Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết - Xuất Bản] Chuyện Tình (Love Story) | Erich Segal

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2012 04:15:30 | Chỉ xem của tác giả
Chương 16


THAY ĐỔI ĐỊA CHỈ

Kể từ ngày 1 tháng bảy năm 1967

Ông bà Oliver Barrett IV

Chuyển đến địa chỉ mới:

263 đường 63 khu Đông, New York

Điện thoại: NỴ 10021.

- Nghe có vẻ quá là những kẻ mới hỏi – Jenny phản kháng

- Thì chúng mình đúng là những kẻ mới hỏi chứ còn gì? – Tôi đáp

Cộng thêm vào tâm trạng lâng lâng vui sướng của tôi là phụ cấp xe hơi hàng tháng của tôi nay gần bằng tiền thuê nhà hồi ở Cambridge! Mà trụ sở hãng “Janas và Marsh” chỉ cách chỗ chúng tôi ở có mười phút đi bộ (hoặc đi khệnh khạng – tôi thích lối đi này hơn), và các cửa hàng sang trọng như cửa hàng Bonwit's, vân vân, cũng cách xa có chừng ấy nên tôi yêu cầu bà vợ ngốc nghếch của tôi mở ngay tài khoản tại các cửa hàng đó và bắt đầu tiêu pha.

- Để làm gì, Oliver?

- Vì anh muốn để người ta bóc lột mình, Jenny ạ.

Tôi gia nhập câu lạc bộ Harvard ở New York, nhờ có Raymon Stratteton, khóa 1964 giới thiệu. Anh này vừa xuất ngũ xong. Ray và tôi mỗi tuần chơi Squat với nhau ít nhất ba buổi, và tôi định thầm trong bụng là ba năm nữa sẽ phải trở thành vô địch câu lạc bộ.

Không biết có phải vì tôi đã lại xuất hiện trên đất đai Harvard hay không, hay là vì tin về những thành công của tôi ở trường Luật đã lan rộng (tôi xin thề không phải đi đâu cũng khoe đồng lương của mình) nhưng dù sao, sự thể là các “bạn bè” của tôi lại tìm được tôi. Chúng tôi dọn nhà đúng giữa hè (tôi lại phải theo một lớp cấp tốc để thi lấy bằng được cãi tại New York) nên những lời mời đầu tiên là mời vào những ngày nghỉ cuối tuần.

- Kệ họ, Oliver ạ. Em không muốn phí mất hai ngày nói chuyện dở hơi với một lũ Dự bị vô vị.

- Tùy em, nhưng anh biết trả lời họ thế nào?

- Bảo họ là em có mang.

- Có thật à? – Tôi hỏi.

- Chưa nhưng nếu chúng mình ở nhà trong ngày nghỉ cuối tuần này thì em có thể có thật đấy.

***


Chúng tôi đã chọn được một cái tên rồi. Hay nói cho đúng hơn là tôi đã chọn và nghĩ là đã thuyết phục được Jenny đồng ý. Tôi bảo nàng, khi lần đầu tiên đề cập đến vấn đề này:

- Em này… đừng cười anh nhé.

Lúc ấy nàng đang ở trong bếp (một cái bếp hiện đại, mọi thiết bị và đồ dùng bếp tuyền màu vàng với những sắc độ khác nhau, có cả máy rửa bát).

- Chuyện gì đấy anh? – Nàng hỏi, tay vẫn không ngừng thái cà chua ra thành khoanh.

- Anh thực sự thích cái tên Bozo này lắm.

- Anh nói thật đấy à?

- Ừ, thành thật mà nói, anh thích cái tên đó.

- Anh sẽ đặt tên cho con trai chúng mình là Bozo à? – Nàng hỏi lại.

- Ừ, Bozo đó là tên của một nhà siêu vô địch đấy.

- Bozo Barrett, - nàng thử phát âm và lắng tai nghe.

- Rồi em sẽ thấy, nó sẽ khét tiếng cho mà xem, - tôi nói tiếp, càng nói càng tin ở lời mình hơn. – Bozo Barrett, trung phong vĩ đại đội hockey trường Harvard, quán quân đội All Ivy.

- Nhưng, Oliver… giả sử, thử giả sử thật… nhỡ thằng bé lẻo khẻo lèo khèo thì sao?

- Không thể thế được, với những gien di truyền mà nó được thừa hưởng. Anh cam đoan với em.

Tôi thực sự nghĩ như vậy. Và ý nghĩ Bozo bây giờ choáng hết tâm trí tôi trong suốt chặng đường đi về hàng ngày giữa nhà và sở.

Tôi lại bàn tiếp vào bữa tối. Chúng tôi đã mua được bát đĩa sứ Đan Mạch rất đẹp. Tôi bảo Jenny:

- Thằng Bozo sẽ rất to khỏe. Nếu nó có bàn tay như em, ta vẫn có thể cho nó làm hậu vệ.

Nàng chỉ cười giễu tôi trong bụng, chắc đang tìm câu gì đó để phá tan ảo tưởng nên thơ của tôi. Nhưng không nghĩ ra được điều gì thật ác độc nên nàng chỉ cắt bánh ngọt, đưa cho tôi một miếng. Tôi nói tiếp, mồm đầy bánh:

- Jenny, em thử tưởng tượng xem 110 ki lô với một sức bật dẻo dai.

- 110 kilô ư? Gien di truyền chúng mình làm gì có đến 110 kilô?

- Chúng mình sẽ cho nó ăn, uống ra trò. Cho nó các chất dinh dưỡng đặc biệt, các sinh tố, đủ hết – một chế độ ăn thúc cao độ.

- Thế à, nhỡ nó không chịu ăn thì sao?

- Nó phải ăn chứ, mẹ kiếp, - tôi nói, cảm thấy bắt đầu nóng mắt đối với thằng nhó chẳng bao lâu nữa sẽ ngồi vào bàn ăn cùng chúng tôi mà lại không chịu hợp tác thực hiện các kế hoạch mà tôi vạch ra vì những thắng lợi thể thao của nó. Nó phải ăn, không thì anh đập vỡ mõm nó ra.

Lần này Jenny nhìn thẳng vào đôi mắt tôi và mỉm cười.

- Anh không đánh được nó đâu nếu nó nặng 110 kilô.

- Đúng thế, đúng thế – Jenny dứ dứ chiếc thìa cảnh cáo tôi, - nhưng khi nó nặng từng ấy kilô, em khuyên anh nên co chân lên cổ mà chạy.

Nói rồi nàng cười như nắc nẻ.

Kể cũng khôi hài, nhưng trong khi nàng cười tôi tưởng tượng ra một thằng bé nặng 110 kilô, người hãy còn quấn tã, đang rượt đuổi tôi tại Công viên trung ương, miệng la hét: “Này anh kia, liệu mà cư xử với mẹ tôi”. Mong sao Jenny can ngăn nó đừng nghiền nát tôi ra như cám.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2012 04:16:48 | Chỉ xem của tác giả
Chương 17


Sinh được đứa con không phải là dễ.

Thực vậy, kể cũng khá kỳ quặc khi nghĩ rằng có những cặp vợ chồng trong những năm đầu chung sống thì tìm cách không có con, nhưng sau lại thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ, đầu óc lúc nào cũng lo sao cho có thai chứ không phải lả tránh thụ thai nữa.

Điều đó cuối cùng có thể trở thành một chuyện ám ảnh người ta. Nó có thể làm cho cái khía cạnh tuyệt diệu nhất trong sinh hoạt của một cặp vợ chồng hạnh phúc mất đi mọi vẻ tự nhiên và tự phát. Phải tính ngày (cái động từ ghê tởm làm người ta liên tưởng đến một cái máy tính)… phải tính ngày cho việc yêu đương sao cho nó phù hợp với các quy luật, với lịch, với một chiến lược đã vạch ra (Anh tính xem sáng mai có phải là tốt hơn không, Oliver?) nó có thể làm cho người ta khó chịu, kinh tởm và cuối cùng là hoảng hốt.

Đến khi thấy rằng những hiểu biết thông thường của mình cũng như cố gắng lành mạnh bình thường (giả định như vậy) của mình để làm cho nòi giống “sinh sôi nẩy nở” không đem lại một kết quả nào, thì trong đầu óc có thể nảy sinh ra những ý nghĩ kinh khủng nhất.

- Chắc ông hiểu “vô sinh” với “cường tráng” là hai điều hoàn toàn không dính dáng với nhau chứ?

Đó là lời bác sĩ Mortimer Sheppard nói với tôi trong lần đầu gặp ông khi Jenny và tôi quyết định phải đi hỏi ý kiến thầy thuốc.

- Anh ấy hiểu, bác sĩ ạ, - Jenny trả lời thay cho tôi. Tuy tôi chưa bao giờ hé ra với nàng, nhưng nàng biết là tôi không thể chịu nổi ý nghĩ là mình vô sinh – dù chỉ là khả năng có thể bị vô sinh thôi. Ngay giọng nàng chẳng đã để lộ ý là nàng mong rằng nếu như có ai trục trặc thì sự trục trặc đó nên ở về phía nàng đấy ư?

Nhưng đây chỉ là bác sĩ giải thích mọi điều cho chúng tôi hay, ngay cả điều xấu nhất, trước khi tuyên bố là rất có thể không có gì trục trặc ở cả hai người, và chẳng bao lâu chúng tôi có thể trở thành những ông bố bà mẹ hạnh phúc. Nhưng cố nhiên, ông cho tiến hành một loạt xét nghiệm ở cả hai vợ chồng chúng tôi. Đủ mọi thứ xét nghiệm y học có thể có (Tôi không muốn kể lại các chi tiết phiền toái của việc kiểm tra toàn thân).

Chúng tôi đến làm xét nghiệm vào ngày thứ hai, Jenny ban ngày, còn tôi thì sau giờ làm việc (tôi bị ngập đến tận cổ trong thế giới pháp lý). Bác sĩ Sheppard yêu cầu Jenny trở lại hôm thứ sáu, bảo là người nữ y tá của ông có sự nhầm lẫn gì đó và muốn kiểm tra lại một số mặt. Khi Jenny về kể lại với tôi về lần khám thứ hai, tôi bắt đầu ngỡ ngàng rằng có lẽ ông ta đã phát hiện ra sự trục trặc ở về phía nàng rồi. Chắc nàng cũng nghĩ thế. Cái cớ y tá nhầm lẫn là nhàm rồi.

Khi bác sĩ gọi điện thoại đến tôi ở văn phòng hãng “Janas và Marsh”, thì tôi gần như tin chắc là như vậy. Ông hỏi tôi có thể ghé qua chỗ ông trước khi về nhà được không. Khi được biết không phải là một cuộc gặp tay ba (“Tôi vừa mới nói chuyện với bà Barrett hôm nay xong”) thì những điều trước đó tôi còn nửa tin nửa ngờ đã được khẳng định: Jenny không thể có con. Ấy, cẩn thận nào, chớ khẳng định một cách tuyệt đối, Oliver. Nên nhớ bác sĩ Sheppard cho biết có những cách như phẫu thật chỉnh hình và có những cách điều trị khác nữa. Nhưng tôi không làm sao tập trung vào công việc được, mà cứ chờ đến năm giờ chiều là quá ngốc. Tôi bèn gọi lại điện thoại cho bác sĩ hỏi ông có thể tiếp tôi ngay đầu buổi chiều được không. Ông ta bảo được.

Đến nơi, tôi đi thẳng vào vấn đề.

- Ông đã biết lỗi ở ai rồi hả?

- Ông Oliver, tôi thực sự không muốn dùng chữ “lỗi” – bác sĩ trả lời.

- Thôi được rồi. Có phải ông đã biết trong hai chúng tôi ai là người trục trặc rồi phải không?

- Đã. Đó là Jenny.

Tôi đã ít nhiều được chuẩn bị tinh thần nhưng giọng nói dứt khoát của bác sĩ vẫn làm tôi choáng váng. Ông ta không nói gì thêm nên tôi nghĩ ông ta chờ đợi nói lên cảm nghĩ của mình.

- Thôi được, đã vậy, chúng tôi sẽ nhận con nuôi. Cái chính là vợ chồng chúng tôi yêu quý nhau, có phải không?

Lúc bấy giờ ông mới nói với tôi:

- Ông Olier ạ, vấn đề nghiêm trọng hơn thế. Bệnh bà nhà rất nặng.

- Xin ông cho biết rất nặng là thế nào?

- Bà nhà không thể qua khỏi, bà nhà sắp chết.

- Không thể thế được! – Tôi thét lên.

Và tôi chờ ông bác sĩ bảo với tôi rằng tất cả chuyện này chỉ là một trò đùa tàn nhẫn.

- Đúng thế. Ông Oliver ạ. Tôi rất đau lòng phải báo tin cho ông biết.

Tôi vẫn khăng khăng bảo rằng ông ta nhầm, rằng người y tá ngu ngốc của ông đã lại một lần nữa chụp quang tuyến sai hay nhầm lẫn cái gì đó không biết nữa. Ông trả lời với tất cả sự thương cảm là người ta đã phân tích máu của Jenny ba lần. Không còn mảy may điều gì hoài nghi trong sự chẩn đoán. Cố nhiên, ông sẽ gửi chúng tôi… tôi… Jenny đến một nhà huyết học. Theo ý ông thì…

Tôi khoát tay ngắt lời ông. Tôi muốn im lặng trong một phút. Chỉ cần im lặng để cho sự việc thấm kỹ vào người tôi. Tôi bỗng vụt nẩy ra một ý nghĩ:

- Ông đã nói với Jenny như thế nào?

- Bảo cả hai người đều bình thường.

- Nhà tôi tin chứ?

- Tôi chắc là tin.

- Khi nào thì phải nói sự thật với nhà tôi?

- Hiện nay điều đó là tùy ở ông.

Tùy ở tôi! Tôi thậm chí thấy không thở nổi.

Bác sĩ giải thích với tôi rằng về dạng bệnh máu trắng của Jenny hiện nay chỉ có cách điều trị tạm thời cho đỡ thôi chứ không thể khỏi hẳn. Chỉ có thể làm giảm nhẹ bệnh đôi chút, kéo dài bệnh ra thôi. Bởi vậy cho nên hiện nay báo cho nàng biết hay không là tùy ở tôi. Có thể hoãn lại ít lâu để điều trị đã.

Nhưng thực ra lúc này tôi chỉ nghĩ được tại sao lại phi lý đến thế.

- Nàng mới hai mươi bốn tuổi đầu! – Tôi nói với bác sĩ – hình như thét lên.

Ông ta gật đầu, thái độ kiên nhẫn, vì đã biết rõ tuổi Jenny nhưng cũng đồng thời cũng hiểu rõ điều đó đau đớn cho tôi đến nhường nào. Cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi không thể cứ ngồi mãi trong phòng khám bệnh của ông được. Tôi hỏi tôi bây giờ phải làm gì. Tôi muốn nói là tôi, tôi phải làm gì. Ông bảo tôi là phải càng tỏ ra bình thường càng tốt và càng lâu càng tốt. Tôi cảm ơn ông rồi về.

Bình thường! Làm sao mà bình thường được!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2012 04:18:24 | Chỉ xem của tác giả
Chương 18


Tôi bắt đầu nghĩ đến Chúa Trời.

Tôi muốn nói là ý nghĩ có một Đấng Tối Cao tồn tại ở đâu đó len vào những suy nghĩ thầm kín của tôi. Không phải vì tôi muốn đấm vào mặt Ông ấy, đánh vỡ mặt Ông ấy, vì cái việc mà Ông ấy sắp sửa gây ra cho tôi… nói đúng hơn là Jennỵ Không, những suy nghĩ tôn giáo của tôi hoàn toàn ngược lại. Chẳng hạn, tôi có những ý kiến ấy vào lúc buổi sáng khi tỉnh dậy thấy Jenny bên cạnh. Vẫn còn ở bên cạnh. Tôi đau lòng, khó chịu nữa, nhưng lúc đó tôi hy vọng là có một ông Chúa Trời để tôi có thể cảm ơn ông ta. Xin cảm ơn Chúa Trời cho tôi tỉnh dậy được thấy Jenny.

Tôi hết sức cố gắng cư xử cho thật bình thường, vì vậy, tôi để nàng sửa soạn bữa ăn sáng, cùng những việc hàng ngày khác, vân vân.

- Anh đến gặp Stratteton hôm nay à? – Nàng hỏi tôi trong khi tôi uống một tách bột ngũ cốc pha sữa thứ hai của tôi.

- Ai hả em?

- Raymon Stratteton, khóa 1964, bạn thân nhất của anh, bạn cùng phòng của anh trước khi có em.

- Ừ nhỉ. Hôm nay là ngày anh hẹn đến chơi squat với anh ấy. Có lẽ anh sẽ báo lại là hoãn.

- Kém quá.

- Em bảo sao, Jenny?

- Đừng có hoãn các buổi đánh squat đi. Em không muốc có một người chồng nhu nhược.

- Thôi được, nhưng chúng mình sẽ đi ăn hiệu nhé.

- Vì cớ gì? Nàng hỏi.

- Lại phải có “cớ” nữa? – Tôi hét lên, cố bắt chước những cơn giận giả vờ quen thuộc của tôi – Anh không thể dẫn vợ anh đi ăn hiệu nếu anh muốn được à?

- Cô nào đấy, anh Barrett? Cô ấy tên là gì? Jenny hỏi.

- Em nói cái gì thế?

Nàng giải thích:

- Này anh, nếu anh cảm thấy buộc phải dẫn vợ anh đi ăn hiệu ngày thường thì đó là vì anh hôn bậy hôn bạ ở đâu rồi.

- Jenny – Tôi hét lên, lần này thì thực sự bị xúc phạm – Anh không muốn có lối ăn nói ấy trong bữa ăn sáng.

- Thế thì anh liệu mà lê xác về nhà bữa tối nhé. Rõ chưa?

- Rõ.

Tôi còn nói với ông Chúa Trời ấy, dù ông ấy là ai và ở đâu, rằng tôi hoàn toàn bằng lòng, sung sướng chấp nhận tình trạng cứ y nguyên như thế này. Thưa ông, tôi có bị đau đớn khắc khoải cũng không sao, không sao hết nếu chỉ mình tôi biết và Jenny không hay biết gì. Ông có nghe tôi nói không. Đức Chúa Trời? Ông đòi giá nào cũng xin chịu.

***

- Anh Oliver này.

- Dạ.

Ông Janas đã cho gọi tôi đến phòng làm việc của ông.

- Anh biết vợ Beck rồi chứ? – Ông Janas hỏi tôi.

Cố nhiên tôi biết. Robert L. Beck, phóng viên nhiếp ảnh của tạp chí Đời sống đã bị cảnh sát Chicago đánh đập khi anh ta đang tìm cách chụp ảnh một cuộc biểu tình. Ông Janas coi đây là một trong những vụ quan trọng nhất của hãng.

- Tôi biết là bọn cảnh sát đánh đập anh ấy – tôi thưa với ông Janas bằng một giọng thư thái (ha! Ha!)

- Tôi muốn anh nhận lấy việc này, anh Oliver ạ.

- Chính tôi?

- Anh có thể đem theo một tay nào trẻ đi cùng. Ông nói tiếp.

Một tay nào trẻ? Tôi chính là người trẻ nhất trong hãng. Dẫu vậy, tôi hiểu ý ông. Ý ông muốn bảo là Oliver, mặc dầu anh còn trẻ tuổi, nhưng anh đã là một trong những người kỳ cựu của hãng, một người chỉ đạo công việc của hãng ta, Oliver ạ.

- Xin cảm ơn ông – tôi nói.

- Bao giờ anh có thể đi Chicago? – Ông lại hỏi.

Tôi đã quyết định không hở ra một lời nào với ai hết, mình tôi chịu toàn bộ gánh nặng. Vì vậy tôi bịa ra những lý do nhăng nhít với ông già Janas. Tôi cũng không nhớ chính xác tôi đã kể gì với ông ấy, tại sao tôi thấy không thể rời New York đi đâu trong thời này, thưa ông. Và tôi mong ông thông cảm cho. Nhưng tôi biết ông thất vọng trước cách ứng xử của tôi với một việc rõ ràng là một cử chỉ rất có ý nghĩa của ông. Ôi, thưa ông Janas, giá mà ông biết lý do thực sự!

Một điều ngược đời: Oliver Barrett IV rời nơi làm việc sớm hơn nhưng lại đi về nhà chậm chạp hơn. Giải thích thế nào đây?

Tôi đã nhiễm thói quen dán mắt vào tủ kính các cửa hàng ở Đại lộ Năm: ngắm nhìn tất cả những thứ tuyệt vời, ngu ngốc và ngông cuồng lẽ ra tôi đã mua cho Jenny nếu như tôi không buộc phải duy trì sự gian dối là mọi chuyện … vẫn bình thường.

Đúng thế, tôi sợ về nhà. Bởi vì bây giờ, mấy tuần sau ngày tôi biết sự thật, Jenny bắt đầu gầy đi. Chỉ gầy một chút thôi, chính nàng có lẽ cũng không nhận thấy. Nhưng tôi vì đã biết nên nhận thấy.

Tôi còn nhìn cả tủ kính các hãng hàng không: Brazil, quần đảo Caribean, Hawaii (“Qúy vị hãy bỏ lại mọi nỗi ưu phiền lo lắng… hãy bay về nơi có ánh mặt trời!”) vân vân. Đúng chiều hôm ấy, hãng hàng không TWA quảng cáo các chuyến du lịch sang Châu Âu ngoài vụ nghỉ hè: London cho những ai thích mua sắm. Paris cho những ai đang yêu…

***


- Còn học bổng cho em thì sao? Và còn Paris nữa nơi em chưa bao giờ đặt chân tới?

- Còn đám cưới chúng mình?

- Ai nói đến cưới xin đấy nhỉ?

- Anh, bây giờ anh nói đến chuyện ấy đấy.

- Anh định lấy em ư?

- Ừ.

- Vì lẽ gì?

                                
***


Tôi dẫn ra những đảm bảo khá uy tín đến nỗi tôi đã có một tấm thẻ Dinner Club. Chỉ cần ký tên vào chỗ dòng để trống là tôi trở thành người hãnh diện sở hữu hai tấm vé (hạng nhất nhé) đi Thành phố của Những Ai Đang Yêu.

Về đến nhà, tôi thấy sắc mặt Jenny nhợt nhạt và tái xám, nhưng tôi hy vọng ý đồ ngông cuồng của tôi sẽ đem lại đôi chút sắc hồng trên đôi má nàng. Tôi nói:

- Xin bà Barrett thử đoán xem có chuyện gì nào?

- Anh bị đuổi rồi chứ gì? – Người vợ lạc quan của tôi đáp.

- Không phải. Nhầm rồi – Tôi giơ hai tấm vé – Chúng ta bay, bay đi xa. Tối mai, ta vù đi Paris.

- Vớ vẩn – nàng nói, nhưng với giọng nhẹ nhàng, không giả vờ hung hăng như mọi khi. Ở miệng nàng lúc này, những tiếng ấy nghe như những từ yêu thương, - Oliver, anh thật vớ vẩn.

- Xin em nói rõ “vớ vẩn” là thế nào?

- Ollie – giọng nàng vẫn nhẹ nhàng - chúng mình sẽ không làm như vậy.

- Làm gì? – Tôi hỏi.

- Em không thích sang Paris, em không cần gì Paris. Em chỉ cần có anh…

- Anh thì em có rồi, em yêu, tôi ngắt lời nàng với vẻ vui đùa giả tạo.

- Và em cần thời gian nữa – nàng nói tiếp – điều mà anh không thể cho em được.

Đến lúc bấy giờ nhìn vào mặt nàng. Đôi mắt nàng đượm một vẻ buồn bã khôn tả. Buồn một cách riêng tôi hiểu. Đôi mắt ấy như nói rằng nàng rất ân hận, ân hận đối với tôi.

Chúng tôi cứ đứng như thế ôm lấy vai nhau, im lặng. Nếu một trong hai chúng tôi khóc, cả hai hãy cùng khóc. Nhưng tốt hơn là không ai khóc.

Sau đó, Jenny kể lại với tôi là nàng cảm thấy “người như phải gió thế nào ấy” nên nàng đã đến gặp lại bác sĩ Sheppard, không phải để đến thăm bệnh mà để hỏi cho ra nhẽ. Để ông ta bảo thẳng cho nàng biết nàng làm sao mới được? Và ông ta đã bảo.

Tôi cảm thấy khá có lỗi đã không phải là người báo tin đó cho nàng biết. Nàng cảm thấy thế và cố ý nói lân la vài câu vớ vẩn.

- Một gã ở trường Ien, Oliver ạ.

- Ai hả Jenny?

- Akeman, tay bác sĩ huyết học ấy. Hắn học ở Ien từ đầu đến cuối, kể cả môn y.

- Thế ư? – Tôi nói, biết rằng nàng cố đem lại một đôi nét bông lơn vào những sự việc bi thảm.

- Ít ra hắn cũng biết đọc biết viết chứ?

- Cái đó thì còn phải xem – Bà Oliver Barrett IV Radcliffe khóa 64, mỉm cười – Nhưng hắn biết nói, mà em thì đang cần người biết nói.

- Thế thì ta coi tay bác sĩ trường Ien ấy là “được”

- Được, nàng nói.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2012 04:44:53 | Chỉ xem của tác giả
Chương 19


Bây giờ ít ra tôi không còn sợ về nhà. Tôi không khiếp sợ sự việc phải “cư xử cho bình thường”. Jenny và tôi lại cùng nhau chia xẻ mọi điều trong cuộc sống, cả cái ý nghĩa ghê tởm và khủng khiếp là biết chắc rằng thời gian chung sống với nhau của chúng tôi nay đã tính từng ngày.

Chúng tôi có những việc phải bàn bạc với nhau, những việc mà những cặp vợ chồng hai mươi bốn tuổi thường không đề cập.

- Em trông mong anh sẽ cứng cỏi, nhà vô địch ạ, - nàng bảo tôi.

- Nhất định rồi, nhất định rồi – tôi trả lời mà trong lòng tự hỏi không biết Jenny vốn bao giờ cũng đọc được hết ý nghĩ của tôi liệu có đoán nhà vô địch vĩ đại của nàng đã thấy sợ rồi không.

Nàng nói tiếp:

- Em muốn nói là anh phải cứng cỏi để làm chỗ dựa cho bố. Đối với bố việc này quá nặng nề. Còn anh, dẫu sao anh sẽ là người chồng góa vợ vui vẻ.

- Anh sẽ không vui vẻ đâu.

- Anh phải vui vẻ. Em muốn anh vui vẻ. Anh có nghe em không?

- Nghe.

- Thế thì được.

***

Hôm ấy là gần một tháng sau, đúng vào lúc sau bữa ăn tối Jenny vẫn tiếp tục làm bếp, nàng muốn thế. Cuối cùng tôi cũng đã thuyết phục được nàng để tôi giành lấy việc thu dọn (tuy nàng gắt với tôi bảo rằng “đây không phải là việc của đàn ông”). Tôi đang cất dọn bác đĩa trong khi nàng chơi piano bản Chopin, bỗng nghe thấy nàng dừng lại giữa chừng một bản Dạo đầu. Ngay lập tức tôi lao vào phòng khách và thấy nàng ngồi yên bất động trên ghế.

- Sao em, Jenny? – Tôi hỏi với nhiều ý ngầm.

Nàng trả lời tôi bằng một câu hỏi khác:

- Anh có tiền trả taxi không?

- Có chứ – tôi đáp – Em muốn đi đâu?

- Chẳng hạn… đến bệnh viện.

Trong lúc làm những động tác chớp nhoáng liền ngay sau, tôi hiểu ra rằng điều đó đã xảy ra. Jenny sẽ ra đi khỏi căn nhà chúng tôi để không bao giờ trở lại nữa. Trong khi nàng ngồi đó và tôi xếp một vài thứ cần dùng cho nàng, tôi tự hỏi không biết nàng đang nghĩ đến cái gì. Ý tôi muốn nói về gian phòng: nàng muốn nhìn vào cái gì để nhớ lại sau này?

Không nhìn vào cái gì cả. Nàng ngồi yên không nhúc nhích và đôi mắt nàng không đặt vào đâu cả.

- Em ơi – tôi nói, - Em có muốn đem theo cái gì không em?

- Hừm – nàng lắc đầu ra hiệu bảo không, nhưng rồi như để nghĩ lại, nàng nói thêm: - Anh.

***

Không dễ gọi được taxi đúng vào giờ tan rạp hát. Người gác cổng huýt còi vung tay y như một trọng tài hockey trong lúc lộn xộn. Jenny dựa vào người tôi và tôi thầm mong taxi không bao giờ đến để nàng cứ thế dựa vào người tôi mãi mãi. Nhưng cuối cùng có một xe, và tài xế – may cho chúng tôi – thuộc loại vui tính. Khi biết chúng tôi đến bệnh viện Mount Sinai bác ta nhập ngay vào cuộc:

- Đừng lo, các bạn trẻ ạ. Các bạn được gửi gấm vào những bàn tay đáng tin cậy đấy. Bà đỡ và tôi đã cộng tác với nhau từ nhiều năm nay rồi.

Trên ghế sau, Jenny áp sát người vào tôi. Tôi hôn lên mái tóc nàng. Bác tài vui tính hỏi han chúng tôi:

- Con đầu lòng của hai anh chị à?

Jenny đoán chắc là tôi sắp tỏ ra cục cằn với bác này thì nàng thì thầm vào tai tôi:

- Tử tế với người ta nhé, Oliver. Người ta chỉ định tử tế với mình thôi mà.

- Vâng bác ạ – tôi nói, - con đầu lòng. Và nhà tôi thấy người khó chịu, vậy bác có thể bỏ qua mấy cái đèn đỏ được không?

Loáng một cái bác ta đã đưa chúng tôi đến Mount Sinai. Quả thực bác ta rất tử tế, mở cửa xe cho chúng tôi, vân vân. Trước khi đi, bác ta còn nói một thôi một hồi chúc chúng tôi hạnh phúc và may mắn. Jenny cảm ơn bác ta.

***

Nàng tỏ vẻ không đứng vững, tôi định bế nàng vào trong bệnh viện, nhưng nàng gạt đi:

- Không. Không thích bế qua ngưỡng cửa này.

Chúng tôi cùng nhau bước vào và trải qua những chuyện hạnh họe khi nhập viện.

- Anh chị có mua bảo hiểm hay đóng quỹ Tương tế không?

- Không?

(Làm sao chúng tôi có thể nghĩ đến những chuyện vớ vẩn ấy? Chúng tôi còn quá bận mua sắm bát đĩa).

Việc Jenny đến đây cố nhiên không phải là bất ngờ. Bệnh viện đã được báo trước, và nàng bây giờ đã được bác sĩ Bernard Ackerman theo dõi. Ông này, như Jenny đã nói với tôi, là một người giỏi và tốt, tuy đã học ở Ien từ đầu đến cuối.

Bác sĩ Ackerman bảo tôi:

- Chúng tôi sẽ truyền cho bà nhà hồng huyết cầu và tiểu cầu. Đó là những gì cần thiết trong lúc này. Bà nhà hoàn toàn không cần đến những chất chống chuyển hóa.

- Thế nghĩa là thế nào? – Tôi hỏi.

- Đó là một liệu pháp làm chậm đi sự phá hủy của các tế bào, nhưng như bà nhà đã biết… nó có thể có tác dụng phụ, gây khó chịu.

- Này ông bác sĩ – tôi biết tôi căn dặn ông ta là thừa – Vợ tôi là người ra lệnh. Các ông hãy làm tất cả những gì vợ tôi yêu cầu. Công việc của các ông là làm tất cả những gì có thể làm được cho nhà tôi khỏi đau đớn.

- Ông cứ yên tâm, chúng tôi sẽ hết sức chu đáo.

- Tốn kém bao nhiêu đối với tôi không hề gì.

Hình như tôi nói hơi to.

- Việc điều trị có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng – bác sĩ nhắc nhở.

- Tốn kém bao nhiêu không sao hết, - tôi nói to.

Tôi đối xử với ông ta quả là thô bạo, nhưng ông vẫn tỏ ra rất kiên nhẫn với tôi. Ông ta giải thích:

- Tôi chỉ muốn nói chúng tôi thực sự không thể biết có thể kéo dài bao lâu … cuộc sống của bà nhà.

- Bất luận thế nào, ông bác sĩ – tôi ra lệnh cho ông chớ quên là tôi muốn vợ tôi được hưởng những thứ gì tốt nhất. Phòng riêng, y tá túc trực, vân vân. Tất cả mọi thứ. Tôi yêu cầu ông như vậy. Tôi có tiền trả hết.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2012 04:45:57 | Chỉ xem của tác giả
Chương 20


Không thể nào đi chặng đường từ phố 63 Đông, khu Manhattan, New York đến thành phố Boston, bang Massachusetts dưới ba giờ hai mươi phút. Tôi nói thật, chặng đường đó tôi đã thử lái tới giới hạn tối đa, tôi tin chắc không có một loại xe hơi nào, dù là xe nước ngoài hay xe nội địa, dù ngồi ở tay lái là Graham Hill, có thể đi nhanh hơn. Trên xa lộ, tôi giữ chiếc MG của tôi liên tục ở tốc độ 170 km/giờ trong suốt cuộc hành trình.

Tôi đem theo một con dao cạo râu chạy phin và xin cam đoan là tôi đã cạo râu kỹ và thay áo sơ mi trong xe trước khi bước vào những phòng làm việc thâm nghiêm ở đường State. Tuy lúc ấy mới tám giờ sáng mà đã có một vài nhân vật tai to mặt lớn ở Boston chờ vào gặp Oliver Barrett IIỊ. Cô thư ký của ông có biết tôi – vẫn điềm nhiên như không khi báo tên tôi qua hệ thống liên lạc nội bộ hữu tuyến.

Cha tôi không ra lệnh “Mời vào”.

Cửa phòng ông mở và đích thân ông hiện ra. Ông nói: “Oliver!”

Tính tôi vốn hay quan sát diện mạo con người, tôi nhận thấy ông có vẻ hơi xanh, tóc ông lốm đốm bạc (và có lẽ thưa hơn) so với ba năm trước. Ông bảo:

- Vào đi con.

Giọng nói của ông không bộc lộ gì hết. Tôi bước vào phòng làm việc của ông và ngồi vào “ghế khách”.

Cha tôi và tôi nhìn nhau, rồi quay nhìn vơ vẩn những đồ đạc khác trong phòng. Về phần tôi, tôi chọn những thứ trên mặt bàn làm việc của ông để nhìn: cái kéo đặt trong bao da, con dao rọc giấy cán da, một bức ảnh mẹ tôi chụp từ lâu, một bức ảnh của tôi (chụp hôm nhận bằng tốt nghiệp trường trung học Exeter).

- Thế nào, con dạo này ra sao? – Ông hỏi tôi.

- Thưa ba, tốt ạ.

- Jenny ra sao?

Tôi không nói dối và lẩn tránh câu hỏi, bằng cách đi thẳng vào vấn đề, nói ngay lý do vì sao tôi xuất hiện lại đột ngột.

- Thưa ba, con cần vay năm nghìn đô la, vì lý do cần thiết.

Ông nhìn tôi. Tôi thấy hình như ông gật đầu.

- Sao thế? – Ông hỏi.

- Dạ? – Tôi hỏi lại.

- Ba có thể biết lý do được không?

- Con không thể nói với ba được. Chỉ xin ba cho con mượn số tiền ấy.

Tôi có cảm giác – nếu như người ta có thể cảm nhận được gì ở Oliver Barrett III – là ông có ý đưa cho tôi số tiền. Tôi cũng còn cảm thấy ông không muốn thuyết giáo tôi một bài – Tuy nhiên ông muốn một điều là … nói.

- Ở hãng “Jonas và Marsh” họ trả lương con không đủ tiêu à?

- Thưa ba đủ.

Tôi toan kể với ông tôi được bao nhiêu lương, chỉ cốt để ông biết rằng tôi đã lập được một kỷ lục, nhưng sau tôi tự nhủ nếu ông đã biết chỗ làm việc của tôi, hẳn ông cũng biết lương tôi.

- Cô ấy không dạy học à? – Cha tôi hỏi.

Dù sao ông cũng chưa biết hết mọi chuyện.

- Ba đừng gọi vợ con bằng “cô ấy”

- Jenny không dạy học à? – Cha tôi hỏi lại một cách đúng mực.

- Xin ba đừng dính nhà con vào chuyện này. Đây là một việc riêng, một việc riêng rất quan trọng.

- Con đã gây rắc rối cho một cô gái à? – Ông hỏi nhưng giọng hoàn toàn không có ý chê trách.

- Thưa ba vâng, - tôi nói – Đúng thế. Xin ba cho con mượn số tiền ấy.

Tôi chắc ông không tin lời tôi một chút nào. Tôi không nghĩ ông thực sự muốn biết lý do. Ông hỏi tôi chỉ để, như tôi đã nói khi nãy, được… nói mà thôi.

Ông mở ngăn kéo, rút ra quyển séc cũng bọc bằng loại da quý coocdoba như cán dao rọc giấy và bao kéo của ông. Ông chầm chậm mở quyển séc, không phải để hành hạ tôi – tôi biết – mà là để kéo dài thời hạn, tìm ra những chuyện để nói, những chuyện không làm mếch lòng nhau.

Ông ghi vào một tờ séc, xé ra rồi chìa ra cho tôi. Có lẽ tôi hiểu ra chậm mất một phần giây là tôi phải chìa tay ra đón lấy. Cho nên ông lúng túng (tôi nghĩ vậy), rụt tay về và đặt tờ séc ở mép bàn. Sau đó ông nhìn tôi và hất nhẹ đầu. Vẻ mặt ông dường như nói: “Đây, con cầm lấy”. Nhưng thực ra, ông chỉ hất nhẹ đầu, thế thôi.

Tôi cũng vậy, không muốn bỏ đi ngay. Nhưng chỉ phải cái tôi không tìm ra được điều gì chung chung để nói. Và hai cha con chúng tôi không thể cứ ở đó mãi cho đến tận cùng thời gian, muốn nói với nhau mà dẫu vậy không nhìn nổi vào mặt nhau.

Tôi ngả người cầm lấy tờ séc. Séc ghi đúng năm nghìn đôla, ký tên Oliver Barrett III. Mực đã khô. Tôi gấp lại cẩn thận đút vào túi áo sơmi, trong khi đứng dậy, bước về phía cửa, hơi kéo lê chân một chút. Ít nhất tôi có thể nói rằng tôi biết vì tôi mà những nhân vật rất quan trọng của Boston (có thể cả Washington nữa) đã phải chờ lâu ngoài phòng đợi, và dẫu vậy, nếu như hai cha con chúng tôi có nhiều chuyện để nói với nhau hơn, thì con vẫn có thể ở lại một lúc trong phòng làm việc của ba, ba ạ, và ba có lẽ sẽ hủy bỏ các cuộc gặp mà ba đã hẹn với người ta vào bữa trưa… vân vân.

Tôi dừng lại bên cánh cửa hé mở, lấy hết can đảm nhìn ông và nói:

- Cảm ơn ba.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2012 04:50:41 | Chỉ xem của tác giả
Chương 21


Tôi phải gánh lấy nhiệm vụ báo tin cho ông Phil Calliveri biết. Còn ai vào đây nữa? Ông không gục ngã như tôi lo sợ mà bình tĩnh đóng cửa ngôi nhà ở Cranston rồi đến ở tại nhà chúng tôi. Mỗi người chúng ta đều có cách riêng của mình để đương đầu với nỗi đau buồn. Cách của ông Phil là làm việc quét dọn, lau chùi, cọ sàn. Tâm trạng của ông diễn biến như thế nào tôi không được rõ lắm nhưng thôi lạy Chúa, cứ để ông làm.

Phải chăng ông còn ấp ủ hy vọng Jenny sẽ trở về?

Chắc đúng thế rồi, tội nghiệp ông Phil! Vì lẽ đó mà ông cứ lau chùi dọn dẹp nhà cửa. Ông thực không chịu chấp nhận sự thể như nó đã diễn ra. Cố nhiên ông không thú nhận với tôi, nhưng tôi biết là ông nghĩ vậy.

Bởi vì cả tôi nữa, tôi cũng nghĩ như vậy.

***

Khi Jenny đã vào viện, tôi gọi dây nói cho ông Jonas biết vì sao tôi không đến làm việc được. Nói xong, tôi bảo liền ngay là tôi có việc bận, phải bỏ máy, vì tôi biết ông đau buồn và muốn nói lên những điều ông không thể diễn đạt nữa. Kể từ đó, ngày của tôi được chia một cách đơn giản làm hai phần, một phần là những giờ đến thăm nàng và một phần là tất cả những công việc khác. Tất cả những công việc khác ấy tất nhiên chẳng là gì cả: ăn mà không thấy đói, nhìn ông Phil lau chùi nhà cửa (lại lau chùi!) và không ngủ được mặc dù đã uống thuốc ngủ mà Ackerman đã kê cho tôi.

Có lần tôi nghe thấy ông Phil lẩm bẩm một mình: “Tôi không thể chịu đựng nổi nữa rồi”. Ông đang ở phòng bên, rửa bát đĩa của bữa tối (rửa bằng tay). Tôi không trả lời ông nhưng nghĩ bụng tôi thì tôi chịu đựng được. Hỡi ông Đấng Tối Cao, ông ở trên trời điều khiển mọi việc dưới thế gian, ông cứ tiếp tục đi, tôi có thể chịu đựng được vô cùng tận. Bởi vì hiện tại Jenny vẫn còn là Jenny.

Tối hôm đó nàng đuổi tôi ra khỏi phòng nàng. Nàng muốn nói với cha nàng một chuyện “giữa đàn ông với nhau?.

- Cuộc nói chuyện này chỉ dành cho những người gốc Ý thôi – nàng nói, mặt trắng bệch như mặt gối trên giường – vậy anh đi ra đi, anh Barrett.

- Anh ra nhé.

- Nhưng đừng đi đâu xa, - nàng nhắn với khi tôi ra tới cửa.

Tôi ra ngồi ở chiếc ghế đợi bên ngoài. Chẳng mấy chốc ông Phil lại chỗ tôi bảo tôi:

- Jenny bảo con vào đi – ông thì thầm bằng một giọng khàn khàn đùng đục như thể trong người ông đâu cũng rỗng cả – còn bố, bố đi mua thuốc lá đây.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2012 04:52:43 | Chỉ xem của tác giả
- Đóng cái cửa chết tiệt ấy lại anh – nàng ra lệnh cho tôi khi tôi bước vào.

Tôi làm theo lời nàng, đóng cửa thật nhẹ. Trong lúc bước lại để ngồi cạnh giường nàng, tôi nhìn thấy Jenny đầy đủ hơn, tôi muốn nói là thấy cả những cái ống cắm vào cánh tay phải nàng mà nàng thường lấy chăn đắp lên. Tôi muốn được ngồi sát nàng, chỉ nhìn gương mặt nàng thôi, vì nàng dù nhợt nhạt đến thế song đôi mắt vẫn sáng long lanh.

Vì vậy, tôi bước nhanh lại giường nàng và ngồi thật sát nàng.

- Em không đau đâu. Ollie ạ, thật đấy. Anh biết không, y như rơi chầm chậm từ trên bờ vực cao xuống.

Trong tôi có một cái gì đó nó làm quặn lòng tôi. Nó sắp sửa kéo lên cổ tôi và làm tôi bật khóc. Nhưng tôi sẽ không khóc. Tôi chưa bao giờ khóc. Tôi là một đứa cứng cỏi. Đúng không? Tôi sẽ không khóc.

Nhưng nếu không khóc thì không mở miệng nổi. Tôi chỉ gật đầu được mà thôi.

- Vớ vẩn – nàng nói.

- Gì hả em? – tôi ậm ừ hỏi lại, giọng nhòe đi không thành tiếng.

- Anh chưa biết thế nào là rơi từ bờ vực cao xuống đâu. Việc đó chưa bao giờ xảy ra với anh.

- Rồi chứ, tôi trả lời với giọng nghẹn ngào – đó là lúc anh gặp em.

- Ừ nhỉ – nàng nói và một nụ cười yếu ớt thoáng qua trên gương mặt nàng – “Ôi – Rơi mới chóng mặt làm sao!” Ai đã nói câu ấy nhỉ?

- Anh không biết, - tôi đáp – Shakespeare thì phải.

- Ừ, mà ai cơ – Nàng lại nói, giọng não nùng – Em không nhớ nổi ở vở nào nữa. Hồi em vào Radcliffe, em phải thuộc nhiều lắm. Hồi ấy, em thuộc lòng số hiệu tất cả các tác phẩm của Mozart.

- Anh phục thật!

- Phục chứ! – Nàng nói, rồi cau mày hỏi tôi – Bản concerto cho piano cung đô thứ là số mấy nhỉ?

- Để anh xem lại.

Tôi biết chỗ nàng để sách: ở nhà, trên cái giá cạnh cây đàn piano. Tôi sẽ xem lại và sẽ đến bảo nàng ngay sáng mai.

- Trước em nhớ. Trước em nhớ hết cơ.

- Này em, - tôi nói với giọng Boga – Em muốn nói chuyện với anh về âm nhạc à?

- Anh muốn nói chuyện về đám tang ư?

- Không phải đâu, - tôi hối tiếc đã ngắt lời nàng.

- Em đã bàn với bố rồi, - Anh nghe em đấy chứ. Ollie?

Tôi đã ngoảnh mặt đi.

- Có chứ, Jenny, anh nghe em nói đây.

- Em đã bảo với bố là có thể làm một lễ cầu siêu theo đạo Thiên chúa, và anh sẽ đồng ý. Được không anh?

- Được chứ em.

Đến lúc này tôi lại cảm thấy hơi nhẹ nhõm, bởi vì bất kể chuyện gì chúng tôi nói bây giờ cũng phải là vui hơn.

Nhưng tôi nhầm.

- Em bảo này, Oliver, - Jenny nói, lần này với giọng nàng thường dùng những khi nổi giận, tuy vẫn dịu dàng – Anh bỏ cái kiểu ấy đi nhé, không hay đâu. Em muốn anh thôi đi.

- Em bảo anh thôi đi cái gì hả em?

- Cái vẻ có lỗi trên mặt, Oliver, không hay đâu.

Tôi thành thực cố gắng, làm đổi thay nét mặt, nhưng các cơ mặt của tôi đã bị cứng đờ ra cả rồi.

- Không phải là lỗi của ai cả, anh ạ, vậy thì anh đừng có tự trách mình nữa. Anh có chịu nghe lời em không?

Tôi muốn tiếp tục nhìn nàng vì không muốn rời mắt khỏi nàng một giây nào, nhưng tôi đành phải sụp mắt xuống. Tôi rất hổ thẹn là ngay đến tận lúc này, Jenny của tôi vẫn còn đọc được rõ những gì diễn ra trong tâm hồn tôi.

- Em bảo này, Oliver, đó là điều duy nhất em yêu cầu anh. Ngoài ra, em biết là anh sẽ ổn.

Cái gì đó ở dưới đáy lòng tôi lại bắt đầu quặn lên đến nỗi tôi không dám “ừ” đáp lại nữa, sợ bật ra tiếng khóc. Tôi chỉ nhìn Jenny mà không nói gì. Bỗng nàng nói:

- Mặc xác Paris.

- Gì hả em?

- Mặc xác Paris và âm nhạc lẫn tất cả những thứ vớ vẩn mà anh cứ nghĩ là anh đã cướp đi mất của em. Em không tiếc gì hết, anh ạ. Anh có tin em không?

- Không, - tôi thành thực trả lời.

- Thế thì anh đi đi. Em không muốn có anh bên giường chết của em.

Nàng nghĩ như thế thật. Tôi biết những khi nào Jenny nghĩ đúng những điều nàng nói. Tôi đành phải dùng lời nói dối để được phép ở lại.

- Anh tin lời em.

- Thế thì em bằng lòng. Bây giờ, em yêu cầu anh một việc nhé.

Đâu đó trong tôi cuồn cuộn dâng lên một lực gì ghê gớm chỉ chực làm tôi bật khóc. Nhưng tôi cưỡng lại. Tôi sẽ không khóc. Tôi chỉ ra hiệu cho Jenny hiểu rằng – bằng cách gật đầu – Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì nàng yêu cầu.

- Anh ơi, anh ôm em thật chặt vào nhé.

Tôi đặt bàn tay tôi lên cánh tay nàng – Trời ơi, sao tay nàng gầy thế! – Và bóp nhẹ một chút.

- Không, Oliver, ôm thật sự cơ, Thật chặt vào. Cẩn thận chú ý đến những cái ống và dây nhợ lằng nhằng, tôi duỗi mình trên giường bên cạnh nàng và ôm nàng trong đôi tay tôi.

- Cảm ơn anh, Ollie.

Đó là lời cuối cùng của nàng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 28-1-2012 04:53:55 | Chỉ xem của tác giả
Chương 22


Ông Cavilleri đang ở ngoài hành lang hút thuốc không biết đến điếu thứ bao nhiêu khi tôi đến cạnh ông. Tôi nhẹ nhàng gọi:

- Bố!

Ông ngẩng đầu lên và tôi chắc ông đã hiểu.

Rõ ràng ông cần được an ủi. Tôi bước lại đặt tay lên vai ông. Tôi sợ ông òa khóc còn tôi gần như chắc chắn là không khóc. Tôi muốn nói là tôi không khóc được nữa, tôi đã vượt qua chặng đó rồi.

Ông lại úp bàn tay lên tay tôi, lẩm bẩm:

- Giá bố. Giá bố…

Ông nín bặt và tôi chờ đợi. Còn có gì vội nữa đâu. Giá bố đừng hứa với Jenny sẽ tỏ ra cứng cỏi để khuây khỏa con.

Rồi để giữ đúng lời hứa, ông âu yếm vỗ nhẹ lên tay tôi.

Nhưng tôi muốn được một mình, muốn thở khí trời, muốn đi bộ một lúc, có lẽ thế.

***

Dưới nhà, phòng đợi của bệnh viện im lặng như tờ, tôi nghe thấy tiếng đế giày tôi kêu xin xít trên nền nhà phủ vải sơn.

- Oliver!

Tôi đứng lại.

Đó là cha tôi. Trong cả phòng đợi mênh mông, trừ cô nhân viên thường trực, chỉ có hai cha con chúng tôi. Thực vậy, hai chúng tôi nằm trong số rất ít người ở New York còn thức đến tận giờ này.

Tôi không thể giáp mặt cha tôi nổi. Tôi bước thẳng về phía chiếc cửa quay. Nhưng chỉ một lát sau, cha tôi đã đến bên cạnh tôi trên hè đường.

- Oliver, lẽ ra con nên báo cho ba biết.

Trời rất lạnh, về một mặt nào đó lại tốt, vì tôi tê dại hoàn toàn và muốn có một cảm giác gì đó. Cha tôi tiếp tục nói với tôi, còn tôi thì vẫn cứ đứng im, bất động, mặc cho gió lạnh quất vào mặt.

- Biết tin là ba nhảy ngay lên xe.

Tôi đã bỏ quên mất chiếc áo khoác ngoài. Cái lạnh bắt đầu làm tôi thấy buốt. Nhưng thế lại hay, lại hay.

- Oliver, - giọng cha tôi tha thiết, - ba muốn được giúp đôi chút.

- Jenny chết rồi.

- Ba rất ân hận, - giọng ông khẽ khàng, bàng hoàng.

Không hiểu sao, tôi bất giác nhắc lại câu nói đã học được từ lâu của một người con gái xinh đẹp, nay đã chết.

- Yêu là không bao giờ để mình phải nói câu ân hận.

Thế rồi, tôi lại làm cái điều tôi chưa từng bao giờ làm trước mặt ông, càng chưa bao giờ làm trong cánh tay ông. Tôi khóc.



HẾT
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách