Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Papillon Người Tù Khổ Sai | Henry Charrière

[Lấy địa chỉ]
41#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 05:55:44 | Chỉ xem của tác giả
Đến mười giờ thấy mấy người mặc thường phục trắng thắt ca-vát đến. Họ có cả thảy sáu bảy người cùng bước vào một tòa nhà mà tôi đoán là nơi làm việc của giám đốc nhà lao. Họ cho gọi chúng tôi vào. Họ đều ngồi trên những chiếc ghế tựa xếp thành hình bán nguyệt trong một gian phòng có treo một bức tranh lớn vẽ một sĩ quan da trắng đeo rất nhiều huân chương: “Presidente Alfonso Lopez de Colombia”. Một trong những người mặc thường phục dùng tiếng Pháp cho phép Clousiot ngồi xuống ghế, còn chúng tôi thì đứng. Người ngồi giữa, gầy gò, có cái mũi diều hâu, đeo kính không có khung, bắt đầu hỏi cung tôi. Người thông ngôn không dịch gì cả, mà đợi cho người kia nói hết rồi mới thuật lại với tôi:
   - Cái ông vừa nói đó và lát nữa sẽ hỏi cung anh là ông quan tòa của thành phố Rio Hacha, mấy người kia là những ông thư lại bạn của ông ta. Còn tôi là thông ngôn. Tôi là người Haiti chuyên trông coi các công trình điện lực trong quận này. Tôi tin rằng trong số các ông kia, tuy họ không nói ra,có mấy người hiểu tiếng Pháp ít nhiều, có lẽ ngay cả ông quan tòa cũng thế.

Ông quan tòa sốt ruột vì những lời giảng giải này và bắt đầu dùng tiếng Tây Ban Nha hỏi cung tôi. Người thông ngôn Haiti lần lượt phiên dịch các câu hỏi đáp.
   - Các anh là người Pháp?
   - Vâng.
   - Các anh từ đâu đến?
   - Từ Curacao.
   - Trước đó?
   - Trinidad.
   - Trước đó?
   - Martinique.
   - Các anh nói dối. Lãnh sự của chúng tôi ở Curacao đã được báo trước cách đây hơn một tuần là phải canh phòng bờ biển vì có sáu tù nhân vượt ngục của một trại tù thuộc Pháp sẽ tìm cách đổ bộ vào đây.
   - Vâng. Chúng tôi là những người tù vượt ngục từ trại khổ sai.
   - Vậy tức là từ Cayenne?
   - Vâng.
   - Nếu một nước tôn quý như nước Pháp đã đày các anh đi xa như vậy và trừng trị các anh nghiêm khắc như vậy thì các anh ắt phải là những tên cướp rất nguy hiểm?
  - Có lẽ thế.
   - Kẻ trộm hay sát nhân?
   - Giết người không có chủ ý.
   - À matador, cũng thế thôi. Vậy các anh là matador? Còn ba người kia đâu?.
   - Họ Ở lại Curacao.
   - Anh lại nói dối rồi. Các anh đã cho họ lên bờ cách đây sáu mươi cây số, ở một vùng gọi là Castillette. Họ đã bị bắt, và vài giờ nữa sẽ có mặt ở đây. Các anh lấy trộm chiếc thuyền kia ở đâu?
   - Không phải đâu. Đức Giám mục Curacao cho chúng tôi đấy.
   - Được! Các anh sẽ bị giữ ở đây cho đến khi quan thống đốc quyết định cách xử lý các anh. Vì đã vi phạm pháp luật bằng cách cho ba tên đồng lõa của các anh đổ bộ lên lãnh thổ Colombia rồi sau đó mưu toan chạy ra biển, tôi xử viên thuyền trưởng, tức là anh, ba tháng tù ngồi, còn hai người kia một tháng. Các anh phải có hạnh kiểm tốt nếu các anh không muốn bị trừng phạt nhục thể: các cảnh sát viên ở đây là những người rất cứng rắn. Các anh có cần nói gì không?
   - Không. Tôi chỉ muốn thu nhặt những đồ đạc và lương thực của chúng tôi còn để lại dưới thuyền.
   - Tất cả các thứ đó đều đã bị hải quan tịch thu, trừ một cái quần, một cái áo sơ-mi, một cái áo vét và một đôi giày cho mỗi người trong bọn các anh. Phần còn lại đều bị tịch thu, các anh chớ nài thêm: không có cách gì khác, đây là pháp luật.

Chúng tôi lui ra ngoài sân. Ông quan tòa bị những người tù khốn khổ trong xứ vây quanh: “Bác sĩ ơi, bác sĩ”! ông ta trịnh trọng đi qua đám tù, vẻ hết sức khệnh khạng, không trả lời, không dừng lại. Họ ra khỏi nhà tù và đi khuất. Đến một giờ trưa ba người đã cùng đi thuyền với chúng tôi đến trên một chiếc xe tải, có bảy tám người cầm súng đi kèm theo. Họ xách va-li xuống xe, vẻ tiu nghỉu. Chúng tôi trở vào phòng cùng với họ...
   - Chúng tôi đã phạm phải một sai lầm quái gở và đã làm lụy đến các anh một cách không thể nào tha thứ được, anh Pappilon ạ. Bây giờ anh có muốn giết tôi thì giết đi, tôi sẽ không chống đỡ đâu, chúng tôi không phải là đàn ông nữa, chỉ là một bọn pê- đê* (do chữ pédéraste, nguyên có nghĩa là “thích trẻ con” về sau biến nghĩa thành “đồng tính luyến ái” hay “kê gian” cũng được dùng theo nghĩa “ái nam ái nữ” hay “đồng cô”). Chúng tôi làm như thế chỉ vì sợ đi biển, ấy thế mà qua những điều tôi được biết về xứ Colombia và dân Colombia thì những mối hiểm nghèo ở biển chỉ là trò đùa so với cái nguy cơ bị lọt vào tay những tên ác ôn như vậy. Có phải vì thiếu gió mà các anh bị bắt không?
   - Phải, Breton ạ. Tôi sẽ không giết ai đâu, chẳng có ai đáng giết cả, chẳng qua chúng ta đều nhầm. Tôi chỉ có việc từ chối, không chịu đưa các anh vào bờ là xong, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra hết.
   - Anh quá tốt, Papi ạ!
   - Không, tôi chỉ công bằng. - Tôi kể lại cho họ cuộc hỏi cung vừa rồi, đoạn nói tiếp - Cũng có thể ông thống đốc sẽ phóng thích chúng ta.
   - Phải, phải.
Như có ai đã từng nói: ta cứ hy vọng đi, hy vọng làm cho con người ta sống.

Theo ý tôi các nhà chức trách của cái xứ bán khai này không thể có quyết định gì về trường hợp của chúng tôi. Chỉ có các cấp cao của chính phủ mới quyết định được việc chấp nhận chúng tôi ở Colombia, trả chúng tôi cho nước Pháp, hay cho chúng tôi xuống thuyền đi tiếp. Sẽ là một sự mỉa mai quỷ quái nếu những con người không hề có điều gì phải thù oán hay trách cứ chúng tôi lại có một quyết định khắc nghiệt nhất đối với chúng tôi, vì chúng tôi chưa hề làm điều gì phạm pháp trên lãnh thổ của họ. Chúng tôi ở đây đã được một tuần không có gì thay đổi tuy chúng tôi cũng có nghe nói là người ta định giải đến một thành phố lớn hơn cách đây hai trăm cây số, đó là thành phố Santa Marta. Những tên cảnh sát có bộ mặt cướp biển hay sát nhân kia không hề thay đổi thái độ với chúng tôi; hôm qua, chỉ thiếu chút nữa tôi đã bị một tên trong bọn chúng bắn chết vì đã lấy lại cục xà phòng mà tôi để quên ở chỗ rửa mặt.

Chúng tôi vẫn ở trong căn phòng nhung nhúc những muỗi ấy, may thay bây giờ nó có sạch hơn một chút so với ngày chúng tôi mới đến, nhờ có Maturette và anh chàng người Brettagne ngày nào cũng cọ rửa. Tôi bắt đầu tuyệt vọng, mất lòng tin. Cái nòi giống người Colombia này, vốn là một sự lai tạp giữa thổ dân Anh- điêng và người da đen hoặc giữa người Anh- điêng với người Tây Ban Nha, thời trước đã từng là những chủ nhân của xứ này, đã làm cho tôi mất lòng tin. Có một tù nhân Colombia cho chúng tôi mượn một tờ báo cũ xuất bản ở Santa Marta, ở trang nhất có đăng sáu bức ảnh của chúng tôi, và ở phía dưới là ảnh viên chỉ huy cảnh sát đội cái mũ dạ to tướng, mồm ngậm xì-gà, và ảnh một chục tên cảnh sát cầm súng. Tôi hiểu rằng cuộc vây bắt chúng tôi đã được tiểu thuyết hóa và vai trò của các nhân vật này đã được phóng đại lên. Có thể tưởng đâu cả cái xứ Colombia này đã nhờ chiến công của bọn kia vây bắt được chúng tôi mà thoát khỏi được nguy cơ gì khủng khiếp lắm. Thế nhưng nhìn bức ảnh chụp “bọn kẻ cướp”, chắc người nào xem báo cũng phải thấy những người trên ảnh dễ có thiện cảm hơn nhiều so với những bộ mặt cảnh sát trên bức ảnh kia. Bọn “cướp” trông như những người dân lành vô tội, còn bọn cảnh sát thì xin lỗi! Từ tên chỉ huy trở xuống đều không thể lẫn vào đâu được Bây giờ biết làm thế nào? Tôi đã bắt đầu biết được mấy từ ngữ tiếng Tây Ban Nha: vượt ngục là fugarse, tù nhân là preso, giết là matar, xích là cadena, khóa tay là esposas, đàn ông là hombre, đàn bà là mujer.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

42#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 06:30:40 | Chỉ xem của tác giả
Chương 15

Trốn thoát khỏi Rio Hacha

Trong sân nhà tù có một anh chàng lúc nào cũng thấy đeo khóa tay. Tôi kết bạn với anh ta. Hai người hút chung một điếu xì-gà: thứ xì-gà dài và mảnh, rất nặng. Tôi hiểu ra rằng anh ta đi buôn lậu, cứ đi đi về về hết xứ Venezuela lại đảo Araba. Anh ta bị buộc tội là đã giết mấy người lính canh bờ biển và hiện đang đợi xét xử. Có những ngày anh ta điềm tĩnh lạ lùng, nhưng lại có những ngày khác anh ta tỏ ra dễ bị kích động và dễ cáu bẳn. Tôi nhận thấy anh ta điềm tĩnh lại khi có người vào thăm và đưa cho anh mấy chiếc lá để nhai.

Một hôm anh ta cho tôi một nửa chiếc lá thế là tôi hiểu ngay. Lưỡi tôi, lợi tôi và môi tôi đều tê dại đi, trở thành vô tri vô giác. Những chiếc lá này là lá cô ca. Người đàn ông ba mươi lăm tuổi này, hai cánh tay và tấm ngực đều phủ một lớp lông quăn đen thẩm chắc phải có một sức lực phi thường. Hai bàn chân không của anh ta ở phía dưới có một lớp chai dày đến nỗi thỉnh thoảng anh ta lại rút từ đấy ra một mảnh chai hay là một cái đinh đã cấm ngập vào đấy nhưng chưa chạm đến thịt. Một buổi tối tôi nói với anh buôn lậu:
   - Fuga (trốn), anh và tôi, (tôi đã nhờ người tù Haiti tìm cho một cuốn từ điển Pháp - Tây Ban Nha và đã học được mấy từ cần thiết như từ “trốn”).
Anh kia đã hiểu và ra hiệu nói với tôi rằng anh ta cũng muốn trốn, nhưng không biết làm thế nào thoát được cái khóa tay. Đó là một bộ khóa Mỹ, có một khe hở để đút chìa khóa vào: đó chắc chắn phải là một cái chìa khóa dẹp. Anh chàng người Bretagne làm cho tôi một cái móc bằng dây thép đập dẹp ở đầu. Sau mấy lần thử, tôi đã mở được cái khóa của anh bạn mới bất cứ lúc nào tôi muốn. Ban đêm anh ta bị giam riêng trong một căn xà-lim có chấn song sắt khá lớn. Ở phòng chúng tôi chấn song rất mảnh, chắc chắn là có thể nong ra được. Vậy chỉ cần cưa một cái song là đủ, song sắt của buồng giam Antonio (tên người buôn lậu Colombia).
   - Làm thế nào có được một sacette (một cái cưa)?
   - Plata (tiền).
   - Cuanto (bao nhiêu?)
   - Một trăm pesos.
   - Dollar?
   - Mười.

Nói tóm lại là với mười dollars mà tôi đưa cho anh ta, Antonio đã có được hai lưỡi cưa sắt. Tôi vẽ hình xuống sân giảng giải cho anh ta hiểu rằng mỗi lần đã cưa được một ít thì phải lấy mạt cưa sắt trộn với ruột bánh mì bịt chỗ cưa lại cho kín. Vào phút cuối, trước khi Antonio về xà-lim, tôi mở một vòng khóa cho anh ta. Trong trường hợp có ai muốn kiểm tra khóa, anh ta chỉ có việc ấn một cái là vòng khóa đóng sập lại ngay. Anh ta cưa ba đêm mới đứt được cái song sắt. Anh ta nói rằng không đầy một phút anh ta có thể cưa đứt hẳn và tin chắc là có thể dùng tay bẻ quặt nó ra. Sau đó anh ta sẽ đến tìm tôi. Trời mưa luôn, cho nên anh ta nói rằng “La primera noche de lluvia” (đêm mưa đầu tiên) anh ta sẽ đến.

Đêm hôm ấy trời mưa như trút. Các bạn tôi đều biết rõ các dự định của tôi, không có ai muốn đi theo tôi vì họ đều nghĩ rằng miền tôi muốn đến quá xa. Nơi tôi định đến là ở cuối bán đảo Colombia, giáp giới Venezuela. Trên tấm bản đồ của chúng tôi có ghi rằng miền đất này được gọi là Guajira, đó là một lãnh thổ đang tranh chấp, không thuộc Colombia, mà cũng không thuộc Vezezuela. Anh bạn Colombia của tôi nói rằng “đó là đất của thổ dân Anh- điêng” và ở đấy không có một thứ cảnh sát nào, của Colombia cũng không, của Venezuela cũng không. Chỉ có vài người buôn lậu đi qua vùng này. Đi như vậy rất nguy hiểm vì người Anh- điêng Guajiros không chấp nhận cho một người văn minh đi vào lãnh thổ của họ. Càng vào sâu trong vùng càng nguy hiểm. Ở bờ biển có những người Anh- điêng làm nghề đánh cá: qua trung gian của những người Anh- điêng khác văn minh hơn họ một chút, họ giao dịch buôn bán với làng Castilette và với xóm La Vela.

Antonio không muốn đến vùng ấy. Mấy người bạn của anh ta hoặc chính bản thân anh ta đã từng giết vài ba người Anh- điêng trong một trận đánh nhau với họ, vào hôm chiếc thuyền chở hàng lậu của anh ta buộc lòng phải lánh vào bờ biển thuộc địa phận của họ. Nhưng Antonio cam kết là sẽ đưa tôi đến sát vùng Guajira, sau đó tôi phải đi tiếp một mình. Tôi không cần phải nói thì các bạn cũng thừa hiểu tất cả những cuộc bàn bạc như vậy giữa Antonio và tôi đều hết sức công phu, vì anh ta hay dùng những từ không hề có trong từ điển. Vậy thì đêm hôm ấy trời mưa như trút. Tôi đứng gần cửa sổ. Một tấm ván đã được tháo ra khỏi giường từ lâu: chúng tôi sẽ dùng nó để nong các chấn song ra. Hai đêm trước chúng tôi đã thử thì thấy chỉ cần dẫm lên tấm ván là song sắt oằn ngay.
   - Listo (sẵn sàng). Khuôn mặt Antonio hiện ra trong đêm, dí sát vào chấn song.

Cùng với Maturette và anh chàng người Bretagne, tôi dẫm lên tấm ván đặt chen vào giữa hai chấn song: không những hai cái chấn song bị nong ra hai bên mà một cái còn tuột chân ra nữa. Hai bạn đẩy tôi ra ngoài, và trước khi tôi lọt ra họ vỗ mạnh vào mông tôi mấy cái: đó chính là những cái bắt tay của bạn bè chúc tôi lên đường may mắn. Hai chúng tôi đã đứng giữa sân. Trận mưa to trút lên các mái tôn gây nên một tiếng ồn điếc tai. Antonio cầm tay tôi kéo đến sát tường. Nhảy qua tường dễ như bỡn, vì nó chỉ cao có hai mét. Thế mà tôi vẫn bị đứt tay vì cọ vào mấy cái mảnh chai cắm ở trên tường. Không sao, cứ lên đường.

Cái anh chàng Antonio quỷ quái kia vẫn nhận ra lối đi dưới trận mưa dày đặc, cách ba thước đã không trông thấy gì. Anh ta lợi dụng nó để đi từ đầu làng đến cuối làng rồi men theo một con đường len lỏi giữa rừng và bờ biển. Khuya thế này mà cũng thấy một ánh đèn ở phía trước. Chúng tôi phải đi vòng vào rừng để tránh chỗ ấy (May thay rừng ở chỗ này không rộng lắm), rồi lại đi ra đường. Chúng tôi đi dưới trời mưa cho đến sáng. Lúc ra đi anh ta đã cho tôi một cái lá coca để tôi nhai theo kiểu vẫn thấy anh ta làm ở nhà tù. Khi trời sáng tôi chẳng thấy mệt chút nào. Không biết có phải nhờ cái lá ấy không? Chắc chắn là phải. Khi trời đã sáng chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Thỉnh thoảng anh ta lại nằm rạp xuống và áp tai xuống mặt đất ướt sũng nước mưa. Rồi chúng tôi lại đi tiếp. Anh ta có một kiểu đi rất lạ. Chẳng ra chạy mà cũng chẳng ra đi, đó là những bước nhảy ngắn liên tiếp, khoảng cách rất đều, hai tay như chèo trong không khí. Vừa rồi chắc hẳn anh ta có nghe thấy một tiếng động gì khả nghi, vì anh ta kéo tôi vào rừng.

Trời vẫn mưa. Quả nhiên, nhìn xuống đường tôi thấy có một cái máy kéo đang kéo một cái hồ-lô san đất, chắn hẳn họ đang sửa đường. Mười giờ rưỡi sáng. Mưa đã tạnh, trời đã hửng nắng. Chúng tôi đã đi vào rừng sau hơn một cây số đi trên lề cỏ chứ không đi giữa đường. Nằm nghỉ ở dưới một lùm cây rậm rạp, xung quanh toàn bụi rậm mọc dày đặc và đầy gai góc, tôi nghĩ là ở đây chẳng còn sợ gì thế nhưng Antonio vẫn không cho tôi hút thuốc hay nói chuyện khe khẽ. Thấy anh ta vẫn nuốt nước lá coca, tôi bắt chước làm theo nhưng một cách dè dặt hơn. Anh ta có một túi đựng hơn hai chục lá, có đưa ra cho tôi xem. Bộ răng thượng hảo hạng của anh lấp lánh trong bóng tôi khi anh ngoác mồm ra cười nhưng không thành tiếng. Vì xung quanh đầy muỗi, anh ta nhai một điếu xì gà rồi lấy nước miếng trộn lẫn nicotin bôi lên mặt và lên tay. Tôi cũng làm như vậy. Từ đấy trở đi muỗi không dám bâu vào nữa.

Bảy giờ tối. Đêm đã xuống nhưng đường vẫn sáng quá vì có trăng. Antonio để ngón tay lên con số chín và nói: “Lluvia (mưa)”. Tôi hiểu rằng đến chín giờ trời sẽ mưa. Quả nhiên đến chín giờ hai mươi thì trời đổ mưa, chúng tôi lại lên đường. Để theo kịp Antonio tôi đã học được cái kiểu đi nhảy nhảy và chèo hai tay trong không khí. Đi như thế không có gì khó lại nhanh hơn là đi nhanh, mà vẫn không phải là chạy. Trong đêm ấy chúng tôi đã ba lần phải tránh vào rừng để nhường đường cho một chiếc xe hơi du lịch, một chiếc xe vận tải và một chiếc xe bò có hai con lừa kéo. Nhờ có lá coca, đến sáng tôi vẫn không thấy mệt. Đến tám giờ mưa tạnh, và vẫn như hôm qua chúng tôi đi nhè nhẹ trên cỏ khoảng hơn một cây số rồi nấp vào rừng. Ngậm mấy cái lá kia có một cái bất tiện là không thể ngủ được. Từ khi ra đi chúng tôi chưa có lần nào chợp mắt. Đôi đồng từ của Antonio giãn to đến nỗi không thấy tròng xanh đâu nữa. Mắt tôi chắc cũng vậy.

Chín giờ tối. Trời mưa. Dường như trời đợi đến đúng giờ ấy thì bắt đầu đổ mưa. Về sau tôi được biết rằng ở miền nhiệt đới khi trời bắt đầu mưa vào một giờ nào đấy thì suốt tuần trăng ngày nào cũng sẽ bắt đầu mưa vào giờ ấy và cũng sẽ tạnh vào giờ ấy. Đêm nay khi bắt đầu đi chúng tôi nghe những tiếng gọi í ới rồi trông thấy những ánh đèn. “Castillette”, Antonio nói. Con người quỷ quái ấy nắm lấy tay tôi không chút do dự và chúng tôi lại vào rừng, rồi sau hai giờ đi rất khó nhọc chúng tôi lại trở ra đường cái. Chúng tôi đi, hay nói là nhảy nhót thì đúng hơn, cho đến hết đêm và gần hết buổi sáng. Nắng đã hong khô áo quần chúng tôi mặc trên người. Chúng tôi ướt đã ba ngày rồi, và kể từ miếng đường đen chúng tôi ăn vào ngày thứ nhất, đã ba ngày chúng tôi chưa ăn thêm một chút gì.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

43#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 06:40:12 | Chỉ xem của tác giả
Antonio có vẻ như tin chắc rằng chúng tôi sẽ không gặp những người xấu. Anh ta đi một cách vô tư lự và đã mấy giờ liền anh ta không áp tai xuống đất nghe ngóng gì cả. Vì con đường đi dọc bãi biển, Antonio chặt một cái gậy. Bây giờ chúng tôi đi trên cát ướt. Chúng tôi đã rời hẳn đường cái. Antonio dừng lại xem xét một cái vết rộng năm mươi phân đi từ biển lên đến chỗ cát khô. Anh ta đi theo cái vết và khi đến chỗ nó loe rộng ra thành hình tròn, Antonio cắm gậy xuống. Khi rút gậy lên thấy có một chất nước vàng vàng như lòng đỏ trứng gà dính ở đầu gậy. Chúng tôi bới cát thành cái lỗ và chẳng bao lâu thấy hiện ra một mớ trứng, ba bốn trăm cái gì đó không biết nữa. Đó là trứng con vích, một loại rùa biển. Trứng này không có vỏ, chỉ bọc một lớp da mỏng. Chúng tôi hốt đầy cái áo sơ-mi mà Antonio đã cởi ra, dễ đến một trăm quả trứng. Chúng tôi rời bãi biển, băng qua đường để lại đi vào rừng. Đến một chỗ thật kín đáo, chúng tôi bắt đầu ăn.
   - Chỉ ăn lòng đỏ thôi nhé - Antonio dặn tôi như vậy.

Với hàm răng chó sói của anh ta, Antonio cắn đứt lớp da bọc quanh trứng, để cho lòng trắng chảy hết rồi hút cái lòng đỏ. Anh ta cắn cả một loạt trứng, rồi vừa đưa cho tôi một cái vừa hút cái kia. No đến vỡ bụng, chúng tôi nằm dài ra đất, đầu gối lên chiếc áo vét. Antonio nói: Manana tu sigues so lo đos dias más. De manana enadelante no hay policias (Mai anh tiếp tục đi một mình hai ngày nữa. Kể từ mai sẽ không có cảnh sát đâu) Đồn biên phòng cuối cùng: mười giờ tối naỵ.

Chúng tôi nhận ra vị trí của đồn biên phòng này nhờ tiếng chó sủa, và đến gần hơn thì trông thấy một ngôi nhà nhỏ đèn thắp sáng trưng Antonio tránh các thứ đó một cách tài tình. Từ đấy chúng tôi đi suốt đêm không cần đề phòng gì cả. Đường đi không rộng, nó chỉ là một con đường mòn, nhưng cũng có thể cảm thấy là nó được dùng thường xuyên vì lối đi không hề có cỏ. Nó rộng khoảng năm mươi phân và đi dọc theo cánh rừng, cao hơn bãi biển chừng hai mét. Có nhiều chỗ thấy rõ vết móng ngựa và móng lừa. Antonio ngồi lên một cái rễ cây to và ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Trời nắng rất gắt. Đồng hồ tôi chỉ mười một giờ, nhưng nhìn mặt trời thì phải đến giữa trưa: nếu cắm thẳng một cây gậy xuống đất thì không hề thấy bóng hắt xuống, vậy là đúng giữa trưa, tôi liền sửa đồng hồ lại thành mười hai giờ.

Antonio dốc cái túi đựng lá coca ra: còn cả thảy bảy cái. Anh ta đưa cho tôi bốn cái và giữ lại ba cái. Tôi đi vào rừng một lát rồi quay lại đưa cho anh ta một trăm năm mươi dollars Trinidad và sáu mươi florins. Anh ta ngơ ngác nhìn tôi hết sức ngạc nhiên sờ sờ lên mấy tờ giấy bạc, không hiểu nổi tại sao nó lại có thể mới tinh như vậy và làm sao nó lại không bao giờ bị ướt nhất là anh ta không lần nào thấy tôi đem ra phơi phóng gì cả. Anh ta cám ơn tôi, tay cầm cả nắm giấy bạc, suy nghĩ hồi lâu rồi lấy sáu tờ năm florins, vị chi là ba mươi florins, rồi trả cho tôi số còn lại. Tuy tôi cố nài, anh ta nhất định không chịu lấy thêm. Lúc này có thể nhận thấy ở Antonio có một cái gì thay đổi.

Chúng tôi đã dự định là sẽ chia tay nhau ở đây, nhưng bây giờ anh có vẻ như muốn đưa tôi đi thêm một ngày nữa. Sau đó anh sẽ quay trở lại, - anh ta vừa nói vừa ra hiệu cho tôi hiểu như thế. Thế là chúng tôi lại cùng lên đường, sau khi nuốt mấy cái lòng đỏ trứng vích và châm một điếu xì-gà (việc này phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ mới làm được vì phải xát hai hòn đá vào nhau cho lửa bén vào một nhúm rêu khô). Chúng tôi đi được hơn ba tiếng đồng hồ thì thấy một người cưỡi ngựa đi thẳng về phía chúng tôi. Người ấy đội một cái mũ rơm rộng mênh mông, chân đi ủng, không mặc quần mà mặc một thứ slip bằng da, một cái áo sơ-mi màu xanh lá cây và một cái áo vét cũng màu xanh lá cây nhưng đã phai bạc, kiểu nhà binh. Vũ khí mang theo là một khẩu các bin rất đẹp và một khấu súng lục to tướng đeo ở thắt lưng.
   - Caramba! Kìa Antonio, cậu đấy à? - Người ấy reo lên.

Từ rất xa Antonio đã nhận ra người cưỡi ngựa, anh ta không nói gì với tôi cả, nhưng tôi biết chắc là như vậy. Người kia xuống ngựa: đó là một người đàn ông cao lớn, nước da màu đồng đỏ, trạc bốn mươi tuổi là ít. Hai người vỗ rất mạnh lên vai nhau mấy cái. Cách chào thân ái này về sau tôi sẽ còn gặp nhiều ở các nơi.
   - Còn gã kia là ai thế?
   - Companero de fuga (bạn vượt ngục), người Pháp.
   - Cậu đi đâu?
   - Đến nơi nào thật gần dân chài Anh- điêng. - Anh này muốn đi qua lãnh thổ Anh- điêng, vào Venezuela rồi từ đó tìm cách trở về Aruba hay Curacao.
   - Anh- điêng Guajiros: không tốt, - người kia nói. - Anh không có vũ khí, hãy cầm lấy cái này. - Hắn đưa cho tôi một con dao găm có cả bao da, cán làm bằng sừng đánh bóng.

Chúng tôi ngồi xuống bên vệ đường. Tôi cởi giày ra: hai chân tôi đều rớm máu. Antonio và người cưỡi ngựa nói gì rất nhanh với nhau, có thể thấy rõ rằng dự định của tôi đi qua lãnh thổ Guajira không làm cho họ hài lòng chút nào. Antonio ra hiệu cho tôi lên ngựa: đôi giày buộc dây lại quàng ngang vai, tôi sẽ để trần đôi chân cho những vết thương khô lại. Tôi hiểu được những điều đó qua những cử chỉ của Antonio. Người cưỡi ngựa lên ngựa, Antonio đưa tay ra cho tôi, và chưa kịp hiểu ra sao, tôi đã được ngồi trên lưng con ngựa vừa bắt đầu phi nước đại, sau lưng người bạn của Antonio.

Suốt một ngày và một đêm chúng tôi đã phi ngựa như thế. Thỉnh thoảng người kia dừng ngựa lại, đưa cho tôi một chai rượu hồi, và cứ mỗi lần như thế tôi lại uống một hớp. Đến tảng sáng anh ta dừng lại. Mặt trời đã lên. Anh ta đưa cho tôi một bánh pho-mát cứng như sắt và hai cái bánh nướng, sáu cái lá coca, lại biếu tôi một cái túi đặc biệt để đựng thứ lá này, không thấm nước, buộc vào thắt lưng. Rồi anh ta vỗ mạnh mấy cái lên vai tôi như đã từng làm với Antonio, rồi lên ngựa và phi đi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

44#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 06:53:01 | Chỉ xem của tác giả
Chương 16

Người Anh dieng

Tôi đi đến một giờ trưa. Không còn rừng rậm nữa, nhìn đến tận chân trời cũng không thấy cây cối gì. Mặt biển lấp lánh như bạc dưới ánh nắng chói chang. Tôi đi chân không, đôi giày của tôi vẫn khoác trên vai trái. Đến khi định nằm xuống, tôi trông thấy lờ mờ ở phía xa năm sáu khóm cây, hoặc là năm sáu tảng đá gì đấy, lùi sâu vào trong bãi biển. Tôi thử ước lượng khoảng cách: có lẽ chừng mười cây số. Tôi lấy một nửa lá coca khá to rồi vừa nhai vừa đi khá nhanh. Một tiếng đồng hồ sau tôi phân biệt được những vật mà ban hãy tôi gọi là năm sáu khóm cây: đó là những túp lều lợp tranh hay lợp rạ, mà cũng có thể là lợp một thứ lá gì đó màu nâu nhạt.

Từ một túp lều có một làn khói bay lên. Rồi tôi trông thấy người. Họ đã trông thấy tôi. Tôi nhận ra những tiếng reo và những cử chỉ của một nhóm người hướng ra phía biển. Tôi nhìn ra phía ấy thì thấy bốn chiếc thuyền đi nhanh vào bờ và từ trên thuyền có mươi người lên bờ. Tất cả tụ tập lại phía trước mấy túp lều và nhìn về phía tôi. Tôi thấy rõ cả đàn ông lẫn đàn bà đều trần truồng, phía trước có một vật gì vừa đủ che bộ phận sinh dục. Tôi thong thả đi về phía họ. Có ba người chống tay lên ba cái cung và cầm mỗi người một mũi tên. Không có một cử chỉ nào, dù là thù địch hay thân thiện. Một con chó cất tiếng sủa và giận dữ chồm vào cắn tôi ở phía dưới bắp chân, ngoạm mất một mảnh quần... Nó toan xông vào cắn nữa thì một mũi tên nhỏ không biết từ đâu bắn ra (về sau tôi được biết rằng nó đã được thổi ra từ một cái ống xi đồng) đâm vào mông nó, nó vội chuồn mất, vừa chạy vừa kêu ăng ẳng rồi mất hút trong một cái nhà nào đấy.

Tôi bước khập khiễng về phía họ, vì con chó đã cắn tôi khá đau. Tôi chỉ còn cách nhóm người kia có mười thước. Không hề có một người nào cử động hay nói năng gì, bọn trẻ con đều đứng sau lưng mẹ chúng. Thân hình họ đều rám nắng, ánh lên như đồng đỏ, gân guốc, tuyệt đẹp. Mấy người đàn bà đều có đôi vú thẳng, cứng và chắc, nuốm vú rất to. Chỉ thấy mỗi một bà có đôi vú sệ xuống. Trong đám có một người tư thế uy nghi, nét mặt thanh tú, dáng dấp để lộ một sự tôn quý rõ ràng. Tôi đi thẳng về phía người ấy.

Người ấy không có cung tên gì cả, tầm vóc vừa bằng tôi, tóc cắt gọn ghẽ có để một cái bờm rậm cắt ngang lông mày. Hai tai người ấy lấp trong đám tóc rủ xuống vừa quá dái tai, màu đen huyền, trông như có ánh tím. Hai mắt người ấy màu xám sắt. Trên ngực, trên cánh tay và trên đôi chân đều không có lấy một sợi lông. Cặp đùi màu đồng đỏ rất gân guốc và cặp chân thanh tú với những đường cong rất đẹp cũng gân guốc như vậy. Người ấy đi chân không. Khi đã đến cách người ấy ba thước, tôi đứng lại. Bấy giờ người ấy bước tới hai bước và nhìn thẳng vào mắt tôi. Cuộc khảo sát này kéo dài hai phút. Trên khuôn mặt ấy không có một nét nào cử động, trông như mặt một pho tượng đồng có đôi mắt xếch. Rồi người ấy mỉm cười và đưa tay sờ lên vai tôi. Lúc bấy giờ mọi người đến chạm tay vào tôi và một cô gái Anh- điêng trẻ tuổi cầm lấy tay tôi kéo vào bóng rợp do một túp lều hắt xuống. Đến đấy cô ta vén ống quần tôi lên.

Mọi người đều đến ngồi thành vòng tròn xung quanh. Một người đàn ông đưa cho tôi một điếu thuốc quấn bằng lá đã châm sẵn, tôi cầm lấy và bắt đầu hút. Mọi người đều cười lớn khi thấy cách hút của tôi, vì họ hút thuốc bằng cách để đầu có lửa vào trong miệng, đàn ông cũng như đàn bà đều thế. Chỗ bị chó cắn không chảy máu nữa, nhưng một miếng da bằng nửa đồng xu đã bị bong mất. Cô con gái nhổ hết lông ở chỗ ấy đi rồi lấy gáo nước biển mà một con bé Anh- điêng vừa đi múc về rửa kỹ vết thương. Cô ta nặn cho nó chảy máu ra. Chưa vừa lòng, cô còn dùng một mảnh sắt mài nhọn cào vào hai vết răng cắn mà cô vừa nong rộng ra. Tôi cố ngồi thật yên, không để lộ vẻ đau đớn gì cả, vì mọi người đang quan sát tôi. Một cô gái Anh- điêng khác toan vào giúp một tay, nhưng cô ta gạt phắt ra. Trông thấy thế, mọi người cười phá lên. Tôi hiểu là cô ta muốn tỏ ra cho cô kia hiểu rằng tôi thuộc quyền sở hữu riêng của cô ta: chính vì thế mà họ cười.

Rồi cô ta cắt hai ống quần của tôi ở phía trên đầu gối một quãng. Cô nghiền mấy chùm rong biển mà người ta vừa mang tới trên một tảng đá đắp lên vết thương và buộc lại bằng những mảnh vải vừa cắt ở quần tôi ra. Hài lòng vì công việc đã xong, cô ta ra hiệu cho tôi đứng dậy. Tôi đứng dậy, cởi áo vét ra. Lúc ấy cô gái nhìn vào cổ áo phanh rộng của tôi và trông thấy hình con bướm xăm ở khoảng dưới cổ tôi. Cô nhìn một lúc, rồi thấy có những hình xăm khác nữa, cô tự tay cởi áo sơ-mi của tôi ra để nhìn cho rõ. Đàn ông cũng như đàn bà, ai nấy đều lấy làm thú vị với những hình xăm trên ngực tôi: ở bên phải là một phạm nhân; ở bên trái là một cái đầu phụ nữ; ở phía trên bụng là một cái đầu hổ; trên cột sống là một người thủy thủ bị đóng đanh trên giá thập tự, và chạy dài suốt cổ lưng là một cảnh săn hổ có cả những người đi săn, những khóm cọ, những con voi và những con hổ.

Khi trông thấy những hình xăm này, bọn đàn ông gạt mấy người đàn bà ra và ngắm ngắm, sờ sờ từng hình một cách tỉ mỉ. Sau khi vị thủ lĩnh đã phát biểu, mỗi người đều góp thêm ý kiến riêng của mình. Kể từ lúc ấy tôi đã được bọn đàn ông thâu nạp hắn vào bộ tộc. Mấy người đàn bà thì đã thâu nạp tôi ngay từ phút đầu, sau khi thủ lĩnh đã mỉm cười và chạm tay vào vai tôi. Chúng tôi đi vào nếp nhà tranh lớn nhất, và đến đây tôi hoàn toàn bị lạc hướng. Ngôi nhà làm bằng đất nện màu đỏ gạch. Vách nhà hình tròn, có tám cửa ra vào và ở bên trong, sườn nhà được dùng làm nơi mắc mấy cái võng ngũ sắc, màu rất tươi, đan bằng len thuần chất, dồn vào một góc. Ở giữa có một tảng đá tròn và dẹp màu nâu, mặt mài nhẵn, xung quanh có những phiến đá dẹt dùng để ngồi. Trên vách có treo nhiều khẩu súng hai nòng, một thanh gươm của nhà binh, và những cánh cung to nhỏ đủ cỡ treo la liệt khắp nơi.

Tôi còn nhận thấy có một cái vỏ rùa rất lớn, một người có thể nằm gọn vào đấy, một cái lò sưởi làm bằng những phiến đá khô xếp chồng lên nhau rất khớp làm thành một tổng thể gọn gàng mà không hề có vết trát. Trên bàn có đặt một nửa trái bầu khô đựng vài ba nắm ngọc trai. Họ cho tôi uống một thứ nước quả lên men rất ngon, có vị chua - ngọt, đựng trong một thứ bát bằng gỗ, rồi dọn lên cho tôi một con cá lớn nặng ít nhất hai ki-lô nướng bằng than gỗ, đặt trên một tàu lá chuối. Họ mời tôi ăn: tôi nhận lời và thong thả ăn. Khi tôi đã ăn hết con cá ngon tuyệt vời, cô gái ban nãy cầm tay tôi dắt tôi ra bãi biển cho tôi rửa tay và súc miệng bằng nước biển. Rồi chúng tôi lại quay về ngôi nhà lớn. Chúng tôi ngồi quây thành vòng tròn, cô gái Anh- điêng ngồi cạnh tôi, bàn tay đặt trên đùi tôi.

Vừa nói vừa làm cứ chỉ, tôi và những người thổ dân cố gắng tìm cách hiểu nhau. Vị thủ lĩnh đứng phắt dậy đi vào phía trong nhà lấy ra một viên đá trắng rồi đến vẽ lên bàn, thoạt tiên là những người Anh- điêng trần truồng và khóm làng của họ, rồi đến biển. Ở bên phải cái làng Anh- điêng, ông ta vẽ những ngôi nhà có cửa sổ, mấy người đàn ông và đàn bà mặc áo quần. Đàn ông thì cầm súng hay cầm gậy. Ở bên trái, ông ta vẽ một cái làng khác, có những người đàn ông cầm súng và đội mũ, mặt mày dữ tợn, đàn bà thì mặc áo. Sau khi tôi đã xem kỹ mấy hình vẽ, ông ta nhận thấy mình đã bỏ sót một cái gì đó bèn vẽ một con đường đi từ làng Anh- điêng đến khóm nhà bên phải, rồi một con đường khác đi sang cái làng bên trái. Để tôi thấy rõ phương hướng, ông ta lại vẽ ở phía Venezuela, tức bên phải, một cái mặt trời được thể hiện bằng một vòng tròn và những nét tua tủa ở xung quanh, và bên phía làng Colombia, một cái mặt trời có một đường khúc khuỷu cắt ngang. Không thể nhầm lẫn được: một bên là mặt trời mọc, bên kia là mặt trời lặn.

Vị thủ lĩnh trẻ tuổi ngắm tác phẩm của mình một cách đầy tự hào, và mọi người lần lượt đến xem hình vẽ. Khi thấy tôi đã hiểu rõ ông ta muốn nói gì, vị thủ lĩnh lại cầm viên đá phấn lên gạch chi chít lên hai làng kia, chỉ để nguyên làng của ông ta. Tôi hiểu ông muốn nói với tôi rằng người ở hai làng kia đều ác, rằng ông không muốn có liên quan gì với họ, và chỉ có làng ông là tốt. Ông ta nói những điều ấy với ai kia chứ! Người ta dùng một tấm giẻ bằng len nhúng nước lau sạch mặt bàn. Khi bàn đã khô, vị thủ lĩnh đưa viên đá phấn cho tôi: bây giờ đến lượt tôi phải kể chuyện mình bằng hình vẽ. Chuyện của tôi thì phức tạp hơn chuyện của ông ta. Tôi vẽ một người hai tay bị trói và hai người có vũ khí đứng nhìn hắn; rồi vẽ người bị trói bỏ chạy và hai người kia đuổi theo, súng chĩa vào hắn. Tôi vẽ lại cảnh ấy hai lần, lần sau khoảng cách giữa tôi và những người đuổi theo xa hơn lần trước, và đến lần cuối cùng thì hai tên cảnh sát đứng lại còn tôi thì chạy tiếp về phía làng của họ, gồm có mấy người Anh- điêng và con chó, đứng ở phía trước là vị thù lĩnh đang dang hai tay về phía tôi.

Hình vẽ của tôi chắc không đến nỗi quá tồi, vì sau một cuộc bàn tán khá lâu giữa mấy người đàn ông, vị thủ lĩnh dang hai tay ra như trong hình vẽ của tôi. Họ đã hiểu. Ngay đêm hôm ấy, cô gái Anh- điêng đưa tôi về túp lều của cô trong đó còn có sáu người đàn bà và bốn người đàn ông cùng ở. Cô mắc lại cái võng bằng len ngũ sắc rất đẹp và rất rộng, hai người có thể nằm ngang võng thoải mái. Tôi đến nằm vào cái võng vừa mắc, nhưng lại nằm dọc. Thấy thế cô gái đến cạnh một cái võng khác và nằm ngang lên đấy. Tôi cũng bắt chước làm theo, và lúc bấy giờ cô liền đến nằm cạnh tôi. Cô sờ lên người tôi, sờ lên tai, lên mắt, lên miệng tôi với mấy ngón tay dài và thon nhưng rất xù xì, chi chít những vết sẹo nhỏ, nhưng sắc cạnh. Đó là những vết đứt do san hô để lại khi các cô gái lặn xuống biển nhặt trai có ngọc. Khi đến lượt tôi, tôi lại vuốt ve khuôn mặt cô, cô cầm lấy tay tôi, rất ngạc nhiên vì thấy nó mịn, không có chai.

Sau một tiếng đồng hồ nằm với nhau trên võng chúng tôi đứng dậy và đi sang ngôi nhà lớn của thủ lĩnh. Họ đưa cho tôi mấy khẩu súng để tôi xem thử nó tốt hay xấu, đó là những khẩu súng trường sản xuất tại Saint-Etienne, cỡ 12 và 16. Họ có sáu hộp đựng đầy đạn chì double zéro.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

45#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 07:10:03 | Chỉ xem của tác giả
Cô gái Anh- điêng của tôi tầm vóc trung bình, có đôi mắt màu xám sắt giống như vị thủ lĩnh, đường nét rất thanh tú, bộ tóc tết thành bím dài ngang hông, có một đường ngôi ở giữa. Vú cô rất đẹp, cao và hình quả lê. Đầu vú thâm hơn nước da màu hồng đỏ ở xung quanh và nuốm vú rất dài. Cô không biết hôn, khi cần cô chỉ khẽ cắn cắn vào môi tôi. Chỉ ít lâu tôi đã dạy được cho cô cách hôn theo kiểu người văn minh. Những khi hai chúng tôi cùng đi đâu, cô không chịu đi bên cạnh tôi, nói thế nào cũng không được, cô cứ đi theo sau tôi.

Có một túp lều không ai ở, nay đã bắt đầu dột nát. Với sự giúp đỡ của mấy người đàn bà khác, cô lấy lá dừa lợp lại cái mái, và vá lại vách nhà bằng đất sét đỏ rất dẻo. Người Anh điêng có đủ các thứ dụng cụ và vũ khí bằng sắt: dao, dao găm, dao phát, rìu, cuốc nhỏ, nạng chĩa. Cũng có những dụng cụ bằng đồng bằng nhôm, bình tưới nước, soong chảo, còn có một thứ đá mài quay, một thứ lò nướng, các thứ thùng bằng sắt và bằng gỗ. Họ nằm trên những cái võng hết sức rộng bằng len thuần chất được trang trí bằng những đường viền đan và những hoa văn ngũ sắc dùng những màu rất sặc sỡ, màu đỏ tươi màu xanh lam, màu đen huyền, màu vàng hoàng yến. Ngôi nhà chẳng bao lâu đã sửa xong, và cô gái bắt đầu đem về đấy những đồ dùng mà mấy người Anh- điêng khác cho cô: một cái kiềng tròn có ba chân, một cái võng vừa cho bốn người lớn nằm ngang, mấy cái ly, mấy cái hũ bằng sắt tây, mấy cái soong, v.v... Lại có cả một bộ đồ thắng lừa nữa.

Chúng tôi vuốt ve, mơn trớn nhau đã được mười lăm ngày, tức từ ngày tôi đến đây, nhưng cô gái nhất định không chịu đi đến cùng và mỗi khi tôi nài ép cô phản ứng rất mạnh. Tôi không sao hiểu nổi, vì chính cô đã khiêu khích tôi mà đến lúc chót thì cô lại không chịu. Trên người cô không bao giờ có chút vải vóc gì trừ cái khố hẹp, buộc xung quanh cái co rất mảnh của cô bằng một sợi dây nhỏ, hai mông hoàn toàn để trần. Không hề qua một chút lễ nghi nào, chúng tôi đã dọn đến ở ngôi nhà nhỏ vừa sửa sang xong. Nhà có ba cửa, một cửa chính ở giữa, hai cửa phụ đối diện nhau. Vì vách nhà hình tròn cho nên ba cái cửa ấy làm thành một hình tam giác cân. Mỗi cái cửa đều có một công dụng riêng: cửa phía bắc dành cho tôi, tôi chỉ được ra vào bằng cửa này mà thôi. Cửa phía nam là cửa dành cho cô ấy. Tôi không được ra vào bằng cứa của cô ta, và cô ta không được dùng cửa của tôi. Bạn bè thì đi cửa lớn, còn tôi và cô ta chỉ được đi cửa này khi đưa khách vào nhà.

Sau khi chúng tôi đã dọn đến ở hẳn ngôi nhà này cô gái mới thực sự là của tôi. Tôi không muốn đi vào chi tiết, nhưng đó quả là một người tình nồng nhiệt và nhờ trực giác mà trở nên thành thạo. Cô ấy quấn vào tôi như một sợi dây leo. Dấu kỹ mọi người, tôi chải đầu cho cô và tết tóc thành bím cho cô. Tôi không bao giờ dám làm như vậy khi chưa biết chắc là không có ai có thể trông thấy, vì một người đàn ông không được chải đầu cho vợ bao giờ, cũng không được xát tay vợ bằng một hòn đá giống như đá bọt, cũng không được hôn môi và hôn vú vợ theo một kiểu nào đấy. Cô rất vui sướng khi được tôi chải đầu, một niềm hạnh phúc vô biên hiện rõ trên gương mặt cô, pha lẫn nỗi lo sợ (nhỡ có ai trông thấy thì chết!).

Lali (đó là tên cô) và tôi đã có nhà riêng. Có một điều khiến tôi phải lấy làm lạ, là không bao giờ cô ta dùng mấy cái lò hay xoong nồi bằng sắt hoặc bằng nhôm, cô không bao giờ uống nước bằng cốc thủy tinh, lúc nào cũng dùng những thứ bằng đất nung do dân làng tự làm lấy. Cái bình tưới nước thì dùng để rửa ráy, bằng cách hứng nước ở cái gương sen ở đầu vòi. Đi ngoài thì đi xuống biển. Tôi thường tham dự vào việc tách vỏ trai để tìm ngọc. Việc này do những người đàn bà lớn tuổi nhất làm. Mỗi người thiếu phụ làm nghề vớt trai đều có một cái túi riêng. Những viên ngọc tìm được trong vỏ trai được chia như sau: một phần cho vị thủ lĩnh vốn là đại diện của cộng đồng, một phần cho người chèo thuyền, một nửa phần cho người mở trai và một phần rưỡi cho người lặn mò trai. Khi còn ở với gia đình, người con gái có được bao nhiêu ngọc trai đều đem cho ông bác hay ông chú. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao chính cái ông bác (hay ông chú) ấy cũng là người đầu tiên đi vào nhà hai người sắp lấy nhau: ông ta cầm cánh tay người vợ quàng vào lưng người chồng và cầm cánh tay phải của người chồng đặt lên bụng người vợ, sao cho ngón tay trỏ đặt đúng vào rốn. Làm xong cái thủ tục đó, ông ta ra về.

Vậy thì tôi có dự vào công việc mở trai, nhưng tôi không dự vào việc vớt trai, vì họ chưa lần nào mời tôi lên một chiếc thuyền. Họ vớt trai hơi xa bờ, phải gần đến năm trăm mét. Có những ngày Lali đi vớt trai về, hai đùi hay cạnh sườn bị san hô cào xước hết. Đôi khi có những vết xước sâu đến chảy máu. Những khi đó Lali lấy rong biển xát vào chỗ xước. Tôi không bao giờ làm một việc gì mà người ta không ra hiệu bảo tôi làm. Tôi không bao giờ vào nhà thủ lĩnh nếu ông ta hay một người nào khác không cầm tay tôi dắt vào. Lali có ý nghi ngờ rằng có ba cô gái Anh- điêng trạc tuổi cô cứ hay đến nằm trong đám cỏ gần sát cửa nhà chúng tôi để nhìn trộm hay nghe trộm xem thử chúng tôi làm những gì khi ở nhà một mình với nhau.

Hôm qua tôi đã gặp người Anh- điêng đảm đương công việc liên lạc giữa làng thổ dân với xóm dân cư Colombia gần nhất, cách đồn biên phòng hai cây số. Xóm này được gọi là La Vela. Người Anh- điêng ấy có hai con lừa và đeo một khẩu các-bin Winchester tự động. Cũng như mọi người, anh ta không mặc áo quần gì ngoài cái khố. Anh ta không biết lấy một chữ Tây Ban Nha nào, cho nên tôi không thể hiểu tại sao anh ta lại có thể giao dịch đổi chác gì với những người Colombia. Tôi lấy tự điển Pháp - Tây Ban Nha tra xem những thứ tôi cần thì tiếng Tây Ban Nha viết như thế nào, và ghi ra một tờ giấy: kim, mực chàm và mực đỏ chỉ khâu - vì ông thủ lĩnh đã nhiều lần yêu cầu tôi xăm hình cho ông ta. Anh chàng Anh- điêng làm liên lạc này người bé nhỏ và khô đét. Trên người anh ta có một vết sẹo khủng khiếp bắt đầu từ cái xương sườn thấp nhất, chạy suốt ngực cho đến vai bên phải. Từ vết thương cũ, thịt lồi lên làm thành một đường sẹo nổi to bằng ngón tay.

Người ta bỏ ngọc trai vào trong một cái hộp đựng xì-gà. Cái hộp được chia ra thành từng ngăn, mỗi ngăn đựng một cỡ ngọc. Khi người Anh- điêng này ra đi, tôi được phép của thủ lĩnh đi theo anh ta. Để cho tôi quay về chứ đừng đi thắng, thủ lĩnh đã cho tôi mượn một khẩu súng hai nòng và sáu viên đạn. Do một cách suy nghĩ đơn giản, ông ta tin chắc rằng đã mượn súng như vậy thì tôi thế nào cũng phải quay lại. Vì ông không thể nào tưởng tượng được rằng đang cầm một vật không phải là của mình mà người ta lại có thể bỏ đi hẳn được. Vì hai con lừa đều không phải chở gì hết, nên người Anh- điêng cười một con, tôi cười một con. Chúng tôi đi suốt ngày trên con đường mà tôi đã dùng để đến đây nhưng đến cách đồn biên phòng khoảng ba bốn cây số người Anh- điêng quay lưng về phía biển và đi sâu vào vùng đất liền.

Đến năm giờ chúng tôi đến một bờ suối có năm nếp nhà của người Anh- điêng. Cả xóm kéo ra xem tôi. Người Anh- điêng cùng đi với tôi nói, nói mãi cho đến lúc có một người đàn ông đến: ở người này cái gì cũng giống người Anh- điêng. mắt, tóc, mũi, trừ nước da. Da hắn trắng nhờ nhờ và mắt hắn đo đỏ giống như người bạch tạng. Hắn mặc quần ka-ki. Đến đây tôi hiểu rằng người Anh- điêng ở làng tôi không bao giờ đi quá chỗ này. Người Anh- điêng da nhợt nói với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha:
   - Buenos dias (chào). Anh ta là người tù đã vượt ngục với Antonio phải không?
Anotnio với tôi là người anh em kết nghĩa bằng máu. - Để “kết nghĩa” với nhau, hai người buộc tay vào nhau, rồi mỗi người lấy dao rạch tay người kia và lấy máu của mình bôi lên tay người kia, sau đó lại liếm chỗ máu dính trên tay người kia.
   - Anh cần gì?
- Mấy cái kim, một ít mực chàm và mực đỏ. Chỉ có thể thôi.
   - Một tuần nữa sẽ có.
Hắn nói tiếng Tây Ban Nha giỏi hơn tôi, và có thể thấy rằng hắn biết cách liên hệ với những người văn minh, tổ chức những cuộc đổi chác sao cho có lợi về phía những người cùng chủng tộc.

Khi tôi chuẩn bị ra về, hắn trao cho tôi một cái chuỗi đeo cổ làm bằng những đồng tiền bằng bạc của xứ Colombia xâu lại, nói là gửi cho Lali. - Hãy trở lại đây thăm tôi, - người Anh- điêng da nhợt dặn tôi. Để cho chắc bụng là tôi sẽ trở lại, hắn cho tôi mượn một cái cung. Tôi ra về một mình chưa đi được nửa đường thì đã thấy Lali cùng đi với một cô em còn ít tuổi, chỉ mười hai hay mười ba là cùng. Lali thì chắc chắn là đã mười sáu hoặc mười tám tuổi. Cô ấy xông vào tôi như một con điên, cào cấu ngực tôi vì tôi đã che mặt lại, rồi cắn dữ dội vào cổ tôi. Tôi dùng hết sức bình sinh mới giữ được cô. Đột nhiên cô bình tĩnh hắn đi.

Tôi bế cô gái nhỏ tuổi lên lưng lừa và ôm lưng Lali đi phía sau. Chúng tôi thong thả trở về làng. Giữa đường tôi giết được một con cú. Tôi đã bắn trúng nó mà chả biết đó là con gì, chỉ thấy hai con mắt sáng lên trong đêm tối. Lali một mực đòi mang con cú về, tôi phải buộc nó vào yên lừa. Đến tảng sáng chúng tôi về tới làng. Tôi mệt quá, chỉ muốn tắm một cái. Lali tắm cho tôi, rồi trước mặt tôi cô cởi khố của cô em gái, bắt đầu tắm cho em, rồi lại tự tắm rửa cho mình. Khi cả hai chị em về nhà thì tôi đang ngồi đợi nước sôi để uống với chanh và đường.

Đến đây xảy ra một sự việc mà mãi về sau tôi mới hiểu. Lali đẩy em gái vào lòng tôi, cầm hai tay tôi quàng ngang lưng cô bé: lúc bấy giờ tôi nhận thấy cô em của Lali không mặc khố trên cổ đeo chuỗi tiền mà tôi đã cho Lali. Tôi không biết làm thế nào để ra khỏi cái tình thế lạ lùng này. Tôi đành khẽ đẩy cô bé ra, nhấc cô bé lên và cho nằm xuống võng. Tôi cởi cái chuỗi đeo cổ và đem khoác vào cổ Lali. Lali nằm xuống cạnh em gái, còn tôi thì nằm xuống cạnh Lali. Mãi về sau tôi mới hiểu rằng cô ta tưởng tôi đi hỏi dò đây đó để tìm cách ra đi vì có lẽ tôi không được sung sướng với cô ta, và chắc em gái cô ta có thể đủ sức giữ tôi lại. Khi tôi thức dậy thì thấy tay Lali bưng chặt lấy hai mắt tôi. Lúc bấy giờ đã rất muộn: phải đến mười một giờ trưa. Cô em gái không còn đấy nữa. Lali đắm đuối nhìn tôi với đôi mắt to màu xám và khẽ cắn vào khóe môi tôi. Cô sung sướng bày tỏ cho tôi thấy rằng cô đã hiểu là tôi yêu cô và sở dĩ tôi đi không phải vì cô không biết cách giữ tôi lại.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

46#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 17:06:16 | Chỉ xem của tác giả
Lúc bấy giờ trước nhà chúng tôi có một người ngồi đợi. Đó là người Anh- điêng thường ngày vẫn chèo thuyền cho Lali đi biển. Anh ta nhoẻn miệng cười với tôi nhắm mắt lại và làm những điệu bộ rất dễ thương để cho tôi hiểu rằng anh ta biết Lali đang ngủ. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh ta, nghe anh ta nói những điều mà tôi không hiểu. Người anh ta lực lưỡng và trẻ trung lạ thường, dáng vóc như một lực sĩ. Anh ta ngắm nghía hồi lâu những hình xăm trên người tôi, xem xét kỹ lưỡng từng hình một, rồi ra hiệu cho tôi là anh ta muốn nhờ tôi xăm hình cho. Tôi gật đầu ưng thuận, nhưng hình như anh ta cho rằng tôi không biết. Lali bước ra. Cô đã bôi dầu lên khắp người. Cô biết rằng tôi không thích như vậy, nhưng cô làm bộ điệu để tôi hiểu rằng hôm nay không có nắng thành thử nước biển rất lạnh. Những điệu bộ, cử chỉ ấy, mà Lali làm một cách vừa nghiêm trang vừa đùa bỡn, duyên dáng và đẹp mắt đến nỗi tôi cứ giả vờ không hiểu để buộc cô phải làm đi làm lại mấy lần. Khi tôi ra hiệu bảo Lali làm lại, cô bĩu môi, và cái bĩu môi ấy nói rất rõ: “Có phải là anh ngốc quá không hiểu được, hay tại em vụng quá không làm cho anh hiểu được tại sao em lại phải bôi dầu vào người?”. ông thủ lĩnh đi ngang trước mặt chúng tôi, có hai cô Anh- điêng theo sau. Hai cô xách một con thằn lằn xanh to tướng nặng phải đến bốn năm cân, còn ông thủ lĩnh thì cầm cung lên. Ông ta vừa mới bắn được con thằn lằn và mời tôi lát nữa sang nhà ăn thịt nó. Lali nói gì với ông ta không rõ, chỉ thấy ông ta chạm tay lên vai tôi và chỉ ra biển. Tôi hiểu rằng ông ta cho phép tôi đi ra biển với Lali nếu tôi muốn.

Cả ba chúng tôi: Lali, người chèo thuyền thường ngày cho cô, và tôi, cùng ra đi. Chiếc thuyền nhỏ của họ rất nhẹ, làm bằng một thứ gỗ xốp mềm như điên điển, đưa xuống nước rất dễ. Họ vác chiếc thuyền trên vai lội xuống nước và cứ thế đì một quãng. Cách họ cho thuyền xuất phát rất lạ: người đàn ông Anh- điêng lên thuyền trước, tay cầm một cái chèo to tướng. Lali, nước lút ngang ngực, giữ cho chiếc thuyền cân bằng và không để cho nó lùi về phía bờ, tôi leo lên ngồi ở giữa, thế rồi bỗng nhiên, thoắt một cái, Lali đã ngồi gọn trên thuyền đúng vào lúc người đàn ông Anh- điêng ấn mạnh chèo dẩy thuyền ra biển. Các đợt sóng giống như những cuộn vải, càng xa bờ càng lớn. Cách bờ khoảng năm sáu trăm mét có một thứ kênh: ở đấy đã có hai chiếc thuyền đang vớt trai. Lali đã buộc mấy bím tóc lên đầu bằng năm sợi dây da màu đỏ, ba sợi buộc ngang, hai sợi buộc dọc, tất cả đầu được quấn vào cổ. Tay cầm một con dao lớn, Lali lần theo thanh sắt nặng đến mười lăm cân vốn dùng làm neo mà người đàn ông vừa ném xuống đáy biển.

Chiếc thuyền đứng tại chỗ nhưng không phải là đứng yên, vì cứ mỗi đợt sóng nó lại nhô lên rồi hạ xuống. Hơn ba tiếng đồng hồ Lali cứ trồi lên lặn xuống, từ đáy biển lên mặt biển. Ở đây không trông thấy đáy, nhưng cứ vào khoảng thời gian Lali phải mất mà suy ra thì chắc phải sâu từ mười lăm đến mười tám mét. Mỗi lần ngoi lên, trong cái túi của cô đều có trai, người đàn ông Anh- điêng dốc cái túi cho trai đổ vào lòng thuyền. Trong ba tiếng đồng hồ ấy Lali không lần nào lên thuyền. Khi cần nghỉ, cô vịn mạn thuyền đứng yên khoảng từ năm đến mười phút. Chúng tôi đã hai lần đổi chỗ mà Lali vẫn không lên thuyền. Ớ chỗ thứ hai, trong túi thấy có nhiều trai hơn, và kích thước của nó.cũng lớn hơn. Chúng tôi vào bờ. Lali đã leo lên thuyền và chẳng mấy chốc sóng đã đẩy chúng tôi vào bãi cát. Người đàn bà Anh- điêng đang đợi. Lali và tôi để cho bà ta và người đàn ông kia đưa trai lên bãi cát. Khi mớ trai đã ráo nước, Lali không để cho bà già tách miệng chúng ra, chính cô bắt đầu làm việc đó. Cô nhanh nhẹn dùng mũi dao mở khoảng ba chục con mới thấy được một viên ngọc. Tôi khỏi phải nói với các bạn rằng trong khi đó tôi đã chén hết ít nhất là hai tá. Chắc nước ở dưới đáy phải lạnh lắm, vì thịt con nào cũng rất mát. Lali khe khẽ moi viên ngọc ra: nó to như một hạt đậu cô-ve. Viên ngọc này thuộc loại ngọc trai cỡ lớn. Nó sáng quá? Thiên nhiên đã cho nó những sắc thái óng ả, uyển chuyển nhưng không quá lòe loẹt.

Lali dùng hai ngón tay cầm viên ngọc lên bỏ vào miệng ngậm một lát, rồi lấy ra bỏ vào miệng tôi. Bằng một loạt cử chỉ nhai, cô làm cho tôi hiểu rằng cô muốn cắn vỡ viên ngọc và nuốt đi. Tôi từ chối, nhưng những cử chỉ van nài của cô đẹp đến nỗi tôi phải làm theo ý cô: tôi nhai vỡ viên ngọc và nuốt cách mảnh vụn. Cô tách bốn năm con trai nữa cho tôi ăn, có lẽ để cho viên ngọc vào bụng tôi kỳ hết. Cô bắt tôi nằm ngửa ra bãi cát, rồi như đứa con nít, cô banh miệng tôi ra nhìn kỹ xem có còn mảnh vụn nào trong răng không. Sau đó chúng tôi ra về, để cho hai người kia tiếp tục công việc. Tôi ở đây đã được một tháng. Tôi không tính nhầm được, vì ngày nào tôi cũng ghi ngày tháng lên một tờ giấy. Mấy cái kim đã được gửi đến từ lâu cùng với ba thứ mực dùng để xăm hình: đỏ, xanh, và tím. Tôi đã phát hiện ở nhà ông thủ lĩnh ba con dao cạo Sulliguen. Ông ta không bao giờ dùng thứ dao này để cạo râu, vì người Anh- điêng không có râu. Ông chỉ dùng một trong ba con dao cạo để cạo tóc: cạo như vậy tóc đứt rất đều thành từng lớp đuổi nhau.

Tôi đã xăm cho Zato (tên của thủ lĩnh) được một hình trên cánh taỵ Đó là hình một người Anh- điêng, trên đầu có cắm những chiếc lông chim đủ màu. Ông ta thích mê đi và ra hiệu dặn tôi đừng xăm cho ai trước khi xăm xong một hình thật lớn trên ngực ông. Ông ta muốn có cái đầu hổ như của tôi, với bộ răng nanh thật nhọn. Tôi cười, vì tôi không biết vẽ cho thật khéo để có được một cái đầu hổ đẹp như vậy. Lali đã nhổ hết lông trên người tôi. Hễ phát hiện ra được sợi này là cô lập tức nhổ đi và lấy rong biển giã nhỏ trộn với tro xát vào. Hình như thứ thuốc này làm cho lông khó mọc lại thật. Cái công xã Anh- điêng này được gọi là Guajira. Họ ở ven bờ biển và vùng đồng bằng cho đến chân núi. Trong núi có những công xã khác được gọi là Motilones. Mấy năm sau tôi sẽ có dịp tiếp xúc với những người này. Người Guajiros, như tôi đã nói, có tiếp xúc gián tiếp với thế giới văn minh thông qua những cuộc đổi chác. Những người Anh- điêng ở bờ biển giao cho người Anh- điêng da nhợt những viên ngọc trai và cả những con rùa bể nữa. Rùa được đổi sống, nặng đến khoảng một trăm rưỡi ký lô. Ở đây không bao giờ có loại rùa to và nặng như ở sông Oneroca hay sông Maroni có những con có thể đến bốn trăm ký lô, mai đôi khi dài đến hai mét trên một mét chiều rộng. Khi bị đặt ngửa, chúng không tự lật sấp lại được.

Tôi đã trông thấy mấy con như vậy bị đặt nằm ngửa đến ba tuần, không được ăn uống gì cả mà vẫn sống, trước khi bị đem đi đổi. Còn loại thằn lằn xanh thì thịt rất ngọt, trắng, mềm và ngọt, trứng của nó vùi vào cát để cho nắng nung lên cũng có hương vị rất mặn mà. Chỉ riêng cái vẻ ngoài của nó trông không có gì ngon lành cả. Cứ mỗi lần Lali đi vớt trai, cô lại đem về nhà những viên ngọc thuộc phần cô. Những viên ngọc ấy cô đều cho tôi tất. Tôi cất nó vào một cái cốc bằng gỗ không phân biệt viên to, viên trung bình hay viên nhỏ. Tôi chỉ cất trong một cái hộp riêng hai viên ngọc màu hồng, ba viên đen và bảy viên có màu xám kim loại đẹp kinh khủng. Tôi lại còn có một viên ngọc lớn ba màu hình thù như hạt đậu, và cũng to bằng một hạt đậu trắng hay đậu đỏ ở châu âu. Ba màu ấy làm thành ba lớp chồng lên nhau, và tùy theo thời tiết, một trong ba màu hiện rõ hơn và màu kia: khi thì lớp màu đen, khi thì lớp màu kia nâu như thép cũ, khi thì lớp màu bạc có ánh hồng. Nhờ có ngọc trai và rùa, bộ lạc Guajiros này không thiếu thứ gì. Chỉ có điều là họ có những vật mà họ chẳng biết dùng làm gì, trong khi đó thì lại thiếu những thứ khác lẽ ra có thể có ích cho họ.

Chẳng hạn cả bộ lạc không có lấy được một tấm gương. Cũng may tôi bắt được một mảnh kim loại có lẽ từ một chiếc thuyền bị đắm long ra, có một mặt mạ kền, tôi dùng nó để soi mặt khi cần cạo râu. Sách lược của tôi đối với các bạn tôi rất dễ dàng: tôi không làm điều gì có thể có hại đến uy thế của thủ lĩnh, và càng tránh những việc có thể xúc phạm đến một ông già Anh- điêng sống một mình trong vùng đồng bằng cách đấy bốn cây số giữa một bầy rắn, hai con dê và một tá cừu. Đó là ông thầy mo chung của mấy xóm Guajiros ở xung quanh. Thái độ đó khiến cho không có người nào ganh tỵ hay có ác cảm với tôi. Sau hai tháng tôi đã được mọi người hoàn toàn coi như người nhà. Ông thầy mo còn có vài chục con gà. Vì trong hai xóm Anh- điêng mà tôi biết không hề thấy có nuôi dê, cừu và gà gì cả, tôi suy ra rằng việc nuôi gia súc là một đặc quyền của ông thầy mo. Những người đàn bà Anh- điêng thay phiên nhau cứ mỗi buổi sáng một người đội cái rổ đựng cá và sò mới vớt được đem đến cho ông ta. Ngoài ra còn có những chiếc bánh bột ngô vừa làm sáng hôm ấy và được nướng chín trên những hòn đá nung lửa.

Thỉnh thoảng họ trở về làng với mấy quả trứng và một ít sữa đóng váng, nhưng không phải hôm nào cũng có. Khi nào ông thầy mo muốn tôi đến thăm ông ta, ông ta gửi riêng cho tôi ba quả trứng và một con dao bằng gỗ chuốt thật trơn. Lali đi theo tôi đến nửa đường và ngồi đợi tôi dưới bóng những cây xương rồng khổng lồ. Lần đầu tiên chính cô đã đặt con dao bằng gỗ ấy vào tay tôi rồi giơ tay chỉ hướng cho tôi đi. ông thầy mo Anh- điêng đã già lắm rồi. Ông ta sống trong một cảnh dơ bẩn cùng cực dưới một cái lều căng bằng những tấm da bò, còn nguyên lông, mặt có lông trở vào phía trong. Ở giữa lều có đặt ba hòn đá quây quanh một bếp lửa mà người ta cảm thấy là được để cháy suốt đêm ngày. Ông ta không ngủ trên võng mà trên một thứ giường làm bằng cành cây, cách mặt đất hơn một mét. Cái lều khá rộng, phải đến hai mươi mét vuông. Nó không có vách, chỉ phía có gió được che bằng mấy cành cây.

Tôi đã được nhìn thấy hai con rắn, một con dài gần ba mét, to bằng cánh tay, còn con kia dài chừng một mét, có một hoa văn hình chữ V màu vàng trên đầu. Tôi tự nhủ: “Hai con rắn này đã ngốn bao nhiêu gà và trứng không biết!” Tôi không hiểu làm thế nào mà bấy nhiêu dê, cừu, gà và cả con lừa nữa đều có chỗ nương thân dưới mái lều này. Ông già xem xét tôi từng li từng tí, rồi bắt tôi cởi cái quần mà Lali đã biến thành quần soóc, và khi tôi đã trần truồng như con nhộng, ông ta bắt tôi ngồi lên một hòn đá bên cạnh bếp lửa. Rồi ông ta thả vào lửa những cái lá xanh làm khói bốc lên mù mịt, sặc mùi bạc hà. Đám khói vay kín xung quanh tôi làm tôi ngạt thở. Nhưng tôi hầu như không ho, cố kiên nhẫn ngồi đợi trong mười phút khói mới tan đi. Sau đó ông ta đốt cái quần của tôi và đưa cho tôi hai cái khố của người Anh- điêng, một bằng da cừu, một bằng da rắn, mềm mại như một chiếc găng taỵ Ông ta lại đeo vào cánh tay tôi một cái vòng đan bằng dây da dê, da cừu và da rắn. Nó rộng mười phân và được buộc vào tay bằng một sợi dây làm bằng da rắn đã thuộc có thể thắt chặt lại hay nới rộng ra tùy ở mắt cá chân trái, ông thầy mo có một cái mụt sâu quảng to bằng một đồng bạc hai francs, bâu đầy ruồi nhặng. Chốc chốc ông ta lại đuổi chúng đi, và khi nào bị quấy nhiễu quá nhiều thì ông ta lấy tro rắc lên chỗ bị loét.

Được ông thầy mo chấp nhận rồi, tôi định ra về thì ông ta đưa cho tôi một con dao bằng gỗ nhỏ hơn con dao ông đã gửi cho tôi. Về sau Lali sẽ cắt nghĩa cho tôi hiểu rằng khi nào tôi muốn gặp ông thầy mo, tôi phải gửi cho ông con dao nhỏ này, và nếu ông ta bằng lòng cho tôi gặp, ông ta sẽ gửi con dao to.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

47#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 19:55:12 | Chỉ xem của tác giả
Tôi từ giã ông thầy mo già sau khi nhận thấy da mặt và da cổ của ông nhăn nheo đến nhường nào. Cái miệng móm mém của ông chỉ còn có năm cái răng, ba ở hàm dưới và hai ở hàm trên, đều là răng cửa. Mắt ông, cũng hình quả hạnh nhân như tất cả những người Anh- điêng khác, có đôi mi húp đến mỗi khi nhắm lại thì làm thành hai cục thịt tròn. Ông ta không còn lông mày lông mi gì nữa, nhưng tóc thì vẫn đen và cứng, dài đến tận vai và được xén rất thắng. Cũng như mọi người Anh- điêng, ở phía trước mặt ông có một bờm tóc cắt ngang lông mày.

Tôi ra về với một cảm giác ngượng nghịu vì đôi mông đít lộ thiên. tôi cảm thấy mình buồn cười quá. Thôi, đã vượt ngục thì đành phải thế. Không nên đùa với người Anh- điêng: vi phạm tục lệ của họ là không xong đâu. Muốn được tự do thì cũng phải chịu khó chấp nhận một vài điều bất tiện. Lali nhìn cái khố cười như nắc nẻ, phô hai hàm răng đẹp chẳng kém gì những viên ngọc trai mà cô vớt được, cô xem xét cái vòng đeo tay và cái khố thứ hai bằng da rắn. Để kiểm tra xem tôi đã được hun khói chưa, cô ngửi kỹ người tôi. Cũng xin mở ngoặc nói thêm rằng khứu giác của người Anh- điêng rất tinh. Tôi đã quen với cảnh sống này và nhận thấy không nên tiếp tục sinh hoạt quá lâu theo kiểu này, vì đến một lúc nào đó có thể người ta không còn muốn đi đâu nữa.

Lali thường xuyên quan sát tôi, cô mong cho tôi tham gia tích cực hơn cuộc sống chung của bộ lạc. Chẳng hạn cô đã trông thấy tôi đi đánh cá, cô biết rằng tôi chèo rất giỏi và điều khiển chiếc xuồng nhẹ một cách thành thạo. Từ đó đến chỗ muốn rằng chính tôi chèo xuồng cho cô đi vớt trai không có gì là xa. Nhưng tôi thì lại không muốn thế. Lali là người lặn giỏi nhất trong đám con gái làng này, bao giờ thuyền cô cũng vớt được nhiều trai hơn và cũng là những con trai to hơn, tức là nằm sâu hơn cả. Tôi lại biết rằng người thanh niên Anh- điêng chèo thuyền cho cô là em trai của thủ lĩnh. Chèo thuyền của Lali thay cho anh ta tức là làm cho anh ta thiệt thòi, vậy tôi không được làm điều đó. Nhưng khi Lali thấy tôi tư lự, cô lại đi tìm em gái. Cô bé này mừng rỡ chạy đến và đi vào nhà bằng cái cửa dành cho tôi. Điều đó chắc phải có một ý nghĩa quan trọng. Thường hai người cùng đến một lúc trước cái cửa lớn quay ra biển. Đến đây mỗi người đi một phía: Lali đi một vòng rồi vào bằng cửa của mình, còn Zoraima đi vào cửa của tôi.

Zoraima vú mới to bằng quả quít, tóc cũng chưa dài, mái tóc cô cắt thành đường thẳng chấm xuống ngang cằm, cái bờm trên trán xuống quá lông mày, gần chấm đến mi. Mỗi lần Lali gọi em đến như vậy, cả hai chị em đều xuống biển tắm, rồi khi vào nhà họ đều cởi khố treo lên võng. Mỗi lần ở nhà chúng tôi ra về, cô bé lần nào cũng rất buồn vì tôi đã không lấy cô ta. Hôm trước, cả ba chúng tôi đang nằm trên võng, Lali đang nằm giữa thì chợt đứng dậy và khi nằm xuống thì lại nằm ra ngoài để cho tấm thân trần truồng của Zoraima áp vào người tôi. Người Anh- điêng thường chèo thuyền cho Lali bị thương ở đầu gối, đó là một vết đứt rất rộng và rất sâu. Mấy người đàn ông đã khiêng anh ta đến nhà ông thầy mo, và khi trở về, đầu gối anh được trát một lớp đất sét trắng. Vậy sáng hôm ấy tôi phải chèo thuyền cho Lali đi vớt trai.

Tôi cũng cho thuyền ra biển đúng như người kia vẫn làm những lần trước, và thao tác của tôi đã được thực hiện khá chính xác. Tôi đưa Lali ra xa hơn thường lệ một chút. Cô ta rạng rỡ vì vui sướng khi thấy chỉ có hai người đi cùng thuyền. Trước khi lặn cô xoa dầu lên người. Tôi nhìn xuống đáy biển đen ngòm, nghĩ rằng nước ở đây chắc phải lạnh lắm. Ba cái vây cá mập nhô lên trên mặt nước đi qua khá gần chỗ chúng tôi, tôi chỉ cho Lali xem, nhưng cô không thèm để ý. Lúc bấy giờ vào khoảng mười giờ sáng, trời nắng. Cái túi đựng ngọc trai quấn xung quanh cánh tay trái, con dao giắt vào bao da đeo rất chặt ở thắt lưng, Lali nhảy xuống nước mà không hề làm cho thuyền tròng trành như những người khác thường làm khi đạp thuyền để lấy đà nhảy xuống. Cô lặn xuống đáy nước đen ngòm với một tốc độ khó lòng tưởng tượng nổi. Lần lặn đầu tiên này chắc chỉ để thăm dò, vì trong túi thấy có ít trai. Tôi nảy ra một ý. Trên thuyền có một cuộn dây da rất lớn. Tôi buộc một đầu dây vào cái túi, đưa túi cho Lali và khi cô lặn xuống tôi tháo cuộn dây ra: sợi dây da theo cô xuống đến tận đáy. Chắc Lali đã hiểu ý tôi vì một lát sau cô ngoi lên, không đem theo cái túi. Tay bám vào thuyền để nghỉ sau chuyến lặn khá lâu này, cô ra hiệu cho tôi kéo cái túi lên.

Tôi kéo, kéo nữa, nhưng đến một lúc nào đó thấy dây bị mắc kẹt, chắc là cái túi bị vướng vào san hô. Lali lặn xuống để gỡ nó ra, cái túi đầy được một nửa, tôi trút trai vào lòng thuyền. Sáng hôm ấy, sau tám lần lặn sâu mười lăm mét, chiếc thuyền đã gần đầy. Khi Lali leo lên thuyền, mép thuyền chỉ còn nhô lên trên mặt nước có hai phân. Khi tôi định kéo neo lên, chiếc thuyền chở quá nhiều trai suýt chìm nghỉm. Chúng tôi đành phải tháo dây neo ra buộc vào một cái chèo cho nó nổi lềnh bềnh tại chỗ để đánh dấu nơi thả neo rồi chèo thuyền vào. Chúng tôi vào bờ bình yên vô sự.Bà già đang chờ chúng tôi, và anh chàng Anh- điêng thường đi với Lali cũng đang ngồi trên cát khô ở chỗ thường tách trai tìm ngọc. Anh ta rất hài lòng khi thấy số trai vớt được nhiều như vậy. Lali giảng giải cho anh ta hiểu cách làm của tôi: buộc cái túi vào dây để nguyên dưới đáy thì khi lên cô được nhẹ hơn, do đó tiết kiệm được thời gian, cho nên mới nhặt được nhiều trai hơn.

Anh ta nhìn cái túi để xem tôi buộc như thế nào và xem xét rất kỹ cái nút buộc. Anh ta tháo nó ra và thử thắt lại như cũ: chỉ một lần anh ta đã thắt được ngay. Anh ta đưa mắt nhìn tôi có vẻ rất tự hào. Mở hết chỗ trai ra, bà già lấy được mười ba viên ngọc, Lali thường ngày không bao giờ ở lại xem bà già làm việc này, mà về nhà ngay rồi đợi người ta đem phần của mình về, nhưng lần này thì cô ngồi lại cho đến khi mở con trai cuối cùng. Tôi ăn đến ba tá là ít, Lali thì chỉ ăn năm sáu con. Bà già chia phần chỗ ngọc trai vừa nhặt được. Mười ba viên gần bằng nhau, đều xấp xỉ to bằng hạt đậu Hà Lan. Bà già tách ra ba viên cho thủ lĩnh, ba viên cho tôi, hai viên cho bà ta, và năm viên cho Lali. Lali lấy ba viên phần tôi đưa cho tôi. Tôi cầm lấy và đưa cho người Anh- điêng bị thương. Anh ta không chịu lấy, nhưng tôi mở tay anh ta ra, giúi ngọc vào và bóp tay anh lại. Đến lúc ấy anh ta mới nhận. Vợ và con gái anh ta nảy giờ im lặng ngồi cách đấy một quãng nhìn chúng tôi, thấy thế liền cất tiếng cười mừng rỡ và đến nhập bọn với chúng tôi. Tôi giúp họ dìu anh ta về nhà.

Cảnh này được lặp đi lặp lại trong gần hai tuần. lần nào tôi cũng giao lại phần ngọc của tôi cho người đàn ông Anh- điêng. Hôm qua tôi giữ lại một trong sáu viên ngọc thuộc phần của tôi. Về đến nhà tôi đã bắt Lali ăn nó. Lali phát cuồng lên vì vui sướng, ca hát suốt cả buổi chiều. Thỉnh thoảng tôi lại đến gặp người Anh- điêng da nhợt. Anh ta bảo tôi gọi anh là là Zorillo, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là con cáo nhỏ. Anh ta nói với tôi là thủ lĩnh sai anh hỏi tôi xem thử tại sao tôi không xăm cho ông hình đầu hổ đi, tôi phân trần rằng sở dĩ tôi chưa dám xăm vì tôi không biết vẽ cho thật giống cái đầu hổ của tôi. Vừa nói vừa tra từ điển, tôi yêu cầu anh ta kiếm cho tôi một tấm gương hình chữ nhật rộng bằng ngực tôi, một tờ giấy trong, một cái bút lông nhỏ nét và một lọ mực, một ít giấy than hay nếu không kiếm được thì một cây bút chì nét thật to và thật đậm. Tôi cũng nhờ anh ta kiếm một ít áo quần vừa khổ người tôi và cứ để ở nhà anh ta với ba cái áo sơ-mi ka-ki.

Tôi được anh ta cho biết rằng cảnh sát có hỏi anh ta về tôi và Antonio. Anh ta đã nói với họ rằng tôi đã vượt núi sang Venezuela, còn Antonio thì bị rắn cắn chết rồi. Anh ta cũng biết rằng mấy người Pháp vượt ngục hiện đang ở nhà tù Santa Marta. Trong nhà Zorillo cũng có đủ những thứ đồ đạc linh tinh pha tạp như trong nhà ông thủ lĩnh: một đống lớn những cái hũ bằng đất sét có vẽ những hoa văn được người Anh- điêng ưa chuộng, đó là những thứ đồ gốm rất nghệ thuật về hình dáng cũng như màu sắc và hoa văn; những cái võng tuyệt đẹp bằng len thuần chất, cái thì trắng muốt, cái thì có màu sắc, có dải viền. Những tấm da rắn, da thằn lằn, da ễnh ương, tấm nào cũng rất lớn và được thuộc kỹ; những cái giỏ đan bằng dây leo trắng hoặc nhiều màu. Anh ta nói rằng tất cả những vật ấy đều là sản phẩm của những bộ lạc Anh- điêng thuộc cùng một chủng tộc với bộ lạc của tôi nhưng lại sống trong rừng rậm cách đây hai mươi lăm ngày đường. Hơn hai mươi chiếc lá coca mà anh ta cho tôi cũng từ đấy đến. Khi nào mỏi mệt chán chường, tôi sẽ nhai một chiếc lá là thấy đỡ ngay.

Tôi từ giã Zorillo và yêu cầu anh ta khi nào tiện thì đem tất cả những vật tôi đã kê và thêm vào đấy mấy tờ báo hay tạp chí bằng tiếng Bây Ban Nha, vì với cuốn từ điển, trong hai tháng qua tôi đã học thêm được khá nhiều. Anh ta không có tin tức gì của Antonio, chỉ biết rằng vừa qua lại có một cuộc đụng độ giữa các đội canh phòng bờ biển với bọn buôn lậu. Năm người lính và một người buôn lậu đã bị giết, nhưng chiếc thuyền thì không bắt được. Chưa bao giờ tôi trông thấy một giọt rượu mạnh ở trong làng, nếu không kể thứ nước quả lên men mà tôi đã có lần nói đến. Trông thấy một chai rượu hồi trong nhà Zorillo, tôi hỏi xin anh ta. Anh ta từ chối. Nếu tôi muốn uống ở đây thì cứ uống, nhưng đem về thì anh ta không cho. Cái anh bạch tạng này là một bậc hiền minh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

48#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 20:16:09 | Chỉ xem của tác giả
Tôi từ giã Zorillo và ra về với một con lừa mà anh ta cho tôi mượn để trở lại (anh ta cam đoan rằng đến mai nó sẽ tự tìm đường về nhà một mình). Tôi chỉ đem về một gói kẹo lớn đủ màu, mỗi cái kẹo đều bọc giấy mịn, và sáu mươi bao thuốc lá. Lali đợi tôi cách làng hơn ba cây số cùng với cô em gái. Cô không gây gổ gì cả và chịu đi bên cạnh tôi, chịu để cho tôi quàng lưng. Thỉnh thoảng cô đứng lại và hôn lên môi tôi theo kiểu văn minh.

Về đến làng, tôi đến thăm ông thủ lĩnh và biếu ông gói kẹo với chỗ thuốc lá kia. Chúng tôi ngồi trước cửa ngôi nhà ông thủ lĩnh, quay mặt ra biển. Chúng tôi uống nước quả lên men đựng trong những cái chum bằng đất nên lúc nào cũng mát. Lali ngồi ở bên phải tôi, hai tay ôm lấy đùi tôi, còn cô em ngồi ở bên trái, cũng với tư thế như vậy. Hai cô đều ngậm kẹo. Gói kẹo để mở trước mặt chúng tôi, đàn bà trẻ con trong nhà chốc chốc lại ra bốc mấy cái. Ông thủ lĩnh khẽ đẩy đầu Zoraima vào đầu tôi và ra hiệu cho tôi hiểu rằng cô ta muốn làm vợ tôi như Lali. Lali cầm lấy vú Zoraima ra hiệu nói rằng nó hơi nhỏ cho nên tôi mới không muốn lấy em gái cô. Tôi nhún vai, thế là mọi người cười rộ. Tôi thấy hình như Zoraima rất khổ sở. Tôi liền quàng tay quanh cổ cô, ôm cô vào lòng và vuốt ve đôi vú của cô: mặt Zoraima lập tức sáng bừng lên vì hạnh phúc.

Tôi hút vài điếu thuốc lá. Mấy người Anh- điêng cũng thử hút xem sao, nhưng được vài hơi họ đã vứt đi để quay trở về với điếu thuốc lá quấn của họ, đầu có lửa ngậm trong miệng. Tôi đứng dậy chào mọi người rồi cầm tay Lali ra về. Lali đi sau tôi và Zoraima đi sau chị cô. Chúng tôi quạt lò than nướng mấy con cá thật to: món này bao giờ cũng làm thành cả một bữa tiệc ngon lành. Tôi vùi vào than hồng một con tôm hùm nặng ít nhất hai cân. Chúng tôi lại ăn hết món này một cách ngon lành. Tôi đã nhận được tấm gương, tờ giấy mịn và tờ giấy trong để đồ hình, một ống keo mà tôi không hề nhờ mua nhưng có thể có ích cho tôi, mấy cây bút chì than, lọ mực và cây bút lông. Tôi dùng một sợi dây treo tấm gương ngang tầm ngực tôi ở tư thế ngồi: Trong gương hiện ra rõ nét cái đầu hổ xăm trên mình tôi, với đủ các chi tiết.

Lali và Zoraima tò mò nhìn tôi làm việc một cách đầy hứng thú. Tôi cầm bút lông đồ lại từng nét, nhưng vì mực cứ chảy xuống, tôi phải dùng đến keo, pha nó vào mực. Từ đấy mọi sự đều ổn. Sau ba buổi làm việc như thế, mỗi buổi một tiếng đồng hồ, trên tấm gương đã có được một bán sao chính xác của cái đầu hổ. Lali đã đi mời ông thủ lĩnh, Zoraima cầm hai tay tôi để lên ngực cô, cô có vẻ khổ sở và si mê, đôi mắt cô tràn đầy tình yêu và dục vọng đến nỗi tôi phải ôm lấy cô, và cũng chẳng hiểu rõ mình làm gì, tôi chiếm hữu thân xác cô ngay dưới đất, ở giữa nhà. Cô khẽ buông một tiếng rên, nhưng thân thể cô rướn thẳng lên vì khoái lạc và dính chặt vào tôi không chịu buông ra nữa. Tôi nhẹ nhàng gỡ ra rồi xuống biển tắm vì người tôi đầy đất. Zoraima đi theo tôi, và chúng tôi cùng tắm với nhau. Tôi kỳ lưng cho cô, cô xát hai chân vào hai tay tôi, rồi chúng tôi cùng về nhà.

Lali đang ngồi ở chỗ chúng tôi vừa nằm với nhau, khi chúng tôi về thì cô đã hiểu hết. Cô đứng dậy quàng tay lên cổ tôi và âu yếm hôn tôi, rồi cô lấy cánh tay em gái và dìu nó đi ra bằng cửa của tôi, đoạn quay lại và ra bằng cái cửa dành riêng cho mình. Tôi nghe thấy những tiếng đập vách từ phía ngoài. Tôi ra thì trông thấy Lali, Zoraima và hai người đàn bà khác nữa đang dùng một thanh sắt để đục vách. Tôi hiểu rằng họ muốn khoét thêm một cái cửa thứ tư. Để cho vách khỏi nứt ra quá rộng, họ dùng cái bình tưới nước vào vách. Chỉ một lát sau cái cửa đã khoét xong. Zoraima xua những mảnh vỡ ra ngoài. Từ nay trở đi một mình cô sẽ ra vào cái cửa này, cô sẽ không bao giờ dùng đến cửa của tôi nữa.

Ông thủ lĩnh đến cùng với ba người Anh- điêng và người em trai (vết thương ở chân anh này nay đã gán thành sẹo). Ông ta nhìn cái hình vẽ trên gương và nhìn bóng mình trong gương. Ông ta kinh ngạc và vui mừng khi thấy cái đầu hổ được vẽ đẹp như vậy và khi thấy mặt mình được phản chiếu trong gương. Ông ta không hiểu tôi định làm gì. Lúc bấy giờ mực đã khô, tôi đặt tấm gương lên bàn, để tờ giấy trong lên mặt gương và bắt đầu đồ lại. Công việc này rất dễ, chẳng mấy chốc mà xong. Cây bút chì sao lại đúng từng nét vẽ, không đầy một nửa giờ sau, trước khi đôi mắt đầy hứng thú của mọi người, tôi đã có được một hình vẽ cũng hoàn mỹ không kém gì nguyên bản. Mỗi người lần lượt cầm tờ giấy lên ngắm nghía, so sánh cái đầu hổ trên ngực tôi với cái đầu hổ trên tờ giấy.

Tôi cho Lali nằm lên bàn, nhấp một ít nước lên bụng cô bằng một cái khăn ướt rồi đặt một tờ giấy than lên đấy và trên cùng là tờ giấy của hình vẽ. Tôi vẽ một vài đường, và sự kinh ngạc của mọi người lên đến cực độ khi họ thấy trên bụng của Lali hiện rõ một phần của hình vẽ. Mãi đến lúc ấy ông thủ lĩnh mới hiểu rằng bao nhiêu công sức của tôi nãy giờ là để làm vừa lòng ông ta. Những con người không biết giả dối, vì chưa được qua một quá trình giáo dục của người văn minh, bao giờ cũng phản ứng một cách tự nhiên, cảm thụ như thế nào thì phản ứng như thế. Họ hài lòng hay bất mãn, vui hay buồn, thấy hứng thú hay dửng dưng đều là một cách tự phát và hồn nhiên. Tính ưu việt của những người Anh- điêng thuần nhất như mấy người Guajiros này thật rõ ràng. Họ vượt chúng ta về mọi mặt, vì khi họ đã thâu nạp một người nào vào khối cộng đồng của họ thì tất cả những gì họ có đều là của người ấy, và về phần họ, khi nhận được của người ấy một sự quan tâm dù nhỏ nhặt đến đâu thì cái tâm hồn hết sức nhạy cảm của họ cũng xúc động sâu xa.
Tôi đã quyết định vạch trước những nét chính bằng dao cạo để ngay trong buổi đầu tiên những đường viền của hình vẽ đã ăn hẳn vào da. Sau đó tôi sẽ dùng ba cây kim đóng vào một cái que nhỏ xăm thêm vào những đường đã vạch rồi xăm tiếp những đường khác. Hôm sau tôi bắt tay vào việc. Thủ lĩnh Zato nằm trên bàn. Sau khi đồ lại một lần nữa cái hình vẽ trên giấy mịn sang một tờ giấy trắng khác dai hơn, tôi dùng một cây bút chì cứng và một tờ giấy than in cái hình ấy lên da bụng ông. Lớp da này đã dược bôi sẵn một lớp hồ loãng bằng đất sét trắng pha với nước, rồi để cho khô. Hình vẽ được in lên rất rõ, tôi để một lúc cho nó khô hẳn. Ông thủ lĩnh nằm yên trên bàn, người cứng đơ, không dám nhúc nhích, ngay cả cái đầu cũng không dám nghiêng qua nghiêng lại vì sợ làm hỏng cái hình vẽ mà tôi đã cho ông ta xem trong tấm gương.

Tôi dùng dao cạo vạch tất cả các nét chính. Máu chỉ rỉ ra chút ít, rỉ ra đến đâu tôi lau đến đấy, khi tất cả những đường nét giấy than hằn lên đã được thay bằng những đường rạch mảnh màu đỏ, tôi lấy mực chàm bôi lên khắp ngực. Mực chỉ khó ăn ở những chỗ tôi rạch hơi mạnh, vì ở những chỗ ấy máu cứ làm cho mực không ngấm xuống được, còn nhìn chung thì hình vẽ nổi lên rất rõ và rất đẹp. Tám ngày sau Zato đã có cái đầu hổ trên ngực, mồm há to, với cái lưỡi màu hồng, bộ nanh trắng, cái mũ và bộ ria đen, và cả đôi mắt nữa. Tôi rất hài lòng về tác phẩm của mình: nó đẹp hơn cái đầu hổ của tôi, màu sắc tươi hơn. Khi vảy đã tróc hết tôi dùng kim xâm lại một vài chỗ chưa được đậm. Zato hài lòng đến nỗi ông ta bảo Zorillo đặt mua sáu tấm gương phát cho mỗi nhà một tấm và hai tấm nữa cho nhà ông ta.

Những ngày, những tuần, những tháng lần lượt trôi qua. Bây giờ đã là tháng tư và như vậy tôi ở đây đã được bốn tháng. Sức khỏe tôi rất tốt. Cơ bắp tôi đều mạnh và đôi chân tôi đã quen đi đất cho nên có thể đi bộ rất xa mà không mệt trong những chuyến đi săn các giống thằn lằn lớn. Vừa rồi tôi quên không nói rằng sau buổi đi thăm ông thầy mo lần đầu tôi đã yêu cầu Zorillo kiếm cho tôi một ít thuốc i- Ốt, một ít nước oxy một ít bông, mấy cuộn bông, mấy chục viên ký ninhvà stovarsol. Dạo trước ở bệnh viện tôi đã thấy một người tù khổ sai có một cái mụn loét to không kém gì cái mụn của ông thầy mo. Tôi thấy Chatal, người y tá nghiền một viên stovarsol rồi rắc vào đấy. Zorillo đã đem các thứ đó đến cho tôi, lại tự động đưa thêm một ít thuốc mỡ nữa. Tôi đã gửi con dao gỗ nhỏ cho ông thầy mo, và ông ta đã trả lời bằng cách gửi con dao của ông cho tôi. Tôi phải năn nỉ mãi và nói đi nói lại đủ cách ông ta mới chịu để cho tôi chữa. Nhưng tôi mới bôi thuốc được vài ba lần thì cái mụn đã thu hẹp lại chỉ còn một nữa, sau đó ông ta tiếp tục tự bôi thuốc lấy, rồi đến một ngày kia ông ta gửi cho tôi con dao gỗ lớn để tôi đến xem ông ta đã khỏi hẳn. Không bao giờ có ai biết rằng chính tôi đã chữa cho ông ta khỏi.

Hai cô vợ của tôi không buông tôi ra được một phút. Khi nào Lali đi vớt trai thì Zoraima ở nhà với tôi. Còn hễ Zoraima đi thì Lali ngồi chơi với tôi. Thủ lĩnh Zato sinh con trai. Khi chuyển bụng, vợ ông ra bãi biển chọn một tảng đá lớn để tránh ở phía sau cho đừng ai trông thấy, một bà vợ khác của Zato bưng cho bà một cái giỏ lớn đựng bánh nướng, nước ngọt và những tảng đường đen hai cân một. Chắc bà ta đẻ vào lúc bốn giờ chiều, vì đến khi mặt trời lặn bà vừa reo vừa đi về phía làng, hai tay giơ cao đứa con. Trước khi bà ta về đến nơi thì Zato cũng đã biết rằng đó là một đứa con trai. Tôi đoán được rằng nếu đó là một đứa con gái thì bà vợ sẽ lẳng lặng bế con về, không reo hò gì cả, không giơ cao đứa con lên như vậy. Lali dùng điệu bộ giảng giải cho tôi hiểu điều đó.

Người đàn bà Anh- điêng đi tới rồi dừng lại sau khi giơ cao đứa con lên. Zato dang hai tay ra phía trước và reo lên, nhưng vẫn đứng yên tại chỗ. Lúc bấy giờ người mẹ lại bước tới mấy thước nữa, lại giơ cao đứa con, reo lên rồi đứng lại. Zato lại reo và dang hai tay ra. Cứ như thế năm sáu lần trong khoảng ba bốn chục mét cuối cùng. Zato vẫn đứng yên ở ngưỡng cửa nhà mình. Ông ta đứng trước cái cửa lớn, và mọi người đều chen chúc ở hai bên. Người mẹ đứng lại khi chỉ còn năm sáu bước, bà ta giơ cao đứa con và reo lên. Lúc bấy giờ Zato tiến tới luồn hai tay dưới nách thằng bé, bế nó lên cao, rồi quay về phía đông reo ba tiếng và giơ nó lên ba lần. Rồi ông ta đặt thằng bé ngồi trên cánh tay phải, cho nó nằm ngang trên ngực, cho đầu nó chui vào nách mình rồi lấy cánh tay trái che nó. Xong ông ta đi vào cửa lớn mà không quay lại. Mọi người đều vào theo, người mẹ vào sau cùng. Có bao nhiêu nước quả lên men đều đem ra cho mọi người uống hết.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

49#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 20:26:33 | Chỉ xem của tác giả
Suốt cả tuần ấy, từ sáng đến chiều người ta tưới nước vào khoảng đất ở trước mặt nhà của thủ lĩnh Zato, rồi cả đàn ông lẫn đàn bà đến giẫm chân cho đất dẽ xuống. Rốt cuộc họ có được một cái sân hình tròn rất rộng bằng đất sét nện chặt. Ngày hôm sau họ dựng một cái lều lớn bằng da bò, và tôi đoán biết sắp có hội hè đến nơi. Dưới lều da họ bày hơn hai mươi cái chum lớn bằng đất nung rồi rót nước quả lên men vào. Họ đặt những phiến đá xếp thành hàng lối và xung quanh chất những đống củi, khô có, xanh có, mỗi ngày một chất cao thêm. Trong số củi đó có một phần lớn đã được biển tấp vào từ lâu, nay đã khô, trắng và nhẵn. Có những thân cây rất lớn đã được kéo từ biển lên không biết từ bao giờ.

Trên các phiến đá họ đã dựng hai cái cọc phía trên chĩa đôi cao bằng nhau: đó là hai cột trụ của một cái lò quay khổng lồ. Bốn con rùa lật ngửa, hơn ba mươi con thằn lằn khổng lồ hãy còn sống, móng chân bị bất chéo vào nhau không chạy đi đâu được, hai con cừu: cả đàn hy sinh vật ấy đang chờ người ta làm thịt. Ngoài ra còn có ít nhất là hai ngàn cái trứng rùa biển. Một buổi sáng nọ có khoảng mười lăm người cưỡi ngựa đến, tất cả đều là người Anh- điêng, cổ đeo vòng, đội mũ rơm vành rất rộng, đóng khố, chân, đùi và mông để trần, mình mặc áo không tay bằng da cừu lộn trái. Ai nấy đều giắt một con dao găm lớn ở thắt lưng, có hai người đeo súng săn hai nòng, người cầm đầu có một khẩu các bin tự động và mặc một chiếc áo vét rất đẹp, ống tay bằng da đen, thắt một cái nịt giắt đầy đạn. Ngựa họ cưỡi rất đẹp, nhỏ nhưng hăng, con nào lông cũng màu xám có đốm trắng. Trên mông ngựa đều có buộc một bó cỏ khô.

Từ xa họ đã báo hiệu cho mọi người biết họ đến bằng những phát súng, nhưng vì họ phi nước đại cho nên vừa nghe tiếng súng đã thấy họ đến nơi ngaỵ Vị thủ lĩnh của đoàn người này giống Zato và em trai ông một cách kỳ lạ, tuy có lớn tuổi hơn. Xuống ngựa, vị thủ lĩnh ấy đi thẳng về phía Zato và hai người chạm tay vào vai nhau. Vị khách đi vào nhà một mình, Zato theo sau, rồi lại đi ra, trên tay bế thằng bé mới đẻ. Ông ta giơ nó ra cho mọi người trông rõ, rồi làm những cử chỉ giống như Zato đã làm hôm trước: sau khi đưa nó về hướng mặt trời mọc, ông ta dấu nó dưới nách và che cánh tay trái lên, rồi đi vào nhà. Bấy giờ tất cả những người cưỡi ngựa đều nhảy xuống đất, buộc ngựa cách đấy một quãng, bó cỏ khô treo lủng lẳng ở cổ từng con.

Vào khoảng giữa trưa một tốp đàn bà Anh- điêng đi trên một cái xe lớn có bốn ngựa kéo, vào làng. Người đánh xe là Zorillo. Trên xe có cả thảy đến hai mươi người đàn bà, đều còn trẻ, và bảy tám đứa bé đều là con trai. Trước khi Zorillo đến, tôi đã được giới thiệu với cả đoàn người cưỡi ngựa, bắt đầu từ vị thủ lĩnh. Zato chỉ cho tôi để ý thấy ngón chân út bên trái của ông ta bắt chéo lên trên ngón thứ tư. Em trai ông ta cũng thế, và vị thủ lĩnh mới đến cũng lại như vậy. Sau đó ông ta lại chỉ cho tôi thấy rằng phía dưới cánh tay của mỗi người đều có một thử nốt ruồi đen giống nhau. Tôi hiểu rằng người khách mới đến là anh ruột của thủ lĩnh làng tôi. Những hình xăm trên người Zato được mọi người ngắm khía khen ngợi, nhất là cái đầu hổ.

Tất cả những người đàn bà Anh- điêng mới đến đều có hoa văn đủ các màu sắc vẽ khắp người, chỉ trừ khuôn mặt. Lali khoác những chuỗi san hô vào cổ mấy người đàn bà, và những chuỗi vỏ ốc vào cổ mấy người khác Tôi để ý đến một người đàn bà Anh- điêng rất đẹp, cao hơn những người khác vốn có tầm vóc trung bình. Cô ta có những đường nét của một người đàn bà Ý, trông nghiêng giống như một bức phù điêu trên mặt những chiếc mề- đay mà người ta thường đeo ở cổ. Tóc cô ta màu đen có ánh tím, mắt màu cẩm thạch, rất to, với đôi hàng mi rất dài và đôi mày cong rất đẹp. Tóc cô ta cắt theo kiểu Anh- điêng, phía trước có bờm xén thắng, phía trên có đường ngôi ở giữa chia mái tóc ra làm hai phần rũ xuống hai bên tai. Mái tóc được cắt rất thẳng ở khoảng giữa cổ. Đôi vú bằng cẩm thạch gần sát nhau ở phía góc mở ra hai bên một cách hài hòa. Lali giới thiệu tôi với cô ta và dắt cô ta về nhà chúng tôi cùng với Zoraima và một cô gái Anh- điêng khác rất trẻ mang theo mấy cái cốc gỗ và một bó bút lông. Số là mấy người đàn bà mới đến này có nhiệm vụ vẽ hoa văn cho phụ nữ trong làng.

Tôi được chứng kiến cái công trình nghệ thuật mà cô gái xinh đẹp kia thực hiện trên người Lali và Zoraima. Bút lông của họ làm bằng một que gỗ có gắn một dúm len ở đầu. Cô gái chấm nó vào mấy cái cốc đựng thuốc màu để vẽ. Tôi cũng lấy cây bút lông của tôi ra, và bắt đầu từ rốn Lali, tôi vẽ một cây hoa có hai cành đi lên hai bờ vú, rồi vẽ những cánh hoa màu hồng trên hai vú, còn đầu vú thì tôi bôi vàng. Trông như một bông hoa hé nở, ở giữa có nhụy vàng. Ba cô con gái kia muốn tôi vẽ cả cho họ nữa. Việc này tôi phải hỏi Zorillo. Anh ta đến và nói rằng một khi họ đã bằng lòng thì tôi muốn vẽ gì cho họ cũng được cả. Tôi đã lâm vào một tình thế thật đặc biệt.

Suốt hơn hai tiếng đồng hồ tôi phải vẽ màu lên bụng và vú của tất cả các cô Anh- điêng, khách cũng như chủ. Zoraima nhất định đòi tôi vẽ thật giống như Lali. Trong khi đó, dân làng đã quay xong mấy con cừu và nướng thịt hai con rùa đã được xẻ ra từng miếng. Thịt của nó đỏ tươi giống như thịt bò, trông rất ngon lành. Tôi được ngồi gần Zato và bố ông ta ở dưới lều. Đàn ông ăn một bên, đàn bà ăn bên kia, không kể những người bưng dọn thức ăn cho chúng tôi. Đám hội kết thúc bằng một thứ điệu vũ, khi đã khá khuya. Để đệm cho điệu vũ, một người đàn ông Anh- điêng thổi một cây sáo bằng gỗ phát ra những âm thanh cao hơi đơn điệu và đánh lên hai cái trống bằng da cừu. Có nhiều người, cả đàn ông lẫn đàn bà, say rượu, nhưng không thấy xảy ra chuyện gì khó coi. Ông thầy cũng cưỡi lừa đến dự. Ai cũng nhìn cái sẹo màu hồng đã thay thế cho cái mụn sâu quẳng mà mọi người đều biết rõ. Họ đều lấy làm ngạc nhiên khi thấy nó đã khỏi. Chỉ có Zorillo và tôi là biết rõ ngọn ngành.

Zorillo giảng giải cho tôi biết rằng thủ lĩnh của bộ lạc đến dự hội là ông bố của Zato, thường được gọi là Justo, có nghĩa là Công Bằng. Ông ta là người chuyên xử các vụ tranh chấp giữa những người thuộc các bộ lạc khác nhau trong chủng tộc Guajiros. Anh ta cũng nói cho tôi biết rằng khi có chuyện xích mích với người Iapus, một chủng tộc Anh- điêng khác, hai bên họp lại để bàn xem sẽ mở cuộc chiến tranh với nhau hay dàn xếp với nhau. Khi một người Anh- điêng bị một người thuộc chủng tộc khác giết chết, họ có thể tránh được chiến tranh bằng cách thỏa thuận với nhau là kẻ giết người bồi thường cho bộ lạc có người bị giết. Nhiều khi của bồi thường có thể lên tới hai trăm con bò, vì các vùng núi và chân núi, bộ lạc nào cũng nuôi được rất nhiều bò. Đáng tiếc là họ không bao giờ tiêm chủng bò để phòng ngừa bệnh sốt lở mồm và các bệnh dịch thường làm chết rất nhiều súc vật. Zorillo cho rằng tình hình đó cũng có mặt tốt, vì nếu không có những thứ bệnh ấy thì số súc vật sẽ quá nhiều.

Bò của người Anh- điêng không được đem bán công khai ở Colombia hay ở Venezuela, mà chỉ được đổi chác quanh quẩn trong phạm vi lãnh thổ Anh- điêng, vì người ta sợ bệnh sốt lở mồm sẽ lan vào hai xứ này. Nhưng, vẫn theo Zorillo, trong vùng núi người ta buôn lậu gia súc rất nhiều. Vị khách của bộ lạc thủ lĩnh Công Bằng nhờ Zorillo bảo tôi đến thăm ông ta trong làng của bộ lạc do ông đứng đầu. Làng này hình như có đến một trăm mái nhà. Ông ta bảo tôi cùng đến với Lali và Zoraima, ông ta sẽ cho một nếp nhà riêng, và dặn tôi đừng đem gì theo vì ở đấy tôi có đủ các thứ cần dùng, chỉ cần mang theo những dụng cụ xăm hình để xăm cho ông ta một cái đầu hổ. Ông ta tháo cái nịt gân bằng da đen thắt ở cổ tay ra tặng tôi. Theo Zorillo thì đó là một cử chỉ có ý nghĩa quan trọng cho biết rằng ông ta là bạn của tôi và trước những ý muốn của tôi ông ta sẽ không đủ sức từ chối. Ông ta hỏi tôi xem tôi có muốn có một con ngựa không, tôi trả lời là có nhưng tôi không dám nhận vì ở đây hầu như không có cỏ. Ông ta liền nói rằng Lali hay Zoraima mỗi khi cần có thể đến cắt cỏ ở một nơi chỉ cách làng tôi nửa ngày đi ngựa, ông ta chỉ rõ cách đi đến nơi ấy và nói thêm rằng ở đấy cỏ tốt và ngon. Tôi đành nhận con ngựa mà ông nói là chỉ ít nữa ông sẽ gửi đến cho tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

50#
 Tác giả| Đăng lúc 5-1-2012 20:42:38 | Chỉ xem của tác giả
Nhân dịp Zorillo ở lại đây khá lâu, tôi nói rằng tôi tin anh ta và hy vọng rằng anh ta sẽ không phản bội tôi khi tôi cho anh biết ý định đi Venezuela. Anh ta liền nói rõ cho tôi biết những mối nguy hiểm của những vùng nằm trong khoảng ba mươi cây số hai bên biên giới. Theo những tài liệu của dân buôn lậu thì phái Venezuela nguy hiểm hơn phía Colombia. Mặt khác, bản thân anh ta có thể đưa tôi đi về phía Colombia gần đến tận Santa Marta, và nói thêm rằng tôi đã từng đi qua đường này, và theo anh ta thì đi Colombia có lợi hơn. Anh ta bằng lòng giúp tôi kiếm một cuốn từ điển khác hay tốt hơn là những cuốn sách học tiếng Tây Ban Nha trong đó có những câu mẫu. Theo anh ta nếu tôi tập giả vờ nói cà lăm thật dữ thì sẽ rất có lợi vì khi nghe tôi nói người ta sẽ sốt ruột và sẽ tự nói nốt những câu dở dang mà không để ý đến cách phát âm lơ lớ của tôi. Thế là chúng tôi đã nhất trí: anh ta sẽ mua cho tôi mấy cuốn sách, một tấm bản đồ càng chi tiết càng tốt và khi cần sẽ đảm đương việc giúp tôi bán ngọc trai để lấy tiền Colombia.

Zorillo giải cho tôi hiểu rằng người Anh- điêng, bắt đầu từ ông thủ lĩnh, chỉ có thể tán thành quyết định ra đi của tôi, vì một khi tôi đã muốn thế, họ sẽ lấy làm tiếc nhưng cũng sẽ hiểu rằng tôi tìm cách trở về với đồng chủng là lẽ tự nhiên. Cái khó là Zoraima và nhất là Lali. Cả hai người, nhất là Lali, đều rất có thể bắn chết tôi. Mặt khác, Zorillo cũng cho tôi biết một điều mà tôi không ngờ: Zoraima đã có thai. Trước đó tôi không để ý, cho nên nghe nói như vậy tôi rất kinh ngạc. Hội hè đã kết thúc, khách khứa đã ra về, cái lều da bò đã được tháo gỡ, mọi việc trở lại như cũ, ít nhất là bề ngoài. Tôi đã nhận được con ngựa của thủ lĩnh Justo tặng, một con tuấn mã màu xám có đốm trắng, đuôi dài sát đất, bờm màu xám bạch kim rất đẹp. Lali và Zoraima chẳng bằng lòng chút nào, và ông thầy mo có cho gọi tôi đến để nói cho tôi biết rằng Lali và Zoraima có hỏi ông ta xem thử nếu họ cho con ngựa ăn thủy tinh đâm vụn cho nó chết đi thì họ có bị sao không. Ông thầy mo đã trả lời hai cô là không được làm như thế vì tôi được một ông thần Anh- điêng nào đó che chở cho nên nếu hai cô bỏ thủy tinh vụn vào thức ăn của ngựa thì chỗ thủy tinh đó tức khắc sẽ chui vào bụng hai cô.

Ông ta nói thêm rằng theo ông không có gì đáng sợ về phía họ nữa, nhưng điều đó cũng không chắc hoàn toàn. Tôi phải coi chừng. Còn về phần tôi thì sao? Không sao cả, ông ta nói thế. Nếu hai cô thấy tôi sửa soạn ra đi thật, quá lắm họ cũng chỉ có thể giết tôi bằng một phát súng, nhất là Lali. Liệu tôi có thể tìm cách thuyết phục họ để họ cho tôi đi, hứa rằng tôi nhất định sẽ trở lại không? Tối kỵ, không bao giờ được để cho họ thấy rằng tôi muốn ra đi.ông thầy mo đã nói được cho tôi hiểu tất cả những điều: đó đúng hôm ấy ông ta cho gọi cả Zorillo đến làm thông ngôn. Tình hình rất nghiêm trọng cho nên phải đề phòng hết cách, Zorillo kết luận như vậy. Tôi về nhà. Zorillo cũng về bằng một con đường khác - (khi đến đây, anh ta cũng đã giữ ý đi một con đường khác hẳn con đường của tôi). Trong làng không có ai biết là Zorillo lên chỗ ông thầy mo cùng một lúc với tôi. Đã sáu tháng trôi qua, và tôi rất nóng lòng muốn ra đi.

Có một hôm đi đâu về, tôi bắt gặp Lali và Zoraima lom khom trên tấm bản đồ. Hai cô đang cố đoán xem những hình vẽ ngoằn ngoèo trên tờ giấy kia là cái gì. Hai cô ngại nhất là cái hình có những mũi tên chỉ ra bốn phương trời. Rốt cục họ chẳng hiểu gì nhưng vẫn đoán rằng tờ giấy này có một cái gì rất hệ trọng đối với cuộc đời của vợ chồng chúng tôi. Bụng Zoraima đã bắt đầu to lên khá rõ. Lali hơi ghen và bắt tôi phải làm tình vào bất cứ giờ nào không kể ngày hay đêm, hễ có nơi thuận tiện một chút là được. Zoraima cũng đòi làm tình, nhưng may thay, chỉ ban đêm thôi. Tôi đã đến thăm thủ lĩnh Công Bằng, ông của Zato. Cả Lali và Zoraima cũng cùng đi với tôi. Rất may là hôm trước tôi đã giữ lại hình vẽ đầu hổ, cho nên bây giờ tôi có thể dùng nó để đồ lên ngực ông thủ lĩnh. Trong sáu ngày việc xăm hình đã xong, vì lớp vảy đầu đã tróc rất nhanh sau khi ông ta rửa ngực bằng nước có bỏ chút vôi sống. Justo hài lòng đến nỗi mỗi ngày ông soi gương đến mấy lần.

Trong khi tôi còn ở đấy thì Zorillo đến. Với sự đồng ý của tôi, anh ta nói chuyện với thủ lĩnh về dự định của tôi, vì tôi muốn ông đổi cho tôi con ngựa. Ngựa của người Guajiros màu xám có đốm trắng không hề có ở Colombia, nhưng ông thủ lĩnh có ba con ngựa hồng, vốn là ngựa xứ Colombia. Biết được ý định của tôi, ông ta cho người đi bắt ngựa ngay. Tôi chọn một con có vẻ đằm tính nhất, ông ta liền ra lệnh đóng yên, lắp bàn đạp và một cái hàm thiếc, vì ngựa của họ không có yên, và hàm thiết chỉ là một khúc xương. Sau khi đã trang bị tôi theo kiểu Colombia, thủ lĩnh đặt vào tay tôi sợi dây cương bằng da nâu, rồi trước mặt tôi ông ta đếm cho Zorillo ba mươi chín đồng tiền vàng mỗi đồng ăn một trăm pesos. Zorillo có nhiệm vụ giữ số tiền này để trao lại cho tôi khi tôi ra đi.

Ông ta muốn tặng tôi khẩu các-bin Winchester tự động của ông ta, nhưng tôi từ chối. Vả lại Zorillo cũng đã nói rằng tôi không thể mang vũ khí vào Colombia được. Lúc bấy giờ thủ lĩnh Công Bằng đưa cho tôi hai mũi tên dài bằng ngón tay bọc trong một cái túi da nhỏ. Zorillo nói cho tôi biết rằng những mũi tên này đã được tẩm một thứ thuốc độc rất mạnh và rất quý. Zorillo chưa bao giờ thấy mà cũng chưa bao giờ có những mũi tên tẩm thuốc độc. Anh ta có nhiệm vụ giữ mấy mũi tên này cho đến khi tôi lên đường. Tôi không biết làm thế nào để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với lòng tốt tuyệt vời của thủ lĩnh Công Bằng.

Ông ta nói tôi qua Zorillo rằng ông ta biết được ít nhiều về cuộc đời tôi và tôi nghĩ rằng cái phần mà ông ta chưa biết chắc phải phong phú lắm, vì dưới mắt ông tôi là một con người hoàn hảo; ông ta nói lại rằng đây là lần đầu tiên trong đời ông được biết rõ về một người da trắng, trước kia ông coi tất cả những người da trắng như là những kẻ thù, nhưng từ nay ông sẽ quý mến họ và tìm cách biết thêm một người nữa giống như tôi. Ông nói:
   - Anh hãy nghĩ cho kỹ trước khi lên đường đi đến một vùng đất có nhiều kẻ thù của anh và rời bỏ vùng đất này, nơi mà anh chỉ có những người bạn.
Ông ta lại nói rằng Zato và bản thân ông sẽ trông nom Lali và Zoraima, rằng đứa con của Zoraima bao giờ cũng sẽ có được một vị trí vinh hiển trong bộ lạc (nếu nó sẽ là con trai, dĩ nhiên). Ông nói tiếp:
   - Tôi thì tôi chẳng muốn anh ra đi. Nếu anh ở lại, tôi sẽ cho anh cô gái xinh đẹp mà anh đã gặp trong ngày hội. Đó là một đứa con gái tốt, và nó cũng yêu anh. Nếu vậy anh có thể ở lại đây với tôi. Anh sẽ có một ngôi nhà lớn và muốn có bao nhiêu bò cũng được.

Tôi từ giã con người tuyệt vời đó và trở về làng. Suốt dọc đường, Lali không nói một câu nào. Cô ngồi sau lưng tôi, trên con ngựa hồng. Cái yên cà vào đùi làm cho cô đau, nhưng cô vẫn không hé răng. Zoraima chung ngựa với một người Anh- điêng. Zorillo trở về làng anh ta bằng một con đường khác. Ban đêm trời hơi lạnh. Tôi mặc cho Lali chiếc áo vét bằng da cừu mà thủ lĩnh Công Bằng mới cho tôi. Cô cứ để mặc, không nói lấy một lời, không biểu lộ một cảm xúc gì. Người cô im như pho tượng. Cô cứ để cho tôi mặc áo vào người, chỉ thế thôi. Ngựa chạy có xóc nhiều, cô cũng không ôm lưng tôi để ngồi cho vững. Về đến làng, trong khi tôi ghé chào Zato, cô dắt ngựa về trước, buộc dây cương vào cột nhà, ném một bó cỏ trước mặt nó, không tháo yên, không tháo hàm thiết. Tôi ngồi với Zato đến một tiếng đồng hồ rồi về nhà.

Khi nào buồn, người Anh- điêng, nhất là phụ nữ, có một gương mặt trầm ngâm, kín như bưng, không một thớ thịt nào cử động, đôi mắt chìm đắm trong nỗi buồn nhưng lại không bao giờ khóc. Họ có thể rên rỉ, nhưng họ không khóc. Đang nằm, tôi trở mình vô tình chạm phải bụng Zoraima lần nữa. Cái võng này mắc rất thấp. Tôi nằm xuống thì cảm thấy có ai chạm vào nó. Tôi giả vờ ngủ. Lali ngồi trên một súc gỗ và im lặng nhìn tôi không nhúc nhích. Một lát sau tôi lại cảm thấy sự có mặt của Zoraima: cô có thói quen bóp nát mấy bông hoa cam rồi xát lên người, cho nên da cô có một mùi thơm rất riêng biệt. Những bông hoa ấy cô thường mua từng túi nhỏ của một người đàn bà Anh- điêng thỉnh thoảng vẫn ghé vào làng. Khi tôi thức dậy hai cô vẫn ngồi ở đấy, im lìm bất động.

Mặt trời đã lên, lúc ấy vào khoảng tám giờ. Tôi dẫn hai người ra bãi biển và nằm xuống lớp cát khô. Lali và Zoraima đều ngồi cạnh tôi. Tôi vuốt lên đôi vú và lên bụng Zoraima, nhưng cô vẫn lạnh như băng. Tôi kéo Lali nằm xuống và hôn cô, nhưng cô mím chặt môi lại. Người chèo thuyền đã đến đợi Lali. Chỉ nhìn gương mặt của cô thôi, anh ta cũng hiểu ngay và lảng đi nơi khác. Tôi thành thật xót xa nhưng tôi chẳng biết làm cách nào, chỉ biết ôm ấp vuốt ve họ để cho họ thấy rõ tôi yêu họ. Họ vẫn chẳng nói không rằng. Chỉ nghĩ đến cuộc sống của họ sau khi tôi ra đi, tôi cũng đã thấy rối bời cả ruột gan trước nỗi đau lớn lao của họ. Lali muốn làm tình ngay cho bằng được. Cô hiến thân cho tôi một cách hầu như tuyệt vọng. Vì nguyên do gì? Nguyên do chỉ có thể có một: cố sao có thai với tôi.

Sáng hôm ấy, lần đấu tiên tôi trông thấy một cử chỉ ghen tuông của Lali đối với Zoraima. Lúc bấy giờ tôi đang vuốt ve cái bụng và đôi vú của Zoraima còn cô thì cắn nhè nhẹ vào dái tai tôi. Chúng tôi đang nằm trên bãi biển ở một nơi kín gió trên cát mịn. Lali đi tới, cầm lấy cánh tay em, rồi vuốt lên cái bụng hơi phồng lên của cô em, rồi lại vuốt lên cái bụng phẳng và trơn của mình. Zoraima lập tức đứng dậy nhường chỗ cho chị bên cạnh tôi, vẻ như muốn nói: chị có lý. Hai cô ngày nào cũng làm hết món này đến món nọ cho tôi ăn, nhưng hai cô thì chả ăn gì hết. Đã ba ngày rồi họ không ăn gì. Tôi thắng ngựa và suýt phạm một sai lầm nghiêm trọng, sai lầm đầu tiên kể từ hơn năm tháng nay: tôi định đến thăm ông thầy mo mà không chờ được phép. Giữa đường tôi sực nhớ ra, nên không dám vào thẳng mà chỉ đi qua đi lại cách lều ông ta khoảng hai trăm mét. Ông ta đã trông thấy tôi và ra hiệu gọi tôi đến.

Tôi tìm cách làm cho ông ta hiểu rằng Lali và Zoraima không chịu ăn nữa. Ông ta cho tôi một cái hạt gì giống như hạt dẻ, dặn tôi bỏ vào chum nước ngọt trong nhà. Tôi về nhà và bỏ cái hột vào cái chum lớn. Hai cô đã uống nước nhiều lần mà tôi vẫn chẳng thấy họ ăn gì cả. Lali không đi vớt trai nữa. Hôm nay, sau bốn ngày nhịn đói hoàn toàn, cô đã làm một việc thật là điên rồ: cô đã bơi ra biển cách bờ gần hai trăm mét và đem ba mươi con sò về cho tôi ăn. Nỗi tuyệt vọng câm lặng của họ làm cho tôi hoang mang đến nỗi tôi cũng không ăn được nữa. Tình trạng này đã kéo dài được sáu ngày. Lali phải nằm, người cô hâm hấp sốt. Trong sáu ngày trời cô chỉ mút nước vài quả chanh, ngoài ra chẳng có gì nữa. Zoraima ăn môi ngày một lần vào giữa trưa. Tôi không còn biết làm thế nào nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách