Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: blue.smile
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Truyện Ngắn - Xuất Bản] Pippi Tất Dài | Astrid Lindgren

[Lấy địa chỉ]
31#
Đăng lúc 28-9-2012 17:43:58 | Chỉ xem của tác giả
Chương 11

Pippi rời đảo Taka-Tuka

Tiếp sau đó là những ngày tuyệt vời, những ngày tuyệt vời giữa một thế giới ấm áp và rực rỡ, tràn ngập ánh mặt trời, với biển xanh lấp lánh cùng những bông hoa thơm ngát.

Giờ đây Thomas và Annika đã trở nên rám nắng tới mức người ta không còn phân biệt nổi chúng với đám trẻ con thổ dân trên đảo. Còn Pippi thì khắp mặt chi chít tàn nhang.

"Đây đúng là chuyến đi làm tăng nhan sắc cho tớ," Pippi hài lòng tuyên bố. "Tớ có nhiều tàn nhang và xinh đẹp hơn bao giờ hết! Nếu cứ tiếp tục mãi thế này thì rồi sẽ không ai là không mê tớ."

Thực ra ngay lúc này đây Momo, Moana và tất cả bọn trẻ trên đảo Taka-Tuka đã mê Pippi lắm lắm. Chưa bao giờ chúng được chơi vui đến thế, chúng yêu Pippi cũng như yêu Thomas và Annika. Phải, tất nhiên chúng yêu cả Thomas và Annika, vì Thomas và Annika cũng yêu những đứa trẻ trên đảo Taka-Tuka. Chính vì thế mà tất cả bọn quấn quýt nhau với nhau và nô đùa suốt ngày không biết chán. Phần lớn thời gian chúng ở trong hang. Pippi mang theo những tấm chăn, và nếu muốn, chúng có thể ngủ đêm luôn tại đó, ấm áp và dễ chịu hơn cả đêm đầu tiên. Pippi cũng bện xong một chiếc thang bằng dây chão, dòng từ miệng hang xuống mặt biển bên dưới, thế là cả lũ tha hồ leo lên leo xuống mà bơi hay lặn ngụp tuỳ thích. Phải, bây giờ chúng thậm chí có thể bơi dưới biển, vì Pippi đã dùng lưới quây một vùng nước rộng ngăn không cho lũ cá mập bén mảng tới. Thật là thích thú khi được bơi ra bơi vào những vòm hang ngập trong nước biển. Thậm chí ngay Thomas và Annika cũng đã học cách lặn mò ngọc trai. Viên ngọc trai đầu tiên mà Annika mò được là một viên to, phơn phớt hồng rất đẹp. Nó quyết định sẽ mang viên ngọc trai này về nhà và đánh thành nhẫn, làm kỷ vật của đảo Taka-Tuka.

Chúng còn bày trò chơi mà trong đó Pippi giả làm Buck toan tìm cách lẻn vào hang đánh cắp những viên ngọc trai. Thomas bèn rút chiếc thang dây lên, khiến Pippi phải trổ hết tài nghệ bám vào những gờ đá mà leo lên thang.

Cả lũ cùng hét "Buck đến đấy! Buck đến đấy!" khi Pippi thò đầu vào miệng hang, và chúng được phép lần lượt đẩy vào bụng Pippi khiến nó ngã ngửa xuống biển. Dưới biển, Pippi lặn ngụp, chổng cả hai chân lên trời, khiến lũ trẻ cười lăn lộn, chỉ thiếu nước rơi khỏi hang. Nếu đã chán ở trong hang, cả bọn có thể chui vào mái nhà tranh của chúng. Chúng đã xúm lại giúp Pippi dựng mái nhà tranh này, dù tất nhiên Pippi đảm nhận phần lớn công việc. Căn nhà khá to, vuông vức, các bức vách được làm bằng những thân tre thanh mảnh, có thể leo quanh trong nhà hoặc leo lên mái nhà một cách thoải mái. Ngay sát nhà là một cây dừa lớn. Pippi đã đẽo lên thân cây những nấc thang, nên có thể dễ dàng leo trèo lên tận ngọn cây. Từ trên đó mà ngắm cảnh thì thật tuyệt. Giữa hai thân cây cọ khác, Pippi mắc một cái đu bện bằng sợi gai. Cái đu thật hết ý! Nếu đu thật mạnh và nhằm lúc đang đu bổng nhất mà nhảy, ta sẽ rơi đúng xuống biển. Pippi đu cao đến nỗi nó bay người rõ xa ra mặt biển. Nó tuyên bố: "Một ngày đẹp trời nào đó tớ sẽ bay từ trên du sang tận nước Úc. Thật chẳng có gì là thích thú cho kẻ nào bị tớ rơi xuống trúng đầu!"

Lũ trẻ cũng làm những chuyến đi chơi vào sâu trong rừng rậm. Trong đó có một dãy núi cao với một thác nước đổ từ trên vách núi. Pippi nảy ý định phi trong một chiếc thùng gỗ từ trên đỉnh thác xuống. Và nó nghĩ là làm. Nó vác theo một thùng gỗ lấy từ tàu Hoppetosse, chui vào trong thùng. Thomas và Momo đóng nắp thùng lại và lăn chiếc thùng ra đầu thác nước. Chiếc thùng lao phăng phăng theo dòng thác, vỡ tan dưới chân thác. Tất cả bọn trẻ chứng kiến Pippi mất tăm trong con nước và không tin rằng sẽ còn có lúc được trông thấy nó nữa. Nhưng bỗng Pippi lại ngoi lên, bước lên bờ và nói: "Gớm, cái thùng trôi đến là nhanh!"

Phải, ngày lại ngày cứ tuần tự trôi qua như thế đấy. Nhưng mùa mưa sắp tới rồi, khi đó thuyền trưởng Tất dài thường có thói quen giam mình ở trong lều mà suy ngẫm về cuộc đời, và ông e rằng Pippi sẽ không thấy thích thú ở trên đảo Taka-Tuka nữa. Còn Thomas và Annika thì càng ngày càng hay tự hỏi không biết bố mẹ ở nhà có khoẻ không. Chúng cũng rất muốn được ở nhà vào dịp lễ Giáng sinh. Vì vậy chúng cũng không đến nỗi buồn như người ta tưởng khi vào một buổi sáng hôm nọ, Pippi bảo:
"Này, Thomas và Annika, các cậu nghĩ sao nếu bọn mình trở về nhà, trở về Biệt thự Bát nháo?"

Tất nhiên, ngày Pippi, Thomas và Annika lên tàu Hoppetosse để trở về nhà là một ngày buồn đối với Momo, Moana và những đứa trẻ khác trên đảo Taka-Tuka. Nhưng Pippi hứa với chúng rằng ba đứa sẽ còn thường xuyên, rất thường xuyên trở lại đảo. Bọn trẻ đảo Taka-Tuka tết những dây hoa trắng rất đẹp choàng lên cổ Pippi, Thomas và Annika khi chia tay. Và bài ca giã biệt của chúng đuổi theo con tàu đang rời bến nghe mà não nùng. Thuyền trưởng Tất dài cũng đứng trên bến, ông phải ở lại để lo việc triều chính. Chú Fridolf thay ông đưa lũ trẻ về nhà. Thuyền trưởng thận trọng hỉ mũi vào chiếc khăn tay to của ông và giơ tay vẫy chào tạm biệt. Pippi, Thomas và Annika đều nước mắt chảy ròng ròng, vẫy tay chào thuyền trưởng Tất dài và lũ nhóc da đen mãi cho tới lúc không còn nhìn thấy họ nữa. Trong suốt cuộc hành trình, tàu luôn thuận gió.

"Có lẽ tốt nhất là tụi mình tranh thủ thời gian lục sẵn ra những chiếc áo lót của các cậu, trước khi tụi mình đến Biển Bắc," Pippi nói.
"Phải đấy," Thomas và Annika đáp.
Chẳng mấy chốc các thuỷ thủ nhận thấy mặc dù thuận buồm xuôi gió, tàu Hoppetosse không thể về nhà kịp trước lễ Giáng sinh. Nghe vậy, Thomas và Annika rất buồn. Thế là chúng sẽ không có cây thông Noel lẫn quà Giáng sinh!
"Biết thế cứ ở lại trên đảo Taka-Tuka cho xong." Thomas rầu rĩ nói.
Annika nhớ bố mẹ và cho rằng dù thế nào cô bé cũng vẫn muốn về nhà. Nhưng hai anh em cùng cảm thấy buồn vì bỏ lỡ mất bữa tiệc Giáng sinh.
Rốt cuộc, vào một buổi tối mù mịt đầu tháng Giêng, Pippi, Thomas và Annika cũng trông thấy xa xa phía trước những ngọn đèn nhấp nháy của thị trấn. Chúng đã về đến nhà rồi!
"Thế là kết thúc chuyến chu du Biển Nam," Pippi nói khi ẵm con ngựa đi xuống cầu tàu.

Chẳng có ai ra đón bọn trẻ cả, vì làm gì có ai biết khi nào chúng về. Pippi nhấc Thomas và Annika cùng Ông Nilsson lên lưng ngựa rồi dong ngựa về Biệt thự Bát nháo. Con ngựa được phen vất vả vì tuyết phủ kín mọi con đường. Thomas và Annika dán mắt vào màn tuyết dày đặc. Chúng sắp được ở bên bố mẹ rồi. Chúng bỗng cảm thấy nhớ bố mẹ.

Trong ngôi nhà của gia đình Settergren sáng đèn như mời mọc, và qua cửa sổ người ta có thể thấy bố mẹ Thomas và Annika đang ngồi bên bàn ăn.
"Bố mẹ kia rồi," Thomas nói giọng hồ hởi. Nhưng Biệt thự Bát nháo hoàn toàn chìm trong bóng tối và bị tuyết phủ kín.
Annika vô cùng khổ sở với ý nghĩ giờ đây Pippi sẽ phải một mình đi vào Biệt thự Bát nháo.
"Pippi thân mến ơi, cậu không thể ngủ tạm đêm đầu tiên ở nhà chúng tớ sao?" Cô bé hỏi.
"Ô không," Pippi đáp và nhảy xuống lớp tuyết dày ngay trước bờ rào vườn. "Bây giờ tớ còn phải lo dọn dẹp một chút trong Biệt thự Bát nháo."
Nó tiếp tục lội trong lớp tuyết cao ngang bụng mình. Con ngựa theo sau.
"Nhưng cậu thử tưởng tượng trong nhà lạnh đến đâu sau bao nhiêu lâu không đốt lò sưởi," Thomas bảo.
"Có sao đâu," Pippi nói. "Chừng nào trái tim mình còn ấm và đập đều thì lạnh thế quái nào được."


Chương 12

Pippi không muốn Lớn lên

Ôi chao, bố mẹ Thomas và Annika cứ là ôm ghì lấy chúng mà hôn hít, rồi bày biện cho chúng một bữa tối rõ thịnh soạn, đắp chăn ấm cho chúng khi chúng đã lên giường. Họ ngồi thật lâu bên giường các con, nghe chúng kể bao nhiêu là chuyện lạ kỳ mà chúng đã trải qua trên đảo Taka-Tuka. Cả bọn đã vui sướng biết chừng nào khi ở bên nhau. Mỗi một điều hơi tiếc là chúng lỡ mất dịp Giáng sinh ở nhà. Thomas và Annika đều không muốn thú nhận với mẹ rằng chúng rất buồn vì không được vui bên cây thông Noel và nhận quà Giáng sinh, nhưng sự thực đúng là thế. Cảm giác mình lại trở về nhà cứ lạ lẫm thế nào, nhất là sau một chuyến đi dài, thế nên giá như chúng trở về đúng vào tối Giáng sinh, chắc sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Thomas và Annika cũng hơi buồn khi nghĩ đến Pippi. Giờ này hẳn nhiên Pippi đang nằm trong Biệt thự Bát nháo, hai chân kê lên gối, và chẳng có ai kéo chăn đắp cho nó. Hai anh em quyết định ngày mai hễ có thể là chạy sang đó ngay.

Nhưng hôm sau mẹ lại chẳng để chúng rời khỏi nhà, vì lâu lắm mới gặp lại chúng, hơn nữa bà nội sẽ đến dùng cơm với cả nhà để đón chào hai đứa cháu yêu.

Thomas và Annika bồn chồn không biết cả ngày hôm nay Pippi đã bày những trò gì, tới khi trời vừa sẩm tối thì chúng không chịu đựng hơn được nữa.
"Mẹ yêu quý ơi, nhất định chúng con phải sang nhà Pippi đây," Thomas nói.
"Ừ, đi đi, nhưng đừng ở bên đó quá lâu nhé!" Bà Settergren bảo.

Thế là Thomas và Annika chạy liền.

Khi đến bên hàng rào Biệt thự Bát nháo, chúng bèn dừng chân và cứ thế ngẩn ra nhìn. Những gì chúng thấy chẳng khác gì trên một tấm thiệp Giáng sinh. Toàn bộ ngôi biệt thự phủ trắng tuyết, và tất cả các ô cửa sổ đều sáng rực rỡ. Trên hàng hiên, một bó đuốc cháy tỏa sáng xuống cả tấm chăn tuyết phủ trắng khu vườn. Con đường dẫn đến hàng hiên đã được dọn sạch tuyết, để Thomas và Annika khỏi phải lội sâu trong tuyết.

Đúng lúc hai anh em rũ tuyết khỏi giàu bước lên hàng hiên thì cánh cửa bật mở và Pippi xuất hiện.

"Một lễ Giáng sinh vui vẻ trong căn lều nhé!"
Nó nói, đoạn đẩy hai anh em vào bếp. Và hãy trông, có một cây thông Noel thật kìa! Các ngọn nến trên cây đã được thắp sáng lung linh, mười bảy câu nến thơm cháy lách tách, toả hương thơm êm dịu. Giăm-bông, xúc xích và tất cả các món ăn Giáng sinh bày la liệt trên bàn, không thiếu món nào. Củi cháy đỏ trong bếp lò, con ngựa lại đứng trong thùng gỗ, hài lòng dậm dịch tứ chi. Ông Nilsson bắng nhắng chuyền cành giữa các ngọn nến trên cây thông Noel.
"Lẽ ra nó phải đóng vai thiên thần Giáng sinh cơ đấy," Pippi làu bàu. "Nhưng nó có chịu ngồi yên một chỗ cho đâu."
"Ôi Pippi, tuyệt quá đi mất!" Annika thốt lên. "Làm thế nào mà cậu lo được

"Tớ vốn là đứa chăm chỉ mà," Pippi đáp.
Thomas và Annika bỗng cảm thấy vui sướng không thể tưởng tượng được.
"Tớ thấy bọn mình được trở về nhà, trở về Biệt thự Bát nháo mới thích làm sao!" Thomas nói.
Bọn trẻ ngồi vào bàn và chén liền tù tì bao nhiêu giăm-bông, bánh bột gạo, xúc xích, bánh ngọt, chúng thấy những thứ này còn ngon hơn cả chuối và cùi dừa.
"Có điều Pippi ơi, hôm nay không phải ngày Giáng sinh!" Thomas nói.

"Sao lại không!" Pippi đáp. "Lịch của Biệt thự Bát nháo chạy chậm hẳn so với các lịch khác. Tớ phải đem nó đến bác thợ làm lịch nhờ bác ấy chỉnh lại cho nó chạy đúng mới được."
"Tuyệt quá," Annika hoan hỉ, "thế là chúng mình vẫn cứ được liên hoan Giáng sinh, mặc dù không có quà Giáng sinh."
"Ô, tớ suýt quên," Pippi nói. "Tớ đã giấu kỹ quà Giáng sinh của các cậu. Các cậu phải tự tìm lấy."

Thomas và Annika đỏ bừng cả mặt vì vui sướng. Chúng nhảy bật dậy và bắt đầu tìm kiếm. Thomas tìm thấy trong thùng gỗ gói quà đề Thomas trong có một hộp màu vẽ rất đẹp. Còn Annika tìm thấy dưới gầm bàn một gói quà đề tên mình, trong đó lại đặt một cái ô che nắng xinh đẹp màu đỏ.

"Lần sau nếu chúng mình lại ra đảo Taka-Tuka, tớ có thể đem theo chiếc ô này theo," Anika nói.

Tít trên cao bên trên bếp lò còn treo hai gói quà nữa. Trong gói này là chiếc xe Jeep nhỏ cho Thomas, còn gói kia là bộ đồ búp bê cho Annika. Một gói quà bé xíu buộc lủng lẳng trên đuôi con ngựa, đó là một chiếc đồng hồ xinh xắn dành cho phòng riêng của Thomas và Annika.
"Còn tuyệt hơn cả một đêm Giáng sinh thật!" Thomas nói.
Sau khi đã tìm thấy tất cả các món quà Giáng sinh, hai anh em ôm ghì lấy Pippi để cảm ơn. Còn Pippi đứng lên cửa sổ phòng bếp nhìn ra màn tuyết ngoài vườn.
"Mai bọn mình sẽ đắp một ngôi nhà tuyết thật to," nó nói. "Rồi bọn mình sẽ cắm trong đó một cây nến để tối thắp.

"Phải đấy, chúng mình sẽ làm thế," Annika hưởng ứng, và cô bé càng lúc càng hoan hỉ vì đã được trở về nhà.
"Tớ đang nghĩ xem tụi mình có nên đắp một gò trượt từ trên mái xuống đống tuyết kia không," Pippi nói. "Tớ muốn dạy con ngựa trượt tuyết, nhưng còn chưa biết liệu nó cần đến bốn ván trượt hay chỉ hai thôi."
"Ngày mai sẽ vui lắm đấy!" Thomas xuýt xoa. "Thật may làm sao chúng mình lại trở về nhà đúng dịp lễ Giáng sinh!"
"Chúng mình muốn lúc nào cũng bày ra trò vui," Annika nói. "Cả ở Biệt thự Bát nháo này, lẫn trên đảo Taka-Tuka, ở khắp mọi nơi."

Pippi gật đầu nhất trí. Cả ba đứa bèn cùng leo lên bàn ăn. Bỗng một thoáng buồn hiện trên gương mặt Thomas.
"Tớ muốn sẽ chẳng bao giờ lớn lên," cậu quả quyết.
"Em cũng thế," Annika nói.
"Ừ, đúng là chẳng việc gì phải phí sức để lớn lên," Pippi nói. "Người lớn có bao giờ có được trò gì vui đâu. Họ chỉ có hàng đống những công việc tẻ ngắt, những bộ quần áo kỳ cục, rồi nào là quầng thâm quanh mắt, nào là thuế cụng đùng."
"Thuế cộng đồng chứ," Annika sửa.

"Ừ, thì cũng vẫn vô nghĩa thế cả," Pippi nói. "Đã thế đầu óc họ lại chứa đầy những điều mê tín dị đoan và những ý nghĩ điên rồ. Họ tin một tai họa lớn sẽ xảy ra nếu đang ăn mà lại đút dao vào mồm, và tin vào vô số điều ngu ngốc tương tự."
"Và họ lại cũng chẳng biết chơi nữa cơ," Annika nói. "Ôi chao, sao con người ta lại cứ nhất định phải lớn lên cơ chứ."
"Ai bảo là con người ta cứ nhất định phải lớn lên?" Pippi vặn lại. "ấy nếu không nhầm thì tớ có ở đâu đó mấy viên thuốc."
"Thuốc gì cơ?" Thomas hỏi.
"Những viên thuốc cực tốt cho những ai không muốn lớn lên," Pippi nói và nhảy từ trên bàn bếp xuống. Nó lục lại khắp các tủ, ngăn kéo, và một lúc sau nó đem ra mấy cái hột trông giống hệt ba hạt đậu màu vàng.

"Những hạt đậu!" Thomas sửng sốt bảo.
"Cậu tưởng thế hả?" Pippi đáp. "Đâu phải những hạt đậu, mà là những viên thuốc Krummelus. Từ lâu lắm rồi, một ông lão thủ lĩnh da đỏ Rio đã tặng tớ những viên thuốc này, khi tớ vừa hé răng rằng tớ chẳng thích lớn lên."
"Thế những viên thuốc sẽ giúp cậu được chăng?" Annika nghi hoặc hỏi.
"Đương nhiên rồi," Pippi cam đoan. "Nhưng phải uống chúng trong bóng tối và đọc câu thần chú:
Thuốc Krummelus nhỏ yêu quý.

Ta chẳng bao giờ muốn lúy."
"Cậu hẳn định nói là muốn lớn." Thomas góp ý.
"Tớ đã bảo lúy tức là muốn nói lúy, " Pippi cãi. "Mẹo chính là ở đó đấy, cậu hiểu chưa. Phần đông mọi người nói lớn, và đấy chính là điều tai hại nhất có thể xảy ra với họ. Vì liền sau đó họ bắt đầu lớn lên thật. Lần nọ có một cậu bé đã nuốt những viên thuốc này. Lẽ ra phải nói là lúy thì cậu ta lại nói lớn. Thế là cậu ta bắt đầu lớn nhanh như thổi, khiến ai thấy cũng phát sợ. Mỗi ngày cậu cao vổng lên hàng mét. Thật đáng buồn biết bao. Khi cậu mới cao bằng con hắc tinh tinh, có thể giơ tay ra là vặt táo trên cây dễ dàng, thì cậu vẫn còn cảm thấy tương đối dễ chịu. Nhưng chẳng mấy chốc mà cậu trở nên bất hạnh vì cao quá cỡ.

Khi các bà dì đến thăm và muốn nói với cậu: ‘Ôi, cháu mới cao lớn và khoẻ mạnh làm sao!’, thì họ phải gào vào một cái loa phóng thanh thì may ra mới đến được tai cậu. Người ta chẳng còn trông thấy gì ở con người cậu, ngoại trừ hai cẳng chân gầy nhẳng và dài nghêu tựa hai cột cờ từ đất cao vọt lên, mất hút giữa các đám mây. Và người ta cũng không khi nào còn nghe được gì từ cậu. A mà có một lần, đó là cái lần bỗng cậu nảy ý định liếm mặt trời thử chơi. Cậu bèn bị bỏng lưỡi, rú lên một tiếng đau đớn tới mức hoa cỏ dưới mặt đất héo rũ cả đi. Nhưng đó cũng là tín hiệu sống cuối cùng từ cậu. Mặc dù hai cẳng chân cậu vẫn tiếp tục chu du ở Rio và làm rối loạn giao thông tại đó, tớ nghĩ thế."

"Tớ không dám nuốt mấy viên thuốc này đâu," Annika khiếp sợ nói. "Nhỡ tớ nói nhịu thì chết!"
"Cậu nói nhịu thế nào được," Pippi an ủi. "Tớ mà nghĩ cậu sẽ nói nhịu thì không đời nào tớ đưa thuốc cho cậu. Vì nếu chỉ còn được chơi đùa với hai cẳng chân của cậu thì chán lăm. Thomas, tớ và hai cẳng chân cậu, một hội bạn mới thú vị chứ? Không, xin kiếu!"
"Nhất định, em không nói nhịu đâu, Annika," Thomas nói.

Bọn trẻ thổi tắt hết nến trên cây thông Noel. Trong bếp trở nên tối om. Chỉ có ánh lửa leo lét hắt qua khe cửa bếp lò. Ba đứa ngồi bệt thành vòng tròn trên sàn nhà, tay nắm tay. Pippi chia cho Thomas và Annika mỗi đứa một viên thuốc Krummelus. Chúng khẽ rùng mình vì hồi hộp. Thử nghĩ mà xem, chỉ tích tắc nữa thôi viên thuốc này sẽ nằm gọn trong bụng chúng và chúng sẽ không bao giờ, không bao giờ cần lớn lên nữa. Tuyệt quá!
"Nào!" Pippi thì thào.

Chúng nuốt những viên thuốc.
"Thuốc Krummelus nhỏ yêu quý.
Ta chẳng bao giờ muốn lúy".

Cả ba đồng thanh đọc.

Thế là xong, Pippi bật đèn trần lên.

"Tuyệt diệu!" Nó nói. "Giờ thì mình khỏi lo lớn lên, khỏi ngại mắt có quầng thâm và ti tỉ những việc khó chịu khác. Tuy nhiên, thuốc đã nằm rất lâu trong tủ, nên không chắc có còn hiệu nghiệm không. Mặc dầu vậy bọn mình vẫn muốn hy vọng điều tốt đẹp nhất."
Annika sực nhớ ra điều gì đó.
"Ô, Pippi, cậu vẫn muốn khi lớn lên sẽ trở thành cướp biển cơ mà!" Cô bé nói.
"Dào ôi, thì tớ vẫn cứ thành cướp biển được chứ sao?"

Pippi đáp. "Tớ có thể trở thành một cướp biển nhí độc ác gieo rắc sợ hãi và kinh hoàng khắp nơi." Nó nghĩ ngợi giây lát rồi tiếp, "các cậu thử hình dung xem: rất nhiều năm sau, một bà dì đi ngang qua đây trông thấy bọn mình chạy loăng quăng chơi trong vườn, có thể bà ấy sẽ hỏi cậu, Thomas ạ: "Năm nay cháu lên mấy, anh bạn nhỏ của ta?’ Và cậu sẽ trả lời: ‘53 tuổi ạ, nếu cháu không nhầm!’ "
Thomas cười thích chí:
"Thế thì chắc chắn bà ấy sẽ cho rằng tớ bé kinh khủng."
"Đương nhiên," Pippi nói. "Và cậu có thể bảo với bà ấy rằng hồi nhỏ cậu còn lớn hơn thế này."

Đúng lúc này Thomas và Annika sực nhớ lời mẹ dặn không được ở chơi quá lâu.
"Bây giờ chúng tớ phải về thôi," Thomas nói.
"Nhưng mai chúng tớ lại sang," Annika tiếp.
"Tuyệt. Đúng tám giờ sáng mai bọn mình bắt tay vào đắp ngôi nhà tuyết," Pippi tuyên bố.

Nó tiễn anh em Thomas ra đến tận cổng vườn, và hai cái bím tóc đỏ quạch của nó cứ vung văng quanh đầu khi nó chạy trở vào Biệt thự Bát nháo.

***
Lát sau, trong khi đang đánh răng, Thomas bảo.
"Thật tình, nếu như anh không biết đó là những viên thuốc Krummelus thì có lẽ anh đã thề rằng đó chỉ là những hạt đậu bình thường."
Annika mặc bộ váy ngủ màu hồng, đứng bên cửa sổ ngó sang Biệt thự Bát nháo.
"Nhìn xem, em trông thấy Pippi cơ!" Cô bé reo lên.

Thomas chạy đến bên cửa sổ. Ừ, đúng thật! Lúc này, khi những cành cây trụi lá, từ đây có thể nhìn vào tận trong bếp nhà Pippi.

Pippi ngồi bên bàn, hai tay chống cằm. Vẻ mơ màng, nó chăm chú nhìn ngọn nến nhỏ lung linh trước mặt.
"Cậu ấy… cậu ấy trông cô đơn làm sao ấy," Annika nói, giọng run run.
"Ôi anh Thomas, giá như bây giờ đã là ngày mai để chúng mình có thể chạy ngay sang với Pippi."

Hai anh em cứ thế đứng lặng lẽ nhìn ra trời đêm mùa đông. Những ngôi sao lấp lánh phía trên mái Biệt thự Bát nháo. Pippi đang ở bên đó. Cậu ấy sẽ luôn luôn ở đó. Thật tuyệt vời khi nghĩ đến điều ấy. Năm tháng cứ việc trôi qua, còn Pippi, Thomas và Annika vẫn cứ mãi là trẻ con, không bao giờ lớn lên. Tất nhiên với điều kiện thuốc Krummelus chưa hết hiệu nghiệm! Xuân sẽ sang, rồi hè đến, thu qua, đông tới, nhưng chúng sẽ chẳng bao giờ ngưng vui chơi cả. Ngày mai chúng sẽ đắp một ngôi nhà tuyết, rồi một gò trượt từ mái Biệt thự Bát nháo xuống đất. Sang xuân, chúng lại leo vào thân cây sồi rỗng, nơi mọc ra những chai nước chanh, chúng sẽ chơi trò tìm báu vật, sẽ cưỡi con ngựa của Pippi, sẽ chui vào thùng gỗ ngồi kể chuyện, có lẽ thỉnh thoảng còn đi tới đảo Taka -Tuka tìm Momo, Moana và những đứa bạn thổ dân khác, nhưng bao giờ chúng cũng vẫn sẽ trở lại Biệt thự Bát nháo.

Phải, ý nghĩ Pippi sẽ mãi mãi ở lại Biệt thự Bát nháo là một niềm an ủi tuyệt vời.

"Nếu Pippi nhìn sang đây, chúng mình có thể vẫy chào cậu ấy," Thomas nói.

Nhưng Pippi vẫn đăm đăm mơ màng nhìn ra phía trước.

Đoạn nó thổi tắt ngọn nến.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
Đăng lúc 28-9-2012 17:46:45 | Chỉ xem của tác giả
ĐÔI LỜI VỀ ASTRID LINDGREN VÀ PIPPI TẤT DÀI

Người ta thường hỏi Astrid Lindgren, bà đã đến với Pippi Tất dài như thế nào.
Bà trả lời rằng: "Năm 1941, Karin, con gái bảy tuổi của tôi, mắc chứng viêm phổi. Mỗi buổi tối khi tôi ngồi bên giường, con bé đều nằn nỉ: " mẹ kể một câu chuyện đi mẹ, " và rồi một buổi tối nọ, sau khi đã cạn sạch vốn, tôi hỏi lại Karin: " Mẹ kể gì bây giờ cho con nhỉ? " và con bé liền bảo: " Kể về bạn Pippi Tất dài! ’ Karin đã bật ra cái tên cô bé ngay tại đó, ngay lúc đó. Còn tôi, tôi đã không hỏi Pippi Tất dài là ai, tôi cứ thế bắt đầu câu chuyện, từ một cái tên lạ lùng để rồi trở thành một cô bé cũng thật lạ lùng. Karin, và sau đó là các bạn của con bé, đã trở nên mê tít Pippi, cho nên tôi cứ phải kể đi kể lại câu chuyện đó."

"Một ngày tháng Ba năm 1944, tôi bị ngã, bị bong gân mắt cá chân. Để giết thời gian trong khi bình phục, tôi bắt đầu ghi lại những câu chuyện về Pippi dưới dạng tốc ký. Hai tháng nữa sẽ là sinh nhật lần thứ mười của Karin, tôi định viết lại truyện Pippi và tặng con gái bản thảo làm quà sinh nhật… Và rồi tôi quyết định gửi câu chuyện tới một nhà xuất bản… Tôi vẫn nhớ mình đã kết lại bức thư gửi kèm như sau: " Tôi hy vọng quý nhà xuất bản không thông báo cho Uỷ ban Chăm sóc Trẻ em, bởi tôi cũng có hai đứa con và mẹ nào lại đi viết những cuốn sách như thế chứ!"

Nhà xuất bản đó đã từ chối bản thảo, nhưng hai năm sau, khi một nhà xuất bản khác tổ chức cuộc thi về sách dành cho các bé gái, Lindgren gửi Pippi Tất dài và giành Giải Nhất, cùng một bản hợp đồng.

Mặc dù Pippi Tất dài (nguyên văn tiếng Thụy Điển là Pippi Langstrump) ngay lập tức trở nên nổi tiếng tại Thụy Điển, tác phẩm đã gây ra nhiều tranh cãi. Các nhân vật nữ trong hầu hết truyện thiếu nhi đương thời đều dịu dàng, ngọt ngào và lịch lãm, còn Pippi, tất nhiên chẳng có điểm nào chung trong những nét tính cách ấy. Báo chí đã đặt câu hỏi về mỹ cảm của ban giám khảo khi trao giải cho một cuốn sách như thế. Một vài vị phụ huynh thậm chí còn viết thư cho ban biên tập để phàn nàn về lối ứng xử của Pippi.

Nhưng Pippi đã trở nên nổi tiếng đến mức thu hút cả sự chú ý của các nhà xuất bản nước ngoài. Tại Mỹ Pippi Tất dài được xuất bản lần đầu năm 1950 bởi The Viking Press, là điều khiến tác giả của Pippi bật cười, bởi nhà xuất bản này được đặt tên theo vùng Scandinavi xa xưa! Ở Mỹ, Pippi Tất dài khởi động khá chậm, từ năm 1951, và May Massee, biên tập viên người Mỹ của cuốn sách đã từng viết cho Lindgren rằng: "Không có vẻ gì chứng tỏ Pippi sẽ gặt được thành công vang dội tại đây như đã từng ở Thụy Điển."

Vậy mà ai biết được rằng sau đó, Pippi sẽ chứng tỏ mình là một trong những nhân vật văn học thiếu nhi có được thành công lâu bền nhất, với ba bộ phim truyện, cũng như được dịch ra hơn năm mươi ngôn ngữ cùng hơn sáu triệu bản được bán riêng tại Mỹ.

Điều gì ở Pippi Tất dài khiến cô bé trở nên nổi tiếng như vậy? Pippi là một nữ nhân vật của văn học thiếu nhi không giống với bất kỳ ai khác.
Cô bé sống đúng như điều một đứa trẻ có thể lựa chọn trong thế giới kỳ diệu do chính mình tưởng tượng ra. Chẳng có bố mẹ để ngăn cấm bất cứ điều gì ta thích làm, vì mẹ cô bé là một thiên thần đang trìu mến dõi theo Pippi từ trên thiên đàng, và bố Pippi là ông vua của một hòn đảo ở Biển Nam. Pippi có một vali đầy ắp những đồng tiền vàng và một tủ com-mốt tích trữ cả kho đồ chơi dường như vô tận. Cô bé luôn có thể hạ đo ván người lớn ngay trong những trò chơi của chính họ. Khi cô giáo hỏi: "Em có muốn khi lớn lên sẽ trở thành một quý bà thanh lịch không?" Pippi liền đáp: "Chị muốn nói một bà đeo chàng mạng trước mũi và cằm sệ ba ngấn ấy ạ?"

Dường như để nhấn mạnh một điều, rằng Pippi hiện thân cho tưởng tượng của trẻ thơ về một cuộc sống ao ước, Lindgren thường nói: "Đó chính là thời thơ ấu mà tôi khát khao trở lại… Và nếu mạo muội nhắc tới cảm hứng, tôi phải nói rằng chính ở đó, thời thơ ấu của tôi, là nơi tôi có được nhiều động lực sau này sẽ xuất hiện trong những câu chuyện của mình."

Astrid Lindgren sinh năm 1907 trong một ngôi nhà cổ màu đỏ, bao quanh bởi những cây táo, trong một trang trại rộng lớn tên là Nas gần thành phố nhỏ Vimmerby, Thụy Điển. Bà kể: "Có một cây táo đặc biệt bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi – chúng tôi thường dậy từ sớm và là những người đầu tiên ra ngoài để chén bất cứ quả táo nào rụng xuống từ cái cây trong đêm. Rồi còn có một "cây cú", là nơi bọn cú làm tổ nhưng trở thành cái cây leo trèo của chúng tôi trong suốt cả ngày. Đó là một cây dại, giống như cái cây của Pippi, nhưng là cây đu chứ không phải cây sồi như trong truyện Pippi. Chúng tôi yêu quý cái cây ấy. Một lần anh tôi đặt quả trứng gà vào tổ cú, và cú ta ấp ra một chú gà con cho anh." (Về sau, Lindgren để một nhân vật làm chuyện này trong cuốn Bọn trẻ của ngôi làng ầm ĩ). Cái cây của bà vẫn còn đó, dù giờ đây nó đã già cỗi và xác xơ.

Một tiểu sử ngắn ngủi không thể đủ soi sáng cuộc đời phong phú muôn màu của Lindgren. Sau khi học xong trường làng, bà chuyển tới Stockholm kiếm sống bằng nghề thư ký - mỗi cuốn sách của bà đều được viết ra trước tiên dưới dạng tốc ký. Làm vợ rồi làm mẹ của hai đứa con, Lars và Karin, đó cũng là quãng thời gian Lindgren đảm nhiệm công việc phân loại hồ sơ cho chính phủ Thụy Điển sau Thế chiến thứ II. Sau khi xuất bản một vài cuốn sách đầu tiên, bà trở thành độc giả và dịch giả cho nhà xuất bản của mình: Ab Rabén và Sjogren. Trong số nhiều tựa sách khác nhau, bà có công mang Hoàng tử bồ câu của Robert McCloskey và Charlotte và Wilbur của E.B. White tới cho độc giả Thụy Điển.

Trở thành nhà văn thiếu nhi là con đường dễ hiểu với Lindgren, nhưng ngoài ra, bà còn là một nhà hoạt động vì sự tiến bộ xã hội ngay trên quê hương mình. Thời thơ ấu điền viên, cuộc sống tự do mà bà được hưởng cùng sợi dây gắn bó với tạo vật đã có ảnh hưởng sâu sắc tới quan điểm chính trị của bà. Năm 1976, bà viết một bài báo về tình trạng thuế má cao, trong đó có kể lại chi tiết câu chuyện một người đàn ông bần cùng vì thuế khoá phải đi ăn xin. Khi chính phủ thất bại trong cuộc bầu cử năm đó, Astrid Lindgren được ghi nhận đã góp phần vào sự sụp đổ ấy và giúp đem lại mức thuế thấp hơn cho người dân Thụy Điển. Có bao nhiêu phần của chính Lindgren trong cô bé Pippi Tất dài? Chúng ta còn nhớ những gì Pippi đã nói: "Người lớn chẳng bao giờ có được chút gì vui vẻ. Họ chỉ có vô khối những công việc tẻ nhạt, những bộ quần áo ngốc nghếch, những bắp ngô và cả đống thuế má của chính phủ."

Vào dịp sinh nhật lần thứ tám mươi của mình, Astrid Lindgren được Thủ tướng Thụy Điển, Đại sứ Mỹ, Đại sứ Liên Xô tới thăm. Nhưng với bà, điều có ý nghĩa hơn mọi sự tôn vinh, đó là thông tin mà ngài Thủ tướng lúc đó mang tới: Chính phủ sẽ ban hành một đạo luật bảo vệ động vật mới của Thụy Điển, đạo luật được biết đến rộng rãi với cái tên "Lex Lindgren" (Luật của Lindgren). Luật đó viết rằng: "Gà phải được thả khỏi những lồng cũi chật hẹp, bò phải được ra bãi cỏ và lợn nái không bị nhốt lại."

Chiến dịch này được dấy lên từ một bài báo Lindgren từng viết về một con bò cái phải chạy hơn sáu dặm để tìm bò đực. Sau đó, Lindgren trở thành người cộng tác trong loạt bài về hiện tượng ngược đãi vật nuôi, và sự phản ứng dữ dội của công luận đã khiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Điển phải nhượng bộ. Như Lindgren từng nói: "Trong cuộc sống có đôi điều người ta không thể mua được bằng tiền, đó là niềm kính ngưỡng sự sống."

Niềm kính ngưỡng dành cho sự sống, thiên nhiên, thơ ấu và tự do quý giá đã làm nên nền tảng cho các tác phẩm của bà. Bà đã từng nói: "Tôi đâu có viết sách cho thiếu nhi. Tôi viết cho chính đứa trẻ trong tôi. Tôi viết về những gì thân thương đối với tôi: cây cối, nhà cửa, thiên nhiên, chỉ để làm vui lòng chính tôi mà thôi."

Một lần, khi một người phỏng vấn bà bình luận rằng dường như cô bé Pippi Tất dài có ở khắp mọi nơi, Astrid Lindgren đã đáp lại rằng: "Có thể, cô bé đang đợi ai đó tình cờ bắt gặp và cất bút về mình mà thôi."



----------------------------------HẾT----------------------------------

Rate

Số người tham gia 1Sức gió +2 Thu lại Lý do
Spica + 2 Hoàn ^^

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách