Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: linh2511
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác - Xuất Bản] Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương | Ngô Thị Giáng Uyên

[Lấy địa chỉ]
61#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 21:58:28 | Chỉ xem của tác giả
Những tour du lịch quả không ngoa khi gọi đảo Evia là viên ngọc ẩn. Ở đây có lẽ không đẹp bằng những đảo Hi Lạp khác như Santorini, Rhodes hay Corfu nơi du khách châu Âu và cả thế giới nườm nượp đổ về mỗi mùa hè, nhưng có một nét duyên mà bạn phải mất một thời gian mới cảm nhận được. Nét duyên từ làn nước xanh biếc và trong suốt của biển Aegean, mỏm đá hoang sơ, những vịnh nhỏ hẻo lánh vắng người. Nét duyên từ thung lũng màu mỡ trong mù sương buổi sớm, từ con đường vắng trên đồi băng qua những mái nhà nhỏ ngói đỏ cam thấp thoáng trong khóm cây bách xanh rờn, bên dưới là đại dương mượt mà như dải lụa và bầu trời trong trẻo không một gợn mây, trời và nước chỉ cách nhau một đường phối màu xanh nhạt mà bức tranh thiên nhiên vẽ nên, bình yên biết mấy.

Chúng tôi băng qua những ngôi làng ven biển trên những con đường thung lũng-đồi-đại dương ấy, lòng nhẹ nhàng phơi phới như gió biển mang theo vị hơi mằn mặn rất đặc trưng. Thỉnh thoảng, thấy một tu viện bỏ hoang quét vôi trắng xóa chóp tròn màu xanh có chữ thập, chúng tôi lại dừng xe, bước vào để cảm nhận “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, những bức tường đá đổ nát xung quanh và cây tùng già nua đứng trước cổng sơn trắng như chứng nhân lịch sử. Đói bụng, chúng tôi lại ghé một ngôi làng bất kỳ, rảo qua nhà thờ bằng đá ong trầm mặc, ngó nghiêng những sạp cá tươi rói bày trước nhà, có cá giãy đành đạch, tôm búng lách tách và cua vươn càng dọa dẫm, rồi tạt vào một taverna nhỏ xíu, nơi thức ăn tươi mới nấu được bày ra bên ngoài để khách tự chỉ vào gọi món rồi ngồi nhấm nháp trong gian nhà tường đá sần sùi mát rượi. Những người làng đang ngồi đánh cờ nơi mấy quán sữa nhỏ bé bảng hiệu toàn những mẫu tự Hi Lạp Σ Ω Λ α không lẫn vào đâu được, kê vài bộ bàn ghế xiêu vẹo bên ngoài để khách ngồi ăn yaourt, uống sữa hay cà phê đá, ai cũng dừng tay nhìn tôi. Có lẽ họ ít khi thấy du khách đến đây, huống gì lại là một người châu Á. (Cũng như du khách Tây về những miền quê hẻo lánh Việt Nam trẻ con sẽ kéo nhau đi xem). Điều này làm tôi thích thú vì biết chắc chắn mình đang được cảm nhận những gì rất địa phương mà những điểm du lịch không thể nào có được.

Chúng tôi đến Kymi, ngôi làng dễ thương như tên gọi, nằm phía đông bắc đảo Evia. Những con thuyền đánh cá không hổ danh là thuyền Hy Lạp, cũng sơn trắng thật xinh xắn neo dưới búi lau sậy um tùm hay thả bồng bềnh trên mặt nước trong xanh cạnh lưới cá vàng óng vắt lên bờ. Chúng tôi đi dạo ven biển, thỉnh thoảng lại bắt gặp lẫn trong thuyền đánh cá là rải rác những du thuyền đến từ Anh, trông lộng lẫy xa hoa đến nỗi trong một thoáng tôi tưởng tượng sẽ thấy các cầu thủ đội Chelsea rời thuyền bước xuống bờ bất cứ lúc nào. Tôi băng xuống mép nước, nơi đàn ngỗng trời đang nối đuôi nhau bơi thật êm ả trên mặt nước xanh phẳng lặng lấp loáng nắng, cúi nhặt một hòn sỏi lớn ném xuống nước. Thấy động đàn ngỗng tưởng thức ăn bơi lại. Nhận ra kẻ lạ ném sỏi chứ không phải thức ăn, con ngỗng đầu đàn quạt nước bơi về phía tôi, trông “giang hồ” khác hẳn vẻ hiền lành êm ả ban nãy, rồi lên bờ rượt tôi chạy tóe khói, vừa rượt vừa kêu rầm rĩ, như muốn nói cho chừa tật phá phách nha!
Tôi mệt đứt hơi sau cú rượt của ngỗng trời nên không buồn đến bảo tàng dân gian, chỉ lang thang qua con phố ven biển với những ban công xinh xinh leo đầy dây nho. Xe cộ đậu nghỉ trưa dưới bóng thông xanh, không gian thoảng mùi nhựa thông và tĩnh lặng đến nỗi có thể nghe xao xác tiếng gà gáy trưa. Chúng tôi băng qua đường lớn, vào những con hẻm lát đá có những ngôi nhà vuông vắn trồng hoa phong lữ đỏ hay tường vi phớt hồng, phơi quần áo bên ngoài thơm thơm mùi nắng. Băng lên chút nữa là căn nhà bằng đá có gác suốt lợp ngói tươi tắn nép bên những cây cam lúc lỉu quả, có quả vừa chớm xanh ngả vàng, có quả đã chín mọng vàng ối, chỉ cần tưởng tượng cắn ngập răng vào đấy nước cam ngòn ngọt chua chua sẽ làm dịu ngay cơn khát buổi trưa. Cây cam thấp lè tè mà lá xum xuê quả trĩu cành xòa cả ra đường, chỉ cần với tay là hái bao nhiêu cũng được. Những con hẻm nhỏ hẹp với dây điện mảnh giăng từ nhà này sang nhà khác ấy đều dẫn ra biển xanh óng trong nắng mặt trời. Cảnh mùa thu Địa Trung Hải giản dị mà tươi đẹp biết bao!

Tôi sẽ nhớ mãi những ngày nghỉ thanh thản vô tư lự trên hòn đảo lặng lẽ này, những ngày nằm dài lười biếng hát nghêu ngao nhạc của Red Hot Chili Peppers, đọc sách, chơi ô số Sudoku hay chỉ nhìn trời nước trải dài trước mặt, không nghĩ ngợi gì. Có khi tôi phụ ba mẹ Daniel ướp bia vào thịt xiên que nướng barbecue trên lò than, hay xắt rau củ xếp bên dưới cá trước khi bỏ lò cho những chất ngon ngọt trong cá tươi thấm vào rau củ. Có khi tôi cùng cả nhà đi chợ, mua đồ linh tinh lặt vặt của những người bán hàng rong. Có khi chúng tôi lại đi đến những bãi biển vắng người đẹp như tranh với vách núi dốc đứng và hang biển, ngồi nhâm nhi cá trích nướng trong một quán ăn sát bờ hoa giấy nở đỏ rồi xuống bơi trong làn nước mát lạnh. Nhà chỉ dùng năng lượng mặt trời nên những ngày trời không nắng buổi tối cũng không có điện nốt. Tôi rất thích những buổi tối không điện ấy, được thắp lên những cây nến làm bằng sáp ong vàng thơm ngọt dìu dịu lan tỏa không gian. Ánh nến loang trong nhà làm tôi nhớ lại những năm 80 ở Việt Nam, khi khu nhà chúng tôi ở quê chưa có điện, buổi tối ba tôi thường lấy hai bàn tay đan lại thành hình con thỏ, con sói in bóng trên vách tường trò chuyện với nhau như một vở múa rối cho tôi vui.

Tôi đã không giữ được lời hứa chỉ ăn và ngủ, không viết bài, không chụp hình, không làm gì hết trong những ngày qua thật nhanh ở đảo Evia. Đơn giản chỉ tương tự như khi xem được cuốn phim thật hay bạn khó có thể không muốn giới thiệu cho bạn thân mình, và nếu người kia nhất định không xem bạn sẽ thấy bứt rứt khó yên.  Bởi vậy, làm sao tôi không viết về mùi thơm dễ chịu của những lùm cây ôliu, cỏ xạ hương, búi cây dẻ và những luống mạch nha rì rào, về tiếng gà gáy trưa trên phố biển êm đềm với những chậu hoa phong lữ đỏ, hay về ngôi nhà bạn tôi quét vôi trắng xóa trên đồi nhìn xuống Địa Trung Hải biếc xanh?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

62#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:00:17 | Chỉ xem của tác giả
Leichtenstein


Liechtenstein: nhỏ bé và bình yên


Tôi biết trên thế giới có một nước rất lạ là Leichtenstein khi học trung học. Điều làm tôi chú ý đến Liechtenstein là vì đội bóng đá nước này đá…dở quá, trận nào cũng thua te tua. Sau này tôi mới biết Leichtenstein chỉ có hơn 30.000 dân, diện tích 160km² và không ngờ mình lại có dịp đến thăm quốc gia nhỏ bé và xinh đẹp này.


Chuyến thăm Leichtenstein là một phần trong chương trình hội nghị giữa các nhà lãnh đạo kinh doanh (gồm chủ tịch và giám đốc điều hành những tập đoàn hàng đầu thế giới) và sinh viên khoa kinh doanh mà tôi may mắn được tham gia. Chiếc xe bus đưa chúng tôi đi từ thành phố St. Gallen của Thụy Sỹ qua dãy núi Alps tuyết phủ trắng xóa, hồ Constance với những ngôi nhà nhỏ mái nâu sậm. Dọc đường, cô bạn sinh viên đại học St. Gallen – tình nguyện viên đưa chúng tôi đi thăm Leichtenstein – kéo tay tôi chỉ: “Mayenfield, nơi được lấy làm bối cảnh cho ngôi làng của Heidi kìa!”. Tôi nhìn ra cửa xe, thấy rặng núi tuyết phủ và những con bò đeo chuông thong thả gặm cỏ, tượng tượng cách đây 150 năm cô bé mồ côi Heidi trong truyện của Johannes Spyri ngủ trên giường rơm trong vựa cỏ khô, nơi túp lều nhỏ nép trong lùm cây trên núi…

Tôi lơ mơ thiếp đi lúc nào không hay. Chợt anh bạn sinh viên người Canada ngồi cạnh lay vai tôi: “Dậy, Uyên ơi, tới Leichtenstein rồi kìa!”. Tôi liếc ra cửa: “Sao không thấy ai kiểm tra passport?”. Mấy bạn người ÂU trong xe bật cười: “Leichtenstein không co cửa khẩu với Thụy Sĩ đâu, qua lại thoải mái, không cần giấy tờ gì hết”.

Xe đi ngang con kênh uốn khúc như dải lụa, tôi thốt lên: “Kênh này đẹp ghê!”. Cô bạn dãy kế bên cười: “Sông Rhine đó! Sông này chảy qua nhiều nước Tây Âu, rộng mênh mông khi qua Đức, nhưng tới đây chỉ còn nhỏ xíu vậy thôi”. Tôi nghĩ bụng,không biết người Leichtenstein có giận ông trời không vì cho họ một diện tích nhỏ xíu, đến con sông rộng nổi tiếng thế giới khi chảy qua nước mình cũng thành nhỏ xíu nốt. Chắc là không, vì những người dân địa phương rất hay cười, thậm chí khi thấy chúng tôi, họ còn vẫy tay chào thân thiện.
  
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

63#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:01:00 | Chỉ xem của tác giả
Tôi nhận ra thủ đô Vaduz qua tòa lâu đài uy nghi của gia đình hoàng thân Hans Adam đệ nhị, được xây dựng từ thế kỉ 21. Hướng dẫn viên cho biết gia đình hoàng thân không bao giờ bị xuất hiện trên các tạp chí lá cải vì cuộc sống riêng tư của họ luôn được bảo mật tuyệt đối. Tuy nhiên, cả gia đình hoàng thân đều rất hòa đồng: Khi đi bộ hay lái xe trên một trong 11 ngôi làng ở đất nước nhỏ bé và bình yên này, rất có thể bạn gặp họ cũng đang đi bộ dọc đường phố, hay đang mua sắm như những người dân khác tại một cửa hiệu.

Xe dừng, trước mắt chúng tôi là vườn nhò trải dài ngút ngàn và một lâu đài cao tít trên núi. Mưa lâm thâm và trời se lạnh nhưng dường như chẳng ai để ý. Khung cảnh yên tĩnh bỗng chốc náo động bởi đám sinh viên chạy lăng xăng, gọi nhau ý ới để chụp hình và rủ nhau hái trộm nho xanh.

Điểm dừng kế tiếp là bảo tàng nghệ thuật ở thủ đô, một trong những niềm tự hào của người dân Leichtenstein. Ở đây có cả một bộ sưu tập những tác phẩm hội họa của đa dạng của Rembrandt, Beuys…Không rành lắm về nghệ thuật nhưng tôi cũng thật sự bị thu hút khi đứng trước những kiệt tác này. Nét độc đáo khác của bảo tàng là sự kết hợp trưng bày một cách khéo léo những kiệt tác cổ xưa và các tác phẩm nghệ thuật đương đại, gồm các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, tạo hình theo các chủ nghĩa duy lí, siêu thực và vị lai. Tôi đứng lại rất lâu trước một tác phẩm thuộc một trong những tác phẩm thuộc trường phái Arte Povera. Đó là tác phẩm “Spirale di Cera” của Mariah Merz, nổi bật bởi những vòng xoắn ốc chiếm gần hết một gian phòng lớn. Tác phẩm muốn thể hiện ý tưởng về sự trải dài của thời gian, vượt ra khỏi khả năng tưởng tượng của con người và rằng trong thiên nhiên, vận động là biểu hiện của sự tồn tại.

Bảo tàng có cả một tiệm cà phê nhỏ bên trong và một shop bán quà lưu niệm phía sau, bán rất nhiều chocolate, rượu, postcard, bánh kẹo và những vật trang trí xinh xắn. Thấy tôi có ý định mua chocolate, cô bạn ở đại học St. Gallen cùng đi ngăn lại: “Đừng mua ở đây, mắc lắm, về Thụy Sĩ ghé Co-op mua rẻ hơn nhiều”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

64#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:01:52 | Chỉ xem của tác giả
Quả thật không chỉ chocolate mà phần lớn hàng hóa, dịch vụ ở đây ở đều đắt hơn ở Thụy Sĩ (Leichtensten dùng đơn vị tiền tệ là đồng franc Thụy Sĩ nên giá cả rất dễ so sánh). Thật đáng ngạc nhiên là đất nước nhỏ bé này rất tĩnh lặng với những ngôi làng trầm mặc, dường như không có bất cứ một hoạt động buôn bán sôi nổi nào, nhưng GDP bình quân đầu người lại lên đến 25.000 USD. Và chỉ hơn 33.000 dân nhưng những ngân hàng ở đây lại cất giữ đến hơn 70 tỉ USD. Leichtenstein là “nơi trú ngụ về thuế” (tax haven) vì mức thuế cao nhất chỉ tới 18% nên thu hút đầu tư rất lớn, đặc biệt từ hai người láng giềng Pháp và Đức, nơi thuế suất thường lên đến 50%. Gần đây, chừng giữa năm 2000 thì phải, nước này bị OECD cáo buộc là nơi rửa tiền của mafia Ý và các băng nhóm Nga, khiến hoàng thân phải giao toàn quyền điều tra cho Chánh ủy viên công tố người Áo Kurt Spitzer. Ông này đã bắt giữ thành viên thượng nghị viện Leichtnstein là Gabriel Maxer và bảy cộng sự, gồm cả em trai của Phó thủ tướng. Không biết sự việc này đã giải quyết đến đâu, nhưng nhìn cảnh vật làng mạc êm đềm ở đây khó có thể hình dung ra những điều phức tạp đến như vậy.

Đến văn phòng phục vụ du khách cạnh bảo tàng tem, tất cả chúng tôi đều thích thú trả 2 franc (khoảng 23.000 đồng) để được đóng dấu kỉ niệm tên Leichtensein như một visa đặc biệt lên hộ chiếu. Dịch vì được gọi là “Souvenir Stamp” này rất phổ biến đối với du khách đến Leichtenstein.

Chúng tôi lại lên xe tiếp tục tour vòng quanh những ngôi làng xinh xắn, rồi lại qua thung lũng sông Rhine xanh um (khúc sông chỗ này đã nở rộng hơn nhiều) với những cánh đồng hoa li ti màu trắng chen vàng, đồi núi trùng điệp tuyết phủ trắng xóa, những ngôi nhà nhỏ xây toàn bằng đá đẹp như tranh vẽ, có cây cầu gỗ bắc qua con suối trong vắt.

Ngoảnh mặt nhìn lại, thấy những con đường ngoằn ngoèo đưa xe lên núi thật ấn tượng. Bên dưới, khói từ ống khói của những ngôi nhà bằng đá uốn lượn bay lên, hòa trộn vào những đám mây và sương mù.

Chỉ trong nửa ngày, chúng tôi đã trở lại thủ đô Vaduz. Tất cả mọi người đều chờ đợi lúc này vì sẽ được đi một tour tham quan thủ đô trong vòng nửa tiếng trên citytrain – chiếc xe lửa sơn xanh đỏ có hình dáng ngộ nghĩnh như đồ chơi, chứa được khoảng 20 người. Gọi là xe lửa nhưng lại chạy trên đường nhựa, xình xịch qua những ngôi nhà xinh xắn bằng đá. Dọc đường, dân địa phương ngưng làm việc để ngước nhìn, cười và vẫy tay chào chúng tôi. Trên xe có lập trình sẵn giọng thuyết minh về Vaduz, hiện đại và lịch sử, ngân hàng và nông trại, làm mọi người hết sức thú vị vì biết thêm nhiều điều về đất nước nhỏ bé này.

Xe lửa dừng lại ở Triesenberg , nơi tôi cho là đẹp nhất Leichtenstein. Từ nơi tôi đứng, nhìn sang dãy núi Alvier và Gaushla dọc theo sông Rhine, làng mạc hiện ra đẹp như tranh vẽ với sương mù bảng lảng bên trên. Triesenberg nằm phía trên Vaduz. Đối diện thung lũng sông Rhine đẹp ngây ngất có nhà thờ bằng đá rất ấn tượng với mái vòm hình củ hành. Bên ngoài khuôn viên nhà thờ là nghĩa trang với những cụm hoa tươi đủ màu sắc nở trong không khí lạnh căm căm và mưa phùn buổi chiều cuối xuân. Cảnh vật không mang vẻ buồn bã, có lẽ nhờ những cụm hoa tươi trên mộ. Chuông nhà thờ thả vào không gian những tiếng trầm bổng, gợi nhớ.

Với tôi, lịch sử 7000 năm của đất nước này không thể biết được chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Nhưng một Leichtenstein nhỏ bé, thơ mộng, đầy dáng vẻ châu Âu từ xa xưa  vẫn còn đọng mãi trong trí nhớ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

65#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:04:17 | Chỉ xem của tác giả
Pháp


Paris ẩm thực


Có một câu nói vui truyền miệng của dân châu Âu: thế giới là thiên đường nếu tất cả cảnh sát là người Anh, đầu bếp là người Pháp, thợ máy là người Đức, người tình là người Ý và tất cả mọi thứ được sắp đặt bởi người Thụy Sĩ. Ngược lại, thế giới là địa ngục khi tất cả cảnh sát là người Đức, thợ máy là người Pháp, người tình là người Thụy Sĩ, đầu bếp là người Anh và tất cả mọi thứ được sắp xếp bởi người Ý.


Đang sống và học tập ở Anh, tuy không đến nỗi phải than vãn về những món ăn của các đầu bếp Ăng lê nhưng vốn có “tâm hồn ăn uống” và vốn đam mê thức ăn Pháp, nhân nghỉ lễ Phục sinh tôi làm một chuyến qua Paris ngay để ăn uống thỏa chí một tuần.

Văn hóa ẩm thực Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ người Pháp, dễ thấy nhất qua thói quen uống cà phê (trong những tấm postcard  Paris bán cho du khách trên đường phố, bên cạnh những tấm ản chụp tháp Eifel, Khải Hoàn Môn, sông Seine … có những tấm chỉ chụp những tách cà phê bốc khói nghi ngút. Dân Paris trước khi đi làm thường uống café express – cà phê đen có hoặc không có đường trong tách nhỏ, café au lait – cà phê pha thật nhiều sữa nóng uống trong những tách lớn, có khi to bằng chén ăn cơm , và café crème – thức uống đặc trưng Pháp với cà phê pha kem sủi bọt nâu thơm lừng. Trong khi người Anh ăn rất nhiều vào buổi sáng với thịt heo muối, trứng ốp la, xúc xích, bánh sandwich nướng …, người Pháp ăn sáng nhẹ, thường là bánh mì baguette, giống y bánh mì VN nhưng nhỏ và dài, kẹp xà lách, thịt jambon và bơ.Khác với những gì ta thường nghĩ, dân Paris không ăn bánh sừng trâu (croissant) mỗi buổi sáng mà chỉ dành cho những ngày cuối tuần.

Buổi sáng trên hai đường phố Rue de Seine và Rue de Guci ở khu phố Latinh phía nam Paris vốn nổi tiếng với những hàng ăn rất ngon, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là hàng bánh mì lề đường mà tôi chưa thấy ở đâu ngoài Việt Nam. Người bán hàng thoăn thoắt xẻ bánh mì, kẹp thịt, nhồi rau, nhưng thay vì có chút nước tương hoặc muối tiêu thì bánh mì thịt kiểu Pháp có sốt mayonaise béo ngậy. Khi phát hiện xe gà quay với hàng dãy gà béo núc, quay đều, tươm mỡ vàng ươm, tỏa mùi thơm phưng phức, tôi chọn mua bánh mì kẹp gà quay rồi cùng Daniel đi bộ đến vườn Luxembourg gần đó làm một buổi picnic nho nhỏ. Những miếng bánh giòn tam, đậm đà làm tôi nhớ quá Việt Nam.
  
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

66#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:05:37 | Chỉ xem của tác giả
Hôm sau tôi gọi điện cho Benjamin. Khi Ben còn vác balô du lịch Sài Gòn hồi năm ngoái, anh được tôi dẫn đi ăn phở tái nạm gầu gân ở quận 1. Ben làm một mạch hết tô phở to đùng rồi uống một hơi hết ly sinh tố xoài, khen hết lời “Ngon quá! Ngon quá!”. Để đáp lễ, Ben hẹn buổi tối sẽ dẫn chúng tôi tới một quán ăn Pháp chính gốc mà theo lời anh “khách du lịch không biết được đâu nhe”.

Quán ăn Ben dẫn chúng tôi đến mãi 12h khuya mới có bàn trống. Đó là nhà hàng nằm trên một góc phố nhỏ, chật hẹp với những bộ bàn ghế gỗ trải khăn nhực carô (lại một điểm giống Việt Nam nữa). Thực đơn viết bằng phấn trắng trên bảng đen cũ kĩ, treo trên những bức tường ám khỏi và không có bản tiếng Anh như khu khách du lịch dọc sông Seine. Tôi chọn món khoai tây chiên sơ trên trải những lát jambon cru – thịt heo không nấu chín mà xông khói đỏ au thơm lừng, béo ngậy và thơm mùi phó mát Pháp lấn nấm tươi. Sau bữa ăn no căng bụng, tôi vẫn thêm món tráng miệng bánh gatô kiểu xứ Basque vàng ruộm, thơm mùi hạnh nhân.

Khi bánh xèo Việt Nam được biết đến nhiều trên thế giới, rất nhiều người cho là bánh xèo bắt nguồn từ crêpe. Bánh crêpe Pháp cũng làm bằng bột pha nước, tráng mỏng trên khuôn cho đến khi ngả vàng, kẹp nhân ngọt (đường, bơ, kem, bơ đậu phộng) hoặc nhân mặn (trứng, jambo, hải sản). Bánh crêpe nhân mặn ở Pháp thành thật mà nói không thể ngon bằng bánh xèo nhân tôm kẹp rau sống chấm nước mắm chua ngọt mẹ tôi làm.

Paris còn nổi tiếng về những món ăn từ hải sản tươi ở Brittany và Provence chở về. Chợ hải sản Paris là một bữa tiệc về hình ảnh, màu sắc, mùi vị của đủ chủng loại cá tươi, tôm hùm béo núc, cua lớn bằng hai bàn tay, sò điệp đỏ au, hàu xù xì gai xám, mực nang trắng phau… Chúng tôi đến đây đúng tuần lễ ẩm thực sò, những quán ăn Paris đua nhau đưa sò làm món ăn trong ngày (plat du jour). Trong khi hải sản ở Anh mắc như vàng theo đúng nghĩa đen thì một thố sò đầy ngồn ngộn trong một quán ăn gần nhà thờ Đức Bà giá chỉ 8 Euro (khoảng 160.000 đồng), rất rẻ so với vật giá châu Âu. Những con sò Địa Trung Hải tươi rói, đầy ắp thịt, được hấp rượu vang trắng, hành tây và rau mùi xắt nhuyễn, thơm lừng, nhấm nháp với rượu Bordeaux trắng thật đúng điệu.
  
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

67#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:06:26 | Chỉ xem của tác giả
Không chỉ ẩm thực Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp, mà ngược lại ẩm thực Pháp cũng du nhập rất nhiều món ăn Việt. Sách du lịch Lonely Planet viết về Việt Nam nhiều nhất trong phần viết về ẩm thực nước ngoài ở Paris. Người Pháp đưa món chả giò và phở bò thực đơn nhiều nhà hàng truyền thống Pháp với cái tên le nem và le pho, cũng như người Anh lấy cari Ấn Độ làm một trong những món truyền thống Anh vậy. Còn món bánh tráng cuốn tôm luộc, bún tươi và rau thơm ăn kèm nước chấm tương tự những quán lề đường gần hồ Con Rùa trước đây cũng nằm trong những quán ăn sang trọng Paris với cái tên rất “kêu” rouleux du printemps (nem cuốn mùa xuân).

Đến lúc tạm biệt thủ đô Pháp, tôi đã thực sự tiếc nuối vì không đủ thời gian để nếm thử tất cả món ăn Pháp nổi tiếng thế giới như foie gras, pâté du tête (món pate rất giống giò thủ Việt Nam, phó mát camembert (rất nặng mùi nhưng khi đã ăn được rồi rất dễ nghiền như người Việt mê ăn sầu riêng vậy, súp hành mà một phóng viên người Mĩ từng so với phở Việt Nam, và tất nhiên, rượu vang Pháp đủ mùi vị chủng loại từng làm say đắm không biết bao nhiêu người. Đến Paris với hành lí nhẹ hẫng, tôi về lại Anh với một vali nặng trĩu những rượu vang, phó mát, bơ, jambong, xúc xích, hải sản đóng hộp, dầu ôliu nguyên chất, viên súp… làm quà cho bạn và cho mình.

Và trong khi gà gật ngủ chờ chuyến bay, tôi mơ thấy hai giáo sư ở trường đổi đề tài hai bài luận săp đến hạn tôi phải nộp: không phải về nghiên cứu thị trường và quản lí nhân sự nữa mà về ẩm thực Paris!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

68#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:07:04 | Chỉ xem của tác giả
Này hoa Paris


Tôi về thủ đô nước Pháp khi châu Âu vừa tạm biệt mùa đông giá buốt tuyết rơi trắng xóa khắp nơi để bước vào những ngày đầu xuân mát mẻ mưa phùn lây rây. Những loài hoa tôi không biết tên nở phớt hồng trên những cây lớn trong công viên và bên những ngôi nhà cổ trong ngõ nhỏ im lìm.

Thủy tiên vàng mướt bung những cánh mịn màng trên thảm cỏ xanh rờn dọc đường đi như muốn níu chân khách bộ hành dừng bước, làm tôi nhớ đến câu thơ của Shakespears “Thủy tiên, về đây trước khi đàn chim nhạn dám về, và làm đẹp những cơn gió tháng ba…”. Hoa păng-xê (pansies) mỏng manh nhẹ như cánh bướm rung rinh trên những kệ cửa sổ ngập nắng dọc đường. Vườn Luxembourg những ngày đầu xuân cũng rực rỡ sắc hoa bên lối vào hay bên những đài phun nước với đám trẻ con chạy giỡn, trong khi cha mẹ chúng ngồi trên ghế đá vừa trông chừng vừa ngắm hoa nở muôn màu.

Còn những gánh hàng hoa Paris? Ôi những gánh hàng hoa nhỏ xinh tràn ra cả phố, dọc bờ sông Seine nước xanh in bóng nền trời với những con thuyền chở du khách rẽ nước bơi. Hoa hồng đủ màu e ấp trong chậu, oải hương tim tím qua những lớp giấy gói thô kệch vẫn thơm dịu dàng, diên vĩ  tươi mát suốt mùa đông đến đầu xuân xòe cánh tím thẫm khoe nhụy vàng, loài hoa có tên rất ngộ “cỏ chân ngỗng” (anemone) trắng muôn muốt vươn mình khỏi xô nước trong veo, phong lan vàng mơ mộng trên tường rũ xuống tóc người đi mua sắm ngày cuối tuần, bất tử khô buộc rơm gối đầu lên những kệ gỗ cũ kĩ… Và kìa những đóa hoa giọt tuyết trắng phau, tưởng như đã tàn qua mùa đông băng giá vẫn còn nở tươi bên những bông arum lily tôi yêu nhất, trắng muốt hay vàng nuột nà kiêu hãnh trên cành thon thả, trông chỉ muốn ôm nguyên bó vào lòng. Tất cả những loài hoa xứ lạnh như tập trung về thành phố lãng mạn nhất thế giới này, để được cài lên tóc, lên áo những cô gái Paris mắt xanh như bầu trời đầu xuân đầy nắng.

Mỗi lần thấy hoa Paris, tôi lại nhớ chi tiết chuyện Paris chốc lát của Pauxtopxki khi tác giả bắt gặp một bé gái rụt rè cầm những bông hoa dại bán cho khách đi đường, ông mua một cành “vẫn còn thấy ấm hơi bàn tay nó”. Tôi cố ý tìm đứa nhỏ ấy trong những đứa trẻ Paris, nhưng thấy mình lẩn thẩn vì đứa bé nhỏ xíu trong truyện từ lâu chắc đã là một thiếu phụ ngồi uống café crème trong những quán cà phê trên đại lộ Chams-Élyssées hay phố St-Germain-des-Prés mất rồi.

Nhưng hoa Paris thì vẫn nở, làm tôi buồn thiu khi phải chia tay…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

69#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:09:09 | Chỉ xem của tác giả
Scotland


Nhớ những ngày Edinburgh Festivals…


Tôi vẫn thường ao ước được đến Edinburgh đúng dịp diễn ra festival nghệ thuật lớn nhất thế giới. Những ngày này vé đi Edinburgh tăng lên chóng mặt, giá cả phòng ở cũng tăng theo cấp số nhân nên đành ngậm ngùi chờ dịp khác. Đúng là cầu được ước thấy, giữa tháng tám, sếp bảo “Uyên qua Scotland tham gia mấy khóa học về thương mại Internet nhé!”, tôi mừng hơn bắt được vàng, nhận lời ngay.

Edinburgh Festivals bao gồm 9 liên hoan khác nhau, diễn ra vào tháng tám và tháng chín mỗi năm tại thủ đô Scotland. Giá trị và nổi tiếng nhất vẫn là liên hoan Quốc tế Edinburgh (EIF) – còn được mệnh danh “cả thế giới trên sân khấu Edinburgh” – ra đời vào năm 1947, khi châu Âu mới bắt đầu hồi sinh từ những tàn tích của chiến tranh thế giới thứ II. Gần nửa thế kỉ nay, EIF là nơi hội tụ những tác phẩm opera, ballet, kịch và nhạc cổ điển  hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó còn Edinburgh Fringe Festival (Liên hoan bên lề), cũng ra đời cùng năm với EIF, khi tám tác phẩm, không được mời tham dự EIF cũng đến Edinburgh và thuê những nhà hát nhỏ hơn để biểu diễn. Gần như ai cũng có thể tham gia Fringe Festival, miễn bỏ ra khoảng 300 bảng Anh (tương đương 9 triệu đồng) để vào list chương trình. Năm nay có đến 25.000 tác phẩm tham gia Fringe Festival, lại không ai kiểm duyệt nên thượng vàng hạ cám có đủ. Từ những nhạc kịch thiếu chút nữa được mời vào liên hoan chính thức EIF đến những tiết mục khá “nhảm” như “Ladyboys of Bangkok” với đội ngũ pêđê Thái Lan váy áo sặc sỡ, nhưng dân chúng vẫn nườm nượp bỏ tiền đi xem vì tò mò. Ngoài ra còn liên hoan sách Edinburgh, Liên hoan nhạc Jazz và Blues Endinburgh, Liên hoan Tatoo quân đội Edinburgh...

Tôi đến Edinburgh đúng hôm khai mạc Liên hoan khai mạc chính thức EIF vào giữa tháng tám. Chương trình duy nhất trong ngày là tiết mục mở màn liên hoan của đài BBC. Chỉ một số ít tác phẩm có giá trị sâu sắc được chọn lọc tham gia. Vé của hầu hết các tiết mục đã bán hết cách đó bốn tháng, nhưng ở mỗi tiết mục ban tổ chức có 50 vé cho 50 người đến sớm nhất trước giờ biểu diễn một tiếng đồng hồ. Tiết mục bắt đầu lúc 8g tối, mới 6g30 tôi đến nơi đã thấy một hàng dài rồng rắn chờ mua, ai cũng mang theo ghế xếp, nước uống, bánh mì ngồi chờ như cảnh xếp hàng thời bao cấp ở Việt Nam. Ngao ngán, tôi hỏi cặp vợ chồng đứng tuổi trong hàng họ đến từ mấy giờ “Bốn giờ rưỡi, mà mấy người đứng trước đây còn đến từ 3g kia. Mỗi lần mới có một lần mà”. Biết không có cơ hội mua được vé, tôi thở dài quay về khách sạn, quyết tâm ngày mai sẽ ra sớm hơn.
  
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

70#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:12:47 | Chỉ xem của tác giả
Sáng sớm hôm sau, tôi tản bộ ra lâu đài Edinburgh bằng đá nằm trên đồi cao cây cối xanh um. Lâu đài rất im ắng và vắng khách du lịch, có lẽ mọi người còn đang ngủ hay đang đứng xếp hàng chờ mua vé trước những nhà hát trên khắp Edinburgh mất rồi. Tình cờ đến The Hubs, nơi bán vé của ban tổ chức đặt tại Dặm Hoàng Gia, thấy bảng thông báo còn chỗ cho một số chương trình sắp tới vì có người trả lại vé. Tôi mừng rỡ vào ngay mà mua được một vé đứng xem biểu diễn Piano của nghệ sĩ Llyr Williams ngay sau đó. Đồng thời mua một vé ngồi tít đằng xa xem nhạc kịch “Hồ Thiên Nga”, dù biết sau đó phải nhịn ăn sáng vì giá vé cao chóng mặt.

Buổi biểu diễn piano trong một khán phòng chật kín người, hầu hết đều trên dưới 60, 70 tuổi. Trong khi chờ bắt đầu tôi nói chuyện với một phụ nữ trung niên người Đức bên cạnh và được biết bà đến Scotland chỉ để xem Edinburgh Festivals, bà hỏi “cháu học cao học về piano à?” làm tôi ngượng ngập: “Không, cháu chỉ thích đi xem cho biết thôi, không học chuyên ngành đâu”. “Vậy thì tốt quá, mấy đứa con của bác bằng tuổi cháu bây giờ không thích những buổi biểu diễn như thế này đâu.

Khán phòng sang trọng nhưng sân khấu lại hết sức đơn sơ với sàn gỗ cũ kĩ, không hề có băng rôn hay phông màn. Nghệ sĩ bước ra sân khấu cũng không một lời giới thiệu kiểu cách từ ban tổ chức. Anh chào khán giả rồi bước ngay vào đàn và thả hồn theo những nốt nhạc du dương. Ban đầu tôi còn ngớ ngẩn nghĩ xem ti vi còn sướng hơn vì ít ra trên màn hình còn hiện tên bản nhạc, nhưng chỉ sau vài phút tiếng nhạc phát ra từ những ngón tay anh làm tôi muốn ứa nước mắt. Tôi không rành nhạc giao hưởng và cũng chẳng phân biệt được bản nào của Schubert, bản nào của Chopin. Chỉ biết rằng những bản nhạc ấy làm tôi nhớ những ngày còn ở Việt Nam buổi chiều ngồi trước ngõ vừa đọc truyện “Hành trình ngày thơ ấu” vừa chờ mẹ về. Nhớ những đêm đi bộ từ thư viện trường đại học về nhà trong tuyết rơi trắng đường lạnh buốt. Và mới hôm qua, khi phố xưa Edinburgh đón tôi bằng những tia nắng cuối ngày dát vàng những tòa lâu đài vua chúa ngày xưa và dòng người nhộn nhịp hòa vào không khí lễ hội. Tôi nghĩ mãi vẫn không biết ví âm thanh phát ra từ tiếng đàn anh giống âm điệu gì, mãi sau mới nhận ra những bản nhạc ấy làm tôi liên tưởng đến tiếng những viên kim cương lăn trên nhung.

Hai tiếng đồng hồ của chương trình qua nhanh như gió thoảng. Khi nghệ sĩ kết thúc, cúi người chào khán giả, tôi sung sướng đến mức vỗ rát cả tay. Khán giả cũng vỗ tay hàng tràng dài không dứt, làm anh đã quay vào phải tiếp tục trở ra, đàn thêm ba bản nữa mới thôi. Mãi về sau tôi mới biết Llyr Williams mới 26 tuổi, có lẽ là một trong những nghệ sĩ biểu diễn sô lô trẻ nhất trong lịch sử EIF.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách