Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Chihiro
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Truyện Ngắn] Venise Và Những Cuộc Tình Gondola | Dương Thụy

[Lấy địa chỉ]
21#
Đăng lúc 26-9-2012 20:34:48 | Chỉ xem của tác giả
Giấc mơ đẹp Montreux

Thụy Sĩ là một nước nhỏ bé nhưng có nhiều nơi để thăm viếng như bất cứ một nước nào rộng lớn ở châu Âu. Đơn giản vì hình như ở đâu cũng có một vẻ duyên dáng riêng: một hồn phố lạ, một góc hồ tĩnh lặng, một ngôi làng trên núi… Thụy Sĩ có một nền công nghiệp du lịch rất chuyên nghiệp và phát triển, thu hút đến mười phần trăm tổng số lao động của đất nước. Mỗi năm Thụy Sĩ đóng mười triệu khách du lịch. Khách đa phần đến Thụy Sĩ để trượt tuyết, họ tiêu tiền vào môn thể thao hấp dẫn, khiến hàng chục khu nghỉ mát trên dãy núi Alps luôn tấp nập. Và lẽ dĩ nhiên, Thụy Sĩ là thủ đô của môn trượt tuyết trên thế giới. Có những khu nghỉ mát trên núi sang trọng và đắt tiền đến mức chỉ dành cho giới hoàng gia và tỷ phú. Ngoài dãy núi Alps với các điểm trượt tuyết, những thành phố ven hồ Léman như Genève, Lausanne, Lucerne, Vevey, Montreux… cũng là một trong những điểm du lịch rất hấp dẫn
 
Thành phố âm nhạc
 
Montreux là một thành phố nhỏ, nằm bên hồ Léman lãng mạn và rặng núi Dents-du-Midi xinh đẹp. Nơi đây có thể nói là địa điểm tuyệt vời với đầy đủ hồ, núi, hoa và bầu trời xanh trong vắt. Một nơi có nhiều thắng cảnh độc đáo mà đã một lần ghé qua, không ai có thể dễ dàng quên.
 
Tôi đến Montreux dự tuần lễ triển lãm nghệ thuật nằm trong tòa nhà Trung tâm Hội nghị và Triển Lãm. Một người Thụy Sĩ có vài tác phẩm trưng bày đã mời tôi. Tòa nhà quả xứng với tên gọi, nơi có thể tổ chức các buổi hội nghị và triển lãm quốc tế một cách chuyên nghiệp nhất và là một trong những địa chỉ đáng tự hào của Montreux. Tòa nhà bằng kính trong suốt, được xây từ năm 1974, nằm hướng thẳng ra hồ Léman. Từ khi xây dựng đến nay, tòa nhà liên tục được mở rộng và cuối cùng giữ nguyên diện tích vào năm 1993 sau khi khánh thành phòng hòa âm Igor Atravinski. Kể từ khi có phòng hòa âm này, thành phố được cả thế giới biết đến nhờ festival quốc tế nhạc Jazz Montreux tổ chức vào tháng bảy hàng năm.
 
Ngoài festival Jazz, Montreux còn được mệnh danh là thành phố âm nhạc với các lễ hội như festival âm nhạc quốc tế (mang tính cổ điển), festival hoa hồng vang (mang tính dân gian)… Montreux còn là nơi các tín đồ nhạc rock tìm đến để viếng tượng của ca sĩ nhạc rock người Anh Freddie Mercury, chết vì bệnh AIDS. Người dân dành hẳn một ngày cuối tuần trong tuần đầu tiên của tháng chín để tưởng nhớ Freddie Mercury, chàng ca sĩ tài hoa vắn mệnh.
 
Sau khi xem triển lãm ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm, tôi bách bộ đi tham quan các ngôi trường quốc tế danh tiếng đào tạo các chuyên viên khách sạn. Trong số đó có trường Glion, H.I.M, S.H.M.S… Ba ngôi trường này tự hào được bình chọn là nơi đào tạo ngành khách sạn tốt nhất Thụy Sĩ. Vì thế, thật dễ hiểu khi ở Montreux, tôi gặp rất nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới, vóc dáng trẻ đẹp, lịch thiệp, thân thiện. Họ là một trong hai ngàn du học sinh quốc tế đến Montreux học về du lịch và khách sạn.
 
Kè hoa và thủy tiên vàng
 
Và đã đến Montreux, không thể không nhắc đến bờ kè hoa bao quanh hồ Léman rực hoa. Bờ kè này được đặt tên là “kè hoa”, và y như tên gọi, bờ kéo dài từ trung tâm thành phố đến khu Terriet tràn ngập các loài hoa được trồng tỉa công phu, lúc nào cũng tỏa một mùi hương thơm dịu, quyến rũ, mộng mơ. Đặc biệt hoa Thủy tiên (Narcisuss) được xem là biểu tượng của Montreux. Chắc trên thế giới này không ó nơi nào đi dạo lãng mạn như dọc theo kè hoa này. Những bông hoa khoe sắc bên mặt hồ lung linh, xa xa là dãy núi Dents-du-Midi trải dài, xanh rờn ngút mắt, thỉnh thoảng vài chiếc tàu mang cờ Thụy Sĩ lướt ngang, những con chim chao lượn vờn quanh… Tôi chỉ mong thời gian đừng trôi nữa. Đặc biệt, trong ráng chiều đỏ sậm buổi hoàng hôn, khi dãy núi Dents-du-Midi trở nên sẫm lại và mặt nước hồ Léman không còn trong vắt, bức tượng của Freddie Mercury với một tay vung lên trông thật kiêu hãnh nhưng đơn độc và buồn bã. Như cuộc đời nhiều vinh quang nhưng cũng lắm bi kịch của chàng.
 
Lâu đài Chillon
 
Montreux còn một điểm đến tuyệt vời nữa: lâu đài Chillon nằm bên hồ Léman tuyệt đẹp. Lâu đài nằm giữa một bên là hồ, một bên là núi, cảnh trí vô cùng độc đáo. Lâu đài Chillon của Thụy Sĩ nổi tiếng không thua gì lâu đài Chenonceau ở thung lũng sông Loire của Pháp và hàng năm thu hút hơn ba trăm ngàn du khách từ khắp các nơi. Lâu đài có hình vòm, cao 110 mét và rộng 50 mét, được xây dựng trên một tảng đá khổng lồ hình bầu dục nằm bên hồ Léman. Từ cuối thế kỷ 18, lâu đài đã là một điểm đến của những văn sĩ trường phái lãng mạn. Từ Jean-Jacques Rousseau cho đến Victor Hugo, Alexandre Dumas, GustaveFlaubert hay Lord Byron, lâu đài Chillon luôn có cách hấp dẫn văn nghệ sĩ thế giới do địa thế độc đáo của mình.
 
Tôi được một người quen dắt đi thăm lâu đài Chillon và cắt nghĩa rất tường tận từng viên gạch nhỏ. Ông này vốn được chọn lựa giữa những nhà khảo cổ học châu Âu để trùng tu lâu đài, nên có thể nói Chillon như nhà của ông vậy. Tôi thích nhất được đứng trong một phòng ngủ, cửa sổ bằng đá, nhìn ra hồ Léman và dãy núi Dents-du-Midi, nghe nước vỗ nhè nhẹ vào chân lâu đài. Tôi tưởng tượng thời của những ông hoàng bà chúa, các cô tiểu thư hay chống cằm ngồi tựa cửa sổ thế này. Với cảnh trí lãng mạn, hẳn trong lòng các cô có nhiều “tâm sự” lắm thay. Một ngày nào đó, một chiếc thuyền đến neo xa xa, một chàng trai tuấn tú chèo xuống nhỏ một mình tiến sát vào cửa sổ, và sẽ là một lời tỏ tình tha thiết…
 
Tôi thì không còn mơ được gặp những chàng trai đẹp mã, chàng hoàng tử cũng không thèm hiệp sĩ. Tôi chỉ hy vọng một ngày, tôi sẽ có dịp quay lại Montreux, sẽ đi dạo ở kè hoa, ngắm núi xanh xanh phản chiếu xuống hồ. Đó là giấc mơ đẹp nhất!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
Đăng lúc 26-9-2012 20:36:06 | Chỉ xem của tác giả
Lausanne: Phố trong rừng
 
Nhắc đến Thụy Sĩ, người ta thường nhớ đến Genève, một thành phố nổi tiếng trong lịch sử với những hiệp ước được ký kết tại đây. Nhưng Thụy Sĩ không chỉ có Genève, còn nhiều thành phố xinh đẹp khác rất xứng đáng được chúng ta biết đến. Trong số đó có Lausanne, một trong những nơi có khung cảnh rất ngoạn mục và còn được mệnh danh là thành phố Olympic. Tôi đã ở tại thành phố đặc biệt này trong suốt tháng chín, thời điểm đầu thu, lãng mạn với trời se lạnh, lá vàng bay và những cơn mưa bất chợt.
 
Thành phố của học thuật và thương mại
 
Trong suốt một tháng tại Lausanne, tôi nhận ra đây là một thành phố trẻ, có nhiều hoạt động văn hóa và thể thao đa dạng. Ngoài ra Lausanne còn được xem là thành phố của nghiên cứu và học thuật, với các trường Đại học và nhiều trung tâm khoa học quốc tế. Ngoài trường Đại học danh tiếng Lausanne, thành phố có tới hàng trăm các trường ngôn ngữ và học viện tư thục lâu đời. Con cái của những gia đình quí tộc quyền quí ở khắp nơi trên châu Âu được gởi vào học tập nơi đây với một phương pháp và kỷ luật độc đáo. Những trường này có mức học phí rất cao và tuy lâu đời, họ luôn biết năng động tiếp thị để luôn chiêu sinh được những sinh viên hiện đại. Trường Quản lý Khách sạn Lausanne là một nơi danh tiếng chuyên đào tạo các nhân viên khách sạn, đầu bếp, chuyên gia du lịch hàng đầu thế giới. Đây là một trong những ngôi trường mà bất cứ ai làm du lịch cũng mong ước được một lần đến học. Và từ rất lâu, Lausanne là nơi được các tập đoàn đa quốc gia chọn làm nơi đặt trụ sở chính, như Philip Morris, Marboro, Toblerone… Những khu mua sắm sầm uất với đầy đủ các tên tuổi hàng hiệu quốc tế và những tiệm đồng hồ Thụy Sĩ cũng góp mặt tại đây.
 
Rừng trong phố
 
Mặc dù vậy, thành phố trông không hiện đại và không mang phong cách “techno”. Ngược lại, Lausanne là một thành phố nằm trong rừng, hoặc nói cách khác, có những khu rừng nằm trong Lausanne. Thành phố ôm trong lòng hồ Léman (hồ trung tâm châu Âu), trải dài cùng những khu trồng nho, khu rừng thông thiên nhiên, rừng nhân tạo và vùng đồng cỏ thôn quê. Thế mà người Lausanne vẫn còn “khát” màu xanh đến nỗi họ có thêm khá nhiều công viên rộng lớn rất xinh đẹp như Monrepos, Montbenon, Milan, thảo cầm viên và nhiều khu vườn khác nữa.
 
Trong thời gian ở Lausanne, tôi ngụ trong căn hộ của ông bà nội, số 26 phố Cánh đồng Mặt trời (Chemin de Champs Soleil), nằm trong một khu rừng nhỏ. Đường phố ở Lausanne đa phần được gọi là “chemin” (tiếng Pháp có nghĩa là đường mòn nằm ở vùng thôn quê), rất ít đường được gọi là “rue” (đường phố thành thị) như ở các nước láng giềng Pháp và Bỉ. Lý do duy nhất vì người Lausanne luôn nghĩ mình sống trong rừng và hòa hợp cùng thiên nhiên tươi đẹp. Nếu chia theo tỷ lệ thì mỗi người dân Lausanne được “hưởng thụ” đến 26 mét vuông khoảng xanh.
 
Mỗi sáng tôi cùng ông nội vượt một cây số “đường rừng”, cẩn thận đặt từng bước chân lên thảm lá vàng ẩm ướt, ung dung tự tại… xách giỏ đi siêu thị mua thức ăn. Chúng tôi chỉ cần bước qua khỏi ranh giới của rừng là rơi ngay vào khu vực của “phố”, với đầy đủ những cửa hàng mua bán bận rộn và những siêu thị đầy đủ chủng loại. Buổi chiều tôi cùng bà nội rải thức ăn ra bậu cửa sổ rồi chống cằm chuyện gẫu chờ bọn thú rừng như sóc, thỏ, chim muông sà đến kiếm thức ăn. Buổi tối tôi mở hé cửa sổ cho gió lạnh tràn vào cùng những giấc mơ thần tiên, nghe văng vẳng bên tai tiếng suối chảy róc rách, nửa tỉnh nửa mê ngỡ mình là “công chúa ngủ trong rừng”, hoang đường chờ hoàng tử đến hôn cho một cái!
 
Bạn sẽ không tưởng tượng nổi, phố trong rừng, rừng trong phố. Vậy Lausanne là phố hay rừng? Nôm na thế này: thành phố được xây dựng trên ba ngọn đồi, nhà cửa mọc nhấp nhô, ẩn hiện trong những khu rừng. Ven hồ Léman, những dãy sườn đồi dốc đứng có những tòa lâu đài và biệt thự sang trọng nằm chênh vênh. Xuyên qua những kẽ hở của nhà cửa, núi Savoy Alps tuyết phủ trắng xóa quanh năm đang lấp ló. Cảnh trí vô cùng xinh đẹp với màu xanh của cây, màu trắng của tuyết, màu xám của nhà, màu hồng của hoa… Gợi cảm và quyến rũ!
 
Hồ Léman và cảng Ouchy
 
Buổi chiều khoảng ba giờ là thời điểm đẹp nhất trong ngày để đi dạo ở Lausanne. Tôi thường cùng ông bà nội đi bộ một đoạn đường rừng, rồi tiếp tục lấy xe điện ra bến cảng Ouchy nằm bên hồ Léman. Đây là khu vực trung tâm thành phố, có nhiều tòa nhà hành chính cùng các loại cờ của gần một trăm quốc gia. Dù Thụy Sĩ nổi tiếng không thích người nhập cư, nhưng có đến 38% cư dân ở Lausanne là người nước ngoài và học được chăm sóc rất tốt.

Hồ Léman là niềm kiêu hãnh của người Thụy Sĩ dù hồ này còn phải chia đôi diện tích sử dụng với người Pháp. Từ Lausanne, tại bến cảng Ouchy, người ta có thể đáp thuyền đến Genève, đến các thành phố khác nằm ven hồ Léman, và thậm chí, “vượt biên” sang Pháp. Bến cảng là nơi có mật độ giao thông khá tấp nập. Thế mà vẫn còn chỗ bình yên cho một đàn thủy cầm vươn những cái cổ dài kiêu hãnh ra “Bonjour” mọi người. Cảng Ouchy được xây dựng quy củ, có cầu tàu xinh đẹp đầy những bồn hoa sặc sỡ, có những công trình kiến trúc hiện đại mà vẫn cổ kính, những quán nhỏ mang phong cách “núi rừng”, những vòi phun nước, những cửa hàng xinh xinh… Từ Ouchy, người ta cũng có thể mua vé vào những “hộp thủy tinh” có cáp treo, lên đỉnh đồi nhìn cảnh trí hồ Léman hoặc đi xa hơn, đến một khu du lịch trượt tuyết nào đó trên các dãy núi cao. Thường tôi hay mua một cây kem ba màu, ngồi trên bờ kè ven hồ, vừa nhấm nháp vừa nhìn đàn thiên nga trắng lượn lờ, những chiếc tàu mang cờ Thụy Sĩ đến rồi đi…

Bảo tảng Olympic
 
Ở Lausanne ngày nào tôi cũng được ông bà nội chăm sóc, dắt đi dạo các công viên, đi mua bánh kẹo và chocolat, tham dự những festival về âm nhạc, phim ảnh, kịch nghệ… Những festival về văn hóa không lúc nào ngơi vì chính quyền thành phố tài trợ cho các hoạt động này. Người dân được định hướng, được giảng dạy, được tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật, giải trí… Nói không ngoa, họ có một bề dày văn hóa do được giáo dục và cập nhật liên tục trong suốt cuộc đời mình. Những hoạt động văn hóa đối với họ cũng quan trọng và cần thiết như những nhu cầu bình thường về ăn mặc, đi lại, học hành.
 
Ngoài những hoạt động này, thể dục thể thao cũng được đánh giá cao và hầu như người Lausanne nào cũng tham gia ít nhất một môn thể thao. Họ chơi thể thao có phường hội, có tổ chức, có bác sĩ theo dõi, động viên… Người lười thể thao nhất mà sống ở Lausanne thì chí ít cũng phải năng đi bộ. Và như một tất yếu, Lausanne là thủ đô Olympic với bảo tàng Olympic rất độc đáo. Năm 1915, bá tước Pierre de Coubertin thiết lập văn phòng tổ chức Olympic ở Lausanne và triển khai một bảo tàng. Từ đó đến nay, bảo tàng này là nơi cất giữ những di sản Olympic và thu thập nhiều hiện vật liên quan đến quá trình phát triển phong trào Olympic.
 
Tôi đến thăm bảo tàng Olympic vào một ngày nắng đẹp. Ngay ở vườn ngoài của bảo tàng đã thu hút tôi với nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo đề cao cái đẹp của thể thao. Này là một khẩu súng có nòng bị thắt nút lại với dòng chữ “Không bạo lực”, này là một nhóm tượng các vận động viên đi xe đạp đang gò mình nhấn pê-đan, này là một cơ bụng săn chắc của đàn ông với nhiều múi cơ bắp gọn ghẽ và “ngon mắt” như những ô vuông chocolat Lindt. Cứ vài giây những múi cơ bắp này sẽ tách ra và nhập lại một lần, công sức của một vận động viên thể hình để có được những cơ bụng “đâu ra đó” được đề cao xiết bao.
 
Vào bên trong bảo tàng, tham gia nhiều hoạt động, tôi nhận ra đây là một bảo tàng có sự tương tác với người tham quan. Không hề nhàm chán và khô khan như những bảo tàng khác với các tủ kính trưng bày, các pho tượng, các thuyết minh cũ rich. Ở bảo tàng Olympic, tôi có thể trực tiếp nghe các bảng thuyết minh hấp dẫn, những máy vi tính và công nghệ số giúp khách tham quan cảm nhận được những giây phút chiến thắng tuyệt vời của cá vận động viên, được cùng chia sẻ nỗi xúc động với các khán giả có mặt trực tiếp vào thời điểm đó. Đây quả là nơi bạn có thể thu thập mọi thông tin và cảm xúc liên quan đến lịch sử thế vận hội Olympic.
 
Ngày tôi rời Lausanne, thành phố đang có những cơn mưa thu bao phủ. Lá vàng rơi như trút ở khu rừng bao quanh thành phố Cánh đồng Mặt trời. Tôi không mấy buồn khi “để lại” ông bà mình. Tôi quá yên tâm khi biết rằng không nơi nào trên thế giới này có thể chăm sóc họ tận tình như ở Lausanne, thành phố của những giấc mơ cổ tích ngọt ngào.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
Đăng lúc 26-9-2012 20:38:18 | Chỉ xem của tác giả
Genève: Thành phố may mắn

Vào một ngày thu đẹp trời, từ Lausanne, tôi lấy xe lửa lên Genève chơi. Ngồi xe lửa có cái thú ngắm cảnh đẹp đã đành, hên còn gặp được những hành khách dễ thương.
 
Trên chuyến xe Lausanne- Genève, tôi ngồi gần một anh chàng Thụy Sĩ đẹp trai vô cùng. Dù chàng đã có vợ con, nhưng chẳng hề chi, chuyến đi như ngắn lại nhờ chàng luôn miệng cười và giới thiệu về đất nước Thụy Sĩ xinh tươi. Đó là một anh lính về thăm nhà. Ở Thụy Sĩ đàn ông nào cũng phải trải qua một giai đoạn trong quân ngũ, hết hạn vài tháng thì xuất ngũ về với gia đình và công việc trước đó của mình. Nếu có chiến tranh, xem như công dân nào cũng đã được rèn luyện trong quân đội, sẽ nhập ngũ ra chiến trận.
 
Khi nói điều này, anh lính đẹp trai lại vui vẻ cười: “Thụy Sĩ luôn là nước trung lập, khó có thể nghĩ một lúc nào đó đất nước lâm vào cảnh binh đao!”. Tàu gần tới Genève thì anh lính xuống, không quên tặng tôi một gói bánh ngọt làm quà. Đoạn đường còn lại chỉ chừng mười lăm phút nhưng tôi thấy sao xa quá. May mà khi vào ga, Genève hiện ra quá thân thiện.
 
Vị trí địa lý độc đáo
 
Cảm giác thân thiện của Genève đến từ vẻ mộc mạc của một thành phố mang tầm vóc quốc tế mà diện tích lại nhỏ xinh. Các góc phố, những con đường lót đá, những hàng cây xanh, những bồn hoa rực rỡ sắc màu. Genève không rộng lớn như London, không hào nhoáng như Paris, không có những khu đô thị và các tòa nhà chọc trời như New York. Thế mà Genève vẫn mang trọng trách của một thành phố lịch sử, vẫn có những tòa nhà quốc tế nghiêm trang, và ở đây có đến bốn mươi phần trăm là người nước ngoài. Genève có một vị trí địa lý thật lý tưởng: tọa lạc bên hồ Léman, nơi dòng sông Rhône chảy ra khỏi hồ, một bên thành phố được dãy núi Jura che chở, bên còn lại được những đỉnh núi cao của dãy Savoy Alps bao quanh. Một thành phố quốc tế nằm giữa núi, sông, hồ và… hoa. Hỏi còn nơi nào lôi cuốn hơn Genève.
 
Ngân hàng và đồng hồ Thụy Sĩ
 
Thế nhưng Genève không chỉ là một thành phố du lịch, một nơi cổ kính hoặc nơi để người ta đến để vui chơi cuối tuần. Thành phố thật sầm uất và luôn bận rộn với những hoạt động kinh doanh của mình. Có hàng chục tòa nhà cao tầng của các ngân hàng uy tín tọa lạc tại RiveGauche (bờ trái) của Genève. Ai cũng biết Thụy Sĩ là trung tâm tài chính quốc tế và Genève là một trong những thành phố ngân hàng của Thụy Sĩ. Phía sau khu ngân hàng là con đường mang tên dòng sông Rhône. Trên con đường này là những shop bán nữ trang, đồng hồ Thụy Sĩ, những cửa hàng thời trang và các quầy dịch vụ đa dạng. Tôi cũng “bon chen” vào một shop đồng hồ và chỉ dám chui vào hiệu Swatch, là một hiệu đồng hồ thời trang dành cho giới trẻ, giá rẻ hơn rất nhiều so với các hiệu “sừng sỏ” khác. Cuối cùng tôi cũng mua một cái Swatch có dây bằng nhựa màu xanh. Về Việt Nam đeo ai cũng nói giống đồ của con nít. Mặc kệ, dù sao trong đời tôi cũng được đeo… đồng hồ Thụy Sĩ.
 
Khách sạn càng nhỏ càng đắt
 
Tại Genève, khách du lịch còn bị rơi vào mê hồn trận với vô số các khách sạn xinh đẹp. Khách sạn ở Thụy Sĩ nổi tiếng có dịch vụ rất tốt, nhân viên luôn tận tình và phòng ốc luôn được trang trí ấm cúng. Các khách sạn thanh thế mà đa phần đều trông cổ kính, nhỏ nhắn và có một cái duyên riêng, khiến cho ai bước vào cũng ngỡ mình đang trở về nhà, thoải mái và tự tin.
 
Một điển hình là khách sạn OldTown nằm trên đỉnh đồi trông thật độc đáo. Khách sạn được xây bằng sỏi, nhìn đơn sơ, mộc mạc như một căn nhà vùng miền núi. Khách sạn cổ kính này nghe nói rất đắt tiền nhưng một khi đã bước vào, chẳng ai còn muốn bước ra. Hãy cẩn thận: Khách sạn Thụy Sĩ trông càng nhỏ, càng cổ kính, càng “bình thường” thì giá phòng càng đắt. Những khách sạn to lớn, “ô dề”, xây theo lối kiến trúc hiện đại để có nhiều phòng thì giá lại bình dân.
 
Bảo tàng và các trụ sở quốc tế
 
Đến Genève không thể không đến những bảo tàng cao cấp nằm vây quanh nhà thờ chính tòa Saint Pierre ngay trung tâm thành phố. Các bảo tàng này chứa đựng những tác phẩm nghệ thuật đa dạng và phong phú không thua kém gì các bảo tàng lớn ở Paris. Ngoài bảo tàng, Genève đặc biệt được biết đến như một nơi trú ngụ của các trụ sở quốc tế. Trụ sở châu Âu của Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Quốc tế của hội Chữ Thập Đỏ là hai trong số rất nhiều những trụ sở quốc tế đóng ở Genève. Điều này minh chứng cho tính an toàn, độ tin cậy về mặt ngoại giao và tính chính xác về mặt hành chính của Genève. Thành phố xứng đáng là thủ đô của các trụ sở quốc tế với hàng trăm lá cờ đủ màu của các nước trên thế giới. Nói không ngoa, tại Genève, mọi thứ đều được đảm bảo, nhất là về an ninh.
 
Công viên, hồ và núi
 
Vì Genève nằm giữa sông nước, hồ và núi non, thành phố sẽ chẳng cần thêm bất cứ một công viên nào để có khoảng xanh thiên nhiên. Thế nhưng thật sai lầm khi nghĩ như thế, người Genève rất yêu thiên nhiên và những công viên ở đây được chăm chút rất cẩn thận. Các bồn hoa luôn được trồng luân phiên các loại hoa theo mùa để vào mùa đông giá lạnh Genève cũng không trông tẻ nhạt. Trong các công viên nằm rải rác khắp thành phố như vườn Anglas, Parc La Grange, bàn tay con người hiện diện ở khắp nơi. Các lối đi luôn được xén cỏ công phu, những công trình điêu khắc bằng cây xanh, những bức tượng hoa sắc sảo, những chiếc đồng hồ bằng cỏ đang vận hành và chỉ giờ rất chính xác. Các bụi hoa hồng trồng dày đặc luôn tỏa hương. Trên mặt hồ Léman mà người dân ở đây gọi là hồ Genève, vòi nước Jeux d’eau coa một trăm bốn mươi mết luôn phun trào thu hút sự chú ý của mọi người. Cũng có khi gió thổi quá mạnh, người ta tắt vòi nước vì nếu không, gió thổi tạt nước vào khách bộ hành đang đi trên phố. Tôi cũng đã bị gió tạt nước vào ướt chút đỉnh, nhưng tôi xem đó là “lộc may mắn” của mình khi đến Genève.
 
Ở Genève tôi không có cảm giác mình là người nước ngoài vì sự thật có quá nhiều người nước ngoài đang sinh sống ở đây. Tứ hải giai huynh đệ, Genève xứng đáng được người nước ngoài yêu mến. Và thật ngộ nghĩnh, thành phố này cũng cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch Thụy Sĩ dễ dàng hơn những vùng khác trong cùng một lãnh thổ. Và một khi đã là dân Genève, bạn đang có may mắn sinh sống tại một trong những thành phố tốt nhất trên thế giới (theo đánh giá của UNESCO). Với riêng cá nhân tôi, có dịp đến thành phố độc đáo này trong vài ngày đã là một may mắn. Và tôi tin sự may mắn này sẽ theo tôi mãi. Sau chuyến đi đó, quả thật tôi có dịp đến nhiều nơi khác nữa. Cảm ơn Genève, thành phố may mắn của tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
Đăng lúc 26-9-2012 20:39:50 | Chỉ xem của tác giả
HÀ LAN
Mọi thứ đều có thể ở Amsterdam

Amsterdam là một thành phố đặc biệt có ý nghĩa với tôi. Đó là nơi tôi “đi bụi” đầu tiên, dù là đi với một cô bạn. Amsterdam còn là nơi giúp tôi có một cái nhìn “người lớn” hơn, về những vấn đề luôn “hot” trong thời đại: sex. Đến Amsterdam, một người nguyên tắc cỡ nào cũng phải nhủ lòng “Đó là cuộc đời!”, khi chứng kiến những điều vượt khỏi trí tưởng tượng. Amsterdam đã dạy tôi: “Đừng bao giờ nói không thể”.
 
Thế nào là open-tour
 
Từ Paris, tôi mua open-tour, ngủ đêm trên xe lúc mười một giờ khuya và đến Amsterdam lúc chín giờ sáng. Anh chàng hướng dẫn thao thao kể về thành phố này với một vẻ say mê đặc biệt. Dân tình trong xe đa phần là giới trẻ và sinh viên, đều dưới hai mươi sáu tuổi. Đây là độ tuổi để đi du lịch giá rẻ vì khắp châu Âu đều có hệ thống nhà trọ dành cho thanh niên, giá rất mềm, và dĩ nhiên dịch vụ cũng mềm như… bún. Chúng tôi đến “Auberge de jeunesse” (nhà nghỉ dành cho giới trẻ), bỏ hành lý ở quầy tiếp tân, ghi tên mình vào danh sách check in, cùng ăn sáng rồi… chia tay nhau từ đây. Chàng hướng dẫn thế là xong nhiệm vụ, “Open-tour mà, bạn tự khám phá Amsterdam, công ty du lịch chúng tôi chỉ giúp bạn đặt nhà trọ, lo xe thôi!”. Tôi tá hỏa, nhưng cũng đành chấp nhận. Chàng động viên “Can đảm lên, tự khám phá bao giờ cũng thú vị hơn bị người ta dắt đi một cách thụ động!”. Lúc đó tôi hơi cáu, nhưng sau chuyến đi đó tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Xung quanh tôi các bạn trẻ cũng đã năng động vác ba-lô, cầm bản đồ, háo hức chuẩn bị hành trình chinh phục thành phố hoa Tulip này.
 
Amsterdam dậy trễ
 
Tôi và cô bạn Việt cùng dắt tay nhau ra khỏi nhà trọ. Chúng tôi đi chưa được bao xa thì tôi không thể nào bước tiếp nữa. Chiếc giày Adidas tôi mua ở Sài Gòn bị rớt lìa cái đế ra. Tôi không nhớ rõ cảm giác tức giận vì mua hàng hiệu mà bị “đo ván” khó chịu như thế nào, nhưng tôi nhớ như in mình đã cười nắc nẻ khi cô bạn có sáng kiến lượm một cọng thun ngoài phố để cột chiếc giày lại cho tôi. Dù sau đó chúng tôi cố nhai thật nhiều kẹo cao su để lấy bã kẹo làm keo dán giày, tôi phải chấp nhận thực tế mình phải tậu một đôi giày mới. Amsterdam gần mười giờ sáng, thế nhưng thành phố chưa khởi động. Các cửa hiệu đều chưa thèm mở cửa. Lê gót bằng một chiếc giày cột thun kỳ quặc, tôi cũng “lết” ra được trung tâm thành phố.
 
Amsterdam đặc biệt có hệ thống xe điện kêu lanh canh, chỉ cần men theo đường sắt của xe điện, không ai sợ lạc ở thành phố này cả. Chúng tôi chụp vài tấm hình nhà thờ lớn, những dãy nhà gạch hồng hẹp mà cao lêu nghêu, những tấm biển quảng cáo với hình người mẫu mát mẻ… thì tới giờ các cửa hàng mở cửa. Tôi lao ngay vào một tiệm bán giày, “made in U.S.A” đàng hoàng và quyết định rất nhanh mua một đôi. Đó là đôi giày thể thao rất kiên cố, xét về mặt thẩm mỹ khá khiêm tốn và giá cũng khá cao do Hà Lan có mức sống cao hơn các nước láng giềng. Nhưng tôi không có sự chọn lựa nào khác. Về sau, khi tôi mang đôi giày này lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm ở châu Âu, rong ruổi cả năm dài du học ở Bỉ và đem về Việt Nam chạy bộ, tôi mới khoái chí nhận ra rằng đó là một đôi giày rất đáng đồng tiền bát gạo. Và giày là một dụng cụ cần thiết để “đi bụi”, đừng bao giờ tiếc tiền cho nó.
 
Tất cả những con kênh đều nhỏ
 
Hí hửng với đôi giày mới tậu, tôi cùng cô bạn bắt đầu hành trình chinh phục Amsterdam. Chúng tôi cầm bản đồ dành cho người đi bộ và vui vẻ nhận ra mỗi bước chân đưa mình gặp những điều mới mẻ thú vị. Amsterdam nằm bên sông Amstel và có một hệ thống kênh rạch, sông ngòi dày đặc. Cứ đi vài mét là đến một chiếc cầu be bé. Người Pháp gọi Hà Lan bằng cái tên rất tượng hình “Pays-Bas” (đất nước thấp). Giờ tôi mới hiểu vì sao. Hà Lan nằm thấp hơn mực nước biển nên phải có hệ thống đê bao quanh cực tốt. Và dĩ nhiên, hệ thống thoát nước, cầu đường, sơ đồ xây dựng các thành phố của Hà Lan phải thật đảm bảo. Amsterdam có nhiều con kênh, và mỗi con kênh có hàng tá cầu bắc ngang. Tôi không biết chính xác có tổng cộng bao nhiêu chiếc cầu ở thành phố này nhưng ước tính cũng phải hàng trăm chiếc. Những dãy nhà dọc theo những con kênh có cùng một kiến trúc đồng bộ. Tất cả đều hẹp chừng bốn mét và cao ba đến bốn tầng. Nóc nhà cao vút có dạng bậc thang ngộ nghĩnh. Nếu tìm nhà ở Amsterdam, chắc chắn bạn phải biết số nhà, vì mọi nhà trông giống hệt nhau, không thể phân biệt được.
 
Xe đạp và hơn thế nữa
 
Nhắc đến Amsterdam ai cũng biết xe đạp là một biểu tượng. Tôi không nghĩ người dân thích bảo vệ môi trường đến mức chê xe hơi. Đơn giản vì thành phố này không lý tưởng chút nào với các loại xe bốn bánh. Đường đa phần là một chiều, nhỏ hẹp, chốc chốc phải qua cầu mà cầu nhỏ xíu qua không lọt. Vậy không đi xe đạp còn đòi đi bằng gì? Xe đạp dựng khắp nơi, khóa lung tung ở cột đèn, trên các thanh cầu, bên các gốc cây. Khóa là khóa vậy, nhưng nếu để qua đêm mất chẳng ai đền. Thật ngạc nhiên khi tôi biết rằng hàng năm có đến 100.000 xe đạp bị “thó” mất ở Amsterdam
 
Tuy nhìn có vẻ xinh xắn, bé nhỏ nhưng thực chất Amsterdam là một trong những thành phố rộng lớn nhất Hà Lan, nên người dân ngoài xe đạp còn sử dụng xe điện để đi lại và đương nhiên còn có một loại hình giao thông khác: ghe xuồng! Cảnh sát Amsterdam thì có một phương tiện khác khá hữu hiệu: ngựa. Nhìn họ cao lớn, mặc đồng phục oai phong, cưỡi những con ngựa lộp cộp bảnh chọe trông thật hoành tráng. Cứ thế, cảnh sát phi ngựa chen giữa đường phố cùng xe đạp, xe điện, người đi bộ và thỉnh thoảng là những chiếc xe không giống ai (xe ba bánh, xe lôi, xe xích-lô). Ngoài Amsterdam ra, chưa ở đâu tôi thấy người dân dùng các phương tiện tự chế ngộ nghĩnh đến vậy.
 
Sex and the city
 
Khoảng mười hai giờ trưa trở đi, nắng vàng, trời đẹp, thiên hạ lũ lượt đổ ra phố thành từng dòng đông kinh khủng. Các quán giải khát tràn ra cả vỉa hè, các cô bồi bàn mặc bikini, đeo tạp dề bưng bê thật hấp dẫn. Trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm, tất cả các vật dụng đều nhuốm màu sex dưới hình thức hài hước. Tôi nhảy dựng lên la chói lói khi bất ngờ thấy một chiếc áo T-shirt in hình “cái đó” của ông Adam. Chưa bao giờ trong đời tôi mục kích nó trần trụi đến thế, ít ra cũng có cái lá nho chứ! Nghe tiếng tôi thét lên, một số khách quay đầu lại nhìn. Không dám gây chú ý cho thiên hạ, tôi đành tự bịt mắt mình khi thấy bất kỳ món hàng nào “kinh dị”.
 
Ra khỏi các cửa hàng lưu niệm, tôi lọt vào “Sex museum” mà về sau tôi viết truyện tả là “Bảo tàng của sợ hãi”. Hãi thật chứ chẳng chơi vì từ một người “trong sáng như pha lê”, tôi thình lình thấy những cảnh “đồi bại” của loài người. Tuy thế, cuối buổi tham quan, một câu thuyết minh trong bảo tàng làm tôi “giác ngộ”: đừng lên án sex, vì sex giúp bạn… ra đời!
 
Mọi thứ đều có thể
 
Ở Amsterdam nhiều người thích đến phố Đèn đỏ xem hoạt động kinh doanh sex công khai. Chuyến đi ấy tôi không đến chỗ này dù cũng tò mò tìm kiếm nhưng không gặp. Bù lại, tôi tình cờ gặp Lydia, một người bạn Pháp quen. Cô mới từ trong một “Porno shop” bước ra. Tôi nói muốn vào trong xem cho biết nhưng Lydia ngăn lại: “Đừng! Với tao thì được chứ cỡ mày - cô lắc đầu cương quyết - nặng đô lắm!”.
 
Lydia cỡ tuổi tôi nhưng đã từng qua Việt Nam nên hiểu văn hóa Á Đông. Cô giải thích ở Amsterdam có rất nhiều những “nhà hát” với các diễn viên chuyên nghiệp đóng cảnh “porno” (con heo). Cảnh tượng rất “hãi hùng” và “ghê tởm” nếu khán giả còn trong sáng hoặc người già nhưng “nhà quê”. Lydia còn cho biết những chốn “ghê rợn” khác như “sex với thú”, “sex với nhục hình”, “sex cùng lúc nhiều người”. Tóm lại, những gì liên quan tới sex, chỗ khác không có thì Amsterdam “thầu” hết. Ngoài ra, Amsterdam còn là thành phố đầu tiên trên thế giớ công nhận hôn nhân đồng tính, công khai hoạt động chích ma túy tại một công viên, công khai các băng nhóm tội phạm… “Những gì mày từng nghĩ ‘không thể’ đều ‘có thể’ ở Hà Lan này” - Lydia khoái chí nhìn tôi đang há hốc - “Thậm chí cả việc đàn ông bị hiếp dâm bởi phụ nữ, ha ha…”
 
Chia tay Amsterdam sau hai ngày du hí, dù chưa khám phá hết thành phố “đặc biệt” này, tôi cũng tự bằng lòng nhìn Amsterdam đang dần dần lùi xa. Những chiếc cầu bé xinh, xe đạp lãng mạn, dòng kênh yên bình, hoa tulip rực rỡ… Tạm biệt Amsterdam, nơi Thiên thần và Ác quỷ có thể sống hòa bình.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
Đăng lúc 26-9-2012 20:41:31 | Chỉ xem của tác giả
Liège: Thành phố nhẹ nhất thế giới

Lần đầu tiên khi bước chân xuống ga Guillemins ở Liège, tôi buồn rầu nhận ra thành phố… xấu quá. Từng đi Bruges và Bruxelles, những thành phố nổi tiếng đẹp xinh của Bỉ, nên tôi thấy Liège trông như một con vịt nhỏ xấu xí. Thế rồi trong suốt một năm du học ở đây, ngày ngày lấy bus số 48 lên đồi Sart-Tilman nơi có ngôi trường Đại học Liège nằm ẩn trong rừng xanh, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình đã yêu thành phố này từ khi nào chẳng rõ.
 
Hợp chủng quốc sinh viên
 
Liège không có những công trình thế kỷ, không có kiến trúc cổ xưa độc đáo, không có cả cái không khí thanh bình thường gặp ở một thành phố châu Âu. Nhưng Liège là nơi tụ họp những bạn trẻ từ khắp nơi cùng đến tìm kiến thức. Trường Đại học Liège là một trong những ngôi trường châu Âu danh tiếng với các khoa, các ban, các nhánh học thật phong phú. Vì thế, ở Liège tôi có thể gặp những sinh viên đủ mọi màu da và kết bạn với đủ mọi quốc tịch: Masako đến từ Nhật để học ngành khảo cổ, Zineb người Maroc học văn chương, Nadine từ Canada sang hoàn thành khóa kỹ sư hàng không, Zita gốc châu Phi chọn học nuôi trồng thủy hải sản, Philippe từ nước láng giềng Pháp sang học ngành thú y, rồi những cô cậu trẻ măng mãi tận bên Mỹ cũng hăm hở đến Liège học về hàng hải, xây dựng và nông nghiệp. Có thể nói Liège là thành phố “hợp chủng quốc” dành cho những người trẻ.
 
Đường phố nhún nhảy
 
Những ngày cuối tuần, sinh viên lao vào khu phố cổ Carré đông nghịt để nhảy nhót, đàn hát, ăn uống, tổ chức những trò chơi phong phú như hóa trang, vũ hội, đố vui… Họ đùa giỡn ầm ĩ, kéo nhau rồng rắn diễu hành khắp thành phố kể cả vào mùa đông lạnh giá. Khi người ta trẻ, dù nhiệt độ có xuống đến mức âm cũng chẳng bận lòng. Rồi những tháng ngày xuân-hè, nam thanh nữ tú lại hiện diện khắp nơi theo những lễ hội âm nhạc, ngày Francophonie (ngày nói tiếng Pháp), ngày quốc khánh Bỉ, ngày nhà vua và còn biết bao ngày lễ mà tôi không tài nào nhớ nổi. Chỉ biết rằng vào những ngày đó, các sân khấu đặt ở ngoài trời, ca sĩ từ chuyên nghiệp đến bán chuyên nghiệp và cả nghiệp dư cùng cống hiến nhiệt tình những bản nhạc sôi động làm nức lòng giới trẻ. Chúng tôi cùng nhún nhảy bên nhau dù chẳng hề quen biết. Cùng nắm tay ngước nhìn bầu trời đầy sao và chiêm ngưỡng những đợt pháo hoa đẹp như những giấc mơ thời thơ ấu.
 
Chợ trời La Batte bên sông La Meuse
 
Vào mỗi sáng chủ nhật, tiếng chuông các giáo đường đồng loạt từng hồi vang lên đánh thức những cô cậu ham chơi đã trắng đêm hôm trước. Chúng tôi mắt nhắm mắt mở động viên nhau cố gắng “lết” đến chợ trời La Batte trải dài theo con sông La Meuse. Với túi tiền eo hẹp của giới sinh viên, chợ trời chỉ họp một lần duy nhất trong tuần là vị cứu tinh cung cấp rau xanh, trái cây, cá tươi và đủ thứ thực phẩm phong phú. Thường chúng tôi cùng mua cả bao tải khoai tây, khệ nệ vác những túi táo chín mọng, đội lên đầu vài ba ký củ hành. Phải mua sỉ giá mới rẻ, và cứ thế mà về chia với nhau để tiết kiệm từng đồng sau khi vung tay quá trán vào những câu lạc bộ đêm tối thứ bảy vừa qua.
 
Ẩm thực giá rẻ
 
Những ngày không lên giảng đường hay đã quá rã rời sau những giờ học căng thẳng trong thư viện, tôi thường một mình bách bộ lang thang “window-shopping”. Liège có đầy đủ sản phẩm hàng hiệu của thế giới, từ tột đỉnh xa xỉ đến giá “mềm ơi là mềm” dành cho giới trẻ. Về mặt ẩm thực, Liège cũng không thua kém thủ đô Bruxelles với đầy đủ những nhà hàng từ cao cấp đến bình dân giá bèo. Nào là “cuisine” Pháp, Ý, Hy Lạp, Trung Hoa, Braxin, Maroc…, kể cả Việt Nam cũng có đến trên dưới mười nhà hàng lớn nhỏ. Tôi vẫn thường làm khách hàng ruột của một nhà hàng Ý có ghi bảng giảm giá mười phần trăm cho sinh viên. Với một pizza “to vật vã” như cái mâm và một ly coca lạnh chỉ có năm euros, tôi tì tì ngồi nhấm nháp vị thơm béo của phô-mai, vị mặn gắt của những lát thịt jambon muối, và vị chát dịu của ô-liu. Đã thế, lần nào vào ra quán cũng được những anh chàng người Ý dẻo miệng ồn ào ca tụng: “Cô đẹp quá! Chào người đẹp của tôi! Đêm nay tôi sẽ mơ thấy người đẹp!”. Nghe riết cũng tưởng mình đẹp thiệt, nhưng ăn pizza hoài sẽ phát phì. Khi đó chắc họ cũng không dám nói “Cô mập quá!” kẻo mất khách như chơi. Thỉnh thoảng có người thân từ Pháp sang thăm, tôi hào phóng dẫn họ đi vào những nhà hàng Bỉ đãi món đặc sản “moule et frite” tức là một loại sò (ở Việt Nam không có) ăn với khoa tây chiên. Người Bỉ rất ghét món khoai tây chiên bị gọi là “French fries”, họ nói người Bỉ có công sáng chế kiểu ăn khoai tây xắt cọng dài chiên dòn. Đáng lý phải gọi là “Belgian fries” mới đúng.
 
Dù Liège trẻ trung, sôi nổi và hoạt động không ngừng, thành phố này cũng có những “khoảng lặng” đáng trân trọng. Tôi đã từng lang thang buồn rầu vì bị… thi lại. Trên những bước chân vô định của mình, tình cờ tôi nhận ra những con hẻm bình yên, những nấc thang xám khiêm nhường, những vách tường đỏ phủ rêu phong. Và, tiếng chuông ngân lên đâu đó của một nhà dòng ẩn mình trong phố cổ làm tôi bồi hồi. Liège, Liège giờ chia tay đã điểm. Sẽ không bao giờ tôi thôi yêu thành phố nhẹ nhất thế giới này. (Chú thích của tác giả: Liège trong tiếng Pháp có nghĩa là loại vật liệu để làm nút chai đóng rượu, rất nhẹ, nên người dân thích chơi chữ, nói thành phố của mình nhẹ nhất thế giới.)
 
Bruxelles: Thủ đô hóm hỉnh
 
Lần đầu tôi đến Bruxelles năm 2000. Từ Paris tôi ngồi xe đò đêm thoáng gà gật vài giấc thì đến. Dân Pháp hay trêu chọc người Bỉ, họ nói trên thế giới này chỉ có Bỉ ban đêm trên xa lộ mới thắp đèn, vì nước Bỉ bé nhỏ quá nên mới dám xài sang. Họ còn cười cợt bản tính ngây thơ, ngờ nghệch đến mức khờ khạo của người Bỉ và có cả kho tàng truyện cười về dân tộc chất phác này. Mặc kệ người láng giềng “xách mé”, thủ đô Bruxelles được thế giới tin tưởng đặt hơn cả trăm trụ sở quốc tế quan trọng, một trăm năm mươi chín sứ quán với hai ngàn rưỡi nhà ngoại giao và một ngàn bốn trăm các tổ chức phi chính phủ (NGO). Sau này tôi đến Bỉ du học một năm, dù không ở Bruxelles nhưng tôi cứ đi đi về về với nơi chốn thân tình này. Chưa ở đâu người ta cởi mở với nhau đến thế. Chẳng có ai là người xa lạ hay người nước ngoài, tát cả đều cười với nhau thân thiện vì “tôi là anh mà anh cũng là tôi”.
 
Quảng Trường Lớn (mà hổng lớn)
 
Còn nhớ lúc tôi tìm đường đến Quảng Trường Lớn, là địa điểm thu hút du khách nhất ở Bruxelles, một người tận tình chỉ dẫn rồi hóm hỉnh: “Nhưng báo trước nhé, quảng trường đó không lớn một tí nào đâu, có khi cô đứng ngay đó rồi mà còn mãi tìm đó chứ!”. Quả thật quảng trường bé nhỏ vô cùng so với thủ đô các nước khác, nhưng sự duyên dáng của nơi đây rất xứng đáng được Victor Hugo cho là một trong những quảng trường đẹp nhất châu Âu và UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thật khó để chụp hình Quảng Trường Lớn cho trọn vẹn vì đây là một cái sân hình chữ nhật với lối kiến trúc độc đáo nên tôi cứ mãi loay hoay. Mỗi lần ghé lại thăm Quảng Trường Lớn là mỗi lần nơi đây được trang trí khác nhau, mùa đông là cây thông cao vút đèn đóm rực rỡ, mùa xuân là thảm hoa trải rộng đẹp đến bất thần, mùa hè là những lễ hội ca hát linh đình, mùa thu là các triển lãm nghệ thuật trầm tư cùng gió.
 
“Cái đó” của Manneken Pis
 
Từ Quảng Trường Lớn, thường người ta hay tìm thăm Manneken Pis, bức tượng thằng bé cầm chim đái. Ở Bruxelles dường như ai cũng hóm hỉnh, khi nghe tôi nói đang tìm đến chỗ thằng bé đái, một người chỉ đường nháy mắt: “Cô sẽ thất vọng, “cái đó” của nó chút xíu hà!”. Đã đến tận nơi mà tôi còn ngó trước ngó sau, chịu không tìm ra Manneken Pis, một người khác thấy vậy hỏi: “Tìm thằng nhỏ hả? Nó nhỏ đã đành, mà “vòi” của nó còn khó thấy hơn!”. Thì ra bức tượng nổi tiếng đó chỉ cao có chừng năm mươi centimet, được đặt khiêm tốn trên một cái gờ tường, từ chim nó chảy ra một dòng nước.
 
Lần đầu diện kiến thằng bé tôi thấy nó đang trần truồng, nhưng những lần sau, lúc thì nó được mặc đồ ông già Noel chuẩn bị chào đón Giáng Sinh, lúc hóa trang thành một chiến sĩ nhân dịp lễ quốc gia nào đó, lúc mặc đồ cầu thủ cổ động World Cup, có khi còn làm… Dracula vào ngày Hallowen nữa. Manneken Pis là một trong ba nơi được du khách đến Bruxelles mê nhất. Chuyện rằng ngày xưa kia thằng bé cầm chim đái vào một ngòi nổ của quân địch khi bao vây thành phố. Vì thế, mọi người dân nhớ ơn làm tượng tưởng nhớ. Dân Bruxelles nói riêng và dân Bỉ nói chung mê Manneken Pis đến nỗi cứ lễ hội nào cũng thấy các máy nước giải khát hình dạng giống thằng bé, chim nó phun ra bia bọt, nước trái cây, rượu vang rào rào làm mọi người bu đầy chờ đến lượt hứng uống.
 
Thủ đô của truyện tranh, Mini-Euro và Atomium
 
Mỗi lần đến Bruxelles tôi đều thích ngắm các bức tường vẽ truyện tranh và những bức tượng các nhân vật nổi tiếng như Tintin, Gaston, Lucky Luck, Xì-trum… được đặt lung tung khắp nơi. Ở Bruxelles thậm chí còn có một bảo tàng về truyện tranh và nhiều cửa hàng bán truyện tranh dủ mọi chủng loại: truyện cho con nít, cho phụ nữ, cho người sồn sồn, cho người đồng tính, truyện trinh thám, hài hước, sex… Một lần tôi còn giật mình khi cầm trên tay một quyển truyện tranh với tựa đề Sự trả thù của Nguyễn, đây là truyện thuộc loại “sex nhẹ đô” do một họa sĩ gốc Việt vẽ.
 
Bruxelles không quá lớn để thăm thú, nhưng những nơi du khách đến đều để lại ấn tượng tốt đẹp. Vì là thủ đô của châu Âu, ở Bruxelles có công viên “Mini-Euro” với tất cả các công trình, địa điểm nổi tiếng của các nước châu Âu được thu nhỏ lại một cách vô cùng tinh xảo. Nói chẳng ngoa, bạn có thể chẳng cần du lịch đâu cho xa, chỉ vô công viên này một ngày là đã thu vào tầm mắt cả châu Âu rồi. Sát bên “Mini-Euro” là Atomium, một bảo tàng khoa học kỹ thuật. Atomium có hình dáng độc đáo của một nguyên tử thủy tinh bằng sắt làm dân Bruxelles rất tự hào.
 
Hóm hỉnh Bruxelles
 
Tôi đặc biệt thích Bruxelles còn vì nơi đây luôn làm tôi thư giãn. Có những trò nghịch ngợm của dân Bruxelles làm du khách lắc đầu cười như tượng một con chó đang đái vào cột điện với câu hỏi: “Bạn cũng dang chân chứ?”, một bức tường được dán thông báo “Chú ý, tường có cài điện, đừng tiểu bậy kẻo teo chim!”, một trái táo chín mọng bằng nhựa với dòng chữ “Của Bạch Tuyết đấy, hãy ăn phẩm tẩm độc để cứu nàng!”. Ngoài ra, các cửa hàng bán chocolat còn nghĩ ra nhiều trò tếu như làm các bánh chocolat hình bộ ngực, hình cái mông, hình đồ lót… Bruxelles không chỉ là thủ đô của nước Bỉ, của châu Âu, của truyện tranh, của sự thân thiện mà với riêng tôi, đây còn là thủ đô của sự hóm hỉnh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
Đăng lúc 26-9-2012 20:42:54 | Chỉ xem của tác giả
Hào sảng Antwerp

Bỉ là một quốc gia bé nhỏ bên cạnh những nước láng giềng to lớn. Thế nhưng tại đất nước có diện tích khiêm tốn 30.513km vuông này, có đến hai ngôn ngữ chính thức được thừa nhận trên tất cả các giấy tờ hành chính. Đó là tiếng Flamish (tiếng Hà Lan) và tiếng Pháp. Khi du học ở Liège, vùng nói tiếng Pháp, thỉnh thoảng tôi gặp vài sinh viên vùng Flanders. Họ nói tiếng Flamish với nhau và cũng bị “phân biệt” y như một người nước ngoài xa lạ nào đó. Có lần khi tôi thắc mắc, họ nhún vai hiền lành “Giống như người Canada hay người Thụy Sĩ, người Bỉ cũng thích co cụm cộng đồng của mình dựa trên ngôn ngữ. Nhưng hãy đến một thành phố của vùng Flanders, bạn sẽ thấy chúng tôi cởi mở hơn dân vùng Wallonia này”. Và thế là tôi cố tìm một dịp để đến Antwerp, thủ phủ vùng Flanders phồn thịnh.
 
Thành phố song ngữ
 
Antwerp là thành phố rộng lớn nhất thuộc vùng Flanders, nằm ở miền Bắc nước Bỉ. Có đến 60% dân số nước này là người Flamish và vùng này giàu có hơn hẳn vùng Wallonia miền Nam. Có một điều hẳn làm mích lòng người nói tiếng Pháp, vì dù ở Canada, Thụy Sĩ hay Bỉ, cộng đồng nói tiếng Pháp đều nghèo hơn cộng đồng nói tiếng Đức hay tiếng Hà Lan. Chắc chắn một điều ngôn ngữ xuất phát từ văn hóa, và dĩ nhiên văn hóa quyết định sự phồn thịnh của cả cộng đồng. Ở Bỉ, tôi có thể thấy rõ ràng, người dân vùng Flanders siêng năng và chịu khó hơn người ở vùng Wallonia. Điều dễ phát hiện nhất là khi đến Antwerp, người dân ngoài tiếng Hà Lan còn biết thêm tiếng Pháp. Trong khi người nói tiếng Pháp không bao giờ thèm học tiếng Hà Lan. Vì lẽ đó, đương nhiên người Antwerp cũng cởi mở hơn, thân thiện hơn và rộng rãi hơn. Năm 2011 khi tôi đang ở Antwerp, tôi được xem trực tiếp trên truyền hình cuộc thi hoa hậu Bỉ. Các thí sinh phải nói trôi chảy ba thứ tiếng: Pháp, Hà Lan và Anh. Ban giám khảo chia đều ra hai vùng Flanders và Wallonia, ngoài ra còn mời thêm giám khảo quốc tế, đến từ Mỹ. Cuối cùng, thí sinh vùng Flanders, đến từ thành phố Antwerp đã chiến thắng, đoạt vương miện một cách ngoạn mục. Cô nói xuất sắc 3 ngoại ngữ, thông minh thể hiện vai nàng Eva và đẹp một cách quyến rũ. Dân Antwerp tự hào lắm. Tôi cũng vui lây niềm vui “sở hữu hoa hậu” của họ. Một điều hơi khôi hài, đến Antwerp tôi lại ngụ trong nhà một gia đình gốc Wallonia di cư đến.
 
Những gia đình đa ngôn ngữ
 
 Gia đình anh Hồng nói đủ thứ tiếng. Anh là Việt kiều, cưới vợ là Isabelle người Wallonia, nói tiếng Pháp. Gia đình họ có ba đứa con. Hai vợ chồng nói tiếng Pháp với nhau, ba đứa con nói tiếng Hà Lan. Cha mẹ trao đổi với con cái khi thì tiếng Pháp, lúc tiếng Hà Lan, có khi chêm tiếng Việt loạn xạ. Thỉnh thoảng họ lại dùng tiếng anh, như một cái mốt trong các gia đình châu Âu thời thế giới phẳng. Tuy vậy, tất cả mọi người đều biết tiếng Hà Lan. Và tuy xuất thân từ vùng Wallonia, Isabelle cho biết chị hoàn toàn yêu quí người Flanders. Bởi đơn giản, có muốn ghét họ cũng không tìm ra lý do. Hiện có rất nhiều gia đình giống anh Hồng-Isabelle. Họ dùng nhiều thứ tiếng để giao tiếp trong nhà và xem như “đặc sản” riêng của gia đình mình. Thành phố Antwerp giàu có, vui vẻ, siêng năng và… chịu chơi tới bến. Vì sao tôi lại xếp yếu tố “giàu có” lên đầu tiên khi nói về người Antwerp?
 
Trung tâm kim cương của thế giới
 
Vốn không bao giờ đeo nữ trang kim cương (do không thích đeo và do… không có tiền), tôi không biết rằng Antwerp là trung tâm kim cương thế giới. Anh Linh, một Việt kiều sống ở Liège, ngày ngày chạy xe hơn một tiếng đồng hồ đến Antwerp làm nghề cắt kim cương. Anh cho biết “Antwerp World Diamond Centre” là một slogan được nhiều người biết đến. Kim cương được mài giũa ở Antwerp sẽ có được “Antwerp quality”, một dấu hiệu chất lượng uy tín toàn cầu. Tôi thích gọi kim cương là “hột xoàn” và đòi được dẫn đi xem một công ty chuyên về chế tác món hàng cực kỳ xa xỉ này. Tiếc là hôm tôi đến Antwerp, thành phố đang trong một đợt nghỉ lễ, không có công ty nào đang làm việc. Mà nếu công ty có làm việc, trong số 1500 công ty kim cương ở Antwerp cũng chẳng ai dám cho tôi vào xem. Anh Linh cho biết qui trình để một công nhân vào nhận kim cương mài giũa rất chi li, “không phải chuyện đùa” mà ai đòi vào xem cũng được. 1500 công ty kim cương nằm ngay trung tâm thành phố, và sát bên nhà ga là chuỗi cửa hàng bán các sản phẩm chế tác từ kim cương, các gian hàng triển lãm về kim cương trưng bày lịch lãm, sang trọng, thu hút nhiều khách đến tham quan. Nghề mài giũa và kinh doanh kim cương đã có từ lâu đời tại Antwerp từ thế kỷ thứ mười lăm, đến nay ngành này ngày càng phát triển, giúp thành phố cảng Antwerp trở thành một trong những nơi giàu có nhất thế giới.
 
Thành phố yêu nghệ thuật
 
Gia đình anh Hồng-Isabelle xem ra không mấy quan tâm đến “hột xoàn”, họ tự hào giới thiệu Antwerp với một khía cạnh khác. Đây là thành phố cảng không những giàu có về mặt tiền bạc mà còn sở hữu nhiều nghệ sĩ tên tuổi tài năng: Rubens, Van Dyck, Jordaens và Brueghel. Các bảo tàng nghệ thuật, các phòng triển lãm, các cửa hàng tranh tượng có mặt dày đặt. Nếu đi dạo thong thả ngoài phố, tôi sẽ mất vài tuần để dừng lại ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật rải rác khắp nơi. Thành phố khá trân trọng bằng cách đặt những bức tranh tượng lên bệ, khắc bảng hiệu, rào lại kỹ càng. Tòa Thị Chính của Antwerp nằm trong quảng trường hình chữ nhật, xung quanh là các dãy nhà hình chóp nhọn, phía trước trồng hoa đẹp rực rỡ. Bức tượng Bravo cầm một bàn tay bị cắt lìa đứng chót vót là một biểu tượng của Antwerp. Tương truyền có một gã khổng lồ chuyên cắt bàn tay của thủy thủ nào cập bến Antwerp mà quỵt tiền “phí cầu đường”. Thế rổi một chiến binh tên Silvius Bravo xuất hiện, đánh bại gã khổng lồ và cắt bàn tay hắn, trả thù cho mọi người. Isabelle giải thích trong tiếng Hà Lan tên thành phố là Antwerp, có nghĩa là “ném bàn tay”. Bức tượng nằm giữa quảng trường, trông hiên ngang mà “ngồ ngộ”, đúng chất thành phố cảng.
 
Hào sảng Antwerp
 
Antwerp phồn thịnh nhờ vào sông Scheldt nuôi dưỡng, trải qua hàng thế kỷ, thành phố cảng phát triển chính là nhờ vào ngành hàng hải của mình. Kiến trúc của Antwerp là loại kiến trúc dành cho thành phố nằm trên sông. Khi hoàng hôn buông, ánh chiều ta soi bóng xuống dòng Scheldt làm nước đổi màu, cộng thêm ánh đèn từ các tàu bè chiếu ra và các loại đèn hiệu trên sông chớp tắt liên tục. Tất cả làm nên một bản hợp âm về ánh sáng rất ngoạn mục. Antwerp là cảng lớn thứ hai ở châu Âu, là một trong mười cảng quan trọng nhất của thế giới và cũng là cảng hoạt động hiệu quả nhất. Với mật độ sông ngòi, kênh rạch cực kỳ chằng chịt, Antwerp sở hữu những con đường huyết mạch nối liền các vùng trù phú nhất châu Âu. Không ỷ lại vào thế mạnh sông ngòi của mình, dân Antwerp làm việc rất cật lực. Cô bạn chung ký túc xá với tôi có chồng người Bénin (châu Phi), cô cho biết cộng đồng dân nhập cư châu Phi thường thích bám những vùng nói tiếng Pháp để sống (vì họ là thuộc địa cũ của Pháp). Tuy nhiên sau một thời gian, mọi người đều cố gắng học tiếng Hà Lan để đến Antwerp tìm việc làm. Nếu chịu khó, thành phố cảng sẽ cho họ nhiều cơ hội hơn, giúp họ tiết kiệm được nhiều tiền gởi về quê hương cho người thân. Việt kiểu ở Antwerp cũng cho tôi biết họ thích sống ở đây, tuy làm việc vất vả nhưng “có dư”, người dân Antwerp cũng hào sảng và không kỳ thị chủng tộc.
 
Ở Antwerp chỉ hai ngày ít ỏi, chưa kịp khám phá thành phố ở khía cạnh thời trang tôi đã phải quay lại Liège. Anh Hồng hứa khi học xong, trước khi về Việt Nam sẽ đón tôi quay lại Antwerp chơi nhiều hơn. Nhưng tiếc là khi tôi trình luận văn xong, chưa kịp “relax” thì tổ chức cấp học bổng hối tôi phải về nước liền. Vợ chồng anh Hồng-Isabelle lái xe từ Antwerp đến Liège để đưa tôi ra phi trường ở Bruxelles. Thật là một hành trình ngoằn nghèo. Dù tôi từ chối, nói mình có thể tự đi xe lửa, vợ chồng anh nhất quyết dành thời giờ quý báu của mình cho tôi, một đứa em “ngang hông” chẳng chút quan hệ họ hàng. Sau này tôi có dịp quay lại Bỉ, vợ chồng anh cũng lái xe từ Antwerp đến Liège chỉ để kịp dắt tôi đi ăn tối. Tấm lòng của anh chị, những người nhập cư chọn Antwerp làm quê hương luôn khiến tôi cảm kích. Họ hay cười, những tràng cười thoải mái, ghét nghe cảm ơn và sẽ hài lòng gật đầu nếu bạn nói “Antwerp tuyệt làm sao!”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
Đăng lúc 26-9-2012 20:44:04 | Chỉ xem của tác giả
Bruges thanh thản

Nhắc đến Vương quốc Bỉ, ngoài thủ đô lừng danh Bruxelles ra, hầu như ai cũng nhớ ngay đến Bruges. Năm 2000, tôi từ Pháp lặn lội sang Bỉ bằng xe đò cũng với ước vọng được nhìn thấy Bruges, thành phố nên thơ tôi bắt gặp trong cuốn tạp chí về du lịch. Những bức hình về Bruges cho thấy đây là nơi dù ai có “máu lạnh” đến mấy cũng phải chùng lòng tự nhủ rằng “thiên đường là đây”. Bruges được mọi người đặt biệt danh “Venise phương Bắc”. Nhắc đến Venise người ta liên tưởng ngay đến hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đến những chiếc cầu và sóng nước rì rào. Nhưng đến Bruges rồi tôi “mạnh miệng” tuyên bố: Venise không sánh bằng!
 
Hành trình đến Bruges
 
Từ thủ đô Bruxelles, tôi lấy xe lửa đi Bruges. Ở nhà ga có khá nhiều khách nước ngoài đứng chờ giống tôi. Ai cũng háo hức “Bruges vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đó!”. Tàu đi được nửa đường thì gặp sự cố kỹ thuật, khách leo xuống đón chuyến khác. Loa ở các nhà ga nói bằng thứ tiếng khó hiểu, vừa như tiếng Pháp, lại xa lạ như tiếng Hà Lan, lóng tai nghe một hồi thấy giống tiếng Anh. Tôi bối rối hỏi một người Mỹ có thái độ rất tự tin giữa đám khách bát nháo “Anh hiểu gì không? Chừng nào đón chuyến xe lửa khác?”. Anh chàng tỉnh rụi “Cứ đi theo tôi là yên tâm! Dù tôi cũng chẳng hiểu nổi thứ ngôn ngữ quái dị trên loa”. Tôi nhảy dựng lên “Vậy sao tôi yên tâm được, lạc rồi sao?”. Anh chàng nhai kẹo cao su nhóp nhép “Thì chúng ta cùng lạc, không thấy thú vị sao?”. Tôi lườm anh ta rồi bỏ ra một góc ngồi. Có một chuyến tàu đến, mọi người lục tục nhảy lên, chàng người Mỹ quay lại nhìn tôi “Quyết định nhé! Theo tôi hay là chết!”, giọng điệu cao bồi của chàng y như trong phim Hollywood. Tôi nhảy lên theo, mặt bí xị. Tôi tự trách mình quá lơ ngơ khi du lịch, trong khi giới trẻ thế giới tôi gặp dọc đường “gió bụi” lúc nào cũng tự tin. Sau này khi có nhiều kinh nghiệm “lang thang” tôi nhận ra rằng dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng luôn có những nguyên tắc chung. Một khi đã hiểu những nguyên tắc đó, không có gì là khó khăn cả. Ngoài ra, sự bình tĩnh cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp ta xoay sở trong mọi tình huống dù xấu nhất.
 
Hãy cô đơn cùng Bruges
 
Bruges cuối cùng cũng hiện ra, tôi nhảy xuống ga và đeo ba lô dấn bước. Chàng người Mỹ khều vai “Đi theo tôi hay là chết?”. Tôi bật cười “Chết”. Mặt chàng tỉnh rụi “Tốt” rồi xoay người bỏ đi. Thật ra hồi đó tiếng Anh của tôi còn tệ quá, nếu không tôi dám theo chàng để cùng khám phá Bruges rồi. Nhưng thôi, Bruges là nơi người ta nên lang thang một mình, nơi bất kỳ người bạn đường nào dù hợp đến đâu cũng sẽ làm cản trở. Đôi khi cô đơn là một cái thú, một cái thú vô cùng… sang trọng. Sở dĩ tôi tuyên bố như vậy vì hai năm sau tôi có dịp quay lại Bruges. Lúc đó tôi du học ở Liège và đến Bruges cùng một nhóm người Việt Nam. Sự bát nháo của một nhóm người làm thành phố trở nên vô duyên. Chẳng ai kịp lắng lòng để cảm nhận Bruges thật gần. Mọi người nhí nhố lo chụp hình, cười nói oang oang và lao vào những cửa hàng bán đồ lưu niệm chọn hàng inh ỏi. Dân châu Âu thường đi du lịch một mình. Một ba-lô, cuốn sách hướng dẫn trên tay, họ chậm rãi tham quan và gật gù tâm đắc. Đó là lúc Bruges bắt đầu thấm vào đầu, vào máu và vào tim.
 
Bức tranh thiên nhiên vượt mọi ngôn từ
 
Bruges có những cánh rừng xanh mượt, hoa dại mọc hoang sơ, rêu phong bám lên cây bao quanh thành phố, lang thang một chút trong rừng, nghe tiếng chim hót, mục kích những chú sóc chuyền cành và cúi xuống ngắt một cành hoa. Tôi ngỡ mình là một nhân vật cổ tích, hoặc nhí nhảnh hơn, giống cô bé Quàng Khăn Đỏ. Cảnh vật xinh đẹp này sẽ dễ dàng làm người ta quên hết những mục đích phải làm, cô bé ham rong chơi không màng đến bà ngoại là vì thế. Và tôi cũng gần như quên bẵng mình phải vào bên trong thành phố để ngắm Bruges gần hơn. Bruges đây rồi, thành phố bé nhỏ với những con kênh xinh xắn và những ngôi nhà phủ rêu cổ kính có từ thế kỷ 15. Chẳng khác chi cổ tích với những đàn thiên nga thong thả dạo chơi, những chiếc cầu bằng đá cong cong duyên dáng và những bông hoa e dè ven bờ. Bruges hầu như chỉ phục vụ cho du lịch và người dân hoàn toàn tận tâm cho sứ mệnh của mình. Ven thành phố vẫn còn những nhà máy bia tươi dùng để “đãi” khách và cả xuất đi nhiều nơi trên thế giới. Băng qua một chiếc cầu bé xinh trong một con hẻm vắng lặng, tôi “chết trân” chợt nhận ra một dòng kênh phủ rợp những lá bèo xanh rì. Con kênh nhỏ cho tôi một bức tranh khó dùng từ để tả: Những cánh cửa sổ gỗ nâu, trên bệ là những chậu hoa đỏ, dàn dây leo bám vào tường rung rinh trong gió, một chú vịt con từ đâu chui ra “cạp cạp” thân tình. Tôi chụp hình nhưng nhận ra ngay mình thất bại, không một ống kính chuyên nghiệp nào có thể thu vào bức tranh thiên nhiên nơi đây. Làm sao nghe hơi gió thoảng, làm sao cảm nhận được mùi hương trong lành, làm sao có được tiếng vịt con dễ thương?
 
Chuyến đi đến Bruges năm đó mãi khắc sâu trong tôi dù lần thứ hai quay lại Bruges không thay đổi gì. Nhưng lòng tôi đã đổi, tôi không còn nghe được ngôn ngữ của thiên nhiên vì mãi bận tâm lo sách vở bộn bề. Tôi chỉ nằm lăn ra cỏ, ước được tan ra cùng đám sương trong lành. Tôi tự nhủ, sẽ chỉ đến đây nếu đang thanh thản. Quẳng gánh lo đi và Bruges sẽ chào đón bạn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
Đăng lúc 26-9-2012 20:45:14 | Chỉ xem của tác giả
Đến Ostend tắm biển

Ở châu Âu, nhất là những nước phía Bắc, hầu như mọi người chẳng ai tắm biển dù là mùa hè. Đơn giản vì… lạnh quá! Muốn tắm biển họ phải đi xuống các nước miền Nam. Tuy vậy, những ai “xâm mình” vẫn có thể tắm và nằm phơi nắng hẳn hoi. Ở Bỉ du học gần một năm, sinh viên trong ký túc xá của tôi chẳng ai nghĩ đến chuyện tắm biển. “Đùng một cái”, quản lý ký túc xá ra thông báo “Đến Ostend tắm biển, hãy tận dụng những tháng nóng nhất trong năm!”.
 
Bikini hứa hẹn
 
Vậy là mọi người ai cũng nôn nao, đi tắm biển Bắc Hải (North Sea), thật không phải chuyện đùa! Marie, cô gái phụ trách tổ chức “event” của ký túc xá họp chúng tôi lại. Cô đề nghị vào ngày chủ nhật gần nhất, theo dự báo thời tiết trời rất đẹp, mọi người sẽ lên đường đến Ostend, thành phố sở hữu bờ biển dài nhất nước Bỉ. Chúng tôi sẽ đi bằng xe lửa, mua theo nhóm nên giá khá rẻ, mọi người góp thức ăn vào theo dạng pic-nic và Marie sẽ tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn trên biển. Mọi người ai cũng háo hức, các chàng trai bộc lộ không thèm che giấu “Cả năm nay sống gần mấy nàng mà không được thấy tí da thịt nào. Kỳ này đi biển nhớ cho tụi tôi… mãn nhãn nhé!”. Tưởng các anh bị la ó, ai ngờ phái nữ ủng hộ nhiệt tình và kéo nhau đi mua… bikini!
 
Tắm biển mà run
 
Sáng chủ nhật hôm đó trời trong, mây trắng, nắng vàng. Thật lý tưởng để đi tắm biển. Tôi mặc một áo đầm hai dây ngắn trên gối, mang “dép lào” thoải mái. Cả nhóm lên xe lửa bắt đầu cuộc hành trình từ Liège ngược lên phương Bắc xa xôi. Càng đi trời càng xám dần, gió càng thổi mạnh, nắng càng héo úa. Đến Ostend sau gần hai tiếng đồng hồ, thành phố biển đón chúng tôi nồng nhiệt đến mức, ai cũng run lên cảm động. Cả nhóm đi sát vào nhau, thậm chí ôm ấp nhau, thỉnh thoảng phải nhảy chân sáo. Một cách thành thật nhất, tôi rên lên: Lạnh quá! Thế là cả đám nhao lên đồng tình. Ostend thật khác xa với trí tưởng tượng, trước hết là thời tiết. Dù đang hè, dù nắng có vàng ở đâu thì Ostend trời vẫn lạnh khoảng hai mươi độ. Nhất là chúng tôi ai cũng diện thời trang biển với nào quần đùi, áo thun ba lỗ, áo hở rốn. Mọi người đành lôi khăn tắm ra choàng lên vai và vận động liên tục bằng cách chụp hình loạn xạ.
 
Chúng tôi đi dọc theo bến cảng, ngắm nhìn những chiếc thuyền tuyệt đẹp và những con chim biển bay ngay sát trên đầu. Bãi biển gần nhất nhà ga đã xuất hiện, và ngạc nhiên thay, có một số người đang chạy nhảy trên cát và mặc đồ tắm lao xuống biển lạnh. “Tụi khùng!”, nhóm chúng tôi bật cười nhưng rồi ai cũng nhào xuống cát, đùa nghịch cho quên những làn gió biển rợn cả người. Chụp hình! Chụp hình! Phải chụp hình khoe được tắm biển Bắc Hải, biển lạnh của Ostend! Cát ở đây khá đẹp, thuộc loại mịn nhất châu Âu. Ostend thu hút khá đông khách du lịch từ các nước phương Bắc như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Hà Lan… Đối với họ, biển Ostend … quá ấm! Vì thế, họ càng lúc càng kéo xuống bãi đông hơn. Ostend không có dịch vụ cho thuê dù và ghế bố, ai muốn ngồi thì cứ trải khăn ra. Một anh chàng trong nhóm chúng tôi lao xuống biển vùng vẫy được ít phút đành phải vọt lên bờ “Cũng thỏa một lần trong đời ngâm mình trong Bắc Băng Dương!”. Cả đám cười ồ, rủ nhau xuống biển… ngâm chân rồi vội vã ngược lên run lập cập.
 
Ăn sea-food bịp
 
Chúng tôi ai cũng đem theo đồ ăn nhưng do ngồi ở bãi biển gió thốc lạnh quá, chẳng ai còn sức trụ lâu nên mọi người quyết định lên bờ kè dọc theo biển mua sea-food ăn. Ostend có dãy nhà mọc sát biển khá đẹp mắt, đa phần đều dùng vào mục đích thương mại. Đó là những cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo thời trang, nhà hàng, quán bar…. Không có tiền vào nhà hàng hải sản, sinh viên chọn các quầy ẩm thực bán trong các xe di động đậu dọc theo bãi biển. Dãy xe ẩm thực này kinh doanh khá thành công vì khách du lịch phải rồng rắn xếp hàng. Giá bình dân, được ghi rõ ràng trên bảng “súp cá: 2 euros/chén”, “hải sản thập cẩm: 4 euros/tô,” “khoai tây chiên: 2 euros/gói,”. Trong quầy, các hải sản thập cẩm có con tôm đỏ hồng xinh đẹp, thèm quá! (Ở Bỉ tôi không dám ăn hải sản tươi vì rất đắt, chỉ toàn ăn đồ hộp, đồ đông lạnh). Chúng tôi quyết định nhóm nhỏ bốn người Việt Nam cùng hùn tiền mua một chén súp, một tô hải sản thập cẩm và một gói khoai tây chiên. Mỗi người xếp hàng tại ba quầy khác nhau, tôi đứng ở quầy bán khoai tây chiên. Anh bán hàng chỉ tay bảo khách chú ý nhìn kỹ tấm bảng. Trên đó anh ghi ba thứ tiếng Pháp, Hà Lan và Anh. Các loại sốt được vẽ kèm theo một ngón tay, hoặc hai, ba ngón tay. Ví dụ ăn khoai tây chiên với sốt mayonais khách sẽ giơ một ngón tay lên, muốn ăn với sốt cà chua thì giơ hai ngón tay, sốt mù tạt là ba ngón tay. Cứ thế, khách và người bán chỉ việc ra dấu, khỏi phải vướng rào cản ngôn ngữ vì Ostend là vùng nói tiếng Hà Lan còn khách du lịch thì tứ xứ. Thật là một “phát minh” ngồ ngộ, chỉ thấy ở Ostend.
 
Sau khi mua xong sea-food. Bốn sinh viên Việt Nam chúng tôi tìm một băng ghế rồi chia nhau “bốc hốt”. Tô hải sản được “ăn đồng chia đủ”. Con tôm đỏ hồng to lớn duy nhất được ngắt ra làm bốn. “Vị tôm ở đây sao kỳ kỳ!”. Chúng tôi thốt lên. Không phải tôm không tươi, cũng không phải tôm còn sống, mà là… tôm nhưng không phải là tôm. Đơn giản thế này, con tôm ấy làm bằng… bột, được ướp hương liệu tôm và được vẽ màu đỏ hồng lên trông y như tôm thật. Ở ngay thành phố biển mà còn bị ăn tôm giả, chuyện như đùa! Thế mới biết giá hải sản ở châu Âu thật đắt. “Hèn gì!”, một anh bạn vỗ đùi, “nguyên tô hải sản to đùng thế này mà chỉ có bốn euros! Bọn Ostend này đểu thật!”. Nói vậy hơi oan cho dân Ostend, vì tôi đã có kinh nghiệm ăn tôm bột ở Amsterdam. Ở đó con tôm trông cũng rất “hoành tráng” nhưng cho vào mồm rồi mới biết là bằng bột và hương vị tôm. Hậm hực vì món tôm giả, chúng tôi tìm đến chỗ cho thuê xe đạp đôi bắt đầu dạo thành phố cảng.
 
Sầm uất phố cảng
 
Ostend vốn chỉ là một làng chài bé nhỏ, thế mà ngày nay đây là một trong những thành phố phát triển nhất của Bỉ nhờ vào ngành hàng hải, thương mại, du lịch và dịch vụ. Phố xá thật sầm uất, hàng hóa tràn lan và trương bảng hiệu hạ giá thật hấp dẫn. Khách du lịch đi theo dòng đông nghịt, chen chúc khá chật chội. Đạp xe vài vòng ở đường bờ biển, chúng tôi quyết định trả xe để chen vào các phố nhỏ bên trong. Việc đầu tiên chúng tôi làm là lao vào một cửa hàng bán áo gió đại hạ giá để mua mỗi đứa một cái áo chỉ với mười euros. Chiếc áo chưa đủ làm ấm nhưng có còn hơn không, đủ để chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục Ostend. Mọi người chia tay nhau, tự đi theo ý thích của mình và hẹn nhau cuối ngày ở ga cùng quay về Liège. Tôi đi window-shopping, lang thang ở các phố, ngắm dân Ostend năng động và phát hiện những bức tượng đặt rải rác trong thành phố khá thú vị. Nghe đâu thành phố này từng làm một cuộc cách mạng về nghệ thuật. Khi hoàng hôn xuống, tôi quay ra bãi biển ngắm những con tàu đang neo đậu và đàn chim biển xao xác tìm đường về tổ. Thấm mệt, tôi rag a và chỉ thấy mấy người bạn Việt Nam cùng hẹn quay về Liège, những bạn khác ở lại đi bar, đi vũ trường và khám phá Ostend dưới những “góc độ” khác. Mãi đến gần nửa đêm, khi tôi đang học bài mới nghe nhóm này về, họ đi chuyến tàu cuối cùng, khen Ostend sôi động và còn chia sẻ với tôi. “Ai biểu mày trong sáng quá làm chi!”, anh bạn người Algéries cười tinh quái. Ostend trong mỗi chúng tôi là những cảm nhận rất riêng, nhưng chuyến đi tắm biển lạnh mùa hè năm đó là kỷ nhiệm chung, thật chẳng dễ xóa nhòa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
Đăng lúc 26-9-2012 20:46:23 | Chỉ xem của tác giả
LUXEMBOURG

Yên bình Luxembourg
 
Tôi đến Đại Công quốc Luxembourg vào một ngày mùa thu đẹp trời. Từ Liège (Vương quốc Bỉ) chúng tôi lấy xe lửa chuyến sớm nhất lúc mới sáu giờ sáng rồi ung dung mỗi đứa một băng nằm dài ra ngủ tiếp. Trong toa, ngoài nhóm chúng tôi, chẳng còn hành khách nào khác nên mọi người tha hồ thoải mái. Trời chưa sáng tỏ, sương mù vẫn đang phủ giăng, khí lạnh lãng đãng trôi, nhẹ nhàng luồn vào những chiếc lá vàng ươm nép mình trên những nhánh cây gầy guộc mỏng. Xe lửa xình xịch thủng thẳng lăn bánh, băng qua những xóm làng còn mờ mịt trong sương sớm, vượt qua những cánh đồng mượt cỏ non xanh rì.
 
Đất nước bé nhỏ nhưng thịnh vượng
 
Đại Công quốc Luxembourg là một trong sau thành viên đầu tiên lập nên khối Liên minh châu Âu EU, nằm lọt giữa Bỉ, Pháp và Đức. Với diện tích nhỏ xinh, chỉ vỏn vẹn 2.586km2, đất nước trải dài từ Bắc chí Nam tổng cộng 82 kmvà từ Đông sang Tây gói gọn trong 57km. Thế mà ngạc nhiên thay, km2 Luxembourg không bị những nước láng giềng to lớn “ăn mất”. Ngược lại, công dân của những nước láng giềng ấy hằng ngày phải đáp xe lửa hoặc lái xe hơi đến Luxembourg làm việc. Có đến 130.000 người nước ngoài ngụ ở sát biên giới sang làm việc mỗi ngày. Dân Pháp chiếm đông nhất, đến 52%, kế đến là Bỉ với 27% và Đức với 21% (theo thống kê vào cuối năm 2006).
 
Sau một chặng đường không mấy dài trên xe lửa, giữa khung cảnh thiên nhiên thơm lành, chúng tôi đến Đại Công quốc Luxembourg lúc tám giờ sáng cùng với nhiều người nước ngoài tay xách cặp, đóng bộ tươm tất, tác phong đĩnh đạc chảy vào các văn phòng làm việc trong những tòa nhà lớn. Trên lãnh thổ nhỏ bé này có đến 155 ngân hàng và các quĩ đầu tư. Từ hơn mười lăm năm nay, ngoài các ngân hàng tư nhân, Luxembourg còn là nơi phát triển nhất châu Âu trên thị trường đầu tư tài chính. Có khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội phụ thuộc vào ngành tài chính. Và thật bất ngờ khi biết GDP bình quân đầu người của đất nước nhỏ bé này lại vào hàng cao nhất thế giới: 65.900 USD/người. Ngoài lĩnh vực tài chính-ngân hàng, Luxembourg còn là nơi được Liên minh châu Âu đặt nhiều trụ sở hành chính quan trọng như Tòa án châu Âu, Văn phòng Kiểm toán châu Âu, Ngân hàng đầu tư châu Âu…
 
Đất nước đa quốc tịch, nhiều ngôn ngữ
 
Người dân ở đây có tiếng nói nước mình, gọi là tiếng Luxembourg. Nhưng họ cũng nói tiếng Pháp và Đức rất trôi chảy, gần như tiếng mẹ đẻ và đây cũng chính là hai thứ tiếng dùng trong văn bản hành chính. Ngoài ra, có đến 15% dân ở đây nói tiếng Bồ Đào Nha do lượng nhập cư từ Bồ Đào Nha sang khá đông. Tuy có nhiều thứ tiếng nhưng trên các bảng chỉ tên đường, các bảng biểu quảng cáo, bảng hiệu…, đa phần đều dùng tiếng Pháp.
 
Chúng tôi vào một quán cà phê để ăn sáng, nạp năng lượng cho một ngày du hí ở Luxembourg. Bà chủ quán trông thân thiện, tự xưng là Lily, hỏi chúng tôi đến từ đâu rồi vui vẻ đứng lại cho tôi phỏng vấn đủ thứ chuyện. Bà cho biết mình có khả năng nói lưu loát nhiều thứ tiếng, ngoài tiếng Luxembourg, Pháp, Đức, bà còn nói được tiếng Bồ Đào Nha, Hà Lan và dĩ nhiên là tiếng Anh. Vì Luxembourg là đất nước tài chính, mà dân tài chính phải nói được tiếng Anh, nên hầu như tiếng Anh cũng được sử dụng rất thoải mái. Luxembourg có đặc điểm về đa dạng hóa ngôn ngữ vì có đến 40% dân số là người nước ngoài trong tổng số 459.000 dân. Những người nước ngoài này lập gia đình với dân địa phương, con cái ra đời biết nói đủ các thứ tiếng. Bà Lily hài hước nói chắc phải học thêm tiếng Việt, vì hy vọng thu nạp được thêm một thành viên Việt Nam vào đại gia đình hợp chủng quốc của mình. Các em dâu, em rể của bà đúng là đến từ khắp năm châu bốn bể mà đại diện châu Á là một cô Hàn Quốc. Gia đình bà không phải là một trường hợp hiếm hoi mà hiện ở Luxembourg có rất nhiều gia đình “hợp chủng quốc”. Trong cùng một gia đình người ta có thể dùng nhiều ngôn ngữ để giao tiếp. Khi ra khỏi gia đình để đến sở làm, người Luxembourg lại gặp các đồng nghiệp cũng nói nhiều thứ tiếng, vì người nước ngoài đến đây làm việc khá đông.
 
Do trong gia đình và trong công sở, mọi người phải cân bằng giữa các nền văn hóa và các tiếng nói khác nhau, người Luxembourg nói chung rất thân thiện, biết nhường nhịn, sống ôn hòa và tôn trọng nhau. “Trên đời này có ba vấn đề không bao giờ người Luxembourg thèm bàn cãi”, bà Lily hóm hỉnh nói, “Đó là văn hóa, tôn giáo và tình yêu! Đụng vào những vấn đề này chỉ thêm rách việc”. Lũ chúng tôi gật gù khen phải, vậy mà lắm phen chúng tôi cứ hay tranh luận về văn hóa nước này hay nước kia, tôn giáo này tích cực hơn tôn giáo khác, tình yêu này lãng mạn hơn tình yêu nọ. Đó là những vấn đề không bao giờ có kết luận chung.
 
Bà chủ Lily tiễn chúng tôi ra khỏi quán với lời chúc hãy tham quan Luxembourg thật vui vẻ. “Tuy nhiên hãy cẩn thận vì vật giá hơi cao nhé”, Lily nói thêm, “Vì đây là thành phố giàu nhất thế giới mà!”.
 
Sống với thiên nhiên trong lành
 
Tuy nhiên trong suốt một ngày lang thang khắp thành phố Luxembourg bé nhỏ, chúng tôi không ý thức được sự giàu sang hực hỡ, không thấy được cảnh người dân ăn diện hàng hiệu hay bất cứ một hoạt động gì “khoe khoang” thái quá. Ngược lại, ấn tượng về một đất nước có ngành tài chính phát triển lại là không gian thoáng đãng được thiên nhiên bao bọc quá an lành. Một màu xanh thơm dịu trải dài trong tầm mắt, cuộn tròn và êm đềm ôm thành phố Luxembourg vào lòng. Thành phố được kết hợp rất hài hòa giữa hai phong cách hiện đại và truyền thống đan xen nhau. Những tòa nhà tài chính hiện đại nằm ở giữa trung tâm. Nơi có tòa nhà hành chính Clairefontaine và tượng Quận chúa Charlote được vinh danh ở lối vào. Phong cách truyền thống và thiên nhiên được thể hiện ở khu kiến trúc cở Kirchberg, khu Grund và khu rừng trải dài ở ngay đó.
 
Chúng tôi bách bộ trong khu kiến trúc cổ Kirchberg, nhìn những phế tích của một thời vương giả còn sót lại. Chẳng có những tòa lâu đài cao ngạo nghễ, chẳng có những ngọn tháp vươn lên kiêu hùng, cũng không có mọt di tích kiến trúc nào có thể sánh với vẻ đẹp huy hoàng của những thành phố châu Âu lân cận. Nhưng ở Luxembourg, dù chỉ là những bức tường thành phủ rêu phong, những trụ đá vô tri, những bậc thang nhẵn thin…, tất cả đều được trân trọng và bảo tồn. Các lối đi được giữ vệ sinh tối đa, những bảng tên ghi lại dấu ấn lịch sử, những ống nhòm hỗ trợ khách du lịch có một tầm nhìn khả dĩ hơn. Bấy nhiêu đó đủ cho chúng tôi thấy Luxembourg rất biết tôn trọng những gì họ có và vì thế, họ có quyền được mọi người khách ghé qua tôn trọng lại. Chiếc cầu Grand Duke Adolphe được xây năm 1903, cao 84,65 mét bắc ngang thành phố, được xem là một niềm hãnh diện của Luxembourg. Vào thời điểm mới xây, đây là chiếc cầu đá có dây văng bằng sắt dài nhất thế giới. Chúng tôi đi dạo ở công viên phía dưới thân cầu, ngắm những thảm cỏ xanh trải ngút tầm mắt, nhìn những chiếc lá vàng rơi theo từng cơn gió thoảng. Trên một đồi cỏ, người ta dựng những trái cầu màu đỏ, cao chừng hai mét, nằm rải rác từ đỉnh đồi xuống chân đồi như thể ai đó tung những trái cầu khổng lồ cho lăn tự do. Chúng tôi leo lên những trái cầu, chụp hình lưu niệm, khen cho ai có sáng kiến tuy giản dị nhưng rất độc đáo. Những quả cầu đỏ bóng trên đồi cỏ xanh rì như một điểm nhấn duyên dáng, tạo vẻ ấm cúng và cho ta một cảm giác yên bình: con người và thiên nhiên phải hòa hợp với nhau.
 
Rời Luxembourg cho một ngày ngắn ngủi thăm viếng, chúng tôi đem lên tàu về lại Bỉ những kỷ niệm thật trong lành. Một đất nước nhỏ bé thân thiện, một chiếc đá bắc ngang thành phố, những công viên tràn màu xanh yên bình, những dãy nhà xinh xắn bên bờ kênh lãng mạn, những con người cởi mở nói được nhiều ngôn ngữ, những chiếc lá vàng chao nghiêng cùng những cơn gió thu… Quá nhiều cho một ngày, quá đầy cho một nước, thân thương-dễ chịu-tuyệt vời. Tàu xình xịch đưa chúng tôi đi, tạm biệt Đại Công quốc Luxembourg, tạm biệt đất nước nhỏ xinh, tạm biệt những quả cầu đỏ trên ngọn đồi xanh. Yên bình-yên bình-yên bình…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
Đăng lúc 26-9-2012 20:47:49 | Chỉ xem của tác giả
ĐỨC
Berlin mùa Giáng sinh

Trong tập truyện Bồ câu chung mái vòm của tôi, truyện ngắn Con gà nói tiếng Đức có nhiều bạn đọc đồng cảm nhất. Với riêng tôi thì truyện ngắn này “khai trương” cho loạt truyện viết về bối cảnh nước ngoài, giúp tôi được độc giả công nhận và khiến tôi nhận ra thế mạnh của mình về đề tài nằm ngoài biên giới Việt Nam. Nhắc đến Con gà nói tiếng Đức, tôi cũng nhớ ngay đến chuyến lãng du đến Berlin vào mùa đông năm 2000.
 
Thành phố trật tự
 
Ấn tượng của tôi khi bước chân xuống nhà ga Berlin là thành phố quá trật tự. Dù đang mùa Giáng sinh, người dân vẫn đi mua sắm hoặc dạo phố một cách ung dung, thong dong. Có vẻ gì đó rất ổn định, không thấy sự háo hức hay chộn rộn như ở những thành phố châu Âu khác. Tôi cùng vợ chồng một người bạn trọ trong một khách sạn ngay khu trung tâm, sát bên nhờ thờ “Cụt đầu”. Khách sạn không hiểu sao có một mức giá siêu khuyên mãi, có thể vì đang mùa đông, nhưng cũng có thể vì sát bên đang có một công trình xây dựng gây tiếng ồn và bụi bay sang. Bạn tôi sống ở Đức cho biết người Đức nói chung và người Berlin nói riêng rất qui củ. Họ sống theo một trật tự được hoạch định, tôn trọng tự do cá nhân dựa trên những quyền lợi chung của cộng đồng. Nếu vì lý do nào đó bạn gây cho người khác sự phiền toái, khả năng đền bù thiệt hại và sự áy náy của bạn luôn được đánh giá cao. Hẳn công trình xây dựng sát bên khách sạn đã “bù lỗ” nên chúng tôi mới may mắn có giá phòng rẻ như vậy. Chỉ với mười lăm euros (khoảng 300.000 đồng), một căn phòng rộng dành cho ba người đón chúng tôi vào.
 
Berlin by night
 
Như mọi thành phố châu Âu trong tháng mười hai, Berlin được trang hoàng bằng những ánh đèn, những cây thông, những quả chuông giáng sinh… Tuy nhiên Berlin rất “chừng mực”, không cố tạo vẻ khoa trương, cũng không “màu mè” ra vẻ quý phái hay theo một trường phái trẻ trung nào cả. Những ai thích hội hè sẽ dễ dàng thất vọng, chê Berlin khô khan, buồn tẻ hoặc chẳng có gì để chơi. Riêng tôi, chỉ cần bước chân ra khỏi khách sạn, nhìn nhà thờ “Cụt đầu” đủ khiến tôi “ngây ngất”. Nhà thờ này chẳng có gì “ghê gớm”, nhỏ xíu và thấp lè tè so với vô vàn những nhà thờ ấn tượng khác ở châu Âu. Nhưng cái độc đáo ở đây là chóp của nhà thờ bị xén ngang do bị bom đạn trong thế chiến thứ hai gây ra. Nhà thờ không bị sụp mà vẫn hiên ngang tồn tại. Thế là người dân Berlin biểu quyết không sửa gì cả, cứ để nhà thờ bị cụt đầu, xem như một vết tích của chiến tranh. Cho đến nay, nhà thờ cụt đầu được xem như biểu tượng của Berlin. Và danh từ  “Nhà thờ cụt đầu” hoàn toàn làm người ta quên đi tên thật của nhà thờ. Sát bên nhà thờ trứ danh này là một cái tháp xây dựng đơn giản đến mức… khá xấu, dùng làm nơi lễ lộc, cầu nguyện. Mùa giáng sinh, cái tháp nhỏ này cũng được thắp đèn, nhưng tù mù, không lộng lẫy gì. Tuy vậy, tôi thấy rất ấn tượng vì điều này hợp lý cho một chiến tích.
 
Đi xa hơn tí nữa, chúng tôi đến quảng trường lớn được huy động làm hội chợ Noel. Những quầy kiosque nhỏ bằng gỗ mọc trật tự vòng quanh, người ta bán các vật dụng trang trí, bánh ngọt, rượu đỏ, bia tươi, xúc xích, thịt nguội, thức ăn nhanh… Chúng tôi cũng gọi một ly rượu Đức được hâm nóng hổi, một ly bia và vài thanh xúc xích. Bắt chước thiên hạ cho vui chứ chẳng ai trong bọn mê bia rượu cả. Dân Berlin ngồi “nhậu” cũng rất yên bình, cụng ly nhè nhẹ và nói chuyện rỉ rả. Trời càng khuya nhiệt độ càng thấp, khách “nhậu” càng bớt sung rồi đứng dậy chầm chậm ra về. Tôi rất thắc mắc, đáng lý trời lạnh uống rượu phải nhiều cho ấm lên chứ. Chắc họ sợ “trúng gió” chăng? Nhắc đến “trúng gió”, bạn tôi cười nghiêng ngả, dân Đức làm gì có khái niệm này.
 
Berlin dưới ánh mặt trời
 
Dù mùa đông, may sao Berlin cũng có chút nắng vàng. Cô bạn Christine người Berlin đến khách sạn đón chúng tôi đi chơi. Christine nói tiếng Pháp hoàn hảo, làm việc ho hãng hàng không Air France. Cô có thân hình nhỏ bé, thật trái ngược với dân Đức đa phần to cao rất “khủng bố”. Christine cười khi nghe tôi nhận xét, cô đùa: “Adolf Hitler cũng nhỏ con chứ bộ!”. Chúng tôi lên xe bus, đi vòng quanh Berlin theo sự hướng dẫn rất nhiệt tình của Christine. Cô chỉ chỗ này Hitler từng cho đốt sách, chỗ kia ông đọc diễn văn, chỗ nọ người ta biểu tình. Thú thật tôi vốn không rành lịch sử thế giới, lịch sử nước Đức càng “ù ù cạc cạc”, nhưng cũng ráng đi theo Christine nghe cô thuyết trình. May thay, cuối cùng chúng tôi vào… sở thú. Thoát khỏi những bài học lịch sử, tôi vui vẻ xem thú, ngắm các loại cây cỏ phong phú và thành thật phát biểu: “May mà có sở thú, Berlin còn dễ thương!”.
 
Christine cũng dẫn tôi đến Khải Hoàn Môn của Berlin, chỉ nơi đâu là phân cách Đông-Tây trong thời đất nước bị chia cắt. Ngày nay, “bức tường nhục nhã” chẳng còn lại vết tích gì nên tôi tìm mua bưu thiếp, hy vọng còn vài hình ảnh quá khứ. Trong tiệm quà lưu niệm, bất ngờ tôi gặp các cô bán hàng là người Việt nói tiếng Bắc, tôi xin giảm giá vì “tình đồng hương”. Các cô mặt lạnh như tiền “Không trả giá!”, làm tôi quê… hai cục (hơn cả “quê một cục”). Christine không hiểu cuộc đối thoại của chúng tôi song chắc cô đoán “có vấn đề”, tự dưng cô cho biết đến tận ngày nay, dân hai bên Đông và Tây của Berlin vẫn còn kỳ thị nhau, rồi nhìn tôi thật lạ: “Chẳng bao giờ thế giới phẳng đâu! Mỗi dân tộc có những niềm tự hào và nỗi nhục riêng! Hiểu không?”. Câu nói của Christine có quá nhiều ẩn ý, hẳn cô cũng chắc tôi chẳng hiểu gì. Nhưng ít ra, tôi cũng mơ hồ thấy, Christine đại diện cho lớp trẻ, hãnh diện về nguồn cội của mình, và cũng mang những mặc cảm một thời “phát xít”.
 
Chia tay Berlin trong một weekend ngắn ngủi, tôi nghĩ chắc mình không có hứng quay lại đây lần nữa. Thành phố không có gì đặc biệt để “níu lòng lữ khách”. Nhưng khi tôi leo lên xe đò, tạm biệt vợ chồng người bạn và Christine, tự dưng tôi thấy xốn xang. Và khi xe chạy mải miết, suốt đêm ròng rã, đến tận mười giờ sáng hôm sau mới về đến Paris, tôi biết rồi mình sẽ quay lại. Ít ra, vẫn còn đó cô bạn Berlin quá dễ thương.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách