Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: connhenxanh
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết - Xuất Bản] Emma | Jane Austen

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:20:30 | Chỉ xem của tác giả
Chương 2


Jane Fairfax là cô gái mồ côi, đứa con độc nhất của con gái út bà Bates.
Cuộc hôn nhân giữa trung uý Fairfax ở một trung đoàn bộ binh và Jane Bates đã trải qua thời kỳ nổi đình nổi đám, vui thú, hy vọng; nhưng bây giờ không còn nữa ngoại trừ hoài niệm u uẩn về cái chết của ông  trên mặt trận nước ngoài, về người quả phụ chẳng bao lâu sau đấy chìm ngập trong bệnh tật và nỗi đau, và cô con gái này.
Theo lai lịch, cô là người của Highbury. Lúc cô lên ba, mẹ cô qua đời, cô được bà ngoại và dì nuôi nấng trong tình thương yêu và an ủi. Đã có ý định cho cô sống mãi nơi này, giáo dục cô theo cách có thể được trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn, rồi cô lớn lên mà không có lợi điểm nào về lai lịch hoặc gia tài của người lớn, để theo bẩm sinh mà trở thành một người hiền hoà, có đầu óc hiểu biết và những mối quan hệ thân tình, thiện ý.
Nhưng một người bạn của cha cô vì thương cảm cô mà mang đến một thay đổi trong vận mệnh của cô. Đấy là Đại tá Campbell, người kính trọng Fairfax như là một sĩ quan ưu tú của một thanh niên xứng đáng, hơn nữa còn mang ơn Fairfax sau khi đã chăm sóc cứu ông thoát chết trong một cơn thương hàn nguy kịch. Đấy là ơn nghĩa mà ông không quên, dù phải đợi nhiều năm trôi qua sau cái chết của Fairfax trước khi ông trở về Anh Quốc. Khi ông trở về, ông đi tìm Jane và quan tâm đến cô. Ông đã kết hôn và có một con gái trạc tuổi Jane. Thế là Jane trở thành người trong gia đình ông, thường được mời đến nhà ông và lưu lại trong những khoảng thời gian dài, được cả gia đình quý mến. Khi cô lên chín, vì tình thương của con gái ông và ý muốn của mình, Đại tá Campbell ngỏ ý muốn lo cho cô ăn học. Từ ngày ấy, Jane trở thành một thành viên trong gia đình Đại tá Campbell vvsn hẳn với họ, chỉ thỉnh thoảng về thăm bà ngoại.
Dự tính là giúp cô trở thành cô giáo, vì vài trăm bảng thừa kế của người cha không thể giúp cho cô tự lập. Đại tá Campbell không thể chu cấp cho cô nhiều vì dù ông có thu nhập khá, gia sản của ông là khiêm tốn và chỉ vừa đủ cho con gái ông, nhưng nếu cho cô một nền giáo dục ông hy vọng sẽ giúp cô có một nghề khả kính cho cô mưu sinh về sau.
Đấy là lai lịch của Jane Fairfax. Cô nhận sự bảo bọc tử tế của nhà Campbell, và một nền giáo dục hoàn hảo. Sống cùng những người có đầu óc chính chắn và hiểu biết, tâm hồn và tri thức của cô được bồi đắp bởi kỷ luật và văn hoá. Vì Đại tá Campbell sống ở London, mọi tiềm năng của cô được phát huy nhờ có thầy cô giáo xuất chúng dạy dỗ. Tư cách và khả năng của cô trở nên xứng đáng với tình quý mến của gia đình kèm cặp. Lúc mười tám hoặc mười chín tuổi, cô đã có thể là một cô giáo giỏi để dạy trẻ nhỏ, nhưng nhà Campbell vì vẫn quý mến cô mà không muốn xa cô. Cả hai vợ chồng đều không khuyến khích, còn con gái họ lại càng không chịu cho cô đi. Thế là cô chưa phải khó nhọc tự kiếm sống vì họ dễ dàng viện cớ là cô còn quá trẻ. Cô lưu lại với họ, sống như con gái của họ, chia sẻ với họ mọi thú vui có chừng mực của một xã hội phong nhã và sự pha trộn đúng đắn của tình thân gia đình và tiêu khiển. Điểm yếu duy nhất của là về tương lai, mà với đầu óc có hiểu biết cô vẫn nhớ rằng cuộc sống hiện tại chẳng bao lâu sẽ chấm dứt.
Ngoài tình cảm của toàn gia đình và đặc biệt tình quyến luyến của cô Campbell, họ còn cảm thấy hãnh diện vì nhan sắc và kiến thức của Jane Fairfax – cho đến ngày cô Campbell kết hôn. Qua cơ may không hề được dự trù cho hôn nhân, cô Campbell gặp gỡ anh Dixon, một thanh niên giàu có và dễ mến, và chỉ ít lâu sau họ cưới nhau. Trong khi họ ổn định cuộc sống, Jane Fairfax vẫn chưa có sinh kế.
Việc này chỉ xảy ra lúc gần đây, quá gần nên Jane không kịp có kế hoạch nào cho riêng mình. Từ lâu, cô đã có chủ định là đến năm hai mươi mốt tuổi sẽ dứt bỏ tất cả vui thú của cuộc sống này, của những mối giao du theo lý trí, của xã hội bình đẳng, an lành và hy vọng, để từ đây cô phải lo bươn chải.
Ông bà Đại tá Campbell có đủ ý thức nên không muốn chống lại chủ định của cô dù vẫn muốn cô tiếp tục ở lại. Ngày nào họ còn sống, thì cô không cần phải kiếm sống, nhà của họ vẫn là nhà của cô. Đáng lẽ họ còn muốn giữ cô lại mãi để cô chăm sóc cho họ được thoải mái nhưng như thế là ích kỷ. Nếu chuyện gì phải đến thì tốt nhất là nên đến sớm. Có vẻ như họ đã bắt đầu nghĩ rằng đáng lẽ nên tỏ ra tử tế hơn và khôn ngoan hơn mà cho cô bước ra đời sớm, tránh cho cô hưởng thêm thú vui và nhàn rỗi rồi cuối cùng đến ngày phải từ bỏ tất cả. Tuy thế, vì tình thương họ đã viện đủ lý do để trì hoãn cái ngày buồn đau ấy. Từ khi con gái họ lấy chồng, Jane không bao giờ được vui. Hai ông bà chưa muốn cô bước ra đời, để chờ cho đến khi cô tìm lại đủ nghị lực. Với sức khoẻ suy sụp và tâm trí giao động, xem dường như cô còn cần thứ gì khác nữa ngoài thể chất và tinh thần để có cuộc sống thoải mái và tương đối.
Về việc cô không theo họ đi Ireland, cô đã kể cho bà dì nghe sự thật tuy rằng đấy không phải là tất cả sự thật. Lý do bề ngoài vì muốn dành thời giờ trong khi họ đi vắng để hưởng những tháng cuối cùng – có lẽ thế - được tự do hoàn toàn với người thân. Gia đình Campbell – dù có động lực gì đi nữa, dù là từ một, hai hoặc ba người – đồng ý với cô, và nói cô cần vài tháng hưởng không khí nơi quê nhà để phục hồi sức khoẻ. Thế là thay vì đón tiếp người hoàn toàn mới đã hứa hẹn từ lâu – anh Frank Churchill – Highbury sẽ phải chịu đựng cô Jane Faifax sau hai năm cô xa vắng.
Emma cảm thấy rầu rĩ, vì trong ba tháng dài cô sẽ phải tỏ ra lịch sự với người mà mình không thích, phải cố thể hiện tình cảm nhiều hơn là mình thật sự mong muốn! tại sao cô không thích Jane Fairfax có lẽ là câu hỏi khó trả lời. Anh Knightley có lần nói với cô đấy là do cô thấy Jane là một phụ nữ thật sự thành đạt – mẫu người mà cô mong thiên hạ nghĩ về mình. Dù cô đã cực lực bác bỏ lời kết án, có nhiều lúc nhìn lại mình, lương tri của cô không thể tha thứ cho cô, nhưng cô nghĩ "Mình không bao giờ có thể chơi thân với nó, mình không hiểu tại sao, nhưng tính lãnh đạm, và e dè như thế, không màng biết mình vui hay buồn, rồi còn có người dì lắm lời! Cứ nhặng xị với mọi người! Người ta lúc nào cũng tưởng tượng ra là hai cô gái phải thân thiết với nhau, ai nấy cứ nghĩ vì hai đứa bằng tuổi nhau nên hẳn phải mến nhau lắm". Đấy là những lý do của cô – không có lý do nào đúng lý hơn.
Đấy là mối ác cảm thiếu nguyên do chính đáng – vì trí tưởng tượng thổi phồng thêm từng khuyết điểm bị quy kết – khiến cho trước đây Emma không bao giờ đến gặp Jane Fairfax sau thời gian dài cô này đi vắng, mà không nghĩ rằng mình đã gây xúc phạm. Bây giờ Jane đã về sau hai năm vắng mặt, khi Emma phải đến thăm, cô đặc biệt có ấn tượng với dáng vẻ bề ngoài và cử chỉ mà suốt hai năm cô đã coi khinh. Jane Fairfax tỏ ra là người phong nhã, cực kỳ phong nhã, trong khi chính Emma đã đạt mức phong nhã cao nhất. Khổ người Jane cao nhưng không ai nghĩ quá cao, vóc dáng cô yêu kiều, cô vừa tầm giữa hai mức gầy và béo, dù vẻ yếu đuối vì thiếu sức khoẻ dường như cho thấy cô gầy. Emma nhận ra tất cả điều này, và rồi gương mặt của Jane – những nét đặc trưng của cô – còn thêm nét gì đó ngoài vẻ đẹp, không phải là vẻ đẹp thông thường , mà là dung nhan ưa nhìn. Đôi mắt của Jane – một màu xám đậm với lông mi và lông mày đen – luôn khiến người ta ngưỡng mộ. Riêng làn da, mà có người cho là nhợt nhạt, thể hiện sự trong sáng và tinh tế mà không cần phải tươi tắn thêm. Đấy là một thứ nhan sắc bỉêu lộ nét phong nhã hàng hai, vì thế qua những nguyên tắc của mình Emma phải ngợi khen – nét phong nhã mà cô thấy rất ít ở Highbury dù qua thể chất hoặc tinh thần. Không có ý xúc phạm, nhưng đấy là điểm đặc trưng và chân giá trị.
Tóm lại, tron chuyến đến thăm đầu tiên, Emma ngồi nhìn Jane Fairfax với tâm tư mãn nguyện nhân đôi: ý thức hài lòng và ý thức công tâm, và nghĩ không nên có ác cảm với Jane nữa. Khi xét qua về thân thế, hoàn cảnh cũng như nhan sắc của Jane, khi ức đoán vẻ phong nhã ấy sẽ được dùng vào việc gì, khung cảnh nào cô sẽ từ bỏ mà bước ra đời, cô sẽ mưu sinh ra sao, Emma chỉ một lòng thương cảm và tôn trọng. Thêm vào đó, một tình huống rất có khả năng xảy ra là Jane thầm yêu anh Dixon. Nếu đúng như thế, không có gì đáng thương và cao cả hơn lòng hy sinh của cô. Bây giờ Emma mới tha bổng cho Jane cái tội quyến rũ anh Dixon hoặc bất kỳ hành động tinh ranh nào mà cô đã kết án trước đây. Nếu do tình yêu thì đấy là thứ tình yêu giản đơn, một chiều tuyệt vọng về phía Jane mà thôi. Có thể trong vô thức Jane đã nuốt phải thứ độc dược u buồn khi chia sẻ các cuộc chuyện  trò giữa anh và cô bạn Campbell. Từ ý muốn minh bạch nhất, bây giờ Jane hẳn tự mình quyết định không đi Ireland, và muốn tự lánh xa anh Dixon cùng những mối quan hệ với anh bằng cách bắt đầu sự nghiệp gian khổ của riêng mình.
Emma từ biệt Jane với tâm trạng đầy tình cảm, thiện ý như thế, khiến cô nhìn chung quanh mình trên đường về nhà mà than thở ở Highbury không có thanh niên nào xứng đáng để giúp Jane được tự chủ, không có ai cho cô mong trù tính về Jane.
Đây là ý tưởng đáng quý nhưng không kéo dài lâu. Trước khi cô công khai bày tỏ tình thân hữu lâu bền với Jane Fairfax hoặc có động thái từ bỏ định kiến và sai lầm trong quá khứ, cô nói với anh Knightley:
-       Cô ấy thật là đẹp, và còn hơn cả đẹp!
Jane đã qua trọn một buổi tối ở Hartfield với bà ngoại và dì, và mọi việc đều diễn ra như lệ thường. Thái độ trêu ngươi lại xuất hiện. Người dì vẫn gây phiền hà như xưa – còn phiền hà hơn – bởi vì thêm vào nỗi quan ngại về sức khoẻ của cháu gái là lòng ngưỡng mộ về nghị lực của cô. Họ phải nghe người dì kể lể chính xác cô cháu đã dùng bao nhiêu bánh mì và bơ trong bữa ăn sáng, phô bày các món mũ và giỏ xách mới mà cô cháu làm cho ngoại và dì, và rồi Jane phạm khuyết điểm. Họ muốn tiêu khiển bằng âm nhạc, và Emma phải trình diễn. Đối với Jane, những lời cảm ơn và ca tụng vì lịch sự có vẻ như màu mè, trọng đại chỉ để phô trương tài năng xuất chúng của mình. Còn cô ta lại có vẻ lãnh đạm, thận trọng! không thể hiểu cảm nghĩ thật lòng của cô ra sao. Bao bọc trong lớp vỏ lịch sự, có vẻ như cô không muốn khinh suất tỏ lộ gì cả. Cô tỏ ra thật đáng ghét , dè dặt một cách đáng ngờ.
Sự việc trỏ nên tệ hại hơn khi Jane càng dè dặt lúc nói về Weymouth và vợ chồng Dixon. Xem dường như cô không muốn tiết lộ gì về tính cách của anh Dixon, cũng không nhận xét gì về vợ anh hoặc cuộc hôn phối của anh. Cô chỉ bày tỏ tình đồng thuận chung chung mà không lý giải và phân biệt từng sự kiện. Emma nhận thấy không ổn, nhìn ra vẻ dối trá, rồi quay lại với những ức đóan ban đầu của mình. Có lẽ còn có chuyện gì khác bị giấu diếm, có lẽ anh Dixon đã đi gần đến sự thay đổi từ Campbell sang Jane, hoặc gắn bó với cô Campbell chỉ vì khoản tiền mười hai nghìn bảng trong tương lai.
Thái độ giữ kẽ còn được thể hiện trong một đề tài hàn huyên khác. Jane và anh Frank Churchill đã ở tại Weymouth vào cùng thời gian. Họ đã quen nhau, nhưng cô không hé môi lấy một lời cho biết anh thật sự như thế nào. Emma nhớ lại « Anh ấy đẹp trai không ? – cô ấy nghĩ anh ấy trông rất khá – Anh ấy có dễ mến không ? – Nói chung, người ta đều nghĩ thế - Anh ấy có vẻ là người có óc xét đoán, nhiều hiểu biết không ? - Ở bãi biển hoặc nơi nhà bạn bè ở London thì khó biết được khía cạnh này. Chỉ có thể phán xét cử chỉ. Cô ấy nghĩ mọi người đều thấy anh có tư cách dễ mến ».
Emma không muốn bỏ qua cho Jane.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:21:47 | Chỉ xem của tác giả
Chương 3


Emma không muốn bỏ qua cho Jane, nhưng anh Knightley – cũng có mặt trong buổi tụ họp – không nhận ra sự trêu ngươi hoặc bất mãn nào, mà chỉ thấy mỗi bên đều thể hiện phép lịch sự, thế nên sáng hôm sau, khi anh trở lại Hartfield để làm việc với ông Woodhouse, anh kể lại tất cả, không nói thẳng thắn như khi ông đi ra khỏi phòng, nhưng cũng nói khá dễ hiểu , vừa đủ cho Emma nắm bắt hết. Anh vẫn thường nghĩ cô công tâm với Jane, nên bây giờ muốn phân định lại.
Sau khi ông Woodhouse và anh thu xếp công việc xong, anh bắt đầu :
-       Một buổi tối rất dễ chịu, dễ chịu một cách đặc biệt. Emma và cô Fairfax chơi nhạc rất hay. Bác ạ, không gì thích thú bằng cả buổi tối ngồi thoải mái bên hai cô gái trẻ như thế, có lúc nghe nhạc, có lúc chuyện trò. Emma à, anh tin cô Fairfax cũng thấy thích. Em đã làm được tất cả . Anh vui mà thấy em bắt cô ấy chơi nhạc nhiều, vì bên nhà bà ngoại cô không có đàn thì hẳn cô ấy thích đàn thật nhiều nơi khác.
Emma mỉm cười :
-       Em vui được anh tán thưởng, nhưng em mong mình ít sơ suất khi tiếp khách ở Hartfield.
Ong bố nói ngay :
-       Không, con yêu ạ. Bố không nghĩ thế. Không có ai ân cần và lịch sự bằng phân nửa như con. Chỉ có điều, con quá ân cần. Món bánh nướng mật ấy, nếu mời khách một vòng thôi thì bố nghĩ là đủ.
Anh Knightley cất tiếng hầu như cùng một lúc :
-       Không, em à, em không sơ suất về tư cách hoặc nhận thức. Anh nghĩ em hiểu anh nói gì.
Một tia nhìn tinh quái nói « Em hiểu anh khá rõ », nhưng cô chỉ nói :
-       Cô Fairfax tỏ ra khá giữ kẽ.
-       Anh vẫn bảo em cô ấy là thế - giữ kẽ chút đỉnh, nhưng chẳng bao lâu em sẽ vượt qua phần giữ kẽ của cô ấy, tất cả do thiếu tự tin. Ta nên tôn trọng sự kín đáo.
-       Anh nghĩ cô ấy thiếu tự tin. Em không nhận ra điều này.
Anh kéo chiếc ghế đến gần cô hơn :
-       Emma thân yêu, anh mong em sẽ không nói là em không vui với buổi tối hôm qua.
-       Oi chao ! Em không nói thế, em hài lòng vì mình đã có hỏi đi hỏi lại mà chỉ nhận được thông tin rất ít.
Anh chỉ đáp :
-       Anh lấy làm thất vọng.
Ong Woodhouse nhỏ nhẹ nói :
-       Tôi nghĩ mọi người đã có buổi tối vui vẻ. Tôi thấy vui. Có lúc tôi thấy lò sưởi quá nóng, nhưng rồi tôi xê dịch chiếc ghế một chút, chỉ một chút thôi, rồi tôi không còn khó chịu nữa. Lúc nào cũng thế, chị Bates nói chuyện huyên thuyên rất vui, tuy rằng chị nói quá nhanh. Tuy nhiên, chị là người dễ mến, bà Bates cũng dễ mến theo cách khác. Tôi mến các bạn già, riêng cô Jane Fairfax là mẫu thiếu nữ rất đẹp, đúng là một thiếu nữ rất xinh và có tư cách tốt . Anh Knightley ạ, cô ấy hẳn lấy làm vui trong buổi tối vì đã có Emma.
-       đúng thế, bác ạ. Emma cũng vui vì đã có cô Fairfax .
Emma nhận ra anh đang âu lo và muốn xoa dịu, ít nhất là vào lúc này, nên cô nói với lòng thành thực mà không ai chối cãi được.
-       Cô ấy là mẫu người mà ai cũng để mắt đến . Em luôn ngắm cô ấy mà ngưỡng mộ, và trong thâm tâm em cảm thương cho cô.
Anh Knightley lộ vẻ như thể anh hài lòng hơn là ngôn từ có thể diễn tả. Trước khi anh có thể cất lời, ông Woodhouse, vốn vẫn nghĩ đến nhà Bates, nói :
-       Điều đáng cảm thương nhất là hoàn cảnh eo hẹp của họ ! Tội nghiệp thật ! Và tôi thường mong có gì gửi biếu họ, cái gì đấy nhỏ nhoi, thường thôi. Người ta vừa hạ một con lợn thịt, và Emma định gửi cho họ một miếng thịt thăn hoặc chân giò, chỉ là chút đỉnh – thịt lợn Hartfield không như thịt lợn nơi khác nhưng nó vẫn là thịt lợn. Emma của bố, nếu họ không làm món rán như cách chúng ta làm       , không dính mỡ và không nướng – vì      không ai có dạ dày thích hợp cho món thịt nướng – bố nghĩ ta nên biếu họ một chân giò. Con có nghĩ thế không ?
-       Bố yêu ạ, con gửi cả một cái đùi. Con biết ý bố muốn thế. Một cái đùi muối, rất ngon, còn thịt thăn sẽ được cắt theo đúng cách họ thích.
-       Đúng thế con ạ, rất đúng. Trước đây bố đã không nghĩ ra, nhưng đấy là cách tốt nhất. Không nên muối quá mặn, nhưng mà, nếu không muối quá mặn và không nấu kỹ theo các Serle nấu cho ta để dùng với một ít củ cải luộc, thêm ít cà rốt thì bố nghĩ sẽ không tốt cho sức khoẻ.
Anh Knightley nói :
-       Emma, anh báo cho em một tin. Em thích tin tức, và anh vừa nhận được một tin mà anh nghĩ em sẽ quan tâm.
-       Tin tức ! À vâng, lúc nào em cũng muốn nghe tin tức sốt dẻo. Chuyện gì ? Tại sao anh cười mỉm như thế ? Anh nghe ở đâu ? Ở Randalls hở ?
-       Không, không phải ở Randalls, anh đã không đi đến Randalls…
Anh chỉ kịp nói đến đây thì cánh cửa mở, chị Bates và cô Fairfax bước vào. Có nhiều lời cám ơn và nhiều tin tức, nên chị Bates không biết nói phía nào cho nhanh nhất. Anh Knightley thấy rằng mình đã mất cơ hội và rằng anh không yên tâm khi chưa nói hết.
-       Ôi giao ! Ông ạ, sáng nay ông khoẻ chứ ? Cô Woodhouse thân mến, tôi rất cảm kích. Một chân giò ngon như thế ! cô rộng rãi quá ! Cô có nghe tin gì chưa ? Anh Elton sắp kết hôn.
Emma đã không có thời giờ mà nghĩ đến anh Elton, và cô hoàn toàn ngạc nhiên thấy mình không khỏi giật mình một chút và đỏ mặt một chút khi nghe tin.
Với nụ cười mỉm ngụ ý mình đã biết chắc, anh Knightley nói :
-       Đấy là tin tức của anh. Anh nghĩ em muốn biết .
Chị Bates thốt lên :
-       Nhưng anh nghe ở đâu ? Anh Knightley, anh có thể nghe được ở đâu chứ ? Chi là vì năm phút trước tôi nhận được thư của bà Cole – không, không thể nào quá năm phút, hoặc ít nhất quá mười phút – vì tôi vừa đội mũ và mặc áo len chuẩn bị đi ra ngoài, tôi vừa đi xg nhà để bàn lại với Patty về miếng thịt lợn, Jane đang đứng ở hành lang – phải thế không Jane ? Vì mẹ tôi e chúng tôi không có cái chum to để muối miếng thịt. Thế là tôi nói để tôi đi xuống nhà tìm, và Jane nói « Để cháu đi tìm được không ? Vì cháu nghĩ dì bị cảm, còn Patty đang lau nhà bếp ». Tôi nói « À, trời ơi » rồi đúng lúc ấy người đưa thư đến . Một cô Hawkins nào đó – tôi chỉ biết có thế. Một cô sống Hawkins sống ở Bath. Nhưng, anh Knightley ạ, làm thế nào anh có thể nghe được tin này ? Bởi  vì đúng lúc ông Cole báo tin cho bà Cole, bà biên thư ngay cho tôi . Một cô Hawkins…
-       Tôi vừa có công việc với ông Cole một tiếng rưỡi trước . Ông ấy vừa đọc thư của Elton thì tôi đến , và ông đưa cho tôi xem ngay.
-       A ra thế. Tôi nghĩ không có tin nào vui hơn.
Rồi chị Bates nói với ông Woodhouse :
-       Ong ạ, ông thật là rộng lượng. Mẹ tôi gửi lời cám ơn và thăm hỏi, xin cảm ơn nghìn lần, và nói ông thật sự làm cho bà cảm động.
Ông Woodhouse nói :
-       Chúng tôi xem thịt lợn Hartfield đúng là ngon hơn thịt lợn nơi khác, đến nỗi Emma và tôi rất lấy làm vui mà…
-       Ôi giao ! Ông ạ, như mẹ tôi nói , những người láng giềng của chúng tôi quá tử tế đối với chúng tôi . Những người nghèo khó như chúng tôi nhận được mọi thứ mà chúng tôi cần. Chúng tôi có thể nói rất đúng rằng « Số mệnh chúng tôi được định đoạt do di sản to tát ». À, anh Knightley, thế là anh thật sự đọc được lá thư, à…
Emma chen vào khi có cơ hội :
-       Anh Elton kết hôn ! mọi người sẽ mừng cho anh ấy .
Ông Woodhouse nhận xét :
-       Anh ấy còn quá trẻ mà đã lo yên phận. Đáng lẽ anh ấy không nên vội. Tôi thấy anh có vẻ khá về vật chất. Chúng tôi lúc nào cũng vui được gặp anh ở Hartfield.
Chị Bate vui vẻ nói :
-       Một người láng giềng mới cho tất cả chúng ta , cô Woodhouse ạ ! Mẹ tôi rất vui. Bà nói mình không chịu được khi tư dinh cha xứ cũ kỹ tội nghiệp không có bà chủ. Đúng là tin thật vui. Jane, cháu chưa từng gặp anh Elton ! không lạ gì mà cháu hiếu kỳ muốn gặp anh ấy .
Jane không có vẻ ngạc nhiên nhiều. Cô đáp :
-       Đúng, cháu chưa từng gặp anh Elton. Anh ấy …có cao ráo không ?
Emma thốt lên :
-       Ai sẽ trả lời câu hỏi này ? Bố tôi sẽ nói « có », anh Knightley nói « không », còn chị Bates và tôi nói anh vừa tầm thước. Cô Fairfax ạ, sau khi cô đã ở đây ít lâu, cô sẽ hiểu rằng anh Elton là mẫu người toàn vẹn ở Highbury, cả về thể chất và trí óc.
-       Rất đúng, cô Woodhouse ạ, rồi nó sẽ thấy . Anh ấy là một thanh niên khá nhất. Nhưng cháu Jane thân yêu ạ, nếu cháu còn nhớ, hôm qua dì bảo cháu là anh ấy cao ngang bằng ông Perry. Tôi dám nói cô Hawkins là phụ nữ rất khá. Anh ấy quan tâm đến mẹ tôi – muốn bà ngồi ở hàng ghế danh dự trong nhà thờ để nghe cho được rõ vì bà hơi lãng tai, cô biết mà – không nặng lắm , nhưng bà nghe không kịp. Jane bảo Đại tá Campbell cũng bị lãng tai một chút. Ông ấy nghĩ nên tắm thì có lợi – tắm nước nóng – nhưng cháu nó nói không giúp ích gì cả. Quý vị biết không , Đại tá Campbell như là thiên thần đối với chúng tôi . Còn anh Dixon có vẻ như là thanh niên rất cuốn hút, xứng đáng làm rể của ông . Khi những người tốt gặp nhau thì được hưởng hạnh phúc – luôn như thế . Giờ đây là anh Elton và cô Hawkins, rồi có vợ chồng Cole, đều là người tốt , rồi vợ chồng Perry.
Bà quay sang ông Woodhouse :
-       Tôi nghĩ không có cặp vợ chồng nào hạnh phúc hơn ông bà Perry, ông ạ. Tôi nghĩ ít nơi nào có cộng đồng như ở Highbury. Tôi luôn nói rằng chúng tôi được ơn phước nhờ có láng giềng ở đây . Ông quý mến ạ, nếu tôi có một thứ mà mẹ tôi thích hơn thì đấy là thịt lợn – món thịt thăn nướng…
Emma chen vào :
-       Về việc cô Hawkins là ai, là người như thế nào, hoặc anh ấy đã quen biết cô ấy bao lâu, thì ta không biết gì cả. Có vẻ như họ quen nhau chưa lâu. Anh ấy chỉ mới đi được bốn tuần.
Không ai biết gì để nói . Sau một ít ngạc nhiên, Emma nói :
-       Cô Fairfax, cô vẫn im lặng, nhưng tôi nghĩ cô quan tâm. Gần đây cô đã nghe và thấy nhiều điều về những người vốn có liên quan đến cô Campbell, chúng tôi không tin cô quan tâm đến anh Elton và cô Hawkins.
Jane đáp :
-       Khi tôi đã gặp anh Elton, hẳn tôi sẽ quan tâm. Tôi cần có điều kiện đó. Còn về cô Campbell sau khi đã kết hôn được nhiều tháng, cảm tưởng của tôi không còn mới mẻ nữa .
Chị Bates nói :
-       Vâng, anh ấy chỉ mới đi được bốn tuần như cô nhận xét, cô Woodhouse ạ, hôm qua là được bốn tuần – một cô Hawkins ! – Tôi vẫn nghĩ đó sẽ là một cô nào đấy chung quanh đây , không phải là tôi từng…Bà Cole có lần thầm thì với tôi , nhưng tôi lập tức nói « Không, anh Elton là thanh niên sáng giá…nhưng ! » Tóm lại, tôi không lanh lợi với những khám phá ấy . Tôi không muốn giả vờ. Tôi chỉ thấy những gì xảy ra trước mắt . Cùng lúc,ở không ai có thể băn khoăn liệu anh Elton có khao khát hay không . Cô Woodhouse để cho tôi nói thoải mái ,thật là vui. Cô ấy biết tôi không xúc phạm ai. Cô Smith có khoẻ không ? Bây giờ cô ấy hẳn đã khá bình phục. Gần đây cô có tin gì về bà John Knightley không ? Ôi chao ! Đám trẻ dễ thương ấy . Jane, cháu có biết dì luôn mến anh Dixon như anh John Knightley không ? Ý dì nói là về thể chất – cao ráo, với dáng vẻ như thế - và không ba hoa lắm .
-       Dì ạ, hơi sai rồi , không phải thế đâu .
-       Kỳ thật ! nhưng thoạt đâu không bao giờ ai biết rõ về ai được . Người ta cứ có tiên kiến rồi mang mãi trong đầu, ý cháu nói là anh Dixon không đẹp trai hở ?
-       Đẹp trai ! Ôi dào ! không – không đẹp trai tí nào, cháu đã nói là anh ấy trông thô kệch.
-       Trời đất ! cháu đã nói rằng cô Campbell không cho anh ấy là thô kệch, và rằng …
-       Ôi chao ! Về phía cháu, nhận xét của cháu không có giá trị gì cả. Nếu cháu có quan tâm, cháu luôn nghĩ một người trông được . Nhưng cháu chỉ cho ý kiến chung chung khi cháu nói anh ấy thô kệch.
-       A cháu Jane yêu, dì nghĩ chúng ta nên ra về. Thời tiết trông không được tốt . Bà ngoại sẽ lo lắng . Cô Woodhouse thân yêu, cô đã gia ơn, nhưng chúng tôi buộc phải về. Đấy thật là một tin vui. Tôi sẽ đi ngang qua nhà bà Cole, nhưng tôi sẽ ghé qua không quá ba phút, còn Jane, cháu nên đi về nhà ngay, dì không muốn cháu đi trong mưa! Chúng tôi nghĩ con bé đã phục hồi ở Highbury. Cảm ơn quý vị, cảm ơn rất nhiều. Tôi sẽ không ghé qua nhà bà Goddard vì tôi nghĩ bà ấy không màng gì khác hơn là thịt lợn luộc khi chúng tôi ướp cái chân giò thì đấy là việc khác . Ông ạ, xin chào ông . Ô, anh Knightley cũng định đi à? Thế là tốt! tôi tin nếu Jane bị mệt, anh sẽ tử tế mà giúp cho cô ấy đi nương theo anh – anh Elton và cô Hawkins! – Xin từ giã quý vị.
Còn lại hai bố con nhưng ông chỉ chú ý đến Emma phân nửa trong khi than van giới trẻ kết hôn quá vộii như thế mà còn kết hôn với người lạ, còn nửa kia Emma có thể nói lên quan điểm của mình. Đối với cô, đấy là một tin vừa buồn cười vừa rất vui, để minh chứng là anh Elton đã không buồn khổ lâu. Nhưng cô lấy làm tiếc cho Harriet, cô bé hẳn cảm thấy buồn. Cô chỉ mong tránh cú sốc cho cô bé khi thình lình nghe tin từ người khác, thế nên cô muốn tự mình báo tin trước . Bây giờ , có thể cô bé đang trên đường đến đây. Khi trời bắt đầu đổ mưa, nếu cô bé gặp chị Bates trên đường! Emma đóan thời tiết hẳn phải lưu cô ở lại nhà  bà Goddard, thế là tin tức chắc chắn sẽ lan truyền đến cô bé trong khi không kịp chuẩn bị tinh thần.
Cơn mưa nặng hạt nhưng dứt nhanh. Năm phút sau, Harriet đến, chỉ với dáng vẻ nóng vội, xúc động từ con tim nặng trĩu. Cô thốt lên ngay với tất cả vẻ hoang mang:
-       Ôi! Chị Woodhouse, chị nghĩ chuyện gì đã xảy ra?
Vì đòn đau đã giáng xuống cô bé, bây giờ Emma cảm thấy chỉ có thể tỏ lòng ân cần hay nhất bằng cách lắng nghe. Không bị ngăn chặn, Harriet kể lại. Nửa giờ trước khi cô ra khỏi nhà bà Goddard – cô đã e trời sẽ mưa, cô đã e trời sắp mưa bất kỳ lúc nào, nhưng cô nghĩ có thể đến Hartfield kịp thời. Cô cố đi nhanh, nhưng rồi khi đi ngang qua nhà một phụ nữ trẻ đang may chiếc áo maxi cho mình, cô nghĩ nên ghé qua để xem công việc như thế nào. Dù chỉ lưu lại phút chốc, sau khi cô bước ra trời bắt đầu đổ mưa. Cô không biết phải làm gì, thế là cô cố chạy càng nhanh càng tốt đến trú mưa ở cửa hàng bán vải và kim chỉ Ford's. Khoảng mười phút sau, thình lình có người bước vào – thật là lạ kỳ - đấy là Elizabeth Martin và người anh!
-       Chị Woodhouse thân yêu ạ, thử nghĩ xem! Em nghĩ mình sắp ngất đi. Em không biết phải làm gì. Em đang ngồi kế cánh cửa, Elizabeth trông thấy em ngay nhưng anh ấy không thấy vì đang loay hoay với  cây dù. Em tin chắc cô ấy thấy em, nhưng cô ấy lại nhìn đi nơi khác và ra vẻ không nhận ra em. Hai người đi về cuối cửa hàng, và em vẫn ngồi kế cánh cửa. Ối giời! Em khổ quá! Em tin mặt mình đang trắng bệch như chiếc áo maxi của ma. Chị biết không, em không thể đi ra vì trời đang mưa, em mong mình không hiện diện ở đó mà ở bất kỳ nơi nào khác.
Ôi trời! Chị Woodhouse ạ, cuối cùng em mường tượng anh ấy nhìn quanh và trông thấy em, bởi thay vì tiếp tục việc mua sắm, hai người bắt đầu thầm thì với nhau. Em tin là họ đang nói về em, em đoán anh đang thuyết phục cô ấy đến nói chuyện với em (chị Woodhouse, chị nghĩ có đúng không?) – vì cô ấy bước đến gặp em, hỏi thăm em, sẵn sàng bắt tay em nếu em chấp nhận. Cử chỉ cô ấy khác lạ so với lúc trước, em có thể thấy cô đã thay đổi nhưng xem dường cô cố tỏ ra thân thiện. Chúng em bắt tay nhau rồi đứng trò chuyện với nhau một lúc, nhưng em không còn biết nói gì – em đang  bối rối  quá ! em nhớ cô ấy nói lấy làm tiếc bây giờ chúng em không còn gặp lại nhau – em nghĩ cô ấy quá tốt bụng! chị Woodhouse thân yêu ạ, em thật khổ!
"Vào lúc ấy, mưa bắt đầu nhẹ hạt, em nghĩ không gì có thể lưu em lại và rồi – chị nghĩ xem! – anh ấy cũng bước về phía em – chầm chậm, như thể anh ấy không biết phải làm gì. Rồi anh ấy đến hỏi han và em trả lời . Em đứng trong một chốc, thấy khổ sở hết sức, chị biết đấy. Không ai hiểu được là thế nào. Thế là em đi, nhưng chỉ vừa được dăm bảy bước thì anh ấy bước theo, chỉ để nói nếu em đi Hartfield, anh ấy nghĩ em nên đi vòng qua  chuồng ngựa bà Cole vì đường thẳng đã bị sũng nước mưa. Trời ơi ! Em thấy như chết mất ! em mang ơn anh ấy nhiều. Rồi anh trở lại với Elizabeth, và em đi vòng qua chuồng ngựa, em nghĩ thế, nhưng em không rõ mình đang ở đâu.
"Ôi! Chị Woodhouse, em thà làm việc gì đấy chứ không để xảy ra chuyện này. Tuy nhiên, chị biết không, em thoả nguyện khi thấy anh ấy tỏ ra dễ chịu như thế và tử tế như thế. Và còn Elizabeth nữa. Ôi! Chị Woodhouse, hãy nói với em và giúp em hoàn hồn".
Thật lòng Emma muốn làm thế, nhưng lúc này không biết nói sao. Cô bé phải ngưng lại mà suy nghĩ. Cô bé không thoải mái lắm. Thái độ của anh trai trẻ và của em gái anh xem dường là do tình cảm đích thực, và Emma chỉ thương hại họ. Như Harriet mô tả, có sự pha trộn đáng quan tâm giữa tình cảm bị sứt mẻ và nét tinh tế thực sự trong hành vi của họ. Nhưng trước đây cô bé đã tin họ là những người có thiện ý, sáng giá, sự khác biệt làm được gì trong mối quan hệ không hay này? Xốn xang là chuyện điên rồ. Dĩ nhiên là anh ta thấy tiếc khi mất cô bé – tất cả họ hẳn phải tiếc. Tham vọng và tình yêu có lẽ đã lịm chết. Họ hẳn đã hy vọng nâng vị thế lên quqa mối quen biết với Harriet. Hơn nữa, lời kể của Harriet có giá trị gì? Thoả nguyện một cách dễ dàng như thế, nhận thức ít ỏi như thế , lời khen của cô bé chỉ ra điều gì?
Emma cố gắng giúp cô bé cảm thấy thoải mái bằng cách cho rằng tất cả mọi chuyện xảy ra đều là vụn vặt, không đáng để tâm đến. Cô nói:
-       Có thể lúc này em cảm thấy khổ sở, nhưng em đã xử sự rất hay. Chuyện đã qua rồi, và có thể không bao giờ xảy ra nữa, sẽ không bao giờ . Vì thế, em không nên nghĩ ngợi thêm.
Harriet nói:
-        Chị nói đúng. Em sẽ không nghĩ ngợi nữa.
Nhưng cô bé vẫn còn nói tiếp về chuyện này – cho đến khi không còn gì để nói thêm.
Cuối cùng để giúp gạt nhà Martin ra khỏi đầu óc cô bé, Emma phải vội báo tin, mà cô chủ định nói với sự thận trọng dịu dàng, không biết được Harriet tội nghiệp sẽ cảm thấy vui hay tức giận, xấu hổ hay buồn cười, cho thấy anh Elton quan trọng như thế nào đối với cô  bé.
Tuy nhiên, tình cảm đối với anh dần dần sống lại. Dù cô bé không xúc động mạnh như khi nghe tin này vào ngày hôm qua hoặc một giờ trước, nhưng chẳng bao lâu cô tỏ ra quan tâm. Khi Emma nói xong, cô bé nói về tất cả cảm nghĩ hiếu kỳ, băn khoăn và tiếc nuối, đau đớn và vui sướng về cô Hawkins may mắn, nhà Martin bị hạ thấp trong tâm trí cô bé.
Emma khá vui khi biết đã có cuộc gặp gỡ ấy, vì tránh được cú sốc đầu tiên mà không để lại hậu quả đáng ngại. Do bây giờ Harriet đã khỏi bệnh, nhà Martin không thể gặp mặt cô bé một cách dễ dàng, trong khi trước giờ họ không can đảm hoặc hạ mình mà đến gặp, vì từ lúc cô khước từ lời cầu hôn của ông anh, các cô em không bao giờ đến nhà bà Goddard nữa. Mười hai tháng có thể trôi qua mà họ không đụng đầu nhau, dù là do cần thiết hoặc do lời mời.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:22:26 | Chỉ xem của tác giả
Chương 4


Bản chất nhân loại thường tỏ ra thuận lợi  với người ở trong tình huống đáng quan tâm, thế nên khi một thanh niên hoặc kết hôn hoặc qua đời thì chắc chắn được bàn tán với nhiều thiện cảm.
Không đầy một tuần sau khi tên cô Hawkins được nói đến ở Highbury, bằng cách này hay cách khác người ta đã biết được cô có mọi đặc tính về thể chất và tinh thần đáng ca ngợi: xinh xắn, phong nhã, thành đạt, và hoàn toàn dễ mến. Thế nên khi anh Elton quay về với triển vọng hạnh phúc của mình và loan truyền chân giá trị của cô, anh không còn gì phải nói nhiều ngoại trừ cho biết tên thánh của cô và loại nhạc cô thường chơi.
Anh Elton trở về, một con người rất hạnh phúc. Anh đã bị khước từ và xấu hổ - não nề trong một vọng tưởng rất lạc quan sau một chuỗi sự kiện khiến anh nghĩ như là được khích lệ mạnh mẽ, và không chỉ mất một thiếu nữ sáng giá mà còn thấy mình bị hạ xuống mức thấp. Anh đã ra đi mà cảm thấy ê chề sâu sắc. Rồi anh trở về sau khi đã kết ước với một người khác – một người dĩ nhiên là đáng giá hơn người đầu, như trong những tình huống mà cái được luôn  nhiều hơn cái mất. Anh trở về với tâm trạng vui vẻ và tự mãn, hăng hái và bận rộn, không màng gì đến cô Woodhouse, và thách thức cô Smith.
Ngoài lợi điểm về vẻ đẹp toàn hảo và chân giá trị, cô Augusta Hawkins còn có một gia sản vài nghìn bảng nếu luôn được phóng đại thành mười nghìn. Đấy là một điểm nhấn về phẩm cách, và cũng tạo thuận lợi cho câu chuyện đời anh. Anh đã không bị vứt bỏ - anh đã chiếm được mười ngàn bảng hoặc phỏng chừng như thế. Anh đã chiếm được cô với tốc độ thú vị - chẳng bao lâu sau khi hai người gặp nhau họ đã báo tin mừng. Câu chuyện mà anh kể với bà Cole về cuộc tình nghe rất vẻ vang – những bước đi đều nhanh chóng, từ lần gặp mặt tình cờ đến bữa ăn tối ở nhà ông Green rồi đến buổi tụ họp ở nhà bà Brown – những nụ cười và ánh mắt e thẹn đều tăng theo tầm quan trọng, với ý thức và rung động rải rác cùng khắp. Cô gái có ấn tượng một cách dễ dàng, ngả lòng một cách dễ thương – tóm lại, nói một cách dễ hiểu là cô sẵn sàng cưới anh đến nỗi tính phù phiếm và cẩn trọng đều được thoả nguyện ngang nhau.
Ngày cưới không còn xa khi mà đôi bên đều hài lòng, họ chỉ còn lo chuẩn bị những việc cần thiết. Khi anh lại đi Bath, mọi người đều trông mong – mà bà Cole dường như đồng ý – là khi trở về Highbury anh sẽ dẫn theo cô dâu.
Trong thời gian ngắn ngủi anh ở đây, Emma chỉ gặp anh thoáng qua nhưng vừa đủ để thấy rằng buổi gặp gỡ đầu tiên đã xong, và để cho cô có cảm tưởng anh đã không khá lên qua thái độ pha trộn giữa khiêu khích và tự phụ. Đúng thế, cô bắt đầu lấy làm ngạc nhiên tại sao trước đấy cô thường nghĩ anh là người dễ mến. Giờ đây, mỗi khi thấy anh là cô có cảm giác rất khó chịu, đến nỗi – ngoài tâm tư chứa nỗi ăn năn, một bài học, một nguồn cơn gây bẽ mặt – cô mừng vì tin rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa. Cô mong anh được mọi điều tốt đẹp nhưng anh lại làm cô đau xót, thế nên cô hài lòng khi thấy người mang đến hạnh phúc cho anh ở cách xa cô gần bốn mươi cây số.
Tuy nhiên nỗi đau do việc anh tiếp tục ngụ tại Highbury sẽ dịu bớt nhờ hôn lễ của anh. Sẽ không phải lo lắng hão huyền, sẽ không có nhiều ngượng nghịu. Một cô Elton sẽ là lý do để thay đổi sự giao hảo, tình thân thiết ngày xưa sẽ phai đi mà không ai bàn tán gì. Đấy sẽ gần như là bắt đầu lại quan hệ lịch sự.
Về cá nhân cô dâu thì Emma không nghĩ ngợi nhiều. Chắc chắn cô là người vợ tốt của anh Elton, đủ thành đạt cho Highbury – đủ đẹp – để có vẻ thô kệch bên cạnh Harriet, có lẽ thế. Về mối quan hệ, Emma thấy hoàn toàn thoải mái, tin rằng sau khi anh khoác lác và bị Harriet khinh bỉ, anh đã lương làm gì cả. Có thể tìm hiểu sự thật về việc này. Hẳn không rõ cô vợ của anh là người như thế nào nhưng có thể tìm hiểu cô là ai. Gạt mười ngàn bảng qua một bên, có vẻ như cô không sáng giá hơn Harriet. Cô không mang họ của dòng tộc lớn, không có huyết thống quan trọng, không có mối liên kết. Cô Hawkins là con thứ trong số hai con gái của một cư dân ở Bristol – dĩ nhiên là của một thương gia. Vì thu nhập của ông từ ngành mậu dịch chỉ ở mức tương đối, có thể đoán vị thế trong ngành nghề của ông cũng khiêm tốn. Mỗi mùa đông cô thường đến Bath, nhưng nhà cô ở Bristol, giữa trung tâm Bristol. Ông bố và bà mẹ đã qua đời vài năm trước, một ông chú còn sống – là người bảo hộ theo luật tịch cửa không có danh giá gì khác, và cùng với ông là một cô con gái. Emma đoán ông này làm thân trâu ngựa cho một luật sư nào đấy, và vì quá ngu dốt nên không thăng tiến được . Mọi quyền thế do quan hệ dường như tuỳ thuộc vào người chi .đã kết hôn nơi rất giầu, sau đám cưới rất rình rang với một người phong nhã, sống gần Bristol, có hai cỗ xe! Đấy là kết thúc cho lai lịch của cô, đấy là thanh danh của cô Hawkins.
Cô ước có thể bỉêu lộ mọi cảm nghĩ của mình cho Harriet! Cô đã dẫn dụ Harriet đi vào con đường tình cảm, nhưng, hỡi ôi! Cô không thể dễ mà dắt cô bé đi ra, không thể tỉ tê để loại bỏ sức hấp dẫn của một đối tượng đang lẤp đầy nhiều khoảng trống trong đầu óc của cô bé.có thể có người khác thay thế anh, chắc chắn là sẽ có, thậm chí người như anh Robert Martin cũng được , nhưng Emma e không có gì chữa được vết thương lòng của cô bé. Harriet là mẫu người mà khi đã yêu thì không quên được. Và bây giờ, cô bé tội nghiệp ! cô thêm đau khổ vì anh Elton xuất hiện trở lại. Cô luôn thoáng trông thấy anh ở nơi này jc nơi khác. Emma chỉ thấy anh một lần, nhưng chắc chắn hai ba bận mỗi ngày Harriet suýt gặp anh hoặc suýt tránh được anh, suýt nghe tiếng anh hoặc nhìn thấy bờ vai anh, suýt có chuyện gì đó xảy ra khiến hình ảnh anh vẫn ngự trị trong tâm tư cô bé, trong tất cả ngạc nhiên và ức đoán nồng nàn.
Hơn nữa, cô bé còn liên tục nghe nói về anh, vì lẽ ngoại trừ ở Hartfield, cô luôn tiếp xúc với những người không nhận ra khuyết điểm của anh Elton và luôn quan tâm bàn tán về anh. Vì thế, mọi tin tức, mọi ức đoán, tất cả chuyện gì đã xảy ra, tất cả chuyện có liên quan trong việc chuẩn bị hôn lễ - kể cả những chi tiết thu nhập người hầu và trang bị nội thất – đều liên tục xao động xung quanh cô. Tình cảm của cô đối với anh được tiếp thêm sức mạnh vì những khen tặng dành cho anh, thế là cô cứ mãi tiếc nuối, rồi bứt rứt bởi những lời bàn tán không ngớt về hạnh phúc của cô Hawkins, và luôn thấy anh có vẻ gắn bó làm sao! – dáng vẻ khi anh đi ngang nhà cô – cách anh đội chiếc mũ, tất cả đều là bằng chứng cho thấy anh đang yêu mãnh liệt làm sao!
Nếu đấy chỉ là màn tiêu khiển chấp nhận được, nếu cô bé không đau khổ hoặc cô không tự trách mình, thì hẳn Emma đã cảm thấy buồn cười vì Harriet giao động tinh thần. Đôi lúc anh Elton chiếm lĩnh tình cảm của cô bé, lúc khác là nhà Martin, mỗi phía thỉnh thoảng tỏ ra hữu ich khi kiểm soát phía kia. Việc hứa hôn của anh Elton giúp cô bớt xao xuyến vì gặp lại anh Martin. Khi cô buồn vì nghe vụ hứa hôn ấy thì được vui vì vài ngày sau cô Elizabeth Martin đến thăm cô. Harriet đi vắng, nhưng có lá thư để lại, với ngôn từ cảm động pha trộn giữa một ít trách móc và nhiều lòng tử tế. Tâm tư cô vấn vương vì việc này cho đến khi anh Elton xuất hiện, rồi luôn tự hỏi phải làm gì trong hoàn cảnh mới , muốn làm nhiều hơn mức độ cô dám nhìn nhận. Nhưng sự hiện diện của anh Elton đã xoá đi quyết tâm của cô, trong khi anh ở đây, cô quên bẵng nhà Martin.
Vào buổi sáng, anh lại đi Bath, Emma nghĩ cô bé nên đáp lễ Elizabeth Martin hầu xoa dịu nỗi đau do chuyến thăm viếng ấy gây ra. Emma suy xét trong hồ nghi liệu có cần thiết đáp lễ không và phải đáp lễ như thế nào cho ổn thoả. Nếu không ngó ngàng gì đến bà mẹ và các cô em sau khi họ đến thăm thì là vô ơn bạc nghĩa. Không nên thế, nhưng làm ngược lại, thì nguy hiểm ở chỗ mối quan hệ được hàn gắn!
Sau khi suy xét đủ điều Emma nghĩ Harriet đi thăm trả lễ thì tốt hơn, nhưng theo cách cho họ hiểu rằng đấy chỉ là mối quan hệ thông thường. Emma định dùng cỗ xe đưa cô bé đến Abbey Mill, cô đi tiếp , rồi trở lại đón cô bé về, chỉ cho thời gian vừa đủ để không kịp có mưu đồ quỷ quyệt hoặc làm sống lại quá khứ, và để cho thấy mối quan hệ trong tương lai phải là như thế nào.
Emma không thể nghĩra việc nào hay hơn. Dù thâm tâm cô có lấn cấn điều gì đấy – như là bội ơn, giả dối bề ngoài – cô vẫn phải xúc tiến, nếu không Harriet sẽ ra sao?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:23:21 | Chỉ xem của tác giả
Chương 5


Chỉ nửa giờ trước khi Emma đến đón cô bé tại nhà bà Goddard, một chiếc rương đề gửi Đức Cha Philip Elton, White Hart, Bath được đưa lên xe thồ của anh hàng thịt, rồi được chuyển đến nơi xe dg dài đi qua. Không ai biết gì về những chi tiết khác .
Tuy thế, cô bé vẫn đi. Khi hai người đến nông trang cô bé bước xuống ở cuối một con đường đi dạo rộng trải sỏi, chạy giữa hai hàng cây táo dẫn đến cửa trước , khung cảnh mọi thứ - vốn đã làm cô thy vui vào mùa thu trước – bắt đầu khuấy động tâm tư. Emma thấy cô bé nhìn quanh với vẻ hiếu kỳ pha trộn e ngại. Cô quyết định chỉ cho phép cô bé ở lại không quá mười lăm phút. Cô đi tiếp, báo cho một người hầu già rõ về khoảng thời gian.
Dúng mười lăm phút sau, cô quay lại. Cô Smith nghe cô gọi, bước ra ngay, không có anh trai trẻ kia đi theo. Cô một mình bước dọc đưỡng đi dạo trải sỏi, một cô em gái của Martin vừa xuất hiện nơi khung cửa, lịch sự giã từ cô bé.
Thoạt đầu, Harriet không thể thuật lại một cách khúc chiết. Cô bé quá xúc động, nhưng cz Emma thu thập đủ thông tin để hiểu về buổi gặp gỡ và nỗi đau. Cô bé chỉ gặp bà Martin và hai cô con gái. Họ đón tiếp cô một cách ngờ vực nếu không nói là lạnh nhạt. Trong hầu hết thời gian, câu chuyện chỉ xoay quanh những đề tài thường , cho đến gần lúc cuối bà Martin bất chợt nói bà nghĩ cô Smith đã trưởng thành, ăn nói có kiến thức hay hơn, có tư cách nồng thắm hơn. Chính trong gian phòng này, tháng Chín vừa rồi, cô đã được đo để cắt áo cùng với hai cô bạn. Gần cửa sổ vẫn còn những nét bút chì và ghi chú. Anh ấy đã làm việc này. Mọi người dường như hẳn còn nhớ ngày, giờ, những người hiện diện – để cảm thấy có cùng ý thức , cùng tiếc nuối, để sẵn sàng trở lại cùng lòng thông cảm. Trong khi họ đang biểu lộ tình cảm lại như ngày xưa (như Emma vẫn phân vân, Harriet sẵn sàng tỏ ra thân ái và vui vẻ) thì cỗ xe đi đến, và mọi chuyện chấm dứt. ý nghĩ của chuyến thăm viếng và những gì chưa nói ra thì tự tâm tư mỗi người quyết định. Chỉ có mười bốn phút cho những người mà cô đã vui vẻ ở chung sáu tháng trước !
Emma có thể mường tượng tất cả : với lý do chính đáng họ đã bất mãn thế nào, lẽ tự nhiên Harriet cảm thấy đau khổ thế nào. Việc này thật là tồi tệ. Đáng lẽ cô đã phải nỗ lực nhiều, chịu đựng nhiều, để nâng nhà Martin lên tầm cao hơn. Họ đã tỏ ra xứng đáng, nên chỉ cần một chút cao hơn là đủ. Nhưng trong tình thế ấy, liệu cô có thể làm khác không ? Không thể nào ! cô không thể hối lỗi. phải chia cách họ, nhưng có nhiều đau xót trong việc này – nhiều đau xót cho cô , đến nỗi chẳng bao giờ cô nghĩ cần khuyên giải một ít, và định sẽ làm việc này khi về đến nhà qua ngõ Randalls. Đầu óc Emma khá mệt mỏi vì anh Elton và nhà Martin. Rất cần để tìm lại sảng khoái ở Randalls.
Dây là kế hoạch hay, nhưng khi đến cửa nhà họ nghe báo là cả hai ông bà chủ đều đi vắng, có lẽ họ đi đến Hartfield.
Khi quay trở lại, Emma thốt lên :
-       Chuyện này thật là tệ ! Bây giờ ta không thể gặp họ. Chị chưa bao giờ bực mình như thế này.
Rồi cô ngồi tựa vào một gócxe, để lẩm bẩm hoặc kiềm chế, có lẽ mỗi thứ một ít – đấy là phản ứng rất thông thường của một đầu óc không phải là xấu tính.
Bây giờ, cỗ xe dừng lại, cô nhìn lên : vợ chồng Weston đang đứng chào hỏi cô . Cô vui khi thấy họ, và càng vui hơn khi nghe ông Weston nói :
-       Cô có khoẻ không ? Cô có khoẻ không ? Chúng tôi đã đến chơi với bố cô, được vui  mà thấy ông ấy vẫn khoẻ. Ngày mai Frank đến. Sáng nay tôi nhận được thư, chắc chắn chúng tôi sẽ gặp nó vào giờ ăn tối. Hôm nay nó đi Oxford, rồi sẽ ở đây cả nửa tháng, tôi biết phải là thế. Nếu nó đến vào dịp Giáng sinh thì chỉ ở lại được ít ngày, tôi luôn thấy vui khi nó không đến vào dịp Giáng sinh. Bây giờ là thời tiết thuận lợi cho nó, khô ráo, điều hoà. Chúng tôi sẽ rất vui với nó, mọi việc đều xuôi chiều đúng như ý chúng tôi mong muốn.
Không thể nào thờ ơ với tin gì, không thể nào không vui lây với khuôn mặt hạnh phúc của ông Weston như thế . Vợ ông xác nhận tin vui bằng lời nói và vẻ mặt , tuy chị nói ít hơn và nhỏ nhẹ hơn . Khi chị nói chắc thì Emma tin đấy là chắc, và thành thực vui lây với hai vợ chồng. Những tháng ngày bồn chồn đã qua, nhường chỗ cho tinh thần phấn khởi về việc sắp xảy đến. Cô thoáng có ý nghĩ là mong người ta sẽ không bàn tán về anh Elton nữa.
Ong kể cho cô nghe việc sắp xếp ở Enscombe để cho phép anh con trai đến chơi với ông nửa tháng, cũng như hành trình và phương tiện di chuyển của anh. Cô lắng nghe, mỉm cười và tỏ lời chúc mừng.
Ong kết luận :
-       Tôi sẽ nhanh chóng dẫn nó đến Hartfield.
Emma có thể mường tượng cô vợ níu lấy cánh tay ông khi nghe câu nói ấy. Chị nói :
-       Anh Weston, chúng ta nên đi tiếp. Hai cô đang chờ .
Ông trả lời :
-       Dược, được , anh sẵn sàng.
Rồi ông quay sang Emma :
-       Nhưng cô không quên trông mong đấy là một thanh niên rất tốt. Cô chỉ mới nghe tôi nói , cô biết đấy , tôi dám nói hắn không có gì xuất chúng.
Tuy thế đôi mắt rạng rỡ của ông đang tỏ ý ngược lại .
Emma có thể tỏ ra hoàn toàn không ý thức và vô tư, và trả lời theo cách cô không có ý chiếm đoạt gì cả
Chị Weston nói lời từ giã với ít âu lo, như nói cho riêng mình :
-       Emma yêu dấu, ngày mai hãy nghĩ đến chị, vào khoảng bốn giờ.
Ông Weston vội cải chính :
Bốn giờ ! chắc chắn nó sẽ đến đây lúc ba giờ.
Thế là chấm dứt cuộc gặp gỡ thoả nguyện. Tinh thần Emma lên cao đến mức phấn chấn, mọi chuyện đều mang một không khí mới. James và mấy con ngựa dường như không uể oải như lúc trước . Lúc ngoái nhìn lại, cô nghĩ chẳng bao lâu cây cỏ sẽ xanh tươi hơn, và khi quay lại nhìn Harriet, cô thấy có cái gì đấy giống như dung nhan mùa xuân, thậm chí còn có một nụ cười hiền hoà.
Tuy nhiên có một câu hỏij không có vẻ gì là điềm báo trước :
-       Liệu anh Frank Churchill sẽ đi ngang qua Bath không ?
Nhưng thông tin địa lý hoặc sự bình an không thể đến ngay lập tức . Emma nghĩ rồi có lúc họ sẽ biết .
Buổi sáng của ngày quan trọng đã đến . Dù là lúc mười giờ, hoặc mười một giờ, hoặc mười hai giờ, cô học trò của chị Taylor đều nhớ cô sẽ nghĩ đến chị vào lúc bốn giờ.
Cô lẩm bẩm một mình khi từ phòng ngủ bước xuống .
-       Chị bạn thân yêu luôn âu lo, luôn quá cẩn thận vì hạnh phúc của mọi người mà không màng đến mình. Em mường tượng bây giờ chị bồn chồn, đi ra đi vào phòng anh ấy để đảm bảo mọi việc thu xếp đều ổn thoả
Dồng hồ gõ mười hai tiếng, khi co đi qua hành lang.
-       Đã mười hai giỡ. Còn bốn tiếng đồng hồ nữa em sẽ không quên nghĩ đến chị. Em đoán có lẽ vào giờ này ngày mai, hoặc ít lâu sau đó gia đình chị đến đây . Em tin chắc anh ấy sẽ đi cùng.
cô mở cánh cửa ra phòng khách, và thấy hai quý ông đang ngồi với bố cô – ông Weston và con trai. Họ chỉ mới đến vài phút trước . Ông mới chỉ vừa giải thích xong lý do Frank đến sớm, còn ông bố đang cất tiếng chào hỏi và chúc mừng thì cô xuất hiện để cùng chia sẻ sự ngạc nhiên và niềm vui.
Cái anh Frank Churchill mà người ta đã bàn tán từ lâu, đã thu hút sự chú ý, bây giờ đang hiện diện trước mặt cô . Anh được giới thiệu với cô . Cô nghĩ những lời ca ngợi là không quá đáng, anh rất đẹp trai, chiều cao, dáng vẻ, ngôn từ đều đúng mức, gương mặt anh mang nhiều tinh thần và nét sinh động của ông bố, anh toát vẻ nhậy cảm và biết điều .
Anh đã đến Randalls vào buổi tối hôm trước . Cô lấy làm vui thấy anh sốt sắng thay đổi kế hoạch để đi sớm hơn và được thêm nửa ngày.
Ong Weston hồ hởi nói :
-       Hôm qua tôi đã bảo cô mà. Tôi nói với cô là anh ta sẽ đến trước giờ hẹn. Tôi còn nhớ mình vẫn thường làm như thế . Người ta không nên lò dò đi, người ta không đừng được muốn đi nhanh hơn là dự kiến, và nỗi vui khi đến vào lúc người thân chưa kịp ngóng trông khiến cho tất cả nỗ lực đều đáng công.
Anh thanh niên nói :
-       Làm được như thế luôn là niềm vui lớn, tuy rằng tôi không được quyền làm thế ở nhiều nhà khác, nhưng khi trở về gia đình tôi thấy mình có thể làm bất cứ việc gì.
Tiếng gia đình làm cho bố anh nhìn anh một cách mãn nguyện. Emma tin anh biết cách tỏ ra dễ mến, và càng tin chắc hơn về sau. Anh rất hài lòng với Randalls, cho rằng đấy là ngôi nhà được sắp xếp một cách đáng khen, thậm chí không cho rằng có kích thước nhỏ. Anh thích khung cảnh, thích chuyến đi bộ đến Highbury, anh thích chính Highbury, càng mến thích Hartfield hơn. Anh cho biết luôn quan tâm đến miền quê của mình, và luôn hiếu kỳ muốn đến thăm. Đầu óc Emma nảy sinh băn khoăn về  việc trước đây anh chưa bao giờ thể hiện tâm tư dễ MẾn như thế. Nhưng dù sao nếu đấy là tật giả dối, nó vẫn làm vui lòng người. Thái độ của anh không có vẻ tính toán hoặc phóng đại. Anh ra vẻ và ăn nói như thể trong trạng thái vui mừng đặc biệt.
Câu chuyện xoay quanh đề tài của những người mới quen biết. Từ phía anh là những câu hỏi cô có cưỡi ngựa không ? Có thích thú khi cưỡi ngựa không ? Thích đi tản bộ không ? Xóm giềng có đông không ? Có lẽ Highbury tạo điều kiện để giao tiếp rộng rãi chứ ? Khiêu vũ? Có buổi khiêu vũ nào không ? Có trình diễn âm nhạc không ?
Rồi trong khi hai ông bố đang chuyện trò với nhau, anh nhân cơ hội nói về mẹ kế với ngôn từ đề cao, với lòng ngưỡng mộ nồng nhiệt, với lòng biết ơn bà đã tạo hạnh phúc cho ông bố và đã đón tiếp anh một cách tử tế. Đấy là thêm một bằng chứng cho thấy anh biết cách làm vui lòng người – và chắc chắn anh nghĩ cũng nên làm vui lòng cô . Anh không hề nói lời khen phóng đại nào về chị Weston, nhưng chắc chắn anh còn biết rất ít về chị. Anh hiểu mình phải nói gì để được chấp nhận, anh không  biết rõ những gì khác . Anh nói cuộc hôn nhân của bố anh là một quyết định đúng đắn, những người thân đều rất vui, và hẳn anh luôn phải biết ơn gia đình cô vốn đã cưu mang chị Taylor như là ân  sủng cho bố anh.
Anh chỉ có đủ thời gian để cảm ơn cô về những chân giá trị của chị Taylor, mà có vẻ không quên rằng chính chị Taylor đã uốn nắn tư cách của cô Woodhouse, hơn là cô Woodhouse tạo dựng nên tư cách của chị Taylor. Và cuối cùng như thể cần đưa ý kiến cụ thể, anh tỏ ý ngạc nhiên về dáng tươi trẻ và nét đẹp của chị. Anh nói:

-       Tôi đã nghĩ bà có tư cách phong nhã, dễ mến, nhưng phải thú nhận rằng xét qua nhiều điều , tôi chỉ trông mong một phụ nữ vừa ưa nhìn ở độ tuổi nào đấy, tôi đã không ngờ bà Weston là một phụ nữ trẻ xinh đẹp.
Emma nói:
-       Chị Weston là mẫu người toàn bích trong cảm nghĩ của tôi. Nếu anh đoán chị ấy mới mười tám tuổi, tôi sẽ vui mà nghe nói thế, nhưng chị ấy sẽ sẵn sàng tranh cãi với anh vì ngôn từ như thế . Đừng cho chị ấy biết anh nói chị là một phụ nữ trẻ xinh đẹp.
Anh trả lời :
-       Tôi mong mình có hiểu biết hơn. Đúng, chắc chắn là – anh cúi đầu theo cách nịnh đầm – khi đối đáp với bà Weston tôi phải hiểu mình khen ngợi ai, kẻo bị xem là có ngôn từ phóng túng.
Emma tự hỏi liệu anh đã từng nghĩ thế không sau khi anh và cô đã quen biết nhau, và liệu những lời đề cao của anh nên được xem là dấu hiệu của con tim đồng cảm hay là bằng chứng của sự thách đố. Cô phải quen biết anh thêm mới hiểu được tính cách của anh, vào lúc này cô chỉ nghĩ là anh dễ mến.
Cô biết ông Weston đang nghĩ gì. Cô nhận ra thỉnh thoảng ông liếc mắt về phía hai người với vẻ hạnh phúc, và khi ông không liếc nhìn, cô biết ông đang lắng nghe.
Bố cô thì hoàn toàn không nghĩ ngợi hoặc suy đoán gì khiến cho cô cảm thấy thoải mái. Ông được hạnh phúc vì có xu hướng chấp nhận chứ không tiên đoán cuộc hôn nhân. Dù luôn chống đối hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, ông không bao giờ tỏ ra lo lắng, như thể ông không có ý nghĩ xấu về lòng thông cảm của hai người trẻ. Bây giờ không cần liếc nhìn để xem anh khách có tính phụ bạc hay không, ông có thể giữ phép lịch sự với con tim hiền từ mà dò hỏi về chuyến đi của anh Frank Churchill qua hai đêm phải ngủ dọc đường , và tỏ ý thật tình băn khoắn khi biết anh không bị cảm lạnh, và khuyên anh nên chờ một đêm nữa mới biết chắnăm
Nghĩa vụ thăm viếng đã hoàn tất tốt đẹp, ông Weston bắt đầu động đậy. Ông cho biết phải ra về. Ông có việc bận và phải đi mua một số vật dụng cho chị Weston tại cửa hàng Ford's, nhưng không muốn thúc hối người khác.
Vốn được giáo dục tôi , anh con trai hiểu ý, cũng đứng dậy, nói :
-       Vì bố bận, con sẽ nhân cơ hội này đi thăm một nơi thay vì phải đi vào ngày khác.
Anh quay sang Emma:
-        Tôi có vinh hạnh được quen biết với một láng giềng của cô , một quý cô ngụ ở Highbury hoặc gần Highbury. Một gia đình họ Fairfax. Tôi nghĩ sẽ không khó tìm ra ngôi nhà, tuy tôi thấy Fairfax không phải là tên đúng cách – đáng lẽ tôi nên gọi Barnes, hoặc Bates. Cô biết gia đình nào có tên này không ?
Ông bố anh lên tiếng :
-       Bố biết. Bà Bates – chúng ta đã đi ngang qua nhà bà ấy – bố thấy chị Bates ở cửa sổ . Đúng, đúng, con quen biết với cô Fairfax, bố còn nhớ là con gặp cô ấy ở Weymouth, và cô là người tốt . Con nên đi thăm cô ấy .
Anh trai trẻ nói :
-       Không nhất thiết con phải đi sáng nay, ngày khác cũng được , nhưng đã có mối quen biết ở Weymouth, và ..
-       Ồ, nên đi hôm nay, ngay hôm nay. Đừng trì hoãn. Việc phải làm thì không bao giờ là quá sớm . Và hơn nữa, bố phải cho con biết Frank ạ, phải cẩn thận mà tránh họ có ý nghĩ con thiếu quan tâm đến cô ấy . Con đã gặp cô ấy với nhà Campbell khi cô bình đẳng với tất cả mọi người mà cô giao thiệp, nhưng ở đây cô sống với bà ngoại già khá nghèo nàn, chỉ vừa đủ ăn đủ mặc. Nếu con không đi thăm sớm là thiếu sót.
Anh con trai ra vẻ tin lời ông bố.
Emma nói :
-        Tôi có nghe cô ấy nói về mối quen biết. Cô là người rất phong nhã.
Anh tán đồng, nhưng chỉ nói nhỏ nhẹ "Vâng", vì nghĩ có lẽ cô không nhất trí thật sự với anh.
Cô nói :
-       Nếu lúc trước anh chưa từng có ấn tượng về tư cách của cô ấy , thì tôi nghĩ anh sẽ có ấn tượng hôm nay. Anh sẽ có dịp trao đổi thêm với cô ấy – À không, tôi e anh sẽ không nghe cô ấy nói gì, vì cô có người dì cứ nói luôn mồm.
Vốn luôn là người cuối cùng góp chuyện, ông Woodhouse hỏi:
-       Anh có quen biết với cô Jane Fairfax, phải không ? Thế thì cho phép tôi nói rằng anh sẽ thấy cô ấy là người rất dễ mến. Cô ấy đang về thăm bà ngoại và dì – những người tốt . Tôi quen với họ từ lâu lắm . Họ sẽ rất vui được gặp anh. Tôi sẽ cho gia nhân dẫn đường anh.
-       Thưa ông, không cần thế ạ. Bố tôi có thể chỉ cho tôi .
-       Nhưng bố anh không đi xa. Có nhiều nhà cửa, anh sẽ bị lạc. Con đường rất lầy lội trừ khi anh đi theo đường mòn, nhưng người đánh xe của tôi có thể chỉ cho anh chỗ khô ráo.
Anh Frank Churchill vẫn từ chối, cố làm ra vẻ nghiêm nghị. Bố anh đồng lòng, sống với ông Woodhouse:
-       Ông bạn già tốt bụng, không cần thế đâu . Khi thấy vũng nước , Frank sẽ nhận ra. Còn về nhà  bà Bates, anh ta có thể phóng, bước và nhảy.
Hai người được phép ra về mà không cần giúp đỡ. Một người gật đầu thân thiện và người kia cúi người trân trọng, rồi hai quý ông ra về. Emma cảm thấy rất hài lòng với buổi đầu gặp gỡ, và bây giờ cô nghĩ đến họ ở Randalls vào bất kỳ giờ nào, tin rằng tất cả ba người được thoải mái.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:24:13 | Chỉ xem của tác giả
Chương 6


Sáng hôm sau anh Frank Churchill lại đến cùng với chị Weston, mà anh tỏ ra rất thân thiện dưới mắt chị và dưới mắt Highbury. Khi ở nhà, anh đã trò chuyện với chị trong không khí cảm thông hoàn toàn cho đến giờ chị vận động thể chất theo lệ thường. Khi được hỏi ý kiến về con đường đi tản bộ, anh lập tức nói đến Highbury. Anh biết mọi hướng đều có đường  tản bộ rất thoải mái, nhưng nếu để anh quyết định thì anh sẽ chỉ chọn một. Highbury – nơi chốn khoảng khoát, tươi vui, hạnh phúc – sẽ mãi thu hút anh. Đối với chị Weston, Highbury có nghĩa là Hartfield, và chị mong anh cùng nghĩ thế.
Emma không biết họ đang đi đến , vì ông Weston đã ghé qua trong vòng nửa phút để nghe con ông được khen là đẹp trai mà không biết gì về dự định của họ. Vì thế, cô ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy hai người tiến đến nhà cô , anh đưa cánh tay ra cho chị níu mà đi. Cô đang trông mong được gặp lại anh, và đặc biệt mong thấy anh đi cùng chị Weston để xem cách anh đối xử với chị mà hiểu rõ về anh hơn. Nếu anh thiếu sót về mặt này thì không gì bù lại được . Khi thấy hai người đi bên nhau, cô hoàn toàn hài lòng. Không phải chỉ qua ngôn từ hoa mỹ hoặc lời đề cao phóng đại mà cô cho là anh đối xử tốt. Cô thấy không gì thích đáng hơn là cả thái độ của anh đối với chị - ý muốn xem chị là thân thuộc, và mong được chị thương mến. Emma có đủ thời giờ để phán xét, vì chuyến viếng thăm của họ kéo dài cả buổi sáng. Cả ba người cùng nhau tnả bộ khoảng một đến hai tiếng đồng hồ - đi quanh khu vườn của Hartfield rồi ra Highbury. Anh thích thú với mọi thứ, tỏ lòng mến mộ Hartfield vừa đủ cho đôi tai của ông Woodhouse. Khi họ quyết định đi xa hơn, anh tỏ ý được làm quen với cả ngôi làng và tìm ra nhiều điểm đáng ca ngợi và đáng quan tâm mà Emma chưa nghĩ hết.
Và nơi mà anh có ý hiếu kỳ cho thấy tâm tư dễ mến. Anh yêu cầu chỉ cho anh ngôi nhà mà bố anh trước đây đã sống một thời gian dài, cũng là nơi ông nội anh đã sống . Khi nhớ lại rằng một phụ nữ già chăm sóc anh ngày trước hiện vẫn còn sống, anh đi từ đầu đường đến cuối đường để dọ hỏi nhà của bà. Dù ở vài điểm mà anh muốn đi tìm hoặc quan sát không có tầm quan trọng, nói chung đều cho thấy anh có thiện cảm với Highbury.
Emma quan sát và kết luận rằng với những tình cảm được thể hiện như thế thì không công tâm mà cho rằng anh đã cố tình vắng mặt trong một thời gian dài, rằng anh dự phần vào thiếu sót này, hoặc anh đang giả dối. Cô nghĩ anh Knightley đã nghĩ lầm về Frank Churchill.
Chặng dừng chân là Công xá, một toà nhà khá lớn. Hai phụ nữ không biết có điểm gì đáng chú ý ở đây nhưng khi xem qua họ thấy có một gian phòng rộng được xây thêm kế bên. Nhiều năm trước , người ta xây làm phòng khiêu vũ, nhưng những ngày tươi sáng như thế đã qua đi, bây giờ được dùng làm câu lạc bộ cho quý ông và những người chỉ là nửa quý ông chơi bài. Anh Frank Churchill lập tức tỏ ra chú ý. Thay vì đi tiếp, anh dừng lại vài phút để nhìn vào qua hai khung cửa sổ tỏ ý tiếc gian phòng không được sử dụng đúng theo công năng ban đầu. Anh không thấy có khuyết điểm gì. Chiều rộng ,chiều dài và kiến trúc đều thích hợp, đủ cho một đám đông được thoải mái. Đáng lẽ trong mùa đông người ta phải tổ chức dạ vũ ít  nhất hai tuần một lần. Tại sao cô Woodhouse không làm sống lại những ngày tươi đẹp cũ của gian phòng? Cô ấy có thể làm bất cứ việc gì ở Highbury!
Lý do được nêu ra là ít gia đình ở đây thích khiêu vũ trong khi không ai ở những vùng lân cận quan tâm nhưng anh thấy lý do này không thoả đáng. Anh nghe rằng nhiều ngôi nhà trông khang trang mà anh thấy quanh mình hẳn sẽ cung ứng đủ số người tham dự. Khi được nghe giải thích các chi tiết và mô tả về các gia đình anh vẫn nghĩ không có gì bất tiện cho người đến khiêu vũ, hoặc chỉ có khó khăn chút ít khi họ trở về nhà vào sáng hôm sau. Anh tranh luận như thể anh là người ham mê khiêu vũ, và Emma ngạc nhiên mà thấy tính cách của họ Weston rõràng lấn át những thói quen của họ Churchill. Dường như ở anh hội tụ tất cả cuộc đời, tinh thần, cảm quan phấn khởi và xu hướng xã hội của ông bố, không cho thấy vẻ kiêu hãnh hoặc bảo thủ của Enscombe. Có lẽ anh còn giữ một chút hãnh diện dửng dưng với nỗi ngượng nghịu về giai cấp, chỉ phê phán sự thiếu phong nhã trong tâm hồn. Tuy nhiên, anh không thể xét đoán điều sai trái mà anh khinh rẻ. Đấy chỉ là những cảm xúc sống động tuôn trào.
Cuối cùng , anh được thuyết phục tiếp tục đi đến mặt tiền của toà nhà. Bây giờ, khi họ gần như đối diện toà nhà nơi bà Bates cư ngụ, Emma nhớ lại anh đã định đến thăm và hỏi anh đã đi thăm chưa.
Anh đáp:
-       À vâng, à vântg. Tôi định nói đến việc này. Một chuyến đi thăm thành công. Tôi gặp cả ba phụ nữ, và cảm thấy biết ơn cô đã chỉ dẫn đôi điều để chuẩn bị. Nếu tôi bị ngạc nhiên vì bà dì nhiều lời, hẳn tôi đã chết khiếp. Sự thật là tôi bị đưa đẩy vào chuyến thăm viếng không hợp lý. Tất cả đáng lẽ chỉ cần mười phút, có lẽ như thế là đúng mực. Tôi đã báo cho bố tôi biết chắc chắn tôi sẽ về nhà trước ông, nhưng không thể dứt ra được, không hề ngưng nghỉ. Và rồi tôi vô cùng ngạc nhiên khi ông ấy không tìm ra tôi, cuối cùng thấy tôi đang ở đó, lúc tôi đã ngồi nghe họ nói suốt gần một giờ. Bà dì tốt bụng không cho tôi cơ hội nào để thoát thân.
-       Anh thấy cô Fairfax như thế nào?
-       Đau yếu, rất yếu. Nhưng nói thế là không được bà Weston chấp nhận, phải không? Phụ nữ không bao giờ trông đau yếu. Nói nghiêm túc, cô Farifax trắng xanh đến mức gần như biểu hiện sức khoẻ yếu kém. Đáng tiếc cho làn da cô cần hồng lên một chút.
Emma không đồng ý, và lên tiếng biện hộ cho làn da của cô Fairfax.
-        Đúng là làn da không tươi, nhưng cô ấy không chấp nhận mình có vẻ bệnh hoạn. Da cô trông mịn màng và tinh tế, tạo vẻ phong nhã cho khuôn mặt.
Anh lắng nghe với vẻ đồng thuận, nhìn nhận rằng mình đã nghe nhiều người nói như thế , nhưng anh vẫn nghĩ rằng đối với mình, cần có sắc thái của thể chất khoẻ mạnh. Khi không có những nét đặc trưng, một làn da tốt tạo vẻ đẹp cho tất cả , và khi có những nét đẹp, hiệu quả sẽ là…
May thay, anh không cần phải diễn tả hiệu quả sẽ là ra sao.
Emma nói :
-       Không nên tranh luận về ý thích cá nhân, ít nhất anh ngưỡng mộ cô ấy ngoại trừ về làn da.
Anh lắc đầu và cười to:
-       Tôi không thể thể tách rời cô Fairfax và lan da của của ấy.
-       Ở Weymouty, anh có gặp cô ấy thường không? Anh có thường gặp gỡ nhóm bạn của cô ấy không ?
Lúc này họ đang tiến gần đến cửa hàng Ford's, và anh vội thốt lên:
-       À há! Đây hẳn là cửa hàng mà mọi người đến mua sắm mỗi ngày cả đời họ, theo như bố tôi cho biết. Ông ấy nói ông đi Highbury sáu ngày mỗi tuần, và thường có công chuyện ở Ford's. Nếu không có gì trở ngại, chúng ta nên vào để tôi có thể chứng tỏ mình thuộc về nơi này, là công dân thực sự của Highbury. Tôi cần mua thứ gì đấy ở Ford's. Tôi sẽ phải bận bịu một tí. Tôi tin họ có bán găng tay.
-       Vâng, găng tay và mọi thứ. Tôi thán phục tình yêu quê cha đất tổ của anh. Anh sẽ được yêu mến ở Highbury. Anh đã trở nên thân thương trước khi đến đây vì anh là con của ông Weston, nhưng nếu anh bỏ tiền ra ở Ford's, người ta sẽ thấy anh có tính tốt.
Họ cùng bước vào. Trong khi các gói hàng được mang xuống và xếp trên quầy, anh nói:
-       Nhưng xin lỗi, cô Woodhouse, cô vừa nói đến quê cha đất tổ. Tôi xin cô tin rằng được nổi tiếng ngoài công chúng không thể bù lại việc mất hạnh phúc trong cuộc sống riêng tư.
-       Tôi chỉ hỏi anh có biết gì nhiều về cô Fairfax và bạn hữu của cô ấy ở Weymouth.
-       Bây giờ tôi hiểu cô định hỏi gì. Tôi phải nói đấy là câu hỏi không công tâm. Phụ nữ luôn có quyền quyết định mức độ thân sơ. Cô Fairfax hẳn đã kể cho cô nghe. Tôi không thể tự mình thêm thắt.
-       Câu trả lời của anh cũng kín đáo như cách của cô ấy. Nhưng cô ấy còn bỏ sót nhiều việc khiến cho người ta phải suy đoán. Cô ấy quá e dè, không muốn cho biết thông tin về bất kỳ ai, đến nỗi tôi nghĩ anh có thể nói thế nào tuỳ ý về mối quan hệ với cô ấy.
-       Tôi có thể , thật không ? Thế thì tôi sẽ nói ra sự thật, cũng hợp theo hoàn cảnh của tôi, tôi thường gặp cô ấy ở Weymouth. Tôi có quen biết nhà Campbell ở London đôi chút, còn ở Weymouth chúng tôi có điều kiện hầu như giống nhau. Đại tá Campbell là người rất dễ mến, còn bà Campbell là một phụ nữ thân thiện, tâm tính nhân hậu. Tôi mến cả hai vợ  chồng.
-       Anh biết hoàn cảnh của cô Fairfax, cô ấy định sẽ làm gì?
-       Vâng – anh tỏ ra ngập ngừng – tôi biết.
Chị Weston mỉm cười nói:
-       Emma, em nói đến chuyện tế nhị đấy. Nên như chị đang ở đây. Frank Churchill khói mà nói được gì khi em đề cập đến hoàn cảnh của cô Fairfax. Chị sẽ lánh đi một chút.
Emma nói:
-       Tôi đã quên nghĩ đến chị ấy, mà chỉ xem chị như là người bạn – người bạn thân thiết nhất.
Anh ra vẻ như mình thông hiểu và tôn trọng tình cảm như thế.
Khi họ đã mua xong găng tay và bước ra khỏi cửa hàng, Frank Churchill nói:
-       Cô có từng nghe người phụ nữ trẻ, mà chúng ta đang nói đến, diễn xuất kịch nghệ?
Emma lặp lại:
-       Có từng nghe! Anh đã quên cô ấy từng sống ở Highbury. Tôi đã nghe cô ấy mỗi năm trong đời. Cô ấy diễn xuất rất thu hút.
-        Cô nghĩ thế à? Tôi muốn nghe ý kiến của người có khả năng phán xét thật sự. Tôi thấy có vẻ như cô ấy diễn xuất khá, nhưng tôi không biết  gì về kịch nghệ. Tôi rất thích âm nhạc đến mức nhưng hoàn toàn không có kiến thức để nhận xét tài năng của ai. Tôi từng nghe người ta tán dương cô ấy, và tôi nhớ một bằng chứng, người ta nghĩ cô ấy diễn xuất tốt – một người giỏi âm nhạc, đang yêu một phụ nữ khác, đã đính ước và gần đi đến hôn nhân. Anh này chưa bao giờ mời phụ nữ khác hát cho anh đệm đàn dù có người muốn hát, anh luôn kén chọn. Tôi nghĩ người được công nhận có tài năng âm nhạc như thế là một bằng chứng.
Emma vô cùng thích thú:
-       Quả là bằng chứng! Anh Dixon rất giỏi về âm nhạc, phải không? Qua anh trong nửa giờ chúng ta sẽ được biết tất cả về họ hơn là qua cô Fairfax trong nửa năm.
-       Vâng, anh Dixon và cô Campbell chính là những người ấy, và tôi nghĩdt là một bằng chứng xác thực.
-       Chắc chắn rồi – đúng là xác thực. Nếu tôi là cô Campbell  có bằng chứng như thế tôi sẽ rất vui. Tôi không thể kết án một người đàn ông sống trung thực với âm nhạc hơn là với tình yêu – sống với tai hơn là mắt – một tri giác nhậy cảm để nhận ra thanh âm hơn tình yêu. Cô Fairfax suy nghĩ ra sao?
-       Anh ấy là người bạn đặc biệt của cô Fairfax, cô biết đấy.
Emma cười:
-       Quả là khó xử! Người ta thà muốn có một người xa lạ được ngưỡng mộ hơn là một người bạn đặc biệt, vì với người xa lạ việc này có thể không tái diễn nữa. Kể cũng buồn khi có một người bạn đặc biệt cận kề làm được mọi việc giỏi hơn mình. Tội nghiệp cô Dixon! Tôi vui mà thấy cô ấy đã đi Ireland để ổn định cuộc sống.
-       Cô nói đúng. Không phải là chê bai cô Campbell, nhưng có vẻ như cô ấy không thực sự nhận ra việc này.
-       Như thế càng tốt, hoặc như thế càng tệ - tôi không biết ra sao. Nhưng cho dù đấy là do tình cảm hoặc óc ngu xuẩn của cô ấy – nhậy bén trong tình bạn hoặc buồn bã trong tình cảm – tôi nghĩ có một người hẳn phải nhận ra chính là cô Fairfax. Đáng lẽ cô ấy phải nhận ra tình yêu đặc biệt nó không đúng mực và nguy hiểm.
-       Về điều này tôi không…
-       Này! Không nên cho rằng tôi mong cô hoặc bất kỳ ai khác phân tích cảm xúc của cô Fairfax. Tôi nghĩ chỉ trừ cô ấy, không ai biết được cả. Nhưng nếu cô ấy tiếp tục chơi nhạc bất kỳ nơi nào theo yêu cầu của anh Dixon người ta có thể suy đoán theo mọi cách họ thích.
-       Dường như giữa họ có sự thông hiểu rành mạch – anh đắn đo rồi tiếp – tuy nhiên, tôi không thể nào biết họ thu xếp ra sao – tất cả đều diễn ra trong hậu trường. Tôi chỉ có thể nói rằng bề ngoài thì mọi chuyện đều ổn thoả. Nhưng nếu đã quen biết cô Fairfax từ thời thơ ấu cô hẳn phán xét tốt hơn tôi về cá tính của cô ấy, hoặc về khả năng cô ấy có thể hành xử trong những tình huống gay cấn.
-       Đúng là tôi quen biết cô ấy từ tuổi thơ ấu, chúng tôi đã lớn lên với nhau, và lẽ tự nhiên là người ta nghĩ rằng hai chúng tôi phải thân thiết với nhau, rằng hai chúng tôi phải đi với nhau khi cô ấy thăm viếng bạn bè của mình. Nhưng chúng tôi không bao giờ làm thế. Tôi không rõ tại sao , có lẽ một phần là do bản chất xấu xa của tôi : dễ khinh bỉ một người con gái như cô ấy vốn lúc nào cũng được bà ngoại, bà dì và bạn bè tán dương quá đáng. Và rồi, một phần là do cô ấy kín kẽ, tôi không bao giờ chơi thân với ai quá kín kẽ như thế.
anh nói:
-        Đấy là bản chất khó ưa. Đúng là đôi khi được thuận lợi, nhưng không bao giờ dễ mến. Kín kẽ thì được an toàn, nhưng không có sức quyến rũ. Người ta thấy khó mà yêu một người kín kẽ.
-        Chỉ khi người ấy bớt kín kẽ về mình thì mới có thể quyến rũ thêm. Nhưng tôi muốn có một người làm bạn thật dễ mến hơn là cất công chinh phục một người kín kẽ để họ làm bạn với mình. Không thể nào cô Fairfax và tôi thân thiết với nhau được. Tôi không có lý do nào để có ác cảm với cô ấy – không hề - mà chỉ không thích người lúc nào cũng cẩn trọng quá mức. Nếu họ  e ngại không muốn nêu ý kiến về ai thì ta dễ nghi ngờ là họ giấu giếm chuyện gì đấy .
Anh hoàn toàn đồng ý với cô. Sau một lúc bước đi bên nhau và có ý nghĩ tâm đầu với nhau, Emma cảm thấy đã thân quen với anh đến nỗi cô khó tin rằng họ mới chỉ gặp nhau lần thứ hai. Anh không phải đích thực là mẫu người như cô mong đợi, vài ý niệm của anh còn hơn người từng trải, anh chưa đến nỗi là đứa con hư đốn vì được nuông chiều trong nhung lụa, vì thế mà còn khá hơn là cô mong đợi. Tư tưởng của anh xem dường như ôn hoà nó cảm xúc thì nồng nàn hơn. Cô đặc biệt có ấn tượng về thái độ của anh đối với ngôi nhà của ông Weston giống như thái độ đối với một ngôi nhà thờ, anh muốn đến xem xét và không đồng ý với lời chỉ trích của hai phụ nữ. Không, anh không nghĩ đây là một ngôi nhà xấu xí, vì người làm chủ ngôi nhà như thế thì không có gì đáng  cho thiên hạ và thương hại. Nếu có người phụ nữ mà ông thương yêu cùng sống dưới mái nhà ấy thì ông không có gì phải xấu hổ. Cỏ đủ khỏang không gian để được thoải mái thực sự. Chỉ người khờ dại mới muốn nới rộng thêm.
Chị Weston cười to, nói anh chẳng biết gì cả. Vốn quen sống trong một ngôi nhà rộng và chưa từng biết  đến những lợi điểm về kích thước, anh không hiểu được sống trong một ngôi nhà nhỏ phải chịu tù túng ra sao. Nhưng Emma nghĩ anh biết mình đang nói gì, anh cho thấy xu hướng muốn ổn định sớm trong cuộc đời và kết hôn qua những động lực xứng đáng. Có thể anh không mường tượng ra rằng nếu không có một căn phòng riêng cho gia nhân hoặc có nhà bếp chật chội thì thiếu thoải mái ra sao, nhưng chắc chắn anh có cảm nghĩ rằng Enscombe không thể làm cho anh được hạnh phúc, và rằng ở bất cứ nơi nào anh tìm được tình yêu thì anh sẵn sàng từ  bỏ vật chất dư thừa để được ổn định sớm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:25:04 | Chỉ xem của tác giả
Chương 7


Ngày kế, cảm nghĩ tốt của Emma đối với Frank Churchill bị lung lay một ít khi cô nghe anh đã đi London chỉ để cắt tóc. Hình như lúc ăn sáng, anh nảy ra một ý nghĩ bốc đồng, thuê một chiếc xe ngựa nhỏi, rồi ra đi, dự định sẽ trở về kịp ăn tối, nhưng không có lý do quan trọng nào hơn là cắt tóc. Đi về quãng đường hơn hai mươi cây số thì không hề gì, nhưng Emma không thể chấp nhận tính chưng diện và càn bậy trong việc này. Nó không phù hợp với việc lên lịch công việc hợp lý, chi tiêu vừa phải, hoặc ngay cả cảm nghĩ hướng về người khác – tất cả đức tính mà cô tin ngày trước mình đã nhìn ra nơi anh. Tính phù phiếm, xa xỉ ,thích thay đổi, hiếu động, phải làm việc gì đấy dù hay hay dở, thiếu quan tâm đến ý muốn của ông bố và chị Weston, không cần biết người khác nghĩ về hành vi của mình như thế nào, anh đã phạm phải tất cả những sai sót này. Bố anh có thể gọi anh là công tử bột và nghĩ đấy là nực cười, nhưng hiển nhiên là chị Weston sẽ không thích vì anh không muốn nghe chị khuyên bảo, chỉ nói "trai tráng phải có một ít bốc đồng".
Ngoại trừ sai sót này, Emma thấy cho đến giờ anh đã gây cảm tình với chị bạn của cô. Chị Weston luôn nói anh tỏ ra ân cần và dễ mến ; nói chung tính khí anh có nhiều điểm khiến cho chị thích. Anh có tính cởi mở - chắc chắn là rất vui vẻ và sinh động, chị không thấy anh có quan niệm gì sai lạc. Anh nói về ông bác với tình cảm thiết tha, thích kể về ông, nói nếu được tự chủ ông sẽ là người tốt nhất trần đời . Dù anh không có cảm tình với bà bác, với lòng tri ân anh công nhận là bà ta tốt bụng, và luôn tỏ lòng tôn trọng khi nói về bà. Tất cả những điều này có vẻ hứa hẹn. Chỉ trừ vụ đi cắt tóc, còn lại anh xứng đáng với chân giá trị đặc sắc mà trước đây cô đã muờng tuợng về anh – chân giá trị mà nếu không thực sự dẫn đến tình yêu với cô thì ít nhất đã gần kề, nếu chưa thành là do cô còn hờ hững (vì cô vẫn còn giữ ý định không bao giờ kết hôn). Tóm lại, đấy là chân giá trị như anh đã thể hiện với cô qua sự đồng cảm giữa hai người.
Riêng ông Weston còn thêm vào một điểm son vốn tạo một ảnh hưởng nhất định. Ong cho biết Frank rất mến cô , anh nghĩ cô rất đẹp và rất quyến rũ. Cộng chung lại những nhận xét tốt về anh, cô nghĩ mình không nên quá khắt khe với anh. Như chị Weston nhận xét «  Trai tráng phải có một ít bốcđồng ».
Chi có một người trong số những người mới quen biết anh ở Surry thì không dễ tính như thế . Trong cả hai giáo xứ Donwell và Highbury, anh được đánh giá là người bộc trực, người ta rộng lượng với một ít thái quá  của một thanh niên đẹp trai như thế - người luôn tươi cười và chào hỏi lịch sự . Nhưng có một người không dễ mềm lòng với nụ cười và câu chào hỏi – đấy là anh Knightley. Khi đến thăm Hartfield, anh được nghe kể về vụ việc . Anh chỉ im lặng, nhưng ngay sau đó Emma nghe anh lẩm bẩm với chính mình, qua một tỡ báo anh cầm trên tay « Hừm ! Mình cho anh ta chỉ là kẻ tầm thường , xuẩn ngốc ». Cô có phần bất mãn, nhưng lập tức nghĩ rằng anh nói thế chỉ để đỡ căng thẳng cho riêng anh, vì thế cô bỏ qua.
Dù thoạt đầu có vẻ như là người mang đến tin không hay, theo một chiều hướng khác hai vợ chồng Weston đã đến đúng lúc. Trong khi họ đang có mặt ở Hartfiel, một chuyện xảy ra khiến cho Emma hỏi ý kiến của họ, và may mắn thay, ý kiến của họ chính là điều cô cần.
Sự thể là thế này : nhà Cole đã sống ở Highbury được vài năm và tỏ ra là những người tốt, thân thiện, phóng khoáng và chân thật, nhưng mặt khác họ có gốc gác thấp, hoạt động trong lãnh vực kinh doanh, và không được mềm mỏng lắm . Khi mới đến vùng này, họ sống một cách khiêm tốn theo thu nhập ít ỏi của mình, trầm lặng, chỉ giao du với một số điều người , chi tiêu dè sẻn. Trong vòng hai , ba năm qua họ giầu lên nhiều, ngôi nhà ở thành phố tạo thêm lợi tức, và nói chung vận may đã cười với họ. Với gia sản lớn, họ phóng tầm mắt rộng thêm, họ muốn một ngôi nhà rộng hơn. Cùng với ngôi nhà là thêm gia nhân thêm chi tiêu, và vào lúc này nếu so về gia sản và nguồn sống thì họ chỉ thua kém gia đình ở Hartfield. Họ thích có bạn bè, phòng ăn thường có nhiều khách được mời đến dùng bữa tối, kèm thêm những buổi tụ họp chủ yếu là những người độc thân. Emma thấy họ ít khi mới gia đình danh giá – các nhà Donwell, Hartfield hoặc Randalls. Dù họ có mời, bản thân cô vẫ n không muốn nhận lời, và cô lấy làm tiếc là ông bố có thói quen cố hữu nghĩ lời từ chối của cô chỉ là chiếu lệ. Theo cung cách của họ thì nhà Cole là đáng được nể vì, nhưng họ nên biết rằng không nên áp đặt cách thức mà gia đình ở tầng lớp cao hơn phải chấp nhận nếu muốn đến với họ. Emma e rằng chính cô là người cần cho họ thấy điều đó, cô không kỳ vọng nhiều nơi anh Knightley, lại càng không trông mong gì nơi ông Weston.
Nhiều tuần trước , cô đã có chủ định làm thế nào đối phó với tư cách ngạo mạn ấy , nhưng rốt cuộc khi nỗi sỉ nhục xảy ra thì cô bị giao động theo cách khác hẳn. Hai nhà Donwell và Randalls  đã nhận được lời mời của họ, nhưng hai bố con cô không được mời. Chị Weston giải thích :
-       Chị nghĩ họ không muốn tuỳ tiện với gia đình em, họ biết ông bố và em không thích đi az khách.
-       Nhưng giái thích như thế vẫn không ổn.
Emma nghĩ mình phải được mời và có quyền quyết định để từ chối. Sau đấy , khi nghĩ về những người sẽ tụ họp ở đó – chính là những người thân cận nhất – cô nghĩ rằng mình không nên từ chối. Harriet sẽ có mặt , chị Bates cũng thế. Họ đã nói về việc này khi đi dạo quanh Highbury ngày trước, và  anh Frank Churchill đã tỏ ý rất tiếc cô sẽ vắng mặt . Anh đặt câu hỏi : liệu sẽ có khiêu vũ không ? Chỉ cần nghĩ đến khả năng này là đủ thêm cho cô bứt rứt. Cô không lấy làm an ủi khi là nhân vật quan trọng bị cô lập, thậm chí được trọng vọng nên không được mời tham dự.
Chính vào lúc cô đang trò chuyện với hai vợ chồng Weston ở Hartfield thì  cô nhận được thư mời, và sự hiện diện của họ thật là thuận lợi. Khi đọc qua thiếp mờoi, cô cho biết « dĩ nhiên là phải từ chối ». Nhưng ngay sau đó, cô hỏi họ khuyên cô nên làm gì. Hai người khuyên cô nên nhận lời, và cô lập tức nghe theo.
Xét qua mọi điều cô nhìn nhận là mình không chắc mình nên từ chối. Nhà Cole đã thật sự quan tâm đến cách ứng xử và cân nhắc đến bố cô , nên diễn giải rất đúng mực : lúc trước họ thật sự có ý định mời, nhưng phải chờ nhận tấm bình phong từ London để chắn gió cho ông Woodhouse, lúc ấy sẽ dễ thuyết phục ông cho họ có vinh dự đón tiếp ông .
Xét qua toàn thể vụ việc , cô cảm thấy được thuyết phục. Họ nhanh chóng bàn định làm cách nào để ông bố được thoải mái , làm thế nào để nhờ bà Goddard – nếu không phải bà Bates - ở bên ông làm bầu bạn. Họ sẽ xin ông cho phép cô con gái đi dự bữa tiệc vào hôm sau, và xa ông trong một buổi tối. Emma nghĩ ông không nên đi vì giờ giấc muộn và có quá đông người . Ông nhanh chóng nghe theo. Ong nói :
-       Tôi không thích nhận lời ăn tối ở nhà người khác . Tôi chưa từng làm thế bao giờ. Emma cũng không cần làm thế. Chúng tôi không hợp cho giờ giấc muộn. Tôi lấy làm tiếc cho vợ chồng Cole. Tôi nghĩ tốt hơn vào một buổi chiều hè tới, họ nên đến đây và mang theo trà, đi bách bộ với chúng tôi vì thời tiết tốt , rồi sau đó về nhà mà không bị ẩm ướt . Tôi nghĩ sương mù trong đêm hè không thích hợp cho ai cả. Tuy nhiên, vì họ mong mỏi Emma đến và vì hai ông bà sẽ đi, cả anh Knightley nữa , xin chăm sóc giùm con nhỏ. Tôi không muốn ngăn cản, miễn là thời tiết tốt , không ẩm, không lạnh, không có gió.
Rồi quay qua chị Weston, ông nói với ánh mắt trách móc hiền dịu :
-       Này ! chị Taylor, nếu không kết hôn thì chị hẳn đã ở nhà với tôi .
Ông Weston nói :
-       Dược , thưa ông, vì tôi đã mang chị Taylor đi, tôi xin lãnh nhiệm vụ thế chỗ chị , nếu có thể được, và ngay bây giờ tôi sẽ thế vai bà Goddard nếu ông muốn .
Nhưng ý nghĩ làm gì bây giờ khiến cho ông Woodhouse thêm bứt rứt chứ không giảm bớt. Các phụ nữ biết phải xoa dịu. Ông phải im lặng, và mọi việc được thu xếp một cách thận trọng.
Dược đối xử như thế ông Woodhouse lấy lại bình tĩnh như trước . Những người khác đều nghĩ « Ông ấy hẳn được vui với bà Goddard. Ong ấy rất mến bà ấy . Emma nên viết thiếp mời bà ấy đến . James có thể mang thiệp đi. Nhưng trước nhất, phải viết thư trả lời bà Cole »
« con hãy thoái thác dùm bố theo cách lịch sự nhất. Nên nói rằng bố không được mạnh khoẻ và không thể đi được , vì thế đành phải từ chối lời mời của họ. Dĩ nhiên là bắt đầu với lời thăm hỏi của bố. Nhưng bố tin con sẽ làm mọi việc đúng mực. Bố không cần nói con phải làm như thế nào. Phải nhớ nhắc James là ta cần cỗ xe vào ngày thứ Ba. Con đi với ông ấy thì bố an tâm. Từ khi có con đường mới, chúng ta chưa từng đi đến đấy, nhưng bố tin James sẽ đưa con đi được an toàn. Khi con đến đấy , con phải cho ông ấy biết đến đón con lúc mấy giờ, và nên báo sớm. Con không nên ở lại muộn quá . Con sẽ bị mệt sau khi mọi người dùng trà xong xuôi.
-       Papa, muốn con ra về trước khi con mệt à ?
-       Không phải thế ! nhưng con sẽ nhanh chóng bị mệt. Sẽ có nhiều người trò chuyện cùng lúc. Con hẳn không thích tiếng ồn.
Ong Weston nói :
-       Nhưng ông ạ, nếu Emma về sớm thì buổi tụ họp sẽ tan rã luôn .
Ông Woodhouse nói :
-       Như thế sẽ không có hại gì. Buổi tụ họp nên kết thúc càng sớm càng tốt .
-       Nhưng không rõ vợ chồng Cole sẽ nghĩ ra sao. Có thể là gây xúc phạm nếu Emma về sớm ngay sau khi dùng trà. Họ là những người hiền lành và an phận với vị thế của họ, nhưng nếu thấy khách vội vã ra về họ sẽ không vui. Nhất là khi cô Woodhouse làm thế thì họ sẽ có suy nghĩ hơn là đối với người khác . Ông ạ, tôi tin chắc ông không muốn nhà Cole thất vọng và xấu hổ. Họ là những người tốt và đã là láng giềng của ông, quá mười năm .
-       Không , ông Weston ạ, không bao giờ. Tôi rất cảm ơn ông đã nhắc nhở. Tôi sẽ lấy làm tiếc nếu làm cho họ buồn . Tôi biết họ là những người có phẩm giá. Ông Perry nói với tôi là ông Cole chưa từng đụng đến rượu mạch nha. Ong sẽ không còn nghĩ đến rượu mạch nha nếu trông thấy ông ấy , vì ông Cole bị bệnh đường ruột nặng. Không đâu , tôi sẽ không làm cho họ khó chịu. Emma thân yêu ạ, chúng ta phải nghĩ đến điều này. Thay vì làm ông bà Cole tổn thương , con nên nán lại thêm chút nữa dù không thích.
-       Vâng ạ, papa. Bản thân con không lo. Dù có nán lại muộn như chị Weston con cũng không ngại, nhưng con chỉ lo bố thức chờ con. Con nghĩ bố sẽ được thoải mái với bà Goddard. Bà thích chơi bài, như bố biết đấy , nhưng khi bà ấy về nhà, con e bố sẽ ngóng chờ thay vì đi ngủ vào giờ thường lệ, và ý nghĩ này khiến con không an tâm chút nào. Bố phải hứa với con sẽ không thức khuya.
Ong hứa với điều kiện cô phải hứa vài điều – như là nếu bị lạnh khi về đến nhà cô phải sưởi ấm chu đáo, nếu đói phải ăn thứ gì đấy , cô hầu của Emma phải thức đợi cô trở về, Serle và người quản gia phải trông coi trong nhà cho an toàn như thường lệ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:26:30 | Chỉ xem của tác giả
Chương 8


Frank Churchill trở về. Gia đình ở Hartfield không rõ anh có về muộn khiến bố anh phải chờ anh về ăn tối hay không. Vì lẽ chị Weston mong ông Weston có cảm tình với anh nên không muốn anh để lộ khuyết điểm nào nếu có thể giấu giếm được .
Anh trở về, đã cắt tóc xong và cười với chính mình vì dáng vẻ mới, nhưng dường như anh không tỏ ra hổ thẹn về việc mình đã làm. Anh không có lýdo gì mà để tóc dài thêm, để che giấu vẻ bối rối  trên khuôn mặt, để tiết kiệm tiền, hoặc để nâng tinh thần. Anh là người ngoan cường và sinh động vẫn như lúc nào.
Sau khi gặp anh, Emma tự làm công tác tư tưởng cho mình "Mình không rõ phải như thế nào, nhưng một con người có óc xét đoán tỏ ra cẩn trọng, nếu ngưng làm chuyện ngờ nghệch thì lại là ngờ nghệch. Vô tâm thì vẫn luôn là vô tâm, nhưng ngông cuồng thì không phải lúc nào cũng ngông cuồng – tuỳ cá tính của từng người. Anh Knightley ạ, anh ấy không phải là người tầm thường ngờ nghệch đâu . Nếu là như thế , anh ấy hẳn đã hành xử theo cách khác. Anh ấy sẽ hoặc hãnh diện hoặc xấu hổ về thành quả của mình. Hoặc sẽ là một công tử bột thích phô trương, hoặc một tinh thần quá yếu đuối nên muốn trốn tránh chứ không biện hộ cho tính phù phiếm của mình. Mình tin chắc anh ấy không phải là người tầm thường hoặc ngờ nghệch".
Ngày thứ Ba, cô thấy vui khi nghĩ sắp được gặp lại anh và gặp nhau trong khoảng thời gian dài hơn từ trước đến giờ, có cơ hội phán xét cách cư xử của anh, qua đó suy ra cách anh cư xử với cô, rồi cô sẽ đoán xem bao lâu nữa mình sẽ thôi hờ hững với anh. Cô mường tượng đến sự dò xét của những người khác khi lần đầu tiên họ thấy hai người bên nhau.
Cô nghĩ mình sẽ rất vui dù cho khung cảnh diễn ra ở nhà ông Cole, dù cho cô không quên rằng một trong những khuyết điểm của anh Elton đã khiến cho cô bứt rứt – ngay trong những ngày anh còn được ngưỡng mộ là thích đi ăn tối với ông Cole.
Ông bố đã được sắp xếp cho thoải mái, bà Bates và bà Goddard có thể đến chơi. Nhiệm vụ cuối cùng của cô trước khi rời khỏi nhà là đến chào ba người khi họ đang trò chuyện sau bữa ăn tối. Khi ông bố triù mến nhìn bộ áo đẹp của con gái, cô đền công cho hai bà bằng cách hào phóng tiếp cho họ bánh ngọt và rượu chát, vì cô biết ông luôn để ý đến việc giữ gìn sức khoẻ của hai bà nên họ không dám tự do thưởng thức trong bữa ăn tối. Cô đã tiếp cho mọi món ngon lành, bây giờ cô biết rằng họ đã được phép dùng thoải mái.
Cô đi theo sau một cỗ xe khác đến cổng nhà ông Cole. Và nhận ra anh Kinghtley đi trên cỗ xe ấy . Cô vui mừng vì lẽ anh Knightley không nuôi ngựa, anh không giầu nhưng nhờ có sức khoẻ, năng động, tự chủ, nên từ khi đến tu viện Donwell, anh ít khi ngồi xe ngựa. Bây giờ cô có cơ hội để bầy tỏ sự tán đồng khi anh đã đến để đỡ cô bước xuống xe. Cô nói:
-       Anh đi theo cách phù hợp, như là một nhà quý phái, em rất vui được gặp anh.
Anh cảm ơn cô, nhận xét:
-         May là chúng ta đến cùng lúc! Vì lẽ, nếu ta gặp nhau trong phòng khách, anh không chắc em sẽ nhận ra anh có vẻ quý phái hơn bình thường. Qua bề ngoài của anh, em hẳn không nhận ra anh đến đây bằng phương tiện gì.
-       Có chứ, em nhận ra được . Khi người ta đi theo cách thức mà họ thấy thấp kém hơn so với vị thế của mình, họ luôn có vẻ tỉnh táo hoặc lăng xăng, nhưng em dám nói đối với anh, đấy là vẻ hiên ngang, giống như là vẻ vô tư giả tạo. Em luôn nhận thấy thế khi gặp anh trong những tình huống tương tự. Bây giờ anh không phải cố gắng ra vẻ gì cả. Anh không nên sợ mình bị xấu hổ. Anh không nên tỏ ra cao to hơn người khác. Bây giờ em thật tình vui mừng được đi với anh vào cùng một môi trường.
-       Cô bé đáo để!
Nhưng anh không tỏ vẻ tức giận tí nào.
Cũng như anh Knightley, Emma có đủ lýdo để bận lòng với những người khách khác. Cô được tiếp đón với thái độ thân thiện, được đối xử như là nhân vật quan trọng theo cách cô muốn. Khi nhà Weston đến, hai vợ chồng nhìn cô theo cách trìu mến nhất, ngưỡng mộ nhất, còn anh con trai tiến đến chào hỏi cô với thái độ sốt sắng tươi vui như thể cô là đối tượng đặc biệt của anh. Đến bữa ăn, anh ngồi kế cô, và cô nghĩ hẳn là do anh đã khéo léo thu xếp.
Buổi tụ họp khá đông đúc, vì còn một gia đình khác, một gia đình nông thôn đúng mực mà nhà Cole có vinh hạnh được quen biết, và còn một đàn ông trong gia đình ông Cox, một luật sư ở Highbury. Những phụ nữ đáng kể ra gồm có chị Bates, cô Fairfax và cô Smith, nhưng khi vào tiệc vì có quá nhiều phụ nữ nên những đề tài trao đổi chỉ là chung chung. Trong khi đám đông bàn tán về chính trị và về anh Elton, Emma có thể chú ý đến láng giềng của cô. Khi tên của Jane Fairfax được nhắc đến, cô cũng để ý lắng nghe. Bà Cole nói đến một chuyện mà cô thấy đáng quan tâm vì đáp ứng những gì cô tưởng tượng. Bà Cole nói đã đến thăm cô Bates, và khi vừa mới bước vào phòng đã có ấn tượng với một chiếc đàn dương cầm trông rất thanh nhã – không phải là loại dương cầm cánh, chỉ là loại dương cầm thông thường, nhưng hình vuông và có kích thước lớn. Chị Bates giải thích là ngày hôm trước chiếc đàn đã được đưa đến từ Bradwood khiến cho hai dì cháu rất kinh ngạc. Theo chị bates kể lại, thoạt đầu Jane khá hoang mang, khá bối rối  nên không thể nghĩ ra ai đã gửi chiếc đàn nhưng  bây giờ họ tin rằng đấy là đại tá Campbell.
bà Cole nói:
-       Người ta không thể cho là ai khác, và tôi ngac nhiên là họ lại hoang mang. Có lẽ Jane đã nhận được một lá thư nhưng không nói ra lời nào. Cô ấy biết tính cách của họ, nhưng tôi nghĩ họ giữ im lặng không có nghĩa là họ không dính dáng vào. Họ chỉ muốn tạo một sự ngạc nhiên cho cô ấy.
Nhiều người đồng ý với bà Cole. Tuy Emma nghĩ cách khác, cô vẫn lắng nghe bà Cole.
-       Khi nghe chuyện này, tôi rất hài lòng. Tôi luôn tiếc cho Jane Fairfax vì cô ấy chơi nhạc hay nhưng không có đàn. Thật là xấu hổ, nhất là khi xét đến nhiều nhà có đàn tốt nhưng lại bị bỏ phế. Việc này như là cái tát  vào mặt chúng tôi! chỉ mới hôm qua, tôi nói với ông Cole rằng tôi thật sự xấu hổ khi nhìn chiếc dương cầm cánh trong phòng gia đình, trong khi tôi không biết phân biệt một nốt nhạc nào cả, còn mấy đứa con gái của chúng tôi chỉ mới bắt đầu học đàn nhưng có lẽ sẽ không bao giờ đàn giỏi. Trong khi cô Jane Fairfax tội nghiệp chơi nhạc hay tuyệt vời mà lại không có nhạc cụ gì cả để làm vui. Hôm qua, tôi chỉ mới nói điều này với ông Cole và ông đồng ý với tôi. Ông ấy rất thích âm nhạc đến nỗi ông muốn mua đàn, hy vọng rằng vài người láng giềng có thể chơi hay hơn chúng tôi, và đấy là lý do chúng tôi đã mua một chiếc dương cầm, nếu không chúng tôi hẳn lấy làm xấu hổ. Chúng tôi rất mong mỏi cô Woodhouse có thể thuận lời trình diễn cho chúng ta tối hôm nay.
Cô Woodhouse tỏ ý đồng thuận, và vì thấy câu chuyện của bà Cole không còn gì hứng thú, cô quay sang Frank Churchill. Cô hỏi:
-       Tại sao anh cười?
-       Không có, vì lý do nào cô cười?
-       Tôi? Tôi cười vì vui mà thấy gia đình Đại tá Campbell vừa giầu mà còn phóng khoáng. Đấy là một món quà rất hay.
-       Đúng lắm.
-       Tôi lấy làm lạ là sao mãi đến bây giờ họ mới tặng.
-       Có lẽ vì cô Fairfax chưa từng về nhà ở lâu như thế này.
-       Hoặc vì ông không cho cô ấy chơi đàn của họ - hẳn bây giờ ở London không được ai sử dụng.
-       Đấy là loại đàn dương cầm cánh, nên hẳn ông ấy nghĩ nó quá lớn đối với nhà bà Bates.
-       Anh có thể nói thế nào tuỳ thích, nhưng nét mặt anh chứng tỏ anh nghĩ về chuyện này giống như tôi.
-       Tôi không rõ. Tôi thà tin cô cho điểm tôi về sự sắc bén cao hơn tôi đáng có. Tôi cười vì thấy cô cười và cố đoán bất cứ điều gì cô đoán, nhưng hiện giờ tôi không thấy có vấn đề gì. Nếu Đại tá Campbell không tặng chiếc đàn ấy, thì ai tặng?
-       Anh nghĩ về cô  Dixon như thế nào?
-       Cô Dixon! Đúng thế, tôi đã không nghĩ đến cô Dixon. Cô ấy phải biết như ông bố là món quà sẽ được vui lòng đón nhận. Cách thức tặng quà, sự bí ẩn, sự ngạc nhiên có vẻ như là do một phụ nữ trẻ hơn là do một ông già. Tôi dám chắc đấy là cô Dixon. Tôi đã nói rằng khi cô suy đoán thì tôi cũng suy đoán theo.
-       Nếu vậy thì anh phải suy đoán thêm cả anh Dixon.
-       Anh Dixon. Được lắm. Vâng, tôi nhận ra ngay đấy là món quà quý do cả hai vợ chồng Dixon cùng tặng. Tôi không có ý nói về những ý định tốt của anh Dixon hoặc của cô Fairfax, nhưng tôi không khỏi hồ nghi là, sau khi đã cầu hôn với người bạn của cô, anh lại yêu chính cô, hoặc cũng có thể là anh biết cô thầm yêu anh. Người ta có thể ức đoán hai mươi chuyện mà không đúng chuyện nào cả, nhưng tôi tin chắc phải có duyên cớ đặc biệt khiến cho cô ấy trở về Highbury thay vì đi Ireland cùng với ông bà Campbell. Ở đây, cô ấy có được môi trường thích hợp để sống riêng tư và hối lỗi, ở đàng kia chỉ có vui thú. Còn lý do họ viện dẫn là hưởng không khí nơi quê nhà, tôi nghĩ đấy chỉ là chống chế. Trong mùa hè thì đúng, nhưng hưởng không khí ở quê nhà của ai mà tốt trong tháng Giêng, tháng Hai và tháng Ba? Lò sưởi và cỗ xe ấm cúng sẽ giúp ích nhiều hơn cho thể chất yếu đuối của cô ấy chứ. Tôi không đòi hỏi cô chấp nhận tất cả ức đoán của tôi dù cô đã là chuyên nghiệp trong việc này, nhưng tôi chỉ trung thực nói ra với cô ức đoán của mình.
-       Tôi phải nhìn nhận là anh có lý. Tôi tin rằng giữa hai cô, anh Dixon thích ngón đàn của cô Fairfax hơn.
-       Và còn có chuyện anh ấy cứu sống Fairfax. Anh có nghe qua chuyện này chưa? Có một chuyến đi biển, và cô ấy bị ngã xuống nước. Anh ấy đã cứu cô.
-       Đúng. Tôi đã ở đấy, cùng tham gia đi chơi.
-       Thật thế à? Ôi chao! Nhưng dĩ nhiên là anh không thấy gì lạ, vì dường như anh chỉ mới nghĩ ra vụ việc gần đây. Nếu tôi được chứng kiến, tôi hẳn đã phác giác được.
-       Tôi tin thế. Nhưng về phần tôi – con người tôi giản đơn – chỉ nhìn thấy là cô Fairfax từ trên thuyền rơi xuống nước và anh Dixon nắm được cô ấy. Đấy là hành động tức thời. Và dù người trong cuộc bị sốc mạnh, hoảng sợ hồi lâu – tôi tin phải đến nửa giờ mọi người mới bình tĩnh lại – nhưng tôi không nhận ra điều gì đặc biệt.
Hai người bị ngắt ngang ở đây để gia nhân dọn dẹp món cũ và đưa lên món mới. Sau đó Emma nói:
-       Đối với tôi, chuyện chiếc đàn có tính quyết định. Tôi đã muốn tìm hiểu thêm chút ít, và chuyện chiếc đàn giải thích được nhiều điều. Chắc chắn là chẳng bao lâu chúng ta sẽ nghe đấy là món quà của vợ chồng Dixon.
-       Còn nếu vợ chồng Dixon phủ nhận thì ta phải kết luận là của vợ chồng Campbell.
-       Không, tôi tin chắc không phải là vợ chồng Campbell. Cô Fairfax biết không phải là vợ chồng Campbell, nếu không từ lúc đầu họ đã đoán ra và cô ấy đã không hoang mang. Có lẽ tôi chưa thuyết phục được cô, nhưng bản thân tôi tin rằng anh Dixon có vai trò chính yếu trong chuyện này.
-       Thật ra, anh làm tôi tổn thương nếu cho rằng tôi không tin anh. Lý luận của anh khớp với phán xét của tôi, ban đầu, khi tôi đoán anh tin Đại tá Campbell là người tặng quà, tôi chỉ thấy đó như là lòng tử tế của người cha nuôi, là lẽ tự nhiên. Nhưng khi anh nói đến cô Dixon, tôi nghĩ rất có thể đấy là từ tình bạn giữa hai phụ nữ, và bây giờ tôi có thể thấy vụ việc chỉ có một chiều hướng là sự tỏ tình.
Họ không còn gì phải bàn thêm, dường như sự việc đã tỏ tường.
Một nhóm phụ nữ chưa ngồi lâu trong phòng gia đình thì một nhóm phụ nữ khác đi vào. Emma nhìn cô bạn nhỏ của mình trong số đó. Nếu Emma chưa đủ hoan hỉ vì chân giá trị và vẻ yêu kiều của cô bé, cô vẫn mến tính thuỳ mị và thái độ không cầu kỳ. Cô thích nhất là tư cách nhẹ nhàng, vui vẻ, không uỷ mị khiến cho cô bé vẫn thơ thới dù đang đau nhói vì tình yêu lở dở. Cô bé ngồi đấy, và ai có thể đoán được bao nhiêu nước mắt đã nhỏ ra trong thời gian gần đây ? Hoà đồng với đám đông, ăn mặc lịch sự và ngắm những người khác ăn mặc lịch sự, ngồi và cười hân hoan, không nói gì hết – tất nhiên là đủ cho cô bé vui trong lúc này. Đúng là Jane Fairfax không vượt trội, nhưng Emma đoán Jane hẳn ước ao được thoải mái như Harriet, hẳn sẽ rất vui mà mua lấy tính đau thương – vâng, thậm chí yêu anh Dixon một cách tuyệt vọng – bằng cách gạt bỏ niềm vui nguy hiểm khi biết chồng của bạn mình yêu mình.
Vì có nhiều người, Emma thấy không cần thiết đến gần Jane. Cô không muốn nói về món quà dương cầm, nhưng những người khác lại nói đến, và cô trông thấy vẻ e thẹn vì ý thức khi nghe lời chúc mừng, vẻ e thẹn vì mặc cảm tội lỗi đi kèm với cái tên "người bảo trợ thân thiết của tôi, Đại tá Campbell".
Vốn là người tốt bụng và thích âm nhạc, chị Weston tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vụ việc, nên hỏi han và bàn bạc về những chi tiết của chiếc đàn mà không biết rằng cô chỉ muốn nói càng ít càng tốt như nét mặt của cô cho thấy.
Chẳng bao lâu, có vài quý ông gia nhập, người đến đầu tiên là Frank Churchill. Anh đi vào, người đầu tiên và người đẹp trai nhất. Sau khi chào hỏi hai dì cháu Bates, anh đi về phía đối diện nơi cô Woodhouse đang ngồi, và chỉ chịu ngồi xuống sau khi xoay sở được chỗ trống bên cô. Emma đoán được những người hiện diện đang nghĩ gì. Cô giới thiệu anh với bạn mình, cô Smith. Sau đấy, cô nghe mỗi người nói về người kia như thế nào.  Cô nghĩ "Anh ấy chưa từng gặp gương mặt nào xinh xắn đến thế, và vui với vẻ vô tư của cô bé. Còn cô bé nghĩ anh ấy có vài nét hao hao như anh Elton". Emma kiềm chế nỗi phẫn nộ, chỉ quay lưng lại cô bé trong im lặng.
Emma và anh Frank Churchill trảo đổi vài nụ cười tinh quái khi họ liếc nhìn về phía cô Fairfax, nhưng tỏ vẻ cẩn trọng mà không nói lời nào. Anh cho cô biết anh đã nôn nóng muốn rời phòng ăn – không thích ngồi lâu, luôn là người đầu tiên đứng lên nếu có thể được – đến nỗi bố anh, anh Knightley, ông Cox và ông Cole bị bỏ lại để bàn về những sự vụ trong giáo xứ. Tuy nhiên, trong khi còn ngồi với họ, anh vui vì thấy họ giống như những nhà quý phái, có óc xét đoán, anh trìu mến nói về Highburry, tuy nói nhiều hơn về những gia đình dễ mến. Nghe anh nói, Emma nhận ra rằng cô đã xem thường quá đáng vùng này. Cô hỏi han anh về xã hội ở Yorkshire, về vùng Enscombe. Theo những câu trả lời của anh, cô nhận ra rằng không có nhiều cuộc giao tiếp ở Enscombe, rằng chỉ có những gia đình lớn qua lại với nhau, láng giềng thân cận thì không, rằng ngay cả khi ấn định ngày và đã nhận lời mời, bà Churchill thường không được khoẻ và không hứng thú tham dự, rằng người ta có chủ ý không thăm viếng người mới quen biết, rằng tuy anh có nhiều cuộc hẹn, thường anh có thể từ chối một cách dễ dàng , nhiều lúc không cần phải giải thích nhiều.
Cô thấy anh không hài lòng với Enscombe, còn Highbury có thể tạo nguồn vui cho một thanh niên như anh vốn có quá nhiều thời giờ cô đơn ở nhà. Hiển nhiên anh là nhân vật quan trọng ở Enscombe. Anh không khoe khoang, nhưng điều tự nhiên là anh có thể thuyết phục bà bác anh khi ông bác không thể làm gì được. Khi  bà vui cười, anh tin rằng có thể dần dà thuyết phục được bà chấp nhận bất kỳ điều gì (ngoại trừ một, hai điều). Anh đã tỏ ước muốn được đi ra ngoài – nôn nóng được ghép để đi ngao du – nhưng bà không chấp nhận. Đấy là chuyện xảy ra năm rồi. Anh nói bây giờ anh không còn muốn đi nữa.
Emma đoán có một điều anh không thể tự biện hộ, là cách đối xử với bố anh.
Anh nói, sau khi đắn đo:
-        Tôi buồn mà thấy rằng đến mai là tôi đã ở đây đúng một tuần – phân nửa thời gian. Tôi chưa từng thấy thời gian trôi qua nhanh như thế. Ngày mai là được một tuần! trong khi tôi vừa mới bắt đầu vui thích. Vừa mới quen thân với bà Weston, và những người khác! Tôi ghét hồi tưởng.
-       Có lẽ bây giờ anh bắt đầu thấy tiếc là trong những ngày ít ỏi này mà anh lại bỏ ra nguyên một ngày để đi cắt tóc.
Anh mỉm cười:
-        Không, đấy là chuyện tôi không thấy tiếc chút nào.tôi không thấy vui khi gặp gỡ bạn bè, trừ khi tôi tin mình hợp với họ.
Bây giờ các quý ông khác đã đi vào gian phòng. Emma phải quay sang nói chuyện với ông Cole trong ít phút. Khi ông Cole rời đi, cô quay lại và thấy anh Frank Churchill đang chăm chú nhìn cô Fairfax đang ngồi đối diện với anh phía bên kia gian phòng.
Cô hỏi:
-       Chuyện gì thế?
Anh đáp:
-       Cảm ơn cô đã khuấy động tôi. Tôi nghĩ mình đã quá khiếm nhã, nhưng đúng là cô Fairfax bới kiểu tóc trông kỳ lạ, đến nỗi tôi không thể quay mặt đi. Tôi chưa từng thấy kiểu tóc gì quái đản như thế. Xem những lọn tóc quăn ấy! đấy hẳn là do ý cô ấy tự nghĩ ra. Tôi không thấy ai làm như cô ấy. Tôi phải đến hỏi cô ấy xem đó có phải là kiểu Ireland không. Được chứ? Vâng, tôi sẽ hỏi, và cô sẽ thấy cô ấy phản ứng ra sao, xem cô ấy có đỏ mặt hay không.
Anh bước đi ngay, rồi Emma thấy anh đứng trước cô Fairfax, trò chuyện với cô này, nhưng vì anh đứng giữa hai người nên cô không thấy gì về phản ứng của cô Fairfax.
Trước khi anh trở lại, chị Weston đã ngồi xuống ghế của anh. Chị nói:
-       Đây là sự xa xỉ của một buổi tụ họp lớn, người ta có thể thân cận bất kỳ người nào, nói bất kỳ chuyện gì. Emma thân yêu, chị đang muốn nói chuyện với em. Giống như em, chị đang khám phá nhiều điều mới với đang trù tính kế hoạch, nên chị phải nói ra ngay ý tưởng kẻo nguội mất. Em có biết chị Bates và cô cháu đến đây như thế nào không ?
-       Như thế nào hở? Họ được mời, đúng không ?
-       À đúng! Nhưng từ nhà kia họ đến đây như thế nào? Bằng phương tiện gì?
-       Em nghĩ họ đi bộ. Họ còn có cách nào khác?
-       Rất đúng. À hồi nãy, chị chợt nghĩ rằng thật tội nghiệp cho Jane Fairfax phải đi bộ về nhà lúc đêm khuya, trời trở lạnh. Rồi khi chị nhìn cô ấy, dù không thấy tường tận chị để ý là cô ấy đang được sưởi ấm, vì thế dễ bị cảm lạnh. Cô bé tội nghiệp ! chị không an tâm, thế là chị nói với ông Weston về chuyện cỗ xe của nhà chị. Em có thể đoán ra là ông ấy rất sẵn lòng chiều theo ý chị. Chị bèn nói với chị Bates rằng cỗ xe có thể đưa họ về nhà trước . Cô ấy tỏ ra rất cảm kích, như em đoán được, nhưng lại nói cảm ơn, cảm ơn lắm, nói rằng cỗ xe của anh Knightley đã đến đón họ và sẽ đưa họ về nhà. Chị ngạc nhiên – rất vui mà cũng khá ngạc nhiên. Đấy là lòng ân cần – ân cần một cách tế nhị - mà điều người đàn ông nào nghĩ đến. Tóm lại, theo những gì chị biết về thói quen của anh ấy , chị đoán anh dùng cỗ xe là để đưa đón hai người. Anh vẫn nghĩ đáng lẽ anh chẳng cần đôi ngựa hay xe cho riêng mình, đấy chỉ là cái cớ để giúp họ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:27:18 | Chỉ xem của tác giả
Emma nói:
-       Rất có thể - không còn gì đúng hơn. Em không rõ có người đàn ông khác nào làm như anh Knightley – tử tế, sẵn lòng giúp đỡ, có ý tứ, hoặc có lòng nhân ái. Anh ấy không nịnh đầm giỏi, nhưng là người có tính nhân văn. Trong việc này, xét qua sức khoẻ yếu kém của Jane Fairfax, anh muốn làm một nghĩa cử nhân ái, và không thoả lòng tử tế mà không phổ trương như anh Knightley. Em biết anh ấy đi bằng xe ngựa vì anh ấy và em đến cùng lúc, và em cười cợt với anh ấy về việc này nhưng anh ấy không nói lời nào để khoe khoang.
Chị Weston mỉm cười:
-       Em nghĩ tốt nhiều hơn chị về anh ấy trong nghĩa cử nhân ái đơn giản này, bởi vì trong khi chị Bates đang nói, có một nghi vấn len lỏi trong đầu chị mà chị không tài nào gạt bỏ được. Càng nghĩ, chị càng tin là đúng. Tóm lại, chị nghi là anh Knightley và cô Fairfax sẽ thành đôi. Hãy xem hậu quả khi làm bầu bạn với em! Em nói gì về chuyện này?
Emma thốt lên:
-        Anh Knightley và Jane Fairfax! Chị Weston thân yêu ,làm thế nào chị có thể nghĩ tới chuyện này? Anh Knightley! Anh Knightley không nên kết hôn! Chị không muốn dứt bé Henrry ra khỏi Donwell phải không ? Ôi chao! Không, không, Henry phải ở lại Donwell. Em không hề muốn anh Knightley kết hôn, em nghĩ chuyện này hoàn toàn không thể xảy ra. Em lấy làm lạ chị nghĩ ra chuyện như thế.
-       Emma thân yêu, chị đã nói lý do khiến cho chị nghĩ đến chuyện này. Chị không tán đồng cuộc hôn nhân, chị không muốn bé Henry phải khổ, nhưng những tình huống đã gây cho chị ý nghĩ ấy. Còn nếu anh Knightley thật sự muốn kết hôn, em không nên ngăn cản anh vì lý do Henry, một đứa trẻ lên sáu tuổi không biết gì đến chuyện này, phải không?
-       Em vẫn muốn ngăn cản. Em không chịu được khi thấy Henry bị mất chỗ đứng. Anh Knightley mà kết hôn! Lại còn kết hôn với Jane Fairfax mà không với ai khác trong số phụ nữ trên thế gian này!
-       Đừng nói thế. Anh luôn để ý đến cô ấy nhiều nhất như em đã biết rõ.
-       Nhưng cuộc hôn nhân như thế là thiếu cẩn trọng.
-       Chị không nói có cẩn trọng hay không, chị chỉ nói chuyện này có khả năng xảy ra.
-       Em không thấy có khả năng nào, trừ khi chị có cơ sở nào khác hơn những gì chị đã nói. Em cho chị biết, lòng tử tế, tính nhân văn của anh ấy là lý do cho việc anh ấy dùng xe ngựa. Chị biết mà, anh ấy rất kính trọng mẹ con bà Bates chứ không phải vì Jane Fairfax, và luôn vui lòng chăm sóc cho hai người. Chị Weston thân yêu của em, chị không nên làm mai. Ôi chao! Không, không, mọi cảm nghĩ đều kinh khiếp. Em mong anh ấy đừng làm chuyện điên rồ như thế.
-       Em có thể cho đấy là thiếu cẩn trọng, nhưng không phải là điên rồ. Chị thấy họ hợp nhau, ngoại trừ về gia sản vật chất, và có lẽ chênh lệch một chút về tuổi tác.
-       Nhưng anh Knightley không muốn kết hôn. Em tin chắc anh ấy không hề nghĩ đến chuyện này. Chị đừng mang ý tưởng ấy vào đầu anh. Tại sao anh ấy phải kết hôn? Anh ấy vẫn hạnh phúc khi sống như thế này, với trang trại, đàn cừu và tủ sách, và cả giáo xứ phải cai quản, anh còn thương yêu hết mực đám con của người anh. Anh ấy không có lý do gì mà kết hôn, dù là để lấp vào khoảng trống của thời giờ hoặc trong tâm hồn.
-       Em Emma thân yêu, nếu anh ấy nghĩ như thế thì mặc anh ấy, nhưng nếu anh ấy thật sự muốn cưới Jane Fairfax ….
-       Vô lý! Anh ấy không màng đến Jane Fairfax. Nói về tình yêu, em tin chắc anh ấy không yêu. Anh làm mọi việc tử tế đối với cô ấy, đối với gia đình cô ấy, nhưng….
Chị Weston cười to:
-       Được, chẳng việc tử tế hay ho nhất là cho cô ấy một mái nhà khả kính.
-       Nếu là hay cho cô ấy thì là dở cho anh, một mối lương duyên rất đáng hổ thẹn và mất danh giá. Làm thế nào anh ấy chịu được chị Bates là bà dì bên vợ ? Là người lui tới tu viện và suốt ngày lên tiếng cảm ơn anh vì đã cưới Jane? Cứ nói "rất tử tế và sôt sắng", trong khi anh ấy luôn là một láng giềng tử tế. Và rồi khi mới nói nửa câu đã vội quay ngoắt để nói về chiếc váy lót cũ kỹ của bà mẹ. "Đấy không phải là chiếc váy lót cũ, vì nó vẫn còn trắng, và bà hẳn phải vui lòng mà nói rằng những chiếc váy lót của bà vẫn còn rất chắc".
-       Emma, xấu hổ quá ! đừng nhại theo bà ấy. Em làm cho lương tâm của chị bị xáo trộn. Chị tin chắc anh Knightley sẽ không bị phiền hà vì chị Bates. Anh không màng chuyện vặt vãnh. Chị ấy có thể lắm lời , còn nếu anh ấy muốn nói gì, anh có thể nói to hơn và lấn áp tiếng nói của chị ta. Vấn đề không phải ở chỗ mối lương duyên có tốt cho anh ấy hay không, mà ở chỗ anh ấy có mong muốn hay không, và chị nghĩ anh ấy muốn. Chị cũng như em đều đã nghe anh ấy ngợi khen Jane Fairfax! Mối quan tâm đối với cô ấy – mối lo lắng về sức khoẻ của cô ấy – nỗi quan ngại là cô ấy không có nơi nương tựa tốt ! chị đã nghe anh ấy bầy tỏ nồng nàn về những điểm này! anh đã ngưỡng mộ tài chơi đàn của cô, giọng hát của cô! Chị đã nghe anh ấy nói rằng anh có thể nghe cô hát suốt đời! Ôi chao! Chị còn quên một ý tưởng trong đầu chị: người đã gửi đến chiếc đàn dương cầm, dù chúng ta vẫn nghĩ đấy là món quà của nhà Campbell, đúng ra liệu có phải là của anh Knightley? Chị vẫn nghi là của anh. Chị nghĩ anh đúng là người đã làm việc này, cho dù anh không yêu cô.
-       Thế thì không thể biện luận là anh ấy đang yêu. Nhưng em nghĩ không có chuyện này. Anh Knightley không hề làm việc gì một cách bí ẩn.
-       Chị đã nghe anh ấy thường than thở về việc cô ấy không có đàn, than thở mãi đến nỗi chị tin anh nảy ra ý tưởng đó.
-       Thế thì được, và nếu anh ấy định tặng chiếcđàn, anh hẳn đã nói cho cô ấy biết.
-       Em Emma thân yêu ạ, đấy có thể do tính đắn đo thanh cao. Chị vẫn tin rằng anh là người tặng đàn. Anh đã giữ im lặng khi bà Cole kể cho ta nghe tại bàn ăn.
-       Chị Weston, chị chộp lấy ý tưởng rồi ôm khư khư, giống như nhiều lần chị đã trách em. Em không thấy gì là dấu hiệu của tình yêu. Em không tin chuyện chiếc dương cầm, và em phải thấy bằng cớ mới tin anh Knightley có ý nghĩ sẽ cưới Jane Fairfax.
Hai người vẫn tranh luận theo cách của mình. Emma có vẻ thắng thế, vì chị Weston thường có thói quen nhường nhịn. Rồi tiệc trà chấm dứt, đến phần trình diễn âm nhạc. Ông Cole tiến đến van nài cô Woodhouse cho họ có vinh dự nghe cô thử chiếc dương cầm của gia đình ông. Trong khi đang say sưa trao đổi với chị Weston, Emma không thấy gì khác ngoại trừ là Frank Churchill đã tìm được chỗ ngồi kế bên cô Fairfax. Rồi anh phụ hoạ theo ông Cole để thêm lời van nài cô. Với mọi lý do, Emma cảm thấy thích hợp mà nhận lời.
Cô biết rõ tàn năng mình chỉ có hạn nên không cố trình diễn nhiều, cô không muốn có trình độ thưởng thức hoặc chú tâm đến chuyện nhỏ nhặt vốn đã được tán thưởng, và có thể vừa đệm đàn vừa hát khá hay. Một giọng hát phụ hoạ bài hát của cô khiến cho cô ngạc nhiên một cách sung sướng  - giọng hát thứ hai không nhuần nhuyễn nhưng đúng âm điệu của Frank Churchill. Khi bài hát chấm dứt, cô muốn ngưng nhưng mọi người van nài, và chuyện thường thấy xảy ra tiếp theo. Anh được khen là có giọng hát hay và có kiến thức về âm nhạc, anh nói không phải thế, rằng anh không biết gì về âm nhạc và không hát hay, nhưng mọi người vẫn cả quyết. Hai người hát với nhau thêm một bài nữa, rồi Emma nhường chỗ cho cô Fairfax. Cô này có ngón đàn và giọng hát hơn hẳn Emma.
Với tâm tư pha trộn vui buồn, Emmay ngồi cách chiếc đàn khá xa, để lắng nghe. Frank Churchill hát lần nữa. Có vẻ như họ đã hát với nhau một, hai lần ở Weymouth. Nhưng dần dà cô chú ý nhìn đến anh Knightley lúc này đang chăm chú lắng nghe, rồi lại nghĩ về lời của chị Weston. Cô vẫn chống đối việc anh Knightley kết hôn. Cô chỉ thấy toàn khuyết điểm trong việc này. Anh John Knightley hẳn sẽ thất vọng, cả Isabella cũng thế. Bọn trẻ sẽ bị tổn thương – một thay đổi đáng xấu hổ, và sự mất mát lớn cho tất cả, ông bố cô sẽ thiếu thoải mái trong cuộc sống thường nhật, còn đối với cô, cô không thể nào chịu được với ý nghĩ Jane Fairfax sống ở tu viện Donwell. Một bà Knightley mà tất cả họ sẽ phải chịu thua! Không, anh Knightley không bao giờ nên kết hôn. Cậu bé Henry phải ở lại Donwell.
Bây giờ, anh Knightley nhìn quanh quẩn rồi đến ngồi bên cô. Lúc đầu họ chỉ trò chuyện về việc trình diễn âm nhạc. Thái độ ngưỡng mộ của anh đúng là nồng nhiệt mà cô thấy không có ấn tượng – nhưng đối với chị Weston thì chắc là có. Để ném hòn đá thăm dò, cô nói về lòng tử tế của anh trong việc đưa đón hai dì cháu . Dù anh trả lời theo cách muốn chấm dứnt câu chuyện, cô cho rằng đấy là vì anh không muốn nói về lòng tử tế của mình.
Cô nói:
-       Em thường cảm thấy băn khoăn là đã không dám dùng cỗ xe của nhà em được ích lợi hơn trong những trường hợp như thế này. Không phải vì em không muốn, nhưng anh biết không, bố em sẽ không cho phép James đánh xe theo mục đích ấy.
Anh nói:
-        Đúng là không thể, em không thể làm được, nhưng anh biết em thường muốn làm.
Rồi anh mỉm cười vui vẻ như thể thật lòng tin cô, khiến cho cô muốn thử lòng anh thêm. Cô nói:
-        Món quà ấy của nhà Campbell – họ rất tử tế mà tặng chiếc dương cầm.
-       Đúng, nhưng đáng lẽ họ nên cho cô ấy biết trước . Gây ngạc nhiên là hành động điên rồ. Việc này không làm người nhận vui sướng hơn mà chỉ gây bứt rứt. Anh nghĩ đáng lẽ Đại tá Campbell suy xét hay hơn.
Từ lúc này Emma nhất mực tin rằng anh Knightley không can dự vào việc tặng chiếc đàn. Nhưng cô vẫm chưa rõ liệu anh có hoàn toàn vô tư trong chuyện tình cảm lạ kỳ này không – liệu thật sự có tình yêu hay không.
Khi Jane hát đến gần cuối bài hát thứ hai, giọng của cô không còn trong trẻo nữa.
Khi cô hát xong, anh thầm nghĩ "Thế là đủ, tối nay cô đã hát nhiều rồi, bây giờ nên giữ im lặng".
Tuy nhiên người ta vẫn yêu câù cô hát thêm một bài nữa, cho rằng cô Fairfax vẫn có thể hát thêm, và họ vẫn yêu cầu hát thêm một bài.
Frank Churchill lên tiếng:
-        Tôi nghĩ cô có thể hát thêm mà không cẫn gắng sức, bài hát thứ nhất chỉ là mào đầu. phần trình diễn quan trọng là ở bài thứ hai.
Anh Knightley tỏ vẻ giận dữ, nói một  cách khinh miệt:
-        Anh ta chỉ muốn phô trương giọng của mình. Thế là không được.
Rồi anh níu lấy chị Bates vừa đi ngang qua:
-       Chị Bates, chị có điên không mà để cho cháu gái của chị hát đến khàn cổ như thế? Chị can họ đi. Họ không thương xót cháu chị gì cả.
Vốn luôn lo lắng cho Jane, chị Bates không kịp ngỏ lời tri ân mà nhanh chóng quay đi và ngăn chặn bài hát kế tiếp. Đến đây là chấm dứt chương trình âm nhạc vì chỉ có cô Woodhouse và cô Fairfax là hai nghệ sĩ trình diễn. Kế tiếp, có lời đề nghị khiêu vũ – không rõ do ai đưa ra. Hai vợ chồng Cole thuận lòng, cho dọn dẹp để có khoảng trống. Vì thích khiêu vũ điệu đồng quê, chị Weston vẫn ngồi yên. Một điệu luân vũ phát ra, bằng thái độ càng thêm nịnh đầm, Frank Churchill đến trước Emma, được cô nhận lời, và đưa cô ra sàn nhảy.
Trong khi chờ đợi thanh niên thiếu nữ chia cặp, Emma nhìn đến anh Knightley. Đây hẳn là một thử thách: anh khiêu vũ không giỏi. Nếu anh chàng sốt sắng mời Jane Fairfax thì đấy là điềm báo gì đấy. Hai người chưa xuất hiện trên sàn nhảy. Không, anh đang nói chuyện với bà Cole, đang tỏ vẻ không quan tâm. Một người khác mời Jane khiêu vũ, còn anh vẫn trò chuyện với bà Cole.
Emma không còn lo lắng cho bé Henrry, cuộc sống của bé được yên ổn, và cô chấm dứt bản nhảy với tinh thần sảng khoái thật sự. Sàn nhảy chỉ có năm cặp nhưng vẫn tạo không khí phấn khởi.
Không may là họ có thể khiêu vũ được hai bản. Đêm đã dần khuya, chị Bates bắt đầu nôn nóng muốn về nhà vì nghĩ tới bà mẹ. Vì thế, sau những lời từ chối, họ ngỏ lời cám ơn chị Weston, ra vẻ bứt rứt, rồi chấp nhận đi nhờ cỗ xe.
Khi đưa Emma đến cỗ xe của cô, Frank Churchill nói:  
-       Đáng lẽ tôi phải mời cô Fairfax khiêu vũ, nhưng cách nhảy uể oải của cô ấy không hợp với tôi, sau bài nhảy của cô.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:28:06 | Chỉ xem của tác giả
Chương 9


Emma không tiếc đã hạ mình đi đến nhà Cole. Chuyến đi tạo cho cô nhiều hồi tưởng đẹp vào ngày kế, tuy mất cuộc sống riêng tư nhưng bù lại cô được gặp gỡ và được ngưỡng mộ. Cô hẳn đã giúp vui cho nhà Cole – những người sáng giá, đáng được hưởng niềm vui! Và cô đã tạo tiếng tăm trong một thời gian dài.
Hạnh phúc toàn vẹn – dù là trong hồi tưởng – không phải là chuyện thường ngày: có hai điểm mà Emma chưa thật an tâm. Cô không hiểu khi đặt nghi vấn về tình cảm của Jane Fairfax dành cho Frank Churchill liệu mình đã vượt quá giới hạn về bổn phận của một phụ nữ đối với phụ nữ hay không. Điều này có vẻ không đúng, nhưng ý nghĩ vẫn dẳng dai trong đầu cô. Khi anh nhìn nhận sau việc cô nêu ra, cô càng muốn hỏi han thêm.
Điểm thứ hai cũng liên quan đến Jane Fairfax, và cô không hồ nghi về điểm này. Cô thành thật nhìn nhận mình chơi nhạc và hát kém cỏi, và lấy làm tiếc mình đã thờ ơ khi luyện tập khi còn nhỏ. Rồi cô ngồi tập dượt một cách hăng say trong vòng một tiếng rưỡi.
Cữ dượt của cô bị gián đoạn vì  Harriet đến.
-        Ôi chao! Ước gì em chơi nhạc hay như chị và cô Fairfax!
-       Harriet, đừng đánh đồng hai người chúng tôi với nhau. Tài nghệ của chị so với cô ấy giống như đèn đêm so với ánh mặt trời.
-       Ôi chao! Em nghĩ chị chơi theo cách tốt nhất. Em nghĩ chị chơi hay ngang bằng cô ấy. Em rất muốn nghe chị đánh đàn. Tối hôm qua, mọi người đều nói chị đánh đàn hay.
-       Nếu là người có trình độ thì họ hẳn đã nhận ra sự khác biệt. Harriet à, sự thật là tài nghệ của chị chỉ vừa đến mức được khen ngợi nhưng tài năng của Jane Fairfax còn vượt trội.
-       Chị có chắc không? Em nhìn cô ấy trình diễn, nhưng em không nhận ra tài năng của cô ấy. Không ai nói gì cả. Và em ghét bài hát tiếngÝ không thể hiểu lấy một câu. Hơn nữa, nếu cô ấy trình diễn hay như thế là vì bắt buộc vì cô ấy sẽ làm nghề  dạy trẻ, chị biết mà. Tối qua, nhà Cox hỏi liệu cô ấy có xon được việc làm ở gia đình giàu có nào không. Chị thấy nhà Cox như thế nào?
-       Cũng như thường ngày thôi: rất thô lỗ.
Harriet ngập ngừng:
-       Họ nói với em một chuyện, nhưng không có ý nghĩa gì.
Emma buộc phải hỏi họ nói gì với cô bé, tuy rằng cô e chuyện này dẫn đến anh Elton.
-       Họ nói với em là ngày thứ Bảy rồi, anh Martin đến ăn tối với họ.
-       À!
-       Anh ấy đến làm việc với ông bố, rồi ông mời anh ở lại để dùng bữa.
-       À!
-       Họ nói nhiều về anh ấy, đặc biệt là Anne cox. Em không rõ cô ấy có ý gj` mà hỏi em có phải em sẽ đi rồi trở lại đây trong mùa hè.
-       Cô ấy chỉ tò mò một cách xấc xược, đúng như tính cách của Anne Cox.
-       Cô ấy kể trong bữa ăn anh ấy tỏ ra dễ mến. Anh ngồi kế cô ở bàn ăn. Cô Nash nghĩ chị em nhà Cox nào cũng vui nếu được kết hôn với anh ấy.
-        Có thể lắm. Chị nghĩ họ đều là những cô gái thô lỗ nhất ở Highbury.
Harriet có việc phải đi đến cửa hàng Ford's. Emma nghĩ nên tỏ ra cẩn trọng mà đi cùng. Cô bé có thể tình cờ gặp lại nhà Martin, và torng tình cảnh hiện tại của cô bé thì như thế là nguy hiểm.
Ham mê mọi thứ và dễ bị dẫn dụ bằng nửa câu mời chào, Harriet mất nhiều thì giờ tại cửa hàng. Trong khi cô bé còn đang chọn lựa mẫu hàng vải, Emma bước ra cửa cho đỡ chán. Dù cho đây là khu vực tấp nập nhất của Highbury, số người qua lại vẫn thưa thớt. Ông Perry vội vã đi ngang qua, ông William Cox bước vào cánh cửa văn phòng, cỗ xe của ông Cole trở về sau chuyến du ngoạn hoặc một cậu bé đưa thư lạc đường trên lưng một con lừa ngoan cố - tất cả đều là quang cảnh sinh động mà cô thường thấy. Khi tầm mắt cô hướng đến cửa hàng thịt, một bà cụ già ăn mặc chỉnh chu đang trên đường về nhà với cái giỏ đầy, hai con chó xấu xí đang giành nhau một mẩu xương dơ dáy, một đám trẻ la cà quanh cửa sổ hàng bánh thèm thuồng nhìn bánh gừng . Emma không đòi hỏi gì hơn, và cảm thấy thích thú để tiếp tục đứng ngoài cửa hàng mà ngắm nhìn. Một tâm hồn thư thái và nhàn hạ, cần phải tìm chuyện gì lạ mắt để nhìn, và nhìn mọi việc mà không thấy có gì lạ lẫm.
Cô nhìn xuống con đường Randalls. Quang  cảnh rộng mở, hai người xuất hiện: chị Weston và con chồng, hai người đang đi vào Highbury – dĩ nhiên là đang hướng về Hart field. Nhưng hai người dừng lại trước nhà bà Bates vốn trên quãng đường gần hơn so với cửa hàng Ford's. Họ chưa kịp gõ cửa thì nhận ra Emma. Họ lập tức băng qua đường đi đến chỗ cô. Không khí vui vẻ trong buổi tụ họp tối qua vẫn còn vương trong cuộc gặp gỡ này. Chị Weston cho cô biết họ định đi thăm nhà Bates để nghe tiếng đàn của chiếc dương cầm mới. Chị nói:
-        Anh ấy bảo tối qua chị hứa với chị Bates là sẽ đến chơi sáng nay. Chị không nhớ chắc mình đã hứa, nhưng vì anh ấy nói thế, nên chị đi.
Frank Churchill nói:
-       Trong khi bà Weston đến chơi ở đây, tôi mong được tháp tùng các cô để chờ bà ở Hartfield. Nếu các cô định trở về nhà.
Chị Weston tỏ ra thất vọng:
-       Tôi nghĩ anh đã định đi với tôi. Họ sẽ rất vui được gặp lại anh.
-       Tôi ấy à! tôi xin từ chối. Nhưng, có lẽ…Tôi đã đến đây rồi. Có vẻ như cô Woodhouse không muốn đi cùng với tôi. Bà bác tôi luôn bảo tôi quay về nhà khi bà đi mua sắm. Bà bảo thấy chán muốn chết khi tôi sốt ruột, và cô Woodhouse xem dường như muốn nói giống như thế. Tôi phải làm gì đây?
Emm nói:
-       Tôi đến đây nhưng không phải vì việc của mình. Tôi đang đứng chờ cô bạn. Có lẽ cô ấy sắp xong, rồi hai chúng tôi sẽ về nhà. Nhưng anh nên đi với bà Weston mà nghe chiếc đàn mới.
-       Được, nếu cô nói thế . Nhưng – anh mỉm cười – nếu Đại tá Campbell có một người bạn vô ý và nếu chiếc đàn có tiếng khác lạ thì tôi phải nói gì? Tôi sẽ không thể giúp gì được cho bà Weston. Một mình bà có thể xoay sở tốt . Bà có thể nói ra sự thật nghe không được thuận tai, nhưng tôi cảm thấy vô cùng khổ sở khi phải giả vờ lịch sự.
Emma nói:
-        Tôi không tin. Tôi nghĩ anh có thể tỏ ra kém chân thật giống như những người láng giềng của anh nếu cần, nhưng không có lý do nào mà tiếng đàn đổi khác. Đúng ra là phải ngược lại, nếu tôi hiểu ý của cô Fairfax nói ra tối qua.
Chị Weston nói:
-        Anh đi với tôi nếu không cảm thấy khó chịu lắm. Ta không cần phải ngồi lâu. Sau đấy, ta sẽ đi về Hartfield. Ta sẽ đi theo hai cô về Hartfield. Tôi thật sự mong có anh đi cùng. Lòng quan tâm như thế là rất hay! và tôi luôn nghĩ anh quan tâm.
Anh không thể nói gì thêm, với hy vọng về Hartfield làm phần thưởng, anh cùng với chị Weston quay trở lại cổng nhà bà Bates. Emma nhìn theo họ, rồi trở vào gặp Harriet tại quầy tính tiền, cho ý kiến về việc chọn lựa màu sắc.
Bà Ford hỏi:
-        Tôi gửi gói hàng đến nhà bà Goddard, phải không ạ?
-       Vâng…không…vâng, đến nhà bà Goddard. Chỉ có điều là chiếc áo maxi của tôi đang ở tại Hartfield. Không, xin bà làm ơn gửi đến Hartfield. Nhưng rồi, bà Goddard sẽ muốn xem…Và tôi có thể mang chiếc áo maxi về nhà ngày nào cũng được, nhưng tôi sẽ cần có ruy băng ngay…nên tốt hơn là  gửi nó đến Hartfield, nhất là cái ruy băng. Bà Ford, xin bà chia ra làm hai gói, được không?
-       Harriet, không đáng phải  bắt bà Ford cất công làm hai gói.
-       Chỉ chút ít thôi.
Vốn thích chiều lòng khách hàng, bà Ford đáp:
-       Không có chi, thưa cô.
-       Nhưng mà thật ra tôi muốn chỉ một gói thôi. Sau đó, xin bà cho gửi tất cả đến nhà bà Goddard...Tôi không rõ…Không, tôi nghĩ….Chị Woodhouse ạ, em có thể cho gửi đến Harttfield rồi tối nay mang nó về nhà. Chị nghĩ thế nào?
-       Chị nghĩ em thay đổi ý kiến xoành xoạch. Bà Ford ạ, xin bà gửi đến Hartfield.
Harriet tỏ ra hài lòng:
-       Vâng, như thế là tốt nhất. Em không thích gửi đến nhà  bà Goddard chút nào.
Những tiếng nói vọng đến – đúng hơn, là một tiếng nói và hai phụ nữ : chị Weston và chị Bates gặp họ ở cửa ra vào.
Chị Bates nói:
-        Cô Woodhouse thân yêu, tôi đến để có hân hạnh mời cô đến chơi với chúng tôi một lát, và để cho ý kiến về chiếc đàn mới, cô và cả cô Smith. Cô Smith vẫn khoẻ chứ?
-       Tôi khoẻ, xin cám ơn chị.
-       Và tôi đã mời chị Weston đến , nên tôi chắc sẽ được….
-       Tôi mong bà Bates và cô Fairfax….
-       Vẫn khoẻ ạ, xin cảm ơn cô. Mẹ tôi vẫn khoẻ mạnh, còn tối qua Jane không bị cảm lạnh gì cả. Ông Woodhouse vẫn khoẻ chứ ạ? Tôi rất vui được nghe ông ấy vẫn bình thường. Chị Weston nói với tôi cô đang ở đây. Rồi tôi nói, tôi phải chạy đến nhanh, tôi tin cô Woodhouse sẽ cho phép tôi khẩn khoản mời cô đến chơi, mẹ tôi sẽ rất vui mà đón tiếp …và bây giờ chúng tôi có một nhóm bạn tốt, bà không thể từ chối. Anh Frank Churchill nói "Đúng, cô nên đi mời. ý kiến của cô Woodhouse là đáng quý", nhưng tôi nói, nếu có nó nđi cùng thì lời mời của tôi được mạnh hơn. Anh ấy bảo "Chờ nửa phút, để tôi xong việc này". Bởi vì, cô Woodhouse, cô có tin không, anh ấy thật là tử tế, đang xiết lại cái đinh tán trên gọng kính của mẹ tôi. Cô biết không, sáng nay cái đinh tán sút ra ngoài..Thật là tử tế…Vì mẹ tôi không dùng được kính…không thể mang được. Và nhân tiện, mọi người nên có hai cặp kính. Jane nói thế. Tôi định mang cặp kính đến John Saunders để sửa, nhưng cả buổi sáng nay cứ mãi bận việc này việc kia, hết việc nọ đến việc khác, không thể kể hết, cô biết đấy .có lúc Patty đến nói cần quét ống khói lò sưởi. Tôi nói với Patty đừng đến báo chuyện không hay. Đinh tán của bà chủ đã sút ra. Rồi người ta  mang bánh nhân táo đến, bà Wallis nhờ bọn trẻ của bà mang đến , nhà Wallis rất tử tế với chúng tôi. Tôi nghe vài người sống bà Wallis có thể xấu bụng và ăn nói cộc lốc, nhưng chúng tôi chỉ thấy bà tỏ ra rất quan tâm đến chúng tôi. Đấy chỉ là do lòng tử tế, vì cô biết đấy, chúng tôi dùng bao nhiêu bánh mì. Nhà chúng tôi chỉ có ba người – ngoài Jane thân thương trong lúc này – và cô ấy không ăn uống gì cả, bữa ăn sáng gây sốc, các cô hẳn sẽ e sợ nếu được thấy. Tôi không dám nói cho bà mẹ biết cô bé ăn ít như thế nào, vì thế tôi kiếm chuyện này chuyện  nọ mà nói cho qua. Nhưng đến giữa trưA thì cô bé bị đói mà chỉ thích ăn bánh nhân táo, và bánh này rất bổ dưỡng, vì ngày nọ tôi nhân cơ hội hỏi ông Perry khi tình cờ gặp ông ấy ngoài phố. Không phải là trước đây tôi nghi ngại – tôi vẫn thường nghe ông Woodhouse khuyên nên dùng táo nướng. Tôi tin đấy là cách duy nhất mà ông Woodhouse nghĩ táo bổ dưỡng nhất. Tuy nhiên, chúng tôi thường dùng bánh hấp táo. Patty làm bánh hấp táo rất ngon. À chị Weston có ưu thế, và các cô sẽ chiều lòng chúng tôi.
Emma tỏ ý rất vui lòng đến thăm bà Bates, vân vân…rồi cuối cùng cả đoàn rời khỏi cửa hàng, nhưng chị Bates vẫn trì hoãn:
-       Bà Ford, bà có khoẻ không? Tôi không thấy bà trước. Tôi nghe nói  bà có bộ ruy băng mới từ thành phố. Hôm qua Jane rất hài lòng khi trở về nhà. Cảm ơn bà, đôi găng rất tốt, chỉ hơi rộng ở cổ tay, nhưng Jane vẫn đang dùng.
Khi họ bước ra đường, chị Bates tiếp tục:
-       Tôi đang nói đến chuyện gì?
Emma tự hỏi trong số bao chuyện hỗn tạp, chị này muốn nói đến chuyện gì.
-       Tôi chịu không nhớ ra mình đang nói đến chuyện gì. À, cặp kính của mẹ tôi. Anh Frank Churchill rất là tử tế. Anh ấy nói "Tôi nghĩ mình có thể xiết chặt cái đinh tán, tôi rất thích làm công việc loại này". Thật ra tôi phải nói rằng, U trước đây tôi đã từng nghe về anh ấy, anh rất giỏi…Chị Weston, tôi xin nồng nhiệt chúc mừng chị. Anh ấy có vẻ như là người mà cha mẹ thương yêu nhất có thể…Anh ấy nói "Tôi có thể siết chặt cái đinh tán, tôi rất thích làm công việc này". Tôi sẽ không bao giờ quên nghĩa cử của anh ấy. Và khi tôi mang chiếc bánh nhân táo từ trong chạn ra, mong những vị khách của mình chiều lòng mà dùng thử một ít, thì anh nói ngay "Không có cách nào khác làm ngon hơn, đây là món táo nướng tại nhà trông ngon lành nhất mà tôi đã từng thấy trong đời". Đấy, các cô biết không, nghe thật là…Và tôi biết, qua cử chỉ của anh ấy, đấy không phải là lời khen ngợi suông. Mấy quả táo đó ngon thực sự, và bà Wallis đã cất công làm cho ngon hơn…Có điều chúng tôi chỉ nướng hai lần, còn ông Woodhouse bắt chúng tôi phải hứa là nướng tới ba lần… nhưng cô Woodhouse sẽ tử tế mà không nói ra việc này. Chính mấy quả táo thuộc loại tốt nhất để nướng, đúng như thế , tất cả là từ Donwell – một số là  do anh Knightley hào phóng biếu cho. Mỗi năm anh ấy đều gửi cho chúng tôi một bao, không nơi nào      khác cho loại táo để dành được lâu như táo vườn nhà anh ấy , tôi nghĩ anh ấy có hai cây. Mẹ tôi nói vườn cây ăn quả của anh đã luôn nổi tiếng từ khi bà còn trẻ. Nhưng ngày nọ tôi thật sự hơi bị sốc, vì một buổi sáng anh Knightley đến thăm Jane đang ăn táo ấy, rồi chúng tôi nói về chuyện táo và cho biết conbé rất thích táo loại này. Rồi anh ấy hỏi chúng tôi đã dùng hết phần táo trong nhà chưa . Anh nói “Tôi tin sắp hết , tôi sẽ gửi thêm vì còn dư, dùng không hết. Năm nay William Larkins để lại cho tôi nhiều hơn mọi năm . Tôi sẽ gửi thêm cho cô, kẻo muộn thì không ai dùng được “. Thế là tôi xin anh ấy đừng “Vì thật sự chúng tôi đã dùng hết, tôi không thể nói chắc là còn nhiều, chỉ dăm bảy quả nhưng phải để dành cho Jane, và tôi không thể chịu được khi anh ấy gửi thêm vì anh đã hào phóng rồi. Còn Jane cũng nói thế. Rồi sau khi anh ra về, con bé gần như tranh cãi với tôi . Không, tôi không nên nói tranh cãi, vì cả đời chúng tôi không hề tranh cãi với nhau. Chỉ vì con bé khá bứt rứt do thấy táo không còn nhiều, con bé ước gì tôi nói cho anh ấy tin là chúng tôi còn nhiều. Ôi chao, tôi nói đúng là tôi đã nói còn nhiều. Tuy thế, buổi tối cùng ngày William Larkins đến với một giỏ đầy táo, cùng loại táo ấy, ít nhất là một giạ. Tôi rất biết ơn, trò chuyện với William Larkins , và nói nhiều chuyện , như các cô hẳn biết . William Larkins quả là một người quen biết lâu năm ! tôi luôn vui mỗi khi gặp ông . Nhưng, tuy thế, sau đấy Patty cho tôi biết William nói đó là tất cả táo loại ấy  còn lại mà ông chủ anh có, anh ấy đã mang đến hết , nên bây giờ ông chủ anh không có gì để nướng hoặc nấu. William xem như không nề hà gì, anh ấy được vui vì ông chủ anh đã bán được nhiều, bởi  vì, William, các cô biết đấy, quan tâm đến lợi tức của ông chủ anh hơn là bất kỳ việc gì khác, nhưng anh ấy nói bà Hodges không lấy làm vui vì bao nhiêu táo đã được mang đi hết . Bà không chịu được khi thấy ông chủ không có món bánh mứt táo vào mùa xuân này. Anh ấy kể với Patty chuyện này, nhưng yêu cầu đừng để tâm đến, vì đôi lúc bà Hodges cáu gắt, khi nhiều giỏ táo được bán ra thì không cần biết ai đã ăn phần còn lại. Vì thế, Patty kể cho tôi nghe, và thật sự bị sốc! tôi không muốn anh Knightley biết chuyện này. Anh ấy sẽ rất …Tôi muốn giấu Jane, nhưng không may là tôi đã lỡ nói ra trước khi biết mình nói gì.
Chị Bates vừa nói xong thì Patty ra mở cửa. Những vị khách của chị bước lên tầng trên mà không còn có chuyện kể nào bị phải nghe, chỉ bị đeo bám bằng thiện ý đâu đâu .
Chị Weston, xin coi chừng, có một bậc thềm ở khúc rẽ. Cô Woodhouse, xin coi chừng, thang lầu nhà chúng tôi hơi tối – tối hơn và hẹp hơn là       chúng tôi muốn . Cô Smith, xin coi chừng, cô Woodhouse, tôi thật lo, tôi e cô sắp ngã. Cô Smith, bậc thềm ở khúc rẽ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2011 14:28:52 | Chỉ xem của tác giả
Chương 10


Phòng gia đình nơi họ bước vào có không khí yên tĩnh. Không thể làm công việc thường lệ, bà Bat4es thiu thiu ngủ bên lò sưởi. Frank Churchill ngồi ở chiếc bàn gần đấy, đang chăm chỉ bận rộn với cặp kính của bà.
Còn Jane Fairfax đang đứng quay lưng về phía hai người, mải mê với chiếc dương cầm của cô.
Tuy nhiên, dù đang bận rộn, gương mặt anh trai trẻ vẫn tỏ ra vui khi gặp lại Emma. Anh nói với giọng nhỏ nhẹ;
-       Thật là vui khi cô đến mười phút sớm hơn tôi dự kiến. Cô thấy tôi đang cố tỏ ra hữu ích; xin cho tôi biết tôi sẽ thành công.
Chị Weston nói:
-        Cái gì? Anh chưa xong à? Anh không thể sinh sống bằng nghề thợ bạc theo cách này.
-       Tôi không làm  việc liên tục. Tôi giúp cô Fairfax điều chỉnh chiếc đàn; nó bị chông chênh vì tôi nghĩ được đặt trên sàn nhà không bằng phẳng. Bà thấy đấy, chúng tôi lấy giấy để chêm một chân. Bà rất tử tế mà nghe thuyết phục để đến đây. Tôi đã e bà phải vội về nhà.
Anh xoay sở để chị ngồi bên anh, tìm chiếc bánh nướng nhân táo ngon nhất cho chị, cố tạo cơ hội cho chị giúp đỡ hoặc cố vấn công việc của anh, cho đến khi Jane Fairfax sẵn sàng ngồi lại với chiếc đàn. Emma nghĩ Jane Fairfax chưa sẵn sàng vì lý do hồi hộp, vẫn còn xúc động vì mới nhận chiếc đàn không lâu, và cần thời gian để thể hiện tài năng trên chiếc đàn mới. Emma thương hại cho Jane dù là vì lý do nào, nhưng quyết không bỉêu lộ cảm nghĩ của mình.
Cuối cùng Jane bắt đầu chơi đàn. Dù vài đoạn đầu cô chơi còn yếu, dần dà chất lượng của chiếc đàn được phát huy. Chị Weston đã thích thú lúc trước, bây giờ thích thú thêm lần nữa . Emma góp lời ca ngợi. Chiếc đàn cũng được ngợi khen, với một ít ý kiến thiên vị cho phải phép.
Frank Churchill mỉm cười nói với Emma:
-       Dù Đại tá Campbell có nhờ đến ai, người này đã chọn lựa đúng đắn. ở Weymouth, tôi đã nghe nhiều người nói Đại Tá Campbell có trình độ thưởng thức cao. Những nốt nhạc cao có âm thanh dịu ngọt cho thấy chiếc đàn là đúng như ông và mọi người kỳ vọng. Cô Fairfax, tôi dám nói rằng ông ấy hoặc cho chỉ thị chi tiết, HOẶc tự mình biên thư cho Broađwood. Cô có nghĩ thế không?
Jane không quay lại nhìn. Cô không muốn nghe. Chị Weston đang trò chuyện với cô.
Emmar khe khẽ nói:
-       Thế là không công bằng . Tôi chỉ võ đoán thôi. Đừng làm cô ấy phân tâm.
Anh mỉm cười lắc đầu, ra vẻ như thể anh không còn gì để nghi ngờ và không muốn giữ kẽ. Rồi anh lại bắt đầu:
-       Cô Fairfax, những người cô quen biết hẳn đang vui thú ở Ireland trong dịp này. Tôi dám nói họ thường nghĩ đến cô, và tự hỏi đấy sẽ là ngày nào, ngày mà chiếc đàn được mang đến đây. Cô có nghĩ giờ này đại tá Campbell biết sự việc tiến triển như thế nào không? Cô có nghĩ đấy là do ông muốn giao hàng ngay, hoặc ông chỉ đưa ra yêu cầu chung chung, đặt hàng mà không đưa ra thời hạn, chỉ tuỳ theo sự thuận lợi?
Anh ngưng lại.
Không thể nào cô không nghe được. Cô đành phải đáp:
-       Tôi không nghĩ ra được gì cho đến khi nhận được thư của Đại tá Campbell. Tất cả chỉ là ức đóan.
-       ức đoán – đúng, đôi lúc người ta ức đoán đúng, đôi lúc sai. Ước gì tôi có thể ức đoán khi nào tôi siết chặt được con đinh tán này. Cô Woodhouse ạ, khi đang cật lực làm việc mà người ta trò chuyện thì toàn nói càn bậy. Tôi nghĩ những nghệ sĩ thực sự như cô đều giữ im lặng nhưng bọn quý phái chúng tôi làm việc khi nắm giữ thông tin – cô Fairfax nói về ức đoán. Đây này, việc đã xong. – Anh quay sang bà Bates – Thưa bà, tôi lấy làm vui đã sửa lại cặp kính của bà, dùng tốt được trong lúc này.
cả hai mẹ con nồng nhiệt cảm ơn anh. Để trốn tránh khỏi ngôn từ của người con, anh đi đến bên chiếc đàn để van nài cô Fairfax đàn thêm bản nữa. Anh nói:
-       Nếu cô vui lòng chơi một trong bản luân vũ mà chúng ta nhảy tối hôm qua, hãy để cho tôi sống lại với bản nhạc một lần nữa. Cô đã không thấy thích thú, cô có sự mệt mỏi cả buổi tối. Tôi tin cô thấy vui vì chúng ta không khiêu vũ với nhau nữa, nhưng tôi hẳn có thể cho tất cả trên đời – tất cả mọi thứ trên đời mà người ta có đây để kéo dài thêm nửa giờ.
Cô đàn tiếp.
-       Thật là tuyệt vời khi nghe lại một giai điệu đã từng làm cho người ta hạnh phúc! Nếu tôi không nhầm, đây là bản nhạc mà người ta chơi khi khiêu vũ ở Weymouth.
Cô nhìn anh một thoáng chốc, mặt đỏ bừng, rồi đàn bài khác. Anh cầm lấy một bản nhạc từ chiếc ghế gần chiếc đàn, rồi quay sang Emma nói:
-        Tôi chưa từng biết qua bản này. Cô có biết không?
-       Cramer.
-       Và đây là những giai điệu mới của Ireland. Tất cả đều được gửi theo chiếc đàn. Đại Tá Campbell rất chu đáo đấy chứ? Ông ấy biết cô Fairfax không thể tìm ra sách nhạc ở đây. Tôi đánh giá cao lòng quan tâm này, cho thấy thiện ý từ cả tấm lòng. Không có gì là gấp gáp, không có gì là thiếu sót. Chỉ có tình thương mến thật sự mới làm được như thế.
Emma ước gì anh đừng nói năng bộc trực, nhưng cô lấy làm thích thú, khi liếc nhìn Jane Fairfax cô kịp nhận ra nửa nụ cười mỉm; khi thấy khuôn mặt ửng đỏ cô nhận ra niềm vui thầm kín mà không cảm thấy thắc mắc về sự thích thú của mình, càng không ân hận mình đã ngộ nhận về Jane. Cô Jane Fairfax dễ mến, ngay thẳng này quả nhiên là đang ấp ủ tâm tư đáng bị khiển trách.
Anh mang tất cả bản nhạc đến cho Emma, và hai người cùng xem qua. Emma lợi dụng cơ hội này để thầm thì:
-       Anh nói quá thẳng thắn. Cô ấy phải hiểu ý anh ra sao.
-       Tôi mong cô ấy hiểu. Tôi muốn cô ấy hiểu tôi. Tôi không hề xấu hổ vì ý nghĩ của mình.
-       Nhưng tôi xấu hổ phần nào, và ước gì mình đã không nắm bắt lấy ý nghĩ đó.
-       Tôi vui vì cô đã nắm bắt, mà còn nói cho tôi nghe. Bây giờ tôi đã tìm ra chìa khóa cho tất cả dáng vẻ và hành động của cô ấy. Để cho cô ấy tự xấu hổ. Nếu sai trái, cô ấy tự nhận biết được.
-       Tôi nghĩ cô ấy nhận biết.
-       Tôi không nhận ra. Cô ấy đang chơi Robin Adair mà cô ấy rất thích.
Một lúc sau, chị Bates khi đi ngang qua cửa sổ nhận ra anh Knightley đang trên lưng ngựa.
-       Đúng là anh Knightley! Tôi phải nói chuyện với anh ấy nếu được, chỉ để cảm ơn. Tôi sẽ không mở cửa sổ này kẻo quý vị bị cảm lạnh, nhưng tôi có thể đi vào phòng mẹ tôi. Tôi tinh anh ấy sẽ vào khi biết có ai đang ở đây. Thật là vui có quý vị gặp nhau như thế này. Nhà cửa chật chội của chúng tôi rất hân hạnh đón tiếp!
Chị đã bước vào phòng bên khi vẫn còn đang mở miệng. Rồi chị mở cửa sổ, gọi đến anh Knightley, và mọi người đều nghe mồn một tiếng của chị như thể trong cùng một gian phòng.
-       Anh khoẻ chứ? Anh khoẻ chứ? …rất khoẻ, cảm ơn anh. Rất cảm kích anh đã cho đi nhờ xe tối hôm qua. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu, mẹ tôi chỉ mới sẵn sàng. Xin mời anh vào, anh cứ vào. Anh sẽ gặp vài người bạn ở đây.
Chị Bates bắt đầu như thế, dường như anh Knightley muốn mọi người cũng nghe mình, nên anh cất giọng rõ ràng:
-       Cháu gái chị như thế nào, hở chị Bates? Tôi muốn hỏi thăm tất cả, nhưng đặc biệt là cháu gái chị. Cô Fairfax có khoẻ không? Tôi mong tối qua cô ấy không  bị cảm lạnh. Hôm nay cô ấy thế nào? Xin cho tôi biết cô ấy khoẻ không.
Rồi chị Bates phải trả lời ngay trước khi anh muốn nghe chuyện khác. Người nghe cảm thấy nực cười, chị Weston hướng đến Emma một tia nhìn đầy ý nghĩa. Nhưng Emma vẫn lắc đầu tỏ ý nghi ngờ.
Chị Bates tiếp:
-        Rất cảm ơn anh! Rất cảm ơn đã cho đi nhờ xe.
Anh ngắt lời chị:
-       Tôi sẽ đi Kingston. Chị có nhờ gì không?
-       Ôi chao! Kingston à? Anh đi à? Ngày nọ, bà Cole nói muốn mua gì đấy ở Kingston.
-       Bà Cole có thể phái gia nhân. Tôi có thể mua gì cho chị không?
-       Không, tôi xin cảm ơn anh. Nhưng mời anh vào. Anh thử đoán có ai ở đây? Cô Woodhouse và cô Smith, đã tử tế đến thăm để nghe chiếc đàn mới. Anh cứ gửi ngựa ở Công xá rồi vào đây.
Anh nói với  vẻ cân nhắc:
-        Vâng, có lẽ trong năm phút.
-       Ở đây cũng có chị Weston và anh Frank Churchill! Rất vui, nhiều bè bạn.
-       Không, bây giờ thì không được, xin cảm ơn chị. Tôi không thể lưu lại dù chỉ hai phút. Tôi phải đi Kingston càng nhanh càng tốt.
-       Ôi chao! Xin cứ vào. Họ sẽ rất vui được gặp anh.
-       Không, không, phòng của chị đã đầy. Ngày sau tôi sẽ đến thăm và nghe tiếng dương cầm.
-       À, tôi rất tiếc. Này, anh Knightley, buổi tối hôm qua thật vui, dễ chịu làm sao. Có bao giờ anh thấy khiêu vũ như thế chưa ? Vui phải không? Cô Woodhouse và anh Frank Churchill, tôi chưa bao giờ thấy hay ho như thế.
-       Vâng, đúng là thật hay. Tôi không thể nói kém hơn, vì tôi đoán cô Woodhouse và anh Frank Churchll nghe rõ từng lời. Và – anh càng cất tiếng to hơn – tôi thấy cũng nên nhắc đến cô Fairfax. Tôi nghĩ cô Fairfax khiêu vũ rất đẹp, còn chị Weston là người nhảy điệu đồng quê hay nhất ở Anh Quốc, không có ngoại lệ. Bây giờ nếu các bạn của chị có lòng cảm kích, họ sẽ nói cái gì đấy để đáp lại chị và tôi , nhưng tôi phải đi nên không thể nghe được.
-       Ôi chao! Anh Knightley, anh nán lại một tí, có một chuyện quan trọng – gây sốc! – Jane và tôi đều cảm thấy sốc vì mấy quả táo!
-       Có việc gì thế?
-       Cứ nghĩ đến việc anh đã gửi cho chúng tôi hết cả mớ táo còn lại! anh bảo anh có nhiều, nhưng bây giờ anh không còn gì cả. Chúng tôi thực sự bị sốc! Bà Hodges có thể tức giận. William Larkins đã nói với chúng tôi ở đây về việc này. Đáng lẽ anh không nên làm như thế, đúng là không nên.À! Anh ấy đã đi. Anh không bao giờ chấp nhận được cảm ơn. Nhưng tôi nghĩ đáng lẽ anh ấy nên lưu lại, và tiếc là đã không nói đến…À – co bước vào trở vào căn phòng – tôi đã không giữ anh ấy lại được. Anh Knightley không thể dừng bước. Anh ấy đang đi Kingston. Anh ấy hỏi tôi cần gì không…
Jane nói:
-        Vâng, mọi người đã nghe anh ấy tử tế muốn giúp, mọi người đã nghe tất cả.
-       Ôi trời! Vâng, cháu yêu ạ, cô biết cháu có thể nghe bởi vì cháu biết mà, cửa cái đang mở, và cửa sổ đang mở còn anh Knightley nói to tiếng. Chắc chắn là cháu đã nghe tất cả. Anh ấy nói "Chị có nhờ gì không"" nên tôi chỉ nói …Ôi chao! Cô Woodhouse, cô phải ra về à? Cô chỉ mới đến….cô thật tử tế.
Emma thấy đã đến lúc nên về nhà, chuyến thăm viếng kéo dài quá lâu. Khi cô xem đồng hồ, gần trọn buổi sáng đã trôi qua, thế nên chị Weston và anh Frank Churchill cũng muốn từ giã, chỉ có thể đi cùng hai cô gái tới cổng nhà Hartfield rồi họ trở về Randalls.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách