Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 8761|Trả lời: 105
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác - Xuất Bản] Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương | Ngô Thị Giáng Uyên

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả


Tên tác phẩm: Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương
Tác giả: Ngô Thị Giáng Uyên
Thể loại: Du Ký
Tình trạng sáng tác:Đã hoàn thành
Nguồn: e-thuvien.com


Những câu chuyện kể của Uyên


Có một cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, chiếc kính trắng trông vừa thông minh vừa nghịch ngợm trên khuôn mặt có đôi chút trẻ thơ. Cô gái trông chỉ ngoài tuổi đôi mươi ấy có cái duyên may mà bao người ao ước: được rong ruổi đó đây ở nhiều xứ sở xa xôi. Trên những chặng đường đi qua, cô khám phá không chỉ vẻ đẹp mê đắm của thiên nhiên, sự quyến rũ của những công trình kiến trúc cổ xưa, mà còn khám phá cả những món ăn thức uống ngon lành và hấp dẫn. Nhưng cô không thụ hưởng riêng cho mình mà kể lại cho nhiều người những ngọt ngào đã nếm, những xúc cảm đã trải qua bằng bài viết và hình ảnh. Độ đôi ba năm trở lại đây, tên cô xuất hiện khá đều trên nhiều báo và tạp chí. Một cái tên cũng khiến người ta dễ nhớ khi từng biết đến.

Khi đọc một vài bài đầu tiên của Ngô Thị Giáng Uyên gửi về từ Châu Âu hơn hai năm trước, lúc cô đang du học bên Anh, thật tình tôi không nghĩ đó là của một người trẻ như vậy. Uyên viết gần như hoàn chỉnh, những hình ảnh và màu sắc được cô diễn đạt giống như một đoạn phim tư liệu quay khéo, với “cái tôi” - cảm xúc thật rung động.

Trong số những câu chuyện kể của Uyên mà tôi rất thích có Ăn Ý. Một cái tựa báo thật khéo, ngắn gọn mà súc tích, hàm chứa cả sự khoái khẩu của người viết với các món ăn đặc trưng của xứ Ý. Không riêng những bài chỉ viết về ẩm thực, trong nhiều bài viết của Giáng Uyên cô thường kể chuyện ăn uống xứ người. Dường như khi nói đến các món ăn thì tác giả trở nên thật hào hứng. Mà đâu chỉ các bài trong du kí Châu Âu. Trong tạp bút Quê quán tôi xưa gửi về từ Anh (đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần), những hồi ức của Uyên về chén cơm nguội với cá cơm kho tiêu thật cay, rồi món bánh căn và tô bánh canh cá dầm sao mà ý nhị, sao mà da diết!

Ngô Thị Giáng Uyên là hình ảnh khá tiêu biểu của một lớp trẻ có học vấn, có tri thức, biết nắm lấy những cơ hội. Cô cựu sinh viên Đại học Ngoại Thương ấy từng làm việc cho một công ty lớn của nước ngoài, và là người miền Nam duy nhất nhận được học bổng Chevening năm học 2004-2005 để sang Anh học MBA tại đại học Southampton.

Thời gian sống và học tập ở Anh cũng là lúc Giáng Uyên có những chuyến đi đến nhiều đất nước ở Châu Âu. Có lẽ đó cũng là thời gian cô viết được nhiều nhất. Tập sách này mới chỉ là một phần trong những câu chuyện kể thật sống động của Uyên.

NGUYỄN TRỌNG CHỨC
(thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần)



Lời Cảm Ơn


Trước hết, xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến những tổ chức đã trao cho tôi các học bổng tham dự các hội nghị quốc tế, đặc biệt là hội đồng Anh, Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Anh tại Việt Nam với chương trình học bổng British Chevening, nhờ đó tôi đã có được những chuyến đi đáng nhớ cho những trang viết của cuốn Du ký Châu Du ký Châu Âu này.   Cảm ơn tủ sách Tuổi Trẻ và những nhà báo đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong việc viết và giới thiệu “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”.   Cảm ơn Alastair Warren, bạn thân nhất suốt thời gian du học Anh,đã “rong ruổi” cùng tôi ở Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ và cả những nẻo đường miền Nam nước Anh. Cảm ơn Daniel Eherer, bạn trai cũ cũng là người đồng hành ở Thụy Sỹ, Anh, Áo, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hi Lạp. Cảm ơn gia đình Lynette và Bruce Jackson ở London, Fiona Watson ở Manchester, đã “cưu mang” tôi những ngày mới đến Anh còn bỡ ngỡ.Tôi không kể hết được ở đây tên những người đã giúp đỡ tôi trong những chuyến đi xa. Dù tên các bạn có được nhắc đến trong cuốn sách hay không, cũng mong các bạn nhận lấy từ tôi lòng biết ơn sâu sắc.Tất nhiên lời cảm ơn lớn nhất xin được dành cho gia đình tôi, đặc biệt là mẹ: Trần Thị Hiệp và chị Ba: Ngô Thị Thùy Vy, những người luôn dõi theo và “cổ vũ” từng bước đi của tôi trong cuộc sống. Gửi đến các bạn độc giả của “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”: dù bạn đã từng sống ở Châu Âu nhiều năm hay chưa bao giờ đặt chân đến, hi vọng bạn cũng sẽ sống cùng tôi những ngày tháng vừa êm đềm vừa sôi nổi ở nơi này, những ngày tháng rất thật thời tuổi trẻ của tôi.

25-1-2007
(viết nhân dịp tái bản lần thứ nhất)

Rate

Số người tham gia 1Sức gió +5 Thu lại Lý do
gaconlonton + 5 Là một trong những động lực mình .

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 15-9-2011 22:51:20 | Chỉ xem của tác giả
Châu Âu
:


Đi uống cà phê


Những ngày học cấp hai, tôi thường rất khoái những ngày được mẹ chở đi chợ cách nhà bốn cây số để hí hửng cầm tờ tiền mới được cho chạy một mạch đến quầy nước đối diện hàng vải, gọi một ly cà phê sữa mịn màng rồi thích thú dùng muỗng khấy đá bào (thường chiếm tỉ lệ áp đảo trong ly) cho cà phê trộn sữa Ông Thọ sủi bọt lên, nhấm nháp thứ thức uống vừa đắng, vừa ngọt, vừa béo ngậy thơm lừng. Ai thấy cũng bảo mẹ tôi: “Sao nó còn nhỏ mà cho nó uống cà phê dữ vậy?”, nhưng mẹ tôi cười: “ Kệ, nó thích cứ để nó uống”.

Có lẽ cũng vì những ngày “nó thích cứ để nó uống” đó mà bây giờ đi đâu tôi cũng lân la muốn biết cà phê xứ đó ra sao, có khi sợ mất ngủ không dám uống cà phê cũng vào quán gọi món khác, nhìn không khí quán và người qua lại.

Khi còn đi học ở Anh, nhà tôi ở có một anh bạn người Ailen tên Paddy. Anh chàng này khá luộm thuộm và hay làm hai đứa con gái trong nhà là Janette và tôi cằn nhằn, nhưng thỉnh thoảng anh lại chịu khó làm cà phê kiểu Ailen (Irish coffee) cho cả nhà uống nên chúng tôi ít khi giận anh được lâu, nhất là từ khi biết được Irish coffee là món cà phê rất mắc tiền mà chỉ những quán tương đối sang mới có. Tờ Telegraph gọi đây là “thức uống mịn như nhung và dễ chịu, làm ta hồi phục cả sức khỏe lẫn tinh thần”. Làm Irish coffee rất công phu, phải dùng nước nóng rửa ly thủy tinh có chân, lau khô, rót rượu whiskey vào, phải là những loại whiskey “chân chính” của Ailen như Bushmills hay Tyrconnell, thêm một muỗng đường nâu, khuyấy đều cho tan đường, lấy diêm châm lửa đốt rượu vài giây để giảm độ cồn trong rượu và cân bằng hương vị giữa cồn và caffeine, đúng là “nghề chơi cũng lắm công phu”. Rót đầy cà phê thật nóng và đậm đặc cách miệng ly đúng 1 cm, chờ một lúc để hỗn hợp rượu và cà phê hòa lẫn vào nhau mới cho kem tươi (whipped cream) trắng muốt lên trên, không khuấy nữa vì bí quyết uống Irish coffee là nhấm nháp cà phê nóng xuyên qua lớp kem lạnh. Tuyệt vời nhất là chui vào chăn vừa đọc báo vừa uống món cà phê làm ta chếnh choáng này vào những ngày mưa lạnh và sương mù giăng kín khắp nơi. Bởi vậy lâu lâu tìm hoài không thấy cái dĩa yêu thích nhất trong bếp và biết ngay “thủ phạm” Paddy ăn xong chưa rửa, Janette và tôi cũng vui vẻ đi kiếm dĩa khác, không càu nhàu chút nào.

Mê tìm hiểu về cà phê nên sang Pháp, tôi như cá gặp nước. Trong một cuốn sách tôi đọc, dù không phải dân tộc đầu tiên uống cà phê nhưng người Pháp đã có không ít cải tiến cho thứ nước uống đã được nâng lên tầm văn hóa này, như việc cho thêm đường vào cà phê vào đời vua Lousi XIV. Cuối thế kỉ 17, việc uống cà phê pha sữa trở nên phổ biến khi một bác sĩ người Pháp khuyên nên dùng café au lait để cải thiện sức khỏe. Có đến Pháp mới thấy dân tình uống cà phê “dữ dội” đến mức nào. Sáng sớm, trong những quán cà phê hè phố hay những tiệm ăn Paris, dân văn phòng ai nấy cũng nâng tách cà phê, có thể là café au lait to tướng như chén ăn cơm, gồm một nửa cà phê một nửa sữa tươi nóng bốc khói nghi ngút, mờ cả mắt kiếng, café serré đậm đặc vì chỉ có một nửa lượng nước so với cà phê đen thông thường, hay café crème màu nâu có kem thơm và béo, uống một hơi rồi tất cả xách cặp chạy ra bến tàu điện ngầm. Nhưng phần lớn thời gian, người Pháp thích ngồi rề rà trong quán nhâm nhi cà phê với mấy viên chocolate đen hay kẹo truffle mềm, thư giãn và tán dóc, y như ở Việt Nam. Những lần rề rà “nhập gia tùy tục” ở những quán cà phê Paris, tôi thích gọi un noisette, món cà phê giống espresso nhưng có pha ít kem hay sữa, đơn giản chỉ vì thích người phục vụ hỏi lại “Un noisette?” bằng thứ giọng mũi rất đáng yêu của người địa phương.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 15-9-2011 22:59:44 | Chỉ xem của tác giả
...................................................

2g khuya một ngày Paris cuối tuần đẹp trời, sau một bữa ăn no nê, trong khi chúng tôi nhấm nháp tráng miệng, anh bạn người Pháp tên Ben gọi một tách cà phê. Thấy tôi tròn mắt nhìn, anh khoát tay: “Không có cà phê tôi … không ngủ được”. Khi được hỏi sao lạ đời quá vậy, Ben cười: “Ở đây ai cũng vậy hết mà!”. Quán đông, mãi nửa tiếng sau, anh chàng phục vụ mới mang cà phê lại, bị cằn nhằn, anh này chỉ nhún vai, cái nhún vai đặc trưng kiểu Gôloa, với hai vai kéo lên tận mang tai và hai bàn tay ngửa ra, ý nói: “Tôi không biết. Không phải tại tôi”. (Nếu bạn muốn thấy cái nhún vai tương tự hãy để ý Thiery Henry lúc bị trọng tài thổi phạt khi đá cho Arsenal). Nhưng tách cà phê sóng sánh thơm phức kia chắc ngon lắm nên Ben không nhăn nhó nữa, vả lại những anh chàng và cô nàng phục vụ người Paris vẫn nổi tiếng thế giới vì sự đỏng đảnh.

Tôi trải qua ba tháng uống trà thay cà phê ở xứ sương mù trước khi đến Ý, “kỳ phùng địch thủ” của Pháp trong việc chiếm trái tim dân nghiền cà phê. Quả thật, ở quốc gia xinh đẹp này việc uống cà phê được xem như một môn nghệ thuật. Espresso bạn uống ở khách sạn năm sao nơi khác có thể được người pha chế lừng danh pha từ máy Espresso loại xịn, nhưng tôi mạo muội nói không thể sánh bằng Espresso đậm đặc, đắng và thơm trong tách nhỏ xíu uống tại một trong những torrefazione bên một cây cầu gỗ với những ngôi nhà kiểu Phục hưng, do một cô nàng người địa phương tóc đen, mắt cũng đen láy, pha rồi bưng ra kèm một câu chúc uống ngon miệng bằng tiếng Ý du dương. (Đặc biệt nữa, nếu không muốn bị dân địa phương cười thầm, bạn đừng gọi Espresso thành Expresso, có nghĩa là tàu tốc hành).

Nhưng tôi thấy cappuccino ngon và dễ uống hơn, có lẽ vì loại thức uống này có 1/3 espresso, 1/3 sữa tươi nóng để làm “mềm” bớt vị đắng của cà phê, và 1/3 bọt sữa mịn màng có rắc bột quế hay bột chocolate xay li ti lên trên. Thức uống này đã chiếm lĩnh thực đơn từ những quán rất “hip” ở trung tâm Manhattan của New York ồn ào náo nhiệt đến những thị trấn xa xôi quê mùa ở Marốc, nơi người phục vụ cả đời chưa gặp người nước ngoài. Tôi đo lường sự lịch lãm nổi tiếng thế giới của người Ý bằng khả năng uống cappuccino rất nhanh nhưng khi uống xong bọt không trắng cả mép như những “người trần mắt thịt” khác. Du khác đến đây, đặc biệt là người Mĩ, dù có sang trọng cách mấy cũng hay bị cho là “nhà quê” vì quen gọi cappuccino sau bữa trưa hoặc bữa tối, mà theo dân địa phương là không đúng điệu chút nào. Người Ý chỉ uống món này trong bữa sáng hoặc dành thời gian riêng trong ngày để thưởng thức cappuccino như một món riêng biệt, và đặc biệt rất chăm chút bọt sữa, không bao giờ hớt bỏ hay khuấy bọt hòa lẫn vào cà phê vì làm như vậy mất hết “tinh túy” của thức uống này mất rồi.  

Nếu quá nhiều caffeine trong cơ thể làm bạn “tim đập chân run” không còn sức lang thang qua những con phố cổ nhỏ xíu đáng yêu ở Ý, hãy chuyển sang dùng caffè hag, tức cà phê không có caffeine, hoặc granite di caffè con panna, tức cà phê nóng có pha ít đường, đổ vào khay đá tủ lạnh qua đêm cho đông lại, khi uống mới bỏ vào máy xay nhuyễn với ít nước rồi đổ đầy vào ly, phía trên cho thật nhiều kem tươi ngon béo. Những ngày hè nóng nực, du khách và dân địa phương ngồi lười biếng trong cái nắng tháng bảy đổ lửa của mặt trời phương Nam, vừa uống món cà phê có cái tên dài ngoằng này vừa nhìn thế giới chậm chạp trôi qua.  

Nhưng “đi uống cà phê” ở Amsterdam lại là một chuyện khác. Trước khi sang Hà lan, tôi vẫn biết Amsterdam là một trong những thành phố “quậy” nhất Châu Âu nhưng không ngờ lại tự do đến mức này. Thủ đô bé nhỏ này có cả một hệ thống hơn 300 quán cà phê được cấp giấy phép cho khách mua và hút các loại thuốc phiện nhẹ, cần sa (marijuana, weed, grass, hash, cannabis). Việc hút những loại ma túy nhẹ đã được chính phủ hợp pháp hóa từ năm 1976, dĩ nhiên chỉ dành cho người trên 18 tuổi và với liều lượng dưới 5gr mỗi lần, đặc biệt những quán này không được bán bia rượu hay bất cứ thức uống có cồn nào khác. Lý lẽ đưa ra nghe chừng cũng khá hợp lý: nếu được phép hút những loại thuốc phiện nhẹ tại một nơi được quản lý đàng hoàng, sẽ không ai ra đường mua một loại ma túy gây nghiện nặng như heroin hay cocaine của những kẻ buôn bán bất hợp pháp, bằng chứng là tỉ lệ người nghiện ma túy ở Hà Lan luôn ít hơn gấp nhiều lần so với Mĩ và nhiều nước khác. Nhưng trộm nghĩ những điều luật tương tự chỉ áp dụng được ở những nơi ý thức thật sự cao mà thôi, nếu không rất dễ biến thành con dao hai lưỡi.

Những ngày ngắn ngủi ở Amsterdam, vì hết phòng chúng tôi phải ở ngay khu phố dành cho khách du lịch gần ga xe lửa trung tâm thành phố, nơi tập trung rất nhiều quán cà phê kiểu này. Mỗi lần đi ngang qua quán đúng lúc có người mở cửa bước ra, mùi cà phê đâu không thấy, chỉ thấy mùi cần sa thoang thoảng trong gió. (Mỗi lần tôi kể tới đây, đám bạn tôi lại rụt đầu, lè lưỡi: “Ghê quá, ngửi mùi vậy có nghiền không?”). Đối diện chỗ tôi là một quán cà phê tên Grasshopper cao đến mấy tầng, buổi tối đèn màu xanh chấu chấu thắp sáng rực soi bóng xuống con kênh nước chẩy loang loáng. Khi gặp cô bạn người Hà Lan lái xe tận Utrecht lên Amsterdam dẫn chúng tôi đi chơi, tôi đòi qua đó uống cà phê, cô cười: “Gan quá ha? Biết trong đó tụi nó làm gì không?” rồi đưa hai ngón tay trước miệng làm hiệu như đang “phê” thuốc. Khi được hỏi có hút không, cô bảo: “Hồi trẻ ở đây ai chẳng thử, phần lớn thấy chẳng có gì hay ho nên thôi. Thông thường cái gì cấm đoán người ta mới thích, với lại còn tùy ý thức mỗi người mà”, rất thản nhiên như được hỏi có thích chơi bóng bàn không vậy.

Bởi không có gì hay ho nên cô quyết định đưa chúng tôi đến một bruine kroeg (tiếng Hà Lan nghĩa là quán cà phê nâu, ban đầu tôi cứ tưởng đây mới là loại hình cà phê như đã đề cập ở trên, vì tên gọi dễ liên tưởng đến… nàng tiên nâu, nhưng không phải). Đó là một trưa hè nóng gần 38ºC, dân tình khoái chí đổ hết ra đường phơi nắng tận hưởng cái nóng phương Bắc hiếm hoi. Những chiếc bàn kê bên ngoài, dọc theo bờ kênh của quán cà phê nâu chúng tôi đến đã chật ních, nhưng để thật sự hiểu được hết chữ “gezellig” mà người địa phương rất thích dùng, nghĩa đại loại là ấm áp, thân mật, vui vẻ…, bạn nên ngồi bên trong. Những bruine kroeg ở Amsterdam đã có tuổi đời vài trăm năm, với cách trang trí như trong những chiếc tầu thủy xưa, xà nhà nặng trĩu, ván lót sàn và bàn ghế sẫm màu, tên gọi của nó có lẽ bắt nguồn từ những bức tường ám khói thuốc lá nâu qua thời gian, dưới sàn có cả cát biển và trải thảm Ba Tư để lau cà phê hay bia bị tràn. Trong quán chúng tôi đến có cả một cây kèn khổng lồ kiểu xưa để trong góc. Cà phê Hà Lan không đặc sắc lắm nên chúng tôi, cũng như hầu hết những người vào bruine kroeg, mặc dù gọi là “đi uống cà phê” nhưng lại chọn bia, vốn đặc sản ở đây.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 16-9-2011 14:46:38 | Chỉ xem của tác giả
Mãi khi đến tới Stockholm, tôi mới tự nghiệm ra một chân lý là quốc gia nào uống nhiều bia như Anh, Scotland, Đức, Bỉ, Hà Lan… sẽ không uống nhiều cà phê và ngược lại. Bởi vậy, không ai ngạc nhiên chút nào khi biết ở Thụy Điển, nơi bia bị đánh thuế rất nặng và đắt gần gấp bốn, năm lần các nước Châu Âu khác, cà phê là một phần không thể tách rời cuộc sống. Ở Thụy Điển có một từ rất phổ biến, fika, nghĩa là đi uống cà phê, thoát khỏi những bận rộn thường ngày của cuộc sống, gặp gỡ bạn bè cũ, làm quen bạn mới, tán gẫu… Fika gần như một thứ tôn giáo ở đây, người ta có thể fika sáng , trưa, chiều, tối, trong những Kafekoppen ấm cúng. Sau một ngày quanh quẩn trong thành phố Bắc Âu này, qua khu phố cổ muôn màu Gamla Stan với những con đường đá cuội nhỏ bé chỉ dành cho khách bộ hành, chúng tôi nghỉ chân nơi Stortorget, quảng trường chính của thành phố có đặt nhiều ghế dài và những chậu hoa tươi thơm dìu dịu, có trong rất nhiều bức ảnh của ban nhạc người Thụy Điển ABBA, nghe mùi cà phê rang từ những quán cà phê dọc quảng trường ngào ngạt trong không gian.

Thụy Điển đắt đỏ nhất trong số những nước tôi từng đi, mỗi lần qua những nước EU khác đều có thể ăn uống thoải mái vì vật giá rẻ hơn ở Anh, nhưng qua Thụy Điển, ông bạn Alastair và tôi phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Song mùi cà phê mới pha thơm lừng như níu bước chân làm tôi tự thưởng cho cả hai một chầu trong Sundbergs Konditori, tiệm cà phê và bánh ngọt xưa nhất Stockholm, có từ năm 1785, nhỏ xíu và ấm áp với những ấm samovar bằng đồng đựng đầy cà phê mới pha sóng sánh nóng bỏng, đặt trên bàn thấp cạnh quầy để khách tự rót lấy. Bánh ngọt ở đây quả tuyệt vời. Tôi ăn một chiếc bánh không biết tên, mềm và dẻo như tan trong miệng, chính giữa có một lớp mứt mỏng vị thanh thanh dễ chịu, trên trải kem mềm và dày làm từ một thứ trái cây ngòn ngọt màu vàng mướt. Cà phê ở đây hơi giống caffè Americano, đựng trong những tách dày và nặng bốc khói nghi ngút, không đậm dặc nhưng đủ vị ngọt và đắng để đi kèm với các loại bánh ngọt thơm phức cô phục vụ đang bê ra trên những khay gỗ từ lò nướng bên trong.

Bán đảo Scandinavia vào thu sớm hơn những nơi khác, lá vàng xào xạc rụng đầy những công viên và trời đã lạnh hơn nhiều. Mặc dù vậy, những quán cà phê Stockholm vẫn kê bàn ghế ra vỉa hè cho dân tình ngồi “fika”, và vì trời lạnh nên quán nào cũng để sẵn… mền cho khách quấn nếu chọn ngồi ngoài. Những chiếc mền cũng là một phần trang trí của quán, được mua thành bộ có màu sắc hợp với bàn ghế và sơn tường, đặt cạnh ghế ngồi. Thật buồn cười khi thấy mọi người uống cà phê theo kiểu alfresco, nhưng không đeo kiếng đen trong cái nắng chói chang mà vừa ngồi quấn mình thu lu trong mền vừa nhấm nháp cà phê nóng hổi, thỉnh thoảng lại xuýt xoa co ro vì cơn gió buốt giá từ mặt hồ Malaren thổi tới.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 16-9-2011 14:50:47 | Chỉ xem của tác giả
-----------------------------------------------
Chỉ cách Thụy Điển vài tiếng đồng hồ bay nhưng Hi Lạp là một thế giới khác hẳn, với nắng vàng biển xanh và cái nóng Địa Trung Hải làm người ta uể oải, chỉ muốn…đi uống cà phê. (Quả vậy, dù trời nóng hay lạnh dân Châu Âu cũng kiếm cớ uống thức uống dễ nghiền này). Để phù hợp với khí hậu ở đây đã có frappe, món cà phê đá đặc trưng Hi Lạp không kém bánh pita kẹp thịt nướng hay yaourt ăn với mật ong. Trên khắp đất nước khi xưa đầy ắp những chuyện thần thoại này, ngày nay đâu đâu cũng thấy những quán cà phê (kafeneio) đầy khách uống frappe: Từ thủ đô Athens đông đúc ồn ào không kém Sài Gòn, nơi khi đi bộ trên vỉa hè chật hẹp bạn phải vừa trông chừng luồng xe cộ đi loạn xạ trên lòng đường sát bên và xe hơi đậu không theo trật tự, vừa tránh những bộ bàn ghế kê bên ngoài quán; đến những hòn đảo vắng vẻ với những tòa nhà sơn trắng mát mắt và gió biển mang theo vị muối mằn mặn. Cách làm frappe khá đơn giản, chỉ cần Nescafe, nước lọc, đá, đường, cho vào đồ trộn cocktail xốc mạnh trong vòng nửa phút, rót vào ly để đá kèm ống hút là bạn đã có thức uống dễ chịu đầy bọt li ti thơm và mát lạnh làm dịu đi cái nóng mùa hè Địa Trung Hải. Nói về khoản ngồi dầm dề ở quán cà phê, người Pháp hay người Việt ắt hẳn phải thua xa người ở đây. Bất cứ lúc nào trong ngày, bạn cũng có thể thấy người địa phương ngồi quán, từ những quán cà phê lớn sang trọng thắp đèn thủy tinh vàng long lánh đến những quán tạm bợ với vài bộ bàn ghế lỏng chỏng, nhiều nhất vẫn là những ông già vừa uống nước vừa đánh cờ. Sách du lịch Fodor nói: Ngôi nhà là nơi trú ngụ của trái tim, nhưng với phần lớn người Hi Lạp, quán cà phê mới là nơi trú ngụ của trái tim, nhà chỉ là nơi… về ngủ.

Phần lớn thời gian hai tuần ở Hi Lạp, tôi ở với gia đình bạn tôi trên đảo Evia, hòn đảo vắng vẻ không có khách du lịch cách Athens hai giờ vừa đi phà vừa lái xe. Ngày cuối cùng trước khi về, chúng tôi sang chào gia đình hàng xóm và được thưởng thức món cà phê Hi Lạp (Greek coffee) tuyệt vời. Trong bất cứ một ngôi làng nào trên đất nước hiếu khách đầy nắng và gió biển, đây cũng là thức uống “làm đầu câu chuyện” mang ra mời bạn đến nhà. Nhưng nếu cà phê phin Việt Nam làm bạn “xây xẩm” thì nên dè dặt khi thử thứ cà phê đậm đặc gấp nhiều lần này, được nấu sôi trong ấm bằng đồng có tay cầm dai và miệng rộng, gọi là ấm ibrik. Bà chủ nhà đứng tuổi rắc vào bột cà phê xay nhuyễn mịn một ít hạt gia vị có mùi hơi giống hoa hồi, rồi cho nước vào nấu sôi trong ấm ibrik đến ba dạo trước khi rót vào tách. Những chiếc bánh quy giòn bà mới nướng làm cân bằng vị đắng và tăng lên vị thơm có hậu ngọt của Greek coffee làm chúng tôi nhấm nháp hoài không chán, khi bên ngoài mặt trời màu đỏ rực bắt đầu lặn xuống biển và gió đại dương thổi lao xao những cây ôliu xanh rờn ngoài sân.

Và đến buổi trưa nọ tình cờ theo chị đi bộ trên con đường giày dép gần chợ Bến Thành, quầy cà phê bên hông chợ với những chiếc ghế nhựa thấp lè tè có lẽ sẽ khuất trong những tấp nập đường phố không để lại chút ấn tượng gì nếu người bán không dùng muỗng khuấy đá, cà phê và sữa đặc trong ly lên với một âm thanh rồn rột vui tai. Và nhất là cái mùi quen thuộc ấy, mùi cà phê phin nhỏ từng giọt mới pha nóng và thơm, sực nức không gian bụi bặm ồn ào, làm tôi đứng nhìn sững, vừa nhìn vừa nuốt nước miếng. Mùi thơm quyến rũ ấy làm tôi nhớ những ngày học cấp hai theo mẹ đi chợ uống cà phê sữa đá, hay khi lang thang ở Châu Âu, bên ngoài tuyết rơi lạnh cóng nhưng vừa bước vào quán hai má đã nóng rực lên… Những ngày đi uống cà phê ấy, “ngỡ xa xăm bỗng về quá thênh thang…”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 16-9-2011 17:17:16 | Chỉ xem của tác giả
Những giấc mơ chưa biết…


Có lẽ nên bắt đầu từ một buổi tối trong quán, nơi chúng tôi ngồi run cầm cập vì chiếc máy lạnh đang mở với công suất tối đa. Thật kì cục là những quán cà phê châu Á, ngoái trời nóng muốn chết nhưng bắt khách ngồi bên trong phải xuýt xoa vì lạnh, nhất định không chịu giảm nhiệt độ. Bee Thiam, anh bạn rất thân đã hai năm không gặp đứng lên đi qua lại trong quán quen, rồi dừng nơi kệ sách với những cuốn sách nghệ thuật dày và nặng, cầm lấy một quyển mang lại bàn. Tôi cũng ngó nghiêng nhìn cuốn sách hỏi: “Anh chỉ em cách xem hình nghệ thuật đi, như bức này chẳng hạn”, rồi lật, chỉ đại bức ảnh chụp từ sau lưng cô gái nhỏ, chừng mười bốn mười lăm tuổi, mặc chiếc áo đầm rộng đang chạy vào rừng thưa. Ảnh chụp nhưng được xử lý như tranh vẽ, hơi lãng đãng và mờ nhạt. Anh ngồi nhìn hồi lâu rồi nói: “Bức tranh này có làm em thấy như một giấc mơ không?”

Tôi giật mình, và chỉ mất vài giây thôi đã thấy bức tranh… giống giấc mơ thật. Những giấc mơ làm ta thức dậy vào buổi sáng băn khoăn không biết mình đã mơ gì đêm qua, nhưng chắc chắn là có mơ… Tôi tròn mắt, khen anh bạn nghệ sĩ tôi vẫn thường chê là chậm chạp chỉ với một câu nói đã “khai hóa” được đầu óc phi nghệ thuật của tôi.

Câu chuyện ở quán cà phê khiến tôi suy nghĩ mất mấy ngày, lẩn thẩn nhớ lại những giấc mơ từ xa xưa. Hồi nhỏ, tôi sợ nhất những lần nhà có đám giỗ phải làm gà vịt. Những lúc ấy, tôi ra ngoài hàng hiên có những viên gạch vỡ lỏng chỏng, ngồi bó gối gạt nước mắt khóc hu hu... Cho đến giờ tôi vẫn không biết mình khóc vì thương lũ gà vịt hay chỉ vì sợ. Có lần, ông anh họ tôi chơi ác, lấy đĩa tiết canh ra dứ dứ vào tôi đang đứng khóc, làm tôi càng khóc nức nở như tủi thân, mẹ tôi phải nạt: “Đem đi chỗ khác. Em sợ mà còn chọc em nữa, lần sau đứa nào mà chọc em là bị đòn đó nghe chưa?”. Những đêm đó, giấc mơ trẻ con của tôi có những chiếc lông gà lông vịt bay xao xác và lũ gia cầm nhìn tôi buồn bã. Có lẽ ngay cả từ những năm tháng lên chín, lên mười đó, tôi thường bị ám ảnh bởi những giấc mơ, những giấc mơ vui có, buồn có của một thế giới tâm linh, siêu thực. Đến nỗi có một thời gian vắng những giấc mơ, tôi bồn chồn như thiếu một điều gì quan trọng lắm, rồi nhẹ nhõm khi sang hôm sau ngủ dậy, một buổi sáng chủ nhật lười biếng vừa ngáp vừa rúc đầu vào gối, nhận ra tối qua mình có nằm mơ, cũng một giấc mơ không nhớ là gì nhưng chắc chắn là có mơ. Năm học lớp 10, tôi đọc chuyện “Cuốn theo chiều gió”, đoạn cuối nói về những giấc mơ của Scarlet có màn sương mù dày đặc làm nàng không thấy lối đi, đến lúc giật mình tỉnh dậy giữa đêm lúc nào cũng có Rhett cạnh bên an ủi qua cơn xúc động hay sợ hãi. Gần mười năm sau, tôi tình cờ xem cuốn phim ấy sau đêm giáng sinh ở một ngôi nhà gỗ trên đỉnh núi xứ Alps tuyết phủ dày như trong những cây bánh kem bán dịp Noel, đến chỗ Rhett bỏ đi, thấy quanh mình màn sương mù dày đặc hệt như trong những giấc mơ, cô gái xinh đẹp, tự lập và đầy cá tính Scarlet O’Hara lúc này phải chạy khắp nơi gọi “Rhett, Rhett…” tự nhiên tôi thấy tim mình nặng trĩu mà không hiểu vì sao. Đêm đó, tôi mơ thấy mình đang ở nhà thì bị động đất, hoảng loạn chạy ra đường thấy cây đổ xung quanh không biết gọi tên ai. Tôi tỉnh dậy, lòng lại nặng trĩu mặc dù mặt trời bên ngoài đã chiếu sáng dát vàng khoảng sân tuyết trắng bên ngoài. Nhưng đến khi chúng tôi đang ngồi uống trà và ăn bánh mì, cô bạn từ phòng khách bước ra, bảo: “Ở Bangladesh hôm qua có động đất, nhiều người chết lắm”. Đó chỉ là những tin tức đầu tiên của thảm họa Tsunami. Những ngày sau, liên tiếp những thông tin được cập nhật về số nạn nhân và mất mát làm tôi thấy bần thần cả người thấy “đời nhẹ như mây khói”, đêm nào trước khi đi ngủ cũng rì rầm cầu nguyện những giấc mơ đừng về.

Máy bay đã gần hạ cánh. Cả đêm tôi gần như không ngủ, ôm con gầu màu vàng có dải băng mắt chấm bi đỏ của BBC Children in need mua ủng hộ quỹ từ thiện năm ngoái, bạn đồng hành trong những chuyến đi của tôi, mở mắt thao láo nhìn ra bầu trời đêm tối thẫm, thỉnh thoảng lại lóe lên ánh sáng từ cánh máy bay, ngay cả trên những chuyến bay đường dài, có lẽ vì trong tiếng Việt người ta chỉ nói “nằm mơ” chứ không phải “ngồi mơ” chăng? Anh tiếp viên hàng không người Hà Lan trẻ măng có gương mặt ngồ ngộ đến đưa tôi một túi đầy bánh kẹo và sôcôla, anh biết tôi còn một chuyến bay khác trong vòng vài giờ nữa: “Để bạn ăn lúc ngồi chờ ở sân bay”, làm tôi cảm động, quên cả cảm ơn. Người đàn ông trung niên cũng người Hà Lan ngồi cạnh tôi nói vui: “Đúng là làm con gái trẻ thích thật. Cả đời tôi đi máy bay hãng KLM chưa được tặng viên kẹo nào để ăn trong lúc ngồi chờ quá cảnh chuyến sau đấy nhé” làm cả hai chúng tôi cùng cười. Nhưng sau khi cười, tự nhiên tôi thấy câu nói này quen quen, cảnh trên máy bay với anh tiếp viên hàng không và người đàn ông trung niên vui tính như thế này cũng quen quen, như thể tôi đã từng thấy đâu đó, hay là trong những giấc mơ không chừng? Đã bao giờ bạn thấy vậy chưa, đến một nơi nào đó, hay nghe ai đó nói câu gì đó, mặc dù biết là chỉ mới lần đầu tiên, lần đầu nghe cũng vẫn thấy quen quen như thể đã từng gặp đâu đó trong những giấc mơ?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 16-9-2011 21:53:46 | Chỉ xem của tác giả
Máy bay đã hạ độ cao, những giọt mưa bay thành những đường xiên chéo trên cửa sổ làm tôi nhớ tới câu hát của Trịnh Công Sơn “Sóng đong đưa linh hồn, có mưa quanh chỗ nằm” mặc dù xem ra câu hát đó chẳng ăn nhập gì với bây giờ. Trời đã tờ mờ sáng, thành phố Amsterdam “dẹp lép” do nằm dưới mặt nước biển, không có đồi núi chập chùng nhưng đầy kênh rạch sông ngòi chằng chịt nối những khoảng cây xanh mướt trong cơn mưa buổi sớm đã dần hiện ra trước mặt. Tôi có đọc đâu đó câu thơ tiếng Anh “Mưa là những nụ hôn từ trời”. Tôi thấy mưa giống những giọt nước mắt từ trời hơn. Như lúc này nước mưa đã đọng lại thành một giọt lớn trên cửa sổ máy bay, rồi từ từ lăn xuống như một giọt nước mắt. Bây giờ tôi mới nhận ra mình chưa bao giờ tự hỏi khi máy bay còn bay cao trên trời có thể thấy mưa được không, vì nước mưa rớt xuống từ những đám mây, mây lại nằm dưới máy bay? Mà điều đó xem ra có gì quan trọng,hay cũng chỉ là một giấc mơ? Có khi tất cả mọi thứ cũng chỉ là những giấc mơ. Những giấc mơ chưa biết…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 16-9-2011 22:21:53 | Chỉ xem của tác giả
Hoa xứ người ta…  


Tôi cứ nhớ hoài câu chuyện cổ tích Andersen “những bông hoa của bé Ida” ai đó kể cho nghe từ thời xa xưa lắm. Câu chuyện về bé gái tên Ida buồn vì hoa héo trong bình, anh sinh viên mới bảo hoa mệt vì ban đêm, khi trời tối mịt và tất cả mọi người đã ngủ, chúng đi dự vũ hội hoa và nhảy múa suốt đêm trong tòa lâu đài bên ngoài cổng thành phố.


Đêm ấy sau khi đặt những bông hoa đã tàn vào nôi búp bê, Ida cứ trằn trọc mãi, rồi không nén được tò mò, em rón rén bước vào phòng đặt nôi búp bê và thấy một cảnh tượng tuyệt vời: đèn đắt hết nhưng căn phòng sáng huyền ảo nhờ ánh trăng xuyên qua cửa sổ hắt xuống sàn. Tất cả những chậu hoa tươi đều rỗng không, ngay cả những bông hoa héo của em đã tươi trở lại, hòa cùng lũ hoa tulip khiêu vũ trên sàn, còn bông lily vàng đang ngồi chơi đàn piano cứ như một thiếu nữ xinh đẹp ấy…

Tôi không còn nhỏ như Ida để tin câu chuyện của anh sinh viên về những bông hoa dự vũ hội trong một lâu đài châu Âu tráng lệ. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng vu vơ ước một lần nằm mơ thấy những bông hoa ôm nhau nhảy múa trên sàn trong ánh trăng chiếu xuyên qua cửa, được thấy ông búp bê bằng sáp mắng những búp bê giấy: “Tại sao lại nhồi những điều vớ vẩn như vậy vào đầu trẻ con kia chứ?” như ông luật sư nhăn nhó với anh sinh viên khi anh kể Ida nghe câu chuyện về những bông hoa khiêu vũ.  

Song tôi đã cảm nhận được cảm giác ngớ ngẩn ấy khi thấy những giỏ hoa tươi tắn trên một quán rượu ngày đầu tiên ở London. Đến giờ, dù đã trở lại biết bao lần nhưng lúc nào đi ngang quán rượu ấy tôi vẫn không khỏi bồi hồi nhớ. Nhớ cả lúc tôi ngờ nghệch hỏi anh bạn người bản xứ đi cùng khi thấy hoa mọc khắp nơi trên phố và trên bệ cửa sổ những ngôi nhà ven đường: “Vậy chứ trồng nhiều hoa không sợ người ta bẻ trộm sao?”.

Ở châu Âu không ai bẻ trộm hay phá hoa cả, ngay cả trong những khu phố mất an ninh nhất với đầy rẫy nạn móc túi hay trộm xe hơi. Phải chăng với hoa, người ta nâng niu, nương nhẹ hơn? Mà không nâng niu sao được, hoa mỏng manh quá, xinh xắn quá, cái đẹp của tạo hóa, của cây chắt chiu qua bao mùa mới đậu được những búi mơn mởn như vậy, tàn nhẫn sao đành.

Vẫn biết đó là hoa xứ người ta nhưng sao tôi yêu quá chừng. Những ngày năm trước, buổi sáng dậy sớm đi bộ tới trường cách nhà gần bốn cây số, mấy cây táo trụi lá qua mùa đông đầy sương mù và giá rét nước Anh “một sớm kia rất hồng”[1], hoa nhỏ xíu mỏng tanh rung rinh chào tôi, để rồi đến tháng tám, tháng chín đậu trái lúc lỉu đỏ au cho người chút ngọt lành. Trên đường tôi đi mỗi sớm băng qua công viên đầy những bông hoa có cái tên ngộ nghĩnh hoa cốc bơ (butter - cup) mọc hoang, vàng óng tròn xoe nở trên cỏ xanh mướt còn ướt sương đêm, thỉnh thoảng tôi hay ngắt một vài bông kẹp trong những ngón tay đi cùng để trước khi vào lớp cất vào balô đeo vai. Một ngày nọ tôi băng qua công viên đến trường như thường lệ, thấy người ta mang xe đến xén cỏ định kì, lũ hoa cốc bơ của tôi bị dứt khỏi đất mẹ nằm rạp mình vẫn còn vàng rực rỡ, tôi buồn thiu khi nghĩ chỉ ngày hôm sau những bông hoa bạn đường sẽ héo úa tàn tạ. Nhưng cỏ cắt đi rồi lại mọc lại sau nhưng cơn mưa phùn, cốc bơ lại nở tròn xoe chào tôi mỗi sáng đến trường “Nè, có thấy hoa châu Âu đẹp chưa?”.

Tôi yêu hoa xứ lạnh bằng một tình yêu như một ông cậu thương cháu nhỏ nhưng không biết bày tỏ tình cảm làm sao, chỉ biết ngắm nhìn đứa bé không chán mắt rồi vụng về vuốt bàn tay cục mịch lên hai mà bầu bĩnh mịn màng. Mỗi lần thấy hoa thơm ngát bên những ngôi nhà có mái đầu hồi đặc trưng Amsterdam, khoe màu trên những gánh hàng hoa Paris, rung rinh trên những cửa sổ nhà xưa gạch bong từng mảng bên những con kênh đào Venice, cuống quýt nở tràn ra cả đường trên phố đi bộ Barcelona, tô điểm những quán cà phê ngoài trời nắng nhạt ở Brussels, hay tươi rói bên trong hàng rào sơn trắng đặc trưng vùng Scandinavia ở Sigtuna… tôi lại thấy tim mình đập rộn lên trong lồng ngực. Nhưng cũng như ông cậu vụng về nọ, tôi là người ngoại đạo với hoa, chỉ biết ngắm hoa không chán mắt rồi lấy những ngón tay khẽ khàng chạm nhẹ, không biết phải khen, phải cưng, phải yêu hoa thế nào mới đúng.

Tôi không nhớ hết tên hoa ở những nước châu Âu tôi đã đi qua, đã sống những ngày, những tháng năm rất thật; những thủy tiên, diên vỹ, lily, dạ lan hương, uất lim hương, tử đinh hương, oải hương, hoắc hương, păng-xê, giọt tuyết, mimosa, kim ngân, phong lữ…Những bông hoa thay nhau nở hoài làm níu chân người dù “trăng tàn nguyệt tận”. Những cái tên xa lạ tưởng chừng ở đâu đâu, mà quả thật, hoa này nở ở đâu đâu chẳng phải quê mình, nhưng sao tôi nhớ, tôi thương khi hoa tàn như bé Ida thương những bông hoa heo úa trong bình mới lấy hộp gỗ đặt vào, rủ hai người anh họ chôn hoa xuống đất. Và những ngày hè Sài Gòn nắng đổ lửa, tình cờ lật những câu thơ đăng báo hồi 16, 17 tuổi “Níu vào mùa cũ. Chỉ thấy lạnh bàn tay. Những cơn mưa cũng đã thành quá khứ…”, tự nhiên tôi da diết nhớ những bông hoa cũng đã thành quá khứ ở xứ lạnh năm nào. Những bông hoa “nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên” của xứ người ta…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 16-9-2011 22:26:32 | Chỉ xem của tác giả
Phố yêu

Trước khi bắt tay vào viết một thành phố tình yêu cho dịp lễ Valentine 14-2, tôi cứ suy nghĩ mãi không biết nên chọn nơi nào tôi đã đi qua. Mỗi thành phố đều có những nét riêng thật lãng mạn, thật xinh xắn, thật “yêu” làm những kẻ đang yêu lẫn không đang yêu đều cảm thấy như hòa mình vào mỗi góc phố, đường đi có lá rơi, nước biếc và hoa tươi nở rực rỡ bên cầu. Bởi vậy, tôi chọn cho bạn không chỉ một mà ba “phố yêu” này: Vencie, Paris và những kẻ đang yêu lẫn không đang yêu đều cảm thấy như hòa mình vào mỗi góc phố, đường đi có lá rơi, nước biếc và hoa tươi nở rực rỡ bên cầu. Bởi vậy, tôi chọn cho bạn không chỉ một mà ba “phố yêu” này: Vencie, Paris và Vienna.

Trên chuyến xe buýt từ sân bay Treviso về trung tâm thành phố Vencie (Venezia trong tiếng Ý), tôi ngồi cạnh một cô gái vui tính người Úc đi du lịch một mình. Cô cười, níu tay tôi chỉ xung quanh: “Lúc nãy ngồi trên máy bay thấy toàn “cặp” đi du lịch với nhau, bây giờ ngồi trên xe cũng vậy. Hóa ra chỉ một mình mình đi lẻ thôi”.  

Thật dễ hiểu vì sao những kẻ yêu nhau lại thích thành phố lãng mạn miền bắc nước Ý này đến thế. Cả phố nổi trên nước với những con kênh xanh ngắt lặng lẽ trôi qua cây cầu gỗ cót két dưới bước chân và những ngôi nhà xưa vẫn còn giữ nguyên những nét đẹp như trong tranh vẽ Vencie của các họa sĩ sở tại thời Phục hưng. Hoa tươi nở khắp nơi trên những bệ cửa sổ, bên những mảng tường tróc lở màu thời gian. Thỉnh thoảng, một chiếc Gondola - thuyền mái cong đặc trưng Vencie - lướt nhẹ nhàng qua, anh chàng địa phương chèo thuyền da rám nắng nhe răng cười thật đáng yêu với khách du lịch đang vẫy tay trên bờ. Và nếu thaấy đôi trai gái mặc quần jiean, áo thun đang ngồi ngả đầu lên vai nhau trên thuyền bằng những công nương, công tử thế kỉ 15, sẽ có cảm giác như đang xem một cuốn phim về quý tộc châu Âu ngày nào.

Buổi tối, chúng tôi vừa đi bộ vừa ăn kem Ý thơm ngọt lạnh buốt răng, mới mua tại một xe kem hướng ra dòng kênh tĩnh lặng với con thuyền gỗ sơn xanh gối đầu lên bờ, nghe hơi nước phả lên mặt mát lạnh và tiếng mái chèo rẽ nước róc rách dưới vòm cầu. Ánh đèn những căn nhà xưa bên dòng kênh hắt xuống mặt nước lấp loáng, không khí thoảng hương hoa dìu dịu làm lòng tôi thấy nhẹ tênh.

Còn gì bằng được đến đây dịp lễ Valentine, cùng ngồi uống cappuccino bên nhau - trên một quán cà phê kê bàn ghế ra ngoài quảng trường thánh Marco - đầy bồ câu bay lượn, nghe tiếng vĩ cầm lan trong không gian và ngắm những đôi trai gái tay trong tay, mắt long lanh rạng rỡ?

Cũng nổi tiếng là thành phố của những cặp tình nhân, nhưng Paris đẹp kiểu khác. Khi đi bộ từ tháp Eiffel băng qua cây cầu bắc qua sông Siene có những hiệu sách cũ im lìm trong sương sớm, tôi sững sờ bắt gặp một hình ảnh thật mơ. Mới sang xuân, một loại cây tôi không biết tên, hình như cây dẻ thì phải, vừa qua mùa đông trụi lá nảy những trái tròn nhỏ màu nâu và chớm những búp non xanh rời rợi trên cành khẳng khiu, rủ bóng xuống sông thấp thoáng bóng tháp Eiffel kiêu hãnh. Cảnh đẹp làm tôi nghẹt thở, phải dừng chân ngắm mãi không thôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 16-9-2011 22:29:15 | Chỉ xem của tác giả
Ở thủ đô nước Pháp, rất dễ bắt gặp những hàng hoa đầy hoa hồng tươi thắm từ ngoại ô chở về, cắm trong những xô nhôm giản dị. Dưới đất, cô hàng hoa cố ý rắc đầy những cánh hồng trông thật lãng mạn. Vào dịp lễ 14-2, những anh chàng người Pháp vốn gă-lăng khó ai cầm lòng không bước vào mua ngay một bó cho cô bạn gái xinh xắn có cặp mắt xanh biếc như bầu trời mùa xuân Paris.

Trước khi tôi đưa bạn ra ga xe lửa, chúng tôi mua hai tách cafè crème đứng uống ở sông Siene. Mưa phùn bay lất phất và nước sông cuồn cuộn chảy dưới chân cầu Pont Marie. Uống tách cà phê nóng hổi với đủ mùi vị đắng, ngọt, béo, thơm, tự nhiên tôi lẩn thẩn nhớ những ngày xưa mỗi tối chịu khó chạy xe đến IDECAF học những bài học về nước Pháp trong giáo trình mang tên Cafè Crème. Tôi yêu thứ tiếng du dương với cách phát âm chữ “R” và những âm mũi này biết mấy, tự bản thân nó cũng là một thứ rất “yêu”.  

Đã sang giữa tháng hai, nhưng thủ đô Vienna (Wien trong tiếng Đức) có năm vẫn còn ngập trong tuyết trắng. Không gì đẹp bằng nước Áo những ngày tuyết rơi. Những ngôi nhà màu lạnh đẹp một cách quý tộc và thanh thoát lướt qua xe như trong một giấc mơ thuở thiếu thời của tôi về châu Âu. Không gian tràn ngập những bản nhạc dìu dặt. Đẹp nhất là lúc tuyết ngừng rơi, “mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần”, chiếu những tia vàng óng xuống tuyết trắng xốp lạo xạo dưới chân. Những đôi trai gái trong áo choàng to sụ, tay nắm tay tìm hơi ấm ngón tay nhau qua những đôi găng dày, đứng ngẩn ngơ trong khu phố đi bộ nghe âm hưởng nhạc Mozart và Strauss vang trên ngón đàn điêu luyện của những nghệ sĩ lang thang.

Khi chúng tôi đến quảng trường Stephansplatz năm ngoái, một góc của nhà thờ Stephansdom đang được trùng tu lại. Những tia nắng hiếm hoi dát vàng trên các đường lượn kiểu Gothic gợi nhớ đến thời hoàng gia những thế kỉ trước. Nhưng năm nay có lẽ công trình đã được sửa xong, những cặp tình nhân có thế dẫn nhau vào tòa tháp cầu nguyện cho một ngày Valentine vui vẻ và hạnh phúc.

Rất nhiều người cũng dẫn nhau về với sông Danube. Nơi chúng tôi đứng chỉ là một nhánh nhỏ của con sông thơ mộng này, có cây cầu bắc ngang, đàn vịt trời bơi chậm rãi và lau mọc xuyên qua lớp băng mỏng phủ trên mặt một góc sông. Hơi nước bốc mù mịt và một chiếc xe điện đột nhiên chạy vụt qua trên cầu treo cao trên kia, làm đàn vịt giật mình ngơ ngác rồi vỗ cánh bay đi.

Một Valentine tuyệt vời ở Vienna sẽ kết thúc bằng buổi tối dừng chân trong một quán cà phê nhỏ bên góc phố se lạnh. Mọi người ngồi bên nhau cạnh lò sưởi đốt bằng củi và trái thông khô tí tách bắn những hoa lửa nhỏ li ti, nhấm nháp những chiếc bánh qui mới ra lò còn thơm phức mùi bơ sữa.  

Venice, Paris, Vienna… và còn nhiều, nhiều nữa những “phố yêu”, làm mỗi mùa Valentine đến, tim tôi lại đạp loạn nhịp nhớ về những kỷ niệm mới đây mà đã như xa xăm…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách