Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: bluerose9446
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Movie 2013] Đường Đua - Phạm Anh Khoa, Nhan Phúc Vinh, Quý Bình

[Lấy địa chỉ]
11#
 Tác giả| Đăng lúc 16-7-2013 21:55:15 | Chỉ xem của tác giả
Đạo diễn phim 'Đường đua': Vấp sự cố để hoà nhập với điện ảnh quê nhà



Sau quá trình làm việc kiên nhẫn với Hội đồng thẩm định nghệ thuật (Cục Điện ảnh) và chấp nhận những chỉnh sửa cần thiết, Blue Production (do diễn viên điện ảnh Hồng Ánh làm giám đốc) cũng đưa được Đường đua “qua ải”. Bộ phim sẽ ra rạp trong tháng 7 với “nhãn”: 16 +.

Gặp “sự cố” ngay ở tác phẩm đầu tay chắc chắn chẳng vui vẻ gì nhưng với đạo diễn của bộ phim, Nguyễn Khắc Huy, đó cũng là những kinh nghiệm quý giá để anh “hiểu” thêm và hòa nhập vào môi trường làm nghề tại quê nhà sau nhiều năm du học.

Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy

Đường đua được “khen” sẽ thấy “khó chịu”

* Là một cái tên còn quá mới ở làng điện ảnh, anh có thể cho biết cơ duyên nào đưa anh gắn bó với điện ảnh?

- Thực ra điện ảnh không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi. Gia đình cũng không có ai theo nghệ thuật. Nhưng tôi có may mắn là từ nhỏ tới lớn được xem phim rất nhiều. Lúc ở quê (La Di - Bình Thuận), trong xóm gần như chỉ nhà tôi có tivi màu nên phim ảnh được cập nhật thường xuyên. Tôi còn nhớ lúc đó trên HTV7 có chuyên mục Thế giới điện ảnh thường giới thiệu “behind the scene” của các phim. Tuần nào tôi cũng đón xem bằng được. Nhưng thích thì chỉ thích vậy thôi chứ không hề có ý định sẽ đi làm phim. Vào đại học, chỉ học được một năm ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Tôn Đức Thắng thì bị… đình chỉ.

Có quá nhiều thứ “quyến rũ” bên ngoài nên học không vô. Sau đó tôi chuyển sang học Graphic Design ở FPT Arena, trong đó có môn Edit Film. Tới đó bỗng phát hiện ra có một thứ mình thực sự đam mê tại sao lại không làm. Lúc này mới bắt đầu có ý định học về điện ảnh, mới đi lùng sách vở, tài liệu điện ảnh (cực kỳ hiếm) khắp nơi, tìm hiểu thông tin và chọn trường theo học.

* Khi du học ở Úc, lần đầu tiếp xúc với một nền điện ảnh mới anh thấy như thế nào?

- Chỉ ngay trong 1 - 2 tuần đầu tiên, toàn bộ thế giới quan về điện ảnh của tôi đã được khai thông mà nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp là được “đã thông kinh mạch” (cười). Tầm nhìn về một bộ phim được mở rộng, không như trước đây xem phim chỉ như xem một câu chuyện nữa mà mình thực sự bước vào thế giới điện ảnh. Lần đầu tiên biết thế nào là ngôn ngữ điện ảnh, bị cuốn vào đó, lạc lối trong đó không thấy đường ra mà cũng chẳng buồn ra. Trường tôi học lại là trường quốc tế, lớp học có 20 người thì chỉ 7 - 8 người Úc, còn lại đến từ nhiều nước.

Được tiếp xúc với đa dạng các nền văn hóa như thế cũng là tiếp cận thêm những cách nhìn khác nhau về điện ảnh của từng nền văn hóa. Tôi học được rất nhiều từ bạn bè (trong đó có thói quen xem mỗi ngày ít nhất một bộ phim từ một anh bạn người Tây Ban Nha). Thầy cô thì không bao giờ áp đặt, họ chỉ khơi gợi vấn đề, còn chọn đường đi như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người. Có một cô giáo và một người thầy qua những bài tập thực hành và kịch bản tôi viết đã định hướng cho tôi phong cách phù hợp nhất là thể loại: trữ tình, lãng mạn. Có lúc tôi chuyển sang viết cái gì “dark” hơn một chút thì đã được bảo: đây không phải là Huy, hãy trả Huy lại đây.

Nhưng dù nhận xét như thế nào thì quyết định luôn là ở sinh viên, họ luôn ủng hộ học trò hết mình. Và khi về đây có vẻ tôi lại càng làm trái lời thầy cô! (cười).

Trên trường quay

* Và đó chắc là trường hợp của Đường đua. Anh đã hình thành dự án này như thế nào?

- Hồi còn học ở Úc, tôi đã viết một kịch bản lấy bối cảnh đồng quê Úc, nhân vật là người phương Tây, kể những câu chuyện ở Úc. Tôi muốn thực hiện thành bộ phim tầm 20 phút nhưng điều này quá tầm một sinh viên (nhất là về kinh phí). Học xong về Việt Nam khi đi du lịch lại có cơ hội tham quan đoàn làm phim. Cảm giác của tôi cứ như một cầu thủ chuyên nghiệp đang trong kỳ nghỉ thì bất chợt gặp một sân bóng đá phủi vậy.

Lúc này, Blue Production có dự án phim ngắn 89600 km +… thế là tôi làm Chuyện tào lao. Rồi chị Hồng Ánh hỏi tôi có kịch bản phim dài nào không. Kịch bản thì tôi viết nhiều nhưng có một kịch bản mà tôi cho rằng hoàn toàn vừa sức. Và từ câu chuyện của kịch bản cũ đã phát triển thành 3 kịch bản khác nhau theo dạng trilogy: 3 câu chuyện khác nhau cho cùng một chủ đề. Đường đua là một phim trong series đó.

* Là một đạo diễn trẻ, ở tác phẩm đầu tay đã được đầu tư khá lớn. Anh có cho là mình may mắn?

- Tôi không nghĩ đó là may mắn mà là một cơ hội mà mình đã nắm bắt được thì đúng hơn. Vì những gì đang làm đều nằm trong kế hoạch đường dài của tôi khi về nước. Nếu không phải là Blue Production thì cũng sẽ là một hãng phim khác hoặc tôi sẽ làm phim độc lập.

* Vậy Đường đua là bộ phim anh “nên” làm hay “phải” làm?

- Cả hai. Tôi “nên” làm vì đây là kịch bản tôi cho rằng hoàn toàn vừa sức, vừa khả năng, tôi tự tin mình có thể làm tốt. Và tôi “phải” làm một phim dài đã, điều này trong kế hoạch rồi. Mà mọi đạo diễn khi viết kịch bản đều có một thôi thúc là phải làm bằng được kịch bản đó.

* Anh có hài lòng với bộ phim?

- Khi quyết định làm Đường đua là tôi tự tin vào khả năng chuyên môn cũng như những gì đã học được ở trường. Nhưng khi bước vào thực tế làm phim dài ở Việt Nam rồi thì lại có quá nhiều khác biệt so với những gì tôi đã làm ở Úc. Có quá nhiều những thứ hầu như không thể lường trước được. Và tôi buộc phải có một số thỏa hiệp nhất định. Đây lại là điều tối kỵ của người đạo diễn. Nhưng nhìn chung quá trình từ khi thực hiện đến lúc dựng là tôi đã dốc hết tâm sức, đã làm hết sức trong khả năng có thể.

* Khi biết Đường đua vướng phải khâu duyệt phim, anh cảm thấy thế nào?

- Bất cứ một đạo diễn nào khi làm phim mà tác phẩm của mình bị cắt xén là đã đau lòng lắm rồi. Huống chi đây lại là lần đầu tiên phim của mình bị người khác cho ý kiến, bảo chỉnh sửa. Lúc đầu chưa quen cũng thấy buồn nhưng tôi chấp nhận vì đó là luật rồi, ở đâu cũng vậy (kể cả nền điện ảnh thông thoáng như Hollywood).

* Bản chỉnh sửa này có làm ảnh hưởng nhiều đến kịch bản gốc?

- Dù gì thì đây cũng là bộ phim mà tôi phát triển ý tưởng, khai sinh nó, cho nó ra đời. Dù có bị thay đổi hình hài, khen chê như thế nào cũng là bộ phim của tôi. Thành thực mà nói nếu bộ phim bị chê thì tôi còn chấp nhận được chứ được khen mới là khó chịu. Vì từ đầu tôi đâu có định làm như vậy đâu. Có khen cũng là khen Hội đồng thẩm định chứ đâu có khen mình.

* Sự việc này có ảnh hưởng đến anh?

- Thẳng thắn mà nói là ảnh hưởng nhiều. Hầu như đã làm xáo trộn kế hoạch đường dài của tôi khi Đường đua bây giờ đã không còn dính gì tới series 3 phim tôi định làm nữa rồi. Nhưng về nhiệt huyết thì chắc là không giảm vì ngay từ đầu tôi đã xác định mình không làm phim vì danh vọng hay tiền bạc (kiếm tiền nhờ phim thì ở đâu kìa chứ ở Việt Nam thì… khó).

Chỉ đạo Phạm Anh Khoa diễn xuất

Không ai làm phim cổ súy bạo lực

* Thời gian qua có khá nhiều bộ phim vướng phải khâu duyệt vì bị cho là bạo lực, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Tại sao đã biết vậy mà các nhà làm phim vẫn làm rồi trách cứ Hội đồng thẩm định không thông thoáng mà bản thân lại không tìm cách thích nghi?

- Thực ra từ đầu tôi đã hỏi ý kiến nhiều người có kinh nghiệm rằng với kịch bản như vậy có vướng mắc gì không. Cũng đã tham khảo kỹ luật điện ảnh, những quy định về vấn đề bạo lực: như việc dùng vũ khí nóng, tiếp xúc da thịt như thế nào… và tôi đều né hết.

Quan điểm của tôi khi làm phim là không phải kể một câu chuyện mà dẫn dắt người xem vào một thế giới khác mà mọi người sẽ nhìn và cảm nhận theo cách riêng của mình. Không ai làm phim để cổ súy bạo lực hết. Mục đích của người làm phim có sử dụng yếu tố bạo lực là hướng tới sự cảnh báo (như kiểu những biển cảnh báo tai nạn giao thông với hình ảnh tai nạn ghê rợn trên đường). Nhưng bộ phim bao giờ cũng là một bộ phim nó khác với tin nóng thời sự hay những clip đánh nhau, giết chóc thực sự ắp đầy trên các mạng xã hội.

Nhưng dù sao tới thời điểm này tôi thấy mình cũng đã tạm thích ứng và hòa nhập được với môi trường làm nghề tại Việt Nam. Buộc phải thích ứng thôi vì tôi là người Việt Nam và muốn làm phim Việt Nam. Tôi nhớ mãi câu nói của một người thầy ở Úc: dù tôi có sống ở phương Tây bao lâu, có đổi màu da, màu tóc thì tư duy vẫn là người Á Đông và đừng bao giờ cố gắng làm một bộ phim kiểu phương Tây.

* Khó khăn nhất với một đạo diễn trẻ như anh là gì?

- Tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ cũng là một bất lợi khi tiếng nói của mình không được mạnh như mong muốn. Tại sao mọi người cứ nghĩ đã là đạo diễn thì phải già nhỉ? Với tôi còn có đôi chút khó khăn do môi trường làm phim ở Việt Nam quá khác.

Ở Úc dù sao cũng là “sân sau” của Hollywood nên được chuyên nghiệp hóa cao độ, mỗi bộ phận đều có chuyên viên hết. Việt Nam mình thiếu hụt nhân lực nên mỗi người phải kiêm nhiệm nhiều vị trí. Với Đường đua tôi cũng không được toàn tâm toàn ý chỉ làm nhiệm vụ của mình mà cũng góp ở khâu này một chút, khâu kia một chút. Nhưng đó là những trải nghiệm thú vị đặc biệt khi được làm chung với một ê-kíp còn rất trẻ, cùng thế hệ và nhất là cùng “hệ tư tưởng”. Tôi xem đó là thử thách hơn là khó khăn.

* Và thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay rõ ràng rộng mở hơn nhiều cho các đạo diễn trẻ?

- Đúng, cơ hội đã nhiều hơn rất nhiều. Sau những dư luận về Bụi đời Chợ Lớn, rồi Đường đua… tôi thấy người Việt mình đã quan tâm nhiều tới điện ảnh đó chứ. Đến rạp xem phim đã là một thói quen văn hóa của giới trẻ, phim ảnh cũng trở thành chủ đề bàn luận trong những câu chuyện hàng ngày. Rõ ràng, điện ảnh Việt Nam đang trên đà phát triển dù có hơi chậm.

* Cám ơn những chia sẻ của anh. Chúc bộ phim thành công!


Nguồn: thethaovanhoa.vn


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
 Tác giả| Đăng lúc 24-7-2013 21:07:00 | Chỉ xem của tác giả

Phương 'Khói Lửa' tươi cười trên phim trường 'Đường đua'



Công việc phía sau màn ảnh của chuyên gia cháy nổ quá cố được êkíp 'Đường đua' tập hợp trong video tưởng niệm khá xúc động.

Trong buổi chiếu Đường đua tối 22/7 tại TP HCM, đoàn phim dành thời gian mở đầu để chiếu đoạn phim ngắn tưởng nhớ chuyên viên khói lửa Lê Minh Phương. Đoạn phim là những cảnh quay tư liệu hậu trường làm việc những cảnh súng đạn khá gay cấn.

Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy, ông Lê Minh Phương và đoàn làm phim đã có nhiều bàn bạc, trao đổi với nhau để làm sao tạo nên những cảnh quay với đạn bắn, tiếng nổ ấn tượng mà vẫn an toàn cho diễn viên. Làm công việc nguy hiểm, "sinh nghề tử nghiệp", nhưng ông Phương khá điềm đạm, hiền lành. Những hình ảnh này đều được ghi lại trong đoạn phim.




Ông Phương "Khói Lửa" trên phim trường "Đường đua".


Trong đoạn phim, ông Phương cho thấy mình là người làm việc cẩn trọng. Mọi chi tiết về liên quan về súng, đạn đều được ông phác thảo ý tưởng trước trên giấy, chuẩn bị đạo cụ, thuốc nổ đủ liều lượng để sắp đặt bối cảnh trên phim trường.

Hầu hết cảnh súng đạn trong phim đều do ông Lê Minh Phương phụ trách. Ngay cả khi phim Đường đua quay bổ sung và chỉnh sửa lại theo yêu cầu từ Hội đồng duyệt phim và Cục Điện ảnh, những cảnh quay này hầu như được giữ nguyên. Trừ cảnh nhân vật Lâm bắn chết hai viên cảnh sát giao thông, ở bản gốc, cảnh này được khắc họa rõ nét hơn nhưng trong bản chiếu hiện tại chỉ được miêu tả thoáng qua.




Hồng Ánh thắp hương trước linh cữu ông Lê Minh Phương.


Đường đua là tác phẩm điện ảnh cuối cùng của Lê Minh Phương. Sau đó, ông còn làm thêm một vài phim truyền hình trước khi qua đời vào buổi tối định mệnh. Tối 23/2, cả gia đình gồm 6 người của chuyên viên khói lửa này, trong đó con gái út mới 6 tuổi, đều thiệt mạng sau hai tiếng nổ dữ dội làm cháy và sập 4 căn nhà liền kề nhau trong con hẻm ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM.

Lúc đó, Hồng Ánh vừa từ Australia trở về sau chuyến công tác. Chị lập tức đến đám tang mang vòng hoa viếng vị chuyên viên. Hồng Ánh chia sẻ, khi biết tin cả nhà Phương "Khói Lửa” tử vong, chị bàng hoàng, không thể tin được bởi trong quá trình ông  hợp tác với đoàn phim của chị, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.

Trong Đường đua, ngoài cảnh súng đạn còn có các cảnh cháy nổ, mà điểm nhấn là cảnh cháy nhà kho cuối phim. Những cảnh này do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng cùng một chuyên gia khác là Sơn "Khói Lửa" đảm trách.


Nguồn: vnexpress



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
 Tác giả| Đăng lúc 24-7-2013 21:11:16 | Chỉ xem của tác giả

Phim 'Đường đua': Đáng xem và đáng cổ vũ



Có thể nói Đường đua đã mở ra cánh cửa về thể loại phim bạo lực cho điện ảnh Việt. Đây lại là phim điện ảnh đầu tay của Nguyễn Khắc Huy (sinh 1985), nên càng đáng trông chờ một “đường đua” dài từ đạo diễn này.

Viết về Đường đua lúc này thật là khó, khi mà, ngập tràn trên các mạng là lời khen, lời động viên, lời chia sẻ và cả những phân tích nhằm giúp cho đạo diễn làm tốt hơn trong các phim sau. Cứ để ý mà xem, chê một phim thì chê hoài cũng không hết, mà khen hoài thì rất khó, bởi cái hay thường ít hơn cái dở, nên khen cái hay cũng khó hơn, vì dễ lặp lại.

Logic của hư cấu

Đầu tiên, phải khẳng định ngay rằng, dù đã bị yêu cầu cắt xén, chỉnh sửa rất nhiều, nhưng Đường đua vẫn là phim bạo lực trực diện. Thậm chí, nhìn từ góc độ phân tâm học (nói nôm na: nền tảng của bạo lực), Đường đua còn khốc liệt hơn Bụi đời Chợ Lớn (nếu so với bản nháp rỏ rì trên mạng).

Câu chuyện bắt đầu lôi cuốn từ khi Lộc (Phạm Anh Khoa) định cướp tiệm vàng để trả nợ thì bị Lâm (Quý Bình) bắt làm con tin, dẫn đến vụ bắn chết hai cảnh sát giao thông ngay sau đó. Suốt thời lượng còn lại của phim là vô số cái chết của giới giang hồ, của thường dân và cuối cùng là của cả đội cảnh sát cơ động.

Phải nói là hiếm khi nào thấy một phim Việt mà nhân vật bắn chết cảnh sát, rồi “ung dung” tẩu thoát. Lâu nay, phim Việt thường “thi vị hóa”, “điển hình hóa”… cuộc chiến đấu giữa công an và tội phạm. Trong Đường đua, phía điều tra rất chuyên nghiệp, có mặt tức thì, hiệu quả, nhưng phải chậm hơn một bước, thậm chí chịu hi sinh...

Thế nhưng, việc thay đổi hình ảnh của phía điều tra dễ được chấp thuận bởi tính logic của hư cấu. Đầu tiên, phim cho thấy đây là câu chuyện giống như thực, nhưng lại phi thực, nên chấp nhận các hư cấu, dù quá tay. Thứ hai, tiết tấu phim nhanh, gọn nên tạo được sự cuốn hút, dễ làm cho người xem tạm quên những thắc mắc thường gặp ngoài đời thực. Thứ ba, cách bố cục các cảnh bạo lực cũng hợp lý, kín đáo, dù trực diện nhưng không phơi bày, không tô vẽ thái quá. Có lẽ điều này giúp phim lấy được điểm của hội đồng duyệt?

Nói cách khác, kịch bản phim bạo lực là một giả định, càng phi thực càng tốt, đoàn phim phải nỗ lực để biến giả định đó thành hiện thực… trong phim. Đây cũng là cốt lõi của các phim hư cấu, đặc biệt là phim bạo lực.




Phạm Anh Khoa (phải) và Nhan Phúc Vinh khá xuất sắc trong Đường đua.


Diễn xuất đồng đều

Lâu rồi mới có một phim Việt mà sự diễn xuất đồng đều như Đường đua, đặc biệt với các vai phụ, phần lớn đều tỏ lộ được thân phận, tâm lý của mình.

Trường đoạn đối đầu giữa Trung Dân (một nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm) với diễn viên trẻ Nhan Phúc Vinh thuộc loại đáng nhớ nhất của phim. Chỉ vài phút thôi mà Trung Dân đã thể hiện được hầu hết các cung bậc của một ông bố từng trải, có khí khái, biết mỉa mai khi đang đối đầu với nỗi sợ, với nỗi đau mất con và cái chết.

Sau diễn xuất khá ổn về những dằn vặt về cướp hay không cướp, phần còn lại, Phạm Anh Khoa đã thể hiện xuất sắc việc chạy đua trước cuộc rượt đuổi của các băng nhóm và của cơ quan điều tra. Nếu không có năng lực thực thụ về thể thao (ở đây là chạy), chắc chắn việc đảm trách vai Lộc là rất khó khăn. Vì đo ni đóng giày về cả thể lực và diện mạo, nên Phạm Anh Khoa đã nhanh chóng gia tăng được tính bạo lực bề nổi cho phim. So với vai diễn đầy gượng ép trong Mỹ nhân kế, thì Lộc là một bước tiến xa, phát lộ được tố chất điện ảnh của Phạm Anh Khoa.

Vai Hải của Nhan Phúc Vinh là một trường hợp đáng lưu ý khác, khi nó vẽ nên được tính bạo lực về tâm lý. Hải đúng như cha của Lộc (Trung Dân) nhận xét trước khi ông bị giết: bóng, lẹo cái, biến thái, lạc loài… Vượt qua cái vẻ hào hoa, nam tính của một mafia kiểu phim Hàn Quốc, Hải còn chịu ảnh hưởng chất bạo lực bệnh hoạn (chủ yếu về tâm lý) trong các phim bạo lực của châu Âu, Nhật Bản và cả của Trần Anh Hùng. Cuộc đối đầu của Lộc và Hải đã là motif kinh điển của dòng phim bạo lực, nhưng lại mới mẻ trong điện ảnh Việt Nam.

Cuộc đối đầu buộc phải phi thực để hấp dẫn này được phủ lên bởi những vấn đề rất hiện thực, như buôn bán nội tạng, giết người, trộm cướp, mại dâm, cờ bạc, vũ khí hóa học, ma túy… Cách lồng ghép uyển chuyển và tự nhiên đã làm cho người xem một lần nữa thấy những hư cấu, đôi khi phí lý, thành có lý và có thể tin được. Và chính các thông điệp này có lẽ cũng nhận thêm được sự đồng cảm của hội đồng kiểm duyệt?

Một điểm nổi bật nữa là phim có sự kết hợp hài hòa giữa việc thiết kế âm thanh của Franck Desmoulins, Arthur Beja và phần âm nhạc của Nguyễn Mạnh Duy Linh. Tổng thể âm thanh và âm nhạc đã tôn tạo được không khí bạo lực, tạo tâm lý lôi cuốn, hồi hộp. Xét đến lúc này, một mùa Hè chỉ toàn phim Việt dở và thảm họa, sự nổi trội của Đường đua càng đáng để cổ vũ nhiều hơn.

Kịch bản phim bạo lực là một giả định càng phi thực càng tốt, nó buộc đoàn phim phải nỗ lực để biến giả định đó thành hiện thực… trong phim. Đường đua căn bản đã làm được điều này, nên nó đạt được tính logic của hư cấu.

Nguồn: thethaovanhoa



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
 Tác giả| Đăng lúc 24-7-2013 21:13:52 | Chỉ xem của tác giả

Đường đua - Dấu ấn mới cho phim tâm lý hành động Việt



Vừa ra mắt báo giới, bộ phim Đường đua (sẽ chính thức ra rạp từ ngày 26-7) đã nhận nhiều lời khen cho cách thể hiện, dàn diễn viên và những pha hành động trong phim.

Diễn biến câu chuyện phim đầy căng thẳng, khốc liệt; các pha rượt đuổi, khá gay cấn và trên nền ấy, tâm lý nhân vật được bật lên rõ nét để người xem cảm nhận, hiểu và chia sẻ được quá trình Lộc (Phạm Anh Khoa) - một vận động viên điền kinh đã giải nghệ, biến thành kẻ buộc phải phạm tội... Khi bị dồn đến đường cùng, sự liều lĩnh trong phản ứng, phản kháng là không thể tránh khỏi và yếu tố tâm lý nhân vật được bộ phim khai thác rất tốt. Nhân vật Lộc được đặt trong tình huống ngặt nghèo, chỉ có 2 ngày để kiếm tiền trả nợ, lo cho ba mình chữa bệnh nặng và phải thoát khỏi âm mưu của nhiều nhóm giang hồ bủa vây. Người xem thật sự bất ngờ với khả năng diễn xuất đầy biểu cảm của ca sĩ Phạm Anh Khoa. Gương mặt góc cạnh, nỗi thảng thốt, đau đớn trước những biến cố và mất mát người thân đều được Phạm Anh Khoa thể hiện chân thực và đầy thuyết phục. Nhan Phúc Vinh vào vai “ác” trong hình dáng của một kẻ bảnh bao, chải chuốt, lạnh lùng cũng rất đạt. Khán giả tin rằng, tội ác núp sau một gương mặt đẹp, kiểu cách, sang trọng, mới thật sự đáng sợ. Xuất hiện không nhiều, nhưng Lâm của Quý Bình cũng để lại ấn tượng tốt về diễn xuất. Chi tiết Lâm trên đường trốn chạy, lại đang giữ cái túi có chứa một vật gì đó rất quan trọng, nhưng vẫn vào nhà nằm nghỉ thật ra không mấy đúng với tâm lý bình thường, nhưng chấp nhận được; vì đây là tình huống duy nhất khiến cho không khí phim bớt căng thẳng, với những câu thoại hết sức đời thường giữa một gã đàn ông qua đường, với một cô gái làng chơi hết xuân thì - hình ảnh rất dễ bắt gặp trên các trục đường quốc lộ.

Tuy phim vẫn còn một số chi tiết thừa (ngọn hải đăng bị sét đánh, người bốc cháy lao vào xe của Lộc…), nhưng có thể nói, Đường đua là bộ phim thành công với thể loại tâm lý hành động, vốn là điểm yếu của phim điện ảnh Việt. Tâm lý nhân vật được khai thác triệt để và thể hiện tốt. Các pha hành động trong phim được thể hiện chân thực, thuyết phục; không giống như những bộ phim Việt trước đây thường cho khán giả cảm giác giả tạo, múa may kiểu “minh họa” là chính. Và vì thế, việc bộ phim phải dán nhãn “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi” là hợp lý.

Sau 15 năm gắn bó với điện ảnh, Hồng Ánh đã làm tốt vai trò mới - Giám đốc sản xuất bộ phim Đường đua.

Nguồn: Sài Gòn giải phóng

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
 Tác giả| Đăng lúc 24-7-2013 21:18:03 | Chỉ xem của tác giả

"Đường đua" gợi ý lối đi mới cho phim Việt chiếu rạp




Đầu tư vào đạo diễn - diễn viên trẻ, khai thác đề tài - thể loại phim mới, tại sao không?

Trước ngày công chiếu, Đường đua vẫn còn là một ẩn số lớn với những người làm nghề và khán giả nói chung, không chỉ vì tác phẩm có nhiều yếu tố bạo lực này đã “ngoạn mục” vượt vòng kiểm duyệt để ra rạp - mà còn bởi đây là một tác phẩm tổng hợp của rất nhiều yếu tố đầu tiên.

Hồng Ánh lần đầu làm sản xuất, Nguyễn Khắc Huy lần đầu làm đạo diễn phim truyện dài, diễn viên – rocker Phạm Anh Khoa, Nhan Phúc Vinh, Quý Bình gần như lần đầu đóng phim nhựa chiếu rạp, Nguyễn Mạnh Duy Linh lần đầu tiên viết nhạc cho phim, Kirien Fowler lần đầu tiên làm DOP phim truyện…

Và tất cả họ chung nhau hoàn thành một bộ phim hành động – tội phạm, thể loại hầu như không được khai thác bởi các nhà sản xuất phim chiếu rạp của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.





Phim lại mang ra trình chiếu ở một thị trường có thị hiếu vốn thiên về phim hài và tình cảm. Tóm lại, hầu như chẳng có gì đảm bảo được chắc chắc bộ phim sẽ có được doanh thu như mong đợi, để thu lại con số 12 tỷ đầu tư của nhà sản xuất Blue Productions cho him truyện đầu tay của mình.

Nhưng những tràng pháo tay vang dội dành cho bộ phim ngay ngày đầu công chiếu và sự hưởng ứng của khán giả nhiều độ tuổi, cộng đồng mạng, đã phần nào chứng minh sự đúng đắn cho hướng đi có phần mạo hiểm của Hồng Ánh và êkíp trẻ trung của mình.

Câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, thoại thông minh, hài hước, giàu tính đời sống, cách kể chuyện tự nhiên, thoáng đãng, tiết tấu nhanh, diễn viên diễn xuất tốt, nhạc phim xuất sắc… là những gì Đường đua đã mang lại những khán giả đầu tiên của mình. Bộ phim có trở thành một “hiện tượng phòng vé” hay không, còn phải chờ vào những ngày sắp tới đây.

Tuy nhiên, điều ý nghĩa có thể thấy được rõ ràng là ekíp trẻ trung này đạt được là mang đến sự mới mẻ, trẻ trung trong cách nhìn, cách làm phim, sự khác biệt về phong cách, và đề tài, góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo của phim chiếu rạp nói riêng và phim Việt Nam nói chung trong mắt khán giả.

Thoát khỏi thời kỳ phim bao cấp, Lê Hoàng đã đưa phim Việt trở lại rạp với khán giả với Gái nhảy, Trai nhảy. Sau đó là thời kỳ của Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng với sự tươi mới từ Những cô gái chân dài, Những nụ hôn rực rỡ… và huy hoàng nhất thời gian gần đây là tác phẩm của các đạo diễn Việt Kiều Charlie Nguyễn, Victor Vũ với Dòng máu anh hùng, Để mai tính, Thiên mệnh anh dùng, Scandal…

Đa phần thành công các phim nói trên đều xuất phát từ sự nhạy bén của nhà sản xuất trong việc chọn đề tài; khả năng, cách nhìn, cách làm tươi mới của đạo diễn so với thị trường phim chiếu rạp còn manh múng, nhỏ lẻ, và chưa có nhiều đầu tư mạo hiểm, cộng với sự xuất hiện của dàn diễn viên ngôi sao ăn khách: Minh Thư, Mỹ Duyên, Lam Trường, Quang Dũng, Thanh Hằng, Anh Thư, Xuân Lan, Vân Trang, Thái Hòa…

Và bây giờ là sự xuất hiện của Hồng Ánh trong vai trò sản xuất với việc lựa chọn một Nguyễn Khắc Huy đầy đam mê, quyết liệt với thể loại phim hành động, tội phạm; Và những cái tên Phạm Anh Khoa, Nhan Phúc Vinh, Quý Bình tuy còn xa lạ với màn ảnh rộng như thể hiện đầy sức sống và triển vọng đi đường dài…

Trong mắt một số khán giả, Đường đua có thể chưa là một tác phẩm ở mức xuất sắc về tổng thể, nhưng qua tác phẩm này nhà sản xuất Blue Productions vẫn đạt được những kỳ vọng của mình về mặt chất lượng tác phẩm: phim vừa có thể đến gần khán giả, vừa vẫn có thể trình làng được một cá tính làm phim riêng biệt.

Đường đua chứng minh rõ ràng một điều đã gây tranh luận một thời gian dài trong giới làm phim Việt Nam: nghệ thuật hay thị trường. Có lẽ, cũng không cần phân biệt phim thị trường chiếu rạp và phim nghệ thuật làm gì, chỉ cần làm một phim hay, tự khắc sẽ thu hút được khán giả đến rạp và dành nhiều niềm tin hơn cho phim Việt Nam.

Nguồn: dân trí


'
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

16#
 Tác giả| Đăng lúc 24-7-2013 21:25:29 | Chỉ xem của tác giả

Ê-kíp làm phim trẻ của "Đường Đua" được “dân trong nghề” ghi nhận



Đây là bộ phim rất đặc biệt, bộ phim của những điều đầu tiên đầy thú vị!

Không dấu diếm đây là bộ phim “của những điều đầu tiên” - bộ phim truyện dài đầu tiên của hãng phim Xanh, mà tên tuổi và kinh nghiệm cũng giống như cái tên của nó, còn khá “xanh” trên thị trường điện ảnh Việt Nam; bộ phim truyện nhựa đầu tiên của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy, mà “hành trang điện ảnh” chỉ có một bộ phim ngắn; vai nam chính đầu tiên cho rocker Phạm Anh Khoa; vai thứ chính đầu tiên cho cựu người mẫu Nhan Phúc Vinh; thậm chí đến cả đạo diễn hình ảnh, âm nhạc của bộ phim cũng do những người lần đầu tiên tham gia vào sản xuất một bộ phim truyện.

Tại buổi ra mắt phim "Đường Đua" ngày hôm qua ở Galaxy Cinema, ê-kíp làm phim còn rất trẻ này đã chiếm được cảm tình và sự thừa nhận của giới truyền thông và “dân trong nghề”. Với một kịch bản mang đậm tính hiện thực, đạo diễn Nguyễn Khắc Huy đã đưa được khán giả vào với một “đường đua” tâm lý khốc liệt, đầy căng thẳng và bạo lực.

Trong suốt gần 90 phút chiếu, khán giả đắm mình dõi theo cuộc hành trình bi thảm của Lộc, một cựu vận động viên điền kinh, chỉ vì mong muốn nhỏ nhoi là chữa bệnh cho cha già lại đặt lầm bước chân vào một “Đường Đua” với số phận và cái chết không lối thoát. Sự căng thẳng, nghẹt thở của nhân vật Lộc đã được Phạm Anh Khoa thể hiện rất tốt. Từ lợi thế về thể hình, nhưng những ánh mắt, những cử chỉ lơ đãng và vẻ thất thần trên khuôn mặt Phạm Anh Khoa mới là yếu tố khiến cho người xem khó quên được vai diễn này của anh.

Ở phía đối lập, vai thứ chính của phim đã được mạo hiểm giao cho Nhan Phúc Vinh, người đã làm một cuộc lột xác ngoạn mục trong vai diễn Hải, một tên trùm xã hội đen đồng tính sẵn sàng tra tấn, cắt xẻ những kẻ “phá luật”, giết hại những người vô tội một cách máu lạnh. Cái cười và vẻ lạnh lùng của Hải luôn khiến người xem phải rùng mình, còn vẻ chải chuốt của Hải làm người xem kinh sợ. Đây chắc chắn là vai diễn thành công nhất của Nhan Phúc Vinh từ trước đến nay, vai diễn sẽ đưa sự nghiệp của chàng diễn viên trẻ lên một bậc thang mới.

Dù xuất hiện không nhiều trong phim, Quí Bình cũng hoàn thành tốt vai diễn của mình.

Đặc biệt, dù là lần đầu tiên tham gia viết nhạc cho phim truyện, nhưng nhạc sĩ trẻ Nguyễn Duy Mạnh Linh, nhạc sĩ sinh năm 1980 đang công tác tại Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP.HCM (từng giành Giải Nhạc sĩ xuất sắc nhất của Liên hoan Âm nhạc quốc tế năm 2007 tổ chức tại Chelyabinsk – Nga) đã thực sự thuyết phục người xem về âm nhạc của mình trong phim. Với sự dồn nén chất chứa, âm nhạc của anh góp một phần quan trọng trong việc tạo ra kịch tính và những mạnh ngầm quan trọng của bộ phim.

Đạo diễn hình ảnh Kerian Fowler, đạo diễn hình ảnh người New Zealand, tuy lần đầu tiên tham gia vào một bộ phim truyện, nhưng cũng đã chấp nhận thách thức của một bộ phim quay chủ yếu ở ngoại cảnh, với hầu như toàn bộ là khung hình động, anh đã vượt qua thử thách này một cách xuất sắc.

“Tôi thực sự cảm thấy được thuyết phục bởi ê-kíp làm phim trẻ này. Ở họ có nhiệt tình và sự quyết liệt của tuổi trẻ, nhưng đồng thời có cái già dặn của sự cẩn trọng trong việc làm phim" - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nói, "và do vậy họ đã tạo nên một tác phẩm điện ảnh rất đáng chú ý. Với ý thức và trách nhiệm làm việc như vậy, tôi hi vọng họ sẽ còn tiến xa”.

Thành công của ê-kíp trẻ của phim "Đường Đua" cho thấy chúng ta còn có nhiều hi vọng ở nền điện ảnh trong nước. Với một sự đầu tư và chuẩn bị kỹ càng, được sự hỗ trợ tốt của công tác sản xuất, hi vọng chúng ta còn có cơ hội đón nhận những tác phẩm mới của họ.​​







Nguồn: kênh 14

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

17#
 Tác giả| Đăng lúc 29-7-2013 19:46:15 | Chỉ xem của tác giả
Chồng Hồng Ánh lo "Đường đua" ế khách



Sâu xa hơn, anh cho rằng phim Việt rất khó cạnh tranh với phim ngoại.



Lâu lắm rồi điện ảnh Việt mới lại có một bộ phim được giới chuyên môn cũng như báo chí đánh giá cao như Đường đua. Sau scandal ầm ĩ của bộ phim hành động đi trước - Bụi đời Chợ Lớn chưa đạt được kỳ vọng của khán giả, công chúng cũng cân nhắc khá kỹ trước khi quyết định bỏ tiền xem người Việt làm phim hành động hay tha hồ lựa chọn giữa biển phim nước ngoài.




Poster chính thức của bộ phim Đường đua.


Trải qua 3 ngày công chiếu, Đường đua xuất hiện trên hàng chục tít báo với những lời khen ngợi đầy tính hàn lâm. Nội dung phim xoay quanh nhân vật Lộc (Phạm Anh Khoa thủ vai) là một hành trình nghẹt thở giữa một bên là nỗ lực cứu lấy sinh mạng của ba và em gái, một bên là tự cứu mình thoát khỏi vòng vây của các băng nhóm tội phạm, đứng đầu là Hải (do Nhan Phúc Vinh) thủ vai.

Con người đôi khi bất lực với hoàn cảnh, Lộc càng cố gắng thoát ra, càng vẫy vùng cho sự sống còn, cái chết càng đến gần hơn bên ngưỡng cửa. Số phận và hành trình của Lộc với yêu thương và tội ác sẽ là nỗi ám ảnh khôn nguôi.




Vợ chồng Hồng Ánh - Nguyễn Thanh Sơn.


Không phải là một bộ phim giải trí, Đường đua thiên về yếu tố nghệ thuật xoay quanh các vấn đề trong xã hội thực tại. Phim do vợ chồng Hồng Anh - Nguyễn Thanh Sơn đầu tư tiền bạc để sản xuất và cũng không nhằm mục đích thu lợi nhuận bởi niềm đam mê của họ dành cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy quá đỗi lớn lao.

Tuy nhiên, sau 3 ngày công chiếu, phu quân diễn viên Hồng Ánh cho biết một thông tin không mấy vui vẻ: "Doanh thu sau 3 ngày thua xa một bộ phim ma Thái Lan công chiếu tại Việt Nam". Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cho biết anh đã xác định trước điều này ngay từ khi quyết định bỏ tiền túi sản xuất phim, nhưng vẫn không tránh khỏi những suy tư của bản thân nói riêng và cho nền điện ảnh Việt nói chung.

"Lý do Đường đua không tạo ra được bùng nổ phòng vé có một phần là do Đường đua là một bộ phim “nặng”, không nhiều tính giải trí cho lớp khán giả trẻ dưới hai mươi tuổi, vốn là công chúng chính của điện ảnh Việt hiện nay" - Nguyễn Thanh Sơn đưa ra lời lý giải. Bên cạnh nguyên nhân đến từ cuộc đổ bộ ồ ạt của phim ngoại, cũng có thể một phần là do các nhà sản xuất phim trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả, dẫn đến một tâm lý hoài nghi trước khi người xem quyết định trả tiền mua vé.




Vai phản diện đầu tiên của diễn viên Nhan Phúc Vinh.


Bên cạnh những dòng tâm sự về doanh thu không được như mong đợi, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cũng hy vọng bạn bè của mình và nhiều khán giả thử đến rạp để thưởng thức Đường đua để ủng hộ được một thế hệ làm phim Việt Nam trẻ có mong muốn làm những bộ phim tử tế để phát triển điện ảnh già cỗi của Việt Nam.

Tâm sự của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn về phim Đường đua:

Hôm nay đã nhận được báo cáo doanh thu ba ngày đầu tiên (là ba ngày quan trọng nhất) của phim Đường đua. Kết quả là… thua xa phim ma Thái Lan rồi. Ở các rạp nhà như Galaxy, BHD hay thậm chí Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thì tốt, nhưng các rạp “ngoại” thì khá thảm, bị các bạn phim ngoại đủ loại đè cho bẹp dí.

Thực ra vấn đề này mình cũng đã lường trước khi làm một bộ phim đụng chạm đến vấn đề xã hội (mọi người cứ nghĩ đây là phim bạo lực hay xã hội đen, nhưng mình đầu tư làm phim này vì nó đề cập đến một vấn đề khác, một vấn đề mà mình tâm đắc, đó là nó đặt ra một câu hỏi ngầm-ai sẽ bảo vệ thân phận nhỏ bé, không chỗ dựa của những người bé nhỏ trong một xã hội như hiện nay, và đó mới là lý do tại sao Hội đồng Duyệt phim quốc gia kiên quyết muốn cấm nó).

Vì đã “khoanh” (write-off) nó vào mục đầu tư cho cái mình thích và mình nên làm, nên mình không đặt ra vấn đề thu hồi vốn (hai vợ chồng mình vốn làm việc cật lực ra tiền để cho những việc này, vì thích những cái này hơn là nhà cửa đất cát hàng hiệu các thứ). Với cả mình đôi lúc cũng hiếu thắng, muốn chứng minh điện ảnh của Việt Nam không thiếu người làm ra những bộ phim tử tế, miễn là họ được đầu tư và tạo điều kiện.

Những người có chuyên môn và yêu thích điên ảnh đều khen ngợi Đường đua về mặt “làm phim tử tế”, cho dù còn nhiều khiếm khuyết, với mình là đã chứng minh được tiềm lực của điện ảnh trẻ Việt Nam rồi. Còn nếu không thu hồi được vốn, hai vợ chồng lại tiếp tục “cày” tiền từ những công việc khác của mình để lại đầu tư cho một số tài năng trẻ khác, có điều sẽ chậm lại một chút so với việc nếu như Đường đua tạo ra được nhiều doanh thu.

Lý do Đường đua không tạo ra được bùng nổ phòng vé có một phần là do Đường đua là một bộ phim “nặng”, không nhiều tính giải trí cho lớp khán giả trẻ dưới hai mươi tuổi, vốn là công chúng chính của điện ảnh Việt hiện nay. Tuy vậy, với những người khác, mình tin Đường đua là một bộ phim tử tế và mọi người sẽ có nhiều cái để thưởng thức.



Nguồn: eva

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

18#
 Tác giả| Đăng lúc 24-8-2013 15:43:05 | Chỉ xem của tác giả
Truyền thông bất lực trong vụ phim Đường đua?




Dư âm phim Đường đua gây tranh luận đa chiều trong giới chuyên môn, truyền thông và nhiều khán giả.




Các diễn viên chính trong phim Đường đua - Ảnh: Blue Productions


Đường đua vừa kết thúc chiếu tại các rạp nhưng dư âm vẫn gây tranh luận đa chiều trong giới chuyên môn, truyền thông và nhiều khán giả. Dư luận xung quanh Đường đua không còn gói gọn trong việc khen chê hay dở về bộ phim này nữa mà đã nhìn rộng ra nhiều mặt như lối đi nào cho công nghệ sản xuất phim ảnh Việt hôm nay, có hay không khoảng cách giữa phim nghệ thuật và phim (thị trường) ăn khách, tác động của truyền thông đối với các sản phẩm văn hóa giải trí ra sao, khán giả Việt khó tính hay dễ dãi…

Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết mang tính gợi mở từ nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Các tựa nhỏ do tòa soạn đặt. Bạn đọc có thể gửi ý kiến của mình ở phần “Ý kiến bạn đọc” bên dưới.

Phim nghệ thuật hay thương mại?

Đường đua - cũng như Bi, đừng sợ, Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng… có một điểm chung là nhận được sự khen ngợi của báo chí. Nhưng đặt Đường đua chung mâm với những phim trên lại hơi khập khễnh, vì đó là một thể loại phim khác, một đối tượng khác, một nhu cầu thưởng ngoạn khác. Sự nhầm lẫn về “cách hiểu” phim Đường đua (được “hiểu” như một bộ phim nghệ thuật đồng thời lại mong muốn gặt hái doanh thu thương mại) có lẽ là nguyên nhân đầu tiên gây nhiều tranh cãi. Trên thế giới, sự “cặp kè” này rất hiếm hoi. Thường người ta hay khởi đầu một bộ phim nghệ thuật, sau đó vì sự thành công về nghệ thuật, trở thành một bộ phim thương mại ăn khách. Chứ ít có một bộ phim thương mại sau đó trở thành nghệ thuật.

Doanh thu Đường đua một lần nữa cho thấy quyền lựa chọn sản phẩm của người xem. Dòng phim nghệ thuật luôn luôn và không bao giờ là trung tâm của toàn bộ khối lượng người xem trên thế giới.

"Trường hợp Đường đua cho thấy truyền thông dù khen hay chê, không phải là một cơ sở đáng tin duy nhất cho một sản phẩm văn hóa giải trí. Cuối cùng vẫn là góc nhìn và sự định vị của sản phẩm bên ngoài báo chí. Vào một ngày nào đó trong tuần, người xem đến rạp họ quyết định mình phải làm gì trước đôi ba sự lựa chọn nào đó đang bày ra. Thuyết phục được quyết định đó mới là quan trọng" - Nguyễn Ngọc Thuần

Với một bộ phim, nếu thuần túy khởi điểm là làm phim nghệ thuật, ví dụ như Bi, đừng sợ chẳng hạn, nếu có ế, kém sự ủng hộ của ví tiền thì cũng không bị một đợt “ném đá” không đáng có như Đường đua. Bởi Bi, đừng sợ có một sự lựa chọn rõ ràng ngay từ đầu, sự khen chê được định vị đúng trong khuôn khổ của nó.

Tôi nghĩ chỉ nên đặt Đường đua vào một dòng phim giải trí nhưng có sự tìm tòi hoặc cách làm, có sự chăm chút, nói chung, đó là một cách làm phim có lương tâm nghề nghiệp của cả một êkip, thế là đủ. Nghĩ vậy sẽ tránh được sự bực dọc không đáng có từ những người bài xích.

Điều kế tôi muốn đề cập là về truyền thông. Báo chí - chỉ xét trong phạm vi khen chê nhận định về một lĩnh vực cụ thể như phim ảnh chẳng hạn - đã dần được hiểu như một sự… nói ngược và đánh mất sự ảnh hưởng.

Đó có thể là do người yêu điện ảnh Việt đánh mất lòng tin vào giới làm phim Việt. Đó có thể là do một tâm thế cởi mở về tranh luận trên mạng. Đó có thể là do một vài nhà báo vì muốn khích lệ nền điện ảnh nước nhà đã đi quá sức chịu đựng của một sản phẩm, khi mà vỏ bọc của nó không chứa nổi những ngôn từ.

Hoặc cũng có thể do vì ganh ghét, khóe cạnh hoặc sự bất tín nhiệm, người ta trở nên hồ nghi một hãng phim mới, một nhóm con người mới muốn làm một “lối đi mới” gì đó (do báo chí thêm thắt).

Quyền lựa chọn của người xem

Đơn giản là quyền bỏ tiền ra mua hoặc không mua một cái gì đó. Nếu làm phim giải trí, bạn phải đảm bảo được điều này. Sản phẩm của bạn phải đứng trong hàng ngũ “quyền được lựa chọn” của công chúng. Còn nếu làm phim nghệ thuật, bạn phải gạt điều đó ngay từ đầu để khỏi hụt hẫng.

Quyền được lựa chọn của người xem đôi khi cũng rất… ất ơ. Ví dụ như sản phẩm Apple dù xa xỉ, giá cao vẫn nằm trong quyền được lựa chọn của người Việt vì đủ tốt, đủ thú vị, hoặc nằm trong chuỗi tâm lý: nó sang nên người ta mua. Tóm lại, nó làm người ta “vui trong lòng” và mua.

Trở lại với phim ảnh. Nếu bạn bước vào rạp bạn sẽ nhận thấy rõ điều này. Những bộ phim được lựa chọn bao giờ cũng là những bộ phim làm người ta “vui trong lòng”. Vui ở đây không hẳn là phim hài. Có phim nhiều khi xem không hiểu lắm, nhưng khán giả có cảm giác chúng “làm sang” cho họ. Họ sẽ mua vé (Riêng phim nghệ thuật tôi không bàn nữa vì đã có cái cớ sự quyền được lựa chọn khác).

Nếu cho Đường đua là một bộ phim nghệ thuật thì tôi nghĩ doanh thu (nghe nói trên dưới 1 tỉ đồng) đã là một thành công so với nhiều phim nghệ thuật khác tại Việt Nam. Nhưng nếu là một bộ phim thương mại thì đương nhiên thất bại. Tuy nhiên đứng về phía sản xuất, tôi nhìn nhận đây là một sự thành công về mặt sản xuất, về hãng phim mới ra lò, về những thứ liên quan.

Nếu bạn không làm gì cả thì bạn sẽ không bao giờ có được bài học. Đó chính là một thứ mà cuộc sống gọi là trải nghiệm. Sự trải nghiệm thì chẳng bao giờ mất đi, chẳng bao giờ lỗ cả.

Giả dụ tôi là nhà sản xuất Đường đua, qua bộ phim này tôi sẽ có được một con số tương đối rõ ràng về số lượng phân khúc khách hàng đã xem bộ phim của mình. Từ đó tôi sẽ có con số rõ ràng về số tiền mình cần chi cho một bộ phim trong tương lai sẽ sản xuất là bao nhiêu để có lời.

Chả có bài học nào là thất bại cả.


Nguồn: tuoitre

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

19#
 Tác giả| Đăng lúc 24-8-2013 15:45:37 | Chỉ xem của tác giả
Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy:“Phần 2 Đường đua sẽ nghiệt ngã, khốc liệt hơn”





“Đường đua” sau hơn 10 ngày khởi chiếu đã nhận được đánh giá cao của dư luận, khán giả về một bộ phim Việt rõ nét cá tính. Đạo diễn thuộc thế hệ 8x Nguyễn Khắc Huy đã có những chia sẻ với phóng viên NTNN.



Kịch bản phim “Đường đua” được anh lấy cảm hứng từ đâu?

- Khi còn học ở trường, tôi có viết một kịch bản phim ngắn với các thân phận yếu đuối bị cuốn vào thế giới tội phạm, ma tuý. Tôi muốn tìm hiểu xem những nhân vật như vậy sẽ xoay xở ra sao trong một thế giới đầy rẫy những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Tôi đã phát triển “Đường đua” từ kịch bản này.

Sau khi cùng với chị Hồng Ánh- nhà sản xuất - phát triển, điều chỉnh kịch bản cho phù hợp với văn hoá Việt Nam hơn, chúng tôi gặp phải ý kiến buộc phải chỉnh sửa vì Hội đồng thẩm định phim nhận xét thế giới đó “quá đen tối và bế tắc”. Tuy nhiên, kịch bản cuối cùng để được duyệt cho sản xuất vẫn giữ được những gì chúng tôi tâm đắc nhất và phim cũng đã đến được với khán giả dẫu không thật sự trọn vẹn như mong muốn ban đầu.




Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy (phải) cùng các diễn viên phim “Đường đua”.


Điện ảnh Việt vốn dĩ vẫn chưa có một bộ phim nào quá thiên về bạo lực. Khi thể hiện những điều đó vào “Đường đua”, anh có lo ngại và phải tiết chế?

- Cái bạo lực mà tôi sử dụng trong “Đường đua” chỉ là một trong nhiều công cụ khác để dẫn dắt khán giả đi vào hành trình trải nghiệm cảm xúc. Tuy nhiên đã có nhiều ý kiến từ khán giả cho rằng, đáng ra phim phải khốc liệt hơn như vốn dĩ nó phải như vậy. Chắc rằng đây không phải là những lời cổ suý cho bạo lực. Tôi xin ghi nhận tất cả các ý kiến phê bình để làm động lực cho những tác phẩm tiếp theo có thể chạm đến những cung bậc cảm xúc khác nhau của khán giả.

Kết thúc “Đường đua” cũng là cái kết mở hứa hẹn anh sẽ còn có những phần tiếp theo cho dự án của mình?

-“Đường đua” chỉ là 1 trong 3 phim tôi muốn thực hiện ở dự án trilogy của mình. Như đã nói ở trên, ánh sáng xanh là một trong những mắt xích nối với thế giới khác trong phim thứ hai. Nó có phần nghiệt ngã hơn, khốc liệt hơn.

Tuy nhiên trước mắt, “Đường đua” vẫn cần nhiều sự ủng hộ nữa của khán giả để có thể tái đầu tư. Bên cạnh đó, tôi cũng mong chờ nhiều hơn nữa những động thái tích cực hỗ trợ phát triển điện ảnh của cơ quan quản lý. Chúng ta không thiếu những người tài, nhất là những người trẻ đầy máu lửa. Sẽ rất đáng tiếc nếu như sân chơi chật hẹp như hiện nay không được sớm nới rộng cho nhiều dự án đầy tâm huyết khác.


Nguồn: danviet

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

20#
 Tác giả| Đăng lúc 14-9-2013 10:30:26 | Chỉ xem của tác giả

Video hậu trường phim (phần 1):





Rap cổ động phim:



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách