Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: siwang
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác] Truyện Cổ Grim | Grim

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:36:44 | Chỉ xem của tác giả
Ba cô chị

Ngày xưa có một ông vua rất giàu, vua giàu đến nỗi tưởng là của cải của mình không bao giờ hết được. Vua sống xa hoa, chơi bàn cờ bằng vàng, con ki bằng bạc. Vua sống như thế một thời gian thì của cải tiêu tan hết. Vua phải đem cầm lần lần những thành thị và lâu đài, sau cùng chỉ còn có mỗi một tòa lâu đài cổ trong rừng. Vua, hoàng hậu và ba công chúa dọn đến đấy ở, họ sống chật vật, hàng ngày bữa ăn chỉ có khoai tây thôi. Một hôm, vua định đi săn xem có bắn được con thỏ gì chăng. Vua nhét khoai tây đầy túi rồi ra đi. Vua đến ven một khu rừng lớn không dám vào vì người ta kể rằng trong đó có nhiều thú rùng rợn lắm. Gấu ăn thịt người, phượng hoàng mổ mắt, chó sói, sư tử và nhiều loại thú dữ. Vua chẳng sợ gì cả, tiến thẳng vào rừng. Thoạt tiên vua không thấy gì. Có những cây to, ở dưới thật là yên lặng. Vua đi vơ vẩn như vậy một lúc rồi thấy đói, liền ngồi xuống gốc cây định ăn khoai tây, thì bỗng có một con gấu ở trong rừng hiện ra, lạch bạch đến thẳng phía vua và càu nhàu:

Sao ngươi lại dám ngồi ở gốc cây mật ong của ta? Tội ngươi thật đáng chết.

Vua sợ hãi, đưa cho nó khoai tây để nó nguôi giận. Nhưng gấu cất tiếng nói:

-Ta thiết gì ăn khoai tây của ngươi, ta muốn ăn thịt ngươi cơ. Ngươi chỉ có một cách thoát thân là gả cho ta con gái đầu lòng của ngươi. Nếu ngươi bằng lòng thì ta còn cho thêm ngươi nửa tạ vàng nữa.

Vua sợ bị ăn thịt nói:

- Ta sẽ gả cho, miễn là ngươi để cho ta yên lành.

Gấu liền chỉ đường cho vua về và còn càu nhàu sau lưng vua.

- Trong bảy ngày nữa, ta sẽ đến đón cô dâu đấy.

Vua yên trí về nhà, nghĩ nhất định là gấu không chui lọt nổi loa khóa, hơn nữa nhất định là không có cái gì để ngỏ. Vua ra lệnh cho khóa tất cả các cửa ngoài, kéo cầu treo lên, và dặn con gái phải bình tĩnh. Muốn bảo vệ được cô chắc chắn khỏi bị chú rể gấu bắt đi, vua cho cô ở một phòng nhỏ tít dưới lỗ châu mai trên mặt thành. Cô phải trốn vào đấy cho qua bảy hôm. Nhưng sáng tinh sương hôm thứ bảy, khi mọi người con ngủ thì có một cỗ xe lộng lẫy đóng sáu ngựa đến lâu đài. Có nhiều kỵ sĩ mặc áo bằng vàng vây quanh xe. Cỗ xe đến nơi thì tự nhiên cầu treo hạ xuống, khóa tự nhiên bật tung ra, xe đi vào sân, một vị Hoàng tử trẻ và đẹp bước xuống. Vua nghe tiếng động tỉnh dậy, nhìn ra cửa sổ thấy Hoàng tử đã đón con gái đầu lòng của mình ở tít trên căn phòng nhỏ khóa kín, và vừa bế nàng lên xe. Vua chỉ kịp kêu lên:

Thôi vĩnh biệt, thiếu nữ yêu kiều.
Đi đi mãi, hỡi cô dâu của gấu!

Cô ngồi trên xe còn vẫy chiếc khăn trắng nhỏ. Rồi cỗ xe phóng đi như gió cuốn, tiến sâu mãi vào khu rừng thiêng. Lòng vua nặng trĩu, vì vua đã trót gả con gái cho gấu. Vua buồn quá, cùng hoàng hậu khóc ba ngày liền. Đến ngày thứ tư, khóc hết nước mắt, vua nghĩ là việc đã xảy ra rồi cũng đành thôi. Vua xuống sân, ở đấy có một cái hòm gỗ mun nặng khó mà nhấc lên được. Vua chợt nghĩ đến điều gấu đã hứa, liền mở ra thì thấy trong đó có nửa tạ vàng sáng lấp lánh. Vua nhìn thấy vàng thì cũng nguôi buồn. Vua đem vàng chuộc lại các thành thị đã đem cầm rồi lại quay về cuộc sống giàu sang ngày trước. Cứ như thế cho đến khi hết nửa tạ vàng thì vua lại phải đem cầm hết mọi thứ và lại phải lui về lâu đài trong rừng ăn khoai tây.
Vua còn có một con chim ưng. Một hôm, vua đem nó ra đồng định kiếm lấy một cái gì ăn cho ngon một tí. Chim ưng cất cánh bay, tới khu rừng thiêng âm u, vua không dám vào nữa. Vua vừa tới thì có một con đại bàng vút lên đuổi chim ưng. Chim ưng bay về phía vua. Vua định dùng giáo ngăn đại bàng, nhưng đại bàng quắp lấy giáo bẻ gẫy như một cây sậy, rồi lấy móng bóp nát chim ưng. Nó lấy móng kia quặp vào vai vua và bảo:

- Tại sao ngươi đến quấy rối khoảng trời của ta? Tội ngươi đáng chết, muốn sống phải gả cho ta con gái thứ hai của ngươi.

Vua nói:

- Được, ngươi sẽ được con gái ta, nhưng ngươi cho ta gì.

Đại bàng đáp:

- Một tạ vàng. Trong bảy tuần nữa ta sẽ đến đón nàng về.

Rồi nó thả vua ra, bay thẳng vào rừng.

Vua rất buồn bã vì lại gả con gái thứ hai của mình cho chim dữ. Vua không dám nói gì với con về việc ấy. Sáu tuần lễ đã trôi qua. Đến tuần thứ bảy, công chúa ra một bãi cỏ trước lâu đài định giũ vải phơi cho trắng. Bỗng có một đỗân kỵ sĩ oai phong lẫm liệt đến. Người đẹp nhất đi đầu nhảy xuống gọi:

Hãy nhảy lên đây, hỡi thiếu nữ yêu kiều
Hãy cùng đi, hỡi cô dâu mới của đại bàng.

Nàng chưa kịp trả lời thì chàng đã đỡ nàng lên ngựa, phi vào rừng nhanh như cắt. Thôi vĩnh biệt, vĩnh biệt!

Ở lâu đài, người ta đợi mãi chẳng thấy công chúa. Mãi sau vua mới nhớ ra là có lần trong thế bí đã hứa gả con gái cho một con đại bàng. Hẳn là nó đã đến đón cô đi. Khi vua đỡ đau buồn chút ít, chợt nhớ đến lời hứa của chim đại bàng, liền đi đến và tìm thấy trên bãi cỏ hai quả trứng vàng, mỗi quả nặng nửa tạ. Vua nghĩ bụng: "Cứ có vàng là ngoan đạo" và xua đuổi tất cả những tư tưởng buồn chán ra khỏi đầu óc. Cuộc sống vui chơi lại bắt đầu và đến khi hết nhẵn tạ vàng. Vua lại dọn về lâu đài trong rừng và nàng công chúa còn lại lại phải luộc khoai tây. Vua không muốn đi săn thỏ trong rừng hay chim ưng trên trời nữa, nhưng vua thèm ăn cá. Công chúa phải đan lưới để vua đi đánh cá ở một cái hồ gần rừng. Ở đó có một chiếc thuyền quăng lưới, kéo lên được một mẻ cá hương chấm đỏ rất đẹp. Vua định chèo vào bờ thì
thấy thuyền mắc chặt một chỗ, vua loay hoay mãi mà không trèo ra được. Bỗng có một con cá voi to lớn vùng vẫy ngoi lên hỏi:

- Tại sao ngươi lại bắt những thần dân của ta? Tội ngươi thật đáng chết!

Nó mở mồm to ra như định nuốt cả vua lẫn chiếc thuyền. Vua thấy cái mồm kinh khủng của nó thì mất hết cả can đảm, chợt nghĩ đến cô gái thứ ba liền kêu lên:

- Ngươi tha chết cho ta, ta sẽ cho ngươi con gái út của ta .

Cá voi càu nhàu:

- Được lắm, để rồi ta cho ngươi cái gì nhé. Vàng thì ta chẳng có vì vàng đối với ta xoàng quá. Nhưng đáy hồ của ta rải ngọc châu, ta sẽ cho ngươi ba bị đầy. Đến tháng thứ bảy ta sẽ lại đón dâu.

Nói xong con cá lặn xuống.

Vua ghé vào bờ, mang cá hương về nhà, nhưng khi cá đã rán rồi vua chẳng thiết ăn con nào. Vua nhìn thấy con gái, đứa con độc nhất còn lại, đẹp nhất, mà vua yêu nhất, thì vua lại nhói lên như hàng ngàn mũi dao đâm vào thịt. Sáu tháng trôi qua, hoàng hậu và công chúa chẳng hiểu làm sao mà vua mắt mũi lúc nào cũng ủ rũ. Đến tháng thứ bảy, đúng lúc công chúa đang đứng ngoài sân, trước một cái giếng có ống phun nước và hứng một cốc nước đầy thì bỗng có một cỗ xe sáu ngựa trắng và người mặc quần áo bằng bạc đi tới. Từ trên xe bước xuống một Hoàng tử rất đẹp, từ thủa nhỏ nàng không thấy ai đẹp đến như thế. Chàng xin nàng một cốc nước. Nàng vừa đưa cốc ra thì chàng ôm lấy nàng bế lên xe. Xe ra cửa băng qua đồng tới hồ:

Thôi vĩnh biệt, thiếu nữ yêu kiều!
Hãy đi đi, cô dâu xinh đẹp của cá voi.

Hoàng hậu đứng bên cửa sổ nhìn thấy cỗ xe chạy xa dần. Bà thấy vắng con gái, lòng đau xót, bà gọi nàng, tìm nàng khắp nơi. Nhưng bà chẳng nghe thấy tiếng đáp, chẳng trông thấy nàng ở đâu. Khi bà biết chắc chắn sự việc, bà òa lên khóc. Vua nói rõ cho bà biết đầu đuôi: chắc con cá voi đã đến đón nàng đi. Bị buộc phải hứa gả con cho nó, vua cứ luôn luôn buồn bã. Vua muốn an ủi bà, bèn cho bà biết sẽ nhận được nhiều của cải. Hoàng hậu không thiết và bảo đứa con còn lại duy nhất của bà quí hơn tất cả những kho tàng trên thế gian.

Trong khi Hoàng tử cá voi đến chiếm công chúa, có thị vệ mang đến lâu đài ba bao nặng. Vua mở ra thấy đầy châu ngọc to bằng hạt đậu lớn. Vua lại giàu có, giàu hơn trước kia. Vua chuộc lại thành thị, lâu đài, nhưng vua không trở lại cuộc sống xa hoa nữa. Vua sống yên tĩnh, tiết kiệm. Mỗi khi nghĩ đến ba con gái yêu, không biết sống giữa đám thú rừng ra sao, có thể bị chúng ăn thịt rồi, thì vua mất hết niềm vui. Không ai an ủi được hoàng hậu. Hạt lệ bà khóc con còn nhiều hơn cả các hạt ngọc cá voi đã bỏ ra đổi lấy công chúa út. Về sau, bà mới hơi nguôi nguôi. Cách đó một thời gian, bà lại thật vui vì bà lại sinh được một cậu con trai xinh đẹp. Đứa con ra thật bất ngờ nên gọi nó là Rainan, có nghĩa là đứa con kỳ diệu.

Đứa trẻ khỏe mạnh to lớn. Hoàng hậu thường kể cho nó nghe việc ba chị bị ba con vật bắt giữ ở trong khu rừng thiêng. Khi cậu mười sáu tuổi, cậu đòi vua cho áo giáp và gươm. Được những thứ đó rồi, cậu muốn đi phiêu lưu, cậu từ biệt cha mẹ rồi lên đường. Cậu đi thẳng đến khu rừng thiêng, chỉ nghĩ đến việc tìm các chị. Lúc đầu, cậu đi lang thang trong rừng rậm, không gặp một người nào hay một con vật nào. Sau ba ngày, cậu thấy ở trước một cái hang một thiếu phụ ngồi chơi với một con gấu con. Một con gấu khác rất bé ngồi trên đùi nàng. Rainan nghĩ bụng chắc là chị cả mình. Cậu để ngựa lại, đi bộ đến và nói:

- Chị yêu dấu, em là em Rainan của chị, em đến thăm chị đây.

Công chúa nhìn cậu, thấy cậu giống bố y hệt, không nghi ngờ gì lời cậu nói. Nàng sợ hãi bảo:

- Em yêu dấu ơi, trời ơi! Nếu em còn muốn sống thì em hãy chạy đi cho nhanh. Nếu anh gấu, chồng chị về thấy em thì nó ăn thịt em không chút động lòng đâu.

Nhưng Rainan bảo:

- Em không sợ, em nhất định ở lại với chị xem tình hình chị ra sao.

Khi công chúa thấy không lay chuyển được ý chí của em, nàng đưa em vào hang tối tăm, đúng là chỗ ở của gấu. Một bên có một đống là và cỏ khô, trên đó là nơi chồng cô và các con ngủ, bên kia là chiếc giường đẹp lộng lẫy, bọc vải đỏ và nạm vàng của công chúa. Nàng bảo em chui xuống gầm giường và tuồn cho em thức ăn. Được một chốc, gấu về nhà nói: "Ta đánh hơi thấy mùi thịt người" và định rúc đầu xuống gầm giường. Công chúa vội gọi:

- Cứ bình tĩnh, có ai mà lại vào đây được!

Mồm còn dính máu, gấu càu nhàu:

- Ta tìm thấy ở trong rừng một con ngựa và ăn thịt nó rồi. Tất phải có người đi với ngựa, ta đánh hơi thấy rồi.

Rồi nó lại định chui vào gầm giường. Nàng liền đá vào bụng gấu, nó lộn nhào một cái rồi đi ra ổ nằm, đút cẳng vào mồm mà ngủ.

Cứ bảy ngày một lần, gấu lại hiện nguyên hình là một Hoàng tử đẹp trai, hang của nó biến thành một tòa lâu đài lộng lẫy và thú vật trong rừng biến thành thị vệ, cứ đến ngày ấy, chàng đến đón công chúa. Những thiếu nữ xinh đẹp ra cửa lâu đài đón nàng, thật là một buổi hội tưng bừng, nàng vui mừng say sưa ngủ. Nhưng khi nàng tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong hang gấu tối tăm, chồng đã biến thành gấu càu nhàu ở chân mình. Chỉ có cái giường và tất cả
các thứ khác mà nàng đã sờ đến là vẫn nguyên không biến. Thành thử nàng cứ sống sáu ngày trong đau khổ, đến ngày thứ bảy thì nàng được an ủi. Nhưng vì nàng còn trẻ, tuy chỉ được có một ngày, nàng cũng vui với cuộc sống. Nàng sinh được hai Hoàng tử sáu ngày hình gấu, chỉ ngày thứ bảy mới là hình người. Mỗi lần như thế nàng lại nhét đầy các thức ăn ngon lành, bánh trái hoa quả vào giường rơm để ăn suốt tuần, con gấu vâng lời nàng và nàng muốn gì
nó làm nấy.

Khi Rainan tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên giường lụa, người hầu hạ chầu chực, mặc cho chàng quần áo sang trọng, vì hôm ấy đúng là ngày thứ bảy. Chị cậu cùng hai Hoàng tử xinh đẹp và anh rể gấu mừng rỡ bước vào vì thấy cậu đã đến. Thôi thì mọi thứ đều đẹp lộng lẫy, suốt ngày vui vẻ. Nhưng đến tối công chúa bảo:

- Em yêu dấu, bây giờ thì em liệu đi ngay đi! Đến tang tảng sáng, chồng chị sẽ lại biến ra gấu. Nếu sáng ngày, anh ấy vẫn thấy em còn ở đây, anh ấy sẽ không cưỡng lại bản chất gấu mà sẽ ăn thịt em đấy.

Hoàng tử gấu vừa tới đưa cho cậu vài sợi lông gấu mà dặn:

- Nếu gặp nạn thì em cứ sát lông vào người, anh sẽ đến cứu em ngay.

Mọi người hôn nhau từ biệt. Rainan lên một cỗ xe thắng sau ngựa đen, rồi đi. Đường đi vượt núi đèo, qua bãi hoang rừng rậm, qua bụi qua bờ, không dừng không nghỉ. Mãi cho đến lúc trời hửng sáng Rainan bỗng thấy mình trên mặt đất, ngựa xe biến mất. Đến khi trời sáng tỏ, cậu thấy sáu con kiến lật đật đi tới, tha một vỏ hạt dẻ. Rainan thấy mình vẫn ở trong rừng thiêng, cậu muốn đi tìm các chị. Cậu lại đi lang thang một mình trong hiu quạnh ba ngày,
nhưng chẳng được việc gì. Đến ngày thứ tư, cậu nghe thấy một con chim đại bàng bay rào rào rồi hạ xuống tổ. Rainan trốn trong bụi rậm, đợi đến lúc nó bay đi. Bảy giờ sau nó lại bay lên không. Rainan bèn nhoi ra, đến trước cây gọi:

- Chị yêu dấu, nếu chị ở trên đấy thì hãy lên tiếng cho em biết. Em là Rainan, em của chị đây, em đến tìm chị đây.

Cậu nghe có tiếng vọng từ trên xuống:

- Nếu em là Rainan, em yêu của chị mà chị chưa từng nhìn thấy, thì hãy lên đây với chị.

Rainan định trèo lên, nhưng thân cây to mà lại trơn quá. Cố trèo ba lần đều uổng công. Bỗng một cái thang tết bằng dây lụa được thả xuống. Cậu liền trèo lên tổ đại bàng. Tổ vương chắc như một chiếc bao lơn trên cây thùy dương. Chị cậu ngồi dưới một chiếc tán bằng lụa màu hồng. Trong lòng nàng ủ một quả trứng đại bàng, ấp cho nở. Hai người mừng rỡ. Nhưng một lúc sau, công chúa nói:

- Em yêu dấu ạ, thôi em mau mau đi ngay. Nếu đại bàng chồng chị thấy em thì anh ấy móc mắt ăn tim em mất.

Rainan đáp:

- Không, em cứ ở đây cho đến khi chồng chị biến thành người cơ.

- Việc ấy chỉ xảy ra trong sáu tuần nữa. Nhưng nếu em chịu được thì em cứ trốn vào trong thân cây rỗng, ngày ngày chị sẽ thả thức ăn xuống cho.

Rainan chui vào trong thân cây, công chúa ngày ngày thả thức ăn xuống cho cậu. Hễ đại bàng bay đi thì cậu lại trèo lên với chị. Sáu tuần sau đại bàng biến thành người. Rainan tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường cũng như ở nhà anh rể gấu, nhưng có phần lộng lẫy hơn. Cậu sống bảy ngày rất vui vẻ ở nhà anh rể đại bàng. Đến ngày thứ bảy, từ biệt nhau, đại bàng cho cậu ba chiếc lông và dặn:

- Gặp cơn hoạn nạn, em hãy xát lông này vào người, anh sẽ lại cứu.

Rồi người anh rể cho người hầu đi chỉ đường cho cậu. Tới sáng, bỗng tất cả mọi người biến đâu hết cả, còn lại mình Rainan đứng trên đỉnh núi cao, giữa cảnh hoang vu rùng rợn. Rainan nhìn quanh, thấy ở xa mặt nước sáng như gương của một cái hồ lớn, phản chiếu những ánh nắng đầu tiên sáng loáng. Cậu nghĩ tới người chị thứ ba, chắc là chị ấy đấy. Cậu liền đi xuống, len lỏi qua các bụi cây và phiến đá. Cậu đi như vậy ba ngày. Lắm
khi cậu mất hút cả hồ. Nhưng đến sáng ngày thứ tư thì cậu tới bên hồ. Cậu đứng trên bờ kêu:

- Chị yêu dấu ơi, nếu chị có ở dưới đấy thì hãy lên tiếng, em là Rainan của chị đây, em đến thăm chị đây.

Nhưng không có ai trả lời. Tất cả đều im lặng. Cậu bẻ vụn bánh mì ném xuống nước bảo cá:

- Hỡi cá yêu dấu, hãy đi gặp chị ta, bảo là Rainan đứa trẻ kỳ diệu đã đến đây và muốn đi tới chỗ chị ở.

Nhưng cá hương chấm đỏ đớp bánh mì mà không nghe thấy cậu nói gì. Cậu thấy có chiếc thuyền liền cởi ngay áo giáp ra, chỉ cầm trong tay một thanh kiếm trần, nhảy xuống thuyền chèo. Cậu chèo mãi thì thấy một ống khói xây bằng thạch anh vọt lên trên mặt nước tỏa ra một mùi thơm êm dịu. Rainan liền chèo thuyền tới đó, chắc là chị mình sống ở dưới. Rồi cậu ngồi vào trong ống khói mà tụt xuống. Công chúa bỗng thấy hai chân người vung vẩy thì sợ quá. Một lát sau, nàng thấy cả thân người tụt xuống, cậu tự nhận là em nàng. Nàng sung sướng vô cùng, nhưng cũng rất buồn rầu bảo em:

- Cá voi đã biết tin là em định tìm chị và phàn nàn là nếu em đến đúng lúc anh ấy là cá voi, thì anh ấy sẽ thèm ăn thịt em, không nhịn được, anh ấy sẽ đập tan nhà bằng thạch anh của chị, chị cũng sẽ đến bỏ mình trong ngọn sóng.

- Thế chị có thể dấu em cho qua hạn phù phép không?

- Ấy chết, không được, vì em có thấy là tường bằng pha lê trong suốt không?

Nàng suy nghĩ mãi, chợt nghĩ đến buồng để củi. Nàng liền xếp củi thật khéo - trông ngoài không biết được, dấu đứa trẻ kỳ diệu vào trong. Một lát sau, cá voi đến. Công chúa run như lá liễu rung rung. Cá bơi mấy vòng quanh tòa nhà pha lê. Khi nó thấy mảnh áo của
Rainan trong đống củi lòi ra, nó quẫy mạnh đuôi, thở phì phò. Nếu nó mà nhìn thấy nhiều lần nữa, ắt là nó sẽ đập tan nhà ra. Ngày nào, cá voi cũng đến lượn quanh. Mãi cho đến tháng thứ bảy, hết phù phép. Rainan thấy mình ở trong một tòa lâu đài còn lộng lẫy
hơn cả lâu đài của đại bàng, ngay chính giữa có một hòn đảo đẹp đẽ. Cậu sống cả một tháng trời rất là vui vẻ cùng chị và anh rể. Một tháng sắp hết thì cá voi cho cậu ba cái vẩy mà dặn:

- Nếu em bị hoạn nạn, thì em cứ xát vẩy vào người, anh sẽ giúp em.

Rồi cá voi lại để cậu chèo vào bờ. Đến nơi, cậu thấy bộ áo giáp vẫn còn đó. Đứa trẻ kỳ diệu lại đi bảy ngày trong hoang vu. Trong bảy đêm, cậu ngủ ngoài trời. Bỗng cậu thấy một tòa lâu đài có cánh cổng bằng thép trên cửa có một cái khóa rất chắc. Phía trước có một con bò rừng mắt nảy lửa đang canh gác lối vào. Rainan xông đến, chém mạnh vào cổ nó, nhưng cổ nó bằng thép, gươm gãy tan ra từng mảnh như thủy tinh. Cậu dùng giáo đâm, nhưng giáo gãy vụn như là một sợi rơm. Bò rừng lấy sừng ghì cậu, tung cậu lên không, khiến cậu mắc lủng lẳng trên cành cây. Trong cơn nguy khốn Rainan chợt nhớ đến ba sợi lông gấu. Cậu xát lông vào bàn tay thì lập tức có một con gấu lạch bạch chạy ra, đánh bò rừng và xé nó ra. Nhưng từ trong bụng bò rừng có một con vịt trời vút lên không và bay đi thật nhanh. Rainan liền xát vào người ba cái lông đại bàng, lập tức có một con đại bàng reo mây bay đến đuổi theo con chim đang bay thẳng về phía một cái hồ, sà xuống nó và xé nhỏ nó. Nhưng Rainan thấy nó thả xuống nước một quả trứng vàng. Cậu
liền xát ba vẩy cá vào lòng bàn tay. Một con cá voi bơi lại ngay, ngậm quả trứng và nhô lên bờ. Rainan cầm lấy, dùng đá đập vỡ thì thấy trong đó có một chiếc chìa khóa nhỏ. Đó chính là chiếc chìa khóa mở được chiếc cửa bằng thép. Chìa khóa vừa đụng vào khóa thì cửa mở tung ra, Rainan bước vào. Cậu đi đến đâu, then cửa tự động bật ra đến đấy. Cậu qua bảy cửa, vào bảy phòng đẹp lộng lẫy, sáng trưng. Ở phòng cuối cùng, có một thiếu nữ nằm ngủ trên giường. Nàng đẹp tuyệt vời khiến cậu hoa mắt lên. Cậu định đánh thức nàng dậy, nhưng chỉ mất công vì nàng ngủ say như chết. Chàng tức quá đập vào một chiếc bảng đen ở bên giường. Thiếu nữ tỉnh dậy ngay, nhưng lại ngủ tiếp. Chàng liền cầm lấy bảng, ném lên nền đá, bảng vỡ tan nghìn mảnh. Ngay lúc đó, thiếu nữ mở mắt ra. Phép thuật tiêu tan. Thiếu nữ ấy là em gái của ba anh rể Rainan. Vì nàng không chịu yêu một tên phù thủy, nó đã bắt nàng ngủ say như chết và biến ba anh nàng thành ba con vật. Phù phép sẽ còn hiệu lực nếu bảng đen vẫn y nguyên. Rainan đưa nàng ra. Cậu vừa đến trước cửa thì các anh con rể cưỡi ngựa từ ba phía đi lại cùng vợ con. Nàng vợ đại bàng đã ấp xong trứng và ẵm lại một cô bé xinh đẹp. Mọi người đi tới gặp vua và hoàng hậu đã già.

Đứa trẻ kỳ diệu đưa ba chị về nhà, và cách đó ít lâu, chú kết hôn với nàng thiếu nữ xinh đẹp kia. Khắp nơi đều vui mừng, con mèo chạy về nhà, câu chuyện tôi kể đến đây là hết.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:37:52 | Chỉ xem của tác giả
Con quỷ nhốt trong lọ

Ngày xưa có một bác tiều phu nghèo khổ. Bác luôn luôn phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Mãi rồi bác cũng dành dụm được ít tiền. Bác bảo con trai: "Con ơi, con là con một, bố muốn dành tiền này để con học hành, bố đã kiếm số tiền này bằng mồ hôi nước mắt. Con hãy học lấy một nghề lương thiện để sau này nuôi dưỡng bố khi bố già yếu, chân tay cứng đờ, không làm ăn gì được nữa, phải ngồi ở xó nhà". Chàng thanh niên bèn xin vào một trường cấp cao và học hành rất siêng năng. Các thầy dạy khen ngợi hết lời, và anh ta học ở đó một thời gian dài.
Sau đó, anh ta đã học qua nhiều trường khác. Nhưng chưa học được hết thì số tiền ít ỏi mà bố dành dụm được đã tiêu tán hết. Anh ta phải trở về nhà.
"Chà! - Ông bố nói - Bố không còn gì để cho con nữa. Ngày nay, đời sống đắt đỏ, bố không thể kiếm thêm được đồng nào ngoài tiền mua bánh mì hàng ngày."
"Thưa bố," người con trả lời, "bố đừng bận tâm đến điều đó làm gì. Con sẽ tự lo lấy." Khi người bố vào rừng để chặt gỗ kiếm ít tiền, thì con bảo:
- Bố cho con đi cùng, con sẽ giúp bố.
- Đối với con, công việc này quá vất vả quá - bố trả lời - con chưa quen loại công việc nặng nhọc này. Con không đảm đương nổi đâu. Vả lại, bố chỉ có một cái rìu, không có tiền mua cái thứ hai
- Thì bố hãy sang nhà bác hàng xóm, - người con ngắt lời cha – bác sẽ cho bố mượn một cái rìu, cho đến khi nào con kiếm được đủ tiền mua cái mới. Người bố sang hàng xóm mượn một cái rìu.
Sớm tờ mờ hôm sau, hai bố con cùng vào rừng. Anh thanh niên làm việc giúp bố.
Anh ta cảm thấy tỉnh táo và sảng khoái. Khi mặt trời mọc tới đỉnh đầu, người bố bảo:
- Chúng ta hãy nghỉ trưa và ăn một chút. Sau làm sẽ khỏe hơn. Người con cầm lấy phần bánh và trả lời:
- Bố hãy nghỉ ngơi đi. Còn con, con chưa mệt. Con đi dạo trong rừng một chốc để tìm tổ chim.
- Thằng bé huênh hoang, - người bố càu nhàu - sao mày lại đi dạo, mày sẽ mệt và không giơ nổi cánh tay lên đâu. Hãy nghỉ ngơi ở đây, ngồi đây với tao. Mặc dầu người bố nói thế, người con vẫn đi vào rừng sâu.
Anh ta ăn bánh, tâm hồn vui vẻ, anh nhìn lên các cánh cây để tìm kiếm một cây sồi to lớn, chắc sống đã mấy trăm năm, năm người nắm tay nhau vây vòng quanh thân cây vẫn chưa kín. Anh ta dừng chân, nhìn cây sồi khổng lồ và nghĩ: chắc chắn là có nhiều chim làm tổ ở đây. Bất thình lình, anh nghe phảng phất có tiếng nói khẽ.
Anh lắng tai nghe thấy "Cho tôi ra khỏi đây! Cho tôi ra khỏi đây!" Anh nhìn quanh, nhưng không thấy ai cả. Hình như tiếng nói ở dưới đất đưa lên. Anh kêu lên:
- Anh ở đâu? Tiếng nói trả lời:
- Tôi ở đây, ở dưới này, gần rễ cây sồi. Cho tôi ra với! Cho tôi ra với! Anh học trò sục sạo mặt đất, quanh gốc cây sồi, tìm kiếm ở các rễ cây. Bất chợt anh nhìn thấy một cái lọ thủy tinh nằm sâu trong một cái hốc nhỏ.
Anh cầm lọ soi lên ánh sáng mặt trời.
Anh nhìn thấy một vật giống như con nhái, nhảy nhót trong lọ. "Cho tôi ra với! Cho tôi ra với!" con vật không ngừng kêu. Không nghĩ gì đến nguy hiểm, anh học trò mở nút lọ. Lập tức con quỉ chui ra khỏi cái lọ và lớn dần, lớn dần, nhanh đến nỗi một thoáng đã trở thành một người khổng lồ kinh khủng to, bằng nửa cái cây, đứng trước mặt anh.
- Mày có biết mày sẽ được trả công cứu tao thế nào không? -Con quỉ hỏi anh với một giọng dễ sợ.
- Không - anh học trò trả lời và không cảm thấy sợ tý nào. Con quỉ gầm lên:
- Tao sẽ đập bể đầu mày ra!
- Sao mày không bảo tao lúc nãy, – anh thanh niên nói - mày ở đâu tao sẽ để mày ở đó. Nhưng mày cũng không đập bể được đầu tao đâu. Không phải mày quyết định được một mình!
- Không quyết định được một mình! Không quyết định được một mình! - Con quỉ kêu lên - Mày tưởng thế thôi. Thế mày tưởng là vì tao tốt mà người ta nhốt tao lâu thế à, đồ ngu! Không đâu! Đấy là để trừng phạt tao! Tao là thần Macguya có uy lực. Tao phải bẻ gãy cổ kẻ nào thả tao ra.
- Này! - Anh học trò trả lời - đừng quá vội! Trước hết tao phải biết có phải đúng là mày đã ở trong cái lọ nhỏ kia không và có phải mày là con quỉ thật không. Mày lại chui được vào lọ thì tao mới tin.
Sau đó thì mày tha hồ muốn làm gì tao thì làm.
Giọng đầy kiêu ngạo, con quỉ nói:
- Cái đó dễ thôi! - Nó thu nhỏ mình lại, nhỏ bé như lúc trước, nhỏ đến mức có thể lọt qua cái loa nhỏ của miệng lọ, nó lại chui vào lọ. Nó vừa chui vào thì anh học trò vội đậy nút lọ lại và vứt cái lọ xuống dưới rễ cây sồi, đúng chỗ đã tìm thấy nó. Thế là quỉ ta đã bị vào tròng. Anh con trai chuẩn bị đi về chỗ bố ngồi.
Nhưng con quỉ kêu la, van nài anh: "Hãy cho tôi ra! Hãy cho tôi ra!"
- Không! - Anh học trò trả lời. - Không có một lần thứ hai đâu! Khi cuộc sống của ta bị đe dọa, không khi nào ta lại thả kẻ thù ta ra một khi ta đã thoát nạn.
- Nếu anh cho tôi được tự do - con quỉ lại nói - tôi sẽ cho anh của cải để sống suốt đời.
- Không! - anh con trai lại nói - Mày lại đánh lừa tao như lần đầu thôi.
- Xin đừng bỏ lỡ dịp may, - con quỉ nói - tôi sẽ không hại anh đâu, tôi sẽ thưởng cho anh tiền của mà! Anh học trò nghĩ: “Ta cứ thử xem sao. Có thể nó sẽ giữ lời hứa". Anh mở nút lọ, và cũng như lần trước, con quỉ ra khỏi cái lọ, lớn dần và trở thành khổng lồ.
- Tôi sẽ trả công anh - quỉ nói, nó đưa cho anh một cái khăn nhỏ giống như cuộn băng và nói - Nếu anh sát đầu này vào một vết thương thì vết thương sẽ lành. Nếu anh sát đầu kia vào thép hoặc sắt thì sắt thép sẽ biến thành bạc.
- Để ta thử đã, - anh học trò nói. Anh đến gần một cái cây, dùng rìu chém đứt vỏ cây ra rồi lấy một đầu khăn chà xát vào đó. Chỗ đứt liền ngay. “Đúng là thế!" anh bảo con quỉ "Giờ thì chúng ta có thể chia tay nhau".
Con quỉ cảm ơn anh đã cứu thoát nó, anh học trò thì cảm ơn con quỉ về món quà và anh đi gặp bố.
- Mày đi đâu về thế? Người bố hỏi. - Tại sao mày quên cả công việc? Tao đã bảo mày không làm nên trò trống gì đâu
- Xin bố hãy bình tĩnh, con sẽ làm bù.
- Ôi, làm bù ư! - Người bố nổi giận - nói thế mà cũng nghe được!
- Bố hãy nhìn này, con sẽ chặt cây này thật mạnh cho nó đổ. Anh lấy khăn lau lưỡi rìu và chém thật lực một nhát. Nhưng sắt đã biến thành bạc, lưỡi rìu bị mẻ. Bố nhìn này! Cái rìu bố đưa cho tồi quá, nó đã bị quằn rồi! Người bố sợ hãi nói:
- Mày làm thế nào vậy! Sẽ phải đền cái rìu thôi. Lấy gì mà đền bây giờ? Đấy là kết quả công việc mày làm đấy!
- Xin bố đừng cáu giận, người con nói, con sẽ chi tiền cái rìu.
- Thằng này láo thật, - người bố kêu lên, - mày lấy gì mà chi nào? Ngoài số tiền tao cho ra, mày chẳng có gì cả. Mày chỉ có cái đầu ngu xuẩn của thằng học trò chẳng biết gì về công việc thợ rừng cả.
Một lúc sau, anh học trò nói:
- Bố ơi, con không làm được nữa. Bố con ta hãy nghỉ thôi!
- Sao lại thế, - người bố đáp. - Thế mày cho là tao mà lại chịu khoanh tay như mày à? Tao phải làm chứ. Còn mày thì có thể về được đấy.
- Thưa bố, con mới đến đây lần đầu tiên, con không tìm được đường về một mình. Bố hãy về với con. Người bố lúc đó đã nguôi giận, cùng con ra về. Ông bảo con:
- Hãy bán cái rìu hỏng đi. Để xem mày bán được bao nhiêu. Còn thiếu bao nhiêu thì tao phải bù vào trả bác hàng xóm. Người con mang lưỡi rìu đến cửa hàng vàng bạc ở đô thị. Ông chủ cân lưỡi rìu rồi nói:
- Lưỡi rìu này giá bốn trăm đồng. Nhưng tôi không có đủ tiền mặt.
- Có bao nhiêu thì ông đưa tôi, chỗ còn lại ông trả tôi sau. - Anh thanh niên trả lời. Ông chủ hiệu vàng bạc đưa trả anh ba trăm đồng và hẹn sẽ trả một trăm đồng nợ sau. Anh học trò về nhà nói:
- Bố ơi, tiền đây. Bố hãy chạy sang bác hàng xóm hỏi xem bác bắt đền cái rìu bao nhiêu tiền.
- Tao biết rồi, - người bố nói: một đồng và sáu xu!
- Vậy thì bố hãy trả bác ấy hai đồng một hào hai. Trả gấp đôi thế là được quá rồi. Bố nhìn này, con có tiền thừa thãi. - Anh đưa cho bố một trăm đồng và nói: - Bố sẽ không bao giờ thiếu tiền nữa! Bố cứ sống thoải mái đi!
- Trời ơi! Người bố kêu lên: làm thế nào mà mày có nhiều tiền thế? Anh học trò đã kể cho bố nghe sự việc đã xảy ra làm sao, nhờ gặp may mà anh được giàu có. Với số tiền còn lại, anh trở lại trường và tiếp tục học.
Anh dùng cái khăn chữa được mọi vết thương, và trở thành thầy thuốc lừng danh thiên hạ.
Câu chuyện đã mượn thế lực quỷ thần để nói lên sự thông minh và nhanh trí của con người. Con người luôn luôn chiến thắng mọi thế lực cho dù đó là quỷ - một nhân vật huyền thoại có sức mạnh siêu nhiên.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:38:32 | Chỉ xem của tác giả
Vua trộm

          Một hôm, hai vợ chồng bác nông dân già ngồi nghĩ trước túp lều tồi tàn sau giờ làm việc vất vả. Bỗng có một cỗ xe tứ mã lộng lẫy đến đỗ ngay trước nhà. Một vị ăn mặc sang trọng bước từ trên xe xuống. Bác trai đứng dậy, tiến đến gần vị quý tộc, hỏi ông cần gì. Người lạ mặt bắt tay bác và nói:

          - Tôi chỉ ước ao có một điều là được ăn bữa ăn nông thôn một lần xem sao. Hai bác hãy nấu cho tôi một món khoai tây như bác thường nấu, tôi sẽ rất vui sướng ngồi ăn cùng hai bác.

          Bác nông dân cười và nói:

          - Ngài hẳn là bá tước, hoàng thân hay hầu tước. Những người lịch sự đôi khi hay thèm như vậy. Tôi xin làm theo ý thích của ngài.

          Bác gái vào bếp, rửa và gọt khoai tây để làm món khoai theo kiểu nông thôn. Trong khi bác gái làm bếp, bác trai bảo khách:

          - Trong khi chờ ăn, mời ngài ra vườn cùng tôi. Tôi còn phải làm việc ngoài đó.

          Bác đã đào hố để trồng cây.

          Khách hỏi:

          - Bác không có con cái nó đỡ đần cho à?

          - Không ! - bác trả lời. - Thật ra tôi cũng đã có một thằng con trai, nhưng nó đi chu du thiên hạ từ lâu rồi. Nó là một thằng hư hỏng, láu cá và nhiều mưu mô. Nhưng nó lại không muốn học hành gì cả, chỉ chuyên đi phá quấy. Cuối cùng, nó bỏ nhà đi, và từ bấy đến nay, tôi không có tin gì về nó cả.

          Bác lấy một cây non đặt vào hố và cắm một cái cọc chống bên cạnh. Rồi bác vun gốc; khi đã đắp được đất khá cao, bác buộc cây trồng vào cái cọc chống bằng những cây rạ, buộc trên cao, ở giữa và dưới.

          - Bác ơi, - vị khách giàu sang nói, - sao bác không buộc cái cọc chống cho cái cây còi cọc ở trong góc kia cho nó mọc thẳng. Nó mọc gần sát mặt đất vì thân cây cong queo.

          Bác cười và nói:

          - Ông nói mà chẳng hiểu gì cả. Người ta biết ngay là ông chưa từng làm vườn. Cái cây ấy đã già cỗi, còi cọc. Không ai có thể dựng nó mọc thẳng lên được. Phải uốn cây từ lúc còn non.

          - Cũng như thằng con bác ấy, - người lạ mặt nói - khi nó còn trẻ, nếu bác dạy dỗ nó tử tế thì nó đã không bỏ nhà ra đi, hẳn bây giờ nó cũng còi cọc rồi.

          - Cái đó thì chắc rồi, - bác nói, - nó đi đã lâu hẳn là nó đã thay đổi.

          - Liệu bác có nhận được ra anh ta nếu anh ta đứng trước mặt bác không?

          - Nhận được mặt nó cũng khó đấy. Bác nông dân trả lời. - Nhưng nó có một dấu vết đặc biệt, một cái nốt ruồi ở vai, giống như hạt đậu.

          Khi bác nói tới đó, người lạ mặt cởi áo ngoài ra, trật vai trần ra và chỉ nốt ruồi cho bác nông dân xem.

          - Trời ơi! - Bác kêu lên, - đúng là con ta đây rồi.

          Và tình yêu con tràn ngập lòng bác. - Nhưng, bác nói thêm, - có thể nào anh lại là con ta ? Con đã trở thành một ông lớn sống trong giàu sang phú quý ! Làm thế nào con lại được như thế.

          - Thưa cha! - Người con trả lời - cây con đã không được buộc vào cọc chống nên đã mọc cong queo. Bây giờ cây già rồi, không mọc thẳng lại được nữa. Sao con lại được như thế này ư? Con đã trở thành một thằng ăn trộm. Nhưng cha đừng sợ. Con là vua trộm. Đối với con thì không có khóa, có then cài nào cả. Cái gì con thích là con chiếm được. Cha đừng nghĩ là con đi ăn trộm như một tên trộm tầm thường. Không. Con chỉ lấy cái thừa mứa của nhà giàu. Những người nghèo thì có thể yên tâm, con còn cho họ là đằng khác, chứ không lấy của họ. Mà lấy trộm cái gì mà không vất vả, không cần có mưu mẹo và khéo léo thì con không lấy.

          - Ừ, ừ! - bác nói, - nhưng dù sao ta cũng không hài lòng về con. Thằng ăn trộm vẫn là thằng ăn trộm. Ta nói cho con biết, rồi cũng không ra gì đâu.

          Bác dẫn con đến bác gái. Khi nhận ra con trai mình, bác gái khóc vì vui sướng. Nhưng khi bác trai cho biết con là vua trộm thì hai dòng nước mắt buồn tủi lại tràn đầy mặt bác. Cuối cùng bác nói:

          - Dù nó có là thằng ăn trộm đi nữa thì nó vẫn là con tôi, tôi cũng rất sung sướng được gặp lại nó.

          Mọi người cùng ngồi vào bàn ăn và tên ăn trộm lại được cùng ăn với bố mẹ cái món ăn đạm bạc mà lâu nay nó không ăn. Sau đó người cha bảo:

          - Nếu ngài bá tước ở trong lâu đài kia mà biết mày đi ăn trộm thì ông ấy đã không bế mày trong lòng ông mà ru như hôm làm lễ rửa tội cho mày. Ông ấy sẽ lấy thừng treo cổ mày lên cho mày đua đưa.

          - Cha đừng lo, - người con nói, - ông ta sẽ không làm gì con đâu: con thạo nghề của con. Ngay hôm nay, con sẽ đến gặp ông ta.

          Đến chiều, vua trộm lên xe đi đến lâu đài. Bá tước tiếp đón anh một cách kính nể, coi anh là một vị khách cao quý. Khi khách nói cho chủ biết mình là ai thì ông tái mặt đi và ngồi lặng im một lúc. Rồi ông nói:

          - Anh là con đỡ đầu của ta. Đáng lẽ phải xử tội theo pháp luật thì ta tha thứ cho anh, xử sự với anh có độ lượng. Anh đã huênh hoang là vua trộm, vậy ta thử tài anh xem. Nếu anh thất bại thì sợi dây thừng sẽ là vợ anh và tiếng quạ kêu sẽ là nhạc cưới của anh.

          - Thưa ngài, - tên trộm nói - ngài hãy thử thách cho ba lần thật khó tùy théo ý ngài; nếu tôi không làm nổi, thi ngài muốn xử tôi thế nào cũng được.

          Ông bá tước suy nghĩ một lúc, rồi nói:

          - Vậy thì, đầu tiên, anh hãy lấy trộm được con ngựa của ta đang ở trong chuồng. Hai là anh phải lấy trộm được cái khăn trải giường trong khi vợ chồng ta đang nằm ngủ mà chúng ta không biết; đồng thời, anh phải rút được cái nhẫn cưới vợ ta đeo ở ngón tay. Ba là anh phải bắt cóc được cha xứ và người giúp việc ông ngay trong nhà thờ. Hãy để ý đến các điều đó, nếu không thì toi mạng đấy!

          Vua trộm đến một đô thị gần nhất. Anh mua một bộ quần áo cũ của một bà nông dân rồi mặc vào. Anh bôi mặt thành da màu nâu, vẽ lên mặt nhiều nếp nhăn. Không ai có thể nhận ra anh. Anh đổ đầy rượu vang Hung vào một cái thùng to; trong rượu anh trộn loại thuốc ngủ rất mạnh. Anh đặt thùng rượu trên một cái giá, vác trên lưng và đi chuệnh choạng, bước chậm chạp đến lâu đài bá tước.

          Khi anh đến nơi, thì đêm dã khuya. Anh ngồi trên một hòn đá ở sân, ho lụ khụ như một bà già đau ngực và xoa tay mạnh vào nhau như sắp chết rét. Trước cửa chuồng ngựa, lính canh đang nằm dài quanh đống lửa. Một người trong bọn họ trông thấy bà già liền gọi:

          - Lại đây mẹ ơi, mẹ hãy lại đây mà sưởi với chúng con. Mẹ không có nơi ngủ, vậy thì mẹ hãy bạ đâu thì ngủ đấy vậy.

          Bà già loạng choạng bước lại gần, nhờ họ nhấc xuống hộ cái giá đỡ và thùng rượu, rồi ngồi bên họ.

          - Mẹ có gì trong thùng thế ? - Một người lính hỏi:

          - Rượu ngon đấy, - bà trả lời, - tôi buôn rượu mà. Các chú nói tử tế và trả cho tôi ít tiền thì tôi vui lòng để các chú uống một cốc.

          - Mẹ rót rượu con uống thử xem, - một chú lính nói. - Uống xong nếu rượu ngon thật, con sẽ làm cốc nữa.

          Bà rót rượu cho anh, những người lính khác cũng bắt chước bạn.

          - Này! Các bạn ơi, - một người trong bọn họ gọi những người ở chuồng ngựa. - Ở đây có mẹ già mang rượu vang lâu năm, tuổi rượu ngang tuổi mẹ. Hãy lại đây mà uống, các bạn sẽ ấm bụng hơn sưởi lửa.

          Bà già mang thùng rượu vào chuồng ngựa. Một người lính ngồi trên con ngựa đã đóng yên của bá tước; một người khác cầm dây cương, người thứ ba đang tết đuôi ngựa. Bà già rót rượu cho mọi người uống thỏa thích, cho tới khi thùng rượu cạn. Chẳng mấy chốc, dây cương tuột khỏi tay người lính đang cầm và anh ta nằm lăn ra đất mà ngáy. Người kia buông đuôi ngựa ra, rồi cũng nằm lăn dài ra mà ngáy rống to hơn. Người cưỡi ngựa vẫn ngồi yên, nhưng cái đầu thì cúi rạp xuống gần cổ ngựa; anh ta cũng ngủ và ngáy như kéo bể lò rèn. Những người lính ở bên ngoài ngủ đã từ lâu. Họ không động đậy, cứ như là người đá.

          Khi vua trộm thấy mọi việc đều trôi chảy, anh đặt vào tay người lính sợi thừng thế cho dây cương, anh đặt vào tay người lính kia cái chổi rơm thế cho cái đuôi. Nhưng trường hợp thứ ba, giải quyết người ngồi trên yên ngựa cách nào đây ? Anh không muốn làm cho người lính ngã xuống đất, anh ta sẽ tỉnh dậy và có thể kêu la lên. Vua trộm tìm được một kế hay : anh tháo dây buộc yên ngựa ra treo cái yên ngựa lên tường bằng những sợi thừng luồn qua các cái vòng, rồi kéo chàng kỵ mã lên sát trần nhà. Sau đó anh buộc thật chắc dây thừng vào một cái cột. Loáng một cái, anh đã tháo được ngựa ra khỏi xích. Nhưng từ lâu đài, người ta có thể nghe được tiếng vó ngựa đập trên nền sân bằng đá. Anh bèn lấy giẻ bọc móng ngựa lại, dắt ngựa cẩn thận ra khỏi chuồng và đi qua sân, rồi anh nhảy lên ngựa và phi nước đại.

          Khi trời sáng, vua trộm phi ngựa đến lâu đài. Bá tước ngủ dậy và đang đứng nhìn qua cửa sổ.

          - Chào ngài bá tước! - Vua trộm kêu to. - Đây là con ngựa tôi đã lấy được ra khỏi chuồng ngựa; ngài hãy nhìn kìa, lính của ngài đang ngủ ngon giấc! Nếu ngài ra chuồng ngựa thì ngài sẽ thấy quân canh gác của ngài thoải mái như thế nào.

          Bá tước không nhịn được cười. Ông nói:

          - Lần này, anh được cuộc. Nhưng lần sau không dễ may mắn thế đâu. Ta báo cho anh biết: nếu ta bắt gặp anh đang ăn trộm, ta sẽ đối với anh như một tên ăn trộm.

          Buổi tối, khi đi ngủ, bà bá tước nắm chặt tay có đeo nhẫn. Bá tước bảo vợ:

          - Tất cả các cửa ra vào đều đóng và cài then chặt. Tôi sẽ thức để rình thằng ăn trộm. Nếu nó chui cửa sổ vào, thì tôi sẽ bắn hắn.

          Vua trộm lẩn vào trong bóng tối, đến cái giá treo cổ, tháo gỡ xuống một người phạm tội đáng thương treo ở đó; anh cõng cái xác trên lưng đi đến lâu đài. Anh dựng một cái thang ở dưới cửa sổ phòng ngủ của bá tước, công kênh xác chết trên vai và trèo lên. Khi anh lên đã khá cao, đầu người chết đã hiện ra ở cửa sổ, thì bá tước nằm trong giường rẫn rình, bắn một phát súng lục. Lập tức, tên trộm xác người bị treo cổ rơi xuống đất, và nó cũng nhảy xuống khỏi thang chạy nấp vào một góc. Sáng trăng vằng vặc, nó trông thấy rõ ràng bá tước trèo thang xuống, vác cái thây ra vườn… Ông ta đào hố để chôn. Đúng dịp may đây rồi, tên trộm tự nhủ, nó chạy nhanh ra khỏi nơi đang trố, leo lên thang, vào phòng bà bá tước.

          - Bà nó ơi, - têm trộm bắt chước giọng ông bá tước để nói, - thằng ăn trộm đã chết rồi. Nhưng nó là con đỡ đầu của tôi, và nó là thằng bịp bợm chứ không phải tên gian ác. Tôi không muốn đưa ra công chúng để làm nhục nó. Tôi cũng thương bố mẹ nó nghèo khổ. Tôi sẽ đem chôn nó ở ngoài vườn trước khi trời sáng để câu chuyện khỏi vỡ lở. Bà đưa cho tôi cái khăn rải giường để tôi liệm nó rồi lẳng lặng vùi nó như một con chó.

          Bà bá tước đưa cho tên trộm cái khăn rải giường.

          - À mà này, bà ạ, tôi lại nổi máu hào hiệp đây, bà đưa tôi cái nhẫn của bà. Thằng xấu số này đã liều mạng vì cái nhẫn, thôi thì ta cho nó để nó mang theo xuống mồ.

          Bà bá tước không muốn trái ý chồng; tuy miễn cưỡng, bà cũng rút nhẫn ra đưa. Tên trộm bước ra với hai thứ đã lấy được, nó về nhà không bị cản trở trước khi ông bá tước chôn xong ở trong vườn.

          Sáng hôm sau, ông bá tước ngẩn tò te ra khi tên trộm mang lại cho ông cái chăn và cái nhẫn!

          - Mày là phù thủy à? - Ông hỏi - Ai đã kéo mày ra khỏi nấm mồ, là nơi chính tao đã chôn mày. Ai đã làm mày sống lại?

          - Ông có chôn tôi đâu, thưa ông bá tước, - tên trộm nói, - đó là xác một người phạm tội đáng thương ở giá treo cổ.

          Vá nó kể lại tỉ mỉ nó đã làm thế nào. Ông bá tước phải công nhận nó đúng là một tên ăn trộm nhiều mưu mẹo.

          - Nhưng chưa xong đâu! - Ông bảo tên ăn trộm. - Mày còn một việc cuối cùng phải làm và nếu không làm được thì tất cả những việc mày đã làm đều vô ích.

          Tên trộm mỉm cười không trả lời.

          Đến đêm, nó lại nhà thờ lang, vác một cái bao tải to trên lưng, cắp nách một cái gói, tay cầm một cái đèn.

          Trong bao tải có cua, trong gói có những cây nến nhỏ. Tên trộm ngồi ở trong nghĩa địa sát nhà thờ, lôi một con cua trong bao tải ra, gắn lên mai cua một cây nến. Nó thắp nến lên rồi đặt cua xuống đất cho nó bò đi. Nó lấy con thứ hai, cũng làm như vậy, và tiếp tục cho đến khi trong bao tải hết sạch cua. Lúc đó nó khoác một cái áo khoác lông đen dài, giống cái áo của cha xứ và gắn vào cằm một bộ râu dài màu xám. Không ai nhận ra được nó nữa. Nó vào trong nhà thờ, đứng lên trên bục giảng.

          Đúng lúc ấy, chuông đồng hồ điểm nửa đêm. Khi tiếng chuông cuối cùng vừa dứt, nó kêu gầm, giọng vang lên:

          - Hãy nghe đây, hỡi các người tội lỗi. Ngày tận thế đã đến! Ngày phán xử cuối cùng không còn xa! Hãy nghe đây! Hãy nghe đây! Ai muốn lên Thiên đường thì hãy chui vào cái bao này. Ta là Thánh Pê-tơ-rut, làm nhiệm vụ đóng cửa và mở cửa Thiên đường. Hãy nhìn ra ngoài kia, ở nghĩa địa, những xác chết đang chui ra khỏi mồ và đang gom hài cốt lại. Hãy lại đây, hãy lại đây mà chui vào bao này, ngày tận thế đã đến!

          Tiếng tên trộm vang khắp làng. Cha xứ và người giúp việc ở sát nhà thờ, là những người nghe thấy trước tiên. Khi họ trông thấy ánh sáng di động trong nghĩa địa, họ hiểu ngay là có chuyện bất thường xảy ra và họ chạy đến nhà thờ. Họ nghe lời phán truyền của tên trộm một lúc. Người giúp việc lấy khuỷu tay huých cha xứ và nói:

          - Dầu sao, cũng không nên bỏ lỡ cơ hội cùng nhau lên Thiên đường không phải nó khó khăn vất vả gì cả.

          - Nhất định rồi - Cha xứ trả lời - Tôi cũng nghĩ thế. Nếu anh đồng ý thì ta cùng đi

          - Vâng, - người giúp việc nói - nhưng người đi trước phải là cha, con xin theo sau.

          Cha xứ tiến lên trước, trèo lên bục giảng, ở đó trên trộm đang cầm bao. Cha chui vào bao trước, theo sau là người giúp việc.

          Ngay lập tức, vua trộm cột chặt miện bao và kéo bao từ bục giảng xuống. Mỗi lần đầu của hai người ngớ ngẩn chạm phải bậc lên xuống, têm trộm lại kêu to:

          - Chúng ta đang leo núi!

          Cứ như vậy nó lôi họ đi qua làng; khi đi một vũng nước thì nó lại kêu:

          - Bây giờ chúng ta qua những đám mây sinh ra mưa đấy!

          Và, cuối cùng, khi leo lên bậc thềm của lâu đài thì nó kêu:

          - Chúng ta đang trèo các bậc thang lên Thiên đường; chúng ta sẽ vào tiền sảnh!

          Khi trèo lên cao, nó vứt cái bao vào chuồng chim bồ câu; chim đập cách thì nó nói:

          - Các ông có nghe thấy tiếng đập cánh của các thiên thần đang vui đùa không?

          Sau đâu đó, nó đóng cửa chuồng chim lại và bỏ đi.

          Sáng hôm sau, vua trộm đến gặp bá tước báo là đã làm xong việc thứ ba là bắt cóc cha xứ và người giúp việc ngay trong nhà thờ.

          - Thế mày để họ ở đâu ?, bá tước hỏi.

          - Họ đang ở trong một cái bao trên chuồng chim bồ câu và họ tưởng là đang ở trên trời.

          Bá tước đích thân lên xem và thấy là tên trộm nói đúng. Khi ông mở bao cho cha xứ và người giúp việc ra, ông nói:

          - Mày là vua trộm và mày đã thắng cuộc. Nhưng mày hãy đi khỏi xứ sở của ta ! Nếu người ta còn thấy mày ở đây thì chắc chắn mày sẽ hết đời ở trên giá treo cổ.

          Vua trộm về từ biệt bố mẹ, rồi lại lên đường đi chu du thiên hạ. Từ đấy, không ai còn tin gì về anh ta nữa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:39:11 | Chỉ xem của tác giả
Con rắn trắng

Ngày xưa có một ông vua nổi tiếng trong cả nước là khôn ngoan. Không cái gì là vua không biết, dường như gió đưa lại cho vua những tin tức bí mật nhất. Vua có một thói quen kỳ lạ. Sau bữa ăn trưa, khi đã dọn bàn xong, không còn ai nữa thì một người hầu tin cẩn bưng thêm vào cho vua một bát. Bát đậy kín, ngay người hầu cũng không biết trong có gì. Cũng chẳng ai được biết, vì vua đợi đến khi chỉ còn một mình mới mở ra ăn. Cứ thế mãi tới một hôm, người hầu quá tò mò, khi bưng bát không nhịn được nữa, đem bát về buồng mình. Anh ta khóa cửa cẩn thận rồi mở nắp ra, thấy ở trong có một con rắn trắng.
Anh giữ mồm không được, muốn nếm thử bèn cắt một miếng bỏ mồm. Anh vừa động lưỡi thì nghe thấy ở bên cửa sổ có tiếng nói rì rào là lạ. Anh lại nghe, thì ra chim sẻ chuyện trò với nhau, kể cho nhau nghe chúng đã thấy gì ở đồng ruộng và ở núi rừng. Thì ra chính vì anh ta ăn rắn mà hiểu được tiếng nói loài vật. Đúng ngày hôm đó, hoàng hậu mất chiếc nhẫn đẹp nhất và nghi cho người hầu tin cẩn ấy ăn cắp vì anh ta vẫn được đi lại tự do trong cung. Vua truyền gọi anh đến, mắng anh thậm tệ, hẹn cho đến sáng hôm sau nếu không tìm ra được kẻ gian thì sẽ bị coi là thủ phạm và đem xử tội. Anh kêu oan cũng vô ích, và bị đuổi ra ngoài một cách tàn nhẫn. Anh lo sợ, xuống sân để nghĩ xem có cách nào thoát không.
Ở đây có đàn vịt đang chụm nhau ngồi bên dòng nước vừa rỉa lông vừa chuyện trò bù khú. Anh người hầu đứng nghe. Vịt kể lể với nhau sáng nay lạch bạch đi đâu, tìm được món gì ngon. Một con cáu kỉnh nói:
- Bụng tao anh ách khó chịu quá. Trong lúc vội vã, tao nuốt phải cái nhẫn rơi ở dưới cửa sổ hoàng hậu.
Anh người hầu liền tóm ngay cổ con vịt ấy mang vào bếp bảo nhà bếp:
- Bác thịt con này đi nhé, nuôi béo lắm rồi đây!
Nhà bếp nhận lời, nhắc vịt lên xem đã nặng chưa rồi nói:
- Chú mày tọng cho đầy, đợi ngày được quay cũng đã lâu rồi đấy!
Bác ta chặt cổ, mổ vjt. Anh người hầu tìm thấy chiếc nhẫn của hoàng hậu trong mề vịt nên việc minh oan cũng dễ dàng. Nhà vua muốn đền bù cho anh, hỏi anh muốn gì và hứa phong cho anh chức tước cao nhất triều đình.
Anh ta không nhận mặc dù còn trẻ và đẹp trai. Anh chán ngán không thiết ở lại nữa. Anh chỉ xin một con ngựa và ít tiền ăn đường đi chu du thiên hạ.
Một hôm, anh đi qua một cái ao thấy có ba con cá bị mắc vào đám sậy, đang thoi thóp. Người ta nói là cá thì câm, vậy mà anh lại nghe thấy chúng than vãn vì bị chết một cách bi thảm như thế. Anh vốn nhân từ, nên xuống ngựa gỡ cá thả xuống nước. Cá vui mừng quẫy, thò đầu lên kêu:
- Cám ơn ân nhân đã cứu chúng tôi, thế nào chúng tôi cũng xin trả ơn này!
Anh lại cưỡi ngựa đi. Đi một lúc chợt nghe như có tiếng nói ở trên cát, ngay dưới chân. Anh lắng tai nghe thấy kiến chúa than vãn:
- Giá loài người đừng để những con vật thô lỗ đụng đến mình có phải hay không. Cái con ngựa ngu ngốc này lại sắp lấy móng nặng giẫm nát trăm họ của ta mà không chút động lòng đây.
Anh bén tránh sang bên đường. Kiến chúa kêu:
- Cám ơn ân nhân, chúng tôi sẽ trả ơn này.
Đi qua rừng, anh thấy bố quạ và mẹ quạ đậu bên tổ vứt lũ quạ con xuống kêu:
- Cút đi, đồ chết đâm chết chém. Chúng tao không nuôi báo cô chúng mày mãi được. Nhớn rồi, liệu đi mà kiếm ăn lấy!
Tội nghiệp lũ quạ con nằm xoài dưới đất, cố vỗ cánh kêu... Chim con yếu ớt, bay còn chưa nổi, kiếm mồi làm sao được! Thôi thì đành nằm đây chờ chết đói vậy.
Anh thanh niên xuống ngựa, rút gươm chém chết ngựa cho quạ con ăn. Quạ con nhảy tới ăn no nê rồi gọi:
- Cảm ơn ân nhân, chúng tôi sẽ trả ơn này.
Anh đành đi bộ, đi mãi tới một thị trấn lớn. Trong phố có tiếng ồn ào, nhân dân xô nhau nghe một người cưỡi ngựa đến báo là công chúa kén chồng, ai muốn hỏi phải làm một việc rất khó, nếu chẳng may không làm được thì toi mạng. Có nhiều người đã thử nhưng đều bị chết. Anh thanh niên trông thấy công chúa đẹp lộng lẫy mê mẩn cả người, quên hết nguy hiểm, đến tâu vua xin làm rể. Người ta đưa anh ra bể, vứt trước mặt anh một chiếc nhẫn vàng xuống nước. Nhà vua truyền cho anh mò chiếc nhẫn lên và phán:
- Nếu nhà ngươi lên tay không thì sẽ lại bị ném xuống bể cho đến khi chết đuối.
Mọi người đều tiếc cho đời chàng thanh niên đẹp trai. Chàng ở lại bờ bể một mình nghĩ xem nên làm gì thì bỗng thấy có ba con cá bơi lại. Chính là ba con cá mà anh đã cứu trước đây. Con bơi giữa ngậm ở mồm một con hến và đặt hến lên bãi bể bên chân chàng.
Chàng cầm hến lên mở ra thì thấy ở trong có chiếc nhẫn vàng. Chàng mừng lắm đem nhẫn dâng vua, tưởng nhà vua giữ lời hứa thưởng cho mình. Nào ngờ công chúa vốn kiêu kỳ, thấy chàng không phải môn đăng hộ đối, khinh rẻ chàng và bắt chàng phải làm việc khó thứ hai. Nàng vào vườn, rắc mười bị kê xuống cỏ và bảo:
- Từ giờ đến sớm mai, trước khi mặt trời mọc, anh phải nhặt cho kỳ hết kê, không được thiếu hạt nào.
Anh thanh niên ngồi trong vườn nghĩ mãi không biết làm như thế nào. Anh rầu rĩ ngồi đợi sáng cho người ta dẫn ra pháp trường. Ánh bình minh vừa chiếu vào vườn thì anh thấy mười bị kê đầy xếp
cạnh nhau, không thiếu hạt nào. Thì ra đêm ấy, kiến chúa đã cùng hàng nghìn vạn kiến quân kéo đến. Các con vật biết ơn đã cần cù nhặt kê bỏ bị. Công chúa đích thân xuống vườn xem. Nàng hết sức ngạc nhiên thấy anh thanh niên đã làm được việc mình giao cho. Nhưng nàng vẫn chưa hết kiêu kỳ, lại bảo:
- Tuy anh đã làm được hai việc, nhưng muốn lấy ta thì còn phải dâng ta một quả táo trường sinh .
Anh không biết cây ở đâu, nhưng cũng đành lên đường nhắm mắt đưa chân một cách tuyệt vọng. Anh đã đi qua cả nước, một tối kia tới một khu rừng. Anh ngồi xuống gốc cây, định đánh một giấc. Bỗng thấy trên cành cây có tiếng rào rào, rồi một quả táo vàng rơi
vào tay anh. Cùng lúc có ba con quạ bay xà xuống, đậu lên đầu gối anh nói:
- Chúng tôi là ba quạ con mà ân nhân đã cứu khỏi chết đói.
Chúng tôi nay đã lớn, thấy ân nhân đi tìm quả táo trường sinh, vội vượt bể đến tận cùng thế giới là nơi có cây trường sinh để hái quả táo này.
Anh thanh niên mừng lắm, mang táo về dâng công chúa xinh đẹp. Nàng không còn hoạnh họe gì được nữa, đem cắt đôi quả táo cùng anh ăn. Lòng nàng bỗng tràn ngập tình yêu. Hai vợ chồng hưởng hạnh phúc cho đến lúc đầu bạc răng long.
Các em có muốn mình nghe được tiếng loài vật như người hầu ở trong truyện này không? Thật là kỳ diệu biết bao nếu điều đó là hiện thực, đúng không nào? Qua câu chuyện này các em thấy yêu quý và gần gũi các loài vật hơn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:40:43 | Chỉ xem của tác giả
Người đầy tớ trung thành

Xưa có một ông vua tuổi già lâm bệnh, nghĩ bụng: "Ta chết đến nơi mất rồi". Vua cho đòi "bác Jôhannơt trung thành" tới. Bác là người hầu được vua yêu nhất. Bác đã suốt đời tận tụy với vua.
Vì vậy mà vua gọi bác là "bác Jôhannơt trung thành". Khi bác đến bên giường vua, vua phán:
- Jôhannơt trung thành ơi, ta biết ta sắp chết, ta chỉ băn khoăn về con ta. Nó còn ít tuổi, dại dột, nếu nhà ngươi không hứa với ta sẽ dạy cho nó biết những cái gì cần biết và khuyên nó như người cha thứ hai, thì ta không yên tâm mà nhắm mắt. Bác Jôhannơt đáp:
- Dù phải hy sinh đến tính mệnh, thần cũng không rời bỏ hoàng tử. Thần xin thề một lòng một dạ phụng sự hoàng tử. Vua nói:
- Thế thì ta chết cũng được yên tâm. Sau khi ta đã nhắm mắt rồi, thì nhà ngươi dẫn cho nó xem toàn thể cung điện, tất cả các buồng, các phòng, các hầm, cùng tất cả châu báu ở đó, trừ cái buồng ở cuối hành lang dài có bức chân dung công chúa Mai vàng, vì ta sợ nó đâm si tình mà ngất đi, rồi sẽ gặp nhiều tai ương.
Nhà ngươi phải bảo vệ nó. Sau khi nghe "bác Jôhannơt trung thành" thề lần thứ hai, vua yên lặng, đặt đầu xuống gối, rồi tắt thở. Tang lễ đã làm xong, bác Jôhannơt trung thành cho vua mới biết lời mình thề với vua cha bên giường bệnh và nói:
- Thần sẽ giữ lời thề và sẽ tận tụy với bệ hạ cũng như với vua cha, dù phải hy sinh tính mệnh cũng cam. Đoạn tang vua cha, bác Jôhannơt trung thành tâu với vua mới:
- Bây giờ là lúc thần phải cho bệ hạ biết kho tàng của người. Thần xin đưa bệ hạ đưa bệ hạ đi thăm cung điện vua cha để lại. Bác dẫn vua đi khắp cả cung điện, từ trên xuống dưới, xem tất cả của báu, trừ cái buồng có bức chân dung nguy hiểm là bác không mở. Bức chân dung để ở chỗ mà mới thoạt mở cửa là nom thấy ngay, lộng lẫy trông tựa người thật, đẹp và có duyên nhất trần gian. Vua thấy đến cửa đó bác Jôhannơt đi thẳng qua liền hỏi:
- Sao nhà ngươi không mở cửa ấy cho ta? Jôhannơt đáp:
- Dạ bẩm trong đó có cái đáng ngại cho bệ hạ. Nhà vua nói:
- Ta đã xem tất cả cung điện, giờ ta muốn biết trong buồng này có gì. Vua sắp định cố sức ẩn cửa, thì Jôhannơt trung thành vội níu lại nói:
- Khi vua sắp chết, thần đã hứa không để cho bệ hạ thấy vật ở trong buồng, nếu không sẽ vạ đến bệ hạ và lẫn cả thần. Nhà vua đáp:
- Không được. Nếu không vào được thì ta cũng đến héo hon. Ta sẽ ăn không ngon ngủ không yên, nếu không được thấy cho tận mắt. Ta cứ đứng lì đây cho đến khi nào ngươi chịu mở cửa ra.
Biết không ngăn được vua, Jôhannơt trung thành buồn bã thở dài, tìm chìa khóa buồng trong chùm chìa khóa to của bác. Bác mở cửa buồng vào trước, định che bức chân dung không cho vua trông thấy, nhưng không được vì vua đứng kiễng lên nhìn qua vai bác. Khi trông thấy người thiếu nữ đẹp lộng lẫy, đeo toàn vàng ngọc, vua lăn ra, bất tỉnh nhân sự. Bác Jôhannơt trung thành nâng nhà vua dậy, mang lên giường và lo lắng nghĩ: "Trời ơi! Tai họa đã xảy đến rồi. Biết làm sao bây giờ?" Bác đổ rượu vang cho vua. Vua tỉnh lại hỏi:
- Cô gái đẹp trong tranh là ai? Jôhannơt trung thành đáp:
- Dạ thưa, đó là nàng công chúa Mai vàng. Vua nói:
- Ta yêu nàng say đắm. Dẫu tất cả lá cây đều biến ra lưỡi thì cũng không thể nói hết được lòng ta. Ta phải chiếm được nàng thì ta mới sống được. Ngươi là Jôhannơt trung thành của ta thì ngươi phải giúp ta làm việc này.
Người hầu trung thành suy nghĩ mãi, vì riêng việc tìm đến gặp mặt Công chúa cũng đã khó. Mãi sau bác mới nghĩ ra một mẹo, liền tâu vua:
- Chung quanh Công chúa, cái gì cũng bằng vàng, từ bàn ghế đến bát đĩa cốc tách và các đồ gia dụng khác. Bệ hạ có cả thảy năm tấn vàng. Bệ hạ nên giao cho thợ kim hoàn một tấn để làm đủ các vật dụng cùng các loại chim, thú rừng, các con vật kỳ lạ. Công chúa sẽ thích lắm. Ta sẽ đem những của đó đến gặp nàng xem sao.
Vua sai đòi tất cả các thợ kim hoàn trong nước đến bắt làm đêm ngày cho xong những vật đẹp lộng lẫy. Khi đã đem các thứ đó xuống thuyền, "bác Jôhannơt trung thành" ăn mặc giả nhà buôn, vua cũng trá hình như vậy. Vua tôi vượt bể đi đến thành phố của Công chúa Mai vàng.
"Jôhannơt trung thành" lên bến một mình, dặn vua ở lại chờ. Bác nói:
- May ra thì thần đem được công chúa về đây. Vậy bệ hạ nên cho dọn dẹp trang trí con thuyền, bày đồ vàng ra. Sau đó, bác dắt vào lưng đủ mọi thứ nữ trang, rồi lên bờ đi đến cung điện vua cha nàng.
Khi vào trong sân, bác thấy một cô gái đẹp ở gần giếng cầm hai chiếc thùng vàng múc nước.
Lúc quẩy nước lóng lánh đi, cô ngoảnh lại, trông thấy khách lạ, liền hỏi bác là ai. Bác cởi thắt lưng ra cho cô xem mà nói:
- Tôi là lái buôn, cô ạ. Cô reo lên:
- Lắm đồ tư trang đẹp thật! Cô đặt thùng nước xuống, xem từng thứ rồi nói:
- Công chúa thích đồ vàng lắm. Ông cho Công chúa xem, Công chúa sẽ mua tất cả đấy. Cô gánh nước đó là thị tì của Công chúa. Cô dẫn bác đến ra mắt công chúa. Công chúa thấy đồ nữ trang thích quá, nói:
- Đẹp lắm, ta muốn mua ngay tất cả. Nhưng "bác Jôhannơt trung thành" bảo nàng:
- Tôi chỉ là đầy tớ của một phú thương. Những đồ này chỉ là một phần không đáng kể trong số hàng của chủ tôi để ở trên thuyền. Đồ vàng đó đẹp và quí giá vô cùng. Nàng muốn bảo đem hàng đến cho nàng xem, nhưng bác Jôhannơt nói:
- Hàng nhiều quá, phải nhiều ngày mới tải được hết đến đây. Trong cung điện này e không có đủ phòng mà chứa. Nàng càng thêm tò mò ao ước, nói:
- Thế bác đưa ta đến xem những vật quí của chủ để dưới thuyền vậy. Jôhannơt hớn hở đưa nàng về thuyền. Thấy nàng đẹp hơn cả trong tranh, vua sướng ngây ngất. Nàng xuống thuyền, vua đón vào.
Jôhannơt đứng đằng sau bảo người lái cho nhổ neo:
- Căng hết buồm ra cho thuyền lướt nhanh như chim bay. Trong khi đó, ở trong thuyền, vua cho Công chúa xem bát đũa, cốc chén, chim, thú rừng và những con vật kỳ lạ bằng vàng. Nàng mải mê xem, không để ý là thuyền đã nhổ neo đi được vài giờ rồi. Xem xong, nàng cảm ơn người phú thương giả để về cung.
Ra tới mạn thuyền, nàng mới biết thuyền đã ra khơi, cánh buồm đương căng thẳng. Nàng sợ hãi kêu lên:
- Thôi ta bị lừa rồi. Ta bị mắc vào tay một tên lái buôn, thà chết cho rảnh. Vua cầm tay nàng bảo:
- Tôi không phải là lái buôn, tôi là vua một nước, chỉ vì quá yêu nàng nên phải dùng mưu bắt nàng. Lần đầu thoạt tiên trông thấy chân dung nàng, tôi đã ngã xuống ngất đi. Công chúa Mai vàng nghe nói yên tâm, cảm kích thuận lấy vua. Thuyền đang lênh đênh ngoài khơi thì một hôm, bác Jôhannơt ngồi đằng mũi chơi đàn bỗng thấy ba con quạ bay đến trước mặt bác. Bác bèn lắng tai nghe tiếng chúng vì bác hiểu tiếng chúng. Một con nói:
- Úi chà! Vua bắt Công chúa Mai vàng đem đi về nhà rồi! Con thứ hai nói:
- Nhưng vua chưa chiếm được Công chúa đâu. Con thứ ba nói:
- Chẳng chiếm được là gì! Công chúa ngồi bên vua ở trong thuyền ấy. Con thứ nhất lại nói:
- Ăn thua gì! Khi vua lên bộ, một con ngựa màu hung sẽ nhảy lại. Vua mà lên ngựa thì ngựa sẽ bay lên chín tầng mây, vua không còn bao giờ thấy mặt vợ trẻ ấy nữa. Con thứ hai nói:
- Có cách nào thoát nạn không? Con thứ nhất đáp:
- Có chứ! Nếu có một người khác nhảy tót lên ngựa, rút súng ở yên ra bắn cho nó chết thì cứu được vua. Nhưng ai biết được việc đó? Người nào biết mà nói với vua thì sẽ hóa đá từ chân đến đầu gối.
Con thứ ba nói:
- Tao còn biết thêm là dù con ngựa có bị giết chăng nữa vua cũng không lấy nổi Công chúa đâu! Khi hai người về đến cung điện, thì thấy một cái đĩa vàng trong đặt một cái áo lót của chú rể trông như dệt bằng vàng bằng bạc nhưng kỳ thực chỉ là nhựa thông và diêm sinh. Nếu vua mặc áo lót đó thì sẽ bị thiêu đến xương tuỷ.
Con thứ nhất hỏi:
- Không có cách nào tránh được nạn ấy à? Con thứ hai đáp:
- Có, miễn là có người đeo bao tay, cầm áo lót ném vào lửa thì vua thoát nạn, Nhưng cũng chẳng ăn thua gì! Người nào biết mà nói ra cho vua biết thì sẽ hóa đá từ đầu gối đến quả tim.
Con thứ ba nói:
- Tao còn biết thêm là áo lót có cháy đi nữa, vua cũng vẫn chưa lấy được vợ, vì sau lễ cưới, nếu cô dâu khiêu vũ thì người bỗng sẽ tái đi, rồi chết ngất. Nếu không có người nâng nàng dậy, mút ngực bên phải ra ba giọt máu, rồi nhổ ngay đi, thì nàng bị chết mất. Nhưng ai biết mà nói ra cho vua biết, thì sẽ hóa đá từ đầu đến chân. Ba con quạ nói chuyện xong lại bay đi.
Từ khi được biết hết sự việc, bác Jôhannơt buồn rầu, không nói năng gì cả. Không nói thì hại đến vua mà cho vua biết thì thiệt đến thân, Nhưng sau bác nghĩ bụng: "Ta nhất định cứu nhà vua, dù phải hy sinh tính mệnh cũng cam". Thuyền cặp bến, sự việc xảy ra đúng như lời quạ nói. Một con ngựa hung rất đẹp nhảy tới. Vua nói:
- Được để ta cưỡi nó về cung. Vua chưa kịp lên ngựa thì bác Jôhannơt đã nhảy lên, rồi rút súng ở yên ra bắn chết con ngựa. Những tên hầu khác vốn ghen ghét bác Jôhannơt nhao nhao lên:
- Nó xược quá! Dám giết con ngựa đẹp đem đến để vua cưỡi về cung. Nhưng vua bảo chúng:
- Chúng bay im đi, "Jôhannơt trung thành" của ta làm như thế chắc là có lý do chính đáng. Vua và Công chúa về cung thì thấy trên một cái đĩa bằng vàng có một chiếc áo lót chú rể trông tựa như là dệt bằng vàng bằng bạc.
Vua định lấy áo mặc thì bác Jôhannơt đẩy vua ra, lấy áo ném vào lửa cho cháy.
Những tên hầu khác lại nhao nhao lên:
- Đấy, nó lại đốt cả cái áo lót cưới của vua. Nhưng vua lại quở rằng:
- Jôhannơt hết sức trung thành của ta làm thế chắc có lý do, chúng bay biết đâu. Hôn lễ đã cử hành. Cuộc khiêu vũ bắt đầu, Công chúa sắp nhảy. Bác Jôhannơt luôn luôn theo dõi nàng, bỗng thấy nàng tái đi ngã lăn ra bất tỉnh.
Bác vội chạy đến nâng nàng dậy và đem về buồng đặt nàng lên giường.
Rồi bác quì xuống mút ở ngực bên phải của nàng ba giọt máu, nhổ đi. Công chúa hồi lại. Vua thấy vậy không hiểu tại sao bác lại hành động như thế, nổi giận thét: "Giam nó vào ngục". Sáng hôm sau, bác bị kết án tử hình rồi bị đưa lên giá treo cổ. Bác trèo hết bậc thang rồi nói:
- Trước khi bị xử tử, tội nhân nào cũng được phép nói, vậy thần có được phép nói không?
- Được, ta cho phép.
- Thần đã bị xử oan, thần đã luôn luôn tận tụy với bệ hạ. Rồi bác kể lại cho vua biết bác đã nghe thấy ở trên mặt bể ba con quạ nói với nhau những gì và tại sao bác đã phải làm những việc vừa qua để cứa chúa.
Vua bèn kêu lên:
- Tội nghiệp quá! Hãy tha cho Jôhannơt trung thành của trẫm. Cho bác xuống. Nhưng bác Jôhannơt vừa nói dứt lời thì ngã lăn ra hóa đá rồi. Vua và hoàng hậu thấy thế buồn lắm. Vua nói:
- Jôhannơt đã tận tụy với ta mà ta đã nỡ xử như thế ư! Rồi vua sai khiêng tượng Jôhannơt vào buồng ngủ, đặt bên giường mình. Mỗi lần trông thấy tượng, vua lại khóc mà nói:
- Jôhannơt trung thành ơi, ước gì ta làm cho ngươi sống lại được. Cách đó ít lâu, hoàng hậu sinh đôi. Hai đứa con trai lớn lên là nguồn vui của mẹ. Một hôm, hoàng hậu đi lễ nhà thờ, hai con ở nhà chơi gần bố.
Bố lại ngắm bức tượng thở dài và nói:
- Jôhannơt trung thành của ta ơi, ước gì ngươi sống lại. Bức tượng bỗng lên tiếng nói:
- Bệ hạ có thể làm ta sống lại, nếu bệ hạ chịu hy sinh cái gì bệ hạ yêu quí nhất. Vua nói:
- Trẫm sẽ vì ngươi mà hy sinh tất cả cái gì trẫm có ở trần gian. Tượng đá nói:
- Nếu bệ hạ chịu tự tay chặt đầu hai Hoàng tử lấy máu bôi vào thần thì thần sẽ sống lại. Nghe nói, vua rùng mình, không dám tự tay giết con. Nhưng vua lại nhớ đến ơn người bầy tôi trung thành đã vì mình mà chết, bèn rút gươm chặt đầu hai con lấy máu bôi vào tượng thì quả là tượng sống lại.
Bác Jôhannơt lại khỏe mạnh tươi tắn đừng trước vua. Bác tâu với vua:
- Bệ hạ ăn ở có thủy có chung, bệ hạ được hưởng phúc. Rồi bác cầm lấy hai cái đầu lắp vào thân hai đứa bé, bôi máu vào chỗ chặt. Hai đứa bé sống lại, chơi đùa chạy nhảy như trước. Vua mừng lắm.
Khi thấy hoàng hậu về, vua giấu bác Jôhannơt và hai con vào một cái tủ lớn.
Hoàng hậu bước vào nói:
- Lúc nào thiếp cũng nghĩ đến "bác Jôhannơt trung thành" đã vì chúng ta mà chịu nạn. Vua bảo:
- Nàng có thể làm cho bác sống lại, nhưng phải chịu hy sinh hai đứa con mình. Hoàng hậu tái mặt đi, lòng se lại, nhưng rồi đáp:
- Bác Jôhannơt đã trung thành đối với mình, mình chịu ơn bác nhiều lắm. Vua thấy vợ mình cũng chung một ý nghĩ như mình, thích lắm, đi mở tủ cho bác Jôhannơt và hai con ra và nói:
- Lạy Chúa, bác đã được giải thoát và hai con nhỏ của mình sống lại. Rồi vua kể cho hoàng hậu nghe sự việc vừa qua. Từ đó, vua, hoàng hậu, hai Hoàng tử và bác Jôhannơt cùng vui hưởng hạnh phúc suốt đời.
Câu chuyện ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của những con người biết sống có tình, có nghĩa.
Con người luôn vượt qua được những khó khăn, cản trở nếu có tấm lòng cao thượng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:41:15 | Chỉ xem của tác giả
Cuộc ngao du của tí hon

Một bác thợ may có đứa con trai, người chỉ bằng ngón tay cái, vẫn gọi là Tí hon. Tí hon rất can đảm. Một hôm nó thưa bố:

- Bố ơi, con phải đi ngao du thiên hạ một phen mới được!

Ông bố già đáp:

- Được thôi, con ạ!

Bác lấy cái kim thêu, hơ lên ngọn nến, đính một cái núm bằng xi vào đó rồi đưa cho con, bảo:

- Đây cho con thanh kiếm đi đường.

Tí hon còn muốn ăn với bố mẹ bữa nữa, nên nó nhảy xuống bếp xem mẹ nó nấu gì. Nhưng nồi vừa mới đặt lên bếp, Tí hon hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, có gì ăn thế?

Bà mẹ bảo:

- Con hãy ngó vào xem.

Nhảy tót lên bếp, vươn cổ dòm vào nồi. Nó vươn mãi cổ vào sâu quá, hơi thức ăn bay nghi ngút cuốn luôn nó lên ống khói. Nó ngồi ngất ngưởng trong đám hơi, cứ thế lơ lửng mãi trên không, lúc lâu sau mới rơi xuống. Thế là chú bé con bác thợ may có dịp đi ngao du thiên hạ.

Chú đi đây đi đó, rồi đến xin tập việc một người thợ cả. Nhưng ở đây họ cho chú ăn chẳng được ngon. Chú nói với bà chủ nhà:

- Bà chủ ạ, bà không chịu cho tôi ăn khá hơn thì nhất định tôi sẽ đi. Sáng mai tôi sẽ lấy phấn viết ngay trước cửa nhà:

Bà chủ giận lắm, quát:

- Mi còn muốn gì hử?

Bà rút cái giẻ lau, định quất chú. Nhưng chú đã mau lẹ bò lên cái bao ngón tay của bà, rồi từ trên đó chú dòm xuống, thè lưỡi nhạo bà. Bà tháo bao định chộp chú thì chú lại tót sang cái giẻ mất rồi. Thừa lúc bà giũ giẻ tìm chú, chú trốn luôn xuống kẽ bàn. Chú thò đầu lên, giễu bà:

- Bà chủ ơi, tôi đây cơ mà!

Lúc bà sắp đánh, chú lẩn xuống ô kéo. Nhưng rồi bà cũng tóm được và tống chú ra khỏi cửa.

Tí hon lại đi lang thang. Đến cánh rừng kia, chú gặp kẻ trộm đang bàn nhau đi ăn trộm của vua. Chợt thấy Tí hon, bọn kẻ trộm sực nghĩ: "Thằng nhãi ranh này nhất định chui lọt lỗ khóa, có thể dùng nó thay chìa khóa giả được đây". Một tên gọi:

- Này, ông khổng lồ Gôliat ơi, có muốn nhập với bọn mình đến kho của báu không? Ông có thể chui vào ném tiền ra cho bọn này.

Tí hon nghĩ một lát rồi bằng lòng nhận. Chú đi với chúng. Đến nơi, chú ngắm kỹ cửa trên, cửa dưới xem có cái kẽ nào không. Tìm hồi lâu thấy một khe hở, cũng khá rộng, đủ cho chú lọt qua. Chú đã sắp chui vào thì bị một tên lính canh cửa nhìn thấy. Nó bảo tên kia:

- Xem kìa, có con nhện gớm ghiếc đương bò kia kìa. Tôi phải dẫm nó mới được!

Tên kia can:

- Thôi mặc nó, kẻo tội nghiệp. Nó có làm gì anh đâu!

Thế là Tí hon lọt được vào trong kho. Chú mở cửa sổ chỗ bọn kẻ trộm đợi rồi nhặt tiền ném ra, cứ từng đồng một. Đương lúc mê mải chợt có tiếng chân vua vào soát kho. Tí hon vội chuồn ngay. Vua soát, biết là có nhiều đồng tiền dày đã bị mất nhưng không thể hiểu kẻ nào đã lấy, vì lẽ then khóa vẫn y nguyên không có chút dấu hiệu suy chuyển. Vua đành ra lệnh cho hai tên lính:

- Bay phải coi chừng, có kẻ rình lấy tiền đấy!

Lúc Tí hon tiếp tục hoạt động thì bọn lính đứng ngoài rình nghe thấy tiếng vàng rơi xủng xoẻng. Chúng vội nhảy vào kho để bắt kẻ trộm. Nhưng Tí hon nhanh hơn, đã tót được vào một xó, khuân một đồng tiền lấp lên mình. Chú trêu bọn lính:

- Tớ đây cơ mà!

Lúc bọn lính xô tới thì chú lại chuồn sang xó khác, léo nhéo gọi:

- Này, tớ đây cơ mà!

Bọn lính đến thì chú đã sang xó thứ ba từ lâu rồi. Chú lại gọi:

- Này, tớ đây kia mà!

Cứ thế, Tí hon dử cho hai tên lính chạy quanh đến mệt lử và phải bỏ cuộc. Chú tiếp tục ném tiền ra ngoài cho bọn trộm hết đồng này đến đồng khác. Còn lại đồng cuối, chú ra sức quăng mạnh, đoạn nhảy liền theo, cưỡi tiền bay vút qua cửa sổ. Bọn trộm hết lời tán tụng chú:

- Quả là tay anh hùng! Chú có muốn là chủ tướng không?

Tí hon cảm ơn. Chú nói, chú còn muốn đi ngao du thiên hạ đã. Bọn trộm chia nhau số tiền. Tí hon chỉ lấy phần mình có một đồng, vì có lấy nữa chú cũng chẳng mang nổi. Chú buộc lại thanh kiếm bên sườn, chào bọn cướp rồi ra đi. Chú đến nhà mấy bác thợ cả nữa xin làm. Nhưng ở đâu cũng chóng chán. Sau cùng chú đến làm cho một quán trọ. Đám hầu gái nhà này không ai ưa chú, chỉ vì họ không nhìn thấy chú, thế mà ai bí mật làm gì chú đều biết hết. Chú lại hay mách chủ những chuyện họ ăn uống vụng trộm, hoặc ăn cắp dưới hầm. Họ vẫn đe:

- Liệu hồn! Thế nào cũng có bữa cho mi chết đuối.

Họ bảo nhau xỏ Tí hon một vố. Một hôm, chú đương mải miết nhảy nhót, leo trèo giữa đám cỏ dại ngoài vườn thì bị một cô hầu ra cắt cỏ bắt gặp. Tiện tay cô vơ luôn cả Tí hon với cỏ, buộc túm vào một cái khăn lớn rồi ném cho bò. Một con bò mộng đen nuốt chửng Tí hon vào bụng. Chú không bị đau đớn gì nhưng nằm trong ấy thật khó chịu quá, tối như bưng. Đợi lúc có người vào vắt sữa, chú ra sức gào: "Tơrip, torắp, torôn! Sắp đầy thùng chưa?" Tiếng sữa tia rào rào, át mất tiếng chú nên không ai nghe thấy. Lát sau, chủ quán vào bảo:

- Mai thịt con bò này!

Tí hon sợ quá, lại gân cổ gào:

- Thả tôi ra đã, tôi ở trong này mà!

Chủ quán nghe thấy, nhưng không biết ai gọi ở đâu. Bác hỏi lại:

- Ở đâu thế?

Tí hon vội đáp:

- Trong bụng con đen ấy mà!

Chủ quán không hiểu nghĩa câu nói, bỏ đi. Sáng hôm sau, họ thịt con bò đen. Cũng may lúc họ hạ bò rồi xả thịt, Tí hon không bị đau. Chú bị lẫn trong đống thịt để tra dồi. Lúc người thợ băm dồi vào sắp làm, chú ra sức bình sinh gào:

- Đừng băm sâu quá! Đừng băm sâu quá! Tôi ở dưới đấy!

Nhưng vì dao băm đã gõ rộn lên nên chẳng ai nghe được tiếng chú gọi. Giờ mới thật nguy cho chú, nhưng thói thường có khó mới ló cái khôn, chú nhảy tránh rất tài giữa các đường dao, khiến chẳng một nhát nào chạm được vào người chú. Chú thoát chết. Tuy thế, chú vẫn chưa nhảy ra ngoài được. Chú bị họ tra lẫn với miếng mỡ vào một khoanh dồi tiết. Trong khoanh dồi chật chội quá, đã thế họ lại còn mắc lên ống khói lò bếp để hun cho kỹ. Tí hon thấy thời gian lúc này mới dài làm sao! Nhưng rồi cũng đến mùa đông, họ tháo khoanh dồi xuống. Nhà có khách, họ định đem dồi đãi khách. Lúc bà chủ thái dồi, sợ lưỡi dao xoẹt ngang một nhát. Chờ lúc thuận lợi, chú lấy hơi nhảy tót ra ngoài. Chú không muốn ở lại nhà ấy nữa, nơi chú đã phải chịu bao điều đen đủi. Tí hon lại đi giang hồ. Nhưng cuộc đời tự do của chú cũng chẳng được bao lâu nữa. Chú đang lang thang giữa đồng thì chạm trán phải một con cáo, nó nuốt luôn chú. Chú vội van nài:

- Bác cáo ơi, tôi đấy mà, chả bõ cuống họng bác, chi bằng bác thả tôi ra!

Cáo đáp:

- Mi nói cũng có lý. Ăn mi cũng như không ăn gì. Mi hứa cho ta mấy con gà ở nhà bố mi đi, ta sẽ thả.

Tí hon đáp:

- Tôi rất sẵn lòng, nhà có bao nhiêu gà sẽ xin tạ bác hết.

Cáo bèn thả chú ra, lại thân đưa chú về nhà. Ông gặp lại con mừng quá, nhà có bao nhiêu gà biếu cáo tất. Tí hon đưa cho bố đồng tiền vàng mà chú đã kiếm được trong chuyến đi vừa rồi.

- Con có đồng tiền rất đẹp để đến cho bố đây này. Nhưng sao bố lại chịu để cáo nó thịt hết cả đàn gà con của nhà?

- Ôi, con ngốc quá! Con là đứa con đẻ đứt ruột của bố, lý nào bố lại quí đàn gà ngoài sân hơn cả con trai.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:41:59 | Chỉ xem của tác giả
Mười hai người thợ săn

Ngày xưa có một vị Hoàng tử yêu vợ chưa cưới tha thiết. Một hôm, chàng đang ngồi bên nàng rất đỗi sung sướng thì nhận được tin cha ốm sắp chết muốn gặp mặt chàng trước khi nhắm mắt. Chàng liền bảo người yêu:

- Anh phải từ biệt em đi ngay. Anh tặng em chiếc nhẫn này làm kỷ niệm. Mai sau anh lên ngôi vua rồi, anh sẽ trở lại đón em.

Chàng lên ngựa ra đi. Khi chàng về gặp vua cha thì vua ốm thập tử nhất sinh sắp chết đến nơi. Vua cha phán:
- Con yêu dấu ạ. Cha muốn nhìn mặt con một lần cuối cùng trước khi chết. Con phải hứa với cha là sau khi cha chết đi, con sẽ lấy vợ theo ý muốn của cha.

Rồi vua cho chàng biết tên một nàng công chúa mà chàng phải lấy làm vợ. Trong lúc choáng váng cả người, Hoàng tử không suy nghĩ gì, chỉ thưa:
- Thưa cha, con sẽ làm theo như ý cha.

Nhà vua, nhắm mắt từ trần. Hoàng tử lên ngôi vua. Hết thời gian tang lễ chàng phải giữ lời hứa với cha cho đi hỏi nàng công chúa ấy và được nàng nhận lời. Người vợ chưa cưới đầu tiên của chàng được tin đó buồn bao vì bị phụ tình ốm suýt chết. Cha nàng liền hỏi nàng:
- Con yêu dấu, làm sao con buồn rầu thế? Con ước muốn gì, cha cũng cho.

Nàng nghĩ một lúc rồi nói:
- Thưa cha, con mong ước có mười một thiếu nữ từ mặt mũi, hình dáng, vóc người đều giống con y hệt.

Vua cha nói:
- Nếu là điều có thể làm được thì điều ước của con nhất định sẽ thành sự thật.
Vua sai người đi tìm trong khắp nước kỳ cho đến khi được đủ mười một thiếu nữ giống con gái mình y hệt, từ mặt mũi hình dáng, đến khổ người. Khi các thiếu nữ có đến trước công chúa, nàng cho may mười hai bộ quần áo đi săn y hệt nhau, cho mười một cô mặc vào, chính nàng cũng mặc một bộ. Sau đó, nàng từ biệt vua cha, cùng họ lên ngựa đi đến triều đình của người chồng chưa cưới cũ mà nàng đã yêu tha thiết. Nàng đến hỏi xem nhà vua có cần thợ săn và có muốn mượn cả mười hai người không? Vua nhìn nàng nhưng không nhận ra được. Vua thấy họ đẹp quá nên đồng ý mượn cả. Thế là họ thành mười hai người thợ săn của nhà vua.

Nhà vua vốn có một con sư tử. Đó là con vật kỳ lạ biết hết mọi điều bí ẩn. Một buổi tối nó nói với nhà vua:
- Bệ hạ đinh ninh là có mười hai người thợ săn phải không?

Vua bảo:
- Đúng, đó là mười hai người thợ săn.

Sư tử lại nói tiếp:
- Bệ hạ lầm rồi, đó là mười hai thiếu nữ đấy.

Vua đáp:
- Nhất định không đúng. Người làm thế nào chứng minh được việc ấy!

Sư tử đáp:
- Ồ dễ thôi, bệ hạ chỉ việc rải đỗ vào phòng thì biết ngay. Đàn ông bước mạnh nên khi giẫm lên đỗ thì không hạt nào động đậy, nhưng phụ nữ bước thì thoăn thoắt lại hay xoay chân, hạt đỗ sẽ lăn đi.

Vua khen là kế hay, cho rắc hạt đỗ. Nhưng có người hầu nhà vua có lòng tốt đối với những người thợ săn, nghe thấy nói nhà vua nhất định thử họ, liều đi kể cho biết hết và bảo:
- Sư tử nó muốn mách nhà vua rằng các người là gái cả đấy.

Công chúa cảm ơn bác ta rồi bảo các cô thiếu nữ:
- Các em cố sức giẫm mạnh lên các hạt đỗ nhé.

Sáng hôm sau nhà vua truyền mười hai người thợ săn đến phòng có rải hạt đỗ. Các cô thiếu nữ cố giẫm thật mạnh, bước đi của họ khỏe và chắc đến nỗi không một hạt đỗ nào lăn hoặc chuyển động, sau khi họ đi khỏi, nhà vua bảo sư tử:
- Mày đánh lừa tao rồi, chúng đi chắc bước, đó là đàn ông.

Sư tử đáp:
- Vì biết là bị thử thách nên họ đã gắng đi cho chắc bước. Bệ hạ cứ để mười hai chiếc guồng kéo kéo sợi vào phòng, họ sẽ mừng rỡ và xán lại ngay, đàn ông thì không bao giờ thế.

Nhà vua cho là kế hay, bèn sai để guồng kéo sợi vào phòng. Nhưng người hầu vốn thật thà với những người thợ săn, đến nói lộ cho họ biết hết mưu kế. Công chúa bảo riêng mười một thiếu nữ: "Các em cố nhịn đừng có ngó tới guồng kéo sợi nhé".

Sáng hôm sau vua cho triệu mười hai người thợ săn đến, họ vào phòng không chú ý gì đến guồng sợi. Vua lại bảo sư tử:
- Mày đánh lừa tao. Đúng là đàn ông rồi, vì chúng không nhìn gì đến guồng kéo sợi.

Sư tử đáp:
- Họ biết là bị thử thách nên cố nhịn đấy.

Nhưng vua nhất định không tin sư tử nữa. Ngày nào mười hai người thợ săn cũng theo vua đi săn, càng ngày vua càng yêu quí họ. Một hôm trong khi họ đi săn, thì được tin vợ chưa cưới của nhà vua sắp tới. Người vợ chưa cưới chính thức nghe vậy đau khổ quá. Tim bị nhói lên ngã lăn xuống đất bất tỉnh nhân sự. Vua tưởng là người thợ săn yêu quí của mình bị làm sao vội chạy lại cứu. Vua lại tháo bao tay ấy thì thấy chiếc nhẫn mình đã tặng cho người vợ chưa cưới thứ nhất. Vua nhìn mặt nhận ra nàng. Lòng vua hồi hộp, vua hôn nàng lúc nàng mở mắt, vua bảo:
- Em là của anh, anh là của em. Thiên hạ không ai thay đổi được điều ấy.

Vua phái sứ giả đến gặp người vợ chưa cưới kia xin nàng quay về nước vì vua đã có vợ rồi. Ai đã tìm thấy chiếc chìa khóa cũ thì không cần đến chiếc mới nữa. Sau đó hôn lễ được cử hành. Sư tử được tha tội, vì quả là nó nói đúng sự thật.

Câu chuyện ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người con gái và tình yêu bất diệt. Với tình yêu chân chính, con người luôn tìm được hạnh phúc dài lâu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:42:31 | Chỉ xem của tác giả
Ba sợi tóc vàng của con quỷ

Xưa, ở một làng kia, có một người đàn bà nghèo sinh được một đứa con trai. Khi nó ra đời, người ta tiên tri là năm mười bốn tuổi, nó sẽ lấy được công chúa.

Vào lúc đó, nhà vua vi hành qua làng, không một ai biết. Vua hỏi trong làng có sự gì lạ không, thì dân làng tâu:

- Gần đây có một đứa trẻ mà người ta tiên tri là năm mười bốn tuổi, nó sẽ lấy được công chúa.

Nhà vua vốn độc ác nghe nói như vậy tức lắm, liền đến ngay nhà bố mẹ đứa trẻ, giả vờ thân mật bảo:

- Các bác nghèo khó, hãy giao con cho tôi để tôi chăm sóc nó cho.

Hai vợ chồng nhà kia trước còn từ chối, sau thấy người lạ mặt đưa cho nhiều vàng, nghĩ bụng: "Con mình là đứa tốt số. Như thế lại hay cho nó", nên cuối cùng bằng lòng trao con.

Vua đặt đứa trẻ vào một cái hòm, cưỡi ngựa tới một chỗ nước sâu, ném hòm xuống, nghĩ thầm: "Thế là con gái ta thoát khỏi tay anh chàng rể bất đắc dĩ này".

Nhưng cái hòm không chìm, cứ nổi như một chiếc tàu nhỏ, nước không thấm vào một giọt. Hòm trôi lềnh bềnh cách kinh kỳ hai dặm, đến cửa cổng một cối xay thì bị mắc lại. May lúc đó có thằng bé xay bột trông thấy, lấy móc kéo vào. Nó tưởng trong có của, nhưng khi mở ra thì thấy một đứa bé khỏe mạnh, khôi ngô. Nó mang đứa trẻ về cho chủ. Hai vợ chồng này không có con, nên mừng lắm. Họ hết sức chăm sóc, đứa bé hay ăn chóng lớn. Một hôm, tình cờ vua vào nhà xay để tránh mưa. Vua hỏi vợ chồng người xay bột có phải gã thanh niên cao lớn là con trai họ không. Họ đáp:

- Tâu bệ hạ không phải, đó là đứa trẻ nhặt được cách đây mười bốn năm. Nó nằm trong một cái hòm trôi dạt tới cửa cổng, thằng bé xay bột nhà chúng tôi đã vớt nó lên.

Vua nghĩ thầm chắc là đứa bé tốt số mà mình đã vứt xuống nước trước kia, bèn nói:

- Này ta muốn nhờ gã này mang một lá thư đến cho hoàng hậu, có được không? Ta sẽ thưởng cho hai đồng vàng.

Bố mẹ nuôi vâng lệnh bảo gã chuẩn bị đi.

Vua viết thư cho hoàng hậu nói: "Khi gã thanh niên mang thư này đến, thì hãy đưa hắn vào ngục tối. Phải thi hành mệnh lệnh này trước khi ta về".

Chàng thanh niên cầm thư lên đường, nhưng đi lạc đến một khu rừng to. Trong đêm tối, chàng thấy một ánh đèn, lại gần thì là một cái nhà nhỏ. Chàng vào nhà thấy một bà lão ngồi một mình bên bếp lửa. Bà lão thấy chàng, hoảng sợ hỏi:

- Con ở đâu đến? Con đi đâu?

- Con ở nhà xay đến. Con phải mang thư đến cho hoàng hậu, nhưng bị lạc trong rừng. Con muốn xin ngủ lại đêm nay ở đây.

- Tội nghiệp! Con lạc vào nhà kẻ cướp rồi. Chúng về thì chúng sẽ đánh con.

- Thôi, muốn ra sao thì ra. Cháu chẳng sợ. Vả lại cháu mệt quá, không đi được nữa đâu.

Chàng nằm lên ghế dài ngủ. Lát sau bọn cướp về, tức giận hỏi gã thanh niên nào ngủ đó.

Bà lão nói:

- Trời ơi! Thằng bé có tội tình gì đâu! Nó lạc vào rừng, tôi thương tình cho nó vào đây. Nó phải mang thư cho hoàng hậu đấy.

Bọn cướp bóc dấu niêm phong thư thấy nói là phải đưa ngay người mang thư này vào ngục tối. Bọn cướp tuy nhẫn tâm mà cũng động lòng, tên tướng cướp xé tan lá thư đó, viết lá thư khác đại ý nói phải gả công chúa ngay cho chàng thanh niên mang thư này đến. Họ để cho chàng ngủ yên đến sáng. Sáng hôm sau, họ giao thư cho chàng và chỉ đường cho đi. Hoàng hậu nhận được thư, theo lệnh tổ chức đám cưới linh đình, gả công chúa cho chàng tốt số. Chú rể đẹp trai và tốt nết, công chúa sống với chồng hạnh phúc lắm.

Sau đó ít lâu, vua về, thấy lời tiên tri đã thành sự thật, đứa bé tốt số đã lấy con mình, bèn nói:

- Chẳng hiểu sao lại thế, trong thư ta ra lệnh khác cơ mà.

Hoàng hậu lấy thư đưa vua xem. Vua thấy thư đã bị đánh tráo, bèn hỏi con rể thư cũ đâu, sao lại đánh tráo thư khác. Chàng đáp:

- Tâu bệ hạ, con không biết. Chắc ban đêm con ngủ trong rừng, thư đã bị đánh tráo.

Vua tức giận nói:

- Như thế không ổn. Muốn lấy con ta thì phải xuống âm phủ nhổ ba sợi tóc vàng của con quỉ đem về nộp ta. Nếu người làm nổi thì vẫn được phép làm chồng con ta.

Vua định làm như thế để tống khứ chàng thanh niên đi. Nhưng chàng đáp:

- Con không sợ quỉ, con sẽ lấy được tóc vàng về.

Chàng bèn cáo từ vua ra đi. Khi chàng đến một thành phố lớn, lính canh hỏi chàng làm nghề gì và biết những gì. Chàng đáp:

- Gì cũng biết.

Lính canh nói:

- Thế anh bảo giùm chúng tôi tại sao giếng ở chợ chúng tôi trước kia luôn chảy ra rượu vang, mà nay lại cạn hẳn đi, đến một giọt nước cũng không còn.

Chàng nói:

- Chờ khi tôi về, tôi sẽ bảo cho biết.

Chàng lại đi, đến một thành phố khác. Lính canh cũng hỏi chàng làm nghề gì và biết những gì. Chàng lại đáp:

- Gì cũng biết.

Lính canh nói:

- Thế anh bảo giùm chúng tôi biết tại sao trong thành chúng tôi có cây táo trước kia ra quả vàng mà nay đến một chiếc lá cũng không còn?

Chàng lại đáp:

- Chờ tôi về, tôi sẽ cho biết.

Chàng lại đi, đến một con sông lớn. Người lái đò hỏi chàng làm nghề gì và biết những gì.

Chàng đáp:

- Gì cũng biết.

Người lái đò nói:

- Thế anh bảo giùm tôi biết tại sao tôi cứ phải chở đò qua lại trên khúc sông này không có ai thay.

Chàng đáp:

- Để khi trở về tôi sẽ bảo cho biết.

Qua sông đến bến, chàng thấy cửa âm phủ tối om, ám khói. Con quỉ đi vắng. Ở nhà chỉ có một bà già ngồi trong một chiếc ghế bành rộng. Bà không có vẻ ác. Bà hỏi:

- Cháu muốn gì?

- Cháu muốn lấy ba sợi tóc của con quỉ, nếu không thì mất vợ.

- Kể thì quá đấy. Nếu con quỉ về mà thấy cháu ở đây thì chắc chắn là cháu mất đầu. Nhưng thôi, ta thương hại cháu, để xem có cách nào giúp cháu không.

Bà làm phép cho chàng biến ra kiến và bảo:

- Cháu hãy bò vào trong áo ta thì mới toàn tính mệnh được.

- Vâng, quí hóa quá, nhưng con còn muốn biết ba điều: "Một là tại sao giếng nước trước kia chảy ra rượu vang, nay bỗng cạn hẳn, không còn một giọt nước? Hai là tại sao cây táo kia trước có quả táo vàng mà giờ không có đến một cái lá? Ba là tại sao bác lái đò kia cứ phải chở đò mãi, không có ai thay".

Bà già nói:

- Ba câu hỏi này khó thật, nhưng cháu cứ yên tâm, lắng tai nghe con quỉ nói khi ta nhổ ba sợi tóc vàng của nó nhé.

Đến tối con quỉ về nhà. Vừa vào cửa, nó đã ngờ ngợ thấy mùi gì lạ. Nó nói:

- Quái, ta ngửi như có mùi thịt người ở đây, có phải không?

Bà lão chế nó:

- Tôi vừa quét dọn ngăn nắp, bây giờ anh lại lục tung cả ra. Lúc nào mũi anh cũng chỉ ngửi thấy mùi thịt người. Thôi ngồi xuống ăn đi.

Ăn uống xong, con quỉ thấy mệt, tựa đầu vào gối bà già và bảo bà bắt chấy cho. Được một lát, nó thiu thiu ngủ rồi ngáy khò khò. Bà già nhổ một sợi tóc vàng của nó, để bên mình. Con quỉ hỏi:

- Ái chà, bà làm gì thế?

Bà lão nói:

- Tôi mộng thấy sự không lành, nên tôi đã nắm tóc anh đấy.

Con quỉ hỏi:

- Bà mộng thấy gì?

- Tôi nằm mộng thấy giếng ở chợ trước kia thường chảy ra rượu vang, nay cạn hẳn, đến một giọt nước cũng không còn? Tại sao thế?

Con quỉ đáp:

- Chà! Nếu biết thì đã chẳng nên chuyện. Dưới tảng đá ở đáy giếng có một con cóc. Bắt nó đi thì rượu vang lại chảy ra.

Bà lão lại bắt chấy cho con quỉ. Quỉ lại ngủ, ngáy rung cả cửa kính. Bà già lại nhổ một sợi tóc nữa. Quỉ cáu, nói:

- Ô hay, làm gì thế?

Bà lão đáp:

- Anh đừng giận nhé, tôi lại mộng đấy mà.

- Lại mộng gì nữa thế?

- Tôi thấy ở một nước nọ có một cây táo trước kia thường vẫn ra quả vàng mà nay đến một cái là cũng chẳng còn. Tại sao thế?

- Chà! Nếu biết thì đã chẳng nên chuyện. Có một con chuột nhắt gặm rễ cây. Bắt nó đi thì cây lại ra quả vàng. Nếu để chuột gặm mãi thì cây đến chết mất. Nhưng thôi, đừng có mơ mộng gì nữa nhé, để cho tôi ngủ yên, nếu còn làm tôi thức giấc, tôi sẽ đánh cho đấy.

Bà lão dỗ dành con quỉ, rồi lại bắt chấy cho nó. Nó lại ngủ và ngáy. Bà nhổ sợi tóc vàng thứ ba của nó. Con quỉ chồm dậy, kêu lên và toan đánh bà, nhưng bà lại nói ngọt rằng:

- Khốn nỗi cứ mộng mãi thì biết làm thế nào?

Con quỉ tò mò hỏi:

- Bà còn mộng thấy gì nữa?

- Tôi chiêm bao thấy có một người lái đò than phiền là cứ phải chở đò qua lại mãi mà không có người thay. Tại sao thế?

Quỉ đáp:

- Ngốc quá. Nếu có ai muốn qua sông, thì hắn chỉ việc trao mái chèo cho người ấy là thoát, và người kia sẽ chở đò thay hắn thôi.

Sau khi đã nhổ ba sợi tóc vàng của con quỉ và đã được nghe nó trả lời ba lần, bà già để cho nó ngủ đến sáng. Con quỉ bước chân ra khỏi cửa, thì bà liền bắt con kiến ở trong nếp áo bà ra, hóa phép biến nó lại thành người. Bà lão nói:

- Đây ba sợi tóc vàng đây, còn ba câu trả lời của con quỉ thì cháu nghe được rõ rồi chứ?

Chàng đáp:

- Vâng, cháu đã nghe rõ rồi, cháu sẽ nhớ kỹ.

Bà lão bảo:

- Thôi thế cháu thoát rồi nhé. Lên đường về được rồi đấy.

Chàng cảm ơn bà lão đã giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn. Chàng đi khỏi âm phủ, trong lòng phấn khởi vì mọi việc đều được như ý.

Chàng gặp bác lái đò, bác xin chàng giải đáp cho như chàng đã hứa. Chàng tốt số nói:

- Bác hãy chở tôi sang bờ bên kia, tôi sẽ bảo bác cách giải thoát.

Tới bờ, chàng cho bác biết câu trả lời của con quỉ:

- Nếu có người muốn qua sông thì bác chỉ việc đặt mái chèo vào tay người ấy rồi đi.

Chàng lại lên đường, đến thành phố có cây trụi quả. Lính canh cũng đang chờ chàng giải đáp. Chàng nhắc lại lời của con quỉ:

- Bắt con chuột nhắt gặm rễ cây đi, thì cây lại ra quả táo vàng.

Họ cám ơn chàng và biếu chàng hai con lừa tải nặng vàng. Sau cùng, chàng đến thành phố có giếng cạn. Chàng cũng nhắc lại lời con quỉ:

- Có một con cóc ngồi dưới hòn đá ở đáy giếng, phải tìm cách bắt nó đi, thì rượu vang lại chảy ra nhiều.

Lính canh cảm ơn chàng và cũng tặng chàng hai con la trở nặng vàng.

Chàng về tới nhà; vợ chàng vui mừng khôn xiết, vì lại trông thấy mặt chồng và thấy chồng đi gặp được mọi việc đều như ý. Chàng dâng vua ba sợi tóc vàng của con quỉ. Vua thấy bốn con la tải nặng vàng, mừng lắm, nói:

- Nay con đã làm xong mọi việc ta giao cho, thì con vẫn được lấy con gái ta. Này con, con lấy đâu ra nhiều vàng thế? Thật là một kho tàng vô giá!

- Con lấy ở bên kia sông, đó là cát trên bờ.

Vua tham lam, hỏi:

- Ta có lấy được không?

Chàng rể đáp:

- Bẩm muốn lấy bao nhiêu cũng được ạ. Bệ hạ bảo người chở đò đưa sang bờ bên kia thì tha hồ lấy.

Ông vua tham lam kia vội lên đường ngay. Đến bờ sông, vua ra hiệu cho bác chở đò đưa qua sông. Người lái đò mời vua xuống thuyền. Khi sang đến bờ bên kia, bác đặt mái chèo vào tay vua rồi nhảy lên bờ. Thế là ông vua, vì tham của mà chịu tội thành anh lái đò.

- Thế vua còn chèo đò nữa không?

- Sao! Thì đã có ai cầm mái chèo cho nhà vua đâu!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:43:15 | Chỉ xem của tác giả
Mèo làm thân với chuột

Mèo làm thân với chuột. Mèo kể lể tâm tình tha thiết, chuột nghe bùi tai đồng ý ăn ở chung với mèo. Mèo bảo:

- Ta phải đề phòng mùa rét kẻo rồi bị đói. Chú mày chớ có đi lại liều lĩnh kẻo rồi mắc bẫy đấy.

Chuột nghe lời. Chúng đi mua một niêu mỡ nhưng không biết cất đâu. Suy nghĩ mãi, mèo bảo:
"Anh thấy chẳng còn nơi nào cất tốt bằng ở nhà thờ vì ở đấy không ai dám lấy gì đi. Cánh ta đem cất niêu dưới gầm bàn thờ, chưa cần mỡ thì ta nhất định không rờ đến". Thế là chúng cất niêu thật kỹ. Nhưng chẳng bao lâu mèo ta thèm mỡ, nói với chuột:
- Chú chuột ạ, anh muốn nói với chú điều này. Anh có người chị họ mời đến làm bố đỡ đầu cho cháu. Chị ấy sinh được con trai, lông trắng đốm nâu, anh phải đi dự lễ đỡ đầu. Hôm nay anh đi, chú ở nhà trông coi nhà cửa một mình nhé.

Chuột đáp:

- Vâng vâng, lạy Chúa ban phước lành cho anh đi, có miếng ngon, anh nhớ lấy phần về cho em nhé. Em ao ước được nhắp rượu vang đỏ ngọt.

Nhưng tất cả những điều mèo nói đều sai cả. Mèo chẳng có chị em họ nào, mà cũng chẳng có ai mời đến làm lễ đỡ đầu. Nó đến thẳng nhà thờ, lén đến niêu mỡ, ăn xong liếm lông cho sạch mỡ. Rồi nó dạo chơi trên mái nhà thành phố, nhìn quanh quẩn, nằm ườn sưởi nắng, mỗi lần nhớ đến niêu mỡ lại chùi mép. Mãi đến chiều nó mới về nhà. Chuột nói:

- Thế nào, anh đã về đấy à? Chắc là cả ngày nhởn nhơ vui thú lắm nhỉ?

- Ừ thú lắm.

Chuột hỏi:

- Đứa trẻ đặt tên đỡ đầu là gì?

Mèo đáp gọn lỏn:

- "Liếm sạch lông".

Chuột reo lên:

- Sao lại là "Liếm sạch lông". Thật là một cái tên lạ lùng, hiếm có. Trong họ anh, tên ấy có thông thường không?

Mèo nói:

- Có gì lạ đâu! Tên ấy cũng không có gì xấu hơn tên "Ăn cắp vặt" là tên đỡ đầu của chú?

Cách đó ít lâu, mèo lại nổi cơn thèm, nói với chuột:

- Chú làm ơn giúp anh nhé. Nhờ chú trông nom nhà cửa một mình chuyến nữa. Anh lại có người mời đi làm bố đỡ đầu lần thứ hai. Đứa trẻ có vòng lông trắng quanh cổ, anh không tiện từ chối.

Chuột tốt bụng, nhận lời. Mèo kín đáo đi đến nhà thờ ăn thêm một nửa niêu mỡ. Nó nghĩ bụng: "Không gì ngon hơn là ăn một mình", và lấy làm thú vị về việc làm ngày hôm đó. Khi về nhà, chuột hỏi:

- Thế nào anh, tên đỡ đầu của đứa trẻ là gì?

Mèo đáp:

- "Hết một nửa"

- Sao lại "Hết một nửa"? Anh nói gì thế? Từ thủa cha sinh mẹ đẻ, em chưa nghe thấy tên ấy bao giờ. Em cuộc là tên ấy không có ở trong lịch sử.

Sau đó ít lâu, nghĩ đến mỡ, mèo lại thèm nhỏ dãi. Nó liền bảo chuột:

- Quá tam ba bận. Anh lại phải đứng ra làm bố đỡ đầu. Đứa trẻ đen tuyền. Trừ chân trắng, không có một sợi lông trắng nào trên người, thật là mấy năm mới có một lận sinh thế. Chú mày để anh đi nhé!

Chuột đáp:

- "Liếm sạch lông", "Hết một nửa", tên gì mà quỉ quái thế, em cứ suy nghĩ mãi đấy.

Mèo nói:

- Chú cứ ru rú xó nhà với cái áo lông màu xám thẫm và cái đuôi dài mà nghĩ lẩn thẩn. Ấy chẳng qua là tại cả ngày không chịu đi ra ngoài đấy thôi!

Trong khi mèo đi vắng, chuột dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp. Mèo háu ăn chén sạch niêu mỡ. Nó nghĩ bụng: "Chỉ chén kỳ hết mới yên tâm". Mãi đến đêm, nó mới về nhà, no nứt bụng. Chuột hỏi luôn tên đứa trẻ được rửa tội là gì. Mèo đáp:

- Chắc là chú không vừa lòng đâu! Tên nó là "Hết sạch".

Chuột kêu:

- "Hết sạch", thật là một tên lạ lùng. Em chưa đọc thấy tên ấy bao giờ. "Hết sạch" thế là nghĩa lý gì nhỉ?

Nó lắc đầu, nằm cuộn tròn người lại ngủ. Từ đó trở đi, chẳng có ai đến mời mèo đi làm bố đỡ đầu nữa. Nhưng khi mùa đông tới, ra ngoài đồng không kiếm được gì ăn nữa, chuột mới nghĩ đến thức ăn để dành:

- Anh mèo ạ, ta đi tìm niêu mỡ để dành đi, chắc là ngon lắm đấy.

Mèo đáp:

- Được. Hẳn chú sẽ thấy ngon lắm, ngon như thể lưỡi liếm không khí ấy mà!

Chúng ra đi, tới nơi thì thấy niêu vẫn còn nguyên chỗ cũ nhưng chỉ có niêu không.

Chuột bảo:

- Thì ra thế, bây giờ tôi mới hiểu các việc đã xảy ra. Bây giờ mới rõ anh thật là bạn tốt. Anh đã đánh chén hết. Anh làm cha đỡ đầu như thế đấy: Lần đầu "Liếm sạch lông", lần sau "Hết một nửa", rồi...

Mèo hét lên:

- Chú mày còn nói tiếng nữa là ta ăn thịt đấy.

Tội nghiệp con chuột không kềm được tiếng: "Hết sạch". Vừa nói buông miệng thì mèo đã vồ nó nuốt chửng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 18-9-2011 20:43:52 | Chỉ xem của tác giả
Hai anh em

Xưa có hai anh em, anh thì giàu mà em thì nghèo. Người anh giàu có làm nghề thợ vàng, tính vốn ác nghiệt. Người em tết chổi bán kiếm tiền ăn, tính tình hiền hậu ngay thật. Người em có hai con, đẻ sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Hai đứa bé thỉnh thoảng vẫn lui tới nhà bác để hòng kiếm thức ăn thừa. Một bữa kia, người em vào rừng đốn củi bỗng thấy có con chim toàn vàng, xưa nay anh chưa từng thấy. Anh nhặt một viên sỏi ném, may trúng chim, nhưng chỉ rụng có một chiếc lông vàng còn chim bay mất. Anh lại nhặt cái lông mang về cho người anh. Gã nhìn rồi bảo: "Vàng thật đấy" rồi gã trả tiền cho em.

Bữa sau, người em trèo lên một gốc bạch dương định chặt lấy mấy cành, tình cờ lại thấy con chim hôm trước bay đi. Anh tìm một lát thấy tổ chim, trong có quả trứng vàng. Anh nhặt trứng đem về cho người anh, gã lại bảo: "Vàng thật đấy" và trả tiền cho em.Sau rốt, gã thợ vàng bảo: "Ta muốn có cả con chim kia!"

Người em vào rừng lần thứ ba lại thấy con chim đang đậu trên cây. Anh nhặt đá ném nó rơi xuống, đoạn xách nó về cho người anh, được gã trả cho một nắm vàng. Anh nghĩ bụng: "Giờ thì ta có thể sống đàng hoàng rồi đấy". Anh hài lòng lắm, ra về. Gã thợ vàng vốn là tay tinh quái, ranh mãnh nên gã thừa biết con chim kia đáng giá bao nhiêu rồi. Gã gọi vợ, bảo: "Hãy mang quay con chim vàng này cho tôi, nhớ chú ý đừng để mất đi tí gì nhé, tôi muốn ăn một mình tất cả".

Con chim này đâu có phải giống chim thường. Nó vốn thuộc một loài rất lạ. Ai ăn được tim gan nó trong vòng mười năm, cứ mỗi sáng lật gối lên sẽ có một đồng vàng. Người vợ mổ chim xong, cắm vào một cái xiên bỏ lò quay. Lát sau, chị ta có việc cần đi ra ngoài. Tình cờ giữa khi ấy, hai đứa nhỏ con người em chạy vào bếp đứng xem quay chim. Chúng nó xoay cái xiên đi, lại mấy vòng. Thấy hai miếng gì nho nhỏ rơi từ trong bụng chim xuống lòng chảo, một đứa bảo: "Ta ăn tí đi, em đói lắm, chẳng ai biết đâu mà sợ". Mỗi đứa nhặt ăn một miếng. Đang ăn bỗng người đàn bà trở vào thấy rõ chúng nhai mới hỏi: "Bay ăn gì thế?". Hai đứa đáp: "Có vài miếng từ bụng chim rơi xuống bác ạ". "Tim gan nó đấy mà!". Người đàn bà hãi quá. Để chồng khỏi thấy thiếu mà nổi nóng, chị vội thịt ngay một con gà, moi tim gan ra bù vào chỗ thiếu ở con chim vàng. Chim chín rồi, chị mang lên cho chồng. Gã ngốn tất một mình, không còn sót lại lấy một miếng. Sớm hôm sau, lúc luồn tay xuống dưới gối, gã cứ đinh ninh sẽ được một đồng vàng nhưng gã chẳng thấy gì hết.

Còn hai đứa nhỏ, chúng không ngờ vận may đã đến với chúng. Sớm hôm sau, lúc chúng thức giấc, bỗng có vật gì rơi xuống đất, tiếng kêu lanh lảnh. Chúng nhặt lên, té ra là hai đồng vàng. Chúng vội đem vào cho bố. Anh ta ngạc nhiên lắm, cứ tự hỏi: "Đầu đuôi thế nào đây nhỉ?".

Nhưng rồi sáng hôm sau lại được hai đồng vàng nữa và cứ thế. Anh ta bèn tìm người anh và kể cho anh nghe câu chuyện lạ. Gã thợ vàng hiểu ngay ra thế nào rồi, chắc hai đứa bé đã xơi mất cỗ tim gan trong con chim vàng của gã. Vốn tính tham lam cay nghiệt, để báo thù, gã mới dọa em: "Các cháu nó rỡn với quỷ rồi đấy! Chú chớ có lấy vàng và cũng chẳng nên cho chúng ở nhà nữa. Quỷ đã ám chúng và có thể sẽ còn hại cả chú nữa".

Người em nghe nói sợ lắm, nên mặc dù trong lòng đau như cắt, anh đành dắt hai con vào rừng, và ngậm ngùi bỏ con lại đó. Hai đứa trẻ quanh quẩn mãi trong rừng mà chẳng tìm được lối về, chúng bị lạc càng sâu hơn. Sau gặp một người đi săn hỏi chúng: "Các cháu là con cái nhà ai thế?".

Chúng đáp: "Chúng cháu là con người tết chổi nghèo". Chúng kể cho người đi săn biết chuyện cha chúng không muốn giữ chúng ở nhà chỉ vì sáng nào ở dưới gối của chúng cũng có một đồng tiền vàng. Người đi săn bảo: "Được, có gì khó khăn đâu, chỉ miễn là các cháu cứ ở cho ngay thật và chớ làm biếng".

Người đi săn tốt bụng này vốn không có con. Thấy hai đứa trẻ dễ thương, anh đưa luôn chúng về nhà mình và bảo: "Ta nuôi các cháu làm con". Anh truyền cho chúng nghề thợ săn và cất hộ chúng những đồng vàng mà sáng chúng vẫn được, để sau này dùng tới. Khi hai đứa trẻ đã lớn rồi, một hôm bố nuôi mới dắt cả hai vào rừng và bảo: "Bữa nay, các con phải bắn thử để ta còn làm lễ cho các con chính thức vào nghề". Ba người vào chỗ ẩn nhưng họ đợi mãi chẳng thấy con thú nào mò tới. Bác thợ săn mới ngẩng đầu lên nhìn bắt gặp đàn vịt trời trắng như tuyết đang xếp theo hình tam giác bay qua. Bác bảo con lớn: "Thử hạ mỗi góc một con coi nào?".

Người con lớn bắn và đạt được đúng như đúng lời bố dặn. Lát sau lại có đàn nữa bay tới, lần này chúng xếp thành hình số hai. Bác lại bảo con thứ hai thử hạ mỗi góc một con. Anh chàng này bắn cũng đạt. Bố nuôi bảo: "Ta tuyên bố là kể từ nay, các con chính thức vào nghề". Tiếp đó, hai anh em đưa nhau vào rừng bàn bạc và nhất trí với nhau điều gì đó. Tối đến, lúc ngồi vào bàn ăn, hai người thưa với bố nuôi: "Chúng con sẽ chẳng chịu ăn đâu nếu như bố không thuận cho chúng con một điều".

Bác hỏi: "Các con có điều gì vậy?".

Hai người đáp: "Giờ chúng con đã học thành nghề rồi, muốn đi thử tài với thiên hạ một phen, xin hãy cho chúng con đi.". Bác thợ săn vui lòng lắm: "Các con ăn nói đúng như những người thợ săn dũng cảm, điều mong muốn của các con cũng chính là điều ước nguyện của bố, các con cứ đi đi, tất sẽ thành công". Ba người lại ăn uống rất vui vẻ.

Tới ngày đã định, bố nuôi tặng mỗi người một khẩu súng với một con chó săn. Số vàng dành dụm bấy lâu nay cũng trả cho các con mang theo tùy ý muốn. Bác đi tiễn các con một đoạn đường. Lúc chia tay, bác còn cho thêm hai đứa một con dao còn mới sáng loáng và bảo: "Khi nào các con từ biệt nhau, nhớ cắm con dao này vào một gốc cây. Lúc trở về, cứ xem dao khắc biết tin nhau. Rút dao ra, nếu thấy han rỉ tức là người vắng mặt đã chết. Trái lại, dao còn sáng tức là người còn sống".

Hai anh em đi miết tới một khu rừng to, đi trọn một ngày mà chưa hết rừng. Họ phải ngủ đêm ở đó và lấy lương khô ra ăn. Lại đi trọn một ngày hôm sau nữa cũng chưa hết rừng. Lương ăn đã cạn rồi anh bảo em: "Phải bắn con gì ăn cho đỡ đói". Nói xong anh nạp đạn và tìm quanh. Thấy con thỏ chạy tới, anh giương súng ngắm nhưng thỏ kêu: "Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con thỏ con". Nó nhảy ngay vào bụi, sau đó tha ra hai chú thỏ con. Mấy con vật nhỏ này trông rất đáng yêu, hai người động lòng thương không nỡ giết. Họ giữ chúng lại và mang theo, hai con thỏ cũng bám rất sát dấu chân hai người.

Một lát sau đó, lại gặp một con cáo. Hai người định bắn thì cáo kêu lên: "Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con cáo nhỏ". Cáo tha ra hai chú cáo nhỏ. Hai người cũng không nỡ giết, cho đi cùng với hai con thỏ. Lát sau, một con sói ở chỗ rừng rậm ra. Hai người định bắn thì sói kêu: "Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con sói nhỏ". Họ tha hai con sói nhỏ nhập đàn với mấy con kia cùng đi. Lại gặp một con gấu nhưng gấu cũng tham sống kêu lên: "Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con gấu nhỏ". Hai con gấu nhỏ được nhập cùng đàn với mấy con trên, thành tám con tất cả. Sau đó, họ gặp sư tử. Sư tử rũ bờm tiến lại. Nhưng hai người nào có sợ. Họ giương súng ngắm. Sư tử vội kêu lên: "Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con sư tử con". Nó tha hai con nó ra. Thế là hai người đã có một đôi sư tử, một đôi gấu, một đôi sói, một đôi cáo, một đôi thỏ theo hầu. Trong bụng vẫn đói, họ mới bảo hai con cáo: "Này các chú cáo, các chú vốn ranh mãnh, đa mưu lại nhẹ nhàng, hãy kiếm cái gì ăn đi". Cáo đáp: "Cách đây không xa có một thôn nhỏ, bọn tôi vẫn thường tới đó ăn trộm gà, để chúng tôi xin dẫn đường".

Hai người tìm đường vào thôn, mua ít thức ăn, lại không quên cho cả mấy con vật ăn rồi tiếp tục ra đi. Hai con cáo vốn đã biết quá rõ trong vùng ấy chỗ nào nuôi gà, nên chúng chỉ đường cho hai người thợ săn rất rành.

Đi quanh quẩn đã khá lâu rồi mà vẫn chẳng tìm ra được chốn nào có việc làm mà lại ở cùng với nhau, nên hai anh em bàn: "Chỉ còn cách là ta chia tay nhau thôi.". Hai người chia đám súc vật ra, mỗi người lấy một con sư tử, một con gấu, một con sói, một con cáo và một con thỏ. Rồi họ từ biệt nhau, hứa sẽ giữ tình anh em trọn đời và cắm con dao mà bố nuôi đã cho họ lên một gốc cây.

Một người theo hướng đông mà đi, còn người kia lần theo hướng tây. Người em dẫn đàn súc vật đi tới một thành thị kia, thấy khắp nơi trong thành treo toàn cờ đen. Chàng rẽ vào một quán trọ hỏi chủ quán có chỗ cho súc vật của chàng trọ không. Chủ quán đưa chúng vào một cái chuồng, trên vách chuồng có lỗ thủng. Thế là thỏ ta chui được ra ngoài đi kiếm một cái bắp cải trắng. Cáo cũng kiếm được một con gà mái, ăn xong nó lại xơi luôn nốt con gà trống. Nhưng sói, gấu và sư tử vì thân hình to lớn quá, không vào chuồng được. Chủ quán bèn dẫn chúng ra một nơi, có con bò sữa đang nằm trên thảm cỏ, chúng thịt ngay con bò sữa. Chàng thợ săn lo cho đàn súc vật xong xuôi rồi mới hỏi thăm chủ quán xem tại sao trong thành chỉ thấy toàn cờ tang. Chủ quán cho biết: "Sáng mai, công chúa con một của đức vua qua đời".

Chàng hỏi lại: "Nàng bị ốm nặng hay sao?".

Chủ quán đáp : "Không đâu, nàng vẫn tươi tỉnh khỏe mạnh nhưng nàng sẽ phải chết".

Chàng thợ săn vẫn hỏi: "Sao vậy?".

- Trước cửa thành có một ngọn núi cao, trên núi có một con rồng. Năm nào rồng cũng đòi phải hiến cho nó một người con gái đẹp, bằng không nó sẽ tàn phá cả giang sơn này. Giờ thì con gái đẹp trong thành đã hết rồi, chỉ còn lại mình công chúa, bắt buộc phải Chàng thợ săn lại hỏi: "Thế sao không giết con rồng đi?".

Chủ quán đáp: "Trời ơi, biết bao hiệp sĩ đã bỏ mình với nó rồi. Vua hứa là nếu ai thắng nổi nó thì sẽ được lấy con gái người, sau này lại sẽ được hưởng ngôi báu nữa".

Chàng thợ săn không nói gì nữa. Sáng hôm sau chàng lẳng lặng dẫn súc vật lên núi tìm rồng. Lên đến trên núi chàng thấy có một ngôi nhà thờ. Trên bàn thờ có ba cốc rượu đầy, bên cạnh có mấy dòng chữ viết: "Ai uống cạn mấy cốc rượu này thì sẽ trở thành người khỏe nhất trần gian và sẽ múa nổi thanh kiếm chôn ở dưới bậc cửa". Chàng không uống rượu mà ra nhấc thanh kiếm ngay nhưng không sao nhấc nó lên. Chàng đành phải quay lại uống cạn rượu, lúc này mới đủ sức nhấc nổi thanh kiếm và còn có thể múa nó rất dễ dàng nữa. Tới giờ nộp công chúa cho con rồng, cả đức vua, quan nguyên soái và quần thần đều đi theo để tiễn nàng. Từ xa nàng đã nom thấy chàng thợ săn đứng trên một ngọn núi. Nàng ngỡ đó là con rồng đang đợi nàng nên không chịu đi nữa. Nhưng nàng lại nghĩ số  hận của cả thành, nàng lại đành phải đi, bước chân nặng trĩu. Vua và quần thần quay về, lòng buồn vô hạn, chỉ duy quan nguyên soái còn phải đứng lại đó để chứng kiến từ xa các việc sắp xảy ra. Công chúa lên ngọn núi thấy chẳng phải là rồng mà lại là chàng thợ săn trai trẻ. Chàng an ủi nàng, bảo cho nàng biết là chàng sẽ cứu nàng, đưa nàng vào trong nhà thờ và khóa cửa lại. Một lát sau, có tiếng gió cuốn dữ dội rồi một con rồng bảy đầu xuất hiện. Thấy chàng thợ săn nó ngạc nhiên lắm, hỏi:

- Mi lên núi có việc gì?

Chàng trả lời:

- Ta muốn đọ sức với mi.

Rồng bảo:

- Bao nhiêu hiệp sĩ đã bỏ mình ở nơi đây rồi, ta sẽ cho mi theo gót chúng.

Tức thì cả bảy cái đầu của nó phun lửa phì phì. Lửa bắt vào cỏ khô. Chàng thợ săn sẽ chết trong đám khói nếu mấy con vật của chàng không kịp chạy tới dập tắt. Rồng bèn xông vào chàng. Chàng vung kiếm, thanh kiếm rít trên không, chém rụng ba đầu rồng. Con rồng nổi điên, nó bay vút lên cao khạc lửa đồng thời định đâm bổ xuống. Chàng thợ săn lại chém luôn một nhát, đứt thêm ba đầu nữa. Con vật đã quá kiệt sức rơi xuống nhưng nó vẫn muốn xông vào lượt nữa. Chàng lấy hết sức còn lại chém đứt đuôi nó. Chàng không đánh được nữa bèn gọi mấy con vật của chàng. Chúng xô lại xé xác con rồng ra thành từng mảnh. Cuộc chiến đấu đã xong, chàng mở cửa nhà thờ thấy công chúa đang nằm lăn dưới đất. Trong lúc đánh nhau, nàng đã ngất đi vì quá sợ. Chàng vực nàng ra ngoài, đợi một lúc nàng đã tỉnh và hé mắt nhìn chàng mới chỉ cho nàng mấy khúc xác rồng để cho nàng biết là nàng đã thoát. Công chúa mừng lắm nói: "Rồi chàng sẽ là chồng thiếp vì cha thiếp có hứa sẽ gả con gái cho ai giết được rồng".

Nàng tháo chuỗi vòng san hô đang đeo ở cổ chia cho mấy con vật để thưởng công cho chúng, riêng sư tử được chia cái khóa vàng. Còn chiếc khăn tay thêu tên nàng, nàng đưa tặng chàng thợ săn. Chàng bèn ra cắt bảy cái lưỡi của bảy đầu rồng, bọc vào khăn giữ cẩn thận. Sau đó vì bị lửa hun và đánh nhau đã kiết sức, chàng bảo công chúa: "Hai ta đều đã quá mệt mỏi, ta hãy ngủ một lúc". Công chúa ưng thuận. Hai người nằm ngay dưới đất. Chàng bảo sư tử: "Mày hãy ngồi canh đừng cho ai xâm phạm vào chúng ra trong giấc ngủ".

Hai người ngủ. Sư tử nằm cạnh hai người để canh, nhưng vì nó cũng mệt rồi nên nó gọi gấu bảo: "Mày lại nằm cạnh tao, tao cần ngủ một lúc, có chuyện gì thì mày đánh thức tao". Gấu lại nằm bên sư tử nhưng vì gấu cũng mệt nó gọi sói bảo: "Mày lại nằm cạnh tao, tao cần ngủ một lúc, có chuyện gì thì mày đánh thức tao". Sói lại nằm bên gấu nhưng vì sói cũng mệt nên nó gọi cáo bảo: "Mày lại nằm cạnh tao, tao cần ngủ một lúc, có chuyện gì thì mày đánh thức tao". Cáo lại nằm bên sói nhưng vì cáo cũng mệt nên gọi thỏ bảo:"Mày lại nằm cạnh tao, tao cần ngủ một lúc, có chuyện gì thì mày đánh thức tao". Thỏ lại nằm bên cáo nhưng vì chính chú thỏ đáng thương cũng mệt rồi mà chẳng nhờ được ai canh giùm nên nó ngủ thiếp đi mất. Thế là công chúa, anh thợ săn, sư tử, gấu, sói, cáo, thỏ tất cả ngủ say.

Tên nguyên soái vẫn đứng nhìn ở đằng xa, lúc này không thấy rồng cắp công chúa bay lên, trên núi đâu đấy vẫn yên tĩnh, hắn bạo dạn đi lên. Lúc đến nơi, hắn thấy mấy khúc xác rồng lăn lóc trên mặt đất và cách đó một quãng, công chúa với người thợ săn và mấy con vật đang say sưa ngủ. Hắn vốn là tay gian ác xảo quyệt nên rút kiếm chặt ngay đầu người thợ săn, rồi hắn bế công chúa xuống núi.Công chúa thức giấc, thấy thế sợ lắm, nhưng tên nguyên soái đã bảo: "Nàng giờ ở trong tay ta rồi, nàng phải nói chính ta đã chém chết con rồng".

Công chúa đáp: "Ta không thể làm được đâu vì đó là công của người thợ săn với mấy con vật".

Tên nguyên soái rút kiếm ra dọa nếu nàng không chịu nghe hắn sẽ giết nàng. Công chúa đành phải nhận lời. Ngay sau đó, hắn đưa nàng đến gặp vua cha. Vua cha vốn đinh ninh là con gái yêu của mình đã bị quái vật xé xác nên thấy con vẫn sống trở về, vua vui mừng khôn xiết.

Tên nguyên soái tâu: "Thần đã có công chém được con rồng đểc ứu công chúa và cứu nước, nay xin bệ hạ cho thần được lấy nàng như lời bệ hạ đã hứa hẹn.

Vua hỏi công chúa: "Có đúng như lời của hắn nói không?". Công chúa đáp: "Thưa đúng như thế nhưng con xin đợi một năm lẻ một ngày nữa rồi hãy làm lễ cưới". Nàng mong mỏi trong khoảng thời gian đó may ra có thể được tin tức về người yêu.

Trên quả núi rồng, khi ấy mấy con vật vẫn còn nằm ngủ say sưa cạnh thân chủ chúng. Bỗng có một con ong bay đến đậu ngay trên mũi thỏ. Thỏ giơ chân gạt nó rồi lại ngủ. Ong bay đến lần thứ hai, thỏ cũng gạt nó đi rồi lại ngủ. Ong bay lại lần thứ ba, đốt luôn vào mũi thỏ. Thỏ giật mình tỉnh dậy. Nó đánh thức cáo, cáo đánh thức sói, sói đánh thức gấu, gấu đánh thức sư tử. Sư tử tỉnh dậy,thấy công chúa đã biến mất, chỉ còn chủ nằm chết đó, nó rống lên rất dữ dội và hét: "Kẻ nào đã làm việc này? Gấu sao mày chẳng đánh thức tao?". Gấu hỏi sói: "Sao mày chẳng đánh thức tao?". Sói hỏi cáo: "Sao mày chẳng đánh thức tao?". Cáo lại hỏi thỏ: : "Sao mày chẳng đánh thức tao?". Thỏ không biết trả lời thế nào, thành thử tội lỗi đổ cả lên đầu nó.Mấy con vật kia định xông vào đánh thỏ, thỏ vội khẩn khoản:

"Các anh đừng giết tôi, để tôi sẽ làm cho chủ của chúng ta sống lại.Tôi biết một quả trên núi, trên có thứ rễ cây, chỉ cần ngậm thứ rễcây ấy là bệnh tật thương tích gì cũng khỏi. Nhưng quả núi lại ở cách đây có tới hai trăm tiếng đồng hồ đường bộ kia". Sư tử bảo: "Hẹn cho mày nội trong hai mươi bốn tiếng phải tới đó lấy bằng được thứ rễ nọ về đây".

Thỏ nhảy tót đi ngay. Hăm bốn giờ sau nó đã về, mang theo thứ rễ nọ. Sư tử vội tha đầu chủ, chắp vào mình như trước, còn thỏ nhét rễ cây vào miệng chủ. Tức thì đầu lại liền ngay với mình, timbắt đầu đập và người chết sống lại. Chàng thợ săn tỉnh dậy thấymất công chúa, kinh hoảng lắm. Chàng nghĩ bụng: "Chắc nàng đãthừa lúc ta ngủ bỏ trốn rồi".

Lúc sư tử chắp đầu cho chủ, nó vội quá nên chắp trái chiều,nhưng chủ nó đang buồn không để ý. Mãi đến trưa lúc sắp ăn chàngmới biết là đầu mình ngoảnh lại phía sau lưng. Chàng không hiểusao cả, bèn hỏi mấy con vật đã có chuyện gì xảy ra trong khi chàngngủ. Sư tử kể rằng khi ấy chúng ngủ hết vì mệt quá, lúc nó tỉnh dậythấy chủ đã chết, đầu bị chặt lìa khỏi xác, thỏ đã đi lấy rễ câytrường sinh, còn nó trong lúc quá vội đã chắp đầu trái chiều, giờ nómuốn sửa lại thiếu sót ấy. Kể xong, nó rứt luôn đầu chàng thợ sănra, xoay trở lại và thỏ lại vội lấy rễ cây chữa cho liền lại.

Chàng thợ săn buồn lắm. Chàng đi đây đi đó, dạy mấy con vậtnhảy múa làm vui cho thiên hạ xem. Đúng một năm sau, chàng trởlại chỗ thành thị chỗ chàng đã cứu công chúa ngày trước. Lần nàythấy phố xá treo toàn cờ đỏ. Chàng hỏi chủ quán: "Thế là thế nào?Năm trước phố xá treo toàn cờ đen, năm nay sao lại chỉ thấy treotoàn cờ đỏ?". Chủ quán đáp: "Năm trước, vua chúng tôi phải tiếncông chúa cho rồng, may nhờ quan nguyên soái đánh nhau với rồngđã chém được nó. Mai đây là ngày cưới nàng. Chính vì vậy mà nămtrước phố xá treo cờ đen để chịu tang, còn hôm nay treo cờ đỏ để ănmừng".

Hôm nay là ngày lễ cưới, đến bữa trưa, chàng thợ săn bảo chủquán: "Ông chủ có tin là bữa nay ta sẽ lấy được bánh mì ở tận bàntiệc của nhà vua về đây ăn không?".

Chủ quán thưa: "Tôi chẳng dám tin đâu; vâng, tôi xin cuộc vớingài trăm đồng vàng đây".

Chàng thợ săn nhận đánh cuộc. Chàng cũng đưa ra một cái túiđựng một trăm đồng vàng. Đoạn chàng gọi thỏ và bảo: "Chú thỏ tàinhảy nhót, chú hãy vào lấy bánh của nhà vua ăn ra đây cho ta".

Thỏ vốn bé nhất đám, chẳng thể sai khiến con vật nào khác nên nó đành phải tự thân đi lấy. Nó nghĩ bụng: "Một mình mình chạy giữa phố thế này tất sẽ bị chó săn đuổi mất thôi". Quả như nó nghĩ, có mấy con chó rượt theo, muốn lột da nó. Nó chạy nhanh như biến và lẩn ngay được vào một cái chòi gác mà lính canh chẳng biết gì hết.

Đàn chó xông lên định lôi nó ra nhưng tên lính canh lại ngỡ đàn chó muốn rỡn với mình, hắn nổi nóng phang luôn mấy báng súng. Lũ chó sủa om sòm rồi chạy mất.

Thỏ thấy đã hết nguy, nhảy luôn vào lâu đài. Nó đến thẳng chỗ công chúa, lẻn dưới gầm ghế nàng ngồi khẽ cào chân nàng. Công chúa tưởng là con chó của nàng nên mắng: "Mày có đi chỗ khác không?". Thỏ cào lần thứ hai, công chúa lại mắng: "Mày có đi chỗ khác không?". Nhưng thỏ không hề bối rối, nó cào lần thứ ba. Công chú ta mới nhòm xuống và nhờ cái dây buộc ở cổ thỏ, nàng nhận được nó. Nàng bế nó lên, mang vào phòng hỏi: "Thỏ yêu quí ơi, thỏ muốn gì thế".

Thỏ đáp: "Chủ tôi là người giết rồng hiện đã tới đây. Người sai tôi vào xin một tấm bánh mì vua vẫn ăn". Công chúa nghe nói mừng lắm. Nàng cho gọi ngay người thợ làm bánh vào, sai lấy một tấm bánh, thứ mà vua vẫn thường ăn. Thỏ lại nói: "Xin cho người thợ làm bánh đem tôi ra ngoài để lũ chó săn khỏi hại tôi".

Người thợ làm bánh đem thỏ đến tận cửa nhà trọ. Thỏ ôm tấm bánh mì bằng hai chân trước, đi bằng hai chân sau đem vào chỗ ông chủ. Chàng thợ săn bảo chủ quán: "Thấy chưa, ông chủ quán ơi, trăm đồng vàng kia là của tôi rồi". Chủ quán kinh ngạc lắm, nhưng chàng thợ săn đã nói tiếp: "Vâng ông chủ ạ, bánh đã có rồi, giờ thì tôi lại muốn ăn cả món thịt rán của nhà vua nữa kia!". Chủ quán bảo: "Để xem nào". Nhưng anh ta không dám đánh cuộc nữa. Chàng thợ săn liền gọi cáo bảo: "Chú cáo, chú hãy vào lấy món thịt rán của vua ra đây cho ta".

Con cáo lông đỏ này luồn tài hơn thỏ. Nó cứ tìm ngõ ngách mà đi nên không bị con chó nào trông thấy. Nó lẻn vào dưới gầm ghế công chúa ngồi, cào lên chân nàng. Công chúa nhìn xuống, thấy sợi dây buộc ở cổ cáo, nhận ra nó, đem nó vào phòng, hỏi: "Cáo yêu quí ơi, cáo muốn gì thế?".

Cáo đáp: "Chủ tôi là người giết rồng, hiện đã ở đây rồi. Người sai tôi vào xin một miếng thịt rán của vua ăn. Công chúa gọi đầu bếp, sai làm món thịt rán vua vẫn ăn đem ra cho cáo. Cáo bưng lấy đĩa thịt, đem về cho chủ.

Chàng thợ săn bảo chủ quán: "Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh, thịt đã có rồi, bây giờ ta muốn ăn món rau của nhà vua nữa".

Chàng gọi sói vào bảo: "Chú sói, chú vào lấy món rau của nhà vua ăn ra đây cho ta".

Sói chẳng sợ ai cả nên nó vào thẳng trong lâu đài. Nó đến phòng công chúa, khẽ kéo áo nàng để nàng buộc phải nhìn xuống.

Nàng trông thấy sợi dây buộc ở cổ nó, nhận ra nó mới đưa nó vào phòng, hỏi: "Sói thân yêu ơi, sói muốn gì?".

Sói đáp: "Chủ tôi là người giết rồng, hiện đã ở đây rồi. Người sai tôi vào xin món rau của vua ăn".

Công chúa gọi đầu bếp, sai làm món thịt rau vua vẫn ăn đem ra tận cửa cho sói. Sói bưng liễn rau đem về cho chủ.

Chàng thợ săn bảo chủ quán: "Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh, thịt, rau đã có rồi, bây giờ ta muốn ăn món đồ ngọt của nhà vua nữa". Chàng gọi gấu và bảo: "Chú gấu, chú vốn thích liếm của ngọt, chú hãy lấy món đồ ngọt của vua ăn ra đây cho ta".

Gấu lạch bạch chạy vào lâu đài. Dọc đường, ai thấy nó cũng phải lảng tránh. Tới chỗ lính canh, tên lính giơ súng định ngăn không cho nó đi. Nó nhảy ngay lên, và cho tên lính mấy cái tát vào má phải má trái. Cả cái chòi gác đổ sập. Nó lại thẳng đường vào chỗ công chúa, đứng sau lưng nàng khẽ gầm gừ. Công chúa quay lại nhận ra gấu, bèn gọi nó vào phòng hỏi: "Gấu thân yêu ơi, gấu muốn gì?".

Gấu đáp: "Chủ tôi là người giết rồng, hiện đã ở đây rồi. Người sai tôi vào xin món đồ ngọt của nhà vua vẫn dùng".

Công chúa vội gọi người thợ làm bánh ngọt, sai làm thứ bánh ngọt vua thường ăn, mang ra cho gấu.

Gấu liếm đường rơi bên dưới lên cả phía trên rồi nó mới đứng dậy, bưng âu bánh đem về cho chủ.

Chàng thợ săn bảo chủ quán: "Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh, thịt, rau, đồ ngọt đã có rồi, bây giờ ta lại muốn uống thứ rượu mà vua thường dùng".

(Còn nữa - xin xem ở trang 7, bài số 70)

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách