Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 22105|Trả lời: 65
Thu gọn cột thông tin

[Viễn Tưởng - Xuất Bản] Kẻ Cắp Tia Chớp (The Lightning Thief) | Rick Riordan - Completed + Lời cảm ơn

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 9-12-2012 18:08:52 | Xem tất |Chế độ đọc
Tên tác phẩm: Kẻ cắp tia chớp




Tác giả: Rick Riordan
Dịch giả: Vũ Kim Dung
Thể loại: Tiểu thuyết
Tình trạng sáng tác: Chưa hoàn thành
Nguồn: Tự type

Giới thiệu sơ lược:
  "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các vị thần trên đỉnh Olympus vẫn còn sống ở thế kỉ 21? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ yêu và có con với người trần? Và những đứa con đó có thể trở thành những anh hùng vĩ đại - như Theseus, Jason và Hercules? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn là một trong số những đứa trẻ đó?

  Với việc khám phá ra thân phận bán thần của mình, cậu bé mười hai tuổi Percy Jackson đã bắt đầu lên đường thực thi nhiệm vụ cực kì nguy hiểm trong cuộc đời mình. Với sự giúp đỡ của thần rừng và con gái nữ thần Athena - Annabeth, Percy đã đi khắp nước Mỹ để tìm bắt kẻ trộm vũ khí huỷ diệt - tia chớp của thần Zeus. Trên khắp cuộc hành trình đó, cậu đã phải đối mặt với những kẻ thù hùng mạnh, những người đang muốn ngăn cản cậu thi hành nhiệm vụ. Vượt qua tất cả, cậu muốn gặp người cha mà cậu chưa bao giờ biết được. Và Oracle đã cảnh báo cho cậu về sự phản bội của một người bạn..."

Đây là một bộ tiểu thuyết mình thấy hay và muốn post lên để những bạn không có điều kiện mua sách có thể đọc. Mình sẽ tranh thủ thời gian post, không có time cố định nhưng một tuần sẽ cố hoàn thành nửa chương lớn

Để thuận tiện cho các bạn theo dõi, mình sẽ post tiến độ hoàn thành theo số thứ tự trang trong truyện nhé

Rate

Số người tham gia 2Sức gió +10 Thu lại Lý do
MinhHạ + 5 Bài viết hữu ích
hoaquynh + 5 Cảm ơn bạn ^^

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2012 19:06:51 | Xem tất
KẺ CẮP TIA CHỚP


1. TÔI TRÓT LÀM CÔ GIÁO DẠY ĐẠI SỐ BỐC HƠI



Nói thật nhé, tôi đâu muốn làm á thần!

    Nếu khi đọc sách này, bạn cho rằng một nửa dòng máu chảy trong huyết quản mình thuộc về thần thánh, tôi khuyên bạn hãy đóng sách lại ngay đi. Hãy tin mọi lời dối trá về thân thế của mình từ cha mẹ và sống cuộc đời bình dị như bao người khác.

    Mạng á thần như trứng treo đầu đẳng. Đáng sợ lắm. Cái chết đau đớn, kinh khiếp luôn theo sát gót họ gần như mọi lúc mọi nơi.

    Nếu bạn là một đứa trẻ bình thường, bạn đọc cuốn sách này vì bạn nghĩ nó là một điều hư cấu, thì thật tuyệt. Tiếp tục đọc nó nhé! Tôi ganh tị với bạn vì bạn có thể giả vờ những chuyện trong cuốn sách này chưa bao giờ xảy ra.

    Nếu thấy những gì tả trong sách này giống với mình quá, nếu thấy trực giác, linh tính không chịu ngủ yên, hãy ngừng đọc ngay vì có thể bạn giống chúng tôi. Nếu bạn biết, chẳng chóng thì chày chúng cũng đánh hơi thấy và tìm đến lấy mạng bạn.

    Đừng trách tôi không báo trước nhé.

-0-


Tên cha sinh mẹ đẻ của tôi là Percy Jackson.

    Tôi mười hai tuổi. Vài tháng trước đây, tôi còn là học sinh nội trú tại học viện Yancy, một trường tư dành cho học sinh cá biệt thuộc khu vực thượng New York.

    Tôi có phải là một cậu nhóc cá biệt không?

    Có, ai cũng biết thế.

    Mọi thời điểm trong quãng đời ngắn ngủi và đau khổ của tôi đều chứng minh điều đó. Nhưng mãi đến tháng Năm vừa rồi, mọi chuyện mới bắt đầu tệ hại không chịu nổi. Đó là lúc khối lớp sáu chúng tôi đi tham quan ở Manhattan. Hai mươi tám nhóc tỳ tâm thần có vấn đề cùng hai giáo viên lên chiếc xe buýt vàng choé nhắm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan thẳng tiến. Các mẫu vật trưng bày có từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại là mục đích tham quan của ngày hôm nay.

    Phải phải, nghe như sắp bị tra tấn vậy. Hầu hết những chuyến tham quan của Học viện Yancy đều thế cả.

    Nhưng hôm nay, thầy Brunner dạy tiếng Latinh sẽ hướng dẫn học trò thế nên lòng tôi tràn ngập hy vọng.

    Thầy giáo tôi trạc tuổi trung niên ngồi xe lăn có gắn động cơ. Tóc thầy thưa mỏng, bộ râu quai nón không chăm chút thường xuyên và thầy thường mặc áo khoác cũ sờn ám mùi cà phê. Nhìn qua chẳng ai bảo thầy có gì thú vị nhưng ngược lại, trong giờ học thầy hay kể chuyện, nói đùa và cho học trò chơi nhiều trò bổ ích. Thầy còn có một bộ sưu tập tuyệt vời toàn vũ khí và áo giáp của người La Mã cổ. Vậy nên chỉ mỗi tiết của thầy là tôi không thấy buồn ngủ.

    Tôi hy vọng buổi tham quan này suôn sẻ, hay ít nhất cũng không có sự cố gì xảy đến với tôi.

    Nhưng hỡi ôi, đó chỉ là hy vọng hão huyền.

    Hình như buổi tham quan hay dã ngoại nào, tôi cũng gặp chuyện khóc dở mếu dở. Chẳng hạn trong chuyến thăm chiến trường Saratoga hồi lớp năm, tôi gặp tai nạn với khẩu đại bác có từ thời Chiến tranh Cách mạng. Thực lòng, tôi không cố tình nhắm bắn xe buýt của trường. Nhưng dù thanh minh thế nào, tôi cũng bị đuổi học. Còn nữa, hồi lớp bốn, khi chúng tôi được đến phía sau hậu trường của hồ cá mập ở Thế giới Đại Dương, tôi chẳng may chạm vào cần đòn bẩy trên lối đi hẹp khiến cả lớp phải tập bơi bất đắc dĩ. Chưa hết, trước đó tôi còn... Mà thôi, chắc các bạn đoán ra cả rồi.

    Nhưng lần tham quan này, tôi tự hứa với lòng nhất định sẽ ngoan. Suốt quãng đường xuống trung tâm, tôi nghiến răng chịu cảnh nhỏ Nancy Bobofit mặt đầy tàn nhang, tính hay tắt mắt cầm bánh kẹp bơ đậu phộng rưới xốt cà chốc chốc lại đập vào đầu Grover, bạn thân nhất của tôi.

    Grover là con mồi ngon xơi của những đứa ngỗ ngược như Nancy. Thằng bạn chí cốt của tôi gầy nhẳng, lúc buồn bực chỉ biết khóc. Chắc chắn nó đúp vài năm rồi vì trong khối lớp sáu, chỉ mình nó có mụn trứng cá và vài cọng râu thưa. Grover là trẻ tật nguyền. Nó có giấy được miễn học thể dục cả đời vì bị bệnh gì đó ảnh hưởng đến cơ chân. Dáng đi của nó vẹo vọ trông rất tội nghiệp, như thể mỗi bước chân đều làm nó đau đớn. Tuy nhiên, chớ thấy vậy mà tưởng lầm. Mỗi khi căng tin có món bánh bột ngô nhân thịt, nhìn Grover chạy đua đến đó cứ gọi là lác mắt.

    Quay lại chuyến tham quan để đời hôm ấy, Nancy Bobofit điềm nhiên đều đặn ném mẩu bánh véo từ bánh kẹp vào mái tóc nâu xoăn tít của Grover. Chỉ lát sau, đầu nó dính chi chít đầy mẩu bánh nhỏ. Nhỏ Nancy biết tôi không làm gì được nó vì tôi đang trong thời gian bị theo dõi chặt chẽ bởi từng mắc lỗi trước đó. Trước lúc đi, thầy hiệu trưởng đe rằng tôi sẽ bị đuổi học thẳng thừng nếu gây bất cứ chuyện gì không tốt, làm mọi người xấu hổ hoặc đơn giản chỉ là chọc cười ai đó trong chuyến đi này.

    Tôi lẩm bẩm:

    - Tớ sẽ lấy mạng con nhỏ cho coi.

    Grover cố trấn tĩnh:
  
    - Không sao đâu mà. Tớ thích bơ đậu phộng.

    Nó lanh lẹ né mẩu bánh từ tay Nancy vừa bay tới.

    - Thế này thì quá lắm.

    Tôi đã chực đứng dậy nhưng bị Grover kéo xuống ghế, đoạn nhắc:

    - Đang trong thời gian quản chế, chắc cậu biết nếu có xô xát, ai là kẻ phải giơ đầu chịu báng rồi đấy!

    Giờ ngẫm lại, tôi ước lần ấy mình hạ đo ván Nancy luôn cho xong. Bị cấm túc trong trường sau giờ học không nhằm nhò gì so với mối hoạ tôi sắp tự rước vào thân.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2012 19:11:05 | Xem tất
-0-


Thầy Brunner dẫn đầu đoàn tham quan.

  Điều khiển xe lăn đi trước, thầy đưa chúng tôi qua mấy phòng trưng bày rộng thênh thang, đi qua mấy bức tượng tạc từ đá cẩm thạch và dãy tủ kính bày đầy đồ cổ bằng chất liệu gốm màu da cam pha màu đen.

  Tôi cực kì ngạc nhiên: suốt hai ba ngàn năm qua, sao đồ gốm vẫn chưa bị bể nhỉ?!

  Thầy Brunner gọi chúng tôi đến vây quanh cây cột đá cao gần bốn mét. Đầu cột có con nhân sư lớn và kể rằng nó vốn là bia của một ngôi mộ cổ, nơi an nghỉ của một bé gái trạc tuổi chúng tôi. Thầy còn kể tỉ mỉ về những hình chạm khắc hai bên cột. Chuyện của thầy khá hay. Tôi muốn nghe lắm nhưng mấy bạn đứng gần cứ nói chuyện riêng hoài. Mỗi lần tôi bực mình quát bảo họ im miệng, cô Dodds đứng canh chừng gần đó lại lừ mắt cảnh cáo tôi.

  Cô Dodds người nhỏ thó quê ở Georgia, dạy môn toán. Dù đã năm mươi tuổi nhưng cô luôn mặc áo da màu đen. Cô nanh nọc và đanh đá, trông như lúc nào cũng sẵn sàng cưỡi xe Harley phân khối lớn đâm thẳng vào tủ đựng đồ của kẻ cô không ưa. Cô mới dạy chúng tôi được vài tháng do thầy toán cũ của chúng tôi bị suy nhược thần kinh.

  Ngay hôm đầu nhận lớp, cô Dodds đã quý Nancy và coi tôi là tên vô lại. Mỗi khi cô xỉa ngón trỏ cong như móc câu về phía tôi với giọng ngọt như mía lùi: "Nghe này cưng...", y như rằng tôi bị phạt ở lại sau giờ học cả tháng.

  Có lần, sau khi bị cô bắt ngồi đến tận nửa đêm gôm hết phần bài giải trong chồng sách bài tập toán cũ, tôi bảo Grover "chắc cô Dodds không phải là người". Nó nghiêm trang nhìn tôi bảo:

  - Cậu hoàn toàn đúng.

  Thầy Brunner vẫn đang nói về nghệ thuật thể hiện trong cách tổ chức ma chay của người Hy Lạp cổ.

  Giọt nước tràn ly đúng lúc Nancy cười khúc khích, nói câu gì đó về hình chạm người thanh niên trần truồng trên cột đá. Không chịu nổi, tôi quay xuống:

  - Có câm mồm không thì bảo?

  Tôi không chủ tâm quát to như thế.

  Cả lớp cười ồ. Thầy Brunner ngừng kể, nói với tôi:

  - Trò Jackson vừa nhận xét gì thế?

  Mặt tôi đỏ rần:

  - Thưa thầy, không ạ.

  Thầy Brunner chỉ bức tranh khắc trên cột:

  - Em thử trình bày nội dung bức tranh này xem.

  Nhìn bức điêu khắc, tôi mừng rơn vì biết khá rõ:

  - Có phải Kronos đang nuốt các con vào bụng không ạ?

  Rõ ràng thầy Brunner chưa thoả mãn với câu trả lời:

  - Phải. Và ông ta đã làm thế vì...

  Tôi cố moi óc nhớ bài:

  - Vì... thần Kronos là chúa tể của các vị thần và...

  - Các vị thần nào?

  Tôi nói chữa:

  - À không, người khổng lồ Titan. Kronos không tin các con, vốn là các vị thần. Thế nên, ông ta nuốt sống các con mình. Đúng không ạ? Nhưng vợ thần Kronos đã tráo thần Zeus, lúc ấy là hài nhi, bằng một hòn đá rồi giấu con đi. Sau này, thần Zeus khôn lớn đã lừa cha để ông ói ra anh chị em mình...

  Đám con gái đứng sau tôi kêu lên:

  - Eo ôi!

  - ... Và thế là xảy ra cuộc chiến lớn, một bên là các vị thần, bên kia là người khổng lồ Titan. Cuối cùng, các vị thần đã chiến thắng.

  Có tiếng cười khúc khích trong đám học trò.

  Đứng sau lưng tôi, Nancy rỉ tai bạn nó:

  - Học cho lắm cũng có mài kiến thức ra ăn được đâu. Sau này đi xin việc làm, chẳng ai yêu cầu: "Xin hãy giải thích tại sao Kronos lại nuốt các con vào bụng." cả.

  Thầy Brunner hỏi:

  - Trò Nancy Bobofit vừa có ý hay. Tôi xin diễn giải thành câu hỏi để trò Jackson giải thích nhé: Chuyện em vừa kể áp dụng vào thực tiễn như thế nào?

  Grover thì thầm:

  - Dính chưởng.

  Nancy rít lên, mặt nó còn đỏ hơn cả mái tóc đỏ rực trên đầu:

  - Câm ngay.

  Ít nhất Nancy cũng bị bắt lỗi. Trong trường chỉ mình thầy Brunner luôn phát hiện được những toàn điều bậy bạ mà nó phát ra. Tai thầy chẳng khác dàn ra-đa hiện đại.

  Ngẫm nghĩ câu hỏi một lát, tôi nhún vai:

  - Thưa thầy, em không biết ạ.

  Thầy Brunner có vẻ thất vọng:

  - Được rồi. Chuyện này khuyên con người ta không nên cả tin. Thần Zeus cho cha uống rượu pha mù tạt khiến ông nôn ra năm người con của mình vốn là các vị thần bất tử. Họ vẫn sống và trưởng thành ngay trong bụng người khổng lồ Kronos. Các vị thần đánh bại cha, dùng ngay liềm cắt cỏ của Kronos băm ông thành trăm ngàn mảnh nhỏ và rải xuống Tartarus, phần tận cùng của địa ngục. Tôi biết các em mừng vì đã đến giờ ăn trưa. Phiền cô Dodds đưa các em ra ngoài nhé?

  Cả lớp tản ra. Đám con gái ôm bụng, còn bọn con trai xô đẩy nhau cười đùa ầm ĩ. Grover và tôi dơm quay ra cửa thì nghe thầy Brunner gọi giật lại:

  - Trò Jackson.

  Biết ngay mà.

  Tôi bảo Grover đi tiếp, đoạn quay lại hỏi:

  - Dạ, thầy bảo gì em ạ?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2012 20:53:33 | Xem tất
    Ánh mắt của thầy thật khó quên. Cặp mắt nâu luôn tập trung nhìn chăm chú ấy hình như đã cả ngàn tuổi và nhìn thấu sự đời.

    - Trò phải học cách trả lời các câu hỏi thầy đưa ra chứ!

    - Về người khổng lồ ư, thưa thầy?

    - Về thực tiễn và cách áp dụng những kiến thức đã học vào đời sống thực.

    - À, ra thế.

    - Thông tin thầy cung cấp vô cùng quan trọng. Thầy mong em hiểu tầm quan trọng lớn lao của nó. Thầy chỉ muốn có được các câu trả lời tốt nhất từ em. Hãy nhớ lấy điều đó, Percy Jackson ạ.

    Tôi chạnh lòng. Sao lúc nào thầy cũng thúc ép tôi thế?!

    Phải công nhận những ngày thi môn học của thầy vui cực kỳ. Khi đó, thầy Brunner mặc áo giáp của người La Mã cổ và thét vang: "Nhìn đây.". Tay cầm kiếm chỉ hộp phấn, thầy thách các trò chạy lên bảng, viết tên bất kỳ nhân vật huyền thoại nào của Hy Lạp và La Mã cổ từng được học, kể tên cha mẹ họ và vị thần họ thờ phụng. Nhưng khổ nỗi thầy kỳ vọng tôi phải học hành bằng bạn bằng bè, dù biết tôi mắc bệnh khó đọc và chứng mất tập trung. Cả đời tôi toàn nhận điểm C trở xuống. Không - thầy không chỉ kỳ vọng tôi phải học hành bằng bạn bằng bè. Thầy muốn tôi phải giỏi hơn nữa cơ. Nhớ cả đống tên người và thông tin về họ đã khó, huống hồ thầy còn đòi tôi phải đánh vần cho đúng từng cái tên.

    Tôi lí nhí hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng thầy Brunner chỉ buồn bã nhìn mãi bia đá như thể thầy đang dự đám tang người con gái nọ.

    Lát sau thầy bảo tôi ra ngoài ăn trưa cho kịp.

-0-


    Cả lớp tụ tập trên bậc tam cấp của viện bảo tàng ngắm dòng người đi bộ tấp nập trên Đại Lộ Số Năm.

    Trên trời, một cơn dông lớn dữ dội đang kéo đến. Chưa bao giờ tôi thấy đám mây to, đen kịt như thế trên bầu trời thành phố. Không biết có phải tại Trái Đất đang nóng lên hay không mà từ Giáng Sinh đến giờ, thời tiết khắp bang New York này kỳ lạ lắm: nào bão tuyết khốc liệt, nào lụt lội ghê gớm, nào cháy rừng do sét đánh. Lần này nếu có bão nhiệt đới xuất hiện, tôi cũng không ngạc nhiên.

    Hình như không ai để ý đến thời tiết thì phải. Góc kia có mấy đứa con trai đang vãi mẩu bánh cho chim bồ câu ăn. Ở góc này Nancy đang tìm cách móc túi một bà qua đường và tất nhiên cô Dodds không hề hay biết gì.

    Tôi và Grover tách khỏi đám đông và tìm chỗ ngồi trên thành hồ dưới chân đài phun nước. Biết đâu thấy vậy, người qua đường sẽ tưởng hai chúng tôi không phải học sinh của cái trường toàn bọn học dốt, cá biệt mà các trường khác không nhận nên mới dồn cả vào đây.

    Grover hỏi:

    - Thầy phạt cậu à?

    - Không. Đời nào thầy Brunner phạt tớ. Lắm lúc tớ chỉ mong thầy đừng quan tâm tớ quá thế. Tớ đâu phải thiên tài.

    Grover im lặng một lúc lâu. Cứ tưởng nó sắp nhận xét một câu thật sâu sắc hay triết lý cao xa để an ủi tôi thì nó lại bảo:

    - Tớ xin cậu quả táo có được không?

    Tôi đắng hết cả miệng, chẳng thiết ăn bèn cho nó.

-0-


    Ngắm dòng xe cộ chạy xuống phía cuối Đại Lộ Số Năm, tôi nhớ căn hộ của mẹ chỉ cách đây một quãng. Từ Giáng Sinh đến giờ chưa gặp được mẹ, giờ tôi chỉ chực muốn nhảy ngay lên taxi về thẳng nhà. Mẹ sẽ ôm chầm lấy tôi, mừng rỡ vì được gặp con nhưng đồng thời bà sẽ thất vọng cho coi. Mẹ sẽ gởi tôi trở lại học viện Yancy, với lời dặn dò tôi phải cố gắng cho dù đây là ngôi trường thứ sáu cho năm lớp sáu này và rất chắc chắn lần này cũng sẽ bị đuổi học. Ánh mắt buồn rười rượi của mẹ chắc sẽ làm tôi quỵ mất.

    Thầy Brunner ngồi trong xe lăn đậu phía dưới chân dốc dành cho người tàn tật. Thầy vừa đọc tiểu thuyết vừa ăn cần tây. Lưng ghế của thầy có gắn chiếc dù đỏ khiến nhìn từ xa, trông xe lăn giống bàn cà phê di động.

    Vừa giở gói giấy bánh kẹp định ăn, tôi đã thấy Nancy Bobofit dẫn mấy đứa bạn xấu ma chê quỷ hờn đến đứng ngay trước mặt. Chắc nó đã chán móc túi khách du lịch nên đến đây gây sự. Con nhỏ ném phần ăn trưa còn lại vào người Grover:

    - Ối, chỉ lỡ tay chứ không cố ý đâu.

    Nó quay sang tôi cười phô hàm răng vẩu. Tàn nhang trên mặt nó màu vàng da cam, trông như ai vừa xịt sơn đầy mặt nó vậy.

    Tôi cố không nổi nóng. Nhân viên tư vấn tâm lý của trường dặn tôi cả triệu lần: "Nếu gặp chuyện chướng tai gai mắt, hãy đếm đến mười và cố tự chủ". Nhưng lúc này tôi giận quá nên không nhớ được gì. Hai tai tôi lùng bùng như có ai đánh trống trận bên trong.

    Tôi không nhớ có chạm vào người Nancy, chỉ thấy loáng cái nó đã ngồi bệt trong hồ nước, hét vang:

    - PERCY ĐẨY EM NGÃ.

    Không biết từ đâu, cô Dodds ở sát ngay cạnh hai thằng tôi.

    Có vài đứa học trò thì thào:

    - Cậu có thấy không...
  
    - ... nước hồ này kỳ quá...

    - ... hình như nước dâng lên lôi tuột con nhỏ Nancy...

    Tôi không hiểu bọn nó nói gì, chỉ biết tai hoạ lại sắp giáng xuống đầu mình.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2012 23:58:24 | Xem tất
   Ngay sau khi ngó từ đầu đến chân cô trò cưng, biết Nancy không hề hấn gì và hứa sẽ mua cho nó áo phông của viện bảo tàng bán ở quầy lưu niệm..., cô Dodds quay ngay sang tôi. Ngọn lửa đắc thắng bùng lên trong mắt cô như thể tôi vừa làm một chuyện cô đã chờ xem suốt mùa hè.

    - Nghe này, cưng...

    Tôi lúng búng:

    - Em biết rồi. Một tháng gôm sách bài tập ạ?

    Đó không phải điều cô Dodds muốn nghe.

    - Đi theo tôi.

    Grover la lên:

    - Khoan đã. Lỗi tại em. Chính em đẩy bạn Nancy ạ.

    Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn nó. Thật không thể tin nó dám bao che cho tôi. Grover vốn sợ cô Dodds như sợ cọp cơ mà.

    Cô Dodds trừng mắt nhìn khiến cằm nó run bần bật.

    - Cậu Underwood, tôi lại không nghĩ như vậy.

    - Nhưng mà...

    - Em ở nguyên đó.

    Grover tuyệt vọng nhìn tôi. Tôi bảo nó:

    - Không sao đâu. Cảm ơn cậu vì đã cố cứu tớ.

    Cô Dodds quát lớn:

    - Trò Percy, đi nào.

    Nancy Bobofit trề môi đắc thắng.

    Tôi nhìn nó với ánh mắt Lát-nữa-mày-sẽ-biết-tay-tao. Đẩy nó ngã vào hồ nước được thì có bị rắc rối chút đỉnh cũng đáng. Ước gì tôi nhớ được động tác xô mạnh Nancy xuống nước khi nãy.

    Tôi quay lại nhìn cô Dodds, nhưng cô ấy đã không ở đó. Cô ấy đang đứng ở lối vào viện bảo tàng, ở những bậc thang trên cùng, đang kiên nhẫn chờ tôi đi đến.

    Sao cô ấy đi đến đó nhanh như vậy nhỉ?

    Chuyện ấy thường hay xảy đến với tôi. Chắc thi thoảng não tôi ngủ quên. Ngay sau đó, tôi biết mình vừa bỏ lỡ một điều gì đó, như thể một mảnh ghép của trò chơi xếp hình vừa tan vào hư không, để mặc tôi đứng đó nhìn trân vào chỗ trống. Nhân viên tư vấn tâm lý của trường bảo đó một phần do chứng mất tập trung do hiếu động thái quá: não tôi nhận thức sai về sự vật hiện tượng bên ngoài.

    Thực lòng tôi cũng không chắc lắm.

    Tôi đi theo cô Dodds.

    Đi được nửa bậc thang, tôi ngoái lại nhìn Grover. Mặt tái nhợt, nó hết ngó tôi lại quay sang cầu cứu thầy Brunner. Hình như nó muốn báo cho thầy biết chuyện nhưng thầy đang đắm mình vào cuốn tiểu thuyết trên tay, không để ý gì đến xung quanh.

    Tôi quay đầu lại. Cô Dodds một lần nữa lại biến mất. Bây giờ cô ấy lại đang ở trong viện bảo tàng, đứng phía cuối sảnh ra vào, đang vẫy tay giục tôi khẩn trương tiến vào.

    Tôi bụng bảo dạ: "Sẽ không có chuyện gì đâu. Chắc cô giáo ép mình đến quầy lưu niệm mua áo phông cho Nancy thôi.".

    Nhưng rõ ràng tôi đoán sai bét.
   
    Tôi theo cô vào sâu trong viện bảo tàng. Khi tôi bắt kịp cô, chúng tôi đã trở lại khu trưng bày mẫu vật thời La Mã, Hy Lạp cổ đại.

    Ngoài chúng tôi ra, phòng trưng bày rộng thênh thang không một bóng người.

    Cô Dodds đứng khoanh tay cạnh cây trụ đá lớn thờ các vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Từ họng cô phát ra tiếng kêu lạ tai, nghe như tiếng gầm gừ.

    Dù không có tiếng ấy, hồn vía tôi đã lên mây cả. Chỉ một mình đối mặt với thầy cô đã sợ rồi, đối mặt với cô Dodds đáng sợ gấp nghìn lần. Ánh mắt cô nhìn trụ đá không bình thường, như thể cô chỉ muốn nghiền nó ra cám.

    - Cậu mang lại rắc rối cho chúng tôi.

    Tôi cố giữ thân bằng cách chiều theo ý cô:

    - Dạ, cô dạy phải.

    Cô Dodds kéo mạnh tay áo khoác da màu đen:

    - Cậu tưởng lần này tôi để yên sao?

    Ánh mắt cô còn hơn cả giận dữ. Nó trở nên độc ác vô song.

    Tôi hốt hoảng nghĩ thầm: "Dù thế nào cô Dodds cũng là cô giáo. Chẳng lẽ cô ấy nỡ hãm hại mình?".

    - Thưa cô, em sẽ cố gắng hơn nữa ạ.

    Có tiếng sấm làm rung chuyển cả toà nhà.

    - Này Percy Jackson, ngươi tưởng qua mắt được bọn ta sao? Chẳng chóng thì chày, bọn ta cũng tìm được ngươi. Nếu tự thú, ngươi sẽ bớt đau đớn nhiều đấy.

    Tôi chẳng hiểu cô đang nói gì.

    Tôi chỉ lo thầy cô tìm thấy đống kẹo tôi giấu trong phòng ở ký túc xá để thỉnh thoảng lén bán cho các bạn. Hoặc có lẽ họ biết tôi tải bài luận viết về Tom Sawyer trên mạng đem nộp mà không hề đọc chữ nào trong sách và giờ tính trừ phăng điểm của bài luận ấy. Hoặc tệ hơn, họ sẽ bắt tôi phải đọc cuốn truyện dày cộm đó.

    Cô Dodds rít lên:

    - Thế nào hả?

    - Thưa cô, em không...

    - Ta hết kiên nhẫn với ngươi rồi.

    Thế rồi, một chuyện quái đản nhất trên đời xảy đến. Chắc đầu óc tôi có vấn đề rồi.

    Cô Dodds bắt đầu thay hình đổi dạng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 10-12-2012 08:16:36 | Xem tất
    Mắt cô đỏ rực như lò than nướng thịt ngoài trời, ngón tay vươn dài biến thành móng vuốt nhọn hoắt. Cô rít lên. Ý tôi là không phải rít giống người tức giận mà như rắn hổ mang bành rít vậy. Áo khoác trên người cô tan chảy biến thành đôi cánh lớn có màng da dày.

    Cô Dodds không còn là người nữa rồi. Cô biến thành mụ phù thuỷ nhăn nheo có cánh dơi, móng vuốt sắc nhọn và miệng đầy răng nhọn vàng khè và sắp sửa xé tôi thành từng mảnh nhỏ.

    Sau đó, cơn ảo giác tiến triển quái dị hơn nữa.

    Thầy Brunner một phút trước đó còn ngoài cổng viện bảo tàng giờ đã xuất hiện ngay cửa phòng trưng bày, tay giơ cao cây viết.

    Vừa tung bút lên cao, thầy vừa hô to:

    - Bắt lấy, Percy!

    Lập tức cô Dodds lăn xả vào tôi.

    Hoảng hốt kêu to, tôi né sang một bên chỉ kịp nghe tiếng móng vuốt vụt trượt nghe vun vút ngay bên tai. Tôi chộp cây bút bi trên không trung nhưng khi chạm tay tôi, nó liền biến thành cây kiếm. Đó chính là cây kiếm bằng đồng mà thầy Brunner thường dùng trong những ngày thi.

    Mắt long lên tàn độc, cô Dodds phóng vọt về phía tôi.

    Đầu gối tôi bủn rủn, hai tay run bắn suýt làm rơi thanh kiếm.

    Cô Dodds gầm lên:

    - Cho mày chết này.

    Dứt lời, cô lao thẳng vào tôi.

    Cơn kinh hoàng hoàn toàn chế ngự tôi. Tôi chỉ làm đúng theo bản năng là vung kiếm lên.

    Lưỡi kiếm sắc lẻm chém xả vai và xuyên qua người cô như thể thân xác cô làm từ nước.

    Cô Dodds như lâu đài cát đặt ngay trước quạt công suất cực mạnh. Người cô nổ tung, biến thành bột màu vàng nghệ rồi tan biến ngay trước khi kịp rơi xuống. Dấu vết chẳng còn gì ngoài mùi trứng thối, tiếng kêu giãy chết và âm khí lạnh buốt. Tôi cảm tưởng cặp mắt vằn đỏ vẫn còn đâu đó trên cao đang trừng trừng nhìn tôi.

    Chỉ còn mình tôi trơ trọi trong phòng trưng bày trống trải, quạnh quẽ.

    Trong tay tôi có cây bút bi nhỏ.

    Thầy Brunner biến mất. Ngoài tôi ra, chung quanh không còn ai khác.

    Tay tôi còn run bắn. Chắc chắn đồ ăn trong bữa trưa của tôi bị nhiễm nấm gây ảo giác mất rồi.

    Chẳng lẽ từ đầu đến cuối là do tôi tưởng tượng ra sao?

    Tôi trở ra phía ngoài.

    Trời bắt đầu mưa.

    Vẫn ngồi bên đài phun nước, Grover lấy sơ đồ viện bảo tàng che đầu cho khỏi ướt. Nancy Bobofit ướt như chuột lột sau khi vùng vẫy dưới hồ nước giờ vẫn đứng đó càu nhàu với mấy đứa bạn xấu ma chê quỷ hờn của nó. Vừa thấy tôi, nó bảo:

    - Tao mong cô Kerr đánh cho mày tướp mông ra.

    Tôi ngạc nhiên:

    - Ai cơ?

    - Thằng đần, cô giáo chứ còn ai.

    Tôi chớp mắt lia lịa. Trường tôi có cô giáo nào tên Kerr đâu nhỉ? Tôi hỏi Nancy mày vừa nói nhăng nói quậy gì vậy.

    Nó tròn mắt nhìn tôi, tỏ vẻ chán nản, sau đó chẳng thèm trả lời câu hỏi của tôi.

    Tôi hỏi Grover có thấy cô Dodds đâu không.

    Nó bảo:

    - Ai cơ?

    Tuy nhiên nó hơi ngập ngừng và không dám nhìn thẳng tôi. Tưởng nó chòng ghẹo mình, tôi bảo:

    - Đừng đùa nữa. Tớ hỏi nghiêm túc đấy.

    Trên trời cao, tiếng sấm nổ rền.

    Tôi thấy thầy Brunner ngồi bên trên bờ dốc dành cho người tàn tật, bên dưới cây dù màu đỏ. Thầy cắm cúi đọc sách như thể chưa hề nhúc nhích từ đầu buổi đến giờ.

    Thấy tôi đến bên, thầy ngơ ngác nhìn lên:

    - À, có phải cây bút của thầy không? Jackson này, lần sau đi học nhớ mang theo dụng cụ học tập nhé.

    Mãi khi thầy giật bút khỏi tay, tôi không nhận ra mình vẫn đang cầm nó.

    Tôi rụt rè:

    - Thưa thầy, cô Dodds đâu rồi ạ?

    Thầy mở to mắt nhìn tôi, không hiểu:

    - Cô Dodds nào?

    - Cô giáo đi cùng bọn em sáng nay ấy ạ. Cô Dodds dạy toán ấy.

    Thầy nhíu mày ngồi thẳng lưng, nét mặt thoáng lo âu:

    - Percy này, đoàn tham quan hôm nay không có cô Dodds nào cả. Còn nữa, thầy biết rõ mười mươi Học viện Yancy ta không có nữ giáo viên nào tên Dodds hết. Em có bị làm sao không vậy?


* * *


HẾT CHƯƠNG 1
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 11-12-2012 16:11:19 | Xem tất
2. BA BÀ GIÀ ĐAN TẤT ÂM PHỦ



Tôi thường gặp nhiều chuyện quái đản, nhưng thường thì cảm giác lạ lẫm qua nhanh, chẳng mấy chốc tôi không còn nhớ gì nữa. Nếu có ảo giác hai mươi tư giờ một ngày, bảy ngày một tuần, chắc tôi sẽ không chịu nổi.

Suốt năm học ấy, hình như cả trường cố tình hùa nhau đùa tôi thì phải. Họ tỉnh bơ bảo rằng cô Kerr, cô giáo tóc vàng xinh đẹp, người tôi chưa bao giờ gặp cho đến lúc cô lên xe buýt vào cuối buổi tham quan là cô giáo dạy môn đại số suốt từ hồi Giáng sinh đến giờ.

Thỉnh thoảng, vì muốn bắt quả tang bạn bè nói dối, tôi vờ vô tình hỏi về cô Dodds nhưng họ chỉ trố mắt nhìn lại như thể tôi bị lẩn thẩn vậy.

Vì thế tôi gần như tin lời họ rằng cô Dodds chưa bao giờ có mặt trên đời.

Nhưng chỉ gần như thôi.

Duy chỉ có Grover không lừa được tôi. Khi nghe tôi nhắc cô Dodds, nó ngần ngừ giây lát rồi mới bảo không có cô giáo nào tên như vậy. Nhưng tôi biết nó nói dối.

Rõ ràng có chuyện gì đó không ổn. Lúc ở bảo tàng nhất định có chuyện gì đó bất thường xảy ra.

Ban ngày, tôi không có nhiều thời gian nghĩ đến chuyện ấy. Nhưng ban đêm, lắm lúc tôi giật mình toát mồ hôi lạnh choàng tỉnh từ giấc mơ có hình ảnh cô Dodds với móng vuốt sắc nhọn và cánh dơi to tướng.

Thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường khiến tâm trạng tôi không sao vui lên được. Một đêm một cơn bão lớn đã quét sạch các cửa sổ ở ký túc xá nơi tôi đang ở. Mấy ngày sau, đài báo loan tin vòi rồng lớn chưa từng thấy xuất hiện ở thung lũng Hudson và tiếp đất cách Học viện Yancy có mười lăm dặm. Một trong những hoạt động hiện tại của môn học lịch sử là đếm số lượng rơi xuống bất thường của các loại máy bay nhỏ do các cơn gió giật bất ngờ gây nên ở khu vực Đại Tây Dương trong năm đó.

Từ đó bắt đầu quãng thời gian tôi luôn vô cớ cáu kỉnh và khó chịu, đồng thời lực học đuối dần, điểm D dần thay thế bằng điểm F. Tôi đánh nhau với Nancy và đám bạn nó thường hơn và hầu như tiết nào tôi cũng bị thầy cô tống ra ngoài hành lang.

Cuối cùng, tôi đã cãi lại thầy Nicoll, thầy giáo dạy môn Ngữ Văn khi thầy cứ hỏi đi hỏi lại rằng: tại sao tôi lười học môn thầy quá thế. Tôi ví thầy với "con sâu rượu", dù tôi không chắc lắm về nghĩa của nó. Nhưng nó nghe có vẻ rất hay.

Tuần sau đó, thầy hiệu trưởng viết thư gửi mẹ tôi chính thức tuyên bố rằng: Năm học sau, tôi không được mời trở lại Học viện Yancy nữa.

Tôi cay cú nghĩ thầm: "Càng tốt. Thế lại hoá hay.".

Tôi nhớ nhà kinh khủng.

Tôi muốn được sống với mẹ trong căn hộ bé như cái tổ cò ở khu Thượng New York dù có phải học trường công và nghiến răng nhịn ông cha dượng đáng ghét say sưa cờ bạc tối ngày.

Tuy nhiên, Học viện Yancy cũng có thứ làm tôi phải nhớ nhung. Nào cảnh rừng cây tĩnh lặng ngoài cửa sổ phòng ký túc xá, nào dòng sông Hudson uốn lượn phía xa xa, nào mùi cây thông thoảng bay trong gió. Tôi sẽ nhớ Grover. Nó là bạn tốt tuy có hơi khác người. Tôi lo cho nó lắm: sang năm không có tôi ở bên, không biết nó có trụ nổi không.

Còn nữa, tôi sẽ nhớ lớp học tiếng Latinh, nhớ những buổi kiểm tra đầy vui nhộn của thầy Brunner. Tôi sẽ không bao giờ quên người thầy từng đặt niềm tin nơi tôi, nói tôi nhất định sẽ học hành tấn tới.

Đến thời điểm ôn thi cuối năm, tôi chỉ dồn sức học môn Latinh. Tôi chưa quên hôm ở viện bảo tàng, thầy Brunner có bảo môn thầy dạy có tầm quan trọng sống còn đối với tôi. Dù không hiểu nguyên do, nhưng tôi bắt đầu tin thầy nói đúng.

-0-


Buổi tối trước ngày thi, tôi nản chí đến nỗi ném cả cuốn Hướng dẫn về Thần thoại Hy Lạp của Cambridge. Từ ngữ như nhảy múa trước mắt, quay vòng vòng quanh đầu tôi. Các chữ cái giống người cưỡi ván trượt, hết lộn lên lại nhào xuống. Tôi không thể nào nhớ được sự khác nhau giữa Chiron(1) và Charon(2), Polydictes(3) và Polyphemus(4). Còn cách chia động từ tiếng Latinh ư? Quên nó đi.

Tôi sốt ruột đi tới đi lui trong phòng, cảm giác như cả đàn kiến lửa đang bò trong áo sơ mi.

Tôi nhớ nét mặt nghiêm trang và cặp mắt sáng ngàn năm tuổi của thầy Brunner. Tiếng thầy văng vẳng bên tai: "Trò Percy Jackson, tôi chỉ chấp nhận ở em những gì tốt đẹp nhất mà thôi.".

Cố trấn tĩnh, tôi cúi xuống nhặt cuốn sách lên.

Trước nay, tôi chưa từng nhờ thầy giúp. Có lẽ lần này nếu tôi hỏi thầy Brunner, thầy sẽ cho lời khuyên hữu ích. Hoặc chí ít tôi cũng có cơ hội xin lỗi trước khi nhận điểm F to tướng cho bài thi Latinh ngày mai. Tôi không muốn rời Học viện Yancy với tâm trạng day dứt khôn nguôi vì đã khiến thầy Brunner nghĩ mình là kẻ thất bại.

Hầu như phòng nào cũng tối đen, vắng vẻ, chỉ riêng cửa phòng thầy Brunner hé mở. Ánh đèn từ bên trong hắt ra vắt ngang hành lang kéo dài đến tận cửa lớn.

Khi cách cửa phòng thầy ba bước chân, tôi nghe có tiếng nói vẳng ra. Thầy Brunner vừa hỏi câu gì tôi nghe không rõ, chỉ nghe rõ ràng tiếng Grover trả lời:

- ... lo cho Percy, thưa thầy.

Tôi sững người.

Thường thì tôi không quen nghe lén ai bao giờ. Nhưng giả sử bạn cùng tuổi tôi, tôi thách bạn không nghe nếu biết bạn thân nhất của mình đang nói chuyện với người lớn về chính mình.

Tôi nhích lại gần hơn.

Tiếng Grover vang lên:

- ... một mình trong hè này. Ý em là, bọn "Người Tử Tế" đã có mặt trong trường! Khi ta biết chắc, bọn chúng cũng biết luôn.

Thầy Brunner đáp:

- Nếu chúng ta giục giã cậu ấy chỉ làm tình hình thêm xấu đi. Ta cần thằng bé chín chắn hơn chút nữa.

- Nhưng cậu ấy không còn thời gian nữa. Ngày Hạ chí là hạn chót rồi...

- Ta sẽ giải quyết việc này mà không cần đến cậu ấy. Grover này, để thằng bé tận hưởng yên bình được ngày nào hay ngày ấy.

- Thưa thầy, nhưng cậu ấy đã nhìn thấy bà ta...

Thầy Brunner khăng khăng:

- Do tưởng tượng thôi. Sương Mù bao trùm toàn bộ học trò và đội ngũ giáo viên trong trường đủ để cậu ấy tin điều ngược lại.

- Thưa... Tôi... tôi không thể một lần nữa không hoàn thành nhiệm vụ. - Giọng cậu ấy nghẹn lại. - Ngài cũng biết nếu lần này thất bại, tôi sẽ gặp chuyện gì rồi.

Thầy Brunner dịu giọng:

- Không có chuyện đó đâu, Grover. Đáng lẽ ta nên để mặc bà ta, không can thiệp. Mà thôi, giờ cậu chỉ việc giữ cho Percy toàn mạng đến mùa thu tới...

Cuốn sách giáo khoa môn Thần thoại học tuột khỏi tay tôi, rơi xuống đất nghe đánh "thịch".

Thầy Brunner im bặt.

Tim đập như trống làng, tôi nhặt nhanh sách và cắm đầu cắm cổ trở xuống sảnh.



Chú thích:

(1) Chiron: Vua của các nhân mã, và cũng là một nhân vật uyên bác, thầy dạy của anh hùng Hercules.

(2) Charon: Người lái đò sông Mê, đưa các linh hồn vào vương quốc tối tăm của thần Hades.

(3) Polydictes: Là người đứng đầu đảo Seriphos, con trai của Magnes và một nữ thuỷ thần vô danh.

(4) Polyphemus: Thủ lĩnh của Khổng lồ một mắt, có sức mạnh vô song. Con trai của thần biển Poseidon.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 11-12-2012 19:22:59 | Xem tất
    Một bóng đen vụt qua khung cửa kính sáng đèn trước phòng thầy Brunner. Cái bóng cao hơn ông thầy cả đời ngồi xe lăn rất nhiều, nắm lăm lăm trong tay một thứ rất giống cây cung.

    Tôi đẩy nhanh cánh cửa gần nhất và lẻn vào trong.

    Mấy giây sau, tôi nghe tiếng lộp cộp-lộp cộp-lộp cộp như có ai dọng súc gỗ xuống sàn vang lên, kế đến là tiếng khụt khịt như thú đánh hơi ngoài cánh cửa phòng tôi đang nấp. Một cái bóng đen sì, cao to dừng ngay trước tấm kính cửa giây lát rồi đi tiếp.

    Mồ hôi chảy thành dòng xuống cổ tôi.

    Tiếng thầy Brunner ở đâu đó ngoài hành lang vọng lại nghe lào xào:

    - Không có gì cả. Từ hồi Đông chí đến giờ, đầu óc ta làm sao ấy.

    Grover đáp:

    - Tôi cũng vậy. Nhưng tôi thề là...

    Thầy giáo ngắt lời:

    - Thôi về ký túc xá đi. Ngày mai thi mấy môn liền đấy, nhớ học cho tốt vào.

    - Ông nhắc chi cho thêm nản vậy.

    Đèn trong văn phòng thầy Brunner vụt tắt.

    Tôi đứng chờ trong phòng tối và tưởng thời gian như ngừng trôi.

    Mãi sau, tôi chuồn ra hành lang và trở về phòng.

    Grover nằm trên giường, điềm nhiên ôn bài trọng tâm thi trong vở ghi môn Latinh như thể nó chưa xuống giường từ tối đến giờ.

    Nó nheo mắt:

    - Vừa đi đâu về thế? Thuộc hết bài chưa mà ung dung quá vậy?

    Tôi im lặng, không nói không rằng.

    Grover nhíu mày:

    - Trông cậu thất thần chưa kìa. Mọi chuyện ổn cả chứ?

    - Chỉ... hơi mệt thôi.

    Tôi quay đi để nó không nhìn mặt tôi mà đoán già đoán non và sửa soạn đi ngủ.

    Tôi không thể hiểu thông tin vừa nghe được dưới nhà. Tôi chỉ ước tất cả đều là kết quả của trí tưởng tượng của riêng tôi mà thôi.

    Nhưng có một điều quá rõ ràng: Thầy Brunner và Grover bí mật nói chuyện với nhau về tôi. Họ tin chắc tôi sắp gặp nạn.

-0-


Chiều hôm sau, vừa ra đến cửa phòng thi sau khi làm bài thi môn tiếng Latinh dài ba tiếng, mắt tôi như nhảy múa với những cái tên Hy Lạp và La Mã cổ đại tôi đã viết sai. Tôi nghe tiếng thầy Brunner gọi giật lại.

    Tôi thoáng lo rằng thầy phát hiện đêm qua tôi nghe lén chuyện của thầy nhưng hoá ra tôi lo hão.

    - Percy này, đừng nản lòng khi phải rời Học viện Yancy nhé. Theo thầy... thế là thượng sách, em ạ.

    Giọng thầy như an ủi, nhưng câu chữ thầy dùng khiến tôi ngượng chín người.

    Dù thầy rất khẽ khàng, nhưng mấy bạn chưa làm bài xong còn trong phòng nghe thấy hết. Nhỏ Nancy Bobofit nhìn tôi bĩu môi và gửi mấy cái hôn gió chế nhạo.

    Tôi lẩm bẩm:

    - Em biết rồi ạ.

    Thầy hết cho xe chạy lên, lại cho xe đẩy lùi xuống như thể thầy không biết phải nói gì:

    - Tức là... em không hợp với trường này. Thế nên sớm muộn gì em cũng phải rời trường thôi.

    Mắt tôi cay xè.

    Thế đấy! Người thầy tôi kính trọng nhất đứng trước mặt cả lớp và bảo thẳng rằng tôi không có khả năng tiếp tục theo học được nữa. Suốt một năm qua thầy luôn tin tưởng tôi, vậy mà bây giờ thầy bảo số tôi thể nào cũng bị tống cổ khỏi trường.

    Tôi run rẩy:

    - Dạ phải.

    - Không, không như em nghĩ đâu. Tôi nói linh tinh gì thế này. Tôi muốn nói là... em không hề bình thường chút nào. Tôi không hề có ý...

    Tôi cắt ngang:

    - Cám ơn thầy! Cám ơn thầy đã nhắc em điều đó.

    - Kìa Percy...

    Nhưng tôi đã cắm cúi bỏ đi.

-0-


Trong ngày cuối cùng của học kì, tôi tống hết quần áo vào va li.

    Đám con trai cười nói và khoe nhau dự định cho kỳ nghỉ hè sắp đến. Một đứa bảo sẽ thực hiện chuyến đi bộ đường trường xuyên đất nước Thuỵ Sĩ xinh đẹp. Đứa khác khoe sẽ lái du thuyền ở biển Carribbea cả tháng. Cũng như tôi, chúng đều là tội phạm vị thành niên, chỉ có khác là nhà chúng giàu nứt đố đổ vách. Bố chúng toàn là tổng giám đốc tập đoàn xuyên quốc gia nọ hay đại sứ Hoa Kỳ ở nước kia, hoặc chí ít cũng là một nhân vật nổi tiếng. Còn tôi chỉ là đứa cha căng chú kiết, xuất thân từ một dòng họ chẳng có ai thành danh cả.

    Bọn bạn hỏi tôi hè định làm gì.

    Tôi bảo sẽ về Manhattan với mẹ.

    Tôi giấu chúng chuyện hè này tôi sẽ dắt chó đi dạo thuê để kiếm chút tiền mọn hoặc gõ cửa từng nhà bán phiếu mua báo dài hạn nhằm cung phụng cho thói cờ bạc của cha dượng. Có thế, ông mới cho tôi ăn ngày hai bữa. Nếu may mắn có thời gian rảnh rỗi, tôi sẽ lại ôm đầu lo cháy ruột vì không biết sẽ học ở đâu khi bắt đầu năm học mới.

    Nghe tôi nói, một đứa trong nhóm đáp:

    - À, thế cũng hay.

    Đoạn nó quay sang với mấy đứa kia tán gẫu tiếp như thể cái thằng tôi chưa từng tồn tại trên đời.

    Tôi sợ nhất là phải từ biệt Grover, nhưng hoá ra tôi lo hão. Nó đã mua sẵn vé xe buýt về Manhattan, cùng chuyến với tôi luôn. Vậy là trên đường quay về thành phố, chúng tôi lại vai kề vai ngồi sát bên nhau.

    Dọc đường, Grover cứ bồn chồn ngoái nhìn chằm chằm vào lối đi giữa hai hàng ghế để quan sát hành khách trên xe.

    Tôi nhớ rất rõ mỗi lần rời Học viện Yancy, Grover lại hoảng hốt, nhấp nhổm như ngồi trên chảo lửa như thể nó biết chuyện xấu thế nào cũng đến.

    Lúc đầu, tôi tưởng nó sợ bị trêu chọc. Nhưng trên xe buýt, ai rỗi hơi chòng ghẹo nó chứ.

    Cuối cùng, chịu không nổi tôi bèn bảo:

    - Tìm mấy "Người Tử Tế" chứ gì?

    Grover giật thót mình:

    - Cái... cái gì? Cậu vừa nói gì?

    Tôi bèn nói thật là đã nghe lén nó và thầy Brunner nói chuyện đêm trước ngày thi.

    Mắt Grover giật liên hồi:

    - Cậu nghe được gì rồi?

    - À... có nghe được mấy đâu. Mà này, hạn cuối vào ngày Hạ chí nghĩa là gì thế?

    Grover nhăn như bị:

    - Thôi mà Percy... Hôm ấy, chẳng qua tớ lo cho cậu quá nên mới ra nông nỗi. Ý tớ là cậu ảo tưởng về việc cô giáo dạy toán là ma quỷ đấy.

    - Nhưng Grover...

    - Tớ bèn bảo thầy Brunner rằng cậu đang bị căng thẳng quá mức. Bằng chứng là trường làm gì có cô giáo nào tên Dodds, với lại...

    - Này Grover, cậu nói dối dở lắm.

    Hai tai nó đỏ lựng như mào gà.

    Nó lục túi áo lấy tấm danh thiếp nhàu nát, bẩn lem nhem:

    - Vậy cậu giữ cái này đi. Ngộ nhỡ hè có cần đến tớ thì cứ gọi.

    Trên tấm giấy nhỏ có dòng chữ hoa kiểu cầu kỳ làm chứng khó đọc của tôi thêm trầm trọng. Mãi sau tôi mới nhìn ra nội dung sau:

                                                         Grover Underwood
                                                         
                                                         Người Bảo Vệ

                                                         ĐỒI CON LAI

                                                         Long Island, New York

                                                         009-0009
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 11-12-2012 20:27:39 | Xem tất
- Con lai là...

Grover gắt:

- Chớ nói to! Đó là địa chỉ nơi tớ ở... trong hè.

Tôi buồn nẫu ruột. Hoá ra, Grover có nhà nghỉ dành cho mùa hè. Tôi chưa bao giờ nghĩ nhà nó cũng giàu như đại đa số bọn bạn học trong Học viện Yancy.

Mặt tôi như đưa đám:

- Ra thế. Vậy trong hè, nếu có muốn ghé dinh thự nhà cậu, tớ gọi số này à?

Nó gật đầu:

- Hoặc... khi có chuyện, cậu cần tớ giúp.

- Hè tớ cần cậu làm gì?

Tôi cố tình ăn nói phũ phàng.

Màu đỏ lan từ mặt xuống cổ Grover:

- Percy này, thực ra là tớ... tớ phải bảo vệ cậu.

Tôi trợn mắt nhìn nó.

Suốt năm học vừa rồi, tôi phải ẩu đả không biết bao nhiêu lần để bảo vệ Grover khỏi bị bắt nạt. Gần đến ngày chia tay, tôi mất ăn mất ngủ vì lo không có tôi, Grover sẽ sống ra sao khi bắt đầu năm học mới. Và bây giờ nó lại hành động như thể người cần được bảo vệ là tôi ấy. Tôi bèn hỏi nó:

- Grover này, chính xác thì cậu đang bảo vệ tớ khỏi cái gì thế?

Một âm thanh ken két vang lên bên dưới chân bọn tôi. Khói đen bốc ra từ bảng đồng hồ và cả xe buýt bốc mùi như mùi trứng thối. Bác lái xe lầm bầm nguyền rủa và tấp xe sát lề đường cao tốc.

Mấy phút sau, có tiếng loảng xoảng trong khoang chứa động cơ xe. Tài xế bảo tất cả hành khách phải xuống xe ngay.

Grover và tôi rời xe như bao người khác.

Mấy chục con người đứng lố nhố ven con lộ trải dài tít tắp. Nếu xe không hỏng và không phải bước chân khỏi xe buýt như thế này, chẳng ai để ý xem khu này thuộc địa phận nào. Bên đường phía chúng tôi đứng toàn cây gỗ thích và rác rến do xe cộ qua đường hất xuống. Nhìn qua con đường trải nhựa bốc hơi dưới nắng chang chang sang bên kia đường, tôi chỉ thấy một cửa hàng bán trái cây xây theo kiểu cũ.

Hàng hoá trong tiệm trông rất tươi ngon: nào anh đào và táo đỏ như màu máu, nào quả óc chó và mơ tươi mởn, nào rượu táo ướp lạnh đựng trong bình lớn. Tiệm không có khách, chỉ có ba bà già ngồi ở ghế bập bênh bên dưới tán cây gỗ thích, đang đan một đôi vớ lớn tôi chưa bao giờ thấy qua.

Vớ gì mà rộng như áo len, nhưng hình dáng đúng là vớ đi chân. Bà ngồi bên phải đan một chiếc, bà ngồi bên trái đan chiếc kia. Bà ngồi giữa ôm chiếc rổ lớn đựng cuộn sợi xanh dương to tướng, trông như cuộn dây điện.

Ba bà lão này giống trong truyện cổ tích: mặt xanh tái, da nhăn nheo như vỏ trái cây héo, tóc bạc cột gọn sau gáy, giấu sau vành khăn lớn in hoa sặc sỡ và cánh tay gầy guộc thò ra từ tay áo váy bằng vải bông bạc phếch.

Nhưng lạ nhất là hình như họ dồn cả sáu con mắt vào tôi. Họ không ngắm hành khách tản ra thành nhiều nhóm mà chỉ nhìn tôi... chằm chằm.

Tôi liếc Grover định kể ngay với nó nhưng mặt nó trắng bệch không còn hột máu. Đầu mũi nó giật giật.

- Cậu sao thế Grover? Mà này, để tớ kể cho nghe...

- Nói ngay xem ba bà kia có nhìn cậu không? Có hay không?

- Có nhìn. Quái đản quá cậu nhỉ? Chẳng lẽ chân tớ đi vừa cặp vớ ấy?

- Thôi đừng đùa nữa. Vui lắm đấy mà đùa.

Bà già ngồi giữa lôi ra chiếc kéo lớn làm bằng vàng cẩn bạc, hai lưỡi kéo sắc lẻm, sáng loáng. Tôi nghe tiếng Grover thở hào hển. Nó giục:

- Mình vào xe đi, nhanh lên.

- Cái gì? Trong xe nóng như lò bánh mì ấy.

- Lên xe ngay đi.

Nó mở cửa bước vào nhưng tôi cứ đứng lỳ.

Bên kia đường, ba bà già vẫn không rời mắt khỏi tôi. Bà ngồi giữa cắt sợi dây. Tôi xin thề có nghe tiếng "xoạt" từ bên kia đường vọng sang. Hai bà bạn còn lại cuộn đôi vớ to khổng lồ lại, còn tôi phân vân tự hỏi vớ ấy dành cho ai: Kinh Kông hay yêu quái khổng lồ mình đầy lông lá.

Bác tài nổ máy. Một đám khói xám phụt ra từ động cơ xe chở khách. Cả chiếc xe rung bần bật, tiếng máy lại nổ giòn.

Hành khách reo lên mừng rỡ. Vụt mạnh chiếc mũ mềm vào vô lăng, bác tài khoái chí:

- Có thế chứ. Mời bà con lên xe đi.

Vừa chạm chân lên sàn xe, tôi bất chợt choáng váng như thể bị cảm nắng.

Trông Grover cũng không hơn gì. Nó run cầm cập, hai hàm răng va vào nhau lách cách.

- Grover này?

- Gì cơ?

- Hình như cậu giấu tớ chuyện gì thì phải?

Nó đưa ống tay áo lên lau trán:

- Percy, lúc nãy cậu thấy gì ở tiệm trái cây?

- À, lại ba bà già đó. Họ có gì mà cậu sợ thế? Chắc họ không giống cô... Dodds đâu nhỉ?

Nhìn mặt Grover thật khó đoán câu trả lời, nhưng có điều tôi biết chắc ba bà ở tiệm trái cây còn đáng sợ hơn cô Dodds gấp nhiều lần. Nó bảo:

- Thì cứ kể xem cậu nhìn thấy những gì.

- Bà ngồi giữa lấy kéo cắt sợi dây.

Grover nhắm nghiền mắt, tay nó huơ huơ như làm dấu thánh nhưng không phải. Dấu của Grover cổ xưa hơn dấu thánh nhiều.

- Vậy, cậu thấy bà ta cắt sợi dây.

- Ừ. Thì sao?

Miệng hỏi thế nhưng trong lòng tôi biết đó là chuyện nghiêm trọng.

Grover cắn ngón tay cái, miệng lẩm bẩm:

- Thế này không được. Tớ không muốn kết cục như lần vừa rồi.

- Lần vừa rồi?

- Sao lúc nào cũng lớp sáu thế. Không ai qua nổi lớp sáu cả.

Tôi bắt đầu phát hoảng vì thấy Grover nói nhảm hoài:

- Grover! Cậu huyên thuyên gì vậy?

- Khi nào đến bến xe buýt, cho tớ đi cùng cậu về nhà. Cậu hứa đi.

Yêu cầu của nó nghe rất kỳ khôi nhưng tôi hứa đại cho xong.

- Mê tín vừa thôi, ông mãnh! Sợ điềm gở à?

Grover không trả lời.

- Này, tớ muốn hỏi về việc cắt dây vừa rồi. Nó ám chỉ có người sắp chết hả cậu?

Nó rầu rĩ nhìn tôi như thể vừa chọn xong loại hoa mà tôi thích nhất dùng để phủ lên quan tài cho tôi vậy.


* * *


HẾT CHƯƠNG 2
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 12-12-2012 09:31:45 | Xem tất
3. GROVER KHÔNG MẶC QUẦN



Đến lúc thú tội: Xe vừa vào bến, tôi đã bỏ rơi Grover ngay tắp lự.

    Tôi biết, tôi biết. Làm thế là quá đáng với bạn bè lắm lắm.

    Nhưng Grover làm tôi sợ muốn chết. Nó nhìn tôi như thể tôi chết từ tám đời, miệng lẩm bẩm: "Biết ngay mà, lần nào cũng thế" và "Sao không ai trụ nổi cho đến hết năm lớp sáu?".

    Tôi còn lạ gì Grover. Bàng quang nó hoạt động trên mức bình thường mỗi khi chủ nhân lo âu. Thế nên tôi không ngạc nhiên khi vừa xuống xe buýt, nó bắt tôi hứa phải đợi nó trước khi te te chạy thẳng đến nhà vệ sinh. Thay vì chờ bạn, tôi lấy va li chuồn ra cổng đón taxi về khu Thượng Manhattan.

    Tôi bảo tài xế:

    - Khu đông, ngã tư đường một lẻ bốn và đường Hoàng Tử.

-0-


Trước khi giới thiệu độc giả với mẹ tôi, tôi xin có đôi lời.

    Tên bà là Sally Jackson, người tốt bụng nhất trần đời và là minh chứng sống cho câu triết lý cửa miệng của tôi: Người hiền chẳng bao giờ gặp lành.

    Mẹ tôi lên năm tuổi cũng là lúc ông bà ngoại tôi tử nạn vì máy bay rơi. Sau đó, bà được ông cậu mang về nuôi nhưng người đó chẳng thèm quan tâm gì đến cô cháu gái. Vì muốn làm tiểu thuyết gia, nên suốt thời gian học trung học, mẹ tôi vừa học vừa đi làm quần quật cốt dành tiền lên đại học dự khoá viết văn. Thế rồi ông cậu bị ung thư khiến mẹ tôi đang học lớp mười hai phải bỏ ngang để ở nhà chăm sóc cậu. Ít lâu sau, ông cậu mất bỏ lại mẹ tôi tứ cố vô thân, không tiền bạc, không bằng cấp.

    Thời gian ngắn ngủi tươi đẹp nhất của mẹ là lúc gặp cha tôi.

    Tôi không nhớ tí gì về cha, ngoại trừ cảm giác ấm áp bao trùm. Có thể đó là dấu vết nụ cười ông dành cho tôi. Mẹ không muốn nhắc đến cha vì hễ đả động đến chuyện ấy, mẹ lại buồn vô hạn. Mẹ cũng không có lấy một tấm hình của ông.

    Chắc bạn đọc cũng hiểu: cha mẹ tôi không cưới xin gì hết. Mẹ bảo cha giàu có và là yếu nhân. Quan hệ của họ được giấu trong vòng bí mật. Thế rồi một ngày kia, cha lên tàu vượt biển Đại Tây Dương trong một chuyến công du khẩn cấp và không bao giờ trở lại.

    Mẹ bảo cha mất tích ngoài khơi. Không phải chết, chỉ mất tích thôi.

    Mẹ xoay xoả làm đủ mọi nghề, học bổ túc ban đêm để lấy bằng tú tài và cố gắng nuôi tôi khôn lớn. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ phàn nàn hay nổi nóng, dù chỉ một lần. Nhưng tôi biết, tôi là một đứa trẻ chẳng dễ nuôi chút nào.

    Cuối cùng, mẹ lấy dượng Gabe Ugliano, người chỉ dễ chịu trong ba mươi giây đầu gặp mặt, sau đó để lộ ngay bản chất là tay đểu cáng có hạng. Hồi còn bé tí, tôi đã gán cho dượng cái tên "Gabe Cóc Chết". Xin lỗi vì tôi tả quá thực nhưng dượng Gabe hôi thật cơ. Người ông ta lúc nào cũng có mùi bánh pizza tỏi thiu ủ cả tháng trong quần đùi bẩn.

    Làm trung gian hoà giải giữa tôi và dượng, cuộc sống của mẹ khó nhọc thêm mấy phần: nào là cách Gabe Cóc Chết đối xử với bà, nào là nỗi lo vì xung đột giữa cha dượng và con ghẻ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào... Đơn cử là chuyện tôi về nhà là minh chứng hùng hồn cho điều đó.

-0-


Vừa bước qua ngưỡng cửa căn hộ nhỏ xíu, tôi vừa hy vọng mẹ đã đi làm về. Nhưng tôi sớm phải thất vọng vì trong phòng khách chỉ có dượng Gabe đang vui vẻ cùng đám bạn cờ bạc. Tivi mở kênh thể thao ESPN ồn ã. Vỏ bim bim và lon bia rỗng vương vãi khắp mặt thảm.

    Chẳng buồn nhìn lên, dượng Gabe vừa cắn đầu điếu xì gà, vừa làu bàu:

    - Mày về đấy à?

    - Mẹ con đâu ạ?

    - Đi làm. Mày có tiền không?

    Thế đấy. Không hề có chuyện dượng niềm nở: "Vào nhà đi con. Mừng con đã trở về. Sáu tháng qua, con sống thế nào?".

    Cha dượng tôi mập ra trông thấy. Trông ông ta giống con hải mã múp míp ních trong bộ quần áo mua ở cửa hàng đồ cũ. Đầu Gabe Cóc Chết chỉ còn ba cọng tóc lúc nào cũng chải mượt, vắt ngang qua đỉnh đầu hói bóng lưỡng như thể trông cho đẹp trai, bảnh choẹ hay gì gì đó.

    Dù quản lí gian hàng bán đồ điện tử Mega-Mart dưới khu Queens nhưng ông ta hầu như chỉ ngồi nhà. Theo, tôi, đáng lẽ dượng phải bị đuổi việc lâu rồi mới phải. Ngược lại, dượng cứ lãnh lương tì tì để mua xì gà (thứ làm tôi buồn nôn) và tất nhiên, để uống bia. Lúc nào cũng thấy ông ấy nốc bia. Mỗi khi thấy mặt tôi ở nhà, dượng lại đòi tôi cúng tiền cho sới bạc. Gabe Cóc Chết gọi đó là "Bí mật giữa cánh đàn ông với nhau", ngụ ý rằng nếu tôi hé môi với mẹ, ông ta sẽ đánh tôi sống dở chết dở.

    Tôi bảo:

    - Con không có tiền.

    Gabe Cóc Chết nhướn đôi lông mày bóng dầu.

    Ông ta đánh hơi thấy mùi tiền thính như chó săn thấy con mồi. Kể cũng lạ, tôi tưởng mùi hôi thối từ cơ thể ông át mọi mùi khác chứ.

    - Mày đi taxi từ bến xe về chắc chắn tốn cả hai chục đồng. Chí ít giờ trong túi mày phải còn sáu bảy đồng tiền lẻ. Nhà tao đâu phải nhà nuôi trẻ làm phúc. Muốn sống ở đây phải biết điều chứ. Tao nói có gì trật không, Eddie?

    Chú Eddie, vốn là quản lý toà nhà chung cư này, nhìn tôi với vẻ mặt cắn rứt. Nếu tách chú khỏi chiếu bạc này, ai cũng bảo chú không đến nỗi tệ. Chú bảo:

    - Kìa Gabe, cháu nó vừa chân ướt chân ráo vào nhà mà.

    Dượng Gabe đay lại:

    - Nhưng tao nói có đúng không?

    Eddie vội cúi xuống đĩa bánh, không dám ngẩng đầu lên. Hai người lạ ngồi cạnh chú cũng im lặng.

    Tôi móc nắm tiền trong túi ném lên bàn:

    - Này đây. Cầu cho dượng thua cháy túi.

    Dượng Gabe gào lên sau lưng tôi:

    - Này học sinh ưu tú, người ta gửi bảng điểm của mày về đây rồi đấy, con ạ. Học ngu còn ra vẻ ta đây!

    Tôi sập cửa phòng "mình" đánh rầm. Thực ra, đó không hẳn là phòng riêng của tôi. Trong lúc tôi ở lại trường nội trú, nó là "phòng nghiên cứu" của dượng Gabe. Khốn nỗi ông ta chẳng "nghiên cứu" gì ngoài đống tạp chí xe hơi cũ. Tuy nhiên, cha ghẻ tôi khoái tống táng đồ đạc của tôi vào tủ, "trưng bày" đôi giày cao cổ dính đầy bùn lên bậu cửa sổ và cố hết sức làm phòng này ám mùi nước hoa đàn ông gớm guốc trộn mùi khói thuốc lá và bia thiu chua lòm.

    Tôi ném va li lên giường.

    Về nhà thích thật.

    Có thể nói mùi dượng Gabe còn tệ hơn ác mộng về cô Dodds, tệ hơn cả âm thanh sởn da gà lúc bà già bán trái cây cắt sợi dây xanh.

    Nghĩ đến đó, tôi thấy tay chân bủn rủn. Tôi nhớ nét mặt hớt ha hớt hải của Grover - cách nó bắt tôi hứa không về nhà nếu không có nó đi cùng. Bất giác tôi rùng mình. Tôi cảm giác người nào... hoặc con gì đang ngó tôi chằm chằm. Có thể ngay lúc này nó đang bò lên cầu thang, móng vuốt ngày càng mọc dài nhọn hoắt.

    Đúng lúc ấy, tiếng mẹ tôi vang lên:

    - Percy về đấy à con?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách