Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: siwang
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác] Truyện Cổ Grim | Grim

[Lấy địa chỉ]
71#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:04:52 | Chỉ xem của tác giả
Sorry Mod và các bạn vì mình chỉ post lên 68 truyện - theo vnthuquan.net đưa lên.
Tức là còn thiếu khoảng 20 truyện - nếu dựa theo mục lục của cuốn Truyện cổ Grim của NXB Kim Đồng.
Và có thể nếu dựa theo nhiều thông tin mình tra trên mạng thì số lượng có thể tăng lên nữa....
==> Cũng không biết thế nào, thôi thì cứ dựa theo NXB Kim Đồng để bổ sung vào đây vậy.
Mình thật sự quá sơ sót rồi, mong mọi người lượng thứ.
Sau đây mình xin Post tiếp những truyện còn thiếu (trong khả năng có thể tìm được của mình) .
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

72#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:24:23 | Chỉ xem của tác giả
Gã xay bột nghèo khó và chú mèo con

Ở một nhà xay bột kia có một bác thợ xay nghèo, không có vợ con gì cả. Bác có ba gã giúp việc. Ba gã ở với bác được vài năm thì một hôm, bác bảo họ:
- Ta đã có tuổi nên muốn được ngồi bên lò sưởi nghỉ ngơi. Chúng mày hãy ra đi, đứa nào kiếm được con ngựa hay nhất mang về sẽ được hưởng chiếc nhà xay và sẽ phụng dưỡng ta cho đến khi ta nhắm mắt.

Gã thứ ba vốn là một cố nông đi ở, bị bọn kia coi là ngốc nghếch, không đáng được hưởng chiếc nhà xay. Mà chính gã ta cũng chẳng màng tới. Cả ba cùng ra đi. Gần tới làng, hai gã đầu bảo chú ngốc tên là Hanxơ:

- Thôi, mày ở lại đây thôi, suốt đời mày chẳng kiếm nổi con ngựa thổ tả nào đâu.

Nhưng chú Hanxơ cứ đòi đi cùng. Đến đêm, bọn họ tới một cái hang và ngủ lại đó. Hai gã tinh khôn đợi đến lúc Hanxơ ngủ thì dậy lên đường, kệ chú nằm đó, lấy làm đắc sách.
- Được, nhưng rồi bọn bay cũng chẳng ăn thua gì đâu!

Lúc mặt trời mọc, Hanxơ tỉnh giấc, thấy mình nằm trong hang sâu. Chú nhìn quanh rồi kêu la:

"Trời ơi là trời! Mình ở đâu đây?". Chú đứng dậy, loay hoay cố trèo khỏi cái hang rồi mò vào rừng. Chú nghĩ bụng: "Mình bị bỏ rơi ở đây một mình, làm sao mà mò cho ra được ngựa!".

Chú vừa đi vừa nghĩ như vậy bỗng gặp một con miu lông đốm nhiều màu. Miu thân mật gọi chú:

- Chú Hanxơ ơi, chú đi đâu đấy?

- Hừ! Bộ mày giúp gì được tao!

Miu đáp:

- Tôi biết tỏng chú muốn gì rồi. Chú muốn có một con ngựa đẹp chứ gì. Cứ theo tôi, hầu hạ tôi trung thành trong bảy năm thì tôi sẽ cho chú một con ngựa đẹp tuyệt trần.

Hanxơ nghĩ bụng:

- Đúng là mèo thần. Nhưng để xem nó nói có thật không. Mèo đưa chú tới tòa lâu đài bị phù chú của nó. Ở đây có tuyền mèo con hầu hạ nó. Lũ mèo lên xuống thang gác rất nhanh nhẹn, lúc nào cũng vui vẻ. Buổi tối, lúc ngồi vào bàn ăn, có ba con chơi nhạc: một con chơi đàn tiếng trầm, một con kéo vĩ cầm, con thứ ba phồng mồm thổi kèn. Ăn xong, dọn bàn ghế rồi miu nói:

- Chú Hanxơ ơi! Lại đây nhảy với tôi.

Chú đáp:

- Chịu thôi, tôi không nhảy với mèo đâu. Tôi chưa bao giờ nhảy như vậy.

Miu bảo lũ mèo con:

- Thôi đưa chú đi ngủ vậy.

Lập tức, một con cầm đèn đưa chú vào phòng ngủ, một con cởi giầy, một con tháo tất cho chú, rồi một con thổi tắt đèn. Sáng hôm sau, lũ mèo lại đến giúp chú dậy. Con thì đi tất, con thì đi giầy, con thì rửa cho chú, con thì lấy đuôi chùi mặt cho chú. Chú Hanxơ nói:

- Thật là thú vị.

Nhưng dù sao chú vẫn phải hầu hạ con miu và ngày nào cũng phải chẻ củi. Chú được phát rìu bằng bạc, cưa bằng vàng, chùa bằng đồng. Chú ở nhà chẻ củi, được ăn uống ngon lành, nhưng không thấy ai khác ngoài con miu lông đốm nhiều màu và lũ mèo con hầu hạ. Một hôm, miu bảo chú:

- Chú hãy đi cắt cỏ ở đồng nhà ta rồi phơi khô cỏ đi.

Nói rồi, miu đưa cho chú một chiếc hái bằng bạc và một hòn đá mài bằng vàng, lại dặn chú trả lại mọi thứ cho tử tế. Hanxơ vâng lời đi làm ngay. Làm xong việc, chú mang hái, đá mài, cỏ về nhà hỏi miu xem đã được lĩnh công chưa. Miu đáp:

- Chưa được đâu. Chú còn phải làm một việc nữa đã. Đây có gỗ xây dựng bằng bạc, chiếc rìu, chiếc thước vuông và các thứ cần thiết khác đều bằng bạc cả. Chú hãy đi làm cho tôi một ngôi nhà nhỏ đi.

Hanxơ làm nhà rồi bảo mọi việc đã xong mà vẫn chưa được lĩnh ngựa. Quanh đi quẩn lại, bảy năm đã qua nhanh như chưa đầy sáu tháng. Miu hỏi chú có muốn xem ngựa của mình không. Hanxơ đồng ý.

Miu mở chiếc cửa nhà con. Cửa mở thì thấy mười hai con ngựa. Trời ôi! Con nào con nấy trông hiên ngang, bóng lộn khiến lòng chú mừng rơn. Miu cho chú ăn rồi bảo:

- Thôi chú về nhà đi. Tôi không cho chú ngựa đâu. Nhưng trong ba hôm nữa, chính tôi sẽ đến và mang ngựa cho chú.

Hanxơ liền lên đường. Miu chỉ cho chú đường về nhà xay. Miu chẳng cho chú được một chiếc áo mới nào, bắt chú vẫn mặc nguyên chiếc áo ngoài cũ rách bươm mà chú mặc khi mới tới. Qua bảy năm chiếc áo này đã trở thành quá ngắn. Chú về nhà thì đã thấy hai gã xay bột kia về rồi. Mỗi tên mang theo một con ngựa, nhưng một con thì mù, một con thì què. Chúng hỏi chú:

- Hanxơ, ngựa mày đâu?

- Ba ngày nữa sẽ đến sau.

Chúng cười bảo:

- Hừ! Hanxơ, mày mò đâu ra cho được con ngựa ra hồn cơ chứ. Hanxơ vào buồng. Bác thợ xay không cho chú ngồi vào bàn ăn vì sợ chú ăn mặc rách rưới quá có ai vào sẽ bị ngượng mặt. Họ để riêng cho chú một ít thức ăn. Đến tối đi ngủ, hai tên kia không cho chú nằm giường, chú đành phải chui vào chuồng ngỗng nằm trên ít rơm cộm. Sáng dậy thì thấy ba ngày đã trôi qua. Có một cỗ xe sáu ngựa tới, con nào cũng choáng lộn, trông thật đẹp. Lại có một người hầu mang đến một con thứ bảy cho chú xay bột nghèo khó. Một nàng công chúa đẹp tuyệt vời từ trên xe xuống, đi vào nhà xay, đó là con mèo nhỏ lông đốm nhiều màu mà chú Hanxơ nghèo khó đã hầu hạ trong bảy năm qua. Nàng hỏi bác thợ xay xem gã học nghề nhỏ nhất, gã cố nông đi ở, hiện ở đâu. Bác đáp:

- Chúng tôi không dám để nó trong nhà xay vì nó rách rưới quá. Nó đương nằm ở chuồng ngỗng ấy.

Công chúa truyền cho gọi chú lên ngay. Bọn họ đi tìm chú đến. Chú phải túm chiếc áo ngoài lại để che thân. Người hầu liền lấy những bộ quần áo lộng lẫy ra rồi đưa chú đi tắm rửa, mặc vào cho chú. Công việc xong xuôi thì trông chú đẹp hơn bất cứ ông hoàng nào.

Sau đó, công chúa đòi xem những con ngựa mà các gã xay bột kia mang về: một con thì mù, một con thì què. Nàng bảo người hầu mang con ngựa thứ bảy vào. Bác thợ xay trông thấy bảo là chưa từng có con ngựa nào đẹp thế bước vào nhà bác. Nàng nói đó là ngựa của gã xay bột thứ ba. Bác thợ xay nói:

- Nếu vậy thì chú ấy được hưởng cái nhà xay.

Công chúa bảo là ngựa đã có rồi, còn bác cứ giữ lấy cái nhà xay. Rồi nàng dắt chú Hanxơ trung hậu lên xe đi thẳng. Hai người đi tới ngôi nhà nhỏ mà chú đã xây dựng bằng các dụng cụ bằng bạc. Nhà đó đã biến thành một tòa lâu đài đồ sộ, đồ đạc ở trong tuyền bằng vàng, bằng bạc. Hai người lấy nhau. Chú Hanxơ trở nên giàu có, tiền của suốt đời không tiêu hết. Xem thế thì biết chớ nên nói là kẻ nào có vẻ ngu ngốc thì không làm nên trò trống gì.

Câu chuyện kết thúc rồi mà ngỡ như trong một giấc mơ, phải không các em? Các em không nên coi thường người khác cho dù người đó có vẻ ngu ngốc. Trong dân gian có câu: "không biết mèo nào cắn mỉu nào", câu nói đó thật đúng trong câu trên này, đúng không nào?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

73#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:26:59 | Chỉ xem của tác giả
Bác cả Pfriem

Bác thợ cả Pfriem có vóc người bé nhỏ, gầy gò nhưng rất ưa hoạt động, không có giây phút nào ngồi im. Mặt bác rỗ hoa, đã thế lại có cái mũi hếch nhô lên với làn da tái nhợt như da người chết, tóc đã hoa râm nhưng mọc lởm chởm. Hai mắt ti hí, liếc trái, liếc phải liên tục. Không gì lọt được mắt bác. Gì bác cũng chê, gì bác cũng biết hơn người và trong mọi chuyện bác nói bao giờ cũng có lý.

Lúc đi ngoài đường, bao giờ hai tay bác cũng vung lấy vung để như chèo đò. Có lần bác vung tay vào một cô gái đang xách nước, thùng nước văng lên cao, nước dội luôn lên cả người bác. Vừa rung người cho nước chảy xuống, bác vừa la mắng cô gái:

– Đồ ngu như cừu! Mày không nhìn thấy tao từ đằng sau đến à?

Nghề kiếm sống của bác là nghề thợ giày. Mỗi khi ngồi khâu, tay bác rút kim vung bạt mạng, ai không để ý lánh xa một chút là xơi ngay một quả thụi vào mạng sườn. Không có một thợ phụ nào ở với bác được một tháng, vì làm giỏi mấy đi chăng nữa vẫn bị bác chê như thường. Khi bác chê đường khâu không đều, khi thì bác chê gót giày này dài hơn chiếc kia, khi thì chê hai gót giày không cao bằng nhau, lúc lại chê da dập chưa kỹ. Bác bảo chú thợ học việc:

– Ngưng tay cái đã, tớ sẽ chỉ cho chú mày cách dập cho da mềm nhé.

Miệng nói nhưng tay bác đã rút sợi dây da quất luôn mấy roi lên lưng chú bé.

Tất cả thợ phụ, thợ học việc, bác đều gọi là đồ biếng nhác. Nhưng bản thân bác cũng có làm được nhiều cho cam, vì có khi nào bác ngồi khâu vá được quá mười lăm phút.

Sáng nào cũng vậy, hễ bác gái dậy bắc nồi nhóm bếp là bác cũng nhảy ra khỏi giường, rồi cứ thế mà chạy chân không xuống bếp mà la:

– Bà định đốt nhà đấy hả? Chắc lửa bùng lên như để thui cả con bò hay sao? Củi không phải mua tốn xu nào chắc!

Thấy đám con gái ngồi giặt giũ mà rúc rích trò chuyện là bác mắng chúng ngay lập tức:

– Lại có mấy con ngỗng đứng đây quang quác, trò chuyện quên cả công việc. Đem xà bông ra nghịch, thật là phí của trời, lại còn thêm cái tính lười như hủi nữa! Không dám vò mạnh tay một chút, chắc tụi bay sợ hỏng da bàn tay chứ gì?

Bác nhảy đại tới chỗ giặt, nhưng liền vấp xô đổ nhào thùng nước xà bông, nước đổ lênh láng ra khắp bếp.

Thấy người ta xây nhà mới là bác nhảy luôn sang đứng bên cửa sổ, dòm vào rồi la:

– Đám thợ này lại xây tường bằng cát đỏ rồi! Thứ cát ấy có bao giờ ráo nước đâu? Sống trong ngôi nhà rồi cứ là ốm hết lượt! Mọi người cứ thử nhìn xem, đám thợ phụ nó đặt đá xây thế mà coi được à? Vữa chẳng ra vữa. Phải trộn sỏi vào vữa thì lại đi trộn cát. Tôi còn sống đó để nhìn thấy cảnh tượng căn nhà sụp đổ để đè bẹp chết hết mọi người trong nhà.

Ngồi khâu mới được dăm ba mũi, bác đã đứng phắt ngay dậy, tay tháo yếm da, miệng nói:

– Mình phải ra ngoài một chút để nhắc nhở lương tâm mọi người mới được.

Chạy lại chỗ đám thợ mộc đang làm, bác nói:

– Làm chi mà kỳ vậy? Các anh không đẽo theo đường chỉ kẻ rồi. Các anh tưởng những cái xà này thẳng cả sao? Rồi chẳng có cái mộng nào khít đâu!

Bác giật cái rìu từ tay một người thợ mộc, định đẽo mẫu cho họ xem. Nhưng ngay khi đó lại có một xe ngựa chở đầy đất sét đi tới. Bác quăng ngay rìu đi, nhảy xổ tới chỗ người nông dân đi kèm xe và nói:

– Các ngươi không biết thương yêu giống vật hay sao? Ai lại đi thắng ngựa non vào cái xe chở nặng như thế bao giờ! Rồi mấy con vật đáng thương ấy sẽ khụy gục tại chỗ cho các anh coi!

Người nông dân không buồn đáo lại làm bác Pfriem càng cáu bẳn rồi liền ngay đó bác lại chạy về xưởng làm việc.

Bác vừa mới ngồi xuống, tính tiếp tục công việc dở dang thì một chú thợ học nghề đưa bác xem một đôi giày. Bác quát mắng chú bé:

– Lại cái gì đây nữa? Tớ đã bảo chú mày không được khoét quá rộng thế này. Giày gì mà toang hoác gần như chỉ còn thấy đế? Thứ giày này thì ma nào nó mua? Phải làm đúng y như tớ dặn chứ!

Chú thợ học việc đáp:

– Thưa thầy thợ cả, thầy nói chí phải! Đúng là giày chẳng ra giày thật. Nhưng nó chính là chiếc giày thầy cắt và chính tay thầy khâu ạ. Lúc vội chạy ra ngoài, thầy đã quẳng nó xuống gầm bàn, con chỉ nhặt nó lên thôi. Có lẽ đến tiên giáng thế cũng không thể làm vừa được ý thầy.

Một đêm, bác cả Pfriem nằm mơ thấy mình chết, hồn đang trên đường về trời. Đến nơi, bác gõ thật mạnh vào cổng trời. Bác nói:

– Tôi thấy thật là lạ, cổng gì mà cái vòng tròn để lắc gõ cũng không có, phải gõ bằng tay đến nỗi muốn thành thương tật.

Tông đồ Petrus ra xem ai gọi cổng mà đập dữ dội vậy. Pêtơrút nói:

– Chà, tưởng ai, té ra là bác cả Pfriem! Ta sẵn lòng cho bác vào, nhưng ta xin dặn đôi điều: bỏ thói cũ nhé, có nhìn thấy mọi vật ở trên trời thì đừng có chê bai nhé. Không lại tội vạ vào thân.

Bác cả Pfriem đáp:

– Kể ra, tông đồ không dặn thì tôi cũng biết phải xử sự như thế nào. Vả lại ở đây, ơn trời, mọi việc đều hoàn hảo, chẳng có gì để mà chê bai như dưới trần gian.

Bác qua cổng, leo lên leo xuống, qua những khoảng không đất rộng của nhà trời. Bác ngó quanh, hết nhìn sang trái lại nhìn sang phải, chốc chốc lại gật đầu xuýt xoa tỏ vẻ hài lòng mỹ mãn. Giữa lúc ấy, có hai vị thiên thần khiêng một cái xà. Hai người vừa khiêng vừa nhìn vào mắt nhau, xà thì dài nhưng hai thiên thần không khênh đi theo dọc thân xà, mà cứ đi ngang. Bác Pfriem nghĩ:

– Có đời thuở nhà ai lại ngu đến thế nhỉ?

Nhưng bác cứ nín lặng, thấy nó cũng có lý của nó: rốt cuộc cũng thế thôi, khênh xà đi dọc hay đi ngang cũng có sao đâu, miễn là cứ khênh đi được. Mà cũng thật là hay, mình thấy họ có chạm vào cái gì đâu?

Một lát sau, bác lại nhìn thấy hai vị thiên thần khác ngồi trên bờ giếng lấy nước đổ vào thùng. Nhìn kỹ, bác thấy thùng nhiều chỗ có lỗ rò, nước chảy rò ra tứ phía: Các thần đương làm mưa trút xuống trần gian. Bác buột miệng bật ra:

– Toàn đồ vô dụng!

Nhưng may bác lại kìm ngay được và nghĩ: Có lẽ cũng chỉ để tiêu khiển cho vui thế thôi. Đã gọi là tiêu khiển thì toàn là những chuyện vô tích sự. Vả chăng ở trên tiên giới này – như mình đã thấy – mọi người đều rảnh rỗi cả.

Đi được một quãng, bác thấy một cỗ xe mắc kẹt vì một cái hố sâu. Bác bảo người đánh xe:

– Chẳng có gì ngạc nhiên cả! Chẳng có ai chất nặng đến thế bao giờ. Các người chở gì vậy?

Người kia đáp:

– Toàn những điều nguyện sùng đạo cả, nguyện mãi rồi mà tôi vẫn chưa vào được con đường chính, nhưng cũng may là tôi đã đẩy được cỗ xe tới được đây. Ở đây rồi thì chắc không ai lại nỡ để tôi mắc kẹt nằm lại đây.

Quả vậy, có một thiên thần dắt hai con ngựa tới đóng vào xe. Bác Pfriem nghĩ thầm:

– Được lắm, nhưng chỉ có hai con thì làm sao kéo nổi xe ra khỏi hố? Ít nhất cũng phải bốn con mới kéo nổi.

Lại có một thiên thần khác dắt hai con ngựa tới, nhưng lại không đóng nó vào phía trước xe mà đóng vào sau xe. Bác Phơrim không nhịn nổi nữa, buột miệng quát:

– Đồ vô dụng! Mày làm gì ở đó? Từ buổi khai thiên lập địa có ai làm thế không, hở? Thế mà lũ kiêu căng ngu xuẩn kia lại cứ cho là mình gì cũng hơn người.

Bác còn định nói nữa, nhưng một vị nhà trời đã kịp túm lấy gáy bác, quẳng một cái rõ mạnh ra khỏi cổng nhà trời. Ra ngoài rồi, bác còn ngoái cổ nhìn lại, thấy bốn con ngựa có cánh đương nhấc bổng chiếc xe lên khỏi hố.

– Lẽ đương nhiên là trên trời ít nhiều cũng khác dưới trần gian. Có những điều ở đó người ta có thể bỏ qua, nhưng có ai nhẫn nại đứng nhìn họ đóng ngựa vào cả đằng trước lẫn đằng sau xe được! Đã đành mấy con ngựa có cánh thật đấy, nhưng đã ai dám chắc điều đó? Mà lại càng ngu kia: ngựa sinh ra vốn có bốn vó để chạy là được rồi, chắp thêm hai cánh làm gì?

Nhưng mình phải dậy ngay thôi, kẻo ngoài kia chúng nó lại toàn làm những chuyện oái oăm ngược đời. Cũng may là mình chưa chết thật!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

74#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:28:18 | Chỉ xem của tác giả
Con thỏ biển

Ngày xửa ngày xưa, một nàng công chúa có một tòa lâu đài. Ở trên nóc tháp có một cái phòng với mười hai cửa sổ trông ra mọi hướng. Lên đó, nhìn xuống, công chúa thấy toàn bộ đất nước bao la. Qua cửa sổ thứ hất, nàng trông thấy rõ hơn một người bình thường, qua cửa sổ thứ hai, nàng trông thấy rõ hơn chút nữa, qua cửa sổ thứ ba lại rõ hơn nữa; và cứ thế, đến cửa sổ thứ mười hai, qua mỗi cửa sổ trông rõ hơn một ít, nàng trông thấy hết mọi vật ở trên mặt đất và ở dưới lòng đất. Không có gì giấu nổi nàng.

Nàng rất hiếu thắng, không muốn kém ai, muốn giữ uy quyền. Nàng tuyên bố chỉ lấy làm chồng người nào trốn kỹ đến nỗi nàng không tìm thấy được. Và nếu nàng tìm được thì người đó sẽ bị chặt đầu bêu trên một cái cọc. Đã có chín mươi bảy cái đầu bêu trên cọc ở trước cửa lâu đài và đã lâu không có ai đến cầu hôn. Nàng công chúa rất hài lòng. Nàng tự nhủ : “Thế là mình sẽ được sống tự do cho đến chết”.

Lúc đó, có ba anh em nhà kia đến cầu hôn và hy vọng sẽ gặp may. Người anh cả trốn trong một cái hố đá vôi, tưởng như thế là yên trí ! Nhưng chỉ cần nhìn qua cửa sổ thứ nhất là nàng công chúa đã phát hiện được. Nàng ra lệnh lôi anh ra khỏi hố và chặt đầu anh. Người anh thứ hai chui vào cái hầm ở trong lâu đài. Nhưng đối với anh này cũng thế thôi, nàng trông thấy ngay khi nhìn qua cửa sổ thứ nhất, thế là anh toi mạng. Đầu của anh bị cắm vào chiếc cọc thứ chín mươi chín.

Người em út ra mắt nàng, xin nàng cho anh suy nghĩ một ngày và cho anh sống qua hai lần thử thách đầu, nếu nàng phát hiện ra được anh. Nếu lần thứ ba thất bại thì anh xin chịu chết. Vì anh ta đẹp trai và lời van xin có vẻ xuất phát từ đáy lòng, nàng bảo anh :

- Ta đồng ý như vậy. Nhưng cái đó cũng không mang lại cho anh sự may mắn đâu!

Ngày hôm sau, anh ta suy nghĩ rất lâu. Anh trốn đi đâu được ? Anh không tìm ra cách. Anh lấy súng đi săn. Anh trông thấy một con quạ và ngắm bắn. Khi anh sắp bắn, quạ kêu lên :

- Đừng bắn tôi, tôi sẽ trả ơn anh.

Anh bỏ súng xuống và tiếp tục đi. Đi tới một cái hồ, anh bắt gặp một con cá từ dưới sâu ngoi lên mặt nước. Khi anh ngắm bắn, cá bảo anh :

- Đừng bắn tôi, tôi sẽ trả ơn anh.

Anh tha cho nó lặn sâu xuống đáy hồ và lại lên đường. Anh gặp một con cáo đang đi khập khiễng. Anh bắn nó, nhưng bắn trượt. Con cáo bảo anh :

- Anh hãy lại đây và nhổ cho tôi cái gai cắm vào chân tôi.

Anh làm thế, nhưng sau đó, anh muốn giết cáo để lấy bộ da. Cáo bảo anh :

- Hãy để tôi sống ! Tôi sẽ trả ơn cho anh.

Chàng trai thả cho nó chạy. Chiều đến anh về nhà. Ngày hôm sau, anh phải tìm ra chỗ trốn. Nhưng nghĩ nát óc mà anh cũng chẳng tìm thấy nơi để trốn. Anh vào rừng gặp quạ :

- Ta đã tha chết cho quạ; bây giờ đến lựơt quạ phải nói cho ta biết là ta phải trốn ở đâu để nàng công chúa không nhìn thấy ta được.

Con quạ nghiêng đầu nghĩ ngợi một hồi lâu. Cuối cùng nó nói :

- Tôi nghĩ ra rồi !

Nó tìm một cái trứng trong tổ nó, bửa ra làm đôi và cho chàng trai trốn vào đó. Con quạ gắn hai nửa vỏ trứng lại và nằm lên trên. Khi nàng công chúa nhìn qua cửa sổ thứ nhất thì không thấy chàng trai đâu. Đến cửa sổ sau, cũng không nhìn thấy. Nàng bắt đầu lo ngại. Đến cửa sổ thứ mười một thì nàng nhìn thấy chàng trai. Nàng cho giết con quạ và lấy cái trứng bửa ra. Và chàng trai đành chui ra khỏi trứng. Nàng công chúa bảo :

- Lần này ta tha tội chết cho nhà người. Nhưng nếu những lần sau , nhà ngươi không trốn được kỹ hơn thì nhà ngươi sẽ chết.

Ngày hôm sau, anh ta đi đến hồ, gọi cá lên và bảo :

- Ta đã để cho cá sống; bây giờ đến lượt cá chỉ cho ta chỗ trốn để nàng công chúa không tìm thấy ta.

Con cá suy nghĩ. Cuối cùng nó reo lên :

- Tôi tìm thấy rồi ! Tôi sẽ giấu anh ở trong bụng tôi.

Con cá nuốt chửng chàng trai và lặng sâu xuống nước. Nàng công chúa lên lầu, nhìn qua các cửa sổ. Đến cửa sổ thứ mười một nàng vẫn chưa tìm thấy chàng trai. Nàng hốt hoảng. Nhưng cuối cùng nàng tìm thấy anh khi nhìn qua cửa sổ thứ mười hai. Nàng ra lệnh bắt con cá và mổ bụng; chàng trai lộ ra. Chúng ta cũng hiểu là chàng trai lúng túng thế nào. Công chúa nói :

- Đã hai lần ta tha tội chết cho nhà người. Nhưng đầu nhà người chắc chắn sẽ bị cắm trên cọc thứ một trăm.

Ngày cuối cùng, anh ta đi ra cánh đồng, lòng nặng trĩu và gặp con cáo :

- Cáo ơi, cáo có biết hết mọi nơi có thể trốn đựơc – anh bảo cáo – ta đã để cho cáo sống, bây giờ đến lượt cáo bảo ta phải trốn ở đâu để nàng công chúa không tìm được ta.

- Thật là khó – cáo nói, mặt tư lự. Cuối cùng nói kêu lên – tôi tìm ra rồi !

Cáo dẫn anh đến một con suối, lặn xuống và khi lên khỏi mặt nước thì giống một người hàng xén hay một người buôn súc vật đi ra chợ. Chàng trai cũng phải lặn xuống suối, khi ngoi lên, anh hoá thành một con thỏ biển. Người lái buôn đi ra tỉnh và trưng bày con vật lạ. Mọi người xúm lại xem. Nàng công chúa cũng đến xem. Và nàng rất thích con vật lạ, nàng trả cho người lái buôn một số tiền lớn để mua nó. Trước khi giao con vật cho công chúa, cáo bảo nó :

- Khi nàng công chúa đi ra cửa sổ, anh hãy chui vào nấp dưới mớ tóc của nàng.

Đã đến lúc công chúa đi tìm chàng trai. Nàng nhìn qua các cửa sổ, từ cửa sổ này đến cửa sổ khác, từ cửa sổ thứ nhất đến cửa sổ thứ mười một, không tìm thấy chàng trai. Đến cửa sổ thứ mười hai, cũng không tìm thấy, công chúa sợ hãi và tức giận hết sức, sập cửa mạnh đến mức tất cả các kính cửa đều vỡ tan ra hàng nghìn mảnh và lâu đài rung lên.

Trở về buồng mình, nàng thấy con thỏ biển ở dưới mái tóc mình, nàng tóm lấy nó, ném xuống đất và kêu lên :

- Hãy xéo khỏi mắt tao.

Con vật đi tìm người lái buôn, cả hai vội vàng đi ra suối, lội xuống tắm và hiện lên nguyên hình cũ. Chàng trai cám ơn cáo và nói :

- So với cáo, quạ và cá chỉ là những kẻ khờ dại. Cáo biết mánh khóe , đúng là thế thật.

Chàng trai đi thẳng đến lâu đài. Công chúa đã đợi chàng ở đó, chịu theo số phận. Lễ cưới được cử hành. Họ trở thành vua và hoàng hậu trị vì thiên hạ. Chàng không bao giờ kể cho công chúa biết là đã trốn ở đâu và ai đã giúp chàng. Nàng thì tin là chàng đã thắng cuộc bằng chính tài năng của mình. Nàng rất kính nể chàng, và nghĩ bụng : “Chàng hơn ta nhiều”..
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

75#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:34:52 | Chỉ xem của tác giả
Cô Else láu cá

Xưa có một người đàn ông, bác có một người con gái tên là Else láu cá. Khi con gái đã đến tuổi trưởng thành, bác nói:

– Cha sẽ gả chồng cho con.

Bà mẹ nói thêm vào:

– Đúng đấy, nếu có ai đến hỏi thì gả cho họ.

Có một chàng trai người vùng xa, chàng tên là Hans, chàng xin ăn hỏi nhưng với một điều kiện là Else phải thật chăm chỉ siêng năng.

Ông bố nói:

– Trời, nó tính toán giỏi lắm.

Và bà mẹ bảo:

– Ái chà, nó còn nhìn thấy gió chạy ngoài đường, nghe được tiếng ruồi ho.

Chàng Hans nói:

– Như vậy cô ta không chăm chỉ siêng năng, nên tôi không muốn lấy nữa.

Khi mọi người ngồi quanh bàn và ăn. Bà mẹ sai:

– Else, con xuống hầm nhà lấy bia lên uống!

Else láu cá lấy vò đựng bia đi xuống tầng hầm, vừa đi cô vừa mở nắp vò ra nghịch cho đỡ buồn. Để khỏi mỏi chân ngồi chờ, cô lấy ghế ra ngồi trước thùng bia, như vậy cô cũng chẳng phải cúi cho mỏi lưng, cứ ngồi thẳng lưng mà vặn vòi cho bia chảy vào vò. Trong lúc bia chảy, Else ngó nghiêng tứ phía trong căn hầm cho vui mắt. Ngó đi, ngó lại, cô thấy trên tường có con dao của thợ nề treo ở trên tường. Thế là cô Else láu cá nước mắt ngắn dài than:

– Nếu tôi lấy anh Hans và có con. Đúng lúc con đang nhớn thì sai nó xuống hầm lấy bia, nó đang ngồi mở vòi bia thì con dao kia bỗng dưng rơi xuống đúng đầu làm nó chết.

Cô ngồi khóc nức nở, than vãn cho sự bất hạnh kia của mình. Mọi người ngồi đợi mãi mà chẳng thấy Else mang bia lên. Bà mẹ sai đứa gái hầu:

– Con xuống tầng hầm xem Else nó ngồi ở chỗ nào.

Đứa gái hầu xuống hầm, thấy Else ngồi trước thùng bia, đang khóc than nức nở. Đứa gái hầu hỏi:

– Else, tại sao chị lại khóc?

Else đáp:

– Không khóc sao được! Nếu tôi lấy anh Hans và có con. Đúng lúc con đang nhớn thì sai nó xuống hầm lấy bia, nó đang ngồi mở vòi bia thì con dao kia bỗng dưng rơi xuống đúng đầu làm nó chết.

Nghe chuyện, đứa gái hầu nói:

– Else láu cá ơi, thật là đau đớn quá.

Rồi nó ngồi xuống cạnh Else, khóc than về sự bất hạnh kia.

Đợi một lúc, không thấy đứa gái hầu lên, bác trai bảo thằng ở:

– Con xuống tầng hầm xem Else và đứa gái hầu ngồi ở chỗ nào.

Thằng ở xuống hầm, thấy Else và đứa gái hầu ngồi cạnh nhau và đang khóc nức nở. Nó hỏi:

– Else, tại sao chị lại khóc?

Else đáp:

– Không khóc sao được! Nếu tôi lấy anh Hans và có con. Đúng lúc con đang nhớn thì sai nó xuống hầm lấy bia, nó đang ngồi mở vòi bia thì con dao kia bỗng dưng rơi xuống đúng đầu làm nó chết.

Nghe chuyện, thằng ở nói:

– Else láu cá ơi, thật là đau đớn quá.

Rồi nó ngồi xuống cạnh Else, gào khóc về sự bất hạnh kia: ở trên nhà, mọi người ngồi đợi thằng ở, nhưng chẳng thấy nó lên. Bác trai bảo bác gái:

– Bà xuống tầng hầm xem Else nó ngồi ở chỗ nào.

Bác gái xuống tầng hầm, thấy cả ba đang ngồi khóc than, bác hỏi nguyên nhân tại sao lại khóc, Else kể mẹ nghe về chuyện đứa con mình chết, khi nó đang ngồi mở vòi bia thì con dao ở trên tường rơi xuống đúng đầu.

Nghe chuyện, bà mẹ nói:

– Trời, Else láu cá ơi, thật là đau đớn quá.

Rồi bà mẹ cũng ngồi xuống bên cạnh và khóc. Bác trai ngồi đợi một lúc cũng không thấy vợ mình lên, mà bác lại đang khát, bác nói:

– Giờ thì phải tôi thân chinh xuống hầm xem Else nó ngồi ở đâu.

Xuống tới tầng hầm, bác trai thấy tất cả đang ngồi khóc, bác hỏi nguyên do thì được biết, con của Else chết, khi nó đang ngồi mở vòi bia thì con dao ở trên tường rơi xuống đúng đầu. Nghe chuyện, người cha nói:

– Else láu cá ơi, thật là đau đớn quá!

Bác trai cũng ngồi xuống và khóc. Chàng rể tương lai ngồi đợi mãi mà chẳng thấy một ai lên. Chàng nghĩ:

– Chắc mọi người đang ở dưới chờ mình xuống. Vậy ta xuống hầm xem mọi người ý ra sao.

Xuống tới nơi, chàng thấy năm người đang ngồi khóc, họ thay nhau gào khóc. Chàng hỏi:

– Có chuyện gì vậy?

Else đáp:

– Anh Hans thân yêu ơi, chúng ta lấy nhau và có một đứa con. Nó đang tuổi nhớn thì chúng ta sai nó xuống hầm lấy bia, nó đang ngồi mở vòi bia thì con dao kia bỗng dưng rơi xuống đúng đầu làm nó chết ngay. Vậy không khóc sao được.

Anh chàng Hans nói:

– Đến thế là cùng, đảm đang như em Else láu cá. Thôi thì chúng ta lấy nhau vậy.

Chàng dắt tay nàng và tổ chức đám cưới.

Một hôm Hans nói với vợ:

– Em ơi, anh phải đi kiếm tiền, em ra đồng gặt lúa về để làm bánh ăn.

– Vâng, anh Hans thân yêu, em sẽ làm.

Hans vừa mới đi khỏi nhà, vợ ở nhà bắc bếp nấu cháo và mang cháo theo ra đồng. Ra tới nơi, nàng tự hỏi:

– Làm gì bây giờ? Gặt lúa hay là ăn trước? Ta ăn trước vậy.

Else ngồi ăn hết nồi cháo, ăn xong bụng no căng, nàng tự hỏi:

– Làm gì bây giờ? Gặt lúa trước hay ngủ trước? Ta ngủ trước cái đã.

Rồi Else nằm trên ruộng lúa và thiêm thiếp ngủ. Hans về nhà từ lâu, mà Else vẫn chưa về. Hans nói:

– Else vợ mình chăm chỉ thật, giờ này mà vẫn chưa về ăn!

Khi bóng đêm phủ xuống, Else vẫn còn ở ngoài đồng. Hans ra đồng xem vợ mình gặt lúa, nhưng Else chẳng gặt lúa mà nằm ngủ say trên cánh đồng lúa.

Hans chạy nhanh về nhà, lấy lưới bẫy chim có gắn chuông. Chàng lấy lưới phủ lên người Else. Nàng vẫn ngủ mà không hề hay biết. Hans đi về nhà, đóng chặt cửa lại và ngồi làm việc.

Khi trời đã khuya, Else láu cá thức giấc. Khi đứng dậy, nàng thấy có gì lùng nhùng, lại kêu leng keng. Nàng đâm hoảng, lòng bán tín bán nghi, không hiểu mình có chính là Else láu cá hay không. Nàng lẩm bẩm:

– Chẳng hiểu mình có phải là mình hay là không phải?

Nàng không biết là thế nào nữa, cứ đứng tần ngần, cuối cùng nàng quyết định:

– Ta phải đi về nhà và hỏi, mình còn là mình hay là không, mọi người đều biết rõ điều đó.

Về tới nhà, thấy cửa đóng chặt, Else gõ cửa sổ và gọi với vào trong:

– Anh Hans, Else có ở trong nhà không?

Hans đáp:

– Có, Else ở trong nhà.

Nghe trả lời vậy, nàng đâm ra hoảng, mồm lẩm bẩm:

– Lạy trời! Chẳng phải là mình rồi.

Nàng tới hết nhà này sang nhà khác, nhưng khi nghe tiếng chuông reo trong đêm vắng nên chẳng ai chịu mở cửa. Chẳng có chỗ nào mở cửa cho nàng vào. Nàng đi khỏi làng. Và cũng chẳng ai trông thấy nàng nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

76#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:38:21 | Chỉ xem của tác giả
Đám cưới chị cáo

Khi cáo già đực qua đời thì sói tới dạm hỏi. Nó gõ cửa, chị mèo người ở ra mở cửa. Cáo chào mèo và hỏi:

Xin chào chị mèo Vui Tính,

Sao chị ngồi đây chỉ có một mình,

Chị tính làm việc chi vậy?

Mèo đáp:

Cho bánh vào sữa để ăn,

Xin Ông cho biết ý Ông thế nào?

Sói hỏi:

– Cám ơn chị mèo, chị cáo có nhà không?

Mèo nói:

Cáo ngồi ở buồng bên kia,

ngồi khóc nỉ non,

khóc vì khốn khó,

bởi ông cáo già,

đã qua đời rồi.

Sói nói:

Muốn đi bước nữa,

Xin xuống đây đi.

Mèo chạy đi, gõ cửa gọi:

Này chị cáo ơi,

Khách tới chơi hỏi.

muốn đi bước nữa,

thì xuống tiếp đi.

Cáo hỏi:

Ông khách quần đỏ,

Có mõm nhọn không?

Mèo đáp:

– Không, ông ấy không phải.

Sói đi khỏi thì lần lượt chó, hươu, thỏ, gấu, sư tử và các loài thú khác tới. Nhưng chẳng có con nào có được những đức tính như ông cáo, vì vậy mèo cứ phải đón và tiễn khách hoài. Cuối cùng có chú cáo non tới. Chị cáo hỏi:

Ông khách quần đỏ,

mõm nhọn phải không?

Mèo đáp:

– Vâng, đúng thế ạ.

Cáo nói:

– Mời khách lên đi.

Rồi cáo sai mèo chuẩn bị đám cưới.

Quét sạch cửa nhà,

Ném lão cáo già,

qua cửa sổ kia

Mang chuột ra đãi,

Chủ khách cùng ăn.

Hôn lễ được cử hành, ăn uống, vui nhảy. Nến hôn lễ chưa tan, mọi người còn đang vui nhảy đấy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

77#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:38:56 | Chỉ xem của tác giả
Những nhạc sĩ thành Brêm

Một người có một con lừa. Bao năm nay lừa kéo xe chở lúa đến nhà xay không hề biết mệt. Nhưng giờ đây sức lừa đã kiệt, không thể dùng kéo xe được nữa. Chủ nghĩ cách kết liễu đời lừa để lấy bộ da. Lừa cảm thấy nguy đến nơi liền trốn đi và lên đường đến thành Bremen. Lừa ta nghĩ bụng: đến đó chắc mình có thể làm nhạc sĩ thành phố.

Lừa đi được một lúc thì gặp một con chó nằm bên đường vừa ngáp vừa thở ư ứ như vừa chạy rất mệt. Lừa hỏi:

– Này anh bạn, làm sao mà anh cứ ngáp dài và thở hoài vậy?

Chó trả lời:

– Ấy, chẳng qua mình tuổi ngày một già, sức ngày một yếu không đi săn được nữa, nên ông chủ tịch giết mình. Mình trốn đi, nhưng giờ thì kiếm đâu ra cơm mà ăn?…

Lừa bảo:

– Này cậu ạ, mình đến thành Bremen để làm nhạc sĩ thành phố. Cậu đi với mình đi, sung vào ban nhạc. Mình chơi đàn, cậu đánh trống.

Chó nhận lời, cả hai cùng đi. Đi chưa được mấy chốc thì gặp một con mèo ngồi bên đường mặt buồn thỉu buồn thiu. Lừa hỏi:

– Này bác già liếm râu, có chuyện gì bất trắc thế?

Mèo đáp:

– Lo mất đầu thì còn vui sao được! Mình nay tuổi thì cao, răng lại cùn, chỉ thích nằm bên lò sưởi gừ gừ hơn là bắt chuột, nên bà chủ định dìm chết mình. Mình trốn đi, nhưng giờ đang băn khoăn chẳng biết nên đi đâu.

– Thì cũng đi Bremen với bọn mình. Cậu sành nhạc đệm, chắc có thể làm nhạc sĩ thành phố được.

Mèo cho là phải và đi cùng. Chẳng bao lâu, ba con đi qua sân nhà một bác nông dân, có con gà đậu trên cửa đang ra sức gáy. Lừa hỏi:

– Cậu định tính chuyện gì mà gáy nghe đinh tai nhức óc lên thế?

Gà nói:

– Mình gáy báo tốt trời. Nhưng ngày mai là ngày lễ, bà chủ giặt giũ nhiều, nhà lại có khách, bà chủ đâu có thương hại mình, bà bảo mụ đầu bếp mai bỏ mình vào nồi nấp súp. Tối nay là mình bị cắt tiết đây. Ờ, chừng nào còn gáy được thì ráng sức mà gáy cho thỏa chí.

Lừa bảo:

– Này anh chàng mào đỏ, thà đi với bọn mình còn hơn. Chúng mình đi Brêm. Đi đâu mà chả được, còn hơn là chờ chết. Giọng cậu tốt, nếu chúng mình cùng hòa nhạc thì hẳn là hay đứt đi rồi.

Gà thấy cũng có lý, thế là cả bốn cùng đi. Một ngày đường ròng rã nhưng vẫn chưa tới Bremen. Buổi tối chúng tới một khu rừng, định ngủ lại. Lừa và chó nằm ngay ở gốc cây cổ thụ, mèo và gà ngủ trên cành cây, gà đậu tít trên ngọn cây cho chắc chắn. Trước khi ngủ gà đưa mắt nhìn chung quanh, thấy xa xa có ánh lửa bập bùng, gà liền gọi các bạn đồng hành bảo, có lẽ gần đây có nhà, vì có ánh lửa. Lừa bảo:

– Nếu như vậy thì ta đến đó đi thôi, quán trọ này đâu có tốt.

Chó nghĩ bụng: giá như kiếm được vài cái xương dính tí thịt thì cũng hay rồi.

Thế là chúng cất bước đi về phía có ánh sáng. Ánh lửa bập bùng ngày càng rõ dần. Tới nơi thì ra đó là căn nhà của bọn cướp, đèn thắp sáng trưng.

Lừa to con nhất, lại gần cửa sổ nhìn vào.

Gà hỏi:

– Chú xám ơi, có gì trong đó?

Lừa đáp:

– Ồ, cậu có biết không, bọn cướp đang khoái chí đánh chén bên một cái bàn bày la liệt đồ ăn thức uống?

Gà nói:

– Giá cái đó là giành cho bọn mình nhỉ!

Lừa bảo:

– Phải, phải, chí phải, giá như bọn mình ngồi vào đấy thì hay biết bao!

Chúng xúm nhau lại bàn mưu tính kế làm sao tống khứ được bọn cướp. Cuối cùng chúng nghĩ ra một kế: Lừa kê hai chân trước lên cửa sổ, chó nhảy lên lưng lừa, mèo trèo lên lưng chó, gà bay đậu lên đầu mèo. Hiệu lệnh vừa ra, cả bốn đồng thanh cất tiếng: Lừa kêu, chó sủa, mèo kêu meo meo, gà gáy. Rồi chúng nhảy ùa vào phòng, cừa kính vỡ loảng xoảng. Nghe tiếng khủng khiếp ấy, tưởng là ma hiện vào, bọn cướp giật mình bỏ bàn ăn chạy thục mạng về phía rừng. Bốn nhạc sĩ liền ngồi vào bàn, vui lòng ăn chỗ còn thừa, ăn ngốn ngấu như đã bị bỏ đói hàng tháng nay.

Đánh chén no say, bốn nhạc sĩ tắt đèn, tìm chỗ nằm ngủ tùy theo sở thích và thói quen riêng của mình. Lừa nằm trên đống phân, chó nằm sau cửa, mèo trèo tro ấm bên bếp lửa, gà đậu trên xà nhà.

Vì đi một ngày đường ròng rã nên mới nằm xuống cả bốn đã ngủ say liền.

Đến nửa đêm, từ xa bọn cướp thấy trong nhà không còn ánh sáng, cảnh vật yên lặng, tên đầu đảng cướp nói:

– Đáng lẽ chúng ta không được để người khác tống cổ đi mới phải!

Hắn sai một tên về nhà dò la. Tên này thấy căn nhà im lặng như tờ, liền vào bếp để thắp đèn. Thấy mắt mèo hắn tưởng than hồng, cho diêm vào thắp. Mèo đâu có quen lối đùa cợt ấy, liền nhảy lên mặt hắn vừa kêu vừa cào. Tên này sợ quá tháo chạy qua cửa sổ, chó nằm đó chồm dậy cắn vào chân. Khi chạy qua sân gần đống phân, lừa đá cho một cái như trời giáng. Nghe tiếng động gà thức giấc. Từ trên xà nhà gà gáy:

– Cúc cù cu… cu!

Tên cướp ba chân bốn cẳng chạy một mạch về báo chủ tướng:

– Ui chao! Trong nhà có một mụ phù thủy, nó phun bọt vào tôi, lấy móng tay dài cào mặt tôi. Ở ngay cửa ra vào có một người đàn ông cầm dao chém vào chân tôi. Ngoài sân có con quái vật đen tuyền cầm chùy giáng tôi một chùy nên thân. Trên mái nhà một ông quan tòa hét: “Điệu thằng đểu cáng lại đây!”. Thế là tôi bỏ chạy thục mạng về đây.

Từ đó bọn cướp không dám bén mảng tới căn nhà ấy nữa. Bốn nhạc sĩ thành Bremen thích cái nhà ấy nên cũng không muốn dời đi nơi khác.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

78#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:49:24 | Chỉ xem của tác giả
Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi

Đã lâu lắm rồi, hồi đó có một bác thợ may, bác có ba người con trai, mà chỉ có một con dê cái duy nhất. Nhưng vì cả nhà ăn sữa dê nên ngày ngày phải dắt dê ra đồng kiếm cỏ tốt cho nó ăn. Ba người con trai cắt lượt nhau đi chăn dê. Một hôm, người con cả dắt dê đến bãi tha ma ở cạnh nhà thờ – nơi đấy có cỏ non – để dê ăn cỏ và chạy ở đó. Chiều tối, đã đến lúc phải về, anh hỏi dê:

– Dê ơi, dê ăn no chưa?

Dê đáp:

– Tôi ăn no căng

Chẳng buồn ăn nữa, Be Be…

Chàng trai nói:

– Thế thì về chuồng!

Rồi anh nắm sợi dây buộc cổ dắt dê về, buộc vào chuồng.

Bác thợ may già hỏi:

– Thế nào, đã cho dê ăn no chưa?

Người con trai đáp:

– Trời! Dê ăn no căng,

Chẳng buồn ăn nữa.

Người cha muốn xem con nói có thực không nên xuống chuồng vuốt ve con vật yêu quý và hỏi:

– Dê ơi, dê ăn no chưa?

Dê đáp:

– Ăn gì mà no

Nhảy qua mả nọ, mả kia.

Cỏ thì không có, lá cành cũng không.

Be be…

Bác thợ may la lên:

– Đến thế thì thôi.

Bác chạy lên nhà, mắng người con cả:

– Chà, mày là quân nói dối! Mày để dê đói mà dám nói nó đã no căng.

Điên tiết lên, bác lấy thước treo ở tường xuống đuổi đánh người con cả.

Hôm sau, đến lượt người con thứ hai đi chăn dê. Anh tìm ở dọc hàng rào vườn nhà chỗ có cỏ non nhất, để dê ăn ở đó, dê ăn hết không còn lấy một ngọn. Chiều đến trước khi về, anh hỏi:

– Dê ơi, dê ăn no chưa?

Dê đáp:

– Tôi ăn no căng

Chẳng buồn ăn nữa, Be Be…

Chàng trai nói:

– Thế thì đi về!

Rồi anh nắm sợi dây buộc cổ dắt dê về, buộc vào chuồng rất cẩn thận, bác thợ may hỏi:

– Thế nào, có cho dê ăn no đủ không đấy?

Người con trai đáp:

– Trời! Dê ăn đã no căng,

Nên chẳng buồn ăn nữa.

Bác thợ may không tin chuyện đó nên xuống ngay chuồng dê hỏi:

– Dê ơi, dê ăn no chưa?

Dê đáp:

– Ăn gì mà no

Nhảy qua mả nọ, mả kia.

Cỏ thì không có, lá cành cũng không.

Be be…

Bác thợ may la mắng:

– Đồ khốn nạn! Con vật hiền lành như thế mà nó để đói!

Bác lại chạy lên nhà lấy thước đánh đuổi đứa con ra khỏi cửa.

Giờ thì đến lượt người con thứ ba. Muốn hoàn thành việc mình cho thật chu đáo, anh đi tìm nơi nào có bụi rậm, những khóm cây có nhiều lá và cỏ non rồi để cho dê ăn ở đó. Chiều tối, lúc sắp về, anh hỏi dê:

– Dê ơi, dê ăn no chưa?

Dê đáp:

– Tôi ăn no căng

Chẳng buồn ăn nữa, Be Be…

Chàng trai nói:

– Thế thì đi về!

Rồi anh dắt dê về, buộc dê vào chuồng rất cẩn thận.

Bác thợ may già hỏi con:

– Thế nào, đã cho dê ăn no đủ không đấy?

Người con trai đáp:

– Vâng dê ăn đã no căng,

Nên chẳng buồn ăn nữa.

Bác thợ may không tin, xuống ngay chuồng hỏi dê.

Con vật độc ác kia đáp:

– Ăn gì mà no

Nhảy qua mả nọ, mả kia.

Cỏ thì không có, lá cành cũng không.

Be be…

Bác thợ may tức, la mắng con:

– Chà, quân này láo lếu thật! Thằng anh cũng như thằng em, đứa nào cũng mải chơi cả! Tao không thể để chúng bay lừa dối tao mãi được!

Bác đùng đùng nổi giận, chạy ngay lên nhà, lấy thước đánh cho con trai tội nghiệp một trận chí tử làm cho nó cũng phải bỏ nhà ra đi.

Từ đó, ở nhà chỉ còn bác thợ may với con dê. Sáng hôm sau, bác xuống chuồng, vuốt ve dê và nói:

– Lại đây, cưng của ta. Ta sẽ đích thân dẫn mày ra ngoài đồng ăn cỏ.

Bác cầm dây dắt dê dọc theo những hàng rào tươi tốt và đến những chỗ thường thích đến ăn. Bác bảo dê:

– Chuyến này thì mày được no nê thỏa thích nhé!

Rồi bác để dê ăn ở đó tới tận chiều tối. Lúc đó bác hỏi:

– Dê ơi, dê ăn no chưa?

Dê đáp:

– Tôi ăn no căng

Chẳng buồn ăn nữa, Be Be…

Bác thợ may bảo:

– Thế thì đi về!

Bác dắt dê về chuồng, buộc thật kỹ. Trước khi rời chuồng, bác còn quay lại hỏi:

– Lần này thì no căng thật sự chứ?

Nhưng dê cũng chẳng kiêng nể gì bác và nói:

– Ăn gì mà no

Nhảy qua mả nọ, mả kia.

Cỏ thì không có, lá cành cũng không.

Be be…

Nghe thấy thế, bác thợ may rất đỗi ngạc nhiên. Lúc đó bác mới biết mình đã đuổi ba con trai của mình đi một cách vô cớ. Bác la mắng:

– Này, quân bội bạc! Có đánh đuổi mày khỏi nơi đây cũng còn quá nhẹ. Ta phải đánh dấu bôi vôi để mày không còn dám vác mặt đến chỗ những người thợ may lương thiện nữa.

Bác liền chạy đi lấy dao cạo, xát xà phòng lên đầu dê, cạo nhẵn thín như trán hói. Bác nghĩ, đánh bằng thước chả bõ bẩn thước ra, bác lấy roi ngựa vụt cho dê một trận nên thân, đau quá dê nhảy lên chồm chồm rồi chạy biến mất.

Ở nhà thui thủi một mình, bác thợ mới thấy thật là buồn tẻ. Bác rất muốn gọi các con trai về nhưng không biết chúng đi đâu.

Anh con cả học nghề ở nhà một bác thợ mộc. Anh làm việc cần mẫn và vui vẻ. Khi đã thành nghề, anh muốn đi chu du thiện hạ để hành nghề thì thầy tặng anh một cái bàn nhỏ bằng gỗ thường, trông cũng chẳng có gì đặc biệt cả, nhưng nó có phép lạ. Chỉ cần đặt bàn trước mặt, rồi nói: “Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi!” thì tức khắc trên bàn phủ khăn trắng tinh, dĩa, dao, nĩa được bày ra cùng với những món xào, món nấu, lại có cả cốc vại đầy rượu vang đỏ long lanh nom thật là hấp dẫn. Chú thợ mộc nghĩ bụng:

– Có chiếc bàn này, mình được sung túc suốt đời!

Chú vui vẻ lên đường, đi đây đi đó, chẳng còn phải lo chuyện quán trọ có tử tế hay không, ở quán trọ có gì ăn hay không. Chú cũng chẳng cần phải vào đâu cả, bất cứ ở ngoài đồng hay trong rừng, hoặc trên bãi cỏ, thích đâu là chủ chỉ việc hạ bàn ở lưng xuống, đặt nó trước mặt và nói: “Bàn ơi, trải ra, sắp thức ăn đi!” là lập tức sẽ có đầy đủ những thứ chú muốn.

Một hôm, chú nghĩ mình phải về nhà ở với cha. Chắc giờ đây cha đã nguôi giận, cha sẽ vui lòng nhận chú với cái bàn thần này.

Dọc đường, một buổi tối, chú vào một quán trọ, quán cũng khá đông khách. Khách ăn vui vẻ chào và mời chú ngồi vào cùng ăn với họ, nếu không thì chú khó lòng có gì mà ăn. Chú thợ mộc đáp:

– Thôi, chỉ có vài miếng, tôi ăn tranh của các ông làm gì! Tốt hơn hết là xin mời các ông sang bàn tôi ăn!

Tưởng chú nói đùa, họ cười. Chú đặt chiếc bàn gỗ của mình ở giữa phòng, rồi nói:

– Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi!

Trong nháy mắt, trên bàn đã đầy những món ăn ngon, mà chính chủ quán cũng không làm nổi, mùi thơm tỏa ra khắp gian nhà, khách chưa ăn đã thấy ngon miệng. Chú thợ mộc mời:

– Nào, xin mời các bạn thân mến, ta gắp đi chứ!

Thấy chú tốt bụng, không phải để chú phải mời lần thứ hai, họ kéo nhau sang bàn chú ngồi đánh chén một cách thoải mái. Có điều họ lấy làm lạ nhất là cứ đĩa nào vơi thì lập tức lại có ngay dĩa khác đầy ắp thế vào. Chủ quán ngẩn người ra, đứng ở góc nhà ngắm nhìn. Hắn nghĩ bụng:

– Quán của mình được một đầu bếp cứ như vậy thì hay quá!

Chú thợ mộc và toán khách ngồi ăn uống chuyện trò tới tận khuya mới đi ngủ. Chú thợ mộc cũng lên giường nằm, đặt bàn thần sát tường.

Chủ quán trằn trọc mãi không sao ngủ được. Hắn chợt nhớ rằng trong kho chứa đồ cũ của hắn có một cái bàn cũ giống y hệt cái bàn của chú thợ mộc. Hắn liền rón rén đi lấy cái bàn đó rồi đánh tráo lấy chiếc bàn thần kia.

Sớm hôm sau, chú thợ mộc trả tiền trọ mà chẳng hề nghĩ tới là chiếc bàn sau lưng của mình đã bị tráo, chú địu chiếc bàn sau lưng rồi lên đường. Tới giữa trưa thì chú về tới nhà. Cha chú tiếp đón chú rất vui vẻ. Ông hỏi con:

– Thế nào, con cưng của cha, con học được nghề gì rồi?

– Thưa cha, nghề thợ mộc ạ!

Cha nói:

– Nghề ấy tốt đấy, đi chu du hành nghề con có mang được gì về không?

– Thưa cha, của quý nhất mà con mang được về là chiếc bàn này.

Bác thợ may ngắm đi ngắm lại chiếc bàn rồi nói:

– Thế thì con chưa thành tài rồi. Đây chỉ là một chiếc bàn tồi, cũ kỹ.

Người con đáp:

– Nhưng đó là một chiếc bàn thần, nếu con để nó trước mặt, bảo nó sắp thức ăn ra thì lập tức nó dọn ra toàn cao lương, mỹ vị, cả rượu vang nữa, trông mâm cơm thật ngon miệng. Cha cứ mời bạn bè, bà con thân thuộc đến, bàn sẽ cho họ ăn uống no say.

Khách có mặt đông đủ cả rồi, chú thợ mộc đặt cái bàn ở giữa căn nhà, rồi nói:

– Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi!

Nhưng cái bàn vẫn không nhúc nhích, nó vẫn chỉ là cái bàn như những chiếc bàn bình thường khác không hiểu được tiếng người. Lúc ấy, chú thợ mộc đáng thương mới biết là chiếc bàn đã bị đánh tráo, chú lấy làm thẹn vì mang tiếng là nói dối. Bạn bè, bà con thân thuộc chê cười, nhịn đói ra về. Bác thợ lại quay về với nghề làm kim chỉ, còn con trai đến phụ việc cho một bác thợ cả.

Người con thứ hai học nghề xay bột ở một gia đình kia. Khi anh thành tài, bác thợ xay bảo:

– Con luôn chăm chỉ ngoan ngoãn nên ta thưởng cho con một con lừa loại đặc biệt, nó không chịu kéo xe và tải đồ.

Chú thợ giúp việc hỏi:

– Thế thì nó làm được việc gì?

Bác thợ xay đáp:

– Nó tuôn ra vàng. Con lấy khăn trải ra nền đất, cho lừa đứng lên trên, rồi nói: “Bricklebrit!” thì con vật tốt bụng kia sẽ tuôn vàng ra đằng trước và cả đằng sau nữa.

Anh học trò nói:

– Thật là của quý!

Rồi anh cám ơn thầy, lên đường đi chu du hành nghề. Mỗi khi cần đến vàng, anh thợ chỉ việc bảo lừa: “Bơ–rích–lếp–bơ–rít!” là vàng tuôn ra như mưa. Anh chẳng phải mệt nhọc gì ngoài việc cúi xuống nhặt tiền. Túi anh lúc nào cũng rủng rỉnh tiền, nên đi đến đâu cũng được ăn của ngon vật lạ toàn những loại đắt tiền nhất.

Đi chu du khắp đó đây được một thời gian một hôm anh nghĩ:

– Mình phải tìm đường về với cha thôi. Mình về mang theo con lừa này chắc cha sẽ nguôi cơn giận, tiếp đón mình tử tế.

Tình cờ anh lại vào đúng cái quán trọ nơi người anh ruột của anh đã bị đánh tráo cái bàn thần. Anh dắt lừa đến. Tên chủ quán định dắt lừa đem đi buộc thì anh bảo:

– Không dám phiền ông, cứ để tôi đem buộc nó vào chuồng, vì tôi muốn biết chỗ buộc nó.

Điều đó làm cho chủ quán rất ngạc nhiên và nghĩ rằng khách trọ đòi chăm sóc lấy con vật của mình thì ắt là một tay sẻn lắm. Nhưng khi người lạ mặt kia móc túi lấy ra hai đồng tiền vàng bảo hắn phải cho ăn ngon, thì chủ quán trố mắt ra, vội chạy đi tìm thức ăn ngon nhất. Ăn xong, khách bảo tính tiền, chủ quán thấy khách sộp nên nói khách còn thiếu mấy đồng tiền vàng nữa. Anh thò tay vào túi, thấy hết tiền. Anh nói:

– Này ông chủ quán chờ một lát nhé, để tôi đi lấy vàng cái đã.

Rồi anh mang khăn trải bàn theo.

Chủ quán chẳng hiểu ra sao, tò mò lẻn theo, nhưng vì anh cài then cửa chuồng nên hắn đành đứng ngoài nhìn vào qua lỗ cửa. Người lạ mặt kia trải khăn xuống dưới chân lừa, rồi nói: “Bricklebrit!”. Trong nháy mắt, lừa tuôn vàng xuống đất như mưa, vàng tuôn cả đằng trước lẫn đằng sau.

Chủ quán nghĩ bụng:

– Ái chà! Đúc tiền bằng kiểu này nhạy thật! Được túi tiền như thế thì tuyệt!

Anh trả tiền ăn cho quán rồi lên giường nghỉ. Ngay đêm ấy, chủ quán lẻn xuống chuồng lấy trộm lừa – máy đúc tiền – và buộc con khác thay vào.

Sớm tinh mơ ngày hôm sau, anh đã xuống chuồng tháo lừa, rồi lên đường, trong bụng đinh ninh mình đang dắt lừa đúc tiền vàng. Đến trưa thì anh về tới nhà. Thấy con về, người cha rất mừng, tiếp đãi con niềm nở. Cha hỏi:

– Con cưng của cha, con có làm nên công trạng gì không?

Anh đáp:

– Cha kính yêu, con giờ là thợ xay bột.

– Đi chu du hành nghề, con có mang được gì về không?

– Thưa cha, chẳng có gì ngoài con lừa.

Cha nói:

– Ở đây thiếu gì lừa! Cha thấy giá được con dê cái có khi còn hay hơn.

Người con trai đáp:

– Thưa cha, nhưng nó không phải là loại lừa thường, mà là loại lừa tuôn ra vàng. Mỗi khi con nói: “Brícklebrit!” là lập tức nó tuôn vàng ra đầy khăn. Cha cho mời bà con thân thuộc tới đây, nó sẽ làm cho họ trở nên giàu có.

Bác thợ may nói:

– Được thế thì cha rất mừng! Cha chẳng phải khổ công khâu vá nữa.

Rồi bác vội vã đi mời bà con thân thuộc tới.

Khi mọi người đã đến đông đủ, anh xay bột mời họ ngồi, trải chiếc khăn của mình ra giữa nhà, dắt lừa đứng lên trên khăn, anh nói:

– Mọi người hãy chú ý!

Rồi anh hô dõng dạc:

– Brícklebrit!

Nhưng rồi chẳng thấy đồng tiền vàng nào rơi ra. Có phải con lừa nào cũng có phép lạ đâu? Đây chỉ là một con lừa bình thường!

Lúc bấy giờ chàng xay bột đáng thương mới biết mình đã bị lừa, mặt méo xệch đi, đứng ra xin lỗi bà con thân thuộc đành để họ ra về với cảnh nghèo vẫn hoàn nghèo. Chẳng có cách nào khác hơn là cha già lại phải kim chỉ vá may, anh con trai đành đi phụ việc cho một ông thợ xay bột.

Người em trai thứ ba đi học nghề thợ tiện. Vì đây là một nghề đòi hỏi dày công luyện tập nên anh phải học lâu hơn hai anh. Anh có nhận được thư của hai người anh trai, trong thư họ báo cho em biết chuyện rủi ro của mình: trong đêm ngủ trọ ở đó đã bị chủ quán đánh tráo bàn thần và lừa thần. Khi đã thành tài, anh thợ tiện tính đi chu du hành nghề thì thầy dạy nghề thưởng cho anh một cái bao vì thấy anh lâu nay chăm chỉ ngoan ngoãn. Thầy dặn:

– Trong bao có một cái gậy.

Trò nói:

– Con thấy chiếc bao còn có ích, con có thể khoác nó lên vai, nhưng còn cái gậy thì có ích gì? Mang nó chỉ tổ nặng thêm ra.

Thầy đáp:

– Để ta dạy con cách dùng gậy đó. Nếu kẻ nào hại con, con chỉ cần nói: “Gậy ơi, hãy ra khỏi bao!” thì lập tức gập nhảy ngay ra, nó nhảy múa rên lưng kẻ đã hại con, khiến hắn nằm liệt giường tám ngày liền, không nhúc nhích, cựa quậy được. Gậy chỉ thôi đánh khi nào con nói: “Gậy ơi, vào bao đi!”.

Anh cám ơn thầy, khoác bao lên vai đi. Mỗi khi có kẻ đến gần tính gây sự, anh lại nói:

– Gậy ơi, hãy ra khỏi bao!

Tức thì gậy nhảy ra khỏi bao, quật túi bụi vào áo, vào lưng, khiến kẻ đó không kịp cởi áo ra. Gậy quật nhanh đến nỗi kẻ bị đánh không còn biết đường nào mà tránh.

Xẩm tối thì chàng thợ tiện trẻ tuổi tới quán trọ, nơi hai người anh đã từng bị lừa gạt. Anh đặt bao lên bàn ngay trước mặt, rồi ngồi kể cho mọi người nghe những chuyện lạ trên đời mà anh đã từng biết. Anh nói:

– Ừ, người ta kể cho tôi biết là có một cái bàn thần cứ gọi là tự nhiên món ăn bày ra, có con lừa thần tuôn ra toàn tiền vàng, còn có nhiều chuyện lạ kỳ tương tự như vậy. Toàn là những chuyện không thể bỏ qua được. Nhưng tất cả những cái đó không thấm tháp vào đâu so với của quý tôi có trong bao này.

Chủ quán vểnh tai lên mà nghe, hắn nghĩ bụng:

– Trên đời này thật là lắm điều kỳ lạ! Chắc bao này chứa toàn ngọc quý. Mình phải cuỗm nốt chiếc bao này mới được. Của quý thường đi theo bộ ba mà!

Đến giờ ngủ, khách co cẳng lên ghế dài, gối đầu lên bao rồi ngủ. Chủ quán tưởng anh ngủ say, rón rén lại gần, khẽ rút cái bao, định tráo chiếc bao khác thay thế. Anh thợ tiện rình đợi đã lâu, chờ lúc chủ quán đang từ từ kéo bao, anh hô:

– Gậy ơi, hãy ra khỏi bao!

Tức thì gậy nhảy ra khỏi bao, đánh cho chủ quán một trận nhừ tử. Trên lưng hắn một vệt dài lằn lên, hắn van lạy xin tha, nhưng hắn vàng rên gậy càng giáng cho đau đớn, tới tấp hơn, cho tới khi hắn kiệt sức, ngã lăn ra đất mới ngưng.

Bấy giờ, anh thợ tiện mới bảo hắn:

– Nếu mày không trả lại ngay chiếc bàn thần và con lừa thần thì gậy sẽ múa cho mày biết tay.

Chủ quản thều thào nói:

– Vâng, tôi sẵn sàng trả lại tất cả, nhưng cậu hãy bảo con quỷ có phép thuật kia chui vào bao đi.

Anh thợ tiện nói:

– Ta sẵn lòng tha thứ cho mày. Cứ liệu thần hồn nhé!

Rồi anh ra lệnh: “Gậy ơi, vào bao đi!” và mặc cho chủ quán nằm đó.

Hôm sau, anh thợ tiện lên đường về nhà, mang theo cả chiếc bàn thần và con lừa vàng. Bác thợ may rất vui mừng khi gặp lại con trai út. Bác hỏi con học được nghề gì ở nơi đất khách quê người. Anh đáp:

– Cha kính yêu, con học được nghề thợ tiện ạ.

– Nghề ấy phải dày công học tập lắm đấy. Thế đi chu du hành nghề, con có mang được gì về không?

Người con trai đáp:

– Thưa cha, có một thứ rất quý: một cái gậy để ở trong bao.

Người cha thốt lên:

– Cái gì, hả? Một cái gậy à? Thật không bõ công. Chặt ở cây nào mà chẳng được một cái gậy?

– Thưa cha, nhưng làm sao được như cái gậy này? Con chỉ nói: “Gậy ơi, hãy ra khỏi bao!” thì nó nhảy ra ngay, nện cho kẻ muốn chơi xấu con một trận nhừ tử. Gậy chỉ ngưng khi nào kẻ kia lăn lộn trên đất kêu van, xin tha tội cho. Cha ạ, nhờ có cái gậy này mà con lấy lại được chiếc bàn thần và con lừa vàng, những thứ mà thằng chủ quán đã đánh tráo của hai anh con. Bây giờ cha cho hai anh con đi mời tất cả bà con thân thuộc lại nhà ta, con sẽ chiêu đãi tất cả một bữa thịnh soạn và biếu mỗi người một túi đầy tiền vàng.

Bác thợ may già không tin lắm nhưng vẫn cho mời bà con thân thuộc lại nhà.

Anh thợ tiện trải khăn ra giữa nhà, dắt lừa vàng vào, rồi bảo anh thứ hai:

– Bây giờ anh bảo nó đi!

Anh xay bột nói: “Bricklebrit!”, tức thì tiền vàng rơi xuống khăn nhiều như mưa đá, cơn mưa vàng ấy chỉ ngưng khi mọi người ai nấy đã đầy túi, không thể nào mang hơn được nữa (Chắc hẳn các bạn cũng muốn có mặt ở đấy?).

Rồi anh thợ tiện đi lấy chiếc bàn thần và nói với người anh cả:

– Bây giờ anh bảo nó đi!

Anh thợ mộc vừa mới mở mồm ra nói: “Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi!” tức thì bàn trải khăn ra, trên bàn bày toàn sơn hào hải vị. Bác thợ may chưa từng được ăn một bữa tiệc nào thịnh soạn như vậy. Họ hàng, bà con thân thuộc ở lại chuyện trò, ăn uống vui vẻ cho mãi tới khuya.

Bác thợ may thu xếp kim chỉ, thước, bàn ủi cất vào trong tủ, cùng ba con trai sống yên vui.

À, thế còn số phận con dê điêu ngoa quái ác – vì nó mà bác thợ đuổi ba con trai đi – thì ra sao?

Tôi xin kể cho các bạn nghe nhé: Dê xấu hổ vì đầu trọc lóc, lẩn trốn vào hang cáo. Khi cáo về tính chui vào hang thì thấy trong bóng tối có hai con mắt to phát sáng chiếu thẳng ra. Cáo sợ quá, chạy trốn luôn. Gấu trông thấy cáo ngơ ngác thì hỏi:

– Anh bạn cáo, làm sao mà mặt xị ra thế?

Cáo đáp:

– Ui chà! Có một con vật hung dữ đến chiếm hang của tôi, nó nhìn tôi chằm chằm bằng hai con mắt nảy lửa.

Gấu nói:

– Để ta tống cổ nó ra cho!

Gấu đi theo cáo tới hang, mới trông thấy hai con mắt đỏ rực như lửa, gấu đã đâm hoảng, không muốn lôi thôi với con vật hung dữ ấy nữa, vội vã chạy đi nơi khác.

Dọc đường, gấu gặp ong, ong thấy gấu rùng mình luôn thì hỏi:

– Bác gấu ơi, bác vốn vui tính lắm cơ mà, sao hôm nay trông bác ỉu xìu thế?

Gấu đáp:

– Ấy, nói thì vẫn dễ! Trong hang bác cáo có một con vật hung dữ có đôi mắt sáng đỏ như lửa. Con quái ấy ngồi lì trong hang, chúng tôi không làm sao đuổi được nó ra.

Ong đáp:

– Nghe bác nói mà tôi thấy thương, bác gấu ạ. Thực ra tôi chỉ là một con vật bé nhỏ mà các bác không thèm để ý đến, nhưng tôi tin rằng tôi có thể giúp hai bác được.

Ong bay ngay vào hang cáo, đậu trên chiếc đầu trọc lóc của dê, chích cho dê một mũi nên thân làm dê giật nảy người lên, nhảy vọt ra khỏi hang và kêu: “Be… be!”. Dê chạy thục mạng. Từ đó chẳng ai biết số phận của nó ra sao nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

79#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:50:40 | Chỉ xem của tác giả
Chàng khổng lồ trẻ tuổi

Xưa có một bác nông dân có đứa con giai nhỏ bằng ngón tay cái, nuôi mấy năm trời mà không lớn lên được chút nào. Một hôm, bố sắp ra đồng cày thì con bảo:

- Bố ơi, bố cho con đi với.

Bố nói:

- Đi với bố à? Thôi con ở nhà. Con chẳng giúp bố được việc gì, nhỡ lạc thì sao.

Thằng bé tí hon khóc. Ông bố đành phải bỏ nó vào túi mang đi cho nó nín. Đến ruộng bố lấy con ra, đặt nó ngồi trên luống đất mới cày.

Bỗng có một người khổng lồ vợt núi bên kia đi lại.

Bố doạ con:

- Kia kìa, ông ngoáo ộp đến bắt mày đấy.

Nghe thấy thế, ông khổng lồ chỉ bước vài bước đã đến luống cày. Ông lấy hai ngón tay khẽ nhấc đứa bé lên, ngắm nhìn một lúc, rồi lẳng lặng mang đi.

Ông bố sợ chẳng dám nói gì, yên chí không bao giờ lại được thấy mặt con.

Ông khổng lồ đem thằng bé về nhà, chăm cho nó bú. Nó lớn bổng lên và có sức lực như người khổng lồ. Hai năm sau, ông khổng lồ đưa nó vào rừng để thử sức. Ông bảo:

- Mày đi kiếm lấy cái que.

Thằng bé bây giờ đã khỏe lắm rồi. nó nhổ một cây non cả rễ. Nhưng ông khổng lồ nghĩ bụng: “Nó cần phải khỏe hơn thế nữa”. Ông lại đem nó về nhà nuôi thêm hai năm. Thử sức lần thứ hai, nó khỏe hơn trước nhiều, nhổ được một cây cổ thụ. Nhưng ông khổng lồ vẫn cha bằng lòng, lại nuôi nó hai năm nữa.

Hai năm sau, ông lại đa nó vào rừng, sai nó lấy một cái que to. Nó nhổ cây sồi to nhất, dễ nh bỡn. Nghe thấy tiếng kêu răng rắc, ông khổng lồ nói:

- Được rồi, mày đã học thành tài.

Ông bèn đem nó về chỗ cánh đồng ông đã bắt nó. Bấy giờ, bố gã thanh niên khổng lồ đang cày. Nó đến bảo bố:

- Thưa bố, bố xem con đã khôn lớn đây này.

Nhưng ông bố hoảng hốt nói:

- Không, anh không phải là con tôi, anh đi đi, tôi không nhận anh đâu.

- Thưa bố, chính con là con của bố, bố để con cày cho, con biết cày, có lẽ con cày còn giỏi hơn cả bố.

Bố đáp:

- Không, không, anh không phải là con tôi, anh không biết cày đâu, anh đi đi.

Ông bố thấy anh ta to lớn đâm sợ, bỏ cày đó, lùi lại đứng sang một bên.

Gã khổng lồ bèn cầm cày ấn mạnh, cày cắm sâu xuống đất. Ông bố thấy cày thế không đúng, kêu lên:

- Muốn cày thì đừng ấn quá như thế, chỉ tổ gãy cày.

Người khổng lồ trẻ tuổi bèn tháo ngựa, tự mình kéo cày và bảo bố:

- Bố về nhà bảo mẹ chuẩn bị cho con một bữa ăn đẫy, để con cày nốt.

Ông bố về nhà bảo nấu ăn.

Còn gã khổng lồ ở lại cày một mình ngót bốn mẫu, tháo cày ra rồi bừa một lúc hai bừa.

Bừa xong, gã vào rừng nhổ hai cây sồi để gánh hai cái bừa và hai con ngựa về, nhẹ nhàng nh gánh rơm. Khi gã vào đến sân, bà mẹ cha nhận ra con, hỏi người nào mà to ghê gớm thế. Ông bố nói:

- Con mình đấy.

Bà mẹ đáp:

- Không phải con mình đâu, nó đâu mà to lớn thế, con mình trước kia chỉ bé tí ti cơ mà.

Rồi bà nói to:

- Anh đi đi, chúng tôi không nhận anh đâu.

Chàng thanh niên không nói không rằng, đi nhốt ngựa vào chuồng, cho ngựa ăn thóc ăn cỏ, chăm sóc chúng chu đáo, rồi vào buồng ngồi và nói:

- Mẹ ơi, con đói lắm rồi, mẹ làm cái ăn sắp xong chưa?

Mẹ đáp:

- Đã xong rồi.

Bà liền dọn ra hai đĩa đầy ắp, giá hai ông bà ăn tám ngày cũng đủ. Thế mà chàng thanh niên ăn hết, và còn hỏi có gì ăn nữa không.

Bà mẹ nói:

- Không, hết cả rồi.

Chàng nói:

- Con ăn mới dính mép, còn phải ăn nữa.

Bà không dám nói gì, chạy xuống bếp nhóm lửa, nấu một nồi thịt lợn cho con ăn.

Con nói:

- Thế là lại được thêm vài miếng nữa.

Chàng ăn tuốt, nhưng vẫn chưa đủ no. Chàng bảo bố: sắm cho con một thanh sắt cứng, để trên đầu gối bẻ không gãy, rồi con đi chu du thiên hạ.

Ông bố thích lắm. Ông sắm hai xe ngựa, đến lò rèn mua một thanh sắt to và dầy, hai con ngựa chỉ vừa đủ sức khéo. Chàng để thanh sắt lên đầu gối bẻ đánh cắc một cái, thanh sắt gãy đôi như que củi, chàng quẳng xuống đất.

Ông bố lại thắng xe tứ mã đi, đem về một thanh sắt rất dài và to, bốn ngựa phải trầy trật mới kéo nổi. Chàng cũng bẻ thanh sắt gẫy đôi, vứt mảnh xuống đất, rồi nói:

- Bố ạ, thanh này con không dùng được, cần thanh khác cứng hơn.

Ông bố lại thắng xe tám ngựa, đem về một thanh sắt to lắm, tám ngựa kéo ì à ì ạch.

Chàng cầm thanh sắt bẻ một mẩu, nói:

- Bố ạ, con biết rằng bố không thể sắm được thanh sắt như ý muốn của con, vậy con không ở nhà nữa.

Nói xong chàng liền ra đi. Chàng đến một làng có bác thợ rèn bủn xỉn không cho ai cái gì bao giờ, suốt đời chỉ bo bo giữ của. Chàng đến xin việc.

Thấy chàng to lớn lực lưỡng, bác thợ rèn nghĩ bụng: “Thằng này cừ đấy, đập hẳn là khoẻ và nuôi cũng bõ tiền”.

Bác hỏi:

- Anh lấy bao nhiêu tiền công?

Chàng đáp:

- Tôi không lấy công đâu. Nhưng cứ mỗi kỳ mười lăm ngày anh em lấy tiền công, thì tôi xin biếu ông hai quả đấm thôi.

Bác hà tiện thấy thế đỡ tốn tiền thích lắm. Sáng hôm sau, bác thợ rèn đưa thanh sắt đỏ ra. Anh thợ bèn đập một nhát búa đầu tiên mạnh đến nỗi thanh sắt bẹp dí, đe thụt sâu xuống, không lôi lên được nữa. Bác hà tiện cáu lên nói:

- Anh đập mạnh quá, không được. Anh mới đánh được một nhát búa, thì anh muốn trả công thế nào?

Chàng nói:

- Chỉ xin biếu ông một cái đấm khẽ thôi.

Thế là chàng đấm cho bác một cái, bay qua bốn xe cỏ. Rồi chàng lấy thanh sắt to nhất trong xưởng làm gậy đi đường.

Đến một trại kia, chàng hỏi có cần nuôi người không.

Chủ trại nói:

- Có, cần một người ở. Anh có sức khỏe, làm được việc. Anh muốn lấy công một năm bao nhiêu?

Chàng đáp lại là không cần tiền công, mỗi năm chỉ cần ông chủ chịu ba quả đấm thôi. Chủ trại cũng là một tay kiệt, lấy làm thích lắm.

Sáng hôm sau, các người ở phải vào rừng kiếm củi. Tất cả đều dậy, trừ chàng khổng lồ vẫn nằm ngủ. Một người gọi chàng:

- Dậy đi mày, chúng tao đi kiếm củi, dậy cùng đi chứ.

Chàng cảu nhảu:

- Thì cứ đi đi, tao đi sau về trước cho mà xem.

Bọn kia chạy đi mách chủ rằng chàng vẫn nằm ngủ lì, không chịu cùng đi vào rừng. Ông chủ sai họ đánh thức chàng một lần nữa và bắt chàng phải buộc ngựa. Nhưng chàng vẫn bảo họ nh trước:

- Thì cứ đi đi, tao đi sau về trước cho mà xem.

Chàng nằm ngủ thêm hai giờ nữa, rồi mới dậy ung dung lấy hai đấu đỗ nấu cháo ăn, xong buộc ngựa đi vào rừng.

Phải đi qua một con đường trũng. Chàng cho xe đi trước, rồi dừng ngựa lộn lại nhổ cây và lấp đường. Đến rừng, chàng thấy những người ở đang đánh xe củi chở về. Chàng bảo họ:

- Cứ việc đi đi, rồi tao về trước cho mà xem.

Chàng đi vài bước nhổ hai cây to nhất ném lên xe rồi quay về. Đến chỗ đường mới lấp, chàng thấy những người kia bị nghẽn, không đi được – Chàng bảo họ:

- Đấy nhé, nếu chúng mày cứ bắt chớc tao, thì rồi cũng đến cùng về, mà lại ngủ được thêm một giấc nữa.

Chàng thấy ngựa không đi được, bén tháo ngựa ra, để lên xe, rồi dùng một tay nắm càng xe kéo phăng qua nhẹ nh bấc. Sang được bên kia rồi, chàng bảo chúng:

- Thấy chưa, tao thoát trước chúng mày nhé.

Chàng đi về trước, mặc kệ mọi người ở đó. Về đến nhà, chàng cầm lấy một cây, giơ cho chủ xem và nói:

- Ông xem thanh củi này có đẹp không?

Chủ trại bảo vợ:

- Thằng này khá, nó dậy tra, mà lại về trước những thằng kia.

Chàng ở trại được một năm. Bọn đi ở được lĩnh tiền công, chàng cũng đòi lĩnh. Ông chủ sợ phải ăn những quả đấm của chàng, cố xin hoãn, muốn gạ cùng chàng thay bậc đổi ngôi, thầy xuống làm tớ, tớ lên làm thầy. Nhưng chàng nói:

- Không, tôi là người ở, tôi cứ giữ địa vị người ở. Đã giao ước thế nào thì phải theo đúng nh thế.

Chủ trại hứa chàng xin gì cũng cho, nhưng chàng khăng khăng chẳng chịu. Không biết làm thế nào, ông xin để cho nghĩ mười bốn ngày. Chàng bằng lòng. Chủ trại bèn họp tất cả gia nhân lại để xem có ai tìm ra kế gì không. Họ suy nghĩ mãi rồi đồng thanh nói: “Đụng vào thằng ấy thì toi mạng dễ như bỡn.

Nó đập chết người ta nh đập ruồi”. Họ bàn nên giả vờ bảo chàng xuống nạo giếng, khi chàng đã ở dưới đáy giếng thì ở trên lăn đá cối xay xuống cho vỡ đầu ra.

Chủ trại cho là kế hay. Chàng khổng lồ bằng lòng xuống giếng. Khi chàng ở đáy giếng, thì ở trên họ lăn đá cối xay to nhất xuống, tưởng thế nào chàng cũng vỡ đầu. Nhưng không, từ dưới, chàng gọi lên:

- Này, ở trên ấy đuổi gà hộ, kẻo nó bới cát rơi xuống bụi vào mắt tớ.

- Ông chủ giả vờ đuổi gà: – “S…S…S…S…”

Nạo giếng xong, chàng lên bờ, nói:

- Trông này, cổ tôi đeo vòng đẹp chưa?

Đó là cái thớt cối đá to choàng vào cổ chàng.

Chàng lại đòi tiền công. Nhưng chủ lại xin khất mười bốn ngày nữa để nghĩ.

Gia nhân tới họp xin chủ sai chàng đến xay bột ban đêm ở nhà xay có ma. Ai đến đấy cũng chết. Chủ cho là kế hay, gọi chàng đến. Buổi tối ông sai chàng đem tám thùng lúa mì đến cối xay ngay đêm đó, nói là vì cần đến bột.

Chàng nhét hai thùng vào túi áo bên phải, hai thùng vào túi áo bên trái, bốn thùng vào bao, hai đằng trước ngực, hai đằng sau lưng, rồi đi đến nhà xay có ma. Chủ nhà xay bảo cho chàng biết rằng đến xưay ban ngày thì không việc gì, chứ đến xay ban đêm thì thế nào hôm sau cũng chết vì nhà có ma. Chàng đáp:

- Cháu nhất định cháu có cách thoát. Ông cứ đi nằm mà ngủ cho kỹ.

Rồi chàng vào nhà xay lúa mì. Vào khoảng gần nửa đêm, chàng vào ngồi trong buồng chủ xay. Lát sau, cửa tự nhiên mở. Một cái bàn lớn đi vào. Rượu nho, thịt quay và nhiều món ăn ngon tự nhiên nhảy lên bàn. Ghế tự động kê xích lại. Chẳng có một ai đến. Chỉ thấy những ngón tay lấy đồ ăn vào đĩa, cầm dĩa và dao, không thấy gì khác nữa. Chàng đói bụng, lại thấy đồ ăn ngon, ngồi vào bàn, ăn thả cửa.

Khi chàng ăn đã no nê và những người khác đã vét sạch đĩa của họ, thì có tiếng thổi nến đánh phụt một cái. Trong đêm tối, hình như có ai vả vào mặt chàng, Chàng nghĩ bụng: “Nếu còn tát ta cái nữa, ta sẽ nện lại”. Bị tát cái thứ hai, chàng đánh lại ngay. Suốt đêm hai bên đánh nhau, mãi đến tang tảng sáng mới thôi.

Sáng dậy, ông chủ nhà xưay chạy đến xem chàng ra sao, thì ngạc nhiên thấy chàng vẫn còn sống. Chàng bảo ông:

- Cháu đã được ăn sướng mồm, cháu bị tát nhưng cháu cũng tát lại ra trò.

Ông chủ nhà lấy làm lạ lắm vì nhà xay như vậy là mất thiêng. Ông hỏi chàng muốn lấy bao nhiêu tiền ông thưởng cho. Chàng đáp rằng chàng có đủ tiền tiêu, không muốn lấy. Chàng vác những bao bột về trại, báo với chủ công việc đã làm xong và xin tiền công.

Nghe nói, chủ trại hoảng hồn. Không biết làm thế nào, ông lên buồng, đi đi lại lại, toát mồ hôi trán. Ông mở cửa sổ cho thoáng, thì bất ngờ bị chàng ở khổng lồ đá cho một cái, ông bay qua cửa sổ tít lên trời. Chàng khổng lồ lại bảo bà chủ trại:

- Nếu ông không trở lại thì bà phải chịu cái đá khác.

Bà chủ kêu om lên:

- Không, không, tôi không chịu nổi đâu.

Chàng liền đá cho bà một cái, bay lên cao hơn ông vì bà nhẹ hơn.

Ông réo gọi bà:

- Bà mày lại đây.

Nhưng bà đáp:

- Ông lại đây, chứ tôi không thể lại được.

Hai ông bà cứ lơ lửng trên không, không thể nào lại gần nhau được cho đến bây giờ, không biết họ có còn bay lơ lửng nữa không. Còn chàng khổng lồ lại cầm gậy sắt lên đường.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

80#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 09:52:14 | Chỉ xem của tác giả
Bảy người dân xứ Schwaben

Ngày xửa ngày xưa có bảy người Schwaben sống chung với nhau. Người thứ nhất tên là Schulz, người thứ hai là Jackli, người thứ ba là Marli, người thứ tư là Jergli, người thứ năm là Michal, người thứ sáu là Hans, người thứ bảy là Veitli. Bảy người dự định đi chu du thiên hạ, tìm thú vui trong phiêu lưu mạo hiểm, lập những kỳ tích to lớn. Để cho vững tâm, họ cũng muốn có khí giới nắm trong tay, nên họ thuê thợ rèn làm cho mây giáo thật dài, chắc chắn, nhưng chỉ làm một cây duy nhất ấy thôi.

Cả bảy người cùng nắm giữ cây giáo. Đi đầu là người táo tợn nhất, cường tráng, dáng nam nhi nhất đoàn, tất nhiên là anh Schulz rồi. Và họ đứng nối đuôi nhau theo thứ tự ấy, người đứng cuối hàng là Veitli.

Chuyện xảy ra như sau: Một hôm, giữa mùa cỏ khô, khi cả bọn đã đi được một thôi đường dài, chỉ còn một quãng ngắn nữa là tới làng – nơi họ định trú đêm, thì trên đồng cỏ bỗng có một con gì đó (có thể là một con bọ hung lớn hoặc một con ong bầu) bay phía sau đám lau sậy, tiếng đập cánh nghe rất đáng nghi ngại. Schulz giật bắn mình, sợ đến nỗi mồ hôi mồ kê túa ra như tắm, tí nữa thì đánh rơi cả giáo xuống đất.

Anh ta gọi đồng đội:

– Lắng nghe! Lắng nghe coi! Trời ơi, rõ ràng tôi nghe có tiếng trống trận!

Jackli đứng ngay cạnh, chẳng hiểu ngửi thấy mùi gì, cũng la tướng lên.

– Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, nhất định có chuyện, tôi ngửi thấy mùi thuốc súng và ngòi nổ.

Nghe tiếng hô hoán ấy, Schulz bỏ giáo bổ nhào đâm đầu chạy, thoắt một cái chàng ta đã nhảy được qua hàng rào, chân giẫm phải răng chiếc cào mà người làm cỏ để nằm sát bờ rào, cán cào bật lên, giáng cho chàng ta một cái nên thân vào giữa mặt. Schulz kêu la ầm ĩ:

– Ối đau quá! Ối đau quá! Cứ việc bắt tôi làm tù binh, tôi xin hàng rồi!

Sáu người kia, mạnh ai nấy chạy, xô chồng lên cả nhau, rồi la hét:

– Cậu đã hàng thì tớ cũng hàng! Cậu đã hàng thì tớ cũng hàng!

Đợi mãi chẳng thấy kẻ thù nào tới trói dẫn đi. Lúc bấy giờ cả bọn mới biết là do mình quá hoảng hốt, thần hồn nát thần tính đó thôi. Để mọi người không biết chuyện này, khỏi phải bị mỉa mai, chế giễu, bảy người thề với nhau quyết giữ mồm giữ miệng, không nhắc tới chuyện ấy nữa, trừ khi có người nào nhỡ mồm nói ra.

Sau đó họ lại tiếp tục đi. Cơn nguy hiểm thứ hai mà họ trải qua không thể đem so sánh với nỗi nguy hiểm lần thứ nhất được. Sau mấy ngày đi, giờ họ đang qua một cánh đồng hoang. Họ thấy một con thỏ ngủ ngồi dưới nắng, hai tai vểnh cao, đôi mắt to và trong suốt mở trừng trừng như nhìn ai. Cả bọn nghĩ, có lẽ đó là một giống thú rừng dữ tợn, liền bàn với nhau làm thế nào tránh được hiểm họa này. Họ muốn co cẳng chạy nhưng lại sợ con quái kia đuổi theo, nuốt chửng cả bọn. Họ nói với nhau:

– Chúng ta đành phải giao chiến với con quái vật này một trận thật ác liệt. Dám liều đánh là đã thắng một nửa rồi đấy.

Bảy người cùng nắm chắc cây giáo. Schulz đứng đầu, đứng cuối hàng là Veitli. Trong lúc Schulz ở hàng đầu còn muốn nắm chắc ngọn giáo thủ thế thì Veitli ở cuối hàng đã tỏ ra dũng cảm, tính đánh luôn, gã thét.

Xông tới, đâm đi, hãy vì danh dự người Schwaben,

Không tôi chúc các anh què liệt bây giờ.

Nhưng Hans hiểu rất rõ tâm địa Veitli và nói:

Trong đám đông thì anh tán,

Lúc đánh rồng anh chỉ dám đứng cuối thôi.

Michal cũng hét:

Một sợi tóc cũng chẳng còn,

Đúng con quỷ đó, chứ còn ai!

Rồi đến lượt Jackli nói:

Không phải, chính nó hay sao.

Hay là mẹ nó, hay người anh em?

Marli chợt nảy ra một ý hay. Gã nói với Veitli:

Lên đi, Veitli, lên đi

Tôi xin ủng hộ, đứng sau anh mà!

Nhưng Veitli không nghe. Jackli nói:

Đi đầu phải là anh Schulz,

Vinh quang phú quý, anh hùng, chính anh!

Lúc đó Schulz cố trấn tĩnh, trịnh trọng tuyên bố:

Nào ta can đảm xông lên,

Trên tài hảo hán, xứng tên anh hùng!

Bảy người xông thẳng vào con quái. Schulz run lẩy bẩy tay làm dấu, mồm cầu trời phù hộ, nhưng thấy cũng chẳng ích lợi gì mà mình thì mỗi lúc lại gần kẻ thù hơn trước. Sợ quá, chàng thét lớn:

– Chạy! Chạy mau thôi! Trời ơi, chạy mau thôi!

Tiếng la hét làm thỏ giật mình tỉnh giấc, vụt chạy băng đồng. Sun nhìn thấy kẻ thù chạy trốn, mừng rỡ kêu lên:

Thật nhanh như chớp, Veitli

Có biết con đó tên gì hay không?

Co giò rút chạy băng đồng

Chính danh thỏ đế, mình không thể ngờ!

Tuy vậy, bảy người Schwaben vẫn thích phiêu lưu mạo hiểm. Họ tới bên bờ sông Moden[1], nước lặng và sâu, đầy rong rêu, có một vài cái cầu bắc qua sông, nhiều chỗ người ta còn dùng thuyền để qua. Vì cả bảy người đều không biết chuyện đó, họ gọi với sang bên kia sông hỏi một người đang cắm cúi làm đồng, cách sang sông. Người này, phần vì không biết tiếng Schwaben, phần vì cách xa quá nên không hiểu bảy người kia muốn nói gì.

Nên hỏi lại bằng tiếng Trier [2]:

– Hỏi c…ái gì? H…ỏi c…ái gì?

Nghe không rõ, Schulz cứ tưởng người ta nói:

– L…ội đi. L…ội mà sang!

Schulz là người đi đầu, nghe vậy, cứ xăm xăm xuống sông Moden. Chỉ được một vài bước đã bị thụt xuống bùn, chìm nghỉm dưới làn nước xoáy sâu, mũ của chàng bị gió thổi tạt sang bờ bên kia. Có một con ếch nhảy lên chóp mũ ngồi, rồi kêu:

– L…ội, l…ội, l…ội đi.

Sáu người còn lại nghe tiếng kêu từ phía bên kia vọng lại, họ bảo nhau:

– Anh bạn đường của chúng ta, anh Schulz đấy, anh ta gọi chúng ta đấy. Anh ta lội sang được, tại sao chúng ta lại không lội được nhỉ?

Cả sáu người nhảy ùa xuống sông và bị chết đuối. Thành thử chỉ vì một con ếch mà chết sáu mạng người. Cả đoàn Schwaben ấy không có một ai sống sót trở về.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách