Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Kinh Dị] Liêu Trai Chí Dị | Bồ Tùng Linh

[Lấy địa chỉ]
461#
Đăng lúc 20-6-2013 14:33:29 | Chỉ xem của tác giả
04. Nữ Quỷ (Nữ Quỷ)

Vương Bính ở Oanh Kiều huyện Truy Xuyên (tỉnh Sơn Đông), ra khỏi thôn thấy trong miếu Thổ địa có một cô gái đẹp bước ra, cứ liếc nhìn mình mãi. Vương buông lời ỡm ờ, nàng tươi cười vui vẻ, nhưng không có nơi nào hành sự, bèn hẹn đến đêm vui vầy với nhau. Bính nhân đó nói rõ nơi ở, tối đến quả nhiên nàng tới, cùng nhau vui thú rất nồng nàn. Bính hỏi họ tên, nàng không chịu đáp, từ đó lui tới không dứt. Bính ngủ cùng giường với vợ, cô gái cũng tới giao hoan mà vợ Bính vẫn không biết là có người. Bính ngạc nhiên hỏi, nàng mới nói "Ta là vợ thần Thổ địa", Bính cả sợ, muốn dứt tình ngay nhưng làm đủ cách vẫn không ngăn trở nàng được. Cứ thế nửa năm, bị bệnh nằm liệt giường không dậy nổi. Người đẹp lại càng hay lui tới, người nhà đều nhìn thấy. Không bao lâu Bính chết, người đẹp vẫn mỗi ngày tới một lần. Vợ Bính quát nàng ta “Con ma dâm đãng không biết xấu hổ. Người ta đã chết, còn tới làm gì?” người đẹp bèn đi không trở lại nữa.



Dị Sử thị nói: Thổ địa tuy nhỏ nhưng cũng là thần, há lại để tho vợ tùy ý lăng nhăng, quyết không đến nỗi như thế. Không biết là con ma nào dâm đãng giả danh, khiến cho ngàn năm sau người ta còn nói thôn ấy có vị thần hèn kém bất cẩn, oan thay!


05. Đàn Ông Sinh Con (Nam Sinh Tử)


Tổng binh Phúc Kiến Dương Phụ có tên luyến đồng, trong bụng máy động. Mười tháng đến kỳ, mơ thấy thần nhân mổ hai nách lấy con ra, hai đứa con trai kêu khóc hai bên. Trở dậy nhìn xuống dưới nách, vết mổ vẫn còn rõ ràng. Bèn đặt tên hai đứa con là Thiên Xá, Địa Xá.



Dị Sử thị nói: Xét lại thì việc này xảy ra trước khi Ngô phiên* làm phản. Sau khi Ngô làm phản, Trung thừa Mỗ nghi Dương, muốn trừ diệt nhưng sợ Dương làm loạn, bèn lấy cớ khác gọi tới. Vợ Dương trí dũng song toàn, lấy làm ngờ vực, khuyên Dương đừng đi, nhưng Dương không nghe. Vợ Dương khóc mà tiễn, trở về truyền lệnh cho các tướng, khoác giáp cầm gươm để chờ tin tức. Không bao lâu có tin chồng bị giết, bèn làm phản đánh Mỗ. Mỗ hoảng sợ không biết làm sao, may mà quân sĩ ra sức giữ thành, vợ Dương đánh không được bèn rút quân. Vợ Dương đi đã xa, Mỗ mới mặc giáp lên ngựa, kéo quân ra thành hò hét ầm ĩ, người ta kể cho nhau nghe để cười. Vài năm sau giặc bị dẹp yên, không bao lâu Mỗ bạo tử. Lúc chết thấy Dương cầm gươm bước vào, tả hữu cũng đều nhìn thấy. Than ôi, hồn ma tuy mạnh mẽ, nhưng đã không chắp lại đầu vào xác được nữa rồi! Việc sinh con đầy vẻ yêu tà, đã là điềm báo trước chăng?



*Ngô phiên: tức Ngô Tam Quế, xem chú thích truyện Bảo Trú, quyển IV
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

462#
Đăng lúc 20-6-2013 14:38:00 | Chỉ xem của tác giả
06. Nước Bọt Của Ma (Quỷ Tân)

Lý Mỗ đang ngủ trưa thấy một người đàn bà trong tường bước ra, đầu tóc rối tung, tóc xõa xuống che kín mặt. Người ấy tới trước giường mới lấy hai tay vạch tóc để lộ khuôn mặt, da dẻ đen dủi vô cùng xấu xí. Lý cả sợ định chạy nhưng đã bị người đàn bà chồm lên glường ôm chặt lấy đầu, kề môi vào miệng Lý, dùng lưỡi đẩy nước bọt qua, thấy lạnh như băng, từ từ trôi vào cổ Lý không muốn nuốt nhưng không sao thở được, nuốt thì thấy lầy nhầy trong cổ họng, vừa hít một hơi thì trong miệng đã đầy nước bọt, nghẹt thở đành phải nuốt vào. Như thế hồi lâu, ngạt thở không chịu nổi nữa, chợt nghe ngoài cửa có tiếng chân người, người đàn bà mới buông tay ra biến mất. Sau đó Lý thấy bụng trương lên đầy tức, mấy ngày không ăn uống gì được. Có người bảo uống nước sâm lư, Lý thổ ra một vật như quả trứng trong suốt, mới dần dần khỏi bệnh.


07. Nghiện Ăn Rắn (Xà Tịch)

Lữ Phụng Nghi là đầy tớ Vương Phủ Lệnh ở hương ta, tính nghiện ăn rắn. Mỗi khi bắt được con rắn nhỏ thì nuốt chủng, giống như nuốt cọng hành. Gặp con lớn thì lấy dao chặt ra từng khúc từng khúc, rồi bốc mà ăn, nhai nghe rau ráu, máu me chảy cả xuống cằm. Lại rất giỏi đánh hơi, từng có lần cách bức tường ngửi thấy mùi rắn, vội vàng chạy ra, quả nhiên bắt được con rắn dài một thước, lúc ấy không mang đao, bèn trước hết cắn nát đầu, đuôi còn ngoe nguẩy ngoài miệng.

08. Đầu Đà Họ Kim (Kim Đầu Đà)

Kim Thế Thành, người Trường Sơn. Tính không cần kiệm, đột nhiên xuất gia làm đầu đà. Giống như điên khùng, ăn những vật nhơ bẩn mà cho là ngon. Chó dê ỉa đái trước mặt là cúi xuống ăn, tự xưng là Phật. Bọn đàn bà dân quê ngu xuẩn lấy làm lạ, giữ lễ đệ tử có tới hàng ngàn hàng vạn người. Kim quát bảo ăn phân, không ai dám trái lời. Xây dựng điện gác, tiền bạc không đủ, mọi người vui vẻ đóng góp. Huyện lệnh Nam công ghét vì làm việc kỳ quái, bắt tới đánh đòn, sai sửa văn miếu, môn nhân đồn ầm lên với nhau “Phật gặp nạn", rồi tranh nhau cứu, trong một tuần cung điện ở Văn miếu đều xây xong, việc thu góp tiền bạc còn mau lẹ hơn kẻ lại tàn ác đi thu.



Dị Sư thị nói: Ta nghe Kim đầu đà, người ta đều gọi như thế, nói “Kim Thế Thành là Phật phẩm, đến nỗi ăn nhưng vật cực kỳ nhơ bẩn. Bị đánh đòn không đủ làm nhục, phạt thì lập tức có người cứu, cách xử sự của Nam công sao mà hay thế”. Nhưng xây Học cung lại nhờ tới kẻ yêu tà ăn vật nhơ bẩn, cũng là sự xấu hổ của sĩ đại phu vậy!



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

463#
Đăng lúc 20-6-2013 14:40:35 | Chỉ xem của tác giả
09. Yêu Tài (Ái Tài)

Trong quan trường, có người có em gái vào cung làm Quý nhân sinh con. Có tướng quân Mỗ làm giúp bài khải, trong có câu “Em trai lớn lên, suốt đời cạnh mây rồng, vàng ngọc chói chang gác vẽ, xá muội phu nhân, mười năm theo kiệu phượng, xiêm y lộng lẫy ráng chiều. Chày giặt có thể cầm, trăng sương không cần đập áo, ngòi ngự có thể cậy, vịnh ngâm đâu nhọc Vân Anh*”. Quan trên phục tài, cho đổi qua ngạch văn giai, về sau làm tới chức Thông chính sứ.



*Chày giặt... Vân Anh: chưa rõ điển tích, song theo văn cảnh thì có lẽ hai câu này muốn nói vị Quý nhân kia đã sinh con với vua, không phải lẻ loi như người vợ giặt áo dưới trăng mong chồng về, cũng không phải vất vả như Vân Anh trong tích cầu Lam. Xem thêm chú thích  truyện Thụy Vân.


10. Vợ Người Nhà Buôn (Thương Phụ)

Thương nhân Mỗ ở Thiên Tân, sắp đi buôn nơi xa, vay tiền một người nhà giàu, bị tên trộm rình thấy. Đến đêm, y lén vào nhà núp, định chờ lúc sơ hở lấy trộm. Nhưng người thương nhân vì hôm ấy là ngày tốt, nên đã mang tiền lên đường. Tên trộm rình đã lâu, chỉ nghe vợ người thương nhân trăn trở trên giường, như không ngủ được. Kế đó, trên vách có cánh cửa nhỏ mở ra, cả phòng sáng bừng. Trong cửa có một cô gái bước ra, diện mạo trẻ trung xinh đẹp, tay cầm một sợi dây dài, tới cạnh giường đưa cho người đàn bà. Người đàn bà xua tay từ chối, cô gái cứ đưa người đàn bà bèn cầm dây trở dậy, buộc lên xà nhà, đưa cổ vào tự ải. Cô gái bèn bước ra, cánh cửa trên vách cũng đóng lại. Tên trộm cả kinh, tung cửa ra kêu ầm lên. Gia nhân tỉnh dậy đổ tới, hỏi han lý do, rồi vội xông vào cứu, nhưng người đàn bà không tỉnh lại. Liền bắt tên trộm đưa lên quan. Quan cho rằng tên trộm đã chính mắt nhìn thấy, thì không còn gì phải nghi ngờ, bèn thả y ra. Hỏi người làng, đều nói chủ cũ của nhà ấy từng có người thiếu phụ treo cổ tự tử, tuổi tác diện mạo đều giống hệt như tên trộm nhìn thấy, nên biết đó là ma. Tục truyền người chết dữ đều phải có kẻ thay thế, đúng là như thế chăng?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

464#
Đăng lúc 20-6-2013 14:42:40 | Chỉ xem của tác giả
11. Năm Chuyện Về Rồng (Long Ngũ Tắc)

I.

Viên Tuyên Tứ nói ở Tô Châu, lúc mưa rào trời tối, sấm sét nổ ran. Mọi người đều nhìn thấy rồng trên mây buông xuống, vẩy trên thân rung động, trong vuốt nắm một cái đầu người, râu tóc đều nhìn thấy rõ. Giây lát bay vào trong mây đi mất, nhưng không nghe có ai bị mất đầu.



II.

Tục truyền rồng lấy nước dưới sông làm mưa, ngờ rằng điều đó chỉ là truyền thuyết mà thôi. Từ Đông Si nam du, ghé thuyền vào bờ sông, nhìn thấy một con rồng xanh giữa đám mây buông xuống, lấy đuôi khoắng vào nước sông, sóng nước nổi lên ầm ầm, theo thân rồng mà bay lên. Từ xa nhìn thấy ánh nước sáng loáng, rộng như tấm lụa ba thước. Giây lát đuôi rồng rút lên, mặt nước cũng yên ắng. Lát sau mưa đổ xuống như trút.



III.

Người đàn bà họ Lý ở thôn Hình huyện Truy Xuyên, chồng chết lúc đang có thai, bụng lúc chợt trướng lên như cái vò, lúc lại thu lại bằng nắm tay. Đến khi lâm bồn, suốt một ngày một đêm không sinh được. Nhìn tới, thấy một cái đầu rồng, vừa thấy người là thụt vào trong. Người nhà cả sợ, không dám tới gần. Có bà đỡ họ Vương, thắp hương võ bộ, niệm ấn bắt quyết, không bao lâu cái thai lọt ra, không thấy rồng đâu nữa. Chỉ có vài cái vẩy rơi xuống, đều to như đồng tiền. Sinh được một đứa con gái, da thịt trong suốt như thủy tinh, nhìn thấy cả tạng phủ trong người.



IV.

Huyện Bác có người dân tên Vương Mậu Tài, sáng sớm thăm ruộng, nhặt được ở bờ ruộng một đứa nhỏ khoảng bốn năm tuổi, mặt mủi đẹp đẽ ăn nói khôn ngoan, bèn đưa về nhà nuôi làm con, linh thông phi thường. Được bốn năm năm có một nhà sư tới nhà đứa nhỏ nhìn thấy, hoảng sợ bỏ trốn biệt tích. Nhà sư nói với Vương "Đó là một trong năm trăm con rồng nhỏ trong ao ở Hoa Sơn, bỏ trốn tới đây". Rồi lấy ra một cái bát đổ nước vào, quả nhiên nhìn thấy một con rắn trắng nhỏ bơi lội trong đó, kế cất bát ra đi.


Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

465#
Đăng lúc 20-6-2013 14:44:06 | Chỉ xem của tác giả
V

Di kiên chí chép: Trong niên hiệu Hoàng Thống nhà Kim (1141-1149), phủ Hà Trung đại hạn. Thái thú là Lý Kim Ngô cầu đảo không có kết quả. Nghe nói sư Từ Huệ ở chùa Tây Nham giới luật cao thâm, được đồ đệ ngưỡng mộ, bèn tới mời.  Sư nói “Thân già không có gì có thể làm cảm động trời đất, nhưng hàng ngày lúc thuyết pháp đều thấy có một ông già tới nghe, không biết từ đâu tới, ngờ đó là rồng nên cầu khẩn y. Nhưng phải là Kim Ngô sáng mai tới đây, thành khẩn mà chờ”. Lý nói "Vâng” Quả nhiên ông già lại tới. Lý đang nói chuyện với nhà sư, nhìn thấy ông ta bước vào chùa, lập tức thắp hương trải chiếu, sai tả hữu xốc nách dìu vào, quỳ xuống lạy lục bày tỏ ý nguyện. Ông già hoảng sợ ngăn lại nói "Sứ quân quỳ lạy một ông già trong núi, xin hỏi có chuyện gì?". Lý nói "Trời hạn gây tai họa, ngũ cốc không chín, muôn dân sẽ không sao sống nổi. Xin Long quân nhân từ, ban cho mưa ngọt, sẽ xin lập đền thờ tự, bốn mùa cúng tế để làm rõ uy linh của thần, xin thần thương cho”.



Ông già im lặng, lát sau chau mày than thở “Ồ người tiết lộ thiên cơ của ta là nhà sư, không biết ta chết lúc nào đây”. Bèn nói với Lý "Sứ quân đừng lo, ta xin đem cái chết để báo đáp”. Rồi ngoảnh lại sư nói “Ta nay vì sư mà đắc tội với trời, nhất định sẽ bị tru diệt, ta sẽ phải chết ngay, thân rơi xuống đất, nhưng không ra khỏi đất này. Xin sư chứng minh, sai dân toàn quân làm đàn tế bảy ngày bảy đêm, ngõ hầu đền đáp công đức, có thể được siêu thăng”. Sư ưng thuận, ông già bèn ra đi. Lúc ấy có một trận mưa đổ xuống ba ngày ba đêm. Ngu Khanh ngoài thành báo có con rồng chết rơi xuống chân núi. Lý dắt hết sĩ thứ, triệu một ngàn nhà sư tới đó, dựng đàn trường, mời Từ Huệ lên diễn pháp. Việc xong, thấy con rồng hiện thân trên không, nói tiếng người cảm tạ “Ta tuy bị trời giết, nhưng nhờ pháp lực cứn trợ, đội ơn diệu pháp vô thương nên đã được làm rồng cõi Bồ Đề". Lý bèn lập miếu thờ, xin triều đình ban cho biển ngạch, lại đặt tên cho xứ ấy là hang Thương Long.



Lại như bến Dã Ngưu ở Bạch Ba Lạc Kinh gần miếu Cửu thiên huyền nữ. Trong niên hiệu Hoàng Thống nhà Kim, đêm thu nước tràn, cư dân bị lụt chết đuối, mười người có tới sáu bảy. Người phía dưới bến thấy một bầy thuồng luồng vẫy vùng trong hang vực, xô bờ phá vách, biến chỗ ấy thành ao đầm, nhà cửa đều biến mất, ruộng vườn không còn gì. Mưa lớn năm ngày năm đêm không ngớt, chợt có mấy mươi con trâu trên đỉnh núi theo dòng trôi xuống đánh nhau với thuồng luồng ở chân núi. Mây đen mờ mịt, ánh lửa chốc chốc lóe lên, qua một đêm trời tạnh, nước sông lại trở về dòng cũ. Có một con thuồng luồng dài mười trượng chết dưới cổng đền. Mạnh quân Thái thú Lạc Kinh dẫn đầu sĩ dân hai quận Lạc Dương Hà Dương trai giới mang cỗ tam sinh tới bờ sông cúng tế. Giây lát có con rồng xuất hiện trên mây, vươn cổ như tới hưởng. Hàng vạn người ngẩng nhìn, mới biết đó là vật đã biến thành trâu giết thuồng luồng. Bèn lập miếu thờ ở chỗ ấy. Chu Tùng Long kể lại như thế.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

466#
Đăng lúc 20-6-2013 14:45:32 | Chỉ xem của tác giả
12. Bạch Liên Giáo (Bạch Liên Giáo)

Tư Hồng Nho thủ lĩnh Bạch Liên giáo vốn là nhà nông. Cày ruộng ở chân núi, được một pho tượng Phật bằng đồng, một thanh kiếm bằng sắt, cùng hai quyển sách tả đạo. Ngày đêm học tập, không gì không tinh thông. Bèn tự xưng là Như Lai xuất thế, mê hoặc dân ngu. Từng có người khách đêm tới nhà, Từ vẽ một cái mặt trăng treo lên vách, cả gian phòng sáng bừng. Trong phòng chất đầy vàng bạc, để người ta tùy ý lấy không ngăn cấm. Không cần tôi tớ, chỉ rút trong túi ra hai hình người giấy cao ba tấc đặt xuống đất, lập tức vươn dài ra cao bằng người, lại thướt tha xinh đẹp. Một người ăn mặc lối văn sĩ, tuấn nhã phong lưu, một người ăn mặc lối võ sĩ, đeo kiếm mang cung. Sai dọn rượu bày tiệc đi lại rất mau lẹ. Lại lấy ra hơn mười người bằng giấy, làm phép đều biến thành mỹ nữ, áo lông xiêm ráng, ca múa mời rượu. Có thể sai khiến quỷ thần, cho dù các loại cây cối loài vật ở núi sông thành thị cũng đều có thể biến ra trong nháy mắt. Lại đưa ra một tấm gương bảo người ta soi vào có thể thấy được số phận trọn đời. Có người thì khăn lượt mũ sa, có người giáp vàng áo thêu, người soi vào không ai không mừng rỡ nhảy nhót.



Tin tức đồn đãi khắp nơi, lúc ấy người ta nối gót nhau tới xin soi, trước cửa đông nghịt. Từ thấy những người bị mê hoặc ngày càng đông, bèn treo gương tự soi, thì thấy đội mũ miện mặc long bào, nghiễm nhiên là bậc vương giả. Bèn phao tin rằng "Phàm những người ăn mặc đẹp đẽ trong gương đều là người trong hội Long Hoa, được Như Lai định rõ là sẽ làm quan, đều nên gắng sức để tìm phú quý". Mọi người đều ngạc nhiên mừng rỡ lạy phục xuống. Kế đó chế cờ lệnh cầm tiết việt, không ai không nhảy nhót đi theo, chưa từng có người nào không tuân lệnh. Không đầy vài tháng, đã có hàng vạn người theo về, một dải Đằng Dịch theo gió mà rạp. Về sau đại quân thảo phạt, giết sạch không ai sống sót. Bọn họ vọng tưởng một bước lên trời, mà không tự răn!



Bành Đô ty người Trường Sơn, sống trong quân ngũ nhiều năm, dũng cảm hơn người. Lúc thảo phạt, gặp hai cô gái để bím tóc cặp đao sắt, thúc ngựa dữ, hung hãn dị thường, Bành ra sức tiếp chiến. Hai cô gái không thể tới gần Bành, mà Bành cũng không sao làm hai người bị thương. Từ sáng đến chiều, liên tiếp ba ngày Bành kiệt sức, thở dốc mà chết. Về sau bắt được quân giặc hỏi cung, mới biết hai cô gái ấy là người giấy đao gỗ, ngựa cưỡi chỉ là ghế gỗ mà thôi. Đao ngựa giả mà làm  chết tướng quân thật, lạ thay!

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

467#
Đăng lúc 20-6-2013 14:47:50 | Chỉ xem của tác giả
13. Sai Dịch Ma (Quỷ Lại)


Hai người sai dịch ở Lịch Thành vâng lệnh Huyện lệnh Hàn Thừa Huyên đi công cán ở quận khác, cuối năm mới về. Trên đường gặp hai người, ăn mặc giống như mình. Cùng đi suốt nửa ngày dần dần nói chuyện với nhau. Hai người kia tự xưng là sai dịch quận Tế Nam. Sai dịch nói "Những nha dịch trong quận, mười người thì bọn ta biết tới tám chín. Hai ông thì chưa từng quen biết". Người kia nói "Nói thật, ta là sai dịch ma trong miếu Thành hoàng, nay là mang công văn tới miếu Đông Nhạc". Sai dịch hỏi trong công văn viết gì, đáp "Tế Nam sắp có kiếp nạn lớn, là báo danh những người bị giết". Sai dịch cả sợ hỏi bao nhiêu người chết, đáp "Cũng không rõ lắm, nhưng e gần trăm vạn", sai dịch càng hoảng sợ. Nhân hỏi thời hạn, đáp là tháng giêng. Hai người sai dịch nhìn nhau, tính ngày về tới nơi vừa đúng hôm Trừ tịch. Sợ bị mắc nạn, nhưng chần chừ thì sợ bị khiển trách. Ma nói “Lỡ hạn tội nhỏ, gặp nạn họa lớn, nên tránh đi chỗ khác, tạm thời đừng về". Sai dịch theo lời, chia tay theo đường tắt trốn đi. Không bao lâu quân tới có gần trăm vạn người chết, hai người nha lệ được thoát.



Dị Sử thị nói: Theo lành tránh dữ là then chốt trên thế gian. Không ngờ dưới địa phủ cũng như thế. Hay là hai người sai dịch ấy không có tên trong kiếp nạn, nên sai dịch ma khuyên như thế chăng?


14. Khách Rết (Yết Khách)


Có người thương nhân phương Nam buôn rết, hàng năm tới Lâm Câu, thu mua rất nhiều. Thổ nhân cầm kẹp gỗ vào núi, vào hang sâu lật đá tảng tìm bắt. Hết một năm lại tới, ngụ ở chỗ trọ cũ chợt thấy bồn chồn, lông tóc dựng đứng mà sợ sệt gấp bội lúc bình thường. Chợt nói với chủ nhân "Làm hại vật sống đã nhiều, nay bị ma rết tức giận, sắp tới giết ta, xin cứu ta với”. Chủ nhân thấy trong phòng có cái vò lớn, bèn bảo vào đó ngồi xổm rồi lấy nắp đậy lại. Không bao lâu, một đại hán bước vào, đầu tóc xõa tung vẻ mặt hung dữ, hỏi chủ nhân "Người khách phương Nam ở đâu?", đáp đã ra ngoài. Người ấy vào phòng nhìn quanh, khịt khịt mũi thành tiếng mấy lần, rồi ra cửa đi. Chủ nhân nói “May ra thì thoát nạn chăng!", rồi bước vào mở nắp vò lên, thì người khách đã hóa thành máu.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

468#
Đăng lúc 20-6-2013 14:49:03 | Chỉ xem của tác giả
15. Con Hồ Trong Dinh Thự Tuân Hóa (Tuân Hóa Thự Hồ)


Khưu công người Chư Thành, làm Quản đạo đạo Tuân Hóa. Trong dinh thự vốn có nhiều hồ, ở ngôi lầu trong cùng thường xuyên có hồ tụ họp, thỉnh thoảng ra hại người. Chửi mắng lại càng lộng hành, nhĩmg người làm quan ở đó chỉ làm tiệc cầu khấn, không ai dám xúc phạm. Khưu công đáo nhiệm, nghe thế nổi giận. Hồ cũng sợ công cương nghị, biến thành một bà già, nói với người nhà của công "Xin bẩm lại với đại nhân là đôi bên không có thù oán gì, xin làm khách ba ngày nữa, sẽ đưa hết già trẻ đi," Công nghe cũng im lặng không nói gì. Hôm sau duyệt binh xong, bảo đừng tan về, sai đem hết súng ống trong các doanh tới, chĩa quanh lầu cùng phát đạn, trong giây lát ngôi lầu thành đất bằng. Lông da máu thịt trên trời rơi xuống rào rào, nhưng thấy giữa đám mưa máu mịt mờ có một làn khí trắng như đám mây vọt ra. Mọi người nhìn lên nói "Có một con thoát rồi”, nhưng từ đó trở đi trong dinh thự yên ổn. Sau hai năm, công sai một người đầy tớ tin cẩn mang bạc về kinh để thu xếp việc thăng chuyển. Việc chưa xong, người ấy còn ở lại trong nhà một nha dịch để chờ trả tiền dần duyên*. Một hôm chợt có ông già tới kinh đô kêu oan, nói vợ con bỗng dưng bị tàn sát. Lại nói công cắt xén quân lương, nịnh nọt thượng cấp, hiện cất ở nhà Mỗ, có thể làm bằng chứng. Xét sớ hỏi lý, cùng tới nhà người nha dịch kia, tìm kiếm không ra tiền bạc. Ông già nhịp chân xuống đất, công sai hiểu ý, đào xuống quả nhiên lấy được vàng. Trên vàng bạc đều có khắc tên quận giải về. Sau đó tìm ông già, thì đã đi mất. Bắt láng giềng để tìm người ấy, cũng không có ai. Công vì thế mắc nạn. Ông già tức là con hồ trốn thoát vậy.



*Tiền dần duyên: dần duyên cũng như dần nghị, chỉ việc quan lại giao du với nhau. Tiền dần duyên tức tiền quan lại tặng biếu để làm quen, đây chỉ tiền hối lộ.



Dị Sử thị nói: Hồ quấy phá người ta, thì rất đáng tru diệt. Nhưng đã sợ mà xin tha, cũng nên giữ trọn lòng nhân, có thể nói công cũng quá nóng nảy vậy. Nếu làm quan ở Quan Tây mà như thế, thì há chỉ một con hồ trắng thù hận thôi sao?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

469#
Đăng lúc 20-6-2013 14:50:49 | Chỉ xem của tác giả
16. Huyện Lệnh Ngô Huyện (Ngô Lệnh)

Ông Mỗ làm Huyện lệnh Ngô huyện, quên mất tên họ, cứng rắn có tiếng. Tục đất Ngô rất trọng thần Thành hoàng, dùng gỗ tạc tượng, may gấm làm áo, dáng vẻ như người sống. Gặp ngày cúng thần thì dân cư góp tiền mở hội, xe kiệu chật đường. Cờ phướn la liệt, trống kèn đàn sáo vừa trỗi vừa đi, ồn ào ầm ĩ, chen chúc trên đường. Thói quen đã thành lệ, không năm nào dám bỏ phế. Ông tới đó, gặp lúc họ đang đi, bèn ngăn lại hỏi, dân ở đó kể lại chuyện. Lại nói tiền bạc đóng góp rất nhiều, ông tức giận, chỉ vào thần trách mấy câu "Thành hoàng là chủ một huyện, nếu ngu xuẩn ương bướng không thiêng thì là ma . quỷ tối tăm ngu muội, không đáng để thờ phụng. Còn nếu linh thiêng thì phải biết tiếc của cải, sao lại được tốn phí vô ích, làm hao tổn máu mỡ của dân”. Nói xong kéo tượng thần xuống đất, đánh hai mươi roi. Từ đó tập tục lập tức thay đổi. Ông trong sạch ngay thẳng không riêng tư, chỉ là trẻ tuổi thích đùa giỡn. Ở đó hơn một năm, ngẫu nhiên bắc thang trong giải vũ trèo lên bắt chim sẻ, hụt chân rơi xương gãy đùi, kế chết. Người ta nghe thấy trong đền Thành hoàng có giọng ông tức giận lớn tiếng, giống như tranh cãi với thần, mấy ngày không ngớt. Mọi người không quên ơn ông, kéo nhau tới tụ họp, khẩn cầu xin thôi, sẽ xây một miếu riêng, giọng ông liền tắt. Miếu mới cũng gọi là miếu Thành hoàng, xuân thu cúng tế, còn linh thiêng hơn miếu cũ Ngô huyện đến nay vẫn có hai Thành hoàng.

17. Nha Dịch Sâu Mọt (Đố Dịch)

Tiến sĩ Lý Khuông Cửu người Trâu Bình làm quan rất liêm khiết công minh. Từng có người nhà giàu bị người ta vu cáo, nha dịch dọa nói "Quan đòi hai trăm lượng vàng, mau thu xếp cho xong, không thì có tai họa đấy". Người nhà giàu sợ hãi vâng dạ, thu xếp được một nửa, nha dịch không chịu, người nhà giàu hết sức nài nỉ. Nha dịch nói "Không phải ta không ra sức, nhưng sợ quan không chịu. Đợi lúc xét xử, ngươi cứ nhìn ta, ta sẽ bẩm lại số này, quan ưng thuận hay không thì cũng có thể biết ta không có ý gì khác". Giây lát ông xét vụ ấy. Tên nha dịch biết ông không hút thuốc, bèn tới gần hỏi hút thuốc không, ông chỉ lắc đầu. Tên nha dịch bước xuống, nói khẽ “Vừa rồi nói ra con số, quan lắc đầu không chịu, ngươi thấy rõ chứ”. Người nhà giàu tin thật, càng hoảng sợ, bèn ưng thuận con số lúc đầu. Tên nha dịch biết ông nghiện trà, bèn tới gần hỏi uống trà không, ông gật đầu. Tên nha dịch lấy cớ đi pha trà, lại bước xuống nói khẽ “Quan ưng thuận rồi, đã gật đầu, ngươi thấy rõ chứ?”. Kế vụ ấy xét xong, người nhà giàu quả nhiên được tha. Tên nha dịch lập tức thu tiền, lại đòi thêm tiền tạ ơn. Than ôi, tên nha dịch ấy cũng gian trá thật.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

470#
Đăng lúc 20-6-2013 14:54:36 | Chỉ xem của tác giả
18. Nha Dịch (Tạo Lệ)


Trong niên hiệu Vạn Lịch, Huyện lệnh Lịch Thành mơ thấy thần Thành hoàng đòi người hầu hạ, lập tức ghi tên tám người nha dịch vào sớ điệp đốt trong miếu. Đến đêm, tám người đều chết. Đầu tiên một người nghe bảy người kia đã chết, trong lòng sợ hãi, cắn ngón tay mà chết. Phía đông miếu có quán rượu, chủ quán vốn quen biết cả tám người. Đêm ấy có một người tới mua rượu, bèn hỏi mời khách nào. Đáp "Bạn đồng liêu rất đông nên mua một vò, chỉ thiếu họ Tự mà thôi". Đến sáng, gặp người nha dịch khác, mới biết người ấy đã chết. Tới miếu mở cửa vào thì vò rượu còn đó, rượu bên trong vẫn còn đầy, nhưng mùi vị giống hệt nước lã. Quay về nhìn lại tiền thì đều là tro giấy. Quan huyện bèn đắp tám pho tượng đặt trong miếu, riêng người cắn ngón tay thì pho tượng tươi tắn như người sống. Con cháu tám nhà đều quanh năm cúng tế. Các nha dịch trong huyện nhận chức, trước tiên đều ra đó tế lễ, nếu không ắt sẽ gặp chuyện bị trách phạt.

19. Trư Bà Long (Trư Bà Long)

Trư Bà Long sản ở Giang Tây, hình dáng như con rồng mà ngắn , có thể bay là đà, thường lên dọc bờ sông bắt ngỗng vịt để ăn. Có người săn được, thì bán thịt cho hai nhà họ Trần họ Kha. Hai họ ấy đều là hậu duệ của Trần Hữu Lượng, nhiều đời ăn thịt trư bà long, chú họ khác thì không dám ăn. Có người khách từ Giang Tây tới, bắt được một con, buộc lại trong thuyền. Một hôm ghé thuyền ở Tiền Đường, dây buộc hơi lỏng, nó chợt nhảy xuống sông, sóng nước nổi lên, thuyền buôn chìm hết.

20. Bạc Nén (Nguyên Bảo)

Lâm Giang ở Quảng Đông, vách núi dựng đứng, thường có bạc nén khảm vào vách đá. Phía dưới dốc núi sóng lớn, thuyền bè không thể ghé vào. Có người khua mái chèo cố tới gần để khều, thì dính cứng không lay động được. Nếu số người ấy lấy được, thì khều một cái là rơi xuống ngay, quay lại thì đã qua kiếp khác rồi.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách