Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lịch Sử] Ngày Dài Nhất | Cornelius Ryan (hoàn)

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:04:48 | Chỉ xem của tác giả
PHẦN HAI: ĐÊM

Ánh trăng chiếu vào phòng ngủ. Bà Angeele Levrault, hiệu trưởng 60 tuổi ở Ste-Mere-eeglise chậm chạp mở mắt. Trên bức tường đối diện từng chùm sáng đỏ và trắng rung rinh không tiếng động. Bà Levrault ngồi dậy và nhìn chằm chằm. Những chùm sáng nhấp nháy đó dường như đang rơi xuống.

Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, bà nhận ra mình đang nhìn vào bóng phản chiếu trên chiếc gương lớn ở tủ quần áo. Cũng chính thời điểm đó, bà nghe thấy từ xa vọng tới tiếng ù ù của động cơ máy bay, tiếng trầm của bom nổ và tiếng lanh lảnh của pháo cao xạ. Bà vội vã bước tới cửa sổ.

Xa về phía bờ biển, lơ lửng một cách kì quặc trên trời là những chùm pháo sáng lấp lánh. Mây nhuốm màu đỏ. Ở khoảng cách này có thể thấy những đám lửa màu hồng sáng và những chùm sáng màu cam, xanh, vàng và trắng của đạn vạch đường. Với bà Levrrault, có vẻ Cherbourg ở cách đó 43km lại bị ném bom. Bà thấy mừng vì đã sống ở Ste-Mere-eeglise nhỏ bé và yên tĩnh đêm nay.

Bà hiệu trưởng xỏ giầy, khoác áo và đi qua bếp tới cửa sau ra ngoài. Mọi thứ trong vườn vẫn bình yên. Pháo sáng và ánh trăng khiến nó sáng như ban ngày. Những cánh đồng và vườn cây xung quanh vẫn ở đó và yên tĩnh, chìm trong bóng tối.

Bà đi thêm mấy bước nữa thì nghe thấy tiếng máy bay to dần, hướng về thị trấn. Đột nhiên mọi khẩu cao xạ trong khu vực bắt đầu nhả đạn. Bà Levrault hoảng sợ chạy vội tới nấp bên gốc cây. Những chiếc máy bay bay rất nhanh và thấp được đón tiếp bằng những loạt đạn cao xạ rền vang như sấm và bà gần như bị điếc trong giây lát vì âm thanh đó. Hầu như ngay lập tức, tiếng gầm của động cơ nhỏ dần, pháo ngừng bắn và mọi thứ lại yên tĩnh như không có gì xảy ra.

Angeele Levrault nghe thấy một tiếng rung động lạ từ đâu đó phía trên. Bà ngước nhìn lên. Đang rơi thẳng xuống khu vườn là một chiếc dù với một thứ to lớn lắc lư bên dưới. Trong một giây ánh trăng bị che khuất, vì chính lúc đó Binh nhì Robert M. Murphy *, lính tiền trạm của Trung đoàn 505 Sư đoàn 82 rơi uỵch xuống cách đó 18m và lăn mấy vòng. Bà Levrault đứng bất động.

* Khi là phóng viên chiến trường, tôi đã phỏng vấn bà Levrault tháng 6 năm 1944. Bà không hề biết tên hay đơn vị của người lính, nhưng bà đưa tôi xem 300 viên đạn vẫn còn ở trong bao mà người lính dù đã làm rơi. Năm 1958, tôi chỉ tìm gặp được có một tá lính tiền trạm Mỹ đầu tiên. Một trong số họ, anh Murphy, giờ là một luật sư có tiếng ở Boston, nói rằng “sau khi rơi xuống đất, tôi rút con dao từ chiếc bốt và cắt dây buộc. Tôi cũng cắt luôn cả dây treo bao đạn 300 viên mà không biết”. Câu chuyện của anh trùng khớp với những gì bà Levrault đã kể cho tôi 14 năm trước – TG.

Người lính dù 18 tuổi nhanh nhẹn dùng dao cắt đứt dây dù, nhặt chiếc túi lớn và đứng dậy. Rồi anh thấy bà Levrault. Họ đứng nhìn nhau trong một lúc lâu. Đối với bà già người Pháp, tay lính dù trông đáng sợ một cách kỳ lạ. Anh ta cao và gầy, mặt bôi những vệt ngụy trang làm nổi bật lên cái mũi và gò má. Và rồi, trong khi bà vẫn đứng bất động, nhìn với vẻ khiếp sợ, người lạ mặt đặt ngón tay lên môi ra hiệu im lặng và lập tức biến mất. Đến lúc đó bà Levrault mới hoạt động trở lại được. Nhặt chiếc áo khoác đêm, bà chạy như điên về nhà. Bà vừa nhìn thấy một trong những lính Mỹ đầu tiên đổ bộ xuống Normandy. Lúc đó là 00:15 sáng, thứ Ba, ngày 6 tháng 6. D-Day đã bắt đầu.  

Trên khắp khu vực lính tiền trạm đã nhảy dù, một số ở độ cao chỉ 100m. Nhiệm vụ của đội tiên phong - một nhóm nhỏ những tình nguyện viên dũng cảm này là đánh dấu các “bãi đổ bộ” cho quân dù và tàu lượn của Sư đoàn 82 và 101 trong khu vực rộng 140km2 của bán đảo Cherbourg sau lưng bãi Utah. Họ đã được huấn luyện ở một trường đặc biệt do Chuẩn tướng James M. “Jumpin’ Jim” Gavin tổ chức. Anh ta đã nói với họ, “Khi các cậu đổ bộ xuống Normandy, các cậu sẽ chỉ có duy nhất một người bạn: Chúa”. Họ phải tránh phiền phức bằng mọi giá. Nhiệm vụ quan trọng của họ phụ thuộc vào tốc độ và bí mật.



Phù hiệu của lính tiền trạm Mỹ trong Thế chiến II

Nhưng lính tiền trạm gặp khó khăn ngay từ khi bắt đầu. Họ bị ném vào hỗn loạn. Những chiếc Dakota bay qua mục tiêu nhanh tới mức ban đầu quân Đức tưởng họ là máy bay tiêm kích. Bất ngờ trước cuộc tấn công đột ngột, pháo cao xạ nổ súng bừa bãi, tuôn lên bầu trời những chùm đạn vạch đường và đạn nổ mảnh đầy chết chóc. Khi Hạ sĩ Charles Asay nhảy xuống, anh quan sát một cách tò mò “dòng dài đẹp mắt những đường đạn đủ màu sắc bắn lên từ mặt đất”, làm anh nhớ lại ngày Quốc khánh 4 tháng 7. Anh nghĩ “chúng rất đẹp”.

Máy bay chở Binh nhì Delbert Jones trúng đạn ngay trước khi anh nhảy. Viên đạn xuyên qua mà không gây hư hỏng nhiều, nhưng nó đi cách Jones chỉ vài cm. Còn Binh nhì Adrian Doss mang trên mình 45kg trang bị lơ lửng trên bầu trời thì đã hoảng sợ khi thấy những luồng đạn vạch đường nhảy nhót khắp nơi xung quanh. Chúng bắn qua đầu và anh cảm thấy chiếc dù bị giật mạnh khi viên đạn xé toạc lớp vải. Tiếp đó là một loạt đạn bắn trúng đống vật dụng đeo phía trước. Thật phi thường là anh không bị thương, nhưng chiếc balô đã bị thủng một lỗ “đủ to để mọi thứ rơi ra hết”.  

Hoả lực phòng không mạnh làm nhiều máy bay phải bỏ dở hành trình. Chỉ có 38 trong số 120 lính tiền trạm nhảy trực tiếp xuống đúng mục tiêu. Số còn lại rơi cách đó hàng km. Họ rơi xuống cây, vườn và vào mái nhà. Phần lớn là những lính dù kì cựu, nhưng kể cả thế họ vẫn hoàn toàn lúng túng khi cố gắng xác định phương hướng. Những cánh đồng nhỏ hơn, những hàng cây cao hơn và những con đường hẹp hơn so với những gì đã học nhiều tháng trên bản đồ. Trong giây phút đầu tiên mất phương hướng, vài người đã có những hành động ngớ ngẩn và thậm chí là nguy hiểm. Binh nhất Frederick Wilhelm quên bẵng đi mình đang ở sau lưng địch và đã bật một trong những ngọn đèn đánh dấu lớn mang theo. Anh muốn xem nó có còn hoạt động được không. Nó còn. Đột nhiên cả khu đất sáng rực lên, làm Wilhem hoảng sợ còn hơn cả việc bị quân Đức bắn. Đại úy Frank Lillyman, chỉ huy nhóm của Sư đoàn 101 cũng bị lạc mục tiêu. Rơi xuống một bãi cỏ, anh bất ngờ thấy xuất hiện trước mặt mình là một cái bóng khổng lồ cúi xuống trong đêm tối. Anh suýt nữa đã bắn trước khi nó tự giới thiệu bản thân bằng một tiếng bò rống.

Ngoài việc làm bản thân mình và người dân Normandy hoảng hốt, những lính tiền trạm còn gây ngạc nhiên và bối rối cho vài lính Đức nhìn thấy họ. Hai lính dù thực tế đã rơi xuống bên ngoài sở chỉ huy của Đại úy Ernst Deuring ở Sư đoàn 352 Đức, cách bãi đổ bộ gần nhất hơn 8km. Deuring, người chỉ huy một đại đội đại liên bố trí ở Brevands đã bị đánh thức bởi tiếng máy bay bay thấp và tiếng pháo cao xạ. Nhảy khỏi giường, anh ta mặc đồ nhanh tới mức đi ngược cả ủng (anh ta không nhận ra cho tới cuối D-Day). Deuring nhìn thấy trên đường bóng dáng của 2 người ở cách đó một quãng. Anh ta quát hỏi nhưng không ai trả lời. Lập tức Deuring xả đạn vào đó bằng khẩu tiểu liên Schmeisser. Không có bắn trả từ 2 người lính tiền trạm tinh nhuệ. Họ đơn giản là biến mất. Quay trở lại sở chỉ huy, Deuring gọi cho tiểu đoàn trưởng. Anh ta nói hổn hển qua điện thoại: "Fallschirmjeager [Lính dù]! Fallschirmjeager!"

Những người khác không may mắn như vậy. Khi Binh nhì Robert Murphy Sư đoàn 82 lôi chiếc túi (đựng một bộ radar xách tay) chui ra khỏi vườn nhà bà Levrault và tiến về bãi đổ bộ ở phía bắc Ste-Mere-eeglise, anh nghe thấy tiếng súng nổ phía bên phải mình. Sau này Murphy mới biết là bạn anh, Binh nhì Leonard Devorchak đã bị bắn vào lúc đó. Devorchack, người đã thề “một ngày nào đó sẽ kiếm được một tấm huân chương chỉ để chứng tỏ với bản thân là tớ làm được”, có lẽ là lính Mỹ đầu tiên hy sinh trong D-Day.

Trên khắp khu vực, những lính tiền trạm như Murphy cố gắng tìm đến địa điểm được phân công. Lặng lẽ di chuyển từ hàng cây này sang hàng cây khác, những lính dù với vẻ ngoài dữ tợn, to lớn trong chiếc áo khoác nhảy dù và mang vác đầy những súng đạn, mìn, đèn, radar và các tấm phản quang, bắt đầu chuẩn bị điểm tập kết. Họ chỉ có không đầy 1 giờ để đánh dẫu các bãi đáp cho cuộc tiến công toàn diện của lực lượng đổ bộ đường không Mỹ sẽ bắt đầu lúc 1:15 sáng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:07:42 | Chỉ xem của tác giả
Cách đó 80km, ở phía cực đông của chiến trường Normandy, 6 máy bay chở lính tiền trạm Anh và 6 máy bay ném bom RAF kéo tàu lượn lướt qua bờ biển. Trước mặt họ là bầu trời phủ đầy đạn cao xạ và những đốm sáng ma quái của pháo sáng treo lơ lửng khắp nơi. Trong ngôi làng nhỏ Ranville cách Caen vài km, cậu bé 11 tuổi Alain Doix cũng nhìn thấy pháo sáng. Tiếng súng đã đánh thức cậu và bây giờ cậu đang nhìn chăm chăm vì khiếp sợ - cũng giống như bà Levrault - hoàn toàn bị thôi miên bởi ánh phản chiếu đầy biến hoá mà cậu nhìn thấy trên quả đấm bằng đồng trên những thanh cột ở cuối giường. Lay gọi người bà ngủ cùng cậu, bà Mathilde Doix, Alain xúc động kêu lên, “Dậy đi! Dậy đi, bà, cháu nghĩ đang có chuyện xảy ra”.

Ngay sau đó bố của Alain, ông Rene Doix lao vào phòng. “Mặc quần áo nhanh lên”, ông giục, “Có lẽ đây là một vụ tập kích lớn đấy”. Từ cửa sổ, hai bố con có thể nhìn thấy những chiếc máy bay bay qua, nhưng khi quan sát Rene thấy chúng không phát ra tiếng động. Đột nhiên ông nhận ra đó là cái gì. “Lạy Chúa”, ông kêu lên, “không phải máy bay! Chúng là tàu lượn!”.

Như những con dơi khổng lồ, 6 chiếc tàu lượn mỗi chiếc chở khoảng 30 người lặng lẽ sà xuống. Ngay khi đi qua bờ biển, ở một điểm cách Ranville khoảng 8km, chúng tách khỏi các máy bay kéo ở độ cao 1.500 đến 1.800m. Giờ chúng hướng về 2 dải nước nằm song song lấp lánh trong ánh trăng: kênh Caen và sông Orne. Hai chiếc cầu được canh gác cẩn mật bắc qua 2 con kênh nằm ngay phía trên và giữa Ranville và làng Beenouville, chiếc này dẫn tới chiếc kia. Đó là mục tiêu của đơn vị tàu lượn thuộc Sư đoàn Đổ bộ đường không 6 Anh này – những người tình nguyện từ các đơn vị đáng tự hào như Trung đoàn Bộ binh nhẹ Oxfordshire và Buckinghashire cùng Công binh Hoàng gia. Nhiệm vụ nguy hiểm của họ là tiêu diệt lính gác và chiếm cầu. Nếu thành công, đường giao thông chính từ Caen tới biển sẽ được kiểm soát, ngăn chặn viện binh Đức, đặc biệt là các đơn vị xe tăng cơ động theo trục đông – tây tiến công vào sườn khu vực đổ bộ của quân Anh – Canada. Những cây cầu này cần cho việc mở rộng khu đứng chân, do vậy chúng phải được đánh chiếm ngay lập tức trước khi lính gác cho nổ mìn. Điều này yêu cầu một cuộc tấn công chớp nhoáng bất ngờ. Người Anh tiến hành với một giải pháp táo bạo và mạo hiểm. Những người lính vòng tay qua nhau và nín thở khi tàu lượn nhẹ nhàng lao xuống trong đêm trăng để hạ cánh ngay sát cầu.

Binh nhì Bill Gray, một xạ thủ trung liên Bren ở trong một trong 3 tàu lượn đang hướng tới cây cầu trên kênh Caen, nhắm mắt và gồng mình chờ đợi cuộc hạ cánh. Yên tĩnh một cách lạ lùng. Không có tiếng động nào từ mặt đất. Âm thanh duy nhất là tiếng rì rì của khẩu súng máy. Ngồi gần cánh cửa, sẵn sàng bật mở nó khi họ tiếp đất là Thiếu tá John Howard, người chỉ huy cuộc tấn công. Gray nhớ là trung đội trưởng của mình, Trung úy H. D. “Danny” Brotheridge nói, “Tới rồi, các cậu”. Sau đó là một tiếng rít như xé. Bộ càng bung ra, mảnh vụn bắn ra phía sau từ vòm che buồng lái, và chiếc tàu lượn trượt rít trên mặt đất, lắc lư từ bên này qua bên kia như xe mất lái làm toé lên những tia lửa. Với nửa cánh tan tành, cái xác tàu va mạnh khi dừng như Gray nhớ lại, “mũi vùi trong đám dây thép gai và gần như nằm trên cầu”.

Người nào đó hô, “Tiến lên nào, các cậu!”, và những người lính chui ra, một số từ cửa, một số từ cái mũi tàu vỡ nát. Gần như cùng lúc và chỉ cách đó vài mét, hai chiếc tàu lượn kia trượt tới và từ trong đó những người còn lại của lực lượng tấn công toả ra. Giờ tất cả cùng xông tới cây cầu. Đó là một cảnh hỗn loạn. Quân Đức bị bất ngờ và không có tổ chức. Lựu đạn được tung vào các căn hầm và giao thông hào. Vài lính Đức đã thực sự ngủ quên, tỉnh dậy trong sự choáng váng do tiếng nổ và bị kết liễu bởi những loạt Sten. Một số khác vẫn còn kinh ngạc, vớ lấy súng và bắt đầu bắn trả bừa bãi vào những cái bóng dường như hiện ra từ hư không.

Trong khi các đội đang quét nốt sự đề kháng, Gray cùng khoảng 40 người do Trung úy Brotheridge chỉ huy xung phong qua cầu để đánh chiếm bờ bên kia quan trọng hơn. Được nửa đường, Gray thấy một lính Đức cầm khẩu súng ngắn Very định bắn pháo hiệu. Đó là hành động cuối cùng của một kẻ gan dạ. Gray kẹp khẩu Bren vào sườn xả đạn, và anh nghĩ những người khác cũng làm thế. Tên lính gục xuống sau khi phát pháo hiệu được bắn lên và nổ toé trên bầu trời đêm.

Lời cảnh báo của hắn - có lẽ là cho quân Đức gác cầu sông Orne phía trước vài trăm mét đã được đưa ra quá trễ. Đám lính canh ở đây đã bị tiêu diệt mặc dù chỉ có 2 trong số 3 tàu lượn đến đúng chỗ (chiếc thứ ba hạ cánh nhầm cách đó 11km ở một cây cầu khác – cầu sông Dives). Cả hai mục tiêu bị chiếm gần như cùng lúc. Choáng váng vì cuộc đột kích nhanh gọn, quân Đức đã bị áp đảo. Trớ trêu thay, lính gác Đức không thể phá hủy cầu ngay cả khi chúng có thời gian. Sau khi xem xét, công binh Anh phát hiện mặc dù đã được chuẩn bị sẵn sàng, nhưng thuốc nổ chưa bao giờ được đặt vào vị trí. Chúng được tìm thấy trong một căn lều gần đó.

Giờ là sự yên tĩnh kì lạ dường như luôn đến sau mỗi trận đánh, khi những người lính vẫn còn bàng hoàng trước tốc độ diễn ra của các sự kiện đang cố gắng hình dung làm sao mình thoát chết, và tất cả đều tự hỏi còn có những ai sống sót. Anh lính Gray 19 tuổi phấn khởi vì những gì đã làm, hăm hở tìm kiếm người trung đội trưởng “Danny” Brotheridge mà lần cuối anh thấy là khi dẫn đầu cuộc xung phong qua cầu. Nhưng đã có thương vong, và một trong số đó là người trung úy 28 tuổi. Gray thấy thi thể Brotheridge nằm trước cửa một quán cà phê nhỏ gần cầu. “Anh ấy bị bắn vào cổ”, Gray nhớ lại, “và hình như bị trúng một quả lựu đạn khói phốt pho. Chiếc áo khoác nhảy dù vẫn còn đang cháy”.

Gần đó trong một công sự chiếm được, Binh nhất Edward Tappenden gửi đi tín hiệu thành công. Anh nhắc đi nhắc lại mật ngữ vào chiếc điện đài xách tay. “Giăm bông và mứt… Giăm bông và mứt…” Trận đánh đầu tiên của D-Day đã kết thúc. Nó chỉ diễn ra trong không đầy 15 phút. Lúc này Thiếu tá Howard và hơn 150 binh sĩ của anh ở sâu trong lòng địch và bị cô lập kể từ bây giờ đang chuẩn bị để bảo vệ cây cầu quan trọng.



Thiếu tá John Howard, Đại đội trưởng Đại đội D, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh nhẹ Oxfordshire và Buckinghamshire, Lữ đoàn Không vận số 6, Sư đoàn Đổ bộ đường không số 6 Anh.

Ít nhất họ cũng biết mình ở đâu. Nhưng tình cảnh lại không như thế đối với phần lớn trong số 60 lính tiền trạm Anh đã nhảy khỏi 6 máy bay ném bom lúc 12:20 đêm – cùng thời điểm các tàu lượn của Howard hạ cánh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:09:25 | Chỉ xem của tác giả
Những người này đảm nhiệm một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Là đội tiên phong của Sư đoàn 6 Anh, họ đã tình nguyện nhảy vào khu vực chưa biết và đánh dấu 3 bãi đổ bộ phía tây sông Orne bằng đèn chiếu, radar và các thiết bị dẫn đường khác. Những khu vực này đều nằm trong một tam giác có diện tích khoảng 50km2, gần với 3 ngôi làng nhỏ – Varaville cách bờ biển không đầy 5km; Ranville gần cây cầu Howard đang giữ; và Touffreville nằm về phía đông ngoại ô Caen khoảng 8km. Lúc 12:30, quân dù Anh sẽ được thả xuống đây. Lính tiền trạm chỉ có 30 phút để hoàn thành công việc.

Ngay cả ở Anh vào ban ngày cũng phải rất khéo mới tìm và đánh dấu được bãi đổ bộ trong 30 phút. Nhưng vào ban đêm, trong vùng địch và ở một đất nước mà chỉ vài người trong số họ từng đặt chân đến, nhiệm vụ quả là gay go. Cũng giống những đồng đội ở cách đó 80km, những người lính Anh cũng rơi vào rắc rối. Họ cũng bị phân tán khắp nơi và thậm chí còn lộn xộn hơn.

Khó khăn của họ bắt đầu với thời tiết. Một cơn gió bất chợt nổi lên (người Mỹ không gặp điều này) và một số khu vực bị che phủ bởi những đốm lửa và sương mù. Các máy bay rơi vào một trận mưa đạn cao xạ. Các phi công tránh theo bản năng, kết quả là họ bay vượt qua hoặc không tìm thấy mục tiêu. Vài phi công đã lượn 2 hay 3 vòng trên khu vực được đánh dấu cho tới khi lính dù nhảy hết. Một chiếc bay rất thấp, gan lỳ quần lượn trong 14 phút rợn tóc gáy trước hoả lực cao xạ dày đặc trước khi thả hết quân. Kết quả của tất cả những chuyện này là nhiều lính tiền trạm hay trang bị của họ đã rơi xuống không đúng chỗ.

Lính dù nhảy xuống Varaville tương đối chính xác, nhưng họ sớm nhận ra là phần lớn trang bị đã vỡ nát hoặc rơi đâu đó khi thả. Không lính tiền trạm ở Ranville nào tiếp đất thậm chí gần với khu vực, họ bị phân tán ra cách đó hàng km. Nhưng không may nhất là nhóm nhảy xuống Touffreville. Hai toán mỗi toán 10 người sẽ đánh dấu khu vực bằng đèn, mỗi chiếc đèn phát lên trời đêm mã hiệu chữ K. Một trong hai toán đó rơi xuống Ranville. Họ dễ dàng tập hợp lại, tìm đến chỗ mà họ tưởng là địa điểm đúng và vài phút sau phát đi tín hiệu sai.

Toán thứ hai nhảy xuống Touffreville cũng không tới đúng nơi. Trong số 10 người của toán này, chỉ có 4 người tiếp đất an toàn. Một trong số đó, Binh nhì James Morrissay kinh hãi thấy 6 người còn lại bất ngờ bị một cơn gió mạnh cuốn lấy, đẩy ra xa về phía đông. Morrissey quan sát một cách bất lực khi họ bị đẩy về phía thung lũng Dives ngập nước, thấp thoáng trong ánh trăng – khu vực mà quân Đức đã làm ngập như một phần trong kế hoạch phòng thủ. Morrissey không bao giờ gặp lại người nào.

Morrissey cùng 3 binh sĩ còn lại tiếp đất khá gần Touffreeville. Họ tập hợp lại và Binh nhất Patrick O’Sullivan tiến hành trinh sát khu đổ bộ. Mấy phút sau anh bị bắn từ bên rìa khu vực mà họ cho là phải đánh dấu. Do vậy Morrissey và 2 người kia bố trí đèn trên ruộng ngô đã rơi xuống.

Trên thực tế trong những phút bối rối đầu tiên, một số lính tiền trạm đã đụng địch. Ở đây đó họ làm lính gác giật mình và nổ súng, và chắc chắn một số đã bị thương vong. Nhưng chính sự yên tĩnh đáng ngại xung quanh mới gây ra nỗi sợ lớn nhất. Người ta đã tưởng là sẽ gặp đối phương ngay từ giây phút họ tiếp đất. Thay vào đó, nó lại yên tĩnh đối với phần lớn bọn họ - quá yên tĩnh đến mức họ đã trải qua những điều tưởng như ác mộng. Trong nhiều tình huống, các lính tiền trạm lặng lẽ theo dõi lẫn nhau trên những cánh đồng và vườn cây, người này nghĩ người kia là lính Đức.  



Lính tiền trạm Anh trước giờ xuất phát.

Mò mẫm trong đêm ở Normandy, quanh những trang trại tối om và ở ngoại vi những ngôi làng còn đang say ngủ, những lính tiền trạm và 210 người thuộc bộ phận đi trước của các tiểu đoàn cố gắng xác định phương hướng. Nhiệm vụ trước tiên của họ luôn là tìm hiểu chính xác vị trí hiện tại. Những người được thả chính xác thì nhận ra các vật chuẩn đã được xem trên bản đồ. Những người khác bị lạc hướng hoàn toàn thì thử tìm đường với bản đồ và la bàn. Đại úy Anthony Windrum ở một đơn vị thông tin đi trước giải quyết vấn đề bằng một cách nhanh gọn hơn. Giống như người lái xe rẽ sai đường trong đêm, Windrum tìm một tấm biển chỉ đường, bình tĩnh quẹt diêm và nhận ra Ranville - điểm tập kết của anh chỉ cách đó vài km.

Nhưng vài lính tiền trạm thì không thể nào khắc phục được. Hai trong số đó rơi thẳng xuống bãi cỏ ngay trước sở chỉ huy của Thiếu tướng Josef Reichert, Tư lệnh Sư đoàn 711 Đức. Reichert đang chơi bài khi máy bay bay qua, ông ta cùng các sĩ quan khác lao ra hiên vừa kịp lúc để thấy 2 lính Anh tiếp đất.

Rất khó để nói rằng ai là người ngạc nhiên hơn, Reichert hay 2 lính dù. Sĩ quan tình báo của Reichert bắt giữ, tước vũ khí và giải họ lên hiên nhà. Reichert đang sửng sốt chỉ có thể thốt ra: “Các anh từ đâu tới?”, một trong hai người, tự tin như thể rơi xuống một bữa tiệc cocktail, trả lời, “Hết sức xin lỗi, ông già ạ, bọn này rơi nhầm xuống đây thôi”.

Trong lúc họ đang bị thẩm vấn, 570 lính dù Mỹ và Anh - lực lượng đầu tiên của Đồng minh tới giải phóng châu Âu, đã bắt đầu trận chiến D-Day. Trên các bãi đổ bộ, những ngọn đèn bắt đầu chiếu lên bầu trời.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:10:39 | Chỉ xem của tác giả
“Chuyện gì xảy ra thế?”, Thiếu tá Werner Pluskat hét lên trong điện thoại. Đang kinh ngạc và còn ngái ngủ, anh vẫn đang mặc đồ lót. Tiếng máy bay và tiếng súng đã đánh thức anh, và bản năng nói cho anh rằng đây không chỉ là một cuộc tập kích thông thường. Hai năm với những kinh nghiệm cay đắng ở mặt trận Nga đã dạy vị thiếu tá cách tin tưởng vào bản năng của mình.

Trung tá Ocker, trung đoàn trưởng dường như bực mình vì cuộc gọi của Pluskat. “Pluskat thân mến”, ông ta lạnh lùng nói, “bọn tôi cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi sẽ báo cho anh khi nào biết được”. Một tiếng cạch khi Ocker dập máy.  

Câu trả lời không thoả mãn Pluskat. Trong 20 phút vừa qua máy bay đã vượt qua bầu trời phủ đầy pháo sáng, ném bom khu bờ biển phía tây và phía đông. Khu vực của Pluskat ở giữa yên tĩnh một cách bất thường. Từ sở chỉ huy ở Etreham cách bờ biển 6,5km, anh ta chỉ huy 4 đại đội pháo của Sư đoàn 352 Đức – tổng cộng 20 khẩu. Chúng kiểm soát một nửa bãi Omaha.

Bồn chồn, Pluskat quyết định vượt mặt trung đoàn trưởng của mình, anh gọi cho sư đoàn bộ và trao đổi với sĩ quan Tình báo Sư đoàn 352, Thiếu tá Block. “Có lẽ chỉ là một cuộc tập kích khác, Pluskat ạ”, Block nói. “Vẫn còn chưa rõ ràng”.

Cảm thấy một chút ngớ ngẩn, Pluskat bỏ máy. Anh tự hỏi mình có xốc nổi quá không. Sau tất cả vẫn không có báo động. Pluskat nhớ lại, thực tế là sau hàng tuần báo động lên xuống, đây là một trong số vài đêm mà người của anh được lệnh nghỉ trực.

Lúc này Pluskat đã tỉnh táo, không dễ để ngủ lại. Anh ngồi bên thành giường một lúc. Dưới chân, chú chó chăn cừu Đức nằm yên. Mọi thứ trong lâu đài vẫn thế, nhưng từ xa Pluskat vẫn có thể nghe thấy tiếng máy bay.

Bỗng chuông điện thoại kêu vang. Pluskat nhấc ống nghe. “Có báo cáo lính dù xuất hiện trên bán đảo”, Trung tá Ocker bình tĩnh nói. “Báo động người của anh và tới bờ biển ngay. Có thể đây là cuộc đổ bộ”.

Mấy phút sau, Pluskat, Đại úy Ludz Wilkening chỉ huy Đại đội 2 và Trung úy Fritz Theen, sĩ quan tác xạ, lên đường trở về sở chỉ huy tiền phương của họ, một hầm quan sát xây trong lòng đồi gần làng Ste-Honorine. Harras cũng đi cùng. Họ len vào ngồi trên chiếc Volkswagen và Pluskat nhớ lại rằng trong mấy phút đi tới bờ biển không ai nói gì. Anh còn một mối lo nữa: các khẩu pháo chỉ đủ đạn cho 24 giờ. Vài ngày trước, Đại tướng Marcks ở Quân đoàn 84 tới kiểm tra các khẩu pháo và Plusklat đã đặt câu hỏi. “Nếu cuộc đổ bộ xảy ra ở khu vực của cậu”, Marcks đã đảm bảo với anh, “cậu sẽ có nhiều đạn hơn số có thể bắn”.

Đi qua vòng ngoài của khu phòng thủ bờ biển, chiếc Volkswagen tới Ste-Honorine. Ở đây, dắt theo Harras và những người khác theo sau, Pluskat chậm chạp leo đồi lên qua con đường hẹp dẫn tới sở chỉ huy được ngụy trang. Con đường được đánh dấu rõ ràng bằng những cọc dây thép gai. Đây là lối đi duy nhất và xung quanh là bãi mìn. Ở gần đỉnh đồi, thiếu tá đi xuống một con hào, leo xuống những bậc thang bằng bê tông, tiếp theo là một đường hầm vòng vèo và cuối cùng bước vào một căn hầm lớn duy nhất dùng làm đài quan sát, được điều hành bởi 3 người.

Pluskat nhanh chóng ngồi vào ống kính pháo binh có tầm quan sát lớn đặt trên bệ cạnh 1 trong 2 lỗ châu mai của căn hầm. Vị trí quan sát không thể tốt hơn: nó ở phía trên bãi Omaha hơn 30m và gần như hướng thẳng vào trung tâm của khu vực sẽ sớm trở thành đầu cầu của Normandy. Trong ngày trời quang, từ vị trí lợi hại này, trắc thủ có thể quan sát toàn bộ vịnh Seine, từ đầu mút của bán đảo Cherbourg ở bên trái tới Le Havre và xa hơn phía bên phải.

Ngay cả bây giờ dưới ánh trăng, Pluskat cũng có tầm nhìn đáng kể. Chậm rãi xoay ống kính từ trái sang phải, anh quan sát khu vịnh. Hơi có sương mù. Những đám mây đen thỉnh thoảng lại che khuất ánh trăng sáng và phủ bóng tối xuống biển, nhưng không thấy gì bất thường. Không ánh sáng, không tiếng động. Anh quan sát khu vịnh nhiều lần, nhưng hoàn toàn không thấy chiếc tàu nào.

Cuối cùng, Pluskat đứng dậy. “Ngoài này không có gì”, anh nói với Trung úy Theen khi gọi cho sở chỉ huy trung đoàn. Nhưng Pluskat vẫn lo lắng. “Tôi sẽ ở lại đây”, anh nói với Ocker, “có lẽ chỉ là báo động sai, nhưng chuyện gì đó vẫn có thể xảy ra”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:13:29 | Chỉ xem của tác giả
Bây giờ, những báo cáo mơ hồ và mâu thuẫn đang được gửi tới tấp về các sở chỉ huy trên khắp vùng Normandy do Tập đoàn quân 7 đảm trách, và ở khắp nơi các sĩ quan đang cố giải quyết chúng. Họ có rất ít manh mối – những bóng người nhìn thấy ở đây, súng nổ ở kia, chiếc dù mắc trên cây ở một chỗ khác. Đầu mối cho một thứ gì đó – nhưng là thứ gì? Mới chỉ có 570 lính đổ bộ đường không Đồng minh được thả xuống. Từng đó là đủ để gây nên sự hoang mang này.

Những báo cáo này vụn vặt, phân tán và thiếu thuyết phục đến mức kể cả những người dày dạn kinh nghiệm cũng thấy nghi ngờ. Bao nhiêu người đã được thả dù – 2 hay 200? Liệu họ có phải các phi công ném bom đã nhảy dù không? Đây có phải là một loạt các hoạt động của quân kháng chiến Pháp? Không ai chắc chắn, kể cả Thiếu tướng Reichert của Sư đoàn 711, người đã tận mắt nhìn thấy lính dù. Reichert nghĩ đây là một cuộc tập kích nhằm vào sở chỉ huy của mình và ông ta đã báo cáo lên quân đoàn như thế. Sau đó tin này được đưa tới sở chỉ huy Tập đoàn quân 15, tại đó nó được ghi lại chính xác trong nhật ký chiến trường với chú thích khó hiểu, “Không có thêm chi tiết”.

Tất cả đều tỏ ra thận trọng vì trong quá khứ từng có quá nhiều báo động sai. Các đại đội trưởng nghĩ đi nghĩ lại trước khi báo cáo lên tiểu đoàn. Họ cử các toán tuần tiễu đi kiểm tra và tái kiểm tra. Các tiểu đoàn trưởng còn cẩn thận hơn khi báo lên trung đoàn. Về những gì thực sự diễn ra tại khắp các sở chỉ huy trong những phút đầu của D-Day, số tư liệu cũng nhiều như số người đã tham dự. Nhưng dường như chỉ có một điều là rõ ràng: trên cơ sở những báo cáo không đồng nhất, ở thời điểm đó không ai định ra lệnh báo động – một lệnh báo động rất có thể là nhầm. Và thời gian trôi qua như vậy.

Ở bán đảo Cherbourg, hai viên tướng đã lên đường tới tham gia cuộc diễn tập ở Rennes. Giờ người thứ ba, Thiếu tướng ** Wilhelm Falley của Sư đoàn Không vận 91 chọn thời điểm này để khởi hành. Mặc dù đã có lệnh từ sở chỉ huy Tập đoàn quân 7 cấm các sĩ quan rời đi trước khi trời sáng, Falley không thấy có cách nào đến kịp trừ khi lên đường sớm hơn. Quyết định này sẽ đáng giá mạng sống của ông.

** Tác giả có sự nhầm lẫn, Wilhelm Falley được thăng quân hàm Trung tướng tháng 05/1944 - chiangshan.

Tại sở chỉ huy ở Le Mans, Tư lệnh Tập đoàn quân 7, Chuẩn thống chế Friedrich Dollmann đang ngủ. Có lẽ do thời tiết, ông đã hủy bỏ cuộc diễn tập báo động theo lịch vào đúng đêm nay. Mệt mỏi, ông nghỉ sớm. Người tham mưu trưởng chu đáo và có năng lực của ông, Thiếu tướng Max Pemsel thì đang sửa soạn đi ngủ.



Chuẩn thống chế Friedrich Dollmann, Tư lệnh Tập đoàn quân 7 Đức.

Tại sở chỉ huy Quân đoàn 84 ở St-Leo, cấp chỉ huy thứ hai sau Tập đoàn quân, mọi thứ đã được chuẩn bị cho bữa tiệc sinh nhật bất ngờ dành cho Đại tướng Eirch Marcks. Thiếu tá Friedrich Hayn, sĩ quan Tình báo quân đoàn đã có sẵn rượu. Dự định là Hayn, Trung tá Friedrich von Crigern - Tham mưu trưởng và các sĩ quan khác sẽ bước vào văn phòng của Marcks khi đồng hồ nhà thờ St-Leo điểm nửa đêm (1:00 sáng giờ mùa hè của Anh). Mọi người tự hỏi vị tướng cụt chân có khuôn mặt lạnh lùng này (ông đã mất một chân ở Nga) sẽ phản ứng thế nào. Được đánh giá là một trong những tướng lĩnh hàng đầu ở Normandy nhưng ông cũng là người giản dị, không thể hiện dù là theo cách nào. Tuy nhiên, kế hoạch đã được thực hiện và mặc dù cảm thấy ý tưởng này có một chút gì đó trẻ con, họ vẫn quyết định tiến hành bữa tiệc. Họ đang chuẩn bị bước vào phòng thì đột nhiên khẩu đội cao xạ ở gần đó nổ súng. Tất cả lao ra ngoài vừa kịp lúc để thấy một máy bay ném bom Đồng minh bốc cháy rơi xuống và tiếng pháo thủ hét lên mừng rỡ, “Trúng rồi! Trúng rồi!”. Đại tướng Marcks vẫn ở bên trong.

Khi chuông nhà thờ bắt đầu điểm, cả nhóm với Thiếu tá Hayn dẫn đầu mang theo chai Chablis và ly tiến vào phòng Marsks - có lẽ hơi thiếu tự nhiên một chút - để chúc mừng thủ trưởng của mình. Marcks ngước lên và nhìn chằm chằm vào họ một cách nhẹ nhàng qua cặp kính. “Cái chân giả của ông ấy kêu lách cách”, Hayn nhớ lại, “khi ông bước tới chào chúng tôi”. Ông ta vẫy tay thân thiện ra hiệu cho họ nghỉ. Chai rượu được mở và các sĩ quan đứng nghiêm xung quanh vị tướng 53 tuổi. Trịnh trọng nâng cốc, họ vui vẻ uống chúc sức khoẻ ông, không hề biết ở cách đó 64km, 4.255 lính Anh đang nhảy dù xuống đất Pháp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:14:45 | Chỉ xem của tác giả
Dọc theo những cánh đồng phủ đầy ánh trăng của Normandy truyền đi tiếng tù và khàn khàn, âm vang. Âm thanh này vang trong không gian, cô độc, bất thường. Tiếng tù và lặp đi lặp lại. Di chuyển qua những cánh đồng, dọc theo những con mương, bên những hàng cây, những cái bóng đội mũ sắt, áo khoác nhảy dù ngụy trang màu xanh, nâu và vàng, trang bị trên người, tất cả đang hướng về lời kêu gọi. Những tiếng tù và khác tiếp tục được xướng lên. Đột nhiên một hồi kèn nổi lên giòn giã. Đối với hàng trăm binh sĩ Sư đoàn 6 Anh, đó là hiệu lệnh xung trận.

Điệu nhạc kì lạ đó xuất phát từ khu vực Ranville. Đó là tín hiệu tập hợp dành cho 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn Dù số 5 và họ phải di chuyển khẩn trương. Một tiểu đoàn phải tới chi viện cho lực lượng nhỏ bé của Thiếu tá Howard đang bảo vệ những cây cầu. Tiểu đoàn kia phải chiếm giữ Ranville, nằm ở lối phía đông dẫn đến những điểm vượt sông quan trọng này. Những sĩ quan dù chưa bao giờ sử dụng cách này để tập hợp binh sĩ, nhưng đêm nay tốc độ là cần thiết. Sư đoàn 6 đang chạy đua với thời gian. Đợt đầu tiên của quân Mỹ và Anh sẽ đổ bộ lên 5 bãi biển của Normandy trong khoảng từ 6:30 đến 7:30 sáng. “Những con quỷ đỏ” có 5 tiếng rưỡi để đánh chiếm đầu cầu và giữ sườn trái của toàn bộ khu vực đổ bộ.

Sư đoàn có nhiều nhiệm vụ, đòi hỏi sự ăn khớp đến từng phút. Theo kế hoạch, lực lượng dù được phân công chiếm các cao điểm đông bắc Caen, giữ các cây cầu qua sông Orne và kênh Caen, phá hủy 5 cầu khác trên sông Dives và nhờ đó ngăn chặn đối phương - đặc biệt là xe tăng - tiến công vào bên sườn khu vực đổ bộ.

Nhưng những lính dù trang bị nhẹ không đủ hoả lực để ngăn chặn một cuộc đột kích của thiết giáp. Vì vậy thành công của nhiệm vụ giữ vững mục tiêu phụ thuộc vào việc những khẩu pháo chống tăng với đạn xuyên giáp đặc biệt được đưa đến nhanh chóng và an toàn. Do trọng lượng và kích thước lớn nên chỉ có một cách để đưa chúng an toàn tới Normandy là dùng tàu lượn. Lúc 3:20 sáng, 69 tàu lượn sẽ tiến vào không phận Normandy mang theo người, xe cộ, trang bị nặng và những khẩu pháo quý giá.

Bản thân những chiếc tàu lượn là một vấn đề lớn với hành trình. Chúng rất lớn – to hơn một chiếc DC-3. Bốn trong số đó là những chiếc Hamilcar lớn tới mức có thể chuyên chở cả xe tăng nhẹ. Để 69 tàu lượn có thể hạ cánh, trước tiên lính dù phải chiếm giữ các khu đổ bộ đã được lựa chọn, ngăn ngừa địch tấn công. Tiếp đó họ phải tổ chức một bãi đổ bộ lớn từ những đồng cỏ bị rải đầy vật cản. Điều đó đồng nghĩa với phá bỏ cả một rừng những cọc mìn và thanh tà vẹt chỉ trong 2 tiếng rưỡi. Bãi đổ bộ này sẽ được dùng cho đợt tàu lượn thứ hai sẽ hạ cánh vào buổi tối.

Còn một việc nữa phải làm. Đó có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của Sư đoàn 6: phá hủy cụm pháo bờ biển lớn ở gần Merville. Tình báo Đồng minh tin rằng 4 khẩu pháo ghê gớm này có thể quấy rối quá trình tập hợp hạm đội và tàn sát số quân đổ bộ lên bãi Sword. Sư đoàn 6 sẽ phải phá huỷ những khẩu pháo này lúc 5:00 sáng.

Để hoàn thành nhiệm vụ, 4.255 lính dù của Lữ đoàn 3 và 5 đã nhảy xuống Normandy. Họ rơi xuống một khu vực trải rộng - hậu quả của những sai sót trong định hướng, máy bay phải đổi hướng do cao xạ, các bãi đổ bộ được đánh dấu tồi và do gió mạnh. Một số gặp may, nhưng hàng nghìn người khác đã rơi xuống cách bãi đổ bộ từ 8 đến 56km.



Lính dù Anh ở Normandy, ngày 10/6/1944.

Trong 2 lữ đoàn thì Lữ đoàn 5 ở trong tình trạng khá nhất. Phần lớn được thả gần mục tiêu ở gần Ranville. Tuy thế, các đại đội trưởng cũng đã mất giai đoạn tốt nhất trong 2 giờ đó chỉ để tập hợp được có một nửa quân số. Dù sao rất nhiều người cũng đang trên đường, được hướng dẫn bằng những tiếng tù và.

Binh nhì Raymond Batten thuộc Tiểu đoàn 13 nghe thấy tiếng tù và, nhưng mặc dù ở gần như ngay cạnh bãi đổ bộ anh vẫn không thể làm được gì lúc đó. Batten đã rơi qua tán cây dày của một khu rừng nhỏ. Anh bị treo trên cây, đu đưa chậm chạp từ bên này qua bên kia, cách mặt đất chỉ có 4,5m. Mặc dù khu rừng có vẻ tĩnh mịch, nhưng Batten có thể nghe thấy từ đằng xa từng loạt súng máy kéo dài, tiếng máy bay và cao xạ bắn. Khi rút dao chuẩn bị cắt dây, Batten nghe thấy tiếng lạch cạch từ một khẩu tiểu liên Schmeisser gần đó. Một phút sau, tiếng bước chân trên lá xào xạc và có người từ từ tiến về phía anh. Batten đã để rơi khẩu Sten trong lúc nhảy và không có súng ngắn. Anh bị treo một cách vô dụng ở đây, không biết liệu một tên Đức hay một lính dù khác đang lại gần mình. “Khi hắn tiến lại và nhìn lên”, Batten nhớ lại, “Tất cả những gì tôi có thể làm là bất động tuyệt đối và hắn có lẽ nghĩ tôi đã chết nên bỏ đi, đúng như mong đợi”.

Batten khẩn trương trèo xuống và hướng về phía hiệu tù và tập hợp. Nhưng những thử thách của anh còn xa mới chấm dứt. Ở bìa rừng anh thấy thi thể của một người lính trẻ, dù đã không mở. Tiếp đó, khi anh đi dọc con đường, một người chạy lên từ phía sau, hét lên điên dại, “Chúng bắn chết bạn tôi rồi! Chúng bắn chết bạn tôi rồi!”. Và cuối cùng, gặp được một toán lính dù cũng đang đi về phía điểm tập kết, Batten thấy bên cạnh là một người dường như đang còn sốc. Anh ta sải bước, không nhìn sang bên cạnh, hoàn toàn không nhận ra khẩu súng trường cầm chặt trong tay gần như đã gãy đôi.

Trong đêm nay, ở rất nhiều nơi, những người như Batten bị choáng váng gần như ngay lập tức trước thực tế gay gắt của chiến tranh. Khi đang cố gắng thoát ra khỏi đám dây dù, Binh nhất Harold Tait ở Tiểu đoàn 8 nhìn thấy một chiếc Dakota bị cao xạ bắn trúng. Chiếc máy bay lảo đảo lết qua đầu anh như một ngôi sao chổi và nổ tung trong một tiếng dữ dội cách đó gần 1,5km. Tait tự hỏi liệu những lính dù bên trong có kịp nhảy ra không.

Binh nhì Percival Liggins của Tiểu đoàn 1 Canada chứng kiến một máy bay khác bốc cháy. Nó “lao hết tốc lực, từng mảnh rời ra, cháy rực từ đầu đến đuôi” và dường như đâm thẳng đến chỗ anh. Cảnh tượng đó thôi miên Liggins khiến anh không thể cử động được. Chiếc máy bay lướt qua đầu và đâm xuống bãi đất phía sau. Anh cùng đồng đội tìm cách tới chỗ máy bay rơi để cứu những người bên trong, nhưng “đạn dược bắt đầu nổ và chúng tôi không thể lại gần”.

Đối với Binh nhì Colin Powell 21 tuổi ở Tiểu đoàn 12 rơi cách bãi đổ bộ hàng km thì âm thanh đầu tiên của chiến tranh là tiếng rên trong đêm. Anh quỳ xuống bên một lính dù bị thương nặng, một người Ireland đang yếu ớt cầu xin Powell “Bắn tôi đi anh bạn, làm ơn”. Powell không thể làm việc đó. Anh cố chăm sóc người lính trong khả năng của mình rồi vội vã đi tiếp, hứa sẽ tìm người giúp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:16:29 | Chỉ xem của tác giả
Trong những phút đầu tiên, tài xoay sở trở thành thước đo sinh tồn của nhiều người. Trung úy Richard Hilborn ở Tiểu đoàn 1 Canada nhớ lại, anh rơi xuống mái một khu nhà kính, “kính vỡ văng khắp nơi và gây nên những tiếng động khốn kiếp”, nhưng anh đã thoát ra và chạy đi trước khi mảnh kính ngừng rơi. Một người khác rơi chính xác xuống giếng. Sau khi kéo dây dù để lôi mình lên, anh ta bắt đầu tìm đến nơi tập kết như thể không có gì xảy ra.

Ở khắp nơi người ta tự tìm cách thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn. Phần lớn hoàn cảnh của họ cũng đã đủ tệ nếu xảy ra vào ban ngày; giờ trong đêm, trên vùng đất thù địch, họ bị pha trộn giữa nỗi sợ và trí tưởng tượng. Đó là trường hợp của Binh nhì Godfrey Maddison, anh ngồi bên rìa một khu đất bị dây thép gai bao bọc, không thể cử động. Cả hai chân đều bị thép gai cuốn vào và trọng lượng của đống trang bị - 57kg, gồm cả 4 quả đạn cối 4,5kg – đã đẩy anh vào đám rào quá sâu khiến anh gần như mắc kẹt hoàn toàn. Maddison đang đi về hướng có hiệu tù và tập hợp của Lữ đoàn 5 thì bị trượt chân và ngã vào đó. “Tôi bắt đầu thấy hơi đau”, anh nhớ lại, “trời rất tối và tôi cảm thấy chắc chắn ai đó sẽ bắn mình”. Trong vài giây anh không làm gì ngoài chờ và lắng nghe. Sau đó, xác định không bị phát hiện, Maddison bắt đầu cử động chậm chạp và đau đớn để tự giải thoát. Dường như phải mất hàng giờ anh mới giải phóng được một cánh tay để lấy chiếc kéo cắt rào gài ở dây lưng phía sau. Trong vài phút anh đã thoát ra và lại đi tiếp về hướng tiếng tù và.

Cũng khoảng thời gian đó, Thiếu tá Donald Wilkins thuộc Tiểu đoàn 1 Canada đang khom mình đi tới một gian xưởng nhỏ. Đột nhiên anh thấy những bóng người trên bãi cỏ. Anh lập tức nằm xuống. Những bóng đen đó không cử động. Wilkins nhìn chăm chăm vào chúng, và sau một phút, bắt đầu nguyền rủa và bước tới để kiểm tra sự nghi ngờ của mình. Chúng là những bức tượng đá trong vườn.

Một hạ sĩ của đơn vị trên cũng trải qua những cảm giác tương tự, ngoại trừ việc những gì anh ta nhìn thấy chỉ là quá thật. Binh nhì Henry Churchill, trong một con mương gần đó, nhìn thấy tay hạ sĩ vừa nhảy xuống chỗ nước sâu đến đầu gối, cởi bỏ dù và nhìn một cách tuyệt vọng khi có hai người tiến lại gần. “Viên hạ sĩ chờ đợi”, “Churchill nhớ lại, “cố phán đoán xem họ là lính Anh hay lính Đức”. Họ lại gần hơn và giọng nói không nghi ngờ gì nữa là tiếng Đức. Khẩu Sten của hạ sĩ khạc lửa và “anh ta hạ chúng chỉ bằng một loạt đạn”.

Kẻ thù nguy hiểm nhất trong những phút đầu tiên của D-Day không phải con người mà là thiên nhiên. Các biện pháp phòng ngừa của Rommel đã tỏ ra hiệu quả: những sông hồ và đầm lầy trong thung lũng Dives ngập nước là những cái bẫy chết người. Nhiều thành viên của Lữ đoàn 3 rơi xuống khu vực này giống như hoa giấy rơi lả tả ra từ trong túi. Đối với những lính dù này, bất hạnh tiếp nối bất hạnh. Một số phi công bị lạc trong mây dày đặc đã nhầm cửa sông Dives với cửa sông Orne và thả họ xuống một mê cung những đầm lầy và hồ. Cả một tiểu đoàn 700 quân đáng lẽ phải được thả tập trung trong khu vực rộng 2,5km2 thì thay vào đó lại bị rải ra trên khắp một vùng rộng 130km2, phần lớn là các khu đầm lầy. Và tiểu đoàn này - Tiểu đoàn 9 đã được huấn luyện kĩ - lại có nhiệm vụ khó khăn nhất, khẩn cấp nhất, đó là tấn công trận địa pháo Merville. Một số người sẽ phải mất nhiều ngày để tìm về đơn vị; nhiều người sẽ không bao giờ trở về.  

Sẽ không bao giờ biết có bao nhiêu người đã chết ở Dives. Những người sống sót kể lại rằng đầm lầy chia cắt bởi những con mương sâu 2m, rộng 1,2m và dưới đáy là chất lỏng nhờn dính. Một người đơn độc, bị súng, đạn và trang bị đè nặng lên người sẽ không thể thoát khỏi những nó. Các túi đựng bị ướt gần như trở nên nặng gấp đôi và người ta phải cởi bỏ nó để sống sót. Nhiều người bằng cách nào đó tránh được các đầm lầy đã chết đuối dưới sông trong khi bờ chỉ cách đó vài mét.

Binh nhì Henry Humberstone của Đội Cứu thương dã chiến dù 224 suýt nữa đã chết như vậy. Humberstone rơi xuống đầm lầy, ngập đến thắt lưng và không có ý niệm nào về vị trí anh đang ở. Anh đã chờ sẽ tiếp đất trong khu vực vườn cây ở phía tây Varaville, thay vào đó anh rơi xuống phía đông khu đổ bộ. Ngăn cách anh và Varaville không chỉ là đầm lầy mà là cả con sông Dives. Màn sương thấp bao phủ khu vực giống như một lớp phấn trắng và Humberstone có thể nghe thấy tiếng ếch kêu xung quanh. Sau đó, phía trước là tiếng nước chảy không thể nhầm lẫn. Humberstone trượt chân nhiều lần khi vượt qua những khu đất ngập và tới được bờ sông Dives. Trong khi tìm cách vượt sông, anh thấy 2 người ở bờ bên kia. Họ ở Tiểu đoàn 1 Canada. “Làm sao qua sông được?”, Humberstone hét lên. “An toàn ấy mà”, một người trong bọn họ trả lời. Người lính Canada lội xuống sông, có lẽ để cho anh thấy. “Tôi quan sát anh ấy 1 phút và phút sau anh ấy biến mất”, Humberstone nhớ lại, “Anh ấy không hét hay kêu la hay gì cả. Anh ấy chỉ đơn giản là chết đuối ngay trước mặt mà tôi và bạn anh ấy ở bên kia không thể làm gì”.

Đại úy John Gwinnett, cha tuyên úy Tiểu đoàn 9 bị lạc hoàn toàn. Ông cũng rơi xuống khu đầm lầy. Ông chỉ có một mình và mất bình tĩnh bởi sự im ắng xung quanh. Gwinnet phải thoát khỏi đây. Ông chắc chắn cuộc tấn công Merville sẽ ác liệt và ông muốn ở đó với người của mình. “Nỗi sợ gõ cửa”, ông đã nói với họ ở sân bay ngay trước khi lên đường, “Lòng tin mở cửa, và ngoài đó chả có gì”. Hiện giờ Gwinnett vẫn chưa biết, nhưng ông sẽ mất trọn 17 tiếng trước khi tìm được đường thoát khỏi đầm lầy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:17:42 | Chỉ xem của tác giả
Chính lúc đó, người chỉ huy Tiểu đoàn 9, Trung tá Terence Otway đang giận đến điên người. Anh đã bị thả cách điểm tập kết hàng cây số, và anh biết tiểu đoàn của mình đã hoàn toàn bị phân tán. Khi Otway vội vã đi trong đêm, những nhóm nhỏ xuất hiện khắp nơi, xác nhận nghi ngờ tồi tệ nhất. Anh tự hỏi cuộc thả dù còn tệ đến mức nào. Liệu những tàu lượn đặc biệt có bị phân tán như thế không?

Otway rất cần những khẩu pháo và các trang bị khác do tàu lượn chở nếu muốn kế hoạch thành công, vì Merville không phải một trận địa pháo thông thường. Bao quanh nó là cả một hệ thống phòng thủ có chiều sâu. Để tới được trung tâm của trận địa – 4 khẩu trọng pháo đặt trong công sự bê tông – Tiểu đoàn 9 sẽ phải vượt qua các bãi mìn và hào chống tăng, xuyên thủng lớp rào thép gai dày 4,5m, lại những bãi mìn nữa và cuối cùng phải đánh mở đường qua một mê cung chiến hào đầy các ổ súng máy. Quân Đức coi pháo đài chết chóc do 200 lính bảo vệ này gần như là bất khả xâm phạm.



Trận địa pháo Merville sau đợt oanh tạc của Không quân Đồng minh, tháng 5/1944.

Otway không nghĩ thế, và kế hoạch phá hủy các khẩu pháo của anh được chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ đến khó tin. Anh không muốn bỏ lỡ cơ hội nào. Trước tiên, 100 máy bay ném bom Lancaster sẽ oanh tạc ồ ạt với những quả bom 4000 pound. Tàu lượn sẽ chở đến xe jeep, pháo chống tăng, súng phun lửa, “ngư lôi Bangalore” [những ống thuốc nổ dài dùng để phá hàng rào], máy dò mìn, súng cối và thậm chí cả những chiếc thang gấp nhẹ bằng nhôm. Sau khi thu thập hết số trang bị đó, người của Otway sẽ chia thành 11 nhóm để bắt đầu tấn công.

Chuyện này đòi hỏi sự ăn khớp về thời gian. Nhóm trinh sát sẽ dẫn đầu và do thám khu vực. Các đội “cuốn băng” sẽ gỡ mìn và đánh dấu lối đi đã dọn sạch. Các đội “bộc phá” sẽ dùng “ngư lôi Bangalore” để phá hàng rào. Các xạ thủ bắn tỉa, súng cối và súng máy sẽ chiếm lĩnh vị trí để yểm trợ cuộc xung phong.

Kế hoạch của Otway còn một bất ngờ cuối cùng nữa: cùng thời điểm lực lượng của anh tấn công, 3 tàu lượn chở đầy lính sẽ hạ cánh thẳng trên đầu trận địa pháo trong một đòn đột kích phối hợp cả từ dưới đất và trên không.

Nhiều điểm trong kế hoạch giống như liều mạng, nhưng đáng để làm thế vì những khẩu pháo ở Merville có thể tàn sát hàng ngàn lính Anh nếu chúng bắn xuống bãi Sword. Ngay cả nếu mọi thứ diễn ra đúng thời gian đã định trong vài giờ nữa, từ lúc Otway tập hợp quân, hành quân tới trận địa pháo thì họ cũng chỉ có không đầy 1 giờ để phá huỷ nó. Anh đã được báo rõ là nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian, hải quân sẽ làm nốt. Nghĩa là đến 5:30 sáng đơn vị Otway phải tránh xa trận địa bất kể chuyện gì xảy ra. Vào lúc đó, nếu không có tín hiệu thành công từ Otway, cuộc bắn phá sẽ bắt đầu.

Kế hoạch là thế. Nhưng khi Otway đang vội vã đến điểm tập kết một cách lo lắng, phần đầu tiên đã đi tong. Cuộc không kích lúc 12:30 thất bại hoàn toàn, không một trái bom nào rơi trúng trận địa pháo. Và sai sót đã nhân lên gấp bội: những tàu lượn mang theo những trang bị quý giá đã không tới được.

*

*  *


Ở trung tâm của bờ biển Normandy, trong căn hầm quan sát nhìn xuống bãi Omaha, Thiếu tá Werner Pluskat vẫn đang quan sát. Ngoài những con sóng đầu bạc, anh không thấy gì thêm. Sự lo lắng của anh vẫn chưa giảm đi; có lẽ, Pluskat đang cảm thấy chắc chắn hơn bao giờ hết là điều gì đó đang xảy ra. Ngay sau khi anh tới căn hầm, liên tiếp các tốp máy bay gầm rú bay về phía bên phải; Pluskat nghĩ có đến hàng trăm chiếc. Ngay từ phút đầu tiên thấy chúng, anh đã chờ đợi một cuộc gọi bất chợt từ trung đoàn xác nhận nghi ngờ của mình là cuộc đổ bộ đang thực sự bắt đầu. Nhưng điện thoại vẫn câm lặng. Không có gì thêm từ Ocker sau cuộc gọi đầu tiên. Giờ Pluskat nghe thấy một thứ khác – tiếng của một số lượng lớn máy bay chầm chậm vọng đến hướng về bên trái. Lần này những tiếng động đến từ phía sau anh. Có vẻ những chiếc máy bay này đang tiến về bán đảo Cherbourg từ phía tây. Pluskat đang hoang mang hơn bao giờ hết. Theo bản năng anh nhìn vào ống kính một lần nữa. Khu vịnh hoàn toàn trống trải. Không thấy  gì.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

39#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:19:14 | Chỉ xem của tác giả
Ở Ste-Mere-eeglise tiếng bom nổ rất gần. Alexandre Renaud, thị trưởng và dược sĩ của thị trấn có thể thấy mặt đất rung chuyển. Với ông có vẻ máy bay đang tấn công các trận địa pháo ở Sr-Marcouf và St-Martin-de-Varreville, cả hai đều cách đây có vài km. Ông rất lo lắng cho thị trấn và người dân. Tất cả những gì họ có thể làm là ẩn nấp trong những con hào đào trong vườn hay tầng hầm, họ không thể rời nhà do lệnh giới nghiêm. Renaud đưa bà vợ Simone và 3 đứa con tới hành lang dẫn ra phòng khách. Những tấm ván dày của nó có thể che chắn tốt cho họ. Lúc đó vào khoảng 1:10 sáng khi cả gia đình cùng tạm thời ẩn náu trước cuộc không kích. Renaud nhớ rõ thời điểm (với ông là 12:10 đêm), vì ngay sau đó có tiếng gõ cửa liên tục và vội vã.

Renaud để gia đình ở nguyên chỗ và bước qua quầy thuốc tối om nhìn ra quảng trường Place de l'eeglise. Trước khi ra tới cửa, ông đã nhận thấy vấn đề. Qua cửa sổ của quầy hàng, ông thấy quảng trường với những hàng cây dẻ ở bên và ngôi nhà thờ Norman lớn hiện lên sáng rực. Biệt thự của M. Hairon đối diện quảng trường đang bốc cháy dữ dội.

Renauld mở cửa. Đội trưởng cứu hoả của thị trấn, đội chiếc mũ đồng bóng loáng dài đến vai đang đứng trước mặt ông. “Tôi nghĩ là bom cháy từ máy bay đã rơi lạc vào”, ông nói luôn không mào đầu, chỉ về phía ngôi nhà cháy. “Lửa đang lan nhanh. Ông có thể bảo bọn chỉ huy bỏ lệnh giới nghiêm không? Ta cần càng nhiều người giúp chuyển nước càng tốt”.

Ông thị trưởng chạy tới sở chỉ huy quân Đức ở gần đó. Ông nhanh chóng giải thích tình hình cho tay hạ sĩ trực, và với thẩm quyền được giao, anh ta cho phép. Cùng lúc đó lính gác Đức được triệu tập để canh chừng trong khi những người tình nguyện tập hợp. Tiếp đó Renaud tới nhà xứ và báo cho Cha Louis Roulland. Vị linh mục cử người trông coi nhà thờ đi kéo chuông, trong khi ông cùng với Renaud và những người khác chạy đi gõ cửa, kêu gọi người dân tới giúp. Mọi người bắt đầu xuất hiện, một số vẫn mặc đồ ngủ, một số mới chỉ khoác thêm quần áo, và hơn 100 đàn ông và phụ nữ nhanh chóng xếp thành 2 hàng dài, chuyền tay nhau những xô nước. Đứng quanh họ là 30 lính Đức với súng trường và tiểu liên Schmeisser.

Renaud nhớ lại, trong lúc hỗn loạn ấy Cha Roulland kéo ông sang một bên. “Ta phải nói chuyện với ông – rất quan trọng”, vị linh mục nói. Ông dẫn Renaud xuống gian bếp của nhà xứ. Bà hiệu trưởng già Angeele Levrault đang chờ họ. Bà vẫn còn sốc. “Một người đã nhảy dù xuống vườn đậu của tôi”, bà ngập ngừng nói. Renaud còn lo lắng hơn, nhưng ông cố trấn an bà. “Bình tĩnh”, ông nói, “Bà hãy về nhà và ở yên đó”. Rồi ông quay lại đám chữa cháy.

Tiếng ồn và sự hỗn loạn đã gia tăng khi ông vắng mặt. Ngọn lửa bốc cao hơn. Những tia lửa bắn sang những ngôi nhà khác và chúng đã bắt đầu cháy. Đối với Renaud cảnh tượng này thật là ác mộng. Ông gần như đứng chôn chân, nhìn thấy những gương mặt hoảng hốt, vội vã của những người chữa cháy và những tên lính Đức cục mịch, quần áo kín người với súng trường và súng máy trong tay. Và trên quảng trường chuông vẫn đang kêu, góp thêm tiếng lanh lảnh kéo dài vào những âm thanh hỗn loạn. Sau đó tất cả cùng nghe thấy tiếng máy bay.

Tiếng động lớn dần vọng đến từ phía tây, và cùng với nó là từng loạt cao xạ nổ vang khi những khẩu đội bố trí trên bán đảo lần lượt nhả đạn trùm lên các tốp máy bay. Trên quảng trường Ste-Mere-eeglise mọi người ngước nhìn lên, sững sờ, quên bẵng những ngôi nhà đang cháy. Rồi pháo trong thị trấn bắn đầu bắn và tiếng động đã ở ngay trên đầu họ. Những chiếc máy bay lướt tới, gần như đầu cánh sát với nhau, vượt qua lưới lửa từ dưới đất bắn lên. Đèn trên máy bay đều bật. Chúng bay thấp tới mức mọi người trên quảng trường đều thụp xuống tránh theo bản năng, và Renaud nhớ lại rằng máy bay “in những chiếc bóng lớn lên mặt đất và dường như bên trong thân chúng đèn đỏ sáng rực”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

40#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:20:17 | Chỉ xem của tác giả
Từng lớp máy bay nối tiếp nhau tới, những chiếc đầu tiên của chiến dịch đổ bộ đường không lớn nhất từng được thực hiện – 882 máy bay chở theo 13.000 quân. Lực lượng thuộc Sư đoàn 101 và Sư đoàn 82 kì cựu của Mỹ đang hướng tới 6 bãi đổ bộ, tất cả đều nằm trong phạm vi vài km từ Ste-Mere-eeglise. Lính dù nối nhau lao ra. Và khi tìm cách tiếp đất ở khu vực bên ngoài thị trấn, nhiều người đã nghe thấy một tiếng động bất hợp lý giữa những âm thanh chiến trận: tiếng chuông nhà thờ trong đêm. Với nhiều người đó là những âm thanh cuối cùng mà họ nghe được. Bị gió mạnh cuốn đi, họ rơi vào giữa địa ngục trên quảng trường Place de l'eeglise – và số mệnh trớ trêu là những khẩu súng của lính gác Đức được bố trí ở đây. Trung úy Charles Santarsiero ở Trung đoàn 506 Sư đoàn 101 đang đứng bên cửa máy bay khi nó bay qua Ste-Mere-eeglise. Anh nhớ lại, “Chúng tôi ở độ cao khoảng 120m, và tôi có thể thấy lửa cháy cũng như đám Kraut đang chạy lăng xăng. Dưới đất dường như hoàn toàn hỗn loạn. Địa ngục ở khắp nơi. Cao xạ và súng bộ binh đang bắn và những chàng trai tội nghiệp đó bị rơi vào giữa chúng”.

Gần như ngay khi rời máy bay, Binh nhì John Steele ở Trung đoàn 505 Sư đoàn 82 đã thấy thay vì hạ xuống một bãi đổ bộ được chiếu sáng, anh đang rơi thẳng vào trung tâm thị trấn có vẻ đang cháy. Rồi anh thấy những lính Đức và thường dân Pháp đang chạy cuống cuồng. Với Steele dường như phần lớn bọn họ đang nhìn anh. Vài giây sau anh cảm thấy như “bị một lưỡi dao nhọn đâm”. Một viên đạn đã bắn trúng chân anh. Sau đó Steele nhận thấy một điều còn làm anh hoảng hốt hơn. Treo dưới chiếc dù, không thể đổi hướng thoát khỏi thị trấn, anh đu đưa một cách vô dụng khi chiếc dù đưa anh lao thẳng tới tháp chuông nhà thờ ở bên cạnh quảng trường.

Phía trên Steele, Binh nhất Ernest Blanchard nghe thấy tiếng chuông và nhìn thấy những luồng đạn bắn lên xung quanh anh. Một phút sau anh kinh hãi chứng kiến một người lính ngay bên cạnh “nổ tung và hoàn toàn biến mất ngay trước mắt tôi”, có lẽ là nạn nhân của số thuốc nổ mang theo người.

Blanchard bắt đầu liều lĩnh kéo dây dù, cố tìm cách tránh đám hỗn loạn trên quảng trường. Nhưng đã quá trễ. Anh rơi mạnh xuống một cái cây. Xung quanh anh những người lính đang bị súng máy tàn sát. Có những tiếng la hét, kêu gào – những âm thanh mà Blanchard sẽ không bao giờ quên được. Khi súng máy bắn tới gần, Blanchard cuống cuồng cắt dây dù. Anh rơi xuống từ trên cây và chạy đi trong đau đớn, không biết rằng mình cũng đã cắt phải ngón tay cái.

Đối với quân Đức có vẻ Ste-Mere-eeglise đang bị tràn ngập bởi quân dù, và tất nhiên những người dân trên quảng trường nghĩ rằng họ đang ở trung tâm của một trận đánh lớn. Trên thực tế chỉ có một số lính Mỹ - có lẽ khoảng 30 – rơi xuống thị trấn, và không hơn 20 người tiếp đất xung quanh khu vực quảng trường. Nhưng chừng đó là đủ để làm gần 100 lính Đức đồn trú ở đây hoang mang. Đám lính tiếp viện đổ tới quảng trường, nơi có vẻ là trọng tâm của cuộc tấn công, và Renaud thấy mấy lính Đức dường như mất kiểm soát, đột ngột xuất hiện từ trong cảnh máu lửa này.

Cách nơi ông thị trưởng đứng khoảng 15m, một lính dù bị treo trên cây và gần như ngay lập tức anh ta bị phát hiện khi đang cố thoát ra. Renaud chứng kiến “khoảng nửa tá lính Đức trút sạch đạn từ súng tiểu liên vào anh ta và cậu bé bị treo ở đó với đôi mắt mở to, như thể đang nhìn xuống những vết đạn trên người”.

Bị kẹt trong cảnh tàn sát khắp nơi xung quanh, những người trên quảng trường giờ đây không để ý tới lực lượng đổ bộ đường không vẫn không ngừng kéo tới. Hàng nghìn người đang nhảy dù xuống các bãi đổ bộ của Sư đoàn 82 ở phía tây bắc và Sư đoàn 101 ở phía đông và gần chính tây, giữa Ste-Mere-eeglise và bãi Utah. Nhưng lúc này và cả sau đó, do cuộc thả dù bị phân tán quá rộng, binh sĩ thuộc đủ các trung đoàn đã rơi lạc vào trong cuộc tàn sát ở thị trấn nhỏ bé này. Thực tế một hoặc hai người, mang theo đạn dược, lựu đạn và thuốc nổ dẻo đã rơi vào một ngôi nhà đang cháy. Có những tiếng kêu và sau đó là tiếng súng và tiếng nổ khi đạn dược bị nung nóng.

Trong tất cả những sự hỗn loạn và ghê rợn đó, một người vẫn đang bền bỉ đấu tranh để giành sự sống. Binh nhì Steele bị treo dưới mái hiên, dù của anh mắc vào tháp chuông của nhà thờ. Anh nghe thấy những tiếng kêu thét. Anh thấy lính Đức và lính Mỹ bắn nhau trên quảng trường và trên đường phố. Và gần như tê liệt vì kinh hãi, anh thấy những luồng sáng đỏ từ súng máy khi đạn vãi đạn xung quanh mình. Steele cố gắn cắt dây, nhưng con dao bằng cách nào đó đã tuột khỏi tay anh và rơi xuống. Steel quyết định rằng hy vọng cuối cùng của anh là giả chết. Trên mái nhà chỉ cách có vài mét, súng máy Đức trút đạn vào mọi thứ trong tầm nhìn, nhưng không bắn vào Steele. Anh lơ lửng trên dây giống như đã “chết” thật đến mức Trung úy Willard Young của Sư đoàn 82, người đã trải qua giai đoạn giao tranh ác liệt nhất vẫn nhớ đến “một người lính chết treo trên tháp chuông”. Tổng cộng, Steele bị treo ở đó hơn 2 tiếng cho tới khi lính Đức đưa anh xuống và bắt giữ. Choáng váng và đau đớn vì vết thương ở chân, tất nhiên anh không để ý gì tới tiếng chuông kêu chỉ vài mét ngay trên đầu.



Tượng John Steele trên nóc nhà thờ ở Ste-Mere-eeglise.

Cuộc giao tranh ở Ste-Mere-eeglise là sự mở màn cho cuộc tấn công đường không của quân Mỹ. Nhưng nhìn toàn cảnh thì cuộc đụng độ đẫm máu này là một rủi ro. Mặc dù thị trấn là một trong những mục tiêu quan trọng của Sư đoàn 82, trận đánh chính giành Ste-Mere-eeglise vẫn chưa tới. Còn nhiều thứ phải thực hiện trước đó, Sư đoàn 101 và 82 cũng như quân Anh đang chạy đua với thời gian.

* Tôi không thể xác định chính xác số người chết và bị thương trên quảng trường vì giao tranh rải rác tiếp tục xảy ra trên khắp thị trấn cho tới lúc trận đánh chính diễn ra và làm chủ thị trấn. Nhưng ước tính tốt nhất cho con số thương vong là 12 chết, bị thương và mất tích. Phần lớn bọn họ thuộc Đại đội F Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 505, và có một chú thích nhỏ không tương xứng trong báo cáo chính thức của họ ghi rằng: “Thiếu úy Cadish và những binh sĩ dưới đây rơi xuống thị trấn và gần như bị giết ngay lập tức: Shearer, Blankenship, Bryant, Van Holsbeck và Tlapa”. Binh nhì John Steele nhìn thấy 2 người rơi vào ngôi nhà cháy, anh tin một trong hai người đó là Binh nhì White ở tiểu đội súng cối của anh nhảy sau. Trung tá William E. Ekman, Trung đoàn trưởng 505 cũng nói rằng “một trong số các cha tuyên úy của trung đoàn … nhảy xuống Ste-Mere-eeglise đã bị bắt và hành quyết sau đó mấy phút”. – TG.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách