Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: ht_216
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Phía Bên Kia Nửa Đêm | Sidney Sheldon

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:42:55 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 5
NOELLE

Paris 1940



Ngày thứ Bảy, 14 tháng Sáu năm 1940, đạo quân thứ năm của Đức tiến vào thành Paris đang bàng hoàng.

Phòng tuyến Maginot trở thành thảm hại lớn nhất trong lịch sử chiến tranh và nước Pháp đứng trơ trọi trước một trong những bộ máy quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết đến.

Cái ngày hôm đó bắt đầu với một không khí xám xịt lạ lùng bao trùm lên khắp thành phố, một đám mây kỳ quặc đầy đe doạ. Trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ, tiếng súng gián cách đã phá vỡ không khí im lặng thất thường đầy kinh hoàng của Paris. Tiếng gầm của đại bác còn ở ngoài thành phố, song tiếng vang đã làm xao xuyến tận trái tim Paris. Đã có nhiều tin đồn dồn dập như sóng triều trên đài phát thanh, trên các báo chí và truyền miệng. Quân đội của Boche đang chiếm đóng bờ biển nước Pháp… London đã bị hủy diệt… Hitler đã đạt được một thoả ước với chính phủ Anh… Người Đức sẽ làm cỏ Paris bằng một trái bom mới ghê rợn. Thoạt đầu mỗi tin đồn được coi như một đoạn Phúc âm, tạo ra một nỗi kinh hoàng riêng, nhưng những sự khủng hoảng thường xuyên tạo ra một hiệu quả tê liệt, như thể đầu óc và cơ thể người ta không còn có khả năng tiếp nhận được thêm sự hoảng sợ nào nữa, mà co rút lại trong một lớp bảo vệ không còn cảm giác gì… Đến lúc này cỗ máy tin đồn đã hoàn toàn ngừng trệ, báo chí đình bản, các đài phát thanh ngừng loan tin. Bản năng của con người đã thay thế cho những cỗ máy đó, và người Paris cảm thấy đây là ngày phán quyết rồi. Đám mây xám xịt kia chính là một điềm báo trước.

Và giờ đây đám giặc châu chấu Đức đã kéo đến bu đầy.

Đột nhiên Paris trở thành một thành phố đầy những bộ quân phục lạ và những người ngoại quốc, nói một thứ tiếng nghe kỳ cục, đầy giọng cổ họng, ngồi trên những chiếc xe Mercedes mui trần có treo cờ Quốc xã, phóng nhanh trên các đại lộ rộng rãi đầy bóng cây hai bên hoặc họ xô đẩy nhau trên những vỉa hè mà nay đã thuộc về họ.

Họ quả là những uber Mensch(1), số phận đã giao cho họ nhiệm vụ đi chinh phục và thống trị thế giới.

Trong vòng hai tuần lễ một sự thay đổi lạ lùng đã diễn ra tại đây. Khắp nơi thấy xuất hiện những tấm biển báo bằng tiếng Đức. Tượng của các anh được treo la liệt khắp các dinh thự nhà nước. Những cố gắng của người Đức muốn tiêu diệt mọi cái gì thuộc người Gaulois đã đi đến chỗ quá tải tới mức nực cười. Cái dấu chỉ vòi nước nóng lạnh được trường Broglie ở Strasbourg trở thành Adolf Hitler Platz. Những bức tượng Lafayettes, Ney và Kleber bị các đội quân Quốc xã đặt mìn phá hủy. Hàng chữ trên những tượng đài tưởng niệm đã khuất được thay bằng GEFALLEN FUR DEUTSCHLAND(2)

Đội quân Đức chiếm đóng bắt đầu ăn chơi xả láng. Dù thức ăn của Pháp có qua phong phú và được phủ quá nhiều nước xốt, nó vẫn là một cách thay đổi khẩu vị dễ chịu so với những xuất ăn thời chiến. Binh lính không biết và cũng không thèm đếm xỉa đến một sự thật là Paris là thành phố của Baudelaire, Dumas và Molière. Đối với họ, Paris là một con điếm nồng nàn, lòe loẹt, son phấn quá nhiều, váy cuốn lên tận bẹn. Bọn họ có thể hiếp con mụ này, mỗi đứa theo một kiểu. Bọn lính xung kích lôi các cô gái trẻ Pháp vào giường ăn nằm với chúng có khi bằng cả mũi lê, trong khi đó bọn cấp trên của họ như Goering và Himler thì hiếp viện bảo tàng Louvre và những bất động sản tư nhân mà họ đã tịch thu được bằng cách gian tham, từ tay các kẻ thù mới được dựng nên của Đế chế Reich.

Nếu như trong thời gian ở Pháp diễn ra cuộc khủng hoảng có những kẻ hủ hoá, cơ hội trỗi dậy thì đồng thời cũng có những người anh hùng. Một trong những vũ khí bí mật của phong trào hoạt động ngầm, chính là đội cứu hoả Pompier mà ở Pháp nó được đặt dưới sự chỉ đạo của quân đội Quân Đức đã tịch thu hàng chục dinh thự để dùng cho quân đội, cho mật thám Gestapo và các bộ phận khác nữa. Tất nhiên vị trí của những toà nhà này thì ai cũng biết.

Tại một trụ sở của phong trào kháng chiến bí mật ở Saint Remmy các lãnh tụ kháng chiến đang gập người trên những tấm bản đồ ghi rõ chi tiết vị trí của từng dinh thự.

Sau đó người ta phân công cho các chuyên gia nghiên cứu các mục tiêu, rồi ngày hôm sau một chiếc ô tô phóng với tốc độ cao hoặc một anh chàng có về ngây ngô cưỡi xe đạp qua một dinh thự nào đó, liệng một trái bom tự tạo qua cửa sổ. Cho đến thời điểm đó, những thiệt hại gây ra không đáng kể. Tinh chất ngây thơ của kế hoạch này được thể hiện rõ nhất trong sự kiện sau đây:

Người Đức thường gọi đội Lính cứu hoả đến dập tắt các đám cháy. Ngày nay ở tất cả mọi nước người ta đều biết rằng một khi có vụ hoả hoạn nào, đội cứu hoả được toàn quyền hành động. Tình hình lúc đó ở Paris cũng vậy.

Đội Pompier lao tới toà nhà đó, và trong lúc bọn Đức đứng hiền lành ở bên ngoài, giương mắt nhìn thì đội lính cứu hoả phá hủy mọi thứ trong tầm nhìn bằng vòi bơm cao áp, bằng rìu và khi có cơ hội, họ còn dùng cả bom cháy nữa.

Với biện pháp này, tổ chức hoạt động bí mật đã tìm cách phá hủy nhiều hồ sơ vô giá được bảo quản kỹ trong các pháo đài của Wchracht và Gestapo. Phải gần sáu tháng sau Bộ chỉ huy tối cao Đức mới dò được thực chất của những chuyện đã xảy ra, nhưng tới lúc đó những thiệt hại gây ra không thể sửa chữa được. Gestapo không có bằng chứng gì, song mọi thành viên của đội Lính cứu hoả đã bị động viên và gửi hết sang mặt trận phía đông đánh nhau với Nga.

Thiếu thốn đủ mọi thứ, từ thức ăn tới bánh xà phòng. Không xăng dầu, thịt cá, không bơ sữa. Quân Đức tịch thu hết thảy. Các tiệm bán đồ xa xỉ vẫn còn mở cửa, song khách hàng ra vào đây chỉ là bọn lính tráng thanh toán bằng những tờ giấy bạc mark ở vùng chiếm đóng, những tờ giấy bạc này cũng giống như những tờ mark khác, song thiếu một dải trắng ở bên gờ và dưới lời hứa thanh toán không thấy có chữ ký nào cả.

- Ai sẽ thanh toán những tờ giấy này? - Các chủ tiệm người Pháp cằn nhằn.

Bọn lính Đức nhăn nhở:

- Đã có Ngân hàng Anh quốc.

Song không phải tất cả những người Pháp đều chịu thiệt thòi. Đối với những người có tiền và quan hệ buôn bán, lúc nào cũng tồn tại loại chợ đen.

Sự chiếm đóng ảnh hưởng rất ít đến cuộc đời Noelle Page. Nàng đang làm người mẫu cho tiệm Chanel ở phố Canbon trong một toà nhà làm bằng đá xám đã được một thế kỷ rưỡi, toà nhà này bề ngoài trông rất bình thường, song trang trí nội thất bên trong rất lịch sự. Cuộc chiến này cũng như mọi cuộc chiến khác, đã tạo nên loại triệu phú phất lên nhanh chóng và vẫn không thiếu các khách hàng. Những lời đề nghị chuyển tới cho Noelle nhiều hơn bất kỳ lúc nào, duy chỉ khác ở một điểm là đa số những thư từ này viết bằng tiếng Đức. Những lúc nàng nghỉ không làm việc, nàng thường ngồi hàng giờ ở các quán cà phê ngoài trời ở Champs - Élysées hoặc bên tả ngạn gần Cầu Mới. Có hàng trăm đàn ông Đức bận quân phục, nhiều người đẹp trai đi cặp kè với bọn con gái trẻ Pháp.

Đám đàn ông dân thường người Pháp thì hoặc là già khọm hoặc là tật nguyền, Noelle cho rằng bọn trai tráng khoẻ mạnh đã gửi đi các trại tập trung hoặc bị ép đi quân dịch hết rồi. Chỉ liếc mắt là nàng có thể nhận ra ngay bọn đàn ông Đức dù họ không mặc quân phục. Sự kiêu căng lộ rõ ra trên nét mặt họ, dáng điệu mà bọn người đi chinh phục đã có từ thời Aìexander và Hadrian. Noelle không ghét họ, mà cũng chẳng ưa gì họ. Họ chưa đụng đến nàng.

Nàng còn đang bận rộn với đời sống nội tâm, nàng đang chuẩn bị tỉ mỉ từng động tác một. Nàng biết chính xác cái đích mà nàng sẽ đạt tới, và nàng không biết có gì chặn được nàng lại. Một khi nàng có đủ tiền, nàng sẽ thuê một thám tử tư, người này đã tiến hành vụ ly hôn cho một cô bạn cùng làm người mẫu một nơi với nàng. Người thám tử này tên là Christian Barbet, ông ta có một căn phòng nhỏ tồi tàn ở phố St. Lazare, bên ngoài có treo tấm biến.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:44:08 | Chỉ xem của tác giả
"Dịch vụ điều tra
Chuyện riêng tư và thương mại
Tìm kiếm tin tức
Chứng cứ
Theo dõi"

Tấm biển dường như còn lớn hơn cả căn phòng. Barbet là người lùn tè, hói trán, hàm răng vàng khè khấp khểnh, cặp mắt ti hí, ngón tay ám khói thuốc đen kịt.

- Cô cần gì vậy? - Ông ta hỏi Noelle.

- Tôi cần biết tin tức về một người hiện ở Anh.

Ông nháy mắt, nghi ngờ:

- Cô cần loại tin gì?

- Về mọi thứ tin tức. Anh ta có vợ chưa, đã gặp ai.

- Nghĩa là mọi thứ chuyện. Tôi cần lập một cuốn sổ theo dõi anh ta.

Barbet lấy tay thận trọng gãi tai, nhìn nàng chằm chằm.

- Anh ta là người Anh?

Không, người Mỹ. Anh ta là phi công trong phi đoàn Phượng Hoàng thuộc Không lực Hoàng gia Anh.

Barbet xoa đỉnh đầu, vẻ băn khoăn.

- Không được. Chúng ta đang ở trong thời chiến. Nếu người ta bắt được tôi tìm cách lấy tin tức từ nước Anh về một phi công thì…

Ông ta kéo dài giọng và nhún vai đầy ý nghĩa.

- Người Đức sẽ bắn tôi trước, sau đó mới thẩm vấn.

- Tôi không cần đến những tin tức quân sự - Noelle nói cho ông ta yên tâm. Nàng mở ví, rút ra một tập giấy bạc franc. Barbet hau háu nhìn tập bạc.

- Tôi có những người thân ở Anh - Ông thận trọng bảo - song làm việc này cũng rất tốn kém.

Và thế là công việc bắt đầu. Ba tháng sau ông thám tử lùn tè kia điện thoại cho Noelle. Nàng lại tới văn phòng và câu đầu tiên nàng hỏi là: "Y còn sống không?" và khi Barbet gật đầu, nàng co rúm người lại vì đau khổ, Barbet nhủ thầm "Được", một người yêu như vậy hẳn phải tuyệt vời lắm.

- Anh bạn của cô đã được điều động đi nơi khác rồi - Barbet báo cho cô biết.

- Đi đâu?

Ông cúi xuống một tập giấy để trên bàn:

- Y thuộc phi đoàn 609 Không quân Hoàng gia. Đã chuyển sang phi đoàn 121 đóng ở sân bay Martlesham Đông, tỉnh East Anglia. Y đang bay loại máy bay Cơn bã…ão.

- Tôi không cần đến chi tiết đó.

- Nhưng cô đã trả tiền - Ông nói - Cô sẽ thấy là tiền của cô cũng đáng giá - Ông ta lại cúi xuống nhìn tập giấy - Hiện nay y đang bay loại máy bay Cơn bão. Trước đây bay loại Trâu Mỹ.

Ông lật qua trang rồi nói thêm:

- Đây là những chuyện hơi riêng tư.

- Ông nói tiếp đi! - Noelle giục.

Barbet nhún vai:

- Có một danh sách tên những cô gái mà y vẫn thường ăn nằm. Không biết cô có cần quan tâm…

- Tôi đã nói là mọi chuyện cơ mà.

Giọng nàng có vẻ là lạ khiến cho ông ta nản. Chuyện này có điều gì đó rất khác thường, không chân thực.

Christian Barbet là loại thám tử hạng ba cũng chỉ giao dịch với loại khách hàng hạng ba mà thôi, song cũng chính vì thế mà ông phát triển một bản năng hoang dã khi tìm kiếm sự thật và rất thích đánh hơi ra những sự kiện. Cô gái xinh đẹp đang đứng trong văn phòng của ông khiến ông thấy lúng túng. Lúc đầu Barbet cho rằng cô ta định lôi cuốn ông tham gia vào một điệp vụ. Sau đó ông cho rằng nàng là một người vợ bị ruồng rẫy đang muốn tìm bằng cớ chống lại chồng nàng. Ông thừa nhận là ông đã lầm khi nhận định như vậy và đến bây giờ thì ông hoàn toàn mất phương hướng không biết cô khách hàng của ông cần gì và tại sao lại như vậy. Ông trao cho Noelle danh sách các cô bạn gái của Larry Douglas và quan sát vẻ mặt nàng khi nàng cầm nó để đọc. Có lẽ nàng cầm bảng thống kê quần áo giặt cũng như vậy thôi.

Nàng đọc xong, ngẩng lên nhìn. Christian Barbet hoàn toàn bất ngờ rằng khi nghe nàng nói tiếp.

- Tôi rất hài lòng.

Ông ta hấp háy mắt, nhìn nàng.

- Khi nào ông có tin gì mới, ông hãy gọi ngay cho tôi.

Noelle Page ra về đã lâu rồi, Barbet còn ngồi lại trong văn phòng, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, băn khoăn không hiểu người khách hàng kia thực sự muốn theo đuổi việc gì.
***

Các nhà hát Paris bắt đầu lại nở rộ. Người Đức đi nhà hát là để kỷ niệm những chiến thắng của họ, để khoe với thiên hạ những chiến thắng của nó và để trưng với thiên hạ bọn phụ nữ Pháp xinh đẹp họ khoác tay đưa theo như những chiến lợi phẩm. Còn người Pháp đến nhà hát là để quên đi trong vài giờ cái thân phận của một dân tộc bất hạnh bị thất bại.

Hồi ở Marseille, Noelle cũng có đến nhà hát vài ba lần, song nàng chỉ được xem những vở kịch nghiệp dư nhẹ nhàng do những tài tử hạng tư biểu diễn trước quần chúng khán giả thờ ơ mà thôi. Còn nhà hát ở Paris lại là chuyện khác. Nó sống động, lung linh, chứa đầy trí tuệ và duyên dáng của Molière, Racine và Colette. Nghệ sĩ vô song Sacha Guiltry đã khai trương nhà hát của ông, Noelle đã tới xem ông biểu diễn. Nàng đến xem vở "Cái chết của Danton" của Bunchner được dựng lại và một vở kịch có tiêu đề Asmodée của tác giả trẻ đầy triển vọng tên là François Mauriac. Nàng đến rạp Hí kịch Pháp để xem vở Mỗi người có một sự thật riêng của Pirandello và vở Cyrano de Begerac của Rostand.

Noelle lúc nào cũng đi một mình, và nàng hoàn toàn đắm mình vào những tình tiết diễn viên trên sân khấu mà quên hết rằng có biết bao nhiêu con mắt nhìn nàng chằm chằm đầy thán phục. Đằng sau dãy đèn sân khấu hình như có một điều gì kỳ lạ đang gây cho nàng một phản ứng. Nàng đang đóng một vai giống như những diễn viên trên sân khấu, nàng đang cố trở thành một nhân vật chứ không còn là bản thân nàng nữa đằng sau một tấm mặt nạ.

Đặc biệt vở kịch Huis Clos của Jean Paul Sartre đã gây cho nàng ấn tượng sâu sắc. Vở này do Philippe Sorel đóng vai chính, ông là một trong những thần tượng của Châu Âu. Sorel là một người xấu trai, lùn tịt gân guốc với một chiếc mũi gẫy và một bộ mặt của võ sĩ quyền Anh. Thế nhưng cứ mỗi khi ông cất tiếng nói thì một ma thuật lại diễn ra. Ông như đẹp ra và nhạy cảm. Cứ như tà chuyện cổ tích ông Hoàng và con Nhái vậy, Noelle nghĩ thầm mỗi khi xem ông biểu diễn. Chỉ có điều ông là cả hai hình tượng cùng một lúc. Nàng đã ngắm nhìn ông nhiều lần, nàng ngồi ở ngay hàng ghế đầu nghiên cứu cách diễn xuất của ông, cố học cho được bí quyết của cái ma lưc hấp dẫn ở ông.

Một buổi tối, vào giờ giải lao, người dẫn chỗ trao cho Noelle một mảnh giấy viết rằng: "Tôi đã thấy cô trong số khán giả qua nhiều đêm diễn. Tối nay mời cô ra phía sau hậu trường cho tôi được gặp P.S". Noelle đọc đi đọc lại mẩu giấy, lấy làm thú vị, không phải vì nàng khinh miệt Philippe Sorel mà bởi vì nàng biết đây sẽ là khởi đầu của cái mà nàng đang tìm kiếm.

Sau buổi diễn, nàng ra sau hậu trường. Một ông già đứng ở cửa sân khấu đưa nàng tới phòng hóa trang của Sorel. Ông ta đang ngồi trước tấm gương và đang chùi đi mớ son phấn trên gương mạt của ông, trên người chỉ còn mặc quần cộc. Ông ngắm Noelle trong gương cuối cùng mới lên tiếng:

- Thật khó tin được rằng khi đến gần, cô lại còn xinh đẹp hơn.

- Cảm ơn ngày Sorel.

- Cô từ đâu tới?

- Marseille.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:45:24 | Chỉ xem của tác giả
Sorel xoay người để nhìn nàng cho gần hơn. Đôi mắt ông dán chặt vào đôi chân nàng sau đó từ từ di chuyển ngược lên tới đỉnh đầu nàng. Noelle cứ đứng yên, không động đậy mặc cho ông chăm chú quan sát.

- Cô lên đây tìm việc ư? - Ông hỏi.

- Không.

- Tôi chưa bao giờ trả tiền cả. Cái duy nhất cô có thể nhận được ở tôi là giấy vào xem những vở diễn của tôi không mất tiền. Còn nếu cô muốn có tiền thì hãy ngủ với chủ ngân hàng.

Noelle đứng lặng yên nhìn ông ta. Cuối cùng Sorel bảo:

- Thế cô đang kiếm tìm gì?

- Tôi đang tìm đến ông đây.

Họ ăn tối cùng nhau, sau đó quay trở về căn hộ của Sorel ở phố Maurice-Barbet xinh đẹp, nhìn ra góc phố nơi bắt đầu khu rừng Boulogne. Philippe Sorel là một người tình lão luyện, hết sức tử tế và không vị kỷ. Sorel không đòi hỏi gì ở Noelle ngoài sắc đẹp của nàng và ông rất ngạc nhiên khi nhận thấy nàng thành thạo chuyện chăn gối.

- Lạy Chúa - Ông nói - Cô tài nghệ ghê. Học đâu ra những trò đó vậy?

Noelle suy nghĩ một lát. Đây không phải là trò học ở đâu mà là do cảm giác tạo nên. Đối với nàng, cơ thể đàn ông là một công cụ cho nàng đùa cợt khám phá những chiều sâu bên trong, phát hiện ra những sợi dây phản ứng và dùng chính cơ thể nàng để giúp cho nàng tạo ra sự hài hoà tinh tế.

- Bẩm sinh em đã như vậy - Nàng đáp.

Ngón tay nàng bắt đầu lướt nhẹ quanh đôi môi ông, nhẹ và nhanh như con bướm chạm vào, sau đó chuyển dần xuống ngực và bụng ông…

- Ôi, lạy Chúa! - Ông nói.

Suốt đêm hôm đó họ làm tình và đến sáng thì Sorel mời Noelle dọn về ở với ông.

Noelle sống với Philippe Sorel được sáu tháng. Nàng chẳng thấy hạnh phúc mà cũng không bất hạnh. Nàng biết được rằng sự có mặt của nàng ở đó đã khiến Sorel cực kỳ hạnh phúc, thế nhưng điều đó lại chẳng mảy may có ý nghĩa gì đối với Noelle. Nàng tự coi mình như một học sinh quyết tâm mỗi ngày phải học được một điều gì mới mẻ. Ông như cái trường học cho nàng theo học, ông là một bộ phận nhỏ trong kế hoạch lớn của nàng. Đối với Noelle, trong quan hệ của họ không có chút gì thuộc của nàng.

Nàng đã hai lần mắc sai lầm như thế, và nàng sẽ không bao giờ tái diễn lại một lần nữa. Trong suy nghĩ của Noelle chỉ có chỗ cho một người và người đó là Lary Douglas.

Noelle thường đi ngang qua quảng trường Victoire hoặc qua một công viên hoặc một nhà hàng mà Larry đã từng đưa nàng tới đó. Nàng cảm thấy sự uất hận trào lên khiến nàng ngộp thở, nhưng xen lẫn giữa tình cảm uất hận đó còn một thứ tình cảm gì khác nữa mà nàng không thể gọi tên ra được.

Hai tháng sau khi chuyển đến ở với Sorel, Noelle nhận được một cú điện thoại của Christian Barbet.

- Tôi có một bản tường trình nữa cho cô đây - Ông thám tử nhỏ bé nói.

- Y vẫn khỏe đấy chứ? - Noelle vội hỏi.

Lại một lần nữa Barbet có cảm giác băn khoăn.

- Phải - Ông đáp.

Giọng Noelle tỏ ra luyến tiếc:

- Tôi sẽ tới ngay bây giờ.

Bản tường trình chia ra làm hai phần. Phần một đề cập đến cuộc đời binh nghiệp của Larry Douglas. Anh đã hạ được hơn năm chiến đấu cơ Đức và trở thành một trong những phi công Mỹ lỗi lạc đầu tiên trong chiến tranh. Anh đã được vinh thăng lên cấp đại uý. Phần thứ hai của bản tường trình khiến nàng quan tâm hơn nhiều. Anh đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong các sinh hoạt thời chiến ở London và đã đính hôn với con gái một đô đốc Anh. Sau đó là danh sách các cô gái mà Larry vẫn thường đi lại trong đó có từ những cô gái trình bày mode đến phu nhân của một vị thứ trưởng quốc phòng.

- Cô có muốn tôi tiếp tục theo dõi không? - Barbet hỏi.

- Tất nhiên - Noelle đáp. Nàng lấy từ trong ví ra một chiếc phong bì rồi trao cho Barbet - Khi nào ông có tin gì mới, ông nhớ gọi điện thoại cho tôi ngay.

Rồi nàng ra về.

Barbet thở phào, ngước lên nhìn trần nhà.

- Folee - Ông lẩm bẩm, đầy suy tư - Folee(3).
***

Giá như Philippe Sorel có một chút nghi ngờ về những điều Noelle đang suy nghĩ trong óc thì ắt ông sẽ vô cùng kinh ngạc. Gần như Noelle hoàn toàn hiến dâng cho ông.

Nàng làm mọi thứ cho ông, từ nấu nướng những bữa ăn ngon tuyệt, đi mua sắm đến việc kiểm tra công việc vệ sinh căn hộ của ông cho tới việc làm tình mỗi khi thấy ông hứng khởi.

Và nàng chẳng đòi hỏi chút gì, Sorel lấy làm mừng thầm vì đã tìm được một cô bồ nhí hoàn hảo. Ông đưa nàng đi đây đi đó để gặp gỡ tất cả bạn bè ông. Họ bị mê mẩn trước sắc đẹp của nàng và đều cho rằng Sorel là người hết sức may mắn.

Một buổi tối trong lúc hai người đang ngồi ăn sau buổi diễn, Noelle bảo với ông rằng:

- Em muốn trở thành tài tử, anh Philippe ạ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:48:10 | Chỉ xem của tác giả
Ông lắc đầu:

- Em đẹp như vậy là đủ rồi, Noelle ạ, song anh thấy ớn đến tận cổ với bọn nữ diễn viên anh gặp trong đời. Em là một loại người khác, anh muốn em cứ sống như vậy. Anh không muốn chia sẻ em với bất cứ ai khác - Ông vuốt ve tay nàng - Anh chẳng đã cho em đủ mọi thứ đó sao?

- Đúng thế, Philippe ạ - Noelle đáp.

Đêm hôm đó, khi họ về đến nhà, Noelle muốn làm tình. Sorel mừng thầm cho rằng cái điều nàng cần duy nhất là sự dắt dẫn vững vàng của một người đàn ông.

Chủ nhật sau đó là ngày sinh của Noelle, Philippe Sorel đã tổ chức một bữa tiệc tối cho nàng tại nhà hàng Maxim. Ông đã thuê căn phòng ăn riêng rộng rãi ở tầng trên, trang trí bằng vải nhung đỏ mịn và những cột panel bằng gỗ thẫm màu. Noelle giúp ông lên danh sách khách mời trong đó một cái tên nàng đưa vào mà không nói cho Philippe biết. Bữa tiệc có bốn chục người dự. Họ nâng cốc chúc mừng sinh nhật của Noelle và trao cho nàng những tặng phẩm đắt tiền. Khi bữa ăn kết thúc Sorel đứng dậy. Ông đã uống khá nhiều rượu Brandy và sâm banh, bước đi hơi chập choạng, lời lẽ hơi lè nhè.

- Thưa các bạn - ông nói - Tất cả chúng ta hãy nâng cốc chúc cho cô gái đẹp nhất trên đời này và chúng ta đã tặng nàng những món quà "xinh xắn kỷ niệm" sinh nhật, riêng tôi, tôi có một món quà riêng cho nàng và đó sẽ là món quà hết sức bất ngờ - Sorel cúi xuống nhìn Noelle mặt hớn hở, sau đó quay lại cử toạ - Noelle và tôi sắp thành hôn với nhau.

Khắp gian phòng rộn lên tiếng hoan hô chúc tụng, các khách khứa xô đến vỗ vào vai Sorel và chúc cô dâu tương lai được nhiều may mắn. Nolle ngồi yên mỉm cười đáp lại các vị khách và chỉ khe khẽ nói lời cảm ơn. Duy chỉ có một ông khách không đứng dậy. Ông ta ngồi ở một chiếc bàn đặt ở cuối phòng, hút điếu thuốc bằng một chiếc ống điếu dài và đưa mắt nhìn cảnh tượng diễn ra với vẻ ngạo đời.

Noelle biết rõ là ông ta đã ngắm nàng suốt buổi tiệc. Đó là một người cao, gầy ngẳng, bộ mặt căng thẳng, đầy suy tư. Ông ta có vẻ thú vị trước những việc đang diễn ra quanh mình, là một quan sát viên trong bữa tiệc chứ không phải là một vị khách mời.

Noelle bắt gặp cái nhìn của ông, nàng mỉm cười.

Armand Gautier là một trong những đạo diễn xuất sắc ở Pháp. Ông phụ trách Nhà hát kịch Pháp và các kịch phẩm của ông được hoan nghênh trên khắp thế giới. Hễ cứ Gautier hễ cứ đạo diễn một vở kịch hoặc một bộ phim nào thì hầu như đảm bảo là phim hoặc kịch đó sẽ thành công. Ông còn nổi tiếng là đối xử đặc biệt tử tế với các nữ diễn viên, ông đã tạo ra nửa tá minh tinh xuất chúng.

Sorel ngồi xuống bên cạnh Noelle, nói với nàng:

- Cưng có thấy ngạc nhiên không? - ông hỏi.

- Có, anh Philippe ạ - Nàng đáp.

- Anh muốn hai đứa mình thành hôn ngay lập tức. Chúng ta sẽ làm đám cưới tại villa của anh.

Qua vai của ông, Noelle có thể thấy Armand Gautier vẫn quan sát nàng, mỉm cười đầy bí ẩn. Vài ba người bạn kéo Philippe đi chỗ khác và khi Noelle quay lại, Gautier đã đứng ngay cạnh từ lúc nào.

- Xin chúc mừng - Ông nói. Giọng ông có vẻ châm chọc - Cô đã câu được một con cá lớn.

- Thật không?

- Philippe Sorel là một loại cá lớn đó.

- Có lẽ đối với một số người thôi - Noelle lãnh đạm đáp lại.

Gautier ngó nhìn nàng, ngạc nhiên:

- Ý cô muốn nói là cô không quan tâm chuyện đó ư?

- Tôi không muốn nói với ông gì cả.

- Vậy xin chúc cô may mắn - Ông định quay đi.

- Ông Gautier…

Ông dừng bước.

- Tối nay ông cho em gặp riêng được không? - Noelle hỏi nhỏ - Em muốn nói chuyện riêng với ông.

Armand Gautier nhìn nàng giây lát rồi nhún vai.

- Nếu cô muốn.

- Em sẽ đến chỗ ông. Như vậy được không?

- Được, tất nhiên. Địa chỉ của tôi…

- Em biết rồi. Mười hai giờ nhé?

- Mười hai giờ.

Armand Gautier sống trong một toà nhà cổ, lịch sự trên phố Marbeuf. Người gác cửa dẫn nàng vào tiền sảnh rồi một cậu thanh niên gác thang máy đưa nàng lên tầng bốn và chỉ cho nàng căn hộ của Gautier. Noelle nhấn chuông. Vài phút sau Gautier ra mở cửa. Ông mặc một chiếc áo choàng hoa.

- Mời vào - Ông nói.

Noelle bước vào phòng. Khiếu thẩm mỹ của nàng chưa lọc lõi, song nàng cảm thấy căn phòng được trần thiết đẹp, các đồ mỹ nghệ đều quý giá.

- Xin lỗi vì tôi ăn vận xuềnh xoàng - Gautier nói - Tôi vừa có một cú điện thoại gọi.

Đôi mắt Noelle dán chặt lấy ông.

- Ông khỏi cần ăn vận nghiêm chỉnh làm gì - Nàng đi tới đi văng và ngồi xuống.

Gautier mỉm cười:

- Đúng như cảm giác ban đầu của tôi, cô Page ạ. Song tôi vẫn thắc mắc một điều: Tại sao lại là tôi? Cô đã đính hôn với một người lừng danh giàu có. Tôi tin rằng nếu như cô định đi tìm những hoạt động ngoài chương trình thì cô phải tìm những anh chàng hấp dẫn hơn tôi, hoặc là giầu có trẻ đẹp hơn tôi chứ. Cô muốn gì ở tôi nào?

- Em muốn ông dạy cho em đóng kịch - Noelle đáp.

Armand Gautier nhìn cô gái một hồi, sau đó thở dài:

- Cô làm tôi thất vọng. Tôi chờ đợi ở cô một cái gì độc đáo hơn kia.

- Công việc của ông là làm việc với các diễn viên?

- Với diễn viên, chứ không phải với tài tử nghiệp dư.

- Thế cô đã đóng kịch bao giờ chưa?

- Chưa. Nhưng ông sẽ dạy em được - Nàng gỡ mũ và cởi găng tay - Phòng ngủ của ông đâu? - Nàng hỏi.

Gautier ngần ngừ. Cuộc đời ông đầy những phụ nữ đẹp muốn bước vào kịch trường hoặc muốn được sắm một vai quan trọng, được đóng vai chính trong một vở mới hoặc gặp được một nơi sang trọng hơn. Tất cả bọn họ đã gặp thất bại đau đớn. Ông biết rằng nếu như ông lại dính thêm với một phụ nữ nữa, ông sẽ là một thằng khùng. Tuy nhiên cũng chẳng cần phải dính líu với ả ta làm gì. Đây chẳng qua là một cô gái đẹp tự ý lao vào ông. Công việc đơn giản là lôi ả vào giường, sau đó tống khứ ả đi.

- Nào, vào đây - Ông nói và chỉ vào một cánh cửa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:49:37 | Chỉ xem của tác giả
Ông ngắm nhìn Noelle tiến về phía phòng ngủ. Không hiểu Philippe Sorel sẽ nghĩ sao đây nếu như cô dâu tương lai của anh ta lại ngủ lại đêm nay ở đây. Đàn bà? Tất cả chỉ là một lũ điếm. Gautier rót ra một ly Brandy, sau đó gọi đi một cú điện thoại. Cuối cùng khi ông quay về phòng ngủ, Noelle đã nằm trên giường đợi ông. Gautier phải thừa nhận rằng nàng là một toà thiên nhiên tuyệt tác. Khuôn mặt đã đẹp, thân hình càng hoàn hảo hơn. Da nàng có một màu mật ong vàng lựng. Kinh nghiệm của ông cho thấy rằng các cô gái đẹp hầu như người nào cũng ý thức được nhan sắc của mình, họ vênh váo tự phụ đến mức khó chịu… Chà, thôi được, ông phải dạy con bé này một bài học.

- Anh không có ý muốn ca ngợi em là xinh đẹp - Ông nói - Em đã nghe lời khen đó quá nhiều rồi.

- Nhan sắc mà làm gì nếu như không đem lại cho người ta niềm hoan lạc. - Noelle nhún vai.

Gautier nhìn nàng, thoáng ngạc nhiên, sau đó mỉm cười.

- Anh đồng ý với em. Vậy ta hãy dùng cái nhan sắc của em nhé - Ông ngồi xuống bên cạnh nàng.

Cũng giống đa số những người Pháp, Armand Gautier lấy làm tự hào là một tình nhân lão luyện. Thường bao giờ cũng có một bữa ăn ngon lành, có rượu. Ông tạo nên một khung cảnh điệu nghệ để gây nên những cảm giác êm dịu và tiếng nhạc êm êm.
Trong trường hợp với Noelle ông vứt bỏ tất cả. Đối với quan hệ một đến như thế này không cần có nước hoa, tiếng nhạc hoặc những lời tán tỉnh trống rỗng. Cô nàng đến đây chỉ cần để vào giường, ả ta đúng là một đứa ngố nếu như ả ta tưởng là có thể đổi thứ mà mọi đàn bà có trên đời này để lấy cái thiên tài vĩ đại mà Armand Gautier có trong đầu.

Họ làm tình với nhau suốt đêm, và mỗi lần Noelle lại giở ra một trò. Gautier chưa từng kinh qua những trò đó bao giờ. Đến sáng, Gautier bảo:

- Nếu anh còn đủ sức thì anh sẽ vận quần áo vào đưa em ra phố ăn sáng.

- Anh cứ nằm đó - Noelle bảo, rồi đi ra tủ quần áo chọn lấy một chiếc áo choàng của ông, mặc vào - Anh cứ nghỉ, em sẽ quay lại ngay.

Ba mươi phút sau, Noelle quay lại, mang theo một khay thức ăn điểm tâm. Trên đó có nước cam mới vắt, một đĩa trứng rán với xúc xích, mấy chiếc bánh sừng bò nóng, phết bơ, lọ mứt và một bình cà phê đen. Bữa ăn thật hết sức ngon miệng.

- Em không ăn gì ư? - Gautier hỏi.

- Không - Noelle lắc đầu. Nàng ngồi trên chiếc ghế xích đu nhìn ông ăn. Nàng trông càng xinh đẹp hơn trong chiếc áo choàng mặc ở nhà của ông, những đường cong ở ngực nổi lên thật đẹp. Mái tóc vàng buông thả trễ tràng.

Armand Gautier đánh giá lại toàn bộ những nhận định của ông về Noelle. Nàng quả là một kho báu thật sự, không phải đàn ông nào cũng dễ dàng làm nàng xiêu đổ ngay được. Tuy nhiên, ông cũng đã từng gặp nhiều kho báu trong cuộc đời kịch trường, vì vậy ông không muốn hao phí thời giờ và tài năng của một đạo diễn cho những loại tài tử nghiệp dư lại có mộng ảo thành minh tinh lao vào sự nghiệp sân khấu, dù cho nàng có đẹp đến mấy có lão luyện trong các ngón chăn gối đến mấy chăng nữa.
Gautier là một con người toàn tâm toàn ý, ông rất coi trọng ngành nghệ thuật của ông. Trước đây ông đã định thoả hiệp, bây giờ ông càng không chịu đầu hàng.

Tối hôm trước, ông định sẽ chỉ chung sống qua một đêm với Noelle, sau đó đến sáng thì để cho nàng khăn gói gió đưa. Nhưng bây giờ khi ông ngồi ăn sáng và quan sát nàng, ông lại cố nghĩ cách làm sao giữ nàng làm bồ bịch cho đến khi nào ông thấy ngán nàng thì mới thôi, tuy nhiên không được khuyến khích nàng mơ ước thành nữ diễn viên. Ông thấy dù sao ông vẫn phải giơ cao một cái bả gì đây. Ông cũng tỏ ra thận trọng theo cách riêng của mình:

- Em sắp lấy Philippe Sorel? - Ông hỏi.

- Đâu có - Noelle đáp - Đấy không phải là điều em muốn.

Đến lúc cần phải rạch ròi, Gautier hỏi:

- Vậy em muốn gì?

Noelle đáp nhỏ nhẹ:

- Em đã nói với anh rồi. Em muốn trở thành diễn viên.

Gautier cắn một chiếc bánh sừng bò nữa, ngây ra một lúc:

- Cũng được - Sau đó ông nói tiếp - Có rất nhiều huấn luyện viên sân khấu tốt, anh sẽ gửi em đến cho họ huấn luyện, Noelle ạ, nếu như em vẫn muốn…

- Không, - Noelle đáp, ngắm ông một cách trìu mến, nồng nàn, như thể nàng sẵn sàng ưng thuận bất kỳ điều gì

Ông nêu ra. Thế nhưng Gautier có cảm giác rằng bên trong nàng là cả một quyết tâm sắt thép. Nàng đã nói "không" bằng đủ mọi kiểu. Nàng chỉ nói bằng một giọng nhẹ nhưng lúc thì tỏ ra giận dữ, lúc lại trách cứ, lúc thất vọng, lúc hờn dỗi. Và bao giờ cũng nhẹ nhàng như không. Điều này càng khiến Gautier khó xử hơn ông tưởng lúc đầu. Đã có lúc Gautier định bảo thẳng với nàng, cũng như ông đã từng nói với hàng chục cô gái hàng tuần, rằng mời nàng đi cho, rằng ông không có thì giờ để phung phí cho cô nàng. Song ông lại nghĩ đến những cảm giác thật lạ lùng mà ông có được trong đêm qua, cho nên ông thấy chỉ có hoạ là điên mới buông nàng ra đi sớm đến vậy. Quả là nàng đáng để

Ông thoả hiệp một chút, chỉ một chút mà thôi.

- Thôi được - Gautier bảo - Anh sẽ trao cho em một kịch bản để em nghiên cứu. Khi nào thuộc rồi, em sẽ đọc lại cho anh nghe, rồi chúng ta thử xem em có được bao nhiêu tài năng. Sau đó chúng ta có thể quyết định cần làm gì để giải quyết cho em.

- Cảm ơn anh Armand!

Nàng nói, giọng nói của nàng không chút nào là đắc thắng, thậm chí đến cả sự mãn nguyện Gautier cũng không tìm ra được. Chẳng qua đó chỉ là một sự thừa nhận trước một điều tất yếu mà thôi. Lần đầu tiên Gautier thoáng một chút nghi ngờ, song tất nhiên điều đó thật là lố bịch. Ông là bậc thầy trong việc điều khiển các phụ nữ cơ mà.

Trong khi Noelle mặc quần áo, Armand Gautier đi vào phòng làm việc với những ngăn giá đầy sách ông liếc nhìn những tập sách quen thuộc, gáy đã sờn để trên các giá sách. Cuối cùng, với một nụ cười rúm ró ông chọn lấy cuốn Andromache của Eripide. Đây là một trong những vở kịch cổ điển rất khó diễn. Ông quay trở lại phòng ngủ và trao vở kịch đó cho Noelle.

- Đây, cưng ạ - Ông nói - Khi nào em nhớ lại một đoạn, chúng ta sẽ trở lại thảo luận với nhau.

- Cám ơn anh Armand. Anh sẽ không phải ân hận gì.

Ông càng nghĩ lại chuyện vừa rồi, ông càng thấy hài lòng trước cái trò tinh quái của ông. Noelle phải mất một, hai tuần lễ mới nhớ được vai của nàng, nhận rằng nàng không thể học thuộc được. Ông sẽ tìm cách an ủi nàng rằng nghệ thuật diễn xuất cũng khó lắm chứ và họ sẽ giữ một quan hệ mà không bị tham vọng của nàng làm vẩn đục Gautier hẹn cùng Noelle sẽ ăn bữa tối hôm đó cùng nhau và nàng ra về.

Khi Noelle trở về căn hộ nàng chung sống với Philippe Sorel nàng thấy ông ta đợi nàng. Ông ta say khướt.

- Đồ khốn nạn - Ông gào lên - Cô đi đâu suốt cả đêm hôm qua.

Nàng muốn nói gì cũng mặc kệ. Sorel biết rằng ông sắp được nghe những lời xin lỗi, ông sẽ quật cho nàng một trận rồi kéo nàng vào giường và tha thứ cho nàng.

- Đi với một người đàn ông khác, Philippe ạ. Tôi trở lại đây để lấy những đồ đạc của tôi.

Trong lúc Sorel đứng ngây ra nhìn, không tin được lời nàng nói thì Noelle đi ngay vào phòng ngủ và bắt đầu xếp dọn quần áo.

- Noelle, hãy vì Chúa - Ông khẩn cầu - Em đừng làm như vậy, chúng ta yêu nhau kia mà. Chúng ta sắp thành hôn với nhau.
Nửa giờ sau ông ra sức hết giảng giải, lại đe doạ rồi mơn trớn, cho đến khi Noelle đóng đồ xong và rời khỏi phòng, Sorel cũng không thể ngờ là ông đã mất nàng bởi lẽ ông cũng không biết là đã bao giờ nàng thuộc về ông chưa.
***

Armand Gautier đang giữa buổi chỉ đạo một vở kịch mới công diễn trong nửa tháng. Suốt cả ngày ông ở nhà hát để tập, ông không còn nghĩ đến những chuyện gì khác cả. Một phần thiên tài của ông chính là sự tập trung đến cao độ mà ông có thể giành cho tác phẩm của mình. Đối với ông không có gì tồn tại ngoài bốn bức tường của nhà hát và các diễn viên ông đang làm việc với họ. Tuy nhiên hôm nay tình hình khác hẳn, Gautier nhận thấy tâm trí mình thường lẩn quẩn hình ảnh của Noelle và cái đêm không thể tin được mà họ đã sống với nhau. Các diễn viên qua một cảnh, họ dừng lại đợi ông cho nhận xét, song đột nhiên Gautier nhận ra mình chẳng chú ý gì từ nãy đến giờ. Ông thấy bực với bản thân, cố tập trung chú ý vào công việc ông đang làm, nhưng hình ảnh tấm thân trần truồng của Noelle cùng với những cảm giác lạ lùng đã đến với ông cứ trở đi trở lại trong óc ông.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:50:55 | Chỉ xem của tác giả
Gautier vốn có một đầu óc giàu tính phân tích cho nên ông cố tìm cách lý giải tại sao cô gái này lại gây cho ông ấn tượng như vậy. Noelle xinh đẹp đã đành, nhưng ông đã từng ngủ với một số phụ nữ rất đẹp trên đời. Nàng khéo léo trong chuyện ái ân thì cũng có nhiều phụ nữ khác có kém gì đâu. Nàng dường như thông minh, song cũng không đến nỗi xuất chúng, nhân cách nàng dễ thương song cũng không phức tạp. Vẫn còn một lý do khác nữa, một điều gì đó mà nhà đạo diễn chưa thể chạm ngón tay tới được. Sau đó ông nhớ đến tiếng "không" nhẹ nhàng của nàng và ông cảm thấy đó chính là đầu mối rồi. Trong tiếng nói của nàng có cái sức mạnh không thể cưỡng nổi, nó có thể giành được mọi thứ nàng muốn. Ở nàng, có một chỗ sâu kín không ai đụng tới được. Và cũng như mọi người đàn ông khác trước Gautier, ông có cảm giác rằng mặc dù Noelle đã gây ảnh hưởng đối với ông còn sâu sắc hơn so với việc ông quan tâm để tự thú nhận với bản thân, ông vẫn chưa hề đụng tới được nơi sâu kín nhất của nàng, và đây là một sự thách đố mà bản thân người đàn ông ở ông không chịu lùi bước.

Ngày hôm đó Gautier ở trong một tâm trạng bối rối. Ông mong muốn đến chiều để xem dự đoán của ông ra sao, không phải vì ông muốn ân ái với Noelle mà bởi vì ông muốn tự chứng thực một điều là ông đã xây dựng một lâu đài trên cát. Ông muốn Noelle sẽ khiến ông thất vọng để ông có thể sớm loại cô ra khỏi cuộc đời ông.

Đêm đó trong lúc họ làm tình, Armand Gautier cố tìm cách phát hiện những ngón xảo thuật, mà Noelle giở ra sử dụng để ông nhận thấy trước sau nàng chỉ hành động như một người máy, không có cảm xúc gì cả. Thế nhưng ông đã lầm. Nàng đã hiến dâng cho ông hoàn toàn, triệt để, chỉ mong sao đem lại cho ông niềm hoan lạc mà trước đây ông chưa bao giờ được hưởng và nàng muốn được phát hiện ra sự sung sướng trong ông. Đến sáng thì Gautier hoàn toàn bị nàng thu hút hết tâm trí.

Noelle lại một lần nữa chuẩn bị bữa điểm tâm cho ông, lần này là những chiếc bánh kẹp thịt xông khói và mứt quả, với cà phê nóng. Bữa ăn cũng rất tuyệt vời.

"Thôi cũng được" - Gautier tự nhủ - Thế là mình đã tìm được một con bé vừa trẻ vừa xinh, vừa biết làm tình lại vừa biết làm bếp. Hay lắm! Song đối với con người thơng minh như mình như thế đã đủ chưa nhỉ? Sau khi làm tình và ăn uống xong phải chuyện trò tâm sự chứ. Vậy cô ả sẽ nói được những loại chuyện gì với nhau?". Ông tự an ủi rằng không sao cả.

Không trông thấy cô nhắc gì đến vở kịch. Gautier hy vọng rằng Noelle hoặc đã quên rồi, hoặc không thể nhớ nổi lời thoại trong kịch. Sáng hôm sau nàng ra về, nàng hứa tối hôm đó sẽ đến ăn với ông.

- Cô cũng dứt khỏi Philippe được sao? - Gautier hỏi.

- Em đã bỏ ông ta rồi - Noelle đáp gọn lỏn, rồi nàng đưa cho Gautier địa chỉ mới của nàng.

Ông nhìn nàng trân trân trong giây lát:

- Anh hiểu rồi.

Thật ra ông chẳng hiểu gì cả. Chẳng hiểu một chút nào.

Tối hôm đó họ lại ngủ với nhau. Đúng hơn là chỉ có Gautier nói. Hình như Noelle rất quan tâm đến ông cho nên ông lôi cả những chuyện ông không hề nhắc tới trong nhiều năm qua ra để tâm sự với nàng, cả những chuyện đời tư mà ông chưa hề thổ lộ cùng ai bao giờ. Nàng không nhắc đến vở kịch mà ông đã trao cho nàng. Gautier tự mừng thầm là mình đã tìm ra một cách giải quyết vấn đề đắc sách nhất.

Tối hôm sau, sau khi họ ăn tối xong và chuẩn bị đi ngủ, Gautier đã định quay về phòng ngủ.

- Chưa được - Noelle bảo.

Ông ngạc nhiên quay lại:

- Anh bảo anh sẽ nghe em đọc lời thoại kịch.

- À tất nhiên rồi - Gautier lắp bắp - Khi nào em chuẩn bị xong.

- Em xong rồi.

- Anh không muốn em chỉ đơn thuần đọc vở kịch cherie(4) ạ - ông bảo - Anh chỉ muốn nghe em đọc thuộc lòng cơ, có như thế anh mới đánh giá được khả năng làm diễn viên của em được.

- Em đã thuộc rồi - Noelle đáp.

Ông nhìn nàng, không tin. Không thể chỉ trong ba ngày mà nàng có thể thuộc lòng toàn bộ vai của mình được.

- Anh sẵn sàng nghe em chưa nào? - Nàng hỏi.

Armand Gautier không còn cách nào khác đành chấp thuận.

- Tất nhiên rồi - Ông chỉ vào giữa phòng - Đây sẽ là sân khấu của em. Khán giả sẽ ngồi ở đây. Ông ngồi xuống một chiếc tràng kỷ lớn, êm ái.

Noelle bắt đầu vai kịch. Gautier cảm thấy sởn cả gai ốc một nét đặc điểm riêng của ông mỗi khi ông gặp một tài năng đích thực. Noelle chưa phải là loại điêu luyện. Còn lâu mới được như vậy. Các động tác và nét mặt của nàng vẫn còn bộc lộ sự non nớt. Song nàng có được một phẩm chất còn hơn cả những kỹ năng đơn thuần: tức là nàng có được sự chân thực hiếm có, một tài năng tự nhiên khiến cho mỗi một dòng chữ nàng phô diễn mang một ý nghĩa và màu sắc tươi mát.

Khi Noelle kết thúc cuộc độc thoại, Gautier vồn vã:

- Theo anh, sẽ đến một ngày nào đó em trở thành một diễn viên xuất chúng, Noelle ạ. Anh nói thực đấy. Anh sẽ gửi em tới chỗ Georges Faber, ông ta là một chuyên gia đào đạo diễn viên xuất sắc nhất của toàn nước Pháp. Làm việc với ông ta, em sẽ…

- Không.

Ông ngạc nhiên, nhìn nàng. Vẫn tiếng "không" nhẹ êm đó. Dứt khoát, thẳng thừng.

- Không cái gì? - Gautier lúng túng hỏi lại - Faber chỉ nhận những diễn viên xuất sắc thôi. Song ông ta sẽ nhận em vì anh sẽ có lời thỉnh cầu ông ta.

- Em sẽ làm việc với anh - Noelle bảo.

Gautier cảm thấy cơn giận bừng lên:

- Anh không đào luyện ai bao giờ - Ông giật giọng - Anh không phải là giáo viên. Anh chỉ làm đạo diễn cho các diễn viên chuyên nghiệp - ông có ghìm cơn giận để không lộ ra giọng nói - em hiểu không?

- Vâng, em hiểu anh Armand ạ, - Noelle gật đầu. - Thôi cũng được.

Ông xiêu lòng, ôm choàng lấy Noelle trong đôi cánh tay và nhận được ở nàng một cái hôn đằm thắm. Ông nhận thấy những băn khoăn của ông trước đây là không cần thiết. Cũng như mọi phụ nữ khác, nàng cần phải có được một người chế ngự. Ông sẽ không gây khó dễ với nàng nữa.

Đêm đó họ thắm thiết hơn bất kỳ một lần nào trước đây, có lẽ - Gautier nghĩ, một phần là vì cuộc xô xát nhỏ giữa hai người vừa rồi đã gây thêm hứng khởi.

Đang đêm ông bảo với nàng:

- Em nhất định sẽ trở thành một diễn viên xuất chúng, Noelle ạ. Anh sẽ vô cùng tự hào vì em đấy.

- Cảm ơn anh Armand - Nàng thì thào.

Noelle lại chuẩn bị bữa điểm tâm sáng cho Gautier, và ông lại ra nhà hát. Trong ngày hôm đó ông phôn cho Noele, nhưng nàng không trả lời và đêm đó lúc ông về đến nhà thì không thấy nàng đâu. Gautier đợi nàng quay về, nàng cũng chẳng xuất hiện khiến ông phải nằm thức trắng suốt đêm lo lắng không biết nàng có gặp nạn gì không. Ông cố tìm cách gọi điện thoại cho Noelle về căn hộ của nàng, song vẫn không thấy hồi âm. Ông đã gửi một bức điện đến cho nàng, song không thấy ai nhận và khi ông đi theo dõi diễn tập về ghé qua chỗ ở của nàng, ông nhấn chuông, song không thấy ai ra mở cửa.

Suốt một tuần tiếp sau đó, Gautier tưởng phát điên lên được. Các buổi diễn tập trở nên hỗn loạn. Ông quát mắng tất cả các diễn viên khiến họ nản quá. Người quản lý sân khấu của ông đã phải nêu đề nghị cho họ ngừng tập một ngày và Gautier đồng ý ngay lập tức.

Sau khi các diễn viên ra về, ông ngồi lại một mình trên sân khấu, cố lý giải xem chuyện gì đã xảy ra với ông.

Ông tự nhủ rằng Noelle chẳng qua chỉ là một người đàn bà, một cô gái tóc vàng rẻ tiền, đầy tham vọng, tâm hồn chỉ là tâm hồn của một cô gái bán hàng, thế mà cứ đòi làm thượng thặng. Ông tìm hết cách hạ thấp nàng, thế nhưng cuối cùng ông thấy việc làm ấy thật vô tích sự. Ông cần phải có nàng. Đêm hôm đó ông đã đi lang thang trên đường phố Paris, ông đã uống say khướt tại những quán nhỏ nơi người ta không biết ông là ai. Ông cố tìm hết cách để tiếp xúc với Noelle, nhưng đều vô ích. Ông không tìm được một ai để hỏi han về nàng, trừ Philippe Sorel ra, song tất nhiên, không thể nhắc đến chuyện đó được.

Một tuần, sau khi Noelle đã biến mất tăm, lúc bốn giờ sáng Armand Gautier say khướt, mở cửa, bước vào phòng khách. Các ngọn đèn đều sáng trưng. Noelle đang ngồi thù lù trên một chiếc ghế bành, nàng mặc một chiếc áo choàng của ông và đang chăm chú đọc sách. Khi ông bước vào, nàng mỉm cười, ngước lên.

- Chào anh Armand!

Gautier nhình nàng chằm chằm, tim ông đập dồn, một cảm xúc thoải mái và vui sướng không cùng tràn ngập trong lòng. Ông nói ngay.

- Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu làm việc cùng nhau.

Chú thích:
(1) siêu nhân (tiếng Đức)
(2) Hy sinh vì nước Đức.
(3) Điên rồ (tiếng Pháp).
(4) Cưng (tiếng Pháp)
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:53:28 | Chỉ xem của tác giả
CHƯƠNG 6
CATHERINE
Washington 1940



Washington, đặc khu Columbia, là thành phố hấp dẫn nhất từ xưa đối với Catherine Alexander. Trước đây nàng thường cho rằng Chicago là mảnh đất lý tưởng thì đến Washington nàng mới tỉnh ngộ. Đây mới thực sự là hạt nhân của nước Mỹ, là trung tâm điều hành quyền lực.

Thoạt đầu Catherine thấy lúng túng trước vô vàn các sắc phục khác nhau tràn ngập đường phố nào là bộ binh, hải quân, nao không quân, thủy quân lục chiến vân vân. Và cũng lần đầu tiên Catherine mới cảm thấy khả năng u ám của cuộc chiến là điều có thật.

Ở Washington, chỗ nào cũng thấy có sự có mặt của chiến cuộc thể hiện ra trên thực tế. Đây là thành phố mà nếu xảy ra chiến tranh thì chiến tranh sẽ bắt đầu từ đây. Và nàng, - Catherine Alexander - sẽ là một bộ phận trong cuộc chiến tranh đó.
Nàng đã chuyển đến ở cùng với Susie Roberts, cô ta đang sống trong một căn hộ sáng sủa, vui mắt ở tầng bốn một chung cư không có thang máy. Căn hộ gồm một phòng khách cỡ trung bình, hai phòng ngủ nhỏ thông nhau, một phòng tắm và một bếp con xây dựng cho người chim chích.

Susie tỏ ra rất mừng khi gặp lại nàng. Câu đầu tiên của cô bé là:

- Nhanh lên, thay đồ ra, lấy bộ váy sang nhất đem ra mà là. Tối nay mày có cuộc hẹn hò ăn tối đấy.

Catherine nháy mắt.

- Vậy lý do gì mà mày độc thân lâu thế?

- Cathy ạ, ở Washington, con gái đứa nào cũng có một cuốn sổ đen nhỏ. Thành phố này đầy những thằng đàn ông cô độc, thật là đáng tiếc.

Tối đầu tiên họ ăn tối tại khách sạn Willard. Người hẹn hò với Susie Roberts là một nghị sĩ Indiana, còn người hẹn với Catherine là một nhân vật chuyên vận động ngoài hành lang nghị trường thuộc bang Orgen, cả hai ông đang sống ở thành phố, không có vợ đi cùng. Ăn tối xong, họ đi nhảy ở Câu lạc bộ Washington Country. Catherine hy vọng nhà vận động hành lang có thể giao cho nàng một việc làm nào đó. Song nàng được ông ta hứa cấp cho một chiếc ô tô và một căn hộ riêng. Nàng đã ngỏ lời cảm ơn và từ chối không nhận.

Susie đưa ông nghị sĩ trở về nhà, còn Catherine đi ngủ ngay. Chỉ một lát sau nàng nghe tiếng họ đùa giỡn ở phòng ngủ của Susie, lò xo giường rung lên bần bật. Catherine lấy một chiếc gối bịt tai để khỏi nghe thấy những âm thanh đó, song vẫn không tài nào tránh được. Đến sáng khi Catherine thức dậy ăn sáng đã thấy Susie dậy rồi. Cô ta có vẻ vui mừng, hào hứng chuẩn bị đi làm. Catherine cố tìm trên mặt Susie những vết nhăn ưu tư hoặc dấu hiệu gì đó của một kẻ phóng đãng, song nàng không hề tìm thấy. Ngược lại, cô ta có vẻ tươi tắn nước da rất mịn màng.

Catherine nghĩ: "Lạy chúa, nó là một Dorian Gray nữa rồi. Đến một ngày nào đó nó sẽ rực rỡ còn mình thì già khú đế, tới một trăm mười tuổi".

Vài ngày sau, đang ăn sáng, Susie bảo:

- Này, tao nghe có một việc may ra hợp với mày. Đêm qua trong bữa tiệc có một đứa con gái bảo rằng nó sắp trở về Texas. Chưa biết được tại sao một đứa đã bỏ Texas đi, nay lại muốn quay trở lại là nghĩa thế nào. Tao nhớ cách đây vài năm hồi tao ở Amarillo…

- Thế nó làm việc ở đâu? - Catherine ngắt lời.

- Ai?

- Đứa con gái ấy - Catherine tỏ ra kiên nhẫn.

Nó đang làm cho William Fraser. Ông ta phụ trách các quan hệ với dân chúng thuộc Bộ Ngoại giao. Tháng trước tạp chí Newsweek đã dành cả một câu chuyện về ông. Có lẽ công việc đó cũng thích hợp với mày. Tao mới nghe lỏm tối hôm qua, nếu mày đến ngay, mày có thể ăn đứt được tất cả những đứa con gái khác.

- Cảm ơn - Catherine nói - Được, tao sẽ đến chỗ William Fraser.

Hai mươi phút sau Catherine đang trên đường tới bộ ngoại giao. Khi nàng tới nơi, người gác chỉ cho nàng tới văn phòng của Fraser và nàng đáp thang máy lên lầu. Quan hệ với công chúng. Xem ra đây đúng là công việc nàng đang tìm.

Catherine dừng lại ở ngoài hành lang, bên ngoài văn phòng, rút ra chiếc gương tay để kiểm tra lại việc trang điểm của nàng. Nàng thường làm như vậy. Chưa đến chín rưỡi, vì thế nàng còn đủ thì giờ cho việc này. Nàng mở cửa, bước vào bên trong.
Văn phòng bên ngoài đầy những cô gái, người đứng, kẻ ngồi, kẻ đang dựa vào tường và tất cả hầu như đang cùng chuyện trò huyên náo. Chị nhân viện đón tiếp như phát cuồng đằng sau chiếc bàn đang bị vây kín. Chị ta cố gắng một cách tuyệt vọng giữ trật tự.

- Lúc này ông Fraser đang bận - Chị nhắc đi nhắc lại - - Tôi không biết bao giờ ông ấy tiếp được các chị.

- Thế ông ấy có định phỏng vấn tìm thư ký không đấy? - Một cô gái hỏi.

- Có chứ, nhưng? - Chị nhìn quanh, bất lực - Lạy Chúa tôi! Thật là nực cười?

Cửa hành lang bật mở, có thêm ba cô gái nữa xô vào, gạt Catherine sang một bên.

- Công việc đó đã có ai nhận chưa? - Một người trong số họ hỏi.

- Có lẽ ông muốn cả một khuê phòng - Một cô gái nói - Vậy thì tất cả bọn mình cứ ở lại đây!

Cửa văn phòng bên trong bật mở, một người đàn ông bước ra. Ông ta cao đến sáu bộ, thân hình mảnh mai của một vận động viên nghiệp dư, sinh hoạt ở câu lạc bộ điền kinh mỗi tuần ba buổi sáng để giữ cho vóc dáng thon thả. Ông có mái tóc vàng xoăn tít, hai bên thái dương đã điểm bạc, đôi mắt xanh sáng và chiếc cằm với vẻ rắn rỏi, cương nghị.

- Chuyện quái quỷ gì ở đây thế, Sally? - Giọng ông trầm và oai vệ.

- Các cô gái này nghe tin có một chỗ khuyết, ông Fraser ạ.

- Lạy Chúa? Tôi cũng mới chỉ biết tin đó cách đây một giờ - Đôi mắt ông lướt qua một lượt khắp phòng - Cứ như chợ vỡ - Khi ông đưa mắt về phía Catherine, nàng đứng thẳng người, mỉm cười rất đằm thắm với một ẩn ý rằng "Em sẽ là một thư ký xuất sắc đây", nhưng đôi mắt ông cũng chỉ lướt qua chỗ nàng. Ông quay lại chị nhân viên giao dịch.

- Tôi cần một tạp chí Life. Số cách đây độ ba, bốn tuần gì đó. Có ảnh Stalin ở ngoài bìa.

- Tôi sẽ cho đặt mua, ông Fraser ạ - người nhân viên đáp.

- Tôi cần ngay bây giờ - Ông quay trở vào văn phòng của mình.

- Tôi sẽ gọi sang cho Văn phòng tạp chí Time Life để hỏi xem họ có thể tìm cho một bản được không?

Fraser dừng lại ở cửa:

- Sally, tôi đang nói chuyện với Thượng nghị sĩ Borah trên điện thoại. Tôi muốn đọc cho ông ta nghe một đoạn trích trong số báo đó. Chị chỉ có vài phút tìm số báo cho tôi thôi đấy - Rồi ông đi vào văn phòng và khép cửa lại.

Các cô gái đang đứng trong phòng nhìn nhau, nhún vai. Catherine đứng lặng, suy nghĩ lao lung. Nàng quay lại và lách ra khỏi phòng.

- Tốt. Một đứa bỏ cuộc rồi - Một cô gái bảo.

Chị nhân viên giao dịch nhấc máy điện thoại, quay số để hỏi thăm tin tức.

- Số điện thoại của Bộ biên tập tạp chí Time Life. - Chị ta hỏi. Các cô gái trong phòng im lặng, quay nhìn chị ta - Cảm ơn - Chị ta đặt máy xuống rồi lại nhấc lên và lại quay số.

- Alô. Văn phòng của ông William Fraser, Bộ ngoại giao. Ông Fraser cần ngay một số Life. Số đó có ảnh Stalin ở ngoài bìa… Các ông không giữ lại một số cũ nào cả? Vậy tôi có thể nói chuyện với ai được?… Vâng. Cảm ơn - rồi chị ta gác máy.

- Gay go rồi, cưng ơi - Một cô gái bảo.

Cô gái khác thêm:

- Người ta chỉ mê gái đẹp thôi. Nếu ông ấy đến chỗ tớ tối nay, tớ sẽ đọc đoạn đó cho ông ấy nghe. Rồi họ cười ầm lên.

Máy đàm thoại nội bộ kêu ro ro. Chị nhân viên nhấn phím bấm. Tiếng Fraser vang lên.

- Hai phút của chị hết rồi đấy.

Chị nhân viên hít một hơi thật sâu:

- Tôi vừa gọi đến toà soạn Time Life, song họ bảo không thể…

Cửa phòng bật mở, Catherine bước vào. Nàng cầm trong tay số tạp chí Life có hình Stalin ở ngoài bìa. Nàng lách người đi tới bàn làm việc và đặt cờ tạp chí vào tay chị nhân viên giao dịch. Chị ta nhìn tờ tạp chí, kinh ngạc.

- Tôi…tôi có tờ tạp chí ấy đây rồi, ông Fraser ạ. Tôi sẽ mang vào ngay - Chị ta đứng dậy, mỉm cười với Catherine đầy vẻ biết ơn rồi vội vã bước vào căn phòng bên trong.

Các cô gái kia quay lại nhin Catherine, mắt bỗng long lên hằn học.

Năm phút sau cửa văn phòng Fraser mở ra, Fraser cùng chị nhân viên xuất hiện. Chị ta chỉ vào Catherine:

- Cô gái đó đây ạ.

William Farser quay sang nhìn Catherine, dò xét:

- Mời cô vào trong này.

- Dạ, vâng - Catherine bước theo Fraser vào văn phòng, nàng cảm thấy những cặp mắt của các cô gái kia nhìn đâm vào sau lưng nàng. Fraser khép cửa lại.

Văn phòng của ông có thể coi là một phòng làm việc bàn giấy điển hình ở Washington, song ông vẫn cho trang trí kiểu cách và chọn những đồ đạc, tranh nghệ thuật theo sở thích riêng của ông.

- Mời ngồi, cô…

- Alexander, Catherine Alexander.

- Sally có cho tôi biết rằng cô đã mang tờ tạp chí Life đến.

- Dạ vâng.

- Tôi chắc không phải tình cờ mà cô có được tờ tạp chí cũ cách đây ba tuần trong ví của cô.

- Vâng, đúng thế?

- Thế làm sao cô lại kiếm được nó nhanh thế?

- Dạ, tôi chạy xuống hiệu cắt tóc. Hiệu cắt tóc và chữa răng bao giờ cũng giữ nhiều tạp chí cũ.

- Ra thế - Fraser mỉm cười, bộ mặt gồ ghề của ông càng trở nên dễ sợ - Thế mà tôi không nghĩ ra đấy. Chuyện gì cô cũng ứng trí nhanh như thế chứ?

Catherine bỗng nhớ lại Ron Peterson, rồi đáp:

- Không phải thế đâu, thưa ngài.

- Cô đang tìm việc làm thư ký?

- Cũng không hẳn như vậy - Catherine nhận thấy ông ta có vẻ ngạc nhiên, nên cô nói thêm luôn - Nhưng tôi sẵn sàng nhận, thật ra tôi muốn làm trợ lý cho ông.

- Thì cứ cho là cô có đủ khả năng làm thư ký hôm nay rồi xem sao - Fraser nói, vẻ mặt rúm ró - Ngày mai cô có thể làm trợ lý cho tôi.

Nàng nhìn ông chan chứa hy vọng:

- Nghĩa là tôi được tiếp nhận?

- Còn thử thách đã - Ông bấm phím máy đàm thoại nội bộ và ghé vào chiếc hộp đó nói:

- Sally, chị hãy cảm ơn các cô gái trẻ đó giùm hộ tôi và nhắn với họ rằng chức vụ đó đã có người đảm nhiệm rồi.

- Dạ vâng, thưa ông Fraser.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:57:05 | Chỉ xem của tác giả
Ông bấm cho phím bật lên:

- Ba mươi đô-la một tuần, cô đồng ý chứ?

- Dạ vâng. Xin cảm ơn ông Farser.

Cô có thể bắt đầu ngay sáng ngày mai, lúc chín giờ, Sally sẽ đưa cô một chiếc phiếu cá nhân để cô "điền" vào.

Sau khi Catherine rời văn phòng, cô đi tới toà soạn báo Washington Post. Người cảnh sát ngồi ở bàn gác ngoài sảnh đã chặn nàng lại.

- Tôi là thư ký riêng của ông William Farser - Cô nói, vẻ kênh kiệu - Công tác bên Bộ ngoại giao. Tôi cần một số thông tin trong kho của các ông.

- Loại tin gì?

- Tin về William Fraser.

- Suốt cả tuần nay lần đầu tiên tôi thấy một yêu cầu kỳ cục như vậy đó. Ông chủ của cô làm cô bực mình hay vì ìý do gì?
- Không phải - Cô giãy bày - Tôi định viết một bài trần tình về ông ấy.

Năm phút sau, một nhân viên đưa cô vào kho lưu trữ. Anh ta rút hồ sơ về William Fraser ra, Catherine bắt đầu ngồi đọc.
Chỉ một giờ sau Catherine trở thành một trong những người nắm lý lịch Fraser vững nhất trên đời. Năm nay ông bốn mươi tuổi, tốt nghiệp hạng ưu trường đại học Princeton, khởi nghiệp một công ty quảng cáo mang tên Fraser Associater và đã trở thành một trong những công ty thành đạt nhất trong ngành dịch vụ này. Cách đây một năm theo yêu cầu của Tổng thống, ông đã gác công việc đó lại để chuyển sang làm việc cho Chính phủ. Ông đã thành hôn với Lydia Campion, một phụ nữ giầu có thích hoạt động xã hội. Họ đã ly dị bốn năm nay và không có con với nhau. Fraser là một nhà triệu phú, có nhà riêng ở Georgetown và một nhà nghỉ hè ở Bar Harbor, bang Maine. Sở thích của ông là tennits, bơi thuyền và pôlô. Nhiều bài tường thuật trên báo gọi ông là "một trong những chàng độc thân dễ ưa nhất nước Mỹ".

Catherine về đến nhà báo cho Susie biết tin vui trên.

Susie nhất định bảo hai người phải đi dự cuộc vui. Hiện có hai chàng học viên trường võ bị giàu sụ người ở Annapolis đang sống ở thành phố này.

Anh chàng cặp bồ với Catherine tỏ ra là một tay dễ thương song suốt cả buổi tối đó nàng luôn chỉ thầm so sánh anh ta với William Fraser. So với Fraser anh ta có vẻ ngây ngô, khờ khạo. Phải chăng nàng đã đem lòng yêu ông chủ mới của nàng rổi? Khi nàng ở gần ông nàng không hề có một cảm xúc rạo rực, mà có một loại tình cảm khác, đó là sự mến mộ đối với một người có tư cách. Nàng cho rằng thứ tình cảm rạo rực kia có lẽ chỉ tồn tại trong các tiểu thuyết tình dục của Pháp mà thôi.
Hai chàng học viên võ bị đưa các cô tới một nhà hàng Italia nhỏ ở ngoại ô Washington, họ đã ăn một bữa tuyệt vời sau đó họ đi xem một bộ phim mà Catherine rất thích.

Tối vui kết thúc, hai chàng trai đưa hai cô về nhà, Susie mời họ vào làm một chầu rượu tối. Đến khi Catherine cảm thấy họ sắp ghé lại cả đêm nàng vội cáo lui, nói rằng muốn đi ngủ ngay.

Anh bạn trai của nàng phản đối:

- Chúng ta chưa làm gì với nhau cả. Cô hãy coi xem họ làm gì kia.

Susie và anh bạn cô ta đang ngồi trong tràng kỷ ôm hôn nhau thắm thiết.

Vệ sĩ của Catherine chụp lấy tay nàng, da diết:

- Sắp chiến tranh đến nơi rồi - Catherine chưa kịp ngăn y lại thì y đã cầm lấy tay nàng, đặt vào đùi y - Em đừng để một chiến binh ra trận trong tình trạng như vậy, phải không em.

Catherine rụt ngay tay lại, cố nén giận, nàng đáp đều đều:

- Tôi đã nghĩ nhiều đến chuyện đó rồi và tôi quyết định sẽ chỉ ngủ với chàng thương binh nào còn đi lại được - nàng quay gót, đi vào và khoá ngay cửa lại. Nàng thấy rất khó ngủ. Nàng trằn trọc nghĩ đến William Fraser, đến công việc mới và lại nghe thấy tiếng chiếc giường lò xo của Susie run lên bần bật. Từ đó nàng không thể ngủ được nữa.

Tám giờ rưỡi sáng hôm sau Catherine đến nơi làm việc mới của nàng. Cửa phòng đã mở khoá, đèn ở phòng giao dịch đã bật. Nghe có tiếng đàn ông ở văn phòng bên trong, nàng liền bước vào.

William Fraser đang ngồi bên bàn, đọc vào một chiếc máy ghi. Ông ngẩng lên thấy Catherine bước vào ông liền tắt máy.

- Cô đến sớm thế? - Ông hỏi.

- Tôi muốn tham quan một lượt trước khi bắt tay vào làm việc.

- Mời cô ngồi - Giọng ông là lạ, khiến cô lúng túng. Ông có vẻ cáu bẳn. Catherine ngồi xuống ghế.

- Tôi không thích nhưng kẻ rình mò đâu, cô Alexander ạ.

Catherine đỏ bừng mặt:

- Tôi… tôi không hiểu.

- Washington chỉ là một tỉnh nhỏ. Thậm chí không phải là một tỉnh mà chỉ là một làng quê. Không một chuyện gì xảy ra ở đây mà sau năm mười phút mọi người không ai là không biết.

- Tôi vẫn không…

- Hai phút sau khi cô tới đó, chủ báo Post đã phôn đến tôi hỏi tại sao cô thư ký của tôi lại nghiên cứu về tôi để làm gì.

Catherine ngồi ngây người, kinh ngạc, không biết đáp sao.

- Cô có tìm được những tin tào lao mà cô muốn biết không?

Sự lúng túng của nàng nhanh chóng chuyển sang giận dữ, nàng nói:

- Tôi không dò la - Nàng đứng dậy - Lý do duy nhất tôi cần những tin tức về ông chính là vì muốn biết rõ tôi sắp làm việc với người như thế nào - Giọng nàng run run, đầy phẫn nộ - Theo tôi, một thư ký cần phải hợp với ông chủ và tôi cần biết tôi phải làm gì.

Fraser ngồi yên, vẻ mặt hầm hầm.

Catherine nhìn ông, căm ghét ông đến mức sắp bật khóc.

- Ông khỏi phải lo về chuyện đó nữa, ông Fraser ạ. - Tôi xin rút lui - Cô xoay người định bước ra cửa.

- Ngồi xuống - Fraser ra lệnh, giọng như roi quất, Catherine quay lại sững sờ - Tôi không chịu được những người nhõng nhẽo như cô.

Nàng nhìn ông:

- Tôi không phải là người…

- Thôi được. Vậy tôi xin lỗi. Mời cô ngồi xuống.

- Thế nào? - Ông rút một chiếc tẩu từ trong ngăn bàn ra và châm lửa hút.

Catherine đứng ngây ra không biết làm gì bây giờ, nàng cảm thấy nhục nhã:

- Tôi thấy công việc bắt đầu không thluận - Nàng nói - Tôi…

Fraser lại rút tẩu ra và bật diêm.

- Tất nhiên rồi đâu sẽ vào đấy, Catherine ạ - Ông phân bua - Cô không bỏ đi được. Mới xích mích có thế thôi mà tôi phải sa thải một cô thư ký mới ư?

Catherine nhìn ông và nhận thấy trong đôi mắt xanh sáng của ông ánh lên những tia vui đùa. Ông đang tủm tỉm cười, và miễn cưỡng nàng cũng nhếch miệng cười.

Nàng ngồi sụp xuống ghế tựa.

- Như thế tốt hơn. Đã có ai nhận xét rằng cô là người quá nhạy cảm chưa nhỉ?

- Có lẽ có rồi.

Fraser ngả lưng vào ghế của mình.

- Mà có thể tôi là người quá nhạy cảm cũng nên. Nhức cái lỗ đít lắm vì bị người ta gán cho cái tên "một trong những chàng trai độc thân dễ ưa nhất nước Mỹ".

Đáng tiếc là ông dùng những từ ngữ thô như vậy. Song cái gì làm nàng băn khoăn nhất. Nàng tự hỏi? Lỗ đít hay gã độc thân?
Có lẽ Fraser nói đúng. Có lẽ sự quan tâm của nàng đối với ông không thông phàm như nàng tưởng.

- Một đối tượng của mọi phụ nữ ngu xuẩn nhất không chồng trên thế giới này - ông nói tiếp - Có lẽ nếu như tôi bảo cô rằng phụ nữ là rất hay gây gổ thì chưa chắc cô đã tin tôi đâu.

Nàng ư? Cử thử coi thủ quỹ xem sao? Catherine đỏ bừng mặt khi nhớ lại chuyện cũ.

- Biến một người thành ông bụt còn dễ hơn - Fraser thở dài - Có lẽ cũng đúng như tờ Tuần nghiên cứu quốc gia ấy, cô hãy cho tôi biết về cô đi. Có bạn trai chưa?

- Chưa ạ. - Nàng đáp - Đúng ra là không có bạn trai nào đặc biệt cả - Nàng vội nói thêm.

Ông nhìn nàng, dò xét:

- Hiện nay cô sống ở đâu?

- Tôi đang ở chung một căn hộ với cô bạn học hồi học ở đại học.

- Trường Northwestern?

Nàng ngạc nhiên nhìn ông, sau đó chợt hiểu rằng chắc chắn ông đã đọc tờ khai lý lịch của nàng.

- Dạ, vâng.

- Tôi sẽ cho cô biết thêm một điều về tôi mà cô đã không tìm thấy trong kho lưu trữ của toà báo. Tôi là một gã rất khó cộng tác. Cô sẽ thấy là tôi biết điều, song đồng thời tôi cũng rất kỹ tính. Chúng ta sẽ khó sống với nhau đấy. Cô có tìm được cách nào thích nghi với tôi được không?

- Tôi sẽ cố gắng - Catherine đáp.

- Tốt. Sally sẽ giúp cô làm quen với guồng máy ở đây. Điều quan trọng nhất là cô cần phải nhớ rằng tôi là một người uống cà phê liên tục. Tôi thích cà phê đen, nóng rãy.

- Tôi sẽ nhớ kỹ - Nàng đứng dậy, đi ra cửa.

- Kìa, Catherine?

- Còn chuyện gì, thưa ông Fraser?

- Tối nay có về nhà, cô hãy đứng trước gương tập nói một ít lời tục tĩu đi. Cứ mỗi lần tôi nói từ gì bậy mà cô lại nháy mắt như vậy, tôi không thể chịu được.

Ông lại giở giọng lên lớp cô như với con nít. Nàng lạnh lùng đáp:

- Dạ, vâng - Rồi cô đóng cửa mạnh đến "sầm" một tiếng khi đi ra.

Cuộc gặp mặt không diễn ra như Catherine mong muốn. Nàng không còn thấy mến ông Fraser nữa. Nàng cho rằng ông là một người cục cằn thô lỗ, đầy kiêu căng, tự mãn. Vợ ông ta bỏ ông ta cũng đáng. Thôi đành vậy, nàng đã đến đây thì cứ phải bắt tay vào công việc, song nàng xác định rằng nàng sẽ đi tìm một việc làm khác, việc gì đó với một con người chứ không phải với một hôn quân bạo chúa.

Sau khi Catherine bước ra khỏi phòng, Fraser ngả lưng vào ghế tựa, nụ cười thoáng hiện trên môi. Liệu những cô gái trẻ trung, năng nổ và tận tâm như cô này có nhiều không? Trong lúc giận dữ, đôi mắt nàng sáng lên, đôi môi run run, Catherine dường như không có gì che chở khiến cho Fraser muốn giơ tay ra ôm lấy nàng mà bảo vệ cho nàng. Và chống lại chính ông, ông chợt đau khổ nhận ra điều này. Ở nàng có một phẩm cách rực rỡ theo kiểu cổ điển mà ông hầu như quên mất là các cô gái thường có.

Nàng thật đáng yêu, thông minh, đồng thời lại có bản lĩnh riêng. Nàng sẽ trở thành thư ký loại cừ mà ông có được từ trước tới nay. Và trong thâm tâm, Fraser có cảm giác rằng nàng còn hơn thế nữa. Đến mức độ nào thì ông không khẳng định được. Tình cảm của ông đã từng nhiều lần sôi sùng sục khiến cho hệ thống báo động tự động ở ông làm việc ngay khi những tình cảm của ông bị một người phụ nữ nào đó chạm tới. Những giây phút như thế rất ít xảy ra. Chiếc tẩu thuốc của ông đã tắt. Ông châm lại và nụ cười vẫn chưa biến đi trên môi. Một lát sau Fraser gọi nàng vào để đọc cho nàng chép. Catherine tỏ ra lich thiệp nhưng lạnh lùng. Nàng đợi Fraser nói một điều gì đó có tính chất riêng tư để nàng có dịp bộc lộ rằng nàng giữ thái độ xa lánh, song chính ông vẫn giữ thái độ lạnh lùng, nghiêm túc, Catherine cho rằng ông tỏ ra là quyết gạt bỏ sự kiện buổi sáng ra khỏi đầu óc. Con người này lại ít tình cảm đến vậy ư?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:59:19 | Chỉ xem của tác giả
Tuy nhiên Catherine thấy công việc mới đầy cuốn hút. Điện thoại réo liên tục, họ tên những người gọi đến khiến nàng thấy rất hào hứng. Trong một tuần đầu tiên, phó Tổng thống Mỹ đã gọi điện đến hai lần, nửa tá thượng nghị sĩ bộ trưởng ngoại giao và một nữ diễn viên nổi tiếng đang có mặt ở thành phố gọi đến, giới thiệu bộ phim cô ta mới đóng. Cú điện thoại quan trọng nhất trong tuần là của Tổng thống Roosevelt. Catherine thấy hồi hộp quá, nàng đã để rơi ống điện thoại và đứt liên lạc với viên thư ký của Tổng thống.

Ngoài những cú phôn gọi tới, Fraser còn hàng chục cuộc hẹn làm việc tại văn phòng, tại câu lạc bộ ở vùng quê và ở một trong những nhà hàng nổi tiếng. Sau vài tuần Fraser cho phép Catherine được bố trí lịch các cuộc hẹn và đặt trước các loại dịch vụ cho ông. Nàng biết được Fraser thích gặp những ai và tránh gặp những ai. Công việc đã cuốn hút nàng đến mức khi hết tháng đó, nàng hoàn toàn quên hẳn việc đi tìm công việc khác.

Quan hệ giữa Catherine và Fraser vẫn ở mức độ hết sức lạnh nhạt, song nàng hiểu rõ ông, từ đó nhận thấy rằng thái độ lạnh lùng ở ông không phải là vì ông thiếu thân thiện, mà chính sự nghiêm nghị giữ ý đã trở thành bức tường ngăn ông với thế giới bên ngoài. Catherine có cảm giác rằng Fraser thật ra là một người hết sức cô độc.

Công việc đòi hỏi ông phải có thái độ cộng đồng, song về bản chất ông là một người cô đơn. Cô còn cảm thấy một điều nữa, đó là việc William Fraser không thuộc loại người mà nàng mơ tưởng. Nàng cho rằng về chuyện đó thì đa số đàn ông nước Mỹ đều như vậy thôi.

Thỉnh thoảng, nàng lại cùng Susie lại hẹn hò đi chơi với hai gã đàn ông, song đa số các vệ sĩ của nàng là những người đã có vợ, đòi hỏi tình dục mạnh mẽ, cho nên nàng thường thích đi xem phim hoặc xem kịch một mình. Nàng đã xem Gertrude Lawrence và một diễn viên hài mới nổi là Dannye Kaye trong phim "Bà phu nhân trong bóng tối", "Sống với người bố" và "Alice cầm vũ khí" với một diễn viên mới tên gọi là Kitr Douglas. Nàng thích phim Kitty Foyle với diễn viên Ginger Rogers bởi phim này gợi nàng nhớ đến cuộc đời nàng. Một buổi tối trong buổi diễn Hamlet nàng trông thấy Fraser ngồi trong ngăn riêng với một cô gái kiều diễm vận một chiếc áo dài đắt tiền đúng như Catherine đã thấy trong tạp trí Vogue. Nàng không biết cô gái đó là ai. Fraser tự bố trí những cuộc hẹn hò cá nhân của ông cho nên nàng không biết ông đi đâu và đi với ai. Ông nhìn lướt qua phòng khán giả và trông thấy nàng. Sáng hôm sau ông không hề nhắc chút gì về chuyện đó cho mãi đến khi ông đọc cho nàng ghi hết các thư từ giao dịch buổi sáng.

- Cô có thích Hamlet không? - Ông hỏi.

- Vở kịch cũng thành công đấy, song tôi không quan tâm lắm đến phần diễn xuất.

- Tôi rất thích các diễn viên - Ông nói - Theo tôi, cô gái đóng vai Ơphelia rất tốt.

Catherine gật đầu, định bước ra.

- Cô có thích vai Ơphelia không? - Fraser hỏi với theo.

- Nếu ông muốn tôi nói thực ý nghĩ của tôi - Catherine thận trọng đáp - Theo tôi, cô ta không có khả năng ngoi đầu lên khỏi mặt nước được - Nàng quay gót, tháo lui.

Tối hôm đó khi Catherine về đến nhà, Susie đang đợi nàng bảo rằng:

- Hôm nay mày có khách.

- Ai vậy?

- Một nhân viên FBI. Người ra điều tra về mày.

- Lạy Chúa, Catherine nghĩ. Người ta đã phát hiện ra mình là gái đồng trinh, có lẽ Washington có một loại luật gì đó phạt vạ chuyện này chăng. Rồi nàng nói to:

- Tại sao nhân viên FBI lại điều tra về tao?

- Bởi vì bây giờ mày làm cho cơ quan nhà nước.

- À ra vậy.

- Ông Fraser của mày thế nào?

- Ông Fraser rất tốt - Catherine đáp.

- Theo mày thì ông ấy có thích loại người như tao không?

Catherine nhìn lại cô bạn cao ngẳng, da ngăm nâu, mềm oặt, đáp:

- Để điểm tâm thì được.

Trong tuần tiếp theo, Catherine dần dần làm quen với đám các cô thư ký khác làm việc ở các phòng bên cạnh. Vài ba cô cũng có quan hệ bồ bịch với ông chủ của họ, song hình như họ coi việc đàn ông có vợ hay độc thân không là vấn đề gì cả. Họ ghen tị với Catherine về việc nàng được làm việc cho William Fraser.

- Chàng trai vàng đó ra sao? - Một buổi đang lúc ăn trưa một cô đã hỏi nàng - Ông đã qua tay cậu chưa?

- Chà, chuyện đó ông ấy không quan tâm - Catherine chân thực đáp.

- Nghiêm túc nhé, cậu thấy ông ta thế nào?

- Có thể chịu được!

Catherine nói xạo như vậy. Từ lần đầu tiên họ va chạm với nhau, tình cảm của nàng với Fraser đã thay đổi đáng kể, khi ông bảo ông là người kỹ tính, ông đã cho nàng biết rõ một sự thật. Mỗi khi nàng mắc khuyết điểm, nàng đều bị quở trách ra trò, song nàng thấy rằng ông công bằng và biết điều. Nàng để ý thấy ông gác cả công việc riêng của mình, dành thì giờ giúp đỡ người khác, tuy những người này không đem lại lợi lộc gì cho ông và cũng thường thụ xếp sao cho người ta khỏi phải chịu ơn.
Có một buổi họ mắc nhiều việc bận giải quyết cho kịp Fraser đã mời Catherine đến ăn tối ở nhà mình để họ có thể làm việc khuya cùng nhau. Talmadge, anh tài xế của Fraser, ngồi đợi trong xe đỗ ngay trước toà nhà công sở.

Nhiều cô thư ký lúc bước ra khỏi cửa được chứng kiến, với cái nhìn thông tỏ, cảnh Fraser đưa Catherine vào ngồi ghế phía sau, rồi lách mình vào ngồi cạnh nàng. Chiếc xe hơi lướt nhẹ, bay hoà nhập vào dòng xe cộ lúc cuối chiều.

- Tôi sắp làm cho tiếng tăm của ông bị xói mòn - Catherine bảo.

Fraser cả cười:

- Tôi sẽ cho cô một lời khuyên. Một khi cô muốn bồ bịch với một nhân vật quảng giao nào đó thì cô cứ tiến hành công khai ngoài trời.

- Thế nếu cảm hàn thì sao?

Ông cười hề hề.

- Tức là cô cứ đưa nhân tình của cô - nếu như ngày nay người ta vẫn còn dùng cái từ đó - đến những nơi công cộng, các nhà hàng, rạp hát nổi tiếng.

- Những vở kịch kiểu Shakespeare? - Catherine ngây thơ hỏi.

Fraser cứ lờ như không, nói tiếp:

- Người đời luôn luôn tìm kiếm những động cơ bất chính. Họ sẽ nhủ thầm rằng "Hừ, đấy, gã ấy đưa con nọ con kia đến nơi công cộng. Không biết hắn đi ngầm với đứa nào vậy". Người đời thường không bao giờ tin những điều hiển nhiên.

- Lý thuyết của ông thật là thú vị.

- Arthur, Conan Doyle có viết một truyện dựa trên việc lừa dối người khác bằng một sự kiện hiển nhiên.

- Đó là truyện "Bức thư bị đánh cắp" của Edgar Allen Poe - Catherine bật nói ra, nhưng ngay lúc đó nàng lại thấy ân hận. Đàn ông không thích loại con gái trí lự. Nhưng liệu ở đấy có vấn đề gì không? Nàng đâu có phải là bồ của ông, nàng là thư ký cơ mà.

Họ im lặng trong toàn bộ đoạn đường còn lại.

Ngôi nhà của Fraser ở Georgetown đẹp như trong tranh. Đó là là một ngôi nhà Georgian bốn tầng, chắc tuổi thọ cũng đã phải trên hai trăm năm. Có một gia nhân mặc áo khoác trắng ra mở cửa. Fraser bảo với anh ta:

- Frank, đây là cô Alexander.

- Chào anh Frank. Chúng ta đã có dịp nói chuyện với nhau qua điện thoại - Catherine nói.

- Vâng ạ. Thật vinh hạnh được gặp cô tại đây, thưa cô Alexander.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 22:03:24 | Chỉ xem của tác giả
Catherine đưa mắt ngắm gian phòng tiếp tân. Có một cầu thang cổ, đẹp, dẫn lên tầng hai, tay vịn bằng gỗ sồi lên nước bóng lộn. Sàn nhà lát bằng đá cẩm thạch, trên trần có đèn chùm lóng lánh.

Fraser quan sát nét mặt nàng, hỏi:

- Cô có thích không?

- Dạ thích lắm.

Ông mỉm cười, Catherine suy nghĩ: Không biết nàng có tỏ ra quá vồ vập như một thiếu nữ bị giàu sang hấp dẫn, hay là giống như trong số những người đàn bà hung hăng đã từng săn đuổi ông… Nàng tiếp lời, không ăn nhập.

- Thật… thật là thú vị.

Fraser nhìn nàng giễu cợt. Catherine thấy choáng váng khi cho rằng ông đã đọc những những ý nghĩa của nàng.

- Mời cô vào phòng đọc sách của tôi.

Catherine bước theo ông vào một căn phòng rộng đầy những giá sách làm bằng các khung màu sẫm. Nó mang phong cách của một lứa tuổi khác, một lối sống thoải mái, thân ái, hấp dẫn hơn.

Fraser vẫn đang theo dõi nàng, ông nghiêm nghị hỏi:

- Thế nào?

Catherine lại một lần nữa ứng phó ngay:

- Nhỏ hơn thư viện Quốc hội - Nàng đáp, đã có chuẩn bị trước.

Ông cười ha hả.

- Cô nói đúng.

Frank bước vào phòng, mang theo một chiếc xô bằng bạc đựng nước đá. Anh ta đặt chiếc xô lên mặt quầy ở góc phòng.

- Thưa ông Fraser, mấy giờ thì ông dùng cơm tối?

- Bảy giờ rưỡi.

- Tôi sẽ báo lại cho anh bếp biết - Frank rời khỏi phòng.

- Tôi lấy gì cho cô uống đấy?

- Thôi ạ, xin cảm ơn.

Ông nhìn nàng:

Cô không uống rượu sao, Catherine?

- Tôi không muốn uống rượu trong lúc làm việc - Nàng đáp.

- Tôi sẽ lẫn lộn P với O.

- Cô bảo chữ P với chữ Q à?

- P với O ạ. Hai chữ đó đứng cạnh nhau trên máy đánh chữ.

- Thế mà tôi không biết.

- Ông không hề quan tâm. Bởi vậy ông mới trả cho tôi một món hậu hàng tuần.

- Tôi trả cho cô bao nhiêu nhỉ? - Fraser hỏi.

- Ba mươi đô-la với một bữa ăn tối trong một ngôi nhà đẹp nhất Washington.

- Cô vẫn giữ ý định không uống rượu?

- Đúng thế, xin đa tạ ông - Catherine đáp.

Fraser pha một ly Martini cho bản thân ông, trong lúc đó Catherine đi quanh phòng ngắm nhìn những quyển sách. Ở đây có toàn bộ những tên sách cổ điển truyền thống, ngoài ra còn có cả những bộ sách bằng tiếng Italia và một bộ nữa bằng tiếng Ả Rập.

Fraser tiến đến bên cạnh cô. Catherine hỏi:

- Ông nói được tiếng Ý và tiếng Ả Rập?

- Phải. Tôi đã ở Trung Đông một vài năm và đã học nói tiếng Ả Rập.

- Thế còn tiếng Ý?

- Tôi có đi lại với một cô nữ diễn viên người Ý một thời gian.

Nàng bừng đỏ mặt:

- Xin lỗi. Tôi không có ý tọc mạch.

Fraser nhìn nàng, lấy làm thú vị vì nàng có vẻ như một cô trò nhỏ. Nàng không xác định được là nàng yêu hay ghét ông Fraser. Nàng chỉ biết một điều rằng ông là một người dễ thương nhất mà nàng từng gặp từ trước đến nay.

Bữa ăn thật thịnh soạn. Tất cả các món ăn đều theo kiểu Pháp với những loại nước sốt tuyệt vời. Món tráng miệng là mứt anh đào. Thảo nào mỗi tuần ba buổi ông Fraser lại đi sinh hoạt câu lạc bộ thể thao.

- Thế nào, cô? - Fraser hỏi nàng.

- Không giống thức ăn ở trại lính - Nàng tủm tỉm cười đáp Fraser cả cười.

- Một ngày nào đó tôi sẽ phải ăn ở nhà ăn của lính.

- Tôi mà là ông thì không đời nào phải như vậy.

Ông nhìn nàng:

- Ăn uống tồi thế sao?

- Không phải chuyện ăn uống. Vì chuyện con gái cơ. Người ta sẽ động viên ông đấy.

- Vì sao cô lại nghĩ như vậy?

- Người ta bàn về ông luôn.

- Nghĩa là họ căn dặn cô về tôi chứ gì?

- Rồi ông sẽ rõ - Nàng cười hinh hích.

- Tôi tin rằng một khi họ chuyện trò với cô, họ ắt cảm thấy thất vọng vì thiếu thông tin.

Nàng lắc đầu:

- Ông nhầm. Tôi đã dựng nên đủ mọi thứ chuyện về ông.

Fraser ngả lưng vào ghế tựa, thoải mái bên ly rượu Brandy.

- Những loại chuyện gì vậy?

- Ông có thực sự muốn nghe không?

- Thực chứ sao.

- Tôi kể với họ rằng ông là một bà la sát, hét la tôi suốt ngày.

Ông cười hề hề:

- Đâu có suốt ngày.

- Tôi kể với họ rằng ông là một lão khùng luôn luôn xách theo súng đã lên đạn để đi săn lùng quanh phòng trong lúc ông đọc cho tôi chép và tôi luôn luôn hoảng sợ vì súng cướp cò thì đời tôi tiêu.

- Chuyện đó chắc hấp dẫn họ lắm!

- Họ có dịp thoả sức hình dung xem con người đích thực của ông thế nào.

- Thế cô đã hình dung ra con người đích thực của tôi chưa - Giọng của Fraser trở nên nghiêm túc.

Nàng nhìn thẳng vào đôi mắt xanh sáng của ông một lúc, sau đó quay đi và đáp:

- Tôi đã làm rồi.

- Vậy thế tôi như thế nào?

Catherine bỗng cảm thấy căng thẳng đầu óc. Đã hết lúc đùa cợt và bây giờ câu chuyện giữa họ chuyển sang một phong thái mới. Một phong thái khiến nàng bị kích động, lúng túng. Nàng im lặng. Fraser nhìn nàng một lát, rồi mỉm cười:

- Đề tài về tôi thật nhạt nhẽo. Cô dùng thêm chút tráng miệng?

- Dạ xin đủ, cám ơn ông. Tôi sẽ còn no cả tuần này.

- Nào bây giờ ta vào việc.

Họ làm việc đến tận nửa đêm. Fraser tiễn nàng ra tận cửa, anh tài xế Talmadge đang đợi bên ngoài để đưa nàng trở về nhà.

Suốt trên đường đi nàng cứ nghĩ hoài về Fraser. Nào là sức mạnh, tính hài hước đến lòng trắc ẩn của ông. Ai đó có lần nói người ta cần phải hết sức cứng rắn trước khi tự cho phép mình trở thành hiền lành. William Fraser rất cứng rắn. Tối nay là một tối tốt đẹp nhất trong đời Catherine và có điều khiến nàng băn khoăn day dứt rằng nàng có thể sẽ trở thành một trong những cô thư ký thích đố kỵ ngồi trong văn phòng, suốt ngày chỉ thù oán các thiếu nữ gọi điện thoại đến cho ông chủ nhà mình. Không, nàng nhất định sẽ không cho phép tình trạng đó xảy ra.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách