Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Papillon Người Tù Khổ Sai | Henry Charrière

[Lấy địa chỉ]
51#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 20:57:23 | Chỉ xem của tác giả
Hôm đó tôi ngồi cạnh Lali. Lali nằm trên một chiếc võng mà tôi đã gấp lại trải xuống đất thành một thứ nệm, mắt cô nhìn đăm đăm lên mái nhà, người cô bất động. Tôi nhìn Lali rồi lại nhìn Zoraima với cái bụng cộm lên, rồi cũng chẳng hiểu rõ tại sao, nước mắt tôi trào ra: tôi khóc. Khóc cho bản thân, hay khóc cho họ? Ai mà biết được! Tôi khóc, nước mắt chảy ròng ròng trên hai má. Zoraima thấy thế liền cất tiếng rên rỉ, lúc bấy giờ Lali ngoảnh lại và thấy mặt tôi giàn giụa nước mắt. Cô đứng phắt dậy, đến ngồi vào lòng tôi, rên khe khẽ. Cô ôm hôn tôi và vuốt ve tôi. Zoraima quàng một cánh tay lên vai tôi, Lali thì bắt đầu nói những gì không rõ, vừa nói vừa rên rỉ. Zoraima đáp lại, hình như cô trách móc chị. Lali lấy một cục đường đen to bằng nắm tay bỏ vào nước khuấy trước mặt tôi và uống hai hớp hết sạch.

Rồi cô cùng ra ngoài với Zoraima, tôi nghe thấy tiếng họ dắt ngựa ra, và đến khi tôi ra thì đã thấy nó được thắng yên cương đầy đủ, dây cương buộc vào đầu yên. Tôi đem theo cái áo da cừu cho Zoraima, và Lali đặt lên yên một cái võng gấp lại. Zoraima lên ngựa trước, ngồi sát cổ con ngựa, tôi ngồi giữa và Lali ngồi sau. Lúc bấy giờ tôi hoang mang đến nỗi ra đi chẳng chào ai mà cũng chẳng báo cho thủ lĩnh biết. Lali kéo dây cương, vì tôi tưởng họ định đi đến nhà ông thầy mo nên đã cho ngựa đi về hướng ấy. Hóa ra không phải, Lali kéo dây cương rồi nói: “Zorillo”. Chúng tôi đi gặp Zorillo, Lali ngồi bám vào thắt lưng tôi thật chặt, mấy lần hôn vào cổ tôi. Tôi thì tay trái cầm cương còn tay phải tôi vuốt ve Zoraima của tôi.

Chúng tôi đến làng Zorillo vừa đúng lúc anh ta từ Colombia trở về với ba con lừa và một con ngựa chở rất nặng. Chúng tôi vào nhà. Lali nói trước, rồi Zoraima. Và đây là những điều Zorillo đã nói lại cho tôi hiểu: kể cho đến khi trông thấy tôi khóc, Lali đã tưởng rằng tôi là một con người Da trắng không hề coi cô ta ra gì. Lali biết rằng tôi sắp ra đi, nhưng tôi giả dối như con rắn vì tôi không bao giờ chịu nói gì hay làm gì cho cô hiểu điều đó. Cô ấy nói rằng cô thất vọng vô cùng, vì cô vẫn nghĩ rằng một người như cô có thể làm cho một người đàn ông hạnh phúc được. Cô nghĩ rằng một người đàn ông được thỏa mãn thì không bao giờ lại bỏ đi, rằng sau một sự đổ vỡ trầm trọng như vậy không còn lý do gì để cho cô tiếp tục sống nữa. Zoraima cũng nói đại loại như vậy, và thêm vào đấy lại còn lo rằng con trai cô đẻ ra sẽ giống như bố nó: một con người chẳng biết nói năng, ăn ở dối trá và đòi hỏi ở vợ mình những chuyện khó làm đến nỗi, mặc dầu sẵn sàng hy sinh tính mạng cho chồng, họ cũng không tài nào hiểu được tại sao tôi lại muốn xa lánh cô ấy như thể cô ấy là con chó đã cắn tôi hôm tôi mới đến? Tôi trả lời:
   - Lali ạ, nếu bố em ốm, em sẽ làm gì?
   - Em sẽ đi trên chông gai để đến săn sóc bố.
   - Nếu người ta săn đuổi em như một con thú để giết em, thì đến cái ngày mà em có thể chống trả được em sẽ làm gì?
   - Em sẽ đi tìm kẻ thù của em khắp mọi nơi, để chôn nó xuống thật sâu, sâu đến nỗi nó không còn có thể nhúc nhích trong cái lỗ chôn nó được nữa.
   - Làm xong tất cả những việc đó, em sẽ làm gì nếu em có hai người vợ tuyệt vời đang đợi em?
   - Em sẽ cưỡi ngựa trở về.
   - Đó là điều mà anh sẽ làm, chắc chắn như vậy.
   - Thế nếu khi anh trở về em đã già và xấu thì sao?
   - Anh sẽ về từ lâu trước khi em già và xấu.
   - Phải, nước trong mắt anh đã chảy ra: như vậy là anh không bao giờ có thể cố tình xa lánh chúng em. Cho nên bây giờ anh muốn ra đi lúc nào em cũng bằng lòng, nhưng anh phải đi giữa ban ngày, trước mặt mọi người, chứ không phải ra đi vụng trộm như thằng ăn cắp. Anh phải ra đi đúng như anh đã đến đây, đúng vào giờ ấy, ăn mặc chỉnh tề. Anh phải nói rõ người nào được anh giao nhiệm vụ trông nom chúng em đêm ngày. Zato là vị thủ lĩnh của chúng em, nhưng phải có một người nữa trông nom chúng em. Anh phải nói cho mọi người nghe rằng nhà này vẫn là nhà của anh, rằng không có một người đàn ông nào trừ con trai anh nếu trong bụng Zoraima là một đứa con trai, không có một người đàn ông nào có quyền bước chân vào nhà anh. Vậy Zorillo phải đến đây vào ngày anh ra đi. Để nói lại cho mọi người nghe tất cả những điều anh cần nói.

Chúng tôi đã ngủ lại nhà Zorillo. Đêm ấy là một đêm dịu ngọt và êm ái lạ thường. Những tiếng thì thầm và những âm thanh êm dịu phát ra từ miệng hai đứa con gái của thiên nhiên ấy có những âm hưởng ái ân mạnh mẽ và sâu xa đến nỗi tôi rung động đến tận đáy lòng. Cả ba chúng tôi cùng cưỡi ngựa trở về làng, đi rất thong thả để nương nhẹ cái bụng của Zoraima. Tôi phải ra đi đúng vào ngày thứ chín sau khi bắt đầu tuần trăng, vì Lali muốn cho tôi biết chắc cô đã có mang chưa. Tuần trăng trước, cô không thấy kinh nguyệt. Lali sợ mình có thể nhầm, nhưng nếu tuần trăng này lại không thấy nữa thì như thế có nghĩa là một đứa con đã bắt đầu phôi thai trong mình cô. Zorillo sẽ đem theo tất cả các thứ áo quần tôi sẽ mặc: tôi sẽ mặc các thứ ấy vào sau khi đã nói chuyện với dân làng với tư cách đầy đủ của một người dân Guajiro. Nghĩa là trong bộ trang phục của dân tộc - cái khố.

Trước đấy một hôm, chúng tôi sẽ phải cùng đến gặp ông thầy mo, cả ba người. Ông ta sẽ nói cho chúng tôi biết là trong nhà phải để ngỏ cái cửa của tôi hay phải đóng nó lại. Vì phải nương nhẹ cái bụng của Zoraima, chúng tôi cho ngựa đi trên đường về một cách chậm chạp. Tuy vậy, chuyến đi này không có gì buồn bã. Hai cô vợ của tôi thà biết rõ sự thật còn hơn là bị bỏ lại trong một tình thế không minh bạch và chịu đựng những tiếng chê cười của đàn bà và đàn ông trong làng. Khi Zoraima sinh con, cô sẽ chọn một người chèo thuyền để đi mò trai, cô sẽ cố gắng mò thật nhiều ngọc để dành cho tôi. Lali cũng sẽ đi mò trai nhiều hơn trước để có công việc làm cho đỡ buồn. Tôi rất tiếc là đã không học tiếng Guajiro: tôi chỉ biết được mười lăm tiếng là cùng. Giá tôi chịu khó học, tôi có thể nói với Lali và Zoraima biết bao nhiêu điều cần nói, nhất là những điều không thể nói qua một người phiên dịch.

Chúng tôi đã về đến làng. Việc đầu tiên cần phải làm là đến gặp Zato để xin lỗi vì vừa rồi ra đi không nói gì với ông. Zato cũng cao thượng như cha ông. Tôi chưa kịp nói thì ông đã đặt bàn tay lên cổ tôi và nói “Uilu (anh im đi)”. Còn mười hai ngày nữa sẽ có trăng non. Cộng thêm tám ngày tôi phải đợi nữa là hai mươi ngày: đến ngày thứ hai mươi mốt tôi sẽ lên đường. Tôi xem lại bản đồ, dự định thay đổi một vài chi tiết trong cách đi qua các làng mạc, vừa xem vừa nghĩ lại những điều mà thủ lĩnh Công Bằng đã nói với tôi. Dễ có nơi nào tôi sẽ được sung sướng hơn ở đây, nơi mà mọi người đều yêu quý tôi? Hay là tôi sẽ tự mình chuốc lấy tai họa khi trở về với thế giới văn minh? Tương lai sẽ trả lời cho tôi biết.

Ba tuần ấy đã trôi qua như một giấc mơ kỳ ảo. Lali đã có đủ bằng chứng để biết chắc rằng cô có mang: thế là sẽ có hai hay ba đứa trẻ đợi tôi về. Sau là bà Lali nói với tôi rằng mẹ cô đã hai lần đẻ sinh đôi. Chúng tôi đã đến gặp ông thầy mo. Không, không được đóng cửa. Chỉ lấy một cành cây chắn ngang cửa là đủ. Cái võng mà ba chúng tôi thường nằm phải đem căng lên trần nhà. Lali và Zoraima lúc nào cũng phải cùng đi ngủ một lúc vì hai cô bây giờ chỉ là một. Rồi ông ta bảo chúng tôi ngồi quanh ngọn lửa, bỏ một nắm lá xanh vào và hun khói chúng tôi hơn mười phút. Xong đâu đấy chúng tôi về nhà chờ Zorillo đến.

Ngay tối hôm ấy anh ta đến thật. Chúng tôi đốt một đống lửa ở phía trước, và dân làng đến ngồi xung quanh nói chuyện với chúng tôi suốt đêm. Thông qua Zorillo, tôi nói với mỗi người một đôi lời thân ái, và người ấy cũng đáp như thế. Khi mặt trời mọc tôi lui vào nhà với Lali và Zoraima. Suốt ngày hôm sau chúng tôi quấn quít bên nhau. Zoraima ôm lấy tôi để cảm thấy rõ hơn là tôi đang ở trong cô, Lali quấn quanh tôi như một sợi dây leo, tôi như bị đóng chặt vào cô... Đến chiều là giờ ra đi. Tôi nói với thủ lĩnh thông qua Zorillo:
   - Thưa thủ lĩnh Zato vị tù trướng lớn của cái bộ lạc đã tiếp nhận tôi và đã cho tôi tất cả, tôi buộc lòng phải thưa với thủ lĩnh rằng thủ lĩnh cần cho phép tôi đi xa bộ lạc trong nhiều tuần trăng.
   - Tại sao anh lại muốn xa rời các bạn anh?
   - Tại vì tôi cần phải đi trừng phạt những kẻ đã săn đuổi tôi như một con thú. Nhờ thủ lĩnh, tôi đã có nơi nương náu trong làng này, tôi đã được sống hạnh phúc, ăn uống no đủ, có được những người bạn cao quý, hai người vợ đã đưa ánh nắng vào lồng ngực tôi. Nhưng tất cả những điều đó không thể biến một người đàn ông như tôi thành một con thú khi đã gặp được một nơi ẩn nấp ấm cúng thì cứ nằm lại đấy suốt đời vì sợ phải đau khổ nếu rời chỗ ấy lên đường đấu tranh. Tôi đi tìm những kẻ thù của tôi để đối chọi với chúng, đi tìm người cha già đang cần đến tôi. Ở đây tôi để lại linh hồn của tôi, tôi để lại những đứa con nảy mầm từ tình yêu thương của chúng tôi. Nếp nhà tranh của tôi là của họ và của những đứa con tôi khi chúng ra đời. Tôi hy vọng rằng nếu có ai quên điều đó thì thủ lĩnh Zato sẽ nhắc cho họ nhớ. Tôi yêu cầu là ngoài sự trông nom riêng của thủ lĩnh, thủ lĩnh còn cho một người đàn ông tên là Usli đêm ngày bảo vệ gia đình tôi. Tôi đã yêu thương tất cả các bạn rất nhiều và tôi sẽ mãi mãi yêu thương các bạn. Tôi sẽ làm hết sức mình để chóng trở về đây. Nếu tôi chết trong khi làm tròn bổn phận, những ý nghĩ cuối cùng của tôi sẽ hướng về các người, Lali, Zoraima và các con tôi, và hướng về các người, những người dân làng Anh- điêng Guajiros, là gia đình của tôi.

Tôi trở vào nhà, Lali và Zoraima vào theo. Tôi mặc áo quần: sơ-mi và quần ka-ki, đi tất và giày cao cổ. Rất lâu tôi đã ngoảnh lại nhìn kỹ từng chi tiết cái làng thơ mộng nơi tôi đã sống qua sáu tháng. Cái bộ lạc Guajiro mà người ta kinh sợ, mà các bộ lạc khác cũng như người da trắng đều kiêng dè, đối với tôi đã là một bến bờ yên tĩnh để nghỉ ngơi, một nơi nương tựa không gì sánh nổi để tránh khỏi sự độc ác của con người. Tôi đã tìm thấy ở đây tình yêu, sự thanh bình và sự tôn quý. Xin từ biệt những người Guajiro, những người Anh- điêng hoang dã của bán đảo Colombia - Venezuela này, và xin Thượng đế phù hộ cho các người. Thật may là cái lãnh thổ rộng lớn của các người không thuộc hẳn về một quốc gia nào và thoát khỏi sự xâm nhập của hai nền văn minh kế cận. Cách sống hoang dã và cách tự vệ hồn nhiên của các người đã dạy cho tôi một điều rất quan trọng cho tương lai: thà làm một người Anh- điêng hoang dã còn hơn làm một ông cử nhân luật. Xin từ biệt Lali và Zoraima, hai người đàn bà tuyệt vời với những phản ứng thật gần gũi với thiên nhiên, không hề biết tính toán, những con người hoàn toàn hồn nhiên tự phát, vào lúc chia tay, bằng một cử chỉ giản dị đã bỏ vào một cái túi vải nhỏ tất cả những viên ngọc trai đang có trong nhà. Tôi sẽ trở về, đó là điều chắc chắn, không thể nào khác được. Bao giờ? Như thế nào? Tôi không biết, nhưng tôi tự hứa là sẽ trở về.

Cuối buổi chiều hôm ấy, Zorillo lên ngựa, và chúng tôi đi về phía Colombia. Tôi đội một cái mũ rơm. Tôi đi bộ, tay cầm cương dắt con ngựa đi bên cạnh. Tất cả những người dân trong làng, không trừ một ai, đều đưa cánh tay trái lên che mặt và dang cánh tay phải về phía tôi. Cử chỉ đó họ dùng để nói với tôi rằng họ không muốn nhìn thấy tôi ra đi vì điều đó quá đau lòng, và tay họ dang ra là để giữ tôi lại. Lali và Zoraima đi theo tôi trong khoảng gần một trăm mét. Tôi tưởng họ sắp ôm hôn tôi, nhưng bỗng nhiên họ rống lên một tiếng và bỏ chạy thắng về nhà, không quay lại.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

52#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 22:13:47 | Chỉ xem của tác giả
Chương 17

Trở về thế giới văn minh

Nhà tù Santa Marta

Ra khỏi lãnh thổ của vùng Guajira thuộc người Anh- điêng không có gì khó, chúng tôi vượt qua các đồn biên phòng Lavela bình yên vô sự. Tất cả đoạn đường dài mà tôi và Antonio phải chạy mất bấy nhiêu ngày mới đi hết, thì bây giờ đi ngựa mất có hai ngày. Nhưng không phải chỉ có các đồn biên phòng kia là nguy hiểm: ngoài ra còn có một dải đất hơn một trăm hai mươi cây số kéo dài đến Rio Haeha, cái làng mà tôi đã bỏ trốn. Có Zorillo bên cạnh, tôi đã làm cuộc thí nghiệm đầu tiên về cách dùng tiếng Tây Ban Nha trong khi nói chuyện trong một thứ quán có bán thức uống và thức ăn, với một người thường dân Colombia. Kết quả không đến nỗi tồi, và như Zorillo đã nói cho tôi hiểu, tật nói lắp nặng có tác dụng rất nhiều khi người ta muốn dấu giọng điệu và cách nói của người ngoại quốc.

Chúng tôi lại lên đường đi Santa Marta. Theo dự kiến, Zorillo sẽ chia tay với tôi ở giữa đường và quay trở lại đúng sáng hôm nay. Zorillo đã chia tay với tôi. Chúng tôi đã quyết định là anh ta sẽ đưa con ngựa của tôi về. Vì có một con ngựa tức là có nơi ăn chốn ở, là định cư trong một làng nhất định và do đó rất có thể rơi vào cái tình thế phải trả lời những câu hỏi phiền phức: “Anh ở lại X, vậy có biết ông Mỗ không? ông lý trưởng làng anh tên là gì? Bà Y hiện nay ra sao? Hiện nay ai làm ở trạm?".
Không, tốt hơn là tôi đi bộ, rồi đi xe buýt hay xe tải và đến Santa Marta thì có thể đi xe lửa. Đối với mọi người tôi sẽ là một người “forastero” (một người ở nơi khác đến), đang đi kiếm việc nơi này nơi nọ, ở đâu có việc thì làm và làm bất cứ việc gì.

Zorillo đã đổi cho tôi ba đồng tiền vàng, mỗi đồng ăn một trăm pesos. Anh ta lại cho tôi một ngàn pesos. Một người thợ giỏi kiếm được từ tám đến mười pesos mỗi ngày, vậy với số tiền kia tôi có thể sống được khá lâu. Tôi đã lên một chiếc xe vận tải đang đi đến một nơi rất gần Santa Marta, một hải cảng khá lớn, cách nơi Zorillo chia tay với tôi quãng một trăm hai mươi cây số. Chiếc xe này đến đấy để chở dê hay sơn dương gì đấy tôi cũng không rõ. Cứ cách sáu hay mười cây số lại có một cái quán và nơi nào cũng vậy. Anh lái xe cứ trông thấy quán xuống xe và mời tôi vào. Anh ta thì mời còn tôi thì trả tiền. Và mỗi lần như thế anh ta lại uống năm sáu cốc rượu rất mạnh. Tôi thì chỉ giả vờ uống một cốc. Xe đi được dăm chục cây số anh ta đã say khướt. Anh ta say đến nỗi đi lạc, lái xe vào một đoạn đường bùn lầy: xe bị sa lầy không ra được nữa. Thế mà anh lái xe người Colombia kia không hề nao núng: anh ta leo lên thùng xe nằm và bảo tôi lên ca- bin mà ngủ.

Tôi chẳng còn biết làm thế nào nữa. Còn đến bốn mươi cây số mới đến Santa Marta. Có anh ta thì tôi đỡ phải trả lời những câu hỏi của những người tình cờ gặp giữa đường, và tuy xe hay dừng lại như vậy, đi xe vẫn cứ nhanh hơn đi bộ. Khoảng gần sáng tôi quyết định ngủ một giấc. Khi tôi thức dậy đã gần bảy giờ sáng. Một chiếc xe chở đồ có hai con ngựa kéo đi đến. Chiếc xe tải đỗ giữa đường làm cho nó không đi qua được. Họ đánh thức tôi dậy, tưởng tôi là người lái xe vì tôi nằm trong ca-bin. Tôi nói cà lăm, giả bộ làm người ngủ say mới giật thót thức dậy chẳng biết mình đang ở đâu nữa. Anh lái xe cũng thức dậy và bàn cãi với người đánh xe ngựa. Loay hoay mãi vẫn không sao đưa chiếc xe tải ra khỏi đoạn đường lầy. Bùn ngập đến tận trục bánh xe, chẳng còn biết làm thế nào được. Trên chiếc xe ngựa kéo kia có hai nữ tu sĩ mặc đồ đen, đầu đội mũ xơ, và ba đứa con gái nhỏ.

Sau nhiều lần bàn cãi, hai người đàn ông thỏa thuận được với nhau là sẽ phát quang những bụi rậm ở bên đường để cho chiếc xe kia qua được chỗ mắc nghẽn dài khoảng hai mươi mét. Mỗi người cầm một chiếc “machete” (một con dao phát thường dùng để chặt mía, đi đường ai cũng cầm một cái) họ chặt tất cả những gì có thể làm vướng xe, còn tôi thì cố hướng dẫn cái xe đi hướng nào cho đỡ lăn bánh vào những chỗ còn rậm và những chỗ có thể lún xuống bùn. Khoáng hai giờ sau, chiếc xe ngựa kéo đã có thể đi tiếp. Chính vào lúc ấy hai bà xơ, sau khi cám ơn tôi, hỏi xem tôi đi đâu. Tôi nói: “Santa Marta”
   - Thế thì sao lại đi đến đường này, phải quay trở lại với chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa ông về gần đến Santa Marta,chỉ cách tám cây số nữa thôi.
Tôi không thể tử chối được, vì làm như thế sẽ có vẻ không bình thường. Mặt khác tôi cũng định nói rằng tôi muốn ở lại với người lái xe tải để giúp anh ta, nhưng muốn thế phải nói rất dài, cho nên tôi đành nói: “Graeias, gracias (cám ơn, cám ơn)”.

Thế là tôi ngồi ở phía sau cái xe có hai con ngựa kéo cùng với ba con bé; hai cô tu sĩ thì ngồi trên chiếc ghế dài bên cạnh người đánh xe. Chiếc xe lên đường, và chúng tôi đã đi đủ nhanh để vượt qua cái khoảng năm sáu cây số bùn lầy mà chiếc xe tải đã đi nhầm vào. Ra đến đường cái, xe bắt đầu chạy khá nhanh và đến khoảng giữa trưa chúng tôi dừng lại cạnh một cái quán để ăn trưa. Ba đứa bé và người đánh xe ngồi ở một bàn, còn hai cô nữ tu sĩ và tôi ngồi ở bàn bên cạnh. Hai cô đều còn trẻ, từ hai mươi lăm đến ba mươi tuổi là cùng. Da họ rất trắng. Một cô người Tây Ban Nha còn cô kia người Ái Nhĩ Lan. Cô nữ tu Ái Nhĩ Lan hỏi khẽ tôi.
   - Ông không phải là người ở đây, phải không?
   - Có chứ, tôi là người ở Baranquilla.
   - Không, ông không phải là người Colombia, tóc ông vàng thế... còn nước da ông thẫm màu chẳng qua vì rám nắng. Ông từ đâu đến?
  - Từ Rio Hacha.
  - Ở đấy ông làm  gì?
   - Thợ điện.
   - À! Tôi có một người bạn ở Công ty điện lực, tên là Perez, người Tây Ban Nha. Ông có quen ông ta không?
   - Thế thì thích quá.
Ăn xong, hai nữ tu sĩ đứng dậy đi rửa tay, rồi cô người Ái Nhĩ Lan trở lại một mình. Cô nhìn tôi rồi nói bằng tiếng Pháp:
   - Tôi không tố giác ông đâu, nhưng chị bạn của tôi nói là chị ấy đã trông thấy ảnh của ông trên báo. Ông là người tù Pháp đã vượt ngục khỏi nhà tù Hacha phải không?
Tôi mà chối thì tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn.
    - Phải, ma soeur ạ. Tôi van ma soeur đừng tố giác tôi. Tôi không phải là người xấu như người ta đăng trên báo đâu. Tôi là người vốn kính yêu Chúa.
Cô nữ tu người Tây Ban Nha trở ra, cô kia liền nói “đúng”. Cô người Tây Ban Nha trả lời một câu gì rất nhanh tôi không hiểu.

Hai cô có vẻ như đang suy nghĩ điều gì. Họ đứng dậy rồi lại vào phòng rửa taỵ Trong khoảng năm phút họ vắng mặt, tôi phản ứng rất nhanh. Phải bỏ đi trước khi họ trở lại, hay cứ ngồi đây? Nếu họ định tố giác tôi thì cũng thế thôi, vì nếu tôi bỏ đi thì người ta sẽ tìm ra tôi khá nhanh. Vùng này không có một Selva (rừng) rậm, và những lối đi ra các con đường cái đưa về thành phố sẽ được kiểm soát ngay. Tôi quyết định là sẽ phó thác cho số phận: cho đến ngày hôm nay, tôi chưa đến nỗi quá rủi ro. Hai cô nữ tu đã trở lại, cả hai đều tươi cười. Cô người Ái Nhĩ Lan hỏi tên tôi.
- Enrique.
- Thế thì ông Enrique ạ, ông sẽ cùng đi với chúng tôi về tu viện, cách Santa Marta tám cây số. Ngồi cùng xe với chúng tôi, dọc đường ông không phải sợ gì cả. Ông đừng nói, mọi người sẽ tường ông là người làm công trong tu viện.
Hai cô nữ tu sĩ trả tiền ăn cho cả nhóm.

Tôi mua một tút thuốc lá mười hai bao và một cái bật lửa. Chúng tôi lại lên đường. Suốt dọc đường hai cô nữ tu không nói gì với tôi nữa, và tôi rất biết ơn họ về sự tế nhị đó. Làm như vậy người đánh xe sẽ không nhận thấy tôi nói tiếng Tây Ban Nha không sõi. Cuối buổi trưa xe dừng lại cạnh một cái quán lớn. Ở đấy có một chiếc xe buýt đỗ, trên xe thấy đề: “Rio Hacha - Santa Marta”. Tôi thấy muốn lên xe này. Tôi liền nói với cô nữ tu người Ái Nhĩ Lan là tôi có ý định dùng chiếc xe buýt này.
   - Nguy hiểm lắm, - cô nói, - vì trước khi đến Santa Marta có ít nhất hai trạm cảnh sát kiểm tra giấy “cedula” (căn cước) của người đi đường, nhưng ngồi xe của chúng tôi thì không bị hỏi đâu.

Tôi cảm ơn cô một cách nhiệt thành, và nỗi lo âu của tôi từ khi bị họ phát hiện đã hoàn toàn tan biến. Tôi gặp được hai cô nữ tu tốt bụng này thật là cực kỳ may mắn. Quả nhiên chập tối chúng tôi đi ngang một đồn cảnh sát (“alcabale”). Một chiếc xe buýt đi từ Santa Marta đến Rio Hacha đang bị cảnh sát kiểm tra. Tôi nằm ngửa trên chiếc xe ngựa, cái mũ rơm úp lên mặt, giả vờ ngủ. Một trong ba đứa bé, tuổi chừng lên tám, đang gối đầu vào vai tôi ngủ thật sự. Khi chiếc xe đi ngang, người đánh xe ghìm ngựa lại đúng vào giữa chiếc xe buýt và đồn cảnh sát.
   - Como estan por quỉ (ở đây khỏe cả chứ?) - cô nữ tu người Tây Ban Nha nói.
   - Muy biến, Hermana (Khỏe lắm ma soeur ạ).
   - Me alegro, vamonos, muchanos (Tôi rất mừng, chúng mình đi thôi).
Thế là chúng tôi điềm nhiên đi tiếp.

Đến mười giờ tối lại gặp một đồn cảnh sát nữa, thắp đèn sáng trưng: Hai bên đường có hai dãy xe đang đứng đợi, đủ các thứ xe, thứ gì cũng có. Một dãy từ bên phải, dãy của chúng tôi từ bên trái. Cảnh sát đang mở các thùng xe nhìn vào phía trong. Tôi trông thấy họ bắt một người đàn bà xuống xe, bà ta đang lục tìm giấy tờ trong túi xách. Rốt cục bà ta bị đưa vào đồn, chắc vì không có cedula. Trong trường hợp đó thì chẳng còn biết làm thế nào. Các cỗ xe lần lượt đi qua. Vì có hai dãy xe cho nên không thể vượt hàng được. Chúng tôi đành đợi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

53#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 01:12:27 | Chỉ xem của tác giả
Tôi thấy mình nguy mất rồi. Phía trước chúng tôi là một cái xe buýt rất nhỏ chật ních hành khách. Trên mui xe có nhiều va-li và bó lớn, ở phía sau cũng có một thứ lưới to đựng đầy những bó đồ đạc. Bốn viên cảnh sát xua hành khách xuống. Xe chỉ có một cửa ra ở phía trước. Đàn ông và đàn bà lần lượt xuống xe. Có mấy bà bế con. Rồi họ lại lên xe từng người một. - Cedulai Cedula? Mỗi hành khách đều rút ra một tấm thẻ có dán ảnh đưa cho cảnh sát xem. Chưa có lần nào Zorillo nói với tôi về việc này. Giá tôi biết trước, có lẽ tôi có thể tìm cách kiếm một tấm thẻ căn cước giả. Tôi nghĩ rằng nếu chuyến này mà qua được, tôi sẽ trả với bất cứ giá nào để kiếm lấy một cedula trước khi đi từ Santa Marta đến Baranqailla, một thành phố rất lớn trên bờ Đại Tây Dương: hai trăm năm mươi ngàn dân, - cuốn từ điển có ghi như vậy.

   - Trời ơi, sao họ kiểm soát chiếc xe buýt kia lâu đến thế!
Cô nữ tu người Ái Nhĩ Lan ngoảnh lại nói với tôi: “Cứ yên tâm, Enrique ạ”. Tôi lập tức thấy oán giận câu nói bất cẩn này, chắc chắn là người đánh xe đã nghe thấy. Đã đến lượt xe của chúng tôi tiến vào khu vực đèn chiếu sáng trưng kia. Tôi đã quyết định ngồi dậy. Tôi thấy nằm có thể gây ấn tưởng là tôi có ý trốn tránh. Tôi ngồi tựa lưng vào mấy tấm ván tháo ra tháo vào được ở sau xe và nhìn về phía lưng hai nữ tu sĩ. Người ta chỉ có thể nhìn nghiêng vào mặt tôi, tôi lại đội mũ trùm thụp trên đầu, nhưng đã chú ý đừng kéo vành mũ xuống quá thấp.
   - Como estan todos por quỉ (ở đây các ông khỏe cả.chứ?) - cô nữ tu người Tây Ban Nha lại hỏi.
   - May bien, Hermans. Y como viajan tan tardẻ (Thưa các xơ rất khỏe. Sao các soeur đi đường muộn thế?).
   - Por una urgencia, por eso no me dentengọ Osmos mấy apuradas (Có việc rất gấp, thành thử xin các ông đừng làm chúng tôi muộn thêm. Chúng tôi đang vội lắm).
   - Vayanse con Dios, Hermanas (Xin các xơ lên đường có Chúa phù hộ).
   - Gracias, hijos. Que Dios les protège (Cám ơn anh em. Xin Chúa phù hộ tất cả).
   - Amen - mấy người cảnh sát nói.
Thế là chúng tôi điềm nhiên đi qua, chẳng bị ai xét hỏi gì cả.

Những phút hồi hộp vừa qua hình như đã gây chứng đau bụng cho hai cô nữ tu nhân hậu, vì đi được một trăm thước thì hai cô bảo cho xe dừng lại rồi xuống xe đi khuất vào trong rừng một lát. Chúng tôi lại lên đường. Tôi lấy thuốc ra hút. Tôi xúc động đến nỗi khi cô người Ái Nhĩ Lan lên xe, tôi nói: “Cám ơn ma soeur”. Cô nói với tôi: “Không có chi, nhưng vừa rồi chúng tôi sợ đến nỗi trong bụng rối loạn cả lên”.

Vào khoảng nửa đêm chúng tôi về đến tu viện. Tường cao, cổng lớn, Người đánh xe dắt ngựa về cho ăn, còn cái xe cùng với ba đứa con gái được đưa vào phía trong tu viện. Trên bậc thềm, một cuộc tranh luận rất hăng nổ ra giữa bà nữ tu gác cửa và hai cô nữ tu của tôi. Cô người Ái Nhĩ Lan nói với tôi rằng cô không thể đánh thức bà Mẹ Bề Trên để xin phép cho tôi ngủ lại trong tu viện. Đến đây tôi phân vân không biết quyết định như thế nào. Lẽ ra tôi phải nhanh chóng lợi dụng tình hình này dể rút lui và di bộ đến Santa Marta, vì tôi biết chỉ còn có tám cây số. Về sau, sai lầm này tôi đã phải đền bằng bảy năm khổ sai.
Cuối cùng, khi đã đánh thức được bà Mẹ Bề Trên, người ta cắt cho tôi một căn buồng ở tầng thứ ba. Nhìn ra cửa sổ tôi có thể trông thấy ánh đèn của thành phố. Tôi phân biệt được cả ngọn hải đăng và những chiếc đèn hiệu của tàu thủy đậu ở cảng. Một chiếc tàu rất lớn đang rời cảng.

Tôi ngủ thiếp đi, và khi người ta đến đập cửa buồng thì mặt trời đã mọc. Đêm vừa qua tôi mơ thấy một giấc chiêm bao khủng khiếp. Lali mổ bụng ra trước mặt tôi và đứa con của chúng tôi rơi ra từng mảng một. Tôi cạo râu rửa mặt thật nhanh, rồi mặc áo quần xuống nhà dưới. Ở chân cầu thang, cô nữ tu người Ái Nhĩ Lan đón tôi, trên môi thoáng một nụ cười:
   - Chào ông Henri. Ông ngủ có ngon không?
   - Thưa ma soeur rất ngon.
   - Xin mời ông đến văn phòng Mẹ Bề Trên. Mẹ muốn gặp ông.
Chúng tôi bước vào văn phòng.

Một người đàn bà đang ngồi sau bàn giấy. Một gương mặt hết sức nghiêm khắc của một người trạc năm mươi tuổi hay hơn nữa, đang nhìn tôi bằng đôi mắt đen không có chút gì thân thiện.
   - Senor, sa ba usted hablar espanol? (ông có biết nói tiếng Tây Ban Nha không?)
   - Muy po co (rất ít).
   - Bueno, la Hermana va servir de interprete (được, nữ tu sĩ đây sẽ làm thông ngôn).
   - Nghe nói ông là người Pháp?
   - Thưa Mẹ vâng.
   - Ông đã vượt ngục ra khỏi nhà tù Rio Hacha?
   - Thưa mẹ vâng.
   - Khoảng bảy tháng.
   - Trong thời gian ấy ông làm cái gì?
   - Tôi ở với người Anh- điêng.
   - Cái gì? ông mà ở với người Guajiros? Không thể tin được, nhưng con người mọi rợ ấy chưa bao giờ cho ai ở trên lãnh thổ của họ. Chưa có một nhà truyền giáo nào lọt vào nổi, ông có thể tưởng tượng được không. Tôi không chấp nhận câu trả lời của ông. Vừa qua ông ở đâu? ông nói thật đi.
   - Thưa Mẹ, tôi ở với người Anh- điêng, và tôi có bằng chứng về việc này.
   - Bằng chứng gì?
   - Một số ngọc trai do họ vớt được.
Tôi tháo cái túi cài vào giữa lưng áo vét của tôi và đưa cho bà Mẹ Bề Trên. Bà ta mở túi, thò tay vào bốc ra một nắm hạt trai.
   - Có bao nhiêu viên?
   - Tôi không biết ạ, có lẽ khoảng năm sáu trăm gì đấy
   - Đây không phải là một bằng.. chứng. Có thể là ông đã lấy trộm của một nơi khác.
   - Thưa Mẹ, để cho lương tâm của Mẹ được thanh thản, nếu Mẹ vui lòng, tôi sẽ xin ở lại đây trong một thời hạn để Mẹ có thể xác minh xem có một vụ mất trộm ngọc trai nào mới xảy ra hay không. Tôi có tiền. Tôi có thể trả tiền ăn ở. Tôi xin hứa là tôi sẽ không đi đâu ra khỏi buồng cho đến ngày Mẹ quyết định cho tôi đi.
Bà tu sĩ nhìn tôi trừng trừng. Tôi nghĩ ngay, chắc bà ta tự nhủ: “Thế nếu anh trốn đi thì sao? Anh đã từng vượt ngục, mà ở đây thì dễ trốn hơn nhiều”
   - Tôi xin để lại túi ngọc trai nhờ Mẹ giữ dùm. Đây là tất cả tài sản của tôi. Tôi biết rằng nó nằm trong những bàn tay đáng tin cậy.
   - Thôi được, cứ như thế. Không, ông không cần phải tự giam hãm trong buồng. Buổi sáng và buổi chiều ông có thể xuống vườn trong khi các nữ tu sĩ đang ở nhà thờ. Ông sẽ ăn dưới nhà bếp cùng với mấy người làm công.

Qua cuộc tiếp kiến này, tôi yên tâm được một nửa. Khi tôi sắp trở lên buồng, cô nữ tu sĩ người Ái Nhĩ Lan dẫn tôi xuống nhà bếp. Một chén cà phê sữa lớn, một khoanh bánh mì đen rất tươi và một ít bơ. Cô nữ tu chứng kiến bữa ăn sáng của tôi không nói một lời, và cứ đứng trước mặt tôi, không ngồi xuống. Cô có chiều lo lắng. Tôi nói:
   - Cám ơn ma soeur vì tất cả những gì mà ma soeur đã làm cho tôi.
   - Lẽ ra tôi muốn làm nhiều hơn thế, nhưng từ bây giờ trở đi tôi không còn làm gì được nữa, anh bạn Henri!
Nói đoạn cô ra khỏi nhà bếp.

Ngồi bên cửa sổ, tôi nhìn ra phía thành phố, hải cảng, lại nhìn ra biển. Những cánh đồng ở xung quanh được chăm bón rất tốt. Tôi không sao thoát ra khỏi cái cảm giác là mình đang lâm nguỵ Cảm giác đó mạnh đến nỗi tôi quyết định ngay đêm nay sẽ trốn đi. Thôi không cần đến mấy viên ngọc trai kia nữa, bà ta cứ việc giữ lấy cho tu viện hay cho cá nhân bà ta cũng được, cái bà Mẹ Bề trên ấy. Bà ta không tin tôi. Vả lại chắc tôi không nhầm, vì làm sao bà lại không nói được tiếng Pháp trong khi bà là người Catalonge, lại là Mẹ Bề trên của một tu viện, tức là người rất có học: thật hiếm có. Kết luận: tối nay tôi sẽ bỏ đi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

54#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 02:06:32 | Chỉ xem của tác giả
Phải, chiều nay tôi sẽ xuống sân để xem có thể trèo qua tường ở chỗ nào. Khoảng một giờ trưa, có tiếng gõ cửa:
   - Ông Henri, mời ông xuống ăn.
   - Cám ơn, tôi xuống ngay.
Ngồi xuống bàn ăn trong nhà bếp, tôi vừa mới động đến món thịt trộn với khoai tây luộc thì cánh cửa mở toang, bốn viên cảnh sát mặc đồ trắng, tay cầm súng trường, và một viên hạ sĩ quan tay cầm súng lục hiện ra.
   - No tè mueve, o te mao! (Ngồi im không thì chết ngay!)
Viên hạ sĩ quan khóa tay tôi lại. Cô nữ tu sĩ người Ái Nhĩ Lan thét lên một tiếng rất lớn và ngất đi. Hai bà nữ tu đang ở trong bếp vội vực cô ta lên.
   - Vamos (Đi)?, hắn nói, rồi cùng tôi đi lên buồng.

Cái tay nải của tôi bị mở ra lục soát. Họ tìm thấy ngay ba mươi sáu đồng tiền vàng ăn một trăm peso, nhưng lại bỏ qua cái túi da đựng hai mũi tên độc. Chắc họ tưởng đó là hai cây bút chì. Với một vẻ đắc chí không hề giấu giếm, viên hạ sĩ quan bỏ cả mấy đồng tiền vàng vào túi.Họ giải tôi đi. Năm tên cảnh sát đưa tôi lên một chiếc xe cũ kỹ. Người lái xe mặc đồ cảnh sát, da đen như than. Chiếc xe phóng hết tốc lực. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng, chẳng còn buồn kháng cự, chỉ cố giữ một thái độ tự trọng. Không việc gì phải tìm cách để cho họ nương nhẹ hay thương xót. Hãy là một trượng phu, và phải nhớ rằng không bao giờ được mất hy vọng. Những ý nghĩ ấy lướt qua rất nhanh trong trí tôi.

Và khi tôi xuống xe, ý chí làm kẻ trượng phu và nhất thiết không để cho mình trông như một mớ giẻ rách nó mạnh mẽ đến nỗi câu nói đầu tiên của viên sĩ quan ra đón tôi là: “Cái gã người Pháp này ghê gớm thật, lọt vào tay chúng ta mà nó chẳng có vẻ sợ sệt một tý nào”. Tôi được đưa vào phòng giấy của viên sĩ quan. Tôi bỏ mũ và, không đợi cho người ta bảo, tôi ngồi xuống ghế, cái tay nải đặt giữa hai chân.
   - Tu sabes hablar espanol? (Anh có biết nói tiếng Tây Ban Nha không).
   - Không.
   - Llame el zapatero (Gọi thằng thợ giày ra đây).
Một lát sau một người thấp bé mặc tạp dề xanh vào phòng, tay cầm một cái búa thợ giày.
   - Anh là người tù Pháp đã vượt ngục ở Rio Hacha cách đây một năm?
   - Không.
   - Anh nói dối.
   - Tôi không nói dối. Tôi không phải là người tù Pháp đã vượt ngục ở Rio Hacha cách đây một năm.
   - Cởi khóa tay cho hắn. Còn anh cởi áo vét và áo sơ-mi ra. (Hắn lấy một tờ giấy rồi xem xét người tôi. Tất cả các hình xăm đều được hắn ghi nhận). - Tay trái của anh không có ngón cái. Đúng. Chính anh.
   - Không phải là tôi, vì tôi ra đi không phải cách đây một năm. Tôi ra đi bảy tháng.
   - Thì cũng thế.
   - Đối với anh thì cũng thế, nhưng đối với tôi thì không.
   - Rõ: anh là kẻ giết người chuyên nghiệp điển hình. Dù là người Pháp hay là người Colombia, tất cả những kẻ giết người chuyên nghiệp (matadores) đều như nhau: không sao khuất phục nổi. Tôi chỉ là phó chỉ huy của nhà tù này. Tôi không biết người ta sẽ xử lý với anh như thế nào. Hiện giờ thì tôi sẽ cho anh ở chung với các bạn cũ của anh.
   - Bạn cũ nào?
   - Mấy người Pháp mà anh đã đưa vào Colombia.

Tôi đi theo mấy viên cảnh sát, họ dẫn tôi vào một phòng gian có hàng song sắt trông ra sân. Tôi gặp lại cả năm bạn tôi. Chúng tôi ôm nhau hôn. “Thế mà chúng mình cứ tưởng cậu đã thoát hẳn được rồi”, Clousiot nói. Maturette khóc như một thằng con nít (vả lại nó cũng chỉ là thằng con nít thôi). Ba người kia cũng rầu rĩ. Được gặp lại họ, tôi lại thấy mình có thêm sức.
   - Cậu kể đi, - họ nói.
   - Sau hẵng. Các cậu thì sao?
   - Chúng mình thì ở đây đã được ba tháng.
   - Họ đối xử ra sao?
   - Chẳng khá mà cũng chẳng tồi. Chúng mình đang đợi chuyển sang Baranquilla, và đến đấy hình như người ta sẽ trao chúng mình lại cho các nhà chức trách Pháp.
   - Thật là một lũ khốn kiếp! Có cách gì vượt ngục không?
   - Vừa mới đến một cái đã nghĩ đến vượt ngục à?
   - Nhiều khi cũng thật quá tệ! Cậu tưởng tôi tự dưng bỏ cuộc sao? Chúng canh phòng có ngặt lắm không?
   - Ban ngày thì thường thôi, nhưng ban đêm có một đội canh riêng chúng mình.
   - Mấy đứa?
   - Ba tên giám thị.
   - Còn cái chân cậu thế nào rồi?
   - Ổn rồi, thậm chí đi cũng không cà nhắc nữa.
   - Bị nhốt suốt ngày à?
   - Không, ngày nào cũng đi dạo trong sân để phơi nắng, buổi sáng hai tiếng đồng hồ, buổi chiều ba tiếng.
   - Bọn tù người Colombia ra sao?
   - Có những tay rất nguy hiểm thì phải, kẻ trộm và giết người có cả.

Quá trưa hôm ấy, vào giờ đi dạo trong sân, tôi đang nói chuyện riêng với Clousiot thì họ gọi. Ở đấy tôi gặp viên chỉ huy nhà tù, bên cạnh có viên phó chỉ huy ban sáng. Chiếc ghế danh dự được dành cho một người nước da rất đậm, gần như đen. Màu da giống một người Châu Phi đen hơn là một người Anh- điêng. Mái tóc ngắn và quăn đúng là mái tóc của người Châu Phi. Hắn gần xấp xỉ năm mươi tuổi, hai mắt đen và độc ác. Một bộ ria cắt rất sát trên một đôi môi dày, một cái miệng hằn học. Áo sơ-mi của hắn để phanh ngực, không có ca-vát. Ở ngực áo bên trái có gắn một cái dải nửa trắng nửa xanh, cuống của một thứ huy chương nào đấy. Anh thợ giày cũng có mặt ở đấy.
   - Anh người Pháp kia, anh đã bị bắt lại sau bảy tháng vượt ngục. Trong thời gian ấy anh đã làm gì? -
    Tôi ở với người Guajiros.
   - Đừng có giỡn mặt tao, không tao cho một trận bây giờ.
   - Tôi nói sự thật.
   - Chưa từng có ai ở với người Anh- điêng được cả. Chỉ trong một năm nay thôi đã có hai mươi lăm lính canh phòng bờ biển bị họ giết.
   - Không phải đâu, những người lính canh bờ biển ấy bị bọn buôn lậu giết chết.
   - Sao anh biết?
   - Tôi đã ở đấy bảy tháng. Người Guajiros không bao giờ ra khỏi lãnh thổ của họ.
   - Thôi được, cũng có thể đúng. Anh đã lấy trộm ba mươi sáu đồng vàng ăn một trăm pesos ở đâu?
   - Đó là tiền của tôi. Thủ lĩnh của bộ lạc vùng núi tên là Công Bằng đã cho tôi số tiền ấy.
   - Làm sao một thằng Anh- điêng lại có thể có được một gia sản như vậy để mà cho anh?
   - Thế thì thưa xếp, trước đây có xảy ra vụ trộm tiền vàng nào không?
   - Đúng là không có. Trong các hồ sơ chưa bao giờ thấy. Tuy vậy vẫn phải điều tra thêm.
   - Xin ông điều tra đi, việc đó có lợi cho tôi.
   - Anh đã phạm một tội nặng khi vượt ngục Rio Hacha, và còn phạm một tội nặng hơn nữa khi giúp Antonio vượt ngục: hắn sắp bị xử bắn vì giết nhiều lính canh phòng bờ biển. Bây giờ người ta đã biết rằng chính anh đang bị nhà chức trách Pháp truy nã, Anh là tù chung thân. Anh là một tên giết người chuyên nghiệp nguy hiểm. Vì vậy ta sẽ không mạo hiểm để cho anh có dịp vượt ngục lần nữa bằng cách giam chung anh với mấy người Pháp khác. Anh sẽ bị nhốt xà-lim cho đến khi chuyển đi Baranquilla. Mấy đồng tiền vàng sẽ được trả cho anh khi đã xác minh được là không có vụ trộm tiền vàng nào xảy ra.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

55#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 03:53:10 | Chỉ xem của tác giả
Tôi ra ngoài và họ lôi tôi đến cầu thang dẫn xuống dưới đất. Sau khi xuống hơn hai mươi lăm bậc thì đến một dãy hành lang tối mờ mờ hai bên có những cái chuồng chật. Họ mở một chuồng ra và đẩy tôi vào. Khi cánh cửa sắt mở ra hành lang được đóng lại, mùi thối bốc lên từ nền đất nhớp nháp. Có tiếng gọi tôi từ bốn phía. Mỗi cái chuồng có song sắt đều giam một hay ba tù nhân.
   - Francés, Francés: Que a hechỏ Por que esta a quỉ (Anh người Pháp kia Anh phạm tội gì thế? Tại sao anh lại ở đây?). Anh có biết rằng những chuồng giam này là những chuồng giam của tử thần không?
   - Im cả đi! Để cho anh ta nói - Có tiếng quát.
   - Phải, tôi là người Pháp. Tôi bị giam ở đây vì tôi đã vượt ngục ở Rio Hacha.
Cái tiếng Tây Ban Nha giả cầy của tôi được họ hiểu ngay.
   - Anh cần biết mấy điều này, anh nghe kỹ đây: ở cuối chuồng giam có một tấm ván để nằm. Bên phải có một cái hộp đựng nước. Phải uống dè dè, vì mỗi sáng chỉ được một ít, mà xin thêm thì không được đâu. Bên trái có một cái xô để đi ngoài. Anh lấy cái áo vét mà bịt lại. Ở đây không cần áo ngoài vì quá nóng, cứ lấy áo mà bịt xô cho đỡ thối. Chúng tôi đều bịt xô bằng áo quần cả.

Tôi đứng sát vào song sắt để cố nhìn mặt các bạn tù. Chỉ thấy rõ được hai người ở trước mặt đang ngồi sát song sắt, hai chân thò ra ngoài. Một trong hai người đó có những nét mặt của loại người Anh- điêng lai Tây Ban Nha, kiểu như mấy tên cảnh sát đầu tiên đã bắt tôi ở Rio Hacha; người kia là một người da đen có nước da rất sáng, trẻ và đẹp trai. Anh ta cho tôi biết rằng đến giờ thủy triều lên, nước ngập vào các xà lim. Tôi không nên sợ vì không bao giờ nó lên quá bụng. Chuột có leo lên người thì đừng bắt, mà phải đánh. Bắt thì nó căn. Tôi hỏi:
   - Anh bị nhốt ở đây được bao lâu rồi?
   - Hai tháng.
   - Còn mấy người kia.
   - Không bao giờ quá ba tháng. Ai đã qua ba tháng mà không được chuyển ra, thì tức là phải chết ở đây.
   - Người ở đây lâu nhất đã được bao lâu rồi?
   - Tám tháng, nhưng chẳng còn sống được mấy đỗi nữa đâu. Đã gần một tháng nay anh ta chỉ quỳ chứ không đứng lên được. Đến ngày nào có thủy triều lớn, anh ta sẽ chết đuối thôi.
   - Nhưng thế thì nước các anh là một xứ sở man rợ sao?
   - Tôi có bao giờ nói là xứ tôi văn minh đâu. Còn nước anh thì cũng chẳng văn minh gì hơn, vì anh bị xử chung thân đấy thôi. Ở xứ Colombia này thì hoặc hai mươi năm, hoặc xử tử. Nhưng không bao giờ có chuyện chung thân.
   - Thôi đi, đâu cũng thế thôi.
   - Anh giết nhiều người lắm à?
   - Không, chỉ có một thôi.
   - Vô lý! Giết có một người mà bị lâu thế à?
   - Tôi cam đoan là đúng như thế.
   - Thế thì rõ là nước anh cũng mọi rợ như nước tôi.
   - Thôi đừng cãi nhau về chuyện nước anh nước tôi nữa. Anh nói đúng. Cảnh sát thì ở đâu cũng là cứt cả. Còn anh, anh có tội gì?
   - Tôi đã giết hai vợ chồng và cả thằng con.
   - Tại sao?
   - Chúng nó đã đem thằng em tôi cho lợn ăn.
   - Chẳng lẽ! Chuyện gì mà gớm ghiếc thế.
   - Thằng em tôi lên năm, ngày nào nó cũng ném đá thằng con nhà ấy, mấy lần trúng đầu.
   - Đó không phải là một lý do.
   - Khi tôi biết chuyện tôi cũng nói thế.
   - Làm sao anh biết chuyện?
   - Thằng em tôi đi đâu mất từ ba hôm, tôi đi tìm mãi mới thấy một chiếc dép của nó trong đóng phân. Chỗ phân này xúc ra từ chuồng lợn nhà nó. Tôi bới phân lợn lên thì thấy một chiếc tất đầy máu. Tôi đã hiểu. Mụ vợ đã thú nhận trước khi tôi giết cả nhà chúng nó. Tôi đã cho chúng nó cầu kinh trước khi bắn. Phát thứ nhất tôi bắn gãy chân thằng bố.
   - Anh giết họ là phải. Anh sẽ bị xử ra sao?
   - Hai mươi năm là cùng.
   - Tại sao anh bị giam xà-lim?
   - Tôi đã đánh một tên cảnh sát có họ với vợ chồng bà kia. Hắn làm ở nhà tù này. Bây giờ hắn đã được đưa đi nơi khác. Không có hắn tôi mới được yên.

Cửa hành lang được mở ra. Một tên gác ngục đi vào với hai tù nhân khiêng một cái thùng bằng gỗ. Có thể đoán biết được rằng phía sau họ còn có hai tên gác cầm súng nữa. Hai người tù vào từng chuồng một bưng mấy cái xô đựng phân ra đổ vào cái thùng. Mùi nước đái và mùi phân xông lên nồng nặc, tưởng đến chết ngạt. Không ai nói gì. Khi họ đến chuồng tôi, người tù vào lấy xô đánh rơi một cái gói nho nhỏ xuống đất. Tôi vội lấy chân hất vào phía trong. Khi họ đã ra tôi thấy trong gói có hai bao thuốc lá, một cái bật lửa và một mảnh giấy có viết mấy dòng chữ Pháp. Trước hết tôi châm hai điếu thuốc lá ném cho hai người ở trước mặt tôi. Rồi tôi gọi người tù kế bên bảo hắn thò tay ra bắt lấy một bao thuốc lá để chuyền cho những người tù khác. Phân phát xong tôi châm điếu thuốc của tôi lên và đưa bức thư ra sát hành lang để đọc. Nhưng ánh sáng ở ngoài hành lang không đủ. Tôi bèn lấy tờ giấy gói, cuốn lại rồi bật lửa đốt lên. Tôi đọc vội: “Cam đảm lên Papi nhé, cứ tin tường vào chúng mình. Hãy coi chừng. Mai chúng mình sẽ gửi giấy và bút chì để cậu viết cho chúng mình. Chúng mình ở bên cạnh cậu cho đến chết”. Mảnh giấy ấy làm cho tôi thấy ấm lòng. Nó đã đem lại cho tôi bao nhiêu sức lực! Tôi không cô độc, tôi có thể trông cậy vào bạn bè.

Không có ai nói. Ai nấy đều mải hút thuốc. Cuộc phân phát thuốc lá cho tôi biết rằng có cả thảy mười chín người trong mấy cái chuồng giam của tử thần này. Thế là lần này tôi lại bị đưa vào con đường của sự thối nát, và bây giờ sự thối nát ấy đã ngập lên đến cổ! Mấy bà xơ tự gọi là những người “Em Gái của Chúa lòng lành” ấy chính là những đứa em gái của Quỷ. Nhưng có điều hoàn toàn chắc chắn là kẻ đã tố giác tôi không phải là cô nữ tu người Ái Nhĩ Lan hay cô người Tây Ban Nha. Ôi! Tôi ngu biết chừng nào khi tin vào các nữ tu sĩ ấy? Không phải họ đâu. Có lẽ là người đánh xe chăng? Đã hai ba lần tôi và cô nữ tu kia trót nói tiếng Pháp: thật là sơ xuất. Có thể anh ta đã nghe thấy chăng? Thôi, điều ấy có quan trọng gì! Lần này thì sa lưới hẳn hoi rồi, lần này chỉ có đi tong. Nữ tu sĩ người đánh xe hay là Mẹ Bề trên, chung quy kết quả vẫn là một. Thế là tôi đành đi đời trong cái chuồng ghê tởm cứ mỗi ngày lại hai lần ngập nước này.

Trong chuồng nóng nực và khó thở đến nỗi tôi phải cởi sơ-mi, rồi cởi nốt cả cái quần. Tôi tháo giày và đem móc hết các thứ lên cửa song sắt. Thử tưởng tượng là tôi đã vượt hai ngàn năm trăm cây số để cuối cùng đến nông nỗi này? Kết quả thật là mỹ mãn! Lạy Chúa! Chúa đã từng hào phóng, đại lượng đối với tôi như vậy, mà bây giờ lại bỏ rơi tôi sao? Có lẽ Chúa giận tôi chăng, vì dù sao Chúa đã cho tôi tự do, sự tự do chắc chắn nhất, đẹp đẽ nhất. Chúa đã cho tôi một cộng đồng, và cộng đồng ấy đã thâu nạp tôi hoàn toàn. Chúa đã cho tôi không phải là một một mà những hai người vợ tuyệt vời. Và cả ánh nắng, cả biển khơi. Lại cả một nếp nhà tranh trong đó tôi là người chủ tuyệt đối. Với cuộc sống giữa thiên nhiên, cuộc sống nguyên thủy, hoang dã nhưng êm đềm và thanh thản biết bao nhiêu.

Đó thật là một món quà có một không hai mà Chúa đã tặng tôi: được hoàn toàn tự do, không có cảnh sát, không có quan tòa, không có những kẻ ganh tỵ và những kẻ độc ác xung quanh tôi! Thế mà tôi đã không biết giá trị vô song của nó. Vùng biển ấy nước xanh đến nỗi trông như đen huyền, những buổi mặt trời mọc và mặt trời lặn đầy một hương vị dịu ngọt và thanh thản, cái nếp sống không hề cần đến tiền bạc, trong đó tôi không phải thiếu một thứ gì cần thiết cho sự sống của một con người: tất cả những cái đó tôi đã chà đạp lên, đã khinh miệt nó. Tôi đã từ bỏ những cái đó để đi đâu? Để trở về với những xã hội không thèm nhìn nhận đến tôi. Với những con người thậm chí cũng chẳng buồn bỏ công tìm hiểu xem thử trong tôi có gì còn vớt vát được không. Về với một thế giới đang hắt hủi tôi, đang đẩy tôi ra xa mọi niềm hy vọng. Với những tập thể chỉ nghĩ đến mỗi một việc: tiêu diệt tôi bằng bất cứ phương tiện nào.

Khi được tin tôi bị bắt, chúng nó sẽ mừng lắm đấy: mười hai miếng pho-mát trong hội đồng bồi thẩm, thằng Polein thối tha, mấy tên cảnh sát và tên biện lý. Vì thế nào cũng sẽ có một nhà báo nào đấy chuyển cái tin này về Pháp. Lại còn những người thân của tôi nữa. Khi bọn cảnh sát đến nhà để báo cho họ biết tôi đã vượt ngục, họ đã mừng rỡ biết bao nhiêu khi được biết rằng con họ hay anh họ đã thoát ra khỏi bàn tay của bọn đao phủ này! Bây giờ được tin tôi bị bắt lại, họ lại phải đau khổ một lần thứ hai. Tôi đã sai vô cùng khi từ bỏ bộ lạc của tôi. Phải, tôi có thể nói “bộ lạc của tôi” như vậy, vì mọi người trong bộ lạc ấy đều đã chấp nhận tôi như một thành viên của bộ lạc. Tôi đã sai và tôi xứng đáng phải chịu những gì đã xảy đến với tôi. ấy thế nhưng... Tôi vượt ngục đâu phải để làm tăng dân số người Anh- điêng ở Nam Mỹ? Lạy Chúa, Chúa phải hiểu rằng tôi cần phải sống lại trong một xã hội văn minh bình thường và chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi có thể làm một thành viên của xã hội đó mà không gây thành một hiểm họa cho nó. Đó là số mệnh đích thực của tôi - có sự tham dự của Người hay không có sự phù hộ của người cũng vậy. Tôi phải chứng minh cho bằng được rằng tôi có thể, rằng tôi đang và sẽ là một con người bình thường nếu không phải là tốt hơn những thành viên khác của bất kỳ tập thể nào của bất kỳ đất nước nào.

Tôi hút thuốc. Nước bắt đầu lên. Bây giờ đã ngang mắt cá tôi. Tôi gọi: - Anh Da Đen, nước vào chuồng giam bao nhiêu lâu thì rút hết? - Còn tùy thủy triều mạnh hay nhẹ. Một giờ, hai giờ là cùng. Tôi nghe thấy mấy người tù kêu: Esta llegando (Nó đến). Nước lên từ từ, rất chậm. Người lai và người Da đen bám lên song sắt. Chân họ buông thõng ra ngoài hành lang, tay họ ôm lấy mấy cái chấn song. Có tiếng động dưới nước: đó là một con chuột cống to bằng con mèo đang bơi lõm bõm. Nó đang tìm cách leo lên chấn song. Tôi cầm lấy một chiếc giày và khi nó bơi đến gần tôi đánh một cái thật mạnh lên đầu nó. Nó vừa bơi ra hành lang vừa kêu chí chóe. Anh tù Da đen nói với tôi;
   - Francés, anh nổi máu đi săn rồi đấy. Không sao giết hết được chúng nó đâu. Leo lên chấn song đi, bám chặt vào và ngồi yên đấy. Tôi làm theo lời anh ta, nhưng mấy cái chấn song hằn vào đùi rất đau, cứ cái tư thế này thì tôi chẳng chịu đựng được bao lâu. Tôi lấy cái áo vét bịt xô đựng phân buộc lên chấn song và cưỡi lên đấy. Nó làm thành một thứ ghế để cho tôi có thể chịu đựng được cái tư thế không lấy gì làm thoải mái kia, vì vậy giờ tôi gần như được ngồi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

56#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 04:08:05 | Chỉ xem của tác giả
Cuộc xâm lăng này của nước thủy triều, của chuột cống, của các loài rết và của nhỏ li ti được nước lùa tới là cái điều kinh tởm nhất, có sức làm mất tinh thần nhất mà một con người có thể chịu đựng. Một giờ sau, khi nước đã rút hết, trong chuồng còn lại một lớp bùn lầy lụa dày hơn một phân. Tôi đi giày vào để khỏi phải lội trong lớp bùn này. Anh Da đen ném cho tôi một mảnh ván dài mười phân, bảo tôi dùng để gạt bùn ra ngoài hành lang, bắt đầu từ chỗ đặt tấm ván dùng làm giường ngủ, rồi từ cuối chuồng cho đến chỗ ra vào.

Công việc choán hết cả nửa giờ và buộc tôi phải nghĩ đến mỗi một việc ấy thôi. Như thế cũng đã có được một chút gì ích lợi. Từ bây giờ đến đợt thủy triều sau, Tôi sẽ không bị ngập nước: như thế có nghĩa là trong mười một tiếng đồng hồ, vì sau cùng là giờ nước tràn vào. Phải tính đủ sáu giờ nước biển rút xuống và năm giờ nước biển dâng lên. Tôi tự nhủ một cách hơi lố bịch: Bươm bướm, số mày là phải chịu ảnh hưởng của thủy triều. Dù mày muốn hay không, mặt trăng cũng có một tầm quan trọng lớn lao đối với mày và đời mày. Chính nhờ thủy triều lên xuống mà mày đã ra khỏi sông Maroni một cách dễ dàng khi trốn khỏi trại khổ sai. Khi mày ra đi từ Trinidad và từ Curacao, mày cũng đã phải tính đến ngày giờ thủy triều lên xuống. Sở dĩ mày bị bắt ở Rio Hacha chính là vì thủy triều xuống không đủ mạnh để mày rời bờ biển thật nhanh và cho đến bây giờ mày lại thường xuyên phải chịu đựng nước thủy triều.

Trong số những người sẽ đọc mấy trang này, nếu một ngày nào nó sẽ được xuất bản, có lẽ cũng sẽ có những người thương hại tôi ít nhiều khi biết những nỗi cơ cực mà tôi phải chịu đựng trong chuồng giam của người xứ Colombia. Đó là những người tốt. Còn những người khác, họ hàng thân thuộc của mười hai miếng pho-mát đã xử tội tôi, hoặc là có bà con với viên biện lý thì sẽ nói: “Đáng đời cho nó, ai bảo nó vượt ngục? Nếu nó chịu ở yên trong trại khổ sai thì đâu đến nỗi!” Thế thì tôi xin nói với các người một điều, nói với những người tốt cũng như những miếng pho-mát kia. Tôi không tuyệt vọng, không tuyệt vọng một chút nào, và tôi còn nói hơn thế nữa: tôi thà bị nhất trong những chuồng giam của cái pháo đài cũ do bọn giáo hình Tây Ban Nha xây lên ở Colombia còn hơn bị giam ở Quần đảo Salut là nơi mà lẽ ra tôi phải có mặt vào giờ này.

Ở đây tôi còn phải làm rất nhiều mới hòng có cơ vượt ngục, và dù nằm trong cái hầm thối tha này, tôi cũng tự hào là đã cách xa trại tù đến hai ngàn năm trăm cây số. Chúng nó sẽ phải thi hành rất nhiều biện pháp đề phòng mới có thể bắt tôi đi ngược chiều đoạn đường hai ngàn năm trăm cây số ấy. Tôi chỉ tiếc có một điều: bộ lạc Guajiros của tôi, Lali và Zoraima, và cuộc sống tự do trong thiên nhiên, không có những tiện nghi của người văn minh, nhưng cũng không có cảnh sát, không có nhà tù và càng không có những chuồng nhốt người như thế này. Tôi nghĩ rằng những người bạn hoang dã của tôi, họ không bao giờ lại có thể nảy ra cái ý bắt một kẻ thù của họ phải chịu một cực hình như thế này, và lại càng không bao giờ nảy ra cái ý dùng một cực hình như thế với tôi, một người không hề làm phương hại gì đến người dân Colombia.

Tôi nằm xuống tấm ván và hút hai ba điếu thuốc lá ở tận trong cùng xà-lim để những người khác đừng nhìn thấy. Khi trả tấm ván nhỏ lại cho người da đen, tôi đã ném cho anh ta một điếu thuốc lá châm sẵn, và anh ta cũng làm như tôi vì hổ ngươi với các bạn tù. Những chi tiết này tưởng chừng như không có gì đáng kể, nhưng đối với tôi nó rất có giá trị. Nó chứng tỏ rằng chúng tôi còn giữ lại được chút lịch sự và hổ ngươi tế nhị. ở đây không phải như ở nhà lao Conciergerie, tôi có thể mơ mộng và thả hồn đi lang thang trong không gian mà không cần phải bịt mắt bằng một chiếc khăn mùi soa cho đỡ chói. Ai đã báo cho cảnh sát biết là tôi đang ở trong tu viện? Ôi, nếu một ngày kia tôi biết được, thì tội này sẽ phải đền. Rồi tôi lại tự nhủ: thôi đừng nói nhảm nữa Bươm bướm! Ở Pháp mày còn bao nhiêu việc phải làm để trả thù, còn cái xứ sở heo hút này thì thôi đi, mày đến đây không phải để làm điều ác! Người ấy nhất định sẽ bị chính cuộc sống trừng phạt, và nếu một ngày kia mày phải trở lại đây, thì đó không phải để trả thù, mà để đem lại hạnh phúc cho Lali và Zoraima, cho cả mấy đứa con của mày nữa. Nếu mày sẽ trở về xứ này, thì đó sẽ là vì họ và vì tất cả những người Guajiros đã ban cho mày cái vinh dự được chấp nhận trong bộ lạc của họ như một người đồng chủng.

Tôi hãy còn ở trên con đường của sự thối nát, nhưng tuy bị nhốt trong một cái chuồng thấp hơn mực nước, dù người ta có muốn hay không thì vẫn đang vượt ngục, vẫn đang bước trên con đường đi tới tự do. Điều đó không thể nào phủ nhận được”. Tôi đã nhận được một ít giấy, một cây bút chì, hai bao thuốc lá. Tôi ở đây đã được ba ngày. Nói là ba đêm mới đúng. Vì ở đây bao giờ cũng tối. Trong khi tôi châm một điếu Piel Roja, tôi phải lấy làm khâm phục lòng tận tụy của các tù nhân đối với nhau. Anh tù người Colombia chuyển cho tôi gói đồ kia là làm một việc rất liều. Nếu bị chúng bắt được, chắc chắn anh ta sẽ phải nếm mùi chuồng giam dưới đất. Không phải anh ta không biết điều đó, cho nên nhận lời giúp tôi trong cuộc đầy ải này không phải chỉ là can đảm mà còn là làm một nghĩa cử cao thượng phi thường.

Vẫn dùng cách đốt cuộn giấy, tôi đọc: “Papiìlon ơi, chúng mình biết cậu chịu đựng được. Cừ lắm! Cho chúng mình biết tin nhé. Chúng mình vẫn thế. Một nữ tu sĩ biết nói tiếng Pháp có đến thăm cậu, người ta không cho cô ấy nói chuyện với chúng mình, nhưng một người tù Colombia cho chúng mình biết rằng anh ta đã kịp nói cho nữ tu sĩ biết là anh tù người Pháp đang bị nhốt vào chuồng tử thần. Cô ấy nói: Tôi sẽ trở lại. Chỉ có thể thôi. Các bạn cậu hôn cậu. Trả lời không phải là việc dễ, nhưng tôi vẫn tìm cách viết được mấy chữ: “Cám ơn các cậu về mọi thứ: ở đây ổn cả, tôi chịu đựng được. Các cậu hãy viết đơn gửi ông lãnh sự Pháp, may ra thì được. Lúc nào cũng cử một cậu thôi, để khi có chuyện gì thì chỉ một cậu bị phạt. Đừng chạm tay vào hai mũi tên. Vượt ngục muôn năm!”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

57#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 05:20:26 | Chỉ xem của tác giả
Chương 18

Vượt ngục ở Santa Marta

Mãi hai mươi tám ngày sau, nhờ sự can thiệp của một ông lãnh sự Bỉ ở Santa Marta tên là Klausen, tôi mới được ra khỏi cái hầm khủng khiếp kia. Người tù Da đen, tên là Palacios, đã được ra ba tuần sau khi tôi đến: anh ta đã có cái sáng kiến nhờ bà mẹ (khi bà ấy đến thăm) báo với lãnh sự Bỉ rằng có một người Bỉ bị giam trong hầm. Anh nảy ra cái ý đó vì có một ngày chủ nhật anh trông thấy một tù nhân người Bỉ được ông lãnh sự đến thăm. Vậy là một hôm họ dẫn tôi lên phòng giấy viên chỉ huy. Hắn nói với tôi:
   - Anh là người Pháp, tại sao anh lại khiếu nại với lãnh sự Bỉ?
Trong phòng giấy có một ông mặc đồ trắng trạc năm mươi tuổi, mái tóc vàng nhạt gần như trắng ở phía trên một gương mặt tròn trĩnh, hồng hào và tươi tắn, đang ngồi trong chiếc ghế bành, một cái cặp da đặt trên đùi. Tôi hiểu ngay tình thế:
   - Chính ông nói tôi là người Pháp chứ không phải tôi. Tôi công nhận là tôi đã vượt ngục từ một nhà tù Pháp, nhưng tôi là người Bỉ.
   - À! ông thấy chưa - Ông lãnh sự có bộ mặt cha xứ nói.
   - Sao anh không nói từ trước?
   - Tôi thiết tưởng điều đó không có gì quan trọng đối với các ông, vì thực tình tôi không hề có một hành dộng nào đáng coi là phạm pháp thực sự trên đất của các ông ngoài việc tôi bỏ trốn, một hành động bình thường đối với tất cả mọi tù nhân.
   - Bueno, tôi sẽ để anh ở chung với các bạn anh. Nhưng thưa Senor Lãnh sự, tôi xin nói trước rằng hễ có âm mưu vượt ngục là tôi nhốt lại chỗ cũ. Các người đưa anh này ra chỗ cắt tóc rồi đưa vào phòng giam bọn đồng lõa.
   - Cám ơn ngài lãnh sự - tôi nói bằng tiếng Pháp, cám ơn ngài rất nhiều đã chịu phiền đến đây vì tôi.
   - Trời ơi! Anh đã phải khổ sở biết chừng nào trong những cái chuồng giam khủng khiếp ấy? Thôi anh đi ngay đi.Không thì nhỡ ra hắn lại đổi ý, cái thằng súc sinh ấy. Tôi sẽ trở lại thăm anh. Tạm biệt.
Người cắt tóc không có mặt ở đấy cho nên họ đưa tôi về phòng các bạn. Chắc trông mặt mũi tôi kỳ quặc lắm, vì họ cứ nói không ngớt:
   - Có còn là cậu đâu nữa? Vô lý quá! Cái lũ khốn kiếp ấy đã làm gì cậu, đến nỗi cậu bây giờ như thế này? Cậu nói đi, nói với chúng mình một cái gì đi. Cậu có mù không? Mắt cậu làm sao thế? Sao lại mở ra nhắm vào lia lịa thế?
   - Đó là vì tôi chưa quen được với thứ ánh sáng này. Ở đây sáng quá, mắt tôi quen chỗ tối cho nên bị chói đấy thôi.
Tôi ngồi xuống và nhìn vào phía cuối phòng:
   - Nhìn vào đây đỡ hơn.
   - Cậu sặc mùi đồ thối, không thể tưởng tượng được! Mình mẩy cậu cũng toàn mùi thối!

Tôi đã cởi hết áo quần ra, và các bạn xếp nó vào cạnh cửa. Hai tay tôi, lưng tôi, hai ống chân tôi chi chít những vết đốt đo đỏ như vết rệp đốt ở nhà, và những vết cắn của đàn của tí hon nổi trên mặt nước thủy triều. Tôi trông rất gớm ghiếc, và không cần gương soi, tôi cũng biết như vậy. Năm người tù khổ sai đã chứng kiến biết bao điều khủng khiếp mà lúc này cũng phải nghẹn ngào không nói được. Clousiot gọi một tên cảnh sát đến, nói rằng nếu không có người cắt tóc thì ngoài sân cũng có nước để tắm rửa chứ. Tên kia nói là phải đợi giờ đi dạo. Tôi trần truồng bước ra sân. Clousiot cầm theo mấy thứ đồ sạch cho tôi thaỵ Được Maturette giúp một tay, tôi tắm đi tắm lại mấy lần bằng thứ xà bông đen nội địa. Tôi càng kỳ càng ra nhiều ghét. Cuối cùng sau nhiều lần sát xà-bông và dội nước, tôi cảm thấy mình đã sạch. Tôi phơi nắng trong năm phút thì khô, và mặc áo quần vào.

Người cắt tóc đã đến. Anh ta định dùng tông- đơ cắt ngắn tóc tôi. Tôi nói:
   - Không. Cắt bình thường thôi và cạo râu cho tôi.Tôi sẽ trả tiền.
   - Bao nhiêu?
   - Một peso.
   - Cắt cho cẩn thận vào, - Clousiot, nói, - tôi sẽ cho anh hai pesos.

Khi đã tắm rửa sạch sẽ, tóc tai cắt gọn, râu ria cạo nhẵn, áo quần thơm tho, tôi cảm thấy như người chết đi sống lại. Các bạn tôi cứ hỏi tôi tới tấp:
   - Thế nước lên đến đâu? Thế còn chuột cống? Lại còn đàn rết? Bùn thì sao? Lại còn lũ cứt nữa? Với lại cứt ở trong mấy cái xô nổi lên và các xác chết thì sao? Đó là những người chết tự nhiên hay là những người treo cổ tự sát? Hay là những người bị bọn cảnh sát “tự tử cho chết”? Những câu hỏi cứ kế tiếp nhau bất tận, và vì nói nhiều, tôi đâm khát nước. Ngoài sân nhà tù có một người bán cà-phê. Trong ba tiếng đồng hồ chúng tôi được đứng ngoài sân, tôi đã uống đến một chục chén cà- phê đặc pha “papelón” (đường vàng chưa lọc). Thứ cà- phê ấy tôi thấy là món uống ngon nhất trần gian. Anh Da đen trước giam ở chuồng đối diện có đến chào tôi. Anh khẽ kể cho tôi câu chuyện mẹ anh khiếu nại với ông lãnh sự Bỉ. Tôi siết chặt tay anh. Anh ta rất hãnh diện vì đã nghĩ ra cách giúp tôi. Anh tạm biệt tôi trong một tâm trạng hết sức vui sướng, nói rằng mai gặp lại sẽ nói chuyện thêm, còn hôm nay thế là đủ.

Tôi có cảm giác phòng giam các bạn tôi là một cung điện. Clousiot có một cái võng thuộc quyền sở hữu của anh, vì anh ta đã bỏ tiền ra mua được. Anh ta bắt tôi phải nằm cái võng ấy. Tôi nằm ngang lên võng. Anh ta rất lấy làm lạ, nhưng tôi giải thích cho anh ta hiểu rằng chỉ có những kẻ không biết nằm võng mới nằm dọc mà thôi Ăn, uống, ngủ, đánh cờ, đánh bài bằng những con bài Tây Ban Nha, nói tiếng Tây Ban Nha với nhau và với bọn cảnh sát cũng như với các tù nhân Colombia để tập nói cho thạo: tất cả những hoạt động ấy giúp cho chúng tôi qua được ngày và cả một phần đêm nữa. Đi nằm từ chín giờ tối là rất khổ. Lúc bấy giờ những chi tiết về cuộc vượt ngục từ bệnh viện Saint-Laurent cho đến Santa Marta thi nhau hiện ra từng mớ, nó diễu qua mắt tôi và đòi một sự tiếp tục. Cuốn phim không thể dừng lại ở đấy, nó phải được chiếu tiếp, nó sẽ còn tiếp anh bạn ạ. Hãy để cho tôi lại sức, rồi anh có thể biết chắc là sẽ còn nhiều diễn biến mới nữa, anh cứ tin tôi!

Tôi đã tìm lại được hai mũi tên nhỏ và hai cái lá coca, một đã khô hẳn, một hãy còn hơi xanh. Tôi nhai cái lá xanh. Cả bọn nhìn tôi sửng sốt. Tôi giảng giải cho các bạn biết rằng đó là thứ lá mà người ta dùng để làm thuốc phiện trắng (cocaine).
   - Cậu đùa đấy chứ?
   - Thử nếm mà xem.
   - Ừ, mà thật, nó làm cho lưỡi và môi mất cảm giác.
   - Ở đây có bán à?
   - Không biết. Clousiot này, cậu làm thế nào mà thỉnh thoảng lại thấy có tiền thế.
   - Mình đã đổi tiền ở Rio Hacha, và từ đấy bao giờ mình cũng có tiền để tiêu trước mặt mọi người.
   - Còn tôi, - tôi nói, - tôi có ba mươi sáu đồng tiền vàng ăn một trăm pesos, hiện viên chỉ huy đang giữ, giá trị hiện nay của mỗi đồng là ba trăm pesos. Đến một ngày nào đấy tôi sẽ nêu vấn đề này lên.
   - Bọn chúng nó toàn là bọn chết đói, cậu nên mặc cả với hắn thì hơn.
   - Cũng là một ý hay.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

58#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 05:22:48 | Chỉ xem của tác giả
Hôm chủ nhật tôi có nói chuyện với ông lãnh sự Bỉ và người tù Bỉ. Người tù này mang tội thất tín đối với một công ty trồng chuối Mỹ. Ông lãnh sự đã chấp nhận yêu cầu của tôi nhờ ông che chở cho cả bọn chúng tôi. Ông ta đã hợp thức hóa một tờ khai trong đó tôi ghi là ra đời ở Bruxelles trong một gia đình người Bỉ. Tôi có kể cho ông ta nghe chuyện mấy bà xơ và cái túi ngọc trai. Nhưng ông ta là người theo đạo tin lành, không hề quen các bà xơ và các ông linh mục. Ông chỉ hơi quen đức giám mục một chút mà thôi. Về món tiền vàng thì ông khuyên tôi đừng đòi. Việc đó quá nguy hiểm. Khi được chuyển đến Branquilla, phải cho ông biết trước hai mươi bốn tiếng đồng hồ, và lúc bấy giờ “ông có thể đòi số tiền đó trước mặt tôi, - Ông lãnh sự nói như vậy, - vì nếu tôi không hiểu lầm thì có những nhân chứng biết việc này”.
   - Vâng. Nhưng bây giờ ông đừng đòi gì hết, viên chỉ huy rất có thể lại nhốt ông vào mấy cái chuồng khủng khiếp ấy và có lẽ thậm chí còn có thể sai chúng nó giết ông. Mấy chục đồng tiền vàng ấy quả là một gia sản. Giá trị hiện nay của mỗi đồng không phải là ba trăm pesos như ông tưởng đâu, mà là năm trăm năm mươi pesos. Vậy thì đó là một món tiền lớn. Không nên cám dô quỷ. Còn về mấy hạt ngọc trai thì đó là chuyện khác. Ông cứ để cho tôi có thì giờ suy nghĩ.

Tôi hỏi anh tù Da đen xem thử anh có muốn vượt ngục với tôi không, và theo anh nên hành động như thế nào. Da mặt anh ta xám hắn đi khi nghe nói chuyện vượt ngục.
   - Tôi van anh, anh bạn ạ. Anh đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa. Nếu bại lộ, anh sẽ phải nhận lấy một cái chết dần dà khủng khiếp nhất. Anh đã được nếm qua rồi đấy. Anh phải đợi đến Baranquilla đã. Còn ở đây thì làm như thế chẳng khác nào tự sát. Anh muốn chết lắm à? Nếu không, anh hãy ngồi yên. Trong cả xứ Colombia này không có một nơi nào có thứ chuồng giam như anh đã từng biết đâu. Vậy thì việc gì phải lĩnh ở đây?
   - Phải nhưng ở đây tường không cao, chắc tương đối dễ.
   - Hombre, facil o no, anh đừng trông mong gì vào tôi. Tôi không đi mà cũng không giúp anh đâu. Thậm chí tôi không thể nghe anh nói chuyện này nữa đâu.
Cuối cùng anh ta bỏ đi, vẻ hết sức sợ hãi, sau khi nói: “Francés, anh không phải là một người bình thường, anh phải là người điên loạn mới có thể nghĩ đến những chuyện như thế ở đây, ở Santa Marta”.

Sáng nào và trưa nào tôi cũng nhìn các tù nhân Colombia bị giam ở đây vì những tội nặng. Họ đều có những bộ mặt sát nhân, nhưng có thể cảm thấy họ đã chịu khuất phục. Nỗi kinh hoàng bị giam xuống những cái chuồng kia đã làm cho họ hoàn toàn tê liệt về mọi phương diện. Cách đây bốn năm hôm chúng tôi đã thấy người ta đưa từ dưới hầm lên một người cao lớn hơn tôi đến một cái đầu, được gọi là “El Caiman” (Cá sấu). Anh ta nổi tiếng là một người hết sức nguy hiểm. Tôi nói chuyện với anh ta, rồi sau ba bốn lần cùng đi dạo, tôi nói:
   - Caimán, quieres fugarte con mi gỏ (Anh có muốn vượt ngục với tôi không?)
Anh ta nhìn tôi như thể nhìn quỷ Sa tan, và nói:
   - Để lại bị giam xuống đấy nếu thất bại? Không đâu, xin cảm ơn. Tôi thà giết mẹ tôi còn hơn trở về đấy.
Đó là thí nghiệm cuối cùng của tôi. Không bao giờ tôi nói với ai về việc vượt ngục nữa.

Chiều hôm ấy tôi thấy viên chỉ huy nhà tù đi qua. Hắn dừng lại nhìn tôi rồi nói:
   - Thế nào, ổn chứ?
   - Ổn, nhưng sẽ còn ổn hơn nếu tôi có mấy đồng tiền vàng của tôi.
   - Tại sao?
   - Tại vì tôi sẽ có tiền thuê trạng sư.
   - Vào đây.
Hắn đưa tôi vào phòng giấy. Ở đây chỉ có hắn và tôi. Hắn đưa cho tôi một điếu xì gà - tình hình khá đây - châm lửa cho tôi - mỗi lúc một khá hơn.
   - Anh có biết tiếng Tây Ban Nha đủ để hiểu và trả lời cho rõ nếu chúng ta nói với nhau rất chậm không?
   - Có
   - Tốt. Anh vừa nói là anh muốn bán hai mươi sáu đồng tiền vàng của anh.
   - Không, ba mươi sáu đồng tiền vàng của tôi.
   - À phải, phải? Và dùng để thuê trạng sư phải không? Nhưng chỉ có anh và tôi biết là anh có mấy đồng ấy.
   - Không, còn có viên trung sĩ và năm người đi bắt tôi, ngoài ra còn có viên phó chi huy đã nhận món tiền ấy trước khi trao lại cho ông. Rồi lại có ông lãnh sự nước tôi nữa.
   - À! à! Bueno. Đã nhiều người biết như thế thì càng tốt, vì như thế ta sẽ hành động một cách quang minh chính đại. Anh có biết không, tôi đã giúp anh một việc rất lớn. Tôi đã ỉm đi, không chuyển phiếu điều tra cho các lực lượng cảnh sát của các nước anh đã đi qua để biết rõ họ có hồ sơ gì về một vụ trộm tiền vàng hay không.
   - Lẽ ra ông phải làm việc đó mới đúng.
   - Không, không làm thì có lợi cho anh hơn.
   - Xin cám ơn ông chỉ huy.
   - Anh muốn tôi đem bán hộ anh à?
   - Giá bao nhiêu?
   - Thì cái giá mà anh nói là người ta đã trả cho anh lần anh bán ba đồng ấy: ba trăm pesos. Anh sẽ cho tôi ăn hoa hồng mỗi đồng một trăm pesos để đền đáp cái công của tôi đã giúp anh. Anh thấy thế nào?
   - Không. Anh trả cho tôi từng mười đồng một và tôi sẽ cho anh không phải là một trăm mà là hai trăm pesos mỗi đồng. Việc mà anh đã làm cho tôi đáng được trả công như thế.
   - Francés, anh quá tinh ma. Tôi thì chỉ là một anh sĩ quan Colombia hèn mọn, quá tin người và hơi ngốc nghếch, còn anh là người thông minh, và như tôi đã nói, quá tinh ma.
   - Vậy anh có đề nghị gì phải chăng hơn không?
   - Ngày mai tôi sẽ gọi người mua đến đây, trong phòng giấy này. Hắn sẽ xem mấy đồng tiền vàng, sẽ trả giá, sau đó được bao nhiêu ta chia đều. Một là thế hai là không có gì hết. Tôi gửi anh đi Baranquilla, kèm theo món tiền, hoặc tôi giữ nó lại để điều tra.
   - Không, đây là đề nghị cuối cùng của tôi: người ấy sẽ đến đây xem, rồi toàn bộ số dư trên ba trăm năm mươi pesos mỗi đồng tiền vàng sẽ là của anh.
   - Esta biên (Được rồi), tu tienes mi palabra (anh có thể tin ở lời hứa của tôi). Nhưng một số tiền lớn như thế, anh cất vào đâu?
   - Khi nhận tiền, anh sẽ mời ông lãnh sự Bỉ đến. Tôi sẽ đưa tiền cho ông ta để thuê trạng sư.
   - Không, tôi không muốn có nhân chứng.
   - Anh không có gì phải lo, tôi sẽ ký giấy xác nhận rằng anh đã trả cho tôi đủ ba mươi sáu đồng tiền vàng. Anh cứ nhận đi, và nếu anh xử sự đứng đắn với tôi, tôi sẽ bàn với anh một việc khác.
   - Việc gì?
   - Anh cứ tin tôi. Việc này cũng hời như việc kia, và trong việc thứ hai ta sẽ chia đều
   - Cual es? (Cái gì đấy?) Anh nói đi.
   - Mai anh làm nhanh đi, rồi đến năm giờ chiều, khi tiền của tôi đã được an toàn trong tay ông lãnh sự của tôi, tôi sẽ nói cho anh biết việc kia.
Cuộc thương lượng đã diễn ra khá lâu. Khi tôi hài lòng trở ra sân, các bạn tôi đã về phòng giam.
   - Thế nào, công việc ra sao?
Tôi kể cho họ nghe hết cuộc nói chuyện vừa qua, các bạn lăn ra cười, tuy tình cảnh họ chẳng có gì đáng lấy làm vui.
   - Cái thằng cha ấy cáo thật! Nhưng cậu đã át giọng hẳn. Cậu có tin là hắn sẽ thực hiện đúng như thế không?      
   - Tôi cuộc một trăm pesos lấy hai trăm là hắn chịu rồi. Có ai đám cuộc với tôi không?
   - Không, tôi cũng nghĩ là hắn sẽ chịu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

59#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 05:45:05 | Chỉ xem của tác giả
Suốt đêm hôm ấy tôi suy nghĩ. Vụ thứ nhất thì thế là xong. Vụ thứ hai cũng sẽ xong thôi, vì hắn sẽ mừng rơn lên khi được đi lấy túi ngọc trai. Còn lại vụ thứ ba. Vụ thứ ba... là tôi định đút cho hắn tất cả số tiền tôi thu lại được để hắn làm ngơ cho tôi lấy trộm một chiếc thuyền trong cảng. Chiếc thuyền này tôi có thể mua bằng số tiền tôi còn giữ lại trong plan: Để xem hắn có cưỡng nổi sự cám dỗ hay không. Tôi mất gì mà sợ? Sau hai vụ thứ nhất hắn không còn dám trừng phạt tôi nữa. Sau sẽ biết.

Đừng bán da gấu, v.v... Việc gì phải đợi khi đến Baranquilla. Thành phố lớn hơn thì nhà tù cũng vừng chắc hơn, được giám sát kỹ hơn và tường cao hơn. Tôi phải quay về sống với Lali và Zoraiam: tôi sẽ vượt ngục thật nhanh, về đấy đợi mấy năm, rồi sẽ đi vào vùng núi với cái bộ lạc nuôi bò, và sẽ bắt mối liên hệ với người Venezuela. Bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải thành công trong chuyến vượt ngục này. Suốt đêm tôi nằm suy nghĩ đường đi nước bước để thực hiện vụ thứ ba. Hôm sau, công việc được tiến hành khá chóng vánh. Vào lúc chín giờ sáng họ đến gọi tôi ra gặp ông khách đang đợi tôi ở phòng giấy viên chỉ huy. Khi tôi đến, tên cảnh sát đã đi gọi tôi đứng ngoài, để một mình tôi vào.

Trước mặt tôi là một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi mặc đồ màu xám nhạt, thắt ca-vát xám. Trên bàn đặt một chiếc mũ dạ màu xám rộng vành kiểu như mũ cao bồi. Một viên ngọc trai lớn màu xám lẫn màu xanh bạc nổi bật lên trong một thứ khung cài trên ca-vát. Người đàn ông gầy gò và khô đét này không phải không có một vẻ trang nhã nhất định.
   - Chào ông.
   - Ông có nói được tiếng Pháp không?
   - Thưa ông có, tôi vốn là người Liban. Được biết ông có những đồng tiền vàng một trăm pesos, tôi rất quan tâm. Với giá năm trăm pesos mỗi đồng, ông có nhượng lại được không?
   - Không, sáu trăm năm mươi pesos.
   - Như vậy là ông không biết giá rồi? Giá tối đa bây giờ là năm trăm năm mươi pesos.
   - Ông ạ, vì ông lấy hết nên tôi xin nhượng lại với giá sáu trăm.
   - Không, năm trăm năm mươi.
Cuối cùng hai bên ngã giá là năm trăm tám mươi pesos. Thế là việc mua bán đã xong xuôi.
   - Qué han dichỏ (Anh vừa nói gì thế?)
   - Chúng tôi đã ngã giá năm trăm tám mươi. Chiều nay sẽ giao hàng.
Ông khách ra về. Viên chỉ huy đứng dậy nói với tôi:
   - Rất tốt, thế thì tôi được bao nhiêu?
   - Hai trăm năm mươi pesos mỗi đồng. Ông thấy không, tôi cho ông một số tiền gấp hai lần rưỡi cái số mà ông yêu cầu, tức một trăm pesos mỗi đồng.
Hắn mỉm cười rồi nói: “Thế còn việc kia”
   - Trước hết ông lãnh sự chiều nay phải có mặt để tôi trao tiền. Sau khi ông ấy ra về tôi sẽ nói cho anh biết việc thứ hai.
   - Thế thì có một việc nữa thật à?
   - Anh có thể tin tôi.
   - Biên, ojalá (thật đấy nhé).
Đến hai giờ, ông lãnh sự và người đàn ông Liban đã có mặt. Người này đưa cho tôi hai mươi ngàn tám pesos. Tôi trao mười hai ngàn sáu trăm cho ông lãnh sự và năm ngàn hai trăm tám mươi cho viên chỉ huy. Tôi ký cho viên chỉ huy một tờ biên lai nói là đã nhận đủ ba mươi sáu đồng tiền vàng một trăm pesos. Khi chỉ còn lại viên chỉ huy trong phòng giấy, tôi kể cho hắn nghe câu chuyện giữa tôi và bà Mẹ Bề trên.
   - Bao nhiêu hạt ngọc?
   - Năm sáu trăm gì đấy.
   - Cái bà Mẹ Bề trên ấy là một mụ ăn cắp. Lẽ ra mụ ta phải đem trả cho anh lúc anh bị bắt, hay là gửi đến đây cho anh, nếu không thì nộp cho cảnh sát. Tôi sẽ tố giác mụ ta.
   - Không, anh sẽ đến gặp bà ta và trao cho bà ta một bức thư, anh sẽ yêu cầu bà ta mời cô nữ tu sĩ người Ái Nhĩ Lan đến.
   - Tôi hiểu: cô này sẽ đọc bức thư viết bằng tiếng Pháp của anh và dịch ra cho mụ ấy nghe. Được, tôi đi đây.
   - Hãy đợi tôi viết bức thư đã.
   - À, ừ nhỉ? José, chuẩn bị xe và hai cảnh sát viên. - Hắn gọi qua cánh cửa hé mở.

Tôi ngồi vào bàn giấy viên chỉ huy, và trên một tờ giấy có ăng-tét của nhà tù, tôi viết bức thư sau đây: “Kính gởi bà Bề trên của tu viện”, nhờ vị nữ tu sĩ Ái Nhĩ Lan tốt bụng và đầy tình nhân ái chuyển giúp. Khi Chúa đã dẫn dắt tôi đến nhà bà, nơi tôi tưởng sẽ nhận được sự giúp đỡ mà theo luật Cơ đốc giáo bất cứ ai đang bị truy nã lùng bắt đều có quyền được hưởng, tôi đã trao gửi bà một túi ngọc trai thuộc quyền sở hữu cửa tôi để bà có cơ sở để tin rằng tôi sẽ không lén lút ra đi khỏi ngôi nhà mà Chúa đã giao cho bà cai quản. Một kẻ ti tiện nào đó đã nghĩ rằng bổn phận của hắn và tố giác tôi với cảnh sát, và họ đã nhanh chóng đến bắt tôi ngay dưới mái nhà bà. Tôi hy vọng rằng cái linh hồn đê tiện đã có hành động này không phải là linh hồn của một trong những người con gái của Chúa đang tu tại viện của bà. Tôi không thể nói với bà rằng tôi tha thứ cho cái linh hồn thối nát ấy, vì nói như vậy không đúng sự thật. Ngược lại, tôi sẽ thiết tha xin Chúa hoặc một trong các vị thánh của Chúa trừng phạt không thương tiếc kẻ đã phạm một tội lỗi quái đản như vậy. Thưa bà Bề trên, tôi xin bà trao lại cho ông chỉ huy Cesario cái túi ngọc trai mà tôi đã gửi bà giữ hộ. Ông ấy sẽ đưa lại cho tôi một cách trung thực, tôi tin chắc như vậy. Bức thư này có giá trị như một tờ biên lai. Kính xin bà nhận ở đây, v.v... ” Vì tu viện cách Santa Marta có tám cây số, nên chỉ một tiếng rười sau là xe đã trở về. Viên chỉ huy nhà tù cho gọi tôi.
   - Xong. Anh đếm thử xem có thiếu không.
Tôi đếm. Không phải để biết là thiếu viên nào không vì tôi không hề biết trong túi có bao nhiêu viên, mà để biết hiện nay có bao nhiêu viên trong tay gã ma-cô này: có cả thảy năm trăm bảy mươi hai viên.
   - Đúng cái túi này chứ?
   - Đúng.
   - No faltả (không thiếu chứ?)
   - Không. Bây giờ anh kể đi.
   - Khi tôi đến tu viện, bà Mẹ Bề trên đang ở trong sân. Hai viên cảnh sát cùng đi đã đứng nghiêm hai bên, tôi nói: “Thưa bà, vì một việc rất hệ trọng mà chắc bà có thể đoán được, tôi cần nói chuyện với vị nữ tu sĩ người Ái Nhĩ Lan trước mặt bà”.
   - Rồi sao nữa?
   - Cô nữ tu sĩ run run trong khi đọc bức thư cho bà Bề trên nghe. Bà này không nói gì cả. Chỉ cúi đầu xuống, rồi lên mở ngăn kéo bàn giấy ra lấy túi ngọc và nói với tôi: “Đây, cái túi ngọc trai vẫn y nguyên. Xin chúa tha thứ cho kẻ đã phạm.một tội ác như vậy đối với người ấy. Xin ông nói lại với người ấy rằng chúng tôi đang cầu nguyện cho anh ta”. Thế đấy, Hombre - Viên chỉ huy kết thúc, mặt mày rạng rỡ.
   - Bao giờ thì có thể bán chỗ ngọc này?
   - Mãnana (mai).
   - Tôi sẽ không hỏi anh những viên ngọc này ở đâu ra, tôi biết anh là một matador nguy hiểm, nhưng bây giờ tôi cũng biết anh là một người trung thực và có danh dự. Anh hãy cầm lấy súc giăm- bông, chai rượu này và mấy ổ bánh mì Pháp này nữa, để cùng với các bạn ăn mừng cái ngày đáng ghi nhớ này.
   - Chào anh.

Thế là tôi đem về trại giam một chai rượu Chianti hai lít, một súc giăm-bông hun khói gần ba ký lô và bốn ổ bánh mì dài của Pháp. Quả là một bữa tiệc ngày hội. Giăm-bông, bánh mì và rượu vơi đi rất nhanh. Ai nấy đều ăn uống hết sức ngon lành.
   - Cậu có tin là một ông trạng sư sẽ có thể làm được cho chúng mình một cái gì không?
Tôi bật cười. Tội nghiệp, đến như họ mà cũng tin vào cái chuyện trạng sư này!
   - Tôi không biết. Cần phải nghiên cứu và hỏi ý kiến trước khi trả tiền.
   - Tất hơn cả là chỉ trả tiền trong trường hợp có kết quả. - Clousiot nói.
   - Đúng đấy, phải tìm một ông luật sư nào chấp nhận điều kiện ấy.
Tôi không nói chuyện này nữa. Tôi hơi xấu hổ.

Hôm sau, cái ông người Liban lại đến: “Việc này phức tạp lắm, - Ông ta nói.
   - Trước hết phải phân loại ngọc theo kích thước, rồi theo màu sắc, rồi theo hình dáng, xem thử ngọc tròn hay có hình dáng không đều.

Nói tóm lại, không những việc này phức tạp, mà ngoài ra người Liban còn nói rằng ông ta phải tìm một người mua thông thạo hơn ông.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

60#
 Tác giả| Đăng lúc 6-1-2012 05:46:16 | Chỉ xem của tác giả
Trong bốn ngày công việc đã xong. Ông ta trả ba mươi ngàn pesos. Vào lúc chót tôi đã lấy ra một viên ngọc màu hồng và hai viên màu đen để tặng bà vợ ông lãnh sự Bỉ. Đúng như những thương gia lành nghề, họ nhân dịp nói với tôi rằng riêng ba viên ngọc ấy đã trị giá năm ngàn pesos rồi. Nhưng tôi vẫn lấy về. ông lãnh sự Bỉ làm khó dễ mãi rồi mới chịu nhận ba viên ngọc. Ông sẽ giữ số tiền mươi lăm ngàn pesos. Vậy là bây giờ tôi có cả thảy hai mươi bảy ngàn pesos. Cần phải hoàn thành tốt đẹp việc thứ ba. Tôi cần phải làm thế nào để thực hiện việc này đây? ở Colombia một người thợ giỏi được trả công từ tám đến mười pesos mỗi ngày. Vậy hai mươi bảy ngàn pesos là một món tiền lớn. Tôi phải tranh thủ thời cơ. Viên chỉ huy đã lĩnh hai mươi ba ngàn pesos. Thêm hai mươi bảy ngàn nữa hẳn sẽ có được năm mươi ngàn pesos.
   - Ông chỉ huy này, nếu làm nghề buôn bán, cần phải có bao nhiêu vốn mới có được một mức sống cao hơn mức sống của ông?
   - Muốn buôn bán khá giả thì phải có một số vốn từ bốn mươi lăm đến sáu mươi ngàn pesos.
   - Số vốn này đẻ được bao nhiêu lãi? Có được gấp ba lần tiền lương của ông không? Hay bốn lần?
   - Nhiều hơn. Phải năm sáu lần số tiền tôi được hưởng.
   - Thế tại sao ông không chuyển sáng làm nghề buôn bán?
   - Vì tôi chỉ có được một nứa số vốn cần thiết.
   - Ông chỉ huy ạ, tôi có một việc thứ ba muốn bàn với ông.
   - Thôi anh đừng đùa.
   - Không, tôi không đùa đâu. Anh có muốn lấy số hai mươi bảy ngàn pesos của tôi không? Nó sẽ là của anh khi nào anh muốn.
   - Bằng cách nào?
   - Anh để cho tôi đi.
   - Francés này, tôi biết anh không tin tôi. Trước đây có lẽ anh có lý. Nhưng bây giờ, khi tôi đã nhờ anh mà thoát khỏi cảnh bần cùng, có thể mua một cái nhà và cho con đi học trường tư, thì anh phải biết rằng tôi là bạn của anh. Tôi không muốn ăn gian của anh mà cũng không muốn người ta giết chết anh: ở đây tôi không thể làm gì cho anh được, dù anh có biếu tôi cả gia tài. Tôi không có cách gì giúp anh vượt ngục với ít nhiều hy vọng thành công đâu.
   - Thế nếu tôi chứng minh được cho anh thấy là có cách thì sao?
   - Thì ta sẽ xem, nhưng anh phải nghĩ cho kỹ đi đã.
   - Anh có quen ai làm nghề đánh cá không?
   - Có.
   - Người đó có thể đưa tôi ra biển và bán thuyền cho tôi không?
   - Tôi không biết.
   - Thuyền của anh ta giá chừng bao nhiêu?
   - Hai ngàn pesos.
   - Nếu tôi cho người ấy bảy ngàn và cho anh hai mươi ngàn, thì như thế đã được chưa?
   - Francés ạ, với tôi thì mười ngàn là đủ, anh phải giữ lấy ít nhiều mà dùng chứ.
   - Anh thu xếp mọi việc đi.
   - Anh sẽ đi một mình à?
   - Không.
   - Mấy người?
   - Ba người cả thảy.
   - Để tôi thử nói chuyện với anh bạn đánh cá đã.
Tôi rất kinh ngạc trước sự thay đổi thái độ của gã này đối với tôi. Với cái mặt sát nhân của hắn, hắn che giấu ở đáy lòng những tình cảm khá tốt đẹp.

Ra sân, tôi đã nói chuyện với Clousiot và Maturette, họ nói với tôi rằng tôi thích thế nào thì cứ thế mà làm, họ sẵn sàng theo tôi. Tôi rất xúc động và hài lòng khi thấy họ giao phó tính mạng của họ vào tay tôi như vậy. Tôi sẽ không phụ lòng tin của họ, tôi sẽ thận trọng đến cùng cực, vì tôi đã lĩnh lấy một trách nhiệm lớn lao. Nhưng tôi phải nói cho ba bạn kia biết. Lúc bấy giờ đã gần chín giờ tối. Chúng tôi vừa đánh xong một ván domino. Đây là thì giờ cuối cùng trong ngày mà chúng tôi có được để uống cà~phê. Tôi gọi: “Cafe-tero!” Rồi chúng tôi bắt đầu ngồi uống sáu chén cà-phê nóng.
   - Tôi cần nói chuyện với các bạn. Đây. Tôi nghĩ là bây giờ tôi đã có thể lên đường vượt ngục. Tiếc thay, chỉ đi được ba người thôi. Lẽ tự nhiên là tôi phải đi với Clousiot và Maturette là hai người đã cùng vượt ngục với tôi từ đầu. Nếu một trong các bạn thấy có điều gì chưa thông, bạn đó hãy nói thẳng ra, tôi sẽ lắng nghe.
   - Không, - anh chàng người Bretagne nói, - làm như vậy là đúng về mọi phương diện. Trước hết vì các anh đã cùng ra khỏi trại khổ sai với nhau. Thứ đến, sở dĩ các anh lâm vào tình cảnh này chính là tại chúng tôi đã muốn đổ bộ xuống Colombia, Papillon ạ, dù sao cũng cảm ơn anh đã hỏi ý kiến chúng tôi. Nhưng anh hoàn toàn có quyền làm như thế. Chúng tôi cầu mong Chúa giúp các anh thành công, vì nếu các anh bị bắt thì chắc mười phần là phải chết trong những điều kiện hết sức kinh khủng.
   - Chúng tôi biết, - Clousiot và Maturette cùng nói một lúc.

Chiều hôm sau viên chỉ huy nói chuyện với tôi rằng bạn hắn bằng lòng. Hắn hỏi tôi xem chúng tôi cần chở theo những gì trên thuyền.
   - Một thùng năm mươi lít nước ngọt, hai mươi kí-lô bột ngô và sáu lít dầu. Chỉ thế thôi.
   - Carajo! - Viên chỉ huy kêu lên. - Ra biển mà chỉ đem theo ngần ấy thôi?
   - Thế thôi.
   - Anh thật cừ khôi, Francés ạ.
Thế là xong cả. Hắn đã quyết tâm làm vụ thứ ba. Hắn lạnh lùng nói thêm:
   - Anh có tin hay không thì tùy, nhưng tôi làm việc này cho các con tôi và sau đó là cho anh. Một người gan góc như anh xứng đáng được giúp như vậy.
Tôi biết rằng hắn nói thật. Tôi cảm ơn hắn.
   - Anh sẽ làm thế nào để người ta đừng thấy rõ quá là tôi đồng lòng để cho anh trốn?
   - Anh sẽ không bị liên lụy đâu. Tôi sẽ đi vào ban đêm, lúc đã sang phiên gác của viên phó chỉ huy.
   - Kế hoạch của anh như thế nào?.
   - Ngày mai anh bắt đầu bớt một viên cảnh sát trong đội gác đêm. Ba ngày sau anh bớt thêm một đứa nữa. Khi chỉ còn một đứa gác, anh cho dựng một cái chòi canh đối diện với cửa phòng giam. Đến đêm mưa đầu tiên, tên lính gác sẽ vào trú mưa trong chòi canh và tôi sẽ nhảy ra cái cửa sổ phía sau. Về hệ thống đèn xung quanh tường, anh phải tìm cách tự mình làm cháy cầu chì. Đó là việc duy nhất tôi yêu cầu anh phải tự làm. Anh có thể làm cháy cầu chì bằng cách ném một sợi dây đồng dài một mét, hai đầu buộc hai hòn đá, quàng lên hai sợi dây điện đi từ cột điện đến dãy đèn mắc ở phía trên bức tường. Về phần anh bạn đánh cá thì cái thuyền phải được buộc vào bờ bằng một sợi xích có khóa, nhưng anh ta phải phá hỏng cái khóa đi để tôi khỏi mất thì giờ mở bằng chìa, mấy lá buồm phải xếp thế nào cho chúng tôi có thể kéo ngay lên được, và đặt sẵn ba cái chèo lớn để rời bờ trước khi hứng được gió.
   - Nhưng thuyền đã có một động cơ nhỏ, - viên chỉ huy nói.
   - À! Thế thì càng tốt: anh ta phải để máy nổ ở số không như thể để sưởi máy, trong khi anh ta ghé vào quán cà phê gần nhất bể uống chén rượu. Khi thấy chúng tôi đến, anh ta phải đứng cạnh thuyền, mặc áo tráng nhựa đen.
   - Thế còn tiền thì sao?
   - Tôi sẽ cắt đôi xấp tiền hai mươi ngàn pesos của anh làm hai nửa. Cái món bảy ngàn pesos tôi sẽ trả trước cho anh bạn đánh cá. Tôi sẽ đưa trước cho anh một nửa xấp bạc đã cắt đôi, nửa kia thì một trong mấy người khác ở lại sẽ đưa cho anh sau. Người đó là người nào thì tôi sẽ nói cho anh biết.
   - Anh vẫn không tin tôi à? Tệ quá.
   - Không, không phải là tôi không tin anh, nhưng anh có thể thất bại thế nào đấy trong khi làm cháy cầu chì và lúc bấy giờ tôi sẽ không trả tiền, vì không cháy cầu chì thì tôi không thể đi được.
   - Đồng ý.
Mọi thứ đã sẵn sàng.

Thông qua viên chỉ huy, tôi đã trả bảy ngàn pesos cho người đánh cá. Đã năm ngày nay chỉ có một tên cảnh sát gác đêm trong mỗi phiên. Cái chòi canh đã dựng xong. Chỉ còn đợi trời mưa đêm, nhưng vẫn chưa có đêm nào mưa cả. Chấn song đã được cưa bằng những lưỡi cưa do viên chỉ huy cấp, vết cưa đã được ngụy trang rất kín,ngoài ra lại còn được che khuất bằng một cái lồng chim trong đó có nuôi một con vẹt đã bắt đầu biết chửi “merde” (cứt) bằng tiếng Pháp. Chúng tôi đều như đang ngồi trên đống than hồng. Viên chỉ huy đã nhận được một nửa xấp giấy bạc cắt đôi. Đêm nào chúng tôi cũng đợi. Trời vẫn không mưa. Theo kế hoạch, hễ mưa được một tiếng đồng hồ là viên chỉ huy phải làm cháy cầu chì từ bên ngoài dãy tường. Vẫn không mưa. Mùa này mà như vậy thật hết sức vô lý. Từ sớm, hễ thấy một đám mây nho nhỏ ở bên kia chấn song là lòng chúng tôi lại tràn trề hy vọng. Nhưng cuối cùng vẫn chẳng thấy mưa đâu. Có thể phát cuồng lên được. Mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi từ mười sáu ngày nay: mười sáu đêm thao thức đợi chờ, quả tim thót lên tận họng.

Một sáng chủ nhật, viên chỉ huy thân hành ra sân tìm tôi và đưa tôi vào phòng giấy. Hắn trả cho tôi xấp bạc cắt đôi và ba ngàn pesos nguyên.
   - Có chuyện gì thế?
   - Bạn ơi, bạn chỉ còn một đêm nay nữa mà thôi. Ngày mai đến sáu giờ sáng là các bạn bị đưa đi Baranquilla. Tôi chỉ giao cho anh ba ngàn pesos của anh bạn đánh cá, vì phần còn lại anh ta đã tiêu hết cho các anh rồi. Nếu Chúa cho trời mưa đêm nay, anh bạn sẽ đợi anh và khi nhận thuyền anh sẽ trả số tiền này cho anh ta. Tôi tin anh, tôi biết là tôi không có gì phải lo sợ cả.

Đêm ấy trời không mưa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách