Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Misty.Rain
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Viễn Tưởng - Xuất Bản] Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới | Haruk

[Lấy địa chỉ]
91#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:37:14 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25



“Sao chép lại bộ não?”
“Không, não không sao chép được. Tôi chỉ cố định hệ thống nhận thức của anh trên bình diện hiện tượng học mà thôi. Đó là cấu trúc tâm lý ở một thời điểm nhất định. Trước sự linh hoạt của não quy chiếu vào thời gian tính thì ta chỉ còn cách đầu hàng. Tuy nhiên tôi đã tiến được thêm một bước: tôi đã thành công khi hiển thị được hộp đen của anh trên máy tính.” Giáo sư nhìn tôi và cô cháu gái mũm mĩm của mình với ánh mắt mong đợi. “Hiển thị được cốt lõi ý thức hệ của anh! Một việc chưa ai từng làm được – vì từng được coi là bất khả thi. Tôi đã làm được. Anh nghĩ là tôi đã làm như thế nào?”
“Tôi làm sao biết được.”
“Tôi đã đưa đồ vật cho những người tham gia thí nghiệm xem, phân tích các phản ứng điện tử trong óc họ, số hóa các giá trị đó rồi biến thành điểm chấm. Thoạt tiên tôi chỉ nhận được các hình phác họa sơ sài, nhưng nếu liên tục cân bằng và bổ sung thì rốt cuộc cũng có trên màn hình máy tính hình ảnh của các đồ vật như người tham gia thí nghiệm đã nhìn thấy chúng. Không lời nào tả xiết sự gian nan và kiên trì để làm việc ấy. Nhưng đại thể là như tôi vừa miêu tả. Sau khi lặp đi lặp lại vô số lần, cuối cùng thì máy tính cũng nhận ra các hình mẫu và tự động dựa vào các phản ứng của dòng điện trong não để tạo ra hình ảnh. Máy tính quả là những tạo vật đáng yêu. Khi người ta ra lệnh cho nó có logic thì nó cũng làm việc một cách logic.
Bước kế tiếp là tôi cho các dữ liệu hộp đen của anh vào máy tính đã có sẵn các hình mẫu. Và quả thật nó thể hiện lõi ý thức hệ thành hình ảnh, rất xuất sắc. Dĩ nhiên đó chỉ là các mảnh rời rạc và hỗn độn, ở trạng thái thô này không có ý nghĩa gì hết. Phải hệ thống hóa chúng lại, như người ta ghép các hình ảnh thành một bộ phim, một câu chuyện có đầu có đuôi.”
“Một câu chuyện?”
“Có gì kỳ lạ lắm đâu”, giáo sư nói. “Các nhạc sĩ giỏi chuyển ý thức thành âm nhạc, họa sĩ chuyển thành màu, và nhà văn thành câu chuyện. Cùng một nguyên tắc cả thôi. Đương nhiên trong việc này có sự chệch choạc, không phải chi tiết nào cũng theo dõi được chính xác, nhưng về đại thể đó là phương thức nắm bắt được ý thức một cách hữu hiệu. Khi quan sát một loạt hình ảnh sắp xếp hỗn loạn, cho dù mỗi hình ảnh mang tính chính xác thì người ta sẽ không nắm được nội dung. Không nhất thiết mọi thứ đều phải chính xác. Việc thể hiện này tôi làm vì mục đích cá nhân, gọi là thú vui cũng được.”
“Thú vui?”
“Ngày xưa, hồi trước chiến tranh, tôi làm trợ lý cắt cảnh bên điện ảnh. Những việc ấy là sở trường của tôi. Ý tôi định nói là sắp xếp các cảnh hỗn loạn. Tôi chui về phòng thí nghiệm và cắt ghép một mình, không cần các cộng tác viên khác. Tôi tin rằng không ai biết tôi làm gì. Tôi giấu những dữ liệu được hiện hình như của riêng và đem về nhà. Chúng là của tôi.”
“Ông đã hiện hình tất cả hai mươi sáu cấu trúc não bộ?”
“Phải. Tất cả. Mỗi người tôi đánh dấu một tên, đồng thời cũng là tên hộp đen. Tên của anh là ‘Tận cùng thế giới’ phải không?”
“Chính xác. ‘Tận cùng thế giới’. Nhưng lý do tại sao? Thú thực là cái tên này luôn làm tôi ngạc nhiên.”
“Ta sẽ bàn chuyện đó sau”, giáo sư nói. “Dù sao chăng nữa thì không người nào biết đến việc hiện hình thành công cấu trúc của hai mươi sáu não bộ. Và tôi cũng chẳng kể cho ai hay. Tôi không muốn công trình nghiên cứu này dính dáng đến Hệ thống. Tôi đã hoàn thành mỹ mãn dự án mà Hệ thống giao cho, và tôi được phép tiến hành các thí nghiệm cần thiết trên người. Tiếp tục tiến hành các nghiên cứu khác để tạo lợi nhuận cho người khác thì tôi không khoái. Tôi muốn trở lại vị trí một nhà khoa học tự do, lúc thì quan sát vấn đề này, lúc thì xem vấn đề khác. Tôi không phải kiểu người chỉ biết hiến thân cho một nhiệm vụ. Tôi phải bắt tay vào nhiều việc cùng một lúc, đó là tạng người tôi. Nhưng là nhân viên phụ thuộc vào chủ thì khó lắm. Do đó tôi báo với Hệ thống là tôi thôi việc – công việc khoa học đã xong, nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất, phần còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật. Hệ thống không muốn nhả tôi ra. Tôi biết quá nhiều. Họ nghĩ rằng ở giai đoạn đó, nếu tôi chạy sang với bọn Nhà máy thì các hoạch định xáo dữ liệu sẽ là bong bóng xà phòng. Đối với Hệ thống, ai không là bạn nghĩa là thù. Họ đề nghị tôi đợi thêm ba tháng. Tôi được phép rảnh tay nghiên cứu ở đó, không cần làm việc gì cho Hệ thống, họ sẽ phát lương bổng đặc biệt, vân vân. Ba tháng sau, khi thời hạn bảo vệ tối mật chấm dứt thì tôi có thể ra đi. Tôi muốn tự do, không chịu được xiềng xích, nhưng các điều kiện họ mời không đến nỗi tôi. Vì vậy tôi ở thêm ba tháng nữa, làm việc này việc nọ và nghỉ ngơi thoải mái.
Nhưng nhàn cư vi bất thiện. Nhiều thì giờ rảnh khiến tôi nảy ra ý định ghép thêm một bảng mạch nữa vào các anh – những người tham gia thí nghiệm. Trong bảng mạch này tôi cấy thêm lõi ý thức hệ do tôi cắt ghép được.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

92#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:38:32 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25



“Nhưng để làm gì cơ?”
“Thứ nhất là để xem nó có hiệu quả gì đối với người tham gia thí nghiệm. Tôi muốn biết một ý thức hệ do người lạ cắt ghép và sắp xếp hoạt động ra sao. Đây là một trường hợp chưa hề có tiền lệ trong lịch sử loài người. Và dự định thứ hai của tôi – tất nhiên chỉ là một tác dụng phụ - một khi Hệ thống đã cho phép tôi muốn làm gì tùy thích thì tôi sẽ hiểu câu đó theo đúng nghĩa đen và làm những gì tôi thích. Tôi định cấy thêm ít nhất một chức năng mà Hệ thống không hề biết.”
“Đó là động cơ duy nhất của ông hay sao?”, tôi hỏi. “Chỉ vì thế mà ông nghí ngoáy trong não chúng tôi và đặt thêm vài đường ray cho cái tàu hỏa đồ chơi của ông?”
“Anh có quyền nghĩ thế, và tôi rất xấu hổ. Tôi xấu hổ không lời nào tả xiết. Tôi không rõ anh có hiểu không, nhưng trí tò mò khoa học khó bị kiềm chế dễ dàng. Tất nhiên tôi phản đối những thí nghiệm trên người và sinh vật sống mà các nghiên cứu nhân chủng học cộng tác với bọn Nazi đã tiến hành ở trại tập trung, nhưng đồng thời tôi cũng tự vấn trong lương tâm, tại sao khi đã làm các thí nghiệm đó người ta không làm cho khéo hơn và hữu hiệu hơn. Các nhà khoa học lấy cơ thể người làm đối tượng nghiên cứu đều nghĩ như vậy. Vả lại công việc của tôi không bao giờ làm tổn hại đến sinh mạng nào. Tôi chỉ cộng một vào hai cho thành ba. Tôi thay đổi bảng mạch một chút, nhưng qua đó không gây thêm áp lực cho não. Tôi lấy những chữ cái đã có sẵn để lắp thành một khối mới, không làm gì hơn.”
“Sự thật là ngoài tôi ra, các ứng viên khác trong dự án xáo dữ liệu đều chết cả. Tại sao?”
“Tôi không biết”, ông nói. “Trong hai mươi sáu ứng viên được chuẩn bị cho hệ thống xáo dữ liệu, hai mươi lăm người đã chết, đúng thế. Tất cả cùng chết một kiểu, hệt như đúc một khuôn. Họ lên giường, ngủ thiếp đi và không tỉnh dậy nữa.”
“Vậy thì tôi sẽ ra sao?”, tôi hỏi. “Có thể mai cũng đến lượt tôi.”
“Chuyện không đơn giản như vậy”, giáo sư nói và ngọ nguậy dưới tấm mền. “Thời điểm chết tập trung vào nửa năm. Trong khoảng tháng thứ mười bốn và hai mươi sau khi phẫu thuật. Tất cả hai mươi lăm người đều chết trong nửa năm đó. Trái lại thì anh vẫn xáo được dữ liệu mà không thấy tác hại nào, đến nay đã được ba mươi chín tháng. Có nghĩa là anh có một cơ địa đặc biệt mà những người khác không có.”
“Ông nói vậy nghĩa là sao, đặc biệt theo nghĩa nào?”
“Từ từ đã nào. Sau khi phẫu thuật anh có thấy xuất hiện một số triệu chứng khó hiểu không? Ảo giác, ù tai, ngất, hay tương tự thế?”
“Không”, tôi nói. “Không có những triệu chứng ấy. Tôi nghĩ là từ đó tôi phản ứng nhạy hơn với một số mùi nhất định. Chủ yếu là mùi trái cây.”
“Những người kia cũng vậy. Hương vị một số trái cây tác động vào bảng mạch đã được cấy trong não. Tôi không biết nguyên nhân, nhưng đó là sự thật. Anh không bị ngất, ù tai hay ảo giác chứ?”
“Không”, tôi đáp.
“Ra thế.” Giáo sư ngẫm nghĩ một hồi. “Anh còn nhận ra điều gì nữa không?”
“Tôi cũng vừa nhận ra một điều. Ý tôi là một số ký ức đã bị lãng quên, nay xuất hiện trở lại. Thoạt tiên chỉ là các nét thoáng qua, không khiến tôi để ý lắm, nhưng lúc này nó hiện ra rõ rệt và trụ lại lâu hơn. Nguyên do chắc chắn là tiếng nước gầm. Song đó không phải ảo giác, mà là ký ức, chắc chắn như vậy.”
“Không, không phải ký ức”, giáo sư phủ định. “Anh tưởng là ký ức, nhưng kỳ thực là những cầu nối nhân tạo do chính anh tạo ra. Giữa cấu trúc nhân cách nguyên thủy của anh và ý thức hệ do tôi cấy ghép dĩ nhiên là có những điểm vênh, và anh muốn san bằng điểm vênh ấy, như thể để công nhận chúng tồn tại.”
“Tôi không hiểu. Chuyện đó chưa hề xảy ra ở tôi, tại sao vào thời điểm này?”
“Vì tôi đã bẻ ghi và cho chạy bảng mạch thứ ba”, giáo sư nói. “Nhưng ta hãy đi theo đúng thứ tự. Như thế sẽ dễ kể hơn, và anh sẽ hiểu câu chuyện rõ hơn.”
Tôi lôi chai whiskey ra uống một ngụm. Cam đoan lại sắp đến một chuyện khủng khiếp nữa.
“Sau cái chết của tám ứng viên đầu tiên, Hệ thống gọi tôi đến. Tôi phải tìm nguyên nhân tử vong. Thú thực là tôi không muốn dây dưa gì với Hệ thống nữa, song nói cho cùng thì kỹ thuật này do tôi làm, và khi động đến tính mạng người thì tôi không thể từ chối được. Vậy là trước tiên tôi đến để lấy thông tin. Họ miêu tả bối cảnh khi chết và cho tôi xem báo cáo xét nghiệm tử thi. Cả tám người, như tôi vừa nói, chết giống nhau, không rõ nguyên nhân. Cơ thể và óc không cho thấy dấu vết vũ lực, hô hấp cứ thế nhẹ nhàng chấm dứt. Tựa như bị đánh thuốc mê vậy. Trên khuôn mặt họ không thấy dấu vết vật lộn.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

93#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:40:23 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25



“Ông có xác định được nguyên nhân tử vong không?”
“Không. Dĩ nhiên người ta có thể đoán này đoán nọ và đưa ra giả thuyết. Khi tám toán sư được huấn luyện để xáo trộn dữ liệu lần lượt chết thì không thể coi đó là tình cờ được. Phải có biện pháp. Đó là nghĩa vụ của người làm khoa học. Phỏng đoán của tôi như sau: hoặc là một tiếp điểm bị lỏng, tắt hay hỏng đã hủy hoại hệ thống não bộ, các chức năng lão không chịu đựng nổi năng lượng được giải tỏa. Hoặc bộ phận cấy vào vẫn tốt, vậy thì vấn đề phải nằm ở lõi ý thức hệ được kích hoạt trong một thời gian rất ngắn không cần thiết để xáo dữ liệu, và sự kích hoạt ấy quá sức chịu đựng của não người.” Giáo sư kéo chăn lên tận cằm và ngừng một lát mới tiếp lời: “Tôi thì phỏng đoán như vậy. Không nhất thiết là đúng. Nhưng khi ta quan sát toàn bộ tình thế thì hai nguyên nhân ấy có xác suất lớn nhất, thậm chí đồng thời cả hai.”
“Khám nghiệm não không đem lại kết quả nào?”
“Não không phải là cái máy nướng bánh mì hay máy giặt. Người ta không thấy dây điện, không thấy công tắc. Nếu có gì thay đổi thì đó là các dòng chảy vô hình trong não, khám nghiệm các tiếp điểm sau khi chết chẳng có ích gì. Có thể theo dõi các trục trặc khi não còn sống, đúng, nhưng chết rồi là hết. Có thấy thì chỉ thấy tổn thương hoặc ung bướu, nhưng ở họ không có. Tất cả đều nguyên vẹn.
Vì vậy chúng tôi gọi mười người trong số tham gia thí nghiệm còn sống đến phòng thí nghiệm để khám lại lần nữa. Chúng tôi làm điện não đồ, bật đi bật lại giữa các cấu trúc tư duy để tin chắc là các tiếp điểm hoạt động tốt. Chúng tôi trò chuyện chi tiết, hỏi xem họ có vấn đề về cơ thể hay thần kinh, vấn đề về thính giác hay ảo giác – hoàn toàn không. Không có gì đáng phải lo ngại. Tất cả khỏe mạnh, tất cả xáo dữ liệu ổn thỏa. Chúng tôi đoán là ở tám toán sư bị chết đã có sẵn lỗi não bộ, không thích hợp với công tác xáo dữ liệu. Không rõ đó là lỗi gì, nhưng chắc chắn sẽ nghiên cứu ra, chỉ cần giải quyết vấn đề này trước khi giải phẫu thế hệ xáo dữ liệu thứ hai.
Đó chính là sai lầm. Tháng sau có thêm năm người nữa chết, trong đó có ba người vừa được chúng tôi khám nghiệm kỹ lưỡng. Những người mà trước đó đã được chúng tôi chăm sóc theo đúng mọi quy tắc của y tế và cho rằng khỏe mạnh. Quả là một cú sốc. Một nửa trong số hai mươi sáu người tham gia thí nghiệm đã chết mà nguyên nhân không thể tìm ra. Đây không phải là chuyện tương thích hay không nữa, mà là vấn đề sống còn. Nói một cách khác, ý tưởng bật tắt giữa hai ý thức hệ khác nhau đã là chuyện bất khả thi cho não bộ ngay từ đầu. Tôi đề nghị Hệ thống ngừng ngay dự án. Chấm dứt việc xáo dữ liệu và lấy ra các thứ đã cấy vào những người tham gia thí nghiệm còn sống. Bằng không sẽ phải tính đến khả năng cả hai mươi sáu người sẽ chết. Hệ thống không tin, và bác bỏ đề nghị của tôi.”
“Vì sao?”
“Hệ thống xáo dữ liệu hoạt động xuất sắc, nay không thể đột ngột chấm dứt, vì tất cả sẽ bị đình trệ. Thêm vào đó không ai biết chắc là cả hai mươi sáu người sẽ chết, và nếu có ai sống sót thì đó sẽ là nguồn tài liệu nghiên cứu thích hợp cho các nghiên cứu tiếp tục. Lập tức tôi từ bỏ họ.”
“Và tôi là người duy nhất sống sót?”
“Đúng thế.”
Tôi đựa đầu vào vách đá sau lưng, nhìn đăm đăm lên trần và xoa tay lên những sợi râu lởm chởm. Lần cuối tôi cạo râu là bao giờ? Tôi không nhớ nữa. Trông tôi chắc phát khiếp.
“Vì sao tôi không chết?”
“Tôi cũng chỉ có một giả thuyết”, giáo sư nói. “Giả thuyết dựa trên một giả thuyết. Nhưng linh cảm nói với tôi rằng tôi không đoán sai lắm. Có lẽ là anh đã luôn luôn dùng một tư duy kép. Tất nhiên là dùng một cách vô thức. Vô thức và bất giác anh đã chia đôi cấu trúc nhân cách của mình. Cho phép tôi dùng lại hình ảnh vừa rồi: anh đã luôn có một cái đồng hồ trong túi quần trái và cái nữa trong túi phải, tiếp điểm đã có sẵn, và anh được miễn dịch về tâm lý. Đó là giả thuyết của tôi.”
“Có dấu hiệu gì chứng minh không?”
“Có chứ. Trong hai, ba tháng vừa rồi tôi đã xem lại tất cả hai mươi sáu hộp đen được hiện hình, tức là hai mươi sáu cấu trúc tư duy. Và tôi nhận thấy rằng hộp đen của anh có cấu trúc mạch lạc nhất, không bị đứt gãy, và có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Tóm lại, hộp đen của anh hoàn hảo. Nó có thể là một tiểu thuyết hay một cuốn phim chỉn chu. Ở hai mươi lăm người kia thì không thế. Chúng hỗn độn, tối tăm, tan tác, ngay cả khi được cắt ghép cũng thiếu mối liên hệ và khó hiểu. Chẳng hơn gì những giấc mơ được nối với nhau. Hộp đen của anh hoàn toàn khác. Nó khác biệt như bức tranh của một nghệ sĩ hội họa so với một đứa trẻ vẽ.
Tôi cứ băn khoăn mãi về lý do và cho rằng chỉ có một lời giải: tự anh đã can thiệp vào và thiết kế. Vì vậy mà trong đống tranh ảnh thu thập có một cấu trúc mạch lạc phi thường. Lại nói một lần nữa bằng hình ảnh: anh đã xâm nhập vào nhà máy voi trong tiềm thức của mình và tự tạo ra một con voi. Dĩ nhiên là không ý thức được điều đó.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

94#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:42:44 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25


“Tôi thật khó tin chuyện đó”, tôi nói.
“Tôi nghĩ là có nhiều nguyên nhân”, giáo sư nói. “Các trải nghiệm thời thơ ấu, môi trường gia đình, sự khách quan hóa cái Tôi quá mức, ý thức tội lỗi… ở anh chủ yếu là xu hướng tự cô lập mình một cách cực đoan. Không đúng thế sao?”
“Có thể đúng”, tôi nói. “Giả sử mọi phỏng đoán đều đúng, sẽ có gì xảy ra?”
“Chẳng có gì cả. Nếu người ta để cho anh yên thân thì anh sẽ sống trăm tuổi. Nhưng có vài lý do để tin là người ta không để anh yên. Trong cuộc chiến tranh dữ liệu này, bất kể anh muốn hay không, nhưng anh đã giữ một vị trí then chốt. Sắp tới Hệ thống sẽ phát động một dự án kế tiếp mà anh là mô hình. Họ sẽ phân tích anh kỹ lưỡng, tháo anh ra thành từng mảnh nhỏ. Cụ thể họ sẽ làm gì thì tôi không rõ, nhưng sẽ không hay ho gì lắm cho anh đâu. Chuyện đó thì tôi chắc chắn, cho dù tôi là một người khá xa dời thực tế. Bằng cách nào đó, tôi muốn cứu anh.”
“Tuyệt quá”, tôi rên lên. “Ông đanh định cứu tôi bằng cách tẩy chay dự án ấy phải không?”
“Tôi đã nói mấy lần rồi: tôi không thích bán rẻ các công trình nghiên cứu của mình. Ngoài ra tôi không muốn tham gia một dự án mà không biết nó có thể lấy đi tính mạng bao nhiêu người. Trong vụ này tôi đã học được mấy điều. Tôi ngán tận cổ, vì vậy tôi đã xây phòng thí nghiệm dưới lòng đất và tránh giao tiếp với mọi người. Chỉ mình Hệ thống thôi còn tạm được, nhưng giờ đây bọn Nhà máy cũng muốn lôi kéo tôi. Đơn giản là những tổ chức khổng lồ như vậy không hợp với tôi. Họ là những người chỉ nghĩ đến mình trước tiên.”
“Vì sao ông nhọc nhằn nhiều như vậy vì tôi? Vì sao ông ngụy tạo lý do để gọi tôi đến?”
“Tôi muốn thẩm định giả thuyết của mình trước khi bọn Hệ thống hay Nhà máy tóm được anh. Nếu tôi chứng minh được giả thuyết đó là đúng thì có thể anh sẽ được yên thân. Trong các số liệu mà tôi đưa anh tính có mật mã để cập nhật bảng mạch thứ ba. Nói cách khác là sau khi chuyển sang ý thức hệ thứ hai anh đã đẩy công tắc thêm một nấc nữa và tính toán trong hệ thống thứ ba.”
“Hệ thống thứ ba là hệ thống do ông cắt ghép và làm cho hiện hình phải không?”
“Chính xác”, giáo sư gật đầu.
“Tại sao nó giúp ông xác thực giả thuyết của mình?”
“Ta nói đến các điểm vênh. Anh đã vô thức nắm được lõi ý thức hệ của mình. Do đó khi dùng ý thức hệ thứ hai không xảy ra vấn đề gì. Nhưng bảng mạch thứ ba là hệ thống do tôi cắt ghép, do đó khi sử dụng nhất định sẽ có điểm vênh. Các điểm vênh sẽ gây ra phản ứng nào đó ở anh, và tôi muốn đo chúng. Lẽ ra kết quả sẽ cho anh khả năng đánh giá được bản chất, cường độ và điều kiện lệ thuộc của những điều giấu kín trong ý thức hệ của mình một cách chính xác hơn.”
“Lẽ ra?”
“Chính xác. Lẽ ra là thế. Giờ thì mọi chuyện đã qua. Bọn ký hiệu sư đã bắt tay với bọn ma đen để đập nát phòng thí nghiệm của tôi. Tài liệu mất hết rồi. Sau khi bọn chúng đi khỏi, tôi quay về phòng thí nghiệm lần nữa để xem lại cho chắc. Những tài liệu thực sự quan trọng không còn nữa, mất sạch. Tôi không thể xác định được các điểm vênh nữa. Thậm chí bọn chúng còn lấy đi hết các hộp đen được hiện hình.”
“Mọi chuyện ấy liên quan gì đến tận cùng thế giới?”, tôi nói.
“Nói chính xác không phải thế giới nơi ta đang sống sẽ tàn lụi, không phải thế giới ta vẫn biết, mà là thế giới trong ai đó sẽ tàn lụi.”
“Tôi không hiểu”, tôi nói.
“Tóm lại là mọi chuyện xoay quanh lõi ý thức hệ của anh. Trong ý thức hệ của anh, anh đã dự tính đến lúc tận cùng thế giới. Tại sao điều đó khắc sâu vào tâm thức của anh, tôi không rõ. Nhưng sự thực là thế. Tận cùng thế giới trong óc anh. Nói đảo lại thì ý thức hệ của anh sống trong tận cùng thế giới. Trong thế giới ấy hầu như thiếu mọi thứ mà ta có trong thế giới này. Không có thời gian lẫn không gian dãn nở, không có sự sống lẫn cái chết, không có giá trị thực sự và cái Tôi thực sự. Bản thể của con người ở đó bị súc vật khống chế.”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

95#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:44:20 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25



“Súc vật?”
“Thú một sừng”, giáo sư nói. “Ở thành phố của anh có thú một sừng.”
“Chúng có liên quan gì đến chiếc đầu lâu thú một sừng mà ông gửi cho tôi không?”
“Đó là một phiên bản do tôi làm ra. Rất giống, anh có thấy thế không? Tôi đã tạo ra nó theo tưởng tượng hiện hình của anh, một việc tương đối khó nhọc. Bản thân chiếc đầu lâu không có ý nghĩa gì, tôi làm nó chỉ vì quan tâm đến giải phẫu học. Quà tặng cho anh.”
“Từ từ”, tôi nói. “Trong tiềm thức của tôi có một thế giới như vậy, thôi được, tôi hiểu rồi. Ông đã cho thế giới ấy hiện hình rõ rệt hơn và cấy vào não tôi dưới dạng bảng mạch thứ ba. Sau đó ông dùng mật mã để kích hoạt nó, gắn nó vào ý thức hệ của tôi và sai tôi xáo dữ liệu. Tôi hiểu đến đây như thế có đúng không?”
“Rất đúng.”
“Sau khi xáo hết dữ liệu, mạch tự động đóng, và ý thức hệ của tôi quay lại với bảng mạch nguyên thủy thứ nhất.”
“Sai”, giáo sư nói và gãi sau gáy. “Thế thì đã không có vấn đề gì. Nhưng mạch thứ ba không tự động đóng.”
“Nghĩa là nó luôn luôn mở?”
“Đúng, có thể nói như thế.”
“Nhưng hiện tại tôi tư duy và hành động theo bảng mạch thứ nhất!”
“Vì mạch thứ hai bị khóa. Anh xem đồ thị này thì biết”, giáo sư vừa nói vừa rút sổ tay và bút bi trong túi ra vẽ một đồ thị và đưa tôi.
“Đây là tình trạng bình thường của anh. Tiếp điểm A nằm ở đầu vào 1, tiếp điểm B nằm ở đầu vào 2. Nhưng hiện nay tình hình như thế này.” Giáo sư vẽ tiếp một đồ thị mới.
“Anh thấy không? Tiếp điểm B nằm ở mạch thứ ba, do đó tiếp điểm A tự động bật sang đầu vào 1. Vì vậy anh có thể tư duy và hành động theo bảng mạch thứ nhất. Song chỉ tạm thời thôi. Tiếp điểm B sẽ chuyển nhanh sang bảng mạch số 2. Vì mạch 3 không hoàn toàn là anh. Nếu không làm gì cả thì tiếp điểm B sẽ cháy bởi năng lượng lệch dòng, anh sẽ liên tục ở mạch 3, các dòng chảy của nó được tiếp điểm A bẻ hướng về điểm 2 khiến chính tiếp điểm đó bị cháy. Để tránh chuyện đó, lẽ ra ta phải đo được năng lượng lệch dòng và khôi phục lại trạng thái ban đầu.”
“Lẽ ra?”
“Tôi không thể làm được nữa. Như tôi vừa nói, bọn chó má ấy đã đến phá phòng thí nghiệm của tôi và lấy đi mọi tài liệu quan trọng. Rất tiếc, nhưng tôi không thể giúp anh được nữa.”
“Có nghĩa là tôi vĩnh viễn bị giam ở bảng mạch thứ ba và không bao giờ quay trở lại được nữa?”
“Thế đấy. Anh sẽ sống nơi tận cùng thế giới. Rất đáng tiếc.”
“Ông lấy làm tiếc à”, tôi sửng sốt. “Và ông cho thế là xong việc hay sao? Ông lấy làm tiếc! Nói câu ấy thì dễ nhưng còn tôi sẽ ra sao? Chính ông đã khởi đầu mọi việc. Đây không phải trò chơi, mà là cuộc sống của tôi!”
“Tôi nằm mơ cũng không tin được chuyện này xảy ra. Tôi nằm mơ cũng không tưởng tượng được bọn ký hiệu sư liên kết với ma đen. Chúng biết là tôi đang nghiên cứu gì đó và đánh úp tôi để tìm ra bí mật của kỹ thuật xáo dữ liệu. Giờ thì nhất định Hệ thống đã biết tin. Đối với họ, cả anh lẫn tôi đều là con dao hai lưỡi. Anh có hiểu không? Họ nghĩ là hai chúng ta vạch âm mưu gì đó chống lại lợi ích của Hệ thống. Và bọn ký hiệu sư đang theo đuổi vụ này. Bọn ký hiệu sư đã tung tin đó cho Hệ thống biết. Vì lý do bảo mật, họ sẽ trừ khử chúng ta, ngay cả khi phải hy sinh kỹ thuật xáo dữ liệu. Nói cho cùng thì chúng ta đã qua mặt Hệ thống. Chúng ta là hai nhân vật chính trong hoạch định xáo dữ liệu, nếu chúng ta rơi vào tay Nhà máy thì Hệ thống sẽ đi tong. Bọn Nhà máy đã làm việc này quá giỏi. Nếu Hệ thống khử được ta thì kỹ thuật xáo dữ liệu cũng tiêu tan, thế là tốt, nếu ta thoát được và đầu quân cho ký hiệu sư thì cũng tốt. Đằng nào bọn họ cũng được lợi.”
“Tuyệt vời”, tôi nói. Vậy là hai đứa đập nát căn hộ của tôi và rạch bụng tôi là người của ký hiệu sư. Chúng đã đóng kịch để hướng sự chú ý của Hệ thống vào tôi. Và tôi nhảy tọt vào bẫy của chúng. “Bây giờ tôi ở trong ngõ cụt, đúng không? Bọn Nhà máy săn tôi, Hệ thống cũng săn tôi, còn nếu tôi nằm yên thì tự tôi sẽ chết.”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

96#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:46:45 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25




“Anh không chết. Anh chỉ thoát sang một thế giới khác.”
“Có gì khác đâu cơ chứ?”, tôi nói. “Ông nghe đây, tôi biết tôi là một kẻ vô danh tiểu tốt, xưa nay vẫn thế, người ta phải dùng kính lúp mới tìm thấy mặt tôi trên tấm ảnh chụp cả lớp. Tôi không có gia đình, nếu tôi biến mất thì cũng chẳng ai phải khổ. Tôi không có bạn, sẽ chẳng có ai buồn khi tôi không còn nữa. Vâng, tôi biết cả. Tuy nhiên, cho dù nghe có vẻ buồn cười, nhưng tôi đã từng hài lòng với thế giới này như nó vẫn thế. Tôi không rõ tại sao. Có thể tôi là hai người và sung sướng vui đùa với chính tôi. Tôi không rõ. Dù sao tôi vẫn thấy dễ chịu ở thế giới này. Tôi thích nhiều thứ trong đó. Và đã thích gì là tôi rất thích. Thế giới này có thích tôi không thì tôi không cần biết. Cuộc đời của tôi là thế. Tôi chẳng muốn đi đâu cả. Tôi không cần sự bất tử. Tuổi già không đơn giản, nhưng đâu phải mình tôi phải gánh chịu điều đó. Ai mà chẳng già đi. Tôi không thích thú một sừng, tôi cũng không thích hàng rào!”
“Không phải hàng rào, mà là bức tường”, giáo sư cải chính lời tôi.
“Thây kệ! Tôi không cần hàng rào lẫn tường bao!”, tôi nổi xung. “Ông cho phép tôi lên cơn điên một chút chứ? Ít khi xảy ra chuyện này, nhưng hôm nay tôi không muốn làm người lịch sự.”
“Phải, trong tình huống này tôi nghĩ là anh có đủ lý do mà”, giáo sư nói và gãi tai.
“Như tôi đánh giá thì một trăm phần trăm tội này là của ông! Tôi không dính dáng gì hết. Ông bắt đầu vụ này, ông thúc đẩy nó bùng lên, ông lôi tôi vào cuộc! Ông đã chọc ngoáy vào óc tôi, ông giả mạo ra một nhiệm vụ và sai tôi xáo dữ liệu, ông đã lừa dối Hệ thống, xúi bọn ký hiệu sư tấn công tôi, dụ tôi vào con đường ngầm ngu xuẩn này, và bây giờ ông đang kiếm cách bẩy tôi ra khỏi thế giới này! Ông có thấy hơi quá đáng không? Ông phải khôi phục lại tình trạng cũ cho tôi!”
“Ờ ờ”, ông già ấp úng.
“Ông ấy nói đúng, ông ạ”, cô gái mũm mĩm xen vào. “Đôi khi ông chỉ nghĩ đến mình và không quan tâm chuyện người khác. Ông nhớ lại vụ làm bè sông mà xem! Ông phải ra tay đi!”
“Tôi còn toàn dự định tốt đẹp, chắc chắn như vậy, nhưng tất cả vuột khỏi tay tôi”, ông già rền rĩ. “Giờ thì tôi bó tay rồi. Chẳng có gì mà tôi có thể làm được nữa. Cũng chẳng có gì mà anh có thể làm được nữa. Bánh xe ngày càng quay gấp, không ai chặn được nó nữa rồi.”
“Tuyệt vời”, tôi nói.
“Ở thế giới bên kia anh sẽ lấy lại được tất cả mọi thứ anh đánh mất trong thế giới này. Tất cả những gì anh đã mất và tất cả những gì anh sắp mất.”
“Những gì tôi đã mất?”
“Đúng”, giáo sư nói. “Những gì anh đã mất – đều ở đó.”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

97#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:47:59 | Chỉ xem của tác giả
Chương 26

Nhà Máy Điện



Đọc mơ xong, tôi cho cô thủ thư biết ý định muốn đến nhà máy điện. Cô sầm mặt. “Nhà máy điện ở trong rừng!”, cô nói và xúc những hòn than đỏ hồng vào xô để dập lửa bằng cát.
“Ừ, nhưng ở ngay cửa rừng”, tôi nói. “Ông gác cổng nói là hoàn toàn không có gì nguy hiểm cả.”
“Có trời mà biết ý ông gác cổng nói gì! Nhà máy điện trong rừng, không cần biết ở cửa rừng hay trong rừng, nhưng rừng thì nguy hiểm.”
“Anh không ngại. Anh sẽ đến đó. Anh phải tìm cho được một nhạc cụ.”
Cô thủ thư đã lấy hết than khỏi lò. Cô xúc hộc xỉ ra và vừa đổ vào xô vừa lắc đầu quầy quậy.
“Em sẽ đi cùng”, cô nói.
“Tại sao? Em vẫn sợ rừng cơ mà? Vả lại anh không muốn lôi em vào chỗ nguy hiểm.”
“Em không thể để anh đi một mình được. Hình như anh vẫn chưa hiểu là rừng nguy hiểm đến mức nào!”
Vào một buổi sáng nhiều mây chúng tôi đi dọc bờ sông về hướng Đông. Trời ấm như trong tiết xuân. Lặng gió. Tiếng nước réo cũng không trong trẻo và lạnh, mà trầm đục hơn. Đi được mười lăm phút, tôi cởi găng và khăn cổ ra.
“Như mùa xuân ấy nhỉ?”, tôi nói.
“Vâng. Nhưng trời chỉ ấm được một hôm thôi. Năm nào chẳng thế. Sau đó lại lạnh ngay”, cô đáp.
Chúng tôi bỏ lại sau lưng khu thưa dân cư phía nam cây cầu. Bên phải chỉ thấy đồng ruộng. Đường không còn lát đá cục, chuyển sang đoạn hẹp và lầy lội. Giữa các bờ ruộng, vài rẻo tuyết đóng cứng chạy ngoằn ngoèo trên đồng như những vết cào. Bờ sông bên tay trái chúng tôi viền một hàng dương liễu, cành cây mềm oặt chấm xuống nước. Một con chim nhỏ muốn đậu lên nhưng cành cây bập bềnh đung đưa, rốt cuộc nó bỏ đến một cây khác. Ánh nắng mờ đục và ấm áp. Tôi liên tục ngẩng mặt lên đón hơi ấm dịu dàng ấy. Cô thủ thư đút tay phải vào túi áo măng tô, tay trái vào túi áo tôi. Tay trái tôi cầm một cái hộp, tay phải đút vào túi măng tô của cô. Hộp đựng đồ ăn trưa và quà cho ông quản lý.
Tôi cảm nhận được bàn tay ấm của cô trong túi mình và nghĩ thầm: khi mùa xuân đến, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Nếu tâm hồn tôi qua được mùa đông và bóng còn chịu đựng được thì tôi sẽ giữ được tâm hồn. Bóng đã nói là tôi chỉ phải chiến thắng mùa đông.
Chúng tôi chậm rãi đi ngược dòng chảy và tận hưởng phong cảnh. Suốt buổi không ai nói gì. Không phải là vì chúng tôi không có gì để nói với nhau, mà vì câu chữ trở nên thừa thãi. Vài vệt tuyết trắng còn sót nằm dọc bờ hào, những trái dâu đỏ cặp trong mỏ chim, đám rau mùa đông cứng và mập ngoài ruộng, những vũng nước trong vắt dọc bờ sông – chúng tôi ghi nhớ tất cả những hình ảnh ấy trong khi đi qua. Những gì chúng tôi nhìn thấy đều có vẻ như cố hút lấy hơi ấm mỏng manh đột ngột xuất hiện, cho nó tràn vào từng chân tơ kẽ tóc của mình. Ngay cả bầu trời phủ đầy mây cũng mất đi vẻ nặng nề ngột ngạt. Tôi cảm thấy một sự đầm ấm lạ lùng, tựa như thế giới nhỏ nhoi của chúng tôi đang yên vị trong một bàn tay dịu dàng.
Chúng tôi cũng thấy vài con thú lang thang tìm thức ăn trên đồng cỏ khô quắt. Một quầng trắng đục phủ lên lớp lông vàng óng của chúng, nay đã dài và rậm hơn nhiều so với hồi mùa thu. Mặc dù vậy có thể nhận rõ những con thú đã gầy đi nhiều. Xương gáy chúng gồ lên như cụm lò xo của một chiếc sofa cũ, đầu chỉ còn da bọc xương, da má chảy xệ. Mắt chúng đã hết long lanh, xương khớp gối đã lồi ra tròn xoe. Chỉ chiếc sừng trắng mọc giữa trán là không thay đổi, nó vẫn oai hùng chĩa thẳng lên trời như mọi khi.
Những con thú đi thành từng nhóm ba, bốn con trên bờ ruộng, tìm từ bụi cây này sang bụi cây khác. Nhưng những trái cây hay lá xanh non khả dĩ làm thức ăn thì nay hầu như không còn nữa. Trên những cành cây cao chỉ còn vài trái cây, song chúng không với tới được. Chúng đành uổng công tìm dưới đó những trái rụng hoặc buồn bã nhìn lên những con chim đang mổ trái cây.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

98#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:49:41 | Chỉ xem của tác giả
Chương 26



“Tại sao chúng không ăn những thứ còn sót trên đồng?”, tôi hỏi cô thủ thư.
“Vì đó là hành động vi phạm quy định. Em cũng không rõ tại sao”, cô nói. “Không bao giờ chúng chạm vào những thứ dành cho người. Trừ khi mình cho chúng ăn thì đương nhiên chúng sẽ ăn, nhưng bình thường thì không bao giờ!”
Mấy con quỳ xuống một vũng nước bên bờ sông và uống. Ngay cả khi chúng tôi lại gần vẫn không con nào ngẩng đầu lên, tất cả tiếp tục uống. Những chiếc sừng trắng của chúng phản chiếu rõ rệt trên mặt nước, trông như những cái xương bạc phếch nằm dưới đáy sông.
Gần nửa tiếng sau chúng tôi đến một con đường nhỏ ở bên phải ngay sau Cầu Đông mà ông gác cổng có nhắc đến. Bình thường ra có lẽ chúng tôi cũng không phát hiện ra nó khi đi ngang qua vì nó quá nhỏ và hẹp. Ở đây đã hết ruộng, hai mép đường mọc đầy cỏ cao ngút. Đồng cỏ như vạch biên giữa Rừng Đông và ruộng.
Chúng tôi lần theo đường mòn này để qua đồng cỏ. Thoạt tiên đường hơi chếch lên, sau đó ngày càng dốc, và cỏ cũng thưa dần. Dần dần nó thành một vách đá. Có thể gọi là vách đá thì hơi quá, vì chúng tôi không phải trèo núi, ở đó người ta đã đẽo những bậc thang tử tế. Đá sa thạch tương đối mềm, cạnh các bậc thang đã mòn nhẵn. Khoảng mười phút sau chúng tôi lên đến đỉnh. Nhìn chung, ngọn đồi này thấp hơn một chút so với Đồi Tây là nơi tôi đang ở.
Sườn phía nam của quả đồi khác hẳn sườn phía bắc. Ở đây đồi dốc thoai thoải, đồng cỏ rộng và khô cằn. Phía xa, Rừng Đông thẫm màu trải rộng như mặt biển lặng.
Ở điểm cao nhất chúng tôi ngồi xuống một lát để lấy hơi và ngắm phong cảnh. Nhìn từ hướng đông, thành phố tạo ra một ấn tượng khác hẳn. Dòng sông chảy thẳng đến kỳ lạ, giống như một con kênh đào. Không thấy một bãi cát bồi duy nhất nào. Nước trôi theo một đường thẳng như kẻ chỉ. Phía bên bờ đối diện là bắt đầu khu đầm lầy phía bắc. Phía bên phải, Rừng Đông chen vào phong cảnh như một vật thể lạ bị dòng sông cắt ngang. Bên bờ bên này, phía tay trái là những thửa ruộng mà chúng tôi vừa đi dọc theo. Tịnh không thấy một dấu vết cư trú của con người, thậm chí Cầu Đông cũng có vẻ trơ trọi và trống vắng. Căng mắt lên nhìn mới thấy khu công nhân và tháp đồng hồ, chúng tạo một ấn tượng nghi hoặc như ảo ảnh trên sa mạc mênh mông.
Nghỉ một lát rồi chúng tôi đi xuống chân đồi, về hướng rừng. Ngay trước bìa rừng là một cái đầm nông có thể nhìn thấy đáy. Giữa đầm nhô lên phần thân màu xương bạc thếch vì sương gió của một cái cây khổng lồ đã chết. Một đôi chim đậu trên đó nhìn chòng chọc về phía chúng tôi. Tuyết đóng cứng đến nỗi chúng tôi không để lại dấu chân trên đó. Mùa đông lê thê đã làm không khí trong rừng thay đổi hoàn toàn. Không còn côn trùng, không có tiếng chim líu lo. Chỉ có những cây khổng lồ vươn cành lên phía bầu trời phủ mây xám chì, chúng hút sinh lực từ lòng đất sâu là nơi cái lạnh băng giá không ngấm tới.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

99#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:50:42 | Chỉ xem của tác giả
Chương 26



Chúng tôi theo con đường này vào rừng. Đột nhiên có một âm thanh kỳ lạ vọng đến, giống như tiếng gió rì rào trong rừng. Nhưng trời lặng gió, ít nhất thì cũng không có dấu hiệu nào của gió, vả lại âm thanh này cũng quá đơn điệu chứ không trầm bổng như tiếng gió. Tiếng động ấy to dần và rõ dần khi chúng tôi đi sâu vào rừng. Cả hai chúng tôi đều không thể nhận ra đó là gì. Cô thủ thư cũng mới tới đây lần đầu.
Một cây sồi già hiện ra, sau đó là một bãi trống trước một ngôi nhà. Chắc đây là nhà máy điện – tuy rằng chẳng có dấu hiệu đặc biệt nào cho thấy nó là nhà máy điện. Đúng thế, trông nó như một nhà kho lớn thì đúng hơn. Không thấy máy móc gì, thậm chí cũng chẳng có đường dây cao thế. Có vẻ như tiếng động kỳ lạ phát sinh ra trong ngôi nhà gạch thô sơ này. Cửa vào là hai cánh sắt nặng nề, phía trên cùng mặt tiền là một hàng cửa sổ nhỏ. Con đường dẫn tới bãi trống và chấm dứt ở đó.
“Chắc đây là nhà máy điện”, tôi nói.
Hình như cửa khóa, ít nhất thì nó cũng không nhúc nhích chút nào, kể cả khi hai chúng tôi hợp sức đẩy.
Chúng tôi quyết định đi một vòng quanh. Ngôi nhà chạy sâu về phía sau. Chiều dài tường bao lớn hơn bề rộng mặt tiền gấp bội và phía trên cùng cũng có một hàng cửa sổ nhỏ tuôn ra tiếng động kỳ lạ. Song chúng tôi không tìm thấy thêm cửa ra vào nào, chỉ có một bức tường gạch cao và phẳng lì.
Thoạt trông, bức tường giống như tường thành, nhưng lại gần mới thấy nó thô ráp và rất kém chất lượng. Sờ vào thấy gồ ghề và đây đó gạch đã bị lở ra.
Mặt lưng ngôi nhà nối với một nhà ở bình thường xây bằng gạch, to như trạm canh. Nó có cửa vào và cửa sổ bình thường được che kín bằng bao đựng lúa thay cho màn cửa, ống khói trên mái ám muội đen. Ít nhất thì cũng có hơi người! Tôi gõ ba lần vào cửa gỗ, sau đó lập lại hai lần nữa, nhưng không có ai đáp. Cửa khóa.
“Đầu kia còn một cửa nữa vào nhà máy điện”, cô thủ thư nói và nắm tay tôi. Tôi nhìn theo hướng cô chỉ - đúng thế, ở một góc tường hậu nhà máy điện có một cánh cửa sắt mở toang.
Đứng trước cửa sắt, tai chúng tôi ù đặc vì tiếng ồn kỳ lạ. Bên trong ngôi nhà tối hơn tôi tưởng. Chúng tôi khum tay che ánh sáng bên ngoài để quen mắt với bóng tối và nhòm vào trong, nhưng tuyệt nhiên không thấy gì cả. Không có ánh sáng – một nhà máy điện không có lấy một bóng đèn thì tương đối lạ. Trên trần nhà có ánh sáng trời mờ mờ xuyên qua các ô cửa nhỏ. Chỉ có tiếng động kỳ lạ dâng lên, tựa như mình nó là chủ ngôi nhà.
Chúng tôi gọi. Hình như không có ai nghe tiếng cả, vì vậy tôi đi qua cửa, bỏ kính râm xuống và đợi đến khi mắt làm quen với bóng tối. Cô thủ thư dừng chân sau tôi vài bước, dường như cô không muốn vào sâu trong nhà. Tiếng động và bóng tối làm cô sợ.
Do bóng tối không có gì lạ đối với mắt tôi nên tôi chẳng mất nhiều thì giờ để phát hiện ra một người đàn ông đứng giữa phòng. Đó là một người đàn ông gầy guộc, nhỏ thó. Trước mặt anh ta là một cột sắt có đường kính chừng ba, bốn thước vươn thẳng đến tận trần nhà. Anh ta đang chăm chú nhìn nó. Ngoài chiếc cột này, trong nhà trống trơn như một phòng tập cưỡi ngựa, không có máy móc hay kỹ thuật nào cả. Sàn nhà lát cùng một loại gạch như tường bao. Toàn bộ ngôi nhà trông như một cái lò nướng bánh mì khổng lồ.
Tôi để cô thủ thư đứng một mình ở cửa và bước vào nhà. Khi tôi đi được nửa quãng đường từ cửa đến cột sắt, có vẻ như người đàn ông nhận thấy tôi lại gần. Anh ta chỉ ngoảnh đầu về phía tôi – người anh vẫn im phăng phắc – và nhìn tôi chằm chằm. Người đàn ông còn trẻ, có lẽ kém tôi vài tuổi. Dáng người anh ta hoàn toàn trái ngược với ông gác cổng. Tay chân, gáy và cổ hom hem, mặt nhợt nhạt, da trơn nhẵn không thoáng một sợi râu, hàng tóc trên vầng trán cao lui tít về phía sau. Quần áo sạch sẽ và chỉnh tề.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

100#
 Tác giả| Đăng lúc 1-7-2013 11:52:04 | Chỉ xem của tác giả
Chương 26



“Xin chào”, tôi nói.
Anh ta vẫn nhìn tôi chằm chằm, môi mím chặt và chỉ khẽ gật đầu.
“Tôi có quấy rầy anh không?”, tôi hỏi. Để át tiếng động chói tai tôi buộc phải gào lên.
Người đàn ông chỉ lắc đầu, ra hiệu là tôi không quấy rầy anh ta và lấy tay chỉ vào ô cửa kính to bằng tấm bưu thiếp trên cột sắt – có lẽ là dấu hiệu bảo tôi nhìn vào đó. Tôi chăm chú nhìn vào và nhận ra ô cửa nhỏ đó là một phần của cánh cửa trên cột sắt được cài then bằng một thanh sắt. Sau cánh cửa là một vật giống hình cái quạt khổng lồ gắn song song với nền nhà, nó đang quay với tốc độ chóng mặt, tựa như trong đó có một động cơ hàng ngàn mã lực. Rõ ràng nó sử dụng sức gió – chẳng rõ từ đâu đến – để chuyển động và qua đó sinh điện.
“Phong điện?”, tôi hỏi.
Người đàn ông gật đầu. Rồi anh ta khoác tay dẫn tôi trở lại cửa ra vào. Anh ta thấp hơn tôi nửa đầu. Như hai người bạn thân, chúng tôi nhịp bước cùng đi đến cửa, nơi cô thủ thư đứng đợi. Người đàn ông cũng khẽ gật đầu chào cô như vừa chào tôi ban nãy.
“Chào anh”, cô đáp.
“Xin chào”, lần này anh ta đáp lời.
Anh dẫn chúng tôi ra sau nhà, nơi tiếng gió bớt ồn hơn. Chúng tôi ngồi trên những gốc cây được chừa lại sau khi đốn rừng.
“Xin lỗi anh chị, tôi không nói to được”, viên quản lý nói như thanh minh. “Anh chị từ thành phố đến phải không?”
Tôi xác nhận.
“Như anh chị đã thấy”, người đàn ông trẻ nói, “thành phố được cấp điện từ năng lượng gió. Người ta tận dụng luồng gió thổi lên từ lòng đất qua một lỗ khổng lồ.” Người đàn ông đăm đăm nhìn xuống nền đất dưới chân mình một hồi. “Cứ ba ngày lại một lần có gió. Ở dưới nền này có gió và nước dịch chuyển giữa vô số hang động. Tôi chăm sóc phần kỹ thuật. Ví dụ như khi lặng gió thì tôi khóa quạt lại hoặc tra dầu mỡ. Và tôi chú ý không để các cần gạt bị đóng băng. Dòng điện tạo ra được dẫn qua đường cáp ngầm vào thành phố.”
Viên quản lý đưa mắt nhìn ra cánh đồng nằm giữa những hàng cây cao. Đất đã cày xới kỹ nhưng chưa trồng gì. “Cứ mỗi khi rảnh rỗi tôi lại đốn một ít cây để lấy đất canh tác. Không có gì đáng kể. Vì tôi có một mình thôi. Tôi chừa lại những cây thật lớn và chỉ chọn những diện tích có thể tự mình đảm đương được. Tôi rất thích tự tay làm được cái gì đó. Vào mùa xuân thậm chí có thể trồng rau. Anh chị đến đây để tham quan à?”
“Vâng, đại khái như vậy.”
“Người ở thành phố nói chung không để ý đến chỗ này”, viên quản lý nói. “Không ai vào rừng làm gì, tất nhiên trừ người tiếp phẩm. Tuần nào ông ấy cũng đem cho tôi đồ ăn và những thứ cần thiết khác.”
“Anh sống một mình ở đây lâu chưa?”
“Lâu lắm rồi. Tôi thuộc lòng từng chi tiết máy. Chỉ cần lắng nghe là tôi biết nó chạy ra sao. Tựa như ngày nào tôi cũng trò chuyện với nó. Khi người ta làm việc đó lâu năm như tôi thì sẽ thông thạo. Máy chạy tốt thì tôi cũng khỏe. Tôi cũng thông thạo các âm thanh của rừng. Nó có nhiều giọng khác nhau, cứ như một sinh thể vậy.”
“Anh sống hoàn toàn một mình trong rừng không thấy khó chịu sao?”
“Tôi chẳng thấy có gì khó khăn hơn cuộc sống ở một nơi khác”, anh ta trả lời. “Rừng đã có sẵn, và tôi sống ở đây. Chấm hết. Phải có ai đó trông coi máy móc chứ. Ngoài ra, nhà máy điện ở ngay bìa rừng, còn đi sâu hơn vào đó thì tôi cũng không thạo.”
“Ngoài anh ra không có ai sống trong rừng nữa à?”, cô thủ thư hỏi.
Viên quản lý ngẫm nghĩ một chút và khẽ gật đầu mấy lần liền. “Có chứ. Ở tận trong rừng còn có một số người nữa sống, tôi biết. Họ đào than, phá rừng làm rẫy. Nhưng tôi chỉ mới gặp mặt vài người thôi, và cũng không nói chuyện với họ quá một câu. Vì họ không chấp nhận tôi. Đối với họ thì rừng là quê hương, còn tôi chỉ là người cư trú ở đây, đó là lý do. Ở sâu trong rừng nghe nói còn nhiều người nữa, đó là tất cả những gì tôi biết. Tôi không đi sâu vào rừng, còn họ thì hầu như không bao giờ ra đến đây.”
“Đã bao giờ anh thấy một người phụ nữ?”, cô hỏi. “Độ khoảng trên dưới ba mươi tuổi?”
Viên quản lý lắc đầu. “Không, chưa bao giờ tôi thấy phụ nữ. Toàn đàn ông thôi.”
Tôi nhìn cô, nhưng cô không hỏi gì thêm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách