Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: MinhHạ
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại] Đảo Tường Vy | An Ni Bảo Bối (Hết)

[Lấy địa chỉ]
11#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:21:21 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương III - Đảo Tường Vy


Tháng sáu khi viết cuốn sách này, tôi có mấy đêm liên tục mất ngủ.

Cái kiểu mất ngủ đó thật đáng sợ. Trong gần mười hai tiếng đồng hồ luôn rơi vào tình trạng vô cùng tỉnh táo, không tài nào chợp mắt được.

Từ 7 giờ 10 phút tối tới 2 giờ 43 phút liên tục làm việc. Mắt khô và đau nhức do nhìn màn hình quá lâu. Tắt máy tính. Mở tủ lạnh trong bếp, lục nước đào mua từ siêu thị. Cún Ngoan bị tôi đánh thức, cũng chạy vào bếp ngó nghiêng. Ngồi ăn bên chiếc bàn ăn bằng gỗ. Ngắm tấm rèm vải sọc xanh nhỏ trong phòng ngủ đang phần phật bay. Gió lớn mát mẻ ùa vào phòng từng đám.

Ở Bắc Kinh, một năm chuyển nhà ba lần. Lần gần đây nhất chuyển tới một khu chung cư gần thôn Á Vận Hội.

Một khu dân cư rất yên tĩnh. Tường gạch đỏ, chung cư cũ cổ kính. Có khuôn viên lớn nhiều hoa và cây xanh. Thảm cỏ dày đủ cho lũ chó và tụi con nít đùa giỡn. Dây hoè tạo thành một hành lang xanh rợp bóng, ánh nắng cố lách qua đám lá mơn mởn. Thạch lựu, đào, táo, cả những cây không biết tên nở những chùm hoa vàng bé xíu. Cây nào cây nấy đều ưỡn ngực khoẻ khoắn. Luôn có các cụ già trên những chiếc ghế nhỏ dưới gốc cây, ngồi tước đậu hoặc hóng gió.

Giặt xong vỏ chăn cũng có thể mang ra đây phơi. Ánh nắng rải hương thơm lên chăn. Phảng phất như quay về những ngày thơ ấu trong khu nhà cũ. Mọi thứ sao trở nên thân thiết đến vậy.

Căn phòng trọ có sàn gỗ sạch sẽ và căn bếp nhỏ ốp gạch hoa. Chỉ cần đẩy cửa sổ ra đã có thể ngửi thấy hương thơm của tường vy và lá cây trong gió.
Trong vườn trồng rất nhiều tường vy.

Từng chùm hoa li ti màu đỏ, màu phấn trắng. Mỗi cây có thể ra gần năm chục bông. Nó làm tôi nhớ lại bờ tường trong khu nhà cũ ở quê, cứ vừa đến hè đã trổ ra từng khóm hoa. Có người trồng cả cây hoa hồng nữa. Cành cây mập mạp, từng bông nở ra to bằng cái bát. Đám hoa này nở xoè rực rỡ, hết đợt này tới đợt khác. Như một vở trình diễn đồ sộ.

Tìm ra căn phòng này để sáng tác. Việc duy nhất không thay đổi trong cuộc sống chỉ là viết văn.

Có lúc viết liên tục mười tiếng đồng hồ. Cũng có khi chỉ viết được năm phút đã tắt máy tính, ra khỏi cửa.

Những lần tôi đi ra khỏi nhà phần lớn đều không mục đích. Cứ một mình lang thang trên phố, không trò chuyện, cũng không làm việc gì. Đặt mình trong đám đông nhưng không hề có quan hệ với họ. Tôi thích cái trạng thái chuyển động nhưng xa cách. Những nơi công cộng như chặng đường du lịch, quán bar, nhà ga, xe khách đường dài, phòng chờ, giường nằm trên xe lửa... đều có thể giúp tôi thấy thoải mái. Nhưng chỉ cần xuất hiện ở các nơi tiếp đãi như tiệc tùng, tôi sẽ mụ mẫm và mất hết thần sắc.

Cuộc sống như vậy, tôi đã trải qua rất lâu.

Rất thích căn bếp nhỏ sạch sẽ ốp gạhc đầy hoa li ti, phòng khá dài, nhiều cửa sổ. Thường ngồi bên chiếc bàn gỗ nhỏ đọc sách trong lúc hầm canh hoặc xào nấu thức ăn. Đặt luôn cuốn ngữ pháp tiếng Anh ở đó, tiện tay lật vài trang ôn tập. Còn có sách của Xuân Thụ. "Con voi mất tích". Đó là một cuốn truyện ngán mà cô ưa thích nhất trong số sách đã có. Vì nhà ở hướng Tây nên lúc hoàng hôn, cả căn bếp ngập tràn ánh mặt trời rực rỡ.

Trên tủ lạnh đặt một chậu xương rồng, và một cái radio nhỏ cũ kỹ của một người bạn vứt đi không dùng. Thường ngày không dò nghe bất kỳ tiết mục phát thanh nào, không thích có người tạo nên những ngôn từ mạnh mẽ. Vả lại phần lớn đám người dẫn chương trình đều có kiến thức rất mỏng. Nhưng lúc rửa rau có thể bật kênh nhạc, nghe vài ca khúc êm tai. Âm thanh có phần lạc điệu, nhưng vẫn có thể nghe rõ ca từ và tiết tấu, hiếm hoi cũng hứng lên ca theo vài câu. Nó khiến tôi nhớ lại thời niên thiếu. Thập niên 80 nở rộ những ca khúc thịnh hành. Tôi kéo dài chiếc ăng ten của đài, gác lên cái lọ mật ong cắm đầy hoa khô.

Lúc hơn 2 giờ sáng, ngồi trong bếp ăn bánh ngọt. Làm một tách trà nóng, cho cả hoa lài và hoa hồng vào. Khoảng lặng lúc đó khiến người ta thật vui sướng.

Ăn xong, tiếp tục tìm thêm một số việc để làm. Cơn thèm ngủ đã hoàn toàn rời bỏ tôi. Tôi rất rõ điều đó.

Nhưng tôi không muốn gọi điện thoại cho người khác. Không có mong muốn tâm sự, cũng không tìm ra nổi người có thể gọi điện. Đã rất lâu rồi, tôi không gọi điện cho ai, ngoại trừ biên tập viên và nhà xuất bản vì công việc. Có độc giả tìm được số điện thoại của tôi qua người khác, rồi thử gọi cho tôi lúc canh khuya. Họ luôn làm tôi khó xử. Một mặt, tôi không muốn làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Họ đều rất trẻ, cũng không có ác ý. Mặt khác, tôi thực sự không biết nói gì với họ, một câu cũng không có. Cũng không muốn giả tạo.

Cuối cùng những cú điện thoại đó cũng thưa dần. Nhưng tôi đã bắt đầu tắt phụt những cú gọi mang số lạ. Có lúc điện thoại réo hết lần này tới lần khác, chẳng thèm nghe. Suốt một thời gian, tôi mắc chứng bệnh sợ điện thoại, luôn có cảm giác bất ổn mãnh liệt đối với việc gọi điện thoại.

Cứ như vậy có một thời kỳ rất dài, tôi chẳng trò chuyện. Có thể nói rằng tôi đã mất đi âm thanh. Như cô gái trong "Tạm biệt thời gian", những lời tâm tình của cô ấy đều chỉ thốt lên trong lòng. Dù cho một cô gái khác đang ở rất gần cô, dù cho họ yêu nhau cũng không thể tâm sự. Sự cô độc của con người. Chính là như vậy.

Tôi còn nhớ một số chuyện. Chẳng hạn như hồi nhỏ, ngủ cùng bạn thân. Hồi đó chúng thích nhất là thay phiên đến ngủ ở nhà nhau. Tâm sự suốt đêm, kể lể đủ mọi đề tài. Mãi đến khi bố mẹ phải tới gõ cửa để bắt im miệng. Còn nhớ mấy năm trước từng yêu một chàng trai ở thành phố khác. Chúng tôi thường nấu cháo điện thoại giảm giá lúc canh khuya. Mỗi lần gọi mất bốn tiếng đồng hồ. Sao lại có nhiều lời để nói đến vậy. Sao lại thế nhỉ? Với một người đàn ông. Giọng nói trong điện thoại, gợi cảm tới mức có cảm giác tiếp xúc da thịt.

Những chi tiết này giờ nghĩ lại phảng phất như chuyện xảy ra từ rất lâu, rất lâu rồi. Mọi thứ đã trôi qua.

Tôi kê một cái bàn gỗ to dài hai mét trong một căn phòng. Trên bàn vẫn còn vân gỗ thơm mới. Có đánh một lượt véc ni, sờ lên bóng loáng, chỉ hơi có cảm giác thô mịch. Một cái bàn đọc sách lớn bằng gỗ luôn là nguyện vọng của tôi. Có thể đặt máy tính lên đó cùng máy CD, loa, đèn bàn bằng sắt uốn có chụp vải màu đỏ rượu, rất nhiều khung ảnh gỗ, từng đống CD xếp chồng chất, sách và vở ghi chép. Có cả bút máy, thước, bút lông, tẩy, trà, gạt tàn, nước hoa, đế cắm nến, lư hương, đĩa sứ đựng hoa quả... Đủ mọi thứ thập cẩm. Còn cả hoa lan và xương rồng nữa.

Trên tường treo mấy tấm tranh khung gỗ. Về thực vật. Nét vẽ thô vụng, màu sắc loè loẹt. Bên dưới ghi mấy dòng tiếng Anh, như một đoạn bút ký, ghi rõ nơi sinh trưởng và đặc tính của loài thực vật đó. Tôi sưu tầm tất cả những thứ mà mình thích, đặt hết ở đây.

Sách trên giá đã chật kín. Đành để cả xuống sàn. Trên tấm sa lông đệm bông mua ở IKEA phủ một tấm vải trắng thêu hoa. Lẽ ra dùng để phủ bàn, nhưng phủ lên ghế nom cũng đẹp như nhau. Nét thêu tinh xảo. Loại vải này xuất khẩu sang tận châu Âu, tôi tìm được ở chợ, chỉ tốn hai mươi đồng.
Tôi luôn hứng thú với nhà cửa. Tôi sẽ mua một chiếc tủ quần áo bằng gỗ hồ đào đắt tiền chỉ vì thích cái màu nâu tối giả cổ và cái móc kéo bằng đồng cổ kính của nó. Cũng rất thích tới tiệm vải chọn vải hạ giá, những bông hoa vụn màu vàng trên nền đỏ sẫm, những sọc ca rô màu phớt đỏ, những cánh hoa và lá cây rụng lả tả trên nền phông xanh... Giặt sạch vải, phơi cho thấm hương thơm của mặt trời, rồi là phẳng, phủ lên bàn. Cũng không đến nỗi.
Một lần đi siêu thị, vô tình nhìn thấy bát Nhật Bản hạ giá, trên nền lá vàng rơi là từng đoá hoa lài trắng tinh khiết và từng chùm quả. Phía ngoài bát màu xanh lam, có đường vân chìm. Đẹp không chịu được. Đã hạ giá rồi nhưng vẫn rất đắt. Chỉ dám mua hai cái. Chỉ dùng để uống canh. Có lúc nấu cháo sen, soup đậu xanh hoặc chè khoai lang. Hầm xong, đồ ăn trở nên thi vị hơn.

Ông chủ nhà tới lấy đồ, nhìn căn phòng, cười mà hỏi rằng, Cô làm thế nào mà nhiều đồ thế nhỉ? Ông đâu có biết, người con gái xa lạ từ Thượng Hải chuyển tới Bắc Kinh, thà vứt lại tất cả đồ dùng gia đình và đồ điện. Trong chiếc va ly nặng trịch chỉ chứa đầy những đồ cũ kỹ. Không có vật gì đáng giá. Nhưng cũng không nỡ vứt đi. Vì đã mất công tìm kiếm như vậy, nên giữ ở bên mình.

Tôi biết. Có lúc chỉ vì cô đơn mà thôi.

Ngồi trên sa lông, phủ chân bằng tấm khăn choàng lông cừu rất thịnh hành của Nga. Không khí mát lạnh, gió lớn ùa vào. Cún Ngoan lại bắt đầu ngủ. Nó xoè hết tứ chi, nom như một em bé. Tôi đọc Kinh Thánh, tiện tay lật một trang, rồi đọc. Lật xem những tấm hình cũ trong album. Lại vùi đầu vào đống gấu bông trên sa lông, nhắm mắt lại.

Lúc tôi sắp quay về Bắc Kinh, mẹ nói, Con cầu có một cái nhà, sinh con đẻ cái. Mẹ lo ngại tôi đơn độc nơi đất khách quê người, khốn khó, yếu đuối. Tôi cười, không cãi. Chúng ta cần phải có nguyện vọng cả đời đối với một người, khó khăn biết bao. Đàn ông ích kỷ quá nhiều, đàn ông ấm áp quá ít. Chúng ta không thể tìm được sự an toàn vĩnh hằng trong quan hệ với con người, từ lâu đã vậy. Thậm chí cả chuyện tình cảm trong giới nghệ sĩ cũng khỏi cần nói tới. Đó là lạc thú thời thanh xuân, không phải là cách nói của người trưởng thành. Trong khoảnh khắc đó, mới biết được lòng mình đã mệt mỏi tới đâu. Chỉ muốn yên tĩnh.

Trên bãi biển trong xanh ở Việt Nam, từng nhìn thấy mấy hòn đảo xanh rờn. San sát nhau, tuyệt đẹp. Những hòn đảo này không có đường ra, cũng không thể chèo tới được. Gia đình của chúng ta là một hòn đảo. Linh hồn của chúng ta trong thành phố cuối cùng cũng là một hòn đảo. Cô độc như vậy. Rực rỡ và mệt mỏi.

Người đàn ông ấm áp và yên tĩnh, căn phòng sạch sẽ, có một chú chó con, có tấm rèm cửa sổ được gió thổi bay với cái ban công rợp mát bởi cây xanh. Như vậy, khi mất ngủ hoặc có thể ôm choàng lấy nhau. Và chúng ta có thể tạo thành nhóm. Nhưng đối với con người này, tôi đã không còn tí tưởng tượng nào.

Anh là không khí trong suốt. Ở đó nhưng dường như lại không ở. Đối với cuộc sống của tôi, ý nghĩa của anh chỉ như vậy mà thôi. Chỉ là đảo tường vy trong ảo giác.

Tôi không nói với mẹ rằng chỉ có những người đàn bà và đàn ông kinh tế không độc lập hoặc khiếp sợ cô đơn mới có ý nghĩa lấy hôn nhân để thay đổi cuộc sống, giành lấy an toàn. Nhưng đối với tôi, đó không phải là điều quan trọng nhất. Tôi sống rất tốt vì biết mình muốn gì. Tôi yêu cuộc sống như biển cả. Có sóng lớn, có khoảng lặng nhưng rốt cuộc luôn luôn thay đổi. Nỗi cô đơn của biển không thể thốt nổi thành lời.

Rất nhiều người từng yêu chúng ta. Chúng ta rời bỏ họ. Đó là cái giá chúng ta phải trả. Nghĩ ra cũng là cam tâm tình nguyện. Không ai có thể cùng một lúc chiếm được cả tự do và an toàn trong cuộc sống. Đó là điều không thể.

Lúc bốn giờ sáng, bầy quạ trong vườn bắt đầu rộ tiếng. Những âm thanh mỏng mảnh cứ nhấp nhô. Bầu trời như giăng một lớp màn xanh xám u buồn, rồi dần dần sáng rõ. Lúc đó rất giống như khi đi du lịch, dậy sớm để kịp ra xe, vẫn ngà ngật buồn ngủ, nghe thấy tiếng mọi người trò chuyện bên cạnh mà cứ ngỡ trong mơ. Nhưng cuộc hành trình một ngày mới đã mở ra trước mắt.

Bước ra ban công nhìn xuống khu vườn tĩnh mịch bên dưới. Trên con đường nhựa xa xa có tiếng xe hơi vọng lại. Thành phố bắt đầu thức giấc. Trong đám cây, một chú cún trắng chậm rãi đi tới. Không biết chó của nhà ai. Đi dạo sớm như vậy. Cún Ngoan khẽ khàng bước tới bên tôi, quỳ xuống bên cạnh. Cún cũng vừa dậy.

Trong thời gian khoảng bốn mươi phút, màu trời luôn biến đổi, như thể một cái đồ đựng phủ vải xanh. Tấm vải cứ bị bóc ra từng tí một, mãi cho tới khi sắc trời hoàn toàn sáng hẳn. Nhưng chân trời đã có màu hoa hồng đỏ mà mặt trời vẫn chưa chịu ló ra.

Lại là một ngày hè oi bức.

Trời sáng rồi. Tôi cũng phải đi ngủ thôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:22:41 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương IV - Hoa Dành Dành


Tôi ở Thượng Hải, đón mẹ tới Bắc Kinh sống chung. Mẹ dẫn theo đứa em trai mười chín tuổi của tôi vừa nghỉ hè. Đó là hai người quan trọng nhất, là những gì còn sót lại trong cuộc đời tôi sau khi bố đi xa.

Buổi chiều nóng nực. Chiếc xe khách đường dài mẹ đi vừa tới bến. Mẹ mặc một chiếc quần vải mềm mại in những bông hoa li ti, chiếc áo ngắn tay có móc trắng. Bên cạnh một đống hành lý. Em trai ca cẩm, Mua lắm đồ biển khô thế không biết, sợ chị ở Bắc Kinh không có mà ăn. Còn mang bao nhiêu đồ ăn vặt nữa chứ, cứ như đi du xuân vậy. Mẹ đứng bên, cười rất tươi.

Khi băng qua con đường xe cộ tuôn như thác chảy, tôi nắm chặt tay mẹ. Bàn tay mẹ ấm mềm và thô ráp, trên ngón tay vẫn đeo vài chiếc nhẫn. Hồi trẻ, mẹ vẫn thích áo dài Thượng Hải và đồ trang sức. Năm 50 tuổi vẫn thế. Mua vé tàu giường mềm lúc sáu giờ tối. Sau khi bố tôi qua đời, cơ thể mẹ bắt đần bất an, mất ngủ, chóng mặt, nước mắt chảy quá nhiều, đọc sách bắt đầu phải đeo kính và sợ ngồi máy bay.

Hồi nhỏ, mẹ thường một mình dắt tôi đi xem phim ngoài rạp. Mẹ luôn yên tĩnh. Mẹ từng là cô gái có kiến thức phong phú. Hàm răng sáng tươi tắn, mớ tóc đen dày, vẻ cứng cỏi gần như tàn nhẫn. Những thứ đó sau này mẹ đều dành cho tôi. Tình cảm giữa bố và mẹ luôn nhàn nhạt. H ọ giống như đa số các cặp vợ chồng Trung Quốc khác, cùng sống chung gần ba mươi năm trong trách nhiệm và thói quen dựa dẫm vào nhau. Mẹ tôi của ba mươi năm sau, khi bắt đầu chớm già, đột nhiên thấy cô độc.

Có lúc, mẹ thấy bố con vẫn còn sống. Không thể tin được ông ấy vứt mẹ lại như vậy. Mẹ khẽ nói. Tôi gật đầu. Trong đêm khuya một mình, mẹ nằm trong căn phòng trống trải đầy ắp hồi ức, luôn nghe thấy tiếng bố dùng chìa khoá mở cửa. Rất nhiều chuyện cũ chỉ thuộc về một mình mẹ. Những người bên cạnh có thể bầu bạn, nhưng không thể tìm được bất kỳ sự an ủi nào.

Tôi có thể cảm nhận được nỗi cô độc đó. Nhưng không thể làm gì cho mẹ.

Toa nằm rất sạch sẽ. Gia đình ba người chiếm gần hết giường. Mẹ tiện tay mang theo một đoá hoa dành dành màu trắng tinh khiết trong túi nhỏ, lá xanh mướt. Đó là loài hoa mà mẹ thích nhất. Nở rộ khi vào hè, có mùi thơm nồng u buồn. Trong vườn nhà bà ngoại ở quê có một gốc cây dành dành rất lớn. Mẹ súc sạch một cái chai nước khoáng, kêu tôi đi lấy nước, cắm hoa vào. Cánh hoa hơi úa vàng nhưng mùi thơm vẫn ngập tràn gian tàu chật hẹp.

Trong màn đêm trên chuyến tàu lắc lư, mẹ ngủ rất say. Em trai ở giường trên bật ti vi, đeo tai nghe lên xem phim. Tôi tựa vào gối nghe tiếng mẹ thở. Đó là thời khắc đoàn tụ rất hiếm hoi của cả nhà. Duy nhất chỉ thiếu mỗi bố. Lòng ấm áp nhưng lặng lẽ.

Trong bóng đêm, hoa dành dành vẫn toả hương thơm ngát.

Mười sáu năm trước, mẹ đã từng tới Bắc Kinh. Lần này tới làm khách nhà con gái. Tôi đưa mẹ đi thăm Cố Cung, chụp ảnh cho mẹ. Nhìn mẹ qua ống kính, thấy những nét thanh tú đã có phần tiều tuỵ trên gương mặt mẹ. Cái dáng mẹ đứng, thân hình đã có phần cứng. Tôi đứng sau máy ảnh, mắt ngấn lệ nóng hổi.

Không thể giải thích nổi cảm giác đó. Phảng phất như mỗi thời khắc đều bị đẩy lùi. Giống như bố đứng ở sân bay chờ tôi đáp chuyến bay trễ. Tôi xách túi ra khỏi cửa, nhìn thấy nụ cười của bố. Những hồi ức như vậy khiến người ta lạnh giá với tất cả chuyện thế gian. Vì những gì tốt đẹp nhất đã trôi qua.
Chúng tôi lại ngồi ở quảng trường xem lũ trẻ thả diều. Bầu trời nhuốm ráng vàng. Tôi khoác tay qua vai mẹ, đôi lúc khẽ vuốt ve. Mẹ cứ cười lặng lẽ, nhưng tôi biết có tôi và con trai bên cạnh, mẹ rất vui. Mẹ từng nói với tôi, Cứ nhớ tới bố, lòng mẹ lại đau nhói. Tôi không muốn kể cho mẹ về những đêm mất ngủ, nhớ tới gương mặt bố, ra nhà vệ sinh rửa mặt, lúc soi gương, nước mắt đầm đìa.

Tôi cứ luôn nghĩ, làm thế nào mới có thể đạt được hơi ấm vĩnh hằng. Thế là tôi bắt đầu khát khao có một đứa con. Từ sau khi bố đi, đêm khuya ngủ cùng mẹ trên chiếc giường lớn trong căn hộ ở Bắc Kinh. Ngắm thân hình đã bắt đầu mập lên của mẹ. Hồi trẻ, mẹ đã từng mảnh mai, rắn chắc. Thân hình đẹp đẽ đó đã sản sinh ra hai sinh mệnh. Đó là thứ tình cảm không sợ phải trả giả.

Mỗi phụ nữ đều làm như vậy. Đó là niềm hạnh phúc và nỗi đau khổ mà họ cùng chung hưởng. Và tôi cũng chung nỗi khát khao đó.

Thế gian cứ tĩnh lặng và dửng dưng như thế. Nhưng chúng ta cần phải giành được tình yêu sâu sắc.

Đưa mẹ tới điện Hải Đường làm lễ cầu thọ. Mẹ bắt đầu giống bà ngoại tin vào Ki tô giáo. Tôi thích mẹ có thể thuộc về một tôn giáo nào đó. Chúng tôi ngồi trên ghế gỗ nghe mục sư giảng đạo rồi cùng đứng lên hát Thánh ca. Ngoài cửa sổ là ánh nắng Bắc Kinh rực rỡ và khô ráp, tiếng chim lích chích trên những vòm cây xanh. Mẹ nói, Nếu Chủ nhật nào con cũng đi được với mẹ tới nhà thờ thì hay quá. Tôi đáp, Được ạ. Sau này, mẹ cứ ở với con, con sẽ chăm sóc mẹ, tới già.

Đưa mẹ tới tiệm ăn ngon nhất. Nhưng dù tới đâu, mẹ cũng chỉ gọi rau xanh. Mẹ chỉ thích ăn những đồ ăn đơn giản, ít đạm. Lại đưa mẹ đi siêu thị, mua cho mẹ kem dưỡng da, đôi giầy thêu hoa và chiếc váy đầm bằng tơ thật mà mẹ rất thích. Mẹ đều nhận hết. Khi về nhà, cứ nhất định dúi trả tôi hai nghìn tệ. Chúng tôi suýt nữa lại cãi nhau.

Cứ yêu nhau như vậy. Nhưng do tính cách quá giống nhau, chẳng hạn như không muốn làm phiền người khác, luôn không muốn mình nợ nần người khác, dù chỉ một chút xíu. Luôn kiên cường, luôn quá lo lắng cho người khác... Vì thế suốt một thời gian dài, chúng tôi luôn ở xa nhau.

Vì em trai tôi phải vào học sớm nên chẳng mấy chốc họ phải về. Cuối cùng cũng thuyết phục được mẹ ngồi máy bay. Chỉ cần hai tiếng đồng hồ đã có thể về nhà. Trên đường ra sức khuyên mẹ rằng ngồi máy bay không đến nỗi đáng sợ như tưởng tượng. Khi mẹ đã đứng tuổi có lúc cũng ngây thơ và nhiều chuyện như con trẻ.

Mẹ mặc chiếc váy đầm liền tấm hoa bằng tơ, khoác ví đầm, đeo hoa tai. Sau khi bước vào khu kiểm tra an ninh, mẹ cứ đứng trong đó nghển đầu tìm tấm biển chỉ dẫn cửa ra máy bay. Tôi bồn chồn đứng ngóng, thấy mẹ đi đúng hướng rất mới an tâm. Tới đoạn rẽ, mẹ ngoái đầu lại tìm tôi. Chúng tôi vẫy tay. Mẹ cười rồi bước đi.

Tôi quay về, băng qua đám người ồn ào huyên náo ở sân bay, rốt cuộc cũng buồn tới rớt nước mắt.

Chúng tôi chỉ cùng ở bên nhau có bảy ngày. Khi mẹ về nhà, bố mất cũng vừa tròn hai tháng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:25:22 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương V - Tan Biến


Hay đi ngắm biển. Hồi cô còn nhỏ, vào hè, đảo xanh nóng bỏng. Bước trên con đường núi nắng chói chang. Như hai đứa trẻ thơ ngây cởi trần. Cô mua coca lạnh tại hàng quán nhỏ bên đường. Bố bắt được con bướm to cánh màu xanh sẫm đưa cho cô, nhốt nó vào cái lọ rỗng.

Trên tấm hình, cô cắt tóc ngắn, má tròn hây hây. Cô đứng trong ráng chiều, ngắm biển. Bố chụp hình cho cô. Chụp rất nhiều hình đen trắng. Trên mỗi tấm hình, cô đều cười rất tươi. Đôi mắt sáng, hàm răng to và trắng. Trên gương mặt cô, bố đã nhìn thấy cái bóng vô cảm. Như một kiểu quyết chiến với hiểm nguy và tự do.

Nhiều năm sau, trên những tấm hình đen trắng bố chụp, cô nhìn thấy được cái mùi ẩn chứa trong đó. Nỗi đau thương của bố.

Khi rời bỏ thành phố này, cô cầm lấy chiếc vé mà số phận đưa cho. Đó là chiếc vé một chiều. Sau đó, cô luôn dừng lại ở những thành phố lạ. Thành phố rất lớn, như thể những hang động. Không có tuổi thơ. Cũng không có ký ức. Cứ như vậy cô chìm nghỉm trong đám đông lạ lẫm, không ai có thể kể ra lai lịch và quá khứ của cô, trừ phi tự cô muốn nói. Như thế dù rất nhiều người xuất hiện, muốn sống cùng cô, cũng không thể giữ cô được. Trừ phi cô tự nguyện.

Vì tình cảm đã từng tràn trề và mãnh liệt như thế. Nên trong đêm tối mới có thể nảy nở những tưởng tượng và hồi ức như đoá hoa.

Không có ai đứng trên con đường khi cô tới. Cô cũng không quay đầu lại, chỉ đi về phía trước.

Sau một thời gian rất dài, hai người đã cùng tan biến.

Bố biết không, có những nhung nhớ cùng với sự tan biến đó cũng dần trở nên trống trơn. Như thể sự vĩnh hằng.

Nếu thứ gì đó có thể đạt được sự vĩnh hằng thì đó chỉ là tan biến mà thôi.

Con phải kể cho bố. Tình yêu của con.

Chúng ta cần phải đi rất xa, rất xa mới có thể hiểu được gia đình của chúng ta từng ở đâu, như thế nào, và không thể quay đầu lại tìm nó được nữa.
Trong căn phòng đã từng khôn lớn, có mùi vị và âm thanh của tuổi xuân, làm tiêu tan nỗi giá lạnh từng tí một. Cũng chính trong căn phòng này, hẹn hò với bạn trai, chân trần ngồi trước máy tính viết văn, đọc sách, uống nước, khiêu vũ một mình, ngồi trên bậc cửa sổ ngắm chim bay... Rồi lại luân phiên otíư hết căn hộ chung cư này tới căn hộ chung cư khác ở thành phố lạ. Đã không còn nhà của mình.

Trên tường còn có một tấm hình đen trắng. Cô đã mang đi hầu hết, chỉ giữ lại tấm này. Tấm hình được lồng trong khung gỗ màu đen. Cô đứng bên cạnh biển. Tóc ngắn bị gió giỡn đùa. Tay đeo lắc bạc. Đã đeo rất nhiều năm. Mất. Lại mua cái khác. Cô đang cười. Một nửa bên mặt chìm trong bóng râm bởi ánh nắng quá gay gắt.

Mọi người sẽ không quên nhau. Chỉ có tan biến mà thôi. Dùng tuổi thanh xuân ngắn ngủi, dùng hết cái kiếp trước của bạn.

Nước hồ trong đêm. Gió mát đêm hè. Chòm sao trên trời. Tình yêu tuổi trẻ. Những ký ức thơm nồng ấm áp.

Một người đàn ông có mái tóc mềm mại và lông mi dài, người đàn ông có mùi thơm thoang thoảng của chanh trong hơi thở, người đàn ông gầy cao 1m82, người đàn ông dễ ngượng ngùng, người đàn ông rơi nước mắt những khi buồn.

Một đứa con gái đi chân trần. Có lúc ngây thơ như con trẻ, có lúc dữ dội như thú hoang. Một đứa con gái thường nằm lên lưng bố đòi cõng. Một đứa con gái ngọt ngào tới bất thường.

Bố lấy vợ sinh con. Con bỏ đi tha hương.

Con phải kể cho bố. Tình yêu của con.

Chúng ta cần phải trải qua rất lâu, rất lâu sau mới có thể hiểu được chúng ta thực sự nhớ nhung điều gì, rốt cục là dạng người thế nào và sự việc ra sao.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:27:29 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương VI - Xích Đạo Hướng Bắc 21 Độ


Ở Hà Nội không có mùa Xuân tồn tại. Dù đã tiết tháng Ba, trong đêm khuya, tiết trời vẫn oi bức bởi cái nóng của ban ngày rơi rớt lại. Tiếng người trong tiệm ăn huyên náo, đèn điện nhấp nháy. Hàng cây xanh sẫm bên đường ngả những cái bóng lấp loáng. Khi đám xe máy hung hăng lướt qua, tiếng rít chói tai như xé toạc cái bóng của cả thành phố.

Ông khách du lịch người Anh phòng bên than phiền, đúng là một thành phố điên rồ. Một thành phố ồn ào không tài nào dập dắt được tạp âm. Vây quanh trung tâm thành phố là những âm thanh như tiếng sóng. Đủ các loại phát âm tiếng Anh từ nhiều người mang quốc tịch khác nhau, Anh, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Mỹ, Thuỵ Điển. Tiếng còi xe máy chộn rộn suốt ngày đêm. Tiếng Việt uyển chuyển chậm rãi quyện vào nhau như gió thoảng qua cành lá. Chiếc máy nghe nhạc kém chất lượng trong tiệm CD luân phiên bật tình ca Việt Nam đầy ai oán. Bác đạp xích lô đầu đội nón chậm rãi đạp chiếc xe cao lớn, tới khúc rẽ bấm chuông kêu lanh canh.

Cuối cùng, bạn sẽ có một cảm giác, cứ ngỡ rằng âm thanh đó đã lưu giữ trong não bạn như thể những ký ức từ kiếp trước.

Âm thanh đó vĩnh viễn không thể bị dập tắt. Giống như biển cả.

Nhưng bạn sẽ rất thích.

Bạn còn nhớ ngày đầu tiên vừa đến. Xe ô tô đưa bạn dừng lại gần Hồ Hoàn Kiếm. Một cô gái Nhật Bản suốt ngày im như thóc, da các cô gái Bắc Âu như tấm vải trắng, người đàn ông Mỹ đi bít tất màu da cam. Tất cả mọi người đều đeo những chiếc ba lô đồ sộ, thoát một cái như hạt mưa sa, tan biến trên đường phố dưới cái nắng.

Đứng ở đầu đường khu phố cổ, thấy các ngõ ngách rắc rối như một mê cung trải ra trước mắt: từng gian tạp hoá nhỏ chen chúc nhau, khách sạn kiểu gia đình chật hẹp và cao vút, trên ban công cũ kỹ và bân bẩn nở rộ giò hoa hồng thắm, các quán bar, hiệu thuốc và dòng quảng cáo bằng tiếng Anh trên quán bar...

Đông người đến vậy. Đám người như cơn sóng không cùng màu da và sắc mặt. Ở đây, bạn không cần mang theo lịch sử và quá khứ của chính mình. Bạn có thể bắt đầu lại từ đầu. Vì thế, chúng ta mới nghiện đi du lịch.

Bạn sẽ dùng cả đời mình để nhớ đến cái thành phố từ kiếp trước này.

Thời gian ở Hà Nội. Một sớm một chiều. Kéo dài tới cả đời, dài như thế khiến người ta phải thương cảm.

Trọ trong một khách sạn nhỏ sát phố. Chưa từng ngủ say như thế trong một thành phố lạ tha hương. Lúc mở mắt, nhìn thấy ngay sắc trời sáng trắng qua khung cửa sổ bằng gỗ kiểu Pháp. Bầu trời ban mai nhiệt đới có sắc tím hoa hồng khô nhưng tuyệt đẹp. Trên phố sớm đã có người qua lại, đổ rác, bán hoa tươi và rau xanh, xe máy phóng như bay, lũ trẻ chân trần đuổi bắt, chó kêu... Trong không gian có mùi hoa nhài và lá cây thơm mát.

Một buổi sáng như vậy không phải ở quê nhà, không phải ở Thượng Hải, cũng không phải ở Bắc Kinh. Nó thuộc về kiếp trước.

Gội đầu trong toa lét bé xíu trong phòng. Hứng nước lạnh vào lòng bàn tay, vã lên mặt. Rồi mặc áo vải cũ, chân trần trong đôi dép xỏ ngón, từ tốn đi xuống cái cầu thang chật chội trong khách sạn kiểu gia đình, ra vườn.

Trong vườn đều là hoa cỏ nhiệt đới. Họ nuôi một con chó lớn lông ngắn tũn. Trông rất đẹp và ngoan. Gọi một suất ăn sáng. Nước chanh tươi và bánh mì Pháp. Hút thuốc. Đọc tiểu thuyết tiếng Anh in lậu bán nhan nhản ở Hà Nội. Ngắm ánh mặt trời buổi trưa bừng nóng dần. Từng tí một, từ khe hở của bóng cây dịch chuyển tới mu bàn tay. Làn da đã nhớm mồ hôi.

Một em gái Việt Nam có nụ cười ngượng ngùng và đôi mắt sáng tới gần. Xách một giỏ mây đựng đầy hoa nhài tới lúc sáng sớm. Những cánh hoa thơm trắng tinh khiết vẫn còn ngậm sương đêm. Không nói, chỉ cười nhìn bạn. Nụ cười của em.

Không biết cuộc sống ra sao mới có thể được gọi là mơ màng trong mộng say.

Chẳng làm gì mỗi ngày.

Đi lang thang trong các ngõ ngách mỗi ngày.

Ngắm quán xá. Hết dãy phố này tới dãy phố khác tràn ngập màu sắc vật chất và hơi thở. Giày dép, sữa bột, quần áo, CD, đồ thủ công mỹ nghệ, dụng cụ chơi nhạc, đồ mai táng, áo cưới, miếu mạo, quán bar, gánh phở bò... Khách du lịch băng qua dãy hàng quán. Những cô gái Việt Nam rắn rỏi, mảnh mai, đội nón, gánh hàng, trong mẹt hàng đựng đầy dâu chín đã ngả màu tím sẫm. Rất nhiều nơi bán thuốc lá và bật lửa. Còn có hàng chồng sách lậu tiếng Anh cao chất đứng ngang ngực. Phần lớn là khách du lịch của LP và tiểu thuyết có liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Nụ cười của họ luôn yên bình như nước.

Buổi tối có xe đẩy treo mực khô bán dạo. Nướng bằng than, bị đập bẹp dí, chấm với sốt cà chua. Chỗ bán hoa quả đã được rửa sạch và gọt vỏ trước, chèn đầy trong tủ thuỷ tinh. Dứa, lựu, thanh long, măng cụt,... theo sở thích của khách hàng, sẽ được đựng trong túi bóng, cho thêm đá, còn tặng thêm một gói bột chấm đủ vị chua cay mặn ngọt.

Đi mệt rồi, chọn lấy một tiệm ăn nhỏ ngồi xuống. Có hamburger và Spaghetti. Có người vừa uống coca lạnh vừa xem sách du lịch, ăn xong bữa trưa lại tiếp tục lộ trình. Cây cổ thụ ở góc phố biếc xanh, cành lá rợp bóng che khuất cả ban công đối diện. Cửa sổ được mở tung, treo lồng chim. Châm nén hương còn vờn khói trắng bay.

Lúc hoàng hôn, nhìn thấy nhà thờ St.Joseph Cathedral. Ráng chiều bao trùm lên toà kiến trúc cổ kính nằm giữa ngã tư. Phía sau hàng rào sắt uốn hình hoa màu đen, dăm lũ trẻ đang đùa chơi trên nền đất trống mát mẻ. Chúng đi chân trần, hò hét đá cầu, chạy nhảy tưng tưng, reo vang vui sướng. Đứa bé gái tóc đen ngang vai xinh đẹp như một chú cá con thoả sức vẫy vùng, nhảy vọt ra từ đám lưới. Ngắm nhìn nó. Ngắm nhìn thiên đường của tuổi thơ.
Rời nhà thờ, chọn bừa một con đường tràn ngập nắng. Bên đường là những thân cây cao lớn xanh um, lá nhỏ chen kín rụng xuống như mưa sau mỗi trận gió xào xạc. Ngửi thấy mùi hương cà phê thơm nồng, té ra vừa đi qua Moca Café. Đây là tiệm cà phê ngon được giới thiệu trên LP. Tiệm đông khách. Nhân viên phục vụ đều là những chàng trai trẻ rất lễ phép. Bà chủ ngồi sau quầy là một phụ nữ mặc bộ đồ tơ Việt Nam màu đen, đeo khuyên tai bạc, nom rất cứng rắn.

Cửa sổ sát phố, không kính, cánh cửa gỗ mở toang, trần nhà có hoa văn cổ điển, đèn chùm thuỷ tinh, bàn gỗ giả cổ, ghế gỗ nặng nề. Khách du lịch ngồi nghỉ bên trong, đọc báo, trò chuyện. Có ông già người châu Âu đang đọc cuốn tiểu thuyết nặng trịch.

Gọi cà phê Việt Nam. Cà phê nóng được bưng ra nồng sánh và đắng chát.

Buổi tối bạn lại đói. Đi vào con ngõ nhỏ tìm những hàng phở bò. Những sợi phở trơn tuột, miếng thịt bò mỏng thêm một đĩa rau sống mơn mởn, mấy lát chanh. Chủ hàng là hai người đàn bà luôn có con chó to đùng màu nâu theo sát. Ngồi ăn trên cái ghế đẩu vây quanh cái bàn gỗ thấp tè. Thắp nến. Vuốt ve cổ con chó. Chúng luôn ngoan ngoãn như thế. Trong quán bar đầy kín những con người tha hương đang viết e-mail. Họ bật nhạc.
Đi qua ngã rẽ đầu phố, có một nhóm đàn ông người Âu mặc quần sọt ngồi trên ghế băng dài uống trà Việt Nam. Hàng chè chén thắp đèn dầu. Bóng chụp màu hồng hoặc tím đỏ. Lấp loáng những tia sáng yếu ớt trong màn đêm.

Sáng sớm như vậy. Hai giờ. Bạn nghe tiếng guốc gỗ lẹp kẹp trên con đường đá. Trời đầy sao.

Bạn phải dùng cách đó để nhớ nó. Ra sức thở, nhắm mắt lại, lắng nghe.

Hà Nội mà bạn phải nhớ. Chính là như vậy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:29:02 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương VII - Ở Sài Gòn


Du lịch, chính là cứ đi mãi, đi mãi.

Đi trong im lặng.

Bưu điện Sài Gòn giống như một bến tàu. Toà kiến trúc thực dân đồ sộ, đầy những phù điêu màu trắng hoa lệ. Bước vào trong, đập vào mắt là cái trần nhà rộng lớn. Hàng ghế gỗ dài đặt trong đại sảnh trống. Bên ngoài là ánh nắng chính ngọ gắt gao.

Cô mua một tấm thiệp năm mới, màu đen trắng. Hoài niệm về Sài Gòn xưa. Kiến trúc kiểu Pháp, bóng cây ngô đồng bên đường, những quý phu nhân ánh mắt thăm thẳm buồn đầy oán trách trên những chiếc xích lô, con voi lớn trong đoàn xiếc nâng hai chân trước. Tất cả đều rực rỡ và hoang vu đến không ngờ.

Lấy ra chiếc bút bi, viết vào sau tấm thiệp: Con đang ở Sài Gòn, mọi thứ đều tốt đẹp, rất nóng. Một tấm gửi tới Bắc Kinh, một tấm gửi về vùng quanh duyên hải phía Nam. Chỉ ngắn ngủi như vậy.

Cả con người cô càng đi xa càng trầm lặng.

Buổi sáng trong tiệm ăn nhỏ dưới tầng trệt khách sạn, ngắm các cô gái trẻ người Âu mặt đỏ rực bởi ánh nắng mặt trời, rạp người trên bàn ăn bằng gỗ, lấy bút máy viết lên mặt sau tấm thiếp mừng năm mới. Những dòng chữ tiếng Anh dài dằng dặc. Trôi chảy, đơn giản. Nồng nàn như thế.

Cô ngồi ở bàn đối diện ăn sáng. Bánh mì Pháp cứng, hình dài, hơi mằn mặn, vừa bẻ ra, vụn bánh ở trong không ngừng rơi xuống. Tuy đã kẹp pho mát nhưng ngậm trong miệng vẫn không có mùi vị. Có thể viết một lá thư dài, đã biết có thể viết những gì. Đã biêt có thể viết cho ai, thật là hạnh phúc. Cô ngồi đối diện với hạnh phúc. Đã từ lâu, cô không biết mình có thể viết thư cho ai. Và trên thư có thể nói những gì.

Nhét hai tấm thiệp năm mới vào thùng thư. Tem thư có hình cá và tiên nữ cưỡi voi. Một tấm trong đó có người cẩn thận cất vào túi, khoá vào trong ngăn kéo. Rồi cô lại đem nó quay về Bắc Kinh.

Cô nhận, kết thúc đều như vậy cả. Bỏ ra, rồi lại quay về. Nhận được, rồi lại bỏ đi.

Chúng ta cứ tiếp nhận từ tốn như vậy.

Tiệm đó có tên là ANH. Chuyên bán trang phục tơ tằm làm thủ công. Trên chiếc giá gỗ đặt từng chồng quần áo được làm rất tinh tế. Rất nhiều phụ nữ Nhật. Họ tới Sài Gòn để mua sắm hoặc dừng lại đây mở tiệm. Một thành phố không lạc hậu, giá cả rẻ, lại có phong cách chưa đến nỗi bị quên lãng, rất thích hợp với kinh doanh.

Nhân viên trong các shop quần áo cao cấp ở Sài Gòn đều nói được tiếng Nhật thành thạo. Dịu dàng cẩn thận, e lệ nụ cười khiêm tốn, rất giống người Nhật.

Ở Hồng Kông, do cô im lặng nên có tiệm đã đích thân gọi nhân viên biết tiếng Nhật tới hỏi chuyện cô. Họ ngỡ cô là người Nhật. Phụ nữ Nhật cũng vậy, tóc đen thẳng, sắc mặt nhợt nhạt. Cô khẽ mỉm cười giải thích. Chán tới mức không muốn nói nữa.

Cô là người không thích nói chuyện. Duy nhất chỉ thích có một từ liên quan tới nói chuyện: giãi bày. Nếu không có giãi bày, mọi từ ngữ đều bị lãng quên và hoang phế. Như những lời hứa hẹn dối trá.

Cô chọn một cái áo tơ tằm Việt Nam thêu hình hoa mẫu đơn, một chiếc đầm bằng vải đay màu trắng,một chiếc áo lụa thêu hoa hồng đỏ, một đôi guốc gỗ quai thêu. Quần áo được bọc cẩn thận bằng giấy mềm, đặt trong một chiếc túi cỏ tết. Những trang phục mềm mại và tuyệt mỹ như vậy được khoác lên người cô sau khi trút bỏ chiếc áo phông và quần vải thô nhuốm bụi và mồ hôi, cảm giác thật lạ lẫm. Cô có linh cảm sau khi mang chúng về, sẽ chỉ nhét sâu xuống tận cùng ngăn tủ. Nhưng cô vẫn mua chúng.

Cô chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một cô gái dịu dàng xinh đẹp. Những năm tháng sau này, cô vẫn luôn thẳng thắn, trầm cảm và ngược đời. Giống hệt một cánh đồng hoang đầy gió rít.

Còn nhớ năm mười sáu tuổi mặc một chiếc váy trắng, đi xem phim cùng một cậu bạn cùng lớp. Gấu váy viền hoa li ti. Cổ tròn giản dị, không tay. Xem phim xong, cô cởi tuột xăng đan, chân trần chạy trên con đường đá. Hăm hở chạy. Gió thổi tung đám hoa tường vy trên tường, bay xuống như một trận mưa.

Mười năm sau, trang phục của cô vẫn vậy, chỉ mặc áo vải bông, thỉnh thoảng có thêm đồ tơ và đay. Không mặc các chất liệu khác. Vẫn thích đi chân đất.

Tình yêu đến rồi đi. Cuối cùng, cô nghĩ mình chỉ thích trong bóng đêm có một trận mưa hoa trong gió. Chỉ như vậy. Không cần gì khác.

Đi trên đường ngắm nhà cửa. Ngoài ngắm nhà cửa, chẳng đi đâu hết.

Những căn nhà đó, cũ kỹ, đọng lại những dấu ấn thời gian dài dằng dặc. Còn có sự phẫn nộ, nhịn nhục, lương thiện và khát vọng sống. Bao gồm cả cái đẹp của sự chết chóc. Các bức tường ngả màu vàng xỉn. Nhưng một số nom lại tươi tắn, đập vào mắt như thể mù quáng. Cửa sổ to dài bằng gỗ, màu xanh thẫm Thổ Nhĩ Kỳ. Bị nước mưa thấm tới bạc trắng. Trên ban côngg thả một bức mành trúc trắng. Có rất nhiều giò hoa rực rỡ. Quần áo khô cong dưới nắng, gió lướt qua, khẽ bay lật phật.

Cô ngắm nghía căn nhà. Đi hết con đường này tới con đường khác. Chụp rất nhiều căn nhà cũ kĩ. Dăm căn nhà nhô cao dưới trời xanh, như thể những vết thương nghiêm trọng. Một số nấp sau bóng cây râm mát ken dày, phát ra những tưởng thở nhè nhẹ. Bên trong không biết đã từng có bao sinh mạng, tìm kiếm một chốn gửi gắm và lưu giữ ở trần gian. Mọi khiếp sợ và khát vọng đều bị đè nén lại, không thể phát ra âm thanh. Rồi, chúng ta chỉ biết tồn tại trong lặng lẽ.

Bánh xe luân hồi vẫn lăn. Cuối cùng huỷ diệt tất thảy. Trong chiến tranh không cần nói ai là kẻ chiến thắng. Cát bụi vẫn trở về cát bụi mà thôi. Chúng ta cần phải tỉnh giấc lúc bình minh, thơm lên gương mặt người yêu bên cạnh. Mở tung cửa sổ, nhìn thấy nắng lấp lánh trên cành lá. Đó là sống. Chẳng còn gì khác.

Ngày nào cô cũng tới tiệm ăn nhỏ đối diện khách sạn để dùng bữa. Cô còn nhớ tên của tiệm đó: Gon Café. Anh nhân viên trong tiệm da ngăm đen, còn rất trẻ, nói cho cô biết số lương anh được nhận hàng tháng. Thấp tới kinh ngạc. Nhưng cô không hề để lộ bất kỳ sự phản ứng nào. Họ nói chuyện bằng những từ ngữ tiếng Anh đơn giản. Anh kể nhà anh ở Hà Nội. Anh yêu Hà Nội nhưng dễ tìm việc làm hơn tại Sài Gòn.

Cô cũng yêu Hà Nội. Đó là thành phố trong kiếp trước của cô. Là thành phố mà cô yêu tới rơi lệ dù chẳng có lý do gì.

Đứa trẻ đứng ngoài cửa. Vừa nhìn thấy cô, đã cười tươi vẫy tay rối rít. Ngày nào cô cũng tới đó. Sáng. Tối. Có lúc đêm hôm cũng đi ăn một đĩa đu đủ tươi. Thằng bé chừng mười lăm tuổi, gầy và đen, răng trắng, mắt sáng, lanh lợi đứng ngoài cửa đỡ xe đạp giúp khách Tây. Cô nhờ nó chụp giùm cô một tấm hình. Cô khẽ cười ngượng ngùng với nó.

Chỗ thường ngồi là bàn thứ hai từ cửa vào, phía trái trong cùng. Cô mặc một chiếc áo tơ tằm thêu anh đào đỏ, cổ áo và nút bọc theo kiểu Tàu. Mua trong cửa tiệm Viu Viu kế bên. Còn có một tiệm tên là La Sa. Bán mũ và túi xách làm từ vải thô và hoa vụn ghép lại.

Cô ăn tối ở đó. Chả giò, Napcake, cơm chiên được làm từ cá, dứa và cà rốt. Dừa ướp lạnh, cắm một ống hút, vị mát lành. Đu đủ có màu đỏ tuyệt đẹp. Sau khi rửa sạch, xắt từng miếng, đặt trên đĩa sứ trắng. Cô thích cách phát âm của nó, Papaya, sinh động và tinh nghịch biết bao. Còn có kem và sữa tươi nữa.

Trời luôn nóng bức, dưới ánh nắng vẫn có đám khách du lịch đeo balô nặng trịch đi tới đi lui, giống hệt như ở Hà Nội. Ở Sài Gòn, nơi cô dừng lại lâu nhất chính là con đường tập trung đông đúc đám Tây ba lô này. Họ mặc quần áo vải, mang theo sách và tư tưởng, ăn những món sạch sẽ, quan tâm tới ánh nắng và con người. Sống theo cá tính. Hưởng thụ sự tồn tại trong từng phút từng giây. Họ ở đây đọc tiểu thuyết, uống bia, viết nhật ký, trò chuyện, đi bar, nghe nhạc. Ngoài ra, không làm gì hết.

Cô ăn rất nhiều hàng ngày.

Cô thường ăn nhiều uống nhiều. Hồi nhỏ đã vậy, cảm thấy cô đơn nên ăn luôn mồm. Ăn rất nhiều thứ. Không biết phải tìm cách nào để diễn đạt. Ăn. Rất đơn giản. Có thể dùng nó để tự an ủi mình. Thực phẩm thật ấm áp, có độ sáng, có mùi thơm, có thể vuốt ve dạ dày, rồi cập bến linh hồn.
Cô chưa bao giờ ăn kiêng, nhưng cũng không béo lên nổi. Những người dễ béo đều có mục tiêu. Cô đã gặp nhiều thương nhân rất thành công đều béo phì. Cô không phải như vậy. Cô không có mục tiêu. Dù đối với những đồ ăn yêu thích, cô cũng không có mục tiêu.

Khoảnh khắc yên tĩnh là giây phút hoàng hôn. Ngồi sau chiếc bàn ăn trải khăn trắng trong Gon Café, vừa chờ mang đồ ăn tới, vừa ngắm ráng chiều trên đường dần mịt mùng và đặc quánh. Màn đêm sắp buông. Những khách du hành sau một ngày rong ruổi đã lục tục quay về nơi trọ. Trong căn phòng khách sạn đối diện, có người đang cởi đồ, có người đang nhảy nhót, có người đang hút thuốc, có người đang hôn nhau.

Có một tiệm bán CD, tên gọi 211. Rất nhiều đĩa lậu chất lượng kém, in ấn thô vụng nhưng khá phong phú về thể loại. Có thể mua được tất cả những album ngôi sao ca nhạc và đĩa nhạc nhớ tới. Đủ các loại bản cũ và mới. Họ cầm một cái giỏ nhựa, giống như những siêu thị, cho vào đó những đĩa CD đã chọn xong. Rồi ngồi lên cái ghế băng thấp trước máy CD, đeo tai nghe lên, nghe thử từng đĩa. Các cô gái trẻ đều chọn DiDo.

Ở đây, có thể dễ dàng chiếm được âm nhạc, như thể bia và hoa hồng.

Phía sau có một chàng trai trẻ người Nhật. Có lẽ mới học cấp ba. Ngày nào cũng ăn ở đây, rồi đi lại trên đường. Mặc chiếc quần bò xanh rộng thùng thình và cái áo phông trắng. Trên mặt có nốt ruồi lớn. Trong tiệm ăn, cậu ta thường ngồi một mình, lặng lẽ trước Coca Cola. Nom rất tuấn tú. Một lần, cô nhìn thấy cậu ta đi dạo với một người đàn ông Nhật khác. Có thể là bố cậu ấy. Cả hai đều im lặng, rảo bước dưới ánh nắng.

Bàn bên là một anh chàng Âu tóc vàng. Đeo headphone, đang hí hoáy viết trên một cuốn sổ lớn bằng bút máy. Viết nhanh như bay. Bên cạnh luôn là một tách cà phê Việt Nam đang uống dở. Chắc hẳn là một nhà văn. Sắc thái rất nhạy cảm.

Hai cô gái Nhật mặc bộ đồ vừa mua giống hệt nhau, may theo kiểu Tàu. Mẫu thịnh hành nhất Sài Gòn, không tay, bằng tơ lụa, tơ tằm hoặc đũi. Họ tâm tình với nhau rất nhỏ, rồi trao đổi địa chỉ. Là bạn đồng hành mới quen trong chuyến đi.

Sống trong thời khắc này, mọi thứ đều quá tuyệt mỹ, không chút khiếm khuyết.

Buổi tối cô tới khu giải trí. Có người nhảy Disco. Có các cô gái tóc dài xinh đẹp tiếp đãi từng đám đàn ông. Họ uống rượu ở ghế sôpha, trò chuyện rất lớn tiếng Nhạc rất thịnh hành. Đám trẻ mặc đồ trắng nhảy nhót.

Cô thấy thất vọng. Máy lạnh mở quá lớn. Do vậy mới được giữa chừng đã bỏ ra.

Đi qua quảng trường lớn ở trung tâm, cây rất cao, không rõ tên. Chỉ thấy lá cây rụng xào xạc. Dưới đất một lớp lá phủ đầy.

Chợ Lớn.

Đúng vậy. Đó là ký ức thuộc về Marguerite Duras. Chỉ thuộc về cô.

"Những âm thanh mà họ phát ra đều rất vang. Tất cả đều sống động, như tiếng còi xe hơi ngân dài, cái ồn ào của bi thương kiệt sức nhưng không được đáp trả. Trong phòng có mùi đường cháy, còn có mùi thơm của lạc rang, mùi canh hầm Trung Quốc, mùi các loại cỏ xanh, mùi hương hoa nhài, mùi của bụi bậm, mùi cây nhũ hương, mùi than cháy. Than ở đây được chất trong làn, bán rong trên đường. Vì thế mùi của thành phố chính là mùi được phát ra từ những thôn xóm hẻo lánh nơi rừng sâu, nơi đồng cỏ...". Đó là Chợ Lớn của Marguerite Duras, không phải của bạn.

Chợ Lớn mà bạn được nhìn thấy nhếch nhác, lộn xộn, khắp nơi là xe cộ và dòng người thập cẩm, những căn nhà nát, một bờ mương đục ngầu bốc mùi, những dãy nhà gỗ tạm bợ bên bờ sông treo đầy quần áo, ngập ngụa rác rưởi. Chỉ nhìn thấy một khách Tây. Ông ta đang giơ máy ảnh chụp con mương đen ngòm. Bạn sẽ không thể nhìn thấy cái nghèo đói nào trực tiếp và thô bạo hơn thế nữa.

Trong một tiệm mì, ăn một bát phở. Chủ tiệm biết nói tiếng Quảng Đông, nhưng rất nghiêm nghị, hầu như vắng bóng nụ cười.

Đứng ở đầu đường vô cùng huyên náo, nhớ lại trong phim, cảnh cô gái ngồi xe xích lô trong đêm mưa, tới căn phòng từng hò hẹn với bạn tình. Cô ngồi bên giường trong bộ đồ thấm nước mưa, ngắm căn phòng trống. Lặng đi. Rồi bỏ về. Con đường ướt át tối tăm trong mưa.

Mọi tuyệt vọng và dục vọng đều bị gột hết. Bao gồm cả kẻ ra đi, cũng chỉ ao ước giữ được một phần ký ức, không dám mong tái hiện lại.

"Quê hương tôi là vùng sông nước, là quốc gia của hồ ao, sông ngòi. Có nước nguồn chảy từ núi xuống, có ruộng nước, còn có bùn đất phù sa ven sông trên bình nguyên. Những khi mưa bão, chúng tôi trốn trong con sông nhỏ. Mưa nhỏ ken dày, rất có hại. Chỉ cần mười phút, nước mưa đã làm ngập úng vườn hoa. Sau cơn mưa, đất nóng hực, bốc mùi khó chịu. Có đám hoa trôi. Vườn ai đó trồng hoa nhài. Tôi là một người sẽ không quay về với quê hương được nữa. Con người một khi đã khôn lớn, mọi thứ như thể vật ngoài thân, không nhất thiết để những ký ức tồn tại cùng mình mãi mãi. Cứ để chúng lưu lại nơi mà chúng đã hình thành. Tôi vốn sinh ra tại nơi không có mảnh đất cắm dùi".

Quê hương là nơi không thể quay về được nữa.

Sài Gòn. Phát âm rõ ràng.

Không hiểu tại sao thành phố này luôn khiến người ta thấy mùi của bi ai. Hồng Kông cũng vậy. Đi trong đám người huyên náo và những cửa tiệm chen chúc nhưng lòng vẫn thấy chua xót. Phồn hoa quá cũng dở. Phồn hoa rất dễ khiến người ta liên tưởng tới hoang giá. Cảnh tượng thế gian như ảo ảnh. Con người sẽ không nghĩ tới một giấc mơ quá náo nhiệt vì rất dễ ngắn ngủi.

Sông Sài Gòn mà cô nhìn thấy là một con sông rất bình thường. Trên dòng nước xanh đục ngầu có lục bình trôi và những chiếc thuyền nát. Đối diện chính là những căn nhà gỗ sơ sài của nghèo khó. Nhưng ngay bên bờ là khách sạn lớn rực rỡ sang trọng. Kiến trúc thực dân vô cùng hoa lệ, mang tên Riverside Hotel.

Phòng khách ở lầu bốn. Ngay sát phố. Dù lúc canh khuya cũng có thể nghe thấy guốc gỗ lọc cọc của lũ trẻ Nhật đi chơi về muộn, tiếng đi lại trên con đường đá. Con chó lớn uể oải đi vào bóng râm dưới gốc cây. Mặt trăng rất vàng, cực kỳ tròn. Hơi có sương mù.

Quạt trần quay vù vù suốt đêm. Có lúc cô nóng quá không ngủ được, ra ban công hút thuốc. Mở cửa sổ hóng những cơn gió vu vơ lướt qua. Không khí nóng ẩm. Cô khẽ trào nước mắt rất vô cớ.

Cứ như vậy, chân trời cũng dần sáng.

Một ngày mới lại bắt đầu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

16#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:30:42 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương IX - Cái Đẹp Của Hiểm Nguy


Trên con tàu đi PnomPenh có một cô gái người New Zealand bị bệnh. Cô ta đi cùng bạn trai. Mang theo xe đạp.Ở Việt nam đạp xe đi du lịch, rồi chuẩn bị đi Campuchia. Do quá mệt và bệnh tật, họ đổi sang đi tàu. Nhiệt độ vẫn rất cao. Mặt cô gái đỏ rực, nằm trên một chiếc ghế dài trong toa.

Chúng tôi có khoảng sáu người. Phần lớn ghế ngồi trên tàu còn trống. Có hai phụ nữ Anh đứng tuổi đã từng dạy đại học ở Bắc Kinh. Chuyến du lịch dài, nhất là đi du lịch những nước nhiệt đới nghèo quả thực phải rất nhẫn nại. Những con đường mệt mỏi, nóng bức, bệnh tật, mồ hôi. Những toa xe oi bức. Đau bao tử, chóng mặt, run rẩy, sạm nắng, mất ngủ suốt đêm. Nhưng tất cả khách du lịch ba lô gặp trên đường luôn im lặng, không phàn nàn, cũng không có bất cứ hành động gì ảnh hưởng tới người khác.

Những cảnh vật bên bờ lướt qua liên tiếp không ngớt: ruộng ngô tràn ngập nắng, hoa sen trong đầm, bãi cỏ, cây măng cụt, chó uống nước ven sông. Bầu trời bao la nóng bỏng. Những khoảng ruộng như bị thiêu cháy.

Sống chính là tiến về phía trước với tính khả thi phong phú vô hạn, hùng vĩ vô hạn như vậy.

Có một số người vất vả đi làm thuê, kiếm đủ tiền du lịch rồi xin thôi việc, khoác ba lô bắt đầu đi. Có một số người chưa bao giờ ra khỏi thành phố mình ở, thoả mãn với cuộc sống thực tại, thoải mái và ổn định mới khiến họ thấy an toàn.

Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống cho mình. Nói một cách khác, người lại bị bó buộc, chưa bao giờ đạt được quyền quyết định cuộc sống của mình.

Đối với những người sống trong thôn làng hẻo lánh, họ chưa bao giờ thoát khỏi bần hàn, nhưng rất gần gũi với thiên nhiên. Họ lao động dưới nóng bức, nghỉ ngơi dưới gốc cây.

Nếu bạn được ngắm lũ trẻ cùng đàn ông và đàn bà đùa trên sông lúc hoàng hôn, nỗi sung sướng vô bờ mà giản dị trên gương mặt họ, bạn sẽ hiểu được con sông được dùng làm nước uống, làm bồn tắm, làm nơi xả rác này chính là cuộc sống của họ.

Nhưng những người khác, họ sống trong thành phố, có cái được gọi là giai tầng xã hội và nghề nghiệp cao sang. Nhưng cuộc sống của rất nhiều người trở nên vô vị, bị hạn chế do quá chuyên sâu. Họ phục tùng bởi chính dục vọng và lòng tham mù quáng của chính họ.

Ra sức lấy hư danh và vật chất để chứng minh, và bồi lấp những trống rỗng của mình. Họ ném nhiều tiền vào tiệc tùng và quán bar, tìm kiếm lạc thú trong giải trí thương mại. Họ tránh né phải suy nghĩ và nỗi cô đơn. Không bao giờ tìm kiếm phương hướng thực sự của mình.

Họ đánh mất đi cái gọi là cái đẹp của hiểm nguy.

Cái đẹp của hiểm nguy định ra một dạng phương thức theo đuổi hư vô. Đó là thứ cảm xúc không liên quan tới kết cục.

Không ngừng đi. Vừa đi, vừa để cái đẹp và thời gian thổi ra từ linh hồn. Dường như đang đi trong gió. Biết rõ ko đạt được gì nhưng lòng vẫn vui sướng.
Tôi luôn thích gió lớn. Thích tiếng gió reo, chạy tới đón gió, không nghe tiếng thở. Bắc Kinh là thành phố luôn có gió lớn. Nhưng quê hương tôi, vùng duyên hải miền Nam chỉ có bão mà thôi.

Nhiều khi, một người lựa chọn ra đi, không phải vì dục vọng,cũng không phải vì bị quyến rũ. Chỉ đơn giản bởi nghe thấy tiếng lòng của mình.

Để tôn trọng cuộc sống âm thanh trong nội tâm chính mình, chúng ta từng phải trả những cái giá quá lớn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

17#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:32:12 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương X - Chuyện Thời Nhỏ


Năm mười hai tuổi, tôi cũng có tình bạn, với cô bạn bằng tuổi cùng trường. Nhà cô ấy cách nhà tôi một con sông giữa trung tâm thành phố. Những buổi trưa mùa hè mưa bão, tôi còn nhớ cô ấy giương dù, đợi ở chân cầu thang, đón tôi sang nhà ăn kem. Trong bóng râm ẩm ướt, gương mặt cô ấy như một đoá hoa trà tinh khiết.

Chúng tôi bì bõm trong mưa lớn. Vừa ăn kem vừa xem tập thơ trong căn nhà rộng rãi của cô ấy. Mệt rồi, lăn ra ôm nhau ngủ. Mớ tóc dài, rất dày của cô ấy toả mùi thơm dịu, cứ đùa giỡn quệt vào mặt tôi những lúc mơ màng ngủ. Tôi phải lấy tay gạt chúng ra. Ngoài cửa sổ, tiếng mưa vẫn lộp độp.
Lúc đó tôi là một đứa con gái không quấn bố mẹ. Thích viết thơ, hay tuôn lệ vô cớ trong lúc ngủ đêm. Gia đình bạn tôi không hạnh phúc, bố mẹ không hoà thuận, luôn cãi cọ.

Rồi một hôm, bố cô ấy đột nhiên biến mất. Chúng tôi biết những nỗi đau thầm kín của nhau. Nhưng chúng vẫn chưa lớn, như thể những nụ hoa tinh khiết còn e ấp. Muốn tìm kiếm trong linh hồn nhau một con đường nối với thế giới. Nhưng lát cắt bước vào đó chỉ có thể đem lại tình yêu cho nhau. Tuy tình yêu đó vì tuyệt vọng mà trở nên mù quáng và đoạn tuyệt. Đầy ắp những giằng xé.

Tôi còn nhớ chúng tôi viết thư hàng ngày. Dù cùng một lớp, ngày nào cũng gặp mặt. Khi tình cảm thắm thiết, thời gian không bao giờ đủ. Chúng tôi viết trong thư, Mình yêu cậu.

Giống như nói với cái thế giới phiêu lưu vẫn chưa mở ra rằng, Mình muốn xuất phát.

Thứ tình cảm đó, bây giờ nhìn lại, thực ra rất giống tình yêu đầu đời.

Những chuyện cũ đó khiến tôi vẫn luôn duy trì niềm tin vào tình bạn với phái nữ. Trong chúng không có tình dục, không có sự tò mò, cũng không có tác dụng kích thích.

Gần gũi nhau chỉ vì nguyện vọng chung của hai bên. Chúng tôi giống như hai đứa trẻ nhạy cảm, hụt hẫng, phải ôm siết lấy nhau giành hơi ấm. Nương tựa vào nhau thật trong sáng và lặng lẽ như vậy.

Giữa hai đứa đã xảy ra rất nhiều chuyện. Vui có, buồn có, thất vọng có. Rất nhiều kỷ niệm đã quá sâu do bị vùi lấp.

Bây giờ nhớ lại, cuộc sống trước năm mười bảy tuổi có lẽ chính là những ngày tháng tuyệt đẹp nhưng tàn khốc nhất trong cuộc đời. Tuổi thanh xuân như một khúc đường hầm xe lửa tối tăm, vừa hổn hển vừa phóng như điên dại. Sau đó, mỗi đứa đều ngã vào tình yêu rất nhanh.

Lúc đó luôn cho rằng yêu đương có thể cứu vớt hoàn toàn nỗi cô độc của mình. Chỉ sau khi trả giá quá nhiều, lãng phí quá nhiều thời gian mới hiểu ra rằng lối suy nghĩ đó thật sai lầm.

Hơn mười năm sau, tôi đã rời bỏ thành phố miền Nam nơi có một dòng sông nằm giữa trung tâm thành phố. Rong ruổi trên rất nhiều thành phố lạ, suốt từ Nam tới Bắc, tìm kiếm một nơi có thể dừng chân. Tôi bắt đầu viết sách, xuất bản tiểu thuyết.

Cuộc sống của tôi ngày một quay cuồng. Nhưng hồi nhỏ, tôi đã từng nói với cô ấy, sau này mình sẽ viết sách, vì mình muốn người khác biết nỗi đau của mình . Nỗi đau của chúng ta. Nỗi đau của tất cả mọi người.

Cuối cùng bạn tôi lấy một chàng trai chất phác, ít nói. Kết hôn, sinh con, công việc bình lặng. Sống một cuộc đời an phận.

Có một thời gian dài, chúng tôi bị mất liên lạc.

Rồi, có một hè năm đó, tôi về quê. Vô tình liên lạc lại được. Thế là đi tìm cô ấy. Tôi còn nhớ rõ cô ấy thích ăn chuối nhất, nên ra tiệm hoa quả gần đó mua một nải chuối to. Còn mua cả thạch lựu đỏ thắm.

Vẫn là một trưa hè mưa bão. Ngoài cửa sổ vẫn là tiếng mưa rơi lộp độp. Mái tóc dài của cô ấy đã không còn nữa, chúng đã được uốn xù lên. Đứa bé một tuổi đang ngủ say sưa trong lòng cô. Sau khi cả hai đã trải qua quá nhiều mối tình nồng nhiệt, cô đã làm mẹ. Còn tôi vẫn độc thân. Chúng tôi không nói nhiều, chỉ khẽ cười. Im lặng. Cô chỉ cho tôi xem bể cá cảnh lớn. Trong không khí có mùi sữa bột rất thông dụng và mùi bụi bặm.

Tôi nhìn thấy tấm hình cô ấy năm mười sáu tuổi treo trên tường. Tôi cũng luôn mang theo người tấm hình đen trắng của tôi thời trẻ. Tấm hình đã cũ nhưng nụ cười thời thiếu nữ vẫn rạng rỡ, cuốn hút, hàm răng trắng tươi tắn khiến người ta phải đau lòng. Chúng tôi vẫn có những sở thích giống hệt, như trước kia.

Lúc giã từ, cô tiễn tôi. Tôi ôm con bạn vào lòng. Đứa bé trai trắng hồng đáng yêu. Sự tiếp nối của sinh mạng khiến người ta ngơ ngẩn. Chúng tôi đã trưởng thành nhờ từng cho nhau hơi ấm và tình cảm. Thứ tình cảm thời trẻ giống như con nhộng gửi nhau nuôi hộ. Khi linh hồn mọc cánh, tự chạy đi các ngả, con nhộng lại biến thành cái lọ rỗng trong suốt.

Hơn mười năm sau, tuy mỗi chúng tôi đều trở thành những người phụ nữ yếu đuối về tình cảm nhưng đã cam tâm chịu đựng, không chút oán trách. Trong mưa lớn, chúng tôi vẫy tay, bình thản tạm biệt nhau.

Tất nhiên sau khi trưởng thành cũng vẫn có tình bạn và những cách đối đãi với bạn bè. Lòng vui sướng, thỉnh thoảng lại hẹn nhau. Chơi với nhau lành mạnh và hạn chế.

Ở Thượng Hải, tôi từng quen một số cô gái xinh đẹp, cá tính độc đáo. Họ viết báo tự do, làm CD, làm mạng Internet... Chúng tôi đi dạo trên phố trong đêm bão, lấy tay chắn gió châm thuốc cho nhau. Thỉnh thoảng tới quán bar mua say, tán chuyện về đàn ông và kể lể những chuyện quá khứ. Không bao giờ đi vào cuộc sống và công việc của nhau. Chúng tôi trở thành bạn bè. Có một khoảng cách, cẩn thận nhưng dịu dàng, khẽ chạm vào tay nhau, đã không cần hơi ấm của làn da.

Tình bạn khi đã trưởng thành chỉ có thể dành cho nhau một ít thời gian. Chúng tôi đều tỉnh táo như vậy. Nhìn thấy được giới hạn của thời gian.

Tình bạn ào ạt như nước vỡ bờ thời trẻ đã không còn nữa. Trải qua bao gập ghềnh của số phận và nỗi thê lương của con người, đã không còn cần phải quá thành tâm tìm kiếm kết cục của tương lại. Chúng ta đều biết rằng rút cục chúng ta đã lớn. Đau đớn rồi sẽ qua.

Nhưng những người từng yêu cũng tan biến.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

18#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:33:52 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương XI - Một Ngày


Ở Huế, khách sạn tìm được nằm phía sau một ngõ nhỏ tĩnh mịch. Phòng sát mái, có ban công rất rộng, ngập ánh nắng và gió. Rất nhiều khách Nhật Bản. Họ ở tầng trệt, phòng lớn trải nệm, toa lét chung, rẻ được một đô Mỹ một tối. Thanh niên Nhật đi du lịch vẫn được người ta thích, ăn vận quần áo cổ quái, đi guốc gỗ, nhuộm tóc, nhưng sắc mặt luôn trầm tư, cũng không tuỳ tiện trò chuyện với người khác.

Bên cạnh quầy lễ tân ở tầng trệt có một kệ sách tiếng Nhật, gồm tiểu thuyết và truyện tranh. Một cô gái Nhật giữ chìa khoá. Tóc ngắn, da trắng, mắt một mí, mặc quần bò và áo phông. Vốn tới Huế du lịch, nhưng vì quá yêu thích nơi này nên ở lại. Vừa làm việc vừa sống ở đây, đã hơn hai năm rồi.
Tắm xong, nằm trên giường một lát. Ti vi có kênh HBO, đang chiếu một bộ phim tình yêu của Mỹ.

Tuy nắng gay gắt nhưng vẫn muốn đi xem hoàng thành Huế. Mua một chai nước suối lớn, mang theo. Nhiều khách sạn không chịu cung cấp nước uống, phải tự mua. Chủ yếu là mua những chai lớn nhất.

Sông Hương xanh vắt ngang thành phố cổ. Từ trên cầu có thể nhìn thấy khu chợ náo nhiệt và những con đò bập bềnh. Gió rất lớn, như thể thổi xuyên qua cơ thể.

Rảo một vòng quanh hoàng thành, không vào trong. Dừng lại rất lâu ở khu dân cư. Nếu muốn lựa chọn cuộc sống né tránh những giành giật của thế gian, Huế ắt là nơi lựa chọn tốt nhất. Sạch sẽ, yên tĩnh, còn lưu giữ lại nét ung dung, thản nhiên của một hoàng tộc. Những nếp nhà cổ kính giấu mình sau những thân cây to thẳng tắp xanh mướt. Trên cây lúc lỉu quả chín như mít, xoài, hoa nở rộ như lửa. Thỉnh thoảng có chó và trẻ con chạy qua. Trời xanh sẫm. Không khí toàn mùi thực vật và mùi nắng.

Sau một bức tường gạch, phát hiện thấy một đám hướng dương. Những bông hoa to tròn, nặng trĩu, xoè màu vàng kim sẫm dưới ánh mặt trời. Đẹp tới kinh hoàng. Giá như. Giá như có thể đừng lại ở đây. Thuê một căn nhà cũ có cửa sổ, trồng đầy hoa hồng và cây mít trong vườn. Gần gũi với thiên nhiên, sống giản dị. Mọi thứ đều phong phú và sát thực chân lý.

Trên đường quay về, đi ngang qua tiệm tạp hóa nhỏ, mua một lon coca.Chủ tiệm là một phụ nữ trung niên rất đẹp. Trông nụ cười dịu dàng của cô như ẩn giấu một bí mật vô hạn. Ngồi uống coca. Nhẩn nha hỏi chuyện, té ra bố cô cũng là người Trung Quốc.

Lại ra chợ xem cuộc sống của người dân ở đây. Hàng đống rau xanh, dưa hấu, hoa tươi. Chuối chất đống được vận chuyển từ tàu bè đang cập bến. Rất nhiều loại thực vật không rõ tên. Đàn bà đội nón ngồi sau mẹt hàng trước mặt. Lũ trẻ chân trần nô đùa trên đất.

Bóng tà dương biến con sông xanh thành một bức tranh nhuộm nước thuốc đỏ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

19#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:34:58 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương XII - Tự Tỉnh Giấc


Hội An có rất nhiều tiệm đèn lồng và hiệu may. Những cửa tiệm nhỏ san sát nhau, đều mang kiến trúc cổ bởi kết cấu gỗ cũ kỹ. Nhìn từ ngoài vào, trong gian phòng nhỏ tôi tối xếp đầy những xúc tơ lụa óng ánh và trơn bóng. Đủ các loại hoa văn và màu sắc.

Khi màn đêm giăng giăng, các quán bar và tiệm ăn ven sông bừng sáng bởi những dãy đèn lồng, hắt bóng xuống dòng sông tối tăm. Con đường đá chật chội. Có chú chó to hiền lành. Lũ trẻ luôn vui sướng, chân trần chạy khắp nơi. Hoa trắng thơm dịu lả tả rụng, khi dẫm lên có thể cảm giác được cả chất dịch đầy ắp dinh dính.

Cũng chính trong cái đêm đó, bạn chợt nhớ tới anh. Nhớ tới anh đã từng nói rằng, chúng mình phải về một thị trấn nhỏ như vậy sống thôi.

Nhưng khi bạn đang ở đây, anh không còn bên cạnh.

Mua một đôi dép vải màu xanh lam, mất một đô Mỹ. Lập tức cởi phắt đôi giày thể thao, chân trần xỏ vào dép. Bàn chân được giải phóng, hoan hỉ. Lại mua một chiếc áo tơ tằm Việt Nam màu huyết dụ, có hình nhiều bông mẫu đơn. Vẫn mặc cái quần vải thô dơ bụi bặm. Tháo tung cái tóc bím. Lần đầu tiên cảm thấy tóc mình đã dài như thế, dày và đen nhánh, như một mớ rong biển. Có lẽ sắp chạm tới eo.

Tới nhà hàng ven sông ăn một món đặc sản vùng này. Cá nục nướng lá chuối. Còn có thịt gà luộc, thêm chút gia vị đặc biệt, chua chua mà mát mẻ. Có một loại rau trong vùng, lá xanh mướt, nhấm trên đầu lưỡi hơi đăng đắng, vắt thêm chút chanh sẽ chuyển sang vị ngọt dịu.

Do quá mê đồ ăn Việt Nam tươi và thanh đạm, nên ra sức thả lỏng, trở thành một kẻ phàm ăn vô bờ bến.

Ăn sạch đồ ăn trong đĩa. Ăn chân thành và sung sướng.

Bạn đã rất hiếm khi nghĩ tới cô đơn.

Đối với bạn, cô đơn là một dạng tồn tại không thể nói, không thể thừa nhận, cũng không thể cảm nhận được. Nó đã không còn cần bất kỳ những ám chỉ hoặc nguyên do gì. Vì nó đã biến thành không khí. Biến thành âm thanh lưu chảy trong huyết mạch. Biến thành thời gian và hồi ức có thể chạm tới. Biến thành bóng đêm.

Nó đã không còn liên quan tới tình yêu, bạn bè và tình thương, cũng không còn là một từ ngữ.

Đã là điểm tận cùng.

Lúc hoàng hôn đi xem cầu Nhật Bản. Hội An là một thị xã nhỏ cổ kính, rất dễ đi hết một vòng khắp đông tây nam bắc. Con sông Thu Bồn chảy qua. Luôn luôn có màu xanh, chậm rãi và bình lặng. Ở đầu cầu có dăm ông Tây đứng chụp cảnh mặt trời xuống. Mặt trời chiều to tròn đỏ như máu dừng lại bên rừng dừa xanh xanh, làm nền cho dòng sông, con thuyền và khói chiều vương trên các nếp nhà của người dân, như một bức tranh thêu.

Đứng một bên châm thuốc. Một người đàn ông Pháp khoác áo sợi đay đang bò rạp trên đất, muốn né các cột dây ăng ten để chụp một bức tranh hoàn chỉnh. Máy ảnh của bạn là dạng máy tự động, bởi vậy tấm hình đó cũng vứt đi.

Nhớ tới có người đã từng nói với bạn, mỗi năm ít nhất hai lần cũng để cho mình được ngắm mặt trời lên. Trên bãi biển hoặc ở trên đỉnh núi. Bạn vẫn luôn nhớ rõ gương mặt anh. Đôi mắt sâu và nóng như hòn than. Anh là một người quen trên chuyến du hành.

Ngắm bình minh trên núi cao. Sáng dậy sớm, con đường trên núi vẫn tối om. Sương lạnh trên cây rớt xuống. Không khí lạnh buốt tới mức khớp xương rên rỉ. Chạy như điên trên đường. Trên tảng đá lớn ở đỉnh núi đã có rất nhiều người. Nhưng khi mặt trời vừa xuất hiện, mỗi người chỉ tranh nhau chụp vài kiểu rồi về ngay. Lúc mặt trời ra đời cũng là lúc chói mắt và căng thẳng như thế.

Càng từng trải càng không thích chịu trả giá đi làm những việc không còn ý nghĩa thực chất. Hình thức đã không còn quan trọng nữa. Chín chắn chính là nhìn thấu bản chất bằng hình thức không ngừng vứt bỏ. Thế nên lòng chỉ như vậy, đi trước tuổi tác, già rất nhanh. Phải hy sinh giấc ngủ, đội gió lạnh, đi ngắm một cảnh mặt trời lên thật bình dị. Khi càng thích ngẫu hứng, giải tán một cảnh hoàng hôn, thích một mình đứng ngắm nó rất lâu.

Trước khi lặn, mặt trời đầy vẻ ung dung, kết cục đã ngay trước mắt, bóng đêm sắp ùa tới. Đêm tối nhưng rõ như ban ngày, càng có thể đem lại cho bạn nhiều niềm vui sướng. Vì đó là thời gian có thể ấp ủ những giấc mơ.

Hoàng hôn ở mỗi nơi đều khác nhau. Trên thảo nguyên Tân Cương từng ngắm mặt trời lặn hoa lệ như trong cơn say. Cũng từng đứng trên cầu vượt ở vòng ba phía đông Bắc Kinh, ngắm ánh tà dương trắng bạch và khô khan sau trận bão cát mùa xuân. Nó khiến người ta phải than thở vì ngạc nhiên, quá trực tiếp, quá ác liệt, như gương mặt của cuộc sống vậy.

Nhưng ở Hội An, trong một thị xã nhỏ đất khách quê người, cách xa Bắc Kinh ngàn dặm, bạn có thể thấy ánh tà dương trầm tĩnh như trước. Nó khiến bạn không thốt nổi nên lời.

Hút hết một điếu thuốc, quay về, đi tìm cây cầu Nhật Bản của bạn.

Trong ráng vàng sậm, cây cầu Nhật Bản càng lộ rõ những đường cong duyên dáng. Nó đã có hơn một trăm năm lịch sử. Tạo hình của cây cầu nhằm giúp khách qua đường có chỗ trú những hôm mưa gió. Đi lên cầu. Đá xanh cổ kính ẩm ướt và xanh mướt, từng tấc từng tấc mát mẻ. Có người thắp hương. Có chỗ đọc kinh. Có pho tượng Phật nhỏ bằng đá. Chúng ta qua cầu là để từ bờ bên này sang bờ bên kia.

Cuộc đời của chúng ta chính là đi trên một cái cầu từ bên này sang bên kia, không thể đi nơi khác được nữa. Nhưng vẫn có rất nhiều người dương dương tự đắc, cho rằng có thể đủ sức khống chế kết cục.

Muốn ngồi xuống, nhìn ánh tà dương vàng ngoài cửa sổ. Nhưng nỗi cô đơn đột nhiên lại trào dâng, không để bạn dừng chân.

Bạn hiểu rất rõ. Bạn rất hiếm khi nhớ tới cô đơn. Nhưng bạn có thể cảm thấy giờ đây đang rất cô đơn. Như một người phụ nữ đương lúc đẹp nhất, trầm lắng nhất, người mà cô yêu và người yêu cô đều không có bên cạnh.

Khách sạn mini ở Hội An, trong hành lang thắp đèn lồng đỏ.

Rất thích căn phòng đó. Tường quét vôi loang lổ, chiếc giường sắt đơn màu đen, màn trắng rủ. Toa lét ốp gạch men sứ đen, có đèn tường. Đúng. Nó giống một căn phòng khách sạn ở thị trấn nhỏ châu Âu. Người Việt thiết kế cho khách Tây ở. Bên ngoài có bể bơi. Có hành lang dài và ngoằn ngoèo.
Trong phòng, bạn có thể tắm, uống nước, đập muỗi, đọc tiểu thuyết tiếng Anh, mất ngủ, giống như cuộc sống ở Bắc Kinh. Tất cả như cũ. Chỉ có điều bạn không viết văn tiếp. Bạn mang theo một cuốn sổ nhỏ, bìa đen cứng bằng da bọc. Lấy bút bi ghi lại nhật ký trên đó trong suốt chuyến du lịch Việt Nam. Viết những câu thơ rời rạc. Vẽ hình. Chỉ duy nhất không sáng tác.

Sáng tác của bạn không phải như vậy. Sáng tác cần phải nhốt mình trong phòng kín, đối diện với máy tính, ban ngày che kín rèm, bật đèn bàn, cứ làm việc như vậy suốt ngày đêm. Mãi cho đến khi cảm giác như sắp cận kề cái chết. Sáng tác như một căn bệnh.

Trong thị xã nhỏ Hội An nơi đất khách, mất ngủ trong đêm khuya, tự tỉnh giấc. Ngắm đèn lồng đỏ trong hành lang bên dưới.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

20#
 Tác giả| Đăng lúc 6-7-2014 09:37:41 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1 - Chương XIV - Mặt Trời Lặn


Đi tàu thuỷ từ Phnom Penh tới Angko Vát.

Buổi sáng mát mẻ, rừng dừa và cây cối vừa bừng tỉnh sau một giấc ngủ say nồng. Sông Mê Kông bát ngát, cứ vươn mãi ra tới chân trời. Bầu trời có những tầng mây trĩu nặng màu hồng xám. Vừa có một trận mưa trong đêm, không khí âm ẩm. Mặt trời vẫn chưa đủ mạnh phá tan tầng mây, chỉ khẽ hắt ra luồng sáng màu da cam sau kẽ mây.

Đám Tây ba lô đã vác hành lý xuống tàu, đang lần lượt trèo lên boong, chuẩn bị tắm nắng. Tới trưa, mặt trời sẽ rất gắt, họ sẽ nướng người như thể nướng bánh mì. Tàu đột nhiên khởi động, càng lúc càng nhanh, gió dữ dội ụp xuống. Dọc sông có cây lớn, lũ trẻ dưới gốc cây đua nhau nhảy cẫng lên hua tay chào, thấy rõ những nụ cười trong sáng trên gương mặt chúng. Có lẽ cả cuộc đời chúng sẽ không đi ra khỏi mảnh đất đó. Những người khác đến từ thế giới bên ngoài đem lại cho cuộc sống vốn êm đềm ngày lại ngày của chúng những cảm nhận mới mẻ. Những người trên tàu cũng vẫy tay chào lại.

Tàu lại lướt qua một vùng đất bằng phẳng. Những đám chim trắng bay vòng vòng rất thấp, rồi lướt qua cánh đồng, đâm bổ lên trời cao.

Ở Phnom Penh, bạn trọ ở khách sạn Narin Guest.

Trong thành phố này đã rất khó kiếm những khách sạn mini sạch sẽ như vậy. Tầng trệt có một gian bếp nhỏ. Trên tivi đang chiếu một quảng cáo của Thái rất hay. Tầng một có một gian ngoài trời, đặt bàn gỗ lớn và ghế gỗ tựa cao. Có thể ngồi đó uống rượu, ăn cơm, hóng gió. Bà đầu bếp biết làm món cà ri gà rất ngon, ăn kèm sữa chua và chuối, thêm cả đồ giải khát mát mẻ, ngậm trong miệng là những đá vụn xay nhỏ, cắn lạo xạo.

Giường gỗ, dày và chắc chắn. Vỏ gối bằng vải bông, có hình các loài thú, viền hình hoa lá. Y hệt phòng ngủ của trẻ con.

Khách Tây đi chân trần trên hành lang gỗ. Trong tiệm nuôi rất nhiều chó, con nhỏ nhất cũng vài tháng tuổi, rất thân thiện, cứ quỳ xuống bên cạnh liếm chân bé gái. Ngoài cửa là con đường cát sỏi. Rất nhiều con đường ở Phnom Penh đều như vậy, gập ghềnh và thô ráp. Xe máy phóng qua, bụi bay mù trời, không ngừng lắc lư. Trước đây, thành phố này đã từng xảy ra bạo lực, chiến tranh, bãi giết người đẫm máu. Vết thương của nó cần có thời gian hồi phục. Nhưng những người đàn ông đã có một gương mặt nhẫn nhục cứng rắn. Một kiểu kiên trì hàn gắn vết thương. Những người từng nhìn thấy máu tươi vẫn còn nhớ mùi máu. Mặc dù họ chỉ im lặng.

Nửa đêm mất ngủ, bạn đi chân trần ra sân thượng hút thuốc. Ở đó vẫn có người. Một đám thanh niên Pháp vây quanh chiếc bàn đang thảo luận lộ trình du lịch. Một chàng trai Đài Loan yên tĩnh đọc tiểu thuyết trong góc. Ánh trăng dịu dàng, rải đều xuống như nước hồ đổ nghiêng. Chiếc quạt gió to chậm rãi quay tròn. Dưới chân cột điện, chủ nhân đám xe máy đang tụ tập trò chuyện.

Bạn nhớ tới Việt Nam. Cũng cùng là một quốc gia đã trải qua chiến tranh và bị thực dân, nhưng Việt Nam dịu dàng và trầm lắng. Còn Phnom Penh lại là thành phố bi thương, như thể vĩnh viễn không thể nào phục hồi được vẻ nguyên sơ ban đầu. Hơn nữa, nó cứng nhắc đến vậy.

Trong viện bảo tàng, tấm hình được mang tính tượng trưng là hình một phụ nữ đang ngồi trước dụng cụ hành hình. Khi sợi dây thép sắp xuyên qua đầu, cái chết đã cận kề nhưng đứa trẻ vẫn đang ngủ say trong lòng mẹ. Gương mặt cô trĩu nặng như thế. Lắng vào tận xương tuỷ. Đã mất hết những khiếp sợ và bi thương. Không. Chỉ khi đối mặt với những khát vọng mãnh liệt của sự sống, chúng ta mới biết sợ. Chỉ khi nhớ lại những niềm vui đã mất, không bao giờ trở lại, chúng ta mới thấm thía đau thương. Trong cảnh giết chóc, rất nhiều người thân, trẻ em, những người vô tội đều chết cả. Thế giới đã rơi vào địa ngục tối tăm. Sự sống chỉ là một trang giấy mỏng manh như vậy, đặt trước mặt khẽ rách toạc. Chỉ có tuyệt vọng.

Bạn sẽ không muốn dừng lại ở thành phố này quá lâu. Bên bờ sông, bạn nhìn thấy một tiệm quần áo thời trang, bày biện giống hệt các cửa tiệm thời trang trên đường phố Paris, chỉ bán quần áo được làm bằng tơ lụa. Một chuỗi dây chuyền bằng ngọc rất bình thường cũng bán tới 110 đô Mỹ. Anh xe ôm mách với tôi đó là tiệm của một đại sứ phu nhân. Những quý bà nhàn rỗi không biết làm gì mới tự mình thiết kế một số trang phục để bán.

Cạnh đó là một công trường đang xây dựng. Dưới trưa hè nóng nực, đàn ông và đàn bà quấn mặt bằng khăn bông, lầm lũi khuân gạch. Có người quá mệt, lăn ra ngủ dưới bóng khuất một góc tường. Đứa trẻ cởi trần gầy gò đen đúa, tay bế một đứa khác bé hơn, không áo quần, đi như chạy qua đường. Nó không tìm nổi người hảo tâm. Một đôi mắt to đen láy, lạnh lẽo vô cùng.

Trong tiệm ăn Tây đẹp đẽ, giá một bữa trưa không rẻ. Nhưng ở ngoại thành, phần lớn mọi người đều sống trong nhà cỏ, nồi niêu xoong chảo đều chất đống. Cả nhà năm sáu miệng người, chen chúc nhau ngủ trên manh chiếu rách. Người dân sống như côn trùng. Nghèo đói như số kiếp cùng chung sống. Vì thế hoà thượng được kính trọng nhất. Tôn giáo biến thành niềm an ủi tinh thần duy nhất. Họ gửi gắm hy vọng vào kiếp sau.

Bạn không muốn ở lâu vì chẳng thể làm nổi gì. Bạn chỉ là một kẻ lữ hành, cùng lắm chỉ chụp được vài tấm hình. Nhưng rốt cuộc bạn cũng không tài nào chụp được tiếp, bởi không nỡ chĩa ống kính vào những con người đang khổ nạn kia. Họ có ánh mắt bất hạnh nhưng không hề tự biết, khiến bạn thấy ngượng ngùng. Bạn không thể giải quyết được điều gì. Cũng không thể bố thí. Lầm lũi quay người, bỏ đi. Đó là việc duy nhất bạn có thể làm.

Rồi bạn quay về Bắc Kinh, đôi khi đi ngang qua một tiệm ăn, thấy một đám ăn mày chạy ra, rõ ràng vừa được ăn no, trong tay xách một bọc quần áo cũ. Có mấy người mặc rất modern lẫn vào trong, rõ ràng họ tổ chức màn diễn này, ra sức cầm máy DV ghi hình. Họ cứ quay, cứ ghi lại hình ảnh hớn hở mù quáng của đám người đáng thương.

Một ông già ăn xin gánh một mớ rách nát, băng qua đầu phố đông đúc, mất dạng rất nhanh. Ông quay lại với cuộc sống của mình, như trước kia, sẽ không có gì thay đổi. Lúc đó, bạn rất muốn tiến lên đập tan cái máy quay phim trong tay người nọ. Gương mặt đắc ý của anh ta thật đáng ghét.

Đó là những con người thực sự không có một mái nhà để quay về, thân thể đầy thương tích, giành giật nhau để sống. Thứ nghệ thuật coi thường sự đau khổ sẽ chỉ là giả tạo mà thôi.

Sáng ngày thứ ba, bạn ngồi trên tàu. Bạn cứ chờ đợi trên boong. Cầm chai nước suối to, uống nước. Trong boong người ngồi chật cứng nhưng không khí không hỗn độn. Một đôi trai gái người Tây Ban Nha ngồi ngay lên bậc lên xuống, ôm nhau ngủ lơ mơ. Cái dáng họ âu yếm nhau. Đi được nửa đường, một người da đen đến từ Los Angeles cãi nhau với đám người da trắng. Không ai can ngăn họ. Nhưng cuộc cãi vã không rõ nguyên nhân cũng chấm dứt rất nhanh. Bạn đưa cho bé gái mặc áo tím một phong kẹo cao su. Con bé rất xinh, có đôi mắt đen u buồn. Nó trân trọng cất phong kẹo vào túi. Âu yếm nhai.

Cuộc hành trình khá dài. Không có cơm trưa. Bạn sẽ thấy rất mệt.

Tới khi cập bến, những con thuyền nhỏ của các khách sạn đã sẵn sàng trên sông mời mọc khách. Bến cũ kỹ, mấp mô,con đường đá, dãy hàng quán bẩn thỉu, gián chạy khắp nơi. Quá nhiều gián. Dòng sông vàng đục ngầu bốc mùi thối khẳm. Có người đàn ông gầy gò đen đúa lưng trần đang xúc cá chết dưới đó. Đường đi rất xấu, ven đường là nhà dân làm bằng cây khô và cỏ đắp thành. Đó là nhà của dân nghèo. Nếu khá hơn một chút sẽ làm nhà bằng gỗ, diện tích tất nhiên cũng rộng hơn.

Buổi chiều, hầu hết mọi người đều ở nhà ngủ. Đàn ông, đàn bà, trẻ con. Chẳng có gì giải trí, cũng không thể làm việc. Nơi này không có điện, không có nước máy, không có thiết bị vệ sinh, thậm chí không có cả chó. Bên ngoài tấm liếp chỗ ngủ có thể là nơi đổ rác. Cuộc sống của họ như vậy. Khi xe băng qua các con đường, người ta còn khó quên nhất là cánh đồng hoang bát ngát, những thảm cây ngủ im. Trời xanh mây trắng mở ra rất tĩnh mịch. Thiên nhiên vĩnh viễn lặng câm quan sát nỗi khốn khó và con đường bế tắc của loài người.

Siêm Reap ở Angko Vát là một thị trấn sạch sẽ. Do nơi này đã biến thành khu du lịch nên thiết kế cũng khá hơn ở Phnom Pênh. Bạn sẽ ở trong phần nhánh của khách sạn Narin. Khách sạn rất mới. Buổi tối trong phòng ăn ở tầng trệt có chiếu phim Mỹ. Một đám khách Tây đã tề tựu ở đó xem ti vi và uống bia. Thời tiết rất nóng, phòng lại không có điều hoà. Bạn cũng có thể xuống lầu uống nước chanh lạnh, ăn một đĩa cơm chiên rau. Có dưa hấu tươi. Người trong khách sạn đều cùng một gia đình, người làm nhân viên, người làm đầu bếp. Họ nấu cháo ăn. Phục vụ rất lễ phép, ấm cúng.

Bạn đi tắm hết lần này tới lần khác. Nóng. Đôi khi cái nóng khiến người ta không tài nào thở nổi.

Angko chẳng có gì đáng nói. Rất nhiều người tới Campuchia chỉ vì Angko. Bạn lại khác. Bạn cứ đang ngắm nhìn. Cuộc hành trình của bạn khác với mọi người. Bạn cũng không trò chuyện với người khác. Bạn phát hiện thấy cuộc đời của một con người cô độc làm việc trong nhà đã khiến bạn mất đi hứng thú và động cơ đối với ngôn ngữ. Đương nhiên, bạn cũng không có cảm giác có điều gì không đúng.

Thứ mà bạn duy nhất nhớ được là gió mát và ánh nắng trưa xuyên vào dãy hành lang dài âm u trong điện Angko. Phía sau cột đá đựng dứng là cây xanh mướt và thảm cỏ dưới nắng chan hoà. Đàn chim bay ngang bầu trời. Có thể nghe thấy tiếng chim kêu và tiếng lá rụng loạt soạt. Chính là âm thanh đó.

Đi một đoạn, bạn sẽ ngồi xuống tảng đá. Nghỉ ngơi. Lắng nghe gió. Hòn đá cổ kính và mát rượi. Phía sau trên có vết chạm khắc. Khi con người muốn lưu giữ một số thứ vĩnh hằng luôn nhớ tới điêu khắc. Nhưng khi những hình ảnh này được thể hiện, tất cả những vui buồn đều tan biến như khói mây.
Tất cả mọi người đều muốn tới núi Ba Khẳng ngắm mặt trời lặn, vì nghe nói đó là nơi đẹp nhất thế giới khi mặt trời xuống. Thế là lúc hoàng hôn vừa buông, từng đám người bắt đầu tranh nhau trèo lên sườn núi có vách đá dựng đứng. Bãi đất phẳng trên đỉnh núi đã chật kín người. Hầu hết là đủ các dân tộc trên toàn thế giới. Nhưng mặt trời vẫn bị đám mây dày che kín. Giữ lại. Chỉ là một bình nguyên dần nhuốm màu vàng.

Hai ngày tiếp đó, bạn vẫn chưa được thấy mặt trời lặn. Cảnh đẹp nhất thế giới có lẽ phải xuất hiện rất hiếm hoi, được ít người chứng kiến. Nó phải thần bí, khác thường. Bạn chợt nghĩ ra cuốn tiểu thuyết của mình. Bạn thấy sau này sẽ viết một cuốn tiểu thuyết. Cuốn đó sẽ có cái kết như sau. Một con người chưa được thấy mặt trời lặn. Một ước hẹn không tài nào thực hiện nổi. Cuộc sống của chúng ta vốn chỉ tiếp tục vì chờ đợi, nhẫn nại vì thất vọng.
Một cô gái Trung Quốc thuê một chiếc xe máy, kêu anh tài chở đi thăm Angko. Đó là một thanh niên Campuchia trẻ và đẹp. Họ có ba ngày, cứ xuyên qua những cánh rừng và thảo nguyên của Angko. Từng mất một buổi chiều trong một căn miếu nhỏ vắng khách du lịch, Banteay Samre. Bên trong hoàn toàn lưu giữ được bậc thềm, vách tường và cột trụ cổ kính. Còn đó cả tiếng hoà thượng gõ mõ. Khoảng ba giờ, đột nhiên có một trận mưa khủng khiếp rất hiếm hoi trong mùa khô. Họ bị nhốt trong hành lang. Nghe tiếng mưa rơi trên các tán lá. Có một nụ hôn chưa thực hiện.

Cuối cùng, cô gái trả tiền xe hơn gấp đôi. Chỉ vì day dứt hay cảm động? Không cần biết. Đó là một đoạn tình sẽ không có mở đầu. Chỉ đến từ độc thoại. Rất thực.

Tiếng mưa rơi là một chi tiết khiến người ta bồi hồi nhất trong cả câu chuyện. Đứng từ góc độ tiểu thuyết, một nụ hôn chưa được thực hiện luôn tuyệt diệu nhất.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách