Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: cuncon87
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Trinh Thám - Xuất Bản] Vụ Án Mạng Ở Vùng Mesopotamie | Agatha Christie (Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 20:51:02 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 19

MỐI NGHI NGỜ MỚI


Chúng tôi không thể tranh luận gì hơn: ngay lúc đó, bác sĩ Reilly bước vào.
Ông bác sĩ và nhà thám tử trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ chuyên môn về tình trạng tâm lý và tinh thần của người viết thư nặc danh. Bác sĩ Reilly dẫn vài trường hợp đã gặp trong khi hành nghề, còn ông Poirot nói về mấy vụ thư nặc danh mà ông đã giải quyết.
- Vấn đề không đơn giản như ta nghĩ - ông kết luận. Thủ phạm hành động do nhu cầu trấn áp người khác, hoặc mang nặng ảnh hưởng của tâm lý tự ti.
Bác sĩ Reilly tán thành:
- Vì thế tác giả các thư nặc danh thường lại là người ta ít nghi ngờ nhất.
- Ông có định nói bà Leidner cũng bị mặc cảm tự ti chi phối?
Bác sĩ Reilly cười gằn:
- Còn lâu bà mới mắc mặc cảm ấy! Bà rất thoải mái, đầy sức sống.
- Xét về tâm lý mà nói, liệu bà có phải người viết những thư ấy?
- Có thể. Nhưng nếu bà viết, thì là nhằm để đề cao mình thành nhân vật bi kịch. Trong cuộc sống, bà Leidner có hơi coi mình như siêu sao điện ảnh, luôn luôn phải được xuất hiện cận cảnh, dưới đèn sáng chói lòa. Theo luật bù trừ, bà lại lấy ông Leidner, một người trầm lặng, khiêm tốn nhất đời. Ông ấy tôn thờ bà... nhưng sự tôn thờ trong xó nhà thôi chưa đủ với bà. Bà muốn là nhân vật trung tâm ly kỳ ai oán giữa mọi người kia.
Poirot mỉm cười:
- Nói cách khác, ông bác bỏ giả thuyết của ông chồng cho rằng bà vợ tự viết thư cho mình trong tình trạng mơ ngủ?
- Ô không, trước mặt một người vừa mất người vợ yêu quí tôi không thể bác bỏ và nói toẹt rằng người vợ ấy chỉ là một kẻ nói dối, tầm thường, đã làm ông lo lắng đến phát điên đủ để thỏa mãn ý muốn kéo sự chú ý về mình.
- Vậy xin nói thật đi, bác sĩ có ý kiến thế nào về bà Leidner?
Bác sĩ ngả người vào lưng ghế, thong thả rít một hơi píp.
- Thú thật... câu hỏi khó trả lời. Tôi biết về bà quá ít. Bà ta nhất định là rất có duyên, rất thông minh, rất hiểu người. Gì nữa? Không bỗ bã, không lười biếng, không kiêu kỳ, không mắc những tật xấu thường có của phụ nữ. Tôi vẫn cho bà ta là kẻ nói dối thành thần (dù không có bằng chứng). Không hiểu bà nói dối với người khác hay nói dối chính mình. Riêng tôi lại ưa những đàn bà nói dối. Với tôi, phụ nữ mà không bao giờ nói dối là người thiếu óc nhạy cảm và trí tưởng tượng. Bà không chạy theo đàn ông... chỉ thích bắt đàn ông quỳ dưới chân mình. Ông mà nói vấn đề này với con gái tôi...
- Chúng tôi đã có hân hạnh đó rồi - Poirot mỉm cười đáp.
- Ồ! - Bác sĩ Reilly kêu - Ra nó đã nhanh chân rồi! Hẳn là nói bà không ra gì! Lớp trẻ ngày nay không biết kính trọng người chết. Nó phê phán người lớn không thương tiếc, và tự cho mình có quyền phóng túng, không theo đạo lý nào hết. Nếu bà Leidner có lăng nhăng đi nữa, con Sheila nhà tôi cũng sẽ tán thành, cho như thế mới là “có cuộc sống của mình", "sống theo bản năng". Nhưng nó không thấy là bà Leidner sống đúng theo tính cách của bà. Con mèo vờn con chuột vì đấy là bản năng của nó. Nó sinh ra đã thế. Tôi rất muốn con Sheila phải công nhận rằng nó ghét bà Leidner vì những lý do hoàn toàn cá nhân. Nó là đứa con gái trẻ trung duy nhất ở đây nó yên trí rằng tất cả đàn ông phải phủ phục dưới chân nó. Nó bị chạm tự ái khi một phụ nữ đứng tuổi, lại đã hai đời chồng, có sức quyến rũ hơn cả nó, đánh bại nó. Đành rằng Sheila cũng có duyên, khỏe mạnh, gọi là xinh đẹp hấp dẫn đi. Nhưng bà Leidner đứng trên hết tất cả: bà có cái sắc đẹp chết người, chinh phục trái tim tất cả bọn đàn ông...
Tôi ngồi trên ghế mà giật nẩy mình. Ý nghĩ trùng hợp! Anh chàng Coleman chả từng đã nói tương tự?
- Xin cho phép hỏi tò mò, con gái ông có thể đã yêu một chàng trai nào trong đoàn khảo cổ?
- Ồ! Tôi không nghĩ vậy. Nó có nhảy vài lần với Coleman và Emmott, không biết nó thích ai hơn. Ngoài ra còn hai cậu phi công nữa. Người ngấp nghé thì nhiều, tùy nó chọn. Song cái làm nó tức là một bà ở tuổi mùa thu cuộc đời lại thắng cái trẻ trung của nó. Tất nhiên nó chưa có kinh nghiệm về đàn ông như tôi. Ở tuổi tôi, các cô gái trẻ tuổi học trò, mắt sáng, thân thể căng tròn sức sống, là một chuyện. Nhưng một người đàn bà đã qua ba mươi, biết nghe ta nói, biết rủ rỉ tâm sự, lại là chuyện khác. Con Sheila nhà tôi xinh, nhưng Louise Leidner mới thật là người đàn bà đẹp.
Tôi nghĩ bụng: đúng. ông này nói đúng. Sắc đẹp là của trời cho. Trước sắc đẹp của bà Leidner, ta chỉ có thể chiêm ngưỡng, không thể ganh ghét. Ngay lần gặp đầu tiên, tôi đã có cảm giác mình sẵn lòng làm mọi thứ vì bà.
Tuy nhiên, tối hôm ấy, khi bác sĩ Reilly lái xe đưa tôi về Tell Yarimiah (trước đó, ông đã mời tôi ăn bữa tối), một hai tình tiết khó chịu trở về lởn vởn trong óc. Tôi không tin những lời báng bổ của Sheila Reilly, coi chúng là phát ra do căm hờn, tức tối.
Bây giờ, tôi nhớ bà Leidner đã có lúc nhất định đòi đi dạo một mình, không để tôi đi cùng. Có phải là bà đi gặp Carey? Đúng là họ có thái độ lễ phép quá đáng với nhau, đó là điều lạ, vì những người khác trong đoàn thường gọi nhau bằng tên thân mật. Carey luôn tránh nhìn thẳng bà Leidner. Có phải vì ông ta không yêu... hay ngược lại?
Tôi cố xua những ý nghĩ ấy ra khỏi đầu óc. Hóa ra bây giờ đủ thứ lộn xộn trong tâm trí... chỉ tại cái con bé ấy! Thế mới biết nghe mãi những lời xúc xiểm cũng nguy hại thật.
Bà Leidner nhất định không phải loại đàn bà ấy. Tất nhiên, bà không có cảm tình với Sheila Reilly; hôm đó, trong bữa ăn, bà còn lấy nó ra để trêu chọc Emmott.
Chúng tôi về tới Tell Yarimjah lúc chín giờ. Lúc này cổng lớn đã khóa. Ibrahim vội đem khóa chạy ra mở.
Ở Tell Yarimjah, mọi người đi ngủ sớm. Phòng chung tối om. Xưởng vẽ và văn phòng ông Leidner còn đèn, nhưng tất cả các cửa sổ khác đều tối. Hôm đó, mọi người đều lui về phòng mình sớm hơn thường lệ.
Lúc đi qua xưởng vẽ để về phòng mình, tôi liếc nhìn vào trong. Ông Carey, tay áo xắn cao, đang đứng làm việc trước một tấm bản đồ to. Trông ông có vẻ ốm, mệt, đau khổ, khiến tôi thương xót. Thật khó phân tích tính cách của ông. Không thể đánh giá ông qua lời nói, vì ông rất ít nói, cử chỉ cũng kín đáo; tuy nhiên không thể không kính trọng ông, ông là một con người đáng nể.
Ông quay đầu ra, nhìn thấy tôi, bỏ píp ra khỏi miệng:
- A! Cô ở Hassanich về rồi.
- Vâng. Hôm nay ông làm việc muộn, ông Carey? Mọi người ngủ cả rồi.
- Tôi phải làm nốt cho xong. Mai, chúng tôi lại ra khu khai quật.
- Vội thế ư? - Tôi ngạc nhiên.
Ông nhìn tôi vẻ khác lạ:
- Thế là tốt hơn cả. Tôi đã trao đổi với Leidner. Mai, ông ấy đi Hassanich cả ngày để hoàn tất một số thủ tục. Chúng tôi trở về công việc thường ngày. Ở đây để ngồi nhìn nhau à?
Xét tâm trạng mọi người lúc này, nghĩ vậy là có lý. Tôi nói:
- Về mặt nào đó; tôi đồng ý với ông. Lao động cho quên đi mọi việc.
Tôi đã biết, hôm sau nữa mới cử hành tang lễ.
Carey lại trở về với công việc. Không hiểu sao, nhìn ông tôi lại thấy se lòng. Tôi chắc hôm nay ông sẽ thức đêm trắng tại đây.
- Ông có cần thuốc ngủ không? - Tôi rụt rè hỏi.
Ông cười, lắc đầu.
- Không, cảm ơn cô, tôi không cần. Uống rồi dễ quen thuốc.
- Vậy thì thúc ông ngủ ngon. Nếu cần tôi giúp gì…
- Ồ, không sao. Cảm ơn cô. Chúc ngủ ngon.
- Tôi rất tiếc - tôi nói, có lẽ do buột miệng.
- Tiếc?
- Tiếc cho tất cả mọi người ở đây. Cái chết bi thảm ấy thật kinh khủng, nhất là với ông.
- Với tôi? Tại sao vậy?
- Vì ông là bạn thân của cả hai người.
- Tôi là bạn lâu năm với ông Leidner, còn bà Leidner với tôi thì cũng chưa gần gũi đặc biệt.
Giọng nói ông cho tôi hiểu là ông không hề có tình cảm gì với bà. A! Giá mà Sheila nghe ông ta nói lúc này.
- Vậy thôi, chúc ngủ ngon - tôi lặp lại.
Và tôi chạy về phòng.
Trước khi thay quần áo, tôi làm một số việc: giặt mấy chiếc mùi soa, đôi găng tay, và viết nhật ký. Lúc định đi nằm, tôi liếc nhìn qua cửa ra sân. Đèn vẫn sáng ở xưởng vẽ và ở khu nhà phía nam.
Giáo sư Leidner chắc còn làm việc trong văn phòng. Không biết có nên sang chào ông và chúc ông ngủ ngon không, vì tôi ngại tỏ ra quá xun xoe. Nhỡ ông khó chịu vì mình đến quấy rầy? Song tôi nghĩ mình ngại ngần vớ vẩn. Chỉ vào rồi ra ngay, xem sức khỏe ông ra sao, có cần tôi giúp gì không, thì có làm sao...
Giáo sư Leidner không có trong phòng. Dưới đèn sáng, tôi chỉ thấy cô Johnson đầu gục xuống bàn, khóc nức nở.
Cảnh tượng ấy làm tôi kinh ngạc. Cô Johnson thường ngày bình tĩnh, tự chủ là thế...! Tôi lại gần, đặt tay lên vai cô, hỏi:
- Có chuyện gì vậy, cô Johnson? Sao lại ngồi đây khóc một mình...
Cô không trả lời, càng thổn thức nhiều hơn. Tôi dỗ:
- Đừng khóc nữa, can đảm lên! Để tôi pha cho cô tách trà nóng.
Bấy giờ cô mới ngửng đầu, đáp:
- Không, vô ích, cảm ơn cô. Bây giờ tốt rồi. Tôi thật là vớ vẩn.
- Có chuyện gì làm cô buồn bã?
Sau một lát ngập ngừng, cô nói:
- Thật quá kinh khủng.
- Hãy nghĩ sang chuyện khác - tôi khuyên - Trước cái không thể vãn hồi, phải chịu đựng thôi, không nên đau buồn.
Cô đứng dậy, sửa mái tóc, nói giọng trầm đục:
- Chắc cô nhìn tôi thấy buồn cười lắm nhỉ. Muốn động tay động chân một chút, tôi vào đây định sắp xếp lại mọi thứ cho trật tự, thế rồi tự nhiên bật lên khóc.
- Tôi hiểu. Bây giờ cô đi ngủ. Tôi sẽ mang vào phòng cô một chén trà và chai nước nóng.
Thái độ tôi kiên quyết, cô phải làm theo. Ngồi trên giường êm ấm rồi, cô uống trà và nói:
- Cảm ơn cô, cô tốt quá. Ít khi tôi để mình ủ rũ thế này.
- Ồ! Trong trường hợp này là chuyện bình thường. Cô đã xúc động và mệt mỏi quá nhiều! Rồi lại cảnh sát đến hỏi han. Ngay tôi cũng thấy mình không bình thường.
Bằng một giọng khác lạ, cô Johnson thong thả nói:
- Điều cô nói lúc nãy rất đúng. Trước những gì không cứu vãn được, ta phải chấp nhận... - Cô ngừng vài giây rồi nói, làm tôi ngạc nhiên - Bà ấy là người không tốt!
Tôi im lặng, không tranh cãi: Bà Leidner và cô Johnson không ưa lẫn nhau, là điều tôi đã biết. Trong thâm tâm, có lẽ cô Johnson còn mừng vì bà Leidner chết, và bỗng nhận thấy nghĩ vậy là hèn kém, nên cô tự xấu hổ với mình chăng?
- Bây giờ, mời cô hãy ngủ đi, đừng nghĩ chuyện gì nữa .
Tôi sắp xếp lại một số đồ đạc cho căn phòng ngăn nắp hơn, đặt đôi bít tất lên lưng ghế và treo quần áo lên mắc. Trên sàn nhà, tôi thấy một mảnh giấy vo tròn chắc rơi từ túi áo của cô.
Tôi đang vuốt mẩu giấy cho phẳng để xem là giấy gì, có nên vứt sọt rác hay không, thì tiếng cô Johnson làm tôi giật nảy mình:
- Đưa đây tôi!
Tôi làm theo, kinh ngạc trước giọng nói ra lệnh kiên quyết. Cô giật mẩu giấy trong tay tôi, đưa ngay nó lên ngọn nến để đốt.
Tôi hoang mang nhìn cô làm.
Cử chỉ cô Johnson quá đột ngột, tôi không kịp đọc gì trên mảnh giấy. Nhưng dưới tác dụng của lửa, mảnh giấy vặn vẹo về phía tôi, và tôi nhìn được mấy chữ viết bằng mực.
Vào giường nằm, tôi mới hiểu tại sao hàng chữ ấy làm tôi chú ý: nét chữ giống một cách kỳ lạ với chữ trong các thư nặc danh.
Chẳng lẽ cô Johnson lại là tác giả của cái trò bỉ ổi đó?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 20:52:37 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 20

CÔ JOHNSON, BÀ MERCADO, ÔNG REITER


Ý nghĩ đó khiến tôi bị sốc mạnh. Tôi không bao giờ ngờ cô Johnson, một người có trình độ đứng đắn, mực thước đến thế!
Song tôi nhớ lại cuộc trao đổi giữa bác sĩ Reilly và ông Poirot trước mặt tôi tối đó, và trước mắt tôi mở ra nhiều chân trời mới.
Nếu cô Johnson là người viết thư, ta có thể giải thích nhiều điều. Tôi không nghĩ cô đi đến chỗ giết người, song lòng căm thù đã thúc đẩy cô tìm cách đe dọa hòng làm bà Leidner sợ mà rời khỏi đoàn khảo sát, thôi không bao giờ theo chồng sang phương Đông nữa.
Nhưng, bà Leidner bị giết, và cô Johnson hối hận day dứt: cô tiếc là đã độc ác một cách vô ích, đã thế những thư cô viết trở thành bình phong che khuất thủ phạm. Cô gục xuống khóc trong hoàn cảnh ấy, không phải là lạ. Thực bụng, cô Johnson không phải người ít tình cảm, vì thế cô tiếp thu ngay những lời an ủi của tôi: "Trước những gì không thể cứu vãn, phải chấp nhận."
Tiếp đó, tôi nhớ lại nhận xét bí hiểm mà theo cô có thể biện minh cho thái độ của mình: "Bà ấy không phải là người tốt!".
Tôi phải làm gì bây giờ?
Tôi trằn trọc hồi lâu trên giường, và cuối cùng quyết định sẽ nói ngay với ông Poirot khi có dịp.
Hôm sau ông trở lại, nhưng tôi không có một phút nào để chuyện riêng với ông. Lúc duy nhất có dịp đối diện ông, tôi định nói thì ông đã khẽ ghé vào tai tôi:
- Tôi sắp gặp cô Johnson... Ở phòng chung. Cô vẫn giữ chìa khóa phòng bà Leidner chứ?
- Vâng - tôi đáp.
- Tốt. Cô hãy vào phòng ấy, đóng cửa cẩn thận rồi kêu lên một tiếng - đừng hét, tất nhiên - đơn giản một tiếng kêu báo động, ngạc nhiên, không phải tiếng thét hoảng sợ. Nếu có ai nghe thấy, cô bịa ra chuyện gì đó... chẳng hạn vừa bước hụt.
Đúng lúc ấy, cô Johnson xuất hiện ngoài sân, nên tôi không đủ thì giờ kể lại với Poirot.
Tôi đoán được ý đồ của ông. Ông vừa kéo cô Johnson vào phòng chung, tôi liền vào phòng bà Leidner, khép cửa lại.
Nghĩ lúc ấy thật buồn cười, một mình trong phòng, chẳng đau gì mà lại phải kêu. Hơn nữa, không biết nên kêu to hay nhỏ ở mức nào. Tôi liền "ồ!" một tiếng khá to, rồi một tiếng nữa to hơn, và tiếng thứ ba nhỏ hơn.
Rồi tôi đi ra, chuẩn bị sẵn sàng để nếu ai hỏi thì nói mình vừa vấp ngã. May thay, không có ai. Poirot và cô Johnson đang chuyện trò rất sôi nổi, rõ ràng không bị tiếng kêu ngắt quãng. Tôi nghĩ bụng: thế là đã rõ. Hoặc là cô Johnson đã tưởng nghe thấy tiếng kêu, hoặc đó lại là chuyện khác hẳn.
Ngại không muốn làm phiền, tôi ngồi sụp xuống ngoài hiên. Tiếng họ nghe rất rõ.
- Tình hình rất tế nhị - Poirot nói - Giáo sư Leidner rất yêu vợ...
- Nói tôn thờ thì đúng hơn - tiếng cô Johnson.
- Ông ấy luôn luôn nhắc rằng mọi người trong đoàn đều yêu quí bà! Còn họ, họ biết nói gì hơn là cũng phụ họa theo ý ấy? Hoàn toàn chỉ vì lịch sự. Vậy đó có phải là sự thật... hay trái lại? Tôi tin rằng chìa khoá mở màn bí ẩn nằm trong sự nắm bắt thật rõ tính cách của bà Leidner. Tôi cần thu thập ý kiến... mà ý kiến phải thật trung thực... của từng người trong đoàn, sau đó mới xác định được. Đó là lý do vì sao hôm nay tôi lại đến đây. Tôi biết giáo sư Leidner đi Hassanich. Do đó tôi có cơ hội để gặp từng người, yêu cầu cộng tác.
- Ý kiến của ông hoàn toàn đúng - cô Johnson nói.
- Mọi người phải bỏ hết định kiến... Đừng nói là không nên nói xấu người chết... rằng không nên thế này thế nọ... Trong một vụ án hình sự, những kiểu nghĩ như vậy chỉ làm cho sự thật khó hiện ra.
- Tôi chẳng có gì phải giữ ý với người chết. Nhưng với ông Leidner thì khác. Dù sao, đó cũng là vợ ông.
- Đúng vậy, đúng vậy. Các bạn ngần ngại khi nói gì xấu về vợ của thủ trưởng, tôi thông cảm. Nhưng đây không phải là một bản chứng nhận đạo đức, mà là một vụ giết người bí ẩn. Cố tình bảo người bị giết là mẫu mực về đức hạnh không giúp gì cho cuộc điều tra.
- Thì tôi có gọi bà là thiên thần đâu! - Cô Johnson chua chát.
- Vậy với tư cách là phụ nữ, cô hãy nói thẳng nhận xét của cô về bà Leidner.
- Hừm, trước hết xin báo với ông là tôi không khách quan đâu... tất cả chúng tôi đều như vậy... đều một lòng một dạ với ông Leidner. Bà Leidner đến đây, chúng tôi đều không thích, cho là bà làm mất thì giờ và sự tập trung của ông. Ông chiều bà quá làm chúng tôi bực. Tôi nói thẳng, dù điều đó sẽ không có lợi cho tôi. Tôi không thích bà có mặt ở đây, nhưng không để lộ ra. Người đàn bà ấy đến đây, làm rối sinh hoạt của chúng tôi.
- Chúng tôi? Cô nói chúng tôi?
- Phải, là tôi muốn nói ông Carey và tôi. Chúng tôi là những người làm việc ở đây lâu năm nhất. Sự đảo lộn này làm chúng tôi khó chịu. Điều đó khá tự nhiên, dù có vẻ hơi ích kỷ. Mọi sự thay đổi hết.
- Thay đổi những gì?
- Ồ, thay đổi tất. Trước đây chúng tôi sinh hoạt vui vẻ, đầm ấm, đùa bỡn, trêu chọc nhau như bạn trong tập thể. Giáo sư Leidner cũng vui nhộn như học trò.
- Bà Leidner đến đảo lộn tất cả?
- Ồ! Tôi không quy hết trách nhiệm cho bà, dù sao thì năm ngoái, mọi việc vẫn tốt hơn. Song ông chớ nghĩ rằng chúng tôi có mâu thuẫn cụ thể gì với bà. Bà luôn đối xử tốt và thân ái với tôi. Vì thế đôi khi tôi thấy hối hận...
- Dù sao, năm nay sự có mặt của bà kéo theo sự thay đổi hoàn toàn... một không khí khác hẳn?
- Phải, hoàn toàn. Thực ra, tôi không biết đổ tại cái gì. Mọi thứ càng ngày càng xấu... trừ công việc. Nhưng không ai trong chúng tôi làm chủ được mình nữa. Lúc nào cũng chập chờn, như sắp mưa bão.
- Và cô cho đó là do ảnh hưởng của bà Leidner?
- Trước khi bà ta đến, chúng tôi sống rất hòa hợp - cô Johnson nói như khẳng định - Song ông có thể nói là do tôi ít quảng giao, nên chống lại mọi sự thay đổi. Cũng được, vậy ông đừng đếm xỉa đến ý kiến tôi nữa.
- Cô hãy vui lòng nói về tính tình, tâm trạng của bà Leidner?
Sau chút do dự, cô Johnson thong thả đáp:
- Tất nhiên, tính bà ta rất thất thường, vui đấy rồi lại cau có đấy. Hôm nay rất ngọt ngào với mình, hôm sau không buồn nói một lời. Thực ra, là người tốt, quan tâm đến từng người một. Tuy nhiên, cũng thấy bà ta đã được nuông chiều suốt cuộc đời. Bà ta coi việc được ông Leidner ân cần chăm sóc là chuyện tự nhiên. Có lẽ bà chưa đánh giá đúng giá trị của chồng... một nhà khoa học rất lỗi lạc! Đôi khi tôi thấy bực. Luôn luôn bồn chồn, sợ bóng sợ gió, tưởng tượng ra đủ thứ chuyện để làm mình làm mẩy! Cho nên khi giáo sư Leidner mời cô Leatheran đến, tôi thấy nhẹ cả người. Ông không thể vừa làm việc vừa lo dỗ dành vợ.
- Theo ý riêng cô, cô nghĩ thế nào về những lá thư nặc danh?
Tôi không cưỡng được trí tò mò, ngả người ra đằng trước cho đến khi nhìn thấy cô Johnson quay mặt vào ông Poirot. Cô đáp lại, giọng hoàn toàn bình thản và tự chủ:
- Có người nào bên Mỹ thù ghét, cố tình đe dọa làm bà khốn khổ,
- Có thế thôi?
- Thì đó là ý kiến của tôi. Bà ta chắc có nhiều kẻ thù, thư đó hẳn là của một nữ tình địch.
- Nhưng cô nhớ cho... lá thư cuối cùng không qua đường bưu điện.
- Việc ấy có gì là khó. Phụ nữ đã ghen tuông thì không trở ngại nào ngăn nổi.
Cô ta nói đúng quá, tôi nghĩ bụng.
- Có thể cô có lý. Nhân tiện xin hỏi, cô có biết cô Reilly, con gái bác sĩ?
- Sheila Reilly? Biết chứ!
Poirot làm bộ bí mật:
- Tôi nghe nói (tất nhiên, không nói gì với bác sĩ) có chuyện yêu đương giữa cô ta và một người trong đoàn của giáo sư Leidner. Cô có biết không?
Cô Johnson lộ vẻ thích thú:
- Ồ! Anh chàng Coleman và David Emmott đã nhiều lần mời cô ta nhảy. Trong các tối khiêu vũ ở Hassanich các tối thứ bẩy, hai chàng tranh nhau để được vinh dự đó. Tôi không cho là Sheila để tâm chuyện đó. Là cô gái da trắng duy nhất ở đó, cô còn nhảy với nhiều sĩ quan trẻ ở căn cứ không quân.
- Vậy những lời đồn ấy là không có căn cứ?
- Tôi không dám chắc! - cô Johnson nói, vẻ đăm chiêu - Đúng là cô ta hay tha thẩn ở khu khai quật. Hôm nọ, bà Leidner trêu ông David Emmott, nói là Sheila đang bám theo chàng... Câu nói đùa không đúng chỗ. Ông David không thú gì. Phải, Shella hay đến đây. Cái buổi chiều hôm xảy ra án mạng ấy, thấy cô ta cưỡi ngựa về phía công trường. Cô ta hất đầu nhìn vào chiếc cửa sổ mở. Nhưng cả David Emmott và Coleman hôm ấy không làm việc ở đó. Richard Carey đang ở khu khai quật. Có thể cô ta thích một chàng trai nào ở đây... nhưng cô ta là gái hiện đại, cô có cho yêu đương là chuyện nghiêm chỉnh đâu. Tóm lại không thể nói cô thích ai trong hai người. Cả hai đều tốt.
Cô tò mò nhìn Poirot, hỏi:
- Chuyện ấy thì liên quan gì đến vụ án?
Ông Poirot giơ hai tay lên trời:
- Cô làm tôi ngượng quá. Chắc cô cho tôi là kẻ ngồi lê đôi mách. Nhưng biết làm sao được? Bao giờ tôi cũng quan tâm đến chuyện tình cảm của lớp trẻ.
Cô Johnson thở một hơi dài.
- Tất cả đều rất tốt đẹp nếu không có gì quấy rối mối tình của họ.
Poirot thở dài đáp lại. Tôi không hiểu có phải cô Johnson muốn gợi lại trong ký ức một mối tình trắc trở nào hồi trẻ. Tôi rất muốn biết ông Poirot có vợ chưa, hay như người ta thường nói về người nước ngoài, có bồ bịch gì không. Trông ông buồn cười đến mức tôi không thể tưởng tượng có chuyện ấy.
- Sheila Reilly không thiếu cá tính. Cô ta còn trẻ và không được giáo dục tốt, song về cơ bản vẫn là một cô gái thẳng thắn.
- Tôi tin lời cô.
Poirot đứng dậy, nói thêm:
- Trong nhà hiện còn ai không nhỉ?
- Chắc có Marie Mercado. Đàn ông ra công trường hết, cứ như là họ muốn tránh cho xa. Cũng chẳng trách họ. Ông có muốn tôi đưa ông ra khu khai quật...
Ra đến ngoài hiên, cô bảo tôi:
- Hay cô Leatheran có thể đưa ông ra?
- Ồ được - tôi đáp
- Và rồi ông về ăn trưa với chúng tôi nhé?
- Xin vui lòng.
Cô Johnson trở về làm việc ở phòng chung.
- Bà Mercado đang ở trên sân thượng - tôi nói với Poirot - Ông có muốn lên gặp bà ấy trước?
- Cũng được. Nào, ta lên.
Trong lúc trèo thang, tôi hỏi:
- Tôi đã làm theo lời ông dặn, ông nghe thấy gì không?
- Không một tiếng động.
- Như vậy là lương tâm cô Johnson thanh thản - tôi nói - Cô cứ trách mình là không can thiệp kịp thời khi nghe tiếng kêu.
Bà Mercado ngồi trên lan can, hơi ngả người về phía trước, đang tập trung suy nghĩ gì nên không nghe tiếng chúng tôi lên. Đến khi Poirot đứng trước mặt, cất tiếng chào, bà mới giật mình ngửng đầu. Tôi thấy nét mặt bà mệt mỏi, mắt quầng thâm.
- Lại là tôi đây - Poirot nói - Hôm nay tôi gặp bà vì một lý do đặc biệt.
Rồi ông lại nói giống như đã nói với cô Johnson: ông cần bà mô tả chân dung thật chân thực về bà Leidner.
Bà Mercado, vốn không thẳng thắn như cô Johnson, mở đầu bằng những lời khen trái với suy nghĩ thật:
- Với người chưa biết bà, thì nói làm sao đây? Một con người bí ẩn, khó hiểu, không giống ai. Chắc cô cũng có cảm giác ấy, phải không cô? Tâm thần bất định và tính khí thất thường, nhưng người ta sẵn lòng khoan dung, vì bà đối xử tốt với mọi người, lại rất khiêm tốn nữa! Không biết gì về khảo cổ, bà chịu khó học hỏi chồng về các phương pháp hóa học để xử lý kim loại, và giúp cô Johnson chắp dán đồ gốm. Chúng tôi đều rất mến bà.
- Vậy những điều người ta nói với tôi đều sai, thưa bà? Thiên hạ nói trong nhà này có một bầu không khí ngờ vực, không thoải mái.
Bà Mercado mở to đôi mắt đen đục:
- Ai nói thế với ông? Cô Leatheran? Giáo sư Leidner? Ông này thì tội nghiệp, có biết gì đâu.
Bà ném cho tôi một cái nhìn thù nghịch.
Mặt Poirot nở một nữ cười rạng rỡ, nói vui:
- Thưa bà, tôi có gián điệp của tôi chứ.
Thoáng thấy mi mắt bà Mercado rung lên, chớp chớp. Giọng nói bà dịu lại:
- Ông thấy không, sau sự kiện như vừa qua, mỗi người đều ra vẻ ta biết những điều không hề có thật!... Nào là không khí căng thẳng, nào là linh tính. Toàn chuyện bịa đặt, nói vuốt đuôi.
- Thưa bà. những lời đó chứa đựng phần lớn sự thật.
- Tất cả những điều họ nói với ông đều sai. Chúng tôi sống ở đây như một gia đình êm ấm.
Lúc Poirot cùng tôi ra khỏi nhà để ra công trường, tôi bất bình:
- Bà ấy nói dối một cách trắng trợn! Tôi tin chắc bà ta căm ghét bà Leidner bằng tất cả tâm hồn!
- Ta nói chuyện với bà ấy không phải để nghe sự thật - Poirot đồng ý.
- Mất thì giờ vô ích - tôi đế thêm.
- Không hẳn ... không hẳn đâu. Miệng một người nói dối, thì mắt lại lộ ra sự thật. Không biết bà Mercado này sợ cái gì? Tôi đọc thấy sự sợ hãi trong tròng mắt bà ta. Nhất định bà e ngại điều gì. Rất đáng chú ý.
- Ông Poirot, tôi có chuyện này nói riêng với ông.
Tôi kể chuyện xẩy ra tối qua, và nói tôi ngờ cô Johnson là tác giả các thư nặc danh. Tôi kết luận:
- Lại là một mụ nói dối leo lẻo! Thế mà sáng nay cứ trả lời tỉnh bơ với ông về những lá thư.
- Phải - Porot nói - Lời tuyên bố của cô ấy cũng rất đáng chú ý. Cô ta không ngờ là đã làm tôi hiểu rằng cô ta hoàn toàn biết là có những thư nặc danh... Mà đến nay, đã có ai nói việc ấy cho mọi người biết đâu. Cũng có thể hôm qua giáo sư Leidner đã nói với cô ấy việc này, hai người vốn là bạn thân. Nếu không thì thật là lạ phải không?
Uy tín của Poirot vọt lên rất cao trong mắt tôi, ông ta thật tài tình khi dẫn dắt để buộc cô ta nói đến những bức thư!
- Ông có định hỏi cô về vấn đề ấy? - tôi hỏi.
Poirot có vẻ ngạc nhiên:
- Không! Không! Không dại gì lộ ra điều mình biết. Đến phút cuối cùng, tôi giữ tất cả trong này (ông gõ gõ lên trán). Đến lúc thích hợp, tôi mới chồm ra như con báo... và thế là tất cả mọi người phải sững sờ!
Tôi không khỏi mỉm cười hình dung ông Poirot là con báo.
Lúc này chúng tôi đã tới công trường. Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Reiter, đang chụp ảnh những bức tường đổ nát. Chụp xong, ông giao máy và đồ đoàn cho thằng bồi, bảo nó mang về nhà.
Poirot hỏi vài câu về kỹ thuật nhiếp ảnh, ông Reiter vui vẻ trả lời, có vẻ sung sướng vì có người quan tâm đến công việc của mình.
Đến lúc ông xin lỗi vì phải cáo từ, Poirot mới đi vào vấn đề chính. Thực ra, ông không đặt những câu hỏi dã sắp sẵn, mà tùy theo tính cách của người được hỏi. Tôi thấy không cần mỗi lần lại kể lại nguyên văn những lời hỏi, đáp. Với những người hiếu biết, có lý trí như cô Johnson, ông đi thẳng vào mục đích; với một số người khác, ông hỏi vòng vo, nhưng rồi cuối cùng vẫn đạt điều mình muốn.
- Có, có, tôi hiểu ông hỏi gì - ông Reiter nói - nhưng thực ra, không biết tôi có giúp gì được không. Đây là lần đầu tôi làm việc ở đây, chưa tiếp xúc nhiều với bà Leidner. Xin lỗi, tôi không thể nói gì hơn.
Tôi thấy giọng nói ông có cái gì căng cứng, song âm điệu không có vẻ người nước ngoài. Tất nhiên ông nói tiếng Anh theo lối Mỹ.
- Ít nhất ông cũng nói ông ưa hay không ưa bà ấy? - Poirot hỏi.
Ông Reiter đỏ mặt, lắp bắp:
- Bà là người dễ thương và rất thông minh. Có trí tuệ.
- Tốt, ông ưa. Bà ấy có ưa ông không?
Má ông Reiter càng ửng đỏ:
- Ồ! Tôi không nghĩ là bà quan tâm đến tôi. Một hai lần, tôi muốn giúp bà cũng không xong, tôi vụng về, làm bà ấy bực. Thực ra tôi chỉ có ý tốt sẵn sàng làm mọi việc...
Poirot thấy thương hại sự lúng túng của Reiter.
- Được rồi... Được rồi... Ta sang vấn đề khác. Không khí trong nhà có dễ chịu không?
- Ông hỏi thế nào cơ?
- Thế này... Mọi người có vui vẻ không? Có hay chuyện trò, vui nhộn?
- Không... không... không thật như thế. Có một chút căng thẳng...
Ông ngừng nói, vẻ như đấu tranh với chính mình rồi mới tiếp:
- Tôi vốn nhút nhát, vụng về, không nổi bật ở chỗ đông người. Giáo sư Leidner luôn ưu ái tôi, nhưng.. khỉ thế, tôi vẫn không hết rụt rè. Đánh vỡ cốc chén, nói những điều không nên nói. Tóm lại, tôi không nắm bắt được cơ hội.
Quả thật, trông ông ta đúng là chàng hậu đậu.
- Tuổi trẻ như thế là thường - Poirot mỉm cười - Với thời gian, các bạn sẽ già dặn hơn.
Sau khi chào từ biệt, chúng tôi tiếp tục đi.
Poirot bảo tôi:
- Cô ý tá ạ, cậu này hoặc là một chàng trai đơn giản, hoặc là đóng kịch giỏi.
Tôi không trả lời, tâm trí lại bị xao xuyến bởi ý nghĩ là quanh đây có một tên sát nhân nguy hiểm và rất bản lĩnh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 21:14:13 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 21

ÔNG MERCADO, RICHARD CAREY


Poirot đang đi, dừng lại:
- Tôi thấy họ làm việc ở hai công trường khác nhau.
Ông Reiter lúc nãy chụp ảnh ở đầu khu khai quật chính nay cách chúng tôi một quãng, một nhóm thứ hai cầm sọt chạy đi chạy lại.
- Chỗ này gọi là đường hào chính - tôi giải thích - Chẳng đào được gì nhiều, chỉ là những mảnh gốm đáng vứt vào sọt rác, nhưng giáo sư Leidner bảo là rất có giá trị.
- Nào, ta đến đó.
Chúng tôi đi chậm, vì trời nắng gắt.
Ông Mercado điều khiển công việc. Chúng tôi thấy ông đứng dưới hào, đang trao đổi với người đốc công, một ông già nhăn nheo như da rùa, mặc áo khoác dạ bên ngoài chiếc áo dài bằng vải bông kẻ xọc.
Đi xuống hào phải qua một con đường hẹp, gồ ghề, lởm chởm những bậc lên xuống sơ sài, đã thế phu gánh đất lại lên xuống liên tục chẳng ai chịu nhường ai.
Tôi đi theo Poirot. Bỗng ông quay lại hỏi:
- Ông Mercado thuận tay phải hay tay trái?
Câu hỏi lạ kỳ! Nghĩ một lúc, tôi đáp:
- Tay phải.
Poirot không buồn giải thích thêm, tiếp tục đi.
Ông Mercado có vẻ vui vì gặp chúng tôi. Bộ mặt mơ màng của ông nở một nụ cười tươi.
Poirot tỏ vẻ quan tâm đến môn khảo cổ. Tôi biết thừa ông ta có để ý gì đâu, nhưng ông Mercado cứ ra sức giảng giải, nói đã đào được tới mười hai lớp móng.
- Như vậy là chúng tôi đã tới thiên niên kỷ thứ tư! - ông hồ hởi nói.
- Ồ! Tôi tưởng thiên niên kỷ chỉ có trong tương lai... thời đại mà mọi việc sẽ yên bài.
Ông Mercado chỉ các lớp tro. (Sao tay ông run thế! Ông bị sốt rét chăng?) Ông cho biết các đồ gốm và phần mộ thay đổi kiểu dáng theo từng thế kỷ. Đột nhiên, lúc ông cúi xuống nhặt một con dao bằng đá nằm lẫn với lô đồ gốm, ông nhẩy chồm và hét lên.
Poirot và tôi nhìn ông, ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì.
Một tay ông Mercado đập vào cánh tay trái:
- Có gì như cái kim nóng bỏng đâm vào tôi!
Poirot tỏ ra rất bình tĩnh:
- Ông lại đây! Đưa tôi xem! Cô Leatheran!
Tôi tiến lại. Poirot nhanh nhẹn nắm cánh tay ông Mercado, vén tay áo sơ mi lên tận vai.
- Đấy, vết đâm đấy - ông Mercado chỉ.
Cách vai độ ba đốt ngón tay, có một giọt máu đọng.
- Quái lạ! - Poirot kêu, ông soát kỹ cánh tay áo - Không thấy gì. Có lẽ là con kiến.
- Nên bôi chút cồn i-ốt - tôi nói.
Tôi luôn mang theo mình một số thuốc thông thường. Tôi lấy cồn i-ốt ra và bôi lên vết đâm. Nhưng tôi bỗng chú ý một chi tiết bất ngờ: suốt dọc cẳng tay ông Mercado, lấm tấm những vết chấm, mà tôi nhận ngay là vết kim tiêm dưới da.
Ông Mercado vén tay áo xuống, giảng giải tiếp. Poirot chú ý nghe, nhưng không cố kéo câu chuyện trở về cặp vợ chồng Leidner nữa, không hỏi câu nào nữa.
Rồi chúng tôi từ biệt ông Mercado, trèo lên mặt đất.
- Đóng kịch không tồi đấy chứ? - Poirot hỏi tôi.
Từ trong ve áo, Poirot rút ra một vật, say sưa nhìn ngắm. Tôi kinh ngạc thấy đó là một chiếc kim dài, đầu có một giọt sáp, nên giống cái đinh ghim.
- Ông Poirot! - tôi kêu - Ông làm việc đó à?
- Đúng là tôi đã chích ông ta một cái. Và làm khéo đấy chứ, đến cô cũng không trông thấy.
Quả đúng thế. Tôi không thấy, mà cả ông Mercado cũng không nghi ngờ gì. Poirot đã làm nhanh như chớp.
- Nhưng... để làm gì?
Ông trả lời tôi bằng một câu hỏi:
- Thế cô không nhận ra cái gì ư?
- Có, những vết tiêm dưới da.
- Vậy là ta đã biết điều gì đó về ông Mercado. Tôi vẫn nghi... mà không biết chắc. Dù sao, biết chắc vẫn hơn.
“Và bằng bất cứ thủ đoạn nào", tôi nghĩ bụng, song không nói ra.
Poirot đập tay vào đùi, chỗ túi quần:
- Ồ, khỉ quá! Tôi đánh rơi chiếc khăn tay ở đó, cái khăn tay dùng bọc chiếc đinh ghim.
- Để tôi đi lấy cho - tôi vừa nói vừa quay trở lại.
Tôi nhanh chóng trở về bản chất của mình, coi Poirot là thầy thuốc, còn mình là y tá đang lo điều trị một ca nghiêm trọng. Sự thực, đây là một ca mổ mà Poirot là nhà phẫu thuật. Có lẽ tôi không nên thú thật là tất cả chuyện này bắt đầu làm tôi thích thú.
Nhớ lại, ngay sau khi kết thúc thực tập, tôi được cử đến chăm sóc một bệnh nhân tại nhà riêng. Người này cần được mổ ngay, nhưng ông chồng nhất định không muốn đưa đi bệnh viện, nên người bệnh được mổ tại nhà.
Với tôi đây là dịp may hiếm có. Không bị ai giám sát. Tôi phải tự lo mọi việc đến phát cuống. Tôi nghĩ đến tất cả những gì bác sĩ phẫu thuật cần, nhưng luôn luôn chỉ sợ quên mất cái gì. Với các ông bác sĩ này thì đôi khi rất khó! Phút cuối cùng họ còn yêu câu cái này cái nọ. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tôi phục vụ ông ta rất tốt; lúc mổ xong, ông ngỏ lời khen ngợi... điều hiếm có với một bác sĩ mổ xẻ. Hơn nữa, người bác sĩ điều trị lại rất tốt. Tôi điều khiển mọi việc tất cả đều hài lòng. Người bệnh phục hồi nhanh, hạnh phúc trở lại trong nhà.
Lúc này, tôi ở trong tâm trạng giống như hồi đó. Ông Poirot cũng là nhà phẫu thuật, dáng người nhỏ bé, xấu xí, nhưng tuyệt vời làm sao! Như có linh tính, ông biết phải giải quyết cái gì, ở khâu nào. Tôi đã biết nhiều nhà phẫu thuật và phục tài của họ.
Từng bước, từng bước một, ông Poirot đã chiếm được sự tin cậy của tôi. Ông biết đích xác cần làm gì, và tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải giúp ông. Nói cách khác, đưa dao kéo, bông băng đúng lúc. Vì thế rất tự nhiên là tôi phải đi tìm khăn tay cho ông, như phải nhặt chiếc khăn mà bác sĩ phẫu thuật đánh rơi.
Khi tìm thấy khăn mang về, tôi không thấy Poirot đâu. Sau rồi mới nhận ra ông cách tôi vài quãng, đang nói chuyện với Carey. Tên bồi của Carey đứng cạnh, tay cầm chiếc thước gấp, ông Carey bảo nó điều gì, và thằng bé cầm thước chạy đi.
Tôi ngập ngừng, không biết có nên lại gần không. Biết đâu ông bảo tôi đi tìm khăn tay chỉ cốt để ông nói chuyện riêng với Carey?
Một lần nữa, tôi là phụ tá cho bác sĩ phẫu thuật trong một ca mổ, phải đưa ông ta cái dụng cụ cần thiết vào thời khắc chính xác ông ta cần. Ở phòng mổ, tôi rất thạo việc này, không sợ sai lầm. Nhưng ở đây tôi là dân mới toanh, vì vậy phải mở to mắt.
Tất nhiên, tôi nghĩ ông Poirot bảo tôi đi để ngăn tôi khỏi hóng chuyện, có thể ông chỉ cho rằng nếu không có tôi, Carey sẽ ăn nói thoải mái, tự do hơn.
Tôi không thuộc loại người cố tình nghe trộm chuyện riêng của người khác. Dù tò mò, không bao giờ tôi làm cái việc vô văn hóa ấy. Nếu là một cuộc hội đàm bí mật, không bao giờ tôi hạ mình làm cái việc hôm ấy tôi làm. Tôi tin chắc là đã không vượt quá quyền của mình. Thật vậy, làm nghề nữ y tá, tôi đã nghe nhiều lời nói thốt ra từ miệng bệnh nhân trong lúc hôn mê. Người bệnh hoàn toàn không biết điều đó, nhưng sự thật là tôi đã nghe. Theo quan điểm tôi, lúc này, ông Carey cũng là một bệnh nhân trên bàn mổ, ông không biết gì nên chẳng hề sao. Các bạn sẽ cho tôi là tọc mạch chăng? Tôi xin nhận. Tôi không muốn bỏ qua một chi tiết quan trọng nào.
Và xin thú thật là tôi liền quay ngược lại, đi theo đường tắt đến gần chỗ họ đứng, sau một mô đất hoàn toàn che khuất khiến họ không nhìn thấy tôi. Nếu ai bảo cách làm ấy là không hay, tôi xin cãi lại: với người y tá trực, không được giấu điều gì, mặc dù quyền quyết định là thuộc về bác sĩ mổ hoặc điều trị.
Bằng cách vòng vèo nào mà Poirot đã đề cập vấn đề mà ông quan tâm? Bí mật! Chỉ biết là khi tôi nghe được ông đang đi vào trúng mục đích.
- Hơn ai khác, tôi rất kính trọng ông Leidner về tình yêu tận tụy của ông với vợ - Poirot nói - Nhưng nhiều khi ta hiểu một người hơn, khi hỏi đối thủ của họ hơn là hỏi bạn bè.
- Vậy ông quan tâm đến những khuyết điểm của nạn nhân hơn là tính tốt? - Carey đáp lại, giọng gắt gỏng.
- Vâng... nếu liên quan đến một vụ giết người. Theo tôi nghĩ, bà ấy bị giết không phải vì quá đạo đức! Mặc dù theo ý tôi, đạo đức quá toàn bích đôi khi cũng làm người khác khó chịu!
- Tôi sợ là sẽ không nói được điều gì có ích cho ông - Carey nói - Thực thà ra, tôi và bà Leidner không có cảm tình đặc biệt với nhau. Không phải bạn, cũng chẳng phải kẻ thù. Có thể bà Leidner ghen với tôi vì tôi là bạn lâu năm của chồng bà. Dù rất chiêm ngưỡng sắc đẹp của bà, tôi vẫn không ưa vì bà ảnh hưởng không hay đến giáo sư. Kết quả: quan hệ giữa chúng tôi chỉ giữ ở mức độ phải phép, không hơn không kém.
- Một lời giải thích tuyệt vời - Poirot kêu.
Chỉ nhìn thấy chỏm đầu của hai người, nhưng tôi cũng biết ông Carey quay ngoắt lại như vừa bị nghe những lời chói tai.
Poirot nói tiếp.
- Sự lạnh lẽo giữa ông và bà vợ có làm cho ông chồng nghĩ gì?
Carey nghĩ một lúc rồi đáp:
- Tôi không biết. Bản thân ông Leidner chẳng bao giờ đả động, và tôi nghĩ ông mê mải với công việc, thì giờ đâu mà để ý.
- Tóm lại, ông không ưa bà Leidner.
Carey nhún vai:
- Có thể tôi đối xử thân ái hơn với bà ta, nếu bà không phải là vợ của Leidner.
Ông bật lên cười, có vẻ thích thú về câu nói ấy.
Poirot nói, giọng mơ màng xa xôi:
- Sáng nay tôi có hỏi cô Johnson, cô công nhận hơi có định kiến với bà Leidner và không đánh giá cao, nhưng cô lại vội đính chính là bà Leidner luôn tỏ sự thân ái với cô.
- Điều đó là đúng - Carey công nhận.
- Tôi đã tin lời cô ấy. Tiếp theo, tôi nói chuyện với bà Mereado. Bà này không ngớt lời ca ngợi và tỏ ra hết sức yêu mến bà Leidner.
Carey không đáp. Ngừng một lát, Poirot tiếp:
- Tôi không tin bà ta! Thế rồi, đến gặp ông... Ông nói... nhưng tôi cũng không tin.
Carey nhổm người lên. Có sự nhận dữ trong giọng nói:
- Tin hay không tin, là tùy ông. Tôi đã nói sự thật, ông chấp nhận hay bác bỏ thì can gì đến tôi?
Poirot vẫn giữ bình tĩnh, nói nhẹ nhàng hơn:
- Tôi tin... hay không tin, đâu phải lỗi tại tôi? Tôi có đôi tai thính. Có tiếng này tiếng nọ… lời đồn đại bàng bạc trên không. Tôi lắng nghe. Vâng, người ta nói lắm chuyện.
Carey chồm lên. Tôi nhìn rõ máu đang sôi trong đầu ông. Nhìn nghiêng, bộ mặt đẹp làm sao! Cái hàm bạnh, đầy nghị lực! Người ấy làm phụ nữ chết mê chết mệt, không có gì lạ.
- Những chuyện gì? - Carey hung hăng hỏi lại
- Chắc ông cũng biết... những chuyện về ông và bà Leidner.
- Sao thiên hạ độc mồm độc miệng vậy? Và ông tin những chuyện ngồi lê đôi mách ấy?
- Tôi chỉ nghe... hy vọng tìm ra sự thật - Poirot nghiêm nghị đáp.
Carey cười gằn:
- Nhưng nếu người ta nói sự thật, liệu ông có nhận ra không?
- Thì ông hãy thử đi - Poirot cứng cỏi đáp lại.
- Vậy thì tôi nói! Xin làm vừa lòng ông! Tôi căm ghét Louise Leidner... Đó là sự thật cho ông đấy! Tôi ghét bà ta đến tận đáy lòng!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 21:16:27 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 22

DAVID EMMOTT, CHA LAVIGNY, MỘT PHÁT HIỆN


Carey quay ngoắt đằng sau, đi nhanh. Poirot nhìn theo, lẩm bẩm:
- A! Phải, tôi hiểu...
Không quay đầu lại, ông nói to:
- Cô y tá, chờ một phút rồi hãy ra khỏi chỗ nấp. Ông ta có thể quay trở lại. Bây giờ, nguy hiểm đã qua. Cô tìm được khăn tay rồi chứ? Cảm ơn. Cô tốt quá
Ông không đả động việc tôi nấp sau mô đất, nhưng ông biết là tôi đã nghe. Ông làm thế nào nhỉ? Có lần nào ông quay nhìn về phía tôi đâu. Nhưng như thế cũng dễ chịu. Lương tâm tôi không phải ân hận, chứ nếu phải giải thích cách làm của tôi thì cũng lúng túng. Tôi biết ơn ông đã không nói gì.
- Ông có thực tin là ông ta ghét bà Leidner?- tôi hỏi.
Poirot thong thả gật đầu:
- Tin... Tôi tin.
Ông bất thần nhỏm dậy, trèo lên đỉnh mô đất nơi công nhân làm việc. Tôi đi theo. Thoạt đầu, chỉ toàn gặp phu Ả rập, sau mới tìm thấy ông Emmott đang cúi gập người xuống đất, phủi lớp bụi bám lên bộ xương mới đào được. Thấy chúng tôi, ông đón chào bằng nụ cười nghiêm trang:
- Ông và cô đi thăm công trường? Chờ một chút, tôi xin có ngay.
Ông đứng lên, lấy con dao cạo lớp đất còn bám vào xương cốt, thỉnh thoảng ngừng lại để thổi chút bụi mắc vào các kẽ. Tôi thấy phương pháp này thật mất vệ sinh.
- Ông Emmott ơi, làm thế ông hít vào bao nhiêu chướng khí đấy! - tôi nói.
- Tôi đã quen chướng khí rồi: vi trùng và hơi độc phải tránh xa người khảo cổ - ông đáp.
Ông còn lau tiếp một khúc xương đùi, rồi dặn dò người đốc công.
- Xong! - Ông đứng dậy, thở phào - Chiều nay Reiter có thể chụp quý bà này. Bà ta mang theo xuống mồ khối vật kỷ niệm đẹp.
Ông chỉ một cái liễn bằng đồng đã han gỉ, và những vụn đá màu xanh vốn là chuỗi hạt đeo cổ của người chết.
Xương cốt và những vật linh tinh sau khi rửa sạch, được bày tại chỗ để chờ chụp ảnh.
- Bà ta là ai? - Poirot hỏi.
- Thuộc thiên niên kỷ thứ nhất. Chắc là một bà quý tộc. Xương sọ bị méo một cách hơi lạ... có vẻ bà này chết vì bị đánh vào đầu. Tôi sẽ bảo ông Mercado xem qua.
- Một bà Leidner từ hai nghìn năm trước?
- Biết đâu?
Bill Coleman cầm cuốc cuốc vào một bức tường. David Emmott nói to với anh ta điều gì tôi không hiểu, rồi dẫn Poirot đi xem khu khai quật, vừa đi vừa giảng giải. Xem xong, Emmott đưa tay nhìn đồng hồ.
- Mười phút nữa chúng ta sẽ rời công trường. Ta về nhà chứ?
- Vâng - Poirot đáp.
Chúng tôi chầm chậm đi theo con đường nhỏ. Poirot nói:
- Chắc mọi người rất vui được trở lại làm việc?
- Ồ đó là cách tốt nhất. Ngồi nhà bàn tán mãi cũng chán.
- Nhất là khi nghĩ, một trong các người là hung thủ.
Emmott không phản ứng. Bây giờ tôi biết rằng, ngay từ đầu, sau khi hỏi han bọn gia nhân, ông đã thoáng nhìn ra sự thật.
Một lát sau, ông hỏi, giọng bình thản:
- Ông Poirot, cuộc điều tra của ông tiến hành đến đâu rồi?
- Ông có thể giúp tôi tiến thêm vài bước nữa được không?
- Ô, tôi không mong gì hơn!
Poirot nhìn thẳng người đối thoại, nói:
- Trung tâm của sự việc là bà Leidner. Tôi muốn tìm hiểu về bà ấy.
- Ông nói thế là nghĩa thế nào?
- Ngày sinh tháng đẻ, tên thời con gái là gì, mặt mũi ra sao, những thứ ấy tôi không quan tâm. Cái tôi cần biết nhất là tính cách, cá tính của bà.
- Ông cho là điều đó quan trọng đối với cuộc điều tra?
- Nhất định.
Emmott im lặng một lát, gật đầu:
- Có lẽ ông nói đúng.
- Và về vấn đề ấy ông có thể giúp chúng tôi. Chẳng hạn, ông cho biết bà ấy là người thế nào, loại đàn bà nào.
- Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi tôi như thế.
- Và cuối cùng ông đã hình thành sự đánh giá của mình?
- Phải, có thế!
- Vậy thì…?
Nhưng ông Emmott vẫn chưa nói. Lặng yên một lát, ông hỏi tôi:
- Thế cô Leatheran nghĩ thế nào? Phụ nữ dễ hiểu phụ nữ hơn. Hơn nữa, một nữ y tá thường có kinh nghiệm phong phú về tâm lý con người.
Poirot không để tôi kịp thưa một lời, ấy là giả dụ tôi muốn nói.
- Cái tôi muốn biết, là đàn ông nghĩ gì về bà ấy kia!'
Emmott hơi mỉm miệng cười:
- Họ nghĩ giống nhau... Bà Leidner không còn trẻ lắm, nhưng sắc đẹp của bà thật đặc biệt.
- Ông trả lời như thế không phải là trả lời - Poirot nói.
- Dù sao, cũng gần như một câu trả lời.
Ngừng một lát, ông lại tiếp:
- Tôi nhớ hồi nhỏ, có đọc một chuyện cổ tích - Bà chúa tuyết. Bà Leidner gợi tôi nhớ Bà chúa Tuyết, luôn luôn có chú bé Key đi theo.
- A! Chuyện của Andersen phải không? Có cả một bé gái là bé Gerda, nếu tôi nhớ không nhầm?
- Có thể. Tôi không nhớ kỹ đến thế.
- Ông có thể nói thêm nữa không, ông Emmott?
David Emmott lắc đầu:
- Tôi không chắc mình đánh giá đúng bà. Đó là một người đàn bà bí ẩn, hôm nay có thể hèn hạ, hôm sau lại hào phóng, bao dung. Tôi giống như ông, cũng coi bà là hạt nhân của vấn đề. Mọi cố gắng của bà đều hướng theo một mục đích: trở thành trung tâm của vũ trụ. Bà muốn mọi người phải châu tuần quanh bà, không phải chỉ đưa bà thức ăn hay thức uống, mà phải dâng cả trí tuệ và trái tim cho bà.
- Và nếu ai từ chối không chịu chiều theo những thói đỏng đảnh ấy? - Poirot hỏi.
- Thế thì bà lập tức ra tay!
Emmott cắn môi và nghiến răng.
- Ông Emmott, ông có thể cho biết, cho riêng tôi thôi, ai là kẻ đã giết, theo ý ông?
- Tôi không biết. Tôi không mảy may có ý kiến gì. Nếu tôi là Carl… Carl Reiter, tôi đã thủ tiêu bà từ lâu. Bà đã làm cho Carl khốn khổ! Nhưng, nói riêng với ông thôi nhé, hắn bị thế cũng đáng. Ai đời nhu nhược đến mức chìa lưng ra cho nguời đá đít.
- Bà Leidner đã ... đá đít anh ta?
Emmott cười khẩy:
- Không! Chỉ là lấy kim thêu châm chọc một chút thôi... Đó là cách bà ta làm.
Tôi liếc nhìn Poirot, thấy môi ông hơi rung rung. Ông hỏi:
- Ông có nghi là Carl Reiter đã giết bà Leidner?
- Không, ai lại giết một người đàn bà chỉ vì người ấy hay đem mình ra làm trò cười.
Poirot gật gật đầu, suy nghĩ.
Theo ông Emmott, bà Leidner không còn gì là một con người. Cần phải nghe một tiếng chuông khác. Tôi định có dịp, sẽ nói với ông Poirot về điều này.
Về tới nhà, Emmott đưa Poirot về phòng mình, để nhân thể rửa mặt mũi chân tay. Còn tôi cũng vội vã về phòng riêng.
Tôi đi ra hầu như cùng lúc với hai người, và cả ba sang phòng ăn, thì cha Lavigny mở cửa phòng mình, mời ông Poirot vào.
Ông Emmott và tôi vào phòng ăn. Ở đấy đã có cô Johnson và bà Mercado, và vài phút sau, ông Mercado, ông Reiter và Bill Coleman cũng tới.
Chúng tôi vừa ngồi xuống, và ông Mercado sai tên bồi đi báo cho cha Lavigny là bữa ăn đã dọn, thì một tiếng kêu khẽ làm tất cả giật mình. Thần kinh vốn sẵn căng thẳng, tất cả chúng tôi đứng chồm dậy, và cô Johnson, mặt xanh như tàu lá kêu lên:
- Lại cái gì nữa đây?
Bà Mercado đăm đăm nhìn cô, nói:
- Cô Johnson, cô làm sao thế? Chỉ là tiếng động ngoài đồng.
Đúng lúc đó. Poirot và cha Lavigny bước vào.
Cô Johnson nói:
- Tôi cứ tưởng lại có ai bị thương.
- Ngàn lần xin lỗi. Chính là tôi đó. Cha Lavigny đang giải thích cho tôi những chữ khắc trong văn bản cổ. Tôi cầm một bản ra gần cửa sổ để xem cho rõ thì bị trẹo chân. Lúc đó đau quá nên tôi kêu.
- Cứ tưởng lại một vụ án mạng thứ hai! - bà Mercado nói.
- Marie! - ông Mercado gắt vợ.
Trước lời nhắc nhở ấy, bà Mercado cắn môi, đỏ mặt.
Cô Johnson liền lái câu chuyện sang việc khai quật, nói về những cổ vật quí mới đào được buổi sáng. Từ lúc ấy, suốt bữa ăn, mọi người toàn nói chuyện khảo cổ. Dù sao, đó là đề tài dễ nói hơn cả.
Sau tách cà phê, chúng tôi chuyển sang phòng chung. Đàn ông, trừ cha Lavigny, lại đi ra công trường.
Cha Lavigny đưa Poirot sang phòng cổ vật, tôi cũng sang theo. Tôi đã bắt đầu quen thuộc với những đồ vật đủ loại có giá trị này, và cảm thấy một chút tự hào - cứ như đó là vật sở hữu của riêng mình - khi cha Lavigny lấy một cái liễn vàng trên giá, và Poirot thì suýt soa:
- Trời, đẹp quá! Đúng là một công trình nghệ thuật!
Cha Lavigny càng đế thêm vào, phân tích chi tiết mọi vẻ đẹp của cái liễn một cách hào hứng. Tôi bỗng nhận xét:
- Ồ, hôm nay, không thấy có sáp phủ bên trên.
- Sáp ư? - Poirot nhìn vào mắt tôi, hỏi.
- Sáp? - Cha Lavigny lặp lại.
Tôi cắt nghĩa, và cha Lavigny ồ lên:
- À tôi hiểu, đó là một vết nến.
Điều đó đưa chúng tôi trở lại chuyện có người lạ vào đây ban đêm. Coi như không có tôi, hai người nói với nhau bằng tiếng Pháp. Tôi để họ ở lại, trở về phòng chung.
Bà Mercado đang vá bít tất cho chồng và cô Johnson đang đọc sách, điều ít khi thấy, vì lúc nào cô cũng bận việc.
Một lát sau, cha Lavigny và Poirot đi ra. Cha Lavigny xin phép đi có việc, còn Poirot vào với chúng tôi.
- Một con người rất hay - ông nói.
Rồi ông hỏi cha Lavigny có nhiều việc ở đây không.
Cô Johnson giải thích: đến nay, số thư tịch cổ, đá khắc chữ, và ấn tín... tìm được rất ít. Tuy nhiên, cha Lavigny làm tròn trách nhiệm của mình và có nhiều tiến bộ, chịu khó học tiếng Ả rập.
Cô đứng lên lấy trong tủ ra cho chúng tôi xem một tờ giấy to đầy những dấu ấn tròn in ra để lưu trữ. Chúng tôi cúi xuống ngắm nghía kết quả công việc sao chép công phu ấy, và tôi đoán chiều hôm xẩy ra án mạng, hẳn cô cũng đang lúi húi với việc này.
Trong lúc chuyện trò, tôi nhận thấy Poirot lăn đi lăn lại và nhào nặn trong tay một khối chất dẻo dùng để in dấu ấn. Ông hỏi:
- Cô có phải dùng đến nhiều chất dẻo này không?
- Cũng khá. Năm nay, có vẻ tốn khá nhiều chất dẻo này, nhưng tôi không rõ còn dùng vào những việc gì. Nói chung, một phần nửa dự trữ của chúng tôi đã hết.
- Nửa còn lại để ở đâu?
- Ở đây trong tủ này.
Cô đặt lại tờ giấy in vào tủ, nhân thể chỉ vào ngăn đựng những thỏi chất dẻo và một số vật liệu chuyên môn khác.
Poirot cúi xuống:
- Thế còn cái này?
Ông đã khoắng tay xuống đáy ngăn, lấy lên một vật hình thù kỳ dị. Đó là một kiểu mặt nạ mà mắt và mũi được vẽ sơ sài bằng mực tàu, tất cả được tráng bằng một màng chất dẻo.
Cô Johnson kêu lên:
- Ồ, quái lạ! Lần đầu tôi trông thấy thứ này. Tại sao có cái mặt nạ này? Nó có ý nghĩa gì?
- Tại sao nó ở đây ư? Đây là một chỗ cất giấu tốt, vì chắc không ai dọn dẹp cái ngăn này trước khi hết mùa khai quật. Còn nó là cái gì ư. Là cái mặt nạ mà bà Leidner đã tả. Bộ mặt ma quái lơ lửng... thấp thoáng sau cửa sổ của bà trong đêm tối.
Bà Mercado khẽ kêu một tiếng.
Cô Johnson, mặt xanh mét, hổn hển:
- Như vậy, những chuyện bà Leidner kể không phải là ảo giác, tưởng tượng, mà là có thật. Ai làm cái trò đùa quái ác này?
- Phải - bà Mercado phụ họa - ai là tác giả?
Không tìm cách giải đáp các câu hỏi ấy, Poirot đăm chiêu đi sang phòng bên, lấy về một hộp các tông rỗng rồi đặt chiếc mặt nạ vào đó, nói:
- Tôi sẽ đưa cho cảnh sát.
- Thật kinh khủng - cô Johnson vẫn không ngớt lẩm bẩm - Kinh khủng!
- Còn cái gì giấu trong ngăn nữa không? - bà Mercado rít lên - Biết đâu hung khí tên sát nhân sử dụng... cái vồ dính máu... cũng còn trong đó? Eo ôi, tôi hãi quá.
Cô Johnson ôm vai bà:
- Bà hãy bình tĩnh. Ông Leidner đến đây này. Đừng làm ông thêm não lòng.
Thật vậy, xe đã về. Giáo sư bước xuống, qua sân rồi bước vào phòng chung. Trông ông mệt mỏi, già xọm hẳn so với ba hôm trước. Ông báo tin:
- Mười một giờ sáng mai sẽ cử hành tang lễ. Cô cũng dự chứ, cô Johnson?
- Có chứ ạ. Tất cả mọi người đều dự.
Cô không nói gì thêm. Tuy nhiên ánh mắt cô để lộ những tình cảm lẽ ra không nên có, và giáo sư bỗng tỏ ra đầy vui vẻ và thương mến. Ông nói:
- Cô tốt lắm, trong đau buồn, cô đã an ủi, giúp đỡ tôi rất nhiều!
Ông đặt tay lên vai cô Johnson, và tôi thấy mặt ông hơi đỏ, còn cô Johnson trả lời nhỏ nhẹ:
- Ồ, đó là tất nhiên thôi, thưa giáo sư.
Khuôn mặt cô sáng lên, và tôi hiểu, trong khoảnh khắc ngắn ngủi này, cô Johnson đang say vì hạnh phúc.
Một ý khác thoáng qua óc tôi. Có thể chẳng bao lâu nữa, theo sự sắp xếp hợp lý của tự nhiên, giáo sư Leidner sẽ tìm sự khuây khỏa bên cạnh người bạn gái cũ, và mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp.
Các bạn đừng cho tôi là kẻ hay gán ghép. Tính đến chuyện kết hợp hai con người ấy với nhau vào trước hôm đưa tang bà Leidner thì thật không đúng lúc. Dù sao, giải pháp ấy sẽ là hợp lẽ về mọi mặt. Ông vốn rất mến cô Johnson, và cô luôn tận tụy với ông đến hết đời.
Giáo sư chào Poirot và hỏi cuộc điều tra đã tới đâu.
Cô Johnson đứng phía sau giáo sư, lắc đầu lia lịa, nhìn vào cái hộp Poipot cầm trên tay, như vẻ ra hiệu cho nhà thám tử đừng đả động đến chiếc mặt nạ trước mặt giáo sư. Chắc là cô cho giáo sư đã quá đau buồn rồi, không nên khoét sâu nữa.
Poirot chiều theo ý đó.
- Thưa giáo sư, còn cần nhiều thời gian.
Sau vài câu xã giao, Poirot cáo từ. Tôi tiễn ông ra xe, rất muốn hỏi ông nhiều điều, nhưng thấy cách ông nhìn tôi, tôi lại thôi. Bỗng tôi ngạc nhiên khi nghe ông nói:
- Cô phải giữ mình cẩn thận, cô y tá ạ.
Rồi ông tiếp ngay:
- Tôi đang nghĩ không biết có nên để cô ở lại đây hay không.
- Trước khi xin thôi việc, tôi phải nói chuyện với giáo sư Leidner đã. Và tôi định chờ sau lễ tang sẽ nói.
Ông gật đầu đồng tình:
- Trong khi chờ đợi, cô chớ nên xục xạo vào vấn đề. Chớ tỏ ra là mình quá sắc sảo.
Và ông cười, nói thêm:
- Cứ để tôi mổ, cô chỉ việc băng bó.
Tôi giật mình: cái ông này, sao cứ như đi guốc trong bụng người ta!
Ông đột ngột chuyển sang đề tài khác:
- Cha Lavigny, một con người kỳ quặc!
- Thầy tu mà làm việc khảo cổ, tôi cũng thấy lạ! - tôi nói.
- À, phải, tôi quên: cô theo đạo Tin lành. Tôi theo công giáo, tôi biết rõ các thầy tu và giáo sĩ.
Ông cau mày, do dự một lát, rồi nói:
- Ông ta khôn lắm, ta không khéo thì hớ với ông ta đấy.
Nếu là ông định bảo tôi chớ bép xép, thì lời khuyên đó là thừa.
Sau khi nói lời từ biệt, ông lên xe đi. Tôi quay vào nhà, vừa đi vừa ngẫm nghĩ những việc xẩy ra trong ngày. Nhớ những vết kim tiêm trên cánh tay ông Mercado, nhưng không rõ ông dùng chất ma túy nào. Nhớ chiếc mặt nạ ma quái phết chất dẻo. Và tại sao Poirot và cô Johnson không nghe thấy tiếng kêu của tôi trong phòng chung; trong khi ở phòng ăn, chúng tôi lại nghe tiếng kêu của thám tử? Mà phòng của cha Lavigny và phòng của bà Leidner đều cách phòng chung một khoảng bằng nhau.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 21:17:31 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 23

TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA KHOA HỌC HUYỀN BÍ


Tang lễ diễn ra rất xúc động. Tất cả thành viên của đoàn khảo cổ, cũng như cả hội người Anh ở Hassanich đều tham dự. Cả cô Shiela Reilly, mặc đồ màu sẫm, cũng đi sau xe tang. Chắc hẳn cô cảm thấy bứt rứt về những lời không tốt đã nói về người quá cố.
Về tới nhà, tôi vào phòng giáo sư Leidner để nói về việc tôi xin chấm dứt công tác. Ông rất nhã nhặn, cảm ơn tôi về những việc đã làm (mà nào tôi đã làm được gì!) và nhất định tặng tôi thêm một tuần lương nữa.
Tôi từ chối, nói mình không đáng được hưởng sự ưu ái đó:
- Thật tình, tôi không muốn lĩnh gì hết, trừ tiền tàu xe.
Nhưng ông không nghe.
- Thưa giáo sư, tôi có cảm giác đã không làm tròn trách nhiệm. Tôi có mặt, mà không cứu bà nhà khỏi thảm họa.
- Cô chớ nghĩ như vậy - ông nói giọng thành thực - Nói cho cùng, tôi mướn cô có phải để làm thám tử đâu. Tôi không hề ngờ là tính mệnh vợ tôi bị đe dọa, mà chỉ cho là bà suy nhược thần kinh. Cô không việc gì phải tự trách mình. Nhà tôi yêu cô, tin cậy cô. Nhờ có cô mà những ngày cuối cùng của bà thanh thản, vui vẻ hơn. Thế là cô đã làm tròn trách nhiệm y tá.
Giọng ông hơi run, và tôi đọc được ý nghĩ của ông: ông day dứt tự trách mình vì đã coi nhẹ những cơn mê hoảng của vợ.
- Thưa giáo sư - tôi hỏi - giáo sư đã có ý kiến gì về những thư nặc danh chưa?
- Tôi chẳng biết nghĩ thế nào - ông thở dài - Còn ông Poirot nghĩ sao?
Tôi trả lời lấp lửng:
- Hôm qua, ông chưa có kết luận gì.
Tôi để ý xem giáo sư phản ứng thế nào. Hôm trước mải vui, vì chứng kiến tình thương mến giữa ông với cô thư ký Johnson, tôi quên bẵng vấn đề các lá thư. Ngay bây giờ, tôi cảm thấy nói chuyện ấy là không hay lắm. Cứ cho là cô ta viết đi, thì cô Johnson đã phải trả giá bằng sự hối hận của mình. Tuy nhiên, tôi rất muốn dò xem ông Leidner có biết gì chuyện ấy không.
- Thông thường, thư nặc danh phần lớn do đàn bà viết - tôi nói.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng trường hợp này, có thể là chính Frederick Bosner viết.
- Vâng, không loại trừ khả năng ấy, nhưng tôi không tin.
- Tôi tin! Bảo do người trong đoàn viết là vô lý. Đó chỉ là giả thuyết oái ăm của ông Poirot. Sự thật đơn giản hơn. Hung thủ, rõ ràng là một tên điên loạn, đã cải trang thế nào đó, và lảng vảng quanh đây. Chiều hôm đó nó đã tìm cách đột nhập. Lũ gia nhân, bị đấm mõm bằng tiền, có thể nói dối.
- Khả năng ấy cũng không thể loại trừ.
Ông Leidner tức tối nói tiếp:
- Nghi ngờ như ông Poirot thì dễ quá ! Theo tôi, không người nào trong đội khảo sát của tôi dính líu vào vụ này. Tôi làm việc với họ, tôi phải hiểu họ chứ!
Đột nhiên ông dừng lại, rồi nói tiếp:
- Có phải do kinh nghiệm mà cô cho rằng thư nặc danh thường là của đàn bà?
- Không phải tất cả mọi trường hợp. Nhưng phụ nữ thường có thói quen hờn dỗi, ghen tức, làm như vậy cho hả.
- Có phải cô ám chỉ bà Mercado?
Ông lắc đầu nói luôn:
- Dù bà ấy có tâm địa đen tối muốn làm việc hèn hạ ấy, bà cũng không có sự tinh tế cần thiết để thực hiện.
Lúc này, tôi nghĩ tới những lá thư đầu tiên cất trong cặp da của bà Leidner. Nếu bà Leidner quên khóa chiếc cặp ấy, rất có thể bà Mercado hôm nào đó có một mình ở nhà, đã tìm thấy và đọc thư. Đơn giản vậy, nhưng đàn ông lại hay không nghĩ tới!
- Ngoài bà Mercado, ở đây không còn phụ nữ nào khác ngoài cô Johnson - tôi nói, đồng thời quan sát ông.
- Nghi ngờ vậy thật lố bịch.
Ông mỉm cười, chấm dứt câu chuyện. Chưa bao giờ ông nghĩ cô Johnson là tác giả các lá thư. Tôi định mở miệng, song lại thôi. Ai lại tố cáo một người cùng giới, vả lại tôi chẳng thấy thái độ hối hận thực bụng của cô Johnson đó sao? Không nên trở lại quá khứ và làm ông Leidner thất vọng, đau buồn thêm.
Vậy là đã thỏa thuận: ngày mai tôi sẽ đi và nhờ bác sĩ Reilly giới thiệu, tôi sẽ tạm nghỉ một, hai ngày ở nhà bà giám đốc bệnh viện trong khi chờ làm thủ tục về nước.
Giáo sư Leidner có nhã ý tặng tôi một vật gì của bà Leidner làm kỷ niệm.
- Ồ! không - tôi từ chối - ông quá quan tâm...
Ông nài nỉ:
- Tôi muốn cô mang đi một cái gì. Nếu còn sống, nhà tôi cũng sẽ đồng tình.
Ông đề nghị tôi lấy những đồ trang điểm bằng đồi mồi.
- Không. Tôi không dám nhận những thứ quý như vậy.
- Cô biết là bà nhà tôi không có thân thích. Những đồ ấy, còn ai dùng.
Tôi thông cảm với ông, chả lẽ để chúng rơi vào tay bà Mercado tham lam, hoặc đem chúng tặng cô Johnson.
- Cô cứ suy nghĩ đi - ông nói, vẫn bằng giọng nhã nhặn - Đây là chìa khóa hộp nữ trang của Louise, thích gì cô cứ cầm. Và nhờ cô đóng gói hộ tất cả quần áo của bà ấy. Bác sĩ Reilly sẽ đem chúng tặng cho những gia đình nghèo ở Hassanich.
Tôi vui vẻ giúp ông Leidner làm việc này. Bà Leidner chỉ mang theo đến Tell Yarimjah những thứ cần dùng thiết yếu; chẳng mấy lúc tôi đã bỏ xong mọi quần áo vào hai chiếc va li. Tất cả các giấy tờ đều đựng trong cặp da. Hộp nữ trang chỉ có vài thứ bình thường: một nhẫn nạm ngọc, một ghim cài bằng kim cương, một chuỗi ngọc đeo cổ, hai ghim cài bằng vàng và một vòng cổ hổ phách.
Tất nhiên, tôi không hề muốn cầm đồ ngọc hoặc kim cương, và lưỡng lự giữa chiếc vòng hổ phách và bộ đồ trang điểm. Xét cho cùng, tôi cầm bộ đồ này cũng chẳng sao, ông ta đã vui lòng tặng tôi không nhằm ý đồ gì, và tôi không cần khách sáo. Dù sao, bà Leidner cũng đã từng quý tôi. Tôi xếp va li, khóa cái hộp để sẽ trao lại cho giáo sư, cùng với tấm ảnh ông thân sinh bà Leidner và một số vật dụng khác.
Làm xong mọi việc, tôi thấy căn phòng trở nên trống rỗng, buồn bã. Chẳng còn việc gì, vậy mà như có sức mạnh nào giữ tôi ở lại. Linh tính như mách bảo tôi còn phải chứng kiến hoặc phát hiện một cái gì. Không mê tín, nhưng tôi cảm thấy linh hồn bà Leidner phảng phất trong phòng, muốn giao cảm với tôi.
Nhớ hồi làm việc ở bệnh viện, một số cô bạn thường có một miếng ván, trên ghi những câu thần chú kỳ quặc. Bây giờ đến lượt tôi cũng trở thành một cô đồng chăng? Tôi đi quanh phòng, xê dịch các bàn ghế, nhưng không phát hiện chỗ kín hay ngăn kéo hai đáy nào.
Cuối cùng (có thể các bạn cho tôi là dở người, nhưng, có những lúc ta không làm chủ được hành vi của mình), tôi làm thử một thí nghiệm: nằm dài lên giường, nhắm mắt lại; cố quên bản thân mình và tưởng tượng mình là bà Leidner ở buổi chiều tai họa ấy.
Tôi là một phụ nữ bình thường, mực thước, không hề là môn đệ của khoa học huyền bí. Nhưng năm phút sau rõ ràng tôi cảm thấy tâm hồn lâng lâng như cô đồng. Để dấn thêm vào tình trạng ấy, tôi lẩm nhẩm:
- Tôi là bà Leidner… Tôi là bà Leidner... Tôi nằm trên giường... thiu thiu ngủ. Lát nữa… lát nữa... cửa sẽ mở.
Tôi lặp đi lặp lại các câu ấy... như để tự kỷ ám thị.
Bây giờ là một giờ rưỡi... thời khắc sắp đến... cửa sắp mở... cửa sẽ mở... ta sẽ biết là ai vào.
Tôi không rời mắt khỏi cái cửa sắp mở. Tôi sẽ thấy cửa mở... và tôi sẽ biết người nào mở cửa.
Trưa hôm đó, hẳn là trí óc tôi có hơi mệt mỏi, nên mới tượng tượng mình sẽ khám phá ra bí mật bằng cách ấy.
Nhưng lạ thay, tôi bỗng thấy lạnh buốt dọc xương sống, lan cả xuống đôi chân, cảm thấy chân tê liệt, vô cảm. Tôi nghĩ thầm: Hồn sắp nhập rồi, và người sẽ thấy...
Một lần nữa, tôi lại nói đều đều:
- Cửa sắp mở… Cửa sắp mở...
Tứ chi tôi càng thêm lạnh buốt, tê dại.
Và lúc đó, từ từ, tôi thấy cánh cửa hé mở.
Ôi kinh khủng!
Cả đời tôi chưa bao giờ khiếp hãi đến thế. Tôi nằm im, tim lạnh ngắt, không động đậy được một ngón tay.
Cánh cửa mãi không chịu mở hẳn. Nhưng từ từ, từ từ, nó vẫn mở.
Bill Coleman bình thản bước vào, ông ta suýt kêu lên vì sợ. Còn tôi thì chồm khỏi giường, hét to, chạy ra đứng giữa phòng.
Coleman sững người, bộ mặt hồng càng đỏ lên, ông ta há hốc mồm:
- Ôi, ôi, cô y tá! Có chuyện gì?
Tôi trở về với thực tại:
- Ối trời, ông Coleman! Ông làm tôi sợ chết khiếp!
- Tôi xin lỗi.
Ông ta cầm trong tay một bó hoa đỏ, loại hoa dại mọc trên sườn đồi Tell, mà bà Leidner rất thích. Coleman càng đỏ mặt:
- Ở Hassanich không có cửa hàng bán hoa; tôi thấy nếu không đặt một vòng hoa lên mồ người quá cố thì thật buồn, vì vậy tôi định đem bó hoa nhỏ này cắm vào chiếc lọ bà Leidner vẫn có trên bàn... chỉ để tỏ ra chúng tôi không quên bà. Cô có thể cho ý nghĩ đó là trẻ con...
Tình cảm ông Coleman thật đáng trân trọng. Vậy mà ông cứ tỏ vẻ xấu hổ, lúng túng như tất cả những người Anh khi bị bắt gặp đang cảm tình lai láng.
- Trái lại, đó là sự quan tâm rất đáng quí.
Tôi lấy chiếc lọ, đổ đầy nước và cắm hoa. Qua hành động này, tôi càng thấy quý ông Coleman, một con người tốt bụng, đầy tình cảm. Ông không hỏi tại sao tôi thét lên khi thấy ông vào. Càng tốt, nếu không, tôi biết giải thích làm sao?
Tôi sửa sang lại quần áo, tự nhủ: "Lần sau, mày phải cẩn thận. Đừng tập tọng làm thầy mo, cô đồng".
Sau đó, tôi chuẩn bị hành lý và luôn bận bịu tay chân cho đến hết ngày.
Cha Lavigny tỏ ý tiếc thấy tôi ra đi. Cha nói mọi người đều mến tôi vì sự trầm tĩnh đầy lý trí. Lý trí! Nếu cha trông thấy tôi làm gì trong phòng bà Leidner!
- Hôm nay không thấy ông Poirot nhỉ - cha nói.
Tôi cho cha biết là cả ngày hôm nay Poirot ra bưu điện để gửi điện tín.
Cha Lavigny nhướn đôi lông mày:
- Đi đánh điện tín? Sang Mỹ ư?
- Có lẽ vậy. Ông ấy bảo đánh điện "đi khắp nơi". Các ông người nước ngoài bao giờ cũng nói quá.
Nói rồi, tôi đỏ mặt, chợt nhớ cha Lavigny cũng là người nước ngoài. Song cha chỉ cười và hỏi tôi có tin tức gì về người mắt lác chưa. Tôi nói là không biết.
Cha còn muốn biết chinh xác giờ nào tôi và bà Leidner nhìn thấy hắn ta kiễng chân cố nhòm vào trong cửa sổ. Cha nói:
- Rõ ràng là tên này quan tâm đặc biệt đến bà Leidner. Lắm lúc tôi tự hỏi, hay hắn là người da trắng, ngụy trang thành người Irắc.
Tôi suy nghĩ khá lâu về giả thuyết này. Tôi đã cho anh ta là người bản xứ, vì chỉ chú ý đến y phục và màu da vàng.
Cha Lavigny ngỏ ý muốn đi đến chỗ mà tôi và bà Leidner đã bắt gặp người lạ.
- Để xem xem hắn có đánh rơi vật gì không. Biết đâu đấy? Trong các truyện trinh thám, thủ phạm thường hay mắc sơ suất.
- Nhưng trong đời thực thì chúng cáo hơn nhiều.
Tôi đưa mấy đôi tất mà tôi vừa vá, đặt lên bàn trong phòng chung để của ai người ấy đến lấy. Rồi, chẳng còn việc gì làm, tôi đi lên sân thượng.
Trên đó đã có cô Johnson, nhưng cô không nghe tiếng tôi lên. Tôi đến sát gần mà cô cũng không biết.
Và tôi nhận ra cô gái già này đang bối rối chuyện gì.
Đứng giữa sân thượng, cô nhìn đăm đăm về phía trước, vẻ mặt lo âu, dường như vừa nhận ra điều gì mà lý trí cô không chịu chấp nhận.
Tôi sửng sốt. Xin chớ nhầm lẫn: tôi hôm trước, cô có dáng vé bối rối, nhưng hôm nay nét mặt khác hẳn. Tôi lại gần, hỏi:
- Cô Johnson, có chuyện gì vậy?
Cô quay đầu lại, nhìn tôi một cách lơ đãng.
- Có chuyện gì? - tôi gặng.
Cô nhăn mặt... như để nuốt nước bọt, và nói giọng khàn:
- Tôi vừa nhìn ra một điều.
- Điều gì. Nói tôi nghe. Trông cô như không được khỏe.
Cô định hồi tĩnh lại, nhưng vô ích. Cô nói giọng nhợt nhạt:
- Tôi vừa nhận ra người ta có thể từ bên ngoài đột nhập mà không ai trông thấy.
Tôi nhìn theo hướng mắt cô, nhưng chẳng thấy gì. Ông Reiter đang đứng trước cửa phòng ảnh, và cha Lavigny đi ngang qua sân... Không có gì khác.
Tôi quay lại, thấy nét mặt cô có vẻ thật kỳ lạ.
- Thật tình, tôi không hiểu cô định nói gì. Cô nói rõ xem sao?
Cô lắc đầu:
- Không phải lúc này… để sau đã. Ôi! Lẽ ra ta phải biết sớm! Lẽ ra phải biết sớm hơn!
- Thì cô cứ nói tôi nghe nào!...
Nhưng cô lại lắc đầu:
- Để tôi suy nghĩ đã.
Rồi cô đi qua mặt tôi, xuống thang gác. Tôi không đi theo, mà ngồi lại trên lan can, cố nghĩ mà không ra. Sân chỉ có một lối vào, là cái cổng vòm. Trước cổng này, anh gánh nước đang ngồi nói chuyện với anh nấu bếp. Không ai vào mà họ không trông thấy.
Tôi lắc đầu, phân vân, rồi cũng đi xuống sân.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 21:18:45 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 24

GIẾT NGUỜI TRỞ THÀNH THÓI QUEN

Tối hôm đó, chúng tôi đều về phòng sớm. Lúc ăn tối, cô Johnson có thái độ bình thường. Tuy nhiên đôi mắt cô nhớn nhác, và một, hai lần người khác hỏi gì cô cũng ngơ ngơ ngác ngác như không nghe hiểu.
Bữa ăn diễn ra buồn tẻ. Các bạn sẽ bảo điều ấy là lẽ dĩ nhiên, vì là, ngày đưa tang vợ thủ trưởng. Dù sao, tôi vẫn thấy có gì khang khác.
Trước đây, các bữa ăn tương đối yên lặng và không hoàn toàn thoải mái, song dù sao cũng có bầu không khí thân ái. Ai nấy đều vui vẻ với ông Leidner và cảm thấy có tình đoàn kết gắn bó mọi người với nhau, vì họ đều cùng chung công việc.
Còn tối đó làm tôi nhớ đến bữa ăn đầu tiên tôi mới tới: bà Mercado nhìn tôi chòng chọc, và không khí nặng nề đe dọa trùm lên tất cả. Hôm nay, y như vậy: tất cả đều nóng nảy, dễ cáu bẳn. Giả thử có ai đánh rơi cái thìa xuống đất, tôi chắc thế nào cũng có người kêu thét.
Như đã nói, chúng tôi chia tay nhau, về phòng sớm. Tôi lên giường ngay. Những lời cuối cùng tôi nghe là tiếng bà Mercado chúc cô Johnson ngủ ngon, ngay trước cửa phòng tôi.
Quá mệt mới vì những xúc động trong ngày và nhất là cái thí nghiệm vớ vẩn "nhập hồn" trong phòng bà Leidner, tôi ngủ một mạch mấy tiếng đồng hồ liền.
Lúc giật mình tỉnh dậy, tôi có cảm giác lại sắp có tai họa. Có tiếng động gì đã làm tôi thức giấc, và ngồi nhổm dậy lắng tai, lại nghe tiếng nữa.
Một tiếng rên dài đau đớn.
Lập tức, tôi châm nến, nhảy khỏi giường. Tôi cầm theo một đèn pin bỏ túi, phòng nến tắt. Tôi đi ra cửa phòng nghe ngóng. Tiếng rên không xa. Nó phát từ phòng giáp phòng tôi... phòng cô Johnson.
Tôi chạy vội sang. Cô Johnson nằm trên giường, co quắp vì đau đớn. Tôi đặt cây nến và cúi xuống. Môi cô mấp máy muốn nói, nhưng chỉ thốt ra tiếng khàn khàn. Bây giờ tôi mới nhìn thấy hai bên mép và da cằm cô xám xịt, bị cháy xém.
Dưới sàn, một cái cốc nằm lăn lốc, chắc từ tay cô rớt xuống làm tấm thảm vấy một màu đỏ tươi. Tôi nhặt cốc, đưa ngón tay sờ tới đáy, và phải kêu lên và rụt ngay tay lại. Sau đó tôi khám bên trong miệng nạn nhân.
Rõ ràng là, không biết bằng cách nào, cô đã uống một liều axít mạnh.
Tôi chạy đi gọi giáo sư Leidner. Ông đánh thức mọi người, và chúng tôi hết sức lo lắng cứu chữa người bị nạn. Nhưng ngay từ đầu tôi đã hiểu là mọi phương sách đều vô ích. Chúng tôi cho cô uống thuốc tẩy, rồi để giảm cho cô sự đau đớn, tôi tiêm một ống moóc-phin.
David Emmott chạy đi Hassanich tìm bác sĩ Reilly, nhưng bác sĩ chưa kịp tới, thì tử thần đã làm xong trách nhiệm.
Tôi khỏi phải mô tả chi tiết cái cảnh đau đớn này. Đầu độc bằng một liều mạnh axit clorydric (mổ tử thi chứng minh đúng là chất độc này) gây ra một trong những cách chết khủng khiếp nhất.
Khi tôi cúi xuống để tiêm moóc-phin, cô Johnson cố mở miệng một cách tuyệt vọng để nói. Tiếng thều thào thốt ra từ đôi môi xám xịt:
- Cửa sổ, cô ý tá… cửa sổ…
Cô không nói hơn nữa, và lăn ra bất tỉnh.
Đêm hôm đó sẽ ghi mãi vào trong trí nhớ tôi: bác sĩ Reilly, rồi đại úy Maitland tới; cuối cùng, rạng sáng, Hercule Poirot xuất hiện.
Poirot ân cần cầm tay tôi đưa về phòng ăn, bắt tôi ngồi xuống và uống một chén trà đặc.
- Thế... Tốt hơn rồi. Cô đã mệt lả - ông nói và tôi òa khóc.
- Thật kinh hoàng - tôi nức nở - Một cơn ác mộng... Đôi mắt cô... Ôi! Ông Poirot... đôi mắt...
Poirot dịu dàng vỗ vai tôi:
- Thôi, thôi nào... đừng nghĩ gì nữa. Cô đã làm tròn trách nhiệm.
- Axit clorydric nồng độ cao. Hẳn là ở đây dùng chất ấy để cạo sạch đồ gấm.
- Phải. Cô Johnson đã uống trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Trừ khi cô cố tình.
- Ôi, ông Poirot! Không thể có chuyện ấy!
- Mọi việc đều có thể xảy ra. Cô nghĩ thế nào?
Tôi suy nghĩ một lát, kiên quyết lắc đầu:
- Tôi không tin... Không đời nào... Chiều qua, hình như cô đã phát hiện điều gì...
- Cô nói sao? Phát hiện cái gì?
Tôi nhắc lại câu nói của cô hôm trước.
Poirot chúm môi huýt một tiếng sáo miệng:
- Tội nghiệp! Cô ấy bảo để suy nghĩ đã, phải không? Chính lúc đó, là cô ta đã ký bản án tử hình của mình. Giá cô ấy thổ lộ... cho cô... ngay lúc đó. Cô hãy nói lại y nguyên lời cô Johnson xem nào...
Tôi nói lại.
- Cô ấy đã hiểu người ta có thể đột nhập từ bên ngoài vào mà không ai biết? Nào, ta lên sân thượng, cô chỉ cho tôi chỗ cô Johnson đứng ở đâu.
Chúng tôi trèo thang gác, và tôi chỉ chỗ cô Johnson đứng.
- Như thế này, phải không? - Poirot hỏi - Từ chỗ này, ta nhìn thấy gì? Một nửa sân, cái cổng vòm, cửa xưởng vẽ, xưởng ảnh và phòng thí nghiệm. Lúc đó có ai ở trong sân?
- Cha Lavigny đi ra cổng, và ông Reiter đứng trước cửa phòng ảnh.
- Tôi vẫn không nhìn thấy có thể từ bên ngoài vào cách nào mà không ai biết... Thế mà cô Johnson đã thấy...
Ông lắc đầu chịu không hiểu.
- Bố khỉ! Cô ấy nhìn thấy gì?
Mặt trời lúc này đã mọc. Phía đông, bầu trời ửng lên màu hồng, cam và xám nhạt.
- Rạng đông tuyệt đẹp! - Poirot lai láng thốt lên.
Phía trái chúng tôi dòng sông uốn khúc và dãy núi Tell in hình trên nền trời rực vàng. Phía nam, vườn tược và cánh đồng trải ra tít tắp.
Chiếc guồng nước cót két ở xa xa. Phía bắc là những tháp nhà thờ và những ngôi nhà trắng toát của thị trấn Hassanich. Cảnh tượng đẹp một cách huyền ảo.
Bỗng nhiên, sát cạnh tôi, Poirot thốt một tiếng thở phào:
- Sao mà tôi ngu vậy! Có thế mà không thấy! Rõ rồi...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 21:20:10 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 25

TỰ VẪN HAY BỊ GIẾT?


Tôi không kịp hỏi thêm Poirot, vì đúng lúc đó đại úy Maitland đứng bên dưới gọi chúng tôi xuống, cần gặp ngay.
Chúng tôi xuống thang, nhảy mấy bậc một. Đại úy mở đầu:
- Ông Poirot này, lại một chuyện rắc rối nữa: ông thầy tu đã biến mất.
- Cha Lavigny?
- Phải. Không ai để ý, mãi mới đây có người nói không thấy ông cha đâu. Chúng tôi vào phòng tìm, thấy giường vẫn nguyên vẹn, mà ông cha không để lại dấu tích.
Tôi tưởng như đang mơ: vụ đầu độc cô Johnson, nay là cha Lavigny bỏ trốn.
Bọn gia nhân được gọi lên để truy hỏi, nhưng họ đều nói không biết gì. Tối qua lúc tám giờ, ông ta nói đi dạo chơi một lát trước khi về ngủ.
Và không ai thấy ông ta quay về.
Như thường lệ, chiếc cổng lớn đã đóng và khóa lúc chín giờ. Sáng nay, không ai nói mình đã ra mở cổng. Hai tên bồi trẻ thì đứa này tưởng đứa kia làm việc đó.
Vậy tối qua, cha Lavigny có về nhà không? Hay trong khi đi dạo, ông ta đã phát hiện ra điều gì và muốn đi sâu tìm hiểu? Hay phải coi ông là nạn nhân thứ ba?
Đại úy quay về lúc bác sĩ Reilly cùng ông Mercado đi tới.
- Thế nào, ông Reilly, có gì mới?
- Đã xong, tôi vừa cùng ông Mercado soát lại. Đúng là axit clorydric lấy của phòng thí nghiệm.
- Phòng thí nghiệm? Phòng có khóa không?
Ông Mercado lắc đầu. Tay ông run run, mặt ông tái mét. Ông lắp bắp:
- Phòng ít khi khóa... vì mọi người có việc ra vào luôn. Tôi... nào có ai ngờ…
- Ban đêm có khóa không?
- Ban đêm thì có, cũng như tất cả các phòng khác. Các chìa khóa đều treo trên đinh, trong phòng chung.
- Nghĩa là ai giữ chìa khóa phòng ấy có thể lấy tất cả các chìa khóa khác?
- Vâng.
- Một chìa khóa bình thường?
- Bình thường.
Đại úy Maitland hỏi:
- Không có gì chứng tỏ cô Johnson tự tay lấy axit trong phòng thí nghiệm?
- Cô ấy không lấy! - tôi vội kêu một cách khẳng định.
Có một bàn tay khẽ đặt lên cánh tay tôi, Poirot đứng đằng sau tôi.
Lúc đó, một sự việc trớ trêu xẩy ra.
Trớ trêu không phải vì bản thân sự việc… mà là do hoàn cảnh, không đúng lúc.
Một chiếc xe hơi tiến vào sân, và một người bé nhỏ, đội chiếc mũ thuộc địa, khoác áo "tanh-cốt” dày, thong thả bước xuống, reo lên:
- A, ông đây rồi! Rất vui mừng gặp ông. Tôi qua đây chiều thứ bảy, trên đường đi đến chỗ người Ý ở Fugima. Tôi đã thăm khu khai quật của các ông, nhưng không gặp một ai là người da trắng. Mà tôi không biết tiếng A rập và không có thì giờ để ghé qua khu trụ sở. Sáng sớm nay tôi từ Fugima trở về, sẽ ở lại đây hai tiếng cùng ông. Thế nào! Công việc ra sao?
Thật mỉa mai.
Giọng vui vẻ, tác phong tự nhiên của một người từ thế giới bình thường tới, làm chúng tôi sững sờ. Ông ta không biết gì về thảm kịch, nhảy xuống chúng tôi với vẻ hồ hởi tràn trề.
Giáo sự Leidner ấp úng câu gì không rõ, rồi đưa mắt về bác sĩ Reilly, khẩn cầu bác sĩ giúp giải quyết hộ vị khách.
Bác sĩ liền kéo người nọ ra chỗ khuất và cho biết sự thật.
Sau này tôi biết vị khách nọ là một nhà khảo cổ người Pháp tên là Verrier đang khai quật ở các đảo thuộc Hy lạp. Verrier sửng sốt, vội vã xin lỗi và chia buồn. Ông lao tới giáo sư Leidner, bắt tay nồng nhiệt.
- Ôi đau buồn! Trời! Tôi không biết nói gì hơn...
Ông khách ân hận lắc đầu, bất lực không thể giãi bày ý nghĩ, xin cáo từ, lên xe mà đi.
Bác sĩ Reilly nói giọng kiên quyết:
- Bây giờ ta phải nghĩ đến bữa ăn. Leidner, tôi yêu cầu ông phải giữ gìn sức khỏe.
Ông giáo sư nay chỉ còn là cái thân tàn, theo chúng tôi vào phòng ăn. Chẳng ai thiết ăn uống, tuy nhiên tách cà phê nóng và món trứng rán cũng làm mọi người hồi phục phần nào. Giáo sư Leidner nhấp chút cà phê và ít bánh. Mặt ông xám màu tro, thể hiện sự khổ đau cùng cực.
Sau bữa ăn sớm, đại úy Maitland lần lượt hỏi mọi người.
Tôi nói là nghe tiếng động nên thức dậy và chạy sang phòng cô Johnson.
- Và cô nói thấy một cái cốc lăn dưới đất?
- Vâng, chắc uống xong thì cô buông rơi.
- Cốc có vỡ không?
- Không, nó lăn theo chiếc vải trải giường. Tôi nhặt lên, đặt trên bàn.
- Cám ơn cô đã cung cấp chi tiết. Chúng tôi chỉ tìm thấy hai loại vân tay, một rõ ràng của cô Johnson, và một của cô.
Ông yêu cầu tôi khai tiếp.
Tôi tả tỉ mỉ những việc đã làm với cô Johnson, đưa mắt nhìn bác sĩ Reilly. Bác sĩ gật đầu:
- Trường hợp ấy, cô làm những việc đó là đúng.
Lời bác sĩ Reilly làm tôi thanh thản, mặc dù trước đó tôi nghĩ đã không bỏ sót việc gì có thể làm để cứu cô Johnson.
- Lúc bấy giờ cô có biết cô ấy uống gì? - đại úy hỏi tôi.
- Không... nhưng tôi biết ngay đó là một chất axit mạnh.
Đại úy nghiêm trang hói:
- Cô có cho là cô Johnson đã chủ động uống?
- Ồ! Không! Không đời nào tôi thoáng có ý nghĩ ấy.
Không hiểu tại sao tôi dám khẳng định vậy. Có thể tôi đã bị câu nói của ông Poirot ảnh hưởng: "Giết người trở thành thói quen". Hơn nữa, không ai lại chọn kết liễu cuộc đời bằng cái chết đau đớn thế.
Tôi nói ý nghĩ đó với đại úy, và đại úy tỏ vẻ tán thành:
- Thật vậy, thường không ai chọn cách chết ấy, trừ khi trong lúc tuyệt vọng, trong tay không có cách nào khác.
- Cô ấy tuyệt vọng đến mức ấy sao? - tôi hỏi.
Bà Mercado cho là như thế. Bà ấy nói tối qua, cô Johnson rất bối rối đến mức không buồn trả lời ai gợi chuyện. Bà Mercado khẳng định cô ấy đã bị những ý nghĩ đen tối ám ảnh, và đã nghĩ đến chuyện tự vẫn từ lúc đó.
- Không, tôi không tin chút nào! - tôi kiên quyết bác bỏ.
- A! Cái bà Mercado! Thật độc mồm độc miệng.
- Vậy, quan điểm của cô thế nào.
- Cô ấy bị người ta đầu độc!
Đại úy hỏi câu tiếp theo bằng giọng nghiêm nghị như hỏi người dưới quyền.
- Vì sao cô tin như vậy?
- Tôi không thấy lý do nào khác.
- Đó chỉ là ý kiến cá nhân của cô. Tại sao phải thủ tiêu cô ấy? Tôi không thấy động cơ nào...
- Xin lỗi. Có động cơ. Cô Johnson đã vén một góc màn bí mật.
- Cô ấy đã phát hiện điều gì?
Tôi nhắc lại, từng lời một, câu chuyện trên sân thượng.
- Cô ấy không chịu nói rõ hơn?
- Có, nhưng cô nói để còn suy nghĩ.
- Cô ấy có vẻ xao xuyến?
- Có.
- “Có một cách đột nhập từ ngoài vào” - đại úy cau mày nhắc lại - Cô ấy định nói gì nhỉ?
- Không biết. Tôi cũng đã nghĩ nát óc.
- Còn ông, ông Poirot, ông nghĩ sao? - đại úy hỏi.
Poirot đáp:
- Ông thấy đấy, đó là một động cơ rất thuyết phục.
- Đủ để giết một người?
- Đủ để giết một người.
Đại úy Maitland càng chau mày dữ:
- Trước khi chết cô ấy nói được gì?
- Có. Cô lắp bắp được ba từ.
- Những từ gì?
- “Cái cửa sổ”.
- “Cái cửa sổ”? - đại úy Maitland nhắc lại - Và cô có hiểu cô ấy muốn nói gì?
Tôi lắc đầu.
- Trong phòng ngủ cô ấy có bao nhiêu cửa sổ?
- Chỉ có một.
- Nhìn ra sân?
- Phải.
- Cửa mở hay đóng? Nếu tôi nhớ không nhầm, thì cửa mở. Nhưng có thể một người nào đó đã mở ra?
- Không, nó luôn luôn mở. Tôi tự hỏi...
Tôi ngừng bặt.
- Cô nói tiếp đi!
- Tôi đã xem xét của sổ, không có gì bất thường. Tôi tự hỏi có sự đánh tráo cốc qua cái cửa này chăng.
- Đánh tráo cốc?
- Vâng. Cô Johnson có thói quen để sẵn cốc nước để dùng ban đêm. Có người đã lấy cốc đi, thay bằng cốc axit clorydric.
- Ông nghĩ sao, bác sĩ Reilly?
- Nếu là giết người, hung thủ chắc sẽ làm cách ấy. Nếu tỉnh, không ai ống thuốc độc thay nước. Nhưng nếu có thói quen uống nước lúc nửa đêm, người ta đưa tay ra như máy, vớ cái cốc ở chỗ đã để sẵn, rồi trong lúc ngái ngủ, có thể uống kha khá mới kịp nhận ra sự nhầm lẫn tai hại.
Đại úy Maitland suy nghĩ một lát.
- Tôi sẽ quay lại để xem cái cửa sổ. Nó cách đầu giường bao xa?
- Với tay ra thì tới chiếc bàn nhỏ kê đầu giường.
- Và cốc nước đặt trên bàn ấy?
- Phải.
- Cửa ra vào có khóa không?
- Không.
- Nếu vậy, muốn đánh tráo, có thể đi thẳng vào phòng.
- Tất nhiên.
- Nhưng như thế sẽ nguy hiểm hơn - bác sĩ Reilly nói - Người dù ngủ say vẫn có thể bất thần thức dậy. Thò tay qua cửa sổ để đánh tráo, vẫn an toàn hơn.
- Tôi không chỉ nghĩ riêng cái cốc... - đại úy Maitland nói lơ mơ.
Rồi ông như bừng tỉnh, lại hỏi:
- Theo cô, cô Johnson biết mình sắp chết, đã cố nói để cô biết là có người đã đánh tráo cốc axít thay cốc nước qua của sổ mở? Nhưng theo tôi, cô ấy phải nói ra tên thủ phạm thì mới đúng...
- Có thể cô không nhận ra người đánh tráo là ai - tôi nói.
- Hoặc cô ấy phải nói hôm trước đã phát hiện cái gì.
Bác sĩ Reilly chen vào:
- Lúc thập tử nhất sinh rồi, con người đâu có nhớ ra thứ tự các vấn đề cần nói. Một bàn tay thò qua cửa sổ, đó có thể là hình ảnh in hằn vào trí óc vào giờ phút cuối cùng của người đó. Cô Johnson cho điều đó là quan trọng nhất, cần thông báo. Theo tôi, như thế là đúng: vấn đề đó có tầm quan trọng đặc biệt, cô ấy không muốn để bị hiểu nhầm là mình tự tử. Nếu nói được bình thường, hẳn cô ấy sẽ nói như sau: "Tôi không tự tử. Có kẻ đã đặt chất độc gần giường qua cửa sổ”.
Đại úy Maitland không đáp, gõ tay lên bàn, rồi nói:
- Có hai cách giải thích cái chết này: tự tử, hay bị giết. Cách nào là khả năng hơn cả, thưa giáo sư.
Sau vài giây suy nghĩ, ông Leidner đáp, giọng bình tĩnh, dứt khoát:
- Bị giết. Anne Johnson không phải người tự hủy hoại đời mình.
- Không phải... Nhưng đó là trong hoàn cảnh bình thường. Trong những trường hợp nào đó, tự tử lại là một lối thoát thuận tiện - đại úy vặn vẹo.
- Ông nói rõ xem nào.
Đại úy cúi xuống nhặt một cái gói mà tôi thấy ông đặt dưới chân ghế từ nãy, ông bê nó đặt lên bàn, có vẻ khá nặng.
- Mọi người chưa biết gói này là cái gì, chắc thế. Tôi tìm thấy nó trong gầm giường cô Johnson.
Ông mở gói, để lộ ra một cái thớt cối xay.
Vật này với chúng tôi chẳng có gì lạ. Đoàn khai quật đã đào được hơn chục cái như thế.
Nhưng trên cái thớt này có một vết sẫm và mấy sợi tóc dính vào. Đại úy nói:
- Vết này là vết gì, bác sĩ Reilly sẽ cho ta rõ sau. Nhưng với tôi, không nghi ngờ gì nữa: Cái thớt bằng đá này là hung khí đã giết bà Leidner.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 21:22:53 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 26

LẦN SAU ĐẾN LƯỢT TÔI


Ôi, cảnh tượng hãi hùng! Giáo sư Leidner như sắp ngất đi, còn tôi thì bàng hoàng.
Bác sĩ Reilly tò mò ngắm nghía vật chứng quan trọng.
- Không có dấu vân tay? - ông hỏi đại úy.
- Không một vết.
Bác sĩ Reilly cầm một cái kẹp, bắt đầu xem xét.
- Hừm... Đây là một mẩu thịt người... vài sợi tóc… vàng... Đó là nhận xét trông thấy rõ. Trước khi kết luận, còn cần nghiên cứu kỹ mẫu máu... Nhưng kết quả gần như đã rõ. Cái thớt này tìm thấy dưới giường cô Johnson? Thế là màn bí mật đã vén: Cô ta phạm tội, rồi - cầu Trời ban phước linh hồn cô - hối hận day dứt, đã tự kết liễu đời mình. Có lý lắm.
Giáo sư Leidner trĩu nặng đau thương, lắc đầu lẩm bẩm:
- Không! Không! Không phải Anne Johnson!
- Trước đó cô ta giấu cái gói này ở đâu? Sau cái chết của bà Leidner, ta đã lục soát tất cả các phòng rồi mà? - Đại úy Maitland hỏi.
Tôi nghĩ bụng: "Trong tử đựng giấy má!", nhưng không nói ra.
Đại úy tiếp:
- Tuy nhiên, cô Johnson thấy chỗ giấu trước không chắc chắn, nên đem cái thớt về phòng mình, vì phòng này đã được khám rồi. Hoặc có thể cô đặt nó dưới gầm giường sau khi quyết định sẽ tự vẫn.
- Tôi không tin! - tôi kêu lên.
Tôi không thể tưởng tượng cô Johnson hiền lành là thế lại đang tâm giáng cái thớt đá lên đầu bà Leidner. Toàn thể con người tôi phẫn nộ trước ý nghĩ đó. Tuy nhiên tôi cũng nhớ lại vài sự trùng hợp khó hiểu. Ví dụ, chuyện cô khóc lóc đêm hôm trước. Chính tôi cũng nghĩ cô khóc lóc là vì “hối hận", nhưng lúc đó chỉ nghĩ đến những chuyện ghen tức nhỏ nhặt giữa cô và người quá cố.
- Tôi chưa biết nên suy luận thế nào - đại úy Maitland nói - Còn phải làm rõ việc ông thầy tu người Pháp mất tích nữa. Người của tôi đang xục xạo trong vùng xem ông có gặp nạn ở đâu không?
- À! Bây giờ tôi mới nhớ... - tôi mấp máy nói.
Mọi con mắt đổ dồn vào tôi.
- Chuyện xảy ra chiều qua. Cha Lavigny hỏi tôi về người mắt lác đã nhòm vào cửa sổ bà Leidner. Ông muốn biết chúng tôi gặp hắn chính xác ở chỗ nào, rồi bảo sẽ đi một vòng về phía ấy, may hắn có đánh rơi vật gì chăng, như trong các tiểu thuyết trinh thám.
- Làm gì có chuyện ấy với những hung thủ mà tôi biết! - đại úy nói - Vậy là ông ta quan tâm việc đó? Nếu cùng một lúc mà cha Lavigny và cô Johnson đều tìm ra dấu vết của thủ phạm, thì là một sự trùng hợp kỳ lạ.
Rồi ông nói thêm, giọng bực tức:
- Người lác mắt? Người lác mắt? Chuyện anh chàng mắt lé này có khi cũng quan trọng hơn ta tưởng. Thế mà quân của tôi vẫn chưa tóm được hắn!
- Có khi tại vì hắn ta chẳng lác mắt tí nào - Poirot điềm nhiên đế vào một câu.
- Ông cho là hắn giả lác ư? Tôi không tin người ta có thể giả lác. Dù sao, tôi sẵn sàng trả giá đắt cho ai tóm được hắn, lác hay không lác cũng không sao!
- Tôi cuộc là hắn đã vượt biên giới Syria - Poirot lại nói.
- Chúng tôi đã báo động cho tất cả các đồn biên phòng.
- Hắn đi các đường mòn qua núi, hoặc theo các đường mà dân buôn lậu thường đi qua bằng xe tải nhỏ.
- Thế thì tôi phải điện báo ngay cho đồn Deir ez Zor.
- Tôi đã làm rồi - Poirot nói - Hôm qua tôi đã căn dặn đồn đó phải bắt giữ chiếc xe chở hai người, dù có hộ chiếu đàng hoàng.
Đại úy Maitland trố mắt nhìn thám tử.
- Ai ông đã làm rồi? Hai người... sao lại hai người?
Poirot gật đầu:
- Phải. Chúng có hai người.
- Ông Poirot. Ông làm cái gì cũng bí mật.
- Không, không phải thế. Tôi mới nhận ra sự thật sáng nay, lúc đứng ngắm mặt trời mọc. Rạng đông tuyệt đẹp!
Không ai để ý là bà Marcado đã có mặt trong phòng. Hẳn là bà đã vào lúc mọi người đang tập trung xem cái thớt có máu.
Đột nhiên không ai ngờ tới, bà kêu thét lên như tiếng lợn bị chọc tiết:
- Trời ơi! Tôi đoán ra rồi. Bây giờ mọi việc đã rõ! Chính là lão cha Lavigny. Lão là một thằng điên... điên vì sùng tín thần bí. Lão cho tất cả phụ nữ đều đáng xuống hỏa ngục, muốn giết hết. Bắt đầu bằng bà Leidner, rồi đến cô Johnson... lần sau đến lượt tôi.
Bà lao đến bám chặt bác sĩ Reilly:
- Tôi không muốn ở đây nữa! Không ở một ngày nào. Nguy hiểm... nguy hiểm lắm. Tên điên ấy trốn ở đâu đây... nó vồ tôi bây giờ...
Vừa nói bà vừa kêu khóc.
Tôi chạy lại bác sĩ Reilly đang giữ lấy cổ tay bà ta. Tôi tát hai cái vào má bà, ấn bà ngồi xuống nói:
- Không ai giết bà cả. Chúng tôi sẽ bảo vệ bà.
Bà không kêu nữa, nhìn tôi bằng đôi mắt nhớn nhác.
Đến đây lại xảy ra tiết mục mới. Cửa mở, Sheila Reilly vào. Vẻ nghiêm trang, cô lại gần Poirot:
- Sáng sớm nay, tôi qua bưu điện. Ở đó có một điện tín gửi ông, nên tôi mang tới.
- Cảm ơn cô lắm.
Poirot cầm điện, mở ra trước con mắt tò mò của cô gái. Poirot bình thản đọc, gấp lại cẩn thận, bỏ vào túi.
Bà Mercado nhìn theo. Bà hỏi thều thào:
- Điện từ đâu?... Từ Mỹ?
- Không... Từ Tunis.
Bà ta ngơ ngác một lúc như không hiểu, rồi thở dài, ngả người xuống ghế:
- Lão Lavigny! Biết ngay mà. Tôi vẫn thấy lão ta hơi kỳ cục. Một hôm, lão ta nói lăng nhăng... đúng là điên.
Ngừng một chút, bà lại tiếp:
- Tôi nhất định phải rời cái nhà này... Tôi và Joseph ra ngủ ở quán trọ.
- Bà hãy yên tâm. Lát nữa tôi sẽ giải thích tất cả - Poirot nói.
Đại úy Maitland nhìn ông bằng con mắt ngờ vực:
- Vậy là ông cho rằng đã nắm được cái nút của vấn đề?
Poirot cúi gập người như diễn viên trên sân khấu, làm cho đại úy càng tức:
- Vậy thì ông nói đi!
Nhưng Hercule Poirot không làm như thế. Tôi cảm thấy ông thích làm cho người khác hoang mang. Ông đã biết sự thật chưa, hay chỉ là lòe bịp?
Ông quay sang bác sĩ Reilly:
- Xin bác sĩ vui lòng mời tất cả lại đây.
Ông bác sĩ vội vàng làm theo lời thám tử. Một phút sau, tất cả những người còn lại đều đã vào phòng. Đầu tiên là Reiter và Emmott, rồi Bill Coleman, Richard Carey, cuối cùng là ông Mercado, ông này mặt mày tái nhợt, chắc đang lo bị kết tội giết người do bất cẩn, không bảo quản nghiêm túc các chất độc hóa học.
Ai nấy ngồi vào bàn, giống như hôm Poirot đến. Bill Coleman và David Emmott rụt rè ngồi xuống ghế, mắt liếc nhìn sang Sheila Reilly. Cô này đứng quay lưng lại họ, trước cửa sổ.
- Cô Sheila, cô cần ngồi không? - Bill Coleman hỏi.
Còn David Emmott ngọt ngào mời:
- Một cô ngồi.
Cô quay lại, nhìn hai chàng trai. Người nào cũng đưa ghế mời, không biết cô sẽ chọn cái nào. Cuối cùng, cô chẳng ngồi ghế nào, cộc lốc:
- Cảm ơn. Tôi đứng cũng được.
Cô tựa vào một góc bàn, gần cửa sổ, nói thêm:
Nếu đại úy cho phép, không thấy gì bất tiện…
Tôi không rõ đại úy sẽ trả lời ra sao, thì Poirot đã nói thay:
- Xin mời cô cứ ở lại. Cần có cô ở đây là đằng khác.
Cô nhướn đôi lông mày:
- Cần có tôi?
- Tôi đã nói rồi. Tôi có một số câu hỏi cần cô trả lời.
Cô lại nhướn mày, nhưng không nói gì. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, như muốn tỏ ra dửng dưng với những gì diễn ra trong phòng.
Đại úy đằng hắng:
- Nào, bây giờ ta sẽ biết sự thật!
Vốn là người của hành động, ông có vẻ sốt ruột. Hình như trong bụng ông đang sôi sục ý nghĩ: "Nếu lão này biết thì nói ra đi, chờ gì nữa!?
Poirot lần lượt nhìn mọi người, và đứng lên. Tôi chờ ở cái ông người Bỉ nhỏ bé này một bài diễn thuyết lâm li, không ngờ ông lại xổ ra một câu tiếng Ả rập.
Vâng, ông nói tiếng Ả rập. Giọng thong thả, long trọng như trong nhà thờ, ông đọc.
- Bismillahi ar rahman ar rahim.
Rồi dịch nghĩa:
"Nhân danh thánh Ala, người đầy Tình thương và Nhân từ!"
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 21:25:14 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 27

BƯỚC ĐẦU CUỘC HÀNH TRÌNH


Bismillahi ar rahman ar rahim. Đó là câu cửa miệng người dân ở đây nói trước khi bắt đầu nói một cuộc du hành. Vậy thì chúng ta cũng sắp làm một cuộc hành trình... hành trình vào quá khứ vào những ngóc ngách bí ẩn của tâm hồn con người.
Đến lúc này, tôi vẫn chưa cảm thấy cái mà người ta hay gọi là "vẻ đẹp quyến rũ của phương đông". Điều mà tôi thấy ở khắp nơi, là chỗ nào cũng bẩn. Nhưng những lời của Poirot làm hiện lên trong óc tôi những hình ảnh, gợi lên những tên thành phố như Samarcande và Ispahan... những ông chủ hiệu râu dài... những con lạc đà quỳ gối... những phu vẹo người dưới những bọc hàng to tướng... những người đàn bà giặt giũ bên bờ sông Tigre. Tôi nghe thấy lời ca rền rĩ của họ hòa lẫn tiếng cót két xa xôi của guồng nước...
Tôi đã nghe và thấy tất cả những thứ ấy mà không để ý. Giờ đây, chúng như có một vẻ gì khác giống như một tấm vải cũ giơ lên ánh sáng mặt trời bỗng lung linh hiện lên hoa văn thêu màu rực rỡ.
Rồi tôi liếc nhìn một vòng quanh phòng mọi người đang ngồi, có cảm giác kỳ cục là ông Poirot đã nói đúng: chúng tôi đang lên đường đi một chuyến du hành. Tất cả hợp nhau tại đây, nhưng rồi mỗi người sẽ rẽ một ngã.
Tôi lần lượt quan sát các bạn đồng hành từng người một như tuồng mới nhìn thấy họ lần đầu... và cũng là lần cuối... Nghe có vẻ buồn cười, nhưng cảm nghĩ của tôi đúng là như vậy.
Ông Mercado bồn chồn vặn vẹo ngón tay, đôi mắt mở to nhìn Poirot. Bà Mercado đăm đăm nhìn chồng như con báo cái sẵn sàng chồm lên. Giáo sư Leidner ngồi thu mình, có vẻ càng ủ rũ. Dường như ông không đang ở trong phòng, mà trí óc ông đang lơ lửng ở một vùng nào xa thẳm. Ông Coleman há hốc miệng nhìn Poirot, mặt nghệt, mắt mở to. Tôi không nhìn rõ mặt ông Emmott, vì ông cắm đầu nhìn xuống mũi giầy. Ông Reiter nhăn mặt, giẩu môi, trông càng giống chú lợn trơn tru. Cô Reilly vẫn đứng quay lưng trước cửa sổ, nên khó đoán biết cô nghĩ gì. Tôi nhìn ông Carey: bộ dạng trông thật đáng thương, và tôi quay mặt đi. Chúng tôi đang có mặt tại đây, song tôi không khỏi nghĩ rằng khi Poirot kết thúc bản thuyết trình, chúng tôi sẽ tan tác chia tay...
Poirot cất tiếng đều đều, như dòng sông trôi giữa đôi bờ... ra tới biển:
- Ngay từ đầu, tôi đã cảm thấy, muốn hiểu vụ này, không nên coi trọng những dấu hiệu bên ngoài, mà phải chú ý những mặt khác, làm nổi rõ mâu thuẫn giữa các con người ở đây và những bí ẩn trong trái tim của họ.
Dù rằng bây giờ tôi đã đi tới cái mà tôi cho là lời lý giải đích thực của bí ẩn, tôi vẫn không có được bằng chứng cụ thể. Tôi biết nó thế vì nó phải như thế, vì nếu theo cách lý giải khác thì từng chi tiết sẽ không có chỗ đứng thích hợp dành cho nó.
Theo tôi, đó là cách lý giải duy nhất hợp lẽ.
Ngừng một lát, ông nói tiếp:
- Tôi bắt đầu cuộc hành trình từ lúc mà tôi nhận trách nhiệm điều tra... lúc mà tôi đứng trước một sự việc đã rồi. Theo tôi, mỗi vụ án hình sự đều mang một vẻ, một dạng riêng biệt. Vụ này xoay quanh cá tính của bà Leidner. Chừng nào tôi chưa rõ bà Leidner là người thế nào, tôi không thể tìm ra thủ phạm và động cơ giết người của hắn.
Vậy điểm xuất phát của tôi là đi sâu nghiên cứu tính cách bà Leidner.
Một sự kiện tâm lý khác khiến tôi chú ý: bầu không khí căng thẳng bao trùm lên đoàn khảo cổ. Nhiều người - trong đó có vài người bên ngoài đoàn - đều nhận xét tình trạng đó, và tôi đã ghi nhận để khỏi xa rời trong khi điều tra.
Theo nhận xét chung, bầu không khí ấy là do ảnh hưởng của bà Leidner, nhưng vì những lý do sẽ trình bày sau, tôi chưa thỏa mãn hoàn toàn với giả thuyết ấy.
Trước tiên, tôi cố phân tích tính cách của bà Leidner, các cách để đi tới mục đích ấy không thiếu. Tôi nghiên cứu những phản ứng do bà gây ra ở mọi người trong nhà này, mà nhà này thì mỗi người một tâm tính khác nhau rõ rệt. Kết hợp với những quan sát của riêng tôi, tất nhiên, nhưng hạn hẹp thôi. Tuy nhiên, một số việc khiến tôi không thể bỏ qua.
Bà Leidner có những sở thích đơn giản, có phần khắc khổ nữa, và không ưa xa hoa. Phần lớn thời gian, bà ngồi thêu những mẫu đẹp và tinh tế, chứng tỏ bà có tâm hồn nghệ sĩ, khát khao cái đẹp: Các sách trên giá của bà cho tôi biết bà là người học thức, và tôi đoán là người theo chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối.
Người ta làm cho tôi nghĩ rằng bà thích được đàn ông khen nịnh, và bà là người sục sôi dục vọng. Tôi không tin.
Trong phòng bà, trên giá sách, tôi thấy những sách sau: Người Hy lạp là ai?, Sơ khảo về thuyết tương đối, Cuộc đời phu nhân Hester Stanhope, Trở về Mathusalem, Linda Condom, Chuyến tàu Creve.
Bà quan tâm đến văn hóa, khoa học hiện đại... chứng tỏ một trình độ trí tuệ cao. Về tiểu thuyết, thì Linda Comdom và Chuyến tàu Crewe cho biết ở mức độ nào đó, bà ưa những phụ nữ có tính độc lập thoát khỏi vòng cương tỏa của đàn ông... Tôi bắt đầu hiểu ra tâm lý của người đã khuất.
Tiếp đó tôi phân tích dư luận những người chung quanh đối với bà, và hình ảnh bà Leidner càng hiện ra cụ thể trong óc tôi.
Căn cứ lời của bác sĩ Reilly và những người khác, tôi kết luận đây là một phụ nữ được trời phú không chỉ sắc đẹp tuyệt trần, mà cả một sức mạnh tai hại. Những người như thế đi đến đâu gây ra thảm kịch, tại họa đến đấy... phần lớn người khác chịu họa, những đôi khi bản thân họ lại trở thành nạn nhân.
Thế là tôi chắc chắn bà Leidner quá coi trọng bản thân mình, và đặc biệt, lấy sự chế ngự người khác làm vui thú. Ở bất kỳ đâu, bà cũng muốn là trung tâm của vũ trụ. Quanh bà, người nào - đàn ông hay đàn bà - đều phải chấp nhận quyền lực của bà. Một số người không hề cưỡng lại. Cô Leatheran chẳng hạn, vốn bản chất độ lượng, hoàn toàn bị bà chinh phục, và rất ngưỡng mộ bà. Nhưng bà Leidner áp đặt ảnh hưởng của mình bằng cách khác: sự sợ hãi. Khi bà chiến thắng quá dễ, bà thả lỏng những bản năng tàn bạo của mình. Xin nhớ đây không phải là sự tàn bạo có ý thức, mà hoàn toàn bản năng, y như con mèo vờn chuột. Còn trong những hành động có suy nghĩ, ngược lại bà tỏ ra rất tốt, hết lòng giúp đỡ mọi người.
Vấn đề các thư nặc danh cũng rất quan trọng. Ai viết, viết nhằm mục đích gì? Bà Leidner có viết thư gửi cho chính mình?
Để giải đáp câu hỏi này, ta phải đi ngược thời gian rất xa... tới cuộc hôn nhân thứ nhất. Đây mới thực sự bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta... hành trình vào cuộc đời bà Leidner.
Trước hết, ta chớ quên nàng Louise Leidner trong quá khứ vẫn là con người như hiện nay. Hồi đó, nàng còn trẻ, sắc đẹp tuyệt vời, cái sắc đẹp làm chao đảo trí óc và trái tim đàn ông, sắc đẹp đó mang tính ích kỷ.
Những phụ nữ như thế không thích nói đến hôn nhân. Họ có thể bị đàn ông hấp dẫn, nhưng không muốn thuộc riêng người nào. Tuy nhiên, bà Leidner lấy chồng... Chúng ta sẽ không sai nếu khẳng định chồng bà phải là người có tính cách mạnh mẽ.
Khi bà biết chồng hoạt động gián điệp cho nước ngoài, bà tố cáo với Chính phủ, theo như lời bà đã kể với cô Leatheran.
Tôi công nhận là quyết định này có một lý do tâm lý. Bà đã tâm sự với cô Leatheran rằng hồi đó bà làm vậy chỉ vì lòng nhiệt thành yêu nước. Nhưng thường thì người ta hay tìm cách bào chữa hành động của mình, và mặc nhiên gán cho nó những động cơ cao quí nhất. Bà Leidner cũng có thể tưởng mình chỉ nghe theo tình cảm yêu nước, trong khi thực ra, theo tôi, bà ta bị sai khiến bởi ý muốn gạt bỏ ông chồng! Bà căm ghét sự chế ngự của đàn ông, không chịu được tình cảnh chỉ thuộc vào một người, mình bị lui vào vị trí thứ yếu. Bà mượn cớ yêu nước để lấy lại tự do cho mình.
Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, bà vẫn có chút hối hận, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời về sau.
Giờ ta đến chuyện các lá thư. Bà Leidner làm nhiều anh đàn ông say đắm, và nhiều lần, bà cũng siêu lòng với họ... nhưng lần nào cũng có một thư đe dọa gửi tới, làm tiêu tan hy vọng.
Ai viết nhưng thư đó? Frederick Bosner, hay cậu em trai William, hay chính bà Leidner?
Giả thuyết nào cũng có thể đứng vững. Bà Leidner có vẻ thuộc loại phụ nữ có khả năng làm cho đàn ông mê say đến mức điên rồ. Tôi tin là có một Frederick Bosner coi Louise, vợ mình, là quan trọng nhất trên đời! Bà đã một lần tố cáo anh, anh không dám hiện diện trước mặt bà, nhưng anh đã thề là bà chỉ thuộc về mình, không của ai khác. Anh ta thà giết bà chứ không để bà đi với ai.
Mặt khác, bà Leidner không muốn ràng buộc mình vào sợi dây hôn nhân, thì lại có thể dùng hôn nhân để làm nản lòng những kẻ ngấp nghé. Vị nữ thần săn bắn này, khi đã đạt được con mồi, lại đẩy nó ra xa không thèm ngó ngàng. Bà ta làm sống lại ông chồng cũ, phản đối cuộc hôn phối mới, bao trùm lên mình một tấm màn bi kịch mà bà rất thú.
Tình hình ấy tồn tại trong nhiều năm. Mỗi lần có ai muốn kết hôn, lại có thư đe đoạ.
Bây giờ ta tới một giai đoạn lạ lùng. Giáo sư Leidner xuất hiện... và lần này không có thư nào chống lại việc Louise trở thành bà Leidner. Bà có nhận một thư, nhưng là sau khi kết hôn.
Lập tức, ta phải đặt câu hỏi: "Tại sao?"
Ta lần lượt nghiên cứu ba giả thuyết.
Nếu chính bà Leidner viết thư, thì vấn đề tự nó đã giải quyết: bà Leidner muốn lấy ông Leidner, và đã lấy. Thế thì tại sao sau đó bà lại viết thư? Bà thích ly kỳ hóa đến thế ư? Và tại sao chỉ có hai bức? Rồi trong một năm rưỡi sau, lại không nhận được gì.
Sang giả thuyết khác: nếu tác giả là Frederick Bosner (hoặc em trai hắn), tại sao lá thư đe dọa chỉ tới sau cuộc hôn nhân? Rõ ràng Frederick Bosner không tán thành Louise lấy ông Leidner, vậy tại sao hắn không ngăn trở bằng biện pháp có hiệu quả đã dùng khi trước? Tại sao đợi đến sau cuộc hôn nhân, hắn mới lại tiếp tục đe dọa?
Có thể Frederick Bosner, vì lý do nào đó, không thể phản đối sớm hơn, hoặc là hắn đang ở tù, hay đang ở nước ngoài? Cách giải trình ấy không thỏa đáng.
Lại xét đến âm mưu gây chết ngạt bằng khí đốt. Khó có thể quy tội cho người nào ở bên ngoài. Tôi cho việc này là do ông hoặc bà Leidner dàn cảnh. Nhưng ông Leidner chẳng có lý do gì để làm vậy, cho nên tôi đi đến kết luận vợ ông đã dựng nên màn kịch ấy.
Tại sao? Vẫn là vì thích ly kỳ hóa.
Sau đó, hai ông bà đi du lịch nước ngoài, và trong mười tám tháng họ sống hạnh phúc, không bị lời đe dọa nào quấy nhiễu. Họ mừng là đã đánh lạc hướng kẻ thù. Song giả thiết như thế là vô lý nhất là trong trường hợp vợ chồng Leidner.
Làm sao một trưởng đoàn khảo cổ có thể xóa dấu tích của mình được? Frederick Bosner chỉ cần liên hệ tới bất cứ bảo tàng nào ở Mỹ là biết địa chí chính xác của nhà bác học. Nếu hắn không đủ khả năng tài chính để trực tiếp đến quấy nhiễu hai vợ chồng, hắn vẫn có thể tiếp tục gửi thư nặc danh. Một người đam mê đến mức điên cuồng như thế không dễ bỏ cuộc nửa chừng.
Trái lại, phải hai năm sau ta mới lại nghe nói đến hắn; bà Leidner lại nhận được thư đe dọa.
Và tại sao những thư này lại bắt đầu tới?
Thật khó lý giải... Nếu bảo bà Leiđner lại tự viết cho mình nữa để gây sự chú ý về mình, thì quá đơn giản. Cái trò ấy kéo dài quá lâu, một người tinh tế như bà Leidner không bao giờ lặp lại.
Sau khi suy nghĩ, tôi thấy có ba cách lý giải:
1) Thư do bà Leidner viết;
2) Do Frederick Bosner (hay thằng em William Bosner);
3) Mới đầu, do bà Leidner hoặc Frederick, nhưng những thư sau cùng là thư giả, nghĩa là do một người thứ ba viết, người này biết là trước đó đã có những thư như thế.
Điều này dẫn ta đến việc phải xem xét những người ở quanh bà Leidner.
Người nào trong đoàn khảo cổ có khả năng thực tế để gây án?
Trước hết, không ai có khả năng ấy, trừ ba người.
Ông Leidner không thê gây án, vì theo những nhân chứng tin cậy, ông ở trên sân thượng suốt thời gian ấy. Ông Carey ở ngoài công trường. Ông Coleman đi Hassanich.
Song những bằng chứng ngoại phạm ấy không hẳn thuyết phục như ta nghĩ. Trừ trường hợp ông Leidner. Rõ ràng ông ở trên sân thượng, chỉ đi xuống, khoảng hơn một giờ sau khi vợ đã chết.
Nhưng ông Carey có thể rời công trường lắm chứ?
Và ông Coleman nữa, lúc vụ án xảy ra, ông có đang ở Hassanich thật không?
Bill Coleman đỏ mặt định mở miệng song lại thôi, ngơ ngác nhìn xung quanh. Ông Carey thì điềm nhiên, không thay đổi nét mặt.
Poirot bình thản nói tiếp:
- Tôi còn thấy một người nữa có thể gây án, tôi chắc như vậy, nếu người đó có một lý do đủ mạnh. Cô Reilly là người thông minh, táo bạo, cũng có một tính cách mạnh mẽ. Khi nói về vụ án, tôi có hỏi đùa cô rằng cô có bằng chứng ngoại phạm nào không... Lúc đó cô Reilly sực nhận ra là trong thâm tâm, cô cũng có ý muốn giết. Tuy nhiên, cô đã nói dối không cần thiết. Cô bảo chiều hôm đó cô chơi quần vợt ở câu lạc bộ. Nhưng hôm sau, khi nói chuyện với cô Johnson, tôi biết là lúc xảy ra vụ án, cô Reilly đang đi chơi ở loanh quanh khu nhà. Cho nên tôi nghĩ, nếu lương tâm cô Reilly trong sáng, không có gì phải giấu giếm, cô có thể cung cấp cho tôi nhiều tình tiết bổ ích.
Ngưng một lát, ông hỏi:
- Cô Reilly, cô có thể nói cô thấy những gì chiều hôm đó?
Cô Reilly không trả lời ngay. Cô vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ, không quay đầu lại, nói giọng rành rọt, có cân nhắc:
- Sau bữa trưa, tôi đến khu khai quật lúc hai giờ kém mười lăm.
- Cô có gặp ai trong đoàn?
- Không. Chẳng có ai, ngoài tay đốc công Ả rập.
- Cả ông Carey cũng không?
- Không.
- Lạ nhỉ - Poirot nói - ông Verier khi cưỡi ngựa ra công trường chiều hôm ấy cũng không gặp ông ta.
Poirot đưa mắt nhìn Carey như yêu cầu ông giải thích, song ông này ngồi yên, không động đậy.
- Ông Carey, ông nói sao về chuyện này?
- Thấy phu đào lên không có gì mới, tôi đi dạo một vòng.
- Đi phía nào?
- Về phía bờ sông.
- Chứ không phải đi về nhà?
- Không.
- Hay ông đợi ai, mà người đó không tới? - cô Reilly hỏi.
Carey nhìn cô, không đáp.
Poirot không gặng nữa, tiếp tục hỏi cô gái:
- Cô còn trông thấy gì nữa?
- Có. Gần khu nhà, tôi thấy chiếc xe tải con của đoàn đậu trong lán. Tôi thấy lạ, thì trông thấy ông Coleman, vừa đi vừa cúi đầu như tìm vật gì dưới đất.
Coleman vụt kêu:
- Để tôi nói! Tôi...
Poirot giơ tay ngăn lại:
- Hãy khoan. Cô Reilly, cô có gọi hoặc hỏi gì ông ấy không?
- Không.
- Tại sao?
Cô gái thong thả đáp:
- Vì thỉnh thoảng ông ấy lại liếc nhìn quanh một cách khó chịu. Tôi liền quay ngựa, bỏ đi. Có lẽ ông ấy không trông thấy tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2013 21:26:42 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 27 (tiếp)


Tôi không đến gần, còn ông ấy chăm chú tìm kiếm.
Coleman chồm lên thanh minh:
- Xin nghe tôi nói. Tôi xin giải thích rõ, không có gì mờ ám cả. Hôm trước, tôi bỏ một cái ấn rất đẹp vào túi rồi quên không mang đến phòng cổ vật. Về sau mới thấy là nó đâu mất... có lẽ tôi đánh rơi chỗ nào. Để tránh rắc rối, tôi chưa nói với ai, để tìm đã. Tôi đi Hassanich, làm xong việc về thật sớm, đậu xe ở một chỗ ít ai nhìn thấy, rồi đi theo đường ra công trường tìm hơn tiếng đồng hồ. Vô ích! Tôi đành lên xe về nhà. Mọi người tưởng tôi ở Hassanich về.
- Và ông không nói lại với họ? - Poirot hỏi.
- Trong tình hình ấy, tôi thấy không nên nói gì.
- Lẽ ra ông nói thẳng ra có hơn không.
- Thôi, thôi, chuyện ấy thì có gì phải làm ra to. Tôi không hề bước vào sân. Đố ông tìm thấy nhân chứng nào nói rằng tôi vào sân.
- Vấn đề này cũng gây một số khó khăn đấy - Poirot nói - Theo bọn gia nhân, không ai vào sân. Nhưng suy nghĩ kỹ, lời khai ấy chưa đầy đủ. Họ cam đoan là không có người lạ nào vào. Người ta không hỏi rõ họ xem có thấy một nhân viên trong đoàn vào không.
- Thì bây giờ ông hỏi nữa đi - Coleman nói - Tôi cuộc với ông rằng chẳng đứa nào nhìn thấy tôi hoặc Carey.
- À điều này khó đấy. Thật vậy, nếu có người lạ tất họ sẽ để ý ngay, nhưng nếu là người trong đoàn, liệu họ có chú ý không? Vì nhân viên đi đi lại lại suốt ngày, ai quan tâm nữa. Vậy rất có thể ông Carey hoặc ông Coleman đi vào sân mà bọn gia nhân không buồn nhớ.
- Vớ vẩn!
Poirot vẫn điềm nhiên:
- Và trong hai người, ông Carey dễ vào sân mà không ai để ý nhất. Ông Coleman đi Hassanich bằng ôtô, khi về tất cũng phải bằng ôtô. Nếu ông đi chân, hẳn sẽ bị để ý.
- Đúng thế.
Richard Carey ngẩng đầu, giương đôi mắt xanh nhìn xoáy vào Poirot:
- Ông Poirot, ông quy kết tôi là người đã giết?
Bề ngoài Carey vẫn tỏ vẻ bình tĩnh, nhưng giọng nói có ý thách thức.
Poirot nghiêng mình:
- Lúc này, tôi đang mời mọi người dự một cuộc hành trình... hành trình tới sự thật. Đầu tiên, tôi muốn chứng minh một điều: tất cả các nhân viên trong đoàn, kể cả cô y tá Leatheran, đều có khả năng là thủ phạm. Tôi chưa tính đến chuyện xem ai là người bất khả nghi ngờ, vấn đề ấy để lại sau.
Tôi đã xét xem từng người có phương tiện và cơ hội ra tay hay không. Rồi đến động cơ. Kết luận, là ai cũng có đủ động cơ!
Tôi lập tức phản đối:
- Ô! Không. Tôi không, ông Poirot, tôi vừa mới đến nhận việc.
- Hừm! Đó không phải là điều bà Leidner e ngại sao? Một người lạ từ bên ngoài tới!
- Nhưng... tôi... Bác sĩ Reilly biết rõ tôi. Chính ông ấy giới thiệu tôi.
- Thực ra thì bác sĩ biết gì về cô? Cô nói thế nào ông ấy biết thế. Không phải không có trường hợp những tên lừa đảo giả danh y tá.
- Ông cứ viết thư hỏi bệnh viện Saint Christophe!
- Lúc này, tốt nhất là cô đừng nói gì. Tôi không thể tiếp tục thuyết trình nếu các vị ngắt lời tôi như thế. Tôi không nói là nghi ngờ cô, nhưng có gì chứng minh cô không phải là người khác. Khối đàn ông rất giỏi ngụy trang thành đàn bà. Biết đâu William Bosner không phải là kẻ như vậy!
Tôi định đốp chát lại ông một chập nữa. Hừm, tôi mà là đàn ông cải trang? Nhưng ông Poirot đã cao giọng tiếp tục bản thuyết trình, nên tôi đành im.
- Bây giờ tôi xin nói rất thẳng thắn... có phần sỗ sàng nữa! Tôi cần phải phơi ra ánh sáng tất cả mặt trái của nhà này!
Tôi đã nghiên cứu tâm hồn từng người. Bắt đầu từ ông Leidner. Tôi nhận ngay ra rằng tình yêu vợ là lẽ sống duy nhất của đời ông. Một người bị dằn vặt và đau khổ.
Còn cô Leatheran, như tôi vừa nói, nếu cô giả vai người khác thì quả là tài tình, song tất cả mọi thứ làm tôi tin rằng cô không là ai khác ngoài chính mình... một nữ y tá có khả năng.
- Cảm ơn ông có lời khen! - tôi nói.
- Rồi tôi chú ý đến ông và bà Mercado, vì cả hai có những dấu hiệu bồn chồn không yên. Trước hết tôi đặt câu hỏi: bà Mercado có thể gây án không và vì lý do gì?
Thoạt nhìn, bà Mercado có vẻ không đủ sức lực cần thiết để giáng cái thớt đá lên bà Leidner. Tuy nhiên nếu lúc đó bà Leidner đang ở tư thế quỳ thì về mặt thể chất là có thể. Bà Mercado có thể, bằng mưu mẹo nào đó, buộc một phụ nữ khác quỳ xuống. Ồ! Không phải bằng cách dùng tình cảm, mà ví dụ bằng cách nhờ người đó đính một cái ghim vào gấu váy của mình, và thế là người kia không nghi ngờ gì, quỳ xuống ngay.
Nhưng còn động cơ? Cô Leatheran đã nói bà Mercado nhìn bà Leidner bằng con mắt hận thù. Hiển nhiên là ông Mercado cũng hơi mê bà nữ chủ nhân xinh đẹp. Tuy nhiên tôi không tin có thể giải nghĩa việc này bằng lòng ghen tuông. Tôi cho là bà Leidner không để ý gì đặc biệt ông Mercado... và bà Mercado cũng biết vậy. Có thể bà căm ghét nhất thời, phải có một sự khiêu khích nghiêm trọng hơn nữa mới đẩy bà đến chỗ giết người. Bà Mercado yêu chồng bằng cả một tình yêu mẫu tử. Cứ xem cách bà ấy trìu mến nhìn chồng đủ thấy bà không chỉ yêu, mà còn quyết giữ lấy, bảo vệ chồng mình như báo mẹ bảo vệ báo con. Luôn luôn cảnh giác, bà lo lắng không phải cho mình, mà cho chồng. Quan sát kỹ ông Mercado, tôi đoán được điểm yếu của ông. Bằng một mẹo nhỏ, tôi chứng minh được dự đoán của mình. Ông Mercado dùng ma túy... ở mức độ khá nặng.
Khỏi phải nhắc rằng người sử dụng ma túy lâu, dần dần không có đủ sự tỉnh tảo tinh thần. Do ảnh hưởng ma túy, một người có thể có những hành động mà trước kia anh ta không bao giờ nghĩ tới. Có thể đi tới giết người, và rất khó nói là người đó có chịu trách nhiệm hay không. Về điểm này, luật pháp mỗi nước một khác.
Trong quá khứ của ông Mercado, liệu có một vụ tai tiếng nào thậm chí vụ án nào, mà vợ ông đã cố ý giấu khỏi tai mắt thiện hạ? Nếu để vỡ lỡ, sự nghiệp của ông sẽ đi đời! Vợ ông luôn cảnh giác giữ gìn, trông chừng bà Leidner. Bà này thông minh, ưa ra oai với mọi người, rất có thể chiếm được lòng tin của ông. Nếu bà Leidner nắm được bí mật đó, loan truyền với mọi người thì thích thú biết bao!
Vậy là ông và bà Mercado đều có một động cơ khả dĩ gây án. Để bảo vệ chồng mình, bà Mercado sẽ không chùn tay! Trong khoảng thời gian mười phút trong sân không có ai, họ có đủ điều kiện để hành động.
Bà Mercado kêu lên:
- Không đúng!
Ông Mercado vẫn nhìn Poirot như không có chuyện gì.
- Tôi nghiên cứu tiếp trường hợp cô Johnson. Cô ấy có phải là người có khả năng gây án?
Tôi trả lời: có. Như tất cả những ai có nghị lực làm chủ được mình, cô dồn nén được tình cảm, nhưng một ngày nào đó con đê sẽ vỡ! Nếu cô Johnson giết, thì lý do chỉ có thể liên quan đến ông Leidner. Nếu cô ấy cho là bà Leidner đã làm hỏng cuộc đời ông chồng, thì sự ghen tuông âm ỉ bấy lâu sẽ bùng lên và cô ấy cho là có lý do chính đáng để hành động.
Vâng, cô Johnson là một tội phạm tiềm tàng.
Ta sang ba chàng trai khác.
Trước tiên, Carl Reiter. Nếu William Bosner tình cờ trà trộn được vào đoàn khảo cổ, thì không ai khác là Reiter. Nếu vậy, hắn đóng kịch cực kỳ giỏi! Nhưng nếu anh ta chỉ là Carl Reiter, thì có lý do gì để anh ta thủ tiêu vợ thủ trưởng?
Dưới mắt bà Leidner, Carl Reiter là con mồi chinh phục quá dễ. Anh ta sẵn sàng quỳ gối trước bà. Sự ngưỡng mộ mù quáng và thái độ quy lụy của một người đàn ông bao giờ cũng đánh thức trong phụ nữ những bản năng hèn hạ nhất. Bà đã đối xử với chàng trai này một cách độc ác đã làm cho anh ta phải sống như trong địa ngục.
Poirot đột ngột ngừng lại, và nói với Reiter bằng giọng phủ dụ, tâm tình:
- Anh bạn trẻ, hãy nên lấy đó làm bài học. Anh là đàn ông: hãy xử sự như đàn ông! Đàn ông không nên quá hạ mình. Đàn ông và thiên nhiên có những phản ứng gần giống nhau. Nên nhớ, thà ném cái đĩa vào đầu phụ nữ, hơn là uốn éo lấy lòng một khi họ chỉ mới liếc mắt đưa tình với anh.
Bỏ giọng thân mật, ông trở lại bài diễn giảng:
- Carl Reiter có đau khổ đến mức muốn trả thù? Điều này, khó ai biết được, vì nỗi đau có khi ảnh hưởng đến đàn ông một cách lạ kỳ.
Bây giờ đến lượt Bill Coleman. Thái độ của anh ta, theo lời cô Reilly, cũng có chỗ đáng ngờ. Nếu anh ta là hung thủ, thì hóa ra bộ mặt vui nhộn của anh ta nhằm che giấu bộ mặt William Bosner. Tôi không tin Bill Coleman, với tư cách là Bill Coleman, có bộ dạng một tên giết người. Anh ta có thể có những khuyết điểm khác. Mà về vấn đề này, cô Leatheran có thể cho chúng ta biết một vài điều chăng?
Ông ta cứ như đọc được trong óc tôi! Mặc dù lúc đó chắc chắn vẻ mặt tôi không để lộ tình cảm gì. Tôi ngập ngừng nói:
- Ồ! Cũng chẳng có gì quan trọng. Tuy nhiên, nếu cần nói cho hết sự thật, một hôm ông Coleman khoe với tôi rằng ông có tài bắt chước chữ viết giỏi như một kẻ giả mạo chuyên nghiệp.
- Tốt - Poirot nói - Tóm lại, nếu nhìn thấy một lá thư nặc danh, anh ta có thể bắt chước chữ viết.
- Này, này, này! - Coleman kêu - Ông Poirot, ông đã đi quá giới hạn rồi đấy!
Nhà thám tử vẫn tiếp tục:
- Thật khó kiểm tra xem anh ta có phải là William Bosner hay không. Coleman đã nói đến một giám hộ... không phải là cha... không có gì ngăn ta coi Coleman là William Bosner.
- Nói láo! Sao ta lại phải ngồi nghe cái lão ăn nói huyên thuyên này.
- Trong ba chàng trai, còn lại ông Emmott. Anh ấy cũng có thể là William Bosner. Nếu anh có lý do để thủ tiêu bà Leidner, tôi hiểu ngay từ đầu là anh sẽ không nói gì. Anh giữ thái độ bình tĩnh điềm nhiên, và không để hở cơ hội nào cho tôi có thể buộc anh lộ tông tích. Trong tất cả các nhân viên của đoàn, David Emmott là người đánh giá khách quan nhất về bà Leidner. Song tôi không ước lượng được ảnh hưởng của bà Leidner đối với anh thế nào. Tôi cho rằng vì thái độ lạnh lùng của anh, bà Leidner không ưa anh lắm.
Trong số mọi người ở đây, xét về tính khí và khả năng, ông Emmott có vẻ là người có thể thực hiện một vụ án mạng bằng bàn tay bậc thầy.
Lần đầu tiên, ông Emmott rời mắt khỏi mũi giày.
- Xin cảm ơn - anh ta nói, ý vui đùa, thích thú.
- Hai người cuối cùng của danh sách là Richard Carey và cha Lavigny.
Theo lời kể của cô Leatheran và những người khác, ông Carey và bà Leidner không ưa nhau, chỉ quan hệ với nhau một cách xa xôi, lịch sự. Một người khác, cô Reilly, lại nói khác. Và về sau tôi thấy cô Reilly đúng hơn. Tôi liền tìm cách hỏi thẳng ông Carey. Và ông thú thật là rất căm ghét bà Leidner. Phải, ông căm ghét! Nhưng tại sao?
Lúc nãy, tôi đã nói đến những phụ nữ có sức quyến rũ tai hại. Nhưng đàn ông cũng có người có quyền năng ấy, chẳng cần cố gắng gì cũng có sức hấp dẫn đàn bà. Richard Carey là đàn ông như thế. Vốn rất tận tụy với ông Leidner, người vừa là thủ trưởng vừa là bạn, Carey tỏ ra dửng dưng với sức quyến rũ của bà Leidner, làm bà tự ái, tức tối, càng ra sức chinh phục trái tim chàng trai. Và đến đây xẩy ra sự việc bất ngờ: chính bà Leidner, lần đầu tiên trong đời, mắc vào bẫy của chính mình, và mê Carey thật sự.
Carey... không thể cưỡng. Và vì thế ta giải thích tại sao anh rất đau khổ và luôn căng thẳng. Con người đó bị giằng xé bởi hai luồng tình cảm trái ngược: vừa mê, vừa ghét Louise Leidner. Ghét vì bà ta đã làm anh phản bội bạn. Sự căm ghét của người đàn ông, mà số phận run rủi yêu một người đàn bà trái với ý mình mà không cưỡng lại được, là rất ghê gớm.
Lý do đó đã đủ chưa? Có lúc tôi đã tin là đủ. Richard Carey có lẽ đã rất muốn ra tay hạ thủ Louise Leidner.
Tôi luôn tin rằng vụ ám sát Louise Leidner là một vụ án tình. Và Carey là người lý tưởng nhất làm thủ phạm.
Còn lại người cuối cùng: cha Lavigny. Ông thầy tu tốt bụng này khiến tôi chú ý ngay, vì ông ta mô tả người nhòm qua cửa sổ khác hẳn với lời chứng của cô Leatheran. Thường thì các lời khai của các nhân chứng bao giờ cũng khác nhau chút ít, nhưng ở đây lại trái ngược hẳn. Cha Lavigny đặc biệt nhấn mạnh một khuyết tật rất dễ nhận của người đó, là mắt lé. Nhưng nếu cô Leathetan nói đúng, thì cha Lavigny sai. Có vẻ như ông ta cố tình đánh lạc hướng điều tra để bảo vệ người kia.
Trường hợp ấy, ắt ông ta phải biết hắn. Ta đã trông thấy ông ta nói chuyện với hắn, nhưng nói gì thì ta chỉ biết qua lời ông nói lại.
Người Irắc ấy định làm gì khi bị cô Leatheran và bà Leidner bắt gặp? Hắn định nhòm qua cửa sổ. Hai bà phụ nữ tưởng là cửa sổ bà Leidner, nhưng khi tôi đứng ở chỗ họ để nhìn lại, thì có thể là cửa sổ phòng cổ vật.
Đêm hôm sau, có báo động. Có người nào đó ở trong phòng cổ vật. Nhưng xem ra không mất thứ gì. Khi giáo sư Leidner chạy tới, ông thấy cha Lavigny đã có mặt, ông này đã nhìn thấy ánh đèn, nhưng lần này nữa, cũng chỉ là lời ông nói.
Cha Lavigny bắt đầu làm tôi thấy lạ. Hôm trước khi tôi thử đưa ra giả thuyết cha Lavigny có thể là Frederick Bosner, thì giáo sư Leidner lớn tiếng phản đối. Giáo sư nói cha Lavigny là một nhà khoa học có tiếng. Song Frederick Bosner có cả hai mươi năm trước mặt để gây dựng lại sự nghiệp dưới tên khác, rất có thể là nhà khoa học ấy chứ? Tuy nhiên, khó có thể tin rằng suốt thời gian đó Bosner lại giam mình trong một tu viện. Một lời giải đơn giản hơn xuất hiện trong óc tôi.
Có người nào trong đoàn biết mặt cha Lavigny trước khi ông ta đến nhận việc ở đây? Không, phải không nào? Vậy thì, biết đâu ông ta chẳng là một người khác, mượn danh cha? Tôi phát hiện là có một bức điện gửi đi Carthage; giáo sư Byrd lẽ ra sẽ tham gia công tác với đoàn, song đột nhiên ốm nặng. Nhận chặn một bức điện, không khó. Còn về công việc, cha Lavigny là người nghiên cứu chữ cổ duy nhất của đoàn. Với chút hiểu biết đại khái, một người láu lỉnh có thể đánh lừa mọi người. Sự thực là đến nay, số thư tịch cổ đào được rất ít, và hình như những bản giải mã của ông thầy tu không lấy gì làm xuất sắc.
Do đó, chẳng bao lâu tôi tin rằng cha Lavigny là một kẻ giả danh.
Nhưng ông ta có phải là Frederick Bosner?
Điều này tôi còn nghi ngờ. Phải tìm sự thật ở hướng khác.
Tôi đã nói chuyện lâu với cha Lavigny. Vốn là người công giáo hành đạo, tôi quen biết khá nhiều linh mục và nhân vật của các giáo đoàn. Cha Lavigny có vẻ không thông thạo lắm với tư cách linh mục. Nhưng tính cách ông lại quen thuộc với tôi vì những lý do khác. Tôi thường giao tiếp với những người thuộc kiểu ông ta, mà những người loại này không hề dính dáng tới Nhà thờ... Hoàn toàn khác hẳn!
Tôi phải đi đánh điện này đến điện khác khắp nơi.
Và cô Leatheran đã cung cấp cho tôi một thông tin quý giá mà chính cô không biết. Chúng tôi đang ngắm những đồ trang sức bằng vàng trong phòng cổ vật, thì cô nhận thấy một vết sáp trên một cái bình. Tôi nói: Sáp à? và cha Lavigny nhắc lại: "Sáp à?". Nghe giọng nói, tôi hiểu ngay. Trong nháy mắt, tôi biết ông ta đến đây nhằm mục đích gì.
Poirot ngừng lại, rồi nói với ông Leidner:
- Tôi rất tiếc phải báo ông biết, chiếc bình vàng, con dao găm vàng, và tất cả những vật quý khác để trong phòng cổ vật không phải là những mẫu chính thực mà các ông đào được, mà chỉ là những bản sao khéo bằng phương pháp điện phân. Bức điện tôi vừa nhận đây cho biết cha Lavigny chính là Raoul Menier, một tên lừa đảo có hạng bị cảnh sát Pháp truy lùng. Hắn chuyên lấy cắp cổ vật và cấu kết với Ali Yassouf, một tên Thổ lai, thợ kim hoàn rất giỏi. Chúng tôi đã biết Menier trong vụ khám phá đồ giả ở bảo tàng Louvre. Mỗi lần chúng đánh tráo đồ giả vào, người ta nhớ ra là hôm trước có những người xưng là nhà khảo cổ có tiếng xin được vào nghiên cứu những vật ấy. Sau hỏi ra thì chẳng có nhà khảo cổ nào có tên nói trên đến thăm bảo tàng Louvre cả.
Tôi được biết Menier chuẩn bị một vụ ăn cắp ở tu viện Tunis thì có điện ở đây gửi tới. Cha Lavigny yếu mệt, không thể nhận lời mời đến cộng tác với ông, nhưng Menier biết có bức điện đó, đã tìm cách thay thế bằng điện nhận lời. Hắn dám mạo hiểm, vì cho là có ít nguy cơ bị phát giác. Giả thử tu viện có đọc báo đưa tin cha Lavigny tới Irắc (thực ra chưa chắc báo đưa tin), họ sẽ cho là báo đăng sai, điều thường xảy ra.
Menier và một đồng bọn tới. Tên sau này, ta bắt gặp lần đầu bên ngoài phòng cổ vật. Nhiệm vụ của cha Lavigny là lấy dấu khuôn bằng sáp, theo đó Ali sẽ làm những bản sao y hệt. Những người sưu tập đồ cổ sẵn lòng trả giá cao, mua các đồ cổ đích thực, không cần hỏi han rắc rối.
Cha Lavigny đem đồ giả vào tráo lấy đồ thật, thường làm về đêm.
Đó là việc hắn ta đang làm cái đêm bà Leidner nghe tiếng động, và la lên. Hắn liền biến báo, nói thác là đã vào vì thấy trong phòng cổ vật có ánh sáng.
Nghe có vẻ xuôi. Nhưng bà Leidner không mắc lừa. Bà nhớ là đã nhìn vết sáp, từ đó đoán ra.
Vậy bà sẽ làm gì? Phải chăng tính cách của bà là chỉ nói xa xôi để xem cha Lavigny đối phó thế nào? Bà sẽ nói bóng gió cho ông ta hiểu là mình nghi ngờ... nhưng không nói thẳng là mình đã biết. Đó là một trò chơi nguy hiểm, nhưng bà thích thế.
Song có thể bà đã đi hơi quá xa. Cha Lavigny đoán biết nên đã ra tay giết bà.
Cha Lavigny giả mạo là Raoul Menier... một tên ăn cắp. Hắn có phải là kẻ giết người?
Poirot đi đi lại lại trong phòng, ông rút mùi xoa trong túi lau trán trước khi tiếp tục:
- Tới sáng nay, đó là những gì tôi đã tìm ra. Tôi tính tới những người có khả năng là thủ phạm, nhưng ai là người chính xác?
Nhưng giết người trở thành thói quen. Ai đã giết một lần, sẽ giết lần thứ hai.
Và vụ giết thứ hai đã làm kẻ sát nhân lộ mặt.
Tôi luôn nghĩ rằng có một ai đó trong các vị ở đây giấu tôi... không cho tôi biết về thủ phạm.
Người đó chịu mạo hiểm lớn.
Tôi rất chú ý bảo vệ cô Leatheran. Cô có trí óc sắc sảo quan sát tốt, chỉ sợ cô biết quá một chút là sẽ nguy hại đến bản thân.
Như mọi người đã thấy, một vụ thứ hai xảy ra. Nạn nhân không phải cô Leatheran, mà là cô Johnson.
Tôi vẫn thích tự mình suy luận mà tìm ra lời giải, song phải nói rằng chính vụ án thứ hai đã giúp tôi giải quyết vấn đề nhanh hơn.
Trước hết, một người khả nghi được xóa khỏi danh sách: đó là bản thân cô Johnson... vì tôi không hề tin đây là một vụ tự vẫn.
Bây giờ ra xem xét các sự việc liên quan đến cái chết bi thảm của cô Johnson.
Thứ nhất: tối chủ nhật, cô Leatheran thấy cô Johnson khóc lóc, rồi đêm hôm đó lại đốt mẩu thư mà cô y tá cho là cùng một chữ viết với những thư nặc danh.
Thứ hai: buổi tối trước hôm cô chết cô Leatheran bắt gặp cô Johnson đứng trên sân thượng trong một trạng thái mà cô Leatheran mô tả là "kinh hoàng khôn xiết". Cô Leatheran hỏi, thì cô trả lời: "Tôi đã biết người ta đi từ bên ngoài vào thế nào mà không ai biết". Cô chỉ nói vậy. Lúc đó cha Lavigny đang đi qua sân, ông Reiter đứng trước cửa phòng ảnh.
Thứ ba: trước khi thở hơi cuối cùng, cô Johnson chỉ nói được ba từ: cửa sổ... cái cửa sổ...
Sự việc là như vậy, và ta phải giải đáp những câu hỏi sau:
- Ai đã viết các thư?
- Cô Johnson đã trông thấy gì từ trên sân thượng?
- Cô muốn nói gì khi thốt lên "Cái cửa sổ... cái cửa sổ”?
E hèm! Hãy xét câu hỏi thứ hai, vì nó đơn giản nhất. Tôi đã cùng cô Leatheran trèo lên sân thượng, đứng ở đúng chỗ cô Johnson đứng. Từ đó, cô nhìn thấy sân, cổng vòm, mặt bắc của khu nhà và hai người làm việc trong đoàn. Những lời của cô ám chỉ ông Reiter hoặc cha Lavigny đây chăng?
Lập tức, một cách giải thích hợp lý nảy ra trong óc tôi. Nếu một người lạ từ ngoài vào được đây tất phải cải trang thành người quen. Và chỉ có một người mà trang phục dễ bắt chước nhất: cha Lavigny! Đội mũ thuộc địa, đeo kính đen che mặt, bộ râu đen và chiếc áo trùng thâm, một người lạ có thể qua cổng đi vào sân mà không gây sự chú ý của bọn gia nhân.
Có phải cô Johnson muốn nói điều đó? Hay là, đi xa hơn, cô còn đoán được rằng cha Lavigny chỉ là một kẻ giả danh đội lốt thầy tu?
Với tất cả những gì đã biết về cha Lavigny, tôi đã cho Raoul Menier là hung thủ. Hắn giết bà Leidner để bà không lộ chuyện. Tiếp đó, một người nữa có vẻ như đã biết bí mật của hắn, người đó phải bị thủ tiêu.
Thế là mọi việc ăn khớp! Vụ giết thứ hai, cha Lavigny bỏ trốn không mang theo áo thầy tu (hắn và tên đồng phạm có hộ chiếu hợp pháp, ghi là thương nhân đi sang Syria), và tìm thấy cái thớt cối xay vấy máu dưới giường cô Johnson.
Như đã nói, tôi gần như thỏa mãn... song đã giải đáp thì phải giải đáp tất cả... mà tôi thấy vẫn chưa có giải đáp được hết.
Ví dụ, chưa giải thích được lời cô Johnson: Cái cửa sổ, cái cửa sổ. Cũng như việc cô khóc lóc, và thái độ lạ lùng của cô trên sân thượng, không chịu nói cho cô Leatheran những gì cô biết hoặc nghi ngờ.
Cách giải đáp nói trên chỉ phù hợp với những hiện tượng bề ngoài, mà gạt sang một bên vấn đề tâm lý.
Và trong khi đứng trên sân thượng, tôi nghiền ngẫm ba điểm: thư, sân thượng, cửa sổ, và đã thấy như cô Johnson đã thấy!
Và lần này mọi việc hoàn toàn sáng rõ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách