Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Xem: 1378|Trả lời: 1
Thu gọn cột thông tin

Giải vô địch Wimbledon

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 5-2-2012 11:11:14 | Xem tất |Chế độ đọc
WIMBLEDON




          Giải Wimbledon (tiếng Anh: The Championships Wimbledon) là giải vô địch quần vợt Anh. Nó là giải lâu đời nhất và có uy tín nhất của môn quần vợt. Giải được tổ chức vào khoảng tháng 6, tháng 7, là giải thứ 3 trong hệ thống giải Grand Slam hàng năm, sau giải Úc mở rộng và Pháp mở rộng, và trước giải Mỹ mở rộng. Giải tiến hành trong 2 tuần; trong 4 giải Grand Slam, đây là giải duy nhất chơi trên sân cỏ. Giải bao gồm các giải đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Bên cạnh đó có giải trẻ, gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam và đôi nữ. Ngoài ra còn tổ chức giải mời đặc biệt dành cho các tay vợt đã giải nghệ: đôi nam từ 35 tuổi trở lên, đôi nam từ 45 tuổi trở lên, đôi nữ từ 35 tuổi trở lên và giải đôi xe lăn, dành cho người khuyết tật chơi trên xe lăn.
           Địa điểm         Wimbledon, Luân Đôn,   Anh
           Mặt sân         Sân cỏ, ngoài trời
           Bảng nam         128S / 128Q / 64D
           Bảng nữ         128S / 96Q / 64D
          Tiền thưởng         12.550.000 £
          Trang web chính thức của giải đấu: http://www.wimbledon.com/




1, LỊCH SỬ

         Giải Vô địch được "Câu lạc bộ croquet và quần vợt sân cỏ toàn Anh" (All England Lawn Tennis and Croquet Club) tổ chức lần đầu tiên năm 1877 ở một sân gần Worple Road, Wimbledon, lúc đó chỉ thi đấu đơn nam. Năm 1884, Câu lạc bộ toàn Anh cho thêm đơn nữ và đôi nam; năm 1913 thêm đôi nữ và đôi nam nữ.

          Năm 1922 giải chuyển về địa điểm ngày nay là sân gần Church Road.

          Ngày xưa người Anh chỉ chơi quần vợt làm trò thể thao giải trí với tinh thần "thượng võ" (tựa như Thế Vận Hội) cho nên họ xem những người chuyên nghiệp đánh kiếm tiền là "hạ đẳng", không xứng đáng được dự giải Wimbledon. Vì thế ngày xưa Wimbledon (cũng như 3 giải Grand Slam kia: Úc, Pháp, và Mỹ) chỉ cho các tay vợt tài tử (nghiệp dư) tham dự mà thôi. Mãi cho đến khi kỷ nguyên mở rộng của môn quần vợt bắt đầu năm 1968, những tay vợt chuyên nghiệp mới được cho tham dự.

          Người Anh rất tự hào về giải đấu này, nhưng một điều phiền muộn đối với họ là không có tay vợt nam người Anh nào đoạt giải đơn kể từ Fred Perry năm 1936, cũng như chưa có tay vợt nữ người Anh nào vô địch kể từ Virginia Wade năm 1977.


2, SÂN THI ĐẤU

          Wimbledon có 19 sân, tất cả đều có mặt sân cỏ. Đây là truyền thống "lawn tennis" (quần vợt trên sân cỏ) của người Anh, vì vậy họ vẫn muốn giữ mặc dù hầu hết tất cả các giải quần vợt khác trên thế giới dùng sân cứng (hard court) hoặc sân đất nện (clay court). Trên sân cỏ banh đi nhanh, nẩy thấp và không đều, vì vậy nó thường thích ứng với những tay đấu thủ hay giao banh và chạy lên lưới (serve and volley). Nhưng có trường hợp đặc biệt là Bjorn Borg, vốn là tay vợt trước đó đã thành danh từ sân đất nện rất ít khi lên lưới, nhưng đã vô địch Wimbledon 5 năm liên tiếp (1976-1980).

          Sân thi đấu chính ở Wimbledon có tên là Sân Trung tâm (Centre Court), các trận chung kết luôn diễn ra ở đó. Do thời tiết ở Luân Đôn hay mưa trong thời gian tổ chức giải, người ta đã quyết định lắp mái che di động trên sân, đã hoàn thành năm 2009.


Sân Trung tâm ở Wimbledon


           Sân Số 1 nguyên thuỷ gắn liền với Sân Trung tâm, nhưng năm 1997 được làm lại, thay bằng khán đài mới có sức chứa lớn hơn. Người ta nói rằng Sân Số 1 nguyên thuỷ có một không khí rất độc đáo, được nhiều đấu thủ ưa thích, vì vậy việc thay nó đã làm buồn lòng nhiều người. Sân Số 1 cũng là nơi thi đấu một số trận quan trọng như tứ kết giải đơn, và có một màn ảnh truyền hình khổng lồ bên ngoài cho những người tụ tập trên một bãi cỏ cao để xem. Người Anh thường đặt tên cho ngọn đồi theo tên đấu thủ Anh "gà nhà" nào có nhiều hi vọng thắng giải. Ngày trước đấu thủ Anh đó là Tim Henman nên họ gọi là "ngọn đồi Henman". Nay đấu thủ Anh có hi vọng là Andy Murray nên lại gọi là "ngọn đồi Murray". Họ hy vọng có được nhà vô địch đơn nam người Anh đầu tiên kể từ Fred Perry năm 1936.


Sân Số 1


           Sân Số 2 có hỗn danh là "Mồ chôn các nhà vô địch" vì nơi đó nhiều tay vợt có hạng từng thua những đấu thủ xếp hạng thấp hơn. Các nạn nhân có cả Andre Agassi, Pete Sampras... và suýt nữa là thêm Tim Henman ở vòng 1 giải năm 2005.


3, TRUYỀN THỐNG

   
Cúp Vô địch đơn nam (trái) và nữ


          Xanh lá cây đậm và tía là những màu truyền thống của Wimbledon. Wimbledon cũng là giải đấu duy nhất bắt buộc các tay vợt phải mặc trang phục "chủ yếu là màu trắng" trong các trận đấu chính thức của giải.

           Trước kia, truyền thống của Sân Trung Tâm còn đòi hỏi các vận động viên khi vào sân và khi rời sân phải cúi chào các người thuộc hoàng tộc ngồi trong Chỗ Ngồi Hoàng Gia (Royal Box), nhưng từ sau 2003 họ chỉ phải chào khi có sự hiện diện của Nữ hoàng (Elizabeth II) hay Thái tử (Charles).

            Hàng năm giải bắt đầu 6 tuần trước ngày thứ hai đầu tiên của tháng 8, và kéo dài 2 tuần. Theo truyền thống thì ngày Chủ nhật giữa giải là ngày nghỉ, nhưng do mưa nên đã có 3 lần thông lệ này bị vi phạm, lần gần đây nhất vào năm 2004. Tuần đầu tiên dành cho các vòng đấu ngoài, tuần thứ hai là các trận vòng 4, tứ kết, bán kết và chung kết.

            Vô địch đơn nam được nhận một chiếc cúp mạ vàng cao chừng 46 cm (hơn 18 inch). Vô địch đơn nữ nhận một chiếc khay bạc đường kính chừng 48 cm (gần 19 inch), thường gọi là Đĩa Nước Hoa Hồng Vệ Nữ (Venus Rosewater Dish) hoặc gọi tắt là Đĩa Nước Hoa Hồng (Rosewater Dish). Các giải còn lại cũng có cúp. Năm 2009 tiền thưởng là 850.000 bảng Anh cho mỗi danh hiệu vô địch đơn nam và đơn nữ.

            Đối với khán giả, món dâu tây và kem là món ăn Wimbledon truyền thống.


4, CÁC NHÀ VÔ ĐỊCH
Bảng thành tích các tay vợt nam vô địch Wimbledon

Martina Navratilova, người Mỹ gốc Tiệp Khắc, là tay vợt đoạt giải đơn nhiều nhất: 9 lần vô địch đơn nữ, 1978-79, 1982-87 và 1990, ngoài ra còn có 7 lần vô địch đôi nữ và 4 lần vô địch đôi nam nữ. Các tay vợt nữ thành công khác là Helen Wills Moody với 8 lần vô địch giải đơn; Dorothea Douglass Chambers và Steffi Graf, mỗi người 7 lần giải đơn.

Về phía nam giới, đoạt giải đơn nhiều nhất là 7 lần: William Renshaw, người Anh (1881-86 và 1889); và Pete Sampras, người Mỹ (1993-95 và 1997-2000). Ngoài ra William Renshaw còn 5 lần vô địch giải đôi cùng với người anh em song sinh của mình, Ernest Renshaw.

Trong lịch sử cận đại của Wimbledon, vô địch đơn nam nổi tiếng gồm có Bjorn Borg (thắng 5 năm liên tiếp 1976-1980), Pete Sampras (thắng 7 lần: 1993-1995 và 1997-2000), và Roger Federer (thắng 5 năm liên tiếp 2003-2007, và thứ sáu năm 2009).


Nguồn: Wikipedia
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 6-2-2012 12:23:19 | Xem tất


Vì sao Wimbledon danh giá?



Có rất nhiều lý do khiến Wimbledon được mệnh danh là giải Grand Slam số 1 thế giới, cũng có nghĩa là giải quần vợt danh giá nhất hành tinh. Huyền thoại quần vợt Andre Agassi từng nói: “Wimbledon là nơi tôi học cách mặc trang phục trắng, cũng là nơi tôi học cách cúi mình chào các hoàng gia Anh. Tôi học được ở Wimbledon nhiều điều không chỉ trong tennis, và đó cũng là nơi tôi cảm thấy hạnh phúc vì được tôn trọng và ngưỡng mộ”.




Giấc mơ lớn của đời vận động viên

Wimbledon luôn là giải Grand Slam yêu thích của đa số tay vợt. Đó cũng là nơi 2 tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại – Roger Federer của Thụy Sỹ và Pete Sampras của Mỹ làm nên tên tuổi, Wimbledon cũng là giải Grand Slam khó thành công nhất theo quan niệm của nhiều tay vợt bởi tốc độ bóng rất nhanh trong khi quỹ đạo bóng không thể đoán trước, đòi hỏi phản xạ, kỹ thuật và nhiều tố chất tinh thần cũng như chuyên môn khác.

Wimbledon là giấc mơ lớn của nhiều VĐV vĩ đại. Huyền thoại quần vợt Mỹ Ivan Lendl, giành 8 danh hiệu Grand Slam, nói một trong những tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp là chưa bao giờ vô địch Wimbledon dù 2 lần vào chung kết giải này vào các năm 1986 và 1987. Tay vợt số 1 thế giới hiện nay là Rafael Nadal từng nói: “Sự nghiệp của tôi không thể nói là viễn mãn nếu không vô địch Wimbledon”. Giấc mơ lớn của Nadal đã thành sự thật sau một nỗ lực phi thường. Tay vợt TBN chấm dứt sự thống trị của Federer trên sân cỏ bằng chiến thắng kịch tính ở trận chung kết Wimbledon 2008. Đây không chỉ là một trong những trận đấu đáng nhớ trong lịch sử Wimbledon mà còn được xem là trận đấu hay nhất mọi thời đại theo nhận định của huyền thoại – bình luận viên nổi tiếng John McEnroe.


McEnroe có những sẻ chia rất thật lòng


Cũng như Agassi, McEnroe là kẻ nổi loạn không thích bị gò bó vào bất kỳ khuôn khổ nào. Tuy nhiên, để được dự Wimbledon, McEnroe bắt buộc phải chấp nhận những quy định khắt khe của giải như mặc đồ trắng. Agassi sau 4 năm tẩy chay Wimbledon vì quy định trang phục trắng cuối cùng cũng đã thay đổi để được dự giải Grand Slam danh giá nhất thế giới. McEnroe, 3 lần vô địch Wimbledon, từng nói: “Bạn có thể biết tất cả những gì cần biết về 1 VĐV cũng như tính cách, cuộc sống của anh ta qua các trận đấu tại Wimbledon”. Một huyền thoại khác của tennis thế giới là Boris Becker nói “Wimbledon là đỉnh cao sự nghiệp của tôi, cũng giống như một VĐV điền kinh xem các cuộc thi Olympic là đỉnh cao sự nghiệp của mình”. Cựu danh thủ Arthur Ashe, một trong những nhà vô địch lớn trong lịch sử Wimbledon đã nói: “Một trong những điều làm nên sự đặc biệt của Wimbledon là truyền thống của giải đấu này. Wimbledon nêu cao những giá trị và truyền thống của nước Anh, ai cũng biết Anh là quốc gia đạt đỉnh cao về những giá trị của truyền thống”.

Những nét riêng biệt


Có rất nhiều nét riêng biệt của Wimbledon so với các giải Grand Slam khác nói riêng cũng như các giải quần vợt khác nói chung. Cũng giống như cúp FA (cúp quốc gia Anh) trong môn bóng đá, nước Anh cũng tự hào vì Wimbledon là giải quần vợt lâu đời nhất trên thế giới. Ra đời vào năm 1877, thuở ban đầu không ai nghĩ sẽ có ngày Wimbledon thu hút hàng tỷ khán giả và trở thành giải Grand Slam danh giá nhất thế giới. Ở lần tổ chức đầu tiên, Wimbledon là giải đấu vợt nghiệp dư với thể thức duy nhất là đơn nam. Chỉ có 22 tay vợt tham dự Wimbledon 1877 với chức vô địch thuộc về Spencer Gore. Tay vợt này nhận được 12 đồng guinea (1 guinea = 21 shilling, 1 shilling = 1/20 bảng). Gía vé khi ấy chỉ là 1 shilling. Phải đợi đến 7 năm sau, nội dung đơn nữ mới được đưa vào hệ thống thi đấu. Maud Watson đoạt chức vô địch đầu tiên (chỉ có 13 tay vợt nữ tham dự). Cũng trong năm 1884, nội dung đôi nam xuất hiện. Đây là thời điểm đánh dấu sự phát triển của Wimbledon về số khán giả cũng như các phương tiện cơ sở vật chất, sự chú ý của giới truyền thông.

Wimbledon là giải Grand Slam duy nhất thi đấu trên sân cỏ, cũng là giải Grand Slam duy nhất giữ nguyên loại sân thi đấu từ những ngày sơ khai. Sân trung tâm Centre Court thật sự là một huyền thoại, cũng giống sân Wimbledon trong bóng đá không chỉ là thánh đường của giới hâm mộ túc cầu Anh. Sức chứa 15.000 người không phải là số 1 về lưu lượng khán giả nhưng Centre Court tại Wimbledon có khu dành riêng cho Hoàng gia (Roya Box). Các VĐV được yêu cầu cúi chào các thành viên Hoàng gia Anh khi đi ngang qua khu Roya Box, nhưng thông lệ này đã được bãi bỏ từ năm 2003 bởi chủ tịch Hiệp hội quần vợt sân cỏ Anh là Quận công Edwards. Tuy nhiên, mỗi khi có các thành viên xuất hiện tại Roya Box, đặc biệt là Nữ hoàng Anh, các tay vợt thường tự giác thực hiện nghi thức cúi chào như là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với nước Anh, quần vợt cũng như truyền thống riêng biệt của Wimbledon.

Wimbledon có những quy định riêng về trang phục cho VĐV, các chú bé, cô bé nhặt bóng. Cách gọi tên VĐV cũng rất đặc biệt: bà hoặc cô, nếu một VĐV nữ đã có gia đình thì ghép họ chồng vào họ của VĐV nữ khi trọng tài xướng tên hoặc khi tên xuất hiện trên bảng điện tử. Nét truyền thống của Wimbledon còn là kem và dâu tây là 2 món được ưa chuộng trong 2 tuần liền diễn ra giải. Trong 14 ngày diễn ra giải đấu, khán giả Wimbledon tiêu thụ 28.000 kg dâu Anh và 7.000 lít kem. Có người ví Wimbledon là ngày hội của trẻ em (chuộng kem) chứ không phải của người lớn (chuộng bia bọt, dễ xảy ra cảnh say xỉn).


Wimbledon được xem là giải đấu dành cho công chúng

Wimbledon được xem là giải đấu dành cho công chúng, chính vì vậy ban tổ chức hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ thương mại, nói cách khác là kiếm tiền, đến từ những công ty, tập đoàn muốn khai thác kinh doanh thông qua Wimbledon. Tất nhiên, Wimbledon vẫn là cỗ máy kiếm tiền khổng lồ nhờ những biện pháp kinh doanh khoa học, hiệu quả của BTC giải nhằm vào nửa triệu khán giả (chưa kể du khách) đến Anh xem Wimbledon vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 hàng năm. Vì là giải Grand Slam của công chúng nên tránh được tối đa tình trạng phe vé, giá vé chợ đen cao ngất ngưởng. Không giống những môn thể thao khác tại Anh cũng như ở các quốc gia khác, Wimbledon tổ chức bán phần lớn số vé xem các trận đấu thông qua hình thức tổ chức xếp hàng bốc thăm để được mua vé. Như thế là làm hài lòng giới hâm mộ dù có làm phiền lòng một bộ phận nhỏ các nhà tài trợ, quan chức… Vào ngày Chủ nhật giữa 2 tuần của Wimbledon là ngày nghỉ truyền thống của giải đó được gọi là Ngày của công chúng (People’s Day) mang ý nghĩa đúng với tên gọi: Gía vé rẻ, không bán vé đặt chỗ trước, thường dành cho người giàu, cùng các ưu đãi khác dành cho những fan đích thực của Wimbledon và tennis.

Wimbledon là giải của những sự khác biệt chủ yếu mang giá trị tinh thần, truyền thồng nhiều hơn là về mặt số lượng khán giả hoặc giá trị giải thưởng (đều không phải là cao nhất nếu so với US Open). Từ năm 2009, Wimbledon đưa vào sử dụng mái che di động ở sân trung tâm trị giá 100 triệu bảng. Wimbledon cũng là giải Grand Slam duy nhất sử dụng mái che di động để phòng điều kiện thời tiết. Còn khi trời mưa bất chợt? Sir Cliff Richards, siêu sao nhạc pop của Anh, tự nguyện trình diễn live show ca nhạc bất ngờ nhưng tuyệt vời với sự chung sức từ các giọng ca nghiệp dư là các ngôi sao tennis dự giải vào ngày 3/7/1996.

Wimbledon còn là giải đấu chứng kiến trận đấu kéo dài nhất trong lịch sử kéo dài qua 2 ngày, 11 tiếng và 5 phút thi đấu giữa Nicolas Mahut và John Isner ở Wimbledon năm ngoái. Chung cuộc, Isner thắng 6 – 4, 3- 6, 6 – 7 (9 -7), 7 – 6 (7 - 3) 70 – 68, riêng ở ván cuối cùng tỷ số là 70 – 68! Năm nay, khán giả xem Wimbledon trên khắp thế giới sẽ hào hứng hơn nhờ kỹ thuật truyền hình 3D của hãng Sony trong chiến dịch rầm rộ 3D Wimbledon ăn theo giải Grand Slam danh giá nhất thế giới.

Wimbledon đúng là số 1, hiểu theo nhiều nghĩa và nhiều mặt.



Nguồn: Nguyệt Minh - Tạp chí Tennis
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách