Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Tác giả: grace_Mk
Thu gọn cột thông tin

[Other] Ý nghĩa các loài hoa

[Lấy địa chỉ]
 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:10:33 | Xem tất
Truyền thuyết hoa layơn

Hoàng đế La Mã Bácbagalô ra lệnh treo cổ tất cả các tù nhân Phơranki chỉ để lại hai chàng trai khoẻ mạnh và đẹp nhất, đó là Têrét và Xép. Ông dẫn hai chàng về La Mã và đưa vào trường đấu.
Hai chàng bị nỗi buồn nhớ quê hương, nỗi cay đắng vì mất tự do và thân phận nô lệ thấp hèn hành hạ khôn nguôi. Họ chỉ cầu xin Chúa một điều là được chết ngay tức khắc. Nhưng Chúa không bận tâm đến những lời thỉnh cầu của họ. Ngày lại ngày qua, hai chàng vẫn sống bình yên và khoẻ mạnh.



- Phải chăng Chúa đã sắp đặt cho chúng ta một số phận khác rồi - một hôm Têrét nói với Xép - và có thể những người này còn muốn dạy cho chúng ta bài học phải biết sử dụng thành thạo thanh gươm để rửa mối nhục cho dân tộc ta chăng?

- Nếu đến cả Chúa cũng không đủ sức che chở cho dân lành thì chúng ta làm điều đó sao được? - Xép thở dài nặng nề, nói với Têrét.

- Ta phải cầu xin nữ thần để bà nói cho chúng ta biết điều gì đang đợi chúng ta ở phía trước. - Têrét nói và được Xép đồng tình.

Một buổi sáng, Têrét kể cho Xép nghe về giấc mơ đêm qua của chàng, Têrét mơ thấy chàng cầm thanh gươm bước lên đấu đài, còn Xép cũng cầm thanh gươm bước ra thách đấu. Họ lúng túng nhìn nhau, còn đám đông la ó ầm ĩ đòi các chàng trai phải bắt đầu cuộc giao chiến. Trong khi không người nào vung gươm trước về phía bạn mình để gây chuyện bất hạnh cho nhau, bỗng một cô gái La Mã xinh đẹp chạy lại gần Têrét và nói: "Hãy giành chiến thắng, chàng sẽ được tự do và tình yêu của ta! Têrét vung gươm lên, nhưng ngay khoảng khắc ấy, từ lòng đất vang lên một tiếng thét: "Hãy hành động theo trái tim!"
- Kìa, dường như em đã chứng kiến giấc mơ của ta! - Xép kinh ngạc thốt lên.

Trước lúc trời tối, khi đám bạn bè từ đấu trường trở về nhà hết, hai chàng bắt gặp cô gái La Mã dũng cảm, đó là ốctavia và Lêôcácđia, các con gái của Bácbagalô. Têrét và ốctavia, cả hai cùng không hẹn mà đưa mắt nhìn nhau. Họ không sao rời mắt khỏi nhau được nữa, vì vậy họ không hề biết  giữa Xép và Lêôcácđia cũng đã xảy ra một chuyện tương tự như thế.

Tình yêu đâu phải lúc nào cũng mù quáng, mà trái lại rất sáng suốt, và những người yêu nhau bao giờ cũng tìm thấy lối thoát để được ở bên nhau, ngay cả khi giữa họ xuất hiện một vực thẳm giống như vực thẳm ngăn cách người chiến thắng và kẻ chiến bại. Đã từ lâu, Bácbagalô không còn nghi ngờ gì về việc các con gái của ngài vẫn bí mật gặp gỡ hai tù nhân. Và ngài có ý chờ xem ốctavia cũng như Lêôcácđia có dám thú nhận tình yêu mù quáng của mình với Têrét và với Xép không. Bácbagalô rất hiểu tính nết cương trực của các con mình, ngài không nỡ bỏ tù chúng, không ngăn cấm được chúng gặp gỡ người tình một cách vội vã. Ngài chỉ báo cho các con biết rằng, sắp tới, hai tù nhân Têrét và Xép sẽ phải so gươm với nhau, và kẻ nào chiến thắng kẻ ấy sẽ được tự do. Bácbagalô khát máu hy vọng rằng hai đấu sĩ kia sẽ giáp chiến không phải vì cuộc sống mà là vì cái chết, và cả hai sẽ phải rời khỏi cõi đời này, chỉ có điều sự thật ấy thì người đến xem không thể thấy được.

Tất cả đều diễn ra như dự đoán của Bácbagalô. ốctavia khích lệ Têrét phải bằng mọi cách để giành được chiến thắng và chàng sẽ được tự do; Lêôcácđia cũng khích lệ Xép như vậy. Hai chị em bỗng dưng trở thành kẻ thù của nhau, vì người nào cũng muốn bảo vệ hạnh phúc của mình - hạnh phúc được đổi bằng nỗi bất hạnh của kẻ kia.

Ngày diễn ra trận đấu bắt đầu. Đấu trường chật ních công chúng. Ngay ở hàng ghế thứ nhất, có Bácbagalô và các con gái.

Khi Têrét và Xép, mình trần như các chiến binh Phơranki bước ra đấu đài, họ giơ cao các thanh gươm lấp loá và hô: "Những người đi tìm cái chết gửi lời chào em!" Lập tức đám đông reo hò vị bị kích động. ốctavia đưa mắt khích lệ Têrét. Lêôcácđia dùng ngón tay cái dùi xuống thấp vừa chỉ vào Têrét vừa gật đầu với Xép.

Các đấu sĩ nâng gươm lên chuẩn bị giao chiến. Bầu không khí căng thẳng trùm lên đám khán giả, các cô gái thì chết giấc.

Nhưng đúng khoảng khắc mà Têrét xỉa gươm để đâm vào ngực Xép, bỗng anh nghe thấy tiếng trái tim mình thôi thúc.

- Hỡi chàng trai Phơrăngkít Têrét, chàng sẽ trả lời thế nào trước người mẹ Tổ Quốc về việc chàng đã sát hại đứa con trai của bà?

Câu hỏi ấy cũng vang vọng trong trái tim của Xép, và cùng lúc đó hai đấu thủ đã lao vào ôm hôn nhau, khiến đám đông la ó phẫn nộ:

- Hai đứa phải chết!

ốctavia chồm lên hét:

- Têrét, hãy chiến đấu vì hạnh phúc của đôi ta! Cũng những lời lẽ ấy, Lêôcácđia khích lệ Xép.

Têrét, sau khi vung gươm lên làm yên lòng khán giả, bèn ngẩng cao đầu một cách kiêu hãnh và nói:

Các người có sức mạnh hơn, các người đã biến chúng ta thành nô lệ, nhưng các người đừng hòng buộc chúng ta phải làm những kẻ hèn hạ! Các người có thể giết chúng ta, song các người không phải là kẻ chiến thắng!

Dứt lời, chàng bèn cắm thanh gươm của mình xuống đất; Xép cũng làm như vậy.

Bácbagalô ra hiệu cho các chiến binh nổi loạn. Khi xác của Têrét và Xép được đưa ra khỏi đấu trường, một chuyện kỳ lạ đã xẩy ra: những thanh gươm được cắm xuống đất cứ kêu leng keng, và ngay trên mảnh đất có hai thanh gươm ấy đã mọc lên những bông hoa. Những bông hoa người đời vẫn thường gọi: HOA LAY ƠN.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:12:53 | Xem tất
Truyền thuyết hoa hải đường

Truyền thuyết hoa hải đường
Khi linh mục Kamêli được phái tới Nhật Bản để truyền đạo thì ông không ngờ rằng ông lại bắt gặp ở đây những vị thần có khả năng quyến rũ cả những cha cố tiếng tăm. Ông thề rằng ông sẽ tránh xa mọi cám dỗ trần thế và tự hành hạ mình bằng cái đói và cái khát. Bởi vậy các thầy học của ông và bản thân ông đều tin rằng với sự trong sáng của mình ông rất đáng được ơn huệ của Chúa và Chúa sẽ giúp ông biến những người Nhật Bản lầm lạc theo đạo.


Ở Nhật Bản, trong lúc chuẩn bị cho công việc đại sự, cứ chiều chiều ông lại vào rừng nhặt nhạnh các rễ cây và bắt châu chấu đem phơi khô dành cho mùa đông. Phải nói rằng số lượng lớn châu chấu mà ông kiếm được là ở trên các cành của một cái cây lớn. Châu chấu nhiều đến nỗi dù ông cố bắt hết thì sang chiều hôm sau chúng lại phát triển thành bầy nhung nhúc.

Vào một buổi chiều nóng bức, Kamêli dừng chân trong một làng xa, kể chuyện cho những người nông dân nghe về buổi truyền đạo trên núi và mãi tới tận nửa đêm ông mới tới được cái cây lạ lùng kia. Mặt trăng tròn vành vạnh nhô cao trên đỉnh rừng, cây cối đứng im lìm tựa như đã thấm mệt, còn lũ châu chấu thì im lặng hoặc có thể vị linh mục đã quá quen với tiếng kêu ri rỉ của nó đến nỗi chẳng buồn nghe nói nữa.

Khi Kamêli chắp hai tay vẻ thành kính và ngước lên trời tạ Thượng Ðế vì ơn huệ của một ngày qua thì trong đám lá cây bỗng vang lên tiếng cười ngọt ngào của một thiếu phụ.

- Ha Ha Ha! – một sinh vật như một chú thỏ, thoăn thoắt nhảy từ cành nọ qua cành kia, phô hàm răng trắng xoá.

“Một kẻ vô đạo đã phái con quỷ này đến cám dỗ ta đây” – Kamêli quả quyết. Sau cái khoát tay của ông, con quỷ dường như hưng chí hơn, nó liền nhảy ngay xuống cành cây thấp nhất và bắt đầu huơ huơ đôi chân trắng ngay trên đầu vị linh mục.

Kamêli lùi lại vài bước, chăm chú nhìn cái sinh vật kỳ dị kia. Toàn thân nó được bao bọc một lớp xanh hoà lẫn trong màu xanh lá cây, chỉ có đôi chân trắng muốt và cái đầu nhỏ tóc vàng lấp loá ánh trăng là thấy rõ và được thu lại tựa một bông hoa sặc sỡ đang kỳ nở rộ.

- Ngươi là ai? – tu sĩ hỏi

- Hi hi! Ha ha!

- Ngươi là nữ nhi ?

Sinh vật lắc đầu quầy quậy

- Vậy ngươi là ai? Tên ngươi là gì?

- Ta là Ðơriađa, linh hồn của cái cây này, – đầu tóc vàng thú nhận – Ta đến để tạ ơn ngươi vì ngươi đã làm cho thân cây của ta sạch bóng lũ châu chấu tanh hôi.

Nói xong, hồn cây nhảy luôn vào lòng bàn tay của tu sĩ, đoạn ôm chầm lấy ông và gắn vào bộ râu của ông một nụ hôn. Kamêli lúng túng đến nỗi đáng lẽ phải đẩy cô gái rừng xanh ấy ra xa thì ông lại kéo diết cô ta lại phía mình và cứ để nguyên giây phút kỳ diệu như thế trong đời một hồi lâu.

- Ta không thể ở lại với nhà ngươi lâu hơn được nữa, – Ðơriađa thì thào – nếu không cái cây của ta sẽ khô héo mất.

Con quỷ vùng ra khỏi tay ôm của Kamêli và nhảy lên một cành cây xanh.

Chỉ đến lúc này vị tu sĩ mới hiểu rằng ông đã phá bỏ lời thề về sự trinh trắng và ông trở về nhà trong tâm trạng đầy u uất. Biết làm sao được? Liệu ta có còn xứng đáng là một vị linh mục nữa hay không?

Cho đến tận đêm khuya lạnh lẽo cái đầu bốc lửa của Kamêli mới nguôi ngoai được đôi chút. Ông bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về những sự việc vừa xảy ra. Ông đã phá bỏ lời thề rồi ? Người đã hôn ông không phải là một thiếu phụ mà là một linh hồn, bởi vậy, cái hôn này chẳng phải đem lại niềm vui sướng xác thịt. Nàng không phải là phù thuỷ, nếu không nàng đã biết sợ dấu hiệu của nhà thờ. Phải, trong kinh thánh không hề nói đến chuyện tiếp xúc với thần linh, như vậy là đã phạm tội. Sau khi tự trấn an như vậy, vị linh mục thấy tự tin hẳn lên.

Nửa đêm hôm sau, bị tính tò mò thôi thúc, Kamêli lại đến trước cái cây lạ.

- Ðơriađa! – Ông cất tiếng gọi và dừng lại dưới một chiếc lá to bản.

- Hi hi! Ha ha! – Một tiếng cười hỉ hả cất lên. Và qua tiếng lá cây sột soạt có thể đón ra cô gái rừng xanh đang tụt xuống đất.

Ngay từ lúc trưa, vị tu sĩ đã nghĩ cách giải thích lý do ông trở lại chỗ cây này. Khi Ðơriađa đã ngồi trên một cành cây thấp, ông không hề lúng túng thanh minh :

- Tôi đến để xem lũ châu chấu có còn quấy rối các cây của bà nữa không.

- Một tên vô lại nào đó đã leo lên tận ngọn cây rồi, – Cô gái rừng xanh than phiền – nếu ngươi bắt được nó, ta sẽ rất biết ơn ngươi.

Kamêli quấn hai vạt áo quanh thắt lưng và thoăn thoắt leo lên cây. Một con châu chấu đã bị tóm và ông đã được thưởng công xứng đáng.

Cả lũ châu chấu đã bị diệt gọn, song Kamêli không hề lúng túng, nghĩ cách đoạt được nụ hôn của Ðơriađa. Mùa đông đã đến gần, không khí bắt đầu nhuốm lạnh. Trong một đêm Ðơriađa đã nói với Kamêli :

- Ngày mai ngươi đừng đến đây nữa. Trước mùa xuân, cái cây phải nghỉ ngơi và ta sẽ cùng nghỉ với nó.

Cái tin lạ lùng khiến Kamêli sửng sốt. Ông sẽ sống ra sao đây nếu thiếu niềm vui? Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, rồi nhiều tháng cứ qua đi thì sao? Còn linh hồn dịu dàng – Ðơriađa – hẳn nàng đang bị chết cóng trong hốc cây. Không, phải nghĩ ra một điều gì đó, phải làm một cái gì đấy để cứu nàng.

Giá như còn thời gian hẳn Kamêli sẽ nghĩ ra được điều gì đấy, nhưng bây giờ chẳng còn thời gian để nghĩ nữa, cần phải hành động. Ông túm lấy cô gái rừng xanh, giấu dưới vạt áo rộng và đem về nhà mình. Suốt dọc đường Ðơriađa đành câm miệng hến, chỉ khi bước vào gian phòng mà vị linh mục đặt nàng xuống giường, nàng mới kêu lên:

- Ngươi làm cái trò gì thế ? Giờ này chắc cái cây của ta đang bắt đầu chết héo….

- Mặc cho nó chết héo. Chẳng lẽ trong rừng hiếm cây sao? Kamêli an ủi nàng.

- Ông hiểu việc đó như thế nào. Nếu cái cây của tôi khô héo thì tôi sẽ chết. – Ðơriađa nói, giọng buồn bã.

- Ðó là chuyện nhảm nhí, ta sẽ giải phóng nàng khỏi nơi này. – Vị tu sĩ thề thốt.

Tới mùa xuân, khi các lá cây bắt đầu trổ màu xanh, Ðơriađa cứ yếu dần và ngày rộc hẳn đi.

- Hãy trả ta về với cây của ta! – Nàng khẩn khoản nói với Kamêli và ông đã sẵn sàng thực hiện yêu cầu của nàng, đồng thời hy vọng không khí mùa xuân sẽ chữa cho Ðơriađa lành bệnh.

- Thật là đau khổ! – Ðơriađa kêu lên khi Kamêli đặt nàng ngồi trên cành cây thấp – Cái cây của tôi đã chết rồi.

Trước mắt Kamêli nàng cứ tự tan biến đi và hoà lẫn vào cây xanh : Mãi tới một ngày kia, hệt như bông hoa lộng lẫy, mớ tóc hung hung của nàng bừng đỏ lên, rồi sau đó chúng cứ lấp loáng.

- Xin nàng đừng bỏ đi, hãy nói với ta, dù chỉ là đôi lời!

Kamêli thất vọng cầu xin và ông đã nghe được giọng nói yếu ớt đáp lại:

- Trên đỉnh ngọn cây kia vẫn còn hơi thở nóng hổi của cuộc sống. Hãy bẻ lấy một nhành cây trên đó và đem trồng ngay xuống đất.

Kamêli bẻ ngay một cành cây tươi và đau đớn trở về nhà. Ít lâu sau, từ cành cây đó mọc lên một bụi cây và nở ra những bông hoa đỏ sặc sỡ.

Vài năm sau, vị tu sĩ già từ Nhật Bản trở về Châu Âu. Ông là người duy nhất mang theo về một chậu hoa mà ai cũng phải trầm trồ. Kamêli đặt tên nó là Hoa Ðơriađa nhưng người đời không thể nhập tâm được một cái từ khó đọc như vậy nên đã gọi tên hoa bằng tên vị linh mục: Kamêli – Hoa Hải Ðường.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:14:15 | Xem tất
Truyền thuyết hoa phượng

Ngày xưa, xưa lắm, ở một vùng đất đồi kia, có một ông thầy dạy võ nổi tiếng về tài đánh kiếm. Vợ ông chết sớm, ông thương vợ, không lấy ai nữa nên ông không có con. Ông đi xin năm người con trai mồ côi ở trong vùng về làm con nuôi. Ngoài những giờ luyện võ, ông lại cho năm người đi học chữ, vì ông muốn năm người cùng giỏi võ, giỏi văn.



Tuổi năm người con xấp xỉ ngang nhau. Năm ấy, họ chỉ mới mười ba, mười bốn… Người nào học cũng khá và tài múa kiếm thì nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng dễ nhận được họ vì ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, để mặc ra đường. Thương bố nuôi nên năm người con rất biết nhường nhịn nhau và yêu quý mọi người trong làng… Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Tiếng kêu khóc và lòng oán giận cứ lan dần, lớn dần. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ. Chỉ cần đạp nhẹ một cái cũng làm bật gốc được một thân cây to. Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn nữa là chỉ thích ăn toàn xôi gấc chứ không thích ăn cơm, mỗi lần hắn ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn. Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Tay chân ông bị co quắp cả lại. Cụ lang giỏi nhất vùng đến xem bệnh và chỉ biết là ông uống phải thuốc độc. Ai cũng nghi tên tướng giặc đã ngầm cho những kẻ chân tay của hắn đi tìm giết trước những người tài giỏi trong nước. Người thầy dạy võ vừa uống thuốc, vừa ngày đêm ra sức tập luyện để tay chân mình lại cử động được như xưa. Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa, dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng.

Hắn thấy ông thầy dạy võ đang lấy chân đạp vào một gốc cây sung to. Cây sung lúc đầu bị rung khe khẽ, rồi mỗi lúc rung một mạnh hơn. Sau đó, ông nhấc một cái cối đá to đưa lên, đưa xuống, vẻ còn mệt nhọc. Tên tướng giặc cười phá lên rồi xuống ngựa giơ chân đạp nhẹ vào thân cây sung. Thế là cây sung bị gãy ngang và ào ào đổ xuống. Hắn lại nhẹ nhàng đưa một tay tóm lấy cái cối đá ném vứt đi, như ta ném một hòn gạch con và cho rơi ùm xuống cái ao lớn gần đấy. Hắn gọi mấy tên quân đến trói chặt ông thầy dạy võ lại rồi bảo:

- Tao nghe mày muốn đi đánh tao phải không? Bây giờ thì mạng mày nằm trong tay tao rồi! Muốn sống thì hãy giết một con bò tơ, lọc năm mươi cân thịt ngon nhất, nấu một nong xôi gấc rồi mang đến chỗ ta đóng quân ở trên ngọn đồi giữa làng. Phải đội trên đầu mà đi chứ không được gánh. Đi luôn một mạch, không được dừng lại hay đặt xuống nghỉ. Đội thịt đến trước! Đội xôi đến sau!

Nói xong hắn ra lệnh cởi trói cho ông. người thầy dạy võ giận tím ruột, tím gan nhưng chẳng nói gì. Lúc ấy năm người con đang đi vắng, họ phải đi học chữ xa làng và lại sắp đến mùa thi. Không ai dám rời cái bút cái nghiên. Nhưng vừa nghe tin giặc kéo đến làng, họ lập tức đeo gươm vào người mà xin thầy cho về. Về đến nhà, nghe bố kể chuyện lại, năm người con nổi giận muốn chạy đi tìm tên tướng giặc hung ác để giết ngay. Người bố liền khuyên:

- Không được! Lúc nào quân lính của hắn cũng vây quanh, khó mà đến gần. Ngọn thương của hắn lại có thể đâm chết người từ rất xa. Các con cứ bình tĩnh, ta đã có cách khử nó!

Người cha đi vay tiền mua một con bò tơ, mổ thịt rồi lọc lấy năm mươi cân thịt ngon nhất để vào một cái nia to. Ông lại đi vay ba gánh nếp trắng, đi xin ba chục quả gấc đỏ, nấu một chục nồi xôi thật dẻo. Ông đội nia thịt bò tơ đến trước. Chân ông còn đau, năm mươi cân thịt đội trên đầu không phải là nhẹ. Ông đội nia đi, mồ hôi vã ra đầy trán. Tên tướng giặc thấy ông đội thịt đến, mồm cứ nuốt nước bọt ừng ực. Hết nuốt nước bọt ừng ực, hắn lại khoái trá cười to. Còn người đội thịt thì bấm ruột chịu đựng và nghĩ thầm: “Cho mày cứ cười rồi mày sẽ biết…” Tên tướng giặc cười nhận thịt xong quát to lên và giục:

- Còn nong xôi nữa, mày về đội đến đây ngay!

Người thày dạy võ lại về đội nong xôi đến. Nong xôi to và nặng hơn nia thịt nhiều. Nhưng xôi nấu ngon và nhìn đẹp quá. Ông đội nong xôi đi đến đâu, ở đó cứ thơm lừng. Mới đi được nửa đường, mồ hôi ông đã vã ra đầy mặt, đầy người. Đôi chân ông mỗi lúc một yếu, cứ run lẩy bẩy. Cái cổ cứ như muốn gãy gập lại. ông vẫn bặm môi, cắn răng và bắt đầu leo lên đồi. Tuy mệt lử nhưng đôi mắt ông sáng quắc và lòng ông rất vui. Ông tự nhủ: “Gắng lên! Chỉ cần một lúc nữa, một lúc nữa…” Tên tướng giặc ngồi trên cao theo dõi, vừa hả dạ, vừa lo lắng.

Hắn nghĩ: “Thằng này không bị thuốc độc của ta thì khó mà trị được nó. Mà ngay bây giờ, hắn vẫn là một tay đáng sợ”. Cái nong xôi gấc to lớn, thơm lừng vẫn lù lù tiến lên đồi. Mặt người đội xôi tái hẳn lại. Chỉ có đôi mắt. Đôi mắt vẫn sáng quắc. Nong xôi có lúc lảo đảo, ngả nghiêng, nhưng liền đó lại gượng lại, rồi nhích dần lên. Tên tướng giặc vội giật lấy thanh gươm của tên lính hầu rồi đứng phắt dậy, phóng gươm đi. Đường gươm sáng rực lên như một tia chớp, cắm vào bụng người thầy dạy võ làm ông chực gục xuống. Nhưng ông đã gượng đứng thẳng lên và đưa tay rút lưỡi gươm ra, phóng lại vào ngực kẻ thù. Tên giặc tránh được.

Bỗng từ trong nong xôi, năm người con nằm quây tròn được xôi phủ kín, đã vung kiếm nhảy ra và như năm làn chớp đâm phập cả vào ngực tên giặc ác. Tên tướng giặc không chống đỡ kịp, rú lên một tiếng rung cả ngọn đồi rồi ngã vật xuống. Thấy tướng đã chết, bọn lính giặc hoảng quá, kéo nhau chạy bán sống bán chết. Dẹp giặc xong, năm người con trai trở về ôm lấy xác người bố nuôi khóc vật vã mấy ngày liền. Cả làng cùng năm người con lo chuyện chôn cất rất chu đáo. Dân làng mỗi người một nắm đất đắp cho ngôi mộ ông thày cao lên.

Thương bố nuôi, năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây con, một giống cây có lá đẹp như thêu và có nhiều bóng mát. Hàng năm, đến ngày giỗ bố, họ lại đem áo đỏ ra mặc. Họ nhớ tiếc người thầy dạy võ đã có công giết giặc cứu dân. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người bố cũng lần lượt ra hoa màu đỏ thắm, đúng vào ngày giỗ người thầy dạy võ. Hoa đỏ như muốn nói với mọi người rằng: tuy chết đi, nhưng năm người con vẫn yêu thương người bố nuôi và hàng năm đến mùa giỗ bố, họ lại mặc áo đỏ để tưởng nhớ người đã khuất…

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:15:24 | Xem tất
Truyền thuyết hoa huệ tây

Những giọt nước mắt nào có giúp được gì! Giắc sẽ phải lên đường chinh chiến ở một xứ xa lạ, đành bỏ lại Lilia, người vợ chưa cưới của mình trên đất Pháp. Lúc chia tay, Giắc rút trái tim ra khỏi lồng ngực mình, trao cho Lilia và nói:



- Đã là chiến binh thì phải sống không có tim. Trái tim chỉ gây phiền hà cho ta. Nàng hãy giữ lấy nó chờ ta về.

Lilia giấu trái tim của Giắc vào một cái tráp bạc và từng ngày, từng ngày chờ đợi người yêu quay trở về. Với một người đang trông đợi thì thời gian mới chậm chạp làm sao! Một ngày dài bằng cả năm, một năm bằng cả thế kỷ. Dù Lilia có làm gì và có đi đâu thì cái nhìn của nàng lúc nào cũng hướng về phía mà Giắc đã ra đi. Nàng đã mất thói quen tính ngày, tính tháng. Một lần nàng rất phẫn uất khi người cha nói với nàng:

- Con gái của ta, thế là đã mười năm trôi qua kể từ ngày người yêu cả con xông pha nơi trận mạc, không chắc nó có hồi hương. Đã đến lúc con phải lo tấm chồng khác rồi đấy.

- Cha ơi, cha mà lại nói với con như vậy ư? - Nàng đau đớn nói với cha Giắc đã trao trái tim của chàng cho con rồi và bây giờ trái tim ấy đang ở chỗ con, con không thể nào quên Giắc được đâu cha ạ.

Người cha chỉ biết lắc đầu, thở dài não nuột. Chắc chắn là ông không thể sống cho đến ngày ông được bế trên tay một đứa cháu trai.

Lại mười năm nữa qua đi, cuộc chiến cũng vừa tàn, các chiến binh lục tục trở về, người thì chống nạng, kẻ thì tay áo lủng lẳng. Lilia chờ đợi Giắc, nàng hỏi tin chàng khắp nơi, nhưng vẫn chẳng nhận thêm được điều gì.

- Có lẽ chàng đã phải lòng người con gái khác và ở lại xứ người rồi, - có lần em gái Lilia tỏ ý nghi ngờ, song Lilia không thể tin điều đó.

- Chàng có thể yêu người khác sao được một khi trái tim chàng đang còn ở chỗ ta? Một người không có tim thì không thể yêu được!

Chiến tranh đã qua rồi, nhưng một con người không có trái tim như Giắc, suốt trong những năm tháng ấy chỉ quen chém giết, cướp bóc không biết ghê tay, bây giờ chàng sống theo kiểu khác rồi. Chàng trở thành thủ lĩnh một băng cướp ở xứ người và nhiều khi còn trấn lột vàng bạc của quý của người qua đường.

Khi tên cướp già Pie bị ốm, Giắc đã thẳng tay đuổi ra khỏi băng cướp. Sau này, khi quyết định phải trả thù thủ lĩnh, Pie liền tìm đường về quê hương của Giắc với mong muốn kể cho họ hàng thân thích và người quen biết Giắc hiểu rõ rằng, Giắc đang làm một công việc tầm thường như thế nào.

Pie phải đi mất cả chục năm mới về tới nước Pháp vậy mà vẫn không tìm thấy làng quê của Giắc. Và người đầu tiên mà gã ta gặp là một bà già tóc đã bạc phơ, có cái nhìn khắc khoải.

- Bà có biết Giắc không? - Pie hỏi

- Ôi lạy chúa, ông hỏi tôi về chuyện gì vậy? - người đàn bà kêu lên - Giắc là chồng chưa cưới của tôi, là người tôi đang mòn mỏi trông chờ, tôi không biết sao được? Hãy làm ơn nói mau, hiện chàng đang ở đâu và chàng đã gặp điều gì chẳng lành?

Pie thấy trong cặp mắt người đàn bà vẫn còn đang cháy lên niềm hy vọng, và gã hiểu ngay rằng bà vẫn còn yêu Giắc cháy bỏng như thời còn son trẻ. Gã không nỡ nói hết sự thật kinh hoàng về Giắc.

- Vậy ra bà là vợ chưa cưới của Giắc đấy! Pie thốt lên.

- Phải, tôi là Lilia, chúng tôi đã thề nguyện với nhau.

- Ôi, tôi mang đến cho bà một tin buồn - Pie cụp mắt xuống - Giắc đã lao vào cuộc chiến như một dũng sĩ. Anh ấy mới yêu bà làm sao! Trước lúc nhắm mắt, anh ấy cứ nhắc mãi cái tên của bà - Lilia.

"Giắc của ta đã chết và đã yên giấc ngàn thu - Lilia đau buồn nghĩ - Nhưng chàng nằm xuống đất sao được khi chàng không có tim? Ta phải đi tìm mộ chàng và trả lại cho chàng trái tim nhân hậu đáng yêu".

Ôm cái tráp bạc, Lilia bắt đầu một cuộc hành trình gian khổ đến những miền đất xa xôi. Bà mất cả thói quen tính ngày, đếm tháng, nhưng gặp ai bà cũng hỏi thăm đường. Mọi người can ngăn bà không nên đi tiếp khi chỉ có một mình, vì biết đâu sẽ gặp bọn cướp ác độc, song Lilia không nghe. Quả nhiên, đến một khúc đường ngoặt, bà bị mấy tên cướp râu xồm trấn mất cái tráp đựng báu vật. Bà khóc lóc, vật nài, kể lể về mối tình bất hạnh của mình với Giắc, nhưng tất cả điều đó không hề làm bọn cướp động lòng. Bọn cướp mang cái tráp về dâng thủ lĩnh. Chúng vừa cười hô hố vừa thuật lại chuyện một bà già mất trí đi tìm mộ chồng để trao cho chồng trái tim mà ông ta đã trao cho bà làm tin trước lúc ra trận.

Trong lúc bối rối, thủ lĩnh toán cướp bèn mở tráp ra và trông thấy trái tim của chính mình mà bao năm tháng qua đã bị mất. Và thật lạ lùng, trái tim đã nói với người chủ của nó bằng tiếng nói của con người:

- Nếu còn là người, chớ có nói cho Lilia biết người là cái hạng gì. Hãy cứ để cho Lilia tin rằng người đã chết, như vậy bà ta sẽ giữ được trọn vẹn những kỷ niệm tốt đẹp về người.

Giắc vội vàng đậy nắp tráp lại và ra lệnh cho bọn đàn em phải đem trả lại ngay cho bà già, đồng thời phải chỉ cho bà thấy một nấm mộ cỏ mọc xanh rì, làm như đó là mộ của Giắc. Dọc đường đi, bọn cướp quyết định giữ cái tráp lại, song chúng vẫn không quên chỉ cho Lilia nấm mộ theo ý của Giắc.

Người đàn bà bất hạnh giờ đây vẫn còn mang tình yêu với Giắc như hồi còn trẻ, và bà không nỡ rời bỏ Giắc khi Giắc không có trái tim bên mình. Thế rồi bà đã lôi trái tim từ lồng ngực của mình ra vùi xuống nấm mộ, nơi bà nghĩ có hài cốt của Giắc.

Từ nơi trái tim ấy đã mọc lên một bông hoa, mà đời nay vẫn gọi là HOA HUỆ TÂY. Loài hoa tượng trưng cho sự trinh trắng, lòng chung thuỷ và cao thượng.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:17:08 | Xem tất
Truyền thuyết hoa mẫu đơn

Qua cuộc tuần du, nhiều cuộc bạo loạn nổi lên khắp nơị Tùy Dạng Đế bị cận thần sát hại dẫn đến nhà Tùy mất ngôi, Lý Thế Dân đứng lên lập nên nhà Đường.
... Đến đời Đường Cao Tông, say đắm Võ Hậu, lúc Vua băng hà con còn nhỏ, Võ Hậu chuyên quyền nhiếp chánh hãm hại công thần, tự xưng vương, đổi nhà Đường thành nhà Đại Châu, xưng hiệu Võ Tắc Thiên hoàng đế.

Một hôm, Võ Tắc Thiên ngự du vườn thượng uyển nhìn cỏ cây xác xơ trơ trọi liễu đào ủ rũ điêu tàn, liền truyền lệnh bằng bài tứ tuyệt khắc ngay cửa vườn:
Lai triều du thượng uyển - Hỏa tốc báo xuân trị
Bách hoa liên dạ phát - Mạc đãi hiểu phong xuỵ
Dịch: (Bãi triều du thượng uyển - Gấp gấp báo xuân haỵ
Hoa nở hết đêm nay - Đừng chờ môn gió sớm).
Linh ứng thay! Trăm hoa phụng mệnh, chỉ trong một đêm bừng nở khắp vườn, mùi thơm sực nức nhân gian! Rạng sáng hôm sau, Võ Tắc Thiên dạo vườn trông muôn hồng ngàn tía ngoan ngoãn đua chen nở rộ, lấy làm tự mãn cho rằng quyền uy tột đỉnh. Bất giác, bà Chúa bạo dâm Võ Tắc Thiên nhìn đóa Mẫu Đơn bất tuân thượng mệnh, thân cây khẳng khiu cứng cỏi, không hoa lá. Giận thay cho loài hoa ngoan cố, Võ Tắc Thiên ra lệnh đày Mẫu Đơn xuống tận Giang Nam.

Do đó, vùng Giang Bắc thiếu vắng loài hoa vương giả, biểu trưng cho quốc sắc thiên hương nhằm ám chỉ tuyệt sắc giai nhân. Người đương thời thấy vậy dệt bài Phú Ngọc Lâu Xuân Tứ nhằm thương hại và tán thán vẻ đẹp, sự khẳng khái của hoa Mẫu Đơn, thà chịu cảnh phong trần lưu lạc tự giải phóng cuộc đời chớ không làm vương giả chốn kinh đô, chịu giam mình trong vườn hoa tù hãm của bạo chúa, đem sắc đẹp hương thơm ban rải cho mọi người để được dự phần thanh caọ

Đó là truyền thuyết hoa Mẫu Đơn được đời sau dệt thành giai thoại đầy hấp dẫn qua thuyết Đường của Trung Quốc biểu thị cho người đời suy gẫm Hoa và Người: Ai là người xứng đáng thưởng hoa và hoa phải thế nào cho con người thưởng ngoạn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:19:56 | Xem tất
Truyền thuyết hoa hồng trắng

Câu chuyện này xảy ra vào thời mà những khu vườn còn ngập tràn cỏ dại, các loài hoa rất hiếm và chưa có hương thơm, còn hoa hồng chỉ có một màu đỏ thắm.



Ở một làng quê nọ, nơi một dòng sông nối liền với biển, có hai đứa trẻ chơi rất thân với nhau, cô bé có mái tóc dài đen mượt, còn tóc cậu bé màu vàng tơ. Buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời còn chưa tròn, hai đứa trẻ đã cùng nhau vui đùa trong sóng biển hay mải mê tìm kiếm những viên đá màu xanh. Buổi chiều muộn, lúc mặt trăng đã hiện dần vành vàng nhạt màu, cả hai vẫn còn ở trong rừng hái cho nhau những chùm quả dại ngọt lịm. Tháng ngày như thế trôi qua, nhưng chưa bao giờ cậu bé được nghe giọng nói của cô bé, vì cô bị câm từ thuở nhỏ. Và thay vì kể chuyện cho cô, cậu hát cho cô nghe những bài ca cuả những dân du mục thường cưỡi ngựa qua làng, những bài ca của những người đánh cá khi cả đoàn thuyền kéo về những con cá lớn, những bài ca về câu chuyện dòng sông... Hai đứa trẻ dần lớn lên, và rồi cậu bé đi học việc theo đoàn thuyền đánh cá, còn cô bé ở nhà với bố mẹ làm vườn. Cậu vẫn thường hát cho cô nghe, nhưng những sáng tinh mơ mặt trời hay những chiều tà mặt trăng không còn nữa.

Ngày cậu bé tròn mười lăm tuổi, đoàn thuyền đánh cá mở hội gia nhập cậu. Suốt một ngày sẽ vui chơi, và buổi tối các cô bé sẽ tặng cậu hoa để rồi sớm hôm sau, cậu sẽ theo đoàn thuyền ra khơi. Chiều hôm ấy, có cô bé tóc vàng con một người đánh cá đến hỏi cô phải làm gì. Và cô rủ cô bé ấy đi tìm hoa vì cô biết những khu vườn nhiều hoa đẹp nhất. Nhưng vào mùa hè nóng bỏng ấy, ánh nắng chói chang đã làm khô đi nhiều cây cối, suốt buổi chiều bọn trẻ đi rất xa mà chỉ tìm được vài bông hồng nhỏ. Khi mặt trời dần lặn, hai cô bé sợ lạc, và cô bé tóc vàng đứng lại trên con đường nhỏ đợi những bác thợ đi qua để hỏi lối về.

Còn lại một mình, cô bé tóc đen vui chạy như một cánh chim từ vườn này sang vườn khác, cô rẽ từng khóm lá, từng rặng cây để tìm chọn. Một làn gió dịu dàng, man mát bỗng đưa bước chân cô đến một vườn hoa, nơi một khóm hồng đỏ thắm như đang chờ đợi. Ôm vào ngực những nụ hồng chúm chím, cô lặng mình hôn lên những cánh hoa. Lạ kỳ làm sao, những bông hoa bỗng tỏa hương thơm ngọt ngào, dịu nhẹ. Vui sướng, cô nhắm mắt và thầm nghĩ "cám ơn trời, trời đã ban cho bạn những bông hoa này qua tôi", và nước mắt cô chảy dài trên má, khẽ rơi xuống những cánh hoa. Khi mở mắt, cô ngây người đi trước vẻ đẹp lạ lùng của những bông hoa. Nước mắt cô đã làm phai đi màu đỏ, những cánh hoa bên ngoài đã mang sắc trắng, và bên trong phơn phớt màu hồng. Những nụ hoa thẹn thùng, trong trắng như e ấp, dịu dàng trên ngực cô, trong vòng tay cô.

Khi cô quay trở lại, cô bé tóc vàng đã hỏi được đường về, và cả hai cùng chạy đến nhà cậu bé. Đến gần khu vườn nhà cậu, mái tóc của cô bay theo gió và vướng vào bụi gai, cô càng gỡ càng thêm rối. Đưa cho cô bé tóc vàng bó hồng, cô giữ lại cho mình một nụ hoa, nụ hoa bé nhỏ nhất. Đứng sau lùm cây, cô bé như nghe thấy tiếng hát của cậu bé, và bên những cành lá rì rào trong gió, cô tưởng tượng nụ cười thân thương của cậu, nụ cười của mặt trời những sáng tinh mơ và mặt trăng những khi chiều tà.

Nụ hồng của cô bé đã nở ngày hôm sau và bên cô luôn có hương thơm thoang thoảng. Rồi một sớm tinh mơ, khi mặt trời còn chưa tròn, cô bé đem cành hồng ra vườn trồng. Sáng sáng cô tưới chút nước và chăm sóc cho cây hồng bé nhỏ của mình. Mùa hè qua đi, mùa thu rồi hết mùa đông, khi mùa xuân đến, cô bé mừng vui thấy những nụ hồng đầu tiên chúm chím hé nở. Và dù cô bé không còn hôn lên những nụ hoa, dù nước mắt cô không bao giờ còn chảy trên những cánh hoa, thì kỳ diệu thay, những bông hồng mới vẫn mang hương thơm dịu ngọt và màu trắng phớt hồng.

Từ đó loài hoa hồng bạch ra đời.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:24:40 | Xem tất
Truyền thuyết hoa hồng vàng

Trong hàng trăm loài hoa hồng, người ta thường chú ý đến sắc hồng đỏ thắm tượng trưng cho tình yêu, hoa hồng phấn cho một tình yêu nhẹ nhàng và chân thành, hoa hồng trắng cho sự thơ ngây và tinh khôi…hoa hồng vàng - người ta thường hay nói đó là màu của sự phản bội, của sự kết thúc chia xa… Nhưng hoa hồng vàng không phải thế…

Truyền thuyết kể rằng hoa hồng vàng là do hóa thân của nàng Elisa, người đã chết vì quá đau khổ khi mất đi người yêu. Thần Zeus – cha của nàng – đã cho xương cốt nàng hóa thành hoa hồng vàng. Để không phải là sắc đỏ thắm thiết, cũng không phải là sắc hồng dịu dàng, mà là sắc vàng mãnh liệt cháy lòng và những chiếc gai của hoa hồng vàng sẽ là sự mạnh mẽ để bảo vệ cho nàng luôn vững vàng.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:28:35 | Xem tất
Truyền Thuyết Hoa Hồng Đỏ
Ngày xửa ngày xưa thật xưa lắm, có một quốc vuơng ở tận phương trời xa xôi bên một khu rừng rộng lớn và rậm rạp. Vương quốc nầy sống thật hòa bình và yên vui sau một thời gian dài triền miên người dân phải đấu tranh để dành quyền độc lập. Và vị anh hùng chỉ huy người dân của quốc gia này đã được dân chúng tôn lên làm vị vua đầu tiên.

Sau thời gian dài chinh chiến, họ chỉ lo an hưởng thái bình và sống cho những quyền lợi của cá nhân mình. Vị hoàng đế kia cũng vậy, ngất ngưỡng trên ngai vàng và hào quang của quyền vị, ông đã bỏ bê việc nước, quên cả chăm sóc cho dân và để mặc lũ bầy tôi tham danh lợi cai trị dân chúng. Vì muốn hoàng đế lảng quên với việc triều chính, bọn tham quan đã chọn một thiếu nữ đẹp tuyệt vời để vua lập làm hoàng hậu . Nhưng trái với ý muốn của bọn quan lại, hoàng hậu lúc nào cũng hết lời khuyên năn nhà vua nên lo cho dân chúng và chỉnh đốn việc triều chính. Lũ quan lại rất ghét hoàng hậu, nhưng không làm gì được vì nhà vua quá thương yêu nàng.


Cho đến ngày kia, sau một thời gian thụ thai, hoàng hậu sinh ra một đứa bé thật kháu khỉnh, dễ thương. Lạ lùng thay, thân thể của đứa bé trai đó lại trong suốt như pha lê, đến độ thấy rõ từng đường gân, mạch máu và trái tim. Thấy cơ hội đã đến, bọn tham quan bèn dèm pha với nhà vua rằng hoàng hậu là một phù thủy trá hình và tuyên truyền tin này ra ngoài cho toàn dân.

Trước áp lực của bầy tôi và sự phản đối của dân chúng, nhà vua đã truất phế hoàng hậu ra khỏi hoàng cung cùng với đứa bé lạ lùng kia. Trở thành một thường dân, hoàng hậu đem con đi khỏi hoàng cung. Đi tới nơi đâu cũng bị dân chúng chửi mắng và xua đuổi. Suốt con đường tìm nơi ẩn trú, hoàng hậu đã bị bao kẻ ném đá, dùng gậy đánh đập mà chỉ biết cắn răng dùng thân thể mình để che chở cho đứa con thơ. Với bao vết thương trên mình, hoàng hậu bồng con đến khu rừng già và ngã ra vì kiệt sức. Nhìn hài nhi mới ra đời trong lúc biết mình sắp chết, hoàng hậu không biết làm gì hơn là đưa tay vuốt ve con mình vài lần, nước mắt tuôn ra và trút hơi thở cuối cùng.

Đứa bé nằm bên mẹ không ai cho ăn nên khóc lên thảm thiết vì cơn đói. Tiếng khóc vang lên tận chín tầng trời làm Thượng Đế động lòng ngó xuống trần gian. Khi thấy hoàn cảnh thương tâm đó, Thượng Đế nổi giận vì lòng tàn ác của người dân vương quốc kia. Ngài bèn sai thiên thần mang đứa bé vô rừng chăm sóc cho nó lớn lên trong tình thương của thiên nhiên và muôn cầm. Sau đó, ngài ban một lời nguyền khiến cho toàn thân thể của từng người dân bị gai nhọn mọc đầy người, để suốt đời không ai được gần gủi ai cho đến khi mọi người biết thương yêu nhau. Từ đó người dân của quốc gia nầy đều mang trên mình một lớp gai, từ vua tôi cho đến hạng bần cùng. Nhưng dù cho lớp gai trên mình ngày một dài và cứng nhọn theo lòng tham ngày càng to lớn, họ cứ sống cho cá nhân mình mặc dù phải trả giá cho lòng vị kỷ đó bằng sự cô đơn khủng khiếp dằn vật tâm linh.

Một ngày kia, nghe tin vương quốc này đang trở nên yếu thế, một quốc gia khác bèn đem quân sang xâm lấn lãnh thổ. Khi quân xâm lăng tràn qua bờ cõi, toàn dân trong nước ai cũng tự lo thân và trốn tránh nghĩa vụ. Nhà vua lúc đó đã lớn tuổi mà vẫn bị lũ bầy tôi tham sống sợ chết làm áp lực bắt đem một toán quân ra chiến đấu. Sức mình thì yếu, sức địch thì mạnh. Sự thất bại đến với nhà vua thật nhanh chóng. Dẫn tàn quân chạy về hoàng thành thì mới hay lũ tham quan đã đem dâng cho giặc tự bao giờ. Phẫn chí, nhà vua quyết liều mình đem quân cố chiếm lại thành trì nhưng cuối cùng phải ngã ngựa vì một mũi tên có tẩm thuốc độc. Nhà vua được một số quân trung thành cứu thoát và chạy trốn đến bên bìa rừng. Nhìn lại binh sĩ lớp bị thương, lớp bỏ mình chung quanh, nhà vua lấy làm hối hận rằng mình đã không nghe lời hoàng hậu khuyên ngày trước. Nhớ đến hoàng hậu, nhà vua lại nhớ đến đứa con thơ vô tội của mình ngày xưa. Rồi nhà vua ngã bệnh vì vết thương hành hạ. Bên ngoài thì địch quân vây khốn, trong rừng thì binh sĩ liều mạng để tử thủ với quân thù. Nhà vua lập đồn trong rừng làm chiến khu và để tập luyện binh sĩ.

Ngày qua ngày, dưới ách đô hộ nghiệt khắc của quân xâm lăng, người dân của vương quốc đó càng nghe đồn thêm về một quốc gia trong khu rừng già huyền bí nọ. Dần dần, người dân tìm cách trốn đi và tìm vào rừng để gia nhập. Phía quân xâm lăng cũng điêu ngoa, họ cho người trà trộn vào trong rừng nhưng kế hoạch không thi hành được vì không thể nào giả mạo được lớp gai cứng mọc trên thân thể của người dân bản xứ. Người dân đã biết đoàn kết để tạo cho khuyết điểm trên thân thể mình thành ưu điểm để chống giặc ngoại xâm. Một ngày kia, với binh hùng tướng mạnh, nhà vua bắt đầu công cuộc dành lại quê hương. Lần nầy, với đoàn quân thiện chiến và với lòng tin thống nhất, nhà vua đã chiếm lại được thành trì và xua đuổi quân xâm lăng ra khỏi lãnh thổ.

Không may, trong trận chiến cuối cùng nhà vua lại bị thương. Vốn đã yếu sức vì tuổi già, lại còn lao lực trong trận chiến dài đăng đẳng, nhà vua bệnh ngày càng thêm nặng. Toàn dân trong nước chưa kịp reo mừng dành lại độc lập đã phải mang nỗi buồn cho tình trạng ngày càng nguy ngập của nhà vua. Biết mình sắp chết, nhà vua trong cơn sốt đã thốt lên rằng:
"Ta chết cũng đành lòng, nhưng trời ơi, sao ta thèm được một lần ôm đứa con mà ta chưa hề biết mặt !..."

Bỗng nhiên có tin báo từ bên ngoài thành có một người thầy thuốc nói sẽ trị hết bệnh cho nhà vua. Cửa hoàng thành rộng mở. Người thầy thuốc bước vào hoàng cung với tấm vải thô che kín thân thể mà không ai nhìn thấy mặt. Khi đến gần giường bệnh, người thầy thuốc đứng lặng yên thật lâu bên nhà vua mà không nói tiếng nào. Khi nghe nhà vua gọi con trong cơn sốt, người thầy thuốc rơi lệ. Giọt lệ nhỏ xuống trên gò má nhăn nheo của nhà vua làm nhà vua thức tỉnh và mở mắt nhìn người đang đứng bên cạnh mình. Khi nhà vua đua tay lên vói, người thầy thuốc bèn nắm chặt lấy tay nhà vua, quì xuống bên cạnh người và nói rằng:
"Thưa phụ hoàng, con đây !".

Rồi người thầy thuốc hất tấm vải thô che mình xuống đất để lộ ra một thân thể trong suốt như pha lê. Để chữa bệnh cho cha, vị hoàng tử nâng vua cha lên và ôm người thật chặt vào lòng, mặc cho những gai nhọn đâm vào người thật sâu. Và máu chàng đã chảy ra. Lạ thay, khi máu của chàng thấm lên thân thể của nhà vua thì nhà vua cũng thấy mình khỏe lại . Và kỳ diệu hơn nữa, lớp gai nhọn trên thân thể nhà vua cũng tan biến dần theo từng giọt máu của vị hoàng tử đổ xuống.

Sau đó vị hoàng tử bèn đặt nhà vua nằm lại trên giường để dưỡng bệnh. Từ từ đứng dậy và bước đến người đứng gần mình nhất, vị hoàng tử ôm lấy người đó và nói:
"Chúng ta hãy thương yêu nhau. Bất cứ hình phạt nặng nề nào của Thượng Đế cũng đều được giảm bớt nếu chúng ta biết chân thành yêu thương nhau".

Rồi cứ thế từ người này sang người khác, chàng đi khắp thành mà ôm từng người một, từ ông lão nghèo nàn đến người thương gia giàu sang, từ em bé tật nguyền đến chàng thanh niên khỏe mạnh. Và cứ thêm mỗi người được ôm thì vị hoàng tử càng yếu dần theo từng giọt máu ứa ra trên thân thể họ. Cho đến lúc kiệt sức, chàng quị xuống bên đường. Tuy vậy, chàng vẫn mở rộng vòng tay kêu gọi mọi người đến cùng chàng mà chia sự sống. Mọi người nức nở khóc trước tình thương bao la của chàng. Những người sau cùng chưa được thoát bệnh đồng quì xuống bên chàng mà nói:
"Chúng tôi xin hoàng tử đừng lao lực thêm nữa. Chúng tôi thành tâm nguyện mang lớp gai này trên mình để người còn được sống cùng chúng tôi".

Lạ thay, từ trên thinh không bỗng có tiếng nhạc thánh thót vang lên và có lời truyền của Thượng Đế phán rằng:
"Lành thay ! Các người hiểu được tình yêu thương chân thật và bỏ đi lòng tị hiềm, ích kỷ. Dám hy sinh bản thân mình cho đồng loại là định nghĩa của yêu thương vậy".

Rồi cùng với thinh âm tan dần vào không gian, các lớp gai trên thân hình của những người còn lại đều biến mất đi. Khi người ta nhìn lại thì vị hoàng tử đang khép mắt lại với lời nói thật hiền hòa thoát ra theo làn hơi thở sau cùng:
"Hạnh phúc là có nhau hôm nay để sống. Yêu thương là biết sống làm sao để ta có nhau ngày mai. Các bạn của tôi ơi, hãy nhớ rằng hạnh phúc không phải là của riêng ta để cho đi hay lấy lại. Hạnh phúc chỉ đến với ta khi ta biết yêu thương lẫn nhau và chia xẻ cho nhau tình thương đó..."

Rồi chàng lìa đời sau câu nói đó. Ngày hôm sau, dưới sự hướng dẫn của nhà vua, toàn dân trong thành đã đưa di thể của chàng xuống lòng đất muôn đời, bên cạnh khu rừng nọ. Lạ thay, khi xác của chàng vừa được chôn dưới lòng đất xong, người ta bỗng thấy có những chim muông, cầm thú kéo thành đoàn từ trong rừng ra nằm quanh ngôi mộ của chàng thật lặng yên và buồn bã. Một năm sau, người ta thấy trên ngôi mộ của chàng và chung quanh khu vực đó mọc lên những bông hoa đỏ tươi như máu với thật nhiều gai nhọn từ gốc đến ngọn. Người ta cho đó là sự kết tinh lại của tình thương của chàng hoàng tử để nhắc nhở cho người đời bài học cao cả nhất về yêu thương và hạnh phúc. Và người ta gọi loài hoa đó là hoa Hồng.

Và mãi mãi đến ngày nay, dù mang nhiều màu sắc khác nhau, loài hoa đó vẫn tượng trưng cho sự yêu thương



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:31:26 | Xem tất
Truyền Thuyết Hoa Hồng Xanh
Truyền thuyết kể rằng có một chàng ngốc, chỉ biết làm duy nhất một công việc đó là chăm sóc những cây hoa hồng. Công chúa của vương quốc, chủ của vườn hoa chàng đang chăm sóc rất yêu hoa hồng và mỗi ngày vào lúc sáng sớm chàng ngốc lại mang đến cho công chúa một bông hoa đẹp nhất vườn.
Nàng công chúa yêu một chàng hoàng tử,người mà nàng gặp vào buổi dạ hội, người kể cho công chúa nghe rất nhềiu về những miền đất xa lạ mà chàng đã đến, người đã hẹn công chúa rằng sáng sớm mai sẽ lại đến với công chúa. Nhưng rồi hoàng tử bận chinh chiến nên không đến. Công chúa mòn mỏi chờ đợi. Một ngày, một tuần, một tháng rồi một năm cũng không có tin tức gì của hoàng tử.


Công chúa rất buồn, và chàng ngốc đã nói với công chúa về truyền thuyết hoa hồng xanh. Và nàng công chúa luôn tin rằng mình sẽ trồng được một bông hoa hồng xanh.
Nhưng chàng ngốc không biết rằng truyền thuết hoa hồng xanh có thật nên tưởng rằng mình nói dối, và chàng rất sợ một ngày cây hoa của công chúa trồng sẽ nở ra một bông hoa nhưng không phải là màu xanh của hoa hồng.

Thế rồi một đêm, hoa hồng nói chuyện với chàng ngốc, chàng biết rằng truyền thuyết ấy có thật, và chàng năn nỉ hoa hồng cho chàng biết cách tạo ra hoa hồng xanh.
Sáng sớm hôm sau, nàng công chúa đã có một bông hoa hồng xanh và điều nàng ước mơ đã trở thành sự thật, chiến chinh kết thúc và hoàng tử của nàng trở về. Nàng kéo hoàng tử đến khóm hoa hồng nơi có bông hoa hồng xanh để tìm chàng ngốc và muốn chàng ngốc kể cho hoàng tử nghe về hoa hồng xanh.

Nhưng công chúa gọi mãi, gọi mãi mà không thấy ngốc đâu nữa. Chỉ thấy cái bình tưới cây đặt ngay ngắn dưới gốc cây hoa hồng xanh của nàng thôi.
Và chỉ còn những cơn gió đung đưa trên những khóm hồng hát một bài hát rằng:

Tình yêu chân thật bắt nguồn từ trái tim, và chỉ có máu của một trái tim mang tình yêu chân thật mới tạo ra được hoa hồng xanh, và bông hoa ấy sẽ mang lại phép màu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 5-12-2011 21:33:54 | Xem tất
Truyền thuyết hoa hồng đen


Cái quyết định trồng hoa hồng của mẹ làm mọi người trong nhà hoang mang, còn tôi thì nửa mừng nửa lọ Cả nhà tôi hoang mang cũng có lý, còn tôi lo lắng không phải là không có nguyên do.



Lâu nay mảnh vườn sau nhà vẫn trồng các loại rau đặc sản của quê tôi. Cứ mỗi khi thu hoạch carot xong, mẹ lại thuê người ta đem máy đến đánh đất cho tơi lên, rồi trồng những cây sú xuống. Và cứ luân phiên như thế, lúc lại trồng củ dền, khoai tây. Bây giờ mẹ tôi tự dưng chuyển sang trồng hoa hồng, kinh nghiệm chưa có còn kỹ thuật chăm sóc và ghép mầm thì lại càng chưa một lần biết quạ Làm sao tôi không lo cho được?

Nghĩ vậy, nhưng tôi cũng hăng hái đi cùng với mẹ kiếm cây hom. Cây hom này là những cành hồng dại, mọc ven bờ rào của những nhà quanh xóm tôi. Ngày xưa còn bé, tôi thường xúi mấy đứa nhỏ hàng xóm đi bẻ đọt hồng dại ăn. Bây giờ đi cùng mẹ, tôi cũng bẻ một đọt, tước vỏ rồi bỏ vô miệng nhai, nhưng chẳng thấy ngon lành gì. Vậy mà những ngày thơ ấu ấy, món này lại được chúng tôi xếp vào loại "những món ăn quý tộc", chỉ vì cái vị chát chát, chua chua, lợ lợ của lõi đọt hồng.

Mặc cho gai hom cào xước tay chân, mẹ vẫn cười với tôi, nét mặt rạng rỡ:

- Trồng hoa hồng kinh tế hơn, lại đẹp nữa. Mình sẽ ghép toàn giống hoa ngoại.

Mẹ vẫn giữ nguyên nét rạng rỡ trên khuôn mặt, mắt nhìn về phía xa xôi. Tôi nghĩ mẹ tôi đang tưởng tượng đến những nụ hồng sẽ nở ngập vườn nhà tôi một ngày nào đó. Tôi quay sang hỏi mẹ.

- Hoa hồng ngoại có nhiều màu không hả mẹ?

Mẹ háo hức kể với tôi về những giống hoa quý, nào là xanh Hà Lan, đỏ Ý, vàng lửa, tím hoa cà, trắng sữa, nhiều tên tôi chưa từng được nghe bao giờ.

- Có hoa màu đen không mẹ?

Tôi hỏi thế, và mẹ tôi bảo có, nhưng người ta cho rằng màu đen không mang lại may mắn nên bán không được giá cao.

Tôi tiếp:

- Hay mình ghép thử vài bông đi mẹ.

Mẹ tôi đồng ý ngay:

- Ừ, để ghép thử vài cành cắm bàn thờ cho đẹp.

Mẹ tôi là con người như thế đó. Năm tháng tảo tần làm cho đôi bàn tay mẹ không còn mềm mại, nhưng không làm mất đi vẻ lãng mạn và nghệ sĩ trong tâm hồn người phụ nữ tuổi bốn mươi lăm này.

Dẫu sao tôi chỉ lo một phần. Tôi cũng ủng hộ mẹ tôi lắm. Cứ tưởng tượng đến Tết năm nay, ở nhà tôi, đi đâu cũng thấy hoa hồng, chắc là tôi mê đến điên lên mất. Tôi sẽ viết thư cho anh, sẽ kể cái sự kiện trọng đại này cho anh nghe, và tôi chắc là anh sẽ thích lắm.

Khi những mầm hoa hồng được ghép vào cây hom, tôi lại viết thư cho anh để báo tin. Một thời gian dài sau đó, những mầm cây bắt đầu nhú lên từ mắt ghép, đỏ au và đầy sức sống. Tôi thích ra vườn mỗi buổi sáng sớm, xem hoa đã lớn được chừng nào. Những lá thư tôi viết cho anh gửi đi đều đặn, và tôi biết anh cũng háo hức như tôi. Công việc nhà báo của anh không dành cho anh chút xíu thời gian rảnh rỗi nào để lên thăm tôi. Biết vậy, và tôi đành nói chuyện với anh qua những dòng thư.

Ngày tôi quen anh cũng qua những bài viết gửi đi và những lá thư trả lời. Nhà báo với cái chất nghệ sĩ, anh rất yêu hoa, đặc biệt là hoa Đà Lạt. Trong một lá thư gửi cho tôi, anh đã viết: "Mùa này dã quỳ đã nở chưa? Em tranh thủ chụp một tấm hình bên khóm hoa dã quỳ, gửi gấp xuống cho anh. Mong em và dã quỳ... "

Bây giờ làm mùa xuân: Đà Lạt đang vào Tết. Mùa này ở đây không lạnh lắm, chỉ lạnh vào buổi sáng sớm và chiều tối. Và khi sương mù giăng kín vườn hồng nhà tôi, tôi lại nghĩ đến anh, thấy lòng mình cô đơn và trống trải đến vô cùng. Mỗi sáng, tôi vẫn thức dậy sớm, choàng áo lạnh rồi xuống thăm vườn hồng. Những nụ hồng bé xíu lần lượt xuất hiện. Và cái lúc những nụ hoa hồng vừa hé mở là anh nhận được tin tôi nhắn: "Hoa hồng đen vừ nở rồi".

Chiều hai mươi chín Tết. Anh xuất hiện ở cửa nhà tôi, mặt mũi áo quần bám đầy bụi đường, chiếc túi xách khoác trên vai làm hành trang. Tôi vui đến phát điên lên, cứ đứng sững ở cửa nhìn anh, mà quên mất mình phải làm gì.

- Không mời khách vào nhà sao?

Tôi giật mình sực tỉnh:

- Anh... Sao không báo trước?

Anh mỉm cười. Cái vẻ phớt đời, tưng tửng mà bụi vẫn thế, qua ba năm không gặp vẫn chưa mất đi trong anh.

- Em khỏe không?

Tôi mang cho anh ly trà nóng và nói:

- Em vẫn thế. Có gầy đi một chút, phải không?

Anh trả lời:

- Gầy hơn, nhưng mà đẹp hơn.

Tôi im lặng quay đi, tránh đôi mắt sâu nhìn xoáy tận lòng người của anh. Anh uống liền hai ly trà nóng, thở phào, rồi tiếp.

- Đà Lạt ác thật. Lạnh đến thế mà vẫn níu được chân người.

Rồi quay sang tôi, anh chỉ ra ngoài:

- Em thấy gì kia không?

Tôi ngơ ngác:

- Thấy gì là thấy gì?

- Sương mù.

Tôi nhìn theo tay anh chỉ. Ngoài kia ánh mặt trời đã tắt từ lâu, chỉ còn cái ráng đỏ sậm màu mờ nhạt trong sương ở phía cuối chân trời.

Anh lại hỏi:

- Có hoa hồng đen thật sao?

Tôi cười:

- Anh không tin à? Đa nghi quá vậy!

Tôi dẫn anh ra vườn hồng. Sương xuống dày thêm, vương đầy trên những nụ hồng đủ sắc màu lộng lẫy. Anh lặng im nhìn ngắm, như không còn tin vào mắt mình nữa. Giữa khung cảnh đầy thơ và mộng này, người ta dễ dàng có thể bỏ quên những muộn phiền, lo toan của cuộc đời thường. Tôi kéo tay anh đi về cuối vườn. Hoa hồng đen của tôi ở đó. Hai cánh hoa sẫm màu đã mở ra, toát lên bao nhiêu vẻ đẹp kiêu sa mà lộng lẫy. Khu vườn nhà tôi ngát hương và ngát sương trong ánh hoàng hôn. Anh cúi xuống sát cánh hoa, nhưng tôi đưa tay ngăn lại:

- Không nên nhìn kỹ quá thế. Hoa hồng biết mắc cỡ đấy.

Tôi không muốn làm anh thất vọng. Tôi không muốn anh hiểu rằng hoa hồng đen chỉ có màu huyết dụ, không đen tuyền như cái nghĩa nó vốn có. Anh đưa mắt nhìn tôi. Đêm xuống rồi. Nhưng trong đôi mắt anh vẫn ánh lên một thứ ánh sáng diệu kỳ, sưởi ấm cả trái tim tôi. Trước anh, tôi thấy mình bé lại, yếu đuối. Tim tôi đập không theo nhịp nữa. Không gian chung quanh chúng tôi đứng yên, thời gian lười không trôi nữa. Tiếng anh thì thầm bên tai:

- Hồn anh lạc mất rồi, hoa hồng đen của anh.

Tôi ôm chầm lấy anh, cảm giác mình không là mình nữa. Tôi nghe từ trong sâu thẳm của tâm hồn một mùa xuân đang trở về. Đến bây giờ anh đã tin hoa hồng đen là có thật, phải không anh?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách