Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 7115|Trả lời: 54
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Nếu Đời Anh Vắng Em | Guillaume Musso

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả


Tên tác phẩm: Nếu Đời Anh Vắng Em
Tên tác giả: Guillaume Musso
Tên dịch giả: Hương Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Tình trạng sáng tác: đã hoàn thành
Nguồn: vietmesenger


Giới thiệu tác giả:


Guillaume Musso là nhà văn trẻ người Pháp, sinh năm 1974 tại Antibes, trị trấn nhỏ bên bờ Địa Trung Hải. Ngay từ năm mười tuổi, cậu bé Guillaume đã phải lòng văn chương và tuyên bố một ngày nào đó sẽ viết tiểu thuyết. Lớn lên, anh lại theo học ngành kinh tế rồi trở thành giáo viên sau khi tốt nghiệp nhưng niềm đam mê thuở ban đầu vẫn tràn đầy. Năm 2001, "Skidamarink", tiểu thuyết đầu tay của anh ra đời và nhận được những tín hiệu tốt từ giới phê bình. Và tác phẩm thứ hai "Rồi sau đó" (2004) đã đưa tên tuổi Musso đến với công chúng và dần trở thành cái tên ấn tượng của của văn học lãng mạn đương đại nước Pháp. Các tác phẩm của Musso được nhiều độc giả yêu mến và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Đánh giá:


"Trinh thám hồi hộp, lãng mạn giàu cảm xúc, kỳ ảo dị thường." - Le Figaro Littéraire

"Có sức mê hoặc từ đầu đến cuối." - TV Mag

"Như một món trang sức khó có thể chối từ." - Ici Paris

"Ly cocktail tuyệt hảo của kịch tính và trí tưởng tượng." - Elle

"Musso đã chứng tỏ được rằng anh là bậc thầy của nghệ thuật bí ẩn." - Paris Match

Rate

Số người tham gia 1Sức gió +5 Thu lại Lý do
chansun + 5 Cảm ơn bạn

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 20:59:13 | Chỉ xem của tác giả
Review



"Gabrielle, 33 tuổi.

Cuộc đời cô chỉ có hai người đàn ông.

Một là cha và một là mối tình đầu của cô.

Số phận đã đẩy cả hai rời xa cô.

Rồi rất nhiều năm sau…

Hai người đàn ông bất ngờ trở lại,

Cùng một ngày, cùng một nơi,

Một tên trộm khét tiếng và một cảnh sát chiến tích lẫy lừng,

Họ truy lùng nhau và cả hai đều quyết tâm tiêu diệt người còn lại.

Gabrielle phải lựa chọn. Nhưng…"


Họ yêu nhau, tàn phá lẫn nhau, chạy trốn khỏi nhau và cố tìm thấy nhau, cố tìm thấy chính bản thân...

Mõi một ngừoi đắm chìm trong những nỗi đau khác nhau, những nỗi đau gặm nhấm và xé nát chính họ. Mỗi buổi sáng, mỗi ngừoi thức dậy với nỗi sợ hãi khác nhau và tự tìm cách hủy hoại bản thân như thể đang đền tội, đền tội cho một tội lỗi mà chính họ cũng không biết rõ.

Rượt đuổi nhau, chỉa súng vào nhau, ngừoi này cố tìm cách giết chết ngừoi kia, ngừoi kia cố nhấn chìm ngừoi này, và cả hai cố tìm cách hiểu nhau. Hai ngừoi đàn ông theo một cách nào đó cùng yêu thường một ngừoi phụ nữ và cũng theo một cách nào đó cùng hận cô ấy, hận không giết được cô, hận không thể thôi yêu cô được. Ngừoi này vật lộn với ngừoi kia, cố tìm cách dìm nhau xuống, như đang vật lộn với chính mình. Để rồi cùng đẩy nhau tới đường cùng, tới 4 giây ngắn nguổi để hiểu hết về nhau, về ngừoi kia và về chính mình. Hai ngừoi đàn ông mang đầy vết thương, sự sợ hãi ẩn trong một lớp vỏ kiên cường và quyết liệt.

Một đứa bé ráng vất vả đối đầu với căn bệnh HIV đề cố nở nụ cừoi mỗi buổi sáng. Một đứa bé khác cố tìm cách giết chết chính mình bằng tất cả kiến thức và công cụ tìm thấy được. Cả 2 đều 14 tuồi và đều cần một vòng tay...

Các nhân vật sống trong sợ hãi, vật lộn với nó, đàn áp nó, chạy trốn nó, chối bỏ nó.

"Chính ánh sáng của chúng ta; chứ không phải bóng đêm của chúng ta, mới làm chúng ta sợ hãi nhất"

Chạy trốn, rượt đuổi, đề rồi kéo họ tới bên nhau để cùng kết thúc bi kịch của từng người...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:07:46 | Chỉ xem của tác giả
Dành tặng Ingrid,

câu chuyện này được viết trong phép màu nhức nhối vào mùa đông năm ấy...

Tôi vẫn luôn thích niềm đam mê điên rồ hơn sự lãnh đạm thông thái.

Anatole FRANCE



Chúng ta ai cũng từng nếm trải...

Nỗi cô đơn vẫn lẩn quất quanh ta.

Phá tan giấc nồng hoặc khiến những buổi sớm mai trở nên u ám.

Là nỗi buồn buổi đầu tiên tới lớp.

Là khi người ấy hôn một cô nàng xinh đẹp ngay trên sân trường.

Là sân bay Orly hay nhà ga phía Đông khi cuộc tình tan vỡ.

Là đứa con của chúng ta sẽ không bao giờ sinh ra.

Đôi khi là tôi.

Đôi khi là anh.

Song đôi khi chỉ cần một lần gặp gỡ...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:09:07 | Chỉ xem của tác giả
1. Mùa hè năm ấy...


Tình đầu luôn là tình cuối.


Tahar BEN JELLOUN

San Francisco, California

Mùa hè năm 1995

Gabrielle 20 tuổi.

Cô là người Mỹ, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Tổng hợp Berkeley.

Mùa hè năm ấy, cô thường mặc chiếc quần jean màu sáng, áo sơ mi trắng và áo khoác da ôm sát. Mái tóc dài mượt và đôi mắt màu xanh lấp lánh sắc vàng làm cô trông giống Françoise Hardy trong những bức ảnh do Jean-Marie Périer chụp vào những năm 1960.

Mùa hè năm ấy, cô thường đến thư viện, hoặc say sưa với công việc tình nguyện viên tại trạm cứu hỏa trên đường California.

Mùa hè năm ấy, cô sẽ sống trọn vẹn cho mối tình lớn đầu tiên trong đời.

Martin 21 tuổi.

Anh là người Pháp, vừa tốt nghiệp cử nhân Luật tại trường Sorbonne.

Mùa hè năm ấy, anh tới Mỹ một mình để trau dồi tiếng Anh và khám phá đất nước này thật cặn kẽ. Không một xu dính túi, anh làm đủ mọi việc vặt, lao động hơn mười sáu tiếng một ngày: chạy bàn, bán kem dạo, làm vườn...

Mùa hè năm ấy, mái tóc đen dài ngang vai khiến anh trông giống Al Pacino hồi mới khởi nghiệp.

Mùa hè năm ấy, anh sẽ sống trọn vẹn cho tình yêu lớn cuối cùng của đời mình.

Quán cà phê sinh viên tại trường Đại học Tổng hợp Berkeley

- Này Gabrielle, có thư cho em đấy!

Ngồi bên một chiếc bàn, cô gái rời mắt khỏi cuốn sách.

- Thế là sao?

- Một lá thư gửi cho em, người đẹp ạ! Carlito, người quản lý quán nhắc lại và đặt cạnh tách trà của cô một phong bì màu kem.

- Thư của ai nhỉ?

- Của Martin, anh chàng người Pháp ấy. Cậu ta đã hết hợp đồng rồi, nhưng sáng nay cậu ta vẫn qua đây để gửi lại lá thư này.

Gabrielle ngỡ ngàng nhìn chiếc phong bì rồi thả nó vào túi áo trước khi rời khỏi quán cà phê.

Nhìn từ trên tòa tháp, ký túc xá rộng mênh mông với những rặng cây xanh rờn đang đắm mình trong bầu không khí mùa hè. Gabrielle đi dọc theo những lối đi và những ngã rẽ của khuôn viên cho tới khi tìm thấy một chiếc ghế đá còn trống nằm dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi.

Ở đó, chỉ có một mình, cô mở phong thư trong tâm trạng ngờ vực pha lẫn tò mò.

° ° °

Ngày 26 tháng Tám năm 1995

Gabrielle thân mến,

Anh chỉ muốn báo để em biết ngày mai anh sẽ quay về Pháp.

Chỉ để nói với em rằng đối với anh, trong suốt quãng thời gian ở California, không có gì quý giá hơn những lần được ngồi cùng em trong quán cà phê ký túc xá, tán gẫu về một vài cuốn sách, những bộ phim, những điệu nhạc và quan điểm sống.

Chỉ để nói với em rằng, rất nhiều lần anh ước mình được là một nhân vật viễn tưởng. Bởi trong tiểu thuyết hay trong phim, nhân vật nam chính thường bớt vụng về hơn anh trong việc bày tỏ với nhân vật nữ chính rằng anh rất thích cô, thích được trò chuyện với cô và thực sự có cảm xúc rất đặc biệt mỗi khi nhìn cô. Đó là cảm giác vừa dịu êm, vừa đau đớn, vừa mãnh liệt. Một mối đồng cảm lạ kỳ, thân thiết đến bàng hoàng. Một điều gì đó vô cùng hiếm gặp, trước đây anh chưa từng cảm nhận. Một điều vô cùng lạ lẫm, anh không hề nghĩ nó có tồn tại trên đời.

Chỉ để nói với em rằng có một chiều, khi chúng ta bất ngờ gặp mưa trong khuôn viên và cùng trú dưới mái hiên thư viện, anh đã cảm thấy, và anh đoán dường như em cũng vậy, giây phút ấy toàn thân anh choáng váng như bị hút hồn, và trong một thoáng cả hai chúng ta đều ngây ngất. Ngày hôm đó, anh biết chắc rằng chỉ chút nữa thôi chúng ta đã hôn nhau. Anh đã chẳng thể tiến lên bởi em đã kể cho anh nghe về người bạn trai của em, và cũng bởi anh không muốn trong mắt em anh sẽ lại "như những anh chàng khác", chỉ tán tỉnh em mà không mảy may nghiêm túc.

Thế nhưng anh cũng biết nếu lúc đó chúng ta hôn nhau, anh sẽ ra đi với trái tim mãn nguyện, bất chấp trời mưa hay nắng, bởi như thế anh cũng là chút gì đó đối với em. Anh biết nụ hôn đó sẽ theo anh rất lâu khắp bốn phương trời, đó sẽ là một kỷ niệm rực rỡ để anh nương vào trong những lúc cô đơn. Nhưng người ta cũng nói rằng những chuyện tình đẹp nhất là những cuộc tình họ chưa trải qua. Vậy thì có lẽ nụ hôn chưa trao sẽ là nụ hôn nồng nàn nhất...

Chỉ để nói với em rằng mỗi khi nhìn em, anh nghĩ tới 24 hình ảnh chạy liên tục mỗi giây đồng hồ trong một cuốn phim. Ở em, 23 hình ảnh đầu thật sáng tươi và rực rỡ, song hình ảnh thứ 24 lại toát lên nét buồn hoàn toàn tương phản với vẻ tươi sáng của em. Giống như một hình ảnh mong manh, một vết rạn dưới mảnh vỡ: một chi tiết nhỏ không hoàn hảo song lại phác họa nên con người em chân thật hơn mọi phẩm chất hay mọi thành công của em. Rất nhiều lần, anh tự hỏi điều gì có thể khiến em buồn đến vậy, rất nhiều lần anh thầm mong em sẽ nói với anh, song em chưa bao giờ nói.

Chỉ để nhắn em hãy tự chăm sóc mình thật tốt và đừng để cho nỗi buồn xâm nhiễm. Chỉ để nhắn em đừng để hình ảnh thứ 24 kia giành chiến thắng. Đừng để ác quỷ áp đảo thiên thần quá thường xuyên.

Chỉ để nói với em, anh cũng thấy em thật tuyệt vời và rực rỡ. Song, người ta nói điều này với em đến năm chục lần mỗi ngày, thành ra nói điều đó cũng chỉ khiến anh trở nên giống những anh chàng khác...

Cuối cùng, chỉ để nói với em rằng anh sẽ không bao giờ quên em.

Martin.

° ° °

Gabrielle ngẩng đầu lên. Trái tim cô nặng trĩu, vì cô� hoàn toàn không chờ đợi điều này.

Ngay từ những dòng đầu tiên cô đã hiểu lá thư này thật đặc biệt. Tất nhiên, cô biết câu chuyện viết trong thư, nhưng không hoàn toàn dưới góc độ như vậy. Cô nhìn xung quanh, sợ rằng cảm xúc đã lộ rõ trên mặt mình. Khi cảm thấy mắt mình nhòa nước, cô rời khỏi ký túc xá và lên tàu điệu ngầm đi vào trung tâm San Francisco. Cô đã định ở lại thư viện học muộn hơn nhưng giờ cô biết mình không thể làm được điều đó.

Ngồi xuống ghế, tâm trí cô lơ lửng giữa cảm giác ngạc nhiên khi nhận được lá thư của Martin và nỗi sung sướng nhưng đau đớn khi đọc thư. Chẳng phải ngày nào cũng có người dành cho cô sự quan tâm như vậy. Cũng chẳng phải ngày nào cũng có người để ý nhiều tới tâm tính của cô hơn mọi điều khác.

Tất cả mọi người đều tưởng cô là người mạnh mẽ, hòa đồng trong khi cô lại rất yếu đuối và hơi mất phương hướng trước những mâu thuẫn rất con gái. Những người đã biết cô từ nhiều năm nay không hề biết có những chuyện khiến cô dằn vặt, vậy mà anh có thể đọc được nội tâm của cô và hiểu rõ tất cả chỉ trong vài tuần lễ.

Mùa hè năm ấy, cái nóng cháy bỏng đổ xuống bờ biển California, không loại trừ San Francisco cho dù thành phố này thuộc một vùng vi khí hậu. Trong toa tàu, hành khách dường như lả đi, giống như đang bị cơn nóng mùa hè nuốt chửng. Song Gabrielle lại không như họ. Cô đột nhiên trở thành nữ anh hùng trong văn chương trung cổ, đắm chìm trong thời đại của những hiệp sĩ. Thời đó, những mối tình cao quý mới bắt đầu xuất hiện. Chrétien de Troyes 1 vừa gửi cho cô một bức thông điệp và cô quyết định sẽ biến tình bạn mà cô dành cho chàng thành...

Cô đọc đi đọc lại bức thư, nó khiến cô thấy nhẹ lòng nhưng cũng làm cô đau.

Không, Martin Beaumont, anh không giống như những anh chàng khác...

Cô đọc đi đọc lại bức thư khiến cô vừa hạnh phúc, vừa tuyệt vọng, vừa phân vân.

Phân vân đến mức cô quên cả xuống tàu khi đến ga gần cuối. Thế là phải đi thêm một bến nữa, rồi cuốc bộ dưới tiết trời nóng nực để về được đến nhà.

Hoan hô nữ anh hùng, well done!

° ° °

Ngày hôm sau

9 giờ sáng

Sân bay San Francisco SFO

Trời mưa.

Vẫn còn chưa tỉnh táo hẳn, Martin cố nén cái ngáp và bấu chặt lấy thanh ngang cũ kỹ chỉ chực long ra mỗi khi xe rẽ ngoặt. Anh mặc trên người chiếc áo bành tô bằng dạ dày, quần jean thủng lỗ chỗ, đôi giày basket đã cũ và chiếc áo phông có in hình một nhóm nhạc rock.

Mùa hè năm ấy, tất cả thanh niên đều có một thứ gì đó in hình Kurt Cobain.

Trong đầu anh, những kỷ niệm về hai tháng vừa qua ở Mỹ cứ xáo trộn. Anh đã được ngắm nhìn đầy con mắt và trái tim anh cũng đã đầy. California đã đưa anh đi quá xa Évry và vùng ngoại ô Paris. Hồi đầu hè, anh định thi vào trường cảnh sát nhưng kỳ nghỉ ngắn ngủi ở nơi này đã làm thay đổi mọi thứ. Chàng trai trẻ dân ngoại ô đã có được niềm tin vào bản thân, nhờ một đất nước mà cuộc sống ở đó cũng khó khăn như bất kỳ nơi nào khác, nhưng lại là nơi con người luôn biết hy vọng và khát khao thực hiện ước mơ của mình.

Và giấc mơ của anh là viết truyện. Những câu chuyện đi vào lòng người, những câu chuyện về những con người bình thường gặp những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Bởi vì chỉ thực tại thôi đối với anh không đủ và viễn tưởng là thứ vẫn luôn tồn tại trong cuộc đời anh. Từ khi còn rất nhỏ, những nhân vật yêu thích thường giúp anh thoát khỏi những đớn đau, an ủi anh những khi thất vọng hay đau buồn. Những nhân vật ấy nuôi dưỡng trí tưởng tượng trong anh, giúp anh kìm nén những cảm xúc bồng bột để có thể nhìn cuộc đời bằng con mắt bao dung hơn.

Chiếc xe buýt chạy từ đường Power tới thả hành khách xuống sân bay quốc tế. Bị xô đẩy, Martin cố túm lấy cây đàn ghi ta để trên giá hành lý. Đồ đạc lỉnh kỉnh, anh là người cuối cùng ra khỏi xe buýt, lục tay vào túi áo tìm vé và nghếch mũi lên trời, anh cố định vị mình giữa đám đông nháo nhác.

Anh chưa nhìn thấy cô ngay.

Cô đậu xe hàng đôi và cứ để máy nổ.

Gabrielle.

Người cô đẫm nước mưa. Cô đang lạnh. Cô hơi run rẩy.

Anh, Cô nhận ra nhau. Anh, Cô chạy lại với nhau.

Họ ôm siết lấy nhau, tim đập rộn ràng, giống như lần đầu tiên, như họ tin là như thế.

Rồi cô nhoẻn miệng cười và khiêu khích anh:

- Thế nào, Martin Beaumont, anh có thực sự nghĩ rằng những nụ hôn chưa trao là những nụ hôn nồng thắm nhất không?

Rồi họ hôn nhau.

Họ tìm môi nhau, hơi thở quện vào nhau, những sợi tóc ướt lướt thướt quấn lấy nhau. Anh đặt tay lên gáy cô, cô đỡ hai má anh. Họ cuống quýt trao nhau những lời yêu vụng về.

Cô đề nghị: "Anh ở lại thêm đi!"

Anh ở lại thêm đi!

Lúc đó anh không hề biết cả đời mình sẽ chẳng còn có điều gì hơn thế nữa. Không có gì trong sáng hơn, rực rỡ hơn và mãnh liệt hơn đôi mắt màu xanh lá của Gabrielle lấp lánh dưới làn mưa, trong buổi sáng mùa hè ấy.

Và giọng van vỉ của cô: Anh ở lại thêm đi!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:12:44 | Chỉ xem của tác giả
San Francisco

28 tháng Tám - 7 tháng Chín năm 1995

Martin trả thêm 100 đô la để lùi ngày bay. Món tiền sẽ giúp anh được sống mười ngày quan trọng nhất trong đời.

Họ yêu nhau.

Trong những hiệu sách trên các con phố ở Berkeley nơi mùi hương du mục vẫn còn phảng phất.

Trong rạp chiếu phim ở đường Reid nơi họ chẳng xem được mấy đoạn trong bộ phim Leaving Las Vegas vì còn đắm chìm trong những nụ hôn và những cái vuốt ve.

Trong một nhà hàng nhỏ, trước mặt là một chiếc bánh hamburger kiểu Hawai to tướng nhân dứa và một chai Sonoma.

Họ yêu nhau.

Họ nghịch ngợm, đùa giỡn như lũ trẻ, siết chặt tay nhau và chạy dọc bãi biển.

Họ yêu nhau.

Trong căn phòng ký túc xá trường đại học, nơi anh bất ngờ đàn tặng cô bản La Valse à mille temps 2 của Jacques Brel bằng đàn ghi ta. Cô nhảy cho anh xem, thoạt đầu chậm rãi, rồi càng lúc càng nhanh hơn, xoay tròn, hai tay dang rộng, bàn tay ngửa lên trời trông giống như một con quay.

Anh buông cây đàn và cùng cô hòa vào vũ điệu mê say. Họ làm thành một con quay, xoay mãi, cho đến khi đổ ập xuống nền nhà...

... họ yêu nhau.

Họ lơ lửng, bay bổng.

Họ là Chúa, là thiên thần, là duy nhất trên trái đất này.

Xung quanh, cả thế giới mờ đi và chỉ còn là bức phông sân khấu, họ là hai diễn viên duy nhất trong đêm diễn đó.

Họ yêu nhau.

Bằng thứ tình yêu đã ngấm vào máu.

Bằng cơn say triền miên.

Trong khoảnh khắc này và mãi mãi về sau.

Nhưng đồng thời, nỗi lo sợ cũng bao trùm khắp nơi.

Sợ sẽ không đủ.

Sợ sẽ ngạt thở vì thiếu không khí.

Vừa rõ ràng vừa mập mờ.

Vừa là trừng phạt vừa là triệt hạ.

Là mùa xuân tươi đẹp nhất, là cơn bão mãnh liệt nhất.

Bất chấp mọi thứ, họ yêu nhau.

° ° °

Cô yêu anh.

Vào giữa buổi đêm.

Trong ô tô của cô, cô đậu nó trên bãi Tenderloin, khu phố nhạy cảm nhất thành phố. Radio trên xe rung lên theo nhịp gansta rap và bài Smells Like Teen Spirit.

Đó là đỉnh điểm của hiểm nguy, khi cơ thể người yêu nhòa đi trong những làn đèn pha lia qua lia lại, khi mối đe dọa bị một nhóm xã hội đen tấn công hay bị cảnh sát tóm luôn rình rập.

Lần này thì không phải là tình yêu với "một bó hoa hồng", tình yêu với "những lời âu yếm dịu dàng". Đó là một tình yêu "như sắt nung lửa" khi người ta giằng giật nhiều hơn là cho đi. Đêm đó, giữa họ là cơn thèm thuốc, là mũi kim cắm vào cơ thể, là cơn mê đắm của một con nghiện. Cô muốn cho anh thấy cả khía cạnh đó của cô, là vết gợn phía sau hình ảnh lãng mạn: chính là thiếu khuyết, là hình ảnh thứ 24. Cô muốn thử xem liệu anh có thể theo cô tới cả vùng đất ấy hay sẽ bỏ rơi cô dọc đường.

Đêm đó, cô không còn là người yêu của anh nữa, cô đã trở thành người tình của anh.

bởi màn đêm là của những người yêu nhau

bởi màn đêm đã thuộc về chúng ta

° ° °

Anh yêu cô.

Vô cùng dịu dàng.

Trên bãi biển, khi trời vừa hửng sáng.

Cô ngủ quên trên chiếc áo khoác dạ của anh. Anh gối đầu lên bụng cô.

Hai tình nhân trẻ, gói mình trong làn gió ấm, dưới ánh hồng dương của bầu trời California.

Hai cơ thể thư giãn, hai trái tim đã được vá lành, họ nép vào nhau, trong khi chiếc đài bán dẫn đặt trên cát đang phát ra một bản nhạc du dương quen thuộc.

° ° °

Ngày 8 tháng Chín năm 1995

9 giờ sáng

Sân bay San Francisco SFO

Đoạn kết của giấc mơ.

Họ đang đứng tại sảnh sân bay, giữa đám đông và tiếng ồn ào.

Cuối cùng thực tế cũng chiến thắng viễn cảnh về một tình yêu vượt thời gian.

Thật phũ phàng. Thật đau đớn.

Martin tìm kiếm ánh mắt của Gabrielle. Sáng nay, những tia nắng vàng đã biến mất trong đôi mắt cô. Họ chẳng biết nói thêm gì với nhau. Và thế là họ ghì nhau vào lòng, bấu chặt lấy nhau, người này cố tìm thấy ở người kia nguồn sinh lực đang thiếu trong mình. Trong cuộc chơi này, Gabrielle tỏ ra mạnh mẽ hơn anh. Những ngày hạnh phúc vừa qua, cô biết đó là những ngày cô đánh cắp từ cuộc đời, trong khi anh lại tưởng quãng thời gian đó sẽ kéo dài mãi mãi.

Thế nhưng chính cô lại đang cảm thấy lạn. Anh liền cởi chiếc áo khoác dạ ra và choàng lên vai cô. Thoạt đầu cô từ chối, ra vẻ em là người mạnh mẽ, kiểu không sao cả đâu, song anh vẫn cố thuyết phục bởi anh thấy rõ cô đang run rẩy. Đến lượt mình, cô tháo sợi dây chuyền bạc có cây Nam Thập Tự đang đeo trên cổ xuống. Cô nhét sợi dây chuyền vào tay anh.

Tiếng gọi hành khách lần cuối. Họ buộc phải rời nhau.

Không biết lần thứ bao nhiêu anh hỏi cô:

- Em có yêu người đang đi du lịch ở châu Âu không?

Và như mọi lần, cô đặt một ngón tay lên môi anh rồi cụp mắt nhìn xuống.

Thế là hai cơ thể tách nhau ra, anh đi về phía phòng chờ ra máy bay, mắt vẫn không rời khỏi cô.

° ° °

Ngày 9 tháng Chín

Paris

Sân bay Charles-de-Gaulle

Sau hai chặng dừng chuyến máy bay và nhiều lần trễ giờ, chuyến bay Aer Lingus cũng hạ cánh xuống Roissy vào cuối buổi chiều. Ở San Francisco vẫn đang là mùa hè. Còn ở Paris, trời đã sang thu. Bầu trời xám xịt, u ám.

Hơi ngơ ngác, đôi mắt đỏ quạch vì thiếu ngủ, Martin đứng chờ để lấy hành lý. Trên màn hình ti vi, một cô gái tóc vàng với bộ ngực căng phồng silicon đang hét lên "Chúa đã cho tôi niềm tin". Sáng nay, anh đã rời khỏi nước Mỹ của Clinton, tối nay, anh đã ở trong nước Pháp của Chirac. Và anh ghét cay ghét đắng đất nước mình vì đó chẳng phải là nơi có Gabrielle.

Anh lấy va li của mình cùng cây đàn ghi ta rồi bắt đầu hành trình về nhà: đi tàu RER B tới Châtelet-Les Halles, sau đó là tàu RER D hướng Corbeil-Essonnes, xuống ở ga Évry rồi bắt xe buýt về khu Pyramides. Anh muốn mượn âm nhạc để rời xa thế giới, song pin trong chiế máy walkman của anh đã cạn kiệt từ đời nào. Vô vọng, vô phương, cứ như có ai đó đã tiêm nọc rắn vào tim anh. Rồi anh chợt nhận ra nước mắt đang chảy dài trên má mình và lũ thanh niên ngu xuẩn trong khu đang nhìn mình với vẻ nhạo báng. Anh cố tìm lại chút sĩ diện: ở Évry không ai được tỏ ra yếu đuối, nhất là trên xe buýt đi về Pyramides. Thế nên anh ngoảnh mặt đi và lần đầu tiên anh ý thức được rằng đêm nay anh sẽ không ngủ cùng cô.

Và những giọt nước mắt lại lăn dài.

° ° °

Nửa đêm.

Martin ra khỏi căn phòng nhỏ, anh đang ở nhờ ông bà anh trong một căn hộ chung cư dành cho người có thu nhập thấp.

Thang máy hỏng. Cuốc bộ chín tầng gác. Hộp thư báo bị giật tung, tiếng xô xát từ gầm cầu thang vọng ra. Ở đây vẫn chẳng có gì thay đổi.

Phải mất nửa tiếng tìm kiếm anh mới thấy một buồng điện thoại còn chưa bị phá hỏng. Anh nhét vào khe một thẻ điện thoại 50 đơn vị và bấm số máy bên kia bờ Đại Tây Dương.

° ° °

Cách đó 12 000 cây số, ở San Francisco lúc này là 12 rưỡi trưa. Điện thoại reo vang trong quán cà phê sinh viên ở ký túc xá Berkeley...

° ° °

49, 48, 47...

Bụng quặn lại, anh nhắm mắt và nói đơn giản:

- Anh đây, Gabrielle. Trung thành với lời hẹn buổi trưa của chúng mình.

Thoạt đầu, cô cười vì ngạc nhiên và vì hạnh phúc, rồi cô bật khó vì quá đau buồn khi họ không còn được bên nhau nữa.

... 38, 37, 36...

Anh nói với cô rằng anh rất nhớ cô, anh yêu cô say đắm, anh không biết làm thế nào sống được nếu không có...

... cô nói với anh cô khao khát được ở bên anh đến chừng nào, được thực sự ở bên anh, được ngủ cùng với anh, được hôn anh và vuốt ve anh, được cắn xé và giết chết anh trong cơn yêu.

... 25, 24, 23...

Anh nghe cô nói và mọi ký ức lại trào lên: làn da mịn màng của cô, mùi cát và gió trong tóc cô, những lời cô nói "em hôn anh"...

... những lời anh nói "anh hôn em", bàn tay cô bám lấy cổ anh, đôi mắt cô tìm kiếm ánh mắt anh, sự mãnh liệt và êm ái khi họ ôm siết nhau.

... 20, 19, 18...

Anh hoảng sợ nhìn màn hình tinh thể lỏng trong buồng điện thoại và đau đớn tuyệt vọng khi nhìn thấy những đơn vị điện thoại cứ hết dần nhanh như vậy.

... 11, 10, 9...

Rồi họ chẳng nói gì nữa cả, bởi giọng cứ nghẹn đi.

Họ chỉ còn nghe thấy tiếng hai trái tim đập thình thịch như hòa nhịp cùng hơi thở đau đớn đang quện vào nhau, cứ như chiếc điện thoại đáng nguyền rủa này không hề tồn tại.

... 3, 2, 1, 0...

° ° °

Hồi đó, người ta vẫn còn chưa nhắc gì đến Internet, thư điện tử, Skype hay những tin nhắn điện thoại.

Hồi đó, bức thư tình gửi từ Pháp phải mất mười ngày mới đến được California.

Hồi đó, mỗi khi bạn viết "anh yêu em", phải chờ ba tuần mới nhận được hồi âm.

Và chờ đến ba tuần mới được một câu "em yêu anh", điều đó quả là quá sức chịu đựng khi người ta hai mươi tuổi.

° ° °

Thế rồi, những bức thư của Gabrielle cứ thưa thớt dần cho tới khi hoàn toàn mất dạng.

Rồi cô hầu như không trả lời điện thoại nữa, cả trong quán cà phê, cả trong phòng ký túc xá, cô thường để mặc cho cô bạn trong phòng ghi lại những lời nhắn.

Một đêm, không thể chịu được nữa, Martin giật tung điện thoại và dùng nó đập tan bức vách kính của cabin công cộng. Cơn giận dữ khiến anh hành động theo kiểu từ trước tới giờ anh vẫn thường lên án. Anh trở nên giống những kẻ mà anh vẫn căm ghét: những kẻ phá hoại tài sản công cộng, những kẻ luôn phải nốc một lon bia mới có thể ngủ được, những kẻ suốt ngày phì phèo thuốc cỏ thơm và xem thường mọi thứ: cuộc sống, hạnh phúc, khổ đau, quá khứ và tương lai.

Trong cơn khủng hoảng, anh hối hận vì đã yêu bởi giờ đây anh chẳng còn biết phải tiếp tục sống như thế nào. Mỗi ngày, anh tự thuyết phục mình rằng ngày mai sẽ tươi đẹp hơn, thời gian sẽ chữa lành tất cả, song ngày hôm sau anh lại thấy mình càng lún sâu thêm vào tuyệt vọng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:14:48 | Chỉ xem của tác giả
Thế rồi một ngày, Martin tự nhủ chỉ có thể chinh phục lại Gabrielle bằng cả trái tim mình. Nhờ đó, anh lấy lại được sức mạnh để đứng dậy. Anh quay lại trường đại học, xin làm bốc vác trong siêu thị Carrefour Évry 2. Ban đêm, anh làm bảo vệ trong một bãi đậu xe và bắt đầu tiết kiệm từng xu.

Lẽ ra lúc đó phải có một người anh, một người cha, một người mẹ, một người bạn thân hay bất kỳ ai khuyên anh đừng bao giờ làm việc gì "bằng cả trái tim". Bởi nếu đã yêu bằng cả trái tim, có thể sau này, anh sẽ chẳng bao giờ còn yêu được nữa.

Song Martin chẳng có ai để nghe theo, ngoài "trái tim nhiệt thành của chàng trai ngốc nghếch".

° ° °

Ngày 10 tháng Mười hai năm 1995

Gabrielle, tình yêu của anh,

Hãy cứ để anh được gọi em như vậy, cho dù có thể lần này là lần cuối.

Anh không còn ảo tưởng quá nhiều nữa, anh cảm thấy mình đang dần vuột mất em.

Với anh, sự xa cách chỉ làm tình cảm thêm mãnh liệt và anh hy vọng rằng trong em vẫn còn có chút gì đó nhớ anh.

Anh đang ở đó, Gabrielle, cùng với em.

Gần hơn bao giờ hết.

Lúc này đây, chúng ta như hai kẻ đang vẫy gọi nhau qua một dòng sông. Đôi lúc, chúng ta gặp nhau ở giữa cầu, ở bên nhau chớp nhoáng, để tránh những đợt cuồng phong, rồi mỗi người lại trở về vị trí của mình, chờ đợi đến lần sau, để được bên nhau lâu hơn. Vì mỗi lần nhắm mắt lại và mường tượng hình ảnh đôi ta trong mười năm nữa, anh vẫn thấy hiện lên hình ảnh hạnh phúc, một hạnh phúc dường như rất thật: ánh nắng mặt trời, tiếng cười con trẻ, ánh mắt đồng điệu của một cặp vợ chồng yêu nhau say đắm.

Và anh không muốn bỏ qua cơ may ấy.

Anh đang ở đó, Gabrielle, ở bờ sông bên kia.

Đang chờ em.

Chiếc cầu ngăn cách chúng ta có vẻ cũ kỹ, song chiếc cầu đó vẫn còn vững chắc, nó được làm nên từ những thân cây cổ thụ đã đương đầu với nhiều bão tố.

Anh hiểu em sợ không muốn bước qua cầu.

Và anh biết có thể em sẽ không bao giờ bước qua.

Nhưng hãy để anh được hy vọng.

Anh không yêu cầu ở em một lời hứa, một hồi âm hay một cam kết gì hết.

Anh chỉ muốn có một tín hiệu từ phía em.

Và tín hiệu ấy, có một cách rất đơn giản để em gửi nó tới cho anh. Em sẽ thấy một món quà Noel đặc biệt kèm với thư anh: tấm vé máy bay đi New York vào ngày 24 tháng Mười hai. Anh sẽ ở Manhattan ngày hôm đó và anh sẽ chờ em cả ngày ở quán cà phê DeLalo, dưới chân tòa nhà Empire State. Hãy tới gặp anh nếu em tin chúng ta vẫn có thể ở bên nhau trong tương lai...

Hôn em,

Martin.

° ° °

24 tháng Mười hai năm 1995

New York

9 giờ sáng

Những bước chân của Martin nghiền sào sạo lên lớp tuyết mới. Trời rét như ở Bắc cực, song bầu trời xanh trong suốt, chỉ gợn nhẹ khi một làn gió thổi qua làm vẩn lên vài bông tuyết.

Người dân New York dọn tuyết trên vỉa hè trong tâm trạng phấn khởi bởi không khí trang hoàng và tiếng nhạc Christmas Carrols vọng ra từ tất cả các cửa hiệu.

Martin đẩy cánh cửa quán cà phê DeLalo. Anh tháo găng tay, bỏ mũ len và khăn quàng cổ ra rồi xoa hai tay vào nhau cho ấm lên. Hai ngày nay, anh không ngủ được, giờ anh cảm thấy hồi hộp và rạo rực giống như đang được truyền chất cafeine.

Nơi này thật ấm áp và ngập tràn không khí Noel, lấp lánh dưới ánh đèn màu nhấp nháy là những thiên thần bằng đường, những chú lùn bằng bánh mì tẩm ngũ vị hương thả xuống từ trần nhà. Trong không khí phảng phất mùi hương pha trộn giữa quế, thảo quả và bánh chuối. Trên đài, những bài hát Noel truyền thống được phát xen kẽ với những bản nhạc pop trẻ trung. Mùa đông năm đó, nhóm nhạc Oasis đang nổi như cồn và bài Wonderwall được phát liên tục, mỗi tiếng một lần.

Martin gọi một cốc sô cô la nóng tưới rượu marshmallows rồi ngồi xuống chiếc bàn bên cạnh cửa sổ.

Gabrielle sẽ đến, anh tin chắc như vậy.

Đến 10 giờ, anh đã xem lại không biết bao nhiêu lần giờ bay trên chiếc vé anh đã gửi đi.

Khởi hành - 23 tháng Mười hai: 22 giờ 55 phút - San Francisco SFO.

Giờ đến - 24 tháng Mười hai: 07 giờ 15 phút - New� York JFK

Anh không lo lắng: tuyết rơi thế này, chắc chắn chuyến bay sẽ phải chậm mất vài giờ. Bên ngoài cửa kính, dòng người đổ ra vỉa hè giống như một đoàn quân gìn giữ hòa bình đã vứt bỏ súng ống để đối lấy những chiếc cốc nhựa có nắp đậy.

Lúc 11 giờ, Martin đọc lướt tờ USA Today mà một vị khách đã bỏ lại trên bàn. Trong tờ báo, người ta vẫn còn mải mê tranh cãi về việc tha bổng O.J. Simpson 3, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và về chùm phim truyền hình Cấp cứu đang khiến dân Mỹ say mê. Mùa đông năm đó, Bill Clinton vẫn chưa gặp Monica và đang dũng cảm đương đầu với Quốc hội để bảo vệ các chính sách xã hội của mình.

Gabrielle sẽ đến.

Đến giữa trưa, Martin đeo tai nghe máy walkman lên. Đôi mắt mơ màng, anh dạo bước cùng Bruce Springsteen trên những con phố ở Philadelphia.

Cô ấy sẽ đến.

13 giờ, anh mua một cái bánh kẹp xúc xích nóng từ một xe hàng lưu động, mắt vẫn không hề rời cửa ra vào, nhỡ chẳng may...

Chắc cô ấy sắp đến.

14 giờ, anh bắt đầu đọc Cạm bẫy tình, cuốn tiểu thuyết anh đã mua tại sân bay.

Một tiếng sau, anh mới đọc được bốn trang...

Chắc chắn cô ấy sẽ đến.

16 giờ, anh lôi trò chơi điện tử Game Boy cầm tay ra, thua năm bàn xếp hình Tetris chỉ trong vòng chưa đầy mười phút.

Có lẽ cô ấy sẽ đến...

17 giờ, nhân viên phục vụ quán cà phê bắt đầu nhìn anh với vẻ ngạc nhiên.

Còn một nửa cơ may cô sẽ đến.

Đến 18 giờ, quán đóng cửa. Anh là người khách cuối cùng rời khỏi quán.

Và cho đến khi ra ngoài, anh vẫn còn hy vọng.

Vậy mà...

° ° °

San Francisco

15 giờ

Tim thắt lại, Gabrielle bước trên cát về phía đại dương. Thời tiết cũng giống y như tâm trạng của cô: cây cầu Cổng Vàng chìm trong sương mù, những đám mây nặng trĩu vây quanh đảo Alcatraz và gió nổi lên. Để đỡ lạnh, cô vùi mình trong chiếc áo khoác dạ của Martin.

Cô ngồi xuống cát và lôi từ trong túi ra một tập thư anh đã viết cho cô. Cô đọc lại một vài đoạn. Cứ nghĩ tới em là tim anh đập rộn ràng. Anh ước em đang ở đây, vào lúc giữa đêm này. Anh muốn nhắm mắt lại để khi mở mắt ra đã thấy em ở đây... Cô lấy từ trong một phong bì ra những món quà xinh xắn anh đã gửi: một nhành cỏ may mắn có bốn lá, một bông hoa nhung tuyết, một tấm ảnh đen trắng cũ của Jean Seberg và Belmondo trong bộ phim Tận cùng nỗi đau...

Cô biết giữa mình và Martin có một tình cảm đặc biệt hiếm thấy. Một kết nối mãnh liệt mà cô không dám chắc một ngày nào đó sẽ còn có thể tìm lại được. Cô hình dung anh đang ngồi chờ cô ở New York, trong quán cà phê nơi anh đã hẹn cô. Cô tưởng tượng ra anh và khóc.

° ° °

Ở New York, quán phải đã đóng cửa được nửa tiếng nhưng Martin vẫn đợi, bất động và lạnh cóng. Đến giờ, anh chẳng hiểu gì về tình cảm thật của Gabrielle. Anh không hề biết tình yêu của họ đã khiến cô hạnh phúc đến chừng nào, không hề biết cô cảm thấy lạc lõng và mỏng manh thế nào trước khi gặp anh. Anh không biết anh đã giúp cô khỏi gục ngã trong một thời điểm vô cùng nhạy cảm của đời cô...

° ° °

Mưa bắt đầu rơi trên cát ở San Francisco. Xa xa, tiếng nhạc thiết tha từ chiếc dương cầm biển khổng lồ 4 réo rắt theo từng sóng vỗ vào các ống dẫn thanh bằng đá. Gabrielle đứng lên để theo kịp chuyến xe điện đang leo dọc đoạn đường dốc ngược lên phố Fillmore. Cô thẫn thờ đi hết quãng đường qua hai dãy nhà sau Nhà thờ Grace, dẫn tới Trung tâm Y tế Lenox.

Cuộn mình trong chiếc áo khoác dạ của Martin, cô lần lượt đi qua từng cánh cửa tự động. Cho dù cũng được trang hoàng trong ngày lễ song sảnh bệnh viện vẫn có vẻ ảm đảm và buồn tẻ.

Đứng gần chiếc máy bán nước tự động, bác sĩ Elliott Cooper nhận ra cô và đoán được cô vừa khóc.

- Chào Gabrielle, ông vừa nói vừa nở một nụ cười trấn an cô.

- Chào bác sĩ.

° ° °

Martin chờ cô đến tận 23 giờ, một mình trong cái rét cắt da cắt thịt của buổi đêm. Đến giờ thì trái tim anh hoàn toàn trống rỗng và anh cảm thấy tủi hổ. Hổ thẹn vì đã xông lên tiền tuyến mà không hề phòng vệ, với một trái tim nông nổi, lòng nhiệt tình và sự quả cảm thơ trẻ.

Anh đặc cược tất cả và đã mất sạch.

Anh đi lang thang trên các con phố: đường số 42, các quán bar, các bến tàu, rượu, những cuộc gặp rõ ràng không tốt đẹp. Mùa đông năm ấy, New York vẫn còn là New York. Chẳng phải là thành phố của Warhol hay của Velvet Underground, cũng chẳng phải là thành phố đã được dọn dẹp sạch sẽ về sau này. Đó là một New York vẫn đầy rẫy đe dọa và ngoài vòng pháp luật dành cho những kẻ sẵn sàng mở cửa đón quỷ dữ.

Đêm đó, lần đầu tiên trong mắt Martin chỉ toàn bóng tối và gian nan.

Anh sẽ không bao giờ trở thành nhà văn. Anh sẽ làm cảnh sát, anh sẽ là kẻ đi săn.

Đêm đó, anh không chỉ mất đi tình yêu.

Anh còn mất cả hy vọng.

° ° °

Thế đấy.

Câu chuyện này chỉ kể lại những gì xảy ra trong cuộc sống.

Chuyện về một người đàn ông và một người đàn bà chạy về phía nhau.

Tất cả đã bắt đầu từ một nụ hôn, vào một buổi sáng mùa hè, dưới bầu trời San Francisco.

Câu chuyện gần như đã kết thúc vào một đêm Noel, trong một quán bar New York và một bệnh viện ở California.

Rồi nhiều năm trôi qua...

--------------------------------
1        (1135-1185) Nhà thơ, nhà văn trung cổ người Pháp, được xem là một trong những người mở đầu trào lưu tiểu thuyết hiệp sĩ. (Mọi chú thích không có lưu ý gì thêm đều là của người dịch).
2        Điệu Valse vĩnh cửu.
3        Orenthal James Simpson, cựu ngôi sao bóng bầu dục Mỹ, bị cáo buộc sát hại vợ cũ và người tình của cô, đã được tuyên trắng án trong phiên tòa ngày 3/10/1995.
4        Organe Wave, công trình điêu khắc hoành tráng ở Vịnh San Francisco, được thiết kế như một chiếc dương cầm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:23:14 | Chỉ xem của tác giả
Phần 1. Dưới bầu trời Paris


2. Tên trộm thiện xảo nhất...

Người ta có thể yêu ai đó vì những lý do riêng và ghét người đó cũng chính vì những lý do như vậy.

Russell BANKS

Paris, bờ trái dòng sông Seine

29 tháng Bảy

3 giờ sáng

Tên trộm

Paris tắm mình trong màn đêm sáng rõ giữa mùa hè. Trên các mái nhà của bảo tàng Orsay, một bóng đen nhanh thoăn thoắt lẩn sau một thân cột rồi đột ngột hiện ra trong vầng sáng hắt lên từ dãy đèn chiếu hình bán nguyệt.

Mặc một chiếc áo liền quần màu sẫm, Archibald McLean thắt hai sợi dây leo vào chiếc đai đeo ngang hông. Hắn chỉnh lại cái mũ trùm len màu đen cho chụp xuống tận đôi mắt sáng, nổi bật trên khuôn mặt trét đầy xi đen của hắn. Hắn đóng ba lô lại rồi nhìn xuống thành phố đang trải rộng trước mắt. Từ nóc của bảo tàng nổi tiếng này mở ra một tầm nhìn thật ấn tượng, trông rõ mọi công trình bên bờ phải con sông: cung điện Louvrre mênh mông tràn ngập các tác phẩm điêu khắc, mái vòm hình búp của nhà thờ Sacré-Coeur, mái vòm tròn của cung điện Grand Palais, bánh xe khổng lồ trong Công viên Tuileries và mái vòm tròn màu xanh dát vàng của nhà hát Opéra Garnier. Đắm mình trong màn đêm, thủ đô mang một vẻ đẹp vượt thời gian. Đây vẫn là Paris từ thời Arsène Lupin, Paris trong vở Bóng ma trong nhà hát.

Archibald đeo găng tay bảo hiểm vào, thả lỏng cơ bắp và thả dần sợi dây thừng dọc theo bức tường đá. Tối nay sẽ là một màn hóc búa và nguy hiểm. Song cũng chính điều đó làm nên sức hấp dẫn của nó.

Viên cảnh sát

- Thật là điên rồ!

Ngồi theo dõi từ trong ô tô, viên đại úy cảnh sát Martin Beaumont quan sát qua ống nhòm tên tội phạm mà anh đã truy lùng từ hơn ba năm nay: Archibald McLean, tên trộm nổi tiếng nhất trong số những kẻ chuyên đánh cắp các bức tranh hiện đại.

Viên cảnh sát vô cùng phấn khích. Tối nay, anh chuẩn bị tóm được tên trộm lừng danh, sự kiện mà cả đời cảnh sát mới có được một lần. Giờ phút này anh đã chờ đợi từ lâu. Một cảnh anh đã diễn đi diễn lại hàng trăm lần trong đầu. Một hành động sẽ khiến cho cả Interpol lẫn hết thảy đám thám tử tư làm thuê cho những tay tỷ phú từng có tranh bị Archibald cuỗm mất phải thèm thuồng.

Martin điều chỉnh ống nhòm để hình ảnh nét hơn. Cái bóng lờ mờ của Archibald cuối cùng cũng hiện ra trong bóng đêm. Tim đập rộn ràng, Martin nhìn hắn thả sợi dây từ trên mái rồi trượt xuống theo bờ tường bảo tàng cho tới khi xuống đến một trong hai chiếc đồng hồ khổng lồ hướng ra sông Seine.

Trong giây lát, viên cảnh sát hy vọng nhìn được nét mặt của con mồi, song Archibald ở quá xa và đang quay lưng về phía anh. Một điều có vẻ như vô cùng khó tin, mặc dù hắn đã có hai mươi lăm năm hành nghề song chưa ai từng trông thấy khuôn mặt thật của Archibald McLean...

° ° °

Archibald đứng yên phía sau chiếc đồng hồ thủy tinh đang phát ra ánh sáng nhờ nhờ. Dán mình vào mặt đồng hồ có đường kính bảy mét này, hắn thấy thật khó lòng chống lại sự thúc giục của thời gian. Hắn biết bất cứ lúc nào cũng có thể bị phát hiện, song hắn vẫn ngó xuống phố. Bến sông thật yên tĩnh nhưng không hề vắng vẻ: những chiếc taxi thỉnh thoảng vẫn chạy qua, vài người dạo chơi ban đêm đang thả bộ, một số khác thì trở về nhà nghỉ ngơi sau một đêm dài vui chơi.

Không vội vàng, tên trộm đứng dựa vào gờ đá và tháo từ thắt lưng ra một bánh xe có những mũi nhọn đính kim cương. Bằng động tác nhanh nhẹn, chính xác và đều đặn, hắn cà nó lên mặt kính, vào đúng vị trí nơi các kim đồng hồ bằng hợp kim sẽ dóng thẳng hàng với nhau để chỉ sáu giờ. Đúng như hắn dự tính, lưỡi cưa bánh xe chỉ cào lên kính và vẽ thành một đường tròn nhỏ trên mặt phẳng. Archibald ấn vào đó một cái ống hút chân không có ba đầu rồi với lấy một ống xi lanh bằng nhôm có chiều dài bằng một chiếc đèn pin. Hắn đưa dụng cụ men theo đường cứa bằng động tác chính xác và tự tin, kéo đi kéo lại. Đúng là một sợi dây cắt kính thực thụ, tia laser đã làm thành một đường xẻ mảnh và sâu. Miếng kính nhanh chóng nứt ra theo đường cắt. Khi miếng kính chuẩn bị rơi xuống, Archibald ấn ống hút. Tấm kính nặng nề rời luôn ra, không hề có tiếng vỡ nứt, và nhẹ nhàng hạ xuống đất, để lộ một lối đi hình tròn,sắc nét như một ô cửa. Khéo léo như một nghệ sĩ nhào lộn, Archibald luồn mình vào lỗ hổng sẽ đưa hắn vào một trong những bảo tàng đẹp nhất thế giới. Kể từ giây phút này trở đi, hắn chỉ còn ba mươi giây trước khi chuông báo động reo.

° ° °

Dán mũi vào kính xe, Martin không thể tin vào mắt mình. Chắc chắn Archibald vừa hoàn thành một cú ngoạn mục khi đột nhập vào bảo tàng bằng một cách tài tình như vậy, song chuông báo động nhất định sẽ reo chỉ trong ít giây nữa thôi. Hệ thống an ninh của bảo tàng Orsay đã được củng cố lại rất nhiều kể từ sau vụ việc diễn ra vào năm ngoái, một nhóm người say rượu xô đổ một cánh cửa thoát hiểm và chui được vào bên trong bảo tàng. Những người này đã lảo đảo đi lại trong các phòng trưng bày nhiều phút rồi mới bị chặn lại. Và trong quãng thời gian đó họ đã kịp phá hỏng một bức tranh nổi tiếng của Monet, Cây cầu Argenteuil.

Vụ việc đã gây nhiều tai tiếng. Bà Bộ trưởng Văn hóa không thể chấp nhận nổi chuyện có người đột nhập được vào Orsay như vào một cối xay gió. Sau đó, tất cả các khu vực nhạy cảm của bảo tàng đều được rà soát lại. Là thành viên của OCBC - Trung tâm chống buôn lậu văn hóa phẩm-, Martin Beaumont đã được mời tham gia tư vấn trong việc rà soát và đảm bảo an ninh cho tất cả các lối vào. Lý thuyết mà nói, các phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật ấn tượng nổi tiếng hiện bất khả xâm phạm.

Nhưng nếu vậy, tại sao cái chuông báo động chết tiệt này lại không kêu nhỉ?

° ° °

Archibald đặt chân xuống một trong những chiếc bàn của quán cà phê. Chiếc đồng hồ kính khổng lồ dẫn thẳng xuống quán cà phê Độ cao, nằm trên tầng cao nhất của bảo tàng, gần các phòng trưng bày sản phẩm theo trường phái ấn tượng. Tên trộm nhìn đồng hồ đeo tay: vẫn còn hai mươi lăm giây nữa. Hắn nhảy xuống đất và leo vài bước lên những bậc thang dẫn tới các phòng tranh. Những con mắt thần chiếu tia hồng ngoại đan thành một mạng lưới vô hình trải dài năm mươi mét dọc hành lang. Hắn tìm ra hộp báo động và tháo ốc tấm bảng bảo vệ ra rồi kết nối với chiếc máy tính xách tay tí hon chỉ lớn hơn chiếc iPod một chút. Trên màn hình, các con số trôi đi với tốc độ chóng mặt. Trên trần nhà, hai máy quay có gắn thiết cảm ứng nhiệt đang chuẩn bị đổ chuông. Chỉ còn mười giây nữa...

° ° °

Không thể kiên nhẫn thêm, Martin bước ra khỏi xe và vặn người răng rắc. Anh đã ngồi theo dõi được bốn tiếng và bắt đầu thấy bắp chân tê chồn. Anh đã mất thói quen rồi. Hồi mới vào nghề, có khi anh thức trắng nhiều đêm để theo dõi trong những điều kiện không tưởng: trong cốp xe ô tô, trong thùng xe tải chở rác, trong lớp trần giả. Gió chợt nổi lên. Anh rùng mình và cũng không hẳn là khó chịu trong đêm hè oi bức này. Từ khi làm việc ở OCBC, anh chưa từng cảm thấy phấn khích như hôm nay. Những lần cuối cùng anh thấy trong người rạo rực đã cách đây năm năm, từ thời anh còn làm cho Stups. Một nghề khốn kiếp gắn chặt với quãng đời khốn khó mà anh không hề cảm thấy hối hận khi đã đoạn tuyệt. Anh thích cái vị trí đặc biệt của nghề "cảnh sát nghệ thuật" này hơn, một công việc có thể dung hòa niềm đam mê hội họa với cam kết của anh khi gia nhập ngành cảnh sát.

Ở Pháp, chỉ có khoảng ba chục người được theo học khóa đào tạo cao cấp của trường đại học Lourve, nhờ đó họ mới có thể bước vào công việc đỉnh cao này. Mặc dù từ đó trở đi, anh luôn điều tra trong không gian sang trọng của các bảo tàng, các phòng tranh, gặp gỡ các nhà buôn đồ cổ và giám đốc bảo tàng nhiều hơn là bọn buôn lậu và trộm cướp, song anh vẫn là một cánh át chính hiệu. Và một cảnh sát thì có rất nhiều việc phải làm. Với hơn ba ngàn vụ trộm một năm, nước Pháp là đích ngắm ưa chuộng của bọn "trộm cắp di sản", mà buôn lậu những thứ này cũng sinh lời không kém những đường dây buôn lậu vũ khí hay ma túy.

Martin khinh thường lũ trộm vặt sục sạo trong những nhà thờ ở nông thôn, vơ vét các bức tượng thiên thần hoặc Đức mẹ Đồng Trinh. Anh không thể chịu được sự ngu dốt của lũ càn quấy tìm thú vui tiêu khiển bằng trò đập phá các tác phẩm điêu khắc trogn công việc. Và anh cũng căm ghét lũ trộm cướp làm việc theo đơn đặt hàng của những kẻ sưu tầm hoặc buôn lậu đồ cổ. Bởi lẽ, không giống như những gì người ta vẫn nghĩ, những tên trộm các tác phẩm nghệ thuật không hề là những quý ông đơn độc. Đa số chúng đều có liên quan tới tội phạm có tổ chức và những băng đảng nguy hiểm nhất, những kẻ luôn nhúng tay vào các đường dây "rửa" tranh ăn cắp bằng cách tuồn chúng ra nước ngoài.

Đứng dựa vào mui chiếc Audi cũ, Martin châm một điếu thuốc, mắt vẫn không rời khỏi mặt tiền bảo tàng. Qua ống nhòm, anh nhìn rõ cái lỗ khổng lồ mở toang hoác trên chiếc đồng hồ thủy tinh. Vẫn chưa có tiếng chuông báo động nào, nhưng anh biết chắc chỉ vài giây nữa thôi, tiếng còi chói tai sẽ rú lên, xé tan màn đêm tĩnh mịch.

° ° °

Ba giây.

Hai giây.

Một gi...

Một tia nhẹ nhõm rạng trên gương mặt Archibald khi sáu chữ số dừng lại trên màn hình máy tính bé tí xíu. Rồi dãy số độc đắc nhấp nháy, vô hiệu hóa toàn bộ hệ thốngd ò tìm cử động. Đúng như hắn đã dự tính. Có thể một ngày nào đó hắn sẽ nhầm lẫn. Chắc chắn một ngày nào đó hắn sẽ thực hiện một vụ trộm không nên làm. Nhưng không phải là đêm nay. Lối đi đã được giải phóng. Màn kịch có thể bắt đầu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:24:39 | Chỉ xem của tác giả
3. Huynh đệ cô độc


Có hai loại người. Những người sống vui đùa rồi chết. Và những người chẳng bao giờ làm gì khác ngoài việc giữ thăng bằng giữa hai bờ vực trong cuộc sống. Có những diễn viên. Và những nghệ sĩ đi trên dây.

Maxence FERMINE

Martin lại châm một điếu thuốc nữa mà vẫn không thể nào trấn tĩnh nổi. Lần này chắc chắn có điều gì đó không ổn. Báo động lẽ ra phải kêu từ cách đây một phút rồi.

Từ tận đáy lòng, chàng trai trẻ không cảm thấy khó chịu. Chẳng phải đó chính là điều anh vẫn thầm mong sao: một mình tóm cổ Archibald, chẳng cần sự giúp đỡ của đám bảo vệ hay cảnh sát tư pháp, để có một pha đối mặt không cần ai chứng kiến?

Martin biết rằng rất nhiều đồng nghiệp của anh vẫn ngưỡng mộ các "phi vụ" của Archibald và cảm thấy hãnh diện khi theo đuổi một tên tội phạm như hắn. Đúng là McLean không phải tên trộm thông thường. Từ hai mươi lăm năm nay, hắn đã khiến giám đốc tất cả các bảo tàng toát mồ hôi lạnh và giễu cợt tất cả cảnh sát trên thế giới này. Là kẻ ghiền những phi vụ đẹp, hắn đã biến nghề trộm cắp thành một nghệ thuật và thể hiện biệt tài cùng sự độc đáo trong mọi vụ trộm của mình. Không bao giờ hắn phải dùng vũ lực, chẳng hề nổ phát súng nào và cũng không hề làm rơi một giọt máu. Với vũ khí duy nhất là sự liều lĩnh và ranh mãnh, hắn không hề ngại cuỗm báu vật từ tay những nhân vật nguy hiểm nhất - từ tên trùm mafia Oleg Mordhorov-, bất chấp cả việc bị mafia Nga truy lùng hay bị các ông trùm Nam Mỹ treo giải cho ai lấy được đầu hắn. Martin thường tỏ ra bức xúc về cách giới truyền thông vẫn đưa tin về hắn. Cánh nhà báo đã phác họa Archibald bằng những chân dung đáng ngưỡng mộ và biến hắn thành một nghệ sĩ nhiều hơn là một tên tội phạm.

Ngược lại, cảnh sát lại chẳng biết gì nhiều về Archibald McLean: không một chi tiết về quốc tịch, tuổi tác, AND. Hắn không bao giờ để lại dấu vết. Trên các băng ghi hình, rất hiếm khi thấy được mặt hắn, nếu có cũng chẳng bao giờ cùng một khuôn mặt vì hắn thực sự điêu luyện trong thuật hóa trang. FBI đã treo nhiều món thưởng cho bất cứ ai cung cấp tin để có thể bắt giữ hắn song vô ích, những thông tin thu thập được luôn mâu thuẫn nhau. Archibald thực sự là một tắc kè hoa, có thể thay đổi hoàn toàn dáng vẻ bề ngoài và nhập vai tài tình như một diễn viên thực thụ. Chưa từng có đồng bọn hay mối hàng nào của hắn chịu tiết lộ thông tin. Tất cả những chi tiết này đều khiến người ta nghĩ rằng Archibald hoạt động độc lập và chỉ cho riêng hắn.

Khác với đồng nghiệp và báo giới, Martin chưa hề để mình bị nhân vật này mê hoặc. Cho dù có lừng lẫy đến mấy thì McLean vẫn chỉ là một tên tội phạm.

Đối với Martin, đánh cắp một tác phẩm văn hóa không hề giống với việc trộm bất cứ tài sản gì khác. Trên cả giá trị thương mại, mọi sáng tạo nghệ thuật đều mang màu sắc linh thiêng và góp phần tiếp chuyển di sản văn hóa được tích lũy qua nhiều thế kỷ. Do đó, đánh cắp một tác phẩm nghệ thuật thực chất là sự xâm phạm nghiêm trọng tới giá trị và nền tảng của nền văn minh chúng ta.

Và kẻ nào dám làm điều đó không đáng được nương tay.

° ° °

Một không gian yên tĩnh thiêng liêng, không một tiếng động, không một bóng người: bên trong bảo tàng tĩnh lặng một cách kỳ lạ. Archibald tiến vào các gian trưng bày trịnh trọng như bước vào nhà thờ. Ánh đèn đêm trong bảo tàng, màu xanh ngọc và xanh cô ban, nhấn chìm các gian phòng trong không gian của một lâu đài bị ma ám. Archibald để mình bị cuốn theo khung cảnh. Hắn vẫn luôn nghĩ rằng ban đêm, các bảo tàng có thể lấy lại được sức sống của chúng, trong sự bình yên và bóng tối, tránh xa tiếng ồn ào của đám đông và những ánh đèn máy ảnh của khách du lịch. Vì quá muốn phô ra vẻ đẹp của các tác phẩm, chẳng phải người ta đang dần làm mất đi vẻ tự nhiên của chúng và rốt cuộc sẽ phá hủy chúng hay sao? Giờ đây, mỗi năm, một bức tranh phải hứng lượng ánh sáng có lẽ bằng đến năm mươi năm của thời xưa! Bị soi chiếu nhiều như vậy, dần dần chúng sẽ mất độ bóng, cạn kiệt sức sống và giảm tuổi thọ.

Hắn tiến vào gian đầu tiên, dành cho Paul Cézanne. Từ hơn hai mươi năm nay, Archibald đã "ghé thăm" hàng chục bảo tàng và có trong tay một số kiệt tác vĩ đại nhất; thế nhưng lần nào hắn cũng đều có cùng một cảm xúc, đều rùng mình trước tài năng thiên bẩm của họa sĩ. Một số tác phẩm đẹp nhất của Cézanne nằm trong gian phòng này: Những người tắm, Những tay chơi bài, Ngọn núi Sainte-Victoire...

Tên trộm phải cố dứt ra khỏi phút chiêm ngưỡng mê say. Hắn lôi từ trong thắt lưng ra một sợi dây mảnh bằng titan và gắn chặt nó vào bức tường ngăn cách gian phòng này với gian bên cạnh.

Bởi Archibald không đến vì Paul Cézanne...

° ° °

Martin lấy gót giày di nát đót thuốc lá trước khi chui lại vào trong xe. Đây không phải là lúc lộ mình. Nếu sau mười năm làm việc anh rút ra được điều gì, thì đó là đến tên tội phạm thiên tài nhất rồi cũng sẽ mắc lỗi. Đó là bản tính tự nhiên của con người: sớm hay muộn, sự tự tin cũng sẽ khiến người ta lơ là và sự lơ là đó sẽ khiến họ phạm sai lầm - dù là nhỏ nhất - và chỉ cần thế thôi cũng đủ để bị tóm gọn. Và điều tối thiểu có thể nói được là trong những tháng gần đây Archibald dã liên tục tiến hành những phi vụ động trời, thực hiện một chuỗi những vụ trộm chưa từng thấy trong thế giới nghệ thuật: ngoài một số báu vật khác, có thể kể đến bức Vũ điệu của Matisse ở bảo tàng Ermitage tại Saint-Petersbourg, những bản thảo giao hưởng viết tay vô giá của Mozart tại Thư viện Morgan ở New York, một bức tranh khỏa thân tuyệt đẹp của Modigliani tại Luân Đôn... Và ba tháng trước đây, trong khi đang hưởng kỳ nghỉ cuối tuần trên du thuyền riêng, tỷ phú người Nga Ivan Volynski đã gặp phải một bất ngờ khó chịu khi bị nẫng mất bức tranh nổi tiếng NO 666 của Jackson Pollock, được ông ta đấu giá thành công tại Sotheby's với giá gần 90 triệu đô la. Vụ trộm đã khiến tỷ phú này điên tiết vì - theo người ta đồn đại - ông ta mua bức tranh này với ý định dành tặng cho cô bồ trẻ mới cặp.

Martin bật đèn trần xe và rút từ trong túi áo ra một cuốn sổ nhỏ bìa da thuộc, trong đó anh đã ghi lại những vụ trộm gần đây nhất.

NGÀY TRỘM

TÁC PHẨM

TÁC GIẲ

NGÀY MẤT CỦA TÁC GIẲ

3/11

Vũ điệu

MATISSE

3/11/1954

5/12

Bản thảo viết tay

MOZART

5/12/1791

24/1

Người đàn bà khỏa thân

MODIGLIANI

24/1/1920

6/2

Chân dung Adèle

KLIMT

6/2/1918

8/4

Gã ăn mày

PICASSO

8/4/1973

16/4

Nàng Maja khỏa thân

GOYA

16/4/1828

28/4

Ba đám tang

BACON

28/4/1992

Có quá nhiều sự trùng hợp nên không thể nói đó chỉ đơn thuần là trùng hợp: giống như một tên giết người hàng loạt, Archibald McLean không hề hành sự vu vơ, mà tuân theo một modus operandi 1 cụ thể. Giống như để tưởng niệm các nghệ sĩ, dường như thời gian gần đây hắn luôn tiến hành các vụ trộm vào ngày mất của các nghệ sĩ mà hắn tôn thờ! Vì kiêu mạn tột cùng hay chỉ là một cách để trêu ngươi cảnh sát và dựng nên một huyền thoại, vụ trộm nào hắn cũng ký tên bằng cách để lại một tấm danh thiếp có trang trí hình Nam Thập Tự. Quả thật, tên trộm này là tay ngoại hạng.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:25:42 | Chỉ xem của tác giả
Khi tìm ra phương thức hành động này của hắn, phản ứng đầu tiên của Martin là dò lại tất cả các ghi chép của Interpol, song anh không hề tìm thấy một chút gì giống với những suy luận của mình. Xem ra anh là thanh tra duy nhất trên thế giới đã tìm ra mối liên hệ giữa ngày các tác phẩm bị đánh cắp và ngày mất của các tác giả! Anh cảnh sát trẻ từng phân vân không biết có nên cảnh báo cấp trên, trung tá Loiseaux, giám đốc OCBC hay không. Cuối cùng anh quyết định giữ thông tin này cho riêng mình và hành động đơn lẻ. Do kiêu mạn chăng? Đương nhiên, song đó cũng là do cá tính: Martin là người cô độc, không thoải mái và kém hiệu quả khi làm việc theo nhóm. Khả năng tối ưu của anh chỉ có thể phát huy khi anh được làm việc theo cách của mình. Và đó là cách anh sẽ hành động tối nay, anh sẽ mang nộp cho OCBC cái đầu của Archibald đặt trên một cái khay. Giống như mọi lần, trung tá Loiseaux và đồng nghiệp của anh sẽ vội vàng nhận công trạng về mình, song điều đó không làm Martin quan tâm. Anh chẳng phấn đấu thành cảnh sát để tìm kiếm danh vọng hay sự thừa nhận.

Anh hạ thấp kính chiếc xe hai chỗ cũ kỹ. Màn đêm thật đáng sợ, đầy đe dọa và cũng đầy hứa hẹn. Tít trên cao, qua các ô cửa sổ ở mặt tiền bảo tàng có thể nhìn loáng thoáng những chiếc đèn chùm mang đậm vẻ cổ xưa.

Anh nhìn đồng hồ đeo tay của mình, một chiếc Omega "Speedmaster" phiên bản hạn chế, món quà của một cô người yêu cũ đã bặt tăm từ lâu.

Đã sang ngày 29 tháng Bảy được vài tiếng.

Ngày mất của Vicent Van Gogh.

° ° °

- Chào mừng ngày giỗ, Vincent, Archibald nói khi bước vào gian bên cạnh, trong đó trưng bày một vài tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh: Giấc ngủ trưa, Chân dung bác sĩ Gachet, Nhà thờ Auvers-sur-Oise...

Hắn tiến sâu vào phòng vài bước và dừng lại trước bức chân dung tự họa nổi tiếng nhất của họa sĩ. Mờ ảo trong ánh hào quang bí ẩn, bức tranh có vẻ gì đó ma quái với sắc màu xanh tím và xanh lá lấp lánh trong bóng tối.

Từ trong khung tranh bằng gỗ thếp vàng, Van Gogh nhìn xéo hắn, chăm chăm và lo lắng. Một ánh mắt dường như đang dõi theo song lại cũng như đang trốn chạy. Những nét vẽ ngắt đột ngột làm hiện lên nét mặt ông vừa rắn vừa thô. Mái tóc màu cam của họa sĩ cùng bộ râu đỏ trông như một ngọn lửa đang liếm lên mặt ông, và trên nền bức tranh là những đường uốn lượn đầy ảo giác.

Archibald mê mẩn nhìn bức tranh.

Giống như Rembrandt và Picasso, Van Gogh thường tự lấy mình làm mẫu. Theo dòng những bức tranh, với phong cách không thể nào bắt chước, ông quay cuồng tìm kiếm chính mình. Người ta đã thống kê được hơn bốn chục bức chân dung tự họa của ông: những tấm gương không biết nói dối cho phép quan sát diễn biến bệnh tình của ông cũng như sự xáo trộn trong lòng ông. Song bức tranh này nổi tiếng là tác phẩm mà Van Gogh gắn bó nhất. Có thể vì ông đã vẽ nó trong thời gian bị giam cầm tại nhà thương điên Saint-Rémy-de-Provence, chưa đầy một năm trước khi ông tự vẫn, một trong những thời kỳ sung mãn nhất song cũng đau đớn nhất của cuộc đời ông.

Gần như thông cảm, Archibald cảm thấy thực sự bồi hồi trước gương mặt đau đớn trong tranh. Đêm nay, bức tranh gợi cho tên trộm thấy hình ảnh của một người huynh đệ cô đơn.

Bức tranh này, hắn đã có thể lấy từ cách đây mười hay hai mươi năm. Nhưng hắn quyết định chờ đến đêm nay, nó sẽ là tuyệt đỉnh vinh quang trong sự nghiệp đạo chích của hắn.

Có tiếng bước chân vọng lên từ tầng dưới, nhưng Archibald không thể nào rời mắt khỏi đôi mắt của họa sĩ người Hà Lan, bị hút hồn bởi tài năng của ông, mà suy cho cùng tài năng ấy có lẽ đã chiến thắng cơn điên loạn.

Những quay quắt biểu lộ qua những bức chân dung tự họa của Van Gogh gợi cho hắn những câu hỏi mà hắn cũng tự đặt ra cho chính mình về sự tồn tại của bản thân. Thực sự hắn là ai? Có phải hắn dã quyết định đúng trong những thời điểm quan trọng? Hắn sẽ làm gì trong quãng đời còn lại? Và nhất là, liệu có khi nào hắn đủ dũng cảm để bước một bước lại gàn Cô - người phụ nữ duy nhất có ý nghĩa đối với cuộc đời hắn - để cầu xin cô tha thứ?

- Thế nào, chúng ta đi chứ, Vincent? hắn hỏi.

Trong ánh sáng huyền ảo, ánh mắt Van Gogh như lấp lánh hơn. Archibald quyết định coi đó như một dấu hiệu đồng tình.

- Được, vậy thì hãy cài đai lưng vào. Có thể sẽ hơi xóc một chút đấy! hắn cảnh báo và nhấc bức tranh ra khỏi vị trí.

Ngay lập tức, chuông báo động đổ dồn và một tiếng còi rú lên vang động khắp bảo tàng.

° ° °

Tiếng báo động vang vọng ra tận ngoài đường.

Đã sẵn sàng chờ đón, Martin chỉ đợi có tín hiệu này để hành động. Anh mở cửa xe và bước xuống vỉa hè sau khi đã lấy súng từ trong hộp đựng găng tay ra: khẩu súng bán tự động Sig-Sauer 9mm, giờ đây hầu hết cảnh sát Pháp đều đã được trang bị. Anh kiểm tra lại ổ đạn mười lăm viên rồi đút súng vào bao.

Mong rằng mình không phải dùng tới nó...

Đã lâu anh không luyện tập. Từ khi chuyển sang OCBC, anh chưa từng bắn một phát súng nào, trong khi hồi còn ở Stups anh sử dụng súng thường xuyên.

Martin băng qua hai làn đường để áp mình vào bức tường bảo tàng nằm vuông góc với sông Seine. Con phố Légion-d'Honneur vắng tanh nếu không kể tới hai kẻ vô gia cư đang ngủ trong túi ngủ ở ngay cửa xuống ga tàu điện ngầm RER C. Viên cảnh sát trẻ nép mình sau một cây cột Morris và tiếp tục theo dõi từ vị trí mới. Ngước đầu lên nhìn mái, qua ống nhòm anh thấy một sợi dây mới được thả dọc bờ tường bảo tàng ròng xuống một trong những ban công tầng hai.

Anh cảm thấy nhịp tim đập dồn dập trong lồng ngực.

Đừng chần chừ nữa, Archie. Tao đây. Tao đang chờ mày đây.

° ° °

Archibald vừa tháo bức tranh ra thì những tấm lưới thép bảo vệ sập xuống cực nhanh ở cả hai bên căn phòng nhốt tên trộm lại và ngăn không cho hắn trốn thoát. Hệ thống bảo vệ kiểu này hiện nay được lắp đặt ở tất cả các bảo tàng lớn trên thế giới: không tìm cách triệt để ngăn bọn trộm đột nhập vào bên trong song đảm bảo chắc chắn chúng không thể thoát ra ngoài được.

Chỉ vài giây sau, một đội bảo vệ đã đổ ra truy lùng ở tầng trên của bảo tàng.

- Hắn kia rồi, trong gian 34! đội trưởng đội bảo vệ vừa hét lên vừa xông ra hành lang dẫn tới các phòng tranh.

Không hề hoảng hốt, Archibald chụp ngay mặt nạ dưỡng khí vào, đeo đôi kính bảo vệ mắt mỏng màu xanh và lôi từ trong túi ra thứ sẽ giúp hắn "tàng hình".

Đội bảo vệ tiến dần tới, nhanh chóng băng qua các phòng trưng bày tranh ấn tượng. Khi họ tới được bên lưới thép thì vừa kịp đón ba quả lựu đạn đã tháo kíp mới được ném ra sàn. Hoảng hốt, đám bảo vệ đứng trơ ra. Rồi những quả lựu đán phát nổ, xì ra những làn khói màu tím. Chẳng mấy chốc, thứ khói đặc sệt và cay xè tràn ngập căn phòng, nhấn chìm mọi thứ trong không gian mù mịt sặc mùi nhựa cháy.

- Chết tiệt! Hắn hun chúng ta đây mà! Viên đội trưởng hét lên và lùi lại vài bước.

Các thiết bị báo khói phản ứng không hề chậm trễ và lần này còi báo cháy rú lên khiến khung cảnh càng thêm phần hỗn loạn. Ngay lập tức, một màn chắn mỏng bằng kim loại tự động kéo khắp gian phòng, bảo vệ các họa phẩm khỏi các vòi nước phun tự động kích hoạt ngay khi nhiệt độ trong phòng lên quá cao.

° ° °

Cùng lúc đó, trưởng đồn cảnh sát quận VII nhận được ngay những hình ảnh trực tuyến truyền từ các máy quay đặt trong bảo tàng Orsay. Hệ thống bảo vệ từ xa nối liền báo động từ bảo tàng tới các phòng ban ở đồn cảnh sát đôi khi cũng gặp lỗi báo nhầm, song lần này tín hiệu báo động được đánh giá là nghiêm trọng và ngay lập tức, ba xe cảnh sát xuất phát, rú còi ầm ĩ và chạy cấp tốc về phía bảo tàng lừng danh nằm bên bờ tả sông Seine.

° ° °

- Tôi chịu không hiểu nổi hắn đang chơi trò gì! viên đội trưởng đội bảo vệ làu bàu, chiếc khăn mùi soa bịt chặt trên mặt để ngăn khói.

Ông vớ lấy bộ đàm và hét lên ra lệnh cho trực ban:

- Cử ngay một đội gác lên cầu thang thượng. Tôi không muốn chúng ta để mất dấu hắn!

Sau tấm lưới sắt, ông nhìn thấy lờ mờ một bóng người đang di chuyển trong gian Van Gogh. Tranh thủ lúc khói chưa kịp lan đen khắp phòng, ông rà soát toàn bộ gian phòng qua đôi mắt kính hồng ngoại. Thoạt nhìn, chẳng hề có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ tên trộm có thể tẩu thoát: theo những gì ông quan sát được, những song sắt ở đầu kia gian phòng cũng đã sập xuống, chặn mọi đường trốn. Cảnh sát chỉ việc tóm gọn hắn khi chúng ta mở cửa, ông nghĩ và hoàn toàn yên tâm.

° ° °

Điều ông không nhìn thấy là một sợi dây mỏng bằng titan đã ngăn tấm lưới sắt lại cách mặt đất năm mươi phân.

° ° °

Một nụ cười sáng rõ trên khuôn mặt Archibald khi hắn trườn mình qua khe cửa rồi thoát ra khỏi bảo tàng theo cách hắn đã vào. Toàn bộ hành động kéo dài chưa đầy năm phút.

Chỉ cần năm phút thôi cũng đủ để hắn tháo từ trên tường xuống một bức tranh vô giá.

--------------------------------
1        Phương thức hành động (tiếng Latin).
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 2-1-2012 21:26:47 | Chỉ xem của tác giả
4. Hai người đàn ông trong thành phố


Chỉ có kẻ thù mới nói thật với nhau; bạn bè và tình nhân luôn luôn nói dối, vì họ bị bủa vây bởi chiếc lưới trách nhiệm.

Stephen KING

Sau một màn chạy ngoạn mục trên mái nhà, Archibald túm lấy sợi thừng, buộc vào cái móc bên hông rồi trượt xuống ban công. Không dừng lại lấy hơi, hắn nhảy qua lan can và đáp xuống mái hiên bằng kính dày mờ nhô cao phía trên cửa ra vào. Rồi với những bước di chuyển thoăn thoắt như loài mèo và gần như không phải lấy đà, hắn nhảy từ độ cao nhiều mét đáp xuống bậc thềm.

Màn trình diễn không tệ, thưa nghệ sĩ nhào lộn... Martin khen ngợi, vẫn miệt mài theo dõi từ phía sau cây cột Morris. Viên cảnh sát trẻ rút khẩu súng ra và sẵn sàng lao tới. Cuối cùng anh cũng chạm đến đích! Mặc dù không thực sự hiểu rõ vì sao, song dường như tên trộm này đã khiến đầu óc anh trở nên bị ám ảnh. Anh đã thề sẽ là người đầu tiên phá tan bức màn bí mật về hắn. Cho dù thiếu thông tin về McLean, anh vẫn cố gắng tự phác họa ra bức tranh tâm lý của hắn, cố gắng tư duy giống hắn để hiểu được lô gíc trong đầu hắn. Đó không phải là sự cám dỗ. Đó là một thứ khác: sự tò mò không được thỏa mãn cộng thêm một mối liên hệ vô hình giữa hai đối thủ trong một ván cờ. Chính là mối liên hệ đã gắn kết Brossaurd với Merine, Roger Borniche với Émile Buisson 1, Clarice Sterling với Hannibal Lecter 2...

Thôi nào, đừng có nghĩ nhảm nữa. Ra khỏi chỗ nấp và tóm gọn hắn đi!

Thế nhưng, bất chấp mệnh lệnh trong đầu, Martin vẫn đứng yên, hoàn toàn thụ động đứng xem bộ phim mà anh không phải là nhân vật chính.

Giờ đã đến lúc cuộc truy tìm của anh kết thúc nhưng anh bỗng thấy một cảm giác trống rỗng kỳ lạ trong lòng. Sự ngập ngừng này đến từ đâu? Tại sao anh lại có cảm giác cần hay đúng hơn là thèm muốn được chơi trò mèo đuổi chuột như thế này?

Để kéo dài cảm giác thích thú chăng?

Về phần Archibald, hắn không thể phí thời gian. Nhanh như một tia chớp, hắn thoáng biến mất sau một quầy báo trên phố Légion-d'Honneur rồi lại hiện ra với bộ dạng hoàn toàn thay đổi. Hắn đã bỏ bộ đồ cải trang và thay bằng áo vest màu sáng cùng quần vải.

Việc hắn cải trang rất giỏi chẳng hề là chuyện hoang đường, Martin nghĩ. Không phải chỉ có quần áo bên ngoài mà ngay cả dáng vẻ của tên trộm dường như cũng thay đổi hoàn toàn: nặng nề hơn và gù hơn, trông như Archibald đã già đi cả chục tuổi chỉ trong vòng mười giây.

Song điều đáng ngạc nhiên nhất vẫn còn đang ở phía trước.

Thật quá vô lý!

Dưới ánh sáng đèn đường, viên cảnh sát trẻ quan sát tên trộm đang leo lên... một chiếc Vélib': một trong hai mươi ngàn chiếc xe đạp công cộng mà thành phố Paris đã để cho khách du lịch và người dân thoải mái sử dụng. Chỉ sau vài tháng áp dụng, hình ảnh chiếc xe đạp màu xám lông chuột đã nghiễm nhiên trở thành một trong những hình tượng phổ biến trên các con phố thủ đô. Xem ra, McLean có vẻ thích loại phương tiện này cho dù hắn sử dụng nó vào mục đích rất đặc biệt, vì hắn vẫn cẩn thận dựa chiếc xe vào một cột đèn đường trước khi leo lên mái bảo tàng!

Trong khi cả một dàn hòa thanh tiếng còi xe cảnh sát rú lên báo hiệu đoàn xe của đồn cảnh sát quận VII đang lao đến, Archibald đã kịp sang tới bến tàu Anatole-France. Martin lưỡng lự định lên xe ô tô nhưng lại thôi. Viên cảnh sát vẫn bám sát trong khi Archibald đi dọc lên phía đầu sông Seine, bỏ lại tòa nhà Quốc hội phía sau lưng và đạp thẳng về phía đảo Cité. Ba xe cảnh sát dừng lại trên quảng trường Henry-de-Montherlant, ngay trước mặt cổng bảo tàng, đổ xuống khoảng một chục cảnh sát mặc đồng phục và đồng loạt tiến vào bên trong qua cửa chính.

Không một giây nào họ ngờ rằng người đi xe đạp mà họ mới gặp cách đó vài phút lại chính là người mà họ tới đây để bắt giữ.

° ° °

Hoàn toàn bất ngờ, Martin tự hỏi không biết tiếp theo nên làm gì. Archibald đã leo lên vỉa hè chạy dọc theo bờ sông và bắt đầu thong thả đạp xe, đi ngược chiều xe chạy. Hắn không một lần quay đầu lại xem có ai theo dõi không. Trên vỉa hè phía đối diện, Martin không rời hắn nửa bước. Cũng may mà chiếc Vébib's khá dễ nhận ra - với những miếng nhựa phản quang ở bánh xe, ánh đèn sáng rỡ phía trước và sau xe-, nhờ thế anh không phải lo mất dấu vết hắn. Hơn nữa, chiếc xe đã được gia cố thêm, một bộ khung bọc ngoài các dây cáp và phanh, có lẽ phải nặng tới cả tấn và dập tắt hoàn toàn hy vọng của người nào muốn tự coi mình là Bernard Hinault 3.

Lúc này, gió thổi mạnh khiến những lá cờ tam sắc trên nóc tòa nhà Kho bạc bay phần phật. Martin rất căng thẳng, song anh vẫn kiểm soát tốt tình thế: cho dù Archibald có phát hiện ra anh thì hắn cũng khó mà thoát khỏi tay anh. Với khoảng cách hiện giờ, không thể có chuyện đó được. Sáng nào Martin cũng chạy bộ rất chuyên cần cho tới khi mệt lử để đẩy xa hơn nữa giới hạn của bản thân. Nếu tên trộm cố chạy nước rút thì anh sẽ không để cho hắn có cơ hội khởi động. Dù sao anh cũng phải cảnh giác, tuyệt đối không hề muốn mạo hiểm kéo dài khoảng cách.

Hai người dàn ông băng qua cầu Royal, thân cầu cong như tấm lưng lừa và mái dầm là những đường cong hoàn mỹ, nối liền phố Beaune với dãy nhà Flore.

Archibald dường như đang tận hưởng chuyến dạo đêm, hắn nhởn nhơ đạp xe, hít sâu khí trời với vẻ khoái trá của một khách du lịch. Phía trước xe, hai cánh tay đòn chằng lấy chiếc giỏ sắt được coi như chỗ để hàng. Archibald đã để lên đó chiếc túi lính thủy bằng vải kaki, chắc chắn có nguồn gốc từ một kho quân dụng thanh lý. Trong túi là một bức tranh Van Gogh trị giá đến cả trăm triệu euro...

Đến kè Voltaire, hắn tự cho mình tận hưởng thú vui thanh cảnh, hắn đạp xe chậm hơn nữa, tha thẩn trước những phòng tranh, hiệu sách nghệ thuật và cửa hàng đồ cổ đắt tiền.

Thế đấy, lại còn chơi trò du lịch nữa cơ! Martin thở dài.

Thế nhưng gần như không thể cưỡng lại, viên cảnh sát cũng thả mình cuốn theo sự hấp dẫn của khu phố. Về đêm, kè Voltaire dường như không có tuổi và chẳng quá khó khăn cũng có thể hình dung lại khung cảnh một thế kỷ trước. Vào thời Ingres và Delacroix có xưởng tranh trong khu này, thời Baudelaire viết tập Ác hoa trong một khách sạn ở ngay gần đây...

Một biển quảng cáo đầy khiêu khích trên vách một điểm dừng xe buýt đột ngột kéo Martin quay trở về hiện tại. Lúc này Archibald đang đạp xe ngang qua các thùng kim loại của những người bán sách cũ. Một số gần đây đã bị đập méo và những thông điệp trên đó chẳng còn đọc được rõ ràng: Djamila, anh yêu em - Régis là thằng ngu - Sarko đồ khốn - Chính trị của Ségo cũng giống văn hóa của Paris Hilton.

Vừa đi qua cầu Carrousel, tên trộm liền chiêm ngưỡng với vẻ sành sỏi của hàng Sennelier, Những sắc màu trên bến, đây là nơi cung cấp vải và màu cho cả Cézanne lẫn Modigliani hay Picasso. Cạnh đó, hai cảnh sát đang gác phía trước căn nhà của cựu tổng thống Chirac. Archibald vừa cười vừa đi ngang qua họ.

Rồi tên trộm có vẻ chán chơi trò du lịch, hắn bắt đầu tăng tốc. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa đến nỗi khiến Martin cảm thấy bất an. Đoạn đường này rất nhiều cột đèn. Khi vòm sắt cầu Pont des Arts hiện ra ở chân trời, xe cộ đã có vẻ tấp nập trở lại, nhiều chiếc taxi lao hết tốc lực trên phần đường dành cho xe buýt. Phía bờ sông Seine, hai công nhân vệ sinh đang quét dọn cây cầu dài như một chiếc sà lan đã được cải tạo thành nhà hàng này. Một chiếc xe sơn hai màu xanh lục và trắng của "Công tình yêu vệ sinh môi trường đô thị Paris" đậu trên vỉa hè, đèn báo hiệu nhấp nháy và máy vẫn nổ song người lái xe đã bốc hơi đâu mất.

Giờ thì Archibald đạp thật lực. Hắn phóng như tên qua tòa nhà Viện hàn lâm, buộc Martin phải chạy đều và nhanh hơn. Trong đầu viên cảnh sát trẻ, những dự tính trái ngược nhau đang nổi lên. Nên bắt giữ McLean ngay lập tức hay mạo hiểm theo dõi hắn càng xa càng tốt? Bởi lẽ cho dù có bỏ tù Archibald thì cũng chẳng có gì đảm bảo rằng một ngày nào đó người ta có thể tìm ra kho báu chiến lợi phảm của hắn và thu lại được hàng chục bức tranh hắn đã cuỗm đi. Một hình ảnh lướt qua trong đầu viên cảnh sát, hình ảnh hang Cây Kim, kho báu huyền thoại của Arsène Lupin, được ngụy trang trên những vách đá ở Étretat, ở đó hắn cất giấu toàn bộ kho tàng của mình: bức La Joconde, những bức tranh nổi tiếng nhất của Botticelli, những bức tranh trầm mặc nhất của Rembrant... Chắc chắn kho báu của McLean cũng chẳng có gì phải mặc cảm nếu bị đem ra so sánh.

Chính mình đã tìm ra hắn. Mình giỏi hơn hắn. Mình có thể bắt hắn bất cứ lúc nào...

Dưới những tán cây rậm rạp ở kè Conti, Archibald đạp xe chậm lại, điều này không khỏi khiến Martin thấy dễ chịu. Một xe cảnh sát đang đi tuần trên bến cách đó không xa là trạm lính cứu hỏa, song cảnh sát chỉ cốt truy lùng những kẻ vô gia cư chứ không săn lùng trộm. Archibald chẳng buồn nhíu mày và vẫn tiếp tục đạp xe về đảo Cité.

Khi bóng cây cầu Pont-Neuf hiện ra ở chân trời, Martin lần đầu tiên tự hỏi: trong trò chơi đuổi bắt này, liệu anh có chắc rằng mình đang đóng vai con mồi?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách