Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Papillon Người Tù Khổ Sai | Henry Charrière

[Lấy địa chỉ]
71#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 21:07:38 | Chỉ xem của tác giả
Chương 22

Cuộc vượt ngục của những kẻ ăn thịt người

“Nó chén mất cái chân gỗ rồi!” “Một ra-gu đùi gỗ, một!”. Hoặc bắt chước giọng đàn bà: một suất bít-tết đàn ông rán kỹ không bỏ hạt tiêu nhé!”.
Giữa đêm khuya thỉnh thoảng lại nghe la lên một câu như vậy hoặc cả ba câu liền. Clousiot và tôi cứ băn khoăn không hiểu tại sao lại có những câu nói ném ra một cách bâng quơ như vậy trong đêm khuya. Cho đến chiều nay tôi mới biết căn nguyên câu chuyện. Người kể cho tôi nghe là một nhân vật của câu chuyện tên là Marius de la Ciotat, chuyên gia về két sắt. Khi đã biết rằng tôi có quen với bố anh ta, ông Titin, anh ta không ngần ngại nói chuyện với tôi.

Sau khi kể cho anh ta nghe một phần trong chuyến vượt ngục của tôi, tôi hỏi: “Còn anh?” - hỏi lại như vậy là điều rất tự nhiên. - Ồ, tôi thì đã tham gia vào một chuyện rất xấu xa. Tôi e rằng chỉ vì một cuộc vượt ngục mà lĩnh năm năm cấm cố. Nó được mệnh danh là “cuộc vượt ngục của những kẻ ăn thịt người”. Những câu “Nó chén rồi” hay là “một ra-gu,v.v... ” và thỉnh thoảng anh có nghe thấy là nói về hai anh em Graville. “Chúng tôi có sáu người trốn từ Cây số 42. Trong bọn có cả Dédé và Jean Graville, anh ba mươi lăm tuổi, em ba mươi, vốn là người Lyon, một người Naples ở Marseille và tôi, người ở La Ciotat, rồi thì một anh chàng ở Angers có một chân gỗ và một cậu thanh niên hai mươi ba tuổi, được hắn dùng làm vợ.

Khi ra khỏi sông Maroni thì ổn cả, nhưng ra đến biển chúng tôi không sao điều khiển được thuyền, và chỉ trong mấy tiếng đồng hồ đã bị giạt vào bờ biển Guyane thuộc Hà Lan. “Thuyền bị đắm, mất sạch không vớt vát được chút gì lương thực cũng như đồ đạc. May mà hãy còn giữ dược những áo quần đang mặc trên người. Nơi chúng tôi bị giạt vào không có bãi cát, biển vào thắng trong rừng rậm. Chỗ này những cây bị gẫy gốc hay bị biển bứng lên cả rễ đan chi chít vào nhau. “Đi suốt một ngày mới đến chỗ khô ráo. Chúng tôi chia ra làm ba nhóm, nhóm thứ nhất là hai anh em Graville, tôi với Guesepi đi với nhau, còn gã chân gỗ đi với thằng bạn nhỏ. Mỗi nhóm đi về một phía, nhưng mười hai ngày sau nhóm Graville và nhóm chúng tôi lại gặp nhau gần đúng ở chỗ đã chia tay nhau. Xung quanh toàn là bùn lầy, tìm mãi không có một lối nào qua được. Không cần phải tả cho anh thấy mặt mũi chúng tôi lúc bấy giờ ra sao. Suốt mười ba ngày chúng tôi không ăn gì ngoài mấy mẩu rễ cây hay mầm cây. Đói và mệt lả, hoàn toàn kiệt sức, chúng tôi quyết định là Marius và tôi sẽ thu hết tàn lực trở ra bờ biển, buộc một chiếc áo sơ mi lên một ngọn cây, càng cao càng tốt, để ra đầu thú với chiếc tàu tuần tra bờ biển đầu tiên của Hà Lan thế nào cũng sẽ đi qua đấy. Hai anh em Graville sẽ ở lại nghỉ vài giờ rồi đi tìm vết tích của hai người kia. Tìm chắc cũng dễ vì ngay từ đầu chúng tôi đã thỏa thuận là sẽ bẻ cành cây đánh dấu những chỗ vừa đi qua.

Thế rồi mấy giờ sau, hai anh em thấy gã chân gỗ trở lại một mình.
   - Còn thằng bé đâu?
   - Tớ để nó ngồi lại cách đây rất xa, vì nó không đi được nữa.
   - Cậu bỏ nó lại như vậy thật là quá tệ.
   - Chính nó muốn quay lại.
Đến đấy Dédé nhận thấy cái chân duy nhất còn lại của hắn đi một chiếc giày của cậu bé.
   - Cậu lại còn bắt nó cởi giày ra cho cậu đi nữa à! Khá thật. Mà cậu có vẻ khỏe khoắn lắm chứ không phải như chúng mình. Rõ ràng là cậu vừa được ăn.
   - Đúng, tớ tìm được một con khỉ lớn bị què.
   - Thế thì may cho cậu. - Đến đây Dédé đứng dậy, con dao lăm lăm trong tay, vì anh ta eảm thấy mình đã hiểu ra được một điều gì khi nhìn thấy cái túi dết của gã kia căng phồng lên.
   - Mở túi dết ra. Cái gì ở trong ấy? Hắn mở túi dết ra thì thấy có một súc thịt.
   - Cái gì đấy?
   - Miếng thịt khỉ ấy mà!
   - Đồ khốn kiếp, mày đã giết thằng bé để ăn thịt!
   - Không phải đâu Dédé, tớ thề như vậy. Cậu ấy mệt quá chết rồi, tớ có ăn một ít. Cậu tha cho tớ.
Hắn chưa nói hết câu thì con dao đã đâm sâu vào bụng hắn.

Lục soát trong người hắn, Dédé tìm thấy một cái túi da có đựng diêm và tấm bìa quẹt. Hai người giận điên lên khi thấy cái túi đựng diêm ấy vì như thế là khi chia tay nhau gã kia không chịu chia đều số diêm cho các nhóm khác. Thêm vào đấy lại đói nữa, thế là họ đốt lứa và bắt đầu nướng thịt gã chân gỗ ăn. Guesepi đến trong khi hai người đang chén. Họ mời anh ta. Guesepi từ chối. Ở bờ biển anh ta đã ăn mấy con cua và mấy con cá sống. Anh ta bên đứng nhìn từ bên ngoài cái cảnh hai anh em Graville nướng miếng thịt trên than hồng, dùng cả cái chân gỗ để đun bếp. Như vậy là trong hai ngày liền Guesepi đã trông thấy hai anh em Graville ăn thịt gã kia; anh ta lại còn trông thấy rõ những bộ phận họ đã ăn: cái bắp chân, cái đùi, bộ mông. Còn tôi, - Marius nói tiếp, - tôi đang đứng chờ ở bờ biển. Guesepi ra tìm tôi. Chúng tôi bắt cua và cá nhỏ bỏ đầy một cái mũ và đem về bếp anh em Graville để nướng. Tôi không trông thấy xác thằng chân gỗ, chắc họ đã lôi đi chỗ khác. Nhưng tôi có trông thấy mấy miếng thịt còn để ở một bên đống lửa, trên lớp tro.Ba hôm sau, một chiếc tàu tuần tra bờ biển cho chúng tôi lên và giao chúng tôi lại cho trại tù Saint Laurent - Du-Maroni. “Guesepi đã không chịu giữ mồm giữ miệng. Tất cả những người ở trong phòng này đều biết sự việc đã xảy ra, ngay cả bọn gác cũng biết. Tôi kể cho anh nghe vì ai cũng biết hết rồi; anh em Graville là người xấu tính, cho nên mấy người khác mới ném ra những câu mà anh đã từng nghe giữa đêm khuya. Chúng tôi bị chính thức lên án về tội vượt ngục kèm theo tội ăn thịt người. Cái gay là ở chỗ để tự bào chừa tôi phái tố cáo anh em Graville, mà điều đó thì không thể được. Cả bọn, trong đó có cả Guesepi, đều phủ nhận việc này trong các buổi hỏi cung. Chúng tôi đều nói là hai người kia đã mất tích trong rừng. Tình cảnh của tôi là như thế đấy, Papillon ạ”.
   - Tôi chia buồn với cậu, vì quả thực cậu chỉ có thể tự bào chữa bằng cách tố cáo người khác.

Một tháng sau, Guesepi bị giết bằng một nhát dao đâm vào giữa tim trong lúc đang đêm. Thậm chí người ta cũng chẳng cần tự hỏi xem ai đã giết hắn. Đó là sự thật trong câu chuyện những người vượt ngục đã ăn thịt một người trong bọn bằng cách nướng hắn trên ngọn lửa đốt bằng cái chân gỗ của hắn, và trước đó bản thân người này đã ăn thịt thằng bạn nhỏ cùng đi với hắn. Đêm ấy tôi nằm ở một chỗ khác trên sạp gỗ: người trước đó nằm ở đây đã bị chuyển đi nơi khác. Tôi lại xin mọi người xê ra một quãng, thế là Clousiot có chỗ nằm cạnh tôi. Từ chỗ tôi nằm, dù chân trái bị cùm vào thanh sắt dài, ngồi dậy tôi vẫn thấy được những ai đang diễn ra ở ngoài sân. Sự giám sát nghiêm ngặt đến mức các đợt đi tuần hầu như kế tiếp nhau không hở phút nào, và bất cứ lúc nào cũng có những đội tuần tra đi đến từ phía ngược lại với đội trước.

Bây giờ chân tôi đã đi được rất khỏe, và chỉ có khi nào trời mưa tôi mới thấy đau nhức. Vậy là tôi đã đủ sức để tiến hành một cuộc vượt ngục khác, nhưng bằng cách nào? Phòng này không có cửa sổ, chỉ có một dãy song sắt rất lớn ghép liền thành một bức rào chạy hết chiều ngang và lên đến tận mái. Vị trí của nó cho phép gió đông bắc thổi vào phòng lồng lộng. Tuy đã quan sát suốt cả tuần, tôi vẫn chưa tìm được một chỗ nào sơ hở trong cách giám sát của bọn canh ngục. Lần đầu tiên, tôi hầu như đã phải chịu rằng họ sẽ có thể đưa tôi vào nhà giam cấm cố ở đảo Saint-Joseph. Nghe nói là nhà giam này rất khủng khiếp. Người ta gọi nó là cái nhà giam “ăn thịt người”. Thêm một tài liệu nữa: nó tồn tại đã tám mươi năm nay mà chưa hề có một người nào trốn ra ngoài được.

Dĩ nhiên một khi hầu như đã chấp nhận mình thua cuộc như vậy, tôi phải nhìn về tương lai. Tôi đã hai mươi tám tuổi, mà viên đại úy dự thẩm đòi giam tôi năm năm cấm cố. Rút ngắn thời hạn này là việc hết sức khó khăn. Vậy thì khi ra khỏi nhà giam cấm cố tôi sẽ được ba mươi ba tuổi. Tôi còn có nhiều tiền trong plan. Vậy nếu tôi không vượt ngục được - điều này gần như chắc chắn nếu cứ theo những điều tôi được biết - ít nhất tôi cũng phải làm thế nào để giữ được sức khỏe cho tốt. Năm năm trong cảnh hoàn toàn cô độc khó lòng có thể chịu đựng nổi mà không phát điên. Cho nên tôi dự tính sẽ luyện tập ngay từ ngày đầu bị cấm cố cho bộ óc của tôi hoạt động thật ngăn nắp theo một phương trình được ấn định chính xác và đa dạng. Phải cố tránh đến mức tối đa những lối mơ tưởng “xây lâu đài ở Tây Ban Nha”*(*thành ngữ Pháp có nghĩa là mơ ước những chuyện hão huyền) và nhất là tránh mơ ước những cách trả thù. Vậy ngay từ bây giờ tôi đã chuẩn bị vượt qua sự trừng phạt khủng khiếp đang chờ tôi và ra khỏi nhà giam cấm cố với tư thế của người chiến thắng. Phải, chúng nó sẽ chẳng được xơ múi gì. Tôi sẽ ra khỏi nhà giam cấm cố với một thể lực tốt, hoàn toàn làm chủ những năng lực thể chất và tinh thần của mình.

Xác lập được những dự định này và điềm tĩnh chấp nhận những gì đang đợi tôi là một điều làm cho tôi thêm vừng vàng. Ngọn gió biển lùa vào phòng mơn trớn tôi trước khi thổi đến những người khác và thực sự làm cho tôi thêm sảng khoái. Clousiot biết rõ khi nào tôi không muốn nói chuyện. Cho nên anh ta không quấy rầy những phút yên lặng của tôi, và chỉ hút nhiều thuốc lá. Nhìn thấy mấy ngôi sao ở trên trời, tôi nói với anh:
   - Nằm ở chỗ cậu có thấy sao không?
   - Có! - anh ta nói, người hơi nghiêng về phía trước. - Tôi thấy đừng nhìn sao thì hơn vì nó làm cho tôi nhớ những ngôi sao trong chuyến vượt ngục vừa qua quá.
   - Cậu đừng buồn, chúng ta sẽ thấy lại hằng ngày trong một chuyến vượt ngục khác.
   - Bao giờ? Năm năm nữa à?
   - Clousiot ạ, cái năm mà chúng ta vừa được sống qua, tất cả những chuyện ly kỳ đã xảy ra đến với chúng ta, những con người mà chúng ta đã quen được biết chẳng lẽ lại không đáng giá năm năm cấm cố hay sao? Cậu thích ở Quần đảo ngay từ đầu hơn là đã dự cuộc vượt ngục ấy sao? Vì mấy năm cấm cố đang đợi chúng ta chắc chắn là những năm đọa đày, cậu tiếc là đã có mặt trong cuộc vượt ngục ấy sao? Cậu hãy trả lời thành thật đi, cậu có tiếc không?
   - Papi ạ, cậu quên mất một điều: tôi không hề được sống bảy cái tháng thần tiên của cậu ở làng Anh- điêng. Giá tôi đã cùng đến đấy với cậu, tôi cũng sẽ nghĩ như cậu, nhưng đằng này trọn thời gian ấy tôi lại phải ngồi tù.
   - Xin lỗi cậu, tôi quên mất, tôi nói bậy.
   - Không, cậu không nói bậy: dù sao tôi cũng rất hài lòng về chuyến vượt ngục của chúng ta, vì chính tôi cũng đã được sống những giờ phút không thể nào quên được. Chỉ có điều tôi cũng hơi lo sợ trước những gì đang chờ tôi ở cái nhà giam “ăn thịt người”. Năm năm cấm cố là một cái gì hầu như không thể qua nổi.

Tôi liền nói với Clousiot biết những điều tôi đã quyết định làm, và tôi cảm thấy anh ta có một phản ứng rất tích cực. Thấy bạn lấy lại được sức mạnh tinh thần, tôi rất mừng. Còn mười lăm ngày nữa chúng tôi phải ra tòa. Theo những lời đồn đại viên thiếu tá sẽ đến đây chủ tọa hội đồng trừng giới có tiếng là người nghiêm khắc, nhưng hình như lại là người rất trung trực. Ông ta không dễ gì tin vào những lời xúc xiểm của Ban quản trị nhà tù. Vậy nên coi đó là một tin mừng thì hơn. Clousiot và tôi (vì Maturette ngay khi trở về trại đã bị nhốt vào xà-lim riêng) đều không chịu nhận một viên giám thị làm trạng sư bào chữa. Cả hai quyết định rằng tôi sẽ nói thay cho cả ba chúng tôi và sẽ bào chữa cho cả nhóm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

72#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 23:27:05 | Chỉ xem của tác giả
Chương 23

Cuộc xét xử

Sáng hôm ấy, râu cạo nhẵn, tóc hớt gọn ghẽ, mình mặc một bộ đồ phạm nhân có sọc đỏ, chân đi giày, chúng tôi đứng trong sân đợi đến giờ được đưa ra tòa. Chân Clousiot đã được tháo băng bột từ hai tuần trước. Anh ta đi bình thường, không bị khập khiễng. Hội đồng trừng giới bắt đầu họp từ ngày thứ hai. Sáng hôm nay là ngày thứ bảy, vậy trước chúng tôi đã có năm ngày xét xử các vụ khác: việc xét xử hai người cho kiến ăn tên A-rập đã choán hết một ngày. Cả hai đều bị xử tử, và từ đấy tôi không gặp lại họ nữa. Hai anh em Graville chỉ bỉ bốn năm cấm cố (vì thiếu bằng chứng về hành động ăn thịt người). Việc xét xử hai người đã kéo dài hơn nửa ngày. Trong phần còn lại, các phạm nhân can tội giết người bị xử năm hay bốn năm cấm cố. Nhìn chung đối với mười bốn phạm nhân bị đưa ra xử, những hình phạt được ứng dụng đều có phần nghiêm khắc nhưng cũng đều chấp nhận được, không có trường hợp nào quá đáng...

Buổi xử bắt đầu lúc bảy giờ ba mươi phút. Chúng tôi đang đứng trong phòng xử thì một viên thiếu tá mặc quân phục kỵ binh lạc đà bước vào, có một viên đại úy bộ binh già và một viên trung úy đi theo phụ tá. Ở bên phải tòa một viên giám thị đeo lon đại úy làm người đại diện cho Ban quản trị, tức cho phía buộc tội. Hôm nay Hội đồng xét vụ Charrière, Clousiot, Maturette. Chúng tôi đứng cách tòa khoảng bốn mét. Tôi có đủ thì giờ nhìn kỹ mái đầu dãi nắng gió sa mạc của viên thiếu tá bốn mươi, bốn nhăm tuổi ấy, với đôi thái dương ngả màu bạch kim. Một đôi mày rất rậm trên một đôi mắt đen và sáng quen nhìn thẳng vào mắt mọi người. Đó là một quân nhân thực thụ. Cái nhìn của ông ta không có gì tàn ác. Ông nhìn kỹ vào mắt chúng tôi, như thể cân nhắc, đánh giá chúng tôi trong vài giây. Mắt tôi gắn chặt vào cái nhìn của ông một lát, rồi tôi cố tình cụp mắt xuống.

Viên đại úy đại diên cho Ban quản trị lên án chúng tôi một cách gay gắt quá mức, và chính điều đó sẽ làm cho ông ta thua cuộc. Ông ta gọi hành động đánh vào đầu mấy tên giám thị để vô hiệu hóa chúng trong chốc lát là một “cuộc mưu sát”. Về phần tên giữ chìa khóa A-rập, ông ta khẳng định rằng chúng tôi đánh hắn tới tấp như vậy mà hắn không chết chẳng qua là do một sự may mắn thần kỳ. Ông ta lại phạm một sai lầm nữa khi nói rằng chúng tôi là những tên khổ sai đã đem nỗi ô nhục của nước Pháp đi bêu riếu tận những nơi xa xôi nhất kể từ khi trại khổ sai được thành lập cho đến nay.

“Đến tận Colombia. Những con người này, kính thưa quan chánh án, đã vượt qua hai ngàn năm trăm cây số để làm cái việc đó. Trinidad, Curacao, tất cả các quốc gia đó chắc chắn là đã phải nghe những lời vu khống hèn hạ nhất về chế độ trừng giới của nước Pháp. “Tôi yêu cầu Tòa xử hai tội tách biệt với tổng số tám năm cấm cố: năm năm vì tội mưu sát, và ba năm vì tội vượt ngục. Đó là về phần Charrière và Clousiot. Còn về phần Maturette thì tôi chỉ yêu cầu giam ba năm về tội vượt ngục, vì qua cuộc điều tra có thể thấy rõ tên này không tham dự vào cuộc mưu sát. Quan Chánh án:
   - Tòa muốn được nghe kể hết sức vắn tắt về hành trình vượt biển này”.
Tôi kể lại chuyến vượt biển đến Trinidad, bỏ qua phần trên sông Maroni.

Tôi mô tả gia đình Bowen với những hành động đầy tình nhân ái của họ. Tôi dẫn lại lời viên chỉ huy cảnh sát ở Trinidad: “Chúng tôi không có bổn phận phán xét hệ thống tư pháp của nước Pháp, nhưng chúng tôi không thể tán thành việc họ đày các phạm nhân của họ sang Guyane, và chính vì thế mà chúng tôi giúp các anh”; Curacao, Đức Cha Irénée de Bruyne, câu chuyện cái túi tiền florins, rồi xứ Co-lom-bia, tại sao chúng tôi đến đấy. Vài câu vắn tắt về mấy tháng tôi ở với người Anh- điêng. Ông thiếu tá im lặng nghe tôi kể, không lần nào ngắt lời. Ông chỉ hỏi thêm vài chi tiết về sinh hoạt của tôi trong bộ lạc Anh- điêng, một giai đoạn đã làm cho ông ta hết sức thích thú. Rồi đến các nhà tù Colombia, đặc biệt là cái chuồng giam ngầm của nhà tù Santa Marta.
   - Cám ơn, những điều anh vừa kể đã giúp Tòa sáng tỏ thêm và đồng thời đã khiến cho Tòa rất quan tâm. Ta sẽ nghỉ mười lăm phút. Tôi không trông thấy các trạng sư bào chữa cho các anh ở đâu cả, vậy họ ở đâu?
   - Chúng tôi không có trạng sư bào chữa. Tôi xin Tòa chấp nhận cho tôi được bào chữa cho các bạn tôi và cho bản thân tôi.
   - Anh có thể làm việc đó, quy chế thừa nhận quyền tự bào chữa của anh.
   - Cám ơn.
Mười lăm phút sau phiên tòa lại tiếp tục. Quan Chánh án:
   - Charrière, tòa cho phép anh trình bày phần bào chữa cho các bạn anh và cho bản thân anh. Tuy nhiên chúng tôi báo trước để anh biết rằng Tòa sẽ tước quyền phát biểu của anh nếu anh tỏ ra thiếu tôn trọng vị đại diện của Ban quản trị. Anh hoàn toàn có quyền tự bào chữa một cách tự do, nhưng với những lời lẽ đứng đắn. Tòa nhường lời cho anh.
   - Tôi xin Tòa dứt khoát gạt bỏ lời tố cáo chúng tôi mưu sát. Đây là một điều không thể tin được, và tôi xin chứng minh điều đó: năm ngoái tôi hai mươi bảy tuổi, còn Clousiot thì ba mươi. Chúng tôi đều đang tuổi sung sức, lại mới ở Pháp sang. Chúng tôi cao một mét bảy mươi tư và một mét bảy mươi lăm. Chúng tôi đã dùng hai cái chân giường bằng sắt để đánh người A-rập giữ chìa khóa và mấy người giám thị. Trong cả bốn người ấy không có ai bị thương tích gì đáng kể. vậy họ đã bị đánh một cách rất thận trọng vì chúng tôi nhằm làm cho họ choáng đi mà không làm cho họ bị thương, và chúng tôi đã đạt được mục đích ấy. Viên giám thị buộc tội chúng tôi đã quên nói, hoặc không biết, rằng hai cái chân giường đều quấn giẻ rất kỹ để đừng làm ai bị thương. Qúy Tòa gồm toàn những quân nhân chuyên nghiệp, nên biết rất rõ những tác hại mà một người đàn ông khỏe mạnh có thể gây ra khi đánh vào đầu một người khác, dù chỉ bằng má lưỡi lê. Thế thì xin Tòa hình dung với một cái chân giường bằng sắt, một người đàn ông như chúng tôi có thể làm gì. Tôi xin lưu ý Tòa rằng trong bốn người bị tấn công không có ai phải vào bệnh viện. Tôi nghĩ rằng khi một người tù chung thân vượt ngục, tội của người ấy không nghiêm trọng bằng tội của một người bị xử tù ngắn hạn hơn mà vượt ngục. Ở tuổi chúng tôi người ta khó lòng có thể đành tâm chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ được sống lại nữa. Tôi xin Tòa khoan dung với cả ba chúng tôi.
Viên thiếu tá nói thì thầm mấy câu với hai người phụ tá, rồi ông dùng cái búa của Chánh án gõ lên bàn giấy. -
    Bị cáo nhân, hãy đứng dậy. Cả ba chúng tôi đứng lên, thẳng đơ như ba cái cọc, đợi lời tuyên án. Quan Chánh án:
   - Tòa gạt bỏ hoàn toàn lời buộc tội mưu sát; về khoản này tòa không cần tuyên án, dù là tuyên án tha bổng. Về tội vượt ngục, các anh được Tòa thừa nhận là có tội ở mức thứ hai. Vì tội này Tòa xử các hai năm cấm cố.
Chúng tôi cùng nói một lượt: “Cám ơn thiếu tá”. Tôi nói thêm: “Xin cám ơn Tòa”.

Trong phòng xử án, những tên cảnh sát đến dự phiên Tòa cứ ngẩn người ra. Khi chúng tôi trở về phòng giam, mọi người đều hài lòng về tin này, không ai ganh tỵ. Ngược lại. Ngay cả những người bị xử nặng cũng thành thật mừng cho sự may mắn của chúng tôi. Francois Sierra đến ôm hôn tôi. Anh ta mừng đến phát điên lên được.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

73#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 23:36:40 | Chỉ xem của tác giả
Chương 24

Quần đảo Salut, Đến Quần đảo

Mai là ngày chúng tôi phải lên tàu ra Quần đảo Salut. Mặc dầu tôi đã đem hết sức bình sinh ra cưỡng lại số phận, thế mà giờ đây chỉ còn mấy tiếng nữa tôi sẽ bị đưa đến nơi giam hãm suốt đời. Trước hết tôi phải qua hai năm cấm cố ở đảo Saint-Joseph. Tôi hy vọng sẽ làm cho cái biệt hiệu mà tù khổ sai đã đặt cho nó: đảo “ăn thịt người”, không còn đúng nữa.

Tôi sẽ thua cuộc, nhưng không hề có tâm trạng của một kẻ bại trận. Tôi phải lấy làm mừng là chỉ phải giam hai năm trong cái nhà tù của một trại tù này. Như tôi đã tự hứa, tôi sẽ không để tình trạng hoàn toàn cô độc đưa tôi đến chỗ mất trí. Tôi đã có phương thuốc chống lại nguy cơ dó. Tôi phải thấy trước là tôi sẽ được tự do, lành mạnh như một tù nhân khổ sai bình thường trên quần đảo. Khi ra khỏi nhà cấm cố, tôi sẽ được ba mươi tuổi. ở Quần đảo, những vụ vượt ngục hết sức hiếm hoi, tôi biết điều đó. Nhưng dù có thể đếm trên đầu ngón tay, vẫn có những người đã vượt ngục. Thế thì tôi, tôi cũng sẽ vượt ngục đó là điều chắc chắn. Hai năm nữa tôi sẽ trốn khỏi Quần đảo, tôi nhắc đi nhắc lại như vậy với Clousiot đang ngồi cạnh tôi.
   - Bươm bướm, anh bạn già của tôi, quả thật khó lòng có thể làm cho anh nản chí, và tôi thật thèm muốn niềm tin mà anh mang trong lòng, niềm tin là chắc chắn một ngày kia anh sẽ được tự do. Đã suốt một năm ròng anh không ngừng vượt ngục, và chưa có lần nào anh từ bỏ ý định. Vừa mới thất bại vụ này anh đã chuẩn bị một vụ khác. Tôi lấy làm lạ rằng ở đây anh không thử làm gì cả.
   - Ở đây chỉ có một cách thôi, bạn ạ: tổ chức một cuộc nổi loạn. Nhưng để làm việc đó tôi không có đủ thì giờ nắm vững trong tay tất cả những con người khó điều khiển này. Tôi đã suýt gây nên một cuộc nổi loạn, nhưng tôi đã thấy sợ bị nó nuốt chứng. Bốn mươi người bị giam ở đây đều là tù khổ sai lâu năm. Con đường của sự thối nát đã cuốn hút họ, họ phản ứng khác chúng ta. Dẫn chứng: “ăn thịt người, hai anh chàng giết người bằng kiến, lại còn cái người đã bỏ thuốc độc vào xoong xúp nữa: để giết một người, hắn đã không do dự đầu độc luôn bao người khác chưa hề làm gì phương hại đến hắn.
   - Nhưng ở quần đảo vẫn sẽ là kiểu người đó.
   - Đúng nhưng tôi không sẽ vượt ngục ra khỏi Quần đảo mà không cần đến ai hết. Tôi sẽ ra đi một mình, hay quá lắm, là với một người bạn. Tại sao cậu lại cười mỉm hở Clousiot?
   - Tôi cười là vì không bao giờ cậu chịu bỏ cuộc. Ngọn lửa dang thiêu đốt ruột gan cậu, sự nóng lòng được về Paris chìa sổ nợ ra cho ba ông bạn kia, cổ vũ cậu mạnh mẽ đến nỗi cậu không thể thừa nhận rằng những điều mà cậu mong muốn thiết tha đến thế lại có thể không được thực hiện.
   - Thôi chào Clousiot, hẹn đến mai. Phải, chúng mình sẽ trông thấy cái Quần đảo Salut chết tiệt ấy. Điều đầu tiên cần phải hỏi là tại sao những hòn đảo giết người ấy lại được gọi là Quần đảo Salut (Quần đảo Cứu vãn)?
Rồi quay lưng lại với Clousiot, tôi nghiêng đầu một chút cho mặt tôi đón lấy gió biển ban đêm.

Sáng hôm sau, từ rất sớm chúng tôi đã được đưa lên tàu để ra Quần đảo. Có cả thảy hai mươi sáu người trên một chiếc tàu thủy trọng tải bốn trăm tấn gọi là chiếc Tanon, một chiếc tàu chuyên chạy ven biển đi đi lại lại như con thoi giữa Cayenne, Quần đảo Saint-Laurent và khứ hồi. Cứ hai người một bị ghép vào nhau bằng sợi xích chân và một đôi khóa taỵ Ở phía trước là hai nhóm tám người, mỗi nhóm được bốn tên lính canh cầm súng trường giám sát. Một nhóm mười người ở phía sau với sáu tên lính canh và hai viên chỉ huy đội áp giải. Tất cả đám người ấy đều đứng trên boong của chiếc tàu cũ nát chỉ chực đắm bất cứ khi nào biển động.

Vì đã quyết định sẽ không suy nghĩ trong khi đi đường, tôi muốn bày trò giải trí một chút. Chỉ để làm cho tên giám thị đứng gần tôi nhất bực mình (hắn có một bộ mặt đưa đám), tôi nói với hắn rõ to:
   - Với những thứ xiềng xích mà các anh bắt chúng tôi mang, chúng tôi sẽ không có cách gì trốn thoát nếu chiếc tàu mục nát này chìm; điều này rất có thể xảy ra khi biển động.
Đang ngái ngủ, tên gác phản ứng đúng như tôi đã dự tính.
   - Chúng mày có chết đuối hết ông cũng đếch cần. Đã có lệnh xích chúng mày lại, chỉ có thể thôi. Trách nhiệm thuộc về những người ra lệnh ấy. Còn chúng tao thì có thể nào cũng không quan hệ gì.
   - Xét cho cùng ông nói có lý lắm, thưa ông giám thị, vì có bị xích hay không bị xích thì khi cái quan tài này vỡ dọc đường, tất cả chúng ta đều chìm xuống đáy biển như nhau.
   - Ồ! - Tên gác đần độn kia nói, - tàu này đi biển đã lâu lắm rồi mà chưa bao giờ làm sao cả.
   - Đúng quá, nhưng chính vì nó đi biển đã quá lâu cho nên đến bây giờ nó đã đến mức sẵn sàng chìm bất cứ lúc nào.
Tôi đã đạt được ý muốn: lay chuyển cái không khí im lặng ở xung quanh đang làm cho tôi bứt rứt. Lập tức đề tài của tôi được tù nhân và giám thị cùng hưởng ứng.
   - Đúng, chiếc tàu này đã ọp ẹp đến mức độ nguy hiểm, mà người ta lại xích chúng tôi. Không có xích thì dù sao cũng chút hy vọng.
   - Ồ! Cũng thế cả thôi. Bọn tao mặc quân phục đi ủng đeo súng thế này, cũng chẳng nhẹ hơn.
   - Súng thì không kể, vì hễ tàu đắm có thể bỏ ngay ra, - một người khác nói.
Thấy câu nói ăn khách, tôi cho ra câu thứ hai:
   - Xuồng cấp cứu đâu cả rồi nhỉ? Tôi chỉ thấy một chiếc rất nhỏ. Quá lắm cũng chỉ được tám người, vừa đủ cho ông thuyền trưởng và đội thủy thủ. Còn những người khác thì đi tong!
Thế là nổ ra một phản ứng hàng loạt, ở một cung bậc rất cao.
   - Đúng đấy chẳng có xuồng xiếc gì cả, mà cái tàu này thì ọp ẹp đến nỗi người ta phải vô trách nhiệm một cách không thể nào chấp nhận được mới bắt những người có vợ có con phải bất chấp hiểm nghèo để đi áp giải cái lũ khốn kiếp này.
Vì tôi ở trong nhóm tù đứng ở phía sau, hai người chỉ huy đội áp giải đều đứng gần tôi. Một trong hai người nhìn tôi rồi nói:
   - Anh là Bươm bướm ở Colombia mới về phải không?
   - Vâng.
   - Tôi thấy điều đó không có gì lạ: anh có vẻ thông thạo về nghề hàng hải lắm nhỉ.
Tôi trả lời một cách hợm hĩnh:
   - Vâng, cái đó thì tôi thạo.
Câu nói của tôi gây được một không khí rờn rợn.

Vừa lúc ấy viên thuyền trường từ trên lầu chỉ huy bước xuống, vì bây giờ chúng tôi vừa ra khỏi cửa sông Maroni, và đó là chỗ nguy hiểm nhất cho nên ông ta phải thân hành cầm bánh lái. Bây giờ ông ta đã trao nó cho một người khác. Vậy thì ông thuyền trưởng, da đen láy như người Tombouctau, khổ người thấp và mập, mặt còn khá trẻ, cất tiếng hỏi xem những tay đã cưỡi mấy mảnh ván nhỏ xíu giong buồm đến tận Colombia ở đâu.
   - Đây tay này, và tay kia nữa đứng bên cạnh, - viên chỉ huy đội áp giải nói.
   - Ai là thuyền trưởng? - Ông thuyền trưởng lùn nói.
   - Thưa ông, tôi ạ.
   - Thế thì, với tư cách thủy thủ, tôi có lời ngợi khen anh bạn. Anh chẳng phải là người tầm thường. Tôi có cái này! - Ông ta thọc tay vào túi áo rồi nói tiếp - Anh hãy nhận lấy gói thuốc lá xanh và mớ lá quấn thuốc này. Anh hút để chúc sức khỏe cho tôi đi.
   - Cám ơn ông thuyền trưởng. Nhưng về phần tôi, tôi cũng phải ngợi khen ông đã có đủ can đảm đi biển trên cái quan tài này, hình như mỗi tuần một hai lần thì phải.
Ông ta cười ha hả, làm cho những kẻ tôi đang muốn trêu thấy tức đến tận cổ. Ông ta nói:
   - Chà! Anh nói đúng quá! Cái tàu khổ này đáng lẽ phải được đưa vào nghĩa địa từ lâu, nhưng bên công ty họ nhất định đợi cho nó chìm để lĩnh tiền bảo hiểm.
Tôi liền kết thúc bằng một câu xỏ xiên:
   - Cũng may mà ông và đội thủy thủ còn có được một cái xuồng cấp cứu.
   - Phải, cũng còn may - Ông thuyền trường nói một cách thiếu suy nghĩ trước khi mất hút trong cầu thang.
Cái đề tài tranh luận mà tôi đã cố ý nêu ra đã làm cho tôi được khuây khỏa trong hơn bốn tiếng đồng hồ. Ai nấy đều có ý kiến riêng để nói ra, và đến một lúc nào đó, tôi chẳng hiểu bằng cách nào, cuộc bàn cãi đã lan ra đến tận mũi tàu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

74#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 23:50:03 | Chỉ xem của tác giả
Vào khoảng mười giờ sáng, biển không động mấy, nhưng gió không thuận lợi cho chuyến đi. Tàu chúng tôi đi về hướng đông bắc, nghĩa là ngược chiều với sóng và gió, cho nên tất nhiên nó phải tròng trành cả theo chiều ngang lẫn theo chiều dọc hơn mức trung bình. Nhiều tù nhân và giám thị bị say sóng. Cũng may mà người bị xích liền vào tôi chịu sóng giỏi, vì không có gì khó chịu hơn là có một người nôn ọe ngay bên cạnh mình. Anh này là một gã du côn Paris thứ thiệt. Anh ta bị đày đến Quần đảo năm 1927. Vậy là đã được bảy năm. Anh ta còn tương đối trẻ, chỉ ba mươi tám tuổi.
   - Người ta gọi tôi là Titi la Belote, vì tôi phải nói cho cậu biết rằng bài belote là môn sở trường của tôi. Vả lại ở Quần đảo tôi sống bằng nghề đánh bài này. Belote suốt đêm, mỗi điểm ăn hai francs, Nếu đánh có “loan báo” thì có thể ăn thua rất lớn. Nếu anh thắng bằng một con bồi hai xu thì người thua phải trả cho anh bốn trăm francs và một ít tiền lẻ cho các điểm khác nữa.
   - Nhưng ở Quần đảo sao lắm tiền thế?
   - Sao mà chả lắm hở anh bạn Bươm bướm. Ở quần đảo đầy những plan nhét tiền chật ních. Có người thì đến nơi đã có sẵn, có người thì nhận được tiền qua bọn giám thị với điều kiện chia cho chúng năm mươi phần trăm. Rõ ràng anh còn mới toanh, có vẻ như chưa biết gì cả phải không?
   - Đúng, tôi chẳng biết chút gì về Quần đảo. Tôi chỉ biết là ở đấy khó vượt ngục lắm.
   - Vượt ngục ấy à? - Titi nói. - Thôi đừng nói nữa cho mệt. Tôi ở Quần đảo đã bảy năm, có xảy ra hai vụ vượt ngục, với kết quả là ba người chết và hai người bị bắt. Chưa ai thành công cả. Vì vậy chẳng mấy ai dám cầu may.
   - Vừa rồi anh lên đất liền để làm gì?
   - Vừa rồi tôi đi chiếu điện xem thử có bị loét dạ dày hay phổi gì không.
   - Thế mà anh không cố trốn khỏi bệnh viện à?
   - Khéo nói nhỉ! Chính anh đã làm hỏng hết đấy. Papillon ạ. Thế mà vừa rồi tôi lại có cái may mắn rơi đúng vào căn phòng trước kia, anh đã trốn đi. Anh cũng thừa hiểu họ giám sát kỹ như thế nào! Cứ mỗi lần ra gần cửa sổ để thở một chút là họ bắt lùi lại ngày. Khi hỏi tại sao thì họ trả lời: “Để phòng trường hợp anh nảy ra cái ý làm như Papillon”.
   - Titi này, cái tay cao lớn ngồi bên cạnh viên chỉ huy đội áp giải là ai thế? Một tay chỉ điểm à?
   - Anh điên rồi sao? Gã này ai cũng phải quý trọng. Cậu ta vốn là dân trường giả, nhưng lại biết xử sự đúng như một tay giang hồ: không đi lại với bọn gác, không tìm cách chiếm vị trí ưu đãi, biết giữ tư cách một người tù khổ sai. Có khả năng mách bạn một lời khuyên tốt, nói chung là một người bạn tốt, rất biết giữ khoảng cách với bọn cảnh sát. Ngay cả ông linh mục và ông bác sĩ cũng không sử dụng được cậu ta. Con người gốc gác thì trưởng giả nhưng tư cách thì giang hồ chân chính này là con cháu của Louis XV. Thế đấy anh bạn ạ, đó là một bá tước, một bá tước chính cống, được gọi là bá tước Jean de Bérac. Tuy vậy, khi cậu ta mới đến, ai nấy đều xa lánh, và phải một thời gian rất dài cậu ta mới chinh phục được sự kính nể của mọi người, vì cái tội khiến cho cậu ta bị đày khổ sai là một trò rất tởm.
   - Cậu ta đã làm gì thế?
   - Ấy, cậu ta đã đứng trên cầu ném thằng con trai ruột xuống sông, và khi thấy thằng bé rơi xuống chỗ quá cạn, cậu ta đã đủ gan góc xuống bế nó đến ở một chỗ sâu hơn.
   - Sao! Như thế là gần như giết thằng con hai lần còn gì?
   - Theo một người bạn của tôi vốn làm kế toán và đã đọc hồ sơ của cậu ta thì cậu ta đã bị giới quý tộc khủng bố. Và mẹ cậu ta đã ném người mẹ của con mình ra đường như một con chó. Cô ấy là một nữ tỳ trẻ tuổi trong lâu đài nhà họ. Theo bạn tôi thì cậu này chịu sự chế ngự của một bà mẹ kiêu ngạo, câu nệ đã hạ nhục con trai đến cùng cực, đã làm cho cậu ta thấy rằng mình là một bá tước mà đi lại với một con đầy tớ là ô nhục cho cả giòng họ, đến nỗi cậu ta hoang mang quá, nói với mẹ thằng bé là mình đưa nó ra cho trại Tế bần nuôi rồi đi ném nó xuống sông: lúc ấy cậu gần như mất trí, cũng chẳng biết mình làm gì nữa.
   - Cậu ta bị xử bao nhiêu?
   - Mười năm thôi. Papillon ạ, cậu cũng thừa biết cậu ta không phải là một tay như chúng mình. Chắc là bà bá tước phu nhân, người bảo vệ danh dự của gióng giõi de Berac, đã làm cho bọn quan tòa hiểu rằng giết con của đày tớ không phải là một tội quá nặng khi tội nhân là một bá tước muốn cứu vãn thanh danh của gia đình.
   - Kết luận?
   - Kết luận của tôi, một thằng du đãng Paris hèn mọn, là như sau: về căn bản, bá tước Jean de Bérac này là một anh chàng quý tộc nông thôn đã được giáo dục như thế nào để đi đến chỗ quan niệm rằng trên đời này chỉ có “dòng máu xanh” (huyết thống quý tộc) là có giá trị, còn mọi thứ khác đều vô nghĩa lý và không có chút gì đáng cho người ta để tâm đến. Những người không phải là quý tộc thì không hẳn là hạng nông nô, nhưng dù sao cũng là những con người không cần đếm xỉa đến. Mẹ cậu ta là một quái vật của sự ích kỷ và sự hợm hĩnh, đã nhào nặn và khủng bố cậu ta đến mức làm cho cậu ta trở thành một kiểu người quý tộc như thế. Chính cuộc sống ở trại khổ sai đã làm cho vị chúa đất ấy, xưa kia vẫn tin rằng mình có đặc quyền thưởng thức trước tất cả những người con gái trên lãnh địa của mình trong đêm đầu tiên họ đi lấy chồng, nay đã trở thành một người tôn quý thật sự, theo cái nghĩa đúng của từ này. Nói ra nghe cũng ngược đời, nhưng phải đến bây giờ cậu ta mới thực sự là một người quý phái, là một bá tước.

Quần đảo Salut chỉ còn mất giờ nữa sẽ không còn là một cái gì xa lạ đối với tôi như trước nữa. Tôi biết rằng trốn khỏi quần đảo là rất khó. Nhưng không phải là không thể được. Vừa khoái trá hít mạnh gió biển khơi vào lồng ngực, tôi vừa nghĩ: đến bao giờ thì làn gió ngược này sẽ biến thành một làn gió xuôi trong một chuyến vượt ngục”?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

75#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 23:57:47 | Chỉ xem của tác giả
Chúng tôi đã đến. Quần đảo kia rồi? Ba cái đảo ấy làm thành một hình tam giác. Đảo Royale và đảo Saint-Joseph làm thành cái đáy. Đảo quỷ là đỉnh. Mặt trời, lúc bấy giờ đã xế bóng, chiếu vào các đảo những tia sáng rực rỡ mà chỉ có ở vùng nhiệt đới mới có thể chói chang như vậy. Cho nên chúng tôi có thể tha hồ ngắm nghía từng đảo đến những chi tiết nhỏ nhất.

Trước hết là đảo Royale với một dải đất cong phẳng lì bao quanh một ngọn đồi tròn cao hơn hai trăm mét. Đỉnh đồi bằng phẳng. Nhìn toàn cục, nó rất giống một cái mũ Mexico đặt trên mặt biển, cái chóp đã bị cắt mất, đâu đâu cũng có những rặng dừa rất cao và rất xanh tốt. Những nếp nhà nho nhỏ lợp ngói đỏ làm cho hòn đảo này có một sức hấp dẫn lạ thường, và ai không biết rõ trên đảo có gì chắc sẽ mơ ước được sống trên đảo suốt đời. Trên đỉnh đồi bằng phẳng có đặt một ngọn hải đăng được thắp về đêm để khi sóng to gió lớn tàu bè khỏi đâm vào các tảng đá ở xung quanh. Bây giờ tàu đã đến gần hơn, tôi có thể trông rõ năm tòa nhà lớn và dài. Nhờ có Titi tôi được biết rằng trước hết đó là hai phòng giam rộng mênh mông chứa đến bốn trăm phạm nhân. Rồi đến khu trấn áp với những căn buồng giam, xà-lim và chuồng sắt, có một bức tường cao vây quanh. Tòa nhà thứ tư là bệnh viện của tù khổ sai và tòa nhà thứ năm là bệnh viện của những người canh gác trại tù. Và rải rác khắp nơi trên các sườn dốc là những ngôi nhà nhỏ, mái lợp ngói đỏ, của các cảnh sát viên.

Xa chúng tôi hơn, nhưng rất gần với mũi nhọn cuối đảo Royale là đảo Saint-Joseph, ít dừa hơn, ít cành lá um tùm hơn, và trên đỉnh cao nguyên là một cái nhà trệt rộng mênh mông mà từ ngoài biển nhìn vào trông rất rõ. Tôi hiểu ngay: đó là nhà tù cấm cố và Titi la Belote cũng xác nhận điều đó. Anh ta chỉ cho tôi xem, ở phía dưới, những tòa nhà của trại tù, nơi giam các phạm nhân bị án bình thường. Các tòa nhà này rất gần biển. Các tháp canh nổi lên rất rõ trên nền trời, với những ổ súng của nó. Rồi lại đến những nếp nhà xinh xắn đỏm dáng, tường quét vôi trắng, mái ngói đỏ. Vì chiếc tàu đi vào ngỏ đảo Royale từ phía nam cho nên bây giờ chúng tôi không trông thấy đảo Quỷ, đảo nhỏ nhất trong cả Quần đảo.

Trước đây tôi đã có dịp nhìn thoáng qua đảo này từ xa: đó là một tảng đá khổng lồ mọc đầy dừa, không có công trình xây dựng gì lớn. Vài nếp nhà ven bờ biển, sơn vàng, mái đen mồ hóng. Về sau tôi sẽ được biết rằng đó là nhà ở của những người bị đày vì chính trị. Tàu chúng tôi đang đi vào bến cảng của đảo Royale, được che kín sóng bằng một cái đập dài làm bằng những khối đá lớn. Công trình này chắc đã phải tốn nhiều sinh mạng của phạm nhân mới xây được. Sau ba tiếng còi, chiếc Tanon bỏ neo cách bến khoảng hai trăm năm mươi mét. Bến này xây rất chắc bằng xi-măng và bằng đá tảng, chiếm một quãng dài và cao hơn ba mét. Lùi vào phía trong những tòa nhà sơn trắng chạy dài song song với bến. Tôi đọc thấy những dòng chữ sơn đen trên nền trắng: “Trạm gác” - “Sở Dịch vụ thuyền bè” - “Xưởng bánh mì” - “Ban Quản trị cảng”. Có thể trông thấy mấy người tù khổ sai đang đứng nhìn chiếc tàu.

Họ không mặc đồ sọc, mà đều mặc quần dài thường và một thứ blouson trắng. Titi la Belote nói với tôi rằng ở Quần đảo những người có tiền thì thuê thợ may “may đo” áo quần bằng những cái bao bột đã tẩy sạch chữ: họ có được những bộ áo quần mặc rất thoải mái và trông có phần diện nữa là khác. Hầu như không một người nào mặc đồng phục tù khổ sai. Một chiếc xuồng đến gần chiếc Tanon. Một viên giám thị ngồi sau lái; hai tên cầm súng trường ngồi hai bên mạn; ở phía sau là sáu người tù khổ sai, mình trần, quần trắng, đứng chèo bằng những mái chèo rất lớn. Chỉ một lát là ra đến tàu. Chiếc xuồng của họ kéo theo sau một chiếc thuyền lớn kiểu xuồng cấp cứu của tàu thủy. Cuộc chuyển từ lên bờ bắt đầu. Trước hết mấy viên chỉ huy đội áp giải xuống thuyền và ra ngồi ở phía sau. Rồi hai viên giám thị cầm súng trường đi ra phía trước. Chân được tháo xiềng, nhưng tay vẫn bị khóa, chúng tôi xuồng thuyền từng hai người một; mười người trong nhóm tôi, rồi đến tám người trong nhóm đứng ở phía trước tàu. Mấy người chèo thuyền bắt đầu cho thuyền tách khỏi chiếc tàu. Họ còn chở ra một chuyến nữa để đưa số tù còn lại vào bờ.

Chúng tôi lên bến, xếp hàng trước tòa nhà “Ban Quản trị cảng” và đứng đợi. Trong chúng tôi không có ai có hành lý gì. Chẳng đếm xỉa gì đến bọn cảnh sát, các phạm nhân tại chỗ bô bô nói chuyện với chúng tôi từ một khoảng cách năm sáu mét - đủ để đừng bị bọn cảnh sát tấn công. Nhiều phạm nhân cùng vượt Đại tây dương trên một chuyến tàu với tôi thân ái chào tôi. Cesari và Essari, hai tên cướp đảo Corse mà tôi đã làm quen ở Saint-Martin, cho tôi biết hiện nay họ chèo xuồng cho sở dịch vụ ở cảng. Vừa lúc ấy tôi trông thấy Chapar, bị đày trong vụ Chứng khoán ở Marseille, mà tôi có quen khi anh ta còn được tự do ở Pháp. Không hề e ấp trước mặt bọn lính canh, anh ta nói với tôi:
   - Đừng buồn Papillon ạ! Cậu cứ tin ở bạn bè, ở nhà giam cấm cố cậu sẽ không thiếu thứ gì hết. Cậu bị bao nhiêu?
   - Hai năm.
   - Được, cũng chóng qua thôi, rồi cậu sẽ ra đây với chúng tớ, và sẽ thấy rằng ở đây cũng khá.
   - Cám ơn Chapar. Còn Dega ở đâu?
   - Bác ta làm kế toán ở trên kia. Bác chưa ra đây thì lạ thật. Không gặp được cậu bác ta sẽ tiếc lắm.
Vừa lúc đó Galgani đến.

Anh ta xăm xăm đi về phía tôi, tên lính ác toan cản, nhưng anh ta cứ đến, nói: “Chẳng lẽ ra ôm hôn anh ruột tôi mà anh cũng cản à? Thật quá quắt". Rồi anh ta ôm hôn tôi, nói: “Cứ tin vào tôi”. Đoạn anh ta lùi ra.
   -Anh bây giờ làm gì?
   - Đưa thư, giao liên.
   - Có ổn không?
   - Tôi được yên thân lắm.
Những người tù còn lại đã được đưa hết lên bờ và cho nhập bọn với chúng tôi.

Mọi người đều cởi khóa taỵ Titi la Belote, de Bérac và mấy người không quen tách ra khỏi nhóm. Một viên giám thị nói với họ: “Nào, lên đường về trại”. Mấy người này có mang theo bị đựng đồ của trại. Họ vác bị lên vai và đi theo một con đường dốc dẫn lên phía trên đảo. Viên chỉ huy Quần đảo đến với sáu viên giám thị."Điểm danh!". Viên chỉ huy nhận đủ số tù. Đội áp giải chúng tôi lui ra.
   - Kế toán đâu? - Viên chỉ huy hỏi.
   - Thưa sếp hắn đây.
Tôi thấy Dega đến, mặc một bộ đồ trắng tươm tất, áo vét có nhiều khuy, cùng đi với một viên giám thị; mỗi người cắp một cuốn sách lớn. Cả hai gọi từng người một ra khỏi hàng, theo cách phân loại mới: anh tù cấm cố Jean Mỗ, số tù X, sẽ có số tù cấm cố là Z.” - Bao nhiêu? - X năm. Khi đến lượt tôi, Dega ôm hôn tôi mấy lần liền. Viên chỉ huy lại gần.
   - Anh này là Papillon à?
   - Thưa ông chỉ huy vâng, - Dega nói
   - Mong anh giữ sức khỏe ở nhà tù cấm cố. Hai năm cũng chóng qua thôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

76#
 Tác giả| Đăng lúc 7-1-2012 00:44:30 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25

Nhà giam cầm cố

Một chiếc xuồng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trong số mười chín tù nhân cấm cố sẽ có mười người di chuyển trước. Tôi được gọi tên để lên xuồng. Dega thản nhiên nói: “Không, anh này đi chuyến sau”. Từ khi đến đây tôi đã phải sửng sốt khi nghe cách ăn nói của các tù nhân. Rõ ràng là họ không đếm xỉa đến kỷ luật và có vẻ như chẳng coi bọn cảnh sát ra gì hết.

Tôi nói chuyện với Dega lúc bấy giờ đã đến đứng gần tôi. Bác ta đã biết hết chuyện vượt ngục của tôi cũng như những chuyện khác có liên quan đến tôi. Có những người đã tiếp xúc với tôi ở Saint-Laurent có đến Quần đảo và kể lại cho bác biết hết. Bác ta không hề tỏ ý thương xót tôi. Bác ta tế nhị hơn nhiều. Chỉ một câu thôi nói tự đáy lòng: “Cậu rất xứng đáng thành công. Thôi để lần sau?” Thậm chí bác ta cũng không nói “Can đảm lên “. Bác thừa biết rằng cái đó thì tôi có thừa.
   - Tôi làm kế toán trưởng ở đây và có quan hệ rất tốt với ông chỉ huỵ Ở nhà giam cấm cố cậu cố gắng có hạnh kiểm tốt. Tôi sẽ gửi cậu ít thuốc lá và thức ăn. Cậu sẽ không thiếu thứ gì đâu. Papillon, đi thôi!
   - Đã đến lượt tôi. - Xin chào tất cả. Cám ơn những lời lẽ chân tình của các bạn.
Tôi xuống thuyền. Hai mươi phút sau, thuyền cặp bến ở Saint-Joseph.

Tôi có đủ thì giờ nhận thấy trên thuyền chỉ có ba viên giám thị có súng, trong khi có đến sáu người tù chèo thuyền và mười người tù cấm cố. Phối hợp để chiếm lĩnh cái thuyền này chỉ là một trò đùa. Ở Saint-Joseph, một ủy ban tiếp đón ra nhận chúng tôi. Có hai viên chỉ huy tự giới thiệu: viên chỉ huy trại trừng giới của đảo và viên chỉ huy của Nhà giam cấm cố. Chúng tôi được dẫn bộ đi lên con đường dốc đến nhà giam. Trên đường đi không thấy một người tù nào. Khi đi vào cửa sắt lớn ở bên trên có mấy chữ Nhà giam cấm cố trừng giới, người ta có thể hiểu ngay tầm quan trọng của cái phương tiện trấn áp này. Bên trong tấm cửa và bốn bức tường cao ở xung quanh, trước hết có một dãy nhà nhỏ có đề: “Ban giám đốc - Quản trị”, rồi ba dãy nhà khác đề A, B, C. Chúng tôi được đưa vào dãy nhà của ban giám đốc. Một gian phòng lạnh lẽo.

Khi mười chín người đã được xếp thành hai hàng trong phòng, viên chỉ huy Nhà giam cấm cố nói với chúng tôi:
   - Các phạm nhân cấm cố, các anh biết rằng nhà này là một nhà trừng giới dành cho những phạm nhân đã bị đày khổ sai mà lại còn có những hành động phạm pháp. Ở đây người ta không tìm cách cải huấn các anh. Chúng tôi biết rằng việc đó vô ích. Ở đây người ta chỉ tìm cách trấn áp các anh. Chỉ có một nội quy duy nhất: câm mồm. Im lặng tuyệt đối, “gọi điện” là việc rất nguy hiểm, nếu bị bắt gặp sẽ bị phạt rất nặng. Nếu không ốm nặng, chớ đăng ký xin đi khám. Vì nếu khám không thấy có bệnh nặng, các anh sẽ bị phạt rất nghiêm. Đó là tất cả những gì tôi cần nói với các anh. à quên, ở đây nghiêm cấm hút thuốc. Giám thị, hãy lục soát kỹ các phạm nhân, rồi đưa từng người về xà-lim. Charrière, Clousiot và Maturette không được ở cùng một nhà. Ông Santori, ông phải thân hành trông coi việc này.

Mười phút sau tôi bị nhốt vào căn xà-lim dành cho tôi căn số 234 của dãy nhà A. Clousiot bị giam ở dãy nhà B và Maturette ở dãy nhà C. Chúng tôi đưa mắt từ biệt nhau. Khi bước vào đây, tất cả chúng tôi đều hiểu ngay rằng nếu muốn sống sót mà ra khỏi thì nhất nhất phải tuân theo cái nội quy vô nhân đạo này. Tôi từ giã hai người bạn đường của tôi trong chuyến vượt ngục dài ngày, hai người bạn hào hùng và dũng cảm đã tỏ rõ phẩm chất mình trong khi đi với tôi và không hề bao giờ kêu ca hay hối tiếc những gì họ đã cùng làm bên cạnh tôi. Tim tôi se lại, vì sau mười bốn tháng vật lộn vai kề vai để dành lại tự do, chúng tôi đã vĩnh viễn gắn bó với nhau bằng một tình bạn không bờ bến.

Tôi xem xét căn buồng giam mà họ đã lùa tôi vào. Không bao giờ tôi có thể dự đoán hoặc tường tượng rằng một nước như nước Pháp của tôi, vốn là người mẹ của tự do trên trái đất này, là đất nước đã sinh ra Nhân quyền và Dân quyền, lại có thể dựng lên, dù là ở Guyane thuộc Pháp, trên một hòn đảo chơi vơi giữa Đại tây dương, rộng vừa bằng cái mùi-soa bỏ túi, một trại giam có tính chất trấn áp man rợ như cái nhà giam trừng giới ở Saint-Joseph. Cái bạn hãy tưởng tượng một trăm năm mươi căn xà-lim kế cận nhau, giáp lưng nhau, bốn bức tường rất dày chỉ có một cánh cửa sắt nhỏ với cái lỗ ghi-sê của nó. Ở phía trên mỗi ghi-sê đều có dòng chữ đề: “Cấm mở cửa này nếu không có lệnh trên”. Ở bên trái căn buồng là một tấm ván làm giường nằm với một cái gối bằng gỗ, cũng được thiết bị như ở Beaulieu: tấm ván có thể lật lên móc sát vào tường; một tấm chăn; một khối xi-măng xây ở góc trong dùng làm ghế; một cái chổi nhỏ; một cái ca nhà binh, một cái thìa bằng gỗ, một tấm sắt mỏng dựng đứng che một cái bô bằng kim loại buộc vào tấm sắt kia bằng một sợi xích (từ phía ngoài có thể kéo nó ra để đổ, và từ phía trong có thể lôi nó vào để dùng).

Buồng cao ba mét, trần là một dãy song sắt rất lớn, mỗi chấn song to bằng một thanh đường ray xe điện, bắt chéo nhau rất dày để không thể có một vật gì hơi to hơn có thể lọt qua. Rồi, cao hơn nữa, là mái của tòa nhà, cách mặt đất khoảng bảy mét. Phía trên bức tường ngăn cách các xà lim quay lưng vào nhau là một con đường đi tuần rộng khoảng một mét, có tay vịn bằng sắt, nhìn thẳng xuống các buồng giam. Hai viên giám thị thường xuyên đi từ đầu đường cho đến giữa đường: ở đây họ gặp nhau và quay trở lại. Tất cả gây thành một ấn tượng rùng rợn. ánh sáng ban ngày chiếu vào con đường đi tuần đủ sáng. Nhưng ở các buồng giam, dù đang giữa ban ngày, thì tối mờ mờ không nhìn thấy rõ những vật xung quanh.

Tôi bắt đầu đi đi lại lại ngay, trong khi chờ đợi họ huýt còi bay ra một hiệu lệnh gì đó không biết để cho phép tù nhân hạ tám ván xuống mà nằm. Để khỏi gây tiếng động, tù nhân và lính gác đều đi giày vải. Tôi nghĩ ngay: “ở đây, tại buồng giam 234, Charriere biệt hiệu Bươm bướm, sẽ có gắng sống mà không phát điên trong thời hạn hai năm, tức bảy trăm ba mươi ngày. Hắn có bổn phận cải chính cái biệt hiệu “ăn thịt người” của nhà giám cấm cố này. Một, hai, ba, bốn, năm quay đằng sau. Một hai, ba, bốn, năm, quay đằng sau. Tên lính gác vừa đi qua trên nóc tường trước mặt tôi. Tôi không nghe thấy tiếng chân hắn đến, tôi chỉ trông thấy hắn. Tách. Đèn bật lên, nhưng rất cao, treo mãi tận mái trên, cách mặt đất hơn sáu mét. Lối đi tuần được chiếu sáng, các buồng giam vẫn chìm trong bóng tối.

Tôi đi đi lại lại, cái quả lắc lại đung đưa. Hãy ngủ yên, hỡi mấy miếng phó-mát của hội đồng bồi thẩm đã xử tôi, các người hãy ngủ yên, vì tôi tin rằng nếu hồi ấy các người biết các người sẽ đưa tôi đến chỗ nào, các người sẽ thấy ghê tởm và sẽ không chịu làm những kẻ đồng lõa với việc thi hành một hình phạt như vậy. Khó lòng thoát khỏi tình trạng đi lang thang của trí tưởng tượng. Hầu như không thể nào thoát được. Tôi nghĩ nên hướng nó về những đề tài không đến nỗi buồn nản quá thì hơn là cố xua đuổi hắn nó đi. Quả nhiên, hiệu lệnh cho phép hạ ván nằm xuống là một tiếng còi.

Tôi nghe thấy một giọng thô lỗ nói:
   - Những người mới đến nên biết rằng kể từ bây giờ, nếu muốn, thì có thể hạ ván xuống để nằm. Tôi chỉ ghi nhớ hai chữ “nếu muốn”. Cho nên tôi tiếp tục đi đi lại lại, giờ phút này quá nghiêm trọng để có thể ngủ. Tôi cần phải tập cho mình quen với cái chuồng hở phía trên này.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

77#
 Tác giả| Đăng lúc 7-1-2012 00:46:45 | Chỉ xem của tác giả
Một, hai, ba, bốn, năm... tôi đã nắm vững được ngay cái tiết tấu của quả lắc; đầu cúi xuống, hai tay chắp sau lưng khoảng cách từ bước đi phải thật đều và thật chính xác, như một quả lắc đưa qua đưa lại, tôi đi đi lại lại và cùng tận như một kẻ mộng du. Bước hết năm bước, tôi không cần trông thấy bức tường, áo tôi chỉ chạm nhẹ vào nó khi quay lại cứ thế mãi không hề mệt mỏi trong cuộc đua marathon không có đích mà cũng không cơ thời hạn chấm dứt. Phải, thật đấy Papi ạ, cái nhà giam “ăn thịt người” không phải là trò đùa. Và khi bóng tên lính gác hắt xuống tường, nó gây một hiệu quả thật dễ sợ. Nếu ngẩng đầu lên mà nhìn thì còn nản hơn nữa: người ta có cảm giác mình là một con báo bị nhốt dưới hố, còn ở phía trên là người đi săn vừa bắt được báo đang nhìn xuống để quan sát nó. Cái ấn tượng thật là hãi hùng, và tôi phải mất đến mấy tháng trời mới quen được.

Mỗi năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày; hai năm là bảy trăm ba mươi ngày, nếu không có năm nhuận. Tôi mỉm cười vì cái ý này. Anh ạ, dù có là bảy trăm ba mươi mốt thì cũng thế thôi. Tại sao lại cũng thế thôi? Không, không phải cũng thế thôi đâu. Thêm một ngày là thêm hai mươi bốn giờ đồng hồ. Mà hai mươi bốn giờ đồng hồ cũng lâu lắm. Bảy trăm ba mươi lần hai mươi bốn giờ lại còn lâu hơn nhiều. Tổng cộng lại thì thành bao nhiêu giờ nhỉ? Liệu tôi có đủ sức tính nhẩm ra con số đó không? Làm thế nào tính nhẩm được, chịu thôi. Sao lại chịu? Tính được chứ. Xem nào. Một trăm ngày là hai ngàn bốn trăm giờ. Nhân cho bảy rất dễ trước hết ta có mười sáu ngàn tám trăm giờ. Rồi ta nhân ba mươi ngày còn lại cho hai mươi bốn thành bảy trăm hai mươi giờ. Tổng cộng: một vạn sáu ngàn tám trăm cộng với bảy trăm hai mươi, vị chi là một vạn bảy ngàn năm trăm hai mươi giờ, nếu tôi không nhầm chỗ nào. Thưa ngài Papillon thân mến, ngài có cả thảy một vạn bảy ngàn năm trăm hai mươi giờ để mà giết trong cái chuồng được thiết kế riêng cho thú dữ này, với bốn bức tường nhẵn nhụi của nó. Vậy chứ tôi sẽ ở đây bao nhiêu phút nhỉ? Cái đó chẳng có chút gì thú vị, giờ thì còn được chứ phút thì nghĩa lý gì? Ta không nên cường điệu quá. Tại sao lại không tính cả giây nữa nhỉ? Điều đó quan trọng là phải có cái gì lấp đầy những ngày, những giờ, những phút ấy trong khi tôi sống một mình, tự mình đối diện với mình! Ai bị giam ở buồng bên phải nhỉ? ai ở buồng bên trái? ai ở buồng phía sau? Ba con người đó, nếu trong các buồng giam ấy có người, chắc cũng phải tự hỏi: ai vừa vào buồng 234?

Có một tiếng động mềm của một vật gì vừa rơi xuống ở sau lưng tôi, trên nền xà~lim. Cái gì thế nhỉ? Phải chăng người tù kế cận đã khéo tay vứt cho tôi một vật gì qua hai lần chấn song? Tôi cố nhìn cho ra xem đó là vật gì. Chỉ thấy mờ mờ một cái gì nho nhỏ, dài dài. Tôi đã sắp cầm nó lên, thì cái vật mà trong bóng tối mờ mờ tôi đoán ra được nhiều hơn là trông thấy nó, tự dưng cử động và chạy nhanh về phía tường. Khi nó nhúc nhích, tôi bất giác giật mình lùi lại. Đến chân tường, nó bắt đầu leo lên một quãng rồi tuột xuống đất. Bức tường nhẵn nhụi đến nỗi vật kia không thể bám đủ chặt để leo lên. Tôi để cho nó thử leo lên tường ba lần, rồi đến lần thứ tư, khi nó rơi xuống, tôi giẫm mạnh chân lên. Dưới lớp giày vải tôi thấy mềm mềm. Cái gì thế nhỉ? Tôi quỳ xuống để nhìn cho thật sát, và cuối cùng tôi đã nhìn ra được: đó là một con rết khổng lồ, dài hơn hai mươi phân, thân rộng bằng hai ngón tay cái. Tôi thấy tởm lợm đến nỗi không dám nhặt nó lên để bỏ vào bô. Tôi dùng chân đẩy nó vào gầm ván. Đến mai hãy xem cho sáng.

Về sau tôi sẽ còn đủ thì giờ trông thấy nhiều rết nữa; nó rơi từ cái mái nhà rộng ở trên kia. Tôi sẽ phải học cách để cho nó bò trên thân thể để trần của tôi, không bắt, cũng không động đến nó nếu tôi đang nằm. Tôi cũng sẽ có dịp biết rõ rằng những khi nó đang bò trên người, chỉ một sai lầm nhỏ về chiến thuật thôi cũng bắt người ta phải trả giá bằng những cơn đau đớn dữ dội đến thế nào. Một mũi đốt của con vật kinh tởm này đủ làm cho anh sốt nặng trong hơn mười hai tiếng đồng hồ và làm cho đau nhức khủng khiếp trong gần sáu tiếng đồng hồ. Dù sao chăng nữa nó vẫn có thể được dùng như một phương tiện giải trí, một lối thoát cho những ý nghĩ của tôi. Về sau mỗi khi có một con rết rơi xuống trong khi tôi đang thức, tôi thường lấy cái chổi con trêu chọc nó, vật lên vật xuống thật lâu, hoặc bày trò chơi với nó bằng cách để cho nó chạy đi nấp và một lát sau tôi tìm cách phát hiện ra nó. Một, hai, ba, bốn, năm... Xung quanh im lặng hoàn toàn.

Ở đây không ai ngáy thì phải? Không ai ho hay sao? Trời nóng nực đến ngạt thở. Thế mà bây giờ đang là ban đêm! Còn ban ngày thì phải nóng đến thế nào nữa? Số tôi là phải sống với rết hay sao ấy. Khi nước thủy triều lên ngập cái buồng giam ở Santa Marta, rết vào từng mớ, nó nhỏ hơn nhưng cũng là cùng một dòng họ với lũ rết ở đây. Ở Santa Marta quả tình ngày nào cũng bị ngập lụt, nhưng người ta được nói, được hét, được nghe tiếng hát hoặc tiếng hú và nghe những câu nói lảm nhảm của những người điên tạm thời hay vĩnh viễn. Chẳng phải như thế này. Nếu được chọn tôi sẽ chọn Santa Marta. Chà, anh nói thế là phi lô-gích mất rồi, Papi ạ. Ở đấy, mọi người đều nhất trí nói rằng thời hạn tối đa mà một con người có thể chịu đựng được là sáu tháng. Thế mà ở đây có nhiều người phải giam đến bốn năm năm hoặc hơn nữa. Người ta bắt họ phải chịu đựng như vậy là là một chuyện; còn họ có chịu đựng được không lại là chuyện khác.

Có bao nhiêu người tự tử. Tôi cũng chẳng biết người ta làm cách gì để tự tử nữa, à cũng có cách. Chẳng dễ gì đâu, nhưng người ta có thể tự tử bằng cách thắt cổ chẳng hạn. Người ta xé quần ra làm một sợi dây. Buộc cái chổi con vào một đầu dây rồi leo lên tấm ván, người ta có thể ném sợi dây qua chấn song. Nếu buộc dây sát vào bức tường có lối đi tuần ở phía trên, chắc tên lính gác sẽ không trông thấy sợi dây. Đúng vào lúc hắn vừa đi qua, anh cứ việc nhảy ra khỏi tấm ván và lủng lẳng trên không. Khi tên lính gác quay lại thì anh đã đi rồi. Vả chăng chắc hắn cũng chẳng vội vàng gì mà chạy nhanh xuống mở buồng giam cho anh. Mở cửa buồng ư ? Hắn không thể mở được. Trên cánh cửa đã có đề: “Cấm mở cửa này nếu không có lệnh trên”. Vậy thì anh đừng sợ gì hết, người nào muốn tự tử sẽ có đủ thời gian cần thiết trước khi có người mở cửa vào buồng giam theo “lệnh trên”.

Tôi tả lại tất cả những điều trên đây, có lẽ không lấy gì làm sinh động và lý thú đối với những người thích nghe chuyện hành động và đánh nhau. Những người này có thể bỏ qua mấy trang này nếu thấy chán. Tuy nhiên, những ấn tượng đầu tiên, những ý nghĩ đầu tiên này ồ ạt đến với tôi khi tôi tiếp xúc lần đầu với cái buồng giam mới, những phản ứng đầu tiên này khi tôi bị đưa xuống nhà mồ, tôi nghĩ rằng tôi phải miêu tả nó một cách thật trung thành. Tôi đi đi lại lại như thế này đã lâu lắm rồi. Tôi nghe có tiếng thầm thì trong đêm khuya: họ đổi gác. Tên lính gác phiên trước là một gã cao lớn và khẳng khiu, tên đến thay phiên thì lùn và mập. Hắn vừa đi vừa kéo lê đôi giày vải. Khi hắn đến cách tôi chỉ còn hai buồng giam, tôi có thể nghe thấy tiếng giày vải hắn sột soạt và đến khi hắn đi qua hai buồng giam mới không nghe thấy gì nữa.

Hắn không im lặng một trăm phần trăm như thằng bạn đồng ngũ của hắn. Tôi tiếp tục đi đi lại lại Bây giờ chắc đã khuya lắm rồi. Không biết mấy giờ rồi nhỉ? Đến mai tôi sẽ không thiếu phương tiện để đo thời gian. Mỗi ngày cái ghi-sê phải mở bốn lần: nhờ đó tôi sẽ đại khái biết được giờ giấc. Còn ban đêm thì nhờ biết giờ phiên gác đầu tiên và biết thời hạn của mỗi phiên, tôi sẽ có thể sống với một cách đo lường thời gian xác định: phiên thứ nhất, phiên thứ hai, phiên thứ ba... Một, hai, ba, bốn, năm... Như một cái máy, tôi lại bắt đầu cuộc đi dạo vô tận, và nhờ trợ lực của sự mệt mỏi, tôi cất cánh một cách dễ dàng để trở về lục lọi trong dĩ vãng.

Chắc chắn là do sự tương phản với bóng tối trong xà-lim, tôi bay ra giữa nắng ngồi trên bãi biển của bộ lạc tôi. Chiếc thuyền mà Lali dùng để đi vớt ngọc trai đang đung đưa cách tôi hai trăm mét trên mặt biển tuyệt vời màu xanh ngọc thạch. Hai chân tôi di di trên cát. Zoraima đem lại cho tôi một con cá lớn nướng trên than hồng, gói kỹ trong một tàu lá chuối cho khỏi nguội. Tôi ăn bằng mấy ngón tay, dĩ nhiên, còn Zoraima thì ngồi xếp bằng trước mặt tôi nhìn tôi ăn. Cô ta rất vui mừng khi thấy những mảng thịt to tách ra khỏi con cá một cách dễ dàng và đọc thấy trên gương mặt tôi vẻ khoái trá trong khi ăn cái món ngon lành mà cô đã dọn cho tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

78#
 Tác giả| Đăng lúc 7-1-2012 00:49:26 | Chỉ xem của tác giả
Tôi không còn bị nhốt nữa. Tôi không hề biết đến Nhà giam cấm cố, Saint-Joseph, Quần đảo gì nữa. Tôi lăn lóc trên cát, vục hai tay vào lớp cát cho sạch, lớp cát làm bằng những mảnh vụn san hô mịn đến nỗi tôi có cảm giác như vục tay vào bột. Rồi tôi lội xuống biển để súc miệng bằng thứ nước trong vắt và mặn chát ấy. Tôi lấy hai tay múc nước phả lên mặt. Trong khi rửa cổ tôi nhận ra rằng tóc tôi đã dài lắm. Khi nào Lali về tôi sẽ bảo nàng cạo cổ cho tôi.

Tôi qua đêm với bộ lạc của tôi. Tôi mở cái khố của Zoraima, và trên cát, giữa nắng, dưới làn gió biển, tôi chiếm hữu nàng. Nàng khẽ cất những tiếng rên si mê như nàng vẫn làm những khi nàng thấy khoái lạc. Có lẽ gió đưa đến tận tai Lali khúc nhạc yêu đương này. Dù sao thì Lali không phải không nhìn thấy chúng tôi và thấy cái tư thế của chúng tôi chỗ nàng có xa xôi gì đâu mà không thấy rõ chúng tôi đang làm tình. Đúng thế, hẳn là nàng đã trông thấy, vì chiếc thuyền đang đi về phía bờ, nàng tươi cười bước xuống đất. Trên quãng đường về nàng đã tháo các bím tóc ra và lấy mười ngón tay thon và dài chải mái tóc ướt đang bắt đầu khô dần trong làn gió và trong ánh nắng của cái ngày tuyệt đẹp này.

Tôi đi về phía nàng. Nàng lấy tay phải quàng lưng tôi và đẩy tôi đi trên bãi cát về phía nếp nhà tranh của chúng tôi. Suốt dọc đường đi, nàng không ngớt bày tỏ cho tôi hiểu: “Cả em nữa, cả em nữa”. Về đến nhà, nàng xô tôi xuống một chiếc võng len đã gấp lại trải xuống đất làm đệm, và trong nàng, tôi quên rằng thế giới tồn tại. Zoraima rất thông minh, nàng chỉ về khi ước chừng chúng tôi đã xong. Nàng vào nhà khi chúng tôi hãy còn nằm trần truồng trên đệm, thỏa mãn no nê vì ái ân. Nàng đến ngồi với chúng tôi, lấy lòng bàn tay vả vả lên hai má của chị, miệng nhắc đi nhắc lại mấy tiếng gì chắc chắn phải có nghĩa đại khái là “đồ tham ăn”. Rồi với một cử chỉ trinh bạch và đầy tình trìu mến, nàng sứa lại cái khố của tôi và cái của Lali cho ngay ngắn.

Suốt đêm hôm ấy tôi đã sống ở Guajira. Tôi tuyệt nhiên không ngủ một chút nào. Thậm chí tôi cũng không nằm xuống để nhắm mắt lại mà hồi tưởng những cảnh đã sống qua. Ngay trong khi đi đi lại lại không ngừng trong một trạng thái gần như thôi miên, không cần phải vận dụng ý chí một chút nào, tôi đã vượt qua không gian và thời gian để trở về sống lại cái ngày đẹp tuyệt vời đã qua cách đây gần sáu tháng. Đèn đã tắt, và có thể thấy rõ ngày mới đang tràn vào bóng tranh tối tranh sáng của căn xà-lim, xua tan thứ sương mù lềnh bềnh đang bao bọc mọi vật xung quanh tôi. Một tiếng còi huýt lên. Tôi nghe tiếng những tấm ván nằm chạm vào tường, và cả tiếng cái móc của người ở buồng bên phải chạm vào cái vòng sắt gắn vào tường. Người ở buồng bên ho, và tôi nghe có tiếng một ít nước giội xuống nền nhà. Sao, ở đây cũng được rứa mặt nữa à?
   - Thưa ông giám thị, ở đây rửa mặt thế nào ạ?
   - Phạm nhân, vì anh không biết cho nên tôi tha cho anh lần này. Không được nói gì với lính gác: nếu vi phạm điều lệnh này sẽ bị phạt nặng. Muốn rửa mặt, đứng ngay chỗ bô một tay cầm hũ nước, tay kia hứng mà rửa. Anh chưa giở chăn ra phải không?
   - Chưa.
   - Trong chăn có một cái khăn mặt.

Đến thế thì thật! Không được phép nói với lính gác vì bất cứ lý do gì? Thế nếu mắc phải chứng gì đau quá thì sao? Nếu sắp chết đến nơi: một cơn đau tim, đau ruột thừa, một cơn suyễn quá mạnh, thì sao? Chẳng lẽ ở đây cấm cả việc kêu cứu khi lâm vào một tình cảnh nguy hiểm chết người? Vô nhân đạo đến thế là cùng? Nhưng không, như thế là bình thường. Nếu không, tù nhân có thể quấy phá, làm ầm ĩ lên một cách quá dễ dàng khi thần kinh không chịu nổi nữa. Dù chỉ để nghe tiếng người, dù chỉ để người ta nói với mình một câu, dù câu đó chỉ là: “Chết thì chết đi, nhưng phải câm mồm lại!”.

Cũng sẽ có vài chục người trong số hai trăm năm mươi tù nhân bị giam ở đây, mỗi ngày vài chục lần, bày chuyện gây ra bất cứ cuộc cãi vã nào để cho thoát bớt sức hơi ép trong óc họ như qua một cái xúp-páp! Người đã có cái ý xây những chuồng cọp này không thể là một bác sĩ tâm bệnh học được: một người thầy thuốc không đời nào lại tự hạ mình làm một việc nhơ nhuốc đến như vậy. Nội quy của nhà giam này cũng không phải do một bác sĩ thảo ra. Nhưng hai con người đã cùng nhau tạo nên cái nhà tù này, người kiến trúc sư cũng như người viên chức đã dự tính một cách chi li những chi tiết của nhà tù, họ quả thật là hai con quái vật đáng ghê tởm, hai nhà tâm lý học tồi bại và độc ác tràn đầy một lòng căm thù xa đích đối với các phạm nhân.

Từ những căn buồng giam của khám trung tâm ở Beaulieu, ở Canen tuy sâu như vậy, hai tầng hầm phía dưới mặt đất, vẫn còn có thể vọng ra ngoài, đến tai công chúng, những tiếng vang xa xăm của những cực hình mà các phạm nhân phải chịu đựng. Chứng cớ là hồi ấy, khi người ta tháo khóa tay cho tôi tôi đã thấy rõ ràng vẻ sợ hãi trên mặt bọn lính gác: chắc chắn là họ sợ bị phiền hà, bị trừng trị. Nhưng ở đây, trong nhà giam cấm cố này, nơi mà chỉ có bọn viên chức trong ban quản trị mới vào được, họ rất yên tâm họ không bao giờ có thể bị phiền hà gì hết. Clac, clac, clac, clac, - người ta mở tất cả các ghi-sê. Tôi đến cạnh ghi-sê của tôi, đánh liều dòm ra ngoài, rồi tôi thò đầu ra một chút, và sau đó thò hết cả cái đầu ra ngoài hành lang. Bên phải cũng như bên trái tôi đều trông thấy cả một dãy đầu thò ra. Tôi hiểu ngay ràng hễ ghi-sê được mở thì mọi người đều lập tức thò đầu ra ngoài.

Người bên phải nhìn tôi mà mắt tuyệt nhiên không biểu hiện một cảm nghĩ gì. Chắc đã đờ đẫn đi vì thói thủ dâm. Hắn xanh xao phờ phạc, mặt phì ra, gương mặt đần độn, u mê. Người bên trái hỏi tôi rất nhanh: “Bao nhiêu?”
   - Hai năm.
   - Tớ bốn. Mới được một. Tên gì?
   - Papillon.
   - Tớ, Georges, Jojo l' Auvergnat. Cậu bị ở đâu?
   - Paris, còn cậu?
Người kia chưa kịp trả lời: suất cà-phê và ổ bánh mì tròn đã được đưa đến cách đấy hai buồng. Hắn thụt đầu vào. Tôi cũng làm như thế. Tôi giơ cái ca ra. Họ rót cà-phê vào rồi đưa một ổ bánh mì tròn. Vì tôi đưa tay ra đón ổ bánh mì hơi chậm, khi cửa ghi-sê sụp xuống thì ổ bánh mì của tôi lăn xuống đất.

Không đầy mười lăm phút sau im lặng đã trở lại. Chắc mỗi hành lang phải có một tốp đi phát bữa sáng, chứ không thì không thể nhanh như vậy. Đến giữa trưa có món xúp bỏ một miếng thịt hầm. Buổi chiều, một đĩa đậu ván xào. Cái thực đơn ấy trong suốt hai năm chỉ thay đổi trong bữa ăn chiều: đậu ván, đậu đỏ, đậu chiên, đậu đũa, đậu trắng và cơm xào. Bữa trưa thì lúc nào cũng chỉ có thế. Cứ mười lăm ngày một lần, chúng tôi thò đầu ra ngoài ghi-sê, và một người tù khổ sai dùng một cái tông- đơ răng dày của thợ cắt tóc để cắt râu cho chúng tôi
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

79#
 Tác giả| Đăng lúc 7-1-2012 01:29:31 | Chỉ xem của tác giả
Tôi ở đây đã được ba ngày. Có một điều làm cho tôi bận tâm. Ở đảo Royale, các bạn tôi có nói là sẽ gửi thuốc lá và thức ăn cho tôi. Tôi chưa nhận được thứ gì, vả lại tôi cũng băn khoăn không hiểu nổi họ làm thế nào để có thể thực hiện dược một việc thần kỳ như vậy. Cho nên tôi không lấy làm lạ khi không thấy có gì gửi đến. Hút thuốc lá chắc phải rất nguy hiểm, và dù sao đó cũng là thứ xa xỉ. Ăn thì hẳn là chuyện sống còn, vì xoong xúp trong bữa ăn trưa chỉ là một ít nước nóng lều bều vài nhúm rau xanh và một miếng thịt hầm chỉ độ một trăm gam. Buổi chiều chỉ có một đĩa đựng nước xào sền sệt, lưa thưa mấy hạt đậu hay mấy thứ rau quả khô.

Nói thật, tôi không nghi ngờ ban quản trị cho tù ăn kém bằng nghi ngờ bọn tù nhân chuyên việc nấu ăn hay phân phát thức ăn. Tôi nảy ra cái ý này trong bữa chiều, khi một người tù quê ở Marseille bắt đầu vào đưa thức ăn. Cái muôi của anh ta vục xuống tận đáy thùng, cho nên trong suất của tôi đậu bao giờ cũng nhiều hơn nước. Nếu những người khác đưa bữa ăn chiều thì ngược lại họ chỉ hớt phía trên sau khi ngoáy ngoáy cái muôi một chút. Do đó nhiều nước mà ít đậu. Tình trạng thiếu dinh dưỡng này cực kỳ nguy hiểm. Muốn có đủ sức mạnh tinh thần để giữ vững ý chí, cần phải có ít nhiều sức mạnh thể chất.

Lúc này người ta đang quét ngoài hành lang. Tôi có cảm giác là người ta quét ở trước buồng giam của tôi hơi lâu quá. Tiếng chổi quẹt mãi vào cánh cửa buồng tôi một cách không bình thường. Tôi nhìn kỹ thì thấy một mẩu giấy trắng thò ra ở phía dưới cánh cửa. Tôi hiểu ngay rằng người ta đã tuồn một cái gì dưới cánh cửa nhưng không thể tuồn vào sâu hơn được. Người ta đợi cho tôi rút mẩu giấy vào rồi mới quét sang chỗ khác. Tôi mở mẩu giấy ra. Có mấy dòng chữ viết bằng mực dạ quang. Tôi đợi cho tên lính gác đi quá rồi đọc vội: “Papi, kể từ mai trong bô của anh mỗi ngày sẽ có năm điếu thuốc lá và một quả dừa. Khi ăn dừa phải nhai thật kỹ thì mới bổ. Nhớ nuốt cả bã. Hút thuốc vào buổi sáng khi họ đổ bô. Không bao giờ được hút sau bữa cà-phê sáng, phải hút trong bữa ăn trưa ngay sau khi ăn, và buổi chiều cũng vậy. Kèm theo đây có một mẩu ruột bút chì. Mỗi khi cần dùng thứ gì, cứ viết vào mẩu giấy kèm theo đây, khi người quét hành lang quệt chổi vào cánh cửa, hãy dùng ngón tay cào vào cửa. Nếu người kia cũng cào lại thì tuồn mẩu giấy ra. Đừng bao giờ tuồn mẩu giấy trước khi hắn cào lại để trả lời anh. Hãy để mẩu giấy vào tai để khỏi rút plan ra, còn mẩu ruột bút chì thì có thể để bất cứ chỗ nào ở chân tường. Can đảm lên. Các bạn hôn anh. Ignace, Louis”.

Người gửi cho tôi bức thông điệp này là Galgani và Dega. Tôi thấy nghẹn ngào ở cổ và một hơi ấm tràn đầy trong ngực; có được những người bạn trung thành, tận tụy như vậy thật là ấm áp. Và bước đi của tôi: một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau quay, càng thêm vững vàng và nhanh nhẹn, với một mềm tin lớn hơn vào tương lai, một niềm tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ còn sống cho đến khi ra khỏi cái phần mộ này. Và tôi vừa đi vừa nghĩ: trong hai con người ấy có bao nhiêu là tình cảm cao thượng, có biết bao nhiêu ý chí muốn làm điều tốt. Chắc chắn là họ đã tự đặt mình vào một tình thế rất nguy hiểm: một người có thể mất chân kế toán, người kia mất chân liên lạc. Việc họ đang làm để giúp tôi thật là vĩ đại, chưa kể là họ phải tốn biết bao nhiêu tiền mới làm được như thế. Họ đã phải mua biết bao nhiêu người để với tay đến tận buồng giam của tôi trên cái đảo Royale “ăn thịt người”.

Bạn đọc cần hiểu rõ rằng một quả dừa khô chứa rất nhiều dầu trong cái cùi dòn và trắng của nó, chỉ cần nạo sáu quả dừa ngâm vào nước nóng thì một ngày sau trên mặt nước có thể vớt được một lít dầu. Thứ dầu này là một chất béo mà với chế độ ăn của chúng tôi người ta rất cần, nó chứa nhiều thứ sinh tố. Mỗi ngày một cái cùi dừa là gần đủ bảo đảm cho sức khỏe. ít nhất người ta cũng không thể lâm vào tình trạng mất nước, cũng không thể chết vì suy dinh dưỡng. Đã hai tháng ròng tôi nhận được tiếp tế về thức ăn và thuốc hút mà không xảy ra chuyện gì cả. Mỗi lần hút thuốc tôi đều đề phòng cẩn thận như người Sioux: tôi nuốt khói vào thật sâu rồi nhả ra từ từ, vừa nhả vừa xòe bàn tay phải ra như cái quạt để xua cho khói tan đi.

Hôm qua vừa xảy ra một chuyện hơi lạ. Tôi không biết là tôi đã hành động đúng hay sai. Một tên lính gác đi trên đường tuần tra đã chống tay vào thanh vịn nhìn xuống buồng giam tôi. Hắn châm một điếu thuốc, hút vài hơi rồi để nó rơi xuống buồng giam tôi. Sau đó hắn lại đi tuần. Tôi đợi cho hắn trở lại rồi lấy chân chà lên điếu thuốc, sao cho hắn có thể trông thấy rõ. Bước hắn đi hơi ngưng lại một chút, nhưng không lâu: khi đã thấy rõ cử chỉ vừa rồi của tôi, hắn lại đi ngaỵ Có phải hắn thương hại tôi, hay thấy xấu hổ cho cái ban quản trị của hắn? Hay đây chỉ là một cái bẫy? Tôi không biết cho nên rất băn khoăn. Khi người ta khổ, người ta trở nên hết sức nhạy cảm. Nếu tên giám thị vừa rồi đã có ý muốn làm một người tốt bụng dù cái ý ấy chỉ được một vài giây, tôi cũng rất lấy làm tiếc vì đã làm hắn phiền lòng với cái cử chỉ khinh miệt của tôi.

Tôi ở đây thế là đã hơn hai tháng. Cái nhà giam cấm cố này là nhà giam duy nhất mà theo tôi trong đó không có gì có thể học được. Vì không thể có một cách dàn xếp nào hết. Tôi đã luyện tập được rất kỹ cái khả năng phân thân. Tôi có một chiến thuật có hiệu quả chắc chắn. Để đi lang thang giữa các vì sao với một cảm giác hiện thực thật cao,để dễ dàng thấy hiện ra những thời đoạn khác nhau trong dĩ vãng của cuộc đời giang hồ phiêu bạt của tôi hay của thời thơ ấu, hoặc giả để xây những tòa lâu đài ở Tây Ban Nha hiện rõ y như thật, lúc đầu tôi đã phải tốn rất nhiều sức. Tôi phải đi đi lại lại không ngớt mấy giờ đồng hồ liền, không ngồi xuống, không dừng lại, vừa đi vừa nghĩ bình thường về bất cứ vấn đề gì. Rồi đến khi thật mệt mỏi tôi mới nằm lên tấm ván, gối đầu lên một nữa tấm chăn, còn nửa kia thì đắp lên mặt. Bấy giờ làn không khí đã thưa thớt của phòng giam đi vào miệng tôi và mũi tôi một cách khó khăn vì bị tấm chăn lọc một lần nữa. Điều đó nhằm gây ra trong phổi tôi một tình trạng gần như ngạt thở khiến đầu tôi thấy nhức và nóng. Trong trạng thái thiếu không khí và ngột ngạt vì nóng bức, tôi đột ngột thấy mình bay bổng lên.

Ôi? Những cuộc phi hành của linh hồn ấy đã đem lại cho tôi bao nhiêu là cảm giác khôn tả. Tôi đã có được những đêm ân ái mà cảm giác còn mạnh hơn cả khi tôi được tự do, say sưa hơn, có sức chấn động hơn những cảm giác thật của những đêm ân ái mà tôi đã thực sự trải qua. Phải, cái khả năng du hành trong không gian ấy cho phép tôi ngồi bên cạnh mẹ tôi, người đã chết cách đây mười bảy năm. Tôi mân mê tà áo của người, và người vuốt ve những móc tóc quăn của tôi mà người bắt để rất dài hồi tôi mới năm tuổi, làm như thể tôi là con gái. Tôi vuốt ve mấy ngón tay thon và dài, da mịn như tơ. Người cùng cười với tôi khi thấy nảy ra cái ý muốn gan góc được lao xuống sông như tôi đã thấy những cậu con trai lớn tuổi hơn làm, vào một ngày hai mẹ con đi dạo với nhau. Những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cách chải tóc của người, niềm thương mến có sức tỏa hào quang của đôi mắt sáng lóng lánh của người, những lời lẽ dịu dàng khó quên của người: “Riri bé bỏng của mẹ, con hãy ngoan, thật ngoan nhé, để mẹ con thương con thật nhiều, ít nữa rồi con cũng sẽ nhảy được xuống nước từ rất cao, rất cao. Còn bây giờ thì con còn bé quá, cục vàng của mẹ ạ. Ngày ấy sẽ đến rất nhanh, quá nhanh nữa là khác, cái ngày mà con sẽ thành một chàng trai to khỏe”. Và mẹ tôi dắt tay tôi đi dọc bờ sông về nhà.

Tôi thực sự đang sống trong ngôi nhà của thời thơ ấu của tôi. Thực sự đến nỗi tôi đưa hai tay bịt mắt mẹ tôi để người không đọc được nốt nhạc nhưng vẫn tiếp tục chơi piano cho tôi nghe. Tôi đang ở nhà thật chứ không phải tưởng tượng. Tôi đang ở nhà với mẹ, tôi leo lên một chiếc ghế tựa đặt ở phía sau chiếc ghế quay mẹ tôi đang ngồi, và tôi đưa hai bàn tay nhỏ bé lên bịt mắt mẹ tôi thật mạnh, để cho đôi mắt to và hiền của người đừng trông thấy gì. Mấy ngón tay thon nhẹ của người vẫn tiếp tục lướt trên các phím đàn đánh cho tôi nghe bài Nàng quả phụ vui tươi cho đến hết. Dù là tên công tố viên vô nhân đạo, hay là những tên cảnh sát mà sự lương thiện đáng cho người ta ngờ vực, hay là Polein, tên khốn kiếp đã chịu mặc cả để mua lấy tự do bằng một lời khai gian dối, hay là mười hai miếng phó-mát đã ngu xuẩn theo đuôi bản cáo trạng và cách thuyết minh sự việc của bên nguyên, hay là những tên lính gác ở nhà giam cấm cố, những cộng tác viên xứng đáng của cái ngục “ăn thịt người”, không có ai, tuyệt đối không có ai, và cũng không có cái gì, kể cả những bức tường dày và cái khoảng cách xa xôi của hòn đảo mất hút giữa Đại tây dương này, tuyệt nhiên không có một cái gì thuộc phạm trù tinh thần hay vật chất có thể ngăn cản nổi những cuộc du hành nhuộm màu hồng tuyệt vời của hạnh phúc khi tôi cất cánh bay bổng lên các vì sao.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

80#
 Tác giả| Đăng lúc 7-1-2012 01:30:43 | Chỉ xem của tác giả
Tôi đã sai lầm: khi tính thời gian phải một mình đối diện với bản thân, tôi chỉ nói đến thời gian bằng đơn vị giờ. Đó là một sai lầm. Có những lúc phải đo thời gian bằng đơn vị phút. Chằng hạn, sau buổi phân phát cà-phê và bánh mì là giờ đổ bô - sau đó khoảng một tiếng đồng hồ. Khi người ta trả cái bô sạch tôi sẽ nhận được quả dừa, năm điếu thuốc lá và đôi khi cả một mảnh giấy viết chữ lân tinh. Những lúc ấy - không phải bao giờ cũng thế, nhưng rất nhiều khi như thế - tôi đếm từng phút một. Làm như thế cũng khá dễ dàng vì tôi điều chỉnh thân thể tôi thành một quả lắc, cứ năm bước, lúc quay trở lại, tôi nhẩm đếm: một. Đếm đến mười hai thì được một phút. Có điều là xin các bạn chớ tưởng rằng tôi lo lắng muốn biết rồi mình có được ăn cái cùi dừa, vốn chính là sự sống của tôi, có được hưởng cái thú vô biên là đang ở trong cái hầm mộ này mà lại được hút thuốc mười lần trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ (vì mỗi điếu thuốc lá tôi hút làm hai lần) hay không.

Không phải thế; vào giờ nhận cà phê, và tuy không có lý do gì đặc biệt, tôi cũng sợ rằng có một việc gì đã xảy ra với những người đang hy sinh sự yên tĩnh của mình để giúp tôi một cách hào phóng như vậy. Cho nên tôi chờ đợi, và đến khi trông thấy quả dừa tôi mới thở phào yên tâm. Quả dừa có đó, như thế có nghĩa là họ vân yên ổn. Chầm chậm, rất chậm, những giờ, những ngày, những tuần, những tháng trôi qua. Rồi đến một lúc nào đó, tỉnh lại thấy mình đã ở đây được gần một năm. Đúng mười một tháng và hai mươi ngày tôi chưa được nói chuyện với ai hơn bốn mươi giây, mà cũng chỉ nói nhát gừng, và nói thầm thì, chứ không thành tiếng. Tuy vậy có một hôm tôi cũng đã dự một cuộc đối thoại to tiếng.

Hôm ấy tôi bị cảm và ho nhiều. Nghĩ rằng như vậy cũng đủ để xin đi khám, tôi liền báo cáo ốm. Bác sĩ đã đến. Trước sự kinh ngạc của tôi, cái ghi-sê mở ra. Trong cái khung hẹp ấy thấy hiện ra một cái đầu
   - Anh làm sao? Anh đau gì? Phế quản à? Quay lưng lại. Ho đi.
Kìa, sao lạ thế nhỉ. Người ta đùa chăng? Thế nhưng đó lại là sự thật một trăm phần trăm. Một ông thầy thuốc xứ thuộc địa đã đến chẩn bệnh qua một cái ghi-sê, bảo tôi quay lưng lại đứng cách cánh cửa một mét, và ghé tai vào lỗ để nghe phổi tôi. Rồi ông ta lại nói: “Thò tay ra. Tôi toan làm theo như cái máy, thì do một thứ tự trọng nào đấy, tôi nói với cái ông thầy thuốc quái dị này: “Cám ơn bác sĩ, phiền bác sĩ quá nhỉ. Thôi không cần. Chẳng ích gì đâu. ít nhất tôi cũng có đủ bản lĩnh để tỏ ra cho hắn hiểu rằng tôi không tưởng lầm là cái kiểu chẩn bệnh của hắn có chút gì nghiêm chỉnh.
   - Tùy anh, - hắn đã có đủ vô liêm sỉ để trả lời như vậy. Rồi bỏ đi.
Cũng may, vì chỉ chút nữa tôi đã nổ tung ra vì phẫn nô...

Một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau quaỵ Một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau quaỵ Tôi đi đi lại lại, đi đi lại lại mãi, không mỏi mệt, không dừng lại, và hôm nay tôi đi đi lại lại một cách giận dữ, hai chân tôi căng thẳng chứ không buông lơi một cách thư thái như thường lệ. Dường như sau sự việc vừa xảy ra, tôi cần phải xéo nát một cái gì. Chân tôi thì có thể giẫm lên cái gì? Dưới chân tôi chỉ có xi-măng. Không, tôi giẫm lên rất nhiều thứ trong khi đi như vậy. Tôi giẫm lên sự hèn hạ của tên bác sĩ đã cam tâm chịu chiều theo ý Ban Quản trị để làm những việc tởm lợm như vậy. Tôi giẫm lên thái độ dửng dưng của một tầng lớp người trước sự đau khổ của một tầng lớp người khác. Tôi giẫm lên sự ngu dốt của dân tộc Pháp không hề quan tâm, không hề tò mò muốn biết những đồng bào của họ cứ hai năm lại được lùa lên tàu như những bầy gia súc qua Saint- Martin de Ré là để đi đến đâu và được đối xử như thế nào.

Tôi giẫm lên các phóng viên của các báo chí cánh tả, sau khi viết những bài báo chua ngoa về một con người đã phạm tội nào đấy thì chỉ mấy tháng sau là đã không còn nhớ rằng trên đời có một người như thế. Tôi giẫm lên bọn linh mục công giáo đã nghe các phạm nhân xưng tội, biết rất rõ những gì đang diễn ra ở trại khổ sai của Pháp mà vẫn im hơi lặng tiếng. Tôi giẫm lên một hệ thống xử án biến việc cân nhắc công bằng thành một cuộc đấu khẩu giữa kẻ buộc bội và kẻ bào chữa. Tôi giẫm lên tổ chức Liên minh Nhân quyền và Dân quyền không hề lên tiếng để nói: Hãy chặn đứng cái máy chém khô của các người lại, hãy hủy diệt cái tâm lý xa- đích tập thể đang hoành hành trong giới viên chức Hành chính. Tôi giẫm lên cái tình trạng tệ mạt là không có một tổ chức hay hiệp hội nào chất vấn những kẻ có trách nhiệm về hệ thống xử án này để hỏi họ xem tại sao và làm thế nào mà trại khổ sai cứ hai năm lại chết mất tám mươi phần trăm dân số của nó. Tôi giẫm lên những tờ giấy báo tử của tổ chức y tế nhà nước: tự tử, suy dinh dưỡng, suy nhược toàn thân, hoại huyết, ho lao, điên loạn, dở hơi. Tôi còn biết tôi đang giẫm lên những gì nữa? Nhưng dù sao, sau sự việc đã xảy ra, tôi không còn đi bình thường nữa, cứ mỗi bước tôi lại xéo nát một cái gì. Một, hai, ba, bốn, năm,... và những giờ phút chảy qua chầm chậm làm cho cuộc nổi loạn thầm lặng của tôi lắng dần vì mệt mỏi.

Còn mười ngày nữa tôi sẽ qua được một nửa thời hạn cấm cố. Đây quả là một kỷ niệm rất đáng ăn mừng, vì nếu không kể cái bệnh cảm khá nặng kia, sức khỏe tôi vẫn tốt. Tôi vẫn không điên, mà cũng chưa bước vào quá trình trở thành điên. Tôi tin chắc, thậm chí chắc một trăm phần trăm là sẽ ra khỏi chốn này khỏe mạnh về thể chất và tinh thần khi cái năm đang sắp bắt đầu sẽ hết. Tôi sực tỉnh vì ngoài kia có tiếng nói rì rầm.
   - Hắn đã chết khô từ bao giờ ấy. Durand ạ. Sao, ban nãy anh không nhận thấy à?
   - Thưa sếp tôi không biết ạ. Vì hắn treo cổ trong góc tường phía lối đi tuần cho nên tôi đi qua nhiều lần mà không trông thấy.
   - Cái đó không quan trọng, nhưng phải thú nhận rằng anh không trông thấy hắn là phi lô-gíc.
Người bị giam ở buồng bên trái đã tự tử.

Đó là điều mà tôi đã hiểu ra, họ đến khiêng hắn đi. Cánh cửa khép lại. Nội quy đã được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh vì cánh cửa ấy đã được mở ra và đóng lại trước mắt một “cấp trên” là viên giám đốc của nhà giam cấm cố mà tôi đã nhận ra giọng nói. Đó là người thứ năm đã chết trong các buồng giam ở quanh tôi trong vòng mười tuần. Ngày kỷ niệm một năm cấm cố đã đến. Trong cái bô tôi thấy có một hộp sữa đặc Nestlé. Đó là một cử chỉ điên rồ của các bạn tôi. Họ đã tìm mua hộp sữa này với một giá đắt không thể tưởng tượng nổi và đã liều lĩnh gửi nó cho tôi. Dù sao tôi cũng đã có được một ngày đắc thắng trước sự tàn nhẫn của số phận. Cho nên tôi tự hứa là không bay đi đâu cả. Tôi đang ở nhà giam cấm cố. Một năm đã qua từ khi tôi đến đây, thế mà tôi vẫn tự cảm thấy đủ sức để lên đường vượt ngục ngày mai nếu có cơ hội. Bản tổng kết như vậy là tích cực, và tôi tự hào về nó.

Thông qua người quét hành lang buổi trưa, tôi nhận được mấy chữ của các bạn (đó là một việc khác thường): “Can đảm lên. Chỉ còn một năm nứa thôi. chúng tôi biết cậu vẫn khỏe. Chúng tôi cũng bình thường, yên ổn. Chúng tôi hôn cậu. Louis, Ignace. Nếu tiện, cậu gửi cho chúng tôi mấy chữ, đưa ngay cho người đã trao cậu mảnh giấy này”. Trên mảnh giấy trắng gửi kèm theo bức thư tôi viết: “Cám ơn về tất cả. Tôi khỏe mạnh, và nhờ các cậu tôi hy vọng vẫn sẽ như thế này sau một năm. Có thể cho tôi biết tin Clousiot, Maturette không?” Quả nhiên một lúc sau người quét hành lang trở lại, cào vào cửa tôi. Tội vội vàng nhét mảnh giấy dưới cửa, nó biến ngaỵ Suốt ngày hôm ấy và một phần đêm ấy, tôi ở lại trên mặt đất, trong cái trạng thái mà tôi đã mấy lần tự hứa là sẽ giữ. Một năm nữa tôi sẽ được đưa về một trong hai đảo. Royale hay Saint-Joseph? Tôi sẽ nói chuyện, hút thuốc đến đã đời thì thôi, và lập tức sẽ chuẩn bị vượt ngục.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách