Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 2652|Trả lời: 5
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Nhiệt Đới Gió Mùa | Lê Minh Khuê

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả




Tên tác phẩm: Nhiệt đới gió mùa
Tác giả: Lê Minh Khuê
Độ dài: 256 trang, 12 truyện ngắn
Tình trạng sáng tác: Đã hoàn thành
Nguồn: Tự type
Ngày xuất bản: 12.2012
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Tiến độ: Một tuần một truyện ngắn, tuy nhiên truyện ngắn đầu tiên khá dài nên ban đầu mỗi tuần mình sẽ up một chương của truyện ngắn "Nhiệt đới gió mùa"






Giới thiệu sơ lược:

Về tác giả:

Sinh ngày 6.12.1949 tại Thanh Hóa. Tham gia chống Mỹ từ năm 1965 - 1969. Năm 1969 - 1975 làm phóng viên chiến trường. Năm 1975 - 2005 làm biên tập viên Hội nhà văn Việt Nam.

CÁC GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

- Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cho các tập truyện ngắn Một chiều xa thành phố (1987) và Trong làn gió heo may (2001)
- Giải thưởng mang tên nhà văn Byeong-ju Lee của Hàn Quốc năm 2008 cho tập truyện ngắn Những ngôi sao, Trái đất, dòng sông.

Trích đoạn tác phẩm:

“…Thù hận làm đời ta ngắn lại... Hiếu nhìn về phía biển. Biển ở đây bồi, đầy bùn. Những rừng cây tràm cây đước chắn sóng chạy ngút ngàn dọc biển. Qua thị trấn này qua một cái làng mới đến biển nhưng đứng đây vẫn có thể ngửi được mùi mặn của muối mà gió mùa đưa lên. Hai anh em nghe rõ tiếng lao xao trong gió. Như tiếng những linh hồn oan khuất đang nhìn những người trẻ tuổi vừa nghe về cái chết của họ. Họ như được minh oan...”

- Trích Nhiệt đới gió mùa


“Lan Hương nhún một bên. Hai rapper nói ráp một bên. Huýt sáo vỗ tay. Hai rapper vuốt tóc cúi người sờ chim sờ chân chém gió móc tay túi quần mồm miệng tía lia nhạc sàn ngoáy tít đèn như phim chiến tranh tia lên trần chiếu tìm máy bay phát xít thế chiến... Vỗ tay ầm ầm… Cảnh nhìn cả bọn thấy kích động toàn thân tê buốt như bị giội nước lạnh đúng đỉnh đầu. Hắn không còn thấy tức. Hắn thấy căm thù…”

- Trích Ráp Việt


“…Vì cái xe của bác mà tôi phải về. Tôi đã đứng trên thành cầu Long Biên. Tôi đứng từ tối. Tôi chỉ cần gieo mình một cái thì giờ này tôi đã được ra biển rồi. Yên thân tôi. Nhưng cái xe. Không có cái xe thì bác với các cháu khổ... Tôi cứ trách mình sao lại mượn xe của bác sao tôi không đi bộ. Từ đây ra đó đâu có xa sao tôi không đi bộ…”

- Trích Đồ cũ







Rate

Số người tham gia 1Sức gió +5 Thu lại Lý do
MinhHạ + 5 Bài viết hữu ích

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 6-6-2014 11:50:31 | Chỉ xem của tác giả
MỤC LỤC


NHIỆT ĐỚI GIÓ MÙA

-Một-

-Hai-



EBOOK: Sẽ có khi hoàn thành việc type tác phẩm
NOTE:
1. Khuyến khích các bạn mua bản chính vì đây là một tập truyện ngắn khá hay của cô Lê Minh Khuê.
2. Không được đem truyện đi bất cứ nơi đâu ngoài Kitesvn.com.
3. Nếu phát hiện có lỗi chính tả, lỗi đánh máy, v.v... các bạn comment ở bình luận để mình sửa kịp thời nhé ^^
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 7-6-2014 17:45:52 | Chỉ xem của tác giả
NHIỆT ĐỚI GIÓ MÙA


-Một-




Khuôn mặt không thể nhận ra. Như một miếng tiết bị dao băm vụn. Quý khó nhọc thở. Mỗi lần thở máu trào ra có vòi ở mũi, Quý vẫn khó nhọc nhìn khu nhà mái tôn có nơi giam giữ những cán binh Bắc Việt đột kích căn cứ đêm hôm qua. Một căn phòng có vài cái ghế nhựa ghế nhôm loại dã chiến được chở đến bằng trực thăng. Tụi lính đi lại rầm rập đang có vụ khiêng băng ca bọn lính từ đâu đó đưa về lên trực thăng. Những khẩu M16 lăm lăm chĩa thẳng sẵn sáng tuôn đạn như mưa. Quý trong cơn miên man vì mất máu nhớ rằng mình đã có thể thoát sau khi trúng mìn bị thương ở chân. Nhưng Quý quay qua tìm chỗ ẩn của Hiếu, thấy Đức và Phát đã chết trong tư thế ôm nhau Quý òa lên khóc không chạy được nữa đúng lúc đó một băng đạn phía bên kia quạt tới… Lúc này Quý không thấy đau chỉ cảm thấy sự sống đang tuôn ra khỏi cơ thể. Quý nghe bọn lính gọi nhau đủ thứ giọng từ Nam Bộ ra xứ Quảng ra xứ Huế và có cả giọng Bắc. Thằng nói giọng Bắc đứng kia thấy thằng lính gọi là đại úy Phong. Nó đội mũ sắt đi giày lính quay quay sợi dây gì đó trong tay. Nhìn nó Quý giật mình vì thấy nó rất giống Hiếu vì cái vẻ cao ráo do hai ống chân rất thẳng do khuôn mặt có sống mũi hơi dô do hai má xương xương đàn ông thanh cao sinh ở Bắc. Ngờ ngợ rồi Quý cố nhìn qua làn máu đang phủ tràn khuôn mặt. Hiếu lớp trưởng trường Đại Học Hàng Hải là đại đội trưởng của Quý cùng đột nhập vào hàng rào hôm qua giờ chắc đã sa vào tay bọn này. Chỉ còn Hiếu và Nhâm. Quý nhớ rõ. Quý nhớ nhiều lần ở nhà đi học phổ thông đã đến nhà Hiếu ăn mì có quả trứng gà mẹ Hiếu đãi. Sao cái gã này giống Hiếu vậy nhỉ. Cả hai giống ông Cơ cha Hiếu? Sao không bao giờ nghe Hiếu kể có anh hay em gì ở bên phía Quốc Gia? Trí nhớ của Quý ráo riết làm việc. Hình như toàn bộ cơ thể con người trỗi dậy trước khi phụt tắt. Quý thấy tỉnh táo dù tay chân không thể nhấc lên được dù tiếng nói cố gắng cũng không thể cất rõ… Ngoài sân có hai gã lính đang áp giải một tù nhân quần áo tơi tả. Anh ấy đi không vững, gã lính bên kia phải xốc nách. Gã kia đùa nghịch lấy mũi giày thúc khuỷu chân người tù làm anh ấy ngã sấp. Gã lính kia có vẻ không thích kiểu đùa đó. Hai gã quát nhau rồi tất cả đi khuất sau dãy nhà lợp tôn. Đúng lúc đó Quý nhìn thấy Hiếu tay bị trói giật ra nhau chỉ còn cái quần đùi Nhâm đi sau Hiếu cũng chỉ còn cái quần đùi bị hai thằng lính thúc phía sau và tất cả đi khuất dãy nhà tôn. Kiệt sức dần Quý vẫn kinh ngạc nhìn cái vẻ giống nhau kì lạ giữa gã sĩ quan đứng kia hút thuốc và đại đội trưởng Hiếu. Gã này đi vào nhà chăm chú nhìn băng ca Quý nằm nơi thằng lính canh đang mệt mỏi ngồi trên ghế sắt dã chiến. Đưa đi hả? Dạ thưa đại úy chờ trức thăng tiếp theo! Nát vụn thế này đưa đi làm gì cho phí công. Để lại chỗ trạm xa kia moi được gì thì moi chớ kiểu này hết khí rồi… Gã cúi xuống khuôn mặt như miếng tiết bị băm nói giọng lạnh lẽo của cái kẻ đã  quen việc nhìn cái chết đã quen xử lí tù binh. Quý cố gắng nghe giọng gã. Thật kì lạ. Cái giọng cũng giống Hiếu có cái âm trầm bổng rõ rệt của người gốc Hà Nội những năm năm mươi. Quý cũng người Hà Nội từng ấn tượng về giọng nói của những người đàn ông có gia thế có học hành sống trong những khu phố lâu đời. Gã sĩ quan cúi xuống khuôn mặt đầy máu. Có gì cần nói không? Quý ra hiệu không có gì. Rồi một cách bất ngờ thân thể không còn sức sống ấy trỗi dậy một lần nữa. Quý thì thào – gã sĩ quan nén ghê sợ mùi máu và mùi hôi cơ thể do tử khí bao quanh gã cúi xuống dần. Quý giơ mấy ngón tay lên rồi nói to một cách đột ngột: tôi chỉ là lính chiến tôi làm nhiệm vụ người lính không có gì để nói. Tôi hy sinh vì đất nước chỉ xin khi tôi chết chôn tôi cho tôi cái tên vào túi áo… Tôi tên Quý người phố Bà Triệu, Hà Nội… Làm sao cho bố mẹ tôi biết? Bị bắt cùng tôi còn hai người nữa tôi thấy đã giải về kia… Có một người đồng hương với tôi xin báo cho anh ấy tôi đã chết… Ai? Phong hỏi cố nhìn vào khuôn mặt đầy máu xem anh ta có thật là người cùng thành phố với Phong thành phố thời thơ ấu. Phong còn nhớ ngững cây xà cừ to tướng làm rợp cả mái nhà tàu điện kêu như tiếng chuông trong mấy phim cổ tích những cây kem dừa trắng muốt ở hiệu Long Vân nhìn ra cầu Thê Húc… Một cái gì bất chợt làm Phong thấy thương cảm phút hấp hối của con người phía bên kia luôn đối đầu tư tưởng. Anh vừa nói ai? Tôi có hai người bạn cùng bị bắt. Có một người Hà Nội. Anh ấy tên Hiếu, bố anh ấy là ông Cơ ở đường Bà Triệu… Có phải thời Pháp đường này là đường Gia Long? Tôi không biết khi lớn lên tôi thấy gọi là đường Bà Triệu!


Con ông nào? Phong hỏi lại.


Con ông Cơ giáo sư trường Đại học kiến trúc, mẹ anh ấy là bà Hân dược sĩ… Quý cố nói những thông tin về Hiếu cho gã sĩ quan Quốc Gia nghe vì bây giờ Quý không nghi ngờ gì nữa hai người này có quan hệ máu mủ nếu không vì sao giống nhau đến thế cứ  như sinh đôi. nói ra biết đâu có thể Hiếu được cứu mạng. Những thông tin cá nhân này không thể làm hại Hiếu, không thể làm hại quân đội và dù sao mình cũng sắp chết không ai bắt bẻ mình chỉ cần Hiếu với Nhâm được sống.


Phong đứng dậy toàn thân như run lên khi người tù cố nói những thông tin về con người Phong đã đón lõng lâu nay ở phía bên này hàng rào điện tử. Phong gọi to về phía căn nhà có dấu chữ thập đỏ bên kia khoảng sân láng xi măng: này, băng bó cho người này! Hai người lao công đào binh cúi gằm những khuôn mặt xanh xao chạy tới khiêng chiếc băng ca lên. Một người lấy tấm gạc máu ở vùng trán của Quý lộ ra đôi mắt mệt rũ nhưng có vẻ rất đẹp trong những buổi đạp xe bè bạn trên đường Hà Nội. Một lao công đào binh tưởng Quý còn khỏe anh ta thấy Phong đi xa thấy tên lính canh đang quay vào phía trong tìm nước uống anh ta cúi đầu xuống Quý: Nè, nó là sĩ quan thẩm vấn! Không hiểu sao hôm nay anh lại được đối xử nhẹ nhàng vậy nhưng ngài này lạnh dữ lắm nên anh đừng bướng thiệt thân. Ngài không đánh trức tiếp nhưng có nhiều nhân viên thạo việc có gì anh nên khai ra… Anh này im bặt trước khi thấy Phong quay lại. Này anh kia tôi hỏi thêm một chút. Chiếc băng ca dừng Phong nhìn xuống đã thấy đôi mắt người từ bất động máu không tiếp tục trào qua lỗ mũi nữa. Hai người loa công đào binh cúi đầu. Phong bảo: Vuốt mắt cho anh ta! Người lao công đào binh để một đầu băng ca xuống vuốt mắt cho Quý rồi lau bàn tay dính máu vào vai áo cũng đã cứng đờ máu khô người tù. Phong lấy một mảnh giấy nhỏ viết mấy chữ “Quý người phố Bà Triệu, Hà Nội” rồi vào phòng y tế lấy túi ni lông đựng gạc cho tờ giấy vào đút tờ giấy trong ni lông vào túi áo  Quý. Đó là cử chỉ một cách vô thức khi người ta trót nghe người hấp hối trao gửi ước nguyện. Phong làm việc đó trước cái nhìn kinh ngạc của hai lao công đào binh những kẻ chạy sang bên này sợ chết chạy sang bên kia sợ chết rốt cuộc vẫn phải ra tuyến đầu vùng một làm những việc nhọc nhằn nguy hiểm hơn cả cầm súng. Hai gã nhìn Phong đi khuất lắc đầu với nhau rồi khiêng băng ca người tù ra nhà để xác chiều nay xe ủi đất sẽ đến ủi chỗ gò cát kia rồi đào huyệt. Người ta đã chết rồi ở phía bên nào cũng là con của một người mẹ lo cho họ nấm mồ mình cũng không mất gì, lo việc này sẽ là đội lao công đào binh dạo này nhiều việc, chôn cất xác của hai bên đánh đấu hẳn hoi bằng mấy hòn đá nhưng ai cũng biết vài trận bão cát tất cả sẽ bằng lại. Thôi thì nằm trong cát đất nước mình cũng gần cha gần mẹ! Người lao công đào binh vuốt tóc lại cho Quý nói với anh bằng giọng âm thầm tiễn biệt.


Phong sải bước dài tư lự không đáp lại lời chào hỏi của mấy sĩ quan làm việc trong khu hành chính. Phong nhớ lời mẹ nói tới đường Gia Long nơi Phong thỉnh thoảng ngồi xe kéo đi qua mẹ có chỉ lên ngôi nhà biệt thự ba tầng lầu có tường bao quanh bảo rằng nhà ba con kia nhưng mẹ con mình không có danh có phận không vào được. Phong nhớ dây leo trên tường, nhớ cảnh cổng sắt uy nghiêm, cả ánh đèn xanh dịu trên tầng ba không hiểu phòng của ai được hạnh phúc thế. Đường Gia Long thời ấy năm một chin năm mươi hai êm đềm người đi thưa thớt chắc sau này gọi là đường Bà Triệu. Ông Cơ! Có ai khác nữa đâu!


Tay thượng sĩ cao kều nhìn viên sĩ quan thẩm vấn cái nhìn kính cẩn pha chút sợ hãi. Hắn biết những buổi thầm vấn phân loại tù binh. Đưa vào trại nào? Giam cấm cố lấy tin hay đầy đi Phú Quốc? Những buổi thẩm vấn thật sự căng thật sự khủng khiếp làm những kẻ yếu bóng vía phải run. Gã ở đây lâu rồi nhưng đâu đã quen được tiếng la hét đôi khi như không phải tiếng kêu của con người do quá đau đớn thoát ra từ chiếc hầm lộ thiên gắn vào căn nhà kia. Thượng sĩ dập gót chân, tay để ngang mang tai. Khỏe không? Cảm ơn đại úy tôi khỏe!


Mấy tay Bắc Việt vừa đưa tới đâu? Không cần mở cửa chính mở cửa quan sát được rồi!


Phong nhìn qua cửa sổ theo dõi bé bằng bàn tay trở trên cánh cửa sắt chính. Hai người lính Bắc Việt hai cái quần đùi bê bết máu và cát ướt đang thì thào với nhau trong căn phòng bề ngang hai mét bằng chiếc quan tài nền nhà là cát, Phong bào thượng sĩ: Bọn này giữ lại không chuyển bằng trực thăng. Viên thượng sĩ dập dót chân. Phong nhìn lại lần nữa chú ý người có thân hình cao ráo không vạm vỡ có đôi vai vuông khá đẹp kiểu thể thao và đôi chân dài khỏe mạnh. Không nghi ngờ gì nữa. Phong đã nhìn thấy bản sao của mình. Mẹ Phong bảo không hiểu sao con cháu của Tuần, ông nội Phong, từ các chú các bác đến đàn con ông Cơ đều có vẻ ngoài giống nhau nếu bốc đi đâu đó vẫn có thể nhận ra. Cái vẻ đẹp trai sáng láng của đám đàn ông trong nhà luôn gây tai học cho vợ con thêm nếm do các bà ghen tuông. Phong nhìn cái bản sao của mình trong kia và thấy kì lạ tại sao tâm niệm của mình bấy lâu lại thành hiện thực? Phong cầu mong cho trong đời binh nghiệp của Phong phải gặp lại Hiếu. Phong bất ngờ hét to: Ai tên Hiếu đứng dậy! Bản sao của Phong từ từ đứng dậy không phải do mệt nhọc thương tích, cái vẻ từ từ là thách thức là bất cần. Được rồi! Phong lãi hét không ngờ tiếng của mình đột nhiên vỡ ra: Đừng có ngạo nhe cha! Sa vào đây đừng có vênh mặt kiểu Bắc kỳ ấy nha! Tay thượng sĩ ngạc nhiên khi thấy sếp quát tháo với tù binh mà không lộ mặt. Toàn thân Phong lạnh buốt như có một sự phấn khích cực điểm làm các lỗ chân lông như có kim châm. Vậy là Phong đã tìm đúng đã đoán đúng.


Thằng Pat CIA có cái kiểu ngửi mùi của loài linh cẩu đã đoán đúng. Nếu muốn tìm được cái gã mày săn thì nên ra vùng một. Mày nghe nó là sinh viên nhập ngũ chính xác chớ gì. Phải. Phong nói. Mẹ Phong vẫn liên lạc với người em trai ông Cơ sinh sống ở Pháp. Thư từ giữa người Bắc Việt và Pháp không mấy khó khăn nên ông này vẫn nhận tin gia đình ông Cơ ở Hà Nội. Mẹ Phong thậm chí biết Hiếu nhập ngũ ngày nào từ trường nào vào lính. Pat nói bọn sinh viên đó hầu hết đều đóng quân bên này sông Bến Hãi để giữ Quảng Trị. Có thể tao sai về thằng anh mày nhưng bọn học hành có bằng cấp đều bị tống vào nơi ác ôn nhất. Không hiểu do cái gì hay là do cách Trung cộng vẫn làm: Trí thức là cục phân nên để vào cái nơi xứng với nó. Hà hà! Pat cười khoái trá. Mà có việc ngoài đó thì cứ căng mắt mà dò!


Thằng Pat nói đều đó đã gần một năm. Một năm qua thỉnh thoảng Phong lại đi qua bên này hàng rào điện tử để như là đón lõng như là cầu may giống bọn cá sấu vào mùa cá hồi đẻ trứng đã đứng há mồm chờ con mồi rơi vào họng.


Phong bảo gã thượng sĩ: Cho tụi nó ăn uống. Cẩn trọng canh phòng cẩn cận có gì xảy ra mạng mày thế vô nghe con! Phong nói thế vì nghĩ tới cái máu gan lì của dòng họ kể từ cụ Tuần quan đầu tỉnh một thời. Mẹ Phong yêu ông Cơ cũng nhiễm cái máu ấy bao nhiêu năm ngậm hờn buôn bán phát đạt mà không chịu sống với ai ngoài đứa con trai ra thì không gì trên đời làm xao nhãng làm phai nhạt mối thù tận xương tủy.


Phong nghĩ chuyến này phải gọi thằng Pat CIA. Thằng này chuyên thẩm vấn tù binh để moi tin tức tình báo. Thằng này làm nhiều vụ dã man không thua lình đại Hàn. Pat khai thác một tù binh nữ giao liên trong thành phố bằng cách trói cô này nằm ngửa trên cái bàn thiếc trên trần nhà mắc cái quạt trần. Đàn bà con gái nằm ngửa không mặc quần áo là đã căng về tinh thần dù có là Cộng Sản cũng không lì được cái vụ đó. Pat cầm hai cái lông ngỗng vót nhọn đầu giơ trước mặc cô này hỏi: Có nói không? Cô này lắc đầu, Pat bảo thằng Đại Hàn nhân viên phòng thẩm vấn cắm vào một núm vú cô này. Cô này hét to đến nỗi bòn Đại Hàn như bị điện giật lùi ra một chút nhưng Việt Cộng to gan bằng trời mà, cô này vẫn lắc khi Pat bảo khai ra tên thật của một nhân vật nào đó. Thằng Đại Hà đứng bên kia bàn lại đâm lông ngỗng vào vú thứ hai. Đó mới là màn dạo đầu. Gần cuối buổi chiều thằng Pat cho làm động tác điểm. Cái quạt trần quanh nhè nhẹ mạnh lên rồi nhè nhẹ rồi rất mạnh gió phía trên xoáy hai cái lông ngổng vào sâu vú đàn bà. Cô này không ngất được nữa đau quá không thể ngất toàn thân chống chọi mọi lỗ chân lông toát ra thứ nước trắng đục như sữa. Hôm đó Phong ra ngoài hút thuốc chỉ để thằng Pat và đám nhân viên làm. Công việc thẩm vấn khai thác tin tức cho phép dùng mọi biện pháp nhưng có những việc không thể nhìn không thể nghe tốt nhất là để tụi Mỹ với tụi Đại Hàn làm. Nghe nói thằng Pat phát hiện ra một nhân vật rất quan trọng trong ngành tình báo Cộng sản, một người đưa thư một người biết nhiều đầu mối. Pat dùng mọi mành để moi tin không được phải dùng biện pháp mạnh. Pat dùng bọn sinh viên ngành y từ Mỹ sang cùng với hai gã Đại Hàn trói người đàn ông kia dùng cưa thường cưa chân của người này. Mỗi ống chân Pat cho cưa ba lần tổng cộng sáu lần cưa mà không moi được gì. Lần cuối Pat định tháo xương hang của người tù nhưng bị một bác sĩ người Việt phát hiện. Khi vị bác sĩ người Việt phát hiện thì tin tức có thể lọt ra ngoài, hành động ghê sợ này của Pat không thể giấu được. Xương hang bị tháo thì cả đời người ta phải nằm. Ai chịu được? Pat cho thủ tiêu viên bác sĩ kia bằng cách tông xe khi anh quan đường từ bên kia vào bệnh viện. Nhưng Pat cũng đã dừng lại không tháo khớp háng người tù nữa… Phong chỉ nghe như vậy và đã nhìn thấy người tù ngồi trên hai mẩu chân sót lại gương mặt anh ta sắt đá có vẻ cái chết cũng chả là gì. Pat ngạc nhiên khi hai vụ thẩm vấn Pat là tác giả không cho Pat một chút tin tức gì. Những vụ nhẹ hơn như rút móng tay người như bẻ răng người Pat không làm trực tiếp mà bày cho thằng người Việt làm theo kiểu bọn Gestapo… cũng không bao giờ có được tin tức hắn cần. Thế phải như thế nào với bọn Công sản đây? Pat hỏi Phong rồi lắc lắc mái tóc sẫm màu giữa nâu và đen dòng giống da trắng lai với người xứ Nam Mỹ. Hắn làm Phong kinh ngạc khi hắn hài hước cười nói giữa bọn Mỹ khi hắn tán gái khi hắn ngồi với Phong trong quán tư lự khuấy ly cà phê bảo tao nhớ cánh đồng ngô ở Iowa có bác tao làm nông dân trồng ngô ở đó. Tao sinh ở New Orleans đầm lầy giống xứ Nam Bộ của tụi mày nhưng tao vẫn thích đến Iowa trồng ngô ở đó sạch sẽ trời đất trong xanh hơn. Có lần Pat bảo có lẽ sau này tao không lấy vợ chiến tranh làm tao ngán cả đàn bà ngán cả chăn chiếu chiến tranh phải làm mọi việc tao phục vụ tổng thống phục vụ lý tưởng nước Mỹ đè bẹp phe Cộng sản tao không ngán cái vụ tra tấn moi tin nhưng tao thất bại đó là lý do tao ngán… Hắn  nói vòng vo với cái lý nữa Mỹ trên hết hắn có quyền xem kẻ nào không theo lý tưởng hắn tôn thờ là con vật. Một giống vật!


Cả tao nữa hả? Phong hỏi. Pat bảo có thể. Tụi mày không có tiền Mỹ thì chỉ là số không! Chơi với nahu quá thân rồi thằng Pat hay nói thẳng thừng sự việc không giữ lịch sự vờ vịt như bọn khác.


Phong ngán thằng Pat từ lâu như có lẽ vụ này phải gọi tới nó.        
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 10-7-2014 15:37:31 | Chỉ xem của tác giả
-Hai-




Hiếu nằm xây lưng về phía cửa. Đêm vùng cát đã bớt nóng nhưng cái khô rang hút hết nước trên người. May mắn là cả hai không bị khát do thằng lình gác tuồn vào một chai nhựa đầy nước. Tiếng trực thăng chuyển tù binh và chuyển bọn lính bị thương đã tắt từ chiều. Hiều bơ vơ khi bỗng sung không bị đưa đi như số tù binh khá đông Hiều nhìn thấy sáng nay, đi theo đồng đội dù vào tù cũng đỡ hơn phải nằm lại đây. May còn có Nhâm. Nhâm vô tư như trẻ con đã tranh thủ nằm xuống cát ngủ một giấc.

Nỗi sợ khi cầm súng ra đi là sợ rơi vào tay đối phương. Nỗi sợ đó không ám ảnh khi còn ở giữa đồng đội nay thành hiện thực làm Hiếu nhớ đến mẹ. Có lần mẹ bảo người ta sống chết có một lần trong đời con càng sợ nó càng đến nhanh. Con đi vào đó nên tin rằng thế nào con cũng về với mẹ!

Năm nay trời nóng dữ dằn ở miền Trung nhất là vùng ở bên này hàng rào điện tử MCNarama. Qua ống nhòm tầm xa Hiếu có thể nhìn thấy tụi Mỹ mặc đồ trận rất dày để chống nóng mũ sắt sụp tận mắt súng ống lỉnh kỉnh đang bứt rứt vì cái nóng khô lên tới 50 độ. Bọn này học được cách sống trên cat của dân sa mạc mặc thật kín quần áo như lô cốt nhốt cái thân thể cần tới năm lít nước mỗi ngày mà không đỡ khát. Không cần mặt trời lên cát đã đổi màu từ màu vàng sang màu gan gà. Đám lình Việt Nam cộng hòa nép sang boong ke bằng cát trên đầu có mái che tôn. Từ vị trí quan sát Hiếu cũng nhìn thấy. Mái tôn. Vĩ đại thay ý tưởng mấy gã da trắng viện trợ mái tôn làm mái che cho dân ở xứ sở này. Mái tôn trên đầu. Quần áo ni lông sẫm màu làm da dẻ đàn bà khắc nghiệt. Mấy tay lính Quốc gia nhìn mấy ông Mỹ đai nịt đi phía xa. Có vẻ hài lòng vì có người cùng chia sẻ cái nóng khô sa mạc. Vài người lính sinh ở vùng gạo trắng nước trong tận châu thổ đồng bằng đang ngồi rúc vào nhau. Chúng nó chuyền tay những chai nước lớn loại hai lít rồi chỉ trỏ sang phía Bắc Việt đóng quân. Hiếu quan sát tì mỉ trận địa phía bên kia tranh thủ lúc bom pháo chưa hoạt động.

Lính Bắc Việt nằm trong mấy đường hào đào dọc các ruộng khoan đỗ. Ngày nóng đêm còn tệ hơn. Mồ hôi trộn cát. Hai thứ ác ôn đó làm cho lý tưởng nhiều khi khô kiệt rồi mờ mịt mơ hồ. Vài chú lính có học nói với nhau về căn phòng mát rượi ở nơi nào đó người ta ngồi ì xèo cù cưa chuyện chiến trận hết ngày dài lại đêm thâu không cần biết ở đây máu và cát trộn lẫn ngày đêm. Chiến tranh dài quá đã bắt đầu làm ngán ngẩm và làm nhũn ý chí. Hiếu không ít lần tranh luận to tiếng bảo vệ những điều anh cho là tốt đẹp con đường đi là đúng đắn chỉ cần kiên nhẫn thêm một chút. Nhưng mỗi cái đầu dù có kìm kẹp vào một dòng vẫn tự nó rẽ đi hàng trăm ngả. Có những cái đầu đã ngả theo hướng thông thường: con người còn phải sống còn phải yêu thương lý đâu cứ cầm súng nã vào đầu nhau?

Bầu trời xanh ngắt miền Trung năm ấy dữ dội hơn nhiều năm trước đó dù trước đó bom pháo dày hơn do Mỹ còn hăng hái đổ vào. Mỗi năm hai mươi tám tỷ đô la đấu với bên này Liên Xô cho Bắc Việt hai tỷ đô la.

Hai thằng lính hai chiến hào cùng dóng máu Việt đang căng mắt chĩa súng vào nhau. Chúng cùng tuổi có thể nằm dài ở bãi cỏ sân trường học cùng tán một đứa con cái có cặp dò căn phồng và một cái eo chít tay cũng có thể ngửi được mùi hương con gái dậy thì ở hõm giữa hai bầu vú trinh nữ. Mùi trinh nữ ngọt ngào chúng chưa hế nếm. Chung quanh này chỉ có nắm và sắt thép.

Hiếu con ông Cơ. Đàm Nghĩa Hiếu… Dòng họ ở xứ Kinh Bắc nhiều khoa bảng thời sau này toàn giỏi toán, giỏi lý. Hiếu học hàng hải mơ ước đi tàu viễn dương tới các miền đất lạ. Xứ Brazil chẳng hạn. Ông cơ dạy toán trường kiến trúc Hà Đông. Ngày ngày ông lên xe điện Bờ Hồ đi leng keng trong tiếng chuông, trong tiếng bánh sắt thành phố trôi qua cửa sổ bắt đầu vào chiến tranh những quả bóng thám không khổng lồ thả lên trên nhửng cánh đồn vàng rực lấp lnh1 những chiếc nón lá cái lác đác dù xanh ngụy trang, các thiếu nữ áo xanh duyên dáng đi xe đạp khoác súng trường. Súng ấy bắn thế nào được F105 ở thành phố nhưng khoác súng cũng như làm duyên. Ông Cơ hiền hậu nhìn và ngẫm ngợi dù đến phút này cuộc đời đã tước hết của ông từ miếng ăn đến linh hồn. Ông yên ắng chờ đợi cả tin dữ lành từ những đứa con bên này bên kia cuộc chiến.

Ông thương Hiếu nhiều khi thắt tim. Hiếu tám tuổi nắm tay mẹ Hân, Phong bảy tuổi nắm tay mẹ Việt. Hân vợ chính thức dâu trưởng quan Tuần Phủ cưới đầu năm Ất Dậu khi phủ của cụ Tuần vẫn sấm uất chưa có báo hiệu tai ương. Hai người em trai cụ Tuần chức quan triều Bảo Đại còn ra dự đám cưới cháu trai còn mặc áo Nam triều áo dài quần trắng khăn xếp giày Gia Định quà mừng cưới là vàng và ngọc trai. Vinh hiển thế nên Việt ấm ức từ lâu. Ông Cơ quen Việt trong tiệc trà của một người bạn khi nàng hát “Thiên thai” mắt rung lệ gần lại gần người đàn ông nhìn qua cũng thấy sự tử tế lịch lãm lại cao ráo sáng như một luồng sáng từ đâu rọi tới cảnh quan chán phèo quen thuộc. Hai người không thể rời nhau suốt những mùa đông biến động cách mạng những mùa hè mùa xuân trong thành phố Hà Nội đầy bước đi nhịp quân hành của người Pháp đầy phòng trà đầy những buổi trình diễn ca nhạc hai thứ tiếng. Ngoài xa xôi kia là tiếng súng là kháng chiến Việt Minh là sự trỗi dậy của tầng lớp kém cỏi lâu nay bị vùi dập xem thường.

Hân phát hiện mẹ con Phong do một người bạn nhìn thấy ông Cơ hay đi vào một ngôi nhà có chấn song gỗ tiện phố cổ nhà cổ và người đàn bà đẹp như tiên, đứa con trai như thiên thần.Họ như một gia đình. Người kia nói vậy. Hân đi ô tô do người lái ông Cơ thuê ở hẳn trong nhà. Hiếu ngồi phía sau áo len xanh mũ bê rê thích thú nhìn Bờ Hồ nhìn Tháp Rùa trong sương mù mùa đông. Những người lính Pháp đang đứng chơi chụp ảnh mấy cô gái áo dài hoa măng tô ấm khoác ngoài. Sau này cái cảnh ấy cứ ám ảnh Hiếu và khi lớn lên anh nghĩa có lẽ đó cũng là mối nhục mất nước mà khi thơ ấu anh không nhận ra.
Nhà trọ của Việt đang sửa chữa. Gỗ gạch ngổn ngang. Hân xông vào cố gữ vẻ đoan trang  nhưng trước sự dối lừa ai có thể đoan trang lịch sự. Phong nép trong cánh cửa. Hiếu tò mò nhìn thằng bé trạc tuổi mình không chú ý mẹ Hân to tiếng áp người đàn bà kia vào tường. Việt không lùi được nữa bước ra và vấp vào sợi dây Việt ngã sấp mặt đập vào thanh gỗ đầy đinh hai người thợ đang làm thấy xô xát đã bỏ ra chỗ khác. Một mắt Việt chọc thẳng vào đinh Việt ôm mặt kêu rú lên Phong chạy tới bàn tay bé nhỏ ôm cổ mẹ. Cả cái cảnh này Hiếu cũng bị ám ảnh dù khi đó con mắt trẻ thơ không thể lưu gữ được nhiều điều xảy ra. Hân dắt tay Hiếu đi qua trước những cái nhìn hãi hùng của gia chủ của mấy người thợ do Hân không đếm xỉa đến tiếng kêu đau đớn của tình địch. Đàn bà ghen tuông sắt đá không ai có thể lí giải được. Hân bảo: Đừng sợ con ạ. Mẹ chỉ đòi quyền của hai mẹ con mình thôi.

Cảnh sát Pháp làm dự, Hân phải bồi thường, ông Cơ cũng bị phạt bồi thường nhưng tiền không thể trả con mắt cho Việt sau hàng tháng trời nằm nhà thương Phủ Doãn ông CƠ không rời một bước. Nhưng Hân không bao giờ chịu nói một lời. Với Việt điều dó càng làm hố sâu như sâu thêm thù hận. Phong không khóc nhưng con tim trẻ thơ đã biết đau khi thấy mẹ băng kín vùng mặt ông Cơ phải ngồi bên bón cho từng thìa cháo. Lúc có hai mẹ con Việt nắm bàn tay bé nhỏ: lớn lên con phải đòi cho mẹ những gì mẹ mất! Câu nói đó như một lời nguyền.

Một lần ông Cơ đưa Phong về nhà. Về tới cửa ông nói với vợ: nó là trẻ con mẹ nó ốm không ai chăm nom mợ em đừng nghiệt ngã quá. Hân đang cho Hiếu ăn. Bánh mì kẹp chả Hiếu cầm đầy trên tay tay kia cầm quả táo đỏ sẫm. Phong đói. Đói và lạnh và run rẩy nhưng Hân giục Hiếu: ăn đi con để còn đi kẻo muộn! Ông Cơ bảo Hiếu đưa cho em quả táo. Hiếu quay ngoắt đầu chạy ra sau lưng mẹ. Cảm giác bị hắt hủi cô đơn theo Phong mãi sau này khi quả táo giấu sau lưng Hiếu không được đưa cho mình.

Việt ra khỏi nhà thương bên mắt còn lại nhìn được nhưng bác sĩ nói nó cũng ảnh hưởng cần thuốc men cẩn thận. Việt nức nở ôm chặt đứa con trai duy nhất nói với ông Cơ: em thương yêu anh như ruột thịt nhưng em không thể ở lại đây được. Đất Sài Gòn rộng thoáng em vào đó để không phải vừa sống vừa nhòm chừng vợ anh. Nói thế xem ông Cơ phản ứng thế nào. Ông Cơ không nói gì như vậy xem như cũng dứt tình. Việt chờ một thời gian nữa trong nhà trọ nhưng không thấy người tình quay lại. Việt nhắn: Em cần ít tiền làm vốn đưa con đi Sài Gòn. Cũng không thấy ông Cơ nhắn lại. Việt cảm thấy hai mẹ con bị phản bội bị khinh thường. Nỗi bơ vơ như bị tát vào mặt ấy khiến người đàn bà xem thù hận với tình yêu không còn ranh giới, Việt trở nên con Hổ cái bị nhốt vào chuồng. Không khó khăn gì Việt kiếm được một sấp truyền đơn kháng chiến nhờ một thằng bé ban đêm trèo tường ngôi biệt thự đường Gia Long gài nắm truyền đơn vào gốc cây trong vườn. Thằng bé nhận luôn nhiệm vụ vào bót Hàng Trống kèm theo một thông báo giả: cháu vừa thấy có người từ nhà số X đường Gia Long đi ra vừa đi vừa ngó nghiêng lạ lắm thầy phu lít đến mà xem! Xe mật thám tuần tra bắt thằng bá đi cùng. Đang đêm cả nhà ông Cơ bị dựng dậy. Truyền đơn tìm thấy trong vườn, nhà bị lục tung tìm chỗ giấu người nhưng không thấy. Bó truyền đơn kêu gọi nhân dân Hà Nội hướng về kháng chiến tổ chức các hoạt động chống Pháp trong thành phố! Truyền đơn có nội dung kích động bạo lực nguy hiểm cho Chính phủ của người Pháp. Không “oong đơ” gì sất. Lên bót!

Ông Cơ nếm các thứ đòn tra tấn. Nghe nói từ lâu nhưng khi thân thể mình bị đối mặt với roi cá đuối với bể xà phòng giữa mùa đông Hà Nội ông mới thấy làm một người vô sự giữa thời buổi này khó lắm thay. Ai sa vào đây chả bị thử thách chả bị tra khảo. Không ai tin ông đứng ngoài cái sự có mặt của bó truyền đơn kia. Khi thấy ông chưa đầy ba mươi tuổi thân thể cường tráng con nhà quan lại hướng tới văn minh Pháp bằng môn xe đạp thể thao ông mới đủ sức chịu đòn ra bót Hàng Trống. Hân phải đưa tiền cho các “thầy” trong bót để bảo lãnh cho chồng, bảo lãnh bí mật vì dính tới “thế sự” – nhưng phải hai tháng ông Cơ mới được ra. Ông không hề nghi ngờ Việt đã đưa ông tới tình cảnh này. Thời gian đó Việt đưa Phong lên tàu ra Hải Phòng rồi đi tảu biển vào Sài Gòn mang theo mối hận kỹ nữ phòng trà không đời nào được những nhà gia thế như ông Tuần quan đầu tỉnh chấp nhận.

Ông Cơ ra khỏi bót Hàng Trống nghe nói có tiền đã đành nhưng người ta cũng xett1 cả cái chết của bố ông – cụ Tuần phủ thời cách mạng. Phía Việt Minh kháng chiến rừng xanh đã ghi nhận công ông đã lưu trữ truyền đơn kháng chiến vào đã nếm mùi lao tù Pháp. Khi thành phố được kháng chiến tiếp quản ông Cơ được nhòm tới như nhân vật yêu nước nội thành. Không tham gia tổ chức nhưng hành động của ông thật dụng cảm có lợi cho phong trào đấu tranh đô thị.

Chi tiết lí lịch của ông Cơ đưa Hiếu đến với công việc đặc biệt trong quân đội. Hiếu được học tập được huấn luyện và vẫn bổ sung vào tiểu đoàn cũ, ngoài chiến đấu như mọi người Hiếu phải tìm xem vì sao mỗi khi đoàn xe chuyển đạn qua mấy cây số đầu đường này lại bị đánh bằng bom phá, bom sát thương và bom cháy. Đường độc đạo nên nhiều đoàn xe bị thiệt hại nặng. Bom phá ném đầu ném cuối đoàn xe rồi tiếp theo nữa là bom cháy để đốt xe. Chỉ có ai nắm vững quy luật của đoàn vận tải mới có thể chỉ điểm chính xác như vậy.

Hiếu đã tìm thấy. Một gã thiếu úy có cái mặt ngố nghếch như chả bao giờ làm được việc gì to tát lọt vào tấm mắt Hiếu do quy luật đi lại của gã và do cái cách gã cứ biến đi đâu đúng vào lúc bom pháo nổ nhiều nhất phía con đường. Người ta điều gã kia ra phía Bắc xem như đi học một lớp nghiệp vụ. Lạ thay. Từ lúc đó bọn phi công Mỹ ném bom tứ tung vào rừng không có loạt bom nào trúng đích như trước nữa. Hiếu đã làm xong một việc.

Bên kia chiến hào Phong học đại học khoa học Sài Gòn rồi đăng lính. Rồi học thêm Thủ Đức làm việc trong phủ đặc ủy tình báo trung ương của quân đội Việt Nam cộng hòa.

Trớ trêu? Hay là sự sắp xếp của số phận mà hai anh em hai phía đi con đường sự nghiệp giống nhau.

Phong đi về Sài Gòn bằng phương tiện quân đội và cái công việc Phong sắp nhận là tuyển chọn các cán bộ sĩ quan Bắc Việt bị bắt tổ chức huấn luyện thành tính báo viên tung về cách mạng dưới hình thức ân xá hoàn lương thả đơn phương hay trao trả khi có giải pháp chính trị… làm Phong phấn khích. Nhưng Hiếu đã về tay rồi hãy báo về phủ đặc úy trung ương xin về chậm một thời gian. Phong vào quán bar gần căn cứ đi qua mấy bàn có mấy em tiếp viên xinh xắn – đều là quân nhân trá hình – nhưng Phong làm mặt lạnh. Một cô giọng Bắc di cư nói như để đối tượng phải chú ý: anh đừng xem em là bức tường câm không biết nói đấy nha! Không thấy Phong ngoái lại hai cô kia thì thào: trai Bắc dữ ha? Bắc kỳ nữa. Chàng ăn cơm gạo Sài Gòn trước cả năm năm tư tóc đã cháy nắng Sài Gòn có gì mà lạnh dữ…

Không phải lạnh không phải chảnh gì đâu các em. Hôm nay anh không muốn trò chuyện. Phong giơ tay về phía các nữ quân dân trá hình mỉm cười cho các nàng đừng giận. Đầu óc Phong ngổn ngang.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 4-8-2014 08:54:07 | Chỉ xem của tác giả
-Ba-



1.


Cái phòng giam chật như chiếc quan tài ban đêm lại rộng do Nhâm cứ lùi dần rồi rúc vào vai Hiếu theo kiểu ngủ hầm của lính. Hiếu bảo tao không ngủ được đây! Sao lại có thằng gọi tên mình hách dịch thế nhỉ?

Anh chả nên nghĩ ngợi. Có nghĩ cũng chả giúp được gì bọn mình lính chiến đấu chỉ có mỗi việc nã súng vào đối phương do cấp trên bảo thế có gì mà khai với báo. Nó giử anh em mình lại đây hay là để trao đổi với thằng nào phía kia?

Mình lình tráng ai trao đổi. Phải sĩ quan cỡ tiểu đoàn trung đoàn thằng em ngốc ạ. thôi vậy. Ngủ đi! Nói với Nhâm vậy. Nhưng Hiếu thoáng nghĩ hay là nó biết mình là nhân vật có công tác ngần trong quân đội? Có lẽ không. Nếu nó biết nó đã bốc vào Sài Gòn ngay không để gần đối phương sợ bị mất tù binh.

Đêm ở vùng này không một phút nào yên. Tiếng đấu pháo tiếng đại bác từ phía biển rít như tiếng cơn lốc lớn cùng với sấm rền, xa xa bom ùng oàng hàng tiếng phía rừng Trường Sơn nơi có những con đường xuyên qua rừng xe pháo không nghỉ.

Mặt trận Quảng Trị vừa quá loại bom mới. Một loại bom nổ bắn ra ngàn chiếc đinh cỡ đnh năm phân. Một đầu nhọn hoắt như đinh thông thường đầu kia có ba múi như đuôi trái bom chắc để lực ma sát của nó mạnh hơn. Đinh bắn tung vào mắt vào tai cắm lên bất cứ chỗ nào trên da thịt con người. Là loại sát thương nhưng bom bi cỡ viên bi xe đạp chui vào mạch máu muốn lấy phải mổ mà chạm ở chỗ này viên bi lại chui sang chỗ khác. Bom bi là nỗi kinh hoàng nhưng bom đinh còn kinh khủng hơn vì nó tới đâu là độc tới đó.

Hiếu bị đinh cắm vào bắp tay. Làm độc. Mủ sưng tấy dù nó đã được sát trùng. Bác sĩ Trúc đứng ở cửa hầm quan sát mấy chiếc giường đầy thương binh trong gian hầm rộng. Hiếu nằm trăm cùng nhìn người con gái mảnh mai gầy gò  do sốt rét thấy nàng đẹp và dịu hiền biết bao giữa cái nơi đầy tiếng rên thương tích. Các thương binh đang trong giấc ngủ trưa. Hiếu vẫy tay cho Trúc lại gần rồi đưa bàn tay lành nắm lấy tay bác sĩ: ngồi đây với anh một chút!

Hai người biết nhau quý nhau vì Trúc dân phố hàng bột học đại học xong đeo ba lô vào luôn chiến trường. Tay anh sắp khỏi chắc không phải ra ngoài kia. Anh không ra. Này em giữ cho anh một lũ đinh để làm kỉ nệm đấy! Không! Từ nay đến hết chiến tranh chắc còn nhiều loại bom nữa giữ làm gì? Này, Trúc cườ tươi tắn hàm răng con gái trắng muốt nhìn đã muốn hôn, đời anh đã thấy bao nhiêu loại bom rồi? Nói chuyện đó làm gì. Sau này hết đánh nhau về ở với anh nhé. Anh này, vớ vẩn!

Những câu nói như bâng quơ chả đâu vào đâu trong căn hầm dã chiến sẽ là lời thề nguyền hẹn ước khó thay đổi trong cả cuộc đời. Hiếu nắm tay người con gái cảm thấy sức thanh xuân của họ dồi dào và đạn bom như là vô nghĩa.

Lúc này nằm trong cái căn hầm giam như cái quan tài những ám ảnh chiến tranh trở nên rõ, cầm nắm được. Cả cái bọn bạn bè Hiếu kia tuổi mười tám đến hơn hai mươi có lẽ không nghĩa lý gì với một vào trái bom CBU bỏ xuống bên kia hàng rào điện tử. MCNamara chỉ thị cho lão chuyên gia nào đó lên kế hoạch xây dựng cái “hàng rào chống xâm nhập, hệ thống báo động, các biện pháp do thám, các kỹ thuật vặt trụi lá cây và dùng vũ khí phá hủy cả khu vực.”

Lão  chuyên gia gặp các giáo sư và giáo sư Roger Fisher trương Harvard gợi ý xây dựng hàng rào này – một lần học kỹ thuật tác chiến với một giáo viên quân sự nhấn mạnh tên ngài giáo sư này anh ta còn đùa khi nào anh ta hết đánh nhau anh ta sẽ tìm cách bơi qua Thái Bình Dương đến Mỹ gõ cửa Roger Fisher và bảo ông có giói thì sang Việt Nam “tay bo” chứ việc gì ngồi đấy nghĩ ra đủ thứ “của nợ”?

Hàng rào điện tử có hệ thống chống quân đội là mấy bãi mìn mà cánh công binh của Bắc Việt phát hiện đã đánh dấu cẩn thận. Ở đó toàn mìn nhỏ mìn mẳn để sát thương bàn chân cẳng chân. Hệ thống khác là chống xe máy, phát hiện tự động ch3 mục tiêu cho máy bay đánh. Tất cả nhìn có vẻ vô hại trước những trảng cát mênh mông và cây gai lúp xúp. Đêm đêm quân Bắc Việt vẫn tìm cách qua cái hàng rào ghê tởm này với lối đi đặc trưng của đặc công. Bọn Hiếu qua hàng rào này vào cái đêm trời nóng như sắp có bão, làm xong nhiệm vụ thì bị rơi vào ổ phục kích. Nghĩ mà tức mình. Hổ sa bậy cũng như thế này đây.

Trúc đưa cho anh một viên kẹo chống nóng ngậm vào có mùi bạc hà mùi sữa. Trúc nhìn cậu thương binh băng kín mắt giường bên thấy cậu này im lìm Trúc cúi xuống đặt môi lên môi Hiếu. Mát lạnh thơm như mùi hoa dại đôi môi thiếu nữ không phải là lần đầu tiên trong đời Hiếu biết mà lần đầu tiên Hiếu thấy giá trị của tình yêu đôi lứa giữa một chảo lửa chiến tranh. Hiếu quàng cánh tay lành lên cổ Trúc kéo nàng gần hơn thì thào: cố mà qua khỏi chỗ này em nhé! Câu nói của Hiếu làm cô gái đau xót. Nếu có qua được thì tất cả phải qua đâu có thể chỉ anh và em?

Căn nhà ba tầng biệt thự của cha mẹ Hiếu nghe nói ông Tuần cho làm khi cưới vợ cho cậu cả Cơ và nàng dâu con nhà gia thế ông Tuần kén cho con trai ông Cơ chỉ được biết mặt trước khi cưới một tuần. Biệt thự xây kết hợp kiểu của Pháp và Nhật Bản. Phòng ốc có lò sưởi kiểu Pháp tường dày chống nóng nhiệt đới gió mùa chống cả rét ngọt phương Bắc, một chút Nhật Bản ở hoa văn ở mái cong cửa sổ tường sơn ngoài màu đỏ đậm kiểu Nhật. Hiếu lớn lên cùng mấy đứa em không thể hiểu vì sao cha mình lại có người đàn bà đẹp như mẹ Phong sao lại có một đứa con trai giống hệt mấy anh em Hiếu. Ông Cơ giấu mẹ con Phong trong một phố nhỏ chu cấp đầy đủ lương công chức thời đó không phải phân chia so đo mang tiếng vợ lẽ con thêm. Những năm Pháp ở Hà Nội ngoài kia chín năm kháng chiến ông Cơ vẫn làm công chức sở Kiến Trúc vô tình vụ mẹ con Phong bị phát hiện vô tình có truyền đơn chống Pháp trong nhà vô tình bị Pháp bắt cũng vô tình có công truyền đơn cho kháng chiến. Ông Cơ hiền hậu nhiều khi ông còn tránh để không giẫm phải bầy kiến ông chả có gan làm gì nhưng rồi ông mắc vào đủ thứ rắc rối. Có lẽ vụ vợ ngoại kia cũng do ông không có gan từ chối không có gan chui ra khỏi lưới ái tình mà nàng ca kỹ phòng trà sắc sảo giăng mắc.

Năm 1954 Hà Nội rợp bóng cờ đón ông cụ đón đoàn quân kháng chiến. Chính sách rõ ràng. Trưng dụng nhà của những kẻ nợ máu trưng dụng nhà của những gia đình di cư hết người trưng dựng của những ai nhiều nhà để không. Ông Cơ mắc vào lưới tù tội thời Pháp mà không làm gì có hại cho đồng bào ông được các đồng chí thành phố ngọt ngào lời khuyên. Anh em ngoài kháng chiến về đều vô sản kêu gọi hảo tâm của các đồng chí hiến bớt nhà cho cách mạng vả lại đây cũng chỉ là một hình thức mượn thôi Sở nhà đất sẽ quản lý thu tiền nhà và chịu trách nhiệm sữa chữa khi hỏng hóc. Lúc nào lo được nhà tập thể chúng tôi sẽ chuyển đi trả lại nhà cho gia đình! Những lời hứa như thế thời đó đều đáng tin đều có cơ hội thực hiện con người thời đó sáng như gương chữ tín quý hơn vàng mười… Cửa hàng thuốc của Hân trên phố Hàng Cân cũng dẹp vào công tư hợp doanh lấy nhà chức sắc ở tạm thời  rồi ở luôn cho đến khi Hiếu học đại học đi qua thấy người ta lên tầng người ta cơi nới thành nhà cả phần hiên trước kia là chỗ cho người đến mua thuốc đo huyết áp nghe tim phổi. Mất cửa hiệu mất cả tên dược sĩ Thanh Hân nhưng kỉ niệm không thể mất những mùa đông Hà Nội ngồi xe với mẹ lên kiểm tra cửa hàng Hiếu hay được mẹ cho ăn bát phở nóng có quẩy ngọt ăn thêm và lúc về ngả vào lòng mẹ trên xe chạy êm ru giữa trời lạnh.

Cả nhà Hiếu ở Bà Triệu dồn vào một phòng tầng hai. Căn phòng mênh mông ngày trước giờ đây như thu hẹp lại với giường với va li hòm quần áo sách vở của trẻ con. Tầng dưới và tầng ba có những căn phòng mát rượi mùa hè những phòng kho bếp giờ đây chứa chín gia đình ở Phú Thọ ở Tuyên Quang về. Những cặp vợ chồng ngày đầu son trẻ chồng bộ đội ở doanh trại vợ cán bộ cơ quan đoàn thể còn ít con còn dễ thở khi chia nhau những khoảng không gian trong biệt thự cổ. Vào những năm cuối sáu mươi trẻ con sinh đàn sinh đống như lũ gà. Suốt ngày lối đi lênh láng nước. Nhiều gia đình chứa đồ bằng cách đóng đi lên tường loại tường phải khoan bằng máy để treo bị treo túi đựng quần áo sách vở. Những gác xép mọc lên những chuồng ga cơi nới chìa ra phố. Cũng may khung nhà móng nhà chắc chắn vì thợ thời đó có nghề có trách nhiệm. Khủng khiếp nhất là cái nhà vệ sinh. Cha mẹ Hiếu kinh hoàng khi trên bảng xuất hiện dòng chữ “Vệ sinh trong tuần: Ông Cơ!” Mỗi nhà dọn dẹp khu vệ sinh một tuần. Một tuần ác mộng đến bữa ăn còn tưởng tượng ra mà không nuốt nổi miếng cơm. Thời xây nhà cho con cụ Tuần tính toán nhà chỉ khoảng chục người kể cả người ăn người ở. Ông cho xây hố tự tiêu theo kiểu Pháp. Có hai phòng một cho chủ một cho người làm. Bồn nước treo giá trên khi giật nước phải giơ tay kéo dây nước ào xuống cuốn phăng chất thải nhà cầu lại sạch sẽ có thể thảnh thơi vừa hành sự vừa đọc sách. Khu nhà tắm hồi còn bé Hiếu hay xuống nằm trên gạch mát lạnh chơi trò búng bi với các em. Nhà tắm thời chưa bị “xâm lăng” không hề có mùi cả khi trở trời… khi chừng ấy con người rừng xanh về chia chác không gian mấy chục con người già cả gái trai chen chúc chờ nhau trước khi đi làm như cái nhà ga thời chiến tranh là cái cảnh cười ra nước mắt. Ông bà chủ của ngôi nhà không ai còn nhớ là chủ giờ đây cũng phải xếp hàng. Có vô ý để thùng rác lấn sang lối đi nhà ai đó là lập tức bị xỉa tay vào mặt. Cái họa làm vệ sinh hàng tuần ông Cơ cũng không thoát. Hố xí cả ngày đầy như đắp lên trên tràn cả ra ngoài ống thoát tắc nghẽn vì giấy vì rác. Muốn tống khứ cái thứ khủng khiếp đó xuống phả dùng cái thụt cống bằng cao su. Ông Cơ còng lưng đẩy phân bà Cơ múc nước từ bể vào giội cho chồng làm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
Đăng lúc 13-5-2016 22:35:58 | Chỉ xem của tác giả
THÔNG BÁO


Xin chào bạn!

Trước tiên, cám ơn sự đóng góp của bạn dành cho box.

Hiện nay, box đang tiến hành sắp xếp lại để gọn gàng hơn.

Trong quá trình sắp xếp, bọn mình thấy bạn đã ngừng thread hơn 2 tháng và không có bất cứ thông báo nào đến độc giả.

Vậy nên 5 ngày sau thông báo này, nếu vẫn không có chương mới, bọn mình sẽ tiến hành các biện pháp xử lý thích hợp.

Mong bạn hiểu và thông cảm!

Thân mến!

Mod
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách