Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: santhelena
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác] Totto-chan Cô Bé Bên Cửa Sổ | Kuroyanagi Tetsuko

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:06:37 | Chỉ xem của tác giả
Ta-ka-ha-si



Một buổi sáng, khi các em đang chạy trong sân trường, thầy hiệu trưởng bảo:
- Này, các em, đây là một bạn mới của các em. Tên bạn là Ta-ka-ha-si. Em sẽ học ở toa tàu lớp một.

Các học sinh, kể cả Tôt-tô-chan, đều nhìn Ta-ka-ha-si. Cậu ta ngả mũ cúi chào và nói một cách thẹn thùng:
- Xin chào các bạn.

Tôt-tô-chan và các bạn của em còn thấp bé, vì mới chỉ học lớp một, nhưng Ta-ka-ha-si là con trai, mà lại còn thấp bé hơn, chân tay bạn đều ngắn cũn. Tay cậu ta cầm mũ, cũng rất nhỏ, nhưng đựơc cái, cậu ta có đôi vai rộng. Cậu ta đứng trông thật đáng thương.
Tôt-tô-chan nói với Mi-y-ô-chan và Sac-kô-chan:
- Chúng ta ra nói chuyện với cậu ấy đi.

Các em đi ra chỗ Ta-ka-ha-si. Khi các em lại gần, cậu ta cười rất niềm nở và các em cũng cười. Cậu ta có đôi mắt to, tròn và hình như muốn nói điều gì. Tôt-tô-chan gợi ý:
- Bạn có muốn xem lớp học ở trong tàu không?
- Ừ, Ta-ka-ha-si trả lời rồi đội mũ lên đầu. Tôt-tô-chan vội vàng chỉ cho bạn lớp học và vừa nhảy lên tàu vừa gọi cậu ta ở cửa:
- Nhanh lên.
Ta-ka-ha-si đi trông có vẻ nhanh, nhưng vẫn bị bỏ rơi một đoạn xa.
- Mình đến đây,- cậu ta nói trong khi tập tễnh đi về phiá trước, cố chạy.

Tôt-tô-chan nhận ra rằng Ta-ka-ha-si không kéo lê chân vì bị bại liệt như Y-a-su-a-ki-chan nhưng cậu ta cũng phải mất ngần ấy thời giờ mới đi đến chỗ tàu. Em lặng lẽ đứng đợi bạn. Ta-ka-ha-si đang cố chạy rất vội. Chân cậu ta ngắn, lại vòng kiềng. Các thầy giáo và người lớn đều biết là cậu không thể lớn được hơn nữa. Khi biết Tôt-tô-chan đang nhìn mình, cậu ta gắng chạy nhanh hơn, vung cả hai tay. Khi đến cửa, cậu nói:
- Bạn chạy nhanh thật,- rồi tiếp-, Mình người ở Ô-sa-ka.
- Bạn ở Ô-sa-ka à?

Tôt-tô-chan reo lên thích thú. Ô-sa-ka là thành phố em hằng mơ ước nhưng chưa được nhìn thấy bao giờ. Em ruột mẹ, cậu của em, là sinh viên đại học và mỗi khi về nhà, cậu thường đưa hai tay ôm đầu em nhấc bổng lên thật cao và nói: " Cậu sẽ giúp cho cháu nhìn thấy Ô-sa-ka. Nào đã thấy Ô-sa-ka chưa?"

Đấy chỉ là một trò chơi mà người lớn thường đùa với trẻ con, nhưng Tôt-tô-chan rất tin cậu. Mỗi lần được cậu nhấc lên như vậy, da mặt em căng ra, mắt trông lạ hẳn đi và tai rất đau nhưng em vẫn cố ngước nhìn về tận phía xa để xem có thấy Ô-sa-ka không. Nhưng chẳng trông thấy gì cả. Tuy vậy, em luôn tin tưởng rằng một ngày nào đó, em sẽ nhìn thấy thành phố ấy. Vì thế mỗi lần cậu đến, em thường nhắc: " Cậu giúp cháu nhìn thấy Ô-sa-ka đi". Thế là Ô-sa-ka đã trở thành thành phố của ước mơ. Và Ta-ka-ha-si là người của thành phố ấy!

Em nói với Ta-ka-ha-si:
- Bạn kể cho tôi nghe về Ô-sa-ka đi!
- Về Ô-sa-ka hả?- Ta-ka-ha-si hỏi lại, mỉm cười sung sướng. Giọng nói của cậu ta rõ ràng và chín chắn. Đúng lúc đó chuông reo vào tiết một.
- Tiếc quá!- Tôt-tô-chan nói.

Ta-ka-ha-si đi vào lớp vui vẻ, đu đưa cái thân hình nhỏ bé hầu như bị cái cặp che mất và ngồi vào bàn đầu. Tôt-tô-chan vội vàng ngồi xuống cạnh cậu ta. Em thích nhất là có thể ngồi đâu cũng được. Em không muốn xa cậu ta. Thế là Ta-ka-ha-si trở thành một người bạn của em.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:07:13 | Chỉ xem của tác giả
Cẩn thận trước khi nhảy



Một hôm, trên đường từ trường về, sắp đến nhà, Tôt-tô-chan phát hiện thấy một đống cát to rất hấp dẫn bên lề đường. Xa biển thế này mà lại có cát mới kỳ lạ chứ. Hay là em mơ chăng? Tôt-tô-chan thích thú lắm! Sau khi nhảy nhảy mấy cái để lấy đà, em chạy thật nhanh và nhảy vọt lên đỉnh đống cát. Nhưng hóa ra không phải cát! Bên trong là một đống vữa màu xám đã trộn sẵn. Em nhảy vào đó đánh "ũm" một cái, cả người em đã lún ngập trong vữa đến tận ngực, cả cặp, cả túi giày đều dính nhớp nháp những vữa là vữa và em đứng sững như một pho tượng. Càng cố gắng thoát ra em càng bị lún sâu xuống. Giày hình như tuột hết cả và em phải cẩn thận để khỏi bị lún ngập thêm trong vữa. Em đành phải đứng im như vậy, tay trái mắc kẹt trong đống vữa nhớp nháp để nắm chặt cái túi giày. Một, hai người đàn bà không quen biết đi ngang qua, em khẽ gọi họ:
- ... Bà ơi...

Nhưng tưởng em đang chơi nghịch nên họ chỉ mỉm cười và tiếp tục đi.
Chiều xuống và đêm tối. Mẹ chạy đi tìm em và rất ngạc nhiên thấy đầu Tôt-tô-chan đang nhô lên bên trên đống vữa. Bà tìm một cái gậy, bảo Tôt-tô-chan cầm một đầu rồi kéo em ra. Thoạt tiên bà dùng tay để kéo, nhưng chân bà cứ bị dính chặt trong vữa không làm sao kéo được.

Khắp người Tôt-tô-chan toàn vữa là vữa, y hệt một bức tượng. Mẹ nói:
- Mẹ nhớ là đã bảo con một lần trước đây rồi. Khi trông thấy cái gì ngồ ngộ, hay hay, chớ có nhảy vào ngay. Trước khi nhảy phải nhìn cái đã!

Mẹ nói "lần trước đây" là có ý nhắc lại chuyện đã xảy ra vào một bữa ăn cơm trưa ở trường. Hôm ấy Tôt-tô-chan đang đi chơi dọc con đường nhỏ sau phòng học, em thấy có một tờ giấy báo ở giữa đường. Em nghĩ thử nhảy vào giữa tờ giấy được không, thế là, em lùi lùi lại vài bước, nhảy nhảy để lấy đà và rồi mở hết tốc lực chạy, nhằm đúng giữa tờ giấy mà nhảy. Nhưng đấy chính là tờ giấy báo mà người bảo vệ dùng để đậy tạm miệng cái hố phân đã nói ở phần trên. Anh đã đi làm một việc gì ở đâu đó nên đã đậy miếng giấy báo cho đỡ hôi vì cái nắp bê tông phải mang đi chữa. Tôt-tô-chan ngã đúng vào hố phân đánh "bụp" một cái. Thật là kinh khủng. Nhưng cũng may, người ta lại tắm rửa cho em thật sạch sẽ. Mẹ nói lần trước đây chính là lần ấy!

Tôt-tô-chan lặng lẽ nói:
- Từ nay, con sẽ không nhảy vào bất cứ một thứ gì nữa!

Mẹ thấy nhẹ nhõm cả người. Nhưng câu Tôt-tô-chan nói tiếp liền sau đó lại làm mẹ nghĩ rằng mẹ mừng hơi sớm:
- Con sẽ không bao giờ nhảy vào một tờ giấy hay một đống cát nữa.

Như thế có nghĩa là Tôt-tô-chan có thể lại nhảy vào một cái gì khác.

Ngày ngắn dần và đến khi hai mẹ con về đến nhà thì trời đã tối hẳn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:07:54 | Chỉ xem của tác giả
Và rồi ờ… ờ…



Giờ ăn trưa ở Tô-mô-e bao giờ cũng rất vui và gần đây lại có thêm một điều lý thú.

Thầy hiệu trưởng vẫn kiểm tra hộp cơm của tất cả năm mươi học sinh để xem các em có thức ăn của biển và thức ăn của đất không, bà vợ của ông luôn mang theo sẵn hai cái xoong để cho thêm các em nào còn thiếu - sau đó, tất cả các em thường hát: "Nhai, nhai, nhai cho kỹ", theo sau là điệp khúc: "Tôi cùng chia sẻ một cách biết ơn". Nhưng từ nay trở đi sau điệp khúc: " Tôi cùng chia sẻ một cách biết ơn", thì phải có một ai đó đứng lên kể chuyện.

Một hôm, thầy hiệu trưởng bảo:
- Thầy nghĩ tất cả chúng ta nên học nói cho tốt hơn. Các em nghĩ thế nào? Từ nay, trong khi chúng ta ăn cơm trưa, một em sẽ đứng giữa vòng tròn và kể một câu chuyện gì đấy. Ý kiến các em thế nào?

Một vài em cho rằng mình nói không giỏi, nhưng được nghe người khác kể chuyện thì là điều thú vị. Một vài em khác nghĩ rằng tuyệt hơn cả là kể cho mọi người những điều mình biết. Tôt-tô-chan chưa hiểu em sẽ nói gì nhưng em sẵn sàng thử tài. Hầu hết học sinh đều đồng ý với thầy hiệu trưởng và quyết định bắt đầu các cuộc kể chuyện vào ngày hôm sau.

Thường thường người ta giáo dục trẻ em Nhật Bản không nói chuyện khi ăn cơm. Nhưng theo kinh nghiệm tiếp thu được ở nước ngoài, thầy hiệu trưởng thường động viên các em tranh thủ nói chuyện trong bữa cơm.

Ngoài ra, ông nghĩ cần phải tập cho các em quen đứng lên phát biểu ý kiến trước mặt mọi người một cách rõ ràng, thoải mái, không lúng túng, do đó ông cho là đã đến lúc cần thực hiện thuyết này.

Được các em đồng tình, thầy hiệu trưởng liền nói, và Tôt-tô-chan nghe rất chăm chú:
- Các em không nên quá lo lắng về chuyện mình kể phải thật hay, các em có thể nói về bất cứ điều gì mà các em thích, cả về những điều mà các em muốn làm. Bất cứ điều gì! Dù sao thì chúng ta hãy cứ thử xem!

Danh sách những người kể chuyện đã được sắp xếp lên lịch. Và mọi người ai đến phiên kể chuyện thì hôm đó sau khi hát phải ăn cơm nhanh.

Các em nhận ngay ra rằng: không giống như khi nói với hai, ba bạn trong giờ ăn cơm, đứng lên nói trước toàn trường thì khó và cần phải can đảm. Nhiều em lúc đầu thẹn quá cứ cười rúc rích. Một bạn trai rất cố gắng chuẩn bị câu chuyện, nhưng lúc đứng lên thì lại quên sạch. Cậu ta cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái đầu đề nghe rất hay:
- Tại sao ếch lại nhảy ngang, - sau đó nói luôn: - Khi trời mưa, - nhưng đến đó thì không nói thêm được tí nào nữa. Cuối cùng, cậu ta đành bảo - Thế là hết, - rồi cúi chào và đi về chỗ.

Vẫn chưa đến lượt Tôt-tô-chan, nhưng em định bụng rằng đến lượt mình em sẽ kể chuyện em thích nhất "hoàng tử và công chúa". Ai cũng biết chuyện ấy cả rồi, và mỗi lần em muốn kể lại nó trong giờ nghỉ, các bạn đều nói: "Bọn tớ chán chuyện đó lắm rồi". Mặc dù vậy, em vẫn quyết định làm theo đúng ý mình.

Việc kể chuyện bắt đầu đi vào nền nếp, thì một hôm, một em trong lớp đến phiên mình kể chuyện kiên quyết từ chối. Cậu ta tuyên bố:
- Tôi chẳng có chuyện gì để kể cả.

Tôt-tô-chan ngạc nhiên nghĩ rằng tại sao lại không có chuyện gì để kể nhỉ. Nhưng cậu này đúng là không có chuyện gì để kể thật. Thầy hiệu trưởng đi đến bàn cậu ta, trên mặt bàn có hộp cơm đã ăn hết.
- Thế em không có gì để nói cả à? - Ông hỏi.
- Dạ không.

Cậu ta không cố làm ra vẻ thông minh, hay đại loại như vậy. Đúng là cậu ta không nghĩ được chuyện gì để kể thật rồi!

Thầy hiệu trưởng bỗng ngửa đầu ra đằng sau mà cười, không chú ý gì đến những chỗ răng khuyết của mình.
- Nào chúng ta hãy gắng tìm cho bạn ấy một điều gì để kể đi!
- Tìm một điều gì cho em à? - cậu bé ra vẻ rất sửng sốt.

Thầy hiệu trưởng bảo cậu ta cứ đứng ra giữa vòng tròn còn thầy thì ngồi vào bàn của cậu. Thầy hỏi:
- Em hãy cố nhớ xem. Sáng nay em làm gì sau khi ngủ dậy và trước khi đi học, em đã làm việc gì đầu tiên?
- À, à - cậu bé ấp úng nói và giơ tay gãi đầu.
- Hay lắm, - thầy hiệu trưởng nói - em vừa nói "à, à". Sau khi "à, à", em làm gì?
- Ờ, ờ, ừ... em dậy, - cậu ta lại vừa nói vừa gãi đầu.

Tôt-tô-chan và các bạn khác thích lắm, chăm chú nghe. Cậu ta tiếp tục:
- Rồi thì, ừ, ờ... - cậu ta lại gãi đầu. Thầy hiệu trưởng ngồi kiên nhẫn, nhìn cậu ta, vẫn mỉm cười, hai bàn tay để trên bàn vẫn đan vào nhau. Rồi ông nói:
- Thật là tuyệt. Thế được rồi. Em đã dậy. Em đã làm được mọi người cười mới là người nói giỏi. Điều quan trọng là em nói em không có gì để kể và em đã tìm được một điều gì đó để kể rồi!

Nhưng cậu ta không ngồi xuống. Cậu ta nói rất to:
- Và rồi... ừ... ừ...

Tất cả cùng chồm người ra phía trước để đợi nghe cậu ta nói tiếp. Cậu bé hít một hơi dài nói:
- Và rồi... ờ... ờ, mẹ em, ờ... ờ... bảo "đi đánh răng đi" ờ.. ờ... và em đi đánh răng...
Thầy hiệu trưởng vỗ tay. Mọi người khác đều vỗ tay. Ngay khi ấy cậu bé lại nói tiếp, giọng to hơn trước:
- Và rồi... ờ... ờ...

Các học sinh thôi không vỗ tay nữa, nín thở nghe, chồm người ra phía trước.

Cuối cùng, cậu ta nói một cách đắc thắng:
- Và rồi... ờ... ờ... em đi học...

Một cậu học sinh lớn tuổi chồm quá đà, mất thăng bằng, đập cả mặt mình vào hộp cơm. Nhưng mọi người đều rất vui vì cậu học sinh kia đã tìm thấy một điều gì đó để kể.

Thầy hiệu trưởng vỗ tay thật to, Tôt-tô-chan và các em khác cũng làm như vậy. Thậm chí cái cậu " và rồi, ờ, ờ..." đang đứng giữa, cũng vỗ tay. Cả phòng vang lên tiếng vỗ tay.

Thậm chí sau này khi đã là người lớn, chắc chắn cậu ta không bao giờ quên được tiếng vỗ tay ấy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:15:03 | Chỉ xem của tác giả
Chúng con chỉ đùa thôi



Tôt-tô-chan gặp một chuyện không may, khủng khiếp. Việc xảy ra sau khi em ở trường về, lúc em và con chó Rốc-ky đang cùng chơi trò "chó sói" trong phòng em, trước giờ ăn cơm tối.

Cả hai đã cùng lăn gần nhau từ hai phía đối diện của phòng, và khi chạm nhau thì vật lộn đánh đấm nhau một tẹo rồi thôi. Cả hai đã chơi trò này nhiều lần rồi, và bây giờ quyết định chơi một trò khác hơi phức tạp hơn - và Tôt-tô-chan, đương nhiên là người quyết định. Cái mới bây giờ là khi gặp nhau ở giữa phòng sau khi lăn lại gần nhau, ai chiếu tướng với bộ mặt chó sói dữ hơn thì người ấy thắng cuộc. Rốc-ky là chó chăn cừu Đức, nên đối với nó làm điệu bộ chó sói thật không khó gì. Nó chỉ cần vểnh tai, há mõm và nhe răng là xong. Nó cũng có thể làm cho mắt long lên sòng sọc, dữ tợn ghê gớm. Đối với Tôt-tô-chan thì hơi khó hơn. Em thường đặt hai tay lên hai bên đầu giả làm tai, há mồm và trợn mắt thật to, lại gầm gừ và giả vờ cắn con Rốc-ky. Lúc đầu, con Rốc-ky chơi rất vui. Nhưng nó là con chó con, nó quên mất đấy là đùa nên bất thình lình cắn Tôt-tô-chan thật sự.

Mặc dù là chó con, nhưng nó cũng lớn gần gấp hai Tôt-tô-chan, răng nó nhọn và sắc, nên trước khi hiểu ra được thì tai phải em đã rách toạc và máu túa ra.

Nghe tiếng kêu của em, mẹ chạy vội từ bếp lên và thấy em ở trong góc phòng với Rốc-ky, hai tay ôm lấy tai phải, áo váy lấm tấm máu. Đang kéo vi-ô-lông trong phòng khách, bố cũng chạy vào. Hình như con Rốc-ky đã nhận ra là nó đã phạm một điều khủng khiếp. Đuôi nó cụp giữa hai chân và nhìn Tôt-tô-chan một cách buồn rầu.

Tôt-tô-chan chỉ nghĩ là mình sẽ phải làm gì nếu bố mẹ bực mình với Rốc-ky rồi đem vứt nó đi hoặc cho ai. Đấy là điều buồn nhất, khổ nhất đối với em. Em nằm phục bên cạnh Rốc-ky, ôm tai và vừa khóc vừa van xin:
- Đừng mắng con Rốc-ky! Đừng mắng con Rốc-ky!

Bố mẹ vội vàng xem tai em có việc gì không và cố kéo hai tay em ra. Tôt-tô-chan nhất định không rời tay và gào lên:
- Con không đau. Đừng giận con Rốc-ky! Đừng giận con Rốc-ky!

Thật thà mà nói, lúc ấy Tôt-tô-chan không cảm thấy đau. Em chỉ nghĩ đến con Rốc-ky mà thôi.

Máu cứ rỉ xuống và cuối cùng bố, mẹ hiểu rằng con Rốc-ky hẳn đã cắn Tôt-tô-chan. Nhưng mẹ cam đoan với em rằng họ sẽ không bực mình với con chó. Và cuối cùng, em bỏ tay ra. Khi trông thấy tai em rách toạc, mẹ kêu thét lên. Bố vội vàng bế em tới phòng khám của bác sĩ, mẹ chạy dẫn đường. May thay, vết thương được điều trị kịp thời và bác sĩ có thể làm tai em liền lại như trước, khiến bố mẹ em thấy nhẹ nhõm cả người. Nhưng điều duy nhất Tôt-tô-chan quan tâm là không hiểu bố mẹ có giữ lời hứa không, có mắng con Rốc-ky không.

Tôt-tô-chan về nhà, băng bó từ đầu đến tận cằm, trông như một con thỏ trắng vậy. Mặc dù đã hứa không mắng con Rốc-ky, nhưng bố vẫn muốn phạt con chó bằng một cách nào đấy. Nhưng mẹ đã nhìn ông với vẻ như muốn nói: "Xin anh hãy giữ lời hứa" và bố đã miễn cưỡng giữ lời hứa.

Tôt-tô-chan chạy vào nhà, nóng lòng muốn báo cho Rốc-ky biết là em không sao cả và sẽ không ai còn cáu giận nữa, nhưng em không thấy Rốc-ky đâu. Lần đầu tiên em khóc.

Em đã không khóc tại phòng khám bệnh của bác sĩ. Em sợ rằng nếu khóc sẽ làm bố mẹ càng bực với con chó. Nhưng bây giờ thì không gì có thể ngăn nước mắt của em. Em vừa khóc vừa gọi:
- Rốc-ky! Rốc-ky! Rốc-ky đâu?

Sau khi gọi thêm nhiều lần nữa, khuôn mặt đầy nước mắt của em bỗng tười cười khi một cái lưng màu nâu quen thuộc từ từ nhô lên từ phía sau cái ghế xô pha. Tiến lại gần Tôt-tô-chan, nó nhẹ nhàng liếm bên tai đã được khâu lành, thấy lờ mờ sau những lớp băng.

Tôt-tô-chan ôm lấy cổ con Rốc-ky và hít hít tai nó. Bố mẹ thường nói tai con chó hôi lắm, nhưng sao em lại thích cái mùi quen thuộc ấy đến thế.

Rốc-ky và Tôt-tô-chan rất mệt và buồn ngủ.

Cao cao tít ở bên trên khu vườn, mảnh trăng cuối hạ rọi vào đứa con gái nhỏ đầu quấn băng và con chó. Cả hai đều không muốn chơi trò làm "chó sói" nữa. Và cả hai lại càng thân thiết với nhau hơn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:16:18 | Chỉ xem của tác giả
Ngày thể thao



Hằng năm, ngày thể thao của trường Tô-mô-e được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 11. Sau nhiều lần nghiên cứu, thầy hiệu trưởng đã quyết định chọn ngày này. Ông thấy rằng ngày 3 tháng 11 là ngày mùa thu ít mưa nhất. Có lẽ do tài của ông thu lượm các số liệu về thời tiết, và cũng có thể trời đất thể theo ước muốn của ông mà không mưa, để giữ cho trọn vẹn ngày thể thao mà các em hằng đợi chờ và đã trang trí, chuẩn bị sân bãi từ hôm trước. Dù thế nào chăng nữa, cũng thật kỳ lạ là ngày đó trời không bao giờ mưa.

Vì ở Tô-mô-e, mọi việc được tiến hành một cách hoàn toàn khác, nên ngày thể thao ở đây cũng thật độc đáo. Chỉ có hai tiết mục giống như ở các trường tiểu học khác, đó là kéo co và thi chạy ba chân. Còn lại tất cả là do sáng kiến của thầy hiệu trưởng. Không cần các trang thiết bị cầu kỳ đặc biệt, mà các em chỉ tận dụng các đồ dùng hàng ngày quen thuộc ở nhà trường.

Ví dụ như đối với cuộc thi Cá chép, những cờ dải bằng vải hình ống to, loại cờ dải treo trên các cột trong ngày hội của nam sinh vào tháng Năm, được để ở giữa sân trường. Khi có lệnh, các em phải chạy về phía những cờ dải vẽ hình cá ấy và chui qua từ miệng tới đuôi, rồi lại chạy trở về chỗ xuất phát. Cuộc thi trông dễ nhưng thật ra rất khó. Bên trong tối mà cá lại rất dài, nên ta dễ mất phương hướng. Một vài em, kể cả Tôt-tô-chan, cứ chạy ra đằng miệng, và phải vội vàng chạy thụt vào ngay. Trông thật là buồn cười vì các em chui đi chui lại ở phía trong khiến cá chuyển động ngoằn ngoèo như thật.

Còn một tiết mục nữa gọi là cuộc thi "Tìm mẹ". Khi có lệnh, các em phải chạy tới một cái thang gỗ để nghiêng một bên, chui qua thang, nhặt một cái phong bì ở trong rổ, mở ra, và giả thử nếu tờ giấy bên trong ghi: "Mẹ của Sác-kô-chan", các em phải tìm bà trong đám đông những người đến xem, nắm lấy tay bà cùng về đích. Phải chui qua thang thật khéo như mèo ấy, nếu không đít quần bị mắc vào đấy. Ngoài ra, một em nào đó có thể biết rõ ai là mẹ của Sác-kô-chan, nhưng nếu tờ giấy ghi: "Chị của Ô-ku" hoặc "Mẹ của Tsu-re" hay "Con trai bà Ku-ni-nô-ri" chưa ai từng gặp bao giờ, thì em ấy phải chạy ra khu vực những người đến xem và phải gọi to "Chị của Ô-ku!". Như thế phải bạo lắm. Các em nào may vớ được giấy ghi tên mẹ mình thường nhảy cẫng lên reo: " Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mau lên". Người xem cũng phải chú ý. Ai biết được lúc nào sẽ gọi đến tên mình, nên lúc nào họ cũng phải sẵn sàng đứng dậy từ ghế hay chiếu, xin lỗi mọi người và đi ra thật nhanh, đến chỗ một em, con nhà ai đó, đang đứng đợi mình rồi nắm tay em cùng chạy vụt đi. Cho nên khi một em tới trước người lớn, thậm chí các ông bố cũng phải nín thở, xem ai được gọi. Không có thì giờ để nói chuyện gẫu hoặc ăn nhấm nháp cái gì đó. Người lớn cũng phải tham gia vào các cuộc thi như trẻ em vậy.

Thầy hiệu trưởng và các thầy giáo khác tham gia với học sinh trong hai đôi "Kéo co", vừa kéo, vừa hô:"Hò dô ta nay! Hò dô ta này!" trong khi các em bị tàn tật như Y-a-su-a-ki-chan, không kéo được, có nhiêm vụ phải nhìn cái mùi xoa buộc ở giữa dây thừng để xem bên nào thắng.

Cuộc thi cuối cùng: chạy tiếp sức mà cả trường Tô-mô-e phải tham gia, cũng khác hẳn. Không ai phải chạy thật xa cả. Mọi người chỉ việc chạy lên chạy xuông đoạn cầu thang bằng bê tông hình bán nguyệt, dẫn đến phòng họp. Thoạt nhìn, trông nó có vẻ dễ đến mức buồn cười, nhưng vì những bậc thang đều nông và gần nhau quá và vì không ai được phép bước quá một bậc mỗi lần, nên nếu bạn cao hoặc bàn chân to, thì rất khó. Những bậc thang quen thuộc mà các em thường chạy lên vào lúc ăn trưa, trở nên rất vui, rất lạ vào ngày thể thao này, các em chạy lên chạy xuống, kêu hét rất vui vẻ. Đối với người nhìn từ xa, cảnh này thật giống hệt một chiếc kính vạn hoa rực rỡ. Kể cả bậc trên cùng, cả thảy có tám bậc tất cả.

Đối với Tôt-tô-chan và các bạn cùng lớp, ngày thể thao đầu tiên là một ngày thật đẹp như thầy hiệu trưởng đã hy vọng. Những đồ trang trí bằng xúc xích giấy, những ngôi sao vàng do các em làm từ hôm trước và các đĩa hát có các bài hành khúc sôi nổi đã làm cho ngày này thực sự là một ngày hội.

Tôt-tô-chan mặc quần soóc màu xanh nước biển và sơ-mi trắng, mặc dù em thích mặc quần túm thể thao. Em mong mỏi được mặc loại quần ấy. Một hôm, sau buổi học, thầy hiệu trưởng dạy môn thể dục nghệ thuật cho một số giáo viên mẫu giáo, và Tôt-tô-chan rất thích loại quần túm mà một vài cô giáo đang mặc. Em thích chúng là vì khi các cô giáo giậm chân, bắp chân của họ để lộ dưới ống quần túm rung rung theo kiểu người lớn một cách rất đáng yêu. Em chạy ngay về nhà, lấy quần soóc ra, mặc và nhảy nhảy giậm chân trên sàn nhưng bắp chân trẻ con gày gò của em không rung tí nào cả. Sau khi làm đi làm lại nhiều lần, em kết luận rằng đó là nhờ loại quần túm mà các cô giáo mặc. Em hỏi và mẹ giải thích rằng đó là những quần túm thể thao. Em nói với mẹ rằng em dứt khoát muốn mặc quần túm vào ngày thể thao, nhưng tìm đâu cũng không thấy loại nhỏ. Vì vậy Tôt-tô-chan đành phải mặc tạm quần soóc và như thế là bắp chân chẳng rung được tí nào.

Một điều kỳ lạ xảy ra vào ngày thể thao, Ta-ka-ha-si, cậu học sinh bé nhất trường chân tay ngắn ngủn, lại về nhất trong các tiết mục. Thật không thể tưởng tượng được. Trong khi các em này còn đang lò mò trong con cá, thì Ta-ka-ha-si đã chui qua nhanh như cắt và trong khi các em khác mới chỉ chui đầu qua thang, cậu ta đã chui qua rồi và chạy trước được vài mét. Ở cuộc thi chạy tiếp sức lên các bậc của phòng họp, trong khi các em khác còn đang rón rén bước một thì Ta-ka-ha-si đôi chân ngắn của cậu ta cứ tít mù như hai pit-tông thoắt lên, thoắt xuống như trong một bộ phim quay nhanh. Ai cũng nói:
- Bọn ta phải cố gắng vượt Ta-ka-ha-si.

Ai cũng quyết tâm, nhưng dù cố gắng đến mấy, Ta-ka-ha-si lần nào cũng thắng. Tôt-tô-chan cũng cố gắng, nhưng không bao giờ thắng được Ta-ka-ha-si. Chạy đường thẳng, có thể vượt cậu ta, còn chạy các đoạn khó, bao giờ cũng thua cậu ta.
Ta-ka-ha-si bước lên để nhận nhiều phần thưởng, mặt mũi rạng rỡ, tự hào, vì môn nào cậu ta cũng nhất, cậu nhận hết phần thưởng này đến phần thưởng khác. Ai trông thấy cũng phải ước ao muốn được như thế. Học sinh nào cũng tự nhủ: "Sang năm, mình phải thắng Ta-ka-ha-si" nhưng năm nào, Ta-ka-ha-si cũng là một ngôi sao sáng.

Bây giờ lại nói về các phần thưởng. Thật là điển hình của thầy hiệu trưởng. Giải nhất có thể là một củ cải to, giải nhì: hai cái rễ chút chít, giải ba: một mớ rau ba lá. Đại để như thế. Cho đến khi lớn lên, Tôt-tô-chan vẫn tưởng là các trường khác đều lấy rau làm phần thưởng trong ngày thể thao. Dạo ấy, hầu hết các trường đều dùng sách vở, bút chì, tẩy làm phần thưởng. Các học sinh không biết điều này và các em cũng không thích rau cỏ lắm. Chẳng hạn như Tôt-tô-chan được mấy cái rễ cây chút chít và vài củ hành, em rất ngượng là phải mang chúng lên tàu. Còn nhiều giải phụ với các thứ khác, nên cuối ngày thể thao, tất cả các học sinh ở Tô-mô-e đều mang về một loại rau nào đó. Vấn đề là, sao trẻ em lại ngượng khi phải mang rau từ trường về nhà? Ở nhà, nếu mẹ sai đi mua rau, không ai thấy ngại cả, nhưng rõ ràng các em thấy mang rau từ trường về nhà thì thế nào ấy!

Một cậu học sinh to béo được thưởng một cái bắp cải loay hoay không biết làm thế nào. Cậu ta nói:
- Tớ chẳng thích ai trông thấy tớ vác cái bắp cải này. Có lẽ tớ quẳng nó đi đây.
Thầy hiệu trưởng hẳn đã nghe thấy những lời phàn nàn ấy của các em, vì ông đi sang chỗ các em được cà-rốt, củ cải và các loại như thế.
- Sao có chuyện gì? Các em không thích sao? - Ông hỏi, rồi tiếp. - Bảo mẹ nấu cho các em ăn tối nay. Đây là những rau tự các em kiếm được. Các em đã cung cấp được thực phẩm cho gia đình bằng chính sức lực của mình. Thế nào? Thầy cuộc là ăn sẽ rất ngon đấy.

Dĩ nhiên, ông nói đúng. Đây là lần đầu tiên Tôt-tô-chan góp được một cái gì đó cho bữa tối.
- Em sẽ nói với mẹ em làm món chút chít. - Em thưa với thầy hiệu trưởng. - Nhưng em chưa biết nói với mẹ em dùng hành làm gì.
Thế là các em bắt đầu nghĩ đến các món ăn và kể với thầy hiệu trưởng.
- Hay lắm! Thế là các em đều có sáng kiến cả! - Ông nói, tươi cười phấn khởi, đôi má ửng đỏ hẳn lên. Hẳn là ông đang nghĩ nếu các học sinh và gia đình các em ăn cơm trong khi nói chuyện về các sự kiện trong ngày thể thao thì hay biết mấy!

Chắc chắn, ông đang nghĩ đặc biệt về Ta-ka-ha-si, - bàn ăn của em sẽ tràn đầy các rau giải nhất - và hi vọng cậu học sinh này sẽ nhớ mãi niềm tự hào sung sướng đã giành được những giải nhất ấy trước khi cảm thấy tự ti về vóc người của mình, cũng như nhận thức rằng mình không còn lớn hơn nữa. Và có lẽ, ai biết được, thầy hiệu trưởng cũng đã nghĩ đến những tiết mục thi kỳ lạ kiểu Tô-mô-e để Ta-ka-ha-si sẽ về nhất.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:16:56 | Chỉ xem của tác giả
Nhà thờ I-sa



Các em học sinh thích gọi thầy hiệu trưởng là "I-sa Kô-ba-y-a-si". Thậm chí, các em còn làm những câu thơ trìu mến về ông như thế này:
"I-sa Kô-ba-y-a-si!

I-sa, người lãnh đạo của chúng em

Người có vầng trán cao vời vợi!"

Đó là vì họ của thầy hiệu trưởng là Kô-ba-y-a-si lại trùng với nhà thơ nổi tiếng thế kỉ 19: I-sa Kô-ba-y-a-si. Thầy hiệu trưởng rất thích những bài thơ ba câu của ông. Thầy hay trích thơ của I-sa đến mức các em cảm thấy I-sa Kô-ba-y-a-si cũng là người bạn gần gũi của các em như thầy hiệu trưởng Kô-ba-y-a-si.

Thầy thích thơ của I-sa vì nó chân thật và đề cập đến những vấn đề bình thường của cuộc sống. Vào thời điểm phải có đến hàng ngàn nhà thơ làm thơ thể loại này, I-sa đã tạo ra một thế giới riêng của mình không ai bắt chước được. Thầy hiệu trưởng khâm phục những câu thơ của ông với tất cả vẻ mộc mạc hầu như trẻ thơ của chúng. Cho nên, hễ có dịp, ông thường dạy các học sinh những câu thơ của I-sa và các em học đã thuộc lòng. Ví dụ:
Này chú Ếch gầy gò
Đừng có đầu hàng
Đã có I-sa đứng cạnh đây.
Hỡi các chú Sẻ con!
Nhường đường, nhường đường!
Cho chàng Tuấn mã dũng cảm.
Chớ giết con Ruồi
Xoa tay, xoa chân
Cúi xin tha chết!
Một lần, thầy ngẫu hứng phổ nhạc cho một bài thơ và tất cả học sinh đều hát:
Sô-sa-ku Kô-ba-y-a-si
Lại đây chơi với em
Các chú sẻ côi xinh xinh
Không còn mẹ nữa rồi!

Thỉnh thoảng thầy cũng lên lớp giảng về loại thơ này mặc dù không có trong chương trình chính khoá.

Bài thơ ba câu đầu tiên của Tôt-tô-chan mô tả nhân vật chuyện vui em ưa thích: Nô-ra-ku-rô, một con chó đen bị lạc, vào quân đội làm lính trơn và dần dần được thăng quan tiến chức, mặc dù phải trả qua đời lính ba chìm bảy nổi. Bài thơ được đăng trong một tạp chí quen biết của học sinh nam:
"Chó Đen bị lạc, lên đường
đi châu Âu, và bây giờ
đã được phục viên".
- Các em gắng làm một bài hai-kư trong sáng, chân thật về một điều gì các em suy nghĩ.

Kể ra bài của Tôt-tô-chan không thể được coi là một bài hai-kư theo đúng nghĩa của nó. Nhưng nó thật sự chứng tỏ điều gì đã đem lại ấn tượng sâu sắc trong em vào những ngày đó. Thơ hai-kư của em không thật đúng với thể thơ 5,7,5 âm tiết. Bài của em lại 5,7,7. Thế nhưng có một bài của I-sa về những chú sẻ con thì lại 5,8,7; do vậy Tôt-tô-chan cho rằng bài thơ của em cũng đc.

Trong khi đi chơi đến đền Ku-hon-bút-su, hay khi trời mưa, không chơi ngoài trời được, phải ở trong phòng họp, I-sa Kô-ba-y-a-si của trường Tô-mô-e thường giảng cho các học sinh về thơ hai-kư. Ông chũng thường làm thơ hai-kư để minh hoạ cho những suy nghĩ của ông về cuộc sống và thiên nhiên.

Tuyết tan -
và bỗng nhiên cả làng
đầy những trẻ em!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:17:34 | Chỉ xem của tác giả
Rất huyền bí



Tôt-tô-chan bắt được tiền lần đầu tiên trong đời mình. Điều ấy xảy ra trên chuyến tàu từ trường về nhà. Em lên tàu đi Ôi-ma-chi ở Gi-y-u-gao-ka. Trước khi tàu đến ga tiếp theo, ga Mi-đô-ri-gao-ka, có một chỗ rẽ đột ngột và tàu hay nghiêng về một bên, phát ra những tiếng rít ghê gớm. Tôt-tô-chan thường giữ thăng bằng bằng chân để khỏi ngã. Em luôn luôn đứng gần bên phải ở cuối tàu, thuận chiều tàu chạy. Em đứng như vậy vì sân ga em phải xuống ở bên tay phải và cửa đó gần chỗ ra nhất.

Hôm ấy, khi con tàu nghiêng, kêu rin rít ở chỗ rẽ ngoặt, Tôt-tô-chan nhận thấy có cái gì trông như đồng tiền ngay sát chân em. Trước đây đã có lần em nhặt lên một thứ ngỡ là tiền, nhưng hóa ra lại là cái khuy áo; do đó em nghĩ lần này nên nhìn cho kỹ. Khi con tàu lấy lại thăng bằng, em cúi hẳn xuống để nhìn cho cẩn thận. Lần này đúng là tiền - đồng năm xu. Em nghĩ hẳn ai đó đứng gần đây đã đánh rơi tiền và đồng tiền lăn đến đây khi tàu nghiêng. Nhưng không ai đứng gần Tôt-tô-chan lúc ấy cả.

Thế thì làm thế nào bây giờ? Đúng lúc ấy, em nhớ đã có nghe ai nói là khi bắt được tiền phải đem nộp cho cảnh sát. Nhưng trên tàu không có cảnh sát, phải không nào?

Đúng lúc ấy, cửa khoang tàu của người soát vé mở ra, và người soát vé đi vào trong toa của Tôt-tô-chan. Bản thân em không biết cái gì đã xui khiến mà em giẫm chân phải lên đồng xu. Người soát vé nhận ra em mỉm cười. Nhưng Tôt-tô-chan không thể cười một cách tự nhiên được, vì chỉ có thể nhe răng một cách gượng gạo. Lúc ấy, tàu dừng lại ở Đô-ka-y-a-ma, ga trước ga của em, và các cửa bên trái mở ra. Một số quá đông hành khách bước lên, chen chúc, đẩy Tôt-tô-chan đi. Em không muốn rời chân phải, liền cứ đứng như vậy. Trong đầu em đã nảy ra một ý định. Khi xuống tàu, em sẽ nhặt tiền và nộp cho cảnh sát. Song, em lại nảy ra một ý khác. Nếu có người lớn nào trông thấy em nhặt tiền từ dưới chân lên, họ có thể cho em là một đứa ăn cắp. Dạo ấy, năm xu có thể mua được một gói kẹo ca-ra-men nhỏ hay một cái bánh sô-cô-la. Cho nên, mặc dù đối với người lớn thì năm xu chẳng là gì cả, nhưng đối với Tôt-tô-chan lại là một món tiền lớn, và em thấy lo lo.

Rồi em tự nhủ: "Đúng rồi! Mình sẽ thản nhiên nói: ồ, mình đánh rơi tiền, phải nhặt lên. Thế là ai cũng nghĩ đó là tiền của mình".

Nhưng ngay lập tức, lại có một vấn đề khác: "Nhỡ khi nói thế, mọi người nhìn mình và có người nào đó lại nói: "Tiền ấy của tôi!" thì mình làm thế nào?"

Sau khi suy đi tính lại trong óc, em quyết định cách tốt nhất là cúi xuống khi tàu sắp đến ga, giả vờ buộc lại dây giày, rồi bí mật nhặt đồng tiền lên. Mẹo đó thành công. Khi em bước ra sân ga, người đẫm mồ hôi và tay nắm chặt đồng năm xu, em thấy mệt rã rời. Đồn cảnh sát ở xa, nếu đi nộp tiền, em sẽ về muộn, mẹ sẽ sốt ruột. Em nghĩ lung lắm cho đến khi em nặng nề bước xuống cầu thang và quyết định làm như thế này:
"Mình sẽ giấu tiền ở một nơi bí mật và ngày mai sẽ lấy mang đến trường hỏi ý kiến mọi người. Dù sao, mình cũng nên cho các bạn xem vì chưa có ai bắt được tiền cả".

Em băn khoăn không biết giấu tiền ở chỗ nào. Nếu mang về nhà, mẹ sẽ hỏi. Phải giấu ở đâu đó thôi.

Em chui vào bụi rậm gần nhà ga. Không ai có thể nhìn thấy em ở đó và chắc chẳng ai chui vào đấy làm gì, nên như vậy là khá an toàn. Em lấy que moi một cái hố nhỏ, đặt đồng năm xu quý giá vào đó rồi phủ kín đất. Em tìm một hòn đá hình thù kỳ dị để lên đó làm dấu, rồi chạy hết tốc lực về nhà.

Mọi tối, Tôt-tô-chan thường thức khuya kể chuyện ở trường cho mẹ nghe, cho đến lúc mẹ bảo: "Thôi, đi ngủ đi". Nhưng tối hôm đó, em không nói chuyện nhiều mà đi ngủ sớm.
Sáng hôm sau em thức dậy với một cảm giác rằng có một việc hết sức quan trọng mà em phải làm. Đột nhiên em nhớ tới cái kho báu bí mật, em thấy phấn khởi.

Đi học sớm hơn thường lệ, em dượt con Rốc-ky đến chỗ bụi rậm và chui vào.
"Đây! Đây!"

Hòn đá đánh dấu vẫn nguyên chỗ cũ.

Em nói với con Rốc-ky:
- Tao sẽ cho mày xem cái này rất hay.

Vừa nói em vừa hất hòn đá ra và đào rất cẩn thận. Nhưng lạ chưa, đồng năm xu đã biến mất. Chưa bao giờ em lại ngạc nhiên như vậy. Em băn khoăn tự hỏi, hay có ai trông thấy em giấu đồng xu, hay hòn đá đã di chuyển? Em đào cả xung quanh cũng không thấy. Em rất buồn là đã không thể cho các bạn ở Tô-mô-e xem. Nhưng hơn thế nữa em không thể nào hiểu nổi sự bí ẩn này.

Sau này, cứ mỗi lần đi qua đó em lại chui vào bụi rậm và đào nhưng không bao giờ em thấy đồng tiền ấy cả.

Em thường nghĩ: "Có lẽ một con chuột chũi lấy đi mất rồi". Hay là "Mình mơ", hay là "Có lẽ trời trông thấy mình giấu nó" nhưng dù có nghĩ gì đi nữa, thì vẫn thật là bí ẩn. Một điều bí ẩn không bao giờ quên được.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:18:36 | Chỉ xem của tác giả
Nói bằng tay



Một buổi chiều, gần cửa bán vé ở nhà ga Gi-y-u-gao-ka, có hai cậu con trai và một cô con gái chỉ hơn tuổi Tôt-tô-chan một chút đang đứng với nhau, trông như thể đang chơi "oẳn, tù, tì". Nhưng em nhận thấy rằng họ làm hiệu bằng ngón tay nhiều hơn bình thường. Trông thật là buồn cười. Em đến gần để nhìn cho rõ hơn. Hình như họ đang nói chuyện nhưng không phát ra âm thanh. Một người làm rất nhiều dấu hiệu bằng tay sau đó một người đang nhìn, ngay lập tức, cũng làm nhiều dấu hiệu khác bằng tay. Đến lượt người thứ ba cũng làm một vài dấu hiệu, rồi cả ba đều bật lên cười, không quá ầm ĩ. Họ có vẻ vui lắm. Sau khi xem họ một lúc, Tôt-tô-chan kết luận là họ đang nói chuyện với nhau bằng tay.

Em ước ao: "Giá mình cũng nói được bằng tay". Em định tham gia với họ nhưng em không biết cách hỏi họ nói chuyện bằng tay như thế nào. Và hơn nữa, họ không phải học sinh trường Tô-mô-e, nên cũng không tiện. Em cứ đứng nhìn họ cho đến khi họ sang sân ga tuyến đi Tô-y-ô-kô.

Em quyết định: "Rồi đây mình sẽ học cách nói chuyện bằng tay".

Nhưng Tôt-tô-chan chưa biết về những người câm điếc, về việc các em đó học ở trường câm điếc của thành phố ở Ôi-ma-chi, ga cuối cùng trên tuyến đường tàu em đi học hằng ngày.

Tôt-tô-chan chỉ thấy có một cái gì hay hay trong điệu bộ của các em đó, với điệu bộ các ngón tay, với những đôi mắt sáng, và em muốn kết bạn với họ một ngày nào đó.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

39#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:19:22 | Chỉ xem của tác giả
Bốn mươi bảy Rô-nin



Tuy hệ thống giáo dục của ông Kô-ba-y-a-si là độc đaó, ông cũng chịu nhiều ảnh hưởng của những tư tuởng giáo dục châu Âu và của nhiều nuớc khác. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua môn thể dục nghệ thuật ở truờng Tô-mô-e, thói quen ăn đúng giờ, những cuộc dạo chơi, và bài hát trước giờ ăn trưa theo điệu "Khoan khoan dô khoan".

Cánh tay phải của thầy hiệu truởng - ở các truờng thông thuờng là thầy hiệu phó - ông Ma-ru-y-a-ma, về nhiều mặt hoàn toàn trái nguợc với ông Kô-ba-y-a-si. Giống như tên gọi của ông - "quả đồi tròn", có nghĩa là đầu ông tròn như quả bóng, trên đỉnh không có lấy một sợi tóc nhưng lại có một vành tóc trắng quây lấy sau gáy ngang tầm tai. Ông đeo kính tròn, với đôi má hồng haò. Không những trông ông hoàn toàn khác với ông Kô-ba-y-a-si, mà ông còn hay ngâm bài thơ theo thể thơ cổ điển Trung Quốc với giọng trang nghiêm.

Vào buổi sáng ngày muời bốn tháng muời hai, khi học sinh đã có mặt đông đủ ở truờng, ông Ma-ru-y-a-ma tuyên bố như sau:
- Hôm nay là ngày mà cách đây gần hai thế kỷ ruỡi "Bốn muơi bảy Rô-nin" đã tiến hành cuộc trả nợ máu nổi tiếng của họ. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ đi đến đền Sen-ga-ku-ti để viếng thăm phần mộ của họ. Cha mẹ các em đã biết về chuyện naỳ.

Thầy hiệu trưởng không phản đối kế hoạch của ông Ma-ru-a-y-ma. Ông Kô-ba-y-a-si nghĩ gì về chuyện này, cha mẹ các em không thể biết được, song họ hiểu rằng nếu ông không phản đối có nghĩa là ông đã tán thành, và chuyến viến thăm mộ "Bốn mươi bảy Rô-nin" của học sinh trường Tô-mô-e trở thành một hoạt đông đầy thú vị.

Trước khi đi, ông Ma-ru-y-a-ma đã kể cho các em nghe câu chuyện về "bốn mươi bảy Rô-nin" nổi tiếng - chuyện về những chàng trai dũng cảm và trung thành của ngài A-sa-nô đã bàn mưu tính kế trong gần hai năm để trả thù cho danh dự của ông chủ đã chết oan uổng nghiệt ngã. Ngoài "Bốn mươi bảy Rô-nin" còn có một người lái buôn dũng cảm tên là Ri-hây A-ma-nô-y-a. Chính ông là người cung cấp vũ khí và khi bị bắt ông đã khẳng khái tuyên bố: "Ta là Ri-hây A-ma-nô-y-a đây" và đã từ chối không chịu thú nhận hay tiêt lộ bí mật. Các em không hiểu lắm về câu chuyện này nhưng tất cả đều hồi hộp lắm về việc phải rời lớp học đi đến một nơi xa hơn đền Ku-hon-bút-su và một cuộc vui chơi ăn uống ở ngoài trời. Được thầy hiệu trưởng cho phép, tất cả năm mươi học sinh bắt đầu lên đường dưới sự hướng dẫn của ông Ma-ru-y-a-ma. đó đây trong hàng ngũ các em lại vang lên tiêng nói:"Ta là Ri-hây A-ma-nô-y-a đây". Các em gái cũng hô vang như vậy làm cho những người đi qua phải ngoái đầu lại mỉm cười.

Từ trường đến đền Sen-ga-ku-gi khoảng bảy dặm, nhưng xe gắn máy lúc đó rất hiếm. Bầu trời tháng mười hai trong xanh, và đối với các em vừa đi tản bộ vừa hô:"Ta là Ri-hây A-ma-nô-y-a đây" làm cho quãng đường dường như ngắn lại.

Khi đến đền Sen-ga-ku-gi, ông Ma-ru-y-a-ma đưa cho mỗi em một nén hương và mấy bông hoa. Đèn này nhỏ hơn đền Ku-hon-bút-su, nhưng lại có rất nhiều nấm mộ xếp thành hàng. Ý nghĩ đây là nơi linh thiêng tưởng nhớ bốn mươi bảy Rô-nin làm cho Tôt-tô-chan cảm thấy rất nghiêm trang khi em cắm hương và đặt hoa trước mộ, rồi cúi đầu im lặng bắt chước ông Ma-ru-y-a-ma. Một không khí im lặng bao trùm lên các em. Lặng im là một điều khác thường đối với học sinh trường Tô-mô-e. Khói hương trước các nấm mồ bốc lên vẽ thành những bức tranh trong không khí một hồi lâu.

Sau đó, mùi hương luôn luôn làm cho các em nhớ tới ông Ma-ru-y-a-ma và ông Ri-hây A-ma-nô-y-a. Đó cũng là hương vị của sự trầm lặng đối với các em.

Có thể các em không hiểu nhiều về bốn mươi bảy Rô-nin nhưng đối với ông Ma-ru-y-a-ma, người đã kể say sưa về họ, các em cũng tỏ ra rất quý trọng như đối với ông Kô-ba-y-a-si, tuy dưới hình thức khác. Còn Tôt-tô-chan thì lại lại yêu đôi mắt nhỏ tí sau cặp kính dày và giọng nói dịu dàng - cái giọng nói dường như không hòa hợp với cơ thể to béo của ông.

Chú thích "Bốn mươi bảy Rô-nin": Ở Nhật vào thời kỳ Ê-đo (1603-1867), đất nước đặt dưới quyền cai trị của các Xa-mu-rai (võ sĩ đạo). Và đối với đẳng cấp Xa-mu-rai, danh dự là quan trọng hơn cả. Một hôm trong Hoàng cung một quan chức Xa-mu-rai tên là A-sa-nô Ta-ku-mi-nô-ka-mi, bị một quan chức Xa-mu-rai khác tên là Ki-ra Kô-u-giu-kê-nô-su-ke lăng mạ. Vì danh dự, A-sa-nô đã rút gươm chém vào trán Ki-ra.

Hoàng thượng đã ra lệnh cho A-sa-nô phải tự kết liễu đời mình vì hành động đó. A-sa-nô đã tự "rạch bụng mình".

Những người ủng hộ A-sa-nô được gọi là "Rô-nin", có tổng số là bốn mươi bảy người.

Bốn mươi bảy người này quyết định trả thù. Ngày mười bốn tháng mười hai họ tiến hành cuộc tấn công bất ngờ và giết Ki-ra.

Sau cuộc trả thù, bốn mươi bảy người này đã tự sát.

Và những thần dân dưới thời đó đã rất tán thành việc làm của "Bốn mươi bảy Rô-nin".

Đây là một sự kiện lịch sử. Và sự tích này đã được trình diễn trên các sân khấu.

Cho đến ngày nay nó vẫn là một sự tích mà người Nhật yêu thích.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

40#
 Tác giả| Đăng lúc 22-9-2011 15:20:22 | Chỉ xem của tác giả
Ma-sô-u-chan



Trên đường từ nhà đến ga, Tôt-tô-chan thường đi qua trước một ngôi nhà có người Triều Tiên ở. Dĩ nhiên, em không biết họ là người Triều Tiên. Điều duy nhất em biết về họ là ở đó có một người phụ nữ, rẽ ngôi giữa, tóc túm lại đằng sau thành búi to. Bà này khá béo, đi giày cao su trắng đầu nhọn như những chiếc thuyền con vậy. bà mặc một áo váy dài có một cái băng tất thành một cái nơ to ở phía trước áo sơ mi nữ ngắn. Hình như lúc nào bà cũng đi tìm đứa con trai vì lúc nào cũng thấy gọi tên nó: “Ma-sô-u-chan”. Và đáng lẽ gọi bình thường là “Ma-sô-u-chan”, bà lại nhấn mạnh âm thứ hai, và kéo dài âm “cha-an” thành ra một giọng cao the thé nghe rất buồn cười đối với Tôt-tô-chan.

Ngôi nhà ở ngay cạnh tuyến đường tàu Ôi-ma-chitosan, trên một con đường nhỏ, đắp cao. Tôt-tô-chan biết Ma-sô-u-chan là ai. Cậu ta lớn hơn em một chút, có lẽ học lớp 2, mặc dù em không biết cậu ta học ở trường nào. Đầu tóc cậu ta lúc nào cũng bù xù và bao giờ cậu ta cũng dắt chó. Một hôm, khi Tôt-tô-chan đang đi về nhà qua con đường đắp cao, Ma-sô-u-chan đứng trên đường, hai chân dạng ra, tay chông nạnh rất ngông nghênh:
Triểu Tiên! – nó quát Tôt-tô-chan.

Giọng nó thật gay gắt và hằn học. Tôt-tô-chan sợ lắm.

Em chưa bao giờ làm điều gì xấu đối với nó, thậm chí nói chuyện với nó, nên em thấy sửng sốt khi nó đứng trên đường quát tháo giận dữ như vậy.

Khi về nhà, em kể cho mẹ biết tất cả những chuyện đó. Em nói:
- Ma-sô-u-chan gọi con là Triều Tiên!

Mẹ lấy tay bịt miệng và em thấy mắt mẹ đầy nước mắt. Tôt-tô-chan luống cuống, nghĩ rằng đây hẳn là một việc rất xấu. Mẹ không lau nước mắt và mũi đỏ hẳn lên. Bà nói:
- Thật tội nghiệp. Chắc người ta đã gọi nó là “Triều Tiên” nhiều lần, đến nỗi nó cho đó là một từ xấu. Có lẽ nó không hiểu vì còn quá nhỏ. Nó nghĩ tiếng này cũng tựa như “ba-ka”, có nghĩa là “đồ điên”, nên nó cũng muốn nói một câu gì tục tằn với người khác, bởi thế nó gọi con là Triều Tiên đấy thôi. Sao người ta lại ác thế!

Lau khô nước mắt, mẹ nói với Tôt-tô-chan rất chậm rãi:
- Con là người Nhật, còn Ma-sô-u-chan là người Triều Tiên. Nó cũng là một đứa trẻ, như con. Cho nên, con ạ, con chớ nên coi người ta là khác lạ, chớ nên nghĩ rằng “người kia là người Nhật, còn người này là người Triều Tiên”. Hãy tốt với Ma-sô-u-chan. Thật là buồn khi có một số người nghĩ rằng người khác không tốt chỉ vì họ là người Triều Tiên.
Tôt-tô-chan hơi khó hiểu những điều đó, nhưng em biết rõ là Ma-sô-u-chan luôn bị người khác nói xấu vô cớ. Em nghĩ chính vì thế mà bà mẹ của Ma-sô-u-chan lúc nào cũng tìm cậu ta một cách lo lắng. Bởi thế sáng hôm sau, khi em đi qua chổ đường đắp cao và nghe tiếng bag mẹ gọi the thé: “Ma-sô-u-chan!” em băn khoăn không biết cậu ta ở đâu, và quyết định rằng mặc dù không phải người Triều Tiên, nhưng nếu, Ma-sô-u-chan có gọi em như thế, em vẫn sẽ trả lời: “Chúng ta là trẻ con cả! Chúng ta như nhau!” và em sẽ cố gắng kết bạn với cậu ta.

Giọng của mẹ Ma-sô-u-chan, vừa bực dọc vừa lo âu, có một nét rất đặc biệt, ngân mãi trong không gian, cho đến khi bị át đi vì tiếng tàu chạy qua.
- “Ma-sô-u-chaan!”

Cái giọng buồn thảm đầy nước mắt ấy, ai đã nghe một lần không thể nào quên được.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách