Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lịch Sử] Ngày Dài Nhất | Cornelius Ryan (hoàn)

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 14:19:09 | Chỉ xem của tác giả
Hầu như ai trong lực lượng đổ bộ cũng viết thư trong những giờ chờ đợi. Họ đã bị cấm trại một thời gian dài và những lá thư dường như giúp họ giải toả tâm trạng. Nhiều người ghi lại những suy nghĩ của mình theo cách mà hiếm khi người ta làm.

Đại uý John F. Dulligan thuộc Sư đoàn Bộ binh số 1 sẽ đổ bộ lên bãi Omaha, viết cho vợ: “Anh yêu quý những người này. Họ nằm ngủ khắp nơi trên tàu, trên boong, bên trong xe, trên nóc xe và dưới gầm xe. Họ hút thuốc, chơi bài, vật nhau và vui đùa thoải mái. Họ túm tụm lại và chủ yếu tán về các cô gái, gia đình và những gì đã trải qua (cả về phụ nữ lẫn không phải về phụ nữ)… Họ là những người lính tốt, tốt nhất thế giới… Trước cuộc đổ bộ lên Bắc Phi, anh đã bồn chồn và hơi sợ… Trong cuộc đổ bộ lên Sicily anh bận rộn tới mức nỗi sợ trôi qua trong công việc… Lần này bọn anh sẽ đổ bộ lên Pháp và Chúa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Anh muốn em biết rằng anh yêu em bằng cả trái tim… Anh cầu mong Chúa sẽ che chở để anh về với em, Ann và Pat”.

Ở trên những chiến hạm hay tàu vận tải lớn, trong sân bay hay các khu tập kết là những người may mắn. Họ bị cấm trại và dồn đống lại nhưng khô ráo, ấm áp và khoẻ mạnh. Đó là một câu chuyện khác với người đang ở trên những chiếc tàu đổ bộ đáy bằng thả neo bên ngoài các bến cảng. Một số đã phải ở trên tàu hơn 1 tuần. Trên những chiếc tàu chật chội và hôi hám, người ta khổ sở đến khó tin. Đối với họ cuộc chiến đấu kéo dài ngay từ khi chưa rời Anh. Đó là cuộc chiến đấu chống lại say sóng và buồn nôn. Phần lớn vẫn còn nhớ trên những chiếc tàu chỉ có 3 mùi: mùi dầu diesel, mùi toa lét và mùi bãi nôn.

Hoàn cảnh mỗi chiếc tàu khác nhau. Trên chiếc LCT 777, Tín hiệu viên cấp 3 George Hackett Jr đang ngạc nhiên khi thấy sóng cao đến mức chúng đập vào thành một chiếc tàu và tràn sang cả một chiếc khác. LCT 6, một tàu đổ bộ của Anh chứa nhiều đến mức Trung tá Clarence Hupfer Sư đoàn Bộ binh 4 Mỹ nghĩ rằng nó sẽ chìm. Nước ngấp nghé mép tàu và thỉnh thoảng tràn vào trong. Lòng tàu ngập nước và binh lính buộc phải ăn thức ăn nguội lạnh – đó là tất cả những thứ họ có thể ăn.

Hạ sĩ Keith Bryan thuộc Lữ đoàn Công binh đặc biệt số 5 nhớ lại tàu LST 97 quá đông đúc nên người ta giẫm cả vào nhau và quá lắc nên những người may mắn có giường cũng rất khó ở nguyên trên đó. Và với Hạ sĩ Morris Magee Sư đoàn 3 Canada thì con tàu này lắc lư “tệ hơn cả một con thuyền chèo ở trung tâm hồ Champlain”. Anh mệt đến mức không nôn nổi nữa.

Nhưng phải chịu đựng nhiều nhất trong thời gian chờ là binh lính trên các đoàn tàu được triệu hồi. Cả ngày họ đã phải chịu bão trên Eo biển. Bây giờ, khi những đoàn tàu cuối cùng lục tục thả neo, họ ủ rũ dựa vào lan can, ướt sũng và kiệt sức. Đến 11:00 tối, tất cả đã quay về.

Bên ngoài cảng Plymouth, Thiếu tá Hoffman thuyền trưởng tàu Corry đứng trên đài chỉ huy quan sát bóng những chiếc tàu đổ bộ tối om đủ mọi kích cỡ và hình dáng. Trời lạnh. Gió vẫn thổi mạnh và anh có thể nghe thấy những tiếng bì bõm khi những con tàu dập dềnh trên mỗi đợt sóng.



Tàu đổ bộ Đồng minh tại cảng Southampton, 1/6/1944.

Hoffman thấy mệt mỏi. Họ chỉ vừa trở về ngay trước khi được biết lần đầu lí do của lệnh hoãn. Giờ họ được thông báo chuẩn bị xuất phát một lần nữa.

Dưới khoang tàu, tin tức nhanh chóng truyền đi. Điện đài viên Bennie Glisson biết tin khi chuẩn bị đến phiên trực. Anh len qua những hành lang kín đặc và khi tới nơi anh thấy hơn một tá người đang ăn tối – hôm nay là gà tây với đủ thứ kèm theo. “Các cậu”, anh nói, “hãy làm như đây là bữa tối cuối cùng đi”. Bennie đã gần đúng. Ít nhất một nửa số đồ ăn đó sẽ chìm cùng Corry ngay sau H-Hour của D-Day.

Tương tự, tinh thần cũng xuống thấp trên tàu LCI 408. Các binh sĩ Phòng vệ bờ biển tin rằng việc xuất phát hỏng này chỉ là một lần diễn tập. Binh nhì William Joseph Phillips ở Sư đoàn Bộ binh 29 cố động viên họ. Anh nghiêm trang phán đoán, “Đơn vị này sẽ chả bao giờ phải đánh nhau. Chúng ta đã ở Anh quá lâu đến mức công việc của ta sẽ không bắt đầu trước khi chiến tranh kết thúc. Họ sẽ cho ta đi cọ phân chim ở vùng Đồi Trắng Dover”.

Vào nửa đêm các canô của lực lượng Phòng vệ bờ biển và các tàu khu trục Hải quân bắt đầu công việc nặng nề là tái tổ chức các đoàn tàu một lần nữa. Lần này thì sẽ không có quay lại.

Ngoài khơi bờ biển nước Pháp, chiếc tàu ngầm mini X23 chậm chạp nổi lên mặt biển. Lúc đó là 1:00 sáng ngày 5 tháng 6. Đại úy George Honour nhanh nhẹn mở nắp. Anh và các thủy thủ trèo lên tháp dựng ăngten. Bên dưới, Đại úy James Hodges chỉnh vô tuyến về 1850 kilocycle và cầm ống nghe. Không phải đợi lâu, anh nhận được tín hiệu rất yếu: “Padfeet … Padfeet … Padfeet”. Khi nghe thông điệp chỉ có một từ đó, Hodges nhìn lên nghi hoặc. Giữ chặt ống nghe hơn, anh nghe lại lần nữa. Nhưng không có sai sót nào. Đại úy báo cho mọi người. Không ai nói gì. Họ nhìn nhau ủ rũ, sẽ lại phải nằm dưới nước suốt một ngày nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 14:20:57 | Chỉ xem của tác giả
Trong sáng sớm, bờ biển Normady chìm trong sương. Trận mưa dai dẳng hôm trước đã trở thành một cơn mưa bụi đều đều, thấm ướt mọi thứ. Xa hơn các bãi biển là những khu đất cổ xưa hình thù không giống nhau, nơi đã từng diễn ra vô số trận đánh và sẽ diễn ra vô số trận đánh khác.

Trong 4 năm người dân Normandy đã sống chung với lính Đức. Cảnh giam hãm này có những điểm khác nhau đối với mỗi người. Tại 3 thành phố chính – Le Havre và Cherbourg, những hải cảng ở hai đầu phía đông và tây khu vực, và ở giữa chúng (cả về địa lý lẫn quy mô) Caen, nằm sâu 16km trong đất liền – cuộc sống dưới ách chiếm đóng rất khắc nghiệt và là sự thật không đổi. Ở đây có sở chỉ huy của lực lượng Gestapo và SS. Ở đây có những thứ nhắc nhở người ta về chiến tranh – những cuộc bố ráp ban đêm, những cuộc trả thù không ngừng nghỉ nhằm vào lực lượng kháng chiến, những cuộc ném bom của Đồng minh được chào đón nhưng cũng gây sợ hãi.

Bên ngoài các thành phố, khoảng giữa Caen và Cherbourg là vùng nông thôn nhiều cây cối: những cánh đồng nhỏ được bao bọc bởi những gò đồi lớn, bên trên là bụi rậm và cây non, đã được dùng như những chướng ngại vật thiên nhiên cả bởi kẻ xâm chiếm và người bảo vệ từ thời La Mã. Rải rác những trang trại bằng gỗ với mái rạ hoặc lợp ngói đỏ, và đây đó là những thị trấn và ngôi làng giống những pháo đài nhỏ, gần như tất cả đều có những nhà thờ vuông cạnh kiểu La Mã bao quanh bởi những ngôi nhà xây bằng đá xám có tuổi đời nhiều thế kỷ. Chúng vô danh với phần lớn thế giới – Vierville, Colleville, La Madeleine, Ste-Mere-eeglise, Chef-du-Pont, Ste. Marie-du-Mont, Arromanches, Luc. Trong vùng nông thôn thưa thớt dân cư này, cảnh chiếm đóng không giống ở các thành phố lớn. Bị cuốn vào một kiểu vòng xoáy chiến tranh ở nông thôn, những nông dân Normandy phải làm những gì có thể để thích nghi với hoàn cảnh. Hàng ngàn đàn ông và phụ nữ bị lùa khỏi các thị trấn và làng mạc để trở thành lao động cưỡng bức, những người ở lại thì phải làm việc bán thời gian trong những tiểu đoàn lao công xây dựng công trình phòng thủ bờ biển. Nhưng những nông dân tự chủ đến dữ dội này không làm gì ngoài những việc tối cần thiết. Họ sống qua ngày, căm ghét quân Đức với sự gan lì của người Norman và khắc khổ trông đợi ngày giải phóng.

Luật sư 31 tuổi Michel Hardelay đứng bên cửa sổ phòng khách trong ngôi nhà của mẹ anh trên đồi nhìn xuống làng Vierville đang say ngủ, quan sát qua ống nhòm tên lính Đức cưỡi con ngựa cày lớn trên đường đi ra bờ biển. Bên yên ngựa treo nhiều bình thiếc. Đó là một cảnh tượng lố bịch: cái mông khổng lồ của con ngựa, những chiếc bình vung vẩy và trên cùng là chiếc mũ sắt trông như cái xô của tên lính.

Trong khi Hardelay theo dõi, gã Đức vào làng, đi qua nhà thờ với ngọn tháp cao hẹp và tới chỗ bức tường bê tông chặn ngang con đường chính từ bờ biển. Hắn xách bình xuống ngựa. Bỗng 3 hay 4 tên lính xuất hiện một cách bí ẩn quanh những ngọn đồi và con dốc. Chúng lấy những chiếc bình rồi lại biến mất. Mang cái còn lại, gã lính trèo qua tường và đi tới căn biệt thự mùa hè màu nâu đỏ có cây bao bọc nằm ở cuối bãi biển. Ở đó hắn quỳ xuống và đưa chiếc bình cuối cùng cho những bàn tay chìa ra ở tầng trệt ngôi nhà.

Sáng nào cũng vậy. Gã Đức không bao giờ trễ giờ; hắn luôn mang cà phê sáng qua Vierville vào lúc này. Ngày mới đã bắt đầu với những pháo thủ trong những lô cốt trên đồi và hầm ngầm được ngụy trang ở cuối bãi biển – bãi cát uốn lượn, vẻ yên bình mà ngày hôm sau sẽ được thế giới biết đến với cái tên bãi Omaha.

Michel Hardelay biết lúc này là 6:15 đúng.

Anh đã xem đồng hồ nhiều lần. Nó gây ấn tượng rằng đây là một vở hài kịch nhỏ, một phần do sự xuất hiện của gã lính, một phần do anh thấy buồn cười vì sự chính xác như máy được ca tụng của người Đức thể hiện trong cả công việc đơn giản như giao cà phê sáng. Nhưng Hardelay thấy buồn cười một cách cay đắng. Như những người dân Normandy khác, anh đã căm ghét bọn Đức trong một thời gian dài và anh đặc biệt căm ghét chúng vào lúc này.

Trong nhiều tháng Hardelay quan sát lính Đức và lao công cưỡng bức xây dựng công sự khắp các con dốc và trên các ngọn đồi. Anh thấy chúng giăng đầy những vật cản và đặt hàng nghìn trái mìn sát thương đáng sợ. Và không dừng ở đó. Với sự cẩn thận có phương pháp, chúng phá huỷ những dãy nhà, biệt thự mùa hè xinh đẹp màu hồng, trắng và đỏ dưới chân dốc dọc theo bờ biển. Giờ trong số 90 căn nhà chỉ còn lại 7. Chúng bị phá hủy không chỉ để bọn xạ thủ có tầm quan sát tốt và còn vì quân Đức cần gỗ xây công sự. Trong số 7 căn còn lại, ngôi nhà lớn nhất bằng đá được xây trong suốt 1 năm là của Hardelay. Vài ngày trước tên chỉ huy địa phương đã chính thức báo cho anh biết nó sẽ bị phá huỷ. Bọn Đức quyết định là chúng cần gạch và đá.

Hardelay tự hỏi liệu có ai hay ở đâu sẽ huỷ bỏ lệnh đó không. Trong vài trường hợp, bọn Đức thường khó đoán. Anh sẽ biết chắc trong 24 giờ nữa; anh đã được báo là ngôi nhà sẽ bị phá huỷ vào ngày mai: thứ Ba, ngày 6 tháng 6.

Lúc 6:30, Hardelay chuyển kênh radio để nghe tin tức của BBC. Điều này bị cấm, nhưng giống như hàng trăm nghìn người Pháp khác anh phớt lờ nó. Chỉ có một cách khác để chống lại. Do đó anh vặn nhỏ xuống chỉ còn như nói thầm. Như thường lệ, vào cuối bản tin “Đại tá Anh” – Douglas Ritchie, người vẫn thường được coi là phát ngôn viên của Bộ Tổng tư lệnh Đồng minh – đọc một thông báo quan trọng.

“Hôm nay, thứ Hai, ngày 5 tháng 6”, ông nói, “Tổng tư lệnh chỉ thị cho tôi nói điều này: “hiện nay trong những tin tức này tồn tại một kênh liên lạc trực tiếp giữa Tổng tư lệnh và các bạn ở các quốc gia bị chiếm đóng… Vào một lúc thích hợp những chỉ thị quan trọng sẽ được phát, nhưng không thể thông báo trước thời điểm; do vậy các bạn nên có thói quen, cả cá nhân lẫn phân công với bạn bè để nghe liên tục. Điều này không khó khăn như nó nghe chừng…”. Hardelay đoán các “chỉ thị” đó sẽ liên quan tới cuộc đổ bộ. Ai cũng biết là nó đang đến. Anh nghĩ quân Đồng minh sẽ tấn công ở điểm hẹp nhất của Eo biển – quanh Dunkirk hoặc Calais, những nơi có cảng biển. Nhưng tất nhiên không phải ở đó.  

Nhà Dubois và Davot sống ở Vierville không nghe bản tin, sáng nay họ dậy muộn. Tối qua họ tổ chức một buổi lễ lớn đến gần sáng mới kết thúc. Những cuộc họp mặt gia đình tương tự đã diễn ra khắp vùng Normandy, vì Chủ nhật 4 tháng 6 đã được giáo hội chọn làm Ngày ban thánh thể đầu tiên (First Communion Day). Đó luôn là một sự kiện lớn, một lí do để gia đình và họ hàng tụ họp nhau hàng năm.

Diện trong bộ quần áo đẹp nhất, đám trẻ nhà Dubois và Davot đã được ban thánh thể lần đầu trong nhà thờ nhỏ Vierville trước ánh mắt tự hào của người thân. Một vài người, được cấp những giấy thông hành đặc biệt của Đức phải mất hàng tháng mới có được, đã đi bằng đủ cách từ Paris. Chuyến đi khó chịu và nguy hiểm – khó chịu vì những đoàn tàu đông đúc không bao giờ đúng giờ, nguy hiểm vì những đầu máy luôn là mục tiêu của máy bay cường kích Đồng minh.

Nhưng cũng đáng giá, một chuyến đi tới Normandy luôn như thế. Vùng này vẫn còn giàu có với những thứ mà ở Paris bây giờ hiếm khi thấy – bơ tươi, pho mát, trứng, thịt và tất nhiên, Calvados, thứ rượu táo cônhắc nặng của người Norman. Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn này, Normandy vẫn là chỗ ở tốt. Nó yên tĩnh và hoà bình, cách nước Anh quá xa để có thể bị tấn công.

Cuộc họp mặt giữa 2 gia đình đã rất thành công. Và vẫn chưa kết thúc. Tối nay mọi người sẽ lại tham dự một bữa tiệc khác với những loại rượu tốt nhất mà chủ nhà còn giữ được. Nó sẽ bế mạc lễ kỉ niệm; những người họ hàng sẽ bắt tàu về Paris sáng sớm ngày thứ Ba.

Chuyến đi nghỉ 3 ngày ở Normandy của họ sẽ kéo dài hơn thế; họ sẽ tiếp tục bị kẹt ở Vierville trong 4 tháng nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 14:22:52 | Chỉ xem của tác giả
Xa hơn về phía bãi biển, gần Colleville, Fernand Broeckx 40 tuổi đang làm công việc thường lệ vào 6:30 hàng sáng. Ông ngồi trong chuồng bò ẩm ướt, đeo kính lệch, vắt sữa bò vào xô. Trang trại của ông, nằm bên một con đường đất chật hẹp, nằm cao hơn mực nước biển khoảng 800m. Ông đã không đi lại trên đường này hoặc ra bờ biển một thời gian dài từ khi bọn Đức cấm.  

Ông đã làm nông ở Normandy được 5 năm. Trong Thế chiến I, Broeckx, một người Bỉ, đã chứng kiến nhà của mình bị phá huỷ. Ông không bao giờ quên điều đó. Khi Thế chiến II bắt đầu, ông nhanh chóng bỏ việc và đưa vợ cùng con gái tới Normandy, nơi họ có thể được an toàn.

Cách đó 16km trong thị trấn giáo đường Bayeux, cô con gái xinh đẹp 19 tuổi của ông, Anne Marie đang chuẩn bị cho buổi dạy của mình ở trường mẫu giáo. Cô mong chờ hết ngày, sau đó sẽ là kì nghỉ hè. Cô sẽ dành thời gian nghỉ ở trang trại. Ngày mai Anne Marie sẽ đạp xe về nhà.

Cũng trong ngày mai, một người Mỹ cao gầy đến từ đảo Rhode mà cô chưa bao giờ gặp sẽ đổ bộ lên bãi biển gần như thẳng hướng với trang trại của bố cô. Anne Marie sẽ kết hôn với anh ta.

Trên khắp vùng duyên hải Normandy, người ta làm những công việc hàng ngày. Nông dân làm ruộng, chăm sóc những vườn táo, chăn giữ những đàn cừu trắng. Trong các ngôi làng và thị trấn, cửa hàng bắt đầu mở cửa. Đối với mọi người, đây chỉ là một trong chuỗi ngày sống dưới sự chiếm đóng.

Trong ngôi làng nhỏ La Madeleine, phía sau những cồn và bãi cát trải dài sẽ được biết đến dưới cái tên bãi Utah, Paul Gazengel mở quầy hàng và cà phê nhỏ như thường lệ, mặc dù hầu như không có khách.

Đã có một thời kỳ Gazengel có cuộc sống thuận lợi – không nhiều, nhưng đủ trang trải cho ông, bà vợ Marthe và cô con gái 12 tuổi, Jeannine. Nhưng giờ toàn bộ khu vực bờ biển đã bị phong toả. Những gia đình sống ngay sát bờ biển – đại thể, từ khu vực cửa sông Vire (đổ ra biển gần đó) và dọc theo bán đảo Cherbourg – đã bị chuyển đi. Chỉ những người có trang trại mới được ở lại. Giờ đây cuộc sống của ông chủ quán cà phê dựa vào 7 gia đình còn lại ở La Madeleine và vài lính Đức ở gần đó mà ông phải phục vụ.

Gazengel muốn chuyển đi. Trong khi ngồi đợi vị khách đầu tiên tới, ông không biết rằng trong 24 giờ nữa mình sẽ có một hành trình. Ông và những người đàn ông khác trong làng sẽ được tập trung lại và đưa về Anh để tra hỏi.

Một trong những người bạn của Gazengel, thợ làm bánh Pierre Caldron có nhiều vấn đề nghiêm trọng để phải suy nghĩ hơn vào sáng nay. Ở phòng khám của bác sĩ Jeanne ở Carentan cách bờ biển 15km, anh ngồi bên giường cậu con trai 5 tuổi Pierre vừa cắt amiđan. Lúc trưa bác sĩ Jeanne kiểm tra lại cậu bé. “Anh không phải lo”, ông bảo người cha đang lo lắng, “Cậu bé ổn cả. Ngày mai anh có thể đón cháu về”. Nhưng Caldron đã suy nghĩ. “Không”, anh nói, “tôi nghĩ mẹ nó sẽ vui hơn nếu tôi đưa Pierre bé bỏng về nhà ngay hôm nay”. Nửa giờ sau, với cậu bé trong tay, Caldron lên đường trở về làng Ste-Marie-du-Mont, phía sau bãi Utah – nơi lính dù sẽ bắt liên lạc với Sư đoàn 4 vào D-Day.  

Đó cũng là một ngày yên tĩnh đối với quân Đức. Không có điều gì xảy ra và không có điều gì được dự đoán là sẽ xảy ra; thời tiết quá tệ. Nó quá tệ, thực tế, ở sở chỉ huy của Luftwaffe trong điện Luxembourg tại Paris, Đại tá Giáo sư Walter Steobe phụ trách bộ phận khí tượng nói với các sĩ quan tham mưu rằng trong những cuộc họp hàng ngày tới họ sẽ được thoải mái. Ông còn nghi ngờ cả việc máy bay Đồng minh có thể hoạt động vào hôm nay. Các pháo thủ cao xạ nhanh chóng được cho nghỉ gác.

Tiếp đó, Steobe gọi điện đến số 20 đại lộ Victor Hugo ở St-Germain-en-Laye cách đó chỉ 19km ở ngoại ô Paris. Cuộc gọi của ông được chuyển tới một khu nhà lớn ba tầng, dài 90m, rộng 18m nằm bên con dốc dẫn xuống một trường nữ sinh – đó là OB West, tổng hành dinh của Von Rundstedt. Steobe trao đổi với sĩ quan liên lạc về thời tiết, Thiếu tá Hermann Mueller, người có nhiệm vụ ghi lại các dự báo và gửi chúng cho Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Blumentritt. Báo cáo thời tiết rất quan trọng đối với OB West và Blumenntritt đặc biệt lo lắng về nội dung của nó. Ông sẽ xác định những chi tiết cuối về chuyến kiểm tra mà Tư lệnh Mặt trận phía Tây định tiến hành. Bản báo cáo xác nhận đánh giá của ông rằng nó có thể thực hiện theo đúng lịch trình. Von Rundstedt cùng với con trai, một trung úy trẻ tuổi, dự định kiểm tra công tác phòng thủ bờ biển ở Normandy vào thứ Ba.

Không nhiều người ở St-Germain-en-Laye nhận thức được vai trò của khu nhà đó và càng ít hơn nữa biết được rằng viên thống chế Đức có quyền lực nhất ở phía Tây sống trong một biệt thự nhỏ không phô trương phía sau trường trung học ở số 28 phố Alexandre Dumas. Nó được tường cao bao quanh, cánh cổng sắt hầu như luôn đóng. Đường vào căn biệt thự đi qua một hành lang được xây dựng đặc biệt cắt qua những bức tường của trường, hoặc qua một cánh cửa kín đáo mở ra phố Alexandre Dumas.

Von Rundstedt ngủ muộn như thường lệ (giờ vị thống chế cao tuổi hiếm khi dậy trước 10:30) và đã gần trưa khi ông ngồi vào bàn làm việc ở tầng một. Chính ở đây ông bàn bạc với tham mưu trưởng của mình và phê chuẩn bản “Dự báo ý định của Đồng minh” của OB West để sau đó chuyển cho tổng hành dinh của Hitler trong ngày. Đó lại là một dự đoán sai tiêu biểu khác. Nó viết:

Sự gia tăng không ngừng và có hệ thống các cuộc không kích cho thấy đối phương đã đạt tới mức sẵn sàng cao. Khu vực có thể bị đổ bộ vẫn nằm ở trong khoảng Scheldt [ở Hà Lan] tới Normandy … và không thể không tính đến phía bắc Brittany… [nhưng] vẫn còn chưa rõ đối phương sẽ nhằm vào đâu. Không kích tập trung vào khu phòng thủ giữa Dunkirk và Dieppe có thể cho thấy là Đồng minh sẽ chọn nơi này… [nhưng] dấu hiệu về cuộc đổ bộ vẫn chưa rõ ràng…

Với dự đoán mơ hồ này – dự đoán có thể đặt cuộc đổ bộ ở đâu đó trong suốt dải bờ biển 1.300km – Von Rundstedt cùng con trai lên đường tới quán ăn ưa thích của thống chế, quán Coq Hardi ở gần Bougival. Đã gần kề; D-Day chỉ còn cách 12 giờ nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 14:24:30 | Chỉ xem của tác giả
Trong các cơ quan chỉ huy của Đức, thời tiết xấu kéo dài có tác dụng như một liều thuốc an thần. Nhiều nơi đã tin chắc rằng trước mắt sẽ không có cuộc tấn công nào. Cơ sở của họ là những đánh giá cẩn thận dựa vào những cuộc đổ bộ của quân Đồng minh ở Bắc Phi, Italy và Sicily. Trong mỗi tình huống điều kiện thời tiết là khác nhau, nhưng các chuyên gia khí tượng như Steobe và cấp trên của ông ở Berlin, Tiến sĩ Karl Sonntag đã lưu ý rằng Đồng minh không bao giờ tiến hành đổ bộ trừ khi triển vọng thời tiết thuận lợi gần như chắc chắn, đặc biệt cho hoạt động yểm trợ bằng không quân. Đối với những bộ óc cẩn thận của người Đức thì sẽ không có gì đi ra ngoài quy luật này; thời tiết đơn giản là phải tốt hoặc quân Đồng minh sẽ không tấn công. Và thời tiết đơn giản là không tốt.

Ở sở chỉ huy Cụm quân B tại La Roche-Guyon, công việc vẫn tiến triển như lúc Rommel còn ở đây, mặc dù Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Speidel nghĩ rằng tình hình đủ yên tĩnh để tổ chức một bữa tiệc tối nhỏ. Ông đã mời một số khách: bác sĩ Horst, anh/em rể ông; Ernst Junger, nhà văn và triết gia và người bạn cũ, Thiếu tá Wilhelm von Schramm, một trong những “phóng viên chiến trường” chính thức. Vị tướng trí thức Speidel đang trông chờ bữa tối. Ông hy vọng họ sẽ nói chuyện về đề tài ưa thích, văn học Pháp. Còn có thứ khác: một bản viết tay 20 trang mà Junger đã viết và bí mật chuyển tới Rommel và Speidel. Cả hai đều nồng nhiệt tin tưởng vào tài liệu này; nó lên kế hoạch mang lại hoà bình sau khi Hitler bị toà án của Đức xét xử hoặc bị ám sát – “Tối nay, ta sẽ thật sự có cái để nói”, Speidel đã bảo Schram.

Tại sở chỉ huy Quân đoàn 84 ở St-Leo, Thiếu tá Friedrich Hayn, sĩ quan Tình báo đang sắp xếp một bữa tiệc theo kiểu khác. Anh đã đặt nhiều chai Chablis hảo hạng, Bộ Tham mưu dự định sẽ gây ngạc nhiên cho Đại tướng Erich Marcks, Tư lệnh Quân đoàn. Sinh nhật của ông là ngày 6 tháng 6.

Họ tổ chức bữa tiệc sinh nhật vào nửa đêm vì đến sáng Marcks sẽ phải đi tới thành phố Rennes ở Brittany. Ông cùng các chỉ huy cao cấp ở Normandy sẽ tham gia cuộc diễn tập trên bản đồ dự kiến bắt đầu vào sáng sớm ngày thứ Ba. Marcks hơi thích thú về vai trò ông sẽ đảm nhiệm: “quân Đồng minh”. Cuộc giả định được sắp xếp bởi Đại tướng Eugen Meindl, và có lẽ vì ông là một lính dù nên đặc điểm nổi bật của cuộc diễn tập là một cuộc “tấn công” mở màn bằng “đột kích” của lính dù tiếp nối bởi cuộc “đổ bộ” đường biển. Tất cả nghĩ Kriegsspiel (cuộc diễn tập) sẽ thú vị – cuộc đổ bộ giả định được cho là sẽ diễn ra ở Normandy.

Cuộc diễn tập làm Thiếu tướng Max Pemsey, Tham mưu trưởng Tập đoàn quân 7 lo lắng. Lúc chiều tại sở chỉ huy ở Le Mans ông đã suy nghĩ về nó. Sẽ khá tồi tệ nếu các sĩ quan cao cấp ở cả Normandy và bán đảo Cherbourg không ở vị trí chỉ huy cùng một lúc. Nhưng sẽ thật sự nguy hiểm nếu họ đi cả đêm. Hầu hết đều ở xa Rennes và Pemsey sợ rằng một số sẽ sắp xếp rời mặt trận trước bình minh. Đó là bình minh luôn làm Pemsey lo lắng; nếu cuộc đổ bộ diễn ra ở Normandy, ông tin nó sẽ mở màn trước khi trời sáng. Ông quyết định cảnh báo những người sẽ tham gia diễn tập. Mệnh lệnh của ông gửi qua điện báo viết: “Khuyến cáo các tướng lĩnh và sĩ quan chỉ huy sẽ tham gia diễn tập không bắt đầu xuất phát tới Rennes trước bình minh ngày 6 tháng 6”. Nhưng đã quá trễ. Vài người đã lên đường.

Và cứ như thế, từng người một, các sĩ quan cao cấp từ Rommel trở xuống đã rời tuyến đầu vào đúng đêm trước trận đánh. Tất cả đều có lí do, nhưng gần như là định mệnh bất thường đã khiến họ ra đi. Rommel đang ở Đức. Von Tempelhof, sĩ quan Tác chiến của Cụm quân B cũng vậy. Đô đốc Theodor Krancke, Tư lệnh Hải quân Mặt trận phía Tây sau khi báo cho Rundstedt rằng các tàu tuần tiễu không thể rời cảng do biển động đã lên đường tới Bordeaux. Trung tướng Heinz Hellmich, Tư lệnh Sư đoàn 243, đơn vị phòng thủ một hướng của bán đảo Cherbourg đi Rennes. Tương tự với Trung tướng Karl von Schlieben của Sư đoàn 709. Thiếu tướng Wihelm Falley của Sư đoàn Không vận 91 kì cựu chỉ vừa tới Normandy thì đang chuẩn bị đi. Đại tá Wihelm Meyer-Detring, sĩ quan Tình báo của Rundstedt đang sửa soạn khởi hành và một tham mưu trưởng sư đoàn không thể liên lạc được – ông ta ra ngoài đi săn với cô bồ người Pháp.*

* Sự trùng hợp của việc các sĩ quan rời mặt trận làm Hitler choáng váng tới mức đã thực sự bàn về một cuộc điều tra xem tình báo Anh có dính dáng tới không. Thực tế là Hitler cũng không chuẩn bị cho ngày trọng đại này khá hơn các tướng lĩnh. Quốc trưởng đang ở khu nghỉ Berchtesgaden tại Bavaria. Phụ tá hải quân của ông ta, Đô đốc Karl Jesko von Puttkamer, nhớ lại rằng Hitler dậy muộn, dự cuộc họp quân sự thường lệ vào buổi trưa và dùng bữa lúc 4:00 chiều. Ngoài người tình Eva Braun, còn có một số thành viên cao cấp của Nazi và vợ họ. Hitler ăn chay đã xin lỗi các vị phu nhân vì bữa ăn không có thịt với câu bình luận quen thuộc. “Voi là loài vật khoẻ nhất; chúng cũng không cần phải ăn thịt”. Sau bữa trưa, họ chuyển ra vườn, nơi Quốc trưởng thưởng thức trà chanh. Ông ta chợp mắt trong khoảng từ 6 đến 7 giờ, dự một cuộc họp quân sự khác lúc 11:00 tối, sau đó, ngay trước nửa đêm, các vị phu nhân được triệu tập lại. Theo trí nhớ của Puttkamer, họ nghe Wagnerr, Lehar và Strauss trong 4 giờ – TG.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 14:27:52 | Chỉ xem của tác giả
Vào lúc này, khi các sĩ quan phụ trách phòng thủ vùng duyên hải đang bị phân tán ra khắp châu Âu, Bộ Tư lệnh tối cao Đức quyết định chuyển những tiểu đoàn tiêm kích cuối cùng của Luftwaffe còn ở Pháp ra ngoài vùng hoạt động tới bờ biển Normandy. Các phi công đã rất kinh ngạc.

Lí do chính của việc này là những tiểu đoàn đó cần cho việc bảo vệ Đế chế đang bị Đồng minh tăng cường ném bom dữ dội suốt hàng tháng nay. Tình hình đó cho thấy dường như không có lí do gì để Bộ Tư lệnh giữ số tiêm kích quý giá đó phơi mình ở những sân bay trên đất Pháp, nơi chúng đang bị tiêu diệt bởi máy bay ném bom và tiêm kích Đồng minh. Hitler đã hứa với các tướng lĩnh rằng một ngàn máy bay của Luftwaffe sẽ tấn công các bãi biển vào ngày diễn ra đổ bộ. Giờ điều đó hiển nhiên là bất khả thi. Tính đến ngày 4 tháng 6, chỉ còn 183 máy bay tiêm kích trên toàn nước Pháp*, với khoảng 160 được đánh giá là trong tình trạng hoạt động được. Trong số 160 chiếc, một phi đoàn gồm 124 chiếc, Phi đoàn số 26 đã được chuyển đi khỏi vùng bờ biển vào chính buổi chiều này.

* Khi nghiên cứu viết cuốn sách này tôi đã tìm thấy không dưới 5 số liệu khác nhau cho số máy bay tiêm kích ở Pháp. Con số 183 ở trên được tôi đánh giá là chính xác. Nguồn của tôi là cuốn sử gần đây của Luftwaffe do Đại tá Josef Priller (xem bên dưới) viết, được đánh giá là một trong những tư liệu chính xác nhất từ trước đến giờ về hoạt động của Luftwaffe – TG.

Tại sở chỉ huy Phi đoàn 26 ở Lille trong khu vực Tập đoàn quân 15, Trung tá Josef “Pips” Priller, một trong những phi công Át chủ bài hàng đầu của Luftwaffe (anh đã bắn rơi 96 máy bay) đứng trên sân bay và đang cáu kỉnh. Trên trời, một trong ba tiểu đoàn của anh hướng về Metz ở đông bắc Pháp. Tiểu đoàn thứ hai đang chuẩn bị cất cánh. Họ được lệnh bay tới Rheims, khoảng nửa đường giữa Paris và biên giới Đức. Tiểu đoàn thứ ba đã chuyển tới miền Nam nước Pháp.



Trung tá (sau này là Đại tá) Josef Priller, Phi đoàn trưởng Phi đoàn tiêm kích 26, Ace của Không quân Đức với 101 chiến công.

Vị phi đoàn trưởng không thể làm gì ngoài việc đưa ra lời phản đối. Priller là người nóng tính, một phi công được biết đến trong Luftwaffe vì tính khí của mình. Anh nổi tiếng vì việc dám to tiếng với các tướng lĩnh, và giờ anh gọi điện cho liên đoàn trưởng. “Thật điên rồ”, Priller hét lên. “Nếu chúng ta đang chờ một cuộc đổ bộ thì các tiểu đoàn phải được đưa lên chứ không phải là rút về! Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc tấn công diễn ra trong quá trình di chuyển? Hậu cần của tôi sẽ không thể tới được căn cứ mới cho đến ngày mai hoặc ngày kia. Các ông điên hết cả rồi!”.

“Nghe này, Priller”, liên đoàn trưởng nói. “Cuộc đổ bộ không còn là vấn đề. Thời tiết quá xấu”.

Priller dập máy. Anh bước ra sân bay. Chỉ còn lại 2 chiếc, của anh và của Hạ sĩ Heinz Wodarczyk, người trợ thủ. “Chúng ta có thể làm gì?”, anh nói với Wodarczyk. “Nếu cuộc đổ bộ diễn ra họ chắc chắn sẽ đòi hỏi ta ngăn chặn nó bằng tất cả khả năng của bản thân. Tốt nhất là ta nên bắt đầu uống rượu thôi”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 14:29:19 | Chỉ xem của tác giả
Trong số hàng triệu người đang trông đợi và dõi theo trên đất Pháp, chỉ có một vài người đàn ông và phụ nữ thực sự biết cuộc đổ bộ sắp đến. Họ có không đến một tá. Như mọi khi, họ làm nhiệm vụ một cách bình tĩnh và kín đáo. Trở nên bình tĩnh và kín đáo là một phần công việc của họ; đó là những lãnh đạo của lực lượng kháng chiến Pháp.

Phần lớn những người này ở Paris. Từ đây họ chỉ huy một tổ chức rộng lớn và phức tạp. Trên thực tế đây là một đạo quân với đầy đủ hệ thống chỉ huy và vô số các ban bệ đảm nhiệm mọi việc, từ giải cứu các phi công Đồng minh bị bắn rơi đến phá hoại ngầm, từ hoạt động gián điệp đến ám sát. Có những chỉ huy vùng, chỉ huy khu vực, chỉ huy phân khu và hàng nghìn đàn ông, phụ nữ trong tổ chức. Trên giấy tờ tổ chức này có quá nhiều mạng lưới hoạt động chồng chéo đến nỗi nó dường như phức tạp trên mức cần thiết. Điều đó là có tính toán. Nó ẩn chứa sức mạnh của lực lượng kháng chiến ngầm. Hệ thống chỉ huy chéo cho phép tự bảo vệ tốt hơn; các mạng lưới hoạt động liên hoàn đảm bảo thành công của mỗi chiến dịch; và bí mật nhất là các chỉ huy trong toàn bộ cơ cấu lãnh đạo hầu như chẳng biết gì về nhau trừ mật danh và không bao giờ nhóm này biết nhóm kia đang làm gì. Đó là cách lực lượng ngầm tồn tại. Mặc dù đề phòng như vậy nhưng các hoạt động trả đũa của quân Đức đã trở nên dữ dội đến mức tới tháng 5 năm 1944, thời gian hoạt động của mỗi thành viên được đánh giá là chỉ tồn tại được trong dưới 6 tháng.

Đạo quân bí mật này đã duy trì cuộc chiến thầm lặng trong hơn 4 năm – một cuộc chiến luôn luôn không hào nhoáng, nhưng thường trực nguy hiểm. Hàng nghìn người bị hành quyết, hàng nghìn người khác chết trong các trại tập trung. Nhưng lúc này, mặc dù các thành viên vẫn còn chưa biết, cái ngày mà vì nó họ chiến đấu đang tới rất gần.



Quân kháng chiến Pháp.

Trong những ngày trước, bộ chỉ huy kháng chiến đã nhận hàng trăm thông điệp mật mã từ BBC. Một vài trong số đó thông báo rằng cuộc đổ bộ có thể diễn ra vào bất cứ lúc nào. Một thông điệp như vậy là dòng đầu bài thơ “Chanson d’Automne” của Verlaine – chính là lời cảnh báo mà người của Trung tá Meyer ở sở chỉ huy Tập đoàn quân 15 bắt được hôm 1 tháng 6. Canaris đã đúng.

Hiện giờ, còn hồi hộp hơn cả Meyer, những người lãnh đạo kháng chiến đang chờ dòng thơ thứ hai cùng những thông điệp khác sẽ xác nhận thông tin nhận được trước đó. Dự kiến sẽ không thông điệp nào được phát đi cho tới những giờ cuối cùng sát ngày đổ bộ thực sự. Những người chỉ huy cũng biết là đến lúc đó họ cũng không được biết chính xác địa điểm. Đối với phần lớn lực lượng kháng chiến, lời cảnh báo thực sự sẽ tới khi quân Đồng minh ra lệnh tiến hành các hoạt động phá hoại đã được lên kế hoạch. Hai thông điệp sẽ khởi động các cuộc tấn công. Một, “Thời tiết ở Suez rất nóng”, sẽ đưa vào thực hiện “Kế hoạch Xanh” – phá các đường ray và thiết bị xe lửa. Thông điệp kia, “Xúc sắc đang ở trên bàn”, sẽ thông báo “Kế hoạch Đỏ” – cắt các đường cáp và dây điện thoại. Tất cả các chỉ huy vùng, khu và phân khu đã được báo về chúng.

Trong tối thứ Hai này, đêm trước D-Day, thông điệp thứ nhất đã được phát trên BBC lúc 6:30 chiều. “Thời tiết ở Suez rất nóng… Thời tiết ở Suez rất nóng”, phát thanh viên nghiêm trang đọc.

Guillaume Mercader, trưởng bộ phận tình báo phân khu giữa Vierville và Port-en-Bessin (thẳng hướng với bãi Omaha) vùng duyên hải Normandy, đang cúi người nghe chiếc radio được giấu dưới căn hầm cửa hiệu bán xe đạp của anh ở Bayeux. Những từ đó làm anh gần như sửng sốt. Đó là khoảnh khắc Mercader sẽ không bao giờ quên. Anh không biết cuộc đổ bộ sẽ diễn ra ở đâu và khi nào, nhưng cuối cùng nó cũng đến, sau ngần ấy năm.

Một khoảng chờ. Rồi tiếp đến là bức thông điệp thứ hai mà Mercader chờ đợi. “Xúc sắc đang ở trên bàn”, phát thanh viên đọc, “Xúc sắc đang ở trên bàn”. Nó được tiếp nối ngay bởi một chuỗi thông điệp, mỗi cái đều được nhắc lại: “Mũ của Napoleon ở trong vòng… John yêu Mary… Mũi tên sẽ không qua được...”. Mercader tắt radio. Anh đã nghe 2 thông điệp duy nhất liên quan tới mình. Những thông điệp kia là cho các nhóm khác trên đất Pháp.

Vội vã leo lên, anh nói với vợ, Madelein, “Anh phải ra ngoài. Tối nay anh sẽ về muộn”. Rồi anh dắt chiếc xe đạp đua thấp ra khỏi cửa hàng và đạp đi báo cho các chỉ huy của phân khu. Mercader từng là tay đua vô địch của vùng Normandy và anh đã nhiều lần đại diện cho tỉnh trong giải đua danh tiếng Tour De France. Anh biết bọn Đức sẽ không ngăn cản. Chúng đã cấp một giấy phép đặc biệt cho phép anh có thể tập luyện.

Giờ đây ở khắp nơi các nhóm kháng chiến đang được âm thầm báo tin từ các chỉ huy trực tiếp. Mỗi đơn vị có kế hoạch riêng và biết chính xác cần phải làm gì. Albert Auge, trưởng ga ở Caen và người của mình sẽ phá hủy các máy bơm trong xưởng, vòi phun hơi ở các đầu máy. Andre Farine, chủ quán cà phê ở Lieu Fontain gần Isigny có nhiệm vụ phá hệ thống liên lạc ở Normandy; đơn vị 40 người của anh sẽ cắt các đường dây điện thoại dày đặc từ Cherbourg. Yves Gresselin, một người bán tạp hoá ở Cherbourg có nhiệm vụ khó khăn nhất: đặt mìn các tuyến xe lửa giữa Cherbourg, St-Leo và Paris. Và đây mới chỉ là vài nhóm. Đó là một mệnh lệnh lớn cho lực lượng kháng chiến. Thời gian rất ngắn và cuộc tấn công không thể bắt đầu trước khi trời tối. Nhưng ở khắp nơi từ vùng duyên hải Brittany tới biên giới Bỉ, người ta chuẩn bị, ai cũng hy vọng cuộc đổ bộ sẽ diễn ra ở khu vực của mình.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 14:30:39 | Chỉ xem của tác giả
Đối với một số người, các thông điệp đặt ra những vấn đề khác nhau. Ở thị trấn nghỉ mát ven biển Grandcamp gần cửa sông Vire và gần như ở chính giữa bãi Omaha và Utah, trưởng phân khu Jean Marion có một thông tin quan trọng cần chuyển cho London. Anh tự hỏi làm cách nào để thực hiện điều đó – và có còn đủ thời gian không. Sớm trong chiều nay người của anh đã báo cáo về một cụm pháo phòng không mới được điều động đến bố trí cách đó khoảng 1,5km. Để chắc chắn, Marion đã làm ra vẻ tình cờ đạp xe qua đó quan sát. Kể cả nếu bị chặn lại, anh biết mình có thể qua được; trong những giấy tờ giả mà anh có để dùng cho những trường hợp thế này, có một cái xác nhận anh là lao động xây dựng Bức tường Đại Tây Dương.

Marion choáng váng trước quy mô và tầm hoạt động của đơn vị này. Đó là một đơn vị cao xạ xung kích được cơ giới hóa với những khẩu pháo nặng, nhẹ và hỗn hợp. Có 5 đại đội, tổng cộng 25 khẩu và chúng đang được triển khai kiểm soát khu vực từ cửa sông Vire tới ngoại ô Grandcamp. Marion để ý bọn pháo thủ hối hả bố trí các khẩu pháo, gần như là chúng đang chạy đua với thời gian. Hoạt động như phát cuồng này khiến anh lo lắng. Điều này có thể có nghĩa là cuộc đổ bộ sẽ diễn ra ở đây và bằng cách nào đó bọn Đức đã biết được điều đó.

Mặc dù Marion không biết, những khẩu pháo này khống chế đường di chuyển chính xác của các máy bay và tàu lượn chở Sư đoàn 82 và 101 sẽ đến chỉ trong vài giờ nữa. Lúc này nếu ai đó trong Bộ Tư lệnh Đức biết gì về cuộc tấn công sắp xảy ra, họ cũng chưa báo cho Đại tá Werner von Kistowski, chỉ huy Trung đoàn Cao xạ xung kích số 1. Ông ta vẫn đang thắc mắc vì sao đơn vị cao xạ với 2.500 người của mình lại được đưa gấp tới đây. Nhưng Kistowski đã từng bị điều động khẩn cấp. Đơn vị ông ta đã từng được cử đến Caucasus. Giờ không gì làm ông bất ngờ được nữa.



Một trận địa cao xạ của quân Đức ở Normandy.

Jean Marion bình tĩnh đạp xe qua những tên lính đang loay hoay bên pháo, bắt đầu vật lộn với một vấn đề lớn: làm sao để đưa tin tức quan trọng này cho tổng hành dinh bí mật của Leeonard Gille, phó chỉ huy tình báo quân sự Normandy ở Caen cách đó 80km. Marion không thể rời nhóm của mình lúc này – có quá nhiều việc phải làm. Do vậy anh quyết định nắm lấy cơ hội gửi thông tin này qua hệ thống liên lạc tới Mercader ở Bayeux. Anh biết sẽ phải mất vài giờ, nhưng vẫn còn thời gian. Marion tin chắc Mercader sẽ có cách tới được Caen.

Còn một điều nữa Marion muốn báo cho London. Nó không quan trọng bằng tin về các vị trí cao xạ - đơn giản là xác nhận lại các thông điệp anh đã gửi trong những ngày trước về trận địa pháo lớn trên đỉnh vách đá cao bằng toà nhà 9 tầng Pointe du Hoc. Marion muốn báo cáo lần nữa là pháo vẫn chưa được bố trí. Chúng vẫn còn đang ở trên đường, cách vị trí này 3km. (Bất chấp những nỗ lực của Marion, vào D-Day biệt kích Mỹ sẽ mất 135 trong số 225 người trong cuộc tấn công quả cảm nhằm khoá họng những khẩu pháo chưa bao giờ ở đó).

Vài thành viên kháng chiến không ý thức được cuộc đổ bộ sẽ đến vào thứ Ba ngày 6 tháng 6 đang làm những công việc đặc biệt của riêng họ. Đối với Leeonard Gille đó là cuộc họp với cấp trên ở Paris. Ngay cả vào lúc này, Gille vẫn bình tĩnh ngồi trên chuyến tàu tới Paris, mặc dù anh biết các đội phá hoại của Kế hoạch Xanh có thể phá đường ray bất cứ lúc nào. Gille tin chắc cuộc đổ bộ sẽ không diễn ra vào thứ Ba, ít nhất là không ở khu vực của anh. Chắc chắn cấp trên sẽ hủy họp nếu cuộc tấn công nhằm vào Normandy.

Nhưng nó cũng làm anh băn khoăn. Chiều nay ở Caen, một cán bộ của Gille phụ trách một nhóm Cộng sản đã nói với anh khá dứt khoát là cuộc đổ bộ sẽ bắt đầu vào bình minh ngày 6. Thông tin của người này luôn đúng trong quá khứ. Điều đó gợi lại trong đầu Gille một câu hỏi cũ. Có phải anh ta nhận tin trực tiếp từ Moscow? Gille quyết định là không; anh thấy có vẻ không thể hiểu được nếu người Nga lại cố tình gây nguy hiểm cho kế hoạch của Đồng minh bằng cách phá vỡ an ninh.

Với Janine Boitard, vợ chưa cưới của Gille vẫn ở lại Caen, thứ Ba vẫn chưa đến đủ sớm. Trong 3 năm hoạt động ngầm, cô đã che giấu hơn 60 phi công Đồng minh trong tầng hầm nhỏ ở số 15 phố Laplace. Đây là một công việc nguy hiểm, căng thẳng và không được tôn vinh; sơ suất nhỏ đồng nghĩa với ra trường bắn. Sau thứ Ba, Jannie sẽ dễ thở hơn một chút – cho tới khi cô lại che giấu một phi công bị bắn rơi nữa – vì hôm đó cô sẽ sắp xếp để đưa 2 phi công RAF (Không quân Hoàng gia Anh) bị bắn rơi ở miền Bắc nước Pháp đi thoát qua đường dây. Họ đã ở trong hầm 15 ngày. Cô hy vọng họ sẽ tiếp tục gặp may.

Đối với những người khác, may mắn đã hết. Với Ameelie Lechevalier, ngày 6 tháng 6 có thể là tất cả hoặc không gì cả. Bà và người chồng Louis đã bị Gestapo bắt hôm 2 tháng 6. Ông bà đã giúp hơn 100 phi công Đồng minh trốn thoát; họ bị phản bội bởi một trong những cậu bé ở chính trang trại của họ. Giờ đây, trong xà lim ở nhà tù Caen, Ameelie Lechevalier ngồi trên giường và tự hỏi khi nào thì vợ chồng bà sẽ bị hành quyết.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 14:32:06 | Chỉ xem của tác giả
Ngoài khơi nước Pháp, ngay trước 9:00 tối, một tá tàu nhỏ xuất hiện. Họ di chuyển lặng lẽ theo hàng ngang, gần tới mức các thủy thủ có thể nhìn rõ những ngôi nhà ở Normandy. Đội tàu di chuyển mà không bị phát hiện. Họ hoàn thành nhiệm vụ rồi quay trở lại. Đó là những tàu quét mìn của Anh – những người tiên phong của hạm đội hùng hậu nhất từng được tập hợp.

Giờ trở lại trên Eo biển, rẽ nước qua mặt biển xám dập dềnh là đội hình tàu sẽ tấn công vào châu Âu – sức mạnh và cơn giận dữ của thế giới tự do cuối cùng sẽ được tung ra. Họ đến, tầng tầng lớp lớp, đi hàng mười, trải dài 30km, với 5.000 tàu thuộc đủ loại. Có những tàu vận tải xung kích tốc độ cao kiểu mới, những tàu hàng chậm chạp đã gỉ sét, những tàu chở khách vượt đại dương loại nhỏ, tàu hơi nước của Eo biển, tàu bệnh viện, tàu chở dầu chịu được mọi thời tiết, tàu buôn và hàng đám tàu kéo ồn ào. Có những hàng dài vô tận tàu đổ bộ nước nông – những chiếc tàu chịu tải tốt, một số dài gần 100m. Nhiều chiếc và những tàu vận tải lớn hơn chở theo những tàu đổ bộ loại nhỏ cho cuộc tấn công vào bãi biển – hơn 1.500 tàu. Dẫn đầu là các đội tàu quét mìn, canô của Phòng vệ bờ biển, tàu thả phao (buoy-layers) và motor launch **. Khí cầu được thả phía trên. Các phi đội tiêm kích luồn lách dưới mây. Và bao quanh đoàn tàu to lớn chưa đầy người, pháo, tăng, xe cơ giới và hàng hoá, không tính các tàu hải quân cỡ nhỏ là đội hình ghê gớm của 702 chiến hạm. *

* Có những tranh luận lớn về số lượng tàu của hạm đội đổ bộ, nhưng những công trình nghiên cứu quân sự chính xác nhất về D-Day – “Cross-Channel Attack” của Gordon Harrison (chính sử của quân đội Mỹ) và cuốn lịch sử hải quân “Invasion of France and Germany” của Đô đốc Samuel Eliot Morison đồng ý con số vào khoảng 5.000. Nó bao gồm cả các tàu đổ bộ được chở theo. “Operation Neptune” của Trung tá Hải quân Hoàng gia Kenneth Edwards cho con số thấp hơn, khoảng 4.500 – TG.

** Motor launch: Loại tàu nhỏ dùng để bảo vệ cảng và chống ngầm của Hải quân Anh – chiangshan.


Tuần dương hạm hạng nặng USS Augusta, kỳ hạm của Chuẩn đô đốc Kirk dẫn đầu lực lượng tác chiến Mỹ gồm 21 đoàn tàu hướng về bãi Omaha và Utah. Chỉ 4 tháng trước sự kiện Trân Châu cảng, chiến hạm Augusta đường bệ đã đưa Tổng thống Roosevelt tới một hải cảng trên vịnh Newfoundland tĩnh lặng cho cuộc gặp lịch sử đầu tiên với Winston Churchill. Gần đó, hiên ngang với những lá quân kỳ tung bay là các thiết giáp hạm: HMS Nelson, Ramillies và Warspite, USS Texas, Arkansas và chiếc chiến hạm đáng tự hào Nevada, từng bị quân Nhật tấn công và đánh hỏng ở Trân Châu cảng.

Dẫn đầu 38 đoàn tàu của quân Anh và Canada tiến về bãi Sword, Juno và Gold là tuần dương hạm HMS Scylla, kỳ hạm của Chuẩn đô đốc Sir Philip Vian, người đã đánh chìm thiết giáp hạm Bismarck của Đức. Và gần đó là một trong những tuần dương hạm nhẹ nổi tiếng nhất của Anh – HMS Ajax, một trong bộ ba đã kết liễu chiến hạm Graf Spee, niềm tự hào của hạm đội Hitler ở cảng Montevideo sau trận chiến River Plate tháng 12 năm 1939. Còn có những tuần dương hạm nổi tiếng khác - USS Tuscaloosa và Quincy, HMS Enterprise và Black Prince, chiếc Georges Leygues của Pháp – tổng cộng 21 tàu.

Dọc theo đoàn là đủ loại tàu: những tàu tuần tra duyên dáng, những hộ tống hạm thấp lùn, những pháo hạm mảnh dẻ như chiếc Soemba của Hà Lan, tàu tuần tiễu chống ngầm, tàu phóng lôi cao tốc và những khu trục hạm bóng loáng ở khắp nơi. Ngoài số lớn khu trục hạm của Anh và Mỹ, còn có tàu Qu'Appelle, Saskatchewan, Ristigouche của Canada, Svenner của Na Uy và thậm chí có cả đóng góp từ lực lượng Ba Lan, chiếc Poiron.

Hạm đội vĩ đại này chậm rãi và nặng nề vượt Eo biển. Chúng tuân theo quy tắc giao thông từng phút một chưa bao giờ được tiến hành. Tàu rời cảng ở Anh và đi dọc theo bờ biển theo hàng hai, tụ lại trong khu tập kết phía Nam đảo Wight. Ở đó chúng tự sắp xếp và mỗi chiếc đứng vào vị trí đã được tính toán trước trong đội hình hướng về bãi biển được phân công. Ra khỏi khu tập kết mang biệt danh “Piccadilly Circus”, các đoàn tàu tiến về Pháp theo 5 tuyến được đánh dấu bằng phao. Khi tới Normandy từ 5 tuyến sẽ được chia thành 10, mỗi bãi biển 2 tuyến – 1 cho tốc độ cao, 1 cho tốc độ thấp. Phía trước, ngay sau mũi nhọn các tàu quét mìn, thiết giáp hạm và tuần dương hạm là các tàu chỉ huy, 5 tàu vận tải xung kích gắn đầy radar và ăng ten vô tuyến. Những sở chỉ huy nổi này là bộ óc trung tâm của cuộc đổ bộ.

Tàu bè ở khắp nơi. Với những người trên boong, hạm đội lịch sử này vẫn còn được ghi nhớ là hình ảnh “ấn tượng nhất, không thể nào quên” mà họ từng được chứng kiến.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 14:33:46 | Chỉ xem của tác giả
Đối với binh lính, thật tốt khi cuối cùng cũng lên đường mặc dù phía trước là hiểm nguy và gian khổ. Họ vẫn còn căng thẳng nhưng một vài gánh nặng đã được cất đi. Giờ tất cả đơn giản là muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trên những tàu đổ bộ và tàu vận tải, người ta tranh thủ những giờ phút cuối để viết thư, chơi bài, tham gia những cuộc tán gẫu. Thiếu tá Thomas Spencer Dallas Sư đoàn 29 nhớ lại, “Cha tuyên uý rất bận rộn”.

Một mục sư trên chiếc tàu đổ bộ chật cứng, Đại úy Lewis Fulmer Koon, cha tuyên úy của Trung đoàn Bộ binh 12 Sư đoàn 4, thấy mình phải làm nhiệm vụ người cha tinh thần cho tất cả các tôn giáo. Một sĩ quan Do Thái, Đại úy Irving Gray, đề nghị Cha Koon hướng dẫn cả đại đội cùng cầu nguyện “tới vị Chúa mà chúng con tin tưởng, cả Tin lành, Công giáo hay Do Thái, rằng nhiệm vụ sẽ được hoàn thành và nếu có thể chúng con sẽ được trở về an toàn”. Koon vui vẻ nhận lời. Và trong bóng tối chạng vạng, Xạ thủ cấp 3 William Sweeney trên chiếc canô của lực lượng Phòng vệ bờ biển nhớ lại, tàu vận tải xung kích Samuel Chase phát tín hiệu, “Cả khối bắt đầu chuyển động”.

Phần lớn mọi người im lặng trong những giờ đầu tiên của cuộc hành trình. Nhiều người bắt đầu cởi mở và nói về những thứ mà thường họ chỉ giữ cho riêng mình. Hàng trăm người sau này nhớ lại họ cảm nhận nỗi sợ và nói chuyện về những vấn đề cá nhân với sự thẳng thắn hiếm thấy. Họ trở nên gần gũi hơn trong buổi tối bất thường này và giãi bày tâm sự với những người họ chưa bao giờ gặp. “Chúng tôi nói rất nhiều về gia đình, về những gì chúng tôi đã trải qua,  những gì sắp tới và về việc mọi thứ sẽ thế nào”, Binh nhất Earlston Hern ở Tiểu đoàn Công binh 146 nhớ lại. Trên mặt boong ẩm ướt và trơn tuột của chiếc tàu đổ bộ, Hern cùng một cứu thương mà anh không bao giờ biết tên đã có một cuộc đối thoại như vậy. “Người cứu thương có chuyện ở nhà. Vợ anh ta, một cô người mẫu muốn li dị. Anh ấy khá lo lắng. Anh ấy nói cô ta sẽ chờ tới khi anh ấy về. Tôi cũng nhớ là trong suốt thời gian chúng tôi nói chuyện, có một chàng trai trẻ đứng gần đó khe khẽ hát một mình. Cậu ta nhận thấy là mình hát tốt nhất từ trước tới giờ và điều đó rõ ràng làm cậu ấy vừa lòng”.

Trên boong chiếc HMS Empire Anvil, Binh nhất Micheal Kurtz của Sư đoàn 1 Mỹ, một cựu binh từng tham gia đổ bộ lên Bắc Phi, Sicily và Italy thấy Binh nhì Joseph Steinber, tân binh bổ sung ở Wisconsin lại gần:

“Binh nhất này”, Steinber nói, “anh có thực sự tin là ta có cơ hội không?”

“Khỉ thật, có chứ, nhóc”, Kurts nói, “Đừng bao giờ lo là mình sẽ chết. Trong đơn vị ta chỉ lo về các trận đánh khi ta gặp chúng”.

Hạ sĩ Bill “L-Rod” Petty của Tiểu đoàn Biệt kích 2 cũng đang lo lắng. Cùng với người bạn, Binh nhất Bill McHugh, Petty ngồi trên boong chiếc tàu hơi nước Isle of Man nhìn vào màn đêm. Petty cảm thấy một sự an ủi lạnh nhạt từ hàng dài những chiếc tàu xung quanh; tâm trí anh đang hướng về vách đá ở Pointe du Hoc. Quay sang McHugh, anh nói: “Chúng ta không có tí hy vọng khốn nạn nào là sẽ sống mà ra được khỏi đó”.

“Cậu bi quan quá đấy”, McHugh nói.

“Có thể”, Petty trả lời, “Nhưng sẽ chỉ có một trong hai ta làm được, Mac ạ”.

McHugh không xúc động. “Đến lúc phải đi thì cứ đi thôi”, anh nói.

Một vài người thử đọc sách. Binh nhất Alan Bodet Sư đoàn 1 bắt đầu với cuốn “Kings Row” của Henry Bellamann, nhưng anh thấy khó mà tập trung vì đang lo cho chiếc jeep. Liệu những chỗ bọc chống thấm nước có chịu được khi anh lái chiếc xe xuống chỗ nước sâu 1 đến 1,2m không? Pháo thủ Arthur Henry Boon của Sư đoàn 3 Canada trên chiếc tàu đổ bộ chở xe tăng cố đọc một cuốn sách bỏ túi có tựa đề gây tò mò “A Maid and a Milion Men”. Cha tuyên úy Lawrence E. Deery của Sư đoàn 1 trên tàu vận tải HMS Empire Anvil thì ngạc nhiên khi thấy một sĩ quan hải quân Anh đọc thơ Horace bằng tiếng Latin. Nhưng bản thân Deery, người sẽ đổ bộ lên bãi Omaha trong đợt đầu tiên với Trung đoàn Bộ binh 16, cũng dành cả buổi tối đọc cuốn “Life of Michelangelo” của Symond. Ở một đoàn khác, trên chiếc tàu đổ bộ lắc lư nhiều đến nỗi hầu như tất cả đều bị say sóng, Đại úy James Douglas Gilan, một người Canada khác đang đọc một chương có ý nghĩa vào tối nay. Để làm yên lòng bản thân và một sĩ quan nữa, anh mở cuốn Thánh ca thứ 23 và đọc to “Chúa là người chăn dắt con; con không muốn …”

Không phải tất cả đều nghiêm nghị. Có cả sự thư giãn nữa. Trên tàu vận tải HMS Ben Machree, một số lính biệt kích buộc những sợi dây chão 2cm từ cột ăng ten với boong rồi bắt đầu leo trèo khắp nơi trước sự ngạc nhiên của các thủy thủ Anh. Trên một tàu khác, thành viên của Sư đoàn 3 Canada tổ chức một buổi tối tài tử với đủ thể loại ngâm thơ, nhảy jig, vũ quay và đồng ca. Hạ sĩ James Percival “Paddy” de Lacy của Trung đoàn Vua (King’s Regiment) xúc động khi nghe kèn túi chơi bài “Rose of Tralee” đã quên mất mình đang ở đâu và đã đứng lên đề nghị chơi “Eamon de Valera” của Ireland để “giữ chúng ta tránh khỏi cuộc chiến”.

Nhiều người đã lo lắng hàng giờ về cơ hội sống sót của mình giờ không thể chờ để đặt chân lên bãi biển. Hành trình trên tàu tỏ ra tệ hơn cả nỗi sợ lớn nhất mà họ dành cho quân Đức. Say sóng đã lan ra khắp 59 đoàn tàu như một bệnh dịch, đặc biệt trên những chiếc tàu đổ bộ lắc mạnh. Mỗi người đều được phát thuốc chống say, cộng với một món đồ được ghi cẩn thận trong danh sách trang bị cơ bản của Lục quân, “Túi nôn, 1”.

Đó là nỗ lực cao nhất của quân đội, nhưng vẫn chưa đủ. “Túi nôn đầy, mũ sắt đầy, thùng chữa cháy bị đổ hết cát và người ta nôn đầy vào đó”, Hạ sĩ kỹ thuật William James Wiedefeld của Sư đoàn 29 nhớ lại. “Anh không thể đứng trên sàn được, và khắp nơi anh nghe người ta nói rằng, “Nếu họ sắp giết chúng ta thì hãy cho ta ra khỏi cái bồn chó chết này đi”. Trên một số tàu đổ bộ người ta mệt đến mức họ doạ - có lẽ còn hiệu quả hơn khi nói một cách nghiêm túc nhất – sẽ nhảy xuống biển. Binh nhì Gordon Laing Sư đoàn 3 Canada phải cố giữ lấy một người bạn đang “năn nỉ tôi bỏ tay khỏi thắt lưng của anh ta”. Một lính đặc công Thủy quân lục chiến Hoàng gia, Hạ sĩ Russel John Wither, nhớ rằng trên tàu của anh “túi nôn nhanh chóng bị dùng hết và chỉ còn lại có một cái duy nhất”. Nó được truyền tay nhau qua từng người.

Do say sóng, hàng nghìn người đã để lỡ bữa ăn tốt nhất mà họ đã chờ hàng tháng. Khẩu phần đặc biệt đã cấp cho tất cả các tàu những đồ ăn tốt nhất có thể. Mỗi tàu có thực đơn đặc biệt, binh lính đặt cho cái tên “bữa ăn cuối cùng”, khác nhau và mỗi người cũng có cảm giác khác nhau. Trên tàu vận tải xung kích Charles Carroll, Đại úy Carroll B. Smith Sư đoàn 29 có cá nướng với trứng ốp la, kem và quả mâm xôi. Hai giờ sau anh sẽ chiến đấu giành một vị trí trên đường xe lửa. Thiếu úy Joseph Rosenblatt, Jr Tiểu đoàn Công binh 112 ăn bảy miếng gà và cảm thấy khoẻ. Hạ sĩ Keith Bryan ở Lữ đoàn Công binh đặc biệt số 5 cũng vậy. Anh ăn sandwich và cà phê và vẫn thấy đói. Một trong những đồng đội của anh kiếm được 4 lít cocktail hoa quả trên tàu và 4 người bọn họ chén sạch nó.

Trên tàu HMS Prince Charles, Hạ sĩ Avery J. Thornhill của Tiểu đoàn Biệt kích 5 tránh xa mọi sự phiều nhiễu. Anh đã uống quá liều thuốc chống say và ngủ một mạch.

Bất chấp nỗi sợ và sự khổ sở, trí nhớ của nhiều người vẫn được ghi lại với sự rõ ràng đáng ngạc nhiên. Thiếu úy Donald Anderson Sư đoàn 29 nhớ rõ cảnh tượng mặt trời lặn khoảng 1 giờ trước khi trời tối, in bóng lên toàn hạm đội. Trước vinh dự của Hạ sĩ Tom Ryan Tiểu đoàn Biệt kích 2, những người lính trong đại đội F tập hợp xung quanh anh và hát “Happy Birthday”. Anh đã 21 tuổi. Và đối với Binh nhì 19 tuổi Robert Marion Allen Sư đoàn 1 đang nhớ nhà thì đó là một “đêm sẵn sàng để bơi thuyền trên sông Mississippi”.

Tất cả, trên những con tàu, những người sẽ làm nên lịch sử vào bình minh ngồi lại để nghỉ ngơi được chút nào hay chút ấy. Trung tá Phillippe Kieffer của đơn vị đặc công Pháp độc lập buông mình xuống đệm trên chiếc tàu đổ bộ, trong tâm trí ông xuất hiện lời cầu nguyện của Sir Jacob Astley trong trận Edgehill ở Anh năm 1642. “Thưa Chúa”, Kieffer cầu nguyện, “Người biết con sẽ phải vất vả như thế nào vào ngày này. Nếu con quên mất Người, xin Người đừng quên con”. Ông kéo chăn và gần như ngay lập tức thiếp đi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 7-8-2013 16:02:08 | Chỉ xem của tác giả
Lúc đó là ngay sau 10:15 tối khi Trung tá Meyer, trưởng bộ phận phản gián của Tập đoàn quân 15 Đức lao ra khỏi văn phòng. Trên tay ông có lẽ là thông điệp quan trọng nhất trong Thế chiến II mà người Đức đã chặn được. Giờ Meyer biết cuộc đổ bộ sẽ diễn ra trong 48 giờ nữa. Với thông tin này, có thể đẩy quân Đồng minh xuống biển. Thông điệp được phát trên BBC tới lực lượng kháng chiến Pháp là dòng thứ hai trong bài thơ của Verlaine: "Blessent mon coeur d'une langueur monotone [Làm tổn thương trái tim tôi với nhịp điệu buồn tẻ]."

Meyer lao vào phòng ăn nơi Đại tướng ** Hans Von Salmuth, Tư lệnh Tập đoàn quân 15 đang chơi bài bridge với tham mưu trưởng của ông và 2 người nữa. “Tướng quân”, Meyer thở hổn hển, “Bản thông điệp, phần thứ hai – nó đây!”.

Von Salmuth suy nghĩ một chút, sau đó ông ra lệnh đặt Tập đoàn quân 15 vào tình trạng báo động cao nhất. Khi Meyer hối hả rời phòng, Von Salmuth nhìn lại ván bài bridge trên tay. “Tôi đã quá già để ngạc nhiên trước những chuyện đó”, Von Salmuth kể lại.

** Tác giả nhầm lẫn, trên thực tế Von Salmuth đã được phong quân hàm Chuẩn thống chế tháng 01/1943 - chiangshan.

Trở lại văn phòng, Meyer cùng đồng sự lập tức báo cho OB West, tổng hành dinh của Rundstedt bằng điện thoại. Đến lượt họ sẽ báo cho OKW, tổng hành hinh của Hitler. Đồng thời mọi bộ chỉ huy khác đều được thông tin qua điện báo.

Một lần nữa, vì những lí do chưa bao giờ được giải thích thoả đáng, Tập đoàn quân 7 không được tin. *

Hạm đội Đồng minh sẽ mất khoảng hơn 4 giờ để tới được khu vực vận tải ngoài khơi 5 bãi biển Normandy; trong vòng 3 giờ nữa 18.000 lính dù sẽ được thả xuống khắp những cánh đồng và vườn cây - ở khu vực của một đạo quân Đức chưa bao giờ được báo động cho D-Day.

* Mọi mốc thời gian trong cuốn sách này theo giờ mùa hè của Anh, chậm hơn giờ Đức 1 tiếng. Do đó với Meyer thời gian mà người của ông chặn được thông điệp là 9:15 tối. Theo sổ sách, nhật ký chiến đấu của Tập đoàn quân 15 ghi lại chính xác thông điệp đã được gửi bằng điện báo tới các bộ chỉ huy. Nó viết: “Điện báo số 2117/26 khẩn cấp tới Quân đoàn 67, 81, 82, 89; Tư lệnh quân quản Bỉ và Bắc Pháp; Cụm Tập đoàn quân B; Sư đoàn Phòng không 16; Đô đốc vùng duyên hải Eo biển; lực lượng Luftwaffe ở Bỉ và Bắc Pháp. Thông điệp của BBC lúc 2115 đã được xử lý. Căn cứ theo các tài liệu ghi lại, nó có ý nghĩa “Chờ cuộc đổ bộ tới trong 48 giờ nữa, bắt đầu từ 0000, 6 tháng 6”. Lưu ý rằng cả Tập đoàn quân 7 lẫn Quân đoàn 84 đều không có trong danh sách. Meyer không có nhiệm vụ báo cho các đơn vị đó. Trách nhiệm thuộc về sở chỉ huy của Rommel, do những đơn vị trên nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Cụm quân B. Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất là vì sao OB West lại thất bại trong việc báo động toàn bộ mặt trận từ Hà Lan tới biên giới Tây Ban Nha. Bí ẩn này càng trở nên khó hiểu khi thực tế lúc chiến tranh kết thúc người Đức tuyên bố họ đã bắt được và giải mã chính xác ít nhất 15 thông điệp liên quan tới D-Day. Thông điệp Verlaine là cái duy nhất tôi thấy được ghi lại trong các nhật ký chiến đấu của Đức – TG.

*

*  *


Binh nhì Arthur B. “Dutch” Schultz của Sư đoàn 82 đã sẵn sàng. Giống như mọi người khác trên sân bay, anh mặc đồ nhảy, chiếc dù treo qua tay phải. Mặt bôi đen bằng than củi; đầu anh theo phong cách điên rồ do lính dù tạo ra ở khắp nơi đêm nay đã được cạo theo kiểu Iroquois với một chùm tóc nhỏ phủ lên. Xung quanh Dutch toàn là các thứ quân trang, anh đã sẵn sàng về mọi mặt. Trong số 2500 đô thắng được mấy giờ trước, giờ anh chỉ còn lại 20 đô.

Họ đang đợi xe đưa ra máy bay. Binh nhì Gerald Columbi, một trong những người bạn của Dutch chui ra từ đám bài bạc vẫn còn đang tiếp tục và vội vã bước tới. “Cho tớ vay 20 đô nhanh lên!”, anh nói.

“Để làm gì?”, Schultz hỏi, “Cậu sẽ bị giết mất”.

“Tớ sẽ đưa cậu cái này”, Columbi nói, cởi chiếc đồng hồ đeo tay.

“Được rồi”, Dutch nói, đưa nốt 20 đô cuối cùng.

Columbi chạy trở lại đám bài bạc. Dutch nhìn chiếc đồng hồ; đó là một chiếc đồng hồ vàng Bulova kiểu vạch chia với tên của Columbi và lời đề tặng của bố mẹ anh ở phía sau. Rồi có ai đó hét lên, “OK, lên đường nào”.

Dutch nhặt đồ và cùng các lính dù khác rời hangar. Khi trèo lên xe anh thấy Columbi. “Đây”, anh nói, đưa trả chiếc đồng hồ, “Tớ không cần đến 2 chiếc”. Giờ tất cả những gì Dutch còn là chuỗi hạt mẹ anh đã gửi. Anh đã quyết định mang theo nó. Xe chạy ngang sân bay về phía những chiếc máy bay đang đợi.

Trên khắp nước Anh, những người lính đổ bộ đường không Đồng minh trèo lên máy bay và tàu lượn. Máy bay chở lính tiền trạm đã cất cánh từ trước. Tại Sư đoàn bộ 101 ở Newbury, Tổng tư lệnh, Đại tướng Dwight D. Eisenhower, cùng một nhóm nhỏ sĩ quan và 4 phóng viên, dõi theo chiếc máy bay đầu tiên tiến vào vị trí cất cánh. Ông đã nói chuyện hơn 1 giờ với binh lính. Eisenhower lo lắng cho cuộc đổ bộ đường không hơn bất cứ giai đoạn nào của chiến dịch. Một vài chỉ huy của ông đã tin rằng cuộc tấn công sẽ phải chịu hơn 80 phần trăm thương vong.



Đại tướng Eisenhower và binh sĩ Sư đoàn đổ bộ đường không 101 chiều tối ngày 5/6/1944.

Eisenhower chào tạm biệt Sư đoàn trưởng 101, Thiếu tướng Maxwell D. Taylor, người đang dẫn đoàn quân của mình vào trận. Taylor bước thẳng và kiên quyết. Ông không muốn Tổng tư lệnh biết mình đã bị rách dây chằng đầu gối phải khi chơi bóng quần lúc chiều. Eisenhower có thể sẽ không cho phép ông đi.

Giờ Eisenhower đứng theo dõi các máy bay lăn dọc đường băng và chậm chạp cất mình lên. Từng chiếc nối nhau lao vào màn đêm. Chúng vòng lượn tập hợp lại thành đội hình trên đỉnh sân bay. Eisenhower, tay đút túi, nhìn đăm đăm lên bầu trời đêm. Khi đội hình khổng lồ ấy gầm lên lần cuối và hướng về phía Pháp, phóng viên Red Mueller của NBC nhìn sang Tổng tư lệnh. Mắt Eisenhower nhoà lệ.

Nhiều phút sau, trên Eo biển, những người của hạm đội đổ bộ nghe thấy tiếng máy bay. Từng giây chúng trở nên lớn hơn, và rồi từng đoàn máy bay lao qua. Đội hình này mất một khoảng thời gian dài mới đi hết. Sau đó tiếng động cơ nhỏ dần. Trên tháp chỉ huy chiếc USS Herndon, Đại úy Bartow Farr, các sĩ quan quan sát và phóng viên chiến trường của NEA, Tom Wolf nhìn chăm chăm vào màn đêm. Không ai nói một lời nào. Khi tốp cuối cùng bay qua, một luồng sáng màu hổ phách nhấp nháy trong mây hướng xuống hạm đội bên dưới. Một cách chậm chạp, nó phát đi 3 chấm và 1 gạch: kí hiệu V cho Victory.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách