Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 3940|Trả lời: 22
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Cây Phong Non Trùm Khăn Đỏ | Chingiz Aitmatov

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả
Cây Phong non trùm khăn đỏ




Tên tác phẩm : Cây Phong non trùm khăn đỏ
Tên tác giả : Chingiz Aitmatov
Thể loại : Tiểu thuyết
Tình trạng : Hoàn Thành
Nguồn : tự type


Lời giới thiệu:

Những truyện ngắn của Nga luôn có điều gì đó rất nhẹ nhàng và sâu lắng
Như việc nhẩn nha một tách trà hoa cho ngày gió mùa
" Cây phong non trùm khăn đỏ" là một trong những tách trà dịu êm và thơm nhẹ như thế. Nhưng càng "uống" càng thấy vị đậm đà và say mê ....
Một chuyện tình mang đậm phong cách đồi núi và thảo nguyên miền Kirgistan hùng vĩ, buồn man mác, nhưng ngọt ngào và mãnh liệt.
Đó là sự giằng co của nội tâm khi đứng trước những quyết định, đó là sự đau đáu và đầy khao khát của trái tim những người yêu nhau
Đọc " Cây phong non" để trải lòng mình hơn với sự phóng khoáng tự do bạt ngàn của núi rừng vùng Kirgistan, để biết tin biết yêu và trân trọng những khoảnh khắc đi qua...

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 21:31:12 | Chỉ xem của tác giả
Thay cho lời dẫn

Nghề làm báo đã nhiều lần đưa tôi lên vùng Thiên Sơn, lên những bản làng xa xôi của xứ Kirghizia. Có lần vào mùa xuân tôi đang ở tỉnh lỵ Narưn thì có lệnh khẩn gọi tôi về toà báo. Loay hoay thế nào mà đến bến ô tô thì chuyến xe vừa đi được mấy phút. Muốn đi chuyến sau phải đợi khoảng năm tiếng nữa. Không còn cách gì khác hơn là cố đón đường một chiếc xe nào đi ngang để xin ngồi nhờ. Tôi liền ra đứng chực trên đường cái ở ngoại thị trấn.

Đến một chỗ rẽ ngoặt thì thấy chiếc xe tải đỗ bên cột xăng. Người lái xe lấy xăng xong, đang vặn nắp bình chứa lại. Tôi mừng quá. Trên tấm kính trước buồng lái có đề S. U – Soviet Union – dấu hiệu của các xe liên vận quốc tế. Thế nghĩa là xe này đang từ Trung Quốc về Rưbatsiê, nơi đặt trạm xe liên vận, đến đấy thì tha hồ muốn về Frunze lúc nào cũng được.

- Anh sắp đi chưa... Anh làm ơn cho tôi ngồi nhờ về Rưbatsiê nhé! - Tôi hỏi người lái xe.

Anh ta ngoảnh đầu lại, liếc mắt nhìn qua vai, rồi đứng thẳng người dậy nói, giọng điềm nhiên:

- Không được, agai (1) ạ.

- Anh cố cho đi nhờ một tí! Tôi có việc gấp phải về Frunze ngay.

Người lái xe lại liếc nhìn tôi, vẻ mặt lầm lầm.

- Tôi hiểu, nhưng xin agai đừng giận. Tôi không cho ai đi nhờ hết.

Tôi thấy lạ quá. Buồng lái còn chỗ, cho tôi đi nhờ thì có mất gì...

- Tôi là nhà báo. Tôi có việc vội lắm. Anh muốn bao nhiêu tôi cũng xin trả...

- Đây không phải chuyện tiền nong đâu agai ạ! - Người lái xe xẵng giọng ngắt lời tôi và giận dữ lấy chân đạp vào bánh xe - Phải khi khác tôi sẽ cho agai đi không. Chứ bây giờ thì... không được. Agai đừng giận. Chỉ lát nữa, còn có nhiều xe chỗ chúng tôi về lắm, agai muốn lên xe nào thì lên, chứ tôi thì xin chịu...

Tôi nghĩ bụng chắc anh ta định đón ai ở dọc đường.

- Thế tôi ngồi sau thùng xe vậy.

- Cũng thế thôi, không được đâu... agai bỏ qua cho tôi...

Người lái xe xem đồng hồ và hấp tấp lên xe.

Lòng hết sức băn khoăn, tôi nhún vai và bỡ ngỡ đưa mắt nhìn người giữ cột bơm xăng, một người đàn bà Nga đứng tuổi, nãy giờ vẫn im lặng ngồi sau cửa ghi - sê theo dõi chúng tôi. Bà ta lắc đầu ý muốn bảo tôi đừng nài nữa. Lạ thật.

Người lái xe leo lên buồng lái, đút một điếu thuốc lá chưa châm vào mồm và mở máy. Trông anh ta hãy còn trẻ, tuổi trạc ba mươi, người cao lớn, hơi gù. Tôi còn nhớ mãi hai cánh tay to, rắn chắc, cầm chặt tay lái và đôi mi mắt mệt mỏi hạ thấp xuống. Trước khi cho xe chuyển bánh anh đưa tay lên vuốt mặt, buông một tiếng thở dài nặng trĩu, và đưa đôi mắt lo âu trông rất khác thường nhìn con đường dẫn vào rặng núi phía trước mặt. Chiếc xe chạy đi.

Người giữ cột bơm xăng rời trạm bước ra. Hình như bà ta muốn an ủi tôi:

- Đồng chí đừng lo, sắp có xe bây giờ đấy.

Tôi lặng thinh.

- Cậu ấy đang có chuyện buồn... câu chuyện dài lắm... Dạo trước cậu ấy ở chỗ chúng tôi, trên trạm chuyển tải...

Tôi không kịp nghe hết câu chuyện của người giữ trạm xăng: một chiếc “Pôbêđa” vừa tới. Mãi hồi lâu, xe chúng tôi mới đuổi kịp chiếc xe tải, gần sát đèo Độ Long. Chiếc xe tải phóng rất nhanh, có lẽ ngay những tay lái xe lão luyện ở vùng Thiên Sơn cũng không được phép phóng như vậy. Không giảm tốc độ Ở những chỗ ngoặt, chiếc xe gầm gừ lao sát chân những vách đá cheo leo, phóng thẳng lên dốc rồi đâm bổ xuống như ngụp vào lòng đường, rồi lại nhô lên ở phía trước, tấm vải bạt bay phần phật quất vào hai thành xe. Tuy vậy chiếc Pôbêđa cũng vẫn đuổi kịp và bắt đầu vượt lên. Tôi ngoảnh lại: người đâu mà liều lĩnh, đi đâu mà phóng bạt mạng thế... Vừa lúc ấy mưa đổ xuống như trút, xen lẫn cả mưa đá, như vẫn thường thấy ở các quãng đèo. Sau làn mưa đá vạch thành từng đường chênh chếch, trên cửa kính thấp thoáng khuôn mặt gân guốc của người lái xe, răng cắn chặt điếu thuốc lá. Hai bàn tay anh ta lướt nhanh trên vô lăng, bẻ lái với những động tác rộng và đột ngột. Trong buồng lái cũng như sau thùng xe không thấy có ai cả. Từ Narưn trở về được ít lâu, tôi lại được cử đi công tác ở miền Nam xứ Kirghizia đến tỉnh Osơ. Xưa nay cái nghề làm báo bắt chúng tôi khi nào cũng phải vội vàng. Tôi đâm bổ ra ga đúng vào lúc tàu sắp chuyển bánh đến nơi; nhảy xổ lên toa, tôi chưa kịp để ý đến một người hành khách đang ngồi quay mặt ra cửa sổ. Mãi đến khi tàu chạy đã nhanh, anh ta vẫn không ngoảnh lại.

Loa phóng thanh mở nhạc: tiếng đàn komuyz (2) đang chơi một điệu quen thuộc. Đó là bài dân ca Kirghizia. Nghe điệu nhạc này bao giờ tôi cũng tưởng tượng đó là tiếng hát của một người cưỡi ngựa giong ruổi một mình trên thảo nguyên khi chiều xuống. Đường thì xa, thảo nguyên thì rộng, người ấy có thể nghĩ ngợi miên man và hát khe khẽ. Hát về những cảm xúc đang chứa chất trong lòng. Thiếu gì cảm nghĩ khi người ta một mình một bóng giữa cảnh tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng vó ngựa lóc cóc. Dây đàn khẽ thầm thì như tiếng nước chảy trên lớp sỏi nhẵn bõng và trắng trẻo ở đáy lòng kênh. Tiếng đàn komuyz hát rằng chỉ lát nữa vầng dương sẽ lấp sau rặng đồi, một làn gió xanh mát rượi sẽ êm lặng lướt trên mặt đất, những bụi cỏ phơi biêng biếc và những bụi ngải đắng lá vàng mọc bên con đường đất nâu thẫm sẽ đung đưa, tung phấn bay theo gió. Thảo nguyên sẽ lắng nghe chàng kỵ mã, sẽ nghĩ ngợi và hoà giọng hát theo chàng...

Có lẽ xưa kia đã có một chàng kỵ mã ruổi ngựa qua chốn này... Có lẽ ánh chiều tà cũng lụi dần sau chân trời thảo nguyên xa tắp, ngả dần sang màu cỏ úa và có lẽ cũng như bây giờ, tuyết trên đỉnh núi đón nhận những tia cuối cùng của ánh tà dương, cũng ửng hồng lên rồi tối sầm lại trong chốc lát...

Bên ngoài cửa kính những mảnh vườn, những thửa ruộng nho, những bãi ngô lúp xúp màu xanh thẫm vun vút lướt qua. Một chiếc xe giàn thắng hai ngựa chở cỏ linh lăng mới cắt chạy đến chỗ đường xe lửa cắt ngang xa lộ và dừng lại trước rào chắn. Một chú bé da rám nắng, mình mặc chiếc áo mayô thủng bạc màu, quần xắn lên tận bẹn, đứng nhổm người trên chiếc xe để xem tàu hoả, miệng mỉm cười, giơ tay vẫy ai đó. Điệu nhạc hoà lẫn với nhịp bánh xe lăn một cách êm lạ lùng. Thay cho tiếng vó ngựa đã có tiếng bánh xe hoa... dằn xuống những chỗ nối đường ray. Người bạn cùng toa của tôi ngồi tựa khuỷu tay lên chiếc bàn con. Tôi mường tượng như anh ta cũng đang thầm hát bài ca của chàng kỵ mã cô độc. Không biết anh ta đang buồn hay mơ màng nghĩ ngợi, chỉ thấy nét mặt anh có cái gì chua xót như một nỗi buồn không thể nào khuây khoả. Anh mải suy nghĩ miên man đến nỗi không biết có tôi ngồi bên cạnh. Tôi cố thử nhìn rõ mặt anh. Tôi đã gặp người này ở đâu nhỉ... Ngay đôi tay trông cũng quen quen: đôi tay đen xạm, ngón dài và gân guốc.

Và tôi bỗng sực nhớ ra: đó chính là người lái xe không cho tôi đi nhờ. Biết thế, tôi yên tâm, không muốn biết gì thêm nữa. Tôi lấy một quyển sách ra đọc. Việc gì lại đi nhắc nhở chuyện cũ... Chắc hẳn anh ta đã quên tôi từ lâu. Những cuộc gặp gỡ tình cờ của một người lái xe trên đường trường có phải ít đâu...

Chúng tôi cứ ngồi như thế một lát nữa, mỗi người bận tâm một nẻo. Bên ngoài cửa sổ, trời bắt đầu sầm tối. Người bạn đồng hành của tôi nảy ra ý châm thuốc hút. Anh ta rút một điếu, thở phào rõ dài trước khi quẹt diêm châm thuốc. Rồi ngẩng đầu lên, anh ta bỡ ngỡ nhìn tôi và bỗng đỏ mặt. Anh ta đã nhận ra.

- Chào agai! - Anh nói, miệng mỉm cười ngượng nghịu như người có lỗi.

Tôi chìa tay ra.

- Anh đi đâu xa không...

- Vâng... xa! - Anh thong thả thở khói ra, rồi nói tiếp sau một lát im lặng - Đi Pamir.

- Đi Pamir à... Thế thì cùng đường rồi: tôi đi Osợ.. Anh đi nghỉ à... Hay thuyên chuyển công tác... - Ồ... gần như thế... agai hút thuốc nhé...

Chúng tôi cùng im lặng ngồi hút thuốc. Hình như chẳng còn chuyện gì mà nói nữa. Người bạn đường của tôi lại trầm ngâm. Anh cúi đầu, người lắc lư theo nhịp bánh xe. Tôi có cảm giác anh đã thay đổi rất nhiều kể từ dạo nọ. Anh đã gầy đi, mặt hốc hác, trên trán có ba đường hằn sâu. Đôi mày giao nhau ở phía trên sống mũi như hắt bóng tối xuống gương mặt anh. Chợt anh buồn rầu cười nhạt và hỏi:

- Chắc hôm ấy agai giận tôi lắm phải không...

- Hôm nào, tôi không nhớ... - Tôi không muốn anh ta phải ngượng với tôi. Nhưng trong khoé mắt anh có một niềm hối hận chân thành đến nỗi tôi đành phải nhận - A à... dạo ấy, phải... chuyện vặt ấy mà. Tôi cũng quên rồi. Thiếu gì chuyện xảy ra dọc đường. Ra anh vẫn nhớ kia à.

- Giá phải hôm khác thì có thể tôi quên, nhưng hôm ấy...

- Hôm ấy có chuyện gì... Xảy ra tai nạn chăng...

- Kể ra thì chẳng có tai nạn gì, đây là chuyện khác... - Anh ấp úng, cố tìm cách diễn đạt, nhưng rồi lại cất tiếng cười miễn cưỡng - Giá phải bây giờ thì agai muốn đi đâu tôi cũng xin chở, chỉ hiềm một nỗi lúc này tôi cũng chỉ là hành khách...

- Không sao, ngựa cũng lắm khi dẫm lại vết cũ, có lẽ sau này ta sẽ còn gặp nhau...

- Cố nhiên. Nếu gặp nhau, tôi sẽ tự lôi agai vào buồng lái! - Anh vừa nói vừa gật đầu.

- Ấy, cứ thế nhé... - Tôi nói đùa.

- Tôi xin hứa như vậy, agai ạ! - Anh ta đáp, có vẻ vui lên.

- Thế nhưng này, hôm ấy tại sao anh không cho tôi đi với...

- Tại sao à... - Anh ta nhắc lại, mặt lập tức sa sầm. Anh im lặng một lát, mắt nhìn xuống, khom người trên điếu thuốc lá rít lấy rít để từng hơi dài. Tôi hiểu ra rằng đáng lẽ không nên hỏi câu đó và đâm ra luống cuống, không biết làm thế nào để chữa lại. Anh dụi tắt mẩu thuốc lá vào cái gạt tàn và chật vật lắm mới thốt lên được:

- Tôi không để agai lên được... Hôm ấy tôi phải cho thằng con nó đị.. nó đang đợi tôi...

- Con trai anh à... - Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Số là thế này... agai a... Biết nói thế nào cho agai rõ đây... - Anh ta lại châm thuốc hút, cố trấn áp nỗi xúc động, rồi bỗng nhiên nhìn thẳng vào mặt tôi, vẻ nghiêm trang và rắn rỏi, anh bắt đầu kể chuyện mình.

Thế là tôi được nghe câu chuyện của anh lái xe.

Thời gian hãy còn nhiều: gần hai ngày hai đêm xe hoa... mới đến Osơ. Tôi không giục giã, không hỏi xen vào câu chuyện của anh: tốt hơn là cứ để cho người ta tự kể hết, sống lại dĩ vãng một lần nữa, suy nghĩ lại, đôi khi mới nói dở câu đã im bặt. Nhưng tôi đã phải cố sức dằn lòng mới khỏi xen vào câu chuyện anh kể, bởi vì do tình cờ và cũng do cái nghề nhà báo luôn nay đây mai đó của tôi, tôi đã có dịp biết ít nhiều về bản thân người lái xe ấy và về những con người mà anh đã gặp trên bước đường đời. Lẽ ra tôi có thể bổ sung thêm câu chuyện của anh ta và cắt nghĩa cho anh hiểu nhiều việc, nhưng tôi đã quyết định nghe anh kể cho hết rồi mới nói. Về sau tôi nghĩ là không cần nói gì cả và tôi cho rằng làm như thế là phải. Các bạn hãy nghe chính các nhân vật của câu chuyện này tự kể lấy.





(1) agai: “ông anh” - một cách gọi những người lớn tuổi hơn, có ý kính trọng.
(2) komuyz: Nhạc cụ dân gian Kirghizin.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 21:37:13 | Chỉ xem của tác giả
Chương 1: Câu chuyện của người lái xe



... Tất cả những việc đó bắt đầu một cách thật bất ngờ. Dạo ấy tôi ở bộ đội về. Tôi ở một đơn vị cơ giới hoá, trước đây đã học hết lớp mười và cũng đã từng lái xe. Tôi là một đứa trẻ mồ côi được nuôi trong cô nhi viện. Bạn tôi là Alibêk Gianturin phục viên trước tôi một năm, cậu ấy làm trạm xe hơi Rưbatsiê. Ấy, cho nên tôi cũng về đấy luôn thể. Hai đứa chúng tôi xưa nay vẫn mơ ước được đến vùng Thiên Sơn hay vùng Pamir. Anh em đón tiếp tôi rất ân cần. Họ thu xếp cho tôi ở trong nhà tập thể. Họ lại giao cho tôi một chiếc ZIL gần mới toanh không có lấy một chỗ móp... Cần phải nói rằng tôi yêu quý chiếc xe của tôi như yêu quý người thân. Tôi nâng niu nó. Chiếc xe thuộc một đợt sản xuất rất cừ. Máy khoẻ lắm. Quả tình cũng chưa bao giờ phải chở hết trọng tải cả. Anh cũng biết đường sá ở đây thế nào: đường Thiên Sơn là một trong những con đường ô tô cao và hiểm trở nhất thế giới, vượt bao nhiêu là đỉnh núi, vực thẳm, đèo cao. Nước trong núi thì tha hồ, nhưng cũng phải mang sẵn theo luôn. Chắc có khi agai cũng thường để ý thấy cái săm đựng đầy nước treo lủng lẳng trên giá gỗ đóng phía trước thùng xe; vì trên những đoạn đường uốn chữ chi máy nóng lên rất dữ. Mà hàng chở thì chẳng nặng mấy. Lúc đầu tôi cũng suy tính mãi, cố bới óc nghĩ cách làm thế nào chở được nhiều hơn. Nhưng rồi cũng thấy hình như không có cách nào thay đổi cải tiến gì hết. Đường núi vẫn là đường núi, chịu thôi. Tôi rất bằng lòng với công việc. Vùng này tôi cũng rất thích. Trạm xe hơi đặt ở sát bờ hồ Ixứckun. Những khi có khách du lịch ngoại quốc đều đứng ngẩn người ra ngắm cảnh hồ, tôi thấy tự hào quá; đấy, các ông xem hồ Ixứckun của chúng tôi thế nào! Cứ thử tìm cho ra một nơi nào đẹp như thế xem...

Những ngày đầu chỉ có một điều khiến tôi bực mình. Hồi ấy vào mùa xuân, việc thì cứ bấn lên, sau Hội nghị toàn thể của Trung ương vào tháng Chín, các nông trang đang vươn lên. Họ bắt tay vào làm rất hăng, mà máy móc lại ít. Trạm chúng tôi thường cử một số xe đến giúp các nông trang. Nhất là những tay mới vào làm việc thì cứ phải xuống nông trang mãi, tôi cũng thế. Vừa mới quen quen những chuyến đi ngoại vận một cái, là lại bị điều về các thôn xóm. Tôi cũng hiểu đây là một việc quan trọng, không làm không được, nhưng dù sao vẫn là thợ lái xe, tôi thương xe lắm, tôi sốt ruột như thể không phải xe mà chính tôi phải lăn lóc nghiêng ngả trên các ổ gà và ngập ngụa trong lớp bùn ở các nẻo đường làng lầy lội. Đường quỷ quái thế kia thì nằm chiêm bao cũng chẳng thấy... Ấy thế, có lần tôi về nông trang chở ngói đá đen lớp một chuồng bò đang xây dựng. Làng này nằm ven chân núi, đường vào làng đi qua một cánh thảo nguyên. Công việc trôi chảy cả, đường đã khô khô, chỉ còn một quãng nữa là vào đến làng, ấy thế mà đi qua một con mương dẫn nước, xe bỗng lún bánh xuống. Đường ở quãng này bị các thứ xe xéo nát ra từ đầu mùa xuân đến nay, đến nỗi một con lạc đà có sa xuống đây cũng đố ai tìm cho ra được. Tôi cho xe thụt lui, thụt tới, xoay xở đủ cách vẫn chả ăn thua gì. Đất như hút chặt chiếc xe xuống, bám riết lấy nó như đôi gọng kìm. Tệ hơn nữa, trong khi bực mình tôi đã vặn vôlăng quá đà bị mắc kẹt không sao trả lại được nữa, đành phải bò xuống gầm xe mà chữa... Tôi nằm ngửa dưới gầm xe, bùn lấm bê bết, mồ hôi đầm đìa, không ngớt mồm nguyền rủa đoạn đường khốn nạn. Chợt nghe có tiếng ai bước lại. Ở dưới gầm xe tôi chỉ trông thấy một đôi ủng cao su. Đôi ủng bước lại gần, dừng lại trước xe và đứng yên. Tôi cáu tiết lên: quỷ quái ở đâu đến đây, đứng nhìn cái gì thế không biết, tưởng đây là trò xiếc chắc...

- Này đi đi, đừng có đứng ám người ta! - Tôi nằm dưới gầm xe quát lên. Tôi thoáng trông thấy một vạt áo váy hơi cũ, lấm bùn. Chắc hẳn một bà già nào đang đợi tôi chữa xong để xin đi nhờ về làng.

- Thôi đi đi, bà cụ Ơi! - Tôi lại nói - Còn lâu mới chữa xong, không đợi được đâu...

Người kia đáp:

- Nhưng tôi không phải là bà cụ.

Giọng nói ngập ngừng, nghe như cố nhịn cười.

- Thế thì là ai... - Tôi lấy làm lạ.

- Một người con gái.

- Con gái... - Tôi liếc nhìn đôi ủng, rồi hỏi thâm để trêu chơi - Thế có đẹp không đấy...

Đôi ủng dẫm mấy cái tại chỗ rồi bước sang một bên, định bỏ đi. Tôi liền vội vã bò từ gầm xe ra. Quả nhiên đó là một cô gái mảnh dẻ, đôi mày nhíu lại một cách nghiêm nghị, đầu trùm khăn đỏ, vai khoác chiếc áo véttông rất rộng, chắc của ông bố. Cô ta im lặng nhìn tôi. Tôi cũng quên mất là mình đang ngồi giữa đất, người bê bết bùn. - Ồ cũng không đến nỗi! Đẹp đấy - Tôi cười xoà. Quả cô ta đẹp thật - Duy có điều là giá đi giày cao gót thì hơn! - Tôi vừa đứng dậy vừa nói đùa.

Người con gái bỗng quay gót đi thẳng, chân bước thoăn thoắt trên đường cái, không ngoảnh lại.

Cô ta làm sao thế nhỉ... Giận chắc... Tôi thấy nôn nao cả người lên. Trấn tĩnh lại, tôi toan đuổi theo, nhưng rồi lại quay lại, hối hả thu vén dụng cụ và nhảy lên buồng lái. Chiếc xe chồm lên, khi nhích tới trước, khi tụt lại sau. Phải đuổi cho kịp! Tôi không còn nghĩ đến việc gì khác nữa. Máy rú lên, chiếc xe rung chuyển, lắc lư bên này bên nọ, nhưng không tiến lên được một tấc nào. Trong khi đó, người con gái đi mỗi lúc một xa. Tôi bỗng quát vọng xuống bốn bánh xe đang trượt trên bùn, chẳng biết quát ai nữa:

- Buông ra! Buông ra nào. Nghe chưa...

Tôi ra sức dận ga. Chiếc xe trườn lên, vừa trườn lên vừa rên rỉ, và bỗng vượt ra khỏi vũng lầy một cách thần kỳ, chẳng hiểu bằng cách nào nữa. Tôi mừng quá thể! Xe đã bon trên đường, tôi lấy khăn lau bùn trên mặt, vuốt lại mái tóc. Đến ngang tầm người con gái, tôi hãm xe lại và không hiểu tôi lấy đâu ra cái lối tài tử ấy, ngả hẳn người sang bên phải, với tay mở rộng cửa xe:

- Xin mời cô! - Đoạn tôi chìa tay mời cô lên buồng lái.

Người con gái không dừng lại, cứ đi thẳng. Biết tay chưa! Cái dáng bộ hiên ngang của tôi vụt biến mất. Tôi lại đánh xe đuổi theo kịp người con gái. Lần này tôi xin lỗi:

- Thôi, xin cô đừng giận! Tôi chỉ... thế thôi... Cô ngồi lên!

Nhưng người con gái cứ lặng thinh không đáp.

Tôi liền cho xe vượt lên và quay xe chắn ngang đường. Tôi nhảy xuống đất, chạy vòng từ bên phải, mở cửa xe ra và cứ đứng cạnh, tay không buông nắm cửa. Người con gái lại gần, lo sợ nhìn tôi, như đang tự nhủ: “Thằng cha này gan lì thật! ” Tôi cứ làm thinh chờ đợi. Không biết vì cô thấy thương hại tôi hay vì cái gì khác nữa, chỉ thấy cô lắc đầu và lặng lẽ ngồi lên buồng lái.

Xe chuyển bánh.

Tôi không biết nên bắt chuyện với cô ra sao. Đây không phải là lần đầu tôi làm quen với một cô gái, nhưng lúc này không hiểu sao tôi đâm rụt rè. Biết bắt chuyện như thế nào bây giờ... Tôi vặn vôlăng, thỉnh thoảng liếc mắt sang nhìn trộm. Trên gáy cô ta loà xoà những món tóc quăn đen nhánh, mịn màng, chiếc áo véttông quàng trên vai cứ tụt xuống. Cô ta lấy khuỷu tay giữ lại ngồi nhích ra một bên, sợ chạm phải tôi. Đôi mắt nhìn có vẻ nghiêm nghị, nhưng cứ trông dáng dấp có thể đoán tính cô ta vốn dịu dàng. Gương mặt thanh thoát cởi mở, vầng trán cứ muốn cau lại, nhưng nó không chịu cau cho. Cuối cùng cô ta cũng rụt rè nhìn sang phía tôi. Mắt chúng tôi gặp nhau. Cô mỉm cười. Lúc ấy tôi mới đánh bạo nói:

- Lúc nãy cô đến đứng bên xe làm gì thế...

- Tôi định giúp anh một tay - Người con gái đáp.

- Giúp à... - Tôi cười lớn - Ồ mà quả cô đã giúp tôi thật! Không có cô thì chắc hẳn đến tối cũng chưa đi được... Thế cô vẫn qua lại con đường này à...

- Vâng. Tôi làm việc trong ấp.

- Tốt lắm! - Tôi mừng rỡ nói, nhưng chợt nhớ ra, tôi nói chữa - Đường này tốt lắm! - Tôi vừa nói xong thì bánh xe sụt xuống một ổ gà, xe lắc mạnh đến nỗi vai chúng tôi va phải nhau. Tôi lầu bầu mấy tiếng, đỏ bừng mặt lên, không biết nhìn đi đâu cho đỡ ngượng nữa. Còn cô ta thì cười phá lên. Tôi không nén được cũng cất tiếng cười theo.

- Thế mà trước đây tôi không chịu về nông trang đấy! - Tôi vừa cười vừa nói - Giá biết trước là sẽ gặp một người giúp sức như vậy, tôi đã chẳng làm toáng lên với đồng chí điều vận... Ái chà! Ilyax, Ilyax! - Tôi tự trách móc rồi giải thích luôn - Ấy, tên tôi thế đấy.

- Còn tôi tên là Axen.

Xe chúng tôi đã vào gần đến làng. Đường ở đoạn này bằng phẳng hơn. Gió lùa vào cửa xe, thổi tung chiếc khăn trùm của Axen, làm tóc cô xoã xuống. Chúng tôi im lặng. Chúng tôi thấy thích lắm. Thế mới biết nhiều khi có một người ngồi bên cạnh, vai gần kề vai, mới cách đây một giờ hãy chưa hề hay biết gì về người ấy, mà nay lại chỉ muốn nghĩ đến người ấy thôi, những khi ấy lòng cứ nhẹ lâng lâng và vui sướng lạ lùng... Tôi không biết trong lòng Axen ra sao, nhưng đôi mắt nàng mỉm cười. Giá có thể đi mãi, đi mãi như thế này, để đừng bao giờ phải chia tay nữa... Nhưng xe đã rẽ vào đường làng. Bỗng Axen như chợt tỉnh, hoảng hốt lên:

- Dừng lại anh, tôi xuống đây!

Tôi hãm xe lại:

- Cô ở đây à...

- Không - Chẳng hiểu tại sao cô có vẻ bối rối, lo sợ - Nhưng để tôi xuống đây thì hơn.

- Tại sao thế... Để tôi đưa thẳng cô về nhà! - Tôi không cho cô cãi, cứ lái xe đi thẳng.

- Đây rồi - Axen khẩn khoản - Cám ơn anh!

- Có gì đâu! - Tôi lúng búng, đoạn nói thêm, nửa đùa nửa thật, nhưng có lẽ phần thật nhiều hơn - Thế nếu mai tôi lại bị sa lầy thì cô sẽ giúp chứ...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 21:40:26 | Chỉ xem của tác giả
Axen không kịp trả lời. Một cánh cổng mở rộng ra, và một người đàn bà đứng tuổi chạy ra đường, vẻ lo lắng hoảng hốt.

- Axen! - Bà ta gọi - Mày đi đâu mất mặt thế, con trời đánh... Nhanh lên, vào thay áo quần đi, các ông mối vừa đến đấy! - Bà lấy tay che miệng nói thêm, giọng thầm thì. Axen luống cuống đánh rơi chiếc áo véttông, vội cúi xuống nhặt và ngoan ngoãn đi theo mẹ. Đến cổng cô quay lại nhìn, nhưng cánh cổng lập tức đóng sập lại. Mãi đến lúc ấy tôi mới để ý thấy mấy con ngựa thắng đủ yên cương buộc ở cái cọc bên lề đường, mình ướt đẫm mồ hôi, rõ là đi từ xa đến. Tôi nhổm người lên sau chiếc vôlăng, nhìn qua bức tường dài. Trong sân có mấy người đàn bà đi lại lăng xăng bên bếp lửa. Một chiếc ấm xamôvar lớn bằng đồng đang bốc khói. Dưới mái hiên hai người đàn ông đang lột da một con cừu. Phải, ở đây người ta đang đón tiếp các ông mối theo đúng tục lệ cũ. Tôi không có việc gì phải ở đây nữa. Phải đi mà dỡ hàng.

Đến chiều tôi về trạm xe. Lau rửa xe xong, tôi đánh xe vào gara. Tôi hì hục mãi cố kiếm ra việc để làm thêm. Tôi không hiểu nổi tại sao mình lại quá quan tâm đến cuộc gặp gỡ vừa qua đến thế. Suốt dọc đường về, tôi cứ tự sỉ vả: “Mày muốn gì nào... Mày ngốc đến thế kia ư... Xét cho cùng thì cô ấy là cái gì của mày... Người yêu chắc... Em gái chắc... Thử nghĩ xem, tình cờ gặp giữa đường, cho đi nhờ xe về nhà, mới có thế mà đã cuống lên như thể đã tình tự hẳn hoi rồi. Có thể người ta cũng chẳng thèm nghĩ đến mày nữa. Người ta cần đến mày lắm đấy! Người ta có chồng chưa cưới chính thức hẳn hoi, còn mày là cái thá gì... Chỉ là một thằng lái xe gặp giữa đường, của ấy có đến hàng trăm, hơi đâu nhớ hết mặt... Mà mày có quyền gì để mong ước này nọ: người ta đang dạm hỏi nhau, chí ít nữa là cưới, việc gì đến mày... Thôi đi. Cứ yên phận mà vặn tay lái, thế là xong!... ” Nhưng khốn nỗi dù tôi có tự nhủ lòng thế này thế nọ đủ cách mà vẫn không tài nào quên được Axen.

Ở chiếc xe không còn việc gì để làm nữa. Lẽ ra tôi phải về nhà tập thể: nhà chúng tôi vui lắm; lúc nào cũng ồn ào rộn rịp, lại có cả Góc Đỏ, nhưng tôi không về. Tôi cứ muốn ngồi một mình. Tôi ngả người lên cánh chắn bùn, hai tay lót dưới gáy. Cách đấy một quãng, Giantai đang loay hoay chữa gì dưới gầm xe. Đó cũng là một tay lái xe ở trạm chúng tôi. Hắn thò đầu ra, cười khẩy:

- Mơ mộng gì đây, chàng gighit...

- Mơ tiền! - Tôi hằn học trả lời.

Tôi không ưa hắn. Một tay bủn xỉn đệ nhất hạng. Gian xảo, lại hay ganh tị. Hắn không ở tập thể như mọi người, mà lại ở trọ nhà một bà chủ nào đấy. Nghe nói hắn đã hứa hôn với bà ta; dù sao hắn cũng sẽ được một ngôi nhà.

Tôi quay mặt đi. Trong sân trạm, bên vòi nước rửa xe, các tướng nhà ta đang bày trò đùa nghịch. Có cậu nào đã leo lên nóc cabin bơm cầm vòi phun nước vào những cậu khác đang đứng chờ đến lượt xe mình rửa. Khắp trạm vang tiếng cười ha hả. Luồng nước mạnh đến nỗi trúng phải ai là người ấy loạng choạng đứng không vững nữa. Anh em muốn lôi cậu kia từ trên nóc cabin xuóng, nhưng cậu ta cứ nhảy nhót tại chỗ, cầm vòi nước như cầm tiểu liên lia vào lưng, vào đầu cho mũ lưỡi trai bắt tung ra. Mọi người chạy tán loạn.

Đột nhiên tia nước chĩa thẳng lên trời, vẽ thành một đường vòng cung ánh lên trong nắng trông như cái cầu vồng. Tôi nhìn theo hướng tia nước: ở phía tia nước vọt lên tôi trông thấy Kađitsa, cô phụ trách điều vận của trạm chúng tôi. Cô này thì không chạy đâu. Cô ta biết xử sự chững chạc, không dễ gì mà nhờn với cô ấy được. Bây giờ cũng thế, cô đứng yên, vẻ điềm tĩnh, không chút sợ sệt, như muốn nói: liệu hồn đấy, cứ thử chơi vào! Chân đi ủng ghếch chéo sang một bên, Kađitsa đang cài lại mớ tóc, miệng tươi cười ngậm mấy chiếc cặp tóc. Những hạt nước nhỏ lăn tăn, óng ánh như bạc rải xuống đầu cô gái. Cả lũ cười lớn, xúi giục anh chàng đứng trên nóc cabin:

- Cho cái “thùng xe” của cô nàng ướt một mẻ!

- Đánh vào đi!

- Coi chừng đấy, Kađitsa!

Nhưng anh chàng kia không dám phun nước vào Kađitsa, chỉ cho tia nước vờn quanh cô gái. Giá phải tay tôi, tôi sẽ cho Kađitsa một chầu ướt từ đầu đến chân, và chắc hẳn cô sẽ không hé miệng nói gì, chỉ cười là hết. Tôi vẫn nhận thấy Kađitsa đối xử với tôi không như với các cậu khác. Đối với tôi, cô ngoan hơn, lại có chiều nũng nịu. Những khi tôi vuốt tóc Kađitsa để đùa cho vui, cô rất thích. Có một điều làm cho tôi hài lòng, là bao giờ Kađitsa cũng cãi lại tôi rất to tiếng, nhưng chẳng mấy chốc đã nhượng bộ ngay, dù khi tôi sai cũng thế. Thỉnh thoảng tôi mời cô đi xem chiếu bóng, rồi đưa về nhà: nhà Kađitsa ở trên đường về nhà tập thể. Mỗi khi đến phòng điều vận tôi cứ vào thẳng phòng cô, trong khi những người khác chỉ được phép đứng ngoài cửa ghisê. Nhưng bây giờ tôi còn đầu óc đâu nghĩ đến cô. Thôi cứ để mặc họ đùa nghịch với nhau.

Kađitsa đã cặp tóc xong

- Thôi, chơi thế là đủ rồi! - Cô ra lệnh.

- Xin tuân lệnh đồng chí phụ trách điều vận! - Anh chàng trên nóc cabin đứng nghiêm, đưa tay lên vành mũ lưỡi trai chào theo kiểu nhà binh. Các bạn vừa cười vừa lôi anh ta xuống. Kađitsa đi về phía gara chúng tôi. Cô dừng chân bên cạnh xe của Giantai, vẻ như đang muốn tìm ai. Cô chưa trông thấy tôi ngay vì giữa gara có tấm lưới ngăn ra thành các gian.

Giantai ở dưới hầm ló đầu lên, nói giọng ngọt xớt:

- Chào giai nhân!

- À, Giantai...

Hắn thèm thuồng nhìn đôi chân Kađitsa. Cô so vai, vẻ phật ý:

- Này, nhìn gì mà nhìn lắm thế... - Đoạn cô lấy mũi giầy khẽ hích vào cằm Giantai.

Giá là người khác thì chắc hẳn phải giận lắm, nhưng Giantai thì không. Mặt hắn tươi rói lên như vừa được hôn, và hắn lại rúc xuống hầm.

Kađitsa đã trông thấy tôi:

- Ilyax, nằm nghỉ thế có thích không...

- Như nằm nệm lông ấy!

Kađitsa áp mặt vào lưới, nhìn tôi đăm đăm và nói khẽ:

- Lên phòng điều vận tí đi.

- Được thôi.

Kađitsa ra ngoài. Tôi đứng dậy và đã toan đi, thì Giantai ở dưới hầm lại ngoi lên. Hắn nháy mắt nói:

- Con bé kháu đấy chứ!

- Nhưng chả đến phần mày đâu! - Tôi cắt ngang.

Tôi tưởng hẳn sẽ nổi khùng lên sinh sự đánh nhau. Tôi vốn không ưa gì cái trò ẩu đả, nhưng với Giantai thì tôi sẵn lòng: lúc ấy tôi đang buồn bực đến nỗi chẳng biết làm gì cho đỡ chồn chân chồn tay nữa.

Nhưng Giantai cũng chẳng hề mếch lòng:

- Không sao! - Hắn lẩm bẩm - Để rồi mà xem, đời còn dài...

Trong phòng điều vận không có ai cả. Quỷ quái gì thế này... Cô ta chuồn đi đâu... Tôi quay lại thì vừa đụng ngực vào Kađitsa. Kađitsa đứng tựa lưng vào cửa, đầu ngửa ra phía sau. Mắt cô sáng long lanh dưới hàng mi. Hơi thở nóng hổi của cô phả vào mặt tôi như thiêu như đốt. Tôi không tự chủ được nữa, sấn tới, nhưng rồi lập tức lùi trở lại. Kể cũng lạ thật, nhưng trong giây phút ấy tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng mình đang phản bội Axen.

- Cô gọi tôi lên có việc gì... - Tôi hỏi, giọng bất bình.

Kađitsa vẫn im lặng nhìn tôi như lúc nãy.

- Sao...... - Tôi sốt ruột hỏi lại.

- Trông anh sao khó đăm đăm thế... Chẳng vồn vã tí nào - Kađitsa nói, giọng có chiều hờn dỗi - Hay đã có cô nào lọt mắt xanh...

Tôi đâm lúng túng. Sao Kađitsa lại trách tôi... Mà sao cô lại biết... Vừa lúc ấy cửa ghisê mở tung ra. Giantai thò đầu vào, một nụ cười khẩy thoáng hiện trên mặt:

- Báo cáo đồng chí điều vận! - Hắn đai giọng ra nói, vẻ mai mỉa, tay cầm một tờ giấy đưa cho Kađitsa.

Kađitsa hằn học nhìn hắn. Cô tức giận ném vào mặt tôi một câu:

- Thế công lệnh của anh thì ai nhận cho... Anh chờ có giấy mời riêng chắc...

Đoạn Kađitsa lấy tay gạt tôi ra và đến ngồi vào bàn giấy.

- Này, cầm lấy! - Cô trao cho tôi tờ công lệnh.

Tôi cầm lấy. Vẫn là công lệnh cử về nông trang ấy! Tim tôi bỗng lạnh toát ra: đi về đấy, trong khi đã biết rằng Axen... Mà không hiểu sao, người ta lại cứ bắt tôi về nông trang nhiều hơn ai hết...

Tôi nổi khùng lên:

- Lại về nông trang... Lại chở phân, chở gạch... Tôi không đi! - Tôi ném tờ giấy lên bàn - Tôi lội bùn thế là đủ rồi, để người khác nếm mùi với chứ!...

- Anh đừng quát tháo! Hết tuần này anh mới hết hạn! Nếu cần sẽ gia hạn thêm nữa - Kađitsa nổi giận.

Tôi điềm tĩnh nói:

- Tôi không đi.

Và vẫn như mọi khi, Kađitsa đột nhiên nhượng bộ:

- Thôi được. Tôi sẽ nói với ban chỉ huy.

Cô nhặt lấy tờ giấy vứt trên bàn.

“Thế nghĩa là ta sẽ không đi nữa - Tôi thầm nghĩ - Và sẽ không bao giờ còn gặp lại Axen.” Tôi càng khổ sở hơn. Tôi đã hiểu rất rõ rằng mình sẽ ân hận một đời. Ra sao thì ra, tôi sẽ đi!...

- Thôi được, đưa giấy đây! - Tôi giật phắt lấy tờ công lệnh.

Giantai đứng ở ghisê phì cười:

- Gửi lời chào bà nội tớ nhé!

Tôi làm thinh. Muốn quai vào mõm hắn quá!... Tôi đóng sầm cửa và trở về nhà tập thể.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 21:47:46 | Chỉ xem của tác giả
Chương 2



Sáng hôm sau tôi cứ nhớn nhác tìm suốt dọc đường. Axen ở đâu... Liệu cái bóng dáng mảnh dẻ như cây phong của nàng có còn xuất hiện trên đường nữa không... Cây phong non trùm khăn đỏ của tôi! Cây phong của thảo nguyên! Tuy chân đi ủng cao su, vai khoác áo véttông của bố, nhưng có hề gì. Tôi đã thấy rõ nàng! Axen đã làm tim tôi rung động, đã làm cả tâm hồn tôi xao xuyến! Tôi lái xe đi, mắt cứ đảo nhìn hai bên, nhưng không, chẳng thấy nàng đâu hết. Tôi vào làng; đây, sân nhà nàng. Tôi hãm xe lại. Có lẽ Axen đang ở nhà cũng nên. Nhưng làm sao gọi nàng ra đây, nói gì với nàng bây giờ... Chao ôi, hẳn số phận chẳng cho tôi gặp nàng. Tôi phóng xe ra chỗ dỡ hàng. Tôi dỡ hàng, trong lòng vẫn leo lét một tia hy vọng: may ra trên đường về lại bỗng gặp nàng thì sao... Thế nhưng trên đường về cũng vẫn không gặp. Tôi bèn đánh xe ra trại. Trại của họ dựng riêng ra một nơi cách làng khá xa. Tôi hỏi thăm một cô bé. Không thấy Axen ra làm, cô bé bảo thế. “Thế nghĩa là nàng cố ý không ra ngoài, để tránh gặp tôi dọc đường”, tôi nghĩ bụng, và đâm hoang mang. Tôi ủ rũ trở về trạm xe. Ngày hôm sau tôi lại lên đường. Lần này tôi không còn mong gặp nữa. Quả thật, tại sao tôi lại tìm kiếm nàng, tại sao tôi lại đi quấy rầy một người con gái đã có nơi có chốn... Tuy vậy tôi cũng không thể nào tin được rằng giữa hai chúng tôi chỉ đến đây là hết, vì mãi đến nay trong các bản làng người ta vẫn còn mai mối và gả bán không cần đến sự ưng thuận của người con gái. Tôi đọc báo đã bao nhiêu lần thấy đăng những chuyện tương tự. Nhưng thế thì đã sao... Ẩu đả xong, không ai vung quả đấm lên làm gì, gả bán xong xuôi rồi thì không còn quay lại được nữa, cuộc đời đã tan vỡ rồi... Đấy, những ý nghĩ như vậy cứ vật vờ trong óc tôi...

Mùa xuân đang vào độ nảy nở tưng bừng. Đặt ở chân núi phủ đầy hoa kim hương. Từ thuở bé tôi đã yêu giống hoa này. Giá hái lấy một bó đem tặng nàng nhỉ! Song tìm nàng ở đâu được...

Rồi bỗng nhiên tôi không dám tin ở mắt mình nữa: Axen! Nàng ngồi cách vệ đường một quãng, trên một tảng đá, đứng ở chỗ lần trước xe tôi bị sa lầy. Hình như nàng đang đợi ai. Tôi cho xe chạy lại. Nàng hoảng hốt rời tảng đá đứng dậy, kéo tấm khăn trùm xuống nắm chặt trong tay. Lần này Axen mặc một chiếc áo dài xinh xắn, chân đi giày. Đường thì xa thế, mà nàng lại đi giày cao gót. Tôi phanh lại mau, tim như se lại, cổ nghẹn ngào.

- Axen đấy à!

- Chào anh! - Nàng khẽ đáp.

Tôi đưa tay ra, định đỡ nàng lên xe, nhưng nàng quay mặt đi và chậm rãi bước dọc lề đường. Thế ra nàng không muốn ngồi lên xe. Tôi mở cửa xe và cho xe chạy chầm chậm cạnh nàng. Chúng tôi cứ thế đi song song, nàng bên vệ đường, tôi sau tay lái. Chúng tôi lặng thinh. Biết nói gì bây giờ... Một lát sau nàng hỏi:

- Hôm qua anh đến trại à...

- Vâng, thế sao...

- Không, là tôi muốn hỏi thế thôi. Anh không nên đến đấy.

- Tôi muốn gặp cô.

Axen lặng thinh không nói.

Nhưng tâm trí tôi cứ rối lên vì cái chuyện mai mối chết tiệt kia. Tôi muốn biết thực hư ra sao. Tôi muốn hỏi, nhưng lưỡi cứ líu lại. Tôi sợ. Tôi sợ câu trả lời của nàng. Axen đưa mắt nhìn tôi.

- Thật à...

Nàng gật đầu. Tay lái cứ nhảy bần bật trong tay tôi.

- Bao giờ thì cưới... - Tôi hỏi.

- Chỉ ít lâu nữa thôi - Nàng đáp khẽ.

Thiếu chút nữa tôi đã dận ga cho xe lao đi đâu thì đi. Nhưng đáng lẽ dận ga thì tôi lại nhả bộ ly hợp. Nghe tiếng máy quay không tải rú lên. Axen vụt né sang bên đường. Thế mà tôi cũng chẳng xin lỗi nữa. Tôi còn mải nghĩ chuyện khác.

- Thế nghĩa là chúng ta không còn gặp nhau nữa...

- Tôi không biết. Không gặp nhau thì hơn.

- Còn tôi, tôi cứ... tùy cô đấy, tôi cứ tìm!

Chúng tôi lặng thinh. Có lẽ chúng tôi cùng chung một ý nghĩ, nhưng giữa hai đứa như có một bức tường không cho phép tôi đến gần nàng, không cho nàng ngồi lên buồng lái của tôi. Thật khổ, nhưng biết làm thế nào được...

Tôi không hỏi gì về người chồng chưa cưới. Không tiện hỏi, mà tôi cũng chẳng muốn hỏi làm gì. Nhưng cứ những điều nàng nói ra thì hình như nàng biết người ấy rất ít. Đó là một người có họ ngoại với nàng, ở một lâm trường trong vùng núi, cách đây rất xa. hai gia đình từ xưa đã có lệ trao đổi con gái cho nhau, nếu có thể nói như thế, họ duy trì quan hệ thân thuộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cha mẹ Axen không thể nào tưởng tượng được rằng có thể đem gả con gái cho người ngoài. Còn như tôi thì đừng nói đến làm gì. Tôi là ai... Chỉ là một thằng lái xe quèn chẳng có tông tộc, ở tận đâu đâu đến. Mà chính tôi cũng chẳng dám hé răng để hỏi nàng làm vợ.

Mấy ngày ấy Axen rất ít nói: nàng cứ đăm chiêu suy nghĩ điều gì. Nhưng tôi không hề có ý hy vọng. Số phận nàng đã được định đoạt xong xuôi, gặp nhau nữa cũng chỉ vô ích. Thế nhưng chúng tôi cứ như hai đứa trẻ: chúng tôi cố tránh nhắc đến chuyện ấy và cứ gặp nhau, vì không thể nào không gặp nhau được. Cả hai chúng tôi đều có cảm giác là không thể sống thiếu nhau.

Năm ngày cứ thế trôi qua. Sáng hôm ấy tôi ở trạm xe hơi, đang chuẩn bị lên đường đi chở hàng. Bỗng có tin gọi lên phòng điều vận.

- Có tin mừng! - Kađitsa vui vẻ tiếp tôi - Trên chuyển anh sang đường Tân Cương rồi đấy.

Tôi choáng người đi. Mấy ngày gần đây tôi cứ sống như thể sẽ suốt đời lái xe về nông trang. Những chuyến vận tải qua Tân Cương vốn dài ngày lắm, biết bao giờ mới được đến với Axen... Bỗng dưng mất mặt, thậm chí cũng không báo cho nàng biết trước nữa ư...

- Kìa hình như anh không vui thì phải... - Kađitsa nhận xét.

- Thế còn nông trang thì sao... - Tôi lo lắng hỏi - Việc ở đấy đã xong đâu.

Kađitsa ngạc nhiên so vai:

- Trước đây chính anh không muốn đi kia mà.

Tôi nổi nóng:

- Trước khác, giờ khác.

Tôi ngồi xuống ghế, không biết làm sao nữa.

Giantai chạy lại. Té ra người ta đã cử hắn về nông trang thay tôi. Tôi chột dạ. Chắc Giantai sẽ từ khước, vì công tác phí đường làng ít hơn. Nhưng hắn đã cầm lấy công lệnh và lại còn nói:

- Cô bảo đi đâu tôi xin đi ngay, Kađitsa ạ, dù phải đi đến cùng trời cuối đất cũng sẵn lòng! Dạo này ở nông trang cừu non đã đến độ chén được rồi đấy, có lẽ đem về cho cô một chú chăng...

Rồi hắn trông thấy tôi.

- A xin lỗi, hình như tôi đến làm phiền anh chị thì phải...

- Xéo đi!... - Tôi rít lên, đầu vẫn cúi gầm.

- Kìa sao lại ngồi thừ ra thế, Ilyax... - Kađitsa khẽ chạm vào vai tôi.

- Tôi phải về nông trang, Kađitsa ạ, cho tôi về nông trang thôi!

- Anh điên rồi hay sao... Tôi không làm thế được, không có lệnh! - Kađitsa lo lắng nhìn chăm chăm vào mặt tôi - Tại sao anh tự dưng đâm ra thích về nông trang thế...

Tôi không đáp, lẳng lặng bỏ ra ngoài, trở về gara. Giantai lái xe vượt qua sát người tôi, cánh chắn bùn suýt chạm vào tôi. Hắn nháy mắt ranh mãnh. Tôi cố chần chừ, trì hoãn, nhưng không thấy có lối thoát nào. Tôi đánh xe đến trạm bốc hàng. Số xe đang xếp hàng đứng đợi không nhiều lầm. Các bạn gọi tôi lại hút thuốc, nhưng tôi cũng chẳng buồn xuống xe nữa. Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng cảnh Axen hoài công đứng đợi tôi trên đường cái. Nàng sẽ đợi một ngày, hai ngày, ba ngày... Rồi nàng sẽ nghĩ về tôi ra sao...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 21:50:10 | Chỉ xem của tác giả
Trong khi đó đã sắp đến lượt tôi. Họ đã bắt đầu bốc hàng lên chiếc xe đứng trước mặt tôi. Chỉ một phút nữa, xe tôi cũng sẽ đứng dưới cần trục. “Em tha thứ cho anh, Axen nhé! - Tôi nghĩ thầm - Anh xin lỗi em, cây phong thảo nguyên của anh! ” Chợt một ý nghĩ vụt thoáng qua óc tôi: “Đến với Axen rồi trở về cũng kịp. Lên đường chậm mất vài giờ thì đã sao... Rồi sẽ lên phân trần với đồng chí trạm trưởng, may ra thì đồng chí ấy thông cảm, không thì đành nghe chửi. Qúa lắm cũng đưa ra khiển trách... Nhưng không thể thế này được! Tôi phải đi thôi! ”

Tôi mở ga để cho xe lùi, nhưng mấy chiếc đến sau đứng sát quá. Trong khi đó chiếc xe nhận hàng xong chạy đi. Đã đến lượt tôi.

- Đứng vào! Ê, Ilyax! - Người lái cần trục quát.

Cần trục đã ở ngay trên đầu tôi. Thế là hết! Xe mà đã chở hàng xuất khẩu lên rồi thì không còn đi đâu được nữa. Làm sao tôi lại không nghĩ ra từ trước... Đồng chí phụ trách gửi hàng cầm giấy tờ đến. Tôi ngoái nhìn qua tấm kính sau buồng lái: thùng chứa hàng đang lắc lư ở phía trên thùng xe, mỗi lúc một gần.

Tôi bỗng quát:

- Coi chừng đấy!

Xe tôi vụt chồm ra khỏi tầm cần trục - Máy tôi vẫn để chạy không. Phía sau vang lên những tiếng thét, tiếng còi, tiếng chửi rủa...

Tôi cho xe chạy qua các kho hàng, các chồng gỗ, các đống than. Tay tôi như đã bắt rễ vào vôlăng. Mặt đất cứ vật vã lồng lộn lên, cả chiếc xe lẫn người tôi hết xiêu bên này lại ngả sang bên kia. Nhưng đối với bọn chúng tôi những chuyện ấy đã quá quen. Chỉ lát sau tôi đuổi kịp Giantai. Hắn ngồi trong buồng lái nhìn ra, mắt trợn tròn xoe: hắn đã nhận ra tôi. Hắn cũng thừa thấy rõ là tôi đang vội, đáng lẽ phải nhường lối cho tôi, thế nhưng không, hắn không cho tôi vượt. Tôi liền lái xe xuống ruộng đi vòng lên, Giantai cũng tăng tốc độ, cốt chặn cho tôi không lên đường cái được. Chúng tôi cứ thế mà phóng xe; hắn ở trên đường, tôi dưới ruộng. Chúng tôi cúi rạp trên tay lái, gườm gườm đưa mắt nhìn nhau như hai con thú dữ, nguyền rủa nhau.

- Mày đi đâu... Tại sao... - Hắn quát tôi.

Tôi giơ quả đấm lên dọa hắn. Dù sao xe tôi đi không vẫn nhẹ hơn. Tôi vượt qua, bỏ hắn lại sau.

Tôi không gặp được Axen. Vào đến bản, tôi thở dốc ra như vừa chạy bộ đến. Trong sân nhà cũng như ở ngoài đường chẳng thấy ai. Chỉ có một con ngựa đóng yên đứng bên cọc. Làm thế nào bây giờ... Tôi quyết định đứng chờ. Tôi nghĩ: nàng trông thấy chiếc xe, sẽ ra đường. Tôi mở capô chúi đầu vào máy làm như đang sửa chữa gì, mắt cứ liếc về phía cổng. Tôi không phải chờ lâu: cánh cổng mở, mẹ nàng bước ra với một ông già to béo, râu đen, mình mặc hai cái áo bông dài, áo trong bọc vải sổ lông, áo ngoài bọc nhung. Tay ông ta cầm một cây roi da rất đẹp. Mặt ông ta đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại: rõ ràng là ông ta vừa uống nước trà. Họ đến cạnh cọc buộc ngựa. Mẹ Axen kính cẩn cầm bàn đạp đỡ ông già đang hì hục lên yên.

- Chúng tôi đội ơn ông lắm, ông mối ạ! - Bà nói - Nhưng về phần chúng tôi cũng xin ông đừng lo. Với con gái, chúng tôi không tiếc thứ gì đâu. Nhờ trời, chúng tôi cũng không đến nỗi tay trắng.

- Ê ề! Baibitsê ạ, chúng tôi chẳng có gì phải phàn nàn đâu - Ông già vừa đáp vừa ngồi lại cho thoải mái trên yên ngựa - Lạy trời phù hộ cho hai trẻ được khoẻ mạnh. Còn như tiền của thì cho con cái mình chứ cho ai mà sợ. Đây cũng chẳng phải lần đầu hai họ ta thông gia với nhau... Thôi, chúc bà khoẻ, Baibitsê ạ. Thế tức là ta đã bàn định xong xuôi: đến thứ sáu nhé!

- Vâng vâng, thứ sáu. Ngày thiêng đấy. Chúc ông đi đường mạnh khoẻ. Xin gửi lời chào bà mối.

“Họ nói gì mà thứ sáu nhỉ... - Tôi tự nhủ - Hôm nay thứ mấy... Thứ tự.. chả nhẽ đến thứ sáu họ đã đem nàng đi... Trời ơi, những tục lệ cũ còn phá hoại cuộc đời của thanh niên chúng ta mãi đến bao giờ!... ”

Ông già thúc ngựa chạy nước kiệu lúp xúp về phía núi. Mẹ Axen đợi cho ông ta đi khuất rồi quay lại nhìn tôi từ đầu đến chân, vẻ không có gì thân thiện.

- Này anh kia, sao anh cứ xớ rớ ở đây thế hả... - Bà nói - Đây không phải là quán trọ! Đừng đứng đây làm gì! Đi đi, nghe ra chưa... Thế nghĩa là bà ta đã nhận diện được tôi.

- Xe tôi bị hỏng! - Tôi bướng bỉnh càu nhàu và rúc hẳn vào thùng máy ngập đến thắt lưng.

Không - Tôi nghĩ thầm - Chưa gặp Axen thì tôi chưa đi đâu hết.

Bà mẹ lẩm bẩm thêm mấy tiếng nữa rồi bỏ đi.

Tôi chui đầu ra, ngồi lên bậc xe châm thuốc hút. Một con bé không biết từ đâu chạy lại. Nó nhảy lò cò một chân quanh xe. Trông nó hơi giống Axen. Em nàng chăng...

- Axen đi rồi! - Nó bỗng nói, chân vẫn nhảy lò cò.

- Đi đâu... - Tôi chộp lấy nó - Axen đi đâu...

- Biết đâu đấy! Buông ra! - Nó gỡ tay tôi ra, và thay cho lời từ biệt, nó thè lưỡi.

Tôi đóng sập capô lại, ngồi vào buồng lái. Đi đâu bây giờ, tìm nàng ở đâu... Mà cũng đã đến lúc phải về trạm. Tôi cho xe chạy chầm chậm trên đường. Xe đã ra đến thảo nguyên. Tôi cho xe dừng lại bên con mương cắt ngang đường. Bây giờ phải làm gì, tôi không hề biết. Tôi ra khỏi buồng máy, nằm lăn ra đất, trong lòng thấy chán ngán quá chừng. Axen thì không tìm được, mà chuyến đi đã lỡ mất rồi... Tôi suy nghĩ miên man, không còn trông thấy gì, không còn nghe thấy gì ở trên đời này nữa. Tôi nằm như thế bao nhiêu lần tôi cũng không biết, nhưng vừa ngẩng đầu lên thì thấy bên kia xe có đôi chân con gái đi giày cao gót. Chính nàng! Tôi nhận ra ngay. Tôi mừng quá đến nỗi tim như muốn vỡ tung. Tôi nhỏm dậy, nhưng không đứng thẳng lên được. Và cảnh ấy lại diễn ra đúng ở chỗ chúng tôi gặp nhau lần đầu.

- Thôi đi đi, đi đi, bà cụ Ơi! - Tôi nói với đôi giày phụ nữ.

- Nhưng tôi không phải là bà cụ! - Axen cũng phụ họa theo.

- Thế thì là ai...

- Một người con gái.

- Con gái... Có đẹp không đấy...

- Cứ thử nhìn mà xem!

Chúng tôi cùng phá lên cười. Tôi nhảy phắt dậy, chạy sang với nàng. Nàng đi về phía tôi.

Chúng tôi dừng lại trước mặt nhau.

- Đẹp nhất đời! - Tôi nói. Còn nàng thì như một cây phong non trước gió, mềm mại uyển chuyển, mặc chiếc áo ngắn tay, hai quyển sách nhỏ cắp dưới nách - Sao em lại biết tôi ở đây...

- Em ở thư viện ra thì trông thấy vết xe của anh trên đường cái!

- Thế à...! - Đối với tôi câu ấy còn có nhiều ý nghĩa hơn cả mấy chữ “em yêu anh”. Thế ra nàng có nghĩ đến tôi, quý mến tôi, nên mới tìm vết bánh xe tôi.

- Em chạy lại đây, vì không hiểu sao em cứ đinh ninh là anh đang chờ!

Tôi cầm lấy tay nàng:

- Ngồi lên đây, Axen, ta đi chơi một chút.

Nàng vui lòng ưng thuận. Tôi không nhận ra được Axen nữa. Mà bản thân tôi, tôi cũng không nhận ra nốt. Bao nhiêu lo âu, buồn tủi đều tiêu tan đi đâu hết. Bây giờ chỉ còn lại hai chúng tôi, chỉ còn hạnh phúc của chúng tôi, bầu trời và con đường thiên lý. Tôi mở cửa xe, đặt nàng ngồi lên ghế và cầm lấy tay lái.

Chúng tôi đi. Chúng tôi cứ đi thế thôi, trên con đường cái. Không biết đi tới đâu, và để làm gì. Nhưng đối với chúng tôi cái đó không có gì quan trọng. Chỉ cần ngồi cạnh nhau, mắt nhìn vào mắt, tay khẽ chạm tay nhau là đủ lắm rồi. Axen sửa lại chiếc mũ lưỡi trai bộ đội của tôi (tôi đội nó đã hai năm nay).

- Thế này đẹp hơn! - Nàng nói và âu yếm nép vào vai tôi...

Xe bon trên thảo nguyên như một con én. Cả thế giới chuyển động, mọi vật đều chạy về phía chúng tôi: núi đồi, đồng ruộng, cây cối... Gió lùa vào mặt chúng tôi. Chúng tôi cứ lao băng băng về phía trước. Mặt trời chói lọi trên cao. Chúng tôi cất tiếng cười. Không khí ngọt ngào mùi ngải và kim hương. Chúng tôi thở hít vào cho căng cả lồng ngực... Một con diều hâu thảo nguyên đậu trên một tấm bia đổ nát cất cánh bay lên, vỗ cánh mấy cái rồi sà thấp xuống lượn dọc theo đường cái như muốn đua sức với chúng tôi. Hai người cưỡi ngựa hoảng hốt dạt sang bên đường, rồi thét lên một tiếng man dại, quất ngựa đuổi theo chúng tôi:

- Ê ê! Đứng lại! - Họ vừa quát vừa quất hai con ngựa đang phi rạp mình xuống đất. Họ là ai thì tôi không biết. Có lẽ Axen biết họ. Chẳng mấy chốc họ đã mất hút sau đám bụi cuốn sau xe.

Phía trước mặt có một chiếc xe ngựa rẽ sang bên đường để nhường lối cho chúng tôi. Trên xe có một người con trai và một người con gái. Trông thấy chúng tôi, họ nhổm dậy, ôm lấy vai nhau và vẫy tay niềm nở.

- Cám ơn nhé! - Tôi ngồi trong buồng lái quát ra.

Xe đã vượt hết cánh thảo nguyên và ra đường cái lớn. Nhựa đường kêu vo vo dưới bánh xe.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 21:54:00 | Chỉ xem của tác giả
Không còn xa nữa chắc phải có hồ. Tôi cho xe rẽ ngoặt sang một bên, ra khỏi đường cái và cứ đi thẳng giữa cánh đồng hoang, qua các bụi rậm, các đám cỏ dại, đi về phía bờ hồ. Chúng tôi dừng lại trên một bờ dốc cheo leo trông thẳng xuống nước. Những đợt sóng xanh bạc đầu như cầm tay nhau chạy thành hàng lên bờ cát vàng. Mặt trời đang khuất sau rặng núi, và những khoảng nước ở phía xa trông như nhuộm hồng. Xa tít tận bên kia hồ, một dãy núi tím đỉnh phủ tuyết hằn lên nền trời. Những đám mây xám đang ùn ùn tụ lại trên đầu chúng tôi.

- Axen xem kìa! Thiên nga!

Chỉ mùa thu và mùa đông mới có thiên nga trên hồ Ixứckun. Mùa xuân chúng rất ít khi về. Người ta thường bảo đó là những con thiên nga từ miền Nam đang bay về phương Bắc. Họ bảo đó là điềm lành...

Một đàn thiên nga trắng bay lượn trên hồ, trong ánh chiều tà, khi bay vút lên, khi sà thấp xuống, cánh dang rộng. Chúng đậu xuống nước, vỗ cánh rào rào làm nước sủi bọt loang ra thành từng vòng rộng, rồi lại cất cánh bay lên. Sau cùng chúng sắp thành hàng dài và vỗ cánh nhịp nhàng bay đến một bờ vịnh đất cát để nghỉ đêm.

Ngồi trong xe, chúng tôi im lặng nhìn những cảnh ấy. Rồi tôi nói, như thể chúng tôi đã quyết định xong xuôi mọi việc:

- Ở đằng kia, em thấy không, mấy mái nhà trên bờ ấy là trạm xe hơi của anh. Còn đây - Tôi khoát tay quanh buồng lái - Là nhà của chúng ta! - Nói xong tôi cười lớn. Bởi vì không còn biết đánh xe cho nàng đi đâu nữa.

Axen nhìn đăm đăm vào mắt tôi, nép sát vào ngực tôi, ôm chặt lấy tôi, vừa cười vừa khóc:

- Anh yêu quí, anh của em! Em không cần có nhà cửa gì hết. Miễn sao cha mẹ em hiểu cho em, nếu bây giờ chưa hiểu thì sau này cũng được. Cha mẹ sẽ giận em suốt đời, em biết... nhưng có phải tại em đâu...

Trời xẩm tối rất nhanh. Mây đen kéo đầy trời, rũ là là trên mặt nước. Nước hồ lặng lờ, đen kịt lại. Trên núi như có ai đang hàn điện: khi thì loé lên chói mắt, khi thì vụt tắt ngấm. Cơn giông đang kéo đến. Không phải vô cớ mà đàn thiên nga đang bay dở đường bỗng ghé xuống đây: chúng đã cảm thấy trước cơn giông có thể ập đến trong khi chúng bay qua núi.

Sấm chuyển ầm ầm. Mưa đổ xuống rào rào, hạt nặng như mưa đá. Hồ Ixứckun bắt đầu gầm gừ, sôi réo lên, sóng vỗ mạnh vào bờ. Đó là cơn giông đầu tiên của mùa xuân. Và đó cũng là đêm đầu tiên của chúng tôi. Nước mưa chảy như xối trên buồng lái, trên các tấm kính. Những tia chớp sáng loà vẽ thành đường loằng ngoằng đâm sâu xuống mặt hồ đen ngòm mở rộng. Hai đứa chúng tôi nép vào nhau, nói chuyện thì thầm. Tôi cảm thấy Axen run, không biết vì sợ hay vì lạnh. Tôi lấy áo đắp cho nàng, ôm nàng thật chặt và cảm thấy mình mạnh mẽ, to lớn. Tôi chưa bao giờ ngờ mình có nhiều tình cảm đến thế; trước đây tôi không hề biết cái hạnh phúc được che chở, được lo lắng cho một người nào. Tôi thì thầm rỉ tai nàng: “Không bao giờ anh để cho ai bắt nạt em, cây phong non trùm khăn đỏ của anh!... ”

Cơn giông tan đi cũng nhanh như đã kéo đến. Nhưng trên mặt hồ xao động sóng vẫn cuộn, trời vẫn mưa lâm thâm.

Tôi lấy ra một chiếc máy thu thanh đi đường nhỏ, cái tài sản đáng giá duy nhất của tôi hồi ấy. Tôi vặn nút, bắt một làn sóng điện. Bây giờ tôi còn nhớ là lúc ấy họ tiếp âm vở vũ kịch “Tsônpôn” đang diễn ở nhà hát thành phố. Vượt qua đèo, qua núi, âm nhạc rót vào buồng lái của chúng tôi, đằm thắm và mãnh liệt như chính cuộc tình duyên được thuật lại trong vở kịch. Công chúng vỗ tay rầm rộ, họ lớn tiếng gọi tên các nghệ sĩ biểu diễn, có lẽ họ đang ném hoa lên tận chân các vũ nữ balê, nhưng tôi nghĩ trong số các khán giả ngồi ở nhà hát không có ai xúc động và hân hoan như hai đứa chúng tôi ngồi trong buồng lái chiếc xe vận tải đỗ bên bờ hồ Ixứckun nổi sóng. Chính vở vũ kịch đang kể chuyện chúng tôi, kể lại cuộc tình duyên của chúng tôi. Chúng tôi cảm thông sâu sắc với số phận của nàng Tsônpôn bỏ đi tìm hạnh phúc. Tsônpôn của tôi, ngôi sao mai của tôi đang ở cạnh tôi. Đến nửa đêm nàng ngủ thiếp trên vai tôi, còn tôi hồi lâu vẫn không sao bình tâm trở lại. Tôi khẽ vuốt má Axen và lắng nghe tiếng thở dài đưa lên từ đáy hồ Ixứckun. Sáng hôm sau chúng tôi về trạm xe. Tôi bị chỉnh một mẻ ra trò. Nhưng khi các đồng chí biết vì sao tôi đã làm như vậy, họ cũng thể cho dịp này mà tha thứ cho tôi. Về sau, anh em còn cười mãi mỗi lần nhớ lại lúc tôi chuồn khỏi cần trục bốc hàng. Tôi còn có nhiệm vụ đi tải hàng qua đèo Độ Long. Tôi quyết định đem Axen theo. Tôi định dọc dường sẽ gửi nàng ở lại nhà bạn tôi là Alibêk Gianturin. Gia đình Alibek ở một trạm chuyển tải gần Narưn. Từ đây đến biên giới cũng không còn xa mấy. Mỗi khi đi ngang tôi vẫn thường ghé lại. Vợ Alibêk là người rất tốt, tôi kính nể chị ấy lắm. Chúng tôi lên đường. Việc đầu tiên là đi mua ít áo quần cho Axen trong một cửa hàng ở dọc đường, vì nàng chỉ có mỗi chiếc áo đang mặc. Ngoài các thứ ra chúng tôi còn mua cả một chiếc khăn san hoa, màu rất tươi, cho Axen. Chiếc khăn thật hợp cảnh. Dọc đường chúng tôi gặp bác Urmat, ăcxakan của chúng tôi, một bác lái xe già. Từ xa bác đã ra hiệu cho tôi dừng lại. Tôi hãm xe. Bác và tôi ra khỏi buồng lái chào nhau.

- Axxalam - alêikum, Urmat akê!

- Alêikum - axxalam, anh Ilyax. Chúc cho những sợi dây buộc con chim ưng đậu trên tay anh được bền vững! - Bác chúc mừng tôi đúng theo phong tục - Cầu trời cho anh chị hạnh phúc và đông con!

- Cám ơn bác! Sao bác biết, hở Urmat - akê... - Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Ấy, ấy, cháu ạ, tin mừng bay xa lắm. Nó chuyền từ miệng này sang miệng khác khắp trên đường vận tải...

- Thế kia ư! - Tôi lại càng lấy làm lạ.

Chúng tôi đứng nói chuyện trên đường cái, nhưng Urmat - akê thậm chí cũng không đến cạnh xe tôi, không nhìn Axen một chút. May mà Axen đoán được ý bác ta: nàng trùm chiếc khăn lên đầu, che kín mặt mũi. Thấy thế, bác Urmat mỉm cười hể hả.

- Thế, bây giờ thì ổn lắm rồi! - Bác nói - Cám ơn cháu đã có ý trọng nể người già. Từ nay cháu là con dâu của các bác, con dâu của tất cả các ăcxakan trong trạm xe. Ilyax, cháu cầm lấy, đây là quà tặng nhân lễ xem mặt cô dâu - Bác đưa tiền cho tôi. Tôi không thể từ chối được, bác ấy giận mất.

Chúng tôi chia tay nhau, Axen vẫn trùm khăn. Như trong một nhà Kirghizia trung thành với thuần phong mỹ tục, nàng ngồi trong buồng lái, bẽn lẽn che mặt lại mỗi khi gặp các bạn lái xe. Rồi khi chỉ còn lại hai đứa, chúng tôi cười với nhau.

Trùm chiếc khăn, Axen trông càng đẹp hơn. Tôi bảo nàng:

- Cô vợ nhỏ của anh, ngước mắt lên nào, hôn anh đi!

- Không được, các ăcxakan trông thấy mất! - Nàng đáp rồi lập tức vừa cười vừa hôn lên má tôi, làm ra vẻ vụng trộm.

Tất cả các bạn lái xe ở trạm khi gặp chúng tôi đều dừng lại mừng, chúc chúng tôi hạnh phúc, nhiều cậu không những đã có thì giờ sắp sẵn những bó hoa hái dọc đường, mà lại còn mua được cả quà tặng nữa. Tôi không biết ai đã nghĩ ra ý đó. Chắc là ý kiến của các cậu người Nga ở trạm chúng tôi. Trong làng họ mỗi khi có lễ cưới, các xe hơi đều kết hoa. Và đây, xe chúng tôi cũng trang hoàng những băng đỏ, xanh da trời, trông thật sặc sỡ, và chắc hẳn cách xe hàng chục cây số người ta cũng trông thấy. Tôi với Axen sung sướng quá, riêng tôi rất tự hào về các bạn. Người ta thường nói trong cơn hoạn nạn mới biết rõ lòng bạn, nhưng theo tôi, ngay trong hạnh phúc cũng biết rõ. Dọc đường chúng tôi còn gặp cả Alibêk Gianturin, người bạn thân nhất của tôi. Anh ấy hơn tôi độ hai tuổi. Người to ngang, đầu cũng to. Alibêk là người chín chắn, đúng mực và lái xe rất giỏi. Ở trạm các bạn rất nể cậu ấy. Họ bầu cậu ấy vào ban chấp hành công đoàn. Tôi nghĩ bụng không biết Alibêk sẽ nói thế nào đây.

Alibêk im lặng nhìn xe chúng tôi và lắc đầu. Cậu ấy đến cạnh Axen, bắt tay và chúc mừng nàng.

- Thôi, đưa công lệnh đây! - Alibêk ra lệnh. Tôi hoang mang đưa giấy cho cậu ấy xem.

Alibêk lấy bút máy viết đè lên khắp tờ công lệnh, chữ rất to: “Hành trình hôn lễ số 167! ”

167 là số công lệnh.

- Cậu làm gì thế... - Tôi đâm hoảng - Đây là công lệnh kia mà!

- Nó sẽ được lưu truyền cho hậu thế! - Alibêk cười - Cậu tưởng dân bàn giấy không phải là người hay sao... Thôi bây giờ đưa tay đây! - Alibêk ôm tôi thật chặt, hôn tôi. Chúng tôi cười ha hả.

Sau đó chúng tôi đã toan ai về xe này thì Alibêk bỗng giữ tôi lại:

- Thế cậu với cô ấy sẽ ở đâu...

Tôi dang hai tay ra. Đoạn chỉ chiếc xe tôi nói:

- Nhà chúng mình kia!

- Trong buồng lái ấy à... Rồi con cái cũng nuôi ở đấy sao...... Thế này nhé, hãy dọn đến ở tạm nhà mình trên trạm chuyển tải, mình sẽ bàn với ban chỉ huy, còn gia đình mình sẽ dọn sang nhà mới.

- Nhưng nhà cậu đã làm xong đâu... - Nhà Alibêk đang dựng ở Rưbatsiê, cách trạm xe không xa. Những khi rảnh vẫn thường đến giúp cậu ấy một tay.

- Không sao. Chỉ còn phải làm nốt mấy việc vặt nữa thôi. Cậu đừng mong có chỗ rộng hơn, cậu cũng biết đấy, hiện nay vấn đề nhà cửa còn gay.

- Cám ơn cậu. Chúng mình cũng không cần hơn. Trước đây mình chỉ định gửi Axen ở tạm nhà cậu ít lâu, thế mà cậu lại nhường cho mình cả một căn nhà...

- Nói chung, hai vợ chồng cứ ở lại nhà mình. Khi trở về cậu chờ mình nhé. Chúng ta sẽ cùng bàn định, có mặt cả hai bà! - Alibêk nháy mắt về phía Axen.

- Phải, bây giờ thì phải có cả các bà!

- Chúc hai người một cuộc hành trình hôn lễ hạnh phúc! - Alibêk gọi với theo chúng tôi.

Quỷ thật. Đây quả nhiên là cuộc hành trình hôn lễ của chúng tôi! Mà lại là một cuộc hành trình đặc sắc biết chừng nào!

Chúng tôi vui mừng vì mọi việc đều đã được thu xếp ổn thoả, duy chỉ có một cuộc gặp gỡ hơi làm cho tôi bực mình.

Ở một chỗ ngoặt chúng tôi bỗng gặp chiếc xe của Giantai xô ra. Trong buồng lái không phải chỉ có một mình Giantai, cạnh hắn còn có Kađitsa. Giantai giơ tay lên vẫy tôi. Tôi hãm xe dừng phắt lại. Hai chiếc xe đỗ sát cạnh nhau. Giantai thò đầu ra cửa.

- Làm gì mà trang hoàng như ăn cưới thế hả...

- Chính thế đấy! - Tôi đáp.

- Ra thế kia à... - Giantai dài giọng ra nói, có ý ngờ vực, rồi đưa mắt nhìn sang Kađitsa - Thế mà chúng tớ cứ đi tìm cậu! - Hắn buột miệng nói thêm. Kađitsa vẫn ngồi yên không nhúc nhích, mặt tái xanh, vẻ bàng hoàng ngơ ngác.

- Chào Kađitsa! - Tôi nói, giọng niềm nở. Cô ta im lặng gật đầu.

- Thế cô này là người yêu của cậu hẳn... - Mãi đến bây giờ Giantai mới đoán ra.

- Không, vợ tôi đấy - Tôi cải chính, và đưa tay ra khoác vai Axen.

- Thế à... - Giantai càng giương to mắt, không biết có nên vui mừng hay không - Thế thì tớ xin mừng, xin chân thành mừng cậu...

- Cám ơn!

Giantai cười ranh mãnh:

- Cậu tài thật! Cậu không nộp cheo, cứ cuỗm đi thôi à...

- Đồ ngu! - Tôi nói - Thôi phóng đi!

Có những người đến lạ! Tôi còn muốn mắng cho hắn một trận đích đáng nữa, nhưng ngoái cổ nhìn lại, tôi thấy Giantai đang đứng bên xe lấy tay xoa má rồi giơ quả đấm về phía Kađitsa quát những gì không rõ. Còn Kađitsa thì bỏ chạy xuống cánh đồng, cách xa đường cái. Cô ta cứ chạy, chạy mãi, rồi bỗng ngã nhào xuống đất, giơ hai tay lên ôm đầu. Tôi không biết giữa Kađitsa và Giantai đã có chuyện gì xảy ra, nhưng tôi bỗng thấy thương Kađitsa. Tôi cứ có cảm giác như mình có lỗi với Kađitsa. Tôi không nói gì với Axen cả.

Một tuần sau chúng tôi dọn đến ngôi nhà nhỏ ở trạm chuyển tải. Ngôi nhà chỉ có một căn ngoài và hai phòng con. Ở đấy có vài ngôi nhà như thế của mấy cậu lái xe cùng ở với gia đình và của một số nhân viên các trạm bơm xăng. Nhưng địa điểm ấy tốt, gần đường cái và cách Narưn cũng là tỉnh lỵ. Có thể đi mậu dịch, đi xem phim, lại có cả bệnh viện nữa. Chúng tôi còn thú một điểm nữa là trạm chuyển tải ở chính giữa quãng đường. Những chuyến đi vận tải của chúng tôi chủ yếu là giữa Rưbatsiê và Tân Cương qua đèo Độ Long. Giữa đường có thể ghé về nhà nghỉ ngơi hay ngủ lại. Hầu như ngày nào tôi cũng được gặp Axen. Ngay những hôm gặp trở ngại dọc đường, tôi cũng cố về cho đến nhà, dù giữa đêm khuya cũng không ngại. Axen bao giờ cũng đợi tôi, tôi chưa về thì nàng cứ lo lắng không chịu đi ngủ. Chúng tôi đã bắt đầu sắm sửa đồ đạc trong nhà được ít nhiều. Nói tóm lại, cuộc sống dần dần ổn định. Chúng tôi quyết định là Axen sẽ đi làm, chính Axen cũng một mực đòi đi: là một người con gái lớn lên trong thôn xóm, nàng vốn quen làm lụng. Nhưng chúng tôi bỗng có một tin mừng đột ngột: nàng sắp làm me... Hôm Axen sinh cháu, tôi vừa tải hàng sang Tân Cương về. Tôi hối hả, cuống cuồng lên: Axen đang nằm ở nhà hộ sinh Narưn. Tôi đến thì nàng đã sinh cháu trai! Dĩ nhiên họ không cho tôi vào thăm. Tôi lên xe và phóng khắp đồi núi. Dạo ấy là mùa đông. Chung quanh chỉ toàn tuyết và đá. Trước mắt cứ loáng thoáng hai màu đen, trắng chen nhau: hết đen lại trắng, hết trắng lại đen. Tôi phóng lên đỉnh đèo Độ Long cao ngất. Mây bay là là sát đất, những ngọn núi ở phía dưới trông như một lũ lùn. Tôi nhảy ra khỏi buồng lái, hít mạnh không khí cho căng cả lồng ngực và gào to lên:

- Ê ê núi ơi! Tôi vừa đẻ con trai!

Tôi có cảm giác như núi đồi rung chuyển. Chúng nhắc lại lời tôi, và tiếng vọng ấy vang mãi hồi lâu không tắt, chuyển từ hẽm núi này sang hẽm núi nọ. Chúng tôi đặt tên cho cháu là Xamát. Tên ấy do tôi nghĩ ra. Bao nhiêu câu chuyện chúng tôi nói đều xoay quanh nó: thằng Xamát, thằng Xamát của chúng tôi, Xamát biết cười, Xamát mọc răng. Nói chung cũng như tất cả các ông bố, bà mẹ trẻ tuổi. Chúng tôi sống rất hoà thuận, thương yêu nhau, nhưng rồi được ít lâu tai họa đã đổ xuống đầu tôi...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 21:59:01 | Chỉ xem của tác giả
Chương 3



Bây giờ cũng khó lòng mà hiểu cho ra tai họa từ đâu đến. Mọi việc đều lẫn lộn, rối như tơ vò... Quả thật chính tôi đến nay cũng đã hiểu nhiều, nhưng bây giờ thì còn nói làm gì... Tôi gặp người ấy trên đường đi một cách tình cờ. Chúng tôi chia tay nhau mà cũng không ngờ rằng đó chưa phải là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai chúng tôi. Cuối mùa thu năm ấy tôi đi tải hàng. Trời rất xấu. Mưa cũng chẳng ra mưa, tuyết cũng chẳng ra tuyết: trên trời cứ đổ xuống một thứ gì ướt át, lâm thâm, chẳng hiểu là cái gì. Trên các sườn núi sương mù dày đặc như kem sữa. Gần suốt dọc đường tôi phải cho que gạt kính chạy: cửa kính cứ như toát mồ hôi. Xe tôi đã đi sâu vào núi, đậu ở chân đèo Độ Long. Chao ôi, Độ Long, Độ Long, con quái vật khổng lồ của vùng Thiên Sơn! Cuộc đời tôi đã gắn bó với nó biết chừng nào! Đó là đoạn đường khó khăn, nguy hiểm nhất của tuyết hành trình. Con đường ngoằn ngoèo chữ chi, hết vòng này lại sang vòng khác, cứ men vực thẳm leo mãi đến tận trời xanh, bốn bánh đè lên mây mà leo; khi thì người bị ép sát vào lưng ghế không nhấc lên được, khi thì lại ngã chúi về phía trước, phải chống tay cho ngực khỏi xô vào vôlăng. Thời tiết ở trên đèo thì như một con lạc đà xấu tính: Dù là mùa hạ hay mùa đông, đèo Độ Long cũng chẳng thèm đếm xỉa: trong nháy mắt trời bỗng dưng đổ một trận mưa rào, mưa đá, hay tuyết cuộn lên mù mịt không còn trông thấy gì nữa. Đấy, cái đèo Độ Long của chúng tôi là như thế đấy!... Nhưng chúng tôi, dân Thiên Sơn, đã quen với nó rồi, nhiều khi lại còn vượt đèo ban đêm nữa. Ấy, bây giờ tôi mới nhớ lại đầy đủ những nỗi khó khăn, nguy hiểm, chứ khi làm việc ở đấy hàng ngày thì cũng chẳng hơi đâu mà suy nghĩ đến những chuyện ấy.

Thế rồi một hôm, trong một hẽm núi gần đèo Độ Long, tôi đuổi kịp một chiếc xe vận tải. Tôi nhớ rõ đó là một chiếc GAZ 51. Nói đúng ra thì không phải tôi đuổi kịp: nó đã dừng sẵn ở đấy rồi. Hai người đang loay hoay chữa máy. Một trong hai người thong thả bước ra đứng giữa đường, giơ tay lên. Tôi hãm lại. Người ấy đến cạnh xe tôi, mình khoác chiếc áo choàng không tay bằng vải bạt ướt sũng, mũ chụp kéo lên đầu. Đó là một người tuổi trạc bốn mươi, có bộ ria mép màu hung xén thành bàn chải theo kiểu bộ đội, vẻ mặt hơi lầm lì, nhưng đôi mắt điềm đạm.

- Anh bạn ạ, anh cho tôi đi nhờ đến trạm coi đường ở Độ Long. Tôi cần lên lấy một cái máy kéo, xe này bị hỏng máy.

- Ngồi lên, tôi chở đi. Nhưng có lẽ ta thử nghĩ cách gì chăng... - Tôi đề nghị và xuống xe.

- Còn nghĩ cái nỗi gì, nó chẳng xì ra được tí hơi nào - Người lái xe kia vừa nói vừa đóng sập capô lại, vẻ chán chường. Tội nghiệp anh chàng lạnh quá, người cứ co ro, mặt tím bầm. Rõ ràng không phải dân chúng tôi, chắc là một tay lái xe ở thủ đô nào đấy, anh chàng bỡ ngỡ nhìn quanh. Họ đang chở gì từ Frunze lên trạm coi đường thì phải. Biết làm thế nào bây giờ... Tôi chợt nảy ra một ý rất ngông cuồng. Nhưng trước hết tôi cũng nhìn lên phía đèo đã. Trời u ám, đục nhờ nhờ, mây bay là là rất thấp. Nhưng tôi vẫn quyết chí. Cái ý của tôi cũng chẳng có gì hay ho lắm, nhưng lúc ấy tôi thấy như đang lao vào một cuộc tập kích liều lĩnh.

- Phanh của anh tốt đấy chứ... - Tôi hỏi người lái xe.

- Còn phải hỏi... chả nhẽ tôi lại lái xe không phanh đi à... Đã bảo máy hỏng, chỉ thế thôi.

- Thế có dây cáp không...

- Có đấy!

- Mang ra đây, mắc vào.

Hai người nghi hoặc nhìn tôi, vẫn đứng yên tại chỗ.

- Sao, anh điên rồi chắc... - Người lái xe nói khẽ.

Nhưng tính tôi nó thế. Tôi cũng không biết thế là tốt hay xấu, nhưng một khi tôi đã nảy ra ý gì thì dẫu có chết tôi cũng làm bằng được.

- Anh bạn ạ, anh nghe tôi, mắc vào! Tôi lấy danh dự mà nói rằng tôi sẽ kéo anh đến nơi! - Tôi cố thuyết phục người lái xe.

Nhưng anh ta chỉ xua tay:

- Thôi đi! Anh không biết là đường này không thể kéo rơ - moóc được à... Không xong đâu.

Tôi thấy bẽ mặt như thể vừa tha thiết khẩn khoản điều gì mà bị cự tuyệt. Tôi nói:

- Hèn thế, đồ con lừa!

Tôi gọi người kia. Về sau tôi được biết đó là một người trạm trưởng trạm coi đường. Người trạm trưởng nhìn tôi một lát rồi nói với anh lái xe:

- Lấy dây cáp ra!

Anh lái xe ngần ngại:

- Đồng chí sẽ phải chịu trách nhiệm đấy, Baitemir - akê ạ.

- Tất cả chúng ta sẽ chịu! - Người trạm trưởng đáp gọn.

Thái độ đó khiến tôi rất thích. Một người như vậy, thoạt mới gặp đã thấy kính nể ngay. Thế là chúng tôi móc hai xe vào nhau kéo đi. Lúc đầu khá êm thấm, mọi việc diễn ra một cách bình thường. Nhưng trên đèo Độ Long đường cứ luôn luôn lên dốc, ngược theo sườn núi, men theo vực thẳm, rồi lại lao thẳng xuống núi. Máy xe rền rĩ, gầm rú lên, nghe váng cả tai. Tôi nghĩ thầm: đừng hòng rên rỉ, tao sẽ bắt mày phải qua cho kỳ được! Từ trước tôi đã để ý thấy rằng dù đường đèo Độ Long có gian nan thật, nhưng bao giờ cũng còn thừa sức, có thể dành để kéo thêm rơ - moóc được. Anh em bao giờ cũng thận trọng bắt chúng tôi chở hơi nhẹ: nhiều nhất là bẩy mươi phần trăm trọng tải tiêu chuẩn. Dĩ nhiên lúc bấy giờ tôi không nghĩ đến chuyện ấy. Trong người tôi sôi sục lên một sức mạnh man dại tương tự như cái máu mê của người chơi thể thao; phải làm cho kì được, sống chết cũng phải giúp hai người kia, kéo chiếc xe đến tận nơi. Nhưng đến khi làm mới biết là việc ấy không đơn giản. Chiếc xe tôi lại cứ rung chuyển lên, thở ì ạch như một con vật kiệt sức, một cái gì ươn ướt cứ dính lầy nhầy ở cửa kính, hai cái que gạt đưa lia lịa mà cũng không lau kịp nữa. Mây đen ở đâu ùn ùn kéo đến, đọng ở dưới bánh xe, bò ngang đường. Những chỗ ngoặt thì góc nhọn hoắt, cheo leo trên vực. Trong thâm tâm, của đáng tội, tôi đã bắt đầu tự sỉ vả: tại sao lại đi chuốc lấy vạ, nhỡ toi mất hai mạng người kia thì sao... Chiếc xe ì ạch khổ sở là thế, nhưng so với tôi chẳng thấm gì. Tôi đã cởi bỏ hết: mũ lông, áo bông, áo vét, áo len, chỉ còn mặc mỗi chiếc áo sơ - mi, thế mà người tôi cứ bốc hơi lên như ngồi trong phòng tắm. Kéo một chiếc xe tải đã nặng sẵn như thế, lại còn chở đồ nữa, có phải chuyện đùa đâu. Cũng còn may mà Baitemir đứng ở bậc xe giúp chúng tôi phối hợp cách lái, với tôi thì nói, còn với người lái xe sau thì vẫy tay ra hiệu. Khi chúng tôi bắt đầu leo những đoạn ngoằn ngoèo chữ chi, tôi đã nghĩ anh ta sẽ không nén nổi mà bỏ xe nhảy xuống đường để thoát thân. Nhưng anh vẫn không sờn lòng. Người cúi chồm chỗm như một con đại bàng đang lấy đà để cất cánh, Baitemir đứng bám chặt lấy cửa buồng lái. Tôi liếc nhìn khuôn mặt anh, khuôn mặt điềm tĩnh, nét gãy gọn như khắc vào đá, có những giọt nước lăn trên má, trên bộ ria, và thấy lòng nhẹ bớt.

Chúng tôi còn phải leo một cái dốc dài nữa, qua được dốc này là xong, là thắng lợi. Vừa lúc ấy Baitemir cúi đầu vào buồng lái:

- Cẩn thận, có xe ở phía trước! Tránh sang phải tí nữa.

Tôi cho xe tránh sang phải. Từ trên dốc một chiếc xe vận tải đang đi xuống, xe của Giantai! Tôi nghĩ bụng: thôi, chuyến này thế nào cũng bị đồng chí kỹ sư phụ trách an toàn lao động cự cho một mẻ ra trò; Giantai về nhà sẽ tha hồ mách lẻo. Xe Giantai mỗi lúc một đến gần. Hắn tì hai tay lên vôlăng cho xe xuống dốc, mắt nhìn gườm gườm. hai xe đi sát vào nhau, thò tay ra là chạm phải xe kia. Khi đi qua ngang tầm, Giantai né người ra cửa xe. Cái đầu đội mũ lông chồn màu hung lắc lắc ra vẻ bất bình. “Thôi kệ mày - Tôi nghĩ bụng - Muốn thì cứ về mà mách lẻo. ”

Chúng tôi lên đến đỉnh dốc, xuống một đoạn thẳng đứng, rồi qua một quãng đường dốc thoai thoải và đến chỗ có đường rẽ vào trạm chữa đường. Tôi cho xe rẽ vào đấy. Thế là kéo qua được rồi! Tôi tắt máy và không còn nghe thấy gì nữa. Tôi có cảm giác như không phải tai mình váng đi, mà chính là núi đồi đã câm bặt. Không có lấy một tiếng động. Tôi tụt ra khỏi buồng lái, ngồi lên bậc xe. Tôi thở hổn hển như hết cả hơi, hơn nữa vì không khí trên đèo rất loãng. Baitemir chạy lại, choàng chiếc áo bông lên vai tôi, ấn chiếc mũ lông lên đầu tôi. Người lái xe kia loạng choạng rời xe bước tới, vẻ trầm lặng, mặt tái xanh. Anh ta ngồi xổm xuống trước mặt tôi, chìa ra bao thuốc lá. Tôi cầm lấy một điếu, tay run bần bật. Cả ba chúng tôi cùng châm thuốc hút, hoàn hồn lại. Cái sức mạnh man dại chết tiệt kia lại sôi sục lên trong người tôi.

- Ha! - Tôi rống lên - Thấy chưa! - Đoạn tôi vỗ đánh đét một cái lên vai anh bạn lái xe, mạnh đến nỗi anh chàng ngồi bệt luôn xuống đất. Rồi cả ba chúng tôi nhảy chồm lên và cứ thế huỵch vào lưng, vào vai nhau, cười ha hả, reo hô những câu vô nghĩa, vui mừng... Cuối cùng chúng tôi bình tâm lại, cùng châm điếu thuốc thứ hai. Tôi mặc áo, xem đồng hồ và sực nhớ ra:

- Thôi, tôi phải đi đây.

Baitemir cau mày:

- Không được, anh ghé vào nhà tí đã, anh sẽ là thượng khách.

Nhưng tôi không thể nán lại lấy một phút:

- Thôi cám ơn anh! - Tôi nói - Tôi không có thì giờ. Muốn về nhà một tí, vợ tôi đang đợi.

- Ở lại một lát thì đã sao... Ta sẽ làm một chai! - Anh bạn lái xe mới của tôi khẩn khoản.

- Thôi để cho cậu ấy về! - Baitemir ngắt lời - Chị ấy đang đợi. Cậu tên là gì nhỉ...

- Ilyax.

- Thế Ilyax đi nhé. Cám ơn. Cậu đã cứu giúp ta.

Baitemir đứng trên bậc xe tiễn tôi ra đến tận đường cái, lẳng lặng bắt tay rồi nhảy xuống. Trong khi xe lao lên đỉnh dốc, tôi ngoái cổ nhìn lại. Baitemir vẫn đứng trên đường cái, tay vò cái mũ lông, đầu cúi xuống như đang suy nghĩ điều gì. Chỉ có thế.



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:01:17 | Chỉ xem của tác giả
Tôi không kể chi tiết việc này cho Axen nghe. Tôi chỉ nói là dọc đường có việc phải giúp nên về muộn. Tôi thường không giấu vợ điều gì, nhưng riêng việc này tôi ngần ngại không dám kể. Cứ thế này Axen cũng đã lo lắng nhiều cho tôi rồi. Vả lại tôi tuyệt nhiên không có ý định tái diễn những trò như thế. Trong đời người chỉ xảy ra một lần thôi; tôi đã thi gan đọ sức vời đèo Độ Long thế là đủ rồi. Vả lại lẽ ra chỉ sau ngày hôm sau tôi đã quên khuấy việc này đi, nếu trên đường về tôi không lăn ra ốm. Té ra hôm ấy tôi đã bị cảm. Vừa lê về được đến nhà là tôi ngã lăn đùng ra. Tôi không biết gì nữa, lúc nào cũng chỉ mơ màng thấy mình đang kéo chiếc xe trên đèo Độ Long. Bão tuyết cứ táp vào mặt nóng bỏng, trong người hết sức khó chịu, như không có không khí mà thở nữa, vôlăng như làm bằng bông, ra sức lái mà nó cứ nhẽo nhèo ra trong tay. Phía trước mặt là một ngọn đèo cao ngất không thấy bờ, không thấy đỉnh ở đâu cả, chiếc xe ghếch mũi lên trời, gầm gừ leo lên, rồi lại lao thẳng xuống... Chắc hẳn đó là “ngọn đèo” của cơn bệch. Ốm đến ngày thứ ba tôi mới qua được ngọn đèo ấy. Tôi bắt đầu bình phục. Tôi nằm hai ngày nữa, thấy trong người đã khoẻ khoắn, muốn dậy, nhưng Axen cứ một mực bắt tôi nằm xuống giường. Tôi nhìn nàng và nghĩ bụng: tôi ốm hay nàng ốm... Tôi không nhận ra nàng được nữa, nàng hốc hác hẳn đi, mắt có quầng thâm, người gầy xọp, tưởng chừng như gió thổi bay được. Lại thêm đứa con dại trên tay. Không được, tôi nghĩ bụng, thế này không xong. Tôi không có quyền nằm ườn ra thế này. Phải cho Axen nghỉ ngơi. Tôi rời giường đứng dậy mặc quần áo.

- Axen! - Tôi gọi khẽ; thằng bé đang ngủ - Em nhờ bên hàng xóm trông hộ thằng Xamát, ta đi xem chiếu bóng.

Axen chạy đến cạnh giường, đẩy tôi ngã xuống gối, nhìn chăm chăm như thể trông thấy tôi lần đầu, cố nén khóc nhưng nước mắt cứ trào ra long lanh trên đôi hàng mi, môi run lẩy bẩy. Axen úp mặt vào ngực tôi và khóc oà lên.

- Em làm sao thế Axen... Làm sao thế... - Tôi thảng thốt hỏi.

- Có sao đâu, em mừng vì anh đã khỏi.

- Thì anh cũng mừng, nhưng việc gì phải cuống lên thế... Ừ thì anh có ốm thật, nhưng lại được ở nhà với em, tha hồ chơi với thằng Xamát. - Bấy giờ cháu nó đã biết bò, đang chập chững tập đi; đúng vào cái tuổi ngộ nghĩnh nhất - Em ạ, giá có ai bắt ốm thêm một trận nữa anh cũng không phản đối! - Tôi nói đùa.

- Anh chỉ nói bậy! Em không muốn thế! - Axen khẽ kêu lên.

Vừa lúc ấy thằng bé thức dậy. Axen bế nó ra, người nó nằm trong chăn hãy còn ấm. Ba chúng tôi nô đùa với nhau như hoá dại, thằng Xamát giống một chú gấu con bò khắp giường, dẫm cả lên chúng tôi.

- Đấy em xem, có vui không nào... - Tôi nói - Còn em thì sao... Ít nữa ta sẽ về làng thăm hai ông bà cụ em. Hai ông bà thử không tha thứ xem. Các cụ mà trông thấy Xamát nhà ta kháu khỉnh thế này, các cụ sẽ quên hết.

Phải, chúng tôi vốn có ý định về làng xin lỗi cha mẹ nàng như người ta vẫn thường phải làm trong những trường hợp như thế này. Dĩ nhiên, cha mẹ nàng giận chúng tôi lắm. Họ lại còn nhờ một người cùng làng hay tới Narưn đánh tiếng là họ sẽ không đời nào tha thứ hành động của con gái. Họ bảo họ không thèm biết đến đời sống của chúng tôi. Nhưng Axen vẫn hy vọng mọi việc sẽ ổn thoa... khi nào chúng tôi về làng xin cha mẹ tha thứ. Song trước hết phải xin nghỉ phép, chuẩn bị đi đường; thế nào cũng phải mua quà biếu khắp họ hàng. Về hai tay không thì tôi chẳng muốn.

Trong khi đó trời đã sang đông. Mùa đông vùng Thiên Sơn rất ác liệt, mưa tuyết, bão tuyết liên miên, trong núi lại hay có những trận tuyết lở. Dân lái xe chúng tôi thêm nhiều nỗi vất vả, mà anh em công nhân chữa đường lại càng gian truân hơn. Mấy hôm nay họ đang làm công tác chống sụt tuyết. Ở những nơi hiểm nghèo có thể xảy ra sụt tuyết, họ nổ mìn cho tuyết lở trước đi rồi dọn đường lại. Quả tình mùa đông năm ấy tương đối yên tĩnh, hay cũng có lẽ chỉ vì tôi không để ý thấy gì; nghề lái xe lúc nào cũng bận bịu. Và đến đây, trạm xe hơi đột nhiên nhận được nhiệm vụ mới ngoài kế hoạch. Nói cho đúng hơn, chính anh em lái xe chúng tôi tự nguyện nhận lấy nhiệm vụ đột xuất, và tôi là người đầu tiên xung phong nhận. Ngay đến bây giờ tôi cũng không ân hận, nhưng thật ra có lẽ chỉ vì việc này mà tôi phải chịu bao nhiêu chuyện không may. Số là thế này. Có một hôm vào buổi tối, tôi đang lái xe về trạm. Axen có gửi tôi đưa cho vợ Alibêk Gianturin một cái gói nhỏ. Tôi rẽ ngoặt ghé ngang nhà họ, bóp còi. Vợ Alibêk ra. Chị ấy cho tôi biết rằng anh em công nhân ở nhà máy điện Tân Cương có đánh điện sang trạm xe, yêu cầu chở ngay các bộ phận thiết bị nhà máy sang.

- Thế anh Alibêk đâu... - Tôi hỏi.

- Còn ở đâu nữa... Ở ga dỡ hàng. Anh em đều ra đấy cả. Nghe nó đoàn xe lửa chở hàng đã đến.

Tôi ra đấy. Tôi nghĩ bụng phải biết cho rõ tình hình ra sao. Tôi đánh xe đến. Ga dỡ hàng của chúng tôi ở trong một hẽm nũi trông ra hồ. Đó là ga tận cùng của đường xe lửa. Chung quanh bóng hoàng hôn chập chờn, thảng thốt. Gió từ trong khe núi giật thốc ra từng cơn xô các ngọn đèn lắc lư trên cột, thổi tuyết bay lất phất trên đường sắt. Mấy cái đầu máy chạy tới chạy lui để dồn toa. Trên dải đường sắt ngoài cùng, một chiếc cần trục đang quay, bốc từ các toa xuống những cái thùng gỗ chằng tôn và dây thép: hàng xuất biên sang Tân Cương, dành cho nhà máy điện. Công cuộc xây dựng bên ấy đang tiến hành trên một quy mô lớn, ít lâu nay chúng tôi cũng đã chở thiết bị sang được ít nhiều. Xe vận tải tập trung lại rất đông, nhưng chưa có ai bốc hàng cả. Người ta có vẻ như đang chờ đợi một cái gì. Anh em người thì ngồi trong buồng lái, người ngồi trên bậc xe, người thì lại đứng tựa vào các thùng gỗ cho khuất gió. Tôi chào hỏi, thì chỉ được đáp lại những tiếng ậm ừ lơ đãng. Ai nấy đều im lặng rít thuốc lá. Alibêk đứng riêng ra một nơi. Tôi đến gặp anh.

- Có chuyện gì thế... Vừa nhận được điện à...

- Phải. Anh em bên ấy muốn cho nhà máy bắt đầu vận hành trước thời hạn.

- Thế thì sao...

- Việc ấy còn tùy chúng mình có làm được không... Cậu cứ xem biết bao nhiêu hàng để ngổn ngang dọc các đường sắt, lại còn một số nữa sắp đến. Liệu đến bao giờ mới chở hết được... Trong khi đó anh em họ chờ đợi, họ trông mong vào mình!... Mỗi ngày đối với họ đều rất quý!

- Sao cậu lại gắt mình! Mình có dính dáng gì...

- Không dính dáng là thế nào! Cậu là cái gì, người ngoại quốc chắc... Hay cậu không hiểu đây là việc gì...

- Cậu này lạ thật! - Tôi ngạc nhiên nói và bỏ đi chỗ khác.

Vừa lúc ấy đồng chí Amangiôlôv, trưởng trạm xe, lặng lẽ đến cạnh một người lái xe, lấy vạt áo che đầu để châm thuốc lá hút. Đồng chí nhìn cả bọn chúng tôi một lượt.

- Tình hình như thế đấy các đồng chí ạ - Amangiôlôv nói - Ta sẽ điện lên Bộ, có lẽ trên ấy sẽ bổ sung lực lượng cho ta. Nhưng không nên ỷ vào đấy. Làm cách nào thì hiện nay chính tôi cũng không biết...

- Phải, nhưng trường hợp này nghĩ ra không phải dễ, đồng chí Amangiôlôv ạ - Một người lên tiếng - Hàng thì cồng kềnh, mỗi xe chở được hai, ba thùng là nhiều. Dù có tổ chức chuyển tải liên tiếp suốt hai mươi bốn giờ thì nhờ trời cũng phải sang đến mùa xuân mới hết.

- Vấn đề chính là ở chỗ ấy đấy - Amangiôlôv đáp - Mà phải làm cho được. Thôi bây giờ hẵng về nhà đã, mọi người cứ cố nghĩ cách đi!

Đồng chí thủ trưởng lên chiếc xe Gat nhỏ ra về. Anh em lái xe không ai nhúc nhích.

Trong một xó tối, có một giọng ồ ồ nói bâng quơ:

- Mẹ kiếp! một tấm da cừu mà cứ đòi cắt cho được hai áo! Phải nghĩ cho sớm chứ! - Người ngồi trong xó nói dứt lời đứng dậy tắt mẩu thuốc lá và ra xe. Một người khác hưởng ứng - Ta thì bao giờ cũng thế, cứ để nước đến chân rồi mới cuống lên - Các đồng chí lái xe ơi, giúp cho với!

Xung quanh ồ lên một lượt:

- Việc này là việc của anh em, Ixmain ạ, thế mà mày cứ kêu ầm lên như một mụ đàn bà ở ngoài chợ ấy!

Tôi không tham dự vào cuộc tranh luận. Nhưng tôi bỗng sực nhớ đến hôm tôi kéo chiếc xe trên đèo, và chợt hăng tiết lên như mọi khi. Tôi nhảy ra giữa đám công nhân.

- Còn nghĩ gì nữa... Phải móc rơ - moóc vào mà kéo!

Không ai nhúc nhích. Có nhiều người thậm chí cũng không thèm nhìn tôi nữa. Chỉ có một thằng ngốc thâm căn cố đế mới có thể xì ra một ý kiến khó nghe như vậy.

Giantai khẽ huýt sáo lên một tiếng:

- Hay đấy nhỉ! - Tôi không trông thấy hắn, nhưng nhận ra giọng nói của hắn.

Tôi đứng nhìn quanh, những toan kể lại việc dạo nọ, thì một anh chàng khoẻ như vâm từ phía sau một thùng hàng bước ra, cởi bao tay trao cho người đứng cạnh, đến trước mặt tôi nắm lấy cổ áo kéo sát tôi vào người, gần chạm mặt nhau:

- Nào, thở ra xem nào!

- Hà - à! - Tôi thở vào mặt hắn.

- Hắn tỉnh anh em ạ! - Anh chàng to lớn kinh ngạc buông cổ áo tôi ra.

- Thế thì hắn là một thằng ngốc! - Bạn tay kia đỡ lời, và cả hai ra xe mở máy đi mất. Những người còn lại cũng lặng lẽ đứng dậy sửa soạn ra về. Tôi chưa bao giờ phải biến thành một trò cười như vậy! Tôi đỏ bừng mặt lên vì nhục.

- Khoan đã, đi đâu thế! - Tôi chạy giữa đám công nhân lái xe - Tôi nói thật đấy. Có thể mắc rơ - moóc...

Một bác lái xe già, một ăcxakan, bước lại gần tôi, vẻ tức giận:

- Khi tôi bắt đầu lái xe ở đây, thì anh còn ở truồng tồng ngồng chạy chơi giữa đường ấy, anh bạn trẻ ạ. Thiên Sơn không phải là cái sân khiêu vũ. Tôi thấy thương hại cho anh lắm, đừng làm trò cười cho thiên hạ...

Anh em vừa cười vừa tản về các xe. Tôi liền quát vang cả nhà ga:

- Toàn là công tử bột, chứ lái xe gì cái thứ ấy!

Tôi đã nói bừa, chỉ tổ chuốc vạ vào thân.

Mọi người đứng phắt dậy, rồi xông vào tôi cả một lượt:

- Mày nói gì! Mày muốn thí mạng kẻ khác phỏng!

- Ra điều phát huy sáng kiến đấy! Muốn kiếm món tiền thưởng mà! - Giantai đệm theo.

Họ thi nhau mắng nhiếc, dồn sát tôi vào đống thùng. Tôi nghĩ bụng không khéo họ giã tôi chết mất. Tôi liền vớ lấy một tấm ván.

Bỗng có tiếng còi, rồi có ai xô đám đông ra.

- Xê ra nào! - Đó là Alibêk, anh quát - Khẽ chứ! Còn cậu, Ilyax, ăn nói cho tử tế một tí! Nói nhanh lên!

- Nói gì nữa! - Tôi vừa thở hổn hển vừa đáp - Các cậu ấy giật đứt hết cúc áo của tôi rồi còn gì. Trên đèo tôi đã có lần kéo một chiêc xe đến trạm coi đường. Kéo một cái xe chở nặng hẳn hoi. Chỉ có thế.

Anh em im lặng, ngờ vực.

- Thế sao, có kéo qua được không... - Có ai hỏi, giọng nghi hoặc.

- Có chứ. Qua hết đèo Độ Long, đến tận trạm coi đường.

- Ghê thật! - Có ai tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Chỉ nói phét! - Một người khác bẻ lại.

- Có chó nó thèm nói phét. Chính Giantai có trông thấy. Ê, Giantai, mày ở đâu rồi... Nói đi nào! Mày nhớ đấy, chúng ta gặp nhau ở...

Nhưng không thấy Giantai thưa. Như thể hắn đã độn thổ đi đâu mất. Nhưng lúc bấy giờ chẳng ai nghĩ đến hắn. Anh em bắt đầu bàn cãi. Có mấy người đã đứng về phía tôi. Nhưng một người thiếu tin tưởng làm họ thay đổi ý kiến ngay.

Hắn nói, giọng bi quan:

- Việc gì cứ đi tán nhảm mất thì giờ. Thiếu gì trường hợp như thế: có người làm được một lần, nhưng như thế chưa có nghĩa gì hết. Chúng ta không phải là trẻ con. Trên đường này cấm không được kéo rơ - moóc. Và không ai cho phép làm như vậy đâu. Cứ thử nói với đồng chí kỹ sư phụ trách an toàn lao động mà xem, lại không được một mẻ chừa đến già ấy à! Đồng chí ấy chả dại gì nghe các bố để rồi ra toà đâu... Đấy chỉ có thế.

- Thôi đi ông! - Một người khác xen vào - Không cho phép là thế nào! Đây có bác Ivan Xtêpanôvits năm ba mươi đã lái chiếc xe tấn rưỡi mở đường lên đèo lần đầu tiên đấy. Có ai cho phép bác ấy đâu... Tự bác ấy đi. Đây, bác vẫn còn sống sờ sờ ra đấy thôi...

- Phải, quả có thế - Bác Ivan Xtêpanôvits xác nhận - Nhưng tôi ngờ lắm; đường này ngày mùa hạ cũng chẳng ai dám kéo rơ - moóc, huống hồ bây giờ đang mùa đông...

Alibêk, nãy giờ vẫn lặng thinh, lên tiếng:

- Thôi đừng bàn cãi nữa. Việc này dù khác thường cũng cứ nên suy nghĩ xem sao. Có điều là không thể làm như cậu được đâu, Ilyax ạ, cứ thế lắp rơ - moóc vào rồi hấp, đi luôn! Phải chuẩn bị, suy nghĩ cho chín, bàn bạc, thí nghiệm xe đã. Chỉ nói suông thì không chứng minh được cái gì hết.

- Tôi chứng minh cho mà xem! - Tôi đáp - Trong khi các anh ngồi nghĩ hết nước hết cái, tôi sẽ chứng minh! Đến lúc ấy các anh sẽ thấy rõ!


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 22:02:54 | Chỉ xem của tác giả
Trong khi bước về phía phòng điều vận tôi chợt nghĩ rằng đã lâu tôi không vào cửa phòng như hồi trước, mà chỉ đứng ở ghisê. Tôi ngần ngại. Cánh cửa mở ra. Kađitsa đứng trên ngưỡng cửa.

- Tôi đến gặp cô đây, Kađitsa ạ. May mà cô chưa về.

- Tôi đang sắp sửa về đây.

- Thế thì cùng đi, tôi đưa cô về nhà.

Kađitsa ngạc nhiên giương cao đôi mày lên, nhìn tôi có vẻ nghi hoặc, rồi mỉm cười:

- Ta đi thôi.

Chúng tôi ra khỏi trạm xe. Ngoài đường tối mù mịt. Từ phía hồ vẳng lại tiếng sóng vỗ, gió lạnh thổi vù vù. Kađitsa nắm lấy khuỷu tay tôi, nép người vào tôi cho khuất gió.

- Lạnh à... - Tôi hỏi.

- Gần anh thì chẳng sợ chết cóng! - Cô ta đùa lại.

Mới phút trước tôi còn lo lắng cuống cuồng lên, mà bây giờ không hiểu sao đã thấy yên lòng.

- Mai cô trực nhật vào lúc nào, Kađitsa...

- Phiên thứ hai. Thế sao...

- Tôi có một việc rất cần. Thành hay bại là tùy cô cả đấy...

Lúc đấy Kađitsa chối quầy quậy, nhưng tôi cứ một mực thuyết phục. Chúng tôi dừng chân cạnh một cột đèn ở góc đường.

- Chao ôi, Ilyax! - Kađitsa lo sợ nhìn vào mắt tôi nói - Sao anh lại đi bày chuyện ra như thế cho khổ!

Nhưng tôi hiểu rằng Kađitsa sẽ làm theo yêu cầu của tôi. Tôi cầm lấy tay cô ta:

- Kađitsa hãy tin tôi! Mọi việc sẽ đâu vào đấy cả. Sao, đồng ý chứ...

Kađitsa thở dài:

- Thôi, đối với anh thì còn biết làm thế nào nữa! - Đoạn cô gật đầu.

Tôi bất giác ôm choàng lấy vai Kađitsa.

- Giá Kađitsa sinh ra làm một chàng gighit thì phải hơn. Thôi, đến mai nhé! - Tôi siết chặt tay cô - Đến chiều cô nhớ chuẩn bị giấy tờ cho đủ nhé, hiểu chưa...

- Khoan đã! - Kađitsa thốt lên, không buông tay tôi ra. Rồi cô bỗng quay phắt đi - Thôi anh đi đi... Hôm nay anh ngủ ở nhà tập thể à...

- Ừ!

- Ngủ ngon nhé!

Hôm sau ở trạm chúng tôi kiểm tra kỹ thuật. Anh em đều lo lắng bứt rứt: mấy ông thanh tra ấy lúc nào cũng đến bất chợt, động tí gì cũng moi móc, cũng lập biên bản. Họ gây ra bao nhiêu chuyện rầy rà, phiền phức. Nhưng các ông tướng ấy thì cứ lạnh như tiền. Về phần xe tôi thì tôi yên trí lắm, nhưng tôi cứ đứng xa xa làm ra vẻ như đang bận chữa. Phải trì hoãn cho đến phiên Kađitsa trực nhật. Không ai bắt chuyện với tôi, không ai nhắc nhở đến việc hôm qua. Tôi biết các cậu ấy chẳng hơi đâu mà nghĩ đến tôi: ai nấy đều cố sao qua cuộc kiểm tra kỹ thuật cho nhanh để lên đường cướp lại thời gian đã mất. Tuy vậy nỗi uất ức trong lòng tôi vẫn không nguôi.

Qúa trưa mới đến lượt tôi kiểm tra kỹ thuật. Các cán bộ kiêm tra đã ra về. Trong trạm bây giờ im lặng và vắng hẳn đi. Ở cuối sân có mấy cái rơ - moóc để giữa trời. Thỉnh thoảng nó vẫn được dùng khi đi đường đồng bằng, những chuyến vận tải nội địa. Tôi chọn lấy một chiếc kiểu thông thường: một thùng bốn bánh. Bao nhiêu mưu mẹo chung quy chỉ có thế... Có gì đâu mà phải vật vã khổ sở mãi... Lúc ấy tôi chưa biết những gì đang chờ tôi. Tôi bình thản trở về nhà tập thể để ăn cho chắc bụng và ngủ lấy một tiếng đồng hồ cho khoẻ: đường đi sẽ khó khăn. Nhưng tôi cứ trằn trọc mãi không chợp mắt được. Khi trời bắt đầu sẩm tối, tôi trở về trạm xe.

Kađitsa đã ở đấy. Mọi thứ đều chuẩn bị xong xuôi. Tôi cầm lấy công lệnh và bước vội ra gara. “Bây giờ bọn mày phải coi chừng! ” Tôi mở máy, đánh xe đến chỗ xếp rơ - moóc, cho về số một, bước ra ngoài đưa mắt nhìn quanh. Không có lấy một bóng người. Chỉ nghe tiếng máy tiện chạy rè rè trong xưởng sửa chữa và tiếng sóng dào dạt ở ngoài hồ. Trời có vẻ quang quang, nhưng vẫn không trông thấy sao. Bên cạnh, máy kêu xình xịch khe khẽ, trống ngực tôi hình như cũng hoà theo. Tôi châm thuốc hút nhưng rồi lại vứt ngay; sau hẵng hút.

Ra đến cửa bác thường trực chặn tôi lại.

- Đứng lại, đi đâu...

- Đi bốc hàng, ăkxakan ạ - Tôi nói, cố làm ra vẻ thản nhiên - Giấy ra cửa đây.

Ông già chúi đầu vào tờ giấy dưới ánh đèn lồng ông ta chẳng mò ra được chữ gì.

- Nhanh lên không muộn mất, ăkxakan ạ! - Tôi sốt ruột quá, giục - Công việc không trì hoãn được đâu.

Việc bốc hàng diễn ra một cách bình thường. Xe chở đến mức tối đa: hai kiện trên thùng xe, hai kiện trên rơ - moóc. Chẳng ai nói gì hết - Tôi cũng lấy làm lạ. Xe ra đến đường cái rồi tôi mới châm thuốc hút. Tôi ngồi lại cho thoải mái, bật đèn pha lên và thả hết ga. Bóng tối trên đường nghiêng ngả, chập chờn trước mặt tôi. Đường quang, không có gì ngăn trở tôi dận hết tốc lực. Xe chạy bon bon, cái rơ - moóc lịch kịch ở phía sau hầu như không có ảnh hưởng gì. Quả tình ở những chỗ ngoặt, xe hơi láng sang một bên, trả lại có khó hơn nhưng tôi nghĩ đó là vì lâu nay không kéo rơ - moóc; rồi sẽ quen dần thôi. “Nào, tiến lên Độ Long, tiến về Tân Cương! ” - Tôi tự ra lệnh và cúi lom khom trên tay lái như một kỵ sĩ cúi mình trên bờm ngựa. Trong khi đường còn bằng phẳng phải chạy dấn vào. Tôi trù tính đến nửa đêm sẽ bắt đầu tiến lên chiếm lĩnh Độ Long.

Tôi đã chạy nhanh hơn cả dự tính ít nhiều, nhưng khi bắt đầu vào núi đành phải lái thận trọng hơn. Không phải vì máy không đương nổi sức chở nặng. Những khi lên dốc không khó mấy, xuống dốc mới gay. Cái rơ - moóc cứ chồm chồm trên sườn dốc, kêu ầm ầm, thúc vào chiếc xe, không cho xuống dốc một cách êm thấm; phút phút lại phải sang số, hãm phanh, trả vôlăng. Lúc đầu tôi giữ vững tinh thần, cố không lưu ý tới. Nhưng càng đi lại càng khó, rốt cục tôi bắt đầu hoang mang, cáu kỉnh. Trên đường đi bao nhiêu là dốc lên, dốc xuống, chưa hề có ai nghĩ đến chuyện đếm thử! Nhưng tôi vẫn không nản lòng. Chưa có gì đáng cho tôi phải sợ cả, nhưng sức tôi cứ kiệt dần. “Không sao! - Tôi tự an ủi - Trước khi lên đèo ta sẽ nghỉ một lát. Nhất định sẽ qua được! ” Tôi không hiểu tại sao lần này lại vất vả hơn nhiều so với dạo mùa thu, hôm tôi kéo chiếc xe kia. Đã sắp lên đến đèo Độ Long. hai luồng ánh sáng của đèn pha lướt trên những vách đá đồ sộ của hẽm núi đen ngòm. Những tảng đá khổng lồ đầu phủ tuyết cheo leo ở trên đường đi. Những bóng tuyết lớn chập chờn trước cửa kính. “Hẳn là gió từ trên đèo thổi xuống” - Tôi thầm nghĩ. Nhưng các bông tuyết bắt đầu bám vào cửa kính và từ từ tụt xuống; thế tức là trời đang mưa tuyết. Tuyết không dày lắm nhưng ẩm ướt. “Chỉ còn thiếu có thế nữa thôi!... ” - Tôi càu nhàu qua kẽ răng. Tôi cho que gạt kính chạy. Đã lên đến những đoạn đường dốc đứng của đèo Độ Long. Máy xe bắt đầu điệu hát quen thuốc. Tiếng ro ro đều đều, nhức tai bò dọc đường cái tối tăm. Cuối cùng xe đã lên đến đỉnh dốc. Bây giờ trước mắt còn cả một con đường xuống dốc dài. Máy nấc lên từng đợt. Xe bắt đầu lao xuống. Nó lập tức trùng triềng từ bên này sang bên nọ. Sau lưng, tôi cảm thấy cái rơ - moóc giở chứng lồng lộn lên, thúc vào xe, tôi nghe tiếng xủng xoảng, tiếng sắt nghiến ken két ở chỗ nối rơ - moóc. Cái tiếng ken két ấy như cứa sâu vào lưng tôi, khiến hai bả vai tôi nhức buốt ê ẩm. Bánh xe không chịu ăn phanh nữa, cứ trượt trên lớp tuyết ướt át phủ trên đường. Xe cứ chuỗi xuống, cả cái khối nặng rung chuyển nhảy lên chồm chồm, giật vôlăng ra khỏi tay tôi và toài ra nằm chéo giữa đường. Tôi lái trả lại và dừng xe. Không thể đi được nữa, tôi kiệt sức rồi. Tôi tắt đèn, khoá máy lại. Hai tay tê dại hẳn đi, cứ như tay gỗ. Tôi ngả người vào lưng tựa và nghe thấy tiếng thở khò khò của mình. Tôi ngồi như thế mấy phút cho lại sức, châm thuốc hút. Xung quanh bóng tối dày đặc, im lặng một cách hoang dã. Chỉ có tiếng gió thổi hun hút qua các khe hở của buồng lái. Tôi không dám hình dung đoạn đường phía trước. Từ đây trở đi là những đoạn dốc chữ chi cheo leo trên vực thẳm. Leo những đoạn dốc ngoằn ngoèo vô tận ấy thật là một cực hình cho xe và cho hai bàn tay. Nhưng không thể do dự được nữa, tuyết đang xuống mỗi lúc một dày đặc.

Tôi mở máy. Chiếc xe gầm gừ nặng nề leo lên dốc. Tôi nghiến răng lái một thôi không nghỉ qua các đoạn dường chữ chi, hết đoạn này đến đoạn khác. Đoạn đường chữ chi đã hết. Bây giờ là một đoạn xuống dốc thẳng đứng, rồi đến con đường bằng phẳng, xuống thoai thoải dẫn đến tận chỗ rẽ vào trạm coi đường và sau đó là đỉnh đèo. Tôi khó nhọc lái xuống. Trên con đường thẳng kéo dài khoảng bốn cây số, tôi cho xe lao vun vút và luôn đà phóng lên dốc. Xe leo lên, leo lên nữa... Nhưng chẳng mấy chốc đã hết đà. Xe bắt đầu giảm tốc độ một cách đáng sợ, tôi chuyển sang số hai, rồi số một. Tôi tựa hẳn vào lưng ghế, xiết chặt vôlăng. Qua một khoảng hở giữa các đám mây, mấy ngôi sao lấp lánh chiếu vào mắt - Xe đứng yên không chịu nhích tới nữa. Bánh xe bắt đầu quay không, dạt sang một bên. Tôi dận hết ga.

- Nào, cố lên! Tí nữa thôi! Cố lên - Tôi quát, giọng lạc hẳn đi.

Tiếng máy rên rỉ kéo dài chuyển thành một tiếng sắt rung lanh lảnh, rú lên, rồi tắt hẳn.

Chiếc xe từ từ tụt xuống. Hãm mấy cũng không ăn thua nữa. Dưới sức nặng của chiếc rơmoóc, xe lăn xuống dốc, rồi húc vào đá đứng phắt lại. Xung quanh im phăng phắc. Tôi đẩy cửa xe nhìn ra ngoài. Tôi đoán không sai! Thật đến khổ! Chiếc rơ - moóc đã tụt xuống hố. Bây giờ không có sức mạnh nào có thể lôi nó lên được. Trong cơn hoảng hốt, tôi lại mở máy dấn về phía trước. Bốn bánh xe quay tít, chiếc xe cố sức lên gân, rướn thẳng tới, nhưng không hề nhích lên được chút nào. Tôi nhảy xuống đất chạy đến cạnh rơ - moóc. Bánh nó đã lún sâu xuống hố. Làm thế nào bây giờ... Không suy nghĩ gì hết, như điên như dại, tôi xông vào chiếc rơ - moóc, bắt đầu dùng hai tay và tì cả người vào đẩy. Rồi tôi ghé vai xuống dưới thùng rơ - moóc, gầm lên như con thú dữ, hì hục lên gân đến nỗi đầu buốt như kim châm, cố sức đẩy rơ - moóc lên đường cái, nhưng đẩy làm sao được! Kiệt sức, tôi ngã sấp mặt xuống đất, hai tay cào lớp tuyết lẫn bùn, và khóc lên vì uất ức. Một lát sau tôi đứng dậy, lảo đảo đến ngồi ở bậc xe.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách