Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lãng Mạn - Xuất Bản] Bỉ Vỏ | Nguyên Hồng (Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
41#
 Tác giả| Đăng lúc 3-12-2013 20:40:53 | Chỉ xem của tác giả
Chương 18

- Này mợ, nước sôi rồi đây, pha chè đi. à còn chục miếng đường tây mợ đem ra mà uống.

Bính đương vá chỗ vai áo, nghe thấy chồng bảo pha chế nhưng cứ làm lơ đi, mãi lúc rút xong mũi kim cuối cùng, và trên hỏa lò ấm nước sôi réo lên, bọt nước trào dập gần tắt hết lửa, Bính mới chạy đến tủ chè với lấy lọ chè và lọ đường.

Bính rót nước sôi vào ấm, chờ một lúc rồi rót ra hai chén đầy. Hương chè mạn sen ngát cả gian nhà hồng hồng ánh lửa của lò than bắt đầu cháy rực.

Bính nhả bã miếng trầu, chiêu ngụm nước chè rồi hỏi chồng:

- Này cậu cái người ở sà lim số tám mà cậu dặn tôi bảo tù cỏ-vê đưa cơm ban chiều là ai vậy?

Người chồng cười nói:

- "Nốt" tốt của tôi đấy!

- Thế nghĩa là gì?

Người chồng vẫn rung đùi khề khà. Bính cau mặt phát vào đùi hắn, dỗi:

- Ai thế bảo cho tôi biết, không có tôi và chị Hai đi xem hát bây giờ.

Hắn phải nói ngay:

- Làm gì mà nóng thế! Để người ta còn nhấp giọng nào.

Hắn ngừng lại, uống hết chén nước, rồi khề khà thuật lại cái sự gặp gỡ may mắn đã làm hắn khoan khoái cho Bính nghe:

- Tối hôm kia tôi và thấy thằng "doóc"(1) ra Tân đệ khám thẻ xong thì gần mười giờ. Tôi đã đạp xe về đến nửa đường thế nào lại rớ ngay được bốn người không thẻ, mà một trong bọn đó có án biệt xứ mới thích chứ.

Bính lắng tai nghe, hắn nói tiếp:

- Và thằng này chính là thằng mà sở Mật thám ngoài

Hải Phòng đường tầm nã riết, song vẫn lẩn tránh được.

Bính băn khoăn, vội hỏi:

- Tội gì thế?

Người chồng gật gù đáp:

- Đủ mọi tội, ăn cắp, giết người, và...

- Vượt ngục à?

- Không, nhưng nó cũng đã năm, sáu lần tù và đã đi Côn Lôn.

Bính nóng ruột:

- Tên là gì?

- Nó lắm tên lắm. Những Ba, Bốn, Năm, Sáu gì ấy nhưng tên chính là Nguyễn Chí Thiện. Để ngày mai, tôi chờ ông phó trên Hà Nội về, tôi lên trình, lúc đó lục "phích" ra xem thì rõ tung tích nó.

Bính bồn chồn, đắn đo hỏi chồng:

- Liệu nó có việc gì không?

Hắn ta cười nhiều hơn, đắc ý lắm:

- Mình ạ, thế nào thằng ấy cũng bị giao trả tòa án Hải Phòng rồi lại bị đi đày thôi. Còn tôi thế nào chả được tư "nốt" tốt lên Hà Nội và cuối năm nay mười phần chắc chín là được lên ngạch.

Bính càng hồi hộp. Cái tên Nguyễn Chí Thiện biết đâu không phải là cái tên giả còn cái tên Năm mà chồng Bính lưỡng lự có thể là một nửa cái tên Năm Sài Gòn cũng nên. Bính bứt rứt nhưng phải cố nén sự cảm động, hỏi một cách vẩn vơ:

- Trông mặt mũi nó có ghê gớm không mà nó tù nhiều thế?

- Không! Thằng này nghiện oặt, gầy gò. Tôi chỉ còn nhớ mặt nó có một cái sẹo to trên trán và rất nhiều sẹo ở má, ở cằm.

Bính hơi thất sắc:

- Cả trán, má, cằm cũng có sẹo, chắc nó bị chém nhiều lắm?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

42#
 Tác giả| Đăng lúc 3-12-2013 20:42:09 | Chỉ xem của tác giả
- Đúng thế, chứ còn chắc với chả chắc gì! ấy là nó còn quấn phu la che đi nhiều dấu dao nữa, nhưng nhìn đến cặp mắt nó thì lại thấy dữ hơn. Thôi mợ nó quạt màn đi ngủ, khuya rồi. Vừa nói hắn vừa chỉ ra ngoài trời đã lặng, sương đã xuống mịt mùng.

Mười một giờ...

Mười hai giờ...

Gần hai giờ thì ánh trắng hơi chếch chếch về phía tây, chiếu qua khung cửa kéo một vệt sáng dài lên bức tường trắng đục của gian xà lim vắng vẻ.

Năm... Năm Sài Gòn bó gối nhìn ánh trăng mờ lạnh báo trước những sự tra tấn khủng khiếp sắp đến và Năm lại vào một nơi mà Năm hết hy vọng trở lại cuộc đời phóng khoáng.

- Côn Lôn chăng?

- Hà Giang chăng?

- Lai Châu, Sơn La chăng?

Năm Sài Gòn rùng mình, tự hỏi rồi tự trả lời:

- Có thể!

Trong người Năm bỗng nóng bừng lên. Năm thấy lần này sự giam cầm khổ sở hơn hết mọi lần. Năm vội đứng dậy, vuơn vai thở hắt ra một cái thật mạnh, đóng lại cúc áo đoạn đi đi lại lại trên sàn xi măng để tránh và quên những ý tưởng tối tăm ghê sợ. Song những bước ngắn ngủi quanh quần chỉ càng làm cho hai ống chân Năm rã rời, trí não Năm rối beng, và khung ngực lép kẹp thêm chói tức dưới làn không khí lạnh lẽo nặng nề.

Xà lim của sở mật thám Nam Định mãi bây giờ mới khiến Năm rùng rợn. Những chấn song sắt to bằng cổ tay, những bức tường dày quét hắn ín đen sì, những cùm sắt chắc nịch của xà lim A, xà lim B, xà lim Lô cốt trong Hỏa lò Hà Nội cũng không đáng khiếp sợ bằng những bức tường xi măng nhẵn bóng của xà lim sở mật thám Nam Định này in ánh trăng xanh trong xanh bóng.

Năm Sài Gòn chặc lưỡi, ngồi xệp xuống sàn lạnh hơn ướp nước đá, dựa lưng vào góc tường. Tâm trí Năm còn mệt lả hơn xác thịt, Năm chỉ còn đủ sức dương đôi mắt lờ đờ mà nhìn bóng trăng trên tường, mặc những hình ảnh quá vãng nổi lên giữa cái tâm tưởng u ám của mình.

Năm mồ côi cha mẹ... Năm không có ai dạy dỗ... Năm lang thang chẳng bao giờ được có công ăn việc làm chắc chắn. Năm ăn cắp... Năm bị tù... bị tù... bị tù bị tù... rồi bị đi đày... Năm được gọi là anh chị... Năm lấy Tám Bính...

Rồi đến ngày nay vì ốm yếu nghiện ngập, vì tình thế khó khăn, Năm phải rời Hải Phòng về Nam thì lại bị bắt.

Bằng ấy hình ảnh, bằng ấy nỗi niềm, rất nhanh chóng và rất rõ ràng, liên tiếp nhau, thi nhau làm tê tái cả lòng Năm. Năm mím môi lại, khoanh tay ra sau gáy, ngả đầu thở dài.

Hơn ba giờ...

Bóng trăng chỉ còn dài bằng cái thước kẻ trên tưòng xám ngắt, nhắc Năm đêm khuya lắm, gian xà lim sắp tối như mực.

Chợt từ đáy trời im lặng vẳng lên, chắc ở gác canh trong để lao gần đấy, những tiếng kiềng rè rè. Năm buồn bã với gáo nước uống một hơi gần hết, rồi cất giọng nhẹ nhẹ hát nối theo cái thanh âm rền rĩ đương dần tắt kia:

- Anh đây công tử không "vòm"

Ngày mai "kện rập" biết "móm" vào đâu.

... Tám Bính chập chờn ngủ bỗng thức giấc, lắng tai nghe. Tiếng hát bằng cái giọng ngao ngán khi xưa từng bào xé ruột gan Bính trong những giờ vắng vẻ chán nản ở nhà chứa ấy, cái giọng đục lờ lờ, thê thảm, riêng biệt của hạng gái bán trôn nuôi miệng và hạng giai "du côn" anh chị "chạy vỏ" ấy, nghe rợn người như một giọng hấp hối, quằn quại đau thương và tuyệt vọng.

Tám Bính ngồi nhỏm dậy. Tiếng hát im lìm. Bính để hết tinh thần mới thấy chút dư thanh phảng phất trong tiếng gió khuya ù ù. Bính bước vội xuống giường, không kịp xỏ dép, mở nhẹ cửa sổ, ngơ ngác trông. Trong màn sương bàng bạc hoàn toàn chìm trong giấc ngủ say sưa, không bóng một người.

Nhưng... trong khoảnh khắc tiếng hát lại cất lên. Cái giọng buồn thảm ấy rõ ràng và vang lên, tỏa hẳn ra xa, lạnh lùng hoang vắng...

Đích thực Năm Sài Gòn rồi. Bính nức nở, gục đầu bên cửa sổ, nước mắt ròng ròng long lanh, Bính trạnh lòng tưởng đến bao nhiêu sự điêu linh bấp bênh, có ăn ngày này không dám chắc ngày mai và sự tối tăm nhơ nhuốc của đời Năm, một tên "chạy vỏ?, "anh chị" đến kỳ mạt lộ. Bính cảm thấy mình tệ bạc và Năm Sài Gòn vì một cơn giận dữ ghen tức ruồng rẫy Bính thì không đáng trách tý nào. Bính cảm thấy một năm nay, mình êm ấm ung sướng còn Năm thì cùng cực khổ sở. Rồi Bính rùng mình quay mặt đi, không dám trông bầu trời u ám sau những mảng mây đen nhờ và một cảnh xa xôi đày ải các kẻ đi đày thoáng hiện ra trước những giọt nước mắt rưng rưng...

... Cánh cửa sắt nặng chịch của xà lim vừa hé mở, khóa không kịp đóng lại, hai bóng đen đã cắm đầu chạy mỗi lúc một nhỏ dần, rồi biến mất trên con đường xa tắp.

Chú thích

1. Doóc: phụ mật thám.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

43#
 Tác giả| Đăng lúc 4-12-2013 11:21:39 | Chỉ xem của tác giả
Chương 19

Cái toa cuối cùng của đoàn xe lửa chạy vào bóng một rặng tre lù mù, và Tám Bính buông xong tiếng kêu. Năm Sài Gòn đã bế xốc Bính lên chạy vùn vụt, lần lút trên con đường ngoằn ngoèo bên bờ ruộng. Vành trăng xanh nhợt giải xuống cảnh vật chung quanh ga. Đặng xá, đường Hà Nội Nam Định, một làn ánh sáng lạnh lùng, làm gương mặt Tám Bính càng tái mét. Máu ở bàn tay Bính rỏ ròng ròng xuống vệ cỏ mỗi lúc một nhiều nhưng Bính mê man không biết đau đớn là gì hết.

Năm Sài Gòn thở không ra hơi, một tay cắp Bính ngang lưng, một tay cố gắng xách va li nặng trĩu. Gió rét qua ruộng lúa vang đến tai Năm những tiếng vu vu như có lẫn những lời nguyền rủa của người mất va li và của cả hành khách trên tàu.

Năm Sài Gòn mệt vã mồ hôi nhưng nét mặt vẫn lầm lầm không thay đổi.

Độ nửa giờ sau Năm rẽ quặt vào một lối nhỏ hơn, hai bên lởm chởm những đám dứa dại um tùm, thỉnh thoảng sát vào nhau soàn soạt. Rồi Năm dừng bước trước một gian nhà lá, cạnh gốc đa cổ thụ. Cánh cửa liếp thoáng mở. Năm chui tọt vào. Mấy tiếng kêu mừng rỡ, khe khẽ:

- Anh Năm!

Nhưng tiếng ấy đổi giọng liền:

- Kìa chị Tám!

Năm Sài Gòn thở hồng hộc không đáp, buông vội cái va li xuống đất, rồi nhẹ đặt Tám Bính trên cái phản xép ở góc nhà. Đoạn, Năm nằm vật ra giường bên cạnh. Hai Sơn luống cuống vặn to ngọn đèn hoa kỳ giơ soi, hắn lại kêu lên:

- Chết... anh Năm ơi! Chị Tám sao thế này?

Bây giờ Tám Bính hơi tỉnh, đã biết đau, nhăn mặt rền tiếng:

- Anh Năm! Anh Năm!

Dứt lời, Bính lờ đờ hé mắt, nhưng chỉ thoáng cái lại nhắm nghiền, chân ruỗi căng ra với một sự buốt chói vô cùng ran khắp cảm giác, Hai Sơn dựt dựt vội đám lông cu ly và khua lấy ít mạng nhện, xé khăn mặt quấn chặt bàn tay Bính với hai vị thuốc cấp cứu kia.

Bình tĩnh hẳn, nằm thẳng, răng cắn chặt môi, cố im lặng để Hai Sơn dịt chỗ đau. Nhưng mạng nhện và lông cu ly thấm máu, ướt sũng, cứ chực rơi buột đi. Hai Sơn bối rối:

- Anh Năm ơi! Nguy quá!

Bính rên rỉ khẽ gọi:

- Anh Năm! Anh Năm đâu rồi?

Năm nhọc đứt ruột nhưng cũng vùng dậy, chạy đến nâng cánh tay Bính cho Hai Sơn buộc thuốc. Lần này cả lượt vải ngoài cùng đầm đìa máu. Năm Sài Gòn vội đánh diêm đốt quyển lịch tầu, lấy tàn đắp vào chỗ đau. Bính xót xa nghiến răng nâng cánh tay lên, nức nở:

- Đến chết mất thôi! Giời ơi!

Bính ngước mắt ai oán trông Năm ngồi phía trên. Toàn thân Năm bỗng rung chuyển. Từ từ ở khóe mắt Năm nước mắt cũng chảy ra, long lanh.

Năm khóc nhưng không có tiếng. Môi Năm càng mím chặt. Những giọt nước mắt nóng ấy theo nhau rớt đúng xuống bàn tay đương nhức nhói, Bính lạnh dợi hẳn đi. Sự đau đớn của Bính như biến mất với cả những gian nguy vừa qua.

Gần đến ga Đặng Xá, trên chuyến xe chạy suốt Hà Nội Vinh, Bính vừa nhấc chiếc va li của một người khách ra ngoài đầu toa thì Năm Sài Gòn ở đâu chạy lại giằng lấy. Cùng lúc hai bóng người mật thám to béo vụt tới. Năm Sài Gòn liền nắm tay Bính, cả hai lao người xuống đường...

Thế rồi Bính tối tăm mặt mũi mà mê man cho đến khi Năm đặt Bính trên tấm phản đây.

Tám Bính rùng mình, tay phải bóp chặt cánh tay trái, nhăn hết cả nét mặt, Năm liền vỗ vỗ người Bính:

- Mình ơi! Mình cố cắn răng mà chịu đau, sáng sớm mai anh đón ngay ông lang cho.

Bính rít tiếng:

- Chờ không nhức buốt lắm mình ạ.

Năm Sài Gòn cũng nhăn mặt:

- Thôi mình cố chịu vậy! Nếu phải gánh nặng thì anh ghé vai đỡ hộ ngay cho mình chứ không đời nào để mình như thế đâu!...

Nói xong, Năm đưa tay vuốt trán Bính, gạt những sợi tóc dán trên mi mắt ra vành tai, rồi đờ người nhìn Bính như một pho tượng đồng.

Dưới cặp mắt đắm đuối tê tái của Năm, trước im lặng đanh lại của Năm, Bính dần thiêm thiếp.

Hơn hai giờ sau, mảng trời ngoài cánh đồng đằng cuối sân giữa hai gốc gạo sù sì, cành lá soà ra hàng mấy thửa ruộng, bắt đầu mờ mờ sáng. Năm Sài Gòn ngước đầu trông, ngần ngại dặn Tám Bính:

- Thôi mình chịu khó nằm một mình ở nhà để anh đi đón thầy lang. Còn anh Hai Sơn thì đáp chuyến tàu Hà Nội sáu giờ kẻo lỡ việc.

Bính gật đầu, nhưng chợt nghĩ ra, Bính liền gọi giật Năm lại:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

44#
 Tác giả| Đăng lúc 4-12-2013 11:23:03 | Chỉ xem của tác giả
- Thôi mình ạ! Đừng đi nữa!

Năm cau mày im lặng.

Bính nói luôn:

- Em đành chịu đau, chứ mời thầy lang thì nguy hiểm lắm.

- Sao vậy?

- Hai vốn có tính bép xép, kháo chuyện, vậy nhỡ lộ đến tai "cớm" mình ở chỗ này thì khốn.

Năm vỡ nhẽ, vỗ vai Bính:

- Mình nghĩ phải đấy, nhưng để mình đau thế kia đang tâm sao?

Bính cười nhạt, ngắt lời:

- Đã bảo em chịu được.

Năm chặc lưỡi:

- Chà! Cứ để anh đón thầy lang cho mình, nhỡ "lộ" thì anh nhận hết là cùng...

Bính lắc đầu:

- Em van mình! Nghe em!

Dứt lời, Tám Bính nương nhẹ nhẹ cánh tay trái lên, đưa mắt nhìn bàn tay bị kẹp xe dập nát cụt mất quá nửa, nhức chói trong một lượt tàn giấy bản và hai lượt vải mỏng.

Bính thở dài. Năm trạnh lòng, vuốt vuốt lưng vợ:

- Đấy mình lại đau lắm phải không. Thôi anh đi mời ông lang ngay đây.

Bính mắt long lanh:

- Không! Đã bảo em không đau đớn gì hết mà!

- Nhưng sao mặt mình cứ càng tái ngắt thế kia?

Tám Bính nhìn Năm giây lát mới nói:

- Em chỉ buồn.. buồn vì túng thiếu thôi. Non năm nay đi "dọc" gặp nhiều phen gian nan quá. Giá trước kia...

Đến đây, Bính rơm rớm nước mắt. Năm nao nao, chờ Bính nói tiếp:

-... Sau khi ở sở mật thám Nam Định ra, mình nghe em, vợ chồng đưa nhau lên Cao Bằng, Lạng Sơn, hay ra Uông Bí, Hồng Gai tìm cách làm ăn sinh sống thì làm gì nên nỗi khổ sở gian nan như ngày nay.

Năm dằn tiếng:

- Khổ quá! Anh không muốn mình nhắc tới chuyện ấy đâu. Nghe nó chướng tai lắm. Vậy anh xin mình từ rầy trở đi còn muốn làm bạn với anh giờ nào, ngày nào thì phải theo anh mới được.

Bính nức nở:

- Cho đến chết chắc?

- Đến thì đến! Vả lại đi "dọc" có nguy hiểm gì lắm mà mình lo lắng khiếp sợ. Minh không biết ư, nghề gì, việc gì, có gieo neo khó khăn mà ta theo đuổi làm được mới thích chứ. Anh đã đứt kẽ lưỡi dặn mình, mình vẫn quên không nhảy nghiêng người về đằng trước, một là tránh gió tạt, hai là lấy thăng bằng, để đến ngày nay xảy ra cơ sự này, anh nghĩ thương, lại vừa giận mình.

Biết mình nhỡ miệng, Năm nắm chặt tay Bính dịu ngay nhời:

- Giận mình thì ít, thương mình thì nhiều...

Bính vô cùng buồn bã. ý Bính muốn hỏi Năm: "Sao anh không theo đuổi một nghề khó nhọc nguy hiểm khác nhưng chân chính có phải hơn không?". Nhưng Bính không thể và không dám nói ra nhời. Bất giác Bính ngẩng đầu lên lờ đờ nhìn Năm, thở dài một tiếng nhẹ:

- Đáng tiếc!

Năm bỡ ngỡ:

- Cái gì, đáng tiếc?

Tám Bính thẫn thờ lắc đầu.

- Thật đáng tiếc!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

45#
 Tác giả| Đăng lúc 4-12-2013 19:24:50 | Chỉ xem của tác giả
Chương 20

Một buổi chiều gần tàn, nắng vàng nhạt, chân trời lặng lẽ mờ mờ sương.

Tám Bính đứng ở đầu toa chở hành khách hạng tư, trong cảnh vật bên đường thấp thoáng chập chờn trong ánh nắng và khói sương. Giời tối dần. Rồi mưa bụi. Gió rào qua những mặt ruộng mênh mông đen sẫm, tạt qua mặt Bính những hạt mưa lấm tấm. Bính né lùi người vào bên cửa lối ra vào, đưa mắt nhìn suốt một lượt:

- Phải cứ ngủ cho rõ say vào.

Dứt lời, Bính cười, Bính vui sướng thấy dạo này đổi sang đường tàu Hải Phòng Hà Nội vợ chồng Bính "trúng" được luôn, và nhờ những thủ đoạn đưa đón của Bính, công việc êm như ru, "hàng" "trôi" không vấp váp. Thấy thế, Năm Sài Gòn chặc lưỡi bảo Hai Sơn:

- Về đi "dọc" đường này nếu không có Tám Bính tôi đến bó tay mất!

Năm phải phục thầm Tám Bính những khi Bính bình tĩnh suy tính rất chóng trong các cơn nguy hiểm. Năm thật không ngờ từ ngày Tám Bính bị kẹp mất một bàn tay, Bính lại trở nên một "bỉ vỏ" xuất trận gan trường lạ thường.

... Như ngày tháng năm mới rồi, Tám Bính không nhanh mắt, không mau trí khôn thì Năm Sài Gòn vừa bị bắt, vừa bị đòn đau trên một chuyến xe lửa rất đông.

Người ta còn nhớ đến ga Cẩm giàng có một bọn lái lợn hơn mười người say rượu bét nhè, chen nhau lên tàu. Những hầu bao xóc xách tiếng hào cạnh thắt lưng làm Năm đương buồn vì tối qua thua sóc đĩa trần trụi, tỉnh hẳn người, tươi ngay nét mặt.

Một lúc lâu, Năm giở dao sắp sửa cắt túi một người chuyện huyên thuyên bên cạnh hắn thì Bính ngăn lại, bảo khẽ:

- Việc gì phải vội thế, hẵng "tròm" xem "so" nào "tễ bướu" nhất hãy "khai"(1) nào.

Nói đoạn Bính bấm khẽ Năm Sài Gòn.

- "Nhe" đằng "hậu đớm"(2) anh Năm!

Năm đưa mắt nhìn theo một ông cụ già nhất trong tụi ấy, thắt lưng lụa hồ thủy, mặc áo cánh lụa nâu, ý chừng là trùm phường lái lợn này - đương xốc hầu bao đếm tiền.

Năm tờ giấy bạc một đồng, hai tờ giấy năm đồng, non hai chục hào ván.. những giấy bạc mới, những bạc hào sủng soảng như nhảy múa trước mặt Năm, Năm cười:

- ừ nhỉ, tý nữa!

Tám Bính cười, đáp lại, hai tay vẫn ủ trong một cái đẫy vải, lảng ra khỏi chỗ khác. Nhưng chẳng phải Tám Bính không có "khách hàng" đâu, mắt Bính tuy trông ra ngoài, song Bính cứ lùi dần đến bên anh lái trẻ tuổi ít cười, khư khư giữ một bọc tiền trong lòng. Tuy thế anh cũng lẳng lơ lắm, luôn luôn đưa mắt liếc Bính. Mỗi lần Bính đều trả lại một nụ cười kín đáo.

Lúc đó ông lái già vẫn say bự, vẫn chuyện trò huyên thuyên, còn Năm Sài Gòn đã ngồi sát cạnh ông.

Bỗng Năm rút lưỡi dao, nhẹ đưa cắt túi tiền của ông già. Tức thì người trẻ tuổi đĩ thõa nọ đứng vội lên, vớ đòn ống, giơ thẳng cánh tay nhằm đầu Năm giáng xuống.

Bính xanh mắt, lao nhanh người chắn ngay bước người trẻ tuổi, nhổ toẹt quết trầu và kêu:

- Chết, phang cả vào mặt tôi bây giờ. Làm sao thế này?

Người trẻ tuổi bực tức kêu lên:

- Ô kìa!

Tiếng "kìa" chưa buông xong, đánh cái vút, Năm Sài Gòn đã cầm túi tiền chạy ra cửa toa rồi lao xuống đường.

- Thế là cô để kẻ cắp xẻo túi tiền của ông tôi thoát rồi!

Bính trừng mắt:

- Đâu kẻ cắp đâu? Và nó chạy đâu?

Người trẻ tuổi đỏ mặt:

- Thôi không thèm nói với cô nữa. Khéo mèo!

Bính ra dáng bẽn lẽn, lùi lũi về chỗ ngồi. Một lúc sau, cả tàu bớt nhao nhao bàn về chuyện ông lái già mất hai chục bạc, Tám Bính đã thoắt xuống ga Đình dù với cái đẫy tiền của anh chàng nọ, và để lại trong trí nhớ anh một bài học về sự đứng đắn trên đường trường đáng giá cũng non hai mươi đồng.

... Trời tối âm u, gió càng rít mạnh, mưa thêm mau và nặng hạt. Vùng quê mênh mông dần chìm hẳn trong sương mờ mịt. Một bóng người từ đầu toa đằng kia đi tới, Bính ngẩng đầu khẽ gọi:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

46#
 Tác giả| Đăng lúc 4-12-2013 19:26:24 | Chỉ xem của tác giả
- Anh Năm!

Năm thầm nói:

- Một "so sì".

Dứt lời Năm quay lại lấm lét nhìn:

- So sì nào?

- So sì "trưng tẩy" đằng "hậu đớm" mình "tễ bướu"(3) lắm.

- Sao anh không "loại tươi"(4).

- "So hắc" lắm! Cá nó "diếm" ở "dắm thượng"(5) áo ba-đờ-suy cơ.

- Thì phải "khai"(6) chứ sao.

- Không thể được, anh đến gần nó, nó cứ lảng đi, mà một "bỉ đượi"(7) đến bên nó, nó đứng yên mình ạ...

Tám Bính ngắt lời:

- Em hiểu rồi.

Năm đi sang toa khác, Tám Bính rón rén đi vào chỗ ngồi, khi qua mặt một người đàn ông vận âu phục. Bính đưa mắt nhìn. ánh đèn điện trong toa không sáng lắm, vẻ lẳng lơ của Bính đẹp dịu thêm. Người đàn ông phừng phừng cả mặt. Hắn đứng dậy xốc cổ áo ba-đờ-suy, kéo phu-la lên quá mang tai, theo nhanh Bính.

Đến đầu toa, Tám Bính đứng lại, tỳ tay lên lan can thẩn thơ trông. Hắn liền nhẹ vỗ vai Bính:

- Cô! à em! Mưa rét thế này buồn lắm nhỉ.

Bính mỉm cười, nhích nhích người đi không đáp "Làm tiền nhưng ra cái vẻ "bò lạc" đấy". Hắn tự nhủ. Rồi bằng một giọng êm ái nhưng sỗ sàng hắn hói:

- Còn vẽ sự! Đứng hẳn lại đây với tôi rồi nói chuyện có phải vui không?

Vừa nói hắn vừa vuốt lưng Bính tấm tắc khen:

- Chà! Xinh tệ! Đáng yêu tệ!

Bính gạt tay hắn:

- Này, trẻ con vừa chứ!

... Trước còn thưa, dần thêm đậm đà rồi đằm thắm. Và Tám Bính càng chuyện trò, cười cợt khi thấy hắn cởi phanh áo ba-đờ-suy ra định choàng lấy người Bính cùng lúc Năm Sài Gòn nhẹ bước tiến đến. Nhưng, vẫn như không hay biết, hắn chỉ càng mê mệt, nhìn ngắm đôi má ửng hồng của Bính. Tay phải hắn ôm choàng lấy Bính, tay trái bíu lấy cánh cửa tàu để một bên áo khoác trễ hẳn xuống.

Năm Sài Gòn liền đưa lưỡi dao sáng loáng nhẹ rạch cái túi đựng ví tiền.

Nhưng đầu Năm vừa che khuất ánh đèn vệt một bóng tối trên mặt Tám Bính, hắn vùng quay lại túm ngay được đầu Năm.

"Lộ tẩy".

Bính liền nhảy đại xuống đường. Năm nổi xung thuận tay lộn mũi dao đưa luôn vào nách hắn.

Một tiếng kêu rú lên!

Nhanh như cắt, Năm rút ví tiền rồi lao mình ra ngoài tàu.

Chú thích

1. Hẵng nhìn xem thằng nào nhiều tiền nhất hãy cắt nào.

2. Nhìn đừng sau lưng.

3. Thằng người ta diện tây ở sau mình nhiều tiền lắm.

4. Loại tươi: lấy ngay.

5. Ví nó dấu ở túi trên áo ba-đờ-suy cơ.

6. Khai: xẻo, cắt, rạch.

7. Bỉ đượi: Con đĩ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

47#
 Tác giả| Đăng lúc 4-12-2013 19:27:45 | Chỉ xem của tác giả
Chương 21

Hơn hai tháng nay trên những chuyến xe lửa chạy Hà Nội Hải Phòng lại mất hút vợ chồng Tám Bính.

Những lời kêu ca nguyền rủa tuy đã bớt đi nhiều song mỗi khi xe chạy tới ga Cẩm Giành, Đình Dù, Cổ Bi, hành khách vẫn còn ngơm ngớp lo ngại. Họ bảo nhau kẻ nào có tiền, có hành lý thì phải cẩn thận giữ lấy, nếu rời tay ra, là các thứ đó tuy không có cánh nhưng sẽ bay ngay.

Rồi người nọ khoác lác với người kia, bịa đặt ra lắm chuyện lạ lùng mà vai chủ động họ chỉ biết là một con vợ mảnh khảnh xinh tươi và một thằng chồng xấu xí cực kỳ hung tợn. Những chuyện ấy đã đến tai sở mật thám Hải Phòng và Hà Nội. Nhân có nhiều người khai trình tiền và hành lý bị cướp trốc tay, nên trên Hà Nội phải hẳn mấy "a-dăng" chuyên dò xét, lùng bắt cho kỳ được hai tên bợm nọ.

Nhưng thấy bóng cớm chùng săn mình ráo riết, Năm Sài Gòn và Tám Bính liền nghỉ làm tiền ở đường bộ, đổi sang đường thủy.

Chẳng những vợ chồng Năm Sài Gòn, cả Tư-lập-lơ, Ba Bay, Chín Hiếc cũng đổi nghề, vì ở Hải Phòng ba gã này cũng bị sở mật thám tầm nã riết.

Thôi thì tàu nào tàu ấy nhộn hẳn lên, chẳng mấy khi vắng tiếng kêu ca của hành khách. Mại bản đã tốn công phu ngăn ngừa tụi Năm Sài Gòn song không có hiệu quả gì hết, vì tụi "quít" tàu thông lưng với cánh đi "dọc" nên chỉ khám lấy lệ thôi.

Nhất là tàu An Xương, hễ động nói đến nó, những người đi chuyến Hải Phòng Nam Định ngày hai mươi ba tháng chạp cùng bọn thuỷ thủ đều nhớ ngay ông cụ già kèm nhèm bị mất cắp, lếch thếch ôm đứa bé vừa đi mếu máo. Chuyến tàu ấy, boong trên boong dưới đông nghịt hành khách và hàng hóa. Tiếng cười nói ồn ào và tiếng máy chạy ầm ầm huyên náo như cái chợ to về ngày hội.

Đêm khuya rồi hành khách vẫn còn trò chuyện trò ran ran. Họ nói những chuyện không đâu, từ đời Tam hoàng, Ngũ đế, những chuyện bịa đặt, yêu ma, thần quỷ để cho qua một đêm đằng đẵng. Có lắm cụ già nghễnh ngãng, câu được câu chăng, cũng cố lắng tai nghe và nhiều người đàn bà cho con bú mê chuyện quá quên cả con nằm trong lòng đã ngủ mà không kéo yếm xuống. Có lắm cô gái lơ đãng ngả hẳn cặp đùi lên người nằm bên.

Cùng lúc ấy, đằng cuối tàu, hơn mười người quây tròn lấy cái bàn đèn bày gọn trên chiếc chiếu hẹp. Họ gối đầu lên đùi nhau như những cặp tình nhân âu yếm. Khói thuốc làm họ không quản gì quần lành áo rách, hay già trẻ, hay đạo mạo, bốp chốp, mà chỉ biết có ngọn đèn thon thon thỉnh thoảng hơi rung rung trong chiếc chụp bằng vỏ chai cắt ngắn, và điếu thuốc thơm tho phân phát sao cho đáng với số tiền từng người bỏ ra mua.

Một người đàn ông đứng tuổi nằm đối diện ngọn đèn, kéo xong điếu sái nhất thì ì ạch nhỏm dậy, tự rót nước uống vừa cất giọng nhè nhè nói:

- Cụ phó Tống ngủ rồi à? Cho vài câu Bao Công kỳ án hay Võ Tòng sát tẩu đi chứ?

Ông cụ thợ cạo già nằm bên kia lim dim mắt, đáp:

- Mới có mười điếu hơi đâu mà chuyện trò!

Một người khác vội hỏi:

- Vậy thì bao nhiêu bố già mới đủ?

- ít thôi, mươi mười lăm điếu nữa...

Năm Sài Gòn đưa mắt nhìn cóng thuốc, cười tự nhủ:

- Dễ thường cụ định hút hết phần mọi người chắc. Hơi gì mà quý thế!

Nhưng ông cụ thợ cạo già chỉ kéo thêm hai điếu nữa rồi không đợi ai giục cụ cũng tươi tỉnh kể cái án Quách Hoè mà cụ khoe là một cái án ly kỳ nhất trong thế gian này cho mọi người nghe. Tuy giọng cụ phều phào nhưng ông cụ nhớ dai và nói rất có duyên. Đến đoạn nào quan trọng, cụ nói rất thong thả và chêm vào những câu hỏi hóm hỉnh:

- Tôi đố các ngài Bao Công sẽ xử ra sao? Ai người tài đảm dám nhận lấy việc ấy! Cái cảnh quỷ khóc, thần sầu kia có làm chuyển được Quách Hòe không?

Chẳng những người hút, cả những người chung quanh cũng chăm chú nghe. Mấy ông già ngồi gần đấy gật gù thi nhau tán tụng cái tài của đấng minh quan nọ, và vạch những án mà các quan ngày nay khép oan cho người làng mình, người họ mình.

Ông cụ phó cạo già được họ khen nở nang cả khúc ruột, gật gù:

- Đấy các ngài xem, các quan án bây giờ thuần công minh như thế đấy!

Một cụ già ôm đứa bé con trong lòng, ngồi sau lưng Năm Sài Gòn thấy lời mai mỉa của người nói chuyện hợp với cảnh ngộ mình liền xen nhời:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

48#
 Tác giả| Đăng lúc 4-12-2013 19:29:19 | Chỉ xem của tác giả
- Phải! Giờ thì lắm quan công minh lắm. Công minh đến nỗi nhiều kẻ, nhà không có mà ở, bát không có mà ăn, vợ lìa chồng, bố bỏ con, nhưng chẳng dám hé răng kêu nửa nhời, vì kêu vào đâu? Ai nghe cho?

Cụ này dằn dọc nói, vẻ mặt buồn rầu vô cùng, nhác nom qua ông cụ phó cạo già ái ngại hỏi:

- Cụ nói thế chắc hẳn nhà cụ có người bị bắt bớ oan uổng chứ gì?

Cụ già ôm thằng nhỏ gật đầu, thở ra một cái đáp:

- Phải cụ ạ! Tôi mất cả cơ nghiệp, tốn kém tới bạc nghìn, rút cục vẫn phải chịu bao nhiêu sự oan ức, đau đớn thế mới chua xót chứ!

Hai tiếng bạc nghìn lọt vào tai Năm Sài Gòn, Năm quay ngay lưng nhìn cụ già. Hắn thoáng nhận ra cái áo nhiễu lót và cái vòng bạc của thằng bé nằm trong lòng cụ. Nó bảo nhỏ với Năm rằng: "Cụ là một kẻ giàu ngầm đấy". Năm liền mời ông cụ xơi nước, hút thuốc, và ngỏ ý muốn biết người nhà ông cụ bị oan uổng ra sao. Cụ già chối từ không hút thuốc chỉ xin một chén nước uống. Uống xong ông cụ thuật ngành ngọn các nông nỗi của mình cho Năm Sài Gòn cùng mấy người nằm bên bàn đèn nghe.

Nguyên cụ có một người con trai năm nay hai mươi tám tuổi, mới lấy vợ, đứa bé cụ bế đây là con người ấy. Hồi bảy, tám năm trước, vì làm ăn ở nhà quê vất vả mà chẳng đủ nuôi thân, con cụ phải bỏ làng ra ngoài Uông Bí làm phu.

Trong bốn, năm năm, con cụ dành dụm được ít tiền, hắn bèn cưới vợ, thôi làm phu, xoay ra buôn bán. Vợ chồng bảo nhau làm ăn dành dụm, trong hai năm tậu được một gian nhà và mở to thêm cửa hàng. Ngờ đâu, tháng tám vừa rồi, một hiệu tây buôn ở Hải Phòng trình sở mật thám bị mất trộm hơn hai trăm thước lụa và hai hòm bít tất. Người ta bắt ngay được đứa ăn trộm! Khi tra hỏi nó, nó khai gửi ở nhà con giai cụ. Người ta khám xét nhà con cụ rất kỹ nhưng chỉ thấy vài chục bít tất cùng một kiểu với thứ mất đi. Con cụ nhất định chối cãi. Thằng ăn trộm kia nghe đâu chủ nó cũng làm mật thám và không hiểu vì lẽ gì cứ một mực nhận con cụ là đồng đảng và khai rằng xưa nay lấy được đồ vật gì cũng gửi con cụ bán hộ.

Cụ được tin ấy ra ngay Uông Bí thăm con. Tới nơi thì con đã bị giải đi Hải Phòng tống lao. Cụ và con dâu nhặt nhạnh thu xếp được đồng nào đều chạy thầy kiện, lễ lạt quan nọ, quan kia cả. Song công việc một ngày một kéo dài mãi ra, hơn bốn tháng rồi mà con cụ chưa được giấy gọi đăng đường. Rồi phần vì uất ức, lo lắng, phần vì cảnh tù tội khổ sở đầy đoạ, con cụ ho ra máu chết ở trong đề lao. Đương khi bối rối ấy, người con dâu lại đâm ra vẩn vơ, ốm yếu cũng chết nốt, để lại cho cụ đứa bé chưa đầy ba tuổi này.

Nói đến đây nước mắt cụ tràn trề, cụ nghiến răng nguyền rủa cái đứa gian ác gieo tai, gieo vạ cho cụ và oán trách ông trời độc địa nỡ lòng phá tan gia đình cụ, giữa cái tuổi già gần đất xa giời này.

Nghe cụ già kể lể than thân, ai cũng tỏ ý thương hại cho cụ. Một người hỏi: "Thế còn người con dâu chết đi, còn đồng nào để lại cho ông cháu không?"

Cụ chấm nước mắt đáp:

- Có vài chục bạc thôi, mà trước kia cửa hàng đáng giá tiền nghìn đấy.

Một người khác vội an ủi:

- Thôi cụ đừng phiền nữa, vui vẻ chăm lấy đứa bé, lớn lên thế nào nó cũng trả nghĩa cho bố mẹ nó.

Lời nói làm cụ càng ứa nước mắt. Rồi cụ ôm lại cháu và quấn chăn cho nó. Cánh tay cụ nhấc lên để lộ một bọc vải nằm gọn trên đầu gối.

Năm Sài Gòn liếc mắt nhìn, tưởng tượng ngay ra món tiền và những thức quý giá mà vì e ngại ông cụ không muốn nói thật. Hắn mừng rơn, thỉnh thoảng thân rót nước mời cụ già uống. Ông cụ bế cháu ngồi dưới chân Năm vừa uống nước vừa tấm tắc khen Năm:

- Ông tử tế quá! Cho tôi uống chè tàu đến no chắc?

Năm Sài Gòn cười:

- Có gì đâu! Cụ cứ tự nhiên chuyện trò xơi nước. Với chúng tôi chỉ lấy thế làm vui thôi.

Nghe Năm nói, ông cụ càng gật gù, mặc Năm vuốt ve đùa bỡn với đứa cháu bé ngồi trong lòng. Năm trước còn xoa má nó, xoa lưng nó, dần dần khắp người nó, rồi đến cái bọc kia...

Sáng hôm sau khi tàu đỗ bến Nam Định, người ta thấy ông cụ già rũ rượi thở không ra hơi, lếch thếch ôm đứa cháu bé chạy khắp mọi chỗ trong tàu. Người ta đón hỏi cụ thì cụ tái mặt trả lời một câu ngắn ngủi:

- "Nó" mất rồi!

Không ai hiểu "nó" là cái gì. Nhưng nếu người ta là Tám Bính và hỏi Năm Sài Gòn thì ta sẽ biết rõ nó là cài bọc có hai đôi hoa tai, bốn chiếc vòng xuyến và một nghìn hột vàng gói với bốn chục bạc và một lá thư của người mẹ chết để lại dặn dò ông cụ bố chồng cố dẹp nỗi buồn mà chăm nom lấy cháu bé... Ông cụ nên tự nuôi nấng lấy cháu thì hơn và phải tiêu pha dè dặt, kẻo ông thì đã bảy, tám mươi tuổi già, cháu thì trứng nước, họ hàng lại không có, nếu hết tiền khi cháu hãy còn thơ ấu thì ông biết trông cậy vào ai.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

49#
 Tác giả| Đăng lúc 4-12-2013 20:09:33 | Chỉ xem của tác giả
Chương 22

Năm Sài Gòn cầm cốc rượu đặt trước mặt Bính, gắp miếng gà rán bỏ vào bát Bính, rồi cùng bọn Tư-lập-lơ cười phá lên. Tiếng cười của mấy người phút chốc bị tiếng pháo ran ở ngoài phố át đi. Năm nói thật to nhưng Bính và bọn Tư-lập-lơ chỉ loáng thoáng nghe thấy:

- Họ đương ăn mừng tết đấy! Chúng ta... à... mình... à... chú... tư... chú Chín... chú Hai "riễn"(1) cho thật sưa(2) vào... để... à để... mừng năm mới... mau nào.

Khói pháo và hương hoa cúc từ ngoài vườn tràn vào nhà làm Bính càng bừng bừng. Hứng trí, Bính nâng cao cốc rượu mai quế lộ cười nói:

- Thế thì mình và chú Tư cùng uống nào!

Dứt lời, Bính hơi ngả đầu, chun mũi lại, lim dim mắt, tợp một hớp thật to. Men rượu bốc lên thắm cả khuôn mặt trái xoan và long lanh cặp mắt. Đôi hoa tai Năm kéo lại cho Bính, óng ánh ẩn hiện dưới mái tóc đen mượt, càng tăng thêm những nét tươi sáng. ấy là với món tiền bán số vàng lấy được của ông cụ già, Năm Sài Gòn chỉ sắm cho Bính ít quần áo, còn thì Năm đánh bạc thua hết, chứ nếu Bính đòi may mặc và trang điểm như người khác thì tết năm nay chắc Bính còn trẻ đẹp hơn.

Năm Sài Gòn nồng nàn nhìn vợ, nhẹ nhẹ vuốt má Bính:

- Này chú Tư, chú xem vợ một "so chạy" có kém gì vợ một ông hoàng không!

Tám Bính hắt tay Năm đi, lườm rất yêu:

- Hoàng gì! Hoàng tháng năm ấy à!

Năm vẫn lả lơi, vuốt ve:

- Thôi làm bộ vừa chứ! Thử ngẫm dạo nào làm vợ so "cớm" với ngày nay làm vợ thằng Năm Sài Gòn thì bao giờ hơn!

Tư-lập-lơ cười ngất:

- Bao giờ chị Năm chẳng sướng hơn. Vì có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chừng nào cũng vừa, chừng nào cũng ít, không tính toán bần tiện. Nhất là Năm là dân chạy vỏ một dân không yêu thì thôi, chứ yêu ai thì đến thân mình cũng chẳng quản và chẳng bao giờ chịu giương mắt ếch nhìn người tình mình bỏ mình đi gắn bó với người khác những khi mình ba đào cùng khổ, kém sắc thua tài.

Bính tê mê ngồi nghe. Sự vui sướng đương nhóm lên trong lòng Bính phút chốc tan hẳn. Một ý nghĩ buồn tiếc thương nhớ và bao hình ảnh quê nhà, cha mẹ, chị em, chúng bạn thoáng qua tâm trí Bính như cơn gió lạnh. Bính thẫn thờ đưa mắt trông những ánh nắng thoi thóp còn lấp lánh trên khóm đào lá lăn tăn đằng góc vườn, tưởng tới bao nhiêu sự bấp bênh và cuộc đời cứ một ngày một âm u héo hắt, khó mà còn hy vọng thay đổi được.

Tiếng pháo ròn rã lại tới tấp ran lên khắp một vùng. Dẫy phố trong khói pháo thơm thêm mịt mù, đầm ấm, êm đềm.

Bính mải nghĩ, tay vẫn giữ chén rượu không, người ngây ra. Năm Sài Gòn vỗ vai, cười:

- Kìa! Đưa anh rót rượu rồi uống nữa đi chứ.

Tám Bính giật mình, Hai Sơn nháy Năm.

- Chị ấy vờ say để anh bế vào giường đặt lấy.

Năm gật gù nhăn nhở ghé tai Bính nói thầm nhưng cũng để cho mọi người nghe rõ.

- Ai lại thế? Phải uống hết chai rượu kia rồi muốn gì thì muốn mình nhỉ?

Bính chớp mắt cúi đầu trông xuống chén rượu cạn. Năm tưởng Bính vui sướng nên bẽn lẽn, bèn xoa lưng Bính:

- à anh hẵng xếp cái chuyện ấy đi mình nhé. Vậy chúng ta rót rượu thêm uống đi, vui đi, kẻo ít lâu nữa hết tết, xuân hết, chúng ta có muốn cũng chẳng làm sao có được cái ngày thư thả ấm cúng này mà ăn uống say sưa.

Chín Hiếc gật gật, nói theo:

- Phải đấy! Anh Năm nói phải đấy. Chỉ đến mùng mười hay mười rằm chúng mình lại xuôi ngược, nay Nam Định, mai Hải Phòng, ngày kia Hà Nội, lo cuống vó vì "làm tiền" vì "cớm" vì hỏa lò. Vậy được những lúc rỗi rãi này tội gì ta không nốc rượu cho túy lúy càn khôn.

Chín Hiếc ngừng lại, gọi Tám Bính:

- Kìa chị Tám ngồi thừ người nghĩ gì đó? Không ăn uống, chúng tôi ăn uống xong kéo anh ấy đi chơi lại kêu.

Bính gượng tươi nét mặt:

- Vâng các chú cứ ăn uống đi, cứ chuyện đi, tôi xuống bếp đây để hâm qua nồi cà ry, lấy thêm cái đùi gà, không thức nhắm còn ít quá.

- Phải, phải lắm mau lên mình ạ...

Tám Bính vội vàng xuống bếp. Bính vừa bước khỏi ngưỡng cửa, nước mắt đã ứa ra, chan hoà. Qua những giọt nước mắt đầm đìa, Bính thấy hiện vụt ra một cảnh mịt mù, buồn tẻ trong lớp tre xanh rì ở đằng tít xa... làng Sòi! Làng Sòi!

...Sáu năm đã qua... lâu biết bao... dài biết bao! Mà biết đến bao giờ Bính mới có được một cuộc đời trong sạch êm đềm như cuộc đời của mọi người trong buổi đầu xuân?

Khó lắm. Nếu Năm Sài Gòn vẫn còn sống và vẫn yêu thương Bính. Nếu đứa con Bính vẫn biệt tăm tin tức. Nếu cha mẹ Bính vẫn cùng làng nước, đinh ninh Bính là một sự xấu xa gớm ghiếc cần phải xa lánh.

Hơn nữa, nếu Bính còn lấy tình thương yêu của Năm để an ủi mình những lúc bối rối chán nản vì những kỷ niệm thảm khốc... sự lừa dối của "tham Chung"... bán con... vợ thằng trẻ tuổi độc ác và thằng khốn nạn nọ, sở cẩm, nhà Lục xì, mụ Tài - sế - cấu... cứ đến vây bọc tối tăm cả tâm trí Bính.

Hơn thế nữa nếu Bính càng yêu thương Năm Sài Gòn, càng thắt chặt lại với Năm và theo Năm mãi mãi.

ánh chiều vàng đã xanh nhạt rồi dần lẫn với sắc lam nhuộm màn sương.

Cánh đồng bên sông chạy dài theo chân đê biến thành một biển khói hương rung động. Những cụm tre lơ thơ chỉ còn là những bóng lờ mờ, nhìn những đám lông chim phất phới tan tác...

Tám Bính lạnh tê cả tâm trí. Mệt mỏi, Bính dựa lưng vào bức vách, lim dim mắt, thẫn thờ nhìn bóng tối tràn ngập mọi nơi mọi chốn.

Tiếng pháo lại tới tấp vang khắp một vùng. Tám Bính giật mình. ở nhà trên, loáng thoáng tiếng Năm đương lè nhè hò rượu và gọi lấy thức nhắm thêm. Vội vàng Bính chạy vào bếp, chất thêm củi, đặt chảo mỡ lên, rồi cúi rạp xuống thổi cho ngọn lửa bén tới lượt mạt cưa rắc chung quanh bếp.

Chú thích

1. Riễn: rượu.

2. Sưa: say.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

50#
 Tác giả| Đăng lúc 4-12-2013 20:12:01 | Chỉ xem của tác giả
Chương 23

Tàu An Xương rời bến Nam Định từ hồi mười giờ sáng...

Tuy nhằm vào ngày 16 tháng giêng, có nhiều nơi mở hội hè đình đám, nhưng hành khách vẫn vắng tanh. Ngoài vài chục người ở boong trên, chỉ còn thấy lẻ tẻ sáu, bảy người đàn bà buôn chuyến trầu vỏ mệt mỏi nằm bên những lồ hàng xếp gần buồng máy đằng cuối boong dưới.

Tàu chạy thẳng một mạch tới bến Quý Cao mới đỗ lại mươi phút để ăn hàng rồi lại chạy. Đến bến Ninh Giang thì trời vừa sập tối. Quá Ninh Giang một quãng ngắn thì trời tối mịt mùng.

Sương và gió rét chùm kín cả dòng sông, cả cảnh vật bên sông. Tiếng máy chạy sình sịch cũng chẳng đủ làm gợn được sự hoang lặng. Ngọn đèn đỏ bên mạn trái tàu giữa lượt kính dày càng mờ, thấp thoáng chiếu những tia sáng ủ rũ lên rặng tre xanh thấm mỗi khi tàu đè con nước, hoặc tránh những bãi, chạy gần bờ. Những lúc ấy, người thủy thủ đâm con sào xuống sông rồi uể oải rút lên để đo mực nước, vừa đọc những câu tiếng tầu bằng một giọng ê a.

Tám Bính ngáp và bấm Năm Sài Gòn:

- Đi ngủ thôi "so" ấy "hắc" lắm!

Năm Sài Gòn đưa mắt trông về đằng lái, chau mày đáp:

- Nó "hắc" nhưng nó lắm tiền.

- Chắc chắn?

- Sao lại không? Bạc trăm đấy.

- Thế cơ à?

- Phải, tôi nom thấy rành rành nó nhận tiền ở bên Ninh Giang lên khi tôi xuống bến ấy mua thuốc phiện. Nhưng Bính vẫn ra vẻ ngần ngại, Năm Sài Gòn cau mặt:

- Thôi mình đi ngủ trước vậy.

Dứt lời Năm quay lại đằng lái, chỗ một người vận âu phục đương hút thuốc lá.

Xa xa vành trăng nhợt nhạt hé lên. Trước ánh lửa lấp lánh của mẩu thuốc lá, dù người vận âu phục tìm mắt đến đâu cũng không nhận được mặt Năm. Vả lại người ấy không để ý gì đến Năm hết, nhưng vẫn để ý đến cái ví tiền nằm trong túi quần.

Năm Sài Gòn cũng hút thuốc lá, sát cạnh người ấy xin diêm. Năm thử xem bàn tay hắn ta có rời túi không vì Năm biết chắc diêm ở túi ấy. Người nọ không chỉ đưa mẩu thuốc, - đưa bằng tay trái - rồi khi Năm châm lửa xong, hắn liền cầm lấy, kéo thêm một hơi dài, đoạn giơ thẳng cánh vứt xuống sông.

Cái cử chỉ tuy thường nhưng với người vận âu phục lặng lẽ này, Năm thấy ngự một sự giễu cợt hết sức kiêu căng.

Năm bực dọc, gằn tiếng:

- Hay "so quéo" "sửng mông"?(1).

Năm cười gằn tự trả lời luôn:

- Đời nào mình lại "trộ" mình đây.

Rồi Năm chắp tay sau lưng, đi đi lại lại, liếc nhìn:

- Vô ích! Người đó càng trầm ngâm, bàn tay phải cùng ấn sâu trong túi quần như bị buộc chặt lại với cái ví.

Chợt Năm nhẹ dừng bước, nghiêng đầu lắng tai nghe người vận âu phục nói một mình:

- Sắp đến bến Cung đây.

Từng tiếng một lọt vào tai Năm, khiến Năm càng nóng ruột. Năm hậm hực nhìn đằng xa tờ mờ sáng, trong dạ bồn chồn. Năm ước gì tàu xô phải bãi chậm lại vài ngày để món hàng của Năm không thoát được lên bờ.

Non một giờ sau tàu đến bến Cung, rồi quá bến Cung đến Kiến An, rồi quá Kiến An, và chỉ còn đợi mở cầu là áp bến Hải Phòng. Lúc ấy đằng đông sáng rực hẳn lên mà Năm Sài Gòn vẫn mải mốt theo dõi.

Bỗng trống ngực Năm đập rội lên lên vì vui sướng: miệng túi quần người ấy há hốc để lộ mép ví tiền bằng da đen, và cánh tay phải hắn đương quay tròn chiếc mũ dạ.

Năm Sài Gòn tiến bước ngay. Nhưng, tự dưng ruột gan Năm đau soắn lại. Năm phải ngồi xệp xuống chiếu, không sao gắng được nữa. Giữa lúc đó Ba Bay hút xong, lễ mễ bê bàn đèn ở đằng cuối tàu đi lại, trông thấy Năm ngồi xuýt xoa, liền vội hỏi:

- Anh Năm sao thế?

Năm dằn tiếng:

- Không hiểu tôi ăn phải cái gì độc nên từ tối đến giờ lại ngâm ngẩm đau và giờ thì tôi đau bụng quá, chú mau xuống boong dưới bảo nhà tôi lên cho tôi dặn cái này.

Ba Bay gật đầu, người vận âu phục lần bực thang xuống boong. Năm trỗi ngay dậy, toan nối gót. Cũng như lần trước, Năm lại phải ngồi sụp xuống chiếu - sự đau đớn đột nhiên nọ chói tức một cách khác thường.

Giây phút sau Tám Bính đem dầu lên xoa khắp người Năm, Năm dìu dịu bèn bấm Tám Bính, cả hai lần xuống, vừa lúc tàu sắp sửa áp bến.

Nhưng quái lạ, khi Năm Sài Gòn sờ đến cái túi của người kia thì ví tiền không còn đấy nữa, Năm đảo mắt trông cả túi áo trên, hai túi áo dưới, Năm sờ cả ba túi: túi không chỉ là túi không.

Vậy ví biến đâu mà người vận âu phục điềm tĩnh thản nhiên?

Năm Sài Gòn uất lên tới cực điểm. Năm nghiến răng gầm khẽ trong mồm. Bọt mép Năm xùi ra, hai mắt long sòng sọc như nảy lửa.

Chú thích

1. Hay thằng này chột biết.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách