Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 1828|Trả lời: 24
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Thiếu nhi - Xuất bản] Những Câu Chuyện Thời Tiền Sử | Alberto Moravia (Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả
Những Câu Chuyện Thời Tiền Sử




Thể loại: Thiếu Nhi
Tên tác phẩm: Những câu chuyện thời tiền sử
Tác giả: Alberto Moravia
Dịch giả: Lê Thúy Hiền
Thể loại: Thiếu nhi, Xuất bản
Độ dài: 24 chương
Ngày xuất bản: 26-10-2015
Nhà xuất bản: NXB Hà Nội
Công ty phát hành: Nhã Nam



Sơ lược:
Ngày xửa ngày xưa, cá voi có chân và nhỏ bé lắm, nhỏ tới nỗi nó chỉ sống trong một cái hồ nông choèn và cũng phải căng mắt mới thấy nó được. Ngày ngày nó tung tăng bơi lội, chật vật kiếm ăn. Cứ đều đặn như vậy tới lúc nó phát chán, chỉ ao ước trở nên to lớn để vùng vẫy. Một bác cò xuất hiện quắp nó ra biển, nơi nó tưởng dành riêng cho mình, đến ngày trở nên to đùng béo ú, chẳng cần ngọ nguậy cũng đầy cá mà ăn, trí óc trì trệ, cơ thể ù lì, đến lúc sực tỉnh nhớ lại cá hồ nông choèn xưa kia thì đã quá muộn. Quá đỗi phiền muộn, nó dạt lên bờ mắc cạn rồi chết. Các ngư dân bắt gặp, mổ bụng nó ra lấy mỡ, nhìn thấy đôi chân nhỏ xíu của nó mà ngỡ ngàng không hiểu nổi cá voi cần chân làm gì!

Nhưng Alberto Movaria thì thừa hiểu lí do và có thể giải thích thấu tình đạt lý không chỉ chuyện cá voi mà cả hai mươi truyện khác nữa trong NHỮNG CÂU CHUYỆN THỜI TIỀN SỬ. Chỉ có điều phải cẩn thận với cách ông kể câu chuyện này vì có thể nó hơi quá thông minh và dí dỏm, khiến ta mải bật cười thích thú mà dễ tưởng chúng thực sự tồn tại, và quan trọng nhất, để không bỏ qua những ý nghĩ ẩn giấu ông đã cài trong những chuyện ngụ ngôn hiện đại rất độc đáo của riêng ông.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 15-9-2016 21:39:55 | Chỉ xem của tác giả
Cá–Sấu, Cà–Kheo và những vũ công cá


Thuở còn bé, Cá–Sấu sống ung dung lắm. Mẹ Cá–Sấu thường bón cho nó cả thìa bự tổ chảng toàn là những chú cá thơm ngon đủ loại: một thìa to vào bữa sáng, một thìa to vào giữa trưa, và một thìa to vào bữa tối. Những ngày lễ như Rằm tháng Giêng, Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán, thay vì ba thìa, nó được chén những tận sáu thìa lận! Nhưng mẹ Cá–Sấu cũng thường bảo: “Sấu xinh của mẹ, một mai mẹ không còn nữa thì con biết làm gì?” cơ mà nó cứ giả ngây giả ngô, không chịu hiểu.
  Rồi một ngày, mẹ không còn nữa. Cá–Sấu, như thường lệ, nằm kềnh bên bờ sông vắng, miệng há thật to, nhưng chẳng có thìa cá nào cả.
  Một ngày dài trôi qua, rồi lại thêm một ngày nữa, mà vẫn chẳng có thìa cá nào.
  Cá–Sấu bắt đầu thấy lo. Nó ráng há miệng to hết cỡ, kêu thất thanh: “ Mẹ! Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?” Tức thì nó nghe thấy một giọng nhỏ nhẹ cất lên ngay gần đó: “Tội nghiệp Sấu, chú không biết là mẹ chỉ có một mà thôi ư? Mẹ chú không còn nữa đâu. “Cá–Sấu ngoảnh lại, thấy một cô Cà-Kheo cách đó không xa, vừa nhảy loi choi vừa chọn mổ mấy con cáy gần bờ. Đứng mổ cáy một lúc, cô Cà-Kheo nói tiếp: “Chú nhanh nhanh mà tìm cách nào đi chứ, tôi là tôi sống nhờ vào đồ ăn thừa dính giữa các kẽ răng của chú đấy. Chú không ăn thì tôi cũng phải nhịn.” Cá–Sấu hỏi: “ Tôi biết phải làm sao bây giờ?” Cà-Kheo đáp: “Thì nghĩ đi.” “ Nghĩ gì cơ chứ?” Vắt óc ra mà nghĩ.”
  Cá–Sấu nghe lời: nó nằm vắt óc ra nghĩ. Nghĩ đi nghĩ lại, nó nảy ra một ý độc nhất vô nhị, chưa từng nghe thấy bao giờ.
  Cần phải biết rằng Cá–Sấu có cái miệng to khủng khiếp, thậm chí có thể nói miệng nó choán gần hết cả cơ thể. Trong cái miệng rộng ngoác ấy có rất nhiều răng, còn lưỡi thì dài lê thê, trơn láng, giống như một sàn nhà phủ thảm mềm.
  Cá–Sấu bảo cô Cà-Kheo: “Cô nàng thân mến ơi, cô hãy thông báo cho tất cả các loài cá trong vùng là tôi quyết định mở một địa điểm vui chơi nhảy múa. Ngay trong mồm tôi đây. Răng tôi sẽ là bàn ghế. Lưỡi tôi sẽ là sàn nhảy. Dàn nhạc sẽ được xếp chỗ trên đầu lưỡi. Thế nhé, cô bay luôn đi! Xin hãy báo cho các loài cá là ngay tối nay sẽ có lễ khánh thành với Gala cười và quà tặng dành cho tất cả các quý bà quý cô!”
  Cà-Kheo chẳng đợi nhắc lần hai. Cô bay ra sông (chính là con sông Nin), hét tới khản cả cổ một thông cáo rộng khắp: “Tối nay mở dạ hội đêm, đại tiệc Gala nhảy múa ngay trong miệng Cá–Sấu. vào cửa miễn phí. Vũ trường mở tới nửa đêm.”
  Tội nghiệp lũ cá ở đáy sông vốn rảnh rỗi nên thường đâm ra buồn chán. Cả ngày chúng chẳng có gì làm ngoài việc lượn lờ giữa các hang tảo, thỉnh thoảng thè lưỡi trêu nhau. Thế nên chúng quyết định kéo đàn kéo lũ tới vũ trường Cá–Sấu, nơi mới treo biển “Cá Vàng”.
  Tối đến, dàn nhạc gồm năm chú ếch, với đàn guitar, bộ trống và kèn saxophone thổi tới hết hơi, ngồi chênh vênh trên đầu lưỡi Cá–Sấu.Lũ cá ngoi lên khỏi mặt nước, rồi vất vả leo lên một chiếc thang dẫn thẳng tới miệng Cá–Sấu. Trước mắt chúng hiện ra một căn phòng rất dài, được trang trí vui mắt với những chiếc đèn lồng làm bằng giấy đỏ. Cuối phòng có dải băng ghi: “ Chúc buổi tối vui vẻ!” Lũ cá ngồi lên răng Cá–Sấu, gọi đồ uống, và bắt đầu nhảy múa. Các bạn đã bao giờ thấy một con cá nhảy chưa? Úi chà! Vậy hãy thử tưởng tượng cảnh cả trăm con cá tung tăng nhảy múa mà xem!
  Trong suốt thời gian đó Cá–Sấu nằm im, miệng vẫn há to, mắt nhắm hờ, chờ đợi.
  Điệu nhảy này nối tiếp điệu nhảy kia, và Cá–Sấu cứ chờ. Nó quyết định tới đúng nửa đêm sẽ thông báo: “Quý vị thân mến, vũ trường xin phép được đóng cửa.” Tới lúc đó, cái miệng khổng lồ của nó sẽ ngậm vào, và thế là nó sẽ được một bữa đánh chén no say toàn cá ngon lành tươi rói, phải nói là còn sống nguyên ý chứ.
  Trong đám cá, có một bác Cá-Tầm rất thông minh.
  Giữa các điệu nhảy, trong lúc lượn lờ trên sàn khiêu vũ, Cá-Tầm nhận thấy phần hàm trên của Cá–Sấu cong cong như mái vòm, cứ nhỏ nước tong tong. Không hiểu những giọt nước này sinh ra từ đâu, mà cứ vừa ló ra đã rơi xuống ngay. Quả thật, miệng Cá–Sấu ứa nước miếng liên tục vì nó đang thưởng thức trước thời điểm sẽ nuốt trọn toàn bộ lũ cá hảo hạng này.
  Cá-Tầm băn khoăn lắm, bèn đi tìm Cà-Kheo gạn hỏi: những giọt nước ấy là thế nào? Cô Cà Kheo thuộc típ chẳng bao giờ giữ nổi bí mật, cho dù làm thế là tự hại chính mình đi chăng nữa. Ban đầu cô định loanh quanh: “Bác biết đấy, mình ở sông nên ẩm lắm”, nhưng Cá-Tầm đập lại ngay: “Cà-Kheo, chân cô đã lèo khoèo rồi, cô cẩn thận đấy, cứ nói dối mãi rồi biến thành cà kheo lúc nào chẳng hay đâu!” Thế là Cà-Kheo, vốn đã bứt rứt vì thói gi gỉ gì gi cái gì cũng muốn ba hoa chích chòe, liền tuôn ra hết sự thật. Cá-Tầm biết không còn nhiều thời gian nữa. Bác ta liền lao mình lặn xuống đáy sông, ngậm một viên đá lớn rồi đem đặt sâu vào miệng Cá–Sấu, giữa một cái răng hàm trên và một cái răng hàm dưới, như cách ta đặt một hạt dẻ vào giữa hai hàm mà cắn vậy. Thế rồi, bác Cá-Tầm hài lòng lượn ra mời một cô Cá-Chép mà lâu nay bác vẫn theo đuổi nhảy điệu samba.
  Tới nửa đêm, Cá–Sấu mở to mắt, hét tướng lên bằng cái giọng ồm ồm: “Quý vị thân mến, vũ trường xin phép được đóng cửa!” Vừa dứt lời, nó ngậm ngay miệng lại, định bụng nuốt sạch hai mươi, hay ba mươi ki lô cá còn đang hớn hở nhảy nhót trên lưỡi nó. Nhưng ôi thôi: rắc! Hai cái răng nghiến phải hòn đá của bác Cá-Tầm mà không sao nghiền vỡ nó được. Miệng Cá–Sấu vẫn mở toang, mà hàm răng của nó thì đau nhói, nhức nhối, tê buốt.
  Trong lúc đó, đàn cá nghe vũ trường thông báo đóng cửa thì lần lượt kéo nhau lượn ra. Vài con còn ca thán: “Thật chẳng ra làm sao! Đang vui thì đứt dây đàn.”
  Đương nhiên là ngay sáng hôm sau, bác Cá-Tầm kể hết mọi chuyện cho tất cả các loài cá, vì vậy mà kể từ đó chúng cạch không muốn quay lại vũ trường của Cá–Sấu nữa.
  Cũng kể từ đó, Cá–Sấu phải nỗ lực lặn ngụp trên dòng Nin để kiếm cái bỏ miệng. Dù thế thì nó cũng chẳng tìm được gì nhiều nhặn, vì tất thảy lũ cá con nào con nấy đều tránh xa nó. Chỉ có loài cá Chình, vốn rất lười biếng, chậm chạp, chẳng kịp trốn đi, nên bị Cá–Sấu cứ gọi là nuốt thun thút như Bụt ăn oản.
Thời gian còn lại, Cá–Sấu nằm dài trên bãi cát, nghĩ tới miếng ăn đã dâng đến tận miệng còn vụt mất mà rưng rức khóc. Nước mắt cá sấu là thế đó!
Cà-Kheo ở bên bầu bạn với nó, thỉnh thoảng lại hỏi: “Sao vậy, sao lại khóc?”
  Sấu sụt sùi: “Tôi khóc vì cứ chắc mẩm được xơi bữa cá ấy chứ! Đứa nào phá đám không biết!”
  Cà-Kheo ngây thơ đáp: “Làm gì có ai phá đám đâu. Viên đá đó chẳng phải chính chú đã ngậm trong miệng mút mát chờ tới lúc được ăn là gì? Ấy thế mà chú lại quên lú đi mất…”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 16-9-2016 09:00:57 | Chỉ xem của tác giả
Cái thuở mà Cá-Voi còn bé xíu


Một tỷ năm trước, có một chú Cá-Voi sống thui thủi một mình trong một cái hồ bé tí, nằm ở cuối một khu rừng. Chú Cá-Voi chẳng lớn hơn một con đỉa là bao, rất hiếu động, nhanh nhẹn, thích chơi đùa mà chẳng bao giờ biết mệt, thật là nghịch như quỷ sứ! Mối bận tâm duy nhất của chú là kích thước nhỏ xíu của mình. Quả thật, người ta cứ nghe thấy chú thở dài thườn thượt: “Tất cả đều to lớn hơn mình. Có mỗi mình bé tí thế này, thật chán chết đi được!”
Bên hồ có một cái cây, trên cây có tổ của một bác Cò. Bác Cò này cả ngày săm soi mặt hồ. Mỗi khi có con cá nào nhảy lên khỏi mặt nước để đớp không khí, bác bèn lao xuống nhanh như tên bắn, há mỏ quắp chặt con cá rồi chén ngay tức khắc.
Một bữa Cá-Voi ngoi lên mặt nước, chú ta muốn bắt một con chuồn chuồn, con này đang bay theo một con ruồi, còn con ruồi lại đang tìm cách tóm một con muỗi vằn.
Bác Cò lập tức lao xuống, há mỏ đớp lấy Cá-Voi rồi bay về tổ để có thể khoan khoái thưởng thức bữa ăn. Nhưng khi về tới tổ, bác lại chưa ăn ngay: “Ta sẽ chén chú mày, nhưng trước hết hãy nói ta nghe chú mày tên chi, làm gì. Nói thật là đánh chén mà lại không biết mình đang xơi món gì thì còn đâu thú vị!”
Cá-Voi tuyệt vọng quẫy đạp mà rằng: “Tôi tên là Cá-Voi. Nghề nghiệp: chết đói. Tôi là ai ư? Là con cá bất hạnh nhất thế giới.”
Bác Cò hỏi: “ Ổ, sao lại là con cá bất hạnh nhất thế giới?”
“Bởi tôi sinh ra và lớn lên trong một cái hồ bẩn thỉu, cái vũng lầy bé tẹo tèo teo kia. Tôi chưa từng được nhìn thấy thế giới, tôi ra nông nỗi này cũng chỉ vì kích cỡ bé nhỏ của mình. Giờ thì bác cứ ăn tôi đi, thế là xong. Còn ai bất hạnh hơn tôi đươc nữa?”
Bác Cò lấy làm xúc động trước sự chân thành trong nỗi đau của Cá-Voi mà rằng: “Nếu ta để chú mày được sống, chú mày sẽ làm gì?”
Cá-Voi trả lời: “Tôi sẽ làm tất cả để trở nên to lớn.”
“To hơn bao nhiêu? Gấp đôi bây giờ à?”
“Hơn nhiều, hơn nhiều. Gấp cả trăm nghìn lần thế này.”
“Sao phải to thế?”
“Phải thế mới được.”
Nghe vậy, bác Cò bối rối gãi đầu gãi tai rồi nói: “Theo ta thì chú mày bé thế này chẳng qua là vì chú mày sinh ra và lớn lên trong một cái hồ quá nhỏ. Hồ nhỏ thì cá phải bé thôi. Trong những chuyến di cư, ta từng nhìn thấy một cái hồ rộng mênh mông mà người ta gọi là biển. Chẹp, nếu tới được cái hồ lớn mang tên biển đó, chắc chắn chú mày sẽ lớn dần lên, lớn nữa lớn mãi cho đến khi to tổ chảng mới thôi. Ấy là bởi cái hồ-biển đó lớn lắm!”
“Lớn thế nào? Gấp đôi cái hồ này à?”
“Gấp đôi là thế nào? Chú mày đùa chắc! Phải gấp cả trăm nghìn lần ấy chứ.”
Thế là Cá-Voi nói: “Thôi, bác cứ ăn tôi đi, ngay và luôn! Đằng nào thì tôi cũng chẳng bao giờ được nhìn thấy cái hồ gọi là biển ấy. Cứ ăn tôi đi, thế là xong chuyện!”
Nhưng bác Cò bảo: “Không, chú mày quả là độc nhất vô nhị, nên ta không ăn thịt chú mày nữa. Ta sẽ cho chú mày được thỏa nỗi lòng: giờ ta sẽ ngậm chú mày và mang tới cái hồ gọi là biển đó.”
“Ồ không, tôi không ở trong mỏ bác đâu. Biết đâu trong lúc bay, bác thấy đói bụng, bác lại chẳng nuốt luôn tôi để lấy sức ấy chứ! Không, tôi sẽ đi bộ, còn bác bay trên trời, ngay phía trên tôi để chỉ đường.”
Để hiểu được câu nói đó của Cá-Voi, cần phải biết rằng thưở đó, tất cả các loài cá đều có chân, kể cả Cá-Voi. Phải. Nó có hai cái chân bé xíu đen đen, hình thù giống như hai bàn chân vịt, dính vào hai bên mình. Cá-Voi vẫn dùng đôi chân này để tản bộ trên bãi đất ven hồ những lúc rảnh rỗi chẳng có việc gì hay ho hơn.
Nói là làm, cả hai cùng lên đường. Cá-Voi nhanh nhẹn, dẻo dai, vượt qua bao đèo, bao suối, bao cánh đồng và thung lũng, leo qua cả các vách đá và hang núi mà không biết mệt mỏi. Bác Cò bay trên trời chỉ đường, điều chỉnh hướng đi cho Cá-Voi. Cứ thế, kẻ bay người đi, người đi kẻ bay, cuối cùng Bác Cò và Cá-Voi cũng tới một mũi đất um tùm cây cối, bao quanh là vùng nước xanh ngắt trải rộng bất tận: đại dương.
Mặt trời rực rỡ trên vùng biển phẳng lặng êm đềm, hàng ngàn con sóng nhỏ lăn tăn vui đùa lấp lánh. Bác Cò đậu trên cành cây và nói: “Chúng ta tới nơi rồi. Đây là cái hồ mang tên biển. Chú mày cứ tha hồ nhảy vào, chỉ có lợi mà thôi. Cứ một nghìn năm, ta lại bay qua mũi đất này hai lần. Nếu có gì cần nói, cứ ngoi lên đây, ta sẽ nhận ra chú mày ngay lập tức. Rồi chúng ta sẽ cùng trò chuyện.”
Cá-Voi trả lời: “Làm sao bác nhận ra tôi được: tôi bé xíu thế này kia mà.”
Bác Cò nói: “Đừng có lo, ta sẽ nhận ra chú mày bởi chú mày sẽ trở nên to lớn tới mức có ở xa cũng nhìn ra. Dù thế nào cũng hãy nhớ mình có hai chân: nếu một mai chú mày không thích biển nữa thì chỉ việc bơi vào đất liền, rồi đi bộ về nhà, về lại cái hồ của chùng ta.”
Cá-Voi kiêu ngạo trả lời: “Ai mà thèm quay trở về cái vũng lầu đó chứ?”
Thế là Bác Cò bay đi, còn Cá-Voi tung mình xuống biển. Nó mới thỏa mãn làm sao khi được ở trong môi trường rộng lớn thế này, nó cảm thấy hình như mình đã lớn gấp đôi rồi.
Sung sướng và hạnh phúc, nó cứ bơi, bơi mãi: quả là biển rộng mênh mông, càng bơi Cá-Voi càng to ra. Nói một cách ngắn gọn thì chỉ sau một triệu năm, Cá-Voi đã trở thành một con cá vĩ đại, khổng lồ. Nó nặng khoảng vài trăm tấn, dài khoảng một trăm mét, và mỗi lần ăn nó nuốt vào bụng cả tấn cá to nhỏ khác nhau. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp trong hai, ba trăm triệu năm: thế rồi cái hồ mang tên biển kia dần lộ ra những điểm bất tiện. Điểm mấu chốt (nghe thật khó tin!) ấy là quá dễ tìm thức ăn: thức ăn quá nhiều và lúc nào cũng dâng tận miệng. Trong cái hồ bé tí tẹo ở quê nhà, Cá-Voi ăn uống kham khổ, nó phải chật vật bơi lội cả ngày mới kiếm nổi cái giắt răng. Ở đây thì ngược lại, nó chỉ việc nằm duỗi, miệng há ra và thế là cả triệu con cá vì cứ tưởng cái miệng to hoác ấy là một cái hang dưới biển mà tự động chui vào bụng chú cá khổng lồ.
Chẳng còn động lực gì nên Cá-Voi cũng không cần di chuyển nữa, nó cử để mặc nước biển cuốn đi. Và vì ăn quá nhiều nên nó tiêu hóa kèm, lúc nào cũng ở trong trạng thái mê man, buồn ngủ. Nó béo lên nhiều, mỡ hình thành khắp cơ thể, đặc biệt là cái đầu giờ đã trở thành nơi chứa mỡ. Quả vậy, bị mỡ tràn cả vào não, Cá-Voi lúc nào cũng thấy đau đầu, lại thêm tình trạng ngủ li bì và chứng khó tiêu liên miên, nó lú lẫn chẳng biết gì nữa.
Cuối cùng nó cũng biết hoảng sợ mà tìm gặp bốn bác sĩ danh tiếng: Cá-Chình, Tôm-Hùm, Cá-Nhám và Rùa-Biển.
Sau khi khám kỹ càng, các bác sĩ phán như sau: “Cá-Voi bị chứng béo phì. Cần phải có biện pháp giảm cân cấp tốc hiệu quả nhất. Cho nên, Cá-Voi phải ăn càng nhiều càng tốt.”
Hẳn các bạn sẽ hỏi tại sao bốn bác sĩ lại kê đơn nhưng nào ai biết được, đơn giản là mọi việc đã diễn ra đúng như thế đấy!
Cứ như vậy, rốt cuộc, Cá-Voi bắt đầu nuối tiếc cái hồ nơi nó sinh ra và lớn lên, đầy sức sống, hoạt bát, nhanh nhẹn và sáng dạ. Chao ôi, hóa ra cái thời khó khăn ấy còn tuơi đẹp hơn chán vạn ngày nay! Cá-Voi nghĩ: “Giờ ta sẽ tới mũi đất, đợi bác Cò bay qua, rồi ta sẽ đi bộ như lần trước, quay trở về cái hồ thân thương. Hồ bé tất có cá bé. Ta chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng thoát khỏi cái đống mỡ này mà thôi.”
Cá-Voi bơi tới mũi đất và canh chờ Cò. Nó chẳng phải đợi lâu, chỉ tầm năm thế kỷ. Kia rồi, ngày càng lớn dần, hiện rõ nét hình cái mỏ và cặp cẳng dài. Đó chính là bác Cò. Vừa nhìn thấy cái lưng khổng lồ của Cá-Voi nhô lên khỏi mặt nước giống như một hòn đảo mới trồi lên, bác Cò liền sà xuống hét toáng lên:
“Sao thế Cá-Voi?”
Cá-Voi trả lời: “Vấn đề là tôi không thích biển nữa, tôi cũng chẳng thích to lớn thế này. Tôi muốn trở về cái hồ ngày xưa và trở lại nhỏ bé như trước, giống như một con đỉa tầm thường.”
Bác Cò đáp: “Chẳng có gì dễ hơn thế. Chú mày cứ leo lên mũi đất mà đi bộ ngược trở lại với đôi chân vịt của mình. Ta sẽ chỉ đường cho chú mày như lần trước. Phải nói là chú mày đúng đấy. Thà nhỏ bé và thông minh ở hồ còn hơn là to lớn và ngu ngốc ở biển.”
Cá-Voi rất đỗi vui mừng, nó bơi lại gần một bãi cát hướng về phía con đường mòn và định bước ra khỏi nước. Chao ôi! Cay đắng làm sao khi Cá-Voi phát hiện ra mình không còn chân nữa! Chính xác hơn thì chân nó vẫn còn, nhưng đã bị lớp mỡ phì nộn bọc quanh, nên không nhìn ra được. Cá-Voi hét lên: “Ôi giời ơi! Tôi không còn chân nữa rồi. Bác Cò thân mến ơi, bác hãy giúp tôi với, hãy ngậm tôi trong mỏ và mang tôi trở lại hồ. Tôi sẽ suốt đời biết ơn bác.”
Thế là bác Cò phá lên cười: “Cá-Voi ơi là Cá-Voi, đúng là mỡ đã làm đầu óc chú mày lú lẫn rồi. Sao lại có thể đòi ta ngậm trong mỏ một gã khổng lồ như chú mày kia chứ. Chẳng phải chú mày nặng tới cả trăm tấn mỡ hay sao?”
Nói rồi bác Cò sải cánh bay đi, để lại Cá-Voi  ở đại dương, trôi nổi theo dòng nước và miễn cưỡng nuốt trọn cả triệu con cá. Thỉnh thoảng nó lại phun nước lên không trung, đấy là cách nó xì mũi khi khóc. Phải. Vì nó cứ khóc rồi ăn, ăn rồi khóc, bởi trong lòng luôn đau đáu nhớ về cái thời hạnh phúc khi nó còn rất nhỏ, nhỏ tí tì ti.
Đó là lý do tại sao này nay đôi lúc cá voi lại lên bờ, dạt vào tận trong bãi mà mắc cạn nằm chết trên cát. Chúng hoài niệm về thuở còn bé, chúng cố rút chân ra khỏi lớp mỡ bao quanh mình, nhưng không tài nào làm được và chết trong vô vọng. thế rồi những người đánh cá đến, họ xẻ chúng ra để lấy mỡ và phát hiện ra đôi chân. Họi hỏi nhau: “Ủa, sao cá voi lại có chân, chân thì ích gì với chúng kia chứ?” Họ đâu biết cái đôi chân ấy đáng lẽ đã có thể đưa cá voi trở lại cái hồ ngày xưa, để lại được linh hoạt và thông minh thư thuở xa xôi đó.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 16-9-2016 09:19:38 | Chỉ xem của tác giả
Một chú kiến béo còn hơn vương miện méo


Một tỷ năm trước, có một con Thú-Ăn-Kiến, đơn độc và cao ngạo, hay chầm chậm bò khắp cả cánh rừng ở Brasil tìm kiếm các tổ kiến cho bữa sáng, kiểu như vài ngàn con kiến thay vì cốc cà phê sữa của chúng ta vậy. Bỗng một hôm nó nghe tiếng gọi: “Ê Thú! Ê Thú!” Nó cúi xuống nhìn và thấy một con kiến đang chật vật trèo lên một nhánh cỏ, vẫy vẫy chân. Thú-Ăn-Kiến càu nhàu: “Trước hết, ta tên là Thú-Ăn-Kiến. Ta xứng với tước vị Bá tước Loài Kiến, Quân vương Tổ Kiến, Nam tước Bầy Kiến chứ chẳng đùa. Cho nên, ít ra ngươi cũng phải thưa Tâu đức ngài.” Con kiến kia vội vàng thứ gửi: “Tâu đức ngài Thú-Ăn-Kiến, chúng tôi đã tụ họ và quyết định tôn ngàu làm vua.” “Vua của cái gì?” “Vua của các Tổ Kiến.” “Vua? Chỉ Vua thôi à?” “Vậy thì xin được tôn làm: Hoàng đế!” “Hoàng đế? Chỉ Hoàng đế thôi à?” Con kiễn gãi đầu gãi tai ngẫm nghĩ, rồi cuối cùng nói: “Siêu hoàng đế nhé? Thế được chưa ạ?”
Để hiểu được việc phong tước này, cần phải biết rằng Thú-Ăn-Kiến là kẻ thù số một của các tổ kiến. Với cái lưỡi dài mà bình thường nó phải cuộn trong miệng như thước may, chỉ cần một cái liếm nhanh như chớp là nó có thể cuốn phăng cả triệu chú kiến. Loài kiến tuyệt vọng lắm, sau nhiều cuộc thảo luận, chúng nảy ra một ý: “Chúng ta hãy phong Thú-Ăn-Kiến làm vua của các tổ kiến, như thế nó sẽ không ăn chúng ta nữa. Làm gì có nơi nào vua lại ăn thịt các thường dân của mình kia chứ?”
Hẳn các bạn đã nhận ra rồi đấy, Thú-Ăn-Kiến rất ư là phù phiếm. Nghe thấy mình được tôn làm Siêu hoàng đế, nó cũng đã xuôi xuôi, nhưng vẫn hỏi: “Tốt thôi, ta sẽ là Siêu hoàng đế của các ngươi. Cho nên không nói cũng biết, để đổi lại ta sẽ không ăn thịt các ngươi nữa. Nhưng thế thì ta sẽ sống ra sao? Ta biết ăn gì bây giờ?”
Con kiến cam đoan: “Chúng tôi sẽ cung cấp thức ăn cho ngài, chúng tôi sẽ dâng lên ngài cả núi quả mọng, rễ cây, chồi non, nấm cục, bao nhiêu là đồ ngon ấy chứ. Ngài chứ đợi mà xem.”
Thú-Ăn-Kiến không hài lòng lắm: “Nhưng như thế thì ta thành kẻ ăn chay à?”
“Có sao đâu ạ? Thế lại càng tốt cho ngài ấy chứ. Việc đi ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn. Giờ lúc nào ngài cũng bị táo bón. Mỗi lần ‘đi vũ trụ’ là ngài lại hét ầm trời vì đau, đánh thức cả khu rừng dậy.”
Thú-Ăn-Kiến vờ như không nghe thấy gì, đáp: “Thôi được, thôi được. Ta chấp nhận. Nhưng nhớ đấy: phải dâng hoa quả và rễ cây đúng giờ.”
“Ngài cứ yên tâm, cứ tin vào chúng tôi.”
“Thế lúc nào các ngươi sẽ cử hành lễ đăng quang Siêu hoàng đế cho ta?”
“Sớm thôi, ngay khi chúng tôi chuẩn bị xong tất cả những thứ cần thiết.”
Nhưng chỉ vài ngày sau, khi đang nằm li, dim trong hang, no căng rốn vì hoa quả và rễ cây, Thú-Ăn-Kiến bỗng nghe thấy một tiếng cười lanh lảnh đến chói tai. Tiếng cười mới kỳ lạ làm sao, Thú-Ăn-Kiến có cảm giác nó đang hướng đến mình. Nó nhìn quanh: trong khu đất hoang nơi nó đào hang, chẳng có ma nào cả, giữa các nhánh cỏ chỉ có đám kiến bò qua bò lại vì sau vụ Siêu hoàng đế giờ chúng đã cảm thấy an toàn. Thú-Ăn-Kiến hỏi: “Ai cười ta đó?”
Một giọng chua loét cất lên: “Ta”
“Ta là ai?”
“Là anh họ ngươi, Kiến-Sư-Tử!”
Thú-Ăn-Kiến cựa mình khó chịu. Nó biết rõ Kiến-Sư-Tử là ai: một loài côn trùng sống ẩn mình trong hố cát. Con kiến nào bị tơi xuống hố là Kiến-Sư-Tử túm lấy ăn ngay. Thú-Ăn-Kiến vốn khinh thường Kiến-Sư-Tử: dù phải vắt óc nghĩ đủ mưu kế, hay kiên nhẫn chờ đợi tới đâu, Kiến-Sư-Tử cũng chỉ kiếm được trên dưới chục con kiến mỗi ngày, trong khi chỉ cần một cái liếm lưỡi là Thú-Ăn-Kiến nuốt trọn cả ngàn con. Nó bèn khó chịu đáp lời: “Trước tiên, ta chẳng có họ hàng gì với nhau hết. Sau nữa, ngươi cười là cười cái gì?”
Kiến-Sư-Tử đáp: “Ta cười nhà ngươi đó, chỉ vì một danh hiệu hão mà ngươi sẵn lòng từ bỏ điều tuyệt vời nhất quả đất. Người có biết bài đồng dao này không?”
“Không, mà ta cũng chẳng muốn biết.”
“Nghe nhé:


"Một chú kiến tèo
Múp ma múp míp
Chẳng hơn vương miện méo
Trên đầu Hoàng đế béo.”

Thú-Ăn-Kiến bực lắm, hét lên: “Ai bảo thế?”
Kiến-Sư-Tử nói: “Nhà ngươi không biết kiến ngon thế nào sao? Úi giời ơi! Nào là xào, quay, rán, hầm hoặc trộn với dầu và vài giọt chanh: tóp tép, nhóp nhép, ngon thế mà không biết đường!”
Thú-Ăn-Kiến tức điên, phóng cái lưỡi dài ra, định liếm trọn Kiến-Sư-Tử. Nhưng không kịp mất rồi. Con côn trùng khôn lỏi đó đã kịp rúc sâu dưới lòng đất. Thú-Ăn-Kiến đành rút cái lưỡi đầy cát về.
Ngày đăng quang cuối cùng cũng đến. Thú-Ăn-Kiến ngồi trên chiếc ngai dành cho nó: một cái cây được khoét ra làm ghế và phủ xạ hương. Trước hết, vị quan chủ tế tiến lên nói: “Tâu đức ngài, bây giờ là lễ duyệt đội hình danh dự. Chúng ta sẽ chào đón các vị tướng quốc, vốn là các bậc công thần có vị trí quan trọng nhất, ngay sau Siêu hoàng đế.”
Nói xong, quan chủ tế lùi sang một bên, và các vị tướng quốc liền tiến tới quỳ xuống sát chân ngai vàng. Thú-Ăn-Kiến lấy làm ngạc nhiên về số lượng: những ba mươi vị tất cả. Có đủ các chức quan: từ Bộ Vận tải (loài kiến chẳng làm gì khác ngoài vận chuyển đồ); Bộ Phòng ốc và Hành lang (các tổ kiến đầy những phòng ốc và hành lang; Bộ Tiết kiệm (các bạn biết đấy, loài kiến rất chi là hà tiện); Bộ Dự trữ (trong các tổ kiến có chứa đầy đồ ăn dự trữ); Bộ Chiến tranh (loài kiến rất hung hăng); và cứ thế, Bộ này nối tiếp Bộ kia. Đương nhiên là không thể thiếu Bộ Đối ngoại với Thú-Ăn-Kiến, giờ đang gánh trên vai trọng trách cấp thiết hơn bao giờ hết. Thú-Ăn-Kiến nhìn tất cả và nghĩ: “Cần gì phải có nhiều Bộ thế này? Ta chỉ cần mỗi Bộ Dự trữ. Ngoài ra chẳng cần gì khác, ta sẽ chén tuốt bọn chúng.” Vừa nghĩ, nó vừa phóng lưỡi nhanh như chớp liếm sạch các vị tướng quốc, chỉ chừa lại một vị. Chẹp, mới ngon làm sao! Nó tặc lưỡi kêu: “Tiếp!”
Quan chủ tế đã chứng kiến toàn bộ hệ thống quan chế biến mất trong miệng Thú-Ăn-Kiến, nhưng vì là chủ tế, nó buộc phải thực thi tiếp nhệm vụ: “Tâu đức ngài, tiếp theo là đội cận vệ.”
Một hồi trống nổi lên, gần một trăm chú lính được lựa chọn bước tới. Thú-Ăn-Kiến nghĩ: “Cần gì đội cận vệ cơ chứ? Ta tự bảo vệ thân mình cũng được. Ta chỉ cần tên lính đánh trống, để nó đi trước báo hiệu lúc ta đến là được. Tất cả những kẻ khác ta sẽ chén gọn.” Nghĩ là làm, nó phóng lưỡi và chỉ sau hai phát liễm đã nuốt gọn toàn bộ đội cận vệ. Quan chủ tế buồn lắm, húng hắng ho ra hiệu cho Siêu hoàng đế biết là không thể cư xử như thế mãi được. Nhưng chẳng ích gì! Thú-Ăn-Kiến khoan khoái liếm mép, hào hứng khẽ hát:


“Bước lên đi hỡi các chú kiến ngon
Ta sẽ chén sạch không còn một con.”

Quan chủ tế thông báo bằng một giọng khẽ khàng: “Tâu đức ngài, tiếp theo là đội quân anh hùng bất diệt.” Quả thật, từ phía cuối khoảng rừng thưa, một đội ngũ kiến chỉnh tề, cờ quạt hùng hậu dều bước tiến lên phía trước. Đoàn quân gồm đủ mọi lực lượng: xe tăng, bộ binh, pháo binh, không quân, hải quân, vân vân và vân vân. Thú-Ăn-Kiến cất giọng ồm ồm hát:


“Ta yêu hòa bình
Và ghét chiến tranh
Vắt cẳng chạy nhanh
Nếu không, ta sẽ chén sạch sành sanh.”

Mấy từ đó vừa thốt ra, tức thì ba, bốn cái liếm lưỡi đã quét sạch sành sanh cả đội quân kiến. Chỉ duy nhất một con kiến bé xíu, một tên lính quèn, là còn sống sót, bởi nó đã hứa mỗi sáng sẽ dùng lá lưỡi lê gãi lòng bàn chân cho Thú-Ăn-Kiến để đổi lấy mạng sống. Quan chủ tế bấy giờ vội cảnh báo toàn bộ cộng đồng kiến chạy trốn ngay lập tức nếu không muốn chui vào miệng Thú-Ăn-Kiến. Nhưng hỡi ôi, quá trễ rồi! Vì tò mò muốn được mục sở thị vị quân vương và tung hô “vạn tuế”, toàn bộ cộng đồng kiến đã chui ra khỏi tổ, chen lấn ùa vào khoảng rừng thưa. Thú-Ăn-Kiến chỉ đợi tới lúc ấy. Nó tụt xuống khỏi ngai, phóng lưỡi liếm khắp mọi hướng. Sau cùng, khi đã no nê, nó lại trèo lên ngai ra lệnh cho quan chủ tế: “Tăm đâu!”
Quan chủ tế tuyệt vọng nhanh chân mang tăm lại. Thú-Ăn-Kiến gảy hai, ba con kiến còn giắt ở kẽ răng ra, vươn vai duỗi cẳng nói: “Ta vui mừng được chứng kiến lễ đăng quang đã diễn ra rất tốt đẹp.”
Quan chủ tế ruột đau như cắt mà rằng: “Bẩm vâng, chỉ có một điều nho nhỏ duy nhất không ổn mà thôi.”
“Cái gì?”
“Ấy là chẳng còn ai nữa, Ngài là vị Siêu hoàng đế, mà quanh ngài còn sót lại mỗi một quan chủ tế, một lính đánh trống, Bộ trưởng Bộ Dự trữ và một tên lính quèn.”
“Thế thì sao?”
“Không có dân và quan để giúp ngài trị vì, thì Siêu hoàng đế kiểu gì?”
Thú-Ăn-Kiến hét lên: “À, thế hả! Thế thì ta chén luôn cả ngươi và lũ bạn của ngươi, thế là ta lại là ta như ngày trước.” Nói là làm, nó phóng lưỡi về phía quan chủ tế và ba chú kiến còn lại, và chỉ sau một cái liếm lưỡi thôi, cả khu đất đã sạch như lau như li, chẳng còn lại con kiến nào.
Kể từ đó, mỗi lần chầm chậm tản bộ trong các khu rừng rậm Brasil, hễ gặp tổ kiến nào, các loài thú ăn kiến đều tiến lại gần mà thầm thì hỏi: “Các bạn có cần một vị hoàng đế không? Hay một vị vua? Hay tổng thống?” Các chú kiến, vì đã biết quá rõ đằng sau lời chào mời đó ẩn giấu điều gì nên tất thảy đều lè lưỡi ra “lêu lêu.” Bực mình, thú ăn kiến liền phóng lưỡi hớt những chú kiến vì chậm chạp mà còn lưu lại trên các nhánh cỏ bên ngoài tổ kiến. Đúng như bài vè:


“Thà xơi con kiến hôm nay
Còn hơn một tổ ngày mai kiến đầy
Thà chờ tổ kiến ngày mai
Còn hơn cỏ dại hôm nay chát lòng.”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2016 00:27:16 | Chỉ xem của tác giả
Khi mọi ý nghĩ đóng băng giữa không trung


Các bạn phải biết rằng một triệu năm trước ở địac cực lạnh hơn bây giờ rất nhiều. Nhiệt độ xuống dưới âm một tỷ độ là chuyện bình thường! Đương nhiên, lạnh như vậy thì mọi thứ đều đóng băng, thậm chí (các bạn không tin thì thôi) cả suy nghĩ cũng chẳng phải ngoại lệ. Chỉ cần ai đó nghĩ tới điều gì, ví như: “Eo ơi lạnh gớm!” là ngay lập tức, trên đầu người đó, một đám hơi nước hình thành, bên trong là các chữ bằng băng nhọn hoắt và nhỏ nước tong tong như nhũ đá xếp lại: “ Eo ơi lạnh gớm!”
Chính mọi ý nghĩ đều đóng băng và có thể nhìn thấy được nên chẳng ai ở địa cực dám nghĩ ngợi gì. Tất cả đều lo người khác sẽ đọc được suy nghĩ của mình. Do đó, gấu, chim cánh cụt, hải cẩu, chó và người Eskimo không bao giờ nghĩ ngợi. Túm lại, đó là cả một thế giới câm lặng trì trệ. Họ cứ thộn ra như thế không phải vì không có khả năng suy nghĩ, mà bởi tính lịch thiệp tế nhị, hay giữ ý mà thành.
Vào một thế kỷ (thuở đó một thế kỷ cũng tương đương với một ngày bây giờ), một chú Moóc đang nằm im phăng phắc trên tảng băng hưởng rét, mắt chú nhắm hờ, chẳng nghĩ ngợi gì trong đầu, ngoài từ “Chà chà.” Thế là trên đầu chú hiện ra chữ “Chà chà” bằng băng. Chú muốn nói gì? Ai mà biết được.
Bỗng ngoài biển hiện lên một con Cá-Chình, nó vẫy đuôi vui vẻ bảo Moóc: “Ê, Moóc, biết gì không?”
Moóc ta làu bàu: “Sao?”
“Nghe tớ kể chuyện gì xảy ra trong chuyến đi biển vừa rồi của tớ nhé. Tớ đi nghỉ ở một vùng gọi là Vùng-Nhiệt-Đới, nóng ơi là nóng! Ở Vùng-Nhiệt-Đới, suy nghĩ không đóng băng đâu nhá!”
“Làm gì có chuyện!”
“Thật mà. Chẳng hạn có đứa nhìn cậu nghĩ: ‘Moóc có cặp mông mới to làm sao!’, thì nó cứ nghĩ thế thôi, cậu chẳng hay biết gì hết, vì ở chỗ đó nóng kinh lên được, suy nghĩ không đóng băng trên đầu, không hiển hiện ra như ở đây.”
“Ai bảo tớ mông to?” Moóc phật lòng càu nhàu.
“Là tớ ví dụ thế. Này, sao ta không đi khỏi địa cực? Ở đây chẳng ai dám nghĩ gì vì nếu không mọi người sẽ biết hết. Tới Vùng-Nhiệt-Đới đi! Thật thích thú làm sao khi được vô tư tự do suy nghĩ! Ở Vùng-Nhiệt-Đới tớ đã được một bữa nghĩ ngợi thỏa thuê mãn nguyện.”
“Thế cậu nghĩ gì?”
“Nhiều lắm!”
“Ví dụ xem nào?”
“Úi giời. Đại loại như: mặt trời màu xanh này. Hoặc là hai cộng hai bằng năm này.”
“Nhưng mà mặt trời không phải màu xanh. Mà hai cộng hai bằng bốn chứ!”
“Ai chẳng biết. Nhưng thế mới thú: muốn nghĩ gì thì nghĩ, chẳng ai nhìn thấy cả.”
Cá-Chình cứ lải nhải mãi, cuối cùng Moóc cũng xiêu lòng mà đồng ý đi tới Vùng-Nhiệt-Đới. Có lẽ, nó cũng chẳng quyết định được nhanh thế đâu, nếu như không phải vì đúng lúc đó có ba người đàn ông nhảy xuống khỏi một chiếc thuyền cắm neo vào tảng băng. Họ mặc đồ da thú và mang theo gậy gộc. Thông thường, các cư dân ở cùng địa cực hay ngẩng đầu lên trời chờ xem có suy nghĩ nào hiện ra trên không trung không. Moóc ngước mắt nhìn phía trên đầu ba người đàn ông và kinh hãi đọc: “Giờ chúng ta sẽ đập chết vài trăm con thú ngu xuẩn này, cứ đập vào mõm chúng là xong, rồi đem lột da làm túi xách và giày.” Từ lúc Moóc nhìn thấy những chữ cái rung rung, nhỏ tong tong trong không khí tới lúc nó trượt khỏi tảng băng để đi theo Cá-Chình chỉ kéo dài trong tích tắc. Cá-Chình ngeo nguẩy bơi trước, Moóc ta đạp nước theo sau. Bơi, bơi nữa, bơi mãi, nhiệt độ nước tăng dần từ âm một tỷ độ sang một tỷ độ! Ui chà, nóng ơi là nóng! Biển sôi sùng sục y như nước trong nồi, mỗi tội lửa này không ở dưới đáy nồi, mà ở phía bên trên! Moóc vẫn chưa kịp nghĩ gì: sau hàng triệu năm không suy nghĩ, trí óc nó đã tê liệt; nhưng thỉnh thoảng trong lúc bơi, nó lại hỏi Cá-Chình: “Chình ơi, ơi Chình, cậu đang nghĩ gì thế?”
“Hả?”
“Cậu đang nghĩ gì thế?”
“Nghĩ gì?”
“Chẳng nói đâu: nói ra lại giận cho mà xem!”
Moóc lấy thế làm buồn. Các bạn biết rồi đấy, lúc ở địa cực, chẳng ai nghĩ gì về ai hết. Giờ Cá-Chình lại lợi dụng việc suy nghĩ của nó không hiện hình mà nghĩ về Moóc, lỡ nó đang nghĩ xấu về Moóc thì sao. Thật là đồ khốn, giả nhân giả nghĩa, đồ lẻo mép! Moóc giật mình nhận thấy chính nó đang nghĩ rất xấu về Chình, và đinh ninh rằng Cá-Chình bơi cạnh nó cũng đang nghĩ rất xấu về nó. Điều tương tự xảy ra với tất cả các loài vật mà nó lần lượt gặp trên đường di chuyển về Vùng-Nhiệt-Đới. Ai cũng ra sức chúc mừng Moóc, kiểu như: “Chào mừng bạn tới đây! Bạn mới đẹp làm sao! Mũi bạn trông mới thông minh làm sao! Đôi mắt bạn mới biểu cảm làm sao! Ria mép bạn mới oách làm sao!” vân vân và vân vân. Nhưng Moóc tin chắc, chắc trăm phần trăm, rằng nếu đang ở địa cực, nó sẽ đọc được trên không trung các dòng chữ đóng băng: “Giờ lại thêm cả nó nữa! Sao mà xấu thế! Gớm cái mũi kìa! Mắt lờ đờ nhỉ! Sao ria quặp lại thế kia, ha ha ha!” Moóc tự phá hủy kỳ nghỉ của mình chính vì nó cứ đoan chắc như đinh đóng cột rằng ở Vùng-Nhiệt-Đới người ta toàn nghĩ một đằng nói một nẻo.
Một hôm, ở giữ vịnh Ghi-nê, dưới ánh mặt trời thiêu đốt một tỷ độ rưỡi, có một người da đen được gọi là Châu-Phi, đang vừa chèo thuyền chở vợ và những đứa con, vừa hát một bài mà Cá-Chình cứ há hốc miệng ra nghe:


“Cá-Chình ơi Cá-Chình ơi,
Coi thân mày mới tuyệt vời làm sao!
Trơn dài săn chắc biết bao
Cá-Chình hai tiếng đẹp xao xuyến lòng!”

Cá-Chình bị mấy lời lịch thiệp đó hút hồn mà quên mất rằng ở Vùng-Nhiệt-Đới người ta nghĩ một đằng nói một nẻo, liền bơi lại gần thuyền. Ngay lập tức, Châu-Phi quăng lưới túm gọn lấy Chình. Cá-Chình khốn khổ bị xe thịt, tẩm bột, rán giòn và chén sạch! Moóc ta chứng kiến toàn bộ cảnh tượng, lấy làm kinh sợ hết mức. Nó vừa bơi ra xa vừa nghĩ: “Khiếp quá! Khiếp quá mất thôi! Thế mới biết cuộc sống ở địa cực mới đáng quý làm sao! Chúng ta chẳng nghĩ gì, mà có ai nghĩ gì thì tất cả mọi suy nghĩ đều hiện rõ rành rành ra hết!”
Tuy thế, phần vì tò mò muốn tìm hiểu vùng đất mới với phong tục tập quán khác lạ, phần vì lười nhác, Moóc chưa quay ngay về địa cực. Chưa kể, thật ra thì việc có thể suy nghĩ mà người khác không đọc được ý nghĩ của mình, và nhất là có thể nghĩ một đằng nói hay làm một nèo, cũng khiến nó thấy khá thú vị. Thế là Moóc ở lại Vùng-Nhiệt-Đới, làm quen với lề thói nới đây. Vùng-Nhiệt-Đới hẳng không phải là thế giới trung thực và minh bạch như chốn địa cực, song bù lại, việc muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, chẳng bị điều gì bên ngoài ràng buộc, đã đem lại những tiến triển vượt bậc không ngờ. Ví dụ, nghĩ tới nghĩ lui, Moóc ta dần tiến gần tới những thứ cao siêu, thậm chí mang tầm triết học, và tự đặt cho mình những câu hỏi như: Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu tới? Số kiếp của chúng ta là gì? Tại sao chúng ta lại ở đây? Rồi chúng ta sẽ đi về đâu? Tóm lại là những câu hỏi mà người ta tự đặt cho mình, khi tỉnh thoảng ta vẫn ăn để sống, chứ không phải là sống để ăn. Câu trả lời là: chúng ta đều là Moóc; chúng ta tới từ địa cực; số kiếp của chúng ta là ăn cá; chúng ta ở đây vì có một vị siêu nhiên ( khỏi nói cũng biết vị này có hình dáng một con Moóc to tướng) đã tạo ra chúng ta; sau cùng, chúng ta sẽ rời khỏi Vùng-Nhiệt-Đới giả dối để trở về cùng đất của niềm tin và sự thật: địa cực.
Than ôi, Moóc đã quá ảo tưởng. Về tới địa cực rồi, nằm trên tảng băng quen thuộc, Moóc nhận ra rằng giờ nó đã bị nhiễm thói xấu, và cho dù có cố gắng đến mấy, nó cũng không thể không suy nghĩ. Đương nhiên mọi suy nghĩ của nó hiện ra ngay tức khắc, các chữ bằng băng lấp lánh lơ lửng trên đầu. Gấu, chim cánh cụt, hải cẩu và đủ các loài cá mú đều đọc được hết, thế là chúng ba chân bốn cẳng (hay ba vây bốn vảy) cuốn gói chạy biến, tránh xa Moóc. Phải rồi, bởi vào thuở ấy, tại địa cực, suy nghĩ là một việc tối kỵ, cũng như bây giờ ở truồng mà chạy lông nhông ngoài đường vậy.
Moóc tội nghiệp, càng thấy bạn bè cũ tìm cách lảng tránh và rời xa mình thì lại càng không thể không nghĩ xấu về họ. Những ý nghĩ xấu hiện lên ngay tức khắc như những đám mây in chữ nổi đóa, nói bậy nói bạ, thành ra khoảng cách giữa Moóc và các cư dân địa cực càng lúc càng bị khoét sâu, trở thành vực thẳm không thỉ vượt qua được. Chỉ sau một thời gian ngắn, Moóc đã bị cô lập, đơn độc một mình trên tảng băng.
Từ đó tới nay. Nhiệt độ địa cực đã tăng lên rất nhiều, khiến suy nghĩ không còn đóng băng nữa, mà trở nên vô hình. Dù vậy, Moóc cũng đã quen với cảnh cô đơn và không thể chịu nổi việc ở bên cạnh ai nữa. Nằm một mình trên tảng băng, nó nghĩ. Nghĩ gì? Nó nghĩ một cách đầy luyến tiếc cái thuở người ta chẳng nghĩ gì bởi mọi ý nghĩ đều hiện hình. Lạnh thì lạnh đấy, nhưng đó quả là thời tươi đẹp xiết bao.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 19-9-2016 08:54:03 | Chỉ xem của tác giả
Tội nghiệp bác Chim-Cánh-Cụt tin vào băng giá


Khoảng nửa tỷ năm trước, có một bác Chim-Cánh-Cụt, thày giáo Địa lý, đứng trên một tảng băng lớn chờ học sinh tới để bắt đầu bài giảng như thường ngày. Chỉ còn năm phút là đến giờ vào lớp mà vẫn chưa thấy bóng dáng ai. Bác Chim-Cánh-Cụt không quá lo lắng: các bạn biết đấy, với cái rét ở địa cực, chẳng cô bé cậu bé nào muốn bước ra khỏi nhà đâu.
Bác Chim-Cánh-Cụt là một người cha tốt. Vợi bác tên là Chim-Cánh-Cụt-Vợ và ba mươi sáu đứa con của bác, tất cả đều được gọi là Bác Chim-Cánh-Cụt-Con để phân biệt đứa này với đứa kia, chỉ cần thêm số đằng sau: Chim-Cánh-Cụt-Con-Số-Một, Chim-Cánh-Cụt-Con-Số-Hai, Chim-Cánh-Cụt-Con-Số-Ba, cứ thế cho tới Chim-Cánh-Cụt-Con-Số-Ba-Mươi-Sáu. Bác Chim-Cánh-Cụt sống trên một hòn đảo băng đã nằm giữa một cái vịnh nhỏ từ bao đời nay. Thường thì những cái vịnh này được tạo thành với một cái lạch dài và hẹp luồn lách giữa những ngọn núi băng tuyết. Hòn đảo băng của Bác Chim-Cánh-Cụt cũng nằm tít sâu trong một cái lạch như thế.
Trên đảo, bác Chim-Cánh-Cụt đã dùng các tảng băng để tạo cho mình và gia định một ngôi nhà, một mái trường và một khu phụ có kiến rúc nhà tròn dùng làm chỗ vệ sinh. Học sinh đến từ những ngọn núi băng tuyết bao quanh vịnh. Phần lớn là các cậu ấm cô chiêu của các gia đình chim cánh cụt, hải cẩu, gấu trắng và hải mã; nhưng cũng không thiếu con cái của cá voi lưng gù và cá nhà táng. Trường học của bác Chim-Cánh-Cụt thì được tiếng là giáo viên dạy giỏi và uyên bác.
Buổi học bắt đầu lúc chín giờ. Chín giờ, rồi chín giờ năm, chín giờ mười, chín giờ mười lăm, mà vẫn chẳng có ai đến cả. Bác Chim-Cánh-Cụt sốt ruột, lúc thì nhìn chằm chằm ra mặt vịnh vắng tanh vắng ngăt, lúc thì nhìn vào mặt đồng hồ. Sao thế nhỉ? Bác Chim-Cánh-Cụt không tài nào hiều nổi tại sao học sinh của bác, vốn giỏi giang, chăm chỉ, nghiêm túc là thế, lại có thể đến muộn như vậy.
Nhưng sau khi nhìn khắp xung quanh thì bỗng bác hiểu ra: đêm qua, hòn đảo băng đã di chuyển! Nó vốn ở tít sâu trong lạch, thế mà giờ đã trôi ra phía ngoài. Quả vậy, giữa hai khe núi phủ tuyết, giờ ta có thể nhìn thấy mặt biển mênh mông trải rộng tít tắp tới tận chân trời. Đó chính là nguyên do khiến lớp học vắng bóng học sinh: chúng có đi học, nhưng không tìm thấy hòn đảo nơi ngôi trường tọa lạc.
Bác Chim-Cánh-Cụt nhìn dãy núi, rồi nhìn biển khơi. Đây là lần đầu tiên bác thấy biển mênh mông đến thế, bởi mặc dù là giáo viên Địa lý, bác vẫn chưa bao giờ rời khỏi các vịnh hẹp; biển bao la khiến bác chóng ngợp. Biển vô tận, xanh thẫm, phẳng lặng như gương, trên đó rải rác các hòn đảo băng như hòn đảo của Bác Chim-Cánh-Cụt. Trông thấy những hòn đảo đó, bác có cảm giác an tâm hơn. Bởi đơn giản là đêm qua, hòn đảo của bác chỉ dịch chuyển chút xíu. Giờ bác sẽ thông báo cho các học sinh và mọi chuyện sẽ lại như cũ.
Nghĩ thế, bác vui vẻ trở lại, rồi bước vào nhà. Có rất nhiều việc phải làm, bác lại còn đang viết dở một cuốn sách khoa học về băng, trong đó chứng minh rằng băng là một vật liệu xây dựng bền vững và tồn tại mãi mãi với thời gian như sắt và đá. Đột nhiên một giọng lanh lảnh vang lên làm bác giật nẩy mình:


“Bác Cánh-Cụt ơi Bác Cánh-Cụt ơi,
Dạy làm gì viết làm chi
Nếu băng giá chỉ còn là ảo ảnh
Cẩn thận khi con tạo xoay vần.”

Bác Chim-Cánh-Cụt vốn vững vàng và trầm tĩnh, nhưng lại dễ nổi nóng. Bác thấy dường như giọng nói kia đang trêu chọc mình. Bác nổi đóa hét lên: “Ai thế?” Giọng nói trả lời: “Tôi đây.” “Tôi là ai?” “Là tôi, Mực-Ống đây mà.”
À, hóa ra là Mực-Ống, một loài sinh vật khá kỳ dị: nó có tính nói thẳng nói thật như vỗ vào mặt bất cứ ai, nhưng lại chẳng được dũng cảm cho lắm. Thường thì cứ vừa nói gì xong là nó lại xổ ngay ra khắp xung quang một đống mực rồi chuồn mất tăm. Bác Chim-Cánh-Cụt cáu tiết hỏi: “Băng giá chỉ còn là ảo ảnh nghĩ là sao?”
Mực-Ống xảo trá chỉ đáp: :Tạm biệt bác Chim-Cánh-Cụt. Báo trước cho mà tránh rồi nhé!”
Bác Chim-Cánh-Cụt tức điên, nhảy ùm xuống biển. Bác muốn tóm lấy Mực-Ống mà cho nó một bài học (không phải về Địa lý). Nhưng vô ích, Mực-Ống đã biến mất giữa màn mực hỏa mù. Nơi ngay phút trước là cái đầu hình nón, giờ chỉ còn là một mảng mực đen lan tỏa trong làn nước biển.
Tuy nhiên, cho dù vẫn còn giận, bác Chim-Cánh-Cụt đã yên tâm trở lại vì khi nhìn ra xung quanh, mọi việc đều như cũ, tất cả đều bình thường: các dãy núi, cái vịnh hẹp, biển trải rộng về phía chân trời với các hòn đảo băng giống như hòn đảo của bác. Và đây nữa, mặt trời chói chang như thường lệ, mà lại không ấm nóng, bởi ở địa cực lúc nào chẳng lạnh cóng. Bác Chim-Cánh-Cụt nghĩ hôm sau sẽ dạy học trở lại: bác tâm đắc với bài học này lắm. Chủ đề của bài học cũng là trọng tâm cuốn sách bác đang viết: băng là vĩnh cửu, giống như đá vậy. Bởi hôm nay không lên lớp, Bác Chim-Cánh-Cụt nghĩ có thể thư giãn một chút. Làm gì bây giờ nhỉ? Sau khi ngẫm nghĩ giây lát, bác tặc lưỡi quyết định cách thư giãn tốt nhất là chén một bữa thật ngon. Còn gì thú vị hơn việc đánh chén linh đình? Bác Chim-Cánh-Cụt vào nhà bảo vợ “ Mình ơi, bắc cái nồi to nhất lên. Hôm nay ta làm gấp ba lượng cá!”
Thế là bữa đó, để giải khuây, Bác Chim-Cánh-Cụt chét ba suất cá, cả Chim-Cánh-Cụt-Vợ và ba mươi sáuChim-Cánh-Cụt-Con cũng vậy! Ui chà, no ơi là no! Sau bữa trưa, tất cả đều buồn ngủ, và thế là cha mẹ, con cái kéo nhau đi ngủ một mạch hai mươi giờ liền.
Tám giờ sáng hôm sau, Bác Chim-Cánh-Cụt tỉnh giấc và bảo vợ: “Mình ơi tôi phải lên lớp đây, giờ học sẽ kết thúc như thường lệ nhé.”
Chim-Cánh-Cụt-Vợ hỏi: “Hôm nay cũng nhân ba khẩu phần cá hả mình?”
“Không, làm suất như bình thường thôi.”
Bác Chim-Cánh-Cụt bước ra khỏi nhà, nhìn xung quanh và phải dụi mắt liên hồi: bác cứ ngỡ mình bị hoa mắt. Tất cả, phải, tất cả đều thay đổi: hai dãy núi băng tuyết bên vịnh đã biến mất, cả cái vịnh cũng chẳng còn! Đâu rồi những hòn đảo băng rải rác khắp mặt biển? Chúng cũng mất dạng luôn! Mặt trời vẫn lấp lánh trên mặt biển bình lặng, nhưng hoàn toàn hoang vắng. Bác Chim-Cánh-Cụt lắc lắc đầu, hy vọng mình nhìn nhầm, rồi bác mở to mắt nhìn khắp nơi. Đúng vậy: hòn đảo giờ ở giữa biển khơi, một mình lẻ loi giữ khoảnh xanh thăm thẳm không bờ không bến, đơn độc với ba tòa băng: ngôi trường, căn nhà và khu vệ sinh. Bác Chim-Cánh-Cụt tiến sát mép đảo, cúi nhìn mặt nước và nhận thấy hòn đảo đang di chuyển với tốc độ khủng khiếp. Ít nhất là một trăm mét một giờ.
Bác Chim-Cánh-Cụt không nói năng chi. Bác trở vào nhà, tìm chai rượu dán mác “Rượu tiên vùng địa cực”; rồi cả hai vợ chồng cứ thế uống, uống cho tới khi chai rượu cạn sạch không còn một giọt. Uống xong rồi, hai bác ra khỏi nhà. Ở địa cực, mặt trời chiếu sáng cả ngày lẫn đêm, nên ta có thể nhìn rõ mọi thứ bất kể đêm ngày. Phấn khởi, hai bác ôm nhau nhảu múa, dưới ánh mặt trời nửa đêm, trong khi hòn đảo trôi với tốc độ chóng mặt về phía chân trời. họ vừa nhảy vừa hát ầm ĩ:


“Ảo ảnh với chả xoay vần
Còn băng còn biển còn phần chúng ta!
Nào cùng nâng chén hát ca
Chán chê ta lại quay ra xoay vòng!
Mệt thì xơi cá lót lòng!
Bữa trưa, bữa tối cũng tầm trăm cân.”

Đêm hôm đó bác Chim-Cánh-Cụt và vợ ngủ say tít thò lò: làm sao mà khác được chứ, cả hai bác đều uống như hũ chìm thế kia mà! Sáng hôm sau, bác tỉnh giấc, bước ra khỏi nhà muộn hơn thường lệ. Đầu bác ong ong; chân đi khật khưỡng. Kìa! Thật không thể tin được! Hòn đảo cho tới giờ vẫn trôi đi rất nhanh, lúc này rõ ràng nó đã bé hẳn đi. Căn nhà của bác vốn nằm khá xe mép đảo, thế mà giờ đang chênh vênh sát mặt biển. Không chỉ có thế, cả một góc ngôi trường, vốn dùng làm thư viện, cũng đã biến mất. Khu phụ dùng làm nhà vệ sinh thì chẳng còn chút dấu vết gì. Chúng biến đi đâu rồi nhỉ? Hẳn là đã chìm xuống biển. Nhưng tại sao chúng lại chìm xuống biển được kia chứ? Thật khó hiểu! Bác Chim-Cánh-Cụt từ trước tới giờ luôn cho rằng băng là thứ không thể tan được, nó phải vững bền như đá; và đời nào bác chịu nhận mình nhầm. Bác tự nhủ: suy cho cùng tại sao băng phải tan! Tất cả vẫn nguyên như cũ, không có gì thay đổi hết. Sự thực thì Bác Chim-Cánh-Cụt không nhận ra một điều thật đơn giản: hòn đảo của bác đang trôi về phía Nam, và do đó mặt trời càng ngày càng trở nên nóng hơn.
Bác Chim-Cánh-Cụt hớp một ngụm to “Rượu tiên vùng địa cực”; rồi khóa mình trong phòng làm việc bao quanh bởi lớp tường băng dày cộp. Ở đó, không bị bất kỳ bất ngờ nào từ thế giới bên ngoài tác động, bác dành trọn thời gian viết cuốn sách quan trọng có nhan đề Băng không thể tan. Vài ngày trôi qua, bác cặm cụi viết, viết nữa, viết mãi. Bác không rời khỏi phòng làm việc bằng băng, nơi nhiệt độ phải âm cả trăm độ là ít. Lúc đói, bác ăn cá đông lạnh cứng như gỗ. Thỉnh thoảng bác lại nhấm nháp một, hai con trong khi viết. Bản thảo cuốn Băng không thể tan dày tới gần ba trăm trang, trong đó Bác Chim-Cánh-Cụt bảo vệ quan điểm rằng băng là một chất liệu không thể thay thế, nó trường tồn như đá.
Viết, viết nữa, viết mãi, tới trang cuối cùng thì Bác Chim-Cánh-Cụt cũng vươn tay nhón con cá mòi cuối cùng. Nhưng bác không thể! Con cá mòi chẳng bị đóng băng nữa, nó lại còn hung hăng cắn tay bác. Bác Chim-Cánh-Cụt hét tướng lên vì đau, bác cúi xuống nhìn và thấy sàn nhà, vốn bằng băng, giờ đã tan chảy, tạo thành một cái hố to tướng qua đó có thể nhìn thấy cả nước biển. Đầu con cá mòi đã cắn bác Chim-Cánh-Cụt lấp ló bên rìa hố, nó hát:


“Bác Cánh-Cụt ơi Bác Cánh-Cụt
Đọc viết làm chi cho thêm cực
Nếu giữa biển sâu bác nổi trôi?
Nhanh nhanh ngừng bút đi thôi
Nhảy ùm xuống biển học bơi cho lành”

Nói xong, con cá mòi lặn mất tăm. Bác Chim-Cánh-Cụt vội lao ra ngoài. Khung cảnh bên ngoài khiến bác há hốc miệng. Hòn đảo băng không còn nữa, trường học đã biến mất, cả căn nhà giờ chỉ còn lại phòng làm việc, và trên nóc phòng làm việc Chim-Cánh-Cụt-Vợ và ba mươi sáu Chim-Cánh-Cụt-Con đang sợ hãi đứng túm cả lại, xung quang tảng băng còn sót lại là mặt biển xích đạo nóng rực như hun khói, lấp lánh dưới ánh mặt trời chói chang. Chim-Cánh-Cụt-Vợ hét lên hỏi: “Làm thế nào bây giờ hả mình?”
Ông chồng ngâm tăm chẳng đáp: bác ta nhìn quanh mà không biết phải làm gì. Bác thấy cả hòn đảo băng đã tan chảy, nhưng vẫn không muốn thừa nhận mình sai. Người cứu vãn tình thế hóa ra lại là một chú Chim-Cánh-Cụt-Con, chính xác là chú Chim-Cánh-Cụt-Số-Mười-Tám. Dù chẳng nghe được lời khuyên răn của con cá mòi từng bị đóng băng, chú vẫn lanh lảnh kêu lên: “Bố ơi nóng quá, con nhảy xuống tắm đây”, rồi nhảy tõm xuống biển. Tất cả các anh em còn lại của chú đều làm theo, tới lượt bà mẹ, và cuối cùng là ông bố, dù bác ta rất phật lòng vì phải làm theo cậu con trai. Gì thì gì, băng giờ đã tan chảy gần hết, nếu không nhảy xuống biển thì chẳng mấy chốc bác cũng ở dưới nước mà thôi.
Chim-Cánh-Cụt-Bố, Chim-Cánh-Cụt-Mẹ và ba mươi sáu chú Chim-Cánh-Cụt-Con bơi về địa cực. Nhưng đó là câu chuyện khác rồi. các bạn chỉ cần biết là bây giờ mọi chuyện đã trở lại như cũ: cả gia đình sống trên một hòn đảo băng, và bác Chim-Cánh-Cụt dạy Địa lý. Nhưng chủ đề bài học đã thay đổi: “Băng không tồn tại vĩnh viễn: nguyên nhân và hậu quả”. Giống y như bài vè:


“Băng dù phủ khắp muôn phương
Kiểu gì chẳng có vài đường để đi
Cầu mưu, vận trí quyết thì
Chẳng gì vĩnh cửu, ngại gì mùa đông.”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 20-9-2016 09:59:28 | Chỉ xem của tác giả
Hươu-Cao-Cổ đi tìm cái tôi


Các bạn phải biết là hàng tỷ năm về trước, có một cô Hươu-Cao-Cổ sống đơn độc trên một thảo nguyên, nơi có nhiều bụi cây gai nằm rải rác. Điều đặc biệt của Hươu-Cao-Cổ là cô chưa bao giờ thấy mình trong gương. Hẳn các bạn sẽ hỏi ngay: “Sao trên thảo nguyên lại có gương được kia chứ?” Xin trả lời: “Đúng là trên thảo nguyên chẳng có cái gương nào. Nhưng lại có rất nhiều động vật cùng loài, chỉ cần chúng nhìn ngắm nhau, săm soi từ đầu tới cổ là như thấy chính mình trong gương vậy. Tóm lại, mỗi cá thể xung quanh chính là một tấm gương soi của chúng ta.”
Cô Hươu-Cao-Cổ sống một mình từ bé. Trong phạm vi cả ngàn cây số, chẳng có động vật bốn chân nào khác ngoài cô. Chỉ toàn chim muông và côn trùng mà thôi.
Chắc giờ ai đó sẽ hỏi: “Thế chẳng nhẽ Hươu-Cao-Cổ không có mẹ, không có cha à?” Quả đúng họ đã chết từ lâu, chết một cách rất kỳ cục. Một hôm, khi Hươu-Cao-Cổ còn bé tí xíu, họ cố gắng bứt ăn một bông hoa đỏ trên ngọn một cái cây cao tít. Để với tới bông hoa, cha mẹ Hươu-Cao-Cổ chụp lên đầu hai cái cào nhỏ được tạo bởi các nhánh cây. Họ ăn bông hoa xong (chia đều mỗi con được đúng ba cánh hoa), nhưng không tài nào tháo được cái cào ra khỏi cổ. Bởi để với tới bông hoa, họ đã kiễng chân, đứng trên đầu móng, nên giờ cứ đung đưa chân trong không khí, đá qua đá lại lẫn nhau. Cứ đá mãi đá mãi cho đến chết. Thỉnh thoảng Hươu-Cao-Cổ-Con lại gặm lá trong các bụi cây thấp, hợp với vóc dáng bấy giờ của nó. Hươu-Cao-Cổ-Con cứ di chuyển từ bụi cây này sang bụi cây kia, rồi ngày càng đi xa dần cho đến lúc chỉ còn lại một mình trên thảo nguyên mênh mông
Thế là Hươu-Cao-Cổ tin mình hoàn toàn cô độc, ít nhất cho tới thời điểm câu chuyện của chúng ta bắt đầu. Cô quả thực xứng làm đại diện cho loài hươu cao cổ: cao hai mét rưỡi, ba mét tính tới đuôi và bốn mét tính tới đầu. Thế nhưng nói ra có khi các bạn lại không tin: vì không có gương soi, Hươu-Cao-Cổ cứ nghĩ mình nhỏ như con thỏ, tức là chỉ cao hai mươi, ba mươi phân mà thôi. Quả vậy, cô vẫn hay tới gặp chúng mà rằng: “Chúng ta thật thấp bé. Ôi, đúng thế, ta mới bé nhỏ làm sao.”
Ở trên thảo nguyên đó, Hươu-Cao-Cổ kết bạn với Cà-Kheo, một con chim rất cẩn trọng nhưng hay nói móc. Một hôm, trong lúc đang buôn chuyện, Hươu-Cao-Cổ nói: “Tớ nhỏ con tới mức thậm chí nhiều khi sợ diều hâu có thể dùng móng vướt quắp tớ bay đi đâu đó rồi ăn thịt tớ mất.” Cà-Kheo cười ngặt nghẽo. Hươu-Cao-Cổ thấy vậy đâm dỗi: “Sao cậu lại cười? Có gì mà cười chứ! Tớ nhỏ, nên sợ diều hâu. Có gì lạ đâu.”
Cà-Kheo nói: “Lạ là đáng lẽ diều hâu phải sợ cậu mới đúng. Trừ phi con diều hâu quắp cậu đi to như một ngọn núi, với bộ móng và cái mỏ dài hàng mét.”
Hươu-Cao-Cổ và Cà-Kheo lời qua tiếng lại, rồi hóa thành cãi nhau to tiếng, ầm ĩ hết cả lên. Rồi Cà-Kheo tung cánh bay đi, bỏ lại Hươu-Cao-Cổ một mình.
Giờ thì cô lại băn khoăn. Cô nhận thấy trong lúc tranh cãi với Cà-Kheo, mỗi lần cô nói về kích cỡ nhỏ bé của mình, lũ chim chóc đậu trên cành lại phá lên cười ngặt nghẽo. Nhỡ Cà-Kheo nói đúng thì sao? Làm thế nào để biết bây giờ? Nghĩ đi nghĩ lại, Hươu-Cao-Cổ quyết định khăn gói lên đường khám phá thế giới, chỉ như vậy cô mới hiểu được bản thân. Chẳng hạn người ta nói với cô rằng ở một vương quốc xa xôi, có loài vật cũng có bốn chân như cô, gọi là Sư-Tử. Hươu-Cao-Cổ nghĩ: “Ta phải xem xem, biết đâu ta lại là một con Sư-Tử.”
Đi mãi, đi mãi, Hươu-Cao-Cổ băng qua hai hay ba khu rừng, một vài hoang mạc, ba dãy núi, và cuối cùng, cô cũng tới được vương quốc của loài Sư-Tử. Đó là một đất nước khá bằng phẳng, phủ cát, với những cây gỗ và bụi rậm nằm rải rác, không khác biệt lắm so với thảo nguyên nơi cô sinh ra. Sau vài vòng thăm thú địa hình, Hươu-Cao-Cổ gặp nguyên 1 gia định Sư-Tử, gồm Sư-Tử-Bố, Sư-Tử-Mẹ và bốn chú Sư-Tử-Con. Tim Hươu-Cao-Cổ đập nhanh hơn khi cô tiến lại gần gia đình nhỏ ấy. Từ xa, cô đã cất tiếng: “Xin chào các bạn! Tôi đến để sống cùng các bạn.”
Sư-Tử-Mẹ ngáp ngáp: sáng nay nó mới ăn một nửa con trâu, và giờ đã thấy ngót bụng. Sư-Tử-Bố còn tội nghiệp hơn, nó buộc phải lót dạ bằng một con Linh-Dương, và bụng nó đang bắt đầu sôi òm ọp. Mấy chú Sư-Tử-Con thậm chí còn thấy đói meo đói mốc: mỗi đứa mới chỉ được ăn một con Gà-Trĩ. Cả cái gia đình ấy đang chuẩn bị lao mình về phía Hươu-Cao-Cổ, thì may thay cho cô, một con Ngựa-Vằn béo múp lơ đễnh đi ngang qua. Lũ Sư-Tử chồm lên, giết chết và chén sạch con Ngựa-Vằn trong nháy mắt. Hươu-Cao-Cổ nghĩ: “Nhưng mình đã giết ai bao giờ đâu. Nếu là Sư-Tử thì mình phải làm việc này. Để xem nào.” Lúc ấy ở gần đó có một con Lợn-Nanh-Sừng. Hươu-Cao-Cổ bắt chước Sư-Tử, cô cắm đầu chạy và nhảy lên mình con lợn. Nhưng nào có được! Cái miệng xinh của cô còn chưa kịp chạm tới làn da sần dầy cộp của Lợn-Nanh-Sừng, thì bất ngờ cô bị trúng một cú đá trời giáng, đủ khiến cô lăn tròn trong lớp bụi mù. Lợn-Nanh-Sừng hét lên:
“Mày tưởng mày là ai? Sư-Tử chắc!”
“Chính thế.”
“Soi lại gương xem! Đúng là đồ dở hơi xơi cám lợn!”
Vậy là hành trình tìm kiếm bản thân của Hươu-Cao-Cổ lại tiếp tục. Lúc thì cô tin mình là một con voi, nhưng lại nhận thấy ngay mình không có cái mũi dài thiếu cân đối dùng để cuốn cỏ dại cao rậm trên thảo nguyên. Lúc thì cô tưởng mình là một con kiến, cô cúi xuống liếm liếm tổ kiến liền bị đám kiến quanh tổ đối cho khiến lưỡi cô phồng to nhức buốt. Có khi cô lại tin mình là một con linh cẩu và lao vào những cái xác thối, để sau đó lợm giọng mà ngay lập tức lùi ra xa.
Một đêm, Hươu-Cao-Cổ không biết phải đi đâu nữa, sau khi đã mất công vô ích tìm kiếm một chốn nghỉ chân. Trước đó, cô ảo tưởng mình là một con rắn, và cố chui vào một cái hang nơi Rắn-Cỏ sinh sống, chỉ sau khi đã chắc chắn không thể chui lọt dù chỉ cái mũi, cô mới thất vọng nằm kềnh ra, ngay giữa bãi đất trống trên thảo nguyên rộng lớn được ánh trăng chiếu sáng lung linh. Cô mệt muốn chết, nên ngủ li bì, mãi tận gần trưa hôm sau mới tỉnh giấc. Cô đứng dậy, nhìn ra xung quanh mới ngạc nhiên thấy trên đồng bằng này rải rác những cây keo gầy guộc, cạnh mỗi cây keo lại có một con vật rất kỳ dị. Thay vì gặm cỏ, chúng vươn cổ lên ngoạm lá trên những cành cây cao nhất. Những con vật này trông như thế nào ư? Lạ lùng, lập dị lắm! Hươu-Cao-Cổ không thể tin vào mắt mình. Đầu chúng nhỏ giống linh dương, lúc lỉu bên trên một cái cổ dài ngoẵng, thuôn thuôn như hình kim tự tháp, nối với thân hình rắn chắc, thân trước cao hơn thân sau, bốn chân dài tít tắp. Không những thế, da chúng lại còn lốm đốm như da báo. Bao nhiêu là điểm kỳ cục! Hươu-Cao-Cổ cứ nhìn ngắm chúng mãi, rồi phá lên cười không dứt. Giữa những trận cười như nắc nẻ, cô nói: “Không thể thế được. Không đời nào! Hẳn là mắt mình bị lé rồi!”
Đương nhiên là những con Hươu-Cao-Cổ kia (chính thế đấy, chúng cùng loài với cô Hươu-Cao-Cổ mà) cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Chúng hét lên từ xa: “Đồ dởi hơi, có gì mà cười?”
Hươu-Cao-Cổ đáp: “Tôi cười vì các bạn trông nực cười quá!”
“Nực cười giống hệt như cô thôi.”
“Tôi thì liên quan gì? Tôi khác các bạn.”
“À, thế hả? Thế thì nhận lấy này!”
Vừa dứt lời, một trong số những con Hươu-Cao-Cổ liền tiến lại đá cho cô một phát vào bụng, những con khác cũng bắt chước làm theo. Suýt thì chúng đã giết chết cô Hươu-Cao-Cổ, nếu không có một bác Hươu-Cao-Cổ dáng vẻ trầm tĩnh đã mạnh bạo can thiệp: “Thôi, dừng lại đi! Cô kia, nói thử xem cô tưởng mình là ai?”
Trước câu hỏi đó, cô Hươu-Cao-Cổ chỉ biết bối rối lắp bắp: “Tôi cứ nghĩ mình… tôi nghĩ mình khác…”
“Ta hiểu rồi, đi theo ta nào!”
Hươu-Cao-Cổ cúi đầu đi theo ân nhân cứu mạng. Bác Hươu-Cao-Cổ dẫn cô đi sâu vào một khu rừng rậm, tới sát một cái đầm.
“Giờ cô hãy đi lên gò đất kia mà nhìn xuống bóng mình trong nước.”
Cô Hươu-Cao-Cổ nghe theo, trờ lên gò đất. Chao ôi, đúng lúc cô đang cúi xuống thì một con Cá-Sấu sống dưới đầm trồi lên, ngoác cái miệng đầy răng nhọn hoắt. Hươu-Cao-Cổ vốn hay sợ hãi và rụt rè. Hàm răng kia khiến cô lao ngay khỏi gò đất và chạy miết. Một lúc sau, cô quay về phía đàn Hươu-Cao-Cổ, và bất cứ ai hỏi cô đã thấy hình mình phản chiếu trong nước chưa, cô đầu trả lời: “Vâng, tôi thấy rồi. Tôi giống hệt như các bạn, giống như đúc luôn.” Từ bữa đó, cô Hươu-Cao-Cổ gia nhập vào đàn Hươu-Cao-Cổ, và không dám nhận mình khác biệt so với các bạn đồng hành nữa. Nhưng trong thâm tâm, cô không thể không tự hỏi: “ Mình chưa kịp nhìn xuống nước, vì có con Cá-Sấu dưới đó. Thế cho nên cũng chẳng biết có thật là mình giống họ hay không. Thành thực mà nói thì mình vẫn nghĩ là không.”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2016 14:17:08 | Chỉ xem của tác giả
Chẳng nên đem lòng yêu nàng Cò



Vài tỷ năm trước, có một bác Chim-Lợn già tính tình rất khó gần, sống đơn độc trong một cái hang nằm giữa lưng chừng một vách đá mà hễ nhìn lên thì thấy cao tít tắp, tưởng như chạm trời, hễ nhìn xuống lại thấy thăm thẳm như rơi vào vực sâu không đáy. Hằng đêm, từ cái hang chênh vênh trên vách đá đó, bác Chim-Lợn cất cánh bay đi săn chuột cho ngày hôm sau. Bác Chim-Lợn chưa bao giờ muốn lấy vợ, theo như lời nói thì: “Ta đâu có bị thần kinh! Tự nhiên dở hơi cho kẻ lạ vào nhà làm gì?” Việc lặt vặt trong nhà đã có một kẻ giúp việc lo- một con Dơi rất giỏi giang và chu đáo, chỉ tội lúc nào cũng trong tư thế chổng ngược, đầu chúc xuống đất, chân dính lên trần. Theo bác Chim-Lợn, thói quen xấu này ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ của Dơi. Làm sao khác được kia chứ: “Lộn ngược đầu như thế, mãi rồi cũng loạn óc thôi!” Nhận xét này ta sẽ sớm thấy quả là không sai.
Một buổi nhập nhoạng tối, bác Chim-Lợn đang bước ra mỏm đá chuẩn bị cất cánh bay đi kiếm mồi thì từ phía chân trời xa xa, trong ánh chiều ta phẳng lặng, xuất hiện một dải trắng đung đưa, càng lúc càng tiến sát lại, lao chao lao chao, lúc thì trải rộng ra, lúc lại thu nhỏ lại. cái gì thế nhỉ?
Bác Chim-Lợn nhìn đăm đăm cái dải trắng và cuối cùng hiểu ra: đó là một đàn Cò lớn. Hằng năm, cứ đến cuối thu, chúng lại bay về phương Nam tránh rét.
Bác Chim-Lợn không thể chịu nổi lũ Cò. Cái lũ chim không biết đến an cư là gì, lúc thì sống trên đỉnh tháp chuông ở Đức, lúc lại đậu trên cây bao báp ở Châu Phi. Bác vẫn nói: “Ai cũng như vậy thì còn ra thể thống gì? Chẳng nhẽ giờ ta bỏ lại tất cả mà bay sang hồ Công-gô chắc?” Thế nên tối đó, giống như những lần trước, bác Chim-Lợn lùi vào sâu trong hang, cặp mắt màu vàng của bác mở thao láo trong bóng tối, đợi đàn chim bay qua.
Chẳng rõ mất bao lâu thì cả đàn chim bay hết qua hang.Phải có tới hàng trăm con, gây ra tiếng huyên náo ầm ĩ. Bởi vốn là loài chim thích buôn chuyện, nên ngay cả trong lúc bay, chúng cũng không ngừng tán dóc lấy một phút.
Bác Chim-Lợn dõi theo cái đám lông trắng muốt ấy bay qua trước miệng hang với cái nhìn đầy ấm ách. Cặp mắt phát sáng trong đêm của bác chớp lia lịa như bị ai đó giáng cho vài cái tát. Dần dần những con Cò chậm chạp nhất cũng bay qua, và cuối cùng, ơi Trời, tất cả trở lại như cũ.
Bác Chim-Lợn thở phào. Bác đợi thêm chút nữa rồi sau khi chắc chắn rằng cả đàn Cò đã bay xa bác mới ra khỏi hang. Nhưng kìa, đúng lúc bác chuẩn bị cất cánh thì có cái gì đó lao vào bác, mạnh tới mức thiếu chút nữa làm bác lăn đùng xuống đất. Định thần lại, bác mới nhận thấy mũi tên kia là mộ cô Cồ còn nhỏ, trẻ măng, có vẻ hoảng loạn. Một lúc sau, cô Cò vừa thở hổn hển vừa hỏi: “Đâu rồi? đi đâu rồi?”
“Ai?”
“Đàn của tôi! Đàn Cò!”
“Giờ thì chúng bay trước cô cả tiếng đồng hồ rồi ấy chứ!”
Các bạn đã bao giờ thấy Cò khóc chưa? Tôi thì chưa, nhưng hoàn toàn có thể tưởng tượng được. Cô Cò nhỏ bật khóc, và cứ thế sụt sịt mãi không ngừng. Giữa từng chặp nức nở, Cò kể: đang bay cùng cha, mẹ và năm anh em thì cô làm sai một động tác nên bị trẹo một bên cánh. Thế là bị tụt lại phía sau, híc híc híc, chắc đã rớt xuống đất, híc híc híc, hẳn cô đã bị con thú hoang nào xơi tái rồi, híc híc híc, vì thịt Cò nổi tiếng ngon lành mà, híc híc híc.
Bác Chim-Lợn nghe toàn bộ câu chuyện, và chỉ hiểu có một điều thôi, rằng cô Cò bé nhỏ này không thế bay tiếp, có khi phải lưu lại một thời gian trong hang, do đó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự đơn độc yên bình của bác. Bác đang định nói: “Ta thì biết phải làm gì? Sao cô không đi ở nhờ nhà ai đó trong số họ hàng đông đúc của mình ấy, như nhà chú Vác, cô Nông, bác Cốc chẳng hạn? Học có nhà rộng, trong khi tôi thì cô thấy đấy, chỉ có cái hang bé tí xíu này, lại còn phải ở cùng con Dơi nữa chứ”; đúng lúc ấy, từ tít đáy hang vọng lại tiếng Dơi: “Chim-Lợn, Chim-Lợn, đừng có vớ vẩn thế, đây là dịp may lớn của bác đấy, bác đừng để vuột mất”
“Dịp gì kia chứ?”
“Được thoát khỏi cuộc sống đơn độc và tự kỷ chứ sao. Chỉ cần bác mở lòng tiếp đón sinh linh sống động, trẻ trung, trắng muốt và vui vẻ này thôi.”
“Ta sống về đêm; mà ở cái tuổi này, không thể thay đổi lối sống được.”
“Rồi bác sẽ thay đổi cho mà xem, rồi bác sẽ thấy!”
“Chú nói thế vì đầu óc chú bị lộn ngược.”
“Đầu có lộn ngược còn hơn là không có đầu, bác Chim-Lợn ạ”
Tóm lại, không chỉ có cô Cò ở lại trong hang để dưỡng thương, mà quả thật cả bác Chim-Lợn cũng thay đổi thói quen, đúng như Dơi dự đoán. Bác không còn bay đêm dưới ánh sao nữa, mà bay vào ban ngày dưới ánh mặt trời. Bác không còn đi dăn lũ chuột đen hôi hám rậm lông nữa, mà săn những con cá tươi rói, vảy ánh bạc. Ngay cả giọng nói của Chim-Lợn cũng thay đổi, không còn khàn khàn như trước, mà nhịp nhàng êm tai hơn. Vì đâu mà bác thay đổi nhiều đến vậy? Đơn giản thôi: vì tình yêu. Phải, bác Chim-Lợn đã đem lòng yêu cô Cò, chẳng rời cô lấy một phút. Giờ thì họ luôn ở bên nhau: bên bờ sông, bên hồ nước( những chốn yêu thích của cô Cò), Cò trắng muốt, dáng đi thanh thoát, đôi chân cao gầy và cái mỏ dài; Chim-Lợn lông xám, dáng đi lóng ngóng nặng trịch, tròn vo như quả bóng, mỏ quặp và cặp mắt to như hai trái banh.
Nhưng bác Chim-Lợn, cho dù đang yêu, vẫn nơm nớp lo lắng. những lúc Cò không nghe thấy, bác tâm sự với Dơi: “Theo tôi thì cô Cò này tinh ranh lắm: được đằng chân lân đằng đầu.” Dơi đáp: “Bác có dâng cả cái đầu cũng vẫn chưa đủ đâu.” Chim-Lợn giận dỗi trả lời: “Hừm, cậu nói vậy vì đầu cậu chúc xuống đất. Nhìn cái gì cũng lộn ngược nên mới thế.” Dơi liền đáp: “Chắc ông trời muốn bác ít nhất một lần trong đời lộn đầu xuống mà nhìn vạn vật.”
Trong thời gian đó, chẳng những cô Cò hồi phục sức khỏe hoàn toàn, mà lại còn phổng phao xinh đẹp hẳn lên. Cô vẫn ở trong hang, nhưng thường xuyên biến mất một cách bí hiểm. Thế là bác Chim-Lợn ghen lắm, kín đáo đi theo, và phát hiện ra rằng vị khách quý của mình thường qua lại với một chú Cò khác, vốn nổi danh Sở Khanh. Chim-Lợn đánh bạo quở trách cô Cò, nhưng hỡi ôi, bác chẳng nên làm thế, bởi CÒ đập ngay lại: “Tôi muốn gặp ai thì gặp. Bác khỏi cần rách chuyện.” Chim-Lợn thất vọng lắm, ra tâm sự với Dơi. Câu trả lời vẫn là: “Với cái đầu lộn ngược thế này, tôi thấy sao bảo vậy. Tôi xin nói là bác còn may chán, Cò phản bội bác thật, nhưng thế vẫn tốt hơn là không có gì.”
Với suy nghĩ dẫu bội bạc vẫn còn tốt hơn không có gì, bác Chim-Lợn cuối cùng cũng xây một cái tổ cho cô Cò tới ở để nuôi những đứa con của cô với chú Cò. Thế là Chim-Lợn cứ bay đi bay lại, bay tới bay lui nhặt nhạnh nào là cọng rơm, mẩu giấy, lông tơ, cành cây, thân sậy, giẻ rách, tóm lại là đủ mọi thứ để đắp một cái tổ vững chắc và tiện nghi nhất cho những đứa con không phải của mình. Nhưng Dơi vẫn kiên trì bảo vệ ý kiến: “Đừng có phàn nàn gì. Ít nhất thế này là bác còn sống. Trước đây, bác cứ vật vờ như ma vậy.”
Giờ thì cái tổ đã hoàn thiện, nằm chênh vênh giữa không trung, trên đỉnh vách đá quen thuộc. Và khi năm con cò bé xíu chui ra khỏi vỏ trứng, gây náo loạn với cái mỏ chiêm chiếp chĩa lên đòi ăn, ai là kẻ quần quật lặn lội kiếm cho chúng nào sâu bọ, ốc sên và côn trùng đủ loại, nếu không phải chính là bác Chim-Lợn khốn khổ? Vậy mà Dơi vẫn khăng khăng: “Giờ thì bác có một gia đình thực sự rồi nhé. Bác còn muốn gì hơn thế? Ít kẻ được may mắn như bác lắm!”
May với chả mắn! Một hôm, cô Cò dửng dưng bảo bác thế này: “Bác Chim-Lợn thân mến ơi, giờ là chúng ta phải chia tay nhau rồi. tôi ngứa lông ngứa cánh lắm rồi, chân cẳng bủn rủn, trống ngực thì đánh thình thịch: ấy là do tôi và các con đã sẵn sàng di cư. Bác thấy sao? Bác đi cùng chúng tôi hay ở lại đây?”
Bác Chim-Lợn giật nẩy mình: “Sao kia, cô muốn rời đi ư?”
“Đương nhiên rồi. Giờ chẳng có gì níu tôi lại nữa.”
“Thế cô không cảm thấy gì à? Dù không phải tình yêu, thì ít nhất cũng là lòng biết ơn…”
“Tôi chỉ ước muốn được bay thật cao thật xa, càng sớm càng tốt.”
“Thế cố mà kìm nó lại chứ.”
“Không được. Bản năng mạnh hơn tôi.”
Bác Chim-Lợn tuyệt vọng hỏi: “Nhưng cô đi đâu? Cô đã biết mình sẽ đi đâu chưa?”
Cô Cò gắt: “Họ hàng nhà Cò chúng tôi không bao giờ biết mình sẽ đi đâu về đâu. Chúng tôi phải bay đi, thế thôi.”
“Nhưng khi quay về, đám Cò kia phải nói cho cô biết chúng đã đi đâu chứ?”
Cô Cò đáp mơ hồ: “Họ nói đã tới một nơi rất xa, nơi ấy có một cái hồ mênh mông sưới ánh mặt trời chói chang. Trong hồ có rất nhiều cá tung tăng bơi lội, họ bắt những con cá to lao vun vút dưới nước, họ rỉa cánh, tắm nắng, sung sướng ung dung lắm.”
“Thế còn tôi, cô nghĩ liệu ở đó tôi có sung sướng được không?”
“Theo tôi thì bác chỉ sung sướng được ở chốn tối tăm, đêm đi dăn mồi rồi quay về hang với con chuột béo múp để Dơi nấu cho bác thôi.”
Biết làm thế nào bây giờ? Bác Chim-Lợn hỏi ý Dơi, Dơi phán: “Một ngày làm Cò còn hơn trăm ngày làm Chim-Lợn.”
Cô Cò bắt đầu sửa soạn cho chuyến đi. Bác Chim-Lợn đành phải ra quyết định, và thông báo rằng bác cũng ra đi. Họ lên đường lúc ban mai, tung cánh bay ra từ vách đá. Bay đầu là cô Cò, tiếp theo là năm Cò con, cuối cùng là bác Chim-Lợn. Dơi ở lại trong hang, nhưng hứa sẽ tới thăm họ ngay khi nghe được tin tức gì. Nó hét lên chào Chim-Lợn: “Bác đi là phải lắm: ta chỉ sống có một lần thôi!”
Bay, bay nữa, bay mãi, bác Chim-Lợn hiểu ra mình sẽ không thể nào hoàn thành hành trình này. Cô Cò có đôi cánh dài rộng, trong khí cánh của bác ngắn xíu. Cô Cò có buồng phổi phát triển, trong khi buồng phổi của bác bé và hẹp. Cô Cò nhìn rất tốt, trong khi mắt bác mù lòa dưới ánh mặt trời. một sáng, khi họ đang bay trên mặt biển rộng, mọi vật đều sáng lóa dưới ánh mặt trời, thóang trông thấy một hòn đảo, bác Chim-Lợn liền đề nghị với Cò: “Cô Cò ơi, hãy dừng lại nghỉ một chút trên bờ đá kia.” Cô Cò đáp: “Bác cứ dừng đi, chúng tôi bay tiếp. “ Nhưng tôi mệt lắm.” “Thế thì chỉ tội cho bác thôi.” Chính trái tim lạnh giá của Cò đã thay đổi quyết định của Bác Chim-Lợn. Chẳng chào ai, bác hạ cánh xuống hòn đảo, nằm đó một mình vài tiếng đồng hồ, buồn bã ngắm biển. Rồi bác tiếp tục bay, chỉ có điều theo hướng ngược lại, trở về hang của mình.
Mọi việc vẫn y nguyên như trước. Dơi đang treo mình trên nóc hang, liền hét tướng lên: “Bác sẽ hối tiếc suốt đời vì đã không bay tới tận cái hồ đó.”
Bác Chim-Lợn chẳng nói chẳng răng, đi sục sạo khắp hang. Bác tìm thấy một cái lông dài trắng muốt, hẳn đã rụng từ cánh cô Cò. Bác ngậm nó trong mỏ, bước ra vách hang. ở đó vẫn còn cái tổ to tướng, không ai động đến, được lót cẩn thận bằng nùi bông và cỏ úa. Bác Chim-Lợn há mỏ, cái lông trắng chao liệng rơi xuống vực. Rồi tới lượt cái tổ dưới những cú đá của bác, nó lung lay trên vách vực thẳm, lộn nhào rồi biến mất. Bấy giờ trăng đã lên; dưới ánh trăng bàng bạc, cả đồng bằng rộng lớn hiện ra trước mắt. Bác Chim-Lợn chép miệng: “Giờ ta đi bắt chuột cho bữa mai.” Dơi hét với theo: “Ta làm món gì bây giờ?” “Bác Chim-Lợn đáp: “Chuột bỏ lò”, rồi bay vút đi trong đêm.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 21-9-2016 14:18:16 | Chỉ xem của tác giả
Tơ duyên bền chặt bắt đầu từ…cái mũi


Hai tỷ năm trước, có một con Già-Đẫy sống trên cây bao báp, bên rìa một ngôi làng châu Phi. Già-Đẫy nổi tiếng khắp vùng vì sự thông thái và hiểu sâu biết rộng của mình. Cả ngày nó ngồi trên cành cây cao nhất, đầu thụt vào giữa đôi vai, lưng khòng khòng trên cặp cẳng dài gầy guộc, cái mỏ lớn chúc xuống mặt đất, mắt nhắm hờ. Già-Đẫy làm gì trên đó? Suy ngẫm. Ít ra đây cũng là nó nói mỗi lần được hỏi. Tuy rằng nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy đầu nó bé tí, trong mỏ lại rất to: đặc điểm điển hình của việc suy nghĩ thì ít mà háu ăn thì nhiều. Tiếng lành đồn xa, người từ khắp nơi đổ tới xin nó lời khuyên. Thường thường trước tiên, Già-Đẫy phải chắc chắn những kẻ ấy có đem theo tặng phẩm; rồi nó khất một khoảng thời gian để suy tính, bảo họ quay trở lại trong vòng một tuần, hoặc một tháng. Cuối cùng nó mới đưa ra lời kết luận mà ai cũng thấy có lý, và chẳng bao giờ sai cả.
Đôi lúc, vào khoảng mười hai giờ trưa và sáu giờ chiều, tức là vào bữa trưa và bữa tối, Già-Đẫy tạm ngừng suy nghĩ, nó rời khỏi cành cây, bay là là xuống mặt phía những món đồ mà khách hàng hôm đó mang đến dâng nộp, chất đống dưới chân cây bao báp. Tặng phẩm gồm những gì? Đương nhiên là đồ ăn, theo đúng khẩu vị cả Già-Đẫy. Đồ ăn gì ư? Đương nhiên là xác thối rồi. Già-Đẫy không kén chọn lắm đâu: nó thích tất cả các loại thịt, miễn là phải thối rữa. Với dáng đi bệ vệ, chậm rãi, đầy vẻ cao quý, nó lại gần đám thịt nhoe nhoét máu bâu kín ruồi nhặng, dãi nhỏ tong tong, nó cố tống vào bụng càng nhiều càng tốt. No nê rồi, nó bay trở lại cây bao báp và tiếp tục trầm ngâm.
Một bữa, có một con Chó-Rừng choai choai tới bên gốc cây bao báp khóc lóc run rẩy gọi Già-Đẫy. Phải mất ít nhất mười lăm phút nó mới dứt ra khỏi dòng suy nghĩ mà hạ cố trả lời, với cái giọng khàn khàn đặc trưng: “Làm sao? Có việc gì?”
Chó-Rừng hỏi: “Bác Già-Đẫy, xin hãy nói cho tôi biết phải làm gì bây giờ?”
Già-Đẫy trả lời: “Thế có mang tặng phẩm đến không?”
“Đương nhiên ạ.”
“Từ trên này ta chẳng trông rõ. Cái gì vậy?”
“Một cái đầu trâu to tướng, chết ít nhất cũng phải được một tháng rồi!”
Già-Đẫy chớp chớp mắt, dấu hiệu cho thấy nó rất hài lòng, rồi nói: “Ừ, thế thử kể đầu đuôi ra sao.”
Chó-Rừng đúng là đang vô cùng đau khổ. Giữa những tiếng rên rỉ, nó kể mình đang chết mê chết mệt Hươu-Cao-Cổ, một cô nàng con nhà nề nếp. Ấy thế mà khi quyết định cầu hôn nàng, nó lại nhận được câu trả lời là không bao giờ Hươu-Cao-Cổ chịu lấy một kẻ lông lá hôi rình như thế. Nó phản đối, nói là bộ lông của mình nổi tiếng thơm quyến rũ, vậy mà Hươu-Cao-Cổ chỉ đáp: “Cứ có cái cổ dài như tôi mà xem, xem anh sẽ vươn được tới ngọn cây, nơi hoa ngát hương và lá ngọt lành, khi ấy anh sẽ hiểu thế nào là thơm quyến rũ. Ai nói bộ lông của anh thơm chứ?”
Chó-Rừng thật thà đáp: “Mẹ tôi. Mẹ lúc nào cũng nói: con yêu thơm quá.” Nghe thế, Hươu-Cao-Cổ đốp lại: “Ái chà, mùi của bà ta cũng chẳng phải vừa. Đúng là máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đó!” Chó-Rừng kết thúc câu chuyện, lo lắng hỏi: “Già-Đẫy, bác tinh thông mọi chuyện, hãy cho tôi biết, có phải tôi hôi không? Có thật tôi hôi không? Bác cứ nói thẳng đi.”
Già-Đẫy ngẫm nghĩ khá lâu. Cuối cùng nó nói: “Một tuần sau quay lại. nhớ phải đem theo vật phẩm đấy. Mà đem cái gì có da có thịt hơn đầu trâu nhé. Như ít lục phủ ngũ tạng chẳng hạn.”
Đúng một tuần sau, Chó-Rừng quay lại. Việc đầu tiên nó làm là đặt dưới gốc cây bao báp một mớ nào tim, gan, cật, phế, nhìn qua thì có vẻ như chúng được lôi khỏi xác một con nào đó chết ít nhất cũng phải chục ngày ròi. Già-Đẫy tỏ vẻ hài lòng, cái bọng dưới mỏ nó căng phòng lên. Ròi nó nói: “Chó-Rừng thân mến, trường hợp của chú không đơn giản đâu. Đây được coi là trường hợp mà chúng ta, những kẻ thông thái, gọi là chứng rối loạn khứu giác. Ta không còn chắc chắn điều gì nữa: ngửi cái gì đó và nghĩ nó thơm, lúc sau quay lại hít ngửi lại thấy nó thối. Đúng là một trường hợp nan giải. Nhưng chú không phải lo, bởi tất cả đều có thuốc chữa. Như dân gian thường nói: ‘con hát mẹ khen hay’, ‘hữu danh vô thực’, ‘kẻ tám lạng, người nửa cân’, ‘lực bất tòng tâm’, ‘sông có khúc, người có lúc’, ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’, ‘lắm cha, con khó lấy chồng’, ‘thiên la địa võng’, … tóm lại mọi thứ đều tương đối, chẳng có luật lệ, lô gích gì hết, mà chút biết đấy ‘tự lực cánh sinh’, ‘ở hiền gặp lành’, ‘người tính không bằng trời tính’!”
Già-Đẫy nói nhăng nói cuội ra vẻ hiểu biết. Chó-Rừng nghe cả mới thành ngữ, tục ngữ như vậy thấy chẳng khác nào đàn gảy tai trâu, không hiểu đầu cua tai nheo gì: “Tóm lại, tôi biết phải làm sao đây?”
Già-Đẫy trả lời: “Theo ta, ở trong phần lãnh thổ bao gồm nghĩa địa, khu rác thải, khu phế liệu, bãi bùn, đầm lầy, vũng lội, chú có mùi thơm. Ngược lại, trong khu lãnh thổ bao gồm thảo nguyên và cánh rừng, chú có mùi hôi. Hươu-Cao-Cổ, vì sống trên thảo nguyên, nên nếu đi vào khu của chú, tất sẽ chú phải chịu mang tiếng có mùi hôi. Tương tự như khi chú đi vào lãnh thổ của cô ả.”
Chó-Rừng hỏi: “Thế bác, Già-Đẫy à, bác thì ở đâu, ở đây hay ở kia?”
Già-Đẫy nghiêm trang trả lời: “Chẳng ở đâu cả, ta ở tít trên này.”
“Tít trên?”
“Phải, tít trên.”
Chó-Rừng đột nhiên khóc rống lên: “Tất cả những điều bác nói đều đúng, cơ mà tôi chỉ muốn lấy vợ thôi. Tôi cần có ai đó ở bên mình trong cuộc đời này. Tôi muốn lấy vợ!”
Già-Đẫy đáp: “Cứ bình tĩnh! Từ từ khoai mới nhừ: ‘ Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây’; chậm mà chắc, có phải hơn không! Tóm lại là nếu gia đình chú hứa dâng tặng phẩm xứng đáng, ta sẽ đồng ý tới gặp họ, và thảo luận về vấn đề hôn nhân của chú.”
Chó-Rừng hỏi thêm: “Thế bác không có cách nào làm Hươu-Cao-Cổ đổi ý à?”
“Không, cái này thì không. Các cụ đã dạy: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn’, phải biết ‘an phận thủ thường’. Đừng có lăng xăng, việc ai nấy làm. Mà cô ả ấy hay ho gì? Cỏ mọc dưới chân không ăn, rỗi hơi đi hái lá ở mãi ngọn cây!”
Thế là Già-Đẫy, sau khi nghe lời hứa long trọng sẽ được cồng nộp nguyên một xác rữa đúng độ, liền đĩnh đạc đủng đỉnh tới gặp cha mẹ Chó-Rừng trong hang và họ thủ thỉ to nhỏ mãi với nhau. Kết quả là cha mẹ Chó-Rừng đi thăm cha mẹ Linh-Cẩu, một cô gái khá thô kệch, phốp pháp, nhưng được cái khỏe mạnh và khiêm tốn.
Chó-Rừng đi gặp cô nàng, hít ngửi kỹ lưỡng và thấy ưng lắm. Chúng đính hôn, rồi cùng nhau đi dạo trong đêm, tới các bãi rác thải. cuối cùng, cũng tới ngày kết hôn của đôi trai gái.
Hai gia đình tổ chức tiệc cưới linh đình, do Thú-Ăn-Kiến làm chủ hôn, tại bãi rác thải, với sự chứng kiến của đông đủ hai bên họ hàng, khách quý gần xa. Phù rể là Kền-Kền và đích thân Già-Đẫy; phù dâu có Cá-Sấu và Diều-Ăn-Rắn. Trong số đông đảo khách mời còn có Bọ-Hung, loài vật lúc nào cũng lăn mình khắp đó đây, cả trong những đám phân to bự.
Bãi rác thải nơi tổ chức hôn lễ tiếp giáp với một cánh rừng to đẹp toàn những cây keo, mà theo cách phân định ranh giời của Già-Đẫy thì đây là phần đất Chó-Rừng không được bước chân vào nữa. Quả thật, đây là nơi sinh sống của Hươu-Cao-Cổ cùng họ hàng nhà cô. Trong buổi lễ thành hôn, lúc Chó-Rừng ngẩng đầu hướng mắt về phía khu rừng, nó nhận thấy sau lớp lá trên cành keo cao nhất, lấp ló cái đầu nhỏ xíu của Hươu-Cao-Cổ, cô đang chăm chú dõi theo mọi chuyện ở bãi rác thỉa. Cô ngậm một bông hoa xanh giữa hai hàm răng, mắt không rời Chó-Rừng và cô vợ mới. Thế là tim Chó-Rừng nhói lên một cái đau thắt, khiến chú không thể không hú lên. Linh-Cẩu thì thầm hỏi han, nhưng Chó-Rừng chỉ trả lời: “Không sao, không sao, tại đôi giày mới chật quá ấy mà!”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 26-9-2016 10:12:03 | Chỉ xem của tác giả
Đại hồng thủy, và cái kết của thế giới, vân vân và vân vân


Ba tỷ năm trước, có một con Thằn-Lằn-Sấm – sinh vật nổi tiếng bi quan – ngước nhìn lên bầu trời phủ đầy mây mà làu bàu: “Kiểu này hôm nay thể nào cũng mưa. Phải mang theo ô mới được.”
Được một lần nói chuẩn. Thượng-Đế đã chán ngán thế giới này (dù chính Thượng-Đế đã tạo ra nó), nên Người quyết định phá đi toàn bộ, làm lại từ đầu, tân tiến hơn, hiện địa hơn. Để phá hủy thế giới, Thượng-Đế có hai phương tiện: nước và lửa. Với nhân tố thứ nhất, Người có thể nhấn chìm tất cả . Với nhân tố thứ hai, Người có thể đốt cháy tất cả. Trong cả hai trường hợp, kết quả là như nhau: không có gì và không một ai có thể sống sót.
Thượng-Đế không phải là một vị thần quyết đoán cho lắm. Đong đi đếm lại cái lợi hại của mỗi nhân tố, Người vẫn chẳng đưa ra được quyết định nào. Thế là Người viện tới vị trọng thần có tên May-Rủi. vị trọng thần này đưa ra lời khuyên rất hay: “Hãy chơi trò sấp ngửa.” Thượng-Đế bèn tung đồng xu. Mặt sấp: là nước thắng. Thượng-Đế vừa nhấc cái bơm vốn dùng để tưới cây trong vườn vừa nói: “Giờ ta sẽ bơm nước ra bốn phương, tới khi nào mỏi tay thì thôi. Chắc khoảng bốn mươi ngàn năm là được. Trong suốt bốn mươi ngàn năm, dưới hạ giới sẽ mưa xối xả. trần mưa này sẽ được gọi là Đại hồng thủy, có nghĩa là cơn lũ lớn.”
Quả vậy, mưa ròng rã suốt bốn mươi ngàn năm. Nước mênh mông bao phủ toàn bộ mặt đất. Tất cả đều chết đuối: cây cỏ, muông thú, loài người. Kể cả Thằn-Lằn-Sấm, dù đã cẩn thận mang một cái ô to sọc xanh sọc đỏ. Bốn mươi ngàn năm sau, Thượng-Đế bị tê ta bèn hạ cái bơm xuống, và thế là trận Đại hồng thủy chấm dứt. Nhưng nhiều nước thế này thì phải làm sao? Thượng-Đế nảy ra một ý rất hay: thả cá vào chứ sao! Nói là làm, Thượng-Đế tạo ra các loài cá, theo cách như sau: Người thổi hơi, tạo ra những đám mây nhỏ, nhanh tay túm lấy chúng rồi vừa nặn vừa nói:
“Mày là cá ngừ”
“Mày là cá chình”
“Mày là cá bơn”
“Mày là cá tuyết”
“Còn mày là cá đối”
Cứ thế, cứ thế mãi.
Tạo ra các loài cá xong, Thượng-Đế (giờ thì chắc các bạn biết tính khí thất thường thế nào rồi đấy) chẳng quan tâm tới trái đất nữa, quay sang làm việc khác.
Vài tỷ năm trôi qua, biển đầy cá và hạ giới chẳng có gì ngoài biển cả. Loài cá cứ nhởn nhơ tung tăng bơi lội, cá lớn nuốt cá bé, sống đúng kiểu cá. Có con rất to như Cá-Voi, có con rất nhỏ như Cá-Mòi. Các bạn hẳn cũng biết, cá được coi là loài thiếu sức sống, lù đù, chậm chạp, câm như hến, thiếu trí tưởng tượng, túm lại là tẻ ngắt. Bấy giờ lũ cá tẻ ngắt ấy chán phải làm cá. Chúng cử một đoàn đại biểu tới gặp Thượng-Đế. Thượng-Đế bắt chúng đợi một lúc, chỉ khoảng hai triệu năm thôi, rồi vời vào điện diện kiến:
“Có việc gì vậy?”
“Chúng thần chán quá ạ”
“Các ngươi chán là vì các ngươi tẻ như cơm nguội chứ sao.”
“Không đâu ạ, chúng thần chán vì cứ phải ở mãi trong nước.
“Ở trong nước thì có gì không hay?”
“Trước hết là mọi thứ đều ẩm ướt: độ ẩm dưới nước quả thật rất kinh khủng. Lại còn tối như bưng nữa: tối đến mức chúng thần chẳng nhìn ra được cái gì, cứ đam vào nhau suốt. Đặc biệt là lạnh, lạnh ghê, lạnh gớm. Cá-VOi nhô được đầu lên khỏi mặt nước nói rằng phía trên có mặt trời, ấm nóng, khô ráo, sáng sủa. Chúng thần cũng muốn có mặt trời.”
Thượng-Đế gãi đầu gãi tai, vừa nghĩ ngợi vừa thở dài. Cuối cùng Người nói: “Thôi được rồi. Mặt trời sẽ làm một nửa lượng nước bốc hơi. Các lục địa sẽ sinh ra. Kẻ nào muốn tiếp tục ở dưới nước vẫn sẽ được gọi là cá. Kẻ nào muốn lúc lên cạn, lúc dưới nước sẽ được gọi là động vật lưỡng cư. Kẻ nào chỉ muốn sống trên cạn sẽ được gọi là động vật có vú. Thế được chưa? Giờ thì các ngươi lui ra, để cho ta nghỉ. Ta không muốn nghe nhắc tới trái đất trong vòng ít nhất một tỷ năm nữa.”
Mọi việc diễn ra đúng như vậy. Mặt trời chói chang làm bốc hơi một nửa diện tích biển, các lục địa sinh ra, rất nhiều loài cá lên sống trên mặt đất, rất nhiều loài ở lại biển, và rất nhiều loài lúc ở trên can lúc lại xuống nước. Trong số những loài sống trên cạn, có loài Người, mà chẳng hiểu vì trái khoáy thế nào mà Thượng-Đế lại tạo ra họ trần truồng. Phải. Cứ trần như nhộng vậy. Ở trần mãi cũng chán, loài này bèn cử một đoàn lên gặp Thượng-Đế.
“Chúng thần lạnh lắm, xin hãy cho chúng thần có lớp da cứng như loài lưỡng cư hay dày như động vật có vú.”
“Không, ta đã tạo ra các người như thế nào thì sẽ giữ nguyên như thế.”
“Thế thì xin hãy làm cho mặt trời nóng hơn một chút.”
Thượng-Đế cũng phải công nhận rằng đó là một lời thỉnh cầu có lý. Người vươn tay về phái sau mặt trời, vặn núm xoay điều chỉnh nhiệt độ. Thế là mặt trời nóng lên gấp đôi. Nóng tới mức quanh xích đạo, tất thảy cây cỏ, động vật đều chết hết, sa mạc mênh mông toàn cát nóng hừng hực, chẳng động vật nào trụ được ngoài Rắn, Bọ-Cạp và đương nhiên là loài Người.
Vài tỷ năm lại trôi qua. Loài Người lại cử một đoàn lên gặp Thượng-Đế. Người chẳng hứng thú gì khi phải tiếp họ:
“Sao? Lại có chuyện gì?”
“Chúng thần muốn có thêm mặt trời!”
“Sao kia? Chẳng nhẽ nóng thế chưa đủ sao?”
“Không ạ. Vì ở sa mạc thì ổn rồi nhưng ở hai cực thì vẫn lạnh lắm. Chúng thần muốn có mặt trời ở khắp mọi nơi.”
Lần này thì Thượng-Đế không chiều theo được. Người tạo ra trái đất với hai cực là có lý do của nó. Người chẳng có ý định thay đổi gì hết, liền nói:
“Ta tạo ra trái đất đúng như nó phải được tạo ta: nhiều nước, nhiều đất, nhiều bẵng giá. Cho nên sẽ không có thêm mặt trời mặt triếc gì cả.”
“Xin Người hãy cho thê, mặt rời đi ạ.”
“Thêm với thiếc gì! Ta mà chiều ý các người, các hành tinh khác sẽ phản đối. Đâu phải trong vũ trụ chỉ có mình các ngươi sinh sống.”
“Thế thì chúng thần biết phải làm sao đây?”
“Cứ gãi tay gãi chân cho hết rách chuyện.”
Đúng lúc đó Thượng-Đế nhận được cấp báo một việc: Diêm-Vương, một hành tinh nhỏ, đang rơi. Hẳn các bạn sẽ hỏi: nó rơi đi đâu được. Thì nó rơi như quả rụng khỏi cây thôi: nó rơi xuống dưới. Cần phải tóm lấy nó mà đặt vào đúng chỗ. Thượng-Đế liền nhanh chóng rời đi, chỉ còn trơ lại đoàn đại biểu. vị trưởng đoàn nói: “Giờ thế này nhé: Thượng-Đế không có ở đây, chúng ta hãy lại phía sau mặt trời, xoay núm điều chỉnh nhiệt độ một vòng, rồi rời đi. Người sẽ chẳng nhận ra đâu, còn chúng ta sẽ có nhiều mặt trời hơn.”
Nói là làm, đoàn người đi ra phía sau mặt trời. Vị trưởng đoàn vặn cái núm nửa vòng. Tuy nhiên, trong đoàn có một cô gái, tên là Phụ-Nữ. Phụ-Nữ sống ở Bắc Cực và rất ghen tị với các cô gái sống ở xích đạo, suốt ngày có thể rong ruổi mà chẳng phải che thân, vì ở xích đạo mặt trời lúc nào cũng nóng bỏng. Phụ-Nữ nghĩ: “Vặn có nửa vòng thì ít quá, ta vẫn sẽ phải che thân trong lúc ra ngoài. Ta thích chẳng phải mặc gì, dù quần áo có mỏng đến mấy đi nữa. Ta đẹp, và ta muốn được mọi người tán tụng.” Nghĩ vậy, trong lúc cả đoàn lục tục ra về, Phụ-Nữ quay ngược trở lại, ra phía sau mặt trời, vặn cái núm thêm một vòng. Rồi chừng như sự vẫn chưa đủ, cô ta vặn thêm nửa vòng nữa. Hoàng toàn thỏa mãn, cô ta lật đật chạy theo đoàn.
Thế là mặt trời phóng ra tia sáng sắc lẻm như lưỡi kiếm bằng lửa. Tia sáng này lia qua trái đất, trong tích tắc thiêu trụi mọi thứ: nước, băng, đất, sinh vật sông, cây cối, động vật, cá mú, tất tần tật. thậm chí cả không khí cũng bị đốt cháy. Trái đất không còn lại gì, chỉ như một hòn đá bị hun khói đen nhẻm. Hẳn các bạn sẽ hỏi: “Thế còn loài Người thì sao?” Dĩ nhiên họ cũng bị thiêu chết, cả Phụ-Nữ với cái tính phù phiếm gây họa cũng không phải ngoại lệ.
Khi trở về nhà, nhìn xuống hạ giới và thấy tất cả chỉ còn lại một màu đen như than, Thượng-Đế ra phía sau mặt trời và thấy cái núm điều chỉnh nhiệt độ đã bị vặn hai vòng: thật điên rồ! Người tự nhủ: “Thôi thế là hết. Không còn trái đất trái điếc gì nữa. Chúng đã biến nó thành một hòn đá thì ta sẽ cho nó mãi là một hòn đá.” Nhưng rồi Người nghĩ lại, thấy trái đất từng là nơi quá đẹp, bỏ mặc thế này thì phí quá. Nghĩ vậy, Người lấy vòi bơm nước trong vườn ra…
Vậy là lại Đại hồng thủy, mặt đất được tưới đẫm nước mưa, lúc đầu sủi bọt sôi như thanh sắt vừa nung bị nhúng vào nước. Rồi biển xuất hiện. Dưới biển các loài cá bắt đầu bơi lội…
Sau một tỷ năm, các loài các phát ngán vì phải làm cá, cử một đoàn lên gặp Thượng-Đế để kể lể với Người chúng chán nước thế nào và mong có mặt trời ra sao. Thượng-Đế đáp: “Các ngươi chán là vì các ngươi tẻ như cơm nguội chứ sao.” Phần còn lại của câu chuyện thì ta biết rồi đó. Chúc các bạn ngủ ngon!

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách