Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 2506|Trả lời: 12
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác - Xuất Bản] Hành Trình Của Những Người Trẻ | Dương Thụy

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả



Tên tác phẩm: Hành trình của những người trẻ
Tên tác giả: Dương Thụy
Độ dài: 6 chương




Truyện dài

Hành trình của những người trẻ

Câu chuyện thứ nhất  : ĐOẠN TÀU LÝ TRÍ



Trời mùa đông tối sớm, từ cửa sổ thư viện Tuyết buồn bã nhìn cảnh vật đã chìm vào màn đêm lúc mới bốn giờ chiều. Cô rùng mình nghĩ đến chặng đường còn dài phải chịu đựng ở cái xứ lạnh lẽo này. Tuyết cố gắng động viên mình đọc thêm một chương sách nữa rồi mê mải đến tận chín giờ mới sực tỉnh. Cô vội vã thu dọn đồ đạc trước khi lê gót ra bến xe bus về căn nhà thuê nằm dưới chân đồi. Giờ này ít xe, nếu gặp vận rủi biết đâu phải chờ giữa trời tuyết rét đến bốn mươi lăm phút. May thay xe bus vừa kịp trờ đến, cô hối hả nhảy lên, tay ôm chiếc máy vi tính xách tay nặng trịch làm mất thăng bằng suýt ngã. Những cô cậu sinh viên trên xe nhìn vẻ vụng về của Tuyết một cách khôi hài. Cô quạu quọ nghĩ “Tụi bây thử qua Việt Nam xem, cũng lúng túng khổ sở không thua gì tao đâu!”, rồi tranh thủ dựa đầu vào cửa sổ chợp mắt.

- Em về rồi đấy à! Muộn thế? – Minh mở cửa đón Tuyết vồn vã – ăn gì chưa, anh có chiên cơm, còn nóng đấy!

- Nhức đầu quá, chỉ muốn đi nằm thôi!

Tuyết đáp nhanh rồi đóng sập cửa phòng trước mũi anh bạn tốt bụng một cách tội nghiệp. Cô nằm vật ra giường, kéo chăn đắp kín đầu rồi lim dim đi vào giấc ngủ khó nhọc. “Tuyết! Ra ăn cơm!”. Minh không để cô yên, anh đập cửa gọi mãi đến mức Tuyết lấy hết tàn hơi hét toáng lên “Không ăn! Để yên cho ngủ!”. Lơ mơ được ít lâu cô nghe giọng Minh bên ngoài nói với anh Hoàng “Đấy anh xem, về muộn, bỏ cơm, ốm rồi! Em đã nấu cháo mà mời mãi không ra. Anh lớn tuổi chắc nói cô ấy nể ”. Thế rồi hai anh em hè nhau đập cửa đến mức thằng Bertrand và cô bé Caroline ở chung nhà phải phản đối “Tụi bây làm gì ầm ĩ vậy? Tuyết muốn ngủ thì để cô ấy yên. Đâu phải cứ ăn là tốt!”.

Sáng ra khi Tuyết vào bếp đã thấy mảnh giấy trên bàn “Anh nấu nồi cháo mới rồi, em đặt vào lò vi ba hâm lại cho nóng. Ăn rồi hẳn đến trường! Anh Minh”. Tuyết bật cười lắc đầu thầm nghĩ con trai miền Bắc quả thật chu đáo, tiếc là khá vụng về làm nhiều khi mất cả hứng. Caroline cũng đã thức, nó nhìn Tuyết ngưỡng mộ rồi bật cười khì khì “Minh yêu mày quá rồi. Ước gì Bertrand vô tâm biêt chăm sóc tao bằng một phần mười như thế, tao đã nhảy vào giường hắn ngay tức khắc!”. Tuyết cười gượng không trả lời. Nhà có bốn sinh viên hùn tiền thuê, Bertrand, Caroline, và Tuyết nữa hay hè nhau ăn hiếp Minh. Anh thường phải dọn dẹp rồi rửa bao nhiêu là chén đĩa ly tách dơ của cả nhà. Cuối tuần trong lúc cả bọn vùi đầu ngủ nướng, Minh đã thức dậy lui cui lau chùi những diện tích chung như hành lang, bếp, nhà tắm… rồi khệ nệ ôm túi đồ dơ của cả đám ra tiệm giặt công cộng. Nhiều lúc Tuyết thấy thương, nhưng cô hay chê vẻ nhà quê vốn có của Minh. Chê thầm thôi, chẳng khi nào có thể góp ý được. Không lẽ Tuyết dám nói “Anh ăn mặc ngộ quá!” hay “Dáng đi của anh nhìn kỳ kỳ làm sao!”

Ở thư viện Tuyết đụng mặt anh Hoàng, anh chỉ sang tu nghiệp vài tháng nên không bận bù đầu như cô và Minh. “Nè, hồi hôm nhõng nhẽo quá! - Anh Hoàng nhìn Tuyết cười khó hiểu – thằng Minh chạy qua nhờ anh sang mời em ra ăn cháo! Cái thằng, nó nói em không ưa nó nên không thèm ra. Rốt cuộc anh mời em cũng đâu có ra. Làm anh và nó tức quá ăn dùm luôn. Thằng khùng, nó đập vô nồi cháo cả chục cái hột gà. Tụi anh “tuyển” toàn hột gà ăn nên bổ quá tối ngủ không được. Làm hại nó bắt anh ở lại cho nó tâm sự…”. Tuyết cười nắc nẻ, “Trời ơi! Mệt thấy mồ ai ăn cho nổi!”, rồi cô ôm chồng sách chuồn mất. Sau lưng cô còn kịp nghe tiếng anh Hoàng càu nhàu: “Con gái gì vô tư thấy sợ! Tội nghiệp thằng nhỏ!”.

Tuyết không phải là một người vô tư, cô cảm thấy ngộp thở trong sự quan tâm của Minh nên luôn luôn chối bỏ nó. Anh chân thành, nhưng như thế chưa đủ với Tuyết. Hôm nay không có tiết buổi chiều nên Tuyết về nhà sớm. Cô ghé tiệm Tàu mua thực phẩm tươi, định bụng nấu nồi canh chua cá theo kiểu miền Nam cho Minh. Chí Phèo còn biết cảm động trước bát cháo hành của Thị Nở, Tuyết đâu lạnh lùng đến mức không thấy tấm lòng của nồi cháo hột gà?

Lạ quá, cửa nhà không khoá mà chưa có ai về. Tuyết bước vào ngơ ngác vài giây rồi tá hỏa khi thấy cửa phòng mình cũng tan hoang. Cô kinh hãi nhận ra có kẻ nào đã đột nhập, đồ đạc bị xáo trộn và mất đi nhiều thứ. Sau khi cố gắng trấn tĩnh với lập luận “Ở bên Tây cũng có thể bị trộm, trộm giữa ban ngày ban mặt chẳng từ ai!”. Tuyết gọi điện cho tụi Caroline và Betrand. Bọn chúng đều xác nhận đã khoá cửa rất kỹ trước khi đi và khẳng định nhà đã bị trộm viếng, khu này vắng vẻ lại có mấy đám vô gia cư lảng vảng hoài. Tuyết không muốn báo tin cho Minh, anh sẽ lo đến mức dám chạy bộ cả chục cây số không thèm chờ xe bus để về xem cô có bình yên không. Tuyết nhìn lại toàn bộ căn nhà, chỉ có phòng cô nằm bên ngoài là bị thua thiệt, những phòng khác vẫn yên ổn không có dấu hiệu bị nạy cửa. Toàn những thứ quý giá của cô sinh viên nghèo bị rinh đi: tivi “second hand” mới tậu để học ngoại ngữ, cái cassette một loa mua ở chợ trời để nghe lại bài giảng, và đau đớn nhất là máy vi tính xách tay cũng không để lại chút dấu vết nào. Chưa bao giờ trong đời Tuyết phẫn nộ đến thế. Cô nóng mặt rà tìm số điện thoại cảnh sát trong danh bạ rồi gần như gầm lên trong ống nghe: “Đến ngay! Tôi bị trộm rất nghiêm trọng!”

Như trêu chọc sự nóng nảy của Tuyết, bốn mươi lăm phút sau một cảnh sát mặc đồ đen tà tà đạp xe trờ đến. Cảnh tượng tiếu lâm đến nỗi cô cũng phải phì cười. Ở cái thời tên lửa ì đùng này mà còn cảnh sát đi xe đạp như trong chuyện Tintin sao? Dù đang trong trạng thái rất bực dọc Tuyết vẫn kịp nhận ra tên cảnh sát còn trẻ măng và đẹp trai như tài tử Ý. Hắn bước vào bếp trước tiên, nhã nhặn đề nghị cho một ly cà phê nóng vì ngoài trời lạnh quá, lại còn đang bị buồn ngủ nữa. Suýt chút nữa Tuyết văng tục vào mặt hắn nhưng cô nhận ra vốn ngoại ngữ của mình không phong phú ở lĩnh vực này. Rốt cuộc Tuyết đành phải pha cà phê mà thầm ước có thêm mẩu thuốc chuột. Sau khi uống cà phê, tên cảnh sát trở nên hồng hào và tươi tỉnh hẳn ra. Hắn quả rất đẹp trai dù có vẻ hơi khù khờ.

- Tôi tên Jacques! Khu vực này nhìn sơ tưởng yên ổn nhưng thật ra bọn lang thang hay đột nhập lắm – cảnh sát nhìn Tuyết ngại ngần – Tụi này bất nhơn thật, cô là sinh viên ngoại quốc, có gì đâu mà cũng lấy chứ! Mà thật ra cô mất cái gì vậy?

- Tất cả tài sản của tôi – Tuyết rên lên một tiếng thê thảm – Mất máy vi tính rồi tôi biết làm sao? Tài liệu, bài tập của tôi nằm trong đó! Trời ơi, tôi sắp thi rồi! Cảnh sát phải đền cho tôi! Làm ơn đền cho tôi!

Tuyết bật khóc hu hu. Cảnh sát khổ sở chịu đựng những giọt nước mắt của Tuyết mãi cho đến khi Bertrand rồi Caroline về. Lúc này Jacques mới bắt tay vào khám nghiệm hiện trường. Loay hoay bên những cánh cửa bị nạy cả tiếng đồng hồ, cuối cùng cảnh sát kết luận “Không thể nào tưởng tượng nổi tụi trộm bẻ khoá làm sao! Tụi này tài thật!”. Tuyết nhảy chồm lên túm áo Jacques “Đền cho tôi máy vi tính!”, rồi kiệt sức té xỉu. Khi tỉnh dậy, cô thấy mình nằm trên giường, Minh ngồi bên cạnh nhìn cô đầy lo lắng.

Sau sự kiện bị trộm giữa ban ngày tại một nước phương Tây tiên tiến, Tuyết phải bận rộn tiếp cảnh sát Jacques hằng ngày. Nghiệp vụ yếu nhưng nhiệt tình cao, Jacques đem đến hồ sơ xin cứu trợ của các tổ chức từ thiện “ Nếu cô chứng minh được vụ trộm làm cô không còn khả năng kiếm sống, cô sẽ được một món tiền mua dụng cụ hành nghề - Jacques chợt nhận ra mình ngớ ngẩn - Ủa mà cô là sinh viên, đâu phải lao động tay chân gì cần đến dụng cụ!”. Ngày hôm sau Jacques lại đem đến bộ hồ sơ khác “Nếu cô chứng minh được, hoặc nhờ những người xung quanh chứng minh được vụ trộm làm tinh thần cô suy sụp – Jacques nhìn Tuyết chăm chú – cô sẽ được bác sĩ tâm lý điều trị miễn phí!”. Ngày hôm sau, thêm một bộ hồ sơ mới “Nếu cô chứng minh được vụ trộm làm cô không còn khả năng di chuyển. Trường hợp này dành cho ai mất xe. Cô sẽ được cấp thẻ đi xe bus miễn phí một năm! – Chúa ơi, tôi “hố” nữa rồi, cô đâu có mất xe!”. Lần này cả nhà được một trận cười vỡ bụng, Caroline thậm chí còn té lăn ra sàn. “Nếu anh chứng minh được - Tuyết điên tiết hét – cảnh sát bọn anh là đồ vô dụng lại còn hay vẽ chuyện, anh sẽ nhận một món tiền trị giá cao gấp hai lần số tài sản tôi bị mất!”. Tưởng Jacques sẽ quê độ cút đi, ai ngờ anh còn nheo mắt khôi hài “Gia tài tôi chỉ có chiếc xe đạp thời Louis mười sáu, thừa kế từ ông nội tôi. Tôi xin dâng tặng cô để đền bù những gì cô đã mất!”. Tuy không có nhu cầu, Tuyết vẫn lấy xe đạp thật. Cô hả dạ nhìn Jacques đáp xe bus đến, khệ nệ rinh hôm thì cái radio cũ, lúc là màn hình máy vi tính phẳng lì. “Anh lượm đâu ra đó?”, Tuyết phì cười trước những món đồ khi cũ khi mới Jacques tha đến hằng ngày. “Tôi mua ở chợ trời – anh vui vẻ kể - rồi tôi đi xin người quen! Hơi mất thời gian nhưng kết quả rất khả quan!”. Sau hai tuần lễ kiến tha lâu đầy tổ, cuối cùng Tuyết sở hữu một dàn máy vi tính với đầy đủ máy in, máy scan, thậm chí máy chép đĩa CD ROM cũng được trang bị đầy đủ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 30-11-2011 01:09:10 | Chỉ xem của tác giả
Câu chuyện thứ nhất-part 2


Từ ngày xảy ra vụ trộm, Minh trông buồn bã hẳn. Anh lầm lì, cáu gắt và không còn siêng năng nấu nướng hay lau chùi gì nữa. Nhìn Tuyết vui vẻ bên anh chàng cảnh sát Jacques đẹp trai, Minh biết mình đã hết hy vọng. Trong lúc cả nhà quây quần trong bếp thưởng thức những món miền Nam do Tuyết nấu, Minh lẳng lặng bỏ sang nhà anh Hoàng ăn cơm. Rồi một lần trông thấy Jacques chở Tuyết rạng rỡ trên chiếc xe đạp cũ cùng đi nhà thờ sáng chủ nhật, Minh quyết định dọn sang nhà anh Hoàng ở hẳn dù chỉ còn vài tuần nữa anh Hoàng về Việt Nam. Caroline giúp Minh chuyển đồ đi, thành thật khuyên “Làm thế này không nên đâu”, nhưng nhìn đôi mắt thật buồn của anh, nó gục gặc đầu “Tôi hiểu bạn!”. Tối đó Caroline rì rầm với Tuyết “ Đàn ông Việt Nam tụi bây sao lãng mạn quá. Thời này làm sao tìm được những người biết yêu như Minh…” Tuyết im lặng, cô thấy nặng nề dù thực lòng sự vắng mặt của Minh làm cô thoải mái hơn. Bertrand trông vô tư thế mà cũng góp lời “Thôi! Để Minh đi, như thế tiện hơn cho mọi người!”

Vắng Minh, bếp núc bề bộn, những bữa ăn thất thường hơn nhưng Jacques thường xuyên lui tới chọc cười cả nhà. Tuyết không còn ủ dột như những con chim rúc mình trong vòm cửa tránh gió đông. Đầu tháng tư nắng xuân đã nhè nhẹ trải khắp các con đường dẫn lên trường Đại học. Hoa nở rực rỡ khắp thành phố, lộc non nhú lên xanh biếc trên những cành cây khẳng khiu trụi lá dạo nào. Tuyết hớn hở để mặc Jacques nắm tay mình tung tăng đi khắp nơi. Cô nhẹ nhàng nhận ra mình không thể sống thiếu nụ cười trẻ con của Jacques dù đôi khi những hành động vô tư của anh khiến Tuyết chạnh lòng. Jacques không muốn nói đến tương lai, anh không thích nghĩ đến lúc Tuyết tốt nghiệp phải quay về cái xứ xa xôi ở tít bên Châu Á. Tuyết nói thẳng mình nhất định không ở lại đây. Mỗi lần hai người đề cập một cách nghiêm túc về vấn đề này thể nào cũng có giận nhau và tiếp theo là một cuối tuần vô cùng buồn thảm. “Thôi cứ thuận theo tự nhiên mà sống – Tuyết ru mình – Cuộc đời đó có bao nhiêu mà hờ hững!”. Thi thoảng đụng mặt Minh trong thư viện, Tuyết vẫn giữ nét vui vẻ nhưng anh không thể dối lòng mình cười với cô. Một lần Tuyết cố gắng nói thật nhanh “Em có làm gì đâu mà anh giận hoài?”. Minh ngơ ngác không trả lời quay lưng đi như chạy ra bến xe bus. Nhìn cái áo gió bạc màu và dáng đi xiên xiên hấp tấp của anh, Tuyết ứa nước mắt.

Xuân qua hè đến, trời tháng tám nóng như thiêu như đốt, khắp thành phố người ta túa ra dạo đầy phố. Các cửa hiệu đóng sập cửa bỏ đi chơi xa, chẳng màng đến khách hàng. Jacques muốn dẫn Tuyết về quê anh giới thiệu với gia đình nhưng cô cảm thấy ngại. Tuyết biết mình không thể để Jacques và gia đình hy vọng nhiều hơn. Anh trẻ hơn cô đến ba tuổi và trình độ học vấn cũng chênh lệch. Jacques quá vô tư chưa biết hoạch định cuộc đời. Một lần sau nụ hôn dài ngọt ngào, Jacques vui vẻ nói “Hai đứa mình sẽ về Việt Nam! Nhưng không biết anh làm việc gì đây? Anh “bự con” mà, nếu không được làm cảnh sát thì làm bảo vệ!”. Dù hiểu Jacques yêu cô bằng tất cả nhiệt tình, Tuyết không nghĩ anh có thể trở thành người bạn đời cho cô nương tựa.

Đến cuối xuân năm sau, Tuyết đã dần chuẩn bị cho một sự trở về mà tương lai mối tình với chàng cảnh sát đẹp trai hầu như vẫn chưa có. Jacques dạo này không còn kiên nhẫn nữa, anh trách Tuyết tự dựng ra quá nhiều rào cản không đáng có giữa hai người

- Người Việt Nam tính toán vậy sao? – thậm chí có lần Jacques bật khóc – em không chịu ở lại đây vì sợ không tìm ra việc phù hợp, tôi đòi về Việt Nam em cũng không cho!

- Đừng con nít nữa Jacques!

- Tôi yêu em mà! – Jacques nấc lên như một đứa trẻ - Tôi có lỗi gì đâu?

Tuyết im lặng. Nhiều đêm mất ngủ cô tự hỏi mình có thật sự yêu Jacques. Tuyết biết mình không thể hy sinh cuộc sống nhiều hứa hẹn cho một mối tình lãng mạn. Cô chủ động đề nghị hai đứa chia tay, ngại chờ đến khi cô về nước còn đau khổ hơn. Jacques giận dữ chấp nhận. Anh bỏ nhiệm sở quay về nhà cha mẹ ở quê. Khi biết tin này, Caroline và Betrand nhìn Tuyết bất mãn “ Chúa cho bạn những tình yêu đẹp, nhưng…”. Cô nhìn chiếc xe đạp cũ Jacques để lại lòng buồn vô hạn…

Tuyết một mình kéo lê chiếc va li nặng ra trạm xe bus. Quần áo, máy vi tính và hàng trăm món đồ lỉnh kỉnh sau hai năm du học Tuyết cho hết đám sinh viên mới dọn đến. Cô giữ lại mỗi chiếc radio cũ của Jacques. Tuyết không chào từ giã Minh, nhưng bất ngờ gặp anh ở trạm xe bus.

- Tuyết đi đâu vậy?

- Về Việt Nam! – Tuyết lúng túng cười – Em đi như trốn, kỳ cục phải không?

Minh im lặng, nhẹ nhàng đỡ lấy chiếc va li từ tay cô mang lên xe bus. Hai người ngồi bên nhau suốt đoạn đường đến nhà ga, nhìn cảnh vật vào thu buồn da diết. Lá vàng rụng lả tả sau mỗi đợt gió thốc qua, những cành cây khẳng khiu xám xịt lại trong tiết trời giá rét. Vài người bộ hành co ro bẻ cao cổ áo bước đi liêu xiêu trên vỉa hè vắng lặng. Đến ga, Minh giúp Tuyết xếp hàng mua vé rồi đưa cô lên tàu:

- Anh xin lỗi không đưa em đến phi trường được – Minh mím môi kìm nén một cảm xúc – Anh phải gặp giáo sư đỡ đầu bàn về luận án tiến sĩ tiếp theo. Anh cứ nghĩ em có ai đó đưa về…

- Không sao, em đi một mình được mà – Tuyết cười tự chủ - được gặp anh trước khi về, em vui lắm. Thôi anh xuống đi, tàu sắp chạy rồi…

Minh chần chừ chưa chịu xuống, anh đòi giúp Tuyết đem va li đến tận chỗ ngồi ở mãi toa bên kia. Đến khi Minh ấn cô yên vị xuống ghế thì tất cả cánh cửa đã đóng lại và họ phát hiện ra cả hai đi cùng một chuyến tàu. Tuyết bật cười, kéo Minh ngồi xuống ghế bên cạnh. “Thôi lỡ rồi, anh đưa em một đoạn, đến ga sau thì xuống!”. Minh cũng cười, anh gãi đầu ngó mông lung ra cửa sổ. Bằng một cử chỉ nhẹ nhàng thật tự nhiên, Tuyết nắm cánh tay Minh và dựa đầu vào vai anh. “Anh giận em lắm phải không?”. Cô không nghe tiếng trả lời rồi ngỡ ngàng nhận ra những giọt nước mắt ấm nóng của Minh vỡ oà rơi xuống mặt. Đột nhiên trong lòng Tuyết dậy lên một nỗi xót xa, không phải chỉ cho Minh mà còn cho Jacques và chính cô nữa. Lúc bỏ đi, Jacques nói “Em lạnh lùng như cái tên của em, Tuyết ạ!”

- Đừng khóc vì em, anh Minh – Tuyết dụi đầu vào ngực Minh – Em là một cô gái lí trí, quá lí trí mà!

- Không…- Minh dịu dàng phản đối – Ước gì thời gian đừng trôi nữa…

Tàu đã đỗ lại một ga nhỏ, Tuyết thì thầm “Thôi anh xuống đi!”, rồi đẩy Minh ra cửa. Nhìn hai cô cậu Châu Á nước mắt vòng quanh chia tay nhau khó khăn, những hành khách trên tàu lắc đầu mỉm cười. “Anh ở lại làm tiếp lên luận án tiến sĩ cho giỏi nhé! Em về Việt Nam đi làm thôi – Tuyết vội nói những lời sau cùng – Có gặp Jacques nhắn cho em xin lỗi…Và, em cũng xin lỗi anh…”. Minh lẳng lặng xuống ga, khi tàu chầm chậm chuyển bánh anh mới chạy rướn theo “Anh đã rất hạnh phúc…đi chung một đoạn tàu…bên em”…
Những cơn gió mùa thu cuốn câu nói chân thành của anh cùng những chiếc lá vàng bay đi, Tuyết vẫy tay qua cửa sổ cho đến lúc chẳng còn nhìn thấy Minh lẫn cái ga xép nhỏ bé đã giữ anh lại. Đoạn tàu cô may mắn có những người con trai biết yêu chân thành kết thúc rồi. Tuyết thấy đơn độc vô cùng, cô lạnh run lên đứng nhìn bầu trời ảm đạm và cánh đồng cỏ xác xơ mãi cho đến khi tàu vào đến phi trường. Tuyết bặm môi khệ nệ xách chiếc va li nặng một mình. Cuối cùng cô đứng lại lau nước mắt, mặc thêm áo ấm rồi mỉm cười dấn bước.

Ngày mai, quê hương rực nắng sẽ đón Tuyết về…
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 30-11-2011 01:18:03 | Chỉ xem của tác giả
Câu chuyện thứ hai: MỘT NGƯỜI HẠNH PHÚC

Làm thư ký ở công ty này qua vài đời giám đốc, chưa bao giờ Lệ Mai thấy ông nào lịch lãm và được lòng nhân viên như Michel. Ông nhận nhiệm sở ở Việt Nam được vài tháng, bộ mặt công ty đã có sự thay đổi lớn. Ai gặp tổng giám đốc cũng dám mạnh dạn đứng lại chào. Trước kia nhân viên Việt Nam thấy mấy sếp Tây chỉ tự ti cúi mặt rồi lủi đi thật nhanh. Với Michel khác hẳn, ông chủ động chào hỏi thân thiện và nhớ tên từng nhân viên bảo vệ hay tạp vụ. Sau bao nhiêu năm chịu đựng những ông sếp khi thực dân lúc phát xít, giờ cả công ty đang vui sướng tận hưởng bầu không khí thân thiện và bình đẳng.

Từ ngày có sếp mới, Lệ Mai trở nên siêng năng và chịu khó chăm chút thật hoàn hảo từng công việc nhỏ nhất sếp giao. Cô thích đôi mắt thông minh nhưng dịu dàng của Michel ánh lên lấp lánh mỗi khi ông dành cho cô những lời khen ngợi “Tốt lắm!”, “Trình bày rất chuyên nghiệp!”, “Chắc cô phải mất thời gian với cái bảng này lắm đây! Cảm ơn cô nhiều lắm!”. Lệ Mai biết sếp đã trên năm mươi nhưng thật sự con người ông không có tuổi. Michel xuất thân từ tầng lớp quý tộc chính thống nên trông ông lúc nào cũng thư thái, mềm mỏng và giữ được bình tĩnh trong mọi trường hợp. Có thể không điển trai nhưng phong cách sang trọng mà gần gũi của Michel làm mọi người thấy ông duyên dáng đến mức ông được bầu là “ người sếp đẹp trai nhất” trong lịch sử công ty. Với thư ký riêng, Michel lúc nào cũng nhẹ nhàng, ông thích đùa và nháy mắt lém lỉnh nhưng bao giờ cũng biết giữ khoảng cách cần thiết. Lệ Mai thường thú nhận với mọi người “Có sếp như vậy, tôi làm việc một ngày hai mươi bốn tiếng cũng cam!”

Vốn quen với sự dịu dàng của sếp, sáng nay Lệ Mai kinh ngạc nhìn Michel mở cửa phòng cô một cách bất ngờ không gõ trước. Ông xồng xộc bước vào, khuôn mặt đầy xúc động và ánh nhìn bộc lộ một nỗi đau sâu sắc.

- Có chuyện gì vậy Michel? – Lệ Mai vẫn thường gọi tên sếp thân mật theo ý ông.

- Cô đọc lá thư này đi! – Vẫn còn rất xúc động, Michel chìa cho cô một lá thư – Tôi vừa nhận được từ tập đoàn mình bên Paris. Cô nên nhanh chóng đến thăm người ta rồi cho tôi biết chúng ta cần giúp đỡ thế nào. Tôi thấy có cho bao nhiêu cũng không bù được nỗi bất hạnh của cô gái này.
- Vâng, Michel! – Lệ Mai nhẹ nhàng trả lời nhưng sếp đã vội vã quay đi che dấu những giọt nước mắt ứa ra.
Lệ Mai cầm lấy lá thư Michel đưa. Thư viết tay bằng nét chữ mềm mại và đều đặn của một người tài hoa. Phong bì đóng dấu bưu điện Việt Nam, người gởi ghi địa chỉ công ty tận bên Pháp. Bức thư dài bốn trang giấy học trò được viết bằng một thứ tiếng Pháp chỉn chu. Dù rất tự hào mình giỏi ngoại ngữ, Lệ Mai cảm thấy khâm phục người viết vì câu văn được diễn đạt hoa mỹ và văn phạm được chăm sóc khá kỹ, điều rất khó làm được trong ngôn ngữ này.
Người viết tự giới thiệu mình là một thiếu nữ bất hạnh năm nay hai mươi lăm tuổi. Cô tên Trần Thị Lan, bị nhiễm chất độc màu da cam nên khi sinh ra đã bị dị dạng. Lan tự tả mình “như một con khỉ trụi đầu có cái cằm dính chặt vào cổ nên suốt đời phải chịu cảnh cúi gằm mặt xuống đất không sao ngẩng lên được”. Cô còn chịu cảnh không chịu đi lại được vì bàn chân bị xụi và luôn luôn đau nhức. Hầu như cuộc đời của Lan không có nụ cười vì bệnh tật và những ánh mắt soi mói của đồng loại. Tuy tả mình bị tàn tật, nhưng Lan không tỏ vẻ than thân trách phận vì ngoài mấy dòng ngắn tự giới thiệu bản thân, còn lại cô dành viết về người mẹ dịu hiền đã hy sinh đời mình ngày đêm buôn bán ve chai để nuôi cô khôn lớn. Nhờ gánh ve chai của mẹ, Lan được đi học đầy đủ và vào được Đại học Ngoại Ngữ. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, vì bản thân tàn tật, cô không thể xin được việc làm nên cuối cùng lại tiếp tục ăn bám mẹ. Hiện nay Lan nhận dịch tài liệu nhưng công việc không thường xuyên. Cách nay ba tháng, bệnh viện phát hiện mẹ cô bị ung thư trực tràng và cuộc sống của bà đang ngày càng lịm dần vì hai mẹ con không sao tìm đủ tiền trị bệnh. Vốn xem mẹ là lẽ sống trên đời, Lan cũng tự biết mình không thể tiếp tục tồn tại nếu thiếu bà. Cô rất tự trọng cho biết dù đã rất khổ sở, chưa bao giờ hai mẹ con ngửa tay xin bố thí của ai, nhưng nay vì mạng sống của người mẹ đáng thương, buộc lòng Lan phải viết thư xin công ty dược X thuốc trị bệnh ung thư trực tràng cho mẹ. Bác sĩ nói nếu được điều trị đúng liều, mẹ cô có hy vọng thoát chết. Mà một hộp thuốc trị ung thư hiện bán đến năm triệu đồng. Muốn trị hết bệnh, phải cần đến mấy chục hộp như thế nên cô chỉ còn biết trông chờ vào điều kỳ diệu từ công ty dược sản xuất ra thuốc này.

Tuy không đến mức quá xúc động như xếp Michel, vì Lệ Mai đã quen với những hình ảnh của nạn nhân chất độc màu da cam trên báo chí, cô cũng ngậm ngùi thương xót cho người bạn đồng trang lứa tuy học giỏi và hiếu thảo nhưng lại có một số phận quá bất hạnh. Mắt đỏ hoe, Lệ Mai chạy vào phòng sếp, cô nói sẽ thu xếp công việc để tìm gặp Lan ngay.

- Cô hãy làm tất cả những gì có thể làm được cho cô gái này – Michel trầm ngâm – Cô ta đã gửi thư cầu cứu công ty mình. Một con người tự trọng, cô ta chỉ xin thuốc trị bệnh cho mẹ mà không đề nghị bất cứ điều gì cho bản thân.

- Ở Việt Nam còn nhiều nạn nhân chiến tranh lắm! – Lệ Mai buồn bã.

- Tôi biết, nhưng tôi không thể giúp hết. Cô Lan thì khác, cô ta có tinh thần nỗ lực cao – Michel hào hứng – Bất hạnh như thế mà học hành tới nơi tới chốn. Tôi luôn khâm phục người Việt Nam, rất chịu khó. Ngày nay giới trẻ Pháp không viết được như vậy đâu.

- Vâng – Lệ Mai cúi đầu xấu hổ - tôi cũng không biết chừng nào mình mới viết nổi như thế.

- Cô thu xếp tiến hành vụ này nhanh lên – Michel lộ rõ vẽ sốt ruột – cứu người bệnh ung thư không thể chần chừ được. Hỏi xem bà ta nằm viện nào, tôi sẽ nhờ các bác sĩ quen trong bệnh viện Pháp Việt khám cho bà. Ngoài thuốc men công ty mình tài trợ, mọi viện phí tôi chịu hết.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 30-11-2011 01:19:36 | Chỉ xem của tác giả
Part 2

Lệ Mai nhìn sếp ngưỡng mộ. Cô biết qua Việt Nam chưa bao lâu Michel đã đi thăm các làng trẻ mồ côi và khuyết tật. Nhiều lúc Lệ Mai tự hỏi một người có xuất thân quyền quý như Michel sao lại có nhiều quan tâm đến những cảnh đời bất hạnh đến thế. Vợ ông cũng làm từ thiện rất nhiều và đó là một trong những lý do khiến họ nhận nhiệm sở ở Việt Nam.

Ngay chiều hôm đó, Michel cho phép cô nghỉ việc để đến nhà Trần Thị Lan thăm hỏi. Trong thư Lan nói nhà mình nằm trong khu ổ chuột không có địa chỉ nên cô mượn địa chỉ của một đồng đội cũ của cha quá cố ở khu Bà Chiểu. Lan nói rõ người này rất tử tế nên công ty cứ gửi thuốc về dưới tên ông, ông sẽ chuyển lại đầy đủ. Đó là một căn nhà cũ kỹ và ẩm mốc trong xóm Đồng Cô Lệ, Lệ Mai kêu cửa nhiều lần nhưng không có người ra. Bà già hàng xóm đang ngồi bên thúng cóc ổi và vài ba nải chuối thâm kim nhìn Lệ Mai với nụ cười khó hiểu trên môi:

- Cô tìm ai?

- Ông Nguyễn Hiển Vinh sống ở đây phải không bà?

- Phải! – Bà già chép miệng – nhưng hình như hắn về quê cả tuần nay rồi, không biết chừng nào lên!

Lệ Mai tái mặt. Đây là mối liên hệ duy nhất để cô tìm đến với Trần Thị Lan và bà mẹ đang bị tử thần lôi kéo. Nếu không gặp được ông Hiển Vinh sớm, làm sao cứu chữa kịp thời người bệnh. Lệ Mai để lại số điên thoại của mình cho bà già, nhờ khi nào ông Hiển Vinh về thì gọi điện gấp cho cô.

- Có chuyện gì? – Bà già nhìn cô tỏ vẻ thương hại.

- Dạ, chuyện dài dòng lắm, nhưng gấp! Bà nhớ giúp con!

Michel nổi giận khi nghe Lệ Mai về báo cáo. Chưa bao giờ cô thấy xếp mất bình tĩnh như thế.Vẻ nhẹ nhàng và tế nhị cố hữu của ông biến mất. Ông nhấn mạnh Lệ Mai phải nhiệt tình hơn và bằng mọi cách phải truy tìm cho ra ông Hiển Vinh càng sớm càng tốt. “Lệ Mai! Ở một bệnh viện ung thư nào đó, một địa ngục trần gian ở cái xứ này – Michel nóng nảy – Cô Lan đang chờ chúng ta một cách vô vọng để cứu mẹ. Mà bản thân Lan cũng không thể tự chăm sóc mình. Ai giúp họ đây? Cô biết gia cảnh neo đơn của họ rồi!”. Lệ Mai bật khóc nức nở trong phòng vệ sinh, không chỉ vì lần đầu cô bị sếp lớn tiếng mà vì còn nghĩ đến cảnh đáng thương của Lan. Trưa hôm sau cô quay về Bà Chiểu trong cái nắng chói chang đến nhức mắt, bà già hàng xóm thủng thẳng “Chưa về!”. Nhìn Lệ Mai bồn chồn không yên, bà già đột nhiên đề nghị “Chuyện gì? Kể cho tôi đi! Biết đâu bà già này có thể giúp được cô?”. Không tìm thấy sự quan tâm mà chỉ là ánh mắt diễu cợt, Lệ Mai bực tức bỏ đi. Cô ra quán nước đầu xóm hỏi thăm ông Hiển Vinh và dư thời giờ kể tỉ mỉ bức thư cô Trần Thị Lan cho chị chủ quán.

- Ủa! Vậy hả? – Chị Bảy thân thiện – Ông đó cũng giỏi tiếng Pháp lắm, tiếng Anh nữa! Ổng có tú tài Pháp mà. Nhưng tui chưa bao giờ biết là ổng từng là bộ đội. Gia đình ổng dân Tây mà. Đi nước ngoài hết rồi.

- Sao ổng không đi luôn?

- Ai mà biết, xóm này nói ổng gàn sao đó nên gia đình ghét – Chị Bảy chép miệng làm một hơi – Mà ổng không đi làm gì hết, ở nhà chơi có hàng nước ngoài gửi về hoài. Mà đặc biệt không phải của gia đình gửi. Hổng lẽ bồ bịch gì của ổng tiếp tế? Ổng đâu có giao thiệp gì với ai! Đúng là gàn!

Lệ Mai hoang mang, cô quay lại nhà bà già kỳ cục và đành kể hết lý do cô tìm đến đây. “Bà không giúp thì mẹ cô Lan sẽ chết, rồi cổ cũng chết theo!”. Bà già trở nên giận tím mặt đến Lệ Mai tưởng bà sắp nhảy lên cào vào mình nhưng cuối cùng cô nhận ra bà đang nguyền rủa ông Vinh “Đồ bất nhơn, sao lại mượn nỗi bất hạnh của nạn nhân chất độc da cam để làm tiền người ta chứ!”. Giống chị Bảy bán nước, bà già khẳng định ông hàng xóm chưa từng đi bộ đội và học rất giỏi. Khi nhìn nét chữ trên bao thư cô Trần Thị Lan viết, bà lắc đầu ngao ngán “Chữ của hắn đó! Hắn gạt công ty cô rồi!”. Lệ Mai như rớt từ trên cung trăng xuống, cô lắc đầu ngoày ngoạy chối bỏ điều này làm bà già càng điên tiết hơn. “Bởi vậy! Mấy người ham nghe bọn học thức, hắn có chữ nghĩa, biết tiếng Tây tiếng U nên mấy người tin. Còn bà già này dốt nát thất học nên có gạt được ai đâu!”

Lệ Mai không muốn báo tin này cho sếp, sợ lòng tốt của ông bị tổn thương nhưng cuối cùng cũng phải cho ông biết tình hình. Khác với dự đoán, Michel tỏ vẻ bình tĩnh, ông đề nghị cô tìm đến chính quyền trong khu vực “Hãy kiểm tra lại thông tin, không nên nghe một chiều. Trên đời này điều gì cũng có thể diễn ra hết!”. Lệ Mai trằn trọc cả đêm cũng không sao giải thích được một người đàn ông gàn gàn theo lời mọi người lại có thể hoá thân thành cô gái nạn nhân chất độc da cam Trần Thị Lan thương tâm đến thế. Xem kỹ lại lá thư, Lệ Mai tin rằng một cô gái mới hai mươi lăm tuổi khó có thể nào viết được tiếng Pháp cao cấp như thế. Nhưng nếu ông Hiển Vinh là người có học thức, giỏi ngoại ngữ lại là người lành lặn, sao ông không đi làm như những người bình thường, lương cũng vài trăm đô một tháng. Đã biết thuốc Y chữa bệnh ung thư trực tràng hẳn ông phải là người chịu khó cập nhật thông tin y khoa vì thuốc này mới được công ty dược X tung ra thị trường hai năm nay và đặc biệt thuốc rất hiệu quả nên đang trong giai đoạn bán với giá khá cao. Đây là loại thuốc có giá đắt nhất trong gian hàng dược phẩm của Tập đoàn X vì ý nghĩa cứu mạng. Càng nghĩ Lệ Mai càng thấy ý đồ của ông Hiển Vinh phải được chuẩn bị cẩn thận. Tuy nhiên ông cũng có nhiều kẽ hở, đã là thuốc trị ung thư, không có toa bác sĩ không nơi nào dám bán thẳng cho bệnh nhân. Vì lẽ đó, Tập đoàn tại Paris không gởi thẳng theo địa chỉ của Trần Thị Lan đưa mà chuyển thông tin cho sếp Michel tại Việt Nam giải quyết.

Đêm qua trời đổ một cơn mưa thật to nên sáng ra đường phố trông sạch sẽ. Lệ Mai bồn chồn chạy xe vô Bà Chiểu một lần nữa. Những người buôn gánh bán bưng và lao động nghèo túa ra từ những con hẻm trong Đồng Ông Cộ xưa kia đầy sình bùn nhưng nay đã được tráng xi măng tươm tất. Nhìn vẻ tất bật của họ, Lệ Mai đột nhiên thấy phấn chấn hơn. Đời vẫn còn những con người chân chính yêu lao động.

Buổi gặp gỡ chị chủ tịch phường và bác Sáu tổ trưởng khu phố như một lời khẳng định lại những gì Lệ Mai đã nghe về ông Hiển Vinh. Ông đã từng xin các tổ chức phi chính phủ hay các hội từ thiện nước ngoài hàng cứu trợ và tiền bạc cũng qua thư từ. Hàng xóm đã chứng kiến ông nhận giấy báo lãnh hàng và tiền nhiều lần. “Chính quyền biết mà không xử lý ông ta sao? – Lệ Mai bất bình nghẹn giọng – Sao để ổng gạt những người nước ngoài có tấm lòng như vậy? Rồi họ nghĩ sao về người Việt Nam mình đây?”. Bác tổ trưởng chép miệng “ Ông không phạm pháp với ai, ổng tự liên lạc với nước ngoài. Chắc xin không bao nhiêu nên cũng không đến mức bị kiện tụng khi chuyện vỡ lở”. Lúc về, Lệ Mai tạt ngang nhà ông Hiển Vinh nhưng chẳng vinh hiển tí nào, định bụng cảm ơn và xin lỗi bà già hàng xóm. Bất ngờ bà báo tin “Hắn về rồi đó! Cô vào doạ hắn một trận cho chừa cái tật gạt lòng tốt của người ta!”. Ông ta không tiếp khách, thông qua cửa tò vò Lệ Mai thấy một khuôn mặt tái mét thiếu ánh nắng mặt trời. Ông từ chối tiếp Lệ Mai khi nghe cô nói đến từ công ty dược X và muốn tìm Trần Thị Lan “Không có ai hết! Cô lầm rồi!”.

Michel đang cúi đầu chăm chú xuống bàn phím máy tính, Lệ Mai bước vào cười ngượng ngập “Chào sếp, tôi từ chỗ chính quyền khu phố ông Hiển Vinh về!”. Michel nhìn cô bằng một ánh mắt dịu dàng nhưng không có ý chờ đợi câu chuyện tiếp theo. Lệ Mai cúi đầu, xấu hổ lí nhí bịa “Họ xác nhận ông ta bị bệnh tâm thần “đa nhân cách”, nên thích hoá thân vào những nhân vật nữ bất hạnh!”. Sếp gật đầu đến bên cô thư ký trẻ, ông nháy mắt tinh nghịch, mỉm cười vỗ vai cô rồi chậm rãi nói “Cứ cho là như vậy đi, cô bé! Nhưng từ nay chúng ta không ngồi chờ người ta kêu cứu nữa. Tôi vừa lập một dự án từ thiện dành cho những bệnh nhân nghèo và nạn nhân chất độc da cam, ngân quỹ trích từ tiền lời trong kinh doanh và sẽ huy động nhân viên mình nữa. Tập đoàn đồng ý thôi!”

Lệ Mai ngước nhìn Michel, ông trông rạng rỡ và thật đẹp như một thiên thần. Cô đột ngột nhận ra mình sẽ khóc rất nhiều khi ông hết hạn công tác phải rời Việt Nam.

***

Giờ Lệ Mai không còn làm thư ký tổng giám đốc nữa, cô chuyển sang một vị trí trong phòng nhân sự và được hứa hẹn sẽ trở thành trưởng phòng nhân sự khi đủ kinh nghiệm. Đã ba năm rồi từ ngày sếp Michel rời Việt Nam. Ông hiện ở Sri-Lanka theo sự thuyên chuyển của Tập đoàn. Vừa rồi vợ Michel gọi về báo tin trong lúc nhiệt tình cứu trợ và quyên góp cho những nạn nhân sóng thần ở đây, ông bị lật xe và đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Khi nhận được tin này, cả công ty ở Việt Nam đều thảng thốt nhưng may thay “Trời có mắt!” – Mọi người thở phào khi vợ ông lại cho hay ông đã qua được cơn nguy kịch – người tử tế như Michel sao có thể chết được! Nhận được điện hoa chúc ông mau bình phục, Michel gọi về Việt Nam cảm ơn những nhân viên cũ. Nghe giọng ông cà rỡn “Có chết cũng không sao, vì tôi đã sống trọn cuộc đời quá hạnh phúc”, Lệ Mai xúc động bật khóc làm mọi người ghẹo cô suốt cả ngày hôm đó. Giờ đây cô mới hiểu hết ý nghĩa tên hội từ thiện “Vì hạnh phúc chúng ta” do ông khởi xướng ở Việt Nam. Sống cho tha nhân thật ra là vì hạnh phúc của chính mình.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 30-11-2011 01:21:52 | Chỉ xem của tác giả
Câu chuyện thứ 3: NGƯỜI BẠN VONG NIÊN

Vào đầu hè, nắng Paris gay gắt không thua gì ở Sài Gòn. Khắp nơi người ta túa ra đường tìm bóng râm trú ẩn. Thu buồn cười nhìn dân Paris vốn được xem là lịch lãm lại ăn mặc nghèo nàn, luộm thuộm, thậm chí còn trần trùng trục nằm ngồi la liệt ở các công viên. Nóng bức thế này mà chui xuống hầm xe điện ngầm chẳng khác nào vào hoả diệm sơn nhưng cô vẫn lấy hết can đảm đáp xe đến thăm bà Janne ở mãi tận đầu bên kia của thành phố. Tội nghiệp, bà sống một mình như nhiều người già bên đây nhưng lại lỡ yêu cái không khí đông đúc của một gia đình ba thế hệ người Việt Nam.

Sau tiếng chuông dài không kiên nhẫn của Thu, bà Jane xuất hiện, tóc tai bù xù, mồ hôi tèm lem. Bà ôm chầm lấy cô hôn nồng nhiệt rồi lôi tuột vào nhà. Căn phòng hẹp ở tít trên lầu sáu của bà có tí gió trời nhưng vẫn nóng ran rất khó chịu. Bà đề nghị “Hai đứa mình ra hồ đi! Sẵn tao cho mấy con chim ăn bánh mì vụn luôn!”. Cái hồ nhân tạo nằm trong công viên gần nhà bà Janne vốn rất yên tĩnh vì khu này gần ngoại ô hôm nay đông nghịt, chẳng tìm ra chiếc ghế trống nào. Thu cùng bà vung vẩy vụn bánh mì cho lũ chim xong đành chui vào một bụi cây chật hẹp ngồi trú nắng.

- Thế nào rồi, chuyến công tác của mày tốt đẹp chứ! Tao thèm ăn phở quá mà mày bận rộn không vô quận mười ba với tao được!

- Thì hôm nay đi! Tôi từ Đức sang thăm bà mà, phải rảnh chứ! – Thu hào hứng – Tối tối sáu bảy giờ, mình chờ trời mát một chút.

- Bên Việt Nam ra sao? – Bà Janne quan tâm – Ba mẹ khoẻ chứ? Thằng “Sóc Nâu” ra sao rồi?

- Ừ thì tôi vẫn viết email mỗi ngày – Thu cười nắc nẻ - Ở Việt Nam họ không tưởng tượng được bên đây lại nóng kinh khủng thế này! Chủ nhật vừa qua cả nhà tôi cùng đi Long Hải tắm biển, thằng “Sóc Nâu” lượm để dành cho bà ngoại Janne mấy cái vỏ ốc. Thằng nhỏ khoe học tiếng Pháp có tiến bộ, chừng một thời gian ngắn nữa sẽ viết thư cho bà!

- Trời! Tao nhớ Việt Nam quá! – bà Janne háo hức – Ước gì sang năm tao có thể chuồn về với mày!

Bà già có vẻ đã mỏi lưng, bà nằm lăn ra cỏ mặc những nhánh cây cọ vào chiếc cổ đỏ gay ẩm ướt. Bà khép hờ mắt, mỉm cười vẻ mơ mộng. Thu nghịch ngợm ngắt một bông hoa dại nhét vào miệng bà bạn vong niên “Như thế này nhìn mới lãng mạn, Janne à!”. Cô cũng nằm xuống bên bà, nghe cỏ nhột nhạt dưới lưng và sức nóng mùa hè mơn trớn trên mặt. Bà Janne chợt cất tiếng hát, bài “Cuộc sống màu hồng – La vi en rose” từ thời Edith Piaff. Thu cao hứng hát theo, đôi chỗ lắp vắp vì không thuộc lời. Hai kẻ, một già một trẻ, nằm nghêu ngao hết bài này đến bài khác, những khúc nhạc của một thời xa xưa, khi bà Janne hãy còn là một phụ nữa xuân sắc và Thu chưa sinh ra đời. Cô thấy quả cuộc đời màu hồng dù mới cách đây vài tiếng còn lầm bầm rên trời nóng quá và mấy hôm nay chỉ thấy mình thiệt thòi sinh ra làm người Việt.

- Dạo này tao già đi nhiều phải không Thu? – bà Janne chợt hỏi giọng nuối tiếc – tao thấy mình mệt mỏi, bải hoải chẳng thích hoạt động gì nữa!

- Bà mà rên già chắc tôi sắp chết – Thu thành thật – Bà hơn tôi gần nửa thế kỷ mà lúc nào cũng nhanh nhẹn. Ở bên bà tôi mặc cảm lắm!

- Bà Janne bật cười, khoái chí với câu trả lời của Thu. Bà nhổm dậy, vươn vai hít sâu khoan khoái. Thu còn nhớ lần đầu gặp Janne ở Việt Nam, bà đạp xe mini màu đỏ rực,tóc cột tóc túm bằng dây nơ vải. Lần đó Thu đang chán đời vì xin học bổng đi du thất bại, cô thả dốc trên đường Đồng Khởi và chợt nhận thấy một bà đầm vẻ hớn hở đặc biệt vừa đạp xe vừa hào hứng hát.Vẻ vui nhộn của bà làm Thu thấy ngồ ngộ, cô xáp vào đề nghị “Đua không?” rồi hai người cùng nhấn bàn đạp “đua” cho đến cuối đường bị bến sông Bạch Đằng chắn ngang. Họ quen nhau như thế và chợt nhận ra dường như tuổi tác không là rào cản nếu người ta muốn kết bạn. Bà Janne nói mình du lịch cô đơn, sang đây thuê nhà, mướn xe đạp vòng vòng chơi. Thu mời bà về sống chung với gia đình ba thế hệ của mình rồi tha hồ thực hành tiếng Pháp thoải mái. Mẹ cô hiếu khách mỗi buổi nấu một món ngon đãi Janne, thằng cháu “Sóc Nâu” thích nghe bà dạy hát dù chẳng hiểu tí gì. Một tháng sau, Janne về nước, dặn đi dặn lại hễ sang Paris phải liên lạc với bà.

- Sau chuyến đi công tác mày có định ở lại chơi thêm ngày nào không? – Bà Janne đứng dậy phủi quần hỏi – Tụi mình có thể cùng đi?

- Bà nói phải về miền Nam thăm con trai mà! Tôi rảnh vài ngày, định đi Tiệp Khắc chơi. Bây giờ khỏi cần xin visa.

- Trời ơi, thủ đô Prague đẹp lắm! – Janne xúc động – Tiếc là tao phải về miền Nam thăm con trai thật. Chưa biết chừng nào quay lại Paris. Nhưng mày thì phải tranh thủ đi cho nhiều, thật nhiều. Thế gian này rộng lớn lắm!

Thu gật đầu đồng ý. Hồi đó, cô đã vất vả để xin được suất tu nghiệp ba tháng ở Pháp chỉ để được một lần nhìn thấy Paris. Những ngày đầu bị đồng nghiệp trong công ty đối xử phân biệt, cô chán nản muốn quay về nhưng Janne ngăn lại “Cứ tận dụng dịp này để được đi, được khám phá, được học hỏi những kinh nghiệm quí báu!”. Sau chuyến đó Thu tranh thủ “gặt hái” được những chuyến du lịch bụi bằng xe đò sang các nước láng giềng và về Việt Nam với một niềm tự ti mình sinh ra là công dân của nước nhược tiểu. Đi đến đâu cũng bị cảnh sát biên giới chặn lại, nhìn chăm chăm vào hộ chiếu rồi rà đèn laser xem kĩ visa có làm giả không. Dân Nhật cũng tóc đen da vàng nhưng tụi Tây luôn mở cửa mời chào. Họ vào các trung tâm mua sắm cao cấp, vét hết những hàng hiệu rồi dửng dưng bê những túi xách to khiêu khích ra trong cái nhìn ganh tị của dân da trắng bản địa. Thu thấy mình quá nhỏ bé, cô lầm lũi đi tham quan một mình, vào ngủ nhà trọ và chỉ tiêu thụ bánh mì không trong suốt những chuyến đi dọc ngang các thành phố lớn Châu Âu. Về lại Paris sau những chuyến đi mệt mỏi nhưng hào hứng. Thu được bà Janne hết lòng ngưỡng mộ “Tao tự hào về mày! Nhỏ con, ốm yếu, quặt quẹo mà lết hết các nước như vậy thật là một thành tích lớn!”. Bà Janne không nói quá, lúc mới qua bà rước Thu ở phi trường, trông cô xanh xao kinh khủng. Bà giành xách hết những hành lý nặng nhưng khi xuống hầm xe metro Thu lại nôn thốc nôn tháo do không chịu nổi hơi người và do thiếu không khí. Đến nhà, bà Janne lại khệ nệ rê hết hành lý lên căn nhà trên tầng sáu mà không có thang máy. Dù không đi nổi Thu cũng cố sĩ diện lết tới nơi rồi lăn quay ra giường bà bất tỉnh. Hôm sau dẫn Thu đi thăm tháp Eiffel và cung Sacré Coeur, bà Janne không dùng xe điện ngầm mà cho cô đi xe bus. Thế mà Thu cũng không tránh khỏi bị say xe cứ phải nôn nhiều lần. Lần đó bà Janne cứ ghẹo “Mày đi thăm Paris với những cái bọc nilon”.

Trở về Việt Nam sau chuyến tu nghiệp đó, Thu không nghĩ mình có ngày quay lại Châu Âu nhưng cô lại làm việc cho một tập đoàn của Đức và thường phải đi công tác sang công ty mẹ. Lần này Thu cũng tranh thủ ghé lại Paris thăm bà bạn vong niên của mình. Quả so với cái thời đạp xe trên đường Đồng Khởi giờ bà đã già đi nhiều, tóc rụng nhiều và làn da ngày một nhăn. Tuy thế, lần nào đến phi trường Charles De Gaules, Thu cũng thấy cái dáng tầm thước, khuôn mặt tươi cười và mái tóc bạc lơ thơ của bà Janne đứng đón. Tuổi đã cao, không còn sức giành xách những chiếc vali nặng của Thu, bà thay thế bằng giá kéo gắn bánh xe để vận chuyển dễ dàng. Dáng đi của bà vẫn còn hùng hổ dù lưng có chiều hướng cong lại và lúc nào trông bà cũng có vẻ khoẻ mạnh hơn cô bạn trẻ tuổi người Việt Nam. Mỗi lần gặp lại Thu, bà nhiệt tình nấu nướng, làm bánh tarte nhân táo, pha trà rồi hai người nhâm nhi bàn luận đủ thứ chuyện.

- Mày thấy chưa, lần đầu đi tu nghiệp ở đây mày nói tụi Châu Âu ăn hiếp người Việt Nam, chê tụi bây thụ động, thiếu sáng tạo, không có khả năng phản ứng trước rủi ro. Vậy mà bây giờ mày cứ đi Tây như đi chợ - bà Janne nói liến thoắng – Tao biết mà, tụi da trắng rồi cũng phải nhìn mọi người một cách công bằng. Nền kinh tế ở đây đình trệ rồi, giờ phải đi đầu tư ở các nước đang phát triển thôi. Không tôn trọng người bản xứ thì thất bại là cái chắc!

- Bà nghĩ vậy hả? – Thu e dè hỏi lại.

- Chứ còn gì nữa, bây giờ ở Việt Nam toàn công ty đa quốc gia – bà Janne ra vẻ sành – Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vào loại nhất thế giới!

- Tại tệ quá nên không thể tệ hơn, phải tăng trưởng thôi – Thu bĩu môi – Còn các nước phương Tây đã phát triển đụng trần rồi thì phải đình trệ, nhưng họ sang nước thứ ba đầu tư và rốt cuộc cũng đem lợi nhuận về công ty mẹ.

- Thì sao? Đâu có tiêu cực – bà Janne hớp một ngụm trà lài Thu vừa đem từ Việt Nam sang tặng – Cả hai cùng có lợi, nước mày cũng trở nên năng động hơn, nền kinh tế phát triển hơn, còn tụi trẻ như mày được học hỏi những công nghệ hiện đại.

- Một nền kinh tế thực sự phát triển phải do chính những doanh nghiệp trong nước định đoạt chứ không phải do các nhà đầu tư nước ngoài. Khi nào các công ty Việt Nam ăn nên làm ra lúc đó mới đáng hãnh diện – Thu cố gắng nín cười trước vẻ nghiêm túc của bà già – Mấy công ty nước ngoài vô Việt Nam khôn lắm, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, hất cẳng mấy công ty nhỏ của Việt Nam ra khỏi thị trường nhờ vốn mạnh. Thôi bà ơi, tóm lại dân tôi vẫn còn chịu thiệt lắm!

- Vậy tại sao mày không làm việc cho công ty Việt Nam mà lại làm cho công ty Đức?

- Tại… tôi… đang “nằm vùng”!

Kết thúc những tranh luận của hai người lúc nào Thu cũng bị bà Janne dồn vào thế bí. Dù gì bà cũng hơn cô bao nhiêu tuổi đời và có một vốn kiến thức tổng hợp kha khá. Thời trẻ bà Janne kể mình làm công nhân một hãng dệt, chưa từng vào Đại học và cũng không tham gia một tổ chức xã hội nào. “Nhưng tao hay xem báo chí, nghe đài và thích đi du lịch”. Thu mê cái sở thích “đi thực tế” đến các nước của bà Janne và tự hỏi không biết tiếng Anh làm sao bà xoay xở ở Ấn Độ, Trung Quốc hay Malaysia. Bà cười khà khà nháy mắt tự hào “Vậy mới hay! Tao chỉ bị thổ tả một lần khi uống thứ nước mía ép ở Ấn Độ”. Sau mỗi chuyến đi, bà Janne bê về căn hộ nhỏ như hộp quẹt của mình ở Paris bao nhiêu là sách và những vật phẩm kỷ niệm. “Chúng làm cuộc sống của tao không ngừng tiến về phía trước”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 30-11-2011 01:24:06 | Chỉ xem của tác giả

***

Đã lâu lắm rồi Thu không có dịp đi công tác bên Đức để ghé thăm bà bạn già vui tính của mình. Cô đã chuyển chỗ, sang làm cho một công ty của Mỹ. Lương tăng nhưng áp lực cũng trở nên kinh khủng đến mức nhiều lần Thu muốn tháo chạy. Cô cũng chẳng còn thời giờ viết email dông dài chuyện vớ vẩn với Janne. Tuy nhiên mỗi lần bị sếp nước ngoài o ép, Thu lại nhớ đến bà Janne. Hồi đó khi tu nghiệp ở Pháp bị đối xử phân biệt, cô được bà động viên bằng triết lý “Đời là một cuộc đấu tranh không ngừng! Hãy đấu tranh để chứng minh mình là ai! Hãy đấu tranh để được thế giới công nhận! Và đấu tranh để sánh ngang hàng với các cường quốc!”. Thu đã bật cười trước cái vẻ “đao to búa lớn” của bà già và làm bà “cụt hứng” khi trả lời “Tại bà là người Pháp nên “hô khẩu hiệu” thì dễ lắm!”. Dù thế Thu đã chép lại cái khẩu hiệu đó. Thi thoảng cô mở sổ ra xem và thấy áy náy đã dội nước lạnh vào sự động viên nhiệt tình của bà bạn già.

Sài Gòn lúc này nóng quá làm Thu nhớ đến mùa hè Paris năm nào cùng nằm nghêu ngao hát bên bờ hồ với bà Janne. Cô giật mình nhận ra đã rất lâu không có tin tức gì của bà già vốn rất siêng viết email. Thu gọi điện sang nhiều lần nhưng máy chỉ để lại tin nhắn bà không có nhà. Sốt ruột, cô nhờ một người quen khác ở Paris đến tận nhà xem bà già thế nào.

- Alô! Mày lo cho tao hả? Mày còn nhớ đến bà già này hả? – Cuối cùng bà Janne gọi về, giọng bà tràn đầy niềm vui – Mày sợ tao chết rồi chứ gì? Trời ơi! Hè năm nay còn nóng hơn cái năm mày từ Đức sang Paris thăm tao. Mấy ông bà già bị “quay chín” hết! Ghê quá!

- Bà biến đi đâu vậy hả? – Thu mừng nghẹn giọng – Bà đi du lịch ở nước nào sao?

- Tao về miền Nam thăm gia đình thằng con trai – Giọng bà chùng xuống – tao già rồi, yếu đi nhiều, ở một mình thấy bất tiện quá!

- Chứ còn gì nữa! Làm sao bà leo nổi sáu tầng lầu, rồi đi chợ nấu ăn giặt giũ một mình chứ! Về miền Nam ấm áp ở với con trai luôn đi!

- Đâu được! – Bà cười nghe chua xót – Đâu giống bên Việt Nam. Chắc tao vô viện dưỡng lão quá!

- Ê!- Thu thảng thốt - Nói chơi hoài, bà phải bắt con cái có trách nhiệm chứ!

- Tụi nó không chịu đâu! – Bà Janne buồn bã – Đời sống bên đây vốn như vậy mà!

- Bà phải đấu tranh chứ! – Thu bực bội với vẻ cam chịu của bà bạn già – Đời là cả một sự đấu tranh không ngừng mà! Hãy đấu tranh để con cái hiểu giá trị của một người mẹ như bà. Bà đã bỏ lỡ cả tuổi xuân để ở vậy nuôi con khi bị chồng ruồng rẫy. Bao năm qua bà cũng chu cấp tiền bạc cho con bằng lương hưu khi họ thất nghiệp. Bà phải đấu tranh để họ phải kính trọng mà phụng dưỡng bà vào thời gian cuối đời chứ!

- Thôi đi! Mày nói vậy vì mày là người Việt Nam! – Giọng bà Janne run rẩy – Tao cũng biết sợ chứ! Hồi đó chỉ sợ chết rét vào mùa đông, giờ còn sợ thêm vụ chết nóng vào mùa hè. Nhiều khi đau ốm lúc đêm khuya hay trượt chân té trong nhà tắm là kể như xong. Chết mà chẳng ai hay. Tủi lắm…

Thu nghe tiếng bà Janne khóc nghẹn ngào rồi tiếng “tút…tút” vô cảm từ đầu dây phát ra.

***

Thu trở lại Paris vào cuối năm khi mùa đông đang thổi những cơn gió cắt da luồn lách vào tận những đường hầm xe metro hun hút. Thành phố lạnh lẽo với màu xám ảm đạm làm mọi người co rút lại trong những tầng áo khoác to sụ. Lần này bà Janne với dáng vẻ năng động ngày nào không ra phi trường rước Thu nữa. Cô không cho bà biết tin nhưng khi mở cửa đón cô bạn trẻ từ Việt Nam sang bà lại giận dữ hét “Sao mày không cho tao hay để ra rước! Mày chê tao già yếu đi không nổi hả?” rồi ôm mặt khóc rấm rứt. Phản ứng của bà Janne làm Thu ngỡ ngàng nhưng cô hiểu người già có nhưng tâm sự riêng đôi khi thấy kỳ quặc nhưng lại đáng trân trọng. Cô ngồi xuống vuốt mái tóc bạc lưa thưa của bà Janne, giọng kể lể “Đừng giận! Tôi muốn làm bà ngạc nhiên thôi mà! Tôi đã đi một đoạn đường dài một trăm hai mươi ngàn cây số, ngồi máy bay mười mấy tiếng đồng hồ và phí tổn chuyến đi do chính mình bỏ ra…bà biết để làm gì không? Chỉ để được nhìn thấy bà, được bà nấu cho ăn những món ăn Pháp, được cùng bà vào quận mười ba ăn phở, được thấy bà vui vẻ lấy phim hài của Louis De Funes cho tôi xem”. Bà Janne càng khóc to hơn nữa, đầu bà chúi vào lòng Thu và cô chợt nhận ra bà thật nhỏ bé. “Tao thương mày lắm, Thu ơi! – Bà già nức nở khóc không cần che dấu cảm xúc – Con tao chẳng bao giờ đi thăm tao cả! Mùa hè chúng nó đi du lịch nước ngoài, mùa đông chúng nó đi trượt tuyết…hu hu hu”. Thu nhớ mới vài năm trước thôi, khi lần đầu sang Pháp tu nghiệp, chính cô ngồi chúi vào lòng bà Janne, cũng trong căn hộ nhỏ bé này, tủi thân chảy nước mắt tâm sự “Làm người Việt thiệt thòi quá, đi đâu cũng bị người ta khinh thường”. Khi đó bà chẳng vuốt tóc an ủi cô như bây giờ cô đang làm với bà mà dõng dạc hô khẩu hiệu “Đời là cả một cuộc đấu tranh không ngừng!”

Đêm đó hai người ngủ chung giường, chiếc giường nệm trong phòng mà mỗi lần Thu qua bà Janne hay nhường rồi ra phòng khách ngủ trên ghế sofa. Giờ bà ốm đi nhiều, da mềm nhão ra và mắt đã có một màn sương bao phủ. Hai người nằm chung vẫn rộng. Thu bóp chân cho bà, cảm thấy những bắp thịt tỏa ra sự mệt mỏi. Bà Janne kể giờ bà ngại leo cầu thang lắm, cái chung cư này xây từ mấy chục năm trước, từ thời bà còn làm công nhân hãng dệt. Khi đó không ai nghĩ đến lúc người ta cũng phải chồn chân mỏi gối.

- Công việc mày dạo này thế nào? – Bà Janne chuyển đề tài – Tụi Mỹ trả lương cao không mà dám bỏ tiền sang Paris thăm tao vậy?

- Cũng tạm! – Thu nhấm nhẳn – bán sức lao động lúc nào cũng thiệt thòi hơn mua.

- Các công ty nước ngoài vào Việt Nam còn bày đặt thực dân, phát xít hay đế quốc nữa không?

- Thật ra họ không thực dân, cũng chẳng phát xít nếu mình đừng để họ có cơ hội đó – Thu bật cười vì cái vẻ quan tâm vừa chân thành vừa ngây ngô của bà già – Giờ tôi đã biết cách làm thế nào để theo kịp những yêu cầu cao trong công việc của họ. Mệt thiệt, nhưng đó là cách duy nhất để họ tôn trọng mình.

- Người Việt tụi bây rồi cũng được phương Tây tôn trọng thôi. Nước tụi bây rồi cũng tới lúc phát triển ngang với các nước khác thôi. Nhưng đừng để giá trị truyền thống mất đi. Đừng để năm mươi năm nữa mày trở thành một bà già bị con cái từ chối chỉ còn nước vào viện dưỡng lão sống giữa những người già lú lẫn với nhau.

- Thôi ngủ đi – Thu không muốn nghe đề tài này – Tôi mệt rồi!

Dù cố tránh, nhưng suốt những ngày Thu ở cùng bà Janne, có dịp là bà nhắc đến tương lai u ám đến lúc không còn đủ sức tự chăm sóc bản thân phải vào viện dưỡng lão. Một lần đi cửa hàng mùa Giáng sinh, thấy bà Janne tỉ mẩn lựa quà cho đầy đủ con cháu không sót một ai rồi hăm hở ra bưu điện gửi, Thu phát sốt hỏi “Bà vẫn thương họ đến thế sao? Con cháu bà đối xử tệ với bà quá mà!” Bà Janne cười, một nụ cười rộng lượng đến mức làm Thu kinh ngạc “Đừng trách chúng nó! Sống trong xã hội hiện đại này, được giáo dục bằng một nền văn hóa tôn trọng tự do cá nhân, ai cũng cư xử với cha mẹ già thế thôi. Tại tao du lịch nhiều sang các nước Á Châu, lại từng sống với gia đình ông bà cháu chắt quấn quít nhau của mày bên Việt Nam nên mới bày đặt phiền muộn! – Bà Janne nắm tay cô bạn trẻ chân tình – Mà Thu à, khi nào mày có con thì sẽ hiểu. Dù nước giàu hay nghèo, dù da trắng hay đen, dù văn hóa khác nhau đi nữa thì các bà mẹ trên đời này cũng thương con cháu mình mà không bao giờ mong đền đáp”. Thu chán nản gạt tay bà ra “Dạo này bà già thật rồi đó, lúc nào cũng triết lý một cách thụ động. Tôi khoái cái khẩu hiệu “Đời là cả một sự đấu tranh không mệt mỏi” của bà hơn.”

Bà Janne tiễn Thu về lại Việt Nam khi đã sang năm mới được vài ngày. Cô không muốn bà ra phi trường trong cái lạnh thấu xương, nhưng bà nhất định phải đi. Nắm mãi tay Thu không muốn rời, bà thật tình nói “Chắc khi mày có dịp trở sang Paris thì tao không còn ở nhà cũ nữa. Tao chẳng thể tiếp mày, nấu ăn cho mày được đâu. Khi đó mày vào viện dưỡng lão thăm tao nhé!”. Thu nhăn nhó vào phòng cách ly nhìn bà Janne nước mắt ròng ròng chôn chân không chịu rời bước. “Về nhà đi! Về đi! – cô vẫy tay xua – Có một lá thư dưới gối dành cho bà! Về đọc đi rồi trả lời sớm nhé!”

Trên máy bay Thu mỉm cười lau nước mắt nghĩ đến cảnh bà bạn già mở thư cô ra đọc. Bà sẽ ngồi bó gối, trông thật nhỏ bé trên giường rồi từ từ lướt mắt qua các hàng chữ “Janne thương yêu, bà đã dạy tôi phải luôn tranh đấu. Và rồi tôi đã phần nào thành công trên con đường nghề nghiệp của mình. Cũng như bà, tôi yêu bài hát “Cuộc sống màu hồng” và thích những bộ phim hài vui nhộn của Louis De Funes với kết thúc luôn có hậu. Vì thế tôi không ưa viễn cảnh sang Paris khi bà đã vào viện dưỡng lão. Bà rất thích không khí gia đình ba thế hệ của chúng tôi phải không? Bà có muốn cùng mẹ tôi sáng sáng tập dưỡng sinh, trưa nấu ăn cho bọn trẻ và tối đến thì trông nom thằng “Sóc Nâu” học tập cho đàng hoàng? Gia đình tôi đã bàn bạc rồi và quyết định mời bà hãy cùng đến Việt Nam sống chung mái nhà với chúng tôi…”

Có thể bà Janne sẽ không rời được nước Pháp, có thể bà không xa được nơi con cháu mình đang sinh sống, cũng có thể bà cân nhắc không thuận tiện lắm khi phải trải qua những ngày cuối đời xa Tổ quốc. “Nhưng dù bà chọn cách nào – Thu hài lòng nhắm mắt lại suy tư sau khi đã cài dây an toàn – bà giờ sẽ có một niềm tin vào những giá trị gia đình mà không một xã hội hiện đại nào có quyền phá vỡ”.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 30-11-2011 01:27:01 | Chỉ xem của tác giả
Câu chuyện thứ 4: BONG BÓNG MÙA MƯA

Dạo đó vào đầu mùa mưa, bầu trời lúc nào cũng xám xịt với những cơn mưa như trút và đường phố ngập lụt mênh mông. Lần đầu tiên gặp Lan, Du không có cảm tình với cô. Lan ngồi trong ban sát hạch tuyển nhân viên, bên cạnh ông giám đốc Kinh Doanh – Tiếp Thị hói đầu người nước ngoài trông rất thực dân và ông Tổng giám đốc cũng người nước ngoài có vẻ điềm đạm nhưng bí hiểm. Trong lúc Du bị “quay” tơi tả, cổ họng khô khốc và mồ hôi đầm đìa dù đang trong phòng máy lạnh, Lan không hỏi anh câu nào, chỉ im lặng cười lạnh lùng và nhìn anh chán nản. Khi ra về, chạy xe cùng cơn mưa chiều xối xả, Du cầm chắc thất bại không chen nổi vào công ty đa quốc gia này. Trải qua vài lần chuyển chỗ làm bằng cả hai mô hình “tự nguyện” và “bán tự nguyện”, anh lại quyết định tìm cơ hội mới. Khi nghe Du báo tin này, mẹ anh buồn bã lắc đầu “Thanh niên bây giờ cứ nhảy hoài không mệt!”. Tuy nói thế, nhìn Du trở về từ những cuộc phỏng vấn cùng cơn mưa đầu mùa, bà động viên liên tục “Thời buổi ganh đua bây giờ, không tự tìm đường ra đi cũng bị họ chèn ép!”

Hai ngày sau buổi phỏng vấn chỗ Lan, không ngờ Du được gọi đi làm. Hẳn ông Tổng giám đốc, người có vẻ dễ chịu nhất ngày hôm đó đã quyết định tuyển Du với vị trí “phụ trách đào tạo” cho bộ phận Kinh Doanh và Tiếp Thị dù anh nộp đơn cho vị trí “phụ trách sản phẩm”. Những ngày đầu đi làm, anh rất ngại đụng mặt Lan, sếp trực tiếp của mình. Du cố gắng siêng năng đi sớm về trễ, không nề hà đi công tác tỉnh như con thoi. Công việc của anh vừa bám theo đội ngũ bán hàng ngoài thị trường để hiểu công việc, vừa soạn giáo án để đào tạo cho họ những kỹ năng cần thiết. Trong những lần cùng đi thực tế với nhân viên tiếp thị, Du thấy họ dành cho Lan nhiều tình cảm và hết sức ngưỡng mộ cô. Họ cho anh biết Lan là gương thành công cho nhiều người bởi tính năng động, cầu tiến và nhiệt tình trong công việc. Tuy nhiên, điều làm Lan trở nên thân thương là cô sống rất thật tình.

- Sếp Lan chịu khó hỗ trợ nhân viên lắm – chị Tâm, tổ trưởng bán hàng ở Cần Thơ thân thiện – Em được làm việc trực tiếp với Lan sau này thể nào cũng giỏi.

- Thật sao? – Du buột miệng – Thấy cô ta lạnh lùng, phách lối lắm!

- Em mới vô mà! – chị Tâm cười thấu hiểu - Ở đời tưởng vậy mà hổng phải vậy!

Sau những đợt công tác, về lại văn phòng Sài Gòn, Du bình tĩnh ngắm lại sếp. Cô chưa đến ba mươi, còn quá trẻ cho chức vụ giám đốc Kinh Doanh với hai trăm nhân viên trên toàn quốc. Vậy mà dù tất bật, bận rộn và chịu nhiều áp lực, hiếm khi nào thấy cô căng thẳng. Ngay cả khi Lan tỏ vẻ than thở “stress quá!”, mọi người vẫn thấy cô tươi cười. Lan rất thân với các sếp nước ngoài, cô cười đùa, cùng đi ăn trưa và là cánh tay mặt của họ trong công việc. Có thể cô giỏi, nhưng Du chưa thấy phục. Chẳng qua cô có thể có một dáng vẻ hợp “gu” Tây: chân dài, người mảnh mai, da ngăm đen, mắt xếch, gò má cao và trông hơi hô. Khi nghe Du tả, mẹ anh kinh ngạc “Sao có người xấu dữ!”. Du bật cười, biết mình không công bằng. Lan không xinh nhưng thật có duyên nhờ vẻ hài hoà từ những “đề phô” và nụ cười luôn chực trên môi. Tuy thế, Du chưa bao giờ có cảm tình vì chẳng nhận được sự hỗ trợ nào ngoài những yêu cầu có vẻ trịch thượng “Anh đi công tác thế nào, về phải làm báo cáo chứ!”, “Anh báo cáo như vậy sao được, sơ sài quá!”, “Anh làm lại báo cáo đi, dài dòng kể lể như vậy làm sao Lan có thời giờ đọc!”, “Báo cáo anh Du viết không mạch lạc, không theo trình tự logic nào hết!”, “Vị trí của anh là phụ trách đào tạo mà viết một báo cáo không suôn thì đào tạo ai?”. Sau khi sửa tới sửa lui bản báo cáo đầu tiên của mình mà vẫn chưa vừa lòng sếp, Du hỏi:
- Thật ra thì cô muốn gì?
- Muốn anh Du viết một bản báo cáo hoàn hảo – Lan cười hồn nhiên trước vẻ mất bình tĩnh của anh.
- Cụ thể là gì? Bao nhiêu trang? Bao gồm mấy phần? Phần nào cô quan tâm nhất? Viết theo kiểu gì?

Cô cười, lần lượt trả lời những câu hỏi của anh. Du lại tiếp tục làm bản báo cáo, nguyền rủa tất cả những ai đàn bà làm sếp. Khi anh nộp lại, lòng hồi hộp, lần này nếu Lan bác bỏ, anh nghĩ mình không “thọ lâu” được ở đây.
- Khá lắm! – mặt sếp dãn ra – Có vậy mà phải làm tới làm lui mới đạt.
- Nếu ngay từ đầu cô cho tôi biết những yêu cầu cụ thể, tôi đã hoàn thành từ sớm – Du bực, nói khá gắt.
- Sao anh không hỏi? – Lan nhướng đôi mắt vốn đã xếch của mình – Làm sao Lan biết anh cần cái gì?

Khi anh kể mẹ nghe, bà cười lớn “Tội nghiệp con trai!”. Sau lần “đụng độ” đầu tiên đó, anh tiếp tục còn nhiều va chạm với sếp dù vẫn nhận ra mình là người thừa kiêu hãnh nhưng lại thiếu tự tin. Nếu Lan là đàn ông, hẳn anh không “lên gân” như vậy. Hết thời gian thử việc, làm hợp đồng chính thức, Tổng giám đốc gọi anh vào phòng nói chuyện. Ông khen anh nhiệt tình, chịu khó cống hiến, dù còn chưa thật sự chuyên nghiệp. Nghe anh cảm ơn đã tuyển dụng, ông cười lớn:
- Hãy cảm ơn Lan, cô ta thuyết phục tôi đó chứ!
- Sao? – Anh chưng hửng.
- Hôm phỏng vấn cậu không tự tin lắm, cũng không nêu lên được động lực cá nhân trong nghề nghiệp – Tổng giám đốc cười thân thiện – Lúc đó tôi chỉ thích tiếng Anh trôi chảy của cậu. Nhưng Lan tin rằng đằng sau vẻ rụt rè là tinh thần cầu tiến. Cô ta công nhận cậu chưa nhiều kinh nghiệm cọ xát thực tế để đảm nhận chức “phụ trách sản phẩm” nhưng thừa năng lực làm đào tạo, Lan hay nói “Đàn ông Việt Nam kiêu hãnh nhưng yếu đuối!”. Một năm nay ở đất nước này, tôi thấy đúng. Tôi thích tuyển phụ nữ làm việc hơn! Dù có vẻ bất tiện khi họ mang thai và nuôi con nhỏ, nhưng họ có tinh thần trách nhiệm cao và chịu áp lực rất tốt. Như Lan đó, quả là một nhân viên vàng của công ty!

Du bước ra khỏi phòng Tổng giám đốc khi ông vẫn còn hào hứng ca ngợi Lan. Khuya đó anh đi công tác cùng cô tận xuống Kiên Giang. Mẹ mở cửa tiễn, Lan bước xuống chào, nhìn anh ấm áp “Sướng quá! Con trai được cưng ghê!”. Lên xe cô mở túi lấy tấm mền bảo Du đắp rồi nói như ra lệnh “Ngủ đi!”. Tờ mờ sáng, xe dừng lại quán phở bên đường, cô bảo anh xuống điểm tâm. Nhìn cô thoải mái ăn tô phở “bụi”, tự nhiên Du thấy bớt ác cảm.
- Anh Du là con một phải không? – Lan đột ngột hỏi.
- Không phải – Du chối.
- Phải! – Cô cười – Làm con một có gì ngại mà giấu! Được mẹ thương cũng đáng tự hào!
- Sao cô biết? – Du cười gượng.
- Lan biết về anh nhiều hơn là anh tưởng! – Lan cười to sảng khoái.
- Tôi cũng biết về cô nhiều hơn cô tưởng!
- Chưa chắc! – Lan lắc đầu – bất quá cũng chỉ thu thập thông tin từ mấy nhân viên tiếp thị. Những điều đó, cả công ty này đã biết!
- Cô có nghĩ cô là một người kiêu hãnh? – Du nói nước đôi.
- Anh không kiêu hãnh sao? – Lan cười chớp mắt hỏi lại.
- Tôi ngưỡng mộ câu trả lời của cô bằng một câu trả lời khác!
- Tại sao không?
- Cô đáng làm sếp tôi! – Anh cười không được tươi lắm.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 30-11-2011 01:28:09 | Chỉ xem của tác giả
Lần đi công tác đầu tiên với Lan làm anh gần như kiệt sức. Anh không hiểu một cô gái mảnh mai như cô lấy đâu ra sức để làm việc ngoài đường cùng đội ngũ Tiếp Thị suốt mười mấy tiếng đồng hồ và trên xe kịp làm báo cáo bằng máy tính xách tay để hôm sau có đủ số liệu trao đổi với các sếp lớn. Sức làm việc của Lan bằng mấy người gộp lại nên với ai cô cũng yêu cầu cao. Anh thôi không ấm ức, càng làm việc chung càng khâm phục tính chuyên nghiệp của sếp.

Một lần cùng đi công tác, đang ngồi trong quán cơm vỉa hè ở Nha Trang, Lan nhận được điện thoại người ta đòi “săn đầu người”.
- Không biết chừng nào tôi mới được “săn” như cô? – Du nói như một lời khen.
- Lại kiêu hãnh nhưng thiếu tự tin nữa rồi! – Lan cười, mắt ánh lên vẻ diễu cợt.
- Thế phải làm gì để tự tin?
- Có nhiều kinh nghiệm!
- Làm gì để có nhiều kinh nghiệm?
- Dấn thân!

Lan nhìn Du, thấu hiểu nỗi mặc cảm của anh. Du chợt nhận ra mình đặt cho cô những câu hỏi quá sơ đẳng như một kẻ ngây thơ xuẩn ngốc. Trời đột ngột đổ mưa, thật lớn. Ngoài kia biển và trời hoà lẫn với nhau thành một màu xám nhạt. Lan để mặc sự im lặng nặng nề xâm chiếm hai người một lúc lâu. Khi những chiếc bong bóng nước xuất hiện báo hiệu cơn mưa chiều chưa vội chấm dứt, cô đều giọng “Anh không thích tôi phải không?”, rồi không chờ câu trả lời, cô tiếp “Nói đúng ra là anh không thích sự thành đạt của tôi, phải không?”. Du nhìn sếp, chợt nhận ra cô quá mảnh mai. Những hạt mưa theo gió hất vào bám trên đôi cánh tay thon làm cô có giáng điệu co ro. Lan không nhìn người đối diện, cô ngắm những chiếc bong bóng vỡ tan “Tôi thích làm việc với người phương Tây, họ luôn công bằng khi đánh giá phụ nữ. Thế nhưng nhiều đồng hương lại ác cảm với những gì tôi đạt được!”. Lan đứng dậy bước ra sát màn mưa, anh thấy đôi vai của cô thật gầy.
- Gia đình tôi có một xí nghiệp dệt và tôi biết tìm hiểu cách quản lý lúc còn rất nhỏ. Khi xưởng dệt không còn thu hút, tôi được ba gởi đến thực tập ở những doanh nghiệp khác. Rồi tôi đi du học và làm việc cho nhiều công ty nước ngoài. Tôi mang ơn gia đình mình. Vì thế tôi rất có cảm tình với những ai có một gia đình hạnh phúc. Khi được thương yêu, người ta sẽ thành công mà không cần bỏ mất những giá trị căn bản. Đó là lý do tôi thành đạt khi còn quá trẻ. Anh hết thắc mắc chưa?
- Tôi…- Du bối rối.
- Dạo mới vào công ty, nhiều người có thành kiến với tôi lắm. Thành đạt thì dễ mà được mọi người thương mến sao khó vô cùng – Lan nhìn anh chân thành – Làm sao phải vừa lòng cấp trên mà không mích lòng cấp dưới. Nhiều lúc chỉ muốn buông xuôi tất cả. Mẹ tôi cũng hỗ trợ tinh thần giống trường hợp mẹ anh và anh vậy.

Du đỏ mặt tự hỏi lẽ nào cô biết những trò chuyện của anh và mẹ. Rồi thế nào sau chuyến công tác này anh cũng phải nhờ bà tư vấn khi Lan đột ngột thú nhận “Lan cần tình thân ái của anh!”

                                                                      ***

Cuối năm, khi những cơn gió se lạnh tràn về, mọi người trong công ty đều bận rộn với những bản báo cáo tổng kết. Có một vài xáo trộn nhân sự quan trọng: Ông giám đốc “Kinh Doanh và Tiếp Thị” đầu hói người Châu Âu đã mãn nhiệm kỳ, người thay thế đến từ Thái Lan. Ông Tổng giám đốc gọi Du vào phòng riêng. Lan đã có mặt ở đó. Ông nói sau hai năm làm việc rất năng động và hiệu quả, công ty quyết định bổ nhiệm Du vào vị trí giám đốc Kinh Doanh, vị trí Lan đã đảm nhận từ hơn ba năm nay.
- Lan tiến cử anh – Tổng giám đốc chờ đợi một lời cảm ơn – Và tôi đồng ý ngay tức khắc!
- Vậy còn Lan, cô ta sẽ làm gì? – Du hỏi bằng một giọng lo lắng.
- Lan sẽ sang Philippines theo điều động của tập đoàn, làm việc nhiệm kỳ ba năm – Tổng giám đốc tự hào – Cô ta rất xứng đáng!

Du xin mọi người cho anh thời gian suy nghĩ trước khi quyết định. Điều này làm phật lòng ban giám đốc. Lan đuổi theo anh đến phòng làm việc, cô hỏi không ngần ngại “Du sợ phải không?”. Hai năm cùng làm việc đủ để cô và anh có thể trao đổi những điều thẳng thắn. Anh không trả lời, lòng buồn bã. “Du không tự tin đảm nhận vị trí này? – Lan không còn bình tĩnh – Trước kia phải là người nước ngoài hay ít nhất là Việt kiều mới làm nổi. Từ ngày Lan làm tốt, tập đoàn đã quyết định để người Việt Nam tiếp tục đảm trách. Anh mà từ chối, họ coi người Việt mình ra gì?”. Du không trả lời cô, anh hỏi lại “Lan đi Phillipines làm việc thật sao?”. Cô cười gật đầu, mãn nguyện nói niềm ao ước được làm quản lý ở nước ngoài giờ đã thành hiện thực. Tại sao người Việt mình phải mặc cảm để người nước ngoài đến quản lý, người Âu Mỹ đã đành, cả dân Châu Á trong vùng cũng được coi trọng hơn Việt Nam. Công nhận họ hơn ta, nhưng mình không học hỏi để vươn lên thì mặc cảm hoài có ích gì, chỉ càng làm mình yếm thế hơn mà thôi. Du đột ngột gắt “Đừng lên lớp tôi nữa!”

Ngày công ty mở tiệc tiễn Lan sang Phillipines, Du không đến dự. Anh bỏ đi công tác ở Nha Trang ngay sau khi nhận quyết định bổ nhiệm vị trí mới. Ngồi trong quán cơm ngày trước giờ đã nâng cấp lên thành nhà hàng, anh cay đắng nhớ đôi vai gầy cùng dáng điệu co ro rồi tự hỏi ở cái xứ toàn đảo ghép lại ấy có nhiều mưa cùng những chiếc bong bóng dễ vỡ?

Rời Nha Trang, Du đi thẳng xuống Cần Thơ không ghé qua Sài Gòn. Chị Tâm đón anh nói bâng quơ “Hôm nay Lan bay!”. Anh nhún vai thờ ơ “Phụ nữ gì chỉ lo làm việc, chừng nào mới lập gia đình! Rồi thể nào cũng lấy một người chồng ngoại quốc!”. Chị nhìn anh, thấu hiểu “Không người Việt nào dám yêu thì để người ta lấy nước ngoài chớ!”. Du trả lời vô cảm “Ai dám rước phụ nữ làm sếp về nhà?”, rồi rũ vai bỏ đi. Anh còn kịp nghe tiếng chép miệng của người đồng nghiệp lớn tuổi “Ở đời, nhiều khi nói vậy mà hổng phải vậy!”. Trời lại đột ngột đổ mưa…

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 30-11-2011 01:30:14 | Chỉ xem của tác giả
Câu chuyện thứ 5 : HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ

Trong đời, có những khoảng thời gian tuy không dài nhưng lại làm cho người ta trưởng thành hơn rất nhiều so với những năm tháng lê thê không biến động.Trong hai năm ngắn ngủi du học tại vương quốc Anh, một đất nước cổ kính nổi tiếng về giáo dục ở Châu Âu, Liên đã học được cách nhận ra mình, biết được dân tộc mình nằm ở đâu trong tâm trí bạn bè năm châu và đất nước mình hiện hữu ra sao trên bản đồ thế giới. Cô đã bỏ được thói đỏng đảnh đem đạo đức và những giá trị truyền thống ra đánh giá tất cả mọi sự việc. Rốt cuộc, Liên hiểu rằng chẳng có một thước đo giá trị nào được xem là chuẩn mực khi thế giới ngày càng có vẻ xích lại gần nhau nhưng tình bằng hữu giữa các dân tộc lại có vẻ xa ra hơn và khoảng cách giàu nghèo càng trở nên thăm thẳm. Ngay cả trong cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài và trong nước đã không cùng một tiếng nói. Liên nhớ khi bọn sinh viên vào một quán karaoke nhỏ mang tên “dân tộc” của một Việt kiều, những người đàn ông đáng tuổi cha chú lại cười hô hố rất khiêu khích “Chào các đồng chí!”. Rồi khi một bạn gốc Bắc chọn bài “Lên đàng”, âm thanh bị chỉnh phá một cách quá quắt, Liên bất mãn nghe họ la to “Quậy cho tụi cộng sản con hết hát!”. Và thật buồn cười, ngay chính những người trẻ ra đời khi đất nước thống nhất cũng gờm nhau mà phân biệt vùng miền. Liên ngại qua lại với những ai nói tiếng Việt dù họ định cư lâu năm tại nước ngoài hay cùng là dân trong nước sang du học như cô. Liên cũng không tự tin giao tiếp với những người da trắng đến từ các nước tiên tiến vốn chẳng biết Việt Nam nằm đâu và tự hỏi chiến tranh có còn tiếp diễn. Cô chơi với những người bạn đến từ lục địa đen và yêu tính hồn nhiên như trẻ thơ của họ. Với họ, mọi giá trị đều mang nghĩa tương đối và họ chấp nhận cuộc đời như nó vốn có với đầy đủ hỉ nộ ái ố, với những điều tốt đẹp và những trò xấu xa, với những phút vui sướng và những giờ khổ đau. Những người bạn Châu Phi có màu da không sáng sủa đó rất biết cách tận hưởng cuộc sống vào mỗi giây phút họ hiện hữu để không bao giờ phải hối tiếc về sau. Và, Liên thấy họ là những người hạnh phúc nhất trong ngôi làng thế giới nhiều giống dân, mãi mãi tồn tại những bất công và mâu thuẫn này.

Về Việt Nam, Liên đi xin việc rất chật vật vì bằng cấp tỉ lệ nghịch với kinh nghiệm. Làm nhân viên quèn quá phí mà làm trưởng phòng thì chưa đủ kinh nghiệm, chẳng công ty lớn nào dám nhận Liên cả. Cô nhớ trường hợp chị Cầm tình cờ gặp trên xe lửa trong thời gian du học. Chị nói mình có bằng thạc sĩ, đã từng làm ba năm với cương vị giám đốc sản phẩm cho một công ty hàng tiêu dùng đa quốc gia, sau khi lấy chồng là một Việt kiều, sang bên này chị không sao xin được việc. Chẳng công ty lớn nào dám giao vị trí manager cho một người từ Việt Nam sang như chị, họ cũng không muốn tuyển chị vào những vị trí nhân viên thường sau khi đọc cái sơ yếu lí lịch quá ấn tượng. Họ không muốn phí tiền mua một thanh gươm báu cho việc cắt bánh mì. Thế là chị Cầm thất nghiệp mười tám tháng trời ròng rã dù cố gắng đi xin việc mờ mắt. Nhưng lòng kiêu hãnh khiến chị nhất định không cam lòng bỏ bớt đi bằng cấp và khai gian mình chưa từng được làm quản lý. Không muốn rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như chị, Liên bắt chước cách sống “thuận theo tự nhiên” như những người bạn Châu Phi, cô quyết định dấu bớt mảnh bằng cao nhất thì đột nhiên một công ty Việt Nam gọi đi làm với chức manager dù rằng nhìn vào bản mô tả công việc Liên thừa biết đó chỉ là hữu danh vô thực. Cô thấy tội nghiệp cho Hà, một cô bé sinh viên người Hà Nội, bị gia đình có truyền thống trọng bằng cấp ép sang du học dù sức Hà không kham nổi. Năm này qua năm khác cô bé rớt lên rớt xuống thiếu điều muốn tự tử nhưng cha mẹ nhất định không cho về. Họ đã giành giật để cho con suất học bổng toàn phần, giờ dù có phải bán nhà để Hà tiếp tục ở lại bằng chi phí tự túc họ cũng cam, miễn cô bé đem về trình cho họ tấm bằng Đại học cấp từ một trường Châu Âu. Liên viết email sang kể tình trạng xin việc khó khăn của mình, khuyên Hà xin gia đình thương tình cho về nước. Có học bổng như Liên còn thấy tiếc huống hồ Hà phải chịu áp lực cha mẹ bán nhà cho mình học để rồi khi về Việt Nam tuổi đã lỡ dỡ, kinh nghiệm không có, xin việc gian nan. Hà nhận được tin Liên bèn trả lời ngay qua điện thoại đường dài “Chị ơi, bố mẹ em biết hết tình hình, giờ ở Hà Nội các thạc sĩ, tiến sĩ du học về đông như kiến. Họ cũng chỉ trở thành công chức quèn sáng cắp ô đi chiều cắp ô về hay tột đỉnh vinh quang là làm giáo sư Đại học với đồng lương chết đói và sống trong một cơ chế nặng nề. Nhưng mà thế đấy! – Giọng Hà vừa phẫn nộ vừa cam chịu – Thà em chết dí ở bên Tây chứ bố mẹ không cho em về tay không. Khác nào em bị đày biệt xứ hả chị?!”.

Liên đi làm vui vẻ được mấy ngày đầu rồi chua chát nhận ra ông sếp trực tiếp có một mặc cảm tự ti sâu sắc với kiến thức của nhân viên trẻ nên lúc nào cũng hờn dỗi “Tôi đâu được học bên Tây, đâu thông thái bằng cô mà dám ý kiến ý cò…”. Hết mát mẻ ông trưởng phòng chuyển sang nóng nảy “Cô tưởng cô là ai? Tổng giám đốc tuyển cô vào chỉ muốn đem bằng cấp cô ra loè khi có đối tác nước ngoài đến làm ăn. Cô học cao thật nhưng ở cái trường bên Tây đó người ta không dạy cô nghệ thuật sống. Cô có muốn tôi tặng cô cuốn “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie viết không? Công ty tôi chỉ có một cuốn sách giáo khoa duy nhất là “Đắc nhân tâm”, thế mà tôi thành công thế này đây!”. Liên không nghi ngờ sếp về chuyện này. Ông chỉ có bằng Đại học hệ tại chức và mấy lần nộp đơn xin học bổng du học của cơ quan đều thất bại. Ông dán đầy bàn làm việc những điều hay ho trích ra từ “sách giáo khoa” như “Kẻ làm quấy oán trách đủ mọi người mà không bao giờ oán trách mình cả”, “Đừng tiếc lời khen vì những lời đó ta có thể sẽ quên đi nhưng người được khen sẽ hoan hỉ suốt đời!”, “Cách hay nhất để thắng mọi cuộc tranh biện là tránh hẳn nó đi!”, “Phải tôn trọng ý kiến của người khác, đừng bao giờ chê ai là lầm hết!”, “Licoln nói: “Ruồi ưa mật! Nên ôn tồn, ngọt ngào, không nên xẵng!”…Liên đồng ý hết những lời hay ý đẹp nhằm đắc nhân tâm của trưởng phòng nhưng kinh sợ cái cách ông ta thực hành ngược lại. Chẳng nhân viên nào chịu nổi những vô lý của sếp và cách xử sự vấn đề mâu thuẫn với chính cá nhân ông. Ông bắt mọi người chiều theo ý kiến mình dù ngay bản thân cũng chưa bị thuyết phục để rồi thay đổi xoành xoạch và cuối cùng giành lấy giải quyết một mình, không quên chì chiết nhân viên thật tồi tệ. Liên nộp đơn đầu hàng khi hết hạn thử việc. Trưởng phòng gọi vào, giọng kẻ cả: “Em xử sự thế là đúng!”. Lần đầu tiên Liên thấy ông đồng ý với mình. Sếp nói tiếp, giọng làm bộ ngọt “Em có muốn chúng tôi giới thiệu làm việc chỗ khác không? Chúng tôi quen biết nhiều, sẽ giúp em. Có thể ở chỗ khác em phù hợp hơn chăng?”. Liên không phải “ruồi” nên chán ngán miếng “mật” ông ta chìa ra. “Cảm ơn! Em không dám làm bận tâm anh những chuyện nhỏ nhặt như vậy! Dù sao cũng rất mang ơn anh đã chỉ cho em biết cuốn “Đắc nhân tâm” hay đến thế nào và thực hành nó một cách tối ưu ra sao!”. Không nhận biết những lời bóng gió, sếp chìa tay ra bắt, tiễn Liên đi vui vẻ. Vĩnh biệt những người sếp tự ti trong những cơ quan đầy mặc cảm.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 30-11-2011 01:31:39 | Chỉ xem của tác giả
Cuối cùng sau bốn tháng nằm nhà, Liên vào được một công ty đa quốc gia sản xuất và kinh doanh các mặt hàng sữa với chức danh “phụ trách đào tạo” thuộc phòng nhân sự. Dù không mấy thích công việc này nhưng cô biết đây là cơ hội cho một người thiếu thực hành thừa lý thuyết như mình. Liên nhiệt tình cố gắng làm tốt công việc để chứng tỏ bản thân và được Ban giám đốc hỗ trợ dù những khó khăn từ sự đố kỵ của đồng nghiệp không ít lần làm cô thất vọng. Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp Liên như được trở về với không khí năng động thời du học bên Anh. Cô hiểu ra trước kia mình thật không công bằng khi trách những trí thức trẻ du học về không làm việc trong công ty Việt Nam mà thích đầu quân vào những công ty đa quốc gia. Cô đã thiển cận nghĩ họ chỉ bị thu hút vì lương cao. Thật ra môi trường chuyên nghiệp mới là miền đất hứa cho những người trẻ nhiều hoài bão. Tiếc là những viên gạch mình xây đắp mỗi ngày không phục vụ trọn vẹn cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Làm việc được hơn một năm, Liên được thuyên chuyển sang bộ phận Marketting, làm “giám đốc sản xuất” cho một nhãn hàng mới về sữa bổ xung canxi cho trẻ em đang lớn. Lương cô được tăng lên gấp đôi và trước khi chính thức bắt tay vào vị trí mới, Liên được sang công ty mẹ tại Thụy Sĩ học nghề trong hai tháng. Trở lại Châu Âu sau gần ba năm xa cách, cô ngỡ ngàng nhận ra trong suốt thời gian đó hầu như Châu Âu không thay đổi gì so với tốc độ xây dựng chóng mặt ở Việt Nam. “Quả thật nước mình đang trong giai đoạn thay da đổi thịt hằng ngày”, Liên vui vui nghĩ. Từ Thụy Sĩ nhân một kỳ lễ kéo dài nhiều ngày, Liên lấy vé máy bay sang Anh thăm ký túc xá cũ ở Birmingham – nơi kỷ niệm thời du học vẫn ùa về trong từng giấc mơ hằng đêm.

Đầu thu lá vàng rơi vô lối xuống những con đường hẹp của thành phố cổ kính và đã xuất hiện những cơn gió cắt da thi thoảng làm rùng mình khách bộ hành. Kéo cao cổ áo, Liên nhớ đến lời một vị giáo sư Đại học Việt Nam đã bốn mươi năm định cư ở Anh: “Thời tiết đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế: những nước khí hậu lạnh khắc nghiệt miền Bắc Âu đều có nền công nghiệp nặng phát triển vượt bậc, còn nước ấm cúng phương Nam chỉ lấy hội hè làm vui”. Liên mỉm cười cúi nhặt một chiếc lá vàng. Ở đâu con người biết vận dụng những khó khăn để biến thành động lực thì ở đó có phát triển. Còn những ai sớm tận hưởng sự tiện lợi sẽ phải thiệt thòi về sau. Trong chuyến du lịch vòng quanh Châu Âu do trường Đại học Birmingham tổ chức những ngày còn du học, Liên đặc biệt yêu thích người Hà Lan. Họ thân thiện, hiếu khách và giỏi ngoại ngữ một cách đáng ngạc nhiên. Ngay cả những tài xế lái xe bus trên đường phố Amsterdam hay những nông dân chăn nuôi bò bên những cối xay gió hiền hoà đều nói được lưu loát hai ngoại ngữ Anh – Pháp. Khi cô nêu thắc mắc họ học ngoại ngữ làm gì thì nhận được câu trả lời chất phác “Để giao tiếp với thế giới vì có ai biết được tiếng Hà Lan đâu!”. Lần đó một vài sinh viên người Anh đi chung đỏ mặt muốn độn thổ, họ gật đầu thú nhận “Người Anh chúng tôi yếu ngoại ngữ kinh khủng!”

Ký túc xá giờ buồn thiu vì chẳng thể nào tìm lại được không khí xưa với những người bạn từ khắp nơi tụ về. Liên chỉ gặp lại được một vài sinh viên khi cô về Việt Nam họ hãy còn là lính mới năm nhất. Hà đã nghỉ học vì liên tục rớt nhiều năm, trường không cho đăng ký tiếp, cô bé không dám quay về Việt Nam mà chạy sang Pháp, chui vào một trường nhỏ xíu không tên tuổi hòng dễ tìm một mảnh bằng con con đem về trình phụ huynh. Liên nhẩm tính dễ chừng thời gian Hà học xong Đại học cũng tương đương với số năm người ta làm tiến sĩ. Liên tìm đến thăm chị Cầm giờ đã cam phận mở một cửa hàng bán hoa nho nhỏ. Chị mừng cho thành công của Liên, rưng rưng nước mắt “Nếu còn ở lại Việt Nam giờ chị đã có thể lên đến chức “giám đốc tiếp thị”, nắm trong tay chiến lược kinh doanh của bao nhiêu mặt hàng, chị sẽ có mức lương chừng hai ngàn đô và hạnh phúc với sự nghiệp đáng tự hào của mình”. Liên an ủi dù sao giờ ngồi bó những bông hoa cho khách chị cũng được sống với niềm vui yêu hoa lá mà trong thời gian làm việc bận rộn ở Việt Nam chị không tận hưởng được. “Ừ thì cũng phải biết chấp nhận cuộc đời để tiếp tục sống – chị Cầm cười hiu hắt – ông xã cũng rất thương chị, sợ chị thất nghiệp ngồi không buồn quá, ổng gom hết tiền cho chị thuê cửa hàng bán hoa này…”

Tạm biệt chị Cầm, Liên quay lại Thụy Sĩ háo hức tu nghiệp tiếp. “Đại bản doanh” của công ty mẹ thật quy mô với những nhà máy sản xuất hiện đại làm Liên say mê học hỏi. Hầu như ngày nào cô cũng ở lại đến chuyến xe bus cuối cùng lúc mười giờ hơn. Thời gian dường như trôi qua quá nhanh khi người ta tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Cuối thu vào đông, thời tiết trở nên khắc nghiệt, Liên lên đường về Việt Nam với lòng nhiệt tình được cống hiến tối đa những gì công ty đã ban tặng. Cô thường chạnh lòng tiếc cho những bạn trẻ làm việc trong những cơ quan nhiều tiềm năng nhưng cơ chế nặng nề và phải chịu đựng mấy ông sếp tự ti lúc nào cũng thích thú với việc làm thui chột sức sáng tạo của những nhân viên trẻ tài năng. Nếu họ được trân trọng và tạo điều kiện học hỏi như Liên thể nào họ cũng sống chết với nghề và làm rạng danh nước Việt. Ngay cả Liên bây giờ cũng đành đi đường vòng, học hỏi và cống hiến cho những công ty nước ngoài trước khi có đủ kinh nghiệm làm việc cho chính doanh nghiệp một trăm phần trăm Việt Nam của mình. Tiếc là khi đó kinh nghiệm vững vàng nhưng lòng nhiệt tình và sức sáng tạo của tuổi trẻ đã ở lại với những công ty ngoại quốc.

Trước khi về nước, Liên tranh thủ ghé sang Pháp thăm Hà. Cô bé ở tận một tỉnh nhỏ vùng Tây Bắc xa xôi nên khi ra phi trường đón người bạn cũ, Hà đã bật khóc xúc động. Liên ngỡ ngàng được Hà dẫn ra chợ, nơi chiếc xe tải nhỏ bán đồ ăn Việt Nam đậu khiêm tốn trong một góc hẹp. Một anh chàng nhỏ thó nhưng có vẻ vui tính chào đón Liên niềm nở và hối hả làm cho cô một hộp đầy ắp nào chả giò, tôm lăn bột chiên và bánh cuốn. “Ông xã em đấy – Hà lỏn lẻn cười thành thật giới thiệu – Bên nhà chẳng ai biết đâu. Anh ấy thương yêu em lắm, chúng em cùng vất vả buôn bán nhưng hạnh phúc lắm chị ạ!”. Liên gật đầu thấu hiểu nhưng còn cố hỏi “Vậy chuyện học tính sao?”. Hà dứt khoát lắc đầu “Dẹp hết, em sang Pháp những muốn học lại nhưng tiếng Pháp tiêu hoá không xong. Em gặp anh Tuấn, anh ấy cũng là lưu học sinh đấy, tốt nghiệp văn chương Pháp hẳn hoi nhưng xin việc khó quá, người dì sang lại cho anh ấy chiếc xe này. Chúng em thương nhau, dựa vào nhau mà sống. Em chẳng về Việt Nam nữa đâu, chừng nào bố mẹ vẫn khăng khăng đòi em đem bằng về”. Tiễn Liên ra phi trường, Hà dúi vào tay cô một xấp tiền lẻ sặc mùi dầu mỡ nhờ đem về làm quà cho bố mẹ “Bao nhiêu năm nay các cụ tằn tiện cho con, thế mà…Cứ nói em đi làm thêm. Đừng kể gì về anh Tuấn và chuyện em bỏ học nhé – Hà khóc không thành tiếng – Em cũng khổ tâm lắm chị ạ!”. Liên lên máy bay, đau lòng thương Hà, thương Tuấn, thương chị Cầm và cả những bạn trẻ bên nhà luôn ao ước một lần sang nước người du học và hẳn từng ganh tị với những ai được bước chân vào giảng đường phương Tây.

Về lại Việt Nam sau mấy tháng học bên công ty mẹ, Liên bị mọi người nhận xét già dặn hẳn ra. “Bên đó tụi nó có “khủng bố” em không mà trông em sọm lại thế?”. Liên bật cười lắc đầu, chân thành trả lời với mỗi đồng nghiệp như thể đang tự nói với chính mình “Thì phải trưởng thành hơn chứ! Lần nào đi cũng vậy, hành trình đi tìm chính mình bao giờ cũng thú vị, dẫu có nhiều niềm đau…”

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách