Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: MinhHạ
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại] Cuộc Săn Cừu Hoang | Haruki Murakami (Hết)

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:44:23 | Chỉ xem của tác giả
Chương 18: Câu Chuyện Kỳ Lạ Của Người Đàn Ông Lạ Mặt Tiếp Diễn


“Chỉ mới ban nãy, tôi có ám chỉ đến sự tầm thường của cậu,” người đàn ông nói, “Điều này không hề có ý chỉ trích cậu chút nào. Hoặc nói đơn giản hơn, bởi vì bản thân thế giới thật tầm thường đến mức cậu cũng tầm thường như thế. Cậu có đồng ý không?”

“Xin lỗi?”

“Thế giới tầm thường. Về chuyện đó thì không thể nhầm được. Nhưng vậy thì, liệu thế giới có tầm thường từ thời thượng cổ? Không. Thủa ban đầu, thế giới hỗn mang, mà hỗn mang thì không phải tầm thường. Sự tầm thường hóa bắt đầu khi người ta tách biệt công cụ sản xuất ra khỏi cuộc sống thường nhật. Khi Karl Marx thừa nhận giai cấp vô sản, ông vì thế đã củng cố sự tầm thường của họ. Và cũng chính bởi điều này, chủ nghĩa Stalin có mối liên hệ trực tiếp với chủ nghĩa Marx. Tôi coi trọng Marx, ông là một trong những thiên tài hiếm hoi có trí nhớ mở rộng đến tận thời hỗn mang tiền sử. Và tương tự như vậy, tôi đánh giá cao Dostoyevsky. Tuy vậy, tôi không tán thành chủ nghĩa Marx. Nó quá tầm thường.”

Người đàn ông nén lại một âm thanh khe khẽ phát ra từ sâu trong cổ họng.

“Tôi, ngay lúc này đây, đang nói cực kỳ thành thật. Tôi coi điều này như một cử chỉ trả ơn đối với sự thành thật lúc trước của cậu. Hơn nữa, tôi sẽ đồng ý làm sáng tỏ bất cứ nghi ngại nào gọi là thành thật của cậu. Nhưng hãy hiểu rằng khi tôi nói xong, quyền lựa chọn để ngỏ cho cậu sẽ trở nên cực kỳ giới hạn. Xin hãy hiểu trước điều này. Nói đơn giản hơn, cậu đang đánh bạc với chính bản thân mình đó. Chúng ta đồng ý chứ?”.

“Tôi có lựa chọn gì?” tôi hỏi.

“Ngay lúc này đây, một ông già đang nằm chờ chết trong trang viên này,” ông ta bắt đầu. “Nguyên nhân rất rõ ràng. Đó là một khối u khổng lồ trong não ông. Một khối u đủ lớn để làm biến dạng chính hình dạng bộ não của ông. Cậu biết đến đâu về thần kinh học?”

“Hầu như không biết tí gì.”

“Vậy thì, nói đơn giản, đó là một quả bom máu. Lưu thông máu bị tắc dẫn đến não sưng lên bất thường. Giống như một con rắn nuốt quả bóng chơi golf. Nếu nó nổ tung, bộ não sẽ ngừng hoạt động. Tuy thế hoàn toàn không thể mổ. Một sự kích thích nhỏ nhất cũng có thể khiến nó nổ tung. Nói một cách thực tế, chúng tôi chỉ có thể chờ đợi và nhìn ông ấy chết. Ông ấy có thể chết trong vòng một tuần nữa, hoặc cũng có thể một tháng nữa. Không ai có thể nói được.”

Người đàn ông nói từ từ và thở ra.

“Không có gì kỳ quặc về việc ông ấy đang nằm chờ chết. Ông ấy già rồi, bệnh tình của ông ấy đã được xác định rõ. Điều kỳ quặc là ông ấy đã sống lâu đến thế này.”

Tôi không thề có chút khái niệm mơ hồ nhất về những điều ông ta đang cố diễn đạt.

“Sự thật là, nếu ông ấy chết ba mươi hai năm trước thì cũng chẳng có gì sai,” Người đàn ông tiếp tục. “Hoặc thậm chí bốn mươi hai năm trước. Cái khối u ấy lần đầu tiên được các bác sĩ quân y Mỹ phát hiện khi tiến hành kiểm tra sức khỏe tội phạm chiến tranh Loại A. Chuyện này là vào mùa thu năm 1946, trước Tòa án Tội phạm Chiến tranh Tokyo. Viên bác sĩ phát hiện ra nó khá hoảng khi trông thấy bản chụp X-quang. Có một khối u khổng lồ như thế trong não mà vẫn sống – lại còn năng động hơn người bình thường ấy là chuyện thách thức tất cả lẽ thường của y học. Ông ấy được chuyển từ Sugamo đến bệnh viện quân y ngày đó, St. Luke, để làm xét nghiệm đặc biệt.

“Các xét nghiệm kéo dài trong một năm, mặc dù rốt cuộc họ không làm được gì hết. Chỉ có điều nếu ông ấy có chết thì cũng không ai ngạc nhiên, vì việc ông ấy vẫn sống sờ sờ ra đó hoàn toàn là một bí ẩn. Tuy vậy ông ấy không cho thấy dấu hiệu ốm yếu tàn tật gì sau đó, ông tiếp tục sống với một sinh khí phi thường. Hơn nữa, tất cả các hoạt động của não đều bình thường một cách vượt bậc. Họ không biết phải giải thích thế nào. Bế tắc. Đây là một người mà theo lý thuyết đã phải chết rồi, tuy vậy vẫn sống và đi lại bình thường.

“Tất nhiên họ làm sáng tỏ một số triệu chứng đặc biệt. Ông ấy bị nhức đầu kéo dài ba ngày, cơn nhức đầu cứ đến và đi theo chu kỳ bốn mươi ngày. Theo miêu tả của ông, những cơn nhức đầu bắt đầu từ năm 1936, họ phỏng đoán đấy là thời gian khối u lần đầu xuất hiện. Ông nhức đầu không chịu đựng được, đến nỗi ông phải cần thuốc giảm đau. Tóm lại là, thuốc ngủ. Thuốc ngủ làm giảm các cơn đau nhưng lại gây ra ảo giác. Ảo giác bị đè nén ở mức độ cao. Chỉ có mình ông ấy biết chính xác những gì ông ấy trải qua, nhưng dường như chúng không dễ chịu chút nào. Quân đội Mỹ vẫn còn lưu giữ bản miêu tả tỉ mỉ các trải nghiệm ảo giác này. Các bác sĩ hiển nhiên đã quan sát vô cùng tỉ mỉ. Tôi có được những thứ này qua một kênh đặc biệt và đã đọc chúng vài lần, mặc dù dùng ngôn ngữ lâm sàng nhưng các bản này miêu tả một chuỗi hiện tượng làm cho người ta kiệt sức. Tôi ngờ rằng ít người có thể chịu đựng như ông ấy đã từng chịu các trải nghiệm lặp đi lặp lại của thứ ảo giác đó.

“Không ai biết được tại sao những ảo giác này lại xuất hiện. Có lẽ khối u tiết ra năng lượng theo chu kỳ và những cơn nhức đầu là phản ứng của cơ thể. Vì thế khi cái thứ đệm phản hồi ấy bị dỡ bỏ, năng lượng trực tiếp kích thích những phần nhất định của não, gây ra ảo giác. Tất nhiên, đây chỉ là một giả thuyết, nhưng đó là một giả thuyết khiến người Mỹ quan tâm. Đủ để họ bắt đầu những xét nghiệm kỹ lưỡng. Những cuộc xét nghiệm tối mật của Cục Tình báo. Ngay cả bây giờ chúng ta cũng không rõ tại sao Cục Tình báo Mỹ lại nhảy vào điều tra một khối u của một người; tuy nhiên, chúng ta có thể đưa ra vài khả năng.

“Khả năng thứ nhất, liệu có thể họ đã tiến hành các cuộc thẩm vấn tinh vi nào đó dưới vỏ bọc xét nghiệm y học? Tức là, đảm bảo các đường dây gián điệp và các đường thuốc phiện trên đại lục Trung Hoa. Hãy nhớ rằng thất bại cuối cùng của Tưởng Giới Thạch có nghĩa là Mỹ mất đi mối quan hệ với Trung Hoa. Nhưng không cần phải nói cũng biết những cuộc tra hỏi này không thể để lộ ra công chúng. Trên thực tế, sau chuỗi xét nghiệm này, Ông Chủ được thả mà không phải hầu tòa. Có thể hiểu là một cuộc dàn xếp đã được bí mật thỏa thuận. Chúng ta có thể gọi đó là trao đổi thông tin lấy tự do.

“Khả năng thứ hai là họ muốn bóc trần mối quan hệ qua lại giữa tính lập dị rõ rệt của ông với tư cách là nhà lãnh đạo cánh hữu và khối u. Tôi sẽ đi sâu vào khả năng này với cậu sau, nhưng đó là một hướng tư duy kỳ lạ hơn. Dù tôi ngờ là họ chưa bao giờ khám phá được bất kỳ thứ gì. Liệu có thật họ tưởng rằng mình có thể khám phá một điều gì đó thuộc loại đó khi cái sự thật cơ bản hơn rằng ông vẫn sống vẫn còn là điều bí ẩn? Nếu không mổ xác khám nghiệm thì họ không có cách nào để tìm thấy bất kỳ thứ gì. Vậy nên, đây lại là một tình trạng bế tắc nữa.

“Khả năng thứ ba liên quan đến tẩy não. Có lẽ, ý tưởng là bằng cách phát ra một loại sóng kích thích đã được định sẵn vào trong não bộ, họ có thể khơi gợi được một phản ứng đặc biệt. Ngày đó họ đang thực hiện các thí nghiệm dạng đó. Người ta mới biết là trên thực tế có một nhóm nghiên cứu về tẩy não tại thời điểm đó.

“Không rõ hướng tư duy nào trong ba hướng trên đại diện cho chỉ thị chủ yếu của Cục Tình báo. Cũng không rõ là liệu các cố gắng của họ, chúng ta cứ tạm gọi thế, dẫn đến kết quả gì. Mọi thứ đều bị chôn vùi trong lịch sử. Những người duy nhất biết được sự thật là một nhóm số ít các thành viên ưu tú trong Quân đội Mỹ và bản thân Ông Chủ. Cho đến nay, Ông Chủ chưa bao giờ nói một lời nào về chuyện này với bất kỳ ai, kể cả với tôi, và không chắc rằng ông ấy sẽ có lúc nói ra.”

Khi nói xong, người đàn ông hắng giọng. Tôi quên mất không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ khi bước vào phòng.

“Vào mùa đông năm 1932, Ông Chủ bị cầm tù về tội đồng lõa trong kế hoạch ám sát một nhân vật chủ chốt. Ông bị cầm tù cho đến tháng Sáu năm 1936. Sổ sách chính thức của nhà tù và y bạ vẫn còn, và ông thi thoảng có đề cập đến chuyện này. Nhìn thoáng qua cho thấy: hầu hết cả quãng thời gian trong tù, Ông Chủ bị chứng mất ngủ trầm trọng. Hoặc có lẽ còn tệ hơn chứng mất ngủ thông thường. Đây là chứng mất ngủ đã được nâng đến mức độ đặc biệt nguy hiểm. Có lúc cứ ba hoặc bốn ngày liền, thậm chí có lúc gần một tuần, ông không thể nhắm măt lấy một lần. Hồi đó cảnh sát buộc tội phạm chính trị phải khai nhận bằng cách không cho họ ngủ. Đối với trường hợp của Ông Chủ, các cuộc hỏi cung càng khắc nghiệt hơn nữa bởi ông có liên quan đến phe đối lập chống lại quân phiến loạn ủng hộ phái bảo hoàng và bên cầm quyền. Nếu tù nhân cố ngủ, họ sẽ hắt nước lên anh ta, đánh anh ta bằng gậy tre hoặc chiếu anh đèn sáng lóa mắt anh ta, bất cứ thứ gì hòng đập vỡ cái lịch ngủ ra thành từng mảnh. Hầu hết người ta suy sụp nếu chế độ đó duy trì trong vòng vài tháng. Trí óc điều khiển giấc ngủ của họ bị hủy diệt một cách hiệu quả. Họ chết hoặc phát điên hoặc trở thành những kẻ mất ngủ cực độ. Ông Chủ đi theo hướng cuối cùng. Mùa xuân năm 1936, ông hồi phục hoàn toàn khỏi chứng mất ngủ. Đó cũng là khoảng thời gian khối u xuất hiện. Cậu nghĩ như thế nào về chuyện đó?”

“Mất ngủ cực độ vì một lý do nào đó phá vỡ dòng máu lưu thông trong não, do đó tạo nên khối u, đúng vậy không?”

“Đó dường như là một giả thuyết hợp lý nhất, có nghĩa nhất. Và vì một người không phải chuyên gia còn nghĩ vậy nên cậu có thể chắc chắn rằng các bác sĩ Quân đội Mỹ cũng nghĩ vậy. Tuy nhiên, chỉ riêng lời giải thích đó thì không hoàn toàn đầy đủ. Có gì khiếm khuyết ở đây. Tôi không khỏi nghĩ rằng hiện tượng khối u là biểu hiện thứ yếu của một nhân tố quan trọng hơn. Ví dụ, chú ý là trong số vài người được biết mang một khối u tương tự, không ai có triệu chứng giống như vậy. Hơn nữa, lời giải thích không đưa ra nguyên nhân tại sao Ông Chủ tiếp tục sống.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, những gì người đàn ông nói là hoàn toàn logic.

“Có một điều còn kỳ lạ hơn về khối u. Bắt đầu từ mùa xuân năm 1936, Ông Chủ, nói theo cách ngôn, như được tái sinh, thành một người mới. Trước đó, Ông Chủ nói thẳng ra chỉ là một nhà hoạt động cánh hữu tầm thường. Là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo ở Hokkaido, ông rời nhà khi mười hai tuổi rồi đến Triều Tiên, nhưng cũng không tìm được chốn dung thân ở đó, vì thế ông trở lại quê hương và gia nhập một nhóm cánh hữu. Có vẻ như hồi đó ông là một thanh niên nổi giận, không ngớt vung kiếm samurai. Rất có thể ông hầu như không biết đọc. Tuy vậy, vào mùa hè năm 1936, khi ông được thả khỏi nhà tù, ông đã leo đến đỉnh phe cánh hữu, với tất cả mọi nghĩa của từ này. Ông có sức lôi cuốn quần chúng, một ý thức hệ vững vàng, sức mạnh diễn thuyết khiến ta đáp lại đầy nhiệt huyết, có sự khôn khéo về mặt chính trị, quyết đoán, và trên hết, khả năng định hướng xã hội bằng cách sử dụng điểm yếu của đám đông để làm động lực đòn bẩy.”

Người đàn ông thở một hơi và hắng giọng lần nữa.

“Tất nhiên, với tư cách là một nhà tư tưởng cánh hữu, lý thuyết và khái niệm về thế giới của ông hơi trẻ con. Tuy nhiên, điều đó hầu như không quan trọng. Câu hỏi thật sự là ông có thể tổ chức đội ngũ đằng sau những lý thuyết ấy đến mức độ nào. Hãy nhìn cách thức Hitler lấy những khái niệm nửa vời như không gian sống (lebensraum) và thượng đẳng chủng tộc để tổ chức chúng trên bình diện quốc gia.

Tuy nhiên, Ông Chủ không đi theo con đường đó. Con đường ông chọn kín đáo hơn – một lối đi trong bóng râm. Ông thao túng xã hội từ phía sau hậu trường, không bao giờ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật. Và vì lý do đó, vào năm 1937, ông qua Trung Hoa đại lục. Nhưng ngay cả như vậy – mà thôi, chuyện này tạm dừng ở đây đã. Trở lại chuyện khối u, những gì tôi muốn nói là thời gian khối u xuất hiện trùng khớp chính xác với thời gian ông ấy trải qua một sự thay đổi bản thân kỳ diệu.”

“Trong giả thuyết của ông,” tôi nói, “không có mối quan hệ nhân quả nào giữa khối u và sự thay đổi bản thân; thay vào đó hai thứ chịu sự quản lý song song của một nhân tố có quyền lực cao hơn bí ẩn nào đó.”

“Cậu nắm bắt nhanh đấy,” người đàn ông nói. “Chính xác và đi thẳng vào vấn đề.”

“Vậy thì khi nào con cừu xuất hiện trong chuyện của ông?”

Người đàn ông lấy điếu thuốc thứ hai từ chiếc hộp trên bàn và dùng móng tay búng nhẹ trước khi đưa nó lên môi. Ông ta không châm thuốc. “Chúng ta hãy xem xét mọi thứ tuần tự,” ông ta nói.

Một sự yên lặng nặng nề bao trùm.

“Chúng tôi đã xây dựng một vương quốc,” người đàn ông lại bắt đầu. “một vương quốc ngầm hùng mạnh. Chúng tôi lôi kéo mọi thứ vào trong vương quốc đó. Chính trị, tài chính, truyền thông đại chúng, bộ máy quan liêu, văn hóa, tất cả những thứ cậu chưa bao giờ dám mơ tới. Chúng tôi thậm chí còn kiểm soát cả các bên thù địch với chúng tôi. Từ tổ chức đến phi tổ chức, tất thảy mọi thứ. Thậm chí ít người, nếu không muốn nói là không có ai, nhận ra điều đó. Nói cách khác, chúng tôi tự mình nắm trong tay một tổ chức cực kỳ tinh vi. Tất cả những thứ đó đều được một tay Ông Chủ tạo dựng nên sau chiến tranh. Tóm lại, ông nắm toàn quyền thống trị trong khoang ngầm của chiếc tàu khổng lồ mà người ta gọi là Nhà nước. Nếu ông tháo nút ra, cả con tàu sẽ chìm. Hành khách và tất cả, sẽ mất tích trong đại dương, và chắc chắn trước khi bất cứ ai nhận thức được sự thật đó.”

Đến đó người đàn ông châm thuốc.

“Tuy nhiên, tổ chức này có giới hạn của nó. Đó là, cái chết của ông vua. Khi vua chết, vương quốc sụp đổ. Cậu thấy đấy, vương quốc được xây dựng và duy trì trên sự tài trí của một người đàn ông này. Theo đánh giá của tôi, chính để nói rằng nó được xây dựng và giữ vững bởi cái nhân tố kỳ bí ấy. Nếu Ông Chủ chết, điều đó có nghĩa kết thúc mọi thứ, vì tổ chức của chúng tôi không phải bộ máy quan liêu, mà là một cỗ máy được vận hành hoàn hảo với một trí tuệ tột đỉnh. Đây chính là sức mạnh và cũng là điểm yếu của tổ chức chúng tôi. Hoặc đúng ra, đã là. Cái chết của Ông Chủ không chóng thì chày sẽ làm tổ chức vỡ ra từng mảnh, và giống như một lâu đài Valhalla[1] bị lửa thiêu rụi, nó sẽ rơi vào biển tầm thường. Không ai có thể thay thế Ông Chủ. Tổ chức sẽ tan rã – một cung điện huy hoàng bị phá trụi để lấy chỗ cho một khu chung cư. Một thế giới của sự đơn điệu và chắc chắn. Mặc dù có lẽ người ta sẽ nghĩ đó là phù hợp và đứng đắn. Phân chia công bằng và mọi thứ. Nhưng hãy nghĩ mà xem. Cả nước Nhật bị san bằng núi non, bờ biển hay hồ, ngổn ngang những dãy nhà chung cư giống hệt nhau. Liệu như thế có đúng không?”

“Tôi không biết,” tôi nói. “Tôi thậm chí còn không biết là bản thân câu hỏi có nghĩa không nữa?”.

“Một câu trả lời thông minh,” người đàn ông nói, gập những ngón tay trên lòng. Đầu ngón tay gõ nhẹ một nhịp điệu chậm rãi. “Cậu biết đấy, tất cả câu chuyện về chung cư này, chỉ để tranh luận mà thôi. Chính xác hơn, tổ chức chúng tôi có thể được chia làm hai yếu tố. Bộ phận dịch chuyển lên phía trước và bộ phận chèo lái nó lên phía trước. Theo tự nhiên, có các bộ phận khác quản lý các chức năng khác. Tuy nhiên, nếu tạm chia, tổ chức chúng tôi được tạo thành bởi hai bộ phận này. Các bộ phận khác hầu như không đáng kể. Phần ở phía trước là Ý chí, và phần hỗ trợ cho phần ở phía trước là Lợi ích. Khi người ta nói về Ông Chủ, họ chỉ chăm chăm nói về phần Lợi ích của ông. Và sau khi Ông Chủ chết, chính là phần Lợi ích này sẽ khiến mọi người ầm ĩ lên tranh nhau chiếm phần. Không ai muốn phần Ý chí, vì không ai hiểu được nó. Ở đây chúng ta thấy được ý nghĩa thật sự của những gì có thể và không thể sẻ chia. Ý chí không thể sẻ chia. Nó hoặc sẽ được chuyển giao hoàn toàn, hoặc mất đi hoàn toàn.”

Ngón tay người đàn ông tiếp tục gõ nhẹ nhịp điệu chậm rãi ấy trên lòng. Ngoài điều đó ra, mọi thứ ở ông ta vẫn giữ nguyên không thay đổi từ đầu. Vẫn cái nhìn chằm chằm ấy, vẫn đôi con ngươi lạnh băng, vẫn bộ mặt nhẵn nhụi, vô cảm ấy. Bộ mặt quay về phía tôi với cùng góc độ trong suốt quãng thời gian.

“Cái ý chí này là như thế nào?”, tôi hỏi

“Một khái niệm điều khiển thời gian, điều khiển không gian, và điều khiển khả năng.”

“Tôi không hiểu.”

“Tất nhiên, chỉ vài người hiểu. Chỉ có Ông Chủ là hiểu nó một cách gần như bản năng. Người ta thậm chí có thể nói ông ấy phủ nhận sự tự nhận thức, do đó ông nhận ra ở cùng một sự việc một điều gì đó hoàn toàn mang tính cách mạng. Nói đơn giản cho cậu hiểu, cuộc cách mạng của ông ấy là một cuộc cách mạng lao động sáp nhập tư bản và tư bản sáp nhập lao động.”

“Một ảo tưởng.”

“Hoàn toàn ngược lại. Chính sự nhận thức mới là ảo tưởng,” người đàn ông cắt ngang. “Cứ cho là như vậy, mọi điều tôi nói với cậu bây giờ chỉ đơn thuần là lời nói. Cho dù tôi có sắp xếp và bố trí lại chúng, tôi sẽ không bao giờ có thể giải thích cho cậu hình thức của Ý chí mà Ông Chủ sở hữu. Lời giải thích của tôi sẽ chỉ cho thấy mối liên hệ giữa bản thân tôi và cái ý chí đó thông qua liên hệ trên bình diện ngôn từ. Sự phủ nhận nhận thức vì thế tỷ lệ với sự phủ nhận ngôn ngữ. Và khi hai cột trụ của chủ nghĩa nhân văn phương Tây, nhận thức cá nhân và tính liên tục biến hóa, mất đi ý nghĩa, thì ngôn ngữ mất đi ý nghĩa. Cá thể như chúng ta vẫn biết sẽ không còn tồn tại, và tất cả trở nên hỗn độn. Con người ta thôi không còn là một thực thể độc đáo không thể lặp lại nữa, mà tồn tại đơn thuần như một hỗn độn. Và không chỉ bản thân mình là sự hỗn độn; sự hỗn độn của người này cũng chính là sự hỗn độn của người kia. Tóm lại, tồn tại là giao tiếp, và giao tiếp là tồn tại.”

Bỗng nhiên căn phòng trở nên lạnh, và tôi có cảm giác không thể diễn tả nổi là một cái giường ấm áp dễ chịu đã được chuẩn bị sẵn ở một bên cho tôi. Ai đó đang vẫy tay ra hiệu cho tôi dưới tấm chăn.

Một ảo ảnh, tất nhiên rồi. Giờ vẫn còn là tháng chín. Bên ngoài, hàng ngàn con ve sầu không đếm xuể đang kêu ra rả.

“Việc mở rộng nhận thức mà thế hệ cậu trải qua hoặc ít nhất mong muốn trải qua vào cuối thập kỷ sáu mươi kết thúc thất bại một cách trọn vẹn và hoàn toàn bởi vì nó vẫn còn bắt rễ chặt ở cá nhân. Nghĩa là, nếu chỉ cố gắng mở rộng riêng nhận thức mà thôi, không tính đến bất kỳ thay đổi nào về lượng cũng như về chất ở cá nhân, rốt cuộc tất phải thất bại. Tôi nói tầm thường là muốn nói về cái đấy. Làm sao tôi có thể khiến cậu hiểu được điều này? Không phải là tôi đặc biệt mong cậu hiểu. Chỉ là tôi đang cố gắng nói chuyện một cách thành thật…

“Về bức tranh tôi đưa cậu xem lúc trước,” người đàn ông nói. “Đó là bản copy một bức tranh từ hồ sơ bệnh án bệnh viện quân y Mỹ. Nó đề ngày 27 tháng Bảy, năm 1946. Bức tranh do Ông Chủ chính tay vẽ theo yêu cầu của bác sĩ. Như một mắt xích trong quá trình chứng minh bằng tư liệu các trải nghiệm ảo giác. Trên thực tế theo hồ sơ bệnh án, con cừu này xuất hiện với tần suất cao đáng kể trong ảo giác của Ông Chủ. Nói về mặt con số, con cừu xuất hiện xấp xỉ khoảng tám mươi phần trăm trong ảo giác của ông ấy, hay bốn lần trong số năm ảo giác. Mà không phải bất kỳ con cừu nào. Chính là con cừu có màu hạt dẻ với hình ngôi sao trên lưng.

“Vậy là Ông Chủ bắt đầu sử dụng con cừu này, nó được khắc trên bật lửa, như gia huy cá nhân từ năm 1936 trở đi. Tôi tin là cậu để ý thấy con cừu này giống hệt con cừu trong hồ sơ bệnh án. Mà cũng lại chính là con cừu trong bức ảnh của cậu. Kỳ lạ vô cùng, cậu có nghĩ thế không?”

“Trùng lặp đơn thuần thôi,” tôi nói vội. Tôi cố ý làm cho mình nghe có vẻ ngầu, nhưng không hoàn toàn thành công.

“Còn nữa,” người đàn ông tiếp tục. “Ông Chủ là một nhà sưu tập nhiệt thành tất cả các tư liệu tra cứu có thể liên quan đến cừu, trong nước hay nước ngoài. Mỗi tuần một lần, ông xem xét kỹ các bài báo cắt ra liên quan đến cừu được thu nhặt từ mọi tờ báo và tạp chí xuất bản tuần đó ở Nhật. Tôi luôn giúp ông một tay trong chuyện này. Ông Chủ nhấn mạnh tầm quan trọng của các bài báo ấy. Cứ như thể ông đang tìm kiếm một điều gì đó. Và kể từ khi Ông Chủ lâm bệnh, tôi tiếp tục cố gắng này trên bình diện cá nhân. Tôi thực tế đã rất quan tâm đến việc này. Ai biết được điều gì sẽ được làm sáng tỏ? Đó là cách cậu liên quan đến sự việc. Cậu và con cừu của cậu. Dù có nhìn nhận vấn đề dưới góc độ nào thì đây cũng không phải là một sự tình cờ.”
Tôi giữ bật lửa thằng bằng trong tay. Cảm giác ấy thật tuyệt vời. Không quá nặng; không quá nhẹ. Thử nghĩ mà xem trên đời lại có một trọng lượng hoàn hảo như vậy.

“Cậu nghĩ tại sao Ông Chủ cứ kiên quyết đi tìm con cừu đó? Co ý kiến gì không?”

“Không có ý kiến gì hết,” tôi nói. “Hỏi Ông Chủ sẽ nhanh hơn.”

“Nếu tôi có thể hỏi ông, tôi đã hỏi rồi. Ông Chủ đang trong trạng thái hôn mê đã hai tuần qua. Rất có thể ông sẽ không bao giờ tỉnh lại. Và nếu Ông Chủ chết, bí ẩn về con cừu với ngôi sao trên lưng sẽ bị chôn vùi cùng ông mãi mãi. Chắc chắn tôi sẽ không đứng nhìn và để diều đó xảy ra. Không phải vì lý do mất mát cá nhân, mà là cho lợi ích lớn hơn của mọi người.”

Tôi nghiêng mở nắp bật lửa, đánh lửa, rồi đóng nắp lại.

“Tôi chắc chắn cậu nghĩ rằng tất cả những điều tôi đang nói là một mớ vô nghĩa. Và có lẽ đúng thế. Có thể chúng đúng là hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng hãy thử nghĩ coi, đây có thể là toàn bộ những gì còn sót lại cho chúng tôi. Ông Chủ sẽ chết. Cái ý chí ấy sẽ chết. Rồi mọi thứ quanh cái ý chí ấy sẽ tàn lụi. Tất cả những gì còn lại sẽ là những gì có thể cân đo đong đếm. Không còn sót lại gì nữa. Đó là lý do tại sao tôi muốn tìm con cừu đó.”

Lần đầu tiên ông ta nhắm mắt lại vài giây, không nói gì trong chốc lát. Rồi: “Nếu tôi có thể đưa ra giả thuyết của mình – một giả thuyết và không có gì hơn, hãy quên là tôi từng nói nó nếu nó không có ý nghĩa gì với cậu – tôi không thể không cảm thấy rằng con cừu của chúng ta ở đây đã tạo nên cái khung cơ bản của Ý chí của Ông Chủ.”

“Nghe cứ như là bánh quy hình thú vật,” tôi nói.

Người đàn ông không thèm để ý đến lời bình luận của tôi.

“Rất có thể con cừu đã tìm được cách nhập vào người Ông Chủ. Đó hẳn là năm 1936. Và trong khoảng 40 năm sau đó, con cừu vẫn tiếp tục trú bên trong Ông Chủ. Bên trong đó, nó chắc đã tìm được một đồng cỏ, một rừng cây bu lô. Giống như trong bức ảnh. Cậu nghĩ sao?”

“Nột giả thuyết cực kỳ thú vị,” tôi đáp.

“Nó là một con cừu đặc biệt. Một con cừu rất đặc biệt. Tôi muốn tìm nó và vì thế cần sự giúp đỡ của cậu.”

“Vậy ông định làm gì với nó một khi ông đã tìm được nó?”

“Không làm gì cả. Có lẽ tôi không thể làm gì. Quy mô mọi chuyện quá lớn lao để tôi có thể làm bất cứ điều gì. Mong ước duy nhất của tôi là cuối cùng được tận mắt nhìn thấy nó. Và nếu con cừu đó mong muốn bất cứ thứ gì, tôi sẽ làm cho nó trong tất cả quyền hạn của mình để tuân theo ý nó. Dù thế nào đi nữa, một khi Ông Chủ qua đời, đời tôi sẽ mất đi hầu hết mọi ý nghĩa.”

Đến đó ông ta lặng thinh. Tôi cũng im lặng. Chỉ có lũ ve sầu là vẫn tiếp tục kêu. Ve sầu và lá cây trong vườn xào xạc trong làm gió lúc chạng vạng. Bản thân ngôi nhà yên lặng một cách đau đớn. Như thể mầm chết đang lơ lửng đâu đây trong sự lây lan không thể ngăn chặn nổi. Tôi cố hình dung cánh đồng cỏ trong đầu Ông Chủ. Một đồng cỏ hoang vắng và bị bỏ bê, cỏ héo úa, tất cả cừu đều bỏ đi mất.

“Tôi sẽ hỏi cậu một lần nữa: nói cho tôi nghe bằng cách nào cậu có được bức ảnh,” người đàn ông nói.

“Tôi không thể nói được,” tôi nói.

Người đàn ông thốt ra một tiếng thở dài. “Tôi đã cố nói chuyện với cậu một cách thành thật. Vì thế tôi cứ hy vọng cậu cũng sẽ nói chuyện với tôi một cách thành thật.”

“Tôi không ở vào vị thế có thể nói được. Nếu tôi nói ra có thể gây rắc rối cho người cung cấp ảnh.”

“Điều đó có nghĩa là,” người đàn ông ngắt lời, “cậu có cơ sở hợp lý để tin rằng một số rắc rối có thể sẽ đến với cái người có liên hệ với con cừu.”
“Không có cơ sở nào hết. Tôi chỉ linh cảm thôi. Nhất định phải có một cái bẫy. Tôi cảm thấy điều đó trong suốt thời gian nói chuyện với ông. Giống như có một cái cạm bẫy ở đâu đó. Gọi đó là giác quan thứ sáu.”

“Và vì thế cậu không thể nói.”

“Đúng thế,” tôi nói. Suy nghĩ thêm về tình thế, tôi tiếp tục. “Tôi thuộc loại chuyên gia gây rắc rối. Có thể nói tôi không kém cạnh ai trong cung cách và cách thức tạo nên rắc rối cho người khác. Tôi sống cả đời cố gắng hết sức tránh mọi thứ xảy đến như thế. Vậy mà rốt cuộc chỉ tạo thêm nhiều rắc rối hơn. Kết quả giống nhau cả thôi. Mọi thứ cứ đi xuống theo cách ấy. Tuy thế, dù tôi biết rồi sẽ giống nhau cả thôi thì vẫn không có gì thay đổi. Không gì trở thành như thế ngay từ đầu. Nó chỉ là cái cớ thoái thác.”

“Tôi không chắc tôi hiểu ý cậu.”

“Ý tôi là sự tầm thường có nhiều khuôn dạng.”

Tôi cho một điếu thuốc lên môi, châm thuốc bằng chiếc bật lửa trên tay và nhả một hơi ngắn. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn chút ít.

“Cậu không phải nói nếu cậu không muốn,” người đàn ông nói. “Thay vào đó, tôi sẽ cử cậu đi tìm con cừu. Đây là điều khoản cuối cùng giữa chúng ta. Nếu trong vòng hai tháng kể từ bây giờ cậu tìm được con cừu, chúng tôi sẵn sàng thưởng công cậu bất cứ thứ gì cậu muốn. Nhưng nếu cậu không tìm được nó, sẽ là chấm hết cho cậu và công ty của cậu. Đồng ý chứ?”

“Tôi có lựa chọn nào khác không?” tôi hỏi. “Và điều gì sẽ xảy ra nếu ngay từ đầu con cừu với ngôi sao trên lưng chưa bao giờ tồn tại?”

“Vẫn thế thôi. Đối với cậu và tôi, chỉ có một câu hỏi: liệu cậu có tìm ra con cừu hay không. Không có khoản nửa nọ nửa kia. Xin lỗi phải nói như thế này, nhưng như tôi nói chúng tôi sẽ chấp nhận đề xuất của cậu. Cậu có bóng, cậu nên cố ghi bàn vào khung thành. Thậm chí ngay cả khi hóa ra không có khung thành nào.”

“Vậy quan điểm hiện tại là thế?”

Người đàn ông lôi từ trong túi ra một chiếc phong bì dày cộp đặt trước mặt tôi. “Hãy dùng số tiền này mà chi tiêu. Nếu hết tiền, gọi cho chúng tôi. Còn nhiều hơn từ nguồn tiền này. Cậu hỏi gì không?”

“Không hỏi gì, chỉ nhận xét thôi.”

“Gì vậy?”

“Toàn bộ câu chuyện này chắc là chuyện nực cười nhất, khó tin nhất mà tôi từng nghe. Khi thốt ra từ miệng ông, nó có vẻ thật, nhưng tôi ngờ rằng chẳng ai tin tôi nếu tôi nói cho họ biết những gì xảy ra hôm nay.”

Người đàn ông nhếch mép rất nhẹ, hầu như không thể nhận thấy. Có thể hiểu là ông ta đang mỉm cười. “Kể từ ngày mai, cậu bắt đầu vào việc. Như tôi đã nói, cậu có hai tháng kể từ hôm nay.”

“Công việc hóc búa đấy. Hai tháng có thể không đủ. Tôi muốn nói là ông đang đòi hỏi tôi tìm một con cừu từ khắp các vùng thôn quê kia đấy.”
Người đàn ông nhìn chằm chằm vào mặt tôi mà không nói gì. Khiến tôi cảm thấy như mình là một hồ bơi trống vắng. Một hồ bơi bẩn thỉu, vỡ rạn, trống vắng mà có lẽ sẽ không được sử dụng thêm một năm nào nữa. Ông ta nhìn tôi không chớp mắt suốt ba mươi giây đồng hồ. Rồi ông ta chậm rãi mở miệng.

“Đã đến lúc cậu phải lên đường,” ông ta nói.

Quả có vẻ như thế thật.

Chú thích

[1] Lâu đài trong thần thoại Bắc Âu, nơi vị thần tối cao Odin tiếp đãi linh hồn của những anh hùng tử trận.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:52:43 | Chỉ xem của tác giả
Chương 19: Lại Chuyện Chiếc Xe Limousine Và Người Lái Xe


“Cậu quay trở lại văn phòng chứ? Hay đến một nơi nào khác?” người lái xe hỏi. Vẫn là người lái xe chở tôi tới đây, nhưng thái độ của bác ta giờ đây có vẻ dễ gần hơn một chút. Tôi đoán là bác ta dễ có cảm tình với mọi người.

Tôi duỗi thẳng tay chân trên chiếc ghế sau rộng thênh thang và cân nhắc xem nên đi đâu. Tôi không có ý định trở lại văn phòng. Đúng ra thì tôi vẫn còn nghỉ phép, và tôi không định cố gắng giải thích tất cả chuyện này cho đối tác của tôi. Tôi cũng không định về thẳng nhà. Ngay lúc này tôi cần một lượng kha khá những người bình thường đi trên hai chân một cách bình thường ở một chốn bình thường.

“Ga Shinjuku, cửa ra phía tây,” tôi nói.

Đường chật cứng xe cộ hướng tới Shinjuku. Giờ cao điểm buổi tối, giữa vô số thứ khác. Qua một điểm nào đó xe cộ dường như dính chặt vào một chỗ, không nhúc nhích. Thỉnh thoảng một đợt sóng tràn qua các xe, làm chúng nhúc nhích được khoảng vài centimet. Tôi nghĩ về tốc độ quay của trái đất. Không biết mặt đường này quay tròn trong không trung bao nhiêu dặm một giờ? Tôi tính nhẩm nhanh trong đầu ra một con số mà có lẽ không nhanh hơn trò Tách Trà Quay tại lễ hội. Có nhiều thứ chúng ta không thật sự biết. Thật là ảo tưởng khi cho rằng chúng ta biết bất cứ điều gì. Nếu một nhóm người ngoài hành tinh có chặn tôi lại hỏi. “Này anh bạn, Trái đất quay quanh xích đạo bao nhiêu dặm một giờ?” tôi sẽ lúng túng. Chết tiệt, tôi thậm chí còn không biết tại sao thứ Tư lại sau thứ Ba. Tôi sẽ là trò cười xuyên Ngân hà mất.

Tôi đã đọc hết cuốn Sông Đông Êm Đềm và Anh Em nhà Karamazov ba lần. Tôi thậm chí còn đọc Hệ tư tưởng Đức một lần. Tôi thậm chí có thể đọc giá trị số pi tới mười sáu chữ số thập phân. Liệu tôi có vẫn sẽ là trò cười? Có thể lắm. Bọn người ngoài hành tinh sẽ cười cho thối mũi.

“Thưa, cậu có muốn nghe chút nhạc gì không?” người lái xe hỏi.

“Ý hay đấy,” tôi đáp.

Và ngay lúc đó một khúc ballad của Chopin lan tỏa trong xe. Tôi có cảm giác mình đang ở trong phòng thay đồ tại một đám cưới.

“Này bác,” tôi hỏi người lái xe, “Bác có biết giá trị của số pi không?”

“Cậu muốn hỏi cái số 3,14 gì gì đó ấy à?”

“Chính nó đấy. Bác biết bao nhiêu số thập phân?”

“Tôi biết đến ba mươi chữ số thập phân,” người lái xe nói nhanh. “Ngoài đó ra, thì…”

“Ba mươi chữ số ư?”

“Có cả mẹo cho vụ đó, nhưng mà đúng vậy đấy. Tại sao cậu hỏi tôi thế?”

“Ồ, thật ra thì không có gì đâu,” tôi nói, tiu nghỉu. “Không sao cả.”

Vậy là chúng tôi nghe nhạc Chopin trong khi chiếc xe limousine nhích được chục mét. Mọi người trong các xe xung quanh nhìn cái xe khổng lồ của chúng tôi một cách thù địch. Không có gì là quá thoải mái, khi mình là tâm điểm của quá nhiều chú ý, ngay cả khi có cả cửa kính chắn sáng.

“Giao thông tệ quá,” tôi nói.

“Đúng thế, nhưng chắc chắn là rạng sáng mai thôi giao thông sẽ đỡ hơn.”

“Thì đành là thế, nhưng bác không thấy khó chịu à?”

‘Tất nhiên rồi. Tôi cáu tiết, tôi bực mình. Nhất là khi tôi đang vội đi đâu. Nhưng tôi coi đó như một phần của việc rèn luyện chúng ta. Nổi cáu với đồng nghĩa chịu thất bại trên đời này.”

“Nghe cứ như một lý giải theo quan điểm tôn giáo về nạn tắc xe nếu như từng có lý giải kiểu đó.”

“Tôi là người Cơ Đốc. Tôi không đi nhà thờ, nhưng tôi luôn theo đạo Cơ Đốc.”

“Thật vậy sao? Bác không thấy việc là người theo đạo Cơ Đốc với việc làm tài xế cho một nhân vật cánh hữu lớn có gì mâu thuẫn à?”

“Ông Chủ là người đáng kính. Sau Chúa, người đáng kính nhất mà tôi từng gặp.”

“Bác đã gặp Chúa ư?”

“Tất nhiên rồi. Đêm nào tôi cũng gọi điện cho Ngài.”

“Sao cơ?” tôi lắp bắp. Mọi thứ lại bắt đầu lộn xộn trong đầu tôi. “Nếu ai cũng gọi cho Chúa thì chẳng phải đường dây lúc nào cũng bận liên tục? Giống như tổng đài ngay giữa trưa.”

“Không vấn đề gì. Chúa là sự hiện diện đồng thời của cậu. Vậy nên ngay cả khi triệu người cùng gọi cho Ngài cùng một lúc, Ngài vẫn có thể nói chuyện đồng thời với tất cả mọi người.”

“Tôi không phải chuyên gia gì, nhưng cách giải thích như thế có chính thống không? Ý tôi là, nói về mặt thần học.”

“Tôi là người có quan điểm cấp tiến. Đó là lý do tại sao tôi không đi nhà thờ.”

“Tôi hiểu rồi,” tôi nói.

Chiếc limousine nhích lên được năm mươi mét. Tôi đưa một điếu thuốc lên môi, và khi bắt đầu châm lửa thì tôi nhận ra mình đã cầm chiếc bật lửa trong tay suốt cả quãng thời gian ấy. Tôi đã cầm theo chiếc bật lửa bạc hiệu Dupont có khắc hình con cừu mà không hề hay biết. Cảm giác nó vừa như đúc cùng khuôn với lòng bàn tay tôi một cách tự nhiên như thể tôi sinh ra đã có nó rồi. Sự cân bằng và cảm giác nó mang lại thật tuyệt vời. Sau khi suy nghĩ vài giây, tôi quyết định nó thuộc về tôi. Ai hơi đâu mà đi nhớ hoài đến một hai chiếc bật lửa. Tôi mở đóng nắp vài lần, châm thuốc rồi đút chiếc bật lửa vào túi. Bù lại, tôi lén thả chiếc bút bi Bic dùng một lần vào ngăn để đồ ở cửa xe.

“Ông Chủ đưa nó cho tôi mấy năm trước.” Người lái xe bỗng nhiên lên tiếng.

“Đưa cho bác cái gì kia?”

“Số điện thoại của Chúa.”

Tôi bật lên một tiếng rên lớn đến mức nó lấn át mọi thứ khác. Hoặc là tôi đang phát điên hoặc là bọn họ đều mất trí hết.

“Ông ấy bí mật nói cho mình bác nghe ư?”

“Đúng thế. Chỉ mình tôi, một cách bí mật. Ông ấy là người tinh tế. Cậu có muốn biết thêm về Ngài không?”

“Nếu được,” tôi nói.

“Xem nào, đó là số Tokyo 9-4-5-…”

“Đợi chút đã,” tôi nói, rút sổ tay và bút ra. “Nhưng bác thật sự nghĩ là kể cho tôi chuyện này sẽ không sao chứ?”

“Tất nhiên rồi, không vấn đề gì. Tôi không đi rêu rao vô tội vạ đâu. Mà cậu có vẻ như một người tử tế.”

“Ồ, cám ơn bác,” tôi nói. “Nhưng liệu tôi biết nói với Chúa về chuyện gì? Tôi lại không phải người theo đạo Cơ Đốc.”

“Không vấn đề gì. Tất cả những gì cậu cần làm là nói một cách thành thực về bất cứ điều gì làm cậu băn khoăn hay lo lắng. Cho dù cậu nghĩ chuyện đó có nhỏ nhặt đến mức nào. Chúa không bao giờ thấy chán và không bao giờ cười nhạo cậu.”

“Cám ơn bác. Tôi sẽ gọi cho Ngài.”

“Đó mới đúng tinh thần chứ,” người lái xe nói.

Dòng xe cộ bắt đầu trôi suôn sẻ và tòa nhà chọc trời khu Shinjuku bắt đầu hiện ra trong tầm mắt. Chúng tôi không nói gì trong cả quãng đường còn lại.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 17:59:14 | Chỉ xem của tác giả
Chương 20: Cuối Hè, Đầu Thu


Vào lúc chiếc xe limousine tới nơi, màu nhàn nhạt của buổi chạng vạng đã lan tỏa trên thành phố. Một làn gió nhẹ thổi giữa các tòa nhà báo hiệu sự kết thúc của mùa hè, làm váy của đám đàn bà con gái trên đường đi làm về kêu sột soạt. Tôi lên trên tầng thượng của khách sạn cao tầng, vào một quầy bar rộng thênh thang, gọi một chai Heineken. Phải mất mười phút bia mới được mang tới. Trong lúc đó tôi chống khuỷu lên tay vịn ghế, tựa đầu lên tay và nhắm mắt lại. Không suy nghĩ gì hết. Mắt nhắm nghiền, tôi có thể nghe hàng trăm con tiểu yêu đang dùng những chiếc chổi bé tí xíu quét dọn trong tâm trí tôi. Chúng cứ tiếp tục quét mãi, quét mãi. Không một con nào có ý nghĩ dùng xẻng hót rác cả.

Khi bia cuối cùng cũng được mang tới, tôi làm hai ngụm hết sạch. Rồi tôi ăn hết cả đĩa lạc để nhắm với bia. Tiếng chổi quét vẫn không dừng lại.

Tôi đi lại quầy điện thoại cạnh bàn tiếp tân và thử gọi cho cô bạn gái tôi, người có đôi tai tuyệt đẹp. Nhưng cô không ở nhà cô mà cũng không ở nhà tôi. Có lẽ cô đã ra ngoài đi ăn. Cô không bao giờ ăn ở nhà.

Tiếp đến tôi thử gọi cho vợ cũ. Tôi nghĩ lại và dập máy sau hồi chuông thứ hai. Xét cho cùng thì tôi chẳng có gì để nói với cô ta, và tôi không muốn gây cho cô ta cảm giác tôi là một thằng đểu.

Sau hai người đó, chẳng còn ai để mà gọi. Ở ngay giữa một thành phố với hàng triệu người đi trên phố mà không có ai để chuyện trò. Tôi từ bỏ ý định gọi điện, đút túi đồng mười yên, rời buồng điện thoại. Sau đó tôi gọi một người hầu bàn đang chạy ngang qua, bảo mang cho hai chai Heineken nữa.
Và thế là kết thúc một ngày. Một ngày không thể vô nghĩa hơn. Ngày cuối cùng của mùa hè, và ngày đó có gì tốt đẹp đây? Bên ngoài, bóng tối của mùa thu sớm đã bao trùm lên mọi thứ. Từng dãy đèn đường nhỏ xíu màu vàng xâu chuỗi phía dưới. Nhìn từ trên này, chúng trông như sẵn sàng để người ta giẫm đạp lên.

Bia được mang tới. Tôi uống cạn một chai rồi đổ đĩa lạc vào lòng bàn tay và bắt đầu nhấm nháp, từng tí một. Bốn người phụ nữ trung niên vừa kết thúc buổi học bơi ở bể khách sạn, ngồi bàn bên cạnh chuyện trò bên mấy ly cocktail nhiệt đới sặc sỡ. Một người hầu bàn khác giải thích thực đơn cho một cặp vợ chồng trung niên người Mỹ. Sau đĩa lạc, tôi uống nốt chai Heineken thứ ba. Uống hết rồi, tôi không biết làm gì với tay mình nữa.

Tôi móc chiếc phong bì nơi sau túi quần hiệu Levi’s ra, bóc dấu niêm phong và bắt đầu xếp tiền mười ngàn yên. Trông nó giống như một xấp bài hơn là một cọc tiền mới được xếp chặt. Được nửa chừng, ngón tay tôi bắt đầu mỏi. Đếm đến tờ chín mươi sáu, một người hầu bàn đứng tuổi đến dọn mấy cái chai rỗng, hỏi xem có mang thêm chai khác không. Tôi gật đầu và tiếp tục đếm. Ông ta có vẻ như chẳng thèm đoái hoài gì đến việc tôi đang làm.

Tổng cộng có một trăm năm mươi tờ. Tôi cất chúng vào trong phong bì và nhét vào túi quần sau đúng lúc chai bia mới được mang ra. Tôi lại ăn hết cả đĩa lạc, và chính lúc đó tôi mới chợt nhận ra mình thấy đói. Nhưng tại sao tôi lại đói bụng đến thế? Tôi chỉ ăn một lát bánh hoa quả kể từ sáng đến giờ.
Tôi kêu người hầu bàn, gọi một bánh kẹp pho mát và dưa chuột. Không khoai tây rán, cho gấp đôi dưa chuột muối. Không biết họ có kéo cắt móng tay không? Tất nhiên rồi, họ có kéo cắt móng tay. Quầy bar khách sạn thật sự có tất cả mọi thứ người ta có thể cần tới. Một chỗ còn có cả từ điển Pháp-Nhật khi tôi cần.

Tôi nhấm nha nhấm nháp chai bia còn lại, ngắm khung cảnh buổi đêm thật lâu, thong thả cắt móng tay trên chiếc gạt tàn. Tôi quay qua ngắm khung cảnh, sau đó giũa móng. Và cứ thế đến hết đêm. Tôi đang trên đường trở thành cao thủ về chuyện giết thời gian nơi đô thị.

Một chiếc loa âm trầm gọi tên tôi. Ban đầu nghe có vẻ như không phải tên của tôi. Phải mất vài giây sau khi loa thông báo xong tôi mới nhận thức được tôi vừa nghe những âm tiết đặc biệt của tên mình, và rồi dần dần nhận ra đó chính là tên tôi thật.

Người phục vụ đem ra bàn một chiếc điện thoại không dây.

“Kế hoạch có một thay đổi nhỏ,” giọng nói mà tôi biết vang lên từ một nơi nào đó. “Tình trạng của Ông Chủ đột nhiên diễn biến theo chiều hướng xấu. Tôi sợ là không còn mấy thời gian nữa. Vì thế chúng tôi phải giảm thời gian tối đa của cậu.”

“Tôi còn bao lâu?”

“Một tháng. Chúng tôi không thể đợi lâu hơn nữa. Nếu sau một tháng cậu không tìm ra con cừu đó, cậu coi như xong. Cậu sẽ không còn nơi nào để quay trở lại nữa.”

Một tháng. Tôi suy nghĩ kỹ. Nhưng đầu tôi không có khả năng xử lý khái niệm thời gian. Một tháng, hai tháng, có sự khác biệt thật sự nào không? Hơn nữa đã có ai có bất kỳ ý kiến gì, bất kỳ tiêu chuẩn nào, về việc cần bao nhiêu thời gian để tìm ra một con cừu cơ chứ?

“Làm sao ông biết tìm tôi ở đây?” tôi hỏi.

“Chúng tôi kiểm soát được hầu hết mọi thứ,” người đàn ông nói.

“Trừ chỗ ở của một con cừu,” tôi nói.

“Đúng như vậy,” người đàn ông nói. “Dù sao thì, vào việc đi, cậu để phí quá nhiều thời gian đấy. Cậu nên xem xét đến vị thế hiện tại của cậu. Cậu chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình về việc cậu đã dồn bản thân vào chân tường.”

Ông ta nói có lý. Tôi dùng tờ bạc mười ngàn yên đầu tiên trong phong bì để trả hóa đơn. Dưới kia trên mặt đất người ta vẫn đi lại trên hai chân, nhưng cảnh tượng không còn an ủi tôi được mấy nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 18:01:10 | Chỉ xem của tác giả
Chương 21: Một Trong Số Năm Ngàn


Từ quán bar trở về căn hộ của mình, tôi thấy ba bức thư cùng tờ báo buổi tối trong hộp thư. Bản sao kê tài khoản của ngân hàng của tôi, giấy mời đến dự một bữa tiệc hứa hẹn sẽ chẳng ra gì, và thư quảng cáo trực tiếp từ một hãng buôn bán ô tô cũ. Tờ quảng cáo viết thế này: “HÃY LÀM RẠNG RỠ ĐỜI MÌNH – HÃY NÂNG CẤP LÊN MỘT CHIẾC XE HƠI THƯỢNG HẠNG.” Cảm ơn, nhưng mà tôi xin kiếu. Tôi xếp cả ba phong bì lại cùng nhau và xé làm đôi. Tôi lôi chút nước quả ép ra khỏi tủ lạnh và ngồi lại bên bàn ăn. Trên bàn là mẩu giấy nhắn của cô bạn gái: “Em ra ngoài ăn, sẽ quay về lúc 9.30.” Chiếc đồng hồ điện tử trên bàn chỉ 9.30. Tôi nhìn nó chuyển sang 9.31, rồi 9.32.

Khi đã phát chán vì nhìn đồng hồ, tôi cởi quần áo, đi tắm gội. Có bốn loại dầu gội và ba loại dầu xả trong buồng tắm. Mỗi lần đi siêu thị, cô lại tích trữ một thứ gì đó. Hễ vào buồng tắm là thế nào cũng có một thứ gì đó mới. Tôi đếm được bốn loại kem cạo râu và năm tuyp thuốc đánh răng. Quả là lắm thứ tích trữ. Ra khỏi vòi hoa sen, tôi mặc sang quần soóc chạy bộ và áo phông. Bụi bặm của một ngày kỳ quặc đã không còn. Cuối cùng tôi cũng cảm thấy nhẹ người.

Lúc 10.20 cô trở về với một túi hàng từ siêu thị. Trong túi là ba chiếc bàn chải cọ, một hộp kẹp giấy và một hộp sáu lon bia ướp lạnh. Vậy là tôi lại làm một lon bia nữa.

“Đó là về chuyện con cừu,” tôi nói.

“Em đã nói trước rồi đấy thôi,” cô nói.

Tôi lôi mấy cái xúc xích ra khỏi tủ lạnh, rán qua rồi dọn ra để hai đứa chúng tôi ăn. Tôi ăn ba cái còn cô ăn hai. Một làn gió mát thổi qua ô cửa sổ nhà bếp.

Tôi kể cho cô nghe những gì xảy ra ở văn phòng, kể cho cô về chuyến đi trên chiếc xe limousine, về điền trang, về tay thư ký có đôi mắt lạnh như thép, về khối u máu và con cừu chắc nịch với ngôi sao trên lưng. Tôi cứ kể mãi. Đến lúc tôi nói xong thì đã mười một giờ.

Nghe xong chuyện, cô thậm chí không mảy may ngạc nhiên. Cô lau tai trong cả quãng thời gian lắng nghe, thi thoảng lại ngáp.

“Vậy bao giờ anh đi?”

“Đi đâu cơ?”

“Anh phải đi tìm con cừu, đúng không?”

Tôi ngẩng nhìn cô, cái khoen trên nắp lon bia thứ hai vẫn còn trên ngón tay. “Anh không đi đâu hết,” tôi nói.

“Nhưng mà anh sẽ gặp rắc rối lớn nếu anh không đi.”

“Chả có rắc rối đặc biệt nào hết. Dù sao anh cũng định bỏ công ty từ trước rồi. Lúc nào anh cũng sẽ có khả năng tìm đủ việc để sống qua ngày, cho dù ai có can thiệp đi chăng nữa. Bọn họ sẽ không giết anh đâu. Thật đấy!”

Cô lôi một chiếc tăm bông ngoáy tai ra khỏi hộp và sờ mó nó một hồi. “Nhưng việc đó thật ra hoàn toàn đơn giản. Tất cả những gì anh phải làm là đi tìm một con cừu, đúng không? Chuyến đi sẽ vui mà.”

“Sẽ chẳng tìm được gì đâu. Hokkaido rộng lớn hơn em tưởng nhiều. Còn cừu – dễ có đến hàng trăm ngàn con ấy chứ. Làm sao người ta tìm ra một con cừu duy nhất ấy được cơ chứ? Việc đó là bất khả. Ngay cả khi con cừu có dấu ngôi sao trên lưng.”

“Năm ngàn con cừu thôi.”

“Năm ngàn con ư?”

“Số lượng cừu ở Hokkaido. Vào năm 1947, có hai trăm bảy mươi ngàn con cừu ở Hokkaido, nhưng nay chỉ còn năm ngàn con.”

“Làm sao em biết được điều ấy?”

“Sau khi anh đi, em đến thư viện kiểm tra thông tin.”

Tôi thốt ra một tiếng thở dài. “Em biết hết mọi thứ, đúng không?”

“Không hẳn vậy. Có nhiều thứ em không biết.”

Tôi khụt khịt mũi, rồi mở lon bia thứ hai để hai chúng tôi uống chung.

“Dù sao đi nữa, chỉ còn năm ngàn con cừu ở Hokkaido thôi. Theo thống kê của chính phủ. Thế nào? Anh thậm chí có cảm thấy nhẹ nhõm chút nào không?”

“Cũng vậy cả thôi,” tôi nói. “Năm ngàn con, hai trăm bảy mươi ngàn con, chẳng khác nhau là mấy. Vấn đề vẫn là đi tìm một con cừu duy nhất trong cái vùng đất bao la ấy. Thêm vào đó, chúng ta chả có lấy một manh mối nào để bắt đầu.”

“Nói chúng ta chả có một manh mối nào là không đúng. Trước hết, có bức ảnh, sau đó có ba ông bạn anh trên đó, đúng không nào? Anh chắc hẳn sẽ tìm ra một điều gì đó không cách này thì cách khác.”

“Nói về manh mối thì cả hai đều quá đỗi mơ hồ. Cái phong cảnh trong bức ảnh chắc chắn là quá bình thường, và em thậm chí không đọc nổi dấu bưu điện trên thư của Chuột!”

Cô uống bia của cô. Tôi uống bia của tôi.

“Anh có thích cừu không?” cô hỏi.

“Thích bình thường.”

Tôi lại bắt đầu thấy rối tung rối mù lên.

“Với lại,” tôi tiếp tục, “anh đã quyết rồi. Ý anh là không đi đâu hết.” Tôi định thuyết phục chính mình, nhưng ngôn từ thoát ra cứ nghe thế nào ấy.

“Uống cà phê không?”

“Ý hay đấy,” tôi nói.

Cô dọn mấy lon bia và mấy chiếc ly rồi đặt ấm đun nước. Trong khi chờ đợi nước sôi, cô lắng nghe tiếng cat-xet phát ra từ căn phòng khác. Johnny Rivers hát “Midnight Special”, tiếp theo sau là “Roll Over Beethoven”. Rồi “Secret Agent man”. Khi ấm nước reo, cô pha cà phê, hát theo bài “Johnny B. Goode”. Trong cả quãng thời gian ấy tôi đọc báo buổi tối. Một khung cảnh gia đình đáng yêu. Nếu không vì chuyện cừu kiếc này, có lẽ tôi đã thấy rất hạnh phúc.

Trong khi băng chạy, chúng tôi uống café và nhấm nháp vái miếng bánh quy trong im lặng. Tôi quay lại đọc báo buổi tối. Khi đọc xong, tôi lại bắt đầu đọc lại lần nữa. Chỗ này là tin đảo chính, chỗ kia là tin một diễn viên điện ảnh đang hấp hối, chỗ kia nữa là tin một con mèo biết làm trò – chẳng có gì liên quan đến tôi. Chẳng có gì liên quan đến Johnny Rivers, người cứ tiếp tục hát. Khi băng hết, tôi gấp tờ báo và nhìn sang chỗ cô.

“Anh không biết phải làm gì nữa. Có lẽ em đúng khi cho rằng nên làm một điều gì đó còn hơn là không làm gì. Thậm chí nếu kết cuộc có vô ích đi chăng nữa, ít nhất chúng ta cũng đã đi tìm con cừu. Nhưng mặt khác, anh không thích bị người khác ra lệnh, dọa dẫm và sai khiến.”

“Ở một mức độ nào đó, ai cũng bị người khác ra lệnh, dọa dẫm và sai khiến suốt. Có lẽ sẽ chẳng thứ gì tốt hơn để mà mong đợi.”

“Có lẽ là không,” tôi nói, sau khi tạm ngưng một lát.

Cô không nói gì và lại bắt đầu lau tai. Thỉnh thoảng, hai chiếc dái tai mềm mại của cô lại thấp thoáng sau mấy lọn tóc dài.

“Lúc này ở Hokkaido thật đẹp. Không có nhiều khách du lịch, thời tiết lại dễ chịu. Hơn thế nữa, bọn cừu lại được thả ra ngoài. Mùa lý tưởng đấy.”

“Thì chắc vậy.”

“Nếu,” cô bắt đầu, nhai rau ráu miếng bánh cuối cùng, “nấu anh muốn đưa em đi cùng, em chắc chắn sẽ giúp được anh”.

“Tại sao em cứ khăng khăng muốn đi tìm con cừu?”

“Tại vì bản thân em cũng muốn được trông thấy con cừu đó.”

“Nhưng tại sao anh phải vất vả đi tìm con cừu khỉ gió này? Và rồi lại còn kéo em vào cái mớ bòng bong này nữa?”

“Em không ngại gì cả. Rắc rối của anh cũng là rắc rối của em,” cô nói với nụ cười thoáng nhẹ dễ thương. “Em phải lòng anh mà.”

“Cám ơn em.”

“Đó là tất cả những gì anh có thể nói sao?”

Tôi đẩy tờ báo ra chỗ góc bàn. Cơn gió nhẹ thổi qua cửa sổ khiến làn khói thuốc của tôi thoang thoảng đâu đó.

“Nói thật nhé, có điều gì đó trong toàn bộ chuyện này làm anh cảm thấy không ổn. Có cạm bẫy ở đâu đó.”

“Ở đâu kia?”

“Ở mọi thứ, mà lại không phải mọi thứ,” tôi nói. “Toàn bộ chuyện này thật ngớ ngẩn hết chỗ nói, nhưng lại rõ ràng một cách nhức nhối, và bức tranh lại khớp với nhau thật hoàn hảo. Không có cảm giác yên lành chút nào.”

Cô ngừng lại một giây, nhặt chiếc dây thun trên bàn và bắt đầu nghịch sợi dây.

“Nhưng chẳng phải cái anh bạn của anh đã gặp đầy rẫy những rắc rối hay sao? Nếu không, tại sao anh ta lại cất công gửi cho anh cái bức ảnh đó?”

Cô đã khiến tôi không còn nói được vào đâu nữa. Tôi đã bày tất cả các quân bài của mình trên bàn, và chúng đều đã bị chặn. Cô đã nhìn thấu tôi.

“Em thật sự nghĩ chúng ta phải làm việc này. Chúng ta sẽ đi tìm con cừu đó, rồi anh sẽ thấy,” cô nói, cười toe toét.

Cô kết thúc trình tự lau tai và bọc mấy chiếc tăm ngoáy tai vào một tờ giấy để vứt đi. Rồi cô nhặt chiếc dây chun trên bàn và buộc tóc lại sau tai.

“Đi ngủ thôi anh,” cô nói.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 18:06:47 | Chỉ xem của tác giả
Chương 22: Buổi Picnic Chiều Chủ Nhật


Tôi tỉnh dậy lúc chín giờ trên chiếc giường trống trải. Không giấy nhắn. Chỉ có khăn mùi xoa và chiếc quần lót của cô đang phơi khô trên chậu rửa. Có lẽ là đi ra ngoài ăn, tôi đoán vậy, sau đó là về nhà cô. Tôi lấy nước cam ép từ trong tủ lạnh ra và bỏ bánh mì đã để ba ngày vào lò nướng. Bánh mì có vị như vữa tường.

Qua cửa sổ nhà bếp tôi có thể trông thấy cây trúc quỳ của người hàng xóm. Xa xa, ai đó đang tập đàn. Âm thanh nghe cứ như đi ngược chiều thang cuốn. Trên cột điện thoại, ba con bồ câu béo quay gù gù một cách đầy lơ đễnh. Nhất định trong đầu chúng phải đang diễn ra một điều gì đó khiến chúng cứ kêu liên tục như vậy, có thể bị đau vì chai ở chân, ai mà biết được? Theo quan điểm của bồ câu, có lẽ chính tôi mới là kẻ trông lơ đễnh. Trong lúc tôi tọng miếng bánh mì nướng thứ hai xuống thực quản, mấy con bồ câu biến mất, chỉ để lại cột điện thoại và cây trúc quỳ. Đó là vào sáng Chủ Nhật. Mục cuối tuần của báo gồm có một bức ảnh màu hình con ngựa nhảy qua hàng rào. Ngồi dạng chân trên lưng ngựa là một người có nước da ốm yếu, đội mũ đen, đang ném một cái nhìn đe dọa vào trang báo kế bên, nơi đăng tải một bản miêu tả dài dòng về những thứ nên làm và không nên làm khi trồng hoa lan. Có hàng trăm loài lan, mỗi loài có cả lịch sử riêng. Có người trong hoàng tộc đã chết vì lan. Ở lan toát ra một vẻ chết chóc không thể miêu tả bằng lời. Và bài báo cứ tiếp tục như thế. Về đủ thứ, triết học và số phận.

Giờ khi tôi đã quyết định lên đường đi tìm con cừu, tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng và háo hức lên đường. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy như vậy từ khi tôi bước qua ranh giới rộng lớn ngăn cách với tuổi hai mươi. Tôi xếp bát đĩa vào chậu rửa, cho mèo ăn bữa sáng, rồi quay số của người đàn ông mặc com lê đen. Sau sáu hồi chuông, ông ta nhấc máy.

“Tôi hy vọng là tôi không đành thức ông,” tôi nói.

“Không vấn đề gì. Tôi dậy khá sớm,” ông ta nói. “Chuyện gì vậy?”

“Ông đọc tờ báo nào?”

“Tám tờ báo, toàn quốc lẫn địa phương. Nhưng mà báo địa phương phải đến tối mới có.”

“Và ông đọc hết các bào a?”

“Đó là một phần công việc của tôi,” người đàn ông nói một cách kiên nhẫn. “Tờ nào kia?”

“Ông có đọc bào Chủ nhật không?”

“Nếu cần thiết, có,” ông ta nói.

“Ông có thấy bức ảnh con ngựa trong mục cuối tuần không?”

“Có, tôi thấy bức ảnh ngựa,” người đàn ông nói.

“Có vẻ như con ngựa và người cưỡi ngựa đang suy nghĩ về hai điều hoàn toàn khác nhau thì phải?”

Qua ống nghe, một sự yên lặng len lỏi vào trong căn phòng. Không nghe thấy cả đến một hơi thở. Đó là thứ yên lặng đến mức làm đau tai người ta.

“Cậu gọi cho tôi về chuyện này phải không?” người đàn ông hỏi.

“Không, chỉ là chuyện phiếm thôi. Một chủ đề trao đổi nho nhỏ thì không sao cả, phải không?”

“Chúng ta có những vấn đề trao đổi khác. Chẳng hạn như, cừu.” Ông ta hắng giọng. “Xin lỗi cậu, nhưng tôi không có thời gian rảnh rỗi như cậu. Cậu có thể tiến hành nhiệm vụ của cậu càng nhanh càng tốt được chứ?”

“Đó chính là vấn đề,” tôi nói. “Nói một cách đơn giản, kể từ ngày mai tôi sẽ nghĩ đến chuyện lên đường đi tìm con cừu ấy. Tôi đã suy nghĩ nhiều về chuyện này, nhưng cuối cùng thì tôi đã quyết định như thế. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể làm việc đó theo tiến độ của chính mình. Khi tôi nói, tôi sẽ nói theo cách tôi muốn. Ý tôi là tôi có quyền nói chuyện phiếm nếu tôi muốn. Tôi không muốn nhất cử nhất động của tôi đều bị theo dõi và tôi không muốn bị những người không danh tính điều khiển. Thế đấy, tôi đã nói xong phần của mình.”

“Cậu rõ ràng là không biết vị trí của mình.”

“Ông cũng không biết vị trí của mình. Giờ thì ông nghe đây, đêm qua tôi đã suy nghĩ kỹ. Và tôi chợt nhận ra. Tôi có thứ gì đâu mà cảm thấy bị đe dọa? Gần như là không có thứ gì cả. Tôi chia tay với vợ, tôi định bỏ việc vào ngày hôm nay, căn hộ của tôi là đi thuê, và tôi không có đồ đạc gì đáng giá để mà phải lo lắng. Còn về mặt tài sản, tôi có lẽ có hai triệu yên tiền tiết kiệm, một cái ô tô cũ và một con mèo già. Quần áo của tôi tất cả đều lỗi mốt, còn đĩa nhạc của tôi đều tự xửa xưa. Tôi chẳng tạo dựng tên tuổi gì cho mình, không được xã hội tín nhiệm, không hấp dẫn, không tài năng. Tôi cũng không còn trẻ nữa, và tôi luôn nói ra những điều ngốc nghếch mà sau đó tôi thường lấy làm hối hận. Tóm lại, mượn lời của ông, tôi là một kế toán hoàn toàn tầm thường. Tôi có gì để mất đâu? Nếu ông có thể nghĩ ra tôi có gì thì nhớ cho tôi hay nhé?”

Một sự yên lặng ngắn ngủi đến ngay sau đó. Trong lúc ngắt quãng ấy, tôi nhặt mấy sợi xơ vải từ một chiếc cúc áo sơ mi và dùng bút bi vẽ mười ba ngôi sao trên một cuốn sổ ghi nhớ.

“Ai cũng có một điều gì đó mà họ không muốn mất,” người đàn ông bắt đầu. “Kể cả chính cậu. Và chúng tôi là những người chuyện nghiệp trong việc tìm ra thứ đó. Con người chắc chắn phải có một trung điểm giữa khát vọng và lòng tự hào. Giống như tất cả sự vật đều phải có trung tâm của trọng lực. Đây là điểm mà chúng tôi có thể chỉ ra. Chỉ khi điều đó mất đi người ta mới nhận ra nó tồn tại.” Ngừng lại. “Nhưng tôi lại cầm đèn chạy trước ô tô mất rồi. Tất cả điều này sẽ tới sau. Hiện tại, hãy cho phép tôi nói rằng tôi không phải không hiểu những gì cậu nói. Tôi sẽ xem xét đòi hỏi của cậu. Cậu có thể làm những gì cậu muốn. Trong vòng một tháng, đã rõ chưa?”

“Rõ,” tôi nói.

“Vậy thì, tạm biệt,” người đàn ông nói.

Nói đoạn, điện thoại dập xuống đánh cách một tiếng. Nó để lại một dư vị đắng ngắt, cái tiếng cách nơi ống nghe ấy. Để loại bỏ dư vị đắng ấy, tôi chống đẩy ba mươi lần và tập bụng hai mươi lần, rửa bát đĩa đã dồn lại ba ngày. Mấy việc đó hầu như đem cho tôi cảm giác vui vẻ trở lại. Xét cho cùng thì hôm nay là một ngày Chủ nhật tháng Chín dễ chịu. Mùa hè đã nhạt dần thành một ký ức xa xôi hầu như không thể gợi lại được nữa.

Tôi mặc một chiếc áo sơ mi sạch. Một chiếc quần Levi’s không có vết nước sốt cà chua, đi một đôi tất tương xứng. Tôi chải đầu. Mặc dù vậy, tôi không thể nào có lại cái cảm giác tôi từng có vào mỗi sáng Chủ nhật khi tôi mười bảy tuổi. Vậy thì điều gì là mới đây? Có lẽ tôi mang dấu ấn của năm tháng mất rồi.

Sau đó tôi lái chiếc xe hiệu Volkswagen gần như một đống phế liệu ra khỏi bãi đậu xe của khu chung cư, đi tới siêu thị mua một tá thức ăn đóng hộp cho mèo, một gói cát để mèo đi vệ sinh, một bộ dao cạo râu du lịch và quần lót. Tại hiệu bánh, tôi ngồi bên quầy vừa ăn một chiếc bánh vòng vị quế vừa uống thứ cà phê vô vị. Bức tường ngay trước quầy bánh là một tấm gương, cho phép tôi diện kiến toàn bộ dung nhan của chính mình. Tôi ngồi đó ngắm nhìn khuôn mặt mình, nửa chiếc bánh ăn dở vẫn còn trên tay. Điều đó làm tôi tự hỏi không biết người khác nhìn tôi như thế nào. Tất nhiên, tôi không có cách nào biết được. Tôi ăn hết chiếc bánh rồi đi.

Có một đại lý du lịch gần nhà ga, tôi đặt hai vé máy bay tới Sapporo ngày hôm sau ở đó. Rồi tôi đi đến dãy cửa hàng trong sân ga để mua một chiếc túi đeo vai bằng vải bạt và một chiếc mũ đi mưa. Cứ mỗi lần như thế tôi lại móc ra một tờ mười ngàn yên từ cuộn tiền trong túi. Cuộn tiền không cho thấy có dấu hiệu vơi đi cho dù tôi có tiêu bao nhiêu tờ. Chỉ có tôi là có biểu hiện mệt mỏi. Có loại tiền như thế trên thế gian này. Nó trêu người khiến người ta phải có nó, nó khiến người ta khổ sở khi tiêu nó, và người ta căm ghét chính mình, người ta cảm thấy muốn tiêu tiền. Trừ phi không còn tiền để mà tiêu. Và không hy vọng.

Tôi nghồi xuống một chiếc ghế băng trước sân ga và hút hai điếu thuốc, quyết định không nghĩ tới tiền nữa. Khu buôn bán nơi sân ga đầy các gia đình và các cặp nam thanh nữ tú đi chơi sáng Chủ nhật. Hững hờ quan sát tất cả, tôi nghĩ về lời nhận xét của vợ cũ lúc chia tay, rằng lẽ ra chúng tôi nên có con. Chắc chắn ở tuổi tôi có con không phải là điều phi lý, nhưng cái thằng tôi làm bố ư? Trời ạ. Có đứa nhóc nào lại muốn một người bố như tôi?
Tôi hút thêm một điếu thuốc nữa trước khi len lỏi qua đám đông, mỗi tay quàng một túi xách, tới bãi đậu xe của siêu thị. Trong khi cho xe đi sửa, tôi nhảy vào hiệu sách mua ba cuốn sách bìa mềm. Thế là lại đi tong hai tờ mười ngàn yên nữa. Túi tôi đầy ắp tiền lẻ.

Khi về nhà, tôi đổ tất cả đám tiền lẻ vào một cái bát thủy tinh và vã nước lã lên mặt. Từ lúc tôi thức dậy đến giờ đã lâu lắm rồi, vậy mà khi tôi nhìn đồng hồ, vẫn chưa đến trưa.

Lúc ba giờ chiều, bạn gái tôi về. Cô mặc sơ mi kẻ ca rô, quần màu vàng mù tạt và đeo cặp kính râm đen kịt. Cô đeo trên vai một cái túi to bằng vải bạt giống như chiếc túi của tôi.

“Em đã chuẩn bị đồ đạc và sẵn sàng lên đường,” cô nói, vỗ vỗ chiếc túi căng phồng. “Chuyến đi có lâu không anh?”

“Chắc sẽ lâu đấy.”

Cô nằm dài trên cái sô pha cạnh cửa sổ, nhìn chăm chăm lên trần nhà trong khi vẫn đeo kính râm, hút một điếu thuốc lá đinh hương. Tôi lấy chiếc gạt tàn và đến ngồi bên cạnh cô. Tôi vuốt tóc cô. Con mèo xuất hiện và nhảy lên sô pha, đặt cằm và chân trước lên mắt cá chân của cô. Khi đã hút đủ, cô đặt phần còn lại của điếu thuốc lên môi tôi.

“Em có thích chuyến đi này không?” tôi hỏi.

“À há, rất thích. Đặc biệt vì em được đi cùng anh.”

“Em biết không, nếu không thấy con cừu đó, chúng ta sẽ không còn chỗ nào để mà trở về đâu. Rốt cuộc chúng ta có thể sẽ đi lang thang suốt quãng đời còn lại đấy.”

“Giống như bạn của anh ư?”

“Chắc vậy. Một mặt nào đó, tất cả chúng ta là những người cùng cảnh ngộ. Điều khác biệt duy nhất là anh ấy trốn thoát theo ý của mình còn anh thì bị đập qua đập lại.”

Tôi đặt điếu thuốc lên gạt tàn. Con mèo nghển cổ ngáp dài, tồi lại trở về tư thế cũ.

“Anh đã xếp đồ xong chưa?” cô hỏi.

“Chưa, đã bắt đầu xếp đâu. Nhưng anh không có nhiều đồ để mà xếp. Vài bộ quần áo, xà phòng, khăn tắm. Em thật ra không cần đến cả cái túi đó đâu. Nếu cần thứ gì, đến đó em có thể mua. Mình có sẵn tiền mà.”

“Em thích như vậy cơ,” cô nói, lại nụ cười nhỏ nhẹ dễ thương. “Em không có cảm giác mình đang đi du lịch trừ phi kéo lê một cái túi to đùng.”

“Em đang đùa đấy hả…”

Một tiếng chim kêu lanh lảnh lọt qua ô cửa sổ để mở, âm thanh mà tôi chưa bao giờ nghe trước đó. Một con chim mới của một mùa mới.

Một tia nắng chiều đậu lại trên má cô. Tôi uể oải ngắm một đám mây trắng di chuyển từ bên này thành cửa sổ sang bên kia. Chúng tôi cứ như vậy trong một lúc rất lâu.

“Có chuyện gì không anh?” cô hỏi.

“Anh không biết phải diễn đạt như thế nào, nhưng anh không thể nào nhận thức được rằng hiện tại này thật sự là hiện tại. Hoặc rằng anh chính là anh. Anh vẫn chưa hoàn toàn quen điều đó. Mà lúc nào cũng như thế. Phải rất lâu nữa anh mới quen được. Mười năm qua, cứ như thế suốt.”

“Mười năm ư?”

“Chuyện chưa có hồi kết. Vậy đấy.”

Cô cười rồi bế con mèo lên đặt xuống nền nhà. “Nào anh?”

Chúng tôi làm tình trên sô pha. Một chiếc sô pha cổ lỗ tôi mua tại cửa hiệu bán đồ cũ. Úp mặt lên đó là người ta có thể cảm nhận được mùi của lịch sử. Thân hình mềm mại của cô hòa quyện với cái mùi đó. Nhẹ nhàng và ấm áp như một kỷ niệm mơ hồ. Tôi đưa tay vuốt tóc cô qua một bên và hôn lên tai cô. Mặt đất rung chuyển. Kể từ lúc đó, thời gian bắt đầu chảy như một làn gió nhẹ bình yên.

Tôi cởi hết cúc áo cô và khum khum bàn tay che ngực cô trong khi thưởng ngoạn thân hình ấy.

“Giờ mới cảm thấy thật sự là mình đang sống,” cô nói.

“Em ư?”

“Ừmm, thân thể em, toàn bộ bản thân em.”

“Anh cũng thế,” tôi nói. “Thật sự đang sống.”

Yên tĩnh làm sao, tôi nghĩ. Không một tiếng động xung quanh. Trừ hai đứa tôi, mọi người có lẽ đã đi đâu đó ăn mừng ngày Chủ nhật đầu tiên của mùa thu.

“Anh biết không, em thích thế này lắm,” cô thì thầm.

“Ừmm.”

“Giống như mình đang đi picnic vậy, dễ chịu lắm.”

“Picnic ư?”

“Vâng.”

Tôi vòng tay quanh lưng cô và ôm chặt lấy cô. Rồi tôi lách qua đám tóc ngang mái của cô để hôn tai cô lần nữa.

“Mười năm ấy với anh dài lắm nhỉ?” cô hỏi, cúi xuống bên tai tôi.

“Khá dài,” tôi nói. “Một quãng thời gian dài, thật dài. Dường như bất tận, anh chẳng hoàn tất được một cái gì.”

Cô hơi nghển đầu khỏi tay dựa sô pha và mỉm cười. Một nụ cười tôi đã từng nhìn thấy ở đâu đó, nhưng dù cố gắng đến mấy tôi cũng không thể nào nhớ được ở đâu hoặc của ai. Đàn bà khi lõa thể giống nhau đến đáng sợ. Lúc nào cũng làm tôi phát hoảng.

“Mình đi tìm con cừu thôi,” cô nói, mắt nhắm nghiền. “Một khi chúng mình đi tìm con cừu đó, mọi việc sẽ ổn thỏa thôi.”

Tôi nhìn vào khuôn mặt cô một lúc, rồi nhìn trân trân vào đôi tai cô. Ánh chiều nhẹ nhàng bao bọc thân thể cô như thể trong một bức tranh tĩnh vật cũ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 18:09:37 | Chỉ xem của tác giả
Chương 23: Tư Tưởng Hạn Chế Nhưng Ngoan Cường


Lúc sáu giờ, cô thay quần áo, chải đầu, đánh răng, rồi xịt nước hoa. Tôi ngồi trên sô pha và đọc cuốn Những Cuộc Phiêu Lưu Của Sherlock Holmes. Câu chuyện bắt đầu bằng: “Anh bạn Watson của tôi có phần hơi hạn chế về mặt tư duy, nhưng lại sở hữu một tính ngoan cường hết mực.” Một câu mở đầu không tồi.

“Tối nay em sẽ về muộn, anh đừng chờ em,” cô nói.

“Công việc à?”

“Em e là vậy. Thật ra đáng lẽ hôm nay em được nghỉ làm, nhưng có phải mọi việc lúc nào cũng theo ý mình đâu. Họ ép em vì ngày mai em bắt đầu nghỉ rồi.”

Cô ra khỏi cửa, nhưng chỉ được một chốc cửa lại bật mở.

“Này anh, anh định làm gì với con mèo khi mình đi vắng?” cô hỏi.

“Chết, anh quên bẵng mất. Nhưng em đừng lo, anh sẽ lo liệu vụ đó.”

Tôi đem sữa và pho mát ra cho mèo. Răng của nó yếu quá, nó phải gắng lắm mới nhai nổi pho mát.

Không có thứ gì trông đặc biệt có vẻ ăn được trong tủ lạnh, vì thế tôi mở một lon bia và xem tivi. Chương trình tin tức chẳng có gì đáng gọi là tin. Vào những tối Chủ nhật như thế này, luôn là cảnh một vườn thú nào đó. Tôi xem mấy cảnh hươu cao cổ, voi và gấu trúc, rồi tắt ti vi và nhấc máy.

“Chuyện về con mèo của tôi,” tôi bảo người đàn ông.

“Con mèo của cậu ư?”

“Đúng, tôi có một con mèo.”

“Thì sao?”

‘Thì nếu không để con mèo lại cho ai, tôi sẽ không thể đi đâu được.”

“Có khối nơi nhận chăm sóc mèo gần đó mà.”

“Nó già yếu rồi. Chắc chắn nó sẽ chết nếu ở một tháng trong cũi.”

Tôi có thể nghe tiếng móng tay gõ gõ trên mặt bàn. “Rồi sao nữa?”

“Tôi muốn ông nhận chăm sóc nó. Ông có một cái vườn rộng thênh thang, chắc chắn ông có thể chăm sóc được một con mèo.”

“Không được. Ông Chủ ghét mèo, và khu vườn là để thu hút chim chóc. Có một con mèo thì cả lũ chim đi hết.”

“Ông Chủ đang bất tỉnh nhân sự, và con mèo chẳng còn sức đâu để đuổi chim.”

“Thôi được rồi. Tôi sẽ cho bác lái xe đến đón con mèo sáng mai lúc mười giờ.”

“Tôi sẽ chuẩn bị thức ăn và cát để mèo đi vệ sinh. Nó chỉ chịu ăn thức ăn của một hãng thôi, vì thế nếu hết, phiền ông mua thêm.”

“Có lẽ phiền cậu nói giúp lại tất cả những chi tiết này cho bác lái xe. Tôi tin là tôi đã nói cậu rồi, tôi bận lắm.”

“Tôi muốn duy trì một kênh thông tin thôi. Điều đó giúp xác định trách nhiệm của từng người rõ ràng.”

“Trách nhiệm ư?”

“Nói cách khác, nếu như còn mèo chết khi tôi đi, ông sẽ không lấy được gì ở tôi đâu, ngay cả khi tôi có tìm được con cừu đi chăng nữa.”

“Hừm,” người đàn ông nói. “Thôi được. Cậu hơi bị ảo tưởng đấy, nhưng dân nghiệp dư như cậu thế là khá rồi. Tôi sẽ ghi lại, vì thế làm ơn nói chậm thôi.”

“Đừng cho nó ăn thịt có mỡ. Nó sẽ nôn hết. Răng nó yếu, vì thế đừng cho nó ăn thức ăn cứng. Buổi sáng, nó uống sữa và ăn thức ăn trong hộp, buổi tối nó ăn một nắm cá khô hoặc thịt hoặc pho mát. Làm ơn thay cát vệ sinh cho nó hằng ngày. Nó không thích cát vệ sinh bẩn. Nó thường bị tiêu chảy, nhưng nếu sau hai ngày mà tiêu chảy vẫn không dứt bác sĩ thú y sẽ kê thuốc cho nó.”

Đến đó, tôi dỏng tai lắng nghe tiếng bút bi nguệch ngoạc ở đầu dây bên kia.

“Nó bắt đầu có rận ở trong tai,” tôi tiếp tục, “vì thế mỗi ngày một lần ông nên rửa tai cho nó bằng gạc bông thấm với một chút dầu ô liu. Nó không thích và sẽ chống cự đó, vì thế cẩn thận đừng làm lủng màng nhĩ nó. Thêm nữa, nếu ông sợ nó cào rách đồ đạc thì cắt bớt móng cho nó mỗi tuần một lần. Bấm móng tay thông thường là ổn. Tôi khá chắc là nó không có rận, nhưng để chắc ăn, tốt nhất là thỉnh thoảng nên tắm cho nó. Ông có thể mua dầu gội chống rận cho nó tại bất kỳ cửa hàng thú nuôi nào. Sau khi tắm cho nó xong, ông nên lấy khăn lau khô và chải lông nó kỹ càng, và cuối cùng là sấy qua một lần bằng máy sấy tóc. Nếu không nó sẽ cảm lạnh.”

Nguệch ngoạc nguệch ngoạc nguệch ngoạc. “Còn gì nữa không?”

“Có thế thôi.”

Người đàn ông đọc lại những hạng mục từ sổ. Ông ta ghi chép rất kỹ càng.

“Đúng thế không?”

“Đúng rồi đó.”

“Thôi nhé,” người đàn ông nói. Và điện thoại cắt phụt.

Trời bên ngoài đã tối. Tôi nhét chút tiền lẻ, thuốc lá và bật lửa trong túi, đi giày thể thao, rồi bước ra ngoài. Tại quán rượu tầng hầm gần nhà, tôi uống bia trong khi nghe đĩa nhạc mới nhất của ban Brothers Johnson. Tôi ăn món cốt lết gà trong khi nghe đĩa nhạc của Bill Withers. Tôi uống chút cà phê trong khi lắng nghe bản “Chiến tranh giữa các vì sao” của Maynard Ferguson. Sau tất cả những thứ ấy, tôi vẫn cảm thấy như mình hầu như chưa ăn gì cả. Người ta dọn cốc cà phê của tôi và tôi bỏ ba đồng xu mười yên vào chiếc điện thoại công cộng màu hồng rồi gọi cho tay đối tác. Thằng con trai lớn nhất của hắn, vẫn còn học cấp một, trả lời điện.

“Chào ngày mới,” tôi nói.

“Phải là chào buổi tối chứ,” thằng bé chữa lại. Tôi nhìn đồng hồ. Tất nhiên, thằng bé đúng.

Sau một lát, tay đối tác đến bên điện thoại.

“Mọi chuyện thế nào?” hắn nói.

“Nói chuyện giờ có được không? Tôi không phá ngang bữa cơm của cậu đấy chứ?”

“Bọn tôi đang ăn, nhưng không sao. Không hẳn là một bữa cơm, mà dù sao chăng nữa chuyện của cậu chắc chắn phải thú vị hơn.”

Tôi thuật lại một phần cuộc nói chuyện giữa tôi và người đàn ông mặc complet đen. Rồi tôi kể về chiếc xe limousine khổng lồ và Ông Chủ đang hấp hối. Tôi không đả động gì đến chuyện cừu. Hắn sẽ chẳng tin nổi chuyện ấy đâu, mà như thế này đã là quá dài và quá rắc rối. Vì tôi không kể hết nên đương nhiên làm cho câu chuyện khó hiểu hơn bao giờ hết.

“Tôi chẳng hiểu tí gì cả,” tay đối tác nói.

“Chuyện này hoàn toàn bí mật, cậu hiểu chứ. Nếu chuyện này hở ra đồng nghĩa với cậu sẽ gặp rất nhiếu rắc rối. Ý tôi muốn nói là, với gia đình cậu và tất cả…” tôi bỏ dở giữa chừng, hình dung cảnh căn hộ bốn buồng cao cấp của hắn, cô vợ với chứng bệnh cao huyết áp và hai thằng con ngỗ ngược. “Ý tôi là, chuyện như thế đấy.”

“Tôi hiểu.”

“Dù sao thì mai tôi cũng phải lên đường rồi. Chắc là một chuyến đi dài. Một tháng, hai tháng, ba tháng, tôi thật sự không biết. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quay trở lại Tokyo.”

“Ô… ừm.”

“Vì thế tôi muốn cậu tiếp quản mọi thứ ở công ty. Tôi sẽ rút ra. Tôi không muốn gây cho cậu bất kỳ rắc rối nào. Công việc của tôi cơ bản đã hoàn thành, và đối với vụ kinh doanh chung của tôi với cậu, cậu vẫn nắm giữ phần quan trọng. Tôi chỉ nửa làm nửa chơi ở đó.”

“Nhưng tôi cần cậu ở đó để giái quyết mọi chi tiết.”

“Củng cố lại dịch vụ cơ bản, và trở lại mô hình ngày trước. Bỏ tất cả việc quảng cáo và biên tập đi. Chuyển nó trở lại thành văn phòng dịch thuật. Giống như bản thân cậu nói hôm trước. Giữ lại một thư ký và tống khứ hết đám nhân viên bán thời gian còn lại đi. Cậu không cần họ nữa. Sẽ không ai kêu ca gì nếu cậu trả họ hai tháng lương do kết thúc hợp đồng. Còn về văn phòng, cậu có thể chuyển đến một chỗ nhỏ hơn. Tất nhiên là doanh thu sẽ giảm nhưng chi phí sẽ giảm theo. Và trừ phần của tôi đi, phần của cậu sẽ tăng lên, thế nên thật ra cậu sẽ không bị thiệt. Cậu không phải lo về việc bóc lột ai quá đáng, và thuế sẽ không còn là vấn đề nữa. Sẽ là lý tưởng cho cậu đấy.”

“Không làm thế được,” hắn nói, sau chút yên lặng. “Mọi việc sẽ không ra đâu vào đâu, tôi biết là thế mà.”

“Tôi nói với cậu là mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Tôi đã từng chinh chiến với cậu, thế nên tôi biết, không vấn đề gì.”

“Mọi việc trót lọt bởi vì tôi với cậu cùng sát cánh bên nhau,” hắn nói. “Chưa từng có thứ gì tôi tự làm một mình lại thành công cả.”

“Cậu nghe này. Tôi không nói chuyện mở rộng kinh doanh. Tôi nói là cậu nên củng cố lại. Vụ kinh doanh dịch thuật hồi trước cách mạng công nghiệp mà chúng ta từng làm ấy. Cậu và một thư ký, cộng với năm hay sáu cộng tác viên tự do mà cậu có thể thuê làm. Chả có lý do gì mà không thành công được cả.”

Có một tiếng cách, đồng xu mười yên cuối cùng rơi vào trong máy. Tôi bỏ tiếp ba đồng xu nữa vào máy.

“Tôi không được như cậu,” hắn nói. “Cậu có thể thành công bằng chính sức mình. Tôi thì không. Mọi việc chẳng đâu vào đâu trừ phi tôi có ai đó để than phiền hay trao đổi ý kiến.”

Tôi đặt tay lên nơi ống nghe và thở dài. Lại vẫn cái vòng lẩn quẩn đó. Con dê đen ăn lá thư chưa đọc của con dê trắng, con dê trắng ăn lá thư của con dê đen…

“A lô, a lô?” tay đối tác nói.

“Tôi nghe đây,” tôi nói.

Ở đầu dây bên kia, tôi có thể nghe tiếng hai đứa con hắn đang đánh nhau chí chóe giành ti vi. “Hãy nghĩ đến bọn trẻ nhà cậu,” tôi nói. Không thật sự công bằng, nhưng tôi không còn quân bài nào để chơi nữa. “Cậu không được phép yếu đuối. Nếu cậu buông xuôi, sẽ là dấu chấm hết cho tất cả mọi người. Nếu cậu muốn chống lại thế giới, cậu không nên có con. Hãy tu tỉnh lại đi, điều chỉnh lại việc kinh doanh, bỏ rượu chè đi.”

Hắn im lặng một lúc lâu. Cô phục vụ đem cho tôi một cái gạt tàn. Tôi lấy tay ra hiệu gọi một ly bia nữa.

“Cậu dồn tôi vào chân tường thế này,” hắn nói. “Tôi sẽ cố hết sức. Tôi không tự tin là mọi việc sẽ đâu vào đấy, nhưng…”

Tôi rót bia ra ly và nhấp một ngụm. “Mọi việc sẽ ổn thôi. Nghĩ lại sáu năm trước mà xem. Tiền không mà quan hệ cũng không, nhưng rồi mọi thứ đều trót lọt, đúng không nào?” tôi nói.

“Tôi sẽ gọi cho cậu sau.”

“Ờ.”

“Cám ơn về mọi thứ. Trong suốt thời gian qua mọi thứ đều tuyệt,” tôi nói.

“Khi nào cậu xong việc phải làm và quay trở lại Tokyo, ta hãy hợp tác cùng nhau nhé.”

“Tất nhiên rồi.”

Tôi dập máy.

Cả hắn và tôi đều hiểu khả năng tôi quay trở lại làm việc ít đến thế nào. Làm với nhau sáu năm và hiểu quá rõ về nhau.

Tôi bê ly bia lại bàn mình.

Giờ đây khi công việc không còn là mối quan tâm nữa, tôi cảm thấy như trút được gánh nặng. Một cách từ từ nhưng chắc chắn, tôi đang khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Tôi đã đánh mất quê hương, mất thời niên thiếu, mất vợ, trong ba tháng nữa tôi sẽ đánh mất những năm tháng tuổi đôi mươi của mình. Tôi không hình dung được tôi sẽ còn lại gì khi sáu mươi tuổi. Không nghĩ đến những chuyện này. Thậm chí cũng không sao biết được điều gì sẽ xảy ra trong vòng một tháng nữa.

Tôi về nhà và chui vào giường với tập truyện Sherlock Holmes. Đèn tắt lúc mười một giờ và tôi nhanh chóng thiếp đi. Tôi không hề tỉnh giấc lấy một lần trước khi trời sáng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 18:12:00 | Chỉ xem của tác giả
Chương 24: Một Chương Cho Cá Trích


Lúc mười giờ sáng, cái ô tô lố bịch to như tàu ngầm ấy đợi tôi bên ngoài khu chung cư. Từ cửa sổ tầng ba nhà tôi, chiếc limousine trông giống như một cái máy cắt bánh quy bằng sắt lộn ngược hơn là một cái tàu ngầm. Người ta có thể cho ra một cái bánh khổng lồ mà ba trăm đứa trẻ phải mất hai tuần mới ăn hết. Cô và tôi ngồi trên bậu cửa sổ nhìn xuống chiếc xe.

Bầu trời trong một cách đáng sợ. Bầu trời từ một bộ phim theo chủ nghĩa biểu hiện thời tiền chiến. Hoàn toàn không một gợn mây, giống như một con mắt đồ sộ với mí mắt bị cắt. Nhìn từ xa, chiếc trực thăng bay tít trên cao kia trông bé xíu.

Tôi khóa tất cả cửa sổ, rút điện tủ lạnh và kiểm tra vòi khí ga. Thu quần áo vào, trải giường, tráng sạch gạt tàn, và xếp theo thứ tự cẩn thận một số lượng vô lý các khoản thuốc men bên chậu rửa. Tiền thuê nhà được trả trước hai tháng, phiếu đặt báo đã hủy. Từ cửa ra vào, tôi nhìn lại căn hộ không sinh khí của mình. Trong một thoáng, tôi nghĩ về bốn năm của quãng đời vợ chồng ở đó, nghĩ về những đứa con mà tôi và vợ không bao giờ có.
Cửa thang máy bật mở, và cô gọi tôi. Tôi đóng cánh cửa thép lại.

Người lái xe miệt mài lau kính chắn gió bằng một miếng vải khô trong lúc đợi chúng tôi. Chiếc xe không một tì vết, lóe sáng trong ánh mặt trời đến mức chói lọi và siêu tự nhiên. Chỉ cần chạm nhẹ tay vào là người ta có thể bị bỏng.

“Chào cô cậu,” người lái xe nói. Vẫn người lái xe sùng đạo hai hôm trước.

“Chào bác,” tôi nói.

“Chào bác,” cô bạn gái tôi nói.

Cô ôm con mèo. Tôi ôm thức ăn và túi cát vệ sinh cho mèo.

“Trời đẹp quá nhỉ?” người lái xe nói, ngẩng nhìn trời. “Trời – tôi biết nói thế nào nhỉ – trong văn vắt ấy.”

Tôi gật đầu.

“Khi trời trong thế này thông điệp của Chúa sẽ thông suốt không gặp phải bất cứ vấn đề gì bác nhỉ,” tôi dạm hỏi.

“Không có chuyện đó đâu,” người lái xe nói, ngoác miệng cười. “Thông điệp đã được ghi trong tất cả mọi thứ. Trong hoa, trong đá, trong mây…”

“Cả xe hơi nữa ư?”

“Trong cả xe hơi nữa.”

“Nhưng xe hơi do nhà máy chế tạo ra mà.” Đúng là tôi, không lẫn đi đâu được.

“Dù bất cứ ai sản xuất ra nó thì ý nguyện của Chúa vẫn được cài đặt trong nó.”

“Như trong rận ở tai ư?” cô chen vào.

“Như trong chính bầu không khí này vậy.” người lái xe chỉnh lại.

“Vậy thì, tôi cho rằng xe hơi sản xuất tại Ả Rập Saudi chúa Thánh Allah trong đó.”

“Người ta không sản xuất xe hơi tại Ả Rập Saudi.”

“Thật vậy sao?” Lại là tôi.

“Thật.”

“Vậy xe hơi sản xuất tại Mỹ để xuất khẩu sang Ả Rập Saudi thì sao? Trong xe đó sẽ có chúa nào,” cô bạn gái tôi hỏi.

Một câu hỏi khó.

“Xem nào, chúng ta phải nói cho bác ấy biết về con mèo,” tôi thả một cái phao cứu sinh.

“Con mèo dễ thương, ha?” người lái xe nói, cũng cảm thấy nhẹ cả người.

Con mèo còn xa mới gọi là dễ thương. Hơn thế, nó còn gầy dơ xương, lông bẩn như một tấm thảm sờn rách cũ rích, đầu đuôi cong một góc sáu mươi độ, răng vàng khè, mắt phải mưng mủ từ một vết thương ba năm trước nên giờ đây nó hầu như không trông thấy gì. Không chắc là nó có thể phân biệt giữa một chiếc giày thể thao và một củ khoai tây. Gan bàn chân nó nhăn nheo đầy vết chai, tai nó đầy rận, và vì đã già, nó đánh rắm ít nhất hai mươi lần một ngày. Trước đây nó là một chú mèo đực bảnh trai khi vợ tôi tìm thấy nó dưới ghế đá công viên và mang nó về nhà, nhưng mấy năm vừa qua nó xuống dốc nhanh chóng. Giống như một quả bóng bowling lăn về phía rãnh. Thêm nữa, nó không có tên. Tôi chẳng rõ việc không có tên giảm bớt hay góp phần vào thảm kịch của con mèo.

“Miu xinh ghê,” người lái xe nói, tay không duỗi ra. “Tên nó là gì?”

“Nó không có tên.”

“Vậy cậu gọi chú ta bằng gì?”

“Tôi không gọi nó,” tôi nói. “Nó đã sờ sờ ra đấy rồi.”

“Nhưng nó không phải là một cục thịt chỉ biết ngồi đó. Nó di chuyển theo ý mình, đúng không? Có vẻ khá lạ khi một thứ gì đó di chuyển theo ý chính mình lại không có tên.”

“Cá trích bơi theo ý của chúng, nhưng có ai đặt tên cho chúng đâu?”

“Xem nào, trước hết, không có mối dây tình cảm nào giữa cá trích và con người, ngoài ra, nếu có nghe thấy chúng cũng chẳng biết được đó là tên mình.”

“Có nghĩa là con vật nào không những có thể di chuyển theo ý mình và chia sẻ tình cảm với con người mà còn sở hữu khả năng nghe nhìn thì xứng đáng được đặt tên?”

“Đó, cậu nắm trúng vấn đề rồi,” người lái xe gật đầu lia lịa, mãn nguyện. “Hay thế này đi?! Cậu nói sao nếu tôi đặt cho cu cậu một cái tên?”

“Rất hoan nghênh. Nhưng tên gì?”

“Hay là tên ‘Cá Trích’? Ý tôi là xét cho cùng cậu từng đối xử với nó như một con cá trích.”

“Không tồi đâu,” tôi nói.

“Cậu thấy chưa?” người lái xe nói.

“Em nghĩ sao?” tôi hỏi cô bạn gái.

“Không tồi,” cô nói. “Cứ như chứng kiến sự hình thành của trời và đất.”

“Thống nhất là cá trích đi,” tôi nói.

“Lại đây nào, Cá Trích,” người lái xe nói, bế con mèo lên. Con mèo hoảng sợ, cắn ngón tay cái bác ta, rồi đánh rắm.

Người lái xe đưa chúng tôi ra sân bay. Con mèo ngồi lặng lẽ trên ghế trước cạnh bác ta. Thỉnh thoảng lại đánh rắm. Chúng tôi biết vậy vì người lái xe liên tục mở cửa sổ. Trong lúc đó, tôi nhanh chóng đưa ra hướng dẫn cho người lái xe về con mèo. Rửa tai cho nó như thế nào, cửa hàng nào bán thuốc khử mùi hôi cho hộp vệ sinh của mèo, cho mèo ăn bao nhiêu, đại loại thế.

“Cậu đừng lo,” người lái xe nói. “Tôi sẽ chăm sóc cu cậu cẩn thận. Cậu biết đấy, tôi là cha đỡ đầu của nó.”

Đường vắng đến kinh ngạc. Chiếc xe lướt ra sân bay như một con cá hồi bơi ngược dòng để đẻ trứng.

“Tại sao thuyền có tên, mà máy bay lại không?” tôi hỏi người lái xe. “Tại sao lại chỉ là Chuyến bay 971 hoặc Chuyến bay 326, mà không phải là Hoa chuông hay Hoa Cúc?”

“Có lẽ bởi vì có nhiều chuyến bay hơn thuyền. Sản xuất hàng loạt mà.”

“Cũng không hẳn. Nhiều thuyền được sản xuất hàng loạt, và chúng có thể còn nhiều hơn máy bay.”

“Tuy vậy…,” người lái xe cất lời, rồi không nói gì trong vài giây. “Nói một cách thực tế, không ai đi đặt tên cho tất cả các xe buýt trong thành phố.”

“Em nghĩ nếu mỗi xe buýt trong thành phố mà có một cái tên thì thật tuyệt,” cô bạn gái tôi nói.

“Nhưng như thế liệu có dẫn đến cảnh hành khách chọn xe buýt mình muốn đi không? Đi từ Shinjuku đến Sendagaya, xem nào, họ sẽ chọn xe Linh dương chứ không phải xe Lừa.”

“Em thấy sao?” tôi hỏi cô bạn gái.

“Chắc chắn em sẽ nghĩ kỹ trước khi em đi xe Lừa,” cô nói.

“Nhưng này, hãy nghĩ đến tay lái xe đáng thương của xe Lừa,” người lái xe lên tiếng cho lái xe ở khắp mọi nơi. “Tay lái xe Lừa không có lỗi.”

“Bác nói hay đấy,” tôi nói.

“Có lẽ vậy,” cô nói, “nhưng em sẽ vẫn đi xe Linh dương.”

“Đấy cô cậu xem,” người lái xe nói. “Đó là cái lẽ thường. Đặt tên cho tàu vốn là chuyện quen thuộc từ trước thời sản xuất hàng loạt. Về nguyên tắc, nó cũng giống như đặt tên ngựa. Vì thế máy bay được đối xử như ngựa thì trên thực tế cũng được đặt tên. Có máy bay tên Linh hồn St. Louis và Enola Gay. Chúng ta đang xem xét đến một sự định danh có ý thức đầy đủ.”

“Có nghĩa rằng ở đây sự sống là yếu tố cơ bản.”

“Chính xác.”

“Và rằng mục đích chỉ là nhân tố thứ yếu trong việc đặt tên.”

“Chính xác. Nếu chỉ vì mục đích thôi thì dùng số là đủ. Hãy chứng kiến việc đối xử với người Do Thái tại Auschwitz.”

“Bác nói đến đây vẫn ổn,” tôi nói. “Vậy hãy giả dụ rằng nền tảng của việc đặt tên là cái hành động tự đồng nhất một cách có ý thức với sinh vật. Vậy thì tại sao ga tàu và công viên cũng như sân vận động bóng chày có tên, trong khi chúng không phải sinh vật?”

“Tại sao ư? Bởi vì nếu nhà ga mà không có tên thì sẽ hỗn loạn.”

“Không, chúng ta không nói trên khía cạnh mục đích. Tôi muốn bác hãy giải thích cho tôi trên nguyên tắc.”
Người lái xe suy nghĩ khá lung về chuyện này. Bác ta không để ý đèn giao thông đã chuyển sang màu xanh. Chiếc xe tải nhỏ đằng sau chúng tôi bắt đầu bóp còi theo khúc dạo đầu của phim Bảy tay súng oai hùng.

“Tôi đoán bởi vì chúng không thay thế được cho nhau. Ví dụ, chỉ có một nhà ga Shinjuku và người ta không thể thay thế nó bằng nhà ga Sendagaya. Sự không thay thế được cho nhau này nói lên rằng chúng không được sản xuất hàng loạt. Chúng ta đã rõ về hai điểm này chưa?”

“Dù sao thì cũng sẽ thú vị nếu có nhà ga Shinjuku ở Ekoda,” cô bạn gái tôi nói.

“Nếu nhà ga Shinjuku ở Ekoda, nó phải là nhà ga Ekoda,” người lái xe phản đối.

“Nhưng nó vẫn nằm trong tuyến Odakyu,” cô nói.

“Hãy quay trở lại chủ đề cuộc thảo luận,” tôi nói. “Nếu nhà ga thay thế được cho nhau, điều đó có ý nghĩa gì? Chẳng hạn, nếu tất cả mọi nhà ga trên toàn quốc đều được sản xuất hàng loạt theo kiểu những tòa nhà gấp và nhà ga Shinjuku và nhà ga Tokyo hoàn toàn thay thế được cho nhau?”

“Khá đơn giản. Nếu nó ở Shinjuku, nó sẽ là nhà ga Shinjuku; nếu nó ở Tokyo, nó sẽ là nhà ga Tokyo.”

“Vì thế những gì chúng ta nói ở đây không phải là tên của một vật thể vật chất, mà là tên của một chức năng. Một vai trò. Đó có phải là mục đích không?”

Người lái xe im lặng. Chỉ có điều lần này bác ta không giữ yên lặng lâu.

“Cô cậu biết tôi nghĩ gì không?” người lái xe nói. “Tôi nghĩ chúng ta nên có một cái nhìn ấm áp hơn về đề tài này.”

“Nghĩa là sao hả bác?”

“Tôi muốn nói là thị trấn rồi công viên rồi đường phố rồi nhà ga rồi sân bóng chày rồi rạp chiếu phim tất cả đều có tên, đúng chưa? Chúng đều được đặt tên để thưởng công cho sự cố định của chúng trên mặt đất.”
Một giả thuyết mới.

“Vậy thì,” tôi nói, “giả dụ tôi xóa sạch ý thức của mình và trở nên hoàn toàn cố định, liệu tôi có xứng với một cái tên mỹ miều không?”

Người lái xe liếc nhìn mặt tôi trong giây lát qua gương chiếu hậu. Một cái nhìn đầy hoài nghi, như thể tôi đang gài bẫy đang bác ta. “Cố định ư?”

“Ví như tôi đóng băng một chỗ, đại loại thế. Như Công chúa ngủ trong rừng ấy.”

“Nhưng cậu đã có tên rồi.”

“Bác nói đúng,” tôi nói. “Suýt nữa thì tôi quên.”

Chúng tôi nhận thẻ lên máy bay tại quầy đăng ký rồi tạm biệt người lái xe. Bác ta hẳn đã muốn tiễn chúng tôi, nhưng vì phải một tiếng rưỡi nữa mới đến giờ khởi hành, bác ta không đợi nổi và đi mất.

“Cái ông đó, thật là một nhân vật lập dị,” cô nói.

“Anh biết một chỗ có toàn những người như thế,” tôi nói. “Ở đó, bò đi loanh quanh để tìm kìm.”

“Nghe cứ như ‘Home on the Pampas’ ấy.”

“Có lẽ vậy,” tôi nói.

Chúng tôi vào một tiệm ăn trong sân bay và ăn trưa sớm. Tôm tẩm bột và pho mát cho tôi, mì ống cho cô. Tôi nhìn những chiếc 747 và Tristars cất cánh và sà xuống đất với một trọng lực dường như là định mệnh. Trong lúc đó cô kiểm tra từng sợi mì cô ăn một cách đầy ngờ vực.

“Em tưởng là họ lúc nào cũng phục vụ bữa ăn trên máy bay,” cô cằn nhằn.

“Không,” tôi nói, đợi miếng bột nóng trong miệng nguội đi, rồi uống ực chút nước. Nóng không còn nhận biết được vị gì. “Người ta chỉ phục vụ ăn uống trên chuyến bay quốc tế. Họ cho mình ăn gì đó trên các tuyến nội địa đường dài hơn. Nhưng đó không hẳn là một bữa thịnh soạn đâu.”

“Còn phim thì sao?”

“Không có đâu. Thôi nào, chỉ mất một tiếng là đến Sapporo thôi mà.”

“Vậy họ không cho mình thứ gì ư?”

“Không có gì hết. Ta ngồi trên ghế, đọc sách, rồi đến nơi. Giống như xe buýt vậy.”

“Nhưng không có đèn giao thông.”

“Thật tuyệt chưa,” cô nói với một tiếng thở dài. Cô đặt nĩa xuống, không động đến nguyên nửa phần mì.

“Vấn đề là mình đến đó sớm hơn. Nếu đi tàu thì sẽ mất mười hai tiếng.”

“Vậy cái thời gian phụ này đi đâu?”

Tôi bỏ dở khi ăn được nửa chừng và gọi hai cốc cà phê. “Thời gian phụ ư?”

“Anh nói là máy bay sẽ tiết kiệm cho anh hơn mười tiếng. Vậy toàn bộ quãng thời gian ấy đi đâu?”

“Thời gian không đi đâu cả. Nó chỉ cộng thêm thôi. Chúng ta có thể dùng mười tiếng ấy theo ý chúng ta, ở Tokyo hay ở Sapporo. Với mười tiếng chúng ta có thể xem bốn bộ phim, ăn hai bữa ăn, bất cứ chuyện gì. Đúng chưa?”

“Nhưng nếu em không muốn đi xem phim hay đi ăn thì sao?”

“Đó là vấn đề của em. Đó không phải là lỗi của thời gian.”

Cô cắn môi trong lúc chúng tôi nhìn ra cái thân bè bè của những chiếc 747 trên đường băng rải nhựa. Những chiếc 747 luôn gợi cho tôi đến hình ảnh một bà già mập ú, xấu xí khu phố tôi từng ở. Ngực to đùng chảy xệ, chân phồng tướng, cổ khô nhăn nheo. Sân bay, một chốn tụ tập thích hợp cho những bà già. Hàng tá bà già, đến rồi đi, cứ hết chiếc này đến chiếc khác. Phi công và chiêu đãi viên đi đi lại lại oai vệ trong tiền sảnh, đầu ngẩng cao, trông họ có vẻ bẹp dí một cách kỳ quặc, giống những con búp bê bằng bìa của các bé gái. Tôi không khỏi nghĩ sao mọi thứ không giống như cái thời những chiếc DC-7 và Friendship-7 nhưng có lẽ nó vẫn giống vậy thôi.

“Này,” cô tiếp tục, “thời gian có giãn ra không anh?”

“Không, thời gian không giãn ra,” tôi trả lời. Tôi cất tiếng, nhưng sao nghe như không phải giọng tôi? Tôi húng hắng ho và uống cà phê. “Thời gian không giãn ra.”

“Nhưng thời gian thực sự tăng lên, đúng không? Chính anh nói là thời gian cộng thêm mà.”

“Đó là bởi vì thời gian cần cho di chuyển được rút xuống. Tổng số lượng thời gian không thay đổi. Chỉ có điều là em có thể xem thêm phim.”
“Nếu em muốn xem phim,” cô thêm vào.

Ngay khi chúng tôi đến Sapporo, quả thật chúng tôi đi xem phim suất đúp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 18:14:34 | Chỉ xem của tác giả
Phần VII: Công Vụ Ở Khách Sạn Cá Heo - Chương 25: Dịch Chuyển Hoàn Thành Tại Rạp Chiếu Phim; Đến Khách Sạn Cá Heo


Trong cả chuyến bay, cô ngồi cạnh cửa sổ ngắm phong cảnh bên dưới. Tôi ngồi cạnh cô đọc cuốn Những Cuộc Phiêu Lưu Của Sherlock Holmes. Không hề có lấy một gợn mây trong suốt quãng thời gian, máy bay bay trên bóng của nó trên mặt đất. Hay nói chính xác hơn, vì chúng tôi ở bên trong máy bay, bóng chúng tôi cũng hiện ra bên trong bóng máy bay đang lướt qua núi non và cánh đồng kia. Thế có nghĩa là chúng tôi cũng được in vào đất.

“Em thật sự thích cái ông đó,” cô nói sau khi uống nước cam.

“Cái ông nào?”

“Người lái xe.”

“Hừm,” tôi nói, “anh cũng thích ông ấy.”

“Và thật là một cái tên hay, ‘Cá Trích’.”

“Chắc chắn rồi. Tên hay. Có lẽ con mèo ở với bác ta sướng hơn là ở với anh.”

“Đừng có ‘con mèo’, mà là ‘Cá Trích’.”

“Đúng vậy. ‘Cá Trích’.”

“Tại sao anh không đặt tên cho con mèo suốt bấy lâu nay?”

“Quả vậy, tại sao nhỉ?” tôi bối rối. Rồi tôi châm thuốc bằng chiếc bật lửa khắc hình con cừu. “Chắc tại anh không thích tên. Về cơ bản, anh không thấy có gì là sai khi gọi anh là ‘anh’ hay em là ‘em’ hay chúng ta là ‘chúng ta’ hay họ là ‘họ’.”

“Hừm,” cô nói. “Dù vậy, em thật sự thích từ ‘chúng ta’. Nó có một vẻ gì đó của Kỷ Băng hà.”

“Kỷ Băng hà ư?”

“Như ‘Chúng ta đi về phía Nam’ hay ‘Chúng ta đi săn voi ma mút’ hay…”

Khi chúng tôi bước ra ngoài sân bay Chitose, trời lạnh hơn chúng tôi tưởng. Tôi mặc một cái áo bò bên ngoài áo phông, cô áo gi lê len bên ngoài áo sơ mi. Mùa thu đã đến trên vùng đất này trước Tokyo cả một tháng.

“Chúng ta không phải đi vào Kỷ Băng hà, đúng không?” cô hỏi tôi trên xe buýt đến Sapporo. “Anh đi săn voi ma mút, em nuôi con.”

“Nghe khá là hấp dẫn đấy,” tôi nói.

Chẳng bao lâu cô ngủ thiếp đi, để mặc tôi trông qua khung cửa sổ xe, nhìn đăm đăm những dải rừng sâu nối dài bất tận hai bên đường.

Khi tới thành phố, đầu tiên chúng tôi nhảy vào một tiệm cà phê.

“Ngay bây giờ, chúng ta hãy lên lịch hành động,” tôi nói. “Mình sẽ phải chia nhau ra. Thế tức là, anh đi tìm phong cảnh trong bức ảnh. Em đi tìm con cừu. Làm thế sẽ tiết kiệm được thời gian.”

“Rất thực tế.”

“Ấy là nếu mọi việc tiến triển tốt,” tôi bổ sung. “Dù sao thì, em có thể tìm những trang trại nuôi cừu chủ yếu ở Hokkaido trước đây và tìm hiểu các giống cừu. Em có thể tìm những gì mình cần tại một cơ quan chính quyền hoặc thư viện địa phương.”

“Em thích thư viện,” cô nói.

“Vậy thì tốt.”

“Em bắt tay vào việc ngay chứ?”

Tôi nhìn đồng hồ. Ba giờ rưỡi. “Thôi, cũng muộn rồi. Hãy bắt đầu vào ngày mai. Hôm nay mình cứ thư thả thôi, kiếm một chỗ nghỉ, ăn tối, tắm táp và ngủ một chút.”

“Em sẽ không từ chối đi xem một bộ phim,” cô nói.

“Một bộ phim ư?”

“Mình tiết kiệm được bao nhiêu thời gian do đi máy bay mà.”

“Ý hay đó,” tôi nói. Thế là chúng tôi tạt vào rạp chiếu phim đầu tiên mình thấy.

Rốt cuộc chúng tôi xem một suất đúp phim hình sự – siêu nhiên. Hầu như không có một mống nào trong rạp. Lâu lắm rồi tôi không vào một rạp chiếu phim vắng như vậy. Tôi đếm số người trong rạp để giết thời gian. Tám, gồm cả chúng tôi. Trong phim còn nhiều nhân vật hơn.

Hai bộ phim này là ví dụ điển hình của phim tồi. Loại phim làm người ta cảm thấy muốn quay ra khỏi rạp ngay lúc đầu đề hiện ra sau tiếng gầm của con sư tử MGM. Thật đáng kinh ngạc là phim như thế vẫn còn tồn tại.

Phim đầu là phim siêu nhiên. Con quỷ, sống trong căn hầm dột nát ẩm thấp của nhà thờ thị trấn và thao túng mọi thứ qua nhà thuyết pháp yếu đuối, đã chiếm thị trấn. Nhưng câu hỏi thật sự ở đây là tại sao con quỷ lại muốn chiếm thị trấn cơ chứ. Cả thị trấn chẳng có gì ngoài mấy khối nhà thảm thương bao quanh là cánh đồng ngô.

Tuy nhiên, con quỷ này bị cái thị trấn ấy ám ảnh khủng khiếp và nổi cơn thịnh nộ khi một bé gái duy nhất không chịu khuất phục bùa mê của nó. Khi con quỷ điên lên, thân thể nó lắc lư như đám thạch màu xanh run rẩy. Phải thú thật là có một vẻ gì đó đáng yêu trong cơn giận dữ đó.

Ngay đằng trước chúng tôi là một người đàn ông trung niên ngáy như còi báo hiệu sương mù. Ở phía tận cùng bên phải đang diễn ra màn hôn hít sờ soạng nặng đô. Đằng sau, người nào đó đánh một cái rắm to đùng. To đến mức khiến người đàn ông trung niên dừng ngáy mất một lúc. Một cặp nữ sinh trung học cười khúc khích.

Theo phản xạ, tôi nghĩ đến Cá Trích. Và chỉ khi đó tôi mới chợt nhận ra chúng tôi đã thực sự rời Tokyo và hiện đang ở Sapporo.

Đó mới thật buồn cười.

Giữa những ý nghĩ này tôi thiếp đi. Trong giấc mơ tôi gặp con quỷ xanh đó, nhưng nó không đáng yêu chút nào. Nó yên lặng mãi và tôi chỉ quan sát mưu đồ của nó.

Trong khi đó, bộ phim kết thúc, đèn bật lên, và tôi thức dậy. Mỗi khán giả đều ngáp như thể theo thứ tự được định trước. Tôi đến quầy bán đồ ăn nhẹ mua kem cho chúng tôi. Kem cứng như đá, có lẽ còn thừa lại từ mùa hè trước.

“Anh ngủ trong suốt bộ phim à?”

“À há,” tôi nói. “Phim thế nào?”

“Khá thú vị. Cuối cùng, cả thị trấn nổ tung.”

“Ái chà chà.”

Rạp chiếu phim yên lặng một cách chết chóc. Hoặc đúng hơn là mọi thứ quanh chúng tôi yên lặng một cách chết chóc. Không phải là một việc hay xảy ra.


“Này,” cô nói, “có vẻ như cơ thể ta đang ở trong trạng thái dịch chuyển hay sao ấy?”

Giờ khi cô nói ra, nó đúng là như vậy.

Cô cầm tay tôi. “Hãy cứ ở yên như thế này nhé. Em sợ.”

“Được thôi,”

“Nếu không ở yên như thế này, chúng ta có thể bị chuyển đến một nơi nào khác. Một chỗ điên rồ nào đó.”

Trong khi bên trong rạp lại tối dần và bộ phim mới tiếp tục, tôi vén tóc cô qua một bên và hôn tai cô. “Không sao đâu. Đừng sợ.”

“Có lẽ anh đúng,” cô nói khẽ. “Xét cho cùng, em nghĩ lẽ ra chúng ta nên đi lại trên phương tiện vận chuyển có tên.”

Trong một giờ rưỡi sau đó, từ lúc bắt đầu cho đến lúc hết phim, chúng tôi ở trong trạng thái di chuyển yên lặng trong bóng tối. Đầu cô dựa trên vai tôi suốt cả quãng thời gian ấy. Vai tôi trở nên ấm và ẩm vì hơi thở của cô.

Chúng tôi ra khỏi rạp chiếu phim và tản bộ dọc con phố trong ánh chạng vạng, tay tôi khoác vai cô. Chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Sự hối hả của khách bộ hành đem lại cảm giác khuây khỏa; những ngôi sao mờ nhạt chiếu sáng trên bầu trời.

“Liệu hai chúng ta có thật sự đang ở đúng thành phố không?” cô hỏi.

Tôi nhìn lên trời. Sao Bắc Đẩu ở đúng vị trí, nhưng không hiểu sao trông nó giống như sao Bắc Đẩu giả. Quá lớn, quá sáng.

“Anh cũng không biết,” tôi nói.

“Em cảm thấy như mình ở không đúng chỗ,” cô nói.

“Đó là cảm giác khi đến một thành phố mới. Cơ thể người ta chưa hoàn toàn quen với nó.”

“Nhưng sau một hồi người ta sẽ quen với nó, đúng không anh?”

“Sau hai ba ngày em sẽ ổn thôi,” tôi nói.

Khi đã mệt vì đi bộ, chúng tôi vào tiệm ăn đầu tiên mình thấy, uống bia hơi, gọi cá hồi và khoai tây. Chúng tôi bước vào đó tình cờ không hoạch định gì và gặp may. Bia thật vừa ý tôi và thức ăn thật ngon.

“Xem nào,” tôi nói sau chầu cà phê, “em nói sao nếu chúng mình kiếm một chỗ nghỉ?”

“Em đã hình dung ra chỗ ấy rồi,” cô nói.

“Như thế nào?”

“Đừng bận tâm. Hãy lấy ra danh sách khách sạn và đọc tên theo thứ tự.”

Tôi nhờ người hầu bàn mang ra cuốn danh bạ và bắt đầu đọc những cái tên liệt kê trong mục “Khách sạn, Quán trọ”. Sau bốn mươi tên, cô ngắt lời tôi.

“Chính nó đó.”

“Cái nào?”

“Cái anh vừa đọc.”

“Khách sạn Cá Heo,” tôi nói.

“Đó là nơi chúng ta sẽ nghỉ.”

“Chưa bao giờ nghe đến.”

“Nhưng em không thể hình dung chúng ta ở bất cứ khách sạn nào khác.”

Tôi trả lại cuốn danh bạ điện thoại, rồi gọi tới khách sạn Cá Heo. Một người đàn ông với giọng nói không có gì đặc biệt trả lời, cho biết họ còn phòng đôi và phòng đơn. Thế có loại phòng nào khác ngoài phòng đôi và phòng đơn không? Không. Chỉ có phòng đôi và phòng đơn thôi. Rối tung rối mù, tôi đặt một phòng đôi. Giá: rẻ hơn bốn mươi phần trăm giá tôi dự tính.

Khách sạn Cá Heo nằm cách rạp chiếu phim chúng tôi đến xem ba khối nhà về phía Tây và một khối nhà về phía Nam. Một chỗ nhỏ thôi, hoàn toàn không có gì nổi bật. Sự thiếu nổi bật của nó rất siêu hình. Không đèn hiệu neon, không bảng hiệu lớn, thậm chí không có một lối đi vào thật sự. Cánh cửa kính đằng trước trông như lối bếp cho nhân viên, cạnh nó chỉ là một tấm bảng bằng đồng khắc chữ KHÁCH SẠN CÁ HEO. Thậm chí không có lấy một hình cá heo.

Tòa nhà cao năm tầng, nhưng nom chẳng khác gì một hộp diêm khổng lồ dựng thẳng lên. Nó không đặc biệt cũ kỹ; tuy vậy nó vẫn ọp ẹp một cách đáng báo động. Nhiều khả năng nó đã ọp ẹp từ lúc mới xây.

Đây là khách sạn Cá Heo của chúng tôi.

Tuy vậy, có vẻ như cô yêu thích chốn này ngay từ lúc nhìn thấy nó.

“Không phải một khách sạn tồi, anh nhỉ?” cô nói.

“Không tồi ư?” tôi đáp lại lời cô.

“Ấm áp, không điệu đàng kiểu cách.”

“Không điệu đàng kiểu cách,” tôi nhắc lại. “Khi nói điệu đàng kiểu cách, anh chắc là em có ý khăn trải giường sạch sẽ hay bồn rửa không bị rò rỉ hay máy điều hòa hoạt động hay giấy vệ sinh mềm một cách hợp lý hay xà phòng mới hay rèm cửa chống say nắng.”

“Anh lúc nào cũng nhìn vào mặt trái của vấn đề,” cô cười. “Dù sao thì mình đến đây có phải để du lịch đâu cơ chứ.”

Khi mở cửa, tôi nhận ra tiền sảnh rộng hơn tôi tưởng. Ở giữa sảnh là bộ bàn ghế phòng khách và một chiếc ti vi màu lớn đang có một chương trình thi đố trên ti vi. Chẳng thấy một ma nào.

Những chậu cây cảnh lớn nằm hai bên cửa trước, lá cây đã héo, gần ngả màu nâu. Tôi đứng đó quan sát mọi thứ. Tiền sảnh thật ra chật hẹp hơn nhiều so với cảm nhận ban đầu. Trước nó có vẻ lớn vì có quá ít đồ đạc. Bộ bàn ghế dùng cho phòng khách, đồng hồ quả lắc và một tấm gương.

Không còn gì hết.

Tôi lại gần xem xét kỹ chiếc đồng hồ và tấm gương. Cả hai đều là quà kỷ niệm nhân một sự kiện nào đó. Đồng hồ sai bảy phút; tấm gương làm đầu tôi vặn vẹo trên thân.

Bộ bàn ghế dùng cho phòng khách cũng ọp ẹp như bản thân khách sạn vậy. Chiếc xô pha màu cam không chút quyến rũ, loại màu cam có được khi ta bỏ mặc vải dệt bị nắng thiêu đốt một cách có chủ đích ra ngoài trời mưa trong một tuần, rồi quẳng vào hầm cho tới khi nó bị mốc lên. Đây là loại màu cam từ những ngày đầu của phim màu.

Nhìn kỹ hơn thì thấy một người đàn ông trung niên đang trên đà hói, nằm thẳng đuột như con cá khô, ngủ trên chiếc ghế tựa dài của bộ bàn ghế. Thoạt tiên, tôi nghĩ ông ta đã chết, nhưng mũi ông ta giật giật. Có cả vết lõm của kính mắt trên sống mũi ông ta, nhưng không thấy kính đâu. Điều đó có nghĩa ông ta không ngủ thiếp đi khi xem ti vi. Thế sẽ không hợp lý.

Tôi đứng ở bàn tiếp tân mà nhìn qua quầy. Không có ai ở đó. Cô rung chuông. Tiếng chuông vang khắp tiền sảnh.

Chúng tôi đợi ba mươi giây nhưng không ai trả lời. Người đàn ông trên chiếc ghế tựa dài không hề cựa quậy.

Cô rung chuông lần nữa.

Giờ thì người đàn ông trên chiếc ghế tựa dài cằn nhằn. Một kiểu cằn nhằn tự tố cáo. Rồi ông ta mở mắt và nhìn chúng tôi một cách vô hồn.

Cô rung chuông lần thứ ba, một hồi chuông ra trò.

Người đàn ông nhảy bật dậy và lao qua tiền sảnh. Ông ta đi ngang tôi và đến sau quầy. Ông ta là lễ tân.

“Tôi thật tệ quá,” ông ta nói. “Tôi thật sự tệ quá. Ngủ thiếp đi trong lúc đợi anh chị.”

“Xin lỗi đã đánh thức ông,” tôi nói.

“Không sao cả,” người lễ tân nói. Ông ta mang ra một thẻ đăng ký và một chiếc bút bi. Tay trái ông ta bị khuyết đầu ngón út và ngón giữa.

Tôi điền tên mình lên tấm thẻ nhưng nghĩ lại liền vo tròn tấm thẻ đút vào túi. Tôi lấy một tấm thẻ khác rồi điền một cái tên và địa chỉ giả. Một cái tên và địa chỉ bình thường thôi, nhưng không đến nỗi nào đối với một cái tên và địa chỉ tạo nên do-tình-thế-bắt-buộc. Nghề nghiệp thì tôi ghi là kinh doanh nhà đất.

Người lễ tân nhặt cặp kính gọng celluloid dày cộp bên cạnh điện thoại lên rồi nhìn kỹ tấm thẻ đăng ký.

“Suginami, Tokyo,… 29 tuổi, kinh doanh nhà đất.”

Tôi lấy một tờ giấy lau trong túi ra chùi mực ở ngón tay.

“Anh đến đây công tác à?” người lễ tân hỏi.

“Ờ, đại loại thế,” tôi nói.

“Anh ở bao nhiêu đêm?”

“Một tháng,” tôi nói.

“Một tháng?” Ông ta ném cho tôi một cái nhìn ngạc nhiên. “Anh sẽ ở đây cả một tháng ư?”

“Thế có gì không ổn không?”

“Không, à, không có gì không ổn cả, nhưng mà, chúng tôi muốn anh trả tiền ba ngày một lần.”

Tôi đặt túi xuống sàn, đếm hai mươi đồng mười ngàn yên, đặt lên quầy.

“Còn nữa nếu số đó hết,” tôi nói.

Người tiếp tân vốc tiền lên bằng ba ngón tay trái và đếm chúng bằng tay phải. Rồi ông ta viết hóa đơn. “Anh có yêu cầu đặc biệt gì về phòng ốc không?”

“Nếu được thì một phòng trong góc xa thang máy.”

Người lễ tân quay đi và nheo mắt nhìn bảng treo chìa khóa. Sau một lúc chần chừ, ông chọn phòng 406. Bảng treo chìa khóa hầu như còn đầy. Một câu chuyện thành công thật sự, khách sạn Cá Heo.

Không có thứ gọi là người trực tầng, thế là chúng tôi khiêng túi ra thang máy. Như cô nói, không điệu đàng kiểu cách. Thang máy lắc lư như con chó già bị bệnh phổi.

“Nếu ở dài ngày, không gì tốt hơn một khách sạn nhỏ, cơ bản.”

“Khách sạn nhỏ, cơ bản” – một lối diễn đạt không đến nỗi nào. Giống như được lấy ra từ trang du lịch của một tạp chí thời trang cho phụ nữ: “Sau một chuyến đi dài ngày, một khách sạn nhỏ, cơ bản chính là điều bạn cần.”

Tuy thế, việc đầu tiên tôi làm khi mở cửa phòng khách sạn nhỏ, cơ bản của chúng tôi là nhặt một chiếc dép để đập con gián đang bò trên khung cửa sổ. Rồi tôi nhặt hai chiếc lông mu cạnh chân giường lén thả vào sọt rác. Nhìn thấy gián ở Hokkaido là một trải nghiệm mới cho tôi. Trong lúc đó, cô điều chỉnh nhiệt độ nước trong buồng tắm. Và tin tôi đi, cái vòi nước ấy ồn kinh khủng.

“Anh đã bảo mà, chúng ta nên ở một khách sạn tốt hơn,” tôi mở cửa buồng tắm và nói tướng lên với cô. “Chúng ta có thừa tiền mà.”

“Đây không phải vấn đề tiền nong. Cuộc săn tìm cừu của chúng ta bắt đầu ở đây. Không tranh luận gì nữa, nó phải là ở đây.”

Tôi nằm duỗi dài trên giường, hút một điếu thuốc, bật ti vi lên, thử tất cả các kênh rồi tắt đi. Thứ duy nhất tử tế ở đây là sóng thu. Lúc này đây, tiếng nước chảy vào bồn tắm ngừng và quần áo cô bay vèo ra ngoài, theo sau là âm thanh của vòi hoa sen cầm tay.

Kéo rèm cửa sang hai bên, tôi nhìn ra một nhóm lô xô những tòa nhà bẩn thỉu cũng khó hiểu như khách sạn Cá Heo của chúng tôi. Tòa nhà nào cũng có màu xám tro dơ dáy và chỉ nhìn thôi cũng biết chúng sặc mùi nước đái. Mặc dù đã chín giờ, tôi có thể trông thấy những người trong vài khung cửa sổ sáng đèn đang bận rộn làm việc. Tôi không thể đoán được đó là loại công việc gì, nhưng không một ai trông thật sự hạnh phúc. Tất nhiên, trong mắt họ, có lẽ trông tôi cũng hơi đau khổ.

Tôi kéo rèm lại và quay về giường, lăn tròn trên tấm khăn trải giường được hồ cứng như nhựa đường, nghĩ về cô vợ cũ. Tôi nghĩ về người đàn ông hiện cô ta đang sống cùng. Tôi biết hầu hết mọi thứ cần biết về hắn ta. Xét cho cùng hắn từng là bạn tôi, vậy sao tôi không biết chứ? Hai mươi bảy tuổi. Một tay ghi ta nhạc jazz không nổi tiếng lắm, nhưng đủ chuyên nghiệp so với những tay ghi ta nhạc jazz không nổi tiếng lắm. Một thằng cha không đến nỗi nào. Dù không có phong cách gì. Năm nay hắn trôi giạt giữa Kenny Burrell và B.B.King, năm tới đã lại giữa Larry Coryell và Jim Hall.

Tại sao cô ta bỏ tôi để theo hắn, tôi không hiểu được. Phải thừa nhận là người ta có thể chọn ra những tính cách đặc biệt của cá nhân. Tuy nhiên điều duy nhất hắn hơn tôi là hắn biết chơi ghi ta và điều duy nhất tôi hơn hắn là tôi có thể rửa bát đĩa. Hầu hết những tay chơi ghi ta không thể rửa bát đĩa. Nó làm hỏng ngón tay và mọi thứ sẽ đi tong.

Rồi tôi chợt nhận ra mình đang nghĩ đến chuyện làm tình với cô ta. Vậy là một cách tự nhiên tôi cố thử đếm số lần chúng tôi quan hệ trong bốn năm lấy nhau. May mắn lắm thì tôi sẽ có một con số xấp xỉ, và phải thú nhận là một con số xấp xỉ có nghĩa lý gì đâu? Lẽ ra tôi nên ghi nhật ký. Hoặc ít nhất là đánh dấu gì đó vào trong sổ. Nếu làm thế tôi đã có thể có được con số chính xác. Số chính xác đem lại cho mọi thứ một cảm giác hiện thực.

Vợ cũ tôi lưu giữ những ghi chép chính xác về tình dục. Nói thế không có nghĩa cô ta ghi nhật ký theo nghĩa thông thường. Cô ta chép vào một cuốn sổ mọi thông tin chính xác về các kỳ hành kinh của cô ta ngay từ năm đầu tiên và ghi cả chuyện sinh hoạt tình dục để tham khảo thêm. Tổng cộng có đến tám cuốn sổ như thế, tất cả đều được giữ trong ngăn kéo có khóa cùng với những giấy tờ và bức ảnh quan trọng. Cô ta không cho ai xem những thứ này. Tôi chỉ biết cô ta lưu giữ những ghi chép về tình dục. Cô ta viết như thế nào và bao nhiêu, tôi không hề biết. Và giờ đây khi chúng tôi không cùng nhau nữa, tôi có lẽ sẽ không bao giờ biết.

“Nếu em chết,” cô ta từng nói với tôi, “hãy đốt những cuốn sổ này đi. Hãy tẩm xăng và để chúng cháy thành tro bụi, rồi đem chôn. Em sẽ không bao giờ tha lỗi cho anh nếu còn sót lại một từ.”

“Nhưng anh là người ngủ với em. Anh biết rõ gần như từng centimet trên người em. Đã đến lúc này thì việc gì phải xấu hổ?”

“Tế bào cơ thể tự thay thế mỗi tháng. Ngay cả chính lúc này đây,” cô ta nói, ấn mạnh mu bàn tay gầy guộc trước mắt tôi. “Hầu hết mọi thứ anh nghĩ anh biết về em chỉ là kỷ niệm.”

Người phụ nữ đó – trừ khoảng thời gian một tháng trước khi ly dị – đã đặc biệt ngăn nắp trong suy nghĩ. Cô ta nhận thức một cách hoàn toàn thiết thực về cuộc đời mình. Điều đó có nghĩa không có cánh cửa nào từng đóng lại mà lại còn mở ra nữa, cũng như theo quy tắc không có cánh cửa nào hoàn toàn mở rộng.

Giờ đây, tất cả những gì tôi biết về cô ta chỉ còn là kỷ niệm. Và những kỷ niệm này ngày càng nhạt nhòa trôi xa dần như những tế bào bị thay thế. Điều này chỉ thuần túy sinh học thôi sao?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 18:17:44 | Chỉ xem của tác giả
Chương 26: Giáo Sư Cừu Xuất Hiện


Chúng tôi thức dậy lúc tám giờ sáng hôm sau, mặc quần áo, đi xuống thang máy, ra quán cà phê gần đó ăn sáng. Không, khách sạn Cá Heo không có quán cà phê.

“Như anh nói hôm qua, chúng ta sẽ chia nhau ra,” tôi nói, đưa cho cô bản chụp bức ảnh con cừu. “Anh sẽ tận dụng núi non ở hậu cảnh để tìm ra chỗ đó. Em sẽ nghiên cứu các nơi người ta nuôi cừu. Em biết phải làm gì rồi đấy. Bất kỳ manh mối nào, bất kỳ thứ gì, dù nhỏ nhặt đến đâu, đều tốt. Bất kỳ thứ gì cũng tốt hơn lùng sục một cách mù quáng khắp cả hòn đảo Hokkaido này.”

“Em lo được. Để việc đó cho em.”

“Được, mình gặp lại nhau tại khách sạn tối nay nhé.”

“Anh đừng lo lắng quá,” cô nói, đeo kính râm lên. “Rồi anh sẽ thấy việc này dễ như ăn bánh thôi mà.”

Tất nhiên, nó không hề dễ như ăn bánh. Mọi việc không bao giờ xảy ra theo cách đó. Tôi đến Cục Du lịch Địa phương, vòng qua các trung tâm thông tin du lịch và đại lý du lịch khác nhau, hỏi han Hiệp hội Leo núi. Nói chung, tôi đã kiểm tra tất cả mọi chỗ liên quan đến du lịch và núi non. Không ai nhớ đã từng trông thấy dãy núi như trong bức ảnh.

“Dãy núi đó trông quá đỗi bình thường,” họ đều nói vậy. “Ngoài ra, bức ảnh chỉ cho thấy một phần nhỏ thôi.”

Cả ngày hỏi han, thế mà thông tin đó lại là thứ gần với tiến triển nhất mà tôi có được. Nghĩa là, tôi nhận ra rằng sẽ khó mà xác định dãy núi trong khi không có gì để phân biệt nó, đã vậy lại chỉ có ảnh chụp một phần của chúng mà thôi.

Tôi dừng chân tại một hiệu sách, mua cuốn Những ngọn núi ở Hokkaido và một tập bản đồ, rồi vào một quán cà phê, gọi hai ly bia vị gừng và xem qua những gì mua được. Về núi non thì ở Hokkaido có nhiều núi đến không thể tin được, tất cả đều có cùng một màu sắc và hình dáng. Tôi cố so sánh những ngọn núi trong bức ảnh của Chuột với từng ngọn núi trong cuốn sách; sau mười phút, tôi nhức hết cả đầu. Chẳng khuây khỏa gì khi biết rằng số lượng núi trong cuốn sách đại diện cho một phần vô cùng nhỏ bé tất cả các ngọn núi ở Hokkaido. Sự việc càng thêm phức tạp bởi một ngọn núi nhìn ở mỗi góc cạnh khác nhau cho ta một ấn tượng hoàn toàn khác nhau.

“Núi non là sinh vật,” tác giả trong lời đề tựa của cuốn sách viết. “Núi non, tùy theo góc nhìn, mùa, thời gian trong ngày, tâm trí người ngắm nhìn, hoặc bất kỳ thứ gì, có thể thật sự thay đổi hình dạng. Vì vậy, nhất thiết phải nhận ra rằng chúng ta không bao giờ biết hơn một mặt, một khía cạnh nhỏ của một ngọn núi.”

“Thật tuyệt chưa,” tôi nói to. Một nhiệm vụ bất khả thi. Lúc chuông điểm năm giờ, tôi đi ra ngoài ngồi trên ghế đá công viên và ăn ngô với lũ chim bồ câu.

Nỗ lực thu thập thông tin của cô khả quan hơn tôi nhiều, nhưng rốt cuộc thì cũng thành vô ích. Chúng tôi so sánh ghi chép về những thử thách và gian nan của nhau trong ngày hôm đó bên bữa tối giản dị tại một tiệm ăn đằng sau khách sạn Cá Heo.

“Phòng Chăn nuôi của Chính quyền Địa phương hầu như không biết gì,” cô nói. “Họ đã thôi không theo dõi cừu nữa. Nuôi cừu không được lợi lộc gì. Ít nhất là không lợi lộc đối với trang trại diện rộng hoặc chăn thả tự do.”

“Về một mặt, điều đó khiến cuộc tìm kiếm dễ dàng hơn.”

“Không hẳn vậy. Các chủ trại nuôi súc vật vẫn duy trì chăn nuôi cừu và thậm chí còn có hẳn nghiệp đoàn riêng, việc này được nhà chức trách kiểm soát. Tuy nhiên, với việc nuôi cừu diện trung bình và diện nhỏ, khó có thể biết được chính xác số lượng cừu. Ai cũng nuôi vài con cừu cũng gần giống như người ta nuôi chó mèo vậy. Dù sao em cũng đã ghi lại địa chỉ của ba mươi người nuôi cừu mà họ có danh sách, nhưng giấy tờ đã bốn năm rồi, mà trong bốn năm thì người ta di chuyển nhiều lắm. Anh biết không, chính sách nông nghiệp của Nhật Bản cứ ba năm thay đổi một lần như thế đấy.”

“Thật tuyệt chưa,” tôi thở dài vào ly bia. “Có vẻ như mình rơi vào ngõ cụt rồi. Phải có hơn một trăm ngọn núi giống như vậy ở Hokkaido, còn về tình trạng nuôi cừu thì hoàn toàn chẳng có thông tin gì.”

“Đây là ngày đầu tiên. Chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi mà.”

“Thế đôi tai em đã nhận được thông điệp gì chưa?”

“Hiện tại thì không có thông điệp gì,” cô nói giữa khi đang ăn cá ninh và súp miso. “Em chỉ biết đến thế. Em chỉ nhận được thông điệp tuyệt vọng khi em bối rối hoặc cảm thấy dằn vặt về mặt tinh thần. Nhưng lúc này thì em không như thế.”

“Có phải dây cứu đắm chỉ tung ra khi người ta sắp chết đuối không?”

“Đúng thế. Hiện tại em hài lòng với việc trải nghiệm tất cả những điều này cùng anh, và chừng nào em còn hài lòng, em không nhận được thông điệp. Vì vậy việc tìm ra con cừu đó là tùy thuộc vào chúng mình.”

“Anh cũng không biết nữa,” tôi nói. “Hiểu theo nghĩa nào đó, nếu không tìm ra con cừu ấy chúng ta sẽ gặp rắc rối to. Rắc rối gì thì anh không thể nói, nhưng nếu mấy người đó nói họ sẽ truy ra chúng ta, họ sẽ truy ra thôi. Bọn họ là dân chuyên nghiệp mà. Cho dù Ông Chủ có chết, tổ chức vẫn tồn tại và mạng lưới của họ sẽ mở rộng đến bất cứ nơi nào trên nước Nhật, giống như cống rãnh vậy. Họ sẽ tóm cổ được hai ta. Nghe thật ngu ngốc, nhưng đúng là như vậy.”

“Nghe cứ như phim Những kẻ xâm lấn vậy.”

“Nghe rất nực cười, anh biết thế. Nhưng sự thật là chúng ta tự mình dấn sâu vào vụ này rồi, và khi nói ‘chúng ta’ anh muốn nói anh và em. Ban đầu chỉ có mình anh nhưng giờ đây em cũng cùng hoàn cảnh. Em vẫn chưa cảm thấy mình sắp chết đuối sao?”

“Này anh, đây chính là thứ em yêu thích. Để em nói anh nghe, nó còn thú vị hơn là ngủ với người lạ hoặc phải để lộ tai hoặc sửa bản in những cuốn từ điển danh nhân. Đây mới là sống chứ.”

“Nói vậy nghĩa là,” tôi xen vào, “chúng ta sẽ không chết đuối do đó chúng ta không có dây cứu sinh nào.”

“Đúng vậy. Việc tìm ra con cừu đó tùy thuộc vào chúng ta. Cả anh lẫn em đều không có gì để mà phải hối tiếc, thật đấy.”

Chúng tôi quay trở lại khách sạn và ăn nằm với nhau. Tôi thích từ đó, ăn nằm với nhau. Nó chỉ cho phép rất ít khả năng.

Ngày thứ ba và thứ tư của chúng tôi ở Sapporo trôi qua vô ích. Chúng tôi dậy lúc tám giờ, ăn sáng, ngày chia nhau ra, tối đến trao đổi thông tin trong bữa tối, trở về khách sạn, ăn nằm với nhau, rồi ngủ.

Tôi quẳng đôi giày thể thao cũ rích đi, mua giày mới và đi loanh quanh đưa bức ảnh cho hàng trăm người xem. Cô lên một danh sách dài những người nuôi cừu dựa trên nguồn từ các cơ quan chính quyền và thư viện, và bắt đầu gọi cho mọi người trong số đó. Kết quả là con số không. Không ai có thể xác định vị trí ngọn núi, không một người nuôi cừu nào nhớ được con cừu có ngôi sao trên lưng. Một ông già nói ông nhớ đã trông thấy ngọn núi đó ở vùng phía Nam Sakhalin trước chiến tranh. Tôi không tin là Chuột đã đến Sakhalin. Người ta lại không thể gửi một lá thư chuyển phát đặc biệt từ Sakhalin tới Tokyo.

Dần dần, tôi trở nên kiệt sức. Khả năng định hướng của tôi tan biến vào ngày thứ tư. Khi hướng Nam trở thành hướng Đông, tôi mua một chiếc la bàn, nhưng đi loanh quanh với chiếc la bàn chỉ khiến thành phố trông càng kém thật hơn. Các tòa nhà bắt đầu trông giống như những tấm phông của ảnh viện, người đi lại trên phố như những hình người cắt ra từ bìa các tông. Mặt trời mọc từ một phía của mảnh đất vô vị, bắn lên cao theo đường đạn đại bác hình cung, rồi lặn trên phía kia.

Ngày thứ năm, rồi ngày thứ sáu trôi qua. Tháng Mười đè nặng lên thành phố. Mặt trời khá ấm nhưng gió càng lúc càng mạnh, và đến cuối ngày tôi phải mặc một chiếc áo gió bằng vải cotton mỏng. Phố xá ở Sapporo rộng và thẳng đến sầu người. Cho đến lúc đó, tôi không hề biết là đi bộ quanh một thành phố không có gì ngoài những đường thẳng có thể làm người ta mỏi mệt đến nhường nào.

Tôi uống bảy tách cà phê mỗi ngày, cứ mỗi tiếng đi giải một lần. Và hầu như không muốn ăn uống gì.

“Sao anh không đăng rao vặt trên báo?” cô đề xuất. “Anh biết đấy, ‘Bạn cần liên lạc’ hay đại loại như vậy.”

“Không phải ý tồi,” tôi nói. Có kết quả hay không cũng chẳng quan trọng; còn hơn là không làm gì hết.

Thế là tôi đăng một mẩu rao ba dòng trên số buổi sáng của bốn tờ báo ngày hôm sau.

Gửi: Chuột

Hãy liên lạc. Khẩn!

Khách sạn Cá Heo, Phòng 406

Hai ngày sau đó, tôi đợi bên điện thoại. Ngày quảng cáo đăng có ba cuộc gọi. Một là từ một người địa phương.

“Cái ‘Chuột’ này là gì vậy?”

“Tên lóng của một người bạn tôi,” tôi trả lời.

Ông ta cúp máy, hài lòng.

Một cuộc gọi khác là để chơi khăm.

“Chít, chít,” giọng nói từ đầu dây bên kia nói. “Chít, chít.”

Tôi cúp máy. Thành phố này là chốn kỳ quặc chết tiệt. Cuộc gọi thứ ba là của một người đàn bà có giọng the thé.

“Ai cũng luôn gọi em là Chuột,” cô ta nói. Một giọng nói khiến người ta hầu như có thể nghe thấy đường dây điện thoại đung đưa trong gió xa.

“Cám ơn cô đã mất công gọi điện. Tuy nhiên, người tên Chuột mà tôi tìm là đàn ông,” tôi giải thích.

“Em cũng phần nào nghĩ vậy,” cô ta nói. “Nhưng dù sao thì, vì em cũng là Chuột, em nghĩ em nên gọi cho anh.”

“Thật lòng cám ơn cô nhiều.”

“Không có gì. Anh đã tìm thấy bạn anh chưa?”

“Chưa,” tôi nói, “tiếc là chưa.”

“Giá như em là người anh đang tìm… nhưng không, không phải em.”

“Mọi việc diễn ra như vậy. Tiếc quá.”

Cô ta yên lặng. Trong lúc đó tôi lấy ngón tay út gãi gãi mũi.

“Thật đấy, em chỉ muốn nói chuyện với anh,” cô ta quay trở lại.

“Với tôi ư?”

“Em không biết phải diễn đạt thế nào, nhưng em phải cố cưỡng lại một sự thôi thúc kể từ khi em đọc mẩu rao vặt của anh trên báo buổi sáng. Em không có ý làm phiền anh…”

“Vậy là chuyện cô được gọi là Chuột là chuyện bịa.”

“Đúng thế,” cô ta nói. “Chưa ai từng gọi em là Chuột cả. Em thậm chí không có bạn bè. Đó là lý do tại sao em muốn gọi anh đến vậy.”

Tôi thở dài thườn thượt. “Thôi, dù sao cũng xin cảm ơn.”

“Tha lỗi cho em. Anh quê ở Hokkaido à?”

“Tôi ở Tokyo,” tôi nói.

“Anh lặn lội từ Tokyo đến để đi tìm bạn anh?”

“Đúng thế.”

“Anh bạn này bao nhiêu tuổi?

“Mới tròn ba mươi.”

“Còn anh thì sao?”

“Hai tháng nữa tôi sẽ ba mươi.”

“Độc thân?”

“Phải.”

“Em hai mươi hai tuổi. Em đoán là mọi thứ trở nên khá hơn cùng với thời gian.”

“Xem nào,” tôi nói, “ai biết được? Có thứ trở nên tốt hơn, có thứ không.”

“Nếu chúng ta có thể gặp nhau vừa ăn tối vừa bàn chuyện thì thật hay quá.”

“Cô phải thứ lỗi cho tôi, nhưng tôi phải ở đây đợi điện thoại.”

“Ồ, vâng,” cô ta nói. “Xin lỗi vì mọi chuyện.”

“Dù sao cũng xin cảm ơn vì đã gọi.”

Tôi cúp máy.

Thông minh, rất thông minh. Gái gọi, có lẽ vậy, đang đi tìm mối. Đúng, cô ta có thể chỉ là một cô gái cô đơn. Cách nào thì cũng giống nhau thôi. Tôi vẫn chẳng có lấy một manh mối nào.

Ngày hôm sau chỉ có một cuộc gọi, từ một người đàn ông bị rối loạn thần kinh. “Anh nói là chuột đúng không? Để nó cho tôi.” Ông ta lải nhải mười lăm phút về chuyện đánh đuổi chuột tại một trại tập trung ở Siberia. Một câu chuyện thú vị, nhưng không manh mối.

Trong khi đợi điện thoại reo, tôi ngồi trên chiếc ghế lò xo cạnh cửa sổ và dành cả ngày quan sát điều kiện làm việc trên văn phòng tầng ba phía đối diện. Dù có nhìn cả ngày tôi cũng không thể hiểu được công ty ấy làm gì. Công ty có mười nhân viên, người ta liên tục chạy tới chạy lui như trong một trận bóng rổ. Một người đưa giấy tờ cho một người, một người đóng dấu chúng, rồi một người sẽ nhét chúng vào phong bì và chạy vội ra cửa. Trong lúc nghỉ ăn trưa, một cô thư ký có bộ ngực đồ sộ rót trà cho tất cả mọi người. Vào buổi chiều, vài người gọi cà phê tới. Điều này khiến tôi cũng muốn uống chút cà phê, thế là tôi nhờ người lễ tân ghi lại tin nhắn trong khi tạt qua quán cà phê. Trên đường về tôi mua hai chai bia. Khi tôi quay lại chiếc ghế bên cửa sổ, chỉ có bốn người còn ở lại văn phòng. Cô thư ký có bộ ngực đồ sộ đang nói đùa với một nhân viên cấp dưới. Tôi uống một chai bia và quan sát hoạt động của văn phòng, nhưng cái chính là cô ta.

Tôi càng nhìn bộ ngực của cô ta, nó lại càng có vẻ to lớn một cách không bình thường. Cô ta hẳn đã lồng gọng thép ở Cầu Cổng Vàng vào cái nịt vú. Một vài nhân viên cấp dưới có vẻ đang có mưu đồ gì đó với cô ta. Nhu cầu tình dục của bọn họ mạnh đến mức nó xuyên qua hai ô cửa kính và con phố nằm ở giữa. Thật buồn cười khi cảm nhận thấy nhu cầu tình dục của ai đó. Sau một hồi, người ta tưởng nhầm đó là của mình.

Lúc năm giờ, cô ta thay sang một chiếc váy đỏ rồi về nhà. Tôi kéo rèm cửa lại và xem một bộ phim chiếu lại về thỏ Bugs Bunny trên ti vi. Và thế là ngày thứ tám tại khách sạn Cá Heo trôi qua.

“Thật tuyệt chưa,” tôi nói. Cái vụ “thật tuyệt chưa” này đang dần trở thành một thói quen. “Một phần ba tháng đã trôi qua mà chúng ta vẫn chưa đi đến đâu.”


“Có vẻ như vậy,” cô nói. “Không hiểu Cá Trích như thế nào rồi nhỉ?”

Sau bữa tối, chúng tôi nghỉ ngơi trên chiếc xô pha màu cam xấu xí tại tiền sảnh khách sạn Cá Heo. Không có ai quanh đó ngoại trừ người lễ tân có ba ngón tay. Ông ta bận rộn suốt, leo lên thang thay bóng điện, lau cửa sổ, gấp báo. Có lẽ còn có những người khách khác ở chỗ này; có lẽ họ đều ở lì trong phòng như những xác ướp được giữ không cho tiếp xúc với ánh sáng ban ngày.

“Công việc thế nào anh?” người lễ tân dè dặt hỏi trong lúc tưới cây trong chậu cảnh.

“Không có gì đáng kể mấy,” tôi nói.

“Có vẻ như anh đăng rao vặt trên báo.”

“Đúng thế,” tôi nói. “Tôi đang cố tìm một người về chuyện thừa kế đất đai.”

“Thừa kế ư?”

“Đúng vậy. Vấn đề là người thừa kế biến mất, chỗ nào thì không biết.”

“Xin anh hãy kể tiếp. Nghe có vẻ như một chuyện thú vị.”

“Không hẳn vậy đâu.”

“Tôi không biết nữa, có vẻ gì đó rất Moby Dick ở chuyện ấy.”

“Moby Dick ư?”

“Tất nhiên. Cái cảm giác hồi hộp khi săn lùng ai.”

“Ví dụ như, một con voi ma mút?” bạn gái tôi nói.

“Tất nhiên. Tất cả đều liên quan đến nhau,” người lễ tân nói. “Thật ra, tôi đặt tên cho khách sạn này là khách sạn Cá Heo là vì trong Moby Dick có một cảnh cá heo.”

“Ô hô,” tôi nói. “Nhưng nếu đúng như vậy, đặt tên nó là khách sạn Cá Voi có hay hơn không?”

“Cá voi không phải một hình tượng hay cho lắm,” ông ta thú nhận với đôi chút hối tiếc.

“Khách sạn Cá Heo là một cái tên hay,” bạn gái tôi nói.

“Xin cám ơn chị nhiều,” người lễ tân mỉm cười. “Bỗng nhiên tôi chợt nhận ra có anh chị ở đây dài ngày như thế này là điềm rất lành, nên tôi muốn mời anh chị chút rượu để bày tỏ lòng cám ơn.”

“Chúng tôi rất vui lòng,” cô nói.

“Chúng tôi hết sức cảm kích,” tôi nói.

Ông ta đi vào phòng sau, một lúc sau xuất hiện trở lại với một chai vang trắng ướp lạnh và ba chiếc ly.

“Nâng cốc nào. Tôi vẫn đang làm việc nên chỉ nhấp một ngụm thôi.”

Chúng tôi uống rượu. Rượu không đặc biệt ngon, nhưng là một loại rượu nhẹ, nguyên chất, dễ chịu. Thậm chí cả ly cũng đẹp.

“Ông hâm mộ Moby Dick à?” tôi nghĩ ra chuyện để hỏi.

“Anh có thể nói vậy. Từ nhỏ tôi đã luôn muốn đi biển.”

“Và đó có phải là lý do hiện nay ông ở trong ngành kinh doanh khách sạn?” cô hỏi.

“Đó là lý do tôi mất ngón tay,” ông ta nói. “Thật ra thì, chúng bị cắt đứt trong ố́ng cuộn dây cầu tàu khi dỡ hàng dưới tàu lên.”

“Thật khủng khiếp làm sao!” cô thốt lên.

“Lúc đó mọi thứ đều đen tối. Nhưng cuộc sống thì hay thay đổi. Bằng cách này cách kia, cuối cùng thì tôi cũng có được cái khách sạn này ở đây. Không hẳn là một khách sạn, nhưng tôi cũng ổn thỏa nhờ nó. Tôi có nó đã mười năm rồi.”

Thế có nghĩa ông ta không phải lễ tân mà là chủ.

“Tôi không thể hình dung một khách sạn tốt hơn,” cô động viên.

“Xin cảm ơn chị nhiều,” người chủ khách sạn nói, rót thêm rượu cho chúng tôi.

“Chỉ trong vòng mười năm mà tòa nhà đã mang nhiều, ừm, đặc trưng,” tôi đánh bạo nói một cách không hề bối rối.

“Vâng, nó được xây ngay sau chiến tranh. Tôi thật may mắn đã mua được nó rẻ đến vậy.”


“Nó được dùng làm gì trước khi thành khách sạn?”

“Nó có tên là Tòa nhà Cừu Hokkaido. Chứa mọi loại giấy tờ và nguồn tin liên quan đến…”

“Cừu ư?” tôi nói.

“Cừu,” ông ta nói.

“Tòa nhà từng là tài sản của Hiệp hội Cừu Hokkaido, thế đấy, cho đến mười năm trước. Nhưng do số cừu nuôi trong vùng giám sát, Tòa nhà bị đóng cửa,” ông ta nói rồi nhấp rượu. “Thật ra, quyền giám đốc lúc bấy giờ là cha tôi. Ông không thể chịu được ý nghĩ Tòa nhà Cừu yêu quý của ông bị đóng cửa, thế nên với lý do bảo quản các nguồn tài liệu về cừu ông thuyết phục Hiệp hội bán cho ông lô đất và tòa nhà với giá rẻ. Vì thế, cho đến ngày nay cả tầng hai tòa nhà là phòng tư liệu về cừu. Tất nhiên, với tư cách tài liệu nghiên cứu thì hầu hết số đó đều cũ và vô dụng. Ông già lẩm cẩm mà. Phần còn lại chốn này là cho tôi kinh doanh khách sạn.”

“Thật là trùng hợp,” tôi nói.

“Trùng hợp ư?”

“Nếu đúng như sự thật, người chúng tôi đang kiếm có liên quan gì đó đến cừu. Và manh mối duy nhất chúng tôi có là một bức ảnh chụp cừu mà cậu ta gửi.”

“Anh không đùa chứ,” ông ta nói. “Tôi xem bức ảnh đó được chứ?”

Tôi rút bức ảnh cừu kẹp giữa các trang sổ ghi chép ra đưa cho ông ta. Ông ta cầm cặp kính trên quầy lên và xem xét bức ảnh.

“Có vẻ như tôi nhớ ra được khung cảnh này,” ông ta nói.

“Nhớ ra ư?”

“Chắc chắn rồi.” Nói đoạn, ông ta lấy chiếc thang vừa bỏ lại dưới ngọn đèn đem dựa vào bức tường đối diện. Ông ta mang xuống một bức ảnh được đóng khung. Rồi ông ta phủi bụi và đưa bức ảnh cho chúng tôi.

“Đây có phải là cùng một cảnh không?”

Bản thân cái khung đã cũ, nhưng bức ảnh trong đó thậm chí còn cũ hơn, đã ngả màu. Và đúng, ảnh có cừu trong đó. Tất cả khoảng sáu mươi con. Hàng rào, rừng cây bu lô, núi non. Rừng cây bu lô có hình dáng khác so với rừng cây trong bức ảnh của Chuột, nhưng dãy núi ở nền bức ảnh là một. Thậm chí bố cục ảnh cũng giống.

“Thật tuyệt chưa,” tôi nói với cô. “Ngần ấy thời gian chúng ta đi ngang qua ngay dưới bức ảnh này.”

“Đó là lý do tại sao em nói với anh nó phải là khách sạn Cá Heo,” cô buột miệng.

“Vậy thì,” tôi hỏi người đàn ông, “chính xác chỗ này là chỗ nào?”

“Tôi không biết chắc,” ông ta nói. “Bức ảnh đã được treo ở đó từ những ngày còn Tòa nhà Cừu.”

“Hừm,” tôi cằn nhằn.

“Nhưng có cách để tìm ra.”

“Cách nào vậy?”


“Hỏi ông cụ tôi. Ông có một phòng trên gác và ở đó cả ngày. Ông hầu như không ra ngoài, chỉ nghĩ đến đám tài liệu về cừu thôi. Đã nửa tháng nay tôi không nhìn thấy ông. Tôi chỉ để cơm nước trước cửa cho ông, và khay rỗng không sau ba mươi phút, vì thế tôi biết ông còn sống.”

“Liệu cha ông có thể cho chúng tôi biết chỗ trong bức ảnh là ở đâu không?”

“Có thể lắm. Như tôi nói lúc trước, ông là cựu giám đốc Tòa nhà Cừu, và dù sao thì ông biết tất cả những gì cần biết về cừu. Mọi người gọi ông là Giáo sư Cừu.”

“Giáo sư Cừu ư,” tôi nói.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 5-7-2014 18:20:42 | Chỉ xem của tác giả
Chương 27: Giáo Sư Cừu Ăn Hết, Kể Hết


Theo lời người con trai – chủ khách sạn Cá Heo, cuộc đời Giáo sư Cừu không hề hạnh phúc.

“Cha tôi sinh năm 1905 tại Sendai, con trai cả của một gia đình địa chủ,” người con trai giải thích. “Tôi sẽ nói theo lịch Tây, nếu anh chị không phiền.”
“Xin ông cứ tự nhiên.”

“Họ không thật giàu có, nhưng họ sống trên đất của chính mình. Một dòng họ lâu đời, trước kia được chủ nhân lâu đài địa phương ban cho một thái ấp. Thậm chí họ còn sản sinh ra một nhà nông học đáng kính về cuối thời kỳ Giang Hộ.

“Giáo sư Cừu ngay từ sớm đã xuất sắc về mặt học vấn, một thần đồng mà ai ở Sendai cũng biết. Và không chỉ chuyện học hành. Ông vượt tất cả ở tài chơi vĩ cầm và khi học cấp hai ông thậm chí còn biểu diễn một bản xô nát của Beethoven cho Nhật hoàng khi Người đến thăm vùng đó. Vì thế ông được thưởng một chiếc đồng hồ vàng.

“Gia đình cố hướng cho ông theo ngành luật, nhưng Giáo sư Cừu thẳng thừng từ chối. ‘Con không quan tâm đến luật,’ Giáo sư Cừu trẻ tuổi nói.

“ ‘Vậy hãy đi theo đường âm nhạc’ cha ông nói. ‘Gia đình nên có ít nhất một nhạc sĩ.’

“ ‘Con cũng không quan tâm đến âm nhạc.’ Giáo sư Cừu đáp lại.

Một khoảng yên lặng.

“ ‘Vậy thì,’ cha ông nói lớn, ‘mày muốn đi theo hướng nào?’ ”

“ ‘Con quan tâm đến nông nghiệp. Con muốn học về quản trị nông nghiệp.’

“ ‘Tốt thôi,’ cha ông nói một giây sau. Còn biết nói gì hơn? Giáo sư Cừu cẩn trọng và trung thực, loại thanh niên đã nói là làm. Cha ông không xen vào được lời nào.

“Năm sau, đúng như mong muốn của mình, Giáo sư Cừu trúng tuyển vào Khoa Nông nghiệp Đại học Hoàng gia Tokyo. Niềm yêu thích học hành từ hồi nhỏ của ông không có dấu hiệu suy suyển ngay cả ở đó. Mọi người, gồm cả các giáo sư của ông, đều dõi theo ông. Về mặt học tập, ông luôn luôn vượt trội như mọi khi, và ông rất được lòng mọi người. Nói tóm lại, ông là một trong số ít những người được Chúa lựa chọn. Không bị sự phóng đãng làm cho hư hỏng, ông đọc sách bất cứ lúc nào rảnh. Nếu mệt vì đọc sách, ông chơi vĩ cầm ở sân trong của trường, chiếc đồng hồ vàng luôn ở trong túi bộ đồng phục sinh viên.

“Ông đỗ đầu lớp và vào làm tại Bộ Nông Lâm vì là một trong những người ưu tú nhất. Luận văn tốt nghiệp của ông nói một cách đơn giản, là kế hoạch thống nhất nông nghiệp hóa trên diện rộng cho Nhật Bản, Triều Tiên và Đài Loan, vốn bị một số người chê là hơi bị lý tưởng hóa quá. Tuy nhiên, nó trở thành đề tài bàn tán thời đó.

“Sau hai năm trong Bộ, Giáo sư Cừu đến bán đảo Triều Tiên để tiến hành nghiên cứu trồng lúa. Bản báo cáo của ông, xuất bản với cái tên Nghiên cứu về trồng lúa tại bán đảo Triều Tiên, được chính phủ thông qua.

“Vào năm 1934, Giáo sư Cừu được triệu tập về Tokyo và được giới thiệu với một viên sĩ quan quân đội trẻ. Để phục vụ cho chiến dịch Bắc Trung Hoa sắp tới, Giáo sư Cừu được yêu cầu thành lập một chương trình tự cung tự cấp dựa trên cừu. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Giáo sư Cừu với cừu. Giáo sư Cừu tập trung phát triển một cơ cấu tổ chức chung cho để tăng năng suất cừu tại Nhật Bản, Mãn Châu và Mông Cổ. Mùa xuân sau đó, ông bắt đầu một chuyến quan sát thực địa.

“Mùa xuân năm 1935 trôi qua không biến động. Sự việc xảy ra vào tháng Bảy. Đang cưỡi ngựa, không ai đi cùng, trên chuyến quan sát địa hình, Giáo sư Cừu biến mất. Ở đâu thì không ai biết.

“Ba ngày, bốn ngày trôi qua. Vẫn không thấy Giáo sư Cừu. Đội quân tìm kiếm của quân đội tuyệt vọng lùng sục địa hình, nhưng không ai tìm thấy ông đâu. Có lẽ ông bị sói tấn công hoặc bị người bộ lạc bắt cóc. Rồi vào lúc chạng vạng một tuần sau đó, khi không ai còn hy vọng gì, một Giáo sư Cừu đầu tóc quần áo vô cùng xộc xệch đi lang thang trong trang trại. Mặt ông hốc hác, vài chỗ bị xước, nhưng mắt ông vẫn còn sáng. Ngựa của ông không còn, đồng hồ của ông cũng không còn. Lời giải thích của ông, mà dường như ai cũng sẵn lòng chấp nhận, là ông bị lạc đường và ngựa của ông ngã bị thương.

“Chưa đầy một tháng sau, một tin đồn kỳ dị lan ra khắp các cơ quan chính phủ. Lời đồn là ông đã có một mối quan hệ đặc biệt với cừu. Cái quan hệ đặc biệt này là gì thì không ai biết. Và thế là cấp trên triệu tập ông đến văn phòng và tiến hành một cuộc thẩm vấn để làm rõ sự việc. Các tin đồn không được tha thứ trong xã hội thuộc địa.

“ ‘Cậu có đúng là đã có quan hệ đặc biệt với cừu không?’ Cấp trên ông căn vặn.

“ ‘Tôi có ạ,’ Giáo sư Cừu trả lời.

“Cuộc thẩm vấn diễn ra như thế này:

Hỏi: Khi nói quan hệ đặc biệt, cậu muốn nói là cậu đã có quan hệ tình dục với cừu phải không?

Trả lời: Dạ không, không phải vậy.

Hỏi: Hãy giải thích.

Trả lời: Đó là một quan hệ tinh thần.

Hỏi: Đó không phải lời giải thích.

Trả lời: Thưa ngài, thật khó tìm được từ thích hợp, nhưng có lẽ mối liên hệ tâm linh là gần nghĩa nhất.

Hỏi: Cậu nói với tôi là cậu có mối liên hệ tâm linh với cừu ư?

Trả lời: Đúng vậy ạ.

Hỏi: Cậu nói với tôi là trong suốt tuần cậu biến mất cậu có mối liên hệ tâm linh với cừu ư?

Trả lời: Đúng vậy ạ.

Hỏi: Cậu có nghĩ rằng chừng đó là đủ lý do để sa thải cậu khỏi cơ quan không?

Trả lời: Thưa ngài, phòng tôi nghiên cứu cừu.

Hỏi: Mối liên hệ tâm linh với cừu không phải một chương trình nghiên cứu được công nhận. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu cậu sửa đổi lại cung cách của mình. Hãy xem xét việc cậu đỗ bằng danh dự Khoa Nông nghiệp Đại học Hoàng gia Tokyo, hồ sơ làm việc xuất chúng khi cậu vào Bộ. Cậu được kỳ vọng sẽ thành người định ra chuẩn mực cho ngành quản lý nông nghiệp của Đông Á trong tương lai.

Trả lời: Tôi hiểu ạ.

Hỏi: Vậy thì hãy quên cái mối liên hệ tâm linh vô nghĩa này đi. Cừu là vật nuôi. Đơn thuần là vật nuôi.

Trả lời: Tôi không thể quên được ạ.

Hỏi: Cậu sẽ phải giải thích lại hoàn cảnh đó.

Trả lời: Thưa ngài, lý do là có một con cừu trong tôi.

Hỏi: Đó không phải lời giải thích.

Trả lời: Giải thích thêm là không thể.

“Tháng Hai năm 1936. Giáo sư Cừu được triệu về Nhật Bản. Sau khi trải qua hàng loạt cuộc thẩm vấn tương tự, vào mùa xuân ông bị chuyển sang Bộ Lưu trữ Tham khảo, ở đó ông kê thành mục lục các tài liệu tham khảo và sắp xếp giá sách. Nói cách khác, ông đã bị thanh trừng khỏi hàng ngũ ưu tú cốt lõi của ngành quản lý nông nghiệp Đông Á.

“ ‘Con cừu đã không còn trú trong tôi nữa,’ Giáo sư Cừu nói với một người bạn thân hồi ấy. ‘Nhưng nó từng trú trong tôi.’

“Năm 1937. Giáo sư Cừu ra khỏi Bộ Nông Lâm và dùng một khoản vay của Bộ theo chương trình Mô hình Cừu Nhật Bản-Mãn Châu do ông từng quản lý, chuyển đến Hokkaido và trở thành người chăn cừu. 56 đầu cừu.

“Năm 1939. Giáo sư Cừu lấy vợ. 128 đầu cừu.

“Năm 1942. Con trai cả ra đời (người hiện là chủ kiêm điều hành khách sạn Cá Heo). 181 đầu cừu.

“Năm 1946. Lực lượng chiếm đóng Mỹ sung công trang trại nuôi cừu của Giáo sư Cừu làm trại huấn luyện. 62 đầu cừu.

“Năm 1947. Giáo sư Cừu vào làm tại Hiệp hội Cừu Hokkaido.

“Năm 1949. Vợ chết vì viêm phổi.

“Năm 1950. Giáo sư Cừu nhận chức giám đốc Hiệp hội Cừu Hokkaido.

“Năm 1960. Con trai cả mất ngón tay tại cảng Otaru.

“Năm 1967. Tòa nhà Cừu Hokkaido đóng cửa.

“Năm 1968. Khách sạn Cá Heo khai trương.

“Năm 1978. Một người buôn nhà đất trẻ tuổi hỏi thăm về bức ảnh cừu.

Nói cách khác, là tôi.

“Thật tuyệt chưa,” tôi nói.

“Tất nhiên rồi, tôi rất muốn được gặp cha ông,” tôi nói.

“Tôi không phản đối anh gặp ông cụ tôi, nhưng vì ông cụ tôi không thích tôi, anh thứ lỗi cho tôi nếu tôi đề nghị anh đi một mình,” con trai Giáo sư Cừu nói.

“Không thích ông ư?”

“Vì tôi mất hai ngón tay và đang trên đà hói.”

“Tôi hiểu,” tôi nói. “Một người lập dị, cha ông ấy.”

“Con cái mà nói thế này thì thật không phải, nhưng đúng vậy, đúng là một người lập dị. Một người thay đổi hoàn toàn từ khi ông gặp cừu. Cực kỳ khó khăn, thậm chí đôi khi tàn ác. Tận sâu thẳm trái tim ông là người tử tế. Nếu anh nghe ông chơi vĩ cầm, anh sẽ thấy điều đó. Cừu đã làm tổn thương cha tôi, và qua cha tôi, cừu đã làm tổn thương tôi.”

“Ông yêu cha mình, đúng không?” bạn gái tôi nói.

“Vâng, đúng thế. Tôi yêu ông lắm,” người chủ khách sạn Cá Heo nói, “nhưng ông không thích tôi. Ông chưa bao giờ ôm tôi từ ngày tôi ra đời. Chưa bao giờ có một lời tử tế với tôi. Và vì tôi mất hai ngón tay và bắt đầu hói, ông không làm gì ngoài việc chế nhạo tôi.”

“Tôi chắc chắn cha ông không có ý chế nhạo ông,” cô nói.

“Tôi cũng không tin là ông ấy có ý đó,” tôi nói.

“Anh chị thật tử tế quá,” người chủ khách sạn nói.

“Vậy, chúng tôi nên đi gặp trực tiếp ông ấy chứ?” tôi hỏi.

“Tôi không biết,” người chủ khách sạn nói. “Mặc dù tôi chắc chắn ông ấy sẽ gặp anh chị nếu anh chị nhớ hai điều. Một là nói rõ rằng anh chị muốn hỏi về cừu.”

“Còn điều kia?”

“Đừng nói tôi kể cho anh chị về ông ấy.”

“Được thôi,” tôi đáp.

Chúng tôi cảm ơn con trai Giáo sư Cừu và tiến thẳng lên cầu thang. Không khí nơi đầu cầu thang lạnh và ẩm. Ánh sáng mờ mờ, hầu như không để lộ đám bụi trong góc hành lang. Cả chốn đó bốc lên mùi không lẫn vào đâu được của giấy tờ cũ và mùi hôi cơ thể lâu ngày. Chúng tôi bước dọc hành lang, theo chỉ dẫn của người con trai và gõ lên cánh cửa cổ lỗ cuối hành lang. Một tấm biển nhựa cũ gắn vào cửa viết VĂN PHÒNG GIÁM ĐỐC. Không tiếng trả lời. Tôi gõ lần nữa. Lại không tiếng trả lời. Đến tiếng gõ thứ ba, có một tiếng rên, rồi là một lời đáp – “Đừng làm phiền tao. Đi đi.”

“Chúng tôi đến hỏi ông mấy điều về cừu, nếu có thể.”

“Ăn cứt ấy!” Giáo sư Cừu la lên từ bên trong. Một giọng nói cực kỳ mạnh khỏe so với một ông già bảy mươi ba tuổi.
“Chúng tôi thật sự phải nói chuyện với ông,” tôi hét qua cửa.

“Đừng có cho tao nghe cái đống cứt mày-muố́n-nói-chuyện-về-cừu ấy,” Giáo sư Cừu nói.

“Nhưng đó là việc có lẽ cần được thảo luận,” tôi nói ngọt. “Đó là về một con cừu mất tích vào năm 1936.”

Yên lặng một lát, rồi cánh cửa mở tung. Đứng trước chúng tôi là Giáo sư Cừu.

Giáo sư Cừu tóc dài, trắng như tuyết. Lông mày ông cũng trắng, buông xuống qua mắt như những cột băng. Ông cao khoảng một mét bảy tám. Thần thái bình tĩnh. Xương cốt cứng cáp. Mũi ông thò ra từ mặt tại một góc độ thách thức, trông giống như vật chướng ngại trượt tuyết.

Mùi cơ thể của ông lan khắp căn phòng. Không, tôi do dự không biết có nên gọi đó là mùi cơ thể. Khi đã qua một điểm nhất định, nó không còn là mùi cơ thể mà quyện với thời gian, hòa với ánh sáng. Những gì có lẽ từng là một khoảng không gian rộng lớn giờ lèn chặt đầy sách và giấy tờ cũ đến độ khó mà trông thấy sàn nhà. Hầu hết các ấn bản đều là những quyển sách uyên thâm bằng tiếng nước ngoài. Không ngoại lệ, tất cả đều bị hoen ố. Bên phải, dựa vào tường là một cái giường bẩn thỉu, và trước cửa sổ là một chiếc bàn bằng gỗ gụ to tướng cùng một chiếc ghế xoay. Mặt bàn khá ngăn nắp, giấy tờ xếp gọn gàng và được chặn bởi một cái chặn giấy hình con cừu. Căn phòng tối tăm, ánh sáng duy nhất là từ chiếc đèn sáu mươi oát phủ đầy bụi. Giáo sư Cừu mặc sơ mi xám, áo khoác len đen và quần hoa văn dích dắc đã mất hết dáng. Dưới ánh đèn trong phòng, chiếc sơ mi xám và áo len đen có thể bị nhầm tưởng là áo trắng và áo len xám. Có lẽ đó chính là màu nguyên thủy, khó nói được.

Giáo sư Cừu ngồi bên bàn, chỉ tay cho chúng tôi ngồi xuống trên giường. Chúng tôi tiến về đó, xoạc chân qua sách vở như thể vượt qua bãi mìn rồi ngồi xuống. Giường rõ ràng là đầy cáu ghét đến mức tôi sợ chiếc quần Levi's của tôi sẽ dính chặt vào khăn trải giường mất. Giáo sư Cừu gập ngón tay trên mặt bàn mà nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Ngón tay ông chắc mập với lông đen ở khắp đốt ngón. Màu đen hoàn toàn tương phản với màu trắng rực rỡ của mái đầu.

Bỗng nhiên, Giáo sư Cừu nhấc điện thoại và hét vào trong ống nghe, “Mang bữa tối lên đây, nhanh lên!”

“Xem nào,” Giáo sư Cừu nói. “Cậu nói cậu đến để bàn luận về con cừu mất tích vào năm 1936.”

“Đúng thế ạ,” tôi nói.

“Hừm,” ông nói. Rồi đột ngột, ông hỉ mũi rõ to vào một nùi giấy. “Cậu muốn kể điều gì không? Hay cậu muốn hỏi điều gì?”

“Cả hai ạ.”

“Trước hết, hãy cho tôi nghe điều cậu muốn kể.”

“Chúng tôi biết con cừu thoát khỏi ông năm 1936 đã trở thành gì.”

Giáo sư Cừu khịt khịt mũi. “Cậu nói với tôi là cậu biết tôi vứt bỏ mọi thứ tôi đã có vì một con cừu mà tôi đang cố kiếm trong bốn mươi hai năm?”

“Chúng tôi có biết điều đó,” tôi nói.

“Cậu có thể bịa ra chuyện này.”

Tôi lôi chiếc bật lửa bạc từ trong túi ra đặt lên bàn ông cùng bức ảnh cừu của Chuột. Ông thò một tay đầy lông ra, nhặt chiếc bật lửa và bức ảnh, rồi xem xét chúng cẩn thận dưới ánh đèn. Các phân tử yên lặng trôi trong phòng một lúc lâu. Cửa sổ kính trượt ngăn tiếng ồn của thành phố; chỉ có tiế́ng phù phù của chiếc đèn cũ kỹ chốc chốc lại ngắt quãng sự yên lặng.

Ông già, sau khi đã xem xét chiếc bật lửa và bức ảnh, tắt đèn đánh tách một cái và lấy những ngón tay chuối mắn dụi dụi mắt. Như thể ông đang cố nhét cầu mắt vào trong hộp sọ. Khi ông bỏ tay ra, mắt ông đỏ quạch, như mắt thỏ.

“Tha lỗi cho tôi,” Giáo sư Cừu nói. “Tôi đã bị vây quanh bởi bọn ngốc lâu quá, tôi trở nên mất lòng tin vào mọi người.”

“Không sao cả ạ,” tôi nói.

Bạn gái tôi mỉm cười lễ phép.

“Cậu có hình dung nổi cảm giác khi chỉ còn lại một tư tưởng duy nhất sau khi hiện thân của nó đã bị kéo tận gốc ra từ dưới ta?” Giáo sư Cừu hỏi.

“Dạ không, tôi không thể.”

“Đó là địa ngục. Một mê cung địa ngục dưới đất thậm chí một tia sáng hay một giọt nước cũng không khiến cái địa ngục ấy bớt kinh khủng. Đó là cuộc sống của tôi bốn mươi hai năm qua.”

“Vì con cừu này ư?”

“Đúng, đúng, đúng. Tất cả vì con cừu này. Con cừu đã bỏ tôi mắc kẹt giữa mọi thứ. Vào mùa xuân năm 1936.”

“Và để đi tìm con cừu này mà ông đã rời Bộ Nông Lâm, tôi nói đúng không?”

“Những thằng cha chỉ biết có giấy tờ đó toàn là lũ điên. Bọn chúng không biết tí gì về giá trị thật sự của mọi thứ. Có lẽ chúng sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa vĩ đại của con cừu ấy.”

Rồi có một tiếng gõ cửa, theo sau là một giọng phụ nữ. “Tôi mang thức ăn lên cho ngài đây.”

“Cứ để đấy,” Giáo sư Cừu nói.

Tiếng chiếc khay ăn được để trên sàn theo sau bởi tiếng vọng bước chân rời xa dần.

Bạn gái tôi mở cửa và bưng khay thức ăn đến bàn Giáo sư Cừu. Trên khay là xúp, xa lát, bánh mì cuộn và thịt băm cho Giáo sư Cừu, cộng thêm hai cà phê cho chúng tôi.

“Cô cậu ăn rồi à? Giáo sư Cừu hỏi.”

“Dạ rồi, cám ơn ông,” tôi nói.

“Cô cậu ăn gì?”

“Cừu xốt vang,” tôi nói.

“Tôm nướng,” cô nói.

Giáo sư Cừu cằn nhằn. Rồi ông ăn xúp và nhai rau ráu bánh mì nướng. “Xin lỗi tôi ăn khi cô cậu nói chuyện. Tôi đang đói.”

“Tất nhiên rồi ạ,” chúng tôi nói.

Giáo sư Cừu ăn xúp và chúng tôi uống cà phê. Trong khi ăn Giáo sư gục đầu nhìn chăm chăm vào trong bát.

“Ông có biết nơi trong bức ảnh là ở đâu không?” tôi hỏi.

“Thực ra là có. Tôi biết nơi đó rõ lắm.”

“Ông sẽ nói cho tụi tôi biết chứ?”

“Đợi đã,” Giáo sư Cừu nói, đặt sang bên chiếc bát giờ đã rỗng không. “Mỗi lúc nói một thứ thôi. Hãy bắt đầu bằng các sự kiện năm 1936. Tôi sẽ nói trước, rồi đến cậu.” Tôi gật đầu.

Giáo sư Cừu bắt đầu. “Đó là vào mùa hè năm 1935 khi con cừu nhập vào tôi. Tôi bị lạc đường trong một chuyến điều tra các cánh đồng cho gia súc ăn cỏ gần biên giới Mãn Châu – Mông Cổ, rồi tôi bất chợt thấy một cái hang. Tôi quyết định qua đêm ở đó. Đêm ấy tôi mơ thấy một con cừu hỏi tôi, liệu nó có thể vào trong người tôi không? Tại sao không? tôi nói. Lúc ấy, tôi không nghĩ nhiều về chuyện đó. Rốt cuộc, nó là một giấc mơ thôi mà.” Ông già cười như nắc nẻ khi chuyển qua món xa lát.

“Ấy là một giống cừu tôi chưa từng thấy trước đó. Do công việc nên tôi đã quen với mọi giống cừu trên thế giới, nhưng con này độc đáo lắm. Sừng nó cong một góc kỳ lạ, chân nó mập lùn và bè bè, mắt nó trong như nước mùa xuân. Lông nó trắng tinh, trừ một ngôi sao hơi nâu trên lưng. Không hề có con cừu nào như vậy trên thế gian này. Đó là lý do tôi nói với con cừu nó có thể nhập vào người tôi. Là một chuyên gia về cừu, tôi không định để một con vật hiếm như thế đi mất.”

“Vậy ông cảm thấy thế nào khi có con cừu trong cơ thể mình?”

“Không có gì đặc biệt, thật đấy. Chỉ cảm thấy như có con cừu này trong tôi. Tôi cảm thấy nó vào buổi sáng. Tôi thức dậy là đã có con cừu này trong tôi. Một cảm giác hoàn toàn tự nhiên.”

“Ông có bị nhức đầu gì không?”

“Không một lần từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ.”

Giáo sư Cừu tấn công sang món thịt băm, chấm đẫy vào nước xốt trước khi hăng hái tọng vào miệng. “Ở những vùng thuộc lãnh thổ Bắc Trung Hoa và Mông Cổ, chuyện cừu nhập vào cơ thể người không phải chuyện hiếm. Dân bản địa tin rằng cừu nhập vào cơ thể là phúc lành được các đấng thần linh ban phát. Chẳng hạn, một cuốn sách xuất bản vào triều đại nhà Nguyên có viết rằng một con cừu trắng mang hình ngôi sao nhập vào cơ thể Thành Cát Tư Hãn. Thật thú vị, cậu có thấy thế không?”

“Khá thú vị ạ.”

“Con cừu nhập vào cơ thể ấy được cho là bất tử. Và người chứa con cừu cũng được cho là bất tử. Tuy thế, nếu con cừu thoát ra, sự bất tử cũng biến mất. Tất cả là tùy vào con cừu. Nếu con cừu thích người chủ, nó sẽ ở hàng thập kỷ. Nếu không – vèo! – nó đi mất. Những người bị cừu bỏ được gọi là những người không cừu. Nói cách khác, những người như tôi.”

Chóp chép, chóp chép.

“Kể từ khi con cừu ấy nhập vào cơ thể tôi, tôi bắt đầu đọc những nghiên cứu dân tộc học và văn hóa dân gian liên quan tới cừu. Tôi đi quanh phỏng vấn dân địa phương và kiểm tra các bản viết cổ. Chẳng bao lâu lời đồn lan ra là tôi bị cừu nhập, và những lời đồn đó đến tai ông sĩ quan chỉ huy của tôi. Ông sĩ quan chỉ huy không nương nhẹ chuyện đó. Tôi bị gắn mác không đủ khả năng về mặt tinh thần và nhanh chóng bị chuyển về Nhật. Một ‘trường hợp thuộc địa’ điển hình.”

Sau khi ăn hết ba viên thịt băm, Giáo sư Cừu chuyển sang món bánh mì cuộn.

“Sai lầm cơ bản của nước Nhật hiện đại là chúng ta không học hỏi được tí gì từ mối quan hệ với các dân tộc châu Á khác. Điều đó cũng đúng khi nói đến cách đối xử của chúng ta với cừu. Việc chăn nuôi cừu ở Nhật Bản thất bại chính vì chúng ta coi cừu đơn thuần là nguồn lấy len và lấy thịt. Cấp độ cuộc sống thường nhật biến mất khỏi suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta giảm đến mức tối thiểu yếu tố thời gian để tăng tối đa kết quả. Với tất cả mọi thứ chúng ta đều như vậy. Nói tóm lại, chúng ta không khôn ngoan chút nào. Chúng ta đã thua trận không phải là không có lý do.”

“Tôi suy ra là, con cừu đó đã theo ông về Nhật,” tôi nói, quay trở lại đề tài.

“Đúng thế,” Giáo sư Cừu nói. “Tôi trở về bằng tàu từ Pusan. Con cừu đi cùng với tôi.”

“Vậy ông cho là mục đích của con cừu là gì?”

“Tôi không biết,” Giáo sư Cừu làu bàu. “Con cừu không nói tôi biết. Nhưng đúng là con vật có một mục đích chủ yếu. Điều đó thì tôi biết. Một kế hoạch vĩ đại nhằm thay đổi nhân tính và thế giới loài người.”

“Một con cừu có kế hoạch làm tất cả những việc đó ư?”

Giáo sư Cừu gật đầu trong khi tọng nốt mẩu bánh mì vào trong miệng và phủi phủi vụn bánh mì khỏi tay. “Không việc gì phải quá hốt hoảng. Hãy xem Thành Cát Tư Hãn đó.”

“Ông nói đúng,” tôi nói. “Nhưng tại sao lại là bây giờ? Tại sao lại là nước Nhật?”

“Tôi đoán là tôi đã đánh thức con cừu. Nó lẽ ra đã có thể tiếp tục ngủ vùi trong cái hang ấy hàng trăm năm. Và tôi thật ngu ngốc lại đi đánh thức nó dậy.”

“Không phải lỗi của ông,” tôi nói.

“Không,” Giáo sư Cừu nói. “Đó là lỗi của tôi. Lẽ ra tôi nên hiểu được điều đó từ lâu rồi. Lẽ ra tôi nên góp một tay. Nhưng tôi mất một thời gian dài mới hiểu được. Và đến lúc tôi hiểu được, con cừu đã chạy mất.”

Giáo Sư Cừu trở nên yên lặng. Ông lấy tay dụi dụi cặp lông mày trắng như băng. Như thể sức nặng của bốn mươi hai năm đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách cơ thể ông.

“Một buổi sáng tôi thức dậy và con cừu đã đi mất. Đến lúc đó tôi mới hiểu ‘không cừu’ nghĩa là gì. Hoàn toàn là địa ngục. Con cừu đi mất chỉ để lại một tư tưởng. Nhưng không có con cừu thì không cách nào tống khứ tư tưởng ấy đi được. Đó chính là những gì ‘không cừu’.”

Giáo sư Cừu lại hỉ mũi vào nùi giấy. “Nào giờ đến lượt cậu nói.”

Tôi bắt đầu bằng lộ trình con cừu đã đi sau khi nó rời khỏi Giáo sư Cừu. Con cừu đã nhập vào cơ thể của một thanh niên cánh hữu trong tù. Ngay sau khi ra khỏi nhà tù, người thanh niên này đã trở thành một nhân vật cánh hữu chủ chốt. Sau đó ông ta đến Trung Hoa đại lục và xây dựng một mạng lưới tình báo và đồng thời cả một gia tài. Ông ta bị gắn mác tội phạm chiến tranh Loại A nhưng được thả ra để đổi lấy mạng lưới tình báo trên đại lục. Và, sử dụng gia tài mang từ Trung Hoa về, ông ta đã đặt nền móng cho cả mạng lưới ngầm chính trị, kinh tế, thông tin, vân vân.

“Tôi có nghe về người này,” Giáo sư Cừu nói một cách cay đắng. “Bằng cách nào đó con cừu có khả năng phán đoán kỳ lạ mục tiêu có nhiều khả năng nhất.”

“Nhưng mùa xuân năm nay, con cừu đã bỏ cơ thể ông ta mà đi. Bản thân ông ta đang trong cơn hôn mê, sắp chết. Cho đến tận bây giờ, có vẻ như một cơn rối loạn chức năng não đang thay thế cho con cừu.”

“Thật hạnh phúc biết bao. Chẳng thà cái ‘không cừu’ ấy đừng có cái vỏ tỉnh thức nửa vời này.”

“Ông nghĩ tại sao con cừu bỏ cơ thể ông ta mà đi – sau ngần ấy thời gian gây dựng nên một tổ chức đồ sộ?”

Giáo sư Cừu thở dài thườn thượt. “Cậu vẫn không hiểu sao? Những gì xảy ra với người đó cũng giống như với tôi. Ông ta đã sống lâu hơn cái sự hữu dụng của mình. Con người có giới hạn, và con cừu không dùng đến những người đã đạt đến giới hạn của mình. Tôi đoán là ông ta không hiểu hết những gì con cừu đã dành cho ông ta. Vai trò của ông ta là xây dựng một tổ chức đồ sộ, và một khi điều đó đã hoàn tất, ông ta bị vứt bỏ. Giống như con cừu dùng tôi như một phương tiện vận chuyển.”

“Vậy kể từ đó con cừu đã làm gì?”

Giáo sư Cừu nhặt bức ảnh trên bàn và lấy ngón tay búng nhẹ. “Nó đi lang thang khắp nước Nhật để tìm một người chủ mới. Đối với con cừu, hẳn điều đó có nghĩa là lên kế hoạch để đưa một người mới lên đỉnh của tổ chức.”

“Và con cừu đang tìm kiếm gì?”

“Như tôi đã nói trước, tôi không thể diễn đạt điều đó bằng lời một cách chính xác. Những gì con cừu tìm kiếm là hiện thân của ý nghĩ cừu.”

“Như thế có hay không?”

“Đối với suy nghĩ của con cừu, tất nhiên như thế là tốt.”

“Còn đối với ông thì sao?”

“Tôi không biết,” ông già nói. “Tôi thật sự không biết. Kể từ khi con cừu bỏ đi, tôi không thể nói được trong tôi bao nhiêu phần là tôi, còn bao nhiêu phần là cái bóng của con cừu.”

“Ban nãy, ông có nói về việc góp một tay. Thế nghĩa là gì?”

“Tôi không định nói cho cậu biết.” Giáo sư Cừu lắc đầu.

Một lần nữa, yên lặng lại bao phủ căn phòng. Bên ngoài, một trận mưa nặng hạt bắt đầu rơi. Cơn mưa đầu tiên kể từ khi chúng tôi đến Sapporo.

“Một việc cuối cùng: ông có thể cho chúng tôi biết nơi trong bức ảnh ở đâu không?” tôi hỏi.

“Ở khu trang trại nơi tôi từng sống trong chín năm. Tôi từng nuôi cừu ở đó. Bị Quân đội Mỹ sung công ngay sau chiến tranh, và khi họ trả nó lại tôi bán nó cho một tay lắm tiền nào đó để làm nhà nghỉ dưỡng có đồng cỏ. Có thể vẫn là cùng một người chủ.”

“Liệu ông ta vẫn còn nuôi cừu chứ?”

“Tôi không biết. Nhưng nhìn bức ảnh thì đúng là có vẻ ông ta đang nuôi cừu. Dù sao đi nữa, nó ở rất xa mọi khu dân cư. Không còn căn nhà nào khác trong tầm mắt. Đường sá không thể đi được vào mùa đông. Tôi chắc chắn là người chủ dùng chỗ đó chỉ hai, có lẽ ba tháng trong năm. Ở đó dễ chịu và yên tĩnh.”

“Có ai chăm sóc chốn đó khi người chủ không có ở đó không?”

“Tôi ngờ là chẳng ai ở đó qua mùa đông. Ngoài tôi ra, tôi không thể hình dung lại có người ở đó qua mùa đông. Người ta có thể thuê những người chăn cừu tại thị trấn dưới chân đồi trông nom đàn cừu. Mái nhà nghiêng cho nên tuyết theo tự nhiên sẽ trượt xuống đất, và không phải lo lắng gì về trộm cướp. Ngay cả nếu có ai ăn cắp thứ gì ở đó thì vác về thị trấn cũng khó. Lượng tuyết rơi ở đó kinh khủng lắm.”

“Vậy giờ ở đó có ai không?”

“Hừm, có thể không phải bây giờ. Tuyết sắp rơi rồi và gấu sẽ lang thang kiếm ăn trước khi chúng ngủ đông. Cậu không định lên đó đấy chứ?”
“Có lẽ chúng tôi sẽ phải đi. Chúng tôi không có manh mối nào khác.”

Giáo sư Cừu ngồi một lúc không nói gì. Nước sốt cà chua từ thịt băm dính nơi khóe miệng.

“Cậu nên biết rằng trước cậu cũng có một người khác đến đây hỏi về trang trại. Khoảng tháng Hai. Tuổi và hình dáng, chà, có vẻ giống cậu. Cậu ta nói cậu ta quan tâm đến bức ảnh trong tiền sảnh khách sạn. Lúc đó tôi đang chán, thế là tôi kể cho cậu ta điều này điều kia. Cậu ta nói đang tìm kiếm tư liệu cho một cuốn tiểu thuyết cậu ta viết.”

Tôi rút trong túi ra ảnh Chuột và tôi chụp cùng nhau. Ảnh chụp tám năm trước trong J’s Bar. Tôi nhìn nghiêng, hút thuốc, Chuột nhìn về phía máy ảnh, giơ ngón cái làm hiệu đồng ý. Cả hai chúng tôi đều trẻ và rám nắng.

“Người này là cậu, đúng không?” Giáo sư Cừu nói, giơ bức ảnh dưới ánh đèn. “Trẻ hơn giờ.”

“Đúng.”

“Người kia chính là cậu thanh niên đó. Cậu ta trông già hơn ảnh này và có ria, nhưng đúng là cậu ta.”

“Ria ư?”

“Một bộ ria nhỏ khá gọn gàng, phần còn lại thì râu mọc lởm chởm.”

Tôi cố gắng hình dung Chuột có ria, nhưng không thể hình dung được.

Giáo sư Cừu vẽ cho chúng tôi một tấm bản đồ chi tiết tới trang trại. Phải đổi tàu gần Asahikawa tới một đường nhánh và đi ba tiếng đồng hồ để đến thì trấn chân đồi. Từ đó mất ba tiếng đi xe đến trang trại.

“Xin chân thành cám ơn ông vì mọi thứ,” tôi nói.

“Nếu cậu thực sự muốn biết sự thật, tôi nghĩ càng ít người liên quan đến con cừu đó càng tốt. Tôi là một ví dụ điển hình. Không một ai lại hạnh phúc hơn một khi đã bị quấn vào với nó. Giá trị bản thân một cá nhân không thể chống đỡ trước sự hiện diện của con cừu. Nhưng thôi, tôi đoán là cậu có lý do của mình.”

“Đúng như thế đấy.”

“Giờ hãy cẩn thận,” Giáo sư Cừu nói. “Và làm ơn đặt bát đĩa cạnh cửa hộ tôi.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách