Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lịch Sử] Ngày Dài Nhất | Cornelius Ryan (hoàn)

[Lấy địa chỉ]
61#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 07:49:26 | Chỉ xem của tác giả
Dọc theo bãi Omaha, những cửa khoang đổ bộ hạ xuống dường như là tín hiệu cho một đợt hỏa lực súng máy mới tập trung hơn, và một lần nữa nơi ác liệt nhất là Dog Green và Fox Green. Tàu của Sư đoàn 29 tiến vào Dog Green dừng lại trên những cồn cát. Cửa khoang hạ xuống và binh lính lao xuống nước sâu 1 đến 2m. Họ chỉ có một ý nghĩ duy nhất trong đầu – lội lên bờ, vượt qua bãi cát dài 180m đầy những vật chướng ngại, trèo lên bờ đá và ẩn nấp sau những chỗ trú ẩn không chắc chắn của bức tường biển. Nhưng bị đè nặng bởi trang thiết bị, không thể chạy nhanh ở chỗ nước sâu và không có gì che chắn, họ bị kẹp giữa những làn đạn súng máy và súng bộ binh bắn chéo cánh sẻ.

Những binh sĩ say sóng, đã kiệt sức sau hàng giờ trên tàu vận tải và tàu xung kích, giờ đây phải đấu tranh để sinh tồn dưới mặt nước ngập quá đầu. Binh nhì David Silva thấy những người đứng trước bị đốn gục khi họ rời tàu. Đến lượt mình, anh nhảy xuống chỗ nước sâu tới thắt lưng và, bị kéo xuống bởi đống trang bị, nhìn như bị mê hoặc khi đạn réo khắp nơi xung quanh. Trong vòng vài giây, đạn súng máy đã làm thủng lỗ chỗ chiếc ba lô, bộ quân phục và chiếc bi đông của anh. Silva cảm thấy mình giống như “một con bồ câu rơi vào bẫy”. Anh nghĩ đã trông thấy tên Đức đang nã súng máy vào mình, nhưng không thể bắn trả. Khẩu súng trường của anh đã bị tắc bởi cát. Silva lội vào, quyết định hướng tới bờ cát phía trước. Rốt cục anh cũng lôi mình được lên bãi cát và lao tới bức tường biển, hoàn toàn không biết là mình đã bị 2 vết thương – một ở lưng và một ở chân phải.

Những người lính ngã xuống dọc theo mép nước. Một số bị giết ngay lập tức, những người khác kêu gào thảm thiết trong khi sóng chậm chạp nhấn chìm họ. Trong số những người chết có Đại úy Sherman Burroughs. Đại úy Charles Cawthon bạn anh thấy cái xác bị xô đẩy tới lui trên bãi biển.

Cawthon tự hỏi Burroughs đã kịp diễn lại "The Shooting of Dan McGrew" cho đồng đội xem trên đường vào như dự định chưa. Và khi Đại úy Carroll Smith đi qua, anh không thể giúp gì ngoài việc nghĩ rằng Burroughs “sẽ không phải chịu đựng chứng đau nửa đầu triền miên nữa”. Burroughs đã bị bắn vào đầu.

Chỉ trong vài phút của cuộc tàn sát ở Dog Green cả 1 đại đội đã bị loại khỏi vòng chiến. Không đầy 1 phần 3 quân số sống sót sau hành trình đẫm máu từ tàu lên bờ. Các sĩ quan bị chết, bị thương nặng hoặc mất tích, và những người lính, bị sốc và không có vũ khí, túm tụm lại dưới chân đồi cả ngày hôm đó. Một đại đội khác trong khu vực còn chịu thương vong nặng hơn. Đại đội C Tiểu đoàn Biệt kích 2 đã được giao nhiệm vụ tiêu diệt các điểm phòng thủ của địch ở Pointe de la Percee, gần phía tây Vierville. Những người lính biệt kích lên bờ từ 2 chiếc tàu xung kích trong đợt đổ bộ đầu tiên vào Dog Green. Họ đã bị tiêu hao nặng. Chiếc tàu đi đầu bị pháo bắn chìm gần như tức thì và 12 người hy sinh tại chỗ. Khi chiếc tàu thứ hai hạ cửa khoang đổ bộ, súng máy trút vào những binh sĩ đang lao lên, giết và làm bị thương 15 người. Số còn lại chạy tới chỗ vách đá. Hết người này đến người khác ngã xuống. Binh nhất Nelson Noyes, bị đè xuống bởi sức nặng của khẩu bazooka đã chạy được 90m trước khi anh buộc phải dán mình xuống đất. Vài giây sau anh bật dậy và chạy tiếp. Khi tới bờ đá anh bị súng máy bắn vào chân. Khi nằm đó Noyes nhìn thấy 2 lính Đức vừa bắn đang nhìn xuống từ trên đỉnh. Chống khuỷu tay ngồi dậy, anh mở khóa khẩu Tommy và bắn hạ cả 2 tên. Vào lúc Đại úy Ralph E. Goranson đại đội trưởng tới được chân vách đá, anh chỉ còn lại 35 trong số 70 lính biệt kích. Khi trời tối, con số này sẽ rút xuống còn 12.



Quân Mỹ đổ bộ lên bãi Omaha.

Tai họa liên tiếp giáng xuống những người ở bãi Omaha. Giờ đây binh sĩ nhận ra họ đã đổ bộ lên nhầm chỗ. Một số ở cách gần 3km so với vị trí được quy định. Tàu của Sư đoàn 29 thấy mình ở lẫn với lính của Sư đoàn 1. Ví dụ, các đơn vị dự kiến đổ bộ lên Easy Green và đánh mở đường tới lối ra ở Les Moulins phát hiện ra họ đang ở đầu phía đông bãi biển, nơi địa ngục Fox Green. Gần như toàn bộ các tàu đổ bộ lệch về phía đông so với kế hoạch. Một tàu chỉ dẫn bị trôi dạt khỏi vị trí, một luồng nước mạnh chảy từ tây sang đông bãi biển, sương mù và khói bụi do cỏ cháy che khuất các điểm mốc – tất cả điều đó dẫn tới việc đổ bộ sai. Các đại đội đã được huấn luyện để đánh chiếm những mục tiêu cụ thể không bao giờ tới gần được nó. Các toán nhỏ thấy mình bị ghìm đầu bởi hỏa lực quân Đức và cô lập trong địa hình xa lạ, và thường là không có sĩ quan chỉ huy hay thông tin.

Các lính công binh phá hoại đặc biệt của Lục quân – Hải quân có nhiệm vụ mở đường qua bãi chướng ngại không chỉ bị phân tán mà còn bị chậm mất những phút quyết định. Những người lính thất vọng này bắt tay vào việc ở bất cứ chỗ nào họ đứng chân. Nhưng họ chiến đấu một trận thất bại. Trong vài phút có được trước khi các đợt quân tiếp theo đổ bộ, công binh chỉ mở được 5 đường rưỡi thay vì 16 như dự tính.

Những toán phá hoại đang hành động khẩn trương và liều lĩnh liên tục gặp phải trở ngại – lính bộ binh lội xung quanh họ, ẩn nấp sau những chướng ngại vật mà họ phải cho nổ tung và tàu đổ bộ gần như lao đến ngay trên đầu. Hạ sĩ Barton A. Davis ở Tiểu đoàn Công binh 299 thấy một tàu hướng về phía mình. Chiếc tàu chở đầy lính Sư đoàn 1 tiến thẳng qua bãi vật cản. Một tiếng nổ dữ dội và con tàu tan tành. Đối với Davis dường như tất cả những người bên trong đều bị hất tung lên trời cùng một lúc. Xác người và những mảnh thi thể vung vãi quanh con tàu đang cháy. “Tôi thấy những người lính, nhỏ như những chấm đen, đang cố bơi qua đám dầu tràn trên mặt nước và trong khi chúng tôi đang không biết phải làm gì thì một thi thể không đầu rơi uỵch từ hơn 15m trên không xuống với một tiếng động khủng khiếp”. Davis không thấy làm cách nào người ta có thể sống sót sau vụ nổ ấy, nhưng có 2 người đã thoát chết. Họ được kéo lên khỏi mặt nước, bị bỏng nặng nhưng vẫn sống.

Nhưng cảnh tượng Davis chứng kiến còn thua cả thảm họa đã xảy ra với những người lính dũng cảm của chính đơn vị anh, Lực lượng đặc biệt Công binh Lục quân – Hải quân. Những chiếc tàu chở chất nổ đã bị pháo kích, nằm cháy rừng rực bên mép nước. Lính công binh cùng những thuyền cao su chất đầy thuốc nổ dẻo và kíp nổ tan xác khi chúng bị trúng đạn. Quân Đức quan sát thấy lính công binh làm việc giữa những chướng ngại vật dường như đã chú ý đặc biệt đến họ. Khi họ gắn những khối chất nổ, các tay bắn tỉa ngắm bắn chính xác vào những trái mìn trên chướng ngại vật. Ở chỗ khác chúng đợi cho lính công binh chuẩn bị xong việc làm nổ tung những khung thép và vật chướng ngại hình tứ diện. Rồi chính quân Đức sẽ thực hiện điều đó bằng hỏa lực súng cối trước khi họ kịp thoát khỏi khu vực. Đến cuối ngày, số thương vong sẽ là gần 50 phần trăm. Hạ sĩ Davis cũng nằm trong số đó. Khi trời tối anh sẽ ở trên một tàu bệnh viện, quay trở lại Anh với cái chân bị thương.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

62#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 07:50:32 | Chỉ xem của tác giả
Đó là 7:00 sáng. Đợt đổ bộ thứ hai đã tới nơi đang diễn ra cảnh tàn sát là bãi biển Omaha. Người ta lội vào bờ dưới làn hỏa lực không ngớt của địch. Các tàu đổ bộ tiếp tục đóng góp thêm vào nghĩa địa những xác tàu tan nát, bốc cháy. Mỗi đợt tàu lại làm dậy lên những cơn sóng, và dọc theo bãi biển hình trăng lưỡi liềm xác lính Mỹ lại khẽ va chạm vào nhau trong nước.  

Phủ đầy bãi biển là những vật dụng trôi dạt. Trang bị nặng và đồ hậu cần, hòm đạn, điện đài vỡ nát, điện thoại dã chiến, mặt nạ phòng độc, xẻng cá nhân, bi đông, mũ sắt và áo phao rải rác khắp nơi. Những cuộn lớn dây kim loại, thừng, đồ hộp, máy dò mìn và vô số vũ khí, từ những khẩu súng trường đã gẫy đến khẩu bazooka móp méo nằm trên bãi cát. Xác tàu nằm nghiêng trên mặt nước. Xe tăng cháy tuôn lên trời những đụn khói đen. Xe ủi nằm lật giữa những chướng ngại vật. Ở Easy Red, trôi giữa đống vật dụng chiến tranh vô dụng đó, người ta thấy cả một cây đàn ghi ta.

Thương binh rải rác trên cát như những hòn đảo nhỏ. Những binh sĩ đi ngang qua để ý thấy rằng có những người có thể ngồi thẳng như thể họ được miễn trừ với súng đạn. Họ là những người trầm lặng, dường như thờ ơ với cảnh tượng và âm thanh xung quanh. Hạ sĩ nhất Alfred Eigenberg, y tá phối thuộc cho Lữ đoàn Công binh đặc biệt số 6 nhớ lại rằng “một sự lịch thiệp khủng khiếp giữa những người bị thương nặng”. Trong những phút đầu tiên trên bãi biển, Eigenberg thấy có quá nhiều người bị thương đến mức anh không biết “bắt đầu từ đâu và với ai”. Ở Dog Red anh đi ngang qua một người lính trẻ đang ngồi với cái chân “mở toang từ đầu gối lên đến xương chậu một cách gọn gàng giống như vừa được mổ”. Vết thương sâu đến mức Eigenberg có thể nhìn thấy rõ động mạch đùi đang đập. Người lính bị sốc nặng. Anh ta nói với Eigenberg một cách điềm tĩnh: “Tôi đã uống hết chỗ thuốc sulfa và đổ hết bột sulfa vào chỗ vết thương. Tôi sẽ ổn, phải không?”. Người y tá 19 tuổi Eigenberg không biết nên nói gì. Anh tiêm cho người lính một liều morphine và nói, “Tất nhiên rồi, cậu sẽ ổn thôi”. Sau đó khép hai bên miệng vết rách đã bị cắt ngọt lại với nhau, Eigenberg làm điều duy nhất có thể nghĩ tới – anh cẩn thận băng kín vết thương bằng kim băng.

Những người lính của đợt đổ bộ thứ ba tràn xuống bãi biển hỗn loạn, rối ren và chết chóc – và bị chặn lại. Mấy phút sau đợt thứ tư tới – và bị chặn lại. Binh sĩ nằm sát bên nhau trên bãi cát, bờ đá. Họ bò tới sau những vật cản, họ ẩn nấp giữa những xác chết. Bị ghìm đầu bởi hỏa lực mà họ tưởng là đã bị vô hiệu hóa, lúng túng do đổ bộ nhầm vị trí, hoang mang vì không thấy những hố bom mà họ hy vọng sẽ có từ Không quân, và choáng váng bởi cảnh tàn phá chết chóc xung quanh, họ tê liệt trên bãi biển. Họ dường như chết cứng. Bị choáng ngợp bởi tất cả, một số tin rằng cuộc đổ bộ đã thất bại. Hạ sĩ kỹ thuật William McClintock ở Tiểu đoàn Xe tăng 741 đi ngang qua một người lính đang ngồi bên mép nước, không để ý tới đạn súng máy đang trút xuống khắp khu vực. Anh ta ngồi đó “ném những viên sỏi xuống nước và nhẹ nhàng khóc như thể trái tim đã bị tan vỡ”.

Cơn choáng váng sẽ không kéo dài. Thậm chí ngay lúc này rải rác đã có những người nhận ra ở lại trên bãi biển là cầm chắc cái chết, đã đứng lên và di chuyển.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

63#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 07:52:15 | Chỉ xem của tác giả
Cách đó 16km ở bãi Utah, binh sĩ Sư đoàn 4 đang lội vào bờ và tiến vào đất liền một cách nhanh chóng. Đợt tàu xung kích thứ ba đang tới và hầu như vẫn không có cản trở nào. Vài quả đạn pháo nổ trên bãi biển, rải rác mấy loạt súng máy và súng trường lốp đốp, nhưng không có cảnh chiến đấu ác liệt mà những người lính căng thẳng và lo lắng của Sư đoàn 4 đã hình dung. Đối với nhiều người cuộc đổ bộ hầu như chỉ là hình thức. Binh nhất Donald N. Jones đi trong đợt hai cảm thấy đây “chỉ là một buổi diễn tập khác”. Những người khác nghĩ cuộc tấn công thật đơn giản, hàng tháng trời tập luyện ở Slapton Sands, Anh còn khó khăn hơn. Binh nhất Ray Mann cảm thấy hơi “mất hứng” một chút vì “hóa ra cuối cùng cuộc đổ bộ chẳng phải một thử thách lớn gì”. Ngay cả những chướng ngại vật cũng không tệ như họ đã lo ngại. Vài khối bê tông hình nón hoặc chóp và cọc thép rải rác trên bãi biển. Một số ít được gài mìn và tất cả đều nằm lộ liễu,dễ dàng cho công binh gỡ bỏ. Các đội phá hoại đã vào việc. Họ đã dùng thuốc nổ mở ra một tuyến đường dài 150m xuyên qua các tuyến phòng thủ và phá thủng bức tường biển, và trong vòng 1 giờ có thể dọn sạch bãi biển.


Quân Mỹ đổ bộ lên bãi Utah.

Những chiếc xe tăng lội nước dàn hàng trên bãi biển với lớp bọc bằng bạt buông rủ – đây là một trong những lí do quan trọng khiến cuộc tấn công thành công như vậy. Lên bờ cùng với đợt đầu tiên, chúng đã hỗ trợ bộ binh một cách ầm ĩ khi họ tiến vào. Xe tăng cùng những cuộc bắn phá trước đó có vẻ đã phá hủy và vô hiệu hóa các vị trí quân Đức. Dù vậy, cuộc tấn công vẫn không tránh khỏi cảnh khổ sở và chết chóc. Gần như ngay khi tới bờ, Binh nhất Rudolph Mozgo thấy người đầu tiên chết. Một chiếc xe tăng đã dính một phát đạn bắn thẳng và Rudolph thấy “một thành viên tổ lái nằm nhô nửa người ra khỏi tháp pháo”. Thiếu úy Herbert Taylor Lữ đoàn Công binh đặc biệt số 1 chết lặng bởi cảnh “một người bị mảnh pháo chém văng đầu chỉ cách đó có 20m”. Và Binh nhất Edward Wolfe đi ngang qua một lính Mỹ “ngồi trên bãi biển, lưng dựa vào cọc như thể đang ngủ”. Người lính trông tự nhiên và yên bình đến mức Wolfe “bị thôi thúc bởi việc bước tới và lay anh ta dậy”.

Chuẩn tướng Theodore Roosevelt nặng nhọc bước đi trên bãi cát, thỉnh thoảng lại xoa bóp bả vai bị viêm khớp. Vị sĩ quan 57 tuổi – viên tướng duy nhất đổ bộ cùng với đợt đầu tiên – đã khăng khăng đòi nhận nhiệm vụ này. Bản yêu cầu đầu tiên bị bác bỏ, nhưng Roosevelt nhanh chóng đáp lại bằng một cái khác. Trong bức thư tay ngắn gửi cho Sư đoàn trưởng 4, Thiếu tướng Raymond O. Barton, Roosevelt lí giải rằng việc ông có mặt sẽ khiến “các chàng trai vững tâm khi thấy tôi đi cùng với họ”. Barton miễn cưỡng chấp thuận, nhưng quyết định này làm ông day dứt. “Khi chào tạm biệt Ted ở Anh”, ông nhớ lại, “Tôi không bao giờ hy vọng sẽ gặp lại ông ấy”. Roosevelt quả quyết đang rất khỏe. Hạ sĩ Harry Brown thuộc Trung đoàn Bộ binh 8 thấy ông “tay cầm gậy, tay cầm bản đồ đi đi lại lại như đang xem xét một khu đất xây dựng”. Có những viên đạn cối nổ trên bãi biển làm tung lên trời những đám đất. Chúng dường như làm Roosevelt khó chịu, ông đang muốn mau chóng được tống khứ.

Khi đợt tàu thứ ba đổ quân và binh sĩ đang lội vào bờ, bất ngờ pháo 88mm của quân Đức bắn, đạn nổ giữa họ. Một tá người gục xuống. Một giây sau, một hình bóng đơn độc hiện ra từ đám khói. Khuôn mặt anh ta đen kịt, mũ sắt và quân trang đều đã biến mất. Anh ta bước đi trên bãi biển trong trạng thái hoàn toàn sốc, mắt mở trừng trừng. Hét gọi cứu thương, Roosevelt lao tới người lính. Ông vòng tay đỡ lấy anh ta. “Con trai”, ông nói, “ta nghĩ chúng ta sẽ đưa cậu trở lại tàu”.

Lúc này mới chỉ có Roosevelt và vài sĩ quan của ông biết rằng cuộc đổ bộ Utah đã diễn ra nhầm chỗ. Đó là một sai sót may mắn, những khẩu đội pháo hạng nặng có thể sẽ tàn sát binh sĩ nằm dọc khu vực đổ bộ dự kiến lúc trước vẫn còn hoạt động được. Có vài nguyên nhân cho sự nhầm lẫn này. Lúng túng bởi màn khói do các cuộc pháo kích bốc bên che mất các mốc chuẩn, bị cuốn vào luồng nước xiết chảy dọc bờ biển, một tàu điều hành đã dẫn đợt đầu tiên đổ bộ cách mục tiêu hơn 1,5km về phía nam. Thay vì đổ quân lên bãi biển đối diện lối ra số 3 và 4 – hai trong số năm con đường sống còn mà Sư đoàn Đổ bộ đường không 101 đang tiến đánh – đầu cầu đã chệch đi gần 1.800m và lúc này đối diện lối ra số 2. Trớ trêu thay, vào chính lúc đó Trung tá Robert G. Cole và một nhóm hỗn hợp 70 lính từ Sư đoàn 101 và 82 vừa mới tới được đầu phía tây của lối ra 3. Họ là những lính dù đầu tiên đến được một đường dẫn. Cole và đồng đội bố trí ẩn nấp trong khu đầm lầy và chờ đợi Sư đoàn 4 đến vào bất cứ lúc nào.

Trên bãi biển gần lối ra số 2, Roosevelt sắp đưa ra một quyết định quan trọng. Mỗi phút kể từ lúc này các đợt quân và xe cộ sẽ nối nhau đổ bộ - 30.000 người và 3.500 xe cơ giới. Roosevelt phải quyết định sẽ cho các đợt tiếp theo đổ quân vào khu tập kết mới tương đối yên tĩnh với chỉ một lối ra này, hay điều chỉnh lại các đơn vị xung kích cùng với trang bị tới mục tiêu cũ với 2 lối ra. Nếu lối ra duy nhất không thể khai thông và giữ vững, cả khối khổng lồ quân và xe cộ sẽ bị mắc kẹt trên bãi biển. Viên tướng hội ý với các chỉ huy tiểu đoàn. Quyết định đã được đưa ra. Thay vì chiến đấu với các mục tiêu như trong kế hoạch nằm ngay sau bãi biển dự kiến lúc đầu, Sư đoàn 4 sẽ tiến vào đất liền bằng lối ra duy nhất, tiêu diệt các vị trí Đức bất cứ nơi nào và khi nào họ gặp. Lúc này mọi việc phụ thuộc vào chuyện phải tiến quân nhanh nhất có thể trước khi đối phương kịp định thần lại. Sức kháng cự của địch yếu và binh sĩ Sư đoàn 4 đang rời bãi biển nhanh chóng. Roosevelt quay sang Đại tá Eugene Caffey ở Lữ đoàn Công binh đặc biệt 1. “Tôi sẽ đi tiếp”, ông bảo Caffey, “Anh báo lại cho Hải quân. Chúng ta sẽ bắt đầu cuộc chiến từ chỗ này”.



Chuẩn tướng Theodore Roosevelt, Jr - Sư đoàn phó Sư đoàn bộ binh số 4 Mỹ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

64#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 07:55:07 | Chỉ xem của tác giả
Ngoài khơi Utah, những khẩu pháo của USS Corry đã đỏ nòng. Chúng đang bắn nhanh đến mức các thủy thủ đứng trên tháp pháo phải dùng vòi tưới nước lên. Gần như ngay từ lúc Thiếu tá George Hoffmann cơ động chiếc khu trục hạm vào vị trí và thả neo, những khẩu pháo của Corry đã trút đạn vào đất liền với tốc độ 8 viên đạn 127mm mỗi phút. Một trận địa pháo Đức sẽ không bao giờ làm phiền ai được nữa, Corry đã phá tan nó bằng 110 phát đạn chính xác. Quân Đức bắn trả lại ác liệt. Corry là chiếc khu trục hạm duy nhất mà các trinh sát địch có thể nhìn thấy. Máy bay thả khói được bố trí để bảo vệ các tàu thuộc nhóm “yểm trợ gần ven bờ”, nhưng chiếc của Corry đã bị bắn rơi. Riêng một trận địa pháo trên đồi nhìn xuống bãi biển phía trên Utah – ánh lửa đầu nòng cho thấy nó nằm gần làng St-Marcouf dường như tập trung hết sức mạnh vào chiếc khu trục hạm lộ liễu. Hoffmann quyết định lùi lại trước khi quá muộn. Điện đài viên cấp 3 Bennie Glisson nhớ lại, “Chúng tôi xoay lại, và quay đuôi tàu trước mặt chúng như một cô gái già trước mặt gã lính thủy đánh bộ”.


Khu trục hạm USS Corry của Hải quân Mỹ.

Nhưng Corry đang ở chỗ nước nông với những dải đá ngầm sắc nhọn như dao. Thuyền trưởng không thể cho tàu chạy cho tới khi thấy rõ. Trong vài phút anh buộc phải chơi trò mèo vờn chuột đầy căng thẳng với các pháo thủ Đức. Cố gắng phán đoán các loạt bắn của chúng, Hoffman cho Corry cơ động ngoắt ngoéo. Anh cho tiến lên, giật lùi, quay sang trái, rồi sang mạn phải, dừng lại, rồi lại tiến. Trong khi đó pháo trên tàu bắn trả. Gần đó, khu trục hạm USS Fitch thấy tình thế khó khăn của Corry cũng bắt đầu bắn vào trận địa pháo St-Marcouf. Nhưng các tay súng thiện xạ của Đức không hề ngừng lại. Gần như bị bao vây bởi đạn pháo, Hoffmann cho Corry tiến từng tí một ra. Cuối cùng, hài lòng vì đã thoát khỏi bãi đá ngầm, anh ra lệnh, “Bánh lái sang phải! Tiến hết tốc lực!” và Corry lao vút về phía trước. Hoffman nhìn lại phía sau. Đạn pháo lao vun vút theo sát họ, làm tung lên những đụn nước lớn. Hoffman thở phào, anh đã thành công. Chính vào lúc đó may mắn của anh đã hết. Lướt đi trên mặt nước với tốc độ hơn 28 hải lý/giờ, Corry đâm vào một quả thủy lôi.

Đó là một tiếng nổ xé dữ dội đến mức dường như chiếc khu trục hạm bị ném khỏi mặt nước sang một bên. Chấn động quá lớn khiến Hoffmann choáng váng. Đối với anh có vẻ là “con tàu đã bị nâng lên bởi một trận động đất”. Trong khoang điện đài, Bennie Glisson đang nhìn qua cửa sổ bỗng nhiên thấy mình bị “ném vào một cái máy trộn bê tông”. Bị trượt mạnh chân, anh bị ném lên trần nhà, rồi rơi xuống và bị vỡ đầu gối.

Quả thủy lôi gần như đã cắt Corry thành hai nửa. Chạy từ bên này sang bên kia boong tàu là một vết nứt rộng hơn 0,3m. Mũi và đuôi tàu sụp về phía trước, chỉ còn sàn tàu là giữ chiếc khu trục hạm dính liền với nhau. Buồng đốt và khoang động cơ đã ngập nước. Hầu như không có ai ở khoang nồi hơi số 2 sống sót – họ bị thiêu cháy gần như ngay lập tức khi nồi hơi phát nổ. Bánh lái bị kẹt. Không có điện, nhưng bằng cách nào đó Corry đang chết đau đớn trong lửa và khói vẫn tiếp tục lướt đi như điên dại trên mặt nước. Hoffmann đột nhiên bắt đầu nhận ra là vài khẩu pháo vẫn bắn – không có điện, các pháo thủ nạp đạn và bắn bằng tay.

Cái khối thép méo mó đã từng là tàu Corry chạy tiếp được hơn 900m trước khi dừng hẳn. Các khẩu đội pháo Đức đưa được nó vào vòng ngắm. “Bỏ tàu!”, Hoffmann ra lệnh. Chỉ trong vài phút ít nhất 9 phát đạn bắn trúng tàu. Một phát làm nổ tung kho đạn pháo 40mm. Một phát khác kích hoạt bộ phận tạo khói ở đuôi tàu, suýt làm các thủy thủ chết ngạt khi họ tranh nhau xuống xuồng và bè.

Boong tàu đã ngập dưới 0,6m nước khi Hoffmann nhìn lại con tàu lần cuối, nhảy xuống và bơi tới một chiếc bè. Sau lưng anh tàu Corry chìm xuống đáy, cột ăng ten và một phần boong vẫn nhô lên trên sóng – đây là thiệt hại lớn duy nhất của Hải quân Mỹ trong D-Day. Trong số 294 thủy thủ của Hoffmann, 13 đã chết hoặc mất tích và 33 bị thương, tổn thất nặng hơn cả trong cuộc đổ bộ lên bãi Utah tính đến lúc đó.



USS Corry bị đánh chìm trong D-Day.

Hoffmann nghĩ mình là người cuối cùng rời tàu. Nhưng không phải. Không người nào biết đó là ai, nhưng khi các xuồng và bè được kéo đi, thủy thủ trên những tàu khác thấy một người trèo lên mũi tàu Corry. Anh ta tháo lá cờ hiệu đã bị bắn rơi, bơi và trèo lên thân tàu tới cột ăng ten chính. Từ tàu USS Butler, Thuyền trưởng Dick Scrimshaw chứng kiến trong sự kinh ngạc và kính phục cảnh người thủy thủ bình tĩnh buộc và kéo lá cờ lên cột ăng ten chính trong khi đạn pháo vẫn rơi xung quanh. Sau đó anh bơi đi. Phía trên cái xác tàu Corry, Scrimshaw thấy lá cờ treo ủ rũ trong một giây. Rồi nó tung bay trong gió.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

65#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 07:56:27 | Chỉ xem của tác giả
Các ống rocket phóng dây thừng khai hỏa nhằm vào vách đá cao 30m Pointe du Hoc. Giữa bãi Utah và Omaha, cuộc tấn công đường biển thứ ba của quân Mỹ đang bắt đầu. Súng bộ binh vãi đạn xung quanh 3 đại đội biệt kích của Trung tá James E. Rudder khi họ mở màn cuộc đột kích nhằm khóa họng trận địa pháo hạng nặng mà tình báo cho rằng có thể đe dọa cả hai bãi biển của quân Mỹ. Chín tàu LCA chở theo 225 binh sĩ Tiểu đoàn Biệt kích 2 cụm lại dọc theo dải bờ biển bên dưới phần nhô ra của vách đá. Nó giúp bảo vệ khỏi súng máy và lựu đạn mà quân Đức đang ném xuống – nhưng không nhiều. Ngoài khơi, khu trục hạm Talybont của Anh và Satterlee của Mỹ rót hết phát này tới phát khác lên đỉnh.

Lính biệt kích dưới quyền Rudder dự kiến sẽ tới được chân vách đá vào H-Hour. Nhưng chiếc tàu đi đầu đã đi lạc và dẫn cả đoàn thẳng tới Pointe de la Percee, cách đó 4,8km về phía đông. Rudder đã nhận ra sự nhầm lẫn, nhưng khi anh cho tàu quay lại thì thời gian quý giá đã mất. Sự chậm trễ này sẽ lấy đi của anh 500 quân tiếp viện – phần còn lại của Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 5 của Trung tá Max Schneider. Theo kế hoạch, Rudder bắn pháo hiệu ngay khi người của anh tới được vách đá để báo cho các đơn vị biệt kích khác đang đợi ngoài khơi vài km cùng tiến vào. Nếu đến 7:00 sáng mà không có tín hiệu, Trung tá Schneider sẽ coi như cuộc tấn công Pointe du Hoc đã thất bại và sẽ đổ bộ lên bãi Omaha cách đó 6,5km. Từ đó, đi sau Sư đoàn 29, đơn vị biệt kích sẽ tạt về phía tây và tiến tới vách đá để chiếm trận địa pháo từ phía sau. Lúc này đã là 7:10 sáng. Do không nhận được tín hiệu nào nên Schneider đã chuyển sang bãi Omaha. Rudder cùng 225 lính biệt kích của anh phải tự lực chiến đấu.

Đó là một cảnh tượng dữ dội, ghê gớm. Rocket liên tiếp gầm lên, phóng đi những sợi thừng và thang dây với móc ở đầu. Đạn pháo và liên thanh 40mm cày xới đỉnh vách đá, làm tung những đám bụi đất lớn xuống đầu lính biệt kích. Người ta chạy tản ra dọc theo dải bờ biển hẹp, lồi lõm đầy những thang, dây thừng và rocket cầm tay. Đây đó nhấp nhô trên đỉnh, lính Đức ném lựu đạn chày hoặc bắn tiểu liên Schmeisser. Bằng cách nào đó, lính biệt kích lao từ chỗ nấp này sang chỗ khác, lấy các trang bị từ tàu ra và bắn – tất cả cùng một lúc. Và phía ngoài, 2 xe lội nước DUKW gắn những chiếc thang gấp dài mượn từ Lữ đoàn Cứu hỏa London đang cố gắng vào gần. Từ trên đỉnh thang lính biệt kích nã đạn với súng trường tự động Browning và tiểu liên Tommy.

Cuộc tấn công rất quyết liệt. Vài người không đợi có dây. Khoác chéo súng qua vai, họ dùng dao khoét bậc và bắt đầu bám vào vách đá cao bằng tòa nhà 9 tầng như một bầy ruồi. Vài móc đã mắc ở bên trên và binh sĩ đu dây leo lên. Rồi có những tiếng kêu gào khủng khiếp khi quân Đức cắt dây và lính biệt kích rơi nhào xuống. Dây của Binh nhất Harry Robert bị cắt hai lần. Đến lần thứ ba rốt cục anh cũng tới được một hốc đá nằm ngay phía dưới đỉnh. Hạ sĩ Bill “L-Rod” Petty cố gắng leo từng bước lên bằng một sợi dây thừng, mặc dù anh là một chuyên gia leo núi nhưng sợi dây quá ướt và dính bùn nên anh không thể làm được. Rồi Petty thử leo thang được 10m thì bị trượt xuống khi nó bị cắt. Anh tiếp tục thử lại. Hạ sĩ Herman Stein trèo trên một chiếc thang khác đã suýt bị hất khỏi vách đá khi anh lỡ tay giật nút bơm áo phao. Anh “vật lộn vô tận” với chiếc áo phao nhưng đằng trước và sau anh đều có người. Bằng cách nào đó Stein tiếp tục trèo lên.

Lúc này những người lính tranh nhau những sợi dây thừng vặn xoắn và buông xuống từ trên đỉnh như một bầy rắn. Đột nhiên Hạ sĩ Petty, đang trèo lên lần thứ ba bỗng thấy tối tăm mặt mũi bởi đất cát bắn tứ tung xung quanh. Quân Đức đang nhô ra xả súng máy vào họ. Lính Đức chống trả quyết liệt, bất chấp đạn bắn như mưa từ những lính biệt kích trên thang cứu hỏa và từ các khu trục hạm ngoài khơi. Petty thấy người bên cạnh bám chặt vào sợi dây đang quăng quật. Stein cũng thấy. Và Binh nhất Carl Bombardier 20 tuổi cũng vậy. Trong khi họ chứng kiến một cách hãi hùng, anh ta trượt tay và rơi xuống, nảy tung lên sau khi đập vào những mỏm đá nhô ra, và dường như đối với Petty “anh ta vẫn còn sống trước khi rơi xuống bãi biển”. Petty đông cứng lại trên sợi dây. Anh không thể khiến đôi tay của mình hoạt động tiếp. Anh nhớ lại là đã tự nói với bản thân “Chỉ là quá khó trèo”. Nhưng một lần nữa những khẩu súng máy Đức phát hiện ra anh. Ngay khi chúng vãi đạn ngay sát người, Petty “hoàn hồn một cách nhanh chóng”. Anh liều lĩnh lôi mình lên nốt mấy mét cuối cùng.



Biệt kích Mỹ ở Point du Hoc.

Ở khắp nơi binh sĩ nhao lên đỉnh vách đá và nhảy xuống những hố đạn pháo. Đối với Hạ sĩ Regis McCloskey, người đã thành công trong việc đưa con tàu chở đạn chìm đến một nửa vào bờ thì Pointe du Hoc là một cảnh tượng vô cùng kì lạ. Mặt đất chi chít những hố bom, hố pháo do cuộc oanh tạc của hải quân và không quân trước H-Hour khiến cho nó trông giống “những miệng núi lửa trên mặt trăng”. Lúc này có một sự im lặng ma quái khi họ trèo lên và lao xuống ẩn nấp giữa những hố pháo. Súng đã ngừng bắn trong một khoảnh khắc, không thấy lính Đức nào, và khắp nơi binh sĩ nhìn những miệng hố rộng toác kéo dài vào trong đất liền – một chiến trường tàn bạo, khủng khiếp.  

Trung tá Rudder đã thiết lập xong sở chỉ huy đầu tiên trong một hốc đá trên đỉnh. Từ đây sĩ quan thông tin của anh, Trung úy James Eikner phát đi tín hiệu “Đội ơn Chúa”. Nó có nghĩa “Tất cả đã ở trên đỉnh”. Nhưng điều đó không hoàn toàn là sự thật. Dưới chân vách đá người sĩ quan quân y, một bác sĩ nhi khoa tự học đang trông nom những người chết và hấp hối trên bãi biển – có lẽ khoảng 25 người. Mỗi phút, đội biệt kích tiên phong lại bị tiêu hao. Đến cuối ngày sẽ chỉ còn lại 90 trên tổng số 225 người đủ sức cầm vũ khí. Tệ hơn, họ đã nỗ lực một cách anh hùng và vô ích để tiêu diệt những khẩu pháo không có ở đây. Thông tin mà Jean Marion, chỉ huy lực lượng kháng chiến Pháp đã cố gắng gửi cho London là chính xác. Những công sự đổ nát trên đỉnh Pointe du Hoc trống trơn – pháo chưa bao giờ được bố trí. *

* Khoảng 2 giờ sau một toán biệt kích tuần tiễu phát hiện 5 khẩu pháo bị bỏ lại trong một vị trí được ngụy trang nằm sâu phía trong hơn 1,5km. Hàng chồng đạn pháo xếp xung quanh mỗi khẩu và đã sẵn sàng để bắn, nhưng lính biệt kích không thấy dấu hiệu nào cho thấy chúng đã được sử dụng. Có thể phỏng đoán rằng đây là những khẩu pháo dành cho trận địa Pointe du Hoc – TG.

Ngồi trong một hố bom, Hạ sĩ Petty và nhóm 4 tay súng BAR của anh kiệt sức sau khi leo lên đỉnh. Một màn bụi mỏng bốc lên từ mặt đất bị cày xới và mùi thuốc súng nồng nặc. Petty nhìn xung quanh như người mơ ngủ. Trên miệng hố anh thấy hai chú chim sẻ đang ăn sâu. “Nhìn này”, Petty nói, “chúng đang dùng bữa sáng”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

66#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 08:03:26 | Chỉ xem của tác giả
Bây giờ, trong buổi sáng vĩ đại và phi thường này, màn cuối cùng của cuộc đổ bộ đường biển bắt đầu. Dọc theo nửa phía đông của khu đổ bộ Normandy, Tập đoàn quân 2 Anh dưới quyền Trung tướng M. C. Dempsey đang tiến vào bờ, với sự dứt khoát và hoan hỉ, với sự tráng lệ và kiểu cách, với tất cả sự lãnh đạm mà người Anh thường tỏ ra trong những giờ phút xúc động. Họ đã chờ ngày này suốt 4 năm. Họ đang tấn công không chỉ các bãi biển mà còn cả những kí ức chua xót – những kí ức về Munich và Dunkirk, về những cuộc rút lui nhục nhã và đáng ghét nối tiếp nhau, về vô số những cuộc không kích tàn phá, về những ngày đen tối khi họ đứng đơn độc. Cùng với họ là người Canada với đủ lí do riêng của mình để thanh toán những mất mát to lớn ở Dieppe. Và cùng với họ có cả người Pháp, mãnh liệt và hăm hở cho chuyến trở về.


Trung tướng (sau này là Đại tướng) Miles Christopher Dempsey - Tư lệnh Tập đoàn quân 2 Anh.

Có một không khí hân hoan đến kì lạ. Trong khi binh lính đang tiến vào bờ, loa trên một tàu cứu hộ phát vang “Roll Out the Barrel”. Một tàu phóng rocket ngoài khơi bãi Sword phát đi giai điệu “We Don’t Know Where We’re Going”. Lính Canada ở bãi Juno nghe thấy những tiếng kèn cọt kẹt ầm ĩ. Vài người thậm chí còn hát. Lính thủy đánh bộ Denis Lovell nhớ lại rằng “các chàng trai đứng thẳng, hát vang tất cả những bài hát quen thuộc của Lục quân và Hải quân”. Và những lính đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc nhiệm số 1 của Lord Lovat, chải chuốt và chỉnh tề trong những chiếc bêrê xanh lá cây (họ từ chối đội mũ sắt) thì đang vào trận trong tiếng nỉ non kì quặc của kèn túi. Khi tàu đổ bộ của họ đi ngang qua kỳ hạm của Đô đốc Vian, chiếc HMS Scylla, những người lính đặc công giơ ngón tay cái lên chào. Nhìn xuống họ, Binh nhì thủy thủ 18 tuổi Ronald Northwood nghĩ rằng đó là “những tay khá nhất mà tôi từng gặp”.

Nhiều người tỏ vẻ thờ ơi với những chướng ngại vật và ngay cả với làn đạn địch đang réo xung quanh. Trên một chiếc LCT, Điện báo viên John Webber chứng kiến một đại úy Thủy quân lục chiến Hoàng gia xem xét đám vật cản được gài mìn dày đặc trên bờ biển, rồi nhắc đi nhắc lại với thuyền trưởng, “Nói rồi đấy, bạn già, anh phải đưa bằng được quân của tôi lên bờ, đồng đội tốt đấy”. Trên một tàu đổ bộ khác, một thiếu tá Sư đoàn 50 trầm ngâm nhìn những quả mìn Teller tròn hiện rõ mồn một trên những chướng ngại vật và bảo người lái tàu, “Vì Chúa, đừng có đụng vào đám dừa khốn kiếp ấy, không là chúng ta sẽ được du lịch xuống âm phủ miễn phí!”. Một tàu chở Tiểu đoàn Đặc công 48 Thủy quân lục chiến Hoàng gia bị bắn dữ dội ngoài khơi bãi Juno và binh sĩ chúi xuống nấp dưới thành tàu. Đại úy Daniel Flunder, sĩ quan quản trị không làm thế. Anh kẹp cây gậy bóng bẩy dưới nách và bình thản đi qua đi lại trên boong. Sau này anh giải thích, “Tôi nghĩ đó là việc nên làm” (trong khi làm như vậy, một viên đạn đã xuyên thủng chiếc cặp đựng bản đồ của anh). Và trên một tàu đổ bộ đang tiến vào bãi Sword, Thiếu tá C. K. “Bagger” King đang đọc Henry V, đúng như anh đã hứa. Trong tiếng ồn của động cơ diesel, tiếng rít và tiếng súng nổ, King đọc to vào chiếc loa pin, “Và những quý ngài đang nằm trên giường ở Anh sẽ thấy mình đáng bị nguyền rủa vì không có mặt ở đây…”

Vài người gần như không thể đợi cuộc chiến đấu thêm nữa. Hai hạ sĩ người Ireland, James Percival “Paddy” de Lacy, người đã nâng cốc De Valera để “giữ chúng ta tránh khỏi cuộc chiến” vài giờ trước và người đồng đội Paddy McQuaid đứng ở mũi chiếc LST - được lên dây cót bởi rượu rum ngon của Hải quân - đang nghiêm trang quan sát những người lính. “De Lacy”, McQuaid nói, nhìn chằm chằm vào những người Anh xung quanh, “cậu có nghĩ là vài tay trong số họ hơi trẻ con không?”. Khi bờ biển đã gần kề, De Lacy gọi, “Được rồi, nào! Ta đi thôi! Tiến lên!”. Chiếc LST dừng lại. Trong khi binh sĩ đang lao ra, McQuaid hét lên với bờ biển mờ trong khói đạn, “Ra đây đi lũ chó, ra đây mà chiến với bọn tao!”. Rồi anh biến mất dưới nước. Một thoáng sau, anh ngoi lên và thở phì phì. “Ôi, lũ ma quỷ!”, McQuaid gầm lên, “Cố làm mình chết chìm trước khi đặt chân lên bờ!”.

Ngoài khơi bãi Sword, Binh nhì Hubert Victor Baxter ở Sư đoàn 3 Anh nổ máy chiếc xe bọc thép Bren Gun Carrier và chui ra từ chiếc tàu sắt, lao xuống nước. Ngồi lộ liễu trên chiếc ghế cao là đối thủ khó chịu nhất của anh, Hạ sĩ “Dinger” Bell, người mà Baxter đã đối đầu suốt nhiều tháng qua. Bell hét lên, “Baxter, ra khỏi chỗ đó mà nhìn đường cho rõ!”. Baxter quát trả, “Không cần! Tôi nhìn được!”. Trong khi họ đang tiến vào bờ, viên hạ sĩ bị kích động bởi thời khắc sôi động này, đã dùng đến chính thứ gây ra mối bất đồng. Anh ta đấm liên tiếp lên chiếc mũ sắt của Baxter và gào lên, “Đi tiếp đi! Đi tiếp đi!”.



Quân Anh đổ bộ lên bãi Sword.

Khi lính đặc công đổ bộ lên bãi Sword, người thổi kèn của Lord Lovat, William Millin lao khỏi tàu xuống chỗ nước sâu đến nách. Anh có thể thấy khói bốc lên từ bờ biển phía trước và nghe thấy tiếng nổ dữ dội của đạn cối. Trong khi Millin lội vào bờ, Lovat hét lên với anh, “Chơi bài “Highland Laddie” đi, anh bạn!”. Ngập đến thắt lưng trong nước, Millin đưa chiếc kèn lên môi và giữa những con sóng vỗ, nó réo rắt một cách quái dị. Tới mép nước, bất chấp đạn vẫn bắn, anh ta dừng lại và diễu đi tới lui dọc bờ biển, thổi kèn thúc đặc công tiến vào. Những người lính vượt lên anh, và trộn lẫn với tiếng rít của đạn và tiếng nổ của pháo là tiếng kèn kêu te te hoang dại khi Millin chơi bài “The Road to the Isles”. “Đúng cái ta cần đấy, anh bạn”, một lính đặc công kêu lên. Một người khác nói, “Cúi thấp xuống, cái thằng điên này”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

67#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 08:04:27 | Chỉ xem của tác giả
Dọc theo bãi Sword, Juno và Gold – gần 32km, từ Ouistreham gần cửa sông Orne tới làng Le Hamel ở phía tây – quân Anh tiến vào bờ. Bờ biển chật cứng những tàu đổ bộ đang thả quân và gần như ở mọi nơi dọc khu vực đổ bộ những con sóng cao và vật cản ngầm còn gây ra nhiều khó khăn hơn quân địch.

Tốp đi đầu là những người nhái – 120 chuyên gia phá hoại dưới nước có nhiệm vụ mở ra những cửa mở rộng 30m giữa những chướng ngại vật. Họ chỉ có 20 phút để hoàn thành trước khi đợt đổ bộ đầu tiên tràn tới. Những vật cản này rất đáng ngại - ở đây chúng được bố trí dày hơn bất cứ chỗ nào trong khu vực Normandy. Hạ sĩ Thủy quân lục chiến Hoàng gia Peter Henry Jones gặp phải một rừng những cọc, rào và gai thép cùng những khối bê tông. Trên tuyến phải mở, Joness đếm được 12 chướng ngại vật chính, vài cái dài đến 4m. Khi một người nhái khác, Đại úy Hải quân Hoàng gia John B. Taylor nhìn thấy lớp phòng thủ dưới nước quái dị xung quanh mình, anh hét lên với người chỉ huy rằng “việc này không thể làm được”. Nhưng anh không bỏ cuộc. Dưới làn đạn, Taylor, cũng như những người khác vào việc một cách bài bản. Họ cho nổ tung từng chướng ngại vật vì chúng quá lớn để có thể phá hủy cùng một lúc. Trong khi họ vẫn đang tiến hành, những chiếc xe tăng lội nước đã tiến vào, theo sau gần như tức thì là đợt quân đổ bộ thứ nhất. Những người nhái bị xô đẩy trong làn nước, chứng kiến những tàu đổ bộ, nghiêng ngả vì sóng dữ đâm sầm vào đám vật cản. Mìn nổ, cọc thép đâm thủng vỏ tàu và khắp dọc bãi biển những chiếc tàu bắt đầu loạng quạng. Bờ biển trở thành bãi xác khi những chiếc tàu gần như lao đè lên nhau. Điện báo viên Webber nhớ rằng đã nghĩ “cuộc đổ bộ là một tấn bi kịch”. Khi tàu của anh tiến vào, Webber chứng kiến “một chiếc LCT mắc cạn và nổ tung, ném những khối thép khổng lồ lên bờ, những chiếc xe tăng và xe ủi bốc cháy”. Và khi một chiếc LCT ngang qua họ hướng ra biển, Webber kinh hoàng khi thấy “boong tàu chìm trong một ngọn lửa khủng khiếp”.

Ở bãi Juno, khi người nhái Jones đang cùng lính Công binh Hoàng gia cố gắng dọn sạch vật cản, anh thấy một chiếc LCI tiến vào, trên đó binh sĩ đứng sẵn sàng đổ bộ. Một cơn sóng lớn đột ngột làm chiếc tàu bị xoay đi, bị nâng lên và đâm vào một dãy chóp thép có gài mìn. Jones chứng kiến con tàu tan xác trong một tiếng nổ dữ dội. Nó khiến anh nghĩ đến một “bộ phim hoạt hình với hiệu ứng chậm – những người lính đang đứng thẳng bị ném lên trời giống như được thổi lên bởi một cột nước… trên đỉnh cột nước xác người và mảnh thi thể tung tóe tựa như những giọt nước”.

Tàu nối tiếp nhau va vào các chướng ngại vật. Trong số 16 tàu đổ bộ chở Tiểu đoàn Đặc công 47 Thủy quân lục chiến Hoàng gia thì 4 bị phá hủy, 11 bị hỏng hay mắc cạn và chỉ có 1 chiếc quay về được tàu mẹ. Hạ sĩ Donald Gardner của Tiểu đoàn 47 cùng đồng đội lao xuống nước cách bờ khoảng 50m. Họ mất hết trang bị và phải bơi dưới làn đạn súng máy. Trong khi vật lộn với dòng nước, Gardner nghe thấy ai đó nói, “Có lẽ chúng ta là khách không mời mà đến, đây có vẻ là một bãi biển riêng tư”. Tiểu đoàn Đặc công 48 Thủy quân lục chiến Hoàng gia ở bãi Juno thì không chỉ vướng phải vật cản mà còn phải chịu hỏa lực súng cối dày đặc. Trung úy Micheal Aldworth và khoảng 40 người phải cúi rạp xuống ở mũi chiếc LCI trong khi đạn nổ xung quanh họ. Aldworth nhô lên quan sát và thấy binh sĩ ở đuôi tàu đang chạy dọc boong. Người của anh kêu lên, “Bao giờ thì ta mới thoát khỏi đây?”. Aldworth đáp lại, “Chờ một phút, các cậu. Chưa đến lượt chúng ta”. Một khoảnh khắc và rồi ai đó lại hỏi thêm, “Rồi, chỉ là anh nghĩ sau bao lâu nữa, bạn già? Cái khoang chết tiệt này đầy nước rồi”.



Tàu đổ bộ của quân Canada tiến về bãi Juno.

Binh sĩ từ chiếc LCI bị chìm nhanh chóng được những tàu khác vớt. Xung quanh có vô số tàu, Aldworth nhớ lại, nó “giống như chặn một chiếc taxi trên phố Bond”. Một số được đưa lên bờ an toàn, số khác được đưa tới một chiếc khu trục hạm của Canada, nhưng 50 lính đặc công phát hiện mình đang trên một chiếc LCT đã đổ bộ hết số xe tăng chở theo và đang quay thẳng về Anh. Bất cứ điều gì mà những người lính đang tức điên này nói hay làm cũng không thể thuyết phục được thuyền trưởng chuyển hướng. Một sĩ quan, Thiếu tá de Stackpoole đã bị thương ở đùi, nhưng khi biết điểm đến của con tàu, anh gào lên, “Thật vô lý! Các anh điên cả rồi!”. Sau đó anh lao xuống biển và bơi vào bờ.

Đối với phần lớn, những vật chướng ngại tỏ ra là phần khó khăn nhất của cuộc tấn công. Trong khi vượt qua chúng, binh sĩ thấy những vị trí địch dọc theo 3 bãi biển trước mặt – khá cứng ở vài nơi, yếu và thậm chí không có gì ở những chỗ khác. Ở khu phía tây của bãi Gold, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Hampshire gần như bị tàn sát khi họ lội trong nước sâu 1 đến 1,8m. Vừa phải cùng nhau vật lộn với dòng nước mạnh, họ vừa phải chịu hỏa lực súng cối hạng nặng và những luồng đạn súng máy bắn ra từ làng Le Hamel - một cứ điểm mạnh do Sư đoàn 352 Đức dày dạn chiếm đóng. Những người lính nối nhau gục xuống. Binh nhì Charles Wilson nghe thấy một giọng nói đột ngột, “Các cậu, tớ dính rồi!”. Quay lại, Wilson thấy người đó, khuôn mặt vẫn lộ vẻ ngạc nhiên, ngã xuống mà không nói thêm một lời nào. Wilson tiếp tục đi. Trước đây anh đã từng đi trong nước và bị súng máy nhắm bắn như vậy – chỉ trừ một điều là lúc đó ở Dunkirk anh đi theo hướng khác. Binh nhì George cũng chứng kiến đồng đội hy sinh xung quanh. Anh tiến lại một chiếc xe bọc thép Bren Gun Carrier đứng im trong làn nước sâu 1m, máy vẫn nổ và người lái xe “đông cứng lại bên vô lăng, quá sợ hãi để lái xe”. Stunell đẩy anh ta sang bên và lái xe lên bờ, trong khi đạn vẫn bắn xung quanh. Stunell đang phấn khởi vì làm được điều đó. Đột nhiên anh ngã nhào xuống đất, viên đạn bắn trúng hộp thuốc lá anh để trong túi áo gây ra chấn động khủng khiếp. Vài phút sau Stunell nhận thấy máu chảy từ vết thương ở lưng và sườn. Đạn đã đã đi xuyên qua người anh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

68#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 08:05:47 | Chỉ xem của tác giả
Tiểu đoàn 1 Hampshires phải mất gần 8 tiếng để đè bẹp sự kháng cự ở Le Hamel, và đến cuối D-Day số thương vong của họ lên đến gần 200. Thật kì lạ, quân đổ bộ lên khu phía đông gặp rất ít cản trở ngoại trừ những chướng ngại vật. Họ cũng có tổn thất nhưng ít hơn dự kiến. Ở bên trái Tiểu đoàn 1 Hampshires, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Dorset đã rời bãi biển trong 40 phút. Kế bên họ, các tiểu đoàn của Trung đoàn Green Howards ** đổ bộ dũng mãnh và quyết đoán đến mức họ tiến vào đất liền và chiếm mục tiêu đầu tiên trong không đầy 1 giờ. Thượng sĩ nhất Stanley Hollis, người đã diệt 90 tên Đức cho đến lúc này, lội vào bờ và một mình đánh chiếm một lô cốt. Hollis có thần kinh thép đã dùng lựu đạn và khẩu Sten diệt 2 và bắt sống 20 lính Đức trong khởi đầu của cái ngày sẽ chứng kiến anh hạ thêm 10 tên nữa.

** Các tiểu đoàn bộ binh Anh (cũng như Canada) được xây dựng từ những trung đoàn có lịch sử từ thế kỷ XVII – XIX. Khác với trong quân đội Mỹ hay Đức thời điểm đó, khái niệm “trung đoàn” của quân đội Anh lúc này mang ý nghĩa nêu cao truyền thống đơn vị chứ không có vai trò gì trong chỉ huy. Trên thực tế các tiểu đoàn này được biên chế trong các lữ đoàn bộ binh trực thuộc sư đoàn. Ví dụ: Lữ đoàn Bộ binh 231 Sư đoàn Bộ binh 50 Anh gồm Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Hampshire, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Dorset và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn Devonshire – chiangshan.

Bãi biển bên phải Le Hamel yên tĩnh đến mức làm cho nhiều người thất vọng. Y tá Geoffrey Leach chứng kiến người và xe cộ đổ vào bờ và thấy ở đây không có việc gì “cho một y tá làm ngoại trừ giúp mang vác đạn dược”. Với Lính thủy đánh bộ Denis Lovell, cuộc đổ bộ giống như “một cuộc tập trận ở nhà”. Đơn vị của anh, Tiểu đoàn Đặc công 47 Thủy quân lục chiến Hoàng gia nhanh chóng phát triển, bỏ qua mọi ổ đề kháng của địch, tiến về phía tây và hành quân suốt 11km để hội quân với quân Mỹ gần Port-en-Bessin. Họ trông đợi sẽ gặp những lính Mỹ đầu tiên vào khoảng trưa.

Nhưng điều đó sẽ không xảy ra – không giống như quân Mỹ ở bãi Omaha vẫn đang bị Sư đoàn 352 Đức dày dạn ghìm đầu, ở đây Sư đoàn 716 Đức yếu ớt và mệt mỏi với những “lính tình nguyện” cưỡng bức người Nga và Ba Lan không phải đối thủ của quân Anh và Canada. Ngoài ra, người Anh còn tận dụng hết khả năng của những xe tăng lội nước và một loạt các xe bọc thép tựa như bộ sưu tập của Rube Goldberg **. Một số giống như những chiếc xe tăng “trùy xích”, quật những sợi xích xuống phía trước mũi xe để kích nổ mìn. Các xe bọc thép khác chở theo những chiếc cầu nhỏ hoặc những cuộn thảm bằng thép khi trải ra sẽ tạo thành đường dã chiến khi gặp đất mềm. Một nhóm thậm chí còn mang theo những bó lớn cây gỗ để kê khi cần vượt tường hoặc lấp hào chống tăng. Những sáng chế đó cùng với cuộc bắn phá kéo dài lên các bãi biển của quân Anh đã giúp những người tấn công có được sự bảo vệ đặc biệt.

** Rube Goldberg: họa sĩ phim hoạt hình người Mỹ, đã thiết kế những cơ cấu máy móc thực hiện những nhiệm vụ đơn giản thông qua phản ứng dây chuyền – chiangshan.



Xe tăng của quân Anh trên bãi Gold.

Dù vậy vẫn có một số điểm kháng cự mạnh. Trên một nửa bãi Juno, Sư đoàn 3 Canada phải chiến đấu trên những tuyến chiến hào và lô cốt, những ngôi nhà được biến thành ổ phòng ngự và trên từng đường phố của thị trấn Courseulles trước khi chọc thủng chúng và tiến vào đất liền. Nhưng mọi sự chống trả sẽ bị quét sạch trong 2 tiếng. Ở nhiều nơi chúng được thực hiện với sự khẩn trương và nhanh gọn. Binh nhì thủy thủ Edward Ashworth của một tàu LCT đổ quân và xe tăng lên bãi biển Courseulles thấy lính Canada giải 6 tù binh Đức ra phía sau cồn cát cách đó một quãng. Ashworth nghĩ đây là cơ hội để kiếm một chiếc mũ sắt Đức làm kỉ niệm. Anh chạy tới và thấy 6 lính Đức “tất cả đều nằm co quắp” sau cồn cát. Ashworth lật một cái xác lên, vẫn định lấy chiếc mũ. Nhưng anh thấy “cổ họng của anh ta bị cắt – tất cả đều bị cắt cổ”, Ashworth “quay đi, buồn nôn khủng khiếp. Tôi không lấy chiếc mũ sắt”.

Hạ sĩ Paddy de Lacy cũng ở khu vực Courseulles đã bắt sống 12 lính Đức gần như hăm hở chui ra khỏi hào, tay giơ cao. De Lacy đứng nhìn trừng trừng vào chúng, anh đã mất người anh trai ở Bắc Phi. Rồi De Lacy nói với người lính cạnh đó, “Nhìn lũ thượng đẳng này đi, nhìn chúng đi. Đây, đưa chúng đi cho khuất mắt tôi”. Anh quay bước để kiếm cho mình một tách trà nhằm xoa dịu cơn giận dữ. Khi De Lacy đang đun một ca nước trên hộp Sterno **, một sĩ quan trẻ măng “vẫn còn lông tơ trên mặt” tiến lại và nói nghiêm khắc, “Này nhìn đây, hạ sĩ, không có thời gian để pha trà đâu”. De Lacy nhìn lên, và lịch sự như một quân nhân Lục quân 21 tuổi phải tỏ ra, anh trả lời, “Thưa sếp, chúng tôi không đùa giỡn với binh sĩ, đây là cuộc chiến thực sự. Sao sếp không quay lại sau 5 phút nữa và uống một tách trà ngon”. Viên sĩ quan đã nghe theo.

** Sterno: Chất đốt được làm từ cồn biến tính và làm đông, được thiết kế để đốt trực tiếp từ hộp đựng – chiangshan.

Mặc dù giao tranh vẫn đang diễn ra ở Courseulles, quân, pháo, tăng, xe cộ và đồ hậu cần vẫn được đổ lên bãi biển. Quá trình di chuyển được tiến hành trôi chảy và hiệu quả. Sĩ quan chỉ huy bãi biển, Đại tá Colin Maud không cho phép sự la cà nào trên bãi Juno. Phần lớn mọi người, giống như Trung úy John Beynon đều có một chút sửng sốt trước viên sĩ quan cao râu rậm với dáng vẻ oai vệ và giọng nói vang vang chào đón mỗi người với cùng một lời chào, “Tôi là chủ tịch ủy ban tiếp đón và của bữa tiệc này, đi tiếp đi”. Hầu như không ai dám cãi lại với người chỉ huy bãi Juno; Beynon nhớ lại rằng ông ta một tay cầm dùi cui, một tay giữ dây buộc con chó Alsatian vẻ ngoài dữ tợn. Hiệu quả là tất cả những gì ông hy vọng. Phóng viên INS Josseph Willicombe đã đổ bộ cùng với lính Canada trong đợt đầu tiên, quả quyết rằng anh sẽ được phép gửi một thông điệp 25 từ qua chiếc điện đài 2 chiều của người chỉ huy bãi biển tới tàu chỉ huy để chuyển về Mỹ. Có vẻ không ai dám quấy rầy Maud.

Lạnh lùng nhìn thẳng vào Willicombe, ông ta càu nhàu, “Bạn thân mến, ở đây đang có chiến tranh”. Willicombe phải thừa nhận là viên sĩ quan này đúng. * Chỉ cách đó có vài mét, trên bãi cỏ khô là thi thể xơ xác của 15 lính Canada đã vấp mìn khi tiến vào bờ.

* Những phóng viên ở bãi Juno không có cách nào để liên lạc cho tới khi Ronald Clark của hãng United Press lên bờ với 2 lồng đựng bồ câu. Các phóng viên nhanh chóng viết bài vắn tắt, đặt chúng trong ống nhựa buộc vào chân bồ câu và thả chúng đi. Không may, những con bồ câu phải mang quá nặng nên phần lớn đã rơi xuống đất. Tuy nhiên, vài con lại lượn tròn vài vòng và sau đó bay thẳng về phía quân Đức. Charles Lynch của Reuter đứng trên bãi biển, vung nắm đấm về phía chúng và hét lên, “Phản bội! Lũ phản bội khốn kiếp”. Bốn chú bồ câu, theo lời Willicombe, “tỏ ra trung thành”. Thực tế chúng đã về tới Bộ Thông tin ở London trong có vài giờ – TG.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

69#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 08:07:41 | Chỉ xem của tác giả
Dọc theo bãi Juno, quân Canada đang chịu thương vong. Trong số 3 bãi biển của Anh, đây là nơi đẫm máu nhất. Biển động đã trì hoãn cuộc đổ bộ. Những dải đá ngầm nhọn hoắt ở khu phía đông và các chướng ngại vật đã gây tổn thất lớn cho các tàu đổ bộ. Tệ hơn nữa, oanh tạc của hải quân và không quân đã thất bại trong việc tiêu diệt các hệ thống phòng thủ hoặc đã bỏ qua chúng, và ở vài nơi binh sĩ phải tiến vào bờ mà không có xe tăng hỗ trợ. Đối diện thị trấn Bernieeres và St-Aubin-sur-Mer, Lữ đoàn 8 Canada và Tiểu đoàn Đặc công 48 Thủy quân lục chiến đổ bộ dưới làn đạn dày đặc của địch. Một đại đội đã mất gần nửa số quân trong cuộc chạy đua lên bãi biển. Hỏa lực pháo binh ở St-Aubin-sur-Mer bắn tập trung đến mức đã khiến cho một sự việc đặc biệt khủng khiếp xảy ra trên bãi biển. Một xe tăng đóng kín nắp chạy như điên trên bãi biển để tránh pháo đã cán lên những xác chết và cả những người đang hấp hối. Đại úy Daniel Flunder của đơn vị đặc công nấp sau những cồn cát nhìn lại đã thấy chuyện xảy ra và bất chấp đạn pháo, anh chạy trở lại và hét lạc cả giọng, “Họ là quân của tôi!”. Flunder nổi khùng, đập lên nắp xe bằng cây gậy bảnh bao của anh, nhưng xe vẫn chạy. Rút chốt lựu đạn, Flunder phá hỏng một bên xích xe. Khi mở cửa, những lính tăng hoảng hốt vẫn chưa nhận ra điều gì vừa diễn ra.

Mặc dù cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, lính Canada và đặc công đã ra khỏi bãi biển Bernieeres-St-Aubin trong không đến 30 phút và tiến vào đất liền. Những đợt tiếp theo gặp ít khó khăn hơn và trong 1 giờ bãi biển đã trở nên yên ắng đến mức Binh nhất Không quân John Murphy ở đơn vị khí cầu nhận thấy “kẻ địch tồi tệ nhất là những đám rận cát làm chúng tôi phát điên lên mỗi khi có sóng”. Sau bãi biển, các trận đánh đường phố sẽ mất thêm gần 2 giờ nữa, nhưng khu vực này của bãi Juno cũng như khu phía tây, giờ đã được kiểm soát.



Quân Canada đổ bộ lên bãi Juno gần Bernieeres.

Tiểu đoàn Đặc công 48 đánh mở đường qua St-Aubin-sur-Mer và tiến về phía đông, dọc theo bờ biển. Họ có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Juno nằm cách bãi Sword 11km. Để lấp chỗ trống và nối liền hai bãi biển, Tiểu đoàn 48 phải vận động tới bãi Sword. Một đơn vị đặc công khác, Tiểu đoàn 41 sẽ đổ bộ lên Lion-sur-Mer bên rìa bãi Sword, quặt sang phải và tiến về phía tây. Hai đơn vị sẽ hội quân sau vài giờ ở một điểm gần như nằm chính giữa hai bãi biển. Kế hoạch là như thế, nhưng họ gặp phải khó khăn gần như đồng thời. Ở Langrune phía đông Juno khoảng 1,5km, Tiểu đoàn 48 thấy mình lọt vào một thị trấn được phòng ngự mạnh không thể chọc thủng. Mỗi căn nhà là một ổ đề kháng. Mìn, dây thép gai và tường bê tông – một số cao đến 1,8m và dày 1,5m – bịt kín các đường phố. Từ những vị trí này, hỏa lực dữ dội chào đón những người tấn công. Không có xe tăng hay pháo binh yểm trợ, họ phải dừng lại.

Ở bãi Sword cách đó 9,5km, Tiểu đoàn 41 sau cuộc đổ bộ vất vả đã tiến về phía đông và hướng về Lion-sur-Mer. Họ được dân Pháp cho biết quân Đức phòng thủ đã rút hết. Thông tin này có vẻ đúng – cho tới khi lính đặc công tới bên rìa thị trấn. Tại đây, pháo binh Đức bắn cháy 3 xe tăng. Súng máy và các tay bắn tỉa xuất hiện từ những biệt thự trông có vẻ vô hại đã trở thành cứ điểm và một trận mưa đạn cối rơi xuống giữa những người lính đặc công. Cũng như Tiểu đoàn 48, Tiểu đoàn 41 phải dừng lại.

Lúc này, mặc dù không người nào ở Bộ Tổng tư lệnh Đồng minh biết, khu vực đầu cầu đang tồn tại một lỗ hổng quan trọng rộng 9,5km – một lỗ hổng mà qua đó các đơn vị xe tăng của Rommel nếu cơ động đủ nhanh có thể tới được bãi biển, và bằng việc tấn công sang hai bên dọc theo bờ biển sẽ đè bẹp cuộc đổ bộ của quân Anh.

Lion-sur-Mer là một trong những điểm thực sự khó khăn ở bãi Sword. Trong 3 bãi biển của quân Anh, Sword được dự kiến là nơi phòng thủ mạnh nhất. Binh sĩ đã được quán triệt là thương vong có thể cao. Binh nhì John Gale ở Tiểu đoàn 1 Trung đoàn South Lancashire đã được “thông báo một cách lạnh lùng rằng tất cả chúng tôi trong đợt đổ bộ đầu tiên có thể sẽ bị tiêu diệt hết”. Bức tranh còn có vẻ đen tối hơn đối với lính đặc công. Họ đã được rèn luyện là “bất kể chuyện gì xảy ra chúng ta cũng phải lên được bờ, ở đó sẽ không có di tản… không quay lại”. Tiểu đoàn Đặc công số 4 đã chuẩn bị tinh thần là sẽ bị “xóa sổ trên bãi biển” như Binh nhất Jamess Colley và Binh nhì Stanley Stewart nhớ lại, họ đã được bảo rằng thương vong có thể lên tới “84 phần trăm”. Và những người sẽ dẫn đầu bộ binh đổ bộ trên những xe tăng lội nước được cảnh báo là “ngay cả những người lên được bờ cũng có thể phải chịu tổn thất 60 phần trăm”. Binh nhì Christopher Smith lái xe tăng thì nghĩ rằng cơ hội sống sót của mình rất mong manh. Tin đồn lan truyền đã nâng tỉ lệ thương vong lên đến 90 phần trăm và Smith có xu hướng tin vào nó, vì khi rời Anh họ thấy những tấm màn bằng vải bạt được dựng lên trên bãi biển Gosport và “được cho biết rằng chúng là để phân loại những người chết đưa về”.



Quân Anh thương vong trên bãi Sword.

Trong một lúc dường như dự đoán tồi tệ nhất đã trở thành hiện thực. Ở vài chỗ, quân đổ bộ đợt đầu bị súng máy và súng cối bắn mạnh. Tại khu vực Ouistreham của bãi Sword, binh sĩ Tiểu đoàn 2 Trung đoàn East York nằm chết và hấp hối suốt từ mép nước cho tới bờ. Mặc dù không ai biết được bao nhiêu người đã chết trong cuộc chạy đua đẫm máu từ tàu, có vẻ là phần lớn trong số 200 thương vong của Tiểu đoàn 2 East York xảy ra trong những phút đầu tiên. Cú sốc trước cảnh những thi thể mặc quân phục kaki nằm co quắp dường như xác nhận nỗi sợ lớn nhất của những người đổ bộ trong đợt tiếp theo. Một số thấy “xác người xếp chồng lên nhau” và đếm được “hơn 150 người chết”. Binh nhì John Mason ở Tiểu đoàn Đặc công 4 đổ bộ lên sau đó một tiếng rưỡi, đã choáng váng khi thấy mình “chạy qua những đống xác lính bộ binh chết giống như những con ky”. Còn Binh nhất Fred Mears thuộc đơn vị Lord Lovat thì “kinh ngạc khi thấy những người lính East York nằm thành đống… Điều đó có lẽ sẽ không bao giờ xảy đến nếu họ tản rộng ra”. Trong khi lao một cách quả quyết lên bãi biển để khiến “Jesse Owens giống như một con rùa” **, anh nhớ là đã nghĩ một cách bất nhẫn, “lần sau họ sẽ biết tốt hơn”.

** Jesse Owen: vận động viên điền kinh người Mỹ đã đoạt 4 huy chương vàng ở Olympic Berlin 1936 - chiangshan.

Mặc dù đẫm máu, trận chiến trên bãi biển đã diễn ra khá nhanh gọn. *

* Sẽ luôn có những bất đồng quan điểm về tính chất cuộc giao tranh trên bãi Sword. Những người lính Tiểu đoàn 2 East York không tán thành với chính cuốn sử của đơn vị họ khi viết rằng nó “giống như một màn diễn tập, trừ việc dễ hơn”. Cựu binh của Tiểu đoàn Đặc công 4 tuyên bố rằng khi họ đổ bộ lúc H-Hour cộng 30 phút, Tiểu đoàn 2 East York vẫn còn đang ở mép nước. Theo Chuẩn tướng E. E. E. Cass, chỉ huy Lữ đoàn 8 tấn công bãi Sword thì Tiểu đoàn 2 East York đã rời bãi biển khi đặc công đổ bộ. Ước tính Tiểu đoàn 4 mất 30 người trong khi tiến vào bờ. Ở khu phía tây, theo Cass, “đến 8:30 sáng quân địch đã bị quét sạch trừ vài tay bắn tỉa lẻ tẻ”. Tiểu đoàn 1 South Lancashire đổ bộ lên đây chỉ bị thiệt hại nhẹ và phát triển vào đất liền khá nhanh. Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Suffolks theo sau họ chỉ có 4 người bị thương vong – TG.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

70#
 Tác giả| Đăng lúc 9-8-2013 08:08:52 | Chỉ xem của tác giả
Trừ những tổn thất lúc đầu, cuộc tấn công bãi Sword diễn ra nhanh chóng và chỉ gặp sự chống trả rời rạc. Cuộc đổ bộ thành công đến mức nhiều người lên bờ sau đợt một vài phút đã ngạc nhiên khi chỉ gặp bọn bắn tỉa. Họ thấy bãi biển được che phủ bởi khói, quân y đang chăm sóc những thương binh, xe tăng gắn xích đang phá mìn, những xe tăng và xe cơ giới bị cháy nằm rải rác, và cát bắn tung lên khi đạn pháo thỉnh thoảng lại rơi xuống, nhưng không có cảnh tàn sát mà họ đã hình dung. Đối với những người lính căng thẳng, đã được chuẩn bị tinh thần đối diện với một cuộc thảm sát thì bãi biển là một sự thoái trào.

Ở nhiều nơi trên bãi Sword thậm chí còn có không khí lễ hội. Đây đó những tốp dân Pháp hân hoan vẫy tay với binh sĩ và hô vang, “Vive les Anglais!”. Tín hiệu viên Leslie Ford Thủy quân lục chiến Hoàng gia để ý thấy một người Pháp “gần như ở ngay trên bãi biển và hình như đang tường thuật lại trận chiến cho một nhóm dân của thị trấn”. Ford nghĩ họ đã mất trí, vì bãi biển vẫn còn đang bị gài mìn và thỉnh thoảng lại bị quân Đức bắn xuống. Nhưng điều đó diễn ra ở khắp nơi. Họ được dân Pháp ôm hôn, những người dường như hoàn toàn không để ý đến nguy hiểm xung quanh. Binh nhất Harry Norfield và Xạ thủ Ronald Allen ngạc nhiên trước “một người mặc lễ phục trang trọng và đội chiếc mũ đồng đang cố đi tới bãi biển”. Hóa ra đó là trưởng làng Colleville-sur-Orne, ngôi làng nhỏ nằm sâu trong đất liền 1,5km, ông đã quyết định tới đây và chính thức nghênh đón lực lượng đổ bộ.

Một số lính Đức có vẻ cũng không kém hào hứng hơn người Pháp trong việc chào mừng quân Đồng minh. Chuyên gia chất nổ Henry Jennings thấy ngay khi lên bờ, anh đã “đụng phải một đám lính Đức phần lớn là các “lính tình nguyện” người Nga và Ba Lan  đang nóng lòng xin hàng”. Nhưng Đại úy Gerald Norton thuộc một đơn vị Pháo binh Hoàng gia gặp phải bất ngờ lớn nhất: Anh gặp “4 lính Đức với vali sẵn sàng, hình như đang đợi chuyến đầu tiên rời nước Pháp”.

Thoát ra khỏi những lúng túng ở bãi Gold, Juno và Sword, quân Anh và Canada tiến vào đất liền. Cuộc tiến quân diễn ra có tổ chức và hiệu quả. Khi đánh vào những ngôi làng và thị trấn, những tấm gương anh hùng và dũng cảm xuất hiện quanh họ. Vài người nhớ một thiếu tá Thủy quân lục chiến Hoàng gia bị mất cả 2 tay, hò hét thúc giục lính của anh “tiến vào đất liền, các bạn, trước khi bọn Fritz tỉnh lại”. Những người khác nhớ sự hân hoan tự hào và thiện ý của những thương binh đang chờ cứu chữa. Một số vẫy chào khi họ đi ngang qua, một số kêu lên, “Gặp lại ở Berlin nhé, các bạn!”. Xạ thủ Ronald Allen sẽ không bao giờ quên một người lính bị thương nặng ở họng. Anh ta dựa vào tường, bình thản đọc sách.

Lúc này tốc độ là yếu tố cần thiết. Từ bãi Gold quân Anh tiến về thị trấn với thánh đường Bayeux, sâu trong đất liền khoảng 11km. Từ bãi Juno quân Canada tiến tới đường cao tốc Bayeux – Caen và sân bay Carpiquet cách đó khoảng 16km. Và từ bãi Sword quân Anh tiến đánh thành phố Caen. Họ tin chắc sẽ chiếm được những mục tiêu này đến mức ngay cả những phóng viên, như Noel Monks của tờ London Daily Mail nhớ lại sau này, cũng được bảo rằng họp báo sẽ diễn ra ở “điểm X tại Caen lúc 4:00 chiều”. Đơn vị đặc công của Lord Lovat rời bãi Sword không bỏ phí tí thời giờ nào. Họ đến tăng viện cho lực lượng Sư đoàn 6 dưới quyền tướng Gale đang giữ những cây cầu trên sông Orne và Caen cách đó 6,5km, và “Shimy” Lovat đã hứa với Gale rằng anh sẽ ở đó “vào giữa trưa”. Phía sau chiếc xe tăng, dẫn đầu đội hình là người thổi kèn của Lord Lovat, Bill Millin đang chơi bài "Blue Bonnets over the Border".



Quân Anh tiến vào đất liền từ bãi Sword.

Đối với 10 người lính Anh, thủy thủ của tàu ngầm mini X20 và X23 thì D-Day đã kết thúc. Ngoài khơi bãi Sword, Đại úy George Honour cho tàu X23 lách qua những tàu đổ bộ đang đều đặn tiến vào bờ. Trong biển động, boong tàu phẳng hầu như chìm đi trong sóng, tất cả những gì của X23 có thể nhìn thấy được là những lá cờ hiệu bay trong gió. Thuyền trưởng Charles Wilson trên một tàu LCT “suýt ngã nhào xuống nước vì ngạc nhiên” khi thấy “2 lá cờ lớn hầu như không có gì chống đỡ” đang thẳng tiến tới chỗ anh. Khi X23 đi qua, Wilson không thể hiểu nổi “một chiếc tàu ngầm mini làm cái khỉ gì trong cuộc đổ bộ này”. X23 rẽ nước hướng tới khu vực vận tải để tìm chiếc tàu kéo của mình, một tàu đánh cá mang cái tên thích hợp, En Avant. Cuộc hành quân Gambit đã hoàn thành. Đại úy Honour cùng 4 thủy thủ của anh đang trên đường về nhà.

Những người đã được họ hướng dẫn giờ đang tiến vào đất Pháp. Tất cả đều lạc quan. Bức tường Đại Tây Dương đã bị xuyên thủng. Giờ câu hỏi lớn là quân Đức sẽ hồi phục sau cú sốc này nhanh tới mức nào?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách