” người đàn ông ngắt lời, “chúng tôi mong muốn sắp xếp một cuộc nói chuyện với người thực sự chịu trách nhiệm thực hiện trang này.”

Lôi từ trong túi ra một chiếc phong bì trắng, người đàn ông lấy ra một tờ giấy gấp làm tư và đưa cho tay đối tác của tôi. Tay đối tác của tôi mở tờ giấy. Đúng như hắn đoán, đó là bản sao bức ảnh cho một bản tin PR mà văn phòng chúng tôi đã thực hiện. Một bức ảnh thông thường chụp phong cảnh Hokkaido thanh bình – mây, núi, đồng cỏ và cừu, viết đè lên trên là mấy dòng thơ về đồng quê không có gì nổi bật. Có vậy thôi.

“Mặc dù chúng tôi có hai mong muốn, nhưng mong muốn thứ nhất lại là một việc đã rồi hơn là một mong muốn. Chính xác hơn, một quyết định phù hợp với mong muốn của chúng tôi đã được thông qua. Nếu cậu có nghi ngờ gì, xin gọi cho trưởng phòng Quan hệ Công chúng của công ty bảo hiểm nhân thọ.”

“Tôi hiểu,” tay đối tác của tôi nói.

“Tuy thế, chúng tôi có thể dễ dàng thấy được rằng đối với một công ty cỡ như của cậu, thiệt hại do những thứ bất tiện như thế này gây ra là rất lớn. May mắn thay chúng tôi ở vào vị trí – như cậu rõ ràng nhận thấy – có ảnh hưởng không nhỏ trong lĩnh vực này. Do đó, sau khi thực hiện mong muốn thứ hai của chúng tôi, với điều kiện báo cáo của người chịu trách nhiệm ấy phải làm chúng tôi hài lòng, chúng tôi sẵn sàng bồi hoàn toàn bộ thiệt hại cho cậu. Tôi thiết nghĩ chúng tôi sẽ bồi hoàn thật hậu hĩnh.”

Yên lặng bao trùm khắp phòng.

“Nếu cậu không thực hiện được mong muốn của chúng tôi,” người đàn ông nói, “cậu sẽ không kiếm được việc gì trong lĩnh vực này hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác, và do đó, thế giới sẽ không có chỗ cho cậu, không bao giờ.”

Lại yên lặng.

“Cậu có câu hỏi gì không?”

“Vậy thì, ừm, vấn đề nằm ở bức ảnh phải không?” tay đối tác của tôi lắp bắp.

“Đúng thế,” người đàn ông nói, chọn lựa từ ngữ rất cẩn thận, như thể đang lựa chọn phương án trên lòng bàn tay mở rộng. “Thật tình đúng là như thế. Tuy nhiên, tôi không được tự do thảo luận vấn đề sâu hơn với cậu. Tôi không có thẩm quyền ấy.”

“Tôi sẽ điện thoại cho người mà ông muốn gặp. Cậu ấy sẽ có mặt ở đây lúc ba giờ,” tay đối tác của tôi nói.

“Tuyệt,” người đàn ông nói, liếc nhìn đồng hồ đeo tay của mình. “Tôi sẽ cho xe đến đây đón cậu ta lúc bốn giờ. À, điều này quan trọng đây: cậu không được phép nói chuyện này với bất cứ ai. Cậu hiểu chưa?”

Đến đó hai người họ chia tay theo đúng phong cách của các nhà kinh doanh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:24:31 | Chỉ xem của tác giả
Chương 9: “Ông Chủ”


“Đầu đuôi câu chuyện là như thế,” tay đối tác của tôi nói.

“Tôi chả hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao,” tôi nói, môi ngậm một điếu thuốc chưa châm. “Trước hết, tôi không biết người trong tấm danh thiếp là ai. Thứ hai, tôi không tưởng tượng được tại sao ông ta lại lo ngại về một bức ảnh chụp cừu. Cuối cùng, tôi không thể hiểu nổi làm thế nào ông ta lại đình chỉ được việc xuất bản của chúng ta.”

“Người trong danh thiếp là một nhân vật cánh hữu lớn. Tên tuổi và mặt mũi ông ta hầu như không bao giờ được công bố, vì thế ông ta không được biết đến rộng rãi, nhưng cậu có lẽ là người duy nhất trong lĩnh vực của chúng ta lại không biết đến ông ta là ai.”

“Tôi mà, thờ ơ với mọi chuyện,” là lời bào chữa yếu ớt của tôi.

“Ông ta là người cánh hữu, nhưng không phải cái được gọi là cánh hữu. Hoặc cậu có thể nói, thậm chí không phải là cánh hữu.”

“Tôi không hiểu ý cậu.”

“Nghĩa là không ai biết được ông ta nghĩ gì. Ông ta không có tên ở bất kỳ bài báo nào, không phát biểu trước công chúng. Ông ta không bao giờ cho ai phỏng vấn mình và không bao giờ cho chụp ảnh. Thậm chí còn không chắc là ông ta còn sống. Năm năm trước, một tay phóng viên tạp chí nắm được tin riêng ông ta dính líu vào mấy vụ làm ăn đầu tư mờ ám nào đó, nhưng câu chuyện không bao giờ được in ra.”

“Tôi thấy là cậu đã nghiên cứu kỹ vụ này.”

“Tôi quen biết tay phóng viên đó.”

Tôi cầm chiếc bật lửa và châm thuốc. “Tay phóng viên đó giờ đang làm gì?”

“Bị chuyển sang bộ phận hành chính. Xếp tài liệu từ sáng đến tối. Truyền thông đại chúng là một thế giới nhỏ đến kỳ quặc, và tay đó nêu một tấm gương điển hình. Giống như cái sọ người treo ở lối vào một làng châu Phi vậy.”

“Hiểu rồi,” tôi nói.

“Nhưng chúng ta biết được thân thế thời trước chiến tranh của ông ta. Ông ta sinh ra tại Hokkaido năm 1913, đến Tokyo sau khi tốt nghiệp một trường bình thường, liên tục đổi nghề, và có chiều hướng ngả sang cánh hữu. Tôi tin là ông ta bị cầm tù một lần. Khi được thả, ông ta đến Mãn Châu, tại đó ông ta dính líu đến thành phần cấp cao của Đội quan Quan Đông và tham gia vào một mưu đồ nào đó. Người ta không biết gì nhiều về tổ chức đứng đằng sau, nhưng ông ta bỗng chốc trở thành một nhân vật bí hiểm trong khoảng thời gian này. Người ta đồn là ông ta buôn bán ma túy, rất có thể là thật. Ông ta tung hoành kiếm chác khắp Trung Hoa đại lục chỉ để cuối cùng lên một tàu khu trục hai tuần trước khi quân đội Liên Xô tới nơi, nhanh chóng rút lui về Nhật Bản. Mang theo chiến lợi phẩm – một lượng vàng bạc khổng lồ, gần như không bao giờ cạn kiệt.”

“Người ta có thể nói ông ta đã lựa chọn thời điểm chính xác đến lạ kỳ,” tôi thêm vào.

“Chứ lại còn. Anh chàng của chúng ta quả thực có biệt tài nắm bắt cơ hội. Một cách bản năng, ông ta học được khi nào tấn công khi nào rút lui. Thêm nữa, ông ta luôn tập trung vào những mục tiêu đúng đắn. Ngay cả khi ông ta bị lực lượng chiếm đóng tống giam như một tội phạm chiến tranh hạng A, vụ xử ông ta bị ngắt nửa chừng và không bao giờ mở lại. Bề ngoài vì lí do sức khỏe, nhưng sự việc đến đây trở nên khó hiểu. Có lẽ là một cuộc thương lượng đã được dàn xếp với người Mỹ, vừa lúc MacArthur nhắm đến Trung Hoa đại lục.”

Tay đối tác của tôi lôi một cây bút bi khác ra khỏi khay bút và bắt đầu quay quay giữa các ngón tay.

“Khi được thả ra khỏi nhà tù Sugamo, ông ta lấy nửa số vàng trả lương cho toàn bộ một phe cánh của đảng bảo thủ. Nửa kia được dùng để mua ngành quảng cáo. Nên lưu ý rằng việc này xảy ra vào cái thời quảng cáo chẳng là gì ngoài mấy tờ rơi rẻ tiền.”

“Tài nhìn xa trông rộng. Nhưng phải có khiếu nại về việc che giấu quỹ chứ?”

“Không hề có chuyện đó. Hãy nhớ ông ta đã mua toàn bộ phe cánh của đảng bảo thủ.”

“À.”

“Quay lại câu chuyện, ông ta dùng tiền để lũng đoạn thị trường cả về chính trị lẫn quảng cáo, lập nên một nền tảng quyền lực còn phát triển đến tận ngày nay. Ông ta không bao giờ xuất đầu lộ diện vì ông ta không cần làm vậy. Chừng nào ông ta còn nắm giữ được một số nhân vật trung tâm nhất định của bên cầm quyền chính trị và những mảng cốt lõi của nghành quan hệ công chúng, không có gì mà ông ta không làm được. Cậu có hiểu kiểm soát nghành quảng cáo có nghĩa gì không?”

“Chắc là không.”

“Kiểm soát ngành quảng cáo có nghĩa là nắm trong tay gần như toàn bộ các ngành xuất bản, truyền thanh và truyền hình. Không có một chi nhánh xuất bản hay đài truyền thanh nào lại không phụ thuộc cách này hay cách khác vào quảng cáo. Vì như thế sẽ giống như bể cá không có nước. Tại sao, vì chín mươi lăm phần trăm thông tin đến được với cậu đã được chọn lọc và trả tiền trước.”

“Có một điều tôi vẫn không hiểu,” tôi nói. “Tôi hiểu đoạn cậu nói người đàn ông của chúng ta nắm trong tay các ngành truyền thông, nhưng làm thế nào ông ta lại đình chỉ được bản tin PR cho một công ty Bảo hiểm nhân thọ? Bản tin thậm chí không qua tay bất kỳ người đại diện chủ yếu nào cơ mà.
Đó là một hợp đồng trực tiếp.”

Tay đối tác của tôi ho húng hắng, rồi uống cạn chỗ còn lại của tách trà lúa mạch giờ chỉ còn âm ấm. “Cổ phiếu. Đó là nguồn doanh thu chủ yếu của ông ta. Thao túng thị trường, cưỡng chế người khác, kiểm soát công ty bằng cách mua đa số cổ phần, mọi thứ. Đám nhân viên phụ trách thông tin thu thập tất cả thông tin cần biết để ông ta tùy ý lựa chọn. Chỉ một phần nhỏ xíu của những gì đang thật sự diễn ra được công bố. Tất cả những tin khác được để dành cho Ông Chủ. Tất nhiên, không hề có sức ép lộ liễu, nhưng có lúc sự việc trở nên gần giống như hăm dọa. Và nếu như hăm dọa không ăn thua, ông ta rỉ tai đám con buôn chính trị để thúc đẩy vụ việc.”

“Công ty nào mà chẳng có một hai điểm yếu.”

“Công ty nào cũng có bí mật mà họ không muốn nổ ra ngay giữa cuộc họp cổ đông hàng năm. Trong hầu hết trường hợp, họ nghe theo lời phán quyết. Tóm lại, Ông Chủ ngồi chễm chệ trên nền tảng tam giác quyền lực gồm chính trị gia, dịch vụ thông tin, và thị trường cổ phiếu. Vậy là như cậu có lẽ đã đoán ra, đối với ông ta xóa sổ một bản tin PR và là chúng ta phá sản dễ như bóc trứng vậy.”

“Hừm, vậy thì nói tôi nghe tại sao một nhân vật quyền lực không muốn rời cái cương vị ấy lại nổi giận vì một bức ảnh phong cảnh Hokkaido?”

“Câu hỏi hay đấy,” tay đối tác của tôi nói. “Tôi cũng đang sắp sửa hỏi cậu câu đó.”

Tôi chỉ biết nhún vai.

“Vậy nói xem, làm thế nào cậu biết toàn bộ việc này liên quan đến cừu?” tay đối tác của tôi hỏi. “Có điều gì kỳ cục diễn ra sau lưng tôi không?”

“Có đám tiểu yêu không tên trong rừng đang bận quay bánh xe ấy.”

“Làm ơn giải thích cho tôi nghe được không?”

“Giác quan thứ sáu.”

“Thôi đi nào,” tay đối tác thở dài. “Mà thôi, để tôi cho cậu biết hai diễn biến mới nhất. Chỉ để điều tra tí chút, tôi gọi điện cho tay cựu phóng viên tờ nguyệt san kia. Có tin đồn Ông Chủ đang nằm bẹp một chỗ vì bệnh xuất huyết não, nhưng tin này chưa được chính thức xác nhận. Mẩu tin còn lại liên quan đến người đàn ông tới đây. Hóa ra hắn là thư ký riêng cho Ông Chủ, nhân vật thứ hai của ông ta, người ông ta giao phó thật sự quản lý cả tổ chức. Người Mỹ gốc Nhật, tốt nghiệp Stanford, làm việc cho Ông Chủ mười hai năm nay. Bản thân hắn ta cũng là người bí hiểm. Hiển nhiên là người khôn ngoan sắc sảo. Đó là tất cả những gì tôi tìm hiểu được.”

“Cám ơn nhé,” tôi nói, thật sự có ý như thế.

“Không có gì,” tay đối tác thậm chí không liếc về phía tôi.

Dù có nhìn theo góc độ nào, khi tay đối tác của tôi không uống rượu hắn là kẻ bình thường hơn tôi nhiều. Hắn ngây thơ hơn, chu đáo với người khác hơn, và suy nghĩ có tổ chức hơn. Nhưng trước sau gì hắn sẽ tự làm cho mình say mèm mà thôi. Không phải là một ý nghĩ an ủi được ta chút nào rằng những người hơn mình lại sụp đổ trước mình.

Ngay sau khi tay đối tác của tôi rời phòng, tôi lôi một chai whisky ra khỏi ngăn kéo của hắn mà rót cho mình một ly.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:26:45 | Chỉ xem của tác giả
Chương 10: Đếm Cừu


Chúng ta có thể lang thang không mục đích trên lục địa của sự tùy hứng, nếu chúng ta chọn thế. Không gốc rễ như mấy hạt giống có cánh được một ngọn gió xuân tình cờ thổi đi khắp nơi.

Tuy nhiên, chúng ta có thể phủ nhận ngay sau đó rằng không có thứ gọi là ngẫu nhiên. Những gì đã qua là đã qua, những gì chưa tới thì hiển nhiên chưa tới. Nói cách khác, bị kẹp giữa “mọi thứ” đằng sau chúng ta và “số không” phía trước chúng ta, sự tồn tại của chúng ta là phù du, trong đó không hề có sự ngẫu nhiên cũng chẳng có khả năng.

Tuy nhiên, trong thực tế, sự khác biệt giữa hai cách giải thích hết sức ít ỏi. Một tình thế (như hầu hết các cuộc đấu giữa các cách giải thích) chẳng khác nào gọi cùng một loại thức ăn bằng hai tên.

Thôi đủ rồi ẩn dụ ơi.

Việc tôi đưa bức ảnh cừu vào trong bản tin PR của công ty bảo hiểm nhân thọ có thể được nhìn nhận từ một góc độ, (a) ngẫu nhiên, nhưng từ một góc độ khác, (b) không có sự ngẫu nhiên nào hết.

(a) Tôi đang tìm một bức ảnh thích hợp cho bản tin PR. Rất ngẫu nhiên, tôi tình cờ có một bức ảnh cừu trong ngăn kéo. Tôi quyết định dùng bức ảnh đó. Một bức ảnh ngây thơ trong một thế giới ngây thơ.

(b) Bức ảnh cừu trong ngăn kéo đã đợi tôi ngần ấy thời gian. Nếu không được dùng trong bản tin ấy thì cũng sẽ dùng cho một việc khác tại một thời điểm nào đó sau này.

Càng nghĩ về điều đó, tôi càng thấy công thức này áp dụng cho tất cả mọi thức thuộc mọi phương diện mà tôi đã trải nghiệm cho đến lúc này trong đời. Chỉ cần luyện tập một chút, tôi chắc chắn mình có thể điều khiển, (a) một cuộc đời với tay phải và, (b) một cuộc đời với tay trái. Nói vậy không có nghĩa điều đó làm nên cái gì khác biệt. Nó giống như cái lỗ trong bánh vòng. Liệu người ta coi cái lỗ trong chiếc bánh vòng như một khoảng trống hay như một thực thể là chính bản thân nó, đó đơn thuần là một câu hỏi siêu hình và không ảnh hưởng chút nào đến vị bánh vòng.

Ngồi trên xô pha uống whisky, được máy điều hòa không khí thổi khẽ khàng như một hạt bồ công anh đưa đẩy theo cơn gió nhẹ, tôi nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ điện tử treo tường. Chừng nào tôi còn nhìn vào chiếc đồng hồ, ít ra là thế giới vẫn còn chuyển động. Chẳng phải một thế giới ý nghĩa gì, nhưng dẫu sao vẫn đang chuyển động. Và chừng nào tôi biết là thế giới vẫn chuyển động, tôi biết là tôi tồn tại. Không phải một sự tồn tại có ý nghĩa gì, nhưng vẫn là một sự tồn tại. Tôi chợt thấy dường như ai đó nên xác nhận sự tồn tại của chính mình chỉ bằng kim giờ kim phút của chiếc đồng hồ điện tử treo tường. Phải có một phương thức xác nhận mang tính nhận thức hơn. Nhưng dù cố đến mấy tôi cũng chẳng nảy ra được cách gì dễ dàng hơn.

Tôi từ bỏ và làm một ngụm whisky nữa. Một cảm giác rát bỏng truyền qua cổ họng tôi, xuống đến thành thực quản vào trong lõm thượng vị. Bên ngoài cửa sổ, bầu trời mùa hè xanh rực rỡ và những đám mây trắng trôi bồng bềnh. Một bầu trời đẹp đẽ song cũ kỹ báo trước sự hao mòn. Tôi làm một ngụm whisky nữa để chúc cho cái bầu trời mới tinh khôi trước kia. Rượu Scotch không đến nỗi nào. Bầu trời cũng không đến nỗi nào, một khi người ta đã quen với nó. Một chiếc máy bay phản lực lớn bay ngang qua bầu trời từ trái qua phải như con bọ lập lòe.

Khi vừa uống cạn ly whisky thứ hai, tôi chợt nghĩ: mình đang làm cái quái gì ở đây thế này?

Cừu.

Tôi đứng dậy khỏi xô pha, nhặt bản sao của bức ảnh từ bên bàn tay đối tác rồi quay trở về ghế. Trong hai mươi giây tôi nhìn chằm chằm vào nó, mút những viên đá có vị whisky, vắt óc suy nghĩ tìm xem điều gì đang diễn ra trong bức ảnh.

Bức ảnh cho thấy một đàn cừu trên đồng cỏ. Trên một cạnh, đồng cỏ dính liền với một rừng cây bu lô. Loại cây bu lô khổng lồ người ta tìm thấy ở tận Hokkaido, chứ không phải loại bé teo còi cọc trồng bên lối ra vào văn phòng ông nha sĩ nào đó. Đây là loại cây bu lô mà bốn con gấu có thể mài vuốt lên thân cây cùng một lúc. Tuyết vẫn còn sót lại trên đỉnh núi sau nền bức ảnh, cả trên khe núi nữa. Tháng Tư hoặc tháng Năm. Khi mặt đất ướt át đầy tuyết tan. Bầu trời xanh (hay đúng ra là tôi nghĩ nó màu xanh từ bức ảnh tuyền màu xám – cũng rất có thể là màu hồng nhạt), với mây trắng nhẹ nhàng bay qua đỉnh núi. Sau khi đã cân nhắc mọi điều, bầy cừu chỉ có thể được nhìn nhận như một bầy cừu, rừng bu lô chỉ có thể được nhìn nhận như rừng bu lô, mây trắng chỉ có thể chỉ được nhìn nhận như mây trắng. Đơn giản như vậy và không có gì hơn.

Tôi quẳng bức ảnh lên bàn, hút một điếu thuốc rồi ngáp. Sau đó tôi cầm bức ảnh lên, cố đếm đàn cừu. Đồng cỏ rộng mênh mông, những con cừu rải rác thành đốm lớn như những người đi picnic, đến nỗi khó có thể nói được những đốm trắng ở đằng xa là cừu hay chỉ là những đốm trắng. Càng nhìn kỹ bao nhiêu tôi càng khó đoán bấy nhiêu, liệu những đốm trắng có thật sự là những đốm trắng hay là mắt tôi đang giở trò với tôi, cho tới khi cuối cùng tôi không thể chắc về bất kỳ điều gì nữa. Tôi cầm một cây bút bi trong tay đánh dấu mọi chỗ tôi có thể chắc là cừu. Tổng số là ba mươi hai. Ba mươi hai con cừu. Một bức ảnh dễ hiểu một cách hoàn hảo. Không có gì khác lạ về bố cục, không gì đặc biệt về phong cách.

Tuy thế lại có một cái gì đó trong ảnh. Một cái gì đó khang khác. Tôi nghĩ mình đã cảm được điều đó lần đầu tôi trông thấy bức ảnh cách đây ba tháng, và lúc này cảm giác ấy quay trở lại.

Tôi lăn mình trên xô pha, giơ bức ảnh qua đầu, tôi đếm lại tổng số một lần nữa.

Ba mươi ba.

Ba mươi ba sao?

Tôi nhắm mắt và lắc đầu. Trí óc tôi trống rỗng. Tôi cố đếm số cừu một lần cuối, rồi trôi vào giấc ngủ sâu của buổi-chiều-hai-ly-whisky. Điều cuối cùng tôi nhớ là mình đã nghĩ về đôi tai của cô bạn gái.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:28:41 | Chỉ xem của tác giả
Chương 11: Chiếc Limousine Và Người Lái Xe


Chiếc xe đến lúc bốn giờ, như đã hẹn. Chính xác đến từng giây, như một chiếc đồng hồ chim cúc cu. Cô thư ký lay tôi dậy khỏi giấc ngủ sâu. Sau đó tôi đi tới phòng vệ sinh vã nước lên mặt. Cơn buồn ngủ của tôi không hề giảm đi chút nào. Tôi ngáp ba lần trong thang máy lúc đi xuống. Ngáp đến mức người ta có thể kiện tôi được. Nhưng mà ai ở đó mà kiện cáo chứ? Ai đáng bị kiện ngoài chính tôi?

Hiện ra lờ mờ trước cửa tòa nhà chúng tôi là chiếc limousine trông như một chiếc tàu ngầm khổng lồ. Cả một gia đình nghèo khó có thể sống dưới mái xe ấy chứ, nó mới lớn làm sao. Cửa sổ màu xanh đục, bằng kính phản quang để không ai thấy được gì bên trong. Thân xe toàn màu đen đến phát sợ, không hề có lấy một tì vết, cả trên cái hãm xung, cả trên nắp đậy trục bánh xe.

Đứng bên cạnh chiếc xe trong tư thế luôn sẵn sàng là người lái xe đã đứng tuổi, mặc chiếc áo trắng tinh sạch bong và đeo cà vạt màu cam. Một người lái xe thật sự. Tôi buộc phải tiến về phía bác ta, và bác ta mở cửa xe không nói một lời. Mắt bác ta dõi theo tôi cho đến khi tôi đã ngồi yên vị trên ghế, rồi bác ta đóng cửa xe lại. Bác ta trèo lên ghế lái và đóng cửa xe. Tất cả đều không một tiếng động nào to hơn tiếng lật quân bài. Và ngồi trong chiếc limousine này, so với cái xe Con bọ hiệu Volkswagen đã đi được mười lăm năm mà tôi mua lại của một người bạn, thật yên tĩnh như ngồi dưới đáy hồ mà đeo ống bịt tai vậy.

Nội thất trong xe được trang bị hoàn hảo đến tận răng. Người ta có thể trông mong điều này trong một chiếc limousine, nhưng cho dù gu thẩm mỹ của hầu hết các phụ kiện được cho là xa xỉ đều rất đáng ngờ song nội thất chiếc xe này thì lại không đáng ngờ một chút nào. Ở giữa chỗ ngồi to như cái xô pha của tôi là chiếc điện thoại ấn phím sang trọng, cạnh đó là một hộp dựng thuốc lá bằng bạc, một bật lửa, một gạt tàn. Gắn sau ghế lái là một chiếc bàn gấp nhỏ. Máy điều hòa không phô trương mà tự nhiên, thảm xe lộng lẫy. Trước khi tôi chưa kịp nhận ra, chiếc limousine đã chuyển động rồi, như một chiếc chậu giặt lướt trên biển thủy ngân. Tổng số tiền đổ vào cục cưng này chắc phải kinh khủng lắm.

“Tôi bật chút nhạc được không cậu?” người lái xe hỏi.

“Có lẽ là chút gì đó thư giãn.”

“Vâng, thưa cậu.”

Người lái xe cúi xuống dưới ghế, chọn một băng cát xét, và chạm vào một nút trên bảng điều khiển. Một bản xô nát thanh bình dành cho đàn viôlôngxen dường như không biết từ đâu lan tới. Một bản nhạc không chê vào đâu được, độ trung thực không chê vào đâu được.

“Họ luôn cho bác đến chở mọi người trên chiếc xe này à?” tôi hỏi.

“Đúng vậy đấy,” người lái xe trả lời một cách dè dặt. “Thời gian gần đây tôi chỉ phải làm có thế.”

“Tôi hiểu rồi.”

“Ban đầu chiếc limousine này được dành riêng cho Ông Chủ,” người lái xe nói ngay sau đó, vẻ e ngại lúc trước đã bớt đi. “Tuy nhiên, mùa xuân này, với tình trạng hiện này, ông ấy không dám đi ra ngoài nhiều. Nhưng mà cứ để cho chiếc xe này nằm lì một chỗ thì cũng được gì đâu? Như tôi chắc cậu cũng biết, xe ô tô phải được lái thường xuyên chứ không thì chạy kém hay ngay.”

“Tất nhiên rồi,” tôi nói. Nếu vậy thì có vẻ như việc Ông Chủ bị bệnh không còn là bí mật của tổ chức nữa. Tôi lấy một điếu thuốc ra khỏi hộp, xem xét, đưa lên mũi. Một loại thuốc lá cắt khô được làm một cách đặc biệt không có nhãn hiệu gì, thơm giống như mùi thuốc lá Nga. Tôi đấu tranh tư tưởng không biết nên hút hay nên đút túi, nhưng cuối cùng thì đặt nó lại chỗ cũ. Được chạm giữa chiếc bật lửa và hộp thuốc lá là một hình biểu tượng tinh xảo. Một biểu tượng cừu.


Cừu ư?
Tôi lắc đầu và nhắm mắt. Toàn bộ chuyện này thật quá sức tôi. Dường như kể từ khi bức ảnh cừu hiện hữu trong đời tôi, mọi thứ bắt đầu chạy trốn khỏi tôi.

“Còn bao nhiêu lâu nữa chúng ta đến nơi?” tôi hỏi.

“Ba mươi hoặc bốn mươi phút, tùy vào giao thông.”

“Vậy có lẽ bác có thể giảm điều hòa xuống một chút? Tôi muốn tranh thủ ngủ một lát.”

“Tất nhiên là được, thưa cậu.”

Người lái xe điều chỉnh máy điều hòa, rồi bật một núm trên bảng điều khiển. Một tấm thủy tinh dày nhẹ nhàng kéo lên, ngăn khoang hành khách khỏi ghế lái xe. Tôi được bao bọc trong một sự yên lặng gần như tuyệt đối, chỉ trừ đoạn nhẹ nhàng của Bach, nhưng cho tới thời điểm này hầu như không gì làm tôi ngạc nhiên. Tôi dụi má vào ghế sau mà thiếp đi.

Tôi mơ về một con bò sữa. Một con bò khá hiền lành và nhỏ nhắn, loại trông giống như đã trải qua nhiều gian truân. Chúng tôi đi qua nhau trên một cây cầu lớn. Đó là một buổi chiều xuân dễ chịu. Con bò đang mang một chiếc quạt điện cũ trên móng guốc, và nó hỏi liệu tôi có muốn mua lại chiếc quạt với giá rẻ không.

“Tôi không có nhiều tiền đâu,” tôi nói. “Thật mà, tôi không có nhiều tiền.”

“Vậy thì,” con bò nói, “tôi có thể đổi nó cho ngài lấy một chiếc kìm.”

Thế cũng không tồi. Vậy là tôi và bò đi về nhà cùng nhau, và tôi lục tung cả nhà lên để tìm chiếc kìm. Nhưng không biết kìm đặt chỗ nào.

“Kỳ thật,” tôi nói. “Chiếc kìm còn ở đây hôm qua mà.”

Tôi vừa mới lôi ghế ra để trèo lên tìm trên mặt tủ thì người lái xe vỗ nhẹ lên vai tôi. “Chúng ta tới nơi rồi,” bác ta nói ngắn gọn.

Cửa xe mở và ánh sáng yếu ớt của buổi chiều mùa hè chiếu qua mặt tôi. Hàng ngàn con ve đang kêu inh ỏi như tiếng lên dây cót của chiếc đồng hồ. Có cả mùi đất màu mỡ.

Tôi ra khỏi xe limousine, duỗi chân duỗi tay và thở một hơi sâu. Tôi cầu sao giấc mơ khi nãy không tượng trưng cho một điều gì đó.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:30:20 | Chỉ xem của tác giả
Chương 12: Nơi Vũ Trụ Của Loài Sâu


Có những giấc mơ tượng trưng – những giấc mơ tượng trưng hóa một hiện thực nào đó. Và rồi có những hiện thực tượng trưng – những hiện thực tượng trưng hóa một giấc mơ. Biểu tượng là cách người ta có thể gọi những thành viên danh dự hội đồng thị trấn trong vũ trụ của loài sâu. Trong vũ trụ của loài sâu, không gì bất thường khi một con bò sữa đi tìm một chiếc kìm. Một con bò chắc chắn sẽ tìm được chiếc kìm vào một lúc nào đó. Chuyện ấy không liên quan gì tới tôi.

Tuy thế, việc con bò chọn tôi để lấy chiếc kìm làm thay đổi mọi thứ. Điều này đẩy tôi vào cả một vũ trụ của những điều cân nhắc khác nhau. Và trong cái vũ trụ của những cân nhắc khác nhau này, vấn đề chủ yếu là mọi thứ trở nên kéo dài lê thê và phức tạp. Tôi hỏi bò, “Tại sao mày muốn kìm?” Và bò trả lời, “Tôi rất đói.” Vậy là tôi hỏi, “Tại sao mày muốn kìm nếu như mày đói?” Bò trả lời, “Để gắn kìm vào cành đào.” Tôi hỏi, “Tại sao lại là cây đào?” Đến đó bò trả lời, “Xem nào, đó là lý do tại sao tôi đổi chiếc quạt, đúng không ngài?” Vân vân và vân vân. Sự việc không bao giờ được giải quyết, tôi bắt đầu oán giận bò, và con bò bắt đầu oán giận tôi. Đó là thế giới quan của loài sâu. Cách duy nhất để thoát ra khỏi vũ trụ của loài sâu là mơ một giấc mơ tượng trưng khác.

Nơi mà cái xe bốn bánh khổng lồ chở tôi đến vào buổi chiều tháng Chín ấy chắc chắn là tâm điểm vũ trụ của loài sâu. Nói cách khác, lời cầu nguyện của tôi đã bị chối từ.

Tôi nhìn quanh và nín thở. Đây là thứ đáng làm ta kinh ngạc.

Chiếc xe limousine đỗ trên một ngọn đồi cao. Đằng sau chúng tôi là con đường rải sỏi mà chúng tôi vừa đi lên, dần nhập vào một con đường đẹp như tranh đầy những khúc lượn quanh co tới cổng trước ở đằng xa. Có lẽ sẽ phải mất mười lăm phút đi bộ lận, nếu đi thong thả. Dọc theo hai bên đường là cây tuyết tùng và những ngọn đèn hơi thủy ngân, đứng xếp hàng cách nhau đều đặn như những ống đựng bút chì. Bám chặt vào từng thân cây là vô vàn những con ve sầu đang gào lên thảm thiết, như thể ngày tận thế đang tới gần.

Mỗi hàng tuyết tùng nằm ven thảm cỏ đều được xén tỉa gọn ghẽ, trải xuống thành bờ dốc điểm những bụi tú quyên và tú cầu cùng những loài cây cỏ khác ngoài khả năng nhận biết của tôi. Một bầy chim sáo nhào tới, cả một đàn, liệng qua liệng lại trên cỏ, giống như một đụn cát di chuyển không mục đích.

Bậc thang bằng đá dẫn xuống hai bên đồi: các bậc bên trái dẫn đến một khu vườn Nhật Bản với đèn lồng đá và một cái ao, các bậc bên phải dẫn đến một sân gôn nhỏ. Bên rìa sân gôn là một vọng lâu có màu nho sẫm, và ngang đó đứng sừng sững một pho tượng Hy Lạp cổ bằng đá. Bên cạnh là ga ra khổng lồ nơi một người lái xe khác đang rửa một chiếc limo khác. Tôi không thể nhận ra chiếc xe hiệu gì, nhưng nó không phải là một chiếc Volkswagen cũ.

Tôi khoanh tay nhìn quanh mình lần nữa. Một khung cảnh vườn tược không chê vào đâu được, chắc chắn rồi, nhưng ôi chao, một cảnh ấn tượng thế nào cơ chứ.

“Thế hộp thư ở đâu hả bác?” tôi hỏi không ăn nhập vào đâu. Ý tôi là ai đó phải đi lấy báo mỗi sáng mỗi tối chứ.

“Hộp thư ở cạnh cổng sau,” người lái xe nói. Một khám phá đột ngột. Tất nhiên phải có cổng sau rồi.

Sau khi xem xét đất đai vườn tược xong xuôi, tôi quay ra đối diện với con đường và thấy mình đối diện với một công trình kiến trúc đồ sộ, cao ngất ngưởng.

Đó là – biết phải nói thế nào nhỉ – một tòa nhà cô độc một cách đau đớn. Hãy để tôi giải thích. Ví dụ chúng ta có một khái niệm. Khỏi phải nói, sẽ có đôi chút ngoại lệ cho cái khái niệm đó. Vậy là, cùng với thời gian những ngoại lệ này sẽ lan ra như những vết bẩn cho tới khi cuối cùng chúng tạo nên một khái niệm riêng biệt. Từ đó lại mọc lên những ngoại lệ khác. Nó là loại tòa nhà kiểu ấy, một công trình cổ nào đó được phát triển một cách mù quáng, đến một kết cục mà không ai biết sẽ thế nào.

Ở hiện thân đầu tiên, có vẻ như nó từng là một trang viên theo kiểu phương Tây ở thời Minh Trị. Chiếc cổng có trần cao dẫn vào một ngôi nhà hai tầng màu kem. Cửa sổ cao, khung kính trượt theo phong cách thật sự cổ, sơn được quét đi quét lại không biết bao lần. Mái nhà, như bạn đã đoán được, lợp bằng ván lợp đồng, và máng xối vững chắc như hệ thống cầu máng thời La Mã. Một ngôi nhà đẹp, toát ra vẻ duyên dáng cổ kính.
Nhưng rồi một tay kiến trúc sư thích đùa nào đó xuất hiện để gắn một chái nhà khác có cùng phong cách và nguyên tắc phối màu vào bên phải của công trình kiến trúc ban đầu. Ý đồ không tồi, nhưng hiệu quả thì không thể chấp nhận được. Giống như dọn món nước quả đóng đá và súp lơ xanh trên cùng một chiếc đĩa bạc.

Sự kết hợp bất hạnh này được giữ nguyên trong vài thập kỷ cho tới khi ai đó lại xây thêm một tòa tháp bằng đá vào một bên. Tại đỉnh tháp gắn một cột thu lôi có tính chất trang trí. Một sai lầm. Sét như được sắp đặt để đánh cháy rụi cả căn nhà.

Giờ là một lối đi có mái vòm uy nghiêm che phủ nối thẳng tòa tháp tới một chái nhà khác. Chái nhà này lại là một thực thể cách biệt, mặc dù ít ra nó hoàn tất một chủ đề thống nhất. Chúng ta hãy tạm gọi chủ đề ấy là “sự chống đối lẫn nhau của các ý thức hệ”. Nó chứng tỏ một cảm hứng chủ đạo nhất định, giống như con lừa khi đặt giữa hai thùng cỏ khô giống hệt nhau sẽ chết đói trong khi cố quyết định xem ăn thùng nào trước.

Bên trái của công trình kiến trúc ban đầu, không kém phần đối chọi đối với các yếu tố đã tồn tại trước đó, một tòa biệt thự một tầng kiểu Nhật truyền thống chạy dài. Các dãy hành lang tuyệt đẹp chạy thẳng như đường chơi bowling, bao quanh là bờ giậu và hàng thông được chăm sóc kỹ càng.

Cái mớ hỗn độn ba-phong-cách-có-dư này đậu chênh vênh trên đỉnh đồi không phải là một cảnh tượng thường gặp. Giả sử đây là một kế hoạch vĩ đại của ai đó được xây dựng trong nhiều năm để cố rũ bỏ trạng thái sững sờ hoặc để xua đuổi cơn buồn ngủ, thì nó là một thành công đáng khâm phục. Không cần phải nói, ấy là một giả thuyết khó xảy ra. Cái vật quái dị này là đại diện cho tiền, hàng núi tiền, theo đó là một danh sách dài những tài năng hạng hai từ thời này sang thời khác đã lợi dụng cơ hội để kiếm lời.

Chắc hẳn tôi đã nhìn chằm chằm vào cái ảo ảnh này một lúc lâu trước khi nhận ra người lái xe đứng cạnh đang nhìn đồng hồ. Trông bác ta có vẻ quen với tư thế ấy. Có lẽ bác ta đã quen đứng ở cùng vị trí đó với bất kỳ ai bác ta lái xe đến đây. Tất cả bọn họ hẳn đã trố mắt nhìn khung cảnh xung quanh theo cùng một cách.

“Xin cậu cứ ngắm cho thỏa thích. Cậu còn thời gian mà,” bác ta nói. “Chúng ta còn tám phút nữa.”

“Khu này lớn quá,” tôi không muốn nói thêm gì không thích hợp.

“Gần ba héc ta đấy ạ,” người lái xe nói.

“Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu các vị có cả một ngọn núi lửa đang hoạt động trong đó,” tôi cười, cố làm mọi thứ trở nên nhẹ nhõm hơn. Nhưng câu nói đùa không được hưởng ứng. Không ai đùa ở đây.

Thế là tám phút trôi qua.

Tôi được dẫn qua lối vào tới một căn phòng lớn theo phong cách phương Tây ngay bên phải. Trần nhà cao khác thường, được viền quanh bởi những đường gờ chạm trổ tinh xảo. Có một bộ xô pha cổ đẹp đẽ và một bàn uống trà; trên tường là một bức tranh tĩnh vật theo trường phái hiện thực. Táo, một cái bình và một con dao. Có lẽ ý tưởng là dùng chiếc bình đập đống táo, rồi sau đó dùng dao gọt táo. Hạt và lõi táo có thể bỏ vào bình.

Bên cửa sổ là những tấm rèm dày chồng một lớp đăng ten, được vén qua một bên bằng dây buộc rèm cùng chất liệu. Qua khoảng trống giữa các tấm rèm, người ta có thể nhìn thấy một phần tương đối tĩnh lặng của khu vườn. Sàn nhà gỗ sồi đánh bóng láng. Một tấm thảm lông dày tuyết dù màu đã nhạt phủ một nửa sàn nhà.

Một căn phòng không đến nỗi nào. Một căn phòng hoàn toàn không đến nỗi nào.

Một bà phục vụ đứng tuổi mặc kimono bước vào phòng, đặt xuống một ly nước nho, rồi rời phòng không nói một lời. Cánh cửa ra vào đóng lại với một tiếng cách. Rồi mọi thứ lặng yên như tờ.

Trên bàn uống trà là một hộp đựng thuốc lá bằng bạc, bật lửa và gạt tàn giống hệt như những thứ trong xe limousine. Được trạm biểu tượng cừu giống nhau. Tôi lôi trong túi quần ra một điếu đầu lọc, châm thuốc bằng chiếc bật lửa bạc, và phả một làn khói lên trần nhà cao vút. Rồi tôi nhấp một ngụm nước nho.

Mười phút sau, cánh cửa mở ra và một người đàn ông cao ráo mặc com lê đen bước vào. Người đàn ông không nói “Xin chào” hay “Xin lỗi đã để ngài phải đợi.” Tôi cũng không nói gì. Ông ta kéo ghế ngồi đối diện tôi, hơi nghiêng đầu, và nhìn tôi.
Thời gian đang thật sự trôi qua.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

16#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:32:36 | Chỉ xem của tác giả
Phần V: Những Lá Thư Của Chuột Và Các Kỷ Niệm Tạp Nhạp - Chương 13: Lá Thư Thứ Nhất Của Chuột


(Đóng Dấu Bưu Điện Ngày 21 Tháng Mười Hai, Một Năm Trước)

Sao, mọi thứ như thế nào?

Có vẻ như đã quá lâu rồi tớ không gặp cậu. Đã bao nhiêu năm rồi nhỉ? Đó là vào năm nào vậy?

Tớ nghĩ tớ đã dần dần mất đi cảm giác về thời gian. Giống như có một con chim đen dẹt không hề tồn tại đang đập cánh trên đầu tớ và tớ không thể đếm quá ba. Cậu phải thứ lỗi cho tớ, nhưng sao cậu không đếm đi?

Tớ bỏ thị trấn đi mà không nói với ai và có lẽ cậu phải chịu rắc rối vì điều đó. Hay có lẽ cậu giận tớ đã bỏ đi mà không nói một lời nào với cậu. Cậu biết đấy, tớ muốn thẳng thắn với cậu nhiều lần, nhưng tớ đã không thể. Tớ đã viết nhiều thư và xé hết. Điều đó lẽ ra hiển nhiên, nhưng tớ không cách nào có thể giải thích cho người khác điều mà tớ thậm chí đã không thể giải thích cho chính mình.

Tớ đoán vậy.

o O o


Tớ chưa bao giờ giỏi khoản viết thư. Mọi thứ tớ viết ra cứ đảo ngược hết cả. Tớ toàn dùng từ sai. Cứ như thế chưa đủ tệ, viết thư còn làm tớ thêm lộn xộn. Và vì tớ không có óc hài hước, tớ nản lòng với chính mình.

Thường thì những người giỏi viết thư không có nhu cầu viết thư. Họ có vô khối thứ để sống trong hoàn cảnh của họ. Đây, chỉ là ý kiến riêng của tớ, tất nhiên. Cũng có thể ta không thể sống trong hoàn cảnh được.

Lúc này trời lạnh khủng khiếp và tay tớ tê cóng. Cứ như thể không còn là tay của tớ nữa. Đầu óc tớ chúng cũng không còn là đầu óc tớ nữa rồi. Giờ đây tuyết đang rơi. Tuyết giống như những mảnh đầu óc của ai đó. Và nó sẽ chất đống giống như đầu óc của ai đó. (Mà tớ đang nói cái thứ chết tiệt gì ấy nhỉ?)

Dù vậy, ngoài việc trời lạnh ra, tớ vẫn ổn. Cậu thì sao? Tớ sẽ không cho cậu biết địa chỉ của tớ, nhưng đừng giận tớ làm gì. Không phải tớ đang cố giấu cậu điều gì. Tớ muốn cậu biết điều đó. Điều này, cậu biết đấy, là một vấn đề tế nhị đối với tớ. Chỉ là cái cảm giác tớ đang có này, rằng nếu tớ cho cậu biết địa chỉ, ngay lúc ấy một điều gì đó trong tớ sẽ thay đổi. Tớ không biết diễn đạt điều đó như thế nào.

Dù sao thì, dường như với tớ cậu luôn hiểu rất rõ những điều tớ không thể nói rõ. Điều rắc rối là tớ rốt cuộc trở nên càng tệ hơn cái khoản diễn đạt mọi thứ rõ ràng. Chắc là một tật bẩm sinh.

Đương nhiên ai mà chẳng có tật.

Tật lớn nhất của tớ là mỗi năm những cái tật bẩm sinh của tớ cứ ngày càng lớn hơn. Cứ như tớ đang nuôi gà bên trong mình vậy. Gà đẻ trứng và trứng nở thành gà khác, gà khác lại đẻ trứng. Đây có phải là cách để sống một cuộc đời không? Sống mà phải chịu tất cả những cái tật này ư, tớ phải tự hỏi thế. Đương nhiên, tớ vẫn tồn tại. Nhưng rốt cuộc thì, đó không phải là vấn đề đúng vậy không?

Bất kể thế nào, tớ đã quyết định sẽ không cho cậu biết địa chỉ. Tớ chắc chắn như vậy sẽ tốt hơn. Cho cả tớ và cậu.

Có lẽ chúng ta sẽ khá hơn nếu sinh ra ở Nga vào thế kỷ mười chín. Tớ đã có thể là một chàng Hoàng tử nào đó và cậu là một tay Bá tước nào đó. Chúng mình sẽ đi săn cùng nhau, tranh luận, là tình địch của nhau, than phiền về những thứ siêu hình, vừa uống bia vừa ngắm hoàng hôn trên Biển Đen. Trong những năm tháng về sau của chúng mình, hai đứa dính líu vào cuộc Nổi loạn nào đó và bị đày đi Siberia rồi chết ở đó. Tuyệt vời, cậu có nghĩ vậy không? Tớ ấy à, nếu tớ sinh ra vào thế kỷ mười chín, chắc chắn là tớ đã có thể viết nên những cuốn tiểu thuyết hay hơn. Có thể không phải cỡ Dostoyevsky của cậu, nhưng là một tiểu thuyết gia hạng hai có tiếng. Và cậu sẽ làm gì nhỉ? Có lẽ cậu sẽ chỉ là một tay Bá tước nào đó từ đầu đến cuối. Như vậy cũng không tồi, chỉ là Bá tước nào đó. Như vậy cũng tốt và như vậy mới là thế kỷ mười chín.

Nhưng thôi, vậy là đủ rồi. Trở lại thế kỷ hai mươi thôi.

Để tớ kể cậu nghe về những thị trấn tớ đã từng qua.

Không phải thị trấn nơi tớ sinh ra mà là những thị trấn khác nhau.

Thật sự có rất nhiều thị trấn khác nhau trên thế gian này. Mỗi thị trấn có những nét riêng, những điều không thể hiểu được đã thu hút tớ. Đó là lý do tại sao tớ đã qua khá nhiều thị trấn mấy năm vừa qua.

Bất cứ nơi nào tớ đến, tớ xuống xe, và có một bùng binh nhỏ nơi người ta treo bản đồ thị trấn và một dãy phố toàn cửa hiệu. Cái đó ở đâu cũng thế. Ngay cả lũ chó trông cũng giống nhau. Việc đầu tiên tớ làm là đảo một vòng qua nơi đó trước khi tới chỗ người kinh doanh nhà đất để tìm chỗ trọ rẻ tiền. Tất nhiên tớ là người ngoài và không ai trong cái thị trấn nhỏ ấy tin tưởng tớ ngay lập tức, nhưng cậu biết đó, tớ có thể đủ tử tế nếu tớ để nửa tâm trí vào đó. Cho tớ mười lăm phút là tớ nói chung có thể gây thiện cảm với hầu hết mọi người. Xong việc đó rồi, tớ tìm ra nơi nào tớ có thể hòa nhập và thu thập đủ kiểu thông tin về thị trấn.

Kế tiếp, tớ đi kiếm việc. Điều này cũng bắt đầu bằng việc tạo quan hệ tốt với nhiều người khác nhau. Tớ chắc là điều này đã có thể là một thất bại đối với một ai đó như cậu (và tin tớ đi, tớ đã thấy đủ thất bại cho cả đời rồi) vì cậu biết dẫu sao cậu cũng chỉ nấn ná ở đó có bốn tháng thôi. Nhưng lập quan hệ tốt với mọi người đâu có khó khăn gì. Cậu tìm một quán rượu địa phương nơi tụi choai choai tụ tập (thị trấn nào cũng có một chốn như thế – nó giống như cái rốn của thị trấn vậy), cậu trở thành khách quen, gặp gỡ mọi người, được giới thiệu cho một việc nào đó. Tất nhiên, cậu nghĩ ra một cái tên thích hợp và một câu chuyện đời nào đó. Vậy là đến giờ tớ có một lô tên và chuyện đời mà cậu không tin nổi đâu. Đôi khi tớ quên mất ban đầu mình là người như thế nào.

Về khoản công việc, tớ đã làm đủ thứ nghề. Hầu hết là nhàm chán, nhưng tớ vẫn ham thích công việc đó. Thường là việc ở trạm xăng. Kế tiếp là trông coi một quán bar tồi tàn nào đó. Tớ đã từng trông coi hiệu sách, thậm chí làm việc tại một đài phát thanh. Tớ đã được thuê làm công nhật. Đã từng là người bán mỹ phẩm. Nói cho cậu biết nhé, tớ khá có tiếng với tư cách là người bán mỹ phẩm đấy. Và tớ đã ngủ với khối đàn bà. Ngủ với đàn bà mỗi lần với một cái tên và chuyện đời khác nhau cũng không đến nỗi quá tệ.

Cậu thấy được toàn cảnh chứ, với tất cả những biến dạng của nó.

Vậy là giờ đây tớ hai mươi chín tuổi, chín tháng nữa là tròn ba mươi.

Tớ vẫn không biết mình có phù hợp với cái kiểu sống này không. Tớ không biết mong muốn làm một kẻ lang bạt có phải là điều phổ biến hay không. Nhưng như một ai đó từng viết ở đâu đó, người ta cần một trong ba thứ cho cuộc sống lang thang lâu dài – khí chất tôn giáo, hoặc khí chất nghệ sĩ, hoặc khí chất siêu linh. Nếu người ta có một thứ nhưng có in ít thôi thì không thể làm kẻ lang bạt lâu dài được. Về phần mình, tớ không thấy mình có bất cứ khí chất nào trong số đó. Trong trường hợp cần thiết, tớ có thể nói… thôi, tốt hơn hết là không lang bạt nữa.

Mặt khác, rốt cuộc một ngày nào đó tớ có thể sẽ mở nhầm cánh cửa, chỉ để nhận thấy tớ không thể rút lui. Dù thế nào đi nữa, nếu cánh cửa đã mở, tớ nên gắng mà thành công. Ý tớ là tớ không thể cứ mãi than phiền suốt quãng đời còn lại của mình, đúng không?

Đầu đuôi câu chuyện là như thế đấy.

Như tớ nói lúc đầu (có đúng là tớ đã nói thế không nhỉ?), khi tớ nghĩ đến cậu, tớ cảm thấy đôi chút bứt rứt. Bởi vì cậu gợi cho tớ nhớ đến thời tớ còn là một gã trai tương đối bình thường.

Bạn cậu,

Chuột

T.B: Tớ gửi kèm một cuốn tiểu thuyết tớ viết. Nó không còn ý nghĩa gì với tớ nữa, vậy nên cậu làm gì với nó thì tùy. Tớ gửi chuyển phát đặc biệt để chắc chắn cậu nhận được nó trước ngày hai mươi tư tháng Mười hai. Hy vọng nó đến nơi đúng ngày.

Dù sao đi nữa, chúc mừng sinh nhật nhé.

Và tiện đây, chúc cậu Giáng sinh vui vẻ.


Gói bưu phẩm của Chuột được nhét nhàu nát vào hòm thư căn hộ tôi vào ngày 29 tháng Mười hai. Đính kèm là một tấm giấy gửi chuyển tiếp. Nó đã được gửi đến địa chỉ trước của tôi. Không có cách nào để báo cho hắn biết tôi đã chuyển đi.

Bốn trang giấy viết thư màu nâu nhạt đầy kín những chữ. Tôi đọc kỹ lá thư ba lần trước khi mang chiếc phong bì ra để kiểm tra dấu bưu điện đã mờ. Đó là một nơi tôi chưa bao giờ nghe đến. Tôi lấy tập bản đồ từ trên giá sách xuống tra tìm nơi đó.

Lời của Chuột đã đến với tôi từ một thị trấn nhỏ trên mũi phía Bắc Honshu, nằm chính giữa tỉnh Aomori. Theo cuốn bảng giờ tàu của tôi, chỗ ấy cách thành phố Aomori khoảng một tiếng đi tàu. Năm chuyến tàu dừng ở đó mỗi ngày, hai chuyến sáng, một chuyến trưa, hai chuyến tối.

Tôi đã tới Aomori vài lần vào tháng Mười hai. Lạnh. Tín hiệu giao thông đóng băng.

Tôi đưa lá thư cho vợ tôi, đúng hơn là vợ tôi vào thời điểm đó, xem. Tất cả những gì cô ta có thể nói là “tội nghiệp anh ấy”. Những gì cô ta thật sự muốn nói là tội nghiệp các anh. Rõ khỉ, giờ thì điều đó cũng không còn quan trọng nữa.

Tôi quẳng cuốn tiểu thuyết, khoảng hai trăm trang, vào ngăn kéo bàn mà không thèm đọc đầu đề. Tôi không biết tại sao, chỉ là tôi không thấy muốn đọc nó. Lá thư là đủ.

Tôi kéo ghế ra trước lò sưởi và hút ba điếu thuốc.

Lá thư tiếp theo của Chuột đến vào tháng Năm năm sau.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

17#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:35:22 | Chỉ xem của tác giả
Chương 14: Lá Thư Thứ Hai Của Chuột


(Đóng Dấu Bưu Điện Tháng Năm, Năm Nay)

Thư trước chắc có lẽ tớ đã hơi dong dài một chút. Dù vậy, tớ quên hết những gì mình nói rồi.

Tớ lại đổi địa chỉ. Một chỗ khác hẳn với bất cứ chỗ nào tớ đã từng qua tính đến nay. Ở đây thật sự yên tĩnh. Có lẽ là hơi quá yên tĩnh.

Theo một nghĩa nào đó, tớ đã tới một nơi tớ có thể coi là điểm đến cuối cùng. Tớ cảm thấy như tớ đã đến được nơi số phận sắp đặt mình phải đến. Hơn nữa, tớ cảm thấy tớ đã bơi ngược dòng để đến được đây. Nhưng đó không phải chuyện tớ có thể phán xét.

Viết lách mới tệ làm sao! Nó thật mơ hồ đến mức có lẽ cậu chẳng hiểu tớ đang nói cái gì. Hoặc có lẽ cậu nghĩ tớ đang gắn quá nhiều ý nghĩa vào số phận của mình. Nếu đúng như vậy, tớ là người đáng chịu mọi trách nhiệm.

Tớ muốn cậu biết là tớ càng cố giải thích với cậu những gì đang diễn ra trong đầu mình, tớ lại càng bắt đầu đi lạc đề như thế này. Tuy nhiên, tớ vẫn ổn, có lẽ ổn nhất từ trước đến giờ.

Hãy để tớ viết cụ thể mọi thứ.

Quanh đây, như tớ đã nói trước, thật yên tĩnh khủng khiếp. Không có gì để làm ở đây, vì thế tớ đọc sách (tớ có đủ sách ở đây để có thể đọc trong một thập kỷ) hoặc nghe nhạc FM hoặc nghe đĩa (cũng có cả một lô đĩa ở đây). Đã mười năm rồi tớ không nghe nhiều nhạc đến thế. Điều làm tớ ngạc nhiên là, The Rolling Stones và Beach Boys vẫn còn sung lắm. Thời gian thật sự là một tấm vải lớn dài vô tận, phải không? Chúng ta quen cắt từng mảnh thời gian để vừa với mình, vì thế chúng ta thường tự đánh lừa mình rằng thời gian vừa khớp với mình, nhưng thật ra nó kéo dài mãi.

Ở đây, không có gì vừa với tớ cả. Không có ai ở đây tự biến mình thành thước đo mọi thứ, ca ngợi hay lên án người khác vì kích cỡ của họ.

Thời gian cũng cứ thế trôi như một dòng sông trong vắt. Thỉnh thoảng, chỉ cần ở đây thôi tớ cũng cảm thấy mình không một chút ràng buộc, và tớ lại trở về với trạng thái nguyên thủy của mình. Chẳng hạn như, nếu tớ trông thấy bóng một chiếc ô tô, tớ phải mất đến mấy giây để nhận ra đó là một chiếc ô tô. Đương nhiên, tớ phải sở hữu một loại nhận thức cơ bản rằng đó là một chiếc ô tô, nhưng nó không thật sự nhập vào ý thức tức thời của tớ. Gần đây những trường hợp như thế xảy đến với tớ ngày một nhiều hơn. Có lẽ đó là vì đã lâu rồi tớ sống một mình.

Thị trấn gần nhất mất khoảng một tiếng rưỡi đi xe. Không, nó thậm chí không phải là một thị trấn nữa. Hãy tưởng tượng một thị trấn nhỏ nhất, rồi rút xuống chỉ còn cái khung thôi. Tớ ngờ là cậu không thể hình dung ra cảnh đó. Tớ đoán là người ta dù sao vẫn phải gọi nó là một thị trấn. Mình có thể mua quần áo, thực phẩm, xăng dầu. Và nếu mình có nhu cầu trông thấy loài người thì nhu cầu ấy sẽ được đáp ứng ở đó.

Suốt cả mùa đông, đường sá đóng băng và hầu như không xe cộ nào có thể chạy qua đây. Những chỗ không là đường thì ẩm ướt, vì thế mặt đất đóng băng như nước quả đóng đá. Khi có tuyết rơi, không thể nói được đâu là đường đâu không là đường. Đó là một khung cảnh có thể coi là tận cùng thế giới.

Tớ đến đây vào đầu tháng Ba. Lái xe qua lúc thời tiết và đường sá tệ nhất, xích buộc quanh lốp xe jeep. Cứ như bị đi đày đến Siberia. Nhưng giờ là tháng Năm và tuyết đã tan hết. Kể từ tháng Tư trở đi, núi non rung chuyển vì tuyết lở. Cậu đã bao giờ nghe thấy tuyết lở chưa? Ngay sau khi tuyết lở là khoảng yên lặng hoàn hảo nhất. Một sự yên lặng trọn vẹn, hoàn toàn. Người ta hầu như mất đi cảm giác mình đang ở đâu. Yên lặng đến mức đó.

Bị cô lập trong núi non ngần ấy thời gian, tớ không hề ngủ với một mống đàn bà nào trong ba tháng qua. Thực ra điều này không hề tệ chút nào. Tương tự, nếu tớ cứ ở vậy như thế lâu hơn nữa, tớ biết mình sẽ không còn quan tâm đến mọi người nữa, đó không phải là điều tớ muốn. Vì vậy tớ đang nghĩ là khi thời tiết ấm hơn chút tớ sẽ đi loanh quanh tìm cho mình một người đàn bà. Tớ không muốn khoe khoang đâu, nhưng tìm đàn bà chưa bao giờ là chuyện khó đối với tớ. Chừng nào tớ không quan tâm – và việc ở đây là bằng chứng sống rằng tớ không quan tâm – thì khả năng hấp dẫn giới tính thật dễ dàng, không thành vấn đề. Đối với tớ tán tỉnh đàn bà không có gì là khó. Vấn đề là, tớ không thấy thoải mái với cái khả năng này của mình. Nghĩa là, khi sự việc đạt đến một mức nào đó, tớ không còn biết được khi nào bản thân mình dừng lại và khi nào khả năng hấp dẫn giới tính của mình bắt đầu. Giống như khi nào Olivier[1] ngừng lại và Othello bắt đầu? Vậy nên giữa chừng khi tớ thấy mình không thu được gì từ công sức tớ bỏ ra, tớ tung hê tất cả. Điều này gây rắc rối cho mọi bên liên quan. Cả cuộc đời tớ cho đến lúc này không là gì ngoài sự lặp lại liên tục điều này.

Nhưng lần này tớ cảm thấy may mắn (thật vậy đó) là tớ không có gì để vứt bỏ cả. Một cảm giác tuyệt vời. Thứ duy nhất tớ có thể vứt bỏ là chính bản thân mình. Vứt bỏ chính bản thân mình không phải là một ý tồi. Không, thế thì nghe chừng có vẻ lâm ly thống thiết quá. Dẫu sao thì bản thân ý tưởng đó không hề lâm ly thống thiết chút nào. Tớ không cảm thấy thương hại chính mình. Chỉ là nghe có vẻ như vậy khi tớ viết ra.

Than vãn và rên rỉ.

Tớ đang kể lể về cái quái gì ấy nhỉ?

Đàn bà, đúng rồi.

Mỗi một người đàn bà đều có một ngăn kéo đánh dấu “đẹp”, chất đủ loại đồ tạp nhạp vô nghĩa. Đó là chuyên môn của tớ. Tớ lôi từng mảnh đồ tạp nhạp ấy ra, phủi sạch bụi, và tìm một ý nghĩa nào đó cho chúng. Tớ nghĩ đó chính là khả năng hấp dẫn giới tính. Nhưng như vậy thì đã sao nào? Để làm gì cơ chứ? Muốn làm vậy thì không có cách nào khác là phải sống khác với bản thân mình.

Vì vậy giờ đây tớ nghĩ về tình dục một cách thuần túy và đơn giản. Nếu tớ chỉ chú trọng đến tình dục mà thôi thì không cần phải đau khổ về việc liệu tớ có cảm thấy thương hại mình hay không.

Giống như uống bia bên bờ Biển Đen ấy.

Tớ vừa soát lại những gì mình đã viết. Đây đó có đôi chỗ không thống nhất, nhưng theo tiêu chuẩn của tớ thì khá thành thực. Càng thành thực hơn bởi vì nó thật nhàm chán.

Tớ thậm chí có vẻ như không viết là thư này cho cậu. Có lẽ hòm thư cũng xa xôi như ý nghĩ của tớ vậy. Nhưng đừng có giận tớ về việc đó. Mất một tiếng rưỡi đi xe jeep mới đến hòm thư gần nhất.

Từ đây trở đi, lá thư này được gửi cho cậu.

Tớ có hai việc muốn nhờ cậu. Không có việc nào là gấp cả, vì thế cậu có thể giải quyết chúng lúc nào cũng được. Tớ thật sự cám ơn cậu. Ba tháng trước đây tớ có lẽ đã không thể cho phép mình nhờ vả cậu bất cứ điều gì. Nhưng giờ thì tớ có thể. Vậy là tiến bộ rồi, tớ đoán vậy.

Việc đầu tiên là một lời đề nghị về mặt tình cảm. Có nghĩa là nó liên quan tới “quá khứ”. Năm năm trước khi tớ bỏ thị trấn đi, tớ ra đi vội vã lộn xộn quá, tớ quên không nói lời từ biệt đến một số người. Cụ thể là, cậu và anh J và một người phụ nữ cậu không biết. Tớ cho là tớ có thể trực tiếp gặp cậu để nói lời từ biệt, nhưng với hai người kia tớ biết tớ sẽ không bao giờ có cơ hội. Vì thế nếu cậu có bao giờ trở lại nơi đó, cậu có thể tạm biệt họ hộ tớ được không.

Tớ biết đó là một lời đề nghị ích kỷ. Tớ nên tự mình viết thư cho họ. Nhưng nói thật nhé, tớ thà để cậu trở lại đó và thay mặt tớ thăm họ. Tớ biết là cảm xúc của mình sẽ được diễn tả rõ ràng hơn theo cách đó. Tớ gửi kèm theo đây địa chỉ và số điện thoại của cô ấy. Nếu cô ấy đã chuyển đi hoặc giờ đã lấy chồng, không sao cả, cậu không phải đến gặp cô ấy. Thôi cứ để mặc thế. Nhưng nếu cô ấy vẫn ở địa chỉ cũ, chuyển lời hỏi thăm của tớ đến cô ấy.

Và nhớ chuyển lời hỏi thăm của tớ đến anh J nữa nhé. Hãy uống một ly bia cho tớ.

Đó là một việc.

Việc thứ hai muốn nhờ cậu có lẽ hơi kỳ quặc một chút.

Tớ gửi kèm theo đây một bức ảnh. Một bức ảnh cừu. Tớ muốn cậu đặt nó ở một nơi nào đó, tớ không quan tâm nơi nào, miễn là một chỗ người ta có thể thấy nó. Tớ nhận thấy mình đề nghị cậu điều này khá đường đột, nhưng tớ không còn ai để mà nhờ. Tớ sẽ cho cậu hết đến từng gam hấp dẫn giới tính cuối cùng của tớ nếu cậu giúp tớ chuyện này. Tuy vậy, tớ không thể nói cho cậu lý do tại sao. Bức ảnh này quan trọng đối với tớ. Một lúc nào đó sau này, tớ sẽ giải thích mọi việc với cậu.

Tớ kèm theo một tấm séc. Hãy dùng nó cho bất kỳ khoản chi phí nào. Cậu không phải lo chuyện tiền nong. Tớ thậm chí còn thấy khó mà tiêu tiền ở đây, với lại dù sao thì lúc này chuyện đó nằm trong giới hạn những điều tớ có thể làm cho cậu.

Nhớ là đừng quên uống một ly bia cho tớ.

Bạn cậu,

Chuột


Tôi tìm thấy bức thư trong hộp thư khi rời căn hộ và đọc nó tại bàn làm việc ở văn phòng.

Dấu bưu điện bị xóa không đọc nổi. Tôi xé phong bì. Bên trong là một tấm séc một trăm ngàn yên, một mẩu giấy đề tên và địa chỉ của một người phụ nữ, và một bức ảnh đen trắng chụp cừu. Bức thư được viết trên giấy viết thư xanh lá cây nhạt cùng loại với lá thư trước và tấm séc được rút ra từ một ngân hàng ở Sapporo. Điều đó có nghĩa là Chuột đã tiến xa hơn về phía Bắc Hokkaido.

Đoạn thư nói về tuyết lở không khiến tôi để ý, nhưng như Chuột đã nói, bức thư cho tôi cảm giác đó là một bức thư thành thật. Ngoài ra, không ai lại gửi một tấm séc một trăm ngàn yên để đùa cả. Tôi mở ngăn kéo bàn rồi quẳng thư từ và mọi thứ vào.

Có thể vì cuộc hôn nhân của tôi lúc bấy giờ đang tan vỡ nên mùa xuân năm ấy không đem lại cho tôi niềm vui nào. Vợ tôi không về nhà đã bốn ngày rồi. Bàn chải đánh răng của cô ta bên chậu rửa đóng bánh và nứt như một mảnh hóa thạch. Sữa trong tủ lạnh bốc mùi chua, và con mèo lúc nào cũng đói. Mùa xuân rót thứ ánh nắng lờ mờ vào khung cảnh này. Ít ra là ánh mặt trời lúc nào cũng không mất tiền mua.

Một ngõ cụt kéo dài thăm thẳm – có lẽ đó chính là thứ mà cô ta muốn nói.

Chú thích

[1] Diễn viên, đạo diễn sân khấu người Anh, nổi tiếng với các vai diễn trong kịch Shakespears như Othello và Richard III.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

18#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:37:52 | Chỉ xem của tác giả
Chương 15: Bài Hát Đã Chấm Dứt


Tôi về quê vào tháng Sáu.

Tôi bịa ra lý do để xin nghỉ ba ngày và bắt chuyến tàu siêu tốc sớm thứ Ba. Áo thể thao ngắn tay màu trắng, quần cotton xanh lá cây đã sờn nơi đầu gối, giày thể thao trắng, không hành lý. Tôi thậm chí quên cả cạo râu sau khi thức dậy sáng hôm ấy. Đó là lần đầu tiên sau nhiều năm tôi đi giày thể thao và gót giày mòn vẹt do bị uốn cong. Tôi hẳn đã luôn đi lệch trọng tâm mà không hề hay biết.

Đi một chuyến tàu xa không mang theo hành lý cho tôi một cảm giác vui vẻ. Như thể trong khi đi tản bộ thư giãn, tôi bỗng nhiên như một chiếc máy bay ném bom bổ nhào bị mắc vào trạng thái sai lệch không gian-thời gian. Ở đó không có gì hết: không cuộc hẹn với nha sĩ, không vấn đề tồn đọng trong ngăn bàn, không quan hệ con người phức tạp không thể thoát ra, không yêu cầu nhờ vả. Tôi đã để thứ đó lại phía sau, một cách tạm thời. Tất cả những gì tôi có là giày thể thao với gót cao su vẹo vọ không ra hình thù gì. Chúng bám chặt vào chân tôi như những kỷ niệm mơ hồ của một không gian-thời gian khác. Nhưng điều đó hầu như không quan trọng. Một lon bia và bánh mì kẹp thịt xông khói khô như ngói có thể làm tôi gạt bất kỳ chuyện gì ra khỏi tâm trí.

Đã bốn năm rồi. Bốn năm trước, tôi về thăm nhà là để giải quyết giấy tờ liên quan đến hộ khẩu khi tôi kết hôn. Nghĩ lại mới thấy thật là một chuyến đi vô nghĩa! Dù ai khác có nghĩ thế nào thì tất cả chỉ là chuyện giấy tờ. Rốt cuộc cũng chỉ là thế mà thôi. Những gì là kết thúc với người này lại không phải đã chấm hết với người kia. Đơn giản vậy đấy. Sau đó, con đường lại rẽ làm hai nhánh khác nhau.

Từ điểm đó trở đi, tôi không còn quê hương nữa. Không có nơi đâu để trở về. Thật nhẹ cả người! Không ai muốn tôi, không ai muốn gì ở tôi.

Tôi làm một lon bia nữa và tranh thủ chợp mắt ba mươi phút. Khi tôi thức dậy, cái cảm giác nhẹ nhõm vô tư lúc đầu tan biến. Tàu vẫn chạy, và trong lúc đó, bầu trời trở nên xám xịt. Dưới bầu trời ấy trải dài một khung cảnh nhàm chán đơn điệu. Cho dù chúng ta có tăng tốc độ lên bao nhiêu, sự đơn điệu vẫn không trốn đi đâu được. Ngược lại, tốc độ càng tăng, càng tiến gần đến sự đơn điệu. Đó, bản chất của sự đơn điệu là thế đó.

Ngồi cạnh tôi là một tay doanh nhân trạc hai nhăm hai sáu tuổi, mê mải đọc báo, hầu như không động đậy trong ngần ấy thời gian. Com lê mùa hè màu xanh nước biển, không một vết nhăn. Áo sơ mi trắng hồ cứng, vừa lấy từ tiệm giặt là về. Giày đen bóng lộn.

Tôi ngước nhìn trần toa tàu và hút một điếu thuốc. Tôi nhẩm liệt kê trong đầu tất cả các bài hát của Beatles đã từng ghi âm. Đến bảy mươi ba tựa đề thì tôi không còn nghĩ thêm được gì nữa. Tôi tự hỏi liệu Paul McCartney có thể nhớ được bao nhiêu bài. Tôi nhìn chằm chằm ra ngoài khung cửa sổ một lúc, rồi lại nhìn lên trần toa tàu.

Tôi lại về đây, quê hương. Thời gian trôi đi nhanh quá. Đã một thập kỷ kể từ hồi tôi sống ở đây. Một khoảng trống to tướng. Tôi đã không rút ra được điều gì có giá trị từ đó, tôi đã không làm được điều gì có ý nghĩa. Hoàn toàn là một sự đơn điệu.

Mọi thứ trước đó thế nào? Chắc chắn là phải có một điều gì đó tích cực. Phải chăng đã có điều gì đó thật sự làm tôi cảm động, điều gì đó thật sự làm ai đó cảm động? Có lẽ là có, nhưng tất cả giờ đây đã không còn nữa. Đã biến mất, có lẽ trời sắp đặt cho biến mất. Tôi không thể làm gì được, đành phải để chuyện đó trôi đi.

Ít ra thì tôi vẫn còn đây. Nếu người da đỏ tốt bụng duy nhất đã chết, số phận tôi buộc tôi phải sống.

Để làm gì chứ?

Để kể chuyện cho một bức tường đá ư?

Thật vậy, lúc này đây.

“Tại sao chú lại ở khách sạn?” J nhăn mặt hỏi khi đưa tôi bao diêm. “Chú có nhà ở đây cơ mà? Sao chú không ở đó?”

“Không còn là nhà của em nữa rồi,” tôi nói.

J không nói gì về điều đó.

Trước mặt tôi bày ba đĩa đồ ăn nhẹ, tôi uống nửa vại bia của mình, rồi lôi bức thư của Chuột ra đưa cho J. Anh chùi tay lên một chiếc khăn, đọc qua hai lá thư thật nhanh trước khi cẩn thận đọc lại, từng từ một.

“Hừm, cái thằng ấy vẫn vui sống khỏe ra phết nhỉ?”

“Nó vẫn sống, thế thôi,” tôi nói, làm một ngụm bia nữa. “Nhưng anh biết đấy, trước khi em làm bất cứ điều gì, em phải đi cạo râu đã. Anh cho em mượn con dao cạo và kem cạo râu được không?”

“Có đấy,” J nói, mang ra một bộ dao cạo du lịch từ sau quầy. “Chú có thể dùng nhà vệ sinh, nhưng không có nước nóng đâu.”

“Nước lạnh cũng được mà,” tôi nói. “Chừng nào không có một cô say khướt nằm sóng soài trên sàn nhà. Như thế cạo râu cũng khó.”

J’s Bar đã hoàn toàn thay đổi.

Quán bar cũ là một chốn ẩm ướt trong tầng hầm một tòa nhà cũ cạnh đường cao tốc. Vào những đêm mùa hè với máy điều hòa chạy suốt, một làn sương mỏng tích tụ lại. Sau một chầu say bí tỉ, thậm chí cả áo sơ mi cũng sẽ ẩm.

Tên thật của J là một từ tiếng Hoa đa âm tiếng không thể phát âm nổi. Cái tên lóng J được một vài gã lính Mỹ trên căn cứ gán cho khi anh làm việc ở đó sau chiến tranh. Người ta nhanh chóng quên béng tên thật của anh.

Năm 1954, J bỏ việc ở căn cứ quân sự mà mở một quán bar nhỏ. J’s Bar đầu tiên. Quán kinh doanh khá thành công. Phần lớn khách hàng đến từ trường sĩ quan không quân, và bầu không khí không đến nỗi nào. Sau khi mở quán, J lấy vợ, nhưng năm năm sau đó vợ anh qua đời. J không bao giờ nhắc đến nguyên nhân cái chết của vợ.

Năm 1963, khi Chiến tranh Việt Nam bắt đầu leo thang, J bán quán bar và chuyển đến thị trấn quê tôi. Ở đó anh mở J’s Bar thứ hai.

Anh nuôi một con mèo, hút một bao thuốc mỗi ngày, không bao giờ động đến một giọt rượu. Đó là tất cả những gì tôi biết về J.

Cho đến khi tôi gặp Chuột, tôi luôn đến J’s Bar một mình. Tôi uống từng hớp bia một cách chậm rãi, hút thuốc, và nhét xu vào chiếc máy hát tự động. Đây là lúc quán bar của J thường vắng khách, thế là tôi ngồi ở quầy nói đủ thứ chuyện với J, mặc dù chuyện gì thì tôi không nhớ chính xác. Liệu một thằng học sinh trung học mười bảy tuổi nhút nhát và một gã đàn ông Tàu góa vợ có thể nói với nhau chuyện gì?

Khi tôi mười tám tuổi và rời thị trấn, Chuột xuất hiện và thế chỗ của tôi ở quầy bar ngồi uống bia. Năm năm trước, khi Chuột rời thị trấn, không ai thế chỗ của hắn. Sáu tháng sau, khi người ta mở rộng đường, J lại phải đổi quán, và J’s Bar thứ hai chỉ còn là truyền thuyết.

J’s Bar thứ ba cách đó khoảng gần nửa cây số, cạnh bờ sông. Nó không lớn hơn chỗ cũ là mấy, nhưng nó nằm ở tầng ba một tòa nhà bốn tầng mới xây có cả thang máy. Đi thang máy lên J’s Bar khiến tôi có cảm giác mình bị lộn địa chỉ. Cũng giống như lúc ngồi quầy bar mà chiêm ngưỡng những thị trấn lên đèn.

Quán mới này có cửa sổ lớn ở hướng Tây và Nam, trông ra dãy đồi và khu vực từng là biển. Cách đây vài năm bờ biển đã được san lấp, và cả một cây số rưỡi giờ đây đầy những nhà cao tầng trông như hàng bia mộ.

“Chỗ kia từng là nước,” tôi nói.

“Đúng thế,” J nói.

“Em từng đi bơi nhiều lần ở đó.”

“Ừ,” J nói, đoạn đưa một chiếc bật lửa không nhãn hiệu châm điếu thuốc trên môi, “họ san phẳng dãy đồi để dựng nhà, chở đất ra san lấp biển và xây ở đó nữa. Thế là họ cứ nghĩ rằng như thế là ổn thỏa và đúng đắn.”

Tôi uống bia của mình. Loa trên trần nhà đang phát một bản nhạc ăn khách mới nhất của Boz Scaggs. Tôi không thấy một máy hát tự động nào. Hầu hết khách hàng ở đây là các cặp sinh viên đại học, ăn mặc chỉnh tề và lịch sự uống whisky pha soda. Không cô nào sắp sửa say đến mức bất tỉnh không biết đến trời đất gì, không có các cuộc ẩu đả kịch liệt sắp nổ ra. Người ta có thể đoán được là khi về nhà họ sẽ mặc quần áo ngủ, đánh răng, lên thẳng giường. Điều đó không có gì là sai. Dễ chịu và chỉnh tề thì tuyệt thôi. Không có gì trong quán bar hay trong thế giới rộng lớn kia nói là mọi thứ phải theo một quy cách nhất định.

J không rời mắt khỏi tôi trong suốt quãng thời gian ấy.

“Vậy là, mọi thứ khác đi và chú cảm thấy lạc lõng?”

“Không hẳn vậy,” tôi nói. “Chỉ là sự hỗn loạn đã thay đổi hình dạng. Hươu cao cổ và gấu đổi mũ cho nhau, và gấu đổi khăn cho ngựa vằn.”

“Vẫn như ngày nào,” J cười.

“Thời thế đã thay đổi,” tôi nói. “Nhiều thứ đã thay đổi. Nhưng điều quan trọng là, vậy cũng tốt. Mọi người đều đổi chỗ. Không phàn nàn.”

J không nói gì.

Tôi làm một cốc bia nữa, J hút một điếu thuốc nữa.

“Cuộc sống của chú ra sao rồi?” J hỏi.

“Không đến nỗi nào.”

“Vợ chú thế nào rồi?”

“Em thật sự không biết. Anh biết chuyện hai người thì như thế nào rồi đấy. Có những lúc em nghĩ mọi thứ đều ổn và có những lúc em không nghĩ vậy. Có lẽ đó mới thật sự là cuộc sống vợ chồng.”

“Ồ có thể vậy lắm,” J nói, lấy ngón tay út gãi gãi lên chóp mũi. “Anh quên mất cuộc sống vợ chồng là như thế nào. Đã lâu quá rồi.”

“Con mèo thế nào rồi?”

“Chết bốn năm trước. Ngay sau khi chú lấy vợ. Bệnh đường ruột… Nhưng thật tình, nó đã hưởng một cuộc sống lâu dài dễ chịu. Sống mười hai năm. Lâu hơn cả quãng thời gian anh và vợ anh sống cùng nhau. Mười hai năm không phải là một cuộc sống nhỏ nhoi tồi tệ, phải vậy không?”

“Chắc là không rồi.”

“Có một cái nghĩa trang dành cho thú vật trên đồi, thế là anh chôn nó ở đó. Trông ra mấy tòa nhà cao tầng. Quanh đây chỗ nào cũng chỉ thấy toàn nhà cao tầng thôi. Nói thế không phải điều đó có ý nghĩa gì đối với một con mèo.”

“Anh buồn chứ?”

“Tất nhiên rồi. Nhưng không phải buồn nếu có người nào chết. Nghe có buồn cười không?”

Tôi lắc đầu.

J chuẩn bị pha một ly cocktail cầu kỳ nào đó và một đĩa xa lát kiểu Caesar cho khách hàng. Trong lúc ấy, tôi nghịch trò ghép hình kiểu Scandinavi trên quầy. Người ta phải ghép một bức tranh có ba con bướm bay trên cánh đồng cỏ ba lá, tất cả bên trong một chiếc hộp thủy tinh. Tôi bỏ dở sau mười phút và đặt trò chơi ghép hình sang một bên.

“Không con cái gì à?” J quay lại hỏi tôi. “Chú đang bước sang cái tuổi phù hợp để có con đấy, chú biết không.”

“Em không muốn có con.”

“Thế à?”

“Ý em là người như em thì biết làm gì nếu có con chứ.”

J cười khùng khục và rót thêm bia vào ly của tôi. “Chú lúc nào cũng nghĩ xa.”

“Không, không phải thế. Ý em là, em thật sự không biết đó có phải là việc nên làm không, sản sinh ra một cuộc sống mới. Tụi trẻ lớn lên, các thế hệ nối tiếp. Tất cả những thứ đó dẫn đến cái gì? Nhiều quả đồi sẽ bị san phẳng và nhiều bãi biển sẽ bị san lấp? Xe ô tô chạy nhanh hơn và nhiều mèo bị xe cán hơn? Ai cần đến thứ đó?”

“Đó là mặt trái của vấn đề. Những điều tốt đẹp cũng xảy ra đấy chứ, những người tốt có thể làm mọi thứ có ý nghĩa.”

“Thế hả? Anh liệt kê ba điều xem nào,” tôi nói.

J nghĩ một lúc, rồi cười. “Điều đó là để cho thế hệ con cháu quyết định, không phải chú. Thế hệ chú…”

“Đã qua và đã hết thời?”

“Theo một nghĩa nào đó,” J nói.

“Bài hát đã chấm dứt. Nhưng giai điệu vẫn còn văng vẳng.”

“Chú lúc nào cũng có cách diễn đạt mọi thứ rất riêng.”

“Chỉ là làm màu thôi mà,” tôi nói.

Lúc chín giờ, J’s Bar bắt đầu đông khách, vì thế tôi tạm biệt J rồi rời quán. Mặt tôi vẫn còn ngưa ngứa ở những chỗ tôi đã cạo râu bằng nước lạnh. Có thể vì tôi đã vã nước chanh pha vodka thay vì kem cạo râu. J nói là như thế cũng đạt kết quả tương tự, nhưng giờ đây cả mặt tôi bốc đầy mùi vodka.
Đêm ấm một cách bất ngờ, mặc dù bầu trời vẫn đầy mây u ám như thường. Một cơn gió ẩm ướt chậm rãi và dễ chịu thổi từ hướng Nam tới. Vẫn như ngày trước. Hương vị biển trộn lẫn với một chút mùi mưa. Côn trùng kêu râm ran từ những lùm cỏ dọc bờ sông. Mọi thứ đều ngập tràn nỗi niềm hoài cổ trì trệ. Dường như trời có thể mưa bất kỳ lúc nào. Và mưa thật, mưa đổ giọt rích rắc nhẹ đến nỗi người ta không thể biết được trời có mưa hay không, nhưng dù sao mình mẩy tôi vẫn ướt sũng.

Tôi hoàn toàn có thể nhìn ra con sông đang cuộn chảy trong làn ánh sáng trắng của ngọn đèn đường hơi thủy ngân. Nước trong như vẫn luôn vậy. Nước chảy thẳng từ trên đồi, không có gì làm nó ô nhiễm dọc đường đi. Dòng sông bị sỏi và những tảng đá nhỏ cuốn từ trên đồi xuống chặn nghẽn lại, tạo nên những dòng thác nhỏ đó đây. Dưới mỗi dòng thác hình thành một vũng sâu nơi những con cá nhỏ quần tụ.

Vào những khi khô hạn, cả dòng sông thường khô cạn thành lòng sông đầy cát, chỉ để lại một vệt trắng hơi ẩm ướt. Nhiều năm trước, khi đi dạo, tôi đi ngược dòng theo vệt đó, truy tìm nơi dòng sông đã qua.

Con đường dọc bên sông là một trong những thứ tôi yêu nhất. Tôi có thể đi bộ nhanh ngang vận tốc của dòng sông. Tôi có thể cảm thấy dòng sông thở. Dòng sông sống. Hơn hết thảy, đó là dòng sông chúng tôi phải mang ơn vì nó đã tạo nên thị trấn này. Vì đã bào mòn ngọn đồi trong không biết bao nhiêu trăm ngàn năm, vì đã chở đất, vì đã lấp biển, và khiến cây cối sinh sôi. Thị trấn thuộc về dòng sông từ ngay lúc ban đầu, và sẽ muôn thủa như vậy.

Vì lúc bấy giờ là mùa mưa, dòng sông không ngừng chảy ra biển. Cây cối trồng dọc bên bờ tỏa hương, đâm chồi nẩy lộc. Cả một màu xanh bao trùm khắp không gian. Từng đôi trai gái tay trong tay tản bộ, các cụ già dắt chó đi dạo, đám học sinh trung học tụ tập quanh xe máy hút thuốc. Một buổi tối đầu hè điển hình.

Tôi dừng ở một tiệm bán rượu, mua hai lon bia, đựng trong một túi giấy rồi đi ra biển. Nơi dòng sông hòa với biển nay trở thành một con lạch, hay đúng hơn là một kênh đào bị lấp một nửa. Đây là dải bờ biển duy nhất còn sót lại nguyên vẹn, khoảng bốn mươi lăm mét. Thậm chí còn có dấu hiệu của bãi biển ngày xưa. Từng đợt sóng nhỏ vỗ bờ để lại những mảnh gỗ trôi dạt trơn mượt. Trên đê chắn sóng bê tông, những mẫu đinh cũ và hình vẽ phun sơn vẫn còn.

Bốn mươi lăm mét bờ biển thật sự. Nếu người ta bỏ qua thực tế là nó bị bao quanh bởi bức tường bê tông cao hơn chín mét. Và bức tường ấy tiếp tục chạy thẳng mấy cây số nữa, ôm chặt lấy biển. Rồi các tòa nhà cao tầng đứng xếp hàng hai bên. Bốn mươi lăm mét bờ biển. Phần còn lại đã trở thành quá khứ.

Tôi rời dòng sông và đi bộ theo hướng Đông dọc theo nơi từng là đường bờ biển. Thật đáng ngạc nhiên, con đê chắn sóng cũ vẫn còn đó. Một con đê chắn sóng mà không có biển thì quả thực là một thứ kỳ cục. Tôi dừng ở đúng điểm nơi tôi thường đậu xe để nhìn ra biển, đi lại ngồi trên con đê chắn sóng và uống một lon bia. Thật là một cảnh ấn tượng! Thay vì biển, một dải đất mới lấp rộng mênh mông và các khu nhà ở đập vào mắt tôi. Những khối nhà vô diện mạo, nền tảng đáng thương của nỗ lực xây dựng một khu dân cư.

Những con đường rải nhựa len lỏi qua các khu nhà, chỗ này là bãi đậu xe, chỗ kia là bến cuối xe buýt. Một trạm xăng rồi một công viên lớn rồi một trung tâm cộng đồng tuyệt vời. Tất cả đều mới toanh, tất cả đều không tự nhiên. Ở một bên, hàng đống đất chở từ trên đồi xuống để lấp biển hiện ra lù lù tàn nhẫn xám xịt cạnh khu vực vốn không nằm trong cái kế hoạch vĩ đại ấy và bị cỏ dại bén rễ nhanh chóng lấn chiếm. Ở bên kia, những hàng cây và thảm cỏ bé ti ngu ngốc mà người ta trồng cây vào đang cố hết sức để hòa nhập vào khung cảnh…

Thật buồn nôn.

Nhưng biết nói gì hơn đây? Nó là cả một trò chơi mới được chơi theo luật mới. Không ai có thể chặn nó lại.

Tôi uống nhanh hai lon bia và ném mạnh hai chiếc lon rỗng qua dải đất mới lấp, về phía nơi từng là biển. Tôi nhìn chúng biến mất vào trong rừng cỏ dại dạt theo hướng gió thổi. Rồi tôi hút một điếu thuốc.

Tôi đang rít hơi cuối cùng thì bỗng thấy một người đàn ông tay cầm đèn pin tiến về phía tôi. Khoảng bốn mươi tuổi, áo xám, quần xám, mũ xám. Có lẽ là một người bảo vệ khu vực.

“Cậu vừa mới quăng một cái gì đó, đúng không?” người đàn ông nói.

“Đúng, tôi quăng một thứ.”

“Cậu quăng cái gì?”

“Vật tròn, bằng kim loại, có nắp.”

Người bảo vệ mang một bộ mặt cáu kỉnh. “Tại sao cậu quăng chúng đi?”

“Không vì lý do đặc biệt nào. Tôi đã quen quăng đủ thứ từ mười hai năm trước. Có lúc tôi quăng cả nửa tá một lúc mà không ai nói một lời nào.”

“Đó là trước đây,” người bảo vệ nói. “Nơi đây bây giờ là đất của thành phố, vứt rác lên đất của thành phố là vi phạm luật pháp.”

Tôi nuốt nước bọt. Trong thoáng chốc, một cái gì trong tôi run rẩy, rồi ngừng lại. “Vấn đề thật sự ở đây là,” tôi nói, “điều ông nói có lý.”

“Đó là luật,” ông ta nói.

Tôi thở dài rồi lôi bao thuốc trong túi ra.

“Vậy tôi nên làm gì?”

“Thôi, tôi không thể yêu cần cậu nhặt chúng lên được. Trời tối quá và lại sắp mưa. Vậy nên làm ơn đừng vứt thứ gì nữa.”

“Tôi sẽ không vứt gì nữa,” tôi nói. “Tạm biệt.”

“Tạm biệt,” người bảo vệ nói rồi đi mất.

Tôi duỗi chân duỗi tay trên con đê chắn sóng và ngước nhìn bầu trời. Như người đó nói, trời sắp mưa. Tôi vừa hút một điếu thuốc nữa vừa nghĩ ngợi về cuộc chạm trán với người bảo vệ. Nếu là mười năm trước, tôi đã tỏ ra cứng rắn hơn. Mà có lẽ không. Dù sao thì cũng khác gì kia chứ?
Tôi quay lại con đường bên sông, và lúc tôi bắt được taxi thì mưa đã rơi lác đác. Cho về khách sạn, tôi nói.

“Cậu đến đây du lịch à?” người lái xe già hỏi.

“À há.”

“Lần đầu tiên đến mấy khu này à?”

“Lần thứ hai,” tôi nói.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

19#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:40:31 | Chỉ xem của tác giả
Chương 16: Cô Ta Uống Một Ly Salty Dog, Nói Chuyện Về Tiếng Sóng


“Tôi có thư cho cô,” tôi nói.

“Cho tôi ư?” cô ta nói.

Đường dây trục trặc, vì thế chúng tôi gần như phải hét lên, một việc không có ích lắm cho việc truyền tải những cung bậc tình cảm tinh tế. Giống như nói chuyện trên một quả đồi lộng gió qua cổ áo bẻ dựng lên.

“Thật ra thì thư đề tên tôi, nhưng dường như nó được dành cho cô thì đúng hơn.”

“Dành cho tôi sao?”

“Vâng, đúng thế,” tôi nói. Ngay sau khi nói câu đó, tôi biết cả cuộc trao đổi ngốc nghếch này sẽ không nhanh chóng đi đến đâu cả.

Cô ta không nói gì một lát. Trong khi đó đường dây rõ dần lên.

“Tôi không biết chuyện gì đã diễn ra giữa cô và Chuột. Nhưng cậu ấy có nhờ tôi đến gặp cô, cho nên tôi mới gọi cô. Ngoài ra, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu cô đọc thư cậu ấy.”

“Và đó là lý do tại sao anh lặn lội từ Tokyo đến đây?”

“Đúng vậy.”

Cô ta húng hắng ho, xin lỗi rồi nói, “Vì anh ấy là bạn anh?”

“Tôi nghĩ vậy.”

“Anh có biết tại sao anh ấy không viết trực tiếp cho tôi không?”

Cô ta nói có lý.

“Tôi không biết,” tôi nói một cách thành thực.

“Tôi cũng không biết. Ý tôi là, tôi nghĩ mọi thứ đã kết thúc. Có đúng vậy không?”

Tôi không biết và tôi nói với cô ta thế. Tôi nằm trên giường khách sạn, ống nghe trên tay, mắt nhìn lên trần nhà. Tôi có thể đang nằm dưới đáy đại dương đếm cá, tôi nghĩ. Liệu tôi phải đếm bao nhiêu con thì mới có thể nói là đã xong?

“Anh ấy biến mất năm năm trước. Tôi lúc đó hai mươi bảy tuổi,” cô ta nói, giọng xa xăm nghe như tiếng vọng từ đáy giếng. “Nhiều thứ có thể thay đổi trong năm năm.”

“Đúng thế,” tôi đáp.

“Và thật sự là, ngay cả khi không có điều gì thay đổi, tôi cũng không nhìn sự việc theo cách ấy. Tôi không muốn chấp nhận điều đó. Nếu vậy tôi sẽ không thể vác mặt đi đâu hết. Vậy là với riêng tôi, mọi thứ hoàn toàn thay đổi.”

“Tôi nghĩ là tôi hiểu,” tôi nói.

Một khoảng im lặng ngắn ngủi bao trùm lên chúng tôi.

Chính cô ta là người phá vỡ sự yên lặng. “Lần cuối anh gặp anh ấy là lúc nào?” cô hỏi.

“Mùa xuân, năm năm trước, ngay trước khi cậu ấy bỏ đi.”

“Và anh ấy có nói gì với anh không? Ý tôi là tại sao anh ấy lại rời thị trấn…?”

“Không.”

“Vậy là anh ấy đi mà cũng không báo trước cho anh?”

“Đúng thế.”

“Và anh nghĩ sao? Ý tôi là, ngay lúc đó.”

“Về việc cậu ấy bỏ đi như thế ư?”

“Vâng.”

Tôi ngồi thẳng dậy rồi tựa lưng vào tường. “À, tôi cứ nghĩ chắc chắn là cậu ấy sẽ từ bỏ và quay trở lại sau sáu tháng. Tôi chưa bao giờ nghĩ cậu ấy thuộc loại người theo đuổi lâu dài cùng một thứ.”

“Nhưng anh ấy không trở lại.”

“Đúng, cậu ấy không trở lại.”

Có một chút ngập ngừng ở đầu dây bên kia.

“Giờ anh đang nghỉ ở đâu?” cô ta hỏi.

Tôi nói cho cô ta tên khách sạn.

“Tôi sẽ gặp anh ngày mai lúc năm giờ. Quán cà phê trên tầng tám được chứ?”

“Được thôi,” tôi nói. “Tôi sẽ mặc áo thể thao trắng và quần cotton xanh lá cây. Tôi tóc ngắn và…”

“Tôi hình dung ra rồi,” cô ta nói, vui vẻ ngắt lời tôi. Rồi cô ta cúp máy.

Tôi đặt ống nghe xuống. Cô ta muốn nói gì, cô ta hình dung ra được tôi ư? Tôi thì không hình dung ra được, nhưng mà nghĩ lại, có nhiều thứ tôi không biết tí gì. Năm tháng đương nhiên đã chẳng khiến tôi khôn ngoan hơn. Tính cách có thể thay đổi, nhưng sự tầm thường thì không, như một nhà văn Nga đã nói. Người Nga biết cách dùng cách ngôn. Có lẽ họ đã dành cả mùa đông mới nghĩ ra được chúng.

Tôi đi tắm vòi hoa sen, gội mái tóc đẫm nước mưa, thế rồi, khăn tắm quấn quanh eo, tôi xem một bộ phim Mỹ cũ trên ti vi nói về tàu ngầm. Cốt truyện có nhiều lỗ hổng, tay thuyền trưởng và thuyền phó liên tục đấu đá nhau. Cái tàu ngầm là một vật cổ lỗ, và có một thằng cha mắc chứng sợ không gian đóng kín. Nhưng tất cả đều không ngăn cản được việc cuối cùng mọi thứ đều kết thúc tốt đẹp. Bộ phim thuộc loại mọi-thứ-đều-kết-thúc-tốt-đẹp-vì-thế-có-lẽ-rốt-cuộc-thì-chiến-tranh-không-đến-nỗi-quá-tệ. Một ngày nào đó họ sẽ làm một bộ phim mà cả nhân loại bị hủy diệt trong cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng cuối cùng mọi thứ đều kết thúc tốt đẹp.

Tôi tắt ti vi, trèo vào giường và ngủ thiếp đi sau mười giây.

Năm giờ chiều hôm sau, cơn mưa phùn vẫn chưa dứt. Trước cơn mưa là cả bốn năm ngày bầu trời đầu hè trong lành mát mẻ, khiến mọi người cứ tưởng mùa mưa đã kết thúc. Từ cửa sổ tầng tám, mặt đất trông tối tăm và ẩm ướt đến từng centimet vuông, dòng xe cộ bị nghẽn kéo dài mấy cây số trên làn phía Đông của con đường cao tốc trên cao.

Trong lúc tôi không ngừng nhìn trân trân, mọi thứ bắt đầu tan trong mưa. Trên thực tế, mọi thứ trong thị trấn đang tan ra. Đê chắn sóng, cần trục, các dãy nhà, những thân hình dưới những chiếc ô đen, mọi thứ. Ngay cả cây cỏ cũng đang chảy từ trên đồi xuống. Nhưng khi tôi nhắm mắt trong vài giây rồi mở mắt ra, cả thị trấn lại quay trở về trạng thái ban đầu. Sáu chiếc cần trục sừng sững trong khói bụi mù mịt, tàu hướng về phía Đông như thể động cơ vừa mới khởi động lại, từng đám ô len lỏi đi tới đi lui qua các dãy phố đầy cửa hiệu, những ngọn đồi xanh thấm đầy mưa tháng Sáu.
Ở khu trũng giữa quán cà phê, một phụ nữ mặc váy hồng tươi bên chiếc đại dương cầm màu xanh nước biển đang chơi các bản nhạc trong-quán-cà-phê-khách-sạn tinh tế đầy những hợp âm rải và nhấn lệch. Thật ra thì không tồi, dù không một tiếng vọng nào còn lưu lại trong không gian ngoài nốt cuối cùng của mỗi bản nhạc.

Đã quá năm giờ chiều mà cô ta vẫn chưa tới. Vì không có gì khá hơn để làm, tôi uống một tách cà phê nữa và ngắm người chơi đàn. Cô trạc hai mươi tuổi, mái tóc ngang vai tạo dáng không chê vào đâu được như lớp kem trên mặt bánh. Mái tóc được tạo dáng ấy lắc lư đầy hứng khởi, qua trái rồi qua phải, theo điệu nhạc, rồi vụt trở về vị trí trung tâm khi bản nhạc kết thúc. Rồi bản nhạc tiếp theo bắt đầu.

Cô gái khiến tôi liên tưởng đến một cô bé tôi từng biết hồi học lớp ba, khi tôi đang theo học đàn dương cầm. Cùng tuổi, cùng lớp. Chúng tôi thỉnh thoảng phải chơi đôi với nhau. Nhưng tên và khuôn mặt cô bé, tôi hoàn toàn quên mất. Tất cả những gì tôi nhớ về cô bé là đôi tay xanh xao nhỏ tí xíu, mái tóc đẹp và chiếc váy đầm bồng bềnh.

Thật đáng ngại khi nhận ra điều này. Tôi đã tước lột của cô đôi bàn tay, mái tóc và chiếc váy đầm ư? Phần còn lại của cô vẫn còn sống không bị trói buộc ở đâu đó chứ? Tất nhiên, điều này là không thể. Không có tôi thì thế giới vẫn tiếp diễn. Mọi người sang đường mà không hề có sự can thiệp của tôi, gọt bút chì, di chuyển bốn lăm mét một phút từ Tây sang Đông, lấp đầy quán cà phê bằng thứ âm nhạc đã được tinh lọc thành hư không.

“Thế giới” – cái từ luôn khiến tôi liên tưởng đến một con rùa và những con voi đang đỡ một cái đĩa khổng lồ mà không hề biết mệt. Những con voi không hề biết đến vai trò của con rùa, và con rùa không thể trông thấy những con voi đang làm gì. Và cả voi lẫn rùa đều không hề nhận thức được cái thế giới trên lưng chúng.

“Xin lỗi đã để anh phải đợi,” một giọng phụ nữ vang lên từ phía sau tôi. “Công việc muộn, tôi không thể dứt ra được.”

“Không vấn đề gì. Dù sao thì hôm nay tôi cũng có gì để làm đâu.”

Cô ta đặt chìa khóa lên mặt bàn và gọi một ly nước cam mà không thèm nhìn đến thực đơn. Tuổi cô ta không dễ đoán. Nếu cô ta không nói trước với tôi qua điện thoại, có lẽ tôi sẽ không biết được. Nếu cô ta nói cô ta ba mươi ba tuổi, cô ta hẳn sẽ trông như người ba mươi ba tuổi đối với tôi. Nếu cô ta nói cô ta hai mươi bảy tuổi, cô ta hẳn sẽ trông như người hai mươi bảy tuổi đối với tôi. Nhìn qua thì thế.

Gu ăn mặc của cô ta đơn giản một cách tinh tế. Quần cotton trắng rộng, áo ca rô màu cam và vàng, tay áo xắn đến khuỷu tay, và một chiếc túi khoác vai bằng da. Không có gì mới, nhưng ít nhất là đều được giữ gìn cẩn thận. Cô ta không đeo nhẫn hay dây chuyền hay vòng tay hay khuyên tai. Tóc mái cô ta ngắn và được hất nhẹ sang bên.

Những nếp nhăn nhỏ xíu nơi đuôi mắt cô ta có thể đã nằm sẵn đó từ thuở lọt lòng hơn là dần có cùng với thời gian. Chỉ có cần cổ trắng trẻo, mảnh mai lộ ra từ cổ áo mở khuy và mu bàn tay cho thấy tuổi cô ta. Mọi người bắt đầu già đi từ sớm, rất sớm. Dần dần nó sẽ làm ra toàn thân như một vết ố không thể tẩy được.

“Loại công việc gì vậy?” tôi đánh bạo hỏi.

“Vẽ phác thảo tại một văn phòng kiến trúc sư. Tôi làm ở đó đã lâu rồi.”

Câu chuyện bị bỏ dở nửa chừng. Tôi chậm rãi lấy ra một điếu thuốc rồi châm hút. Người chơi đàn đã ngừng chơi, đậy nắp đàn đi nghỉ giải lao đâu đó. Tôi ghen tị với cô.

“Anh chơi với anh ấy được bao lâu rồi?” cô ta hỏi.

“Mười một năm, chắc vậy. Còn cô?”

“Hai tháng, mười ngày,” cô trả lời ngay. “Từ khi tôi lần đầu gặp anh ấy cho đến lúc anh ấy biến mất. Hai tháng và mười ngày. Tôi nhớ vì tôi ghi nhật ký.”
Nước cam đến và tách cà phê trống trơn của tôi nhanh chóng được dọn đi.

“Tôi đợi ba tháng sau khi anh ấy biến mất. Tháng Mười hai, tháng Một, tháng Hai. Lúc lạnh nhất trong năm. Có lẽ năm đó là năm có mùa đông lạnh?”
“Tôi không nhớ,” tôi nói, dù cái lạnh của mùa đông năm năm về trước dường như mới hôm qua.

“Anh đã bao giờ đợi một người đàn bà như thế chưa?”

“Chưa,” tôi nói.

“Người ta chăm chăm đợi một ai đó và sau một khoảng thời gian thì chuyện gì diễn ra cũng hầu như không quan trọng nữa. Có thể là năm năm hay mười năm hay một tháng. Cũng giống nhau cả thôi.”

Tôi gật đầu.

Cô ta uống nửa ly nước cam.

“Sự việc diễn ra theo cách đó khi tôi mới lấy chồng,” cô ta nói. “Tôi luôn là người phải đợi, cho đến khi tôi mệt mỏi vì chờ đợi, và cuối cùng tôi không còn quan tâm nữa. Lấy chồng lúc hai mươi mốt tuổi, ly dị lúc hai mươi hai. Sau đó tôi đến đây.”

“Giống như vợ tôi.”

“Giống cái gì kia?”

“Lấy chồng lúc hai mươi mốt tuổi, ly dị lúc hai mươi hai.”

Cô ta săm soi khuôn mặt tôi một lúc. Rồi khuấy nước cam bằng que khuấy. Có vẻ như tôi đã nói ra một cách không cần thiết.

“Khi người ta trẻ, thật khó khi lấy chồng rồi ly dị ngay sau đó,” cô ta nói. “Thực tế là người ta tìm kiếm một điều gì đó hai-chiều và không có thật. Cái đó không bao giờ kéo dài được lâu. Nhưng người ta cũng không thể trông mong một điều không thật lại kéo dài được, đúng không?”

“Chắc vậy.”

Trong vòng năm năm từ lúc tôi ly dị đến khi gặp anh ấy, tôi một thân một mình ở cái thị trấn này. Sống một cuộc sống, xem nào, khá là không thật. Tôi hầu như không biết một ai, hầu như không ra ngoài, không một mối tình vắt vai. Sáng ra tôi thức dậy, đến văn phòng, vẽ các đồ án, ghé qua siêu thị mua sắm trên đường về nhà, rồi ăn tối một mình ở nhà. Tôi nghe đài FM, đọc, viết nhật ký, giặt tất trong buồng tắm. Căn hộ của tôi gần biển, vì thế luôn có tiếng sóng. Nó lạnh lẽo và cô đơn.”

Cô ta uống nốt ly nước cam.

“Có vẻ như tôi đang làm anh chán ngấy.”

Tôi lắc đầu.

Quá sáu giờ. Đèn trong văn mờ bởi lúc này là giờ cocktail. Đèn trong thị trấn bắt đầu nhấp nháy. Đèn đỏ bật sáng trên cần trục. Có thể nhìn rõ những hạt mưa bụi bay bay qua bóng tối đang thẫm dần.

“Cô muốn uống chút rượu không?” tôi hỏi.

“Người ta gọi vodka với nước bưởi là gì ấy nhỉ?”

“Là salty dog.”

Tôi vẫy người hầu bàn, gọi một ly salty dog và một ly Cutty Sark pha đá.

“Chúng ta nói chuyện đến đâu rồi?”

“Cuộc đời lạnh lẽo và cô đơn của cô.”

“Xem nào, nếu anh thật sự muốn biết, không phải lúc nào nó cũng lạnh lẽo và cô đơn,” cô ta nói. “Chỉ là tiếng sóng thôi. Chỉ riêng cái đó là đủ khiến mọi thứ trở nên hơi u buồn. Khi tôi dọn đến, người quản lý nói tôi sẽ quen với nó nhanh thôi, nhưng tôi vẫn chưa quen được.”

“Biển không còn đó nữa.”

Cô ta khẽ mỉm cười. Một chút chuyển động ở những nếp nhăn nơi đuôi mắt cô. “Đúng vậy. Như anh nói, biển không còn đó nữa. Nhưng dù vậy, tôi thề là thỉnh thoảng tôi vẫn còn nghe thấy tiếng sóng. Nó có lẽ đã hằn sâu trong tai tôi qua từng ấy năm.”

“Rồi Chuột xuất hiện.”

“Vâng. Mặc dù tôi chưa bao giờ gọi anh ấy bằng cái tên đó.”

“Vậy cô gọi cậu ấy là gì?”

“Bằng tên anh ấy. Như mọi người khác.”

Họ mang đồ uống ra. Cô ta nhấp một ngụm salty dog rồi lấy khăn ăn lau muối trên môi. Chiếc khăn ăn có chút dấu vết son môi. Rồi cô gấp chiếc khăn có vết son lại một cách khéo léo và đặt xuống.

“Anh ấy, tôi biết nói thế nào nhỉ… còn hơn là phi thực. Anh hiểu tôi muốn nói điều gì chứ?”

“Chắc là hiểu.”

“Tôi đoán phải có một ai phi thực như anh ấy để làm tan vỡ cái sự phi thực nơi tôi. Tôi nhận ra điều đó ngay lần đầu tôi gặp anh ấy. Đó là lý do tại sao tôi thích anh ấy. Hoặc có thể tôi chỉ nghĩ vậy sau khi tôi đã thích anh ấy. Nhưng cách nào thì cũng giống nhau cả thôi.”

Người chơi đàn quay trở lại sau khi nghỉ giải lao và bắt đầu chơi những bản nhạc phim cũ. Hoàn hảo: nhạc nền sai bét cho một cảnh sai bét.


“Thỉnh thoảng tôi nghĩ, có lẽ rốt cuộc thì tôi chỉ lợi dụng anh ấy. Và có lẽ anh ấy cảm nhận được điều đó suốt cả thời gian ấy. Anh nghĩ sao?”

“Tôi không biết được,” tôi nói. “Việc đó là giữa cô và cậu ấy.”

Cô ta không nói gì.

Sau hai mươi giây im lặng, tôi nhận ra cô đã hết chuyện để nói. Tôi uống cạn chỗ whisky và lấy trong túi ra mấy bức thư của Chuột, đặt giữa bàn. Chúng nằm ở đó một lúc lâu.

“Tôi có phải đọc thư ở đây không?”

“Xin hãy mang về nhà mà đọc. Nếu cô không muốn đọc, thì muốn làm gì với chúng cũng được.”

Cô ta gật đầu. Cô cho mấy bức thư vào túi, cài móc lại đánh tách một cái. Tôi châm điếu thuốc thứ hai và gọi một ly whisky nữa. Ly whisky thứ hai luôn là thứ tôi thích nhất. Từ ly thứ ba trở đi, nó không còn vị gì nữa. Nó chỉ là một thứ gì đó để đổ vào dạ dày mà thôi.

“Anh lặn lội từ Tokyo đến đây chỉ vì việc này thôi sao?” cô ta hỏi.

“Gần như vậy.”

“Anh thật tốt quá.”

“Tôi không bao giờ nghĩ về chuyện này theo cách đó. Chỉ là thói quen thôi. Ở hoàn cảnh ngược lại, tôi chắc chắn cậu ấy sẽ làm điều tương tự cho tôi.”
“Anh đã bao giờ nhờ anh ấy trong việc tương tự thế này chưa?”

Tôi lắc đầu. “Chưa, nhưng chúng tôi quen nhau đã khá lâu rồi và cứ áp đặt lên nhau những thứ không có thực. Còn chúng tôi có gắng giải quyết vấn đề một cách thực tế được hay không lại là chuyện khác.”

“Có lẽ không ai có thể.”

“Có lẽ không.”

Cô mỉm cười đứng dậy, lấy nhanh tấm hóa đơn. “Chuyện này hãy để tôi. Dù sao thì tôi cũng muộn bốn mươi phút.”

“Nếu cô muốn thì được thôi,” tôi nói. “Nhưng còn một điều, không biết tôi có thể hỏi cô một câu không.”

“Tất nhiên rồi.”

“Trên điện thoại cô nói cô có thể hình dung ra tôi trông như thế nào.”

“Ý tôi là tôi có thể cảm nhận được điều gì đó ở anh.”

“Và thế là đủ để cô nhận ngay ra tôi?”

“Tôi có thể biết được ngay lập tức.”

Mưa vẫn tiếp tục rắc nhè nhẹ. Từ cửa sổ khách sạn, qua bảng hiệu neon của tòa nhà kế bên, hàng trăm ngàn hạt mưa rơi xuống đất qua một màn ánh sáng xanh. Nếu tôi nhìn xuống, mưa dường như rơi thẳng vào một điểm cố định trên mặt đất.

Tôi ngồi phịch xuống giường và hút vài điếu thuốc nữa, rồi gọi lễ tân để đặt vé tàu sáng hôm sau. Tôi không còn gì để làm ở thị trấn này nữa.
Mưa tiếp tục rơi cho đến tận nửa đêm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

20#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:42:29 | Chỉ xem của tác giả
Phần VI: Cuộc Săn Cừu Hoang, II - Chương 17: Câu Chuyện Lạ Kỳ Của Người Đàn Ông Lạ Mặt


Tay thư ký mặc bộ com lê đen lấy ghế rồi nhìn tôi không nói một lời. Ông ta không có vẻ như đang đánh giá tôi, mắt ông ta cũng không để lộ vẻ khinh khỉnh, ánh nhìn sắc nhọn của ông ta cũng không xuyên thấu tôi. Không lạnh hay nóng, hay thậm chí ở tầm trung bình. Cái nhìn chăm chăm ấy không mang bất kỳ một sắc thái tình cảm nào đối với tôi. Người đàn ông chỉ đang nhìn tôi. Ông ta có lẽ đang nhìn bức tường phía sau tôi, nhưng vì tôi ở trước bức tường, nên kết quả là ông ta đang nhìn tôi.

Người đàn ông nhấc chiếc hộp đựng thuốc lá trên bàn, mở nắp lôi ra một điếu thuốc cắt thô, dùng móng tay búng búng đầu điếu thuốc vài lần, châm lửa bằng chiếc bật lửa để bàn và nhả khói ra theo một góc tù. Rồi ông ta đặt lại bật lửa trên bàn và vắt chéo chân. Ông ta nhìn chăm chăm không một lần chớp mắt trong cả quãng thời gian đó.

Đây là người mà tay đối tác của tôi đã kể. Ông ta ăn mặc quá chải chuốt, những ngón tay ông ta quá tao nhã. Nếu không vì đường cong mí mắt sắc nét và con ngươi lạnh băng như hạt thủy tinh của ông ta, tôi hẳn đã nghĩ ông ta là kẻ đồng tính. Nhưng, không thể là kẻ đồng tính với đôi mắt đó. Vậy trông ông ta giống gì? Ông ta không giống bất kỳ thứ gì.

Nếu nhìn kỹ mắt ông ta, ta sẽ thấy chúng có màu kỳ lạ. Nâu đậm với một chút sắc xanh, chẳng những thế, màu mắt trái còn khác màu mắt phải. Mỗi mắt dường như tập trung vào một chủ thể hoàn toàn khác nhau.

Những ngón tay ông ta động đậy đôi chút trên lòng. Một cách đầy ám ảnh, như thể chúng tách rời khỏi bàn tay ông ta, tiến về phía tôi. Những ngón tay bồn chồn, hấp dẫn, căng thẳng, đẹp đẽ. Chậm rãi với qua bàn để dập điếu thuốc hút chưa đến một phần ba. Tôi nhìn đá tan trong ly, nước đá trong vắt hòa lẫn với nước nho. Một sự pha trộn màu sắc không cân bằng.

Căn phòng yên lặng như tờ. Đó là sự yên lặng người ta gặp phải khi bước vào một trang viên lớn. Và đó là sự yên lặng khi ta có quá ít người trong một không gian quá rộng. Nhưng đây là một thứ yên lặng hoàn toàn khác. Một yên lặng nặng nề, ngột ngạt. Một sự yên lặng khiến ta liên tưởng đến, mặc dù tôi phải mất một lúc để nhận ra, sự yên lặng bao quanh một bệnh nhân giai đoạn cuối. Một sự yên lặng mang linh cảm về cái chết. Không khí thoáng mùi ẩm mốc và điềm gở.

“Ai cũng phải chết,” người đàn ông nói nhẹ nhàng trong khi mắt nhìn xuống. Thật kỳ lạ, ông ta dường như nắm bắt được ý nghĩ của tôi. “Tất cả chúng ta, bất kể ai, cũng phải chết vào lúc nào đó.”

Nói xong, người đàn ông lại chìm vào trong yên lặng nặng nề. Chỉ có tiếng kêu inh ỏi đến phát điên của đàn ve sầu bên ngoài. Những thân xác sắp chết kêu gào cuồng nộ trước một mùa sắp kết thúc.

“Hãy để tôi nói hết sức thành thật với cậu,” người đàn ông lên tiếng. Lối nói của ông ta nghe có vẻ như dịch trực tiếp từ một văn bản theo công thức. Cách chọn cụm từ và ngữ pháp của ông ta khá đúng, nhưng không có cảm giác gì trong lời ông ta nói.

“Nói thành thật và nói sự thật là hai điều hoàn toàn khác nhau. Thành thật đối với sự thật như thể mũi tàu đối với đuôi tàu. Thành thật xuất hiện trước và sự thật xuất hiện sau. Sự cách biệt giữa hai điều tùy thuộc trực tiếp vào kích cỡ con tàu. Với con tàu lớn thì phải mất một lúc lâu mới tới được sự thật. Đôi khi nó chỉ hiện lên sau khi chết. Vì thế, nếu tôi không cho cậu hay bất kỳ sự thật nào trong tình hình này, không phải lỗi của tôi. Cũng không phải lỗi của cậu.”

Người ta biết đáp lại câu nói này thế nào đây? Ông ta chấp nhận sự yên lặng của tôi và tiếp tục nói.

“Cậu có lẽ đang tự hỏi vì lý do gì tôi bắt cậu phải lặn lội đến đây. Đó là để cho tàu chạy lên phía trước. Cậu và tôi sẽ giúp tàu chạy lên phía trước. Bằng cách bàn bạc vấn đề một cách thành thật, tại mỗi thời điểm chúng ta sẽ tiến một bước gần hơn đến sự thật.” Đến đó, ông ta ho húng hắng và liếc nhìn bàn tay tôi đang tựa trên thành xô pha. “Nhưng nói trừu tượng thế này đủ rồi, chúng ta hãy bắt đầu bằng mối lo ngại thật sự. Vấn đề ở đây là cái bản tin cậu tạo ra. Tôi tin là cậu đã được thông báo đủ về việc này.”

“Tôi đã được thông báo.”

Người đàn ông gật đầu. Rồi sau khi ngừng một lúc, ông ta tiếp tục, “Tôi chắc chắn là việc này đến với cậu khá đột ngột. Ai cũng sẽ khổ sở khi thành quả lao động vất vả của mình bị phá hỏng. Càng nghiêm trọng hơn nếu đó là một mắt xích sống còn cho kế sinh nhai của mình. Nó có thể đồng nghĩa với một sự tổn thất thật to lớn. Đúng như vậy không?”

“Đúng thế đấy,” tôi nói.

“Tôi muốn cậu nói tôi nghe về những tổn thất thật ấy.”

“Trong ngành chúng tôi, tổn thất thật là một phần của việc kinh doanh. Không phải là khách hàng không bao giờ từ chối những gì được sản xuất ra. Nhưng đối với một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, nó có thể là mối đe dọa cho sự sống còn của chúng tôi. Vì vậy để ngăn chặn việc đó, chúng tôi tôn trọng quan điểm khách hàng một trăm phần trăm. Trong những trường hợp đặc biệt, điều này có nghĩa là phải kiểm tra lại toàn bộ bản tin từng dòng một cùng với khách hàng. Cách đó khiến chúng tôi tránh được mọi rủi ro. Không phải là việc dễ dàng, nhưng đó là số phận của một con sói cô độc.”
“Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó,” người đàn ông thông cảm. “Trong trường hợp đó, tôi có thể diễn giải điều cậu nói là công ty cậu phải chịu tổn thất tài chính nặng nề do bản tin của cậu bị đình chỉ?”

“Đúng thế, tôi đoán ông có thể nói vậy. Nó đã được in và đóng quyển, vì thế chúng tôi phải trả tiền giấy và tiền in trong tháng này. Còn chi phí cho những người viết bài mà chúng tôi đã thuê. Về tài chính thì khoản đó lên đến năm triệu yên, và nếu mọi chuyện còn tệ hơn thì chúng tôi sẽ phải vay tiền để trả. Hơn nữa, chúng tôi đã quá tay đầu tư vào cơ sở vật chất của văn phòng mới được một năm.”

“Tôi biết,” người đàn ông nói.

“Rồi lại còn vấn đề hợp đồng đang được tiến hành với khách hàng. Vị thế của chúng tôi rất yếu, một khi có vấn đề với một hãng quảng cáo, khách hàng sẽ tránh xa mình. Chúng tôi đang có hợp đồng một năm với công ty bảo hiểm nhân thọ, nếu nó bị hủy bỏ vì việc này thì công ty chúng tôi sẽ phá sản. Chúng tôi nhỏ và không có quan hệ, nhưng chúng tôi có uy tín tốt qua truyền miệng. Nếu một lời nói xấu lan ra, chúng tôi coi như đi đời.”

Ngay cả khi tôi đã nói xong, người đàn ông vẫn nhìn chằm chằm vào tôi không một lời nhận xét. Rồi ông ta lên tiếng. “Cậu nói rất thành thật. Hơn nữa, những gì cậu kể cho tôi trùng hợp với điều tra của chúng tôi. Tôi khen ngợi cậu về điều đó. Cậu thấy sao nếu tôi đề nghị thanh toán không điều kiện cho những bản tin của công ty bảo hiểm đã bị hủy và thông báo họ rằng sẽ tiếp tục hợp đồng hiện tại?”

“Thế thì còn gì để nói nữa. Chúng tôi sẽ quay lại công việc hàng ngày nhàm chán của mình, tự hỏi tất cả những chuyện này là vì cái gì.”

“Và thêm vào đó là một phần thưởng? Tôi chỉ cần viết một từ trên mặt sau tấm danh thiếp là cậu sẽ có sẵn việc làm phù hợp trong mười năm tới. Và không còn những bản quảng cáo phát tay vô tích sự nữa.”

“Nói một cách khác, một phi vụ làm ăn.”

“Một vụ giao dịch thân thiện. Xuất phát từ thiện chí của mình, tôi đã làm ơn cho đối tác của cậu bằng cách thông báo cho cậu ta biết bản tin PR đã bị đình chỉ xuất bản. Và nếu cậu cho tôi thấy thiện chí của mình, tôi sẽ giúp đỡ cậu bằng việc bày tỏ nhiều hơn thiện chí của mình. Cậu có nghĩ cậu làm được điều đó không? Được tôi giúp có thể là có lợi lắm đấy. Tất nhiên cậu không mong tiếp tục làm việc suốt đời với một kẻ nghiện ngập chậm hiểu chứ?”

“Chúng tôi là bạn bè,” tôi nói.

Tiếp sau đó là một khoảng yên lặng thoáng qua, một viên sỏi rơi xuống một cái giếng không dò được. Mất ba mươi giây để hòn sỏi chạm tới đáy.
“Tùy cậu thôi,” người đàn ông nói. “Đó là chuyện của cậu. Tôi đã xem kỹ lý lịch của cậu. Cậu có một quá khứ khá thú vị. Mà con người ta nói chung có thể chia làm hai hoặc những kẻ thực tế tầm thường và những kẻ mơ mộng tầm thường. Cậu rõ ràng thuộc loại thứ hai. Số phận cậu đang và sẽ luôn là số phận của một kẻ mơ mộng.”

“Tôi sẽ nhớ kỹ điều đó,” tôi nói.

Người đàn ông gật đầu. Tôi uống một nửa cốc nước nho đã loãng toẹt.

“Tốt lắm vậy thì, chúng ta hãy đi vào việc cụ thể,” người đàn ông nói. “Việc cụ thể về cừu.”
Người đàn ông đổi tư thế để lôi ra bức ảnh đen trắng từ một chiếc phong bì, đặt trên bàn trước mặt tôi. Hơi thở cực nhẹ của hiện thực dường như len lỏi vào trong căn phòng.

“Đây là bức ảnh cậu dùng trong bản tin của mình.”

Đối với một bức ảnh phóng to trực tiếp mà không dùng phim âm bản thế này thì hình ảnh rõ đến đáng ngạc nhiên. Có lẽ là một công nghệ đặc biệt nào đó.

“Theo chúng tôi biết, bức ảnh này cậu trực tiếp có được và sau đó được dùng trong bản tin. Có đúng thế hông?”

“Đúng như vậy.”

“Theo điều tra của chúng tôi, bức ảnh được chụp trong vòng sáu tháng qua bởi một tay máy hoàn toàn nghiệp dư. Máy ảnh, loại bỏ túi rẻ tiền. Cậu không phải người chụp bức ảnh. Cậu có một chiếc Nikon SLR và chụp ảnh đẹp hơn. Thêm nữa cậu chưa tới Hokkaido trong vòng năm năm qua. Đúng thế không?”

“Ông nói tôi nghe,” tôi nói.

Người đàn ông hắng giọng, rồi im lặng. Đây là một sự yên lặng đích thực, người ta có thể dựa vào đó để đánh giá chất lượng của những sự yên lặng khác. “Dầu sao chăng nữa, những gì chúng tôi muốn là một vài thông tin cụ thể, cậu đã nhận được bức ảnh đó từ đâu, từ ai, và ý định của cậu khi sử dụng cái hình ảnh tồi tàn như thế trong bản tin ấy.”

“Tôi e là tôi không được phép nói ra,” tôi buông lời ấy với vẻ lạnh lùng đến nỗi bản thân tôi cũng phải ấn tượng. “Nhà báo có đầy đủ quyền không tiết lộ nguồn tin của mình.”

Người đàn ông nhìn chằm chằm vào mắt tôi và lấy ngón giữa bàn tay phải vuốt nhẹ môi. Sau mấy hồi vuốt qua vuốt lại, ông ta đặt tay vào lòng. Cứ yên lặng như thế một lúc. Tôi không thể không nghĩ sẽ thật là một thời khắc hoàn hảo nếu đúng lúc đó một con chim cúc cu cất tiếng hót. Nhưng, dĩ nhiên là không có tiếng chim cúc cu nào. Chim cúc cu không hót vào buổi tối.

“Cậu là người tử tế,” người đàn ông nói. “Cậu biết không, nếu muốn, tôi có thể chặn tất cả công việc đến với cậu. Điều đó sẽ đặt dấu chấm hết cho cái quyền báo chí của cậu. Tất nhiên với giả thiết là những tờ rơi và bản quảng cáo phát tay khốn khổ của cậu đủ tư cách được coi là báo chí.”
Tôi ngẫm nghĩ thêm. Tại sao chim cúc cu không hót vào buổi đêm nhỉ?

“Hơn nữa, có nhiều cách để bắt những người như cậu nói.”

“Tôi cho rằng có,” tôi nói, “nhưng sẽ mất thời gian và tôi sẽ không nói gì cho đến phút cuối cùng. Mà dù có nói, tôi cũng sẽ không kể hết mọi thứ. Ông sẽ không có cách nào biết được bao nhiêu là tất cả. Tôi nói sai không?”

Nói thế chẳng qua để dọa thôi, nhưng làm vậy là hợp lý trong hoàn cảnh này. Khoảng yên lặng không chắc chắn theo sau đó chứng tỏ tôi đã ghi thêm cho mình được vài điểm.

“Nói chuyện với cậu rất buồn cười,” người đàn ông nói. “Kịch bản của cái kẻ mơ mộng là cậu thống thiết một cách thú vị. À mà này, chúng ta hãy nói chuyện gì khác đi.”

Người đàn ông rút trong túi ra một chiếc kính lúp đặt lên bàn.

“Hãy xem xét bức ảnh hết sức cẩn thận.”
Tôi cầm bức ảnh trong tay trái và kính lúp trong tay phải, kiểm tra bức ảnh một cách có phương pháp. Vài con cừu đang nhìn về hướng này, vài con nhìn theo hướng đối diện, vài con cắm cúi ăn cỏ. Một cảnh gợi cho ta nhớ đến một buổi họp lớp cũ tẻ nhạt. Tôi kiểm tra từng con cừu một, xem xét vị trí cỏ, rồi từng cây bu lô ở hậu cảnh, đám núi non đằng sau đó, những đám mây mỏng nhẹ trên trời. Không có điều gì bất bình thường. Tôi ngẩng lên khỏi bức ảnh và kính lúp.

“Cậu có thấy điều gì bất bình thường không?”

“Không chút nào,” tôi nói.

Người đàn ông không tỏ ra mảy may thất vọng.

“Tôi nhớ mang máng cậu theo chuyên ngành sinh học tại trường đại học,” người đàn ông nói. “Cậu biết được bao nhiêu về cừu?”

“Hầu như không biết gì. Chủ yếu tôi học toàn mấy thứ chuyên ngành vô dụng.”

“Nói tôi nghe những gì cậu biết.”

“Thuộc bộ guốc chẵn, ăn cỏ và sống thành bầy. Tôi nghĩ là được du nhập vào Nhật đầu thời Minh Trị. Được sử dụng làm nguồn lấy lông và thịt. Chỉ có vậy thôi.”

“Tốt lắm,” người đàn ông nói. “Dù sao tôi cũng muốn có một đính chính nhỏ: cừu không được du nhập vào Nhật đầu thời Minh Trị, mà trong triều An Chính. Tuy nhiên, trước đó, như cậu nói: không hề có cừu ở Nhật Bản. Đúng là có một số ý kiến cho rằng chúng được mang từ Trung Hoa sang trong thời Bình An, nhưng ngay cả nếu đúng là thế thì chúng đã chết hết trong khoảng giữa hai thời kỳ. Vì thế cho đến thời Minh Trị, chỉ vài người Nhật đã từng trông thấy cừu hoặc nhận thức được cừu là con gì. Cho dù cừu khá nổi tiếng với tư cách là một trong mười hai con giáp trong lịch cổ Trung Hoa, song không ai biết đích xác nó là loại vật gì. Nói vậy có nghĩa, nó có lẽ cũng là một con vật tưởng tượng như rồng hay phượng hoàng. Trên thực tế, những bức tranh cừu do người Nhật trước thời Minh Trị vẽ giống như những con vật quái dị được hư cấu hoàn toàn. Có thể nói là kiến thức người ta biết về cừu cũng tương tự như H. G. Wells biết về người sao Hỏa."

“Thậm chí ngày nay, người Nhật hiểu biết hết sức ít ỏi về cừu. Nói thế có nghĩa cừu là một loài vật không hề có mối liên hệ lịch sử nào với đời sống thường ngày của người Nhật. Cừu được nhập khẩu từ Mỹ ở cấp quốc gia, được nuôi trong một khoảng thời gian ngắn, rồi nhanh chóng bị bỏ quên. Đó là con cừu của cậu đấy. Sau chiến tranh, khi việc nhập khẩu len và thịt cừu từ Úc và New Zealand được tự do hóa, giá trị của việc nuôi cừu ở Nhật tụt xuống số không. Một con vật thảm thương, cậu có nghĩ thế không? Đây, như thế đó, chính là hình ảnh của nước Nhật hiện đại.

“Nhưng tất nhiên tôi không có ý lên lớp với cậu về tính dương dương tự đắc của nước Nhật hiện đại. Có hai điều tôi muốn cậu nhớ kỹ: một là, trước khi kết thúc thời kỳ phong kiến có lẽ không có một con cừu nào trên toàn nước Nhật, hai là, một khi được nhập khẩu, cừu chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ. Và hai điều đó có nghĩa là gì?”

Đó không phải là câu hỏi tu từ; nó được đặt ra cho tôi. “Rằng nguồn gốc mỗi một loại cừu ở Nhật đều được ghi lại,” tôi đáp.

“Chính xác. Tôi có thể thêm vào điểm đó là việc gây giống cừu cũng quan trọng như với ngựa đua, khiến vấn đề truy tìm phả hệ trở nên đơn giản. Nói cách khác, ở đây chúng ta có một con vật được quản lý chặt chẽ. Việc lai tạo với các giống khác có thể được kiểm tra dễ dàng. Không có chuyện buôn lậu. Không ai điên muốn chuốc lấy vạ vào thân mà đi nhập khẩu cừu. Nói về các giống cừu, ở Nhật có giống Southdown, Corriedale, Cheviot, Romanovsky, Ostofresian, Border Leicester, Romney Marsh, Lincoln, Dorset Horn, Suffolk, và chừng đó thôi. Sau khi ghi nhớ những điều đó,” người đàn ông nói, “tôi muốn cậu nhìn lại bức ảnh.”

Một lần nữa tôi cầm bức ảnh và kính lúp trong tay.

“Nhớ nhìn cẩn thận con cừu thứ ba từ phải sang ở hàng đầu.”

Tôi cầm kính lúp săm soi trên con cừu thứ ba từ phải sang ở hàng đầu. Nhìn nhanh sang con cừu cạnh nó, rồi quay trở lại con cừu thứ ba từ phải sang.

“Và giờ thì cậu có thể nói được điều gì đây?” người đàn ông hỏi.

“Nó là một giống khác, đúng vậy không?” tôi nói.

“Đúng thế. Ngoài con cừu đặc biệt đó ra, tất cả các con khác đều là cừu giống Suffolk thông thường. Chỉ mình con cừu ấy là khác. Nó chắc nịch hơn con cừu giống Suffolk nhiều, và lông nó màu khác. Và mặt nó không màu đen. Có gì đó ở nó cho người ta ấn tượng là nó có uy quyền hơn. Tôi đưa bức ảnh này cho một chuyên gia nghiên cứu về cừu, ông ấy kết luận là con cừu này không tồn tại ở Nhật Bản. Hay thậm chí ở bất cứ đâu trên thế giới.

Vì thế những gì cậu đang nhìn đây là một con cừu đúng ra không nên tồn tại.”

Tôi vớ chiếc kính lúp xem xét lần nữa con cừu thứ ba từ phải sang. Khi xem xét kỹ, ở đó, giữa lưng con cừu, trông có vẻ như có một vết ố màu cà phê nhạt. Mờ mờ không rõ ràng, nó có thể là vết xước trên phim. Có thể là mắt tôi lại đang giở trò với tôi. Hay có lẽ ai đó đã thật sự đánh đổ cà phê lên lưng con cừu.

“Có một vết ố mờ trên lưng nó.”

“Đó không phải là vết ố,” người đàn ông nói, “Đó là một dấu chàm hình ngôi sao. Hãy so sánh nó với cái này.”

Người đàn ông lôi một trang photocopy từ trong phong bì ra đưa thẳng cho tôi. Đó là bản sao một bức vẽ cừu. Có vẻ như được vẽ bằng bút chì đậm, với những vết ngón tay màu đen trên khắp phần giấy còn lại. Vẽ như trẻ con, tuy thế ở bức vẽ có một vẻ gì đó bắt người ta phải chú ý. Các chi tiết được vẽ hết sức cẩn thận. Hơn thế, con cừu trong bức ảnh và con cừu trong tranh rõ ràng là một. Dấu chàm hình ngôi sao chính là vết ố.

“Giờ hãy nhìn cái này,” người đàn ông vừa nói vừa lôi một chiếc bật lửa từ trong túi ra đưa cho tôi. Đó là một chiếc bật lửa hiệu Dupont được chế tạo đặc biệt, nặng, chắc nịch, bằng bạc, được khắc cùng một biểu tượng cừu tôi thấy trong xe limousine. Không còn nghi ngờ gì nữa, dấu chàm hình ngôi sao trên lưng con cừu, rõ như ban ngày.

Tôi bắt đầu thấy đau đầu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách