Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 12677|Trả lời: 142
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Thơ] Gió Và Tình Yêu Thổi Trên Đất Nước Tôi | Lưu Quang Vũ

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả
Tên: Gió Và Tình Yêu Thổi Trên Đất Nước Tôi

Tác giả: Lưu Quang Vũ

Thể loại: Thơ

Tình trạng sáng tác: đã hoàn thành

Nguồn: type từ ấn phẩm và thivien.net




Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây, những đám mây xô dạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.
_Bìa 4 ấn phẩm_


* Sơ lược về Tác giả:

Lưu Quang Vũ (1948 - 29/8/1988) quê gốc ở Quảng Nam, sinh tại Phú Thọ, mất năm 1988 trong một tai nạn giao thông trên đường 5.

Lưu Quang Vũ làm thơ từ thuở học cấp ba, rời ghế trường trung học, vào bộ đội anh viết nhiều hơn và bắt đầu đăng báo. Năm 1968, hai mươi bài thơ đầu tay chọn in chung vào tập Hương cây bếp lửa giới thiệu một hồn thơ trong trẻo, đắm đuối mơ mộng và cũng còn nhiều dấu vết của sách vở nhà trường. Đắm đuối là đặc điểm suốt đời thơ Lưu Quang Vũ. Đặc điểm ấy ít thấy ở các nhà thơ khác cùng thời với anh. Hình như từ sau cách mạng tháng 8-1945, thơ chúng ta chuộng sự tỉnh táo với những thi liệu lấy từ thực tế cuộc sống. Vào những năm 60, một vài nhà thơ có uy tín đã kêu lên: thơ cần mê hơn... Lưu Quang Vũ mới đến đã đáp ứng được yêu cầu đó. Tìm ra những yếu tố tạo nên sự mê đắm này chính là tìm được đặc trưng cảm xúc của Lưu Quang Vũ.

Anh cảm thụ đời sống không chỉ bằng nhận thức mà bằng cả giác quan. Cảm giác là hạt nhân đầu tiên của cảm hứng Lưu Quang Vũ. Cảm giác gọi những ý thơ tuôn chảy. Đọc thơ anh ít thấy dấu vết của bố cục, cảm hứng liền dòng ào ạt, đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hòa quyện thúc đẩy nhau trong các câu thơ dồn dập. Anh viết như trong một cơn say, bất chấp sự cực đoan và phi lý trong chi tiết. Thế giới trong thơ anh là thế giới của tưởng tượng. Giàu tưởng tượng nên mới thành đắm đuối. Trong thơ anh có cánh buồm đen của tên cướp bể, có ngọn lửa bập bùng người Âu Lạc múa trên châu thổ sông Hồng còn nguyên nếp phù sa. Có những đoạn thơ anh làm mê lòng ta như cổ tích: Trung Hoa của tuổi thơ/Tiếng ngựa hí đêm khuya/Đoàn xe Chiến Quốc đi trong tuyết/Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc/Não bạt thanh la xủng xoẻng/Dữ tợn mà sầu thương.

Đắm đuối là bản sắc cảm xúc Lưu Quang Vũ. Nó tạo nên sức lôi cuốn ma quái ở thơ anh và cũng tạo nên lắm vất vả cho đời anh. Lưu Quang Vũ đã trải qua những năm tháng lao đao ngay ở tuổi thanh niên: ra bộ đội, không việc làm, gia đình tan vỡ, con nhỏ, chiến tranh đang ở thời kỳ ác liệt, cuộc sống khó khăn, xã hội xuất hiện nhiều tiêu cực... Tình cảnh đó đã được diễn đạt chân thành bằng một nghệ thuật thơ thuần chín, trong khoảng hai năm 1971, 1972, tập trung trong tập Cuốn sách xếp lầm trang (bản thảo, chưa in trọn vẹn). Nội dung khác với giai đoạn trước vốn trong trẻo và cũng khác với giai đoạn sau, đã thăng bằng. Giai đoạn này tâm hồn anh như già đi trong những cảm xúc tê tái. Đây là thơ được viết ra từ một thúc bách nội tâm, từ cảnh ngộ cá thể của mình. Chúng ta đọc thơ cần có sự cảm thông, đừng máy móc cào bằng, đòi hỏi thơ ai cũng phải có một công dụng tức thì với xã hội. Thơ hay bao giờ cũng có công dụng, nhưng là một công dụng xa, giúp cho sự hình thành nhân cách con người. Nhân cách hình thành từ những chiêm nghiệm. Thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn này rất nhiều chiêm nghiệm. Anh nhìn và khái quát việc đời trên cảnh ngộ của anh. Anh thấy cuộc đời lúc đó như cuốn sách xếp lầm trang: chuyện đôi trai gái tự tình lẫn với chuyện chia gia tài, gián điệp lẫn với triết gia và lái bò... Có thể có một chút bi quan quá sớm, nhưng cũng đã thấy một linh cảm trước thời cuộc. Mười bảy năm sau những chủ đề này sẽ trở lại trong kịch Lưu Quang Vũ và làm sôi động sân khấu cả nước. Sức mạnh hiện thực đã thấm vào tâm hồn nhiều mơ mộng ấy. Mùi lá bưởi lá chanh nên thơ và phù phiếm sẽ không bao giờ còn quay lại tô điểm cho cái hiện thực dữ dằn của chiến tranh nữa. Lưu Quang Vũ khai thác chất thơ hoàn toàn khác với giai đoạn đầu cầm bút. Thay vì sự ca ngợi ngọt ngào là sự chất vấn rát bỏng: Những tuổi thơ không có tuổi thơ/Những đôi mắt tráo trơ mà tội nghiệp/Chúng ăn cắp đánh nhau, chửi tục/Lang thang hè đường, tàu điện, quán bia/Những bông hoa chưa nở đã tàn đi/Những cành cây chưa xanh đã cỗi/(...) Sao mọi người có thể dửng dưng/Nhìn em đi trên đường tối/Mọi người đều có tội/Trước tuổi thơ đã chết của em.

Anh bộc lộ: Những chữ đẹp xưa giờ đã bỏ tôi rồi. Đối mặt với anh là: Những chữ như đinh nhìn tôi sắc nhọn/ Chữ gầy guộc, chữ bùn lầy cống rãnh... Và anh quyết liệt đổi thay: Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi/ Bao chữ mới đang ầm ầm đập cửa/ Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi. Giai đoạn này Lưu Quang Vũ có bước tiến dài về nghệ thuật. Tôi cho rằng thời gian này là điểm đỉnh trong đời thơ Lưu Quang Vũ. Sau này anh viết ấm áp hơn nhưng không tài bằng. Cái tài của anh là ở chỗ từ những việc, những vật cụ thể anh làm bật lên được một cảm xúc, một nhận thức, một tâm trạng vốn rất khó nắm bắt. Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ. Sao hạt mưa có màu đen. Ai biết? Chỉ biết nó gợi tro than, loạn lạc, ly tán...

Lưu Quang Vũ thuộc tạng người chỉ tin ở mắt mình, chỉ tin ở lòng mình. Mắt anh thấy và tim anh đau nhói anh đều viết thành thơ. Anh muốn trung thành với tình cảm nguyên sơ của mình. Anh không bận tâm lắm đến sự xác định là cá biệt hay phổ biến, bản chất hay hiện tượng.

Cảm hứng dân tộc hình thành sớm và phát triển dần thành cảm hứng mạnh trong Lưu Quang Vũ. Đất nước mang hình chiếc đàn bầu, với những chị hai, những mắt một mí, những cơi trầu, những câu hát giao duyên... bao nhiêu lần trở đi trở lại trong tình trong ý Lưu Quang Vũ, tạo nên nét duyên riêng đắm đuối trong thơ anh. Anh viết rất tạo hình, có lẽ vì anh còn là một họa sĩ: Những con chim lạc mỏ dài/Bay qua vầng trăng lớn.

Đặc biệt là sức gợi từ những chi tiết nhỏ đan vào các ý thơ: Cánh rừng sẫm tắm hoàng hôn đỏ rực/Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.

Một chữ nồng đã phả vào đêm cái hơi hướng nhiệt đới còn nguyên sơ làm khung cảnh trở nên phập phồng sự sống.

Những bài thơ anh viết ở thập niên 80 như đối nghịch với các bài thời 71, 72. Nhưng thật ra giai đoạn trước kiến tạo cho giai đoạn sau. Sức nặng của câu thơ yêu đời được hình thành từ câu thơ mất mát. Qua mất mát mới biết giá trị của sự có lại: Mùa gió mới có em tôi có lại/Bài hát cũ tôi hát cùng đồng đội/Lại dập dồn như gió khắp rừng khuya.

Giữa lúc anh đang hào hứng viết cả thơ lẫn kịch, năng suất kỳ lạ, dự định táo bạo, thì tai nạn ập đến. 1948-1988. Cuộc đời anh mới 40 năm tuổi đã dừng, sự đóng góp của anh ở thơ, ở kịch đã được đời ghi nhận như một trong các sự kiện nghệ thuật cuối thế kỷ XX.

(4-1-2002, Vũ Quần Phương)


Tác phẩm:

Thơ:
- Hương cây (in chung với Bằng Việt)/ NXB Văn Học, 1968.
- Mây trắng của đời tôi/ NXB Tác Phẩm Mới, 1989.
- Bầy ong trong đêm sâu/ NXB Hội Nhà Văn, 1993.
- Lưu Quang Vũ, thơ và đời/ NXB Văn Hoá Thông Tin, 1997.
- Gửi tới các anh/ NXB Quân Đội Nhân Dân, 1998.
- Những bông hoa không chết (in chung cùng phần Nhật ký)/ NXB Lao Động, 2008.

Văn:
- Mùa hè đang đến (truyện, 1983)
- Người kép đóng hổ (truyện, 1984)
- Một vùng mặt trận (truyện vừa)

Kịch:
- Hồn Trương Ba da hàng thịt, 1981
- Nàng Sita, 1982
- Người trong cõi nhớ, 1982
- Ngọc Hân công chúa, 1984
- Tôi và chúng ta, 1984
- Người tốt nhà số 5
- Bệnh sĩ, 1988
- Tin ở hoa hồng, 1986...

Tiểu luận, phê bình:
- Diễn viên và sân khấu, 1979 (cùng viết với Vương Trí Nhàn và Xuân Quỳnh)

nguồn: thivien.net



Rate

Số người tham gia 1Sức gió +5 Thu lại Lý do
Lộng_Nguyệt + 5 Ủng hộ 1 cái!

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 27-10-2011 14:14:15 | Chỉ xem của tác giả
I. HƯƠNG CÂY(Giữ nguyên cách sắp xếp tương đối theo trình tự thời gian của Ấn phẩm)

[1] ÁO
Tặng Mẹ

Những tấm áo xưa con nhớ lắm
Mũi chỉ đường kim tay mẹ dịu dàng,
Tuổi thơ đâu những trưa hè xanh thẳm
Tuổi nhỏ nằm trong áo nhỏ yêu thương

Con lớn thêm áo cũng lớn thêm
Mỗi bận mùa đông đi, trời bớt lạnh
Mưa xuân rơi, hoa cải vàng sắc nắng
Mẹ dành tiền may áo mới cho con

Con chỉ biết vui mỗi độ trăng tròn
Mỗi Tết đến nghe áo hoa sột soạt
Chưa biết mẹ thêm nếp nhăn đuôi mắt
Bởi lo lắng nhiều vất vả sớm hôm
Nhà đông anh em áo thường xuống gấu
Mẹ còn chắt chiu từng mụn vá vai
Đâu những tối mẹ ngồi khâu lại áo
Khi bên thềm xào xạt gió heo may

Ngày tháng thoi đưa con đã cao hơn mẹ
Chẳng hồn nhiên khi lòng con biết nghĩ
Áo dài hơn, tuổi mẹ cũng nhiều hơn
Dẫu vá vai, màu bạc, chỉ sờn
Nhưng trong áo ấm đường khâu mẹ vá
Yêu mẹ nhiều nên áo cũ con thương.

.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 28-10-2011 11:20:10 | Chỉ xem của tác giả
[2] THÔN CHU HƯNG

Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng
Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao
Đường ven suối quả vả vàng chín rụng
Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao.

Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn
Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm
Cơm thiếu muối rau dền ăn với trám
Sương trắng đồi, áo mỏng rét căm căm.

Ơi Chu Hưng đêm nằm nghe suối đổ
Nghe gió ngàn và tiếng hoẵng giữa rừng sâu
Ơi Chu Hưng sắn vùi trong bếp đỏ
Ấm những ngày gian khổ khó quên nhau.

Vỡ đồi hoang mẹ trồng sắn trồng ngô
Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ
Trong cánh tay xóm làng bồng bế
Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương.

Tuổi lên năm đi nhặt củi ven rừng
Con tập đánh vần bằng bản tin thắng trận
Ăn đọt măng vầu, uống ngụm nước trong
Con chưa thấy những chân trời cao rộng.

Mùa thu hòa bình rời xa Việt Bắc
Bè về xuôi gió thổi nước sông reo
Rừng vẫy lá đưa ta đi lưu luyến
Bạn nhỏ trên đồi đứng mãi nhìn theo...

Xa Chu Hưng đã chín mùa cá lũ
Sắn bên đồi sắn có xanh tươi?
Mái nhà cũ đêm đêm ai nhóm lửa
Máng tre có còn hứng nước mưa rơi?

Thôn ta mở thêm mấy trường học mới
Hợp tác nhà nay chắc đã lên cao
Tháng mấy buổi có phim về chiếu
Đến bao giờ có điện để thay sao?

Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy
Là ngọn nguồn sông biển yêu thương
Ra biển ra sông còn nhớ mãi
Trắng hoa rừng...ơi Chu Hưng, Chu Hưng!

Hà Nội, 1964.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 28-10-2011 11:39:54 | Chỉ xem của tác giả
[3] GỬI TỚI CÁC ANH

Chiều ấy các anh đi
Nắng nhạt vàng khoe gốc rạ,
Gió xạc xào qua lũy tre
Em đứng nhìn theo sau cửa,
Đất nước đánh thù, đường trăm ngả
Các anh đi về đâu?
Em muốn nói trăm câu, ngàn câu
Mà chỉ nghiêng đầu chào khe khẽ.
Bóng các anh ngả dài theo vườn dâu
Mũ các anh rập rình trên bãi mía.

Các anh đã khuất trên đường xa
Em còn ngó hoài qua lối nhỏ
Từ đường làng có hương rơm hương cỏ
Các anh xuống đò qua sông,
Ráng chiều nước rộng mênh mông
Dạt dào sóng vỗ.
Đã ba vầng trăng kể từ bữa đó,
Em làm cỏ lúa
Em chăm ao bèo,
Tháng Bảy mưa nhiều
Tháng Tám sen tàn bưởi chín
Chim ngói bay về bịn rịn
Tháng Chín lúa trổ đòng đòng
Trời thu hương cốm mát trong.

Bãi tập các anh bữa trước
Hợp tác đào thêm mương dài
Dãy xoan các anh trồng, vòm lá mướt
Nhành cao nhành thấp
Nhắc các anh hoài.
Gió thổi mây chiều
Chim hót sớm mai
Em vẫn cùng đội dân quân tập bắn.
Đất nước mình tươi hoa đẹp nắng
Ta cùng gìn giữ phải không anh?
Em hứa: đồng em xanh
Tay em cầm chắc súng,
Tàu bay Mỹ rụng
Tháng Tám năm trăm,
Tháng Chín sáu trăm,
Trái hồng sắp đỏ
Hạt thóc sắp vàng
Báo tin chiến thắng rộn ràng,
Trận nào các anh đã dự?
Mong các anh nhiều chiến công,
Có quê ta chín nhớ,
Có lòng em mười thương...
Các anh đi nhiều chốn quê hương
Đừng quên nơi này nhé!
Ngày mai tan giặc Mỹ
Các anh về quê êm
Xoan xưa đã lớn, lá biếc cành chen
Đón mừng chiến sĩ...
Bên sông rì rào bãi mía
Như muôn lời em gửi các anh...

Ta đi giữ nước yêu thương lắm
Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình.

Hải Phòng, 9/1965.



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 28-10-2011 11:50:00 | Chỉ xem của tác giả
[4] QUA SÔNG THƯƠNG

Sao tên sông lại là Thương
Để cho lòng anh nhớ?
Người xưa bảo đây đôi dòng lệ nhỏ
Những suối buồn gửi tới mênh mang
Đò về Nhã Nam
Đò qua Phủ Lạng
Mưa chiều nắng rạng
Đã bao năm?
Nỗi đau cũ thật không cùng
Sông cũng thành nước mắt.
Hôm nay anh lại qua sông
Đò anh đi giữa những đóa sen hồng
Ong chấp chới bay, đây đương mùa dứa
Đò ngược xuôi chở trái chín vàng
Thơm ngát mật hương mùa hạ.
Thôn xóm đôi bờ xanh biếc quá

Những đường xe chạy đỏ bụi bay
Những tiếng cười khúc khích sau vườn cây.
Nước vỗ mạn thuyền dào dạt
Buồm trắng nắng căng phồng gió mát
Phủ Lạng Thương sừng sững thân cầu
Giặc đánh hai lần ta lại sửa mau.
Dòng nước đêm nay dựng trời sao
Hay ánh đèn điện sáng
Lấp lánh công trình phân đạm
Bóng ai kia trên giàn giáo tầng cao?
Thôi chẳng mất công tìm nhau
Hãy lắng nghe loa truyền tin chi vui quá nhỉ?
Sông Thương ơi, đang những ngày đánh Mỹ
Nên đôi bờ nòng pháo hướng trời mây
Những cô lái đò súng khoác trên vai
Đời đẹp vô cùng dòng lệ hóa dòng vui.
Đò anh đi vẫn mùa sen thắm
Xuôi dòng về ngã ba sông
Bỗng ào ào nước mênh mông

Vui gì bằng những dòng sông gặp gỡ?
Mang về bóng làng bóng người bóng lá
Những đò trái chín hẹn hò nhau
Những nòng súng thép ngẩng chào nhau...

Mùa đánh Mỹ qua sông xưa nước mắt
Mà vạt áo người nay chẳng ướt
Chỉ nghe lồng lộng tiếng ca vang
Nghe sông gọi người đi đánh giặc
Đất nước nặng tình phù sa bát ngát
Tâm hồn ta tắm với bóng mây trong
Yêu quá sông Thương nước chảy đôi dòng.

6/1966.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 28-10-2011 11:58:55 | Chỉ xem của tác giả
[5] PHỐ HUYỆN

Đêm nay lại hành quân qua phố huyện
Một vầng trăng bạc, mấy chòm sao
Phố nhỏ nằm ven bờ cát sông Thao
Đêm nghe rì rầm nước chảy
Gió thổi xạc xào lay sậy
Rừng cọ bạt ngàn, núi tiếp nhau...

Ta bước đi thương nhớ những năm nào
Ơi cái phố tuổi thơ, phố nghèo kháng chiến
Hương đất hương cây bồi hồi bao kỷ niệm
Ta lại về, phố cũ nhớ ta chăng?
Vụt hiện về ký ức xa xăm
Thưở phố núi chiến khu đón người trăm ngả
Người của Hà Đông tơ lụa
Người vùng sông Đuống, Hương Canh
Chum vại dưới quê giặc đập tan tành
Người phố Thăng Long phá nhà đi kháng chiến
Tắm nước sông Thao lòng không bịn rịn
Mắt còn in nắng năm cửa ô
Ai đi Vũ Ẻn, Thanh Cù?
Gió lạnh thổi trên đường phá hoại
Dưới bến Việt Trì đồn Tây che lối
Đò vẫn đưa người du kích qua sông
Phố huyện nằm sâu lắng những chiều đông
Vó ngựa đi về lộc cộc
Mùa chiến dịch bừng muôn ánh đuốc
Rung núi chuyển rừng bộ đội hành quân
Súng giặc khuân về vui chuyện dân công
Tù binh Pháp hàng đoàn run rẩy
Mẹ dắt con ra vẫy chào bộ đội
Bố ghé qua nhà áo ướt sương khuya
Hôn vội con rồi lại hành quân đi.
Phố huyện mấy lần tàu bay giặc bắn
Nhà ta năm ấy cháy tan hoang
Mẹ ơi thương mẹ nhiều mưa nắng
Những năm dài khoai sắn nuôi con.

Hòa bình về xuôi xa núi xa rừng
Nay đánh Mỹ lại hành quân qua chốn cũ
Phố đổi thay nhiều, nhìn quanh bỡ ngỡ
Đây cửa hàng mậu địch đông vui
Đây nhà ga tàu hối hả ngược xuôi
Vẫn đông người ra vẫy chào bộ đội
Bát nước trao tay, lời thăm vội
Ai là người phố huyện năm xưa?
Có phải đèo này in dấu chân cha
Có phải dốc kia mẹ từng gánh nặng?
Ôi đêm nay gió sông Thao lồng lộng
Đất nước mình nào đã được yên đâu
Chiều qua Mỹ bắn Việt Trì, Vũ Ẻn, Lâm Thao
Người vượt pháo quân ta rầm rập bước
Vẫn ánh trăng soi áo người vệ quốc
Phố huyện ơi, ta lại hành quân!

8/1966.



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 28-10-2011 13:14:06 | Chỉ xem của tác giả
[6] GỬI MẸ

Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ
Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta
Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ
Con sẽ chẳng bao giờ mãi chơi trốn học
Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh
Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa.

Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha
Ước con được sống suốt đời bên mẹ
Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể
Chẳng ngại lên ngàn kiếm đọt măng mai
Nhưng xứ sở ta quân Mỹ tới rồi
Cùng bè bạn con lên đường đuổi giặc.

Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc
Việc cơ quan, việc Đảng, việc nhà
Đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ bây giờ
Quen vất vả, mẹ quản gì sương nắng.

Đêm nay con nằm rừng xa gió lạnh
Mẹ nghỉ chưa hay đã thức rồi?
Suốt một đời chưa có lúc nghỉ ngơi
Nghĩ thương mẹ, giận quân thù quá đỗi

Lo trước mọi điều mẹ thường ít nói
Mắt tin yêu nhìn thấu tận trời xa
Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù
Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ.

Dầu cuộc đời là con đường dài thế
Con sẽ qua mọi đèo dốc chông gai
Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi!

1969.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 28-10-2011 13:20:55 | Chỉ xem của tác giả
[7] PHỦ LÝ THÁNG HAI
Tặng Quốc Anh

Thị xã dựng những khung nhà mới
Trên dãy tường đổ nát mùa đông
A b c tiếng trẻ học vỡ lòng
Cỏ trên những nấm mồ xanh nõn
Lá ướt cây bàng lao xao chim hót
Những mảnh bom của hai cuộc chiến tranh
Han gỉ trong bùn
Nhà xây chưa xong vôi vữa ngổn ngang
Mẹ đã ngồi nhóm lửa

Mấy năm rồi anh không về thị xã
Chẳng còn đi trên dãy phố quen
Dải đồi xa anh nằm lại một mình
Chắc cỏ mọc như nơi này xanh nõn
Tháng Hai mưa có nở nhiều hoa tím
Mảnh bom thù trong ngực buốt không anh?
Phủ Lý chiều nay thoáng mưa xuân
Bè bạn gặp nhau nhớ anh biết mấy
Thuyền chở đá ngược dòng sông Đáy
Nắng tắt dần trên những vạt buồm căng
Như câu thơ anh viết giữa chừng
Mai bưởi chín anh không về hái nữa

Năm lửa cháy các anh đi dập lửa
Tin tương lai như chùm quả ngọt ngào
Dẫu không về chẳng khuất xa đâu
Nấm mộ xuân sang phập phồng cỏ mát
Trái tim anh vẫn đập dồn dưới đất
Gửi lại mến thương hy vọng chờ mong
Chúng tôi nào có thể sống dửng dưng

Gió mạnh thổi ngoài ga giục giã
Ánh sáng tỏa ra từ nụ cười em nhỏ
Và chân trời như mắt anh trong

1970.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 28-10-2011 13:26:44 | Chỉ xem của tác giả
[8] HƠI ẤM BÀN TAY
Tặng Uyên

Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.

Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa
Nhập luồng nước, hòa nhau màu sắc
Trao cảm thương hai bàn tay nắm chặt
Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình.

Những ngày xa, trời nhớ một màu xanh
Xây trận địa bàn tay ta rám nắng
Khi vuốt ngọn cỏ non khi lắp đạn
Khi áp lên vầng trán thấm mồ hôi.

Bàn tay ta trên ngực lớn cuộc đời
Ấm hơi ấm ở tay mình lưu luyến
Và ở tận đầu kia chiến tuyến
Bàn tay mình mang ánh nắng tay ta.

Khi đàn chim bay tới rợp trời mưa
Cồn may về mang cơn mưa đầu hạ
Hai vì sao đổi ngôi trong đêm gió...
Đó chính tay mình đang vượt khoảng xa
Tìm đến nơi này âu yếm tay ta.

1967.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 28-10-2011 13:33:45 | Chỉ xem của tác giả
[9] CHIỀU

Chim chiều kêu thơ ngây
Trời chiều xanh đắm đuối
Nắng chiều trong liễu rối
Gác chiều nghe gió xa
Cơn mưa vừa thoảng qua
Hơi mưa dìu dịu mát
Lá quanh hồ sắp mụt
Se sẽ mùi rượu lên
Hoa sấu rụng ngoài hiên
Mặt đường loang loáng ướt
Vòm cây soi mặt nước
Trông sau nhiều chiêm bao
Gạo đơm quả trên cao
Phương thay dần áo mới
Nghe tiếng người cười nói
Nhựa đầu cành rưng rưng...

Năm đánh Mỹ gian truân
Qua một ngày vất vả
Hà Nội vẫn dành ta
Trọn chiều hương êm ả
Từng ngọn cỏ hơi mưa
Có đời ta ở đó
Sẽ hóa thành đạn lửa
Cho trận đánh hôm sau
Ôi tâm hồn thẳm sâu
Là những ngày đánh giặc
Ánh sáng tràn trên mắt
Người đi tay nắm tay...
Chiều xuống cánh chim bay
Như nụ cười thoáng gặp
Nhưng vầng trăng mới mọc
Như mối tình mới yêu

Không ai nói chi nhiều
Chỉ phà sang, sóng hát
Anh vào trong phố mát
Khói đạn áo còn lem
Trời vụt sao hôm lên
Bừng theo muôn mắt đợi
Mở cửa phòng ra em
Để chiều thêm chói lói.

1967.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách