Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: linh2511
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác - Xuất Bản] Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương | Ngô Thị Giáng Uyên

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 17:11:20 | Chỉ xem của tác giả
Một trong những quán bar nổi tiếng ở đây tên 192, nơi cô nàng Bridget trong phim Nhật kí Bridget Jones hay đến cùng bạn bè. Nhưng quán bar tôi ngồi đẹp hơn nhiều, với kiến trúc rất đặc trưng kiểu Anh: mặt tiền bên ngoài đỏ thắm và những ô cửa sơn màu kem nhạt. Nếu bạn chọn ngồi ngoài đường, trên đầu bạn sẽ là những giỏ hoa tươi đủ màu sắc thỉnh thoảng lại rụng những cánh hoa li ti xuống tóc. Còn một điều đặc biệt nữa ở Notting Hill: chỉ cần ngồi nửa tiếng đồng hồ, bạn sẽ thấy ít nhất vài nhân vật nổi tiếng đi ngang. Đây là nơi được giới showbiz: các diễn viên điện ảnh, người mẫu thời trang, ca sĩ... cả Anh lẫn Mĩ rất ưa chuộng và sẵn sàng bỏ ra hàng núi tiền để được sở hữu một căn hộ ở đây. Họ đi lại rất thoải mái, chẳng cần mang kính râm hay đeo khăn choàng để nguỵ trang tránh bị fan làm phiền, vì người dân Notting Hill có phong cách đúng nghĩa "phớt Ănglê", chẳng ai để ý gì đến những ngôi sao đang đi trước mặt cả. Hay những người dân tôi gặp cũng là ngôi sao ở những lĩnh vực khác mà tôi không biết chăng?

Một trong những sự kiện nổi bật ở khu phố thời thượng bậc nhất London này là lễ hội hoá trang (Notting Hill Carnaval) được tổ chức vào dịp cuối tuần của mỗi tháng tám hằng năm. Lịch sử viết: cuộc xung đột sắc tộc đầu tiên của cả Liên hiệp Anh diễn ra vào tháng 8-1958. Đến năm tiếp theo, lễ hội hoá trang Notting Hill ra đời như một hình thức không chính thức nhằm xoa dịu xung đột này. Ngày nay, bên cạnh lễ hội ở Rio - Brazil, đây là lễ hội đường phố lớn nhất thế giới với hàng triệu người tham gia chỉ trong hai ngày mỗi năm.

Mỗi khi nhìn những bức ảnh chụp ở đây, nhất là bức hai anh chàng vui tính đã vẫy tay chào và gọi với theo tôi" đi chơi London vui vẻ nhé" trong lúc tôi đang đứng tìm góc độ chụp ảnh ở Notting Hill, tôi lại nhớ đến buổi chiều mùa hè lang thang một mình ở đây. Nhớ không gian se lạnh, mưa lâm thâm, ánh nắng nhạt lúc 8h tối và những hiệu sách chạy dọc những con phố dài...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 17:17:54 | Chỉ xem của tác giả
Manchester những ngày gió


Tôi vốn không mấy cảm tình với thành phố Manchester: có lẽ vì là fan ruột của Arsenal và giống như bất kì một fan "chân chính" nào của những pháo thủ thành London, tôi ghét ngon ghét ngọt đội bóng Manchester United. Nhưng đã lâu không gặp cô bạn Fiona và cũng muốn làm một chuyến đến miền Bắc nước Anh; từ London tôi bắt đầu cuộc hành trình dài năm tiếng đồng hồ bằng xe buýt đến Manchester.


Ấn tượng đầu tiên của tôi về Manchester là những toà nhà to sừng sững. Và gió. Gió ở đây thổi hun hút, mặc dù ngồi trong xe tôi vẫn đoán được khi nhìn những người đi bộ đang cắm cúi rảo bước trên đường.

Paul (bạn trai của Fi - tên gọi thân mật của Fiona) ra đón tôi. Khi đứng chờ xe buýt nội thành về căn hộ của hai người, Paul đưa tay chỉ: "Đằng kia là phố Tàu, Uyên thấy cảnh cổng kiểu Trung Hoa không? Phố Tàu ở Manchester lớn nhất nước Anh đó!". Ngồi trên xe anh tỏ ra là một hướng dẫn viên hết sức nhiệt tình: "Toà nhà này trước kia thuộc đại học Manchester, bây giờ là viện bảo tàng, nhưng vẫn giữ lại bảng tên trường".

Xe đi ngang 1 con đường có rất nhiều nhà hàng Ấn Độ, Paul nói: "Đường này có nhiều cửa hiệu bán cà ri rất ngon, bởi vậy còn được gọi là Dặm cà ri (curry mile)". Đang hào hứng nói, quay sang thấy mặt tôi méo xệch, anh ngạc nhiên: "Sao vậy? Không thích cà ri hả, hay say xe?". Tôi nhăn nhó: "Không phải, để nguyên vali trên chuyến xe buýt từ London rồi". Paul móc điện thoại ra gọi ngay đến đường dây khẩn của hãng xe, nói một thôi một hồi rồi bảo tôi: "Họ nói chuyến xe hồi nãy chỉ dừng lại ở Manchester một chút thôi, đã đi Huddersfield mất. Bữa nay tối thứ sáu họ không làm việc, biểu mình sáng thứ hai lên trạm xe Manchester nhận lại".

Tôi ngồi quạu quọ, vừa giận mình vừa ghét lây luôn Manchester. Thành phố gì mà xấu quá, không có vẻ gì "Anh" hết, đã vậy gió lại còn thổi lạnh buốt da. Xe đi ngang những toà nhà gạch đỏ giống nhau y hệt, tôi ngạc nhiên: "Sao kỳ vậy?", "À, trước khi xây dựng những khu như thế này, người ta đưa chừng năm, sáu kiểu nhà gì đó để mình chọn". Nghĩa là nếu mình chọn một kiểu nào đó sẽ có ít nhất năm chục nhà khác giống mình y chang?", "Đúng vậy!". Ôi trời ơi, sao mà chán quá Manchester!

Tôi chỉ bắt đầu thấy mến Manchester sau bữa ăn tối đặc trưng Ănglê: cá kèm khoai tây chiên (fish and chip), và sau khi Fi dẫn tôi đến Bramall Hall, một trong những toà nhà kiểu Tudor trắng đen bằng gỗ đẹp nhất vùng Cheshire. Bao quanh toà nhà là hơn 60 hecta công viên xanh ngắt vời những lối đi nở đầy hoa, những hồ nước và đàn vịt ức đỏ bơi tung tăng. Fi bảo: "Toà nhà này được xây từ thế kỉ 11 đó Uyên", "Sao nhìn mới quá vậy?", "À, khoảng cuối thế kỷ 19 nó được một gia đình khác mua và trùng tu, nhưng vẫn giữ những kiến trúc đặc trưng bên ngoài. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Bramall Hall được thành phố mua lại. Uyên thấy chiếc xe cổ ngoài sân không? Ở đây đang có đám cưới!". Quả vậy, chỉ một lúc sau chúng tôi thấy cô dâu chú rể và những cô phù dâu mặc áo dạ hội màu đỏ thẫm bước ra sân. Tôi có cảm giác mình đang xem một bộ phim về châu Âu thời xa xưa, với những gia đình quý tộc và những cô gái xinh đẹp váy dài lướt thướt.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 17:19:59 | Chỉ xem của tác giả
Manchester lớn thứ ba ở Anh, chỉ sau London và Birmingham, nhưng vì là thành phố công nghiệp và không phát triển du lịch nên hầu như không có mấy khách du lịch ở đây. Ở Manchester không có những góc phố be bé xinh xinh níu bước chân khách bộ hành, mà dễ thấy những toà nhà lớn, những đại lộ rộng thênh thang. Toà thị chính thành phố ở quảng trường Albert có những giỏ hoa đủ màu sắc treo trên cột đèn và lá cờ liên hiệp Anh bay phấp phới trong gió. Từ quảng trường Albert, chúng tôi qua khu phố mua sắm lớn nhất thành phố. Có những viên đá tròn ngộ nghĩnh rất lớn nằm rải rác trên đường. Xa xa, một nghệ sĩ lang thang đang ôm đàn guitar chơi bài Don't dream it's over của Crowded House với giọng rất ấm và buồn: In the paper today, tales ò war and of waste. But you turn right over to the TV page. Hey now, hey now, don't dream it's over ( Trên báo là những câu chuyện về chiến tranh và tàn phá, nhưng bạn lại lật ngay qua trang về chương trình TV. Này, này, đừng mơ nữa, nó đã qua rồi...).

Tôi nảy ra ý định viết về bản đồ âm nhạc Manchester khi đến quảng trường Men Arena, khán đài nhạc lớn nhất châu Âu với 20.000 chỗ, cũng là điểm hẹn âm nhạc nhộn nhịp nhất hành tinh với gần một triệu người mua vé vào xem mỗi năm. Hầu như tất cả những nghệ sĩ lớn, từ REM đến Kylie Minogue, đều từng chơi ở đây ít nhất một lần.

Với tấm bản đồ âm nhạc lấy từ văn phòng du lịch trên tay, tôi lặn lội một mình qua những đại lộ rộng thênh thang với những ngôi nhà gạch đỏ, nơi những ban nhạc và ca sĩ như The Rolling Stones, James, Simply Red, Sex Pistols... từng đi những góc đường nơi xe buýt không tới và gió thổi hun hút qua tay.

Từ căn hộ của Fiona và Paul đến trung tâm thành phố phải băng qua Oxford Road, nơi tôi từng thấy trong một tấm ảnh chụp ban nhạc Bee Gees. Anh em nhà Bee Gees sinh ra và lớn lên ở Manchester, cũng là niềm tự hào của thành phố công nghiệp nước Anh này. Ba anh em nổi tiếng với những bộ râu tóc bù xù và những bản tình ca du dương How deep is your love? hay Night fever - một trong những bản nhạc quốc tế đầu tiên tôi tập tành nghe những năm 1990-1991.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 17:23:10 | Chỉ xem của tác giả
Ở Oxford Road, gần giao lộ rộng lớn cách trụ sở đài BBC khoảng năm phút đi bộ, tôi bắt gặp The Corner House, ngôi nhà nghệ thuật đầu tiên ở Manchester, với hai rạp chiếu phim, một quán bar và một quán cafe, nơi lui tới của nhiều nhân vật "giang hồ", trong đó có cầu thủ Eric Cantona vào những năm anh còn ở đây. Bên ngoài Corner House kiến trúc đặc trưng miền Bắc không có gì đặc biệt, thật khó tin là nơi nhiều nghệ sĩ lớn sáng tác những bản nhạc nổi tiếng như Badly Drawn Boy theo chân Hugh Grant trong bộ phim About a boy, hay soundtrack của Barry Adamson cho những phim Hollywood gần đây như The beach hay Scream 3. Từ Oxford một quảng là đến Rockworld - không hiểu sao bây giờ lại mang tên Jilly - và Music Box. Rockworld là ngôi nhà của những đêm nhạc dành cho "dân ghiền nhạc rock chơi suốt đêm thứ sáu" (Friday all-nighters), còn người hàng xóm Music Box nổi tiếng với những nigh club thú vị nhất Manchester như Rafters và Fagins, nơi Joy Division được Factory Records phát hiện vào năm 1977.

Tôi về lại tòa thị sảnh thành phố (Town Hall), nơi tháp chuông đồng hồ vươn lên nền trời xanh thẫm tràn ngập ánh nắng trưa. Town Hall từng chứng kiến tiệc chia tay khi Take That tan rã, những fan hâm mộ cả nước Anh và nhiều nơi khác gạt nước mắt tạm biệt năm chàng trai trẻ tuổi mỗi người một hướng. Ca sĩ chính của nhóm, Gary Barlow, tiếp tục sự nghiệp sáng tác nhạc cho những nghệ sĩ thế giới như Mariah Carey, Blue hay Donny Osmond. Còn Robbie Williams, vốn không mấy được "sủng ái" những ngày ở Take That nhưng sau được xem là thần đồng âm nhạc quốc tế, bắt đầu yêu thiên thần như lời bài hát Angel của anh "I'm loving angels instead".

Town Hall cách trung tâm thành phố Piccadilly, nơi tất cả những chuyến xe buýt nội thành đổ về, một quãng ngắn. Từ Piccadilly, tôi vác balô và máy ảnh chịu khó đi bộ từ Newton Street đến The Roadhouse, bệ phóng của nhiều tài năng trẻ. Ở đây, những ban nhạc địa phương ít ai biết tới như Elbow hay Longview biểu diễn cạnh những tên tuổi lẫy lừng Stereophonics hay Coldplay, ban nhạc London mà tôi bắt đầu ghiền khoảng hơn hai năm nay.

Đã gần về chiều nhưng tôi vẫn quyết định đến The Boardwalk, từng là tụ điểm âm nhạc của "Madchester" (Manchester điên), bây giờ đang trong thời gian chờ trùng tu nên rất vắng vẻ. Đây là nơi khó tìm nhất trong số những địa danh trên bản đồ âm nhạc. Gió thổi lạnh buốt nhưng tôi vẫn toát mồ hôi vì đi lòng vòng khắp những con hẻm mà không thấy đường Little Peter May quá, tôi gặp mấy người địa phương đứng nói chuyện trước một căn nhà, khi hỏi đường tới The Boardwalk, ai cũng cười "Trời đất, ở đó có gì đâu mà tới?", nhưng cũng nhiệt tình dẫn tôi đến.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 17:27:55 | Chỉ xem của tác giả
Quả thật, The Boardwalk nhìn không có vẻ gì "khởi sắc". Không biết Oasis, được mệnh danh "những anh chàng quận địa phương" (local bad boys), với số lượng album nhạc bán ra hàng triệu bản, có còn nhớ thời hàn vi năm 1992 xếp hàng chờ được biểu diễn lần đầu tiên trước vỏn vẹn hai mươi khán giả ở đây?

Từ The Boardwalk chỉ mất vài phút đến Granada, (những ai từng ở Anh chắc còn nhớ hãng Granada sản xuất series phim truyền hình Coronation Street dài nhất kịch sử, đang tiếp diễn từ hơn 40 năm nay), cũng là nơi tứ quái thành phố láng giềng Liverpool The Beatles thu hình TV lần đầu tiên vào năm 1962.

Sáng thứ hai, tôi lên trạm xe trung tâm Manchester hỏi thăm món hành lí lưu lạc của mình. Tôi chưa kịp trình bày gì nhiều, chỉ mới vừa nói "Tôi có để quên một vali trên xe buýt..." người đàn ông trong phòng thông tin trạm xe đã lôi ra một vali sau lưng "Phải cái này không?", mà chẳng cần tôi mô tả để quên trên chuyến xe nào, vali ra sao, có đựng gì bên trong... Tôi mừng rơn, cảm ơn ông rối rít rồi hỏi có cần kí nhận không, nhưng ông xua tay "không cần đâu".

Tôi hớn hở lôi vali về nhà. Mặc dù gió Manchester vẫn thổi hun hút nhưng trong lòng tôi lại thấy mến Manchester quá chừng.

Tôi mến Manchester khi nghe giọng đặc trưng miền Bắc nước Anh của Fi và người địa phương ở đây, với cách phát âm chữ "u" ngồ ngộ. Tôi mến Manchester khi nghe giọng đặc trưng miền Bắc nước Anh của Fi và người địa phương ở đây, với cách phát âm chữ "u" ngồ ngộ. Tôi mến Manchester khi Paul từ Bolton về, bước vào bếp, sưng sỉa: "Manchester United hòa, còn Arsenal thắng nữa rồi… Tôi mến Manchester khi bắt gặp một ngôi nhà sinh xắn với những chú bướm bằng vải đậu trên tường. Tôi mến Manchester khi đi bộ một mình trên những đường phố rộng thênh thang, chỉ có xe buýt qua lại và gió thổi lạnh buốt. Tôi mến Manchester khi ngâm nga bài hát tôi thích nhất của ban nhạc địa phương The Verve "Cuộc đời này là một bản giao hưởng vừa ngọt vừa đắng...". (bittersweet symphony). Tôi mến cả tòa nhà Urbis rất hiện đại mà ba của Fi bảo: "Nó cho mình vào cửa miễn phí để tính lượt người vào cho xôm tụ đó mà: làm tôi bật cười. Và mỗi khi người dân địa phương hỏi tôi: "Thấy Manchester ra sao?", tôi nói: "Không phải kiểu thành phố tôi yêu. Tôi thích phố cổ với những ngôi nhà nhỏ kia. Nhưng tôi mến Manchester lắm!".

Và tôi biết mình nói thật.



Những thông tin về âm nhạc Manchester trong bài viết này được lấy từ bản đồ âm nhạc Manchester của phòng thông tin du lịch thành phố. Nếu bạn muốn đến những địa danh nổi tiếng liên quan đến âm nhạc được nhắc đến ở đây, trên bản đồ cũng có đánh dấu sẵn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 17:32:00 | Chỉ xem của tác giả
Quê quán tôi xưa


Tôi hiếm khi nhớ nhà trong những chuyến đi xa, nhưng tự nhiên những ngày cuối năm tôi thường hay nghĩ về quê cũ. Không phải Sài Gòn, nơi gia đình tôi đang ở mà là quê cũ ở thôn Thanh Minh, cách thành phố Nha Trang 15km kia. Có lẽ vì khi nói đến "quê", người ta thường nhớ đến những nơi xa lắc quê mùa mà mình sống những ngày còn nhỏ.


Mùa đông ở Anh thường mưa. Tôi nằm trùm chăn đọc sách, thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ, nơi những cành cây khẳng khiu trụi lá vẽ lên nền trời xám những đường ngoằn ngoèo. Hồi tôi học đại học, mẹ thường nói sao mẹ hay mơ thấy nhà cũ quá Biên ơi! (Biên là tên ở nhà của tôi). Tôi hay nhăn mặt: "Nhớ gì không biết nữa, ở Sài Gòn có con không vui sao?". Nhưng càng gần đến cuối năm, tôi càng nhớ ngôi nhà cũ nền đất lợp ngói âm dương, có cây sabôchê tôi hay trèo lên trốn mỗi lần làm biếng đi tắm hay đi ăn cơm. Hồi còn ba, trước nhà có cây mai lớn quanh năm đầy sâu, nhưng tết đến sâu đi đâu mất, chỉ có hoa mai nở vàng rực.

Tôi mê chơi búp bê tóc vàng mắt xanh nhưng mẹ nói "để tiền mẹ mua đồ ăn với sách vở chứ, tiền đâu mua búp bê chơi" nên tôi phải nghĩ ra trò khác. Buổi chiều tôi thường ra khoảng sân đất trước nhà lấy que vẽ công chúa. Trên sân có nhiều con cúc, giống con bọ nhưng nhỏ bằng móng tay út em bé, mềm mềm, sống dưới những lỗ nhỏ xíu đào dưới đất rất khó thấy. Mỗi lần bắt gặp một lỗ như vậy tôi lại bứt tóc xe lại cho vào lỗ câu cúc lên, bỏ lên tay cho bò qua bò lại nhồn nhột. Chơi một mình chán, tôi chạy qua nhà dì Tư (dì Tư nấu chè trôi nước ngon tuyệt, bây giờ nghĩ lại tôi còn thèm) rủ con Trâm qua chơi chung. Tôi bày nó đào đất, lấy đất nhào nước chơi đúc bánh, thường sau mỗi lần chơi những cái bánh đất tròn trò vương vãi đầy sân. Dì Tư rất ghét trò này nên môi lần qua rủ nó chơi tôi phải phải lén lút như ăn trộm. Con Trâm lớn lên rất xinh đẹp và cũng giống như đám bạn cũ của tôi, đã có chồng, còn tôi cứ đi hoài hết công tác đến hội nghị và bây giờ lang thang cách quê nhà mười mấy tiếng đồng hồ bay. Tôi về thăm quê, hàng xóm cũ cứ hỏi: "Bé Uyên đi được mấy nước rồi con? Chừng nào mày có chồng?" (Lúc đầu tôi ngạc nhiên thấy người làng gọi mình là "bé", nhưng sau tôi đoán có lẽ vì đối với người ở quê tôi vẫn là con nhỏ buổi trưa hay vác cây sào dài ngoằng đi hái trứng cá hết nhà này đến nhà khác.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 17:53:42 | Chỉ xem của tác giả
Bốn tháng nay tôi không có một hột cơm vô bụng. Mẹ gọi điện nói: "Hay Biên mua nồi cơm điện nấu cơm ăn chung với bạn, gì thì gì cơm cũng tốt hơn chớ!". Tôi bảo con ở chung với hai đứa người Anh, một đứa Ailen, bị tụi nó ảnh hưởng rồi con không ăn cơm nữa đâu. Nói vậy cho mẹ khỏi lo nhưng tôi biết mình nhớ cơm nguội với cá cơm kho khô cong cho nhiều tiêu thật cay, hay cơm nóng mới nấu với canh chua nóng hổi. Gần đây, mỗi lần vừa coi Tony Blair đọc diễn văn trên BBC hay Coldplay chơi rock trên Channel 4, vừa gặm sandwich hay nhai spaghetti, tôi lại nhớ những bữa cơm ngon lành ở quê. Tôi thích ăn bánh căn (mà ở miền Nam gọi là bánh khọt) nên mỗi sáng thường đem một cái trứng vịt ra chỗ bán bánh bảo thêm trứng vào bột. Bánh căn giòn tan, phủ một lớp trứng vàng rộm ăn với nước cá và mỡ hành béo ngậy ngon lành. Bánh căn thịt bằm là một món xa xỉ mà tôi hiếm khi được ăn, nhưng gần đây nghĩ lại thấy vậy mà hay vì ăn bánh căn không thịt có cái thú nhấm nháp riêng. Chán bánh căn tôi đổi qua tiệm bánh ướt cô Luyến, không phải bánh ướt phủ trên đĩa rắc đậu xanh mà phải là bánh ướt mới vớt ra từ khuôn nghi ngút khói, nuốt trực tiếp từ đũa cả vớt bánh, ăn với mắm ớt và chả lụa mỏng như lưỡi mèo gói lá chuối dày cộm. Tôi cũng nhớ tô bánh canh nấu cá dầm, thả những lát chả cá mỏng gió thổi cũng bay, rắc hành tiêu thơm nức mũi tôi thường xì xụp húp...

Mới đây tôi nằm mơ thấy mình sắp chết. Mà lạ tôi nằm mơ thấy nhà cũ ở quê chứ không phải nhà ở Sài Gòn. Đi báo cho mọi người biết nhưng không ai tin, tôi nằm nhà khóc hu hu. Tỉnh dậy, tôi nhớ đến một bài hát của Trịnh Công Sơn "Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời, dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy, giật mình tỉnh ra, ồ nắng lên rồi..".

Tôi rờ tay lên má, không có giọt nước mắt nào, ngoài cửa nắng cũng chẳng lên mặc dù đã hơn 11g trưa. Sương mù dày đặc bên ngoài, ống khói nhà bên chỉ thấy mờ mờ trong sương. Mấy con chim hay đứng hót trước cửa sổ phòng tôi sáng nay cũng không thấy đâu, chắc đã bay qua trú đông ở những nơi ấm áp hơn như Ý hay Tây Ban Nha mất rồi. Đứa bạn chung nhà gõ cửa đưa tôi tách trà, bảo "TV mới nói tuyết rơi ở Scotland với xứ Wales rồi đó, vài bữa nữa thế nào nước mình cũng có tuyết thôi... Nước mình? Tôi uống trà, bảo: "Vậy hả? Chắc vài bữa còn lạnh nữa, phải mua thêm áo ấm thôi".

Tôi viết bài này khi ngồi trên xe anh bạn thân trên đường từ Southampton đến Bristol xem bóng đá, và khi nhìn ra cửa sổ xe thấy làng quê nước Anh với những cánh đồng trải dài có đàn cừu trắng toát gặm cỏ, tôi lại nhớ quê quán tôi xưa... Mà lạ, ở quê tôi có bao giờ thấy con cừu nào đâu, sao tự nhiên nhớ kì cục?...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 17:57:55 | Chỉ xem của tác giả
Bóng đá Anh, một năm nhìn lại


Tôi sang quê hương bóng đá từ những ngày đầu tháng 9-2004, khi giải ngoại hạng vừa bắt đầu được vài trận và Arsenal còn làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng với lối đá được những chuyên gia ở Anh bình luận là "đẹp ngây ngất". Từ đóđến nay các CLB Anh trải qua không ít thăng trầm. Mùa bóng 2004-2005 đã chính thức khép lại sau trận Liverpool đánh bại AC Milan tại chung kết Champions League, nhưng dư âm của những trận đấu và sự kiện diễn ra trong năm vẫn còn là đề tài bàn tán của cổ động viên xứ sương mù.

Liverpool xuất thần ở Champions League


Tôi đến sân vận động Anifeld trước trận Liverpool gặp Monaco ở vòng đấu bảng Champions League mùa bóng năm nay, khi đội bóng áo đỏ còn "hàn vi", lôi thôi lếch thếch ở cả hai mặt trận chính. Đúng là "sông có khúc, người có lúc", Liverpool cứ từ từ tiến bước ở từng trận đấu giải vô địch châu Âu, lần lượt thắng những đối thủ được đánh giá cao hơn: Juventus, Chelsea và AC Milan để nâng cúp vô địch lần thứ năm trong lịch sử đội bóng một trong những thành phố lạnh nhất, nghèo nhất nước Anh này.

Ở Việt Nam vậy mà sướng, tuy phải thức khuya dậy sớm xem bóng đá nhưng ít nhất không phải bỏ lỡ phút nào, nhất là những trận đầy kịch tính như trận chung kết ngày 25-5 vừa qua, không bị kẹt giờ làm việc như dân ghiền bóng đá ở châu Âu. Hôm đó tôi ngồi họp mà ruột nóng như lửa đốt, đến khi kết thúc buổi họp là lao như tên bắn ra khỏi cửa, từ chối cả lời mời đi uống nước của khách hàng. Chưa hết lại còn phải vùi đầu trong thư viện hoàn thành xong bài luận nhóm vừa gõ máy tính vừa gắn headphone nghe bình luận qua trong web của UEFA đỡ ghiền. Liverpool đá hiệp một qua bết bát, thua 3-0 còn may. Tôi ba chân bốn cẳng về đến nhà lúc hiệp hai mới bắt đầu, xem tiếp 75 phút thi đấu còn lại và lượt đá luân lưu 11m. Đến lúc Shevchenko đá hỏng quả penlty cuối cùng của AC Milan và bình luận viên gào khản giọng trên TV "Chiếc cúp danh giá nhất các CLB châu Âu đã về lại nước Anh", tôi vẫn không hiểu nổi những chàng trai trẻ Liverpool lấy đâu ra bản lĩnh đến chừng đó. Vậy là cuối cùng nước Anh, nơi khởi sinh môn thể thao vua cho cả thế giới nhiều năm cay đắng nhìn các đội tuyển quốc gia và các CLB nước khác dành các chức vô địch lớn đã kiêu hãnh ngẩng đầu nhờ đứa con được cưng nhất của mình tại Champions League năm nay.

Chelsea khởi sắc ở giải ngoại hạng  

Đội bóng áo xanh bày vốn mang tiếng "đáng chán", lúc nào cũng xếp hạng tư, hạng năm mỗi mùa bóng, không khá hơn cũng chẳng kém hơn. Mới vài năm trước, Chelsea là điển hình của sự tréo ngoe vì nằm ở khu Chelsea - nơi dân nhà giàu thủ đô London ở - nhưng bản thân đội bóng lại nợ như chúa chổm, ban lãnh đạo khóc ròng vì không có ngân sách. Được tỉ phú người Nga mua lại, mùa bóng vừa qua chứng kiến sự lột xác của đội bóng này. Khi Chelsea bắt đầu những trận thắng như chẻ tre, báo chí Anh đua nhau đăng hình biếm họa: một bức vẽ hai huấn luyện viên Arsene Wenger và Alex Ferguson nhìn nhau sưng sỉa hằn học như hai kẻ thù truyền kiếp, bức kế bên vẽ hai ông này đấm ngực, vò đầu "Nhưng chúng ta vẫn thua Chelsea".

Nhiều người cho rằng việc Chelsea đăng quang đã chứng minh tương lai những CLB Anh sẽ đặt nặng vào khả năng tài chính, vì vây cái đẹp trong bóng đá cũng mất đi. Tuy không phải cổ động viên đội bóng áo xanh nhưng chứng kiến lối chơi lăn xả của Chelsea, tôi vẫn cho ý kiến ấy không công bằng vì cả huấn luyện viên lẫn cầu thủ đội này đã làm hết sức mình cả mùa bóng. Hy vọng Chelsea sẽ tiếp tục sự ổn định và làm giải ngoại hạng Anh thêm sôi động hơn, không phải "một phút huy hoàng rồi chợt tắt" như Blackburn Rovers mười năm trước.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 18:08:54 | Chỉ xem của tác giả
Những trận chiến trong và ngoài sân cỏ của Arsenal và Manchester United

Không cần phải là người trong cuộc mới biết hai kỳ phùng địch thủ này ghét nhau đến mức nào. Trong trận chung kết cúp FA truyền hình trực tiếp trên TV, khi cầu thủ hai đội bắt tay trước lúc trận đấu bắt đầu, bình luận viên nổi tiếng John Motson bảo: " Chắc chắn hai đội trưởng Patrick Viera và Roy Keane sẽ không nhìn vào mắt nhau đâu", và quả đúng vậy.

Vốn là thành viên fanclub của Arsenal, tôi thích thú chứng kiến qua nhiều trận đấu và qua những diễn đàn trên mạng CĐV đội nhà ghét ngon ghét ngọt Man U đến thế nào, nhất là việc trận thua Man U vào tháng 10 kết thúc chuỗi trận bất bại kỉ lục và làm những pháo thủ thành London tuột dốc, may mà có phanh. Kết quả thua kình địch 2-4 trên sân nhà tiếp theo đó làm fan của The Gunners thêm ngùn ngụt lửa giận. Khi các cầu thủ con cưng nâng cúp FA ngày 21-5 vừa qua, 90% cổ động viên Arsenal xoa tay hớn hở không phải vì ngôi vô địch mà vì đối thủ Man U đi vào lịch sử cúp FA với tiếng tăm không mấy hay ho: đội đầu tiên thua trong lượt đá luân lưu 11 mét.

Và cũng như một bình luận viên BBC nói "Có hay không có Chelsea, hai đội bóng này cũng còn rất nhiều để cống hiến vào những mùa bóng tới".

Southampton xuống dốc  

Giải ngoại hạng Anh năm nay hấp dẫn đến phút cuối vì cả bốn đội cuối bảng vẫn còn hi vọng ở lại Premier League nhờ trận cuối cùng. Và Westbromwich, vốn ít hi vọng nhất, đã trụ hạng. Sau 27 năm liên tục ở giải ngoại hạng, các fan của Southampton đã quen với việc xem đội nhà thi đấu với phong độ ổn định bên những tên tuổi lớn. (Tôi ưu ái viết về đội bóng này vì "nhà mình ở Southampton" mà). Mới cách đây hai năm, The Saints, tên thường gọi của CLB Southampton, còn là á quân cúp FA. Nguyên một mùa bóng lao đao lận đận, ngay cả việc chủ tịch câu lạc bộ "chôm" Harry Redknapp từ Portsmouth cũng không cứu vãn được đội bóng thành phố cảng miền Nam nước Anh này. Kết thúc trận đấu cuối cùng, những CĐV áo sọc trắng đỏ túa ra từ những quán rượu gần nơi tôi ở, mặt buồn thiu. Có người bi quan vì số phận The Saints như con tàu Titanic xuất hành ở cảng Southampton năm nào. Mùa bóng tới, nếu còn ở lại Southampton, tôi phải làm quen với những đối thủ mới không ai biết đến tên tuổi, những Crewe, Brighton, Watford, Luton Tơn, Milward, Stoke City..., hay nói theo kiểu dân Bạc Liêu là đội bóng "cùi cơm xác mía", nghĩ mà tủi thân.

Những điều không vui khác

Giới cầu thủ ngoại hạng khét tiếng ăn chơi, uống rượu bia như hũ chìm, và vốn được trả lương cao nên hầu hết đều sống xa hoa một cách không cần thiết, trong khi chính phủ lên tiếng kêu gọi dân chúng Anh tiết kiệm vì thế giới. Nhưng vấn đề làm đau đầu nhiều người nhất ở Anh, vốn được xem là xứ sở của hooligan khét tiếng, vẫn là nạn bạo lực. Cách đây vài tháng, dư luận ở Anh xôn xao khi những nhà chức trách cấm truyền hình trực tiếp những trận đấu trước 9g tối vì nhiều phụ huynh lo lắng con em bị ảnh hưởng những cầu thủ hay chửi thề, cãi vã, đánh nhau, chơi xấu... trên sân cỏ. May mà sau đó các fan bóng đá phản đối dữ dội nên thôi. Khi tôi lặn lội với anh bạn thân đi mấy trăm cây số cổ vũ đội bống con cưng thi đấu trên sân khách, lúc ra bãi đậu xe thấy tôi cười hớn hở vì bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 ở những phút cuối, anh bạn lo lắng ghé tai nói nhỏ: "May mà Uyên là con gái tụi nó không gây sự, chứ tôi mà cười vậy là có chuyện liền đó... Còn hồi tôi sang đây lần đầu tiên cách đây ba năm, lò dò đến sân vận động Highbury của đội Arsenal, một phụ nữ trung niên nhà đối diện sân bóng bảo: "Bây giờ chưa vào mùa vắng vậy chứ vài tuần nữa tụi cổ động viên giang hồ đi đầy hết xung quanh đó ghen!", giọng tỉnh khô. Thành ngữ "phớt Ăng-lê" rất đúng với dân Anh. Bởi lẽ, một người bạn tôi học đại học ở Hull bảo có lần xem bóng đá trong quán rượu, sau trận đội nhà thua, có người quăng luôn chiếc ghế đánh rầm lên màn ảnh rộng mà cả quán chẳng ai buồn quay lại nhìn.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 17-9-2011 18:46:59 | Chỉ xem của tác giả
Một điều đáng xấu hổ hơn nữa: các cầu thủ ở giải ngoại hạng đá bóng thì hay nhưng khả năng văn hóa thường rất kém. David Beckham lúc còn chưa qua Real Madrid, mỗi lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình hay trên báo lại làm mọi người có dịp cười bể bụng vì cầu thủ này người Anh nhưng tiếng Anh quá tệ, nói câu nào dùng từ hay ngữ pháp cơ bản nhất cũng trật lung tung, (chẳng hạn "we was" thay vì "we were"), lại không bao giờ nói được gì có ý nghĩa cho ra hồn. Vậy nên trung tâm tiếng Anh nọ ở TP.HCM quảng cáo trên báo "Trung tâm của chúng tôi sẽ đào tạo bạn nới tiếng Anh như David Beckham" chắc hẳn bạn phải suy nghĩ lại nếu nghe anh này nói chuyện một lần. Ngày đài BBC phỏng vấn những cầu thủ Chelsea vừa chính thức đăng quang, dân Anh lại một phen chán chường khi thấy Joe Cole nói tiếng Anh lắp bắp thua xa... người Phần Lan cùng đội bóng một trời một vực.

Nhớ bóng đá

Nhưng dù gì đi nữa, suốt ba tháng không bóng đá tới đây tôi sẽ nhớ lắm những buồn vui bóng đá. Nhớ mỗi tối thứ bảy bật TV xem Gary Lineker, vốn là ngôi sao bóng đá Anh thập niên 80, điểm lại từng trận đấu trong tuần với lối nói chuyện hài ước rất có duyên. Nhớ không khí hào hứng tràn ngập cả thành phố mỗi lần đội nhà thắng trận. Nhớ những buổi chiều đi bộ giữa tuyết rơi lạnh lẽo nghe bóng đá trực tiếp trên radio xách tay ở những đài địa phương, vốn rất thiên vị đội nhà và nói năng bạt mạng. Chẳng hạn lần đội nhà chịu tỉ số hòa vì trọng tài cho đối thủ một quả phạt đền gây tranh cãi, bình luận viên tức tối: "Chúng ta hòa trận này cũng vì đối thủ có một cầu thủ thứ mười hai mặc áo đen độc ác... Hay lần đội bóng nọ được lên hạng, CĐV tràn suống sân ăn mừng bị cảnh sát chặn lại, anh bình luận viên đài địa phương liền sừng sộ: "Người ta ăn mừng cũng chặn lại là sao? Cảnh sát gì cư xử như heo vậy?"... Nhớ lần thử cá độ lần đầu tiên ở William Hill thua hết hai bảng Anh cũng là lần cuối cùng vì nhận ra rất dễ ghiền nếu tiếp tục cá độ ở những trung tâm lớn này, mặc dù vẫn không khỏi ghen tị mỗi lần nhìn lên bảng quảng cáo của Ladbrokes với anh chàng hớn hở nói qua điện thoại: "Sếp ơi, em mới thắng cá độ bóng đá 10 triệu bảng Anh, em nghỉ việc đây...

Và cũng như tôi, bạn cũng sẽ đồng ý dù phải ngủ mỗi ngày chỉ ba tiếng đồng hồ, dù học hành hay công việc bù đầu bù cổ, dù có lên cơn sốt đắp chăn rên hừ hừ, dù có phải dội mưa đội nắng, bỏ ăn bỏ uống, những ai lỡ mang trong người tình yêu bóng đá cũng phải vào sân vận động hay ngồi trước màn hình để theo dõi môn thể thao "không coi thà chết sướng hơn" như một tác giả báo Tuổi trẻ cười cách đây hơn mười năm đã kết luận...
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách