Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tâm Lý - Xuất Bản] Sự Im Lặng Của Bầy Cừu | Thomas Harris (HOÀN)

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 16:05:58 | Chỉ xem của tác giả
3

Clarice Starling ngồi trên chiếc giường khách sạn, nhìn chăm chăm vào cái máy điện thoại sau khi Crawford cúp máy. Tóc của cô bù xù, sau giấc ngủ ngắn ngủi trong cái áo ngủ của FBI, cô có cảm thấy như vừa bị ai đó đá vào bụng.
Ba giờ trước đó, khi cô từ giã Bác sĩ Lecter và mới chỉ có hai giờ kể từ lúc Crawford và cô thiết lập xong danh sách các điểm đặc trưng cần tìm kiếm trong hồ sơ của các trung tâm y khoa. Và cũng trong lúc cô đang ngủ, bác sĩ Frederick Chilton đã làm rối tung hết mọi thứ.
Crawford sẽ đến đón cô. Cô phải sửa soạn thôi, cô phải cố sức mà làm việc này.
Mẹ kiếp, MẸ KIẾP NÓ. Ông đã giết chết cô ta rồi, bác sĩ Chilton ngu si kia ơi. Lecter biết nhiều chuyện lắm và tôi còn có thể moi thêm nhiều thông tin khác nữa. Bây giờ thì hỏng bét rồi, tiêu tan thật rồi. Chừng nào người ta tìm thấy cái xác của Catherine Martin, tôi sẽ cố gắng làm cách nào đó để cho ông nhìn thấy, tôi xin thề đó. Ông đã tước đoạt cuộc điều tra của tôi... tôi phải làm cái gì đó mới được. Nhưng mình có thể làm gì bây giờ? Trước mắt là tắm một cái.
Trong phòng tắm có đủ mọi thứ linh tinh, nào là xà bông, dầu gội đầu, sữa tắm, một túi kim chỉ nhỏ, tất cả là tiện nghi mà một khách sạn tốt phải cung cấp.
Khi bước dưới vòi sen, Clarice nhớ lại lúc cô tám tuổi, cô đem khăn, dầu gội đầu và mấy cục xà bông nhỏ cho mẹ cô đang làm việc trong một khách sạn ven đường. Có một con quạ thích trộm cắp đồ trên các xe đẩy của mấy bà làm phòng. Con chim ăn cắp bất cứ vật gì chiếu sáng. Nó chờ thời cơ thích hợp và lục soát trong các đồ dùng trong các xe. Có khi, bắt buộc phải thoát thân cho mau, nó lấy đi cả khăn vải sạch. Một hôm, một bà làm phòng tạt nước javel lên mình nó, không đem kết quả gì khác hơn là làm vấy lấm tấm vài sợi lông vũ trắng tinh của nó. Con quạ đen trắng này luôn chờ khi nào Clarice rời khỏi chiếc xe để đem các món đồ cho mẹ cô đang làm vệ sinh phòng tắm. Mẹ cô lấy chồng khăn trên tay cô, ngồi xuống giường và ôm cô vào lòng.
Clarice vẫn còn mơ đến con quạ này, thấy nó sà xuống vòi sen. Theo bản năng, cô đưa tay lên đuổi nó và như muốn chứng minh cử chỉ này của mình, cô đưa lên vuốt mái tóc ướt của mình.
Cô mặc quần áo thật nhanh. Một quần dài, một áo cánh, một áo len dài tay, khẩu súng nòng ngắn nhét vào bên hông trong cái bao thật dẹp, kẹp đạn thay nhanh gắn nơi thắt lưng, ở bên tay đối diện. Áo vét màu của cô cần phải vá lại chút ít. Cô phải làm ngay để cho cơn giận nguôi bớt. Cô vừa làm xong thì Crawford gõ cửa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 18:52:07 | Chỉ xem của tác giả
Chương 11

1

Theo kinh nghiệm, Crawford biết cơn giận dữ khiến phụ nữ trở nên thô tục. Cơn điên loạn làm cho tóc họ dựng đứng lên, mặt đỏ như gấc, và có khi họ quên cả việc kéo dây quần lên. Điều đó làm nổi bật các nét xấu xa của họ. Clarice không hề thay đổi sắc diện khi cô mở cửa ra nhưng cô lại đang giận dữ.
Crawford chợt hiểu là ông chưa hiểu một tí về cô cả.
Một làn không khí ấm áp mang theo mùi thơm của xà bông bay vào mặt ông khi cô xuất hiện ngay thềm cửa.
- Cô nghĩ sao, Starling?
- Thật khốn nạn. Thế còn ông, ông Crawford, ông nghĩ gì?
Ông hất đầu ra hiệu cho cô đi theo ông.
- Tiệm tạp hóa ở góc đường đã mở cửa. Chúng ta đến đó uống cà phê đi.
Thời tiết của buổi sáng này không lạnh lắm. Mặt trời mới ló ra khỏi đường chân trời, nhuộm đỏ mặt tiền của dưỡng trí viện khi họ đi ngang qua đấy. Jeff chạy xe chầm chậm theo sau, luôn theo dõi hệ thống điện thoại.
- Tôi có thể nào đệ đơn thưa Chilton về tội cản trở nhân viên công lực không?
- Không được, sẽ không có kết quả gì đâu.
Clarice bước đi trước ông một chút. Ông thấy mặt cô đanh lại khi cô nói:
- Nhưng nếu vì ông ta mà Catherine chết thì sao? Tôi thật sự muốn ông ta phải trả giá cho việc này... Xin ông để tôi tiếp tục đi, đừng trả tôi về trường.
- Tôi muốn nói cho cô hai điều, Starling. Nếu tôi giữ cô lại, không phải để bắt Chilton trả giá, chuyện đó để sau hãy tính. Điều thứ hai là cô sẽ lỡ các bài thi của cô. Điều này sẽ làm cho mất thêm vài tháng. Cô biết là trường không bao giờ ưu ái bất cứ ai. Tôi chỉ có thể hứa với cô là người ta sẽ thu nhận cô lại mà thôi. Sẽ có một chỗ dành cho cô, đó là điều duy nhất mà tôi có thể hứa với cô.
- Sẽ không tế nhị khi đặt câu hỏi này cho cấp chỉ huy của mình, nhưng hiện giờ ông đang gặp rắc rối, phải không? Bà Thượng nghị sĩ có thể hại ông không?
- Này Clarice, tôi phải về hưu trong hai năm nữa. Cho dù tôi có tìm được Jimmy Hoffa và tên sát nhân bằng Tylenol, tôi vẫn phải nghỉ như thường. Vì thế việc không còn quan trọng nữa.
Crawford biết là mình ước ao sự khôn ngoan và ngờ vực sự ham muốn. Một người đàn ông có tuổi, luôn muốn tỏ ra đứng đắn và cái khôn ngoan giả tạo đó là chết người đối với một người bạn trẻ đang đặt niềm tin vào ông. Vì thế ông chỉ có thể nói những gì ông biết thôi.
Những gì ông đang nói với cô trên con đường tồi tàn của Baltimore, ông đã học được tại Triều Tiên, trong những buổi bình minh lạnh cóng của một trận chiến trước khi cô ra đời. Ông không nói về Triều Tiên, ông không cần phải khẳng định uy quyền của mình.
- Cô đang sống trong một khoảnh khắc khó khăn nhất của nghề nghiệp chúng ta, Clarice à. Cô hãy nhớ lấy, vì nó sẽ giúp cô rèn luyện ý chí của mình. Điều khó nhất là đừng bao giờ để sự phẫn nộ và ức chế làm cho mất đi tư duy. Ngoài chuyện đó, cô sẽ biết là mình có thể chỉ huy được hay không. Điều tệ hại hơn là tình trạng rối ren và sự ngu xuẩn. Chilton là một tên khốn nạn vứt đi và sự can thiệp của ông ta có thể làm cho Catherine Martin mất mạng, nhưng cũng có thể là không. Chúng ta là hy vọng duy nhất của cô gái đó. Nào Starling, trong phòng thí nghiệm, nhiệt độ của khí nitơ lỏng là bao nhiêu?
- Xin lỗi? À nitơ lỏng... thấp hơn hai trăm độ C một chút, nó sôi ở nhiệt độ cao hơn một chút.
- Cô có lần nào làm thử thí nghiệm đông lạnh chưa?
- Có chứ.
- Tôi muốn cô làm đông lạnh một cái này. Là việc mà Chilton đã làm. Cô hãy giữ kín thông tin mà cô nhận được từ Lecter và làm đông lạnh các cảm xúc của mình. Tôi muốn cô chăm chú hướng đến mục đích, Starling. Tất cả những thứ khác không đáng kể. Cô đã làm việc cật lực để có được chúng, cô đã phải trả giá cho chúng, cô đã nhận được chúng, vì thế bây giờ cô hãy dùng chúng đi. Chúng cũng có giá trị, hoặc không là gì cả, trước khi Chilton xen vào. Có thể chúng ta sẽ không còn rút được bất cứ gì từ Lecter. Hãy dùng những gì cô biết được về Buffalo Bill và quên hết những thứ khác. Điều lãng phí là cô đã đánh mất sự phẫn nộ của mình. Hãy quên những điều này đi. Khi nào chúng ta có thời gian, chúng ta sẽ nện cho Chilton một trận. Quên hết những thứ này đi và để ông ta qua một bên. Chừng đó cô sẽ thấy rõ mục đích của mình, Starling à. Mạng sống của Catherine Martin, mảnh da của Buffalo Bill đóng dính trên cánh cửa nhà kho. Hãy mở mắt to hướng đến mục đích. Chừng nào cô làm được việc này, tôi sẽ giao cho cô một nhiệm vụ.
- Phụ trách các hồ sơ y khoa?
Họ đã đến cửa hàng tạp hóa.
- Chỉ khi nào các bệnh viện tư thoái thác trả lời và buộc chúng ta phải tịch thu các hồ sơ đó. Không, tôi cần cô đi Memphis hơn. Phải hy vọng Lecter khai ra một cái gì đó hữu ích cho bà Thượng nghị sĩ Martin. Nhưng tôi muốn cô có mặt tại chỗ, ai biết được, có thể ông ta chán đùa giỡn với bà ta rồi và không chừng sẽ nói cái gì đó cho cô. Trong lúc chờ đợi, hãy cố tìm hiểu con người Catherine và tại sao Bill lại phát hiện ra cô ta. Cô chỉ hơi lớn tuổi hơn cô ta một chút và mấy người bạn cô ta sẽ dễ dàng khai với cô hơn là cho một ai đó giống một tên cớm.
- Công việc còn lại vẫn đang tiếp diễn. Interpol đang cố nhận diện Klaus. Điều này giúp chúng ta có một cái nhìn về những mối quan hệ của hắn tại châu Âu và California, nơi mà hắn hưởng tuần trăng mật với Raspail. Tôi sẽ trở lại Trường Đại học Minnesota, vì chúng ta đã có một bước sai lầm tại đó, và đến chiều tối tôi sẽ về Washington. Tôi đi lấy cà phê đây, còn cô hãy gọi Jeff vào đây. Trong bốn mươi phút nữa, cô lên đường.
Ánh mặt trời đỏ rực đang chiếu đều phân nửa trên các trụ điện. Lề đường vẫn là màu tím. Clarice đưa tay ngoắc Jeff vào.
Cô cảm thấy nhẹ nhõm. Crawford quả thật rất giỏi. Cô biết câu hỏi về nitơ lỏng là một cách tán thưởng sự hiểu biết về pháp y của cô, một cách để làm cho ông ta vui lòng và khởi phát một phản xạ mà cô học được cách chế ngự ý nghĩ của mình. Cô không biết cánh đàn ông có thể nào nhận ra được sự tinh tế của trò đó không. Cũng lạ là việc này xảy ra suôn sẻ và cái năng khiếu chỉ huy cũng là một món quà độc hại.
Có ai đó đi ra khỏi Bệnh viện quốc gia Baltimore. Là Barney, thân hình còn to lớn hơn trong áo blouse. Trên tay anh ta có cầm một cà mên.
- Chờ tôi năm phút - Clarice thốt lên với Jeff đang đứng chờ cô. Cô bắt kịp Barney khi anh ta vừa mở cánh cửa của chiếc xe Studebaker cũ kỹ.
- Barney.
Anh ta quay lại nhìn cô với khuôn mặt vô hồn. Đôi mắt anh hơi to hơn bình thường một chút. Anh đứng thẳng người trên đôi chân hơi dang ra.
- Bác sĩ Chilton nói là anh sẽ không gặp rắc rối gì hết, phải không?
- Ông ta có thể nói gì khác hơn chứ.
- Anh tin thế sao?
Anh ta không nói không rằng.
- Tôi muốn nhờ anh làm một việc này. Làm ngay và không được hỏi. Tôi yêu cầu anh đấy. Trong phòng của Lecter còn lại những gì?
- Hai hay ba quyển sách gì đó, Niềm vui nấu ăn, các tạp chí y khoa. Họ đã đem hết giấy tờ của ông ta đến tòa án rồi.
- Còn những hình vẽ trên tường?
- Vẫn còn đấy.
- Tôi muốn lấy tất cả những thứ đó, và khẩn cấp đấy.
Anh ta nhìn cô một lúc.
- Cô đứng yên đây, - anh nói và bỏ chạy thật nhẹ nhàng đối với một người to con như thế.
Crawford đã ngồi chờ trên chiếc xe tải khi Barney trở ra với các hình vẽ, báo chí và sách được bỏ trong một túi giấy.
- Cô có tin là tôi biết có một micro được gắn trong cái bàn mà tôi đem lại cho cô không? - Barney hỏi trong khi trao cái túi cho Clarice.
- Tôi phải suy nghĩ đã. Bút đây, anh hãy ghi cho tôi số điện thoại của anh trên túi này đi. Barney, anh có nghĩ là họ sẽ biết cách đối xử với Bác sĩ Lecter không?
- Tôi nghi lắm và tôi có nói với ông Chilton về việc này. Đừng quên là tôi cũng có nói với cô việc này, phòng trường hợp ông ta quên béng nó đi mất. Cô Starling, tôi rất tin ở cô. Mà này, khi nào cô bắt được cái tên Buffalo Bill...
- Thì sao?
- Xin cô đừng mang hắn đến đây, chỉ vì tôi còn một phòng trống, đồng ý không? - Anh mỉm cười. Anh ta có răng nhỏ như răng con nít vậy.
Clarice cười trả một cách miễn cưỡng. Cô bỏ chạy và quơ tay ra phía sau.
Crawford có vẻ hài lòng lắm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 18:53:38 | Chỉ xem của tác giả
2

Bánh của chiếc Grumman Gulfstream chở Bác sĩ Lecter, đáp nhẹ xuống đường băng của phi trường Memphis, gây ra hai cụm khói xanh. Thi hành theo chỉ thị của đài kiểm soát, nó rời xa trạm hành khách để hướng đến một hăngga của cảnh sát phi trường. Tại đó một chiếc Limuzin và một xe cứu thương đang chực sẵn.
Nhìn qua cửa kính màu, bà Thượng nghị sĩ Martin theo dõi các nhân viên cảnh sát đưa Bác sĩ Lecter ra khỏi chiếc phi cơ. Bà rất muốn nhảy bổ vào con người đang bị trói đó để moi cho được cái tên, nhưng bà quá khôn lanh để làm chuyện đó.
Điện thoại trên xe reo lên. Người phụ tá của bà, Brian Gossage, ngồi trên cái ghế sếp, cầm tay nghe lên.
- Là Jack Crawford của FBI - anh ta nói.
Bà nhận lấy điện thoại, mắt không rời Lecter.
- Vì sao ông không nói cho tôi biết bất cứ điều gì về Lecter vậy, ông Crawford?
- Vì tôi ngại bà làm đúng điều mà...
- Tôi không chống đối ông đâu, ông Crawford. Nhưng nếu ông đụng đến tôi, ông sẽ hối tiếc đấy.
- Thế hiện giờ Lecter đang ở đâu?
- Ngay trước mặt tôi đây.
- Ông ta có thể nghe bà nói chuyện không?
- Không.
- Xin bà hãy nghe tôi đây, bà Thượng nghị sĩ. Bà quyết định đích thân bà ban cho Lecter nhiều đặc quyền hay lắm. Nhưng tôi van bà, hãy hỏi ý kiến của Bác sĩ Alan Bloom trước khi bắt đầu. Bà hãy tin tôi đi, Alan Bloom có thể giúp bà đấy.
- Tôi đã có ý kiến của một chuyên gia rồi.
- Tôi hy vọng là một người có kinh nghiệm hơn Chilton chứ.
Bác sĩ Chilton gõ vào cửa kính xe. Bà thượng nghị sĩ ra hiệu cho Brian Gossage tiếp chuyện ông ta.
- Những cuộc tranh chấp nội bộ làm cho chúng ta mất quá nhiều thời giờ rồi, ông Crawford. Ông đã sai một nhân viên tập sự trẻ đến gặp Lecter với một lời đề nghị giả dối. Tôi có thể làm hay hơn thế. Bác sĩ Chilton nói Lecter sẽ tích cực hơn với một đề nghị thành thật và tôi sẽ làm điều đó, không có các mắc mứu hành chánh, mà không một người nào đó có quyền đòi hỏi công lao. Nếu chúng tôi cứu được Catherine bình yên vô sự, tất cả mọi người sẽ có phần, kể cả ông nữa. Nhưng nếu... con bé chết, tôi cóc cần những lời xin lỗi của các người.
- Chúng tôi có thể giúp bà mà, bà Thượng nghị sĩ.
Bà cảm nhận mình không hề giận dữ, gần như là sự lãnh đạm nghề nghiệp mà thôi. Bà bảo.
- Ông thử nói xem!
- Nếu bà có được một thông tin nào đó, hãy để cho chúng tôi khai thác nó. Xin bà đừng giấu chúng tôi bất cứ điều gì. Và bà cũng nên canh chừng đám cảnh sát địa phương giấu chúng tôi bất cứ tin tức nào. Bà không nên để cho họ có ý nghĩ đã làm cho bà hài lòng khi đoạt được chỗ chúng tôi.
- Paul Krendler của Bộ Tư Pháp sẽ đến đây và ông ta sẽ lo việc đó.
- Thế ai là người chỉ huy ở đó?
- Thiếu tá Bachman, của văn phòng FBI bang Tennessee.
- Tốt lắm. Nếu chưa quá trễ, xin bà hãy giữ tuyệt đối bí mật với đám truyền thông đại chúng giùm. Bà phải hăm dọa Chilton vì ông ta rất thích được đăng lên báo. Chúng tôi không muốn Buffalo Bill biết chuyện này. Khi nào chúng tôi biết được lý lịch của hắn, chúng tôi sẽ cho biệt đội chống khủng bố nhập cuộc. Chúng ta phải đánh mạnh để cho hắn không kịp trở tay. Thế bà có định đích thân bà hỏi cung Lecter không?
- Có.
- Bà có đồng ý nói chuyện trước với Clarice Starling không? Cô ta sẽ đến đó.
- Vì lý do gì? Bác sĩ Chilton đã tóm tắt cho tôi hết rồi. Chúng ta đã mất quá nhiều thời giờ rồi.
Chilton lại gõ vào cửa kính và dùng môi để nói thành từ. Brian Gossage nắm lấy tay ông ta và lắc đầu lia lịa.
- Tôi muốn được gặp Lecter sau khi bà nói chuyện với ông ta, được không? - Crawford hỏi.
- Ông Crawford, ông ta đồng ý khai tên của Buffalo Bill cho chúng tôi để đổi lấy vài đặc quyền. Nhưng nếu ông ta không chịu thì tôi sẽ giao cho ông.
- Thưa bà Thượng nghị sĩ, tôi biết là thiếu tế nhị khi nói ra điều này, nhưng buộc tôi phải làm thôi: Dù bất cứ chuyện gì đi nữa, xin bà đừng bao giờ van xin ông ta.
- Rõ rồi. Tôi không thể nói với ông lâu hơn nữa, ông Crawford. - Nói xong bà cúp máy ngay. “Nếu tôi nhớ không lầm thì cô ta cũng sẽ chết giống như sáu người kia, kể từ khi ông phụ trách vụ điều tra.” Bà thì thầm, rồi ra hiệu cho Gossage lên xe.
Bà phải chờ cho đến khi Chilton bố trí xong Lecter trong phòng làm việc. Không thể ngồi chờ trên xe lâu hơn nữa, bà bước lòng vòng trong cái hăng ga, nhìn vu vơ lên mái nhà rồi đến những lằn sơn dưới đất. Có lúc bà đứng lại phía sau một chiếc F-14 cũ và tựa đầu vào ngay hàng chữ viết TUYỆT ĐỐi CẤM. Chiếc phi cơ này có thể lớn tuổi hơn Catherine. Ôi trời ơi, hãy mau lên đi.
- Thưa Thượng nghị sĩ Martin. - Thiếu tá Bachman gọi bà và Chilton ra hiệu cho bà vào.
Trong phòng này có một bàn làm việc cho Chilton và vài cái ghế cho bà Thượng nghị sĩ Martin, người phụ tá và ông thiếu tá. Ngoài ra còn có một người quay phim để thâu băng video cuộc hỏi cung này. Chilton bảo chính Lecter bắt buộc điều này.
Bà Thượng nghị sĩ Martin bước vào với dáng thật oai vệ. Bộ cánh xanh dương của bà tỏa mùi quyền lực. Bà cũng đã quan tâm đến bộ vét của Gossage.
Bác sĩ Lecter ngồi ngay giữa phòng, trên một cái ghế bằng sồi thật rắn chắc, được vít chặt xuống sàn. Một cái mền phủ lên áo trói và các sợi xích, che giấu việc ông bị xích cứng trên ghế. Tuy nhiên ông vẫn phải đeo cái mặt nạ nhằm ngăn cản ông ta cắn.
- “Tại sao thế?” - bà thượng nghị sĩ tự hỏi, - Người ta đã muốn tạo một chút thể diện khi cho Bác sĩ Lecter ngồi trong một phòng làm việc. Bà nhìn Chilton rồi xoay qua ngó Gossage đang lay hoay với mớ giấy tờ.
Chilton đi ra phía sau Bác sĩ Lecter và liếc nhìn máy quay phim, rồi mới tháo các đai da của mặt nạ.
- Thưa bà Thượng nghị sĩ Martin, tôi xin giới thiệu với bà Bác sĩ Hannibal Lecter.
Bà nhận ra cái màn đạo diễn này có mục đích cho thấy một bà Thượng nghị sĩ Martin hoảng sợ. Một nỗi kinh hoàng lạnh người chiếm lấy bà, tên Chilton này quả thật là một thằng ngu xuẩn.
Bà buộc phải ứng biến thôi.
Một lọn tóc rớt xuống giữa đôi mắt nâu của Bác sĩ Lecter. Mặt ông ta nhợt nhạt như cái mặt nạ. Bà Martin và ông nhìn nhau chăm chăm. Một người vô cùng thông minh còn người kia thì không sao phỏng đoán được.
Bác sĩ Chilton trở về bàn làm việc, nhìn hết người này đến người kia, và bắt đầu.
- Bác sĩ Lecter có tiết lộ với tôi là ông ta muốn đem sự hiểu biết của ông ta phục vụ cho cuộc điều tra, đổi lại vài cải thiện về cách giam giữ ông ta.
Bà Thượng nghị sĩ Martin giơ cao một văn kiện.
- Bác sĩ Lecter, đây là một lời khai được viết với lời tuyên thệ mà tôi sẽ ký vào. Trong đó xác nhận rằng tôi sẽ giúp ông. Ông có muốn đọc không?
Bà nghĩ ông ta sẽ không trả lời nên quay trở lại bàn để ký, ngay lúc đó ông ta nói:
- Tôi sẽ không làm cho bà và Catherine mất thời giờ bằng việc mặc cả vài ưu đãi mạt hạng. Mấy tên có địa vị cũng đã lợi dụng nhiều rồi. Tôi sẽ giúp bà và tin tưởng nơi bà với niềm hy vọng là bà sẽ giúp lại tôi khi mọi thứ đã kết thúc.
- Ông có thể tin ở tôi. Brian? - Bà lên giọng.
Brian Gossage cầm cuốn sổ tay lên.
- Tên thật của Buffalo Bill là William Rubin. Hắn tự gọi mình là Bill Rubin. Hắn được một bệnh nhân của tôi tên Benjamin Raspail giới thiệu đến tôi vào tháng Tư hoặc tháng Năm năm 1975. Rubin nói hắn cư trú lại Philadelphia; tôi không nhớ chính xác địa chỉ của hắn, nhưng hắn có ở chung với Raspail tại Baltimore.
- Thế các hồ sơ y khoa của ông hiện giờ đang ở đâu? - Vị thiếu tá hỏi xen vào.
- Chúng đã bị hủy hết theo lệnh của tòa án một thời gian ngắn sau đó...
- Ông hãy mô tả hắn cho chúng tôi.
- Xin phép ông nhé, thiếu tá? Chỉ có bà Thượng nghị sĩ Martin...
- Ông hãy khai tên, hình dáng và tất cả những gì ông nhớ về tên đó - Vị thiếu tá nhấn mạnh.
Bác sĩ Lecter nhắm mắt lại. Ông liền nghĩ đến một việc khác, các nghiên cứu về giải phẫu học của Gerricault cho bức tranh Chiếc bè của chiến thuyền La Meduse và nếu ông có nghe các câu hỏi tiếp theo, ông không hề cho thấy là đã nghe chúng.
Một lần nữa, khi bà Thượng nghị sĩ Martin làm ông phải chú ý, chỉ còn có họ trong căn phòng. Bà ta đang cầm cuốn sổ tay của Gossage.
Bác sĩ Lecter nhìn bà ta đăm đăm.
- Viên sĩ quan đó hôi mùi xì-gà quá. Bà nuôi Catherine bằng sữa mẹ à?
- Cái gì? Nếu tôi...
- Bà có nuôi cô ta bằng sữa mẹ không?
- Có.
- Nó làm cho người ta khát nước, phải không?
Mắt của bà Thượng nghị sĩ sậm lại. Điều này bác sĩ Lecter cảm thấy khoái chí. Quá đủ cho ngày hôm nay rồi
- Ông nói tiếp:
- William Rubin cao khoảng một thước tám mươi tư và năm nay ba mươi lăm tuổi. Hắn lực lưỡng, khoảng tám mươi sáu ký khi tôi gặp hắn, và theo tôi nghĩ không chừng hắn nặng thêm vài ký nữa. Tóc màu hạt dẻ, mắt màu xanh nhạt. Bà hãy cho họ trước những chi tiết này đi, chúng ta sẽ tiếp tục sau.
- Đúng rồi, tôi sẽ làm ngay. - Bà đưa quyển sổ tay cho một ai đó ở ngoài.
- Tôi chỉ gặp mặt hắn mỗi một lần. Hắn xin tôi một cái hẹn nhưng không bao giờ đến.
- Tại sao ông nghĩ hắn là Buffalo Bill chứ?
- Hắn đã giết nhiều người rồi và đã làm những trò giải phẫu đó với họ. Hắn nói hắn cần người trợ giúp để thực hiện tiếp, nhưng thật ra hắn chỉ muốn khoe thôi. Đó là may một yếm dãi.
- Và ông không... hắn chắc là ông sẽ không tố cáo hắn phải không?
- Hắn nghĩ như thế, vả lại hắn rất thích mạo hiểm. Tôi đã có sự tin tưởng của người bạn Raspail của hắn.
- Raspail biết điều đó à?
- Raspail có nhiều sở thích khả nghi lắm, mình ông ta đầy sẹo. Billy Rubin cho biết hắn có rất nhiều tiền án, nhưng không có nói cụ thể. Tôi có thiết lập một hồ sơ bệnh án. Không có gì đáng kể hết, trừ một việc: Rubin có nói là hắn bị chứng cụm nhọt của ngà voi. Đó là tất cả những gì tôi nhớ được, thưa bà Thượng nghị sĩ và tôi cho là bà muốn mau chóng rời khỏi đây. Nếu tôi nhớ thêm một điều gì đó, tôi sẽ viết giấy gởi cho bà.
- Thế Bill Rubin có cắt cổ một người nào đó mà người ta tìm được cái đầu trong một chiếc xe hơi không?
- Tôi chắc là thế.
- Ông có biết người đó là ai không?
- Không. Raspail gọi anh ta là Klaus.
- Còn tất cả những gì ông đã khai với FBI đều là sự thật phải không?
- Cũng không thật như những gì FBI đã nói với tôi, thưa bà Thượng nghị sĩ.
- Tạm thời tôi để ông ở lại Memphis. Chúng ta sẽ nói đến hoàn cảnh và sự chuyển giao ông đến Núi Brushy khi nào chúng tôi... khi nào vụ này kết thúc.
- Cám ơn bà. Tôi rất muốn có điện thoại, và nếu chẳng may tôi nhớ lại một điều gì đó...
- Ông sẽ có điện thoại.
- Và cả nhạc nữa. Các Biến tấu của Goldberd do Gleen Gould thực hiện. Đòi hỏi như vậy có quá đáng lắm không?
- Đồng ý.
- Thưa bà Thượng nghị sĩ, bà không đặt niềm tin quá nhiều vào FBI. Jack Crawford chơi không sòng phẳng với các cơ quan khác. Đối với họ, đây chỉ là trò chơi. Ông ta muốn đích thân bắt giữ hắn. “Hãy chụp lấy hắn đi”, theo cách họ nói.
- Cám ơn, bác sĩ Lecter.
- Tôi rất thích bộ cánh của bà - Ông ta nói lúc bà ta ra về.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 18:54:49 | Chỉ xem của tác giả
3

Từ hầm này sang hầm khác, từ góc kẹt này qua góc kẹt khác, tầng hầm của Jame Gumb khúc khuỷu như một mê cung, ngăn cản người ta tiến lên phía trước. Khi hắn còn nhút nhát, hồi trước hắn thích những nơi hẻo lánh nhất, thật xa các cầu thang. Ở sâu trong cùng, có rất nhiều phòng mà Gumb chưa bao giờ mở cửa ra. Vài phòng có người ở, nếu người ta có thể nói như thế, vì sự im lặng đã chiếm chỗ của những tiếng hét rồi.
Mặt nền thay đổi từ phòng này qua phòng khác. Có nhiều ngưỡng cửa phải cúi đầu, các xà ngang phải tránh. Thật quá khó khăn để chuyển một gánh nặng và rất khó để kéo lê nó. Với sự khôn ngoan và tự tin, Gumb không cần giải quyết các nhu cầu của mình tại các nơi kín đáo nhất. Bây giờ hắn sử dụng dãy hầm quanh cầu thang, trong các phòng rộng lớn có đầy đủ điện và nước.
Ngay lúc này, toàn bộ khu hầm đều chìm trong bóng tối.
Tại cái tầng nền cát trong hầm giam, Catherine đang nằm im.
Gumb cũng đang ở dưới tầng hầm nhưng không phải ở mức này.
Mắt con người không thể thấy bất cứ thứ gì trong bóng đen như thế này, nhưng căn hầm đầy những tiếng động nhỏ. Nước nhỏ giọt và tiếng máy bơm kêu ro ro. Những tiếng vang nhỏ làm cho căn phòng có vẻ rộng hơn. Không khí trong này lạnh và ẩm thấp. Một tiếng đập cánh phớt qua má hắn, nhiều tiếng lách cách vang lên. Một tiếng gầm gừ khoái trá, tiếng động của con người.
Không một luồng ánh sáng nào mà mắt người có thể sử dụng, nhưng Gumb hiện diện ở đây và hắn thấy rất rõ, nhưng chỉ bằng các mức độ của màu lục, đậm lợt tùy lúc. Hắn đang mang cặp mắt kính hồng ngoại (quân cụ thặng dư của Do Thái, giá gần bốn trăm đôla) và chĩa cây đèn pin cũng là hồng ngoại. Hắn ngồi trên một cái ghế lưng thẳng, đang ngây ngất trước cảnh một con côn trùng đang bò lên một thân cây. Con vật mới trưởng thành, vừa chui ra khỏi cái kén của nó, trên nền đất ẩm ướt của cái chuồng. Con vật này cẩn thận trèo lên cành cây cà độc dược, tìm kiếm một chỗ thích hợp để giương đôi cánh còn ướt ra, đang được xếp ở sau lưng. Nó chọn một cành cây ngang.
Gumb phải nghiêng đầu qua một bên để nhìn thấy nó. Lần hồi, cánh nó được bơm đầy máu và không khí, nhưng chúng vẫn còn bị xếp dính ở sau lưng con vật.
Hai giờ đã trôi qua và Gumb vẫn giữ nguyên tư thế đó. Hắn tắt mở cây đèn pin hồng ngoại, để có thể nhìn thấy sự tiến triển của con vật. Để giết thời giờ, hắn chơi trò bằng ngọn đèn với phần còn lại của căn phòng, trên những bể nước lớn chứa đầy một loại chất thuộc da thảo mộc. Trên các khuôn mẫu và các khung trong các bồn chứa, những vật mới sở hữu giống như các mảnh hình tượng cổ xưa bị xanh đi vì nước biển. Ánh đèn chiếu đến cái bàn làm việc rộng lớn bằng sắt tráng kẽm với cái gối bằng kim loại và các rãnh, rồi chiếu đến cái tời lủng lẳng ngay trên đó. Sát vách tường là các bồn rửa công nghiệp dài. Toàn bộ cảnh vật đều mang màu xanh. Những tiếng đập cánh, những vệt dài phản quang bay ngang qua tầm nhìn của hắn, như những đuôi sao chổi nhỏ được tạo ra bởi những con bướm đêm đang bay trong căn phòng.
Hắn trở lại cái chuồng đúng lúc. Đôi cánh lớn của con vật đã giương thẳng ra trên thân hình nó, và biến đổi các đốm trên đó. Nó xếp cánh lại và cái hình ảnh đặc biệt xuất hiện. Một sọ người, được thể hiện tuyệt đẹp bằng vảy thật mềm mại như lông thú, đang nhìn hắn. Dưới cái trán vồ của cái sọ, hai lỗ đen của mắt và các gò má nhô ra. Điểm tối ngay trên cái hàm, tạo một vạch ngang mặt như một giẻ bịt miệng. Cái sọ nằm trên một vết loe rộng như đỉnh một khung chậu.
Một sọ người đặt trên một khung chậu, tất cả được vẽ trên lưng một con bướm đêm, vì sự trớ trêu của tạo hóa. Gumb cảm thấy sảng khoái, tâm hồn thanh thản. Hắn cúi mình tới trước và thổi nhẹ vào con vật. Nó đưa cái vòi lên vì tức giận và phát ra một tiếng kêu nhỏ.
Hắn bước từ từ, cây đèn trên tay, hướng đến hầm giam. Hắn mở to miệng ra thở để không gây tiếng động. Hắn không muốn những tiếng từ cái lỗ làm hỏng cuộc vui của hắn. Trên những cái ống nhô ra, các mặt kính giống như hai con mắt có cuống đỡ của một con cua. Gumb biết rằng như thế không có gì là hấp dẫn, nhưng nhờ vào chúng mà hắn có được niềm vui bằng những trò chơi lúc đêm tối trong căn hầm tối tăm này.
Hắn cúi người xuống và chiếu ngọn đèn vào trong giếng.
Cái vật đó đang nằm một bên, co người lại như một con tôm. Có vẻ như nó đang ngủ, cái xô vệ sinh để cạnh bên. Trong giấc ngủ, nó cầm một góc thảm trong tay và mút ngón cái.
Khi chiếu ánh hồng ngoại dọc theo thân hình của Catherine, hắn nghĩ đến các vấn đề đang chờ hắn.
Thật không dễ dàng thuộc da người đối với một người khó tính như hắn. Có nhiều sự lựa chọn cơ bản, về cấu trúc để làm, và điều cốt lõi là đặt sợi dây kéo ở chỗ nào đây.
Hắn cho ánh đèn chạy dọc theo lưng của Catherine. Thường thì phải để sợi dây kéo ở đó, nhưng làm sao mặc nó vào một mình được chứ? Không thể nào nhờ sự trợ giúp của một người khác cho loại việc này, dù cho kế hoạch này có hấp dẫn đến đâu đi nữa. Hắn biết nhiều nơi, nhiều môi trường, mà các cố gắng của hắn sẽ gây ấn tượng mạnh, nhưng muốn thế phải chờ thêm một thời gian nữa. Hắn phải có những thứ mà hắn chỉ sử dụng một mình. Dây kéo đặt ở phía trước là điều xúc phạm, và hắn loại bỏ khả năng này.
Gumb không thể đánh giá nước da của Catherine, nhưng dường như cô ta đã gầy đi. Có thể cô ta đang ăn kiêng khi bị hắn bắt cóc.
Kinh nghiệm đã dạy cho hắn phải chờ từ bốn đến bảy ngày trước khi lột da. Một sự giảm cân đột ngột sẽ khiến nó nhão ra, và việc lột da sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa việc cho nhịn đói sẽ làm cho các nạn nhân yếu đi và sẽ dễ sai bảo họ hơn. Có vài người tỏ ra nản lòng cam chịu. Tuy nhiên vẫn phải cho họ ăn chút ít để đề phòng sự tuyệt vọng và các cơn phẫn nộ, có thể làm hư hỏng lớp da.
Nhất định là vật này đã sụt ký. Người này quả đặc biệt, rất quan trọng cho công việc hắn muốn thực hiện, cho đến mức hắn không thể chờ đợi lâu được. Vào lúc trưa mai, hắn sẽ ra tay, hoặc tối mai. Trễ lắm là ngày hôm kia. Sắp rồi đây.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 19:04:03 | Chỉ xem của tác giả
Chương 12

1

Clarice Starling nhận ra tấm bảng “Khu Biệt Thự Stonehinge” mà cô đã thấy trên ti vi. Toàn bộ khu nhà ở này của vùng Đông Memphis, một hỗn hợp tòa nhà cao tầng và nhà biệt lập, tạo thành hình chữ U lớn quanh bãi đậu xe.
Clarice đậu chiếc xe Chrevolet thuê ngay giữa. Đây là chỗ ở của các công nhân có tay nghề được trả lương cao và các cán bộ trung bình. Các xe lưu động cắm trại cho các kỳ nghỉ cuối tuần và những chiếc môtô trượt tuyết với màu sắc rực rỡ được cất riêng một nơi.
Khu Biệt Thự Stonehinge, cách dùng chữ này làm cho cô bực mình. Các căn hộ chắc đầy đồ vật bằng mây trắng và lông hồng mượt mà. Với các tấm hình nghiệp dư dưới tấm kính của cái bàn, vài quyển Nấu ăn cho hai người và Bí quyết các món phô mát nấu trong rượu vang trắng. Clarice chỉ có trường FBI là gia đình, nên không mấy thân thiện với những thứ đó.
Cô muốn tìm hiểu xem Catherine Baker Martin là người như thế nào. Quả là một nơi khá kỳ lạ cho con của một vị thượng nghị sĩ. Clarice có đọc các thông tin tiểu sử ngắn gọn của cô ta do FBI thu thập được. Catherine Martin không phải là một sinh viên xuất sắc; sau một thất bại tại Farmington, cô ta đã học hai năm khá tồi tại Middlebury. Bây giờ cô đang theo học tại Trường đại học Southwestern, đồng thời hành nghề dạy học.
Clarice xem mình như một đứa con của những gia đình giàu có, ích kỷ, không bao giờ muốn nghe lời bất cứ ai và ăn nói ngỗ ngược. Cô phải dè chừng các thành kiến và các mối hận thù của chính mình, vì cô đã từng theo học nhiều chế độ nội trú mà các điểm luôn tốt hơn quần áo của mình. Cô biết khá nhiều đứa trẻ của những gia đình khá giả nhưng bị chia ly, ở nội trú rất lâu. Cô không thèm quan tâm đến một số trong đám đó, và học được rằng sự không chú ý, mà người ta thường hay nhầm lẫn với sự thờ ơ hoặc người ta cho là một tâm trí hời hợt, có khi là một chiến thuật rất hữu ích để thoat khỏi sự đau khổ.
Tốt hơn hết nên nghĩ Catherine như một bé gái đi thuyền buồm với cha cô ta, như cô thường thấy trong mấy phim được chiếu trên tivi. Cô tự hỏi không biết Catherine sẽ phản ứng thế nào khi biết được cha cô vừa qua đời vì cơn đau tim ở tuổi bốn mươi hai. Có một điều chắc chắn là Clarice rất nhớ cha mình, và nỗi đau chung này làm cho cô xích lại gần người thiếu nữ trẻ kia.
Phải làm sao cho cô có thiện cảm với Catheririe mới được, vì điều này sẽ giúp cô thành công. Cô nhận ra ngay căn hộ của Catherine, vì có hai chiếc xe cảnh sát đang đậu ngay trước đó. Gần đấy, bãi đậu xe được rắc đầy phấn trắng. Văn phòng FBI Tennessee chắc đã thu lấy dấu vết của dầu máy bằng đá bọt hoặc một loại bột vô cơ nào đó.
Clarice len lỏi giữa các xe lưu động và tàu vui chơi đang đậu đối diện căn hộ. Buffalo Bill đã bắt cóc cô ta ngay tại đây, khá gần nhà để cô ta có thể mở cửa. Một cái gì đó khiến cô ta ra khỏi nhà, chắc chắn là một cái bẫy không gây sự chú ý.
Cảnh sát Memphis đã hỏi cung những người láng giềng và không ai thấy gì cả. Có thể sự việc đã xảy ra giữa các xe cắm trại. Hắn đã rình tại đây, ngồi trên một chiếc xe loại này. Nhưng Buffalo Bill biết Catherine đang có mặt tại nhà. Có thể hắn đã để ý cô ta ở đâu đó rồi đi theo rình cơ hội thuận tiện. Những cô gái trẻ có tầm vóc như Catherine, không dễ nhìn thấy hàng ngày ngoài đường.
Tất cả nạn nhân của hắn đều to lớn và khỏe mạnh. Có vài người rất to con, vài người khác có thể tạng rất tốt. “Hắn phải lấy được một cái gì đó mà hắn sử dụng được”. Clarice rùng mình khi nhớ lại những gì Bác sĩ Lecter đã nói về Người công dân mới này của Memphis.
Clarice hít một hơi thật sâu, phùng má và thở ra thật chậm. Catherine là người như thế nào đây.
Một nhân viên cảnh sát mở cửa cho cô; anh ta mặc đồng phục cảnh sát bảo vệ công viên quốc gia, Sau khi Clarice trình thẻ ra, anh ta mời cô vào.
- Tôi đến đây để khám nhà. - Câu nói này có vẻ thích hợp khi người ta nói với một người vẫn còn đội nón trong nhà. Anh ta gật dầu.
- Nếu điện thoại có reo, anh cứ để nguyên cho tôi trả lời.
Trên cái bàn trong nhà bếp, Clarice thấy máy điện thoại được kết nối với một máy thâu băng. Kế bên có hai máy khác nhưng một không có mặt quay, là đường dây nối trực tiếp với các đơn vị dò nơi gọi của vùng Trung Nam.
- Tôi có thể giúp gì cho cô không? - Người cảnh sát viên trẻ hỏi.
- Cảnh sát đã hoàn tất công việc ở đây chưa?
- Căn hộ đã được trả cho gia đình rồi. Tôi có mặt ở đây để canh điện thoại thôi. Cô có thể làm bất cứ điều gì cô muốn.
- Tốt lắm, tôi sẽ xem qua căn hộ một lượt.
- Đồng ý. - Nói xong anh ta ngồi xuống cái đi văng cạnh đó và cầm tờ báo lên đọc tiếp.
Clarice cần phải tập trung. Cô rất muốn được khám xét căn hộ một mình, nhưng cũng may là căn hộ không đầy ắp cảnh sát.
Cô bắt đầu từ nhà bếp. Nó không được trang bị cho nghệ thuật nấu ăn. Catherine xuống đây để lấy bắp rang, người bạn trai cô ta cho biết như thế. Clarice mở tủ đông ra. Có hai bịch bắp rang dành cho lò vi ba. Từ cửa sổ, người ta có thể nhìn thấy bãi đậu xe.
- Cô từ đâu đến?
Ngay lúc đó Clarice không trả lời câu hỏi.
- Cô từ đâu đến?
Viên cảnh sát nhìn cô qua tờ báo.
- Từ Washington.
Dưới bồn rửa, phải, khớp nối bị trầy, chắc họ đã tháo nó ra để kiểm tra. Một điểm tốt cho FBI. Dao được mài sơ sài, thùng rác chưa được đổ. Trong tủ lạnh chỉ có phô mai trắng và một đĩa xà lách trái cây được bảo quản trong dịch chân không. Có lẽ Catherine đi mua thức ăn tại siêu thị ngay góc đường. Mà ở đó có thể có người bảo vệ đêm, một điểm đáng được kiểm tra.
- Cô làm việc cho Bộ Tư Pháp à?
- Không, cho FBI.
- Ông tổng chưởng lý sắp đến đây, người ta bảo tôi như thế. Thế cô làm việc cho FBI lâu chưa?
Có một vật hình cải bắp bằng cao su trong ngăn đựng rau. Clarice mở ra, không có gì.
- Cô ở trong FBI lâu chưa?
Clarice quay qua người cảnh sát viên trẻ.
- Nghe đây, có thể tôi sẽ cần hỏi anh vài câu, sau khi tôi khám hết căn hộ này. Có thể anh giúp được đấy.
- Tốt thôi, nếu tôi có thể...
- Đồng ý. Đến lúc đó chúng ta sẽ nói chuyện sau, nhưng bây giờ tôi cần suy nghĩ.
- Không thành vấn đề.
Phòng ngủ thật sáng sủa. Một không khí ấm áp thích hợp cho giấc ngủ, làm cho Clarice hài lòng. Bàn tủ và các loại vải vóc thuộc loại đắt tiền mà ít người có thể mua được. Có một bức bình phong bằng sơn mài của Coromandel, hai bình sứ trên kệ và một bàn làm việc thật trang nhã bằng gỗ hồ đào có vân tuyệt đẹp. Một cặp giường đôi. Clarice giở tấm phủ giường lên. Chỉ có giường bên trái được gắn bánh xe. Chắc Catherine kéo nó lại gần cái kia mỗi khi cô ta muốn. Có thể cô ta có một nhân tình khác mà người bạn trai không biết. Hoặc có thể có khi họ sống chung ở đây. Máy trả lời điện thoại không có hệ thống báo từ xa. Như vậy cô ta phải có mặt ở đây mỗi khi mẹ cô gọi.
Máy này cùng kiểu với máy của cô. Cô mở nắp lên, hai cuộn băng đã bị lấy đi. Thay vào đó có mảnh giấy ghi: Băng đã bị FBỊ tịch thu.
Phòng ngủ được dọn dẹp khá kỹ lưỡng, nhưng người ta vẫn có thể cảm nhận sự hiện diện của các điều tra viên với những bàn tay thô kệch của họ khi muốn sắp xếp lại mọi thứ y như cũ, nhưng đã làm không tốt việc đó. Clarice nhận ra ngay người ta đã lục tung căn phòng cho dù không có các vết phấn lấy dấu tay còn sót lại trên các mặt phẳng.
Chắc chắn là không có chuyện gì xảy ra trong phòng này. Một điểm nữa cho Crawford: Catherine đã bị bắt ngoài bãi đậu xe. Nhưng Clarice muốn tìm hiều về Catherine và cô ta ở ngay trong căn hộ này. Cô ta ở đây, Clarice lặp lại.
Trong ngăn tủ của bàn ngủ, có một quyển niên giám, một hộp khăn Kleenex, một túi vệ sinh cá nhân và đằng sau cái này là một máy chụp hình Polaroid với hệ thống chụp tự động được gắn sẵn cùng một giá ba chân được rút ngắn lại. Hhhuùummm. Clarice chăm chú quan sát máy ảnh nhưng không đụng vào nó.
Cô chú ý đến tủ quần áo nhiều hơn. Catherine Baker Martin có nhiều quần áo và một số thuộc hàng cao cấp. Clarice nhận ra gần hết các hiệu, trong đó có hai hiệu ở Washington. Chắc là quà của bà mẹ đây, cô tự nhủ. Clarice đoán đây là những bộ quần áo cổ điển tương xứng với hai số đo cho những người to con từ sáu mươi lăm đến bảy mươi lăm ký, vài cái quần và áo len đan dài tay, được mua trong các cửa hàng dành cho những người phụ nữ to con. Có tất cả hai mươi ba đôi giày, bảy của Ferragamo, cỡ bốn mươi, vài đôi Reebok và vài đôi giày mọi mòn gót. Một túi đeo lưng nhỏ và một vợt tennis được để trên kệ trên.
Đồ đạc của một đứa con gái được ưu đãi, vừa là sinh viên vừa dạy học, có nếp sống sung túc hơn phần lớn chúng bạn.
Một tá thư từ trong bàn làm việc. Mấy mảnh giấy nhắn tin nhỏ của đám bạn học cũ ở miền Đông. Một số tem và nhãn. Giấy gói quà để ở trong ngăn tủ dưới, với màu sắc và hình vẽ khác nhau. Cô đang nghĩ đến những câu hỏi mà cô sẽ đặt cho những nhân viên siêu thị khi các ngón tay cô đụng vào một miếng giấy cứng và dày hơn. Quá quen với việc phản ứng lại trước bất cứ gì không bình thường, cô rút nó ra được phân nửa rồi nhìn vào. Đây là một loại giấy chậm xanh có trang trí một hàng chó Pluto được bắt chước một cách vụng về. Một hàng chó con màu vàng với kích cỡ khác nhau.
- “Catherine ơi, Catherine!” - Clarice thốt lên. Cô lấy một cái kẹp trong túi xách và gấp tờ giấy này bỏ vào trong một túi nylon trong suốt, và tạm thời để nó xuống giường.
Hộp nữ trang trên bàn trang điểm được làm bằng da có đóng hiệu; người ta có thể nhìn thấy những cái giống tương tự trong phòng ngủ nữ sinh. Ngăn bí mật trống rỗng. Cô tự hỏi không biết những ngăn bí mật này được làm cho ai, chắc chắn không phải cho bọn trộm rồi. Cô luồn tay dưới cái hộp này và các ngón tay đụng phải một bao thư được dán dưới ngăn kéo.
Cô mang đôi bao tay bằng côtông, lật cái hộp lại và kéo ngăn tủ ra. Một bao thư bằng giấy nâu được dán bằng băng keo dính vào đó. Nắp bao thư không dán. Cô đưa cái bao thư sát lại mũi mình. Người ta chưa rắc bột lấy dấu tay lên đó. Clarice dùng nhíp nhổ lông để gắp mảnh giấy bên trong ra. Có tất cả năm tấm hình và cô lấy xem từng cái một. Năm tấm hình này đều chụp một người đàn ông và đàn bà đang làm tình. Người ta không thấy mặt và đầu. Hai trong số này do người phụ nữ chụp, hai do người đàn ông, còn cái thứ năm chắc máy được gắn trên giá ba chân đặt cạnh bàn ngủ.
Thật khó nhận biết được tỷ lệ xích của một tấm ảnh, nhưng với cái vóc dáng dềnh dàng và sáu mươi lăm ký của cô ta, người phụ nữ này chắc hẳn là Catherine Martin. Hình chụp không được rõ lắm để có thể nhận diện người đàn ông. Nhưng người ta có thể biết người này đã được mổ ruột thừa. Clarice bỏ hết mấy tấm hình vào trong một túi nylon khác và để vào trong bao thư nâu của mình. Cô để ngăn tủ kéo lại như cũ.
- Tôi đã cất hết những gì có giá trị trong túi xách của tôi rồi - một giọng ở sau lưng cô vang lên. - Tôi không nghĩ người ta đã lấy một cái gì đó.
Clarice nhìn vào trong gương. Bà Thượng nghị sĩ Martin đang đứng ngay cửa phòng. Bà ta có vẻ kiệt sức. Clarice xoay người lại.
- Xin chào bà. Bà có muốn nằm nghỉ không? Tôi cũng gần xong rồi.
Dù cho đang rã rời, người phụ nữ này vẫn ngoan cường. Clarice nhận ra bà là một người chiến sĩ.
- Nhưng cô là ai mới được? Tôi nghĩ cảnh sát đã xong việc rồi.
- Tôi là Clarice Starling của FBI. Thế bà đã nói chuyện với Bác sĩ Lecter chưa?
- Ông ta có cho tôi một cái tên. - Bà thượng nghị sĩ đốt một điếu thuốc và khinh bỉ nhìn cô từ chân đến đầu.
- Chúng tôi sẽ xem xét nó đáng giá như thế nào. Cô tìm được cái gì trong hộp nữ trang vậy? Nó có một giá trị nào không?
- Vài văn kiện mà chúng tôi sẽ kiểm tra trong vài phút. - Clarice chỉ biết trả lời có vậy.
- Trong hộp nữ trang của con gái tôi à? Nào hãy đưa tôi xem đó là gì.
Clarice nghe nhiều tiếng nói trong phòng kế bên, và cô hy vọng sẽ có người đến để cắt ngang tình trạng này.
- Có phải nhân viên Copley của văn phòng Memphis đi cùng bà không?
- Không và đó không phải là câu trả lời. Không muốn xúc phạm cô, nhưng tôi muốn được xem những gì cô đã lấy từ trong hộp nữ trang của con gái tôi. - Rồi bà xoay đầu ra sau gọi - Paul, Paul, anh có thể đến đây không? Nhân viên Starling, tôi xin giới thiệu với cô, ông Krendler của Bộ Tư Pháp. Paul, đây là cô gái mà Jack Crawford đã phái đến gặp Lecter.
Chỗ đầu hói của Krendler đã đổi sang màu nâu và ông ta có vẻ khỏe mạnh đối với một người ở độ tuổi bốn mươi.
- Xin chào ông Krendler, tôi có nghe nói đến ông - Starling lên tiếng. Người trung gian hòa giải nổi tiếng của Ban Hình sự, nhân viên liên lạc của Quốc Hội, ít nhất cũng là cánh tay mặt của viên tổng chưởng lý. Ôi Chúa ơi, hãy thương xót cho con.
- Nhân viên Starling đã tìm thấy một cái gì đó trong hộp nữ trang của con gái tôi và bỏ nó vào cái bao thư nâu. Tôi nghĩ chúng ta nên xem qua coi đó là cái gì, có phải không?
- Nhân viên Starling? - Krendler lên tiếng.
- Tôi có thể nói chuyện riêng với ông không?
- Được chứ, nhưng một chốc nữa. - Ông đưa bàn tay ra.
Mặt của Clarice đỏ như gấc. Cô biết bà Thượng nghị sĩ đang không ở trong tâm trạng bình thường, nhưng cô không bao giờ tha thứ cho cái ánh mắt nghi ngờ của ông Krendler. Không bao giờ.
- Ông cầm lấy - cô nói và đưa bao thư ra.
Krendler nhìn vào tấm hình đầu tiên, ông định đậy nắp bao thư lại thì bà Thượng nghị sĩ Martin đã chụp lấy nó trên tay ông.
Thật đau buồn khi nhìn bà coi mấy bức ảnh. Sau đó, bà bỏ đi lại cửa sổ, nhìn ra bên ngoài, đôi mắt nhắm lại. Trong ánh sáng trần ban ngày, bà có vẻ già hơn. Khi đốt một điếu thuốc, hai tay bà hơi run.
- Thưa bà Thượng nghị sĩ... - Krendler vừa nói.
- Cảnh sát đã khám xét căn phòng này - bà nói. - Tôi tin chắc họ đã tìm thấy những bức ảnh này nhưng họ còn đủ lý trí để bỏ chúng lại tại chỗ cũ và không nói gì hết.
- Không, họ chưa tìm được những bức ảnh này. - Người đàn bà này đang bị tổn thương nhưng mặc kệ. - Thưa bà, chúng tôi cần biết người đàn ông đó là ai, bà cũng dễ dàng hiểu điều đó. Nếu đó là bạn trai cô ta, thì tốt thôi. Tôi chỉ cần năm phút để xác định. Không một ai khác nhìn thấy được những tấm ảnh này và ngay cả Catherine cũng không cần phải biết.
- Tôi đi lo đây. - Bà thượng nghị sĩ Martin bỏ cái bao thư vào túi xách và Krendler không nói gì.
- Thưa bà Thượng nghị sĩ, có phải chính bà đã lấy mấy món nữ trang trong cái bắp cải bằng cao su trong tủ lạnh không? - Clarice hỏi.
Brian Gossage ló đầu qua khe cửa.
- Xin lỗi bà thượng nghị sĩ, trạm cuối đã đặt xong. Chúng ta sẽ trực tiếp theo dõi trong lúc họ truy tìm tên của William Rubin tại FBI.
- Thôi bà đi đi bà Thượng nghị sĩ, tôi sẽ đến đó ngay - Krendler nói.
Ruth Martin rời căn phòng mà không thèm trả lời câu hỏi của Clarice.
Clarice có dịp quan sát Krendler trong khi ông đóng cánh cửa phòng lại. Bộ comple của ông là một tuyệt tác của ngành may và ông không có mang vũ khí. Phần dưới của đôi giày ông bóng láng vì đi qua nhiều trên thảm dày.
Ông đứng một lúc tại đó, tay để trên nắm cửa, đầu hơi nghiêng.
- Cô làm một cuộc khám xét thật hữu hiệu, - ông nói khi quay người lại.
Một câu nói hơi quá đáng, Clarice thầm nghĩ. Cô chỉ nhìn trả ông ta.
- Quantico đào tạo điều tra viên thật hay.
- Nhưng không được những tên trộm ra trò.
- Tôi biết.
- Nhưng không phải là điều hiển nhiên đâu.
- Thôi bỏ qua chuyện này đi.
- Phải tìm cho ra đầu mối các tấm ảnh và cái bắp cải bằng cao su, đúng không?
- Đúng vậy.
- Thế tên William Rubin là ai vậy, thưa ông Krendler?
- Lecter nói đó là tên thật của Buffalo Bill. Đây là các báo cáo của cơ quan nhận dạng và Danh Mục. Cô đọc đi. - Ông đưa một bản ghi chép cuộc đối thoại giữa Lecter và bà Thượng nghị sĩ Martin, một bản sao mờ nhạt của máy in.
- Cô nghĩ sao? - Ông hỏi sau khi cô đọc xong.
- Ông ta không có trách nhiệm nào hết. Ông ta nói đây là một người da trắng tên Bill Rubin bị cụm nhọt do ngà voi. Nếu ông ta nói dối, và dù chuyện gì có xảy ra đi nữa, các người cũng khó chứng minh được. Cuối cùng, người ta chỉ có thể nói ông ta nhầm lẫn thôi, là điều tôi hy vọng. Nhưng cũng rất có thể ông ta đã lừa được bà ta, ông Krendler. Ông ta chắc chắn có thể làm điều này. Ông có... gặp mặt ông ta chưa?
Krendler lắc đầu với một cái khịt mũi.
- Theo những gì chúng tôi biết, Bác sĩ Lecter đã giết chết chín người. Cho dù có chuyện gì đi nữa, ông ta cũng không bao giờ ra khỏi nhà tù được. Kể cả việc ông có làm những người chết sống lại, người ta cũng không thả ông ta. Vì vậy ông ta chỉ còn cái trò đùa này thôi. Cũng chính vì thế mà chúng tôi đang lợi dụng ông ta dấy.
- Tôi biết các người đang lợi dụng ông ta. Tôi có nghe cuộn băng Chilton đã thâu. Tôi không nói đây là một sai lầm, nhưng tất cả mọi thứ đó đều chấm dứt rồi. Khoa nghiên cứu thái độ con người cứ tiếp tục khai thác những gì thu thập được, cho dù đó là giả thuyết của một tên chuyển đổi giới tính, nếu thấy đáng. Nhưng ngày mai cô sẽ tiếp tục theo các lớp học tại Quantico.
Trời ơi!
- Nhưng tôi đã tìm được một thứ khác.
Tờ giấy màu còn để trên giường nhưng không ai để ý. Cô đưa cho ông ta.
- Cái gì thế?
- Nó giống tờ giấy chậm Pluto. - Cô buộc phải cung cấp cho ông thêm thông tin về vật này. Ông đưa tay ra hiệu mời cô.
- Tôi gần như chắc chắn đây là một tờ giấy chậm acid. Của LSD vào thời kỳ thập niên bảy mươi hoặc trước nữa. Nó đã trở thành một vật hiếm. Cũng đáng cho chúng ta tìm hiểu xem cô ta đã có nó từ đâu. Phải làm thí nghiệm để biết chính xác.
- Cô có thể đem nó về Washington để làm thí nghiệm. Cô sẽ đi trong vài phút nữa.
- Nếu ông có thể chờ một chút, chúng ta sẽ làm nó tại đây. Tôi tin chắc cảnh sát có túi đặc dụng để xác định chất ma túy, đó là thí nghiệm J, chỉ mất có hai giây thôi. Chúng ta...
- Cô hãy trở về Washington, trở lại trường đi - Ông nói khi mở cửa ra.
- Ông Crawford có ra lệnh cho tôi...
- Cô phải làm theo những gì tôi bảo. Ở đây cô không còn dưới quyền của Crawford nữa rồi. Cô chỉ là một học viên như bao người khác và chỗ của cô là tại Quantico, cô có hiểu không? Có một chuyến bay lúc hai giờ mười. Cô hãy đáp chuyến đó.
- Thưa ông Krendler, ông bác sĩ Lecter chỉ nói chuyện với tôi trong khi ông ta không muốn tiếp xúc với cảnh sát Baltimore. Ông ta có thể vẫn muốn làm việc đó, vì thế ông Crawford nghĩ rằng ...
Krendler đóng cánh cửa mạnh hơn lần đầu.
- Nhân viên Starling, tôi không cần phải chứng minh bất cứ điều gì cho cô, nhưng cô hãy nghe cho rõ đây. Khoa nghiên cứu thái độ con người luôn chỉ đóng vai trò tư vấn mà thôi, và nó sẽ vẫn như thế. Bằng bất cứ cách nào, đáng lẽ người ta phải cho Crawford về hưu vì lý do gia cảnh rồi. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy ông ta có thể cầm cự cho đến bây giờ. Ông ta quá mạo hiểm khi giấu tất cả chuyện này với bà Thượng nghị sĩ, và ông ta đã bị đá đít rồi. Nhưng nghĩ đến thành tích và ông ta cũng gần đến tuổi về hưu rồi, ngay cả bà ta cũng không thể hại ông ta được. Vì thế vào địa vị cô, tôi sẽ không bận tâm giùm ông ta.
Clarice hơi mất tự chủ.
- Ông đã thấy bao nhiêu người bắt được ba thủ phạm giết người hàng loạt chưa? Ông có biết một ai đó chỉ bắt được một tên thôi? Ông không nên để bà ta chỉ huy vụ này, ông Krendler.
- Cô là một học viên xuất sắc, nếu không Crawford sẽ không bao giờ chú ý đến cô, nhưng tôi chỉ nói một lần thôi nhé: hãy ngậm miệng lại nếu cô không muốn thấy mình trở thành thư ký đánh máy. Ngay từ đầu, cô không muốn hiểu lý do duy nhất mà người ta đồng ý để cho cô tiếp xúc với Lecter, là để ông giám đốc của cô chứng minh được ngân sách của ông ta mà thôi. Những thông tin không đáng kể về những tội ác quan trọng, “một tin tức sốt dẻo để lưu hành nội bộ” về Bác sĩ Lecter ấy à, ông ta có thể lấy như lấy kẹo từ trong túi mình ra để phân phát trong khi cố gắng làm sao cho ngân sách ông ta được phê duyệt. Các thành viên trong Quốc Hội rất thích thú, họ thích những trò đó. Nhân viên Starling, cô đơn thương độc mã, và cô không liên quan gì với vụ điều tra này. Tôi biết hiện giờ cô đang giữ thêm một chứng minh thư nữa, cô hãy đưa nó lại cho tôi.
- Tôi cần nó để dịch chuyển với khẩu súng, vả lại tôi phải đem nó về Quantico.
- Một khẩu súng! Trời đất! Cô phải trả nó lại ngay sau khi trở về.
Bà Thượng nghị sĩ Martin, Gossage, một chuyên viên và nhiều cảnh sát viên bu quanh cái màn hình được kết nối với máy điện thoại bằng cái modem. Đường dây nóng liên lạc trực tiếp với Trung Tâm Thông Tin Quốc Gia về các án mạng phát liên tục tin tức về các cuộc truy tìm căn cứ theo thông tin do Lecter cung cấp và do Washington xử lý. Trên màn hình xuất hiện một thông báo của Trung Tâm Bệnh lý học Atlanta: người ta mắc chứng cụm nhọt ngà voi khi nào hít nhầm bụi của ngà voi châu Phi trong khi làm cán dao chẳng hạn. Tại Hoa Kỳ, đó là căn bệnh của những người thợ làm dao.
Với từ “thợ làm dao”, bà Thượng nghị sĩ nhắm mắt lại. Mắt bà nóng lên, tay nắm chặt miếng Kleenex.
Người cảnh sát viên trẻ đưa Starling vào căn phòng, đem lại cho bà một tách cà phê. Anh ta vẫn đội mũ trên đầu.
Clarice không thể nào bỏ đi một cách êm thấm được. Cô đứng trước mặt bà thượng nghị sĩ và nói:
- Chúc bà may mắn, tôi hy vọng Catherine được bình yên vô sự.
Bà Thượng nghị sĩ gật đầu nhưng không nhìn cô. Krendler đẩy Clarice ra khỏi phòng.
- Tôi không biết là không được để cho cô ta vào đây - viên cảnh sát nói sau khi cô ra khỏi phòng.
Krendler đi ra cùng cô.
- Tôi rất nể Jack Crawford - Ông nói. - Cô làm ơn nói với ông ta là tôi rất tiếc... về những gì xảy ra cho Bella. Bây giờ cô hãy trở về trường và làm việc đi nhé! Đồng ý không?
- Xin chào ông Krendler.
Cô lại đơn độc tại bãi đậu xe với cảm giác bàng hoàng.
Clarice rất muốn được nói chuyện với Crawford. Điều tệ hại hơn hết là tình trạng lộn xộn và sự ngu xuẩn, ông đã nói như thế. Đó là thời điểm khó khăn nhất. Hãy nhớ lấy vì nó sẽ rèn luyện cá tính của cô. Điều khó nhất là đừng bao giờ để cho sự phẫn nộ và sự ức chế ngăn cản cô suy nghĩ. Được như thế, cô mới biết được cô có thể chỉ huy hay không.
Cô không cần sự chỉ huy, cô không cần là “nhân viên đặc biệt” Starling, nếu phải hành động như thế.
Cô nghĩ đến người chết đáng thương mà cô thấy nằm dài trên cái bàn của nhà tang lễ tại Potter. Cô ta sơn móng tay bóng láng như mấy chiếc môtô trượt tuyết của mấy tên nhà quê.
Nhưng cô ta tên gì nhỉ? Kimberly.
Mấy tên khốn đó sẽ không nhìn thấy mình rơi lệ đâu.
Trời ơi... sao có nhiều Kimberly đến thế, có bốn Kimberly trong lớp học của cô. Ba thằng con trai tên Sean. Kimberly cũng là tên của bộ phim nhiều tập trên tivi, đang cố gắng làm đẹp bằng cách bấm ba lỗ ở tai để đeo vòng. Mà Buffalo Bill đã nhìn bộ ngực lép kẹp đó với khẩu súng chỉa ngay đó và bắn thủng ngực, tạo một lỗ hình sao biển.
Kimberly, người thiếu nữ buồn và mập, se lông chân bằng sáp. Không có gì lạ, sau khi đã nhìn thấy mặt, tay, chân. Cô chỉ còn có da là vật đáng giá nhất. Kimberly ơi, ở một nơi nào đó, cô có phẫn nộ không? Không một bà Thượng nghị sĩ nào sẽ lo cho cô đâu. Không một phi cơ nào để chở hết mấy thằng điên đó hết. Điên, một từ mà đúng lý ra cô không được dùng. Cũng có nhiều việc cô không được hành động. Mấy thằng điên chết tiệt đó.
Clarice nhìn đồng hồ. Còn một giờ ba mươi phút nữa trước khi máy bay cất cánh, còn nhiều thời giờ để làm một cái gì đó. Cô muốn nhìn thấy mặt của Lecter khi ông ta nói ra cái tên “Bill Rubin”. Nếu cô có thể nhìn đủ lâu đôi mắt nâu kỳ lạ đó, nếu cô xoáy được đến tận cùng tâm trí, nơi mà bóng tối thu hút các tia sáng, có thể cô tìm thấy được một cái gì đó hữu ích. Có thể là sự vui mừng của ông ta, cô thầm nghĩ.
Cám ơn Trời, mình vẫn còn tấm thẻ hình sự.
Cô cho nổ máy xe và phóng thật nhanh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 19:05:34 | Chỉ xem của tác giả
2

Clarice Starling với hai hàng nước mắt phẫn nộ khô ráo trên gò má, phóng thật nhanh trong dòng lưu thông đầy hiểm nguy của Memphis. Cô cảm nhận một sự tự do lạ kỳ và rất năng động. Sự rõ nét bất thường của quan điểm báo cho cô biết cô phải đấu tranh, vì thế cô phải thật cẩn trọng mới được.
Đến từ phi trường, cô đi ngang qua tòa án cũ để tìm đường dễ dàng hơn.
Chính quyền bang Tennessee không muốn có một bất trắc nào với Hannibal Lecter nên không mạo hiểm để ông ta trong nhà tù của thành phố.
Giải pháp duy nhất là nhà giam của tòa án cũ, một công trình đồ sộ theo kiểu tân gôtíc bằng đá hoa cương. Được tân trang đôi chút, đó là nơi làm việc của các cơ quan chính quyền của cái thành phố thịnh vượng này và rất hãnh diện về quá khứ của nó.
Ngày hôm nay nó trông như một pháo đài của thời trung cổ bị cảnh sát bao vây.
Có đủ loại xe cảnh sát tại bãi đậu xe, nào của cảnh sát công lộ, của ông cảnh sát trưởng quận Shelby, của văn phòng FBI Tennessee và cơ quan quản lý nhà giam. Clarice phải cho xe chạy ngang qua một lính canh trước khi đậu được chiếc xe của mình.
Có một vấn đề an ninh khác đến từ bên ngoài. Kể từ bản tin tức lúc mười giờ cho biết sự hiện diện của cô, rất nhiều cuộc gọi hăm dọa ụp đến; thân nhân và bạn bè của các nạn nhân ước thấy cô chết đi.
Clarice hy vọng Copley, nhân viên FBI địa phương, sẽ không có mặt, vì cô không muốn anh ta gặp rắc rối.
Trên bãi cỏ trước thềm nhà, cô nhìn thấy lưng của Chilton, ngay giữa một đám phóng viên. Có thêm hai camera nhỏ của đài truyền hình. Ước gì lúc này cô có đội mũ. Cô tiến về hướng cái tháp, mặt nhìn về hướng khác.
Một cảnh sát viên gác cửa kiểm tra thẻ của cô, trước khi cho cô vào hành lang, bây giờ không khác gì một trại cảnh sát. Một cảnh sát viên khác đứng ngay cửa thang máy và một người khác ở chân cầu thang. Nhiều cảnh sát viên khác đang ngồi trên băng ghế, đọc tờ Nhật Báo Thương Mại.
Một viên trung sĩ trực tại bàn làm việc đối diện với thang máy. Bảng tên anh ta có ghi TATE, C.L.
- Phóng viên không được có mặt - anh ta nói khi nhìn thấy Clarice.
- Tôi không phải là nhà báo.
- Cô có thuộc toán của Bộ Tư Pháp không? - Anh hỏi khi xem thẻ của cô.
- Tôi làm việc với ông Krendler, vị phụ tá của ông tổng chưởng lý. Tôi vừa chia tay ông ta đây.
Trung sĩ Tate gật đầu.
- Toàn bộ cảnh sát của bang Tennessee và những nơi khác đều muốn nói chuyện với Lecter. Hiếm khi gặp được một người như thế. Cô phải có phép của Chilton mới được lên đó.
- Tôi vừa gặp ông ta đứng ngoài trước cửa. Chúng tôi làm việc chung trong vụ án này tại Baltimore. Tôi phải ký tên vào đây, phải không Trung sĩ Tate?
Anh ta do dự một lúc.
- Đúng, ngay đó. Cảnh sát hay khách đều phải bỏ súng lại đây. Nội quy buộc như thế.
Starling gật đầu. Cô lấy kẹp đạn ra, trong khi viên trung sĩ thích thú nhìn cô thao tác khẩu súng. Cô trao súng cho anh ta, báng ra phía trước để anh ta bỏ vào trong ngăn tủ.
- Vernon, cho cô ta lên đi, - Anh ta cầm điện thoại lên, quay ba số và nói tên cô.
Thang máy được lắp đặt vào các thập niên hai mươi, đi lên từ từ trong tiếng kêu kèn kẹt và ngừng trước một bậc nghỉ chân, được nối dài với một hành lang nhỏ.
- Cô cứ việc đi thẳng - viên cảnh sát nói.
Trên cửa kiếng, có ghi hàng chữ ỦY BAN LỊCH SỬ CỦA QUẬN SHELIBY.
Gần như toàn bộ tầng trên cùng của tháp là một căn phòng rộng lớn hình bát giác được sơn trắng, sàn và vật dụng bằng gỗ sồi, nực mùi sáp ong và keo dán giấy. Căn phòng rất ít đồ đạc, tạo cảm tưởng như một ngôi đền. Chắc vào thời trước đây là văn phòng của ông thống đốc, nên có vẻ oai phong hơn nhiều.
Hai nhân viên ban quản lý nhà giam đang gác. Một người nhỏ con, đang ngồi tại bàn làm việc, liền đứng lên khi thấy Clarice bước vào. Người to con hơn ngồi trên một cái ghế xếp, đặt trong cùng của căn phòng, đối diện với một phòng giam. Anh ta canh chừng không cho tên tội phạm tự sát.
- Cô có được phép nói chuyện với tên tù nhân không, thưa cô? - Người cảnh sát viên nhỏ con hỏi. Bảng tên ghi là PERRY, T. W.; trên bàn làm việc có một điện thoại, hai dùi cui, và sau lưng anh ta có một bình xịt thuốc bất tỉnh, một bánh răng cưa lớn được dựng ở góc tường.
- Có, tôi đã hỏi cung ông ta rồi.
- Cô biết thủ tục chứ? Cô không được bước qua hàng rào.
- Tôi biết mà.
Nét màu mè duy nhất trong căn phòng là cái hàng rào cảnh sát, một loại ngựa gỗ có sọc vàng đen với đèn nháy, hiện giờ đã tắt, được đặt cách cửa phòng giam khoảng một thước rưỡi. Quần áo của bác sĩ Lecter được máng trên cái mắc áo, còn cái mặt nạ và một vật nữa mà Clarice chưa bao giờ thấy trước đây, một áo trói của bang Kansas. Bằng da dày, có khoen cài ở sau lưng, còn hông thì có cùm bằng sắt với hai khóa, để giữ cố định các cổ tay; đây có thể là loại áo trói hữu hiệu nhất trên đời này. Trên nền trắng, cái mặt nạ và áo trói treo trên mắc áo tạo một cảnh tượng ghê rợn.
Khi bước lại gần xà lim, Clarice thấy bác sĩ Lecter, quay lưng ra cửa, đang đọc sách tại cái bàn nhỏ được gắn chết xuống sàn. Trước mặt ông có một chồng sách và tập hồ sơ của Buffalo Bill mà cô đã trao cho ông tại Baltimore. Một máy thâu băng nhỏ được gắn bằng sợi xích vào chân bàn. Quả là một cảm giác khác lạ khi gặp ông ngoài dưỡng trí viện.
Clarice đã từng nhìn thấy những xà lim như thế này. Người ta chưa làm gì khác hay hơn những chuồng được lắp bằng những cấu kiện thép đúc sẵn của một công ty ở Saint-Louis, và chúng có thể biến bất cứ một căn phòng nào thành một xà lim. Sàn cũng bằng thép nằm trên đà, vách và trần là những song sắt đúc nguội. Phòng giam rất sạch và sáng trưng. Một bình phong bằng giấy che khuất chỗ vệ sinh.
Các song sắt bao quanh trông giống như xương sườn và đầu của bác sĩ Lecter có một màu đen sáng.
Một cảnh tượng ám ảnh các nghĩa địa. Ông ta sống trong một lồng ngực giữa các lá khô của trái tim.
Cô xua đuổi hình ảnh này bằng cái nháy mắt.
- Chào cô, Clarice - Ông ta thốt lên và xoay mặt lại. Ông đọc hết trang đó, lấy đồ chặn lại rồi xoay cái ghế lại để đối mặt cô, hai tay khoanh lại, cằm tựa trên lưng ghế.
- Theo Dumas, nếu người ta cho mấy con quạ ăn nhiều hạt đỗ tung, người ta sẽ làm cho mùi vị và màu sắc của nó tăng lên. Khi người ta nấu con chim đó vào mùa thu thì rất tuyệt. Cô có thích món đó không, Clarice?
- Tôi thiết nghĩ ông thích có các tranh vẽ của ông, những bức trong phòng giam của ông đấy, trước khi có được một cửa sổ.
- Cô thật dễ thương. Bác sĩ Chilton không kìm được niềm vui khi người ta loại cô ra khỏi vụ điều tra, cả Jack Crawford và cô. Thế người ta sai cô đến đây để tán tỉnh tôi một lần cuối hay sao vậy?
Người nhân viên gác trước xà lim đã bỏ đi nói chuyện với Pembry. Clarice hy vọng họ không nghe được cuộc trò chuyện này.
- Không ai sai tôi đến đây cả. Tôi tự ý đến thôi.
- Người ta sẽ đồn hai chúng ta yêu nhau rồi. Thế cô không thích hỏi tôi về Bill Rubin à?
- Thưa bác sĩ Lecter, tôi không... hề muốn tranh cãi những gì ông nói với bà thượng nghị sĩ Martin, nhưng ông có muốn khuyên tôi theo cái dấu vết mà ông...
- Tranh cãi, tôi thích từ này quá đi. Tôi không khuyên cô bất cứ điều gì. Cô đã lừa tôi, Clarice à. Cô có tin là tôi đang gạt họ không?
- Tôi nghĩ ông đã nói thật với tôi.
- Thật đáng tiếc là cô đã gạt tôi, có phải không? - Khuôn mặt của Lecter biến mất sau cánh tay ông ta, chỉ còn ló có hai con mắt. - Tôi cũng lấy làm tiếc là Catherine sẽ không bao giờ thấy lại ánh nắng mặt trời. Mặt trời là một cái nệm lửa mà Chúa cô ta đã chết trên đó, Clarice.
- Cũng thật đáng tiếc khi ông phải buộc nghe theo những người khác để lau khô được vài giọt nước mắt. Thật đáng tiếc là chúng ta không thực hiện được hết thỏa thuận của chúng ta. Quan niệm của ông về con côn trùng trưởng thành, cấu trúc của nó, với một nét gì đó… thanh lịch người ta khó nhận thấy được. Bây giờ nó như một phế tích, một nửa vòm cầu còn đứng nguyên.
- Một nửa vòm cầu không thể đứng nguyên được. Nhưng mà này, họ vẫn để cô tiếp tục hay sao, Clarice? Họ chưa tước huy hiệu của cô à?
- Chưa.
- Dưới áo vét cô có cái gì thế, một khăn tay, giống như cái của cha cô, phải không?
- Không, đó là một kẹp đạn thay nhanh.
- Cô vẫn mang vũ khí à?
- Đúng.
- Nếu thế, cô phải may áo cho rộng nữa. Cô có biết may không?
- Có.
- Tự tay cô may bộ cánh này phải không?
- Không. Bác sĩ Lecter, ông thấy đủ mọi thứ. Ông không thể cho biết nhiều hơn nữa về tên “Bill Rubin” vì biết quá ít về vấn đề này.
- Cô tin thế sao?
- Nếu ông đã gặp hắn, ông biết mọi thứ. Nhưng ông chỉ nhớ được có mỗi một chi tiết. Hắn mắc chứng cụm nhọt ngà voi. Đáng lẽ ông phải thấy họ nhảy cẫng lên khi Atlanta cho biết đây là căn bệnh của mấy người thợ làm dao. Có thể nói là họ bổ nhào vào đó, đúng như ông tiên đoán. Riêng chi tiết này thôi, người ta phải cấp cho ông một căn hộ thật rộng tại Peabody mới đúng. Bác sĩ Lecter, nếu ông thật sự đã gặp hắn thì ông phải biết mọi chuyện của hắn rồi. Tôi cho là ông chưa hề thấy mặt hắn bao giờ và chính Raspail kể lại cho ông nghe. Nhưng các loại tin tức hạng hai như thế, đâu có đáng giá lắm có phải không?
Clarice liếc nhìn qua vai. Một trong hai người cảnh sát chỉ cái gì đó trong tờ tạp chí Súng và Đạn dược.
- Ông chưa nói hết cho tôi tại Baltimore. Tôi nghĩ thông tin đó chính xác. Hãy nói cho tôi phần còn lại đi.
- Tôi đã đọc hồ sơ rồi, Clarice. Tất cả những gì cô muốn tìm hiểu đều nằm trong đó, với điều kiện cô phải chú ý hơn nữa. Ngay một thanh tra tài ba như Crawford cũng tìm được. Nói riêng nhé, cô có đọc lời tuyên bố sững sờ mà ông ta đã nói hồi năm ngoái tại Trường Cảnh sát Quốc gia không? Ông ta đã cường điệu về Marc Aurele, về nhiệm vụ, danh dự và sức mạnh tinh thần, chúng ta hãy chờ xem ông ta thuộc loại “người cương nghị” nào một khi Bella qua đời. Ông ta rút lấy triết lý cho mình trong quyển Từ điển các lời trích dẫn. Nếu ông ta thật sự hiểu Marc Aurele, ông ta đã lý giải được vụ án này rồi.
- Ông nói cho tôi biết xem bằng cách nào?
- Khi người ta có lúc tỏ ra hiểu biết về bối cảnh lịch sử một chút, nhưng tôi quên mất điều này, là thế hệ của cô không biết đọc. Vị Hoàng đế đã khuyên sự giản dị. Các khái niệm cơ bản. Với một sự việc đặc biệt nào đó, phải tự hỏi: thế trong đó là gì, bản chất thật của nó là như thế nào? Nguyên nhân của nó là như thế nào?
- Đối với tôi nó không có nghĩa cho lắm.
- Thế con người mà các người đang truy tìm, hắn đang làm gì vậy?
- Hắn giết người.
- À. - Ông thốt lên và tạm thời không nghĩ đến cái đầu không nhạy bén này. - Đó là điều thứ yếu. Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà hắn làm kìa, tại sao hắn cần phải giết người?
- Vì giận dữ, mối hận thù xã hội, sự ức chế tính dục...
- Không!
- Thế thì vì cái gì?
- Sự thèm muốn. Nói cho đúng, hắn chỉ thèm muốn có mỗi một thứ mà cô có. Đó là cách mà bản chất hắn hành động. Thế sự thèm muốn bắt đầu từ cái gì thế Clarice? Nào, chúng ta hãy điểm lại những gì chúng ta thèm muốn xem. Cố gắng trả lời đi.
- Không. Chúng ta chỉ bắt đầu…
- Chính xác là như thế. Chúng ta bắt đầu ham muốn những gì chúng ta thấy hàng ngày. Thế cô không cảm nhận được ánh mắt của những người qua đường nhìn cô sao Clarice? Điều trái ngược sẽ làm tôi ngạc nhiên đấy. Và cô cũng không để mắt vào một cái gì đó hay sao?
- Đồng ý. Vậy ông hãy nói cho tôi...
- Chính cô phải nói cho tôi, Clarice à. Cô không còn những kỳ nghỉ để tặng cho tôi gần Trung Tâm nghiên cứu bệnh dịch hạch của trâu bò nữa. Kể từ bây giờ, sẽ tuyệt đối là phương thức có qua có lại mà thôi. Phải dè chừng với cô mới được, nào thử nói xem Clarice.
- Cái gì?
- Cô nợ tôi hai chuyện. Thứ nhất là chuyện gì đã xảy ra với con ngựa của cô, thứ hai là bằng cách nào cô kiềm chế được cơn giận dữ của mình.
- Thưa bác sĩ Lecter, khi nào tôi có thời giờ rảnh...
- Chúng ta không tính thời gian một cách giống nhau, Clarice à. Đó là thứ duy nhất mà cô có được.
- Để sau này đi, ông nghe đây, tôi…
- Hiện giờ, tôi đang nghe cô đây. Hai năm sau khi cha cô chết, mẹ cô gởi cô đến người bà con tại một nông trại ở Montana. Lúc đó cô mười tuổi. Cô khám phá việc họ vỗ béo ngựa để đưa chúng vào lò sát sinh. Cô bỏ trốn với một con ngựa cái gần như mù. Rồi sao nữa?
- Đó là mùa hè và người ta có thể ngủ ngoài trời. Chúng tôi đi đến Bozeman bằng đường mòn.
- Con ngựa của cô có tên chứ?
- Có thể lắm... nhưng người ta không cần tìm hiểu khi nuôi ngựa để cho vào lò sát sinh. Tôi gọi nó là Hannah, và tôi thấy tên đó hợp với nó lắm.
- Cô dắt bằng sợi dây hay cô cưỡi nó?
- Cả hai. Để cưỡi được nó, tôi phải đưa nó đến gần một hàng rào.
- Lúc thì cưỡi ngựa, lúc thì đi bộ, các người đã đến Bozeman.
- Có một chuồng ngựa cho thuê, một kiểu trường dạy cưỡi ngựa, ngay ngoài thành phố. Tôi định đưa nó vào đấy, nhưng họ đòi hai mươi đôla một tuần cho một chuồng và bãi nhốt ngựa. Họ thấy ngay nó gần như không thấy đường. Tôi có nói: tôi có thể cho mấy đứa con nít đi dạo trên lưng nó trong lúc cha mẹ chúng tập cưỡi ngựa, và rửa chuồng ngựa nữa. Người chủ đồng ý, trong khi bà vợ điện thọại cho ông cảnh sát trưởng.
- Ông cảnh sát trưởng là một cảnh sát viên, giống như cha cô vậy.
- Lúc đầu, điều đó vẫn làm cho tôi sợ ông ta. Mặt ông ta đỏ lừ. Cuối cùng chính ông ta bỏ ra hai mươi đôla tiền trọ, trong khi chờ đợi “ông ta làm rõ mọi chuyện”. Ông ta nói không cần mướn một chuồng cho riêng nó với cái thời tiết nóng bức của lúc đó. Báo chí có đăng tải vụ này, làm khá lớn chuyện. Người chị bà con của mẹ rất muốn để cho tôi đi. Thế là tôi thấy mình vào ở trong Tổ ấm của dòng Luther tại Bozeman.
- Đó có phải là một cô nhi viện không?
- Đúng vậy.
- Còn Hannah?
- Nó cũng vào đó. Một người nông dân dòng Luther cung cấp cỏ khô, và trong cô nhi viện có một chuồng ngựa. Người ta bắt nó xới đất của khu vườn, nhưng phải dắt nó đi mới được, nếu không nó dẫm nát các luống đậu và bất cứ những gì nằm dưới chân nó. Nó còn đưa mấy đứa trẻ đi dạo trên một chiếc xe có mui nữa.
- Cuối cùng rồi nó cũng chết.
- Đương nhiên rồi...
- Kể nghe xem.
- Đó là vào năm ngoái, họ viết thư đến trường cho tôi. Người ta nghĩ nó khoảng hai mươi hai tuổi. Ngày hôm trước nó kéo chiếc xe chở đầy trẻ con và đêm đó nó đã chết trong giấc ngủ.
Bác sĩ Lecter có vẻ hoang mang.
- Điều này làm ấm lòng thật. Thế người cha nuôi của cô ở Montana có hiếp cô không, Clarice?
- Không.
- Ông ta có cố làm việc đó không?
- Không.
- Thế tại sao cô lại bỏ trốn?
- Bởi vì họ định giết Hannah.
- Cô biết được khi nào, thì?
- Cũng không thật sự, nhưng tôi cứ nghĩ đến luôn. Vì nó rất mập.
- Thế điều gì đã khởi phát mọi thứ? Điều gì đã xảy ra hôm đó?
- Tôi không biết nữa.
- Tôi chắc cô biết mà.
- Lúc nào tôi cũng sợ.
- Điều gì khiến cho cô bỏ đi vậy, Clarice? Vào lúc mấy giờ?
- Sớm lắm, trời vẫn còn tối.
- Như vậy, có một cái gì đó làm cho cô thức giấc. Điều gì đã làm cho cô thức vậy? Cô có nằm mơ không? Mơ đến điều gì vậy?
- Tôi thức giấc và nghe mấy con cừu kêu lên. Tôi mở mắt trong đêm tối và mấy con cừu cứ kêu be be.
- Họ làm thịt mấy con cừu vào mùa xuân phải không?
- Đúng.
- Thế cô đã làm gì?
- Tôi không làm được gì cho chúng cả. Tôi chỉ là...
- Thế cô đã làm gì với con ngựa cái?
- Tôi mặc đồ vào trong bóng tối và đi ra ngoài. Nó rất sợ, tất cả đàn ngựa trong chuồng đều hoảng sợ và đi lòng vòng. Tôi hà hơi vào mũi nó và nó nhận ra tôi. Nó áp mõm nó vào lòng bàn tay tôi. Đèn được bật sáng trong kho thóc và trong chuồng cừu. Các bóng đèn trần, nhiều bóng thật lớn. Chiếc xe đông lạnh đang chờ, máy vẫn nổ. Tôi dắt nó ra ngoài.
- Cô có thắng yên cho nó không?
- Không, tôi không lấy yên của họ, chỉ một bộ dây cương thôi.
- Lúc cô đi trong đêm tối, cô có nghe tiếng của đàn cừu không, tại nơi có đèn đó?
- Không nhiều, bởi vì chỉ có mười hai con thôi.
- Điều này vẫn làm cho cô thức giấc phải không? Thức giấc trong đêm tối và nghe tiếng cừu kêu be be phải không?
- Đôi khi.
- Cô có nghĩ mình sẽ bắt được Buffalo Bill không, chính cô chứ không phải những người khác, và nếu Catherine bình yên vô sự thì mấy con cừu sẽ không còn kêu la nữa, cô có nghĩ là chúng cũng có thể được cứu sống và cô sẽ không còn thức giấc trong đêm để nghe tiếng kêu la của chúng nữa, phải không Clarice?
- Đúng vậy. Tôi không chắc, có thể lắm.
- Cám ơn Clarice. - Bác sĩ Lecter tỏ ra rất yên lòng.
- Hãy nói cho tôi biết tên của hắn đi bác sĩ Lecter?
- Bác sĩ Chilton - Lecter thốt lên - Tôi nghĩ hai người đã biết nhau rồi.
Ngay lúc đó Clarice không hiểu rằng Bác sĩ Chilton đang đứng sau lưng cô. Và ông chụp lấy cùi chỏ cô.
Cô giật tay ra và hai cảnh sát viên liền đứng hai bên Bác sĩ Chilton.
- Vào thang máy ngay - ông ta nói với vẻ mặt xám xịt.
- Cô có biết Bác sĩ Chilton không có một mảnh bằng y khoa nào không? - Lecter nói - Tôi xin cô, đừng bao giờ quên điều đó.
- Nào đi thôi - Chilton nhấn mạnh.
- Ông không phải là người chỉ huy ở đây - Clarice đáp lại.
Viên cảnh sát nhỏ con tiến tới trước.
- Không, thưa cô, là tôi đây. Ông ta đã gọi cho cấp chỉ huy của cô và của tôi. Tôi rất tiếc nhưng tôi được lệnh phải buộc cô đi. Cô hãy theo tôi.
- Tạm biệt Clarice. Nếu mấy con cừu không còn khóc nữa, cô sẽ cho tôi biết chứ?
- Được.
Pembry nắm cánh tay cô. Đành phải theo hoặc đánh lại anh ta.
- Được, tôi sẽ báo cho ông.
- Hứa chắc chứ?
- Chắc mà.
- Nếu thế, sao cô không phá nốt nửa cái vòm còn lại đi. Cô hãy cầm lại hồ sơ này đi Clarice, tôi không còn cần đến nó. - Ông đưa nó qua song sắt. Cô đưa tay ra lấy. Trong một khoảnh khắc, đầu ngón trỏ của cô đụng phải ngón tay của bác sĩ Lecter. Với sự tiếp xúc này, mắt ông sáng hẳn lên.
- Cám ơn Clarice.
- Cám ơn bác sĩ Lecter.
Và vì thế mà ông luôn tồn tại trong ký ức của Clarice. Kể từ giờ phút đó, ông không hề chế giễu Clarice nữa. Đứng trong cái xà lim trắng toát, người uốn cong như một vũ công, hai bàn tay chập lại trước mặt, đầu hơi nghiêng qua một bên.
Tại phi trường, Clarice bước đi quá mau, đến mức cô đụng đầu vào người khác, vì cô phải chạy để đáp kịp chuyến bay mà Krendler buộc cô phải đi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 19:07:21 | Chỉ xem của tác giả
3

Pembry và Boyle là hai nhân viên canh gác đầy kinh nghiệm, được phái đặc biệt từ Nhà tù Liên bang Brushy Mountain đến đây canh giữ bác sĩ Lecter. Họ rất bình tĩnh và cảnh giác nên Bác sĩ Chilton không cần phải chỉ dạy họ phải làm gì.
Đến trước Lecter, họ đã khám xét phòng giam này, không bỏ sót bất cứ nơi nào. Khi người ta đưa tên tội phạm đến tòa án cũ này, họ cũng đã làm như thế với ông ta. Một y tá làm công việc khám xét toàn bộ thân thể trong khi ông ta vẫn đang mặc áo trói và người ta cho các đường may vào máy dò kim loại.
Pembry thì thầm thật dịu dàng trong lúc khám xét ông ta.
- Bác sĩ Lecter, chúng tôi không muốn gây khó khăn với ông. Thái độ của chúng tôi tùy thuộc vào thái độ của ông. Ông hãy tỏ ra lịch lãm và mọi việc sẽ tốt đẹp. Nhưng chúng tôi không hề sợ ông. Ông cứ thử cắn xem, ông sẽ thấy có một cái răng rụng trong miệng ông đấy. Ở đây, có vẻ mọi thứ đều tốt đẹp cho ông. Ông không nên làm rối tung lên, có được không?
Bác sĩ Lecter nhìn họ rồi thân thiện chớp mắt. Dù ông có muốn trả lời đi nữa, ông vẫn không thể nói được vì người ta đã chêm một cái chốt bằng gỗ chặn hai hàm răng để kiểm tra trong họng và dùng ngón tay được mang găng cao su, rà soát các lợi của ông.
Chiếc máy dò kim loại mà người ta đưa trên gò má ông kêu bíp bíp.
- Cái gì thế? - người y tá hỏi.
- Chì trám răng - Pembry trả lời. - Hãy kéo môi trên lên, thấy không.
- Theo ý tao, ông ta không còn gì để than phiền nữa, có phải không? - Boyle thổ lộ với Pembry, sau khi họ nhốt ông vào xà lim. - Ông ta sẽ không gây rắc rối gì nữa trừ phi hoàn toàn mất trí.
Cái xà lim này, dù cho có chắc chắn và tuyệt đối an toàn, nhưng nó không có hệ thống chuyền thức ăn. Đến giờ ăn trưa, sau cái không khí khó chịu của cuộc viếng thăm của Clarice, Bác sĩ Chilton làm cho mọi người phải bực mình khi buộc Boyle và Pembry, trước khi bước vào trong xà lim, phải mặc áo trói vào cho Bác sĩ Lecter.
Chilton không bao giờ chịu gọi Boyle và Pembry bằng tên của họ mặc dù hai người này có mang bảng tên, chỉ gọi bằng cách “Ê, anh kia”.
Sau khi biết Chilton không phải là bác sĩ, Boyle nói lời nhận xét của mình với Pembry.
- Có thể ông ta “chỉ là một tên giáo sư bẩn thỉu.”
Pembry đã cố giải thích cho Chilton biết việc chấp thuận cho Clarice viếng thăm ông ta là do người nhân viên ở dưới lầu, nhưng điều này cũng không làm cho ông nguôi cơn giận.
Trong giờ ăn tối không có mặt Chilton, nên các người canh giữ áp dụng phương pháp của riêng họ, trước sự sửng sốt tột cùng của Lecter.
- Bác sĩ Lecter, tối nay ông không cần phải mặc áo dạ hội - Pembry tuyên bố. - Tôi chỉ yêu cầu ông ngồi xuống sàn nhà và đưa hai cánh tay ông ra ngoài song sắt, đưa thật cao ra phía sau. Đúng như vậy đấy. Hãy cứng người thêm nữa, các cùi chỏ thẳng lên nữa. - Pembry còng tay ông lại bên ngoài song sắt, mỗi cánh tay ở một khe song sắt, và một thanh sắt dẹp chặn ngay giữa hai tay. - Nó hơi đau một chút, có phải không, nhưng nó chỉ mất có một phút thôi và tránh cho chúng tôi nhiều phiền phức, và cả cho ông nữa.
Với cách này, bác sĩ Lecter không thể đứng thẳng người hoặc quỳ gối, hai chân ông chỉ có thể duỗi thẳng ra phía trước và ông không thể nào dùng chân để đá được.
Chỉ khi nào ông bị bất động, Pembry mới bước lại bàn làm việc lấy chìa khóa xà lim, gài cây dùi cui vào trong thắt lưng, nhét bình xịt hơi bất tỉnh vào trong túi rồi bước tới cửa xà lim. Anh mở cửa để cho Boyle bưng cái mâm thức ăn vào. Sau khi khóa cửa lại, anh đem chìa khóa về bàn làm việc lại, rồi mở còng cho người tù nhân. Không một lúc nào anh đến gần các song sắt với cái chìa khóa xà lim trong khi ông bác sĩ tự do đi lại trong đó.
- Cũng khá hiệu nghiệm đấy chứ, có phải không? - Pembry hỏi.
- Rất tiện lợi, xin cám ơn các anh. Các anh biết không, tôi chỉ muốn sao cho thoải mái thôi.
- Chúng tôi cũng thế anh bạn.
Bác sĩ Lecter ăn qua loa trong khi viết và vẽ nguệch ngoạc trong cuốn sổ tay với một cây bút phớt. Ông đổi mặt cuốn băng trên máy. Gleen Gould biểu diễn trên dương cầm Các Biến tấu của Goldberg. Âm nhạc, mà vẻ đẹp thoát khỏi thời gian và hoàn cảnh, tràn ngập cái chuồng sáng trưng và luôn cả căn phòng mà các người canh giữ đang hiện diện.
Đối với Bác sĩ Lecter, thời gian đã đi chậm lại và trải dài giống như lúc ông ta hành động. Các nốt nhạc cách xa nhau mà không mất nhịp. Ngay những “mở đầu” hùng hồn của Bach cũng chỉ là những nốt êm dịu trong sáng, xóa đi chất thép quanh ông. Ông đứng lên, vẻ hoàn toàn bị cuốn hút, nhìn cái khăn giấy từ từ rớt xuống đất. Nó bay thật lâu trong không khí, lướt qua một chân bàn và lật ngược lại trước khi nằm hẳn trên nền kim loại. Ông không buồn nhặt nó lên, nhưng lấy cuộn giấy vệ sinh và lẩn người sau bức bình phong, ngồi trên nắp bàn cầu, nơi duy nhất không ai nhìn thấy ông được. Ông vẫn chăm chú nghe nhạc, đầu hơi cúi tới trước, cằm chống lên bàn tay, hai mắt nâu kỳ lạ hơi khép lại. Ông chỉ quan tâm đến các cấu trúc của Các Biến tấu mà thôi. Ông dùng đầu để đánh nhịp, lưỡi chạy quanh bờ môi, hết môi trên rồi đến môi dưới.
Rồi ông lại làm điều đó với các lợi, đẩy lưỡi vào khoảng trống giữa răng và gò má, chậm rãi như đôi khi người ta vẫn làm như lúc họ đang nghiền ngẫm vậy. Các lợi tươi mát hơn lưỡi của ông, còn trên hốc thì lạnh hơn. Khi lưỡi ông đụng vào ống thép nhỏ, nó dừng lại.
Vượt trên âm nhạc, ông nghe được tiếng thang máy khởi động và lên từ từ. Sau nhiều nốt nhạc, cánh cửa mở ra và một giọng ông chưa nghe bao giờ nói:
- Tôi đến lấy mâm đây.
Ông nghe tiếng người cảnh sát viên nhỏ con bước lại gần, và liếc nhìn qua khe của bức bình phong. Pembry đứng dựa vào song sắt.
- Bác sĩ Lecter, ông hãy lại ngồi xuống đây, hai tay thọc ra ngoài song sắt, như chúng ta đã làm lúc nãy.
- Mấy anh chịu khó chờ cho tôi xong đã. Tôi e cuộc du hành đã làm hỏng hệ thống tiêu hóa của tôi rồi. - Hai câu nói này kéo dài một cách kỳ lạ trong không gian.
- Đồng ý - và Pembry bỏ đi. - Chúng tôi sẽ gọi anh khi nào ông ta xong.
- Tôi có thể nhìn qua ông ta một cái được không?
- Chúng tôi sẽ báo cho anh sau.
Chiếc thang máy đi xuống và chỉ còn lại âm nhạc.
Bác sĩ Lecter lấy cái ống nhỏ ra khỏi miệng và lau khô bằng giấy vệ sinh. Tay ông không hề run, lòng bàn tay hoàn toàn khô ráo.
Trong suốt nhiều năm bị giam cầm và với tính tò mò không biết chán, đã giúp cho ông học khá nhiều mánh khóe của mấy tên tù khác. Từ khi ông tấn công người nữ y tá, tại dưỡng trí viện ở Baltimore, các biện pháp an ninh chỉ bị nới lỏng có hai lần vào dịp nghỉ phép của Barney. Một hôm, một bác sĩ tâm lý học có cho ông mượn một cây bút bi và quên lấy lại. Trước khi ông ta rời khỏi khoa, ông đã bẻ nát và bỏ cái vỏ nhựa vào trong bàn cầu. Cái ống mực bằng kim loại, ông đã lận nó vào trong đường may viền của cái nệm.
Vật duy nhất sắc bén khác trong xà lim là mép xơ của một trong các con bù lon gắn chiếc giường vào trong tường. Như thế quá đủ rồi. Sau khi mài ống kim loại này trong hai tháng liền, bác sĩ Lecter đã tạo trên đó hai đường rãnh song song, dài khoảng năm ly. Sau đó ông cắt cái ống thành hai khúc với chiều dài khoảng hai phân rưỡi, sau đó thủ tiêu hết những thứ còn lại cùng đầu bút bi. Barney không hề để ý đến các chỗ chai ở đầu các ngón tay do những đêm dài chà miệt mài cái ống đó.
Sáu tháng sau, một nhân viên gác để nguyên một cây kim kẹp lớn trong tập hồ sơ mà vị luật sư gởi cho Bác sĩ Lecter. Hai phân rưỡi bằng thép lại chui vào trong cái ống, còn những thứ khác thì biến mất trong bàn cầu. Thật quá dễ dàng để giấu kín cái ống nhỏ trơn tru đó trong đường may của bộ y phục, giữa gò má và lợi, trong hậu môn.
Ngay lúc này, ngồi sau bức bình phong bằng giấy, bác sĩ Lecter gõ nhẹ cái ống lên móng tay để lấy cái kẹp ra. Đây là dụng cụ, nhưng điều khó khăn nhất vẫn còn còn ở phía trước. Bác sĩ Lecter cho phân nửa cái kẹp vào trong cái ống nhỏ, và hết sức cẩn thận ông dùng cái ống làm đòn bẩy để uốn thẳng cái kẹp ngay nơi khe hở. Có lần cái mép khe bị cong, nhưng hết sức thận trọng, ông dùng đôi tay khỏe mạnh của mình để nắn cái đầu thép nhỏ đó cho đến khi nó tạo được góc chín mươi độ với cái ống. Đây rồi, ông đã có một chìa khóa còng.
Bác sĩ Lecter chắp hai tay sau lưng, chuyền cái khoá từ tay này qua tay kia khoảng mười lăm lần, rồi bỏ lại vào trong miệng, rửa hai tay cho thật sạch. Nhưng ông lại lấy nó ra, giấu thật kỹ giữa hai ngón của bàn tay phải, biết rằng Pembry chỉ đế ý đến bàn tay sáu ngón kỳ lạ của ông thôi.
- Tôi xong rồi, nhân viên Pembry. - Ông ngồi xuống sàn, và qua khe của song sắt đưa hai bàn tay ra bên ngoài. Cám ơn các anh đã có nhã ý chờ tôi. - Nói có vẻ như một bài diễn văn dài nhưng mang đầy âm sắc của nhạc.
Pembry ra đứng sau lưng ông. Anh ta sờ vào cả hai cổ tay xem ông có thoa xà bông vào không, xong Pembry tra còng vào. Anh đi lại cái bàn, lấy cái chìa khóa mà người lính canh đã lấy từ trong ngăn tủ ra.
Pembry trở lại kiểm tra còng một lần nữa. Bác sĩ Lecter cảm nhận được hơi thở của anh ta phía sau lưng ông. Rồi anh này mở cửa xà lim và đẩy cửa vào. Đến lúc này Boyle bước vào. Bác sĩ Lecter quay đầu ngang qua; hình ảnh của cái xà lim chuyển động có phần chậm chạp trái lại các chi tiết thì rõ vô cùng. Boyle đứng trước cái bàn, đang gom đĩa và những gì còn lại của bữa ăn, gây quá nhiều tiếng động. Máy thu băng với các cuộn băng đang quay, cái khăn giấy ở dưới sàn cạnh cái chân bàn được gắn bulon. Giữa các song sắt, Bác sĩ Lecter liếc nhìn thấy đầu gối của Pembry đang chặn cánh cửa mở, với cái dùi cui treo lủng lẳng ở dây nịt.
Bác sĩ Lecter dùng bàn tay phải để tìm lỗ khóa còng, đút chìa khóa vào và xoay. Ông cảm nhận được cái lò xo giải phóng cổ tay ông. Ông đưa chìa khóa qua bên tay trái để mở nốt cổ tay kia.
Boyle cúi xuống lượm cái khăn giấy. Nhanh như con rắn tấn công, cái còng khóa ngay cổ tay của Boyle, anh trố mắt nhìn Lecter, còn phần kia của cái còng được cài vào ngay chân bàn. Rút hai chân lại, ông phóng người tới cánh cửa trong lúc Pembry đang cố tránh nhưng vai ông đã hất cánh cửa trúng ngay người anh ta. Pembry định chụp bình xịt hơi bất tỉnh để trong túi quần nhưng cánh cửa đang đè nặng lên tay anh. Lecter chụp cây dùi cui và kéo sát Pembry về phía mình, dùng cùi chỏ đánh vào ngay cổ họng và dùng miệng cắn vào mặt anh ta. Pembry cố đánh Lecter nhưng không kết quả vì bị cắn nát cả mũi và môi trên. Người tù lắc lia lịa và giật được cây dùi cui ra khỏi thắt lưng của Pembry. Trong xà lim, Boyle ngồi dưới sàn nhà, hét inh ỏi, trong khi bàn tay tìm một cách vô vọng cái chìa khóa còng, tìm được rồi nhưng lại để rớt nó, rồi lượm nó lên. Lecter thọc thật mạnh đầu dùi cui vào ngay bụng của Pembry, rồi đến cổ họng làm anh ta té khuỵu xuống. Boyle tra được chìa khóa vào trong còng, miệng vẫn hét. Lecter bước lại gần anh ta và bằng một làn hơi bình xịt làm cho anh ta nín thinh, ho sặc sụa. Ông đánh gãy tay anh ta bằng hai cú dùi cui. Boyle cố chui xuống gầm bàn, nhưng bị mù vì hơi của bình xịt, nên bò sai hướng, dễ dàng cho Lecter kết liễu anh với vài cú đánh bồi khác.
Pembry ngồi xuống được, và cũng hét. Bác sĩ Lecter nhìn anh với ánh mắt đỏ ngầu. Tôi đã sẵn sàng rồi nếu anh cũng thế Pembry.
Cái dùi cui tạo một hình vòng cung trong tiếng rít và giáng thật mạnh ngay ót của Pembry, làm cho thân hình anh giựt liền mấy cái trước khi té nhào xuống như một con cá bị đập đầu.
Mạch của bác sĩ Lecter, nhảy vọt lên hơn một trăm trong sự vận động này, mau chóng hạ xuống mức bình thường lại. Ông tắt nhạc để nghe ngóng.
Ông bước lại gần cầu thang và lắng tai nghe nữa. Ông lấy hết đồ trong túi của Pembry ra, tìm thấy chìa khóa của bàn làm việc và mở hết các ngăn tủ ra. Trong ngăn cuối cùng có súng của hai người này, hai khẩu P 38. Hay hơn nữa, trong túi của Boyle, ông tìm thấy một con dao nhíp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 19:08:57 | Chỉ xem của tác giả
Chương 13

1

Trong hành lang cảnh sát phải chen chân nhau. Đã mười tám giờ ba mươi và người ta vừa đổi toán gác bên ngoài, được thay ca mỗi hai giờ đồng hồ. Những cảnh sát viên đến sưởi ấm trên các lò sưởi điện. Vài người cá độ kết quả trận bóng rổ tại Memphis nên muốn biết tình hình hiện giờ ra sao.
Trung sĩ Tate không muốn nghe tiếng radio trong hành lang, nhưng một cảnh sát viên có một máy nhỏ cầm tay. Thỉnh thoảng anh ta cho biết điểm số, nhưng không đủ theo ý muốn của những người cá độ.
Có tất cả bốn mươi nhân viên cảnh sát có vũ trang, cộng thêm hai nhân viên của nhà tù đến thay phiên cho Boyle và Pembry lúc mười chín giờ. Cả Trung sĩ Tate cũng chờ thay ca.
Quang cảnh thật yên lặng. Những tiếng hét cầu cứu chống lại Lecter không có kết quả nào.
Đến mười chín giờ bốn mươi lăm, Tate nghe chiếc thang máy đi lên. Ông thấy cái mũi tên phản quang quay trên mặt số và ngừng tại số bốn.
Ông nhìn quanh.
- Sweeney lên đó lấy mâm chưa?
- Chưa trung sĩ, tôi vẫn đang ở đây. Ông vui lòng gọi điện hỏi xem họ xong chưa? Đến giờ tôi phải về rồi.
Viên trung sĩ quay ba số và nghe.
- Máy bận rồi, anh hãy lên đó xem sao. - Và ông bắt đầu viết báo cáo cho toán sau.
Sweeney nhấn nút gọi thang máy nhưng nó không khởi động.
- Có món sườn cừu cho bữa ăn tối là điều không bình thường rồi. Thế các người đoán xem ông ta sẽ đòi ăn món gì cho buổi điểm tâm sáng mai đây, một trứng đà điểu chắc? Và ai sẽ đi phục vụ đây, nói xem? Sweeney chứ còn ai vào đây!
Mũi tên trên mặt số đứng im tại số bốn.
Sweeney chờ thêm một phút nữa.
- Mẹ kiếp, chuyện gì nữa đây? - Anh cằn nhằn.
Trên kia đột nhiên có phát súng nổ đâu đó, gây tiếng dội trong cầu thang, rồi hai tiếng nổ khác tiếp theo và thêm một tiếng thứ tư.
Trung sĩ Tate, đứng lên khi có phát súng thứ ba, la lên trong micro:
- Trạm chỉ huy đây, có tiếng súng trong tháp. Các nhân viên trực hãy cảnh giác, chúng tôi lên đó đây.
Tate nhìn thấy mũi tên thang máy nhúc nhích, nó chỉ qua số ba. Tate phải hét để áp chế tiếng ồn ào tại nơi đây.
- Im lặng ngay, toán thay gác ra bên ngoài. Toán trực ở lại với tôi. Barry, Howard, canh chừng cái thang máy chết tiệt này, nếu nó xuống... - Mũi tên ngừng lại tại số hai.
- Toán đầu lên đường. Mỗi khi qua một cánh cửa, nhớ phải kiểm tra bên trong. Bobby, đi lấy khẩu súng trường và các áo chống đạn và đem lên đó cho chúng tôi.
Tate phóng nhanh lên các bậc thang, tâm trí sôi sục. Sự cẩn trọng của ông ta đang đấu tranh với ý muốn đi cứu giúp những cảnh sát viên bị kẹt trên đó. Mẹ kiếp, cầu mong sao cho hắn không trốn thoát. Không có người nào có áo chống đạn cả. Mấy tên nhà tù chết tiệt kia!
Theo nguyên tắc, tầng một, hai và ba trống không và các cửa đều được khóa. Khi đi ngang qua những tầng đó, người ta có thể đi từ tháp đến tòa nhà chính, nhưng ở tầng trên cùng thì không được.
Tate có theo học một khóa tại trường SWAT nổi tiếng, trường đào tạo Biệt đội phản ứng nhanh chống khủng bố, tại bang Tennessee nên biết rõ phải hành động ra sao. Ông lên đến tầng một và chỉ đạo sát sao đám nhân viên trẻ. Thật mau chóng nhưng cũng hết sức cẩn thận, họ lên tầng trên, người này che chắn cho người kia và từ tầng dưới lên tầng trên.
- Nếu các người quay lưng vào cánh cửa mà không kiểm tra, tôi sẽ đá đít các người đấy.
Không có đèn ở lầu một và cửa đều được khóa kỹ.
Bây giờ đến tầng hai mà cái hành lang nhỏ thì ánh sáng lù mù. Một khung sáng nơi cửa thang máy. Tate đi dọc theo vách tường đối diện. Ngón tay trên cò súng, ông ngó vào bên trong. Buồng thang máy trống không.
Tate hét vào trong đó:
- Boyle, Pembry! Mẹ kiếp. - Ông cho người đứng canh ở lầu này và tiếp tục lên trên.
Tiếng đàn dương cầm, từ tầng trên, tràn xuống đến tầng này. Cánh cửa phòng làm việc bật tung khi ông đẩy nó ra. Ở cuối hành lang, tia sáng của đèn pin ông chiếu vào một cánh cửa lớn được mở toang trước căn phòng tối đen sau đó.
- Boyle! Pembry!
Ông để hai nhân viên tại bậc nghỉ chân.
- Hãy canh chừng cửa này, các áo giáp sẽ đến trong giây lát. Đừng xoay mông lại cánh cửa.
Tate bước lên các bậc thang theo tiếng nhạc. Bậc nghỉ chân của tầng cuối cùng và hành lang cũng không sáng lắm. Ánh đèn hất ra phía sau cửa kính mờ mang hàng chữ ỦY BAN LỊCH SỬ CỦA QUẬN SHELBY.
Tate khum người xuống và đi qua phần dưới cửa kính, để đứng thẳng lên khi bước đến các bản lề cửa. Ông dùng đầu ra hiệu cho Jacobs còn đứng bên kia, dùng tay nắm lấy nắm cửa và đẩy nó vào trong mạnh đến mức phần kính bể nát. Ông lách người thật nhanh vào bên trong, áp người vào tường, súng chỉa thẳng ra phía trước.
Tate đã thấy quá nhiều thứ... vô số tai nạn, trận ẩu đả, án mạng. Ông đã từng thấy sáu cảnh sát viên bị bắn chết trong một phi vụ. Nhưng những gì đang nằm dưới chân ông là điều tệ hại nhất có thể xảy đến cho một cảnh sát viên. Những gì còn lại ở trên cổ áo giống thịt hơn là một đầu người. Phần trên và trước chỉ là một vũng hồng cầu còn sót lại vài miếng thịt vụng, một con mắt nằm dưới lỗ mũi trong khi hai hốc mắt thì đầy máu.
Jacobs lướt mình vào trong phòng, trượt té trên sàn nhà đầy máu. Anh khum người xem Boyle vẫn bị còng tại bàn. Người canh gác này gần như bị mổ bụng, mặt bị rạch nát bấy, tưởng chừng như anh bị nổ tung vì song sắt và giường đều dính đầy máu bị bắn đi tung tóe.
Jacobs bắt mạch cổ anh ta.
- Người này chết rồi, - anh hét lên để át tiếng nhạc. - Trung sĩ?
Tate, hổ thẹn vì lúc yếu mềm, đã trấn tĩnh lại và nói trong máy bộ đàm.
- Trạm chỉ huy, hai người bị hạ. Tôi nhắc lại, hai người bị hạ sát. Tên tù đã trốn thoát. Lecter đã trốn thoát. Hãy canh chừng các cửa sổ. Hắn đã lột sạch khăn trải giường để tạo một sợi dây. Hãy nhanh chóng gọi xe cứu thương.
- Trung sĩ, Pembry chết chưa? - Hỏi xong, Jacobs bước lại tắt nhạc.
Tate quỳ xuống, định sờ vào mạch cổ của nạn nhân và cái vật khủng khiếp đang nằm dưới đất, thổi một bọt máu.
- Pembry vẫn còn sống!
Tate không muốn áp miệng mình xuống cái đống thịt bầy nhầy đó, cho dù anh biết mình phải giúp cho Pembry thở mà cũng không thể bảo một nhân viên nào khác làm việc đó. Tốt hơn hết nên để cho Pembry chết, tuy nhiên nhiệm vụ của anh là phải giúp cho anh ta thở. Nhưng tim người này vẫn đập vì thế anh ta vẫn còn thở được. Cái miệng rách nát đó kêu ùng ục, nhưng nó vẫn thở. Cơn ác mộng sống này vẫn thở một mình.
Bộ đàm của Tate vang lên. Một viên trung úy cảnh sát vừa đến nơi, nắm lấy sự chỉ huy, muốn có thêm thông tin. Tate phải báo cáo.
- Murray, lại đây, anh hãy ở lại cạnh Pembry và nắm lấy bàn tay anh ta, để anh ta có cảm giác của bàn tay anh và hãy nói chuyện với anh ta.
- Người này tên gì vậy Trung sĩ?
- Pembry, mà trời ơi, hãy nói chuyện với anh ta đi chứ!
Tate báo cáo bằng bộ đàm.
- Hai người bị hạ sát. Boyle chết còn Pembry thì bị thương rất nặng. Lecter đã biến mất và có mang theo súng, hắn đã đoạt súng của họ. Dây nịt và bao súng vẫn còn để trên bàn.
Xuyên qua các bức tường dày, giọng của ông trung úy có vẻ như bị rè.
- Nhân viên cứu thương dùng thang máy được không?
- Thưa được, trung úy. Họ nên gọi điện trước khi lên đây. Tôi đã cắt người ở mỗi tầng rồi.
- Hiểu rồi trung sĩ. Chốt tám dường như thấy cái gì đó động đậy phía sau cửa sổ ở lầu ba của tòa nhà chính. Tất cả mọi lối thoát đều có người canh giữ, hắn không thể nào trốn ra được đâu. Tiếp tục trấn giữ các bậc nghỉ. Các anh em bên đội SWAT đã lên đường. Chúng ta sẽ để cho họ túm cổ hắn ta. Xác nhận đi.
- Nghe rõ. Để cho SWAT hành động.
- Hắn có được gì thế?
- Hai khẩu súng lục và một con dao, trung úy. Jacobs, kiểm tra xem đạn được còn trong dây nịt không?
- Túi đạn của Pembry còn đầy và của Boyle cũng thế. Tên ngu xuẩn đó không có lấy đạn bổ sung.
- Loại súng nào?
- P 38 và một khẩu JHP.
Tate nói lại trong bộ đàm.
- Thưa Trung úy, hình như hắn có hai khẩu P 38. Chúng tôi có nghe ba phát và các túi đạn dự phòng vẫn còn nguyên, như vậy hắn còn tới chín lần bắn nữa. Ông hãy nói với bên SWAT là hắn có súng PS và JHP, và tên này thích bắn vào mặt.
Loại súng PS bắn loại đạn độc đáo lắm, nhưng chúng không thể xuyên qua áo giáp của Đội SWAT được. Một phát vào đầu là chết ngay, nhưng một khi bị trúng đạn thì tàn phế suốt đời.
- Nhân viên cứu thương đến rồi, Tate.
Các xe cứu thương chỉ mất có vài phút để đến nơi, nhưng đối với Tate, ông ta có cảm tưởng là rất lâu, khi ông lặng im nhìn cái vật đang nằm dưới sàn. Anh chàng Murray trẻ tuổi đang cố giữ chặt cái thân hình đang giẫy giụa và rên rỉ, cố nói mà không dám nhìn người bị thương:
- Mọi việc đều ổn thỏa rồi Pembry, không sao đâu. Anh không bị thương nặng lắm đâu.
Khi anh vừa thấy mấy nhân viên cứu thương tại bậc nghỉ, Tate đẩy vai của Murray sang một bên để nhường đường cho họ. Các y tá làm việc thật mau lẹ; họ nhét các cổ tay đầy máu vào trong dây nịt, làm thông đường hô hấp và trùm cái mặt và đầu be bét máu bằng một loại băng nén được. Một người lấy một túi huyết tương và dụng cụ cần thiết cho một cuộc truyền máu, nhưng người kia đang bắt mạch anh ta, lắc đầu nói:
- Thôi, chúng ta đưa anh ta xuống đi.
Lệnh được ban đi khắp nơi.
- Tate, anh hãy giải phóng các phòng làm việc và khóa chặt tất cả. Hãy khóa kỹ tất cả các cửa mở ra tòa nhà chính, và canh chừng các bậc nghỉ. Tôi cho đem lên đó áo giáp và súng trường. Nếu hắn muốn đầu hàng, chúng ta không được bắn chết, nhưng các anh không được mạo hiểm mà rộng lượng với hắn. Hiểu không?
- Thưa trung úy, hiểu rồi.
- Tôi chỉ muốn thấy người của SWAT trong tòa nhà chính thôi. Hãy lặp lại đi.
Tate nhắc lại các lệnh. Ông là một trung sĩ giỏi và chứng minh điều này khi cùng Jacobs mặc áo giáp vào để theo hai người y tá xuống dưới. Hai người nữa đi theo sau với cái xác của Boyle. Những người canh gác ở các bậc nghỉ tỏ vẻ rất phẫn nộ khi thấy mấy cái cáng đi ngang qua và Tate nói với họ vài lời trấn an.
- Các anh không được để sự phẫn nộ biến các anh thành bia đỡ đạn của hắn.
Trong khi chiếc xe cứu thương hú còi, Tate với sự hỗ trợ của Jacobs, đi kiểm tra các văn phòng và khóa chặt cái tháp.
Đến tầng ba, một luồng gió lạnh thổi trong hành lang. Trong căn phòng rộng lớn của tòa nhà chính, chuông điện thoại reo vang, trong lúc các phòng làm việc đều tối đen, các bóng đèn nhấp nháy như đom đóm.
Ở bên ngoài, người ta biết bác sĩ Lecter “đã cố thủ” trong dinh thự tòa án cũ, vì thế các phóng viên đài phát thanh và truyền hình gọi điện thoại bằng các thiết bị cầm tay của họ, cố xin cho được mấy cuộc phỏng vấn trực tiếp với tên quái vật. Để tránh việc này, Biệt đội SWAT khóa hết điện thoại của họ, trừ cái dành cho người thương lượng, nhưng tòa nhà này quá rộng lớn, có quá nhiều văn phòng.
Tate khóa cánh cửa nhìn ra căn phòng mà đèn báo điện thoại đang nhấp nháy liên tục. Mình đẫm mồ hôi, làm ông ngứa dưới cái áo giáp thẳng cứng.
- Trạm Chỉ huy, Tate đây. Tháp đã được khóa chặt rồi. Hết!
- Nghe rõ, Tate. Đại úy muốn gặp anh tại Trạm Chỉ huy.
- Nghe rõ. Hành lang, anh có nghe tôi không?
- Nghe rõ, trung sĩ.
- Tôi xuống bằng thang máy đây.
- Nghe rõ trung sĩ.
Jacobs và Tate đang ở trong thang máy đi xuống hành lang, thì có một giọt máu rớt xuống vai của viên trung sĩ. Một giọt khác vấy bẩn đôi giày ông ta.
Ông ngước mặt lên và đưa một ngón tay lên môi ra hiệu cho Jacobs giữ im lặng.
Máu đang rỉ từ khe hở bao quanh lối thoát hiểm của thang máy. Lần đi xuống này có vẻ như bất tận. Tate và Jacobs bước lùi, súng chỉa lên trần thang máy và Tate đóng cửa lại.
- Suỵt! - Tate nói thật nhỏ - Barry, Howard, hắn đang ở trên nóc thang máy. Hãy chỉa súng của các anh lên đó.
Tate bước ra ngoài. Chiếc xe thùng đen thui của Đội SWAT đậu ngay bãi. Họ luôn có đủ loại chìa khóa thang máy.
Hai nhân viên SWAT có đội mũ, mặc quần áo chống đạn, đi bằng cầu thang lên tầng hai, những người khác ở lại hành lang với Tate, súng tấn công chỉa lên trần thang máy.
Giống mấy con kiến khổng lồ đang đánh nhau, Tate thầm nghĩ.
Vị chỉ huy toán nói trong micro được gắn trong mũ.
- Tiến lên đi Johnny.
Trên tầng hai, Johnny Peterson mở ổ khóa và kéo cánh cửa thang máy ra. Hầm thang máy tối đen. Nằm xuống đất, anh rút một quả lựu đạn tê liệt ở thắt lưng và để cạnh mình.
- Cánh cửa được mở rồi, tôi nhìn xem một cái.
Anh lấy một tấm kính nhỏ được gắn trên đầu một cán được kéo dài ra và đưa xuống hầm thang máy trong khi người bạn đồng nghiệp chiếu theo một ngọn đèn pin cực mạnh.
- Tôi thấy hắn rồi. Hắn nằm trên nóc thang máy, kế bên có một khẩu súng. Hắn không cục cựa.
- Anh thấy hai tay hắn không?
- Tôi chỉ thấy có một thôi, cái kia để dưới mình hắn. Hắn quấn mình trong khăn trải giường.
- Hãy nói các lời khuyến cáo đi.
- ĐỂ HAI TAY LÊN ĐẦU, KHÔNG ĐƯỢC NHÚC NHÍCH - Peterson hét thật to vào trong hầm thang máy. - Thưa Trung úy, hắn không cử động... được.
- NẾU ANH KHÔNG ĐỂ TAY LÊN ĐẦU, TÔI SẼ NÉM MỘT TRÁI LỰU ĐẠN TÊ LIỆT. TÔI SẼ ĐẾM ĐẾN BA - Peterson hét lên. Anh rút trong túi một thiết bị chặn cửa, một vật trong bộ đồ nghề của SWAT. - ANH EM Ở BÊN DƯỚI HÃY COI CHỪNG, TÔI NÉM TRÁI LỰU ĐẠN ĐÂY. - Anh liền thả cái thiết bị đó xuống, thấy nó tưng trên cái thân hình bất động.
- Thưa trung úy, hắn vẫn không nhúc nhích.
- Tốt rồi Johnny, chúng tôi sẽ mở cửa thoát hiểm từ bên ngoài. Anh hãy chỉa súng vào hắn nghe không!
Peterson lăn qua một bên, chỉa khẩu súng 10 ly của anh vào người đàn ông đang nằm dưới đó.
- Thưa trung úy, chỉa súng rồi.
Nhìn xuống thang máy, Peterson thấy khe sáng được nới rộng ra khi những người trong hành lang mở cửa thoát hiểm bằng một cây sào. Anh thấy một trong hai cánh tay cử động khi các người bạn đồng đội bên dưới kéo cửa thoát hiểm xuống.
Ngón trỏ của Peterson ghì chặt cò thêm.
- Cánh tay của hắn cử động, trung úy, nhưng tôi nghĩ là do bên dưới kéo.
- Hiểu rồi. Nào kéo đi.
Bị chói vì ánh sáng hất ngược lên, Peterson không nhìn thấy rõ.
- Hình như tay của hắn không có cầm súng, trung úy!
Giọng nói bình tĩnh tiếp tục vang trong nón của Peterson.
- Tốt lắm, Johnny, cứ tiếp tục đi. Chúng tôi sẽ bước vào trong thang máy. Nhớ canh chừng nó với cái kính nghe không. Nhưng chính chúng tôi nổ súng, có hiểu không?
- Nhận rõ.
Đứng tại hành lang, Tate nhìn những người kia bước vào thang máy. Một tay thiện xạ chỉa khẩu súng có đạn công phá vào ngay nóc thang máy. Một người khác trèo lên một cái thang di động, tay cầm một khẩu súng lớn được gắn kèm đèn pin. Anh ta ló đầu qua khỏi cửa thoát hiểm, rồi đến vai. Anh đưa xuống dưới một khẩu P 38.
- Hắn chết rồi - anh báo cáo.
Tate tự hỏi không biết cái chết của Bác sĩ Lecter có kéo theo cái chết của Catherine Martin không, bởi vì tất cả các thông tin đều biến mất khi bộ não của tên quái vật không còn hoạt động được nữa.
Các nhân viên SWAT đưa cái xác xuống, đầu xuống trước, và rất nhiều bàn tay đưa ra để đón nhận nó. Hành lang đông nghẹt người, ai cũng muốn chen lại nhìn mặt hắn. Một nhân viên nhà tù lách người bước vào, và sau khi nhìn hai cánh tay có xăm hình, tuyên bố:
- Chính là Pembry.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

39#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 19:11:22 | Chỉ xem của tác giả
2

Trong chiếc xe cứu thương đang hụ còi, anh chàng y tá trẻ phải trân người để chống lại sự tròng trành, mở máy liên lạc để báo cáo về khoa cấp cứu và phải hét thật to để áp tiếng còi hụ.
- Anh ta đang hôn mê, nhưng các biểu hiện trọng yếu đều tốt. Huyết áp bình thường. Mười ba tám. Đúng vậy, mười ba tám. Mang nhiều vết thương nặng ở mặt, với những mảnh thịt vểnh lên, một con mắt bị lòi ra. Tôi có đặt một miếng băng nén trên các vết thương và một ống thở. Có thể là một phát súng vào đầu, nhưng không thể xác định được.
Sau lưng anh ta, các bàn tay đầy máu đang nắm lại, từ từ duỗi ra trong sợi thắt lưng. Tay mặt được rút ra, tìm thấy cái khóa của đai da đang chẹn ngang ngực.
- Tôi sợ đã ép quá mạnh các vết thương, anh ta bị co giật nhiều lần trước khi người ta cho anh ta lên cáng. Đúng vậy, anh ta đang nằm theo tư thế của Fowler.
Đằng sau anh chàng trẻ này, một bàn tay chụp lấy một miếng băng gạc và chùi hai con mắt.
Người y tá nghe tiếng rít của ống thở sau lưng mình, xoay mặt lại và nhìn thấy khuôn mặt máu me sát với mặt mình nhưng không thấy được khẩu súng đang giáng xuống đầu anh ta thật mạnh, ở phía sau lỗ tai.
Chiếc xe cứu thương chạy chậm lại và ngừng trên con đường xa lộ sáu lằn xe; ở phía sau, những người tài xế bóp còi inh ỏi nhưng chưa dám qua mặt. Hai tiếng nổ nhỏ, không lớn hơn tiếng pô xe nổ trong dòng lưu thông, và chiếc xe chạy trở lại, lúc đầu loạng choạng đôi chút rồi chạy thẳng lại và tiến qua lằn xe bên phải.
Trên bảng báo đường ra phi trường. Chiếc xe cứu thương chạy nhởn nhơ, các đèn cấp cứu cứ chớp tắt, các cần gạt nước hoạt động rồi ngừng, và tiếng còi hụ giảm nhỏ để hú lớn trở lại rồi tắt luôn, đèn quay trên nóc cũng tắt. Chiếc xe cứu thương bình thản tiến tới trước, chọn đường ra phi trường quốc tế của Memphis mà tòa nhà tuyệt đẹp sáng chói trong các ánh đèn của buổi tối mùa đông. Nó rẽ qua con đường dẫn xuống bãi đậu xe dưới hầm và ngừng lại trước hàng rào tự động, một bàn tay đầy máu đưa ra nhận lấy tấm vé, và chiếc xe biến mất trong đường hầm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

40#
 Tác giả| Đăng lúc 3-2-2013 19:12:31 | Chỉ xem của tác giả
3

Trong một hoàn cảnh khác, có thể Clarice Starling sẽ rất hân hoan đến viếng ngôi nhà của Crawford, tại Arlington, nhưng bản tin về cuộc đào thoát của Bác sĩ Lecter mà cô vừa nghe trên đài, làm cho cô không còn hứng thú nữa.
Đôi môi tê buốt, da đầu ngứa không chịu được, cô lái xe một cách máy móc. Cô tự nhủ không biết cái phòng có đèn kia, với rèm được kéo kín, có phải là của Bella không. Đối với cô tiếng chuông có vẻ quá to.
Chính Crawford mở cửa cho cô. Ông mặc một áo len đan dài tay quá rộng và đang nói chuyện trên máy điện thoại không dây.
- Là Copley gọi từ Memphis - Ông nói và ra hiệu cho cô đi theo trong khi ông vẫn càu nhàu trong điện thoại.
Tại nhà bếp, người nữ y tá lấy một lọ nhỏ ra khỏi tủ lạnh và đưa lên ánh sáng xem. Crawford nhướng mày lên nhìn cô ta, nhưng cô lắc đầu, không bà không cần sự giúp đỡ của ông.
Ông bước xuống bậc tam cấp và đưa Clarice vào trong phòng làm việc của mình, có lẽ là một nhà xe hai chỗ được biến đổi. Chỗ này rất rộng, có một đi văng, hai ghế bành và trên cái bàn ngổn ngang, nằm cạnh một máy đẳng cao, có ánh đèn xanh của một trạm cuối điện toán. Crawford mời cô ngồi vào ghế bành.
Ông bịt ống nghe lại.
- Clarice à, có vẻ như là một việc ngu xuẩn, nhưng Lecter không có đưa gì cho cô tại Memphis sao?
- Không.
- Không một vật gì hết à?
- Không gì cả.
- Cô có đưa cho ông ta mấy bức hình vẽ và những thứ linh tinh khác trong phòng giam của ông ta không?
- Tôi có đem theo nhưng chưa kịp đưa cho ông ta. Chúng vẫn ở trong túi xách tôi đây. Ông ta đã trả hồ sơ lại cho tôi. Chỉ xảy ra có bấy nhiêu đó giữa hai chúng tôi.
Crawford nói tiếp vào ống nghe.
- Copley, hoàn toàn là chuyện không đâu. Tôi muốn anh chấn chỉnh tên đó ngay. Anh hãy nói chuyện với ông sếp đó, với FBI. Đừng quên chuyển phần còn lại trên đường dây trực tiếp. Burroughs đang phụ trách việc này. Đúng vậy. Ông tắt máy và nhét nó vào trong túi.
- Cà phê nhé Clarice? Hay Coca?
- Chuyện gì với việc đưa đồ cho bác sĩ Lecter vậy?
- Chilton nói là cô đã đưa cho Lecter một vật gì đó giúp ông ta mở được khóa còng. Ông ta nói là cô không cố ý nhưng đơn giản có thể vì thiếu hiểu biết thôi. - Có khi đôi mắt của Crawford biểu hiện sự giận dữ tột độ. Ông đang quan sát xem cô phản ứng như thế nào về việc này. - Thế có bao giờ Chilton đã cố sờ mông cô chưa?
- Có thể lắm. Không sữa nhưng có đường, nếu có thể được. - Clarice đánh trống lảng.
Trong lúc ông đang ở trong nhà bếp, cô hít thở hai hơi thật dài và nhìn quanh. Khi người ta chỉ biết sống trong một phòng nội trú hay trong lán trại, sẽ là điều thích thú khi được trở về một ngôi nhà thực thụ. Cho dù mọi thứ quanh cô có sụp đổ đi nữa, cô rất vui sướng được nghĩ đến cuộc sống của gia đình Crawford.
Ông trở lại với hai tách, cẩn trọng bước xuống bậc tam cấp vì các mặt kính hai tròng. Với giày mọi, ông có vẻ nhỏ con hơn. Khi Clarice đứng lên để đón nhận cái tách, hai đôi mắt của họ gần như ở ngang tầm.
- Copley báo là họ chưa tìm lại được chiếc xe cứu thương. Gần như toàn miền Nam đầy rẫy cảnh sát.
- Tôi không biết rõ các chi tiết cho đến bản tin trên đài phát thanh... nói Lecter đã giết chết hai cảnh sát viên trong lúc trốn thoát.
- Hai nhân viên của nhà tù. - Crawford chờ bản tin đang hiện ra trên máy vi tính và làm một cử chỉ thô bạo. - Họ tên Boyle và Pembry. Cô đã làm việc với họ chưa?
Cô gật đầu.
- Chính họ đã... tống khứ tôi ra khỏi tòa án. Pembry, bối rối, cương quyết nhưng lịch thiệp bước nhẹ theo sau Chilton. “Hãy đi theo tôi, anh ta nói”. Anh ta bị chứng tước ban, các vết nâu trên bàn tay và trán. Bây giờ anh ta đã chết, trắng bệch dưới các đốm đỏ.
Clarice phải để ngay cái tách xuống bàn. Cô hít một hơi thật sâu, nhìn lên trần nhà.
- Ông ta làm như thế nào vậy?
- Copley báo cáo ông ta đã trốn thoát với một chiếc xe cứu thương. Nhưng chúng ta sẽ nói lại chuyện này sau. Kết quả của miếng giấy chậm acid đó như thế nào?
Clarice đã bỏ hết cuối buổi chiều và đầu giờ tối đi lang thang với tờ giấy Pluto trong Cơ quan phân tích khoa học, như Krendler đã chỉ đạo cô.
- Không có gì cả. Người ta cũng tìm trong hồ sơ của Cơ Quan Phòng Chống Ma Túy, DEA, nhưng nó đã lâu gần mười năm rồi. Có thể Cơ quan Thông tin sẽ thành công với việc in ấn hơn là DEA với chất ma túy.
- Nhưng đó là một tờ giấy chậm acid kia mà!
- Đúng vậy. Nhưng ông ta đã làm bằng cách nào, thưa ông Crawford?
- Cô thật sự muốn biết à?
Cô gật đầu.
- Vậy tôi nói cho cô biết. Họ đem Lecter vào trong xe cứu thương mà cứ nghĩ đó là Pembry bị thương nặng.
- Ông ta đang mặc đồng phục của Pembry à? Vóc dáng của hai người cũng gần bằng nhau.
- Ông ta mặc đồng phục của Pembry và một phần của khuôn mặt anh ta, thêm vào đó ông ta có lấy theo một mớ thịt của Boyle nữa. Ông ta đã cuốn cái xác của Pembry trong miếng vải bọc đệm bằng cao su và khăn trải giường trong xà lim, để máu không chảy ra ngoài và bỏ cái xác lên nóc thang máy. Ông ta mặc đồng phục, “hóa trang” rồi nằm dưới sàn, bắn mấy phát súng báo động. Tôi không biết ông ta đã làm gì với khẩu súng, có lẽ giấu nó ở trong đáy quần. Xe cứu thương và cảnh sát có mặt khắp nơi, súng cầm sẵn trên tay. Các y tá đã tiến hành việc cần thiết nhất và đưa một ống thở, đặt một băng nén tại vết thương nghiêm trọng nhất. Chiếc xe cứu thương không bao giờ đến được bệnh viện. Cảnh sát vẫn đang truy tìm nó. Tôi lo ngại cho mạng sống của mấy người y tá. Copley cho biết người ta đang xem lại các băng hình trong lúc tiếp nhận ông ta. Xe cứu thương được gọi đến ít nhất là hai lần. Người ta cho rằng Lecter đã gọi điện trước khi bắn mấy phát súng, để không phải chờ đợi quá lâu. Bác sĩ Lecter rất thích đùa mà.
Clarice chưa bao giờ cảm nhận quá nhiều đắng cay như thế trong giọng nói của Crawford. Và khi cô nghĩ được đó môt lúc yếu lòng, cô đâm ra hoảng sợ.
- Cuộc đào thoát này không chứng minh được việc Bác sĩ Lecter đã nói dối với tôi - cô nói - Dĩ nhiên ông ta có nói dối với một ai đó, hoặc với bà Thượng nghị sĩ Martin hoặc với chúng ta, mà cũng có thể là với cả hai. Ông ta xác định chính là Bill Rubin và ông ta không biết gì hơn. Ông ta nói với tôi hắn có thể tự cho mình là một người chuyển đổi giới tính. Điều cuối cùng ông ta nói là - ... tại sao cô không phá nốt nửa cái vòm còn lại đi?
- Tôi biết rồi, tôi đã đọc báo cáo của cô. Chúng ta đang trong đường cùng, trừ phi các bệnh viện chịu cung cấp tên cho chúng ta. Alan Bloom đích thân đến gặp các trưởng cơ quan. Họ bảo họ đang kiếm đấy, và tôi buộc phải tin vậy thôi.
- Thưa ông Crawford, ông đang gặp rắc rối đúng không?
- Người ta đề nghị tôi xin nghỉ phép vì lý do gia cảnh. Người ta cũng đã thành lập một toán khác gồm các thành viên của FBI, DEA và của văn phòng công tố, có nghĩa là Krendler.
- Ai chỉ huy?
- Chính thức là John Golby, phụ tá giám đốc của FBI. Cứ cho là chúng tôi làm việc chung với nhau. John được lắm, còn cô thì đang gặp rắc rối đấy.
- Krendler có bảo tôi phải trả huy hiệu và súng lại, sau đó trở lại trường học.
- Chuyện đó là trước khi cô đến gặp Lecter. Mới hồi trưa này, ông ta đã thả một quả bom đến FBI. “Một cách khách quan” ông ta yêu cầu trường hãy đình chỉ công tác trong khi chờ đợi cuộc tái thẩm định khả năng phục vụ của cô. Đúng là một hành động của một tên đê tiện. Vị huấn luyện viên tác xạ, John Brigham, biết được tin này trong cuộc họp giáo sư. Ông ta đã cho biết ý kiến của mình và sau đó báo ngay cho tôi.
- Có nghiêm trọng lắm không?
- Cô có quyền tự bảo vệ mình. Tôi sẽ bảo vệ năng lực của cô. Nhưng nếu cô vắng mặt nhiều hơn nữa, chắc chắn cô sẽ bị đào tạo lại. Và cô biết kết quả như thế phải không?
- Biết, người đó sẽ bị gởi đến một văn phòng địa phương đã tuyển mộ người đó. Người đó sẽ phụ trách hồ sơ, ngồi đó uống cà phê cho đến khi có một chỗ trống trong một khóa khác.
- Tôi có thể hứa cho cô một chỗ khác, nhưng tôi không thể ngăn cản việc họ bắt cô đi đào tạo lại, nếu cô không về trường kịp lúc.
- Nếu thế, tôi phải về trường lại và ngưng công việc đang làm hoặc...
- Đúng vậy.
- Nhưng ông muốn tôi phải làm sao đây?
- Công việc của cô là Lecter, cô đã làm xong. Tôi không đòi hỏi cô phải đối mặt với một cuộc đào tạo lại, việc này sẽ làm cho mất sáu tháng hoặc hơn thế nữa.
- Nhưng trong tất cả chuyện này, Catherine Martin thì sao?
- Hắn bắt cóc cô ta gần bốn mươi tám tiếng rồi, chính xác đến nửa đêm nay. Nếu chúng ta không bắt hắn kịp thời, hắn sẽ giết cô ta trong ngày mai hoặc mốt... nếu nó xảy ra giống như lần trước.
- Chúng ta không chỉ có Lecter.
- Người ta tìm được sáu tên William Rubin, tất cả đều có nhiều tiền án khác nhau. Dường như không người nào tương ứng cả. Không có tên William Rubin trong danh sách đặt mua tạp chí về côn trùng. Trong nghiệp đoàn thợ làm dao có xảy ra năm trường hợp cụm nhọt ngà voi trong mười năm sau này. Chỉ còn kiểm tra hai trường hợp nữa thôi. Gì khác nữa? Klaus không được nhận dạng, đúng hơn là chưa được. Interpol thông báo có một tầm nã quốc tế còn đọng lại tại Marseille, liên quan đến một thủy thủ Na Uy, mất tích khỏi một chiếc tàu buôn, một tên “Klaus Bjetland”. Na Uy đang lục lại hồ sơ anh ta để gửi đến đây. Nếu chúng ta có được gì từ các bệnh viện và nếu như có thời giờ thì cô có thể giúp chúng tôi đây. Này, Starling?
- Thưa gì cơ, ông Crawford.
- Cô trở về trường đi.
- Nếu ông không muốn tôi truy lùng hắn thì đáng lẽ ông không được đưa tôi đến nhà tang lễ, ông Crawford à.
- Phải, tôi nghĩ đúng ra tôi không nên làm thế. Nhưng như thế chúng ta không tìm được con côn trùng. Cô nên giữ lại khẩu súng. Ở Quantico, cô không gặp rắc rối nào đâu, tuy nhiên cô nên mang theo vũ khí mỗi khi cô ra ngoài, cho đến khi Lecter bị bắt hoặc chết.
- Còn ông? Ông ta thù ghét ông, ý tôi muốn nói là ông ta có đủ thời giờ để nghiền ngẫm trả thù ông.
- Như bao người khác trong nhiều nhà tù thôi, Starling. Có thể ông ta sẽ hành động, nhưng hiện giờ, ông ta có nhiều việc khác để lo nghĩ. Được tự do là thoải mái quá rồi và chắc hẳn ông ta không muốn phí sự tự do này.
Điện thoại trong túi quần của Crawford reo lên. Một cái khác trên bàn cũng nhấp nháy. Ông ta nghe một lúc rồi nói “Được rồi” và gác máy.
- Người ta báo cáo đã tìm thấy chiếc xe cứu thương trong bãi đậu xe ngầm tại phi trường Memphis. Buồn thật, cả hai nhân viên y tá đều chết ở phía sau xe.
- Starling, một người nào đó ở Viện Smithsonian có gọi điện cho Burroughs, để gửi một tin nhắn cho cô. Một tên Pilcher nào đó. Họ sắp nhận dạng được con vật. Tôi muốn cô viết một mẫu báo cáo 302 về việc này có ký tên để cho vào hồ sơ chính thức. Chính cô đã điều tra và tìm được con côn trùng đó và tôi muốn điều này phải được ghi trong hồ sơ. Cô sẽ làm việc đó chứ?
Clarice chưa bao giờ kiệt sức đến mức này.
- Đương nhiên rồi.
- Cô hãy bỏ xe vào gara đi. Jeff sẽ đưa nó về Quantico sau khi hoàn tất công việc.
Trêm bậc tam cấp, cô quay đầu lại nhìn khung cửa sổ có đèn với rèm được kéo kín, nơi mà phía sau đó, một nữ y tá đang canh chừng, rồi cô xoay lại nhìn Crawford.
- Tôi luôn nghĩ đến hai người, thưa ông Crawford.
- Cám ơn, Starling.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách