Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Misty.Rain
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Viễn Tưởng - Xuất Bản] Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới | Haruk

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2012 15:51:29 | Chỉ xem của tác giả
Chương 6

Phần 3


Cô đem các giấc mơ xưa trả lại kho lưu trữ và chuẩn bị ra về. Cô mở cửa lò, lấy một cái xẻng con xúc than hồng đổ vào một xô cát.

“Đừng để cái mệt nhọc xâm chiếm tâm hồn”, cô nói. “Mẹ em hay nói câu ấy. Người ta có thể tự hành hạ thể xác, nhưng phải giữ cho tâm hồn vẹn toàn.”

“Một lời khuyên tốt”, tôi nói.

“Nhưng thú thực là em hoàn toàn không biết nó thực sự là gì, tâm hồn ấy mà, nó có ý nghĩa chính xác là gì, người ta sử dụng nó ra sao và nhằm mục đích gì. Đối với em đó chỉ là một tên gọi.”

“Người ta không sử dụng tâm hồn”, tôi nói. “Nó cứ thế tồn tại thôi. Như gió trời. Em chỉ việc cảm nhận được nó.”

Cô đóng cửa lò, đem cái ấm tráng men và cốc chén vào phòng trong để rửa. Rồi cô choàng lên người chiếc áo khoác vải thô màu xanh. Màu xanh xỉn, như xé ra đã lâu từ một mảnh trời, song không còn gợi nhớ chút nào đến xuất xứ nữa. Nhưng cô vẫn đứng mãi trước lò than đã tắt, đắm chìm trong suy nghĩ.

Chợt như vừa sực nhớ ra điều gì định hỏi tôi, cô nói: “Anh từ nơi khác đến đây à?”

“Ừ”, tôi đáp.

“Từ nơi nào đến?”

“Anh không nhớ được gì hết”, tôi nói. “Thực sự không nhớ gì, xin lỗi. Khi người ta lấy cái bóng của anh đi, chắc là anh cũng mất nốt ký ức về thế giới cũ ấy. Chỉ biết là nơi ấy xa lắm, rất xa.”

“Nhưng anh biết tâm hồn là gì phải không?” “Em nghĩ là anh biết”, cô nói. “Mẹ em cũng có tâm hồn. Mẹ biến mất khi em lên bảy. Nhất định là mẹ cũng có tâm hồn giống như anh.”

“Mẹ em biến mất?”

“Vâng, mẹ biến mất. Nhưng ta chấm dứt nhé. Ở đây nói về những người biến mất là gặp điềm rủi đấy. Anh kể về thành phố ngày xưa của anh thì hơn. Nhất định anh còn nhớ vài chuyện gì đó chứ?”

“Có hai chuyện”, tôi nói. “Thứ nhất là, thành phố ngày xưa anh ở không có tường thành vây quanh, và thứ hai, tất cả mọi người đều có bóng.”

Đúng, tất cả chúng tôi đều có bóng. Khi tới thành phố này, tôi phải nộp nó cho ông gác cổng.

“Cậu không được đem nó vào thành phố”, ông gác cổng nói. “Hoặc cậu từ bỏ nó, hoặc cậu quay trở lại, chọn một trong hai.”
Tôi từ bỏ bóng của mình.

Ông gác cổng bảo tôi đứng ra một chỗ trống, cạnh cổng. Mặt trời lúc ba giờ vẽ bóng tôi sắc cạnh trên nền đất.

“Đứng yên”, ông gác cổng nói. Ông rút dao trong túi ra, đâm sâu mũi dao sắc lẹm vào đường biên giữa bóng đen và đất rồi rạch đi rạch lại để chinh phục bóng đen được tách ra dễ dàng khỏi nền đất.

Bóng đen run rẩy một chút như định kháng cự. Nhưng bị bóc khỏi nền đất rồi thì cuối cùng nó kiệt sức ngã xoài ra ghế băng. Hình bóng tách khỏi cơ thể trông thảm hại và yếu ớt hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi.

Ông gác cổng đút dao vào vỏ, và hai chúng tôi ngắm bóng đen một chốc nữa.

“Xét cho cùng cũng chỉ là một vật kỳ dị, đúng không?”, ông gác cổng nói. “Hoàn toàn vô dụng, cái bóng này, chỉ tổ vướng cẳng.”

Tôi nói với bóng: “Xin lỗi, nhưng đúng là tôi phải bỏ cậu lại một thời gian. Tuy không muốn nhưng trong tình cảnh này thì tôi không có lựa chọn nào khác. Cậu chịu cô đơn vài bữa được chứ?”

“Vài bữa – nghĩa là sao, bao lâu nữa?”, bóng đen hỏi.

Tôi thú thực là không biết.

“Liệu cậu sau này có hối hận không?”, bóng đen khẽ nói. “Tuy tôi không rõ hoàn cảnh này lắm, nhưng tách bóng khỏi người liệu có điên rồ không? Rất sai lầm. Cả chốn này là một sai lầm – đó là ý tôi. Con người không thể sống thiếu bóng của mình, và thiếu con người thì bóng cũng không tồn tại. Mặc dù vậy, bây giờ chúng ta đã tách nhau, cậu sống, còn tôi đang ở đây. Có gì đó không ổn! Cậu có nghĩ thế không?” Bóng đen lắc đầu. “Tôi không thích không khí ở đây, nó khác hẳn những nơi khác. Nó không có ích lợi gì đến cậu và cả đến tôi. Vì sao cậu bỏ rơi tôi?”

Nhưng đã muộn, nói nữa phỏng có ích gì. Bóng đã bị tách khỏi thân thể tôi rồi.

“Chắc chỉ tạm thời ít lâu thôi, không kéo dài mãi đâu. Mình sẽ đoàn tụ trở lại thôi”, tôi nói.

Bóng đen khe khẽ thở dài và nhìn tôi với cặp mắt đẫm lệ. Mặt trời ba giờ chiều thiêu đốt cả hai chúng tôi. Tôi không có bóng, bóng không có người.

“Nếu mà được như thế…”, bóng nói. “Tôi có cảm giác không lành. Chúng mình hãy chuồn đi vào dịp sớm nhất và quay về nơi xuất phát nhé? Chỉ hai chúng mình thôi.”

“Chúng mình không quay về được. Giá mà tôi biết được cách nào. Mà cậu cũng không biết, đúng không nào?”

“Hiện tại thì không. Nhưng tôi sẽ tìm được cách, có chết cũng cam. Tôi muốn hai chúng mình thỉnh thoảng gặp nhau để bàn chuyện. Cậu sẽ về thăm tôi chứ?”

Tôi gật đầu, đặt tay lên vai bóng một thoáng rồi quay về chỗ ông gác cổng. Trong lúc tôi trò chuyện với cái bóng, ông thu dọn những hòn đá vương vãi trên quảng trường và ném trở lại những chỗ không vướng chân ai. Lúc tôi tới gần, ông chùi bụi trắng bám ở bàn tay lên tay áo và khoác cánh tay hộ pháp lên vai tôi. Tôi không chắc đó có phải là một cử chỉ thân thiện hay ông chỉ muốn cho tôi thấy sức lực phi thường của mình.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2012 15:54:15 | Chỉ xem của tác giả
Chương 6

Phần 4



“Tôi sẽ chăm sóc bóng của cậu”, ông nói. “Mỗi ngày cho ăn ba bữa và cho ra ngoài dạo chơi một lần. Cậu không có lý do gì để phải lo lắng cả.”

“Tôi có thỉnh thoảng được về thăm nó không?”

“Hừm, để xem đã”, ông gác cổng nói. “Nếu thời gian và hoàn cảnh thuận tiện, và tôi đồng ý thì cậu được thăm nó.”

“Còn nếu tôi muốn có lại bóng của mình thì phải làm gì?”

“Thì ra cậu chưa hiểu rõ các quy định ở đây”, ông gác cổng nói, tay vẫn khoác trên vai tôi. “Ở thành phố này không ai được phép có bóng, và ai đã ở đây thì không bao giờ được đi khỏi nữa. Cũng có nghĩa là câu hỏi của cậu hoàn toàn vô nghĩa.”

Thế là tôi mất bóng mình.

Lúc rời khỏi thư viện tôi xin phép được đưa cô thủ thư về nhà.

“Ồ, không cần thiết đâu”, cô nói. “Em không sợ trời tối, với lại anh cũng sống ở khu khác.”

“Nhưng anh muốn tiễn em về”, tôi khăng khăng. “Anh thấy chộn rộn thế nào ấy, về nhà thì anh cũng chẳng ngủ được ngay.”
Chúng tôi qua Cầu Cũ đi về phía nam. Trời vừa chớm xuân, và làn gió còn khá lạnh quét qua thảm cỏ trên bãi cát bồi giữa sông. Ánh trăng trần trụi khiến đá trải đường sáng lấp loáng. Hơi ẩm màu đục đè nặng trên mặt đất. Cô thủ thư tháo dải buộc tóc, túm mớ tóc xõa ra bằng một tay, kéo ra phía trước và nhét xuống dưới ve áo măng tô.

“Tóc em đẹp lắm”, tôi nói.

“Cảm ơn anh”, cô nói.

“Đã có ai khen em như thế chưa?”

“Không. Chưa bao giờ. Anh là người đầu tiên đấy.”

“Em cảm thấy thế nào khi được khen?”

“Em không biết”, cô nói và nhìn vào mắt tôi, tay đút trong túi măng tô. “Tuy em nghe anh khen tóc em, nhưng thực ra đó không phải là ý chính, đúng không? Tóc em đã gợi lên trong anh một ý khác, và anh đang muốn nói ý ấy ra.”
“Không, không. Anh chỉ nói về tóc em.”

Cô nhìn lên trời như tìm gì đó bị rơi mất và mỉm cười. “Xin lỗi anh. Em chỉ không hiểu cách anh nói chuyện thôi.”

“Không sao, rồi em sẽ quen dần”, tôi nói.


Cô thủ thư sống ở khu công nhân, một khu nhà tàn tạ phía tây nam khuôn viên nhà máy. Toàn bộ khuôn viên nhà máy là một khu đất cô quạnh, gần như chết rồi. Cả con kênh lớn ngày xưa ăm ắp nước trong vắt để chờ tàu hàng và sàn lan đi lại, bây giờ cũng đóng hết các cửa lạch. Vài đoạn cạn kiệt nhìn thấy cả đáy. Lớp bùn khô trắng hiện ra như xác chết nhăn nheo của những con vật khổng lồ thời đồ đá. Bên bờ có những bậc thang đá rộng để bốc dỡ hàng, nhưng bây giờ chúng không được sử dụng nữa, cỏ lác đác hàng thước cắm rễ xuyên vào những kẽ nứt. Chai lọ và các bộ phận máy hoen gỉ chòi ra trên mặt bùn, cạnh đấy là một chiếc thuyền gỗ nông choèn đang mục rữa dần.


Các xưởng máy bỏ hoang kéo dài dọc kênh và những lạch ngang. Cổng khóa, kính cửa sổ tan hoang, tường đầy cây leo, tay vịn cầu thang cứu hỏa hoen gỉ, khắp nơi đầy cỏ dại.


Sau những dãy nhà xưởng là khu công nhân. Toàn những dãy nhà năm tầng tàn tạ. Ngày xưa đó là các căn hộ chung cư lịch sự cho người lắm tiền, cô thủ thư kể, nhưng thời thế đổi thay, dần dần người ta ngăn thành các căn hộ nhỏ và cực nhỏ cho công nhân nghèo kiết xác. Bây giờ họ cũng chẳng còn là công nhân nữa, vì nhà máy đã đóng cửa gần hết. Người ta không cần tay nghề của công nhân nữa, chỉ đôi khi có nhu cầu thì họ nhận được vài việc lẻ tẻ của thành phố. Cha cô cũng là một trong những công nhân ấy.

Chúng tôi đi qua một cầu đá ngắn, không tay vịn, vắt ngang con lạch cuối cùng; thẳng phía trước là tòa nhà nơi cô thủ thư ở. Các tòa nhà nối nhau bằng những khoang thang, trông như thang mây dùng trong lúc công thành thời Trung Cổ.
Đã gần nửa đêm. Hầu hết các cửa sổ tối đèn. Cô nắm tay dắt tôi đi nhanh qua các ngõ nhỏ rối rắm, tựa như kéo tôi trốn khỏi tầm mắt của một con ác điểu khổng lồ ăn thịt người. Rốt cuộc cô dừng chân trước một tòa nhà và chúc tôi ngủ ngon.

“Tạm biệt”, tôi nói.

Tôi ngược lên sườn Đồi Tây đi về hướng nhà mình.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2012 22:35:50 | Chỉ xem của tác giả
Chương 7

Đầu Lâu, Lauren Bacall,

Thư Viện Thành Phố


Tôi đón taxi về nhà. Bên ngoài đã tối, đường phố đông nghịt người vào giờ tan tầm. Trời mưa phùn, tôi đợi mãi mới bắt được taxi.


Thường là tôi cân nhắc kỹ càng nếu muốn đi taxi. Vì tôi luôn để ít nhất hai taxi trống chạy qua để tránh mọi nguy hiểm. Bọn ký hiệu sư có các taxi giả hiệu, thỉnh thoảng người ta vẫn nghe chuyện chúng đón khách là toán sư vừa đi làm về và đưa họ đi mất. Có thể chỉ là lời đồn thổi. Cả tôi lẫn các đồng nghiệp chưa vấp phải chuyện ấy bao giờ. Nhưng cẩn thận không bao giờ thừa.



Vì lý do đó, bình thường tôi luôn đi tàu điện ngầm, hay xe buýt, nhưng lần này tôi cực kỳ mệt và buồn ngủ, đã thế trời lại mưa, nghĩ đến tàu xe lèn chặt người đã thấy ớn; vậy là tôi cố công tìm taxi. Trên đường đi tôi suýt ngủ gật mấy lần, phải cố cưỡng lại: về đến nhà thì tha hồ ngủ bao lâu cũng được. Ở đây không được ngủ quên! Ngủ trên xe rất nguy hiểm!
Tôi tập trung nghe tường thuật bóng chày trên radio. Do không thạo môn bóng chày chuyên nghiệp nên tôi ủng hộ đội bóng đang tấn công và ghét đội phòng thủ. Đội của tôi đang bị dẫn 3:1. Cho đến khi taxi đỗ trước nhà tôi thì tỉ số đã là 4:1. Tôi trả tiền, cặp hộp đựng mũ dưới nách và ra khỏi xe trong tình trạng buồn ngủ ngất ngư. Mưa đã gần tạnh.
Hộp thư của tôi trống trơn. Máy ghi âm cũng không có tin nhắn. Có vẻ như chẳng ai cần tôi. Càng tốt. Tôi cũng chẳng cần ai. Tôi lấy đá trong tủ lạnh, pha một cốc whiskey lớn với đá và một ít soda. Rồi tôi cởi quần áo chui lên giường, ngồi dựa vào tường và nhâm nhi whiskey. Tôi biết chỉ trong chốc lát là sẽ ngủ quay ra ngay nhưng không muốn bỏ lỡ nghi thức ngọt ngào khi đi làm về. Đó là mấy phút đồng hồ yêu thích nhất của tôi sau khi lên giường, là khoảng thời gian ngắn ngủi mà cơn buồn ngủ rình quật ngã tôi. Tôi đem theo chút đồ uống, nghe nhạc, đọc sách. Tôi yêu mấy phút ấy như người khác yêu mặt trời lặn hay không khí trong lành.


Tôi uống cạn nửa cốc whiskey thì điện thoại đổ chuông. Điện thoại nằm trên chiếc bàn tròn cách giường chừng ba thước. Đã lên giường là tôi không muốn trèo xuống nữa, vì vậy tôi chỉ ngó qua phía điện thoại đang réo chuông. Mười ba, mười bốn hồi chuông, nhưng tôi không bận tâm. Trong các phim hoạt hình ngày xưa có cảnh máy điện thoại run lên bần bật với mỗi hồi chuông, nhưng thực tế tất nhiên không thế. Máy trên bàn không rung, chỉ đổ chuông. Tôi vừa uống whiskey vừa quan sát.
Cạnh điện thoại là ví tiền, dao và hộp mũ. Tôi chợt nhớ là có lẽ nên mở hộp ngay. Có thể phải cho đồ trong đó vào tủ lạnh, hay có thứ gì còn sống hoặc rất quan trọng, nhưng tôi đã quá mệt để nhỏm dậy. Nếu đúng thế thì người ta đã nhắc nhở tôi khi đưa quà. Khi điện thoại ngừng chuông, tôi uống một hơi hết chỗ rượu còn lại, tắt đèn đầu giường và nhắm mắt. Đúng thời điểm đó, giấc ngủ chụp lên tôi như một cái lưới lớn màu đen, cứ như nó đã rình sẵn. Tôi còn kịp nghĩ: thây kệ tất cả.
Lúc tôi thức dậy thì xung quanh lờ mờ tối. Đồng hồ chỉ 6 giờ 15, không rõ là sáng sớm hay tối. Tôi mặc quần đi ra phía trước và nhìn ra căn hộ hàng xóm. Tờ báo buổi sáng nằm trước cửa, nghĩa là đang sáng sớm. Những lúc thế này mới thấy mua báo dài hạn có lợi. Có thể tôi cũng sẽ đặt mua một tờ.


Tôi đã ngủ chừng mười tiếng. Cơ thể tôi cần nghỉ thêm, vì do cả ngày hôm nay không có việc gì nên lẽ ra tôi lại đi nằm cũng được, nhưng tôi quyết định không ngủ nữa. Không mấy khi có được cảm giác tuyệt vời khi thức dậy cùng ánh nắng mới mẻ và tinh khôi. Tôi tắm thật kỹ và cạo râu. Sau đó là hai mươi phút thể dục như thường lệ và ăn sáng bằng những đồ còn trong nhà. Tủ lạnh đã gần trống lại phải chất vào cho đầy thôi. Tôi ra bàn bếp ngồi, vừa uống nước cam vừa lấy bút chì viết ra những thứ cần mua lên một tờ giấy vuông. Một không đủ, tôi dùng hai tờ. Giờ này siêu thị chưa mở, do đó tôi quyết định sẽ ăn trưa ngoài phố rồi sau đó đi mua đồ.


Tôi ném quần áo bẩn trong giỏ nhà tắm vào máy giặt. Trong lúc cọ đôi giày tennis trong bồn rửa tay, tôi chợt nhớ đến món quà bí hiểm của ông già. Tôi để lại chiếc giày phải đang cọ dở, lau khô tay bằng khăn lau bát, đi vào phòng ngủ và nhấc hộp lên. Trước sau thì nó vẫn nhẹ so với kích thước. Một kiểu nhẹ làm người ta không yên tâm. Nó nhẹ hơn mức được phép nhẹ. Trong đầu tôi lóe đèn cảnh báo. Một giác trực giác nghề nghiệp chứ không có cơ sở cụ thể nào cả.


Tôi nhìn quanh phòng. Im lặng lạ lùng. Im lặng như đã tắt mọi âm thanh. Tôi đằng hắng – nghe đúng tiếng đằng hắng. Tôi bật dao ra và khẽ gõ sống dao vài lần lên bàn: nghe đúng tiếng gõ thật sự. Sau khi làm quen với thế giới không âm thanh, một thời gian dài người ta sẽ nghi ngại không tin vào sự yên tĩnh. Rồi tôi mở cửa ban công. Tiếng động của xe cộ và tiếng chim líu lo tràn vào. Tiến hóa kiểu gì thì tùy, thế giới này phải có những tiếng động của nó.


Tôi cẩn thật cắt băng dính để khỏi làm hỏng đồ bên trong. Trên cùng là giấy báo vò nhàu. Tôi vuốt thẳng một tờ và đọc; trong đó không có gì đáng để ý, chỉ là một tờ báo rất bình thường, số ra trước đây ba tuần – tờ Mainichi Shimbun. Tôi lấy trong bếp ra một túi đựng rác và ném báo vào. Hộp đựng mũ được nhồi chặt bằng mười bốn số báo, báo của hai tuần. Toàn là tờ Mainichi. Dưới đó là những mẩu vật liệu chèn bằng xốp mềm, dài bằng ngón tay trẻ con. Tôi lấy cả hai tay hót chúng khỏi hộp và vứt vào túi rác. Trong hộp có gì thì tôi không biết, nhưng gói ghém quá mất công. Khi vứt ra được nửa chỗ vật liệu xốp, một vật gì đó gói trong giấy báo lộ ra. Tôi đã bắt đầu ngán ngẩm. Tôi vào bếp lấy một lon Coca-Cola trong tủ lạnh, ngồi xuống giường và từ từ uống cạn. Sau đó tôi cắt móng tay bằng dao. Ngoài thềm xuất hiện một con chim có lông yếm màu đen, tiếng hót khàn khàn. Như mọi khi, nó mổ hết chỗ ruột bánh mì mà tôi rải lên bàn. Một buổi sớm mai thanh bình.


Rốt cuộc tôi tập trung tâm trí quay lại bàn và lấy đồ vật gói giấy báo ra. Mấy vòng băng dính quấn xung quanh khiến nó trông như một tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Nó có dạng một quả dưa hấu thuôn dài và trọng lượng hầu như không đáng kể. Tôi dọn dao và hộp khỏi bàn để lấy chỗ rộng rãi rồi cẩn trọng bóc băng dính và giấy báo. Một cái đầu lâu động vật.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2012 22:37:40 | Chỉ xem của tác giả
Chương 7

Phần 2



Giỏi, tôi nghĩ, giỏi lắm. Chẳng lẽ ông già nghĩ rằng tôi sẽ vui sướng khi được tặng một cái đầu lâu? Muốn nghĩ xuôi nghĩ ngược thế nào thì tùy, đem cái đầu lâu động vật làm quà tặng là không bình thường.


Cái đầu lâu trông giống của ngựa, nhưng nhỏ hơn nhiều. Ít nhất là kiến thức động vật học của tôi đủ cho thấy chắc chắn nó phải từng nằm trên vai một động vật có vú không to lắm, một loài ăn cỏ họ móng guốc với cái đầu thuôn dài. Tôi gọi tên mấy con ấy ra. Nai, dê, cừu, hoẵng, tuần lộc, lừa… Dĩ nhiên còn nhiều nữa, nhưng tôi không nghĩ ra.


Trước tiên thì tôi cứ đặt nó lên trên ti vi. Không phải một vị trí thích hợp lắm, nhưng tôi không biết chỗ nào tử tế hơn. Ở nhà Hemingway chắc nó sẽ được đặt lên lò sưởi cạnh mấy cái đầu tuần lộc của ông ấy, nhưng trong nhà tôi tất nhiên không có lò sưởi đốt củi. Tôi cũng không có kệ tủ, thậm chí chẳng có tủ đựng giày. Do vậy ti vi là nơi duy nhất để tôi đặt đầu lâu của một con vật không rõ tên lên trên.


Khi đổ nốt chỗ xốp chèn ở đáy hộp vào túi rác, tôi phát hiện ra một gói dài dài bọc giấy báo. Tôi mở gói – thì ra là cái kẹp gắp than inox giống như cái kẹp của ông già dùng để gõ đầu lâu. Tôi cầm nó lên tay để ngắm cho kỹ. Không như đầu lâu, cái kẹp cầm khá nặng tay và tạo cảm giác nghiêm trang như cây gậy chỉ huy bằng ngà voi của Furtwangler khi chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Berlin.


Không đừng được: tôi ra ti vi và gõ nhẹ lên trán đầu lâu. Một tiếng rung trầm đục như tiếng gừ gừ qua mũi một con chó lớn. Tôi thì lại đợi một tiếng “coong” hay “cạch” sắc lạnh nên hơi bất ngờ nhưng cũng chẳng bất ngờ đến nỗi thấy gì bất ổn ở âm thanh này. Cái đầu lâu này phát tiếng động như một cái đầu lâu, có gì phải bận tâm. Phê phán gì thì cũng không thay đổi được tiếng động lạ tai ấy, và tự tiếng động lạ tai ấy cũng chẳng muốn thay đổi.


Cuối cùng thì tôi cũng ngán nhìn và gõ đầu lâu. Tôi rời ti vi ra ngồi ở giường, đặt điện thoại lên lòng và gọi đại lý chính thức của Hệ thống để biết các lịch hẹn sắp tới. Đại diện của tôi bắt máy và nói là bốn hôm nữa sẽ có việc, liệu tôi có nhận không. Vâng, tôi nói. Thoạt tiên tôi định xin xác nhận quyền được đảo dãy số để tránh những phiền nhiễu có thể xảy ra, nhưng không muốn phải giải thích dài dòng nên lại thôi. Giấy tờ nghiêm chỉnh, thù lao cũng tử tế. Vả lại, ông già đã bỏ qua khâu đại lý vì lý do bảo mật. Không có nguyên cớ gì để làm cho mọi thứ phức tạp thêm.


Cũng nói thêm là tôi không ưa đại diện của mình lắm. Đó là một anh chàng chừng ba mươi tuổi, cao, gầy, dạng người tin rằng tự mình mới có quyền duyệt cấp phép cho mọi hành động. Và nếu có thể thì tôi tránh sa vào tình huống phải nói chuyện dài với anh ta.


Xong các vụ hành chính, tôi đặt máy xuống và ra ngồi sofa trong phòng khách. Tôi mở một lon bia và xem phim Key Largo của Humphrey Bogart trên video. Tôi rất thích Lauren Bacall trong Key Largo. Cô cũng diễn rất cừ trong The Big Sleep, dĩ nhiên, nhưng trong Key Largo cô đã thành một tượng đài.


Nhìn lên màn hình song mắt tôi bất giác cứ hất lên phía đầu lâu. Đơn giản là tôi không thể tập trung xem phim như mọi khi. Và tôi ngừng băng video ở đoạn xảy ra cơn cuồng phong, không xem phần còn lại nữa. Thay vào đó là vừa uống bia tôi vừa ngắm đầu lâu. Càng nhìn tôi càng thấy nó thân thuộc. Nhưng vì sao thân thuộc thì tôi cũng không nghĩ ra được. Tôi lấy một cái T-Shirt trong ngăn kéo trùm lên đầu lâu rồi xem tiếp phim Key Largo. Giờ thì tôi lại tập trung xem Lauren Bacall được.


Tôi ra khỏi nhà lúc mười một giờ, ở siêu thị gần ga tôi lấy mọi thực phẩm vớ được, mua vang đỏ, nước khoáng và nước cam trong hiệu đồ uống. Tôi lấy áo vest và hai tấm ga trải giường ở tiệm giặt là, vào một hiệu văn phòng phẩm mua bút bi, phong bì và giấy viết thư, mua ở cửa hàng đồ gia dụng một viên đá mài tốt nhất có bán. Trong hiệu sách tôi lấy hai cuốn tạp chí, rồi đi mua bóng đèn và cassette ghi âm ở cửa hàng đồ điện, một cuốn phim Polaroid trong hiệu ảnh. Cuối cùng tôi còn vào cửa hàng bán đĩa hát để mua vài đĩa. Băng sau trên xe tôi chặt cứng những túi hàng. Hình như tôi có thú vui đi mua bán bẩm sinh. Mỗi lần vào thành phố là tôi cắm cúi khuân hàng núi đồ lặt vặt như một con sóc trước khi vào tiết đông.


Tôi có ô tô chỉ để đi mua hàng. Có lần tôi mua nhiều đến nỗi không xách hết túi, và thế là tôi mua xe. Tay xách các túi hàng, tôi đi tới hiệu xe cũ đã mấy lần để ý. Ở đó quả thật có đủ các loại xe. Tôi không thích ô tô lắm và cũng không thạo thông tin, vì vậy tôi nói đơn giản: “Tôi tìm một cái xe, xe nào cũng được, chỉ đừng to quá.”


Ông bán xe đứng tuổi rút ra một quyển catalog và chỉ cho tôi xem xe này xe nọ, nhưng tôi không muốn xem catalog và nói cho ông rõ là tôi chỉ cần một cái ô tô đi chợ. Tôi không muốn lên đường cao tốc, không chở bạn gái đi dạo, cũng không đưa gia đình đi du lịch. Tôi không cần xe công suất lớn, máy lạnh, đài đĩa stereo, cửa sổ mái, lốp mùa đông. Loại xe tôi muốn phải là loại nhỏ gọn, ít khí thải độc hại, nổ khẽ, bền. Nếu có màu lam đậm thì càng tốt.

Ông khuyên tôi mua một chiếc xe Nhật nhỏ màu vàng. Màu này tôi không thích lắm, nhưng xe đi không tồi và bán kính vòng cua nhỏ. Trông cũng dễ thương, không trang bị gì thừa so với nhu cầu của tôi, và rẻ, vì mẫu xe này đã ngừng sản xuất.
“Một cái ô tô, không hơn không kém!”, ông bán xe đứng tuổi nói. “Lắm thứ trang trí lắp thêm, tôi nói để anh biết, đúng là người ta điên cả rồi.”

“Rất đúng ý tôi”, tôi nói.

Và thế là tôi có ô tô đi chợ. Nó hầu như không bao giờ được dùng vào mục đích nào khác.

Mua hàng xong xuôi, tôi đậu xe vào bãi đỗ của một nhà hàng. Tôi gọi bia, gỏi tôm trộn với hành. Tôi im lặng ngồi ăn một mình. Tôm quá lạnh và hành thì héo. Tôi ngó quanh nhưng không thấy người nào gọi cô bồi bàn lại để phàn nàn hay ném bát đĩa xuống đất cả. Vậy thì tôi cũng chẳng nói gì và ăn hết. Người ta chỉ thất vọng khi trước đó đã từng hy vọng.

Nhìn qua cửa sổ có thể thấy đường cao tốc nội đô. Ô tô đủ màu đủ kiểu đi qua. Tôi nhìn chúng và lại nghĩ đến ông già đã trao việc cho tôi hôm qua và cô cháu gái mũm mĩm của ông. Dù có thiện chí đến mấy, tôi vẫn thấy họ sống trong một thế giới điên rồ, vượt qua hẳn khả năng đồng cảm của tôi. Cái thang máy ngu xuẩn, hang động khổng lồ sau tủ tường, ma đen, tắt âm thanh – tất cả đều điên rồ. Và lại còn tặng tôi một cái đầu lâu lúc chia tay nữa chứ.

Tôi tận dụng mấy phút rỗi rãi buồn tẻ đợi cà phê để nhớ lại từng chi tiết của cô gái mũm mĩm. Đôi bông tai vuông, bộ đồ hồng, giày cao gót, bắp chân và gáy nung núc thịt, khuôn mặt – tất cả. Tôi nhớ tương đối rõ các chi tiết này, nhưng bức tranh tổng thể ghép lại từ các chi tiết ấy thì lại mờ nhạt không ngờ. Có lẽ vì dạo này tôi không ngủ với cô gái nào mũm mĩm cả. Vì thế tôi không thể tưởng tượng ra một cơ thể phụ nữ béo.

Tôi chấm dứt tưởng tượng cảnh cô đang trần truồng, trả tiền và rời nhà hàng. Tôi đi bộ đến thư viện thành phố gần đó, hỏi cô gái trẻ mảnh khảnh tóc dài ngồi ở quầy thông tin: “Cô có sách về đầu lâu động vật có vú không?”

Cô ta đang cắm cúi vào một cuốn sách loại bỏ túi nhưng vẫn ngẩng lên nhìn tôi: “Anh cần gì ạ?”

“Sách-về-đầu-lâu-động-vật-có-vú”, tôi nhắc lại, nhấn rõ từng chữ một.

“Đầu lâu động vật có vú”, cô gái nói, giọng như hát. Nghe như cô ngâm thơ vậy. Tựa như một thi sĩ giới thiệu cho độc giả đầu đề một bài thơ mà ông sắp trình diễn. Tôi thầm hỏi, liệu cô ta có nhắc lại mọi câu hỏi của khách theo kiểu này không.
Lịch sử nhà hát múa rối chẳng hạn.

Hay Thái Cực Quyền đại cương.

Nếu có bài thơ nào mang đầu đề như trên thì hẳn thú vị lắm, tôi nghĩ.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2012 22:39:45 | Chỉ xem của tác giả
Chương 7

Phần 3


Cô suy nghĩ một lát, cắn răng vào môi dưới. “Phiền anh chờ một chút, tôi sẽ tìm”, cô vừa nói vừa xoay ghế ngay tại bàn và nhấn phím máy tính viết gõ Động vật có vú. Trên màn hình xuất hiện khoảng hai chục đầu sách. Cô dùng bút cảm ứng xóa đi hai phần ba, cho vào bộ nhớ phần còn lại và viết thêm chữ xương. Cô chừa lại hai trong số bảy, tám đầu sách vừa hiện ra rồi chuyển chúng sang các đầu đề đã cất trong bộ nhớ. Thư viện thay đổi ghê gớm thật. Thời mà phiếu kiểm tra còn găm trong túi giấy dán sau sách đã xa xôi như một giấc mơ xưa. Hồi còn bé, tôi thích xem giấy in ngày tháng trên phiếu kiểm tra.

Trong lúc cô thành thạo lướt ngón tay trên bàn phím máy tính, tôi ngắm tấm lưng thon và mái tóc dài của cô. Tôi không chắc chắn có thích cô hay không. Một cô gái xinh xắn, thân thiện, rõ ràng là cũng sáng dạ và nói như ngâm thơ. Dường như chẳng có lý do gì để tôi không thích cô cả.

Cô ấn phím in và trao cho tôi tờ in màn hình. “Anh có thể chọn một trong chín đầu sách sau đây”, cô nói.

1. VỀ ĐỘNG VẬT CÓ VÚ

2. TRANH VÀ ẢNH ĐỘNG VẬT CÓ VÚ

3. BỘ XƯƠNG ĐỘNG VẬT CÓ VÚ

4. LỊCH SỬ ĐỘNG VẬT CÓ VÚ

5. TÔI, MỘT ĐỘNG VẬT CÓ VÚ

6. GIẢI PHẪU ĐỘNG VẬT CÓ VÚ

7. NÃO ĐỘNG VẬT CÓ VÚ

8. XƯƠNG ĐỘNG VẬT

9. NHỮNG BỘ XƯƠNG TỰ KỂ.

Thẻ của tôi được mượn ba cuốn. Tôi lấy các số 2, 3 và 8. Hai đầu đề Tôi, một động vật có vú và Những bộ xương tự kể có vẻ thú vị, nhưng rõ ràng không liên quan trực tiếp đến dự án đang làm, tôi hoãn đến lần sau sẽ mượn về.

“Rất tiếc là cuốn Tranh và ảnh động vật có vú chỉ được dùng tại thư viện, không thể mượn về”, cô nói và gãi lên thái dương bằng bút bi.

“Việc này rất quan trọng. Tôi nhất định sẽ trả sách vào sáng mai”, tôi khẩn khoản. “Tôi xin hứa.”

“Loạt sách tranh ảnh rất được ưa thích, nếu có ai biết là tôi cho mượn về thì sẽ phiền lắm.”

“Một ngày thôi, không ai biết được đâu.”

Cô gái lưỡng lự, cắn đầu lưỡi đỏ hồng đáng yêu giữa hai hàm răng.

“Được, tôi cho mượn. Nhưng chỉ một lần này thôi đấy. Và đề nghị anh đúng chín rưỡi sáng mai đem trả!”

“Cảm ơn”, tôi nói.

“Không có gì”, cô nói.

“Tôi có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn cô không?”

“Bên kia đường có hiệu kem Baskin-Robbins, anh mua cho tôi một ốc quế đúp, dưới là hạt dẻ, trên là mô ca. Anh có nhớ hết không?”

“Một ốc quế đúp, kem hạt dẻ và mô ca.”

Tôi rời thư viện, đi qua hiệu kem Baskin-Robbins.

Lúc tôi quay lại thì cô gái chưa tìm được hết sách tôi cần, tôi cầm ốc quế trong tay trái và đợi ở quầy thông tin. Hai ông già ngồi đọc báo trên ghế băng lúc thì nhìn tôi, lúc nhìn suất kem một cách tò mò. May mà kem lạnh cứng, còn lâu mới chảy. Vừa đợi vừa cầm kem trong tay mà không được ăn, tôi thấy hơi sốt ruột, như được mời đến mà không ai tiếp.

Quyển sách bỏ túi mà cô gái đọc dở nằm trên mặt bàn như một con thỏ con ngủ quên, lưng vồng lên. Đó là tiểu sử H. G. Wells, tập hai, Time Travallers. Không phải sách của thư viện, chắc là của riêng. Bên cạnh đó là ba cây bút chì vót nhọn chỉn chu. Và bảy hay tám cái ghim giấy. Tại sao đến đâu tôi cũng thấy ghim giấy nằm vương vãi, lạ thật!

Có thể chúng đột nhiên sinh sôi nảy nở vì một lý do nào đó. Hoặc một sự tình cờ được tôi để ý đến quá mức thông thường. Không, đúng là có gì đó bất thường. Như có một bàn tay bí mật điều khiển, tôi cứ đến đâu là lại thấy ở đó ghim giấy nằm lung tung ở một vị trí nổi bật. Trong đầu tôi lóe đèn báo động. Dạo này đèn lóe hơi nhiều – khi thấy đầu lâu, khi thấy ghim giấy. Tôi cảm giác có một mối liên quan, song cố gắng mấy cũng không tưởng tượng ra đầu lâu liên quan gì đến ghim giấy.

Ngay sau đó cô gái tóc dài quay lại với ba quyển sách trên tay. Cô đưa sách cho tôi và cầm kem, ngồi về ngăn của mình và ăn, đầu cúi về phía trước không để ai nhìn thấy từ bên ngoài. Tôi nhìn từ trên xuống: gáy cô lồ lộ rất đẹp.

“Cảm ơn anh”, cô nói.

“Tôi cũng cảm ơn cô”, tôi nói. “À này, cô cần ghim giấy làm gì vậy?”

“Ghim giấy”, cô nhắc lại như hát. “Tôi cần ghim giấy để kẹp các tờ giấy lại với nhau. Anh biết ghim giấy là gì chứ? Ở đâu chả có, ai cũng dùng.”

Cô nói đúng, dĩ nhiên. Tôi cảm ơn, cầm sách và ra về. Ở đâu chả có ghim giấy. Bỏ ra một nghìn yên là mua được ghim giấy trữ đủ dùng cả đời. Ừ, tại sao không! Tôi đỗ ở cửa hàng văn phòng phẩm và mua một nghìn yên ghim giấy. Rồi tôi về nhà.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2012 22:41:42 | Chỉ xem của tác giả
Chương 7

Phần 4


Về đến nhà tôi xếp thực phẩm vào tủ lạnh. Thịt và cá tôi cuốn vào nylon, đồ đông lạnh cho vào ngăn đá. Tôi cho cả bánh mì và cà phê vào ngăn lạnh sâu. Đậu phụ ngâm vào bát nước. Bia thì xếp vào ngăn mát, rau củ xếp ra phía trước. Tôi treo áo vét vào tủ, đặt nước rửa chén lên giá. Sau đó tôi rải bừa mấy cái ghim giấy trên nóc ti vi cạnh chiếc đầu lâu.

Một sự sắp đặt kỳ quái.

Kỳ quái như đặt gối bông cạnh nước đá hay lọ mực bên xà lách. Tôi đi ra ban công để ngắm từ xa, nhưng ấn tượng đó không đổi. Đầu lâu và ghim giấy không có gì liên quan cả. Nhưng nhất định phải có một sự ràng buộc bí mật mà tôi không biết – hoặc tôi đã biết mà không nhớ lại.

Tôi ngồi lên giường và nhìn đăm đăm vào những đồ vật trên ti vi một hồi lâu. Song tôi không thể nhớ lại một điều gì. Chỉ thời gian là cứ trôi đi. Một chiếc xe cấp cứu đi qua gần nhà, sau đó là một xe phát thanh cổ động của cánh hữu. Tôi thèm whiskey nhưng cố nhịn. Tôi cần cái đầu sáng suốt để suy nghĩ một lát đã. Mấy phút sau chiếc xe của cánh hữu lại đi đúng đường cũ một lần nữa. Chắc họ đi lạc. Phố xá ở khu này khá rối rắm.

Rốt cuộc tôi phẩy tay đứng dậy, ra ngồi ở bàn bếp và lật xem mấy cuốn sách vừa mượn của thư viện. Trước tiên tôi tìm ra tất cả các động vật có vú ăn cỏ cỡ trung, sau đó tôi xem bộ xương của chúng. Thì ra động vật có vú ăn cỏ cỡ trung đông hơn tôi tưởng cực nhiều. Riêng loài hươu đã có hơn ba chục nhánh được liệt kê.

Tôi lấy đầu lâu trên nóc ti vi đặt lên mặt bàn và so sánh nó với từng hình minh họa. Sau một tiếng tôi đã so sánh với chín mươi ba hình vẽ đầu lâu khác nhau; không hình nào giống cái đầu lâu trên bàn bếp. Thế thì tôi cũng bó tay. Tôi gập ba quyển sách lại, chồng lên nhau ở mép bàn, vươn vai đứng dậy. Chịu thôi.

Tôi bỏ cuộc, nằm lăn ra giường. Trong khi đang xem phim The Quiet Man của John Ford thì có tiếng chuông ở cửa. Qua lỗ nhòm tôi thấy một người đàn ông đứng tuổi mặc đồng phục của công ty cung cấp khí đốt Tokyo. Tôi để nguyên xích cửa, chỉ mở hé một khe nhỏ và hỏi ông ta cần gì.

“Kiểm tra định kỳ đường ống khí đốt”, ông ta nói.

“Đợi chút”, tôi nói và lấy con dao trên bàn phòng ngủ đút vào túi rồi mới mở cửa. Vừa tháng trước người ta đã kiểm tra độ kín của ống dẫn khí đốt rồi cơ mà. Thêm nữa là người đàn ông này có vẻ thiếu tự nhiên.


Tôi làm ra vẻ bất cần và xem phim tiếp. Trước tiên người đàn ông kiểm tra đường khí đốt trong nhà tắm bằng một chiếc máy trông như máy đo huyết áp, sau đó ra bếp. Cái đầu lâu vẫn nằm trên bàn bếp. Tôi để ti vi chạy tiếp và rón rén đi ra bếp; đúng như tôi nghĩ, gã đang đút cái đầu lâu vào một túi nylon đen. Tôi bật dao, nhảy một bước vào bếp, vòng tay kẹp cổ và chặn lưỡi dao đúng mũi gã đàn ông. Gã cuống cuồng thả rơi túi nylon xuống bàn.


“Tôi không có ý xấu”, gã run rẩy thanh minh. “Tôi nhìn thấy cái ấy và muốn lấy. Tôi chợt nổi máu tham. Tha lỗi cho tôi!”

“Quên đi!”, tôi cười khẩy. Một người của công ty khí đốt nhìn thấy cái đầu lâu trên bàn, nổi máu tham, muốn lấy – đã ai nghe thấy chuyện vô lý như thế chưa? “Khai thật ra, hay tao cắt cổ mày!”, tôi nói. Một câu nói dối trắng trợn, chỉ riêng gã là không ý thức được.

“Được rồi, được rồi, đừng làm gì tôi, tôi khai hết”, gã rền rĩ. “Người ta đã trả tiền để tôi đến đây ăn cắp nó. Hai người bắt chuyện với tôi ngoài phố, hỏi tôi có muốn kiếm ít tiền không, và cho tôi năm chục nghìn yên. Khi nào nộp cái đầu lâu thì tôi sẽ được thêm năm chục nghìn nữa. Tôi không muốn tí nào, nhưng một trong hai đứa trông như người khổng lồ. Thật đấy. Xin ông đừng giết tôi. Tôi có hai đứa con gái học trung học.”

“Cả hai học trung học?”

“Vâng. Lớp Mười và Mười hai.”

“Thật hả”, tôi hỏi. “Trường nào?”

“Đứa lớn học trường Shimura của thành phố, đứa nhỏ học trường Futaba ở Yotsuya”, gã nói. Sự kết hợp này cọc cạch đến nỗi chỉ có thể là sự thật. Tôi thấy tin gã được.

Cẩn thận chặn tiếp dao vào cổ gã, tôi nhón ví của gã từ túi quần sau ra xem. 67.000 yên, trong đó 50.000 yên là tiền mười nghìn mới cứng. Thẻ nhân viên của công ty khí đốt Tokyo, và một tấm hình màu chụp gia đình. Hai đứa con gái mặc kimono đại lễ. Cũng chẳng thuộc loại xinh đẹp gì. Do vóc người hai đứa như nhau nên khó nói đứa nào học trường Shimura và đứa nào học Futaba. Ngoài ra trong ví còn tấm vé tháng tuyến Sugamo-Shinanomachi. Gã đàn ông trông cũng không nguy hiểm nên tôi gập dao lại và thả hắn ra.


“Thôi, cút khỏi đây ngay!”, tôi nói và trả hắn ví.

“Cảm ơn ông”, gã nói. “Nhưng bây giờ thì sao? Tôi đã cầm tiền rồi, mà lại quay về tay trắng.”


Tôi cũng không rõ, tôi nói. Bọn ký hiệu sư – tôi đoán chúng là bọn ký hiệu sư – tùy tình thế mà có thể làm mọi trò. Và chúng ra tay rất có ý thức, để không ai dễ nhận ra thói quen hoạt động của chúng. Có thể chúng sẽ chọc mù mắt gã đàn ông. Cũng có thể chúng cảm ơn gã đã cố gắng và đưa nốt năm chục nghìn yên còn lại. Không ai đoán được.
“Một đứa trông như người khổng lồ, phải không?”, tôi hỏi.


“Vâng, to như voi. Còn đứa kia lùn tịt. Chưa tới mét rưỡi. Ăn mặc bảnh. Nói chung là một cặp đôi đáng sợ.”
Tôi chỉ cho gã cách đi từ bãi đỗ xe ra cửa sau. Cửa sau nhà này là một lối đi hẹp, từ ngoài khó nhìn thấy. Nếu gã gặp may thì không bị hay đứa kia phát hiện.


“Tôi rất biết ơn ông”, gã đàn ông thở phào. “Tôi được phép tin là ông sẽ không báo cho công ty tôi biết chứ?”
Tôi gật đầu. Rồi tống gã ra cửa, khóa lại và móc xích vào. Sau đó tôi ngồi vào bàn bếp, đặt con dao đã gập lưỡi lên bàn và lấy đầu lâu ra khỏi túi nylon. Ít nhất thì đã rõ một chuyện: bọn ký hiệu sư rình kiếm chiếc đầu lâu này, nghĩa là nó phải có ý nghĩa nào đó đối với chúng.


Hiện tại tôi và các ký hiệu sư đang ngang sức. Tôi có cái đầu lâu nhưng không biết ý nghĩa của nó. Bọn ký hiệu sư thì biết ý nghĩa – hoặc đoán được – nhưng lại không có đầu lâu. Một đều. Giờ thì tôi có thể lựa chọn giữa hai cách tiến hành. Cách thứ nhất là bắt liên lạc với Hệ thống, giải thích cho họ rõ vấn đề và yêu cầu được bảo vệ chống bọn ký hiệu sư hoặc chuyển đầu lâu vào nơi an toàn. Cách thứ hai: tôi liên hệ với cô gái mũm mĩm và bảo cô cho tôi biết ý nghĩa của cái đầu lâu. Trong hoàn cảnh hiện tại mà lôi Hệ thống vào cuộc thì tôi thấy không ổn. Hầu như chắc chắn người ta sẽ có ý định tiến hành kiểm tra tôi, rất phiền. Đơn giản là tôi không ưa các tổ chức cồng kềnh. Họ không linh hoạt, bất cứ việc gì cũng tốn thì giờ và công sức. Đơn giản là trên đời này khá đông kẻ ngu xuẩn.


Tuy nhiên cũng không thể liên hệ với cô gái béo: tôi không biết số điện thoại ở văn phòng cô. Tôi có thể tìm thẳng đến cô, nhưng bây giờ ra khỏi nhà thì khá nguy hiểm, vả lại dễ đoán là người ta không đơn giản để tôi bước vào tòa nhà văn phòng canh gác cẩn mật nọ.

Vậy là tôi quyết định không làm gì cả.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2012 22:43:27 | Chỉ xem của tác giả
Chương 7

Phần 5



Tôi cầm kẹp gắp than inox gõ nhẹ lên đầu lâu lần nữa. Vẫn tiếng động như ban nãy. Nghe buồn bã thế nào ấy. Tựa như con thú lạ này còn sống. Nó còn sống và thở dài.


Vì sao đầu lâu phát ra tiếng động kỳ lạ này? Tôi cầm nó lên ngắm thật kỹ. Rồi tôi lấy kẹp gõ nhẹ lên lần nữa. Vẫn tiếng động cũ, nhưng nếu nghe thật chăm chú thì tôi cảm thấy âm thanh ấy dường như chỉ phát ra từ một điểm nhất định.


Tôi gõ đến lúc khoanh vùng được điểm đó. Tiếng động đến từ một vết lõm trên trán, đường kính khoảng hai phân. Tôi dùng một ngón tay khẽ sờ lên. Vết lõm nhám hơn xương xung quanh. Tựa như có gì bị bẻ ra khỏi vị trí này. Gì đó – cái sừng chẳng hạn…


Một cái sừng?


Nếu đúng thế thì tôi đang có đầu lâu một con thú một sừng trong tay. Tôi giở lại quyển Tranh và ảnh động vật có vú và tìm các động vật chỉ có một sừng. Không có, kiếm mãi cũng không thấy. Cùng lắm là có con tê giác, nhưng cả kích thước lẫn hình hộp sọ đều không đúng.


Tôi lấy đá trong tủ lạnh và pha một cốc Old Crow – tôi phải uống một chút. Đã sắp hết ngày, tôi thấy một cốc whiskey là hợp lý. Sau đó tôi ăn măng tây đóng hộp. Tôi rất khoái măng tây trắng. Xong món măng tây rồi ăn hai lát bánh mì gối kẹp hào xông khói. Sau đó lại một cốc whiskey.


Quyết định thực dụng của tôi: cái đầu lâu này ngày xưa thuộc về một con kỳ lân. Ngoài ra thì tôi cũng tắc tị.


Tôi có một cái đầu kỳ lân trong tay.


Được đấy, tôi nghĩ, được đấy chứ. Vì sao lại liên tục xảy ra những chuyện kỳ quái thế này? Và tại sao xảy ra với chính tôi? Tôi là một toán sư có tính thực tế và công tác độc lập, không hơn không kém. Tôi không nhiều kỳ vọng quá mức mà cũng chẳng tham lam. Tôi không có gia đình, không có bạn bè, không có người yêu.

Tôi là một người cố dành dụm càng nhiều càng tốt và sau quãng đời toán sư sẽ sống một cảnh hưu trí bình lặng, học đàn vi ô lông xen chẳng hạn, hoặc tiếng Hy Lạp. Vì sao chính tôi lại bị dây dưa với những trò ngớ ngẩn như kỳ lân và tắt âm thanh?
Tôi uống hết cốc whiskey thứ hai, vào phòng ngủ, tìm trong danh bạ số điện thoại của thư viện thành phố, quay số và xin gặp quầy thông tin. Mười giây sau, cô gái tóc dài cầm máy.

“Tranh và ảnh động vật có vú”, tôi nói.

“Cảm ơn anh mua kem”, cô nói.

“Chuyện nhỏ ấy mà”, tôi nói. “À, tôi có một nguyện vọng nữa, được không?”

“Tùy xem nguyện vọng gì đã”, cô nói.

“Cô có thể tìm hộ tôi xem có tài liệu gì về kỳ lân không?”

“Thú-một-sừng?”, cô lặp lại.

“Đòi hỏi quá nhiều chăng?”

Im lặng. Có lẽ cô gái đang cắn lên môi dưới.

“Anh muốn biết gì về thú một sừng?”

“Tất cả”, tôi nói.

“Anh nghe đây, bây giờ là năm giờ kém mười, thư viện sắp đóng cửa và có rất nhiều việc phải làm. Bây giờ tôi không làm được. Vì sao anh không tới đây sáng mai, khi thư viện vừa mở cửa? Anh có thể tìm bao nhiêu tài liệu cũng được, về một sừng một siếc gì đó thì tùy.”

“Việc này cực kỳ khẩn cấp và cực kỳ quan trọng.”

“Ra thế, quan trọng đến mức nào?”

“Quá trình tiến hóa phụ thuộc vào nó.”

“Quá-trình-tiến-hóa?”, cô nhắc lại, giờ đã có vẻ giật mình. “Anh không định nói đến quá trình tiến hóa diễn ra trong hơn cả một triệu năm đấy chứ? Xin lỗi, nếu tôi hiểu nhầm, nhưng tôi không rõ tại sao lại khẩn cấp đến mức không đợi thêm được một ngày.”

“Có quá trình tiến hóa cần một triệu năm và có quá trình tiến hóa diễn ra trong ba tiếng đồng hồ. Tôi không giải thích qua điện thoại được. Cô hãy tin tôi. Việc này cực kỳ quan trọng. Bước phát triển tiếp theo của nhân loại phụ thuộc vào nó.”
“Như trong phim 2010: A Space Odyssey?”

“Chính xác”, tôi nói. Tôi đã xem phim này trên video không nhớ bao lần.

Cô không nói gì một hồi lâu.

“Cô đang phân vân liệu tôi có phải là một kẻ kỳ quặc hay thiểu năng, đúng không?”

“Anh đã hiểu đúng ý tôi”, cô nói.

“Tôi không điên”, tôi nói. “Có thể không ít thì nhiều tôi là một người lập dị và ngang ngạnh. Cũng có người ghét tôi, nhưng chưa ai bảo là tôi điên.”

“Được rồi, được rồi, anh nói không như một người điên. Có vẻ anh cũng không hẳn là một người xấu, ngoài ra anh còn mua kem cho tôi nữa. Thôi được. Sáu rưỡi. Ta gặp nhau trong tiệm cà phê cạnh thư viện. Tôi sẽ đem sách theo. Thế được chưa?”
“Tiếc rằng sự việc lại không đơn giản thế. Tôi không thể đi vào chi tiết, nhưng bây giờ tôi không thể ra khỏi nhà. Xin lỗi cô, nhưng…”

“Ý anh là…”, cô ngập ngừng. Tôi nghe cô lấy móng tay gõ lên răng cửa. “Anh đòi tôi đem sách đến nhà anh chứ gì. Bây giờ thì anh điên thật rồi.”

“Một ý tưởng vĩ đại”, tôi ngượng ngập nói. “Tuy vậy, tất nhiên, tôi không đòi, tôi chỉ hỏi thôi.”

“Anh hỏi hơi quá quắt đấy.”

“Tôi biết, tôi biết. Nhưng cô không thể tin được chuyện gì đang xảy ra đâu.”

Lại im lặng một hồi lâu. Cô im lặng chứ không phải âm thanh bị tắt đi, có thể nhận ra điều đó qua tiếng nhạc văng vẳng phía sau. Giai điệu Annie Lowly thông báo thư viện đã đến giờ đóng cửa.

“Tôi làm việc ở thư viện này đã năm năm rồi, nhưng tôi chưa gặp một khách mượn sách nào trơ tráo như anh”, cô nói. “Đòi mang sách đến tận nhà. Ngay lần đầu! Anh có thấy như thế là quá quắt không?”

“Có, tôi cũng thấy thế. Tôi rất áy náy. Tôi biết đây là một ngoại lệ lớn, nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác.”

“Tôi không rõ tại sao mình lại nhận làm việc này nữa. Đi đường nào đến nhà anh đây?”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2012 22:45:14 | Chỉ xem của tác giả
Chương 8

Ông Đại Tá



Tôi sợ là cậu không lấy lại cái bóng của mình được đâu”, ông đại tá vừa nói vừa nhâm nhi cà phê. Như đa số những người quen ra lệnh cho người khác bao năm trời, ông nói trong tư thế cứng nhắc, cằm vươn ra. Nhưng ông không phải người hãnh tiến hoặc nhiễu sự. Duy chỉ thời gian phục vụ trong quân đội đã đem lại cho ông tư thế cứng nhắc, cuộc sống theo quy chế và vô vàn kỷ niệm. Ông là hàng xóm lý tưởng của tôi. Thân thiện, rất trầm lặng và chơi cờ giỏi.


“Ông gác cổng nói đúng đấy”, ông đại tá già nói tiếp. “Cả về lý thuyết lẫn thực tế hiện nay không có cách nào để cậu nhận lại bóng mình đâu. Chừng nào cậu ở đây thì không được phép có bóng, và cậu chẳng bao giờ được phép rời khỏi thành phố nữa. Nói theo thuật ngữ quân sự thì đây là một ổ phục kích. Người ta có thể đặt chân vào, nhưng không bước ra được nữa. Chừng nào bức tường còn bao quanh thành phố.”


“Nhưng tôi đâu có nghĩ rằng bị mất bóng vĩnh viễn. Tôi tưởng đó chỉ là một biện pháp nhất thời. Và cũng chẳng ai chỉ dẫn cho tôi biết!”


“Ở đây không ai chỉ dẫn cho ai về bất cứ việc gì”, ông đại tá nói. “Thành phố này có những quy định chỉ riêng nó có, không quan tâm đến ai biết gì hoặc không biết gì. Đáng tiếc, nhưng không thể khác.”


“Thế bây giờ bóng tôi ra sao?”

“Chả sao cả. Nó cứ tồn tại thôi. Cho đến chết. Từ hôm ấy cậu đã thấy nó chưa?”


“Không. Tôi đến đó mấy lần nhưng ông gác cổng không cho, ông nói là vì lý do an ninh.”


“Chà, thế thì đành chịu thôi”, ông đại tá lắc đầu. “Ông gác cổng phụ trách canh giữ bóng và một mình chịu trách nhiệm đó. Tôi không làm gì giúp cậu được. Như cậu biết đấy, ông gác cổng là một người khó tính và nghiệt ngã, không chịu nghe ai bao giờ. Cậu chỉ có thể kiên nhẫn đợi đến khi ông ấy đổi ý.”


“Tôi đang làm thế đây”, tôi nói. “Nhưng ông ấy có gì phải lo ngại cơ chứ?”


Ông đại tá uống cạn cốc cà phê, đặt cốc lên đĩa và rút khăn tay ra lau miệng. Chiếc khăn cũng sờn nát như bộ đồ ông mặc trên người, nhưng chỉn chu và sạch sẽ không chê được.


“Ông ấy ngại cậu và bóng của cậu nhập làm một. Và nếu thế thì ông ấy lại phải làm thủ tục này lại từ đầu.” Nói đoạn ông quay về với bàn cờ của mình. Xét về quân cờ và nước đi thì bàn cờ ở đây hơi khác những gì tôi vẫn quen, do đó hầu như ván nào ông đại tá cũng thắng.


“Rất tiếc là khỉ của tôi thịt thầy tế của cậu.”


“Không sao”, tôi nói và đẩy quân tường thành không cho quân khỉ lùi. Thế cờ đã rõ ràng, hầu như chắc chắn là ông được, nhưng ông không lấy làm đắc thắng và vung gươm hạ thủ tôi, mà vẫn thận trọng đi từng nước. Ông không kỳ vọng thắng người khác mà chỉ sát hạch khả năng của mình.


“Tách khỏi bóng của mình và để nó chết, quả cũng cay đắng”, ông nói và đẩy kỵ sĩ sang cạnh, khéo léo chen giữa tường thành và Vua. Thực tế là Vua của tôi hở. Ba nước nữa là tôi bị chiếu bí. “Cay đắng cho bất kỳ ai, tôi ngày xưa cũng thế. Và nó khác với khi một đứa trẻ bị mất bóng và để nó chết, vì đứa trẻ chưa biết gì và chưa quen bóng của mình lắm, nhưng khi người ta đã có tuổi thì không đơn giản, tôi nói cho cậu biết. Bóng của tôi chết khi tôi 65. Ở tuổi ấy người ta có biết bao kỷ niệm chung.”


“Sau khi bị tách ra, bóng sống được bao lâu nữa?”


“Phụ thuộc vào bóng”, ông nói. “Có bóng khỏe và bóng không khỏe lắm. Nhưng bóng tách ra không thọ lâu ở thành phố này. Khí hậu ở đây không hợp. Mùa đông dài và lạnh. Có lẽ không bóng nào sống đến mùa xuân năm sau.”
Tôi ngắm tình thế trên bàn cờ một lát và chịu thua.


“Cậu còn có thể đi năm nước để thoát thế bị chiếu”, ông đại tá nói. “Không bõ công hay sao? Trong năm nước ấy người ta có quyền hy vọng đối thủ mắc sai lầm. Nước cuối cùng mới quyết định thua hay được.”


“Để tôi thử.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2012 22:46:40 | Chỉ xem của tác giả
Chương 8

Phần 2



Trong lúc tôi ngẫm nghĩ, ông ra cửa sổ, lấy ngón tay vạch tấm màn nặng ra và nhòm qua khe hẹp ấy.

“Mấy tuần này sẽ là thời gian khốn khó nhất của cậu ở đây. Như việc mọc răng vậy. Răng sữa rụng rồi, răng mới thì chưa mọc. Cậu hiểu ý tôi nói gì chứ?”


“Ý ông là bóng tôi tuy đã bị tách ra nhưng chưa chết?”


“Chính xác”, ông nói và gật đầu. “Tôi còn nhớ rõ. Người ta chưa tìm thấy được sự cân bằng giữa cái đã qua và cái chưa đến. Do đó người ta không đồng thuận với chính mình. Nhưng khi răng mới đã nhú ra thì người ta quên răng cũ thôi.”
“Nghĩa là khi tâm hồn biến mất?”


Ông đại tá không trả lời câu này.


“Xin lỗi vì tôi hỏi nhiều như vậy”, tôi nói. “Nhưng tôi hầu như chẳng biết gì về thành phố cả. Mọi thứ ở đây đều làm tôi rối trí. Thành phố được tổ chức ra sao, tại sao cần tường thành cao thế, lý do gì ngày nào cũng thả súc vật ra rồi lại dồn vào, những giấc mơ xưa là gì – muôn vàn câu đố kỳ bí. Và ông là người duy nhất để tôi hỏi!”


“Không phải cái gì tôi cũng biết cặn kẽ”, ông khẽ nói. “Ngoài ra, có những chuyện mà tôi không giải thích đơn giản cho cậu hiểu được, và có những chuyện tôi không được phép cho cậu biết. Nhưng thực sự là cậu không cần phải lo lắng. Về khía cạnh nào đó thì thành phố này công bằng. Những gì cậu nhất thiết phải có và phải biết thì người ta sẽ trao cho cậu, đúng tuần tự. Và cậu là người có trách nhiệm học hỏi kỹ lưỡng mọi thứ. Đây là một thành phố hoàn hảo, cậu hiểu chưa? Hoàn hảo nghĩa là cái gì cũng có. Nhưng chừng nào người ta không thực sự thấu thị thì cũng chẳng có gì cả. Hư vô hoàn hảo. Cậu hãy ghi lòng tạc dạ! Những gì người khác dạy cậu thì vẫn là của người khác – chỉ cái gì cậu tự học hỏi được mới đọng lại trong tâm trí cậu. Chỉ có thế cậu mới tiến được. Vậy thì mở mắt ra, dỏng tai lên, bắt đầu óc hoạt động và cố hiểu ý nghĩa những gì ở thành phố này trao cho cậu. Và nếu cậu có tâm hồn – hãy sử dụng nó chừng nào cậu còn có nó. Đó là tất cả những gì tôi có thể khuyên cậu.”



Khi ánh huy hoàng đã tàn tạ của khu công nhân, nơi cô thủ thư sống, chìm vào bóng tối thì khu công chức ở mạn tây nam thành phố cũng chuẩn bị vĩnh viễn mất nốt màu sắc của nó trong ánh nắng khô rang – do mưa xuân tẩy bợt màu, nắng hè nung đốt và gió đông cứa như dao. Dọc triền dốc thoai thoải bát ngát được gọi là “Đồi Tây”, từng dãy nhà trắng hai tầng liền kề nhau. Đó là các ngôi nhà công vụ, khởi thủy dành cho ba gia đình chung một nhà, tuy nhiên chỉ có phần cửa ra vào xây nhô ra là chung nhau. Tất cả quét màu trắng: lớp ván ốp ngoài bằng gỗ tuyết tùng, cửa đi, cửa sổ, hàng hiên – nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu trắng. Đồi Tây hiện ra trong mọi cấp độ của màu trắng, từ màu trắng mới quét sáng lóa thiếu tự nhiên và trắng ố vàng do bị nắng thiêu hằng ngày cho đến một thứ trắng không đáng được gọi tên ấy vì đã bị gió mưa làm cho tàn tạ - tất cả mọi sắc độ trắng ấy có mặt dọc theo những đường rải sỏi chạy quanh đồi. Nhà ở đây không có hàng rào. Chỉ thấy các luống hoa chạy dài trước hiên rộng chừng một thước được chăm chút chu đáo. Hoa nghệ tây, hoa păng xê và cúc vạn thỏ nở vào tiết xuân, cúc tây vào mùa thu. Tới mùa hoa nở, các ngôi nhà trông giống nhà hoang một cách kỳ lạ.


Nghe nói ngày xưa đây từng là một khu “cao cấp” xứng với cái tên ấy. Vì hôm nay, nếu lang thang đi qua khu này ta vẫn cảm thấy hồn phách của một thời đã qua. Cứ như vẫn có trẻ nô đùa ngoài phố, có tiếng dương cầm và mùi thơm của bữa tối lãng đãng trong không khí. Tôi cảm thấy có thể sờ tận tay được vào những ký ức đó, dường như bước xuyên được nhiều cánh cửa trong suốt dẫn đến quá khứ.


Như tên của khu này cho thấy, ngày xưa các công chức sống ở đây. Không phải công chức cao cấp, cũng chẳng phải loại lẹt đẹt, mà là tầm trung, những người phải có chút cố gắng mới giữ được mức sống giản dị của mình.


Nhưng giờ đây không ai trong số họ còn ở đây nữa. Tôi không rõ họ biến đi đâu.


Thế chỗ họ là đám quân nhân đã về hưu. Họ bỏ lại bóng và sống cuộc đời cô đơn của mình trên Đồi Tây – ai lo phận nấy, như những vỏ kén rỗng dính trên tường nhà. Họ chẳng có gì để chăm chút trong cuộc đời này nữa. Cứ mỗi nhà có sáu đến chín người già ở.


Ông gác cổng phân cho tôi một trong những căn hộ công vụ ấy làm nơi trú ngụ. Trong nhà ấy, ngoài ông đại tá còn có hai thiếu tá, hai thượng úy và một hạ sĩ. Viên hạ sĩ làm bếp và mọi việc vặt khác cho tất cả. Như vẫn trong quân đội. Mấy ông già này không gia đình; giữa những công tác chuẩn bị chiến tranh, đánh nhau và tái thiết, giữa phong trào cách mạng và phản cách mạng không còn thì giờ nào nữa mà lập gia đình.


Họ dậy sớm và ăn sáng vội vã theo thói quen để rồi sau đó lao vào các việc thường nhật, tuy chẳng ai ra lệnh. Người thì lấy bay cạo sơn cũ trên đoạn tường nhà nào đó, người thì nhổ cỏ dại ngoài vườn, người khác sửa đồ gỗ hoặc đẩy xe cút kít xuống chân đồi lĩnh khẩu phần thực phẩm cho cả nhà. Sau khi xong việc buổi sáng, các ông già tụ họp trong ánh nắng chiều và phiêu diêu với kỷ niệm.


Tôi được phân một phòng hướng đông ở tầng hai. Tầm nhìn ra ngoài không tốt vì bị một quả đồi chắn phía trước, tuy vậy tôi vẫn còn thấy được một khúc sông và tháp đồng hồ.


Hình như căn phòng bị bỏ không từ lâu, tường đầy những vết ố sẫm màu, cửa sổ bám đầy bụi. Rèm cửa dày có mùi ẩm mốc. Ván sàn đôi chỗ sứt sẹo và nghiến cọt kẹt theo mỗi bước đi.


Sáng sớm, ông đại tá vào ăn sáng chung với tôi. Buổi chiều hai người ngồi trong căn phòng kéo rèm lén lút đánh cờ. Chiều nắng rực rỡ mà ngồi đánh cờ thì rõ là chẳng cách nào cho tiêu hết thời gian.


“Trời đẹp mà thanh niên như cậu phải ngồi trong một phòng cớm nắng thì ngắn nhỉ”, ông đại tá nói.


“Tôi cũng thấy thế.”


“Tôi thì lại thấy tuyệt vời, rốt cuộc tôi đã có một bạn chơi cờ. Vì những người kia không thích nữa.”


“Vì sao ông bỏ bóng mình đi?”


Ông già đăm đăm ngó xuống các ngón tay mình tắm trong ánh nắng xiên qua kẽ cửa sổ mở hé, nhưng rồi cũng rời ngay cửa sổ để quay về ngồi bên bàn đối diện tôi. “Hừm”, ông nói. “Có lẽ vì tôi đã bảo vệ thành phố này rất lâu. Chắc tôi nghĩ, nếu tôi rời bỏ thành phố thì đời tôi cũng mất ý nghĩa. Cho đến giờ thì tôi không bận tâm gì nữa, tuy vậy…”


“Đã có lần nào ông hối hận đã bỏ bóng mình đi không?”


“Không. Tôi không bao giờ hối hận bất cứ gì”, ông già nói và lắc đầu quầy quậy. “Không một lần duy nhất nào. Tôi cũng chẳng biết hối hận bao giờ.”


Tôi ăn quân khỉ của ông và có chỗ cho Vua di chuyển.


“Nước ấy khá lắm”, ông già nói. “Cậu để tường thành chắn hết, và Vua lại có chỗ. Nhưng bây giờ kỵ sĩ của tôi cũng di chuyển được.”


Trong lúc ông ngẫm nghĩ nước tiếp theo, tôi đi đun nước pha cà phê. Sẽ còn vô số những buổi chiều như thế này, tôi tự nhủ. Ở thành phố này, giữa những bức tường cao vòi vọi, mi sẽ không còn lựa chọn nào nữa.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2012 22:48:49 | Chỉ xem của tác giả
Chương 9

Ngon Miệng, Thất Vọng,

Leningrad


Trong khi đợi cô gái, tôi chuẩn bị một bữa tối đơn giản. Tôi nghiền mơ muối làm nước xốt chua ngọt trộn gỏi, chiên cá mòi, đậu phụ và khoai lang, luộc thịt bò thái lát với củ cần tây. Còn chút thì giờ, tôi luộc đậu với gừng để ăn với nước xốt vừng. Kết quả không để nỗi nào. Trong khi nấu tôi uống một lon bia, rồi tôi lăn ra giường nghe đĩa và nhìn lên trần nhà.


Quá bảy giờ và bên ngoài đã tối, nhưng cô gái vẫn chưa thấy đâu. Có thể cô đã nghĩ lại. Thậm chí tôi cũng chẳng dám trách cô. Cô đến mới lạ.


Đang tìm một đĩa nhạc mới thì tôi nghe tiếng chuông. Tôi nhòm qua lỗ quan sát: cô gái ở thư viện đứng trước cửa, tay cầm sách. Tôi hé cửa, để nguyên xích chằng và hỏi cô có còn thấy ai ở ngoài hành lang không.


“Không, không có ai”, cô nói.

Tôi gỡ xích và mời cô vào nhà, đóng ngay cửa lại và xoay chìa khóa.


“Thơm quá”, cô nói và hít hà. “Tôi có được phép vào bếp không?”


“Cứ tự nhiên, xin mời. Cô có thấy ai đáng chú ý ở trước nhà không, công nhân xây dựng chẳng hạn? Hoặc có người nào ngồi trong xe đang đỗ?”


“Không, không có ai”, cô nói và đặt hai cuốn sách cô đem đến xuống bàn, ra bếp mở hết các vung ra. “Anh đã nấu tất cả các món này à?”


“Dĩ nhiên”, tôi nói. “Nếu cô đói thì xin mời cùng ăn. Cũng chẳng có gì đặc biệt đâu.”


“Sao anh nói thế? Mấy món này tôi thích lắm.”


Tôi dọn thức ăn ra bàn và hài lòng ngắm cô ăn hết món nọ đến món kia. Thấy người ta ăn say sưa như thế thì cũng bõ công nấu. Tôi rán đậu phụ to lửa và rắc cải cay lên để nhắm với whiskey. Cô gái không nói một lời khi ăn. Tôi mời rượu, nhưng cô từ chối.


“Cho tôi xin ít đậu phụ được không?”, cô nói. Tôi đẩy chỗ đậu phụ còn lại sang cho cô và chỉ uống chay whiskey.


“Hãy còn cơm và mơ muối đấy, xúp miso nấu cũng chóng thôi”, tôi nói đề phòng cô ăn không được thoải mái.

“Thế thì tuyệt quá”, cô nói.


Tôi nhanh tay đun ngước xuýt, cho rong biển, hành lá vào làm một nồi súp miso, bưng ra cùng với cơm và mơ muối. Trong nháy mắt cô làm hết trơn. Cuối cùng trên bàn chỉ còn chỏng chơ mấy hạt mơ. Cô thốt lên mãn nguyện: “Cảm ơn anh, ngon quá!”

Chưa bao giờ tôi chứng kiến một cô gái thon thả và xinh xắn như cô mà lại có một sức ăn đáng nể như vậy. Quả là một thành tích lớn. Sau khi cô ăn xong, tôi chỉ ngồi đó nhìn cô một lúc lâu, nửa vì khâm phục, nửa cũng vì sửng sốt không biết nói gì.
“Lúc nào cô cũng ăn nhiều thế à?”, tôi hỏi thẳng thừng.


“Tất nhiên. Đại khái như hôm nay”, cô nói, không đổi nét mặt.


“Và cô không bị béo?”


“Tôi bị giãn bao tử”, cô nói. “Ăn mấy cũng được, không bao giờ lên cân.”


“Nhưng sẽ tốn tiền đi chợ chứ?”, tôi hỏi. Chả gì thì mình cô đã đánh sạch bữa tối và cả suất trưa mai của tôi nữa.


“Chứ sao nữa!”, cô nói. “Gần như toàn bộ lương tháng của tôi chỉ để mua thức ăn đấy.”


Tôi mời cô rượu lần nữa. Cô xin một lon bia. Tôi lấy bia từ tủ lạnh và cẩn thận ném thêm hai nắm xúc xích vào chảo rán. Bụng bảo dạ, chắc nàng cũng đầu hàng thôi. Nhưng tôi chưa kịp ăn hai cái, chỗ còn lại cô ăn tất. Sự ngon miệng của cô quét sạch mọi thực phẩm như một khẩu đại liên phạt phăng bụi cây. Trước mắt tôi, khoản dự trữ cho một tuần bay veo.


Tôi bưng tiếp cho cô salad khoai tây làm sẵn mà tôi đã cho thêm rong biển và cá thu. Món này cô chiêu xuống với lon bia thứ hai.


“Giờ thì tôi ổn rồi!”, cô nói. Tôi mới chỉ nhấp ly whiskey thứ ba và hầu như chưa chạm đũa. Mải say mê ngắm cô ăn, tôi hầu như quên cả đói.


“Tôi còn một bánh kem sô cô la để tráng miệng nữa”, tôi nói. Dĩ nhiên là cô không lắc đầu. Tôi thích nấu, nhưng ăn thì như mèo. Chỉ nhìn đồ ăn là tôi đã thấy lợm giọng.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách