Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Kinh Dị] Liêu Trai Chí Dị | Bồ Tùng Linh

[Lấy địa chỉ]
391#
 Tác giả| Đăng lúc 25-12-2012 22:25:55 | Chỉ xem của tác giả
369. Chuột Lớn (Đại Thử)


Trong niên hiệu Vạn Lịch thờỉ Minh (1573-1619) trong cung có con chuột to bằng con mèo, cắn phá rất dữ. Sai tìm những mèo giỏi trong dân gian về để trị, đều bị nó ăn thịt. Gặp lúc nước ngoài tới cống con mèo sư tử, lông trắng như tuyết, bèn thả vào gian phòng có chuột, đóng cửa lại núp bên ngoài xem. Mèo ngồi hồi lâu thì chuột từ trong hang lắc lư bò ra, thấy mèo bèn giận dữ xông tới. Mèo nhảy tránh lên ghế, chuột cũng đuổi theo lên, mèo lại nhảy xuống đất, cứ như thế mãi không biết mấy trăm lần. Mọi người bên ngoài có kẻ nói mèo nhát sợ, cho rằng không sao trừ được chuột. Kế đó chuột đuổi chậm dần, phệ bụng ra thở dốc, ngồi xuống đất tạm nghỉ. Mèo lập tức phóng nhanh xuống, vả vào cổ, cắn vào đầu chuột. Vật lộn một lúc, nghe tiếng mèo vang vang, tiếng chuột khò khè, mọi người mở cửa vào xem, thì đầu chuột rách nát ra rồi. Mới biết trước đó mèo né tránh không phải là nhát sợ, mà là chờ cho chuột mệt mỏi vậy. Nó ra thì vào, nó vào thì ra, khôn ngoan như thế mà thôi. Ôi, kẻ thất phu cậy sức mạnh có khác gì con chuột kia đâu!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

392#
 Tác giả| Đăng lúc 25-12-2012 22:35:59 | Chỉ xem của tác giả
370. Cô Hai Hồ (Hồ Đại Cô)


Nhà Nhạc U Cửu ở huyện Ích Đô (tỉnh Tứ Xuyên) bị hồ quấy phá, quần áo vật dùng cứ bị ném qua nhà hàng xóm. Nhà có cuộn vải mịn lấy ra định may quần áo, thấy dây buộc vẫn như cũ mà mở ra thì bên ngoài còn nguyên nhưng ở trong nát bét, bị xé vụn ra từng mảnh từng mảnh, đại khái cứ phá phách như thế. Người nhà chịu không nổi chửi rủa ầm lên, Nhạc ngăn lại, nói coi chừng hồ nghe. Hồ ở trên xà nhà lên tiếng "Ta đã nghe thấy rồi”, từ đó lại phá phách tệ hại hơn. Một hôm hai vợ chồng Nhạc ngủ chưa dậy, hồ vào vơ ráo cả quần áo đi. Hai người cứ trần truồng ngồi co ro trên giường nhìn lên trời khấn khứa thảm thiết. Chợt có cô gái từ cửa sổ chui vào ném trả quần áo lên giường, nhìn thấy không cao lớn lắm, mặc quần áo đỏ. Nhạc mặc xong quần áo chắp tay nói "Thượng tiên có lòng giáng lâm, xin đừng quấy phá, hãy làm con nuôi của ta được không?". Hồ đáp "Tuổi ta còn lớn hơn ngươi, sao dám láo lếu tự tôn như vậy hả?”. Nhạc lại xin làm chị em gái, hồ ưng thuận, từ đó sai gia nhân gọi là cô Hai hồ.

Lúc ấy công tử họ Trương thứ tám ở Nhan Trấn có hồ ở trên lầu, thường chuyện trò với người. Nhạc hỏi có quen biết không, hồ đáp "Đó là chị dâu của ta, sao lại không quen biết?". Nhạc nói "Chị dâu ngươi không quấy phá người, sao ngươi không học theo như thế?". Hồ không nghe, vẫn phá phách như cũ, nhưng không phá ai khác mà chỉ phá con dâu của Nhạc. Giày tất trâm vòng cứ đem vứt ra đường, tới bữa ăn thì cứ thấy trong chén có chuột hoặc cứt đái, người con dâu của Nhạc cứ ném bát chửi con đĩ hồ chứ không khấn khứa cầu xin gì cả. Nhạc khấn "Các cháu trong nhà đều gọi là cô sao ngươi lại cư xử không ra bậc tôn trưởng như vậy?", hồ nói "Ngươi bảo con trai ngươi bỏ vợ, để ta làm dâu ngươi thì mới ở yên được". Người con dâu chửi "Con đĩ hồ không biết xấu hổ, định giành chồng của người ta à?". Lúc ấy người con dâu đang ngồi trên cái rương quần áo, chợt thấy khói dày đặc từ dưới bốc lên nóng bỏng như lửa, mở ra xem thì quần áo trong rương đều đã cháy hết, còn sót lại một hai cái đều là quần áo của mẹ chồng. Nhạc bảo con bỏ vợ, đứa con không chịu, qua mấy hôm lại thúc giục, đứa con cũng vẫn không chịu. Hồ tức giận lấy đá ném vỡ trán đứa con, máu chảy đầm đìa suýt ngất, Nhạc càng lo sợ.

Thời bấy giờ ở Tây Sơn có Lý Thành Hào giỏi bùa chú, Nhạc đem lễ vật tới mời về. Lý lấy bột vàng vẽ lên vải đỏ làm bùa, ba ngày mới xong. Lại lấy kính buộc lên đầu lá bùa, ghép cán vào đem soi khắp nhà, sai đồng nam nhìn theo, bảo thấy gì thì nói ngay. Tới một chỗ, đứa nhỏ nói trên tường như có con chó nằm, Lý chỉ tay vào chỗ ấy vẽ bùa, kế bước ra sân niệm thần chú một lúc, lập tức chó heo trong nhà kéo tới cụp tai vẫy đuôi như chờ nghe lệnh. Lý xua tay bảo đi, chúng lại nhao nhao xếp hàng trở ra. Lý lại niệm thần chú, bầy vịt lập tức kéo tới, Lý lại xua ra. Kế tới bầy gà, Lý chỉ vào một con quát lớn, cả bầy tan đi chỉ riêng con gà ấy nằm lại, xếp cánh kêu lớn “Ta không dám thế nữa!". Lý nói "Có con vật này là vì trong nhà bện hình Tử Cô[310] đây”. Người nhà đều nói là không có làm. Lý nói “Tử Cô đang còn trong nhà mà". Mọi người cùng nhớ lại, sực nghĩ ra ba năm trước có chơi đùa bện hình Tử Cô, mọi việc quái dị bắt đầu xảy ra từ hôm ấy.  

Tìm kiếm khắp nhà thì thấy hình nộm bằng cỏ vẫn còn trên tường. Lý đem đốt đi rồi lấy một cái vò khấn khứa ba lần, quát lớn ba tiếng, con gà đứng dậy chui vào. Mọi người nghe trong vò có tiếng nói "Họ Nhạc ác lắm, vài năm nữa sẽ gặp lại nhau”. Nhạc xin đốt cái vò, Lý không cho, mang đi. Có người thấy trong nhà Lý có treo mấy mươi cái vò nút miệng trên tường, đều là nhốt hồ bên trong, nói rằng Lý cứ lần lượt thả ra cho chúng quấy phá thiên hạ rồi bắt lấy tiền, như là món hàng lạ vậy.

Chú thích:
[310] Tử Cô: Nữ thần trong truyền thuyết nhân gian Trung Hoa, ngày xưa đêm rằm tháng giêng người ta thường chơi đùa lấy vải vụn hay rơm cỏ bện hình Tử Cô đưa lên cúng với bánh trái, trà rượu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

393#
 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2012 20:24:33 | Chỉ xem của tác giả
371. Ba Chuyện Sói (Lang Tam Tắc)


I.


Có người đồ tể bán thịt về, trời đã xế chiều, một con sói theo sát, hít hít giỏ thịt chảy cả nước dãi. Cứ từng bước từng bước lẽo đẽo theo suốt mấy dặm, y sợ rút dao ra thì nó sẽ làm dữ, nhưng đã rảo chân chạy mà nó vẫn đuổi theo. Y không biết làm sao, nhưng nghĩ thầm con sói muốn ăn thịt, chẳng bằng cứ treo giỏ thịt lên cây rồi mai ra lấy. Bèn lấy móc sắt móc giỏ thịt nhón chân máng lên cành cây. Thấy y không còn mang giỏ thịt, sói bèn dừng lại, y vội đi tắt về nhà. Sáng sớm ra lấy thịt, thấy trên cây có một vật lớn lơ lửng giống hệt người chết treo, y cả sợ rón rén tới gần nhìn thì ra là con sói đã chết. Ngẩng lên nhìn kỹ, thấy trong miệng nó còn ngậm thịt mà bị cái móc sắt móc vào hàm trên như cá mắc câu. Lúc ấy da sói đang có giá, y bán được hơn mười đồng vàng, gia cảnh trở nên dư dật. Đúng là chuyện bắt cá trên cây, câu được con sói kể cũng buồn cười.

II


Một người đồ tể buổi chiều bán thịt về, trong giỏ không còn thịt mà chỉ có mớ xương thừa, trên đường gặp hai con sói cứ theo sát. Y sợ, ném lại một cục xương, một con dừng lại ăn còn con kia cứ bám theo. Lại ném thêm cục xương, con này dừng lại ăn thì con kia đã ăn xong, lại tới sát, cứ thế một hồi, mớ xương trong giỏ đã hết sạch mà hai con sói vẫn đuổi theo. Y sợ quá, lại lo hai con từ hai phía tấn công, thấy trên đồng có sân phơi lúa, trong sân có rơm cỏ chất thành đống, bèn chạy mau tới dựa lưng vào đó, rút dao ra, hai con sói không dám xông vào, cứ đứng gầm ghè nhìn. Giây lát một con sói bỏ đi, một con vẫn ngồi trước mặt y, hồi lâu thì nhắm mắt thiu thiu ngủ như là vô sự. Y vọt mau ra chém đầu nó, bồi thêm mấy nhát giết chết luôn. Đang định đi tiếp, vòng ra phía sau đống rơm cỏ thì con sói kia đang đào một cái hang định tấn công phía sau, đã lọt hết vào hang chỉ còn ló khúc đuôi. Y chém đứt chân nó, giết chết luôn. Lúc ấy mới hiểu rằng con sói phía trước vờ ngủ là để dụ địch, loài sói cũng giảo quyệt thật. Nhưng trong chớp mắt cả hai con đều bị giết, cầm thú gian giảo thì được bao lăm, chỉ làm trò cười mà thôi!

III.


Một người đồ tể đi đường lúc sẩm tối, bị sói đuổi, thấy bên đường có cái chòi của người cày ruộng dùng để nghỉ trưa, bèn chạy vào núp. Con sói thò chân qua vách lá quờ quờ, y vội chụp lấy giữ chặt song nhìn quanh không có vật gì để giết chết nó. Mò được con dao ngắn không đầy một tấc, bèn cắt hết lớp da dưới bàn chân con sói, rồi ra sức thổi theo như lối thổi heo quay. Lát sau thấy con sói không vùng vẫy cử động gì nữa, y mới cởi thắt lưng buộc chân nó vào vách rồi ra nhìn, thì con sói đã phình to như con bò, chân thẳng đuột ra không co lại được, miệng cứ há hốc, bèn vác nó về. Thật nếu không phải là người làm nghề đồ tể thì không sao nghĩ ra cách ấy được.

Ba chuyện trên đều là chuyện của đồ tể thì sự tàn nhẫn của kẻ đồ tể cũng đắc dụng trong việc giết sói vậy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

394#
 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2012 20:31:22 | Chỉ xem của tác giả
372. Nhà Sư Bán Thuốc (Dược Tăng)


Mỗ người huyện Tế Ninh (tỉnh Sơn Đông) ngẫu nhiên đi chơi tới một ngôi chùa ngoài đồng, gặp một nhà sư vân du đang ngồi ngoài nắng bắt rận, trên đầu thiển trượng treo cái hồ lô như người bán thuốc. Mỗ đùa hỏi “Hòa thượng có bán thuốc dùng vào việc trong phòng không?". Nhà sư đáp “Có loại thuốc làm yếu hóa mạnh, nhỏ hóa to, công hiệu lập tức khỏi chờ qua đêm". Mỗ mừng rỡ nài mua, nhà sư tháo vạt áo lấy ra một viên thuốc to bằng hạt ngô bảo nuốt. Chờ khoảng nấu sôi nồi cơm thì Mỗ thấy vật kín đột nhiên to hẳn lên, mò xem thấy đã to gấp ba lúc trước. Lòng vẫn chưa thỏa, bèn rình lúc nhà sư đi tiểu lén mở vạt chiếc áo lấy hai ba viên nữa nuốt hết. Trong khoảnh khắc thấy trong bụng đau như xé, gân thịt co cả lại, cổ rút lưng khòm, mà vật kín cứ dài to ra mãi không thôi, kinh hoàng nhưng không biết làm sao. Nhà sư quay lại trông thấy bộ dạng Mỗ phát hoảng nói "Chắc ông đã uống trộm thuốc của ta rồi?” Vội đưa một viên thuốc cho uống, Mỗ mới thấy vật kín không dài ra thêm nữa. Cởi áo ra xem thì thấy đã to suýt soát bằng hai đùi, như ba cái chân vạc vậy. Bèn rụt cổ khệ nệ lặc lè trở về, cha mẹ đều không nhận ra, từ đó trở thành kẻ vứt đi, lê la ăn xin ngoài đường, rất nhiều người trông thấy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

395#
 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2012 20:37:05 | Chỉ xem của tác giả
373. Quan Ngự Y (Thái Y)


Trong niên hiệu Vạn Lịch thời Minh (1573-1619) có Bình sự họ Tôn mồ côi cha từ nhỏ, mẹ mới mười chín tuổi ở vậy nuôi con. Lúc Tôn đỗ Tiến sĩ thì mẹ đã mất, thường nói với mọi người rằng "Thế nào ta cũng phải xin được cáo mệnh[311] để làm rạng rỡ cho người dưới suối vàng, mới có thể đền đáp được công lao vất vả của mẫu thân". Chợt Tôn mắc bạo bệnh ngày càng nặng. Tôn vốn chơi thân với quan Ngự y nên sai người qua mời, người đi mời vừa ra khỏi cửa thì bệnh Tôn đã nguy kịch, trợn mắt nói “Sống mà không nêu cao được thanh danh để làm rỡ ràng cha mẹ, còn mặt mũi nào nhìn thấy mẹ già ở suối vàng?”, rồi tắt thở, mắt vẫn mở to. Không bao lâu quan Ngự y tới, nghe tiếng khóc lóc vội vào thăm hỏi, thấy tình trạng Tôn như thế lấy làm lạ. Người nhà kể lại, Ngự y nói "Muốn cha mẹ được phong tặng cũng không phải là khó. Hiện nay Hoàng hậu sắp lâm bồn, chỉ cần sống thêm mười ngày nữa thì có thể được ban cáo mệnh"[312]. Rồi lập tức lấy ngải đốt vào mười tám huyệt trên cái xác, lửa vừa tàn thì Tôn rên lên, vội đổ thuốc cho uống, Tôn liền sống lại. Ngự y dặn "Phải nhớ kỹ là không được ăn thịt cọp thịt gấu, người nhà cũng đừng quên". Nhưng Tôn lại cho rằng những thức ấy hiếm khi có, nên cũng không để ý lắm. Ba ngày sau thì bình phục, lại vào triều làm việc. Qua sáu bảy ngày nữa, quả nhiên Hoàng hậu sinh được Thái tử, vua triệu các quan vào cho ăn tiệc mừng. Nhà bếp nấu món ăn lạ đưa lên, vua sai ban cho các quan văn võ theo thứ tự trên dưới, món ăn trắng tươi như khối mỡ có chỉ đỏ chạy bên trong, thơm ngon không gì sánh bằng, Tôn ăn mà không biết là thứ gì. Hôm sau hỏi bạn đồng liêu, họ đáp "Đó là tay gấu” Tôn cả kinh thất sắc, bệnh cũ lại phát, về tới nhà thì chết.

Chú thích:
[311] Cáo mệnh: ngày xưa quan lại có công hay giữ chức lớn thường được triều đình phong tặng chức hàm cho cha mẹ, văn bản phong tặng ấy gọi là cáo mệnh.
[312] Hiện nay... cáo mệnh: cả câu ý nói có thể hoàng hậu sẽ sinh con trai, nhân dịp vui mừng này của hoàng gia có thể triều đình sẽ phong tặng cho cha mẹ các quan.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

396#
 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2012 20:41:20 | Chỉ xem của tác giả
374. Người Đàn Bà Nhà Quê (Nông Phụ)


Làng Từ Diêu phía tây huyện có người đàn bà nhà quê khỏe mạnh như đàn ông, thường cứu giúp kẻ hoạn nạn, can ngăn chuyện xích mích trong làng, ở khác huyện với chồng. Chồng là người huyện Cao Uyển (tỉnh Sơn Đông), thỉnh thoảng mới ghé, ngủ một đêm rồi đi. Người đàn bà tự làm lụng kiếm ăn, làm nghề thồ đồ gốm đi bán, nếu có hôm dư dật thì cho đám ăn xin. Một đêm đang ngồi chơi nói chuyện với hàng xóm, chợt đứng dậy nói “Thấy bụng hơi đau, chắc sắp sinh rồi”, rồi chào về. Trời sáng, người đàn bà hàng xóm qua thăm, thấy nàng vác hai cái khạp đựng rượu lớn đang bước vào cửa, theo vào tới phòng trong thì có đứa bé mới sinh nằm trên giường, hoảng sợ hỏi thì nàng vừa sinh xong đã mang vật nặng đi hàng trăm dặm. Người đàn bà vốn thân thiết với người cô ở am bắc, kết nghĩa làm chị em với nhau. Sau nghe người cô làm điều xấu xa, giận dữ vác gậy qua định đánh cho một trận, mọi người xúm vào năn nỉ hết lời mới thôi. Một hôm gặp người cô trên đường, người cô dè bỉu hỏi ta có tội gì? Nàng cũng không đáp, cứ đánh đá như mưa, đến khi người cô không kêu được nữa mới tha cho bỏ đi.

Dị Sử thị nói:
Những người mà đời gọi là nữ trượng phu còn tự biết là không phải trượng phu, song người đàn bà này đã quên mình là kẻ khăn yếm vậy. Hào sảng tự vui, có khác gì bậc kiếm tiên thời cổ đâu. Hay chồng nàng cũng là loại người mài gươm chăng?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

397#
 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2012 20:45:25 | Chỉ xem của tác giả
Phụ: Truyện Nữ Hiệp Khách Ẩn Nương (Kiếm Hiệp Nữ Ẩn Nương Truyện)


Nhiếp Ẩn nương là con gái Đại tướng Ngụy Bác Nhiếp Phong trong niên hiệu Trinh Nguyên thời Đường (785-804). Năm nàng mười tuổi có người người cô khất thực ở nhà Phong, nhìn thấy Ẩn nương rất thích, hỏi xin Phong. Phong tức giận, người cô nói “Cho dù có cất kín trong hòm sắt ta cũng bắt trộm được". Đến đêm thì Ẩn nương mất tích. Năm năm sau người cô đưa Ẩn nương về gia đình, hỏi được dạy gì, nàng đáp "Đầu tiên sư phụ cho con uống một viên thuốc, sai cầm kiếm đuổi chém khỉ vượn cọp beo, đều chặt đứt đầu. Được ba năm thì đâm chim cắt, chim ưng, nhát nào cũng trúng. Được bốn năm thì có đâm người trong chợ giữa ban ngày cũng không ai trông thấy ánh kiếm. Được năm năm thì sư phụ mở cho một cái hốc sau đầu, giấu lưỡi chủy thủ vào đó, lúc nào dùng thì tuốt ra. Nhân đó lại nói với con rằng: “Kiếm thuật của ngươi đã thành tựu rồi, nên trở về nhà, rồi đưa con về. Lại dặn rằng về tới nhà, gặp chàng trẻ tuổi làm nghề mài gươm thì lấy làm chồng". Trong niên hiệu Nguyên Hòa (806- 828), Thống súy Ngụy Bác có hiềm khích với Tiết độ sứ Trần Hứa là Lưu Xương Duệ, sai Ẩn nương tới giết Lưu. Lưu biết trước là Ẩn nương sẽ tới bèn ra đón, Ẩn nương nói “Quan Bộc xạ ở đây tả hữu không có người, ta xin bỏ bên kia theo ông”, đại khái nàng biết Thống súy Ngụy Bác không bằng Lưu vậy. Kế Lưu từ đất Hứa về kinh bái kiến Thiên tử, Ẩn nương không chịu theo, về sau không biết là đi đâu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

398#
 Tác giả| Đăng lúc 26-12-2012 20:50:13 | Chỉ xem của tác giả
375. Quách An (Quách An)


Tôn Ngũ Lạp có đứa tiểu đồng đêm ngủ một mình, chập chờn thấy có người tới bắt đi. Tới một cung điện, thấy Diêm Vương ở trên nhìn nó nói “Lầm rồi, không phải người này”, bèn sai đưa về. Nó tỉnh dậy sợ quá, dời sang ngủ chỗ khác. Lại có người đầy tớ là Quách An thấy giường trống bèn lên nằm ngủ. Có một người đầy tớ khác là Lý Lộc vốn ghét đứa tiểu đồng bèn chém chết. Cha Quách An lên kêu khóc với quan huyện, lúc ấy Trần Kỳ Thiện làm Tri huyện lại cứ thản nhiên như không, cha Quách kêu gào thảm thiết nói "Nửa đời mới có được một thằng con trai, bây giờ ta biết làm sao để sống?". Trần bèn phán vậy thì nhận Lý làm con để nó nuôi, cha Quách đành ngậm đắng nuốt cay trở về. Chuyện đứa tiểu đồng thấy ma thật không lạ, lối họ Trần xử án mới thật là lạ.

Vương Ngư Dương nói Tri huyện Tân Thành Trần Đoan Am Ngưng tính nhân từ nhu nhược không quyết đoán. Có Vương sinh tên Dự Triết cho người ta thuê nhà, lâu ngày không được trả tiền, bèn kiện lên quan. Trần không xử được, chỉ nói "Kinh Thi có câu Chim thước có tổ, chim cưu vào ở, ngươi cứ làm chim thước là được".

Huyện Tây đất Tế (tỉnh Sơn Đông) có kẻ giết người, vợ người chết kiện lên quan. Huyện lệnh tức giận, lập tức bắt hung phạm tới, đập bàn mắng "Người ta vợ chồng yên vui, ngươi lại làm chị ta góa chồng à? Phải lập tức cưới chị ta, cho vợ ngươi góa chồng", rồi bắt hai người lấy nhau.

Lối xử án sáng suốt ấy đều là việc các bậc Tiến sĩ đầu bảng làm, chứ kẻ xuất thân đường khác thì không sao làm được. Trần cũng lè nhè như thế, ai không có tài năng chứ?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

399#
 Tác giả| Đăng lúc 26-1-2013 01:37:06 | Chỉ xem của tác giả
376. Hang Núi Tra Nha (Tra Nha Sơn Động)


Núi Tra Nha ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) có cái hang núi như miệng giếng, sâu xuống mấy thước, phía bắc của hang chạy ngầm theo dãy núi. Gặp lúc có mấy người trong thôn bên cạnh nhân tiết Trùng dương (ngày chín tháng chín âm lịch) đi chơi, uống rượu ở đó rồi bàn nhau xuống xem thử. Ba người đốt đuốc dong dây leo xuống, thấy hang to như cái nhà, đi được vài chặng thì hẹp dần lại, cuối vách hang lại có một cái huyệt sâu ngoằn ngoèo phải bò mới vào được. Soi đuốc vào thấy tối om om mà sâu không biết tới đâu, hai người lo sợ bỏ ra, một người giật lấy đuốc cười hai người kia là nhát rồi chui vào. Qua khỏi chỗ hẹp lại tới một đoạn rộng rãi có thể đứng thẳng, lại đi tiếp. Trên nóc hang thì đá rủ xuống như sắp rơi mà không rơi, hai bên vách dựng thẳng, đá lô nhô như hình chùa miếu, có cả hình chim thú người quỷ. Chim như đang bay, thú như đang chạy, người thì kẻ đứng kẻ ngồi, quỷ thì đủ dạng như đang tức giận, trông rất kỳ quái xấu xí, y rùng mình sợ hãi.

Qua khỏi một đoạn bằng phẳng, đi thêm vài trăm bước, thấy vách phía tây mở ra một cái thạch thất. Bên trái có một khối đá mặt quỷ hình người đứng trợn mắt ngoác miệng, răng nanh lởm chởm trông rất dữ tợn, tay trái nắm thành quyền đặt ở hông, tay phải vươn năm ngón ra như bắt người. Y vô cùng hoảng sợ, lông tóc dựng đứng cả lên. Nhìn thấy trong cửa có đống tro, như có người từng tới đây, thấy yên tâm trở lại. Bèn bước thẳng vào trong, lại nhìn thấy trên mặt đất có chén bát, trong đầy bụi bặm nhưng đều là những thứ gốm sứ gần đây chứ không phải là đồ cổ. Cạnh đó có bốn cái bầu rượu bằng thiếc, y nảy lòng tham, bèn cởi dây lưng ra buộc đeo lên hông. Kế lại thấy có một cái xác nằm ở góc phía tây, tay chân giang rộng, sợ lắm, nhưng dần dần tới gần nhìn kỹ, thấy chân mang hài nhỏ, vẫn còn vết chỉ thêu hoa mai, biết đó là một thiếu phụ. Không rõ là người ở đâu, chết năm nào, quần áo đã mủn ra không nhận ra màu gì, mớ tóc xỏa tung như tơ rối đắp lên đầu lâu. Chỗ mắt và mũi chỉ còn bốn cái hốc, hai hàm răng vẫn còn, trắng phau phau, y biết đó là miệng. Lại nghĩ có thể trên đầu còn vật trang sức bằng vàng ngọc, bèn soi ngọn đuốc tới gần đầu lâu, thì như có hơi trong miệng thổi vào ngọn đuốc, ánh lửa cứ như chập chờn lay động, manh vải áo cũng lay lay. Y cả kinh run tay, ngọn đuốc tắt phụt, nhưng còn nhớ đường vội chạy mau trở ra. Không dám sờ lên vách, sợ đụng vào khối đá hình con quỷ nên húc đầu vào đá ngã lăn ra, vội chồm ngay dậy, thấy trên đầu ươn ướt lành lạnh, biết là máu nhưng không thấy đau, cũng không dám kêu. Ra tới chỗ đáy huyệt, vừa nằm xuống để bò ra thì chợt thấy như có người nắm chặt lấy tóc, y sợ quá ngất đi luôn.

Mọi người bên ngoài chờ lâu quá, lấy làm ngờ vực, lại dòng dây thả hai người xuống. Họ khom người chui vào, thấy y nằm sấp trên mặt đá, máu me bê bết, thân thể cứng đờ. Hai người mất vía không dám tới gần, ngồi đó run rẫy. Lát sau bên trên lại dòng dây thả thêm hai người nữa xuống, trong đó có kẻ gan dạ, mới dám chui hẳn vào kéo y ra đưa lên, nửa ngày mới tỉnh lại, kể rõ mọi việc. Đáng tiếc là y chưa đi tới chỗ tận cùng, nếu đi tới ắt là thấy được nhiều cảnh đẹp chuyện lạ. Sau quan huyện Chương Khâu nghe được chuyện, sai lấy đất đá lấp kín chỗ miệng huyệt, không ai vào được nữa.

Khoảng năm Khang Hy thứ 26, 27 (1677-1678) phía nam động Dương Mẫu bị lở sụt xuống, để lộ ra một cửa hang, nhìn vào thì thấy thạch nhũ san sát như rừng tre, không ai dám vào xem. Chợt có người đạo sĩ tới tự xưng là đệ tử của Chung Ly Quyền[313] nói rằng thầy sai tới trước để dọn dẹp động phủ. Người ở đó đưa cho đèn đuốc, đạo sĩ nhận lấy leo xuống, rơi lên đám thạch nhũ lởm chởm, bị đá đâm xuyên qua bụng mà chết. Báo lên quan, qua cho lấp kín cửa hang. Bên trong ắt có cảnh lạ, tiếc là đạo sĩ đã siêu thăng, không ai biết mà kể lại.

Chú thích:
[313] Chung Ly Quyền: người thời Đường, là một trong Bát tiên (tám vị tiên) theo truyền thuyết Trung Quốc, được giới đạo sĩ tu tiên luyện đạo trước kia thờ phụng như sư tổ.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

400#
 Tác giả| Đăng lúc 26-1-2013 01:42:42 | Chỉ xem của tác giả
377. Con Chó Có Nghĩa (Nghĩa Khuyển)


Thôn Chu có người lái buôn đi buôn bán tới huyện Vu Hồ (tỉnh An Huy), được món lãi lớn, thuê thuyền trở về. Ngang trên đê thấy có người đồ tể trói con chó toan giết, y trả tiền gấp đôi mua lấy, nuôi ở trong thuyền. Chủ thuyền vốn là dân trộm cướp, thấy khách có nhiều tiền, bèn ghé vào bãi lau sậy vắng vẻ, rút đao định giết chết. Y khẩn cầu xin được chết toàn thây, tên cướp bèn lấy chăn bó y lại ném xuống sông. Con chó nhìn thấy, tru lên thảm thiết rồi nhảy theo xuống cắn chặt lấy bó chăn, theo dòng nước trôi mãi không biết bao xa mới dạt lên bờ. Con chó  ướt lướt thướt ngoi lên, chạy tới chỗ có người sủa oăng oẳng đau đớn, có người lấy làm lạ đi theo nó, thấy bó chăn nổi dập dềnh giữa nước bèn kéo lên, cắt dây buộc. Người khách buôn vốn chưa chết mới kể lại mọi chuyện. Lại năn nỉ một người chủ thuyền ở đó đưa trở lại Vu Hồ, định chờ thuyền tên cướp trở lại. Nhưng thuyền đi thì con chó lạc đâu mất, y rất thương tiếc. Tới chỗ của sông Vu Hồ chờ ba bốn ngày, thấy thuyền bè san sát như rừng mà không thấy thuyền tên cướp đâu.

Vừa gặp người lái buôn cùng quê, đang định theo về, chợt con chó lần tới, nhìn y thở khìn khịt như gọi cùng đi, y bèn theo nó. Con chó chạy mau lên một chiếc thuyền, nhảy chồm cắn vào đùi người chủ, dánh bao nhiêu nó cũng không nhả ra. Người lái buôn tới gần quát nó nhả ra, thì ra đó là tên cướp trước đây, vì y đã thay đổi cả quần áo, sơn sửa lại thuyền nên không tìm ra được. Mọi người trói y lại rồi khám thuyền, thì tiền bạc của y vẫn còn nguyên. Than ôi, một con chó mà còn báo ơn tới như thế, những kẻ không có tâm can trên đời cũng nên xấu hổ với nó mới phải!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách