Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: love_milk_tea9
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Thơ] Lục Vân Tiên | Nguyễn Đình Chiểu

[Lấy địa chỉ]
51#
 Tác giả| Đăng lúc 24-9-2011 19:25:52 | Chỉ xem của tác giả
Kim Liên thay Nguyệt Nga cống Ô Qua



    Kim Liên thức dậy mới hay,
Cùng quân thể nữ một bầy đều lo.
    Cùng nhau lặng chẳng dám hô,
Thầm toan mưu kế chẳng lo lậu tình.
1505.Việc nầy là việc triều đình,
Đốc quan hay đặng ắt mình thác oan.
    Muốn cho cẩn nhiệm trăm đàng,
Kim Liên thế lấy làm nàng Nguyệt Nga.
    Trá hôn về nước Ô Qua,
1510.Ai mà vạch lá, ai mà tìm sâu?
    Tính rồi xong xả chước mầu,
Phút nghe thuyền đã đến đầu Ải quan.
    Đốc quan xe giá sửa sang,
Kiệu trương lọng phụng rước nàng về Phiên.
1515.Nào hay tì tất Kim Liên,
Đặng làm Hoàng hậu nước Phiên một đời.


Chú thích:

1504. Lậu tình: tiết lộ tình hình để cho người ngoài biết chuyện.
1506. Ðốc quan: chức quan đôn đốc việc Nguyệt Nga đi cống Phiên.
1507. Cẩn nhiệm: cẩn thận bí mật.
1509. Trá hôn: giả mạo trong công việc cưới gả, nghĩa là không đúng người đã đính ước.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

52#
 Tác giả| Đăng lúc 24-9-2011 20:06:54 | Chỉ xem của tác giả
Nguyệt Nga được Phật Quan Âm cứu



    Nguyệt Nga nhảy xuống giữa vời.
Sóng thần đưa đẩy vào nơi bãi rày.
    Bóng trăng vừa khuất ngọn cây,
1520.Nguyệt Nga hồn hãy chơi rày âm cung.
    Xiết bao sương tuyết đêm đông,
Mình nằm giữa bãi lạnh lùng ai hay?
    Quan âm thương đấng thảo ngay,
Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa.
1525.Dặn rằng: "Nàng hỡi Nguyệt Nga!
Tìm nơi nương náu cho qua tháng ngày.
    Đôi ba năm nữa gần đây,
Vợ chồng sao cũng sum vầy một nơi."
    Nguyệt Nga giây phút tỉnh hơi,
1530.Định hồn mới nghĩ mấy lời chiêm bao.
    Nên hư chưa biết làm sao,
Bây giờ biết kiếm chốn nào dung thân?
    Một mình luống những bâng khuâng,
Phút đâu trời đã rạng hừng vừng đông.


Chú thích:

1520. Âm cung: âm phủ, cõi chết. Nói Nguyệt Nga còn mê mệt chưa tỉnh.
1523. Quân âm: tức Quan Thế Âm, tên một vị Phật, quan là nghe xem, thế âm là âm thanh của người đời, vị Phật này thường nghe xem những tiếng kêu khổ nạn của người đời mà tìm đến chỗ giải cứu cho, nên gọi như thế.
1530. Ðịnh hồn: tỉnh lại, hồn được yên định lại.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

53#
 Tác giả| Đăng lúc 24-9-2011 21:04:03 | Chỉ xem của tác giả
Bùi ông nhận Nguyệt Nga làm con nuôi



1535.Một mình mang bức tượng chồng,
Xảy đâu lại gặp Bùi ông dạo vườn.
    Ông rằng: "Nàng ở hà phương?
Việc chi mà tới trong vườn hoa ta?"
    Nàng rằng trận gió thổi qua,
1540."Chìm thuyền nên nỗi mình ra thế nầy.
    Tối tăm sẩy bước tới đây,
Xin soi xét tới thơ ngây lạc đường."
    Bùi ông đứng ngắm tướng nàng,
Chẳng phen đài các cũng phường trâm anh.
1545.Đầu đuôi han hỏi sự tình,
Nàng bèn lời thiệt việc mình bày qua.
    Bùi ông mừng rước về nhà,
Thay xiêm đổi áo nuôi mà làm con:
    "Ta cũng sinh một chồi non,
1550.Tên là Bùi Kiệm hãy còn ở kinh.
    Trong nhà không gái hậu sinh,
Ngày nay lại gặp minh linh phước trời.
    Nguyệt Nga ở đã an nơi,
Đêm đêm nghĩ lượng việc đời gần xa."


Chú thích:

1537. Hà phương: phương nào, nơi nào?
1544. Ðài các: dinh thự và lầu gác, chỉ nơi quan chức quyền quý. Trâm anh: cái gài tóc và cái dải mũ, chỉ hạng người sang cả.
1552. Minh linh: một loại sâu (sâu hóa bướm) thường cuộn tổ ở lá lúa, lá rau mà cắn hại. Kinh Thi có câu: "Minh linh hữu tử, quả lõa phụ chi", nghĩa là minh linh có con, tò vò cõng về nuôi, do đó, tục gọi "con nuôi" là: "minh linh". Việt Nam cũng có câu: "Tò vò mà nuôi con nhện...". Nhưng người xưa đã không xét kỹ, tò vò bắt minh linh hay nhện đưa về, là để làm thức ăn nuôi con nó, chứ không phải để nuôi làm con.
1554. Nghĩ lượng: nghĩ ngợi suy tính.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

54#
 Tác giả| Đăng lúc 25-9-2011 07:10:07 | Chỉ xem của tác giả
Thấy Nguyệt Nga, Bùi Kiệm sinh tà ý



1555.Một lo về nước Ô Qua,
E vua bắt tội cha già rất oan.
    Hai lo phận gái hồng nhan,
Sợ khi bảo dưỡng mưu toan lẽ gì.
    Nguyệt Nga luống những sầu bi,
1560.Xảy đâu Bùi Kiệm tới khi về nhà.
    Từ ngày thấy mặt Nguyệt Nga,
Đêm đêm trằn trọc phòng hoa mấy lần.
    Thấy nàng thờ bức tượng nhân,
Nghiệm trong tinh ý dần lân hỏi liền:
1565."Tượng nầy sao giống Vân Tiên?
Bấy lâu thờ có linh thiêng điều gì?"
    Nàng rằng: "Làm phận nữ nhi,
Một câu chánh tiết phải ghi vào lòng.
    Trăm năm cho trọn đạo tòng,
1570.Sống sao thác vậy một chồng mà thôi."
    Kiệm rằng: "Nàng nói sai rồi,
Ai từng bán đắt mà ngồi chợ trưa?"


Chú thích:

1558. Bảo dưỡng: giữ gìn và nuôi nấng. Nguyệt Nga sợ rằng: Bùi ông bảo dưỡng mình là có mưu toan gì chăng?
1562. Phòng hoa: căn phòng trang trí đẹp đẽ, văn vẻ.
1563. Tượng nhân: hình người vẽ.
1564. Dần lân: lân la dần dần.
1568. Chánh tiết: điều trinh tiết chủ yếu.
1572. Bán đắt: tiếng miền Nam là đắt hàng. Nói: bán đắt hàng sao không bán ngay mà lại ngồi chợ trưa nghĩa là có nhan sắc như Nguyệt Nga, ai chả say mê, việc chi mà ngồi đợi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

55#
 Tác giả| Đăng lúc 25-9-2011 11:21:18 | Chỉ xem của tác giả
Bùi Kiệm xúi Nguyệt Nga tái giá



    "Làm người trong cõi gió mưa,
Bảy mươi mấy mặt người xưa thế nào?
1575.Chúa xuân còn ở vườn đào,
Ong qua bướm lại biết bao nhiêu lần.
    Chúa đông ra khỏi vườn xuân,
Hoa tàn nhụy rữa như rừng bỏ hoang.
    Ở đời ai cậy giàu sang,"
1580.Ba xuân dẫu hết ngàn vàng khôn mua.
    "Hay chi như vãi ở chùa,
Một căn cửa khép bốn mùa lạnh tanh.
    Lênh đênh một chiếc thuyền tình,
Mười hai bến nước biết mình vào đâu?
1585.Ai từng mặc áo không bâu,
Ăn cơm không đũa, ăn trầu không cau?
    Nàng sao chẳng nghĩ trước sau,
Giữ ôm bức tượng bấy lâu thiệt mình."
    Nàng rằng: "Xưa học sử kinh,
1590.Làm thân con gái chữ trinh làm đầu.
    Chẳng phen thói nước Trịnh đâu,
Hẹn người tới cửa vườn dâu tư tình."
    Kiệm rằng đã biết sử kinh,
"Sao không soi xét để mình ngồi không."
1595.Hồ Dương xưa mới góa chồng,
"Còn mơ nhan sắc Tống công cũng vừa.
    Hạ Cơ lớn nhỏ cũng ưa,
Sớm đưa Doãn Phủ, tối ngừa Trần quân.
    Hán xưa Lữ hậu thanh xuân,
1600.Còn vua Cao tổ mấy dừng Dị Ky.
    Đường xưa Võ hậu thiệt gì,
Di Tông khi trẻ, Tam Tư lúc già.
    Cứ trong sách vở nói ra,
Một đời sung sướng cũng qua một đời.
1605.Chính chuyên làm sự đổi dời,
Lăng Vân trắc nết hết đời cũng ma.
    Người ta chẳng lấy người ta,
Người ta đâu lấy những là tượng nhân?
    Cho nên tiếc phận hồng nhan,
1610.Học đòi Như Ý vẽ chàng Văn Quân."


Chú thích:

1574. Bảy mươi mấy mặt người xưa thế nào: do câu thơ của Ðỗ Phủ đời Ðường. Nhân sinh thất thập cổ lai hy, nghĩa là đời người ta, xưa nay ít ai sống được bảy mươi tuổi.
1584. Mười hai bến nước: có lẽ là một thành ngữ chỉ con số cửa sông hoặc cửa biển của nước ta thời xưa. Bài thơ của Lê Quát đời Trần có câu: "Hải môn thập nhi ngã hoàn sơn", nghĩa là: một vùng mười hai cửa biển, ta về núi ẩn". Ðây nói số phận đàn bà lênh đênh, không biết rõ đâu là bờ bến.
1585. Bâu: cổ áo. Câu này là một câu ca dao có sẵn.
1591. Thói nước Trịnh: nước Trịnh đời Xuân thu, có tiếng là một nước nhiều thói phóng đãng, trai gái thường tụ trên sông Trăn, sông Vị, cùng nhau tặng hoa thược dược mà đùa bỡn, còn những chuyện trèo tường, đón ngõ, hẹn nhau ngoài nội cỏ, thì rất phổ biến ở trong nước.
1592. Vườn dâu: đời Xuân Thu còn có nước Vệ cũng dâm tục như nước Trịnh, trai gái thường hẹn hò nhau ở trên sông Bộc hoặc trong vườn dâu.
1595. Hồ Dương: theo Hậu Hán thư: Hồ Dương công chúa, chị gái vua Hán Quang Vũ, góa chồng được ít lâu muốn lấy Tống Hoằng (Tống công) một đại thần của Quang Vũ. Hoằng không chịu lấy, quyết giữ trọn tình nghĩa với người vợ "tào khang" của mình.
1597. Hạ Cơ: một người đàn bà đẹp nhưng đa dâm, là con gái Trịnh Mục Công (đời Xuân thu), lấy Ngự Thúc, quan nước Trần, Ngự Thúc chết, thông tình với Trần Linh Công và các quan triều là Khổng Ninh, Nghi Hành Phủ. Sau Sở diệt Trần, lại lấy Liên Doãn Tương Lão (Liên Doãn là họ). Tương Lão chết, lại lấy Thân Công Vu Thần nước Sở.
1598. Doãn Phủ: hai chữ này nghi có sách chép sai. Hạ Cơ thông tình với Nghi Hành Phủ và lấy Liên Doãn Tương Lão, vậy hai chữ này phải là Hành Phủ, vì theo nghĩa của câu văn, dưới đặt chữ Trần Quân (vua Trần, tức Linh công), thì trên nên đặt là Hành Phủ, hai người cùng thông tình, mà lại đồng thời.
1599. Lữ hậu: Lã hậu (chữ Lã chính âm là Lữ), tức Lã Trĩ, vợ Hán Cao Tổ (Lưu Bang). Lã Hậu tư thông với Thẩm Dị Ky, người này trước là quan hậu cận Lã hậu, sau có công đánh giặc, được phong tước hầu, khi Cao Tổ chết, Lã hậu thường giấu giếm Dị Ky ở nơi cung cấm và yêu đương tin dùng, cử làm Thừa Tướng.
1601. Võ hậu: Khi Vũ hậu làm vua, tin dùng bọn gian nịnh và thông tình với anh em Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi, hai người cùng đẹp trai, nguyên trước cử vào hầu hạ trong cung, sau được Vũ hậu yêu đương cho làm quan chức ở triều.
1602. Di Tông, Tam Tư: bốn chữ này ghi cũng chép sai. Theo Ðường sử, Vũ hậu thông tình với Xương Tông và Dịch Chi, chứ không với Tam Tư, tức Vũ Tam Tư, cháu gọi Vũ hậu là cô.
1606. Trắc nết: hư nết, xấu nết. Câu này phỏng theo câu ca dao: "Chính chuyên chết cũng ra ma, lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng".
1610. Như Ý: một nhân vật chính trong một vở tuồng Tả Sự gặp gỡ của Như Ý và Văn Quân. Như Ý giúp Văn Quân, một chàng thanh niên tài giỏi, trốn tránh được khỏi tay quân thù. Về sau hai người lấy nhau.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

56#
 Tác giả| Đăng lúc 25-9-2011 12:44:45 | Chỉ xem của tác giả
Bùi ông dụ Nguyệt Nga ưng Bùi Kiệm



    Nguyệt Nga biết đứa tiểu nhân,
Làm thinh toan chước thoát thân cho rồi.
    Bùi ông ngon ngọt trau dồi,
Muốn nàng cho đặng sánh đôi con mình.
1615."Làm người chấp nhứt sao đành,
Hễ là lịch sự có kinh có quyền.
    Tới đây duyên đã bén duyên,
Trăng thanh gió mát cắm thuyền chờ ai?
    Nhớ câu xuân bất tái lai,
1620.Ngày nay hoa nở, e mai hoa tàn.
    Làm chi thiệt phận hồng nhan,
Năm canh gối phụng màn loan lạnh lùng.
    Vọng Phu xưa cũng trông chồng,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
1625.Thôi thôi khuyên chớ thở ra,
Vầy cùng con lão một nhà cho vui."


Chú thích:

1615. Chấp nhứt: câu nệ, khăng khăng giữ một.
1616. Lịch sự: chính nghĩa là trải (thông thạo) việc đời. Ta thường dùng để chỉ những tác phong, cử chỉ, ăn nói, ăn mặc có tính cách chững chạc, trang nhã, chỉnh tề, đẹp đẽ.
1619. Xuân bất tái lai: xuân không trở lại lần nữa. Nói: một tuổi một già đi.
1623. Vọng Phu: trông chồng. Ðây là một tích cũ đã phổ biến ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Hai câu này nói: tội gì mà làm người vọng phu cho uổng một đời người trẻ đẹp.
1625. Thở ra: cũng như nói ra.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

57#
 Tác giả| Đăng lúc 25-9-2011 17:32:41 | Chỉ xem của tác giả
Dùng kế hoãn binh, Nguyệt Nga trốn thoát



    Nguyệt Nga giả dạng mừng vui,
Thưa rằng: "Người có công nuôi bấy chầy.
    Tôi xin dám hỏi lời nầy,
1630.Hãy tua chậm chậm sẽ vầy nhân duyên.
    Tôi vào lạy tạ Vân Tiên,
Chay đàn bảy bữa cho tuyền thuỷ chung."
    Cha con thấy nói mừng lòng,
Dọn nhà sửa chỗ động phòng cho xuê.
1635.Chiếu hoa gối sách bộn bề,
Cỗ đồ bát bửu chỉnh tề chưng ra.
    Xảy vừa tới lúc canh ba,
Nguyệt Nga lấy bút đề vài câu thơ.
    Dán trên vách phấn một tờ,
1640.Vai mang bức tượng kịp giờ ra đi.
    Hai bên bờ bụi rậm rì,
Đêm khuya vắng vẻ gặp khi trăng lờ.
    Lạ chừng đường sá bơ vơ,
Có bầy đom đóm sáng nhờ đi theo.
1645.Qua truông rồi lại lên đèo,
Dế kêu dắng dỏi, sương gieo lạnh lùng.
    Giầy sành, đạp sỏi thẳng xông,
Vừa may trời đã vừng đông ló đầu.
    Nguyệt Nga đi đặng hồi lâu,
1650.Tìm nơi bàn thạch ngõ hầu nghỉ chưng.
    Người ngay trời phật cũng vưng,
Lão bà chống gậy trong rừng bước ra.
    Hỏi rằng: "Nàng phải Nguyệt Nga,
Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta.
1655.Khi khuya nằm thấy Phật bà,
Người đà mách bảo nên già phải đi."
    Nguyệt Nga bán tín bán nghi,
Đánh liều nhắm mắt theo đi về nhà.
    Bước vào thấy những đàn bà,
1660.Làm nghề bô vải lụa là mà thôi.
    Nguyệt Nga đành dạ ở rồi,
Từ đây mới hết nổi trôi chốn nào.
    Hỏi thăm qua chốn Ô Sào,
Quan san mấy dặm đi nào tới nơi.


Chú thích:

1630. Tua: nên, phải. Do chữ Hán "tu" nói chệch ra.
1632. Thủy chung: trước sau như một.
1634. Ðộng phòng: có hai nghĩa: 1. Căn phòng sâu kín nói chung; 2. Căn phòng dành cho việc tân hôn của đôi vợ chồng. Ðây dùng nghĩa thứ hai.
1635. Gối sách: gối gấp như chồng sách.
1636. Bát bửu (Bát bảo): tám thứ vật quý. Cỗ đồ bát bửu đây là các thứ gươm, giáo, chùy, búa... làm bằng đồng, bạc để bày trong nhà sách cho sang trọng.
1639. Vách phấn: tường vôi.
1642. Trăng lờ: trăng tối, tức là không có trăng, vì đêm tối không trăng nên dưới nói đi nhớ ánh sáng đom đóm.
1645. Truông: vùng đất bỏ hoang, cây cỏ mọc thành bụi thấp.
1650. Bàn thạch: tảng đá lớn và phẳng.
1651. Vưng: bảo hộ, phủ trì.
1660. Bô vải: bô do chữ bố và vải. Bô vải như nói vải sồi.
1664. Quan san: cửa ải và núi non. Chỉ những nơi cách trở xa xôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

58#
 Tác giả| Đăng lúc 25-9-2011 20:40:13 | Chỉ xem của tác giả
Được thuốc thần Vân Tiên sáng mắt



1665.Đoạn này tới thứ ra đời,
Vân Tiên thuở ấy ở nơi chùa chiền.
    Nửa đêm nằm thấy ông tiên,
Đem cho linh dược mắt liền sáng ra.
    Kể từ nhuốm bệnh đường xa,
1670.Tháng ngày thấm thoát kể đà sáu năm.
    Tuổi cha rày đã năm lăm,
Chạnh lòng nhớ tới đầm đầm nhỏ sa.
    Vân Tiên trở lại quê nhà,
Hớn Minh đưa khỏi năm ba dặm đường.
1675.Tiên rằng: "Ta lại hồi hương,
Ơn nhau sau gặp khoa trường sẽ hay."
    Minh rằng: "Tôi vốn chẳng may,
Ngày xưa mắc phải án đày trốn đi.
    Dám đâu bày mặt ra thi,
1680.Đã đành hai chữ quy y chùa này."
    Tiên rằng: "Phước gặp khoa này.
Sao sao cũng tính sum vầy cùng nhau.
    Mấy năm hẩm hút tương rau,
Khó nghèo nỡ phụ, sang giầu đâu quên.
1685.Lúc hư còn có lúc nên,
Khuyên người giữ dạ cho bền thảo ngay."
    Hớn Minh trở lại am mây,
Vân Tiên về một tháng chầy tới nơi.


Chú thích:

1665. Thứ ra đời: lớp chuyện kể một nhân vật đang sống ẩn mình nay "ra đời" hoạt động. Ðây nói Lục Vân Tiên "ra đời".
1668. Linh dược: thuốc màu nhiệm, chỉ thuốc tiên.
1680. Quy y: đi tu, quy là hướng theo, y là nương tựa, nói đem cả thân thể, tâm chí hướng tựa vào đạo Phật.
1685. Hư, nên: như nói có khi cùng khốn nhưng cũng có lúc vinh quang.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

59#
 Tác giả| Đăng lúc 26-9-2011 12:37:58 | Chỉ xem của tác giả
Vân Tiên về nhà tế mẹ, thăm cha



    Lục ông nước mắt tuôn rơi,
1690.Ai dè còn sống trên đời thấy cha.
    Xóm giềng cô bác gần xa,
Đều mừng chạy tới chật nhà hỏi thăm.
    Ông rằng: "Kể đã mấy năm,
Con mang tật bệnh ăn nằm nơi nao?"
1695.Thưa rằng: "Hoạn nạn xiết bao,
Mẹ tôi phần mộ nơi nào viếng an?"
    Đặt bày lễ vật nghiêm trang.
Đọc bài văn tế trước bàn minh sinh.
    "Suối vàng hồn mẹ có linh,
1700.Chứng cho con trẻ lòng thành ngày nay.
    Tưởng bể nguồn nước cội cây,
Công sâu ngàn trượng, ngãi dày chín trăng.
    Suy trang nằm giá khóc măng,
Hai mươi bốn thảo chẳng bằng người xưa."


Chú thích:

1696. Phần mộ: mồ mả. Viếng an: do chữ Hán vấn an, thăm viếng xem có được bình an mạnh khoẻ không. Ở đây là đi viếng mộ.
1698. Minh sinh: minh tinh, tức mảnh lụa hay vải dài có viết họ tên, chức tước của người chết để rước đi lúc đưa ma. Ở đây treo lên bàn ở chỗ cúng.
1701. Nguồn nước cội cây: nguồn của nước, cội (gốc) của cây. Ðây dùng chỉ cha mẹ.
1702. Chín trăng: chín tháng. Nói mang thai chín tháng.
1703. Nằm giá: Vương Tường đời Tấn, khi mùa đông, nước đóng thành băng, mẹ già thèm ăn cá, ông ra nằm trên băng để tìm kiếm, băng tan, hai con có chép nhảy lên, ông bắt về dâng mẹ. Khóc măng: Mạnh Tông người nước Ngô đời Tam quốc, mẹ già thèm ăn măng, nhưng mùa đông không có, ông vào rừng tre khóc lóc cầu khẩn, rồi được măng mọc đưa về. Ðây là hai sự tích trong sách "Nhị thập tứ hiếu" của Quách Cư Nghiệp (có sách là Quách Cư Kinh) đời Nguyên.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

60#
 Tác giả| Đăng lúc 26-9-2011 18:07:00 | Chỉ xem của tác giả
Vân Tiên thưa chuyện cùng Kiều công



1705.Vân Tiên nước mắt như mưa,
Tế rồi hỏi việc khi xưa ở nhà.
    Ông rằng: "Có nàng Nguyệt Nga,
Bạc tiền đem giúp cửa nhà mới xuê.
    Nhờ nàng nên mới ra bề,
1710.Chẳng thì khó đói bỏ quê hư rồi."
    Vân Tiên nghe nói hỡi ôi!
Chạnh lòng nghĩ lại một hồi giây lâu.
    Hỏi rằng: "Nàng ấy ở đâu?
Đặng con đến đó đáp câu ân tình."
1715.Lục ông thuật việc triều đình,
Đầu đuôi chuyện vãn tỏ tình cùng Tiên:
    "Kiều công rày ở Tây Xuyên,
Cũng vì mắc nịnh biếm quyền đuổi ra."
    Tiên rằng: "Cám nghĩa Nguyệt Nga,
1720.Tôi xin qua đó thăm cha nàng cùng."
    Tây Xuyên ngàn dặm thẳng xông,
Đến nơi ra mắt, Kiều công khóc liền:
    "Nguyệt Nga rày ở Tây Phiên,
Biết sao cho đặng đoàn viên cùng chàng.
1725.Mấy thu Hồ Việt đôi phang,
Chẳng qua máy tạo én nhàn rẽ nhau.
    Thấy chàng dạ lại thêm đau,
Đất trời bao nỡ chia bâu cho đành?
    Hẹp hòi đặng chút nữ sinh,
1730.Trông cho chồi quế trổ nhành mẫu đơn."
    Nói rồi lụy nhỏ đòi cơn,
"Cũng vì một sự oán hờn nên gây.
    Thôi con ở lại bên này,
Hôm mai thấy mặt cho khuây lòng già."


Chú thích:

1709. Ra bề: ra bề thế.
1718. Biếm quyền: hạ quyền xuống, giáng chức quan. Nói Kiều công vì bọn nịnh thần mà bị tước quyền đuổi về.
1724. Ðoàn viên: chỉ sự tụ họp, sum vầy của vợ chồng hay gia đình, thân thuộc.
1725. Hồ Việt: danh từ này thường dùng để chỉ sự xa cách nhau, mỗi người một nơi, như hai nước Hồ Việt, một ở tận phương Bắc, một ở tận phương Nam.
1726. Én nhàn: én nhạn.
1728. Chia bâu: chia rẽ, phân ly.
1729. Nữ sinh: con gái, cũng như nói "nữ nhi" (khác với "nữ sinh" là học sinh con gái).
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách