Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Misty.Rain
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Viễn Tưởng - Xuất Bản] Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới | Haruk

[Lấy địa chỉ]
71#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 12:06:01 | Chỉ xem của tác giả

Chương 21



Vận cả tứ chi bám vào vách đá, tôi nhớ lại Ben Johnson và ngựa của ông. Lạ thay, vết thương hết đau hẳn – không rõ có phải vì Ben Johnson, và tôi leo tiếp mà không phải luôn nghĩ đến tình trạng thương tật của mình. Nói như thế thì lý luận của cô bé về chuyện bắn một tín hiệu đặc biệt vào ý thức hệ để giảm bớt đau đớn trong cơ thể không phải là không có lý.
Về kỹ thuật leo núi thì chuyến leo này không có gì khó khăn. Chân có đủ chỗ đặt, vách đá không dốc quá, và tay luôn bám được vào những chỗ lõm nào đó. Theo cách đánh giá trên mặt đất thì chúng tôi đang trong khóa vỡ lòng, và chuyến leo này hoàn toàn dành cho học sinh tiểu học một mình leo vào Chủ Nhật mà không sợ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên trong bóng đêm dưới lòng đất thì có khác. Giơ tay lên trước mắt cũng không thấy! Người ta không nhận ra bên trên sắp có gì, còn phải leo bao lâu nữa, hiện đang đứng ở vị trí nào, phía dưới trông ra sao, và liệu có đi đúng hướng không. Tóm lại là mù tịt. Tôi không hề biết là mắt không thấy gì thì người ta sinh ra bối rối và sợ hãi đến như vậy. Ở hoàn cảnh nhất định, điều đó cướp đi của ta toàn bộ nền tảng về giá trị, kể cả cảm giác tự tin và lòng dũng cảm. Khi định đạt được mục tiêu gì, thường là người ta tự đặt ba câu hỏi bất di bất dịch: Ta đã làm được gì? Hiện nay ta đang ở đâu? Còn phải làm gì nữa để đạt mục tiêu? Khi bị cướp đi cả ba mốc đánh dấu đường đi ấy thì chỉ còn sót lại sự bối rối, sợ hãi và mệt mỏi. Vấn đề không phải mức độ khó khăn hay đơn giản về kỹ thuật, mà là người ta biết làm chủ mình được đến mức nào.
Chúng tôi tiếp tục trèo lên ngọn núi tối tăm. Do không thể vừa giữ đèn pin vừa tìm chỗ bám tay, tôi đút đèn pin vào túi quần. Cô gái mũm mĩm đeo dây buộc đèn qua vai, chiếc đèn lúc lắc trên lưng cô và uổng công rọi vào vũ trụ đen như mực. Tuyệt đối không nhìn thấy gì. Tôi im lặng leo theo hướng tia sáng vung vẩy.
Thỉnh thoảng cô lại gọi tôi để chắc chắn rằng tôi không bị tụt hậu. “Ổn cả chứ?”, cô nói, hoặc: “Sắp đến nơi rồi.”
Một lát sau cô hỏi: “Ông có muốn hát không?”
“Hát gì cơ”, tôi hỏi.
“Gì cũng được. Một bài nào đó. Ông hát đi!”
“Tôi chỉ hát khi ở một mình.”
“Thôi mà. Ông hát đi!”
Biết làm sao bây giờ? Tôi hát bài dân ca Nga về bếp lò đã học ở tiểu học.
Tuyết rơi, rơi suốt đêm dài,
Cháu lên đi pechka[2]!
Lửa cháy đến tận sáng mai,
Cháu lên đi pechka!
Giấc mơ ngàn xưa thành bài hát của ai,
Cháu lên đi pechka!
Các đoạn sau tôi quên mất, vì vậy tôi bịa ra mà hát. Tất cả ngồi quanh bếp lò, có tiếng gõ cửa. Ông bố đứng dậy ra mở. Một con tuần lộc tuyệt đẹp đứng bên ngoài mà khóc: “Tôi đói quá! Có gì cho tôi ăn với!” Mọi người mở một hộp đào cho nó ăn. Rồi tất cả quây quần trong lò và cùng nhau hát.
“Ông hát hay đấy chứ!”, cô bé khen. “Tiếc là tôi không rảnh tay để vỗ. Nhưng bài hát hay quá!”
Chúng tôi vượt qua một vách dốc, nghỉ lấy hơi trên một bãi phẳng và rọi đèn ra xung quanh. Phiến đá này khá rộng và phẳng như mặt bàn cà phê, nhìn ngút tầm mắt. Cô bé cũng ngồi xuống và nhặt lên nửa tá ghim giấy.
“Ông cô còn đi đâu nữa đây?”, tôi hỏi.
“Chắc không xa nữa đâu. Ông tôi hay kể về phiến đá này. Tôi nghĩ là tôi biết ông tôi ở đâu.”
“Nghĩa là ông cô hay tới đây?”
“Tất nhiên. Để vẽ sơ đồ, ông tôi đã mò đi khắp nơi, biết từng viên đá ở đây.”
“Ông làm một mình?”
“Tất nhiên”, cô bé nói. “Ông tôi thích làm việc một mình nhất. Chẳng phải là vì ông là người khó gần hoặc không tin ai, mà đơn giản là không ai theo kịp ông.”
“Tôi có thể hiểu điều đó”, tôi nói. “Nhưng phiến đá này có ý nghĩa gì?”
“Tổ tiên của ma đen từng sống trên núi, trong các hang động tự khai phá. Bãi phẳng mình đang đứng này là nơi bọn chúng cử hành những nghi lễ tôn giáo. Chúa của chúng trị vì ở đây. Các giáo sĩ hay thầy mo cầu Chúa của đêm đen và dâng lễ vật sống.”
“Con cá khủng khiếp có nanh vuốt ấy à?”
“Đúng thế. Ma đen tin rằng con cá ấy cai trị vương quốc đêm đen, quyết định về sự sống ở đây, hệ thống logic và giá trị, tất cả. Theo truyền thuyết, con cá đã chỉ cho tổ tiên ma đen đường đến đây.” Cô gái chiếu đèn xuống đất và chỉ vào một vệt sâu khoảng mười phân và rộng một thước, trông như một rãnh đào, chạy thẳng tắp từ phiến đá cho đến khi mất hút. “Đi theo rãnh này sẽ đến điện thờ của ma đen. Có thể ông tôi đang trú ở đó. Điện thờ là nơi linh thiêng nhất của thánh địa, không ai dám đến: đó là nơi trú ẩn tuyệt đối an toàn.”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

72#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 12:08:08 | Chỉ xem của tác giả

Chương 21


Chúng tôi tiếp tục tiên theo dấu vết thẳng như kẻ chỉ. Chẳng mấy chốc đường đi bắt đầu dốc xuống, và vách đá hai bên ngày càng vút cao. Tôi có cảm giác là chúng ngày càng ép sát lại và sắp nghiền chúng tôi trong giây lát, nhưng thực ra xung quanh tất cả đều trơ trơ, vẫn im lìm như dưới đáy giếng. Chỉ có tiếng nhóc nhách dưới đế giày cao su tạo ra tiếng vang nhịp nhàng lạ lẫm. Đôi lần tôi bất giác ngó lên trên. Ai đi trong bóng đêm cũng tìm bóng trăng sao một cách vô thức.
Song tất nhiên là cả trăng lẫn sao đều không tỏa sáng trên đầu chúng tôi, mà ngược lại, bóng tối còn đè xuống nặng hơn. Thậm chí, sự tồn tại của mình cũng nặng nề. Tôi thấy tất cả nặng như chì, như chưa bao giờ được biết. Hơi thở, tiếng đế giày nghiến nhóc nhách, cử động tay chân – tất cả đều bị hút xuống đất, trĩu nặng. Có cảm tưởng như không phải mình ở dưới lòng đất mà trên một hành tinh xa lạ trong vũ trụ. Trọng lực, độ đậm đặc của không khí và cảm giác thời gian, tất cả, tất cả đều khác với những gì tôi từng biết.
Tôi giơ tay trái lên, bật sáng mặt đồng hồ điện tử. 2 giờ 11. Vậy là mặc dù mới đi được khoảng hai tiếng trong bóng tối – vì chúng tôi xuất phát đúng nửa đêm – tôi có cảm tưởng là đã sống qua một phần tư cuộc đời trong bóng đêm này. Thậm chí ánh sáng lờ mờ của mặt đồng hồ cũng làm mắt nhói đau nếu tôi nhìn lâu. Rõ ràng thị lực đã quen dần với bóng tối. Cả ánh đèn pin cũng làm chói mắt. Ai ở lâu trong bóng tối cũng thấy thực ra nó là bình thường, và cho rằng ánh sáng là điều gì đó kỳ lạ và phản tự nhiên.
Chúng tôi im lặng tiến bước vào trong đường hào hẹp đổ dốc. Do đường thẳng và không ngại bị va đầu vào trần đá, tôi tắt đèn và chỉ đi theo tiếng đế ủng cao su nhóc nhách của cô gái. Chẳng bao lâu tôi cũng không phân biệt được mình đang nhắm hay mở mắt. Đằng nào cũng tối như hũ nút. Đôi lúc tôi nhắm mắt đi tiếp, rồi lại mở mắt, chỉ để không thấy sự khác biệt nào.
Điều duy nhất mà tôi cảm nhận được là tiếng nhóc nhách từ đế giày của cô gái vang lên trong tai. Một tiếng vang thật lạ, có thể vì tính chất nền đất, hay vì không khí, vì bóng tối? Tôi thử dịch tiếng động đó sang ngôn ngữ châu Phi hay Ả Rập mà tôi không biết. Đơn giản là nó không chịu phù hợp với âm tương ứng trong tiếng Nhật. Biết đâu có thể so với tiếng Pháp, tiếng Đức hay tiếng Anh? Thoạt tiên tôi cố nghe ra là
Even-through-be-shopped-degreed-well
Nhưng lúc đánh vần lên thì tiếng vang đó khác hẳn. Kể ra khá giống với
Efgvén-gthrouv-bge-shpèvg-égvele-wgevl
Khá giống tiếng Phần Lan, tiếc rằng tôi không biết gì về ngôn ngữ này. Đơn thuần về ngữ nghĩa thì phải là “ông nông dân gặp con quỷ cạnh đường”, nhưng đó chỉ là ấn tượng của tôi vậy thôi, không giải thích được.
Sau đó tôi thử biến âm thanh ấy thành đủ mọi ngôn ngữ. Và hình dung ra đôi giày thể thao màu hồng của cô gái nhấn lên nền đất ra sao. Gót giày chạm đất trước tiên, trọng lượng cơ thể chuyển dồn lên ngón châm, sau đó, trước khi chân nhấc khỏi mặt đất là gót trái đặt xuống. Liên tục. Thời gian trôi đi chậm hơn. Tựa như giây cót bị đứt, hay kim đồng hồ không nhúc nhích nữa. Trong đầu tôi, đôi giày thể thao hồng chậm chạp chuyển động về phía trước, về phía sau. Tiếng óc ách vang lên:
Efgvén-gthrouv-bge-shpèvg-égvele-wgevl
Efgvén-gthrouv-bge-shpèvg-égvele-wgevl
Efgvén-gthrouv-bge…
Con quỷ già ngồi trên hòn đá bên bờ ruộng Phần Lan. Nó đã mười nghìn tuổi, hay hai mươi nghìn, trông kiệt quệ, áo quần và giày nó bê bết bụi. Cả bộ râu cũng rụng lê thê. “Đi đâu mà vội thế ông?”, con quỷ hỏi người nông dân. “Cái cuốc của tôi bị gãy, tôi phải đem đi sửa”, người nông dân đáp. “Thế thì việc gì mà vội”, con quỷ nói. “Mặt trời còn đứng bóng, ông vội gì cho mệt người! Ngồi lại đây, ta kể cho nghe chuyện của ta.” Người nông dân nghi ngại nhìn con quỷ. Ông biết là đánh đu với quỷ chắc chẳng hay ho gì, nhưng trông nó thảm hại và mệt mỏi, vì vậy ông...
Mặt tôi đập phải gì đó, mềm, phẳng. Gì đó mềm, phẳng, nhỏ nhắn, khá quen thuộc. Gì vậy nhỉ? Trong khi tôi còn đang suy nghĩ thì nó đập vào mặt lần nữa. Tôi muốn lấy tay phải gạt nó đi nhưng không xong. Cú đập thứ ba. Ánh sáng chói mắt lóa lên khó chịu. Tôi mở bừng mắt. Cho đến lúc đó tôi không ý thức được là mình nhắm mắt. Thì ra mắt tôi không mở suốt buổi. Ngay trước mắt tôi là ánh đèn pin của người đồng hành, và cái mà tôi va phải là bàn tay cô.
“Thôi đi!”, tôi hét lên. “Chói quá, đau quá!”
“Ông không thể ngủ thiếp đi ở đây được! Dậy, dậy đi!”, cô gái nói.
“Dậy à?”, tôi bật đèn pin và ngó quanh. Tôi đang ngồi dưới đất, tựa lưng vào vách đá. Mơ mơ màng màng. Có lẽ tôi đã thiếp đi lúc nào không rõ. Nền đất và vách đá ướt rượt.
Tôi lồm cồm đứng dậy. “Sao thế nhỉ? Tôi ngủ quên à? Tôi không nhớ đã ngồi xuống lúc nào, và cũng không nhớ là mình buồn ngủ.”
“Bọn nó đấy”, cô nói. “Bọn nó toan ru ngủ mình, ngay tại chỗ này.”
“Bọn nào?”
“Bọn ở núi này, thần thánh hay ma quỷ, ai mà biết được, đại khái là bọn nào đó. Bọn nó định cản bước mình.”
Tôi lắc người cho tỉnh táo một chút.
“Tôi thấy người thiu thiu, và sau đó là không biết vừa đi vừa mở mắt hay nhắm mắt nữa. Và giày cô phát ra tiếng kêu kỳ lạ…”
“Giày tôi?”
Tôi kể cho cô nghe tiếng giày nhóc nhách đã dẫn tôi đến chỗ con quỷ già ra sao.
“Mẹo đấy”, cô nói. “Một dạng thôi miên. Nếu tôi không kịp nhận ra thì ông đã nằm đây đến khi quá muộn.”
“Quá muộn?”
“Đúng thế. Cho đến khi quá muộn”, cô nói nhưng không giải thích thêm. “Ông có đem theo sợi thừng không?”
“Ngắn thôi. Chừng năm mét.”
“Ông lấy ra đi!”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

73#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 12:10:01 | Chỉ xem của tác giả

Chương 21


Tôi hạ ba lô, lôi sợi dây dù giữa các đồ hộp, chai whiskey và bi đông ra đưa cho cô. Cô buộc một đầu vào thắt lưng tôi, thắt đầu kia quanh eo mình. Sau đó chúng tôi cùng kéo xem có chắc không.
“Thế là được”, cô nói. “Giờ thì mình không lạc nhau được nữa.”
“Trừ phi cả hai cùng ngủ gật”, tôi nói. “Cô cũng thiếu ngủ, đúng không?”
“Ông đừng vẽ chuyện nát nhau. Ta đi thôi. Không còn nhiều thì giờ đâu.”
Chúng tôi lại lên đường, nối với nhau bởi dây dù. Tôi cố lờ đi tiếng óc ách từ giày cô. Tôi hướng ánh đèn vào lưng cô và ngắm chiếc áo dã chiến màu xanh. Tôi còn nhớ nó đã mua nó hồi 1971, ngày đó Việt Nam vẫn còn chiến tranh, và tổng thống Hợp Chủng Quốc là một gã có khuôn mặt xấu trai – Richard Nixon. Ngày đó ai cũng để tóc dài, đi xăng đan bẩn thỉu, nghe nhạc Rock trong cơn mê, mặc áo khoác lính Mỹ thải ra với biểu tượng hòa bình vẽ trên lưng và thấy mình như Peter Fonda phi trên xa lộ với chiếc mô tô trong phim Born to Be Wild lờ mờ chuyển cảnh sang I Heard It through the Grapevine. Có thể vì hai bộ phim có cảnh đầu giống nhau.
“Ông đang nghĩ gì?”, cô gái mũm mĩm hỏi.
“Không có gì đặc biệt”, tôi nói.
“Ông hát bài gì đi!”
“Có nhất thiết phải hát không?”
“Thế thì ông đề nghị gì khác vậy.”
“Ta nói chuyện với nhau nhé.”
“Chuyện gì bây giờ?”
“Chuyện mưa chẳng hạn.”
“Được đấy.”
“Cô nhớ gì khi nói đến mưa?”
“Buổi tối hôm cả gia đình tôi chết, trời cũng mưa.”
“Kể chuyện gì vui vẻ hơn được không?”
“Không, cứ kệ tôi, tôi muốn kể”, cô nói. “Vả lại tôi cũng chẳng có ai để kể chuyện ấy… Tất nhiên, nếu ông không muốn nghe…”
“Nếu có muốn thì cứ kể đi”, tôi nói.
“Hôm ấy trời mưa phùn rất nhẹ, người ta không rõ có mưa hay không. Sáng sớm đã bắt đầu, và kéo dài cả ngày. Bầu trời phủ kín một màu xám đục không đổi. Tôi đang nằm viện và nhìn suốt buổi lên trời. Vừa bắt đầu tháng Mười một, bên ngoài phòng bệnh có một cây long não. Cây rất to. Lá đã rụng đến một nửa. Nhìn qua tán cành có thể thấy trời. Ông có thích ngắm cây không?”
“Tôi không biết”, tôi nói. “Không phải tôi không thích cây cối, nhưng chưa bao giờ tôi chăm chú ngắm cây nào cả.”
Thú thực là tôi cũng không thể phân biệt một cây long não với cây dẻ.
“Tôi thích ngắm cây lắm, từ lúc bé đã thế. Cứ có thì giờ là tôi ngồi dưới gốc cây, sờ lớp vỏ, nhìn lên tán lá. Hàng giờ liền không chán. Cây long não trong vườn bệnh viện là một cây khá hoành tráng. Tôi nằm nghiêng trên giường và nhìn trời suốt ngày xuyên qua cành cây. Cuối cùng tôi thuộc từng cành đơn lẻ một. Giống như người mê tàu hỏa thuộc lòng những tuyến đường và nhà ga ấy, ông hiểu không? Thường là trên cây có nhiều chim làm tổ. Đủ các loại chim. Sáo sậu, sẻ, bách thanh, và nhiều loại chim đẹp khác. Đôi khi cả bồ câu nữa. Chim bay đến, nghỉ trên cành một lát rồi lại bay đi. Chim rất nhạy cảm khi sắp mưa, ông có biết không?”
“Không”, tôi nói.
“Khi trời mưa hay mây đen kéo đến là chúng biến mất. Nhưng khi mưa tạnh thì chúng lại về và thi nhau hót. Tựa như chúng vui mừng thấy hết mưa vậy. Tôi cũng không rõ lý do. Có thể là mưa xong thì giun chui lên mặt đất. Cũng có thể vì chim không thích mưa. Gì thì gì, tôi luôn đoán được thời tiết. Không có chim đến là sắp mưa, chim bay về và hót là mưa tạnh.”
“Cô nằm viện lâu không?”
“Khoảng một tháng gì đó. Tôi bị lỗi van tim và phải mổ. Đó là một phẫu thuật rất phức tạp, cả gia đình đã mất nửa hy vọng. Thế có kỳ không cơ chứ. Tôi sống sót và khỏe như vâm, những người khác thì chết.”
Cô lầm lũi đi tiếp. Tôi tưởng tượng ra quả tim của cô, cây long não và lũ chim.
“Ngày hôm gia đình tôi chết cũng là một ngày gian nan cho lũ chim. Chúng không yên lấy một phút. Như đã nói, mưa phùn lớt phớt, không rõ còn mưa hay đã tạnh, và lũ chim cũng ngơ ngác, hết bay đi lại bay về. Một ngày lạnh tê tái trước khi vào đông. Trong phòng bệnh có lò sưởi, vì vậy cửa kính luôn bị đọng mờ hơi nước và tôi cứ phải lau đi. Tôi ra khỏi phòng, lấy khăn lau kính rồi chui trở lại vào chăn. Thực ra tôi không được phép đứng dậy, nhưng tôi phải nhìn cây, lũ chim và trời mưa bằng được. Khi ta phải nằm lâu trong bệnh viện, những thứ ấy hiện ra như chính cuộc sống vậy. Ông đã nằm viện bao giờ chưa?”
“Chưa”, tôi nói. Bình thường tôi không biết ốm đau là gì.
“Có loại chim lông đỏ, đầu đen, đi thành đôi. Sáo thì ngược lại, chúng khá khiêm nhường, như nhân viên nhà băng vậy. Chỉ khi hết mưa thì chúng giống nhau, tất cả đậu trên cành và líu lo hót.
Hồi ấy tôi nghĩ, thế giới này kể cũng lạ. Trên trái đất mọc hàng triệu, hàng tỉ cây long não – tất nhiên cũng không nhất thiết phải là cây long não – chúng đón ánh nắng hay nước mưa, và hàng triệu hàng tỉ chim bay đến đậu lên cành rồi lại bay đi. Nghĩ thế là tôi lại buồn nẫu ruột.”
“Tại sao vậy?”
“Tôi nghĩ là trên thế giới có vô số cây, vô số chim chóc, vô số cơn mưa, vậy mà tôi không thể hiểu được lấy một cây long não và một cơn mưa duy nhất. Tôi sẽ không bao giờ hiểu nổi. Tôi sẽ già đi và chết mà chưa hiểu ra được một cây long não và một cơn mưa duy nhất. Tôi thấy mình cô đơn quá và bật khóc. Ước gì có ai ôm tôi vào lòng. Nhưng tôi làm gì có ai. Tôi nằm suốt ngày trên giường và khóc.
Rồi mặt trời lặn, trời tối, tôi không nhìn thấy lũ chim nữa. Vì vậy tôi cũng không biết trời còn mưa hay không. Tối hôm đó cả gia đình tôi tử nạn. Nhưng mãi về sau người ta mới nói cho tôi biết.”
“Kinh khủng quá.”
“Tôi không nhớ rõ nữa. Tôi tin là tôi không cảm thấy gì. Tôi chỉ còn biết chính xác là buổi tối mùa thu ướt át hôm đó không ai ôm tôi vào lòng. Đó là… đối với tôi đó là ngày tận cùng của thế giới. Khi trời tối và ta cô đơn khủng khiếp và không còn ước muốn nào hơn là được một người ôm vào lòng, nhưng không có ai ở đó để an ủi ta. Ông có hiểu không?”
“Tôi nghĩ là có”, tôi nói.
“Ông đã bao giờ mất một người yêu quý chưa?”
“Đã vài lần.”
“Vì vậy bây giờ ông sống một mình?”
“Không”, tôi nói và đưa ngón tay sờ lên dây dù buộc vào thắt lưng. “Trên thế giới này không ai sống một mình được cả. Tất cả liên quan thế nào đó với nhau. Trời mưa. Chim hót. Người ta bị rạch bụng. Và có thể xảy ra chuyện được một cô gái trẻ hôn trong đêm đen.”
“Nhưng thiếu tình yêu thì thế giới này thực ra là con số 0”, cô gái mũm mĩm nói. “Thiếu tình yêu thì thế giới như một ngọn gió thổi ngoài cửa sổ. Ta không cảm thấy nó, không ngửi thấy nó. Ông có thể kiếm một cô gái gọi, bất cứ lúc nào, có thể lên giường với nhiều bạn gái như ông muốn, nhưng nó không thật. Trong số ấy, không ai ôm ông thật lòng cả.”
“Tôi cũng không hay gọi gái gọi, không lên giường với bất cứ phụ nữ nào”, tôi phản đối.
“Không có gì khác cả”, cô nói.
Ừ, cô có lý. Trong số ấy không ai ôm tôi thật lòng. Tôi già đi, già đi trong cô đơn, như một con hải sâm bám chặt lấy vách đá dưới đáy biển.
Tôi đi tiếp, chìm sâu trong suy tư nên không nhận ra cô đã dừng chân và va phải tấm lưng mềm của cô.
“Xin lỗi”, tôi nói.
“Suỵt”, cô nắm vai tôi. “Có tiếng động. Ông nghe thấy không?”
Chúng tôi đứng im và dỏng tai nghe có tiếng gì lăn lại gần từ bóng đêm xa xăm. Nó đến từ rất xa phía trước, trên đoạn đường chúng tôi đang đi, và khẽ đến nỗi dễ bị bỏ qua. Tiếng ầm ào yếu ớt, nhưng đồng thời nghe như những tảng kim loại lớn xô vào nhau. Bất kể âm thanh đó từ đâu ra, nó vang rền không nghỉ và ngày càng to dần. Nghe như một con côn trùng to tướng, lạnh lẽo và kinh tởm bò dọc lên sống lưng ta. Một tiếng run trầm, vừa vặn lọt vào quãng cảm nhận được của tai người.
Cả không khí cũng rung lên. Một luồng gió đặc sệt thổi qua trên đầu chúng tôi, nặng như cơn lũ bùn lỏng. Một luồng gió ẩm lạnh. Báo trước một sự kiện.
“Liệu có phải động đất?”, tôi nói.
“Không, không phải động đất”, bạn đồng hành của tôi nói. “Mà khủng khiếp hơn nhiều.”
-
[2] . Trong tiếng Nga, pechka có nghĩa là ‘bếp lò’.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

74#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 12:11:38 | Chỉ xem của tác giả
Chương 22: Khói Xám



Đúng như ông già nói trước, giờ đây ngày nào cũng xuất hiện một cột khói xám. Khói bốc lên từ một điểm nào đó trong rừng táo và bị một đám mây dày u ám trên trời nuốt chửng ngay. Càng nhìn lâu tôi càng tin rằng rừng táo là nơi sản xuất ra tất cả mây trên thế giới này. Chiều đến, đúng ba giờ thì bắt đầu có khói, và thời điểm kết thúc phụ thuộc vào số súc vật chết. Cứ sau một trận bão tuyết hoặc một đêm giá buốt thì cột khói kéo dài hàng giờ, trông như một trận cháy rừng.
Tôi không hiểu vì sao người ta không nghĩ ra cách gì để cứu những con thú đó.
“Tại sao mọi người không xây chuồng trại chẳng hạn?”, tôi hỏi ông già trong khi chơi cờ. “Vì sao mọi người không bảo vệ chúng chống lại giá lạnh, tuyết và gió? Không nhất thiết phải nhiều nhặn gì. Một mái nhà và vài cọc rào xung quanh là đủ cứu sống được nhiều con vật!”
“Không ăn thua gì đâu”, ông già nói, mắt vẫn không rời bàn cờ. “Cậu nghĩ xem, ta làm chuồng, nhưng bọn chúng không chịu vào. Từ ngàn đời nay chúng ngủ ngoài trời. Kể cả khi vì thế mà bỏ mạng. Giá lạnh và gió tuyết là bạn đồng hành của chúng mà!”
Ông đại tá đẩy quân thầy tế chắn trực diện vua của tôi, và xây một chiến lũy kín bưng: kèm hai bên là hai con xe, tạo nên một hỏa tuyến. Giờ thì ông đợi tôi tấn công.
“Nghe cứ như những con vật ấy tự tìm lấy cái chết vậy!”, tôi nói.
“Về một khía cạnh nào đó thì đúng thế thật. Nhưng đối với chúng thì giá lạnh và đau đớn là chuyện thường tình, thậm chí có thể là sự giải thoát.”
Ông im lặng. Tôi đẩy quân khỉ lại gần tường thành, khiêu khích chúng dãn ra. Thiếu chút nữa thì ông đại tá cũng mắc mưu, nhưng đến sát nút thì ông cũng nhận ra và kéo quân kỵ sĩ lùi lại một nước, khiến hàng phòng thủ bây giờ trở nên kín mít.
“Dần dần cậu cũng ranh ma ra đấy!”, ông già cười.
“Nhưng vẫn chưa thể đọ nổi ông!”, tôi cũng cười. “Nhưng quay về chuyện lúc nãy. Ông nói ‘giải thoát’ nghĩa là sao?”
“Nghĩa là có thể chúng được cái chết giải thoát chứ sao. Tất nhiên chúng chết đi, nhưng cuộc sống mới sẽ bừng dậy vào mùa xuân. Với những con mới đẻ.”
“Và những con mới đẻ sẽ lớn lên và chịu đau khổ hệt như vậy cho đến chết, đúng không? Vì sao chúng phải khổ như vậy?”
“Vì đó là quy định”, ông già nói. “Cậu đến lượt. Cậu phải ăn con thầy tế của tôi, vì cậu không còn lựa chọn nào khác nếu muốn thắng.”
Sau ba ngày tuyết rơi với vài lần gián đoạn nho nhỏ, thời tiết chuyển sang nắng rực rỡ: đường sá ngập tuyết trắng xóa đột nhiên sáng rực dưới ánh mặt trời, chẳng mấy chốc đã róc rách tiếng tuyết tan. Khắp nơi sáng lấp lánh, và chỗ nào cũng nghe tiếng các đụn tuyết rơi ào ào trên cành cây xuống. Tôi kéo tấm rèm nặng che kín mít cửa sổ và trốn kỹ trong phòng để tránh ánh sáng. Nhưng chẳng ích gì – trốn đi đâu cho thoát. Thành phố làm từ băng tuyết tựa như một viên kim cương khổng lồ được mài sắc cạnh, phản chiếu ánh mặt trời vào tận từng ngõ ngách, bắn thẳng nó vào phòng tôi và mắt tôi một cách hiểm hóc.
Cả buổi chiều, tôi nằm sấp trên giường, vùi đầu xuống dưới gối và lắng nghe chim hót – những loài chim khác nhau với tiếng hót cũng khác nhau. Chúng thoáng đậu bên bậu cửa sổ bên cạnh, vì chúng biết rõ là những ông già ở khu công chức luôn rải ruột bánh mì ra đó cho chúng. Tôi cũng nghe tiếng mấy người già ngồi sưởi nắng và tán gẫu trước nhà. Chỉ mình tôi tránh xa ánh mặt trời ấm áp.
Tôi bò dậy khi trời đã tối, vã nước lạnh lên cặp mắt sưng vù, đeo kính đen và rời đỉnh đồi tuyết phủ đi xuống thư viện. Hôm nay tôi sẽ không đọc được nhiều giấc mơ, cũng là chuyện thường sau những ngày nắng gắt làm tổn hại mắt. Tôi làm xong một, hai đầu lâu thì con ngươi tôi bắt đầu đau nhói tựa như kim châm bởi luồng tia phát ra từ những giấc mơ xưa. Thêm vào đó hốc mắt nặng trĩu như đổ đầy cát, đầu ngón tay bì ra và vô cảm.
Thường thì những hôm như thế cô thủ thư chườm mắt tôi bằng một chiếc khăn ướt lạnh và đun cho tôi một bát xúp loãng hoặc sữa. Thoạt tiên tôi thấy cả hai thứ đều khó nuốt, như có sạn cát, thiếu vị dìu dịu, nhưng dần dần tôi cũng quen vị đó và thậm chí còn thấy ngon miệng.
Tôi nói cho cô biết, và cô mỉm cười mãn nguyện.
“Nghĩa là anh đã dần quen với cuộc sống ở thành phố này rồi đấy”, cô nói. “Tất cả những gì mình ăn uống ở đây đều có vị hơi khác so với mọi nơi. Ta chỉ dùng rất ít các nguyên liệu cơ bản. Trông như thịt nhưng không phải thịt, trứng không phải trứng, và cà phê cũng không phải cà phê. Chỉ có vẻ ngoài vậy thôi, toàn là làm nhái cả. Nhưng xúp này rất tốt, nó làm anh ấm người và đỡ nhức đầu hơn, đúng không?”
“Đúng”, tôi nói.
Quả thế thật, món xúp làm tôi khỏe lên, và đầu tôi cũng không còn váng vất như ban nãy. Tôi cảm ơn cô rồi nhắm mắt lại để quên hết mọi sự quanh mình.
“Anh còn cần gì nữa không?”, cô hỏi tôi.
“Em hỏi thế là sao?”
“Ờ, em cũng không rõ, chỉ có linh cảm như vậy. Ý em là nếu anh cần gì đó để thư giãn tâm hồn anh bị cứng lạnh trong mùa đông?”
“Cái mà anh cần là ánh mặt trời”, tôi nói và hạ cặp kính đen xuống lau rồi lại đeo lên. “Nhưng lại không được. Vì mắt anh không chịu được nắng.”
“Không, em ám chỉ thứ đơn giản hơn nhiều. Một thứ gì vặt vãnh thôi, cốt xoa dịu tâm hồn. Như vừa nãy em day mắt anh chẳng hạn. Nhất định có thứ gì tương tự cho tâm hồn chứ? Một cách nào đó để tâm hồn thảnh thơi, anh không nhớ ra sao? Người như anh đã làm gì trong thế giới ngoài kia của mình khi tâm hồn xơ cứng?”
Tôi cần nhiều thời gian để lật đi lật lại từng mảnh vụn ký ức còn đọng lại trong óc, nhưng không thể nhớ ra chi tiết nào tương thích với hình dung của cô.
“Anh không nhớ nữa, anh chịu đấy. Có lẽ anh đã đánh mất gần hết trí nhớ của mình rồi.”
“Dù là một chuyện cỏn con nào chăng nữa, nếu nhớ ra thì anh cứ nói ngay nhé, được không? Nào, ta hãy cùng nhau nghĩ lại đi. Em muốn giúp anh, dù chỉ là một chút xíu.”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

75#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 12:12:42 | Chỉ xem của tác giả

Chương 22



Tôi gật đầu và hết sức cố gắng tập trung tinh thần để quay lại với những ký ức về thế giới ngày xưa đã bị vùi lấp. Sau những tảng đá sừng sững chắn ngang đường đi, bất di bất dịch – chúng không động đậy một li, mặc cho tôi mắm môi mắm lợi đẩy. Đầu tôi lại bắt đầu nhức. Ngày tôi chia tay với bóng của mình có lẽ cũng là ngày tôi đánh mất hẳn nhân thân của mình. Trong tôi chỉ còn lại duy nhất là tâm hồn, một tâm hồn ngơ ngác và vô nghĩa. Và bây giờ, khi mùa đông đến, nó lại còn cứng đơ và khóa chặt!
Cô áp tay lên thái dương tôi.
“Không sao, không sao mà. Ta sẽ nghĩ tiếp vào một dịp khác. Biết đâu anh sẽ tình cờ nghĩ ra điều gì.”
“Ừ, bây giờ anh đọc thêm một giấc mơ nữa”, tôi nói.
“Nhưng trông anh mệt mỏi lắm. Có lẽ tốt hơn là mai làm tiếp. Anh không nên cố gắng quá sức. Những giấc mơ xưa có mất đi đâu mà sợ?”
“Không, đọc mơ còn hơn là chẳng làm gì. Ít nhất thì anh cũng đỡ phải suy nghĩ.”
Cô nhìn tôi một chặp rồi gật đầu, đứng dậy đi vào kho. Tôi ngồi lại bên bàn, chống đầu lên tay, nhắm mắt lại để chìm vào đêm tối. Liệu mùa đông còn lâu nữa không? Ông già có nói đến một mùa đông lê thê và khắc nghiệt. Và nó mới chỉ bắt đầu! Liệu bóng tôi có qua nổi thời gian này không? Và tôi nữa, tôi và tâm hồn xáo động ngơ ngác – liệu chính tôi có qua nổi mùa đông này không?
Cô đặt đầu lâu lên bàn, lấy một chiếc khăn ẩm lau sạch bụi như mọi khi và đánh bóng lên bằng một chiếc khăn khô. Đột nhiên cô ngẩng đầu lên: “Thật là em không thể làm gì được cho anh?”
“Em làm rất nhiều cho anh rồi mà!”, tôi đáp.
Cô ngừng tay lau, ngồi xuống ghế và nhìn tôi chằm chằm. “Em không ám chỉ công việc ở đây. Mà là chuyện khác. Có thể anh muốn ngủ với em chẳng hạn?”
Tôi lắc đầu. “Không, anh không muốn ngủ với em. Như tất nhiên anh rất hân hạnh khi được hỏi như vậy.”
“Nhưng sao lại không? Anh cần em cơ mà, không đúng sao?”
“Anh cần em, đúng vậy. Nhưng anh không thể ngủ với em, ít nhất là bây giờ thì chưa. Đây không phải là chuyện cần hay không cần, vấn đề hoàn toàn khác hẳn.”
Cô ngồi đờ ra một lúc, miên man suy nghĩ. Nhưng rồi cô lại tiếp tục đánh bóng chiếc đầu lâu. Trong lúc đó tôi ngả đầu ra sau và nhìn đăm đăm lên trần nhà cao và bóng đèn vàng treo trên đó. Tôi không thể ngủ với cô ở đây và lúc này – kệ cho tâm hồn sơ cứng và mùa đông hành hạ. Việc ấy chỉ làm cho tâm hồn tôi thêm rối rắm và gia tăng cảm giác mất mát. Ngoài ra, tôi linh cảm thấy thành phố này muốn tôi ngủ với cô để dễ dàng tiệp cận tâm hồn tôi hơn.
Cô đặt chiếc đầu lâu được lau bóng trước mặt tôi, nhưng tôi không ấp tay lên đó mà quan sát đôi tay cô đặt trên bàn, dường như có thể đọc ra một ẩn ý nào đấy. Nhưng vô ích. Đơn giản đó chỉ là mười ngón tay thon mảnh, chẳng nói lên điều gì.
“Em kể cho anh nghe thêm về mẹ em đi!”
“Kể gì cơ?”
“Gì cũng được.”
“Ờ…”, cô nói và chạm tay vào đầu lâu trên bàn. “Em tin là em cảm nhận về mẹ em khác hẳn so với mọi người. Tất nhiên ngày đó đã xa rồi, và ký ức của em không còn chính xác nữa, nhưng dù sao em vẫn biết rằng tình cảm đối với mẹ khác hẳn so với tình cảm đối với bố hay em gái. Tuy nhiên em không hiểu rõ tại sao.”
“Tâm hồn là thế đấy. Nó không hoạt động một cách đều đều. Nó như một con sông, luôn đổi dòng cùng cảnh trí nơi nó chảy qua.”
Cô mỉm cười. “Nghe có vẻ không đúng.”
“Nhưng sự thật là thế”, tôi nói. “Vả lại, em vẫn yêu mẹ đến tận bây giờ, phải không?”
“Làm sao em biết được?”
Cô xoay trở chiếc đầu lâu trên bàn mấy lần và nhìn nó chằm chằm.
“Em thấy câu hỏi không rõ ràng phải không?”
“Vâng, có thể, có lẽ thế thật.”
“Được, thế thì anh hỏi ngược lại: em còn nhớ mẹ em thích gì không?”
“Có, cái đó thì em biết rõ. Mặt trời, dạo chơi, nghịch nước trong mùa hè, vâng, và mẹ em cũng thích chơi với bọn thú một sừng. Những hôm trời ấm, em và mẹ em hay đi dạo rất lâu. Mọi người ở đây thường không làm thế. Anh cũng thích đi dạo, phải không?”
“Đúng, rất thích”, tôi nói. “Anh cũng yêu mặt trời và nước. Em không nhớ thêm gì nữa à?”
“Có chứ. Ở nhà mẹ hay độc thoại. Nhưng em không biết có nên gọi đó là một sở thích hay không – nhưng đúng là mẹ em hay nói chuyện một mình.”
“Nói về gì?”
“Em không nhớ nữa. Nhưng đó không phải là những cuộc độc thoại theo nghĩa thông thường. Em không thể giải thích tại sao, nhưng đối với mẹ em nhất định nó có một ý nghĩa đặc biệt nào đó.”
“Một ý nghĩa đặc biệt?”
“Vâng, mẹ em luôn có một kiểu nhấn mạnh rất buồn cười, kéo dài các từ cuối rồi lại phát âm chúng thật nhanh, hoặc đôi khi nói với giọng cao và đôi khi trầm – nghe như tiếng gió thổi.”


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

76#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 12:14:22 | Chỉ xem của tác giả

Chương 22



Tôi đăm đăm nhìn vào chiếc đầu lâu trong tay cô và lội qua biển sương mù của ký ức một lần nữa. Và lần này tôi đã nhớ ra.
“Một bài hát! Mẹ em đã hát!”, tôi nói.
“Anh cũng biết nói như thế à?”
“Bài hát không phải để nói, mà để hát.”
“Anh hát xem nào”, cô nói.
Tôi hít một hơi sâu và định hát một câu, nhưng không thể nhớ ra điều gì. Mọi bài hát đã trôi tuột khỏi lồng ngực. Tôi nhắm mắt thở dài.
“Chịu thôi. Anh không nhớ ra bài nào cả”, tôi nói.
“Anh cần gì để có thể nhớ ra một bài?”
“Ước gì anh có một cái máy quay đĩa và một bài hát… Không, thế thì phức tạp quá. Một nhạc cụ nào đó cũng được. Nếu để anh nghịch chơi một nhạc cụ nào đó thì có thể anh sẽ nhớ ra một bài hát.”
“Cái mà anh gọi là ‘nhạc cụ’ trông ra sao?”
“Không thể diễn tả bằng một câu được, có hàng trăm loại nhạc cụ. Cách chơi cũng hoàn toàn khác nhau. Và âm thanh của chúng cũng khác nhau, tùy thuộc vào từng loại nhạc cụ, chưa kể đến hình dáng và kích cỡ. Có những nhạc cụ lớn đến nỗi bốn người mới khiêng nổi, nhưng loại khác lại để vừa vào lòng bàn tay.”
Vừa nói xong câu ấy thì tôi cũng nhận ra rằng chút xíu ký ức mà tôi đang theo đuổi đang dần dần trở nên mạch lạc hơn. Có thể mọi việc sẽ từ từ phát triển theo chiều hướng tốt.
“Có thể ta tìm được gì tương tự trong kho lưu trữ của thư viện. Gọi là ‘kho lưu trữ’ thì hơi quá, thật ra nó chỉ là một căn phòng chất đầy những đồ vặt vãnh. Chính em cũng không biết trong đó có gì, vì em mới chỉ liếc qua một lần. Mình vào đó xem nhé?”
“Được”, tôi nói. “Hôm nay đằng nào anh cũng không đọc mơ được nữa.”
Chúng tôi đi xuyên qua kho lớn với những giá đặt đầu lâu, qua một hành lang mà tôi chưa biết để đến một tấm cửa kính mờ giống như cửa ra vào thư viện. Nắm đấm cửa bằng đồng thau phủ một lớp bụi mỏng, cửa không khóa. Cô thủ thư bật đèn. Trong ánh sáng vàng vọt bụi bặm hiện ra một căn phòng hẹp và dài, chất đầy một núi đồ đạc hắt bóng lên tường trắng.
“Hầu hết đồ vật ở đây là va li và túi. Đây đó tôi nhìn thấy một hộp đựng máy chữ hay túi vợt tennis, nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt. Phần lớn đồ vật ở đây toàn là va li và túi xách đủ kích cỡ. Có lẽ đến một trăm chiếc, tất cả phủ một lớp bụi trông đến phát kinh. Không thể nhận ra xuất xứ của chúng, nhưng có thể tiên liệu sẽ mất bao nhiêu thì giờ để mở hết ra.
Việc đầu tiên là tôi ngồi thụp xuống và mở một hộp đựng máy chữ. Bụi chảy xuống ào ào và bay tung như bão tuyết. Một chiếc máy chữ kiểu cổ lộ ra, với những phím to hình tròn như máy tính tiền. Có vẻ như nó đã được dùng nhiều, vì lớp sơn bị tróc ra ở nhiều điểm.
“Em có biết cái gì đây không?”
“Không”, cô vừa nói vừa tiến ra đứng cạnh tôi, khoanh hay tay trước ngực. “Em chưa thấy thứ này bao giờ. Đây là nhạc cụ à?”
“Không, đây là một cái máy chữ. Có thể in ra chữ cái. Máy này cũ lắm rồi.”
Tôi đóng nắp hộp lại, cất máy về chỗ cũ và quay sang một chiếc rương bằng mây đan. Trong đó có một bộ đồ ăn picnic. Tất cả dao, dĩa, đĩa và chén buộc cẩn thận, giấy ăn đã ngả vàng khè, chắc ngày xưa màu trắng. Cũng là một di vật của ngày xa xưa. Hôm nay người ta chỉ dùng đĩa giấy bạc và cốc giấy, không ai khuân mấy đồ này đi xa nữa.
Trong một túi du lịch to bằng da lợn toàn là quần áo. Com lê, sơ mi, cà vạt, tất, đồ lót – hầu hết đã bị mối cắn nát, không nhận ra nữa. Lẫn trong đó là túi đồ vệ sinh cá nhân và một chai rượu dẹt. Lông chổi cạo râu và cước bàn chải răng đã cứng quèo. Tôi mở chai rượu và ngửi, từ trong chai không có lấy một thoáng hơi cồn thoát ra. Ngoài ra chẳng có gì trong túi nữa. Không có một quyển sách, sổ tay hay lịch bỏ túi.
Tôi mở thêm mấy va li và túi xách nữa, nhưng các đồ vật trong đó hầu như không khác nhau nhiều. Quần áo và những thứ lặt vặt – tựa như được ai đó vội vã và vô tâm quẳng vào. Những hành lý này thiếu một thứ gì đó mà người ta luôn mang theo khi đi xa, và chính điều đó cho thấy một sự trái tự nhiên. Chẳng ai ra khỏi nhà chỉ với vài bộ quần áo và đồ vệ sinh! Nói chung tôi không thể phát hiện ra chi tiết nào về cuộc sống và nhân thân của chủ sở hữu trong đó.
Những bộ quần áo có thể nói là thuộc loại tầm tầm, không có thứ nào đặc biệt quý giá hay quá tồi tàn. Tôi chỉ có thể phân biệt ra mốt thời nào và dùng cho mùa nào cũng như các khác biệt về giới tính và thế hệ, ngoài ra không thể nhận ra một ấn tượng đặc biệt nào. Thậm chí chúng cũng có mùi giống nhau, hầu hết bị mối xông nát bét. Không thấy tên tuổi ai. Dường như đã có người cẩn thận kiểm tra từng đồ vật và xóa đi tên tuổi cũng như những gì riêng tư. Giờ chỉ sót lại những miếng vải mẫu vô danh từ các thời đại khác nhau.
Sau năm, sáu túi thì tôi bỏ cuộc, không thèm chạm vào đống đồ đạc ấy nữa. Bụi bay ngạt thở, mà tôi tin chắc là khó có thể tìm ra một nhạc cụ trong đó. Nếu ở thành phố này có một nhạc cụ nào đó thì chắc chắn không phải ở đây.
“Ta đi thôi”, tôi nói. “Bụi quá, anh cay hết cả mắt.”
“Anh có thất vọng vì không tìm thấy nhạc cụ nào không?”
“Có, nhưng biết đâu mình sẽ tìm ra ở nơi khác”, tôi nói.
Khi tôi chia tay cô và một mình trèo lên Đồi Tây, chợt gió mùa nổi lên ầm ầm, nó quét rào rào trên sườn dốc sau lưng tựa như có chủ ý đuổi theo tôi. Cánh rừng hú lên lanh lảnh xé tai. Tôi quay lại, thấy nửa vầng trăng treo trên đỉnh tháp đồng hồ, cô đơn và lạnh lùng. Những đám mây dày trôi qua quầng sáng. Dòng sông óng ánh như mực dưới ánh trăng.
Bỗng dưng tôi nhớ ra một chiếc khăn len quàng cổ trong một va li ở kho lưu trữ. Nó đã bị mối cắn thủng mấy chỗ nhưng quấn vài vòng quanh cổ thì sẽ ấm lắm. Tôi sẽ hỏi ông gác cổng, và chắc chắn sẽ được thông tin về chủ nhân của đồ đạc ở đó và liệu tôi có được phép sử dụng không. Không có khăn, tai tôi đau nhức trong gió lạnh như bị dao cắt. Ngày mai, việc đầu tiên là tôi sẽ đến chỗ ông gác cổng. Ngoài ra tôi cũng phải biết bóng mình ra sao.
Tôi quay lưng lại với thành phố và theo con đường đóng băng leo lên khu công chức trên đồi.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

77#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 13:19:17 | Chỉ xem của tác giả
Chương 23: Hố, Vắt, Tháp



Không, không phải động đất”, cô bạn đồng hành mũm mĩm nói. “Mà khủng khiếp hơn nhiều.”

“Giống cái gì?”

Cô lấy hơi để nói, nhưng lập tức lắc đầu: “Bây giờ thì không có thì giờ giải thích. Chạy nhanh lên, nhanh hết mức có thể, cứ nhằm thẳng hướng mà chạy. Đó là lối thoát duy nhất. Bụng anh sẽ đau đấy, nhưng còn hơn là chết!”

Chúng tôi chạy đứt hơi, vẫn nối với nhau bằng sợi thừng. Cây đèn trong tay cô gái hất lên hất xuống như điên và vẽ những đường dích dắc trên vách đá cao. Đồ đạc trong ba lô tôi nảy sòng sọc. Đồ hộp, bi đông, chai whiskey. Tôi ước gì được vứt bớt chúng đi và chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất, song không dám dừng lại lấy một giây. Tôi nghiến răng bám sát gót cô gái, thậm chí không còn tâm trí nào nghĩ đến vết đau. Sợi dây nối hai người không cho phép tôi chậm chân hơn. Hơi thở dồn dập của cô và tiếng ba lô tôi nảy lọc xọc vang lên thành nhịp trong bóng đêm, nhưng rốt cuộc vẫn bị chìm đi trong tiếng gầm gào của lòng đất ngày càng to hơn.

Một mặt, tiếng gầm ngày càng to hơn vì chúng tôi chạy thẳng đến hướng đó, mặt khác ngay chính nó cũng liên tục to lên. Vừa còn nghe như một tiếng sấm trong lòng đất sâu, giờ nó đã như một tiếng khò khè dữ dội. Một tiếng động như không khí ép lại trong hai lá phổi khổng lồ muốn tạo thành ngôn ngữ sâu tận cuống họng. Sau đó đến tiếng rào rạo như đá đổ và lòng đất bắt đầu rục rịch. Dưới chân chúng tôi, một cái gì như định mệnh bắt đầu chuyển động; tôi không biết nó là gì, nhưng có lẽ nó sắp nuốt chửng chúng tôi.

Nghĩ đến việc đang chạy thẳng vào tâm điểm tiếng gầm thì quả là không phấn khích cho lắm, nhưng cô gái đã nhắm hướng này và tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi phải chạy, chừng nào còn chạy được.
May mà trên đường đi thẳng tuột này không những không có trở ngại nào, mà lại còn bằng phẳng như đường lăn bóng bowling nên chúng tôi chạy được dễ dàng.

Tiếng khò khè ngày càng dồn dập. Có vẻ như nó vừa làm rung chuyển bóng đêm trong lòng đất vừa hướng đến một điểm đáng sợ nhất định. Đôi lúc nghe có tiếng nghiến rào rạo như những hòn đá khổng lồ dồn vào nhau, dường như mọi sức mạnh bị giam nhốt trong đêm đen đang tuyệt vọng vùng lên giải thoát mình khỏi dây trói.
Một lát sau, tiếng đá nghiến đột ngột chấm dứt. Giây lát im lặng, rồi một tiếng gió hút kỳ quái vang lên như hàng nghìn ông già hít hơi qua kẽ răng. Chỉ có thế thôi. Không có tiếng gầm gào, khò khè của vách đá. Chỉ có tiếng gió hút ù tai ngập đầy bóng tối. Đó là tiếng hồng hộc lấy hơi hối hả của bầy thú dữ chuẩn bị nhảy tới vồ mồi, tiếng soàn soạt của một tỉ con giun thoăn thoắt co gập cái đầu ghê tởm của chúng khi đánh hơi thấy gì. Nhưng dù tiếng động này từ đâu sinh ra – tôi chưa hề nghe thấy âm thanh nào ghê rợn và thâm hiểm như vậy trong đời.

Nó đáng sợ ở chỗ hình như cuốn hút chúng tôi. Chủ nhân của tiếng động đó biết là chúng tôi đang lại gần và hắn vui mừng đắc ý trong tâm hồn đen tối của mình. Nỗi sợ hãi khiến tôi tê cứng đầu óc trong khi chạy. Không, không phải động đất, cô gái nói đúng. Mà khủng khiếp hơn nhiều. Chỉ không thể biết nó là gì. Toàn bộ tình cảnh đã vượt quá sức tưởng tượng của tôi từ lâu, hay nói một cách khác là tôi đã tiệm cận được giới hạn của ý thức. Đã hết sức để hình dung. Chỉ có cơ thể tôi chuyển động hết khả năng sót lại của cơ bắp, nó nhảy qua những vực sâu toang hoác nối nhau giữa sức tưởng tượng và hiện thực. Ít nhất thì cũng còn hơn không làm được gì.

Tôi không thể nói bao lâu, nhưng có vẻ như chúng tôi chạy một đoạn dài. Ba, bốn phút gì đó. Hay cũng có thể ba mươi, bốn mươi phút. Nỗi sợ và bấn loạn vì sợ đã làm tê liệt cảm giác thời gian. Tôi không nhận ra sức lực đã kiệt, thậm chí tín hiệu báo đau ở bụng cũng không lên được đến não. Chỉ có hai cùi tay có vẻ như cứng đờ ra một cách khó hiểu, ngoài ra tôi không cảm nhận được cơ thể mình trong khi chạy. Nói đúng ra là tôi cũng không cảm thấy mình đang chạy. Chân tôi cứ thế liên tục vung về phía trước. Tựa như một cái bóng khí khổng lồ cứ thế đẩy tôi đi, liên tục, không nghỉ.

Cảm giác cùi tay cứng đờ đến từ tai, tôi nghĩ vậy, cho dù trong khi chạy không chắc chắn chút nào. Để không bị cuốn hút bởi tiếng gió rít khủng khiếp, trong khi chạy tôi đã vô thức làm cứng hai tai, do đó hai tai bị đơ ra và từ đó lan xuống cùi tay. Tôi chỉ nhận ra điều đó khi xô ngã cô gái và trong khi ngã còn cố gắng băng qua người cô để chạy tiếp. Hầu như tôi không nghe được tiếng cô hét lên. Nó lọt đến tai tôi, dĩ nhiên, song vì tôi chủ tâm ngăn không cho tín hiệu hữu thể - giọng nói của cô – chuyển hóa thành nhận thức nên không nhận ra tiếng cảnh báo là cảnh báo.

Ý nghĩ đó bừng trong óc tôi khi tôi ngã đập đầu xuống nền đá. Tôi đã vô tình điều tiết thính giác của mình. Phải chăng đó là một dạng “cắt âm thanh”? Trong tình thế cực đoan, con người phát triển những khả năng kỳ diệu. Biết đâu tôi đã leo thêm được một bậc trên thang tiến hóa.

Sau đó – nói chính xác hơn là đồng thời – thái dương tôi đau như xé, Màn đêm trước mắt tôi nổ tung, thời gian khựng lại, tôi nghĩ và mình quay vun vút trong khi rơi thụt vào một khoảng chân không. Đau kinh khủng. Có lẽ tôi đã rạn xương sọ. Nhất định đỉnh đầu tôi bị lõm hẳn vào và óc bắn tung đến đâu không rõ. Nghĩa là tôi đã chết, chỉ còn vài mảnh vụn ý thức vẫn giãy giụa như cái đuôi con thằn lằn bị giẫm nát.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

78#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 13:23:40 | Chỉ xem của tác giả

Chương 23



Tuy nhiên sau giây lát đó thì tôi biết là mình vẫn sống, mình còn thở. Vì tôi thấy đau khủng khiếp. Nước mắt trào ra và chảy đầy mặt, chảy vào miệng, rỏ xuống nền đá cứng. Chưa bao giờ tôi bị va mạnh vào đầu như vậy.
Tôi nghĩ mình sẽ ngất ngay, nhưng có gì đó giữ chặt tôi lại trên thế giới của đau đớn và tăm tối này – một tia ký ức, nhắc nhở rằng tôi đang trên đường đến một đích nào đó. Đúng rồi, tôi đang định làm một việc gì. Tôi đã chạy và vấp ngã. Tôi đang bị săn đuổi. Tôi không được phép ngủ thiếp đi ở đây. Chỉ là một tia ký ức nhỏ nhoi thảm hại, nhưng tôi nghiến răng bám ghì lấy nó.
Thực sự là tôi bám ghì lấy nó, theo đúng nghĩa đen của chữ này. Nhưng khi ý thức dần dần hồi phục thì tôi nhận ra đó không phải một tia ký ức mà tôi đang bám vào, mà là sợi dây dù. Trong một chớp mắt, tôi cho mình là một tấm chăn bị gió thổi phần phật tơi tả. Tôi cưỡng lại sức gió, cưỡng lại lực trọng trường, cưỡng lại mọi thế lực đè lên và toan quật tôi xuống đất, tôi nhất định quyết hoàn thành sứ mệnh tấm chăn của mình. Cũng chẳng rõ vì sao tôi nghĩ lẩn thẩn như vậy. Có thể đó là một thói quen của tôi hay suy các hoàn cảnh và tình trạng hình ảnh thực dụng.
Cảm nhận tiếp theo cả tôi là nửa trên và nửa dưới cơ thể tôi ở hai trạng thái rất khác nhau. Nói chính xác là nửa dưới người tôi hoàn toàn điếc đặc. Cảm giác ở nửa trên vẫn bình thường: đầu đau, mặt úp xuống nền đá lạnh, hai tay bám sợi dây dù, dạ dày chồn lên đến dưới cằm, một vật nhọn chọc vào ngực. Vẫn bình thường. Nhưng tôi không rõ có gì xảy ra với nửa người bên dưới.
Có thể nó không còn nữa, tôi nghĩ bụng. Cú đập ngã đã cắt người tôi thành hai nửa, đâu đó ở ngang vết thương, và quăng đi đâu đó nửa bên dưới. Hai cẳng, ngón chân, bụng, dương vật, bìu dái… không, không thể thế được, tôi nghĩ bụng, nếu mất đi nửa dưới cơ thể thì tôi phải thấy đau hơn nhiều chứ.
Tôi thử đánh giá tình hình một cách tỉnh táo. Nửa dưới người tôi còn đấy. Nó vẫn tồn tại, song ở một trạng thái mà tôi không cảm thấy. Tôi nhắm mắt, lái những làn sóng đau vẫn cuồn cuộn tràn đến chạy lệch qua người mình và tập trung mọi mẫn cảm vào nửa thân bên dưới. Sự cố gắng này giống như cố cương một dương vật ỉu xìu chỉ bằng tập trung tinh thần. Tôi bơm sức lực vào một khoảng trống.
Tôi thấy nửa dưới người mình đang ở trong tình trạng nửa có nửa không. Một kiểu lơ lửng… đúng vậy! Nó treo lơ lửng trong khoảng trống phía bên kia núi đá, còn nửa trên thì còn cố bám giữ được nó. Vì thế mà tay tôi cứ bám chặt lấy sợi dây dù!
Khi mở mắt ra, một luồng ánh sáng làm tôi chói lòa. Cô gái mũm mĩm chiếu đèn vào mặt tôi.
Tôi bám chặt hơn vào dây dù và cố đu người lên phiến đá.
“Nhanh lên!”, cô gái nói. “Nhanh lên, không thì cả hai cùng mất mạng!”
Tôi định vung hai chân lên phiến đá nhưng không xong. Mà cũng không đặt chân được vào đâu. Tôi liều mạng thả dây ra, chống mạnh hai cùi tay và rướn lên. Người tôi nặng như bao cát, còn nền đất thì trơn nhẫy như dính máu. Nhưng tôi không còn thì giờ để suy nghĩ thêm. Tôi trườn bụng vượt qua bờ đá, một cơn đau nhói lên, tựa như bụng bị rạch thêm lần nữa. Có cảm giác như ai đó đi ủng đạp tôi ngã xuống đất, nát nhừ gan ruột, nát cả thân thể, cả cuộc sống, cả con người tôi.
Mặc dù vậy tôi vẫn rướn được người lên từng phân một. Thắt lưng tôi vướng vào cạnh đá, đồng thời dây dù móc ở đó bị kéo lên. Nhưng nó chẳng giúp gì, ngược lại chỉ làm tôi tập trung hơn vào vết đau trên bụng.
“Thả dây ra!”, tôi hét về phía ánh sáng. “Đừng kéo! Tôi tự leo được!”
“Được không?”
“Phải được.”
Kệ cho khóa thắt lưng kẹt vào cạnh đá, tôi lấy hết sức bình sinh vung một chân lên phiến đá và cuối cùng cũng leo lên được khỏi cái hố đen khốn nạn. Khi chắc chắn là tôi không còn lơ lửng trên miệng hố, cô gái chạy tới sờ khắp người xem tôi có bị thương chỗ nào không.
“Tôi không kéo ông lên được, xin lỗi”, cô nói. “Tôi cũng phải bám chặt vào vách đá để khỏi rơi xuống cái hố này.”
“Không sao. Nhưng sao cô không nói trước là ở đây có hố?”
“Không có thì giờ. Nhưng tôi có hét ‘Dừng lại’! mà.”
“Tôi không nghe thấy”, tôi nói.
“Dù thế nào thì ta cũng phải rời khỏi đây tắp lự”, cô nói. “Ở đây có rất nhiều loại hố này, ta phải cẩn thận đi vòng. Không xa nữa đâu. Nhưng nếu mình không nhanh chân thì chúng sẽ hút sạch máu, và mình sẽ thiếp đi cho đến chết.”
“Chúng nó? Máu?”
Cô chĩa ánh đèn vào cái hố mà tôi vừa may thoát ra được. Miệng hố tròn xoe như vạch bằng com pa, có đường kính chừng một thước. Cô lia đèn: mặt đất xung quanh chi chít những hố tương tự cho đến ngút tầm mắt. Tựa như một tổ ong khổng lồ.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

79#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 13:24:52 | Chỉ xem của tác giả

Chương 23



Vách đá dựng đứng viền hai bên đường đi đã biến mất, trước mắt chúng tôi là bình nguyên trải rộng với vô số hố giếng. Các vệt đường đi giữa các miệng hố rộng nhất là một thước, đoạn hẹp nhất chỉ khoảng ba chục phân, tuy nhiên có thể vượt qua được nếu chú ý nhìn đường.
Vấn đề chỉ là mặt đất có vẻ như chuyển động. Trông rất kỳ dị. Nền đất lẽ ra phải cứng như đá, song nó bập bềnh như cát bồi. Thoạt tiên tôi cho rằng do ngã nên thần kinh thị giác bị tổn hại, do đó tôi chiếu đèn pin lên lòng bàn tay. Song nó không run rẩy hay nhòe nhoẹt đi. Vẫn là bàn tay quen thuộc xưa nay. Vậy là mắt tôi còn tốt. Chỉ có mặt đất là đang chuyển động.
“Vắt”, cô nói. “Chúng chui hàng đàn từ dưới hố lên. Nếu mình không đi khỏi thì chúng sẽ hút kiệt mình cho đến khi chỉ còn da bọc xương.”
“Đó là mối nguy hiểm mà lúc nãy cô đã nhắc tới?”, tôi hỏi.
“Không. Vắt mới chỉ là tốp tiên phong, chưa phải là cái tệ nhất đâu. Nhanh lên!”
Vẫn nối nhau bởi sợi dây dù, chúng tôi vạch đường đi qua bình nguyên đá đầy vắt. Vô số những con bị xéo nát dưới đế cao su của đôi giày tennis khiến tôi có cảm giác như đi trên bùn, một cảm giác tởm lợm truyền từ chân lên đến lưng.
“Ông cẩn thận khi đặt chân xuống, nếu rơi vào hố là đi đời! Dưới đó là cả một biển vắt đấy!”, cô gái nói.
Cô ngoắc tay vào khuỷu tay tôi, còn tôi nắm vào gấu áo khoác của cô. Dò dẫm trên vệt đường rộng ba chục phân trơn nhẫy trong bóng đêm quả không phải dễ dàng gì. Những con vắt bị xéo nát dính vào đế giày như keo, chân giẫm không có cảm giác bám. Mấy con vắt bám vào quần áo tôi lúc ngã bây giờ hút máu ở cổ và tai, tôi cảm thấy rõ rệt nhưng không gạt chúng ra được. Vì tôi bận cả hai tay: tay trái cầm đèn pin, tay phải nắm gấu áo khoác của cô gái. Tôi dùng đèn chiếu sáng đường đi và muốn hay không vẫn cứ phải nhìn những con vắt. Chúng nhiều đến nỗi nhìn cũng phát buồn nôn, và ngày càng đông hơn từ các hố đen lúc nhúc bò lên.
“Nhất định bọn ma đen ngày xưa vứt nạn nhân của chúng vào những hố này”, tôi nói.
“Giỏi”, cô gái nói. “Ông là một người rất thông minh đấy. Lũ ma đen cho rằng bọn vắt được con cá phái đến với các thần dân của nó. Vì vậy chúng cũng dâng lễ vật cho vắt như cho cá. Đó là các nạn nhân còn tươi, có lắm thịt và máu. Đa số là những người mà chúng chộp được ở đâu đó và lôi về đây.”
“Tục lệ này hôm nay không còn nữa, đúng không?”
“Tôi cũng nghĩ thế. Bọn ma đen thích tự ngốn thịt người hơn. Cùng lắm là chúng đem dâng cho vắt và cá những cái đầu bị cắt ra, như một kiểu lễ vật tượng trưng, ông tôi nói vậy. Dù sao, từ ngày nơi này trở thành thánh địa thì ít ai đến.”
Chúng tôi đi vòng tránh từng hố một và xéo nát có lẽ đến vài chục nghìn con vắt. Đã mấy lần tôi hoặc cô gái suýt nữa trượt ngã nhưng rồi cũng bám được vào nhau.
Tiếng rít khòng khọc tởm lợm trong không khí rõ ràng từ dưới hố vọng lên. Như những bụi cây đen trong đêm vươn vòi ra bám vào chúng tôi. Nghe kỹ thì như tiếng rống của những sinh vật bị chặt đầu đang phát ra tiếng oán thán từ cổ họng lộ thiên.
“Nước đang lên”, cô gái nói. “Vắt chỉ xuất hiện trước đó. Khi chúng biến mất thì nước dâng lên từ các hố, tất cả chỗ này sẽ hóa thành một đầm lầy. Bọn vắt biết thế nên chúng bò ra. Ta phải tìm cách đi đến điện thờ trước khi nước đến.”
“Cô biết mọi chuyện?”, tôi nói. “Sao cô không cho tôi biết trước?”
“Tôi cũng không biết chính xác. Không phải hôm nào cũng có nước, chỉ hai, ba lần trong tháng thông. Làm sao tôi biết được chính hôm nay xảy ra?”
“Họa vô đơn chí mà”, tôi bật ra ý nghĩ vẫn lởn vởn trong đầu từ sáng sớm hôm nay.
Chúng tôi thận trọng dò từng bước đi tiếp từ hố này đến hố sau. Đi mãi vẫn không hết đường. Có lẽ những hố này nối nhau đến tận cùng thế giới. Dưới đế giày dính nhiều vắt đến nỗi không cảm thấy nền đất nữa. Mải tập trung vào mỗi bước chân khiến chúng tôi lảo đảo khó giữ thăng bằng. Trong những tình thế cực đoan, nhiều khi người ta khỏe vượt lên chính mình, nhưng khả năng tập trung tinh thần thì bị giới hạn nhiều hơn vẫn tưởng. Ở một trạng thái kéo dài lê thê, bất kể đó là trạng thái gì, nó giảm đi không cưỡng nổi. Sự nhạy bén khi đánh giá nguy hiểm và sức tưởng tượng cùn hẳn đi, đầu óc ngày càng trống rỗng.
“Mấy bước nữa thôi”, cô gái nói với tôi. “Mấy bước nữa là ta đến chỗ an toàn.”
Tôi không thốt ra lấy một lời, đành chỉ gật đầu. Một lát sau tôi mới nộ ra là gật đầu trong đêm tối chẳng có ý nghĩa gì.
“Ông có nghe tôi nói không? Ổn cả chứ?”
“Ổn cả. Tôi chỉ lợm giọng quá”, tôi đáp lại.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

80#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 13:26:56 | Chỉ xem của tác giả

Chương 23



Suốt buổi tôi đã thấy buồn nôn. Đám vắt lúc nhúc, mùi hôi hám và lớp nhầy của chúng, tiếng rú rít kinh tởm, đêm đen, tình trạng kiệt sức muốn lăn quay ra ngủ - tất cả cộng lại thắt chặt lấy dạ dày tôi như một đai sắt. Lưỡi tôi đã thấy vị lờm lợm của dịch tiêu hóa. Tôi đã hết sức để tập trung tinh thần. Tôi cảm thấy mình như một chiếc dương cầm không được chỉnh dây từ năm năm nay và chỉ có đủ phím cho ba quãng tám. Tôi quờ quạng đi được bao nhiêu tiếng trong đêm đen này rồi? Ở thế giới trên kia mấy giờ rồi? Trời đã sáng chưa? Người ta đã đưa báo đến nhà chưa?
Thậm chí tôi không thấy mặt đồng hồ, vì còn bận chiếu đèn xuống đất và dò dẫm từng bước chân. Ước gì tôi được thấy bầu trời ban mai hửng dần lên, được uống một ngụm sữa nóng, được ngửi thấy cây cỏ lúc sáng sớm và giở từng trang báo. Tôi ngán tận cổ bóng đêm và lũ vắt hút máu, những hố sâu và bọn ma đen. Từng sợi cơ và mạch máu trong người tôi khao khát đón ánh sáng. Chỉ cần một tia là đủ. Một tia của ánh sáng thực, không phải ánh đèn pin, một tia nhỏ xíu tội nghiệp mà thôi.
Nghĩ đến ánh sáng mà dạ dày tôi quặn lên như bị bóp trong một nắm đấm, miệng tôi ứ lên vị chua lòm, tanh loét như mùi cơm thiu.
“Ra khỏi đây rồi thì ông muốn nôn bao nhiêu cũng được. Cố lên chút nữa thôi nào!”, cô gái nói. Và cô bóp chặt cùi tay tôi.
“Tôi không nôn đâu!”, tôi nói.
“Hãy tin tôi”, cô nói. “Sắp qua rồi. Có thể là họa vô đơn chí, nhưng chuyện này rồi cũng có lúc kết thúc”, giọng cô tràn đầy lạc quan.
Nhưng có vẻ như các hố đen không bao giờ hết. Tựa như chúng tôi chạy vòng quanh một chỗ. Tôi buộc phải nhớ đến tờ báo mới in. Mới đến nỗi mực in còn dây ra ngón tay. Kẹp trong báo là một tập dày quảng cáo. Trong báo có đủ chuyện, về mọi sự buồn vui trên thế giới. Thủ tướng thức dậy lúc mấy giờ, tình hình thị trường chứng khoán, cả một gia đình tự tử, cách nấu món ăn tối nay, mốt váy dạo này ngắn đến đâu, bình luận đĩa hát, quảng cáo mối mai bất động sản, vân vân.
Vấn đề ở chỗ: tôi không đặt báo dài hạn. Từ khoảng ba năm nay tôi không đọc báo. Tôi cũng không rõ vì sao ngừng đọc báo, chỉ biết là tôi không đọc nữa. Có thể vì báo và ti vi không còn chỗ trong cuộc đời tôi nữa. Sợi dây liên lạc duy nhất giữa tôi và thế giới là những con số được chuyển đến mà tôi sẽ biến hóa chúng trong đầu thành dạng khác, trong thì giờ rảnh rỗi tôi đọc tiểu thuyết cũ, hoặc vừa xem các phim sến của Hollywood trên băng video vừa uống bia và whiskey. Không đếm xỉa đến báo và tạp chí.
Nhưng ở cái thế giới không còn ánh sáng này, trong bóng đêm đen phi lý này, giữa vô vàn hố sâu và hàng tỉ con vắt thì tôi không có khát khao nào lớn hơn là được cầm một tờ báo. Để được lăn ra một chỗ ấm áp và đọc từ dòng đầu đến dòng cuối, từng chữ cái một, như một con mèo liếm từng giọt sữa trên đĩa. Tôi sẽ mút từng giọt lấp lánh của cuộc sống dưới ánh mặt trời cho nó thấm vào từng đường gân thớ thịt.
“Điện thờ phía trước kia kìa”, cô gái nói.
Thiếu một chút nữa thì tôi trượt chân, vì vậy tôi không ngước lên nhìn được. Tuy nhiên đằng nào chúng tôi phải đến tận sát nơi mới thấy được hình dáng và màu sắc của điện thờ. Tôi cố tập trung tinh thần dấn bước đi tiếp.
“Chỉ độ mười thước nữa thôi”, cô gái nói.
Như ra lệnh, tiếng rít hổn hển dưới đó đột ngột chấm dứt. Quá đột ngột và dị thường, như một ai đó dưới lòng đất sâu dùng một chiếc rìu khổng lồ để chặt một nhát đứt phăng nguồn âm thanh. Không cảnh báo trước, không một tiếng vọng sót lại, tiếng động ù tai từ lòng đất trào lên ngập tràn không trung bỗng im phắc trong nháy mắt, khiến người ta tưởng rằng không phải tiếng động mà chính không gian vang vang của nó đã biến mất. Nó biến mất một cách đột ngột đến nỗi tôi loạng choạng mất thăng bằng một thoáng và suýt trượt ngã.
Vây quanh chúng tôi là sự im lặng gần như đông đặc, một sự im lặng đột ngột xuất hiện trong bóng đêm, tệ hại hơn bất cứ âm thanh ghê sợ nào. Người ta có thể quen với bất cứ tiếng động nào. Nhưng im lặng là chân không, là hư vô. Nó không hiện hữu, nhưng vẫn bao bọc quanh ta. Một áp suất đè lên màng nhĩ tôi, dường như khí quyển bị nén chặt lại. Tại tôi không rõ phải phản ứng ra sao trước sự im lặng đột ngột ấy và nỗ lực hết mức để cố nghe ra một tín hiệu nào trong đó.
Song đây là một sự im lặng hoàn hảo. Tiếng rú đã chấm dứt và không tái diễn. Chúng tôi sững lại lắng nghe. Để bớt sức ép trong tai, tôi nuốt nước bọt nhưng không đỡ mấy; chỉ nghe có tiếng soàn soạt rất to và dị thường, như tiếng kim máy quay đĩa chạm lên đĩa quay.
“Nước đã rút chưa?”, tôi hỏi.
“Không, bây giờ mới lên”, cô nói. “Tiếng lục khục là do không khí dồn nén trong các khúc quanh của nước bị ép bắn ra. Giờ thì không còn gì cản được nước nữa.”
Cô nắm tay tôi, và chúng tôi đi vòng qua mấy hố cuối cùng. Dưới đất đã thấy ít vắt bám hơn. Sau năm, sáu hố thì chúng tôi đặt chân lên nền đá phẳng phiu. Không còn hố nào, cũng hết cả vắt. Chắc chúng đã rút đi theo hướng ngược lại. Tôi đã vượt qua đoạn gian khó nhất. Thà chết đuối còn hơn sặc sụa dưới một hố sâu đầy vắt như thế.
Gần như vô thức, tôi đưa tay lên cổ dứt mấy con vắt bám ở đó ra. Nhưng cô gạt tay tôi ra.
“Tí nữa”, cô nói. “Trước tiên phải trèo lên tháp đã, không thì chết đuối mất.” Cô rảo bước chạy trước, vẫn nắm chặt tay tôi. “Ông sẽ không chết vì năm, sáu con vắt đâu, với lại nếu giật ra thì ông sẽ làm toạc da ra đấy. Ông không biết à?”
“Không”, tôi nói. Quả là tôi dốt đặc.
Sau hai, ba chục bước cô kéo tay tôi đứng lại và lấy đèn pin chiếu lên “ngọn tháp” cao trước mặt. Nó sừng sững chắn lối, trơn lì, hình trụ và vươn thẳng tắp trong đêm đen. Càng lên cao nó càng thuôn vào như một ngọn hải đăng, nhưng không thể đoán được cao bao nhiêu. Chúng tôi không có thì giờ, mà ngọn tháp cũng quá lớn để soi sáng được từng chi tiết. Cô bạn đồng hành cũng chỉ cho ánh sáng lướt qua trên thân “tháp” rồi lại chạy tiếp ngay. Cô chạy lên một dạng cầu thang bên sườn tháp. Còn tôi dĩ nhiên cố gắng bám theo.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách