Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Gumi
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Trở Lại Tìm Nhau | Guillaume Musso

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:41:45 | Chỉ xem của tác giả
18 - In my secret life 1


Ta luôn phải tự coi mình như những người ngày hôm sau sẽ chết. Chính thời gian ta tưởng vẫn còn giết chết chúng ta.

Elsa TRIOLET 2


- CẨN THẬN!

Cú va chạm thật khủng khiếp.

Chiếc xe chạm vào cô bé trước khi kịp phanh lại, đâm thẳng vào người cô. Jessie ngã xuống mui xe trước khi bị hất tung lên không rồi rơi mạnh xuống kính chắn gió của chiếc xe bán tải đi ngược chiều.

Giao thông tự ngưng lại. Trong giây lát, con phố chìm trong im lặng, cho đến khi tiếng la hét lo lắng vang lên từ đám đông.

Ngay lập tức, vài người túm tụm quanh cơ thể cô bé. Vài kẻ hiếu kỳ lập tức đồng loạt rút điện thoại cầm tay, kẻ thì chụp một kiểu ảnh ly kỳ, người thì gọi cấp cứu.

Ethan và Meredith hoảng hốt chạy lại bên Jessie. Mắt nhắm nghiền, khuôn mặt tái mét, cô bé nằm bất động giữa phố.

Vài phút sau, chiếc xe cấp cứu đến. Nhóm cấp cứu gồm một bác sĩ, một y tá và một nhân viên cấp cứu. Họ quỳ xuống bên cơ thể cô bé để đánh giá tình hình. Bác sĩ là một cô gái trẻ người lai - đang thực tập tại tổ chức y tế nơi điều phối các vụ cấp cứu - đang thực hiện các thao tác như một người chỉ huy dàn nhạc. "Bắt đầu xoa bóp cơ tim. Rico, Pete, cởi quần áo cô bé ra. Động chân động tay đi, các cậu!" Cảnh cấp cứu từng xem quá nhiều trên truyền hình đến mức người ta có cảm giác thực tế sao chép phim ảnh chứ không phải ngược lại. "Glasgow độ 3, không thấy mạch đùi. Khỉ thật, chúng ta không cứu được cô ấy, các cậu ơi, chúng ta không cứu được cô ấy rồi!" Hai cảnh sát có mặt tại hiện trường vất vả lắm mới ngăn cản được các "khán giả" đứng ngay hàng đầu xem cảnh cấp cứu trực tiếp này. "Chuẩn bị máy sốc điện, cho sốc điện ngay. Rico, phết gel đi. Không phải thế, giời ạ. Đầu đất à? Cẩn thận với điện cực kìa! Pete, cho hiển thị sóng điện tim đi! Gần hơn đi, tôi chẳng nhìn thấy gì hết. Cậu cố tình đấy à? Nào, đưa cho tôi mấy cái bàn sốc điện! Vị trí thẳng, 200 jun! Chú ý, sốc!" Trong khi Jessie từ từ trôi giạt đến cái chết, Ethan quỳ gối xuống giữa phố để nhặt khẩu súng trước khi cảnh sát làm điều đó. "Kiểm tra mạch. Tôi tiếp tục xoa bóp. Mở đường truyền vào tĩnh mạch đi, ta đặt ống vào rồi cậu truyền cho cô ấy một miligramme adré và hai ống Cordarone. Rico, nhanh tay lên, đừng có đứng đó ngẩn tò te nữa!"

Nữ bác sĩ trẻ dùng gan bàn tay nén ngực Jessie theo nhịp khoảng 100 lần một phút. "Nào! Nào! Nào! Được, ta lại cho sốc điện nữa nhé. 200 jun! Các cậu lui ra!"

Meredith đứng hơi cách xa một chút, khóc nức nở và gần như phát điên, hoảng sợ nhìn những thiệt hại mà cô cho là mình phải chịu trách nhiệm.

- Không phải tại mẹ đâu, Robbie an ủi mẹ. Tại cô ấy đấy chứ, cô ấy qua đường mà không nhìn gì cả.

Lần sốc điện thứ hai thành công trong việc làm đồng bộ hóa các co thắt của sợi cơ trong cơ tim, giúp tim đập bình thường và máu lại lưu thông.

- Ổn rồi, Rico cười toét miệng nói. Tim lại đập rồi!

- Thì sao, cậu muốn được thưởng huy chương chắc? cô bác sĩ mắng mỏ cậu.

Cô đội lên đầu Jessie vòng ổn định khớp cổ rồi nói:

- Nào, đưa cô bé lên xe và báo cho bệnh viện đi!

Đôi khi cái chết do đâu mà đến... Vài giây sơ ý và thế là tai nạn xảy ra. Đôi khi sự sống do đâu mà có... Vài luồng điện và thế là trái tim đập trở lại.

Rico và Pete cẩn thận đặt Jessie lên tấm nệm cấp cứu có dây chằng và đưa vào trong xe cấp cứu.

- Các anh chị chở cháu đi đâu? Ethan hỏi.

- Đến bệnh viện St. Jude, Pete vừa trả lời vừa khởi động xe. Ngay gần đây thôi.

Thoạt tiên Ethan định lấy xe mình đang đỗ trong bãi xe và đi theo đến bệnh viện, nhưng khi đám đông bắt đầu tản ra, anh nhìn thấy một chiếc taxi hình dáng tròn trịa đang đỗ trên vỉa hè.

Một người đàn ông da đen to lớn một mắt sụp xuống kèm nhèm dựa vào mui xe, vừa hút thuốc vừa nhìn anh.

° ° °

- Này, anh chơi trò gì đấy hả? Ethan cộc cằn hỏi.

- Chơi trò Cuộc Sống và Số Phận, người lái taxi trả lời.

Giao thông dần dần khôi phục lại.

- Tôi đưa anh đi nhé? Curtis Neville vừa đề nghị vừa mở cửa chiếc xe Checker cũ kỹ.

- Anh biến đi cho tôi nhờ!

- Lên đi, chỉ năm phút là tới bệnh viện thôi.

- Anh không làm tôi sợ đâu, Ethan báo trước rồi ngồi vào ghế sau trong xe.

- Tôi biết, người duy nhất làm anh sợ chính là bản thân anh.

Ethan ngẫm nghĩ về lời nhận xét và không chịu thừa nhận là nó có phần đúng.

Curtis lái xe rất nhanh, chẳng thèm bận tâm đến giới hạn tốc độ hay Luật đường bộ, như thể những quy định đó không dành cho mình vậy.

- Anh tưởng tìm cách lấy khẩu súng là cứu được cô ấy ư?

- Tôi đã cứu được cô bé, Ethan bẻ lại.

Curtis cúi xuống để vặn nhỏ âm thanh chiếc radio cũ kỹ K7 gắn trên ô tô đang phát đi một bản rhythm and blues thời kỳ Motown 3.

- Có một điều anh cần phải hiểu, anh Whitaker ạ: dù có được sống lại ngày này đến cả triệu lần, anh cũng không bao giờ cứu được cô bé đâu.

- Bởi vì số cô bé là vậy, đúng không?

- Tôi nghĩ anh phải chấp nhận thôi: mọi việc diễn ra không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Chống lại điều đó chẳng khác nào chống lại cối xay gió.

- Nhưng tôi đang chứng tỏ điều ngược lại, phải không?

Curtis lảng tránh không trả lời, chỉ nhận xét:

- Đôi khi người ta bất hạnh vì cố gắng một cách tuyệt vọng để tác động lên những điều không phụ thuộc vào họ.

- Anh lại lôi những hình ảnh sáo rỗng và những lời trích dẫn ra rồi. Anh lấy đâu ra những thứ đó thế hả?

- Trong một cuốn sách mà tôi mới đọc, Curtis vừa thú nhận vừa lục trong ngăn đựng đồ lôi ra một cuốn sách có bìa cứng.

Vừa lái xe, anh vừa mở cuốn sách tới trang đã gập góc đánh dấu.

- Anh thấy câu này thế nào: "Thực ra, chúng ta chẳng có cách nào khác là đón nhận những gì số phận mang đến cho chúng ta, dù đó là bệnh tật, tang tóc hay cái chết", và câu này nữa: "Điều duy nhất chúng ta thực sự làm chủ được, đó là cách chúng ta phản ứng với các sự kiện ảnh hưởng đến chúng ta".

Ethan thuộc lòng những câu này:

- Và câu này nữa, Curtis kết thúc: "Học cách sống, tức là học cách được tự do. Và tự do tức là chấp nhận việc gì phải đến sẽ đến".

Người lái xe chìa cuốn sách cho Ethan. Trên bìa sách là chân dung anh: răng trắng, mắt xanh, khuôn mặt được chỉnh sửa qua photoshop.

- Anh đã biết chân lý vì nó được viết trong các cuốn sách của anh, Curtis nhận xét khi dừng xe trong bãi đỗ xe của bệnh viện. Nhưng áp dụng các nguyên tắc này vào đời mình lại là chuyện khác, phải không?

° ° °

Ethan sập cửa xe taxi mà chẳng buồn trả lời.

Anh bước vào tiền sảnh khu cấp cứu nơi anh bắt đầu thấy quen thuộc, cũng như người phụ nữ ở bàn đón tiếp và mái tóc dựng lên như "bờm sư tử" của cô. Anh hỏi cô về cô bé bị tai nạn vừa được chở đến.

Cô chỉ anh đến khu đa chấn thương nơi Shino Mitsuki chuẩn bị vào phòng mổ. Người bác sĩ không tỏ ra ngạc nhiên về sự hiện diện của Ethan. Vả lại bác sĩ cũng chẳng có thời gian mà hỏi han tìm hiểu tình hình. Cô bé anh sắp phải mổ ở trong tình trạng rất xấu: gãy chân, sai khớp hông, dập xương sườn, đứt ruột...

- Tôi sợ nhất là tổn thương não, bác sĩ giải thích: tụ máu, xuất huyết hoặc phù não. Đấy là còn chưa kể đến xương sống bị dập tủy.

Ethan có rất nhiều điều muốn hỏi bác sĩ, nhưng anh này đã biến đi để chuẩn bị phẫu thuật. Vậy là tim thắt lại, ruột gan quặn lên, anh gieo mình xuống ghế, tay ôm đầu. Anh sợ rằng ca mổ sẽ diễn ra rất lâu và giờ anh chẳng giúp ích gì được nữa rồi.

Ethan bỗng cảm thấy lả đi vì mệt mỏi và chán nản. Theo lời bác sĩ Mistuki thì cơ hội sống sót của cô bé chẳng là bao, mà kể cả có sống được thì di chứng cuxgn rất nặng nề. Anh nhắm mắt lại trong giây lát. Một hình ảnh bỗng len lén thoáng qua tâm trí anh: hình ảnh Jessie ngồi trên xe đẩy, miệng đầy rớt dãi và mắt đờ đẫn.

Anh đấm một cú trút giận vào cái máy bán cà phê đặt cạnh ghế anh ngồi. Cái thứ được coi là cơ hội thứ hai cho anh thực ra chỉ là mồi đánh lừa. Con đường đau khổ của anh đang lặp lại y hệt. Dù anh có làm gì thì vẫn cứ phải trải qua những thảm kịch đã làm nên cái ngày đáng nguyền rủa ấy.

Anh vớ lấy cái ba lô của Jessie đang vứt dưới chân mình. Chiếc ba lô hiệu Eastpak màu hồng nhạt được dính thêm nhiều nhãn mác và phủ chằng chịt những dòng chữ nổi loạn bằng bút xóa màu trắng. Anh chần chừ vài giây rồi quyết định mở cái ngăn nhỏ ra. Trong đó có một chiếc iPod bé xíu đời đầu, có thể mua trên eBay với giá không đến 40 đô la. Pin máy đã gần cạn, nhưng Ethan vẫn kịp xem qua hết nội dung lưu trữ trong máy. Anh thấy ngạc nhiên với những gì tìm thấy: chủ yếu là các bài hát hoặc album đã trở thành huyền thoại, có từ thời cuối những năm 80, đầu 90: Comes As You Are của Nirvana, Losing My Religion của R.E.M., Sinead O'Connor hát Nothing Compares 2 U, Tracy Chapman với The Cure, U2 và album Joshua Tree của họ, hay album nổi tiếng Unplugged do Clapton thu âm vài tháng sau khi con trai ông qua đời. Cũng có cả những bản cũ hơn của các ban nhạc và ca sĩ như Led Zepp, Leonard Cohen, Otis Redding, những bài hát hay nhất của Dylan... Tất cả những bản nhạc từng đánh dấu tuổi trẻ của anh nhưng sự hiện diện của chúng trong máy nghe nhạc của một cô bé mười bốn tuổi thì thật lạ lùng.

Anh tiếp tục khám phá và mở ngăn chính ba lô ra. Bên trong có một cuốn nhật ký bìa cứng giả da có in dòng chữ In My Secret Life. Tò mò, anh tìm cách mở ra, nhưng sổ bị khóa bằng một cái khóa kim loại. Sự bảo vệ này chẳng đáng kể gì, nếu anh muốn bẻ khóa được ngay, nhưng sự tò mò của Ethan dừng lại trước sự riêng tư: nếu là anh chắc anh cũng ghét bị một kẻ lạ lẻn vào đời sống bí mật của mình.

Trong ba lô còn có ba cuốn sách loại bỏ túi, giấy đã úa vàng: một tập thơ của Emily Dickinson 4, Bắt trẻ đồng xanh của Salinger và Tình yêu thời thổ tả của García Márquez.

Những cuốn sách này... Anh từng mua những cuốn sách như thế này khi sắp hết tuổi thiếu niên, khi anh khám phá ra văn học, khi anh hiểu rằng người ta có thể quan tâm đến những thứ khác ngoài bóng chày và kênh MTV, khi anh cảm thấy rằng bằng cách nào đó, anh sẽ không bao giờ còn giống như trước kia nữa.

Ethan giở lướt qua cuốn tiểu thuyết đang cầm trên tay cho đến khi chợt giở đến trang lót ở đầu sách. Khi nhìn thấy cái tên viết nắn nót, máu anh như đông lại. Anh chết sững như thể trong anh có cái gì đó đã ngừng lại, lắng nghe tiếng tim đập âm thầm đang nhanh dần lên và dội vào ngực anh.

Cái tên đó chính là tên anh.

--------------------------------
1        Tiếng Anh trong nguyên bản, có nghĩa là Đời sống bí mật của tôi.
2        Elsa Triolet (1896-1970), nhà văn Pháp gốc Nga.
3        Những năm 1960-1970.
4        Emily Dickinson (1830-1886), nữ nhà văn người Mỹ. Sau khi bà mất, những bài thơ ngắn diễn tải nội tâm của bà được in và có ảnh hưởng lớn đến nền thi ca Mỹ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:42:59 | Chỉ xem của tác giả
19 - Những vết sẹo tâm hồn


Xét cho cùng thì cuộc đời cũng chỉ là cuốn truyện trinh thám, là cuộc điều tra ta tiến hành mỗi ngày trên bản thân mình để làm sáng tỏ những vùng khuất của chính mình.

Jean-Christophe GRANGÉ 1


Cái tên đó chính là tên anh.

Những cuốn sách, những chiếc đĩa này cũng đã từng là của anh.

Ngay cả khẩu súng anh đang cầm trên tay cũng vậy - khẩu Colt 1911 có báng súng khảm xà cừ - chính anh đã thắng nó trong một ván poker năm anh mười chín tuổi! Anh vẫn còn nhớ như in: ván ấy anh thắng Sean Denaro, một gã vô lại trong giới người Mỹ gốc Ý ở Boston. Vì anh không thích vũ khí nên tìm cách vứt đi, nhưng Jimmy đã giữ nó lại.

Ethan lục lọi khám phá phần còn lại trong ba lô: một gói bánh quy Oreo chỉ còn vài mẩu vụn, túi đồ trang điểm bằng nhựa, cái ví Hello Kitty. Anh mở ví ra: ví rỗng không, chỉ có một tấm ảnh nhòe nhoẹt. Bức ảnh gia đình đã cũ sờn có hình một cô bé tóc vàng cùng bố mẹ. Vận đồ kín mít đến tận tai, Jessie - lúc đó khoảng bốn, năm tuổi gì đó, đứng tươi cười ôm eo người tuyết còn cao hơn cả cô bé. Cạnh cô là một người phụ nữ còn trẻ, gốc La tinh, nhìn ống kính như thể muốn thách thức, còn người đàn ông rắn rỏi nhìn cô che chở.

Jessie, Marisa và Jimmy...

Cái cô bé đến xin anh giúp đỡ trước khi tự sát chính là con gái của Marisa và Jimmy!

Mắt dán chặt vào bức ảnh, Ethan cảm nhận được tay mình run. Mười lăm năm trước, anh đã bỏ Marisa khi sắp lấy cô. Chắc cô tìm sự an ủi ở Jimmy, người bạn trung thành đã chứng tỏ sự tận tụy của mình đến mức cưới cả cô dâu bị bỏ rơi và làm cho cô sinh con!

Xét cho cùng thì cũng chẳng đáng ngạc nhiên mấy.

Vả chăng những năm gần đây, anh cũng từng nhiều lần nghĩ đến khả năng này. Dù sao thì điều đó cũng giải thích sự hiện diện của Jimmy ở New York và việc anh ta xuất hiện trên cuốn băng của máy camera theo dõi.

Chắc hẳn Jimmy phải lùng sục khắp Manhattan để tìm con gái. Rõ ràng Jessie đã trốn nhà đi. Một trường đoạn buồn bã tầm thường trong đời một cô bé bất đồng với bố mẹ.

Nhưng tại sao Jessie lại đến tìm anh? Tại sao cô lại nghe những đĩa hát của anh, đọc những cuốn sách gối đầu giường của anh, cắt những bài báo nói về anh? Vai trò của bố mẹ cô trong tất cả chuyện này là thế nào?

° ° °

Anh để lại đống đồ vào trong ba lô và đứng lên khỏi ghế. Chỉ có cách duy nhất để làm sáng tỏ chuyện này, đó là đi Boston gặp Marisa. Anh ra khỏi bệnh viện sau khi để lại địa chỉ và số điện thoại ở bàn đón tiếp và mấy chữ viết cho bác sĩ Miitsuki nhờ báo cho anh biết tiến triển cuộc phẫu thuật. Vì văn phòng của anh chỉ cách đó vài dãy nhà, anh đi lấy cái xe Maserati ở bãi để xe ngầm trong tòa nhà nơi anh làm việc.

Vẫn còn rất bối rối, anh để bức ảnh lên kệ, khởi động xe và tăng số leo lên con dốc trải bê tông dẫn ra phố. Anh mải nhìn bức ảnh hơn là nhìn tường. Trên nền bức ảnh, có thể thấy khung một cái xích đu gần cái cây uốn cong. Ethan nghĩ mình nhận ra nơi này: khu vườn trong ngôi nhà của bố mẹ Jimmy ở ngoại ô phía Nam Boston nơi anh từng sống thời thơ ấu. Chính ở nơi đó...

- Áiiiiii!

Anh đạp phanh hết cỡ khi ra đến phố Nam. Quá muộn: xe anh vừa đâm vào bánh sau xe đạp của một nhân viên chuyển văn thư.

Khỉ thật!

Anh tháo thắt lưng an toàn và vọt ra khỏi xe để đến giúp nạn nhân, một chàng thiếu niên nhanh nhẹn đứng dậy trên vỉa hè.

- Cháu có sao không?

- Không sao đâu, không hề gì ạ! Cháu đâu có chân yếu tay mềm!

Thế đấy, anh vừa suýt gây tai nạn! Chỉ một chút lơ đễnh là đủ để giết người rồi. Mọi thứ trong thành phố này đều diễn ra quá nhanh. Mọi người ai nấy đều luôn luôn vận động: người đi bộ, taxi, xe buýt, xe đạp. Đây là thành phố không biết thương xót, chỉ dành cho những chiến binh, sống ở đây phải luôn luôn cảnh giác mọi lúc mọi nơi.

- Cháu có chắc là ổn không? Ethan gặng hỏi.

- Ổn ạ, cháu đã nói rồi mà. Gì mà chú cứ cuống cả lên thế!

Cậu nhân viên chuyển văn thư kiểm tra lại chiếc xe đạp. Ethan chìa cho cậu tờ một trăm đô la.

- Nghe này, bánh xe của cháu có lẽ bị cong vành rồi. Cháu cầm lấy đi. Còn đây là danh thiếp của chú, phòng khi có chuyện rắc rối.

Cậu thiếu niên nhét tiền vào túi và bỗng reo lên:

- Ơ, chú là người trên truyền hình, bác sĩ tâm lý, đúng không ạ?

Ethan gật đầu.

- Chị cháu mê những việc chú làm lắm đấy.

Mẹ tôi đã đọc tất cả những cuốn sách của anh/ Con gái tôi thấy những buổi nói chuyện của anh thật tuyệt vời/ Cô thư ký của tôi sưu tập các đĩa DVD của anh/ Vợ tôi đêm nào cũng đi ngủ cùng anh, tức là đọc sách của anh trước khi ngủ ấy mà. Đó là điều những người đàn ông từng nói với Ethan. Cứ như thể anh chỉ viết cho phụ nữ đọc vậy...

- Buồn cười thật, cậu nhân viên chuyển văn thư nói tiếp, cháu đang trên đường lên văn phòng của chú! Cháu mang thư cho chú.

Cậu ta lục trong túi rồi chìa cho Ethan một phong bì bằng giấy da, màu hạnh đào, có buộc ruy băng.

Thiếp mời đám cưới của Céline...

- Chú có cuốn sách nào ở đây không ạ? cậu thiếu niên hỏi. Liệu chú có thể viết lời đề tặng...

- Cho chị cháu phải không?

- Vâng, chị ấy tên là Trisha ạ.

Trong cốp xe Maserati, Ethan tìm thấy một bản cuốn sách mới nhất của anh, cùng với tập hồ sơ báo chí mà Lyzee chuẩn bị hôm qua để anh tham dự chương trình truyền hình.

- Cái thư này, anh vừa hỏi vừa chỉ tấm thiếp mời, cậu mang từ đâu tới?

- Người gác cổng khách sạn Pháp đưa cho cháu. Khách sạn ở trên phố 44, giữa phố 5 và...

- Khách sạn Sofitel phải không?

- Đúng thế ạ.

Ethan ký tặng cuốn sách và chào cậu nhân viên chuyển văn thư.

Còn lại một mình, anh đỗ xe ngang hàng với một chiếc xe khác và bật đèn báo có sự cố lên. Anh cần có thời gian suy nghĩ. Trước mặt anh là bức ảnh của Jessie và tấm thiệp cưới của Céline. Anh nhìn đồng hồ đeo tay: sắp trưa rồi. Nếu anh đi Boston ngay bây giờ thì không thể quay về Manhattan trước 21 giờ được. Anh phải lựa chọn: gặp lại Céline hoặc Marisa. Nếu quả thực anh chỉ còn một ngày để sống, anh muốn dành nó cho ai? Tất nhiên là cho Céline rồi. Anh quyết định tạm thời quên đi cái linh cảm khủng khiếp mà "hôm trước" anh từng có về mối nguy hiểm anh mang lại cho cô. Anh sẽ nghĩ về điều đó sau. Lúc này, anh chỉ muốn duy nhất một điều: gặp lại cô. Chỉ cần chưa đến mười lăm phút là có thể đến khách sạn cô đang ở. Và lần này, anh cảm thấy có đủ sức lực và sự nồng nhiệt để khiến mình lại được yêu.

Biết bao năm tháng xa cách cô. Suốt cả quãng thời gian phí hoài vào những cuộc chiến mà anh biết là hão huyền. Anh đã bỏ qua mất điều cốt yếu, nhưng lúc này điều cốt yếu đang ở trong tầm tay và anh quyết định không bỏ phí nó nữa.

Anh khởi động lại xe và đi về hướng Manhattan.

Khi đời cho ta cơ hội thứ hai, chỉ có điên mới bỏ qua nó.

° ° °

Tuy nhiên vấn đề là tấm ảnh này. Mái tóc vàng của cô bé và đôi mắt sáng màu không giống cả Marisa lẫn Jimmy. Vấn đề là sự chán sống của cô bé và vẻ mong manh yếu ớt của cô. Vấn đề là tuổi cô bé: khoảng từ mười bốn đến mười lăm...

Ethan kéo cửa kính xe lên. Bỗng dưng anh thấy lạnh. Nhất là anh nhận ra nước mắt đang chảy dài trên má.

Anh bèn bật thiết bị định vị GPS lên và hướng ra cầu Triboro để đi Boston.

Cho đến lúc đó, anh vẫn cố không muốn nhận ra sự thật. Ngày hôm trước, anh còn chưa biết có Jessie trên đời. Nhưng tận sâu trong lòng, chẳng phải anh đã đoán ra hết ngay từ lần gặp đầu tiên, khi anh nhìn thấy cô bé đó sao.

Bởi bây giờ, mọi thứ với anh trở nên rõ ràng hiển nhiên.

Jessie không phải là con gái của Jimmy.

Cô bé là con gái anh.

--------------------------------
1        Jean-Christophe GRANGÉ sinh năm 1961 tại Paris. Ông là nhà báo, phóng viên quốc tế, nhà văn, người viết kịch bản, viết truyện trinh thám nổi danh ở Mỹ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:44:29 | Chỉ xem của tác giả
20 - Jimmy


Người không còn là bạn ngươi thì chưa từng là bạn ngươi.

ARISTOTE 1


Mười lăm năm trước

Tôi tên là Jimmy Cavaletti, tôi 23 tuổi.

Tháng Mười năm 1992 này, tôi đi trên vỉa hè Quảng trường Thời đại, giữa những tiếng kêu, tiếng nhạc và mùi bánh kẹp xúc xích. Bên cạnh tôi là Marisa, vợ chưa cưới của Ethan, cậu bạn thân nhất của tôi, cậu đang đi sau chúng tôi vài mét. Tối nay là sinh nhật cậu ấy. Marisa muốn dành cho cậu ấy điều bất ngờ. Cô đến tìm chúng tôi khi hết giờ làm việc và chúng tôi đi từ Boston lên đây trên chiếc xe Mustang xập xệ của chúng tôi đã được cải tiến theo sở thích.

Trước đó, lúc chiều, tôi đã đặt bàn ở Roastbees để chắc chắn có chỗ mà nhâm nhi món ăn cả bọn đều thích: bánh hamburger kẹp dứa và thịt mỡ muối giòn tan.

Tôi quay lại phía cậu bạn:

- Này! Ethan! Nhanh chân lên chứ!

Cậu ấy ra hiệu bảo tôi đừng lo. Người đông nghìn nghịt, chúng tôi bị ép như ép giò, khó mà chui ra được. Trên vỉa hè đầy người làm trò, cứ như gánh xiếc di động vậy: nhà ảo thuật làm biến mất mấy con thỏ, người lùn trưng một con trăn sống dài tới mét rưỡi, cô gái múa thoát y thì trưng bày thứ khác. Ông già bán bánh kẹp xúc xích vừa bật chiếc đài đang phát một bài hát nổi tiếng của Elvis: Now or Never.

Hoặc bây giờ hoặc không bao giờ.

Tôi chẳng biết mua quà gì cho cậu ấy. Nếu là sinh nhật tôi thì tôi thích được tặng album mới nhất của nhóm nhạc rock Red Hot Chili Peper, nhưng tôi không nghĩ Ethan thực sự sẽ thích thứ đó. Ngược lại, tôi biết có thứ sẽ làm cậu ấy thích: phiếu đặt mua Thời báo New York. Tôi đã hỏi giá rồi, nhưng đắt quá. Vậy là cuối cùng tôi chọn mua một cuốn sách về các tổng thống Hoa Kỳ trong các hiệu sách.

Phải nói là Ethan lúc nào cũng đọc. Ngoài công trường, lũ bạn giễu cậu ấy là "nhà trí thức", nhưng họ rất hài lòng khi cậu ấy thương lượng được với đốc công cho chúng tôi nghỉ giữa giờ và nhiều tiền thưởng hơn. Tôi thấy cậu ấy rất khôn ngoan. Cậu ấy thấy được những điều mà người khác không thấy. cậu ấy đọc nhiều vì cậu ấy khôn ngoan và cậu ấy khôn ngoan vì đọc nhiều. Điều khiến tôi thích nhất là cậu ấy sử dụng những gì đọc được trong sách một cách cụ thể. Ví dụ như để thắng bài poker chẳng hạn. Các cuốn sách về poker đầy những công thức toán khó hiểu. Tôi tin là rất nhiều người mua những cuốn sách đó, nhưng chẳng mấy người đọc được và càng ít người thực sự hiểu chúng. Ethan thì hiểu hết và điều đó khiến chúng tôi kiếm được khá nhiều tiền khi chúng tôi đánh bài cùng nhau, vào tối thứ Bảy, ở gian sau của vài nhà hàng. Nhờ vậy mà chúng tôi mua được chiếc Mustang và mua được vé để cứ hai tuần một lần đi xem đội bóng chày Red Sox chơi.

Thường ngày nghỉ cuối tuần, cậu ấy theo tôi ra sân vận động. Bọn tôi đi uống bia với lũ bạn thân, ăn pizza, rồi lang thang một lúc ở chợ Quincy. Tôi biết cậu ấy thích ngồi đọc sách trong thư viện thành phố cả buổi chiều hơn, nhưng cậu ấy vẫn đi cùng tôi cho tôi vui. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi cũng giả vờ muốn ra thư viện để cho cậu ấy vuil. Cậu ấy biết là tôi giả vờ, và tôi biết rằng cậu ấy biết là tôi biết. Dù nghe có vẻ hơi phức tạp, nhưng xét cho cùng lại rất đơn giản, vì đó là tình bạn.

Marisa và Ethan đẹp đôi lắm. Marisa từng là "quả bom tấn" ở trường trung học của chúng tôi ngày xưa. Trước đây, cô ấy đi lại với Steve Marino, ngôi sao của đội bóng. Rồi năm cuối cấp, Ethan đi chơi được với cô ấy. Mặc dù cậu ấy thấp hơn, không đẹp trai bằng và cũng không vạm vỡ bằng Steve. Nhưng, như cậu ấy nói hôm đã bảo tôi: "Đó là bằng chứng cho thấy đôi khi trí thông minh đánh bại sức mạnh". Marisa là một cô gái rất ngộ. Cô ấy cũng thông minh, nhưng không giống kiểu của Ethan. Đó là trí thông minh thực dụng, tài tháo vát trong cuộc sống hàng ngày. Đôi khi cô ấy tỏ ra rất khắc nghiệt và trơ trẽn, nhưng cô ấy rất tài xoay xở. Có hôm, tôi tình cờ nghe được cô ấy nói chuyện với bạn gái, cô ấy bảo quan hệ với Ethan là "đánh cược cho tương lai". Ngay lúc đó, tôi chẳng hiểu gì cả.

Ngày dần tàn. Đến chỗ đèn giao thông phố 50, tôi cùng Marisa dừng lại chờ một dòng xe chạy qua. Chúng tôi cùng quay lại xem Ethan đâu. Rồi chúng tôi đứng đó chờ suốt nhiều phút liền, giữa những ánh đèn nê ông, những bảng hiệu sáng đèn, những cảnh tắc nghẽn giao thông và tiếng còi xe cảnh sát.

Chúng tôi cứ đứng đó cho đến khi nhận ra điều hiển nhiên: Ethan đã biến mất.

° ° °

Manhattan

Tháng Mười năm 1992

6 giờ sáng

Tôi đã tìm cậu ấy suốt đêm: ở quán ăn, trong các cửa hàng và quán bar chúng tôi thường đến. Tôi gọi về nhà bố mẹ tôi hỏi em cậu ấy có để lại lời nhắn gì không. Thậm chí tôi còn đến đồn cảnh sát, nhưng họ có nhiều việc khác để lo hơn là tìm Ethan. Marisa ở lại cạnh chiếc Mustang. Nếu Ethan chỉ bị lạc thì cuối cùng cậu ấy sẽ đến bãi nơi chúng tôi đỗ xe. Chúng tôi đợi cho đến khi mặt trời lên. Cuối cùng, chúng tôi rời New York vào lúc sáng sớm, khi ánh bình minh hồng nhạt ló rạng trên Manhattan.

Trên xe, trên đường về, thái độ của Marisa rất lạ. Trong khi tôi lo đến xé lòng thì cô ấy lại tỏ ra nhẫn nhịn hơn là đau khổ. Cô ấy có vẻ chấp nhận việc chồng chưa cưới mất tích như là định mệnh. Về phần tôi, tôi hình dung ra những tình huống tồi tệ nhất: tai nạn, tấn công, bắt cóc...

- Anh phải hiểu điều này, cuối cùng cô ấy nói với tôi.

- Cái gì cơ?

- Người bạn thân nhất của anh có lẽ không phải là người như anh nghĩ đâu.

- Em nói thế nghĩa là sao?

- Anh không hiểu là anh ấy bỏ trốn rồi à? Anh không hiểu là anh ấy không thể sống như thế này được nữa à? Anh không hiểu là anh ấy chẳng muốn đi lại với anh và em nữa à?

- Em nói lung tung gì thế hả?

- Mình sẽ không bao giờ gặp lại anh ấy nữa đâu, Jimmy ạ. Em thề đấy.

- Làm sao em có thể thề về người em sắp lấy làm chồng hả?

Cô ấy định trả lời tôi, song bỗng dưng lớp vỏ bề ngoài của cô vỡ ra. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cô khóc. Một lúc sau, cô ấy rút khăn mùi soa trong túi ra, hít mạnh rồi thú nhận với tôi:

- Em đã thấy cảnh này nhiều lần trong ác mộng rồi. Em vẫn biết là có ngày Ethan sẽ ra đi. Em chỉ hy vọng điều đó diễn ra muộn hơn thôi....

- Chúng tôi chẳng nói với nhau lời nào trong suốt chuyến đi. Chỉ trước khi vền đến Boston, tôi mới hỏi cô ấy:

- Này, thực ra điều bất ngờ em định dành cho cậu ấy là gì vậy?

- Cái gì cơ?

- Em định thông báo với cậu ấy điều gì vào lúc tráng miệng?

Cô ấy quay đầu đi. Tia nắng vàng cam làm mặt cô bừng lên như bức tranh khắc. Cô ấy im lặng một lúc rồi mới trả lời:

- Em định bảo là em có mang.

° ° °

Tháng Mười một năm 1992 - Tháng Tư năm 1993

Trong những tuần lễ sau đó, tôi còn trở lại New York nhiều lần. Tôi tự mình tìm cậu ấy hỏi tất cả những người có thể đã gặp Ethan - nhân viên nhà ga, hỏi tất cả những người có thể đã gặp Ethan - nhân viên nhà ga, tài xế xe buýt, cảnh sát - đảo qua tất cả các bệnh viện, đồn cảnh sát, nhà xác, những ngôi nhà vắng chủ nơi người vô gia cưc hiếm giữ, các trạm xuawng.

Tôi không chịu tin điều Marisa nói. Ethan không đời nào đi mà không nói cho tôi biết, không để lại cho tôi lời nhắn nào, không báo tin gì cho tôi. Sáu năm trước, khi bố mẹ cậu ấy mất - hai người mất cách nhau chỉ có vài tháng - cậu ấy đã đến ở nhà tôi và tôi coi cậu ấy cũng như anh em trong nhà.

Đương nhiên, nhiều khi tôi cũng tự nhủ là cậu ấy đang bỏ phí thời gian với chúng tôi, thật tiếc là cậu ấy phải bỏ học và không vào đại học được. Tuy nhiên, do ích kỷ nên tôi rất hài lòng vì nhờ thế mà được gặp cậu ấy hàng ngày. Đúng là cậu ấy rất kín tiếng. Đôi khi suốt nửa giờ liền, cậu ấy để đầu óc vẩn vơ tận đâu đâu ấy, mắt thì nhìn mông lung. Những lúc ấy cậu ấy đang ở đâu nhỉ? Cùng ai?

Vài tuần sau, tôi mở thư từ ngân hàng gửi về nhà cho cậu ấy và ngạc nhiên nhận ra cậu ấy có khá nhiều tiền trong tài khoản: gần 30 000 đôla. Chắc là tiền thắng các ván poker cậu ấy chơi một mình. Tôi xem bảng sao kê các khoản chi tiêu của cậu ấy: có những khoản mua bán ở Philadelphia, ở Washington, rồi sau đó là ở Chicago. Tiếc là tài khoản đã bị đóng ít ngày sau Noel.

Cuối cùng, mùa xuân năm 1993, tôi tìm thấy đấu vết cậu ấy, nhờ điều tra ở trường trung học của chúng tôi ngày xưa. Trường đại học ở Seattle đã đề nghị chuyển hồ sơ của cậu ấy để đăng ký nhập học.

Không nói gì với bố mẹ tôi và Marisa, tôi rút tiền trong sổ tiết kiệm dành để mua nhà rồi mua vé máy bay đi Seattle. Tôi đến trường đại học đó, hòa mình vào đám sinh viên. Thời ấy, mốt ăn mặc bụi như những ca sĩ nhạc rock đang rất thịnh hành và chẳng cần phải chải chuốt bảnh chọe để ra vẻ ta đây.

Tôi thấy cậu ấy trong vườn trường, đanh tranh luận với các sinh viên khác trên bãi cỏ xanh rờn. Tôi nghĩ cậu ấy nhìn thấy tôi từ xa vì cậu ấy ngay lập tức đi về phía tôi, trước khi tôi kịp đi đến chỗ nhóm cậu ấy đang ngồi.

- Cậu làm cái quái gì ở đây hả Jimmy?

Cậu ấy không còn là Ethan tôi từng biết nữa. Cậu ấy gầy đi, tóc cắt ngắn và mặc áo vét, áo sơ mi và quần âu chứ không phải quần jean.

- Cậu có chuyện gì vậy?

- Cậu không hiểu được đâu, cậu ấy lắc đầu trả lời.

- Nhưng ít ra cậu cũng phải giải thích cho tớ chứ!

- Cậu muốn tớ giải thích cái gì chứ, mẹ khỉ! Ở đó tớ thấy ngạt thở! Ngạt thở vì phải u mê đần độn trên công trường với những kẻ cả đời chẳng bao giờ đọc sách, những kẻ chẳng quan tâm đến điều gì, chẳng có chút văn hóa nào. Tớ luôn muốn chết vì không thấy tương lai, không có dự định, không còn mơ ước gì nữa!

- Thực ra thì cậu...

- Tỉnh dậy đi Jimmy, hãy làm cho đời cậu có ý nghĩa. Đừng có tốt quá với mọi người. Hãy nghĩ đến bản thân cậu trước khi nghĩ đến người khác.

Cậu ấy chẳng hề hỏi thăm tin tức của Marisa và bố mẹ tôi. Cậu ấy đã hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ với chúng tôi và với tất cả những gì từng là cuộc sống của cậu ấy.

Trước khi quay gót, cậu ấy còn hỏi tôi:

- Cậu thử nói cho tớ nghe một lý do chính đáng để quay lại xem nào.

Tôi mở miệng và định trả lời cậu ấy: Marisa có mang. Cậu sẽ có một cô con gái, tuần sau con bé sẽ chào đời. Có lẽ cậu ấy sẽ quay lại thật, mà cũng có thể là không.

Cuối cùng tôi quyết định làm điều cậu ấy đã khuyên tôi: tôi nghĩ đến bản thân trước khi nghĩ đến cậu ấy.

Rồi tôi nghĩ đến Marisa, người tôi vẫn thầm yêu trộm nhớ.

Tôi chẳng nói gì và bỏ đi.

Trên chuyến máy bay đưa tôi về Boston, tôi bắt đầu nghĩ đến những cái tên đặt cho con bé.

Những cái tên cho con gái tôi.

--------------------------------
1        Aristote (384-322 trước Công nguyên), triết gia Hy Lạp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:46:09 | Chỉ xem của tác giả
21 - Marisa

Chúng ta tiến lên như thế, như những con thuyền ngược dòng, cái dòng chảy cứ liên tục đưa ta về với quá khứ

Francis Scott FITZGERALD


Hôm nay

Ngoại ô phía Nam Boston

16h

Ethan đã đi suốt 350 kilômét không ngừng lại chút nào.

Anh đỗ chiếc Maserati dọc theo vỉa hè, ở ngã tư giữa phố Hope và phố Joy: phố Hy vọng và phố Niềm vui.

Bao giờ những chỗ tệ hại nhất cũng mang những cái tên lạc quan nhất, anh vừa nghĩ vừa sập cửa xe.

Bầu trời thấp và xám xịt. Lòng bồn chồn, anh châm điếu thuốc, dựng cổ áo vest lên che gió và bước vào con phố nơi anh từng sống khi còn nhỏ.

Nơi này còn tệ hơn cả những gì anh nhớ. trong vòng mười lăm năm, khu này chẳng được sửa chữa tu bổ gì cả. Nó có vẻ chịu tác động của cơn khủng hoảng tín dụng nhà đất. Những khu vườn bỏ hoang, mặt tiền nhà chằng chịt hình vẽ nhăng vẽ cuội, cửa sổ bịt kín mít. Trên vỉa hè vứt đầy khung máy giặt, bàn ghế bằng gỗ dán, đồ trang trí rẻ tiền lèn chặt trong thùng giấy: vết tích ít ỏi của cuộc sống thường ngày bỗng dưng bị cắt ngang vì những người sống ở đây bị đuổi ra khỏi nhà quá gấp gáp.

Thị trường chứng khoán thế giới chỉ mới chịu tác động của vụ sụp tín dụng thứ cấp từ mùa hè này, nhưng ở đây cơn khủng hoảng đã tác oai quái từ lâu. Ba năm gần đây, nhân viên tòa án bận túi bụi. Liên tục có người bị đuổi ra khỏi nhà, khiến cho khu này dần dà biến thành vương quốc của những ngôi nhà vắng chủ và đổ nát, thành chốn dung thân quá sức mong đợi cho bọn buôn bán ma túy và các băng nhóm.

Chừng nào khủng hoảng chỉ ảnh hưởng đến những người lao động nghèo thì chẳng ai buồn động tâm. Chỉ đến khi phố Wall rung chuyển thì cả thế giới mới hoảng lên.

Tình huống cổ điển.

Ethan di mẩu thuốc và châm ngay điếu khác. Nếu có thể thì anh muốn uống ngay một ly whisky hay một hớp vodka.

Đây là mặt bị giấu đi của nước Mỹ: thế giới của những working poors 1, bị bỏ xó bên vệ đường, thứ mà hiếm khi thấy trên phim, thế giới của những người chơi xổ số Giấc mơ Mỹ nhưng chẳng bao giờ trúng số.

Cái thế giới anh từng muốn thoát khỏi biết bao nhiêu.

Anh dừng vài giây trước ngôi nhà bố mẹ anh từng thuê. Một tấm biển cắm trước ngôi nhà bị dùng vào việc khác. Tấm biển ghi: Too late! No Copper! No Boiler! 2 báo cho những kẻ muốn đến cướp phá là những kẻ khác đã nhanh tay hơn họ. Trong đầu anh, những kỷ niệm quay lại, hỗn độn và lộn xộn.

Không để mình mềm lòng, Ethan tiếp tục bước đi trên vỉa hè. Mấy con chó giận dữ sủa sau hàng rào. Trên sân bãi trải nhựa đường đã biến dạng, chừng chục thiếu niên đang thay nhau chơi bóng rổ bên chiếc đài cũ kỹ phát ra những bản rap ầm ĩ.

Xa hơn một chút, một cô gái da đen ngồi đơn độc trên bức tường thấp, nhập bản tóm tắt cuốn sách đang đọc vào chiếc máy tính xách tay lỗi thời, màu quít. Mái tóc tết xù kiểu người Phi, áo sơ mi trắng chiết eo, áo phông nhái hiệu Ralph Lauren, cái nhìn kiêu hãnh và ý muốn được ở nơi khác. Ethan nheo mắt để nhìn cho ra cuốn sách cô đang đọc: Trái tim là người thợ săn đơn độc của Carson McCuller 3. Cô gái này chính là hình ảnh của anh hai mươi năm trước...

Anh đi qua chỗ giao nhau với phố Công viên. Một cụ già đang tưới vườn cố tình làm nước bắn lên người anh vừa cười nhạo, nhe cái miệng móm: ông già Mitchell vẫn còn sống! Mười lăm năm trước ông đã già lọm khọm, nhưng thật ngược đời, chính ông lại là người duy nhất không thay đổi ở đây.

Cuối cùng, Ethan chỉ còn cách ngôi nhà số 120 vài mét: đó là ngôi nhà của bố mẹ Jimmy. Nơi anh từng sống sáu năm cuối cùng ở Boston.

Giữa bãi cỏ là lá cờ Mỹ phai màu rách nát. Trên hiên nhà, một phụ nữ phơi quần áo trong khi đài phát một bản rock cũ của Springsteen.

I was unrecognizable to myself...

° ° °

... In the streets of Philadelphia 4.

Không khí nặng nề, ẩm thấp, như khi trời sắp mưa. Đầu óc để tận đâu đâu, Marisa cắm những cái kẹp quần áo lên trên dây phơi bằng ni lông. Cô nghĩ đến đứa con gái Jessie, nó biến mất từ tối qua đến giờ, đến Jimmy, chồng cô, người đã đi New York tìm con bé, và đến gã nhân viên ngân hàng sáng nay đến thông báo cho cô biết nhà họ sắp bị tịch thu. Lẽ ra vợ chồng cô không nên mua lại căn nhà này sau khi bố mẹ Jimmy qua đời, khi những người chủ rao bán nhà. Lẽ ra vợ chồng cô phải đi xa khỏi nơi này, nhưng chồng cô cứ nằn nì! Mà lúc đầu quả thật mọi chuyện cũng suôn sẻ, nhưng từ sáu tháng nay vợ chồng cô không trả được tiền nhà đúng hạn nữa. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, họ bị mắc bẫy tín dụng thứ cấp. Thật ngớ ngẩn: biến khoản vay 250000 đô la với lãi suất cố định trong 25 năm thành khoản vay có lãi suất lũy tiến. Thời gian đầu thì điều đó giúp vợ chồng cô tiết kiệm được vài trăm đô một tháng, khoản đó ngay lập tức được đầu tư vào xí nghiệp xây dựng của Jimmy. Sau đó lãi suất tăng lên, khiến vợ chồng cô không trả nổi những khoản thanh toán hàng tháng nữa. Marisa phải làm thêm giờ ở khách sạn gần đường cao tốc nơi cô làm việc và Jimmy đã sa thải hai công nhân. Nhưng như vậy vẫn không đủ, cô đành lấy khoản tiết kiệm dành cho việc học hành của con gái ra.

Vô ích.

Cô đã thử đến ngân hàng xin gia hạn nợ, nhưng chẳng ích gì. Khoản vay của cô đã bị chuyển hco một người môi giới, rồi cho những tổ chức tín dụng khác. Quá tuyệt vọng, cô toan nhờ luật sư can thiệp, nhưng rốt cuộc là phải trả thêm một khoản mà chẳng ích gì. Tất cả chỉ vì cô không hiểu hết những thuật ngữ được in nhỏ li ti trong hợp đồng.

Những tháng gần đây, cô sống trong lo âu: Jimmy làm việc như điên và trở nên bẳn tính, Jessie trải qua giai đoạn khó khăn, ngôi nhà của gia đình sắp bị tịch thu và đem bán đấu giá với giá bèo bọt. Nhưng từ hôm qua thì nỗi lo âu của cô biến thành nỗi hoảng sợ khi con gái cô...

Cô bỗng dừng phắt dòng suy tư. Trên phố, một người đàn ông đang nhìn cô. Người đàn ông cô không gặp lại từ mười lăm năm nay, người mà lúc nào cô cũng mong biết tin tức.

Vừa mong vừa sợ.

° ° °

Một tia chớp ngoằn ngoèo rạch nát chân trời, tiếp ngay sau đó là tiếng sấm ầm ì. Ethan mở cái cửa nhỏ và bước trên con đường nhỏ.

- Marisa! anh nói, giọng không chắc chắn.

Anh nhìn người vợ chưa cưới ngày xưa của mình, lòng vừa cảm thông vừa ngạc nhiên. Cô bằng tuổi anh - ba mươi tám - nhưng trông già hơn tuổi, dáng cô hơi còng và những nếp nhăn sớm hằn trên khuôn mặt.

- Em biết anh nghĩ gì, cô nói như thể đọc được ý nghĩ trong đầu anh. Nhưng anh cũng chẳng còn trẻ trung gì đâu, nói thật là trông anh ở ngoài còn già hơn trên truyền hình.

Sấm lại gần hơn, càng làm tăng cảm giác không thoải mái.

- Nếu anh đến đây, tức là anh đã gặp Jimmy phải không?

Cô không giấu được vẻ lo lắng.

- Không, anh nhẹ nhàng trả lời, nhưng anh đã gặp Jessie.

- Anh có đưa nó về cho em không?

Giọng cô hơi lấy lại được chút hy vọng. Ethan buồn rầu lắc đầu.

- Thế con bé đâu?

Anh thoáng ngập ngừng rồi nói:

- Anh cũng không biết nữa.

Anh cảm thấy không có đủ can đảm để thông báo với cô là con gái cô đang giữa sự sống và cái chết, trên bàn mổ trong bệnh viện. Nhất là vì anh muốn bám lấy hy vọng là tình trạng của Jessie có lẽ không trầm trọng như anh vẫn sợ, và rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa cả.

- Có chuyện gì mà con bé lại trốn nhà đi thế? anh hỏi.

- Không phải việc của anh, Marisa trả lời.

Cơn dông cứ ủ mãi cuối cùng cũng bùng ra, trút mưa cùng sấm chớp xuống.

- Sao trước đây em chẳng nói gì với anh? anh vừa hỏi vừa đi đến chỗ cô đứng trên hiên nhà.

Vì cô không trả lời, anh hỏi lại bằng giọng hơi cộc cằn:

- Sao em không nói với anh là em có mang?

Cô nhìn thẳng vào mắt anh:

- Vì anh không để cho em kịp nói.

- Không, Marisa, đổ trách nhiệm cho anh thì dễ quá.

- Nghe này Ethan, anh từng không muốn đứa con này và...

Anh ngắt lời cô:

- Có thể anh từng không muốn có nó thật, nhưng anh là cha nó và anh có quyền được biết!

Những tia chớp thay nhau vạch ngoằn ngoèo trên nền trời rồi bỗng cơn dông lui đi, để lại sau nó bầu không khí nặng nề đe dọa. Marisa dụi mắt để xua đi cơn mệt mỏi.

- Không, Ethan, có thể anh đã cho nó sự sống, nhưng anh không phải là cha nó.

- Có chứ!

- Jimmy đã nuôi dạy nó từ mười bốn năm nay. Còn anh, anh đã làm gì? Anh không nuôi nó, anh không ru nó, anh không an ủi nó khi nó thấy sợ...

Anh tóm lấy cánh tay cô và lay cô dữ dội:

- Làm sao anh có thể chăm lo cho nó được? Anh có biết mình có con đâu?

Anh siết chặt cánh tay cô ngày một mạnh như thể ngăn không cho cô nói, nhưng cô hét thẳng vào mặt anh.

- Đánh đi, đánh tôi đi, đánh ngay đi! Dù sao thì anh cũng chỉ biết làm người khác đau thôi!

- Thế nhưng khi có chuyện thì Jessie lại đến tìm tôi!

Cô cố thoát ra khỏi tay anh và anh buông tay cô, bỗng nhận thấy phản ứng của mình thật thô bạo.

Trong khi Marisa trốn vào trong nhà, Ethan thở dài ngồi xuống bậc thềm.

Anh mong đợi gì khi đến đây? Mong mọi người đón chào anh nồng nhiệt chăng? Đấy là chưa kể mối oán giận anh gây ra ngày xưa chỉ càng lớn hơn.

° ° °

- Cách đây bốn, năm năm có người đàn bà đến đây...

Ethan giật mình. Marisa đã quay lại hiên nhà, trông cô có vẻ bình tĩnh lại và đang giấu cái gì đó sau lưng.

- ... đó là một phụ nữ Pháp, cô nói tiếp, cô ấy nói tên, nhưng tôi quên rồi...

Céline...

Céline vốn chẳng biết gì nhiều về quá khứ của anh, nhưng cô đã theo dấu vết anh đến tận Boston! Anh không bao giờ ngờ được điều đó.

- Cô ấy muốn gì? anh vừa hỏi vừa cố nén cảm xúc.

- Tôi cũng chẳng biết nữa. Cô ấy muốn "hiểu anh", cô ấy bảo tôi thế. Theo như tôi hiểu thì anh cũng bỏ cả cô ấy, mà chẳng buồn giải thích hay tế nhị chút nào, như anh vẫn quen làm thế.

- Thế em kể gì với cô ấy?

- Sự thật.

- Sự thật của em, anh chữa lại.

- Có lẽ thế, nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là...

- Gì cơ?

- Là tôi có cảm giác ngay cả sau khi đã nghe tôi kể, cô ấy vẫn muốn gắn bó với anh.

Ethan cúi đầu, châm điếu thuốc và để nó cháy chầm chậm, mắt nhìn mông lung, trước bức tường mây đen đang nút chặt chân trời.

- Nhân tiện, tôi trả anh cái này!

Anh quay lại và nhận thẳng vào ngực thứ Marisa ném anh. Đó là cái túi thể thao sờn cũ giả da, có mang logo đã bị xóa mất một nửa của Đại hội thể thao Olympic Los Angeles 1984.

- Cái gì thế này?

- Anh cứ mở ra thì biết.

Anh mở cái khóa kéo: túi đầy những tờ tiền mệnh giá 50 và 100 đô la.

- Của anh đấy, toàn bộ số tiền anh đã gửi Jimmy từ mười năm nay. Tương đương với số tiền anh chuyển vào tài khoản của anh ấy: lúc đầu là 800 đô la mỗi tháng, sau đó là 2000 đô la khi anh bắt đầu xuất hiện trên truyền hình...

Ethan đặt cái túi xuống cái bàn nhựa. Marisa nói tiếp:

- Anh có thể đếm lại, không thiếu xu nào đâu: đúng 148000 đô la. Anh cho rằng chừng đó đủ chuộc lỗi hả? Cái đó giúp anh ngủ ngon hơn hả? Anh nghĩ gì thế hả? Anh nghĩ chúng tôi đợi đồ bố thí của anh để sống chắc?

Anh cố làm cô bình tĩnh lại, nhưng chẳng ích gì.

- Anh thích chơi trò từ thiện hả?

- Anh chỉ muốn giúp hai người thôi, Ethan biện bạch.

- Nhưng anh không cần phải làm thế. Anh đã muốn đi thì cứ đi hẳn đi cho xong, phải cắt đứt mọi quan hệ! Nhưng không, anh không có đủ can đảm...

Marisa túm lấy cái túi và hua hua trước mặt anh.

- Anh thấy chưa, lúc này tôi chẳng có xu nào dính túi, nợ nần ngập đầu ngập cổ và chắc chắn sẽ mất nhà, nhưng tôi thà chết còn hơn động vào tiền của anh!

Cô giận dữ mở cái túi ra và đổ xuống, giải thoát cho hàng trăm tờ tiền bay lên thành luồng như đàn chim trời.

- Ethan ạ, nếu anh muốn giúp chúng tôi thật, hãy đưa con gái và chồng tôi về cho tôi. Tôi chỉ nhờ anh có vậy thôi.

° ° °

Gió bỗng dưng nổi lên nối tiếp sau mưa. Có tiếng chó sủa xa xa.

Cứng họng vì những lời đay nghiến của Marisa. Ethan bước xuống bậc thềm và đi dọc phố Hy vọng theo chiều ngược lại, về xe mình.

Mấy thiếu niên chơi bóng rổ rời sân bóng lúc có cơn dông giờ đã quay lại, đang hò hét như điên đuổi theo mấy tờ tiền giấy bị gió lùa cuốn đi như lá rụng.

Cô gái trẻ cùng máy vi tính núp dưới mái bến xe buýt, lặng lẽ nhìn đám thiếu niên. Cô ôm chặt cuốn sách vào ngực. Trên bìa tiểu thuyết là một tấm ảnh đen trắng: những năm 40, một phụ nữ trẻ lạc lõng, đơn độc và buồn rầu.

Nét duyên dáng mỏng manh của Carson McCullers...

--------------------------------
1        Tiếng Anh trong nguyên bản, nghĩa là người lao động nghèo.
2        Tiếng Anh trong nguyên bản, nghĩa là Quá muộn! Không còn đồng xu nào! Không còn nồi xoong nữa! (chú thích của tác giả).
3        Carson McCullers (1917-1967), nữ nhà văn Mỹ, tác phẩm của bà chịu nhiều ảnh hưởng của Freud, nói về nỗi cô đơn của con người.
4        Tôi khó nhận ra chính mình... trên đường phố Philadelphia (chú thích của tác giả).


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:47:45 | Chỉ xem của tác giả
22 - Ánh sáng thành phố


Có những ngôi sao chết những vẫn sáng vì tia sáng của chúng bị thời gian cầm tù.

Don DELILLO 1


Hôm nay

20h 45

Một đoạn đường cao tốc bang New York

Đêm xuống đã lâu.

Ethan bồn chồn lái xe về hướng Manhattan, gần như chạm giới hạn tốc độ. Cứ hai phút một lần anh lại lo lắng liếc nhìn màn hình điện thoại, đợi một tin nhắn làm yên lòng của Shino Mitsuki về tình trạng sức khỏe của Jessie. Ba giờ trước anh đã nhận được một mẩu tin ngắn gọn: tình trạng không chuyển biến - ca mổ tiếp tục. Anh đã gọi ngay cho bệnh viện, nhưng bác sĩ không nhận điện thoại.

Cuộc đối mặt với Marisa làm anh xúc động sâu sắc. Thời gian trôi đi, cô đã dồn hết vào anh mọi nỗi tức giận, oán hận và thất bại đến mức từ chối không cho anh được nhận con gái. Nhưng rồi anh sẽ làm cô phải đổi ý. Anh không có mặt trong mười lăm năm đầu đời của Jessie, nhưng giờ anh sẽ chăm lo cho Jessie. Còn chưa quá muộn. Với điều kiện là cả hai bố con sống qua được cái ngày điên rồ này.

Ethan về số và đi sát sang trái để chuẩn bị rẽ ra lối Saw Mills Parkway. Vì thấy kim đồng hồ xăng nhấp nháy báo hết đã được một lúc, anh buộc phải dừng ở trạm xăng. Trong khi một nhân viên chăm lo cho chiếc Maserati, anh lao vào nhà vệ sinh dấp nước lên mặt. Một câu hỏi cứ trở đi trở lại trong đầu anh từ một lúc nay: mười lăm năm trước, nếu Jimmy báo cho anh biết là Marisa có mang thì anh sẽ làm gì? Anh có về Boston để đảm nhận vai trò làm cha không hay là vẫn ở lại Seattle tiếp tục cuộc đời mới?

Anh chăm chăm nhìn mặt mình một lúc lâu trong tấm gương trên chậu rửa, như thể câu trả lời nằm trong nếp nhăn trên mặt anh, trong ánh mắt anh hay trong nếp gấp giữa hai môi anh. Nhưng sự thực là anh cũng chẳng biết nữa. Ta chẳng thể viết lại lịch sử. Ai có thể nói chắc rằng mình sẽ xử sự như thế nào trong những hoàn cảnh khác? Chẳng ai hết.

Không tìm thấy câu trả lời thỏa mãn cho câu hỏi của mình, anh ra khỏi nhà vệ sinh và đút một đồng tiền vào máy bán đồ uống nóng. Trạm xăng được trang hoàng màu sắc của lễ Halloween: tràng hoa da cam, bí ngô khoét rỗng làm đèn, mũ phù thủy, mặt nạ gớm ghiếc bắt chước hệt trong phim Scream. Cạnh mấy cuốn tạp chí là cả một lô cuốn Harry Porter mới nhất choán hết cả ngăn sách và lấn lướt cả Stephen King 2. Ethan lấy cốc đồ uống, một cốc cà phê cappuccino âm ấm khó chịu mà anh chỉ uống có một ngụm trước khi bước ra ngoài màn đêm. Anh chỉ mong mau mau chóng chóng đến bệnh viện để được ở gần con gái. Anh châm điếu thuốc không biết là thứ bao nhiêu nữa - Ngày mai mình sẽ bỏ thuốc. Nếu mình còn sống, lần này mình sẽ bỏ thuốc, mình sẽ bỏ, thề đấy - và mở khóa xe.

Khi đến Manhattan thì chiếc xe bắt đầu có dấu hiệu trục trặc: vẫn cái tiếng lẹt xẹt như đĩa than bị hỏng hệt như lần trước. Ethan chẳng lấy gì làm ngạc nhiên: vì ngày đang lặp lại nên anh chẳng ngạc nhiên khi thấy chiếc Maserati gặp những trục trặc như lần trước. Xét cho cùng thì anh vẫn còn may là nó đưa anh đến tận Boston và quay lại. Vì lúc này anh đang ở gần nhà hơn là bệnh viện nên anh nghĩ mình có thể đến được bến tàu trước khi cái xe tịt hẳn. Nếu về được đến tàu, anh có thể lấy xe mô tô đỗ ở một trong những nhà xe nhỏ ở cuối bãi đỗ.

° ° °

- Lạnh quá hả?

Ethan vừa mới ra khỏi xe, thở phào nhẹ nhõm vì về được đến nơi, và anh quay lại phía giọng nói gọi anh.

Một cú đấm mạnh bật thẳng vào ngực anh, làm anh ngạt thở. Một cú nữa đánh trúng quai hàm anh và hất anh ngã xuống đất. Mặt vuông, đeo kính đen, có vẻ hung dữ, hai gã hộ pháp dựng anh dậy để ôm ngang người giữ anh thật chặt.

Băng nhóm nhà Giardino! Mình quên mất tụi này!

Rõ ràng là ngược lại, bọn chúng lại không quên anh.

Dù trời lạnh, gã "đao phủ" vẫn không mặc áo sơ mi dưới lớp áo smoking. Thay lời giới thiệu, hắn thụi mạnh vào bụng Ethan.

- Cô Giardino chờ tiền từ mười lăm ngày nay rồi, hắn nghiêng đầu thông báo.

- Thôi đừng lặp đi lặp lại như cái đĩa hát bị vấp nữa!

Gã đánh thuê chau mày, không hiểu câu đáp lại của anh. Để giấu nỗi lúng túng, hắn siết chặt nắm đấm và báo trước:

- Tao cho mày hộc máu mũi bây giờ!

... rồi lại đấm liên tiếp, điều hắn vốn rất thành thạo.

- Mày sẽ còn hộc máu mũi lâu!

Ngay từ những cú đầu tiên, Ethan đã cảm thấy xuống sức. Cơ thể anh vẫn còn chịu di chứng của trận đòn trước. Nhưng gã tấn công anh không nhận ra điều tế nhị đó mà lại càng hăng say đấm đá. Việc đánh Ethan càng dễ dàng hơn vì anh bị hai gã khổng lồ giữ chặt chân tay và ôm ngang người. Hai gã này không tham gia đấm đá anh mà chỉ làm cực tốt vai trò gọng kìm và máy nghiền.

Nhưng bỗng dưng mọi chuyện trở nên phưc tạp hơn. Một người nữa nấp sau hai chiếc xe hiện ra trong đêm tối và lao vào gã đang tra tấn Ethan, tống một cú trời giáng làm gã ngã bổ chửng.

Vậy là một trận ẩu đả khác bắt đầu. Hai gã người vượn đồng thời buông Ethan để ra giúp sức cho gã cầm đầu, bỏ mặc anh sụp xuống mặt đường trải nhựa. Miệng đầy máu, mí mắt sưng vù, người mềm nhũn trên mặt đường, anh quan sát mà chẳng hiểu sự đối đầu đang diễn ra quanh anh. Cái người bỗng dưng xuất hiện là ai vậy? Sao anh ta lại giúp anh? Anh khó nhọc gượng dậy và nheo mắt. Trong lúc đánh lộn, anh đã đánh rơi mất một bên mắt kính áp tròng, trong bóng tranh tối tranh sáng, anh chẳng nhìn thấy gì mấy. "Người cứu giúp" anh đang bị hai gã khổng lồ dần cho nhừ tử. Cũng chẳng có gì là lạ, với những địch thủ như vậy thì khó mà thắng được, trừ phi có vũ khí. Mải đánh nhau, ba gã đồ tể nhà Giardino bỗng quên mất Ethan, trong vài giây, anh có cơ hội trốn đi. Anh không tận dụng cơ hội này, vì không thể bỏ người...

Jimmy!

Anh chết sững vì ngạc nhiên. Người đàn ông đó là Jimmy!

Jimmy đang bị đau, bị kẹp giữa hai gã bò mộng.

Khó mà thắng được, trừ phi có vũ khí.

Gã đánh thuê đã đứng dậy và thở hồng hộc đi lại phía anh. Hắn cầm trong tay con dao gấp mà hắn mở ra đánh cạch một cái.

Một tiếng cạch cũng nảy ra trong đầu Ethan.

... trừ phi có vũ khí...

Sao anh lại không nghĩ đến điều đó sớm hơn nhỉ? Anh đút tay vào túi và nắm lấy khẩu súng lục của Jessie mà anh nhặt được trên vỉa hè ngay sau tai nạn. Anh chĩa súng vào chân gã đánh thuê, nhưng cả đời anh đã bắn bao giờ đâu, chẳng biết ngắm cũng chẳng biết khoảng lùi hay...

Phát đầu tiên gần như tự bắn khỏi nòng súng, phát thứ hai tiếp theo ngay.

Gã đao phủ rống lên, sờ tay xuống đùi rồi xuống đầu gối, sau đó ngã lăn ra đất. Bất ngờ vì đòn đánh trả không tính đến, hai gã thuộc hạ bỏ Jimmy đấy để quay lại chăm lo cho gã cầm đầu. Chúng vội vã đưa hắn vào trong chiếc xe Hummer. Chỉ khoảng không quá hai mươi giây trôi qua kể từ lúc súng nổ đến lúc ba gã vội vàng bỏ chạy trong tiếng lốp xe chà xát trên mặt đường.

May là tiếng súng không thu hút bất cứ ai, vào giờ này bãi xe vắng tanh. Mặt nhăn nhúm, Jimmy khó nhọc lấy lại hơi thở. Anh buông người dọc theo chiếc Maserati, lưng dựa vào vành bánh trước. Ethan lết lại gần và ngồi xuống bên cạnh anh.

- Tớ đã bảo cậu khẩu súng này chỉ mang lại rầy ra cho chúng mình thôi, Ethan vừa nói vừa chỉ khẩu súng đã từng làm hai người tranh cãi nhiều khi còn niên thiếu.

- Nhưng tạm thời tớ nghĩ là nó vừa mới cứu sống bọn mình, đúng không?

- Sao cậu tìm được tớ?

- Tớ đến văn phòng của cậu và có vẻ như tớ không phải là người duy nhất tìm cậu thì phải. Mấy gã này hỏi han lung tung khắp cả. Vì trông chúng có vẻ quyết tâm tìm ra cậu và biết nhiều thứ, tớ nảy ra ý định đi theo chúng. Dù sao tớ cũng biết chỗ cậu neo tàu. Tớ đã nhìn thấy ảnh con tàu của cậu một lần trên tạp chí.

- Cậu có bị thương không?

- Không sao, nhưng tụi nó đánh dữ quá.

- Nhưng ít ra cậu cũng thoát được điều tệ nhất.

- Cái thằng đội mũ cao bồi trông hung hăng ấy hả?

- Ừ, nếu cậu không muốn mất ngón tay thì đừng có mong gặp phải nó.

- Chúng muốn gì ở cậu?

- Tớ nợ tiền cô chủ chúng: nợ chơi poker.

Jimmy lắc đầu không tin:

- Cậu ư, cậu chơi bài poker với một phụ nữ mà chưa ư?

- Ừ, tệ quá phải không?

Jimmy không ghìm được nụ cười.

- Thế cậu nợ cô ta bao nhiêu?

- Hơn hai triệu đôla.

Jimmy huýt sáo một hơi dài.

- Cậu gặp rắc rối to rồi, đúng không?

- Chính cậu nói thế đấy nhé.

- Ấy thế mà trên truyền hình, trông cậu có vẻ sung sướng lắm.

Lần này thì đến lượt Ethan mỉm cười. Được gặp lại cậu bạn, anh thấy dễ chịu quá. Tiếc là anh phải thông báo với bạn một tin xấu.

- Chúng mình có chuyện cần nói đấy, anh nói và vừa đứng dậy vừa chìa tay cho Jimmy. Bọn phải đi gặp Jessie.

Mắt Jimmy sáng lên trong bóng tối:

- Cậu biết con bé ở đâu à? Tớ tìm nó suốt cả ngày.

- Con bé ở bệnh viện.

- Ở bệnh viện ư?

- Lên xe đi, tớ sẽ giải thích cho cậu nghe, Ethan trả lời, quên bẵng mất lý do vì sao anh ghé qua bến tàu.

° ° °

Mười lăm phút sau

Chiếc Maserati đến bãi đỗ xe của bệnh viện St. Jude mà không dở chứng gì. Ethan và Jimmy nhanh chóng chui ra khỏi xe rồi bước vào sảnh chờ. Ethan đưa mắt tìm người phụ nữ trực ở bàn đón tiếp mà anh đã gặp hồi sáng, nhưng cô đã hết phiên trực.

Thay vào đó, anh hỏi một người phụ nữ lớn tuổi hơn, ánh mắt nghiêm khắc và dáng vẻ cứ như mẹ bề trên. Bà này nhìn hai người chằm chằm vẻ nghi ngờ. Phải nói rằng vụ lộn xộn vừa rồi đã để lại trên người họ những dấu vết không lấy gì làm hào nhoáng.

- Chào chị, chúng tôi muốn biết tin tức về Jessie Cavaletti, cô bé được bác sĩ Mitsuki mổ hôm nay và..

- Các anh là người nhà à? bà ta tàn nhẫn ngắt lời anh.

- Tôi là bố con bé, cả hai người đồng thanh trả lời.

Giây phút lúng túng khó xử. Ethan và Jimmy nhìn nhau chằm chằm và cuối cùng Jimmy vụng về tóm tắt:

- Thế đấy, chúng tôi là bố con bé.

--------------------------------
1        Don Delillo sinh năm 1936, nhà văn, nhà báo, kịch tác gia Mỹ.
2        Stephen King, sinh năm 1947, nhà văn Mỹ nổi tiếng về các tác phẩm kinh dị.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:49:49 | Chỉ xem của tác giả
23 - Tim những người còn sống


Ngôi mộ của người chết là trong tim những người còn sống

TACITE 1


Trong đầu Jessie

Giữa cái chết...

... và sự sống

- CẨN THẬN!

Đầu tiên là cái xe ấy.

Khi tôi thấy nó lúc sang đường, tôi biết là đã quá muộn. Nó đâm thẳng vào người tôi. Chỉ là cái xe con, nhưng cú va chạm khủng khiếp đến mức tôi có cảm giác một đầu tàu hỏa và hai mươi toa xe hất tôi lên lộn vòng trên dòng xe cộ. Tôi cảm thấy người rơi xuống cái gì đó cứng và sắc. Khi mở mắt ra, tôi lại đang ở trên không trung, nhưng lần này thì khác. Tôi bay lượn trên đường phố, nhìn thấy thân thể mình nằm bất động trên mặt đường, xe cộ dừng lại và mọi người bao quanh mình.

- Bắt đầu xoa bóp cơ tim, Rico, Pêt, cởi quần áo cô bé ra. Động chân động tay đi, các cậu!

Tôi thấy nhóm cấp cứu đang cố làm tôi tỉnh. Tôi bay lượn như con bướm quanh bác sĩ đang chăm sóc mình.

- Glasgow độ 3, không thấy mạch đùi. Khỉ thật, chúng ta không cứu được cô ấy, các cậu ơi, chúng ta không cứu được cô ấy rồi!

Đó là một cô gái lai. Cô ấy tên là Saddy. Bố cô ấy người Jamaica, còn mẹ là người Canada. Thật là vì đây là lần đầu tiên tôi gặp cô ấy, nhưng tôi lại có cảm giác như quen biết cô đến tận chân tơ kẽ tóc. Tôi biết hết mọi chuyện về cô ấy: thời thơ ấu, những khát vọng, những mối tình, những bí mật của cô ấy.

- Chuẩn bị máy sốc điện, cho sốc điện ngay, Rico, phết gel đi. Không phải thế, giời ạ. Đầu đất à!

Lúc này, tôi biết là cô sợ đưa ra những quyết định sai lầm, sợ tỏ ra ngốc nghếch trước mặt những người y tá. Vì vậy, cô giấu nỗi sợ bằng cái giọng tỏ ra cứng rắn đàn ông.

- Tôi chẳng nhìn thấy gì hết. Cậu cố tình đấy à? Nào, đưa cho tôi mấy cái bàn sốc điện! Vị trí thẳng, 200 jun! Chú ý, sốc!

Tôi cũng thấy cả bố nữa: Ethan Whitaker. Bố đứng ngay sau những người cấp cứu, bố run rẩy cùng họ và thầm cầu nguyện để tôi đừng chết. Chính lúc này, tôi có thể làm rạn cái vỏ bọc của bố và thấy trong tim bố những điều ông không cho ai thấy những nỗi sợ hãi, lo âu và sự kiếm tìm tình yêu mà bố không biết cách diễn tả.

Tôi bay quanh bố như thiên thần. Giá mà bố nhìn thấy tôi như tôi đang nhìn bố. Giá mà bố cũng tìm thấy ánh sáng như tôi.

- Mở đường truyền vào tĩnh mạch đi, ta đặt ống rồi cậu truyền cho cô ấy một miligram andré và hai ống Cordarone. Rico, nhanh tay lên, đừng có đứng đó ngẩn tò te nữa!

Cô bác sĩ xoa bóp cơ tim cho tôi, tôi thấy dễ chịu quá. Dễ chịu đến nỗi tôi muốn cứ kéo dài thế này mãi, đừng bao giờ dừng lại. Suốt đời cứ thế, hai bàn tay bao quanh tim tôi.

- Được, ta lại cho sốc điện nữa nhé, 200 jun! Các cậu lui ra!

Tôi bay lên, thánh thiện và mỏng tang, nhẹ như lông hồng và êm dịu như sợi bông. Tôi thấy ấm nóng, nhưng rất dễ chịu, như trong bồn tắm vừa đủ nóng vậy. Từ chỗ này, tôi nhìn thấy tất. Từ chỗ này, tôi biết tất cả: rằng cuộc đời có ý nghĩa mà ta không hiểu nổi, rằng ta chẳng hiểu gì hết, rằng ta chẳng làm chủ được gì hết.

- Ổn rồi, Rico cười toét miệng nói. Tim lại đập rồi!

- Thì sao, cậu muốn được thưởng huy chương chắc? Saddy mắng mỏ cậu.

Họ nghĩ rằng tôi đã "quay lại", nhưng họ nhầm rồi. Ngược lại, tôi đang ra đi. Chưa đến một giây sau, tôi đã ở cách đó hàng kilômét, giữa phố 42 và Đại lộ Công viên. Nhà ga lớn Trung tâm, nhà ga của Manhattan.

Bố Jimmy xuống tàu và đang ngơ ngác định hướng trên sân ga. Lâu rồi bố không đến Manhattan và thấy lạ lẫm quá. Tôi biết là đêm qua bố không ngủ, tôi biết là bố dậy sớm, đi xe buýt đến New Heaven rồi lên tàu đến New York. Tôi biết bố đi tìm tôi và bố thấy có lỗi.

Tôi bay lượn như chim, rập rờn bên trần sảnh chính có trang trí bầu trời rực sáng hàng nghìn ngôi sao. Tôi đậu xuống cái đồng hồ bốn mặt lấp lánh giữa tòa nhà.

- Bố ơi! Bố ơi!

Tôi kêu lên, nhưng bố không nghe thấy.

Tôi muốn nói với bố rằng tôi hối hận, rằng tôi yêu bố và...

Nhưng bỗng dưng mọi thứ mờ đi. Có luồng gió hút tôi và mang tôi đi nơi khác.

° ° °

Manhattan

Bệnh viện St. Jude

21h 50

Mắt mũi trũng xuống, gương mặt vẫn còn in dấu ca mổ cô đã tham gia, Claire Giuliani, bác sĩ nội trú trẻ chuyên ngành phẫu thuật bối rối nhìn hai người đàn ông đứng trước mặt cô. Mặt họ sưng vù, có vẻ như vừa bị ăn đòn, cô hẳng hiểu ai là cha cô bé nữa. Cô hoài nghi nhìn hết người này đến người kia trong lúc nói cho họ biết điều khủng khiếp:

- Cô bé được đưa đến trong tình trạng rất nghiêm trọng. Chấn thương sọ não do tai nạn gây ra làm cô bé bị hôn mê sâu và chưa khi nào tỉnh lại. Chúng tôi đã cho chụp cắt lớp, vì chúng tôi sợ não bị tổn thương, sau đó đưa cô bé vào phòng mổ để ngăn chảy máu...

Cô bác sĩ dừng lại một lát như chờ lấy lại sức. Lần này Mitsuki đẩy cho cô nhiệm vụ khó khăn. Dù đã phải thông báo nhiều lần dạng tin xấu này nhưng chẳng bao giờ cô quên được. Ngược lại, cô cảm thấy ngày càng khó khăn hơn.

- Sau đó, tình trạng cô bé ổn định lại, nhưng chúng tôi phát hiện ra một tổn thương sâu phía trên đốt sống đầu tiên trong sọ...

Claire bỏ mũ phẫu thuật, để lộ ra những lọn tóc mướt mồ hôi. Cô chán phải đấu tranh với định mệnh, chán cái công việc nơi người ta phải cận kề với cái chết hàng ngày. Cô không muốn nghĩ đến cái chết nữa. Tối nay, cô cảm thấy có đủ can đảm để rũ bỏ tất cả và lên máy bay. Trong giây lát, cô nghĩ đến Braxin, đến bãi biển Ipanema, đến thân hình cởi trần rám nắng của những anh chàng người Rio de Janeiro chơi bóng chuyền trên bãi biển, đến điệu nhảy bossa-nova của nhạc sĩ Caetano Veloso, nghĩ đến món cocktail pina colada uống trong những quả dứa.

- Sau khi chụp cắt lớp lần hai, chúng tôi nhận ra một đường gãy xương và một bọc máu giữa xương và màng cứng não. Đó là hiện tượng tràn máu giữa xương và...

- Chúng tôi biết thế nào là bọc máu, Ethan cắt lời cô.

- Nó rất sâu và nằm ở chỗ rất bất lợi, một vết thương ở xoang tĩnh mạch càng làm mọi chuyện phức tạp hơn.

- Jessie chết rồi phải không? Jimmy hỏi.

Claire không trả lời thẳng. Cô buộc phải nói hết bài diễn văn để tránh xúc động.

- Bác sĩ Mitsuki đã mổ cấp cứu cho cô bé nhằm loại bỏ bọc máu. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, nhưng ... cô bé không sống được. Tôi rất tiếc.

Jimmy thốt lên tiếng kêu đau đớn mà anh cố nén trong tiếng nức nở khàn khàn.

- TẤT CẲ TẠI CẬU! Anh vừa hét vừa tống cho Ethan một cú trời giáng khiến Ethan ngã vào một trong những cái xe đẩy bằng kim loại trên có chất đống các khay đồ ăn tối.

° ° °

Trong đầu Jessie

Giữa sự sống...

... và cái chết

Tôi trôi, nhẹ như không khí, phía trên những đám mây. Từ trên này, tôi không nhìn thấy đất đai, cây cối, mọi người nữa. Tôi trôi, nhưng tôi không điều khiển được mình. Một lực nào đó hút tôi đi, như thể có hòn nam châm trên trời kéo tôi lên không trung, không sao cưỡng lại được. Nhưng tôi càng lên cao thì những đám mây càng tối sẫm, dày đặc và đe dọa. Chẳng mấy chốc, tôi có cảm giác lạc giữa đám khói đen của một đám cháy làm tôi nghẹt thở và nó thiêu đốt tôi. Đúng là có một đường hầm chật, nhưng không phải đường hầm tràn đầy ánh sáng như người ta vẫn hứa hẹn với chúng ta trong sách vở. Đường hầm này giống như một lối đi ngầm, nhầy nhụa, dinh dính, có mùi nhựa đường cháy. Trong lối đi đó có cái cửa sổ nhô ra chắc người ta quên chưa khép, cửa sổ mở ra tương lai tôi. Tôi cúi xuống để quan sát và điều nhìn thấy khiến tôi hoảng sợ. Tôi thấy mình đang nằm trên giường, chân tay bất động, mặt mũi biến dạng. Tôi cố cựa quậy đầu, nhưng không làm nổi. Tôi thử nhỏm dậy, nhưng bị một bộ giáp sắt vô hình giữ chặt, tôi mở miệng gọi mẹ, nhưng vẫn câm lặng. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi hiểu là mình có thể sống, nhưng tôi chẳng đời nào muốn tiếp tục nỗi thống khổ như thế này. Vậy là tôi mặc cho mình trôi đi và tôi hiểu là mình sẽ chết. Đường hầm dẫn đến một xoáy nước mênh mông hình êlip, lốc xoáy khổng lồ kéo dài hàng trăm kilômét, nơi cuồng phong thả sức thét gào. Tôi dấn sâu vào cái vùng hỗn độn ấy và chìm trong cơn lốc xoáy cao hơn cả ngọn núi cao nhất.

Lúc này tôi thấy sợ thật sự. Chẳng thấy chút dấu vết tình yêu hay lòng nhân từ ở bất cứ đâu. Trong lúc rơi, tôi thoáng gặp vài người: Tommy, con trai gia đình láng giềng nhà tôi, bị xe tải cán lúc bốn tuổi khi nó đang đi xe đạp, bà ngoại Frida, chết vì ung thư phổi, thầy Roger, một trong những thầy giáo cũ của tôi, người đã lao vào đoàn tàu sau khi vợ thầy bỏ đi. Tommy đi qua tôi với cái xe ba bánh đỏ và thoáng ra hiệu cho tôi trước khi biến mất. Bà Frida, người lúc nào cũng ghét tôi, phả khói thuốc vào mặt tôi, còn thầy Roger, ăn vận như công nhân đường sắt, cưỡi đầu tàu hỏa chạy hơi nước trông giống như đồ chơi trẻ con.

Tôi càng rơi xuống dưới thì xung quanh càng tối sẫm và tôi càng cảm thấy khó thở. Một đám mây rắn chắc, màu xanh xám ngoạn lấy tôi, bao bọc quanh tôi làm tôi thấy ngạt thở. Tôi biết là cuối đường rơi, một cái lỗ sẽ nuốt lấy tôi và thế là hết. Tôi sợ đến mức khóc nức nở và kêu gào như đứa trẻ sơ sinh. Tôi kêu, tôi kêu mãi, nhưng chẳng thấy ai trả lời.

Rồi bỗng dưng, tôi thấy ông ở bên rìa một đám sương mù: bố Ethan của tôi, như tôi thấy ông lúc ban sáng. Vẫn cái áo chui đầu màu đen, áo vest da, vẫn vẻ người hùng mệt mỏi. Tôi không biết bố làm gì ở đó, nhưng bố có vẻ không ngạc nhiên khi thấy tôi. Có điều tôi hiểu là ông đang đứng đúng ở giới hạn của điểm đoạn hồi.

- Jessie, Jessie!

Tôi đi qua bố rất nhanh:

- Bố ơi, con sợ! Con sợ!

Tôi chìa tay ra cho bố, nhưng ông không nắm lấy nó.

- Bố ơi, đi với con! Con sợ!

- Bố... bố không thể, Jessie ạ.

- Tại sao?

- Nếu bố đi với con thì thế là hết.

- Con xin bố, bố đi cùng con đi!

Giờ thì bố cũng khóc.

- Jessie ạ, nếu bố quay lại, con có thể còn có cơ hội.

Nhưng tôi không hiểu điều đó nghĩa là gì. Cơ hội gì cơ?

- Con sợ quá, bố ơi!

Tôi cảm thấy bố lưỡng lự và nhận ra sự hoảng loạn của tôi.

- Nếu người ta để cho bố quay lại thì bố còn có cơ hội cứu con. Nếu không, cả hai bố con mình cùng chết.

Tôi chẳng hiểu gì hết. Dù sao hai bố con cũng chẳng còn thời gian mà trò chuyện nữa. Tôi lao vào đám sương mù dày đặc, nó thiêu đốt, làm tôi chết điếng. Lúc này, tôi thấy sợ và đau đến mức tôi gần như hối hận vì lúc nãy đã không chọn việc quay lại, khi người ta cho tôi được lựa chọn. Dù là sống mà không động đậy chân tay cũng được. Dù là trong tình trạng thực vật cũng được.

- Bố hứa là con sẽ sống, Jessie ạ! Bố hét về hướng tôi.

Dù là những lời cuối của tôi và tôi không hiểu sao bố lại nói với tôi điều đó.

Bởi vì tôi thì tôi biết chắc,

rằng mọi thứ đã biến mất.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:51:36 | Chỉ xem của tác giả
Manhattan

Bệnh viện St. Jude

21h 55

Jimmy đẩy cửa phòng.

Jessie nằm đó, mắt nhắm, trong bóng tranh tối tranh sáng của gian phòng màu lạnh giá. Dưới tấm khăn trải giường hồng nhạt chỉ nổi lên khuôn mặt như bằng đá cẩm thạch với đôi môi tím ngắt và đường viền khuôn ngực trắng toát. Cạnh giường là đống ống truyền nhằng nhịt giờ đã vô dụng, cái máy điện tâm đồ câm lặng, máy hô hấp nhân tạo không hít thở nữa. Trên sàn lát gạch men, những vết máu chưa được lau, cái áo blu và găng mổ bị ném trong tâm trạng giận dữ xuống sàn, dấu vết của trận chiến với tử thần, trận chiến thất bại.

Jimmy mang một cái ghế lại gần giường con gái. Anh ngồi bên đầu giường con bé, cố nén nỗi đau đớn. Rồi anh gối đầu lên bụng con gái và lặng lẽ khóc.

Tối nay, sợi dây liên kết đã đứt. Số phận vừa thắng một ván trong trận đấu với Nghiệp chướng.

° ° °

Manhattan

Bệnh viện St. Jude

22h 05

Ethan đẩy cánh cửa kim loại mở ra sân thượng bệnh viện, nơi máy bay trực thăng hạ cánh trong các đợt chuyển bệnh nhân cấp cứu và chuyển nội tạng đến để ghép. Sân thượng lộng gió nhìn xuống East River. Bác sĩ Shino Mitsuki đứng cạnh một ống thông khí, mắt nhìn mải miết xa hút, xa ra ngoài ánh đèn thành phố.

- Sao, không có can đảm thú nhận là mình thất bại ư? Ethan vừa hỏi vừa đi về phía bác sĩ.

Bác sĩ vẫn thản nhiên. Ethan thách thức anh:

- Những việc này không tốt cho nghiệp chướng của anh đâu. Lương tâm đè nặng vì cái chết của một cô bé, điều đó chắc làm anh phải quay ngược lại mấy kiếp ấy nhỉ?

- Tôi đã làm hết sức mình, bác sĩ trả lời.

- Ai chả nói thế.

Ethan rút ra một điếu thuốc và tìm bật lửa. Anh lộn các túi ra, nhưng chúng đều trống rỗng cả. Chắc là anh đánh mất trong trận ẩu đả ở bãi xe.

Anh nhìn Mitsuki có ý hỏi, những người bác sĩ gốc Á lắc đầu.

- Tôi không hút thuốc.

- Đương nhiên rồi, anh là vị thánh mà. Hay đúng hơn là sư.

Bác sĩ vẫn giữ cái nhìn bí hiểm. Vì vậy Ethan tiếp tục khiếu khích anh:

- Không hút thuốc, không uống rượu, không ăn đồ có cholestérol, không ăn nằm...

Lòng nặng trĩu vì đau đớn và cảm giác tội lỗi vì không cứu được Jessie, Ethan muốn trút nỗi giận lên ai khác. Anh nói tiếp:

- Không mạo hiểm, không buồn bã, không hứng chí, không say mê, không sống! Chỉ có sự tồn tại hẹp hòi, thứ triết lý thiền ngớ ngẩn và những câu răn dạy trong fortune cookies 2.

- Vẫn cơn giận ấy... Mitsuki tỏ ra tiếc cho Ethan.

- Tôi sẽ cho anh biết một điều, ông Phật ạ: ngược với những gì anh tưởng, giận dữ là cuộc sống.

- Nhưng dù sao tôi vẫn mong có ngày anh tìm thấy bình yên.

- Nhưng tôi không muốn cái thứ bình yên của anh, anh bạn ạ. Lúc nào tôi cũng sẽ tranh đấu, vì khi ngừng tranh đấu nghĩa là ta đã chết.

Trong giây lát, trông hai người như đang thầm lượng sức nhau, rồi Ethan quay đầu đi và buồn bã nhìn bầu trời. Chẳng thấy trăng cũng chẳng thấy sao, nhưng có thể đoán được là chúng ở đó, ngay sau những đám mây. Anh tự hỏi giờ này Jessie ở đâu. Liệu có tồn tại thế giới bên kia, có chăng một thực tế không đo đếm được, đầy bí ẩn nấp sau bức tường giá lạnh của cái chết?

Vớ vẩn, chẳng có gì hết. Chỉ có đêm tối, giá lạnh và hư vô.

Như thể đọc được suy nghĩ trong đầu anh, Shino Mitsuki nhận xét:

- Ai tự phụ đến mức dám khẳng định mình biết thực sự điều gì diễn ra sau cái chết?

Ethan chấp nhận ngay lý lẽ đó:

- Thế theo anh, sẽ... sẽ là cái gì?

- Ngay cả người làm khoa học luôn vin vào những giải thích hợp lý cũng không thể nghĩ rằng thực tế dừng lại ở những gì ta có thể hiểu được.

- Ờ, xét cho cùng thì anh chẳng biết gì hết.

- Tôi chỉ biết là khi không có chứng cớ hay khi không chắc chắn thì ta được tự do lựa chọn cái gì ta muốn tin. Và giữa ánh sáng và hư vô, tôi đã có sự lựa chọn cho riêng mình.

Gió thổi mạnh hơn. Một cơn lốc bỗng dưng cuốn xoáy bụi và buộc hai người phải giơ tay che mặt. Ethan dụi điếu thuốc mà anh thậm chí còn chưa châm và rời sân thượng, bỏ lại vị bác sĩ đang mải suy nghĩ.

Trong thang máy đưa anh xuống tầng trệt, anh chạm trán với Claire Giuliani, bác sĩ nội trú đã thông báo với anh cái chết của Jessie. Trong thang máy, hai người không nói với nhau lấy một lời. Chỉ một ánh mắt cũng nói lên nhiều điều hơn bất cứ ngôn từ nào. Cô hiểu nỗi buồn của anh, còn anh hiểu sự chán ngán của cô.

Khi cửa mở, Claire nhìn theo anh đến tận lối ra. Trong giây lát, cô lưỡng lự muốn đi theo và gọi anh. Dù lúc này trông anh không ổn cho lắm, nhưng trong mắt anh vẫn có cái gì đó không định nghĩa được, điều gì đó khiến ta nghĩ rằng sự yếu đuối có khi lại là sức mạnh của ta. Cuối cùng, cô không dám làm thân với anh. Đời cô là vậy: lúc nào cũng bám lấy những gã chẳng ra gì và bỏ qua những người tử tế.

Mấy cánh cửa tự động mở cho Ethan đi ra khi có chiếc xe cứu thương dừng trước lối vào. Tối đã muộn và những nạn nhân đầu tiên của lễ Halloween bắt đầu đổ về bệnh viện. Cửa xe mở cho hai cái cáng xuống: trên một chiếc cáng là người mặc đồ công chúa thời xưa đeo mặt nạ hồi sức, còn trên cáng kia là người hóa trang thành Freddy Krueger 3, bụng đầy máu.

Ethan nhìn những nhân viên cấp cứu đi qua anh. Thọc tay vào túi, anh tìm thấy cái bật lửa, nhưng lần này thì bao thuốc lá của anh lại rỗng không.

- Có những ngày như thế, phải không? có tiếng nói sau lưng anh.

Anh quay lại và...

--------------------------------
1        Tacite: (55 - khoảng năm 120 sau Công Nguyên).
2        Bánh quy dùng trong các nhà hàng Tàu ở Bắc Mỹ, trong túi bánh có nhét một mẩu giấy ghi lời tiên đoán hay châm ngôn (chú thích của tác giả).
3        Nhân vật giả tưởng do Robert Englund đóng trong phim A Nightmare on Elm Street của Wes Craven, năm 1984.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:53:01 | Chỉ xem của tác giả
24 - Em chỉ muốn nói với anh rằng...


Điều làm em có thể sụp đổ không phải là vì anh dựa vào em nhiều quá, mà là vì anh bỏ em ra đi.

Gustave THIBON 1


Manhattan

Bãi đỗ xe bệnh viện St. Jude

22h 20

- Có những ngày như thế, phải không? có tiếng nói sau lưng anh.

Ethan quay lại. Curtis Neville trương cái thân hình to lớn đáng sợ dưới ánh sáng ngọn đèn đường. Anh ta vẫn để chiếc taxi nổ máy. Chiếc xe đỗ cạnh một chiếc xe khác, thỉnh thoảng lại lóe sáng lên, theo nhịp đèn pha nhấp nháy.

- Anh đi chứ? Người lái xe mời và mở cửa phía dành cho hành khác.

Ethan lắc đầu và chỉ giơ ngón tay giữa thay câu trả lời 2.

Anh ngồi vào sau tay lái chiếc Maserati và ồn ào đi ra khỏi bãi đỗ xe. Anh đi chưa được trăm mét thì nghe có tiếng lách cách ầm hết cả khoang lái, tiếp ngay sau là tiếng lẹt xẹt như đĩa hát bị vấp.

Khỉ thật! Ethan nghĩ, chợt nhớ ra sự cố, trong khi chiếc xe đứng chết gí ở một bên đường. Trong gương chiếu hậu, anh thấy ánh sáng đèn pha của chiếc taxi đang lại gần. Chiếc xe hiệu Checker già nua đi vòng qua bên trái xe anh để dừng lại ngang tầm. Curtis hạ cửa kính xe và giục Ethan cũng làm vậy.

- Đi nào, nhanh lên! Người lái xe nằn nì.

- Tôi đã trải qua một ngày tồi tệ, anh có biết không, vậy nên làm ơn đừng bám theo tôi nữa...

- Lên xe tôi đi!

Curtis không cao giọng, nhưng lời mời của anh nghe giống mệnh lệnh hơn là lời đề nghị.

- Vả lại, người lái xe nói tiếp, anh cũng biết là tôi và anh chẳng còn cách nào khác...

Ethan thở dài. Mọi chuyện trở nên rắc rối. Cuối cùng anh cởi thắt lưng an toàn và ngồi vào ghế trước trong chiếc taxi của Curtis.

- Tôi rất tiếc vì chuyện con gái anh, Curtis nói và khởi động xe, nhưng tôi đã báo trước với anh là anh không cứu được con bé rồi mà.

- Tôi sẽ làm anh bực mình đấy, Ethan nói trong khi sập cửa xe.

° ° °

Tắt hết đèn, chiếc Checker cũ kỹ chạy hết tốc lực, nhanh nhẹn vượt hết các đèn đỏ và phớt lờ ánh đèn pha giận dữ của những chiếc xe đi ngược lại. Chiếc radio casette trong xe vặn to hết cỡ phát băng của Maria Callas 3, nghe hơi xèn xẹt. Gần kệ xe, một nén hương Tây Tạng đang cháy trong chiếc lư nhỏ bằng dá, tỏa mùi hương khó chịu của da, hoa hồi và trầm hương.

- Anh có thể cho tôi biết ta đang đi đâu không?

Curtis nhẹ nhàng trả lời:

- Tôi nghĩ là anh biết rất rõ điều đó.

Không, Ethan không biết, hay đúng hơn là anh không muốn biết.

- Thực ra anh muốn gì hả? Anh là ai? Một dạng tay chân của số phận ư?

Người đàn ông da đen cao lớn lưỡng lự rồi mới trả lời.

- Có lẽ tôi ở đây là để chuyển tải thông điệp.

- Thế anh đưa loại tin gì hả?

- Không phải chỉ toàn tin vui, Curtis thừa nhận.

Máy sưởi được bật hết cỡ tỏa ra thứ hơi ấm không chịu nổi, làm ta có cảm giác như đang ở trong lò sấy vậy. Ethan cố hạ cửa kính xuống, nhưng nó bị chẹn. Anh bỗng cảm thấy sợ nơi khép kín. Càng ngày, chiếc taxi càng làm cho anh nghĩ đến chiếc xe tang, còn người lái xe thì giống như người lái đò chở linh hồn trong chuyện thần thoại, người dùng đò chở linh hồn sang bờ sông bên kia. Theo truyền thuyết, người lái đò nhận công là một đồng tiền mà gia đình người quá cố đặt trong miệng người chết. Bất hạnh cho những ai không trả được khoản tiền nhỏ mọn ấy: họ sẽ phải lang thang mãi mãi trong cái thế giới không phải của người chết mà cũng chẳng phải của người sống.

Thôi, đừng có điên nữa, nếu ngươi phải chết thì cũng không phải ở đây.

Ethan nhắm mắt và cố hít thở căng lồng ngực. Anh phải nắm lấy quyền kiểm soát tình hình. Gã lái xe này chỉ là một kẻ hâm mộ điên cuồng, sau khi con trai chết, anh ta thấy mất phương hướng và tập trung vào anh, chắc là sau khi thấy anh trên truyền hình. Chắc Curtis đã mua những cuốn sách anh viết, sau đó bắt đầu theo dõi anh, vậy dồn anh rồi bịa ra cái chuyện ngụ ngôn xung quanh số phận. Chuyện thường ngày ở huyện: New York đầy những stalkers 4 và những kẻ loạn óc đủ loại.

Đến chỗ đèn giao thông ở Công viên Gramercy, chiếc taxi buộc phải dừng lại sau một dãy dài ô tô. Curtis Neville ngó ra ngoài. Trên vỉa hè, cạnh một bến xe buýt, George Clooney nâng chén cà phê sau tấm kính của một tấm biển quảng cáo. What else 5 ? Khi Curtis quay đầu lại, có họng sống đang chĩa về phía anh.

- Xuốn xe! Ethan ra lệnh.

Curtis đặt tay lên tay lái và thở dài nói:

- Nếu là anh, tôi không làm thế đâu.

- Có lẽ thế, Ethan thừa nhận, nhưng tạm thời lúc này, súng đang kề vào thái dương anh và tôi là người quyết định.

Curtis bĩu môi nghi ngờ.

- Tôi nghĩ là súng anh không có đạn và anh không phải là kẻ sát nhân.

- Còn tôi thì nghĩ anh không dại gì mà chịu chết. Và tôi thề là nếu anh còn ở tong xe thì đèn chuyển sang màu xanh thì tôi sẽ bóp cò đấy.

Người đàn ông da đen to lớn cười nhăn nhó.

- Những trò này chỉ có ở trong phim thôi.

- Để rồi xem sao.

Đèn tín hiệu vẫn đang màu đỏ, nhưng không còn lâu nữa. Curtis không có vẻ sợ, dù nhiều giọt mồ hôi li ti kín đáo đọng trên trán anh.

Ethan tỏ ra đe dọa hơn:

- Anh tin vào số mệnh và rằng chuyện gì phải đến sẽ đến, giờ là lúc anh phải tự hỏi liệu có phải số anh là chết tối nay không?

- Tôi sẽ không chết tối nay, Curtis cứng rắn trả lời.

Cùng lúc, mắt người lái xe vẫn chăm chăm nhìn đèn giao thông.

- Tôi thấy anh rất tự tin, Ethan trả lời, đồng thời gí súng mạnh hơn.

Vẫn còn nửa giây yên lặng trước khi...

- Thôi được! Curtis vừa kêu lên vừa mở cửa xe đúng lúc đèn chuyển sang xanh.

Anh ra khỏi xe ở ngay giữa phố trong khi Ethan ngồi vào chỗ anh và tăng tốc.

° ° °

22h 35

Ethan lái chiếc taxi lên Đại lộ Công viên.

Làm gì bây giờ?

Cái ngày lặp lại lần thứ hai này thật kinh khủng. Người ta cho anh một cơ hội thứ hai, nhưng anh đã không thể nắm được nó. Anh biết các kế hoạch của số phận, nhưng vô ích, chẳng biết làm sao để thay đổi được chúng. Anh không cứu được Jessie, không tìm lại được Céline, không làm lành được với Marisa và Jimmy, không tìm ra kẻ ám sát mình, anh chỉ là con rối tầm thường bị một thế lực mạnh hơn tha hồ giật dây điều khiển. Với anh, người cả đời tìm cách thoát khỏi số phận định sẵn, điều đó thật khó chịu và không thể chấp nhận được. Hồi còn ở trường đại học, anh quan tâm nhiều đến triết học và khoa học xã hội hơn là y học. Anh thường ngồi rất lâu trong thư viện để đọc các tác giả lớn. Anh nhớ đến câu của Camus cho rằng phẩm giá duy nhất của con người là sự nổi loạn chống lại thân phận mình. Đó là nguyên tắc anh dùng làm động lực cho đời mình, nhưng hôm nay anh không thể áp dụng nó được.

Anh giận dữ đấm vào tay lái. Sự giận dữ, vẫn thế. Chiếc xe lắc lư, hướng đi không cố định và phanh sắp hỏng. Muốn cho thoáng khí đôi chút, Ethan hạ kính xe phía bên người lái, vứt nén hương qua cửa sổ và kéo mui xe xuống. Luồng gió bất chợt làm bay những bông hoa khô và những quân bài tarô Marseille.

Anh vừa kéo cửa kính lên vừa rủa thầm. Tuy nhiên, mọi chuyện cũng không đến nỗi quá tệ trong cái ngày bất thường này. Nó đầy những thông tin và giúp làm sáng tỏ vài giai đoạn trong đời anh. Nhất là nó giúp Ethan viết về sự tồn tại của Jessie, con gái anh. Đứa con anh vừa được biết và đánh mất ngay tức thì. Anh tuyệt vọng cố bám lấy cái gì đó tích cực. Vì vậy, anh lại nghĩ đến Céline. Chiều nay, anh đã rất choáng váng khi Marisa cho anh biết Céline từng đến nhà vợ chồng cô. Vậy thì Céline đã lần theo vết anh, tìm trong quá khứ của anh những dấu hiệu để có thể hiểu được anh. Giờ này chắc Céline đã cưới xong từ lâu...

Gặp lại cô ấy, chỉ khoảnh khắc thôi cũng được.

Anh đi đến chỗ ngã tư Columbus Circle. Công viên Trung tâm ở ngay gần đó. Anh đi vào Đại lộ 5 rồi rẽ trái, ngay trước lãnh sự quán Pháp. Máy móc tạo rễ, chiếc taxi lắc lư như lạc đà leo lên East Drive. Nó dừng lại ở bãi xe của Nhà thuyền Loeb, nhà hàng nơi Céline tổ chức đám cưới.

Ethan sập cửa và bước ra bóng đêm. Từ đây người ta nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng và có thể đoán ra là bên trong, cuộc vui đang đến hồi cao trào.

- Xe đẹp đấy! chàng trai lo việc đỗ xe cho khách khen ngợi.

- Cậu nhạo tôi đấy à! Ethan vừa trả lời vừa ném chìa khóa cho câu.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

39#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:54:32 | Chỉ xem của tác giả
>Ethan bước vào gian phòng chính đúng là lúc dàn nhà jazz chơi những nốt nhạc đầu tiên của một bản mới. Một chàng ca sĩ trẻ bắt đầu khá hay bản nhạc Fly Me To The Moon theo phong cách của Frank Sinatra.

Trong khán phòng rộng mênh mông vẫn còn trống rất nhiều chỗ. Các màu "xanh dương, trắng, đỏ" trang trí nhà hàng khi anh đến lần trước đã được bỏ đi, thay bằng nét trang trí truyền thống hơn, chẳng nghe thấy ai nói chuyện bằng tiếng Pháp.

Lạ thật.

Anh đưa mắt nhìn khắp phòng, nhưng không nhận ra bất cứ ai từng gặp. Anh đi ra ngoài hiên có mái che nhô ra hồ. Dù gió mạnh, vài con thuyền thắp nến trưng ra những quả bí ngô khoét rỗng ruột làm đèn vẫn lênh đênh trên làn nước đen sẫm.

Phía sau quầy, Keyra, nữ nhân viên trẻ của quầy bar đang thu dọn chai lọ. Ethan ngồi xuống một trong những chiếc ghế đẩu ở quầy bar và gọi một ly Martini Key Lime.

- Có ngay, thưa ông.

Cô phục vụ nói giọng Manchester, mái tóc nhuộm vàng hơi có vẻ rẻ tiền và áo mở cúc cổ hơi quá sâu. Tuy nhiên đôi mắt to của cô bù trừ cho tất cả: đôi mắt đen quyến rũ có cái nhìn mờ đục cho thấy sự mệt mỏi và héo hon của người không hay gặp may. Trước khi cô mang ly cocktail lại cho anh, Ethan đã cảm nhận được ngay những gì cô cảm nhận.

- Lẽ ra ở đây phải có đám cưới chứ nhỉ? anh uống một ngụm rượu và hỏi. Đám cưới của mấy người Pháp ấy mà?

- Đám cưới ư? Bị hủy rồi.

Ethan đặt cốc xuống và nhìn cô hoài nghi.

- Sao lại thế?

- Cuối buổi sáng, người ta bảo cho chúng tôi thế, Keyra giải thích. Cô dâu chú rể cãi nhau vào phút chót. Như trong phim ấy mà.

- Ra thế...

- Anh có biết họ không?

- Tôi biết cô ấy, cô dâu... Céline.

Ethan choáng váng đứng lên khỏi ghế và ra đứng tì tay vào lan can. Phía bên hồ nước, cuộc diễu hành Halloween trong Công viên Trung tâm vẫn tiếp diễn. Dưới sự dẫn dắt của quỷ sa tăng đầy kích động, mấy bộ xương và các phù thủy vừa bắt đầu điệu múa quay cuồng quanh Đài phun nước Bethesa.

Bất chấp thông lệ, Keyra ra đứng cùng anh ở hiên.

- Anh chính là người đi máy bay Concorde, đúng không?

Ethan chau mày và mất vài giây mới hiểu cô phục vụ quầy bar muốn nói gì.

- Vâng, cuối cùng anh trả lời, đúng là tôi, nhưng sao cô biết là...

- Một người phụ nữ đến đây lúc đầu giờ chiều, cô giải thích. Cô ấy bảo tôi là có thể một người đàn ông hôm nay sẽ đến tìm cô ấy. Cô ấy uống một ly rượu và tôi cảm thấy cô ấy cần tâm sự. Cô ấy kể cho tôi nghe chuyện của cô ấy, thực ra là chuyện của anh và cô ấy. Cuối cùng, cô ấy cho tôi một trăm đô la để tôi trao lại cho anh một thứ.

Cô đưa cho anh một phong bì nhàu nát trên chỉ số dòng chữ:

Message in a bottle.

Ethan đưa bàn tay run run cầm lấy và ngay lập tức nhận ra nét chữ.

° ° °

Ethan,

Có lẽ một phần triệu cơ may anh sẽ đọc bức thư này, nhưng em vẫn cứ viết nó, với hy vọng điên rồ là cuối cùng anh cũng sẽ nhận được nó, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra trong ngày hôm nay. Xét cho cùng thì sao lại không nhỉ. Em đã đọc được ở đâu đó là NASA đã gửi lên vũ trụ những thông điệp cho người ngoài hành tinh vậy nên...

Vậy nên, thế đấy, em chỉ muốn nói với anh rằng...

Rằng cuộc đời em vẫn luôn tràn ngập bóng hình anh, và rằng cả ngàn lần trong ngày, em vẫn gửi suy nghĩ của mình đến với anh với hy vọng chúng sẽ đến được với anh. Rằng không có anh, em sẽ chết dần chết mòn, bởi anh chính là điểm neo đậu của em.

Rằng em đã giữ lại mọi điều về chúng ta những lần chúng ta xa cách rồi lại được gần nhau, hơi thở chúng ta hòa quyện vào nhau, sự buông thả trong nhau, ánh sáng của chúng ta, và rằng tất cả vẫn còn lại nơi em, lây lan trong em như vết nhiễm trùng mà em không chịu chữa trị.

Rằng em đã cố trốn chạy khỏi anh nhưng mọi thứ lại đưa em quay lại với anh, và rằng từ khi em ở New York, em cảm thấy anh hiển hiện hơn bao giờ hết. Ngược lại mọi lý lẽ, em cứ bám lấy niềm tin là anh vẫn còn yêu em, dù em vẫn không biết sao anh lại bỏ em, và liệu chuyện giữa hai đứa mình có ý nghĩa gì với anh hay không.

Nếu em không bao giờ còn được gặp anh nữa, em muốn anh biết rằng em không nuối tiếc gì hết. Rằng những vết nhức nhối của nỗi đau chẳng thấm gì so với tình yêu ngắn ngủi của chúng ta.

Có lẽ anh còn nhớ cái buổi tối trong căn hộ nhỏ của anh ở Greenwich, khi cơn bão vùi Manhattan dưới tuyết. Chúng mình ở trong nhà suốt một tuần không ra ngoài. Người trùm kín chăn, chúng mình nhìn thành phố qua cửa kính. Trời mới tối, nhưng mới chỉ có một vì sao trên trời. Em thấy buồn và cô đơn, vì ngày hôm sau phải quay về Pháp. Em chỉ ngôi sao và bảo anh: "Anh có thấy ngôi sao đơn độc giữa cả bầu trời bao la không? Ngôi sao ấy chính là em đấy". Anh nhìn em, rồi chỉ lên vòm trời, như có phép lạ, một ngôi sao nữa lóe sáng lên. Thế là anh bảo em: "Ngôi sao kia là anh". Trong vài giây, chúng mình là những ngôi sao duy nhất trên bầu trời Manhattan. Thẳm sâu trong lòng, em chỉ mong điều ấy: biết rằng luôn luôn có ai đó bên em.

Vậy đấy, nếu có phép lạ, nếu anh nhận được thiệp mời đám cưới của em, nếu anh đến đây, và nếu anh còn tình cảm với em, hãy biết là có một phụ nữ đợi anh đến đêm ở nơi cô ấy từng phải lòng anh lần đầu tiên.

Céline.

--------------------------------
1        Gustave Thibon (1903-2001), triết gia Pháp.
2        Dấu hiệu chỉ sự miệt thị, tương đương một lời chửi tục.
3         Maria Callas (1923-1977), nữ ca sĩ opera Mỹ.
4        Tiếng Anh trong nguyên bản, nghĩa là kẻ theo dõi, săn đuổi.
5        Tiếng Anh trong nguyên bản, nghĩa là: Lại chuyện gì nữa đây?

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

40#
 Tác giả| Đăng lúc 3-1-2012 05:55:37 | Chỉ xem của tác giả
25 - Số phận cuối cùng cũng thắng


Với thần kinh, ta chẳng khác gì một lũ ruồi nuôi trong tay những đứa trẻ nghịch ngợm: họ giết ta chỉ để mua vui.

William SHAKESPEARE.


Manhattan

Thứ Bảy ngày 31 tháng Mười

Một cơn dông dữ dội vừa nổ ra ở Manhattan.

Sấm chớp hòa với mưa như trút nước làm ngập hết phố xá và tắc nghẽn các ga tàu điện ngầm. Đã thế, gió còn lồng lộn rung cây cối, bứt ngói ra khỏi mái nhà, rồi ném cành cây và những mảnh vỡ ngổn ngang khắp nơi trên đường nhựa.

Trong cái buổi tối rất xáo động này, tàu điện ngầm tắc nghẽn cộng với sự vắng mặt của taxi làm giao thông hỗn loạn và thành phố tê liệt hoàn toàn. Một đường ống dẫn hơi bỗng nổ trên đường Madison. Trên đường Upper East Side, mưa làm rối loạn đèn tín hiệu giao thông, gây ra tai nạn làm chết hai người. Tại Soho, mấy khối nhà bị mất điện, và trong một con phố ở khu Brooklyn, cuồng phong nhổ bật rễ một cây tiêu huyền, cái cây đổ sập xuống một chiếc xe tải giao hàng và giết chết người tài xế ngay tại chỗ.

° ° °

Ở cực Nam thành phố, gió hung dữ làm sóng biển trào lên, phà không rời bến được. Chìm trong mưa và sương mù, đoạn đường dạo Công viên Battery vắng tanh vắng ngắt, chỉ có một cô gái Pháp trẻ trung đứng đợi ai đó. Run rẩy và ướt sũng, cô chờ đợi tình yêu.

° ° °

Ethan đã quay lại chiếc taxi cũ kỹ và lao đi trong mưa.

Hãy biết là có một phụ nữ đợi anh đến đêm ở nơi cô ấy từng phải lòng anh lần đầu tiên.

Đương nhiên là anh không được tìm nhầm chỗ. Nơi Céline từng phải lòng anh là Zavarsky. quán cà phê kiểu thành Viên trên West Side nơi cô đã tìm ra anh và tặng anh bó hồng bằng sô cô la, hệt như bó anh từng tặng cô.

Cái xe cà rịch cà tàng tiến vào phố 72 rồi rẽ trái để leo lên Đại lộ Amsterdam, nhưng khi nó dừng lại trước quán cà phê, cái rèm sắt đã kéo xuống từ lâu. Tuy nhiên Ethan vẫn đỗ cái xe cà khổ ở đó và bước ra phố. Anh đưa mắt tìm Céline. Trên vỉa hè, bão vùi dập những cái ô không thương tiếc và làm người đi đường liêu xiêu. Rõ ràng là chẳng ai đợi anh.

... ở nơi cô ấy từng phải lòng anh lần đầu tiên.

Không, anh đã vội vàng và tìm nhầm nơi. Anh quay vào xe, ra hướng Công viên Battery. Đó chính là nơi cô đang đợi anh: gần Ground Zero, nơi còn in dấu ngày 11 tháng Chí, nơi vẫn còn lảng vảng bóng ma những tòa tháp bị đánh sập.

Ethan phóng như bay dọc xuống Đại lộ 7. Mưa mỗi lúc một to hơn. Cái mui xe bị tắc không đóng chặt lại được, nước ngấm vào buồng lái, phanh thỉnh thoảng mới ăn, cứ như thể vắng ông chủ thực sự, cái xe quay ra chống lại anh vậy.

Đến phố Varick thì mấy cái gạt nước chết hẳn. Ethan bỏ đống sắt vụn lại chỗ giao nhau với Broadway West và bắt đầu chạy về phía Công viên Battery.

Anh nhìn đồng hồ đeo tay: 23h 11. Dù thần chết phải đến bắt anh vào cuối ngày hôm nay thì cũng không được trước nửa đêm.

Trong khi chạy, cái gì đó bay ra khỏi túi anh: một quân bài anh đã tóm được khi chúng đang bay lả tả. Chắc là một trong những quân bài tarô Marseille mà Curtis vẫn mê mẩn.

Lưỡi hái bướng bỉnh...

Điềm gở...

Vừa chạy, anh vừa nhìn đồng hồ lại lần nữa cho yên tâm. Chỉ đến lúc đó anh mới nhận ra mặt đồng hồ đã bị vỡ và dòng số nhấp nháy đã dừng lại.

Lòng hơi lo lắng, anh quay đầu lại tìm đồng hồ treo tường trên phố. Gần phố Church, mặt đồng hồ số chỉ 23h 59.

° ° °

Khi Ethan nhìn thấy người đàn ông đang đi lại trước mặt anh thì đã quá muộn.

Ai vậy?

Người này trong hình dáng tầm thước, mặc áo khoác thể thao sẫm và áo len dài tay có mũ trùm kín khuôn mặt.

Ai vậy?

Trong bóng đêm, cái báng súng lục mạ bạc sáng lóe lên.

Viên đạn đầu tiên xuyên qua ngực anh, hất anh ngã xuống vỉa hè. Xung quanh anh, thế giới chao đảo. Nằm trên mặt đất, anh co quắp tay trên bụng. Cái bóng quả quyết đi lại phía anh.

Ai vậy?

Anh phải biết ai sẽ giết mình.

Ethan cố nhận ra nét mặt kẻ sát nhân, nhưng phát súng thứ hai vang lên và mọi thứ nhòe đi.

Tiếng nổ cuối cùng hòa vào vị máu và tiếng sấm.

Curtis có lý.

Số phận cuối cùng bao giờ cũng thắng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách