Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Misty.Rain
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Viễn Tưởng - Xuất Bản] Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới | Haruk

[Lấy địa chỉ]
51#
 Tác giả| Đăng lúc 18-11-2012 19:55:26 | Chỉ xem của tác giả
Chương 15
(tiếp)


Tôi đứng dậy theo lệnh và quỳ xuống. Chỉ mặc mỗi áo thun, quần lót Jockey và quỳ trên thảm – quả là một hình ảnh kỳ quái, nhưng tôi chưa kịp có thì giờ nghĩ tiếp thì Hộ pháp tiến ra sau tôi, ép hai bàn tay tôi chập vào nhau sau lưng. Hắn hành động nhanh nhẹn và thuần thục. Tôi không nhận ra sức ép gì lớn và thử cử động một chút, lập tức vai và khuỷu tay tôi đau nhói. Tôi bị kẹp cứng như con vịt nhồi vào rọ.


Còi vào bàn bếp lấy con dao của Hộ pháp ra. Gã bật lưỡi dao chừng bảy phân, lấy bật lửa trong túi quần và hơ lưỡi dao thật nóng. Con dao nhỏ gọn và không gây ấn tượng đáng sợ, nhưng có thể nhận ra ngay sự khác biệt với những con dao bán ở hàng tạp phẩm. Để rạch bụng người thì nó cũng vừa đủ to. Con người chứ không phải con gấu, da thịt mềm như quả đào. Với một lưỡi dao bảy phân đủ cứng thì có thể làm được khối chuyện.


Sát trùng lưỡi dao xong, Còi ung dung đợi nó nguội hẳn. Sau đấy gã lấy tay trái kéo chun quần lót trắng của tôi tụt xuống, hở gần hết dương vật ra.


“Bây giờ thì hơi đau một chút. Cắn răng lại”, gã nói.


Tôi cảm thấy một khối hơi to bằng quả bóng tennis đùn từ dạ dày lên cổ họng. Đầu mũi tôi đọng đầy mồ hôi. Tôi sợ. Sợ chúng lấy dao cắt vào hạ bộ. Và tôi sẽ không bao giờ cương lên được nữa.


Nhưng gã không chạm đến dương vật tôi. Dưới rốn tôi chừng năm phân gã rạch một đường dài sáu phân vào bụng dưới. Mũi dao bén ngọt còn âm ấm xén dễ dàng vào bụng tôi và đi một đường thẳng như kẻ chỉ sang bên phải. Tôi muốn tránh ra, nhưng Hộ pháp kẹp chặt không cho động đậy. Còn Còi túm dương vật tôi bằng tay trái. Khắp người tôi tứa mồ hôi lạnh. Một chớp mắt sau, cơn đau xuyên thấu người tôi. Còi chùi máu trên lưỡi dao bằng khăn giấy, và Hộ pháp thả tôi ra khi Còi gập lưỡi dao vào. Tôi nhìn quần lót trắng thấm đỏ máu. Hộ pháp lấy trong phòng tắm ra một chiếc khăn sạch để tôi ấn lên vết thương.
“Khâu bảy mũi là ổn trở lại thôi”, Còi nói. “Sẽ có một vết sẹo nhỏ, nhưng dưới đó ít ai nhìn thấy. Tôi thực sự lấy làm tiếc, nhưng không thể khác được.”


Tôi mở khăn ra xem vết thương. Vết cắt không sâu lắm. Nhưng đủ sâu để nhìn thấy thịt màu hồng lộ ra dưới máu.


“Khi chúng tôi đi khỏi và người của Hệ thống đến thì anh kể lại với họ rằng chúng tôi dọa sẽ cắt sâu hơn nếu anh không khai chỗ giấu đầu lâu. Anh thực sự không biết nên cũng không thể nói ra được. Sau đó chúng tôi rút lui. Tra tấn thế thôi. Nếu cần thì chúng tôi còn làm các chuyện khác hẳn – tôi nói để chúng ta hiểu nhau cho chính xác. Nhưng hôm nay thế là đủ. Có thể còn có dịp để anh rõ chúng tôi có những trò gì khác nữa.”


Tôi chỉ gật đầu, ép khăn lên bụng. Tôi không rõ tại sao, nhưng có lẽ cứ xử sự theo lời bọn chúng là tốt nhất.


“Thằng cha thợ ống khí đốt được anh trả tiền chứ gì?, tôi hỏi. “Và dặn hắn để bị bắt quả tang, sau đó tôi đem đầu lâu và các thông số bị xáo lộn đến chỗ an toàn, đúng không?”


“Thông minh ra phết”, Còi vừa nói vừa nhìn Hộ pháp. “Cứ tiếp tục làm như thế đi. Và có thể anh sẽ sống sót.”


Rồi cả hai biến khỏi. Không cần phải mở và đóng cửa. Cánh cửa sắt cong vênh bung khỏi bản lề rộng mở đón cả thế giới vào.
Tôi cởi quần lót vấy máu ném vào thùng rác và lấy gạc lau sạch máu trên vết thương. Mỗi lần cúi hay vươn người là cơn đau lại nhói thành nhịp như mạch đập. Tôi vứt nốt áo thun vì tay áo dính máu. Sau đó tôi kiếm trong đống bừa bãi trên sàn một chiếc T-Shirt mà nếu có vết máu dính cũng khó nhận ra, mặc cùng một quần lót thật trễ cạp. Thế cũng đủ mệt.


Tôi vào bếp, uống hai cốc nước, vừa nghĩ đến chuyện này chuyện nọ vừa đợi người của Hệ thống đến.


Một nửa tiếng sau có ba người từ trung tâm xuất hiện. Một trong số họ là tay trẻ tuổi kênh kiệu ở bộ phận liên lạc vẫn hay đến lấy dữ liệu. Gã mặc bộ com lê màu sẫm như mọi khi, sơ mi trắng, cà vạt giống như nhân viên bộ phận tín dụng của nhà băng. Hai người kia đi giày thể thao và vận đồ như công nhân vận tải. Không có nghĩa là trông họ như một nhân viên nhà băng và hai công nhân, mà họ tạo ra một vẻ ngoài như vậy. Họ liên tục ngó nghiêng tứ phía, căng thẳng từng thớ thịt, sẵn sàng phản ứng với mọi hoàn cảnh và bất cứ sự công kích nào.


Và ba người này cũng không cần phải lịch sự gõ cửa hoặc cởi giày khi vào nhà. Trong khi hai công nhân lục khắp các xó xỉnh trong căn hộ, tay liên lạc viên thẩm vấn tôi về sự kiện vừa xảy ra. Gã rút một cuốn sổ tay đen từ túi trong áo khoác và ghi lại những chi tiết cơ bản bằng bút chì bấm. Tôi kể là có hai tên đến đây và lục lọi tìm một chiếc đầu lâu, sau đó tôi chỉ vết thương. Gã kênh kiệu xem rất kỹ nhưng không nói gì.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

52#
 Tác giả| Đăng lúc 18-11-2012 19:56:39 | Chỉ xem của tác giả
Chương 15
(tiếp)


Đầu lâu? Nghĩa là sao?”, gã hỏi.


“Sao mà biết được”, tôi nói. “Chính tôi cũng muốn biết.”


“Vậy là anh cũng chẳng biết gì cả?”, gã liên lạc viên hờ hững nói. “Anh nghĩ kỹ lại xem, vì rất quan trọng. Sau này có muốn sửa cũng muộn. Bọn ký hiệu sư không làm gì vô cớ cả. Nếu bọn chúng soát một căn hộ để tìm đầu lâu thì ắt chúng có cớ để phỏng đoán là ở đây có cái đầu lâu. Không có lửa thì làm sao có khói. Và cái đầu lâu phải có giá trị thì người ta mới tìm. Khó tin là anh không dính dáng gì đến chuyện ấy.”


“Nếu anh sáng suốt như vậy thì anh hãy cho tôi biết cái đầu lâu ấy có ý nghĩa gì.”


Gã liên lạc viên gõ gõ bút chì một hồi lâu lên cuốn sổ tay. “Chúng tôi sẽ điều tra kỹ càng vụ này. Và một khi là đã điều tra nghiêm túc thì thường là chúng tôi sẽ tìm ra. Nếu kết quả cho thấy anh giấu gìếm gì thì sẽ không hay ho lắm đâu, anh hiểu rõ điều đó chứ?”


Tôi xác nhận điều đó. Có trời biết rồi sẽ xảy ra chuyện gì. Không ai đoán được hậu vận cả.


“Chúng tôi biết bọn ký hiệu sư đang có âm mưu gì đó. Giờ thì chúng đã xuất quân. Nhưng ta vẫn chưa biết chính xác chúng theo đuổi mục đích gì. Cũng không rõ tại sao các đầu dây lại tụ lại ở chỗ anh. Và cái đầu lâu có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, càng tập hợp nhiều dấu hiệu thì càng dễ lần ra cốt lõi thực sự của sự việc. Đó là điều chắc chắn.”


“Vậy bây giờ tôi phải làm gì?”


“Anh hãy cảnh giác. Anh hãy nghỉ xả hơi và chú ý cảnh giác. Trả lại mọi nhiệm vụ được giao đi. Và báo ngay cho chúng tôi nếu có gì xảy ra. Điện thoại ổn chứ?”


Tôi nhấc máy. Không có vấn đề gì. Nhất định hai tên kia cố ý không chạm đến điện thoại. Tôi không rõ tại sao. “Máy tốt”, tôi nói.


“Anh nghe đây”, gã nói. “Anh phải thông báo ngay bất kỳ chuyện nhỏ nhặt nào. Đừng tự ý làm gì cả. Đừng giấu giếm chuyện gì. Bọn này làm nghiêm trọng đấy. Lần tới anh sẽ không thoát thân với một vết xước cỏn con thế này đâu.”
“Vết xước?”, tôi buột miệng.


Hai công nhân đã kiểm tra xong và quay vào bếp.


“Bọn nó làm kỹ lắm”, người lớn tuổi hơn nói. “Tiến hành có hệ thống và không bỏ sót vị trí nào. Rất chuyên nghiệp. Không nghi ngờ gì, đúng là bọn ký hiệu sư.”


Liên lạc viên gật đầu và hai người kia rút lui. Hai chúng tôi ở lại một mình.


“Tại sao rạch nát quần áo khi đi tìm đầu lâu?”, tôi hỏi. “Trong quần áo thì không giấu được đầu lâu, bất cứ loại nào.”
“Dân chuyên nghiệp mà. Không để sót khả năng có thể nào. Biết đâu anh gửi đầu lâu vào một tủ gửi đồ rồi giấu chìa khóa đi, và chìa khóa thì giấu đâu cũng được.”


“Đúng thế”, tôi nói. Đúng thế thật!


“Tôi muốn hỏi câu nữa: bọn ký hiệu sư không đưa ra đề nghị nào với anh à?”


“Đề nghị?”


“Chạy sang phe Nhà máy. Tiền. Danh vọng. Hoặc ngược lại: tống tiền.”


“Chẳng có gì. Không một lời nào”, tôi nói. “Bọn nó chỉ rạch bụng tôi và hỏi về đầu lâu.”


“Anh nhớ kỹ nhé”, liên lạc viên nói. “Nếu người ta đến tìm anh và định thuyết phục anh thay đổi ý kiến thì anh tuyệt đối không được nhận lời. Nếu anh gục thì chúng tôi thanh toán anh luôn, kể cả khi phải săn đuổi anh đến cùng trời cuối đất. Chúng tôi không dọa, mà hứa như vậy. Chúng tôi có nhà nước đứng sau lưng. Không có gì là chúng tôi không làm được cả.”
“Tôi sẽ ghi nhớ”, tôi nói.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

53#
 Tác giả| Đăng lúc 18-11-2012 19:59:18 | Chỉ xem của tác giả
Chương 15
(tiếp)

Lúc mọi người đi khỏi, tôi xét lại sự việc một lần nữa, lần lượt từng điểm một. Nhưng không tìm được một kết luận nào. Vấn đề cơ bản là ông giáo sư có chủ định gì? Chừng nào chưa có câu trả lời thì mọi phỏng đoán đều vô ích. Tôi hoàn toàn không biết chuyện gì ẩn trong đầu óc của ông già.


Nhưng đã rõ một điều – tôi đã lừa dối Hệ thống, cho dù có thể nói là tôi bị tình thế đưa đẩy đến bước này. Nếu chuyện đó lộ ra – và sớm hay muộn sẽ lộ ra – thì tôi đã cho cả hai chân vào quan tài, đúng như gã liên lạc viên kênh kiệu kia đã tuyên bố. Kể cả khi họ châm chước là tôi phải nói dối trong tình trạng bị ép buộc. Họ sẽ không và không bao giờ tha lỗi cho tôi.


Trong khi những suy nghĩ ấy lướt qua óc, vết thương lại nhói lên khiến tôi phải giở danh bạ điện thoại tìm gọi công ty taxi gần nhà nhất để vào bệnh viện điều trị. Tay ép khăn vào vết thương, tôi mặc một chiếc quần rộng rồi xỏ giày. Để đi giày thì phải cúi xuống. Đau như xé người làm đôi. Một vết cắt cỏn con chưa đầy sáu phân, và con người ta thành một hình nhân rệu rã. Không xỏ nổi chân vào giày, không leo được cầu thang.


Tôi đi thang máy xuống nhà, ngồi vào bệ chậu cây cảnh cửa và đợi taxi. Đồng hồ chỉ một rưỡi. Mới có hai tiếng rưỡi từ khi Còi và Hộ pháp phá cửa vào phòng. Hai tiếng rưỡi lê thê, tôi thấy dài như mười tiếng.


Mấy bà nội trợ vác làn đi chợ ngang qua. Củ cải non và hành thò ra từ túi siêu thị. Tôi ghen tị đôi chút với họ. Không ai đập phá tủ lạnh của họ, và cũng chẳng rạch bụng họ. Nếu người ta chỉ phải lo chế biến củ cải và hành và chăm cho con cái khôn lớn thì cuộc đời diễn ra thật yên bình. Chẳng việc gì phải bận tâm tới đầu lâu thú một sừng, cũng không phải nát óc bởi những mật mã bí hiểm và những công tác phức tạp. Cuộc đời bình dị là như thế.


Tôi nhớ đến mấy con tôm đông lạnh đang rã đá trên sàn nhà, cả miếng bơ và xốt cà. Phải ăn trong hôm nay. Nhưng tôi không hứng gì ăn uống cả.


Ông đưa thư đi xe Cub đỏ đến và khéo léo phân phát thư từ vào các hộp thư cạnh cửa ra vào. Một số hộp thư đầy ứ, các hộp khác hầu như rỗng không. Ông không chạm vào hộp thư của tôi, thậm chí chẳng thèm nhìn.


Bên cạnh thùng thư có một cây đa búp đỏ trồng trong một chậu vương đầy que kem và đầu mẩu thuốc lá. Trông cây đa cũng tàn tạ như tôi. Lắm người cứ thế đi tới để vứt tàn thuốc vào chậu hay ngắt một lá. Tôi không rõ nó đứng đấy từ bao giờ, nhưng nhìn bề ngoài thì có lẽ đã lâu rồi. Ngày nào tôi cũng đi ngang qua, nhưng chỉ nhận thấy nó khi ôm cái bụng bị rạch ngồi chờ taxi.


Bác sĩ nhìn vết rạch và hỏi vì sao tôi bị thương.


“Có vấn đề, vì chuyện đàn bà”, tôi nói. Không biết kể với ông ta gì khác. Có thể nhận thấy ngay là vết dao rạch.


“Trong những trường hợp ấy thì tôi có nghĩa vụ báo cho cảnh sát”, bác sĩ nói.


“Đừng báo cảnh sát”, tôi nói. “Tôi cũng không hẳn vô tội trong vụ này, cũng may là vết thương không sâu, ta có thể để yên chuyện này được không? Tôi xin ông.”
Ông bác sĩ càu nhàu một hồi, nhưng rồi ông ra hiệu cho tôi nằm lên giường, sát trùng và tiêm vài mũi, lấy kim chỉ khéo léo khâu mấy mũi. Khi ông xong việc, một cô y tá mặt mũi hằm hằm dán một miếng gạc dày rồi quấn cả một dây chằng cao su quanh hông cho chặt. Trông tôi khá kỳ quặc.
“Hạn chế cử động mạnh hết sức”, bác sĩ nói. “Ngoài ra cấm rượu, cấm tình dục, và cấm cười to. Ông nên tránh cử động, đọc sách thì tốt. Mai quay lại.”


Tôi cảm ơn, ra trả tiền lệ phí, nhận một loại thuốc chống viêm và đi về nhà. Như bác sĩ dặn, tôi lên giường nằm và đọc Rudin của Turgenev. Thực ra tôi thích Những dòng nước mùa xuân hơn, nhưng khó tìm ra được cuốn ấy trong đống đổ nát giữa nhà, vả lại xét cho cùng thì Những dòng nước mùa xuân cũng không hơn Rudin gì nhiều.
Bụng băng bóm, tay cầm tiểu thuyết của Turgenev và nằm trên giường trước giờ hoàng hôn – bây giờ tôi bàng quan với mọi chuyện khác. Những gì xảy ra trong ba ngày vừa qua không phải do tôi thích ôm lấy. Nó ụp xuống đầu tôi, và tôi bị lôi kéo vào. Thế thôi.


Tôi vào bếp, thận trọng dọn mảnh chai chất đầy trong bồn rửa. Hầu hết chai lọ đã bị đập nát; chỉ còn một đế chai Chivas Regal là tương đối lành lặn và còn đọng chút whiskey. Tôi rót ra ly và giơ lên ánh sáng, không có mảnh chai trong đó. Tôi trở lại giường nằm, uống chỗ whiskey âm ấm trong khi đọc tiếp. Tôi đọc Rudin lần cuối cùng khi còn là sinh viên, trước đây mười lăm năm. Hôm nay, sau mười lăm năm và bụng quấn băng, tôi thấy có cảm tình với nhân vật chính hơn ngày xưa. Con người không một mình sửa các lỗi lầm được. Chậm nhất vào tuổi hai mươi lăm là nhân cách đã định hình, và từ đó trở đi về cơ bản không thay đổi gì nữa, mặc cho ta có cố gắng đến mấy. Vấn đề chỉ là thế giới xung quanh phản ứng ra sao với nhân cách ấy. Được whiskey nồng nàn làm cho phấn chấn, tôi cảm tình với Rudin. Các nhân vật của Dostoevsky hầu như không làm tôi quan tâm, nhưng của Turgenev thì tôi yêu mến ngay. Thậm chí tôi cũng khoái những nhân vật trong seris Đồn cảnh sát số 87 của Ed McBain. Có lẽ vì tôi cũng có nhiều khiếm khuyết. Con người có xu hướng mến những người nhiều tật như mình. Nhưng nhân vật tiểu thuyết của Dostoevsky thường có những khiếm khuyết không đáng gọi là khiếm khuyết, khiến tôi không hoàn toàn nhận ra mình trong đó. Ở Tolstoy thì các khiếm khuyết ấy lại quá bao trùm và quá cố hữu.


Đọc xong cuốn sách, tôi ném nó lên giá và lục trong bồn xem còn whiskey không. Tận dưới cùng còn thừa một tí Jack Daniel’s Black Label, tôi rót ra và đem về giường cùng cuốn Đỏ và Đen của Stendhal. Hình như tôi có một thú đọc tiểu thuyết cổ hủ. Lấy đâu ra người trẻ tuổi hôm nay thích đọc Đỏ và Đen? Tôi thì khi đọc cuốn sách này rất tâm đầu ý hợp với Julien Sorel. Nhưng sai lầm của Sorel đã định hình từ hồi mười lăm tuổi, khiến tôi càng thích anh ta hơn. Thật đáng thương cho một người đã thấy hình dáng đường đời còn lại của mình ở tuổi mười lăm. Chẳng khác gì đang tiến đến một nhà tù không đường đào thoát. Đi đến sự tàn lụi của mình, vây chặt trong một thế giới có đường bao quanh.


Tôi giật mình.


Tường.


Thế giới có bức tường bao quanh.


Tôi gập sách, dốc nốt ngụm Jack Daniel’s và hình dung ra thế giới sau bức tường. Tưởng tượng ra bức tường và cánh cổng thì đơn giản. Tường rất cao, cổng sừng sững. Tất cả im lìm. Và chính tôi ở bên trong. Nhưng cảm nhận về bản thân tôi cũng rất mờ ảo, tôi không thấy gì xung quanh. Toàn thành phố hiện ra rõ ràng từng chi tiết trước mắt tôi, nhưng sát xung quanh tôi mọi thứ mờ ảo. Và bên ngoài lớp màn dày đặc ấy có tiếng ai gọi tôi.


Tôi lắc đầu để rũ bỏ hình ảnh đó. Tôi mệt mỏi và kiệt sức. Tôi cho rằng nhất định bức tường là biểu tượng cho cuộc đời hạn hẹp của mình. Sự im lặng thể hiện âm thanh bị tắt đi. Màn sương mù quanh tôi có nghĩa là trí tưởng tượng của tôi đang sa vào cơn khủng hoảng sống còn. Và người đang gọi tôi ắt là cô gái màu hồng.


Sau khi phân tích giấc mơ ngắn một cách ngớ ngẩn như vậy, tôi lại mở sách ra. Nhưng tôi không sao tập trung đầu óc được nữa. Tôi nghĩ, cuộc sống của mình thật vô nghĩa, một con số không tròn trĩnh. Tôi đã tạo ra được gì? Chẳng được gì cả. Tôi có làm cho ai hạnh phúc không? Tôi chẳng làm ai hạnh phúc cả. Tôi có gì trong tay? Chẳng có gì. Không gia đình, không bè bạn, không có cả cánh cửa. Thậm chí không cương nổi lên. Và sắp tới có thể mất việc.


Và mục đích cuối cùng trong đời, niềm vui bình lặng với đàn vi ô lông xen và tiếng Hy Lạp, cũng đang lung lay. Nếu bây giờ mất việc thì mất luôn cơ sở tài chính để thực hiện giấc mơ đó. Và nếu Hệ thống theo dõi tôi đến cùng trời cuối đất thì tôi sẽ không còn thì giờ ghi nhớ các động từ Hy Lạp chia ngoài quy tắc.


Tôi không để ý thấy màn đêm sập xuống và bị quấn chặt trong màn u tối của Turgenev và Stendhal. Vết thương không đau lắm nữa, có thể vì tôi nằm nghiêng không động đậy. Đôi khi cảm giác đau không rõ rệt lan từ vết thương qua cạnh sườn, như tiếng trống bập bùng xa xa. Nhưng xong rồi thì tôi quên ngay vết thương. Đã bảy giờ hai mươi, nhưng tôi vẫn không thấy muốn ăn. Năm giờ sáng. Tôi ăn một lát bánh kẹp ỉu và chiêu sữa cho trôi. Một lúc sau tôi ăn chỗ salad khoai tây trong bếp. Sau đó không ăn gì nữa. Cứ nghĩ đến ăn là dạ dày lộn phèo lên. Tôi phờ phạc, thiếu ngủ, người ta rạch bụng tôi, căn hộ trông như bị trúng bom. Không muốn ăn cũng chẳng lạ.


Cách đây mấy năm tôi có đọc một truyện khoa học giả tưởng, nói về thế giới đắm chìm vào hoang tàn đổ nát; hôm nay nhà tôi trông hệt như thế. Cả sàn nhà phủ kín những thứ vô dụng – một bộ com lê rách nát, đầu video bẹp rúm, ti vi cũng thế, lọ hoa tan tành, cây đèn gãy gục, đĩa nhạc bị giẫm vỡ, xốt cà chua chảy lênh láng, dây lao đứt rời… Lẫn trong đó là sơ mi và quần lót có dấu giày xéo lên, dính mực và nho, có lẽ chỉ để vứt đi. Trước đó ba hôm tôi có mua nho và để đĩa nho trên mặt tủ cạnh giường. Hộ pháp đã gạt nó xuống đất và xéo nát chùm nho. Những cuốn tiểu thuyết của Joseph Conrad và Thomas Hardy bị ném xuống từ trên giá đã ngấm no nước bẩn của lọ hoa. Bó hoa lay ơn nằm trên chiếc áo len cashmere màu be nhạt, nom như vòng hoa đặt lên mộ tử sĩ. Một tay áo dây vết mực Pelikan màu xanh to bằng quả bóng bàn. Tất cả đã biến thành rác, một núi rác, mãi mãi là rác. Vi sinh vật đã biến thành dầu mỏ, gỗ thành than, nhưng rác trong nhà tôi chỉ là rác mà thôi. Một cái đầu video bị phá hủy có thể biến thành gì?


Tôi vào bếp và xếp lại đống mảnh chai whiskey trong bồn rửa. Nhưng chẳng còn gì nữa, không còn lấy một giọt. Whiskey đã không chảy qua họng tôi mà chảy luôn xuống phễu thoát để biến mất dưới lòng đất, nơi lũ ma đen ngự trị. Trong khi dọn dẹp, một mảnh chai cứa vào đầu ngón giữa tay phải. Tôi ngắm một lúc những giọt máu rỏ lên nhãn chai whiskey. Ai bị thương nặng thì chẳng đếm xỉa đến vết đứt cỏn con như vậy, chẳng chết đâu mà sợ.


Tôi để máu rỏ giọt một lát, nhưng thấy nó không cầm nên lấy khăn giấy lau đi rồi dán băng dính lên.


Bảy, tám lon bia nằm trên nền nhà bếp như các tút đạn pháo. Tôi nhặt lên, thấy âm ấm. Nhưng bia ấm còn hơn không có bia. Mỗi tay cầm một lon, tôi trở về phòng ngủ để vừa đọc tiếp Đỏ và Đen vừa uống bia. Tôi muốn dùng hơi men để xả bớt stress chất chồng từ ba ngày vừa qua – rồi sau đó ngủ, ngủ như chết. Trước khi những vấn đề của ngày hôm sau ụp xuống đầu mình – và rõ ràng là chúng sẽ đến – tôi muốn ngủ thật lâu, lâu bằng trái đất quay đủ một vòng quanh trục như Michael Jackson quay trên sâu khấu. Rồi sau đó nghênh tiếp những vấn đề mới bằng niềm tuyệt vọng mới.


Giấc ngủ kéo dài đến lúc gần chín giờ trong căn hộ trông như bãi rác của tôi. Tôi quẳng cuốn Đỏ và Đen xuống đất, tắt đèn và cuộn tròn lại như một thai nhi và thiếp đi giữa đống hoang tàn.


Nhưng cũng chỉ được vài tiếng. Lúc mười một giờ đêm cô gái vận đồ hồng đến lay tôi dậy.
“Dậy đi! Tôi xin ông, dậy đi!”, cô gọi, “bây giờ không phải lúc để ngủ!” Cô nắm tay đấm thùm thụp lên người tôi. “Tôi xin ông hãy dậy trước lúc ngày diệt vong.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

54#
 Tác giả| Đăng lúc 18-11-2012 20:02:17 | Chỉ xem của tác giả

Chương 16
Mùa Đông Đến


Khi thức dậy, tôi thấy mình nằm trên giường. Có hương vị quen thuộc. Giường tôi, trong phòng tôi. Vậy mà tôi cảm thấy tất cả đều hơi khác lạ so với trước. Căn phòng như một phong cảnh tái sinh trong ký ức của tôi. Những vết ố trần nhà, mạch vữa nứt trên tường, tất cả.


Tôi nhìn ra cửa sổ. Đang mưa. Những giọt mưa mùa đông trong trẻo như băng trút xuống đất. Tôi nghe chúng ràn rạt quất lên mái nhà. Nhưng cảm giác về khoảng cách của tôi bị nhiễu loạn. Nghe như mái nhà áp sát vành tai tôi và đồng thời xa lắc xa lơ.


Ông đại tá ngồi trên ghế đẩu cạnh cửa sổ và ngắm mưa trong tư thế nghiêm trang như mọi khi, im phăng phắc. Tôi không hiểu vì sao ông ngắm mưa một cách chăm chú như vậy. Mưa là mưa. Mưa rơi trên mái nhà, làm ướt mặt đất và chảy xuống sông, có gì mà phải bận tâm.


Tôi thử nâng tay sờ lên trái nhưng không làm nổi. Nhất cử nhất động đều khó khăn. Tôi muốn nói cho ông đại tá biết điều ấy nhưng không thốt ra lời. Thậm chí tôi cũng không thể đẩy hơi thở trong ngực ra. Có vẻ như mọi công năng của cơ thể từ đầu đến chân đều đã đi mất. Việc duy nhất tôi có thể làm được là giữ cho mắt mở để quan sát cửa sổ, trời mưa và ông già. Tôi không hề nhớ lại được cái gì đã làm tôi kiệt quệ đến mức này. Cứ định hồi tưởng là đầu tôi lại đau như bị bổ làm đôi.


“Mùa đông”, ông già nói và gõ ngón tay lên cửa kính. “Mùa đông đã đến. Giờ thì cậu đã ngộ ra là nó nguy hiểm đến mức nào rồi, đúng không?”


Tôi gật đầu, rất gượng nhẹ.
Đúng thế - bức tường thành mùa đông, chính nó đã làm tôi đau đớn thế này.
Và sau đó – tôi đã băng qua rừng, về đến thư viện. Đột ngột tôi nhớ lại cảm giác tóc cô gái vương trên má.
“Con bé ở thư viện đã đưa cậu về đây đấy. Ông gác cổng cũng giúp một tay. Cậu bị sốt cao và mê sảng. Và đổ mồ hôi nữa – khiếp quá! Đầy cả mấy xô. Hôm kia.”
“Hôm kia…”
“Đúng thế. Cậu ngủ li bì hai ngày”, ông già nói. “Tôi cứ tưởng là cậu không bao giờ tỉnh dậy nữa. Hình như cậu vẫn cứ vào rừng phải không?”
“Xin ông thứ lỗi”, tôi nói.
Ông già bắc nồi trên lò xuống và múc nước nghi ngút khói ra đĩa. Rồi ông đỡ tôi dậy rồi dựa vào tấm đầu giường. Nó kêu răng rắc như một bộ xương mệt mỏi.
“Trước tiên là cậu phải ăn đã”, ông già nói. “Suy nghĩ và xin lỗi thì sau này cũng được. Đói không?”
Tôi lắc đầu. Lấy hơi cũng đủ mệt.
“Nhưng thứ này cậu phải uống đi một chút. Nào, ba thìa là đủ. Ba thìa thôi, được không?”
Tôi gật.
Nước thuốc đắng đến nỗi tôi suýt ọe ra, nhưng rồi thì tôi cũng nuốt nổi ba thìa. Sau đó bải hoải cả người.
“Thế là tốt rồi”, ông già nói và gác thìa lên đĩa. “Nước hơi đắng một chút, nhưng nó hút mồ hôi độc ra khỏi cơ thể. Rồi cậu sẽ thấy, ngủ một giấc nữa là người khỏe hơn hẳn. Giờ thì ngủ đi. Tôi ở lại đây cho đến khi cậu tỉnh lại.”
Khi tôi thức dậy thì bên ngoài đã tối mò. Gió thổi nước mưa ràn rạt đập vào cửa kính. Ông già ngồi ở cạnh giường.
“Thế nào? Khỏe hơn rồi chứ?”
“Ít nhất thì cũng khỏe hơn ban nãy nhiều”, tôi nói. “Mấy giờ rồi ạ?”
“Tám giờ tối.”
Tôi gượng dậy, nhưng chân cẳng còn run lắm.
“Cậu định đi đâu?”, ông già hỏi.
“Đến thư viện. Tôi phải đọc mơ”, tôi nói.
“Cậu điên rồi sao? Với thể trạng này cậu không đi nổi mười bước.”
“Nhưng tôi không thể cứ…”
Ông già lắc đầu. “Mấy giấc mơ xưa vẫn còn đó. Vả lại ông gác cổng và con bé biết là cậu hiện tại không đi lại được. Đằng nào thì có lẽ thư viện cũng đóng cửa rồi.”
Ông thở dài, đi ra bếp lò rót trà và quay lại. Gió vẫn đập ầm ầm vào cửa sổ.
“Tôi đoán là cậu mê con bé rồi”, ông nói. “Tôi không thể bịt tai để tránh nghe cậu nói gì trong lúc mê sảng, vì tôi ngồi bên giường cậu suốt ngày. Lúc mê sảng thì người ta cứ nói thôi. Không việc gì mà phải ngượng cả. Ai trẻ mà chẳng yêu đương. Tôi nói đúng không nào?”
Tôi gật đầu, không nói gì.
“Con bé dễ thương đấy. Nó cũng rất lo lắng cho cậu”, ông vừa nói vừa húp trà. “Nhưng cậu mê nó thì không hợp với điều kiện hiện tại. Tôi cũng lấy làm tiếc khi phải nói câu đó với cậu, song suy cho cùng thì tôi có trách nhiệm cho cậu biết vài điều về xứ này.”
“Sao lại không hợp?”
“Vì nó không thể đáp lại tình cảm của cậu. Không ai có lỗi cả. Cậu không có lỗi gì, và nó cũng không. Cùng lắm là có thể nói rằng chuyện đời là vậy, và người ta không thể đảo lộn chuyện đời, giống như không thể đảo ngược dòng chảy của sông vậy.”
Tôi ngồi dậy, lấy cả hai tay xoa lên má. Có vẻ như mặt tôi hóp lại.
“Ông ám chỉ tâm hồn, phải không?”
Ông già gật đầu.
“Ông cho rằng tôi có tâm hồn, nhưng cô ấy thì không, do đó tôi yêu cô ấy đến mấy cũng vô ích – có phải thế không?”
“Đúng thế đấy”, ông già nói. “Trong việc này cậu chỉ thiệt thòi mà thôi. Đúng như cậu vừa nói: con bé ấy không có tâm hồn. Tôi cũng vậy. Chẳng ai ở đây có cả.”
“Vâng, nhưng ông rất thân thiện với tôi. Ông chăm sóc tôi, canh cả ngày lẫn đêm bên giường tôi. Không phải đó là biểu hiện của tâm hồn sao?”
“Không, đó là chuyện khác. Thân thiện khác với tâm hồn, nó là một công năng độc lập, nói cho đúng hơn, nó là một công năng bề nổi, như một thói quen mà thôi. Tâm hồn thì khác hẳn. Nó sâu sắc và mạnh mẽ hơn nhiều. Và cũng mâu thuẫn hơn.”
Tôi nhắm mắt lại, cố tập hợp những ý nghĩ đang bị tán loạn.
“Như tôi hiểu”, tôi nói, “thì con người đánh mất tâm hồn khi bị mất bóng mình. Đúng thế không ạ?”
“Đúng, hoàn toàn chính xác.”
“Và cô ấy không thể có lại tâm hồn vì bóng cô ấy đã chết, phải không?”


Ông già gật đầu. “Tôi đã đến tòa thị chính để đọc hồ sơ về bóng của con bé. Không có gì nghi ngờ nữa. Bóng nó chết rồi, hồi ấy nó mới mười bảy; người ta đã chôn bóng nó đúng quy định ngoài rừng táo. Đã ghi vào biên bản mai tang. Nếu cậu muốn biết cụ thể hơn thì cứ hỏi nó. Những gì từ miệng nó thì đằng nào cũng khiến cậu tin hơn là nghe tôi nói. Cũng nên nói thêm một chuyện: con bé bị tách khỏi bóng trước khi nó biết suy nghĩ. Có nghĩa là hình như chính nó cũng không biết mình ngày xưa đã từng có tâm hồn. Như vậy con bé là một người khác tôi, vì tôi là người từ bỏ bóng mình một cách tự nguyện và khi đã có tuổi. Ít nhất thì tôi cũng hiểu được cảm xúc trong cậu – còn nó thì không.”


“Nhưng cô ấy nhớ rất rõ về mẹ mình. Theo lời cô ấy kể thì mẹ cô ấy giữ tâm hồn của mình, ngay cả khi người ta đã để nó chết. Tôi cũng không biết lý do tại sao, nhưng có thể điều ấy mang lại lợi ích gì đó chăng. Có thể cô ấy được hưởng chút gì từ tâm hồn của mẹ mình.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

55#
 Tác giả| Đăng lúc 18-11-2012 20:03:24 | Chỉ xem của tác giả
Chương 16
(tiếp)


Ông già lắc tách trà nguội ngắt mấy vòng rồi uống cạn.
“Cậu chớ tự mê hoặc mình!”, ông nói. “Tường thành không bỏ sót một mảnh vụn nào của tâm hồn! Kể cả còn sót lại một vẩy nhỏ đi nữa thì tường thành cũng thu lại. Và nếu không làm được tường sẽ tống con bé đi biệt xứ. Giống như đã từng làm với mẹ nó thì phải.”
“Vậy nghĩa là tôi đừng có hy vọng gì nữa chứ gì?”
“Tôi không muốn thấy cậu thất vọng. Thành phố hùng mạnh, cậu thì yếu. Hy vọng là cho đến giờ cậu đã ngộ ra điều đó.”
Ông già ngó đăm đăm một hồi lâu vào tách trà trên tay mình.
“Nhưng cậu có thể sở hữu nó.”
“Sở hữu?”, tôi hỏi.
“Ừ. Cậu có thể ngủ với con bé, cũng có thể chung sống với nó. Ở thành phố này cậu có thể sở hữu mọi thứ cậu thích.”
“Chỉ tâm hồn thì không?”
“Thế đấy. Tâm hồn thì không”, ông già nói. “Tâm hồn cậu cũng sắp mất rồi. Một khi nó đã biến mất thì cảm giác mất mát và tuyệt vọng cũng mất theo. Tình yêu mà không đi đến đâu cũng biến mất. Chỉ có cuộc sống ở lại. Một cuộc sống bình lặng, yên ả. Cậu thích con bé, và có thể nó cũng thích cậu. Nếu cậu muốn gì sẽ được nấy. Không ai tước đi của cậu cả.”
“Tôi thấy mọi việc đều khó hiểu”, tôi nói. “Tuy rằng tôi vẫn còn có tâm hồn, nhưng đôi khi tôi cũng đánh lạc mất nó. Không, ngược lại mới đúng: hiếm khi tôi không đánh lạc mất nó. Mặc dù vậy, tôi có niềm tin mong manh rằng một lúc nào đó nó sẽ quay lại, và niềm tin ấy tồn tại, cho tôi sức mạnh. Vì lẽ ấy tôi không hình dung nổi đánh mất tâm hồn kỳ thực nghĩa là gì.”
Ông già im lặng gật gù. “Cậu là người thông minh. Và còn đủ thời gian để suy ngẫm.”
“Tôi sẽ tận dụng thời gian đó”, tôi nói.


Trong mấy ngày tiếp theo không hề có ánh mặt trời. Khi đã hạ sốt, tôi đứng dậy ra mở cửa và hít thở không khí trong lành. Nhưng hai ngày sau cơ thể tôi vẫn yếu nhược đến nỗi không thể bám chặt vào thành cầu thang hay xoay nắm đấm cửa. Tối nào ông đại tá cũng cho tôi uống nước thảo dược đắng ngắt và ăn một thứ cháo gạo. Rồi ông ngồi xuống giường tôi và kể những chuyện đánh nhau ngày xưa. Ông không đả động đến chuyện tường thành và cô thủ thư nữa, và tôi cũng ngại không dám hỏi. Nếu còn gì để chia sẻ thì tự ông đã nói ra rồi.


Ngày thứ ba thì tôi đã đi lại khá vững. Tôi mượn cây gậy chống của ông già và đi lại trong khu công chức. Trong khi đi, tôi nhận thấy mình đã sút cân khủng khiếp. Có lẽ cơn sốt làm tôi giảm cân, nhưng đó mới chỉ là một chuyện. Mùa đông đem lại cho vạn vật quanh tôi một sự nặng nề khó tả, nhưng với tôi thì không. Mình tôi được loại trừ.


Tôi có thể nhìn thấy nửa thành phố từ sườn dốc của Đồi Tây. Tôi thấy con sông, tháp đồng hồ, tường thành và Cửa Tây mờ mờ tít đằng xa. Mắt tôi quá yếu để nhìn thấy các chi tiết qua cặp kính đen, tuy nhiên tôi vẫn nhận ra không khí mùa đông làm nổi bật đường viền bóng thành phố, nổi rõ hơn hẳn mọi khi. Tựa như trận gió mùa của mùa đông từ dãy núi phía bắc đã quét sạch từ xó xỉnh và thổi hết bụi bặm bám trên lớp vôi tường bạc phếch.


Tôi chợt nhớ tấm bản đồ sắp phải nộp cho bóng. Do ốm mà tôi đã trễ hạn nộp mất gần một tuần. Nhất định tôi đã làm bóng phải lo lắng – hoặc nó cho rằng đã bị tôi bỏ mặc. Biết đâu nó đã tuyệt vọng. Tôi buồn vô cùng.


Ông đại tá đưa tôi một đôi giày lao động cũ. Tôi tách lót giày ra, gấp bản đồ thật nhỏ đút vào rồi đậy lót giày lên. Tôi tin là bóng sẽ tháo tung đôi giày lên để tìm bản đồ. Sau đó tôi đem giày đến chỗ ông già và hỏi ông có đi thăm bóng hộ tôi và tự tay chuyển cho nó đôi giày này.


“Nếu chỉ có một đôi giày thể thao mỏng, nếu tuyết còn rơi tiếp tục sẽ buốt chân”, tôi nói. “Tôi không tin ông gác cổng. Nhưng ông thì thoải mái được gặp bóng của tôi.”
“Chuyện vặt, được thôi”, ông già nói và cầm đôi giày.
Gần tối ông quay về nói, ông đã tự tay trao đôi giày cho bóng.
“Nó lo nghĩ vì cậu lắm đấy”, ông đại tá nói.
“Nó có khỏe không ạ?”
“Có vẻ nó hơi bị rét, nhưng nói chung là khỏe. Chưa có gì đáng lo cả.”


Vào lúc gần tối ngày thứ mười từ khi hết sốt, rốt cuộc tôi thấy đủ sức lực đi xuống đồi và tới thư viện.


Tôi đẩy cửa ra. Không khí trong ngôi nhà có vẻ còn tù đọng hơn mọi khi, vô hồn và thiếu hơi người như một căn phòng lâu ngày không có ai ở. Bếp lò không đốt, ấm nước lạnh ngắt từ bao giờ. Tôi mở nắp ra – nước cà phê trắng đục. Tôi thấy trần nhà cao hơn hẳn mọi ngày. Đèn tắt, không một tiếng động, chỉ có tiếng chân tôi vang vang lạ tai trong ánh sáng nhập nhoạng bụi bặm. Không thấy bóng cô thủ thư. Trên mặt quầy phủ một lớp bụi mỏng.


Tôi không biết làm gì hơn là ngồi xuống ghế băng gỗ đợi cô. Cổng bên ngoài không khóa, vậy thì cô không thể đi đâu lâu. Tôi cứ thế đợi, run cầm cập vì lạnh. Nhưng cô không xuất hiện. Trời dần tối. Tôi cảm thấy như thế giới đã tàn lụi, chỉ riêng tôi và thư viện không hề hấn gì. Người ta đã để tôi một mình ở lại nơi tận cùng thế giới. Tôi vươn tay ra – và không chạm được vào thứ gì cả.


Cái nặng nề của mùa đông cũng có mặt trong phòng nơi tôi đang ngồi. Mọi đồ vật như bị đóng đinh. Tôi ngồi trong bóng đêm, tay chân trở nên không trọng lượng, tách ra khỏi người tôi, tự kéo dài và thu ngắn lại. Tựa như tôi đứng trong phòng cười lát gương méo mó và làm trò với hình phản chiếu biến dạng của mình.


Tôi đứng dậy bật đèn. Rồi tôi chất đầy than vào xô, nhóm lò sưởi và quay lại ngồi ở ghế băng. Ánh sáng làm mọi thứ tối hơn, bếp lửa khiến xung quanh lạnh hơn.


Hoặc là tôi quá chìm sâu vào suy nghĩ, hoặc sự mệt mỏi trong cơ thể khiến tôi thiếp đi một lát – một lúc nào đó tôi chợt tỉnh, nhận ra cô gái đang đứng im trước mặt và cúi xuống nhìn mình. Ngọn đèn sau lưng cô tung ra một làn bụi sáng vàng thô thiển, khiến bóng cô thủ thư tối đen và mờ ảo. Tôi ngẩng lên nhìn một hồi lâu. Cô mặc chiếc măng tô màu lam như mọi khi, kéo đuôi tóc một bên ra phía trước và nhét vào ve áo. Người cô tỏa mùi gió lạnh.


“Anh tưởng em không quay lại nữa”, tôi nói. “Anh ngồi đây đợi em mãi.”
Cô cầm ấm nước ra bồn, đổ cà phê cũ đi, tráng ấm, lấy nước mới rồi đặt lên bếp. Sau đó cô kéo đuôi tóc dưới ve áo ra, cởi măng tô treo lên mắc.
“Tại sao anh nghĩ là em không đến nữa?”, cô hỏi.
“Anh không biết”, tôi nói. “Có cảm giác như thế.”
“Chừng nào anh còn cần em thì em còn đến. Anh vẫn cần em đấy chứ?”
Tôi gật đầu. Tôi cần cô, nhất định.
“Vâng, có thể lắm. Lúc anh hỏi rằng chúng mình có biết nhau từ trước chưa, thoạt tiên em cũng nghĩ thế.”
Cô ngồi trước bếp lò và nhìn vào lửa một hồi lâu.
“Bóng của em bị tách ra và đưa ra ngoài tường thành lúc em lên bốn. Từ đó nó sống ở thế giới ngoài kia và em ở thế giới trong này. Em không biết nó làm gì. Cũng giống như nó không biết gì về em. Ngày em mười bảy tuổi, nó quay về thành phố và chết ở đây. Tất cả các bóng đều quay về đây để chết. Ông gác cổng chôn chúng ngoài rừng táo.”
“Và nhờ vậy em đã thành công dân chính thức của thành phố chứ gì?”
“Vâng. Cùng với bóng, phần sót lại của tâm hồn em cũng được chôn cất. Anh vẫn nói tâm hồn giống như ngọn gió, nhưng phải chăng chính chúng ta mới giống gió hơn? Chính chúng ta cứ đi con đường của mình mà không suy nghĩ gì. Chúng ta sẽ không già đi, không bao giờ chết.”
“Em có gặp lại bóng khi nó quay về?”
Cô lắc đầu. “Không. Nó và em không có lý do gì để gặp nhau. Đối với em, bóng là một người lạ hoắc, chẳng liên quan gì đến em cả.”
“Nhưng có khi nó lại chính là em.”
“Vâng, có thể”, cô nói. “Nhưng bây giờ chuyện đó không có ý nghĩa gì nữa. Mọi sự đã an bài.”
Ấm nước trên lò ùng ục sôi. Tôi nghe như tiếng gió hú cách đó mười dặm.
“Anh vẫn cần em chứ?”
“Có, anh cần em”, tôi đáp.

Bình luận

Cám ơn em  Đăng lúc 13-6-2013 11:16 AM
Àh, em copy ở nguồn khác thực hiện lệnh bình thường, vào kites em muốn paste thì ấn tổ hợp phím Ctrl là được  Đăng lúc 13-6-2013 11:16 AM
vậy em có tiến hành post tiếp truyện không?  Đăng lúc 13-6-2013 10:24 AM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

56#
Đăng lúc 12-6-2013 09:19:44 | Chỉ xem của tác giả
THÔNG BÁO


Xin chào bạn!

Trước tiên, cám ơn sự đóng góp của bạn dành cho box.

Hiện nay, box đang tiến hành sắp xếp lại để gọn gàng hơn.

Trong quá trình sắp xếp, bọn mình thấy bạn đã ngừng thread gần 7 tháng và không có bất cứ thông báo nào đến độc giả.

Vậy nên 5 ngày sau thông báo này, nếu vẫn không có chương mới, bọn mình sẽ tiến hành các biện pháp xử lý thích hợp.

Tạm thời bọn mình sẽ tô thread sang màu đen để phân biệt, khi nào thread có chương mới thì bọn mình sẽ tô lại màu xanh.

Mong bạn hiểu và thông cảm!

Thân mến!

Mod

Bình luận

Em làm được rồi. Em cám ơn ! ^^  Đăng lúc 13-6-2013 11:24 AM
À, mod ơi, cho em hỏi, giờ em không copy được truyện ạ ? Hay em phải tự type ?  Đăng lúc 13-6-2013 11:08 AM
Có ạ ! ^^. Em đã post thì em nên hoàn thành nó ! :D. Quần đẹp quá ! :x  Đăng lúc 13-6-2013 10:59 AM
Vâng, em sẽ chú ý ! :D  Đăng lúc 13-6-2013 10:19 AM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

57#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 11:23:38 | Chỉ xem của tác giả
Chương 17:
Tận Cùng Thế Giới, Charlie-Parker, Bom Nổ Chậm


Tôi xin ông”, cô gái mũm mĩm gọi. “Tôi xin ông hãy dậy trước thời điểm thế giới tận cùng.”
“Càng tốt”, tôi rên lên. Vết thương của tôi đau như xé.
“Sao ông lại nói thế? Có chuyện gì vậy?”, cô bé hỏi.
Tôi hít một hơi thật sâu, lấy tay áo T-Shirt lau mồ hôi trên mặt.
“Hai thằng đàn ông ập vào đây”, tôi phì hơi ra, “và rạch bụng tôi một vết dài sáu phân.”
“Bằng dao?”
“Như mổ con lợn tiết kiệm”, tôi nói.
“Nhưng bọn nó là ai? Và muốn gì?”
“Chính tôi cũng muốn biết”, tôi nói. “Tôi đã nghĩ nát óc suốt buổi. Kết quả là con số 0. Không biết mảy may. Cô có thể cho tôi biết tại sao mọi người giày xéo tôi như một tấm thảm chùi chân không?”
Cô gái lắc đầu.
“Tôi nghi hai thằng đó có thể là đồng bọn của cô. Hai đứa rạch bụng tôi ấy.”
Cô gái mũm mĩm ngơ ngác nhìn tôi một chặp. “Tại sao ông lại nghĩ thế được?”, cô hét lên.
“Tôi không biết. Có thể tôi muốn đổ tội cho ai đó để dễ chịu đựng được chuyện này – một khi không biết điều gì hơn.”
“Nhưng cũng chẳng giải thích được gì.”
“Cũng chẳng giải thích được gì, đúng vậy”, tôi nói. “Nhưng đó đâu phải vấn đề của tôi? Tôi không gây ra chuyện gì. Ông cô đã tra dầu, bôi mỡ và bẻ lái. Cớ gì tôi phải quan tâm giải thích?”
Cơn đau lại dội lên. Tôi mím môi lại và đợi – như một nhân viên hỏa xa canh chắn đường đợi tàu đi qua.
“Ví dụ như hôm nay chẳng hạn! Chưa bảnh mắt thì cô đã gọi điện kêu cứu, vì ông cô biến mất. Tôi vội lao đi, và ai là người không đến? Cô. Tôi về nhà và leo lên giường, lập tức có hai thằng khốn nạn mò đến, đập phá nhà tôi và rạch bụng tôi ra. Sau đó là người của Hệ thống đến hỏi cung tôi. Giờ lại đến lượt cô. Mọi chuyện có vẻ như theo kế hoạch và được thống nhất. Người này chuyền bóng cho người kia. Đúng ra là cô biết gì trong vụ này?”
“Cũng không biết gì nhiều hơn ông, thú thực là vậy. Tôi chỉ giúp ông tôi một tay trong việc nghiên cứu và làm những gì ông tôi bảo. Làm việc này việc nọ, đi đây đi đó, gọi điện, viết thư. Thế thôi. Ông tôi theo đuổi mục đích nào thì tôi cũng biết ít như ông thôi.”
“Nhưng cô đã giúp ông ấy nghiên cứu.”
“Cũng đúng, nhưng chỉ toàn việc kỹ thuật, thuần túy xử lý dữ liệu. Tôi không có kiến thức chuyên môn. Giả sử có nhìn hay nghe thấy gì thì tôi cũng chẳng hiểu nổi.”
Tôi tập trung suy nghĩ, gõ đầu ngón tay lên răng cửa. Tôi cần một xuất phát điểm. Tối thiểu phải bám vào đâu đó trước khi tình thế hoàn toàn mất kiểm soát.
“Cô có nói là ta phải ra tay trước thời điểm thế giới tận cùng. Thế nghĩa là gì? Tại sao thế giới tận cùng, và bằng cách nào?”
“Tôi không biết. Ông tôi nói thế. Nếu xảy ra chuyện gì với ông tôi thì đó là thời điểm thế giới tận cùng. Ông tôi nói thế không để đùa cợt. Nếu ông tôi nói tận cùng thế giới thì nó cũng đến lúc tận cùng.”
“Tôi không hiểu”, tôi nói. “Thế giới tận cùng nghĩa là sao? Ông cô nói thế thật à? Hay nói chữ khác, ví dụ như thế giới kết thúc? Hay thế giới này thế là chấm dứt hoặc tương tự?”
“Không. Ông tôi nói thế giới tận cùng.”
Tôi lại gõ đầu ngón tay lên răng cửa. Tận cùng thế giới.
“Và… chuyện tận cùng thế giới này dính dáng gì đó đến tôi, đúng không?”
“Vâng. Ông là chìa khóa. Ông tôi nói vậy. Từ nhiều năm nay, ông tôi hoàn toàn hướng các nghiên cứu của mình vào ông.”
“Cô nghĩ lại đi, hãy nhớ lại!”, tôi nói. “Chữ ‘bom hẹn giờ’ có thể mang ý nghĩa gì?”
“Bom hẹn giờ?”
“Gã đàn ông rạch bụng tôi đã nói chữ ấy. Những dữ liệu số mà giáo sư đưa tôi xử lý là một dạng bom hẹn giờ. Khi nào đến thời điểm là: Bùm! Hắn nói thế nghĩa là quái gì nhỉ?”
“Ông tôi – đây hoàn toàn là một lời phỏng đoán của tôi – bỏ hết thời gian để nghiên cứu tâm lý con người, từ khi phát minh ra kỹ thuật xáo dữ liệu”, cô gái nói. “Tôi tin rằng tất cả bắt đầu với hệ thống xáo trộn. Trước đó bao giờ ông tôi cũng nói chuyện với tôi về mọi thứ trên đời. Về các công trình nghiên cứu, về những việc đang làm, về kế hoạch định làm những gì. Như vừa nói, tôi hầu như không có kiến thức chuyên môn, nhưng những gì ông tôi kể đều rất dễ hiểu và thú vị. Tôi rất yêu những giờ trò chuyện như thế.”
“Sau khi phát triển hệ thống xáo trộn dữ liệu thì đột nhiên ông cô sinh kiệm lời, đúng không?”
“Vâng. Ông tôi lui về phòng thí nghiệm dưới đất và không nói một lời nào có tính chuyên môn nữa với tôi. Mỗi lần tôi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời vu vơ.”
“Và cô cảm thấy cô đơn?”
“Cô đơn khủng khiếp.” Cô lại nhìn tôi một lát. “Cho phép tôi lên giường ông nhé? Tôi rét quá.”
“Tùy cô – nếu cô đừng chạm vào vết thương của tôi và không động đậy”, tôi nói. Dường như toàn bộ đàn bà trên thế giới này không còn việc gì hay ho hơn là leo lên giường với tôi!
Cô gái đi vòng quanh giường và chui vào chăn mà không cởi bộ đồ màu hồng ra. Tôi đưa cho cô một trong hai cái gối xếp chồng lên nhau. Cô đập gối cho phồng rồi gối đầu lên. Gáy cô tỏa mùi hương dưa bở như tôi đã nhận thấy trong lần gặp mặt đầu tiên. Tôi khó nhọc lăn nghiêng sang một bên để nhìn về phía cô. Chúng tôi nằm nhìn nhau.
“Tôi chưa bao giờ gần một người đàn ông như thế này”, cô gái nói.
“Hừm”, tôi thốt lên.
“Tôi cũng không mấy khi vào thành phố. Vì vậy tôi không thể đến chỗ hẹn sáng nay, tôi không biết đường. Ông đang chỉ đường thì âm thanh bị ngắt.”
“Sao cô không gọi taxi? Có địa chỉ là đủ.”
“Tôi không cầm đủ tiền. Tôi vội đi quá mà quên là người ta cần tiền khi ra ngoài. Vì vậy tôi phải chạy bộ.”
“Cô không còn ai thân thuộc nữa à?”, tôi hỏi.
“Bố mẹ và các em tôi bị chết vì tai nạn giao thông khi tôi lên sáu. Một chiếc xe tải tông vào từ đằng sau xe họ, bình xăng phát lửa, tất cả chết cháy.”
“Cô là người duy nhất sống sót?”
“Lúc đó tôi nằm trong bệnh viện. Cả nhà đang trên đường đến thăm tôi.”
“Ra thế”, tôi nói.
“Từ đó trở đi tôi sống với ông. Tôi không đến trường và cũng ít khi ra ngoài, không có bạn bè…”
“Cô không đến trường?”
“Không”, cô nói, tựa như đó là một chuyện đương nhiên. “Ông tôi cho là không cần thiết. Ông tự dạy cho tôi mọi thứ. Tiếng Anh, tiếng Nga, giải phẫu học. Còn bác tôi dạy nấu ăn và khâu vá.”
“Bác của cô?”
“Bà giúp việc, một phụ nữ đáng yêu sống cùng nhà. Bác chết cách đây ba năm vì ung thư. Từ đó ông cháu tôi sống một mình.”
“Vậy là cô chưa bao giờ đi học từ khi lên sáu?”
“Chưa, nhưng cũng chẳng hề hấn gì. Tôi biết đủ thứ. Tôi nói bốn ngoại ngữ, chơi dương cầm và kèn xắc xô phôn, có thể lắp điện đài, biết làm hoa tiêu, đi thăng bằng trên dây và đọc rất nhiều sách. Và món bánh kẹp của tôi cũng làm ông ngon miệng đấy chứ?”
“Tuyệt vời”, tôi nói.
“Đến trường học nghĩa là mười hai năm mài mòn trí óc, ông tôi hay nói thế. Bản thân ông cũng chỉ đi học vài hôm.”
“Đáng phục thật”, tôi nói. “Thế cô không thấy cô đơn khi không có bạn bè cùng tuổi?”
“Ồ, tôi không biết. Tôi nhiều việc lắm, chẳng có thì giờ nghĩ tới chuyện ấy. Vả lại tôi cũng khó trò chuyện được với bạn bè cùng lứa.”
“Thôi được”, tôi nói. Cô ta có lý.
“Nhưng tôi rất chú ý đến ông.”
“Vì sao?”
“Trông ông rất mệt mỏi, nhưng sự mệt mỏi ấy dường như lại là một dạng năng lượng vậy. Thật là khó hiểu”, cô thủ thỉ. “Ông có biết chơi kèn xắc xô phôn không?”
“Sao cơ?”
“Ông có đĩa nào của Charlie Parker không?”
“Tôi nghĩ là có. Nhưng tôi không có sức đâu mà tìm trong cái đống ngổn ngang này. Vả lại giàn stereo hỏng rồi, đằng nào cũng không nghe đĩa được.”
“Ông có biết chơi nhạc cụ nào đó không?”
“Tôi không biết chơi gì cả”, tôi nói.
“Cho phép tôi sờ vào ông nhé?”
“Không!”, tôi nói. “Vết thương đau lắm.”
“Khi nào vết thương lành rồi, tôi có được sờ không?”
“Khi vết thương lành rồi, và lúc đó thế giới vẫn chưa tận cùng… Ta quay lại chuyện đang bàn lúc nãy đi. Cô nói là ông cô thay đổi tâm tính từ khi phát triển hệ thống xáo dữ liệu?”
“Vâng, đúng thế, ông tôi như biến thành một người khác, hầu như không nói một lời nào với tôi, tính tình bất thường và hay độc thoại.”
“Cô còn nhớ ông cô nói gì về hệ thống xáo dữ liệu không?”
Cô bé mũm mĩm nghĩ ngợi một hồi, tay mân mê chiếc bông tai vàng. “Ông tôi nói, hệ thống này là cửa mở tới một thế giới mới. Thoạt tiên ông phát minh ra hệ thống này như một chương trình phụ trợ để xáo trộn cơ cấu các dữ liệu máy tính, nhưng nếu sử dụng đúng cách thì, như ông nói, nó có sức mạnh đảo lộn cơ cấu cả thế giới. Như vật lý hạt nhân sinh ra bom nguyên tử vậy.”
“Vậy thì hệ thống xáo dữ liệu là của mở tới thế giới mới, còn tôi là chìa khóa mở cửa ấy, phải không?”
“Tôi không rõ.”
Tôi gõ đầu ngón tay vào răng cửa. Bây giờ có một cốc whiskey với đá thì nhất, nhưng trong nhà này thì bó tay.
“Liệu có thể ông cô muốn làm thế giới này tàn lụi?”
“Không, tuyệt đối không thể thế được. Ông tôi là một người thù nghịch, tính khí bất thường và ngang bướng, đúng, nhưng thực ra là một người tốt. Như ông và tôi.”
“Cảm ơn”, tôi nói. Chưa có ai nói với tôi câu ấy bao giờ.
“Ông tôi lúc nào cũng sợ kết quả nghiên cứu của mình rơi vào tay kẻ xấu và bị lạm dụng. Ông không bao giờ dùng nó cho mục đích độc ác cả. Ông thôi việc ở Hệ thống vì ông tin là ở đó chẳng sớm thì muộn họ cũng làm chuyện đó. Vì vậy ông lui về ẩn dật và nghiên cứu một mình.”
“Nhưng Hệ thống ở phe Thiện, chống lại phe Nhà máy là những kẻ ăn cắp dữ liệu đem bán ngoài chợ đen, và Hệ thống bảo vệ tác quyền.”
Cô bé mũm mĩm nhìn tôi một cách thăm dò rồi nhún vai. “Ông tôi không bao giờ coi đó là vấn đề Thiện và Ác, Thiện và Ác là hai đặc tính nền tảng của con người, tác quyền là một chuyện khác.”
“Cũng được, không phải là ông không có lý”, tôi nói.
“Ông tôi nghi ngờ mọi dạng thức quyền lực. Có những lúc ông làm việc với Hệ thống, nhưng chỉ vì ở đó ông được cung cấp đầy đủ tài liệu và điều kiện thí nghiệm, cũng như được sử dụng máy tình lớn để thực hiện các mô hình mô phỏng. Ông tôi thường nói là một khi hệ thống xáo dữ liệu phức hợp đã hoàn tất thì ông sẽ tiếp tục nghiên cứu một mình, vì như thế thuận tiện hơn và hiệu quả hơn. Phần còn lại là công việc của chất xám, ông không cần cơ sở hạ tầng của Hệ thống nữa.”
“Thì ra thế”, tôi nói. “Lúc từ bỏ Hệ thống ông có sao chép và lấy đi các thông số cá nhân của tôi không?”
“Tôi không biết”, cô nói. “Nhưng chuyện đó không khó với ông hồi nắm cương vị giám đốc cơ sở nghiên cứu của Hệ thống, vừa được tiếp cận mọi dữ liệu vừa có quyền sử dụng chúng.”
Có lẽ các phỏng đoán của tôi chính xác. Chắc chắn ông giáo sư đã đánh cắp các thông số cá nhân của tôi để sử dụng trong nghiên cứu của riêng mình và dùng tôi như vật thí nghiệm để phát triển lý thuyết xáo dữ liệu. Mọi chi tiết đều khớp nhau, đúng như tên Còi đã nói, ông giáo sư đã vào giai đoạn quyết định trong nghiên cứu của mình và gọi tôi đến để đưa cho tôi những thông số vớ vẩn khả dĩ gây ra phản ứng tâm lý trong khi xáo dữ liệu bằng một mật mã ẩn.
Nếu đúng thế, phản ứng ấy đã bắt đầu diễn ra trong ý thức – hay đúng hơn là tiềm thức – của tôi rồi. Một quả bom hẹn giờ, theo lời tên Còi. Tôi nhẩm tính thật nhanh xem bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ khi xáo dữ liệu. Nửa đêm hôm qua là lúc tôi xong việc, nghĩa là đã được gần hai mươi tư tiếng. Đó là điều chắc chắn.”
“Một câu hỏi nữa”, tôi nói. “Tận cùng thế giới, cô đã nói thế, đúng không?”
“Vâng, đó là lời ông tôi.”
“Ông nói câu ấy trước khi sử dụng thông số của tôi trong nghiên cứu, hay sau đó?”
“Sau đó”, cô bé nói. “Tôi nghĩ là sau đó. Mãi dạo gần đây ông tôi mới nói về tận cùng thế giới. Tại sao? Nó có ý nghĩa gì chăng?”
“Tôi không rõ. Nhưng tôi thấy lấn cấn như thế nào đó. Vì mật khẩu xáo dữ liệu của tôi là Tận cùng thế giới. Khó có thể là chuyện tình cờ.”
“Chuyện gì diễn ra trong Tận cùng thế giới của ông?”
“Tôi không biết. Nó xảy ra trong đầu tôi, nhưng ở một vị trí ẩn mà tôi không tiếp cận được. Tôi chỉ biết mật khẩu là Tận cùng thế giới.”
“Có xóa được mật khẩu không?”
“Không thể”, tôi nói. “Cả một tiểu đoàn lính cũng không thể vào được két sắt của Hệ thống. Chế độ kiểm tra rất ngặt, ngoài ra còn lắp một hệ thống bảo vệ đặc biệt.”
“Ông tôi đã lợi dụng vị thế của mình để đánh cắp thông số, đúng không?”
“Gần như chắc chắn. Tuy nhiên tôi cũng chỉ phỏng đoán thôi. Ta phải trực tiếp hỏi ông, không có cách nào khác.”
“Vậy thì ông sẽ giải cứu ông tôi khỏi tay bọn ma đen?”
Tôi ngồi dậy trên giường, tay ép vào vết thương. Đầu nhức như búa bổ.
“Tôi không có lựa chọn nào khác”, tôi nói. “Đằng nào thì tôi cũng không thể để sự việc tự nó tiến triển, kể cả khi không biết ông của cô định làm gì với Tận cùng thế giới. Tôi có cảm giác là người nào đó sắp bị một đòn số phận khủng khiếp nếu ta không ngăn chặt được, dù bằng cách nào.” Và có khi chính tôi là người nào đó.
“Muốn vậy thì trước hết ông phải giải cứu ông tôi đã.”
“Vì ba chúng ta là người tốt?”
“Chính thế”, cô gái mũm mĩm nói.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

58#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 11:28:06 | Chỉ xem của tác giả
i
Chương 18:
Đọc Mơ


Vậy là tôi tiếp tục đọc các giấc mơ xưa mà không biết gì về tâm hồn mình. Ngoài trời ngày càng lạnh hơn và tôi cũng không thể chùng chình công việc của mình mãi được. Vả lại, chừng nào còn tập trung tinh thần đọc mơ thì tôi quên được cảm giác mất mát – ít nhất là trong giờ phút ấy.

Thay vào đó, càng đọc nhiều giấc mơ xưa thì một cảm xúc khác ngày càng chế ngự tôi: cảm giác bất lực sinh ra từ việc tôi không hiểu thông điệp mà giấc mơ xưa đem đến, dù tôi có đọc nhiều đến mấy. Tôi đọc chúng đã đành, nhưng không luận ra được ý nghĩa của chúng. Có lẽ kết quả cũng giống nếu tôi đọc đi đọc lại một câu hoàn toàn vô nghĩa hoặc ngày ngày quan sát dòng sông chảy. Đơn giản là tôi chẳng đạt được gì hơn. Trong kỹ thuật đọc mơ thì tôi có tiến bộ, nhưng không vì thế mà tôi giỏi hơn. Bây giờ tôi đã xử lý được một lượng lớn các giấc mơ xưa một cách thuần thục và khéo léo, nhưng qua đó sự trống rỗng của công việc này càng biểu hiện rõ hơn. Con người không ngần ngại bất cứ nỗ lực nào để đạt tiến bộ. Còn tôi cứ giẫm chân tại chỗ.

“Anh không biết các giấc mơ thực ra có ý nghĩa gì”, tôi nói với cô thủ thư. “Em đã nói, nhiệm vụ của anh là đọc các giấc mơ xưa trong đầu lâu. Nhưng chẳng có gì trong đó đọng lại trong anh, chúng như đi xuyên qua anh. Anh không hiểu được một giấc mơ nào trong đó, và càng đọc thì anh càng có cảm giác mình bị tận dụng, bị hao mòn.”
“Vậy mà anh cứ đọc tiếp tục như bị ma ám! Tại sao?”

“Anh không biết”, tôi nói và lắc đầu. Một mặt, nhất định tôi vùi đầu vào công việc để lấp đầy hố sâu ngày càng lớn trong mình. Nhưng tôi thừa biết đó không thể là lý do duy nhất. Cô thủ thư nói có lý: tôi đọc như bị ma ám.
“Em cho là vấn đề ở chính trong anh”, cô nói.

“Trong anh?”
“Vâng. Em nghĩ là anh phải cởi mở tâm hồn hơn nữa. Tuy em chẳng hiểu gì về tâm hồn nhưng hình như tâm hồn anh bị khóa chặt. Anh nên thích đọc các giấc mơ xưa như chúng thích được anh đọc.”
“Sao em lại nghĩ thế?”
“Vì đó là bản chất việc đọc mơ. Hệt như chim chóc đến mùa là bay về phương Bắc hay phương Năm, còn người đọc mơ thì phải đọc mơ.”

Cô với tay qua bàn, đặt lên tay tôi. Và mỉm cười. Một nụ cười như ánh nắng mùa xuân dịu dàng tuôn ra giữa những làn mây.
“Hãy rộng mở tâm hồn! Anh không phải tù nhân. Anh là một cánh chim ngang trời, trên đường tới những giấc mơ.”

Kỳ thực là tôi cũng chẳng còn đường nào khác là thực sự cẩn trọng bắt tay vào từng giấc mơ. Tôi lấy trong dãy đầu lâu vô tận xếp trên giá ra một chiếc và thận trọng vác nó ra bàn như một đứa trẻ con. Rồi cô thủ thư giúp tôi lau sạch bụi bẩn trên đó bằng một cái khăn ẩm, sau đó dùng khăn khô cọ cho bóng lên, nhẫn nại và kỹ lưỡng, cho đến khi nó trắng tinh như tuyết mới rơi. Sự tương phản sáng tối khiến hai hố mắt toang hoác phía trước trông như hai cái giếng sâu không đáy.
Tôi khẽ áp tay lên đầu lâu, đợi nó thức dậy dưới hơi ấm bàn tay và lờ mờ tỏa sáng. Khi đã đạt được một nhiệt độ nhất định – không nóng bỏng, mà chỉ âm ấm như một khoảng sân dưới ánh mặt trời yếu ớt của mùa đông – chiếc đầu lâu được cọ cho bóng loáng bắt đầu kể ra những giấc mơ xa xưa tích tụ trong nó. Tôi nhắm mắt, hít thở thật sâu, mở rộng tâm hồn và lấy đầu ngón tay dò theo những câu chuyện đang được nó kể ra. Nhưng âm thanh phả ra nóng như tơ, hình ảnh hiện lên mờ ảo trong làn sương trắng như những vì sao xa xăm trên nền trời ban mai. Tôi không đọc được gì hơn vài mảnh vụn vô nghĩa, dù có hết sức chắp nối chúng với nhau để mong thành một hình trọn vẹn.

Tôi nhìn thấy những cảnh tượng chưa từng biết trong đời, nghe tiếng nhạc chưa bao giờ đến tai và những lời nói thì thầm không sao hiểu nổi. Tất cả xuất hiện cùng lúc và cũng đột ngột chìm vào đêm đen sâu thẳm. Giữa mảnh nọ và mảnh kia dường như không có sợi dây liên hệ. Tựa như khi ta dò sóng radio, từ kênh này nhảy qua kênh kia và chuyển ngay sang kênh tiếp theo. Tôi thử đủ cách để tập trung tinh thần mạnh hơn và đầu ngón tay nhưng cố đến mấy cũng chẳng ích gì. Rõ ràng tôi cảm nhận được rằng những giấc mơ xưa định nói với mình điều gì, nhưng đơn giản là tôi không thể đọc ra điều đó ở dạng một câu chuyện ra đầu ra đũa.

Có thể do kiểu đọc của tôi còn khiếm khuyết. Hoặc thứ ngôn ngữ của chúng ta nhiều năm ròng đã mòn mỏi và trục trặc. Hoặc cũng có thể tồn tại nhiều khác biệt về thời gian và ngữ cảnh giữa câu chuyện của chúng và câu chuyện do tôi nghĩ ra.
Dù thế nào đi chăng nữa, tôi không còn cách nào khác ngoài việc thầm lặng dõi theo những mảnh vỡ khác nhau hiện ra rồi lại biến đi. Tất nhiên đôi lúc cũng xuất hiện vài hình ảnh hay ấn tượng mà tôi thấy quen thuộc và dễ hiểu. Ví dụ như những cảnh thường nhật của ngọn cỏ run rẩy trong gió, mây trắng trôi ngang trời hay ánh mặt trời lấp lánh trên mặt nước. Nhưng chính những hình ảnh vô hồn đó lại đè nặng tâm hồn tôi với một nỗi sầu muộn bí hiểm khó tả nổi bằng lời. Tuy nhiên, những yếu tố sinh ra nỗi sầu muộn ẩn ở đâu trong các hình ảnh đó, đối với tôi là một câu đố không có lời giải. Như những con tàu ngoài kia trôi ngang khung cửa sổ, hình ảnh hiện ra rồi mất đi, không để lại dấu vết, không một lời giải thích.

Sau khoảng mười phút, hơi ấm lùi ra xa như nước triều xuống, và trước mặt tôi lại hiện nguyên hình chiếc đầu lâu trắng ớn, lạnh tanh. Những giấc mơ xưa lại chìm vào giấc ngủ dài dằng dặc, hình ảnh trôi đi như nước lọt qua kẽ tay rơi xuống đất. Công việc của tôi, “người đọc mơ”, là như thế đấy, chỉ có đầu lâu và đầu lâu, vô tận.
Khi chiếc đầu lâu đã nguội hẳn, tôi trả lại nó cho cô thủ thư và cô đặt nó lên giá cạnh những chiếc khác. Trong lúc đợi, tôi đặt tay lên bàn, vung vẩy tay chân cho đỡ tê và thư giãn. Mỗi tối tôi đọc được tối đa năm, sáu giấc mơ. Quá số đó là tôi mất tập trung, đầu ngón tay tôi cố lắm cũng chỉ có thể nhận ra một điểm nhỏ bùng nhùng. Khi kim đồng hồ chỉ mười một giờ, thường là tôi mệt bã người, kiệt sức đến mức không muốn đứng dậy nữa.

Những lúc ấy cô thủ thư luôn đun một ấm cà phê mới, đôi khi cô còn mang bánh quy hay bánh mì hoa quả mới nướng từ nhà đến. Chúng tôi ngồi đối diện nhau, không nói gì trong khi ăn. Thường là tôi quá mệt để có hứng chuyện trò. Cô hiểu và im lặng đồng cảm.
“Có thể vì lỗi của em mà anh không cởi mở tâm hồn?”, cô hỏi. “Có thể tâm hồn anh bị khóa chặt vì em không biết cách đáp lại xúc cảm của anh?”
Như mọi khi, chúng tôi ngồi ở bậc thang từ đoạn giữa Cầu Cũ dẫn xuống bãi cát bồi và nhìn xuống sông. Vầng trăng vỡ thành muôn mảnh nhỏ màu trắng lạnh ngắt trên mặt nước. Con thuyền gỗ nhỏ mà ai đó đã buộc vào cọc cạnh mép bãi bồi làm đổi âm điệu của nước. Do chúng tôi ngồi bên nhau trên bậc thang hẹp, vai tôi suốt buổi nhận được hơi ấm từ người cô. Lạ thật, tôi nghĩ. Con người đánh đồng tâm hồn với hơi ấm. Nhưng hơi ấm xác thịt và hơi ấm tâm hồn chẳng giống gì nhau.
“Không, không”, tôi nói. “Tâm hồn không cởi mở là vấn đề của riêng anh. Em không có lỗi gì cả. Anh không nắm bắt được tâm hồn mình, vì thế anh bối rối.”
“Nghĩa là anh cũng không hiểu nổi tâm hồn mình?”
“Cũng tùy”, tôi nói. “Đôi khi một thời gian sau người ta mới hiểu chuyện gì đã xảy ra, và thường là quá muộn. Nhưng trong đa số các trường hợp thì thực tế ta phải ra quyết định, dù không thể hiểu tâm hồn mình, lúc đó thì ai cũng thấy lúng túng.”
“Có vẻ như tâm hồn là một thứ gì tương đối kém hoàn hảo”, cô mỉm cười.
Tôi rút tay khỏi túi và ngắm nhìn, chúng trắng bệch như vôi dưới ánh trăng, như hai tượng điêu khắc hoàn chỉnh không còn chỗ trên thế giới này.
“Ừ, anh cũng có cảm tưởng như thế. Rất kém hoàn hảo”, tôi nói. “Nhưng nó để lại dấu vết. Và ta có thể lần theo dấu vết ấy như theo dấu chân hằn lên tuyết.”
“Và chúng đưa đến đâu?”
“Đến với chính mình”, tôi đáp. “Tâm hồn là thế đấy. Thiếu nó thì không có một định hướng nào.”
Tôi ngước nhìn lên trời. Trăng mùa đông treo trên thành phố có tường bao quanh và tỏa sáng quá mức. “Không, em chẳng có lỗi gì cả”, tôi nói.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

59#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 11:30:27 | Chỉ xem của tác giả

Chương 19:
Hamburger, Skyline, Thời Hạn


Trước tiên chúng tôi dự định đi ăn chút gì đó. Tôi không hứng thú ăn uống, nhưng có trời mà biết được khi nào có dịp ăn bữa tới; cứ ăn trước một bữa nghe chừng là ý tưởng hay. Một bánh hamburger và một cốc bia thì chắc tôi cũng cố nuốt được. Cô gái nói rằng cô đang đói run người vì buổi trưa mới chỉ ăn một thanh sô cô la. Cô không đủ tiền mua gì thêm.

Thận trọng để khỏi đau, tôi mặc quần bò, mặc một sơ mi thể thao lên trên T-Shirt và khoác thêm một áo len mỏng. Tôi cẩn thận lấy trong tủ ra chiếc áo khoác leo núi, một bluson bằng nylon. Bộ đồ màu hồng của cô gái thì chắc chắn không phù hợp với cuộc truy tầm dưới lòng đất, nhưng tiếc là trong tủ quần áo của tôi không có quần và sơ mi nào vừa khổ người cô. Tôi cao hơn cô mười phân và nhất định nhẹ hơn cô mười cân. Có lẽ tốt nhất là mua cho cô một bộ đồ thoải mái, nhưng vào giờ nửa đêm các cửa hàng đều đóng cả. Tôi đưa cô một áo khoác quân phục của lính Mỹ thải ra mà tôi hay mặc ngày xưa, nó tương đối vừa với cô. Đôi giày cao gót quả là bất tiện nhưng cô nói là ở văn phòng sẽ có giày thể thao và ủng cao su.

“Giày thể thao hồng và ủng cao su hồng”, cô nói.

“Màu hồng là màu cô thích nhất phải không?”
“Ông tôi thích nhất. Ông nói là tôi hợp màu hồng.”

“Đúng thế”, tôi nói. Không nói dối. Cô gái hợp màu hồng thật. Phụ nữ béo mà mặc màu hồng thì trông như cái bánh dâu tây khổng lồ, nhưng trên người cô thì màu này rất hài hòa.

“Và ông cô cũng thích các cô gái đầy đặn một chút, phải không?”, tôi bồi thêm luôn.

“Tất nhiên”, cô bé màu hồng đáp. “Vì vậy tôi luôn chú ý giữ cân cho thật béo. Tôi ăn nhiều bơ và váng sữa, nếu thiếu là sụt cân ngay.”

“Thế à”, tôi nói.

Tôi mở tủ tường lấy ba lô ra, kiểm tra chắc chắn là nó không bị hỏng và nhét hai chiếc áo khoác của chúng tôi vào, cất thêm đèn pin, la bàn, găng tay, khăn tay, một con dao to, bật lửa, dây dù và cồn khô. Sau đó tôi vào bếp nhặt dưới đất hai gói bánh mì và vài đồ hộp đựng thịt bò, đào, xúc xích, bưởi, và nhét tất cả vào ba lô. Tôi đổ đầy một phích nước. Cuối cùng tôi đút toàn bộ tiền mặt hiện có trong nhà vào túi quần.

“Giống đi picnic quá”, cô bé nói.

“Giống đi picnic”, tôi nói.

Trước khi xuất hành, tôi ngó qua nhà lần nữa. Căn hộ trông như một bãi đổ rác. Trên đời này mọi việc đều thế cả. Xây thì lâu chứ phá thì nhanh lắm. Tôi đã sống trong căn hộ hai phòng kèm bếp này, đôi khi mệt mỏi và kiệt quệ, nhưng hài lòng theo kiểu riêng mình. Tất cả đã tan biến như sương sớm, với tốc độ bằng một người uống xong hai lon bia. Công việc của tôi, whiskey của tôi, không gian yên tĩnh của tôi, sự cô đơn của tôi, bộ sưu tập đĩa John Ford của tôi – tất cả, tất cả đã biến thành rác rưởi.
Cỏ hoa xanh thắm, ruộng đồng ngát hương. Tôi ngâm nga trong đầu. Rồi tôi mở tủ điện cạnh cửa và dập cầu chì tổng xuống để ngắt điện.

Vết thương quá đau không cho phép tôi suy nghĩ tử tế, thêm vào đó là tôi quá mệt mỏi, vì vậy tôi quyết định không nghĩ ngợi gì nữa. Thà như thế còn hay hơn những suy tính không đến đầu đến đũa. Vậy là tôi hiên ngang đi thang máy xuống tầng hầm để xe, mở khóa ô tô và quẳng mọi thứ lên ghế sau. Nếu có ai đứng rình ở đó thì, xin mời, cứ cho hắn đứng rình. Và nếu hắn muốn bám đuôi chúng tôi thì tôi cho hắn bám đuôi. Tôi sổ toẹt tất cả. Tôi việc gì phải sợ ai cơ chứ? Sợ ký hiệu sư? Sợ Nhà máy? Sợ hai thằng vác dao hôm nọ? Xỏ mũi ba đối thủ cùng một lúc thì không nhất thiết là quá khó, nhưng trong tình trạng của tôi lúc này thì quá dở. Đương đầu với lũ ma đen trong lòng đất tăm tối trong khi có vết rạch dài sáu phân ở bụng, cơ thể thiếu ngủ và cô gái mũm mĩm vướng vào cẳng đã là đủ lắm rồi. Nếu bọn kia định tấn công thì xin mời, cứ tấn công đi.
Vì không nhất thiết muốn cầm lái, tôi hỏi cô gái có biết lái xe không. Cô lắc đầu.

“Rất tiếc. Tôi chỉ biết cưỡi ngựa.”

“Không sao”, tôi nói. “Có thể rồi sẽ đến lúc cần cưỡi ngựa.”

Nhìn vào đồng hồ xăng thấy kim ở mức gần đầy, tôi đánh xe ra khỏi hầm. Sau khi đi qua các ngõ khúc khuỷu trong quận đến một đường lớn. Mặc dù đã muộn nhưng đường khá đông xe. Một nửa số ô tô là taxi, nửa kia là xe con và xe tải. Tôi không hiểu vì sao giờ này còn có nhiều người ra đường. Vì sao người ta không về nhà khi tan việc vào sáu giờ, tắt đèn và lên giường ngủ lúc mười giờ?

Thôi thì tất nhiên đó không phải là vấn đề của tôi. Thế giới này quay vòng theo các nguyên tắc khác, không theo các nguyên tắc mà tôi cho là đúng. Không cần biết đến tôi, người Ả Rập vẫn tiếp tục khoan giếng dầu, mọi người mua dầu nhằm chế ra điện và xăng để rượt theo những giấc mộng của mình khi màn đêm buông xuống thành phố. Thì dính dáng gì đến tôi? Bây giờ tôi phải giải quyết vấn đề riêng của mình.

Chúng tôi dừng trước đèn đỏ. Tôi vịn hay tay lên vô lăng và ngáp trẹo hàm.

Trước xe tôi có một xe tải đỗ, chở đầy đến mái toàn các bó giấy. Chếch bên phải là một đôi trai gái trẻ ngồi trong xe Skyline trắng. Họ trên đường về nhà hay vừa ra khỏi nhà để đến chỗ ăn chơi, tôi không biết, nhưng cả hai mang vẻ mặt chán nản. Cô gái thõng tay trái đeo hai lắc bạc ra ngoài cửa sổ xe, thoáng nhìn về phía tôi. Không phải vì cô ta chú ý đặc biệt gì đến tôi, mà vì chẳng còn gì khác để nhìn. Biển giao thông, đèn quảng cáo nhà hàng Denny’s hay khuôn mặt tôi thì có gì khác biệt đâu? Tôi nhìn lại. Cô ta đẹp. Đẹp như hàng triệu cô gái khác thôi. Một cô gái như kiểu diễn viên thủ vai bạn gái của nhân vật chính trên ti vi và hỏi cô ta khi đang ngồi trong tiệm cà phê: “Cậu làm sao thế? Trông cậu dạo này có vẻ nhiều lo lắng!” Loại vẻ đẹp được lên phim có một lần và rời khỏi màn hình là người ta quên bẵng.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

60#
 Tác giả| Đăng lúc 13-6-2013 11:33:20 | Chỉ xem của tác giả

Chương 19:
(tiếp)




Đèn chuyển sang xanh, và trong khi xe tải trước mặt tôi nặng nề chuyển bánh thì chiếc Skyline trắng rồ máy lên và phóng vụt đi với tiếng nhạc của Duran Duran.

“Cô có thể chú ý quan sát những chiếc xe đi sau được không?”, tôi đề nghị với cô gái mũm mĩm. “Nếu có xe nào bám dai thì cho tôi biết.”

Cô gái gật đầu và ngoái lại xem. “Ông nghĩ là có người theo mình à?”

“Tôi không biết”, tôi nói. “Cẩn thận vẫn hơn. Mình ăn một cái hamburger nhé? Đỡ phải đợi lâu.”

“Cũng được.”

Tôi rẽ vào tiệm hamburger phục vụ lái xe đầu tiên. Một cô gái mặc váy liền đỏ khá ngắn liền xếp chồng khay lên cửa cạnh và nhận đặt đồ ăn.

“Một hamburger phó mát đúp, khoai tây chiên và ca cao nóng”, cô béo gọi.

“Một hamburger bình thường và một bia”, tôi nói.

“Xin lỗi, chúng tôi không bán bia”, phục vụ viên nói.

“Một hamburger bình thường và một Coca”, tôi nói. Làm sao tôi có thể nghĩ rằng một tiệm phục vụ lái xe lại bán bia?

Trong khi ngồi đợi thức ăn, chúng tôi chú ý quan sát các xe rẽ vào sau nhưng không thấy xe nào. Tuy nhiên một kẻ theo dõi chuyên nghiệp thì ắt sẽ không rẽ vào một tiệm phục vụ xe đi qua mà đỗ ở một chỗ kín đáo đợi chúng tôi đi ra. Tôi không quan sát nữa và uể oải ăn chiếc hamburger, khoai tây chiên, lá xà lách to bằng tấm vé tàu điện ngầm và uống Coca. Cô béo khoan thai hơn, cô khoái trá tận hưởng chiếc hamburger pho mát, nhún khoai tây trong túi ra và húp ca cao.

“Ông có muốn ăn chút khoai tây chiên không?”, cô hỏi tôi.

“Không, cảm ơn”, tôi nói.

Sau khi ăn xong và uống hết ca cao, cô liếm sốt cà và mù tạc dính ở ngón tay, lau tay và miệng bằng khăn giấy. Có vẻ bữa ăn
rất ngon miệng.

“Giờ đến chuyện ông cô”, tôi nói. “Trước tiên ta hãy xem trong phòng thí nghiệm.”

“Tôi cũng nghĩ thế. Có thể ta sẽ tìm được một gợi ý nào chăng. Tôi sẽ giúp ông.”

“Cô có nghĩ là mình đi qua được ổ ma đen? Thiết bị để xua lũ khốn nạn này bị hỏng rồi, phải không?”

“Không thành vấn đề. Còn một máy phụ nhỏ hơn. Không hiệu nghiệm lắm, nhưng nếu đeo vào người thì bọn ma đen sẽ tránh ra.”

“Tốt quá.” Tôi thấy yên tâm.

“Tiếc rằng mọi chuyện không hẳn đơn giản như vậy”, cô gái nói. “Máy di động lắp pin và chỉ đủ chạy ba mươi phút liền. Sau đó lại phải nạp điện.”

“Hừm, nạp mất bao lâu?”, tôi hỏi.

“Mười lăm phút. Chạy ba mươi phút, nghỉ mười lăm phút, đủ cho chặng đường từ văn phòng đến phòng thí nghiệm, vì vậy
ông tôi không làm máy to hơn.”

Tôi không nói thêm câu nào. Có máy này còn hơn không, và chúng tôi phải chấp nhận thứ gì sẵn có.

Chúng tôi rời tiệm ăn. Dọc đường tôi phát hiện ra một siêu thị mở 24/24. Tôi mua hai lon bia và một chai whiskey. Sau đó tôi thấy trong người khá hơn một chút và đưa cho cô gái cất vào ba lô.

“Tại sao ông uống nhiều thế?”, cô bé hỏi.

“Vì tôi sợ”, tôi nói.

“Tôi cũng sợ”, cô gái nói. “Nhưng tôi không uống.”

“Nỗi sợ của cô khác của tôi.”

“Nghĩa là sao?”, cô hỏi.

“Nếu người ta lớn tuổi thì sẽ có thêm nhiều điều không thể sửa chữa được nữa.”

“Và người ta sẽ chóng mệt hơn?”

“Chính xác”, tôi nói. “Người ta cũng chóng mệt hơn.”

Cô quay sang và đưa tay sờ lên tai tôi. “Ông đừng lo. Mọi việc sẽ ổn thôi. Tôi không rời ông đâu”, cô nói.

“Cảm ơn”, tôi nói.

Tôi đỗ xe ở bãi đỗ của tòa nhà mà giáo sư chọn làm văn phòng, ra khỏi xe và khoác ba lô lên. Chốc chốc vết thương lại đau cuộn, tựa như một máy kéo trở cỏ đi xồng xộc ngang bụng. Chỉ là một cơn đau thôi, tôi nghĩ vậy và cố không nghĩ đến nó, một cơn đau bề nổi thôi, không liên quan gì đến nội tâm sâu thẳm cả. Như mưa bóng mây chóng qua. Tôi cố tập trung chút tự trọng còn sót lại, gạt mọi suy nghĩ về vết thương và cố theo kịp cô gái.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách