Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 2816|Trả lời: 38
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại] Giấc Mơ Của LIPPEL | Paul Maar (Hết)

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 23-12-2013 05:55:18 | Xem tất |Chế độ đọc



GIẤC MƠ CỦA LIPPEL


Tác giả: Paul Maar

Dịch giả: Trang Quan Sen

Thể loại: Tiểu Thuyết

Độ dài: 25 Chương

Tình trạng sáng tác: Đã hoàn thành

Nguồn: vnthuquan.net


Giới thiệu: Lippel có tất cả đến 3 tên: Đối với ba má, vài người bạn thân và người chú thì tên của cậu là Lippel; phần lớn bạn trong lớp gọi tên Philipp và một ít bạn khác - mặc dù học đến lớp 4 mà vẫn chưa biết vần "Ph" được đọc như vần "F"- thì gọi là Pillip.

Thế nhưng từ đâu mà có cái tên Lippel?

Ba mẹ cậu đều cùng họ Mattenheim nên họ của Lippel dĩ nhiên cũng là Mattenheim. Riêng cái tên Lippel thì khó đoán hơn. Thật ra ba mẹ của Lippel đặt tên cho con là Philipp. Đây không phải là một tên xấu nhưng không hiểu sao họ không gọi con bằng tên ấy mà lại gọi là Lippel mà còn bảo rằng đó là chữ tắt của Philipp! Vì vậy cho đến khi lên sáu cậu ta vẫn nghĩ rằng tên mình là Lippel. Và rồi đến lúc bắt đầu đi học, cậu mới ngạc nhiên khi biết tên họ đầy đủ của mình là Philipp Mattenheim.

Nhưng ở đây ta cứ gọi cậu là Lippel cho tiện.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 23-12-2013 08:36:36 | Xem tất
Chương 1


Thật kỳ lạ, theo lịch thì đang là tháng sáu, vậy mà thời tiết thay đổi liên tục tưởng chừng như đang ở tháng tư! Lipppel đi mua sữa chua cho mẹ lúc trời đang nắng, vừa ra khỏi cửa chừng ba trăm mét trời bỗng nhiên đổ mưa tầm tã, nhưng chỉ kéo dài đúng bốn phút, bằng khoảng thời gian cậu ta chạy về nhà, bấm chuông và lấy áo mưa mặt vào. Rồi khi cậu rời khỏi nhà được vài trăm mét trời lại tạnh ráo! Lippel không muốn trở về nhà thêm một lần nữa, nên dù trời nắng cậu vẫn mặt áo mưa tiếp tục đi mua hàng.

Lại có những lúc trời mưa lâm râm, Lippel không muốn tức tốc quay về nhà vì nghĩ rằng trời sẽ tạnh ngay thôi, vậy mà mưa kéo dài suốt buổi, thế là mình mẩy cậu ta bị ướt nhẹp như chuột lột!

Ba của Lippel thường nói: "Ba không hiểu sao con hay than phiền về việc thời tiết thay đổi hoài, theo ba như vậy mới tốt". Nhưng trường hợp của ba thì khác bởi cả ngày ba ngồi ở nhà viết báo, còn Lippel phải thường xuyên ra khỏi nhà, buổi sáng đi học, buổi chiều đi mua thức ăn hoặc đến thư viện mượn sách, vì Lippel rất thích đọc những quyển sách viết về Trung Đông.

Thế nhưng từ đâu mà có cái tên Lippel?

Ba mẹ cậu đều cùng họ Mattenheim nên họ của Lippel dĩ nhiên cũng là Mattenheim. Riêng cái tên Lippel thì khó đoán hơn. Thật ra ba mẹ của Lippel đặt tên cho con là Philipp. Đây không phải là một tên xấu, nhưng không hiểu sao họ không gọi con bằng tên ấy mà lại gọi là Lippel, mà còn bảo rằng đó là chữ tắt của Philipp! Vì vậy cho đến khi lên sáu cậu ta vẫn nghĩ rằng tên mình là Lippel. Và rồi đến lúc bắt đầu đi học, cậu mới ngạc nhiên khi biết tên họ đầy đủ của mình là Philipp Mattenheim.

Lúc Lippel và các bạn cùng lớp biết viết biết đọc thì lại thêm một sự rắc rối nữa! Các bạn trong lớp cứ gọi cậu ta là "Pilipp", vì chúng chưa biết vần "Ph"đọc giống như vần "F". Chẳng hạn như một lần vào giờ học của thầy Goltenpott, giáo viên dạy vẽ, lúc phát tập cho học sinh đã sảy ra chuyện như sau:

Thầy Goltenpott bước vào lớp, đến ngay tủ sách lấy ra một chồng tập vẽ, đặt lên bàn cô học trò cưng của thầy và nói to:

- Elvira, nhờ con phát tập dùm thầy.

Sau đó ông bước nhanh đến chiếc ghế, ngồi xuống và lấy báo ra đọc, trong khi Elvira khó nhọc đánh vần từng tên học sinh ghi trên đầu cuốn tập và gọi:

- Sabine.

Sabine chạy đến nhận tập của mình. Elvira gọi tiếp:

- Robert.

Robert nhanh nhẹn bước lên nhận tập. Tiếp đó là Andreas và cứ như vậy, Elvira xướng tên các bạn cho đến cuốn tập của Lippel. Dĩ nhiên lả Elvira gọi:

- Pilipp.

Im lặng, vài giây sau Elvira lập lại:

- Pilip!

Cũng chẳng thấy ai lên nhận tập!

Thầy Goltenpott nghe thấy có điều gì đó không ổn nên xếp tờ báo lại, lấy viên kẹo cao su đang nhai ra, cẩn thận gói vào miếng giấy bạc và đút vào trong túi quần. Thầy vốn là người chẳng những thích đọc báo mà còn ưa nhai kẹo cao su, mà thầy chỉ bỏ ra (và cất kỹ trong miếng giấy bạc) lúc bắt đầu giảng bài. Đến cuối giờ học thầy lại lấy viên kẹo ra nhai tiếp. Các bạn học sinh lớp lớn thì quả quyết rằng thầy đã nhai viên kẹo đó từ 5 năm nay! Nhưng điều này có lẽ không đúng, vì Elvira nhiều lần đoan chắc với các bạn trong lớp rằng, em thường thấy thầy mua kẹo từ một máy bán tự động.

Đối với thầy Goltenpott, giờ học không bắt đầu khi chuông reo mà là khi quyển tập cuối cùng được phát hết. Giờ thì thầy buộc phải bỏ tờ báo xuống, cất miếng kẹo dẻo vào túi quần, rồi quay ra lo giải quyết việc phát tập đang bị ngưng trệ.

Lippel chưa nhận ra chính mình là nguyên nhân của vấn đề nghiêm trọng này! Cậu chỉ hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy bìa cuốn tập đó có vẻ giống như cuốn tập của mình, cũng dán hình một con cọp tấn công chiếc xe chữa lửa. Thầy Goltenpott gọi to với giọng trách móc:

- Philipp Mattenheim lại mơ mộng rồi phải không? Em không muốn nhận tập vẽ , hay là đợi người ta mang đến tận tay mình?

Lippel giật bắn người, vội chạy lên nhận tập. Như vậy là Lippel có tất cả đến 3 tên: Đối với ba má , vài người bạn thân và người chú thì tên của cậu là Lippel; phần lớn bạn trong lớp gọi tên Philipp và một ít bạn khác - mặc dù học đến lớp 4 mà vẫn chưa biết vần "Ph" được đọc như vần "F" - thì gọi là Pillip.

Nhưng ở đây ta cứ gọi cậu là Lippel cho tiện.

CHỖ ĐỌC SÁCH


Lippel thích nhất là sưu tầm các hình vẽ, ăn trái cây và đọc sách. Tất nhiên cậu ta còn thích nhiều thứ khác nữa, nhưng những chuyện xảy ra sau đây đều có liên quan đến 3 sở thích vừa nói. Lippel muốn sưu tầm hình nên cậu thường mua sữa tươi, sữa chua và sữa béo. Nhưng tại sao vậy?

Mọi chuyện bắt đầu khi cậu tình cờ thấy trong tủ mấy quyển sách cũ có tựa đề khá hấp dẫn như: "Kỳ quan của biển cả", "Người dân Trappen" và quyển "Ở vùng Trung Đông". Sách nào cũng có hình mầu rất đẹp, với những dòng chú thích ngắn ngủi, thỉnh thoảng lại có vài trang để trắng. Tại một trang lại có hình ở 4 góc với hàng chữ "Cuộc trả thù ghê gớm của ngài Achmed". Lippel ngẫm nghĩ tìm lời giải, sau cùng cậu đi đến kết luận, có lẽ ngài Achmed đã buộc kẻ thù ăn súp cà chua: đó là loại hình phạt ghê gớm nhất mà Lippel có thể tượng được!

Ba của Lippel giải thích cho con trai rằng đây là những tấm hình ông sưu tập hồi trước, lúc đó hễ ai mua một thỏi chocolate thì được tặng một tấm hình. Và một thời gian ngắn sau, Lippel khám phá ra rằng hiện nay khi mua sữa vẫn còn được tặng hình. Trên mỗi nắp hộp sữa có in sẵn điểm penny, cứ 100 penny là có thể đổi được nhiều hình màu hấp dẫn.

Từ đó Lippel bắt đầu sưu tầm điểm penny, cho tới nay đã được gần 80 điểm. Điểm penny không chỉ có trên các nắp hộp sữa tươi, mà cả trên các hộp sữa chua và sữa béo. Đó là lý do Lippel rất thích đi chợ - ngay cả lúc thời tiết xấu - và không bao giờ cậu quên mua thêm sữa.

Món thứ hai của Lippel là trái cây nấu, nhờ đó mà cậu quen thân với bà Jeschke, một phụ nữ góa chồng đứng tuổi, mập mạp và đeo kính cận. Lippel quen với bà rất tình cờ. Bà ở bên kia đường, cách nhà của cậu vài căn. Một hôm, người đưa thư bỏ lộn thư của bà vào thùng thư của nhà Mattenheim, nên Lippel được cha mẹ sai mang nó sang cho bà.

Đến trước căn nhà bà Jeschke, thấy cửa không đóng, Lippel bèn đi thẳng vào bên trong. Lúc đó bà vừa ăn trưa xong và đang dùng món tráng miệng là đào nấu với san, (san là sữa béo được đánh nổi lên cho xốp). Cả hai bắt đầu trỏ chuyện, sau đó Lippel xin bà cho cắt phần điểm penny trên hộp sữa. Bà sẵn lòng cho và còn mời cậu ăn món đào. Lippel không từ chối và khen món đào nức nỡ đến độ bà Jeschke phải hỏi:

- Đào của bà nấu ngon hơn ở nhà cháu sao?

- Nhà cháu không có đào nấu.

- Má cháu không bao giờ nấu món đào à?

- Dạ không! - Lippel vừa nói vừa nhả hột đào ra khỏi miệng: - Có lẽ má cháu không biết cách nấu đào.

E rằng bà Jeschke nghĩ xấu về mẹ mình nên Lippel vội vàng nói thêm:

- Nhưng má cháu biết làm nhiều chuyện khác, chẳng hạn như mở nắp lò sưởi để khí thoát ra ngoài .

- À, như vậy là rất tốt.

Bà Jeschke trả lời và 2 người tiếp tục ăn món tráng miệng. Từ đó Lippel thường xuyên đến thăm khiến cho bà rất vui, lúc thì cho cậu ăn món trái cây nấu chín, lúc lại cho điểm penny. Thật ra Lippel đến nhà bà Jeschke không chỉ vì trái cây hay điểm penny, mà còn vì cậu rất mến và thích nói chuyện với bà, mà bà cũng rất thích nói chuyện với cậu.

Sở thích thứ 3 của Lippel là đọc sách, mà thích nhất là đọc một mạch không ngừng. Vì vậy nên cậu thường thức rất khuya để đọc sách, và góc cầu thang ở tầng lầu một, là nơi mà Lippel thường trốn ba má để chui vô đó đọc sách.

Gia đình Mattenheim sống trong căn nhà nhỏ nơi ông bà nội của Lippel đã cư ngụ, trước khi ông bà di cư sang Úc. Phòng của Lippel nằm trên tầng lầu một, đối diện với cầu thang lầu. Chỉ tiếc là trên cửa phòng có tấm kiếng màu sữa đục, vì vậy ba má của Lippel từ dưới cầu thang nhìn lên, có thể thấy ánh sáng trong phòng mà không cần phải bước lên lầu.

Mỗi lần Lippel đọc truyện, dự định đọc trong vài giờ đồng hồ, nhưng thông thường chỉ 15 phút thì mẹ đã đến bên giường và bảo: "Lippel! Lippel! Lippel! Tắt đèn ngủ sớm đi con , sáng mai còn phải đi học". Mẹ âu yếm vuốt tóc cậu, kiên nhẫn đợi Lỉppel đẩy quyển sách vào gầm giường rồi tắt đèn và đi xuống nhà dưới.

Để ba má khỏi phát hiện, đôi khi Lippel phải trùm mền kín mít và dùng đèn pin để đọc sách. Nhưng cách này không được tiện lợi cho lắm, vì cậu phải một tay cầm sách còn tay kia cầm đèn, do đó mỗi khi đọc hết một trang thì không có tay nào rảnh để lật. Bởi vậy nên Lỉppel mới nảy ra ý nghĩ lén đến góc cầu thang đọc sách.

Gầm cầu thang có dạng giống như cái tủ với trần nghiêng, trước đây ông Mattenheim đóng để chứa đồ cũ hay những thứ lặt vặt như: hộp sơn, keo lọ, thùng caton hay két nước ngọt. Ở một góc cầu thang có ngọn đèn nhỏ để soi sáng mỗi khi Lippel đi vệ sinh, thông thường Lippel không trở về phòng mình mà rẽ trái đến góc cầu thang, nhè nhẹ mở cửa, leo lên ngồi cẩn thận trên chiếc thuyền cao su được bao bọc kĩ, chờ đến mùa hè mới đem ra sử dụng.

Từ phía trong, cậu nhẹ nhàng đóng cánh cửa lại và bắt đầu chúi mũi đọc sách. Hồi lâu, cậu nghe tiếng chân ba từ phòng khách đi ra và nói vọng với mẹ: "Đèn tắt hết rồi, chắc Lippel đã ngủ". Sau đó nghe tiếng chân ba trở về phòng khách.

Từ đó, Lippel được dịp thưởng thức nhiều đêm đọc sách dưới gầm cầu thang và tiện tay mở mấy chai nước ngọt uống mỗi khi thấy khát. Lần nào Lippel cũng kịp về giường trước khi cha mẹ đi ngủ, vì lúc đó, bao giờ ba hay mẹ cũng vào phòng thăm cậu. Cho đến nay chỗ đọc sách của Lippel vẫn chưa bị phát hiện. Chỉ có điều ba của Lippel cứ khoảng năm, bảy ngày lại phải mua một thùng nước ngọt mới, nên có phần ngạc nhiên và nói với vợ: "Nhà mình hình như có chuyện gì hơi khác thường!".
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 23-12-2013 09:00:27 | Xem tất
Chương 2


MỘT CHUYẾN ĐI XA


Kể từ lúc bắt đầu sưu tầm điểm Penny, cho đến khi tìm được chỗ đọc sách ở gầm cầu thang, Lippel đã gom được gần 80 điểm. Vào đúng lúc này, ba má cậu có việc phải đi Wien (thủ đô nước Áo) và không hề có ý định dẫn con theo. Lippel luôn than phiền về điều này. Trong khi ba má cho rằng không thể đem Lippel đi theo được, thì cậu vẫn tỏ ra không tin, mục đính nhằm làm cho ba má nếu cuối cùng vẫn quyết định để Lippel ở nhà một mình, thì ít nhất cũng sẽ phải áy náy về việc này.

Buổi chiều khi Lippel vừa đi chợ về, người còn ướt đẫm vì mắc mưa, đang sắp xếp ba hộp sữa vào sát bên trong tủ lạnh để có chỗ cho bốn hộp sữa chua và ba hộp sữa béo mới mua, thì ba vào nhà bếp và nói với Lippel một cách nghiêm nghị:

- Lippel, ba có vài điều muốn nói với con.

- Ba muốn nói về mấy hộp sữa phải không? Mấy hộp sữa cũ chưa hư đâu mà chỉ hơi bị đặc một chút thôi. Nếu con dùng hai cái tô...

Ông Mattenheim tỏ vẻ không hiểu:

- Con nói hộp sữa gì?

- Dạ, mấy hộp sữa để ở tủ trong phòng khách.

- Không, ba không định nói về mấy hộp sữa.

Trong khi ba giúp Lippel cởi cái áo mưa ướt ra và máng lên chiếc ghế gần đó, thì cậu hỏi cha một cách e ngại:

- Vậy là ba muốn hỏi về mấy chai mước ngọt?

- Không, ba muốn nói với con về Wien.

Lippel cảm thấy nhẹ người:

- A, về Wien! Nếu ba nói về Bát Đa thì con thích hơn. Con biết rất nhiều về Bát Đa vì đã đọc xong quyển sách "Vùng Trung Đông". Ngài Achmed...

- Lippel, con nghe ba nói đây. Má sắp phải dự một hội nghị tại Wien.

- Hội nghị gì vậy ba?

- Tại hội nghị đó người ta bàn về những vấn đề rất quan trọng, ít ra là đối với má.

- Có phải họ bàn về các nhà thờ cổ, tranh vẽ hay những thứ tương tự như vậy phải không ba?

- Đúng!

Lippel hỏi kĩ hơn:

- Má có phải thuyết trình không?

- Phải, má sẽ đọc một bài tại hội nghị.

- Và hội nghị sẽ kéo dài bao lâu?

- Một tuần.

- À. như vậy cha con mình sẽ ở nhà với nhau và dĩ nhiên sẽ dùng ít sữa hơn.

- Không, Lippel, con biết không...

- Dạ?

- Ba muốn cùng đi với má đến Wien.

Nói ra được điều này, ba thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ngược lại Lippel thì tỏ ra bất mãn:

- Còn con? Con không được đi với ba má sao?

- Không được, con còn phải đi học.

- Nhưng ba má không thể để con ở nhà một mình!

- Trong thời gian đó sẽ có người đến đây ở và trông nom con.

- Ai vậy ba?

- Chưa biết, nhưng ba hứa với con là ba chỉ đi khi tìm được một người giúp việc dễ mến.

Lippel phản đối:

- Ba má không thể để con ở nhà cả tuần lễ với một người lạ!

- Lippel, con phải hiểu rằng ba muốn tham dự hội nghị để nghe má thuyết trình.

- Con cũng muốn nghe vậy.

- Con mới mười tuổi nên chưa hiểu được gì đâu. Con hãy suy nghĩ và tập làm quen với việc ở nhà một mình.

- Không bao giờ!

Lipple phụng phịu trả lời và rời khỏi bếp. Vài ngày sau, tới phiên bà Mattenheim tìm cách khuyên nhủ con:

- Lippel, con trai của mẹ. Con lớn thật rồi phải không?

- Má nói vậy là vì việc đi Wien phải không?

- Đúng rồi, má đã đặt vé cho hai người.

- Cho má và con phải không?

- Không, cho ba và má. Ba đã nói với con rồi mà, ba muốn tham dự hội nghị với má.

Lippel nói giọng hờn dỗi:

- Nhưng còn con thì sao? Ba má để con chết đói ở nhà à?

- Con đừng lo, ba má sẽ tìm người đến nấu ăn và chăm sóc con trong thời gian đi vắng. Hơn nữa trong tủ lạnh còn nhiều sữa chua, đủ cho con ăn mỗi ngày bốn hộp. Như vậy làm sao con chết đói được?

- Nhưng ai sẽ đến đây chăm sóc con?

- Em gái của cô thư ký ở tòa soạn của ba, có một người bạn đang thất nghiệp. Bà này sẽ đến đây giúp mình một tuần lễ.

- Bà ấy giúp không thôi sao?

- Ba má sẽ trả tiền thù lao cho bà. Chủ nhật tuần tới má sẽ mời bà đến nhà gặp con để hai người làm quen với nhau.

- Bà tên gì?

- Jakob. Con đồng ý gặp bà Jakob vào chủ nhật tới không?

Lippel do dự:

- Con không biết.

Bà Mattenheim vừa nói vừa cười:

- Nhưng dù thế nào thì thứ bảy tới con nhớ mua thêm 1 hộp sữa béo nữa nhé. Bởi vì một hộp sữa chỉ đủ cho 3 người thôi, còn nếu có đến 4 người...

- Dạ được, má cứ mời bà ấy đến. Con muốn xem bà ra sao?

Lippel muốn biết bà Jeschke nghĩ gì về chuyện này, nhưng ngại không muốn hỏi thẳng nên suy nghĩ tìm cách hỏi. Cuối cùng cậu tìm được lời giải và chạy ngay sang nhà bà Jeschke. Lippel kêu to khi vừa đến trước cửa:

- Bác Jeschke ơi! Con muốn hỏi bác vài chuyện đượo không?

Bà Jeschke hơi ngạc nhiên:

- Bác à? Dĩ nhiên cháu có thể hỏi. Nhưng trước hết hãy cởi áo mưa ra và ngồi xuống đã! Cháu muốn hỏi gì đây?

- Về chuyện một đứa bé. Nhưng đây không phải là chuyện thật mà chỉ là chuyện tưởng tượng.

- Nghe có vẻ khó hiểu quá. Chắc đây là trò đố vui phải không?

- Không hẳn như vậy.

- Vậy cháu cứ hỏi đi.

Bà Jeschke đeo kính lên và chăm chú nhìn, bà thường làm như vậy mỗi khi hồi hộp.

- Nếu ba mẹ bỏ đứa con ở nhà một mình, như vậy họ có thương nó không?

- Họ bỏ đứa bé một mình?

- Dạ đúng.

- Ừ, bác hiểu, họ bỏ đứa bé trong rừng phải không?

- Không! Không phải! Họ để ở nhà.

- Vậy à? Bác lại tưởng cháu nói đến chuyện cổ tích "Bạch Tuyết và 7 chú lùn". Họ để đứa bé ở nhà và bỏ đi luôn?

- Dạ không! Chỉ một tuần lễ thôi.

- Họ đi đâu?

- Đi Wien dự một hội nghị.

Vậy là bà Jeschke đã hiểu ra. Bà hỏi tiếp:

- Và không có ai ở nhà cùng với đứa bé?

- Dạ có bà Jakob.

- Người đó là ai?

- Bà Jakob là bạn của người quen với ba.

Bà Jeschke trả lời một cách quả quyết:

- Nếu đúng như lời cháu nói, thì bác chắc chắn là cha mẹ của đứa nhỏ rất thương con. Một tuần qua rất mau, vả lại mỗi ngày cậu bé đó có thể đến chơi nhà bạn của cậu.

- Nhưng nó không có bạn!

Lippel trả lời, ngạc nhiên không hiểu sao bà lại biết đứa nhỏ đó là con trai?

- Bác nghĩ rằng có thể đứa nhỏ đó có quen với một người bạn già ở gần nhà.

- Đúng vậy!

Thế là Lippel hoàn toàn thỏa mãn và yên tâm sung sướng trở về nhà.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2013 04:43:38 | Xem tất
Chương 3


BÀ JAKOB ĐẾN THĂM


Chiều chủ nhật bà Jakob đến nhà. Khi chào hỏi nhau, bà nắm chặt tay Lippel thật lâu:

- Vậy đây chính là bé Philipp của chúng ta phải không? Chúng ta chắc chắn sẽ hiểu nhau, tôi tin như vậy và rất vui mừng sẽ được chăm sóc cháu trong tuần tới.

Bà buông tay Lippel ra, ngồi xuống ghế, nhìn lên bàn và quay qua nói chuyện với bà Mattenheim:

- Cái bánh ngọt trông đẹp quá! Bà tự tay làm hay mua vậy?

- Tôi không làm và cũng không mua.

Lippel hãnh diện:

- Chính ba cháu và cháu đã phụ với ba đó.

- Raâất dễ thương!

Lippel ngồi đối diện với bà Jakob để dễ quan sát hơn.

Cậu nhận thấy bà giống như xướng ngôn viên đài truyền hình. Bà mặc áo xanh, trên chiếc khăn cũng màu xanh choàng quanh cổ là một chiếc mề đay, chính giữa có viên đá nhỏ cùng màu xanh với đôi bông tai của bà. Mái tóc vàng của bà được uốn kĩ. Bà ngồi cứng đơ, hầu như không cử động và mỗi khi bà cười, hàm răng lại nhô ra khỏi miệng rất lạ kì. Có lẽ do hàm răng hô đó mà bà ít khi cười. Lippel đoán bà khoảng bằng tuổi mẹ.

Trong khi uống cà phê, Lippel khám phá ra bà hay nói chữ rất thành raâất và thường xuyên nói "Không! Cám ơn." Chẳng hạn như khi ba cậu mời bà dùng bánh ngọt, bà lắc đầu:

- Không! Cám ơn.

Má đưa cho bà hộp đường, bà lại nói:

- Không! Cám ơn.

Lippel giới thiệu với bà hộp sữa béo, bà lập lại:

- Không! Cám ơn.

Nhưng cuối cùng bà cũng nhận một miếng bánh rất nhỏ của ba mời. Lippel để ý thấy bà không ăn với san. Sau khi uống cà phê xong, bà Mattenheim đưa bà Jakob đi xem các phòng trong nhà và chỉ dẫn bà sử dụng các lọai máy dùng trong nhà bếp. Thỉnh thỏang bà Jakob nói: "Vâng" hoặc "Dễ thương quá", nhưng nhìn gương mặt bà có thể dễ dàng đoán rằng bà chẳng hiểu gì nhiều.

Ba của Lippel đặt biệt rất thích mua sắm các lọai máy dùng trong nhà bếp, đến độ đôi khi má nói đùa là ba sẵn sàng bỏ hết tiền ra mua máy xay sinh tố của Ý, máy ép nước trái cây của Mỹ và máy xắt rau của Đức, mà nếu má không ngăn cản có lẽ cả nhà đến phải chết đói.

Sau cùng bà Jakob từ giã cả nhà và ra về. Ba má của Lippel có vẻ hơi thất vọng. Khi bà Jakob đã ra khỏi nhà, ông bà nhìn nhau nhưng không ai nói gì cả. Lát sau, má lên tiếng:

- Không biết...

Lippel hỏi:

- Má không biết gì?

- Không biết liệu bà Jakob có thể trông chừng con được không trong thời gian ba má đi vắng. Bà có dáng điệu hơi giống...

Má đang tìm chữ để so sánh, Lippel chêm vào:

- ... như bà dì trong phim khôi hài.

Ba bổ sung:

- ... và không thực tế lắm!

Má tán thành:

- Đúng như vậy!

Lippel không biết má đồng ý với nhận xét của mình hay của ba. Ba nói thêm:

- Rất tiếc là bà Jakob không có kinh nghiệm về trẻ con! Anh e rằng chúng ta không thể nhận bà ấy. Chúng ta không thể đối xử như vậy với Lippel.

Má có vẻ lo lắng:

- Đúng vậy! Nhưng chỉ sợ rằng trong thời gian quá ngắn chúng ta không tìm được người khác.

Ba quyết định:

- Nếu vậy anh sẽ không đi Wien. Để lần khác vậy. Hay là vào dịp hè này cả gia đình ta sẽ cùng đi Wien.

Lippel chen vào:

- Không! Ba không cần phải làm như vậy.

Ba hỏi:

- Con nói như vậy nghĩa là sao?

Má cũng nhìn Lippel một cách dò hỏi, Lippel quả quyết:

- Ba má cứ đi, con có thể ở nhà một mình. Chỉ có 1 tuần thôi mà. Hơn nữa, mỗi ngày con có thể đến thăm bà Jeschke, một người quen của con. Ba má cứ cùng đi Wien. Vả lại con cũng không phải là đứa con nít nhỏ!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2013 04:52:04 | Xem tất
Chương 4


GIÃ TỪ


Ba má của Lippel khởi hành lúc 10 giờ sáng thứ hai. Giờ này Lippel đã đến trường, vì vậy bữa đó, cả ba má đều dậy sớm hơn mọi khi để có đủ thì giờ từ giã Lippel. Cuộc chia tay gồm những lời dặn dò, khuyên nhủ của ba má trong khi Lippel ăn sữa chua.

Ăn xong Lippel lấy nắp hộp sữa đút vào túi quần vì cảm thấy không thuận tiện cắt lấy điểm penny trong lúc từ giã. Phần lớn những lời dặn dò của ba má là nhắc Lippel nhớ đánh răng, tắm rửa, thay đồ trước khi ngủ và những chuyện đại lọai như vậy. Lippel cho rằng những điều đó không có gì lạ nên không chú ý ghi nhớ trong đầu, vì vậy cậu quên liền.

Lippel chỉ chú ý đến 3 việc:

1- Tiền cất trong tủ để dành cho những trường hợp đặt biệt.

2- Tiền ăn hàng ngày đủ cho cả tuần.

3- Một tờ giấy nhỏ ghi số điện thoại của khách sạn để sẵn kề bên chiếc máy, để khi nào có việc gì cần Lippel có thể gọi cho ba má.

Bà Mattenheim đã giao hẹn, hàng ngày bà Jakob sẽ đến nhà trong lúc Lippel ở trường để chuẩn bị bữa ăn trưa cho cậu. Cuối cùng ba má ôm hôn Lippel, cậu cũng hôn giã từ ba má rồi cắp sách tới trường.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2013 05:06:36 | Xem tất
Chương 5


NGÀY THỨ HAI - BẠN MỚI


Vì không có bạn học gần nhà nên Lippel thường quen đi học một mình và không thấy buồn. Nhưng đặt biệt hôm nay, cậu lại ước ao có bạn cùng đi đến trường để nói chuyện cho vui. Cuộc từ giã của ba má đã làm cho Lippel xúc động. Cậu bước đi chầm chậm trên đường và cảm thấy rất cô đơn.

Nhưng đến khi vào lớp gặp bạn bè, Lippel quên hết những nỗi buồn của mình. Hôm nay cô Klobe, cô giáo chủ nhiệm, đến trễ gần 10 phút. Cùng vào lớp với cô là 2 học sinh mới, một nam và một nữ, đều có mái tóc đen. Họ đứng im lặng sát bên cô giáo, mắt nhìn xuống đất với dáng điệu e thẹn.

Cô Klobe nhìn cả lớp và đợi đến khi mọi người im lặng mới cất tiếng nói:

- Đây là hai bạn mới và là anh em với nhau. Bắt đầu hôm nay hai em là bạn học của các em.

Sau đó cô quay sang hai học sinh mới:

- Hai em hãy tự giới thiệu tên của mình với các bạn đi.

Cô em gái quay sang anh nói nhỏ vài câu, người anh lắc đầu và tiếp tục nhìn xuống đất. Cả lớp hồi hộp chờ đợi nhưng hai học sinh mới vẫn im lặng. Cô Klobe bèn nói:

- Thôi được, để cô nói tên của hai em. Nhưng nếu cô đọc không đúng thì hai em cho biết nhé.

Cô để tay lên vai cậu bé rồi giới thiệu:

- Đây là Arslan.

Cậu nam sinh gật đầu.

- Và đây là Hamide.

Cô nữ sinh cũng gật đầu nhưng vẫn tiếp tục nhìn xuống đất. Cô giáo nhìn quanh lớp để tìm chỗ trống:

- Bây giờ chúng ta phải xếp chỗ ngồi cho hai bạn. Philipp, bàn em ngồi có một mình, nếu em xích qua bên phải một chút, thì Arslan có thể ngồi kế em và Harmide ngồi sát bên Arslan để thông dịch.

Trong khi hai học sinh mới về chỗ ngồi, Elvira giơ tay lên tò mò hỏi cô giáo:

- Thưa cô, có phải họ là người ngoại quốc không?

- Hai em là người Thổ Nhĩ Kỳ. Arslan sinh ra ở Thổ Nhĩ Kì còn Hamide sinh tại đây giống như các em.

Ulli giơ tay hỏi:

- Thưa cô, họ là anh em sinh đôi?

- Làm sao sinh đôi được trong khi Arslan sinh ở Thổ Nhĩ Kì còn Hamide sinh ở Đức?

Arslan lớn hơn một tuổi.

- Vậy tại sao cả hai học chung một lớp?

- Vì Arslan không rành tiếng Đức như Hamide.

Barbara thắc mắc:

- Tại sao Arslan là anh mà lại nói tiếng Đức dở hơn?

Cô giáo kiên nhẫn trả lời:

- Vì Arslan mới đến Đức được hơn một năm. Nhưng nếu muốn biết rõ hơn, thì các em cứ hỏi thẳng hai bạn vào giờ ra chơi.

Học sinh thôi không hỏi nữa và cô giáo bắt đầu giảng bài. Lippel nhìn cậu bạn mới ngồi kế bên và hỏi nhỏ:

- Bạn không hiểu tiếng Đức sao?

Arslan lắc đầu. Lippel không hiểu rõ ý nghĩa cái lắc đầu của Arslan nên hỏi lại lần nữa, lần này bằng cách khác:

- Bạn hiểu tiếng Đức không?

Arslan gật đầu. Lippel hỏi tiếp:

- Tại sao bạn không nói gì cả?

Arslan cúi xuống lục lạo trong cặp và làm như không nghe câu hỏi của Lippel. Lippel bèn quay sang Hamide nói nhỏ:

- Tại sao hai bạn lại học giữa khoá vậy?

- Vì ba chúng tôi đổi chỗ làm, gia đình phải dọn nhà từ thành phố Sindelfingen đến đây.

- Sindelfingen?

- Ừ, gần Boblingen đó.

Nhận thấy điều này không gây ấn tượng gì cho Lippel hết nên Hamide nhấn mạnh thêm:

- Nơi đó rất đẹp.

Lippel không hề biết cả Sindelfingen lẫn Boblingen ở đâu, nên gật đầu nói cho qua:

- Vậy à?

Vì Arslan ngồi giữa hai đứa nên Hamide phải chồm ra phía trước để nói chuyện với Lippel:

- Bạn tên gì?

Cậu nói khẽ:

- Lippel.

Lạ thay, Hamide là người duy nhất sau khi nghe tên đó lại không hỏi tiếp "Tên gì lạ vậy?" hoặc "Tên thật vậy sao?" mà chỉ đơn giản gật đầu và lập lại "Lippel", xem như đó là một điều bình thường. Lippel lại quay sang Arslan tiếp tục hỏi:

- Tại sao bạn không nói gì hết vậy?

Hamide trả lời thay cho anh:

- Anh ấy còn buồn vì phải rời chỗ ở cũ. Anh không muốn đến ở nơi này.

Arslan nói nhỏ với em vài lời bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, giọng trách móc. Hamide liền im lặng và trong suốt buổi học, không nói với Lippel thêm lời nào. Lippel nghĩ rằng có lẽ Arslan không thích mình, nên cũng ngồi xích ra ngoài một chút và không hỏi han gì nữa.

Mười hai giờ trưa tan học, trước khi ra về, Arslan thọc tay vào túi áo lấy ra ba viên kẹo, đưa một viên cho Hamide, một viên bỏ vào miệng sau khi lột bỏ giấy gói và đưa cái còn lại cho Lippel. Lippel ngạc nhiên hỏi lại:

- Bạn cho tôi?

Arslan gật đầu và chăm chú nhìn Lippel tháo giấy gói, bỏ kẹo vào miệng. Lippel lúng búng trong miệng:

- Cám ơn bạn, kẹo rất ngon.

Arslan gật đầu lần nữa rồi cùng em gái rời khỏi lớp. Lippel đưa mắt quan sát tờ giấy gói kẹo: mới nhìn qua thì đó là tờ giấy màu đỏ có mấy chấm xanh trông rất bình thường. Lippel không đọc được vì đó là chữ Thổ Nhĩ Kỳ. Cậu vui thích xếp tờ giấy lại và cẩn thận bỏ vào túi quần, bởi một viên kẹo của Thổ Nhĩ Kỳ không phải lúc nào cũng có!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2013 05:31:13 | Xem tất
Chương 6


BỮA ĂN TRƯA VỚI BÀ JAKOB


Lippel thủng thẳng rảo bước từ trường về nhà, vừa mở cửa bước vào, cậu giật mình đứng sững lại vì có tiếng người trong phòng khách và tự hỏi: "Hay là ba má không đi Wien?". Cậu chạy nhanh vào, hi vọng sẽ gặp được ba má. Hóa ra là bà Jakob đang nói chuyện điện thoại với ai đó và có lẽ đang mô tả phòng khách của gia đình Lippel:

- Có hai ghế bành và một ghế dài cũ bằng da, trông chúng không hợp với những thứ khác trong phòng. Họ không có giấy dán tường. Dạ đúng vậy, chỉ quét vôi trắng. Nhưng trên tường treo nhiều tranh ảnh rất kì quái. Toàn là những thứ tân thời. Má có tưởng tượng được không, họ không có màn cửa sổ. Dạ, chắc chắn như vậy...

Lippel đứng ở phía cửa nói với vào:

- Màn cửa sổ chỉ làm tối phòng thôi!

Bà Jakob giật mình quay lại, vừa cười gượng gạo vừa nói:

- À, Lippel về rồi!

Lấy tay mặt che ống nói, bà nói như ra lệnh cho Lippel:

- Cậu vào nhà bếp dọn chén dĩa ra bàn, tôi sẽ đến liền. Đồ ăn sẽ có ngay.

Lippel buồn rầu đi vào nhà bếp trong khi bà Jakob nói chuyện

- Má, con phải chấm dứt raâất nhanh ở đây. Cậu bé đã về.

Từ nhà bếp, Lippel có thể nghe rõ tiếng nói của bà Jakob, nhưng hình như người mẹ chưa chịu ngừng, vì bà Jakob vẫn để ống nói sát tai và thỉnh thoảng lại nói: "Dạ, má" hoặc "Không, má".

Lippel sắp hai cái dĩa cùng muỗng nĩa lên bàn và ngồi vào ghế chờ. Từ phòng khách giọng nói của bà Jakob vẫn vang lên đều đặn: "Dạ, má" hoặc "Không, má". Lippel thắc mắc không biết nên dọn tô hay dĩa vì bà Jakob không cho biết buổi trưa ăn gì. Bởi vậy nên cậu lo lắng đứng ngồi không yên và cuối cùng, quyết định đến chỗ bếp xem bà nấu món gì?

Trong cái nồi thứ nhất là những cọng nui đang uốn mình trong nồi nước sôi: không tệ lắm! Nhưng khi mở nắp nồi thứ hai, Lippel kinh hoảng đến nỗi đánh rơi nắp soong xuống đất: đó là món súp cà chua!

Đối với cậu, súp cà chua chính là món ăn dở nhất, tệ hại nhất và vô duyên nhất mà con người nghĩ ra! Lippel giận dỗi rời khỏi nhà bếp, bỏ vào phòng vệ sinh khoá cửa lại rồi ngồi chờ. Lippel chờ đợi bà Jakob sẽ đến trước phòng vệ sinh để tranh luận với cậu qua cánh cửa đóng kín, để rồi sau cùng sẽ năn nỉ cậu giống như cha cậu vẫn thường làm thế. Phần Lippel sẽ từ chối không chịu ra để chứng tỏ rằng mình rất buồn bực.

Nhưng chờ mãi gần mười lăm phút mà chẳng thấy ai đến! Dần dần cảm thấy buồn chán, Lippel đành đứng dậy mở cửa phòng ra và đi trở vào nhà bếp. Bà Jakob đang ngồi chễm chệ trên ghế và đang ăn một món sền sệt có màu đỏ, tô nui luộc còn nguyên trên bàn, kế bên là một dĩa xà lách và một tô xúp cà chua. Nhìn thấy Lippel bà liền lên tiếng nói:

- Cậu đi hơi lâu đó. Chúc ăn ngon, nhưng cậu đã rửa tay chưa?

Lippel không trả lời câu hỏi mà lại trách:

- Ba cháu không nói với bác là cả nhà cháu không ai ưa món súp cà chua hết sao?

- Ông ấy có nói, nhưng đây không phải là súp mà là sốt cà chua!

Lippel bực dọc:

- Nhưng cả hai đều là một thứ!

- Nếu hai thứ là một thì đã không có hai tên khác nhau!

Nói xong, bà múc một muỗng xúp trong nồi định đổ vào dĩa của Lippel. Cậu vừa la to vừa kéo cái dĩa ra chỗ khác:

- Đừng!

- Philipp, cậu làm vậy rất khó ưa. Thiếu chút nữa tôi đã làm đổ sốt cà lên bàn rồi. Đưa dĩa đây.

Philipp lo sợ:

- Không, cháu không thể ăn thứ này. Cháu không ăn được.

Bà Jakob giận dỗi:

- Như vậy tôi nấu để ngó chơi hay sao? Cậu mà không ăn thì rồi ba má cậu sẽ nói tôi bỏ đói cậu.

- Cháu có thể ăn nuôi với xà lách.

Bà Jakob nhìn Lippel với vẻ khó chịu nhưng không phản đối ý kiến này, vì vậy Lippel bèn gắp xà lách vào dĩa và bắt đầu ăn. Nhưng vừa nếm miếng đầu tiên, Lippel đã phải ngưng lại ngay vì cái ngọt gắt của nó, do bà Jakob trộn với quá nhiều đường. Lippel ngậm miếng cải thật lâu và sau cùng đành phải nuốt vào bụng. Sau một hồi do dự cậu rụt rè đề nghị:

- Cháu muốn rửa mấy miếng cải xà lách này, có được không ạ?

Bà Jakob tưởng mình nghe lầm:

- Cậu muốn rửa xà lách à? Cậu nghĩ rằng tôi không rửa nó? Bộ xà lách còn dơ lắm sao?

- Không, không phải vậy. Nhưng nó có vị rất lạ, có nghĩa là hơi bị ngọt một chút.

- Đó là vị đường, má cậu chỉ trộn xà lách với giấm mà không dùng đường hay sao?

Lippel xác nhận:

- Dạ phải, xà lách ở nhà cháu thường chỉ có vị chua.

- Được, như vậy thì lần sau tôi sẽ không bỏ đường. Nhưng bây giờ thì cậu không được đem đi rửa, làm như vậy là xúc phạm đến tôi.

Bà nói thêm với vẻ cương quyết:

- Xem ra cậu có vẻ được nuông chiều quá đấy! Cậu thuộc loại những đứa trẻ cứng đầu. Không, chúng ta không thể bắt đầu như thế được, tôi không muốn mỗi ngày phải nấu đi nấu lại hai, ba lần vì " ông con " không thích ăn món này món nọ! Nếu cậu không chịu ăn sốt cà hay xà lách trộn thì cứ việc ăn món nui không vậy.

Lippel không nói gì và bà Jakob cũng chẳng cần chờ đợi câu trả lời. Lippel im lặng gạt mấy cọng xà lách sang một bên và tiếp tục ăn nui. Nhìn sang dĩa của bà Jakob - lúc bấy giờ đã sạch trơn - Lippel thắc mắc:

- Thật ra bác đã ăn gì vậy? Món đó đâu phải là sốt cà chua?

- Tôi ăn sữa chua dâu trộn với táo tây. Tôi phải chú ý đến trọng lượng của mình chứ! Ăn nui rất dễ bị mập.

- Vậy là bác lấy mấy hộp sữa chua trong tủ lạnh phải không?

- Phải, bộ tôi không được quyền à?

Lippel lo ngại:

- Dĩ nhiên là được, nhưng còn mấy cái nắp hộp sữa đâu rồi?

- Nắp gì?

- Nắp hộp sữa chua? Cháu cần cắt lấy mấy điểm penny.

- Điểm penny gì?

- Điểm in trên nắp hộp mà cháu vẫn sưu tầm.

- À, té ra là cậu hỏi miếng giấy dán trên nắp hộp. Rất tiếc là tôi quăng nó vào thùng rác rồi vì đâu biết có vụ điểm trên nắp!

Lippel lập tức bỏ muỗng nĩa xuống và vội vàng chạy tới bới thùng rác ra tìm nắp hộp sữa. Bà Jakob cũng tức tốc chạy theo và ngăn không cho Lippel chúi đầu vào thùng rác. May mắn cậu đã nhìn thấy hai nắp hộp sữa chua đang dính chặt vào đáy hộp đựng nui, vội vã lấy ra chùi lớp sữa còn dính trên nắp và nhanh chóng đút vào túi quần trước khi bà Jakob nắm được tay cậu. Bà giận dữ:

- Philipp! Đưa miếng giấy rác đây!

- Đây không phải là giấy rác mà là...

- Không được cãi! Móc hết đồ trong túi ra ngay! Đưa đây mau!

Lippel lấy từ trong túi ra toàn bộ đồ đạt: Một nắp sữa mới cắt hồi sáng, giấy bọc viên kẹo của Arslan và hai nắp hộp sữa mới lấy trong thùng rác. Bà Jakob giựt hết các thứ này từ trên tay Lippel xé nát vụn, vo lại thành một cục rồi ném không thương tiếc vào thùng rác. Bà giận đỏ mặt và hét lớn:

- Xong rồi, bây giờ cậu phải đi rửa tay bằng xà phòng ngay, có nghe không? Chúa ơi, thật là ở dơ quá sức!

Lippel cũng hét to không kém:

- Bác ác quá! Bác đã ném hết mọi thứ của cháu rồi, cả giấy gói kẹo và điểm penny hồi sáng của cháu, những cái đó đâu có dơ! Bác đã làm cháu mất hết ba điểm rồi!

Bà Jakob kéo Lippel đến gần bồn rửa mặt, chậm rãi mở vòi nước bằng hai ngón tay và rửa tay mình trước. Sau đó, bà đẩy tay của Lippel xuống dưới vòi nước một cách rất cẩn thận để không đụng phải những con vi trùng ghê gớm! Sau khi nước chảy một lúc lâu, bà mới có vẻ yên tâm:

- Không thể tưởng tượng có đứa trẻ dơ bẩn đến như thế!

Bà lau khô tay Lippel bằng cái khăn lau chén rồi nói:

- Bây giờ ngồi xuống đây và ăn đi.

Như để xoa dịu Lippel, bà nói thêm:

- Cậu có thể lấy bơ trộn với nui cho dễ ăn.

- Không, cám ơn, cháu không đói.

Lippel thiểu não trả lời rồi đứng lên bỏ về phòng, để bà Jakob ở lại một mình trong nhà bếp. Cậu buông người xuống giường, chắp tay để dưới đầu và nhìn chòng chọc lên trần nhà, trong lòng vẫn còn giận dữ với ý nghĩ: "Ba điểm! Bà ấy đã ném mất ba điểm penny của mính!"

Lippel quyết định chiều nay sẽ thăm bà Jeschke để kể cho bà nghe mọi chuyện. Chắc chắn bà sẽ thông cảm với cậu, vì chính bà cũng sưu tầm điểm penny nên hiểu rất rõ phải đợi bao nhiêu lâu mới có được một trăm điểm!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2013 05:39:39 | Xem tất
Chương 7


BẤT NGỜ


Ý nghĩ sẽ gặp bà Jeschke khiến cho Lippel cảm thấy nguôi ngoai và nỗi bực dọc giảm dần. Bây giờ thì Lippel đâm ra tiếc đã không ăn hết dĩa nui. Cậu trở mình nghiêng qua một bên, chợt cảm thấy hình như chạm phải vật gì ở dưới tấm chăn phủ giường. Lippel chậm rãi giở tấm khăn lên và nhìn thấy một tấm giấy nhỏ nằm trên gối. Cậu mở ra và liếc nhanh qua hàng chữ đầu tiên: "Lippel, con thương yêu của ba má!"

Đó là chữ viết của ba! Vậy là ba muốn trò chuyện với Lippel khi cậu lên giường ngủ! Lippel hồi hộp đọc tiếp:

"Ngày đầu ba má đi vắng, có lẽ con không gặp nhiều khó khăn như đã tưởng, có phải không?"

Lippel lầu bầu: "Giá mà ba biết được...", rồi đọc tiếp:

"Ba đoán là con sẽ tới xem ngay trong cái bình"

Bức thư chấm dứt và không một lời từ giã, Lippel ngạc nhiên ngẫm nghĩ, không biết ba ám chỉ cái bình nào?

Trong phòng chỉ có một cái bình duy nhất để trên kệ ở gần cửa sổ. Lippel nhanh nhẹn nhảy ra khỏi giường, lấy cái bình xuống và nhìn vào bên trong. Hình như ai đó đã dấu ở đáy bình một cuộn giấy nhỏ. Lippel tò mò lấy ra và vuốt thẳng tờ giấy lại. Trên tờ giấy có ghi dòng chữ:

"Ba đã thắng cuộc rồi phải không? Quà "chúc ngủ ngon" nằm trong túi áo tắm của con. Nhưng sau đó phải nhớ đánh răng nhé!"

Lippel gật đầu như vừa nghe ba nói trước mặt, cậu đọc tiếp:

"Ba đố con: tại sao phòng con bữa nay tối hơn bình thường? Chúc ngủ ngon. Ba của con"

Lippel thọc tay vào túi áo tắm và đụng vào một vật gì vuông vức, hơi cứng nhưng rất quen thuộc. Lippel vội rút ra khỏi túi: đó là một thỏi chocolate sữa với đậu phộng, món ăn thích nhất của cậu.

Lippel lột tờ giấy bạc bọc ngoài và bẻ một miếng chocolate bỏ vào miệng. Sau đó cậu thoải mái ngã người xuống giường, mọi bực dọc đều tan hết. Lippel nhớ lại trong tờ giấy ba có nhắc tới việc căn phòng bị tối, không biết với ý gì?

Căn phòng vẫn sáng sủa như mọi ngày. Lippel nghỉ ngợi: "Đúng ra mình nhận giấy này vào ban đêm trước khi đi ngủ. Lúc đó thì trời đã tối nên phải bậc đèn". Cây đèn trần trong phòng có hình dạng như cái rổ, Lippel nhìn thấy bên trong có chứa cái gì đen đen hình vuông, cậu nhìn thấy rõ ràng một vệt đen in trên bóng đèn. Lippel bèn kéo bàn học đến dưới chỗ cái đèn rồi leo lên bàn, với tay lấy món quà ai đã dấu ở đó.

Thì ra là một quyển sách loại bỏ túi có tựa đề: "Truyện ngàn lẻ một đêm". Bìa sách in hình nhiều người đàn ông ăn mặc theo lối người Trung đông đang săn bắn. Lippel trở về giường, bẻ một miếng sô cô la thật lớn bỏ vào miệng rồi mở quyển sách ra. Phía trong có một miếng giấy nhỏ với nét chữ của mẹ: "Con yêu của mẹ! Đây là quyển sách mẹ mua cho con. Mẹ đã tìm rất lâu mới gặp được cuốn sách nói về xứ ngàn lẻ một đêm. Mẹ hy vọng con thích nó, nhưng con phải hứa với mẹ là nửa giờ sau phải tắt đèn đi ngủ nhé!"

Lippel cười sung sướng và nói thầm: "Dĩ nhiên rồi, xin tuân lệnh! Con xin hứa". Cậu dự định sau khi tắt đèn xong sẽ lên giường đọc sách cho đến tối. Lippel đọc tiếp bức thư:

"Con yêu của mẹ, chúc con ngủ ngon. Gởi con một ngàn lẻ một cái hôn. Mẹ của con!"

Lippel kẹp miếng giấy nhỏ vào trang cuối cuốn sách, bỏ thêm vào miệng một miếng chocolate rồi lật vài trang sách. Cuốn sách gồm nhiều câu chuyện ngắn do một bà tên Sherezad kể. Điều lạ lùng là bà chỉ bắt đầu kể vào đêm khuya và truyện nào cũng có câu:"Khi bà Sherezad biết trời gần sáng thì ngưng lại không kể tiếp" và một câu nữa như "Bà kể đến hồi thứ 520..." hoặc " hồi thứ 570...".

Nhiều truyện có tựa đề rất hấp dẫn, chẳng hạn như "Nữ hoàng rắn", "Mánh khóe đàn bà" hay " Vua và hoàng tử". Lippel do dự không biết nên đọc truyện nào trước và cuối cùng quyết định đọc truyện "Nữ hoàng rắn". Cậu lấy thêm một miếng chocalate bỏ vào miệng nhai và bắt đầu đọc. Mới được vài trang thì cửa phòng bỗng bật tung và bà Jakob hiện ra ở cửa. Nhìn thấy Lippel đang nhai chocolate, bà kêu lên giận dữ:

- Thật quá đáng!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2013 05:55:54 | Xem tất
Chương 9


- Bây giờ tôi mới biết tại sao cậu không đói! Té ra cậu không thích sốt cà chua, chê xà lách ngọt, không chịu ăn nui mặn bởi vì cậu đã có sô cô la!

Lippel chưa kịp phản ứng, bà đã nói tiếp với giọng bất bình:

- Người ta không thèm ăn trưa, trong khi tôi phải cất công đứng cả tiếng đồng hồ để nấu nướng.

Lippel để quyển sách sang một bên và ngồi dậy, khó chịu vì có cảm giác mình như một tên trộm bị bắt quả tang. Thật ra món sô cô la này là để dành cho tối nay, nhưng cậu khó lòng giải thích rõ ràng cho bà Jakob hiểu. Bà Jakob với tay tắt ngọn đèn và hạch hỏi:

- Tại sao cậu lại bật đèn vào ban ngày? Trời sáng trưng mà sao lại phải tốn điện?

- Cháu cũng định tắt đèn sau một lát nữa. Cháu đã hứa chắc rồi.

- Hứa chuyện gì?

- Cháu hứa sẽ tắt đèn đi ngủ sau nửa tiếng đồng hồ.

Bà Jakob tức giận:

- Cậu định giễu tôi có phải không? Này cậu, tôi đến đây với ý định tốt, mặc dù ba má cậu trả tiền - cũng không nhiều lắm đâu - nhưng tôi không chấp nhận việc để cho đứa nhỏ được nuông chiều như cậu coi thường đâu. Cậu đưa quyển sách đây. Và ngồi vào bàn học ngay. Tôi đã hứa với ba má cậu là phải nhắc nhở cậu làm bài tập. Tôi phải làm đúng lời hứa, cậu hiểu không?

- Cháu cũng đâu có nói láo! Cháu muốn nói là...

Bà Jakob chận lời:

- Không được nói nữa. Đứng dậy và đưa quyển sách cho tôi.

- Xin cho cháu giữ quyển sách lại, cháu hứa sẽ không đọc nữa đâu. Cháu để nó dưới gối nhé!

- Thôi được. Hôm nay cậu phải làm bài tập gì?

- Toán và Đức ngữ.

- Vậy bắt đầu đi.

Lippel nhảy xuống giường đến bên bàn học, mở cặp táp ra tìm quyển sách toán. Bà Jakob đứng kế bên nhìn Lippel lật sách ra và bắt đầu làm toán.

- Tôi sẽ đến xem kết quả sau.

Nói xong, bà Jakob rời khỏi phòng. Giải xong hai bài toán, Lippel bỏ viết rón rén đến bên cửa và lắng tai nghe ngóng. Không một tiếng động. Lippel nhè nhẹ mở cửa nhìn xuống nhà dưới và thấy bà Jakob đang nói chuyện điện thọai trong phòng khách. Cậu lấy quyển sách giấu dưới mền ra đem tới bàn học.

Cậu nghĩ có lẽ truyện "Mánh khóe đàn bà" hợp với bà Jakob hơn là truyện " Nữ hoàng rắn", mặc dù cậu không hiểu rõ "mánh khóe" là gì, nhưng chắc hẳn là cái gì đó không tốt. Cậu bèn lật đến câu chuyện thứ 587 và bắt đầu đọc.

"Ngày xưa, có một ông vua ở xứ nọ là người nổi tiếng có quyền uy, giàu có và rất nhiều quân hầu. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng ông chưa có con trai để nối dõi. Và rồi..."

Thình lình cửa phòng lại mở ra và bà Jakob bước vào. Lippel lập tức nhét quyển sách vào cặp. Nhưng đã quá trễ! Bà Jakob đứng chống nạnh trước cửa, gật gù vài lần như đã chờ đợi điều này từ lâu và nói giọng đe dọa:

- Thì ra lòng tin của tôi được trả như vậy đó.

Sau đó, bà đưa tay ra và nói giọng cụt ngủn:

- Quyển sách đâu?

Lippel tiu nghỉu từ từ rút quyển sách trong cặp ra đưa cho bà. Bà Jakob bặm môi lấy quyển sách kẹp dưới nách rồi quay ra:

- Ngày hôm nay cậu không được đọc thêm một dòng nào nữa.

Lippel rụt rè:

- Tối nay cũng không được sao? Khi cháu đã làm xong bài tập?

- Tối nay cũng không được!

Bà Jakob trả lời một cách cương quyết và bước ra khỏi phòng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2013 06:14:48 | Xem tất
Chương 10


CHỖ ĐỌC SÁCH BỊ PHÁM PHÁ


Vào bữa ăn tối, Lippel ăn bốn miếng bánh mì, nhiều hơn mọi khi để tỏ thiện chí với hi vọng bà Jakob sẽ trả lại quyển sách. Bà Jakob tỏ ra thỏa mãn. Sau bữa ăn, trong khi Lippel lau chén dĩa thì bà nói một cách hài lòng:

- Mặc dù hồi chiều đã xảy ra vài chuyện không hay nhưng tôi có thể bỏ qua. Tối nay coi bộ cậu ăn vừa miệng phải không?

Lippel quả quyết là thức ăn rất ngon và nghĩ cơ hội tốt đã đến nên hỏi thử:

- Cháu xin lại cuốn sách được không? Cháu chỉ đọc nửa tiếng thôi.

- À, thì ra cậu chịu khó ăn là vì vậy? Không, không được. Điều gì tôi đã nói thì không thay đổi được. Ngày mai, nếu cậu làm xong bài tập thì sẽ được phép đọc.

- Vậy cháu phải lên giường ngay bây giờ sao? Mới bảy giờ tối thôi mà.

- Cậu được phép xem truyền hình đến tám giờ và sau đó đi ngủ.

Nói xong bà đi thẳng vô phòng khách, Lippel cùng vào với bà và ngồi xem truyền hình. Bà Jakob chăm chú theo dõi chương trình phóng sự "Đất nước" đang chiếu cảnh sông núi thơ mộng, còn Lippel thì không thích thú lắm ngồi nghĩ vẩn vơ. Thật ra cậu không phải không thích cảnh núi rừng, nhưng cậu thích được leo núi hơn là ngồi nhà xem phim. Đang buồn nản ngó quanh, thình lình Lippel khám phá ra chỗ giấu quyển sách: Nó nằm trên đầu tủ ngay trong phòng khách.

Thế là sự buồn nản biến mất, Lippel suy nghĩ phương cách lấy lại quyển sách: Việc đầu tiên là phải dụ bà Jakob rời khỏi phòng. Nhưng bằng cách nào đây? Trong khi cậu còn đang nặn óc tìm lời giải thì nó đã tự đến. Bà Jakob hỏi Lippel:

- Ở nhà cháu có đậu phộng, bánh mặn hay thứ gì tương tự không?

Lippel nhanh nhẩu trả lời:

- Dạ có. Trong tủ nhà bếp, ở ngăn trên bên phải.

Cậu hồi hộp chờ xem bà tự đi lấy hay sai mình thì bà Jakob đã đứng dậy đi vào nhà bếp. Lippel nhón gót chạy nhanh đến tủ với lấy cuốn sách giấu vào trong áo. Khi bà Jakob quay trở lại, cậu đã ngồi yên trên ghế như không có chuyện gì xảy ra. Tuy giữ vẻ ngoài bình tĩnh, nhưng thật ra bên trong tim cậu đập liên hồi vì lo sợ bị khám phá. Nhưng bà Jakob không hề hay biết gì và tiếp tục xem truyền hình.

Lippel chịu khó ngồi đến 8 giờ tối, cậu không dám tỏ ra vẻ mong muốn đi ngủ sớm vì trẻ con mà tự động đi ngủ thì dễ bị nghi ngờ. Cậu lại còn làm ra vẻ phản đối khi bà Jakob bảo đi ngủ. Bà nói với giọng cứng rắn:

- Không được cãi lại, mau đi vô phòng tắm,rửa mặt sạch sẽ, sau đó lên giường. Mười lăm phút sau tôi sẽ đến xem cậu có nằm trên giường thật không.

Lippel từ từ đứng dậy ra bộ miễn cưỡng, mặc dù thâm tâm cậu chỉ muốn chạy thật nhanh lên lầu. Mười lăm phút sau, bà Jakob đến phòng của Lippel. Lúc đó cậu đã rửa mặt đánh răng xong, đang nằm trên giường và chào bà:

- Chúc bác ngủ ngon.

- Chúc ngủ ngon. Hẹn sáng mai.

Nói xong, bà tắt đèn và nhẹ nhàng rời khỏi phòng. Lippel đợi khoảng mười lăm phút mới xuống giường, rút quyển sách giấu dưới gối và bước nhẹ đến cửa, rón rén rời khỏi phòng. Cậu cẩn thận đóng cửa lại và đi nhanh đến gầm cầu thang.

Sau khi khép cửa căn hầm, cậu vặn đèn lên, ngồi thoải mái trên chiếc thuyền cao su, với lấy chai nước ngọt trong thùng kế bên, uống một hớp rồi bắt đầu đọc truyện.

Cậu đọc lại từ đầu câu chuyện của "Một ông vua thích con trai":

"Nhà vua cầu xin Thánh A La ban cho ông một đứa con trai để nối dõi. Có lẽ Thánh A La đã động lòng nên ban cho ông một đứa con trai như sở nguyện. Hoàng hậu hạ sanh một bé trai có gương mặt đẹp như sao băng..."

Đọc đến đây Lippel ngừng lại để nghe ngóng: hình như có tiếng động ở bên ngoài. Nhưng cậu nghĩ rằng có lẽ mình nghe lầm. Nếu bà Jakob muốn kiểm tra, đứng ở dưới nhà ngó lên thấy phòng Lippel tối om sẽ nghĩ rằng cậu đã ngủ. Lippel yên tâm và tiếp tục đọc:

"Cậu bé lớn mau như thổi. Khi cậu vừa được năm tuổi, Đức vua cho mời nhà thông thái Sinh Bá đến và giao cậu cho ông dạy dỗ. Khi lên mười, cậu bé đã trở thành một người rất khôn ngoan và bản lĩnh khó ai sánh nỗi. Sau đó, nhà vua cho đoàn hầu cận đón hoàng tử về cung để luyện tập võ nghệ. Vào một ngày kia, nhà thông thái Sinh Bá xem thiên văn thấy có điềm chẳng lành cho hoàng tử trẻ tuổi. Ông bèn yêu cầu trong bẩy ngày tới, hoàng tử phải hoàn toàn giữ im lặng, nếu không sẽ không bảo toàn được tánh mạng. Bắt đầu từ hôm đó, hoàng tử một mực ngậm miệng không nói gì cả. Vua cho nghe tin con mình bỗng nhiên không nói chuyện nữa nên cho triệu đến hỏi rõ lí do nhưng hoàng tử vẫn giữ im lặng. Vua ra lệng cho ngự y đến chữa trị..."

Đúng lúc đó cửa cầu thang bị mở tung ra và bà Jakob hiện ra trước mặt Lippel.

- Cậu ngồi đây à? Cậu làm gì vậy? Tôi đi tìm cậu khắp nhà, tôi tưởng...

Nhìn thấy quyển sách trên tay Lippel, bà khám phá ra sự thật:

- Hèn chi! Tôi hiểu rồi. Cậu lấy quyển sách rồi trốn ra đây. Thật quá sức! Cậu làm tôi hết hồn hết vía. Nếu cậu là con tôi, tôi sẽ...

Bà giơ tay lên như muốn tát vào mặt Lippel nhưng vội ngưng ngay lại và đưa bàn tay ra:

- Đưa cuốn sách đây. Và lên giường ngay!

Lippel buồn rầu đưa quyển sách cho bà, lách qua khỏi cửa đi thẳng một mạch về phòng và leo lên giường nằm. Bà Jakob đi theo đến phòng nhưng không phải để chúc ngủ ngon:

- Tôi nói cho cậu biết, cậu sẽ không lấy lại cuốn sách này nữa cho đến khi ba má cậu về. Ba má cậu muốn giải quyết cuốn sách ra sao thì tuỳ ý, nhưng với tôi thì cậu đừng hòng xin lại nữa.

Bà Jakob đóng mạnh cửa để Lippel ở lại một mình trong phòng. Nằm trên giường, cậu cảm thấy rất khổ sở. "Bà Jakob đang giận, chắc chắn sẽ không chịu nghe mình giải thích và sẽ không chịu trả lại cuốn sách, cho dù mình ráng đợi đến mai hay mốt đi chăng nữa". Lippel nằm suy nghĩ và tin rằng, thế nào bà cũng sẽ giấu quyển sách thật kĩ để cậu không tìm ra.

Lippel ao ước muốn biết tiếp về câu chuyện cậu hoàng tử câm. Không biết cậu ta có giữ được không nói suốt cả tuần lễ hay không? Cậu mong muốn nằm mơ để được biết thêm câu chuyện diễn tiến như thế nào? Cậu tin rằng mình sẽ làm được, nếu từ bây giờ cho tới khi đi ngủ chỉ nghĩ đến câu chuyện này mà không nghĩ chuyện gì khác. Nhưng điều đó quả không phải dễ, bởi nhiều chuyện liên tục cứ trôi vào đầu óc cậu.

Cậu nghĩ về bà Jakob, về ba má, đến hai người bạn mới trong lớp, cho đến lúc cậu chìm sau vào giấc ngủ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách