Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Tác giả: Selly
Thu gọn cột thông tin

[Lịch sử] Những điều lý thú về các vị vua Việt Nam

[Lấy địa chỉ]
 Tác giả| Đăng lúc 1-2-2012 23:30:31 | Xem tất
Trần Minh Tông bị ong đốt mà qua đời


Trần Minh Tông là vị vua thứ 5 của nhà Trần, được đánh giá là người “tính trời khiêm hòa, nhận ngôi của Anh Tông nhường, để tâm vào thú hàn mặc, sính bút ở tập Thủy vân, có thơ khuyên người hiền, có bài răn uống rượu, dường như cũng đáng khen” ( Việt giám thông khảo tổng luận).

Trong cuộc đời mình, Trần Minh Tông thấy ân hận, day dứt nhất là việc nghe lời xiểm nịnh giết oan bố vợ đồng thời cũng là chú ruột của mình là Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn vào tháng 3 năm Mậu Thìn (1328). Sau này vụ việc sáng tỏ, vua lấy làm ân hận cho khôi phục chức tước, sai lập đền thờ Trần Quốc Chẩn, thế nhưng vụ án oan khuất đó vẫn ám ảnh ông.

Tháng 8 năm Bính Thân (1356) khi đã lên làm Thái thượng hoàng, Trần Minh Tông về thăm đền thờ cha vợ ở núi Kiệt Đặc (thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương ngày nay). “Khi trở về, trong thuyền ngự có con ong vàng đốt vào má phía bên trái của Thượng hoàng, rồi Thượng hoàng bị bệnh” (Đại Việt sử ký toàn thư). Về đến Thăng Long, bệnh tình của Trần Minh Tông ngày một xấu, đến tháng 2 năm Đinh Dậu (1357) thì qua đời. Theo dã sử, con ong vàng đó chính là oan hồn của Trần Quốc Chẩn về báo thù.

cre: lichsu.vn
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 1-2-2012 23:36:18 | Xem tất
Trần Thái Tông đoán dúng ngày giờ mình chết


Ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277) Trần Thái Tông băng hà, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, trước đó một năm vị vua này đã đoán trúng thời điểm mình sẽ qua đời, khi ấy ông đã rời ngôi báu để làm Thái Thượng hoàng được 18 năm:

“Trước đó, Thượng hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò trên áo ngự. Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh "keng" xuống đất, nhìn xem thì hóa ra cái đinh sắt, đoán là điềm năm Đinh. Lại có lần đùa sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan nghiệm xem điềm lành hay điềm dữ.

Hôm sau Mặc lão tâu: "Thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có chữ Nguyệt, trên hòm có một cái kim, một chiếc lược". Thượng hoàng lại đoán: "Hòm tức là quan tài, chữ "nguyệt" (tháng) ở bốn bên tức là tháng 4, cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài, chữ "sơ" là chiếc lược, đồng âm với "sơ" là xa tức là sẽ xa rời các ngươi".

Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu: "Mau đến ngày mồng 1 thay phiên". Thượng hoàng lại đoán: "Thế là ngày mồng 1 ta chết". Năm trước, có một hôm thượng hoàng chợt bảo tả hữu: "Tháng 4 sang năm ta tất chết". Quả như vậy”.

cre:lichsu.vn
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 1-2-2012 23:41:20 | Xem tất
Trần Anh Tông dùng… chân cứu nhiều người thoát chết đuối


Năm Nhâm Tý (1312) vua Trần Anh Tông dẫn quân Nam chinh đánh Chiêm Thành thắng trận. Khi trở về ông cho làm lễ thắng trận lại các lăng vua đời trước ở phủ Long Hưng (nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình). Sau đó vua cùng đoàn tùy tùng theo đường thủy trở lại Thăng Long.

Chuyến đi này đã gặp trở ngại và câu chuyện vua dùng chân cứu người được sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết như sau: “Khi về đến sông Thâm Thị (một đoạn sông Hồng chảy qua huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay- TG), bỗng gặp mưa gió sấm chớp, ban ngày mà tối đen như đổ mực, trong khoảng gang tấc cũng không nhìn thấy nhau. Dây buộc thuyền đều bị đứt cả, thuyền ngự chìm ở giữa dòng. Vua bám lấy đầu thuyền leo lên mui, lấy chân cho các cung nữ, nữ quan bám lấy để cùng leo lên mui.”

cre: lichsu.vn
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 1-2-2012 23:46:39 | Xem tất
Vua Gia Long được xóm “cái bang” cứu giúp


Vị vua sáng lập vương triều Nguyễn là Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) khi đánh với quân Tây Sơn đã nhiều lần thất bại, bị truy đuổi gay gắt và không ít lần rơi vào hoàn cảnh quấn bách, nguy khốn nhưng đều may mắn được cứu giúp.

Thú vị nhất là chuyện Nguyễn Phúc Ánh được những người ăn mày thuộc một xóm “cái bang” giúp đỡ qua cơn hoạn nạn. Một lần thua trận, chỉ còn một thân một mình Nguyễn Phúc Ánh trốn vào khu cư ngụ của đám ăn mày ở làng Nhơn Ngãi ngoại thành Gia Định (nay thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM). Không rõ vì biết thân thế hay vì cảm thương một người sắp lâm vào cảnh chết chóc, hoặc cũng có thể do tính nghĩa hiệp mà họ đã ra tay cứu giúp Nguyễn Phúc Ánh.

Những người ăn mày đưa ông đi ẩn nấp rồi gọi cả nhóm “cái bang” la hét ầm ĩ, đánh trống, đập thùng, gõ xoong chảo... làm như nơi đây có binh hùng tướng mạnh khiến cho toán quân Tây Sơn đang truy đuổi sợ gặp phục binh của chúa Nguyễn bèn rút lui.Về sau, khi đã lên ngôi hoàng đế, nhớ tới ơn xưa, vua Gia Long đã ban thưởng cho những người ăn mày từng cứu giúp mình. Ông cho phép họ lập thành xóm rồi ban cho ba chữ Tân Lộc Phường lấy làm tên xóm.

cre:lichsu.vn

Xem thêm thông tin về vua triều Nguyễn tại đây

http://kites.vn/forum.php?mod=re ... 3580&pid=862819 (tổng hợp của bạn love_milk_tea9)
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 1-2-2012 23:47:51 | Xem tất
Vua Tự Đức lấy trẻ con làm lính thị vệ


Lính thị vệ là những người bảo vệ vua được tuyển chọn rất cẩn thận. Họ phải đảm bảo ít nhất hai yêu cầu: tuyệt đối trung thành và giỏi võ nghệ. Thế nhưng có trường hợp đặc biệt, vua Tự Đức đã đặc cách phong hai đứa trẻ làm thị vệ.

Bấy giờ, vào năm Kỷ Mùi (1859), ở Quảng Trị có một khu trại tre rộng hơn một mẫu, có rất nhiều chim về làm tổ. Biết vua thích săn bắn, các quan địa phương đã niêm yết cấm dân thường vào đó phá phách, để dành riêng nơi đây cho vua hàng năm ra săn bắn. Một lần vua Tự Đức ra Quảng Trị, ông không muốn kinh động nên truyền cho tùy tùng đứng ở xa đợi, còn vua mặc thường phục, một mình mang súng vào bắn chim. Bỗng đâu xuất hiện hai đứa bé chăn trâu chừng 11- 12 tuổi, chúng giằng súng, níu áo không cho bắn, nói là làm như thế cả làng sẽ bị tội và cho biết ở đây chỉ có vua được bắn chim thôi.

Vua Tự Đức rất bất ngờ, ông liền quay ra gọi các quan và sai trở về kinh, mang theo 2 đứa trẻ , phong chúng làm Ngũ đẳng thị vệ. Vua còn ban tiền bạc khen ngợi cha mẹ chúng vì đã đẻ con có nghĩa, biết dạy con lòng trung thành.

cre: lichsu.vn
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 1-2-2012 23:49:44 | Xem tất
Mạc Mậu Hợp mưu giết bề tôi để cướp vợ

Ở ngôi 30 năm (1562-1592), Mạc Mậu Hợp là người làm vua lâu nhất trong số các vua Mạc thời hưng thịnh. Tuy nhiên cũng chính ông vua này khiến cho cơ nghiệp của họ Mạc suy vong. Và một trong các nguyên nhân chính là thói hoang dâm hiếu sắc của ông.

Nếu như trong lịch sử Trung Quốc có không ít chuyện các hôn quân, bạo chúa cướp vợ của thần dân, con em hoàng tộc hoặc bề tôi của mình để thỏa mãn dục vọng thì lịch sử Việt Nam chỉ duy nhất có vua Mạc Mậu Hợp là dám làm chuyện như vậy. Ông đã lập kế định giết một danh tướng trong triều để cướp vợ khiến cho một bộ phận binh lực nhà Mạc đã theo viên tướng này về quy phục vua Lê làm cho thế lực của Mạc Mậu Hợp ngày càng suy yếu. Sự việc này xảy ra vào cuối năm Nhâm Thìn (1592). Sách Lê triều thông sử viết: “Vợ viên trấn thủ Nam đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên, tức con gái Nguyễn Quyện. Chị gái của Thị Niên là hoàng hậu của Mậu Hợp vì thế Thị Niên thường được ra vào trong cung. Mậu Hợp thấy Thị Niên, đem lòng yêu mến bèn ngầm tính kế giết Văn Khuê để cướp vợ y”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết rõ hơn: “Chúa Mạc là Mậu Hợp ngày ngày say đắm tửu sắc. Nguyễn thị là con gái của Nguyễn Quyện và là vợ Bùi Văn Khuê, nhân có em gái là vợ của Mạc Mậu Hợp, nên thường ra vào trong cấm cung. Mậu Hợp ưng ý Nguyễn thị vì nàng có nhan sắc, nên muốn giết Văn Khuê để chiếm lấy nàng. Văn Khuê biết chuyện, bèn đem quân bản bộ tự ý rút về Gia Viễn, đóng binh một chỗ, không chịu vào chầu. Mậu Hợp sai quân đến bức bách để bắt Văn Khuê sai con trai là Văn Nguyên chạy vào Thanh Hoa, dâng lễ đầu hàng và xin cứu viện. Trịnh Tùng ưng nhận cho hàng và mừng rỡ nói: Văn Khuê đầu hàng, thế là trời giúp cho ta được chóng thành công. Đất đai bản triều có thể hẹn ngày khôi phục được”.

cre:lichsu.vn
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 1-2-2012 23:51:23 | Xem tất
Giản Định Đế bị bắt làm Thái thượng hoàng

Thái thượng hoàng là ngôi vị mang nghĩa "vua bề trên". Danh hiệu này được dùng từ khi người đó nhường ngôi vua cho con trai, cháu trai, hoặc em trai, cho đến khi qua đời. Tuy nhiên trong lịch sử nước ta, cũng có một số trường hợp tuy không làm vua nhưng vẫn được tôn làm Thái thượng hoàng như Sùng Hiền Hầu thời Lý, Trần Thừa thời Trần… Chế độ Thái thường hoàng có từ thời Lý, trải qua các triều Trần, Hồ, Hậu Trần, Mạc, Lê Trung Hưng có tổng cộng 17 người ở trên ngôi vị này, trong số đó có duy nhất trường hợp của Giản Định Đế là bị bắt phải làm Thái thượng hoàng.

Giản Định đế tên húy là Trần Ngỗi, còn có tên khác là Trần Quỹ, vị vua đầu tiên của nhà Hậu Trần, được dựng lên trong thời kỳ đầu chống ách đô hộ của giặc Minh xâm lược. Vì vua giết oan trung thần nên con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung đều căm giận mới đem quân về Thanh Hóa rước cháu của Giản Định đế là Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua, lấy niên hiệu là Trùng Quang. Để thống nhất lực lượng kháng chiến, vua Trùng Quang sai Thái phó Nguyễn Súy đem quân đánh thành Ngự Thiên (nay thuộc Hưng Nhân, Thái Bình) bắt được Giản Định đế đưa về Nghệ An vào ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Sửu (1409), “tôn lên làm Thượng hoàng, cùng chung sức đánh giặc” ( Đại Việt sử ký toàn thư). Sự kiện này cũng được sách sử phương Bắc chép, sách Nguyên sử viết: “Bấy giờ bọn Nguyễn Súy suy tôn Giản Định làm Thái Thượng hoàng, lập riêng Trần Quý Khoáng làm vua, đặt niên hiệu là Trùng Quang”.

Mặc dù bị bắt làm Thái thượng hoàng nhưng Giản Định đế cũng không có phản ứng gì tiêu cực mà vẫn hăng hái đánh giặc cho đến khi bị chúng bắt được vào tháng 7 năm Kỷ Sửu (1409) đưa về phương Bắc giết hại. Giản Định đế là vị Thái Thượng hoàng duy nhất của thời Hậu Trần và ở ngôi ngắn nhất tronng lịch sử (gần 4 tháng).

cre:lichsu.vn
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 1-2-2012 23:52:51 | Xem tất
Đời vua Tự Đức từng có  đại diện ngoại giao của Tây Ban Nha


Thời Nguyễn, quan hệ ngoại giao của nước ta không chỉ bó hẹp với các quốc gia láng giềng phương Đông mà với các quốc gia Tây phương quan hệ cũng được mở rộng hơn so với thời Lê Trung Hưng.

Đã có những tiếp xúc giữa Đại Nam với các quốc gia Mỹ, Anh… nhưng do những lý do khác nhau, quan hệ ngoại giao chưa được xác lập chính thức. Tuy nhiên có một đại diện ngoại giao chính thức của phương Tây đã được đặt ở nước ta, đó là đại diện của Tây Ban Nha. Ngày 9 tháng 7 năm 1881, Don Tiburcio Rodriguez đặt chân đến thành Gia Định (Sài Gòn) với cương vị Đại sứ Toàn quyền của Tây Ban Nha ở Đại Thanh (Trung Quốc), Xiêm La (Thái Lan) và Đại Nam (Việt Nam).

Bấy giờ quân Pháp đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược nước ta, nhiều vùng đất ở miền Đông và miền Tây Nam bộ lần lượt bị giặc chiếm đóng, vì vậy một mặt quân Pháp ở Gia Định uy hiếp đại diện ngoại giao của Tây Ban Nha, mặt khác chính phủ Pháp phản đối quyết liệt việc Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Đại Nam ở cấp đại sứ, cuối cùng Tây Ban Nha buộc phải bãi bỏ cơ quan đại diện ở nước ta. Mối quan hệ ngắn ngủi giữa Đại Nam và Tây Ban Nha thời vua Tự Đức đã kết thúc nhanh chóng như vậy.

cre:lichsu.vn
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 1-2-2012 23:54:12 | Xem tất
Lý Anh Tông, hoàng đế đầu tiên đi tuần biển Đông


Trong khi nhiều quốc gia lân bang cùng thời kỳ chỉ quan tâm đến lãnh thổ trên đất liền, các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt chú trọng đến biển, không chỉ nhằm khai thác hải sản và các nguồn lợi khác từ biển mà còn từng bước xác lập chủ quyền trên các hải đảo. Thậm chí có vị vua còn đi tuần thú ra biển để xem xét và người đầu tiên thực hiện việc đó là Lý Anh Tông, hoàng đế thứ 6 của triều Lý.

Sử chép rằng, vào tháng 11 năm Tân Tị (1161) vua sai Thái úy Tô Hiến Thành “đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên bờ cõi xa” ( Đại Việt sử ký toàn thư). Năm Tân Mão (1171) “vua đi tuần ra cù lao ngoài biển, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của nhân dân và đường đi xa gần thế nào”; tháng 2 năm Nhâm Thìn (1172) “vua lại đi tuần ra cù lao ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Qua các lần đi này, vua Lý Anh Tông đã soạn một cuốn sách lấy tên là “Nam Bắc phiên giới đề”.

cre;lichsu.vn
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 10-2-2012 01:29:37 | Xem tất
Trần Nhân Tông giữa đường xử kiện


Tháng 10 năm Canh Thìn, vua Trần Nhân Tông đang đi trên đường thì có người dân đón đường mong được minh xét. Vua đã xử án ngay giữa đường, phát hiện ra một số quan lại lộng quyền ức hiếp người dân.

Là người nắm uy quyền tối cao nên mặc dù đặt ra cơ quan chuyên phụ trách việc hình án, xử lý kiện tụng nhưng trong một số trường hợp nhất định, có những vị vua Việt Nam đã trực tiếp xử án. Như trường hợp vua Trần Nhân Tông, nhưng chuyện ông xử án rất đặc biệt, không phải tại cung đình, trong công đường mà ở giữa đường.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho hay, vào tháng 10 năm Canh Thìn (1280) khi vua đang đi trên đường thì phải dừng xe lại để xử kiện: “Em Đỗ Khắc Chung* là Đỗ Thiên Thư kiện tụng với người dân, tình lý đều trái. Người dân kia đón xa giá để kêu bày.
Vua hỏi quan xử kiện. Viên quan đó trả lời: "Án xử đã xong, nhưng hình như quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi".

Vua nói: "Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy!". Ngay lúc đó, vua sai Chánh trưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức kiểm pháp quan để chuẩn định. Thiên Thư quả nhiên làm trái, Quan áo xanh (tức là hoạn quan) được làm việc kiểm pháp bắt đầu từ Hùng Thao.

Đánh giá về câu chuyện này, nhà sử học thời Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên viết: “Người kiện có điều oan uổng mà được dễ dàng kêu bày, hình quan để chậm án, không thấy có lời trách hỏi, hoạn quan nội thần lạm cử làm pháp quan, vua làm việc này có có ba lầm lỗi kèm theo, nhưng như vậy thì dân tình được thấu lên trên. Việc cai trị dân, thà sai để khoan thứ để cho án kiện đọng lại được xử ngay, cũng đủ thấy được lòng trung hậu của vua” (Đại Việt sử ký toàn thư).

cre;lichsu.vn
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách