Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Kinh Dị] Liêu Trai Chí Dị | Bồ Tùng Linh

[Lấy địa chỉ]
61#
 Tác giả| Đăng lúc 29-5-2012 23:36:24 | Chỉ xem của tác giả
054. Công Tử ở Gia Bình (Gia Bình Công Tử)


Công tử Mỗ ở đất Gia Bình phong tư tuấn tú, năm mười bảy mười tám tuổi lên quận thi khoa Đồng tử, tình cờ đi ngang kỹ viện nhà họ Hứa. Ngoài cổng có một cô gái đẹp, công tử nhìn chằm chằm, nàng mỉm cười gật đầu, công tử vui vẻ tới gần trò chuyện. Cô gái hỏi chỗ trọ ở đâu, công tử nói rõ, nàng lại hỏi có ai ở cùng không, công tử đáp không. Nàng liền nói “Tối nay thiếp sẽ tới thăm, đừng để ai biết”. Công tử gật đầu rồi về, bảo gia nhân đi hết qua nơi khác. Tối quả cô gái tới, tự nói tiểu tự là Ôn Cơ, lại nói "Thiếp hâm mộ công tử phong lưu nên trốn bà chủ tới đây, phận hèn rất muốn được hầu hạ công tử trọn đời". Công tử cũng mừng rỡ, hẹn sẽ đem món tiền lớn chuộc nàng ra khỏi kỹ viện, từ đó cứ hai ba hôm nàng lại tới một lần.

Một đêm nàng đội mưa tới, vào cửa rồi cởi chiếc áo ngoài bị ướt mắc lên giá, lại cởi chiếc hài nhỏ ở chân xin công tử gột giùm bùn đất cho. Công tử nhìn chiếc hài thấy là loại gấm mới năm màu, dính bùn bê bết cả, lấy làm tiếc. Cô gái nói "Không phải thiếp dám lấy việc hèn hạ bắt công tử phục dịch, chỉ là muốn công tử biết mối tình si của thiếp thôi”. Nghe ngoài song tiếng mưa vẫn rả rích không ngớt, bèn ngâm "Thê phong lãnh vũ mãn giang thành” (Gió buồn mưa lạnh ngập giang thành), rồi xin công tử nối vần. Công tử từ chối nói không làm được, nàng nói “Công tử là một người như thế, mà không biết chuyện phong nhã, làm thiếp mất cả hứng". Nhân khuyên công tử cố gắng học tập, công tử vâng dạ.

Sau nàng thường lui tới nên đám gia nhân đều biết, công tử có người anh rể họ Tống cũng là con nhà thế gia nghe biết chuyện, lén xin công tử cho gặp Ôn Cơ một lần. Công tử nói lại nhưng nàng nhất định không chịu. Tống bèn tới rình trong phòng gia nhân, chờ nàng tới núp ngoài cửa sổ nhìn trộm, thấy say mê đến phát điên bèn xô cửa sấn vào, cô gái đứng dậy leo qua tường đi mất. Tống càng hâm mộ, bèn sắm sửa lễ vật tới gặp bà chủ nêu đích danh Ôn Cơ xin gặp, thì đúng là ở đó có Ôn Cơ song đã chết lâu rồi. Tống kinh ngạc về nói với công tử, công tử mới biết nàng là ma nhưng trong lòng vẫn yêu mến. Đêm nàng tới, công tử kể lại lời Tống, cô gái nói “Đúng thế, nhưng chàng muốn có vợ xinh đẹp, thiếp cũng muốn có chồng tuấn tú, ai cũng thỏa nguyện thì bàn làm gì chuyện người hay ma", công tử cho là đúng.

Thi xong trở về, cô gái cũng về theo, người khác không ai nhìn thấy nàng mà chỉ công tử nhìn thấy. Về tới nhà, công tử để nàng ở trong phòng khách rồi cũng ngủ một mình ở đó, cha mẹ đều ngờ vực. Khi cô gái về thăm nhà công tử mới nói riêng với mẹ. Cha mẹ cả sợ, bắt công tử tuyệt tình với nàng, công tử không nghe, hai ông bà lo lắng, tìm đủ cách trừ ếm mà không được. Một hôm, công tử có tờ thiếp răn bảo gia nhân đặt ở bàn, trong đó nhiều chữ viết sai như "tiêu” viết thành "thúc", “khương”, viết thành "giang", "khả hận" viết thành "khả lãng". Cô gái đọc thấy, viết thêm vào phía dưới rằng "Hà sự khả lãng, Hoa thúc sinh giang, Hữu tế như thử, Bất như vi xướng" (Việc gì "đáng sóng", "Hoa thúc sinh giang", Có chồng như thế, Làm đĩ còn hơn)[54], rồi giã từ công tử, nói "Thiếp lúc đầu cho rằng công tử là văn nhân nhà thế gia nên mặt dày tự theo về, không ngờ chỉ có cái mẽ ngoài, chỉ biết xét người theo dung mạo thế này liệu tránh khỏi thiên hạ chê cười không?” nói xong biến mất. Công tử tuy xấu hổ căm hờn nhưng cũng không hiểu nàng viết gì, cứ đem tờ thiếp ra răn bảo gia nhân, người nghe được kể cho nhau nghe để cười.

Dị Sử thị nói: Ôn Cơ là một cô gái khá, mà đường đường một vị công tử thế kia sao lại bề trong chỉ có bấy nhiêu thôi? Đến như hối hận “làm đĩ còn hơn" thì thê thiếp của công tử phải thẹn thùng sa nước mắt vậy. Nghĩ lại hàng trăm cách đuổi vẫn không đi, nhưng thấy tấm thiếp liền biến mất, thì câu "hoa thúc sinh giang” có khác gì việc đọc câu thơ “Đầu lâu Tử Chương" của Tử Mỹ[55] đâu!

Chú thích:
[54] Việc gì... còn hơn: “khả lãng” tức "khả hận” (đáng giận), “hoa thúc" tức "hoa tiêu” (tiêu xanh), “sinh giang" tức "sinh khương” (gừng sống), vì công tử dốt nên viết sai, thành ra tối nghĩa, Ôn Cơ nhại lại để mỉa.
[55] Việc đọc câu thơ... Tử Mỹ: tháng 4 năm Thượng Nguyên thứ 2 (76a) Thứ sử Tử Châu Đoàn Tử Chương làm phản đánh úp Tiết độ sứ Đông Xuyên Lý Trị ở Cẩm Châu, tự xưng là Lương vương, đặt niên hiệu là Hoàng Long, đổi Cẩm Châu làm phủ Hoàng Long, đặt bách quan. Tháng 5 Thành Đô doãn Thôi Quang Viễn đem tướng là Hoa Kính Định đánh Cẩm Châu, chém được Tử Chương. Đỗ Phủ nhân viết bài Hoa liễu ca, trong có câu "Tử Chương xúc lâu huyết mô hồ" (Đầu lâu Tử Chương máu bê bết). Cổ kim thi thoại chép về sau có người bị sốt rét, Đỗ Phủ bảo "Đọc thơ của ta thì khỏi", nhân dạy người ấy đọc câu thơ nói trên, quả nhiên người ấy khỏi bệnh. Đây ý nói thơ văn hay dở có ảnh hưởng tới người khác.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

62#
 Tác giả| Đăng lúc 29-5-2012 23:50:23 | Chỉ xem của tác giả
055. Miêu Sinh (Miêu Sinh)


Cung sinh người Dận Châu (tỉnh Tứ Xuyên) lên Tây An (tỉnh Thiểm Tây) dự thi, nghỉ lại ở quán gọi rượu uống một mình. Chợt có một người đàn ông to lớn bước vào, ngồi xuống cùng trò chuyện, sinh nâng chén mời. Khách cũng không từ chối, tự nói tên là Miêu sinh, lời lẽ rất thô hào, sinh cho là không biết văn chương, đối xử rất ngạo mạn, uống hết rượu không gọi thêm nữa. Miêu nói "Bọn học trò uống rượu làm người ta phát chán" rồi đứng lên bước ra quầy bỏ tiền mua rượu, xách một vò lớn bước vào. Sinh chối từ không uống nữa, Miêu nắm tay mời mọc, tay sinh đau buốt như sắp gãy, bất đắc dĩ phải cạn thêm vài chén. Miêu lấy tô đựng canh múc rượu uống, cười nói "Ta không biết mời khách, uống nữa hay thôi thì tùy ông".

Sinh mang hành lý ra đi, được vài dặm thì con ngựa bị bệnh khuỵu xuống lăn ra đường, sinh ngồi đợi ven đường, hành lý nặng nề không biết làm sao. Kế Miêu tới hỏi biết chuyện, bèn đưa hành lý cho đầy tớ, vác con ngựa lên vai đi hơn hai mươi dặm mới tới quán trọ, bỏ ngựa vào chuồng, hồi lâu chủ tớ sinh mới tới. Sinh kinh ngạc cho là thần nhân, đối xử rất ân cần lễ phép, gọi lấy cơm rượu cùng ăn uống. Miêu nói “Ta ăn khỏe lắm, ông không cho ăn no nổi đâu, nhưng uống rượu thì được". Uống cạn một vò rồi đứng lên giã từ, nói "Ông chữa bệnh cho ngựa cũng phải mất ngày giờ, ta không chờ được, bây giờ xin đi".

Sau đó thi xong, sinh cùng ba bốn người bạn lên chơi Hoa Sơn, trải chiếu ra đất bày tiệc. Vừa ngồi vào uống rượu cười nói thì Miêu chợt tới, tay trái xách vò rượu lớn, tay phải cầm cái đùi heo, ném xuống chiếu nói “Nghe tin các vị lên chơi, xin tới hầu hạ", mọi người đứng lên chào hỏi, kế cùng ngồi xuống uống rượu rất vui vẻ. Mọi người định làm thơ liên cú, Miêu giành nói “Uống rượu rất vui, cần gì phải nghĩ ngợi cho buồn rầu?”. Mọi người không nghe, bày lệ ai không làm được thơ thì bị phạt uống rượu. Miêu nói "Ai làm thơ không hay thì phải xử theo quân pháp". Mọi người cười nói "Tội ấy thì không đến nỗi bị trị như thế”. Miêu nói "Nếu không bị giết thì ta tuy là kẻ vũ phu cũng làm được".

Người ngồi đầu tiệc là Cấn sinh đọc "Tuyệt hiến bàng lâm nhãn giới không" (Lên ngắm non cao mắt trống không). Miêu ứng khẩu đọc tiếp ngay rằng “Thóa hồ kích khuyết kiếm quang hồng" (Gõ hồ hát lớn ánh gươm hồng). Mọi người trầm ngâm hồi lâu, Miêu bèn nghiêng vò tự rót rượu uống, hồi lâu cả bọn mới đọc nối theo thành bài, ý thơ quê mùa bỉ lậu. Miêu gọi nói “Thế là được rồi, đừng dọa ta nữa", mọi người không nghe. Miêu không nhịn được nữa vùng dậy quát lên như tiếng rồng ngâm vang dội cả hang núi, lại ngẩng đầu múa điệu sư tử, mọi người tứ thơ đều rối loạn mới thôi không làm nữa. Kế lại rót rượu uống tiếp, đến lúc ngà ngà khách lại đọc những bài làm trong trường thi để tâng bốc nhau. Miêu không muốn nghe, lôi sinh ra ngoài vật tay, đã mấy phen phân thắng phụ mà đám kia còn ngâm đọc tán tụng không thôi. Miêu lớn tiếng nói "Ta đã nghe cả rồi, loại văn chương ấy chỉ đáng đem về đọc cho vợ nghe trong phòng, chứ trước chỗ đông người mà cứ lải nhải thì đáng chán lắm".

Mọi người hổ thẹn, lại thêm ghét Miêu thô mãng, càng cao giọng ngâm nga. Miêu càng tức giận, nằm phục xuống đất gầm lớn, lập tức biến thành con cọp xông vào vồ chết cả bọn rồi gầm thét bỏ đi, những người còn sống chỉ có sinh và Cấn. Khoa ấy Cấn đỗ Cử nhân, ba năm sau lại qua Hoa âm (tỉnh Sơn Đông), chợt gặp Kê sinh, cũng là kẻ bị cọp giết trên núi, cả sợ định bỏ chạy. Kê nắm dây cương ngựa, Cấn không chạy được bèn xuống ngựa hỏi định làm gì. Kê đáp "Ta nay làm ma trành của Miêu sinh, theo hầu hạ rất khổ, phải giết một người học trò để thay. Ba ngày nữa sẽ có một người mặc áo đội mũ nhà nho bị cọp vồ dưới núi Thương Long, là người thay ta đấy. Hôm ấy ông nên mời các bậc văn sĩ tới đó để mưu việc giùm bạn cũ”. Cấn không dám nói gì, kính cẩn gật đầu rồi chia tay.

Tới nơi ngụ suy nghĩ suốt đêm không biết làm sao để giúp bèn quyết ý nuốt lời, mặc kệ con ma. Chợt có người anh bên ngoại là Tưởng sinh tới, Cấn thuật lại chuyện lạ. Tưởng là kẻ danh sĩ, trong huyện có Vưu sinh đi khảo thí được điểm cao hơn mình nên ngấm ngầm ghen ghét. Hôm ấy nghe Cấn nói, ngầm có ý hại Vưu bèn gởi thư mời Vưu hôm ấy lên núi chơi, tự mình mặc áo trắng tới đó. Vưu không hiểu ý, hôm ấy lên tới giữa núi thấy rượu thịt đã bày đủ, trò chuyện rất thân mật lễ phép. Gặp lúc quan Thái thú lên núi, Thái thú vốn là thông gia với Tưởng, nghe nói Tưởng ở dưới sai người xuống mời lên. Tưởng không dám mặc áo trắng lên gặp, bèn đổi áo mão với Vưu, vừa mặc áo nhà nho vào xong thì cọp phóng ra vồ Tưởng mang đi mất.  

Dị Sử thị nói: Kẻ đắc ý hào hứng cho tay vào tay áo bắt người khác phải nghe, người nghe thì mỏi mệt buồn ngủ muốn bỏ đi, mà người đọc cứ khoa chân múa tay không tự biết. Những người biết cũng nên kéo tay giẫm chân, sợ rằng trên tiệc có người không nhịn được như Miêu sinh vậy. Còn kẻ ghen ghét đổi áo mà chết, thì biết Miêu sinh cũng là kẻ vô tâm thôi, nhưng gầm thét nổi giận thì Miêu mà không phải là Miêu vậy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

63#
 Tác giả| Đăng lúc 30-5-2012 15:11:04 | Chỉ xem của tác giả
056. Em Lấy Chồng Thay Chị (Tỷ Muội Dịch Giá)


Tướng quốc họ Mao[56] ở huyện Dịch (tỉnh Sơn Đông) lúc nhỏ nhà nghèo, cha phải đi chăn trâu cho người ta. Lúc ấy nhà thế tộc họ Trương trong huyện có khu mộ ở sườn núi phía đông, có người đi qua nghe trong phần mộ có tiếng quát tháo "Các ngươi phải đi ngay, không được ở lâu trong ngôi đất của quý nhân". Trương nghe kể cũng chưa tin lắm, kế chợt nằm mơ thấy thần nói “Khu mộ của gia đình ngươi vốn là ngôi đất quý của ông Mao, sao lại mượn lâu thế?". Từ đó trong nhà liên tiếp gặp mấy chuyện rủi ro, có người môn khách khuyên nên dời mộ qua nơi khác thì hay, Trương nghe theo bèn cải táng.

Một hôm cha Tướng quốc đi chăn trâu, ra tới khu mộ cũ nhà họ Trương thì trời chợt mưa lớn, bèn núp dưới huyệt mộ cũ. Kế mưa càng lớn như trút, nước tràn xuống huyệt, đất lở sụp xuống nên chết đuối dưới đó. Lúc ấy Tướng quốc còn là trẻ con, bà mẹ bèn tới nhà Trương xin cho vài thước đất chôn cha đứa nhỏ. Trương hỏi biết họ tên lấy làm lạ, tới xem nơi cha ông chết thì thấy đất nổi lên như cái gò, càng thêm hoảng sợ bèn cho chôn luôn ở đó, lại bảo dắt đứa nhỏ tới. Chôn cất xong bà mẹ dắt con tới nhà Trương tạ ơn, Trương vừa nhìn thấy đã mừng rỡ, giữ lại ở nhà mình dạy cho học, coi như con cháu, lại xin gả con gái lớn cho. Bà mẹ sợ hãi không dám đáp, vợ Trương nói "Nếu đã nói ra thì không giữa chừng thay đổi đâu” bà mẹ bèn ưng thuận.

Nhưng con gái lớn Trương rất coi thường nhà họ Mao, oán hận hổ thẹn hiện ra nét mặt, nếu có ai nhắc tới chuyện đó thì bịt tai không thèm nghe, thường nói với người ta rằng "Ta thà chết chứ không lấy thằng chăn trâu”. Đến hôm làm lễ rước dâu, chàng rể đã vào ăn tiệc, kiệu hoa chờ ngoài cửa mà cô gái cứ lấy tay áo che mặt quay vào vách khóc lóc, giục trang điểm thì không chịu, khuyên giải mấy cũng không nghe. Kế chàng rể xin về, đàn sáo đã trỗi mà cô gái mắt còn ngấn lệ, tóc còn rối tung. Cha nàng bèn ngăn con rể lại, tự vào trong khuyên cô gái, nàng cứ khóc lóc như không nghe thấy, cha nổi giận lôi kéo càng khóc lớn, cha không biết làm sao. Lại có người nhà vào thưa là chàng rể muốn lên đường, cha vội chạy ra nói "Áo quần còn chưa sắp xếp xong, xin con chờ thêm một lúc", rồi lại lập tức chạy vào xem con gái ra sao, chạy ra chạy vào không nghỉ chân. Dằng dai thêm một lúc, việc càng gấp rút, cô gái rốt lại vẫn không chịu đổi ý, cha không biết làm sao, định tự tử. Cô con gái thứ đứng bên cạnh, cho là chị làm thế rất không phải, ra sức khuyên lơn. Chị giận nói “Con nhãi cũng học đòi múa mép, sao ngươi không lấy người ta đi?," Cô em nói “Cha vốn chưa từng hứa gả em cho chàng Mao, chứ nếu cha hứa gả em cho chàng thì không cần chị phải khuyên dỗ đâu!”

Cha thấy lời nàng khẳng khái hào sảng bèn cùng mẹ nàng bàn riêng, định lấy em thay chị. Mẹ lập tức gọi nàng hỏi “Con nhãi ngỗ nghịch kia không vâng lời cha mẹ, cha mẹ mượn lấy con thay nó, con có chịu không?". Cô gái khẳng khái thưa "Cha mẹ dạy con đi lấy chồng, giả như chồng là ăn mày cũng không dám từ chối, vả lại chắc gì chàng họ Mao đã phải đói rét mà chết đâu?". Cha mẹ nghe thế cả mừng, bèn lấy quần áo cưới của chị cho cô gái mặc, rồi vội đưa nàng lên kiệu đi. Về tới nhà chồng, vợ chồng rất yêu thương nhau, nhưng cô gái có bệnh rụng tóc cứ nơm nớp lo ông chê, lâu sau ông nghe phong thanh chuyện tráo người nên lại càng cám ơn nàng là kẻ tri kỷ.

Không bao lâu, ông được lấy làm Giám sinh, đi dự thi hương, đường đi ngang qua quán trọ của Xá nhân họ Vương. Đêm trước chủ quán nằm mơ thấy thần nói "Sáng mai sẽ có Thủ khoa họ Mao tới đây về sau sẽ giúp ngươi thoát được tai ách", vì vậy dậy sớm ra đứng chờ những khách từ phía đông vào. Đến khi gặp ông mừng lắm, cung phụng hầu hạ rất kính trọng, không chịu nhận tiền trọ, lấy việc giấc mộng ra kể, coi đó là trách nhiệm của mình. Ông cũng rất tự phụ, nghĩ thầm vợ mình rụng trụi cả tóc, sợ bị những người quyền quý chê cười, định là lúc thi đỗ xong sẽ cưới vợ khác. Kế đó ra bảng thì ông thi rớt, than thở rằng mình lận đận, trong lòng chán nản, thầm hổ thẹn với chủ quán trọ bèn đi đường khác về nhà.

Ba năm sau lại đi thi, chủ quán trọ vẫn tiếp đãi nồng hậu như trước. Ông nói "Lời ông nói lần trước không đúng, ta rất xấu hổ được đối xử như thế này". Chủ quán nói "Tú tài vì ngầm muốn bỏ vợ nên bị âm ty đánh rớt, đâu phải ta mơ mộng quàng xiên". Ông kinh ngạc hỏi, thì ra sau khi chia tay chủ quán lại nằm mơ thấy thần nói thế. Ông nghe kể áy náy hối hận, đứng thừ ra như tượng gỗ. Chủ quán trọ nói "Tú tài nên tự giữ mình, rồi thế nào cũng đỗ Thủ khoa mà”. Không bao lâu quả nhiên ông đỗ Thủ khoa, tóc phu nhân cũng dần dần dài ra, ngày thêm mượt mà, càng xinh đẹp hơn.

Người chị thì lấy chồng là con nhà giàu trong làng, càng thêm kiêu hãnh, nhưng chồng chơi bời lêu lổng, nhà dần dần sa sút, đến nỗi trong nhà không còn gì, dưới bếp không nổi lửa. Nghe nói em gái đã là vợ Hiếu liêm càng thêm xấu hổ, đi đường gặp em là tránh mặt. Không bao lâu người chồng chết, nhà càng nghèo túng, kế đó ông Mao lại thi đỗ Tiến sĩ, người chị nghe thấy vô cùng hối hận, uất ức xuống tóc vào chùa làm ni cô. Đến khi ông được phong chức Tể tướng về thăm nhà, ni cô ép lòng sai đệ tử tới phủ Tể tướng khuyến hóa, có ý chờ ông tặng tiền bạc. Tới nơi thì phu nhân lấy vải vóc the lụa như thường lệ đưa cho, nhưng ngầm gói vàng bên trong. Người đệ tử không biết, đem gói vải về đưa thầy, thầy thất vọng bực tức nói "Cho tiền bạc thì còn có thể mua củi gạo, chứ những thứ quà biếu này thì ta cần gì", rồi sai đem trả lại.

Ông Mao và phu nhân ngờ vực đến khi mở ra xem thì vàng đều còn đó, mới hiểu ý người chị từ chối. Phu nhân bèn cất vàng đi, cười nói "Thầy của ngươi có hơn trăm lượng vàng cũng không giữ được, làm sao có phúc lấy quan Thượng thư nhà ta?". Rồi lấy năm mươi lượng vàng đưa cho người đệ tử đem về, dặn "Đem về đưa cho thầy ngươi chi dùng, nhiều hơn thì sợ là kẻ ít phúc không nhận nổi đâu”. Người đệ tử về kể hết mọi chuyện với thầy, người chị im lặng thầm than thở, nghĩ thấy những việc mình làm lúc trước đều dại dột, lẫn lộn người hay kẻ dở. Ôi, há có phải chỉ do người thôi đâu? Về sau chủ quán trọ dính líu vào việc án mạng bị bắt giam, nhờ ông Mao ra sức giúp đỡ mà được khỏi tội.

Dị Sử thị nói: Khu mộ cũ nhà ông Trương lại là ngôi đất quý của họ Mao, kể cũng lạ thật. Ta nghe người thời ấy có vở tuồng Chồng cô chị thành chồng cô em, Giải nguyên trước thành Giải nguyên sau, đó há phải là những người khôn ngoan tinh ranh bịa đặt mà viết ra được đâu? Than ôi, trời xanh kia lâu lắm không ai hỏi được, sao lại có ông Mao, nhân quả báo ứng mau lẹ như thế!

Chú thích:
[56] Tướng quốc họ Mao: bản Hương Cảng chú nhân vật này tên Tự, tự Duy Chi, thi đỗ Giải nguyên năm Bính ngọ niên hiệu Thành Hóa thời Minh (1486), thi đỗ Tiến sĩ năm Đinh mùi (1487), làm quan tới chức Cẩn Thân điện Đại học sĩ, chết được truy tặng hàm Thái bảo.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

64#
 Tác giả| Đăng lúc 30-5-2012 15:15:03 | Chỉ xem của tác giả
057. Sư Tây Vực (Phiên Tăng)


Sư Thể Không kể lúc ở phủ Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) gặp hai nhà sư Tây Vực trạng mạo cổ quái, tai đeo vòng, mặc áo vàng, râu tóc xoăn tít, nói là ở Tây Vực tới, nghe quan Thái thú chuộng đạo Phật nên tới yết kiến. Thái thú sai hai người lính đưa tới ở chùa, Hòa thượng Linh Bí ở đó coi thường, người quản lý trong chùa thấy tướng mạo họ kỳ lạ nên đứng ra khoản đãi giữ lại ngủ. Có người hỏi “Tây Vực có nhiều bậc dị nhân, chắc các vị La Hán đây cũng có phép lạ chứ?”. Một người mỉm cười rút từ tay áo ra một cái tháp nhỏ cao khoảng một thước long lanh rất đẹp. Chỗ cao nhất trên vách có cái kệ nhỏ, nhà sư ném cái tháp lên, cái tháp nghiễm nhiên đứng thẳng không hề nghiêng ngửa, trên ngọn tháp có viên ngọc xá lỵ phóng ra ánh sáng chiếu sáng cả phòng. Giây lát nhà sư lấy tay vẫy, cái tháp lại rơi vào lòng bàn tay. Nhà sư kia trật vai áo duỗi cánh tay trái ra, thấy dài tới sáu bảy thước, còn cánh tay phải không thấy đâu nữa, lại chuyển qua duỗi cánh tay phải ra thì cánh tay trái cũng rút vào không thấy đâu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

65#
 Tác giả| Đăng lúc 30-5-2012 15:18:12 | Chỉ xem của tác giả
058. Tư Giám Họ Lý (Lý Tư Giám)


Tư giám Lý Vĩnh Niên là Cử nhân, ngày hai mươi tám tháng chín năm Khang Hy thứ 4 (1665) đánh vợ là Lý thị chết, địa phương báo lên quan, quan trên sức về cho huyện tra xét. Tư giám đang đứng trước phủ, chợt rút một con dao trên giá chạy vào miếu Thành hoàng, lên thẳng trên gác quỳ xuống trước bàn thờ nói “Thần trách ta nghe lời kẻ gian làm điên đảo thị phi trong làng xóm, nên cắt tai ta”. rồi tự cắt rụng vành tai trái ném xuống dưới gác. Lại nói "Thần trách ta nhận tiền của người, nên chặt tay ta", rồi tự chặt bàn tay trái. Lại nói "Thần trách ta gian dâm với phụ nữ, nên thiến dái ta", rồi tự thiến dái, ngã quay ra chết cứng. Lúc ấy quan Tổng đốc Chu Vân Môn gởi bản tâu hặc tội Lý, xin triều đình cách chức luận tội, vừa có chỉ dụ gởi xuống thì Lý đã bị âm ty trừng phạt rồi. Việc này xem ở để báo.[57]

Chú thích:
[57] Để báo: một loại công báo của triều đình dùng để thông báo tin tức cần thiết cho quan lại các địa phương thời Thanh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

66#
 Tác giả| Đăng lúc 30-5-2012 15:26:01 | Chỉ xem của tác giả
059. Bảo Trú (Bảo Trú)

Phiên vương Ngô Tam Quế lúc chưa làm phản[58] thường ra lệnh cho tướng sĩ rằng ai một mình tay không bắt sống được cọp sẽ được cấp bổng hạng nhất, tặng danh hiệu Đả hổ tướng. Trong các viên tướng ấy có một người tên Bảo Trú, khỏe mạnh nhanh nhẹn như khỉ, lúc trong vương phủ xây ngôi lầu cao, xà vừa gác lên, Trú men theo góc lầu mà lên, trong giây lát đã tới trên nóc, đứng trên xà chạy đi chạy lại mấy lần, kế lại co người nhảy xuống đứng thẳng dưới đất. Vương có người ái cơ giỏi đánh đàn tỳ bà, chiếc đàn nàng dùng lấy noãn ngọc làm chốt lên dây, cầm lên là cả phòng ấm hẳn. Người thiếp quý báu cất kỹ, nếu không phải vương ra lệnh thì không đem ra cho ai thấy. Một đêm ăn yến, khách có người xin được xem vật lạ một lần, vương đang mỏi mệt nên hẹn để hôm sau. Lúc ấy Trú đang ở bên cạnh nói "Không cần vương gia phải ra lệnh, thần có thể lấy được".

Vương bèn sai người báo khắp trong ngoài vương phủ, ra lệnh phòng bị nghiêm cẩn rồi sai Trú đi lấy. Trú vượt qua mười mấy lần tường mới vào tới chỗ người ái cơ của vương ở, thấy đèn trong phòng sáng choang mà của nẻo khóa chặt không vào được. Dưới hành lang có cái lồng nuôi chim vẹt, Trú giả tiếng mèo kêu, kế lại giả tiếng vẹt kêu ầm lên là có mèo tới, lại làm ra tiếng vỗ cánh phành phạch rất gấp. Nghe người ái cơ nói “Lục Nô ra ngay xem, con vẹt bị mèo vồ chết rồi", Trú liền nép vào góc tối. Giây lát có một cô gái khêu đèn lách ra, Trú nhân đó lẻn vào, thấy người ái cơ đang cầm chiếc đàn tỳ bà ngồi trên ghế liền xô vào giật lấy bỏ chạy. Người ái cơ hoảng sợ la lớn giặc tới, đám quân canh gác đổ cả ra, thấy Trú ôm đàn chạy nhưng đuổi theo không kịp, bắn tên rào rào như mưa. Trú nhảy lên gốc cây, dưới tường vốn có cây hòe lớn, Trú chuyền qua cành cây như chim chuyền cành, hết gốc cây lên tới gác, hết gác lên tới lầu, chuyền vào trong điện như có cánh, chớp mắt đã không thấy đâu nữa. Khách còn đang uống rượu, Trú ôm chiếc đàn phi thân vào đứng trước tiệc, cửa vẫn đóng chặt như cũ, không hề có tiếng gà kêu chó sủa.

Chú thích:
[58] Phiên vương... làm phản: Ngô Tam Quế là người thời Minh, làm tướng giữ Sơn Hải quan. Khi Lý Tự Thành diệt nhà Minh, Ngô Tam Quế mở cửa quan mời quân Mãn Châu vào Bắc Kinh đánh Lý Tự Thành. Quân Mãn Châu nhân đó chiếm đóng Trung Quốc, lập ra nhà Thanh, phong Ngô Tam Quế làm Bình Tây vương trấn thủ Vân Nam, Cảnh Tinh Trung làm Tĩnh Nam vương trấn thủ Phúc Kiến và Thượng Khả Hỷ làm Bình Nam vương trấn thủ Quảng Đông, hợp xưng là Tam phiên (Ba phiên vương). Về sau vua Khang Hy nhà Thanh triệt phiên, Tam phiên làm phản, lần lượt bị tiêu diệt.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

67#
 Tác giả| Đăng lúc 30-5-2012 15:29:43 | Chỉ xem của tác giả
060. Nạn Lụt (Thủy Tai)


Năm Khang Hy thứ 21 (1682) đại hạn, từ xuân qua hạ đất khô cháy không còn cọng cỏ nào xanh. Ngày mười ba tháng sáu có cơn mưa nhỏ mới có kẻ trồng bắp, ngày mười tám thì mưa lớn ngập bàn chân, người ta mới trồng đậu. Một hôm ở trang Thạch Môn (tỉnh Chiết Giang) có ông già lúc chiều tối nhìn thấy hai con trâu húc nhau trên núi, nói với người trong thôn rằng "Sắp có lụt lớn" rồi lập tức dắt gia đình đi tránh, người trong thôn đều cười. Không bao lâu mưa đổ ào ào từ đêm đến sáng không ngớt, trên đất bằng nước cao mấy thước, nhà cửa đều bị ngập hết. Có một nông dân bỏ hai đứa con lại, cùng vợ dìu cha mẹ chạy lên gò cao, nhìn xuống dưới thôn thì đã như cái đầm lớn, nghĩ không kịp quay về cứu con nữa. Khi nước đã rút trở về, thấy cả thôn đã thành bãi hoang, vào nhà thấy một gian phòng còn nguyên mà hai đứa con đều ngồi trên giường cười đùa không hề hấn gì. Có người nói đó là trời thương cho hai vợ chồng có hiếu, đó là việc ngày hai mươi tháng sáu.

Năm Khang Hy thứ 34 (1695) ở Bình Dương có động đất, nhân dân mười phần chết hết bảy tám, thành quách đều sụp đổ chỉ còn một căn nguyên vẹn là nhà một người con có hiếu. Giữa cơn đại kiếp mênh mang mà chỉ có những người con hiếu là không việc gì, ai bảo là ông trời kia không phân biệt được trắng đen?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

68#
 Tác giả| Đăng lúc 31-5-2012 00:11:09 | Chỉ xem của tác giả
061. Mỗ Giáp ở Chư Thành (Chư Thành Mỗ Giáp)


Học quan tiên sinh Tôn Cảnh Hạ nói trong huyện có Mỗ Giáp, gặp lúc có giặc bị chém, đầu rơi xuống trước ngực. Khi giặc rút đi người nhà tìm được xác, đang định đem chôn thì nghe còn hơi thở, nhìn kỹ thấy cổ họng còn một khoảng bằng ngón tay chưa đứt, bèn nâng đầu lên giữ lại cho đúng chỗ rồi khiêng về. Qua một ngày một đêm thì bắt đầu rên rỉ, người nhà lấy thìa đút cháo cho, nửa năm thì lành. Hơn mười năm sau, Giáp cùng hai ba người trò chuyện, có kẻ kể chuyện cười, mọi người cùng cười ầm lên, Giáp cũng vỗ tay. Đang lúc nghiêng ngửa thì vết thương cũ chợt toác ra, rơi đầu phun máu, mọi người cùng nhìn lại thì đã đứt hơi chết rồi. Cha Giáp đi kiện người kể chuyện, mọi người cùng góp tiền van xin, người cha bèn chôn Giáp mà không kiện nữa.

Dị Sử thị nói: Cười một trận mà rơi đầu, quả là chuyện cười hiếm có trong ngàn năm. Cổ họng liền lại không chết, để mười năm sau làm thành một vụ án cười, há không phải là kiếp trước hai ba người láng giềng kia mắc nợ y sao?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

69#
 Tác giả| Đăng lúc 31-5-2012 00:13:29 | Chỉ xem của tác giả
062. Đùa Giỡn Thắt Cổ (Hý Ải)


Mỗ người huyện ta là kẻ lông bông vô lại, tình cờ ra ngoài thôn thấy một thiếu phụ cưỡi ngựa đi tới bèn nói với bạn bè "Ta có thể làm nàng cười một trận". Mọi người không tin, đánh cuộc một bữa rượu. Mỗ bèn chạy lên trước ngựa kêu luôn mồm rằng "Ta muốn chết đây". Nhân thấy chỗ đầu tường có một miếng ván mỏng nhô ra, bề ngang hơn một thước bèn cởi dây lưng móc lên đó, thò cổ vào làm như sắp tự tử. Thiếu phụ đi qua nhìn thấy quả nhiên bật cười, bạn bè cũng đều cười rộ. Thiếu phụ đi xa rồi mà Mỗ vẫn bất động, mọi người càng cười dữ, nhưng tới gần xem thì đã thè lưỡi trợn mắt tắt hơi rồi. Treo cổ lên tấm ván mà chết há chẳng phải là chuyện lạ sao? Chuyện này đủ để răn bọn người khinh bạc vậy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

70#
 Tác giả| Đăng lúc 31-5-2012 00:36:46 | Chỉ xem của tác giả
Quyển IV


063. A Tiêm (A Tiêm)


Hề Sơn người huyện Cao Mật (tỉnh Sơn Đông) làm nghề buôn bán, thường qua lại vùng Mông Sơn, Nghi Thủy (đều thuộc tỉnh Sơn Đông). Một hôm dọc đường gặp mưa, tới được nhà trọ quen thì đã khuya, gõ cửa mãi mà không ai lên tiếng. Đang ngần ngừ dưới hiên thì hai cánh cửa chợt mở, một ông già bước ra mời vào. Sơn mừng theo vào, lần dò lên sảnh, trong sảnh không có giường ghế gì cả. Ông già nói “Ta thương khách không có chỗ nghỉ nên mời vào, chứ thật ra ta không phải là người mở hàng bán cơm. Nhà không có ai đỡ đần, chỉ có bà vợ già và đứa con gái nhỏ đã ngủ cả rồi. Cái ăn thì còn đủ nhưng không còn nóng lắm, đừng chê là nguội lạnh".

Nói xong vào trong, giây lát mang ra một cái chõng thấp đặt xuống đất mời khách ngồi. Lại trở vào mang ra một cái bàn con, đi lại tất bật trông rất vất vả. Sơn đứng ngồi không yên, giữ ông lại nói xin cứ nghỉ một lúc. Giây lát một cô gái mang rượu ra, ông già nói "Con A Tiêm nhà ta dậy rồi", nhìn thấy khoảng mười sáu mười bảy tuổi, xinh đẹp yểu điệu, phong thái đoan trang. Sơn có em trai chưa vợ, cũng thầm có ý bèn hỏi thăm dòng dõi quê quán ông già. Ông đáp "Ta họ Cổ tên Sĩ Hư, con cháu đều chết yểu chỉ còn đứa con gái này nên không nỡ làm nó mất giấc ngủ ngon, chắc bà vợ ta gọi nó dậy đấy". Hỏi "Chồng cô em là ai?", ông đáp còn chưa hứa gả, Sơn mừng thầm. Kế thức ăn bày lên đủ thứ, như trong hàng cơm. Sơn ăn xong cung kính nói “Con người bèo nước, đội ơn thương tới, đến chết cũng không dám quên. Nhân thấy ông thịnh đức nên xin đường đột tỏ lời quê mùa. Ta có đứa em trai nhỏ là Tam Lang mười bảy tuổi theo nghiệp đèn sách, cũng không đến nỗi ngu tối, muốn cầu chỉ thắm xe duyên, không biết ông có chê nghèo hèn không". Ông già mừng nói "Lão phu ở đây cũng là ngụ cư, nếu nó có chỗ gửi thân, nhân mượn được túp lều dời đi chỗ khác thì cũng đỡ lo". Sơn đều xin vâng, đứng dậy vái tạ. Ông già ân cần sắp đặt chỗ ngủ cho khách đâu đó rồi vào.

Gà vừa gáy ông đã ra gọi khách dậy rửa mặt, Sơn gói hành lý xong đưa trả tiền cơm, ông già từ chối, nói "Khách ở lại dùng bữa cơm, không lý gì lại lấy tiền, hay định đưa tiền dẫn cưới đây?" Kế chia tay, hơn tháng sau Sơn quay lại, cách thôn hơn dặm thì thấy có bà già dắt một cô gái, khăn áo đều trắng, tới gần thấy như là A Tiêm. Cô gái cũng mấy lần nhìn Sơn rồi nắm áo bà già nói nhỏ gì đó, bà già liền dừng chân quay lại hỏi Sơn "Ông họ Hề phải không?” Sơn dạ dạ. Bà già buồn rầu nói "ông nhà ta không may bị tường đổ đè chết rồi. Hôm nay bọn ta định đi thăm mộ, ở nhà không có ai, xin đợi bên đường một lát sẽ trở lại ngay", rồi đi vào rừng.

Lát sau trở lại thì trời đã tối, bèn cùng đi về, nói chuyện mẹ góa con côi, bất giác mủi lòng thương khóc Sơn cũng bùi ngùi. Bà già nói "Dân ở đây rất không lương thiện, con côi mẹ góa khó sống nổi. A Tiêm đã là dâu nhà ông, để lâu nữa sợ chậm trễ ngày tháng, chẳng bằng khuya nay cùng đưa nhau về sớm", Sơn bằng lòng. Tới nhà, bà già khêu đèn dọn cơm đãi khách xong, nói với Sơn “Nghĩ là ông sắp tới nên đã bán thóc lúa cất trữ đi, chỉ còn hơn hai mươi thạch vì xa nên chưa bán được. Cách đây khoảng bốn năm dặm về phía bắc có ngôi nhà đầu xóm là nhà Đàm Nhị Tuyền là người vẫn mua thóc của ta. Xin phiền ông chịu khó mang một túi tới trước gọi cổng, cứ nói bà già họ Cổ ở xóm Nam có vài thạch thóc định bán lấy tiền đi đường, phiền cho lừa tới chở luôn một lúc", rồi đưa túi thóc cho Sơn. Sơn vội vàng đi ngay, tới nơi gõ cửa thì một người đàn ông bụng phệ ra, Sơn nói rõ rồi trút thóc về trước. Lát sau có hai người phu dắt năm con lừa tới, bà già dẫn Sơn tới chỗ chứa thóc, thì là một căn hầm. Sơn chui xuống cầm hộc xúc lên, mẹ con bà già chuyền cho nhau, chốc lát đầy túi đưa họ mang đi. Đi lại tới bốn lần mới chở hết thóc, kế họ đưa tiền đưa cho bà già, bà giữ lại một người và hai con lừa rồi thu xếp hành lý đi về phía đông. Được hai mươi dặm, trời mới sáng rõ, tới một khu chợ, thuê được ngựa xe ở đầu chợ, đầy tớ họ Đàm bèn quay về.

Về tới nhà, Sơn thưa lại với cha mẹ. Hai bên gặp nhau rất vui vẻ, bèn dọn một chỗ riêng cho bà già ở rồi chọn ngày lành làm lễ thành hôn cho Tam Lang, bà già sắm sửa tư trang cho con gái rất đầy đủ. A Tiêm hiền lành ít nói, ai trò chuyện chỉ mỉm cười, sớm tối lo dệt vải không ngừng, vì thế cả nhà ai cũng thương yêu. Nàng dặn Tam Lang "Nhớ dặn anh nếu có trở lại miền Tây thì đừng nói gì về mẹ con thiếp cả". Được ba bốn năm, nhà họ Hề càng giàu có, Tam Lang được vào học trường huyện. Một hôm Sơn ghé trọ nhà láng giềng cũ của họ Cổ, tình cờ kể chuyện năm trước không có chỗ trọ, phải ngủ nhờ nhà ông bà già. Chủ nói "Ông khách lầm rồi, đó là căn nhà riêng của bác ta, trước đó ba năm người ở đó thường thấy chuyện quái dị nên bỏ hoang đã lâu, làm gì có ông bà già nào mà cho ông ngủ lại?". Sơn rất kinh ngạc nhưng chưa tin lắm. Chủ nhân lại nói "Khu nhà ấy bỏ không mười năm, không ai dám vào. Một hôm bức tường sau nhà bị sập, bác ta tới xem thì thấy đá đè lên một con chuột to như con mèo, khúc đuôi bên dưới còn quẫy, vội về gọi mọi người tới xem thì không thấy đâu nữa. Ai cũng nghi vật đó là yêu quái, hơn mười ngày sau vào xem thử thì yên ắng không thấy gì, hơn năm sau mới có người tới ở".

Sơn càng lấy làm lạ, về nói riêng với người nhà, trộm ngờ em dâu không phải là người. Lo thầm cho Tam Lang, nhưng Tam Lang vẫn hết lòng yêu quý vợ như thường. Lâu ngày người nhà xì xào bàn tán, cô gái thoáng nghe biết, nửa đêm nói với Tam Lang "Thiếp theo chàng mấy năm chưa từng có một lỗi nhỏ. Nay lại đặt chuyện để khinh rẻ, xin viết cho tờ ly hôn để chàng chọn một người vợ xứng đáng”, rồi rơi nước mắt. Tam Lang nói "Lòng ta thế nào thì nàng đã rõ. Từ ngày nàng về, nhà ngày một no đủ, vẫn nghĩ là nhờ phúc trạch của nàng, đâu lại còn điều này tiếng khác?". Nàng nói "Chàng vốn không hai lòng, thiếp há không biết sao? Nhưng nhiều người nói ra nói vào, e rồi không khỏi như chiếc quạt đến mùa thu bị bỏ xó”. Tam Lang khuyên giải mấy lần mới thôi. Nhưng Sơn vẫn không tha, ngày ngày cứ tìm mèo giỏi bắt chuột về để dò ý tứ. Cô gái tuy không sợ nhưng rầu rầu không vui.

Một đêm nói mẹ không khỏe, xin Tam Lang cho về săn sóc, sáng ra Tam Lang qua tìm thì trong phòng trống không, phát hoảng cho người đi tìm khắp nơi không thấy tung tích, bứt rứt bỏ ăn bỏ ngủ. Cha và anh lại đều lấy làm may, cùng vỗ về an ủi, định cưới vợ khác cho, nhưng Tam Lang nhất định không chịu. Chờ hơn một năm, tin tức vắng bặt, cha và anh cứ chế nhạo trách mắng, bất đắc dĩ phải bỏ nhiều tiền mua một người thiếp, mà lòng nhớ A Tiêm vẫn không nguôi. Lại vài năm nhà họ Hề nghèo dần, vì thế càng thương nhớ A Tiêm.

Có người em con chú Tam Lang là Lam nhân có việc tới huyện Giao (tỉnh Sơn Đông), đường xa nghỉ lại nhà người họ hàng bên ngoại là Lục sinh, đêm nghe bên nhà láng giềng có tiếng khóc rất đau thương, cũng chưa rảnh hỏi thăm. Lúc quay về lại nghe thấy bèn hỏi, chủ nhân đáp “Mấy năm trước có người đàn bà góa và cô gái mồ côi thuê nhà ở đó. Tháng trước bà già mất, cô gái ở một mình không người thân thích nên khóc đó thôi”. Lam nhân hỏi họ, Lục đáp “Họ Cổ, thường đóng cửa không giao thiệp với làng xóm nên chưa rõ gia thế ra sao". Lam giật mình nói "Thế thì là chị dâu ta rồi”. Bèn qua gọi cửa thì có người nín khóc bước ra, đứng trong cửa nói “Nhà ta không có đàn ông đâu”. Lam nhìn qua khe cửa, từ xa ngắm kỹ thấy đúng là chị dâu liền nói "Chị mở cửa, em ở nhà chú A Toại đây". Cô gái nghe tiếng, mở cửa mời vào, kể lể tình cảnh lẻ loi khổ sở, lời lẽ rất bi thảm. Lam nói "Anh Tam Lang nhớ chị lắm, vợ chồng có gì trái ý đâu mà chị xa lánh tới tận đây", rồi lập tức định thuê xe cùng về. Cô gái buồn rầu nói "Ta vì bị người khinh rẻ mới đưa mẹ đi ẩn, nay lại trở về nương tựa người thì ai không khinh rẻ? Như muốn ta trở về thì phải cùng anh chia bếp, nếu không, ta chỉ còn nước uống thuốc độc tự vẫn cho rồi".

Lam về kể lại cho Tam Lang, Tam Lang lật đật đi ngay. Vợ chồng gặp nhau đều rơi lệ, hôm sau nói với chủ nhà xin về. Chủ nhà là Giám sinh họ Tạ thấy nàng đẹp, ngầm tính cưới nàng làm thiếp nên mấy năm không lấy tiền nhà, đã nhiều lần ngỏ ý với bà già nhưng bà cự tuyệt. Bà chết rồi, đang mừng mưu mình chắc xong thì Tam Lang chợt tới, bèn tính tiền nhà luôn trong mấy năm để làm khó. Nhà Tam Lang vốn không dư dật, nghe nói tiền nhiều có ý lo. Cô gái nói không sợ, rồi dẫn vào xem vựa thóc, khoảng hơn ba mươi thạch, trả tiền nhà rồi vẫn thừa. Tam Lang mừng nói với Tạ, Tạ không nhận thóc, cứ nhất định đòi tiền. Cô gái than "Trăm sự cũng vì nghiệp chung thân này", rồi kể lại tình thật. Tam Lang tức giận định kiện lên huyện. Lục bèn can, đem thóc chia bán cho người thân thích trong làng lấy tiền trả Tạ, rồi đem xe tiễn hai người về.

Tam Lang thưa với cha mẹ, xin cùng anh chia nhà ra để ở. A Tiêm bỏ tiền riêng, ngày ngày xây kho thóc mà trong nhà vẫn chưa có lấy được một thạch, ai cũng lấy làm lạ, nhưng hơn năm xem lại thì kho đã đầy. Không vài năm, nhà đã giàu có mà Sơn vẫn nghèo khổ. Nàng mời cha mẹ chồng về nuôi dưỡng và đem tiền gạo chu cấp cho anh, nhiều lần thành lệ. Tam Lang mừng nói “Nàng có thể nói là người không để tâm thù oán". Cô gái đáp “Cũng bởi anh ấy có lòng thương em trai. Nếu không có anh ấy, thiếp đâu được cùng chàng nên duyên?”. Về sau cũng không có chuyện gì lạ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách