Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 947|Trả lời: 2
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Truyện ngắn] [Truyện ngắn | K] Bụi trần vướng bước chân ta, kết thành một bãi cát dài không thấy tận cùng | WinnieWiny | Anh và Cô | Complete

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả
BỤI TRẦN VƯỚNG BƯỚC CHÂN TA,
KẾT THÀNH MỘT BÃI CÁT DÀI KHÔNG THẤY TẬN CÙNG





Author: WinnieWiny

Rating : K

Pairing: Những con người lạc nhau trong thời cuộc rối ren.

Disclaimer: Không có thứ gì thuộc về tôi trừ tên nhân vật và những câu chữ, tôi chỉ là một người kể chuyện.

Category: Sad, romance, war

Nhắn nhủ



Lời đầu tiên, tôi không muốn mọi người hiểu lầm dụng ý của việc nhắc lại lịch sử trong câu chuyện này. Nó hoàn toàn là một câu chuyện có thật được kể lại bởi chính nhân vật trong truyện, về một đoạn lịch sử oai hùng nhưng đau thương của Việt Nam theo một góc nhìn khác – góc nhìn của những người dân sống dưới chế độ cũ của Sài Gòn, cũng là quãng thời gian thanh xuân đẹp nhất của chính các nhân vật trong truyện. Tôi cảm thấy đây là một câu chuyện vô cùng đẹp, đẹp nhất và buồn nhất. Có những sự thật không được ghi lại trong sử sách, hoặc giả nó chỉ là cái nhìn phiến diện của người Sài Gòn thời gian đó, nhưng hãy nhìn lại một khoảnh khắc lãng mạn giữa thời cuộc loạn lạc.

Rate

Số người tham gia 1Sức gió +5 Thu lại Lý do
Bacham72 + 5 Ủng hộ bạn

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 10-11-2016 12:05:58 | Chỉ xem của tác giả


Thư viện, ngày nắng. Đó là những gì còn đọng lại trong ký ức của anh vào lần đầu tiên gặp cô. Cô gái dịu dàng trong một chiếc áo dài màu trắng tinh khôi dưới ánh nắng đang chiếu chênh chếch. Trên tay cô cầm một cuốn sách mà anh không thể nhớ nổi tên, chỉ biết rằng mái tóc dài của cô buông xuống đôi vai gầy lẳng lặng được bàn tay ngọc ngà vén lên sau vành tai mỏng. Nhận ra có người đang nhìn về hướng mình, cô ngước mắt lên. Khoảnh khắc đôi mắt cô chạm vào đôi mắt anh, anh thấy tim mình như ngừng đậm. Đôi mắt ấy long lanh như giọt nước ẩn giấu dưới đôi mi dày. Gương mặt cô đỏ bừng lên, vội vàng gấp sách chạy đi.

Anh ngẩn ngơ một lúc, mới nhận ra mình hơi khiếm nhã.

Thư viện trường, nơi anh lần đầu gặp cô, người con gái anh mang theo trong tim cả đời.

Hôm nay đám con trai trong lớp định bụng chọc giận Sơ giám thị một chút. Chúng mang vào một cái radio đời cũ chạy pin, nhét vào đó một cuộn băng của Duy Khánh. Bình thường, Sơ giám thị rất ghét mang radio làm ồn trường học, và chọc giận Sơ là một thú vui của bọn nhóc mười sáu tuổi còn non nớt ấy. Trò đùa mà chúng thường làm nhất, là trong giờ nghỉ giữa giờ khi Sơ đi kiểm tra các phòng học, một lớp trong số chúng sẽ bật radio với âm lượng to nhất, làm náo động một lớp học. Rồi Sơ sẽ chạy đến và bắt phạt đám chúng nó, nhưng Sơ sẽ không tìm thấy gì cả vì bọn chúng đã kịp tuồn hàng qua lớp kế bên. Sau đó, lớp kế bên sẽ bật ầm lên rồi tuồn hàng đến tay một nhân vật xấu số nào đó đi ngang qua. Nhân vật ấy sẽ tiếp tục mang về lớp của mình. Những lần đùa giỡn như thế đều làm Sơ tức điên lên, và sau đó cả trường sẽ vinh dự được quét dọn toàn trường dù chưa đến Lễ Phục sinh, Giáng sinh hay Năm mới gì cả.

Nhưng đó là một trò vui.

Chiếc radio đã truyền đến lớp anh, và Sơ đang ở cách bọn họ khoảng ba phòng học. Một tên trong lớp bắt đầu mở nó lên, một bài hát trữ tình thường nghe của Duy Khánh. Bọn chúng kéo âm lượng lên mức cao nhất và đứa thực hiện trò đùa đó không ai khác chính là anh – một trong những tên nghịch ngợm nhất trường.

“Sơ sắp đến rồi.”

Một tên la lên thất thanh. Anh khi đó đang cầm cái radio ngồi bên cửa sổ, khung cửa sổ lớn, rất dễ tuồn thứ này ra ngoài. Một tên khác thông báo có một nhân vật đang bước gần đến cửa sổ, nhiệm vụ tiếp theo chính là tuồn nó sang tay người sắp đến. Anh nghe theo ám hiệu, người kia vừa bước đến, anh liền lao nửa người ra ngoài.

“Ơ”

Người kia ngẩn ra nhìn cái radio cỡ nhỏ trước mặt mình, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô nhìn sang người đang nhoài người ra cửa sổ, gương mặt lấm la lấm lét trông rất buồn cười, nửa phần đã hiểu ý.

Anh nhìn thấy cô, ngạc nhiên đến mức không nói nên lời, chỉ còn biết ngẩn ra trong tình trạng nửa trong nửa ngoài. Đám con trai trong lớp nhìn thấy chiếc radio vẫn chưa được đem đi trong khi Sơ giám thị đã đến rất gần thì la lên ỏm tỏi. Anh mới giật mình, nhét vội nó vào tay cô, miệng lắp bắp nói.

“Ờ. Tụi này đang đùa một chút.”

Cô cầm chiếc radio bị nhét vội, nở một nụ cười hiền lành. “Ừ, chút nữa qua lớp tôi mà lấy.”

“Lớp… ờ của đằng ấy ở đâu?”

“10C. Tụi này đang ôn bài cho kiểm tra nên chắc sẽ không chơi đâu, để chỗ tụi này là được.”

Nói rồi cô cất bước đi trước khi để Sơ đến bắt một lúc hai đứa, không để anh nói một câu cám ơn ngượng ngùng. Hôm ấy, cô ngồi trong lớp nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn thấy toàn bộ đám con trai của lớp anh bị bắt chạy một vòng quanh sân. Sân trường rất bé, chỉ chạy một lúc đã xong. Sơ giám thị trông bề ngoài hung dữ nhưng lòng lại mềm như cọng bún, chẳng nỡ để tụi nhỏ chạy dưới nắng chang chang như vậy, nhưng dù sao cũng phải phạt chúng nó một chút. Khóe miệng của cô cong lên, nhìn một người con trai tinh nghịch vừa chạy vừa cười giỡn cùng đám bạn xung quanh.

Đến cuối buổi học chiều, khi mọi người đang rộn rạo thu dọn đồ dùng trên bàn thì bỗng một cái đầu thò vào trong phòng học.

“Này, sao lại đến lớp tao?” Một tên con trai quen biết với Anh gọi với ra, giọng điệu châm chọc đùa giỡn. Nhưng lần này Anh không chú ý đến hắn, chỉ nhìn quanh rồi tìm một người. Anh vẫy vẫy tay gọi cô.

Phát hiện ra Anh đang ra hiệu với mình, cô vội vàng ôm chiếc radio giấu dưới ghế chạy đến chỗ Anh.

“Trả đằng ấy.” Cô nói nhanh trong khi ngượng ngùng nhìn những ánh mắt xung quanh đang hiếu kỳ nhìn hai người bọn họ.

“Cám ơn.” Mặt anh đỏ bừng lên, gãi gãi đầu. Lắp bắp mãi mới nói thêm được một câu nữa. “Ờ, đằng ấy tên gì vậy?”

Nhìn vẻ mặt của anh, cô bỗng nhiên phì cười. Lần nào cũng vậy, cô luôn gặp anh trong trạng thái đỏ mặt tía tai, rất thú vị.

“Phạm Thị Hoa. Còn đằng ấy?”

“Trần Minh Ngọc.” Nụ cười của anh kéo đến tận mang tai, sau đó vội vàng chạy đi, không quên bỏ lại câu nói. “Lần sau gặp lại.”

“Ừm.” Cô đáp khẽ trong lòng. “Lần sau gặp lại”. Anh chạy đi quá vội, không nhận ra gương mặt của cô cũng ửng hồng như anh.

Bọn họ gặp lại nhau trong một buổi lễ sáng Chủ Nhật. Hôm ấy trời mờ sương, mùa đông lạnh hiếm hoi của Sài Gòn nóng bức tràn về, nhưng cũng chỉ khiến trời sáng sớm xuất hiện một lớp sương mỏng. Anh đứng bên hàng ghế của nam, phát hiện cô trong tà áo dài màu hồng phấn bên hàng ghế nữ, nghiêm cẩn đọc bài kinh cầu. Sau đó là quãng đường rợp bóng cây, hai người vừa đi vừa nói những câu chuyện vu vơ.

Lần tiếp theo gặp lại nhau, là khi ba của anh bị ngất trên đường được một chiếc xe quân đội chạy ngang qua đưa vào bệnh viện. Khi ấy cô cũng vào bệnh viện năm người thân. Hai người ngồi trên băng ghế đá, cơn gió thổi qua khiến nhành hoa bọ cạp vàng còn sót lại rơi rụng lả tả thành cơn mưa vàng rực. Mùa lạnh hiếm hoi, cô khoác cái áo choàng hoa bên ngoài chiếc áo thun màu đỏ cùng chiếc quần bò Hoa Kỳ.

Và rất nhiều lần gặp sau nữa. Rồi hai người bọn họ trao nhau lời thương yêu, lời hẹn thề khi anh bước vào năm lớp mười hai.

Lệnh tổng động viên thanh niên ra chiến trường khiến anh phải bỏ dở việc học, lên đường theo quân ra miền Trung, nơi đang có những trận chiến ác liệt. Thứ mà anh phải đối mặt sắp tới là chính đồng bào của mình, bắn giết lẫn nhau, giết chóc lẫn nhau. Cô đưa tiễn anh bằng một chuỗi hạt Thánh giá, cầu mong anh sẽ bình an trở về. Anh ôm lấy cô, hứa hẹn nhất định sẽ quay về và đến nhà hỏi cưới cô. Chiến tranh rồi sẽ kết thúc nhanh thôi, dù bằng cách thức nào đi chăng nữa.

Nhiều đêm trên chiến trường, anh ngồi bên đốm lửa bập bùng lật giở lá thư của cô gửi từ Sài Gòn hoa lệ. Cô kể rất nhiều thứ diễn ra thường ngày, kể cả những lo lắng của cô trước thời cuộc loạn lạc. Cô hỏi, bao giờ anh về.

Sẽ rất nhanh thôi, chiến tranh sắp kết thúc rồi. Anh viết lại trong thư như thế bằng đôi tay của đồng đội, vì cánh tay của anh bị trúng đạn không thể cử động được. Hôm nay anh lại mất thêm một vài đồng đội nữa, bọn họ đều chết, anh may mắn chỉ bị thương một chút. Anh kể rằng ngày mai anh sẽ nhận lệnh sơ tán một vài ngôi làng, vì đó sẽ là chiến trường mới của anh và người đồng bào bên kia chiến tuyến. Những lần trước anh theo quân sơ tán cư dân, nhìn thấy rất nhiều đứa bé mới sinh, trông vô cùng đáng yêu. Anh bảo anh thích trẻ con, anh thích gương mặt hồng hào của bọn chúng.

Chiến tranh sắp kết thúc rồi, anh sẽ về. Anh lại viết như thế trong thư. Lần này anh có thể tự tay viết vì tay anh đã có thể cầm súng trở lại, nhưng một chân của anh đã bị cắt bỏ vì đạp phải một quả mìn trong rừng. Sư đoàn của bọn họ đã bị tiêu diệt gần hết, bây giờ anh chỉ còn có thể nằm trên đám cỏ khô chờ đợi máy bay cứu viện đến. Khu vực này thất thủ rồi, quân đồng minh cũng đã rút về hết rồi, chỉ còn nhóm người Việt của anh ở lại tiếp tục đương đầu với chiến tranh tàn khốc. Rất có thể trong nay mai, Sài Gòn sẽ mang một hình dạng khác. Nhưng bằng phương pháp nào đi nữa, chiến tranh rồi cũng sẽ kết thúc.

Mùa xuân năm 1975, quân giải phóng tràn vào Sài Gòn. Mười một giờ ba mươi phút, Dinh Độc Lập thất thủ.

Anh lê từng bước chân còn lại trên đường. Những chiếc xe tăng chiến thắng đang diễu hành trên đường phố, rất nhiều người dân đứng vây quanh để xem. Anh đã tìm đến nhà của cô, người nhà cô bảo cô đã ra phố đi tìm một người. Anh liền vội vàng chống chiếc nạng gỗ, lê một chân còn lại đi tìm cô.

Giữa phố xá đông đúc, anh tìm cô trong vô vọng.

Giữa phố xá đông đúc, cô ngoài đi trong đám người hiếu kỳ, cũng không biết làm sao để tìm ra anh. Người ta bảo chính phủ sẽ bảo trợ cho những chiến binh muốn tị nạn ở Hoa Kỳ, cô sợ anh sẽ không bao giờ trở về nữa.

Giữa phố xá đông đúc, hai người lướt ngang qua nhau, cách một con đường, cách một đoàn xe bọc thép của quân giải phóng.

Giữa phố xá đông đúc, người thân của anh kéo anh trở về để kịp chuyến tàu. Gia đình anh được đặc cách tị nạn chính trị.

Giữa phố xá đông đúc, cô nhìn thấy một người mặc chiếc áo bạc màu, một chân bị mất chỉ còn một chân ở phía xa. Cô chạy đến phía anh, nhưng dòng người đã cản bước chân cô lại. Đến cuối cùng, cô cũng chỉ có thể đứng bơ vơ giữa biển người xa lạ, mà không còn anh.

Hai năm sau ngày quân đội Việt cộng giải phóng Sài Gòn, cô ngồi trong ngôi nhà gỗ nhỏ bé bên cạnh một con kênh bốc mùi, chuẩn bị đồ đạc để đến nhà tù thăm nom cha cô. Ông là một tư sản, công việc kinh doanh chủ yếu là mua bán vỏ xe. Một năm trước, ông bị kết tội thông đồng với chính quyền cũ, tuyên án hai mươi năm tù dù không làm gì cả. Tất cả những gì ông làm, chỉ là một người kinh doanh bình thường may mắn có một chút vốn liếng để dành cho cô con gái là cô được học hành, và có một ngôi nhà ở mặt phố. Sau khi cha cô bị bắt, toàn bộ tài sản bị tịch thu, và mẹ con cô phải tìm đến ngôi nhà trong khu ổ chuột này để sống qua ngày.

Mẹ cô luôn hỏi cô tại sao không chịu lấy ai. Cô bảo cô chưa muốn. Nhưng, thật sự, cô đang đợi anh, đợi anh trở về và thực hiện lời hứa năm ấy.

“Nước nhà yên bình, anh sẽ trở về hỏi cưới em.”


Cô thương người ấy, bằng cả trái tim bằng trí óc, bằng chút ngây thơ còn sót lại của người con gái dành cho mối tình đầu tiên và duy nhất.

Năm năm sau, cô lên xe hoa lấy một người làm cán bộ. Anh ấy là một người hiền lành, anh ấy luôn âm thầm quan tâm và chăm sóc cho cô và mẹ cô. Anh ấy nói thương cô, anh ấy nói anh ấy chấp nhận cô không hề thương anh ấy, anh ấy nói anh ấy chấp nhận trong tim cô chỉ có hình bóng một người. Hơn hết, anh ấy đã nỗ lực giải oan cho cha cô, giúp ông ấy thoát khỏi vòng tù tội, anh ấy bỏ tiền chôn cất người mẹ đã khuất của cô. Anh ấy không quan tâm đến thân phận con gái của một tư sản của chính quyền cũ của cô.

Anh ấy sẽ giúp cô quên anh không? Không, cô vẫn sẽ đợi, đợi người con trai năm đó trở về.

Ngày hôn lễ, ngay tại nhà thờ mà họ đã gặp nhau, cô lẳng lặng nhìn đóa hoa bọ cạp vàng bị cơn gió làm cho rơi rụng. Màn sương giăng giăng khắp trời, lại một mùa đông lạnh. Cô tự hỏi, ngày hôm ấy bao giờ sương mới tan. Màn sương của cuộc đời cô có tan không?

Anh lái chiếc oto cũ đến garage xe nơi anh làm việc. Từ khi đến đất nước xa lạ này, anh và gia đình được cấp cho sống trong một khu tập thể những cựu chiến binh tị nạn chính trị. Sau nhiều năm, anh cuối cùng cũng học được nghề kỹ sư và mở một garage sửa xe nho nhỏ. Anh thuê thêm một vài nhân công cũng là cựu chiến binh như mình, lập ra một thế giới riêng.

Nhưng dù có cuộc sống đầy đủ như thế nào đi nữa, anh cũng không bao giờ nguôi nhớ về một người con gái. Người con gái ngồi bên cửa sổ thư viện, mặc chiếc áo dài tinh khôi, mái tóc dài buông xuống đôi vai gầy, ánh nắng chiếu qua khung cửa khiến cô thanh khiết như một đóa hoa lưu lạc. Lời hứa năm ấy, liệu cô có nhớ không.

Ba mươi năm sau.

Người đàn ông mái tóc đã ngã màu thời gian ngồi trên chiếc ghế màu trắng trong khu vườn của ông ta với một con chó màu vàng chạy lăng quăng. Ông ngửa đầu nhìn bầu trời mờ sương sớm, khẽ thở dài. Ba mươi năm rồi, người đàn ông vẫn không lấy vợ, chỉ lặng lẽ nhận nuôi một đứa con trai gốc Việt mất cha mẹ trong lúc vượt biên. Ông còn nuôi thêm một con chó vàng bầu bạn. Cách đây mấy tháng, con trai nuôi của ông đã lấy vợ, một cô gái trẻ trung năng động và yêu con trai ông. Ông sống đến tuổi nghỉ hưu, đã cảm thấy mọi thứ thật hoàn hảo, chỉ trừ một thứ.

“Ba.” Con trai ông từ trong nhà bước ra, đem theo một tấm áo khoác cho ông. “Bên ngoài đang đổ sương đấy.”

“Không sao, không sao. Năm xưa ba mày đi lính, toàn ngủ sương nằm gió vẫn khỏe phây phây.” Ông cười hiền hậu, tay vẫn cầm lấy tấm áo khoác của con trai. Bỗng nhiên ông nhớ về một thứ. “Con và Emma tổ chức hôn lễ hơn ba tháng rồi, sao hai đứa còn chưa đi tuần trăng mật?”

Nghe ba nhắc đến chuyện đó, người con trai đôi mắt khó xử, cúi người xuống quỳ bên ghế ông. “Chúng con cũng định, nhưng Emma nói không nỡ để ba ở nhà một mình. Ba, hay ba đi cùng tụi con đi.”

“Không đi, không đi.” Ông gạt phắt đi, lắc đầu nguầy nguậy. “Đám trẻ các con đi tuần trăng mật dắt theo ông già này làm gì. À, ta cũng vài người bạn định trở về Việt Nam. Các con cứ đi chơi đi.”

“Không sao chứ ba. Hay tụi con đi Việt Nam với ba nhé”

“Không phải Emma vẫn muốn đến Pháp sao? Đã bảo đừng quan tâm đến ông già ta, ta chưa vô dụng đâu.”

Ông cười vỗ vai người con trai của mình, đôi mắt mờ đục không còn nhìn rõ ánh lên tia nhìn phúc hậu. Cuối cùng, ông cũng có thể trở về rồi, trở về Việt Nam tìm bà ấy. Liệu bà ấy còn nhớ ông không, có còn nhớ chuyện cũ của hai người không.

Người ta vẫn luôn hỏi tại sao ba mươi năm rồi mới quyết định quay về. Ông không trả lời được, cơm áo gạo tiền, gánh nặng gia đình, đứa bé nhỏ ông mới nhận nuôi và rất nhiều thứ níu kéo bước chân ông. Ông vẫn còn nhớ một lời bài hát không tên mà ông tình cờ nghe người ta ngâm nga.

“Bụi trần vướng bước chân ta, kết thành một bãi cát dài không thấy tận cùng.”


Bãi cát ấy, bây giờ ông dùng một chân giả, một chân thật vượt qua rồi. Nhưng người xưa cảnh cũ có lẽ đã không còn.

Người góa phụ ấy, người góa phụ mất chồng khi cả hai chỉ mới lấy nhau được mười năm tròn. Người góa phụ ấy vẫn không đi bước nữa, chỉ một lòng nuôi những đứa con của hai người khôn lớn, rồi nhìn chúng nó lấy chồng lấy vợ, sinh con. Người ta bảo người góa phụ ấy vất vả một đời, cuối cùng cũng được hưởng hạnh phúc con cháu.

Nhưng người góa phụ ấy vẫn nhớ mãi không quên một người. Năm ấy chia xa, không ngờ lại là cả đời không gặp lại. Năm ấy, cứ ngỡ tình cảm sẽ bền chặt dù cho có xa cách, nhưng cuối cùng vẫn không thể thoát khỏi vòng xoáy của thời cuộc. Ba mươi năm qua, dù tưởng rằng bà đã quên hết những ký ức vụn vặt, nhưng hình bóng ông ấy vẫn rõ mồn một như vậy. Một người con trai chạy dưới sân trường, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười vẫn nở. Ba mươi năm qua, bà vẫn thương ông ấy.

“Định cư sao?” Bà ngạc nhiên nghe người con gái nói về dự định của mình và trong đó có bà. “Già cả rồi còn đi đâu nữa.”

“Anh Hai ở Pháp đã chuẩn bị xong thủ tục đón mẹ qua đó. Chồng con cũng chuyển công tác sang Pháp, mẹ theo tụi con đến đó nhé, chúng con không thể để mẹ ở Việt Nam một mình được.” Người con gái ngồi bên cạnh bà năn nỉ.

Tụi chúng nó đã lớn hết rồi, đều có khoảng trời riêng cho chúng nó vùng vẫy. Bà là một người góa phụ già cả, bà không thể vướng chân chúng nó. Sang bên đó, bà có thể gặp lại đứa cháu nội lâu ngày không gặp, có thể cùng sống với con cháu. Đất khách quê người, nhưng có người thân bên cạnh cũng đủ rồi.

Một ngày trời tờ mờ sương, bà cùng con cháu lên máy bay đi đến một đất nước xa lạ.

Ông chống một chiếc gậy gỗ, bước từng bước đến ngôi trường cũ. Sau ngày đó, ngôi trường đã được đổi tên thành một vị anh hùng, tuy nhiên kiến trúc trong đó vẫn được giữ nguyên. Vẫn là khoảng sân bé tí và những lớp học có khung cửa lớn. Ông bước dọc hành lang, nhìn lại lớp học cũ cùng những tấm bảng đen đã được thay mới bằng màn chiếu hiện đại.

“Anh là, Trần Minh Ngọc đúng không?”

Giọng nói già cả vang lên sau lưng ông. Ông chầm chậm quay người lại, nhìn thấy một người đàn ông khác cỡ tuổi ông. Gương mặt già nua đi ít nhiều, nhưng ông vẫn nhận ra người ấy. Chính là cái tên đã hỏi ông làm gì khi ông đến lớp tìm bà ấy lấy lại chiếc radio. Bây giờ, ông ấy đã trở thành hiệu trưởng của ngôi trường xưa cũ này, hằng ngày vẫn sống cùng những ký ức không bao giờ quên.

Hai người bọn họ ngồi trên băng ghế đá cùng ôn lại những chuyện xưa. Năm xưa ông đi lính, nhưng tên này lại được ở nhà do bệnh tim bẩm sinh, tiếp tục học hành, đỗ đạt dưới chế độ mới rồi nhanh chóng trở thành một giáo viên ăn lương nhà nước, nhiều năm cũng trở thành hiệu trưởng của chính ngôi trường năm xưa.

“Ông vẫn còn nhớ Phạm Thị Hoa năm đó chứ.” Ông hiệu trưởng nhắc đến.

“Vẫn nhớ. Không biết, bây giờ bà ấy thế nào rồi?” Ông run run hỏi, trong lòng thầm mong bà ấy sẽ sống hạnh phúc, không cô độc như ông. Nhưng tận trong tâm can ông, ông vẫn hy vọng, hy vọng bà ấy còn đợi mình, còn nhớ lời thề hẹn năm xưa.

“Giải phóng bảy năm, bà ấy kết hôn rồi. Cùng một người làm cán bộ của thành phố. Sau đó chồng chết, bà ấy ở vậy nuôi hai đứa con.”

“Vậy. Vậy sao. Tốt quá.” Giọng của ông lạc đi. “Bà ấy có vẻ sống rất tốt.”

“Bây giờ hai đứa rất hiếu thảo. Hôm trước bà ấy có đến đây thăm trường một lúc, bảo rằng con cái muốn bà ra nước ngoài đoàn tụ. Bây giờ có lẽ cũng đã đi rồi.”

“Ừ. Mọi người đều sống tốt. Vậy là tốt rồi.” Ông thở ra một tiếng. Miễn sao bà ấy hạnh phúc, miễn sao bà ấy không dùng cả đời chờ đợi ông trong vô vọng trong khi ông không làm gì được cho bà ấy, vậy là tốt rồi. “Sài Gòn này, đổi khác nhiều quá.”

“Nhưng ký ức thì không thay đổi được. Gần đây tôi thường hoài niệm về ngày xưa ấy.”

“Thời cuộc có thể thay đổi, người này nắm quyền, người kia rời đi. Thành phố này dù có đổi tên, nhưng người ở đây vẫn gọi nó bằng cái tên Sài Gòn xưa cũ như một hoài niệm về quá khứ. Chỉ có hoài niệm là không bao giờ mất đi.”

Như ký ức năm ấy, khi nước nhà loạn lạc, hai người họ trao nhau lời hẹn ước. Để rồi lời hẹn không thực hiện được, bọn họ vẫn để trong lòng một hoài niệm về những năm tháng thanh xuân rực rỡ. Hoa bọ cạp vàng rơi trong không gian vắng lặng, đem thế giới hóa thành một bức tranh.

Đến đất nước lạ lẫm mà trước giờ bà chỉ có thể đọc được trong những trang sách, một nơi lãng mạn với những vần thơ và có tòa tháp bằng thép cao chọc trời đại diện cho phồn hoa. Bà thường thích tìm ra một tiệm trà nhỏ gần nhà, bên cạnh dòng sông lãng đãng trôi, ngẩn người ngắm nhìn những bộn bề lướt ngang qua.

Hôm nay bà gặp một cặp vợ chồng trẻ, người chồng vốn là người gốc Việt. Đến thành phố này, bà không quen biết ai cả, cũng không biết nói chuyện với ai. Vì thế gặp một người nói tiếng mẹ đẻ là điều khiến bà vui mừng nhất. Vợ chồng họ cũng rất vui vẻ, kể với bà rất nhiều chuyện. Đặc biệt là  về cuộc sống của những người Việt vượt biên đến Hoa Kỳ năm xưa.

“Bà có một người quen, năm xưa tị nạn chính trị đến đó.” Bà bồi hồi nhớ lại, tự hỏi bây giờ ông ấy như thế nào rồi.

“Ba của cháu cũng là một cựu chiến binh tị nạn chính trị. Ông ấy là người nhận nuôi cháu.” Người chồng hồ hởi.

“Vậy ra cháu là con nuôi. Sao ông ấy không lấy vợ?”

“Ông ấy bảo, ông ấy muốn đợi một người.”

Đợi một người. Bà cũng đang đợi một người. Thì ra, trong cuộc chiến ấy, không chỉ có mình câu chuyện của bà là niềm luyến tiếc duy nhất.

“Chờ đợi luôn luôn khó khăn, ông ấy quả thực hiếm có. Bà, cũng đang đợi một người. Nhưng có lẽ không đợi được.” Bà bình thản nói, đôi mắt lơ đễnh theo dòng sông chầm chậm trôi bên ngoài. Chợt bên ngoài, đứa cháu nội vẫy tay với bà ngoài cửa, ra hiệu đã đến giờ phải đi, bà liền đứng dậy. “Cám ơn các cháu. Lâu rồi không gặp người Việt nên bà nói hơi nhiều. Bây giờ bà phải đi, chúc hai cháu hạnh phúc bền lâu nhé.”

“Cám ơn bà. Bà đi cẩn thận.”

Cặp vợ chồng trẻ tiễn người góa phụ đáng kính. Người vợ nhìn theo bóng lưng của bà, thì thầm vào tai chồng mình.

“Có khi nào bà ấy chính là người ba đang đợi?”

“Không thể có chuyện trùng hợp như vậy đâu.” Người chồng vỗ tay vợ mỉm cười.

“Sao lại không thể. Thế giới rộng lớn này có khi lại rất nhỏ bé.”

Nhưng nó có thể nhỏ bé đến như thế nào chứ. Nó thật sự rộng lắm, rộng đến mức hai người bọn họ chờ đợi một đời cũng không tìm được nhau. Chiến tranh đã qua lâu rồi, bao giờ lòng người có thể bình yên trở lại.

Hoa bọ cạp vàng rơi trong không gian vắng lặng, đem thế giới hóa thành một bức tranh.

0+0+0+0-0+0+0+0


Lời kết:


Kết thúc như thế này là do tôi tạo ra, câu chuyện ngoài đời thật không có kết thúc này. Tôi nghe bà ấy kể câu chuyện từ khi rất nhỏ, sau đó tôi chuyển sang nơi khác sống, không lâu sau biết tin bà ấy đã qua đời. Tôi nghe ba tôi kể lại, sau khi bà ấy qua đời không bao lâu, người con trai năm xưa mới trở về. Ông ấy vẫn đợi bà, tuy nhiên bà không thể đợi để gặp lại ông. Nhưng những câu chuyện của hai người đã quá bi thương rồi, tôi chỉ muốn để cho hai người tiếp tục sống hạnh phúc và nhớ về nhau như một hoài niệm. Chiến tranh vẫn luôn tàn khốc như vậy, tuy tôi không sống trong thời gian ấy, nhưng tôi có thể cảm thấy được sự tàn khốc thông qua đôi mắt u buồn của bà. Cám ơn đã quan tâm đến câu chuyện này.

Bình luận

hẹn đọc sau nhé ^^  Đăng lúc 18-11-2016 01:56 AM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
Đăng lúc 24-11-2016 22:21:03 | Chỉ xem của tác giả

Ngàn năm thương hoài một bóng hình ai

Không phải chỉ trong thời chiến tình yêu mới thật đẹp. Mà cái ngày xa xưa ấy... Ngày còn cuộc sống chân thành và giản dị.. Tình yêu rất trong sáng và cao cả.

Không có thể níu kéo thứ gọi là thời gian. Nhưng chúng ta có thể khắc lên thời gian những kỷ niệm thật đẹp và bất diệt.

Người ta cho rằng tình dang dỡ là tình khôn nguôi.

Nhưng với ss thì lại có chút khác.

Chỉ có người sống "thiếu" đi thứ gì đó, mới thật sự biết trân trọng để giữ gìn.

Chỉ có những người có trách nhiệm với người mình yêu thương mới có ý niệm gìn giữ.

Cái thời gọi là xa xưa vẫn hiện diện trong mỗi con người chúng ta.

Chỉ qua những sắc màu của cuộc sống hiện đại đã làm mất đi màu ký ức.

Cảm ơn Win đã đưa ss về với một kỷ niệm.

ss đang nghĩ câu chuyện này có phải Win dành cho ss đọc ko?

Vì ss dám có thể khẳng định, với bao nhiêu đây tuổi

chứng kiến ngày ấy rồi, thì ss cảm nhận được sự sâu sắc của "nó"

Mừng vì một bạn trẻ như Win, cũng hiểu và biết nhận lấy những gì của "người già"

Win ơi... trân trọng những gì mình đang có nhé em ^^

Một lần nữa Chân thành cảm ơn em!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách