Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Misty.Rain
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Viễn Tưởng - Xuất Bản] Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới | Haruk

[Lấy địa chỉ]
81#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 13:31:25 | Chỉ xem của tác giả

Chương 23



Nhìn từ xa và trong ánh đèn pin yếu ớt thì “ngọn tháp” gây ấn tượng như một tượng đài hoành tráng và kiêu hãnh, một tác phẩm tuyệt định do bàn tay nghệ nhân tạo tác trong bao năm trời. Nhưng khi tiến lại gần và chạm tay vào thì người ta cũng chỉ cảm thấy đó là vách đá thô ráp, một sản phẩm ngẫu nhiên của sự bào mòn trong tự nhiên. Cả cầu thang do bọn ma đen làm ra cũng không xứng với cái tên gọi ấy. Các bậc thang gồ ghề và lệch lạc, không đủ rộng ngang cho một bàn chân, đôi chỗ thiếu hẳn vài bậc. Leo đến đó thì phải bám chân vào đá, nhưng do phải bám chặt bằng cả hai tay để khỏi ngã và không chiếu sáng được từng bậc thang nên nhiều lúc chúng tôi bị hẫng bước. Chắc là không thành vấn đề với bọn ma đen vốn nhìn được trong bóng đêm, còn đối với tôi thì cầu thang này là một thứ vá víu vụng về và nguy hiểm. Chúng tôi áp chặt người vào vách đá như con thạch sùng và dò từng bậc đi lên trên. Đến bậc thứ ba mươi sáu – tôi không sao bỏ được tật đếm bậc thang – tôi nghe một tiếng động kỳ quái trong bóng tối phía dưới, một tiếng vỗ, nghe như ai đó quật miếng thịt bò khổng lồ lên bức tường phẳng. Một tiếng vỗ nông, ướt át và tối hậu. Tiếp theo, như cây gậy nhạc trưởng vút lên báo hiệu kịch tính trào dâng, là sự câm lặng khủng khiếp kéo dài một giây khắc khoải mong chờ. Tôi treo trên vách núi, hai tay quặp chặt vào đá, đợi xem có gì sẽ xảy ra.
Và nó đến. Tiếng ào ào của nước. Nước phóng ra từ muôn vàn hố sâu nơi chúng tôi vừa đi qua. Không chỉ là những vũng con con. Tôi chợt nhớ đến bộ phim tài liệu về lễ khai mạc trang trọng một con đập ngăn mà tôi đã xem hồi học cấp I. Sau khi ông thị trưởng – hoặc một người nào đó không rõ – ấn nút, các cánh cửa đập mở ra và những cột nước hùng vĩ trào ra tung bọt trắng xóa. Thời đó các rạp hay chiếu phim tài liệu và hoạt hình. Vừa xem tôi vừa rùng mình cố gắng hình dung ra hậu quả khi vì một lý do nào đó mà mình đứng dưới khối nước ầm ầm như sấm sét đổ xuống. Trẻ con hay nghĩ rằng trong những hoàn cảnh nguy hiểm thường có một thiên thần hộ mệnh xuất hiện và cứu chúng. Ít nhất thì tôi cũng nghĩ như vậy hồi còn bé.
“Nước dâng cao đến đâu?”, tôi hỏi cô gái đang ở trên tôi mấy bậc.
“Cao”, cô trả lời cộc lốc. “Nếu mình không muốn chết đuối thì phải leo cao hơn nữa. Chắc chắn nước không lên đến đỉnh. Tôi cũng không biết gì hơn.”
“Còn bao nhiêu bậc nữa đến đỉnh?”
“Nhiều”, cô nói. Một câu trả lời dễ thương. Cảm ơn.
Chúng tôi leo nhanh như có thể vòng xoắn ốc lên đỉnh “tháp”. Nghe tiếng nước xoáy mà đoán thì “ngọn tháp” mà chúng tôi đang leo nhất định vươn cao giữa bình nguyên rộng lớn với vô số hố vắt. Có thể nói là chúng tôi đang leo lên cây cột trang trí dựng giữa một đài phun nước ngoại cỡ. Và quảng trường xung quanh đài phun nước, chính cái bình nguyên bao la ấy, biến thành một đầm lầy ngập nước – nếu cô gái nói đúng – và một hòn đảo ở giữa phần trên hay đỉnh nhọn của “ngọn tháp” này.
Ánh sáng từ chiếc đèn pin đeo lủng lẳng bên sườn cô gái vẽ ra một họa tiết rối rắm trong màn đêm. Tôi chỉ nhắm theo luồng sáng đó mà leo tiếp. Một lúc nào đó tôi bỏ không đếm bậc nữa, nhưng chắc chúng tôi đã leo được trăm rưởi hay hai trăm bậc. Tiếng nước đổ ào ào ban đầu khẽ dần, nhường chỗ cho tiếng réo của một con suối chảy xiết rồi chuyển sang róc rách. Nước vẫn dâng tiếp, không nghi ngờ gì. Tôi không thể nhìn thấy mực nước nhưng tôi cũng chẳng ngạc nhiên nếu thấy ướt lạnh dưới chân. Có cảm giác như đang bực bội mà chìm vào một cơn ác mộng và qua đó mà sự bực bội ngày càng tệ hại hơn. Có gì đó săn đuổi tôi, mà tôi không thoát hẳn được nó. Nó mỗi lúc một lại gần và chộp lấy tôi, lạnh toát và trơn nhẫy. Tình cảnh trong mơ đã tuyệt vọng, ra ngoài thực tế trần trụi còn khủng khiếp hơn. Tôi không leo bậc thang nữa, mà bám hai tay vào vách đá kéo mình lên cao.
Bỗng dưng tôi nảy ra ý định cứ mặc cho nước đẩy mình lên. Trước tiên là dễ dàng hơn, thứ hai là cũng thoát nguy cơ bị rơi xuống. Tôi suy đi nghĩ lại một hồi. Kể ra cũng là một ý tưởng không dở, ngay cả khi do chính tôi nghĩ ra.
Nhưng khi nghe tôi trình bày, cô thẳng tay gạt bỏ. “Dưới bề mặt có dòng nước chảy xiết. Ông mà rơi vào xoáy thì không bao giờ nổi lên được nữa đâu. Và nếu được: ông định bơi đi đâu trong đêm tối thế này?”
Tóm lại chỉ có một đường, đó là từng bước dần dần trèo lên, cho dù có vất vả đến mấy. Tiếng nước xiết giảm đi trông thấy, như tiếng động cơ hạ dần vòng quay, và từ từ biến thành tiếng thở khàn khàn. Mực nước liên tục dâng. Kể ra, nếu có ánh sáng tử tế, tôi nghĩ bụng, một chút sáng thôi, nhất định chúng tôi sẽ leo lên dễ hơn và lại còn nhìn thấy mực nước. Ít nhất thì cũng thoát được cơn ác mộng không biết bao giờ chúng tôi bị nước đến chân. Tôi căm thù bóng tối không kể xiết. Cái săn đuổi tôi không phải là nước, mà là khoảng tối giữa nước và chân tôi. Chính khoảng tối ấy làm tôi rùng mình.
Trong đầu tôi vẫn vương vấn bộ phim về đập ngăn. Từ những đập hình cung khổng lồ, nước không ngừng tuôn xuống bể nước hình cối đá bên dưới. Ống kính quay phim nhẫn nại thu hình từ mọi góc độ có thể. Theo dõi dòng lũ đổ xuống từ trên, từ cạnh sườn, từ trực diện. Trên tường bê tông của đập hiện ra bóng của nước. Nó chấp chới trên nền tường trắng trơn nhẵn, tựa như chính nó là nước. Tôi nhìn đăm đăm vào đó và đột nhiên cái bóng ấy biến thành bóng của tôi. Trên nền bê tông cánh cung của đập ngăn là bóng của tôi đang nhảy múa! Đó là bóng của tôi, tôi nhận ra ngay, song tôi không biết phải hành xử ra sao khi đang là khán giả xem phim. Tôi chỉ là một thằng nhãi ranh chín, mười tuổi. Có lẽ tôi nên chạy tới màn ảnh và giật lại bóng mình. Hoặc chạy lên phòng chiếu phim để ăn trộm hộp phim. Tôi không biết có nên làm thế không. Vậy là tôi ngồi đực ra và theo dõi bóng mình.
Nó vẫn tiếp tục nhảy múa không ngừng. Chấp chới câm lặng như phong cảnh lung linh trong nắng cháy. Nó không nói được, và rõ ràng cũng không thể lấy tay ra hiệu. Mặc dù vậy tôi tin chắc là nó định báo cho tôi điều gì. Nó biết chắc là tôi đang ngồi trong rạp phim và nhìn nó. Nhưng nó cũng bất lực như tôi. Nó chỉ là một cái bóng.
Hình như không ai trong số khán giả xem phim để ý thấy bóng nước trên màn ảnh thực ra là bóng của tôi. Có lẽ cũng chẳng ai tin tôi. Thêm vào đó là những gì mà bóng tôi muốn nói thì chỉ nói ra với mình tôi mà thôi. Từ một không gian khác, từ một thời gian khác, nó đã dùng màn ảnh để nói với tôi một điều gì.
Bóng của tôi cô đơn trên mặt tường cong, bị tất cả bỏ rơi. Tôi không rõ nó tới đấy bằng cách nào và nó còn muốn gì nữa. Có lẽ bóng tối sắp trùm xuống sẽ nuốt chửng nó. Hay dòng thác sẽ cuốn phăng nó đi và cuốn ra đại dương, và biết đâu ở đó nó lại hoàn tất vai trò làm cái bóng của tôi. Nghĩ đến nó, tôi thấy mình cô độc kinh khủng.
Rồi đoạn phim quay về đập ngăn chấm dứt, trên màn ảnh hiện ra lễ đăng quang của một vị vua nào đó. Một chiếc xe ngựa rất đẹp được những con tuấn mã trang trí chùm lông vũ kéo đi ngang một quảng trường lớn lát đá. Tôi lại ngóng tìm bóng mình, nhưng chỉ thấy bóng của nhà cửa và chiếc xe và ngựa.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

82#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 13:32:49 | Chỉ xem của tác giả

Chương 23



Tôi không nhớ được gì hơn. Tôi cũng không quả quyết nổi là tất cả những sự kiện đó thực sự diễn ra hôm ấy. Bởi những ý nghĩ vừa lóe lên trong óc ấy, trước đó tôi chưa bao giờ nhớ đến như một quá khứ có thực. Có thể đó chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, sinh ra từ tiếng nước réo trong bóng đêm quái gở này. Tôi đã có lần đọc trong một cuốn sách tâm lý học về những hình ảnh tự tạo kiểu này. Tác giả cuốn đó cho rằng con người ở trong tình cảnh cực đoan thường trốn vào những giấc mơ ban ngày nhằm tự vệ trước thực tế khốc liệt. Tuy nhiên, hình ảnh vừa hiện ra trước mắt tôi quá rõ rệt, quá sống động để được coi là mơ, nó hàm chứa một sức mạnh như đan quyện với tương lai tôi. Tôi nhớ chính xác các mùi vị và âm thanh bao quanh mình. Và tôi còn mường tượng ra được sự bối rối, ngơ ngác và nỗi sợ mơ hồ mà tôi cảm thấy khi còn là một thằng bé chín, mười tuổi. Muốn nói gì thì nói: chuyện đó đã xảy ra với tôi. Một thế lực nào đó đã đẩy nó vào tận hang cùng ngõ hẻm của tiềm thức tôi và bây giờ, trong tình cảnh cực đoan này, lại lôi nó ra.
Một thứ lực nào đó?
Chuyện này chỉ có thể liên quan tới vụ phẫu thuật não mà họ đã làm với tôi để xáo dữ liệu. Họ đã giam ký ức của tôi sau bức tường ý thức hệ. Họ đã đánh cắp ký ức của tôi!
Tôi nổi giận. Không ai có quyền làm thế! Ký ức ấy là chuyện cá nhân, hoàn toàn riêng tư của tôi, là của tôi. Đánh cắp ký ức chẳng khác gì đánh cắp những năm tháng của cuộc đời thôi. Tôi càng thấy giận hơn, quên hẳn sợ hãi. Tôi thề sẽ sống sót bằng bất cứ giá nào. Tôi phải sống, phải thoát khỏi cái thế giới điên rồ của đêm đen này và giật lại từng ký ức riêng lẻ mà họ đã đánh cắp của tôi. Thế giới này có lụi tàn hay không cũng được. Tôi phải thành con người cũ của mình.
“Dây!”, cô gái đột ngột hét lên.
“Dây nào?”
“Đúng, nhanh lên! Có một sợi dây thòng xuống kìa!”
Tôi hớt hải leo ba, bốn bậc lên sát cô gái và sờ soạng tìm trên vách đá. Quả thực có một sợi dây. Một sợi dây cho người leo núi loại tốt, mặc dù không dày lắm. Đầu dây lủng lẳng ngang tầm ngực tôi. Tôi vung một tay tóm lấy và thử xem có chắc không. Có vẻ như nó được buộc rất chắc ở đâu đó.
“Nhất định ông tôi đấy!”, cô gái hét lớn. “Ông tôi đã thả xuống cho mình đấy!”
“Ta nên trèo lên cao hơn một chút thì hơn”, tôi nói,
Chúng tôi sốt ruột tìm chỗ bám chân và trèo lên thêm một vòng xoáy nữa. Sợi dây vẫn treo chỗ cũ. Nó thắt những nút cách nhau ba mươi phân. Nếu sợi dây thực sự nối lên tới đỉnh “tháp” thì chúng tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
“Ông tôi đấy. Chắc chắn. Ông tôi chu đáo lắm.”
“Quả thế thật”, tôi nói. “Cô có leo được không?”
“Ông không tin à?”, cô nói. “Từ bé tôi đã leo dây rất giỏi. Tôi chưa kể cho ông biết à?”
“Thế thì cô leo trước đi”, tôi nói. “Đến nơi thì nháy đèn cho tôi biết. Tôi sẽ lên sau.”
“Lúc ấy thì nước lên tới đây rồi. Có lẽ ta cùng leo thì hơn.”
“Mỗi dây một người – đó là quy định ngàn đời của dân trèo núi. Thứ nhất là vì dây có thể đứt, và thứ hai là hai người leo sẽ khó hơn và tốn thời gian hơn. Nếu nước dâng đến nơi thì tôi vẫn có thể bám vào dây và leo lên bằng cách nào đó.”
“Trông ông tôi không nghĩ là ông dũng cảm thế”, cô nói.
Trong bóng đêm tôi âm thầm đợi nụ hôn thứ hai, nhưng cô gái đã thoăn thoắt leo dây mà không đoái hoài gì đến tôi. Tôi bám chặt vào vách đá và quan sát ánh đèn của cô gái lúc lắc tiến lên cao. Hình ảnh này làm tôi phấn chán muốn làm một ngụm whiskey, nhưng chai rượu ở trong ba lô, và trong vị trí chơi vơi này không thể đặt ba lô xuống lấy rượu ra được. Vậy thì tôi đành bằng lòng tưởng tượng đang làm một ngụm: một quầy bar trầm lặng và sạch sẽ, một đĩa lạc, đâu đó có tiếng nhạc nhẹ nhàng – bài Vendome của MJQ – trên mặt quầy là một cốc whiskey đúp có đá. Một hồi lâu tôi chỉ ngắm cốc rượu. Whiskey thoạt tiên nên ngắm một lúc đã. Ngắm no mắt rồi mới uống. Như một cô gái đẹp vậy.
Đến đây tôi chợt nhớ ra là mình không còn bộ com lê và măng tô nào nữa. Hai thằng quỷ đã phá nát mọi thứ quần áo của tôi. Ừ nhỉ, ra quán bar thì biết mặc gì bây giờ? Tôi phải kiếm đồ tử tế đã. Tôi có một bộ com lê vải tuýt màu lam đậm. Cắt kiểu cổ điển. Màu lam lịch thiệp, ba khuy, không độn vai, không chiết eo. Như George Peppard vẫn mặc hồi thập kỉ sáu mươi. Sơ mi xanh nhạt, thật hợp màu. Vải bông Oxford loại dày, cổ cắt thật chính thống. Cà vạt sọc hai màu. Đỏ và xanh lá cây. Đỏ nhã nhặn. Xanh như nước biển lúc trời bão, khó định nghĩa, gần thiên về lam. Những bộ đồ ấy mua trong một cửa hiệu đàn ông lịch thiệp, rồi tới bar, đặt một cốc Scotch đúp có đá. Vắt, ma đen, cá có móng sắc – quên ngay những gì dưới đất đi. Tôi ngồi trên mặt đất, mặc bộ com lê vải tuýt và tận hưởng hương vị tuyệt hảo của Scotland.
Đột nhiên tôi nhận ra tiếng nước réo đã biến mất. Nhất định không có nước đùn thêm từ các hố. Hoặc nước đã cao đến mức không còn nghe tiếng lục bục nữa. Cũng thế thôi. Muốn dâng cao đến đâu thì tùy. Tôi đã nhất quyết phải sống sót. Tôi sẽ giành lại ký ức của mình. Chớ có ai được phép thao túng tôi nữa. Tôi chỉ muốn hét to vào mặt cả thế giới: chớ có ai được phép thao túng tôi nữa!
Nhưng tôi không hét. Mà cũng chẳng ích gì trong đêm tối dưới lòng đất này, khi đang áp chặt người vào vách đá. Thay vào đó là tôi trẹo cổ cố gắng nhìn lên phía trên. Cô gái đã leo lên cao hơn tôi nghĩ nhiều. Cao chừng nào thì không nói được, nhưng nhất định phải cao như ba, bốn tầng nhà bách hóa. Đến khu bán đồ phụ nữ, thậm chí đến chỗ bán vải và rèm cửa. Cái cột đá khốn khiếp này cao chừng nào nhỉ? Chúng tôi đã trèo được một lúc lâu rồi, nếu còn tiếp tục thế này nữa thì chắc chắn nó phải cao kinh khủng. Có lần tôi nghịch chơi và đi bộ lên một tòa nhà hai mươi sáu tầng, có cảm giác là cột đá này cũng cao không kém.
Gì thì gì: thật may là tối quá, không nhìn được xuống bên dưới. Không trang bị thể thao, chân xỏ giày tennis và leo lên một vách đá cao như thế thì có kinh nghiệm leo núi đến mấy đi nữa, mỗi lần ngó xuống có lẽ cũng sợ phát bĩnh ra quần. Chẳng khác gì cọ cửa kính một nhà chọc trời mà không có thang máy và lưới bảo hiểm. Chừng nào còn trèo thì không sao, nhưng một chút ngập ngừng hoặc một ý nghĩ lệch lạc là độ cao sẽ làm ta thất kinh.
Tôi lại trẹo cả cổ để nhìn lên lần nữa. Hình như cô vẫn đang leo tiếp, ánh đèn đã lúc lắc, nhưng bây giờ đã trên cao tít. Đúng là cô bé ấy giỏi leo dây thật. Tại sao ông già này chọn con đường đào tẩu ghê gớm như vậy? Sao ông không đợi chúng tôi ở một nơi yên tĩnh và tránh cho chúng tôi vất vả nhường này?
Trong lúc tôi đang suy nghĩ thì tôi cảm thấy có tiếng gọi từ trên cao. Tôi nhìn lên, trên đó có một chấm sáng vàng nhấp nháy, chậm rãi như cánh lái ở đuôi máy bay. Vậy là cô đã lên đến nơi. Tôi nắm một tay vào sợi dây, tay kia kéo đèn pin khỏi túi quần và đánh tín hiệu đáp lại. Sau đó tôi chiếu xuống dưới xem mực nước đến đâu, song ánh đèn pin đơn giản là quá yếu. Trong bóng tối đặc sệt người ta chỉ có thể nhìn thấy gì khi cầm đèn tiến sát lại. Đồng hồ ở cổ tay tôi chỉ 4 giờ 12. Ngày chưa bắt đầu, báo chưa đem đến nhà. Tàu chưa chạy, mọi người vẫn say giấc ngủ li bì và vô tư.
Tôi nắm cả hai tay vào dây, hít một hơi thật sâu và bắt đầu leo.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

83#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 13:46:36 | Chỉ xem của tác giả
Chương 24:
Trại Giam Bóng



Ba hôm sau, thời tiết tuyệt vời chợt biến mất. Sáng sớm tôi ngủ dậy và thấy bầu trời giăng đầy mây đen nặng trĩu. Những tia mặt trời đã mất hết ánh long lanh ấm áp sau khi xuyên nổi màn mây xuống đất. Trong ánh sáng xám chì lạnh lẽo, trông những cành cây trụi lá như vệt nứt nẻ của bầu trời. Tiếng nước réo ầm ào chối tai. Nhìn mây mà đoán thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu trời đổ tuyết bất cứ lúc nào. Nhưng không thấy tuyết rơi.
“Hôm nay sẽ không có tuyết”, ông già giải thích. “Mây này không phải mây tuyết.”
Tôi mở cửa sổ và ngắm kỹ bầu trời một lần nữa nhưng không nhận ra có gì khác biệt nào với “mây tuyết”.
Ông gác cổng ngồi trước bếp lò to tướng và sưởi đôi chân không giày. Chiếc lò sưởi giống hệt như ở thư viện. Mặt trên là hai tấm phẳng để đặt ấm nước và nồi, tận dưới cùng là hộc đựng xỉ. Phía trước có cửa như tủ đựng quần áo, tay nắm to bằng gang đúc. Ông gác cổng ngồi trên ghế đẩu và gác chân lên nó. Tôi ngạt thở vì hơi nước bốc ra từ ấm đun nước và khói của thứ thảo dược mạt hạng nào đó – chắc ở đây người ta quen dùng nó thay thế cho thuốc lá – chưa kể đến mùi hôi hám từ chân ông ta. Sau ghế là chiếc bàn gỗ lớn xếp đầy đá mài và dao, rìu thành hàng ngay ngắn. Cán dao và rìu nhuốm màu xỉn và mòn vẹt.
Tôi vào đề ngay: “Tôi cần một khăn quàng cổ, lạnh cổ quá.”
“Đúng thế đấy!”, ông gác cổng nói rất trang nghiêm. “Tôi rất hiểu.”
“Ở phòng lưu trữ đằng cuối thư viện có lắm đồ, trông có vẻ như chẳng ai cần nữa, và tôi nghĩ là có thể lấy ra vài thứ.”
“À, cậu nói đến mấy đồ lặt vặt ấy chứ gì”, ông gác cổng nói. “Cứ lấy đi. Nếu cậu cần thì tôi đồng ý. Thích gì thì cứ lấy. Khăn quàng, măng tô, tất tật.”
“Chủ nhân của chúng thì sao?”
“Cậu không phải quan tâm đến họ. Ngay cả khi họ còn sống thì mấy thứ ấy cũng chẳng ai cần nữa. À, cậu đang tìm một nhạc cụ thì phải?”
Tôi gật. Hình như chẳng có gì ông này không biết.
“Về nguyên tắc thì ở thành phố này không có nhạc cụ nào cả”, ông nói. “Nhưng chẳng có gì là tuyệt đối. Cậu làm việc tận tụy, cớ gì lại không được nhận một nhạc cụ cơ chứ? Cậu hãy đến nhà máy điện và hỏi tay quản lý. Có thể anh ta kiếm được cho cậu thứ gì đó.”
“Đến nhà máy điện?”, tôi ngạc nhiên hỏi.
“Cậu không tin à? Dĩ nhiên là chúng ta có nhà máy điện!”, ông gác cổng nói và chỉ lên bóng đèn trên đầu. “Nếu không thì lấy đâu ra điện – hái điện trên cây táo xuống hay sao?” Ông vừa cười vừa vẽ đường cho tôi đến nhà máy điện. “Cậu đi con đường phía nam con sông và đi một đoạn ngược dòng chảy. Khoảng nửa tiếng sau cậu sẽ thấy bên tay phải một kho chứa lúa cũ kỹ đã tốc mái và không còn cửa. Ở đó cậu rẽ phải và đi tiếp tới một ngọn đồi, ngay sau đó là bìa rừng. Cậu đi chừng năm trăm thước vào rừng là đến nhà máy điện. Hiểu rồi chứ?”
“Tôi nghĩ thế”, tôi nói. “Nhưng mùa đông vào rừng có nguy hiểm không? Mọi người dặn tôi thế, và tôi cũng đã có kinh nghiệm xấu rồi.”
“Ờ nhỉ, đúng đấy. Tôi quên khuấy đi mất. Vậy mà chính tay tôi bế cậu lên xe và đưa qua đồi trở về thành phố đấy”, ông gác cổng nói. “Cậu đã bình phục lại chưa?”
“Ổn cả rồi, cảm ơn ông.”
“Chắc cậu vẫn còn ngán tận cổ hả?”
“Đúng thế.”
Ông gác cổng cười đầy mãn nguyện và đổi chân gác trên tay nắm cửa lò. “Nhưng thế là tốt. Có bị bỏng tay thì lần sau người ta mới cẩn thận. Và khi đã cẩn thận thì họ sẽ không bị bỏng nữa. Những thợ đốn cây giỏi nhất là người có một vết sẹo. Một thôi, không hơn và không kém. Cậu hiểu tôi định nói gì chứ?”
Tôi gật đầu.
“Song cậu không việc gì mà phải ngại đến nhà máy điện. Nó ở ngay sau rặng cây đầu tiên, chỉ có một đường duy nhất đến đó, nghĩa là cậu không thể đi lạc được. Ở đó cậu cũng không gặp lũ người rừng. Chỉ ở sâu trong rừng và ngay sát tường thành là nguy hiểm thôi. Tránh mấy chỗ ấy ra thì cậu không có gì phải sợ cả. Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì thì cậu cũng không được rời khỏi đường, và cũng không được đi sâu hơn vào rừng phía sau nhà máy điện. Không thì lại có chuyện xảy ra như lần vừa rồi.”
“Người quản lý cũng thuộc vào nhóm những người sống trong rừng à?”
“Không, không, anh ta thì không. Tay ấy khác với lũ người rừng, nhưng cũng khác với chúng mình ở thành phố. Chẳng phải nạc cũng chẳng phải mỡ. Là loại người không thể chuyển hẳn vào rừng, mà cũng chẳng quay về thành phố được nữa. Vô hại, nhưng cũng chẳng làm được trò trống gì.”
“Những người sống trong rừng là kiểu người gì?”
Ông gác cổng nghiêng đầu là lặng lẽ nhìn tôi một lát. “Tôi đã nói ngay từ đầu: cậu có thể hỏi gì cũng được, nhưng tôi có trả lời hay không lại là chuyện khác.”
Tôi gật.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

84#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 13:48:30 | Chỉ xem của tác giả

Chương 24



“Tốt. Tôi sẽ không trả lời câu hỏi này”, ông gác cổng nói. “Này, cậu vẫn muốn thăm bóng của cậu nhỉ. Hôm nay được chưa? Mùa đông rồi, nó cũng đã mất sức khá nhiều. Bây giờ cậu có thể gặp nó.”
“Nó có ốm yếu lắm không?”
“Không, không, nó khỏe như vâm. Mỗi ngày tôi cho nó đi ra ngoài hàng tiếng đồng hồ để vận động. Nó ăn cũng ngon miệng lắm. Dĩ nhiên là ngày mùa đông càng ngắn đi và lạnh thì thể trạng của bóng cũng kém hơn, không có gì lạ. Bất khả kháng. Đó là chuyện thường tình nhất trên đời, tạo hóa sinh ra như vậy. Không phải lỗi của cậu hay của tôi. Nhưng cậu hỏi chính nó thì hơn, tôi sẽ đưa cậu đến chỗ nó.”
Ông lấy chùm chìa khóa treo trên tường, đút vào túi áo khoác, vừa ngáp vừa xỏ chân vào đôi ủng da to tướng. Trông chúng nặng nề dễ sợ, đế gắn đầy đinh nhọn để đi trên băng tuyết.
Nơi giam bóng nằm giữa hai thế giới – thành phố và thế giới bên ngoài. Tôi không được ra ngoài, bóng không được vào thành. Vì vậy đây là nơi duy nhất để chúng tôi gặp nhau: một người không bóng và bóng không người. Trại giam bóng nằm ngay ở cửa sau trạm canh. Gọi là “trại” thì hơi quá, nó không lớn hơn một khoảnh vườn bình thường, xung quanh là một hàng rào sắt kiên cố không chui lọt con chuột.
Ông gác cổng lấy chùm chìa khóa trong túi ra, mở cửa sắt cho tôi và vào theo. Trại giam bóng hình vuông, chằn chặn, phía đối diện bị chắn bởi tường thành. Một cây du già cỗi đứng giữa khoảng đất, dưới đó là một ghế băng gỗ trơn trụi. Cây du mốc thếch, không thể biết còn sống hay đã chết khô. Một túp lều vá víu cẩu thả bằng gạch và ván gỗ với cánh cửa lò xo thô sơ và cửa sổ không kính. Tôi không thấy bếp lò nào. Có lẽ ở đây không được sưởi.
“Bóng của cậu ngủ trong túp lều kia kìa”, ông gác cổng nói. “Trông thế cũng không đến nỗi nào. Có nước, có chỗ vệ sinh – đủ cả. Thậm chí có cả tầng hầm kín gió. Thôi thì không hẳn là khách sạn, nhưng cũng là chỗ chui ra chui vào. Cậu có muốn vào xem không?”
“Không, tôi đợi ở đây thì hơn”, tôi nói. Không khí hôi hám trong trạm canh đã làm tôi chóng mặt. Tôi đau đầu quá. Bên ngoài tuy lạnh nhưng ít nhất còn có khí trời.
“Tùy cậu. Tôi gọi nó ra”, ông gác cổng nói và chui vào lều.
Tôi bẻ cổ măng tôi lên, ngồi xuống ghế băng dưới cây du già và lấy gót giày di xuống nền. Đất trơ cứng, đây đó còn vương vài đám tuyết đóng đá. Băng giá chưa tan dưới bóng của tường thành, nơi mặt trời không chiếu đến.
Một lát sau ông gác cổng đi cùng với bóng ra khỏi lều. Ông dận gót giày đinh lên nền đất như muốn nghiền nát đám đất đóng băng dưới chân mình, bóng của tôi chậm chạm lủi thủi theo gót ông. Nó hoàn toàn không khỏe mạnh như ông gác cổng quả quyết ban nãy. Má nó hóp lại đến phát sợ, trên mặt chỉ còn thấy đôi mắt và râu ria.
“Tôi để hai người một mình với nhau mấy phút nhé”, ông gác cổng nói. “Chắc các cậu có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe, cứ thoải mái. Nhưng không có nhiều thì giờ đâu! Và chớ có nghĩ đến chuyện hòa nhập làm một! Đừng để tôi phải phí thời gian để tách hai cậu ra. Chẳng đem lại gì ngoài chuyện khó chịu cho cả hai bên, rõ rồi chứ?”
Tôi làm ra vẻ chấp thuận và gật đầu. Có lẽ ông ta có lý. Đằng nào thì chỉ sau vài phút là họ lại tách chúng tôi ra, và tất cả lại bắt đầu từ đầu.
Hai chúng tôi dõi mắt nhìn ông gác cổng khóa cửa rồi biến vào trạm canh. Đinh dưới đế ủng của ông ta cắm vào nền đất, tiếng chân bước rào rạo xa dần. Rồi thì cánh cửa gỗ nặng nề cũng đóng lại. Khi ông ta khuất hẳn, bóng ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu di gót xuống nền nhà như tôi. Nó mặc một chiếc áo len cứng và thô, quần lao động và đôi giày cũ mà tôi mang đến tặng dạo trước.
“Thế nào, khỏe không?”
“Nhìn thì biết!”, nó trả lời. “Lạnh không chịu thấu, và đồ ăn thì không nuốt nổi.”
“Tôi nghe nói là cậu ngày nào cũng được ra ngoài và vận động.”
“Vận động?”, nó lặp lại và bực bội nhìn tôi. “Gọi là vận động thì hay đấy! Tôi phải giúp lão gác cổng đốt xác súc vật, chỉ vì thế mà lão ta lôi tôi ra khỏi đây mỗi ngày! Chất xác lên xe, chở ra rừng táo, tưới dầu lên và châm lửa đốt. Trước đó lão ta đã cắt đầu chúng cho gọn ghẽ. Cậu đã thấy bộ sưu tập hoành tráng của lão rồi đấy! Toàn dao với rìu. Lão già này đầu óc không bình thường. Nếu có điều kiện có lẽ lão sẽ cắt cổ tất cả những ai lão túm được.”
“Ông ta là một trong những người dân thành phố phải không?”
“Đâu phải, họ chỉ thuê lão làm việc này thôi. Lão sung sướng khi được đốt xác súc vật. Chẳng ai trong thành muốn làm việc đó cả. Từ đầu mùa đông đến giờ chúng tôi đã thiêu không biết bao nhiêu xác rồi. Sáng nay có ba con chết. Thiêu luôn.”
Nó lại di gót giày xuống đất một hồi, tôi cũng thế. Nền đất cứng như đá. Một con chim mùa đông đậu trên cành cây trên đầu chúng tôi. Nó kêu một tiếng lanh lảnh rồi bay mất.
“Tôi đã nhận được bản đồ rồi”, nó nói. “Chất lượng tốt hơn tôi mong đợi. Phần chú thích cũng tốt. Nhưng hơi muộn.”
“Tôi ốm liệt giường”, tôi nói.
“Tôi cũng nghe nói. Nhưng dù sao thì cũng quá muộn. Mùa đông đến rồi, thực ra tôi muốn có từ trước. Được thế thì mọi sự đã trôi chảy và kế hoạch của chúng mình lẽ ra đã đâu vào đấy.”
“Kế hoạch nào cơ?”
“Kế hoạch trốn khỏi đây chứ kế hoạch nào nữa? Hay cậu nghĩ rằng tôi cần tấm bản đồ để giải trí?”
Tôi lắc đầu. “Tôi vẫn hy vọng được cậu giải thích thành phố kỳ quái này là gì. Nói cho cùng thì cậu đã lấy đi gần hết mọi ký ức của tôi.”
“Không hẳn thế”, bóng nói. “Đúng là tôi có phần lớn ký ức của cậu, nhưng tôi không biết dùng nó làm gì có ích cả. Muốn làm vậy thì chúng ta phải hòa nhập vào nhau, nhưng hiện tại đó là chuyện bất khả thi. Nếu ta làm thế thì họ sẽ không bao giờ cho gặp nhau nữa và kế hoạch sẽ vĩnh viễn tiêu tan. Vì thế trước tiên tôi suy tư một mình đã. Tôi định nói là suy tư về thành phố này.”
“Sao nữa? Cậu nghĩ ra chuyện gì?”
“Không nhiều, nhưng bây giờ tôi chưa cho cậu biết được. Tôi phải nối các chi tiết với nhau đã, riêng lẻ thì chúng không có sức thuyết phục. Cho tôi chút thời gian nữa. Có đủ thì giờ suy nghĩ thì chắc chắn tôi sẽ tìm ra kết luận. Có thể lúc đó đã quá muộn. Từ dạo bắt đầu mùa đông sức khỏe tôi giảm sút rõ rệt, cứ tiếp tục như thế này thì tôi không dám cam đoan sẽ đủ sức thực thi kế hoạch đào tẩu – nếu ta lập ra được kế hoạch đó. Đó là lý do tôi muốn có bản đồ trước mùa đông.”


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

85#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 13:49:32 | Chỉ xem của tác giả

Chương 24



Tôi ngó lên tán cây du. Qua tấm lưới đan bằng cành cây tôi nhìn thấy vài vệt mây mùa đông xám xịt.
“Nhưng mình không ra khỏi đây được đâu”, tôi nói. “Cậu xem bản đồ rồi đấy! Không có đường nào thoát. Đây là nơi tận cùng thế giới. Ta không tiến không lui được bước nào đâu.”
“Cứ cho đây là nơi tận cùng thế giới, nhưng vẫn phải có một lối ra. Tôi tin chắc như vậy. Nhìn lên trời mà xem. Chim chóc vượt qua được tường thành, đúng không? Chúng bay đi đâu? Tất nhiên là bay ra ngoài, đến một thế giới khác, chỉ có thế thì thành phố này mới có bức tường bao quanh – nhằm ngăn người ta ra khỏi. Nếu bên ngoài không có gì thì xây tường làm gì? Và đâu đó sẽ có một lối ra.”
“Hoặc là không.”
“Tôi sẽ tìm được lối ra và cùng cậu thoát khỏi nơi này. Tôi không muốn chết trong cái xó khốn khiếp này!” Bóng im bặt và lại di chân trên nền đất. “Ngay từ đầu tôi đã nói với cậu là thành phố này có cái gì không ổn và bất thường”, bóng nói. “Đến bây giờ tôi vẫn tin chắc như vậy. Nó bất thường và trái khoáy. Nhưng vấn đề ở chỗ nó hoàn hảo trong sự bất thường và trái khoáy ấy. Vì tất cả đều bất thường và trái khoáy nên rốt cuộc tất cả có sự hài hòa nội tại. Hoàn hảo. Đại thể như vậy.”
Nó vạch một vòng tròn trên nền đất bằng gót giày. “Thành phố khép kín, như vòng tròn này. Vì thế càng ở lâu trong đó và suy đi nghĩ lại thì người ta sẽ cảm thấy mọi thứ đều bình thường. Cậu sẽ bắt đầu ngờ vực trí phán đoán của mình. Chính vì mọi thứ quá hài hòa và hoàn hảo. Cậu hiểu ý tôi muốn nói gì chứ?”
“Có, tôi hiểu. Chính tôi cũng nhận thấy như thế. Đôi khi tôi nghĩ chính mình mới là căn nguyên của lắm vấn đề.”
“Như thế là sai!”, bóng nói và vẽ những hình kỳ quặc bên cạnh vòng tròn. “Chúng mình có lý. Còn tất cả đều sai. Nhất định thế. Cậu phải tin tưởng, hết sức tin tưởng. Nếu mất lòng tin thì một lúc nào đó thành phố này sẽ nuốt chửng cậu. Lúc đó thì mọi sự đã quá muộn.”
“Nhưng đúng hay sai cũng chỉ là tương đối! Trong khi tôi đã bị lấy mất mọi ký ức, mà chính đó mới là tiêu chí quan trọng nhất để cân nhắc giữa đúng và sai.”
Bóng gật đầu. “Tôi hiểu cậu đang rối trí. Nhưng hãy nghĩ xem: cậu có tin là có động cơ vĩnh cữu không?”
“Không. Hoàn toàn không thể được.”
“Chính thế. Cũng giống như thành phố này. Một thế giới hoàn hảo, xét về lý thuyết cũng như thực tế là không thể có được, hệt như động cơ vĩnh cửu vậy. Từ đó suy ra ở đâu đó phải có một lỗi. Giống như cỗ máy trông có vẻ tự nó chuyển động liên tục nhưng kỳ thực nó sử dụng một ngoại lực được ẩn giấu mà mắt thường không nhìn thấy.”
“Và cậu đã phát hiện ra ngoại lực đó?”
“Không, chưa, nhưng như tôi vừa nói, tôi có một luận cứ còn phải củng cố thêm. Vì thế tôi cần chút thời gian nữa.”
“Tôi có thể giúp cậu, nếu cậu cho tôi biết luận cứ đó. Cậu nghĩ sao?”
Bóng rút tay khỏi túi quần, hà hơi vào và cọ giữa hai đầu gối. “Không, đối với cậu, đây là chuyện quá sức. Tôi chỉ yếu nhược về thể xác, nhưng ở cậu là tâm hồn bị tổn thương. Nhiệm vụ cấp thiết nhất của chúng ta là chữa cho nó lành. Không thì cả hai chúng ta đều ngã ngựa trước khi lên đường đào thoát. Hãy nhường tôi việc suy nghĩ, còn cậu tự lo thân cậu. Hiện tại đó là điều quan trọng nhất.”
Tôi nhìn xuống vòng tròn dưới đất và nói: “Cậu nói phải, tôi đang rối trí. Tôi không biết gì nữa, thậm chí không biết ngày xưa mình là ai. Một tâm hồn đã mất đi bản thể của mình thì sẽ còn bao nhiêu sức lực nữa? Nhất là ở một thành phố có quyền lực vô biên và đặt ra những lề luật ngặt nghèo? Từ khi mùa đông đến, càng ngày tôi càng biết ít hơn về tâm hồn mình và đánh mất sự tự tin.”
“Không phải”, bóng nói. “Cậu không đánh mất bản thể của mình. Ký ức của cậu đã bị vùi lấp một cách tinh vi, do đó cậu thấy rối trí. Cậu phải tin vào nội lực của mình. Không thì ngoại lực sẽ cuốn phăng cậu đi.”
“Tôi sẽ cố gắng”, tôi nói.
Bóng gật đầu, ngó một lúc trên bầu trời trĩu mây nhưng lại nhắm mắt ngay và chìm sâu vào suy tư.
“Mỗi khi bối rối tôi lại nhìn bầy chim”, bóng nói. “Lúc đó tôi cảm thấy rõ rệt là mình đang đi đúng hướng. Thành phố hoàn hảo này chẳng có ý nghĩa gì đối với những con chim cả. Chúng không quan tâm đến bức tường, cánh cổng hay tiếng tù và. Cậu hãy học theo chúng mỗi khi thấy bế tắc!”
Đúng lúc đó có tiếng ông gác cổng gọi tôi. Ông đứng ở cửa hàng rào và ra hiệu thời gian thăm hỏi đã hết.
“Cậu đừng đến đây một thời gian dài”, bóng thì thào vào tai tôi khi chia tay. “Khi nào cần cậu, tôi sẽ nghĩ ra cách để mình gặp nhau. Lão gác cổng đa nghi lắm. Nếu mình gặp nhau thường xuyên, lão sẽ đoán ra sự tình và sinh ra thận trọng, lúc đó ta sẽ khó trở tay. Một chuyện nữa: nếu lão hỏi hôm nay ra sao thì cứ ra vẻ là cậu không hiểu rõ những gì tôi nói, rõ chưa?”
“Hiểu rồi”, tôi nói.
“Thế nào?”, ông gác cổng hỏi khi tôi quay về trạm canh. “Lâu quá mới gặp lại bóng mình, chắc vui lắm nhỉ?”
“Tôi không rõ lắm”, tôi nói và lắc đầu.
“Hừm, thế đấy”, giọng ông đầy vẻ hài lòng.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

86#
 Tác giả| Đăng lúc 16-6-2013 13:06:40 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25

Bữa Ăn, Nhà Máy Voi, Bẫy



o với cầu thang xoáy ốc thì leo lên bằng thừng quả là dễ chịu. Cứ ba chục phân lại có một nút thắt, và bản thân sợi thừng cũng vừa tầm tay. Tôi nắm cả hai tay, đu đưa một lúc và tận dụng đà để leo lên từng chặng. Giống như ở rạp xiếc, tuy rằng ở đó dĩ nhiên không ai thắt nút vào thừng vì làm thế khán giả sẽ coi thường tiết mục biểu diễn.
Thỉnh thoảng tôi nhìn lên trên nhưng không thể ước lượng được khoảng cách vì bị ánh sáng chiếu thẳng xuống làm chói mắt. Cô gái chú ý quan sát tôi trong suốt thời gian, có lẽ cô lo cho tôi. Vết thương ở bụng lại nhói lên từng nhịp. Thêm vào đó, đầu tôi vẫn đau sau cú ngã. Không đau đến nỗi không trèo được, nhưng vẫn là đau.
Lên gần đến đỉnh, ánh đèn của cô chiếu đủ sáng vào tôi và khoảng xung quanh. Đó là một ý định tốt, song nó cản trở tôi. Vì tôi đã chuẩn bị tinh thần để leo lên trong bóng tối nên ánh sáng làm tôi loạn nhịp. Đơn giản là không thể đo được khoảng cánh giữa sáng và tối. Các khoảng sáng như lồi lên còn chỗ tối thì lõm hẳn xuống.
Chừng sáu, bảy chục nút thừng thì tôi lên tới đỉnh. Tôi chống cả hai tay vào rìa đá để rướn lên như một người bơi đến thành bể. Tôi cố hết sức vì hai cánh tay đã bại đi như phải bơi mấy cây số. Cô gái nắm thắt lưng tôi kéo lên.
“Vừa vặn kịp”, cô nói. “Chậm vài phút nữa là mình tiêu rồi.”
“Tuyệt vời”, tôi nói, nằm sõng soài ra nền đá phẳng và hít mấy hơi thật sâu. “Quá tuyệt vời. Nước dâng đến đâu rồi?”
Cô gái đặt đèn pin xuống đất và kéo thừng lên. Đến nút thứ ba mươi cô ấn sợi thừng vào tay tôi. Nó ướt nhoẹt. Mực nước khá cao. Quả thực là gấp gáp nếu chúng tôi chậm mấy phút nữa mới vớ được sợi thừng.
“Cô đã tìm được ông cô chưa?”, tôi hỏi.
“Tất nhiên”, cô nói. “Ông ở trong điện thờ đằng kia. Nhưng ông tôi bị sái chân vì sa vào một hố trên đường đi.”
“Và còn lê được đến đây với cái chân sái?”
“Vâng, ông tôi rất sung sức.”
“Tôi cũng thấy thế”, tôi nói.
“Ta đi thôi. Ông tôi đợi. Ông nói là có nhiều chuyện cần kể với ông.”
“Tôi cũng thế.”
Tôi đeo ba lô và để cô dẫn đến điện thờ. Thực ra nó chỉ là một cái hang ăn sâu vào vách đá, rộng như một căn phòng cỡ lớn. Trong một ngách hang có ngọn đèn đốt khí tỏa ánh sáng vàng liu riu. Vách đá lồi lõm tạo ra vô số bóng đen kỳ dị. Giáo sư ngồi cạnh ngọn đèn, trùm lên người một tấm mền. Mặt ông chìm một nửa vào bóng tối. Trông có vẻ như hố mắt ông lõm sâu hơn, nhưng kỳ thực ông già rất sinh động và tỉnh táo.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

87#
 Tác giả| Đăng lúc 16-6-2013 13:08:45 | Chỉ xem của tác giả

Chương 25



“Kìa, có vẻ như mọi người vừa vặn thoát nạn thì phải”, giọng ông vui vẻ. “Tôi biết là sẽ có nước dâng lên, nhưng tôi tính là cả hai người đến đây sớm hơn nên không lo lắng gì cả.”
“Cháu bị lạc trong thành phố ông ạ”, cô gái mũm mĩm nói. “Vì vậy chúng cháu mất gần trọn một ngày.”
“Không sao, không sao”, giáo sư nói. “Sớm hơn hay muộn hơn thì bây giờ cũng không có gì khác nhau nữa.”
“Cái gì không khác nhau nữa ạ?”, tôi hỏi.
“Những chuyện phức tạp ta sẽ bàn sau, được không? Anh ngồi xuống đi. Trước tiên phải gỡ hết vắt ở cổ anh đi đã, không thì sẽ bị sẹo.”
Tôi ngồi gần ông giáo sư. Cô cháu gái ngồi xuống cạnh tôi, lấy diêm trong túi ra và đốt cho rụng những con vắt bám ở cổ tôi. Những con vắt đã hút no máu và phồng to như nút chai. Lửa diêm nóng làm chúng phát tiếng xèo xèo. Chúng rơi xuống đất và quằn quại ở đó cho đến khi bị cô lấy giày thể thao di nát. Da tôi xót như bị bỏng, tôi có cảm giác nếu lắc đầu mạnh là lớp da sẽ toác ra như một quả cà chua chín rục. Thêm một tuần như thế này thì có thể dùng ảnh chụp các vết thương của tôi để minh họa cho cả một cuốn sách giáo khoa y học. Hoặc làm một tấm áp phích màu, mỗi vết thương là một ảnh nhỏ, giống như áp phích về nấm chân mà người ta vẫn treo ở hiệu thuốc. Bụng bị rạch, đầu sưng u, da bị vắt hút máu thành vệt, lại còn thêm một ví dụ nhỏ về rối loạn cương dương nữa chứ.
“Hai người có đem theo thứ gì ăn được không đấy?”, giáo sư hỏi. “Tôi lên đường quá cập rập nên không đem được nhiều thứ theo. Từ hôm qua tôi toàn ăn sô cô la.”
Tôi mở ba lô lấy đồ hộp, bánh mì và bi đông nước ra, đưa hết cho ông, kèm cả dao mở hộp.
Trước tiên ông khoan khoái uống một ngụm nước, rồi ông lần lượt ngắm nghía từng hộp đồ ăn một, tựa như chọn mùa nho ngon nhất trong một loạt chai rượu vang. Rốt cuộc ông mở hộp đào và hộp thịt bò muối.
“Hai người có muốn ăn không?”, giáo sư hỏi. Chúng tôi cảm ơn và từ chối. Trong hoàn cảnh này và vào thời điểm này chúng tôi không thấy ngon miệng gì hết.
Ông giáo sư bẻ bánh mì, đặt một lát thịt bò dày lên và nhai một cách khoái trá. Sau đó ông ăn vài quả đào và nâng hộp lên húp nước đào. Trong khi ông ăn, tôi lấy chai rượu dẹp ra nhấp hai, ba ngụm. Lập tức người tôi phấn chấn, các vết đau đỡ hẳn. Không phải chúng dịu đi, mà rượu đã làm tê dây thần kinh, khiến các vết thương như tách hẳn khỏi người tôi để tồn tại biệt lập.
“Được lắm, hai người đã đến đúng lúc”, ông giáo sư cảm ơn tôi. “Thường ngày tôi vẫn có đồ dự trữ ở đây, đủ ăn vài hôm, nhưng lần này tôi quên lấy bù thêm vào. Một sai lầm không thể tha thứ được! Lâu lâu không có gì xảy ra là người ta mất tính cẩn trọng. Đây là một bài học cho tôi. Anh biết người xưa vẫn nói: khi ánh mặt trời xuyên qua mái nhà thì hãy dọi kín, phòng khi mưa. Ha ha ha.”
“Giờ thì ông ăn xong rồi”, tôi nói. “Ta có một vài chuyện cần đem ra bàn. Theo đúng thứ tự từ đầu đến giờ. Ông đã có ý định gì? Và ông đã thực thi chuyện gì? Kết quả ra sao? Vai trò của tôi trong đó là gì? Đề nghị ông kể hết cho tôi biết!”
“Tôi nghĩ là sẽ tương đối đi sâu vào chuyên môn”, ông ngập ngừng nói.
“Được, vậy thì ông giải thích một cách dễ hiểu. Tôi chỉ muốn biết đại ý và việc gì cụ thể cần làm.”
“Nếu tôi kể tuột hết ra thì có thể anh sẽ rất giận tôi…”
“Tôi sẽ không giận”, tôi nói. “Vì giận bây giờ phỏng có ích gì?”
“Trước tiên tôi phải xin anh thứ lỗi”, giáo sư nói. “Tôi đã lừa gạt và lợi dụng anh, cho dù với lý do khoa học, và qua đó đẩy anh vào tình thế khốn đốn này. Tôi không phải nhận lỗi làm lệ, mà rất hối hận. Nhưng anh nên hiểu là công trình nghiên cứu của tôi có một ý nghĩa và giá trị vô cùng trọng đại. Các nhà khoa học khi đã bập vào một mạch tri trức thường quên hết mọi chuyện bên lề. Nhưng cũng chính vì thế mà khoa học luôn phát triển, không ngừng nghỉ. Nói một cách cường điệu thì khoa học sống bằng động cơ trong trắng ấy… à, mà anh có đọc Aristotles không nhỉ?”
“Hầu như không”, tôi nói. “Tôi hiểu động cơ trong trắng khi ông nghiên cứu khoa học. Nhưng ông đi vào trọng tâm đi.”
“Xin lỗi. Tôi chỉ muốn nói rằng sự trong trắng ấy đôi khi có thể đem lại tác hại cho con người. Giống như các hiện tượng thiên nhiên gây tác hại cho con người vậy. Những ngọn núi lửa vùi cả thành phố dưới lớp nham thạch nóng chảy, lũ lụt cuốn trôi nhiều sinh mạng, động đất triệt hạ nhà cửa – nhưng liệu có thể vì thế mà nói rằng những hiện tượng thiên nhiên ấy về bản chất là độc ác…”
“Kìa ông!”, cô gái mũm mĩm xen vào. “Ta có nhiều thời gian cho những giải thích vòng vèo đó không?”
“Cháu nói đúng, bé con ạ, cháu nói đúng”, giáo sư nói và dịu dàng vuốt lên tay cô cháu. “Ờ, tôi bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi không ưa tiếp cận sự việc theo kiểu trực chỉ và độc đạo, tôi phải giải thích mọi chuyện ra sao bây giờ?”
“Ông đã đưa tôi các số liệu để xáo trộn, đúng không ạ? Chuyện đó có ý nghĩa gì?”
“Để giải thích, tôi phải đi ngược lại ba năm về trước.”
“Vâng, ông cứ làm đi!”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

88#
 Tác giả| Đăng lúc 16-6-2013 13:10:11 | Chỉ xem của tác giả

Chương 25



“Hồi đó tôi làm việc trong trung tâm nghiên cứu của Hệ thống. Tuy nhiên không phải là nhân viên khoa học cơ hữu, mà có thể gọi là chuyên viên ngoại vi đặc biệt. Tôi có bốn hay năm nhân viên dưới quyền, một cơ sở được trang bị tối ưu và ngân khoản không hạn chế. Tôi không quan tâm chuyện tiền nong và ghét làm việc bị lệ thuộc, song Hệ thống cung cấp một cơ sở thí nghiệm phong phú khó có thể tìm được ở nơi khác. Các điều kiện thẩm định kết quả nghiên cứu trong thực tế đã khiến tôi bị hấp dẫn và không cưỡng lại nổi. Ngày ấy Hệ thống đang lâm vào một tình thế khó khăn. Thực tế là các chương trình xáo trộn để bảo vệ dữ liệu mà họ thiết kế ra đều bị bọn ký hiệu sư bẻ khóa hết. Mỗi lần Hệ thống nâng cấp các phương pháp của mình thì bọn ký hiệu sư cũng đua theo vòng xoáy với những ký thuật mã hóa phức tạp hơn. Như một kiểu thi nhau dựng hàng rào: một người dựng hàng rào quanh nhà mình và hàng xóm dựng hàng rào cao hơn. Một lúc nào đó hàng rào cao đến mức mất mọi ý nghĩa thực dụng. Nhưng không vì thế mà ai nhường nhịn ai. Ai nhịn là thua. Ai thua là ra rìa. Vậy là Hệ thống quyết định phát triển kỹ thuật xáo dữ liệu dựa trên một nguyên tắc khác hẳn. Một kỹ thuật đơn giản nhưng không bẻ khóa được. Và họ cử tôi lãnh đạo nhóm nghiên cứu đó.
Họ đã chọn đúng. Ngày đó – và tất nhiên cho đến tận hôm nay – trong lĩnh vực sinh lý học thần kinh tôi là nhà khoa học có khả năng nhất và say mê nhất. Tuy bị cộng đồng khoa học lờ đi vì tôi không bao giờ làm mấy trò vớ vẩn như công bố kết quả nghiên cứu hoặc báo cáo tại các hội nghị, nhưng kiến thức của tôi về não bộ con người thì không ai theo kịp. Hệ thống biết rõ, chính vì vậy họ gọi tôi. Họ muốn có một cấu trúc hoàn toàn mới. Không nâng cấp các kỹ thuật sẵn có, không phức tạp hóa, mà biến đổi triệt để cấu trúc từ tận gốc rễ, hoàn toàn mới. Những nhà khoa học từ sáng đến tối đánh vật với các bài viết ngớ ngẩn trong phòng làm việc của trường đại học hoặc đong đếm tiền lương của mình sẽ không bao giờ lọt vào vòng ngắm của họ. Một nhà khoa học thực sự sáng tạo phải có tính độc lập.”
“Chẳng phải bước chân vào Hệ thống thì ông đã từ bỏ sự độc lập của mình hay sao”, tôi hỏi.
“Chính thế, chính thế”, giáo sư nói. “Anh hoàn toàn có lý. Đó là một bước sai. Tôi không hối hận, nhưng đó là một bước sai. Tôi không định thanh minh, anh nên hiểu cho đúng – tôi chỉ muốn biến lý thuyết của mình thành thực tiễn bằng được. Lý thuyết ấy đã nằm xong xuôi trong đầu tôi, nhưng tôi không có điều kiện thẩm định nó trong thực tế. Đó là một nhược điểm trong sinh lý não bộ của con người, ta không thể đem nó ra làm thí nghiệm trên động vật một cách đơn giản như các sinh lý khác. Xét về cách tiếp cận tâm lý tiềm thức hay kỹ thuật ghi nhớ thì cấu trúc của óc khỉ chưa có độ phức tạp như óc người.”
“Có nghĩa là ông đã dùng chúng tôi làm những con khỉ thí nghiệm?”
“Gượm đã, đừng có nhảy cóc đến kết luận như vậy. Trước tiên tôi muốn giải thích lý thuyết của mình một cách dễ hiểu. Trong lĩnh vực mã hóa người ta có một quan điểm chung là không có mật mã nào không thể bị bẻ khóa. Quan điểm đó đúng. Nó đúng vì mã nào cũng lấy một nguyên tắc nhất định làm cơ sở. Và một nguyên tắc, bất kể phức tạp và tinh vi đến mức nào, cũng là một dạng thức tâm lý để có thể nhiều người chia sẻ và hiểu được. Do đó ai hiểu được nguyên tắc này thì cũng bẻ được khóa. Ký thuật mã hóa đáng tin cậy nhất là hệ thống so chữ - hệ thống này lập mã và giải mã bằng cách sử dụng một số chữ nhất định trong các trang và dòng nhất định của một quyển sách mà hai người sử dụng cùng nó. Những mật mã này chỉ hiệu nghiệm chừng nào người ta không biết đó là quyển sách nào. Những người sử dụng luôn phải có quyển sách đó trong tầm tay, rủi ro khá lớn.
Đây là khởi điểm cho suy nghĩ của tôi. Chỉ có một cách để tạo ra mật mã không ai phá nổi: làm biến dạng dữ liệu trên cơ sở một hệ thống cho đến khi không ai hiểu nổi. Nói một cách khác là việc biến dạng dữ liệu phải diễn ra trong một hộp đen hoàn hảo, và phục hồi nguyên dạng cũng vậy. Ngay người lập mã cũng không được biết nội dung và nguyên lý của hộp đen. Người lập mã và người giải mã được phép sử dụng hộp đen mặc dù không hiểu nó. Và do chính họ không hiểu nên chẳng ai bẻ được khóa ấy. Có đúng là hoàn hảo không?”
“Hộp đen đó chính là tiềm thức?”
“Chính xác. Anh để tôi giải thích tiếp. Mỗi hành vi của con người diễn ra đều dựa trên các nguyên tắc đặc thù cá thể. Không có hai người giống nhau như một. Tóm lại là ta nói đến vấn đề bản thể. Bản thể là gì? Bản thể là tính cá thể của cấu trúc tư duy sinh ra bởi các trải nghiệm thu thập. Nói đơn giản là, đó là tâm hồn, là trái tim của con người. Mỗi người có một trái tim khác nhau, không có hai trái tim giống nhau. Tuy nhiên con người hầu như không hiểu được cấu trúc tâm lý của mình. Tôi cũng thế, và anh cũng chẳng khác. Cái mà chúng ta hiểu được hay tưởng rằng hiểu được thì cùng lắm chỉ là năm đến bảy phần trăm của cấu trúc đó. Còn ít hơn hình ảnh quen thuộc mà ta vẫn gọi là chóp nhọn của núi băng. Ta hãy thí nghiệm với một câu hỏi đơn giản: anh là người dũng cảm hay hèn nhát?”
“Tôi không biết”, tôi trả lời thành thực. “Thỉnh thoảng dũng cảm, thỉnh thoảng hèn nhát. Không thể nói một cách tuyệt đối.”
“Cấu trúc tâm lý cũng giống hệt như vậy. Chẳng có gì tuyệt đối cả. Tùy theo tình thế và nhu cầu mà anh chọn một cách bất giác và hầu như ngay tắp lự một điểm nào đó nằm giữa hai thái cực dũng cảm và hèn nhát. Sơ đồ nội tâm của anh chính xác như vậy. Nhưng anh hầu như không hiểu gì về nội dung và cơ cấu của sơ đồ ấy. Anh cũng chẳng cần hiểu làm gì. Anh hành động như chính anh, đâu cần phải hiểu tại sao. Đó là quan niệm của tôi về hộp đen. Trong óc chúng ta có một cái gọi là nghĩa địa voi khổng lồ mà chưa người nào đặt chân tới, đó là miền đất lạ cuối cùng của nhân loại – trừ vũ trụ.
Không, nghĩa địa voi không phải là danh từ chính xác. Vì ở đó không tàng chứa những ký ức chết. Có lẽ gọi đúng hơn là nhà máy voi. Ở đó có hằng hà sa số các con chip ký ức và kiến thức được phân loại và kết nối thành các dây phức hợp và sau đó bện thành các bó phức hợp để tạo nên mọi hệ thống. Quả thực nên gọi đó là một nhà máy. Một nhà máy sản xuất. Giám đốc nhà máy đó là anh. Nhưng tiếc là anh không vào tham quan nhà máy được. Muốn thâm nhập vào đó anh cần một dược liệu đặc biệt, như Alice ở xứ sở diệu kỳ vậy. Lewis Carroll quả đã cho ra một tác phẩm bậc thầy.”
“Vậy là mọi hành xử của ta được quyết định bởi những mệnh lệnh từ nhà máy voi đó hay sao?”
“Chính thế”, ông già nói. “Nghĩa là…”
“Khoan đã”, tôi ngắt lời ông. “Tôi có một câu hỏi.”
“Cứ việc, cứ việc.”
“Về cơ bản thì tôi đã hiểu. Nhưng hành xử không thể thực sự bị quyết định đến tận cùng các hành vi diễn ra ở bề mặt ngoài cùng. Khi ăn bánh mì buổi sáng, tôi uống kèm sữa, cà phê hay trà thì chỉ phụ thuộc vào tâm trạng tức thời thôi chứ?”
“Thật vậy”, giáo sư nói và gật đầu. “Tiềm thức tuân thủ một sự biến đổi thường trực, đó là một vấn đề nữa. Nói như một ẩn dụ, nó là cuốn tự điển bách khoa toàn thư mà mỗi ngày ra một ấn bản có hiệu đính. Đó là hai vấn đề cần được khắc phục khi ta muốn ổn định tâm thức của người.”
“Vấn đề?”, tôi nói. “Sao lại gọi là vấn đề? Chẳng phải đó là hành xử hoàn toàn bình thường của con người hay sao?”
“Từ từ, từ từ đã nào”, giáo sư xoa dịu. “Cứ thế này thì ta sa vào lạch thần học mất. Tiền định và định mệnh. Mọi hành vi của con người đều được Thượng đế quyết định trước, hay con người quyết định hành vi theo ý chí riêng? Trong thời hiện đại, các nhà khoa học nhấn mạnh tính bột phát sinh lý của con người. Dù vậy chưa ai tìm được câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi, ý chí tự do là gì. Vì sao? Vì chưa ai hiểu được bí mật của nhà máy voi trong chúng ta. Freud và Jung đã nêu ra nhiều lý thuyết, song nói cho cùng cũng chỉ là các trình bày mang tính khái niệm không hơn không kém. Chúng chỉ tạo ra một dịp để bàn về các hiện tượng đó mà thôi. Vấn đề đã đơn giản đi, đồng ý, nhưng qua đó có hiểu được bản chất sự bột phát của con người không? Hoàn toàn không. Theo tôi, người ta chỉ tráng lên môn tâm lý học một lớp màu kinh viện mà thôi.”
Đến đây giáo sư lại phá lên một tràng cười sang sảng. Cô bé và tôi kiên nhẫn đợi đến lúc ông cười xong.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

89#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:32:27 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25


“Về bản chất, tôi là người thực dụng”, giáo sư tiếp lời. “Như lời người xưa nói, cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar, đừng mó máy vào làm gì. Lý luận siêu hình nói cho cùng chỉ là tán gẫu kiểu triệu chứng học. Trước khi mê đắm vào nó thì hãy làm cho xong núi công việc đang chờ ta ở những lĩnh vực cụ thể đi đã. Chẳng hạn như vấn đề hộp đen của chúng ta. Hãy coi cái hộp là một cái hộp và tận dụng nó như một cái hộp là đủ lắm rồi. Nhưng muốn thế”, giáo sư giơ ngón trỏ lên, “ta phải giải quyết hai vấn đề mà tôi vừa nêu lên. Vấn đề thứ nhất là tính ngẫu nhiên của các hành vi diễn ra ở bề mặt ngoài cùng, vấn đề kia là sự biến đổi của hộp đen xảy ra sau mỗi trải nghiệm mới. Đây không phải là chuyện đơn giản. Đúng như anh nói, đây là hành động hoàn toàn thường nhật của con người. Con người thu thập kinh nghiệm suốt cuộc đời, từng phút, từng giây một. Gạt bỏ việc đó chẳng khác gì ký vào bản án tử hình của mình.
Dù vậy, theo giả thuyết của tôi, sẽ có gì xảy ra khi hộp đen của một người được ghi nhớ vào một thời điểm nhất định? Sau đó có thay đổi gì khác cũng được. Trạng thái được ghi nhớ của hộp đen tại thời điểm đó là một trạng thái bền vững và có thể gọi ra bất cứ lúc nào. Một bức ảnh chụp vào thời điểm cố định.”
“Khoan đã”, tôi nói. “Giống như cấy vào người một ý thức hệ thứ hai, đúng không ạ?”
“Đúng thế, đúng thế”, ông già nói. “Anh nói rất đúng. Anh là một người nhanh trí. Tôi vẫn biết thế. Cấu trúc A vẫn liên tục tồn tại, trong khi trên một bình diện khác nó liên tục biến thành A’, A’’, A’’’, vân vân. Người ta đút một cái đồng hồ chết vào túi quần bên phải, một đồng hồ khác đang chạy vào túi trái. Đại khái thế. Muốn xem đồng hồ nào vào lúc nào thì tùy. Đó là cách giải quyết vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai cũng được thanh toán theo cùng nguyên tắc. Ta chỉ cần triệt tiêu các lựa chọn mở của ý thức hệ nguyên thủy A trên bề mặt ngoài cùng. Anh hiểu chứ?”
Không, tôi chẳng hiểu gì cả.
“Ta tách bỏ bề mặt ngoài cùng, như nha sĩ cạo men răng đi vậy. Chỉ chừa lại những nhân tố cơ bản, những gì ta cần, nghĩa là cốt lõi của ý thức hệ. Khi đó sẽ không thể phạm lỗi lầm nào nữa. Ta cố định cấu trúc tâm lý đó và quẳng vào két sắt. Xong. Đó là dạng thô của kỹ thuật xáo dữ liệu. Lý thuyết của tôi lúc bước chân vào Hệ thống là thế.”
“Vậy thì phải mổ óc ra.”
“Không tránh được”, giáo sư nói. “Trong tương lai có thể một ngày nào đó người ta không cần phẫu thuật nữa. Có thể người ta thông qua một phẫu thuật ngoại vi, một dạng thôi miên, để đạt mục đích mong muốn. Nhưng trình độ hiện tại chưa cho phép. Bộ não vẫn còn được kích thích bằng điện. Nói cách khác là các bảng mạch phải được chỉnh đổi bởi bàn tay người. Không có gì lạ. Nó cũng tương tự như kỹ thuật chuẩn đang được áp dụng để chữa chứng động kinh vì lý do tâm lý. Người ta cắt các dây thần kinh đại não bị lệch luồng và – hừm, tôi có nên bỏ các chi tiết chuyên môn đi không?”
“Có lẽ thế”, tôi nói. “Chỉ các ý chính là đủ.”
“Nói ngắn gọn, người ta tạo ra các điểm nối cho dòng thần kinh. Như tiếp điểm của đường ray. Cấy vào đó các đèn cực và pin cực nhỏ. Mỗi khi có tín hiệu là bẻ ghi.”
“Nghĩa là tôi có các điện cực và pin cực nhỏ trong não?”
“Dĩ nhiên.”
“Giỏi”, tôi nói. “Giỏi thật đấy.”
“Cũng không có gì ghê gớm và tồi tệ như anh tưởng tượng ra đâu. Mấy thứ đó không lớn hơn hạt đậu xanh, thiếu gì người mang máy điều hòa nhịp tim hay những thứ tương tự trong cơ thể. Tuy nhiên, có một điểm mà tôi phải nhắc đến. Các mạch dẫn của cấu trúc tâm lý nguyên thủy, nghĩa là của chiếc đồng hồ đang chạy, đều là mạch chết. Nếu anh kích vào đó thì sẽ không có hiệu quả gì. Nói cách khác là anh sẽ không biết mình nghĩ gì hay làm gì. Bắt buộc phải làm thế, vì nếu không sẽ sinh ra nguy cơ là anh tự thay đổi cấu trúc.”
“Ngoài ra có vấn đề gì bởi phát xạ hay phát quang của lõi ý thức hệ từ bề mặt không? Một cộng tác viên của ông có nói về chuyện đó sau khi tôi được phẫu thuật. Việc phát quang có thể gây ảnh hưởng đến não.”
“Đúng vậy. Về điểm này thì có nhiều quan niệm khác nhau. Chỉ có thể phỏng đoán. Do chưa có thí nghiệm nào trước đó nên người ta chỉ đoán mò mà thôi.”
“Anh vừa nói đến dùng người làm khỉ thí nghiệm – thực sự là chúng tôi có làm vài thí nghiệm trên người. Chúng tôi không thể áp dụng ngay vào các toán sư như anh, vì các anh là tài sản lớn. Hệ thống đã lựa ra mười người để chúng tôi phẫu thuật và quan sát diễn biến.”
“Những người đó là ai?”
“Họ không cho chúng tôi biết. Nói chung đó là các thanh niên khỏe mạnh. Họ không có bệnh tâm thần và phải có chỉ số thông minh từ 120 trở lên, đó là điều kiện. Chúng tôi không rõ họ là ai và từ đâu đến. Kết quả rất khả quan. Các đoạn bẻ ghi hoạt động tốt ở bảy trong số mười người. Ở ba người có vấn đề, có thể vì cấu trúc tâm lý bị hạn chế vào một hệ thống duy nhất, hoặc có hiện tượng tư duy bất đồng nhất. Nhưng số bảy là một kết quả chấp nhận được.”
“Chuyện gì xảy ra với những người tư duy bất đồng nhất?”
“Chúng tôi khôi phục lại trạng thái ban đầu. Không ai bị tổn hại gì. Ở bảy người còn lại thì trong quá trình tập huấn tiếp theo có một vấn đề mang tính chất kỹ thuật hoặc cá nhân. Một vấn đề là mật mã để bẻ ghi bị trục trặc. Thoạt tiên chúng tôi dùng chuỗi năm số bất kỳ làm mật mã, nhưng một số người thí nghiệm bị lỗi mạch khi họ ngửi nước nho nguyên chất. Tôi không rõ tại sao. Hiện tượng này xảy ra khi họ uống nước nho trong bữa ăn trưa.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

90#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:35:47 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25




Cô gái mũm mĩm bên cạnh tôi cười khúc khích, nhưng tôi chẳng thấy có gì khôi hài cả. Sau cuộc phẫu thuật và tập huấn trộn số, rất nhiều thứ mùi làm tôi bối rối. Ví dụ như nước hoa có hương dưa bở của cô gái khiến tôi tưởng là nghe thấy âm thanh trong đầu. Nếu mùi này mùi kia gây ra lỗi mạch trong nhận thức thì quả là một thảm họa!
“Chúng tôi tìm ra giải pháp là đệm giữa các số bằng sóng âm thanh đặc biệt. Phản ứng với một số mùi giống như phản ứng với mật mã. Một vấn đề nữa là cấu trúc nguyên thủy của một số người thí nghiệm không hoạt động chính xác nữa. Chúng tôi nghiên cứu kỹ hiện tượng ấy và rút ra kết luận rằng lõi ý thức hệ của những người ấy ngay từ đầu đã quá mỏng manh và bất ổn định về chất lượng. Những thanh niên đó khỏe mạnh và thông minh, nhưng bản thể tâm lý của họ không định hình, họ không có cá tính mạnh. Ngược lại, cũng có khi tính tự chủ kém. Có bản thể tâm lý, nhưng cơ cấu của nó không phát triển đủ mạnh để sử dụng được trong chuyện này. Tóm lại, người ta không thể phẫu thuật một người bất kỳ và dạy họ xáo dữ liệu được, mà phải có tố chất tương thích.
Cuối cùng còn lại ba ứng viên. Ở ba người này, hễ có tín hiệu mật mã là bẻ ghi, cấu trúc tâm lý nguyên thủy được cố định cũng hoạt động tốt, có thể dùng được. Sau một tháng làm thêm một số thí nghiệm chúng tôi được bật đèn xanh.”
“Để tìm ứng viên xáo dữ liệu?”
“Đúng thế. Chúng tôi thẩm định và phỏng vấn trực tiếp gần năm trăm toán sư để cuối cùng lựa chọn được hai mươi sáu đàn ông có tâm lý vững vàng, ngoài ra còn biết chế ngự hành vi và cảm xúc, cơ thể khỏe mạnh và chưa bao giờ phải điều trị tâm thần. Quá trình tuyển chọn vô cùng phức tạp và tốn thời gian. Nói cho cùng là nhiều điểm không thể tìm ra được qua sát hạch và phỏng vấn. Sau đó Hệ thống lập hồ sơ cá nhân chi tiết của từng người trong hai mươi sáu ứng viên đó, ghi rõ mọi chi tiết về cá nhân, xuất xứ, khả năng học vấn, gia đình, đời sống tình dục, thói quen ăn uống, tóm lại là đủ mọi thứ. Họ thuộc các anh như lòng bàn tay. Vậy nên tôi biết rõ anh như chính mình vậy.”
“Có một điều tôi không hiểu được”, tôi nói. “Như tôi được nghe kể lại thì các lõi ý thức hệ hay hộp đen của chúng tôi được bảo quản ở thư viện của Hệ thống. Họ làm chuyện đó ra sao?”
“Chúng tôi lần theo đến tận hang cùng ngõ hẻm trong cấu trúc tư duy của các anh, mô phỏng chúng và giữ lại như một ngân hàng dữ liệu trung ương. Nếu không thì chúng tôi sẽ bó tay nếu có chuyện gì đó xảy ra với các anh. Một dạng bảo hiểm.”
“Mô phỏng có hoàn hảo không?”
“Không, dĩ nhiên là không được hoàn hảo, nhưng bóc tách trơn tru được lớp vỏ ngoài đã đơn giản hóa mọi chuyện, nhờ vậy mà mô hình mô phỏng hoạt động gần đạt tới mức hoàn hảo. Về chi tiết thì mô hình này bao gồm ba hệ tọa độ hai chiều và một ảnh giao thoa laser. Tất nhiên không thể sử dụng một máy tính bình thường để tạo ra, nhưng thế hệ máy tính bây giờ có những nguyên tố gần giống một nhà máy voi và có thể tiếp cận những cấu trúc tâm lý phức hợp như vậy. Nói một cách khác thì vấn đề là làm sao cố định được sơ đồ cấu trúc, song tôi sẽ không đủ thì giờ để giải thích. Để cho dễ hiểu, người ta theo dõi các quá trình tâm lý như sau: trước tiên các hình mẫu của dòng chảy trong não do anh tạo ra được liên tục đưa vào máy tính. Giữa các hình mẫu đó có sự khác biệt rất tinh ti, vì anh luôn liên tục tráo các con chip trong dây thần kinh và các dây trong cùng bó dây. Một vài quá trình hoán đổi diễn ra ở quy mô có thể đo được, các quá trình khác thì không. Máy tính phân biệt điều đó. Nó bỏ các quá trình không đo được, còn các quá trình đo được thì nó ghi lại là hình mẫu cơ bản. Việc này được máy tính lập đi lập lại liên tục, với đơn vị đo là hàng triệu. Giống như các lớp chất dẻo dán đè lên nhau và ngày càng dày thêm. Nếu không có gì để bổ sung nữa thì máy tính đúc kết các hình mẫu thu thập được thành hộp đen.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách