Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 3914|Trả lời: 19
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết - Xuất Bản] Vĩnh Biệt Tugumi | Banana Yoshimoto

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 22-7-2012 14:00:22 | Xem tất |Chế độ đọc


Tên tác phẩm: Vĩnh Biệt Tugumi
Tác giả: Banana Yoshimoto
Dịch giả: Vũ Hoa
Độ dài : 12 chương
Thể loại: Tiểu Thuyết
Tình trạng sáng tác: Hoàn thành
Nguồn: thuvien-ebook.com



Giới thiệu sơ lược:

Banana Yoshimoto đã viết  như một sự tưởng nhớ những kỳ nghỉ hè cùng gia đình tại một thị trấn hải đảo êm đềm của Nhật Bản. Vĩnh biệt Tugumi cũng chính là vĩnh biệt tuổi thơ, với một cái nhìn sống động và tươi tắn về tình yêu, tình thương nơi những nhân vật trẻ vừa bước qua ngưỡng cửa thiếu niên mong manh, dữ dội.

Bốn người bạn: Maria, Tugumi, Yoko và Yoichi đã sống cùng nhau một mùa hè cuối cùng trước khi bước vào tuổi trưởng thành, với căn nhà nghỉ cũ và bờ biển quê hương. Và Tugumi, cô gái xinh đẹp, ốm yếu, trái tính, đôi khi còn độc ác, đã là trung tâm của những liên hệ tinh thần của họ. Đối mặt với sức mạnh hoang dại bên trong thân thể yếu ớt của Tugumi cũng như khả năng đánh mất cô, Maria cuối cùng đã có thể tới gần nhất sự sống cốt tủy và độc đáo mà cô cất giữ. Chính trong những ngày hè cuối cùng đó, nhóm bạn đã được trải nghiệm những cảm xúc đẹp đẽ và sâu xa về cuộc sống, về cho và nhận, tĩnh tại và đổi thay, về sức mạnh của tinh thần và những ranh giới mơ hồ của cảm giác...

Tinh tế và đầy âm hưởng, khi không còn quá ám ảnh với những dự cảm tăm tối về hư vô và cái chết, thế giới trong suốt, tươi mới của Banana lại hiện ra, làm say những ai đã đem lòng yêu mến lối đi nhỏ trong văn chương của cô.

Tác giả


Yoshimoto Banana là một trong những gương mặt nổi bật nhất của văn đàn Nhật Bản hiện đại, thường đuợc so sánh cùng Murakami Haruki và Murakami Ryu, người mà với tác phẩm Kitchen đã làm nên "Bananamania" (Hội chứng Banana) trên toàn thế giới.

Tên thật là Yoshimoto Mahoko, sinh ngày 24 tháng 7 năm 1964 tại Tokyo, nhóm máu A, là con gái của triết gia Nhật nổi tiếng Yoshimoto Takaaki. Banana tốt nghiệp ngành Văn, khoa Nghệ thuật trường Đại học Nihon. Tại đây cô đã lấy bút danh là Banana, cái tên mà theo cô là rất "chúa" và "lưỡng tính". Trong khi làm bồi bàn tại một nhà hàng vào năm 1987, Banana bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình.

Kitchen, cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô ngay lập tức trở thành hiện tuợng với hơn 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ và đã tái bản trên sáu mươi lần tại Nhật Bản. Báo chí gọi đó là "Bananamania" (Hội chứng Banana). Nhà bếp giúp cô đoạt đuợc các giải thưởng văn học như Giải Kaien cho các nhà văn mới năm 1987, Umitsubame First Novel Prize, Best Newcomer Artists Recommemded Prize của Bộ Giáo Dục và Giải văn chương Izumi Kyoka cùng vào năm 1988.

Sau Kitchen, cô đã bán trên sáu triệu bản sách tại Nhật Bản và trở thành tác giả nổi tiếng trên toàn thế giới với hàng loạt các tác phẩm như NP, Lizard, Asleep, Vĩnh biệt Tugumi, Amrita... Đến nay tác phẩm của Banana bao gồm mười hai tiểu thuyết và bảy tập truyện ngắn. Hiện tại, cô đã lập gia đình và sống ở Tokyo. Khá khiêu khích, nữ tác giả còn phát biểu rằng tham vọng lớn nhất của mình là đoạt giải Nobel Văn học. Rất đặc biệt trong cách công bố tác phẩm của mình. Cô rất hăng hái tung các tác phẩm của mình không những trên những tạp chí văn học mà còn cả ở tạp chí làm đẹp, thời trang có đông nguời đọc. Hành động có hàm ý là văn học không phải là một hình thức nghệ thuật dành riêng cho giới đặc tuyển có học, mà là một kiểu văn hóa cùng hàng với nhạc pop, truyện tranh, trò chơi điện tử và thời trang. Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm nên hiện tượng Banana.

“Dịu dàng, suy tư và tươi tắn, "Vĩnh biệt Tugumi" nhắc ta nhớ rằng Banana chưa bao giờ đi vào lối mòn. Trữ tình, dễ đọc và đáng say mê, Yoshimoto xứng đáng với sự hâm mộ mà thế giới dành cho cô.”

Rate

Số người tham gia 2Sức gió +10 Thu lại Lý do
gaconlonton + 5 Mình cực thích truyện này. Cảm ơn.
tokpokki + 5 Cảm ơn bạn đã post, mình thích t.

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2012 14:02:05 | Xem tất


Chương 1

Hòm thư ma


Rõ ràng Tugumi là một con bé đáng ghét.

Rời thị trấn quê hương yên bình với nghề đánh cá và du lịch, tôi lên Tokyo học đại học. Mỗi ngày ở đây cũng rất vui.

Tôi là Shirakawa Maria. Mang tên Đức Mẹ.

Nhưng tâm hồn thì không phải Đức Mẹ cũng không phải là cái gì cả. Dù thế, không biết tại sao khi miêu tả tính cách tôi, những người bạn mà tôi mới quen từ khi đến đây thường có mấy từ cửa miệng, nào là “rộng lượng”, nào là “điềm tĩnh”…Nếu nói thuộc típ người nào thì tôi thuộc típ người dễ nổi nóng, là con người theo đúng nghĩa con người. Dù thế nào, tôi cũng đã từng nghĩ rằng mình khá khó hiểu. Người Tokyo dễ nổi xung lên vì bất cứ cái gì: trời mưa, nghỉ học hay chó tè bậy. Còn tôi, có lẽ rõ ràng có chút khác biệt. Chỉ tích tắc ngay sau khi bùng phát, cơn giận dữ sẽ như đợt sóng tràn vào và bị bờ cát hút cạn…Tôi đã tự thuyết phục bản thân chắc đó là do mình lớn lên ở nông thôn đấy thôi, nhưng mới hôm trước, chỉ vì đến muộn một phút mà ông giáo sư đáng ghét đã không thu báo cáo của tôi. Trên đường về nhà với cơn tức giận điên cuồng, khi nhìn hoàng hôn, tôi chợt nhận ra rằng:

"Là do Tugumi, à không, là nhờ Tugumi.”

Con người ai cũng có lúc đột nhiên nổi giận, ít nhất là một lần trong ngày. Những khi đó, chẳng biết từ lúc nào tôi đã nhận ra ở đáy sâu lòng mình đang ngâm nga như niệm Phật: “ Chẳng thấm vào đâu so với Tugumi.” Dù có giận giữ thì không chắc đã được kết quả gì, hình như tôi đã hiểu ra đó chính là những cảm giác thực sự của mình khi sống cùng Tugumi. Tôi nhìn bầu trời màu cam đang tối dần và muốn khóc.

Tình yêu có dốc hết bao nhiêu thì cũng như nước máy ở đất nước Nhật Bản cứ chảy mãi không ngừng, tôi đã thấy như thế đấy. Không hiểu sao đột nhiên tôi lại nghĩ như vậy.

Câu chuyện này là kỉ niệm mùa hè lần cuối cùng tôi về quê, một thị trấn ven biển nơi tôi đã trải qua thời thiếu nữ. Những nhân vật ở nhà nghỉ Yamamoto xuất hiện trong câu chuyện này bây giờ đã chuyển đến nơi khác và tôi nghĩ mình sẽ không sống cùng với họ một lần nữa. Vì vậy, sự thay đổi của tâm hồn tôi chỉ có trong những ngày sống cùng Tugumi khi đó.

Tugumi từ khi sinh ra đã rất yếu, nhiều chức năng của cơ thể bị tổn thương. Bác sĩ tuyên bố rằng nó sẽ đoản mệnh và gia đình cũng hiểu điều đó. Vì thế, mọi người xung quanh ai cũng chiều chuộng để lấy lòng nó; mẹ Tugumi đã không quản công đưa nó đi khắp các bệnh viện ở Nhật bản, dốc hết sức nhằm kéo dài dù chỉ là một chút cuộc sống của Tugumi. Cứ như thế, kết quả của việc lớn lên như thể người ta đi bộ từng chút một là một Tugumi với tính cách thất thường, ngang ngược. Sự khỏe mạnh có thể sống bình thường ngoài tưởng tượng của mọi người đã thúc đẩy tính cách này. Tugumi là đứa tâm địa xấu xa, thô tục, độc mồm độc miệng, thích làm mọi thứ theo ý mình, vòi vĩnh và tinh quái. Với những miêu tả chính xác và rất đúng lúc, nó không hề kiêng nể nói ra những điều khiến mọi người khó chịu. Bộ dạng đắc thắng của nó lúc đấy trông như một con ác quỷ.

Tôi và mẹ, hai người sống ở một căn nhà phụ tách biệt với nhà nghỉ Yamamoto, nhà của Tugumi.

Bố tôi ở Tokyo, ông đã rất khó khăn để ly hôn với người vợ đã ly thân từ lâu và chính thức kết hôn với mẹ. Vì thế, ông thường phải nay đây mai đó, chạy ngược chạy xuôi, trông vất vả vô cùng, nhưng bản thân hai người luôn mơ tới một ngày mai tươi sáng cả gia đình ba người có thể sống cùng nhau ở Tokyo nên có vẻ khá vui vẻ. Vì vậy, dù bề ngoài ít nhiều phức tạp nhưng tôi đã lớn lên như một đứa con gái hiếu thuận của một cặp vợ chồng yêu thương nhau.

Nhà nghỉ Yamamoto là nơi kiếm kế sinh nhai của dì Masako, em gái mẹ. Mẹ phụ giúp công việc bếp núc của nhà nghỉ. Thành phần gia đình gồm bốn người là chú Masa quản lí nhà nghỉ, dì Masako, hai đứa con là Tugumi và Yoko- chị của nó.

Mọi người cho rằng ba người phải hứng chịu những phá phách do tính cách tồi tệ của Tugumi nhiều nhất lần lượt là dì Masako, Yoko và tôi. Chú Masa thì hầu như không đến gần Tugumi. Dù thế thì quả là không phải khi liệt kê tên tôi vào đây. Bởi hai người xếp trên tôi vừa nuôi dưỡng Tugumi vừa dịu hiền tới mức đạt tới ngưỡng của một thiên sứ.

Nếu nói về tuổi tác thì Yoko hơn tôi và tôi hơn Tugumi một tuổi. Nhưng tôi chưa từng một lần có cảm giác là Tugumi kém tuổi tôi. Tôi thấy nó từ bé đến giờ chẳng có gì thay đổi và lớn lên thật xấu tính.

Mỗi khi không khỏe và nằm bệt một chỗ, sự điên cuồng của Tugumi lại nặng thêm một bậc. Để nó tĩnh dưỡng, mọi người đã dành riêng cho nó một căn phòng đôi xinh xắn trên tầng 3 của nhà nghỉ làm phòng riêng. Căn phòng của nó có góc nhìn rất đẹp, từ cửa sổ có thể trông thấy biển. Ban ngày ánh sáng mặt trời lấp lánh, lúc mưa thì dữ dội, mù mịt, còn buổi tối, biển đẹp với ánh đèn của những chiếc thuyền câu mực.

Vì tôi khỏe mạnh nên không thể hình dung được sự khó chịu hằng ngày mập mờ như thể không rõ cái chết đã được định đoạt hay chưa. Dù thế, tôi chỉ có một cảm giác rằng nếu ngủ lâu trong căn phòng đó thì sẽ thấy không gì có thể thay thế được cảnh biển và mùi biển. Tuy nhiên, Tugumi có vẻ hoàn toàn không như vậy, lúc thì nó cố xé rèm cửa, lúc thì đóng chặt cửa chớp lại, lúc thì hất đổ bát cơm, lúc lại vứt hết sách từ trên giá xuống chiếu, biến phòng của mình thành tình trạng khiến bạn nhớ tới bộ phim The Exorcist (phim kinh dị Mĩ), làm cho cái gia đình hiền lành này buồn rầu ngao ngán. Có lúc nó thực sự như chìm trong ma thuật, nói những câu như thể bị ma làm, nuôi một đống sên trần hay ếch hay cua trong phòng ( có lẽ đây cũng là một tính cách đặc biệt của nó), giấu chúng trong phòng khách khiến mọi người phàn nàn, cả dì, cả Yoko, thậm chí cả chú đều rơi lệ, buồn bã trước những việc làm của Tugumi. Nhưng những lúc đó, Tugumi lại cười nhếch mép: “Nói cho các người biết, tối nay tao chết ngay cho xem, sau đó thì mùi vị sẽ khủng khiếp lắm đó… Đừng có khóc.” Khuôn mặt nó cười khi đó trông thật huyền bí và giống Phật Di Lạc.

À, Tugumi xinh đẹp lắm.

Mái tóc đen, dài, làn da trắng sáng, hàng mi dài, rậm, mỗi khi nhìn xuống thì che rợp đôi mắt to. Cánh tay và chân dài, mảnh mai nổi cả mạch máu, thân hình nhỏ nhắn, có vẻ bề ngoài thanh nhã như con búp bê do thần thánh tạo ra.

Suốt từ hồi cấp 2, Tugumi thường bịp bọm bọn con trai cùng lớp, cùng chúng tình tứ dạo chơi trên bãi biển. Đối phương quay cuồng như chong chóng hệt như một trò đùa và trong cái thị trấn nhỏ bé này dường như đã lan truyền nhiều lời đồn thổi ác ý. Dù vậy, mọi người ai cũng tin rằng sự hiền lành và vẻ đẹp của Tugumi đầy quyến rũ, không thể cưỡng lại được. Đó là vì Tugumi thực sự có vẻ ngoài thân thiện như thể một con người khác. Tuy nhiên, nó không động đến những vị khách trọ tại nhà nghỉ. Nếu không, chắc nhà nghỉ Yamamoto sẽ thành nhà chứa mất.

Buổi chiều, Tugumi và một cậu con trai đi bộ trên triền đê cao ven bờ biển, ngắm vịnh đang tối dần. Những con chim chao liệng la đà trong trời chiều, tiếng sóng rì rào khẽ tràn vào bờ cát. Bãi biển trải rộng, trắng như sa mạc, chỉ có những con chó chạy loăng quăng, vài con thuyền nhỏ bị sóng đẩy đung đưa. Xa xa, bóng dáng hòn đảo mờ dần, những đám mây tỏa sắc đỏ nhàn nhạt rồi chìm khuất về phía biển xa.

Tugumi bước đi chầm chậm. chầm chậm.

Cậu con trai lo lắng chìa tay ra. Tugumi vẫn cúi mặt, nắm lấy tay cậu bằng bàn tay nhỏ nhắn của mình. Và ngẩng mặt lên khẽ cười. Gò má sáng ánh trong nắng chiều. Đó là khuôn mặt thoáng nét cười mơ hồ như bầu trời chiều chói chang đang thay đổi dáng vẻ trong từng khoảnh khắc. Cả hàm răng trắng, cả cái cổ thon, cả đôi mắt to nhìn cậu con trai đăm đăm, tất cả hòa vào trong cát, gió, tiếng sóng và mất hút đi. Đó là chuyện thật, một lúc nào đó Tugumi trở nên như vậy thật thì cũng chẳng có gì là lạ.

Chiếc váy trắng của Tugumi căng phồng trong gió biển.

Mà, chỉ khi đó nó mới có thể thành một con người khác thôi, dù cay độc mà nói vậy nhưng khi nhìn cảnh tượng này, bỗng dưng tôi lại muốn khóc. Bởi vì chính trong lòng tôi, người hiểu rõ bản tính của Tugumi, đó là một cảnh tượng buồn bã làm tim tôi nhói đau và vang dội tới một nơi sâu thẳm.

Tôi và Tugumi thực sự trở thành bạn thân nhân một sự kiện. Tất nhiên, khi còn nhỏ chúng tôi đã từng chơi với nhau. Chỉ cần chịu được tâm địa xấu xí và miệng lưỡi độc ác thì chơi với Tugumi quả thật là thú vị. Trong trí tưởng tượng của Tugumi, thị trấn đánh cá này là một thế giới không có giới hạn, ngay cả một hạt cát cũng chứa đựng bao điều thần bí. Nó thông minh, chăm chỉ, dù hay nghỉ học vì ốm nhưng kết quả học tập thường ở tốp đầu, đọc sách ở tất cả các lĩnh vực và có kiến thức rất sâu rộng. Vả lại nếu đầu óc nó không thông minh thì có lẽ nó chẳng thể nghĩ ra đủ loại trò xấu xa.

Khoảng năm đầu cấp tiểu học, tôi và Tugumi đã chơi một trò gọi là “hòm thư ma”. Ở khu vườn đằng sau ngôi trường tiểu học dưới chân núi có những cái hộp đặt dụng cụ quan sát khí tượng đã hỏng, chúng tôi cho rằng đó là nơi nối kết với thế giới ma quỷ và có chứa những bức thư đến từ thế giới ấy. Ban ngày, chúng tôi đến đó, nhét vào trong hộp những mẩu báo và bức ảnh được cắt ra từ tạp chí rồi đến giữa đêm cả hai cùng đi lấy. Ban ngày thì chẳng có vấn đề gì nhưng đi đến nơi đó trong đêm thì quả là đáng sợ. Suốt một thời gian dài, chúng tôi say mê trò chơi này. Nhưng rồi cùng với thời gian, trò chơi đó cũng bị lãng quên bởi vô số những trò chơi khác thời đấy. Khi vào cấp 2, tôi tham gia câu lạc bộ bóng rổ, luyện tập rất vất vả nên cũng chẳng để ý lắm đến Tugumi. Về nhà là tôi lăn ra ngủ ngay, bài tập cũng nhiều nên sau đó, Tugumi chỉ còn là “cô em họ sống kề bên”. Vào lúc đó đã xảy ra một chuyện. Tôi nhớ chính xác đó là và năm thứ hai trung học.

Tối đó, mưa rả rich, tôi chui vào trong căn phòng của mình. Mưa của thị trấn ven biển có mùi biển. Trong tiếng mưa đêm, từ sâu trong tâm khảm, tôi chìm vào một cơn phiền muộn. Đó là ngay sau khi ông mất. Tôi sống với ông bà cho đến khi lên 5 tuổi nên tôi với ông là một cặp ông cháu rất tuyệt vời. Sau khi chuyển đến nhà Yamamoto cùng mẹ, tôi vẫn thường đến thăm và viết thư cho ông. Hôm đó, tôi nghỉ tập ở câu lạc bộ, không làm gì cả, nằm trên giường với đôi mắt sưng húp vì khóc. Từ phía ngoài cánh cửa giấy, mẹ bảo, này có điện thoại của Tugumi đấy; tôi trả lời, cứ bảo là con vắng nhà. Tôi chẳng muốn gặp Tugumi chút nào. Mẹ cũng biết tính tai quái của Tugumi nên cũng ừ ừ rồi quay ra. Tôi lại ngồi xuống sàn nhà khi vừa mơ màng lần giở quyển tạp chí vừa hơi ngủ gà ngủ gật thì nghe thấy tiếng dép lép nhép đi lại từ phía hành lang. Tôi chợt ngẩng mặt lên, cánh cửa được kéo ra nhẹ nhàng, Tugumi ướt đầm đìa đứng đó.

Tugumi thở hổn hển, từng giọt nước mưa trong veo rơi tong tong xuống sàn nhà từ chiếc mũ chùm đầu, nó mở to mắt và nói bằng giọng thanh thanh: “Maria!”

- Gì thế?

Trong lúc nửa tỉnh nửa mơ, tôi ngước mắt nhìn Tugumi đang có vẻ bất an như hoảng sợ. Tugumi nói, giọng điệu mạnh mẽ:

- Này, mở mắt ra đi. Gay rồi đấy, nhìn cái này xem!

Tugumi cẩn trọng lôi ra từ trong túi áo mưa một mảnh giấy, đưa ngay cho tôi. Hờ hững cầm bằng một tay với cảm giác nó phóng đại cái gì đây…, nhưng ngay sau khi nhìn tờ giấy, tôi sửng sốt như thể bị ánh sáng đèn pha chiếu thẳng vào mặt. Nét chữ viết theo thể hành (một kiểu chữ Hán thông dụng) đầy bút lực này, không thể lẫn vào đâu được, là bút tích của người ông thương nhớ của tôi. Nó được viết với mở đầu thư giống như những bức thư ông thường gửi cho tôi.

Maria, báu vật của ông!

Tạm biệt cháu.

Hãy yêu quý bà, bố và mẹ, hãy trở thành một cô gái tuyệt vời để không xấu hổ với cái tên của Đức Mẹ.

Ryuzo.

Kinh ngạc, trong khoảnh khắc, tôi chợt nhớ tới dáng ngồi thẳng lưng của ông trước bàn viết và hình ảnh đó tràn đầy trong lồng ngực tôi. Tôi hỏi giật Tugumi.

- Thế này là thế nào, cái này?

Tugumi khẽ mấp máy đôi môi rực đỏ, nhìn tôi chằm chằm và nói bằng giọng điệu đầy vẻ nghiêm trọng như đang cầu nguyện.

- Có tin không? Cái này, ở trong hòm thư ma đấy.

- Cái gì?

Ngay lập tức, trong đầu tôi hiện lên những kí ức về hộp đựng dụng cụ quan sát khí tượng mà tôi đã quên bẵng. Tugumi trầm giọng, nói như thì thầm.

- Vì tao gần cái chết hơn tất thảy bọn mày nên tao hiểu, chuyện là thế này. Lúc nãy khi đang ngủ, ông đã hiện về trong giấc mơ. Dù tỉnh dậy nhưng tao không thể quên được. Ông có vẻ như muốn nói cái gì đó. Ngày xưa tao đã được ông mua cho nhiều thứ, có lẽ tao mang ơn ông. Mày cũng hiện ra trong giấc mơ, hình như ông muốn nói chuyện với mày. Chả gì mày cũng được ông rất yêu quý mà. Thế rồi, tao đột ngột nghĩ ra, thử đi đến hòm thư ma. Và thế là… à mà này, mày có nói với ông lúc sinh thời về hòm thư ma không đấy?

- Không, - tôi lắc đầu - tao nhớ là không nói.

- Thế thì, mày ơi, sợ quá.- Sau khi hét lên, Tugumi nói ra vẻ trầm trọng. – Hòm thư này thực sự bị ma ám đấy!

Và rồi Tugumi áp chặt lòng bàn tay vào ngực, nhắm mắt như nhớ lại việc mình vừa chạy đến hòm thư ma lúc nãy. Tiếng mưa vẫn rả rich trong đêm khuya, tâm trí tôi cũng nhanh chóng rời bỏ thực tại, bị cuốn vào đêm tối của Tugumi. Sự tĩnh lặng bất an lơ lửng như thể tất cả mọi chuyện từ trước đến giờ, cả sự sống và cái chết đang dần dịch chuyển đến một chỗ có thực trong vòng xoáy thần bí.

- Maria, chúng ta làm gì bây giờ? Tugumi mặt tái mét, nhìn tôi thì thào như thể rất khó khăn.

- Dù thế nào, - tôi nói cứng. Tugumi khi đó trông ngoan ngoãn lạ lùng, như thể đầu hàng trước tính nghiêm trọng của sự việc. – Không được nói với bất cứ ai. Dù thế nào tối nay mày cũng về nhà sớm đi, nếu không ủ ấm và ngủ thì… Đã xuân rồi nhưng mà bị mưa thế này thì mày lại sốt cho mà xem. Thay quần áo nhanh đi. Việc này mấy hôm nữa sẽ nói chuyện sau nhé.

- Ừ, tao sẽ làm như thế. – Tugumi lảo đảo đứng dậy. – Tao về đây.

Tôi nói với Tugumi đang đi ra khỏi phòng.

- Tugumi, cảm ơn nhé! - Không có gì.

- Không có gì.

Tugumi nói, không hề ngoảnh mặt lại, mở cửa và cứ thế đi ra.

Tôi vẫn ngồi nguyên trên sàn nhà đọc đi đọc lại nhiều lần lá thư. Nước mắt lã chã rơi trên thảm. Trong lòng tôi tràn đầy sự thần thánh ngọt ngào như lúc tôi nhìn thấy món quà bên gối vào buổi sáng được ông đánh thức dậy: “ Quà của ông già Tuyết này.” Càng đọc, nước mắt càng không ngừng tuôn, tôi cứ ôm bức thư khóc mãi.

Thế đấy, người cả tin thì vẫn là người cả tin.

Trong giây lát tôi bỗng chợt nghi hoặc, vì đó là Tugumi.

Tuy nhiên, nét chữ đó. Cách viết đó. Cách mở đầu thư “báu vật của ông” chỉ có tôi và ông biết. Ánh mắt mạnh mẽ, giọng điệu như thúc giục của Tugumi trong khi cả người vẫn đang ướt đẫm nước mưa. Tugumi đã nói với vẻ mặt nghiêm trang về một việc mà nó chỉ luôn đùa cợt. Vì tao gần cái chết hơn hết thảy bọn mày… À, mình đã bị lừa quá ngoạn mục rồi.

Rồi thì… ngày hôm sau đến thật nhanh. Tôi muốn hỏi Tugumi kĩ càng về chuyện bức thư nên giữa trưa tôi sang tìm nhưng nó vắng nhà. Khi tôi lên phòng Tugumi chờ thì chị của Tugumi, Yoko mang trà lên và nói bằng giọng buồn buồn.

- Tugumi bây giờ vào viện rồi.

Lưng của Yoko nhỏ và tròn. Lúc nào cũng hiền hòa, nói du dương như hát. Dù bị Tugumi làm tình làm tội gì thì Yoko chỉ lặng lẽ buồn và hiếm khi giận dữ. Ở cạnh người như thế, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Tugumi lúc nào cũng cười nói: “ Cái đồ ngốc như thế, không phải là chị”, nhưng tôi rất quý và tôn trọng Yoko. Mặc dù sống với Tugumi và chắc chắn không phải không có tâm tư nhưng tôi thực sự thấy Yoko lúc nào cũng cười rạng rỡ như một thiên thần.

- Tugumi tồi tệ lắm hả? Tôi lo lắng hỏi. Lẽ ra nó không được ra ngoài mưa.

- Ừ, thế nào nhỉ, gần đây nó cứ miệt mài cắm rễ một chỗ ngồi viết; rồi sốt…

- Cái gì?

Tôi hỏi. Trước ánh mắt kinh ngạc không thể lý giải nổi của Yoko, tôi nhìn kỹ cái giá trên bàn của Tugumi. Và thấy cuốn tập viết chữ thể Hành. Rồi rất nhiều giấy, mực tàu, nghiên mực, bút long nét nhỏ… và tôi tìm thấy một bức thư của ông có lẽ được lấy trộm từ phòng tôi.

Và trước tiên, hơn cả sự tức giận, tôi thực sự kinh ngạc. Tôi không hiểu sao nó lại làm thế. Việc một đứa con gái chưa từng cầm bút lông thuần thục lại chuyên tâm làm việc đó đến mức như thế này là vì cái gì, động cơ của nó là từ đâu, tôi hoàn toàn không hiểu. Trong căn phong tràn ngập nắng màu xuân chiếu vào, tôi bỗng quay sang phía cửa sổ, nhìn biển đang tỏa sáng, chìm đắm trong suy nghĩ. Khi Yoko mở miệng định nói điều gì đó thì Tugumi về. Dựa vào dì Masako, người đỏ bừng vì sốt, bước thấp bước cao vẻ mệt mỏi, Tugumi bước vào phòng, vừa nhìn thấy nét mặt của tôi thì bật cười đắc ý:

- Đã phát hiện ra rồi à?

Ngay lập tức khuôn mặt tôi đỏ bừng bởi nỗi tức giận chen lẫn sự xấu hổ. Tôi đứng bật dậy, đẩy mạnh Tugumi.

- Ơ, Maria…

Yoko ngạc nhiên nói. Tugumi ngã sầm vào cánh cửa giấy, làm nó đổ sập xuống, Tugumi đập mạnh vào tường. Khi dì cất tiếng “Maria, Tugumi bây giờ…” thì tôi nước mắt ròng ròng, quay đầu lại nói “ Im đi” và trừng trừng nhìn Tugumi. Tôi thực sự rất tức giận nên Tugumi cũng không dám mở miệng. Chưa từng có ai đẩy Tugumi.

- Nếu chỉ rỗi việc để làm những việc tồi tệ như thế này thì mày chết ngay đi, chết đi được rồi đấy. – Tôi đập mạnh quyển Tập viết thể chữ Hành xuống chiếu nói.

Ngay lập tức Tugumi hiểu ra rằng nếu không làm thế này thì tôi sẽ tuyệt giao mãi mãi với nó và rõ ràng tôi đã định như vậy. Tugumi vẫn ở tư thế bị ngã lúc nãy, nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt trong veo. Rồi nói như thì thầm một từ mà trong cuộc đời của nó từ trước cho tới lúc đó, dù có chuyện gì, dù bất cứ khi nào, dù có cậy mồm nó cũng không nói.

- Maria, xin lỗi.

Cả dì, cả Yoko và nhất là tôi đều kinh ngạc. Cả ba người nín thở im lặng. Tugumi xin lỗi, việc này… Chúng tôi im lặng như thế trong ánh mặt trời đổ xuống rạng ngời. Chỉ nghe thấy xa xa tiếng gió chiều thổi vút qua thị trấn. Tiếng cười hắc hắc của Tugumi đột ngột phá vỡ sự tĩnh lặng.

- Này, dù có đúng như thế thì cũng không được tin đâu nhé; Maria! – Tugumi trở mình cười vang. – Nói cái gì gì nhỉ, thử nghĩ một cách bình thường xem? Người chết sao mà viết thư được cơ chứ, đúng là đồ ngốc, hahaha…

Tugumi ôm bụng cười ngặt nghẽo như thể không kìm được sự khoái trá bị kìm nén quá lâu. Tiếp sau đó, tôi cũng cười phá lên, đỏ mặt nói “Tao thua rồi” và cười tiếp. Trước dì và Yoko đang nhìn kinh ngạc không hiểu tại sao, chúng tôi diễn lại cuộc nói chuyện trong đêm mưa và cười sằng sặc không ngừng. Thế đấy, nhân chuyện này mà tôi và Tugumi dù tốt dù xấu đã thực sự trở thành bạn thân của nhau.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2012 14:06:24 | Xem tất


Chương 2

Mùa xuân và chị em nhà Yamamoto


Vào đầu xuân năm ấy, bố chính thức li dị với vợ cũ và gọi hai mẹ con tôi chuyển lên Tokyo. Lúc đó, tôi vừa dự kì thi vào một trường đại học ở Tokyo và đang chờ kết quả, lại thêm những liên lạc của bố nên cả tôi và mẹ đều trở nên cực kì mẫn cảm với tiếng chuông điện thoại. Đúng thời gian này, Tugumi lại thường hay cố tình gọi điện mỗi ngày một vài bận. Toàn là những cuộc điện thoại làm người khác cảm thấy khó chịu kiểu như: “ Chẳng có gì đâu, mày có khỏe không?” hay “ Hoa anh đào rơi rồi!”… Tuy nhiên, khi đó cả tôi và mẹ đang trong tâm trạng lâng lâng nên mỗi lần Tugumi gọi đến chúng tôi đều có thể vui vẻ đáp lại “ Ái chà, không phải lại Tugumi đấy chứ… Thế nhé, lần sau lại gọi nhé!”

Vào thời gian đó, cả hai mẹ con đều vui vẻ, tràn ngập một dự cảm tốt lành rằng: “ Cuối cùng, cũng đã sắp chuyển lên Tokyo rồi.” Điều đó nghĩa là tuyết đã tan. Mẹ thực sự đã chờ đợi điều này lâu lắm rồi trong khi vẫn vui vẻ làm việc tại nhà nghỉ Yamamoto. Mẹ hoàn toàn không có vẻ gì khổ tâm. Nhưng đó chỉ là sự giả vờ trên nỗi đau khổ càng bị kìm nén đến cực độ, tôi nghĩ chính vẻ mặt rạng ngời như không có gì của mẹ khiến bố lo lắng, hay về hơn và không bỏ rơi mẹ. Mẹ hoàn toàn không phải người mạnh mẽ nhưng nhiều khi mẹ cứ cố tỏ ra mạnh mẽ một cách vô thức. Thảng hoặc tôi nghe thấy mẹ than thở với dì Masako nhưng thường mẹ vừa mỉm cười vừa nói nên nghe không có vẻ gì là những lời than thở, còn dì Masako mặc dù gật đầu cười nhưng dường như cũng không biết nên đáp lại thế nào. Dù những người chung quanh có đối xử tốt đến mấy thì chẳng có gì thay đổi đối với một người tình ăn nhờ ở đậu và hoàn toàn không có một tương lai tốt đẹp. Hẳn là mẹ đã sống trong tâm trạng bất an và có nhiều khi mệt mỏi muốn khóc. Dường như hiểu được nỗi lòng của mẹ nên tôi đã lớn lên mà không trải qua thời dậy thì chống đối.

Hai mẹ con cứ sống và chờ đợi bố như thế. Thị trấn ven biển đã cho tôi thấy nhiều điều.

Gần xuân, tiết trời ngày một ấm hơn, cứ mỗi khi nghĩ đến chuyện rời khỏi nơi đây, tất cả những cảnh vật quen thuộc hàng ngày, hành lang cũ kĩ của nhà Yamamoto, ánh đèn đêm của bảng hiệu với những con côn trùng bay xung quanh, bục phơi quần áo với những mạng nhện và ngọn núi nhìn từ bục phơi… lại hiện lên trong quầng sáng mờ nhòe, khiến tôi cảm thấy đau thắt ngực.

Thời gian cuối, hầu như mỗi buổi sáng, tôi thường dắt con chó giống Akita có cái tên thường gọi “Pôchi” của bác Tanaka sống ở ngay sau nhà ra bờ biển đi dạo.

Biển lúc sáng sớm vào những hôm đẹp trời bao giờ cũng tỏa ra một thứ ánh sáng đặc biệt. Hàng triệu con sóng tản ra lấp lánh, hết đợt này đến đợt khác lạnh lùng xô vào bờ, cảnh tượng đó không hiểu sao khiến tôi cảm thấy như một thứ gì đó vô cùng thần thánh khó lại gần. Tôi đứng trên mỏm đê, nhìn ra biển, còn Pôchi tự do chạy nhảy khắp bờ biển, thỉnh thoảng được những người câu cá âu yếm vuốt ve.

Không rõ từ lúc nào Tugumi cũng đi dạo cùng. Điều này khiến tôi rất vui. Ngày xưa, khi Pôchi còn là một con chó nhỏ, Tugumi đã trêu chọc nó rất nhiều, khiến nó tức giận và cắn nghiến vào tay. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi cùng Yoko, dì Masako và mẹ chuẩn bị ăn trưa. Ngay sau khi dì Masako gọi: “Tugumi đâu rồi?” thì Tugumi mặt tái mét, tay đầy máu bước vào phòng. Dì Masako hoảng hốt bật dậy: “ Con làm sao thế?” còn Tugumi vẫn tưng tửng đáp: “Bị chó cắn”. Cảnh tượng đó buồn cười lắm đến nỗi cả tôi, Yoko và mẹ đều phì cười. Sau lần đó, Tugumi và Pôchi bắt đầu ghét nhau. Mỗi khi Tugumi lè lưỡi ra dọa, Pôchi lại sủa dữ dội, khiến những người khách ở trọ khó chịu. Mọi người đều rất phiền lòng. Tôi yêu quý cả hai nên cảm thấy rất áy náy về điều đó, bởi vậy, tôi rất vui khi thấy Tugumi và Pôchi hòa giải với nhau trước khi tôi rời khỏi nơi này.

Những hôm trời không mưa, Tugumi thường đi dạo cùng tôi. Buổi sáng khi tôi mở cánh cửa chớp, vừa nghe thấy tiếng mở cửa, Pôchi sung sướng nhảy ngay ra khỏi chuồng. Tôi vội vã rửa mặt, thay quần áo, đi ra ngoài nhẹ nhàng mở cánh cửa gỗ ngăn giữa vườn nhà Yamamoto với nhà bác Tanaka, giữ chặt Pôchi đang chạy vòng quanh làm sợi dây xích kêu xủng xẻng, rồi buộc lại dây cổ cho nó. Khi tôi trở lại chỗ cánh cửa gỗ, không hiểu từ lúc nào Tugumi đã đứng đợi ở đó. Lúc đầu, Pôchi có vẻ không thích còn Tugumi dường như hơi run, lưỡng lự nên buổi đi dạo không hiểu sao thật buồn tẻ, nhưng khi đã quen, Pôchi cũng để cho Tugumi nắm dây cổ. Trong ánh sáng buổi sớm, Tugumi vừa kêu: “chậm thôi” vừa bị Pôchi kéo đi với một bộ dạng thích thú trông rất đáng yêu. Tôi cảm động, thầm nghĩ “Tugumi cũng thực sự muốn làm lành với Pôchi…” Nhưng tôi không thể yên tâm rời mắt khỏi họ bởi đôi khi Pôchi lao nhanh về phía trước, Tugumi giật mạnh dây kéo lại khiến Pôchi dựng cả thân hình lên bằng hai chân sau. Nếu làm chết chó nhà người khác là phiền toái lắm.

Vận động như thế dường như rất tốt với Tugumi. Từ khi Tugumi đi dạo cùng, tôi đã giảm một nửa chiều dài đường đi. Dù vậy, tôi vẫn lo cho sức khỏe của Tugumi. Tuy nhiên, tôi cũng yên tâm vì sắc mặt của Tugumi trở nên khá hơn, cũng không thấy sốt.

Đó là khi đi dạo vào một buổi sáng nọ.

Hôm đó, trời trong xanh không một gợn mây, biển và trời đều mang sắc xanh dịu ngọt. Trong ánh nắng, tất cả tạo nên một quầng sáng trông chói lọi bởi màu vàng rực rỡ. Trên bờ biển có một đài quan sát trông giống như giàn giáo được làm bằng gỗ. Mùa hè, tôi và Tugumi thường leo thang, lên tới đài quan sát nơi các quan sát viên đứng. Lúc đầu, Pôchi chạy vòng quanh phía dưới vẻ thèm thuồng nhưng dường như hiểu rằng mình không thể lên trên đó được nên nó chạy ra tận ngoài bãi cát. Tugumi hét lên đầy ác ý: “Đáng đời, đồ chó chết!” còn Pôchi sủa gâu gâu.

- Sao lại nói như thế? - tôi kinh hãi.

- Con chó đó không hiểu được đâu.- Tugumi cười rồi nhìn ra biển. Những sợi tóc mái nhỏ, mỏng bay lòa xòa trên trán. Những mạch máu trong suốt nổi lên trên đôi gò má ửng đỏ vì đi bộ nhiều, đôi mắt phản chiếu cảnh biển, sáng lấp lánh.

Tôi cũng nhìn ra biển. Biển là một cái gì đó thật lạ lùng, khi hai người hướng về phía biển, dù im lặng hay nói chuyện, không hiểu sao điều đó chẳng hề gì. Cứ nhìn mãi mà không chán. Cả tiếng sóng và cả mặt biển, dù dữ dội đến mấy nhưng vẫn không chút ồn ào.

Tôi đã không thể tin được rằng mình sẽ chuyển đến một nơi không có biển. Không đột ngột nhưng lạ lùng đến bất an. Khi vui hay khi buồn, khi nóng nực hay dưới bầu trời sao đêm đông lạnh giá, khi hướng về phía đền thờ Thần đạo đón năm mới, cứ nhìn sang bên là thấy biển ở đó như muôn đời vẫn thế. Dù tôi còn nhỏ hay đã lớn, dù bà hàng xóm qua đời hay bác sĩ vừa đỡ cho một đứa trẻ chào đời, dù là lần hẹn hò đầu tiên hay khi thất tình, biển vẫn lặng lẽ ôm trọn lấy thị trấn, thủy triều vẫn đều đặn dâng lên rồi lại rút đi. Vào những ngày trời trong xanh, có thể thấy rõ bờ vịnh phía bên kia. Dù không cố ý đan xem cảm xúc vào những gì đang nhìn, nhưng dường như biển đang chỉ dạy cho tôi điều gì đó. Chính bởi thế, cho đến bây giờ, tôi chưa từng nghi ngờ về sự tồn tại của biển, về âm vọng của tiếng sóng không ngừng vỗ bờ, nhưng tôi thường tự hỏi không biết ở thành phố, người ta hướng tới cái gì để suy nghĩ về “sự cân bằng”. Quả nhiên, trăng ư? Nhưng so với biển,trăng quá xa, quá nhỏ, có cái gì đó như vô vọng.

- Tugumi này, cho đến bây giờ tao vẫn chưa thể tin rằng mình sẽ sống nổi ở một nơi không có biển. – Tôi buột miệng nói. Khi nói ra, sự bất an càng trở nên rõ ràng hơn. Ánh sáng buổi sớm từng khắc từng khắc trắng và mạnh hơn, từ xa vọng tới những âm thanh bắt đầu ngày mới của thị trấn.

- Đồ ngốc! - Tugumi không nhìn tôi, nói giọng vẻ giận dữ. - Khi có được một thứ gì đó cũng là lúc phải quyết định mất một thứ khác. Chẳng phải cuối cùng mày có thể sống vui vẻ cùng bố mẹ đó sao? Bố mày đã rũ bỏ được người vợ trước rồi. So với điều đó, biển có là gì đâu. Mày thật là trẻ con!

- Ừ! Thì là vậy… - Tôi đáp.

Tugumi đáp lại một cách nghiêm túc khác lạ, khiến tôi không khỏi kinh ngạc. Sau một thoáng ngỡ ngàng, sự bất an vụt như bay biến. Vậy là trong lòng Tugumi cũng đang có và mất đi một điều gì đó. Tugumi thường thể hiện rõ ràng và chắc chắn “cái tôi”, không bao giờ cho người khác thấy mình đang được hoặc mất đi một điều gì đó, nên đột nhiên tôi cảm thấy nhói đau như thể đồng cảm cùng Tugumi.

Có lẽ Tugumi đã sống và luôn che giấu tâm trạng đó đến tận bây giờ.

Cứ như thế, tôi chuẩn bị rời xa quê hương như thể dọn dẹp từng chút một những tiếc nuối, gắn bó. Tôi gặp lại những người bạn cấp 2 đã lâu lắm không gặp, gặp người bạn trai thời trung học trong chốc lát để báo tin mình sắp chuyển nhà. Tôi đã thật tâm nghĩ hay là để mẹ làm những việc xã giao đó. Không biết có phải bởi cho rằng mình là người tình nên mẹ tôi cố tình cư xử rất đàng hoàng. Thực tâm, tôi định cứ thế rời khỏi nơi này mà không thông báo cho ai biết nhưng mẹ rất đường hoàng, đi một lượt ngậm ngùi chào hỏi những người hàng xóm. Mà trong cái thị trấn nhỏ bé này, tin tức chẳng mấy chốc sẽ lan truyền! Nghĩ vậy tôi thay đổi đường lối, quyết định gặp những người mình muốn gặp, kể cả người bạn trai tôi từng yêu. Tôi cũng bắt đầu đóng gói hành lí trong phòng.

Đó là một công việc lấp lánh đẹp đẽ nhưng đau lòng. Nó rất giống sóng biển. Tuy khó lẩn tránh nhưng sự li biệt thông thường cũng không hẳn là bất hạnh. Hễ bất chợt dừng lại ở bất cứ chỗ nào khi dọn dẹp lúc chia li, ta sẽ biết được không phải là nỗi cực khổ mà là thứ tình cảm đớn đau, hồi hộp đang không ngừng dâng lên trong lòng.

Yoko và tôi cùng làm thêm ở một chỗ. Đó là một tiệm bánh ngọt trên con đường chạy qua trung tâm thị trấn. Tiệm bánh này nổi tiếng vì chỉ bán bánh ngọt châu Âu (có đáng khoe không nhỉ…). Tối hôm đó tôi cố tình đến lấy số tiền công cuối cùng vào đúng ca muộn của Yoko. Chúng tôi chia nhau một núi bánh còn thừa đúng như mong đợi rồi cùng về nhà.

Yoko nhẹ nhàng đặt hai phần bánh vào trong giỏ, tay dắt xe đạp. Tôi thong thả đi bên cạnh. Con đường trải sỏi dọc bờ sông dẫn đến nhà nghỉ Yamamoto bị chắn bởi một cây cầu lớn. Ở phía bên kia, biển mở ra, sông lặng lẽ chạy vào biển. Trăng và đèn đường chiếu sáng mặt sông và lan can cầu.

- Phía dưới cầu có bao nhiêu là hoa này!

Khi vừa tới cây cầu, Yoko bỗng nhìn xuống nói. Trên khoảnh đất ít ỏi nơi triền đê bên cạnh cây cầu được cố định bằng bê tông, rất nhiều bông hoa màu trắng nở, khẽ lay động trong làn gió đêm.

- Ừ nhỉ.- Tôi thốt lên. Những bông hoa trắng nổi lên trong màn đêm. Mỗi khi những bông hoa đồng loạt lay động theo làn gió, những dư ảnh màu trắng phản chiếu chập chờn như trong một giấc mơ. Dòng sông chảy thao thiết, ở tít xa, biển đêm làm cho ánh trăng sáng lên như một con đường, trông vừa lấp lánh vừa quanh co đến bất tận trong đêm đen.

Tôi thầm nhủ trong lòng chẳng còn nhiều thời gian để có thể thư thái ngắm khung cảnh đẹp đẽ như thế này. Đừng để cho Yoko mau nước mắt phải buồn. Hai chúng tôi dừng lại một chút.

- Đẹp nhỉ! - tôi lên tiếng.

- Ừ,- Yoko mỉm cười đáp. Mái tóc dài lay động trên bờ vai. So với Tugumi, Yoko hoàn toàn không có gì nổi bật nhưng cô có một gương mặt thanh tao. Cả hai chị em đều sống ở ven biển nhưng không hiểu sao lại có làn da rất trắng. Dưới ánh trăng sáng, Yoko trông càng xanh xao.

Ngay sau đó, chúng tôi bắt đầu đi bộ về nhà. Chỉ sau 10 phút nữa, cả bốn người phụ nữ sẽ vui vẻ cùng nhau ăn những chiếc bánh đang rung lách cách trong giỏ xe đạp. Tôi như nhìn thấy trước cảnh tượng đó. Tiếng tivi, mùi thơm của chiếu tatami. Tôi và Yoko sẽ vào căn phòng sáng đèn chỗ mẹ và dì Masako, chào “Chúng con đã về!” Tugumi sẽ cáu kỉnh gắt lên: “Ta chán ngấy cái thứ bánh mà các ngươi mang về lắm rồi”, nhưng rồi lại mang vài ba cái nó thích chui vào phòng. Tuýt người không thích những cuộc chuyện trò vui vẻ trong gia đình như Tugumi bao giờ cũng cư xử như thế.

Dù đã đi vào con đường nhỏ không còn nhìn thấy biển nhưng vẫn có cảm giác tiếng sóng biển đi theo. Trăng cũng đi theo. Những mái nhà cũ kĩ lại tiếp những mái nhà cũ kĩ.

Dù vẽ ra trước mắt một khoảng thời gian vui vẻ, nhưng cả hai chúng tôi đều trầm tư, mơ hồ bước đi. Hay bởi vì hôm đó tôi đã nghỉ việc ở chỗ làm thêm? Nỗi buồn cho những tháng năm dài hai chị em thân thiết cùng chung sống bên nhau trôi chảy như một giai điệu yếu ớt.

Có lẽ tôi đã nghĩ khác về nhân cách của Yoko- người có đường nét như một cánh hoa rơi xuống với “vẻ dịu dàng” trong suốt dưới ánh nắng. Không, lúc đó không có gì cả. Hai chị em chỉ nói chuyện vẩn vơ, vừa cười vừa bước đi. Tuy nhiên, dù có cố vui vẻ đến thế nào thì sau này, mỗi khi quay nhìn lại kỉ niệm, tôi chỉ thấy đêm tối, hình ảnh cột điện và thùng rác hiện lên bất động, buồn bã. Bây giờ nghĩ lại, đêm hôm đó đúng là như vậy.

- Maria nói sẽ đến trước giờ đóng cửa hàng nên mình nghĩ rằng nhất định bác chủ sẽ cho hai đứa phần bánh còn lại và mong suốt. Tuyệt quá! - Yoko nói.

- Đúng thế nhỉ, có lúc thừa cũng chẳng cho, lại có lúc chẳng thừa gì cả; mình tốt số thật đấy. - Tôi đáp.

- Về nhà, mọi người cùng ăn bánh nhé! - Yoko cười, khuôn mặt nghiêng nghiêng đằng sau cặp kính tròn.

- À, còn mình, nhất định phải lấy cho được cái bánh táo trước khi bị Tugumi giành mất! Con bé đó thích bánh táo mà!

Cũng xấu hổ nhưng khi đó, tôi đã nói đầy quả quyết.

- Hộp bánh này chỉ toàn bánh táo thôi, chúng mình không để cho Tugumi thấy nhé! - Yoko lại cười.

Sự ích kỉ đến thế nào và của bất kì ai cũng được Yoko thông minh đón nhận như thể nước thấm vào cát vậy. Ở đó có sự điềm tĩnh tươi tắn do hoàn cảnh tạo ra.

Ngoại trừ Tugumi có chút tính cách đặc biệt, tôi biết một vài người bạn học cùng trường cũng là “con gái của gia đình kinh doanh nhà nghỉ” giống như Yoko. Họ dù là những tuýt người khác nhau nhưng đều có một nét chung gì đó. Xét đến cùng là do môi trường, nhưng tôi cảm thấy rằng họ đều quen với cách đối xử lãnh đạm trong quan hệ giữa con người với con người. Có lẽ là vì từ khi còn nhỏ, họ đã thấy có rất nhiều người đến ở trong nhà mình một thời gian ngắn ngủi rồi lại ra đi. Mọi người nhẹ nhàng lảng tránh những tình cảm lưu luyến lúc chia tay và có lẽ lớn lên trong sự vờ như không biết những tình cảm của chính bản thân mình. Tuy không phải là con gái của một gia đình kinh doanh nhà nghỉ nhưng tôi có cảm giác mình cũng có điểm giống họ. Đó là sự khéo léo để tránh nỗi đau lòng xảy ra bất chợt.

Tuy nhiên, đối với sự chia ly Yoko lại hoàn toàn khác.

Khi còn nhỏ, Yoko thường chơi thân với những khách trọ dài ngày ngay khi họ vừa mới bắt chuyện: “ Thế ra là con chủ nhà nghỉ à?” khi thấy Yoko lạch bạch chạy đi chạy lại lúc dọn dẹp phòng. Dù chỉ là biết mặt thôi nhưng chào nhau cũng là niềm vui. Rồi trong số những khách nghỉ trọ, có người khó chịu và cả những người dễ chịu. Dù là nam hay nữ, nếu có người như thế thì họ sẽ được ngay cả những người làm bếp và người làm thêm quan tâm bàn tán như một ngôi sao đột nhiên tỏa sáng. Khi người đó ra về, thu dọn hành lý, trèo lên xe, vẫy tay rồi biến mất, còn lại trong căn phòng trống trải là nắng chiều chói chang. Chắc chắn người đó năm sau sẽ trở lại, nhưng năm sau sao xa vời vợi. Rồi những người khách mới lại tới, chúng tôi đã chứng kiến biết bao lần chuyện đó lặp đi lặp lại.

Mùa nghỉ kết thúc, vào đầu thu lượng khách nghỉ giảm hẳn, tôi cố tình cười đùa, âm thầm vượt qua nỗi buồn đó. Nhưng Yoko thường buồn bã, nhìn ngắm những thứ mà bọn trẻ con đã trở nên thân thiết bỏ quên lại, trào nước mắt. Chắc hẳn Yoko không muốn mất đi những tình cảm đó.

Rẽ ở góc phố là có thể nhìn thấy ánh đèn của biển hiệu NHÀ NGHỈ YAMAMOTO đang tỏa sáng trong lùm cây. Mỗi khi nhìn thấy biển hiệu và dãy cửa sổ phòng nghỉ, tôi luôn thấy lòng nhẹ nhõm. Dù là khi đông khách ánh đèn sáng trưng, hay khi vắng khách tối âm u, tôi luôn cảm thấy mình được đón chào bởi một thứ gì đó lớn lao. Vòng ra cửa hậu, Yoko mở cánh cửa tiền sảnh nhà Yamamoto, cất tiếng chào “con đã về”. Khi đó mẹ thường vẫn ở nhà nghỉ hoặc đang ngồi uống trà trong phòng khách của gia đình Yamamoto. Rồi ăn bánh xong, hai mẹ con sẽ về nhà. Điều này như đã thành một thói quen và luôn là như vây.

- À,có chuyện này… - Vừa cởi giày, tôi bỗng sực nhớ. - Mình sẽ tặng Yoko đĩa nhạc mà cậu nói muốn ghi âm lại. Mình sẽ mang sang ngay nhé?

- Làm phiền cậu quá. Nhưng đấy là bộ hai đĩa. Cậu cứ thu vào băng cho mình là được mà.- Yoko mở to mắt ngạc nhiên nói.

- Không sao đâu, mình cũng định để lại mà. Cậu lấy thì tốt quá! - Ôi, dở rồi, vừa nghĩ vậy thì lời đã thốt ra, không dừng lại được. - Cứ coi đó là quà chia tay. Nhưng mà, của mình thì không gọi là quà chia tay đúng không nhỉ?

Tôi nhìn sang thì thấy Yoko đang trùm tấm phủ lên trên chiếc xe đạp trong bóng tối phía trước tiền sảnh, cúi đầu, mắt đỏ hoe đầm đìa nước mắt. Tôi bối rối trước những giọt nước mắt quá thật lòng, làm như không chú ý, vội bước vào nhà. Vẫn quay lưng, tôi nói với Yoko.

- Đi nhanh lên nào! Còn ăn bánh chứ!

- Ừ. – Yoko vội lau nước mắt, gật đầu nói bằng giọng mũi. Có lẽ Yoko với tâm hồn trong sáng nghĩ rằng mọi người không biết mình là cô gái mau nước mắt.

Trong suốt 10 năm, tôi đã được bảo vệ bởi một thứ như bức màn lớn được đan kết bởi rất nhiều điều. Nếu ai chưa từng thủ bước ra ngoài thì chắc chắn sẽ không thể cảm nhận được sự ấm áp của nó. Một bức màn vừa đủ độ ấm đến mức nếu không phải là vì không thể quay lại thì người ta thậm chí sẽ không hiểu được rằng mình đã từng ở trong đó. Đó là biển, là toàn bộ thị trấn, là gia đình Yamamoto, là mẹ và người bố sống xa tôi. Tất cả mọi thứ, khi đó, đã dịu dàng bao bọc lấy tôi. Tôi lúc nào cũng vui vẻ và hạnh phúc, tuy có đôi lúc nhớ thương khoảng thời gian đó đến mức buồn bã không thể chịu nổi. Vào những lúc như thế, cảnh Tugumi chơi đùa với con chó trên bờ biển và hình ảnh Yoko mỉm cười dắt xe đạp đi trên con đương đêm thường trở lại trong tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 22-7-2012 14:07:31 | Xem tất


Chương 3

Cuộc sống


Kể từ khi bắt đầu cuộc sống ba người với tôi và mẹ, mỗi tối bố đều vui vẻ trở về nhà. Bộ dạng phấn khích đến hớn hở. Tối nào cũng vậy, khi nhìn thấy bố mở cửa với gương mặt tươi cười đã rũ bỏ sự mệt mỏi như muốn nói “Bố đã về rồi đây!” và ôm theo nào là sushi nào là bánh ngọt, tôi lại hơi lo lắng: “ Cái con người này ở công ty có làm việc chăm chỉ không nhỉ?”. Đến thứ bảy và chủ nhật, bố lúc thì lái ô tô đưa chúng tôi đi vòng vèo qua các tiệm ăn nổi tiếng, tiệm ăn ngon ở Tokyo, lúc thì tự mình nấu ăn, lúc thì bỏ cả ngày chủ nhật để đóng cho tôi cái giá sách để bàn dù cho tôi bảo không cần, thực vất vả. Quả là ông bố yêu quý đến muộn. Sự nhiệt tình đó rõ ràng đã xóa đi tất cả những vết cặn lo lắng nhỏ nhoi còn đọng lại giữa ba người. Những cong vênh do thời gian tạo ra đã được hóa giải, gia đình bắt đầu vòng quay yên ổn.

Tối hôm đó, từ lúc chiều bố gọi điện về nhà với giọng buồn buồn: “Bố phải làm thêm giờ rồi”. Sau khi mẹ lăn ra ngủ, tôi vừa viết báo cáo trên chiếc bàn trong bếp vừa xem tivi thì bố về. Bố nhìn tôi cười có vẻ mừng rỡ: “Con vẫn thức à?” rồi hỏi: “Mẹ đã ngủ rồi à?”

- Vâng. – tôi đáp. - chỉ có cá và canh tương, bố có ăn cơm không?

- Thế cũng được. - bố đáp và lạch cạch kéo ghế ra, ngồi xuống, cởi áo khoác. Tôi bắc nồi, cho đĩa vào lò vi sóng. Trong căn bếp giữa đêm khuya, một luồng sinh khí được thắp sáng. Tiếng TV vang lên đều đêu trong không gian tĩnh lặng. Đột nhiên bố hỏi.

- Maria, con có ăn bánh bột gạo không?

- Gì cơ ạ? - khi tôi quay đầu lại, bố sột soạt lấy ta từ trong cặp hai chiếc bánh bột gạo được gói cẩn thận trong tờ giấy, đặt lên bàn.

- Một cái là phần của mẹ. - Thế là thế nào, chỉ có mỗi thế này thôi sao? –Tôi ngạc nhiên hỏi.

- À! Trưa nay có ông khách mang đến đấy. Bố ăn thử thấy ngon nên xin cả phần cho hai mẹ con. Thực sự cái này ngon lắm đấy. - Bố giải thích chẳng chút xấu hổ.

- Bố có bị họ nói là giống thằng bé giấu cơm nuôi chó trong nhà không đấy? - tôi cười. Một người đàn ông lớn tuổi mà lại lén giấu vào cặp có mỗi hai cái bánh bột gạo để mang về nhà.

- Tokyo ấy à, chẳng có gì cả, rau thì chán, cá cũng dở, thực ra thì chỉ có bánh bột gạo ngon để tự hào thôi.

Bố vừa lặng lẽ ăn cơm và món canh tương tôi vừa hâm nóng vừa nói. Tôi lấy cá từ lò vi sóng ra và đặt trước mặt bố, “cái nào đây”, tôi nói, sát lại gần chiếc bàn, nhón tay lấy một chiếc bánh bột gạo. Có tâm trạng như người nước ngoài lần đầu tiên cầm chiếc bánh bột gạo trong tay. Ăn thử một miếng có vị đậm của xì dầu cháy, rất ngon. Khi tôi nói ra điều này, bố gật đầu vẻ mãn nguyện.

Khi vừa mới đến Tokyo, có một lần tôi đã nhìn thấy bố trên đường đi làm về. Đó là lúc tôi vừa xem phim xong, đang đứng chờ đèn tín hiệu ở ngã tư khu văn phòng. Bầu trời phía tây rực nắng được phản chiếu rõ nét trên toàn bộ cửa sổ của tòa nhà, sống động như một tấm gương. Đúng vào thời khắc tan sở, rất nhiều người mặc comle và những nữ nhân viên văn phòng trở về trong các bộ trang phục sặc sỡ bình thường đang đang dừng lại trước đèn tín hiệu, chờ đèn chuyển sang màu xanh. Trạng thái của gió cũng như biểu hiện của con người, đều mệt mỏi lờ đờ như nhau. Mọi người nói chuyện với vẻ mặt cười không rõ ràng, chẳng biết là câu chuyện vu vơ hay có mục đích. Còn khuôn mặt của những người đang im lặng lại có chút nghiêm nghị.

Đột nhiên tôi nghĩ người đàn ông đang đi bộ phía bên kia đường thật đáng để mắt tới, đơn giản vì đó là bố tôi. Bố cũng đang đi bộ với vẻ mặt nghiêm nghị, trông là lạ. Đó là biểu hiện chỉ có thể thấy ngay trước thời điểm ông rơi vào cơn ngủ gật trong lúc xem TV ở nhà. Tôi nhìn chằm chằm khuôn mặt lúc bên ngoài của bố với tâm trạng cực kì hứng thú. Đúng lúc đó, từ trong tòa nhà có công ty của bố, một nữ nhân viên văn phòng chạy ra, gọi bố dừng lại bằng giọng rất to. Từ phía bên kia đường nơi tôi đứng, tôi đã nhìn rõ suốt từ đầu đến cuối. Cô ấy cầm trong tay một chiếc phong bì hình như có tài liệu bên trong. Khi bị gọi tên, bố nhìn xung quanh rồi cuối cùng thấy cô ấy, khẽ mấp máy mồm như đang nói à à , tệ quá, tệ quá và cười. Cô gái thở hổn hển chạy đến, trao cho bố chiếc phong bì và mỉm cười, cúi đầu và quay đi. Thế nhé, bố tôi nói và cầm chiếc phong bì, rảo bước về phía ga.

Khi đó đèn tín hiệu chuyển màu, dòng người ùa ra. Trong thoáng chốc, tôi phân vân không biết có nên đuổi theo không nhưng vì chậm mất rồi nên đành dừng lại, suy tư một thoáng trong khu phố lúc hoàng hôn..

Việc quên đồ chẳng có gì to tát đáng kể này chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng lại hé mở cho tôi cuộc sống của bố từ trước đến giờ với dáng vẻ tự nhiên của nó. Cuộc sống dài đằng đẵng của bố. Cũng những năm tháng dài bằng những ngày mẹ con tôi sống ở thị trấn ven biển, bố đã hít thở không khí ở nơi này. Xung đột với người vợ trước, đi làm, đạt kết quả tốt trong công việc, ăn cơm, quên đồ giống như bây giờ, nghĩ đến mẹ và tôi đang sống ở thị trấn xa xôi. Thị trấn đó, nơi tôi và mẹ sống, đối với bố có lẽ là một nơi yên bình mà bố đến thăm vào cuối tuần. Có lẽ bố đã từng muốn giũ bỏ chúng tôi. Đúng thế, chắc chắn là có, tôi nghĩ. Dù cả đời không nói ra nhưng chắc hẳn trong thâm tâm, có điều gì đó phiền toái lắm. Do ở trong tình huống quá kì lạ nên, ngược lại, ba người chúng tôi trở nên hiền lành như những nhân vật ở trong kịch bản Gia đình hạnh phúc điển hình. Mỗi người đều đang nỗ lực một cách vô thức để không cho ai thấy những tình cảm sướt mướt chắc chắn đang ngủ yên nơi tận cùng trái tim mình. Đời người là một vở kịch, tôi nghĩ. Dù ý nghĩa có hoàn toàn giống nhau thì tôi cảm thấy nó gần gũi với tôi hơn là từ “huyễn tưởng”. Đó là khoảnh khắc của sự cảm nhận đầy choáng váng giữa đám đông vào buổi chiều hôm đó. Mỗi con người đều có một tâm hồn với mọi cung bậc , mang sự hỗn độn của mọi cái tốt, xấu, và tự một mình mình gánh chịu cái sức nặng đó mà sống. Với mong muốn cư xử thân thiện đến hết mức có thể với những người yêu quý sống cạnh mình.

- Bố này, đừng cố quá kẻo lại ô-ba-hit ( overheat: cháy rụi) đấy! - Tôi nói. Bố ngẩng đầu lên, cái nhìn ngơ ngác chẳng hiểu gì.

- Cố quá nghĩa là thế nào?

- Vì thế này nhé, đại loại như về sớm này, mua quà cho con này, mua quần áo cho con này, nếu làm quá thì sẽ mệt mất, đúng không nào?

- Việc cuối cùng là gì thế? Bố chưa từng làm đâu! - bố cười.

- Mong muốn của con đấy.- Tôi cũng cười.

- Ô-ba-hit là gì thế?

- Là đột nhiên chán ngấy gia đình , đi cặp kè bồ bịch này, say sưa rượu chè này, cáu giận đánh đập gia đình này, là những việc như thế đấy.

- Biết đâu một lúc nào đấy.- Bố tôi lại cười.- Nhưng mà bây giờ, giành lại được cuộc sống cùng với hai mẹ con là bố đã mãn nguyện lắm rồi. Bố đã chờ suốt bao năm để được sống cuộc sống mà mình từng ước muốn, bố vui lắm. Trong thế giới này, cũng có những người thực sự thích thú cuộc sống độc thân nhưng bố thuộc tuýt coi trọng gia đình ấm cúng. Vì thế, bố đã không hạnh phúc cùng với người vợ trước. Cô ấy ghét trẻ con và thích chơi bời. Việc nhà cũng đoảng. Tất nhiên, những người như thế cũng tồn tại và đó là chuyện đương nhiên nên chẳng có gì phải suy nghĩ cả, nhưng bố đã từng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, hằng ngày cùng nhau xem TV ở nhà hay cùng nhau ra ngoài vào ngày chủ nhật dù có phiền phức. Những người kiểu đó mà yêu nhau đều không có kết cục tốt đẹp. Mỗi khi nhớ lại những chuyện xảy ra trong khoảng thời gian dài sống xa hai mẹ con và những nỗi buồn khi đó, bố đã hiểu người thân quan trọng biết dường nào. Tất nhiên lúc nào đó, có lẽ suy nghĩ sẽ thay đổi, bố sẽ thấy chán con và mẹ nhưng đó cũng lại là cuộc sống. Nếu tâm hồn mọi người trở nên không đồng điệu, dù những lúc như thế có đến thì để cho chính những lúc như vậy, ta cần có thật nhiều kỉ niệm vui vẻ.

Bố ngừng ăn và nói giọng đều đều. Tôi nghĩ bố nói những điều thật có ý nghĩa, rõ ràng và tôi cảm thấy, kể từ khi bắt đầu sống ở đây, một thứ tình thân lần đầu tiên tôi cảm nhận được đang thấm vào trong tim mình.

- Mẹ con ấy à, bố biết chắc có nhiều suy tư lắm mặc dù mẹ không nói ra. Vì đã phải rời xa nơi mình từng sống nhiều năm mà. - Bố nói vẻ buồn rầu.

- Tại sao ạ?

- Đây này. - Bố gảy đũa vào miếng cá thu khô.. - Bữa tối ở đây ngày nào cũng có cá. - Nghe bố nói, tôi mới thấy đúng là vậy. Cảnh mẹ tôi dừng chân đứng trước cửa hàng cá hiện lên và tôi chìm vào im lặng.

- Con là sinh viên đúng không? Buổi tối lúc nào cũng ở nhà thế này, không có tụ tập hẹn hò hay làm thêm à? - Bỗng bố hỏi.

- Gì ạ? Con không tham gia câu lạc bộ, nhưng mà tụ tập hẹn hò thì đâu có thường xuyên đến thế. Con cũng chẳng làm thêm. Mà tại sao đột nhiên bố lại nói những điều như là kiến thức từ TV thế? - tôi cười.

- Bố muốn nói một lần thôi: sao lúc nào con cũng ngủ muộn thế? - Bố cười.

Chiếc bánh bột gạo phần cho mẹ nằm im lìm trên bàn như đang kể niềm hạnh phúc của gia đình tôi.

Dù vậy, thỉnh thoảng tôi lại nhớ biển đến mức không thể ngủ được. Nhớ quay quắt.

Ở khu Ginza nơi tôi hay đến, thỉnh thoảng đột nhiên có mùi biển lan theo gió. Không phải là nói dối, cũng không phải nói quá lời, khi đó tôi đã định hét lên. Tôi nhanh chóng hít căng tràn toàn bộ cơ thể mùi vị đó, rồi đau đớn đến mức không thể cử động được mình. Rồi tôi muốn khóc. Thường những lúc như thế, tiết trời khá đẹp, xa xa bầu trời trong veo trải rộng, tôi vội vứt cây đàn hiệu Yamano và chiếc túi Printemps đang cầm trong tay, chạy đi, đứng trên triền đê bẩn thỉu với những con sóng vỗ liên hồi, muốn ngửi mùi biển đến thỏa thuê. Rồi lúc nào đó, hành động bột phát mạnh mẽ đó sẽ nhạt đi nhưng sự đớn đau của nó phải chăng là nỗi nhớ quê hương?

Hôm trước, khi tôi đi bộ cùng mẹ cũng như vậy. Trưa một ngày thường trong tuần, trên con đường lớn vắng bóng người, đúng lúc vừa ra khỏi cửa hàng bách hóa tổng hợp, một cơn gió mạnh ùa đến, mang theo mùi biển. Cả hai mẹ con ngay lập tức nhận ra.

- A, mùi của biển. - Mẹ nói.

- Kia kìa, vì phía đằng kia có …cái đó đấy, cầu tàu Harumi ấy. Tôi chỉ tay và nói. Cảm giác giống như một người tìm hướng gió.

- Đúng rồi. - Mẹ khẽ mỉm cười.

Mẹ muốn mua hoa ở cửa hàng hoa chỗ cổng công viên nên chúng tôi đi về phía công viên . Từ xa loang loáng màu xanh ướt nước của công viên. Màu xanh đó hiện lên rõ nét trên nền trời xanh quý giá giữa lúc trời nắng trong mùa mưa đầu hạ. Đúng lúc đó một chiếc xe buýt đi về phía Harumi chạy ngang qua, tiếng kêu ầm ầm của thân xe còn đọng lại trong tai.

- Mẹ con mình uống chút trà rồi về nhé. - tôi nói.

- Thôi, nhanh lên. Chiều nay mẹ còn đi đến lớp cắm hoa, mà này, ngày mai bố đi công tác đấy. Nếu mẹ không nấu cơm và cả nhà không cùng ăn tối cùng nhau thì bố lại thất vọng đấy, hệt như trẻ con ấy nhỉ. Nói xong mẹ quay mặt cười.

- Chỉ bây giờ thôi, chẳng mấy chốc sẽ bình tâm lại mà, con chắc chắn đấy. Tôi đáp.

Khuôn mặt cười của mẹ kể từ khi sống cuộc sống vợ chồng cũng trở nên tròn trịa hơn. Trong ánh nắng mềm mại, nét cười làm loang rộng những đường sóng trên khuôn mặt mẹ.

- Maria, con đã có bạn rồi chứ? Có bạn rồi nhỉ, bao nhiêu là điện thoại gọi đến. Trường đại học có vui không?

- Tại sao mẹ lại hỏi thế, à, vui ạ.

- Này nhé, ở đằng đấy con lúc nào cũng cùng với Yoko và Tugumi như chị em đúng không. Mẹ tự hỏi không biết con có buồn không. Vì nhà mình ở đây trầm quá.

- Đúng thế. - Tôi đáp. - Ít âm thanh quá mẹ nhỉ.

Tiếng bước chân bận rộn đi đi lại lại trên hành lang. Sự sôi động trong phòng bếp, tiếng gầm rú của cái máy hút bụi to đùng, tiếng chuông điện thoại kêu ở sảnh. Lúc nào cũng có nhiều người ầm ĩ trong cùng một ngôi nhà, tiếng đài phát thanh của các tổ dân phố báo hiệu những đứa trẻ đang về vào lúc 5 giờ và 9 giờ phát ra những tiếng loa trong thị trấn. Tiếng sóng, tiếng còi hơi, tiếng chim hót.

- Mẹ mới là người buồn nhất. - tôi nói.

- Ừ, đúng thế thật. Mẹ hiểu rằng mẹ không thể cứ mãi làm phiền ở đó được, được sống với bố, tất nhiên là mẹ vui lắm nhưng mà thế nào nhỉ, cái cảm giác đã từng sống với đông người giống như tiếng sóng ầm vang không thể nào dứt ra khỏi tâm trí mẹ. Nói xong mẹ đưa tay lên miệng cười xòa. - Mẹ là thi sĩ mất rồi.

Tôi có những kỉ niệm mà vì khi đó còn quá nhỏ nên tôi chỉ nhớ một cách mơ hồ, tuy nhiên, bây giờ mỗi khi nghĩ lại thì thấy thật buồn cười. Có lần vào mùa hè, vì chơi đùa mệt mỏi nên sau bữa cơm tối, tôi cứ vừa xem TV bên cái bàn ăn vừa ngủ gà ngủ gật, bố mẹ bắt đầu nói chuyện. Sau khi vô tình mở mắt, tôi cứ nhắm hờ, và dán vào cái chiếu tatami, lắng nghe câu chuyện. Chuyện như thế thường xảy ra. Bố kể tất cả mọi chuyện, nào là bà vợ ở Tokyo vẫn chưa chịu chia tay, hay bố không thể để hai mẹ con ở đây mãi như thế này. Khi trẻ hơn bây giờ, bố thuộc tuýt người nghiêm nghị như thể lúc nào cũng đau khổ ưu tư, sau khi gặp mẹ, bố đã thay đổi tính cách đó. Tôi nghĩ là đã thay đổi khá nhiều. Còn mẹ thì thuộc kiểu người lạc quan. Khi đó mẹ nói.

- Xin lỗi anh, ở đây mãi như thế này là có ý gì?

- À không, chỉ là do anh buột miệng thôi. Masako là em gái của em mà. Tuy nhiên, em vẫn phải ăn nhờ ở đậu, từ sáng đến đêm đầu tắt mặt tối với những việc nặng nhọc, thế có phải gọi là hạnh phúc không?

Bố lại bắt đầu nói miên man đến những chuyện như thế. Sự khó chịu của mẹ cũng đã truyền sang tôi đang xoay lưng nằm nghiêng. Mẹ rất ghét kể khổ.

- Thôi đừng nói nữa. - mẹ thở dài. Những lời nói ấy đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Đến mức mỗi khi cần nó lại vang lên. - Nếu nói toàn những chuyện như thế này thì chui vào quan tài rồi vẫn còn kêu thiếu, anh ạ.

Tôi cũng nhớ lần nói chuyện với Tugumi.

- Này, bố mày, thực sự bột nhỉ.

Khi tôi đang sao băng trong phòng của Tugumi,Tugumi đã trầm ngâm nói như thế. Đó là một buổi chiều đầy mây. Sóng cuồn cuộn dữ dội, đầy nguy hiểm. Vào những ngày thời tiết xám xịt, u ám như thế, Tugumi luôn cư xử mềm mỏng hơn một chút. Có lẽ là vì khi còn nhỏ, nó đã từng suýt chết vào một ngày có thời tiết như thế này, dì Masako có lúc nào đó đã nói như vậy.

- Bột? Bột gì cơ?

- Đồ ngốc, là chỉ con nhà lành ấy.* Thế nào nhỉ, bột này là chỉ công tử bột ấy, hiểu không? - Tugumi còn sốt, vẫn cứ nằm xõa tóc trên chiếc vỏ gối trắng muốt cười, má đỏ rực.

- Ừ nhỉ, thực sự có vẻ như thế. Mà tại sao, tại sao mày lại nghĩ như thế?

- Thì, bất cứ lúc nào bố mày cũng có suy nghĩ èo uột về những chuyện không thật. Cái tính cách nhút nhát mà cứ luôn làm cao, giống hệt mày đấy chứ, nhưng mà mày không yếu ớt đến thế đâu. Thế nào nhỉ, có vẻ dễ tổn thương với thực tế, bố mày ấy. Thấy cũng có đôi chút có lí nên tôi không hề có cảm giác tức giận.

- Cũng tốt mà. Vì thế bố mới hợp với những người như mẹ tao đấy chứ?

- Đúng thế. Đôn hậu hơn những kẻ phiền toái nằm liệt giường như tao. Hơn cái kẻ chỉ nằm trong chăn mà chuyện gì cũng biết. Mà thôi, lại nói những điều khó chịu rồi. À, dù sao thì có lần tao tình cờ gặp bố mày ở hành lang, bố mày lại bảo: “A, Tugumi, nếu muốn cái gì ở Tokyo, bất cứ cái gì cứ nói đi, chú mua cho.” Cái đứa như tao mà cũng đã mỉm cười đáp lại đấy.

Tugumi nhìn tôi, cười. Trong căn phòng vào buổi chiều, ánh đèn đọc sách sáng trắng, một giai điệu yên ả đang lan tỏa. Vừa lắng tai nghe cho đến hết băng, tôi vừa im lặng đọc tạp chí. Trong căn phòng hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ có tiếng lật trang sột soạt lặp đi lặp lại.

Tugumi.

Có ở xa mới hiểu rõ Tugumi.

Vì không hiểu nên mọi người thấy Tugumi là đứa con gái lắm chiêu, xấu tính (đương nhiên nó chắc chắn có bản chất như vậy). Tôi có cảm giác rằng tôi, người nếu thích thì chắc chắn có thể gặp bất cứ ai, nếu muốn thì có thể đi bất cứ nơi đâu trên trái đất, sẽ bị Tugumi, người chắc chắn không thể rời xa khỏi cái thị trấn nhỏ bé này, lãng quên. Vì Tugumi không quay lại quá khứ. Với Tugumi, luôn chỉ là ngày hôm nay.

Một tối nọ, có chuông điện thoại, khi tôi nhấc ống nghe lên alô thì nghe thấy giọng của Tugumi: “Tao đây”.

Đột nhiên dường như ánh sáng và hình bóng của quê hương hiện ra, trước mắt tôi là một màu trắng xóa. Tôi nói to.

- Oa, khỏe chứ? Nhớ quá, mọi người khỏe chứ?

- Vẫn thế thôi, mày vẫn có vẻ ngố thế! Maria, mày học hành ổn đấy chứ? Tugumi cười. Khi bắt đầu câu chuyện, trong nháy mắt khoảng cách được thu ngắn và hai đứa trở lại là hai chị em họ sống cùng nhau.

- Ừ, vẫn ổn, vẫn ổn.

- Bố mày không bồ bịch à? Có lần thứ hai, biết đâu không có lần thứ 3.

- Không bồ bịch gì đâu.

- Thế à, tao nghĩ là bà già tao sẽ chính thức nói chuyện với mẹ mày sau nhưng mà, hình như mùa xuân sang năm nhà tao sẽ đóng cửa nhà nghỉ.

- Cái gì, sẽ không còn nhà nghỉ nữa à? - tôi ngạc nhiên hỏi.

- Đúng thế, đúng thế. Chẳng hiểu bố tao đang nghĩ gì nữa, hình như là khách sạn mini. Nghe nói là cùng kinh doanh với ông bạn có đất. Ông ấy bảo đấy là mơ ước của ông ấy,tao buồn cười quá. Thật viển vông. Lại còn nói sẽ để cho Yoko thừa kế nữa. Chuyện là thế đấy.

- Tugumi cũng đi à? - Tao định sẽ chết ở biển hoặc ở núi. Tugumi nói vẻ thực sự bất cần.

- Thế à, buồn quá, ngừng kinh doanh nhà nghỉ Yamamoto.

Tôi thất vọng nói. Tôi luôn tin rằng những con người ấy sẽ vẫn mãi sống như thế ở cái thị trấn đó.

- À, dù thế nào thì nghỉ hè mày cũng có chút thời gian rảnh rỗi chứ? Về đây chơi đi. Mày có thể ở trong phòng dành cho khách, bà già nói là sẽ thết đãi mày món sashimi (món gỏi cá sống) đấy.

- Ừ, tao sẽ về. Tất nhiên rồi.

Tôi có cảm giác trong mắt mình, phong cảnh thị trấn và cảnh bên trong nhà Yamamoto lướt nhanh như một đoạn phim màu tám ly cũ kĩ. Trong căn phòng nhỏ quen thuộc đó, cũng hiện lên cánh tay mảnh mai của Tugumi đang nằm, tay cầm ống nghe điện thoại.

- Thế quyết định rồi nhé. Tao sẽ đợi mày đấy. Ấy,bà già bảo muốn nói chuyện với mẹ mày, bà đã lên cầu thang rồi, mày gọi mẹ đi. - Tugumi gấp gáp nói nên tôi trả lời: “Ừ, tao sẽ chuyển máy,” rồi gọi mẹ.

Tôi đã hướng tới mùa hè cuối cùng ở nhà Yamamoto như thế đấy.

-----------------------------------

* Ở đây, trong nguyên tác , tác giả chơi chữ “bon”. Bon trong tiếng Nhật ngoài nghĩa là bình thường, tầm thường, còn có nghĩa là con nhà tử tế dùng theo cách nói của dân vùng Kansai.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 25-7-2012 09:45:04 | Xem tất


Chương 4

Người lạ


Tại sao thế?

Từ xưa, mỗi khi tàu tiến lại gần cảng, tôi luôn có thoáng chút tâm trạng của một người lạ.

Tôi sống ở thị trấn này, lên tàu thủy, xa rời nơi đây một thời gian ngắn rồi lại quay về bằng tàu thủy, ngay cả những lúc như thế cũng vậy. Không hiểu sao tôi luôn có dự cảm rằng tôi đến đây từ một nơi khác và chắc chắn một lúc nào đó sẽ rời xa bến cảng này.

Có lẽ vì khi từ biển nhìn vào một bến cảng thấp thoáng phía xa, tôi hiểu rõ rằng con người dù ở đâu hay khi nào thì cũng chỉ là một người lạ.

Trời đã về chiều.

Những con sóng dập dờn, lấp lóa trong nắng chiều, ở phía bên kia của bầu trời màu da cam là một bến thuyền nhỏ nhoi, nhạt nhòa như lớp không khí nóng đang bốc lên. Từ chiếc loa cũ kĩ vang lên đoạn nhạc báo hiệu tàu cập cảng, người thuyền trưởng thông báo tên thị trấn quê hương. Bên ngoài trời vẫn còn rất nóng nhưng trong tàu vẫn bật điều hòa quá thấp nên khá lạnh.

Từ lúc đi Shinkansen( tàu siêu tốc có tốc độ trên 200km/h) đến khi chuyển sang tàu thủy cao tốc, tôi cứ thấy nôn nao nhưng sau khi bị chao đảo bởi những đợt sóng, rồi ngủ gà ngủ gật, tôi thấy lòng tĩnh lặng. Vẫn uể oải sau khi tỉnh giấc, tôi nhỏm dậy, qua cửa sổ tàu thủy mờ mịt bởi sóng, ngắm nhìn bờ biển thân thương xa xa đang gần lại như bắt khuôn hình cho một cảnh quay.

Còi tàu vang lên, con tàu lượn một đường cong vòng vào mỏm đê. Tôi nhìn thấy Tugumi trong bộ váy trắng, khoanh tay trước ngực, đứng dựa vào tấm biển có chữ Welcome dựng trên bến cảng.

Tàu chậm rãi tiến vào, rung mạnh rồi dừng lại. Một thuyền viên ném sợi dây chão, chiếc ván cầu được bắc qua. Trong ánh nắng nhạt nhòa lúc chiều tà, hành khách lần lượt đi xuống. Tôi cũng đứng lên, cầm hành lý, xếp hàng xuống tàu.

Vừa bước ra, không khí bên ngoài phả hơi nóng ngột ngạt. Tugumi vội lại gần, chẳng hỏi han câu gì, nhăn mặt càu nhàu: “Muộn thế?”

“Chẳng thay đổi gì cả,” tôi nói

- Khát khô cổ rồi đây này. - Tugumi lại cau có nói rồi nhanh nhảu đi trước. Tôi không nói gi, chỉ cười khúc khích. Đúng là kiểu chào đón của Tugumi. Tôi cảm thấy vừa vui, vừa buồn cười.

Nhà Yamamoto vẫn nguyên như cũ nên vừa nhìn thấy tôi đã có một cảm giác kì lạ. Đó là cảm giác lạ lùng như đột nhiên gặp lại ngôi nhà cũ thường xuất hiện trong những giấc mơ xưa.

Dù vậy, ngay khi Tugumi gào lên ở cửa chính đang mở, màu sắc thực tại đã quay trở lại.

- Ôi, cái kẻ ăn nhờ ở đậu lại đến đây này!

Đằng sau nhà, Pôchi sủa váng lên. Từ trong nhà, dì Masako tươi cười bước ra mắng Tugumi: “Nói năng kiểu gì thế?”. Yoko cũng ló mặt ra, nhoẻn cười : “Chào Maria, lâu lắm rồi nhỉ.” Tất cả đột ngột trở lại như cũ, lòng tôi xúc động khôn tả.

Rất nhiều xăng đan đi biển xếp trước cửa ra vào cho thấy sự kinh doanh phát đạt của mùa hè cuối cùng. Ngay khi hít ngửi mùi của ngôi nhà, tôi nhớ lại nhịp sống nơi đây.

- Dì ơi, cháu giúp một tay nhé? - tôi hỏi

- Không sao đâu, cháu ra đằng sau uống trà với Yoko đi. - Dì trả lời rồi lại chạy vào trong bếp nơi phát ra những âm thanh hối hả.

Theo thời gian biểu của gia đình Yamamoto, bây giờ vừa đúng giờ nấu cơm trước khi Yoko đi làm thêm. Đây là khoảng thời gian bận rộn nhất trong ngày, cả dì và chú đều tất bật chuẩn bị bữa chiều. Ngày lại ngày cứ đều đặn diễn ra như thế.

Trong nhà, quả nhiên Yoko đang ăn cơm nắm. Yoko đặt lên bàn chiếc cốc tôi vẫn thường hay dùng, rót trà, đưa cho tôi.

- Cậu uống trà đi.

Mỉm cười rạng rỡ, Yoko hỏi:

- Maria ăn cơm nắm không?

- Đồ ngốc, sắp sửa có bữa tối thịnh soạn rồi. Phải dành bụng chứ!

Tugumi đang ngồi tựa lưng vào góc tường , chân duỗi dài, lướt đọc tờ tạp chí, không buồn ngẩng mặt lên nói xen vào.

- Ừ nhỉ. Maria này, tối nay mình sẽ mang bánh về. Cậu chờ nhé! – Yoko nói.

- Cậu vẫn làm suốt ở chỗ đó nhỉ.

- Ừ, vẫn vậy thôi. À, bánh bây giò có thêm vài loại mới đấy. Mình sẽ mang về vài cái cho cậu nhé!

- Thích quá! – tôi đáp.

Những người vừa tắm biển về đi ngang qua tấm cửa lưới chỗ cửa sổ đang mở. Tiếng cười nói vọng lại trong trẻo. Không khí rộn ràng tràn ngập thị trấn khi các nhà nghỉ đến giờ ăn tối. Trời vẫn còn sáng, TV đang phát chương trình thời sự. Gió biển thổi lướt qua những tấm chiếu tatami. Tiếng chân đi lại hối hả trên hành lang, những khách trọ vừa tắm bể nước nóng xong lũ lượt kéo nhau đi ra.

Phía biển xa vang lên tiếng mòng biển, bên ngoài cửa sổ, giữa những đường dây điện là sắc trời chiều sẫm đỏ trông rờn rợn. Tất cả vẫn giống như mọi buổi chiều.

Dù biết rằng chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn, nhưng…

- Maria đến rồi đấy à?

Vừa khi giọng nói vọng đến và tiếng chân lại gần, chú Masa đã xuất hiện sau rèm vải.

- Thế là tốt rồi, cháu cứ nghỉ ngơi thong thả nhé! - chú cười nói rồi lại đi ngay.

Tugumi đứng dậy, đi nhanh tới cái tủ lạnh, rót trà lúa mạch vào cái cốc có hình chuột Mickey mà nó được cho ở cửa hàng rượu, uống ừng ực. Đặt mạnh chiếc cốc không vào bồn rửa, nó nói.

- Ông ấy chỉ biết có khách sạn mini thôi. Đúng là một ông bố phiền nhiễu!

- Đấy là mơ ước của bố mà. - Yoko nói, mắt hơi cụp xuống.

Nếu quả là như vậy thì vào mùa hè năm sau chỗ này sẽ chẳng còn dấu vết gì cả. Việc này chắc hẳn không chỉ là lời nói suông. Có lẽ, hai chị em đều biết rõ.

Mỗi ngày trôi qua không có gì đặc biệt. Tôi đã ngủ, thức dậy, ăn cơm và sống trong cái làng chài nhỏ bé này. Dù khỏe hay ốm, xem TV hay yêu, hay đi học, rồi cuối cùng tôi cũng trở về nhà. Khi vẩn vơ nhớ lại cuộc sống bình lặng, lặp đi lặp lại đó, tôi thấy còn lại ở đó một điều gì trong trẻo, ấm áp, xao xuyến lạ lùng.

Cảm nhận toàn bộ sự ấm áp mơ hồ đó, buồn ngủ vì thấm mệt sau một chuyến đi dài, tôi sung sướng gặm nhấm niềm hạnh phúc mà mình vẫn nhớ nhung bấy lâu nay.

Mùa hè đến. Thế là mùa hè đã bắt đầu.


Mùa hè chỉ đi qua một lần và không bao giờ trở lại. Hiểu rõ điều đó, tôi cố níu kéo thời khắc mà bình thường sẽ qua mau. Khi ấy, trong căn phòng lúc chiều tà, chúng tôi ai cũng biết rõ điều đó. Biết rõ đến đau lòng, nhưng tất cả vẫn sống trong tâm trạng hạnh phúc.

Sau bữa ăn chiều, khi đang lấy đồ ra, tôi nghe thấy tiếng sủa vui vẻ của con Pôchi. Nhoài người ra khỏi khung cửa sổ nhỏ, tôi nhìn ra khu vườn đằng sau. Trong ánh sáng chập choạng, Tugumi đang buộc lại dây cho Pôchi. Thấy tôi, Tugumi hỏi:

- Mày đi dạo không?

- Có. - Tôi trả lời rồi đi xuống dưới nhà.

Bên ngoài, bầu trời vẫn nhờ nhờ sáng, được soi tỏ thêm bởi những ngọn đèn đường. Tugumi vừa bị con Pôchi kéo đi như mọi khi, vừa nói.

- Hôm nay tao mệt nên mình chỉ đi đến cửa ra vào bãi biển thôi nhé!

- Tối nào mày cũng đi dạo à? – Tôi ngạc nhiên hỏi. Chắc Tugumi không thể khỏe đến thế

- Tại mày làm cho nó quen đi dạo mất rồi. Từ khi mày đi, cứ đến giờ đi dạo buổi sáng là nó sủa váng cả lên. Tao đây thính ngủ nên luôn bị tiếng sủa của nó đánh thức. Thế là, tao thỏa thuận với nó chuyển đi dạo từ buổi sáng sang buổi chiều. Ngày nào Yoko và tao cũng dẫn nó đi.

- Thế à ?

- Mà nhờ bị Pôchi kéo đi nên tao cũng khỏe lên đôi chút. Kể ra cũng tốt. – Nụ cười nở trên gương mặt nhỏ nhắn của Tugumi.

Tugumi đau ốm luôn nhưng hầu như không bao giờ nói ra mình đau ở đâu, dù chỉ là nói đùa. Chỉ im lặng tức giận, hoặc tuôn ra những lời hằn học rồi ốm liệt giường. Tugumi không bao giờ giảng hòa.

Thái độ đó đôi khi không làm mọi người để tâm nhưng cũng có lúc khiến người khác khó chịu.

Đường phố sắp về đêm nóng ngột ngạt, xanh thẳm, bọn trẻ con vui đùa đốt pháo hoa khắp bờ cát trắng. Chúng tôi đi trên con đường trải sỏi, xuyên qua cây cầu, đi về phía bãi biển, leo lên triền đê chạy thẳng ra biển rồi thả Pôchi ra. Pôchi chạy về phía bãi biển còn tôi và Tugumi ngồi trên những khối bê tông chắn sóng, tựa người vào một đỉnh của khối bê tông, cùng uống nước hoa quả đóng hộp mát lạnh.

Gió thật dễ chịu. Xa xa, giữa những lớp mây xám nhạt trôi lơ lửng, ánh nắng chiều tàn ẩn hiện le lói rồi nhanh chóng bị đẩy lùi.

Pôchi chạy biến đi, lát sau lo lắng quay trở lại, sủa ăng ẳng gọi Tugumi đang ở trên một khối bê tông mà nó không leo tới được. Tugumi vươn tay, lúc vuốt ve, lúc lại vỗ nhè nhẹ vào Pôchi.

- Tugumi đã thân với Pôchi rồi đấy nhỉ! - Xúc động trước tình cảm thân thiết nhanh chóng giữa Tugumi và Pôchi, tôi nói. Tugumi không trả lời. Khi im lặng, trông nó giống một đứa em họ ngoan ngoãn. Nhưng lát sau, Tugumi cằn nhằn với vẻ mặt khó chịu như thể ăn phải sâu đắng.

- Tao không nói đùa đâu. Ác ghê lắm. Tâm trạng như một tên sát gái, đem lòng yêu một cô gái trinh trắng rồi cưới vội mà không hề cân nhắc suy nghĩ.

- Gì cơ? Tình cảm thân thiết với Pôchi á? - Mặc dù nghĩ là vậy nhưng muốn Tugumi nói rõ hơn nên tôi gặng hỏi. Tugumi đáp.

- Đúng vậy đấy. tao thấy ghê ghê vì mình thân với con chó nhanh đến thế. Khách quan mà nhìn nhận thì tâm trạng đó thật là khó chịu.

- Ra thế, mày ngượng à? - tôi cười hỏi.

- Tao không nói đùa đâu. Bao nhiêu năm sống cùng nhau mà mày hoàn toàn chẳng hiểu tao gì cả. Hãy động não một chút đi. - Tugumi cười mỉa mai.

- Tao hiểu chứ, chỉ muốn trêu mày thôi. - Tôi nói. - Tao biết rằng không phải mày không yêu Pôchi.

- Ừ, tao yêu Pôchi lắm. - Tugumi nói.

Bóng tối mỗi lúc một thẫm hơn, nổi lên lờ mờ như trong mơ. Thảng hoặc những con sóng chồm lên nhảy múa trên những cái bóng nhấp nhô của các khối bê tông. Trên bầu trời, ngôi sao đầu tiên xuất hiện, nhấp nháy sáng như một bóng đèn điện màu trắng, bé xíu.

- Nhưng kẻ đáng ghét có triết lý riêng của kẻ đáng ghét. Tao không đồng tình. - Tugumi nói tiếp. - Cái kẻ đáng ghét chỉ đặt lòng tin vào loài chó thôi thì thật là ngốc nghếch!

- Kẻ đáng ghét nào cơ? - tôi cười hỏi.

Đã lâu không gặp nhau, Tugumi nói hết những cảm xúc của mình như thể chúng đã bị dồn nén lại. Câu chuyện này chỉ tôi và Tugumi biết. Từ sau vụ hòm thư ma, Tugumi thường hay kể cho tôi, người hiểu Tugumi nhất, những chuyện Tugumi muốn nói cho dù những chuyện đó chẳng can hệ gì đến lối sống của chúng tôi.

- Giả dụ nếu như trên trái đất xảy ra nạn đói nhỉ?

- Nạn đói?... Chuyện gì lạ lùng thế? Tao không hiểu.

- Mày ồn ào quá, trật tự đi! Thế nên, tao muốn trở thành một kẻ có thể lạnh lùng giết Pôchi và ăn nó khi chẳng còn gì để ăn. Muốn trở thành một kẻ mà sau đó không cảm thấy ăn năn hối hận, không cắn rứt lương tâm, có thể thực sự bình thản cười nói: “Thịt Pôchi ngon quá!”, chứ không phải là một kẻ nửa vời sao đó âm thầm thương khóc, dựng bia xin lỗi bởi mày đã hi sinh vì mọi người, lấy một mảnh xương của nó làm hoa tai và giữ lại bên mình. Nhưng thực ra đấy cũng chỉ là giả định thôi.

Chẳng có gì ăn nhập giữa Tugumi với đôi cánh tay mảnh khảnh ôm lấy đầu gối, cái đầu nghiêng nghiêng duyên dáng và những lời đang nói. Tôi có cảm giác lạ lùng như thể đang nhìn một vật thể không có thật trên cõi đời này.

- Đấy không phải là kẻ đáng ghét, đúng hơn, đó là kẻ không bình thường. - tôi nói.

- Ừ, một kẻ không hiểu biết. Không thể hoàn toàn thích nghi với xung quanh, ngay đến bản thân mình là gì cũng không biết, không thể dừng nổi mình, và cũng không biết mình sẽ đi tới đâu nhưng luôn luôn đúng. Thật hay phải không?

Tugumi hùng hồn nói, mắt nhìn thẳng ra vùng biển tối. Đó không phải là sự tự tôn. Cũng khác một chút với quan điểm thẩm mĩ của nó. Trong tâm hồn Tugumi có một tấm gương trong suốt và Tugumi chỉ tin vào những gì được phản chiếu trong tấm gương đó. Không bao giờ thử cân nhắc suy nghĩ. Là như vậy đấy.

Dù vậy, tôi, Pôchi và có lẽ cả những người xung quanh, ai cũng yêu quý Tugumi. Ai cũng bị Tugumi lôi cuốn. Dù cho người đó có làm cho Tugumi khổ sở đến nhường nào, bị nói gì đi nữa chỉ vì tính khí của Tugumi, hay như Pôchi một lúc nào đó sẽ bị Tugumi giết chết rồi ăn thịt. Không phải là tâm hồn hay lời nói của Tugumi mà ở phía sâu thẳm hơn, có một luồng ánh sáng nâng đõ sự hỗn loạn nơi Tugumi. Luồng ánh sáng mạnh mẽ đến nỗi làm ta buồn bã, luôn lấp lánh sáng như một động cơ vĩnh cửu ở nơi mà ngay cả bản thân người đó cũng không biết.

- Trời tối nên lạnh rồi nhỉ. Chúng mình về thôi! - Tugumi noí rồi đứng dậy.

- Tugumi, ngượng chưa kìa, mặc quần con trai.

- Đừng có săm soi!

- Người không săm soi là Tugumi đấy!

- Ừ, thế không tốt sao. Tugumi cười nói rồi lớn tiếng gọi Pôchi. Pôchi chạy cun cút một mạch trên triền đê dài, theo sau là những tiếng sủa ăng ẳng như thể muốn thông báo.

- Được rồi, được rồi. - Tugumi nói.

Nó vượt lên khi chúng tôi dợm bước đi, rồi đứng lại, ngẩng mặt lên như đột nhiên nhớ ra điều gì đó và chạy một mạch lên phía trước. Chúng tôi tự hỏi không biết có chuyện gì thì nghe thấy tiếng sủa dữ dội của Pôchi ở phía bên kia triền đê.

- Chuyện gi thế nhỉ?

Khi chạy đến, chúng tôi thấy ở dưới chân một bức tượng màu trắng trong rừng cây của công viên nhỏ bên bãi biển của phía bên kia triền đê, Pôchi đang bám chặt lấy một con chó giống Pomeranian (một giống chó Đức) bị buộc dây. Lúc đầu, Pôchi chỉ vẫy đuôi định đùa chơi nhưng bị Pôchi to lớn đeo bám nên con chí nhỉ trở nên liều lĩnh. Nó sủa ăng ẳng rồi xông vào cắn Pôchi. Pôchi kêu lên, nhảy lùi lại, thoắt cái trở thành một con chó hung hăng.

- Dừng lại!

- Xông lên!

Tiếng của tôi và Tugumi chồng lên nhau. Một khoảnh khắc có thể thấy rõ sự khác biệt giữa tính cách của hai đứa. Không có cách nào khác, tôi một mình chạy đến, vận hết sức lực ôm chặt lấy Pôchi. Đúng lúc đó, con chó nhỏ cắn vào chân tôi.

- Ôi, đau quá!

Tôi thét lên, còn Tugumi lại nói:

- Hay đấy, ba đứa đánh nhau đi!

Tôi quay lại, thấy Tugumi đang cười, vẻ mặt thực sự sung sướng.

Đúng lúc đó.

- Lại đây, Kengoro!- Một cậu con trai đi tới.

Đó là cuộc gặp gỡ với Kyoichi, một người bạn sẽ cùng trải qua mùa hè đẹp đẽ cuối cùng của chúng tôi. Mới bắt đầu tối, trời còn nhập nhoạng, nơi bãi biển vầng trăng xanh đầu hè treo lơ lửng như tranh vẽ.

Cậu ta là một người gây ấn tượng lạ lùng. Cậu trạc tuổi chúng tôi. Trên thân hình mảnh khảnh là đôi vai và cái cổ rắn chắc tạo cảm giác mạnh mẽ, điềm tĩnh. Tóc ngắn, vai săn, thoáng nhìn thì đó là một thanh niên trẻ trung với chiếc áo phông thể thao màu trắng rất hợp với cậu, nhưng con mắt lại có chút khác lạ. Con mắt sâu thẳm, sáng ánh lên như thể cậu biết được một điều gì đó rất trọng đại. Dường như chỉ có con mắt cho thấy sự từng trải. Cậu bước nhanh đến chỗ tôi vẫn đang đứng giữa trận bão tiếng sủa lại vừa mới bắt đầu giữa con Pôchi và con Kengoro, nhẹ nhàng ôm con Kengoro đang sủa om sòm lên.

- Cậu có bị thương không? - cậu ta cứ đứng thẳng lưng hỏi. Tôi cố hết sức, cuối cùng cũng thả được con Pôchi ra, đứng lên đáp.

- Không sao đâu. Con chó của tớ gây sự với con chó đó trước. Tớ xin lỗi.

- Không, con chó này hiếu chiến nên chẳng biết sợ là gì đâu. - cậu ta mỉm cười nói. Rồi nhìn sang phía Tugumi, hỏi:

- Cậu không sao chứ?

Tugumi đột nhiên chuyển kênh, mỉm cười.

- Không sao.

- Chào nhé! - cậu ta nói rồi ôm con Kengoro đi về phía bãi biển.

Trời đã tối hẳn. Tôi có cảm giác đêm tối đã ập đến chỉ trong một thoáng vừa qua. Pôchi ngước nhìn tôi và Tugumi, khụt khịt mũi tỏ ý trách móc.

- Đi về chứ?

Tugumi nói, chúng tôi yên lặng bước đi.

Hình bóng mùa hè ẩn nấp đâu đây trên con đường ban tối. Không khí và sinh khí buổi đêm nhuộm đêm tối với xung lượng ngọt ngào, phấn khích, như nhập tràn trong hương gió. Những người đi qua ai cũng khỏe khoắn, tràn đầy sinh lực và vui tươi.

- Mình về nhà vừa lúc Yoko mang bánh về nhỉ! - tôi nói, quên bẵng chuyện vừa xảy ra.

- Các người muốn làm gì thì làm. Có biết tôi nghĩ gì về cái thứ bánh dở tệ ở đó không? - Tugumi nói.

Hơi lơ đãng, tôi đùa:

- Mày để ý đến anh chàng vừa nãy,đúng không?

Nhưng Tugumi không hề bối rối, nói nhỏ.

- Người đó không thường đâu. Có lẽ, đó là linh tính của tao.

- Chỗ nào nào? Tôi không cảm nhận được điều gì, hỏi đi hỏi lại nhiều lần nhưng Tugumi không trả lời, chỉ lẳng lặng đi cùng Pôchi trên con đường đêm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 25-7-2012 09:47:01 | Xem tất


Chương 5

Bởi tại đêm


Thỉnh thoảng có những đêm lạ lùng.

Đó là những đêm dường như có thể cùng một lúc nhìn thấy tất cả mọi thứ, như thể không gian hơi dịch chuyển. Vì không thể ngủ được nên tôi cứ nghe suốt tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đứng và lặng nhìn ánh trăng chiếu lên trần nhà ngự trị màn đêm giống như lúc tôi còn nhỏ. Đêm là vĩnh cửu. Dường như ngày xưa đêm dài dằng dặc hơn. Có mùi gì đó thoảng nhẹ. Có lẽ vì rất thoang thoảng nên tôi cảm thấy nó có vị ngọt, phải chăng là mùi của chia ly.

Tôi có những kỉ niệm không thể nào quên trong những đêm như thế.

Khi tôi học năm cuối cấp 1, tôi, Tugumi và Yoko say mê như bị bỏ bùa một chương trình TV. Đó là câu chuyện mạo hiểm kể về một người anh hùng tìm và cứu người em gái, ngay cả Tugumi, kẻ thường không bị lôi kéo bởi những trò “đánh lừa trẻ con” như thế mà cũng cùng xem với chúng tôi mà không bỏ buổi nào. Thật kì lạ, ấn tượng về chương trình TV đến bây giờ là một lớp sương bụi mờ mờ, chỉ có hình bóng của niềm háo hức khi đó còn hiện lại. Chỉ có độ sáng của căn phòng xem TV, mùi vị nước calpis (một loại đồ uống có chứa sữa, được lên men sau khi đã loại bỏ các chất béo trong sữa và cho thêm đường, hương liệu) uống khi đó và làn gió dìu dịu từ chiếc quạt máy vẫn còn hiện lên sống động. Tuần nào cũng vậy, cứ như thế, chúng tôi đã mong ngóng chương trình đó nhưng vào một tối, chúng tôi đã xem xong số cuối cùng.

Trong lúc ăn tối, không ai nói gì. Khi dì Masako vừa cười vừa nói: “Cái chương trình các con thích ý, hôm nay hết rồi nhỉ ?” thì Tugumi, cái đứa luôn ở tuổi chống đố, vặc lại: “Cứ lảm nhà lảm nhảm.” Tôi và Yoko khi đó đang thất vọng, cho dù không còn ở tuổi dậy thì chống đối nhưng không hiểu sao ngay lúc đó cũng có tâm trạng giống như Tugumi. Chúng tôi đã say mê chương trình đó đến như thế đấy.

Trong đêm, một mình trong chăn, tâm hồn bé con của tôi ngập tràn nỗi buồn đau như thể mình đã phải chia tay một cái gì đó. Một mình nhìn chằm chằm lên trần nhà, cuộn mình trong cảm giác tiếp xúc với chiếc khăn trải giường cứng sột soạt. Đó là hạt mầm đầu tiên của sự chia ly. Nếu so sánh với những lần chia ly nặng nề mà tôi sẽ biết trong những năm sau này, nó có một lằn ranh lấp lánh, là chồi non của sự ly biệt. Không ngủ được, chẳng hiểu sao tôi đi ra hành lang.

Trong hành lang tối đen yên lặng, tiếng chiếc đồng hồ đứng vang lên với một âm thanh lớn mà đến bây giờ vẫn không chút thay đổi. Màu trắng của cánh cửa kéo bằng giấy nổi lên trong màn đêm lờ mờ không rõ ràng, tôi thấy bản thân mình thật nhỏ bé. Tôi nhớ lại những cảnh trong chương trình TV mà tôi say mê đến mức quên hết tất cả những thứ khác. Trong đêm rất yên lặng, không thể lui lại, tôi đi chân trần xuống thang từng chút một. Rồi tôi ra sân để hít thở không khí bên ngoài. Sân tràn ngập ánh trăng, cây cối nín thở đổ bóng im lìm.

- Maria!

Đột nhiên, Yoko gọi. Không hiểu tại sao tôi không thấy ngạc nhiên chút nào. Yoko trong bộ quần áo pajama đang đứng trong sân. Dưới ánh trăng mờ ảo, Yoko thì thầm.

- Quả nhiên, cậu không ngủ được à?

- Ừ. – tôi thấp giọng trả lời.

- Mình cũng thế. - Yoko nói.Yoko với mái tóc dài, vẫn cúi gập người, tay vẫn vít những sợi tua cuốn của cây hoa bìm bìm.

- Mình đi dạo chút nhé.

- Nếu bị phát hiện thì sẽ bị mắng đấy. Yoko lén ra đây à? - tôi nói.

- Ừ, không sao đâu. Khi mở cửa, cánh cửa gỗ kêu kít một tiếng, ngay lập tức có cảm giác trong đêm tối mùi của biển trở nên nồng hơn.

- Cuối cùng thì cũng có thể nói to được rồi.

- Ừ, đêm dễ chịu nhỉ!

Một đứa thì mặc pajama, một đứa thì mặc yukata. Tôi xỏ chân trần vào xăng đan đi bộ ra phía biển. Trăng ở tít trên cao. Dọc con đường hướng lên đèo, những con đường đánh cá nằm yên như đã bị mục ruỗng. Không phải thị trấn như mọi khi. Chúng tôi có cảm giác kì lạ, như thể mình đang đến một nơi hoàn toàn khác với ngày thường. Yoko đột nhiên nói.

- A, mình tình cờ gặp cô em gái thật rồi.

Vừa nghĩ phải chăng dó là sự tiếp tục chơi trò trong chương trình TV thì tôi cũng phát hiện ra điều đó. Ở rìa của con đường cạnh biển, Tugumi cũng đang cúi xuống ngắm biển.

- Các ngươi đấy à.

Tugumi nói với vẻ bí mật bất thường như thể chuyện đương nhiên. Như là nó ở đây để đợi chúng tôi. Rồi nó đứng bật dậy xoay lưng lại với màn đêm.

- Tugumi đi chân đất à?

Yoko nói và cởi phăng đôi tất của mình đưa cho Tugumi. Tugumi đáp ừ hữ rồi cầm ở tay, hờ hững xỏ ngay vào bàn chân gầy guộc của mình và bắt đầu bước đi dưới ánh trăng.

- Chúng ta đi một vòng quanh cảng rồi về nhé. Yoko nói.

- Hay đấy, thế thì bọn mình mua Cocacola uống rồi quay lại nhé. - tôi đáp.

Ngay lập tức Tugumi nói.

- Bọn mày, nếu cứ tự ý như thế thì…

- Thì sao, Tugumi sẽ làm gì? - Tôi hỏi.

Tugumi không nhìn tôi, rành rọt nói.

- Tao đi bộ.

- Đến tận đâu?

- Đến bãi biển phía bên kia, leo qua núi.

- Không nguy hiểm sao? - Yoko nói. - Nhưng mà chị cũng muốn thử một chút.

Con đường núi không một bóng người tối đen như trong hang động. Ánh trăng lờ mờ trên vách đá cao và bước chân cũng mơ hồ. Trong khung cảnh đó, tôi và Yoko nắm tay nhau, đi như thể lần mò. Tugumi đi ngang với chúng tôi, một mình bước phăm phăm. Tôi vẫn nhớ dáng đi đó rất vững chãi, không có vẻ gì là đang đi bộ trong màn đêm. Màn đêm đáng sợ.

Mặc dù ban đầu vì chương trình TV đã hết nên buồn mà ra ngoài đi dạo nhưng lúc này, chúng tôi đã hoàn toàn quên mất điều đó, hồi hộp đi bộ trên ngọn đèo đêm với những lùm cây lay động xào xạc trong gió. Khi bước nhanh xuống dốc, làng chài giữa đêm khuya hiện ra và ngay lập tức, chúng tôi nhìn thấy biển.

Trên bãi biển lổn nhổn đá, các quán bán đồ ăn nhẹ với phòng thay quần áo đóng chặt cửa, đứng cạnh nhau lờ mờ như những hồn ma. Lá cờ phía ngoài biển rung phần phật cùng với tiếng sóng. Cơn gió lạnh làm buốt đôi gò má nóng bừng. Cả ba đứa mua Cocacola. Tiếng máy bán hàng tự động vang lên trong đêm như làm kinh động bờ biển tối om. Biển đen ngòm đang rung rung trước mắt. Ánh đèn phía thị trấn của chúng tôi chập chờn sáng le lói xa xa.

- Này, chỗ này như thế giới bên kia.

Tugumi nói. Chúng tôi gật đầu ừ ừ.

Cuối cùng, chúng tôi đi bộ và quay lại con đường núi, mệt rã rời. Về đến nhà Yamamoto, ba đứa chúc nhau ngủ ngon, ai về phòng người nấy và ngủ say như chết.

Sự mệt mỏi đến vào sáng ngày hôm sau. Rất mệt mỏi nên tôi và Yoko trong bữa ăn sáng đều không mở miệng. Vừa cố căng đôi mắt buồn ngủ, chúng tôi vừa yên lặng ăn sáng. Cả hai đều như là những người khác hẳn với cái đêm hôm trước khỏe mạnh dị thường. Tugumi vẫn chưa ngủ dậy.

Tôi biết.

Tối hôm đó, Tugumi đã nhặt một hòn cuội trắng trên bờ biển và đặt nó vào góc giá sách cho đến tận bây giờ. Tôi không biết tối hôm đó tâm trạng của Tugumi như thế nào. Tôi cũng không hiểu trong hòn cuội đó ẩn chứa tâm trạng gì. Hay có lẽ ngoài những gì tôi nghĩ, đó chỉ là một sự tình cờ. Nhưng, mỗi khi sắp quên rằng Tugumi là một con người sống thì tôi lại nhớ tất cả các chi tiết về câu chuyện hòn cuội đó cùng chuyện Tugumi bé bỏng đi chân đất ra ngoài và đòi đi bộ trong tối hôm đó, rồi bỗng dưng tôi buồn và bình tĩnh trở lại.

Không hiểu sao tôi lại nhớ câu chuyện hồi đó. Bỗng nhiên tôi nhìn đồng hồ, đã gần 2 giờ. Suy nghĩ vào những đêm mất ngủ có chút gì đó buồn cười. Những ý nghĩ lang thang trong màn đêm, làm nổi lên biết bao nhiêu là kết luận giống như những bọt nước. Chẳng hiểu từ lúc nào, từ chuyện đêm ấy, tôi chợt nghĩ đến chuyện mình lớn lên, rồi không sống ở mảnh đất này nữa và đang theo học tại một trường đại học ở Tokyo. Thật kì lạ. Kiểu như bàn tay của chính mình khi bị ném vào đêm tối sẽ trông như một vật khác lạ.

Đúng lúc đó, cánh cửa bằng giấy bị kéo mạnh ra.

- Dậy đi, này!

Tugumi gọi. Quá ngạc nhiên, tôi không thể ngăn được sự bàng hoàng. Sau một lúc cuối cùng tôi nói.

- Cái gì thế ?

Tugumi sùng sục chui vào phòng, nằm lăn lên gối.

- Không ngủ được.

Ở cạnh phòng của Tugumi, những việc thế này đến giờ chưa từng xảy ra có lẽ đã là một điều may mắn. Tôi lúng túng ngồi dậy, khó chịu hỏi.

- Việc này không phải do tao đấy chứ?

- Này, đừng nói thế, tao nghĩ đó cũng là một cái duyên nào đó, mà chơi cái gì đi.

Tugumi cười. Chỉ những lúc như thế Tugumi mới cư xử với mọi người một cách mềm mỏng. Cùng một lúc, tôi nhớ lại những khi bị Tugumi đánh thức dậy, khi bị nó giẫm vào chân tay lúc đang ngủ, hay khi bản thân nó không thích mang đồ đến trường (vì nặng, chỉ có thế thôi) nhưng lại tự ý lấy quyển từ điển của tôi trong ngăn bàn vào giờ tập thể dục. Cái cảm giác phi lý đột ngột quay lại như một đoạn phim hồi tưởng khiến tôi ngạc nhiên. Đúng thế, tôi đã quên hết cả rồi. Mối quan hệ với Tugumi hoàn toàn không chỉ có sự thú vị.

- Tao buồn ngủ.

Tôi nói. Tôi muốn thử chống đối như hồi xưa một chút. Tuy nhiên, Tugumi chẳng bao giờ thèm đếm xỉa đến chuyện của người khác.

- Này này, hôm nay ấy, giống lắm đấy. - Tugumi nói bằng đôi mắt phấn khích.

- Cái gì?

- Này nhé, giống khi chúng mình đi đến thị trấn bên cạnh như ba đứa ngốc ý. Có thấy giống bây giờ không. Thời tiết này, cũng là một đêm không ngủ được này. Yoko hình như ngủ khò khò, nó thiếu nhạy cảm mà!

- Còn tao, sắp ngủ rồi đấy!

- Ở cạnh mà chán lắm!

- Thì đúng thế.

Tôi thở dài và thấy tâm trạng mình khá hơn. Thật kì lạ. Trong một đêm, như có thần giao cách cảm, tôi và Tugumi đã cùng suy nghĩ về những chuyện giống nhau. Thi thoảng đêm lại sử dụng những xảo thuật nho nhỏ như thế. Có cảm giác không khí chậm rãi đi theo màn đêm và kết hợp với nhau ở một nơi xa xôi như một ngôi sao rơi bụp xuống tay, đánh thức ta dậy. Chúng tôi đã mơ những giấc mơ giống nhau. Tất cả mọi việc xảy xa trong một đêm, là tâm trạng chỉ trong một đêm mà thôi. Đến sáng hôm sau; những việc đã xảy ra trở nên mơ hồ, lẫn vào trong ánh sáng. Và những đêm như thế rất dài. Dài như không hề có điểm kết thúc, vẫn sáng lấp lánh như viên đá quý.

- Này, đi dạo nhé! - tôi nói.

- …Mỏi lắm. - Tugumi đáp.

- Thế mày muốn làm gì?

- Những việc như thế, mỗi đứa suy nghĩ riêng rẽ đi.

- Mày suy nghĩ xong thì gọi tao dậy.

- … Được đấy. Này, mày lấy đồ uống trong tủ lạnh rồi ra bục phơi quần áo đi. Tao chỉ chịu được ở mức ấy thôi.

Tugumi nói. Tôi đứng dậy, đi về phía tủ lạnh. Vì đang ở phòng dành cho khách nên tủ lạnh có rất nhiều đồ uống. Tôi lấy bia và ném cho Tugumi chai nước cam. Tugumi không được uống đồ có cồn, nếu uống nó sẽ nôn ngay nên chẳng ai cho nó uống cả. Chúng tôi nín thở đi bộ qua hành lang như hồi trước, khẽ mở cửa đi ra sân phơi. Nơi này vào ban ngày, những chiếc khăn mặt giăng phấp phới như trong quảng cáo bột giặt thì nay buổi tối chỉ còn toàn những chiếc gậy trống không. Giữa những chiếc gậy lớn phơi quần áo ấy những ngôi sao hiện lên.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 25-7-2012 09:49:00 | Xem tất

Chương 5 (tiếp theo)


Sân phơi hướng về phía núi, bóng cây cối của ngọn núi nặng nề hiện ra ngay trước mắt. Tôi uống bia. Mát đến tận đáy ngực. Cái mát dường như tăng lên trong đêm. Tugumi cũng uống nước cam, lầm rầm.

- Đồ uống khi uống bên ngoài vào buổi tối không hiểu sao lại ngon đến thế?

- Tugumi hay coi trọng những việc như thế này nhỉ ? - Tôi nói.

- Ừ nhỉ. - Tugumi đáp ngay mà chẳng hỏi lí do.

Ý tôi không phải chuyện cảm xúc. Đó là vấn đề của sự nhạy cảm. Sau chút im lặng như chìm trong suy nghĩ, Tugumi nói.

- Dù cho tao là kiểu người cảm thấy khó chịu với cái lá cuối cùng và sẽ bứt nó đi thì tao vẫn luôn nhớ vẻ đẹp đó, cái chuyện đó.

Tôi hơi ngạc nhiên nói.

- Này, tại sao dạo này mày nói chuyện có vẻ người thế ?

- Chắc là vì sắp chết. - Tugumi cười.

Không phải, bởi tại đêm nay.

Trong buổi tối không khí trong vắt như thế này, con người ta mới nói những chuyện ở trong lòng. Không hề nghĩ suy, mở rộng tấm lòng, nói chuyện với người bên cạnh như thể nói với những vì sao lấp lánh nơi xa. Trong tệp tin “ buổi tối mùa hè” trong đầu tôi, có biết bao từ phim âm bản về những buổi tối như thế này. Tối nay có lẽ sẽ được đóng lại ở chỗ nào đó rất gần với buổi tối mà ba đứa cứ đi bộ mãi ngày còn nhỏ. Hễ nghĩ rằng miễn là còn sống, một lúc nào đó có thể lại cảm nhận buổi tối như thế này thì ta sẽ có những hi vọng vào tương lai. Một đêm đẹp như vậy. Mùi của gió trong veo, dường như hơi thở của núi và hơi thở của biển trong suốt đang từ từ lơ lửng bay khắp thị trấn. Cho dù có thể sẽ không có lần thứ 2 nhưng vào một mùa hè nào đó, biết đâu tôi sẽ vô tình gặp một buổi tối như tối nay, tôi nghĩ và nếu thế thì thật tuyệt vời.

Uống nước xong, Tugumi khẽ lẩm bẩm và đứng bật dậy, đi đến lan can nhìn xuống đường.

- Chẳng có ai cả. - Tugumi nói.

- Ừ, cái nhà đằng kia là gì thế? - Tôi hỏi. Tôi nhìn thấy ở phía chân núi một tòa nhà lớn phía trên vẫn còn lộ ra chút cốt sắt nên để ý. Nó nổi bật trên những dãy phố đang chìm trong màn đêm.

- Cái đó hả, cái đó là khách sạn đấy. - Tugumi quay đầu lại nói.

- To thế à, chắc sắp xong?

- Ừ, nhà tao đóng cửa nhà nghỉ có lẽ cũng là vì nó. Dù nói thế nào cũng được nhưng kể ra cũng là vấn đề sống còn. Mà thôi, bố tao có thể làm cái việc mà ông ấy muốn làm, thế không tốt sao? Rồi nếu khách sạn mini kinh doanh đình trệ thì cả nhà bốn người xương trắng mất thôi, buồn lắm. Chắc tự tử trong núi mất!

- Không sao đâu, hàng năm tao sẽ đến. Nếu khi nào làm đám cưới tao cũng sẽ tổ chức ở đấy.

- Nếu có thời gian kể lể những ước mơ chán phèo ấy thì thử dẫn mấy đứa sinh viên nữ đến đây xem, vùng này hoàn toàn chẳng có đứa nào như thế cả.

- Có Yoko đấy thôi.

- Không, mấy đứa mồm mép hơn ấy. Tao chỉ mới thấy trên TV thôi. Tao muốn tận mắt thấy để còn trêu chọc chúng nó tí!

Giậm chiếc xăng đan kêu lẹp bẹp, Tugumi nói. Đó thực sự là khía cạnh đáng buồn của Tugumi, lớn lên mà ngoài việc đi đến bệnh viện thì hầu như chưa từng ra khỏi thị trấn.

- Đến Tokyo chơi đi. - Tôi đứng dậy, đi đến cạnh Tugumi, nhìn xuống phía dưới và nói. Tôi nhìn thấy con phố hẹp đang đổ bóng tĩnh lặng.

- Ừ, mà thế nào nhỉ, “Heidi, thiếu nữ vùng Alps?” À, tao có cảm giác đã trở thành cô bạn có đôi chân bị tật của Heidi rồi đấy. Tugumi cười khúc khích.

- Hôm nay nhắc nhiều đến các danh tác cổ điển nhỉ.-  tôi cũng cười.

Khi đó, chúng tôi nhìn thấy một con chó quen quen nặng nề chạy trên con đường ngay trước nhà nghỉ. Tôi hét lên.

- Này, chuyện hôm nay…này, Kennosuke…à phải không, cái con chó mình thấy lúc trước ấy.

Tugumi nhoài người ra khỏi lan can rồi nói: “là Kengoro” rồi hét lên vang khắp con đường trong đêm: “Kengoro.” Phía xa, con Pôchi choàng tỉnh dậy, rung xích loảng xoảng. Tôi rất ngạc nhiên và đã lâu lắm mới nhìn thấy một Tugumi bột phát như thế.

Có lẽ suy nghĩ đó đã đến với Kengoro nhỏ bé.

Nó vội vã quay lại con đường đêm. Rồi nó ngơ ngác nhìn quẩn nhìn quanh xem được gọi từ đâu. Thấy kì lạ, tôi vừa cười vừa gọi Kengoro. Lần này, có vẻ nó đã thấy chúng tôi nên ngước mắt rồi sủa inh ỏi. “Ai đấy?” Tôi nghĩ nó đang hỏi.

Đột nhiên, dưới ánh đèn đường, cậu con trai mà chúng tôi gặp lần trước xuất hiện như bước vào trong vùng sáng của ánh đèn. So với lần trước, trông cậu ta cháy nắng hơn, chiếc áo phông đen như lẫn vào trong đêm.

- A, bọn cậu đấy à?

- Tugumi, quá tốt còn gì. Có thể gặp lại rồi. - Tôi nói nhỏ.

- Ừ, tao biết rồi.

Tugumi nói rồi nhìn xuống dưới nói to.

- Này, tên là gì thế?

Cậu con trai nhẹ nhàng ôm con Kengoro lên, ngẩng nhìn chúng tôi rồi nói.

- Tớ là Kyoichi. Còn bọn cậu?

- Tớ là Tugumi. Đây là Maria. Này, cậu ở đâu thế?

- Nhà tớ không phải ở thị trấn này, ở đằng kia. - Cậu chỉ về phía núi. - Cái khách sạn sắp xong đằng kia sẽ là nhà tớ đấy.

- Cái gì, cậu là con trai bà giúp việc à? - Tugumi cười. Khuôn mặt rạng rỡ khiến tôi có cảm giác như thể màn đêm được chiếu sáng.

- Nhầm rôi. Tớ là con chủ khách sạn. Bố mẹ tớ thích chỗ này nên đã quyết định sống ở đây. Trường đại học của tớ ở thành phố M, nên tớ cũng sống ở đây và cứ đi đi về về.

Buổi tối làm mọi người nhanh chóng thân thiện. Cậu ta có nụ cười rất cởi mở.

- Tối nào cậu cũng đi dạo trong đêm à? - Tôi hỏi

- Không, chẳng hiểu sao tối nay không ngủ được nên tớ lôi con chó đang ngủ dậy và ra ngoài đi dạo. - Cậu ta cười.

Giữa ba người chúng tôi tràn ngập cảm giác vui vẻ rằng chúng tôi sẽ là những người bạn của nhau vì những người như thế này hiểu ngay. Nếu nói chuyện một chút, ngay lập tức mọi người sẽ có niềm tin giống nhau. Đó là cuộc gặp gỡ với người bạn sẽ gắn bó lâu dài.

- Này, cậu ấy, Kyoichi. - Tugumi nói, mắt mở to như thể lồi ra ngoài. – Mình đã muốn gặp cậu suốt đấy. Có thể gặp lại chứ.

Tôi hết sức kinh ngạc nhưng hình như đối phương còn kinh ngạc hơn, sau khi im lặng một lúc.

- … Ừ. Tớ sẽ ở đây suốt mùa hè. Lúc nào tớ cũng dắt Kengoro đi lang thang, hiện tớ đang trọ ở nhà Nakahama. Địa điểm, cậu biết chứ?

- Biết.

- Hãy đến thăm tớ bất cứ lúc nào. Họ của tớ là Takeuchi.

- Hiểu rồi. - Tugumi gật đầu.

- Thế nhé!

- Chúc ngủ ngon!

Tâm trạng căng thẳng của Tugumi làm màn đêm căng ra nhưng khi Kyoichi khuất bóng trong con đường tối thì nó chợt chùng hẳn xuống. Cuộc gặp gỡ kỳ lạ. Chợt đến rồi đi.

- Tugumi, mày thực sự để ý đến cậu ta à? - Trong màn đêm ngày càng tối dần và sâu thẳm, tôi cười.

- Bây giờ là vậy. - Tugumi thở dài nói.

- Tugumi, không bình thường rồi. Có để ý không?

- Cái gì?

- Tugumi, nói chuyện với cậu ta vói cách nói chuyện giống hệt như mọi khi.

Tôi đã để ý suốt nhưng không nói gì. Tugumi lúc nào trước mặt con trai cũng quay về làm một cô tiểu thư nhưng lúc nãy, tôi thấy thực sự thú vị đến phấn khích với một Tugumi bỗ bã thường ngày.

- À.- Tugumi thốt lên

- Có chuyện gì à?

- Tao hoàn toàn không để ý. Chết rồi, tao lơ là việc đó rồi. Ôi, ôi. - Tugumi nói.

- Cái đó, cái đó… Thú vị đấy. - Tôi nói.

Cứ mặc gió đêm thổi tới, cau mày và nhìn về phía trước, Tugumi nói:

- Mà thôi. Có lẽ bởi tại đêm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 25-7-2012 09:50:04 | Xem tất


Chương 6

Tự thú



Hôm đó, trời mưa từ sáng. Mưa mùa hè có mùi của biển.

Buồn chán, tôi ở lì trong phòng đọc sách.

Có lẽ vì buổi đi chơi đêm đó, mấy ngày hôm nay Tugumi ngủ li bì vì đau đầu và sốt. Lúc này, khi mang cơm trưa vào, tôi thấy Tugumi vùi đầu vào chăn, rên rỉ. Đã quen với cảnh đó, tôi chỉ thấy một cảm giác thật thân thương. Tôi nói to: “Tao để cơm ở đây nhé!” rồi đặt khay cơm xuống cạnh gối, ra khỏi phòng.

- Tugumi đang tương tư à?

Tôi vừa hỏi thì Tugumi liền rút tay ra, ném cái bình nhựa đựng nước vào người tôi. Hẳn là lúc đó Tugumi khỏe lắm. Bình đựng nước va mạnh vào cái cột bên rìa cánh cửa kéo bằng giấy, lăn lông lốc trên chiếu. Vì vậy, cho đến khi về phòng, mái tóc của tôi còn bị ướt chút ít, tôi lặng lẽ nằm xõa tóc trên chiếu.

Ngoài cửa sổ, xa xa, biển nổi sóng màu tro nhạt, dữ dội đến đáng sợ. Trời, biển, mọi vật đều ở bên kia của tấm màng lọc đơn điệu, lờ mờ. Những ngày như thế này, trong mùi đất ngột ngạt, có lẽ Pôchi cũng nằm im trong chuồng, nhìn mưa rơi. Từ dưới nhà vọng lên tiếng động và giọng nói của những người khách trọ không thể đi tắm biển cứ đi qua đi lại hỗn loạn. Bao giờ cũng như thế. Vào những ngày mưa, mọi người đều không biết làm gì trong ngôi nhà lớn là cái nhà nghỉ này. Rất nhiều người tụ tập xung quanh cái máy trò chơi cũ kĩ hay chiếc TV lớn đặt ở sảnh.

Giữa lúc tâm trí mệt mỏi, tôi bâng quơ đọc sách. Những hạt mưa hắt vào tấm kính cửa sổ như những ngôi sao băng, cắt ngang màn hình suy nghĩ trong đầu tôi.

Đột nhiên, tôi nghĩ: “Nếu Tugumi cứ ốm yếu thế này rồi chết đi thì…” Đó là suy nghĩ, là nhận thức có trong tôi từ khi tôi còn nhỏ xíu, khi thể trạng của Tugumi ốm yếu hơn bây giờ nhiều. Suy nghĩ đó luôn đột ngột xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Vào những ngày mưa như thế này, quá khứ và tương lai tan chảy trong bầu không khí trầm mặc, rồi nổi lên.

Một giọt nước mắt rơi xuống trang sách. Không hiểu từ lúc nào, nước mắt trào ra và rơi xuống.

Quá đỗi kinh ngạc. Bên tai tôi là tiếng mưa tí tách thấm qua mái hiên. Với tâm trạng bàng hoàng: “Chuyện vừa rồi là thế nào nhỉ?”, tôi lau nước mắt. Rồi ngay lập tức, tôi quên bẵng và tiếp tục đọc phần tiếp theo của cuốn sách.

Đến 3h chiều, không còn gì để đọc nữa. Tugumi vẫn đang nằm li bì, còn Yoko đã ra khỏi nhà, chương trình TV thì chán ngắt. Quá buồn chán, tôi quyết định đi hiệu sách. Hình như nghe thấy tiếng kẹt cửa khi tôi ra khỏi phòng, Tugumi lên tiếng từ căn phòng đóng kín.

- Đi đâu đấy?

- Ra hiệu sách. Mày có muốn gì không? - Tôi hỏi.

- Mua cho tao nước táo, loại nước ép tự nhiên 100%. - Tugumi nói, giọng khàn khàn. Chắc hẳn đang sốt cao.

- Ừ, biết rồi.

- À, cả dưa tây nữa. Rồi sushi và… - Tugumi nói với theo nhưng tôi không để tâm, cứ đi xuống cầu thang.

Ở thị trấn ven biển, dường như mưa rơi lặng lẽ khác thường. Có lẽ, biển đã hút hết tiếng mưa. Khi lên sống ở Tokyo, tôi đã rất ngạc nhiên khi cảm thấy mưa rơi với những tiếng rào rào đặc biệt.

Khi đi trên con đường dọc bờ biển, bãi cát nhuốm màu đen kịt khiến tôi có cảm giác lạ lùng như thể đó là một nghĩa địa.

Mưa rơi xuống biển tạo thành hàng nghìn, hàng nghìn gợn sóng, vỡ ra thành những con sóng lăn tăn.

Hiệu sách lớn nhất trong thành phố đông nghịt. Không nghi ngờ gì nữa, vào những ngày như thế này, khách du lịch thường hay lui tới hiệu sách. Lướt nhìn phía trong cửa hiệu, đúng như tôi nghĩ, loại tạp chí tôi muốn mua đã hết sạch.

Không có cách nào khác, tôi nhìn sang quầy sách cũ, bất ngờ làm sao, ở giá sách phía trong cùng, Kyoichi đang say sưa đứng đọc sách. “Ô là la,” tôi tiến lại gần, lên tiếng hỏi.

- Hôm nay cậu không dắt chó đi cùng à?

- Không. - Cậu ta cười nói. - Trời mưa nên tớ để nó ở nhà.

- Cậu không sống ở đây, tại sao lại nuôi chó?

- Nhà nghỉ không cho mang vào nhưng họ cho phép tớ buộc nó ở khu vườn đằng sau. Tớ ở đấy cũng lâu rồi, thành ra cũng thân thiết lắm. Lúc rỗi rãi, tớ cũng giúp họ phơi chăn gối. Nhưng mà này, tớ không khai lý lịch đâu nhé! Hỏi gì mà cứ như tình báo thế?

- Ừ nhỉ. - tôi gật đầu.

Cậu ta là con trai của chủ một khách sạn lớn sắp được xây dựng trên núi, điều này khiến những người kinh doanh nhà nghỉ trong thị trấn ít nhiều bận tâm. Nghĩ cho kĩ thì đây cũng là một mùa hè rất buồn đối với cậu.

- Hôm nay, Tugumi đâu rồi? - Kyoichi hỏi.

Có lẽ, sau này nghĩ lại nên tôi có cảm giác như thế nhưng khi cậu ta nói cái tên “Tugumi” một cách chính xác như vậy, đột nhiên, trong giây lát, lồng ngực tôi tràn đầy linh cảm rằng có lẽ tình yêu của Tugumi sẽ có tương lai tươi sáng. Nhìn những giọt nước mưa trong suốt chảy từng giọt từ trên tấm ni lông phía trước hiệu sách xuống, tôi nói.

- Tugumi đang nằm li bì đấy. Con bé đó trông vậy thôi nhưng yếu lắm. Nếu có thể, cậu tới thăm nó nhé. Chắc Tugumi sẽ vui lắm.

- Tớ cũng muốn đi nếu như không làm ảnh hưởng tới bệnh tình của Tugumi.

- À, bây giờ thì nó xanh và gầy lắm … Nhưng nó là đứa rất thú vị nhỉ!

Tôi không thể nói trơn tru. Nhưng lúc đó, trong tiếng mưa trong suốt đang dần bao kín thị trấn này, tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng chuyện của Tugumi và anh chàng này sẽ tốt đẹp.

Từ khi chuyển lên sống và đi học ở Tokyo vào mùa xuân năm nay, tôi đã thấy rất nhiều đôi (miêu tả gì mà lạ lùng cứ như mình là đứa nhà quê ấy...). Tôi có thể cảm nhận rõ ràng, lí do hai người phải lòng nhau. Bề ngoài, thái độ sống, sở thích về trang phục giống nhau, ngay cả các cặp nhìn qua thì thấy không hòa hợp nhưng nếu ở bên nhau lâu lâu thì sẽ xuất hiện những nét tương đồng. Tuy nhiên, hôm đó, đột nhiên tôi cảm nhận rõ ở Tugumi và Kyoichi một cái gì đó mạnh mẽ khác thường. Đúng rồi, lúc nãy khi Kyoichi gọi tên Tugumi, trong tôi vụt xuất hiện hình ảnh của cậu ta và Tugumi nhập vào nhau, rực sáng. Tôi hiểu rằng, sự quan tâm cao độ mà hai người dành cho nhau đã giao cảm với nhau xuyên qua buổi chiều mưa mệt mỏi này. Tôi rất tự tin vào cảm giác của mình. Có lẽ điều mà tôi cảm nhận được từ hai người này là thứ được gọi là số phận, hay là điềm báo của một tình yêu mạnh mẽ.

Nhìn bảy sắc màu lóng lánh trên lớp nhựa đường đẫm nước đang bốc hơi của con đường xám xịt, tôi vừa đi vừa thực lòng nghĩ như vậy.

- Chờ chút nào, đi thăm người bệnh thì phải mua thứ gì đó chứ? Cô ấy thích gì nhỉ?

Kyoichi đột nhiên thốt ra những lời mà tôi không hề nghĩ tới.

- À, nó nói muốn uống nước táo, ăn dưa tây và sushi.

- Những thứ đó ăn lẫn với nhau hình như không tốt đâu. - Kyoichi nói, nghiêng nghiêng đầu tỏ vẻ nghi hoặc. Cái đó có phải là “gieo gió gặp bão” không nhỉ, tôi nghĩ vậy và cười khúc khích không dứt.

- Tugumi ơi, có khách này!

Vừa hưng phấn tưởng tượng ra ánh mắt kinh ngạc của Tugumi và trò trêu trọc lừa gạt đó, tôi khẽ khàng mở cửa.

Nhưng Tugumi không có ở đó.

Trong căn phòng sáng ánh đèn, chỉ có chiếc chăn đắp dựng lên như khi Tugumi đi ra ngoài. Tôi sững sờ. Dù Tugumi bao giờ cũng là đứa hay làm những chuyện khác thường nhưng nó đang sốt đến gần 39 độ cơ mà.

- Không có… - tôi lẩm bẩm.

- Cậu nói đang ốm lắm cơ mà.

Kyoichi nói bằng một thứ tiếng Nhật không bình thường, lông mày cau lại.

- Chắc chắn là vậy mà. - tôi bối rối - Cậu đợi chút nhé. Tớ thử xem ở dưới nhà.

Tôi chạy ra chỗ cửa ra vào, khom người, tìm xăng đan của Tugumi trong tủ giày. Tìm thấy đôi xăng đan đi biển có đính bông hoa màu trắng mà Tugumi thường đi xếp ngay ngắn lẫn trong những đôi xăng đan của khách trọ, tôi thở phào. Đúng lúc đó, dì Masako từ hành lang đi tới, hỏi: “Sao thế cháu?”

- Tugumi không có ở trong phòng.

- Gì cơ? - dì mở to mắt nói. - Nhưng con bé đang sốt dữ lắm mà. Lúc nãy bác sĩ vừa đến thăm bệnh và tiêm mà… Chẳng lẽ nó đã hạ sốt, khỏe rồi sao?

- Chắc là thế.

- Nhưng dì ở quầy tiếp tân suốt, sau Maria có ai ra ngoài đâu. Chắc chỉ ở trong nhà nghỉ thôi. Dù sao, mình cứ thử đi tìm cái đã. Dì nói vẻ bất an.

- Chuyện gì nhỉ? - Tôi thở dài.

Tôi nhờ Kyoichi đi tìm một vòng xung quanh nhà, còn tôi và dì Masako đi khắp bên trong nhà nghỉ để tìm Tugumi. Chúng tôi nhòm vào mọi nơi, từ căn nhà phụ đến máy bán hàng tự động, thậm chí mở cả phòng Yoko để tìm. Nhưng vẫn không thấy. Không thấy bóng dáng Tugumi. Cứ đi đi lại lại hàng bao nhiêu lần trong ngôi nhà bé xíu này, trong cái hành lang tối tăm với dãy cửa giống hệt nhau đứng sắp hàng, lẫn trong tiếng mưa rơi, tôi có cảm giác lạ lùng như đang lạc vào một mê lộ buồn thảm. Tôi và dì Masako cứ đi vòng quanh dưới ánh đèn nê-ông, lòng thắt lại, bất an. Từ xưa, những lúc như thế này, chúng tôi thường cảm thấy bất an hơn là lo lắng hay tức giận. Vì chúng tôi nhớ ra rằng sinh mệnh rực sáng, lúc nào cũng thể hiện rõ như thế của một Tugumi xấc xược thực ra lại luôn ở một chỗ rất đáng buồn.

Dù chơi đu,

Dù chỉ tắm biển nửa ngày,

Dù chỉ say sưa xem phim đến tận khuya và thiếu ngủ,

Dù chỉ không mặc áo khoác vào những ngày mát trời thôi,

Tugumi cũng ngã bệnh. Yếu đi. Trông Tugumi tồn tại một cách xác thực như thế là do sức mạnh tiềm tàng luôn vùng vẫy chống lại cái thể xác ốm yếu…. Thực sự thì, vào những ngày mưa như thế này, đầu óc mụ mị và những kí ức ngày xưa thực sự trỗi dậy từ bên trong cơ thể. Màu sắc không khí trước đó rất giống với sự đa cảm, như phản chiếu trên ô cửa kính tối âm u, sức nặng của cánh cửa kéo bằng giấy đóng kín phản chiếu trong đôi mắt thơ dại. Những lời mẹ nói: “Tính mạng Tugumi đang nguy kịch, con hãy yên lặng ” rồi Yoko mắt đầy nước với bím tóc dài tết ba. Khi tôi còn nhỏ, chuyện như thế thường xuyên xảy ra.

- Vẫn không thấy… - Chúng tôi dừng lại trước phòng Tugumi, thở dài.

- Đằng này cũng không có ạ. - Kyoichi vừa nói vừa bước lên cầu thang đi tới. Hình như cậu ta đã đi ra ngoài mà không che ô nên tóc ướt nhèm.

- Để cho cháu ướt hết thế này… cô xin lỗi nhé.

Không biết cậu ta là ai nhưng dì Masako vẫn nói lời xin lỗi. Trật tự từ hỗn loạn.

- Có lẽ Tugumi đi đâu xa xa. – Tôi nói, rồi ngẫu nhiên đi tới phía có sân phơi quần áo định ngó ra ngoài, tôi nhìn ra bục phơi qua cái cửa sổ lớn có khung bằng gỗ thông ra bên ngoài.

Thế rồi, tôi phát hiện ra.

- Đây rồi…

Tôi hổn hển báo với dì rồi lạch cạch mở cửa sổ. Chẳng hiểu sao, Tugumi đang chui vào giữa sàn của bục phơi quần áo và nóc nhà tầng hai. Ngẩng đầu nhìn tôi qua khe hở giữa các tấm ván, vẫn cúi người lom khom, Tugumi nói:

- Lộ rồi!

- Cái gì lộ? Mày đang làm gì đấy?

Rất ngạc nhiên, tôi hỏi. Tôi chẳng hiểu tại sao.

- Trời ơi! Sao lại đi chân trần ở chỗ lạnh như thế này. Con mau vào đây đi. Lại sốt bây giờ!

Dì nói, giọng đã bình tâm trở lại. Rồi dì kéo tuột Tugumi đang ướt lướt thướt ra khỏi bục phơi quần áo.

- Mẹ sẽ mang khăn tắm đến, con vào chăn nằm đi. Hiểu chưa?

Sau khi dì chạy xuống cầu thang, tôi nói.

- Tại sao Tugumi lại ở cái chỗ quái quỷ đó?

Quả thật lúc chơi trốn tìm, Tugumi đã rất hớn hở trốn vào chỗ đó. Nhưng bây giờ không phải lúc để chơi trốn tìm. Chẳng cần nói ai cũng hiểu.

- Tại mày đấy. - Tugumi chếnh choáng do sốt, mỉm cười trách móc nói. - Mày hoan hỉ ra mặt khi đưa Kyoichi về nhà hòng làm tao ngạc nhiên nhưng tao đã thấy hết qua cửa sổ nên muốn đập tan âm mưu của mày.

- Mẹ cậu hiền nhỉ! - Kyoichi nói. Anh chàng tinh ý đã xin phép ra về nhưng cả dì, Tugumi và tôi đều một mực níu giữ nên cuối cùng lại ở lại cùng uống trà với chúng tôi.

- Mẹ cậu chẳng quát mắng cậu gì cả!

- Yêu con gái còn sâu hơn biển cả đấy. Tugumi nói.

Đồ nói dối, tôi thầm nghĩ. Sự bình thản ở dì đơn giản đã thành thói quen mỗi khi Tugumi gây ra rắc rối. Rồi cậu sẽ sớm hiểu thôi, tôi nghĩ vậy và lẳng lặng uống trà. Vả lại, ánh mắt Kyoichi nhìn Tugumi tràn đầy sự đồng cảm như thể nhìn một con mèo con vừa thoát chết nên tôi cũng chẳng buồn rót nước mời cậu ta…

Tugumi có vẻ đau đớn đến mức ngay cả tôi dù nói vậy nhưng vẫn hơi lo lắng tình hình sức khỏe của nó. Quầng thâm xuất hiện dưới mắt, hơi thở gấp gáp, môi tái nhợt. Những sợi tóc mỏng, ướt dính bết vào trán, còn mắt và gò má sáng lấp lánh.

- Thôi, cậu nghỉ ngơi nhé. Lúc khác tớ lại đến. Đừng nghịch dại, hãy ngủ ngon và mau khỏi nhé!

Kyoichi đứng lên.

- Đợi đã! - Tugumi nói rồi nắm lấy cánh tay tôi, bàn tay nóng rẫy. - Maria, ngăn cậu ấy lại! - Tugumi hét lên, giọng khàn đặc.

- Tugumi nói thế, cậu đợi nhé! - Tôi ngẩng lên nhìn Kyoichi.

- Gì thế? - Cậu ta quay lại chỗ đầu giường.

- Kể chuyện gì đi! - Tugumi khẩn khoản. - Từ nhỏ mình không thể ngủ được nếu không được nghe một câu chuyện mới.

Lại nói dối, tôi tự nhủ. Thế nhưng, cái cụm từ “câu chuyện mới” nghe thật tuyệt. Thật dễ thương và phảng phất hương thơm.

- Ừ, câu chuyện à. Vậy thì, để cậu có thể ngủ ngon, tớ sẽ kể câu chuyện về chiếc khăn tắm. - Kyoichi nói.

- Khăn tắm? - Tôi hỏi còn Tugumi trố mắt ngạc nhiên.

- Khi còn nhỏ, tớ bị bệnh tim. Do đó, tớ đã chờ cho đến khi đủ thể lực để có thể phẫu thuật. Tất nhiên, sức khở bây giờ là sau khi đã phẫu thuật. Hiện tại, tớ rất mạnh khỏe và ít khi nhớ lại chuyện ngày ấy. Thế nhưng những khi gặp chuyện khó khăn, khổ cực, tớ lại nhớ đến chiếc khăn tắm… Ngày xưa, tớ là một đứa trẻ suốt ngày nằm liệt giường. Mặc dù không thể khẳng định sau khi phẫu thuật sẽ khỏe mạnh nhưng tớ đã rất mong chờ cuộc phẫu thuật đó. Chờ đợi một điều gì đó không có kết quả, dù tốt hay xấu cũng đều làm ta sầu muộn, bất an. Khổ sở lắm!

Dường như tiếng mưa rơi biến mất. Chúng tôi chăm chú lắng nghe câu chuyện đầy ngạc nhiên của cậu ta. Kyoichi kể bình thản nhưng rõ ràng, giọng của cậu vang lên trong căn phòng tĩnh lặng.

- Những lúc đau ốm, tớ luôn nằm và cố gắng không suy nghĩ gì hết. Khi nhắm mắt lại, tớ luôn nghĩ đến những chuyện không cần thiết, vả lại, tớ sợ bóng đêm nên cứ mở mắt suốt. Và chờ đợi sự đau đớn qua đi. Chắc hẳn đó là tâm trạng khi gặp gấu phải giả vờ chết. Tình trạng đó thực sự rất khó chịu. Vỏ gối của tớ rất đặc biệt, nó được làm từ một chiếc khăn tắm loại tốt của nước ngoài mà bà ngoại cho mẹ khi mẹ đi lấy chồng. Mẹ luôn dùng nó cẩn thận, khi mép của chiếc khăn bị sờn rách, mẹ khâu nó thành chiếc vỏ gối cho tớ. Đó là một chiếc khăn có họa tiết đẹp, trên nền xanh đậm in hàng dãy những lá cờ của nước ngoài với nhiều màu sắc khác nhau. Tớ nằm, chăm chăm nhìn những mảng màu nổi bật rõ ràng. Bao giờ tớ cũng làm như thế… Lúc đó tớ không nghĩ gì cả, nhưng sau này, những lúc đau đớn trước và sau cuộc phẫu thuật, hay những khi vấp phải mọi chuyện khó chịu, trong đầu tớ lại hiện lên những họa tiết của chiếc khăn tắm. Dù đã từ lâu không còn trên thế gian này nhưng nó hiện lên rõ mồn một đến nỗi không thể không nghĩ rằng nó đang ở ngay trước mặt mình, đến mức dường như có thể nắm ngay lấy nó. Thật lạ lùng, cái cảm giác đó rất thực. Tớ nghĩ rằng phải chăng nó là một thứ tín ngưỡng. Cũng thú vị đấy chứ? Hết rồi! Thế có được không?

- Mình hiểu… - Tôi nói. Sự điềm tĩnh của cậu ta, cách cư xử từng trải, chững chạc, đúng mực và ánh mắt đó đã có từ sau khi trải qua thời niên thiếu như thế. Dù cách biểu hiện ra ngoài hoàn toàn trái ngược nhau nhưng cậu ta cũng giống Tugumi ở chỗ cả hai đã bước đi trên một con đường đơn độc. Dù nói rằng đó là sự sắp đặt của tự nhiên nhưng việc trái tim Tugumi trú ngụ trong cái thể xác suy kiệt lại là chuyện thật đáng buồn. Ở nơi Tugumi, có một linh hồn sâu thẳm hơn bất kì ai và mạnh mẽ như thể bốc cháy đến tận vũ trụ, thế nhưng, thể xác lại đang hạn chế nó đến cực độ. Có lẽ cái năng lượng vô ích đó đã cảm nhận được điều ẩn chứa trong ánh mắt của Kyoichi qua một thoáng nhìn.

- Có phải khi nhìn cờ, cậu đã tưởng tượng đến những đất nước xa xôi? Và cả nơi nào sẽ đi nếu cậu chết? - Tugumi nhìn Kyoichi, nói những điều đáng kinh ngạc.

- Ừ, bao giờ tớ cũng nghĩ thế. - Kyoichi nói.

- Và giờ đây cậu đã trở thành người có thể đi tới bất kì đâu. Thích thật đấy! - Tugumi nói.

- Ừ, cậu cũng có thể mà… Mà không, có thể đi đến bất cứ đâu chưa hẳn đã là điều hay. Chỗ này cũng tốt đấy chứ. Có thể đi bộ với đôi xăng đan đi biển và bộ quần áo bơi, có cả núi cả biển. Tâm hồn cậu khỏe mạnh và cậu lại nghị lực nên dù có ở đây suốt, cậu cũng có thể nhìn thấy nhiều thứ hơn cả kẻ đi vòng quanh thế giới. Tớ nghĩ thế đấy! - Kyoichi yên lặng nói.

- Thích thật! - Tugumi cười. Mắt lấp lánh, gò má nóng đỏ, nhoẻn cười khoe hàm răng trắng. Màu đỏ của đôi gò má căng bóng dường như phản chiếu nhàn nhạt trên chiếc chăn màu trắng. Hôm nay tôi trở nên rất đa cảm. Tôi bất giác cúi xuống, chớp chớp mắt. Lúc đó, Tugumi đã nhìn thẳng vào Kyoichi và nói.

Em yêu anh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 26-7-2012 10:32:09 | Xem tất

Chương 7

Bơi với bố


Tình yêu bên bờ biển giữa Kyoichi và Tugumi đã thu hút sự chú ý của mọi người. Đúng thế, hai người nổi bật một cách kì lạ. Cho dù từ xưa mọi người đã quen thấy cảnh cặp kè giữa “Tugumi và con trai” và chắc chắn không có cảm giác khác biệt gì, nhưng không hiểu sao việc hai người dạo chơi trong cái thị trấn nhỏ bé này trông lóe sáng ngắn ngủi như đôi tình nhân thơ thẩn nơi xứ lạ. Lúc nào cũng dắt theo hai con chó, ở đâu đó trên bãi biển. Cái nhìn đăm đắm của hai người về một nơi xa xăm dường như khơi gợi trong lòng những ai nhìn thấy cảnh tượng đó về một điều gì rất đỗi thân thuộc như thể đã từng thấy trong mơ.

Trong nhà, Tugumi vẫn giận cá chém thớt với mọi người như trước, đá vung thức ăn của Pôchi không chút áy náy và phơi bụng ngủ khò khò ngay đó, nhưng những khi đi chơi với Kyoichi, Tugumi lại rạng ngời hạnh phúc, thậm chí không hiểu sao trông như đang sống gấp gáp. Nó khiến ta có cảm giác bất an, một thứ bất an mơ hồ nhói đau trong ngực như ánh sáng chiếu qua tầng mây.

Cách sống của Tugumi bao giờ cũng đáng sợ như thế.

Như tình cảm lôi kéo xác thịt, như kết thúc cuộc sống trong một sát-na, thật chói lọi.

- Maria!

Từ cửa sổ xe buýt , bố vẫy tay gọi to đến mức tôi xấu hổ, kinh ngạc không nói được gì. Tôi đứng dậy, đi đến chỗ xuống xe. Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc xe buýt to lớn vừa phả ra hơi nóng vừa phát ra tiếng ồn ĩ đang chậm rãi từ đường cái vòng vào. Trong ánh nắng, nó trông thật nặng nề. Cửa xe mở ra, lẫn trong đám khách du lịch nhiều màu sắc đang nối thành hàng, bố xuống xe.

Mẹ không đến. Mẹ nói qua điện thoại nếu đi biển vào mùa hè, mẹ sẽ cảm thấy nhớ nhung, buồn và khóc mất. Có lẽ mẹ định sẽ lẳng lặng đến khi chuyển nhà lúc sang thu để dõi theo nhà nghỉ Yamamoto lần cuối. Bố nén bực bội, quyết định sẽ dến dù chỉ có một mình. Ông mơ tới “một kì nghỉ với cô con gái lớn” và đến đây để nghỉ một đêm. Việc mọi thứ thay đổi có chút gì đó kì lạ. Mới chỉ gần đây thôi bố vẫn còn từ Tokyo đến thăm mẹ và tôi vào mỗi cuối tuần. Đúng thế, từ khi còn nhỏ, vào mùa hè, tôi đội mũ, đi xăng đan cảm thấy rất vui vẻ khi ngồi trên cầu thang bê tông nóng rát bồn chồn đợi chiếc xe buýt chở bố đến. Bố say sóng nên lúc nào cũng đến bằng xe buýt. Đó là sự chờ đợi yên lặng cảnh tái ngộ ngắn ngủi của hai bố con sống xa nhau. Thường thì mẹ không thể bỏ dở công việc nên chỉ có tôi đi đón bố vào giữa trưa. Rồi tôi tìm kiếm gương mặt bố qua các ô cửa sổ của những chiếc xe buýt khổng lồ đang lần lượt đi đến.

Vào mùa thu hay mùa đông cũng vẫn như vậy nhưng mỗi khi hồi tưởng lại tôi đều cảm thấy lúc nào cũng là mùa hè. Trong ánh nắng chói chang, bố bao giờ cũng cười tươi như không thể nén được, bước xuống xe.

Trời rất nóng nên bố đeo kính râm, ăn mặc trẻ trung, còn tôi khi vừa nhìn thấy bố như thế đã kinh ngạc, từ kí ức trẻ thơ đã vụt quay lại tuổi 19, đứng dậy, tất cả giống như những chuyện đang mơ hoa cả mắt. Đó là cảm giác không thể diễn tả bằng lời.

Aaa, gió biển! - Mái tóc của bố bay lòa xòa trên vầng trán cao, bố nói như thở dài.

- Chào mừng bố đã đến. - Tôi nói.

- Con đã hoàn toàn trở lại là đứa trẻ địa phương rồi, đen hơn.

- Mẹ đâu ạ?

- Mẹ bảo là ngại, đang thư giãn ở nhà. Mẹ gửi lời hỏi thăm con đấy.

- Vâng, con cũng nghĩ thế. Dì Masako cũng nói vậy. Con cảm thấy đã lâu lắm rồi mới đi đón bố.

- Đúng thế nhỉ. - Bố nói khẽ.

- Làm gì bây giờ nhỉ, trước tiên đi cất hành lí đã, rồi chào dì, sau đó mình làm gì, hay là đi đâu đó bằng ôtô?

- Không, đi bơi. - Bố nói. Giọng háo hức rõ ràng như thể đã chờ đợi từ lâu.

- Dù sao bố đến đây để đi bơi mà.

Ngày trước, bố không bơi.

Bố từ chối ngay cả việc để “biển” len vào trong những khoảng thời gian hạnh phúc của gia đình chúng tôi. Dường như bố sợ sự yên bình nhỏ nhoi của gia đình chúng tôi sẽ tan biến trong đám đông náo nhiệt, uể oải, chói chang nắng nơi bãi biển lúc giữa hè. Dù chỉ là người tình nhưng mẹ tôi hoàn toàn không sự bị để ý, hàng chiều khi công việc nấu nướng đã xong, mẹ sửa sang lại đầu tóc, thay quần áo sung sướng dẫn tôi ra ngoài đi dạo cùng với bố. Những lúc ba người đi dạo trên bờ biển trong ánh chiều nhập nhoạng là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của gia đình chúng tôi. Những bóng chuồn chuồn bay lượn trên bầu trời xanh thẫm, tôi ăn chiếc kem mát lạnh được bố mẹ mua cho. Thường thì trời lặng gió, mùi biển với khí nóng ngột ngạt vẫn còn bao trùm trên bãi biển. Kem không hiểu sao lúc nào cũng có vị trống rỗng. Khuôn mặt của mẹ trắng mơ hồ, hiện lên rất đẹp với đường nét dịu dàng dưới ánh sáng của những áng mây tàn phía Tây xa xa. Còn bố sánh bước bên mẹ, ung dung tự tại đến mức không thể nghĩ là ông vừa từ Tokyo đến.

Gió tạo trên cát những hoa văn như sóng, trên bãi biển vắng bóng người, chỉ có tiếng sóng vang vọng ầm ào.

Việc ai đó cứ đến rồi đi quá thường xuyên thật là buồn. Tôi có cảm giác mơ hồ rằng sự vắng mặt của bố không hiểu sao gợi nên một nỗi buồn như đang ngợi ca hình bóng của cái chết.

Sáng thứ hai, khi tôi mở mắt, người bố ở đây lúc cuối tuần đã biến mất không để lại một dấu tích gì. Những lúc đó, khi vẫn còn là trẻ con, tôi sợ không dám ra khỏi chăn. Tôi hỏi mẹ và cố trì hoãn sự thực là bố đã ra đi. Khi tôi sắp chìm lại vào giấc ngủ khó chịu với nỗi buồn nhè nhẹ, thì mẹ kéo chăn ra và cười: “Lại muộn tập thể dục rồi đấy, dậy đi!”

Khuôn mặt cười rạng rỡ đó gọi tôi quay trở lại cuộc sống thường nhật như mọi khi không có bố, tôi thở phào.

- Bố đâu rồi ạ? - Bằng giọng ngái ngủ tôi hỏi mẹ. Mẹ cười thoáng chút buồn rầu rồi nói.

- Bố về Tokyo bằng chuyến xe buýt sớm nhất rồi.

Tôi ngắm buổi sớm bên ngoài cửa sổ bằng đôi mắt ngái ngủ, rồi thoáng nghĩ tới bố. Nhớ lúc đi đón bố, nhớ khuôn mặt tươi cười hồn nhiên, bàn tay to lớn của bố nắm chặt tay tôi không rời khi tôi than thở nóng bức, nhớ cảnh ba người cùng đi bộ lúc hoàng hôn.

Bao giờ cũng thế, đúng lúc đó Yoko đến gọi rồi chúng tôi cùng nhau ra công viên tập thể dục theo đài trong buổi sáng vẫn còn mát mẻ.

Khi tôi chăm chú dõi theo bố đang biến mất dần trong những con sóng phía xa, đột nhiên cái cảm giác lúc sáng sớm như thế hiện lên một cách sống động.

Đến bãi biển, ngay sau khi thay quần áo xong, bố không thể chờ được, hét to: “Maria, bố đi trước đây,” rồi chạy xuống biển. Nhìn thấy hình dáng cánh tay của bố từ khuỷu tay xuống phía dưới rất giống mình, đột nhiên tôi sững sờ. Vừa thoa kem chống nắng tôi vừa nghĩ quả nhiên cái người không thể lẫn vào đâu kia là bố tôi thật.

Mặt trời lên cao chói chang, làm trắng xóa tất cả mọi thứ trên bờ biển. Lao xuống mặt biển không hề gợn sóng như mặt hồ, bố hét lên “lạnh quá, lạnh quá” như đứa trẻ rồi dần dần biến mất. Bố bơi ra ngoài xa như thể đang bị kéo vào lòng biển. Một màu xanh quá đỗi bao la không giới hạn đến nỗi một người sẽ ngay lập tức bị nuốt vào trong khung cảnh đó. Tôi cũng đứng dậy nhảy xuống biển đuổi theo bố. Tôi yêu khoảnh khắc khi mới nhảy xuống biển, làn nước mát lạnh mơn man da thịt. Khi ngước mắt lên, tôi bị mê hoặc bởi màu xanh của những dãy núi bao quanh biển cùng nền trời xanh. Có thể nhìn thấy rõ màu xanh lá cây rất đậm của bờ biển.

Bố đã bơi khá xa ở phía trước. Tuy vẫn còn trẻ nhưng bố đã ở độ tuổi quá đủ để có gia đình riêng. Mặc dù ở ngay gần, chỉ cách vài mét ở phía trước nhưng cái đầu của bố khi bơi trông rất nhỏ, cứ lúc ẩn lúc hiện giữa những con sóng xanh và những con sóng lấp lánh mặt trời ở phía xa đã khiến tôi nghĩ như vậy. Một nỗi lo lắng vô cớ tràn ngập trong lòng tôi. Có lẽ là vì nước lạnh, cũng có lẽ là do bơi ở nơi nước sâu không chạm chân tới. Hoặc giả, phải chăng những đám mây cứ thay đổi hình dạng sau mỗi lần chớp mắt và ánh mặt trời đã làm cho những suy nghĩ đó len lỏi vào trong tâm trí tôi .Cứ thế tôi lạc mất bố, lẫn vào trong những con sóng không quay trở lại và biến mất… mà không, không phải vậy. Không phải vấn đề vật lý như thế mà là vì tôi vẫn thực sự không hiểu rõ cuộc sống hiện tại ở Tokyo. Trong lòng biển như thế này, trong làn nước với lá cờ đỏ ở phía xa căng lên trong gió, gia đình ở Tokyo chỉ như một giấc mơ. Cho dù bố vừa vuốt nước vừa bơi ở trước mắt nhưng đó cũng chỉ là một phần của ước mơ xa xôi. Ở sâu trong lòng tôi, mọi thứ chưa được xếp dọn tươm tất và phải chăng tôi vẫn là cô bé một mình đợi bố vào cuối tuần. Hồi trước, mỗi lần bố đến đây với gương mặt mệt mỏi vì công việc bận rộn, mẹ không khó chịu cũng không tỏ vẻ lo lắng, chỉ khẽ mỉm cười nói.

- Nếu bây giờ dù anh đổ bệnh ra đấy, mẹ con em cũng không có tư cách nào để chạy lên Tokyo chăm sóc, và đương nhiên cũng chẳng thể xuất hiện ở đám ma được đâu. Em không vui vẻ gì những chuyện như thế nên xin anh hãy chú ý đến sức khỏe giúp em.

Trong tâm hồn trẻ thơ, tôi thầm nghĩ thật thế sao. Trong những ngày đó, tôi thấy bố dường như sẽ đi đến một nơi xa và không quay trở lại.

Trong khi tôi nghĩ lại những chuyện như thế, bố nheo mắt như thể bị chói bởi ánh mặt trời, quay mặt lại và ngừng bơi. Rẽ qua những con sóng, tôi dần dần đuổi kịp bố. Bố bơi lại gần tôi, cười nói: “Bố đã đợi con đấy”.

Ánh sáng lấp lánh muôn ngàn mảnh bao quanh đến nghẹt thở. Vừa bơi song song cùng bố đến chỗ chiếc phao nổi lềnh bềnh, tôi đã nghĩ: Ngày mai chắc chắn bố sẽ ôm không xuể một đống đồ khô và sò hình khăn xếp lên Shinkansen. Còn mẹ sẽ đứng trong bếp ngoái đầu lại, hỏi thăm tình hình của tôi và mọi người. Cảnh tượng này hiện lên lờ mờ như ảo giác khiến tôi trở thành một đứa con gái hạnh phúc đến quay cuồng. Đúng vậy, cho dù mất đi vùng quê ven biển này thì tôi cũng đã có một ngôi nhà vững trãi, một nơi để trở về.

Sau khi lên bờ, lúc đang nằm lăn trên bãi biển, tôi cảm thấy một bàn chân trần giẫm mạnh vào lòng bàn tay mình. Mở mắt ra, Tugumi đang cúi nhìn tôi. Ngược sáng nên đôi mắt to sáng rực và làn da trắng của Tugumi thật chói lòa.

- Sao tự nhiên lại giẫm vào tao? - Tôi hỏi và chẳng còn cách nào khác đành ngồi dậy.

- Chỉ cần tao không để nguyên xăng đan giẫm thì mày cũng phải cảm ơn tao rồi.

Cuối cùng thì Tugumi cũng rút bàn chân còn âm ấm ra khỏi tay tôi, xỏ vào xăng đan. Bên cạnh, bố ậm ừ ngồi dậy.

- A, Tugumi.

- Chào bác ạ, đã lâu không gặp.

Tugumi cúi gập người bên cạnh tôi, nhìn bố và cười. Vì đã lâu không đi học cùng nhau nên nụ cười của nó trên gương mặt lịch thiệp như thế trông thân thuộc lạ lùng và tôi nhớ lại hình dáng của nó trong bộ đồng phục nữ sinh. Giả nai ở trường là sở thích của Tugumi. Tôi thoáng nghĩ nếu Kyoichi học cùng trường với Tugumi trong khoảng thời gian ngắn thì có lẽ cậu ấy đã phát hiện ra nó. Ừ, chắc chắn là vậy. Giống như Tugumi, ở cậu ấy cũng có thứ cảm giác không cân bằng như thể chỉ nghiền ngẫm cuộc sống trong một cái gì đó duy nhất. Những người như thế dù có bịt mắt cũng nhìn thấy nhau.

- Tugumi này, đi đâu đấy? - Tôi hỏi. Gió thổi mạnh, cát cứ chạy tuột qua lòng bàn chân.

- Hẹn hò, được chưa? - Với nụ cười lấp lánh trên khuôn mặt, Tugumi đáp. - Khác với đứa nằm lăn lóc ở biển với bố đấy.

Tôi im lặng như mọi khi nhưng bố có vẻ không hiểu Tugumi nên hơi bối rối, nói.

- Không đâu, chỉ là nếu cháu sống xa cách như thế thì cháu sẽ thấy con gái lớn như là người yêu vậy. Nếu Tugumi rảnh rỗi thì ngồi đây ngắm biển đi.

- Chẳng có gì thay đổi cả, vẫn là một ông chuyên nói những chuyện đùa thô thiển. Được rồi, ngồi đây một chút vậy. Chỉ vì ra đây hơi sớm.

Nói xong, Tugumi ngồi phịch xuống tấm nilong, nheo mắt nhìn biển. Phía trước Tugumi, riềm của những chiếc ô nổi bật trên nền trời xanh đang phát ra những tiếng lật phật trong gió và căng phồng dữ dội. Cảnh rất đẹp nên tôi cứ nằm yên không hề rời mắt. Như bay về nơi xa, đến tận cùng tâm trí.

- Mà này, Tugumi đang yêu đấy à?

Bố hỏi. Ông là người hiền lành. Trước đây, sự hiền lành đã khiến ông phải đương đầu với nhiều khó khăn trong cuộc đời, nhưng khi yên bình trở lại, ông lại điềm tĩnh, rạng ngời như những ngọn núi kia tiếp nhận ánh sáng mặt trời và tỏa sáng. Nếu nhìn nhận như thế thì việc thể hiện sức mạnh đó ở những nơi mà mọi thứ đã được sắp đặt ổn định lại là một điều gì đó thần thánh và tốt đẹp.

- Ồ , cháu nghĩ là đang. - Tugumi nói rồi nằm lăn ra cạnh tôi, thản nhiên gối đầu đánh uỵch lên đống đồ của tôi.

- Cứ phơi nắng là mày lại sốt đấy. - tôi nói.

- Với cô gái đang yêu thì vô tư. – Tugumi cười. Tôi im lặng chụp chiếc mũ của mình lên mặt Tugumi.

- Rồi, rồi, tôi có thể sống vô sự đến tuổi này, có làn da trắng như thế này, có thể ăn uống ngon miệng, tất cả là nhờ sự quan tâm của Maria đấy. - Tugumi nói và đội mũ.

- Tugumi cũng đã khỏe nhiều rồi đấy nhỉ. - bố nói.

- Nhờ trời ạ. - Tugumi đáp.

Ba người nằm cạnh nhau ngắm bầu trời, có cái gì đó thật lạ lùng. Thỉnh thoảng ở phía xa có những đám mấy mỏng trong suốt lững lờ trôi qua.

- Tình yêu lớn đến mức ấy cơ à?

- Không, cháu thì thua bác rồi. Dù gì thì bác cũng là người chồng đi làm xa rồi. Nếu nghĩ sẽ làm gì nữa thì phải là hoàn tất mối tình đó.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 26-7-2012 10:33:55 | Xem tất

Chương 7 (tiếp theo)


Hai người này hợp tính nhau quả là tốt. Là tuýt người rất đàn ông, khắt khe, bố của Tugumi thường tức điên lên với những lời nói chẳng suy nghĩ của nó, đã nhiều lần tôi nhìn thấy cảnh ông cứ im lặng suốt rồi đột ngột đứng dậy rời bàn ăn trong bữa tối. Tất nhiên Tugumi vẫn sống mà chẳng nghĩ ngợi gì những chuyện đó, nhưng bố tôi không chỉ thiếu quyết đoán mà còn biết phân biệt tốt xấu. Vì vậy, bố hiểu Tugumi không có ác ý gì. Sự trao đổi giữa hai người rất dễ thương, có cái gì đó rất đáng yêu, tôi vừa nghĩ vừa lắng nghe.

- Một phần là do tính cách không thể bỏ dở giữa chừng một việc gì đấy nhưng tất nhiên, phần nhiều cũng tùy thuộc vào tính khí của đối phương nữa nhỉ. - bố nói

- Bác gái cũng có vẻ kiên trì đấy chứ, dù nói thế nào cũng là người xinh đẹp. Cháu đã từng nghĩ chắc bác ấy sẽ sống ở đây suốt đời còn bác sẽ mãi là một người chồng đi làm xa. Đấy chẳng phải là cách giải quyết tốt nhất khi có người tình hay sao?

- Nếu có thể nhìn thấy kết cục thì có lẽ cũng đã có chuyện như thế. - Bố nói nghiêm túc. Trông như đang nói chuyện với nữ thần của vận mệnh chứ không phải với một cô bé.

- Tình yêu là cái mà khi ta nhận ra ta đã trót làm rồi., dù là ở tuổi nào cũng thế. Nhưng nó được phân chia rõ ràng thành loại có thể nhìn thấy và loại không nhìn thấy được kết cục, điều đó thì bản thân mình chắc chắn là hiểu rõ nhất. Trường hợp không nhìn thấy được là dấu hiệu của một tình yêu lớn đấy nhé. Khi bác quen bác gái bây giờ, đột nhiên ta có cảm giác tương lai là vô hạn. Vì thế có lẽ không hề gì dù cả hai sống cách xa hay ở bên nhau.

- Nếu thế thì con sẽ thế nào? - Tôi thử hỏi dù ngốc nghếch.

- Con cũng có, bây giờ hạnh phúc đấy chứ nhỉ. - Bố vươn người như chàng thiếu niên, ngắm nhìn một lượt biển cả, núi và trời.

- Dù sao, không có chuyện để nói là tuyệt vời nhất!

- Cháu thích sự bỗ bã mà bác nói thẳng tưng như thế, bác là một người hiếm có mà cháu phải phục đấy. - Tugumi nói nghiêm chỉnh. Bố cười có vẻ sung sướng rồi nói.

- Tugumi cho đến bây giờ chắc cũng có nhiều người để ý rồi nhỉ. Lần này yêu có khác trước không?

Tugumi hơi nghiêng đầu, nửa như lẩm bẩm, nửa như thì thào.

- Ừ…có lẽ dường như giống với cái đã có mà cũng có thể nói là chưa từng có bao giờ. Mà, cho đến bây giờ nhé, dù cho bất kì điều gì xảy ra, dù đối phương có nức nở khóc trước mặt cháu, dù cái đứa thích cháu đến điên cuồng bảo hãy cho nó nắm lấy tay hay sờ vào tay, thì cháu luôn có cảm giác, thế nào nhỉ…, à, ở bên rìa. Như đang đứng bên bờ sông tối tăm nhìn sang đám cháy ở bờ bên kia. Xem đến khi nào thì tắt lửa, chán đến buồn ngủ. Vì những việc như thế rồi sẽ đâu vào đấy cả thôi. Cháu đã nghĩ không biết mình đang tìm kiếm điều gì ở tình yêu vào cái tuổi này.

- Ừ, đúng thế đấy. Con người nếu không nhận được phần đã cho thì chắc chắn một lúc nào đó sẽ ra đi. - bố nói.

- Nhưng mà lần này, cháu có cảm giác mình đang nhập cuộc. Có lẽ là bởi tại con chó, cũng có lẽ vì cháu sắp chuyển nhà. Nhưng với Kyoichi thì khác. Dù gặp bao nhiêu lần cũng không thấy chán, thích đến mức cứ nhìn thấy mặt là cháu muốn thoa miết lên mặt Kyoichi lớp kem mềm hay một thứ gì đó mà lúc đó cháu đang cầm trên tay.

- Một ví dụ phiền toái rồi đây. - Tôi nói hơi chút rưng rưng xúc động. Cát nóng chạm lạo xạo vào gan bàn chân mềm mại. Đó là cảm xúc muốn lặp lại mãi lời cầu xin với tiếng sóng để mong toàn chuyện tốt lành đến với Tugumi.

- Thế à, thế à! - bố nói. - Này, lúc nào cho bác gặp anh chàng đó nhé!

- Vâng! - Tugumi gật đầu.

Ngày hôm sau tôi tiễn bố lên xe buýt tốc hành về Tokyo.

Khuôn mặt rám nắng, bố gật đầu khi tôi nói: “Cho con gửi lời hỏi thăm mẹ”. Quả nhiên bố mang nhiều đồ hải sản đến mức hai tay không thể ôm hết, mà ai có thể ăn hết từng ấy thứ cơ chứ. Có lẽ mẹ sẽ khổ công đi phân phát cho từng nhà hàng xóm. Bây giờ, quang cảnh đó đã bám rễ chắc chắn, rõ ràng trong lòng tôi. Những dãy phố ở Tokyo, bữa cơm tối yên ả lạ lùng và cả tiếng chân đi làm về của bố.

Bến xe buýt tràn ngập nắng chiều, ánh sáng màu cam phản xạ chói lòa. Chiếc xe buýt giống như khi đến chậm rãi lăn bánh vào, để bố lên xe rồi lại chậm rãi lăn bánh ra ngoài đường. Bố cứ vẫy tay mãi.

Một mình trở về nhà Yamamoto, tôi bước đi trong bóng chiều nhập nhoạng, lòng buồn man mác. Tôi muốn lưu lại sự mệt mỏi có thực khi đi lại trên con đường quê hương mà tôi biết sẽ không còn vào cuối mùa hè. Tôi không muốn quên đi một điều gì trong cái thế giới đầy rẫy các kiểu chia ly, giống như bầu trời chiều thay đổi dáng vẻ qua từng giây phút.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách