Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: siwang
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác] Truyện Cổ Grim | Grim

[Lấy địa chỉ]
81#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:54:57 | Chỉ xem của tác giả
Cô gái nông dân khôn ngoan

Ngày xửa ngày xưa có một bác nông dân nghèo, nghèo đến nỗi không có lấy một tấc đất cắm dùi, bác chỉ có căn nhà nhỏ bé và một cô con gái. Một hôm cô nói với bố:

– Có lẽ nhà ta phải đến xin nhà vua ban cho một mảnh đất hoang mới được..

Nhà vua thấy nói họ nghèo nên sẵn lòng ban cho họ một mảnh đất ở cánh đồng cỏ. Nhận đất hai bố con cặm cụi cuốc đất, định gieo ít lúa và trồng hoa màu. Khi họ cuốc đất gần xong thửa ruộng thì lấy được ở dưới đất lên một cái cối bằng vàng. Bố bảo con gái:

– Con thấy không, nhà vua rộng lượng ban cho nhà ta mảnh đất này, vậy nên ta dâng chiếc cối lên nhà vua.

Cô con gái không muốn vậy nên nói:

– Cha ạ, nếu có cối, tất phải có chày, mà chày vàng cùng bộ thì nhà ta không có. Vậy thì tốt hơn là ta làm thinh.

Nhưng ông bố không nghe, ông đem cối dâng vua và nói, trong lúc cuốc đất ông thấy chiếc cối vàng và muốn dâng vua để tỏ lòng biết ơn, kính trọng. Nhận cối vàng, nhà vua hỏi bác nông dân còn tìm thấy gì nữa không. Bác nông dân thưa:

– Muôn tâu bệ hạ, không ạ.

Nhà vua bảo bác nông dân phải mang chày vàng nộp. Bác nông dân thưa chỉ tìm thấy cối vàng, không tìm thấy chày vàng, bác dùng mọi lời để thanh minh cho sự trung thành của mình, nhưng cái đó cũng chả giúp ích gì cả, bác vẫn bị tống giam, chừng nào tìm thấy đem nộp nốt chày vàng thì được tha. Bọn lính canh ngục hàng ngày mang cho bác nước lã và bánh mì – đó là khẩu phần của tù nhân – Lúc nào chúng cũng nghe thấy người đàn ông kia kêu la:

– Trời ơi, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nỗi này, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nông nỗi này.

Lính canh ngục tâu vua về chuyện người tù lúc nào cũng kêu la: “Trời ơi, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nông nỗi này” và không chịu ăn uống gì cả.

Nhà vua truyền cho lính canh dẫn tù nhân đến và thân chinh hỏi tại sao lúc nào cũng la:

– Trời ơi, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nông nỗi này.

– Thế con gái ngươi nói gì vậy?

– Muôn tâu bệ hạ con gái thần khuyên không nên đem dâng chiếc cối vàng, nếu dâng thì thế nào thần cũng phải tìm cho ta chiếc chày vàng để nộp.

– Con gái ngươi khôn ngoan thật đấy, vậy cho gọi nó tới đây.

Thế là cô gái phải đến. Nhà vua muốn thử xem liệu cô có thật thông minh như lời người cha kể không. Nhà vua bảo sẽ ra cho cô một câu đố, nếu cô giải được thì vua sẽ nhận cô làm cung phi. Cô gái nhận lời ngay, cô sẽ tìm cách giải câu đố. Nhà vua nói:

Hãy đến chỗ ta,

không mặc quần áo,

chẳng phải trần truồng,

không phải lừa ngựa,

chẳng phải đi xe,

không đi trong đường,

chẳng ra lề đường,

nếu ngươi làm được,

sẽ thành cung phi.

Cô gái liền cởi quần áo ra. Cô lấy một chiếc lưới đánh cá lớn, ngồi vào giữa lưới và lăn cuộn tròn lưới quanh người, rồi cô thuê một con lừa, buộc đầu lưới vào đuôi lừa để cho lừa kéo đi, như vậy là không cưỡi lừa mà cũng chẳng phải đi xe. Cô cho lừa kéo đi theo những vết bánh xe để cô đi trên đất bằng hai ngón chân cái, như vậy là không đi ở giữa lòng đường, mà cũng chẳng phải đi ở bên lề đường. Thấy cô gái đến trong tư thế ấy, nhà vua nói ngay là cô đã giải được câu đố cùng những điều kiện đặt ra.

Vua truyền cho thả ngay bố cô gái, nhận cô là cung phi và phó thác cho cô toàn bộ các kho báu trong hoàng cung.

Nhiều năm trôi qua. Một hôm vua đi duyệt binh, tình cờ có một số người nông dân đang bán củi rong, cho xe đổ ở khu đất trước hoàng cung. Đó là những chiếc xe bò và xe ngựa. Có một chiếc xe có hai ngựa kéo và một con đi theo. Trong lúc xe đổ con ngựa con lại chạy ra chỗ hai con bò và chen vào giữa nằm. Khi đám đông dân đi xem diễu binh quay về, đánh lộn làm ầm cả lên.

Người nông dân có bò đòi giữ con ngựa con lại, nói rằng nó chính là con bò mình đẻ ra. Người nông dân kia nói là không phải thế, nói ngựa mình đẻ ra con ngựa con kia, con ngựa con chính là của mình.

Cãi nhau mãi cũng chẳng đi đến đâu, họ kéo đến xin vua xử. Vua xử, ngựa nằm ở đâu thì thuộc về người đó. Thành ra người có bò thắng kiện, nhận được con ngựa con.

Người nông dân thua kiện, lòng ấm ức vừa đi vừa khóc, kể lể chuyện oan ức của mình.

Bác nghe nói, hoàng hậu cũng rất từ tâm, vì bà vốn xuất thân từ lớp nông dân nghèo. Bác tìm đến gặp bà, cầu xin bà giúp đỡ để nhận lại con ngựa con.

Bà bảo:

– Được thôi, nhưng ngươi phải hứa không để lộ chuyện ta giúp ngươi. Sáng mai, khi nhà vua đi duyệt quân ngự lâm, ngươi hãy ra đứng ở giữa đường, nơi vua thế nào cũng đi qua. Ngươi cầm chiếc lưới to, đứng làm ra bộ đang mải tung lưới đánh cá, rồi cũng rũ lưới như trong lưới nhiều cá lắm.

Bà còn bày cho cách trả lời những câu hỏi có thể nhà vua sẽ đặt ra.

Hôm sau, bác nông dân ra đứng ở đó và tung, kéo lưới đánh cá trên cạn. Vua đi qua thấy thế, phái một tên thị vệ hỏi xem cái tên dở người kia định làm trò gì. Người kia đáp:

– Tôi tung, kéo lưới đánh cá.

Thị vệ hỏi tại sao lại đánh cá ở chỗ không có nước. Người kia đáp:

– Hai con bò đực còn đẻ ra được một con ngựa con thì tất nhiên ngay ở trên cạn người ta cũng có thể đánh được cá.

Thị vệ chạy lại tâu trình nhà vua. Vua truyền cho gọi người kia lại, nói là bác nông dân không thể nghĩ ra được trò chơi này cũng như những câu đối đáp kia. Nhà vua muốn biết ai là người đã bày mưu tính kế cho bác, bác nông dân cứ không nói, có trời chứng giám, chính bác nảy ra ý nghĩ ấy. Thị vệ liền túm lấy bác ta, trói lại và tra tấn bác nông dân lúc bấy giờ mới thú tội là hoàng hậu đã bày mưu cho.

Về tới nhà, vua nói ngay với hoàng hậu:

– Sao ái khánh lại dối trá ta, ta không thích có một cung phi như vậy. Ái khanh có thể quay trở về quê cũ được rồi đấy.

Tuy vậy nhà vua cho phép mang theo về quê cái gì mà bà quý nhất, và đó là điều kiện cuối cùng trước khi chia tay. Hoàng hậu nói:

– Thưa phu quân kính yêu, thiếp xin tuân lệnh.

Rồi bà ôm chầm lấy nhà vua, hôn cái hôn từ biệt. Trước khi chia tay bà xin nâng cốc biệt ly với nhà vua. Rượu có pha một liều thuốc ngủ mạnh, khi nhà vua uống cạn chén thì cơn buồn ngủ cũng ập tới, nhà vua ngủ say không hề biết gì nữa. Hoàng hậu chỉ uống có một hớp, bà gọi thị vệ trải lụa trắng, đặt vua vào đó và khênh lên xe. Bà cùng nhà vua đang ngủ đi về quê. Về tới nhà, bà sai thị vệ đặt vua lên giường bà vẫn nằm khi xưa lúc còn ở nhà.

Vua ngủ một giấc dài một ngày một đêm. Tỉnh dậy thấy lạ, nhà vua nhìn quanh hỏi:

– Quái lạ ta đang ở đâu thế nhỉ?

Vua la gọi thị vệ nhưng chẳng thấy bóng dáng tên nào cả. Mãi sau mới thấy hoàng hậu bước tới nói:

– Tâu bệ hạ, bệ hạ có ra lệnh cho thiếp được phép mang ra khỏi hoàng cung về quê cái gì mà thiếp yêu quí nhất. Thiếp thấy không có gì trên đời thiếp yêu quý bằng bệ hạ, vì thế thiếp đã mang theo bệ hạ về quê.

Xúc động mạnh mẽ làm nhà vua rưng rưng nước mắt, nhà vua nói:

– Thiếp yêu quý, tại sao chúng ta lại có thể xa nhau được nhỉ, ta vẫn là của nàng, và nàng là của ta.

Hai người trở lại hoàng cung, làm lễ ra mắt trở lại. Và chắc có lẽ họ còn sống cho đến ngày nay.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

82#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:57:20 | Chỉ xem của tác giả
Chó sói và bảy chú dê con

Ngày xửa ngày xưa, có một con dê cái già sinh được bảy chú dê con. Mẹ nào mà chả thương con, dê mẹ thương yêu đàn con của mình lắm. Một ngày kia, dê mẹ vào rừng kiếm thức ăn nên gọi bảy con lại dặn dò:

– Các con yêu dấu, mẹ muốn đi vào rừng một lát, các con hãy cảnh giác chó sói, nếu nó vào thì nó sẽ ăn thịt tất cả các con cả da lẫn lông. Thằng quỷ sứ ấy thường hay trá hình, nhưng các con cứ nghe thấy giọng khản ồ ồ và thấy cái chân đen sì là nhận ra được nó ngay.

Dê con đồng thanh đáp:

– Mẹ yêu, chúng con sẽ cảnh giác, mẹ cứ yên tâm mà đi.

Dê mẹ kêu be be rồi yên trí lên đường.

Không bao lâu sau thì có ai gõ cửa và gọi to:

– Hãy mở cửa ra, các con yêu dấu, mẹ đã về và có mang quà về cho các con đây.

Nghe tiếng khàn ồ ồ dê con nhận ngay ra là chó sói, đàn dê con nói vọng ra:

– Chúng tao không mở cửa, mày đâu phải là mẹ chúng tao, mẹ có giọng nói thanh trong và dễ thương cơ, còn giọng mày khàn khàn ồ ồ, đúng mày là chó sói.

Sói vội chạy đến cửa hàng xén mua cục phấn to để ăn cho thanh giọng. Rồi nó quay trở lại, gõ cửa và gọi:

– Hãy mở cửa ra, các con yêu dấu, mẹ đã về và có mang quà về cho các con đây.

Sói vịn chân lên cửa sổ, đàn dê con nhận ra và đồng thanh nói:

– Chúng tao không mở cửa, chân mẹ đâu có đen như chân mày, mày đúng là chó sói.

Sói liền chạy tới bác thợ làm bánh mì nói:

– Chân tôi vấp bị thương, bác làm ơn đắp bột nhão lên cho tôi.

Người làm bánh mì đắp bột nhão lên chân nó, nó liền chạy tới nhà người xay bột và nói:

– Bác làm ơn rắc bột trắng lên chỗ chân đắp bột nhão cho tôi.

Bác xay bột nghĩ: “Con sói này định đánh lừa ai đây”. Nên bác từ chối. Sói hăm dọa:

– Nếu bác không chịu làm việc đó thì tôi ăn thịt bác đấy.

Bác xay bột đâm ra sợ, đành phải rắc bột cho trắng chân sói.

Con sói quỷ sứ lại mon men tới cửa lần thứ ba, gõ cửa gọi:

– Mở cửa mẹ vào, các con yêu dấu, mẹ của các con đã về và có mang quà ở rừng về cho các con đây.

Dê con bảo:

– Con xem chân, xem có đúng là mẹ yêu dấu không nào.

Sói đặt chân lên cửa sổ. Dê con thấy chân trắng, yên trí chắc là mẹ về thật nên mở cửa ra. Ngờ đâu kẻ vào nhà chính lại là chó sói. Đàn dê con hoảng sợ, tìm cách ẩn trốn. Một con nhảy chui vào gầm bàn, con thứ hai chui vào gầm giường, con thứ ba chui vào lò, con thứ tư ẩn trong bếp, con thứ năm nấp vào tủ, con thứ sáu nấp ssau chậu giặt quần áo, con thứ bảy chui vào trong hộp đồng hồ quả lắc treo trên tường. Nhưng sói đều tìm được. Nó không cần lựa chọn, nuốt chửng hết con này đến con kia, duy chỉ có con dê bé nhất núp trong hộp đồng hồ là nó không tìm thấy.

Khi đã thỏa mãn cơn thèm, sói khệnh khạng đi ra cánh đồng cỏ xanh tươi, nằm dưới một cây cổ thụ và thiu thiu ngủ.

Chỉ một lát sau dê mẹ ở rừng về tới nhà. Trời, dê mẹ nhìn cảnh vật mà đau lòng: cửa mở toang, bàn ghế đổ lỏng chỏng, ngổn ngang, chậu giặt vỡ tan tành, chăn gối vứt khắp nơi. Dê mẹ tìm chẳng thấy một đứa con nào cả. Dê mẹ gọi tên từng đứa, cũng chẳng thấy đứa nào thưa. Gọi mãi tới tên đứa út thì có tiếng nói khe khẽ:

– Mẹ yêu dấu, con trốn ở trên hộp đồng hồ treo trên tường này.

Dê mẹ bế con ra. Dê con kể mẹ nghe chuyện sói đến và đã ăn thịt tất cả các anh. Chắc các bạn biết dê mẹ khóc thảm thiết như thế nào về những đứa con xấu số của mình.

Đau buồn, dê mẹ đi tìm, dê con chạy theo sau.

Khi tới cánh đồng cỏ, dê mẹ nhìn thấy sói nằm ở gốc cây, ngủ ngáy rung cả cành lá. Dê mẹ chăm chú quan sát khắp người sói, thấy bụng nó căng, hình như có cái gì động đậy, phập phồng ở trong. Dê mẹ nghĩ:

– Trời ơi! Lẽ nào những đứa con đáng thương của tôi bị sói nuốt chửng làm bữa tối vẫn còn sống hay sao?

Dê mẹ sai dê con chạy về nhà lấy kéo và kim chỉ. Rồi dê mẹ rạch bụng con quái vật, rạch chưa hết nhát kéo thứ nhất thì một chú dê con đã ló đầu ra. Cứ thế tiếp tục rạch, cả sáu chú dê con nối đuôi nhau nhảy ra, và cả sáu đều sống, không hề bị xây xát, vì sói háu ăn nên chỉ nuốt chửng không kịp nhai. Mừng ơi là mừng! Đàn con ôm hôn vuốt ve mẹ, nhảy tung tăng. Dê mẹ bảo đàn con:

– Giờ các con hãy đi tìm nhặt đá to để nhét vào bụng con vật quái ác này khi nó còn đang ngủ say.

Thế rồi bảy chú dê con vội vàng chạy đi khuân đá về, tha được bao nhiêu chúng nhét hết vào bụng sói. Rồi dê mẹ khâu bụng sói lại nhanh đến nỗi sói không hề hay biết và cũng không thèm cựa mình.

Sau khi ngủ đã đẫy giấc, sói thức dậy. Nó khát khô cả cổ vì đá đầy trong bụng, nó định ra suối uống nước. Nó vừa nhổm dậy, mới nhúc nhích định đi thì đá trong bụng đè lăn lên nhau nghe lạo xạo. Lúc đó sói kêu lên:

Cái gì lộn xộn, lạo xạo

Chạy trong bụng ta thế này?

Ta tưởng sáu chú dê non,

Sao lại chỉ có đá hòn nằm trong?

Khi nó tới được bên bờ suối cúi xuống định uống thì bị đá nặng kéo ngã nhào xuống nước và nó chết đuối không kịp kêu một lời.

Bảy chú dê con thấy vậy chạy tới reo ầm lên: “Chó sói chết rồi, chó sói chết rồi!” và cùng mẹ sung sướng nhảy múa tung tăng bên bờ suối.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

83#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 10:04:54 | Chỉ xem của tác giả
Bà chúa tuyết

Ngày xưa có một bác tiều phu vợ mất sớm, phải lấy một người vợ kế. Mụ có một đứa con gái riêng vừa xấu xí lại vừa lười biếng, suốt ngày chỉ ăn rồi chải chuốt. Bà vợ thấy đứa con gái của chồng xinh đẹp, nết na nên đem lòng ghen tức. Bà bắt cô làm việc nhà quần quật, hễ sai trật một chút là đánh đập tàn nhẫn.

- Dọn dẹp nhà cửa rồi đi nhồi bột, nghe chưa ranh con!
- Nhớ giặt chậu quần áo cho tao nữa, đồ ăn hại!
Một hôm cô đang ngồi quay sợi bên bờ giếng, chẳng may tuột tay làm rơi cái suốt xuống giếng. Mụ dì ghẻ đánh cô một trận tơi bời và bảo:
- Mầy phải nhảy xuống giếng tìm cho ra cái suốt. Nếu không thì đừng vác mặt lên đây nữa.
Nhìn giếng nước sâu thăm thẳm, cô gái rất sợ. Nhưng sợ bị đánh đau quá, cô đành nhắm mắt nhảy liều xuống. Chân vừa chạm đáy giếng, cô mở mắt ra và reo lên kinh ngạc . . .
Trước mặt cô là một tòa lâu đài cực kỳ tráng lệ. Cô đi qua khu vườn tới lâu đài thì gặp một cây táo trĩu đầy trái chín.
Thấy cô, cây táo kêu to:
- Hái trái tôi đi cô bé! Chúng đã chín quá rồi.
- Được! Tôi sẽ giúp bạn ngay. Đúng là trái đã chín rồi đấy.
Rồi cô vui vẻ hái táo xếp gọn thành một đống dưới gốc cây. Cây táo rung cành cám ơn cô bé.
Đi vào tòa lâu đài tới bếp, cô thấy nhiều bánh mì đang được nướng trên lò cháy rừng rực. Thấy cô, những chiếc bánh mì gọi rối rít kêu cứu:
- Lấy chúng tôi ra, cô bé! Chúng tôi cháy đến nơi rồi . . .
- Đừng lo! Tôi sẽ giúp các bạn ngay.
Cô bé nhanh chóng lấy bánh ra để lên bàn và tắt lửa lò. Đi tới phòng khách, cô nhìn thấy một cô gái tóc trắng như tuyết đang ngồi giữa một tấm nệm bộng. Cô cúi chào và lễ phép thưa:
- Thưa cô, con xuống đây là để tìm cái suốt kéo sợi. Nếu không tìm được thì dì con sẽ đuổi con khỏi nhà.
Cô gái tóc trắng mỉm cười:
- Tội nghiệp con! Ta là Bà Chúa Tuyết đây. Con cứ ở lại đây giúp việc cho ta trong thời giant a đi vắng. Khi về ta sẽ tìm trả lại cho con cái suốt ấy, và trả công xứng đáng nếu con làm tốt việc ta nhờ.
Cô bé đành ở lại trong lâu đài. Công việc hằng ngày của cô là giũ tấm nệm bông sao cho tuyết rơi xuống thật đều. Vốn chăm chỉ, cô bé thực hiện rất tốt công việc ấy. Hơn thế nữa, cô còn thu dọn nhà cửa, lau chùi sạch sẽ các đồ vật trong lâu đài của Bà Chúa Tuyết.
Ít lâu sau, Bà Chúa Tuyết trở về và tỏ vẻ rất hài lòng:
- Con đã làm tốt những gì ta dặn, con là một bé ngoan. Hơn thế, những chuyện cần làm mà ta quên dặn, con cũng tự động làm rất chu đáo. Ta thưởng cho con: mỗi khi con nói sẽ tỏa ra hương thơm, có hai bông hồng và hai đồng tiền vàng rơi ra khỏi miệng.
Bà Chúa Tuyết còn cho cô bé một bộ quần áo đẹp. Bà trả cô cái suốt rồi bảo cô nhắm mắt lại. Thoáng chốc, cô bé thấy mìnhđứng ở bờ giếng quen thuộc của nhà mình.
Ở nhà, mụ dì ghẻ tưởng cô đã chết. Nay thấy cô trở về xinh đẹp hơn xưa thì tức tối gầm lên:
     -     Mầy đi những đâu mà bây giờ mới về. Lại còn đánh cắp của ai được bộ áo quần thế hả?
     -     Thưa dì . . .
Cô bé vừa mở miệng “Thưa dì . . .” thì hai bông hồng và hai đông tiền vàng rơi ra khỏi miệng trước sự sững sờ của bà dì ghẻ. Lại có mùi thơm thoang thỏang tỏa ra xung quanh cô. Bà ta liền ngon ngọt hỏi cô bé điều gì đã xảy ra với cô.
Biết được đầu đuôi, mụ gọi con gái dặn giả vờ làm rơi suốt và nhảy xuống giếng tìm. Cô này y lời mẹ. Quả nhiên cô ta gặp tòa lâu đài ở đáy giếng. Cô ta bước vào vườn và gặp cây táo trĩu đầy trái chín đang đung đưa cầu cứu.
- Hái trái giúp tôi đi. Trái chín cả rồi cô bé ơi!
- Hứ! Còn lâu! Tao xuống đây không phải làm đầy tớ cho chúng mày sai bảo.
Những chiếc bánh trong lò cũng rối rít gọi cô ta:
- Lấy chúng tôi ra, cô bé ơi! Chúng tôi cháy đến nơi rồi đấy!
- Hừ, tao xuống đây đâu phải để làm những công việc bẩn thỉu giúp chúng mày.
Cô cũng gặp Bà Chúa Tuyết và được bà giao việc. Nhưng bà vừa đi, cô lăn ra ngủ một giấc. Khi tỉnh dậy, cô vội vàng chụp tấm nệm bông giũ lấy giũ để làm bông tuyết bay tung tóe . . . Rồi lại ngủ tiếp. Chừng thức giấc thì nằm mơ mộng việc mở miệng tỏa hương thơm cùng hoa hồng thật là quyến rũ. Cô nghĩ tới tiền vàng và tự nhủ phải nói cho thật nhiều để được chóng giàu sang. Ôi thật tuyệt vời! Cô chỉ để thì giờ làm qua loa công việc Bà Chúa Tuyết giao phó.
Khi bà trở về, cô vội đòi tiền công:
- Bà hãy cho tôi nói ra nhiều tiền vàng đi. Tôi đã làm xong việc cho bà rồi đấy!
- Mi là một con bé hổn láo, xấu bụng, tham lam, và lười biếng. Mi sẽ được trả công xứng đáng: mỗi lần mi nói ra, sẽ chỉ có cóc nhái và rắn rết bò ra từ miệng hôi thối của mi.
Từ đó mẹ con bà dì ghẻ phải trốn vào rừng sâu. Còn cô gái nết na sống với cha vô cùng hạnh phúc.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

84#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 10:16:39 | Chỉ xem của tác giả
Bốn anh em tài giỏi

Ngày xưa, có một người đàn ông nghèo sinh được bốn người con trai. Khi các con đã trưởng thành, khôn lớn, ông nói với các con:

– Các con thân yêu, bây giờ các con hãy đi chu du thiên hạ, tới miền đất lạ học lấy một nghề để tự mình kiếm kế sinh nhai, cha nghèo chẳng có gì cho các con.

Bốn người con cầm gậy hành trình, chào tạm biệt người cha thân yêu, rồi cùng nhau lên đường. Đi một lát thì họ tới một ngã tư có nhiều hướng đi khác nhau. Họ dừng lại, người anh cả nói:

– Bây giờ anh ta chia tay nhau, mỗi người một ngả, bốn năm nữa, cũng ngày này chúng ta sẽ gặp nhau ở đây, trong thời gian ấy mỗi người học lấy một nghề để kiếm kế sinh nhai.

Nói xong, mỗi người đi một ngả. Người anh cả gặp một người đàn ông, ông này hỏi anh định đi đâu, làm gì. Anh trả lời:

– Tôi muốn học lấy một nghề.

Người kia rủ:

– Vậy thì đi theo ta rồi anh sẽ giỏi nghề… ăn trộm.

Anh ta trả lời:

– Không, nghề ấy đâu phải là một nghề lương thiện, cái kết cục của nghề ấy là bị treo cổ.

Người đàn ông kia nói:

– Chà, anh khỏi phải sợ treo cổ, tôi không dạy anh làm việc bất lương mà chỉ dạy cho anh cách làm sao lấy được những cái mà không người nào lấy được để giúp ích cho mọi người.

Nghe bùi tai, anh chàng bằng lòng đi theo.

Người em thứ hai cũng gặp một người đàn ông hỏi anh muốn học nghề gì trên đời này.

Anh trả lời:

– Tôi cũng chưa biết phải học nghề gì.

Người kia nói:

– Thế thì anh hãy đi với tôi, sau này sẽ trở thành nhà thiên văn, trên đời này không có nghề gì hay bằng. Không có một cái gì lọt qua mắt nhà thiên văn.

Anh ta thấy học nghề ấy cũng hay nên đi theo và trở thành một nhà thiên văn tài giỏi đến mức, sau khi anh ta học xong tạm biệt thầy ra về, thầy đưa cho anh một ống viễn kính và bảo:

– Với viễn kính này anh có thể nhìn thấy hết mọi việc xảy ra trên trời, dưới đất, chẳng có gì lọt qua được mắt anh.

Có người thợ săn nhận dạy người em thứ ba nghề đi săn, ông dạy cho anh tất cả những ngón của nghề săn và đào luyện anh trở thành một nhà thiện xạ.

Trong buổi chia tay từ giã, thầy tặng anh một khẩu súng và bảo:

– Súng này thì chẳng còn chê vào đâu được, anh đã giương súng ngắm là bách phát, bách trúng.

Người em út cũng gặp một người đàn ông. Ông ta hỏi anh:

– Anh có thích học nghề may không?

Anh đáp:

– Ngồi khoanh chân từ sáng đến chiều, cầm kim khâu khâu, vá vá, rồi còn ủi quần áo, tôi không biết liệu mình có nhớ mà làm nổi những việc ấy không?

Người đàn ông nói:

– Đâu có như anh nói và nghĩ. Anh sẽ học ở tôi nghề thợ may khác hẳn những nơi khác, một nghề may lịch thiệp, sung túc và có phần nào vinh hạnh nữa.

Anh ta thấy cũng hay nên đi theo thầy học nghề cho đến nơi, đến chốn.

Trong buổi chia tay từ giã, thầy cho anh một cái kim và bảo:

– Với chiếc kim này anh có thể khâu được mọi thứ trên đời này, mềm như trứng, cứng như thép đều khâu được cả, đường chỉ liền khít tới mức không nhận ra được nữa.

Đúng bốn năm trôi qua, bốn anh em gặp lại nhau ở ngã tư năm xưa, ôm hôn nhau thắm thiết, rồi cùng nhau trở về nhà gặp cha.

Người cha mừng rỡ hỏi:

– Chà, gió nào đã đưa các con trở về thế?

Các con kể cho người cha nghe mọi chuyện xảy ra với họ và họ đã học được nghề mình yêu thích. Lúc ấy năm cha con đang ngồi trước nhà, dưới một cây cổ thụ. Người cha nói:

– Bây giờ cha muốn thử tài các con, xem các con biết làm những gì.

Ông ngước mắt lên và bảo người con thứ hai:

Ở giữa hai cành trên ngọn cây kia có một tổ sáo, đố con biết có mấy trứng nằm trong tổ?

Nhà thiên văn học lấy viễn kính ra, đứng ngước mặt lên ngắm rồi nói:

– Có năm trứng tất cả.

Người cha nói với con cả:

– Con thử trèo lên lấy trứng làm sao chim mẹ đang ấp bị mất trứng mà không hề biết.

Anh chàng khéo tay trèo lên lấy năm quả trứng đang ấp dưới bụng chim mẹ, anh lấy nhẹ nhàng, tài tình đến nỗi chim mẹ không hề hay biết cứ nằm im tiếp tục ấp. Anh trèo xuống đưa trứng cho cha. Ông cầm lấy trứng đặt ở mỗi góc bàn một quả, quả thứ năm đặt ở chính giữa bàn, ông bảo anh thiện xạ:

– Đố con bắn một phát mà thủng được cả năm quả trứng!

Anh thiện xạ lắp đạn và bắn, chỉ một phát đạn cả năm quả trứng đều bể làm đôi. Đúng là anh có tài bắn đạn chạy chữ chi.

Người cha lại bảo người con thứ tư:

– Bây giờ đến lượt con. Đố con khâu vỏ trứng cũng như thai chim non trong trứng liền lại như cũ mà thai chim trong trứng không hề bị ảnh hưởng gì cả.

Anh thợ may lấy kim ra khâu, khâu y như lời cha dặn. Trứng khâu xong, người con trai cả khéo tay trèo lên cây, đặt trứng vào trong ổ dưới bụng chim mẹ và chim mẹ vẫn không hề hay biết.

Chim mẹ ấp vài ngày thì trứng chim nở, cả năm con chim, con nào cũng có khoang đỏ ở cổ là do vết khâu của chàng thợ may.

Người cha bảo các con:

– Cha hết sức mừng cho các con, các con đã biết tận dụng thời gian học được những nghề hữu ích. Cha không thể nói được, ai trong bốn con là tài hơn cả. Chắc chẳng bao lâu các con sẽ có dịp hành nghề để giúp ích cho thiên hạ.

Ít lâu sau, khắp cả nước xôn xao vì chuyện công chúas đã bị một con rồng bắt đi đâu không biết. Vua cha lo lắng ngày đêm, hứa sẽ trọng thưởng cho ai cứu được công chúa.

Bốn anh em bảo nhau:

– Có lẽ đây là dịp tốt để chúng ta đem tài năng giúp ích cho đời.

Rồi bốn anh em cùng nhau ra đi để giải thoát cho công chúa.

Nhà thiên văn nói:

– Tôi sẽ biết ngay công chúa đang ở đâu.

Anh chiếu ống viễn kính lên xem và nói:

– Tôi đã trông thấy nàng, nàng ở cách đây rất xa, đang ngồi trên một tảng đá giữa biển, bên một con rồng đang canh gác nàng.

Anh tới gặp nhà vua, xin cấp cho một chiếc tuyền để bốn anh em vượt biển đi đến chỗ tảng đá.

Công chúa đang ngồi, còn con rồng thì đang ngủ, đầu gối vào lòng nàng. Nhà thiện xạ nói:

– Tôi không dám bắn, sợ đạn xuyên qua thân rồng trúng phải người công chúa.

Anh cả nói:

– Để tôi thử liều xem may ra được chăng.

Rồi anh trườn lại gần và cắp công chúa đi nhẹ nhàng và khéo léo tới mức con quái vật không hề hay biết, vẫn cứ ngáy khò khò.

Mấy anh em mừng rỡ, vội đưa nàng lên thuyền và căng buồm chạy ra khơi.

Rồng thức giấc, tìm mãi không thấy công chúa đâu, nó rượt theo thuyền, miệng thì phì phì dữ tợn, khi nó đuổi kịp thuyền định xà xuống thì anh thiện xã đã lắp đạn vào súng, anh giương súng bắn trúng ngay tim con vật. Con quái vật chết rơi xuống, nhưng nó to và nặng lại rơi trúng xuống thuyền làm chiếc thuyền vỡ tan ra từng mảnh. Mọi người vội bám lấy những tấm ván nổi lềnh bềnh bơi trên mặt biển bao la. Tình cảnh thật khó giải quyết. Nhưng anh thợ may chăm chỉ đi lấy chiếc kim thần diệu của mình ra, khâu vội mấy tấm ván đáy thuyền lại, rồi anh ngồi lên đó nhặt nốt các mảnh thuyền khác khâu vào. Anh khâu khéo tới mức chỉ một lát lại có một chiếc thuyền nguyên vẹn có thể căng buồm lên được, họ trở về nhà bình an vô sự.

Vua cha gặp lại con gái hết sức mừng rỡ. Vua nói với bốn anh em nhà kia:

– Ơn cứu mạng là ơn trời biển. Đáng lẽ ta gả con gái ta cho một trong bốn người. Nhưng người nào cũng tài giỏi cả, không biết cho ai cho xứng. Nay ta chia cho các ngươi một vùng đất để làm ăn, các ngươi có bằng lòng không?

Bốn anh em đều thấy toại nguyện.

Được chia vùng đất tốt, bốn anh em đón cha về chung sức làm ăn. Cuộc sống thật đầm ấm, hạnh phúc.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

85#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 10:18:02 | Chỉ xem của tác giả
Cái đinh

Có một người lái buôn muốn trở về nhà trước lúc trời tối. Anh ta để gói hành lý lên lưng ngựa và lên đường. Đến trưa, anh dừng chân nghỉ ở một thành phố. Khi anh tiếp tục đi thì người coi ngựa báo:

– Thưa ông, móng ngựa chân trái sau đã thiếu một cái đinh.

– Thiếu cũng chẳng sao, ta chỉ đi sáu tiếng nữa thôi, chắc lúc ấy móng sắt ngựa hãy còn chặt. Ta đang vội!

Đến chiều anh ghé vào một quán hàng bên đường để cho ngựa ăn, người coi ngựa lại nói:

– Thưa ông, móng sắt rơi mất rồi. Hãy để tôi dẫn nó tới thợ rèn.

– Chẳng sao! Ngựa còn đi được. Ta phải về nhà trước lúc trời tối.

Anh ta lại đi tiếp. Nhưng chẳng bao lâu ngựa bắt đầu khập khiễng. Rồi lát sau ngựa lại đi vấp, trượt chân. Cuối cùng nó gãy chân và ngã lăn ra. Người lái buôn đành bỏ ngựa và quảy hành lý lên vai. Anh ta đi bộ tới khuya mới về tới nhà.

Anh ta lẩm bẩm một mình:

– Nhanh nhẩu đoảng. Vì cái đinh mà hỏng việc.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

86#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 10:18:38 | Chỉ xem của tác giả
Nồi cháo thần

Ngày xửa ngày xưa có một cô gái nhà nghèo, tính tình nết na, cô sống một mình với người mẹ già. Một ngày kia trong nhà hết cả đồ ăn, cô đi vào trong rừng thì gặp một bà cụ già, bà hiểu nỗi buồn của cô và tặng cô một cái nồi nhỏ, cô chỉ cần nói:

– Nồi ơi, nấu đi!

Tức thì nó nấu cho một nồi cháo đường ngon lành. Nếu cô nói:

– Nồi ơi, hãy ngưng!

Thì nó lập tức ngưng ngay không nấu nữa. Cô gái mang chiếc nồi về cho người mẹ già ở nhà. Từ đó trở đi hai mẹ con không phải sống trong cảnh nghèo khổ, túng đói nữa. Họ luôn có cháo đường để ăn, muốn ăn bao nhiêu cũng có.

Một ngày kia cô gái đi vắng. Bà mẹ ở nhà nói:

– Nồi ơi, nấu đi!

Thế là nồi nấu, và khi bà mẹ đã no, bà muốn nó ngưng nhưng bà không biết phải nói như thế nào. Cháo cứ được nấu hoài, cháo tràn khỏi nồi mà nồi vẫn cứ nấu tiếp, cháo tràn khắp bếp, lan khắp căn nhà thứ nhất, rồi tràn sang căn nhà thứ hai, lan ra khắp mặt đường, hình như nồi muốn nấu để cả thế gian ăn cho no mới thôi. Tình cảnh thật nguy ngập, chỉ còn một căn nhà cuối phố là chưa bị ngập, trong lúc mọi người còn đang lúng túng thì cô gái về, cô chỉ nói:

– Nồi ơi, hãy ngưng!

Tức thì cháo không trào nữa, nồi ngưng nấu. Ai có đi phố thì tha hồ mà ăn cháo.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

87#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 10:19:23 | Chỉ xem của tác giả
Nàng Ma-Lê-en

Ngày xửa ngày xưa, hoàng tử nước kia muốn xin cưới nàng Maleen đẹp tuyệt trần, con gái vua một nước hùng cường. Vì nhà vua định gả nàng cho một người khác nên lời hỏi của hoàng tử bị khước từ. Nhưng hoàng tử và Maleen rất mực thương yêu nhau, không muốn phải sống xa nhau. Một hôm, nàng Maleen thưa với vua cha:

– Con không thể nào và cũng không muốn lấy ai khác.

Nhà vua nổi giận, truyền cho xây một cái tháp kín mít, không có ánh sáng mặt trời, cũng như mặt trăng nào lọt vào được trong tháp. Tháp xây xong, vua phán:

– Con phải sống ở trong tháp này bảy năm, cha muốn biết, liệu đến lúc đó con có còn bướng bỉnh nữa hay không.

Trong tháp để đầy đủ thức ăn dùng trong bảy năm. Khi công chúa và người thị nữ đã vào trong tháp thì cửa được xây kín lại, hai người giờ đây sống cách biệt với trời đất bên ngoài. Ở trong tháp tối không thể nào phân biệt được ngày và đêm. Hoàng tử thường lui tới quanh tháp, gọi tên nàng, nhưng tiếng gọi làm sao đi qua nổi những bức tường dày mà vào trong tháp. Họ còn biết làm gì nữa ngoài khóc than! Thời gian trôi qua, thức ăn đồ uống trong tháp đã cạn, công chúa biết là thời hạn bảy năm cũng sắp hết. Công chúa tưởng giờ phút giải thoát cũng sắp tới, nhưng nàng vẫn không nghe thấy tiếng búa phá tường, không thấy có một viên gạch, đá nào rơi ở tường xuống. Hình như nhà vua quên công chúa rồi!

Thấy lương thực chỉ đủ dùng cho một thời gian ngắn và thấy trước cái chết bi thảm có thể tới với mình, công chúa nói:

– Trong bước đường cùng này, chúng ta phải tìm cách phá tường thôi.

Nàng lấy dao ăn khoét vữa, khi nào mệt thì thị nữ làm tiếp. Làm mãi thì họ cũng lấy được viên đá thứ nhất ra, rồi viên thứ hai, thứ ba… Sau ba ngày thì ánh sáng mặt trời có thể rọi vào trong tháp, lỗ hổng đào cũng khá to, đủ để nhìn ngắm ra ngoài được. Trời trong xanh, một luồng gió mát thổi vào họ, nhưng quang cảnh sao mà điêu tàn vậy! Hoàng cung đổ nát, hoang tàn. Kinh thành, làng mạc bị đốt trụi, đồng ruộng bỏ hoang, không có một bóng người nào qua lại! Hai người tiếp tục đào, khi lỗ hổng to đủ để chui ra ngoài thì người thị nữ chui ra trước, nàng Malêen theo sau. Nhưng đi đâu bây giờ?

Quân thù đã dày xéo đất nước, đuổi nhà vua, tàn sát trăm họ. Hai người định đi lang thang tìm một xứ sở khác, không chốn nương thân, không ai cho chút bánh nào ăn. Trong cảnh khốn cùng ấy, họ đành phải ăn vỏ, lá cây cho đỡ đói.

Cuối cùng họ cũng tới một xứ sở khác, nhưng mỗi khi gõ cửa xin việc họ đều bị từ chối, hắt hủi, không ai động lòng thương tới tình cảnh của họ. Sau họ tới kinh thành, vào hoàng cung xin việc, nhưng ở đây người ta lại chỉ bảo họ nên đi nơi khác. Mãi sau có người đầu bếp nhận, bảo họ quét tro bếp.

Hoàng tử con vua nước này chính là chồng chưa cưới của nàng Maleen. Vua cha hỏi cho chàng một người xấu cả người lẫn nết, ngày cưới đã được định, cô dâu cũng đã tới. Nhưng vì xấu quá, không muốn để ai thấy nàng nên cô dâu cấm cung, nàng Maleen phải bưng thức ăn vào trong buồng cho cô dâu.

Sắp đến ngày đi nhà thờ làm lễ cưới, cô dâu thẹn vì mình xấu xí, sợ ló mặt ra đường sẽ bị thiên hạ nhạo báng, chê cười. Cô dâu gọi Maleen tới bảo:

– Thật là đại phúc cho mày! Tao bị sai khớp xương nên không đi ra phố được. Mày hãy thay tao, mặc quần áo cô dâu vào. Thật không còn vinh dự nào lớn hơn cho mày nữa.

Nàng Maleen mới khước từ:

– Tôi đâu dám nhận phần vinh dự đó.

Cô dâu lấy vàng mua chuộc nàng cũng chối từ.

Cô dâu tức giận nói:

– Nếu không nghe lời tao thì toi mạng. Ta chỉ nói một lời là đầu lìa khỏi cổ.

Nàng Maleen đành tuân lời, mặc quần áo cô dâu, đeo đồ trang sức, nom nàng đẹp thật lộng lẫy.

Khi nàng Maleen bước vào phòng khách hoàng cung, mọi người phải sửng sốt vì sắc đẹp tuyệt vời của nàng. Nhà vua bảo hoàng tử:

– Đó là cô dâu mà cha đã chọn cho con. Con hãy dẫn nàng đi nhà thờ.

Hoàng tử hết sức ngạc nhiên, và nghĩ bụng:

– Biết đâu đây chính là nàng Maleen mà ta hằng yêu mến. Nhưng nàng bị giam trong tháp kín và đã chết rồi cơ mà.

Hoàng tử cùng cô dâu tới nhà thờ. Trên đường đi, thấy bụi gai trên đường, cô dâu nói:

Bụi gai, bụi gai,

Bụi gai nho nhỏ,

Đứng đó một mình,

Hình như ta đã,

Xả vỏ lá cành,

Đem nấu thành canh.

Hoàng tử hỏi cô dâu:

– Em vừa nói gì đấy?

Nàng đáp:

– Thưa không. Em chợt nhớ tới nàng Malêen.

Hoàng tử ngạc nhiên khi thấy cô dâu cũng biết nàng Malêen, nhưng chàng cứ lặng thinh không nói gì. Khi xe ngựa sắp qua chiếc cầu nhỏ để vào sân nhà thờ, cô dâu nói:

Đừng gãy cầu nhá,

Cô bé ở nhà,

Mới là cô dâu,

Tôi đâu có phải.

Hoàng tử lại hỏi cô dâu:

– Em vừa nói gì đấy?

Nàng đáp:

– Không ạ, em chợt nhớ tới nàng Maleen.

– Thế em có quen với nàng Maleen không?

– Em làm sao mà quen được nàng, em chỉ nghe nói đến tên nàng.

Khi hai người đến trước cửa nhà thờ, nàng nói:

Đừng gãy cửa nhé,

Cô bé ở nhà,

Mới là cô dâu,

Tôi đâu có phải.

Hoàng tử hỏi:

– Em vừa nói gì đấy?

Nàng đáp:

– Trời, em vừa lại nhớ tới nàng Maleen.

Hoàng tử lấy chiếc dây chuyền đeo vào cổ nàng và cài móc lại. Hai người bước vào nhà thờ, cha đạo đặt tay họ vào nhau và làm lễ thành hôn. Chàng đưa nàng về, nhưng dọc đường nàng không nói nửa lời. Về đến hoàng cung, nàng về ngay phòng cô dâu, cởi quần áo đẹp, tháo hết đồ nữ trang, mặc chiếc tạp dề màu xám của người quét tro bếp, chỉ đeo chiếc dây chuyền vàng mà chú rể tặng.

Đến đêm người ta dẫn cô dâu tới phòng chú rể. Để cho hoàng tử không nhận ra sự đánh tráo, cô dâu mặt che mạng. Khi mọi người đã lui ra hết, chú rể nói với cô dâu:

– Hôm nay em nói những gì với bụi gai ở bên đường thế?

Cô dâu hỏi:

– Với bụi gai nào nhỉ? Em có nói với bụi gai nào đâu.

Chú rể nói:

– Nếu không phải là em nói thì chắc em không phải là cô dâu thật.

Để tránh ngờ vực, cô nói:

Để em ra tìm con hầu,

Nó làm em rối cả đầu, anh ơi.

Cô chạy ra la hỏi nàng Malêen:

– Này con hầu, mày đã nói gì với bụi gai thế?

– Thưa tôi chỉ nói:

Bụi gai, bụi gai,

Bụi gai nho nhỏ,

Đứng đó một mình,

Hình như ta đã,

Xả vỏ lá cành,

Đem nấu thành canh.

Cô dâu chạy về buồng và nói:

– Giờ thì em nhớ là em đã nói gì với bụi gai.

Và cô nhắc lại những lời cô vừa nghe được.

Hoàng tử lại hỏi:

– Khi đi qua cầu, em nói gì với chiếc cầu trước nhà thờ?

Cô đáp:

– Chiếc cầu trước nhà thờ! Em có nói với chiếc cầu trước nhà thờ nào đâu.

– Nếu không phải là em nói thì chắc em không phải là cô dâu thật.

Cô lại nói:

Để em ra tìm con hầu,

Nó làm em rối cả đầu, anh ơi.

Cô chạy ra la hỏi nàng Malêen:

– Này con hầu, mày đã nói gì với chiếc cầu trước nhà thờ thế?

– Thưa tôi chỉ nói:

Đừng gãy cầu nhá,

Cô bé ở nhà,

Mới là cô dâu,

Tôi đâu có phải.

Cô dâu hét lớn:

– Tội mày đáng chết lắm đấy!

Rồi cô vội vã chạy về phòng và nói:

– Giờ thì em nhớ là em đã nói gì với chiếc cầu.

Và cô nhắc lại những lời cô vừa nghe được.

Hoàng tử lại hỏi:

– Thế em đã nói gì với cửa nhà thờ?

Cô đáp:

– Với cửa nhà thờ! Em có nói gì với cửa nhà thờ đâu.

– Nếu không phải là em nói thì chắc em không phải là cô dâu thật.

Cô chạy ra và la mắng, hỏi nàng Maleen:

– Này con hầu, mày đã nói gì với cửa nhà thờ?

– Thưa tôi chỉ nói:

Đừng gãy cửa nhé,

Cô bé ở nhà,

Mới là cô dâu,

Tôi đâu có phải.

Cô dâu nổi giận, hét lớn:

– Tội mày đáng vặn cổ chết.

Rồi cô vội vã chạy về phòng và nói:

– Giờ thì em nhớ là em đã nói gì với chiếc cửa nhà thờ.

Và cô nhắc lại những lời cô vừa nghe được.

Hoàng tử lại hỏi:

– Nhưng thế thì đồ nữ trang anh trao tặng em giờ đâu rồi?

Cô đáp:

– Đồ nữ trang! Anh có đưa tặng em đồ nữ trang đâu nhỉ?

– Chính anh đeo cho em chiếc dây chuyền vàng và móc cài khóa dây chuyền. Nếu em lại không biết điều đó thì chắc em không phải là cô dâu thật.

Hoàng tử gỡ tấm mạng che mặt cô dâu. Chàng nhảy lùi lại vì sợ hãi, khi nhìn thấy rõ khuôn mặt xấu xí kia. Chàng nói:

– Cô ở đâu tới đây? Cô là ai?

– Em là vợ chưa cưới của chàng. Em sợ ra ngoài thiên hạ nhìn thấy em họ sẽ dè bỉu chê cười, em đã ra lệnh cho con hầu quét tro bếp mặc quần áo cưới và thay em đi nhà thờ.

Hoàng tử nói:

– Cô bé ấy ở đâu? Đi gọi cô ấy lại đây, ta muốn thấy mặt cô ấy.

Cô ra bảo thị vệ là con bé quét tro bếp là đồ phản trắc, phải đưa nó ngay ra trước sân mà chém. Đám thị vệ nắm tay nàng Maleen kéo đi, nàng la hét cầu cứu, tiếng kêu cứu vang tới buồng hoàng tử. Nghe tiếng kêu cứu, hoàng tử vội chạy ra, truyền lệnh thả ngay nàng ra. Đuốc được mang tới, hoàng tử nhận ra ngay chiếc dây chuyền vàng chính chàng đã tặng ở nhà thờ. Hoàng tử nói:

– Em mới là cô dâu thật, người đã cùng đi với anh tới nhà thờ để làm lễ. Em hãy cùng anh về buồng.

Khi chỉ còn lại hai người trong buồng, hoàng tử nói:

– Trên đường tới nhà thờ, em có nhắc tới tên nàng Maleen – người vợ chưa cưới của anh. Anh không thể tưởng tượng được, chính nàng Maleen lại giống em như hệt.

Nàng đáp:

– Chính em là Maleen, người vì chàng mà bị giam bảy năm trời trong ngục tối, chịu đói chịu khát cùng những lầm than cơ cực trong suốt những năm trời ấy. Nhưng hôm nay em đã nhìn thấy ánh sáng mặt trời, được cùng anh tới nhà thờ làm lễ và giờ đây em là người vợ chính thức của anh.

Chàng và nàng hôn nhau. Họ sống hạnh phúc bên nhau cho đến khi tóc bạc răng long. Cô dâu giả bị trừng phạt thích đáng.

Tháp giam nàng Malêen còn đứng đó. Mỗi khi đi qua tháp, trẻ con thường hát:

Tính tình tang tang,

Nàng nào trong đó?

Có phải Maleen,

Khen người có chí,

Bền bỉ đợi chờ,

Thương nhớ Hans.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

88#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 10:19:57 | Chỉ xem của tác giả
Ba người số đỏ

Ngày xưa, có một người đàn ông có ba con trai. Một hôm, ông gọi ba con trai đến, cho con cả con gà trống, con thứ hai cái hái, đứa con út con mèo, rồi nói:

– Nay cha đã già, trước khi nhắm mắt xuôi tay, cha muốn lo liệu cho các con. Tiền bạc thì cha không có, mà những thứ cha cho các con thì chẳng đáng giá là bao, nhưng nếu biết sử dụng đúng chỗ thì chắc nó cũng được việc. Các con hãy đi tới những nước không có những thứ này thì mới có cơ hội làm ăn phát đạt được.

Sau khi cha chết, người con cả ra đi và mang theo con gà trống. Khốn một nỗi, anh đi đến đâu cũng thấy người ta nuôi gà trống. Đến thành phố ư? Từ xa đã trông thấy gà trống đậu trên ngọn tháp và luôn luôn quay theo chiều gió thổi. Đến các làng thì thấy gà thi nhau gáy, chẳng một ai thèm để ý đến gà trống của anh. Anh chắc mẩm mình hết hy vọng cầu may. Đi hoài, đi mãi, cuối cùng anh lạc đến một hòn đảo, thổ dân ở đây chưa từng biết tới tiếng gà trống gáy. Họ cũng không biết chia thời gian như thế nào cho đúng. Họ chỉ phân biệt được buổi sáng, buổi chiều. Ban đêm, nếu có ai tự nhiên thức giấc thì không biết bao lâu nữa trời sẽ sáng.

Anh nói với họ:

– Các người cứ nhìn xem con vật này có hiên ngang hùng dũng không? Đầu đội vương miện bằng ngọc đỏ, chân mang bàn thúc ngựa như một kỵ mã, đêm nào cũng gáy ba lần để báo giờ cho các người biết. Khi nó gáy lần thứ ba là mặt trời sắp mọc. Nhưng nếu giữa ban ngày mà nó lại gáy thì các người biết ngay là thời tiết sắp thay đổi.

Nghe nói thế, thổ dân thích lắm. Đêm hôm nay họ không ngủ, háo hức suốt đêm để nghe gà gáy cầm canh, họ nghe tiếng gà gáy to, dõng dạc ba lần, sau tiếng gà gáy lần thứ ba thì trời sáng. Thế rồi là họ đòi mua gà, hỏi anh đòi bao nhiêu tiền. Anh đáp:

– Chẳng nhiều, khoảng chừng bằng số vàng một con lừa tải nặng.

Đám thổ dân đồng thanh nói:

– Thật là hài hước, đổi một con vật quý giá như vậy lấy một chút vàng.

Họ đưa ngay số vàng anh đòi.

Thấy anh cả tải vàng về, hai người em rất đỗi ngạc nhiên. Người em thứ hai nói:

– Nếu vậy em cũng phải ra đi mới được, xem liệu có thể làm giàu với cái hái của em hay không.

Đi đến đâu anh cũng thấy nông dân vác hái, tưởng chừng đã hết hy vọng. Nhưng rồi anh tới một hòn đảo. Thật may cho anh, thổ dân ở đây chưa biết cái hái là gì.

Lúc chín, dân đảo kéo súng thần công ra đầu làng, nạp đạn bắn cho đứt thân cây lúa. Làm như thế thường không được đúng như ý muốn. Có lúc đạn bay vèo vèo trên ngọn lúa, lúc thì đạn không trúng thân lúa mà trúng ngay giữa bông làm cho lúa rụng hết xuống đồng, không những thế, mọi người còn khổ vì nghe tiếng đạn nổ inh tai nhức óc.

Thấy mọi người loay hoay như vậy, anh liền lấy ngay hái ra, nom anh gặt thật êm ả, ngon lành, thổ dân ngạc nhiên, đứng há hốc mồm ra nhìn. Rồi họ gạ mua cái dụng cụ gặt lúa kỳ lạ ấy, anh đòi bao nhiêu tiền họ cũng trả. Thế là anh được một con ngựa thồ nặng trên lưng toàn vàng là vàng.

Người em thứ ba cũng muốn đem mèo đi đổi cho đúng người đang cần mèo. Hoàn cảnh người em út cũng chẳng khác gì hai anh. Ở đất liền chẳng có ma nào hỏi đến, chỗ nào cũng nhan nhản những mèo là mèo. Mèo nhiều đến nỗi người ta phải dìm chết bớt số mèo con mới đẻ.

Rời đất liền, tàu đưa anh tới một hòn đảo. Thật là may mắn cho anh, ở đây chưa từng có mèo bao giờ, vì thế chuột tha hồ tung hoành, chủ nhà có mặt hay đi vắng chuột cũng cứ thản nhiên nô giỡn trên mặt bàn. Dân ở đây hết sức phàn nàn kêu ca về chuyện chuột hoành hành. Ngay cả nhà vua cũng đành bó tay, góc nào trong cung điện cũng có tiếng chuột rúc rích, tiếng răng chuột gặm cắn, thôi thì chẳng thứ gì chúng không cắn nát.

Trong cảnh tượng ấy, anh thả mèo ra cho nó bắt chuột, chỉ một lúc sau, mấy căn buồng đã hết sạch chuột. Dân đảo đến xin vua mua con vật thần ấy để trừ nạn chuột cho cả nước. Nhà vua ưng mua, và sẵn lòng hết bao nhiêu tiền cũng trả. Anh lấy một con la thồ nặng trên lưng toàn là vàng.

Người em út chính là người mang về nhà nhiều của cải nhất.

Ở trong cung vua, mèo tha hồ mà nô giỡn, mỗi cái giỡn của mèo là một chú chuột chết, chuột chết nhiều đến nỗi đếm không được. Mèo bắt chuột hăng đến nỗi người nóng ran, khát khô cả cổ mới dừng nghỉ, rướn cổ lên “meo, meo”. Vua và quần thần nghe thấy tiếng kêu kỳ lạ, hoảng hốt chạy ra khỏi cung. Ra tới ngoài, vua tôi mới định thần được để bàn mưu tính kế. Cuối cùng, vua quyết định cử một sứ giả vào yêu cầu mèo rời ngay khỏi hoàng cung, bằng không sẽ dùng vũ lực đuổi ra.

Các mưu sĩ đều thưa:

– Bọn thần đã quen nạn chuột hoành hành, thà bị lũ chuột hành hạ còn hơn là đem tính mạng mình phó mặc cho con quái vật kia.

Theo lệnh, một tên thị vệ được cử vào hỏi xem mèo có thiện chí mà rút khỏi hoàng cung không. Giờ đây cơn khát lại càng dữ tợn hơn trước, mèo nghển cổ lên kêu “meo, meo”. Tên thị vệ tưởng mèo nói:

– Tao không, tao không rút.

Tên thị vệ về tâu lại vua. Nghe vậy, các mưu sĩ đều thưa:

– Đã thế thì dùng vũ lực cho biết tay.

Súng thần công được kéo đến, bắn cháy cả hoàng cung. Lúc ngọn lửa lan tới phòng mèo đang ngồi, nó nhảy vọt qua cửa sổ ra ngoài để thoát thân. Quân lính không hề hay biết chuyện đó, cứ tiếp tục bắn cho tới khi lâu đài bằng địa mới ngưng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

89#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 10:20:48 | Chỉ xem của tác giả
Bác sĩ vạn năng

Ngày xửa ngày xưa có một bác nông dân nghèo tên là Tôm. Một hôm bác đánh xe hai bò kéo chở đầy củi ra tỉnh bán cho một ông bác sĩ lấy hai Taler – hai đồng tiền vàng. Lúc trả tiền, bác sĩ đang ngồi ở bàn ăn. Nhìn thấy ông ta ăn uống linh đình, bác nông dân cũng muốn mình được như vậy.

Bác tần ngần đứng lại một lúc, rồi hỏi xem mình có thể làm bác sĩ được không.

Bác sĩ bảo:

– Được chứ, cũng nhanh thôi.

Bác nông dân hỏi:

– Vậy tôi phải làm gì ạ?

– Điều đầu tiên là mua quyển sách vỡ lòng ABC loại sách trang đầu có vẽ con gà trống. Rồi bán xe với bò lấy tiền mua sắm quần áo, đồ nghề của bác sĩ. Sau cùng thuê thợ kẻ biển “Tôi là bác sĩ vạn năng” và đóng đinh treo trước cửa.

Bác nông dân làm đúng theo lời khuyên. Bác làm bác sĩ chưa được bao lâu thì có một nhà quyền quý giàu có kia bị mất trộm. Ông ta nghe nói là có vị bác sĩ vạn năng ở làng nọ có thể đoán biết được tiền ăn trộm giấu ở đâu. Ông cho đánh xe đến làng và hỏi bác nông dân rằng:

– Bác có phải là vị bác sĩ vạn năng không?

– Quả đúng như vậy.

Ông mời bác cùng đi tìm của mất trộm. Bác đồng ý, nhưng phải để Grete vợ bác cùng đi. Khi họ tới nhà quyền quý kia thì bữa ăn đã dọn ra. Bác sĩ vạn năng đòi trước tiên phải được cùng ăn, không những bác mà bác gái cũng cùng ăn, vợ chồng ngồi vào bàn ăn. Khi tên hầu thứ nhất bưng món ăn ngon vào, bác nông dân hích vợ bảo:

– Thứ nhất đấy!

Ý nói là người thứ nhất bưng món ăn vào. Tên hầu tưởng bác định nói “Tên trộm thứ nhất đấy”. Chính tên hầu đã ăn trộm nên hắn hoảng sợ, ra ngoài nói với các bạn:

– Bác sĩ biết hết tất cả, thật nguy cho chúng ta. Ông ấy bảo tao là tên trộm thứ nhất.

Tên thứ hai sợ không muốn vào, nhưng rồi cũng phải bưng vào. Khi hắn mang thẫu thức ăn vào, bác nông dân hích vợ bảo:

– Grete, thứ hai đấy!

Tên hầu sợ quá tìm cách lảng ra. Đến lượt tên thứ ba cũng vậy. Bác nông dân nói với vợ:

– Grete, tên thứ ba đấy!

Tên thứ tư mang thẫu thức ăn đậy kín. Chủ nhà bảo bác sĩ trổ tài, đoán xem là món gì. Đó là món tôm. Bác nông dân nhìn thẫu đậy kín không biết đoán mò sao, lúng ta lúng túng và kêu:

– Chà, chà, khổ cho cái thằng Tôm tôi quá!

Nghe xong nhà quyền quý reo lên:

– Tài thật! Bác biết chuyện này thì nhất định bác biết ai lấy trộm tiền!

Tên hầu chột dạ, nháy mắt cho bác sĩ ra ngoài. Bác ra, cả bốn tên hầu thú thật đã trót ăn trộm tiền. Chúng xin hoàn lại tiền và đưa bác thêm một khoản tiền lớn, chỉ xin bác đừng tố cáo, kẻo chúng có thể mất đầu như chơi. Chúng dẫn bác tới chỗ giấu của.

Bác sĩ trong bụng mừng thầm, lại ngồi vào bàn ăn, rồi nói:

– Thưa ông, để tôi tìm trong sách cẩm nang xem tiền giấu ở đâu.

Tên hầu thứ năm bò vào lò sưởi để dò xem bác sĩ có biết thêm gì nữa không. Bác sĩ ngồi giở sách đánh vần ABC, lật hết trang này đến trang khác để tìm con gà trống. Tìm mãi vẫn chưa thấy, bác nói:

– Ở đó thì ra đi chớ!

Tên hầu ở trong lò sưởi tưởng là nói mình, sợ quá nhảy ra, mồm nói lẩm bẩm cái gì cũng không ai rõ.

Rồi bác sĩ chỉ cho chủ nhà chỗ giấu của, nhưng không nói lộ cho biết ai ăn trộm.

Cả chủ nhà và đầy tớ đều cho bác nhiều tiền. Danh tiếng bác trở nên lừng lẫy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

90#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 10:21:21 | Chỉ xem của tác giả
Thằng bé chăn cừu

Xưa, có một chú bé mục đồng nổi tiếng khắp nước về tài ứng đối. Tiếng đồn đến tai nhà vua, nhà vua không tin, cho triệu em đến để thử tài. Nhà vua nói:

– Nếu con giải được ba câu đố của ta, thì ta sẽ coi con như con đẻ và con sống bên ta ở trong cung điện này.

Chú bé nói:

– Tâu bệ hạ, ba câu gì ạ?

Vua nói:

– Câu thứ nhất thế này: biển có bao nhiêu giọt nước?

Chú bé mục đồng thưa:

– Tâu bệ hạ, xin người cho chặn tất cả sông ngòi trên trái đất, đợi con đếm từng giọt rồi hãy cho chảy ra biển. Sau đó con sẽ xin thưa bệ hạ biển có bao nhiêu giọt nước.

Vua nói:

– Câu đố thứ hai thế này: Trên trời có bao nhiêu sao?

Chú bé mục đồng thưa:

– Tâu bệ hạ, cho con xin một tờ giấy trắng thật to.

Chú bé cầm giấy, lấy bút chấm la liệt những chấm tí ti lên giấy, chấm nhiều vô kể lại nhỏ ly ti nên không tài nào đếm được, ai nhìn vào cũng hoa cả mắt.

Sau đó chú bé tâu vua:

– Tâu bệ hạ, trên giấy có bao nhiêu chấm, thì trên trời có từng ấy sao, cứ đếm thì biết.

Nhưng chẳng một ai đếm nổi!

Vua nói:

– Câu đố thứ ba thế này: Thời gian vô tận có bao nhiêu giây đồng hồ?

Chú bé mục đồng thưa:

– Tâu bệ hạ, ở xứ Hinterpommern có ngọn núi Demant, phải leo một tiếng mới đến ngọn núi, phải đi một tiếng mới hết bề ngang, lại phải xuống một tiếng mới tới đáy hang núi, có một con chim nhỏ xíu, cứ cách trăm năm lại bay đến mài mỏ vào vách núi. Khi nào núi bị chim mài nhẵn tới đáy hang thì lúc đó giây đồng hồ đầu tiên của thời gian vô tận mới trôi qua.

Nghe xong, vua phán:

– Con đã giải ba câu đố tinh thông như một nhà hiền triết. Từ nay trở đi con sẽ ở bên ta trong cung điện này, ta coi con như con đẻ của ta.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách